Có một ông nhà giàu, trong một buỗi lễ của gia đình, đã cho mời khá đông những bạn bè thân hữu trong thành phố đến dự tiệc.
Trong những khách được mời đến dự tiệc, có một ông ăn mặc trong bộ đồ lôi thôi, tồi tàn, như một kẻ ăn xin. Khi vừa đến cửa, người này bị người bảo vệ cổng đuổi về, không cho vào.
Không buồn lòng vì sự sỉ nhục này, ông quay trở về, và đến mượn một bộ đồ khá sang trọng, cũng của một anh bạn láng giềng giàu có. Rồi người này tiếp tục trở lại nhà tiệc. Lần này, người gác cổng tiếp đón với vẻ niềm nở trân trọng và chỉ cho ông một chỗ ngồi khá sang ở bàn trên.
Đang lúc ăn, ông với tay để lấy miếng thịt chiên, thì bất ngờ cái tay áo sang trọng đó lại bị nhúng vào cái đĩa thức ăn bên dưới. Người khách ngồi kế bên, mới kê tai nói nhỏ với ông: “Kéo tay áo của ông lên”.
Ông này đã không làm theo, mà còn khẳng định thật to tiếng, cốt để cho mọi người trong bữa tiệc đều có thể nghe thấy:
“Không, cứ để như vậy đi”.
Rồi ông cố ý vén tay áo ngoài lên thật cao, để cho mọi người đều thấy tay áo trong của ông, lem luốc, rách rưới, te tua, thê thảm.
Ông lớn tiếng nói với tay áo sang trọng: “Mày ăn đi. Cứ ăn đi, hỡi tay áo của tôi. Ăn đi cho thật no nê thỏa thích. Chính mày mới có quyền dự bữa tiệc này, vì trong nhà này, người ta tôn trọng mày hơn tao”.
*****
Thánh tông đồ Giacôbê trong bài đọc thứ 2 lễ hôm nay (Chúa Nhật 23 TN-B): “Anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư (giữa các giai tầng xã hội - Giac. 2,1-5). Chính đoạn văn này của thánh Giacôbê, có lẽ đã làm cho chúng ta khó chịu, vì sự thật phủ phàng của xã hội chúng ta xưa nay.
Xã hội chúng ta có đầy sự phân biệt đối xử giai cấp. Chúng ta thấy điều đó qua loại xe người ta lái, loại phi cơ người ta đi, nơi khu đất người ta ở, ở câu lạc bộ người ta năng lui tới, ngay cả cái điện thoại đắc tiền khi người ta nghe, v.v… cũng khẳng định tầng lớp giai cấp của họ. Thì ra, trong xã hội có một chỗ dành riêng, có một thế giới dành riêng cho những người giàu và lại có một chỗ dành riêng cho những người nghèo.
Người ta gán ghép giá trị xã hội theo số lượng tiền bạc mà người đó có: Nếu bạn giàu có, bạn là một nhân vật nào đó. Còn nếu bạn nghèo, thì ngươi ta đối xử với bạn, coi bạn không ra gì.
Việc phân chia giai cấp sẽ không đến nỗi nào, nếu kết quả của nó không ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng đây, sự phân chia giai cấp đã dẫn đến những sự thiên vị, phân biệt đối xử, trọng phú, khinh bần. Và người ta cứ thường giữ chặt mỗi người ở vị trí của họ, làm cho có những người nghèo bị tự ti mặc cảm. Nó bắt người ta sống riêng rẽ theo thế giới riêng của mình. Có khi, người nghèo không được phép bước chân vào thế giới, vào trong khu vực của những người giàu.
*****
Nhưng, người giàu cũng có lúc sẽ phải đau khổ, có lúc sẽ phải nếm cảm thật xót xa, cái giả tạo về sự vinh sang, về sự quan trọng của họ.
Sự phân chia giai cấp dẫn đến những tiêu chuẩn kép và không nên có giữa các Kitô hữu với nhau, giữa những người môn đệ của Chúa. Các Kitô hữu không được phép để mình bị lôi kéo theo những tiêu chuẩn giả tạo đó, để gọi là thích ứng với xã hội.
Những rào cản giữa các giai cấp, có lúc sẽ bị đổ xập xuống. Như khi có những tai họa, những nguy hiểm và đau buồn tập thể (thời Covid-19), thì những sự phân biệt ấy sẽ bị gạt sang một bên. Lúc đo, họ mới thấy những sự phân biệt đó, chỉ là những điều ngớ ngẩn, vô lý, giả tạo.
Trong những cảnh đau thương thê thảm cùng cực, người ta mới có thể đến với nhau và làm phong phú cho nhau trong tình nhân loại anh em chân tình
*****
Trong kinh thánh, hay trong thực tế, nếu Thiên Chúa có tỏ ra thiên vị kẻ này người nọ, thì đó là sự thiên vị dành cho những người nghèo và những người bị áp bức, bị bỏ rơi ở xã hội. Việc Thiên Chúa quan tâm đến người nghèo, không có nghĩa là Thiên Chúa yêu họ chỉ vì họ nghèo, như thể nghèo khó là một thứ nhân đức.
Không, Thiên Chúa đứng về phía người nghèo và người bị áp bức, là bởi vì họ bị đối xử bất công. Và Thiên Chúa quyết định lấy lại sự công bằng và chính nghĩa cho những người bị áp bức.
Các Kitô hữu phải làm sao cho các tiêu chuẩn của mình phù hợp với các tiêu chuẩn của Thiên Chúa.
Sự cao thượng, cùng lòng nhân hậu, không thể do giai cấp xác định. Điều xấu cũng thế. Không có giai cấp nào được độc quyền tốt hoặc xấu, đau khổ hay vui mừng. Nhưng khi đến với đức tin, thánh Giacôbê nói rằng: Chính những người nghèo đối với thế gian này, mới thật sự là những người giàu có trong đức tin.
Người giàu thì có khuynh hướng cậy dựa vào của cải của mình.
Trong khi những người nghèo, thì theo bản năng, họ lại muốn quay về với Thiên Chúa, tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Thiên Chúa, và chỉ một mình Thiên Chúa thôi. Chính vì thế, mà Đức Giêsu đã nói:
“Phúc thay ai nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.
Ở đây, trong Giáo Hộ, trong ngôi nhà của Thiên Chúa, mọi rào cản phân chia giai cấp đều cần phải phá đổ. Bởi vì ở đây, phẩm giá thật sự của chúng ta đã được xuất hiện. Phẩm giá đó không dựa trên những giá trị phân chia theo cách con người và xã hội đánh giá, hay đề cao. Nó dựa trên một điều rất sâu xa, đó là bản chất của con người.
Nói cách khác, chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa và là anh chị em với Đức Kitô. Bất cứ sự phân biệt nào khác, đều là tầm thường, đều là vô nghĩa. Khi chúng ta đến nhà thờ đây, những sự phân biệt khác đều tiêu tan như sương mù buổi sáng trước ánh mặt trời.
Lạy Chúa, xin giúp cho mỗi người chúng con biết cố gắng thực hiện trong cuộc sống, theo những hiểu biết mà Chúa đã gợi lên cho chúng con hôm nay. Amen. ---------------------------