Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 16-B: Bài 201-203 Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút

Thứ hai - 15/07/2024 08:44
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 16-B: Bài 201-203 Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 16-B: Bài 201-203 Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 16-B: Bài 201-203 Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút
---------------------------------
Mục lục:

Phúc Âm: Mc 6, 30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút”. 1
TN 16-B201 BIẾT NHẠY BÉN.. 1
TN 16-B202 TÌM NƠI THANH VẮNG ĐỂ CẦU NGUYỆN SAU NGÀY LÀM VIỆC.. 3
TN 16-B203 NGHỈ NGƠI ĐỂ “ĐI RA” VỚI TRÁI TIM YÊU THƯƠNG.. 6

------------------------------------------
 

Phúc Âm: Mc 6, 30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút”.


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.
Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều. - Ðó là lời Chúa.

---------------------------------

 

TN 16-B201 BIẾT NHẠY BÉN


Lm. Jos DĐH.

 

Chẳng phải tự nhiên cha ông lại ta nhắn gởi con cháu: khôn cho người ta vái, dại cho người ta TN 16-B201


Chẳng phải tự nhiên cha ông lại ta nhắn gởi con cháu: khôn cho người ta vái, dại cho người ta thương. Không phải là không có lý khi các đấng các bậc quả quyết: khôn chết, dại chết, biết mới sống. Quả thực, biết ăn người, hoặc biết chu toàn bổn phận, vấn đề đã khác nhau rồi. Ít nhiều gì chúng ta cũng đã được nghe câu thành ngữ: đời người như áng phù vân, kẻ ăn không hết, người lần không ra. Có thể chúng ta vẫn đặt vấn đề, tại sao mà trời đất lại thiếu công bằng như vậy ? Có hay không, một số người vẫn sống ích kỷ, thủ đoạn, trục lợi ? Trong khi đó, có đủ mọi thành phần: người trẻ, người già, người giầu, người tri thức, … đang xả thân làm việc “thiện nguyện” không biết mệt mỏi, chỉ vì đại dịch covid bùng phát gây nên đau khổ mất mát cho gia đình, xã hội.

Sống ở đời, ai chẳng mơ ước hạnh phúc, kẻ chú trọng đến niềm vui hiện tại, cách sống của họ thoải mái như không có ngày mai. Người vô tình, vô tâm, lại chẳng quan tâm đúng sai, dại khờ, lý sự, làm gì, có chăng là nghĩ đến lợi nhuận càng cao càng tốt. Người môn đệ theo Chúa Giêsu, sống hiệp thông cầu nguyện, mỗi người sẽ biết phải làm gì, khi đã tín thác trọn vẹn đến độ chỉ còn mối tình trong Giêsu. Biết nỗ lực cố gắng, biết quan tâm đến anh chị em đang sống chung quanh mình, biết lưu ý đến sự giới hạn của mình, cụ thể hơn là biết trình diện, báo cáo sự việc của mình với Đức Giêsu. Kẻ làm con sẽ rất vui khi được cha mẹ thương yêu, cho dù việc chăm sóc đầu tư của các ngài hết sức âm thầm. Đấng là Thầy, là Chúa, sẽ hạnh phúc khi biết các học trò của mình mỗi ngày một trưởng thành hơn trong tình yêu.

Sách có câu: tuổi tác không nói lên mức độ trưởng thành, điểm số chưa thể gọi là năng lực ; tiếng lành, lời đồn đại, đâu phải là kết quả để công nhận bạn là thánh nhân. Chúng ta không biết các môn đệ đã báo cáo, đã trình bày kết quả, chuyến đi thực tập việc tông đồ thành công tới đâu ? Mọi người chỉ biết Chúa Giêsu quan tâm đến việc ăn uống, nghỉ ngơi, của các học trò. Chúa Giêsu không chú trọng đến thành tích, cũng không dửng dưng trước những tâm sự vui buồn của các môn đệ, đúng hơn, Chúa muốn người môn đệ phải hết sức nhạy bén với sứ mạng được trao ban. Ưu tư của người học trò sẽ mãi mãi là biết thực thi đúng ý thầy, thế nào gọi là nghỉ ngơi hợp lý hợp tình, chạnh lòng thương xót tới mức độ nào là đúng là chuẩn ?

Cất tiếng chào đời mọi người đều là em bé đáng yêu, lớn lên, có sự khác biệt: giầu nghèo, kẻ là quan chức, người là dân đen. Kitô giáo chúng ta thì mỗi người dù là linh mục, tu sĩ, giáo dân, đều có sứ mạng riêng, quan trọng là ta biết hoàn thành tốt trách nhiệm và bổn phận của mình. Cuộc đời vốn chẳng có thứ gì hoàn hảo, song mỗi người vẫn có những nét đẹp riêng, thiên tài hay không ở chỗ ta xác định được tính chất đẹp của mình và hoàn thiện chúng. Chúa Giêsu biết các học trò của Ngài cần được dưỡng sức, bổ sức, sau những ngày làm việc tông đồ. Chúa Giêsu biết đám đông dân chúng: cần được no đủ về đời sống tinh thần, cần được quan tâm yêu thương, cần được bồi bổ tâm tư, và niềm tin nơi tâm hồn phải lớn lên, trưởng thành hơn. Biết yêu thương anh chị em của mình, cũng là biết nhạy bén trước nhu cầu được ấm no hạnh phúc của gia đình nhân loại.

Biết nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân đồng loại, biết rung cảm trước những khát vọng chính đáng là được yêu thương, được gặp Chúa, được cứu độ, chính là sứ mạng của chúng ta, những người theo Chúa Kitô. Biết mình là ai, biết mình là phần tử sống động của Thầy Giêsu, biết mình đã từng được nghe: “Ta thương đám đông này, vì họ như đàn chiên không người chăn….”. Vâng, ơn gọi của chúng ta không phải là làm việc như những con “robot”, người có lý trí, ý chí tự do, là người biết xác định mục tiêu: sống có ý nghĩa, sống phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện mình đang có. Xin đừng ai vô ơn với cha mẹ, đừng ai thờ ơ với anh chị em mình, vì không ai trong chúng ta là không chịu ơn bậc sinh thành, không ai là trong chúng ta là “người máy”, và chẳng ai trong chúng ta lại không được hưởng cứu độ của Đấng cứu thế.

Người ta có kể câu truyện thế này: hai đệ tử sau một chuyến công tác từ xa về, anh thứ nhất đến trình diện sư phụ: thưa thầy, con thấy ở khắp mọi nơi người ta sống gian tham ích kỷ, nghĩa là làm những việc xấu xa tội lỗi, bất công, đáng chết ! Anh thứ hai: thưa thầy, đi tới đâu con cũng thấy người ta cực khổ, túng thiếu mọi mặt, đáng thương lắm ! xin thầy mau cử thêm nhân sự, để thầy trò mình có thể góp một phần bé nhỏ giúp họ. Người trẻ hôm nay nói rằng: phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là vĩnh cửu. Nếu ý thức mình là người tín hữu, là môn đệ của Đức Kitô, hãy liên đới hiệp thông với Đấng là Thầy, là Chúa ; hẳn Đức Giêsu sẽ nói: Ta không cần đẳng cấp, không cần phong độ, chỉ cần những ai có tình yêu thương, biết cùng Ta sống tốt, sống đúng với bổn phận và trách nhiệm của mình là đủ. Amen.

---------------------------------

 

TN 16-B202 TÌM NƠI THANH VẮNG ĐỂ CẦU NGUYỆN SAU NGÀY LÀM VIỆC


Lm. Ngọc Dũng

 

Trong bài đọc 1 hôm nay, Đức Chúa khiển trách những mục tử đã không làm tròn trách nhiệm của TN 16-B202


Trong bài đọc 1 hôm nay, Đức Chúa khiển trách những mục tử đã không làm tròn trách nhiệm của mình: “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác -sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 23:1). Những mục tử không làm tròn trách nhiệm của mình là những mục tử mang lại sự chia rẽ, làm cho đoàn chiên không hiệp nhất vì đã không để tâm đến đoàn chiên mà chỉ đến lợi ích của cá nhân mình: “Chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng” (Gr 23:2). Những lời này khuyến cáo mỗi người chúng ta, vì ai trong chúng ta cũng được xem là người mục tử, mỗi người trong chúng ta được Thiên Chúa trao cho anh chị em để chăm sóc. Nhưng nhiều lần, chúng ta chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân của mình mà không cộng tác với Đức Chúa để chăm sóc anh chị em mình. Hình ảnh Đức Chúa là mục tử nhân lành giúp chúng ta biết việc chúng ta phải làm, đó là: “Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa” (Gr 23:3-4). Những lời này chỉ ra vai trò chính yếu của người mục tử là trung tâm điểm của hiệp nhất, mang lại sức sống cho chiên của mình và nhất là tìm kiếm những con chiên đi lạc và bị bỏ rơi. Những nhiệm vụ này là một thách đố cho mỗi người chúng ta, vì thông thường ai trong chúng ta cũng chỉ muốn “ngồi mát ăn bát vàng,” hoặc là không muốn làm việc với những người khó tính khó nết. Hình ảnh Đức Chúa là mục tử nhân lành đưa chúng ta về lại với căn bản của tình yêu Kitô Giáo, đó là một tình yêu mang lại sự hiệp nhất, đoàn kết và sức sống cho mọi người.

Thánh Phaolô, trong bài đọc 2, trình bày sự tương phản giữa cuộc sống trước kia khi các tín hữu Êphêsô không có Đấng Kitô và sau khi có Ngài. Trước khi có Đấng Kitô, họ “không được hưởng quyền công dân Israel, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này…. là những người ở xa” (Ep 2:12-13). Một cách cụ thể, Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Êphêsô [chúng ta] những điều Chúa Giêsu đem lại cho những ai có Ngài trong cuộc đời: (1) “nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.” Nói một cách cụ thể, những người sống trong ân sủng của Thiên Chúa luôn cảm nghiệm được sự gần gũi của Thiên Chúa dù vẫn phải đối diện với những khó khăn thử thách như bao nhiêu người khác; (2) những người có Đấng Kitô là những chứng nhân của bình an và hiệp nhất vì họ nhận ra rằng chính Đấng Kitô là bình an của họ và Ngài cũng là Đấng đã “liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người” (Ep 2:14-15); (3) những người có Đấng Kitô là những người được hoà giải với Thiên Chúa: “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2:16). Suy niệm trên ba điểm này, chúng ta tự hỏi: Tôi có những điều này trong cuộc sống của tôi không? Ba điểm này được thể hiện cách cụ thể trong đời sống bình an và hợp nhất với hết mọi người của chúng ta trong lời nói cũng như trong việc làm.

Bài Tin Mừng hôm nay liên kết rất chặt chẽ với bài Tin Mừng ngày hôm qua. Chính vì vậy, ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay chỉ được hiểu khi chúng ta đặt nó vào trong cấu trúc: Sai đi – làm chứng – trở về kể lại với Chúa Giêsu những gì họ đã làm và dạy. Có bốn điểm chúng ta cần tập trung suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay vì đây là điều chúng ta dễ dàng quên trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Thứ nhất là “các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy” (Mc 6:31). Sau một ngày làm việc vất vả, chúng ta thường làm gì? Các môn đệ tụ họp chung quanh Chúa Giêsu để kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và đã dạy. Điều này không có gì sai. Tuy nhiên, khi làm như vậy, các môn đệ quên mất một khía cạnh quan trọng của người môn đệ, đó là, khía cạnh “ở với Chúa Giêsu”: “Ở với Chúa Giêsu là khía cạnh nền tảng và quyết định căn tính và sứ mạng của người môn đệ của Chúa Giêsu. Những môn đệ không ở với Chúa Giêsu sẽ không biết mình được sai đi làm gì. Họ chỉ làm những việc họ thích hơn là làm những việc họ được sai đi để làm. Thật vậy, chúng ta thường đánh giá người môn đệ dựa trên việc làm hơn là trên việc ở lại với Chúa. Thánh Máccô nói cho chúng ta điều này khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3:14-15). Hãy “là môn đệ” của Chúa Giêsu” trước khi “làm tông đồ” của Ngài!

Thứ hai là việc Chúa Giêsu bảo các ông “hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng” (Mc 6:32). Trong điểm thứ nhất chúng ta thấy rằng, các môn đệ trở về và kể với Chúa Giêsu những “chiến tích của mình.” Nhưng họ quên một điều là khi họ được sai đi, Chúa Giêsu “ban cho họ quyền trên các thần ô uế” (Mc 6:7). Như vậy, những gì họ đã làm và dạy không phải do quyền lực hay khả năng của các ông, mà là của Chúa Giêsu. Chính vì vậy, “chiến tích” không thuộc về họ, mà thuộc về Chúa Giêsu. Khi mời gọi các ông tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi, Chúa Giêsu muốn các ông trở về lại với con người thật của mình để khám phá ra sự thật là: “Không có Thầy, anh em sẽ không làm được gì” (Ga 15:5).

Thứ ba là thái độ của Chúa Giêsu như vị Mục Tử cao cả. Tình yêu của vị mục tử không bao giờ yên nghỉ khi còn có “tội nhân” cuối cùng chưa ăn năn trở lại. Dù bận rộn với công việc; dù cho “kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa” (Mc 6:31). Dù muốn nghỉ ngơi, nhưng khi “ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6:34). Chúng ta thường phàn nàn rằng chúng ta làm quá nhiều việc đến độ không còn giờ cho chính mình, thì làm sao có giờ dành cho người khác. Nhiều khi chúng ta nổi giận hoặc không muốn làm gì khi mệt mỏi. Nhìn vào gương Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải tự vấn chính mình. Chúng ta thấy Chúa Giêsu không bao giờ mệt mỏi khi làm điều tốt cho người khác, ngay cả khi “chẳng có giờ để ăn uống.” Khi làm việc với niềm vui và con tim của Chúa, chúng ta sẽ không còn để ý đến gánh nặng của công việc mà chỉ còn để ý đến niềm vui và hạnh phúc của những người khác. Đây chính là điều giúp chúng ta không thấy mệt mỏi khi làm việc tốt cho người khác.

Điểm cuối cùng làm chúng ta lưu ý là câu mở đầu và câu kết của Tin Mừng hôm nay. Câu mở đầu nói về việc các môn đệ trở về và tường thuật lại việc họ đã làm và đã dạy và câu kết nói đến việc Chúa Giêsu dạy dỗ họ [bao gồm nhóm 12]. Như chúng ta đã biết, đây là lối viết “bánh mì kẹp” của Máccô: Mở đầu và kết thúc cùng một đề tài là “dạy dỗ,” chỉ khác nhau về “người dạy.” Trong câu mở đầu, các môn đệ dạy; còn trong câu kết, Chúa Giêsu dạy. Tuy nhiên, như chúng ta đã trình bày, các môn đệ “dạy với quyền năng của Chúa Giêsu.” Chính vì lý do này, cuối cùng chỉ có một thầy dạy, đó là Chúa Giêsu. Điều này nhắc nhở chúng ta về việc phải luôn có “thái độ của một người học trò” trong mọi công việc của chúng ta, vì qua công việc của chúng ta, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta về thánh ý của Ngài.

---------------------------------

 

TN 16-B203 NGHỈ NGƠI ĐỂ “ĐI RA” VỚI TRÁI TIM YÊU THƯƠNG


Lm. Giuse Trương Đình Hiền

 

Trong những ngày này, rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, đang TN 16-B203


Trong những ngày này, rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, đang vật vã chống chọi với Đại dịch Covid-19, mà những “chiến sĩ ở tuyến đầu” là các nhân viên y tế, đang lâm vào tình trạng mỏi mệt, kiệt sức. Hai tin nhắn của nhân viên y tế Thừa Thiên Huế sau đây là một thí dụ điển hình:

– “Bác ơi, cứ cường độ làm PCR như thế này, em sợ mấy em không chịu nỗi bác à. Mỗi ngày làm việc 12 giờ, nghỉ được 6 tiếng, liên tục mấy ngày nay rồi bác à”.

– “Hà ơi, bác biết hết. Anh em CDC gần như kiệt sức cả rồi. Bác cầu mong mọi người không ai gục ngã hết. Cố gắng vượt qua giai đoạn này, tất cả vì cộng đồng”[1].

Vâng, trong những hoàn cảnh và tình trạng như thế, nếu có được một chút không gian và thời gian để “nghỉ ngơi đôi chút” thì quả là tuyệt diệu !

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay, có thể nói được, đã bắt đầu từ một lời kêu gọi trở về nghỉ ngơi: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”.

Chắc chắn, khi ra chỉ thị nầy cho các môn sinh, Đức Kitô đã nhìn thấy bao nhiêu lo toan, mệt nhọc, bận bịu…của các bạn hữu của Ngài như Tin Mừng kể lại: Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống; một sự bận rộn, tất bật có nguy cơ sẽ dẫn các ngài tới chỗ chán nản, buông xuôi hoặc tình trạng bị tục hóa, biến chất…!

Người tông đồ hôm nay nào có khác gì ! Trước bao nhiêu nhu cầu của “đàn chiên không người chăn”, chỉ có “trái tim chạnh thương của người mục tử” mới có khả năng đáp ứng, chứ không thể là một mục tử biến chất, một tông đồ mà cuộc sống chẳng khác nào một công nhân, một người thợ máy móc vô cảm, chai lỳ…!

Cũng trong ý nghĩa này, theo như trực cảm của ĐTC Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, nếu không có cuộc “dừng chân nội tâm cần thiết”, một cuộc “ngơi nghỉ tâm hồn”, tất cả chúng ta, các đồ đệ của Chúa Giêsu, có nguy cơ “không còn nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, đánh mất niềm vui và bình an, phai nhạt ước muốn làm điều thiện”, hoàn toàn bị tục hóa: “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ.” (EG 2).

Điều đó lại càng bi đát hơn đối với Dân Chúa, nếu tình trạng đó thuộc về các mục tử, những người có trách nhiệm với đàn chiên, như lời cảnh báo của ngôn sứ Giêrêmia từ thời Cựu ước xa xăm, trước Chúa Kitô hàng mấy trăm năm: “Chúa phán: “Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: “Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta” (BĐ 1).

Nhưng, theo ngữ cảnh Tin Mừng, việc “nghỉ ngơi” mà Chúa Giêsu mời gọi đó có gì đặc biệt ?

Phải chăng đó là: “xúm xít quanh Đức Kitô, kể lại mọi điều đã làm và đã dạy”.

Vâng, Đức Kitô phải ở trung tâm của đời sống chúng ta. Chỉ có Ngài mới giúp chúng ta tìm lại được chính mình, thanh lọc cõi lòng mình, điều chỉnh con tim mình và định hướng cho hành trình tiếp theo của mình, như chính ĐTC Phanxicô đã xác nhận trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.” (EG 3).

Có thể, thời Đại Dịch nầy, là một “cơ hội thuận lợi” để chúng ta có dịp “xúm xít quanh Đức Kitô” cách ý thức và trân trọng hơn:

– Quanh Đức Kitô nơi một Thánh lễ online với gia đình, một “bàn Tiệc Thánh Thể cao quý”, mà trong thuở bình thường trước đây, tại nhà thờ, tôi chỉ là một kẻ bàng quang lo ra chia trí !

– Quanh Đức Kitô nơi giờ kinh gia đình với chuỗi Mân Côi, với Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse…

– Quanh Đức Kitô với một đoạn Lời Chúa cùng đọc, cùng suy với con cái, cháu chắt…

– Quanh Đức Kitô trong những bữa cơm chiều thân mật với vợ con…

Vâng, “nghỉ ngơi” theo Chúa Kitô đích thị là một cuộc “tĩnh tâm”, một cuộc “gặp gỡ”, một cuộc “canh tân mối tương quan với Ngài”, một cuộc “hoán cải nội tâm”…

Một khi đã được “tái tạo thành một con người mới” sau cuộc tĩnh tâm với Chúa Giêsu, chắc chắn, các môn sinh của Ngài sẽ nhận ra một điều quan trọng nhất nơi dung mạo của Đức Kitô, nhân cách của Đức Kitô và chương trình hành động của Ngài mà Tin Mừng hôm nay đã tóm gọn bằng một cụm từ chân xác: ĐỘNG LÒNG THƯƠNG: Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Quả thật, không ai đã từng gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô mà lại không khám phá được một Thiên Chúa Tình Yêu, một tình yêu có khả năng phá đổ mọi bức tường rẻ chia ngăn cách, như thư Êphêsô xác nhận: “xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Đức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người…”.

Và Đức Kitô mời gọi chúng ta lên đường, tiếp tục thể hiện thái độ “Chạnh lòng thương” đó đối với con người, với thế giới hôm nay, một thế giới, không chỉ có một đoàn chiên không người chăn mà có hàng tỷ thân phận con người bì vùi dập trong những nỗi bi đát, thương đau, khổ lụy, như ĐTC Phanxicô đã liệt kê trong cả số 15 của Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, để rồi ngài kết luận: “Chúa Ki-tô đang hiện diện trong bất cứ một con người nào trong số “những người nhỏ bé nhất” ấy. Thân xác của Ngài đang tái trở nên rõ ràng trong bất cứ thân xác nào đang bị hành hạ, đang bị gây tổn thương, đang bị đánh đập, đang bị thiếu dinh dưỡng và đang bị ép buộc phải trốn chạy…, để chúng ta nhận ra Ngài, đụng chạm được tới Ngài và giúp đỡ Ngài một cách chu đáo. Chúng ta đừng quên những lời của Thánh Gioan Thánh Giá: “Vào lúc cuối đời, chúng ta sẽ bị kết án theo Đức Ái.” (Số 15).

Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay, khi mang chúng ta trở về gặp gỡ Đức Kitô, Vị Mục tử chạnh lòng thương, lại đưa chúng ta lên đường để yêu thương phục vụ mọi người, nhất là những người đang mang những vết “trầy xướt”[2] bi ai đang bị lãng quên trên những “vùng rìa”[3] của thế giới. Amen.

---------
[1] HOÀ KHÁNH; bài viết: Hình ảnh nữ nhân viên xét nghiệm kiệt sức, ngồi bệt trong phòng gây xúc động; website https://congan.com.vn/doi-song/kiet-suc-ngoi-bet-trong-phong-trong-tuyen-dau-chong-dich-covid-19_112169.html; đăng ngày 17.7.2021.
[2] Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, số 15: “Có biết bao nhiêu là những vết thương đang bị làm trầy xước.”
[3] Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, số 15: “tất cả những ai đang sống tại những vùng rìa khác nhau…”

---------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây