Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 1-B: Bài 1-50 Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giô-đan

Thứ sáu - 08/01/2021 09:19
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 1-B: Bài 1-50 Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giô-đan
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 1-B: Bài 1-50 Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giô-đan
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 1-B: Bài 1-50 Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giô-đan

------------------------------------------
Phúc Âm: Mc 1, 6b-11

"Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: "Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần."
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha". - Ðó là lời Chúa.
------------------------------------------
TN1-B1. SỐNG LỜI CHÚA - CON THIÊN CHÚA.. 2
TN1-B2. STM/47 - CHÚA CHỊU PHÉP RỬA.. 4
TN1-B3. GLCN/57 - CHÚA CHỊU PHÉP RỬA.. 6
TN1-B4. CS/77 - CHÚA CHỊA PHÉP RỬA.. 8
TN1-B5. MNMTV/6 - CHÚA CHỊU PHÉP RỬA.. 10
TN1-B6. ASTY/37 - CHÚA CHỊU PHÉP RỬA.. 11
TN1-B7. ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - Lm Augustine, SJ. 13
TN1-B8. Suy Niệm của Lm Trọng Hương. 16
TN1-B9. Suy Niệm của Lm VIKINI 17
TN1-B10. SỐNG LỜI CHÚA- CỘNG TÁC VỚI CHÚA.. 19
TN1-B11. NTĐY/33- KHÚC DẠO ĐẦU.. 20
TN1-B12. PV/39- DÒNG SÔNG SÁM HỐI 22
TN1-B13. CSTM/37- NGƯỜI CON CHÚA.. 23
TN1-B14. PV/116- QUYẾT ĐỊNH.. 25
TN1-B15. PV/119- TRƯỞNG THÀNH.. 27
TN1-B16. PV / 121- ĐỒNG HÓA.. 28
TN1-B17. Thần Khí Ngự Xuống. 30
TN1-B18. Lễ Đức Giêsu chịu Phép Rửa – JKN.. 31
TN1-B19. Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, B.. 35
TN1-B20. NHẬN BIẾT MÌNH.. 38
TN1-B21. NGÀY TRỌNG ĐẠI NHẤT - Lm. Minh Vận, CMC.. 40
TN1-B22. Con yêu dấu của cha - Br. Quốc Toản, CMC.. 43
TN1-B23.Người phải được nâng lên - Lm. Thu Băng, CMC.. 44
TN1-B24. Người phục vụ của Chúa - Huyền Đồng. 46
TN1-B25. BA NGÔI TỎ MÌNH TRONG PHÉP RỬA.. 49
TN1-B26. Đức Giêsu được xức dầu tấn phong làm Đấng Thiên Sai 50
TN1-B27. CHA HÀI LÒNG VỀ CON - Giêrônimô Nguyễn Văn Nội 56
TN1-B28. BÍ TÍCH RỬA TỘI - Lm. Louis Thanh Minh. 60
TN1-B29. Hãy mai táng chính mình. 61
TN1-B30. ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA.. 62
TN1-B31. CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA.. 68
TN1-B32. ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA.. 74
TN1-B33. SỐNG ĐẸP LÒNG CHÚA.. 82
TN1-B34. TRỜI MỞ RA.. 84
TN1-B35. Lễ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RƯA.. 86
TN1-B36. DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH.. 87
TN1-B37. CUỘC GẶP GỠ LỊCH SỬ - Lm Giuse Nguyễn Hữu An. 90
TN1-B38. DÒNG NƯỚC NHỎ.. 93
TN1-B39. CHÚA NHẬT  CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM B.. 95
TN1-B40. CON LÀ CON YÊU DẤU CỦA CHA.. 98
TN1-B41. NHẬN RA ĐẤNG CỨU THẾ.. 101
TN1-B42. CÔNG KHAI THI HÀNH THÁNH Ý CHA.. 102
TN1-B43. TÌNH LIÊN ĐỚI YÊU THƯƠNG.. 103
TN1-B44. ĐẤNG CÔNG CHÍNH LÃNH LẤY PHẦN PHẠT.. 105
TN1-B45. TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN.. 107
TN1-B46. LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA.. 108
TN1-B47. CÁI NHÌN – CÁCH NHÌN.. 110
TN1-B48. ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA.. 112
TN1-B49. CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA.. 118
TN1-B50. CHÚA NHẬT, LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, 120

----------------------
 

TN1-B1. SỐNG LỜI CHÚA - CON THIÊN CHÚA

 

Ngày kia, có một ông vua đi săn trong rừng, bỗng dưng ông nghe thấy tiếng khóc của trẻ thơ: TN1-B1 Web


Ngày kia, có một ông vua đi săn trong rừng, bỗng dưng ông nghe thấy tiếng khóc của trẻ thơ. Ông đi tới và thầm nghĩ:

- Chắc hẳn em nhỏ bất hạnh này bị cha mẹ bỏ rơi.

Ông ẵm đứa nhỏ lên, đem về hoàng cung, tắm rửa và mặc cho những bộ quần áo đẹp.

Khi em bé lớn lên, ông đã nói với em:

- Kể từ nay, ta sẽ gọi ngươi là con của ta và ngươi sẽ gọi ta là ba của con.

***

Có lẽ chúng ta ngạc nhiên về lòng thương xót của ông vua, nhưng nếu suy nghĩ  về bí tích Rửa tội, chúng ta còn phải ngạc nhiên hơn nữa.

Thực vậy, em nhỏ mặc dù được gọi nhà vua là cha, nhưng trong huyết quản em vẫn không có lấy được một giọt máu của hoàng tộc. Thực tế em vẫn chỉ là con của một kẻ nghèo túng.

Nhưng đối với chúng ta thì khác, nhờ dòng nước rửa tội, chúng ta được tẩy sạch khỏi mọi vết nhơ tội lỗi đã đành, mà hơn thế nữa chúng ta còn được mặc lấy tấm áo ơn sủng. Thiên Chúa thông ban cho chúng ta sự sống của Ngài, để khi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, thì đó không còn là một danh từ trống rỗng và vô nghĩa, nhưng là một sự    thật:

- Thiên Chúa là Cha chúng ta và chúng ta là con của Ngài.

Chúng ta hãy vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một địa vị cao cả như thế, và nhất là hãy cố gắng sống cho xứng đáng với địa vị cao cả ấy.

------------------------
Có một cậu bé hoàng tử chẳng may bị bọn cướp bắt cóc. Sau khi đã lấy hết những thứ quí giá trên mình, chúng trói cậu vào một gốc cây.

Nhưng may thay có một bác tiều phi đi ngang qua, đã cởi trói và đem cậu về nhà nuôi.

Nhiều năm sau, nhân một cuộc đi săn, vua cha đã dừng chân trước căn lều nhỏ bé của bác tiều phu. Bác tiều rất vui và rất lấy làm vinh dự được để dẫn đưa những đứa con của mình ra trình diện nhà vua. Khi đến cậu hoàng tử, bỗng nhà vua xúc động mạnh. Trong cảm xúc bột phát thật tự nhiên, ông thầm nghỉ:

- Phải chăng đây chính là hoàng tử, con ta đã bị bắt cóc.

Ông liền lên tiếng hỏi bác tiều phu về gốc gác cậu bé. Ông nghĩ:

- Nếu ở bên vai phải của bé có một dấu ấn ta đã ghi, thì đúng là hoàng tử.

Với bàn tay run run, ông vạch chiếc áo của bé, và rồi ông mừng rỡ kêu lên:

- Trời ơi, đây đích thực là con ta rồi.

Và cậu bé trong ngỡ ngàng, cũng vui mừng reo lên:

- Ba ơi.

***

Làm sao chúng ta có thể hiểu được sự đổi thay trong lòng cậu bé. Từ trước đến giờ, cậu cứ tưởng mình là con bác tiều phu nghèo nàn, với quần áo rách rưới và nhà cửa xiêu vẹo. Bỗng chốc cậu nhận ra mình là hoàng tử, được sinh ra tại hoàng cung và thuộc hoàng tộc.

Kể từ nay, dù ở bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì, cậu đều ý thức mình là một hoàng tử, là con của đức vua, nhờ đó cậu luôn có được những lời nói và những cử chỉ xứng hợp.

***

Với chúng ta cũng vậy. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta có ý thức được địa vị cao cả ấy không ?

Người nào ý thức về địa vị cao cả ấy sẽ không bảo:

- Tôi đi nhà thờ, nhưng sẽ nói:

- Tôi đi gặp gỡ và tâm sự với Chúa là Cha của tôi. Bởi, khi cầu nguyện chính là lúc người con thố lộ tâm tình với Chúa là cha của mình.

Đây là một việc làm kỳ diệu và tuyệt vời, bởi vì một con người tầm thường và xấu xí nữa, như chúng ta mà lại được tiếp xúc, trò chuyện với Thiên Chúa.

Một người luôn ý thức về địa vị cao cả ấy, thì dù có làm việc gì cũng không bao giờ quên Thiên Chúa là cha của mình. Người ấy sẽ luôn thầm nhủ:

- Tôi sẽ làm vui lòng Cha tôi ở trên trời.

Khi chiêm ngắm những cảnh sắc hùng vĩ của thiên nhiên, người đó sẽ nghĩ ngay đến Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên tất cả.

Nhờ đời sống ơn sủng được chuyển thông qua bí tích Rửa tội, chúng ta  trở nên con Thiên Chúa. Địa vị cao cả này đòi buộc chúng ta ở mọi nơi và trong mọi lúc, phải có những lời nói và những việc làm thích hợp.

Bởi đó, phải sống làm sao cho xứng đáng với địa vị cao cả ấy, để rồi trong ngày sau hết, Thiên Chúa sẽ nói về chúng ta như ngày xưa Ngài đã nói về Đức Kitô bên bờ sông Giócđan:

- “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.


 

TN1-B2. STM/47 - CHÚA CHỊU PHÉP RỬA

 

Một hiện tượng đáng lo ngại cho Giáo Hội tại Áo bên Âu châu, đó là sự kiện con số những người tuyên: TN1-B2


Một hiện tượng đáng lo ngại cho Giáo Hội tại Áo bên Âu châu, đó là sự kiện con số những người tuyên bố rút tên khỏi Giáo Hội Công giáo ngày càng gia tăng. Dĩ nhiên về nghĩa vụ, rút tên ra khỏi Giáo Hội có nghĩa là mỗi năm không còn phải đóng thuế tôn giáo nữa. Về quyền lợi, người tuyên bố rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng sẽ tự rút phép thông công, nghĩa là chấm dứt mọi tham gia vào cac bí tích và đời sống của Giáo Hội. Nói cách khác, rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng đồng nghỉa chối bỏ mọi cam kết khi chịu phép rửa tội.

Nói chung, thế giới phương tây vốn được mệnh danh là Kitô giáo, hiện nay đã trở thành một vùng truyền giáo mới. Thật thế,trong những nước có con số người theo Kitô giáo, phép rửa thường chỉ còn là một nghi thức xã hội không hơn không kém. Người ta chỉ có lý khi nói rằng, suốt một đời nhiều người tây phương chỉ đến nhà thờ có ba lần, lần đầu khi chịu phép rửa để gia nhập vào một xã hội vốn được mệnh danh là Kitô giáo. Lần thứ hai để cử hành hôn phối cho long trọng. Lần thứ ba cũng là để cử hành tang lễ cho long trọng.

Khi Giáo Hội chỉ được mời để có mặt ba lần như thế trong cả một đời người, thì quả thật người ta chỉ mang danh hiệu Kitô nhưng không sống trọn những cam kết của phép rửa. Hôm nay kỷ niệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo Hội muốn mời gọi các Kitô hữu hãy đào sâu và ý thức về những cam kết khi chịu phép rửa tội. Trái với lối sống đạo cả đời đến nhà thờ chỉ có ba lần của người Tây phương, các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta lại tập trung đời sống đạo vào nhà thờ. Trái với những nhà thờ hầu như trống rỗng tại Tây phương, các nhà thờ Việt Nam chúng ta hầu như lúc nào cũng đông nghẹt người.

Tuy nhiên, biết đâu những đêm đông chật ních trong các nhà thờ ấy lại không là những con người có lối sống hoàn toàn xa lạ, hay ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội và Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô. Biết đâu đám đông sốt sắng sống cầu kinh ra rả trong nhà thờ ấy lại chẳng là những con người không hề biết đến thế nào là công bình, là bác ái, là tình liên đới, là quảng đại, sợ chia sẻ lòng cảm thông và sợ tha thứ. Nói tắt một lời, nếu chúng ta chưa sống cho ra người thì sự hiện diện đông đảo trong nhà thờ, những lời cầu kinh ra rả, hay những cuộc biểu dương long trọng chưa hẳn đã là thể hiện đích thực của lòng tin.

Khi đến nhận phép rửa của Gioan tại sông Jordan, nghĩa là khi đến dìm mình trong dòng nước, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập thể, Ngài muốn sống trọn thân phận con người mà thành phần tất yếu là cái chết. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu muốn nói lên sự vâng phục trọn vẹn với Chúa Cha, Ngài đón nhận cái chết như thể hiện tận cùng của tình yêu.

Sống như một con người như Chúa Giêsu đã từng sống, chính là sống yêu thương và yêu thương đến độ sẵn sàng thí ban mạng sống mình. Đức Chúa Cha đã gọi Đức Chúa Giêsu là Người Con chí ái đẹp lòng Ngài mọi đàng, bởi vì Chúa Giêsu đã sống trọn ơn gọi làm người của Ngài. Đây chính là ý nghĩa của phép rửa mà Chúa Giêsu đã thiết lập và ủy thác cho Giáo Hội qua phép rửa ấy. Người tín hữu Kitô được mời gọi để sống trọn thân phận làm người như chính Chúa Giêsu đã từng sống. Thật thế, chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được thập giá và ơn gọi cao cả của con người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới thấy được thế nào là sống cho ra người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới hiểu thế nào là sống yêu thương.

Thập giá vừa là biểu hiện cái chết của Chúa Giêsu, vừa là dấu chứng tình yêu của Ngài. Với phép rửa chúng ta được ghi dấu thánh giá trên người, chúng ta làm dấu thánh giá mỗi ngày và biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta treo thánh giá khắp mọi nơi, chúng ta đeo thánh giá trên người, và ước gì thánh giá ấy không chỉ là thứ trang sức trên ngực, trên cổ hay trên tai của chúng ta, mà phải là một nhắc nhở về tình yêu của Đấng đã yêu thương chúng ta đến độ thí ban mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ước gì thánh giá luôn là động lực thúc đẩy chúng ta ngày càng sống cho ra người hơn.

Nguyện xin các thánh Tử đạo Việt Nam, những người đã thà chết hơn là bước qua thánh giá để chối bỏ Chúa Giêsu, nay nguyện giúp cho chúng ta để chúng ta được luôn luôn trung thành với đức tin, thể hiện đức tin ấy bằng cuộc sống chứng tá, đó là giá trị của Tin mừng.


 

TN1-B3. GLCN/57 - CHÚA CHỊU PHÉP RỬA

 

Tôi thường nghe nhiều người nói với tôi rằng cuộc đời của họ không giống với những gì họ đã nghĩ: TN1-B3


Tôi thường nghe nhiều người nói với tôi rằng cuộc đời của họ không giống với những gì họ đã nghĩ tưởng hoặc dự định chút nào hết. Một người bạn giới thiệu với ta một công việc mà mà mình không được chuẩn bị để làm nhưng lại mở ra những viễn ảnh bất ngờ; một biến cố không quan trọng đưa chúng ta đi xa hơn  những gì mình nghĩ; cuộc gặp gỡ tình cờ với một người mang lại cho chúng ta một khả năng thăng tiến, mở ra cho ta một cuộc sống có một ý nghĩa mới mẻ. Tất cả những tình huống này có thể giúp chúng ta khám phá ra những chiều kích mình chưa biết đến, những khả năng hầu như không bao giờ ta dám nghĩ tới, và đẩy chúng ta vào một cuộc mạo hiểm hoàn toàn bất ngờ, đầy hứa hẹn và thách đố.

Việc Chúa Giêsu đến với Gioan tẩy giả có giống kinh nghiệm của bản thân chúng ta không? Chúa Giêsu có cần nghe nói Ngài là ai và từ nay Ngài phải làm gì với cuộc sống của Ngài không? Ngài đến gặp vị ngôn sứ đang rao giảng việc hoán cải. Ngài muốn nghe tiếng nói của người hô lên trong sa mạc. Ngài quyết định chịu phép rửa như tất cả các bạn đồng hương. Có lẽ với tư cách là người, Chúa Giêsu đã muốn đến tìm nơi Gioan tẩy giả ánh sáng về sứ vụ tương lai của Ngài.

Vì Chúa Giêsu không biết trọn vẹn ý định của Thiên Chúa về Ngài, như biết một sơ đồ của kiến trúc sư. Ngài không có kế hoạch chi tiết về biến cố Tin mừng. Vậy nên Ngài chuẩn bị đón nhận những dấu chỉ mà Thiên Chúa gởi đến cho Ngài. Ngài chuẩn bị nội tâm thuận lợi để có thể đương đầu với một cuộc thách thức. Chính Ngài cũng muốn gặp gỡ Vương Quốc mà Gioan loan báo. Chính Ngài đang sống một cuộc sống sinh hoa kết quả.

Chúa Giêsu đã muốn trà trộn vào đám dân chúng tội lỗi, đồng hóa với họ, khi mà Ngài bước vào một bước ngoặt quan trọng trong đời Ngài. Đây có lẻ là sự phản kháng đầu tiên chống lại giấc mơ của người Do Thái về một Đấng Mêsia chiến thắng.

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Gioan tẩy giả bắt đầu biểu lộ căn tính của Ngài. Dường như Gioan có ý thắc mắc về Chúa Giêsu, nhưng câu trả lời của Ngài có vẻ không soi sáng ho chúng ta nhiều hơn về căn tính của Ngài:

“Ta phải thực hiện mọi sự công chính”.

Trước hết là Chúa Thánh Thần đậu xuống trên Ngài như dấu chỉ cho thấy Thánh Thần ở nơi Ngài. Sau là Chúa Cha tuyên bố về tình yêu của Ngài đối với Con Một Ngài.

“Ta hoàn toàn vui thỏa về người Ta đã chọn”.

Chình lời này đã định nghĩa sứ vụ và định mệnh của Chúa Kitô: Sứ vụ làm chứng rằng Ngài được Thiên Chúa yêu thương, sứ vụ làm chứng rằng mọi con người trước và sau Ngài cũng là con cái yêu dấu của Chúa Cha.
Vậy chính từ một kẻ khác, mà Chúa Kitô đã được mặc khải cho chính mình và cho thế giới, và chính điều này đẩy Ngài vào cuộc mạo hiểm lớn lao của việc cứu độ. Cũng chính từ Chúa Kitô mà chúng ta được mặc khải cho chính mình, nhờ phép rửa:
Các con hãy xem chúng ta được thương yêu dường nào, vì chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và thực sự là như vậy”

Phép rửa tội của chúng ta ban cho chúng ta một sứ vụ.

Với tư cách là con cái Thiên Chúa chúng ta được mời gọi nhìn nhận thực tại này và họa lại cuộc sống của Chúa Giêsu trong đời của chúng ta. Chúng ta phải tỏ ra sẵn sàng “thực thi mọi sự công chính”. Và dấn thân theo gót Ngài để mặc khải tình yêu của Chúa Cha. Như Chúa Giêsu khi ra khỏi nước được tràn đầy Chúa Thánh Thần và được giao cho sứ vụ, cũng vậy phép rửa dìm chúng ta vào nước, để khi ra khỏi nước chúng ta sống một cuộc sống mới. Cuộc sống mới này thúc đẩy chúng ta biểu lộ tình thương xót của Thiên Chúa đối với anh chị em chúng ta, biểu lộ lòng ưu ái đối với những người nghèo nhất và những người bị xã hội bỏ rơi. Chúng ta có ý thức về trách nhiệm này không ? Chúng ta có sẵn sàng làm chứng cho đức tin trước mặt những kẻ mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày không ? Chúng ta có sẵn sàng trở thành những chứng nhân của Lời và hành động của Chúa Kitô bằng cách cũng thực hiện những cử chỉ tha thứ, khiêm nhường, bác ái huynh đệ đó không ? Chúng ta có ý thức rằng khi chúng ta đón nhận kẻ khác trong những giới hạn, những nỗi yếu hèn của họ, là chúng ta dấn thân theo gót Chúa Kitô không ? Qua chúng ta tình yêu của Chúa Cha sẽ được mặc khải cho họ, một cuộc sống mới có thể bắt đầu đến với họ, và cuộc sống này sẽ đưa họ đi xa hơn những gì họ đã dự tính.

Những gì Chúa Cha đã nói về Chúa Kitô, Chúa Kitô cũng nói lại với chúng ta trong phép rửa tội của chúng ta. Chúng ta là những con chí ái của Chúa Cha. Ước gì chúng ta có thể tỏ ra xứng đáng với địa vị làm con Thiên Chúa. Ước gì hồng ân của phép thánh tẩy có thể sinh hoa kết quả để cho Tin Mừng luôn luôn tăng trưởng nơi chúng ta và trong cộng đoàn của chúng ta. Ước gì chúng ta có thể sinh dồi dào hoa trái tình thương, công lý, trung thành và bình an.


 

TN1-B4. CS/77 - CHÚA CHỊA PHÉP RỬA

 

Tâm lý thường tình của con người là muốn mình được trọng vọng, được đề cao, được vượt trổi hơn: TN1-B4


Tâm lý thường tình của con người là muốn mình được trọng vọng, được đề cao, được vượt trổi hơn người khác.

Khi nói chuyện với nhau, người ta thường thích nói về mình: Tôi thế này, tôi thế nọ. Khi ở giữa đám đông, người ta thích làm nổi, thích được chú ý, thích được khen ngợi. Ở trong một tập thể, người ta thích giữ những chức vụ lớn, thích điều khiển người khác, thích làm những công việc được nhiều người biết đến. Khi hội họp, người ta muốn ý kiến của mình được tôn trọng và chấp thuận dù nó không hay bằng ý kiến của người khác… Tất cả những điều đó phản ảnh khuynh hướng kiêu căng trong lòng mỗi người. Mà kiêu căng là mối tội thứ nhất trong bảy mối tội đầu. Gọi là mối tội đầu vì nó là căn nguyên đưa tới nhiều thứ tội lỗi khác. Thật vậy, sự kiêu căng chính là đầu mối dẫn tới rất nhiều điều tệ hại trong cuộc sống của con người: Chiến tranh bởi đâu nếu không phải bởi nước này muốn thống trị nước nọ ? Ghen tương bởi đâu nếu không phải bởi người này muốn trổi vượt hơn người khác ? Hận thù bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn đạp người khác xuống để chiến lấy vị trị của họ ? Nói hành, nói xấu, vu khống, dèm pha bởi đâu nếu không phải bởi người ta muốn tự quảng cáo mình tốt hơn, giỏi hơn người khác ?... Sự kiêu căng không đem lại điều gì tốt đẹp cho người kiêu căng cả. Luxiphe vì kiêu căng không muốn phục tùng Thiên Chúa đã tự loại mình ra khỏi hàng ngũ các Thiên Thần. Ông bà nguyên tổ loài người vì kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa nên đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, và cửa trời đóng lại. Sự kiêu căng đã tạo nên hố ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người. Sự kiêu căng đã dựng nên một hàng rào không cho con người đến với nhau…

Chiêm ngắm Chúa Giêsu trong máng cỏ hôi tanh, và chiêm ngắm Người trong biến cố Người chịu phép rửa, chúng ta sẽ thấy mình lố bịch biết bao khi để cho tính kiêu căng thống trị và hướng dẫn đời sống mình.

Thật vậy,

- Chúa Giêsu là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Người đã mặc lấy những tâm tình và cung cách sống khiêm tốn thẳm sâu.

- Là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Người đã không đòi phải được sinh ra trong một đất nước văn minh, trong một thành phố hoa lệ và trong cung ngọc điện ngà. Trái lại, Người đã chấp nhận sinh ra trong một hoàn cảnh bi đát nhất của thân phận làm người.

- Là Thiên Chúa cao cả vô cùng, nhưng Người đã không chọn cho mình một người cha, một người mẹ danh giá và giầu sang. Trái lại, Người chấp nhận làm con của một anh thợ mộc vô danh tiểu tốt và một cô thiếu nữ nhà quê khổ nghèo.

- Là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối, nhưng Người lại hạ mình đến xin ông Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi.

- Người là Thiên Chúa của muôn loài, nhưng lại hòa mình với đám đông không tên tuổi để trở thành một người vô danh như họ.

Biết nói gì về Người bây giờ nếu không phải là cúi đầu cảm phục và tôn thờ sự khiêm tốn thẳm sâu của con Thiên Chúa làm người ? Ngày xưa, do sự kiêu căng của nguyên tổ loài người, cửa trời đã đóng lại. Ngày nay, do sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa mà cửu trời lại được mở ra. Trời mở ra nghĩa là mọi ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người đã bị xóa bỏ. Con người phản bội nay đã được tha thứ, được phục hồi tước vị làm con Thiên Chúa và được đồng thừa tự gia tài Nước Trời cùng với Chúa Giêsu. Trời được mở ra cho hết mọi người có thể đi vào. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục bước vào vết chân kiêu căng của ông bà nguyên tổ, thì cách Cửu Trời ấy sẽ mãi mãi đóng lại trước mắt chúng ta.


 

TN1-B5. MNMTV/6 - CHÚA CHỊU PHÉP RỬA

 

Trong ngày kỷ niệm Chúa chịu phép rửa nơi sông Giođan, phụng vụ trình bày cho chúng ta sự kiện chính: TN1-B5


Trong ngày kỷ niệm Chúa chịu phép rửa nơi sông Giođan, phụng vụ trình bày cho chúng ta sự kiện chính Thiên Chúa Cha giới thiệu và tuyên bố Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài, là vị cứu tinh cho toàn thể nhân loại.

Bài Tin Mừng hôm nay có hai phần rõ rệt. Phần một diễn tả Gioan làm chứng về Chúa Cứu Thế, Đấng có quyền năng thanh tẩy nhân loại trong Thánh Thần, nghĩa là có sức mạnh chữa lành con người toàn diện, mở ra con đường giải thoát thiêng liêng, và nhóm lên trong lòng con người niềm hy vọng nơi quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Phần hai trình bày sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa và việc Chúa Cha chứng kiến và can thiệp.

Phép rửa mà Gioan thực hiện bằng nước chỉ là hình bóng, là hình thức minh chứng cho người đến chịu phép rửa ý muốn xưng thú tội lỗi, cải hóa nội tâm và trở về đường ngay nẻo chính. Gioan làm phép rửa trong vùng hoang địa dọc bờ sông Giođan. Từ hoang địa nhắc lại giai đoạn lịch sử khi dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ trở về Đất Hứa. Sông Giođan là trở ngại sau cùng mà dân Do Thái phải vượt qua để vào Đất hứa.

Khi xuống dòng sông để cho Gioan thanh tẩy, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ liên đới với nhân loại tội lỗi, một cử chỉ báo trước việc tự hạ đẫm máu của Người trên thập giá, để cho nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa và được cứu thoát. Dòng nước chảy chỉ có năng lực thanh tẩy thực sự trong ngày Chúa Kitô xuống dòng sông để thánh hóa và ban thần lực cho nó.

Điểm chính yếu và mang nặng ý nghĩa trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa chính là lời tuyên bố của Thiên Chúa Cha, một lời tuyên bố vắn tắt, nhưng hàm xúc ý nghĩa sâu xa: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. “Là Con yêu dấu” đồng nghĩa với Con duy nhất, nhắc lại sự kiện Abraham đã hiến tế người con duy nhất là Isaac cho Thiên Chúa. “Cha hài lòng về Con” là lời tiên tri của Isaia trong bài ca về người tôi tớ đau khổ, mà Tân ước áp dụng cho Chúa Kitô Cứu thế: “Đây là người Tôi trung Ta nâng đỡ, là người ta tuyển chọn và quí mến hết lòng. Ta cho thần khí Ta ngự trên nó, nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”. Lời tuyên bố này chứa đựng niềm tin của cộng đoàn dân ngoại đã khai sinh, ám chỉ sự nghiệp của Chúa Kitô, Đấng mà Môsê mớ sẽ đưa dân qua Biển Đỏ, là Giosuê mới sẽ lãnh đạo và đưa dân ra khỏi dòng sông Giođan, nghĩa là ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi mà vào Đất Hứa, để hưởng niểm vui vì được giải hòa với Thiên Chúa và nhận Thiên Chúa là Cha.

Sau khi ra khỏi dòng sông Giođan, Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa bốn mươi ngày để chịu ma quả cám dỗ. Được Chúa Cha ủng hộ, từ nay Chúa Giêsu can trường chấp nhận mọi khó khăn thử thách, có đủ sức để chiến thắng ma quỷ. Người Kitô hữu tin theo Chúa mỗi khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chẳng khác nào như được dìm mình trong dòng sông Giođan, họ sẽ trở nên con cái Thiên Chúa , được lãnh nhận Thánh Thần và được tràn đầy các ân sủng của Thiên Chúa, trung thành với sứ mệnh của mình và bảo toàn nguồn ân sủng thiêng liêng đã lãnh nhận, và họ đã được Thiên Chúa yêu thương sủng mộ.

Xin Chúa cho chúng ta luôn sống kết hiệp với Chúa, để cũng có thể được nghe lời này: “Con là Con của Ta, Ta hài lòng về Con”.


 

TN1-B6. ASTY/37 - CHÚA CHỊU PHÉP RỬA

 

Hôm nay Giáo hội tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu đến sông Giođan để chịu phép rửa. Qua cử chỉ: TN1-B6


Hôm nay Giáo hội tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu đến sông Giođan để chịu phép rửa. Qua cử chỉ dìm xuống nước, Chúa Giêsu nuốn mặc lấy thân phận yếu đuối của con người, Ngài là Thiên Chúa gánh tội trần gian. Tưởng niệm biến cố này, Giáo hội cũng mời gọi chúng ta nhớ lại những cam kết của phép rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Qua phép rửa mà Chúa Giêsu đã thiết lập, Ngài cho chúng ta được dự vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa. Cùng với Ngài, chúng ta chiến đấu chống lại tội lỗi và sự dữ để được tham dự vào vinh quang phục sinh của Ngài. Cử hành cái chết và sự phục sinh của Ngài trong thánh lễ này, chúng ta hãy xin Ngài tẩy rửa tâm hồn chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta tiếp tục chiến đấu chống lại tội lỗi và sự dữ trong cuộc sống của chúng ta.

Trong các dòng sông nổi tiếng trên khắp thế giới hẳng dòng sông Giođan phải là dòng sông quen thuộc nhất đối với người Kitô hữu chúng ta. Chính tại đây Chúa Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cáh đón nhận phép rửa bởi Gioan tẩy giả cử hành. Chính tại dòng sông này, khi dìm mình xuống nước, Chúa Giêsu đã tỏ bày sứ mệnh của Ngài, đó là “gánh lấy tất cả tội lỗi của nhân loại”

Là Đấng vô tội, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa với người tội lỗi qua cử chỉ dìm mình trong dòng nước, đồng thời Chúa Giêsu loan báo chính cái chết mà Ngài sẽ trải qua. Phép rửa trong sông Giođan là hình bóng của phép rửa đích thực mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện, đó là cái chết của Ngài. Từ cạnh sườn Người khi máu và nước chảy ra, Chúa Giêsu đã khai mở một dòng sông mới để từ đó tất cả những ai đến dìm mình vào đều nhận được sức sống mới.

Tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bên  bờ sông Giođan, Giáo hội muốn mời gọi chúng ta nhớ lại phép rửa mà chúng ta được dìm mình vào trong chính cái chết của Chúa Giêsu. Dìm mình vào trong chính cái chết của Chúa Giêsu là gì nếu không phải là tiếp tục đi lại con đường tử nạn của Ngài. Phép rửa mà chúng ta lãnh nhận không phải là một nghi thức bùa chú. Người lãnh nhận bí tích rửa tội không đương nhiên trở thành một con người thánh thiện được miễn trừ khỏi những cám dỗ và yếu đuối trong cuộc sống. Có biết bao người lãnh nhận phép rửa để mang danh hiệu là người Kitô hữu, nhưng cuộc sống của họ không bao giờ là một tiếp tục cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.

Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: “Người tín hữu Kitô cần phải tiếp tục những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu”. Chịu phép rửa là khởi đầu một cái chết, là bước vào một cuộc chiến đấu, chiến đấu chống lại con người cũ của tội lỗi, chiến đấu chống lại không biết bao nhiêu cơn cám dỗ trong và ngoài con người của chúng ta. Chiến đấu chống lại không biết bao nhiêu sức mạnh của sự chết như ích kỷ, hận thù, chia rẽ, đố kỵ…

Tưởng niệm phép rửa mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận bên bờ sông Giođan, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta về chính những cam kết mà chúng ta đã đoan hứa trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, đó là cùng chết với Đức Kitô để được sống lại với Ngài. Hằng ngày mỗi lần chúng ta giơ tay làm dấu Thánh giá là mỗi lần chúng ta được mời gọi để nhớ lại lời cam kết ấy.

Trên đường tiến về Jêrusalem, khi các môn đệ tranh luận về quyền bính, vương quốc tương lai của Ngài, thì Chúa Giêsu đã hỏi các ông: “Các con có sẵn sàng uống chén đắng mà Ta sắp lãnh nhận không ?”. Ngày nay trong từng giâh phút của cuộc sống, Chúa Giêsu cũng hỏi từng người trong chúng ta như thế: “Các con có sẵn sàng chịu phép rửa mà Ta sắp lãnh nhận không?”. Chúng ta đang trải qua không biết bao nhiêu những khó khăn, thử thách và cạm bẫy trong cuộc sống. Sống một cách thiết thực phép rửa chính là sống từng giây phút trong cuộc sống bằng sự phấn đấu, bằng tinh thần từ bỏ và lòng tín thác của Chúa Giêsu. Và chúng ta tin rằng nhờ nguồn nước từ cạnh sườn mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta, chúng ta cũng được trong bị để chiến đấu và nhờ đ1o chúng ta được tham dự vào sự phục sinh vinh hiển của Ngài.


 

TN1-B7. ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA - Lm Augustine, SJ

 

Gioan Tẩy Giả đã gây được một phong trào sám hối trong xứ Pa-lét-tin. Đời sống nhiệm nhặt và lời: TN1-B7


Gioan Tẩy Giả đã gây được một phong trào sám hối trong xứ Pa-lét-tin. Đời sống nhiệm nhặt và lời giảng quyết liệt của ông có sức lôi cuốn người ta đến với sông Giođan để được ông làm phép rửa. Phép rửa của Gioan nhằm giúp con người bày tỏ lòng hoán cải, để chuẩn bị đón Đấng Mêsia sắp đến trong cơn thịnh nộ kinh khủng (x. Mt3,7-12).

Lạ thay trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” (Mc 1,5) và chịu “phép rửa sám hối để được ơn tha tội” (Mc 1,4), lại có Đức Giêsu. Bấy giờ Ngài hơn ba mươi tuổi, vẫn sinh sống tại Nadarét. Làm sao Đấng thánh thiện, Đấng quyền thế mà Gioan không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài, lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi, chờ đến phiên mình được chịu thanh tẩy? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, và làm cho nhiều người phải lúng túng. Chỉ có hai sách Tin Mừng kể lại việc Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu (Mc 1,9-11; Mt 3,13-17). Còn Tin Mừng Luca và Gioan thì tránh không nói đến. Làm sao Đấng vô tội lại trở thành môn đệ của Gioan Tẩy Giả để được ơn… tha thứ? Chính Tin Mừng Matthêu cũng cố gắng trả lời câu hỏi này: “Bây giờ cứ thế đã. Chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,15), nghĩa là để làm trọn ý Thiên Chúa.

Như thế việc Đức Giêsu được Gioan ban phép rửa thật là một xì-căng-đan ngay trong Hội Thánh sơ khai. Đức Giêsu có tội không mà cần chịu phép rửa sám hối? Các môn đệ của Gioan về sau cũng dựa vào sự kiện này để khăng khăng cho rằng Thầy mình hơn hẳn Đức Giêsu.

Khi suy niệm về mầu nhiệm Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan, các Giáo Phụ đã đưa ra một số lý do để soi sáng. Dù vô tội và cao trọng hơn Gioan, nhưng Đức Giêsu đã lãnh nhận phép rửa trong nước vì:

- Ngài muốn kêu gọi những kẻ khác noi theo gương Ngài mà đến chịu phép rửa do Ngài thiết lập sau này.

- Ngài muốn làm một hành vi khiêm tốn cho ta noi theo.

- Ngài muốn công nhận giá trị phép rửa của Gioan.

- Ngài muốn lần đầu tiên ra mắt trước công chúng, để chuẩn bị cho họ nghe Ngài và theo Ngài.

- Ngài muốn thánh hoá dòng nước sông Giođan và mọi dòng nước khác, để nhờ sự hiện diện và tác động của Ngài mà mọi dòng nước có thể trở nên nguồn cứu độ.

Liên đới với tội nhân

Tin Mừng Mc 1,9-11 không chú trọng việc Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan, cũng không giải thích tại sao Ngài làm như vậy. Đức Giêsu đã bắt đầu cuộc đời công khai của mình một cách khiêm hạ lạ lùng. Ngài đã bỏ Nadarét để đến Bêtania, bên kia sông Giođan, chỗ gần Biển Chết. Đấng mà Gioan nghĩ là một vị thẩm phán nghiêm khắc, Đấng ấy lại xếp hàng chung với những tội nhân chờ chịu thanh tẩy. Ai có thể nhận ra Ngài, vì Ngài quá đỗi bình thường? Đấng Cứu Độ lại cư xử như người đang cần được cứu độ.

Nhìn Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đứng với tội nhân, chúng ta hiểu được thế nào là liên đới với người khác. Để liên đới với tội nhân, với dân tộc mình, với cả nhân loại đang cần ơn cứu độ, Con Thiên Chúa không ngại che khuất cái cao sang, siêu việt và cả sự thánh thiện ngàn trùng của mình nữa. Nhờ mang thái độ tự hạ, tự huỷ này, mà Đấng Thánh của Thiên Chúa có thể đứng chung với người tội lỗi, dìm mình xuống cùng một dòng nước như họ. Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa khiêm hạ, vì Ngài muốn đi xuống tận đáy vực thẳm nơi chúng ta đang sống, để nâng chúng ta lên. Chỉ tình yêu mới làm chúng ta hiểu được hành động của Ngài. Nhập thể chính là để liên đới với từng người chúng ta trong mọi cảnh ngộ của cuộc sống.

Liên đới bên dòng sông Giođan chỉ là khúc dạo đầu cho cả một cuộc đời liên đới của Đức Giêsu. Ngài bị mang tiếng là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Lc 7,34). Liên đới với những người sống ngoài lề xã hội và tôn giáo chính là để đưa họ trở về với thế giới của con người và thế giới của Thiên Chúa. “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13): Đó là hướng đi của đời Đức Giêsu. Tuy vô tội, nhưng vì mang tinh thần liên đới, Đức Giêsu cũng có thể cảm được thế nào là tâm tình ray rứt hay hối hận của một kẻ phạm tội. Thánh Phaolô đã viết một câu kinh khủng cho thấy Đức Giêsu đã thực sự đồng hoá với thân phận tội nhân đến mức nào: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã làm cho Ngài thành tội vì chúng ta” (2C 5,21). Đức Giêsu đã chết như một người phạm trọng tội, bị đóng đinh giữa hai tử tội. Ngài đã đem đến niềm hy vọng cho người trộm lành: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Khi gắn bó với những người không còn được yêu mến và kính trọng, Đức Giêsu đã đem đến cho họ một thế giới nồng nàn tình yêu; trong thế giới này không có hàng rào ngăn cách người tội lỗi với người đạo đức, mà chỉ có những người tội lỗi được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ.

Sự thánh thiện không đội trời chung với tội lỗi, nhưng sự thánh thiện đích thực lại cúi xuống trên tội nhân, và biến đổi họ. Chúng ta thường sợ mình bị vấy bẩn vì tiếp xúc với người tội lỗi. Thật ra chúng ta chỉ nên sợ là mình chưa thánh thiện thực sự. Ánh sáng chẳng sợ bóng tối làm mình tối. Nó len lách vào mọi ngõ tối của cuộc đời, và chính lúc người ta tưởng chiếc áo của nó bị vấy bẩn, thì nó lại xuất hiện với tất cả vẻ rực rỡ hơn xưa.

Trong gia đình, trường học, xí nghiệp, giáo xứ… chỗ nào cũng có những người bị xa lánh vì đã từng vấp váp trong đời. Tôi có dám đi chung với họ không, dù có tiếng xì xào của dư luận? Tôi có dám bênh vực một người cô thế không, dù rằng tôi có thể mất đi sự ủng hộ của nhiều người khác?

 
Đầy Thần Khí để được sai đi

Sau lúc Đức Giêsu tự hạ, dìm mình trong dòng nước, thì Ngài nhận được một thị kiến hết sức quan trọng. Thị kiến này được mô tả bằng lối nói của văn chương Khải huyền. Có ba yếu tố cần lưu ý: các tầng trời xé ra, Thần khí ngự xuống, và tiếng phán từ trời. Các tầng trời xé ra là dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa muốn tiếp xúc với con người và thông truyền cho con người một mạc khải. Như Edêkien khoảng 6 thế kỷ trước đây (Ed 1,1); Đức Giêsu cũng thấy trời mở ra và qua đó Thần Khí ngự xuống trên mình như chim bồ câu.

Đức Giêsu được đầy Thần Khí, đó là một cảm nghiệm khôn tả của Ngài. Thần Khí chính là sự hiện diện của Thiên Chúa xâm nhập vào người được tuyển chọn, ban cho người ấy dồi dào mọi ơn cần thiết để có thể vuông tròn một sứ mạng quan trọng đặc biệt. Vị ngôn sứ được nhắc đến trong I-sai-a (61,1-3) là người có Thần Khí của Đức Chúa. Chính Đức Giêsu đã áp dụng đoạn sách này cho mình trong khi giảng ở hội đường Nadarét (Lc 4,18-19). Được ban Thần Khí nghĩa là được sai đi. Khi Đức Giêsu cảm nghiệm được Thần Khí nơi mình, thì Ngài biết đã đến lúc Ngài được sai đi để loan báo Tin Mừng và làm những dấu chỉ cứu độ.

Tiếng nói từ trời không phải là những lời nguyên văn của Thiên Chúa được ghi lại, nhưng nó phản ảnh niềm tin của Hội Thánh vào căn tính của Đức Giêsu. “Con là con yêu dấu của Cha.” Trong thánh vịnh 2,7, vị vua Mêsia cũng được Đức Chúa gọi là con vào đúng ngày phong vương: “Con là con của Ta, hôm nay Ta đã sinh ra con.” Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng được Cha long trọng tấn phong làm Mêsia, Đấng mà Cha yêu quý và tuyển chọn.

Khi đọc những yếu tố mô tả có tính khải huyền trên đây, chúng ta không nên hiểu theo nghĩa đen như thể là bầu trời mở ra thật, hay Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống. Điều quan trọng là những ý nghĩa của mô tả đó. Sau khi chịu phép rửa bởi Gioan, Đức Giêsu xác tín đã đến lúc mình lên đường thi hành sứ vụ. Ngài đã nhận được sức mạnh từ Cha và được sai đi vào thế giới, kết thúc hơn ba mươi năm âm thầm ở Nadarét. Cả đời Đức Giêsu sau này vẫn hướng về một phép rửa khác, đó là cuộc khổ nạn Ngài phải chịu ở Giêrusalem: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,50). Từ phép rửa đến thập giá phát sinh ra nguồn sống cho mọi phép rửa của các Kitô hữu. Phép rửa nào cũng đòi dìm mình xuống, chết cho mình qua phục vụ.

Nhờ phép rửa, tôi được trở nên con cái yêu dấu của Thiên Chúa và được tràn đầy Thánh Thần. Nhưng thực sự, việc dìm mình trong Ba Ngôi đã biến đổi tôi như thế nào? Đời sống của tôi có phải là một cuộc lên lại từ sông Giođan không? Ước gì tôi nhớ mãi mình đã được xức dầu, được mang nến sáng, được mặc áo trắng, được dìm mình trong nước để rồi được sai đi làm chứng cho mọi người.
 
Một số câu hỏi gợi ý

1.      Để sống liên đới với những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị kỳ thị, theo ý bạn, có phải trả giá không? Có khi nào bạn sống liên đới với một người bạn đang cô đơn tron cảnh khó khăn không?

2.      Vì được rửa tội từ nhỏ, nên chúng ta ít thấy sự biến đổi lớn lao do bí tích này mang lại. Bạn có quen ai thực sự đổi đời sau khi được rửa tội không?


 

TN1-B8. Suy Niệm của Lm Trọng Hương

 
A.      Hạt giống...
 

Theo cách trình bày của Thánh Matthêu, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa là dịp Thiên Chúa giới thiệu: TN1-B8


Theo cách trình bày của Thánh Matthêu, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa là dịp Thiên Chúa giới thiệu cho người ta biết Ngài chính là Đấng Messia, tuy nhiên không phải là một Đấng Messia như người ta tưởng, mà là Đấng Messia Tôi Tớ:
- Đối với Gioan tẩy giả, ông vẫn tưởng Đấng Messia phải là một quan tòa. Ngài đến để trừng phạt kẻ ác và thưởng kẻ lành (x. đoạn Tin Mừng liền phía trước: Mt 3,12). Vì thế khi Chúa Giêsu khiêm tốn xin ông làm phép rửa cho mình như cho những tội nhân khác thì ban đầu ông từ chối. Sau đó Chúa Giêsu cho ông biết là ông và Ngài cần phải làm theo ý Thiên Chúa (“Chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”) thì ông mới làm.

- Đối với dân chúng có mặt hôm ấy, họ đã nghe tiếng Thiên Chúa từ trời giới thiệu Chúa Giêsu bằng những lời mà Cựu Ước đã dùng khi nói về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”

 
B.      ... nẩy mầm.

1.      Cả Gioan tẩy giả và dân chúng do thái đều không hiểu nổi Đấng Messia lại là một Người Tôi tớ khiêm tốn hiến thân phục vụ nhân loại cho đến chết. Hai ngàn năm đã trôi qua, vậy mà ngày nay chúng ta cũng vẫn thế. Chúng ta giới thiệu Chúa Giêsu cho người ta như một Đấng quyền phép hay một quan tòa xét xử. Chúng ta bỏ sót một phương diện rất quan trọng của Ngài: Ngài trước hết là một Người Tôi Tớ hiến thân phục vụ. Đạo của Chúa Giêsu là một đạo hiến thân phục vụ, người môn đệ của Chúa Giêsu cũng phải là người hiến thân phục vụ.

2.      Cả hai vai chính trong chuyện này đều khiêm tốn: Gioan khiêm tốn tự hạ mình để đề cao Chúa Giêsu ; Chúa Giêsu khiêm tốn xin Gioan làm phép rửa cho mình. Người khiêm tốn là người chỉ nghĩ đến việc chu toàn nhiệm vụ chứ không quan tâm đến vinh dự cá nhân.

3.      Một chiếc xe tải không thể qua cầu được vì nóc xe cao quá nên chạm vào mái che của chiếc cầu. Chẳng ai nghĩ ra được cách nào cả. Khi đó một cậu bé đưa ý kiến: hãy xì bớt hơi các bánh xe của nó. Người ta đã làm theo, và xe đã qua được cầu. (Quote).

4.      Truyện thần thoại hy lạp có kể về hai cha con Idam, Ika và những cánh tay của họ. Idam là một kiến trúc sư kiêm điêu khắc. Ông đã xây ( bát quái trận đồ để nhốt con quái vật đầu người mình thú. Về sau, chính vua Minos đã bắt giam hai cha con Idam và Ika vào đó. Nhưng họ đã chế được những chiếc cánh làm bằng lông và sáp giúp họ bay ra khỏi bát quái trận đồ. Thích thú với cuộc du hành vũ trụ bất ngờ, Ika cứ muốn bay mãi lên cao, mặc cho người cha ngăn cản. Ika càng lúc càng bay đến mặt trời cho nến sáp bắt đầu chảy. Cuối cùng, khi sáp không còn nữa, đôi cánh mềm lại, những chiếc lông rời ra, Ika rớt xuống biển sâu và thiệt mạng.

Huyền thoại trên đây thường được xử dụng để nói đến sự kiêu hãnh dẫn đến thảm trạng cho con người (Chờ đợi Chúa).


 

TN1-B9. Suy Niệm của Lm VIKINI

 

Nếu tôi là dân Do thái lúc đó, có thể tôi cũng đi từ Galilê bên Đức Giêsu suốt bốn năm ngày đường: TN1-B9


1-      Nếu tôi là dân Do thái lúc đó, có thể tôi cũng đi từ Galilê bên Đức Giêsu suốt bốn năm ngày đường, tới sông Gióc đan để chịu phép rửa, mà không ngờ rằng Người là Đấng mà Gioan đang rao giảng. Khi tới nơi chắc chắn tôi sẽ chen lấn Người để tôi được tới gần Gioan hơn. Tôi trố mắt nhìn và lắng tai Gioan kêu gọi tôi sám hối. Tôi cảm động và rán lội tới sát Gioan. Tôi đẩy Người ra để xin Gioan rửa tôi trước, vì tôi nóng lòng mong đợi điều Gioan đang nói: “Hãy dọn đàng cho Đấng Cứu thế đến”. Rửa xong tôi an tâm ra về mà không ngờ Người là Đấng Cứu thế đồng hành với tôi, đứng sát bên tôi, đã bị tôi gạt Người ra ngoài.

Thực tế hàng ngày đã xẩy ra trăm ngàn lần tôi cư xử như thế đối với những người bên cạnh tôi. Tôi không ngờ rằng họ là chi thể Đấng Cứu thế. Tôi bao nhiêu lần xô lấn những người bên cạnh tôi để tôi được hơn, được trước họ mà chẳng nhớ gì lời Chúa dậy: “Con phải kính nhường và yêu mến người bên cạnh con”. Thành thử ra tôi cũng không nhận ra Đấng Cứu thế đang ở với tôi.

2-      Nếu tôi được làm địa vị của Gioan tiền hô, thì khi vừa thấy Đấng Cứu thế, tôi sẽ tự đắc hô to: đấy tôi nói có sai đâu, Ngài đến đây nè... rồi tôi kêu gọi mọi người ủng hộ Ngài, hoan hô Ngài, đón rước Ngài, xin Ngài phất cờ giải phóng dân tộc, làm cho nước ta độc lập tự do, giầu mạnh, đem quân xâm chiếm các nước, trở thành bá chủ hoàn cầu. Tôi rất phàn nàn và lấy làm tiếc vì không thể ngờ được rằng Gioan không làm như tôi mong muốn. Trái lại, ông đã cúi mình xuống nhỏ nhẹ thưa với Ngài rằng: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Tôi chỉ rửa anh em trong nước, còn chính Ngài mới rửa chúng tôi trong Thánh Thần. Vậy xin Ngài rửa cho tôi đi để tôi được ơn cứu độ”. Thật là con người đầy khiêm tốn, đầy tin tưởng để rồi Gioan đã phó thác trót mạng sống mình cho Đấng Cứu thế: dù phải chặt đầu ông vẫn luôn luôn quyết tâm chu toàn nghĩa vụ Thiên Chúa trao.

3-      Còn Đức Giêsu, Người rất từ tốn và ẩn mình tuyệt diệu hơn nữa. Người đã thưa lại Gioan: “Chúng ta cần phải chu toàn nghĩa vụ thánh như thế”. Người đồng hóa mình với dân chúng, chịu những kẻ cậy sức mạnh xô đẩy, chèn ép để thông cảm với mọi nỗi xót xa của cuộc đời những kẻ thấp mũi bé miệng, neo đơn, cô thế, cô thân. Người đã cúi mình trước Gioan làm phép rửa cho Người để cho những tội nhân biết cúi mình xuống trước tòa giải tội. Người đã dìm mình xuống nước để cứu vớt những kẻ chết trong giòng đời, cho họ được sống lại làm con chí ái với Người trong gia đình thiên quốc. Người chôn mình trong bản tính hư nát của loài người để cho con người được trường sinh vinh phúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết kính nhường nhau, đó chẳng phải là kính mến Chúa sao ? Xin cho chúng con biết phó thác thân phận làm người, làm Kitô hữu cho Đấng Cứu thế, chắc chắn chúng con sẽ được Người thanh tẩy và kết nạp chúng con vào nhà Cha chí ái trên trời.


 

TN1-B10. SỐNG LỜI CHÚA- CỘNG TÁC VỚI CHÚA

 

Bảy trăm năm về trước, tiên tri Isaia đã mô tả về đấng cứu thế, không phải với những đường nét của: TN1-B10


Bảy trăm năm về trước, tiên tri Isaia đã mô tả về đấng cứu thế, không phải với những đường nét của một vị đế vương hùng mạnh, nhưng với đường nét của một người tôi tớ đau khổ của Đức Giavê.

Và ngày hôm nay, những đường nét ấy bắt đầu được thực hiện nơi Đức Kitô. Ngài là một bậc thầy dịu hiền, kiên nhẫn và khoan dung, cố gắng làm cho muôn dân nước nhận biết khuôn mặt và giới luật của Thiên Chúa. Nhìn vào cuộc đời của Ngài, chúng ta sẽ nhận thấy đúng như tiên tri Isaia đã loan báo:

- Này là tôi tớ mà Ta đã lựa chọn. Ngài sẽ không bẻ gãy cây sậy đã bị dập nát, không thổi tắt tim đèn còn leo loét…

Ngài không đến để đè bẹp muôn dân, nhưng đến để thiết lập công bình và rao giảng chân lý. Ngài sẽ mở mắt cho người mù, dẫn khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa  khỏi ngục những người còn ngồi trong tăm tối.

Đúng thế, nhân loại như một kẻ bị đui mù bởi những đam mê dục vọng bất chính, thì ngày hôm nay Ngài đến để đem lại ánh sáng. Ngài không phải chỉ chữa lành những tật bệnh phần xác, mà còn thực sự giải phóng tâm hồn chúng ta khỏi những trói buộc của tội lỗi bằng tình thương và ơn tha thứ.

Và cũng ngày hôm nay, nơi dòng nước sông Giocđan, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài và từ trời có tiếng phán:

- Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.

Từ lời xác quyết của trời cao, chúng ta nhận biết Đức Kitô chính là người đầy tớ, người con yêu dấu của Thiên Chúa, đem lại cho tất cả chúng ta lời giao ước và ánh sáng, chân lý và tự do. Hay nói một cách khác, Ngài đến để cứu chuộc chúng ta. Tuy nhiên, Ngài muốn chúng ta, những người Kitô hữu trên khắp cùng bờ cõi trái đất, cộng tác với Ngài để cùng làm việc cho nước Ngài được trị đến.

Jacques Loew, trước kia là một người vô thần, sau đó đã quay về với Chúa và trở nên một linh mục thuộc dòng Đa minh. Ngài có một đam mê về Đức Kitô, ngài sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ để đem Tin Mừng đến cho những anh em nghèo túng và bất hạnh. Ngày kia, ngài đi dạo tại thành phố Marseille, vừa đi vừa suy nghĩ, phải làm thế nào để thực hiện cái ước vọng tông đồ của mình ?

Như được Chúa soi sáng và kêu mời, ngài bỗng dưng đi tới quyết định: Để chống lại sự đau khổ và nghèo túng, thì chỉ có một phương thế, đó là hãy sống đau khổ và nghèo túng.

Đây không còn là những giây phút để ngồi nghiên cứu sách vở, thế là đi xuống chợ ngài mua một cái mũ và một bộ quần áo lao động như mọi người, rồi sau đó đi làm việc cực nhọc và sống với những người nghèo túng.

Và cứ thế tiếp diễn hơn 20 năm cuộc đời của ngài, để rồi cuối cùng ngài đã tìm thấy ngôn ngữ và phương cách truyền bá Tin Mừng cho người nghèo, để họ cũng nhận ra rằng: Nước Thiên Chúa đã trị đến.

Nỗi đam mê của các vị tông đồ nhiệt thành là như thế. Còn chúng ta thì thế nào? Chẳng lẽ chúng ta đành bó tay hay sao ?


 

TN1-B11. NTĐY/33- KHÚC DẠO ĐẦU

 

Cha Anthony de Mello có kể một câu chuyện sau đây: Cả cộng đoàn đều thắc mắc khi thấy vị kinh: TN1-B11


Cha Anthony de Mello có kể một câu chuyện sau đây: Cả cộng đoàn đều thắc mắc khi thấy vị kinh sư của mình tuần nào cũng biến đâu mất vào hôm trước ngày Sabat. Họ nghĩ rằng ông bí mật đi gặp Đấng Tối Cao. Vì thế, họ cử một người theo dõi ông.

Và đây là điều người ấy chứng kiến. Vị kinh sư hóa trang bằng cách ăn mặc như một dân quê, đến phục vụ một bà già thuộc dân ngoại trong căn lều tồi tàn của bà. Ông quét dọn và nấu ăn cho bà trong ngày Sabat.

Khi thám tử trở về, cộng đoàn hỏi:

- Kinh sư đi đâu ? Ngài lên trời phải không ?

Người kia đáp:

- Không, ngài còn lên cao hơn cả trời nữa.

Có ai ngờ vị kinh sư lại âm thầm đến với người đàn bà ngoại đạo, nghèo nàn để chăm sóc bà trong ngày Sabat ? Có ai tin được Đức Giêsu, Đấng thánh thiện cao cả, lại xin Gioan làm phép rửa cho ?

Khi chiêm ngắm Đức Giêsu xếp hàng chung với tội nhân, chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu.

Chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm nơi dòng sông Giorđan.

Chỉ có tình yêu mới làm cho Con Thiên Chúa tự che khuất sự cao sang thánh thiện, để dìm mình trong phép rửa “thống hối”.

Chỉ có tình yêu mới làm cho Đấng Cứu Độ sống như người cần được cứu độ.

Phép rửa hôm nay chỉ là khúc dạo đầu của bản trường ca tình yêu. Để rồi vì yêu thương, từ đây Con Thiên Chúa sẽ bị người đời liệt vào: “Tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Bị người nhà coi là “kẻ mất trí”. Bị xua đuổi ra khỏi thành. Bị lên án như một tội nhân. Và bị chết treo giữa những tên trộm cướp. Đến nỗi thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho Người thành tội vì chúng ta”.

Đức Giêsu gọi cuộc thương khó của Người là một “phép rửa”. Người trầm mình trong đau khổ để mang lại ơn cứu độ cho mọi người: “Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất”.

Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã trở nên các Kitô hữu, “con cái yêu dấu” của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi đi loan báo tin vui cứu độ, rằng Thiên Chúa yêu thương con người. Chúng ta được mời gọi đặc biệt để mang tình yêu Chúa đến cho những người cùng khổ, những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị sa ngã trong tội. Martin Luther King có nói: “Hãy yêu thương mọi người đừng vì thiện cảm; cũng không vì cách sống của họ dễ mến, dễ thương. Nhưng vì chính Thiên Chúa ở trong họ”. Nếu chúng ta chờ cho họ trở nên đáng yêu rồi mới yêu họ, chúng ta sẽ phải chờ suốt đời. Chính khi được yêu mà họ sẽ trở nên đáng yêu.

Trong biển đời mênh mông này, mỗi người đều không ngừng thay đổi cả hướng tốt lẫn hướng xấu, chúng ta chớ cho rằng mình đã hiểu tới chân tơ kẽ tóc một ai đó. Cứ nghe theo trái tim mách bảo mà quảng đại trao ban.

Zundel viết: “Đừng để ai trong những người anh em của chúng ta có thể phàn nàn, rằng họ chẳng gặp được lòng nhân hậu của Thiên Chúa nơi chúng ta”.


 

TN1-B12. PV/39- DÒNG SÔNG SÁM HỐI

 

Có vị sư nọ gặp ở giữa đường một viên ngọc quí. Vì nghĩ rằng mình là người tu hành không cần chi: TN1-B12


Có vị sư nọ gặp ở giữa đường một viên ngọc quí. Vì nghĩ rằng mình là người tu hành không cần chi thứ đó, nên ông đem giấu viên ngọc này ở một gốc cây.

Ngày nọ có người hành khất đến ăn xin. Ông không có gì cho anh. Bỗng nhớ lại viên ngọc, nhà sư chỉ cho anh chỗ giấu. Người ăn xin đến gốc cây và tìm thấy viên ngọc. Cầm ngọc quí trong tay, người ăn xin rất đỗi vui mừng, nhưng anh ta suy nghĩ: Tại sao vị sư lại chấp nhận sống nghèo khó trong khi có một viên ngọc quí giá thế này ? Sau một thời gian suy nghĩ, anh cầm ngọc quí trả lại cho nhà sư và nói:

“Bạch thày, con thấy trong lòng thày có một sự giàu có to lớn, đến nỗi thày không thiết đến viên ngọc này. Vậy con chỉ xin thày cho con sự giàu có trong lòng thày mà thôi”.

Câu chuyện tới đây là kết thúc, nên chúng ta không biết nhà sư có chỉ cho người ăn xin “sự giàu có bên trong” của ông không, nhưng Tin Mừng hôm nay đã trả lời cho chúng ta câu hỏi ấy.

Giữa dòng người chen lấn nhau xuống sông Giorđan để xin Gioan làm phép rửa cho, tại sao chẳng một ai nhận ra Đức Giêsu, duy chỉ mình Gioan nói: “Chính tôi mới cần Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”. Phải chăng Gioan đã nhận ra “sự giàu có bên trong” của một con người rất đỗi bình thường ấy ? Và chúng ta đã không phải đợi chờ lâu. Khi Gioan từ chối làm phép rửa cho Đức Giêsu, thì Người đã trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Giữ trọn đức công chính cũng có nghĩa là chu toàn thánh ý Chúa. Chính vì thế, khi Đức Giêsu vừa chịu phép rửa, Chúa Cha đã tuyên phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

Như vậy, sự giàu có đích thực không phải là thu tích cho nhiều của cải châu báu, mà là luôn giữ trọn đức công chính, là tuân hành thánh ý Chúa, là trở nên con yêu dấu của Cha.

Chính để sống đẹp lòng cha, mà người Con đã từ trời xuống thế, mặc kiếp phàm nhân để cứu độ muôn người. Hôm nay, Người kết thúc giai đoạn ẩn dật ở Nadarét, để khởi đầu sứ vụ công khai rao giảng. Người đi xuống Giorđan, để dìm mình trong dòng sông sám hối. Tiếng Giorđan trong ngôn ngữ Do thái có nghĩa là “người đi xuống”. Vì sông Giorđan quá thấp, thấp hơn mặt biển gần 400 mét. “người đi xuống” ấy không phải ai khác, chính là Con Chúa, Đức Giêsu Kitô. Người không chỉ xếp hàng chung với tội nhân, mà còn đồng hóa mình với tội nhân, để chết thay cho tội nhân. Chính nơi bờ sông, người ta mới có được sự yên tĩnh nghỉ ngơi, xa phố thị ồn ào. Nhìn dòng sông lững lờ trôi, lắng nghe dòng sông nhiều điều mách bảo.

Nếu Con Thiên Chúa đã chấp nhận hòa mình trong dòng người tội lỗi, có lẽ nào chúng ta lại dám nghĩ mình nhân đức thánh thiện hơn anh em.

Nếu Đấng Thánh vô cùng đã tự nguyện dìm mình xuống dòng sông sám hối, có lẽ nào chúng ta lại ngần ngại cúi mình lãnh nhận ơn tha thứ.

Lớp da cũ sau một lần tắm gội đã biến thành bùn đất. Con người cũ sau một lần đổi mới đã trở nên con người mới. Hãy ngẩng cao đầu đi giữa nhân sinh.


 

TN1-B13. CSTM/37- NGƯỜI CON CHÚA

 

Chúa nhật cuối cùng của Mùa Giáng sinh thường được dành để kỷ niệm việc Chúa Giêsu chịu phép: TN1-B13


Chúa nhật cuối cùng của Mùa Giáng sinh thường được dành để kỷ niệm việc Chúa Giêsu chịu phép rửa của thánh Gioan Tiền hô tại sông Giorđan. Đây cũng là một cuộc hiển linh của Thiên Chúa nói chung và của Chúa Giêsu nói riêng, vì trong biến cố này Thiên Chúa muốn loan báo và mạc khải cho mọi người biết về Thiên Chúa và một số chân lý khác.

Trước hết, mạc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là một lần mạc khải công khai có cả Ba Ngôi cùng hiện diện: Ngôi Cha chỉ xuất hiện qua tiếng nói: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Ngôi Con là Chúa Giêsu, Đấng nhận phép rửa, đang hiện diện cụ thể ở sông Giorđan. Ngôi Ba Thánh Thần, xuất hiện qua hình ảnh chim bồ câu.

Thứ hai, mạc khải Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa Cha đã xác nhận và giới thiệu điều này và kêu gọi mọi người hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu, hãy đến với Ngài để đón nhận nguồn hồng phúc vô biên của Thiên Chúa.

Thứ ba, mạc khải ý nghĩa và giá trị phép rửa của Chúa Giêsu. Chính thánh Gioan đã khẳng định điều này: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.

Xin chia sẻ một điều về ý nghĩa và giá trị cao quí của Bí tích Rửa tội. Chúng ta biết phép rửa của Gioan Tiền hô chỉ là một nghi thức tượng trưng, có mục đích nhắc nhở và thúc giục người ta ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Phép rửa này không có khả năng tẩy xóa tội lỗi, không có năng lực ban ơn thánh. Bởi vì phép rửa này không phải là một bí tích, đúng như thánh Gioan đã quả quyết, đồng thời Ngài cũng giới thiệu một phép rửa khác, phép rửa của Chúa Giêsu, là phép rửa bằng Thánh Thần, nghĩa là phép rửa của Chúa Giêsu là một bí tích thông ban Chúa Thánh Thần, mặc dầu cũng dùng tới nước, nhưng nước chỉ là điều kiện, là nghi thức bên ngoài, còn thực sự là được rửa bằng Thánh Thần, biến đổi con người tội lụy nên con Thiên Chúa, và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nước trời.

Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài. Chúng ta vào ðời khi ðýợc sinh và vào ðạo của Thiên Chúa khi ðýợc rửa tội. Trong nghi thức rửa tội chúng ta ðýợc dìm trong nước hoặc đổ nước trên đầu để chỉ việc tẩy rửa khỏi tội tổ tông và mọi tội riêng, được sinh lại làm con cái của Chúa và gia nhập vào Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội coi bí tích tửa tội như một cuộc tái sinh, người được rửa tội trở thành một con người mới. Họ thấy đâu là ơn gọi và định mệnh của con người, đâu là ý nghĩa của cuộc đời.

Có một cụ già, mãi tới khi 80 tuổi mới lãnh nhận phép rửa tội. Bắt đầu từ đó cụ sống một đời rất gương mẫu. Hai năm sau, cụ hấp hối. Có người muốn biết cụ bao nhiêu tuổi. Cụ dõng dạc trả lời: “Tôi mới có hai tuổi. Tám mươi năm trước khi rửa tội là những năm chết. Tôi mới bắt đầu sống thật khi tôi chịu phép rửa tội”. Thật là chí lý.

Bí tích Rửa tội quí trọng vô cùng, là cửa đưa chúng ta vào đoàn chiên của Chúa là Giáo Hội, vào hàng ngũ con cái Chúa, đồng thời từ đây chúng ta được gọi là Kitô hữu. Kitô hữu là người có Chúa Kitô. Mỗi Kitô hữu là một Đức Kitô thứ hai. Mỗi Kitô hữu là một nối dài của chính Đức Kitô. Đó là tước hiệu cao quí của chúng ta. Tước hiệu ấy không mua bằng tiền bạc. Tước hiệu ấy không chỉ sáng ngời trong những dịp lễ lạc, hội hè, mà phải luôn chiếu tỏa trong từng giây phút của cuộc sống.

Nhưng phải chăng nhiều người trong chúng ta đã là Kitô hữu một cách miễn cưỡng ? Đức tin chưa phải là niềm vui sống mà chỉ là một mớ những ràng buộc khiến chúng ta cảm thấy nặng nề, khó khăn ? Ngoài những ràng buộc của luân lý Kitô giáo và gánh nặng của những sinh hoạt đạo giáo, biết đâu nhãn hiệu Kitô hữu lại không là đầu mối của biết bao kỳ thị, thiệt thòi trong cuộc sống của chúng ta ? Chúa Kitô đã mang lại cho chúng ta cuộc sống mới của những người con Thiên Chúa, cho dầu cuộc sống ấy có thể tạo ra nhiều ràng buộc, có thể đòi hỏi nhiều hy sinh và chiến đấu, có thể gây nên những phiền toái, thua thiệt… nhưng đó là giá để chúng ta đạt được niềm vui đích thực trong cuộc đời làm con Chúa.

Đàng khác, chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và đã được trở thành con Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đã sống ơn cao quí này như thế nào ? Cha trên trời có hài lòng về chúng ta không ? Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha đã phán: “Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con”. Còn chúng ta thì sao ? Nếu như bây giờ, nhận định về chúng ta, Chúa Cha sẽ nói thế nào ? Chúa hài lòng hay Chúa phải buồn rầu, đau lòng và than phiền?

Chúng ta hãy nhớ: ơn cao trọng và cao quí nhất khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội là ơn được làm con Chúa. Vậy chúng ta phải luôn cố gắng sống xứng đáng là những người con mà Chúa hài lòng về chúng ta.


 

TN1-B14. PV/116- QUYẾT ĐỊNH

 

Nhiều người trải qua những giây phút mang tính cách quyết định trong cuộc đời. Họ tiến gần đến những: TN1-B14


Nhiều người trải qua những giây phút mang tính cách quyết định trong cuộc đời. Họ tiến gần đến những ngã tư đường, mà tại đó, họ đối diện với những chọn lựa khác nhau về cơ bản, mà sau đó, cuộc đời họ sẽ không bao giờ trở lại giống như trước nữa.

Có thể có lúc tâm trí con người được soi sáng. Nếu con người biết đáp ứng lại ân sủng đó, thì họ được cất nhắc lên khỏi chính mình, và bắt đầu đi trên một con đường mới. Nếu không biết đáp ứng lại ân sủng đó, thì cơ hội đó có thể mất đi mãi mãi. Shakespeare nói một câu tương tự như sau:

“Trong những vấn đề của con người, có một ngọn sóng xuất phát từ triều cường, đưa đến vận may; do bị bỏ qua, nên tất cả hành trình của cuộc đời họ đều bị ràng buộc vào những chỗ nông cạn và đau khổ”.

Giây phút quyết định này có thể xô đẩy trên con người, tựa như một tiếng sét bất ngờ. Điều này xảy đến cho một người dân ở Dublin, tên là Matt Talbot. Anh rất đam mê uống rượu. Ngày kia, anh đang đứng bên ngoài quán rượu, van xin những người mà anh cho là bạn bè của anh, để được uống rượu. Nhưng họ bỏ đi. Đột nhiên, anh sáng mắt ra. Anh nhận thấy rằng anh đã tự hủy hoại cuộc đời mình, và anh quyết định bỏ uống rượu, và nhờ ơn Chúa giúp, anh còn nỗ lực nên thánh nữa.

Hoặc giây phút quyết định này có thể đến với con người một cách từ từ, như đã xẩy ra với mẹ Têrêsa. Mẹ đã từng làm việc từ thiện trong một trường dòng ở Calcutta. Nhưng trong thời gian đó, càng ngày mẹ càng cảm thấy áy náy trước sự kiện những người nghèo khổ không được ai quan tâm chăm sóc, nằm lăn lóc trên vệ đường ngay bên ngoài bức tường nhà dòng. Một ngày kia, mẹ rời khỏi nhà dòng, và đến làm việc giữa những người nghèo khổ. Tên của mẹ đã trở thành một tấm gương điển hình về lòng tận tụy đối với những người bị bỏ rơi.

Đức Giêsu cũng biết đến những giây phút đó trong cuộc đời của Người. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ ra cho chúng ta một trong những giây phút quyết định đó – sự kiện Người được thánh Gioan tẩy giả làm phép rửa trên sông Giorđan. Đây là một điểm xoay chuyển trong cuộc đời của Người.

Trước khi diễn ra sự kiện này, Người đã sống một cuộc sống rất âm thầm và an toàn trong một ngôi làng thợ mộc ở Nadarét. Nhưng trong suốt thời gian đó, Người đã được nghe thấy một tiếng gọi đến với một công việc nào đó quan trọng hơn. Thế rồi một người anh em họ của Đức Giêsu là Gioan bắt đầu công cuộc rao giảng và làm phép rửa cho mọi người. Đột nhiên, Đức Giêsu từ bỏ lối sống cũ của Người, và chọn lựa  một lối sống mới – lối sống của một thày giảng dạy về mặt thiêng liêng, và chữa lành bệnh cho các anh chị em của Người.

Kể từ giây phút đó, cuộc đời của Người sẽ không bao giờ như trước nữa. Người đã tự phát hiện ra chính bản thân và ơn gọi thực sự của Người. Tất cả những phẩm chất còn ẩn giấu của Người về sự quan tâm chăm sóc và đầy yêu thương, được phát triển âm thầm tựa như hạt lúa mì trong một cánh đồng, thì nay đã tự tỏ hiện ra, và diễn tả đầy đủ.

Hầu hết chúng ta đều đã từng biết đến những giây phút chứng thực cho những thời điểm mang tính cách quyết định trong cuộc đời của chúng ta. Tuy nhiên, có thể chiều hướng của cuộc đời chúng ta không phải là kết quả của một số quyết định, nhưng là của hàng loạt những quyết định nhỏ bé. Thỉnh thoảng, chúng ta cần phải nhìn vào chiều hướng cuộc sống của mình. Nếu không hài lòng với các sự việc đang diễn tiến, thì chúng ta nên thử thay đổi. Có lẽ chúng ta đang đi vào lối sống xáo mòn. Trong trường hợp đó, chúng ta nên cố gắng thoát ra khỏi lối sống đó.

Trong lúc lãnh nhận phép rửa tội, chúng ta chỉ ra một hướng sống đặc biệt. Thiên Chúa muốn chúng ta được sống, và sống dồi dào (Bài đọc 1). Nơi phép rửa tội, chúng ta được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, chúng ta trở thành những môn đệ của Đức Giêsu. Chúng ta được kêu gọi chiến đấu chống lại sự dữ, và sống yêu thương nhau (Bài đọc 2).

Vấn đề cuối cùng đối với người Kitô hữu là: Liệu tôi có thực sự sống theo phương hướng mà tôi đã được chỉ cho thấy, trong ngày lãnh nhận phép rửa tội không ?


 

TN1-B15. PV/119- TRƯỞNG THÀNH

 

Hầu như những bông hoa ở dãy núi Alpes luôn bừng nở ngay khi đụng chạm vào tia nắng mùa xuân: TN1-B15


Hầu như những bông hoa ở dãy núi Alpes luôn bừng nở ngay khi đụng chạm vào tia nắng mùa xuân. Chúng có khả năng đáp ứng rất nhanh chóng, bởi vì chúng vẫn đang âm thầm phát triển dưới lớp vỏ đầy tuyết của trái đất, và đang chờ đợi được mở cánh cửa để bung ra. Chúng chín mùi đối với tiếng gọi của mùa xuân, chín mùi để phát triển và bừng nở.

Đức Giêsu đã sống 30 năm tại Nadarét. Tại sao Người chờ đợi quá lâu như vậy ? Phải chăng Người chỉ lãng phí cuộc đời của mình một cách vô ích ? Không gì có thể vượt qua sự thật được. Ơn gọi đòi hỏi một thời kỳ huấn luyện và đào tạo. Những sự việc sâu xa đã trải qua hình thành nên nhân cách của một người, đó là những sự kiện tạo nên tính cách của người đó. Con người phải sẵn sàng trải qua một thời gian học hỏi.

Trước hết, Đức Giêsu đã sống một cuộc sống thật sự và đích thực. Người bắt đầu bằng cách làm, trước khi Người khởi sự đi rao giảng cho người khác. Người phải đảm bảo sao cho khu vườn của riêng mình bừng nở, trước khi chỉ cho người khác cách thức chăm sóc khu vườn của họ.

Trong suốt 30 năm sống tại Nadarét, Đức Giêsu đã âm thầm phát triển trong sự khôn ngoan và ân sủng. Người ta đã hình dung về Đức Giêsu như một người con trai tử tế, mang một nét gì đó khác biệt, và ngoài ra nơi Người, có một vẻ thường xuyên chăm chú. 30 năm là một thời gian dài. Tuy nhiên, nên có một thời gian chuẩn bị tương đối dài, thì tốt hơn là bắt đầu trước khi sẵn sàng. Trong suốt những năm tháng âm thầm đó, Đức Giêsu đã phát triển đến mức độ chín mùi.

Khi cuối cùng tiếng gọi đến, không có gì xa lạ đối với Người nữa. Tiếng gọi này luôn luôn ở trong Người, nhưng Người không thể vội vàng được. Người không thể thực hiện theo tiếng gọi đó sớm hơn. Tương lai phải đi vào trong con người chúng ta, trước khi điều đó xảy ra. “Khi vận mệnh đến với một người từ bên trong, từ nơi sâu thẳm nhất trong nội tâm người đó, thì vận mệnh này làm cho họ trở nên mạnh mẻ, biến họ thành thượng đế” (Hermann Hesse).

Đó là tiếng gọi phục vụ những anh chị em của Người. Đức Giêsu đã chín mùi đối với tiếng gọi này. Và thời điểm cũng chín mùi. Khi thánh Gioan bắt đầu một phong trào hoán cải, trở về với Thiên Chúa, thì một ngọn sóng đang tuôn trào.

Chúng ta cũng cần được làm cho chín mùi. Khi không chín mùi, thì người ta không có khả năng đáp ứng một cách đúng đắn được. Khi đưa đến cho ai điều gì, trước khi người đó được chuẩn bị để đón nhận điều này, thì chỉ là sự lãng phí. Chúng ta phải chờ đợi yếu tố tự nhiên.

Chúng ta học hỏi được sự kiên nhẫn từ nơi thiên nhiên. Thiên nhiên có thời điểm của nó. Chúng ta nhận thấy sự đâm chồi ở các loại củ diễn ra từ từ. Quả nào thiếu mất một giai đoạn trong quá trình phát triển của nó, thì không bao giờ đạt được sự phát triển.

Chúng ta cũng được mời gọi phát triển trong sự khôn ngoan và ân sủng. Đức Giêsu phải mất 30 năm mới tiến đến sự trưởng thành và đạt được sự khôn ngoan. Chúng ta sẽ mất suốt cả cuộc đời để phát triển, trưởng thành, và chín mùi trong tư cách là những con cái của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sự kiên nhẫn và sức mạnh, để nuôi dưỡng những hạt mầm mà Người đã gieo nơi chúng ta trong ngày sinh nhật thiêng liêng của chúng ta – ngày lãnh nhận phép rửa tội – cho đến khi chín mùi.


 

TN1-B16. PV / 121- ĐỒNG HÓA

 

Mahatma Gandhi không phải là một Kitô hữu, tuy nhiên, ông vẫn là một trong những người giống Đức: TN1-B16


Mahatma Gandhi không phải là một Kitô hữu, tuy nhiên, ông vẫn là một trong những người giống Đức Kitô nhất trong thế kỷ này. Albert Einstein đã nói về ông “Các thế hệ sắp tới sẽ nhận thấy thật khó tin rằng một con người giống như ông, mà lại đã từng sống trên trái đất này”.

Gandhi là một người đối lập đáng tin cậy của chế độ đẳng cấp trái với đạo lý ở An độ. Ông ám chỉ điều đó như là “một vết nhơ trong linh hồn của An độ”. Ông đặc biệt ghê tởm cách đối xử ban phát đối với những kẻ tiện dân – những người không thuộc về đẳng cấp nào cả. Họ bị ngăn cản không được vào các đền thờ. Trong các thành phố và tỉnh lỵ, họ bị giam hãm trong những khu nhà lụp sụp, và chỉ được phép làm những công việc lao động hèn mọn nhất. Họ bị cấm sử dụng những nguồn suối trên toàn đất nước.

Trong cuộc hành trình đi khắp đó đây, Gandhi được dân chúng đón tiếp nồng nhiệt. Khi ông đi vào một ngôi làng, vị tộc trưởng của ngôi làng đó sẽ mời ông ở lại đêm tại nhà ông ta, tại đó, chắc chắn ông được mời tắm rửa, ăn uống và có chỗ ngủ đêm tươm tất. Nhưng Gandhi lịch sự từ chối những thứ người ta dành riêng cho mình. Ông hỏi “Những kẻ tiện dân của các bạn đâu ? Tôi sẽ ở lại với họ”. Và ông đã làm như vậy, mặc dù hành động của ông gây sốc cho những vị tộc trưởng của ngôi làng.

Gandhi ở giữa những kẻ tiện dân, trong các túp lều ở khu vực ngoại ô của ngôi làng. Và họ đã mở rộng vòng tay đón tiếp ông. Ông tiếp xúc với họ, ăn uống với họ, và chơi đùa với con cái của họ. Một lần kia, ông nói “Tôi không có ước mong được sinh lại lần nữa. Nhưng nếu điều đó xảy ra, thì tôi mong muốn lại được sinh ra giữa những kẻ tiện dân, để tôi có thể thành công trong việc giải thoát họ và bản thân tôi, khỏi tình trạng khốn khổ”.

Gandhi đã ra khỏi lối sống của mình, để hòa đồng với những kẻ tiện dân. Khi Đức Giêsu xếp hàng sau những người tội lỗi, trong khi chờ đợi được chịu phép rửa của thánh Gioan, đó là một hành động hòa đồng phi thường. Người đã hòa đồng với loại người mà Người đến để giải thoát, nghĩa là những kẻ tội lỗi. Không chỉ những kẻ tội lỗi, mà còn những người nghèo khổ, bị áp bức, mà vào thời đó, tạo thành đa số dân cư đang sống đầy rẫy ở Palestine. Thật vậy, Người nói với họ “Ta đứng về phía anh chị em”.

Điều mà Đức Giêsu làm trong ngày đó đã được coi như một mẫu thức cho sứ vụ công khai của Người. Người không tự giữ mình tách lìa khỏi những kẻ tội lỗi. Người không chờ đợi họ đến với mình. Người tìm kiếm họ, và trở nên bạn bè đối với họ.

Đức Giêsu không đứng sang một bên, hoặc tự đặt mình ở trên những kẻ tội lỗi mà Người đến để giải thoát. Người đã tự đứng giữa họ. Người đi cùng với họ đến nơi nào họ sống. Thậm chí Người còn bị tố cáo là một kẻ tội lỗi, và đã bị đối xử như một kẻ tội lỗi.

Động cơ thúc đẩy Người hành động chính là lòng thương xót. Người là một tôi tớ mà Thiên Chúa gửi đến để đem Tin Mừng cho kẻ nghèo khổ. Và Thiên Chúa rất hài lòng về Người, và về sứ vụ mà Người đang bận rộn tiến hành. Bằng cách thế của Người, Đức Giêsu chỉ ra cho chúng ta tình yêu của người đối với chúng ta.
Mặc dù hoàn toàn không phạm tội, nhưng Đức Giêsu đã mang trên thân mình Người tình trạng tội lỗi của chúng ta. Người không đứng cách biệt khỏi chúng ta, nhưng tự đặt mình bên cạnh chúng ta, với tư cách là một người anh cả. Người muốn dẫn đưa chúng ta ra khỏi tình trạng khốn khổ của tội lỗi và sự chết nơi chúng ta. Người mong muốn chúng ta có được sự sống ở đời này và đời sau.


 

TN1-B17. Thần Khí Ngự Xuống

Suy Niệm

Có ai ngờ được trong số những người xếp hàng chờ đến phiên mình được chịu phép rửa của Gioan: TN1-B17


Có ai ngờ được trong số những người xếp hàng chờ đến phiên mình được chịu phép rửa của Gioan lại có Đức Giêsu, Đấng thánh thiện và cao cả, Đấng mà Gioan tự nhận không đáng cởi giày cho Ngài?

Tại sao Đức Giêsu lại chịu phép rửa của Gioan? Ngài có phạm tội và cần xưng thú không? (Mc 1, 5) Ngài có cần sám hối để được ơn tha thứ không? Chúng ta tin Đức Giêsu là Đấng hoàn toàn vô tội, nên việc Ngài chịu phép rửa hẳn phải có một ý nghĩa.

Khi chiêm ngắm Đức Giêsu xếp hàng chung với tội nhân, chúng ta hiểu được thế nào là liên đới với người khác.

Đức Giêsu đứng chìm trong đám đông. Con Thiên Chúa làm người đã không ngại che khuất sự cao sang thánh thiện của bản thân để dìm mình xuống cùng một dòng nước với họ. Đấng Cứu Độ lại sống như người cần được cứu độ. Ngài muốn đi xuống tận đáy vực thẳm của chúng ta để nâng chúng ta lên với Ngài. Chỉ tình yêu mới giúp ta hiểu được mầu nhiệm nơi dòng sông Giođan hôm ấy.

Ngôi Lời làm người chính là để liên đới với loài người. Ngài đã liên đới với người nghèo ở Bêlem, với những người lao động ở Nadarét. Liên đới khi chịu phép rửa chỉ là khúc dạo đầu cho sứ vụ tông đồ sau này. Ngài đã bị mang tiếng là tay ăn nhậu, bồ bịch với quân thu thuế và tội lỗi (Lc 7,34). Cuối cùng Ngài đã chết như một tử tội giữa hai tên trộm cướp.

Thánh Phaolô đã viết một câu thật kinh khủng: “Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã làm cho Ngài thành tội vì chúng ta.”

Liên đới với những người sống ngoài lề xã hội và tôn giáo chính là để đưa họ vào thế giới nồng nàn tình yêu, thế giới của con người và thế giới của Thiên Chúa.

Trong môi trường chúng ta đang sống, chỗ nào cũng có những người bị bỏ rơi vì thiếu may mắn, vì bị chà đạp hay bị ngã sa. Liên đới là đứng chung với họ, chia sẻ một số phận. Liên đới cũng là nói thay cho người khác tiếng nói của lẽ phải, sự thật và công bình. Cần nhiều khiêm tốn và can đảm để dám sống và chết vì liên đới như Đức Giêsu.

Sau phép rửa, Đức Giêsu được Thánh Thần ngự xuống. Ngài biết đã đến lúc mình được Cha sai đi vào đời, kết thúc hơn ba mươi năm âm thầm ở Nadarét.

Nhờ phép rửa trong Ba Ngôi, chúng ta đã trở nên con cái dấu yêu của Thiên Chúa, nhưng chúng ta có ý thức về ơn gọi lên đường không?

Gợi Ý Chia Sẻ

Để sống liên đới với những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị kỳ thị, theo ý bạn, điều đó có khó không? Bạn có kinh nghiệm nào trong việc bênh vực một người cô thế?

Đức Giêsu đã khiêm tốn dìm mình trong sông Giođan trước khi đi rao giảng Nước Thiên Chúa. Theo ý bạn, chúng ta có cần dìm mình trong dòng truyền thống dân tộc trước khi đi truyền giáo không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép rửa. Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.


 

TN1-B18. Lễ Đức Giêsu chịu Phép Rửa – JKN


Câu hỏi gợi ý:

 

Câu nói của Gio-an Tẩy giả trong bài Tin Mừng cho thấy ông là người thế nào? Có thể rút ra bài học gì: TN1-B18


1.      Câu nói của Gio-an Tẩy giả trong bài Tin Mừng cho thấy ông là người thế nào? Có thể rút ra bài học gì cho những người loan báo hay rao giảng Đức Giê-su? Nếu không sống tinh thần tự hủy, thì việc loan báo hay rao giảng cuối cùng nhằm ích lợi cho ai?

2.      Muốn con người thánh ở trong ta lớn lên và làm chủ, thì con người phàm phải làm gì? Hai con người ấy có thể cùng lớn lên không?

Suy tư gợi ý:

1.      Tinh thần tự hủy của người rao giảng Đức Giê-su

Trong bài Tin Mừng, ta thấy có hai nhân vật chính: Gio-an Tẩy giả và Đức Giê-su. Trong hai người, Gio-an Tẩy giả là người phàm, đến trước để loan báo; còn Đức Giê-su là Thiên Chúa, là con người thần linh, đến sau để giải phóng nhân loại. Như thế ta thấy: người phàm đến trước loan báo cho con người thần linh đến sau.

Để chu toàn nhiệm vụ loan báo, Gio-an Tẩy giả phải thực hiện tinh thần tự hủy hoàn toàn, nghĩa là hoàn toàn xóa mình đi, coi mình không là gì cả, có như thế vai trò của người mình loan báo mới được nổi bật lên: «Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người»; «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30).

Người loan báo hay rao giảng được kêu gọi và lên tiếng không phải vì mình, nhưng vì Đấng mà mình loan báo hay rao giảng. Vì thế, muốn loan báo hay rao giảng thật sự đúng nghĩa, chúng ta cần phải sống tinh thần tự hủy, tự xóa mình khi thực hiện công việc này. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta dễ bị cám dỗ coi việc loan báo hay rao giảng Tin Mừng như một phương tiện để làm cho mình nổi bật lên, được mọi người ca tụng là mình đạo đức, viết hay, giảng hay. Tới một lúc nào đó, chúng ta bắt đầu có khuynh hướng vì mình nhiều hơn vì Chúa. Lúc ấy, một cách nào đó, ta biến Chúa trở thành người loan báo cho ta, làm ta nổi bật lên.

Có thể ban đầu ta hoàn toàn vì Chúa, nhờ đó ta rao giảng về Ngài rất hay, mọi người ca tụng ta là người đạo đức, là «có lửa». Từ khi có danh thơm tiếng tốt ấy, ta bắt đầu bị cám dỗ bảo vệ danh tiếng ấy, và làm cho danh tiếng ấy ngày càng mạnh lên. Danh tiếng ấy có thể giúp ta dễ «thăng quan tiến chức» trong Giáo Hội hay ngoài xã hội. Ta bắt đầu ngày càng trở nên «vì mình» hơn và bớt «vì Chúa» đi. Dần dần ta trở nên kẻ háo danh lúc nào không hay. Từ háo danh đến ham quyền, từ ham quyền đến cố vị chỉ là những bước rất ngắn. Một khi đã ham quyền cố vị rồi, ta dễ dàng bị cám dỗ làm những điều tán tận lương tâm. Vì quyền bính là một con dao hai lưỡi, tuy cần thiết để phục vụ đại chúng, nhưng lại có khả năng tha hóa rất mạnh. Vì thế, những người loan báo hay rao giảng Tin Mừng - nhất là những người đã thành công trong lãnh vực này và đang nắm những địa vị quan trọng trong Giáo Hội hay xã hội - rất cần tinh thần phản tỉnh để luôn luôn tỉnh táo đối với chính mình: «Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn» (Mt 26,41; Mc 14,38). Thực tế cho thấy nhiều người khi chưa nắm quyền bính thì tinh thần phục vụ rất cao, nhưng khi đã nắm được quyền bính thì trở nên khác hẳn. Nhiều anh hùng dân tộc, nhiều chức sắc tôn giáo đã bị tha hóa vì quyền lực.

2.      Phàm nhân và thánh nhân trong mỗi người

Bài Tin Mừng hôm nay còn có thể hiểu theo một chiều kích khác rất sâu xa: chiều kích tâm linh. Trong đó, Gio-an Tẩy giả và Đức Giê-su tượng trưng cho hai khía cạnh trong cùng một con người: Gio-an Tẩy giả tượng trưng cho con người phàm của ta, và Đức Giê-su tượng trưng cho con người thánh, con người thần linh, siêu phàm ở trong ta. Chính con người thần linh này trong mỗi người là yếu tố cốt yếu khiến con người là «hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26-27; 9,6), «giống như Thiên Chúa» (St 1,26b). Đó là chính bản tính Thiên Chúa của Ngài được thông ban cho chúng ta: «Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1,4). Chính nhờ có bản tính thần linh thánh thiện này trong bản thân mà Đức Giê-su mới có thể mời gọi ta nên thánh: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48).

Giữa con người với con chó, khoảng cách hữu thể tuy không xa, vì cùng là tạo vật, nhưng con chó không bao giờ có thể trở thành người như con người dù có cố gắng luyện tập đến đâu, vì trong con chó không có bản tính con người. Còn giữa con người với Thiên Chúa tuy là một khoảng cách vô tận, nhưng con người có thể nên hoàn thiện, nên thánh như chính Thiên Chúa, vì trong con người đã có sẵn bản tính Thiên Chúa mà Ngài thông truyền cho. Nếu bản thân con người không có bản tính Thiên Chúa thì lời Đức Giê-su mời gọi con người nên hoàn thiện như Thiên Chúa là tuyệt đối bất khả thi, và câu nói đó trở thành vô nghĩa.

Tuy nhiên, sống hoàn thiện như Thiên Chúa không phải dễ, vì bên cạnh con người thánh ấy luôn luôn có một con người phàm. Một danh nhân nào đó nói: «Trong lòng mỗi người, vừa có một vị thánh vừa có một con thú». Thật vậy, có những lúc ta suy nghĩ và hành động như một vị thánh, nhưng cũng có rất nhiều lúc ta lại hành động như một con thú. Và dường như vị thánh và con thú trong bản thân ta phải luôn luôn tranh đấu với nhau để dành thắng thế hầu làm chủ bản thân ta. Có người thì vị thánh thường thắng thế và làm chủ, còn lắm người thì bị con thú thường khống chế toàn bộ con người. Thánh Kinh có nói đến tình trạng trái ngược giữa hai con người này: «Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn» (Gl 5,17); «Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí» (Rm 8,5). Kết quả của hai cách sống đối nghịch ấy là: «Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống» (Rm 8,13)

a)      Con người phàm thì sống theo xác thịt:

Bản chất của con người phàm là chỉ biết sống cho mình, sống ích kỷ, có khuynh hướng «phình to bản ngã». Vì thế, chỉ quan tâm tới những tham vọng hay lợi lộc ích kỷ của mình, tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, muốn mọi người phải phục vụ mình, luôn luôn coi ý riêng của mình là quan trọng, thích lèo lái mọi người theo ý riêng của mình… Kinh Thánh nói về tính cách của phàm nhân: «Những kẻ sống theo xác phàm thì hay mơ ước những gì xác phàm đòi hỏi» (Rm 8,5); «Họ khoe mình khôn sáng nhưng đã nên điên dại» (Rm 1,22); «Ý tưởng họ hóa ra tối tăm, vì họ lìa xa sự sống Chúa Trời» (Ep 4,18); «Lòng trí họ miên man theo điều phù phiếm, họ ngu muội đắm chìm trong bóng tối tăm» (Rm 1,21).

b)      Con người thánh sống theo Thần Khí:

Con người thánh là con người sống vị tha, sống theo Thần Khí, theo sự hướng dẫn của lẽ phải, của chân lý, công lý và tình thương. Hành động không bị chi phối bởi những động lực vị kỷ, dục vọng, ý muốn riêng tư, mà bởi tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Khi không còn sống cho bản thân mình nữa, con người thánh trở nên có nhiều sức mạnh tinh thần, luôn khôn ngoan, sáng suốt, can đảm, tâm hồn luôn bình an hạnh phúc, thứ bình an hạnh phúc nội tâm không ai ban được mà cũng không ai lấy mất được, ngoại cảnh không còn làm họ làm đảo điên, đau khổ nữa.

3.      Phàm nhân có nhỏ lại thì thần nhân mới lớn lên được

Nơi mỗi con người, phàm nhân được khám phá và ý thức trước tiên. Dần dần con người khám phá ra một tiếng nói, một khuynh hướng, một lực lượng thầm kín - nhiều khi rất mạnh mẽ - lôi kéo mình lên khỏi những ích kỷ cá nhân của phàm ngã. Đó là thần ngã hay con người thánh. Vấn đề là làm sao để thần ngã này lớn lên? Bài Tin Mừng cho ta một bí quyết: Gio-an Tẩy giả - tượng trưng cho phàm ngã - để tự hạ, tự hủy để làm cho Đức Giê-su - tượng trưng cho thần ngã - nổi bật lên. Chỗ khác Gio-an nói: «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30).

Phàm nhân lúc nào cũng muốn được nổi bật, được phình to lên, nhưng nếu ta chiều theo phàm ngã, thì phàm ngã sẽ lớn mạnh và lấn át thần ngã, làm thần ngã trở nên yếu ớt. Nhưng nếu ta sống tinh thần tự hủy, làm phàm ngã nhỏ lại, thì tự nhiên thần ngã sẽ lớn và mạnh lên. Hai lực lượng ấy luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau: lực này lớn thì lực kia nhỏ lại, lực này yếu thì lực kia mạnh lên. Vì thế, muốn thần ngã lớn lên, thì phải làm cho phàm ngã nhỏ đi. Không gì làm phàm ngã nhỏ đi bằng sống tinh thần tự hủy, tự xóa mình: coi mình chẳng là gì cả, như một người nhỏ bé không có gì là quan trọng, không cố ý làm gì để lôi kéo sự chú ý của người khác. Nhất là không bao giờ đòi hỏi ý riêng của mình phải được thực hiện, mà trái lại sẵn sàng thực hiện thánh ý Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin hãy biến cải con thành một con người mới, con người sống theo Thần Khí chứ không theo những đòi hỏi của phàm ngã. Nhờ đó bản tính thần linh mà Cha đã gieo mầm vào trong bản thân con nẩy mầm và phát triển. Và hy vọng một ngày kia Cha có thể nói với con như xưa Cha đã nói với Đức Giê-su: «Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con». Xin giúp con đạt được điều ấy. 


 

TN1-B19. Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, B


Mc 1,7-11

 

Nhà văn Antoine de Saint Exupéry có viết một câu thế này: “Và bây giờ là bí mật của tôi một bí: TN1-B19


Nhà văn Antoine de Saint Exupéry có viết một câu thế này: “Và bây giờ là bí mật của tôi một bí mật rất đơn giản; chỉ bằng con tim mà người ta có thể nhìn thấy một cách đúng đắn điều cần thấy mà mắt không nhìn thấy được” (Anh now here is my secret, a very simple Secret; it is only which the heart that one can see rightly, what is essential is invisible to the Eye).

Vâng, điều ấy hôm nay thực hiện nơi con người của Chúa Giêsu, Đấng cứu thế, đang xếp hàng giữa giòng người tội lỗi, để chờ đến lượt mình được Gioan Tẩy Giả dìm vào giòng nước sông Hoà Giang, chịu phép rửa thống hối. Đây là sự kiện quan trọng khai mạc sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và là một yếu tố trong cuộc cứu chuộc của Ngài.

Điều mắt con người không nhận Ngài dù rằng Ngài đang sống ở giữa họ, chỉ có con tim nhạy cảm, con tim mở rộng, con người mới có thể nhận ra Chúa Giêsu...

Chúa Giêsu xin Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa cho mình

Khi xin Gioan Tẩy Giả làm phép Rửa cho mình, Chúa Giêsu muốn làm gương cho mọi người thấy rằng mọi người đều phải thống hối, vì con người là loài thụ tạo, con người yếu hèn, tội lỗi, nếu không sám hối ăn năn, con người sẽ không nhận lãnh được ơn cứu độ, con người không lãnh nhận được hồng ân của Chúa.

Phép Rửa của Gioan chỉ là một dấu chỉ, một khởi điểm, chỉ là một bước đầu tiên trong một cuộc hành trình đức tin, một cuộc hành trình xem ra thật gây go, nếu không có Chúa Thánh Thần trợ giúp, hướng dẩn và dắt đi. Phép Rửa của Gioan chỉ cho thấy dân chúng đang muốn bắt đầu bằng một cuộc sống mới, một cuộc đổi đời, một cuộc thay rễ tận gốc, tận căn. Gioan Tẩy Giả đã soi dẫn cho ta hay: “Ông rửa bằng nước để giúp mọi người thấy thiện chí của họ là thống hối ăn năn để chuẩn bị cho phép Rửa thứ hai là Thánh Thần và lửa mà Chúa sẽ đem đến cho nhân loại” (Mt 3,11).

Gioan cho hay thời cũ, thời chuẩn bị, thời dọn đàng đã chấm dứt, một thời mới đang xuất hiện với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu làm phép Rửa tái sinh trong Chúa Thánh Thần. Ngài nói với các môn đệ trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp mút cùng trái đất, rao giảng cho họ về Nước Trời. Hãy Rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28.19). Lãnh nhận phép Rửa của Chúa Giêsu, con người được tham dự vào đời sống Thần Linh của Người. Chính hôm nay, bên giòng sông Giorđan, Chúa Giêsu đã chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa.

Tôi muốn đan cử một hình ảnh tôi mới đọc được ở một câu chuyện nói về cái cốt lõi của con người, nói về con người thực của mỗi người, con người thực cứu thế của Chúa Giêsu: “số là bên Miến Điện, có nhiều bức tượng Phật bằng vàng ròng, vì sợ ngoại xâm ăn cắp, chiếm lấy đồ gia sản quí giá, có vị sư đã lấy một lớp đất sét trét lên các bức tượng ấy để dấu đi cái cốt lõi thật của các bức tượng... nhưng dưới cái lớp vỏ đất sét ấy là cả một khối vàng ròng quí giá”.

Chúa Giêsu lúc đó và ngay cả bây giờ có rất nhiều người đã không nhận ra Người dù rằng Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và qua phép Rửa của Gioan, chính Thiên Chúa đã xác nhận Ngài qua những sự kiện siêu phàm: trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống và có tiếng pháp từ trời “Đây là con Ta yêu dấu”. Bầu trời mở ra là dấu Thiên Chúa nhậm lời như lời ngôn sứ Isaia: “Xin Chúa hãy mở toang bầu trời ra và hãy mau xuống cứu dân của Người “ (Is 64,1). Thần khí gợi cho ta về ngày tạo dựng vũ trụ “Thần khí Thiên Chúa bay là là trên nước đem sinh khí và sự sống, mang lại một thế giới mới, thời đại mới. Thiên Chúa Cha xác nhận: “Đây là Con Ta yêu dấu”.

Chúa Giêsu là Ađam mới đối nghịch với Ađam cũ đem lại cái chết cho nhân loại. Phép Rửa của Chúa Giêsu là phép Rửa diễn ra trong Thánh Thần và quyền năng, phép Rửa mạc khải ơn cứu chuộc, mở ra một kỷ nguyên, một thời đại mới: Chúa là Ađam mới, đem lại sự sống trường sinh cho con người. Và, dưới cái nhìn bình thường, với con mắt phàm của con người, nhân loại không nhận ra Đấng cứu thế là Chúa Giêsu đang khai mở một kỷ nguyêm mới, một thời đại hồng ân, cứu chuộc. Dưới lớp vỏ cứng nhắc, dưới lớp đất sét cứng đơ, người ta phát hiện ra cốt lõi của các bức tượng là vàng ròng quí hiếm. Dưới con mắt đức tin, chúng ta nhận ra Đấng đang chịu hòa mình với những tội nhân bên giòng sông Hoà Giang lại là Đấng cứu thế, đó mới chính là con người thật của Chúa Giêsu ...

Vẫn là một phép Rửa...

Mỗi người Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích rửa tội là được tháp nhập với Đức Kitô, Ađam mới, Đấng tới mang ơn cứu độ cho mọi người. Lãnh nhận bí tích rửa tội, người Kitô hữu được dính liền vào thân nho: “Thầy là cây nho, chúng con là nhành...” Người Kitô hữu trở thành cộng tác viên đắc lực để xây dựng trời mới, đất mới, xây dựng thời hoà bình, trật tự mới. Như Chúa Giêsu, khi ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội: trời cũng mở ra, Thánh Thần cũng xuống trên ta và Thiên Chúa Cha cũng tuyên phán với mỗi người chúng ta: “Đây là con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra con” (Tv 2,7).

Quả thực, chúng ta sau cái vỏ bề ngoài cứng đơ, khó lột là con người thật của ta, người thật với con tim, với cõi lòng đã được đổi mới, cải hóa, con người thật của ta là cả khối vàng ròng quí giá vì ta đã được biến đổi thực sự qua bí tích Rữa tội bằng Thần khí và lửa. Như tấm đá cẩm thạch, ta được gọt giũa, tỉa bớt và tạc uấn sao cho càng ngày càng giống Chúa Kitô. Đó là con người thật của chúng ta, là bản chất tự nhiên và là thụ tạo mới của chúng ta nhờ bí tích Rửa tội.

Xem ra, nhiều khi ta quên đi rằng con người của ta đã được tái sinh qua cái chết và phục sinh của Chúa vì dưới cái vỏ bề ngoài, ta còn chứa đựng một chiều sâu thăm thẳm, một bề dầy giá trị vì cốt lõi của ta là sự xả kỷ, dấn thân phục vụ, xây dựng thế giới mới, trật tự mới. Ta hãy nhớ lại lời thánh Phaolô đã nói: “Ai tin theo Chúa Kitô thì phải đóng đinh xác thịt mình vào thập giá với Chúa Kitô”. Nơi khác thánh Phaolô nói: “Hết thảy chúng ta đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì chính trong sự chết của Ngài mà ta được thanh tẩy. Vậy, nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới. Vì nếu ta đã nên đồng hình với sự chết của Ngài, thì ta cũng được đồng dạng với sự sống lại của Ngài.” (Rm 6,3-5).

Và thánh Phaolô kết luận: “Sự sống đích thực của anh em là Đức Kitô và khi Ngài xuất hiện ra thì anh em cũng được xuất hiện với Ngài để chia sẻ vinh quang của Ngài” (Cl 3,1-4). Thánh công đồng Vaticanô trong hiến chế Phụng vụ số 6, có nói: “Nhờ phép Rửa, con người được tháp nhập vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô: cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại với Đức Kitô”.

Là Kitô hữu, tất cả chúng ta đều mang một chiều sâu, một cốt lõi là Đức Kitô đang sống trong ta: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi.”. Đó là con người thật của ta nhờ bí tích Thánh tẩy.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa vô tội nhưng đã đích thân nhân hoàn mình vào đoàn người tội lỗi để làm gương cho mọi người sám hối, ăn năn. Xin cho chúng con luôn sẵn sàng chấp nhận mọi nghịch cảnh để làm chứng cho Chúa chịu chết và phục sinh.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn cứu độ mọi người không loại trừ một ai. Xin cho chúng con có cái nhìn bao dung của Chúa để chúng con luôn biết thứ tha hơn là kết án.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết rao giảng bằng gương sáng cuộc đời và bằng lời Chúa khi thuận tiện để nhiều người quay trở về và lãnh nhận phép Rửa.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT   


 

TN1-B20. NHẬN BIẾT MÌNH


Mc 1,7-11

 

Nhận biết mình là người can đảm dễ thương đối với Thiên Chúa. Nhờ nhận biết mình chúng ta mới: TN1-B20


Nhận biết mình là người can đảm dễ thương đối với Thiên Chúa. Nhờ nhận biết mình chúng ta mới biết sự cao trọng của Đấng tạo dựng nên ta, đồng thời chúng ta sẽ vun trồng cho thân phận yếu hèn của mình.

Quả thực sự hiện hữu của ta thật nhỏ bé. Trước khi chào đời, chẳng ai bận tâm tới tôi. Sau khi tôi trở về bụi đất, thế giới vẫn nguyên hình tốt đẹp. Các nhà khoa học phân tích thân thể con người trong phòng thí nghiệm đã cho kết quả rằng thân xác ta chỉ là một số hợp chất hữu cơ và vô cơ. Chất sắt trong tôi chỉ làm được ba chiếc đinh năm phân. Chất vôi đủ để quét một bức tường của căn phòng nhỏ. Chất Potasse làm được một cục xà bông. Chất lưu huỳnh làm được một hộp quẹt.

Còn linh hồn tôi khi mới được dựng nên đã phải chịu án phạt bởi tội nguyên tổ cùng chịu gánh nặng đam mê đầy phức tạp. Dù tôi có cố gắng tránh né nhiều cạm bẫy của sa tan nhưng tôi vẫn luôn vương vấn tội lỗi.

Câu chuyện về người nước Áo có một truyền thống lạ lùng khi an táng các vị Hoàng Đế và Hoàng Hậu thuộc hoàng tộc Anturs. Các vị Vua Chúa của hoàng tộc này được an táng trong nhà thờ hầm do các cha dòng Capucine coi sóc, tại thủ đô Vienne.

Năm 1916 khi Hoàng Đế Francois Joseph của nước Áo qua đời, sau lễ cầu hồn tại nhà thờ chánh tòa Thánh Stêphanô ở Vienne, linh cửu của ông được chở đến hầm mộ nhà thờ trên một chiếc xe tang do tám con ngựa đen tuyền kéo. Đến nơi cửa hầm mộ vẫn còn đóng kín. Người đánh xe ngựa bước xuống và gõ cửa. Từ bên trong có tiếng của một cha dòng hỏi vọng ra: “Ai đó?”. Người đánh xe ngựa trả lời:

-Đại Hoàng Đế Francois Joseph đang chờ ở ngoài đây, xin mở cửa mau!

-Tôi không biết người đó là ai. Tiếng nói bên trong đáp lại.

Một lát, người đánh xe lại gõ cửa và tiếng nói quen thuộc ở bên trong lại vọng ra hỏi: “Ai đó?”. Người đánh xe trả lời:

-Đại Hoàng Đế nước Áo, Quốc Vương tông truyền của nước Hungari đang chờ ở ngoài. Xin mở cửa mau!

-Tôi không biết ông ta là ai.

Lần thứ III cũng màn gõ cửa và cũng câu hỏi đấy: “Ai đó?”. Nhưng lần này người đánh xe dịu giọng lại, đáp:

-Đó là một người tội lỗi, một người anh em chúng ta là Francois Joseph.

Bấy giờ cửa hầm mộ mới được mở ra và linh cửu của Hoàng Đế nước Áo mới được đưa vào bên trong để an nghỉ bên cạnh các tiên vương.

Nhờ nhận biết mình mà cửa hầm mộ được mở ra, đó là vế thứ hai của câu chuyện. Còn trong lịch sử loài người, nguyên tổ dường như đi vào vế thứ nhất của sự việc: Do lòng ham muốn trái lẽ ước ao trở thành thần thánh nên nghe theo ma quỉ để rồi khởi sự dẫn loài người xuống dốc, mất ơn nghĩa Chúa và kèm theo hình phạt.

Nhưng hôm nay sự đối lập thánh thiện của Chúa Giêsu với công việc yếu đuối của nguyên tổ là: Chúa Giêsu tuy dù cao trọng vô cùng nhưng đã trở nên thân phận loài người, đến xin Thánh Gioan làm phép rửa. Sự khiêm nhượng thẳm sâu đã làm cho Đức Chúa Cha vui sướng. Lúc Người vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời mở ra và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán:”Con là Con yêu dấu của Cha, ngày hôm nay Cha sinh thành ra Con”.

Chúa Giêsu bắt đầu cuộc khởi nguyên mới, cao quí gấp bội so với cuộc khởi nguyên đầu tiên khi Thiên Chúa dựng lên trời đất muôn vật và loài người. Chúa tiếp tục sinh ra con người trong ơn nghĩa Chúa. Người tín hữu cũng được Chúa Thánh Thần xức dầu và biểu dương qua bí tích rửa tội và thêm sức để như Người chúng ta được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa.

Cũng với sự nhận biết mình chúng ta luôn được tái sinh cách đẹp đẽ trong bí tích hòa giải. Nhờ công nghiệp Chúa Kitô tử giá, Ngài sẽ xóa sạch mọi tội lỗi và nâng đỡ những ai biết thống hối ăn năn cậy trông vào lòng thương xót của Người.

Ước gì trong cả cuộc đời và đặc biệt trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta luôn nhận biết mình và tẩy rửa linh hồn trong Đức Kitô để xứng đáng trở nên con cái đích thực của Mẹ Maria ở đời này cũng như đời sau.

Trích Dongcong.net
Br. Thiện Mỹ, CMC   


 

TN1-B21. NGÀY TRỌNG ĐẠI NHẤT - Lm. Minh Vận, CMC


Mc 1,7-11

 

Bờ sông Jordan hôm đó nhộn nhịp khác thường, người ta lũ lượt từ các thành thị làng mạc tuốn đến: TN1-B21


Bờ sông Jordan hôm đó nhộn nhịp khác thường, người ta lũ lượt từ các thành thị làng mạc tuốn đến; trong số đó, có cả các luật sĩ, các văn nhân, các thầy thông giáo, các quân nhân và đủ mọi thành phần trong xã hội. Họ đến đây để làm gì? Họ đến để nghe Gioan, vị Tiền Hô Chúa Cứu Thế rao giảng Phép Rửa Sám Hối, với những lời quả quyết vững mạnh và uy quyền: “Hãy sám hối, vì Nước Thiên Chúa đã gần đến!” (Mt 3:2) Mọi người đều tỏ lòng tin tưởng, ngưỡng mộ và khâm phục, sẵn sàng nghe theo lời giáo huấn của ngài và thật lòng sám hối cải thiện đời sống, bằng cách lãnh nhận Phép Rửa ngài ban tại sông Jorđan.

I.       GIOAN VÀ PHÉP RỬA SÁM HỐI TỘI LỖI

Chúa Kitô cũng hòa mình trong đám quần chúng đến nghe Gioan rao giảng và cũng xin ông làm Phép Rửa cho Người. Gioan đã nhận ra Người và bỡ ngỡ kêu lên: “Chính tôi xin Thầy làm Phép Rửa cho tôi mới phải, sao Thầy lại đến xin tôi?” (Mt 3:14). Gioan phải sửng sốt, hổ thẹn vì ông đã nhận ra Người là Đấng Thiên Sai nhân loại đợi trông, Đấng là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, hóa thân làm người, mặc lốt phàm nhân tội lỗi, Đấng Tự Hữu, quyền năng và cao cả vô cùng, đã khiêm tốn tự hạ như một tội nhân đến xin ông làm Phép Rửa! Còn ông, mặc dầu được người ta tin tưởng và khâm phục coi ông như một vị tiên tri, hơn nữa, nhiều người còn tưởng ông là chính Đức Kitô, nhưng ông đã thẳng thắn tuyên bố trước mọi người: “Tôi không phải Elia, cũng chẳng phải là Đức Kitô!” Ngài xác quyết khi tự hạ: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, như Isaia đã tiên báo: Hãy dọn đường cho Chúa, san phẳng các nẻo Ngài” (Mt 3:3). Ngài còn minh xác thêm với mọi người: “Phần tôi, tôi rửa cho anh chị em bằng nước, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người. Đó mới là Đấng sẽ rửa cho anh chị em trong Thánh Thần và bằng lửa” (Mt 3:11).

II.      NGHI LỄ PHONG VƯƠNG VUA KITÔ

Để khởi đầu Sứ Mạng Cứu Thế, truyền bá Tin Mừng Cứu Độ, Chúa Kitô đã khiêm tốn đến lãnh Phép Rửa Sám Hối bởi Gioan là vị tôi tớ và tiền hô của Người. Sau khi chịu Gioan làm Phép Rửa và bước lên khỏi nước, các tầng trời liền mở ra và có tiếng Chúa Cha tuyên dương Con Một Người: “Đây là Con Chí Ái của Cha! Con làm vui thỏa lòng Cha!” (Mt 3:17) Ngài còn phái Thánh Linh, dưới hình Chim Bồ Câu ngự xuống đậu trên Người, để xức dầu phong vương cho Người, như lời Thánh Phêrô Tông Đồ đã rao giảng: “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa những kẻ bị quỉ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người!” (Act 10:38) Ngay từ xa xưa, qua tiên tri Isaia, Chúa đã phán về Con của Ngài: “Tôi Tớ mà Ta nâng đỡ, là Người Ta tuyển chọn, Ta hài lòng về Người. Ta ban thần trí Ta trên Người... Để Người nên Ánh Sáng của chư dân, mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong bóng tối!” (xem Is 42:1-4,6-7) Lời đó hôm nay đã hoàn toàn được ứng nghiệm.

III.    NGHĨA VỤ CỦA CON CÁI THIÊN CHÚA

Theo giáo lý của Giáo Hội, Chúa dùng Phép Rửa Sám Hối Người đã lãnh nhận nơi sông Jordan, như hình bóng Nhiệm Tích Thánh Tẩy Chúa sẽ thiết lập, để tẩy rửa và giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và quyền lực hỏa ngục, phục hồi cho chúng ta quyền làm con cái Thiên Chúa.

Qua Nhiệm Tích Thánh Tẩy, chúng ta được diễm phúc trở nên con cái Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp Hạnh Phúc Vĩnh Cửu Nước Trời. Chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần xức dầu, cho tham dự quyền Vương Đế của Chúa Kitô, gia nhập Hàng Tư Tế và Dân Thánh của Chúa. Đồng thời, cũng được Chúa ủy thác nghĩa vụ mở rộng Vương Quốc của Chúa, tiếp tục Sứ Mạng Cứu Thế của Chúa Kitô: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm Phép Rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28:19).

Chúa Kitô đã chịu Phép Rửa và được Chúa Cha sai đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Nhờ Phép Rửa đã lãnh nhận, Chúa cũng sai chúng ta ra đi, để chinh phục cho Chúa các linh hồn, phụng sự Chúa và phục vụ đồng loại.

Cha Petro Arrupê, là một nhân vật quan trọng thuộc Dòng Tên, ảnh hưởng lớn lao của ngài khắp nơi đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên thán phục. Từ thời niên thiếu, giấc mơ của ngài là sẽ trở thành một bác sĩ, nhưng những năm theo học tại đại học, ngài đã có cơ hội được tiếp xúc với giới nghèo nàn cùng khổ, ngài động lòng thương họ và từ đó ngài đã chuyển hướng cuộc đời như ngài viết: “Cảnh khốn cùng đã vén tấm màn ngu dốt nơi mắt tôi. Từ đó, tôi xác tín rằng: Ngoài tôi ra, trong thế giới còn biết bao công việc phải làm”. Thế là, năm 20 tuổi ngài xin vào tập viện Dòng Tên (1927). Sau 18 năm, ngài làm Giám Đốc tập viện tại một tỉnh nhỏ gần thành phố Hirosina Nhật Bản. Quả bom nguyên tử ném xuống, ngài đã đưa tất cả mọi người bị nạn về tập viện, tập viện của ngài lúc đó đã trở thành một bệnh viện cấp cứu cho dân chúng. Cũng như Cha Petro Arrupê, các Thánh và những linh hồn thành tâm theo sát gương Chúa Kitô, các ngài đã ý thức sứ mạng cộng tác với Chúa trong Sứ Mạng Cứu Thế, nên các ngài quảng đại xả thân phục vụ các linh hồn, sẵn sàng liều cả mạng sống vì phần rỗi các linh hồn, xứng đáng với ơn Nhiệm Tích Thánh Tẩy các ngài đã lãnh nhận.

Ngày lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy phải là ngày trọng đại nhất trong cuộc đời. Ngày Chúa trào đổ muôn hồng ân xuống trong tâm hồn, ban sức mạnh thiêng liêng cho chúng ta để rao giảng Mầu Nhiệm Nước Trời, mang Ơn Cứu Độ đến cho các linh hồn. Ngày đó phải được mừng long trọng như một kỷ niệm đáng ghi nhớ muôn đời.

Đức Thánh Cha Piô XI đã nếm hưởng những giây phút hạnh phúc của ngày thụ phong Linh Mục, ngài cũng đã trải qua những giờ phút rực rỡ của ngày tấn phong Giám Mục, đã hưởng cảnh uy nghi của ngày đăng quang Giáo Hoàng; nhưng ngài vẫn quí trọng và mừng kỷ niệm ngày ngài lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy hơn hết. Ngày mồng 1.6.1930, dịp lễ giáp năm lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy, ngài sung sướng nói với giới trẻ tại Rôma: “Ngày lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy là ngày cao quí nhất đời Cha; cũng thế, ngày chúng con lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy cũng phải là ngày cao quí nhất đời chúng con”.

KẾT LUẬN

Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta và cho mọi người được hiểu biết giá trị đích thực và cao quí của đặc ân Nhiệm Tích Thánh Tẩy chúng ta đã lãnh nhận; đồng thời, chúng ta cũng cầu xin cho chúng ta được ơn can đảm và quảng đại chu toàn sứ mạng Chúa ủy thác, làm tông đồ rao giảng Chúa cho mọi người, chinh phục họ về cho Chúa bằng chính cuộc sống chứng nhân thánh thiện của chúng ta.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta sống ơn gọi làm con cái Chúa, để Chúa cũng được sung sướng phán với chúng ta: “Đây là các con Cha yêu dấu, các con hằng làm vui lòng Cha!”

Trích Dongcong.net
Lm. Minh Vận, CMC   

 

TN1-B22. Con yêu dấu của cha - Br. Quốc Toản, CMC


Mc 1,7-11

 

Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.” Không biết khi còn bé ba mẹ tôi có nói những: TN1-B22


“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.” Không biết khi còn bé ba mẹ tôi có nói những lời yêu mến này với tôi hay không. Nhưng tôi biết chắc là khi tôi lớn và sống xa nhà các ngài đã dùng giấy mực để nói lên những lời tương tự: “Con yêu quí” hoặc “Con mến yêu” mỗi khi liên lạc. Có lẽ khi còn nhỏ mỗi người chúng ta đã từng được ba mẹ gọi là “con cưng,” hay “con ngoan.” Lúc lớn lên cũng được ba mẹ giới thiệu với mọi người: “Đây là con gái ngoan hiền” hoặc “đây là con trai quí của tôi”. Khi lập gia đình rồi có con cái, mỗi người cũng đã dùng những lời yêu quí đó để gọi chúng. Không biết tâm tình mỗi người thế nào khi được nghe những lời yêu dấu đó? Phần tôi, tôi cảm thấy rất vui mừng và hạnh phúc; vui mừng và hạnh phúc vì được ba mẹ yêu nhưng không, chứ riêng tôi chẳng làm gì để đáng hưởng diễm phúc ấy.

Tin mừng hôm nay cho ta thấy: Chúa Kitô sau khi chịu Phép Rửa đã được Chúa Cha gọi, “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Mc 1,11). Mỗi người chúng ta nhờ Phép Rửa cũng được trở nên “con yếu dấu của Chúa Cha” (x. Rm 8,14-17). Phải chăng chúng ta đã làm được gì để đáng đón nhận ơn này? Thưa không, đây là một đặc ân cao cả Chúa ban nhưng không cho người Chúa thương. Nhưng xin hãy nhớ, chúng ta không những chỉ là con yêu dấu, nhưng còn phải trở nên con yêu dấu. Nói cách khác, mọi người đều được trở nên “con yêu dấu” khi chịu Phép Rửa, nhưng để được hưởng tước hiệu này đến bao lâu thì còn tùy thuộc vào cuộc sống của mỗi người.

Chúa Kitô sau khi chịu Phép Rửa đã nhận sứ vụ đem Tin Mừng đến cho mọi người. Qua Phép Rửa chúng ta cũng đã được ủy thác sứ vụ làm chứng nhân cho Tin Mừng tình yêu. Khi biết mình đã được trở nên con yêu dấu nhờ lòng yêu thương của Chúa, ta cần phải tiếp tục trở nên con yêu dấu qua việc làm cho người khác nhận biết tình yêu Chúa, để họ cũng được trở nên con yêu dấu. Chúa Kitô đã tiếp tục trở nên con yêu dấu qua việc thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng.

Sứ vụ của Chúa Kitô được Tiên tri Isaia mô tả trong bài đọc một, “Người sẽ xét xử chư dân...không thiên vị ai...Người trung thành đem lại lẽ công bình... và chỉ lo đặt công-lý trên địa cầu...nên ánh sáng của chư dân, để mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm” (Is 42,1-4.6-7). Qua lời rao giảng Ngài đã giải thoát nhiều người khỏi cảnh nô lệ tội lỗi. Qua việc làm và tiếp xúc với những người bần cùng trong xã hội Ngài đã cân nhấc và trả lại địa vị con người cho họ. Ngài đã dùng cuộc sống an bình, yêu thương, và hy sinh để làm cho mọi người nhận biết tình yêu Thiên Chúa.

Sống trong xã hội ngày nay chúng ta được chứng kiến nhiều sự bất công, cảnh đói khổ, và những hành vi tội lỗi đồi bại diễn ra trước mắt. Nhiều gia đình bị đổ vỡ vì cha mẹ và con cái không hiểu nhau. Nhiều thai nhi đã bị giết cách vô tội. Nhiều người, trong đó có lẽ có cả chúng ta, đã bị ảnh hưởng đà sống chủ nghĩa cá nhân của xã hội nên đã trở thành dửng dưng trước những thảm trạng này. Khi thấy tha nhân bị xử bất công, chúng ta không giám bênh vực viện cớ là đã có luật pháp lo. Lúc gặp những người túng thiếu nghèo khó chúng ta tránh xa cho rằng đã có chính phủ lo và nhiều khi còn trách họ là lười biếng không chịu lo làm ăn. Khi biết những người sống trong tình trạng tội lỗi chúng ta không cảm thông giúp họ, biện cớ là việc đó đã có những vị giáo quyền lo. Đây có lẽ là hậu quả của việc chúng ta đã quên đi một chân lý cốt yếu. Chúng ta đã quên đi chân lý: mọi người đều là con yêu dấu của Chúa và phải được đối xử như một người con yêu dấu.

Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho mỗi người chúng ta biết mình đã được Chúa Cha chọn làm con yêu dấu của Ngài qua bí tích Rửa Tội. Tin Mừng cũng kêu mời và thách đố chúng ta tiếp tục trở nên con yêu dấu qua cuộc sống thường nhật. Để được thế chúng ta cần phải luôn thâm tín chân lý mình là con yêu dấu của Chúa, và bày tỏ chân lý đó cho mọi người nhận biết trong mọi tư tưởng, lời nói, và hành động của mình. Chúng ta phải đối xử với mọi người như Chúa đã đối xử với chúng ta. Nếu mọi người đều ý thức được địa vị và trách nhiệm của mình thì thế giới sẽ trở nên một nơi thật bình an và hạnh phục. Và khi hoàn tất trách nhiệm trên dương thế sẽ đáng được Chúa Cha gọi, “Con là con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha” (Mc 1:11).

NS. Trái Tim Đức Mẹ Br. Quốc Toàn, CMC   


 

TN1-B23.Người phải được nâng lên - Lm. Thu Băng, CMC 


Mc 1,7-11

 

Công Chúa Louise con vua Louis thứ 14, nước Pháp đã lơ là với cuộc sống đạo và tôn kính Chúa: TN1-B23


Công Chúa Louise con vua Louis thứ 14, nước Pháp đã lơ là với cuộc sống đạo và tôn kính Chúa, khi bị các nữ tỳ phục vụ trách móc, không cầm được sự kiên nhẫn, đã trả lời:

- Các người không biết rằng tôi là con gái của Đức Vua, vua của các người sao ?

Đám nữ tỳ đáp lại:

- Nhưng chúng tôi không phải là con cái của Thiên Chúa, của Đức Vua và của Công Chúa sao ?

Công Chúa hiểu ngay là mình đã không tôn kính Thiên Chúa cho xứng đáng và sau này Công Chúa đã thành một nữ tu Dòng Kín. Công Chúa hay nghĩ tới câu trả lời đanh thép đó.

Trong một bữa tiệc thịnh soạn của Hoàng Hậu Elizabeth nước Pháp với đầy đủ bộ mặt quan quyền văn võ, mọi người nâng ly rượu lên uống rất vui vẻ. Bỗng có tiếng gõ vào bàn làm mọi người im lặng. Tiếng Hoàng Tử vọng lên:

- Các người quên Chúa rồi sao, chẳng có ai làm dấu để tuyên tôn Danh Chúa cả ?

Hôm nay, nhân đọc bài Tin Mừng theo thánh Mátcô, chúng ta cũng gặp một người can đảm và hy sinh cuộc đời cho lý tưởng tôn vinh Thiên Chúa giữa muôn người, đó là Gioan Tiền Hô. Ngài vì Chúa Cứu Thế mà thực hiện cuộc sống ăn chay, cầu nguyện, la lớn tiếng để báo tin Đấng Cứu Thế đến. Ngài chịu xỉ nhục, chỉ trích trước mặt các Thầy Thông Giáo. Chịu tù đầy vì dám tố cáo vua lấy chị dâu của mình. Dám chịu chém đầu đặt trên đĩa đưa cho nàng Hêrôđia. Tiếng loan báo của Gioan làm mọi người tỉnh thức, nhận biết Chúa Giêsu và bước theo Người.

Chúng ta cũng được mời gọi như thế bằng việc làm: Thực tâm sống đạo, bằng lời nói: Tông vinh danh Chúa, loan tin cho người khác. Bằng hành động: Cung kính tôn vinh Thánh Thể, sốt sắng tham dự Thánh Lễ, các giờ Phụng Vụ, và thi hành các điều Chúa truyền dạy.

Tại Việt Nam, cuộc sống đau khổ đã đưa họ đến cuộc sống đức tin, sống đạo và tuân hành các giới luật cách nghiêm chỉnh, để Chúa được tôn vinh. Tại Hoa Kỳ, chúng ta có làm tôn vinh Chúa không ? Có giúp Chúa đi vào trong các tâm hồn không ? Có giúp Chúa đến với gia đình bạn không ?

Ông chủ giầu có kia, có được một người con trai ruột thịt. Cậu đi du học ở nơi xa với chúng bạn. Ông chủ thương cả bọn, nên tháng tháng ông cung cấp cho họ mọi sự khiến các người đều tôn nhận ông là cha. Không may gặp cơn bạo bệnh, ông chết tốt, người con trai cùng các bạn hữu đều trở về đưa xác ông và thương khóc ông như thương khóc cha ruột vậy. Mấy người bạn muốn cướp gia tài của ông nên cứ nhận mình là con ruột. Quan Tòa cũng không biết biết xử cách nào và ai là con thừa kế. Họ quyết định một phen thử sức, nếu ai cầm súng bắn đúng tim cha mình thì đó là con thừa kế. Các con hăng hái chấp thuận. Lần lượt các con thi nhau bắn vào tim cha. Đến người cuối cùng cầm súng nhắm vào tim cha rồi anh buông súng xuống. Ba bốn lần nhằm bắn để đoạt gia tài nhưng cuối cùng chàng khóc, ném súng đi và tuyên bố:Thà rằng tôi không được gia tài còn hơn tôi ác tâm bắn cha mình. Quan tòa thẳng thắn công bố:Phiên tòa chấm dứt tại đây, vì đã tìm ra người thừa kế gia tài. Đó là chính người không chịu giết cha.

Nếu là người con đích thực của Chúa, chúng ta có bắn Chúa không ? Nhưng nhiều khi muốn đoạt gia tài trần gian, chúng ta lại bắn Chúa. Nếu nói rõ ra thì chúng ta không bắn, nhưng trong u tối chúng ta lại sẵn sàng bắn.

Việc người Tin Lành cắm bảng quảng cáo I love Jesus ta cho là một việc quảng cáo kỳ cục, nhưng là một việc đáng suy nghĩ.

Việc người choai choai viết vào áo, gắn trên mũ, khắc xâm vào người ri rêu rao Hãy dành cho Chúa Giêsu một chỗ trong lòng bạn. Có đáng là điều cho ta suy nghĩ không ?

Cuộc sống của ta là người Công Giáo không làm ra bề ngoài ấy, nhưng ta làm trong lòng, trong gia đình, trong xóm đạo. Hãy giúp Chúa Giêsu đến với chính mình, sống trong mình. Hãy giúp Chúa Giêsu được tôn vinh nơi gia đình, nơi xóm đạo mình. Hãy chứng tỏ mình là chứng nhân của Chúa bằng việc làm, bằng việc sống đạo. Chúa phải được nâng lên còn tôi phải hy sinh cho Người.

Xin Chúa soi sáng để chúng ta không theo ý riêng mình, không theo thú tính xác thịt. Hãy bắt chước Chúa Giêsu: Được dẫn vào rừng vắng để ăn chay cầu nguyện (1-2003).

Trích Dongcong.net Lm. Thu Băng, CMC   


 

TN1-B24. Người phục vụ của Chúa - Huyền Đồng


Chúa nhật 1 Thường Niên-B: The first Sunday in Ordinary Time

Lời Chúa cho hôm nay: NGƯỜI PHỤC VỤ CỦA CHÚA * The Servant of Yahweh

 ***
 

 

Bài đọc này ở cuối phần hai của sách Tiên tri Isaia, viết bởi một tác giả ẩn danh.(578-539 B.C.) This: TN1-B24


BÀI ĐỌC 1: Isaia 55,1- 11= Bài đọc này ở cuối phần hai của sách Tiên tri Isaia, viết bởi một tác giả ẩn danh.(578-539 B.C.) This reading comes from the second part of the book of the prophet Isaiah, ... by an anonymous author.

BÀI ĐỌC 2: 1Gioan 5,1-9=Bài này được viết cho một Tín hữu đầu tiên, khẳng định rằng Giêsu là Đức Kitô (Con của Thiên Chúa. This letter was written to an early Christian, insist that Jesus is the Christ,( the Son of God)

TIN MỪNG (Gospel): Mc. 1, 7-11=Đoạn Phúc âm này nói về phép Rửa của Chúa Giêsu. Chúng tôi tự hỏi tại sao Chúa Giêsu lại phải chịu phép Rửa? Ngài không bao giờ có tội !! This Gospel passage speaks of the Baptism of Jesus. We could ask ourselves why Jesus would have to be Baptized? He never sinned !!

Gợi ý Cảm nghiệm Sống và Chia sẻ ba bài đọc trên: ( Reflections, live out and share )

1/ Thánh Gioan nói về phép Rửa của Tín hữu: “Tôi đã làm phép Rửa cho anh em nhờ nước, còn Người, Người sẽ làm phép Rửa cho anh em trong Thánh Thần. “ Mọi người theo Chúa đều chịu phép Rửa bởi nước, nhưng sau đó họ đã không chịu để Chúa Thánh Thần thanh tẩy. Nhũng gì đã làm cản trở bạn trở nên mới?

I baptized you with water; He will Baptize you with the Holy Spirit ( Mc. 1, 8 )

2/ Bài Tin mừng nói về Đức Giêsu chịu phép Rửa như sau: “ Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. “ Khi tôi khiêm tốn thực thi Lời Chúa vào đời sống thì quyền năng của Chúa Thánh Thần tức khắc tràn ngập trên tôi, khiến tôi có một sức mạnh và bình an khôn tả, cuộc sống thấy bắt đầu thay đổi từ gia đình.Tôi đã quyết tâm làm gì theo ý Chúa trong Năm Mới?

On coming up out of the water He saw the heavens...the Spirit like a dove descending upon Him. (Mc. 1, 10 )

3/ Thánh Phaolô quả quyết: “ Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước và máu, cả ba cùng làm chứng một điều.Ể” Thánh Thần Chúa cho bạn có niềm tin, giúp bạn hiểu Đức Kitô, chính Ngài đã đến trong nước và máu để mạc khải cho Giáo hội để tín hữu nhờ Ngài mà có sự Sống. Bạn đã làm chứng cho Chúa như thế nào?

So there are three that testify, the Spirit, the water and the blood, the three are of one accord. (1Gn. 5, 7)

4/ Trong lời mời gọi cuối cùng, sách Tiên tiên Tri Isaia viết: “Anh sẽ chiêu tập một dân tộc ạnh không quen biết, và các dân tộc không quen biết sẽ chạy đến với anh.” Việc mời gọi người chưa biết Chúa có phải chỉ dạy giáo lý cho họ là xong, đời sống gương mẫu không có !. Làm sao để những người lương dân đến với tôi?

So shall you summon a nation you knew not, and nations that knew you not shall run to you. ( Isaia 55, 5 )

B. Câu Kinh Thánh mời gọi tôi Sống đổi mới trong Thần Khí Chúa: ( The Best God’s God )

“... NGƯỜI SẼ LÀM PHÉP RỬA CHO ANH EM TRONG THÁNH THẦN. “ (Mc. 7, 8 )

He will baptize you with the Holy Spirit

C. Ngay bây giờ tôi phải làm gì để Sống chứng nhân Chúa: ( So what am I doing / For Action )

a/ Bạn có thể chọn 1 trong 4 Gợi ý Cãm nghiệm Sống và chia sẻ ở phần A để thực hành.

b/ Tôi tiếp tục để ý khi Chúa Thánh Thần đến nhắc nhở trong mọi lúc vui buồn, và biến cố lớn nhỏ.

D- Tôi cầu nguyện như hơi thở và Sống lời tôi cầu xin: ( I pray and practice / Pray in Action )

- Lạy Cha, Đức Giêsu đã đến xin ông Gioan làm phép Rửa dưới sông Gio-đan để lãnh nhận Thần Khí của Cha trước khi đi rao giảng. Xin giúp con biết mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn .

-Tiên tri đã cho con biết hãy chiêu tập những người con chưa quen biết và hãy Sống để họ chạy lại với con. Xin cho con biết mở rộng tâm hồn và cách sống để đến với những người chưa biết Chúa bao giờ.

Lời hay ý đẹp: THÁNH THẦN THỂ HIỆN RÕ TRONG TÔI ĐIỀU ĐỨC GIÊSU ĐÃ LÀM CHO TÔI What Jesus accomplished for us, the Spirit works out in us

Huyền Đồng    


 

TN1-B25. BA NGÔI TỎ MÌNH TRONG PHÉP RỬA


- Lm JB Nguyễn Minh Hùng

 

Có một người cho tôi mượn quyển truyện cười. Tôi đọc một câu chuyện như sau: một người mở: TN1-B25


Có một người cho tôi mượn quyển truyện cười. Tôi đọc một câu chuyện như sau: một người mở tiệm bán cá. Anh ta căng bảng hiệu “Ở đây bán cá tươi”. Một người hàng xóm phê bình: “Anh bán cá tươi chứ có bán cá khô đâu. Cần gì phải để chữ “tươi” trên bảng hiệu” . Nghe có lý, anh chủ tiệm xóa chữ “tươi”. Bảng hiệu chỉ còn “Ở đây bán cá”. Một người khác lại chê: “Tiệm của ông bán cá, ai cũng biết, cần gì phải ghi hai chữ “ở đây”. Anh chủ tiệm lại nghe có lý. Vậy lŕ bảng hiệu chỉ cňn hai chữ “Bán cá”. Một người khác lại không đồng ý, nên đề nghị: “Tiệm của ông bán cá chứ có bán rau trái gì đâu mà phải tốn cả cái bảng hiệu”. Vậy là ngay hôm đó, anh chủ tiệm tháo luôn tấm bảng hiệu của tiệm mình.

Bạn thử nghĩ xem, câu chuyện kể trên muốn nói điều gì? Nó phê phán những người có tính ba phải, bắt chước một cách rập khuôn theo người khác, mà không biết giữ lập trường của mình.

Tôi không có ý so sánh câu chuyện kể trên với bài Tin Mừng ngày lễ Chúa chịu phép rửa, chuyện vui đó không đáng so sánh với Thánh Kinh. Dù sao tôi cũng thắc mắc, bởi thái độ của Chúa Giêsu hết sức lạ lùng. Chúa được Gioan ca tụng một cách khác thường, trên mức bình thường, nào là “Có Đấng đến sau tôi, quyền lực hơn tôi”, nào là “Tôi không đáng cởi dây giày cho Người”, hay “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng Người rửa anh em trong Thánh Thần”, thì chính Người, nhân vật quan trọng đó, lại đến xin Gioan làm phép rửa cho mình, và đã cúi mình để Gioan rửa thật sự. Chúa Giêsu làm điều đó có ý gì? Hình như Người cũng chỉ là một kẻ ba phải, thấy người khác đến xin Gioan làm phép rửa thì cũng đến như mọi người?

Không đúng! Chúa Kitô không ba phải! Ở cuối bài Tin Mừng, thánh Marcô cung cấp cho ta một chân lý đức tin hết sức quan trọng: Chúa Giêsu đã làm điều mà Người cần phải làm: Qua phép rửa của Gioan, Thiên Chúa tỏ mình cho trần gian. Nếu lần tỏ mình trước trong lễ Hiển Linh cho biết Chúa Giêsu đã nhập thể trong trần gian, thì lần này đánh dấu một bước ngoặc mới, đó là Chúa chuẩn bị loan báo Tin Mừng và báo trước đời sống công khai của Chúa. Lần tỏ mình này diễn ra trong bầu khí uy nghi: Ba Ngôi cùng hiện diện: Chúa Thánh Thần ngự xuống nơi Chúa Con như hình chim bồ câu. Chúa Cha tuyên bố Chúa Con là con yêu dấu của Người, luôn làm đẹp lòng Người. Tất cả những điều đó nhằm minh chứng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Người sắp thực hiện sứ mạng cứu độ trần gian.

Ngày xưa phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa kêu gọi thống hối mà Thiên Chúa lại tỏ mình uy nghi, thì ngày nay trong phép rửa tội, là phép rửa tha tội thật sự, do Chúa Giêsu thiết lập, chắc chắn Thiên Chúa vẫn đang tỏ mình cho loài người. Bởi đó, khi linh mục hoặc bất cứ người nào trong trường hợp thiếu linh mục, rửa tội cho ai đó theo ý hướng của Giáo Hội, và đọc công thức: “Tôi rửa tội cho anh (chị, em...), nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”, kèm theo việc đổ nước trên đầu, thì lập tức bí tích rửa tội thành sự.

Bạn thân mến, trong nghi thức bí tích rửa tội cho trẻ em, trước khi tuyên xưng đức tin, Giáo Hội mời gọi mọi người hiện diện hãy tích cực tham dự và nghi thức bí tích này bằng lời kêu mời: “...Anh chị em HÃY NHỚ LẠI phép rửa tội của mình mà từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin...”. Vậy mừng lễ Chúa chịu phép rửa hôm nay, bạn và tôi cũng hãy nhớ lại phép rửa tội của mình mà tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã yêu thương tỏ mình trong cuộc đời của từng người, kể từ giây phút ta bắt đầu gia nhập cộng đoàn Giáo Hội.

Bí tích rửa tội là bí tích đầu tiên cho ta được quyền gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa Kitô là người Anh Cả của mình, Chúa Thánh Thần được ban để ta sống đời sống một người con Chúa. Nếu trong nghi thức bí tích, Giáo Hội mời ta nhớ lại bí tích rửa tội để từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin, thì hôm nay, trong lễ này, bạn và tôi cũng hãy thực thi lời mời gọi ấy bằng sự thành tâm trở về với Chúa, giữ cho lòng mình trong sạch và siêng năng rước lễ, cầu nguyện, lãnh bí tích giải tội, biết thực thi lòng bác ái bằng việc giúp đỡ anh chị em thiếu thốn xung quanh mình. Dù tỏ mình trong bí tích rửa tội, nhưng Danh Chúa thực cả sáng nhờ đời sống thánh thiện của bạn và tôi.

Lm JB Nguyễn Minh Hùng   


 

TN1-B26. Đức Giêsu được xức dầu tấn phong làm Đấng Thiên Sai


 - Lm. Đan Vinh

Mc 1,6b-11

I.TÌM HIỂU LỜI CHÚA

Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊSU ĐƯỢC THẦN KHÍ XỨC DẦU THIÊNG LIÊNG ĐỂ TẤN PHONG LÀM ĐẤNG THIÊN SAI .

 

Hôm nay, để chuẩn bị sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và thiết lập Nước Trời Đức Giêsu đã được phong: TN1-B26


Hôm nay, để chuẩn bị sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và thiết lập Nước Trời Đức Giêsu đã được phong làm vua Mê-si-a. Đoạn Tin Mừng Mác-cô trình bày việc Đức Giê-su chịu phép rửa tương tự như trong một buổi lễ phong vương và gồm 3 nghi thức như sau:

Một là nghi thức tắm gội thanh tẩy: Đức Giêsu cũng được Gioan Tiền Hô làm phép rửa bằng cách dìm mình trong nước sông Gio-đan. Hai là nghi thức xức dầu tấn phong: Đức Giêsu cũng được Thần Khí, qua hình ảnh một chim câu từ trời xuống đậu trên mình để xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Vua Mê-si-a. Ba là nghi thức tung hô công nhận: Đức Giêsu cũng được Chúa Cha công nhận là “Con rất yêu dấu”.

2) CHÚ THÍCH: - Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cỡi quai dép cho Người (Mc 1,6b-7):

+ Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi: Gio-an là “Sứ giả của Giao Ước”, có nhiệm vụ như Ê-li-a ngày xưa, là đến trước để chấn hưng mọi sự , để dọn đường cho Đức Chúa ngự đến (x. Ml 3,1-3.23-24). Mọi lời Gio-an rao giảng đều liên quan với Đấng Thiên sai. Tuy đến sau ông, nhưng Ngài lại đầy Thần Khí và sức mạnh của Đức Chúa để chiến thắng kẻ thù (x. Is 11,2; 49,25), cụ thể là sẽ chiến thắng cơn cám dỗ của Xa-tan (x. Mc 1,12-13).

+ Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người: Cởi quai dép là việc làm của nô lệ. Gio-an khiêm tốn nhận mình không đáng làm nô lệ cho Đấng Thiên sai sắp đến. -Tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần (Mc 1,8):

+ “Phép rửa nhờ nước”: Khi chịu phép rửa này, nười chịu phép được Gioan dìm xuống nước sông Gio-đan “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Mc 1,4), và từ đây họ được gia nhập vào nhóm những người trông đợi Đấng Mê-si-a sắp đến.

+ “Phép rửa trong Thánh Thần”: Phép rửa này ám chỉ toàn bộ công trình cứu độ của Đức Giêsu . Những kẻ chịu phép rửa do Đức Giêsu thực hiện sẽ nhận được Thần Khí tuôn đổ vào lòng . Nhờ đó họ được sạch mọi vết nhơ tội lỗi, được tặng một quả tim mới bằng thịt biết yêu thương thay cho quả tim đã hóa ra chai đá (X. Is 44,3; Ed 11,18-20). -Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Đức Giêsu từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình ( Mc 1,9-10):

+ Đức Giêsu từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến và được Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan: Đúng như Gio-an đã loan báo, Đức Giêsu bắt đầu xuất hiện và trước hết Người đến với Gioan để được ông làm phép rửa cho. Gioan đã thi hành sứ mệnh tiền hô bằng việc làm phép rửa bằng nước sông Gio-đan cho Người.

+ Người liền thấy: Mác-cô tường thuật cuộc Thần Hiện của Đức Giêsu khi chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả như một thị kiến mà chỉ riêng mình Người mới trông thấy, khác với cuộc Thần Hiện do các tác giả Tin Mừng Mát-thêu, Lu-ca và Gioan ghi nhận (x. Mt 3,13-17; Lc 3,21-22; Ga 1,32-34).

+ Các tầng trời xé ra: Đây là sự đáp ứng lòng khát vọng của dân Is-ra-en và của nhân loại nói chung. Người ta chờ mong trời mở ra và Thiên Chúa sẽ xuống cứu độ dân Người. Hôm nay qua hiện tượng các tầng trời xé ra, Thiên Chúa bắt đầu thực hiện những lời Ngài đã hứa qua các ngôn sứ (x. Is 63,19b). Ngài sai Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su, giống như Đức Chúa trong cuộc xuất hành đã ngự xuống trên con dân Ít-ra-en (x.Xh 19,11.18). Với việc trời xé ra, Đức Giêsu bắt đầu ra khỏi Na-da-rét để công khai thi hành sứ mệnh ban ơn cứu độ loài người đối lập với A-dam xưa (x.Rm 5,12-19).

+ Người liền thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình: Câu này nhắc tới sự kiện Thần Khí của Thiên chúa bay lượn trên mặt nước khi sáng tạo trời đất muôn vật (x. St 1,2), nhằm diễn tả một cuộc sáng tạo mới được thực hiện nơi Đức Giêsu, sau khi Gioan làm phép rửa cho Người. Thánh Thần xức dầu thiêng liêng tấn phong và giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Thiên sai khi ngự xuống trên Người dưới hình chim câu (x. Is 11,2; 42,1).

- Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11):

Có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”: Qua câu này, Mác-cô muốn làm nổi bật dung mạo của Đức Giêsu: Người là Vua được xức dấu tấn phong để cai quản muôn dân (x. Tv 2,7); Người là Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha, được dâng hiến làm lễ vật trong hy lễ thập gía (x. St 22,2); Người là Tôi Trung của Thiên Chúa có nhiệm vụ rao giảng và thực hiện công việc giải thoát và cứu độ dân Is-ra-en (Is 42,1).

CÂU HỎI: Tại sao Đức Giêsu là “Đấng quyền thế hơn” lại xuất hiện như những tội nhân thống hối và xin chịu phép rửa của Gioan ?

TRẢ LỜI: Việc Đức Giêsu tự nguyện đến xin chịu phép rửa của Gioan không nhằm ăn năn sám hối tội lỗi như bao người khác, vì Người là Đấng vô tội (x. Dt 5,15b; 7,26). Nhưng qua hành động này, Người muốn chia sẻ thân phận yếu hèn và cảm thông với các tội nhân (x. Pl 2,6) để sau này sẽ chịu chết đền tội thay cho họ. Đàng khác, việc toàn thân Chúa Giêsu được Gioan dìm xuống nước sông Gio-đan, chính là hình bóng của phép rửa mà Người sẽ phải chịu trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh sau này (x.Rm 6,3-4). Và từ mầu nhiệm phục sinh, Chúa Giêsu thiết lập bí tích rửa tội để nhờ đó tái sinh các tín hữu và đổi mới họ nhờ nước và Thần Khí. Đây cũng là điều kiện để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa (x. Ga 3,3-6; Tt 3,5). Ngoài ra, việc Đức Giêsu đến xin chịu phép rửa của Gioan còn là cơ hội để ông thi hành sứ mệnh tiền hô đi trước dọn đường và làm chứng cho Người. Người chịu phép rửa của Gioan để sẽ làm cho phép rửa bằng nước trở thành bí tích rửa tội trong Chúa Thánh Thần (x. Mc 1,8) và lửa (x. Lc 3,16; Cv 2,3-4).

II.      HỌC SỐNG LỜI CHÚA

1)      KHIÊM NHƯỜNG NHƯ ĐỨC GIÊ-SU VÀ GIO-AN TẨY GIẢ:

+ MỘT TÀI XẾ xe tải kia không dám cho xe chạy qua cầu, vì theo suy nghĩ của anh thì nóc chiếc xe tải cao hơn thành cầu tới một tấc. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, không biết phải giải quyết thế nào thì có người đề nghị: xì các bánh xe cho bớt hơi xuống. Người ta làm theo và cuối cùng chiếc xe đã có thể đi qua cây cầu một cách an toàn. Xì hơi cho bánh xe xẹp bớt xuống cũng tương tự như thái độ nhún nhường. Trong giao tiếp với tha nhân, nếu “biết mình biết người, thì trăm trận trăm thắng !”. Chính nhờ cư xử cách nhún nhường mà chắc chắn chúng ta sẽ dễ dàng đạt được kết quả trong mọi công việc.

+ ĐỨC GIÊSU phán: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Ngài dạy: “Anh em gọi Thầy là “Thầy” là “Chúa”, điều đó phải lắm. Vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy , nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (x. Ga 13,14-15). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khiêm nhường đến xin Gioan làm phép rửa cho mình, dù Người là Đấng vô tội không cần thanh tẩy (x.Mc 1,9). Còn Gioan Tiền Hô cũng biểu lộ sự khiêm nhường khi tuyên bố rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7). Ong cũng khẳng định mình không phải là Đấng Ki-tô, mà chỉ là tiếng kêu trong hoang địa để dọn đường cho người ta đón Đấng Ki-tô sắp đến (x. Ga 1,20.23). Ông còn nói về Đức Giê-su với các môn đồ rằng: “Người cần được nổi bật lên, còn tôi thì phải lu mờ đi” (x. Ga 3,30)

+ KHIÊM NHƯỜNG là một nhân đức nền tảng của Ki-tô giáo: Trước hết, khiêm nhường là thái độ tôn trông tha nhân. Nói ít nghe nhiều, tránh ba hoa khoe khoang thành tích, tránh phê bình người vắng mặt, kiên nhẫn lắng nghe người khác phê bình góp ý những khuyết điểm của mình, tránh đổ lỗi cho tha nhân nhưng biết nhận lãnh trách nhiệm: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” , sẵn sàng nói lời xin lỗi, luôn biết cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, biết cám ơn những ai giúp đỡ làm ơn cho mình, luôn ăn ở hiền lành và nhường nhịn tha nhân. Biết kiềm chế tính nóng giận và tránh to tiếng la rầy người dưới, luôn “Dĩ hoà vi quý” , tránh “Bé xé ra to” hay “Chuyện không đáng gì mà làm cho ầm ĩ “. Sẵn sàng đi bước trước đến với tha nhân, tận tình phục vụ hết khả năng nhưng tránh để bị kẻ khác lợi dụng. Tránh thái độ “Thượng tôn hạ đạp”, can đảm bênh vực những người yếu thế thân cô thế cô, dám chống lại cường quyền áp bức bóc lột, sẵn sàng bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa qua ý của Bề Trên và ý chung của tập thể.

2)      CON LÀ CON YÊU DẤU CỦA TA:

+ SỨC MẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG: Tại một giáo xứ thuộc miền quê nước Pháp có hai vợ chồng kia làm nghề nông. Người chồng tên là A-lix và bà vợ là I-sa-ben và hai người hiếm muộn không có con. A-lix từ lâu đã không đến nhà thờ và còn mắc tật nghiện rượu. Nhiều lần say xỉn, A-lix còn phát ngôn bừa bãi, khích bác Chúa và các vị chủ chăn trong đạo. Rồi một ngày kia, sau một chầu rượu, A-lix đã bị té ngã và bán thân bất toại. Hoàn cảnh của hai vợ chồng thật là bi đát: Từ trước đến nay họ sống nhờ việc canh tác vườn cam tại cánh đồng cách nhà khoảng một cây số. Từ ngày A-lix bị liệt phải ngồi một chỗ, thì bà I-sa-ben phải gánh vác toàn bộ công việc: vừa lo chăm sóc cho chồng, lại vừa phải ra đồng làm việc. Mỗi sáng, sau khi giúp A-lix các việc vệ sinh cá nhân và ăn sáng, bà dìu ông ngồi vào chiếc xe lăn, rồi vội vã ra đồng làm việc đến tối mới trở về nhà.

Biết được hoàn cảnh của đôi vợ chồng này, Cha Sở đã ghé thăm và kêu gọi giáo dân trong giáo xứ quan tâm giúp đỡ. Các em thiếu nhi giáo lý thì phân công nhau đến đọc báo cho ông nghe, đẩy xe đưa ông đi dạo tại công viên gần nhà ... Hàng tuần một bác sĩ là giáo dân trong xứ tình nguyện đến khám bệnh và giúp ông tập vật lý trị liệu để mau hồi phục. Vào lễ Giáng Sinh năm đó, khi Cha Sở đến thăm thì đột nhiên A-lix nói với Cha rằng: “Thưa Cha, con muốn xưng tội để được rước lễ vào lễ đêm hôm nay”. Cha Sở còn chưa hết ngạc nhiên, thì ông lại nói tiếp: “Thưa Cha, đã 30 năm nay con không còn tin vào Chúa và cũng không đến nhà thờ. Nhiều lần con còn mượn chén rượu để khích bác nói xấu Cha. Thế mà khi con bị bệnh, Cha và bà con trong xứ không những không bỏ mặc con, mà lại còn tận tình giúp đỡ. Con cảm thấy Chúa đang hiện diện qua Cha và mọi người trong giáo xứ. Chính tình yêu mến Chúa mới có thể làm cho Cha, cho ông bác sĩ và bà con trong xứ sẵn sàng hy sinh bỏ ra nhiều thời giờ sức lực để đến thăm và giúp đỡ con, một kẻ tội lỗi đã bỏ Chúa và nhiều lần xúc phạm đến Ngài !. Do đó, giống như đứa con hoang đàng, hôm nay con quyết tâm trở về làm con cái Chúa. Xin Cha thương giúp con”. Giáng Sinh năm ấy cả giáo xứ đều vui mừng đón nhận một người lạc xa Chúa trở về sinh hoạt trong cộng đoàn. Chính tình yêu mến Chúa, thể hiện qua việc làm hy sinh phục vụ người bất hạnh của cha sở và của giáo dân trong xứ, đã biến đổi một con người vô tín thù ghét Chúa trở thành một con chiên ngoan ngoãn trong đoàn chiên của Ngài.

+ NGÀY NAY, khi chịu phép Rửa Tội, mỗi tín hữu chúng ta sẽ được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa. Vậy ta phải ăn ở thế nào để Thiên Chúa cũng được hài lòng và có thể hãnh diện giới thiệu ta giống như đã nói về Chúa Giê-su sau khi chịu phép rửa của Gio-an rằng: “Con là con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về con”.

III.    HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU

1)      LẠY CHÚA GIÊSU, thật là dễ hiểu khi người ta kéo đến sông Gio-đan để nghe lời Gio-an rao giảng và xin ông làm phép rửa để chuẩn bị tâm hồn chờ đon Đấng Thiên Sai. Nhưng con lại cảm thấy thật khó chấp nhận được việc Chúa mà cũng đến để xếp hàng chung với đám đông kia để xin chịu phép rửa giống như họ.

Nhưng hôm nay, nhờ Giáo Hội dạy bảo nên con mới hiểu được rằng: Chúa là đấng vô tội và thánh thiện tuyệt đối, nhưng đã đến xin Gio-an thanh tẩy là để ông thi hành sứ mệnh tiền hô, làm chứng Chúa là Đấng Thiên Sai trước mặt môn đồ của ông và toàn thể dân chúng. Chúa cũng muốn dạy chúng con bài học về khiêm nhường, một nhân đức nền tảng của các tín hữu chúng con.

Về phần con: Con đầy dẫy tội lỗi và khuyết điểm, thế mà con lại cảm thấy ngại ngùng khi đi xưng tội. Con thật là một người vô tài, thế mà con lại thích được nổi danh, được ca ngợi về tài năng và sự thánh thiện. Con thiếu khả năng, thế mà cứ muốn được nắm giữ các chức vụ then chốt trong cộng đoàn ...

Lạy Chúa Giê-su, qua việc đến xin chịu phép rửa của Gio-an, Chúa muốn dạy chúng con bài học về đức khiêm nhường. Con xin dâng lên Chúa mọi tâm tư, tình cảm và con người con, xin Chúa thương đổ ơn Thánh Thần thánh hoá và biến đổi con ngày một nên giống Chúa hơn, Lạy Chúa Giê-su, “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, xin thanh tẩy con sạch mọi tội lỗi. Xin giúp con hoán cải để ngày một khiêm tốn hơn, xứng đáng được Chúa thứ tha tội lỗi và sẽ tôn vinh con trước toà Chúa Cha sau này.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

2)      LẠY THÁNH MẪU MA-RI-A, nhờ phép Rửa Tội, con đã được trở thành một tạo vật mới và nên con nuôi của Chúa Cha, thành môn đệ của Chúa Giê-su. Con luôn xác tín rằng: Chúa Cha hằng yêu thương con và muốn con được hưởng hạnh phúc.

Xin Mẹ thương giúp con biết noi gương Mẹ: Luôn sống hiếu thảo với Chúa Cha bằng việc năng thưa chuyện với Cha, sẵn sàng lắng nghe lời Cha phán dạy mỗi khi tham dự Thánh Lễ, qua lời chỉ dạy của các bậc Bề Trên và qua các biến cố may rủi xảy tới trong cuốc sống ... Cho con tìm hiểu Thánh Ý Cha, và sẵn sàng “Xin Vâng” Ý Cha (x. Lc 1,38). Mỗi khi gặp phải điều gì trái ý, xin cho con biết cầu nguyện với Chúa Cha, như Chúa Giê-su đã thưa với Cha Ngài trước giờ khổ nạn: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,41-42)

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. - Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

Lm. Đan Vinh


 

TN1-B27. CHA HÀI LÒNG VỀ CON - Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 

Sau lễ Hiển Linh, Hội Thánh mừng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Theo quan niệm của Hội Thánh: TN1-B27


Sau lễ Hiển Linh, Hội Thánh mừng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Theo quan niệm của Hội Thánh thời các Tông Đồ, sứ vụ Cứu Độ của Chúa Giêsu khởi đầu từ sự kiện Đức Giêsu Nagiarét xuất hiện bên bờ sông Giócđan, xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình như bao người Do Thái sám hối khác! Sự kiện này hàm chứa một ý nghĩa tôn giáo đặc biệt. Chúng ta hãy tự hỏi khi lắng nghe Lời Chúa: Việc Đức Giêsu chịu phép rửa trong sông Giócđan có ý nghĩa gì?

I.       LẮNG NGHE LỜI CHÚA

1.      Bài đọc 1: Is 55,1-11. 2. Bài đọc 2: 1 Ga 5.1-9. 3. Bài Tin Mừng: Mc 1,7-11.

II.      TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1.Ý nghĩa của việc Đức Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Giócđan: bộc lộ rõ Đức Giêsu và mối tương quan của Người với Thiên Chúa.

1.1    Cao điểm của biến cố phép rửa không phải là lúc Gioan dìm Đức Giêsu xuống dòng sông mà là những việc xảy ra khi Đức Giêsu bước ra khỏi nước. Phúc âm theo Thánh Máccô viết: “Vừa lên khỏi nước, Người (Đức Giêsu) liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,10-11). Ở đây Máccô dùng cách diễn tả của người Do Thái xưa để tường thuật những gì mới xảy ra cho Đức Giêsu. Các kiểu nói “tầng trời xé ra” hoặc “có tiếng nói từ trời phán” đều có nghĩa là Thiên Chúa từ cõi siêu hình, cao xa đã đi vào thế giới con người, hiện diện trong biến cố. Trong thần học người ta gọi đó là cuộc thần hiện, tức cuộc xuất hiện của thần linh, của Thiên Chúa. Như thế việc Đức Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Giócđan cho chúng ta thấy Đức Giêsu là Đấng xuất phát từ thế giới thần linh của Thiên Chúa, có mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, là Con yêu dấu của Thiên Chúa (Con là Con yêu dấu của Cha), đang thi hành Chương Trình của Thiên Chúa, được Thiên Chúa ở cùng (bồ câu ngự xuống trên Người) và rất đẹp lòng Thiên Chúa (Cha hài lòng về Con). Sau này thần học mới triển khai rộng ra và giải thích rằng: tiếng nói từ trời phán là tiếng nói của Chúa Cha, Thần Khí có hình bồ câu ngự xuống trên Người là Chúa Thánh Thần, Còn Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa, là Ngôi Hai hay Ngôi Lời. Vậy trong biến cố Đức Giêsu Nadarét chịu phép rửa chúng ta thấy xuất hiện Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, thông hiệp mật thiết với nhau trong thế giới siêu việt của Thiên Chúa và trong Công Trình Cứu Chuộc loài người của Đức Giêsu.

1.2    Việc Đức Giêsu chịu phép rửa trong dòng sông Giócđan còn có một ý nghĩa khác, cũng là cho thấy rõ Đức Giêsu: Chắc chắn khi để cho Gioan Tẩy Giả dìm mình xuống dòng sông, Đức Giêsu không đóng kịch. Người biết rõ rằng phép rửa của Gioan chỉ là một nghi thức tỏ lòng sám hối chứ không có khả năng tha tội. Đấng có quyền tha tội là Thiên Chúa và chỉ có một mình Người mới có quyền tha tội. Cũng chắc chắn Đức Giêsu biết mình là Đấng vô tội (vì là Thiên Chúa cực thánh) nên không cần phải sám hối cũng như không cần phải tỏ lòng sám hối. Thế tại sao Đức Giêsu lại hành động như thế? Chỉ có một cách giải thích sự việc là như thế này: Vì Đức Giêsu muốn sống hòa nhịp với dân tộc mình và muốn thể hiện tình liên đới chặt chẽ với họ cũng như với loài người tội lỗi chúng ta. Vì là một người Do Thái đích thực, Đức Giêsu sống niềm trông đợi, chờ mong, hy vọng của toàn dân đang hướng về Đấng Cứu Tinh mà các ngôn sứ đã loan báo từ bao thế hệ trước. Mà muốn cho ngày Đấng Cứu Tinh ấy mau tới và muốn cho mình không bị Thiên Chúa loại bỏ trong ngày quan trọng ấy thì chỉ có một cách là sám hối ăn năn về những tội lỗi thiếu sót của bản thân và của dân tộc mình. Vì thế các người Do Thái đạo đức đã hưởng ứng lời “ rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” của Gioan. Và Đức Giêsu đã làm y như họ: Người đã đứng vào hàng những người sám hối để chờ được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho.

2.      Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác xa và vuợt cao hơn ngàn trùng tư tưởng và đường lối của con người.

“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

Đó là nhận định rất chính xác và sâu sắc của ngôn sứ Isaia về cả quá trình lịch sử Cứu Độ mà Thiên Chúa đã thể hiện. Chúng ta cứ nhìn vào hai sự kiện Đức Giêsu sinh ra ở Bêlem (Lễ Giáng Sinh) và chịu phép rửa ở dòng sông Giócđan (Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa) để thấy rõ điều ấy. Trong sự kiện Đức Giêsu Ngôi Lời nhập thể sinh ra làm Hài Nhi nhỏ bé, yếu ớt được bọc tã nằm trong máng cỏ nơi hang bò lừa Bê Lem chẳng những cho ta thấy sự khiêm hạ của Đức Giêsu mà còn cho ta thấy Đấng Cứu Độ không chỉ dành cho những người sống ở trong Do thái giáo tức những người đạo đức tuân giữ Luật mà còn dành cho những người sống ngoài lề xã hội và tôn giáo lúc bấy giờ là những người chăn chiên, không chỉ dành riêng cho dân Ítraen mà còn dành cho Dân Ngoại được biểu trưng bằng ba nhà chiêm tinh phương Đông.

Còn trong sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa, chúng ta khám phá ra mối tương quan thần linh của Người với Thiên Chúa và tình liên đới chặt chẽ của Người với dân tộc Ítraen, nhất là với các tội nhân và hối nhân, khao lhát Ơn Cứu Độ, ngóng chờ Ngày Giải Thoát của Thiên Chúa.

Cũng như sau này, viên đại đội trưởng chỉ nhận ra Đức Giêsu: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (Mt 15,39) khi đứng đối diện với Người trên cây thập giá và nhìn Người tắt thở trên cây gỗ ấy.

Kết luận: Mầu nhiệm cao siêu của Thiên Chúa đã được bộc lộ và (có thể nói) chỉ được bộc lộ qua những cảnh đơn sơ, khiêm cung, tự hạ và tự hủy của Đức Giêsu Kitô, Con Yêu dấu của Cha, đẹp lòng Cha mọi bề.

3.      Chúng ta hãy học cùng Đức Giêsu.

Nếu chúng ta muốn sống đẹp lòng Cha, chúng ta không còn cách nào khác là học cùng Chúa Giêsu Kitô, Con Cha. Người đã để lại cho chúng ta hai bài học tối quan trọng:

3.1    Bài học khiêm nhường, tự ha và tự hủy: Về Đức Giêsu, Gioan Tẩy Giả đã tuyên bố: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần” (Mc 1,7-8). Thế mà Đức Giêsu đã tự mình tìm đến với Gioan, xin Gioan làm phép rửa cho mình.—Nếu là chúng ta, nhất là khi chúng ta có chức, có quyền và có tiền, chắc chúng ta sẽ ngồi chờ những ai cần chúng ta đến với chúng ta, cầu cạnh, xin xỏ chúng ta, vì chúng ta cho rằng như thế mới phù hợp hơn chức vị của chúng ta.

3.2    Bài học liên đới và tự đồng hoá mình với tội nhân, với con người: Đức Giêsu là Đấng vô tội, là Con yêu dấu của Chúa Cha, là Đấng đầy Thánh Thần mà đã tự xếp vào hàng các tội nhân và các hối nhân để được Gioan dìm xuống dòng sông.—Nếu là chúng ta, nhất là khi chúng ta có chức vụ trong cộng đoàn hay được coi là người đạo đức, chắc chúng ta sẽ đứng tách ra một bên, ngồi riêng ra một bàn, xếp riêng vào một dẫy, để mọi người thấy chúng ta là hạng người khác và không “lẫn lộn” chúng ta với những người thấp kém, tầm thường, tội lỗi.

III.    SỐNG LỜI CHÚA

Trong tuần mỗi ngày tôi đọc đi đọc lại đoạn Kinh Thánh sau đây, để cảm nghiệm được lòng Chúa Giêsu Kitô và tập sống theo Người:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người còn lại hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự.” (Pl 2,5-8).

IV.    CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA

* Lạy Cha, trong biến có phép rửa của Chúa Giêsu Kitô, Cha đã công bố: “ Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con “ Con rất muốn được Cha nói lời ấy với con.

** Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã khiêm nhường, tự hạ, tự hủy, liên đới và tự đồng hóa mình với tội nhân và hối nhân để Mầu Nhiệm cao siêu và đời đời của Thiên Chúa được tỏ bày cho nhân loại, nhất là cho những kẻ tin. Xin Chúa giúp con cảm nhận được hạnh phúc ngọt ngào khi chọn sống khiêm cung, tự hạ, tử hủy, liên đới với con người như Chúa.

*** Lạy Chúa Thánh Thần là sức mạnh trong tâm hồn và hành động của Chúa Giêsu, Xin Chúa là sức mạnh trong tâm hồn và cuộc sống của con.  Giêrônimô Nguyễn Văn Nội   


 

TN1-B28. BÍ TÍCH RỬA TỘI - Lm. Louis Thanh Minh


Is 42,1-4.6-7: Tđcv 10,34-38; Mc 1,6b-11

 

Lễ Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa vừa là một sự kết thúc, vừa là một sự bắt đầu: kết thúc mùa: TN1-B28


Lễ Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa vừa là một sự kết thúc, vừa là một sự bắt đầu: kết thúc mùa Giáng Sinh và bắt đầu mùa Quanh Năm. Đức Chúa Giêsu là Thiên Tử, là Con Chiên vô tội, Người không cần phải rửa tội thống hối, nhưng Người đã tuân giữ như mọi tội nhân, cũng như 30 năm về trước khi sinh hạ được 40 ngày, Người không cần phải vào đền thờ dâng mình cho Gia-vê Thiên Chúa với đôi chim gáy; tuy nhiên Người đã muốn tuân giữ đúng luật Môi-sen để nêu gương cho chúng ta.

Cũng như hôm lễ Hiển Linh tuần trước, hôm nay Giáo Hội cử hành lễ Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa là để mừng kính chung Mầu Nhiệm Chúa tỏ mình ra qua 3 biến cố: với 3 đạo sĩ Đông phương (dân ngoại), bên giòng sông Hòa Giang (Phúc Âm) và tại tiệc cước Cana (Ga 2,1-11).

Với biến cố chịu phép Rửa của Gioan tiền hô, Đức Chúa Giêsu đã chính thức khai mạc cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, dưới sự giới thiệu, chuẩn y của Đức Chúa Cha: “Nầy là Con Ta yêu dấu...” và hỗ trợ của Đức Chúa Thánh Thần (dưới hình chim bồ câu). Đồng thời, Đức Chúa Giêsu cũng dùng Phép Rửa thống hối bằng nước của Thánh Gioan để thiết lập Bí Tích Rửa Tội bằng nước và Thánh Thần.

Sách bổn giáo lý đã cho ta biết: Bí tích Rửa Tội hay Thánh Tẩy là Bí tích đầu tiên và căn bản, là ngưỡng cửa đưa ta vào suối nguồn của 6 phép Bí tích khác. Nhờ Bí tích Rửa Tội, con người được thanh tẩy khỏi tội tổ tông và tội riêng mình, được chính thức gia nhập Hội Thánh, trở thành nghĩa tử của Đức Chúa Cha, em của Đức Chúa Giêsu và hiệp nhất khắng khít với Đức Chúa Thánh Thần, có quyền thừa kế gia nghiệp Nước Trời. Do đó, Bí tích Rửa Tội chính là điều kiện tất yếu để con người được hưởng ơn Cứu rỗi do công nghiệp của Chúa Cứu Thế mang lại như lời Người phán: “Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu rỗi, ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16,16).

Làm sao chúng ta có thể hình dung được vẻ đẹp tuyệt vời của một linh hồn vừa mới ra khỏi giếng Rửa Tội, nó giống một chiếc áo mới trắng tinh như tuyết, trong sáng tựa pha lê! Nhưng với thời gian và trải qua những cuộc phong ba bão táp của cuộc đời tục lụy, chiếc áo linh hồn đó đã bị hoen ố bởi tội lỗi riêng mình đã phạm, làm mất vẻ mỹ miều của thuở ban đầu! Thấy trước tình trạng đó, nên sau khi lập phép Rửa Tội, Đức Chúa Giêsu cũng lo liệu lập Bí tích Giải Tội để con người tẩy sạch vết nhơ và tìm lại vẻ đẹp của giây phút vừa chịu Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta hãy cám ơn lòng nhân từ Chúa và nhanh chân lẹ bước chạy đến tòa cáo giải mỗi khi yếu đuối lỗi lầm. Vậy cử hành lễ Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa hôm nay, Mẹ Hội Thánh muốn nhắc nhở con cái mình đặc ân Bí tích Rửa Tội và khuyến dụ chúng ta hãy cố gắng gìn giữ chiếc áo trắng linh hồn luôn tinh tuyền cho đến ngày ra trước tòa Chúa phán xét chí công.

Lạy Chúa, xin ban ơn hộ giúp chúng con từ nay quyết tâm thà chết chẳng thà phạm một tội trọng làm hoen ố chiếc áo trắng của linh hồn mà Chúa đã trao tặng chúng con trong ngày hồng phúc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Amen.

Lm. Louis Thanh Minh 


 

TN1-B29. Hãy mai táng chính mình

 

Một vị linh mục nọ đã có một sáng kiến rất ngộ nghĩnh để đánh động giáo dân trong giáo xứ. Một: TN1-B29


Một vị linh mục nọ đã có một sáng kiến rất ngộ nghĩnh để đánh động giáo dân trong giáo xứ. Một buổi sáng Chúa Nhật nọ, dân chúng bỗng nghe một lời rao báo như sau: "Một nhân vật trong giáo xứ vừa qua đời. Tang lễ sẽ được cử hành vào sáng thứ Tư tới". Nghe lời loan báo ấy, cả giáo xứ nhốn nháo lên. Người nào cũng muốn biết con người quan trọng ấy là ai.

Đúng ngày tang lễ, mọi người trong giáo xứ nườm nượp kéo nhau đến nhà thờ. Từ cung thánh cho đến cuối nhà thờ, không còn một chỗ trống. Người ta đến không phải để cầu nguyện cho người quá cố cho bằng để nhìn mặt lần cuối cùng con người mà ai cũng muốn biết.

Sau thánh lễ, vị linh mục đến mở nắp quan tài để cho mọi người đến chào từ biệt lần cuối cùng người quá cố. Ai ai cũng sắp hàng để nhìn cho kỳ được người chết. Nhưng ai cũng đều ngạc nhiên, bởi vì thay cho thi hài của người chết, mỗi người chỉ nhìn thấy trong quan tài một tấm gương và dĩ nhiên, khi cúi nhìn vào quan tài, mỗi người chỉ nhìn thấy dung nhan của mình mà thôi.

Chờ cho mọi người làm xong nghi thức từ biệt ấy, vị linh mục mới giải thích: "Như anh chị em đã có thể nhận thấy, tôi đã cho đặt vào trong quan tài một tấm kính. Con người mà anh chị em nhìn thấy trong quan tài không ai khác hơn là chính mỗi người trong chúng ta. Vâng, đúng thế, thưa anh chị em, mỗi người chúng ta cần phải mai táng chính mình... Thánh lễ vừa rồi đã được cử hành cho tất cả chúng ta".

Bắt đầu sứ mệnh công khai của Ngài bằng cử chỉ dìm mình xuống dòng nước sông Giodan, Chúa Giêsu muốn loan báo cho mọi người thấy rằng Ngài đã vâng phục ý Chúa Cha để đi vào Cái Chết và nhờ đó cứu rỗi nhân loại. Một cách nào đó, mầu nhiệm của Sự Chết và Sống lại đã được diễn tả qua việc Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước.

Thiết lập Phép Rửa như cửa ngõ để đưa chúng ta vào cuộc sống trường sinh, Chúa Giêsu cung muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài. Dìm mình trong nước của Phép Rửa, chúng ta khởi đầu cuộc sống Kitô hữu bằng chính cái chết. Sống đối với chung ta có nghĩa là chết: chết cho những khuynh hướng xấu, chết cho những đam mê xấu, chết cho tội lỗi, chết cho ích kỷ, chết cho hận thù. Cuộc sống do đó đối với chúng ta cũng là một cuộc mai táng liên lỉ. Cũng như hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi, cũng thế chúng ta phải chấp nhận chôn vùi con người cũ tội lỗi của chúng ta.

Trích Lẽ Sống


 

TN1-B30. ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA


Máccô 1,7-11

Sau lễ Giáng Sinh, phụng vụ nói đến khởi đầu cuộc sống công khai của Đức Giêsu. Người chính là Người Tôi Trung của Chúa Cha; Người sẽ đưa lại một quan hệ mới mẻ giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Lm PX Vũ Phan Long, ofm

I. NgỮ cẢnh

 

Chúng ta có thể theo giáo sư G. Gnilka mà coi Mc 1,1-15 là lời tựa hoặc mở đầu của Tin Mừng Máccô: phần: TN1-B30


Chúng ta có thể theo giáo sư G. Gnilka mà coi Mc 1,1-15 là lời tựa hoặc mở đầu của Tin Mừng Máccô: phần này đăt trọng tâm vào “Tin Mừng” (x. cấu trúc đóng khung với từ “Tin Mừng “ ở đầu và cuối đoạn). Bản văn 1,7-11 chúng ta đọc hôm nay liên kết lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa với việc Đức Giêsu chịu phép rửa, khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thật ra hai phần này biệt lập với nhau; chúng ta thấy được điều này qua chi tiết dẫn nhập “hồi ấy” và qua sự kiện tác giả mô tả thêm một lần nữa việc Gioan làm phép rửa trong sông Giođan. Tuy kể lại phép rửa Gioan, bản văn lại không tương ứng hoàn toàn với các từ ngữ và cách kết cấu của c. 5.

II. BỐ cỤc

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Lời loan báo của Gioan (1,7-8);
2) Phép rửa của Đức Giêsu (1,9-11):

        a) Biến cố lịch sử: Đức Giêsu chịu phép rửa (9-10),
        b) Thị kiến khải huyền: Cuộc thần hiển (10-11).


III. Vài điỂm chú giẢi

- Ông rao giảng (7): ekêryssen, do động từ Hy-lạp kêryssein, “công bố; loan báo”, ở thì vị hoàn (imperfect), để diễn tả đây là một hoạt động thường xuyên của Gioan. Chúng ta đến đỉnh cao của đoạn văn này, bởi vì chỉ đến đây, Gioan mới lên tiếng mà chỉ cho thấy Đấng ông làm Tiền Hô cho.

- Đấng quyền thế hơn tôi (7): Có lẽ danh xưng này ám chỉ đến Is 40,10 (“Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng [= đến với sức mạnh], tay nắm trọn chủ quyền”). Sự tương phản giữa hai bên lớn đến nỗi Gioan “không đáng cởi quai dép cho Người”, mà đây là công việc thấp hèn đến nỗi một nô lệ Do-thái cũng không buộc phải làm cho chủ (sách Mishna) (x. Mt 3,11; Lc 3,16; Ga 1,15.27.30; 3,30; Cv 13,25).

- phép rửa (8): Cho dù Gioan có thuộc về phong trào Êxêni ở Qumrân hay không, phép rửa của ông tương tự phép rửa của người Êxêni, nhất là ở điểm cả hai phép rửa đều diễn tả một sự hoán cải nội tâm, sự hoán cải này vừa là hành vi của con người vừa là ân huệ của Thiên Chúa, cũng như chuẩn bị các tâm hồn đón tiếp Thiên Chúa sắp đến can thiệp vào thời cánh chung. Tuy nhiên, Gioan khác người Êxêni ở hai điểm: không nghĩ rằng tội lỗi gây nên một sự ô nhơ nơi thân xác; không buộc các hối nhân phải sống một năm thử thách; chỉ ban phép rửa một lần, vì đây là hành vi chuẩn bị cuối cùng để đón Đấng Mêsia ngự đến.

- trong Thánh Thần (8): Các bản văn Nhất Lãm song song (Mt 3,11; Lc 3,16) đọc là “trong Thánh Thần và lửa”. Có lẽ lúc đầu, câu này có hình thức là “gió và lửa” để mô tả biến cố Triều Đại cánh chung của Thiên Chúa ngự đến. Mc chỉ quan tâm đối lập nghi thức chuẩn bị của Gioan với việc thiết lập Nước Thiên Chúa nhờ hoạt động của Đức Kitô, mà không nói đến phán xét. Nhờ đó, Người đưa lại cho “phép rửa trong Thánh Thần” ý nghĩa tích cực là một cuộc tái sinh bên trong.

- Hồi ấy (9): dịch sát là “trong những ngày ấy”.

- tựa chim bồ câu (10): Cả ba TMNL đều nói đến điểm này, với hôs (“giống như”) để so sánh (riêng Mt dùng hôsei để nhấn mạnh). Lc còn xác định rằng Thần Khí đã ngự xuống “dưới một hình dáng” (sômatikê eidei, “in bodily form”; x. Lc 3,22).

Tại sao con bồ câu lại trở thành biểu tượng của Thần Khí? Chúng ta không có câu trả lời rõ ràng. Rất có thể hành động bay lượn của Thần Khí trên mặt nước nguyên thủy trong St 1,2 đã gợi ra hình ảnh một cánh chim bay lượn (tương tự trong Đnl 32,11), nhưng bản văn ấy không nói là một con bồ câu (trừ một bản văn thuộc truyền thống kinh sư). St 8,8 thì nói rằng Nôê đã thả một con bồ câu, nhưng lại không hề khẳng định rằng con bồ câu này là hình ảnh của Thần Khí. Cha X. Léon-Dufour cho rằng con bồ câu có thể gợi ra tình yêu của Thiên Chúa (x. Dc 2,14; 5,2) hoặc cuộc tạo dựng mnới (x. St 1,2).

Trong truyền thống Do-thái, con bồ câu có một ý nghĩa biểu tượng, liên hệ đến Israel, đặc biệt với Israel đang lưu đày (Hs 7,11; 11,11; Is 60,8; Tv 55,7-8; 68,13; 74,19; Dc 1,15; 2,14; 5,2; 6,8) và cũng được nền văn chương Ngụy thư hoặc kinh sư sử dụng. Từ đó cha A. Feuillet cho rằng con bồ câu đi xuống và ngự trên Đức Giêsu tượng trưng và tiên báo điều sẽ là hoa trái chính yếu của cuộc đổ tràn Thần Khí: đó là việc thành lập Israel mới, cộng đoàn hoàn hảo của thời đại ân phúc. Vậy, điều được diễn tả không phảu trự tiếp là Thần Khí, mà là hậu quả đối với Dân Thiên Chúa, khi Thần Khí hiện diện nơi Đức Giêsu. Cũng như vào ngày lễ Ngũ Tuần, các lưỡi lửa không trực tiếp tượng trưng Thần Khí, mà là các ngôn ngữ mà các tông đồ dưới ơn Thần Khí soi sáng, sẽ nói ra, và sâu xa hơn, tượng trưng công việc phúc âm hóa thế giới, thì cũng vậy, con bồ câu trong Phép Rửa diễn tả ý tưởng này là Dân thiên sai phải chọn điểm khởi hành nơi bản thần Đức Giêsu-Mêsia, là Vua và Tôi tớ của YHWH.

Giả thuyết này cũng hấp dẫn, nhưng thật khó áp dụng vào bản văn Mc. Hẳn là bản văn St 8,8 vẫn có thể giúp ích: con bồ câu được thả ra mà không có chỗ đậu, phải trở lại tàu Nôê, phải chăng muốn nói rằng trong một thời gian dài, Thần Khí không có chỗ đậu là một người nào, cho đến khi Đức Giêsu xuất hiện? Dù sao, ít ra chúng ta có thể nói rằng Thần Khí rất gần gũi với Đức Giêsu, trong tư cách là Đấng Mêsia đi rao giảng Nước Thiên Chúa, và điều này lại khiến chúng ta nhớ tới Is 42,1. - ngự xuống trên Người (10): Mt, Lc va Ga đều nói rằng Thần Khí ngự xuống “trên” (epi; Mc: eis) Đức Giêsu. Các nhà chú giải thường nghĩ đến Is 11,1-2a: “Từ gốc tổ Giesê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này”.

IV. Ý nghĩa cỦa bẢn văn

* Lời loan báo của Gioan (7-8)

Tương hợp với câu trích Is nói về tiếng nói của người loan báo, hoạt động của Gioan được mô tả như là một việc “hô to [như anh mõ làng]”; “công bố”; “phổ biến” (kêryssein). Hành vi này đưa ông đến gần Đức Giêsu (1,14.38t), các môn đệ (3,14; 6,12), Tin Mừng (13,10; 14,9), các sứ giả đức tin (1,45; 5,20; 7,36). Cùng với sự đối lập giữa phép rửa của ông với phép rửa của Đấng Mêsia, ông loan báo “Đấng quyền thế hơn (= Đấng mạnh hơn [ông])” đang đến. Phép rửa của ông không phải là một nghi thức có sức tha tội (Bí tích Rửa tội), nhưng là phương thế giúp người ta bày tỏ lòng thống hối và quyết tâm thay đổi đời sống.

* Phép rửa của Đức Giêsu (9-11)
Phần này với phần trên biệt lập với nhau. Chúng ta thấy được điều này qua chi tiết dẫn nhập “hồi ấy” và qua sự kiện tác giả mô tả thêm một lần nữa việc Gioan làm phép rửa trong sông Giođan: tuy kể lại phép rửa Gioan, bản văn lại không tương ứng hoàn toàn với các từ ngữ và cách kết cấu của c. 5. Dường như tác giả Mc quan tâm đặc biệt đến miền Galilê; do đó, ngài đã nêu bật rằng Đức Giêsu đến từ một miền khác với miền xuất phát của các đám đông đến với vị Tẩy Giả.

Bản văn này liên kết một biến cố lịch sử với một thị kiến khải huyền. Biến cố lịch sử là phép rửa Đức Giêsu nhận bởi tay Gioan. Thị kiến khải huyền cho biết Đức Giêsu là ai. Người đến từ làng Nadarét. Đối với Mc, điều quan trọng là làng ấy thuộc về miền Galilê. Nhưng Nadarét lại được coi như địa điểm từ đó Đức Giêsu đến “trong những ngày ấy” (= “hồi ấy”, PVCGK). Chi tiết mông lung về thời gian này, tuy quy về quá khứ, lại đưa lại cho việc Đức Giêsu xuất hiện một đặc tính long trọng.

Tại sao Đức Giêsu lại đến chịu phép rửa bởi tay Gioan, khi mà Người không có tội lỗi gì? Chính sứ mạng của Người đưa Người đến chỗ sẵn sàng liên đới với các tội nhân, tự đồng hóa với họ. Tác giả Mc, cũng như hai tác giả LcMt, không muốn tường thuật cho chúng ta chuỗi các biến cố đã xảy ra hôm ấy. Tác giả chỉ muốn dạy chúng ta biết Đức Giêsu là ai bằng cách vận dụng ba hình ảnh mà các độc giả thời ngài hiểu rất rõ:

1) Hình ảnh “trời xé ra”. Hình ảnh này nhắc đến Is 63,15-19: trong đoạn văn này, vị ngôn sứ xin Thiên Chúa “xé trời mà ngự xuống”, nghĩa là chấm dứt tình trạng thinh lặng của Ngài và đừng ở xa cách Dân Ngài nữa. Ông xin Thiên Chúa lại mở lòng ra và lại tỏ ra là bạn hữu của nhân loại. Khi dùng hình ảnh này, Mc muốn nói với chúng ta rằng cuộc sống công khai của Đức Giêsu đánh dấu khởi đầu cuộc hòa giải giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và chúng ta.

2) Hình ảnh “con bồ câu” đưa chúng ta trở lại với những gì đã xảy ra vào thời gian Lụt hồng thủy (St 8). Vào lúc đó, trời bị đóng lại và có sự thù nghịch giữa Thiên Chúa và loài người. Con bồ câu với cành ô-liu cho biết là sự sống đã tái sinh trên mặt đất, nghĩa là Thiên Chúa đang thôi giận loài người, hòa bình đã được phục hồi.

3) Tại sao Thần Khí lại được so sánh với một con bồ câu? Trong thời Cựu Ước, YHWH ban quyền lực của Ngài cho các ngôn sứ, làm cho các ngài nên can đảm và có khả năng hoàn tất các nhiệm vụ Ngài ký thác (x. Is ch. 6; Gr 1,6-10). Vào ngày nhận phép rửa, Đức Giêsu cũng đã được tấn phong  và nhận quyền lực đó để chu toàn sứ mạng. Tại Israel, từ lâu rồi, đã vắng bóng những con người của Thiên Chúa. Vị ngôn sứ cuối cùng đã qua đời cách đây 300 năm. Trời đã đóng lại, y như thể Thiên Chúa không còn muốn nói với Dân Ngài nữa. Thần Khí Đức Chúa giống như một con bồ câu bay cùng khắp mà không tìm ra được một ai để có thể đậu lên. Khi cho Thần Khí của Ngài xuống trên Đức Giêsu, Thiên Chúa cho thấy rằng Ngài đã tìm ra con người theo ý Ngài, và nay một lần nữa, Ngài lại ngỏ lời với một con người.

Ngoài ra, có hai chi tiết cần để ý vì có ý nghĩa thần học sâu sắc:

Nơi Đức Giêsu chịu phép rửa là bờ sông Giođan. Chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước rằng Dân Israel được Giôsuê hướng dẫn, đã đi qua sông Giođan trước khi bước vào Đất Hứa. Ở đây Mc giới thiệu Đức Giêsu như Giôsuê mới dẫn dắt Dân mới của Thiên Chúa (trong tiếng Híp-ri, tên “Giêsu” cũng là tên “Giôsuê”).

Thời điểm Đức Giêsu nhận Thần Khí (“khi Người vừa ra khỏi nước”, chứ không phải lúc Người còn đứng trong dòng sông, như nhiều bức họa diễn tả). Sau khi qua sông Giođan, Giôsuê được đầy thần khí của Thiên Chúa để ông có thể dẫn đưa Dân vào Đất Hứa. Với Đức Giêsu cũng thế: khi vừa ra khỏi nước, Người nhận Thần Khí cùng với quyền lực của Thiên Chúa để có thể hướng dẫn dân Thiên Chúa đi đến tự do. Con đường đó thế nào, tác giả Mc sẽ dần dần viết ra.

+ Kết luận

Rất có thể giai thoại này là một kỷ niệm về tình trạng căng thẳng giữa các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và môn đệ của Đức Giêsu: họ tranh cãi để xem vị Thầy nào cao trọng hơn. Các môn đệ Gioan cho rằng vị Tẩy Giả cao trọng hơn vì đã ban phép rửa cho Đức Giêsu; còn các môn đệ của Đức Giêsu thì khẳng định rằng chính Đức Giêsu mới là Con Thiên Chúa và có Thần Khí chan hòa. Dù sao, ở đây còn có một bài học khác nữa. Các Kitô hữu tiên khởi khó mà chấp nhận được rằng Đức Giêsu lại chịu phép rửa. Phép rửa của Gioan là đễ diễn tả quyết tâm thống hối, và do đó người Pharisêu, vì nghĩ rằng họ công chính, chẳng bao giờ nghĩ rằng họ cần phải nhận phép rửa. Thế mà Đức Giêsu lại nhận phép rửa, khi mà Người là Con Thiên Chúa, Người hoàn toàn trong sạch! Đức Giêsu đã chịu phép rửa ngay lúc bắt đầu cuộc sống công khai, thật ra là để đứng vào hàng ngũ những kẻ tội lỗi, đồng hóa với họ. Đấy là một chọn lựa của Người, của chính Thiên Chúa.

Sau lễ Giáng Sinh, phụng vụ nói đến khởi đầu cuộc sống công khai của Đức Giêsu. Người chính là Người Tôi Trung của Chúa Cha; Người sẽ đưa lại một quan hệ mới mẻ giữa chúng ta với Thiên Chúa

V. GỢi ý suy niỆm

1. Người Kitô hữu cũng có một vai trò tiền hô đối với anh chị em mình. Muốn thế, cần xác định rõ ràng quan hệ của mình với “Đấng đang đến”, để khiêm tốn và trung thực giới thiệu về Người như là Đấng đã đang có mặt trong lịch sử loài người.

2. Đức Giêsu đã sẵn sàng đứng vào hàng các tội nhân, tự đồng hóa với họ, trở nên một người như họ, trong khi Người hoàn toàn trong sạch. Chúng ta, là những người có tội, phải chăng chúng ta lại xa cách anh em y như thể sợ rằng không ai biết cho sự lành thánh của chúng ta!    Chúng ta có biết đồng cảm với những người có cuộc sống không thành công chăng? Một Kitô hữu có được phép lên án người khác chăng? Thầy chí thánh chúng ta đi theo không bao giờ trách mắng những kẻ tội lỗi, Người đồng cảm với họ, Người bảo vệ họ và ngay từ đầu, Người đứng vào hàng ngũ của họ. Đấy là những điểm khiến các môn đệ Đức Giêsu phải suy nghĩ.

3. Chúng ta thuộc về đoàn dân mới của Thiên Chúa, đoàn dân đang tiến bước, có Đức Giêsu là Vị thủ lãnh đầy Thần Khí. Thầy chí thánh đang dẫn chúng ta đi về đâu? Chúng ta phải bước theo Người với cung cách nào? Tác giả Mc sẽ trả lời các câu hỏi này cho chúng ta dọc theo năm phụng vụ với Tin Mừng của ngài, và mời gọi chúng ta can đảm bước theo Đức Giêsu, là “con đường” đưa chúng ta về với Thiên Chúa.

4. Chúng ta cũng đã nhận phép rửa tội, chúng ta cũng có Thánh Thần, chúng ta cũng có chức năng vương đế. Chính vì thế, chúng ta phải biết cộng tác với Đức Giêsu, Đấng hướng dẫn chúng ta, bằng cách chế ngự tính mê tật xấu của riêng mình, đồng thời giúp anh chị em chúng ta thắng vượt các trở ngại khiến họ không thong dong bước theo Đức Giêsu được.

5. Thánh giám mục Maximô thành Turinô (?-khoảng 420) đã giảng trong Lễ Hiển Linh như sau: “Hôm nay, Chúa Giêsu đã đến nhận phép rửa. Người đã muốn rửa mình trong dòng nước Giođan. Có lẽ có người sẽ nói: ‘Người là Đấng Thánh, tại sao Người lại muốn được ban phép rửa?’ Vậy xin nghe đây. Đức Kitô được ban phép rửa không phải để được nước thánh hóa, nhưng để chính Người thánh hóa nước và thanh tẩy bằng hành động cá nhân các dòng nứơc Người chạm tới. Vậy ở đây là việc thánh hiến nước hơn là thánh hiến Đức Kitô. Bởi vì, kể từ khi Đấng Cứu Thế được rửa, tất cả các dòng nước trở thành trong sạch nhằm phép rửa của chúng ta; nguồn được thanh tẩy là để cho ân sủng được ban cho các dân tộc sẽ đến sau đó. Vậy Đức Kitô là người đầu tiên bước đến phép rửa để cho các dân Kitô hữu không ngần ngại bước đi theo Người.

Và ở đây tôi hé thấy một mầu nhiệm. Cột lửa lại đã không đi trước qua Biển Đỏ để khuyến khích con cái Israel bước theo sau đó sao? Cột lửa ấy đã đi qua nước trước tiên để vạch ra con đường cho những người theo sau. Theo chứng từ của thánh tông đồ Phaolô, biến cố này đã là một biểu tượng của phép rửa tội (1 Cr 10,1t). Hầu chắc đây là một thứ phép rửa trong đó người ta được bao phủ bởi các đám mây và được nâng đỡ bởi các làn nước. Và tất cả những điều đó đã được hoàn tất bởi cũng một Đức Kitô, Chúa chúng ta, Đấng bây giờ đi trước các dân tộc Kitô hữu trong cái cột là thân thể Người, như Người đã đi trước con cái Isreal qua biển trong cột lửa. Cũng cái cột ấy, xưa kia đã ban ánh áng cho mắt những người bước đi, nay ban ánh sáng cho con tim các tín hữu. Khi xưa, cột ấy đã vạch ra trong các sóng nước một con đường vững chắc, bây giờ cột ấy đang củng cố các bước chân đức tin trong cuộc thanh tẩy này”.

Lm PX Vũ Phan Long, ofm


 

TN1-B31. CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA


 - Lm Giuse Òinh laäp Lieãm

I. NGÀY LỄ PHONG VƯƠNG.

 

Phụng vụ hôm nay, nhất là bài Tin mừng, gợi lên cho chúng ta ý tưởng về ngày lễ phong vương. Thánh TN1-B31


Phụng vụ hôm nay, nhất là bài Tin mừng, gợi lên cho chúng ta ý tưởng về ngày lễ phong vương. Thánh Marcô cho chúng ta biết Đức Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan ở sông Giorđan. Chính khi Đức Giêsu được dìm trong nước và được kéo lên thì trời mở ra và có Thánh Thần hiện xuống dưới hình chim bồ câu và tiếng nói từ trời vang xuống:”Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Đây là tiếng của Thiên Chúa Cha nói với Đức Giêsu để nhận Ngài làm Con. Lời nói ấy khiến chúng ta  nghĩ đến một nghi lễ phong vương.

Ngày xưa, khi một người được phong lên làm vua thì phải trải qua một cuộc lễ phong vương với nghi thức gồm 3 phần, và hôm nay Đức Giêsu cũng đã thực hiện 3 phần ấy:

- Phải tắm rửa sạch sẽ.
- Phải được xức dầu.
- Và được tôn xưng làm vua.

1. Phải tắm rửa sạch sẽ.

Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giorđan bởi tay ông Gioan Tẩy giả. Chỉ ai không trong sạch mới cần tắm rửa. Vậy, Đức Giêsu là chiên của Thiên Chúa, một con chiên trong sạch vô tì tích, tại sao lại phải tẩy rửa tội lỗi ? Thưa,  Ngài làm như vậy là để hoà đồng với con người khiêm nhường  để từ đó dạy ta rằng muốn vào Nước Trời, phải ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và phải tắm gội tâm hồn cho trong sạch:”Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được xem thấy Chúa”.

2. Phải được xức dầu.

Đức Giêsu được Thánh Thần xức dầu tấn phong. Trong bài đọc 2, thánh Phêrô nói:”Đức Giêsu thành Nazareth được Thiên Chúa dùng Thánh Thần và quyền năng và xức dầu tấn phong cho Ngài”.

Tiên tri Isaia đã nói trước và chính Đức Giêsu đọc đoạn sách của Isaia ở hội đường Do thái:”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi: Vì Chúa đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem Tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ bị lưu đầy, phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa...”(Is 61,1-3). Và Đức Giêsu đã kết luận: hôm nay đã ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về Ngài.

3. Ngài được phong vương.

Đức Giêsu được tôn phong làm vua, là Đấng Messia, là Chúa Cứu thế.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                              

Trong Tin mừng, Thánh Marcô nói:”Khi Ngài vừa ở dưới nước lên thì Trời mở ra, Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài và có tiếng từ trời phán:”Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Đây là lời tuyên phong long trọng Đức Giêsu là Vua, là Con Thiên Chúa.


II. Ý NGHĨA VIỆC CHỊU PHÉP RỬA.

1. Phép rửa của Gioan và của Đức Giêsu.

Chúng ta thấy có sự khác nhau giữa phép rửa của Gioan và của Chúa Giêsu. Phép rửa của Gioan chỉ là dấu hiệu của sự ăn năn sám hối. Người Do thái đến cho Gioan làm phép rửa là để được ăn năn các tội mình để được ơn tha thứ. Còn Chúa Giêsu Kitô, con người vô tội,  không thể lãnh nhận Phép rửa với hướng đó. Vậy Ngài đến xin rửa không phải là cho mình, mà là cho người khác, vì người khác. Ngài chịu phép rửa là nói lên, từ nay, Ngài chung số phận với người tội lỗi và đó là tất cả ý nghĩa đời Ngài và cuộc đời này chỉ hoàn tất với phép rửa cuối cùng, của sự chết (Mc 10,38 ; Lc 12,50) vì chết là cùng chung số phận của con người tội lỗi, con người bị sa ngã, và là số phận bi đát nhất. 

Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa “tái sinh”. Nó ban cho mọi người một đời sống toàn vẹn. Giải thích về đời sống mới này, thánh Phaolô đã viết cho các Kitô hữu vừa mới được rửa tội như sau:”Khi được rửa tội là anh em được mai táng với Đức Kitô, và trong phép rửa tội, anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã bị chết về mặt tâm linh nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô”(Cl 2,12-13). 

2. Lý do Đức Giêsu chịu phép rửa.

Việc Đức Giêsu tự nguyện đến xin chịu phép rửa của Gioan không nhằm ăn năn sám hối tội lỗi như bao người khác, vì Ngài là Đấng vô tội (Dt 5,15b ; 7,26). Nhưng qua hành động này, Ngài muốn chia sẻ thân phận yếu hèn và cảm thông với các tội nhân để sau này sẽ chịu chết đền tội thay cho họ.  Đàng khác, việc toàn thân Chúa Giêsu được Gioan dìm xuống nước sông Giorđan, chính là hình bóng của phép rửa mà Ngài sẽ phải chịu trong mầu nhiệm tử  nạn và phục sinh sau này (x.Rm 6,3-4). Và từ mầu nhiệm phục sinh, Chúa Giêsu thiết lập bí tích rửa tội để nhờ đó tái sinh các tín hữu và đổi mới họ nhờ nước và Thánh Thần. Đây cũng là điều kiện để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa (x.Ga 3-6 ; Tt 3,5). 

Ngoài ra, việc Đức Giêsu đến xin chịu phép rửa của Gioan còn là cơ hội để ông thi hành sứ mệnh tiền hô đi trước dọn đường và làm chứng cho Ngài. Ngài chịu phép rửa của Gioan để sẽ làm cho phép rửa bằng nước trở thành bí tích rửa tội trong Chúa Thánh Thần (x.Mc 1,8) và lửa (x.Lc 3,16; Cv 2,3-4). 

3. Ý nghĩa Bí tích rửa tội.

Trước khi về trời, Đức Giêsu lập bí tích rửa tội khi Ngài nói với các môn đệ:”Các con hãy đi rao giảng cho muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Mt 26,20). Chúng ta xem lại phép rửa của Gioan Tiền hô: phép rửa của Gioan Tiền hô chỉ là một nghi thức tượng trưng, có mục đích nhắc nhở và thúc giục người ta ăn năn sám hối và cải thiện đời sống. Phép rửa này không có khả năng tẩy xóa tội lỗi, không có năng lực ban ơn thánh. Bởi vì phép rửa này không phải là một bí tích, đúng như Gioan đã quả quyết, đồng thời Ngài cũng giới thiệu một phép rửa khác, phép rửa của Chúa Giêsu, là phép rửa bằng Thánh Thần, nghĩa là phép rửa của Chúa Giêsu là một bí tích thông ban Chúa Thánh Thần, mặc dầu cũng dùng tới nước, nhưng nước chỉ là điều kiện, là nghi thức bên ngoài, còn thực sự là được rửa bằng Thánh Thần, biến  đổi con người tội lỗi nên con Thiên Chúa, và được hưởng hạnh phúc  vĩnh cửu Nước Trời.      

Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài. Chúng ta vào đời khi được sinh ra và vào đạo của Thiên Chúa khi được rửa tội. Trong nghi thức rửa tội chúng ta được dìm trong nước hoặc đổ nước trên đầu để chỉ việc tẩy rửa khỏi tội tổ tông và mọi tội riêng, được tái sinh làm con cái của Chúa và gia nhập vào Giáo hội. Vì thế, Giáo hội coi bí tích rửa tội như một cuộc tái sinh, người được rửa tội trở thành một con người mới. Họ thấy đâu là ơn gọi và định mệnh của con người, đâu là ý nghĩa của cuộc đời.

Truyện: Tôi mới có 2 tuổi.

Có một cụ già, mãi tới khi 80 tuổi mới lãnh nhận phép rửa tội. Bắt đầu từ đó cụ sống một đời rất gương mẫu. Hai năm sau, cụ hấp hối. Có người muốn biết cụ bao nhiêu tuổi. Cụ dõng dạc trả lời:”Tôi mới có hai tuổi. Tám mươi năm trước khi rửa tội là những năm chết. Tôi mới bắt đầu sống thật khi tôi chịu  phép rửa tội”. Thật là chí lý.

(Phạm văn Phượng, Chia sẻ TM Chúa nhật, B, tr 38).

III. BÍ TÍCH RỬA TỘI VÀ CHÚNG TA.

Ngày nay, mỗi người chúng ta đã được chịu phép rửa tội để trở thành Kitô hữu, con Thiên Chúa, con của Giáo hội. Bí tích rửa tội là cửa ngõ đưa ta vào trong Giáo hội và Nước Trời. Vậy bí tích rửa tội có tương quan gì với chúng ta không, và chúng ta phải sống thế nào cho xứng với hồng ân ấy ? 

1. Một cuộc đổi mới.

Chúng ta là những con người tội lỗi, nhờ phép rửa tội chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi để trở nên con người mới trong trắng, xứng đáng làm con của Đấng đã phán:”Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng thánh”. Tuy thế, sống giữa trần gian đầy cám dỗ, nhiều khi tấm áo tắng trong ngày chịu phép rửa tội đã bị hoen ố vì những hành vi xấu xa của ta, nên phải cố gắng đổi mới cuộc sống của ta  theo câu tâm niệm vua Thành Thang đã viết vào trong bồn tắm:”Nhật tân,  nhật nhật tân, hựu nhật tân”: mỗi ngày nên mới, ngày ngày nên mới, ngày tới phải nên mới.  Vua cho rằng: người ta phải gột rửa con tim cho sạch tội nhơ như thân xác phải tắm rửa hằng ngày (Đại học I,1). 

Chúng ta phải làm một cuộc cách mạng bản thân nghĩa là phải lột bỏ con người cũ tội lỗi mà mặc lấy con người mới tốt lành thánh thiện như thánh Phaolôââđã dạy.  Phương pháp giáo dục của người xưa vẫn còn tính cách thời sự nơi chúng ta: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Theo trật tự của cuộc cách mạng, thì cách mạng bản thân là điều tiên quyết. 

Truyện: Thay đổi chính mình.

Linh mục Anthony de Mello kể lại tâm sự của một nhà hiền triết như sau:

Nhìn lại cuộc sống đã qua, nhà hiền triết thú nhận: Lúc thiếu thời tôi là một kẻ hiếu động. Trong sự hăng hái của tuổi trẻ tôi thường xin Chúa cho tôi sức mạnh biến đổi trái đất này trở nên tốt hơn. Khi được nửa đời người, tôi ý thức là mình chưa làm được gì cả, chưa thay đổi được bất cứ người nào. Tôi lại đổi lời cầu nguyện cho thiết thực hơn:”Lạy Chúa, giờ đây con chỉ xin Chúa cho con khả năng thay đổi cuộc sống của những người con tiếp xúc hằng ngày thôi”.

Nhưng rồi khi tuổi đời sắp hết tôi thấy rằng mình quá cao vọng và ảo tưởng, tôi lại thay đổi lời cầu nguyện như sau:”Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính bản thân con”. Nếu từ tuổi thanh xuân tôi đã cầu nguyện như thế, thì có lẽ tôi không phải hối tiếc vì đã sống một đời sống vô ích. 

2. Tập sống khiêm nhường.

Việc Đức Giêsu đến xin ông Gioan làm phép rửa làm cho chúng ta phải suy nghĩ: Đức Giêsu được Gioan giới thiệu là “Con chiên Thiên Chúa”, một con chiên vô tì tích tại sao lại đến chịu phép rửa để xin được ơn tha tội như mọi người tội lỗi đến xin ? Thánh Matthêu coi cử chỉ đó như là thực hiện “chương trình khiêm hạ và phục vụ” mà các tiên tri đã báo trước (Mt 3,14-15). Đức Giêsu chịu phép rửa để nêu gương cho ta về sự khiêm nhường, Ngài nhận mình là người có tội như mọi người để hoà đồng với mọi người, để giúp cho con người luôn có tinh thần sám hối, tự hạ trước mặt Chúa:”Trong các con ai làm lớn nhất phải xử như kẻ nhỏ nhất. Ai làm đầu kẻ khác phải coi mình như tôi tớ”(Lc 22,26). 

Theo nhà Phật, con người có ba chứng nguy hiểm nhất: tham, sân, si.

                   - Tham là vì ích kỷ.
                   - Sân là vì tự ái.
                   - Si là vì ngu  muội.

 Trong ba chứng bệnh nói đây thì “Sân” là khó diệt hơn cả. Bởi vì lòng tự ái (kiêu ngạo) là một thói xấu sống dẻo dai bậc nhất, đến nỗi thánh Phanxicô Salêsiô phải nói:”Nó chỉ ngưng hoạt động 15 phút sau khi tôi chết”.

 Các bậc hiền nhân quân tử đều coi dức “khiêm tốn” là căn bản trong công việc cải tạo con người. Tính tự ái (kiêu ngạo) buộc con người vào dục vọng, làm cho họ phải đảo điên, thì lòng khiêm tốn sẽ là phương tiện giải thoát, đem lại thế quân bình, tức là sự bằng yên cho tâm hồn.

Truyện: Vừa thì đứng

Một hôm Khổng Tử tới thăm miếu vua Hoàn Công nước Lỗ, thấy một chiếc lọ đứng nghiêng nghiêng, ngài hỏi, thì người giữ miếu cho biết:

Cái lọ này là một bảo vật, thuở trước nhà vua hằng để bên ngai vàng hầu làm gương.

Ngài nói:

Ta vốn nghe đồn nhà vua có một bảo vật, bỏ không thì nghiêng, đổ nước vào vừa phải thì đứng thẳng, mà đổ đầy thì lại ngã. Có lẽ là vật này chăng ?

Rồi ngài bảo học trò múc nước thí nghiệm thì quả nhiên đúng như thế. Bấy giờ ngài mới trịnh trọng giảng giải:

Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu muội. Có công to trong thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung. Sức khỏe hơn người  nên giữ bằng cách nhút nhát. Giầu có bốn biển nên giữ bằng cách bố thí và thái độ nhún nhường. Đó là lối san sẻ bớt đi để khỏi đầy tràn mà sụp đổ vậy”.         

3. Sống xứng danh Kitô hữu.

Khi được chịu phép rửa tội, chúng ta được gọi là Kitô hữu.  Danh xưng Kitô hữu là chỉ một người thuộc về Chúa Kitô, là người được mang danh Chúa Kitô, là Kitô khác, là Chúa Kitô nối dài. Để sống xứng đáng với danh hiệu đó, chúng ta phải có nhiều nỗ lực, nhiều khi phải đau khổ, hy sinh, nhục nhã, chịu nhiều phiền toái, thua thiệt...nhưng đó là giá phải trả để chúng ta đạt được niềm vui đích thực trong cuộc đời làm con Chúa.

Truyện: Tên con là Phlilippe.

Một hôm, người ta đem đến trình vua Philippe một thanh niên bị bắt quả tang ăn trộm. Vua nhìn thẳng vào mặt hắn và hỏi:

Tên mày là gì ?
Anh ta rụt rè thưa:
Thưa tên con là Philippe ạ.
Vua trợn mắt nói tiếp:

Mày là Philippe trùng với tên tao mà mày lại đi ăn trộm à. Mày làm ô danh tao.  Vậy mày phải làm một trong hai việc: một là phải đổi tên đi, hai là phải thay đổi cách sống...

Chúng ta đã lãnh nhận bí tích rửa tội và đã được trở thành con Thiên Chúa. Được làm con Thiên Chúa là một tước hiệu vô cùng cao quí, một hồng ân lớn lao Chúa ban cho con người.  Nhưng chúng ta đã sống thế nào với hồng ân cao qúi ấy ? Cha trên trời có hài lòng với chúng ta không? Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha đã phán:”Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Vậy Cha trên trời có hài lòng với chúng ta không ? Chúng ta đã trở thành con Chúa và được mang danh hiệu là Kitô hữu, vì vậy, nỗ lực của cúng ta là phải luôn cố gắng sống xứng đáng với danh hiệu ấy để được Chúa hài lòng với chúng ta.


 

TN1-B32. ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA


Máccô 1,7-11

Lm. Inhaxiô Hồ Thông

 Mc 1: 7-11

Vào Chúa Nhật nầy, chúng ta tưởng niệm sự kiện Đức Giê-su chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy giả. Phép rửa nầy được nối kết với một cuộc tấn phong bởi Chúa Thánh Thần trong một cuộc Thần Hiện. Đó là lý do tại sao các Giáo Hội Đông Phương cử hành phép rửa của Đức Giê-su như một trong ba cuộc Thần Hiện: lễ Hiễn Linh, lễ Đức Giê-su chịu phép rửa và lễ Chúa Biến Hình. Vào chu trình năm phụng vụ, năm B, chúng ta đọc bài tường thuật theo thánh Mác-cô. Hai bài đọc đi trước đoạn Tin Mừng gợi lên những cuộc tấn phong khác bởi Chúa Thánh Thần.

Is 42: 1-7

Trước tiên, cuộc tấn phong của “người Chúa tuyển chọn”“Ngài hết lòng quí mến” và cho Thần Khí của Ngài ngự trên người ấy. Đây là một nhân vật mầu nhiệm mà vị ngôn sứ gọi là “Người Tôi Trung của Đức Chúa”.

Cv 10: 34-38

Bài đọc thứ hai, được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, tường thuật bài giảng thuyết của thánh Phê-rô được ngỏ lời với ông Cô-nê-li-ô, viên Bách Quản Rô-ma, và toàn thể gia quyến của ông, họ là những lương dân đầu tiên được chấp nhận vào cộng đoàn Ki tô hữu qua Phép Rửa. Nhờ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su Ki tô, sự tuyển chọn của Thiên Chúa được ban cho muôn dân.       

BÀI ĐỌC I (Is 42: 1-4, 6-7)

 

Bản văn nầy gợi lên một nhân vật mà Thiên Chúa gọi là “người tôi trung của Ngài”, Ngài hết lòng yêu: TN1-B32


Bản văn nầy gợi lên một nhân vật mà Thiên Chúa gọi là “người tôi trung của Ngài”, Ngài hết lòng yêu quí và cho Thần Trí của Ngài ngự trên người ấy. Nơi nhân vật này, Thiên Chúa trao gởi một sứ mạng thi hành công lý, bày tỏ tấm lòng nhân từ và đức khiêm nhu, nhờ đó nhân vật ấy trở thành ánh sáng chiếu soi muôn dân.

Đây là bài thơ đầu tiên trong bốn bài thơ trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a thời lưu đày (550-540 BC), được gọi I-sai-a đệ nhị (Is 40-55). Bốn bài thơ nầy gợi lên ở nơi “người tôi trung” mầu nhiệm nầy, lúc thì dân Chúa tuyển chọn, hay “nhóm nhỏ còn sót lại”, lúc thì một nhân vật biệt phân với một sứ mạng đặc thù.

Bài thơ nầy được đề nghị vào “Chúa Nhật lễ Đức Giê-su chịu phép rửa” nầy bao gồm hai phần: phần thứ nhất, Đức Chúa giới thiệu người tôi trung của mình; phần thứ hai, Ngài ngỏ lời trực tiếp với ông.

Danh xưng “người tôi trung” xuất hiện nhiều lần trong bộ Kinh Thánh. Đây là danh hiệu cao quí mà Đức Chúa trao tặng cho những ai Ngài trao phó việc hướng dẫn dân Ngài, hay trao gởi một sứ mạng: Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp, Mô-sê, Đa-vít, vân vân. Tước hiệu nầy cũng chỉ toàn thể dân Ít-ra-en.

Nhân vật nầy là ai mà vị ngôn sứ nghĩ đến? Thật ra, nhân vật bí ẩn nầy trong suốt nhiều thời đại đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau: một nhân vật lịch sử là vua Ba tư, vua Ky-rô; hoặc dân Ít-ra-en, dân Chúa tuyển chọn; hay Đấng Mê-si-a. Đây là nét đặc thù của các sấm ngôn vừa do những hoàn cảnh chính xác vừa vượt qua những viễn cảnh tức thời.

1. Vua Ky-rô, vị thẩm phán chí công và nhân hậu.

 “Người Tôi Trung” nầy vừa là một vị thẩm phán vừa nhà giải phóng: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ; đây là người Ta tuyển chọn, Ta hết lòng quý mến. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người; Người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”.

Người tôi trung này được Thiên Chúa ban nhiều đặc ân, nhờ đó ông có thể phân xử muôn dân, sửa sai những lỗi lầm, vực dậy những kẻ bị áp bức, phóng thích những tù nhân, phục hưng Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài và làm sáng tỏ công lý trước mặt muôn dân.

Hoàn cảnh lịch sử chính xác là cảnh giam cầm ở Ba-by-lon. Vị ngôn sứ ngỏ lời với những người lưu đày, họ phải chịu đựng một sự thử thách dài lâu và mong mõi cuộc giải phóng. Ông hứa với họ một nhà giải phóng. Tất cả mạch văn hướng về vị vua Ba tư là Ky-rô, mà quyền lực của ông mỗi ngày mỗi lớn mạnh trên bàn cờ vùng Trung Đông. Chương 41 đi trước ám chỉ rõ nét những chiến công lẫy lừng của vua Ky-rô: “Từ Phương Đông, ai đã cho xuất hiện người hùng đi mỡ đường cho nền công chính? Đao kiếm của ông làm chúng hóa ra như tro bụi, cung nỏ của ông khiến chúng tán loạn tựa cọng rơm. Ông đuổi bắt thù địch, ông tiến bước an toàn…Điều đó, ai đã thực hiện, ai đã làm nên? …Chính là Ta. Ta là Đức Chúa, Ta là khởi nguyên, và giữa những người của thời sau hết, Ta vẫn là Ta” (Is 41: 2-4). Chương 45 còn rõ ràng hơn: “Đức Chúa nói với kẻ Người xức dầu, với vua Ky-rô – Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó, Ta tước khí giới của các vua, mở toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa…Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọ là Ít-ra-en…Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác” (Is 45: 1-6).

Các biến cố sắp xảy đến sẽ củng cố dự đoán thời cuộc của vị ngôn sứ. Không bao lâu sau, vua Ba tư chiếm kinh thành Ba-by-lon mà không phải gặp bất cứ một kháng cự nào, và cũng không gây bất kỳ thiệt hại nào cho kinh thành. Ông thi hành chính sách cai trị “thu phục lòng dân”. Vua Ky-rô và những người kế vị ông không bao giờ sử dụng bạo lực. Xót thương đối với những người Ít-ra-en bị lưu đày như “cây sậy bị dập nát” và “tim đèn leo lét” nầy, vua Ba tư tạo điều kiện thuận tiện cho họ trở về cố hương là Giê-ru-sa-lem.

Một bản văn ba-by-lon, được chạm trên một hình trụ nổi tiếng được cho là của vua Ky-rô, tường thuật việc chinh phục thành đô Ba-by-lon một cách phi thường, không phải nhọc công chiến đấu nào. Bản văn này rất gần với các bản văn của I-sai-a đệ nhị.

2. Dân Chúa chọn.

Sau nầy, khi quá khứ mờ nhạt trong ký ức, bản văn được đọc lại theo cách khác.
Vị ngôn sứ chủ ý trao tặng danh hiệu “người tôi trung” cho toàn thể dân Ít-ra-en với tư cách là dân Đức Chúa tuyển chọn để là chứng nhân của Ngài. Dung mạo người tôi trung được xem như nhân cách hóa dân Chúa chọn mà Đức Chúa nâng đỡ, hết lòng quí mến và ban Thần Trí của Ngài. Dân nhỏ bé nầy, Ngài đã “nắn nên” họ bằng chính bàn tay của mình. Ở giữa muôn dân, họ phải chu toàn sứ mạng của mình là trở nên ánh sáng muôn dân qua việc khẳng định niềm tin của mình vào Thiên Chúa đích thật.

3. Đấng Mê-si-a.

 “Người tôi trung” nầy được nhận dạng chỉ ở nơi vua Ky-rô không tát cạn sự giàu có của bản văn, và được giải thích là dân Chúa chọn cũng không hoàn toàn thỏa mãn. Quan trọng là đặt sứ điệp nầy vào trong giây phút nghiêm trọng ở đó lời sấm được công bố: vào giữa thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, kinh thành Giê-ru-sa-lem bị đánh chiếm và trở thành hoang phế; một phần lớn dân cư bị lưu đày; Đền Thánh bị phá hủy; vương quyền của nhà Đa-vít đã chìm đắm trong phong ba bảo táp; niềm hy vọng mê-si-a được đặt để vào vương quyền nhà Đa-vít đã sụp đổ. Đây là thời điểm thuận tiện để nâng mặc khải lên đến một giai đoạn mới. Thiên Chúa sẽ can thiệp một cách bất ngờ: Ngài sẽ sai phái “người tôi trung” đầy tràn Thần Khí của Ngài; nhân vật nầy sẽ thực hiện sứ mạng công lý với tấm lòng khiêm nhu nhân hậu, bên ngoài có vẻ thất bại, chịu nhiều đau khổ (bài thơ thứ tư). Qua trực giác của vị ngôn sứ, khoa sư phạm của Thiên Chúa bước một bước tiến nhảy vọt. Những sấm ngôn xưa liên quan đến một hậu duệ của nhà Đa-vít không bị bãi bỏ một chút nào, nhýng những viễn cảnh mới mà sấm ngôn nầy hé mở, ðó không là một quyền lực trần thế nhýng một výõng quốc tâm linh: “Vì dân các hải đảo xa xăm (nghĩa là cho đến tận cùng cõi đất) đều mong được Người chỉ bảo”.

Trong sách Tin Mừng của mình ở 12: 18-21, thánh Mát-thêu trích dẫn một đoạn văn dài lời sấm I-sai-a nầy để chứng minh rằng lời sấm được ứng nghiệm ở nơi con người của Đức Giê-su, sứ mạng của Ngài tuy được thực hiện một cách kín đáo nhưng “sẽ đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Ngài”.

Khi chịu phép rửa bởi ông Gioan, Đức Giê-su thấy các tầng trời mở tung, Thần Khí ngự xuống trên mình và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Việc mô tả nầy mặc nhiên quy chiếu đến bản văn của I-sai-a. Đức Giê-su bắt đầu sứ mạng của “Người Tôi Trung”; Ngài sẽ chu toàn sứ mạng nầy khi thực hiện dung mạo “Người Tôi Trung chịu đau khổ” trong cuộc Khổ Nạn của mình.

BÀI ĐỌC II (Cv 10: 34-38)

Đoạn trích của sách Công Vụ Tông Đồ nầy tường thuật một biến cố đánh dấu một khúc quanh quyết định trong lịch sử của Giáo Hội tiên khởi: lần đầu tiên, một lương dân và toàn thể gia quyến của ông được chấp nhận vào trong cộng đoàn Ki tô hữu nhờ bí tích Rửa Tội.

Cho đến lúc đó, các Tông Đồ đã ngỏ lời với người Do thái nhằm chứng minh cho họ biết rằng Đức Giê-su là Đấng cứu độ, ở nơi Ngài mọi lời Kinh Thánh được ứng nghiệm. Ki tô giáo sơ khai được định vị ở nơi sự nối dài của Do thái giáo. Chiều kích hoàn vũ đã được thấu hiểu qua thị kiến của các ngôn sứ: rồi sẽ đến một ngày, muôn dân sẽ lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem mừng kính Đức Chúa đích thật. Nhưng các Tông Đồ đã không nghĩ đến một tiến trình đảo ngược: chính họ phải đi đến với muôn dân loan báo Tin Mừng cho họ.

Ấy vậy, nầy đây vị lãnh tụ của Giáo Hội, thánh Phê-rô được Chúa Thánh Thần thúc ép, phải nới như vậy. Một viên Bách Quản của đạo quân Rô-ma, đồn trú ở thành phố Xê-da-rê, sai người đến mời thánh nhân đến tại nhà mình. Lúc đó thánh Phê-rô đang ở Gia-phô cách thành phố Xe-da-rê khoảng năm mươi cây số. Thánh nhân đang thực hiện cuộc kinh lý. Sau cuộc bách hại đã giáng xuống cộng đoàn Giê-ru-sa-lem non trẻ vào mùa hè năm 36 hay mùa xuân năm 37 (thánh Tê-pha-nô, vị tuẩn đạo đầu tiên vào thời gian nầy), một thời gian yên bình đã xảy đến. Thánh Phê-rô lợi dụng thời kỳ yên bình nầy để thăm viếng các cộng đoàn vừa mới được thành lập.

Thánh Phê-rô đến nhà viên Bách Quản. Đây là lần đầu tiên thánh nhân bước qua ngưỡng của của một người chưa được cắt bì, bất chấp những cấm kỵ lâu đời (lệnh cấm không được tiếp xúc với những người chưa chịu cắt bì không được diễn tả trong Lề Luật; nó phát xuất từ tập quán và lời giải thích của các kinh sư nhằm tránh tất cả mọi hình thức lây nhiễm ngoại giáo). Đây là lần đầu tiên thánh nhân đem sứ điệp Tin Mừng đến một người ngoại giáo và toàn thể gia quyến của ông. Đối với thánh nhân, đây thật sự là một kinh nghiệm cảm động và đáng nhớ, thánh nhân đã thấu hiểu ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ hết mọi người. Ngay tức khắc, thánh nhân mặc lấy cho cách hành xử của mình một ý nghĩa thần học. Đây là phần mở đầu bài thuyết giáo của thánh nhân mà Phụng Vụ Lời Chúa đề nghị cho chúng ta suy niệm vào ngày lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy giả hôm nay.

1. Chiều kích hoàn vũ của ơn cứu độ.

 “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hể ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Chúa tiếp nhận”. Lời khẳng định về sự bình đẳng giữa dân ngoại và dân Do thái này hình thành nên một thay đổi lớn lao. Quả thật, trước đây, thánh Phê-rô, vốn là một người Ít-ra-en, quen nghĩ đến những đặc quyền đặc lợi mà dân Chúa chọn được hưởng. Vị lãnh tụ Giáo Hội, được Thánh Thần thúc đẩy, chấp nhận và công bố sự thay đổi khôn sánh nầy.

Ông Cô-nê-li-ô, viên Bách Quản Rô-ma, là một “cảm tình viên của Do thái giáo”, cũng được gọi “người kính sợ Chúa”. Đây là một con người “ăn ngay ở lành” như bản văn xác nhận.

Chắc chắn Thiên Chúa đã gửi “lời loan báo Tin Mừng trước tiên cho dân Ít-ra-en”. Thánh nhân muốn giải thích cho gia chủ và đồng thời muốn thanh minh quyền ưu tiên nầy: dân Ít-ra-en đã lãnh nhận một sứ mạng, sứ mạng chuẩn bị bình an, bình an giữa muôn dân, bình an giữa dân Do thái và lương dân. Bình an nầy trở nên có thể nhờ trung gian của Đức Giê-su Ki tô, “Ngài là Chúa Tể muôn dân”.

2. Quyền năng của Phép Rửa Ki tô giáo.

Tiếp đó, thánh Phê-rô vạch lại một cách ngắn gọn những giai đoạn sứ vụ Đức Giê-su. Thánh nhân nhấn mạnh phép rửa mà Đức Giê-su đã đón nhận bởi ông Gioan, sau đó Ngài đầy tràn Thánh Thần. Thánh Tông Đồ mở ra một viễn cảnh giáo thuyết, đó sẽ mãi mãi là viễn cảnh của Giáo Hội: ân ban Thánh Thần không là một sự thủ đắc đơn giản, đây là một sức mạnh bùng nổ, một năng lực giúp hoàn thành một sứ mạng: “làm chứng”, “thi ân giáng phúc” và “chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế”.

TIN MỪNG (Mc 1: 7-11)

Đoạn Tin Mừng hôm nay gồm có hai phần chính yếu: phép rửa trong nước và phép rửa trong Thánh Thần cùng với cuộc Thần Hiện ở trên trời. Hai giai đoạn nầy tương phản nhau. Giai đoạn thứ nhất là hoạt cảnh về sự khiêm hạ nếu không muốn nói về một sự hạ mình đến tột cùng: Đức Giê-su tự hạ mình xuống đến mức ngang hàng với tội nhân. Giai đoạn thứ hai là một hoạt cảnh hùng vĩ của cuộc tấn phong.

1. Phép rửa trong nước.

Đức Giê-su đến từ làng Na-da-rét miền Ga-li-lê để xin Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho mình. Như vậy, khi muốn đón nhận phép rửa sám hối của Gioan Tẩy giả, Đức Giê-su đã tự đặt mình ngang hàng với các tội nhân. Cách hành xử nầy là yếu tố khởi đầu của sứ mạng Cứu Chuộc. Ngay từ lúc đó, Đức Giê-su muốn đón nhận ở nơi bản thân mình mọi tội lỗi của con người; đây là bước đi đầu tiên sẽ dẫn Ngài đến núi Sọ để chịu một phép rửa khác: phép rửa bằng máu. Chính Đức Giê-su đã sánh ví cuộc Tử Nạn của Ngài với một phép rửa: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc nầy hoàn tất” (Lc 12: 50). Đức Giê-su công bố với ông Gia-cô-bê và ông Gioan: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10: 38). Động từ “rửa” theo nguyên ngữ là “ngụp lặn”, “nhận chìm”. Đức Giê-su muốn nói rằng Ngài sẽ bị nhận chìm vào trong vực thẳm đau khổ.

Từ phép rửa trong nước đến phép rửa bằng máu, đó là tiến trình của cuộc đời Đức Giê-su Ki tô. Ở nơi hoạt cảnh phép rửa trong dòng sông Gio-đan có một hậu cảnh bi thảm…

2. Phép rửa trong Thánh Thần.

Cả bốn thánh ký đều tường thuật hoạt cảnh nầy, điều đó nói lên tầm quan trọng mà các ngài đã ban cho giờ phút quyết định nầy về ơn gọi Đức Giê-su.

Cảnh tượng được mô tả thật hùng vĩ: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời mở tung ra và thấy Thần Khí tựa như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Theo truyền thống Do thái, các tầng trời đóng lại với vị ngôn sứ cuối cùng là Ma-la-khi, nghĩa là sự giao tiếp giữa Thiên Chúa và con người chấm dứt. Như vậy, biến cố “Đức Giê-su chịu phép rửa” đánh dấu một khúc quanh mới: “các tầng trời mở tung ra”, nghĩa là sự tương giao giữa Thiên Chúa và con người lại được nối lại.

Quả thật, Đức Giê-su được thụ thai và sinh hạ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, nhưng trong cuộc sống ẩn dật, Chúa Thánh Thần đã không công khai tỏ mình ra. Ngày Ngài chịu phép rửa bởi ông Gioan, đánh dấu khởi điểm sứ mạng mình, Đức Giê-su cần sức mạnh của Chúa Thánh Thần: “Thần Khí tựa như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài”. Một số người thấy ở nơi hình ảnh “chim bồ câu” con chim hòa bình mà ông Nô-ê thả trên nước Đại Hồng Thủy (St 8: 8-11). Những người khác nghĩ rằng hình ảnh nầy nhắc nhở “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” trong công trình sáng tạo (St 1: 2). Như vậy, việc Thần Khí ngự xuống trên Đức Giê-su khai mào một kỷ nguyên mới của Ơn Cứu Độ. Quả thật, trong Cựu Ước, chúng ta gặp thấy nhiều hình ảnh tiền trưng của phép rửa: từ nước của trận Đại Hồng Thủy xuất hiện một nhân loại mới khởi đi từ ông Nô-ê và con cái của ông; từ nước của biển Đỏ một dân tộc mới và được giải thoát chào đời. Cũng vậy, vừa ra khỏi dòng sông, Đức Giê-su khai mạc nhân loại mà Ngài sẽ tái sinh.

Như vậy, trong biến cố nầy, Đức Giê-su lãnh nhận ba cuộc tấn phong đồng một lúc:

- “Cuộc tấn phong với tư cách Con Thiên Chúa”. Tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha”, đây là cách nói của người Do thái để bày tỏ niềm tôn kính đối với Thiên Chúa mà họ không dám nêu tên Ngài. “Con yêu dấu” gợi lại I-sa-ác, đứa con duy nhất, đứa con yêu quý của ông Áp-ra-ham trong mệnh lệnh của Thiên Chúa (St 22: 2).

Chúng ta cũng vậy, vào lúc chịu phép rửa tội, chúng ta sẽ được Chúa Cha gọi “con yêu quý” ở nơi Người Con duy nhất, Con yêu quý của Ngài là Đức Giê-su Ki tô.

- “Cuộc tấn phong với tư cách vua-mê-si-a”. Thật không ngẫu nhiên một chút nào khi tiếng phán từ trời cất lên bằng những từ ngữ mà xưa kia một vị vua được phong vương: “Tân vương lên tiếng: Tôi xin đọc sắc phong của Chúa, Người phán với tôi rằng: “Con là Con của Cha, hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Tv 2: 7).

Vị vua-mê-si-a mà các ngôn sứ loan báo, hậu duệ của nhà Đa-vít nầy, chính là Đức Giê-su. Nhưng Ngài sẽ công bố mình là vua chỉ khi bị xích xiềng và bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng Do thái (Mc 14: 61-62) và trước tổng trấn Phi-la-tô (Mc 15: 2).

- “Cuộc tấn phong với tư cách người tôi trung”. Những lời “Cha hài lòng về Con” nhắc nhớ sự tuyển chọn của Người Tôi Trung trong bản văn của I-sai-a mà chúng ta gọi “bài ca thứ nhất về Người Tôi Trung phải chịu đau khổ” trong bài đọc thứ nhất (Is 42: 1-7).

3. Phép rửa, cuộc Thần Hiện của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Phụng Vụ Đông Phương cử hành lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa như ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Quả thật, đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh, Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện diện trong biến cố nầy. Việc Đức Giê-su chịu phép rửa trong dòng sông Gio-đan được đánh dấu bởi cuộc Thần Hiện của Ba Ngôi Thiên Chúa loan báo phép rửa Ki tô giáo phù hợp với lời dạy của Đức Giê-su Phục Sinh cho các môn đệ Ngài: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành muôn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 18-20).

Việc nhận chìm vào trong nước và bước ra khỏi nước là biểu tượng của sự chết và sự tái sinh. Hy tế của Đức Giê-su đã đem lại cho biểu tượng nầy tất cả giá trị của nó. Thánh Phao-lô giải thích rõ ràng điều nầy: “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6: 4).

Thật ý nghĩa biết bao khi nghi thức Rửa Tội được cử hành vào lễ Đêm Vọng Phục Sinh!

Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 

TN1-B33. SỐNG ĐẸP LÒNG CHÚA


Lm. Anphong Trần Đức Phương

 

Với lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, chúng ta chấm dứt Mùa Giáng Sinh và bắt đầu Mùa Thường: TN1-B33


Với lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, chúng ta chấm dứt Mùa Giáng Sinh và bắt đầu Mùa Thường Niên I, chu kỳ năm B, kéo dài đến Chúa Nhật VII, rồi bước vào Mùa Chay Thánh với Thứ Tư Lễ Tro.

Bài Đọc I trích trong Isaia (42, 1-4, 6-7; có thể chọn đoạn 55, 1-11), nói đến ‘Người được Thiên Chúa tuyển chọn và làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự’.  Bài Đọc II trích trong Sách Công Vụ Tông Đồ (10, 34-38; cũng có thể chọn 1Gioan 5, 1-9) nói đến việc Chúa Giêsu được Thiên Chúa xức Dầu Thánh, được đầy Chúa Thánh Thần và ra đi rao giảng. Bài Phúc Âm (Matcô 1, 7-11) ghi lại việc Chúa Giêsu đến để chịu Phép Rửa của Thánh Gioan, và khi Ngài chịu xong, Chúa Thánh Thần tràn ngập trên Ngài, có tiếng từ Trời cao nói: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Lúc đó là vào khoảng năm 30 (Luca 3, 23), Thánh Gioan Tẩy Giả đang ban Phép Rửa thống hối tại sông Giodan (Gioan 1,28) (chỗ gọi là Bêtania phía đông sông Giodan; nơi này khác với làng Bêtania là quê hương của ba chị em Matta, Maria va Ladarô). Thánh Gioan kêu gọi mọi người đến chịu Phép Rửa để tỏ dấu ăn năn tội lỗi và sửa lại cuộc sống, đón chờ Chúa Cứu Thế đến. Chúa Giêsu cũng đến nhận Phép Rửa của Thánh Gioan. Dịp này, Ngài được Đức Chúa Cha chính thức giới thiệu Ngài là Đấng ‘Thiên Sai’ và Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập trên Ngài. Từ nay Chúa Giêsu từ bỏ cuộc sống 30 năm ẩn dật ở Nagiaret để bắt đầu cuộc sống công khai ra đi rao giảng.

Phép Rửa Thánh Gioan ban chỉ là một ‘phép rửa bằng nước’ để tỏ lòng sám hối tội lỗi. Còn Bí Tích Rửa tội là một trong bảy phép Bí Tích, là ‘phép Rửa Tội trong Chúa Thánh Thần và lửa!’ (Matthêu 3, 11). Khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội là chúng ta được tha tội nguyên tổ (tội tổ tông truyền) và các tội riêng chúng ta đã phạm (khi chúng ta chịu vào tuổi đã khôn lớn). Lúc đó chúng ta được ‘chết đi với Chúa Kitô, từ bỏ đời sống tội lỗi và sống lại thật với Chúa Kitô, trở nên trong sạch xứng đáng là con Chúa , và chính thức gia nhập gia đình Giáo Hội Chúa, bắt đầu một cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần, trở nên một chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô và cùng góp phần vào việc làm tăng trưởng gia đình Giáo Hội qua cuộc sống làm chứng cho Chúa” (Theo Sách Giáo Lý). Vì thế, Bí Tích Rửa Tội khởi đầu cuộc sống Kitô hữu (Bí Tích khai tâm), chỉ sau khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta mới được chịu các phép Bí Tích khác. Bí Tích Rửa Tội ghi dấu thiêng liêng vào linh hồn chúng ta, không bao giờ mất, nên chỉ được chịu một lần (cũng như Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Truyền Chức Thánh).

Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa là dịp để mọi người chúng ta nhớ lại phép Rửa tội chúng ta đã được lãnh nhận, để tạ ơn Chúa và cầu xin cho mọi người chúng ta luôn cố gắng sống xứng đáng con cái Chúa trong gia đình Giáo Hội và luôn sống làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta nên nhớ: vào cuối nghi thức Rửa Tội, vị chủ sự trao cho người vừa được rửa tội Tấm Áo Trắng (tượng trưng tâm hồn trong sạch qua Bí Tích Rửa Tội) và Cây Nến cháy sáng đốt từ ngọn lửa của Cây Nến Phục Sinh (tượng trưng Ánh Sáng Chúa Kitô). Khi trao Tấm Áo Trắng, vị chủ sự nói: “Con đã trở nên một tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy lãnh nhận áo trắng này, con hãy mang lấy và gìn giữ nó tinh tuyền cho đến ngày ra trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống muôn đời.” Khi trao Cây Nến Sáng, vị chủ sự nói với chúng ta: “Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, con hãy luôn luôn sống như con cái Sự Sáng, để được bền vững trong Đức Tin. Khi Chúa Kitô ngự đến, con sẽ xứng đáng ra nghênh đón Người cùng với toàn thể các Thánh trên trời.”

Trong nghi thức rửa tội trẻ em, vị chủ sự trao áo trắng và nói: “Con đã trở nên một tạo vật mới, và đã mặc lấy Chúa Kitô, chiếc áo này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh.”  Và khi trao Nến Sáng (qua cha mẹ đỡ đầu), vị chủ sự nói: Anh chị em thân mến, là những bậc làm cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm sóc, tức là lo lắng cho những em được Chúa Ktô soi sáng, luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong Đức Tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, các em sẽ được ra nghênh đón Người với toàn thể các Thánh trên trời.” Điều này nhắc nhở trọng trách của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái khi các em lớn lên; đồng thời cũng nhắc nhở trách nhiệm của các cha mẹ đỡ đầu. Thật là một vinh dự khi được mời làm cha mẹ đỡ đầu, nhưng đó cũng là một trọng trách mà cha mẹ đỡ đầu phải lo chu toàn trước mặt Chúa. Chúng ta phải ý thức bổn phận này khi chúng ta được mời  để đỡ đầu cho các tân tòng hay các em nhỏ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Kết thúc Bí Tích rửa Tội, trước khi lãnh nhận phép lành, chúng ta cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha, để nhắc nhở chúng ta, qua Bí Tích rửa Tội, chúng ta được vinh dự có Chúa là Cha, và chúng ta đều là anh em với nhau trong gia đình Giáo Hội. Xin cho chúng ta luôn hết lòng phụng sự Chúa và yêu thương lẫn nhau để cùng nhau loan truyền cho mọi người nhận biết Chúa là Cha, và chung tay xây dựng tình yêu thương trong gia đình nhân loại.

Lm. Anphong Trần Đức Phương


 

TN1-B34. TRỜI MỞ RA


Mc 1, 7 – 11

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR

 

Nói đến phép rửa, người ta thường liên tưởng đến một thời Gioan Tiền Hô đã được hân hạnh tiếp đón Chúa: TN1-B34


Nói đến phép rửa, người ta thường liên tưởng đến một thời Gioan Tiền Hô đã được hân hạnh tiếp đón Chúa Giêsu nơi dòng sông Giorđan và chỉ cho các môn đệ của Ông, và mọi người biết Đấng Cứu Thế. Phép rửa của Gioan Tẩy Giả là phép rửa sám hối. Phép rửa của Gioan Tiền Hô chỉ là bước đầu tiên của một cuộc hành trình. Chúa Giêsu xếp hàng giữa các tội nhân dù Ngài hoàn toàn vô tội là để làm gương cho nhân loại thấy sám hối cần thiết như thế nào ! Gioan làm phép rửa để chuẩn bị cho phép rửa bằng lửa và Thánh Thần của Chúa Giêsu.

TẠI SAO CHÚA GIÊSU XẾP HÀNG GIỮA CÁC TỘI NHÂN

Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả, muôn trùng, Ngài xếp hàng giữa những tội nhân. Đây là một điều kỳ lạ hay nói đúng hơn là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm Con Thiên Chúa sống giữa nhân loại, sống giữa con người. Có ngờ đâu, có ai hiểu thấu được Đức Giêsu, Đấng thánh thiện tuyệt đối, lại xin Gioan làm phép rửa. Chiêm ngắm Ngài, con người sẽ nhận ra và hiểu thế nào là tình yêu. Đức Giêsu đã yêu thương nhân loại, yêu thương mỗi người bằng chính con người đầy chạnh thương, tha thứ của Ngài. Ngài là Thiên Chúa mà đã khước từ vinh quang, xuống mặc xác phàm, sống như mọi người ngoại trừ tội lỗi. Chỉ có tình yêu mới giúp con người nhận ra việc làm của Chúa Giêsu. Chỉ có tình yêu mới vén mở cho con người, cho nhân loại hiểu được tấm lòng cao cả, yêu thương vô bờ của Đấng Cứu Thế. Chỉ có tình yêu mới giúp con người hiểu được mầu nhiệm Giáng –Sinh-Con-Thiên -Chúa –làm- người. Chỉ có tình yêu mới làm con người hiểu được Đấng Cứu Độ lại sống như cần phải sám hối và cần được cứu độ.

GIOAN TẨY GIẢ BÁO TRƯỚC PHÉP RỬA CỦA CHÚA GIÊSU:


Chính Gioan đã làm sáng tỏ phép rửa của Chúa Giêsu: ” Tôi rửa anh em bằng nước để làm dấu hiệu cho thấy anh em đã ăn năn sám hối, nhưng có một Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần và lửa. Ngài cao trọng hơn tôi nhiều và tôi chẳng xứng đáng xách giày cho Ngài “( Mt 3, 11 ). Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các môn đệ của Ngài: ” Các con hãy đi đến với mọi người khắp thế gian, rao giảng cho họ về Nước Trời. Hãy rửa tội cho họ nhân danh cha và Con và Thánh Thần” ( Mt 28, 19 ). Phép rửa của Chúa Giêsu là phép rửa tái sinh. Thánh Phaolô đã giải thích về phép rửa này như sau: ” Khi được rửa tội là anh em được an táng với Đức Kitô, và trong phép rửa tội anh em cũng được sống lại với Đức Kitô. Anh em đã từng bị chết về mặt tinh thần nhưng giờ đây Thiên Chúa đã mang anh em đến nguồn sống cùng với Đức Kitô “ (Cl 2, 12-13 ).Phép rửa của Chúa Giêsu giúp con người chia sẻ đời sống thần linh của Ngài.

BÀI TRƯỜNG CA TÌNH YÊU CỦA CHÚA GIÊSU:


Chúa Giêsu chịu phép rửa bầu trời mở ra…Ở đây xuất hiện cả Ba Ngôi Thiên Chúa và như thế, nó cho thấy bản trường ca tình yêu của Chúa Giêsu: Ngài bị liệt vào hàng những kẻ tội lỗi ( Lc 7, 34 ), Ngài bị người nhà, họ hàng cho là kẻ đã bị mất trí, bị xua đuổi ra khỏi thành Giêrusalem, bị lên án như một tội nhân nguy hiểm, bị kết án tử hình, bị treo lên thập giá giữa hai tên trộm cướp. Chúa Giêsu coi cuộc khổ nạn của Ngài là một phép rửa. Phép rửa của Ngài là dùng cái chết để xóa tội cho nhân loại, cho con người: ” Thầy còn một phép rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất “( Lc 12, 50 ). Đây là bản trường ca tình yêu của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đã xuống thế gian vì yêu thương, chết vì yêu thương, Ngài nói và đã thể hiện: ” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” ( Ga 15, 13 ).

ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG:

Kitô hữu là người đã được tái sinh để trở nên con cái Chúa và con cái của Giáo Hội. Chúa mời gọi mọi Kitô hữu loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúa gọi mời mọi Kitô hữu đem tình thương đến cho mọi người như “đem an bình vào nơi tranh chấp, đem tình thương vào nơi thù hận, đem niềm vui đến chốn lao tù vv…”. Người môn đệ của Chúa Giêsu phải là người luôn sống bác ái yêu thương, luôn chứng tỏ có Chúa đang hiện diện nơi mình. Người môn đệ Chúa không được hờ hễnh, lơ là và hầu như thơ ngây trước những người đau khổ. Zundel đã viết một câu thật ý nghĩa: ” Đừng để ai trong những người anh em của chúng ta có thể phàn nàn họ chẳng gặp được lòng nhân hậu của Thiên Chúa nơi chúng ta “.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết sống bí tích rửa tội cách nhiệt tâm và mau mắn loan báo Tin Mừng cứu độ. Amen. 

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR


 

TN1-B35. Lễ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RƯA


Lm. Nguyễn Văn Phan, CSsR.

 

Chắc chắn đây không phải là một dịp bình thường: trong khi Gioan Tẩy Giả đang rao giảng thống hối: TN1-B35


Chắc chắn đây không phải là một dịp bình thường: trong khi Gioan Tẩy Giả đang rao giảng thống hối bên bờ sông Giô đan và thúc giục mọi người chuẩn bị dọn đường cho Chúa, thì Ðức Chúa Giêsu đã đến gần bên và xin ông làm phép rửa cho Người. Ðức Chúa Giêsu đâu có cần chi đến phép rửa vì chính người là Ðấng vô tội và tràn đầy thần khí từ khi mới sinh. Qua việc dìm mình trong làn nước sông Giô đan, Ðức Chúa Giêsu có chủ ý muốn đứng về phía những tội nhân và gánh vác tội lỗi cho chúng ta. Người đã đến để chia sẻ kiếp sống chúng ta và người chết đi là để chúng ta được sống. Hành động đầu tiên trong sứ vụ công khai của Người là một hành động khiêm hạ, khởi đầu sứ mệnh phục vụ yêu thương cho người nghèo hèn bị khinh khi, người bất toại về đàng thiêng liêng. Sứ vụ Người đảm nhận được Thiên Chúa Cha đóng ấn chứng thực vì hôm nay khi bước ra khỏi nước, các tầng trời mở ra vang vọng tiếng kêu: "Con là Con Yêu Dấu của Ta và luôn làm đẹp lòng Ta". Ðây là một dấu chỉ bên ngoài cho thấy Người được xức dầu tấn phong làm Ðấng Cứu Thế. Giờ đây Người đã sẵn sàng sứ vụ mới là khai sinh sự sống thần linh trong muôn người.

Ðức Chúa Giêsu chịu phép rửa tự nhiên làm cho chúng ta nghĩ tới phép rửa của chúng ta đã lĩnh nhận. Phép rửa của Ðức Kitô không phải là một biến cố lạc lõng trong đời Người, mà là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong tuơng giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, và phép rửa ấy áp dụng cho tất cả mọi người, ảnh hưởng một cách riêng tưsâu xa nhất đến từng người chúng ta. Khi chịu phép thánh tẩy, Thánh Thần Thiên Chúa chiếm đoạt chúng ta một cách hết sức đặc biệt, để điều khiển hướng dẫn chúng ta bước theo Ðức Kitô. Thánh Tẩy liên kết chúng ta với Ðức Kitô một cách mật thiết nhất, đưa chúng ta hội nhập vào gia đình Thiên Chúa, cho chúng ta cái quyền được gọi Thiên Chúa là Cha.

Mặc dù chúng ta được thánh tẩy ngay khi còn chưa đầy tháng, nhưng dấu ấn ân sủng thánh tẩy không hoàn toàn là một kỷ niệm của quá khứ mà mãi mãi là một thực tại hiện thực và chúng ta mãi mãi được chia sẻ sự sống thần linh của Ðức Kitô Phục sinh. Mãi mãi là một lời mời gọi chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn và trở thành cộng tác viên với Ngài trong công trình cứu độ trần gian. Chúng ta được kêu gọi là tôi tớ phục vụ Thiên Chúa trong môi trường sống của riêng chúng ta và làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Trong đời sống hằng ngày có lẽ chúng ta không có khả năng làm những công trình đại sự, nhưng chúng ta lại có sức mạnh làm việc thiện. Ðức Chúa Giêsu xưa kia cũng đi khắp nơi làm những việc lành phúc đức. Công khai tuyên xưng niềm tin của chúng ta thật là tuyệt vời biết bao. Nhưng qua những việc lành phúc đức, mỗi người trong chúng ta mới có thể bổ túc hoàn thành sứ vụ Ðức Chúa Giêsu đã bắt đầu sau khi chịu thanh tẩy. Hôm nay là dịp chúng ta tự hỏi xem mình có còn giữ đúng hướng đi mà cuộc sống mới của chúng ta đã nhắm đến vào ngày chịu thanh tẩy hay không.

Lm. Nguyễn Văn Phan, CSsR.


 

TN1-B36. DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH


Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 

Có những dòng sông đã quyết định vận mạng cả dân tộc như Chương dương, Bạch đằng. Những: TN1-B36


Có những dòng sông đã quyết định vận mạng cả dân tộc như Chương dương, Bạch đằng. Những dòng sông đã đưa cả vận nước tiến lên nhờ những phù sa màu mỡ chuyển mạch sống đến cho toàn dân như Hồng Hà, Cửu Long. Dòng sông đã nổi trôi theo vận nước như Bến hải, sông Gianh.

Nhưng một dòng sông chuyển đổi định mệnh cả nhân loại vì đã được diễm phúc ghi dấu hình ảnh Con Chúa và đón nhận những bước chân rộn rã của đoàn người hành hương tìm về nguồn ơn cứu độ. Dòng sông trở thành căn cứ xuất phát bước chân Đấng Cứu thế, khi thấy cảnh trời mở ra vang vọng tiếng Chúa Cha rung chuyển cả đất trời, át hẳn tiếng người đang thống hối ăn năn. Đó là dòng sông Giođan.

ĐIỂM HỘI TỤ

Ngày ấy mọi người tuốn đến lãnh nhận phép rửa, đã khuấy đục cả một khúc sông. Thấy từng đoàn dân chúng tuốn đến, chắc chắn Gioan Tẩy giả nức lòng phấn khởi. Còn gì vui hơn cho một nhà giảng thuyết ! Tất cả đều sám hối, nhưng không hề buồn bã. Sám hối để đón chờ Đấng Messia thời cánh chung. Họ sống trong niềm hi vọng một cuộc giải thoát cho toàn dân.

“Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan.” (Mc 1:9)   Đức Giêsu đã nhập cuộc với đoàn lũ dân chúng. Người cũng xuống nước xin Gioan làm phép rửa, không phải để tỏ lòng sám hối, cũng không phải để sống niềm hi vọng Thiên sai. Vì chính Người là Vị Thiên sai vô tội đến hoàn thành lời hứa. Người nhập đoàn để đồng hóa với nhân loại tội lỗi. “Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta.” (2 Cr 5:21)  Như vậy Người đã hoàn toàn sát nhập vào gia đình nhân loại.

Từ gia đình thiên giới, nơi Người sống mật thiết với Chúa Cha và Thánh Linh, Người đã giáng trần để thực hiện lời hứa xa xưa. Hôm nay xuống sông Giođan chịu phép rửa, Đức Giêsu đã cho thấy Người thuộc về hai gia đình. Cả hai đã hiệp nhất trong tình yêu, tình yêu Thiên Chúa nhập thể.   Đó là sứ mệnh lớn lao của Người. Người là Chàng rể đến giới thiệu nàng dâu nhân loại cho Thiên Chúa. Khi lặn ngụp xuống giòng nước Giođan, Người đem trọn tình yêu của Ba ngôi dìm xuống dòng sông định mệnh của nhân loại. Nhưng “vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình.  Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1:11)    Chúa Cha đã xác nhận bản chất Đức Giêsu như “tình yêu Thiên Chúa đến với trần gian.” (KTTƯ 1995:183)   Lời xác nhận đó vang lên như thuở mới tạo dựng đất trời, có chim bồ câu chứng kiến, một biểu tượng thật dễ thương, nhắc đến một cuộc tạo thành mới bắt đầu với Đức Giêsu (x.KTTƯ 1995:183).

Từ nay tương quan đất trời hoàn toàn thay đổi nhờ quyền lực Thánh Linh (x.Tt 3:5). Chính nhờ Thánh Linh, Đức Giêsu đã được xức dầu tấn phong làm Quân Vương cai trị muôn dân, (x. KTTƯ 1995:183) như Chúa đã hứa: “Ta cho thần khí Ta ngự trên Người.” (Is 42:1)  Nhờ Thần khí, Người trở thành “Tôi Trung của Thiên Chúa có nhiệm vụ rao giảng, thực hiện công cuộc giải thoát và cứu độ”(KTTƯ 1995:183) cho muôn dân ngang qua cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Bởi đấy khi bị dìm xuống nước, Người như đi vào cõi chết.    Khi “vừa lên khỏi nước”, Người như đi vào cõi vĩnh hằng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.    Nhưng Người không đi vào một mình.   Nhờ Thánh Linh, ngang qua phép rửa là cái chết của Người, cả nhân loại sẽ cùng thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời với Chúa.

Như vậy, “tất cả lời hứa cứu độ trở thành hiện thực trong phép rửa” (Faley 1994:90). Chính vì thế, “phép rửa của Đức Giêsu trong Thánh Thần chỉ toàn thể công trình cứu độ do Đức Giêsu khai mạc.” (KTTƯ 1995:182) Không có sức mạnh Thánh Linh, nhân loại cũng không thể gia nhập gia đình Thiên Chúa. Nhờ đó họ trở thành anh em với nhau. Đó là ơn gọi nguyên thủy của nhân loại.

ƠN GỌI NGUYÊN THỦY

Thế giới hôm nay thu nhỏ như một ngôi làng. Con người gần gũi nhau hơn bao giờ. Nhưng liệu những phương tiện truyền thông có đủ năng lực bảo đảm hòa bình cho nhân loại hay không ? Thực ra, thế giới còn nhỏ hơn một ngôi làng. Tất cả nhân loại làm thành một gia đình, trong đó mọi người đều liên đới với nhau. Nền hòa bình thế giới sẽ tùy thuộc vào ý thức này. Thật vậy, “thế giới sẽ có hòa bình hay không tùy theo toàn thể nhân loại có biết tái khám phá ơn gọi nguyên thủy của mình là trở thành một gia đình duy nhất hay không, một gia đình trong đó phẩm giá và các quyền con người – bất luận là người thuộc giai tầng, chủng tộc hoặc tôn giáo nào – được xác quyết là những điều ưu tiên và trổi vượt hơn tất cả những khác biệt và những đặc tính khác của con người” (“Sứ Điệp Hòa Bình”; VietCatholic 1999:3).

Nếu thế, chiến tranh phát sinh từ lòng dạ hẹp hòi, ích kỷ của con người muốn tách mình ra khỏi gia đình duy nhất đó. Một khi chỉ biết tới quyền lợi riêng tư, người ta có thể chà đạp nhân phẩm kẻ khác. Thực tế, “những bất công, chênh lệch thái quá trong lãnh vực kinh tế hoặc xã hội, sự ghen tương, nghi kỵ và kiêu ngạo tác hại giữa con người và các quốc gia, không ngừng đe dọa hòa bình và gây ra chiến tranh.” (“Sứ Điệp Hòa Bình”; VietCatholic 1999:6)   Đó là một thế giới không ai biết đến ai. Hòa bình chính là kết quả của tinh thần liên đới trách nhiệm và chia sẻ quyền lợi cho nhau. Ngày nay nhờ “tiến trình hoàn vũ hóa, người ta có được những cơ hội đặc biệt và đầy triển vọng để biến nhân loại thành một gia đình duy nhất thực sự, dựa trên những giá trị công bằng, ngay chính và liên đới” (“Sứ Điệp Hòa Bình”; VietCatholic 1999:3).

Nếu được xây dựng và mô phỏng trên tương quan giữa Ba Ngôi, tình liên đới đó chắc chắn sẽ tìm được sức sống mới. Vì nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, tình yêu vô cùng phong phú và mãnh liệt. Người muốn chia sẻ đến tận cùng tình yêu đó cho nhân loại. Thật vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,” (Ga 3:16) để con người có thể sống ơn gọi nguyên thủy bắt nguồn từ chính tình yêu Thiên Chúa. Nếu không sống tương quan với người khác như một gia đình, con người sẽ đánh mất vẻ tươi đẹp nhất, vì “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa.” (Stk 1:27) Không phải chỉ giống Thiên Chúa trong bản chất, nhưng cả trong tương quan nữa. Đó chính là nền tảng ơn gọi nguyên thủy của con người. Từ đó sứ mệnh con người được hoàn thành trong nỗ lực liên đới với anh em. Liên đới với anh em chính là đi vào tương quan với Thiên Chúa.

Tương quan thật sâu xa đó đã được thiết lập khi Đức Giêsu dìm mình trong dòng sông Giođan. Dòng sông định mệnh đó đã nối kết gia đình nhân loại với gia đình Thiên Chúa nhờ thần lực của Con Thiên Chúa làm người.   Dòng nước thanh tẩy cũng đã trả lại cho chúng ta mối tương quan thâm sâu và vô cùng ý nghĩa đó.   Nếu thực sự đang sống trong tương quan với anh em, chúng ta có sẵn sàng cộng tác với người khác để xây dựng cộng đoàn không ? Chúng ta có tôn trọng nhân phẩm và tạo điều kiện cho người khác phát triển không ? Thời cánh chung đã điểm khi Đức Giêsu xuất hiện trong dòng sông định mệnh Giođan. Bạn còn đợi tới bao giờ mới thiết lập tương quan với Thiên Chúa và anh em trong tiến trình đi lên hôm nay ?

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


 

TN1-B37. CUỘC GẶP GỠ LỊCH SỬ - Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì dòng sông Jordan bé nhỏ là dòng sông quen: TN1-B37


Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì dòng sông Jordan bé nhỏ là dòng sông quen thuộc nhất đối với người Kitô hữu. Chính tại đây Chúa Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả.

Sau 30 năm sống âm thầm, ẩn dật ở Nazareth, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai về Nước Thiên Chúa. Người đến chịu Phép rửa ở sông Jordan.

Như một thân thể của xứ Palestine, góp phần quan trọng trong lịch sử Israel ngay từ những ngày đầu Thiên Chúa chọn dân Do thái. Từ Jordan chuyển từ tiếng Do thái, hayyarden, có nghĩa “chảy xuôi dòng thời gian”. Bắt nguồn từ Syria, do ba phụ lưu hợp thành. Sông dài 300km, rất nhiều chỗ cạn, nhiều chỗ uốn khúc, chảy qua biển hồ Galilê và cuối cùng đổ vào Biển Chết. Lòng sông rất dốc, thượng lưu ở độ cao 45 mét, đến cửa sông là 390 mét với mặt nước biển, lưu vực 93 mét khối/s. Mặc dù là con sông rộng nhất của Palestin, sông Jordan khác với những con sông của nhiều nước ở chỗ: Khúc sông từ Biển Hồ Galilê đến Biển Chết có đến 27 ghềnh thác khó lưu thông, lắm chỗ nước chảy qua tạo thành những thung lũng như đầm lầy, nhiều nơi có thú dữ, cây cối hai bên dòng sông mọc tươi tốt, không có thành phố lớn nào được thành lập dọc theo dòng sông. Kinh Thánh nói nhiều đến dòng sông này, khởi đầu là việc liên hệ giữa Abraham và ông Lot ở sông Jordan (St 13,10). Giacob từ Kharan trở về đã vượt qua sông Jordan, các chi tộc vượt sông Jordan cách kỳ diệu dưới sự hướng dân của Giosuê (Gs 3,14-17).

Con sông là ranh giới vì dân du mục vượt qua sông vào Cannaan để cướp bóc. Người Israel tìm nơi nương náu bên kia tả ngạn sông Jordan (Tl 6,33; 2Sm 17,22) và được xem như sự che chở: “Trong bụi rậm sông Jordan...” (Gr 12:5; 49:19; 50:44) quan Naaman nước Aran nghe lời ngôn sứ Êlisê xuống sông tắm 7 lần nên được khỏi bệnh phong hủi (2V 5,1-19). Ngôn sứ Êdêkiel (chương 47) diễn tả sức sống sung túc của sông Jordan, nước sông chảy đến đâu thì trao ban sự sống đến đó. Với Kinh Thánh Tân ước, sông Jordan là nơi Gioan làm phép thanh tẩy, thống hối và Chúa Giêsu nhận lãnh phép rửa để mở đầu hoạt động công khai.

Đọc Thánh Kinh tôi cứ nghĩ Jordan là một con sông lớn lắm, ai dè khi đi hành hương Đất Thánh, đến nơi đây, đứng tại nơi Chúa chịu phép rửa, tôi thấy nó bé nhỏ như một con kênh giữa miền Tây sông nước.

Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênhmang thuyền qua lại thì dòng nước Jordan nơi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn siết chảy thì dòng Jordan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Jordan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Jordan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn. Tôi đã ném thử hòn đá nhỏ và thấy nó đi xa gấp mấy lần khoảng cách hai bờ sông. Thế mà Chúa Giêsu đã chọn dòng nước bé nhỏ này, không phải như Môisen hay Giôsua giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng nước nhỏ cùng với đoàn người chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả.

Thiên Chúa, Đấng cho Cửu Long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho Hương giang lững lờ lãng mạng gợi hồn thơ, đã chọn dìm mình vào dòng nước Jordan bé nhỏ.

Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” (Mc1,5) và chịu “phép rửa sám hối để đước ơn tha tội” (Mc 1,4) lại có Chúa Giêsu. Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối? Ngài là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy? Đây là sự hạ mình sâu thẳm của Đấng Thánh. Dân chúng đến xin Gioan làm phép rửa thì chúng ta hiểu được, vì mọi người đều có tội, nên đã phải thú tội để biểu lộ lòng hoán cải và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn Chúa Giêsu, Người là Đấng vô tội, là Đấng Thánh, vì thế Gioan đã thốt lên:

“Chính tôi cần phải được Ngài thanh tẩy cho, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Gioan bối rối khước từ, bởi lẽ Đấng mà ông không đáng xách dép, Đấng là thẩm phán quyền uy, Đấng ban phép rửa trong Thánh Thần, Đấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa, thế nhưng, Người đã trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3,17).Gioan đã kêu gọi dân chúng chịu phép rửa “để tỏ lòng sám hối và được ơn tha tội”.Chúa Giêsu là Đấng Thánh, Người không có tội gì để mà sám hối và Người cũng chẳng cần đến ơn tha tội. Vậy, Chúa Giêsu chịu phép rửa là chính bởi vì Người muốn dấn thân nhập cuộc liên đới với nhân loại, Người muốn đi tới cùng, chấp nhận mang vào thân kiếp người tội lỗi cần được thanh tẩy và đổi mới. Thánh Phêrô đã viết trong thư thứ nhất thật sâu sắc “ tội lỗi của chúng ta, Người đã mang lấy vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1Pr 2,24).

Chúa Giêsu không chỉ tha tội, xoá tội mà còn gánh lấy tội nhân loại, đem nó vào thân thể Người để biến đổi, gạn lọc, đổi mới thành hương thơm sắc đẹp. Người đã biến đổi ngay chính trong bản thân mình tất cả tội lỗi của trần gian, làm cho nó trở nên thánh đức.Nói theo Lão Tử, người sống 500 năm trước Chúa Giáng Sinh, thì việc làm của Chúa Giêsu khi chấp nhận dìm mình trong dòng nước sông Jorđan chính là thực hiện lý tưởng “đồng kỳ trần” ( toả kỳ nhuệ, giải kỳ phân, hoà kỳ quang, đồng kỳ trần; nghĩa là làm bớt chỗ bén nhọn, bỏ phân chia, hoà ánh sáng, đồng bụi bặm. {Đạo đức kinh IV,2; LVI,2}. Ý nói: nếu muốn hoà giải, hoà hợp với người khác thì phải bỏ óc kỳ thị phân chia, giảm bớt những gì là sắc bén nơi mình có thể gây nguy hại cho người khác, hoà cái sáng của mình với cái sáng của tha nhân, và cũng chia sẽ thân phận ‘bụi bặm” với người ta. Nói tóm lại là đừng nghĩ mình hơn người mà xa cách kỳ thị, nhưng phải thấy được cái sáng của người, đồng thời cũng thấy được cái bụi bặm nơi mình (x.Trái chín đầu mùa,trang 133. Lm Thiện Cẩm).Trước sự hạ mình thẳm sâu của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã tôn vinh Người bằng việc sai phái Thánh Thần hiện xuống và bằng lời tuyên bố: Đây là con Ta yêu dấu.

Đây là một cuộc gặp gỡ lịch sử Cưụ ước – Tân ước. Biến cố không chỉ loan báo trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà còn loan báo về sự phục sinh vinh quang của Người. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân - Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô, vị ngôn sứ của thời kỳ mới. Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc tranh cãi dành ưu thế, nhưng thật thú vị tuyệt vời khi cả hai đại biểu đều khiêm nhường đón nhận nhau trong sứ vụ. Chúa Giêsu từ tốn bước xuống dòng nước Jordan và xin Gioan làm phép rửa cho mình.Gioan hân hạnh xin Chúa Giêsu rửa cho mình vì ông nhìn thấy đây mới chính là nhân vật ban phép rửa trong Thánh Thần như ông đã loan báo. Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này, Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là Con Ta yêu dấu. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao. Từ nay Chúa Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với niềm hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha.

Cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng tại sông Jorđan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu. Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và nước, giữa Tân ước và Cựu ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu, chúng ta nhận đước ấn tín của Chúa Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan là một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Mỗi người Kitô hữu qua bí tích rửa tội, được thần linh ngự xuống, được nghe tiếng Chúa Cha vang dội:này là con yêu dấu của Ta,Ta đặt trọn vẹn yêu thương trên con.Tâm hồn mỗi người trở nên Đền Thờ Ba Ngôi Thiên Chúa. Ước mong mỗi tín hữu chúng ta luôn nhớ mình đã được xức dầu, được mặc áo trắng tinh tuyền, được trao nến sáng Phục sinh, được thanh tẩy trong nước và Thánh Thần để sống xứng đáng mỗi ngày với ân huệ đã lãnh nhận.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An


 

TN1-B38. DÒNG NƯỚC NHỎ


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Khi Minh Sư trở nên già yếu và bệnh tật, các đệ tử van xin ngài đừng sớm lìa trần.  Minh Sư bảo họ: TN1-B38


Khi Minh Sư trở nên già yếu và bệnh tật, các đệ tử van xin ngài đừng sớm lìa trần.

Minh Sư bảo họ: "Nếu như thầy không rời xa các con, làm sao các con thấy được?"

Các đệ tử hỏi lại: "Chúng con không thấy được cái gì khi thầy còn ở với chúng con?"

Nhưng Minh Sư im lặng, ngài không nói lời nào. Khi ngài sắp lìa trần, một lần nữa các đệ tử hỏi thêm: "Chúng con sẽ thấy được gì khi thầy đã ra đi?"

Với một cái chớp mắt, Minh Sư nói: "Tất cả những gì thầy đã làm là ngồi bên bờ sông và phân phát nước sông. Sau khi thầy ra đi, chắc chắn các con sẽ nhìn thấy giòng sông…" (Anthony de Mello, trích trong “One Minute Wisdom”)

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa nhật thứ I mùa Thường niên hôm nay cũng nhắc đến một dòng sông có tên là sông Gio-đan, nơi Chúa Giêsu đã đến sau 30 năm sống âm thầm ẩn dật ở Nazareth. Bên dòng sông này, Chúa Giêsu đã chịu Phép Rửa từ tay Gioan Tẩy giả để bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai về Nước Thiên Chúa.

Việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa từ tay Gioan là sự hạ mình sâu thẳm và là một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Cựu ước và Tân ước. Biến cố này không chỉ loan báo trước cuộc khổ nạn của Đức Giêsu mà còn loan báo về sự phục sinh vinh quang của Người.

Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênh mông ghe thuyền qua lại thì dòng sông Gio-đan nơi Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn xiết chảy thì dòng sông Gio-đan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Gio-đan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Gio-đan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn.

Thế mà Đức Giêsu đã chọn dòng sông bé nhỏ này, không phải như Môi-sen hay Giô-sua xưa kia giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng sông nhỏ bé cùng với những tội nhân lãnh nhận phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả.

Thiên Chúa, Đấng cho Cửu Long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho Hương giang lững lờ lãng mạng gợi hồn thơ đã chọn dìm mình vào dòng nước Gio-đan bé nhỏ.

Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì dòng sông Gio-đan bé nhỏ ấy là dòng sông quen thuộc nhất đối với Kitô hữu chúng ta. Chính tại đây Đức Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả.
Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” ( Mc.1,5) và chịu “phép rửa sám hối để được ơn tha tội” (Mc.1,4) lại có cả Đức Giêsu. Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối ? Ngài là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy ?

Trong đêm Giáng Sinh chúng ta đã chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người, sinh ra nơi hang đá máng cỏ, làm một người nghèo hèn bé nhỏ, dường như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Hôm nay, Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận cùng xã hội nhân loại khi đến xin Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi. Và đã xuống bậc tận cùng khi Chúa hạ mình thẳm sâu chấp nhận chết trên thập giá như một tên trộm cướp chỉ vì yêu thương.

Biết nói gì về Người bây giờ nếu không phải là cúi đầu cảm phục và tôn thờ sự khiêm hạ thẳm sâu của con Thiên Chúa làm người !

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân - Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô, vị ngôn sứ của thời kỳ mới.

Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc tranh cãi dành ưu thế, nhưng thật thú vị tuyệt vời khi cả hai đại biểu đều khiêm nhường đón nhận nhau trong sứ vụ. Đức Giêsu từ tốn bước xuống dòng sông Gio-đan và xin Gioan làm phép rửa cho mình. Gioan hân hạnh xin Đức Giêsu rửa cho mình vì ông nhìn thấy đây mới chính là nhân vật ban phép rửa trong Thánh Thần như ông đã loan báo.

Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này, Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần hiên diện như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con Ta yêu dấu”. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao. Từ nay Đức Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với niềm hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha.

Cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng tại sông Gio-đan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu.

Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và Nước, giữa Tân ước và Cựu ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu, chúng ta nhận được ấn tín của Chúa Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chịu phép rửa từ tay Gioan là một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Mỗi người Kitô qua bí tích rửa tội, được thần linh ngự xuống, được nghe tiếng Chúa Cha vang dội: “Này là con yêu dấu của Ta, Ta đặt trọn vẹn yêu thương trên con”. Và tâm hồn mỗi người trở nên Đền Thờ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ước mong mỗi tín hữu chúng ta luôn nhớ mình đã được xức dầu, được mặc áo trắng tinh tuyền, được trao nến sáng Phục sinh, được thanh tẩy trong nước và Thánh Thần để sống xứng đáng mỗi ngày mỗi hơn với ân huệ đã lãnh nhận.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An


 

TN1-B39. CHÚA NHẬT  CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM B


 (10/01/2021)

---ooOoo---

Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra,
thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình.
Và có tiếng từ trời phán: 
“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha"

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ:


 

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cuộc RA MẮT không thể hoành tráng hơn của Đấng Mêsia mà TN1-B39


Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cuộc RA MẮT không thể hoành tráng hơn của Đấng Mêsia mà dân Israel đang mong đợi. Lúc đầu Người đóng vai một hối nhân như bao người Do-thái đạo đức khác tìm đến với Gioan để được vị Tẩy giả dìm xuống dòng sông. Nhưng khi Người bước ra khỏi nước thì cả một quanh cảnh huy hoàng rực rỡ chưa từng thấy đã xẩy ra: Tầng trời mở ra để Thiên Chúa xuống gặp con người và khai mở một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ với việc Thiên Chúa xác nhận Chúa Giêsu là Ai và có vai trò gì trong Kế Hoạch Nhiệm Mầu của Người.

Chúng ta hãy dành thời gian tìm hiểu và chiêm ngắm cuộc ra mắt của Con yêu dấu của Thiên Chúa.

II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,6b-11: Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: "Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần."

Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".

III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,6b-11:  Có hai nội dung trong bài Phúc Âm

3.1 Chúa Giêsu Nagiarét liên đới chặt chẽ với các tội nhân: Từ bỏ Nagiarét sau nhiều năm sống ẩn dật và lao động, Chúa Giêsu bước vào giai đoạan quan trọng của đời Người: rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa trên các nẻo đường Palestn. Việc đâu tiên Người thực hiện là hòa mình vào dòng người sám hối trước Gioan Tẩy giả để được dìm xuống dòng sông Giócđan tỏ lòng sám hối. Chúa Giêsu thánh thiện tinh tuyền nên không cần phải sám hối. Nhưng Người chia sẻ khát vọng sự công chính và Nước Thiên Chúa của dân Israel nên Người xin Gioan làm phép rửa cho Người như bao người Do-thái khác lúc bấy giờ. Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể làm người lại một lần nữa cho thấy sự cao cả khôn lường nơi Chúa Giêsu bên bờ sông Giócđan.

3.2 Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Cha và đẹp lòng Cha: Trong quang cảnh hùng tráng của cuộc thần hiện, Thiên Chúa (Cha và Thánh Thần) đã long trọng xác nhận chân dung, thân phận, vai trò và sứ mạng của Chúa Giêsu:  “Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".

IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,6b-11:

4.1 Chúng ta hãy đón nhận mạc khải của Thiên Chúa về Chúa Giêsu: Đó là diễm phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho những ai đọc sách Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay. Dưới thân phận của một hối nhân khiêm cung hèn mọn như bao người Do-thái khác, nhưng Chúa Giêsu Nagiarét là Con yêu dấu của Thiên Chúa tòan năng hằng hữu! là người Con đẹp lòng Cha vì Người đến để thi hành Thánh Ý, Kế Hoạch Cứu Độ của Cha.

4.2 Chúng ta hãy nơi gương Chúa Giêsu sống hòa đồng và liên đới với loài người: Đó là điều Chúa Giêsu muốn các Kitô hữu thực hiện, để trở thành công cụ của Thiên Chúa giúp mọi người, mọi nước, mọi dân nhìn nhận và thờ phượng Thiên Chúa.

V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 1,6b-11:

KHAI MỞ:  Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu cho lòai người chúng con để Người cai trị muôn dân muôn nước theo đường lối của Cha. Xin Cha lắng nghe lời cầu xin tha thiết của chúng con. 

Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN:

1.- «Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: "Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người.»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho hết mọi người trên thế giới này được ơn khát khao găp được Thiên Chúa và Con của Người là Chúa Giêsu Kitô mà Gioan đã loan báo và giới thiệu.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!  Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

2.- «Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần»  Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy tích cực làm chứng về Chúa Giêsu Kitô và đem mọi người đến với Con Thiên Chúa

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

3.- «Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi người mở lòng đón nhận Chúa Giêsu Kitô và nhận phép rửa tha tội mà Người thiết lập.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

4.- «Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha»   Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả mọi người được ơn mạc khải của Thiên Chúa về Con của Người là Chúa Giêsu Kitô.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

LỜI KẾT:

Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban cho chúng con Con yêu đầu của Cha để Người dẫn chúng con về với Cha.

Xin Cha ban Thánh Thần và sức mạnh của Ngài cho chúng con để chúng con đón nhận, tuyên xưng và bắt chước Chúa Giêsu là Con yêu dầu của Cha.

Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con, là Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến để mọi người được làm con Cha. Amen.

Sàigòn ngày 07 tháng 01 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội


 

TN1-B40. CON LÀ CON YÊU DẤU CỦA CHA

 

Tin Mừng Chúa Giêsu theo Thánh Sử Mác cô sẽ được đọc và suy niệm suốt năm phụng vụ B: TN1-B40


Tin Mừng Chúa Giêsu theo Thánh Sử Mác cô sẽ được đọc và suy niệm suốt năm phụng vụ B của giáo hội. Trong Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa hôm nay, chúng ta cùng suy niệm đoạn Tin Mừng về biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, có trình thuật lại trong Tin Mừng Thánh Sử Mát Thêu (Mt 4,1-11) và Thánh Sử Lu ca (Lc 4,1-13) với ba ý tưởng chính của Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay:

1. Gioan rao giảng “Đấng đến sau” và “Phép Rửa trong Thánh Thần”.

Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay bắt đầu bằng lời rao giảng của Gio-an rằng: "Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần."

Lời rao giảng của Gio-an loan báo cho dân chúng Đấng đến sau là “Đấng quyền thế “ đến nỗi Gio-an phải thú nhận Ngài “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người “. Vào thời đó, Gio-an Tẩy Giả đã “xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được tha tội” (Mc 1, 4). Lời rao giảng của Gio-an chân thật, không khoa trương giả dối, ăn nhịp với đời sống khó nghèo và khắc khổ của Gio-an “Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mc 1,6) nên đã lôi kéo được nhiều nguời đến lắng nghe “mọi nguời từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mc 1,5).

Trong lời rao giảng, Gio-an loan báo sự khác biệt giữa phép rửa của Ông và phép rửa của Đấng đến sau: ông chỉ làm phép rửa bằng nước, nghĩa là phép rửa của ông chỉ là tượng trưng, thuộc về nhân loại, chỉ là dấu chỉ bên ngoài để mời gọi con người sám hối bên trong. Còn phép rửa “trong Thánh Thần” của Đức Giêsu: là phép rửa đích thực, tự bên trong, thuộc siêu nhiên do quyền năng của Thiên Chúa.

2. Chúa Giêsu tự hạ mình xuống, xếp hàng với tội nhân, lãnh nhận Phép rửa trên sông Gio-đan bởi Gioan.

Trong số những người đến nghe Gio-an rao giảng và xuống sông Gio-đan lãnh nhận phép rửa sám hối, hôm nay có Đức Giê-su, “Đấng đến sau” Gio-an, “Đấng quyền thế” cũng xếp hàng như mọi người, Ngài đã cúi đầu xuống để Gio-an làm phép rửa bằng nước: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người còn lại hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự.” (Pl 2,5-8).

Việc tự hạ của Đức Kitô qua mầu nhiệm Nhập Thể, nay được thể hiện trong mầu nhiệm Nhập Thế. Ngay từ đầu cuộc đời công khai, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu cho thấy Ngài “trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”, trở thành Adam của nhân loại mới, trở thành anh cả của nhân loại để thánh hóa họ, chỉ đường cho nhân loại nhận biết Cha trên trời và sống huynh đệ bác ái với nhau.

3. Mạc khải Ba Ngôi Thiên Chúa

Cao điểm của biến cố phép rửa hôm nay chính là giây phút Đức Giêsu bước ra khỏi nước. Tin Mừng theo Thánh Mác cô viết: “Vừa lên khỏi nước, Người (Đức Giêsu) liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’” (Mc 1,10-11). Kiểu nói “tầng trời xé ra” hoặc “có tiếng nói từ trời phán” theo ý nghĩa trong Cựu Ước, đều muốn bộc lộ việc Thiên Chúa từ cõi vô hình, hiện diện trong biến cố.

Như vậy, chính lúc tự hạ tột bực của Đức Giêsu, là giây phút mạc khải quyết định. Qua việc tự hạ lãnh nhận phép rửa bằng nước của Gio-an, Thiên Chúa vén bức màn tỏ mình cho những người đang có mặt hôm đó trên sông Gio-đan. Thiên Chúa Ba Ngôi đồng hiện diện và mạc khải chính mình: Chúa Thánh Thần “như chim bồ câu” ngự xuống trên Đức Giêsu. Chúa Cha phán từ trời và giới thiệu với nhân loại nguời con chí ái: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." Qua lời mạc khải long trọng này, Chúa Cha mạc khải thần tính của Chúa Giêsu. Ngài chính là Con Thiên Chúa. Ngài là Ngôi Lời Nhập Thể. Ngài là Đấng Cứu Thế muôn dân đợi trông.

Sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa hôm nay đóng ấn vào chương trình cứu độ và khai mào Năm Hồng Ân: ơn cứu độc phổ quát, được loan báo cho toàn thể nhân loại qua Chúa Giêsu: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Công vụ 10,34).

Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đóng ấn cho Phép Rửa mới trong Thánh Thần. Từ nay, tất cả chúng ta được rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Tâm hồn và thân xác người lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy được tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi, trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần, thành chi thể trong nhiệm thể của Giáo Hội mà Chúa Kitô là đầu nhiệm thể… trở thành anh chị em với nhau, được trở thành con Thiên Chúa.

Hôm nay mừng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, tất cả chúng ta “HÃY NHỚ LẠI phép rửa tội của mình mà từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin…”..

Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu


 

TN1-B41. NHẬN RA ĐẤNG CỨU THẾ


Lm. Raphael Xuân Nguyên

 

Nghĩ đến sứ mệnh tiền hô của thánh Gioan, người ta thán phục và cảm nhận chẳng những ý chí muốn: TN1-B41


Nghĩ đến sứ mệnh tiền hô của thánh Gioan, người ta thán phục và cảm nhận chẳng những ý chí muốn nên thánh để sống đời sống thánh thiện của Gioan, một chức năng vô cùng cần thiết cho kẻ dọn đường Đấng Cứu Thế, mà còn tri ân không ngừng chương trình cứu chuộc nhiệm mầu và kỳ diệu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, vì nó đem lại niềm hy vọng của sự sống đời đời.

Thánh Gioan tiền hô xác nhận một vài nét nổi bật về ngài trong Phúc âm hôm nay: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần. Những lời này phát sinh từ thâm sâu nội tâm khiêm tốn. Sự khiêm tốn thẳm sâu nội tâm là dấu chỉ và cũng là điều kiện của đời sống thánh thiện, mà Gioan tiền hô đã thao luyện suốt cuộc đời trong cầu nguyện, chay tịnh, và hãm mình ép xác, với tâm tình chờ mong để dọn đường cho Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi.

Với tâm tình và cuộc sống đó, người ta không lạ khi thấy Gioan nhận ra ngay Đấng Cứu Thế lúc Người xuất hiện; trong khi nhiều người khác cùng thời, kể các các thầy tư tế vẫn còn tưởng Gioan là Đấng Cứu Thế. Tâm tình và đời sống của Gioan tiền hô cũng giống cuộc sống của ông già Simêon và bà tiên tri Anna. Nhờ đời sống phó thác, tận hiến để phụng sự Chúa trong cầu nguyện, chay tịnh suốt cả cuộc đời, Simêon và Anna cũng đã nhận ngay ra Hài nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế lúc Mẹ Maria và thánh Giuse dâng Người vào đền thờ. Thiên Chúa vô cùng thánh thiện và tràn đầy yêu thương, nên những ai muốn gặp Người luôn phải chuẩn bị đời mình trong sự thánh thiện, hy sinh và phục vụ.

Và khi gặp được Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, con người không những thay đổi cuộc đời, mà còn lao vào cuộc sống tận hiến và phó thác cho sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Người. Các tông đồ tiên khởi của Chúa Giêsu là những tấm gương sống động điển hình. Các ngài đã bỏ lại sau lưng tất cả, để bước theo Thầy Giêsu quyền năng và tràn đầy ơn cứu độ, như xác quyết của Phêrô: Bỏ Thầy con biết theo ai? Chỉ có Thầy mới có Lời hằng sống. Các tông đồ cũng như mọi Kitô hữu mọi thời đã và đang bước theo Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, đều nhận ra sự nhiệm mầu của ơn cứu độ trong Người. Ơn cứu độ đó đã được Thiên Chúa chuẩn bị từ thuở đời đời, và tuần tự được thực hiện trong thời gian qua Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế.

Hôm nay qua lời tuyên xưng của Gioan tiền hô trong Phúc Âm: “Tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần” chính là khởi đầu cho mầu nhiệm ơn cứu độ. Thánh Thần của Đức Kitô sẽ biến đổi mọi người để bước qua cửa cứu độ phép rửa là Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, nhân loại hôm nay lúc nào cũng có dịp may nhận ra Đấng Cứu Thế khi họ mở lòng ra cho Thánh Thần của Chúa Kitô biến đổi và hướng dẫn. Chúng ta hãy tri ân thánh Gioan tiền hô làm nhiệm vụ dọn đường và loan báo ơn cứu độ, nhất là hãy khiêm tốn bắt chước ngài đón nhận ơn cứu độ là Chúa Giêsu Kitô trong đời sống hằng ngày. Nhờ đó phép rửa mà chúng ta đã lãnh nhận sẽ là bảo chứng chắc chắn cho phần rỗi đời đời mà chúng ta hằng mong ước.


 

TN1-B42. CÔNG KHAI THI HÀNH THÁNH Ý CHA


Lm. Raphael Xuân Nguyên

Mc 1, 7 – 11

Gp. Vĩnh Long

 

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hằng năm đánh dấu một giai đoạn mới của năm Phụng vụ. Giai đoạn 1: TN1-B42


Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hằng năm đánh dấu một giai đoạn mới của năm Phụng vụ. Giai đoạn 1 của mùa Thường niên được bắt đầu với lễ này. Quan trọng hơn là với lễ này chúng ta được nhắc nhớ lại biến cố có một không hai trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để cùng chịu phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả như bao nhiêu người khác. Biến cố này đánh dấu một bước ngoặc mới trong cuộc đời của Người.

Sau ba mươi năm sống ẩn dật, hôm nay Chúa Giêsu chính thức công khai thi hành thánh ý Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha là Người đem ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại. Vì vâng nghe theo thánh ý đó nên Chúa Giêsu đã được Chúa Cha long trọng tuyên bố: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con" (Mc 1, 11)

Trọn cả cuộc đời của Chúa Giêsu, Người luôn xem thánh ý Chúa Cha là ưu tiên một. Cho nên, Người luôn vâng theo tất cả những gì Chúa Cha muốn. Thực sự thánh ý Chúa Cha chỉ vì yêu thương con người đang sống trong lầm than khốn khổ vì tội lỗi và sự chết.

Có thể chúng ta sẽ cho rằng Chúa Cha sao độc ác với Chúa Cha Con Một của mình quá. Trong bài đọc 1 chúng ta sẽ thấy Chúa Cha qua tiên tri Isaia cho biết: Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy (Is 55, 9). Do đó, theo cách hiểu của hạn hẹp của con người, chúng ta chỉ hiểu được tất cả chỉ vì yêu thương con người nên Chúa Cha mới đành lòng như thế.

Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Philipphê đã ca tụng Chúa Giêsu:  “Ðức Giê-su Ki -tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ”( Pl 2, 6 - 8)

Một trong những ơn của Bí tích Rửa tội là chúng ta được làm con Chúa Cha. Như thế, chúng ta cũng sẽ được Chúa Cha nói con là con yêu dấu của Cha nếu chúng ta biết sống như Chúa Giêsu đã sống. Thánh ý Chúa Cha năm nay đang được thể hiện qua thư mục vụ của Hội Ðồng Giám Mục. Ðó là những những bậc làm cha mẹ hãy cố gắng củng cố gia đình của mình bằng đời sống đức tin gương mẫu.


 

TN1-B43. TÌNH LIÊN ĐỚI YÊU THƯƠNG


Mc1, 6b -11

Gp. Vĩnh Long

 

Một trong những điều khó hiệu và gây ngạc nhiên không những cho thánh Gioan Tẩy giả khi xưa mà: TN1-B43


Một trong những điều khó hiệu và gây ngạc nhiên không những cho thánh Gioan Tẩy giả khi xưa mà còn cho rất nhiều người qua mọi thời đại là tại sao Chúa Giêsu là Đấng vô tội lại xếp hàng chung với đám tội nhân và tìm đến với Gioan tẩy giả để lãnh nhận phép rửa xin ơn tha thứ? Thắc mắc ấy chỉ có thể trả lời ấy được theo logic của con tim mà thôi. Đức Giêsu, Đấng vô tội đã tự nguyện gia nhập vào hàng ngũ những tội nhân vì Ngài muốn liên đới với hết mọi người tội lỗi để giải cứu họ khỏi ách nô lệ của tội lỗi và ban tặng cho họ nguồn sống đích thực và vĩnh cửu.

Chuyện kể rằng: Ngày kia, một vị quan lớn mở tiệc và mời nhiều người đến dự tiệc. Tất cả những người được mời đến dự tiệc điều ăn mặc sang trọng và dùng những phương tiện tốt nhất để đi đến buổi tiệc hôm ấy. Trong số những khách mời hôm ấy, có một người cụ già. Rủi thay, vì già yếu nên cụ này khi xuống xe đã trượt chân té xuống bùn gần đó. Khách đến dự tiệc được một phen cười no bụng. Cụ già cảm thấy xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng vào phòng tiệc, nên ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi ấy, vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi đến chỗ vũng bùn đó, rồi cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông cũng dơ như cụ già kia. Thấy sự việc như vậy, mọi người chung quanh không dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc và ông cụ không còn lý do nào để chối từ.

Hành vi cố tình té vào vũng bùn của ông quan chủ tiệc xem ra rất khó hiểu. Nhưng nhờ hành động cố tình té ngã đó, ông quan mới có thể đưa ông cụ già vào phòng tiệc. Phải chăng đó cũng là cách ứng xử mà Chúa Giêsu đã từng thực hiện đối với mỗi người chúng ta. Khi sinh xuống làm người, Đức Giêsu đã xin ra trong cảnh cùng cực nhất của kiếp người để Ngài có thể chạm đến được với hết mọi người. Những ai từng bị bỏ rơi, bị khinh khi, bị xa lánh . . . thì nay họ lại được Con Thiên Chúa làm bạn hữu thân thiện nhất của mình. Thử hỏi còn gì danh dự hơn, còn gì an ủi hơn cho chúng ta chăng? Tất cả những gì Chúa Giêsu làm cho con người minh chứng cho chúng ta thấy chúng ta là người được Thiên Chúa yêu thương. Ngài tự nguyện trở nên một con người bình thường, mờ nhạt giữa những con người danh tiếng để chia sẻ kiếp người với chúng ta, để nâng loài người chúng ta lên. Ngài mặc lấy xác phàm để chia sẻ thân phận đói nghèo, đau khổ, bệnh hoạn của con người. Ngài hoá kiếp phàm nhân để nếm trải nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân. Ngài đang cùng nhịp đập con tim với mọi người để cảm thông và yêu thương tất cả, một sự liên đới của tình yêu.

Đức Giêsu khởi đầu sứ mạng rao giảng của mình bằng việc tìm đến với Gioan Tẩy giả để lãnh nhận Phép rửa của Gioan cho thấy Đức Giêsu là một Đấng Khiêm nhường, một Thiên Chúa khiêm nhườngï vô cùng. Ngài tự nguyện cúi mình sâu xuống tận bùn đen để nâng lên những con người đang chìm sâu trong bùn đen dơ nhớp ấy. Ngài khiêm hạ đến độ làm cho mình trở thành một kẻ vô danh bên cạnh một ông Gioan Tẩy giả đang được mọi người ngưỡng mộ và kính phục. Sự khiêm hạ của Đức Giêsu cho chúng ta thấy một tình yêu sâu đậm mà Thiên Chúa dành cho con người. Quả thật như lời của một thiền sư đã nói: “Thiên Chúa làm người để cho con người lên làm chúa”. Thiên Chúa là Đấng khiêm nhường. Ta hãnh diện và tin tưởng để nói lên điều đó. Chính trong sự khiêm nhường và tự hạ như thế, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha xác nhận “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

Tôi thích ngắm nhìn cảnh một người cha cúi mình xuống để nâng đứa con nhỏ của mình lên vai của ông và tung tăng vui đùa cùng đứa bé. Đứa bé khi đó tự hào và thích thú vô cùng vì thấy mình được cao hơn cha. Người cha đang xoá mình đi trước đứa con yêu. Ông chỉ muốn tìm đủ mọi cách để cho đứa con của mình được vui cười và thoả thích trong hạnh phúc đơn sơ ấy. Đó cũng là cách thức mà Thiên Chúa luôn hành động trong cuộc đời của con người chúng ta.

Thiên Chúa là Đấng cao sang, vô tội đã tự nguyện liên đới mình với mọi người để yêu thương và nâng đỡ mọi người. Chúng ta hạnh phúc chiêm ngắm tình yêu ấy để an vui mà tiến bước trong tình yêu. Nhưng khi cảm nghiệm hạnh phúc êm đềm ấy, chúng ta cũng phải có sứ mạng tiếp nối và làm cho tình yêu ấy được lớn lên trong cuộc đời này. Chúng ta cũng phải liên đới mình với anh em đang sống chung quanh mình. Cuộc sống bon chen ngày hôm nay rất dễ làm cho chúng ta có thái độ cạnh tranh nhau, chà đạp nhau để vươn lên. Chúng ta bị cám dỗ sống chủ nghĩa “Mackeno” nghĩa là “mặc kệ nó”. Chúng ta đừng nghĩ rằng ai sống chết ra sao mặc kệ họ, miễn sao gia đình tôi, bản thân êm ấm và no đủ là được rồi. Chúng ta nên sống tình lối xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn” có nhau. Chúng ta cũng phải biết cảm thông và nâng đỡ những người nguội lạnh, thăm viếng, an ủi những gia đình đang gặp hoạn nạn, khổ đau. Cầu nguyện cho nhau vẫn là phương thế thực hiện tình liên đới cách hữu hiệu nhất. Đừng bao giờ bỏ qua những gì chúng ta có thể làm được cho người anh em của mình khi họ thật sự cần đến chúng ta. Chia sẻ thật tình với nhau trong những khi cần thiết là chúng ta đang thực hiện sự nối dài của Chúa Giêsu trong sứ mạng của Ngài, sứ mạng liên đới và cứu độ mọi người. Amen.


 

TN1-B44. ĐẤNG CÔNG CHÍNH LÃNH LẤY PHẦN PHẠT


CỦA NHỮNG KẺ TỘI LỖI

Mc 1, 6b -11

Gp. Vĩnh Long

 

Thông thường người ta bênh vực cho người công chính, không ai lại bênh vực cho những kẻ quấy. Ông: TN1-B44


Thông thường người ta bênh vực cho người công chính, không ai lại bênh vực cho những kẻ quấy. Ông bà nguyên tổ của chúng ta đã đánh mất ơn nghĩa Chúa khi chống lại Ngài và con cháu phải mang hậu quả, hay chống cưỡng ý Chúa và làm theo ý riêng của mình. Thiên Chúa quãng đại đã không chấp nhứt, không phạt đời đời nhưng mở ra một lối đi tìm về chân lý. Chúa hứa ban nhiều ân sủng, giúp con người sống cuộc đời làm con Chúa.

Trong bài đọc I, bài trích sách tiên tri Isaia, Thiên Chúa hứa với tuyển dân: sẽ cho xuất hiện một Đấng cứu tinh. Ngài là một người rất đẹp lòng Chúa. Chúa sẽ nâng đỡ và ban Thần Khí trên Người. Người sẽ xét xử chư dân, sẽ không thiên vị nhưng rất nhân từ. Người không bẻ gẫy cây lao bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình, lo đặt công lý trên địa cầu, mọi nước mong đợi lề luật Người. Người lập giao ước mới và nên ánh sáng của muôn dân, người mở mắt cho người mù, đưa khỏi tù những người bị xiềng xích… Dân Israel mong đợi lời hứa đó, nhưng họ lại không đón tiếp vị Vua thuộc nhóm dân nghèo!

Lời sấm đã được thực hiện trong thời Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Bài Tin Mừng cho chúng ta biết: Đấng thiên Chúa hứa ban để giải thoát dân Israel đó chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa của mọi dân tộc. Ngài đã bỏ trời xuống thế gian để gánh lấy những đau khổ và phần phạt loài người đáng ra phải chịu vì tội lỗi mình. Ngài đã rửa loài người trong Chúa Thánh Thần. Nhưng trước hết, chính Ngài đã hạ mình mang lấy tội lỗi nhân gian, nhận lấy phép rửa sám hối bởi tay người phàm vì Ngài là Chiên Con Gánh Tội trần gian. Hành động đó rất đẹp lòng Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã làm chứng về Ngài trước mặt Gioan Tẩy Giả và đoàn người đến sám hối: Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.

Chúa Giêsu chịu phép rửa dù Ngài vô tội. Vì chúng ta, Ngài mang lấy thân phận tôi đòi. Bao nhiêu tội lỗi nhân gian từ tạo thiên lập địa đến tận thế Ngài gánh lấy. Vì vậy, trong vườn dầu, Ngài đã phải đổ mồ hôi máu, và trong giờ sát tế chiên vượt qua, Ngài phải oằn mình đau đớn trên cây khổ giá dành cho tội nhân. Chỉ những ai hiểu được nỗi khổ đau và sự hy sinh của Chúa Giêsu mới thấy được lòng khoan dung của Chúa đối với tội lỗi nhân loại và nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Chỉ những ai yêu mến Chúa mới thấy tội lỗi mình nặng nề , gớm ghiếc vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa vô biên. Điều nghịch lý là chúng ta, những kẻ tội lỗi lại không dám tỏ lòng sám hối công khai, còn Chúa Giêsu vô tội lại phải xếp hàng trong đám tội nhân để nhận phép rửa sám hối thế cho nhân loại nơi Gioan Tẩy Giả.

Chúa thật nhân từ và đáng mến biết bao vậy mà nhiều khi chúng ta chỉ lo lắng những chuyện trần thế, bỏ quên thiên Chúa, không dành thời giờ cầu nguyện với Chúa, để cảm nhận được tình thương và sự ưu ái của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúng ta hãy xin lỗi Chúa và thành tâm đáp trả lại tình yêu ấy bằng sự hoán cải tận căn, năng lãnh nhận Bí tích Giải tội để Chúa Giêsu ban ơn cho chúng ta sống Tám Mối Phúc Thật, giữ đúng tinh thần Chúa dạy trong Tin Mừng.

Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta hãy chuẩn bị lòng mình thật kỹ, lắng nghe lời Chúa và rước Chúa cho thật sốt sắng để chúng ta cũng được Chúa gọi chúng ta bằng câu nói: đây là những người con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha trong Chúa Ngôi Hai, Con Ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lãnh lấy phần phạt mà loài người đáng phải chịu vì tội lỗi mình. Chúa còn tiếp tục khoan dung nhân thứ cho chúng con những lúc cố tình lỗi phạm hoặc thờ ơ, thụ động trong việc giữ đạo. Xin Chúa ban thêm lòng mến cho chúng con để chúng con biết tin thờ Chúa cho phải đạo hầu ngày sau được về cùng Chúa trên Thiên Đàng.


 

TN1-B45. TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN


Mc 1 , 6b – 11

Gp. Vĩnh Long

 

Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay Giáo hội nhắc nhở chúng ta ơn phép rửa mà mỗi người lãnh: TN1-B45


Ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay Giáo hội nhắc nhở chúng ta ơn phép rửa mà mỗi người lãnh nhận là một hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một cách nhưng không, nó thật cao quý vô cùng không gì có thể sánh được. Chính nhờ phép rửa mà chúng ta được sinh trở lại làm con Chúa. Phép rửa mà chúng ta lãnh nhận không phải như phép rửa của Gioan, chỉ là phép rửa sám hối, nhưng phép rửa mà chúng ta được lãnh nhận trong Thánh Thần”. Chính điều đó đã được Gioan xác nhận, và thứ hai nữa là một tinh thần tự hạ từ Con Thiên Chúa không chút vết nhơ tì ố lại cúi mình nhận phép rửa từ tay Gioan như một người tội lỗi .

1. Hồng ân nhưng không

Từ ban đầu Thiên Chúa đã dưng nên con người rất tinh tuyền với “sự công chính nguyên thuỷ” nhưng chúng ta đã tự mình đánh mất đặc ân cao cả đó, đang lúc ta là tội nhân, là những con người đáng chết, đáng bị huỷ diệt đời đời, Thiên Chúa không ghét bỏ mà người đã thương nâng chúng ta lên làm con yêu quý của Ngài. Cũng chính nhờ tình thương mà chúng ta được nhận hết ơn ban này đến ơn ban khác. Thiên Chúa ban cho ta rất nhiều hồng ân, nhưng có lãnh nhận hay không là tuỳ ở mỗi người. Trước tiên qua các tiên kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, và đặc biệt là Gioan, người đã đi trước để dọn đường cho Chúa và cuối cùng Thiên Chúa đã ban chính con của người cho nhân loại chính nhờ con của người mà cả thế gian được cứu rỗi. Tuy thế, muốn lãnh nhận được những ơn Chúa ban đòi hỏi mỗi người phải có đức tin. Vì ơn Phép rửa trước hết là ơn đức tin.

Nhờ đức tin mà chúng ta biết được Thiên Chúa là ai và mình là ai. Chúng ta biết được mình từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Chúng ta biết được đời sống của chúng ta có ý nghĩa như thế nào. Đó là một hồng ân cao trọng và quý báu mà không phải ai cũng có được điều đó. Vì như thánh Augustinô đã khẳng định Thiên Chúa dựng nên ta Ngài không hỏi ta, nhưng để cứu chuộc ta Ngài phải cần sự đồng ý của ta”. Chính vì cứng đầu mà nhiều người phải quờ quạng, dò dẫm… không biết đường biết hướng mà đi. Không tìm được lối thoát cho cuộc đời mình. Để rồi thất vọng, chán chường hoặc tìm bù đắp ở những nơi khác như tiền bạc, của cải, danh vọng, thú vui … rồi cuối cùng lại đi vào bóng đêm vĩnh viễn chỉ vì không chịu đón nhận hồng ân của Ánh Sáng.

2. Tinh thần tự hạ, khiêm nhường

Khi đó Gioan đã là một người rất nổi tiếng và có uy tín, đến nỗi có nhiều người còn tưởng ông là Êlia hay một tiên tri nào đó đã sống lại. Hơn nữa, còn có nhiều người lầm tưởng ông là đấng Messia. Vậy mà mà khi so sánh với Đấng mà chính tay ông làm phép rửa hôm nay “Ông không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”. Có thể dân chúng thời Cựu Ước không thể hiểu được lời Gioan nói đó, và nhất là không thể nào hiểu được ý nghĩa xâu xa như chúng ta hiểu ngày nay. Vì Con Thiên Chúa lại hạ mình xuống như tội nhân thật là một mầu nhiệm vượt quá sức tưởng tượng của con người. Không ai có thể chấp nhận được Con Thiên Chúa là Đấng chí thánh, là Đấng vô tội lại bước vào hàng ngũ của những tội nhân để xin một người phàm làm phép rửa và Thiên Chúa đã xức dầu thánh hiến Ngài để Ngài trở thành ánh sáng chiếu soi muôn nước, để đi tới đâu Ngài thi ân giáng phúc tới đó.Cùng một phép rửa đó để rồi trên thập giá Ngài trở thành tên tử tội, nhưng Ngài vô tội, Ngài đã gánh lấy tội trần gian và cái chết đau đớn nhục nhã của Ngài là giá trị cứu chuộc chúng ta.

Lạy chúa, chính nhờ Bí tích Rửa Tội mà chúng con được trở nên con cái Chúa. Xin cho chúng con biết nhận ra hồng ân cao quý đó mà luôn sống tốt làm người con Chúa cũng như làm tròn bổn phận mà Thiên Chúa trao phó. Amen


 

TN1-B46. LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA


Mc 1 , 6b – 11

Gp. Vĩnh Long

 

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay kết thúc mùa Giáng Sinh và dẫn chúng ta bước vào ngưỡng cửa: TN1-B46


Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay kết thúc mùa Giáng Sinh và dẫn chúng ta bước vào ngưỡng cửa của đời sống công khai của Ngài. Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 1 , 6b - 11) trình bày  Đức Giêsu là con yêu dấu của Chúa Cha, được Chúa Thánh Thần tấn phong làm Đấng Messia, Đấng Cứu Thế, với sứ mạng cứu độ loài người. Đây là dịp để chúng ta cùng chiêm ngắm về Đấng Thiên Sai và qua đó chúng ta noi gương bắt chước Người.

“Không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của người dám chết vì người mình yêu”. Thiên  Chúa đã yêu thương loài người, Ngài đã ban người con yêu quí nhất của Ngài cho loài người. Người Con yêu quí đó đã đến trần gian sống chung với loài người, chịu những cực nhọc đau khổ với loài người. Còn gì nữa? Cuối cùng đã hy sinh mạng sống vì loài người. Còn tình yêu nào cao quí hơn? Đến đỗi Thiên Chúa Cha không thể lặng thinh được nên Ngài phải tuyên bố công khai cho mọi người biết: “Con là Con Yêu Dấu Của Cha, Cha Hài Lòng Về Con”.

Tình yêu thương vĩ đại đó đã cải hóa không biết bao nhiêu người. Hơn 2000 năm đã qua ,Tình yêu đó mỗi ngày một lớn mạnh hơn, cũng mở mắt được nhiều người hơn, làm cho nhiều người nhận thấy được Tình Yêu bao la tuyệt vời để quay trở về với Tình Yêu. Mỗi người trong chúng ta đều được hưởng trọn vẹn tình yêu đó. Thiên Chúa mời gọi, giúp đở, dẫn dắt và khuyên nhủ chúng ta trở về với Tình Yêu, và Ngài cũng đã dùng tất cả mọi phương cách có thể được, kể cả khổ nhục kế để mời gọi chúng ta thức tỉnh. Đó là qua những thành công và thất bại của cuộc sống, những lần chúng ta cầu xin mà không được như ý. Chúng ta ngở rằng Thiên Chúa không còn yêu thương mình nữa. Nhưng nếu chúng ta chịu mở mắt ra nhìn thì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta điều tốt đẹp hơn cái mà chúng ta cầu xin. Bao nhiêu lần gặp thất bại, chúng ta có rút ra bài học gì không? Những lần chúng ta được thành công, được may mắn: chúng ta có biết tạ ơn Thiên Chúa, để nhìn thấy tình yêu thương bao la của Ngài trong những sự tốt đẹp đó. Nếu nhìn thấy được tình yêu, mỗi người nhìn lại xem đời sống của mình đã biến đổi như thế nào ?

Chúa Giêsu từ Nagiareth đến và xin chịu phép rửa bởi ông Gioan tại sông Giorđan (Mc 1, 8). Qua Tin Mừng Marco,  chúng ta nhận ra Đấng mà Gioan loan báo là kẻ có quyền  hơn Ngài, và chính Gioan đã  xác nhận: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền thế hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người” (Mc 1,7). Cử chỉ Chúa Giêsu cúi xuống để cho Gioan làm phép rửa, không chỉ cho thấy hình ảnh của một vị tôi tớ khiêm nhường nhưng còn muốn  cho thấy rằng: Ngài tự hạ, Ngài dìm mọi tội lỗi mà chúng ta bị mang lấy trong Ađam cũ. Và cũng từ đó, trong sứ mạng của Đấng Thiên Sai, Ngài đưa lên khỏi nước một dân tộc mới, dân tộc hiến thánh cho Thiên Chúa. Đây là một cuộc tạo dựng mới thay thế cho cuộc tạo dựng cũ đã bị đánh mất  nơi Ađam. Để trở thành Chiên Thiên Chúa, và nên Đấng gánh tội trần gian, Người đã  chấp  nhận để Gioan làm phép rửa cho mình, loan báo  một phép rửa mà chính Người sẽ thực hiện trên Thập giá. Tất cả những gì Người làm đều xuất phát do tình yêu thương con người, sằn sàng vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, nhằm mang lại Tình Yêu, Ân Phúc cho con người. Chúng ta thấy những cử chỉ đầy yêu thương của Chúa Giêsu, tâm hồn chúng ta có muốn được Chúa biến đổi nên tốt hơn không?

Trời đã mở ra để ta có thể nhìn ngắm Thiên Chúa. Nhưng làm sao chúng ta có thể thấy Thiên Chúa nếu tâm hồn chúng ta còn vướng mắc nhiều tội lỗi. Cho nên, chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, những mưu toan bất chính để ta có thể sáng sáng suốt nhận ra ý Chúa muốn và đồng thời mau mắn thực hiện Thánh ý Ngài.
Khi chịu Phép rửa tội, chúng ta thuộc về Đức Kitô, nên chúng ta hãy bắt chước Đức Kitô, chúng ta thấy được sứ mạng cao cả của Người Kitô hữu là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, trở nên tạo vật mới trong Đức Giêsu, mặc lấy tâm tình nhân hậu , sứ mạng yêu thương muốn lôi kéo nhiều người trở về nhận ra tình thương cứu độ của Thiên Chúa, sống đời khiêm tốn, phục  vụ và làm theo thánh ý Chúa, làm cho người khác nhận biết và trở nên môn đệ của Đức Kitô, dù phải chấp nhận hy sinh và từ bỏ mình.

Xin Chúa cho chúng ta ý thức đến phép rửa mà mình đã lãnh nhận để mỗi ngày trong cuộc sống, ta biết lắng nghe Tiếng Chúa, và biết đáp lại Tình Yêu Chúa cho xứng đáng bằng cách sống tốt đẹp hơn là biết xa lánh, loại trừ tội lỗi, và can đảm bước theo Đưc Kitô, sống trong sạch, thánh thiện để xứng đáng vai trò là con thảo hiếu của Cha trên trời.


 

TN1-B47. CÁI NHÌN – CÁCH NHÌN


Mc 1 , 6b – 11

Gp. Vĩnh Long

 

Tin Mừng hôm nay tả lại một khung cảnh thật tuyệt vời khi Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Giodan: TN1-B47


Tin Mừng hôm nay tả lại một khung cảnh thật tuyệt vời khi Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Giodan để cho ông Gioan làm phép rửa. Đây là cảnh của trời đất giao hoà, cảnh đất trời giao duyên, và đây cũng là cảnh trời đất được nối liền trong con người của Đức Giêsu Kitô, có sự xác nhận của Chúa Cha, và có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Cũng là cách nhắc nhở chúng ta đặc biệt hơn sống đúng bổn phận của một người con Chúa, theo gương Đức Giêsu Kitô. Vậy, sống đúng bổn phận làm con Chúa là sống như thế nào ?

Chuyện kể rằng: Tôi có quen với một gia đình kia làm nghề mua bán những vật liệu phế thải, (người bình dân gọi họ là những người mua bán ve chai lông vịt). Hằng ngày, vợ chồng họ phải gánh hai cái cần xé đi vào tận các làng quê xa xôi để tìm mua những vật liệu phế thải, rồi chiều gánh về đại lý để cân lại lấy tiền lời sinh sống qua ngày. Chiều hôm đó, cũng như mọi buổi chiều khác, vợ chồng họ gặp nhau đại lý, và người vợ cũng hỏi chồng một câu quen thuộc: Hôm nay khá không anh ? Anh chồng vừa lắc đầu vừa nói: Cũng như mọi ngày, chả có cái gì quí. Thế rồi chị vợ đến đổ gánh đồ phế thải ra để lựa đồ chờ chủ đến cân, thì chị ta nhìn thấy có một cây thánh giá nhỏ thật xấu xí, đen thui nằm xen trong những mãnh sắt vụn, chị cầm lên và chị nghĩ trong lòng rằng: Đây là vật thiêng của Trời cho, để đem về làm kỷ niệm, vậy là chị bỏ cây thánh giá vào trong túi đem về nhà. Về đến nhà, chị đem cây thánh giá ra chùi rửa, thì thấy nó sáng lên một chút, rồi chị đi tìm đồ để đánh bóng cây thánh giá lên, thì chị thấy đây là một cây thánh giá bằng bạc, trông rất đẹp. Còn đứa con của chị, vừa đi học về, trông thấy cây thánh giá thì thích quá, nó xin mẹ nó cho nó cây thánh giá đó để nó đeo cổ của nó, để Chúa phù hộ cho nó.

Qua câu chuyện trên đây, chúng ta thấy có ba con người, và ba con người đó cùng nhìn về một cây thánh giá với ba cách nhìn khác nhau, người chồng nhìn thấy cây thánh giá đó như là một vật phế thải, chẳng có giá trị gì. Người vợ nhìn cây thánh giá đó như là một vật thiêng của trời ban cho. Còn đứa con thì nhìn cây thánh giá đó, nó thấy có Chúa hiện diện, để Chúa phù hộ cho nó. Như vậy, cách nhìn về cây thánh giá của gia đình trên đây cũng có phần tương tự như cách nhìn về Chúa Giêsu trong các bài Phúc âm, mà chúng ta đã được nghe đọc từ hôm lễ Chúa Giêsu giáng sinh cho đến nay. Những người Do thái nhìn vào Chúa Giêsu và họ không thể nào tin được Chúa Giêsu là Đấng cứu thế. Còn ông Gioan Tiền hô, như chúng ta đã thấy trong bài Phúc âm hôm nay, ông nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng cứu thế, là Đấng cao trọng, là Đấng sẽ cứu muôn dân. Và cuối cùng là cách nhìn của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã xác nhận về Chúa Giêsu rằng: Đây là Con Ta yêu dấu, Con đẹp lòng Ta. Từ ba cách nhìn trên đây, chúng ta thấy Đức Giêsu vừa là Đấng Cứu thế, vừa là Đấng cao trọng, và vừa là người Con tuyệt vời của Thiên Chúa nữa.
Riêng đối với chúng ta, nếu chúng ta áp dụng ba cách nhìn này vào cuộc sống của con người, thì chúng ta cũng thấy rằng: nếu chúng ta mang cách nhìn thứ nhất, thì chúng ta cũng chỉ thấy mình là một con người bình thường, bé nhỏ, yếu đuối, một con người giống như những người khác vậy thôi. Còn nếu chúng ta có được cách nhìn thứ hai, thì chúng ta sẽ thấy mình là một Kitô hữu, là một giáo dân thuộc giáo xứ… này. Còn nếu chúng ta có được cách nhìn thứ ba, chúng ta sẽ thấy chúng ta là một người con của Chúa, một người được dựng nên giống hình ảnh Chúa.

Nhìn lại bài Phúc âm hôm nay, nếu chúng ta thấy Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con yêu quí của Ngài, thì chúng ta hôm nay là những người con của Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải sống theo gương của Chúa Giêsu, để một ngày nào đó, Chúa Cha cũng xác nhận chúng ta là những đứa con yêu quí giống như Chúa Giêsu vậy, nếu tới lúc đó Chúa Cha nói: Con mất lòng Ta quá, Ta không biết đến con nữa đâu, thì lúc đó ta có hối hận cũng không còn kịp nữa.

Trong mỗi người chúng ta, ai cũng phải làm con, rồi mới làm cha làm mẹ. Vậy thì như con cái phải làm vui lòng cha mẹ thế nào, thì chúng ta cũng phải làm vui lòng Chúa như vậy. Rồi các bậc cha mẹ ai cũng ước mong cho con cái mình sống tốt thế nào, thì chính cha mẹ cũng phải sống tốt như vậy. Nghĩa là phải sống đạo thật tốt, trung thành với các bổn phận đạo đức, trung thành với bổn phận làm người, sống yêu thương, giúp đỡ, làm tốt các việc thiện, việc lành. Và như thế, là chúng ta được sống trong tình Cha con với Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ nhận chúng ta là những đứa con yêu quí của Ngài. Xin Thiên Chúa giúp tất cả chúng ta, để chúng ta trở nên những đứa con ngoan của Chúa. Amen.


 

TN1-B48. ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA


(Máccô 1,7-11 – Phép Rửa - B)

1.- Ngữ cảnh

 

Có thể theo giáo sư G. Gnilka mà coi Mc 1,1-15 là lời tựa hoặc mở đầu của Tin Mừng Máccô: TN1-B48


Có thể theo giáo sư G. Gnilka mà coi Mc 1,1-15 là lời tựa hoặc mở đầu của Tin Mừng Máccô: phần này đăt trọng tâm vàoTin Mừng” (x. cấu trúc đóng khung với từTin Mừng đầu và cuối đoạn). Bản văn 1,7-11 chúng ta đọc hôm nay liên kết lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa với việc Đức Giêsu chịu phép rửa, khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thật ra hai phần này biệt lập với nhau; chúng ta thấy được điều này qua chi tiết dẫn nhậphồi ấyvà qua sự kiện tác giả mô tả thêm một lần nữa việc Gioan làm phép rửa trong sông Giođan. Tuy kể lại phép rửa Gioan, bản văn lại không tương ứng hoàn toàn với các từ ngữ và cách kết cấu của c. 5.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Lời loan báo của Gioan (1,7-8);
2) Phép rửa của Đức Giêsu (1,9-11):

a) Biến cố lịch sử: Đức Giêsu chịu phép rửa (9-10),
b) Thị kiến khải huyền: Cuộc thần hiển (10-11).

3.- Vài điểm chú giải

- Ông rao giảng (7): ekêryssen, do động từ Hy-lạp kêryssein, “công bố; loan báo”, thì vị hoàn (imperfect), đ diễn tả đây là một hoạt động thường xuyên của Gioan. Chúng ta đến đỉnh cao của đoạn văn này, bởi vì chỉ đến đây, Gioan mới lên tiếng mà chỉ cho thấy Đấng ông làm Tiền Hô cho.

- Đấng quyền thế hơn tôi (7): Có lẽ danh xưng này ám chỉ đến Is 40,10 (“Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng [= đến với sức mạnh], tay nắm trọn chủ quyền”). Sự tương phản giữa hai bên lớn đến nỗi Gioankhông đáng cởi quai dép cho Người”, mà đây là công việc thấp hèn đến nỗi một nô lệ Do-thái cũng không buộc phải làm cho chủ (sách Mishna) (x. Mt 3,11; Lc 3,16; Ga 1,15.27.30; 3,30; Cv 13,25).

- phép rửa (8): Cho dù Gioan có thuộc về phong trào Êxêni Qumrân hay không, phép rửa của ông tương tự phép rửa của người Êxêni, nhất là điểm cả hai phép rửa đều diễn tả một sự hoán cải nội tâm, sự hoán cải này vừa là hành vi của con người vừa là ân huệ của Thiên Chúa, cũng như chuẩn bị các tâm hồn đón tiếp Thiên Chúa sắp đến can thiệp vào thời cánh chung. Tuy nhiên, Gioan khác người Êxêni hai điểm: không nghĩ rằng tội lỗi gây nên một sự ô nhơ nơi thân xác; không buộc các hối nhân phải sống một năm thử thách; chỉ ban phép rửa một lần, vì đây là hành vi chuẩn bị cuối cùng đ đón Đấng Mêsia ngự đến.

- trong Thánh Thần (8): Các bản văn Nhất Lãm song song (Mt 3,11; Lc 3,16) đọc là “trong Thánh Thần và lửa”. Có lẽ lúc đầu, câu này có hình thức là “gió và lửa” đ mô tả biến cố Triều Đại cánh chung của Thiên Chúa ngự đến. Mc chỉ quan tâm đối lập nghi thức chuẩn bị của Gioan với việc thiết lập Nước Thiên Chúa nhờ hoạt động của Đức Kitô, mà không nói đến phán xét. Nhờ đó, Người đưa lại chophép rửa trong Thánh Thần” ý nghĩa tích cực là một cuộc tái sinh bên trong.

- Hồi ấy (9): dịch sát là “trong những ngày ấy”.

- tựa chim bồ câu (10): Cả ba TMNL đều nói đến điểm này, với hôs (“giống như”) đ so sánh (riêng Mt dùng hôsei đ nhấn mạnh). Lc còn xác định rằng Thần Khí đã ngự xuốngdưới một hình dáng” (sômatikê eidei, “in bodily form”; x. Lc 3,22).

          Tại sao con bồ câu lại trở thành biểu tượng của Thần Khí? Chúng ta không có câu trả lời rõ ràng. Rất có thể hành động bay lượn của Thần Khí trên mặt nước nguyên thủy trong St 1,2 đã gợi ra hình ảnh một cánh chim bay lượn (tương tự trong Đnl 32,11), nhưng bản văn ấy không nói là một con bồ câu (trừ một bản văn thuộc truyền thống kinh sư). St 8,8 thì nói rằng Nôê đã thả một con bồ câu, nhưng lại không hề khẳng định rằng con bồ câu này là hình ảnh của Thần Khí. Cha X. Léon-Dufour cho rằng con bồ câu có thể gợi ra tình yêu của Thiên Chúa (x. Dc 2,14; 5,2) hoặc cuộc tạo dựng mnới (x. St 1,2).

          Trong truyền thống Do-thái, con bồ câu có một ý nghĩa biểu tượng, liên hệ đến Israel, đặc biệt với Israel đang lưu đày (Hs 7,11; 11,11; Is 60,8; Tv 55,7-8; 68,13; 74,19; Dc 1,15; 2,14; 5,2; 6,8) và cũng được nền văn chương Ngụy thư hoặc kinh sư sử dụng. Từ đó cha A. Feuillet cho rằng con bồ câu đi xuống và ngự trên Đức Giêsu tượng trưng và tiên báo điều sẽ là hoa trái chính yếu của cuộc đ tràn Thần Khí: đó là việc thành lập Israel mới, cộng đoàn hoàn hảo của thời đại ân phúc. Vậy, điều được diễn tả không phảu trự tiếp là Thần Khí, mà là hậu quả đối với Dân Thiên Chúa, khi Thần Khí hiện diện nơi Đức Giêsu. Cũng như vào ngày lễ Ngũ Tuần, các lưỡi lửa không trực tiếp tượng trưng Thần Khí, mà là các ngôn ngữ mà các tông đ dưới ơn Thần Khí soi sáng, sẽ nói ra, và sâu xa hơn, tượng trưng công việc phúc âm hóa thế giới, thì cũng vậy, con bồ câu trong Phép Rửa diễn tả ý tưởng này là Dân thiên sai phải chọn điểm khởi hành nơi bản thần Đức Giêsu-Mêsia, là Vua và Tôi tớ của YHWH.

Giả thuyết này cũng hấp dẫn, nhưng thật khó áp dụng vào bản văn Mc. Hẳn là bản văn St 8,8 vẫn có thể giúp ích: con bồ câu được thả ra mà không có chỗ đậu, phải trở lại tàu Nôê, phải chăng muốn nói rằng trong một thời gian dài, Thần Khí không có chỗ đậu là một người nào, cho đến khi Đức Giêsu xuất hiện? Dù sao, ít ra chúng ta có thể nói rằng Thần Khí rất gần gũi với Đức Giêsu, trong tư cách là Đấng Mêsia đi rao giảng Nước Thiên Chúa, và điều này lại khiến chúng ta nhớ tới Is 42,1.

- ngự xuống trên Người (10): Mt, Lc va Ga đều nói rằng Thần Khí ngự xuốngtrên” (epi; Mc: eis) Đức Giêsu. Các nhà chú giải thường nghĩ đến Is 11,1-2a: “Từ gốc tổ Giesê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.     Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này”.

4.- Ý nghĩa của bản văn 

* Lời loan báo của Gioan (7-8)

Tương hợp với câu trích Is nói về tiếng nói của người loan báo, hoạt động của Gioan được mô tả như là một việchô to [như anh mõ làng]”; “công bố”; “phổ biến” (kêryssein). Hành vi này đưa ông đến gần Đức Giêsu (1,14.38t), các môn đ (3,14; 6,12), Tin Mừng (13,10; 14,9), các sứ giả đức tin (1,45; 5,20; 7,36). Cùng với sự đối lập giữa phép rửa của ông với phép rửa của Đấng Mêsia, ông loan báo “Đấng quyền thế hơn (= Đấng mạnh hơnng])” đang đến. Phép rửa của ông không phải là một nghi thức có sức tha tội (Bí tích Rửa tội), nhưng là phương thế giúp người ta bày tỏ lòng thống hối và quyết tâm thay đổi đời sống

* Phép rửa của Đức Giêsu (9-11)

Phần này với phần trên biệt lập với nhau. Chúng ta thấy được điều này qua chi tiết dẫn nhậphồi ấyvà qua sự kiện tác giả mô tả thêm một lần nữa việc Gioan làm phép rửa trong sông Giođan: tuy kể lại phép rửa Gioan, bản văn lại không tương ứng hoàn toàn với các từ ngữ và cách kết cấu của c. 5. Dường như tác giả Mc quan tâm đặc biệt đến miền Galilê; do đó, ngài đã nêu bật rằng Đức Giêsu đến từ một miền khác với miền xuất phát của các đám đông đến với vị Tẩy Giả.

Bản văn này liên kết một biến cố lịch sử với một thị kiến khải huyền. Biến cố lịch sử là phép rửa Đức Giêsu nhận bởi tay Gioan. Thị kiến khải huyền cho biết Đức Giêsu là ai. Người đến từ làng Nadarét. Đối với Mc, điều quan trọng là làng ấy thuộc về miền Galilê. Nhưng Nadarét lại được coi như địa điểm từ đó Đức Giêsu đếntrong những ngày ấy” (= “hồi ấy”, PVCGK). Chi tiết mông lung về thời gian này, tuy quy về quá khứ, lại đưa lại cho việc Đức Giêsu xuất hiện một đặc tính long trọng.

Tại sao Đức Giêsu lại đến chịu phép rửa bởi tay Gioan, khi mà Người không có tội lỗi gì? Chính sứ mạng của Người đưa Người đến chỗ sẵn sàng liên đới với các tội nhân, tự đồng hóa với họ. Tác giả Mc, cũng như hai tác giả Lc và Mt, không muốn tường thuật cho chúng ta chuỗi các biến cố đã xảy ra hôm ấy. Tác giả chỉ muốn dạy chúng ta biết Đức Giêsu là ai bằng cách vận dụng ba hình ảnh mà các độc giả thời ngài hiểu rất rõ:

1) Hình ảnhtrời xé ra”. Hình ảnh này nhắc đến Is 63,15-19: trong đoạn văn này, vị ngôn sứ xin Thiên Chúaxé trời mà ngự xuống”, nghĩa là chấm dứt tình trạng thinh lặng của Ngài và đừng xa cách Dân Ngài nữa. Ông xin Thiên Chúa lại mở lòng ra và lại tỏ ra là bạn hữu của nhân loại. Khi dùng hình ảnh này, Mc muốn nói với chúng ta rằng cuộc sống công khai của Đức Giêsu đánh dấu khởi đầu cuộc hòa giải giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và chúng ta.

2) Hình ảnhcon bồ câu” đưa chúng ta trở lại với những gì đã xảy ra vào thời gian Lụt hồng thủy (St 8). Vào lúc đó, trời bị đóng lại và có sự thù nghịch giữa Thiên Chúa và loài người. Con bồ câu với cành ô-liu cho biết là sự sống đã tái sinh trên mặt đất, nghĩa là Thiên Chúa đang thôi giận loài người, hòa bình đã được phục hồi.

3) Tại sao Thần Khí lại được so sánh với một con bồ câu? Trong thời Cựu Ước, YHWH ban quyền lực của Ngài cho các ngôn sứ, làm cho các ngài nên can đảm và có khả năng hoàn tất các nhiệm vụ Ngài ký thác (x. Is ch. 6; Gr 1,6-10). Vào ngày nhận phép rửa, Đức Giêsu cũng đã được tấn phong  và nhận quyền lực đó đ chu toàn sứ mạng. Tại Israel, từ lâu rồi, đã vắng bóng những con người của Thiên Chúa. Vị ngôn sứ cuối cùng đã qua đời cách đây 300 năm. Trời đã đóng lại, y như thể Thiên Chúa không còn muốn nói với Dân Ngài nữa. Thần Khí Đức Chúa giống như một con bồ câu bay cùng khắp mà không tìm ra được một ai đ có thể đậu lên. Khi cho Thần Khí của Ngài xuống trên Đức Giêsu, Thiên Chúa cho thấy rằng Ngài đã tìm ra con người theo ý Ngài, và nay một lần nữa, Ngài lại ngỏ lời với một con người.

Ngoài ra, có hai chi tiết cần đ ý vì có ý nghĩa thần học sâu sắc:

- Nơi Đức Giêsu chịu phép rửa là bờ sông Giođan. Chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước rằng Dân Israel được Giôsuê hướng dẫn, đã đi qua sông Giođan trước khi bước vào Đất Hứa. đây Mc giới thiệu Đức Giêsu như Giôsuê mới dẫn dắt Dân mới của Thiên Chúa (trong tiếng Híp-ri, tênGiêsucũng là tênGiôsuê”).

- Thời điểm Đức Giêsu nhận Thần Khí (“khi Người vừa ra khỏi nước”, chứ không phải lúc Người còn đứng trong dòng sông, như nhiều bức họa diễn tả). Sau khi qua sông Giođan, Giôsuê được đầy thần khí của Thiên Chúa đ ông có thể dẫn đưa Dân vào Đất Hứa. Với Đức Giêsu cũng thế: khi vừa ra khỏi nước, Người nhận Thần Khí cùng với quyền lực của Thiên Chúa đ có thể hướng dẫn dân Thiên Chúa đi đến tự do. Con đường đó thế nào, tác giả Mc sẽ dần dần viết ra.

+ Kết luận

          Rất có thể giai thoại này là một kỷ niệm về tình trạng căng thẳng giữa các môn đ của Gioan Tẩy Giả và môn đ của Đức Giêsu: họ tranh cãi đ xem vị Thầy nào cao trọng hơn. Các môn đ Gioan cho rằng vị Tẩy Giả cao trọng hơn vì đã ban phép rửa cho Đức Giêsu; còn các môn đ của Đức Giêsu thì khẳng định rằng chính Đức Giêsu mới là Con Thiên Chúa và có Thần Khí chan hòa. Dù sao, đây còn có một bài học khác nữa. Các Kitô hữu tiên khởi khó mà chấp nhận được rằng Đức Giêsu lại chịu phép rửa. Phép rửa của Gioan là đ diễn tả quyết tâm thống hối, và do đó người Pharisêu, vì nghĩ rằng họ công chính, chẳng bao giờ nghĩ rằng họ cần phải nhận phép rửa. Thế mà Đức Giêsu lại nhận phép rửa, khi mà Người là Con Thiên Chúa, Người hoàn toàn trong sạch! Đức Giêsu đã chịu phép rửa ngay lúc bắt đầu cuộc sống công khai, thật ra là đ đứng vào hàng ngũ những kẻ tội lỗi, đồng hóa với họ. Đấy là một chọn lựa của Người, của chính Thiên Chúa.

Sau lễ Giáng Sinh, phụng vụ nói đến khởi đầu cuộc sống công khai của Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là Người Tôi Trung cùa Chúa Cha; Người sẽ đưa lại một quan hệ được đổi mới giữa chúng ta với Thiên Chúa

5.- Gợi ý suy niệm

1. Người Kitô hữu cũng có một vai trò tiền hô đối với anh chị em mình. Muốn thế, cần xác định rõ ràng quan hệ của mình với “Đấng đang đến”, đ khiêm tốn và trung thực giới thiệu về Người như là Đấng đã đang có mặt trong lịch sử loài người.

2. Đức Giêsu đã sẵn sàng đứng vào hàng các tội nhân, tự đồng hóa với họ, trở nên một người như họ, trong khi Người hoàn toàn trong sạch. Chúng ta, là những người có tội, phải chăng chúng ta lại xa cách anh em y như thể sợ rằng không ai biết cho sự lành thánh của chúng ta!    Chúng ta có biết đồng cảm với những người có cuộc sống không thành công chăng? Một Kitô hữu có được phép lên án người khác chăng? Thầy chí thánh chúng ta đi theo không bao giờ trách mắng những kẻ tội lỗi, Người đồng cảm với họ, Người bảo vệ họ và ngay từ đầu, Người đứng vào hàng ngũ của họ. Đấy là những điểm khiến các môn đ Đức Giêsu phải suy nghĩ.

3. Chúng ta thuộc về đoàn dân mới của Thiên Chúa, đoàn dân đang tiến bước, có Đức Giêsu là Vị thủ lãnh đầy Thần Khí. Thầy chí thánh đang dẫn chúng ta đi về đâu? Chúng ta phải bước theo Người với cung cách nào? Tác giả Mc sẽ trả lời các câu hỏi này cho chúng ta dọc theo năm phụng vụ với Tin Mừng của ngài, và mời gọi chúng ta can đảm bước theo Đức Giêsu, là “con đường” đưa chúng ta về với Thiên Chúa.

4. Chúng ta cũng đã nhận phép rửa tội, chúng ta cũng có Thánh Thần, chúng ta cũng có chức năng vương đế. Chính vì thế, chúng ta phải biết cộng tác với Đức Giêsu, Đấng hướng dẫn chúng ta, bằng cách chế ngự tính mê tật xấu của riêng mình, đồng thời giúp anh chị em chúng ta thắng vượt các trở ngại khiến họ không thong dong bước theo Đức Giêsu được.

5. Thánh giám mục Maximô thành Turinô (?-khoảng 420) đã giảng trong Lễ Hiển Linh như sau: “Hôm nay, Chúa Giêsu đã đến nhận phép rửa. Người đã muốn rửa mình trong dòng nước Giođan. Có lẽ có người sẽ nói: ‘Người là Đấng Thánh, tại sao Người lại muốn được ban phép rửa?’ Vậy xin nghe đây. Đức Kitô được ban phép rửa không phải đ được nước thánh hóa, nhưng đ chính Người thánh hóa nước và thanh tẩy bằng hành động cá nhân các dòng nứơc Người chạm tới. Vậy đây là việc thánh hiến nước hơn là thánh hiến Đức Kitô. Bởi vì, kể từ khi Đấng Cứu Thế được rửa, tất cả các dòng nước trở thành trong sạch nhằm phép rửa của chúng ta; nguồn được thanh tẩy là đ cho ân sủng được ban cho các dân tộc sẽ đến sau đó. Vậy Đức Kitô là người đầu tiên bước đến phép rửa đ cho các dân Kitô hữu không ngần ngại bước đi theo Người.

Và đây tôi hé thấy một mầu nhiệm. Cột lửa lại đã không đi trước qua Biển Đ đ khuyến khích con cái Israel bước theo sau đó sao? Cột lửa ấy đã đi qua nước trước tiên đ vạch ra con đường cho những người theo sau. Theo chứng từ của thánh tông đ Phaolô, biến cố này đã là một biểu tượng của phép rửa tội (1 Cr 10,1t). Hầu chắc đây là một thứ phép rửa trong đó người ta được bao phủ bởi các đám mây và được nâng đ bởi các làn nước. Và tất cả những điều đó đã được hoàn tất bởi cũng một Đức Kitô, Chúa chúng ta, Đấng bây giờ đi trước các dân tộc Kitô hữu trong cái cột là thân thể Người, như Người đã đi trước con cái Isreal qua biển trong cột lửa. Cũng cái cột ấy, xưa kia đã ban ánh áng cho mắt những người bước đi, nay ban ánh sáng cho con tim các tín hữu. Khi xưa, cột ấy đã vạch ra trong các sóng nước một con đường vững chắc, bây giờ cột ấy đang củng cố các bước chân đức tin trong cuộc thanh tẩy này”.


 

TN1-B49. CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA


 Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 Kinh Thánh:      Công Vụ Tông Đồ 10: 34-38

 

Biếncố Chúa Giê-su chịu phép rửa của Gio-an mang những chiều kích khác nhau. Nó nói lên sư: TN1-B49


          Biếncố Chúa Giê-su chịu phép rửa của Gio-an mang những chiều kích khác nhau. Nó nói lên sự khiêm nhượng của Con Thiên Chúalàm người, muốn đồng hóa hoàn toàn với con người ngay cả trong thân phận tội lỗivà yếu đuối của họ. Nhưng biến cố cũngcó thể được coi là dịp Thiên Chúa giới thiệu với nhân loại về con người và sứmệnh của Đấng Cứu Thế, đồng thời cũng là một gương mẫu sống động để chúng ta noitheo nếu chúng ta muốn làm "con yêu dấu" của ThiênChúa.

          Bài đọc Tân Ước hôm nay trích bài giảng truyền giáo cuối cùng của thánh Phê-rô, không phải cho người Do-thái nhưng cho Dân ngoại.  Đây là bài giảng tóm tắt về cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Sứ mệnh cứu thế của Người khởi đầu bằng một nghi thức long trọng nhưng đơn giản:  qua biến cố lãnh nhận phép rửa của Gio-an, Chúa Giê-su "được Thiên Chúa xức dầu tấn phong" (Cv 10:38; xem Lc 4:18-21) để ra đi thi hành sứ mệnh.  Vậy trong bài giảng đơn sơ, nhưng đầy sức mạnh và thách thức, thánh Phê-rô đã nói gì về Chúa Giê-su?  Người là ai và Người đã làm gì?

a)Đức Giê-su Ki-tô là Chúa của mọi người

          Trước hết thánh Phê-rô đề cao sự công minh của Thiên Chúa.Không phải vì chọn dân Do-thái làm dân riêng mà Thiên Chúa loại bỏ mọi dân tộc khác.Trái lại, các dân tộc khác, nếu họ sống theo lẽ phải, "ăn ngay ở lành," thì cũng làm đẹp lòng Chúa và được Người tiếp nhận. Đây là khẳng định cần thiết để thánh Phê-rô đi tới khẳng định cốt yếu:Đức Giê-su Ki-tô là Chúa của mọi người.

          Làm sao chúng ta nhận ra Đức Giê-su Ki-tô là Chúa của mọi người?Để trả lời, thánh Phê-rô bảo chúng ta cần phải nhận rõ Thiên Chúa là Đấng nào và đâu là kế hoạch của Người. Thiên Chúa là Đấng "không thiên vị người nào." Người muốn tiếp nhận mọi người không trừ ai, đưa họ về với Người.Tuyển chọn dân Ít-ra-en không phải là cùng đích, mà chỉ là phương thế để Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Người. Nói khác đi, kế hoạch của Thiên Chúa là Người muốn đi vào lịch sử của một dân tộc để đến với toàn thể nhân loại. "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1:14). Theo cách diễn tả của thánh Phê-rô, trong kế hoạch của Thiên Chúa, con cái nhà Ít-ra-en đã trở thành nơi và phương tiện để Thiên Chúa công bố "lời loan báo Tin Mừng bình an" cho nhân loại.

          Đến với nhân loại, Đức Ki-tô đã tỏ ra "không thiên vị người nào."Người đến với con cái Ít-ra-en.Nhưng Người cũng đến với những anh chị em Dân ngoại. Người không từ chối lời yêu cầu của viên đại đội trưởng người Rô-ma để chữa lành người nô lệ của ông (Lc 7:1-10). Người không xua đuổi người đàn bà Ca-na-an đến xin Người trừ quỷ cho con gái bà, lại còn tạo dịp để ca ngợi đức tin mạnh mẽ của bà (Mt:21-28). Người đến với người giàu có như ông Gia-kêu, nhưng Người cũng không quên những kẻ nghèo khổ, cùi hủi, bị xã hội loại bỏ. Thiên Chúa đặt Đức Giê-su Ki-tô làm Chúa của mọi người. "Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giê-su Ki-tô là Chúa" (Pl 2:9-10).

 b)"Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó"

          Chúa Giê-su đã được xức dầu tấn phong để thi hành sứ vụ cứu thế, tuy Người xuất thân từ Na-da-rét là nơi chẳng có gì đặc biệt (Ga 1:45; 7:27). Thánh Phê-rô dùng hình ảnh vua Rô-ma kinh lược để diễn tả việc thi hành sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su. Khi đi kinh lược, các vua Rô-ma muốn tỏ ra ân đức của mình nên đến đâu cũng thường ân xá cho tù nhân, ban tặng tiền bạc của cải cho người nghèo và ân thưởng cho những thần dân tốt.Sử dụng hình ảnh ấy, Phê-rô muốn ám chỉ Chúa Giê-su là Vua vũ trụ nay quang lâm để tỏ ra cho nhân loại biết lòng yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa.Nếu muốn kể lại tất cả những việc thi ân giáng phúc đó, "nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ:cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra" (Ga 21:25).

          Lời giảng ngắn gọn của thánh Phê-rô là một lời mời gọi chúng ta lần giở lại từng trang sách Tin Mừng để lắng nghe lời giảng của Chúa Giê-su, để "ngạc nhiên" trước những phép lạ Người làm và nhất là để chiêm ngưỡng cung cách của Người mà nhận ra Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến mức độ nào.

 c) "Tôi biết rõ...Quý vị biết rõ"

          Một đặc điểm trong bài giảng đơn sơ của thánh Phê-rô là ngài dựa vào những gì con người biết rõ. Ngài biết rõ Thiên Chúa không thiên vị ai, vì bản thân ngài đã ba năm sống bên cạnh Đức Giê-su, Đấng được sai đến với mọi người.Còn đối với mọi người khác, biến cố Ki-tô xảy ra ở Giu-đê ai mà chẳng rõ.Nếu không có cơ hội gặp gỡ, thì ít ra ai ai cũng nghe nói về Đức Giê-su. Nhưng Phê-rô không muốn người ta dừng lại ở phạm vi cái biết trong đầu óc, mà ngài muốn đưa chúng ta đến cái biết bằng con tim. Biết thôi chưa đủ, mà còn phải tin vào Đức Giê-su nữa.

          Phê-rô biết rõ và làm chứng về Đức Ki-tô cho mọi người, để "phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội" (Cv 10:43). Cái biết của Phê-rô đã đưa ngài đi thật xa, đi rao giảng, đi làm chứng và đi cả tới nơi ngài chẳng muốn (Ga 21:18) là cuộc tử đạo. Chúng ta cũng phải sẵn sàng đạt tới cái biết ấy. Nhưng chắc chắn một điều là "nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người" (Ga 14:7).
 Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          "Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó." Đức Ki-tô đã đến trong cuộc đời tôi. Vậy tôi đã nhận ra được những ân phúc nào khi Người đến với tôi? Tôi đã lãnh nhận ân phúc ấy như thế nào?

          Diễn tả cái biết của tôi về Chúa Giê-su. Một cái biết hời hợt? Một cái biết không chút quan hệ cá nhân, giống như biết về một nhân vật lịch sử hoàn toàn không liên can đến cuộc đời tôi? Hay một cái biết ràng buộc tôi với Chúa?

          Có khi nào tôi giới thiệu với bạn bè, người khác, về con người và sứ mệnh của Đức Giê-su không? Nhất là tôi có cho họ thấy tôi yêu mến Người và theo Người không?Tại sao không?

 Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài "Chúa là tình yêu, Ngài đã đến cứu thế giới..."

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


 

TN1-B50. CHÚA NHẬT, LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA,


Mc 1, 7-11

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Bắt đầu khai mạc sứ vụ rao giảng nước trời, Chúa Giêsu từ Nagiarét xứ Galilêa đến và xin: TN1-B50


Bắt đầu khai mạc sứ vụ rao giảng nước trời, Chúa Giêsu từ Nagiarét xứ Galilêa đến và xin Gioan Tẩy giả làm phép rửa cho mình ở sông Giođan. Lãnh nhận phép rửa, Thánh Thần Chúa như chim bồ câu ngự xuống trên Chúa Giêsu và tràn đầy Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu khai mạc sứ mạng loan báo Tin Mừng cách công khai.

 THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG BAN SỰ SỐNG

Khi tới dòng sông Giođan, Chúa Giêsu muốn nói lên sự kiện đức tin này " con người phải được tái sinh bởi nước và Thánh Thần". Nước biểu trưng cho sự sống và sự chết. Nước trong buổi tạo dựng, Thánh Thần bay là là trên nước như sách khởi nguyên nói để ban sự sống và sinh khí. Nước trong trận đại hồng thủy, cho thấy nước chôn vùi những người tội lỗi, nước cứu vớt gia đình ông Noe và súc vật, bồng bềnh trên sóng nước. Nước biển đỏ vùi dập quân Ai Cập và cứu dân Israen đưa vào đất Chúa hứa. Thiên Chúa cứu rỗi con người, giải thoát dân Chúa là do tình thương vô biên của Chúa đối với dân của Ngài. chúa là Chúa của sự sống, chứ không phải Chúa của sự chết. Chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy giả ở sông Giođan, Chúa Giêsu không có ý đồng với những người tội lỗi mà chỉ ra cho nhân loại hay rằng Chúa muốn làm gương sám hối.

Muốn quay về với Chúa, con người phải ăn năn, sám hối. Chúa chịu phép rửa, Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài và có tiếng Chúa Cha phán:" Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Con". Tiếng nói này là tiếng nói yêu thương, chỉ ra quan hệ gia đình, một mối giây liên kết mật thiết giữa Cha và Con. Nước sông Giođan được thánh hóa, nước rửa tội cũng thánh hóa và tẩy rửa các tâm hồn. Chúa Giêsu vừa là người xuất thân từ Nagiarét, vừa là Đấng sống quan hệ mật thiết với Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã xác định cuộc đời của Ngài luôn gắn chặt với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đây quả thực là một mầu nhiệm mà con người sẽ không bao giờ ngừng đi sâu, khám phá. Đây là sự sâu thẩm nhất của Chúa Giêsu vì Cha Ngài đã nói:" Con là Con yêu dấu của Cha".

 PHÉP RỬA CHO MỌI NGƯỜI

Chúa nói với các môn đệ trước khi về trời:" Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Chúa Cha,, nhân danh Chúa Con và nhân danh Chúa Thánh Thần ". Muốn trở thành con Chúa, con người phải đi ngang qua phép rửa bằng nước và Thánh Thần. Được làm con Chúa là một hạnh phúc, là một ơn huệ vô biên, con người sẽ không thể ngờ trước được. Như Chúa Giêsu khi lãnh nhận phép rửa sám hối của ông Gioan Tẩy giả đã muốn chứng thực rằng: Ngài là người thực sự, đã sống trong lịch sử và đã sống trong những điều kiện, trong môi trường của xã hội đương thời. Ngài đến để thi hành thánh ý Cha cách trọn hảo nhất. Người Kitô hữu lãnh nhận phép rửa bằng nước và Thánh Thần cũng được mời gọi, được sai đi để loan báo nước trời và làm những việc như Chúa Giêsu đã làm xưa.

 Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con nhận biết Đức Kitô Con Một Chúa xuất hiện như người phàm và mặc lấy thân xác giống hệt chúng con. Xin Chúa làm cho tâm hồn chúng con được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người ( lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa ).
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây