CHUYỆN NGƯỜI MẸ MỘT MẮT (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 333) -------------------------------------
Bạn thân mến,
Nhân ngày 8/3 vừa qua, tôi đã đọc được một câu chuyện kể trên Internet của Lm. Trần Thanh Sơn, nói về tình mẹ rất hay.
Cha nói, đây là một câu chuyện có thật của một người bạn trẻ ở Malaysia.
Tôi xin được phép kể lại đây, như một kinh nhiệm quí giá, giúp cho chúng ta biết trân trọng và tôn vinh mẹ của chúng ta hơn, để tránh những vấp váp sai lỗi, kẻo phải ân hận suốt đời.
Người bạn trẻ này đã kể lại câu chuyện về mẹ mình như sau:
*****
Tôi có người mẹ chỉ có một mắt. Cái khuyết tật này của người mẹ đã làm cho tôi xấu hổ và mặc cảm vô chừng trước mặt bạn bè và trước mặt mọi người.
Vì mặc cảm này, cho nên tôi không bao giờ dám rủ bạn bè đến nhà chơi, và thật sự, tôi cũng chẳng muốn cho ai đến nhà.
Tôi luôn tự trách bản thân và trách cả mẹ tôi nữa:
- Tại sao lại như vậy. - Tại sao mẹ mình lại chỉ có một mắt. - Tại sao mẹ mình, lại không giống như mẹ của các bạn.
Những mặc cảm, những xấu hổ này, cứ luôn ám ảnh trong đầu tôi, có khi tôi mất ăn ất ngủ, vì sợ các bạn biết rồi đàm tếu, rồi soi mói, rồi trêu chọc.
Biết được mặc cảm này, cho nên mẹ tôi hứa, là sẽ không bao giờ xuất hiện công khai ở nhà trường, để cho tôi được an tâm mà học hành.
Nhưng rồi một hôm, có lẽ là vì một chuyện gì đó rất cần, cho nên mẹ tôi đã vội vàng đến trường để gặp tôi.
Tôi đã trông thấy, nhưng vì mắc cỡ, và vì xấu hổ nữa, nên tôi đã lánh mặt, tôi đã không ra gặp mẹ. Bởi tôi sợ bạn bè trông thấy, rồi sẽ làm cho tôi đau khổ.
Nhưng sự lánh mặt đó, nào có giúp cho tôi được gì đâu, có giúp cho tôi được yên thân đâu. Bởi miệng chuyền miệng, rồi cuối cùng, các bạn bè và mọi người đều biết: Mẹ tôi chỉ có một mắt.
Thế rồi, sáng hôm sau, khi tôi vừa bước tới cổng trường, thì các bạn bè đã nhao nhao lên:
- Ê, tao đã biết rồi nha. Mẹ của mày chỉ có một mắt!
Rồi từ đó, các bạn đua nhau nói, đua nhau cười, mỗi đứa một kiểu, mỗi đứa một cách, để chọc ghẹo tôi.
- Tôi xấu hổ.
- Tôi đỏ cả mặt.
- Tôi ù cả tai.
- Tôi không muốn nghe gì nữa.
- Tôi tức tối.
- Tôi bực dọc.
- Tôi muốn đấm vào mặt mỗi đứa một cái.
- Tôi muốn độn thổ. - Tôi muốn chui xuống đất, để tránh sự đùa cợt chế giễu của bạn bè.
- Tôi muốn quay trở về nhà, bỏ học luôn.
Nhưng may thay, tình cờ thầy giám hiệu xuất hiện, thầy kịp thời can thiệp, thầy đã dẹp được loạn, thầy còn răn đe:
“Em nào mà dám tiếp tục đưa chuyện mẹ của bạn ra để trêu chọc, thì sẽ bị kỷ luật, sẽ bị trừ hạnh kiểm, và có thể bị đuổi học.
Nhờ thế mà tôi đã an tâm, và đã tiếp tục học.
Nhưng suốt buổi học hôm đó, tôi nào có học được gì đâu. Đầu óc tôi cứ miên man suy nghĩ:
Tại sao lại như vậy. Mẹ hứa, là mẹ sẽ không bao giờ công khai đến trường.
Vậy mà tại sao mẹ lại đến trường, để cho bạn bè chế giễu mình. Tại sao mẹ không giữ lời hứa. Tại sao mẹ lại làm cho mình khổ.
Hôm đó, vừa khi bước chân vào nhà, tôi đã trút ngay tất cả các cơn giận, tôi đã ném tất cả những bực dọc khó chịu lên đầu mẹ tôi. Tôi đã lớn tiếng nói với mẹ: Mẹ có biết không, việc mẹ đến trường, đã khiến con thành trò cười cho mọi người!
Và tôi còn nói nhiều điều xấc xược, vô lễ nữa cho hả cơn giận.
Từ đó, tôi căm ghét mẹ tôi vô chừng. Và sự căm ghét này, không bao giờ nguôi ngoai. Tôi chỉ muốn mẹ tôi biến đi khỏi cuộc đời của tôi.
Phần mẹ tôi, thì mẹ cứ giữ thái độ im lặng, không hề đính chính, không hề phân trần, không hề nói lên một lời nào.
Còn tôi, thì tôi lạnh lùng đến mức, không hề quan tâm để ý tí gì đến những lời nói và những cử chỉ đã xúc phạm đến mẹ. Tôi chỉ muốn bỏ nhà ra đi. Tôi chỉ muốn thoát ly ra khỏi gia đình này, để không còn có liên hệ gì đến mẹ tôi nữa.
Chính vì thế, mà tôi quyết tâm cố gắng học hành, học thật chăm chỉ, học cho thật giỏi. Và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi du học ở Singapore.
Sau đó, tôi có công ăn việc làm. Tôi đã mua được nhà riêng. Tôi đã lập gia đình, và đã có 2 con.
Vợ tôi, là con nhà gia thế, cho nên tôi đã giấu nàng về gốc gác lý lịch của tôi. Tôi chỉ nói, là tôi đã sống trong viện mồ côi ngay từ nhỏ, cho nên không hề biết cha mẹ là ai.
Tôi hài lòng với cuộc sống. Tôi rất hạnh phúc bên cạnh vợ con. Tôi thích thú hưởng thụ những tiện nghi vật chất đang có.
Tôi cũng đã âm thầm, mua cho mẹ tôi một căn nhà nhỏ. Rồi thỉnh thoảng, tôi đã lén vợ, để gởi một ít tiền về quê cho bà, để bà có thể tự ổn định cuộc sống.
Tôi tự nhủ, như thế là quá đủ. Như thế là tôi đã chu toàn bổn phận làm con của tôi rồi.
Và tôi đã buộc mẹ tôi, là phải ở yên tại chỗ, không được phép có bất cứ liên lạc gì với tôi.
Rồi một ngày kia, bổng bất chợt mẹ tôi đến thăm, vì đã nhiều năm lắm rồi, bà không gặp mặt tôi, thậm chí bà cũng chưa hề bao giờ nhìn thấy các cháu.
Khi trông thấy một bà già có vẻ lam lũ, lôi thôi, lếch thết, đứng trước cổng nhà, đứa con trai lớn của tôi chạy ra trêu chọc, cười nhạo, và xua đuổi bà.
Còn đứa con gái thì nhỏ hoảng sợ chạy trốn, nấp mình bên mẹ nó.
Riêng tôi, khi đã nhận ra mẹ mình, thì tôi vừa giận, vừa lo, vừa sợ vợ tôi biết chuyện, cho nên tôi chạy ra cổng và hét to lên:
- Sao bà dám đến đây, làm cho con tôi sợ đến thế? Bà hãy đi ra khỏi đây ngay!
Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời:
- Ồ xin lỗi. Tôi đã nhầm địa chỉ! Rồi bà lặng lẽ quay đi.
Từ đó, tôi không thèm liên lạc gì với bà nữa trong suốt một thời gian khá dài. Bởi tôi tự nhủ: Hồi tôi còn nhỏ, mẹ đã làm cớ cho chúng bạn trên chọc tôi, làm cho tôi phải nhục nhã ê chề, đã làm cho tôi phải đau khổ.
Bây giờ, mẹ lại còn định phá huỷ cuộc sống hạnh phúc tôi đang có nữa hay sao?
Thế rồi một hôm, tôi nhận được một thư báo của Bưu điện gởi đến tận nhà, mời tôi đến dự buổi họp mặt với các bạn xưa nơi trường cũ, nhân kỷ niệm mừng 50 năm thành lập nhà trường.
Tôi đã thu xếp mọi công việc, để về tham dự buổi họp mặt này, bởi 50 năm mới có một lần.
Sau buổi họp mặt, tôi đã ghé qua nhà của mẹ. Có lẽ vì tò mò, hơn là vì muốn thăm mẹ.
Khi đến nơi, mấy người hàng xóm nói, là mẹ tôi vừa mới mất, chỉ cách đây vài ngày thôi.
Vì không biết ai là người thân ruột thịt, cho nên sở an ninh xã hội, đã đứng ra lo mai táng cho bà.
Họ lo mọi chuyện hậu sự cũng chu đáo lắm.
Tuy nghe một tin rất buồn, nhưng sao tôi lại dửng dưng, đã không hề nhỏ lấy được một giọt nước mắt.
Người ta trao lại cho tôi một lá thư của bà để lại. Lá thư viết như sau:
"Con yêu quý, lúc nào mẹ cũng nhớ đến con. Mẹ xin lỗi con, về việc mẹ bất ngờ, đã dám đi Singapore trái ý con, và đã làm cho các cháu phải sợ hãi. Mong con hiểu cho mẹ, là mẹ quá nhớ con.
Nhưng hôm nay mẹ rất vui, khi nghe tin con sắp sửa trở về trường xưa, để tham dự buổi họp mặt với các bạn bè cũ, nhân kỷ niệm 50 năm, ngày thành lập nhà trường.
Mẹ cũng rất ước ao đến nhà trường để nhìn con, dầu chỉ có thể nhìn thấy từ đàng xa.
Nhưng hôm nay, sức khoẻ của mẹ đã quá yếu, nên chắc là không thể thực hiện được ước mơ này.
Nhất là mấy ngày nay, mẹ không thể bước ra khỏi giường được nữa, cho nên mẹ mới mượn những dòng chữ này, để tâm sự với con. Hy vọng những dòng chữ này, một ngày nào đó, sẽ được trao đến tận tay con, sau khi mẹ qua đời.
Trươc hết, mẹ xin lỗi con, vì đã làm cho con phải xấu hổ với bạn bè, trong suốt thời gian con còn học ở nhà trường này.
Nhưng con có biết không, hồi con còn nhỏ, con bị một tai nạn, nên đã bị hư đi một mắt. Mẹ không thể ngồi đó nhìn con lớn lên, mà chỉ có một mắt. Cho nên mẹ đã quyết định, tặng chính con mắt của mẹ cho con. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có, để các bác sĩ có thể thành công, trong việc thay mắt của mẹ cho con.
Nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc làm này. Ngược lại, mẹ còn rất hãnh diện, vì con đã thành công trong cuộc sống, và đã có địa vị trong xã hội. Và mẹ cũng rất hãnh diện vì con, và về những gì mẹ đã làm cho con.
Nay, con đã học thành tài, con đã nhìn thấy được cả thế giới, với tất cả sự văn minh của nó, thay cho mẹ, bằng chính con mắt của mẹ. Mẹ rất cám ơn con. Mẹ yêu con nhiều lắm.
Ký tên: Mẹ...".
*****
Câu chuyện lại bất ngờ, được kết thúc ở đây. Tôi không biết sau đó, người con này đã làm gì, đã ân hận đến mức nào, và nhất là, không biết đã có những thay đổi gì trong cuộc sống hay không?
Nhưng khi đọc qua câu chuyện này, tôi lại cảm nhận được 2 điều.
- Đó là tình yêu của người mẹ thì thật bao la. Ngược lại, người con thì rất vô tâm, có thể nói là bội bạc, có thể gọi được là bất hiếu.
- Và câu chuyện này, cũng cho thấy phần nào mối tương quan của chúng ta là con, đối với Thiên Chúa là cha.
Bà mẹ này đã yêu con mình đến nỗi trao tặng cho con chính con mắt của mình, và đã bán đi tất cả những gì mình có, để chạy chữa cho đứa con.
Còn Thiên Chúa chúng ta, thì Ngài đã trao ban cho chúng ta chính Người Con Một duy nhất của Ngài, và chính Người Con Một đó, cũng đã sẵn lòng chết một cách đau thương, chết một cách nhục nhã trên thập giá, để chuộc tội cho ta, để đền tội thay cho ta.
Mà, nói theo kiểu của thánh Phaolô, Người Con đó đã chết cho chúng ta, khi chúng ta hãy còn là tội nhân, hãy còn là kẻ phản bội, hãy còn là kẻ phản nghịch với Ngài.
Nghĩa là dù ta có bạc nghĩa, dù ta có vô tâm, dù ta có hững hờ như thế nào đi nữa, thì Thiên Chúa cũng vẫn nói với ta, như người mẹ đã nói trong lá thơ: “Mẹ yêu con nhiều lắm”.
Tất nhiên, tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, thì còn lớn hơn nhiều, so với tình yêu của người mẹ trong câu chuyện.
Tình yêu đó đã được Chúa Giêsu minh họa, qua hình ảnh của người cha nhân hậu, được thánh Luca ghi lại trong Sách Tin mừng của ngài, đoạn 15, câu 10.
Người cha đó, tuy không vui, nhưng cũng đã chiều ý con, mà chấp nhận sẵn sàng chia nửa gia tài của mình cho người con út. Và người con đó, sau khi đã phung phá hết tài sản của cha, đã trở về nhà với "thân tàn ma dại".
Người cha này lại niềm nở vui vẻ đón nhận lại đón nhận lại đứa con đi hoang, mà không hề có một lời hạch hỏi trách móc.
Ông cũng không cần đứa con phải nói một lời xin lỗi.
Tình yêu của người cha, đã làm cho người cha này nên mù quáng.
Trước mắt, ông chỉ thấy, đây là một đứa con đáng thương. Chỉ có thế thôi.
Trở lại người con trong câu chuyện.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta, đã thầm trách người con bất hiếu, đã xấu hổ vì có người mẹ một mắt. Bởi anh ta đã vô tâm quá mức, trước những tình yêu, mà người mẹ đã trọn vẹn dành cho anh. Một sự vô tâm đến mức bất nhân, bất nghĩa, và trở thành bất hiếu đối với mẹ mình.
*****
Nhưng nếu cứ nhìn vào cách ta đã từng đối xử với Chúa, thì coi chừng, có khi ta còn tệ hơn người con bất hiếu trong câu chuyện nữa.
Vậy ta hãy thử nhìn lên cây thánh giá Chúa, xem ta có một chút cảm nghiệm nào, hay có một chút rung động nào, về một tình yêu cao cả mà Thiên Chúa đã dành cho ta chăng, một tình yêu, đã khiến cho Chúa dám chết cho ta, chết vì ta, để đền tội thay cho ta.
Ta có nhớ không, chính Chúa đã có lần nói:
“Không có tình yêu nào cao quí hơn mối tình của người dám hy sinh mạng sống của mình vì bạn hữu”.
Ta là bạn hữu của Chúa, ta là môn đệ của Chúa, mà ta không cảm nghiệm được tình yêu cao quí mà Chúa đã dành cho ta, thì thử hỏi ta có còn xứng đáng là môn đệ của Chúa nữa được chăng?
Với sự vô tâm vô cảm này, thử hỏi ta có xứng đáng đón nhận tình yêu, mà Chúa dành cho ta chăng?
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin hãy uốn nắn lòng con, để con có thể nếm cảm được tình Chúa yêu con, để con biết sống xứng đáng hơn nữa là một người con hiếu thảo của Chúa. Amen.