CHUYỆN THÊ THẢM CỦA MỘT NIỀM TIN - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 311

Thứ hai - 06/06/2022 09:20
CHUYỆN THÊ THẢM CỦA MỘT NIỀM TIN - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 311
CHUYỆN THÊ THẢM CỦA MỘT NIỀM TIN - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 311
CHUYỆN THÊ THẢM CỦA MỘT NIỀM TIN
 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 311)
-------------------------------------

Bạn thân mến,

Có một câu chuyện thật thê thảm, đã xảy ra cho dân Israel trong lịch sử, được kể lại trong sách Samuel quyển thứ I, đoạn 4, từ câu 1 đến 11, rất đáng cho chúng ta suy nghĩ về một cách sống đạo:

Số là dân Israel đang giao chiến với quân Phi-li-tinh, mà dân quân Israel thì cứ thua miết, hết trận này đến trận khác. Số người bỏ xác nơi trận địa đã lên tới khoản 4.000 người.

Để cứu vãn tình hình, các vị lãnh đạo mới nghĩ ra một sáng kiến, là đưa Hòm Bia Thánh ra chiến trường, để Chúa cùng giao chiến với họ. Bởi, có Chúa cùng chiến đấu, thì ắt hẳn là họ sẽ thắng lớn, và bất cứ quân thù nào, cũng sẽ bị Chúa đè bẹp.

Thế là họ cho một đạo quân trở về Đền Thánh ở Si-lô, để long trọng cung nghinh Hòm Bia Thánh ra chiến trường.

Khi Hòm Bia Chúa tới doanh trại, thì Kinh Thánh nói:

“Toàn dân Israel phấn khởi reo hò vang dội, khiến trời đất phải rung chuyển”.

Nghe tiếng reo hò long trời lở đất, thì quân Phi-li-tinh đã biết là Hòm Bia Thánh, “Một vị thần của Israel” đã đến doanh trại!”.

Thế là tình thần của dân quân Phi-li-tinh bị chấn động mạnh. Bởi theo kinh nghiệm của cha ông họ truyền lại, là hễ vị thần này đi đến đâu, thì mọi kẻ thù của dân Israel cũng đều phải bị đè bẹp, cũng đều phải bị tiêu diệt, có thể nói là bị tiêu diệt đến tận đến gốc rễ.

Bằng chứng là quân Ai Cập, lực lượng hùng mạnh đến mức nào, vũ khí nhiều đến cỡ nào, một nước hùng hậu đến như thế đó, vậy mà khi đối đầu với vị thần này, cũng đều phải thất kinh, khiếp vía, mà chạy tán loạn, quân binh chết như rạ, thiệt hại người và của, nhiều không kể xiếc.

Do đó, khi nghe tiếng reo hò bên doanh trại của Israel, thì quân Phi-li-tinh đã cảm thấy tình thế trở nên vô cùng nghiêm trọng.

Thế nhưng, thay vì buông xuôi bỏ chạy, họ đã động viên nhau, phải can đảm lên, phải anh dũng chiến đấu, để cứu lấy mình.

Cuộc chiến lại tiếp tục nổ ra. Và, thật bất ngờ, dù có Hòm Bia Chúa đang với mình, thế mà quân Israel vẫn bị thua trận thê thảm. Các tướng lãnh và dân quân, mạnh ai nấy chạy bạt mạng về hậu cứ, về lều trại của mình, để thoát thân.

Hôm đó, con số quân binh Israel tử trận lên tới ba mươi ngàn người. Thật là “Khủng khiếp” cho dân Israel!

Đã thế, Hòm Bia Chúa lại bị lọt vào tay kẻ thù. Chúa đã không cứu quân Israel đã đành, mà Chúa cũng đã không tự cứu lấy mình, nên đã để Hòm Bia Thánh bị rơi vào tay những người vô đạo, để rồi họ mặc sức mà chế nhạo, mặc sức mà làm sỉ nhục, mặc sức mà chê cười.

Sự kiện này đã làm cho mọi người cứ thắc mắc mãi:

- Tại sao lại như vậy?

- Chả nhẻ Thiên Chúa của Israel, mà lại phải chịu thua quân Phi-li-tinh sao?

Thế là lòng tin của dân Israel đã bị lung lay. Và niềm tin của dân Israel đã bị thử thách nặng nề.

***

Bạn thân mến,

Việc làm của quân Israel xét cho cùng, có phải là niềm tin thật hay không, hay đây chỉ là một hình thức mê tín dị đoan?

Cứ bề ngoài mà xét, thì xem ra họ rất tin vào Hòm Bia Thánh, họ rất tin vào quyền năng của Thiên Chúa, khi đem Hòm Bia Chúa ra giữa trận địa.

Họ muốn trong chiến đấu, có Chúa cùng chiến đấu với họ.

Nhưng kỳ thực, khi đưa Hòm Bia Chúa ra chiến trận, thì mục đích của họ đã rõ, là chỉ để phục vụ cho chiến tranh, mà họ đang theo đuổi mà thôi. Họ muốn Chúa đứng về phía họ, để họ tiêu diệt kẻ thù. Họ muốn Hòm Bia Chúa phải là một thứ “lá bùa chắn”, để giúp họ tránh tai hoạ. Họ coi Hòm Bia Chúa như là một thứ “vật cầu may”, để mang chiến thắng về cho họ.

Họ nghĩ: Nếu Chúa đứng ra bảo vệ Hòm Bia Thánh, thì họ cũng sẽ được Chúa bảo vệ.

Rõ ràng, đây chỉ là một thứ lạm dụng, là một sự lợi dụng Chúa, chứ nào có phải là vì Chúa đâu, hay là vì tình nghĩa gì với Chúa. Họ chỉ nhắm đến lợi ích của họ, chứ nào có nhắm lợi ích gì cho Chúa đâu.

Thử hỏi, sự lợi dụng Chúa như vậy, thì dân Israel có còn đáng được gọi là những người con hiếu thảo của Chúa nữa không?

Những người con lợi dụng cha mẹ của mình, để mưu cầu lợi ích cho riêng tư mình, thì tất nhiên, phải coi họ, là những người con bất hảo, là những người con bất hiếu.

Và lịch sử cũng cho biết, vào thời đó, lòng tin của dân Israel đã ra lệch lạc đến tồi tệ. Họ tin vào các thầy bói, các thầy chiêm tinh, họ tin vào đồng bóng, còn hơn là tin Chúa. Họ tin vào ngày lành, tháng tốt. Họ tin điềm này điềm nọ, chứ họ không tin vào quyền năng của Thiên Chúa nữa. Họ đã rước đủ thứ thần lạ về nhà để thờ, còn việc thờ Chúa, thì họ lại sao lãng, thì họ lại biếng nhác. Niềm tin của họ vào Chúa đã lệch lạc đến thê thảm. Nghĩa là họ đã coi Chúa, cũng chỉ ngang hàng với các thần linh, rất linh tinh, nơi các dân ngoại. Họ sống không khác gì những người ngoại giáo.

Do cuộc sống chung đụng lẫn lộn với những người ngoại giáo, cho nên, niềm tin của họ vào Chúa cũng đã bị pha trộn, cũng đã bị lẫn lộn đủ thứ. Nghĩa là, họ đã bỏ Chúa từ lâu rồi. Và cũng có thể nói, là Chúa cũng đã bỏ họ từ lâu lắm rồi.

Việc họ đưa Hòm Bia Chúa ra chiến trường, thì cũng chỉ là một việc làm cầu may, như đã từng kều cứu với các thần linh khác. Nghĩa là “Ong cũng kính, mà bà cũng vái”. Thần nào họ cũng cầu, thần nào họ cũng khấn, thần nào họ cũng xin. Xin theo cái kiểu cầu may.

Họ đã quên điều răn thứ I, là điều răn căn bản, và cũng là điều răn quan trọng nhất trong 10 Giới răn Chúa dạy:

“Thứ I, phải thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự”.

Và Phúc âm theo thánh Matthêu, đoạn 4, câu 10b, có ghi lại câu, mà Chúa Giêsu đã khẳng định với quỉ Satan, khi đến cám dỗ Ngài như sau:

“Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Chúa ngươi, và chỉ được phép thờ phượng một mình Ngài thôi”.

Đọc lại Tân Ước, chúng ta cũng thấy, mỗi lần Chúa Giêsu làm một phép lạ nào, để cứu giúp một hoàn cảnh cùng khốn nào đó, cho một người nào đó, thì Chúa Giêsu thường giải thích:

“Chính lòng tin của con đã cứu chữa con!”.

Có nghĩa là yếu tố quyết định cho một phép lạ là lòng tin.

Niềm tin vào Chúa quan trọng đến nỗi có lần, Chúa Giêsu đã không làm được một phép lạ nào, bởi người ta không có lòng tin, Mc 9, 23-24.

Và trong mọi trường hợp, Chúa cũng không hề muốn dùng phép lạ, để ép buộc người ta phải tin vào Ngài.

- Chẳng hạn ở đồi Can-vê, nhiều người đã thách thức Chúa:

Nếu ông là con Thiên Chúa, thì ông hãy xuống khỏi thập giá này đi, để chúng tôi tin.

Kết quả cho thấy, là Chúa đã coi thường, và không hề quan tâm đến những người muốn tin Ngài theo cái kiểu này.

Niềm tin mà Chúa quan tâm, mà Chúa đòi hỏi, phải là một thứ niềm tin, tự ý, tự nguyện, phải là một thứ niềm tin trong sáng, không có ý lợi dụng, niềm tin đó phải là một thứ niềm tin tuyệt đối, tin mà không được phép đặt ra cho Chúa bất cứ một điều kiện nào, và tin, duy chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi.

Còn thứ niềm tin chỉ biết lợi dụng, chỉ biết xin xỏ, tin theo kiểu hai chiều, hay tin theo cái kiểu, coi Chúa như là một trạm bưu điện, để họ đến đặt hàng và nhận hàng miễn phí, thì niềm tin đó quả là quá thê thảm, và rất là bi đát.

Và kết quả cuối cùng của thứ niềm tin đó, là một khi không còn lợi dụng Chúa được nữa, thì họ sẽ bỏ Chúa, sẽ bỏ đạo, và phần rỗi đời đời của họ sẽ rất là đen tối, sau những ngày sống ở trần gian này.

*****

Dầu sao, thì sự thiệt hại thê thảm của dân Israel, khi đưa Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa ra trận địa, vẫn là một sự nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về một cách sống đạo.

- Nhắc nhở thứ nhất,
là ta cần phải cảnh giác, ta cần phải canh chừng, đừng để cho các hình thức đạo đức bên ngoài, hay là những dấu hiệu biểu lộ niềm tin, tự nó vốn là cần thiết, lại trở thành cái vỏ không ruột, một cái xác không hồn, chỉ có hình thức rầm rộ, hoành tráng bên ngoài, mà không diễn tả được niềm tin, và lòng mến Chúa bên trong.

Lòng tin đó chỉ mang tính chất khoe khoang, phô trương, trình diễn, biểu dương lực lượng mà thôi, thì tất cả chỉ là con số không trước mặt Chúa, và coi chừng, Chúa sẽ rất buồn, vì cái kiểu sống đạo trống rỗng vô nghĩa này.

- Điều nhắc nhở thứ hai,
là ta cần phải sống đạo, hơn là lo giữ đạo. Sống đạo là sống niềm tin: Tin có Chúa hiện diện ở khắp nơi, nơi nào cũng có Chúa, việc làm nào Chúa cũng thấy, việc làm nào Chúa cũng rõ, và rõ đến tận bên trong. Không có gì che giấu được Chúa.

Rồi, tin Chúa là phải tin cả khi vui, cũng như lúc buồn, tin cả khi thành công, cũng như lúc thất bại, tin cả trong những hoàn cảnh đau thương thê thảm, khó hiểu nhất, như trường hợp Chúa Giêsu đã than thở với Chúa Cha trên thánh giá:

“Cha ơi, sao Cha bỏ con”.

Nhưng liền sau đó, Chúa Giêsuvẫn nói được:

“Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”.

Lạy Chúa, xin hướng dẫn niềm tin của con, để trong mọi hoàn cảnh đau thương của cuộc sống, con vẫn luôn gắn bó với Chúa, và chỉ gắn bó với một mình Chúa mà thôi. Amen.

-------------------
Mời nghe: https://www.youtube.com/watch?v=tfhvd8oQwMk
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây