NĂM TỴ NÓI CHUYỆN CON RẮN (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 318) -------------------------------------
Bạn thân mến,
Chúng ta đang tiễn năm con Rồng (năm Nhâm Thìn 2012), để bước sang một mới, Năm con Rắn (năm Quý Tỵ 2013).
Tuy Rồng và Rắn cùng thuộc loài bò sát, đều có thân dài, nhưng lại có nhiều điểm rất khác nhau:
Trước hết, con Rồng là một con vật huyền thoại, chỉ có trong ca dao tục ngữ, trong các chuyện cổ tích, chứ không có thật.
Còn con Rắn là một con vật có thật, rất phổ biến, có mặt ở khắp mọi nơi trên trái đất này.
Nếu Rồng tượng trưng cho Vương Quyền và sức mạnh, thì Rắn lại tượng trưng cho sự khéo léo, khôn ngoan và hiểm độc.
Tục ngữ dân gian Việt Nam có câu: “Khẩu Phật, tâm xà” là để ám chỉ sự hiểm độc đó.
Chúng ta biết: Năm Âm lịch, đã lấy 12 con Giáp, làm biểu tượng cho từng năm, trong một chu kỳ 12 năm. Đó là Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Như vậy Tỵ là chi thứ 6 trong 12 con giáp. Đứng trước nó là Thìn. Đứng sau nó là Ngọ.
Rắn nằm trong tương khắc “tứ hành xung”: Dần, Thân, Tỵ, Hợi.
Nhưng tuổi rắn lại hạp với tuổi Sửu và tuổi Dậu.
Ngày xưa rắn còn được xếp hạng thứ ba trong Tứ Đại: Nhất Điểu, Nhì Ngư, Tam Xà, Tứ Tượng.
Chúng ta cũng thường nghe nói: Tháng Tỵ tức là tháng Tư âm lịch. Giờ Tỵ là khoảng thời gian giữa, từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Hướng Tỵ là hướng Đông Nam.
Theo Ngũ Hành, thì Tỵ, tương ứng với Hỏa. Còn theo thuyết Am Dương, thì Tỵ là Am.
Theo các nhà phong thủy, thì năm Tỵ tượng trưng cho sự lạc quan, sức khỏe, trẻ trung.
Năm Tỵ sẽ phát triển mạnh về Nông Nghiệp, báo chí và nhà đất. Còn ngành tài chánh và ô tô sẽ gặp nhiều khó khăn.
Người ta tin rằng, tuổi con rắn là tuổi hên. Người mang tuổi con rắn thường có tài ngoại giao, rất dễ được nổi tiếng. Tuổi này sẽ gặp được rất nhiều may mắn, nhưng toàn là những thứ bất ngờ. Tiền bạc của họ luôn có dư, nhiều hơn mức cần thiết. Do đó, người mang tuổi này thường chi tiêu rất rộng rãi, cuộc sống rất thoải mái, cho nên thường tạo được một sức quyến rũ, lãng mạng, hấp dẫn, làm cho nhiều kẻ mê mệt chay theo.
Nhưng cũng phải cẩn thận, bởi họ rất bí ẩn, rất khó chinh phục, và thường họ chỉ tin họ, chứ không tin ai khác. Do đó, họ rất đẽ phản bạn, phản thầy.
Họ lại có một sự khôn ngoan không ai ngờ, cho nên cũng có phần nguy hiểm.
Rắn, là một loài động vật, có duyên nợ với lịch sử con người từ rất rất sớm, có thể nói là sớm nhất, và được kinh thánh nhắc đến khá nhiều.
Chẳng hạn:
Cước Ước nhắc đến có tới 64 lần.
Còn trong Tân Ước đếm được 12 lần.
Riêng trong Kinh Thánh Cựu Ước, ở sách Sáng Thế, đoạn 1, câu 27, khi kể lại việc Thiên Chúa tạo dựng ông Ađam và Eva, là nguyên Tổ của loài người, thì lúc bấy giờ rắn đã xuất hiện.
Kinh Thánh kể:
Khi tạo dựng 2 ông bà xong, thì Thiên Chúa đã đặt để 2 ông bà ở trong vườn Địa Đàng, gọi là Eden, để 2 ông bà trông coi và chăm sóc. Đây là chốn hạnh phúc tuyệt diệu, là nơi có đầy đủ mọi thứ trái cây thơm ngon. Chúa đã ban cho 2 ông bà được quyền ăn mọi thứ cây trái trong vườn.
Riêng có một loại cây “biết điều thiện điều ác” ở giữa vườn, thì cần phải tránh xa. Còn những trái của chúng thì không được phép ăn. Chúa cho biết:
“Ngày nào các ngươi ăn trái cấm này, thì các ngươi sẽ phải chết”.
Chúa ra lệnh cấm, nhưng Chúa lại không nói lý do tại sao. Thế là ma quỉ, chộp cơ hội này, mượn hình con rắn, mon men đến gần, làm quen với bà Eva, đang khi bà đi bách bộ trong vườn.
Con rắn lên tiếng trước: Tôi thấy, mọi thứ trái cây trong vườn, bà đều ăn, còn loại trái cây ở giữa vườn, sao không thấy bà ăn?
Bà Eva trả lời: Chớ có nói tới, đừng có nhắc tới, đó là loại trái cây Chúa cấm, không được ăn. Chúa nói: “Ngày nào các ngươi ăn trái cấm đó, thì các ngươi sẽ phải chết” (Sách Sáng Thế 2,17).
Con rắn nhanh miệng trả lời: Chẳng có chết chóc gì đâu. Bà có biết không, Thiên Chúa sợ: ngày nào 2 ông bà ăn trái cây đó, thì mắt 2 ông bà sẽ mở ra, 2 ông bà sẽ trở nên những vị thần khôn ngoan, thông minh, biết được mọi điều thiện điều ác, biết được mọi điều lành điều dữ, không thua gì Thiên Chúa. Chỉ có thế thôi.
Nghe con rắn nói có lý, bà liền ngước mắt lên nhìn những trái cấm, thấy sao mà nó bắt mắt quá, sao mà có cảm giác thơm ngon quá. Ưng ý nhất là khi ăn vào, mình sẽ được khôn ngoan, mình sẽ được thông minh bằng Thiên Chúa.
Thế là bà đã hái một trái ăn thử. Ăn rồi, bà thấy có chết chóc gì đâu. Bà thấy con rắn nói đúng. Thế là bà đã hái tiếp, mang về nhà, đưa cho ông chồng cùng ăn nữa.
Khi ăn xong, mắt 2 ông bà đã mở ra. Hai 2 ông bà đã nhìn thấy mình trần truồng, và đã biết xấu hổ, nên đã lấy các thứ lá cây, kết thành khố để che thân, rồi tìm một nơi kín đáo nhất, để ẩn núp, để khỏi phải thấy Thánh Nhan uy nghi của Thiên Chúa.
Chính do tội nguyên tổ này, mà những đau khổ và chết chóc, đã đột nhập vào thế gian, đã gây nên bao đau thương tang tóc cho nhân loại, trải qua mọi thời đại.
Rồi, tự sức riêng, con người không thể nào tự mình cứu lấy mình cho khỏi cái tội tầy trời này, nên Thiên Chúa mới ra tay, đã sai con một của Ngài xuống trần gian, để đền tội thay cho con người, để chuộc lại cái tội này. Khi làm người, Con Một này mang tên là Giêsu.
Từ câu chuyện kinh thánh đó, con rắn đã trở thành biểu tượng cho một thế lực đen tối, độc ác, mưu mô, hiểm độc, chuyên đánh lừa con người, chuyên gặt gẫm con người, chuyên mang lại bao tai ương tang tóc cho con nười, luôn mang lại bao thảm họa cho con người.
Từ đó, con rắn, đã đồng nghĩa với quỷ dữ, với Satan, với sự lừa dối, với sự bội bạc, với sự dối trá, với kẻ bị Chúa chúc dữ.
Còn theo các nhà nghiên cứu, thì rắn là động vật bò sát, thuộc bộ có vảy, và là một nhánh của nhóm thằn lằn, có thể biến đổi sắc thái, có thể thích nghi dễ dàng với mọi môi trường sinh sống.
Rắn di chuyển bằng bụng. Và nó có thể nuốt con mồi, có kích thước lớn hơn thân của nó.
Hiện nay, người ta tính, có đến trên ba ngàn loài rắn, được phân chia thành 2 nhánh khác nhau: Rắn độc và rắn không độc.
Những loại rắn thường nghe nói nhiều nhất ở Việt Nam, là Trăn, là rắn Mống, là rắn Da cóc, rắn Nước, rắn Biển, rắn Cát, rắn Rào, rắn Ráo, rắn Lục, rắn Râu, rắn Rồng, rắn Trung, rắn Lửa, rắn Hai đầu, rắn Hổ Mang, rắn Hổ Chúa, rắn Hổ Lửa, rắn Hổ Lác, rắn Hổ Hèo, rắn Hổ Hành, rắn Hổ Ngựa, rắn Hổ Sậy, rắn Hổ Mây, rắn Hổ Bướm, rắn Mái Gầm, rắn Chàm Quạp, rắn Bông Súng, rắn Sọc Dưa, rắn Bò Cạp, rắn Cạp Nong, rắn Cạp Nia, rắn Lá Khô, rắn Ngũ Xà, rắn Mãng Xà, rắn Hổ Trấu, rắn Ri Cốc, rắn Liu Điu, rắn Ri Voi, rắn Ri Cá, vv..
Rắn sống trên đất, trên cây, có khi sống ở đưới nước nữa.
Thức ăn của rắn là các loại thú: như chim, thằn lằn... Rắn biển thì ăn cá. Rắn nước ngọt thì ăn ếch nhái.
Thịt của rắn được kể là một món đặc sản cao cấp. Nhất là từ khi Nhà Nước Ban hành luật cấm chuyên chở các thú hoang dã, những thú rừng quí hiếm, thì rắn đã trở thành những món ăn đắc tiền tại các nhà hàng.
Da của rắn có thể trở thành những món trang sức khá đắc giá dành cho phụ nữ.
Nọc của rắn có khi rất đọc, nhưng lại cũng có thể làm thuốc trị được rất nhiều thứ bệnh.
Rắn sinh sản bằng trứng. Sau khi sanh, rắn gom trứng thành một đống, rồi ấp bằng cách, cuộn tròn mình lại, phủ mình lên trên.
Riêng rắn biển thì đẻ con. Rắn biển, cũng có tên là “đẻn”, cơ thể được cấu tạo đặc biệt, để sống trong nước.
Các thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng thường nói về rắn, như:
- “Len lét như rắn mùng năm”: là ám chỉ những ai đó, đã làm một điều gì không tốt, mà cứ tưởng là ai ai cũng đều hay, đều biết, nên lúc nào cũng sợ đỏ cả mặt.
Bởi theo phong tục dân gian Việt Nam, thì ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, là ngày giết sâu bọ. Vào ngày này, người ta thường làm cơm rượu, làm bánh trái, nấu xôi, nấu chè, bày hoa quả, để cúng tế, để tảy trừ sâu bọ. Sau đó là đi tìm rắn để giết, bởi rắn bị coi là loài sâu bọ gây ác hại cho con người. Nên rắn rất sợ ngày mồng 5 tháng 5.
- “Thẳng như rắn bò, lò dò như rắn mùng năm”: là ám chỉ đến một tính cách sống, của một con người.
- “Cõng rắn cắn gà nhà”: nhằm lên án những kẻ phản bội Tổ Quốc, vô liêm sỉ, quên mất cội nguồn, xem kẻ thù là bạn, rồi mang bạn về nhà, làm hại Tổ Quốc.
- “Vẽ rồng vẽ rắn”: là nhằm chế giễu những kẻ vô tích sự, đã chẳng làm nên chuyện gì, mà lại còn bày vẽ đủ trò cho lãng phí, vừa phí công, vừa phí sức, vừa phí thời gian, vừa phí tiền của, cuối cùng kết quả chẳng đâu ra đâu.
- “Vẽ rắn thêm chân”: là ám chỉ những kẻ hay đặt điều bịa chuyện, gian dối, hay thêm thắc, nói không bao giờ đúng sự thật.
- “Khẩu Phật tâm xà”: là ám chỉ những kẻ đạo đức giả, hay tráo trở, miệng thì nói đạo đức, nhưng lòng dạ thì hiểm độc vô chừng, luôn nhằm hãm hại người khác.
- “Hang hùm miệng rắn”: là ám chỉ nơi nguy hiểm, có thể chết người, cho nên đừng có bén mãng tới.
- “Miệng hùm, nọc rắn”: là ám chỉ những con người, mà miệng lưỡi rất ác độc, rất thâm hiểm, có thể giết người không cần gươm giáo.
Về chuyện con rắn, thì sử học Việt Nam có ghi lại một truyền thuyết, về con rắn báo oán, đã khiến cho Nguyễn Trãi phải bị tru di tam tộc, như sau:
"Cụ tổ ba đời của ông Nguyễn Trãi, có một khu vườn hoang gần nhà, trong đó có một ổ rắn, mà không ai hay biết.
Một hôm cụ bảo người nhà, ngày mai, mọi người nhớ mà lo thức dậy cho sớm, ra dọn khu vườn đó, để cụ chuẩn bị xây cất một ngôi nhà trong chính khu vườn đó.
Đêm hôm ấy, cụ nằm chiêm bao: thấy một người đàn bà, ôm đứa con nhỏ, đến khẩn khoản xin cụ hoãn lại việc dọn khu vườn ba ngày, để mẹ con bà kịp thời di chuyển đi nơi khác.
Sáng hôm sau, khi thức dậy, cụ được những người nhà cho biết, là đang khi dọn khu vườn, họ đã bắt được 2 con rắn nhỏ. Còn con rắn mẹ, họ đổi theo không kịp, nhưng cũng đã chặt được khúc đuôi của nó.
Nghe tin này, cụ liên tưởng đến giấc mơ. Cụ rất buồn và rất hối hận, bởi cụ đã không kịp thời ngăn chận một tội ác.
Thế rồi, tối hôm đó, đang khi ngồi đọc sách dưới ánh đèn dầu, thì cụ bỗng thấy có một giọt máu tươi, từ trên nóc nhà rơi xuống, ngay trên chính trang sách cụ đang đọc.
Khi mở những trang kế tiếp, thì thấy có đến 3 trang giấy bị thấm máu.
Cụ sợ quá. Bởi cụ hiểu ngay, đây là dấu không lành: Rồi đây, con rắn sẽ trở lại, báo oán nhà cụ, và sẽ báo oán cho đến ba đời.
Rồi sau này, đến thời Nguyễn Trãi, khi đi thi ở kinh thành, và đã đổ đạt trở về. Trên đường, Nguyễn Trãi có ghé qua phố Hàng Chiếu, bỗng ông trông thấy một người con gái, nhan sắc tuyệt trần, đang gánh chiếu đi bán.
Nàng không những đẹp ở dáng vóc, đẹp ở con người, mà lại còn rất giỏi văn chương, đối đáp thơ phú kinh sử rất chuẩn.
Bái phục trước tài năng phi thường và sắc đẹp tuyệt trần của người con gái, Nguyễn Trãi đã ngõ ý xin cưới cô nàng về làm vợ, để ngày đêm cận kề, mà đối họa thơ phú.
Rồi vào năm Nhâm Tuất (tức là năm 1442 theo công nguyên), khi Vua Lê Thái Tôn (con vua Lê Lợi), đi tuần du phương Đông, duyệt binh ở Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nguyễn Trãi lúc bấy giờ cũng đang an dưỡng tại Côn Sơn, bèn ra nghênh tiếp xa giá nhà vua, và cùng với nhà Vua đến viếng chùa Côn Sơn, vì ở đây, có ẩn am của Nguyễn Trãi.
Khi nhìn thấy vợ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ có nhan sắc, lại có biệt tài về văn chương, nên vua Lê Thái Tôn bèn phong cho nàng chức Lễ Nghi Học Sĩ, và cho nàng ngày đêm được hầu cận bên cạnh nhà vua.
Mùa đông năm đó, nhà vua xa giá về Trại Vải ở Lệ Chi Viên, thuộc xã Đại Lại, huyện Gia Định, nay là Gia Bình, bỗng nhà vua mắc bịnh, lên cơn sốt dữ dội.
Thị Lộ lo hầu hạ, và lo thuốc thang suốt ngày đêm.
Sau đó, nhà vua băng hà.
Các quan hốt hoảng, vội vã một cách bí mật, phụng giá đưa thi hài nhà vua về kinh thành.
Nửa đêm mới làm lễ phát tang.
Tất cả triều thần đều buộc tội cho Thị Lộ, là đã âm mưu giết nhà vua, nên đã lôi nàng ra công đình để giết.
Nhưng khi tới nơi hành quyết, thì nàng hóa thành con rắn, rồi biến mất.
Lúc bấy giờ, trong triều đình, có một quan võ, thuộc nhóm Lê Sát, thấy vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi, người đã dấy lên cuộc Khởi Nghĩa Lam Sơn), thường rất trọng dụng Nguyễn Trãi, nên sinh lòng ghen ghét, ganh tỵ đã từ lâu. Nay nhân cơ hội này, ông liền phán quyết: Chính Nguyễn Trãi mới là kẻ chủ mưu giết Vua.
Thế là các quan lại đều thuận ý, nên đã kết án tử hình Nguyễn Trãi với ánh lệnh tru di dòng tộc 3 đời, vì cái tội giết vua.
Cái án oan này, mãi đến 22 năm sau, vua Lê Thánh Tông mới xét lại, vì thấy có nhiều điều hàm hồ, oan ức cho một Đại Công Thần, có công khai quốc, liền hủy bỏ bản án trước kia, truy phục chức, và phục hồi danh dự cho Nguyễn Trãi. Đây là một vụ án lịch sử có thật, tên là Lệ Chi Viên.
Trở lại với Kinh thánh, chúng ta thấy: Tuy con rắn đã bò vào lịch sử của nhân loại, với những dấu vết không đẹp, như là loài bị Chúa Chúa dữ, bị đồng hoá với Satan, là thủ lãnh của quỉ dữ, chuyên xô đẩy con người xuống hố diệt vong, với những đức tính xấu xa, như xảo quyệt, hiểm độc, báo thù.
Nhưng cũng với Kinh Thánh, con rắn lại cũng có nhiều nét rất tốt, đã trở thành mẫu mực cho các môn đệ Chúa về một cách sống, và cũng tượng trưng cho uy quyền cứu độ.
Chẳng hạn: Phúc âm theo thánh Matthêu, đoạn 10, câu 16 có ghi lại câu nói của Chúa Giêsu, dạy các môn đệ mình như sau:
“Anh em hãy ăn ở khôn ngoan như con rắn”.
Rồi chẳng hạn trong sách Xuất Hành, từ đoạn 3 đến đoạn 7, có ghi lại câu chuyện Con rắn như sau:
Lúc bấy giờ, dân Do Thái, đang phải chịu cảnh nô lệ thật tồi tệ ở Đất Ai cập, đã hàng trăm năm rồi.
Trong cảnh cùng cực thê thảm đó, dân Do Thái đã ngước mắt lên kêu cầu đến Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã nhậm lời họ. Chúa đã chọn ông Môsê, và sai ông đến với đến với Pharaô (vua nước Ai Cập), để xin vua trả tự do cho Dân tộc Do Thái của ông.
Ông Môsê đến nói với nhà Vua:
“Thiên Chúa phán như thế này: Hãy thả dân Ta ra, để chúng đi mở lễ mừng kính Ta trong sa mạc”.
Vua Pharaô trả lời:
“Thiên Chúa của các ông là ai, mà lại khiến Ta phải thả các ông đi? Ta không biết Thiên Chúa nào hết. Ta cũng chẳng thả cho các ông đi đâu hết. Hãy tiếp tục làm các công việc của các ông đi”.
Và để cho nhà vua tin, là ông được Thiên Chúa sai phái tới, Ông Môsê đã làm phép lạ đầu tiên trước mặt vua:
Ông ném cây gậy đang cầm ở tay xuống đất. Bỗng cây gậy trở thành con rắn to.
Nhưng Pharaô cũng lại triệu hồi các hiền sĩ, các pháp sư và các thầy phù thủy đến, họ cũng làm được y như vậy: Họ ném cây gậy của họ xuống đất. Gậy của họ cũng biến thành rắn. Chỉ có khác, là con rắn của Môsê đã đến nuốt sạch tất cả những con rắn của họ.
Tuy thấy thế, nhưng vua Pharaô cũng vẫn cứng lòng, vẫn không tin Thiên Chúa của Môsê. Nhưng dù sao, con rắn cũng đã được Thiên Chúa dùng, để biểu dương quyền năng của Thiên Chúa.
Rồi trong Kinh Thánh, ở sách Dân số đoạn 21, có đề cập đến chuyện con rắn đồng như sau:
Trong cuộc hành trình tiến về Đất Chúa Hứa, Chúa dẫn dân Do Thái không đi qua con đường tắt, mà lại dẫn họ đi qua con đường vòng, từ núi Hebron, vượt qua biển Đỏ, tránh không qua vùng Eđom, để tránh những cuộc chiến đấu không cần thiết. Bởi sợ, khi mới bắt đầu cuộc hành trình, mà gặp khó, gặp khổ, phải đối mặt với chết chóc do chiến tranh, dân chúng đâm ra nản lòng, sẽ rủn chí, rồi quay đầu trở về Đất Ai Cập.
Nhưng con đường vòng này, thì lại quá dài, quá xa, nên dân Do Thái đã mất hết kiên nhẫn. Họ bắt đầu có những lời kêu trách Thiên Chúa và nói xúc phạm đến ông Môsê.
Thế là Chúa đã qui tụ rắn lửa từ khắp các nơi, kéo về các lều trại dân Do Thái, rồi cắn chết rất nhiều người, khiến họ khiếp sợ.
Thế là dân chúng kéo nhau đến năn nỉ van xin ông Môsê:
“Chúng tôi đã có tội, đã xúc phạm đến Chúa và đến ông. Xin ông hãy cầu cùng Chúa, cứu chúng tôi, và xua đuổi rắn ra khỏi chúng tôi”.
Ông Môsê đã khẩn cầu cùng Chúa. Và Chúa đã dạy Môsê như sau:
“Hãy làm một con rắn đồng, rồi treo lên một cây cột trụ thật cao, để tất cả những ai bị rắn cắn, mà nhìn lên con rắn đồng đó, thì họ sẽ được cứu sống”.
Thế là dân Do thái đã được thoát nạn, nhờ con rắn đồng đó.
Dấu hiệu của “con rắn chữa trị” hay “con rắn leo cây” của Kinh Thánh, vẫn được các lương y thời cổ Hy Lạp, và cả ngành Y Dược thế giới hiện nay, tiếp tục chọn, làm biểu tượng cho ngành Thầy Thuốc của mình.
Rồi khi Thiên Chúa ra tay, tìm cách cứu độ con người khỏi tội nguyên tổ, khỏi hố diệt vong, thì con rắn đã mang một bộ mặt mới, mang một ý nghĩa mới.
Chính thánh Gioan trong cuốn Tin Mừng mang tên Ngài, đoạn 3 câu 14, có ghi lại lời Chúa Giêsu nói như sau:
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong Sa mạc thế nào, thì Con Người đây, cũng sẽ được giương cao lên như vậy, để những ai tin vào Người Con này, cũng sẽ được sống muôn đời”.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy con hãy sống khôn ngoan như con rắn, nhưng Chúa cũng dạy con hãy sống hiền lành như chim bồ câu. Nghĩa là sự khôn ngoan của con trong năm mới này, phải định hướng sao cho thật rõ ràng, sao cho thật chính xác nhất, để biết đâu là điều quan trọng nhất, để biết đâu là điều cần thiết nhất, để lựa chọn điều đúng nhất, để con còn lo tập trung đầu tư thời gian, tiền bạc, của cải, công sức, tài năng vào đó, để đầu tư cho phần rỗi đời đời của con.
Xin Chúa soi sáng cho con. Xin Chúa giúp con lựa chon. Xin Chúa chúc lành cho con, và xin Chúa cũng chúc lành cho mọi công ăn việc làm của con trong năm mới này, được thuận lợi, và được tiến triển một cách tốt đẹp. Amen.