CHUYỆN TÔI ĐI LỄ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 264

Thứ hai - 14/03/2022 10:30
CHUYỆN TÔI ĐI LỄ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 264
CHUYỆN TÔI ĐI LỄ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 264
CHUYỆN TÔI ĐI LỄ 
 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 264)
-------------------------------------

Bạn thân mến,

Đối với tôi ngày nay, việc được đến nhà thờ để tham dự Thánh Lễ, quả là một Hồng Ân vô cùng quí giá, do chính Chúa thương ban một cách đặc biệt, nên tôi mới có được như hôm nay.

Nhất là hoàn cảnh của tôi, không được may mắn sinh ra trong một gia đình có đạo, cho nên, tôi không có được diễm phúc biết Chúa khi còn nhỏ.

Rồi, khi do công việc làm ăn, ông bà ngoại tôi phải di chuyển đến một làng quê khác để kiếm sống, tôi lại phải đi theo.

Nơi đây, tôi có dịp làm quen với một vài người bạn Công Giáo. Nhưng phải nói thật, là số người Công Giáo ở đây, có thể đếm chưa đủ trên các đầu ngón tay. Cho nên cho đến bây giờ, ở đây vẫn chưa có nhà thờ.

Năm học cấp 2, tôi phải di chuyển lên trường Huyện để học. Bởi làng quê của tôi quá nhỏ bé, nên chỉ có trường tiểu học mà thôi.

Để có nơi ăn chốn ở ở huyện, ông ngoại tôi phải đích thân, dẫn tôi đến gởi ở trọ, trong nhà người em ruột của ngoại.

Em của ngoại tôi là một bà già, nhỏ hơn ngoại tôi 2 tuổi, nhưng trông bà có vẻ đạo mạo, và già hơn ngoại tôi nhiều.

Bà theo đạo Phật. Bà cạo đầu. Áo bà mặc chỉ có một màu vàng, giống như các Nicô. Nhưng bà chỉ tu tại gia thôi. Bà ăn chay trường. Sáng tối bà tụng kinh gõ mõ thật lớn.

Giữa nhà có một bàn thờ Phật, rất trang trọng, và rất uy nghi.

Nhưng cũng trong chính cái ngôi nhà này, người con gái của bà, mà tôi gọi là Dì Sáu, thì lại theo đạo Chúa.

Tuy là người theo đạo chồng, nhưng Dì tôi rất sùng đạo Chúa, như bà mẹ của Dì, rất sùng đạo Phật.

Chúa Nhật nào Dì cũng thức dậy thật sớm để đi lễ.

Có khi, Dì đi lễ cả ngày thường nữa.

Thứ bảy nào, Dì cũng nhớ mua hoa dâng kính Đức Mẹ.

Dì tôi cũng thường rủ tôi đi lễ. Và thường, là tôi đồng ý.

*****

Về câu chuyện đi lễ, thì tôi xin được phép kể lại đại khái như thế nầy:

Khởi đầu, tôi đi lễ, là vì nể nang, là vì lịch sự đối với lời mời của Dì, mà cũng vì sự tò mò nữa. Tôi muốn đi cho biết. Phải nói, tuy tôi chưa phải là người có đạo, nhưng tôi đã có dịp đi lễ khá nhiều.

Tôi vẫn còn nhớ như in, về kỷ niệm của buổi đầu tiên, tôi được theo Dì đi lễ, đó là vào năm tôi học lớp 6:

Lần đầu tiên, khi đặt chân bước vào nhà thờ, một thoáng cảm giác đã làm cho tôi sợ hãi đôi chút.

Bởi, khi nhìn lên cao, ở phía trước mặt, tôi thấy ngay một hình ảnh rất ấn tượng, đập vào mắt tôi.

Tôi chú ý đến một người đàn ông, thân hình rất tiều tuỵ, mình đầy thương tích máu me, đang bị treo lơ lửng trên thập giá.

Ông ốm yếu, đến nỗi xương lòi ra.

Ông chẳng có đủ quần áo để mặc.

Cái chết của ông, sao mà mà thê thảm quá, sao mà đớn đau quá, sao mà nhục nhã quá.

Nhưng cũng chính cái hình ảnh này, đã khiến tôi bị xúc động vô chừng!

Ngay lần đầu tiên tôi gặp "Ông nầy", tôi đã có cảm tình ngay. Tôi có cảm tưởng là như mình đã quen, đã thân ông từ lâu lắm rồi!

Bởi, với trí óc ngây thơ của tôi lúc bấy giờ, cộng thêm những tưởng tượng của một đứa trẻ, lại vốn có bầu tâm sự thật nặng nề, nên tôi có nhiều suy nghĩ thật miên mang mông lung:

“Ông này” sao giống mình đến thế! Mình mất cha mất mẹ từ hồi nhỏ, khi chưa có trí khôn.

Đang khi đó thì các bạn, ai cũng có có đủ cha, đủ mẹ.

Tuy mình có ông bà Ngoại, nhưng bà Ngoại lại là Ngoại ghẻ.

Và buồn nhất là khi đi đâu, hay khi gặp bất cứ ai, những người lớn đều trêu chọc:

“Mày xấu xí quá, ốm nhom ốm nhách thấy mà ghê, nên cha mẹ mày mới bỏ, mới không chịu nuôi mày. Đây là nỗi ám ảnh triền miên, rất mặc cảm, mà không bao giờ nguôi ngoai được.

Nhưng khi nhìn lên “Ông này”, tôi lại được an ủi nhiều, bởi tôi thấy “Ông này” cũng giống như tôi. 

Chắc tại "Ông nầy" xấu xí quá, ốm nhom ốm nhách, nên ba má "Ổng" mới không thương, mới bỏ mặc ông, để cho “Ổng” rách rưới tồi tệ đến như vậy!

"Ổng" lại bị người ta ức hiếp, bị người ta hành hạ, đến nỗi mình đầy thương tích máu me, đến nỗi phải chết đau thương như vậy, mà ba má ổng không có hay, anh chị em Ổng cũng không có ai biết, để đến giải cứu cho Ổng, hoặc để mang xác Ổng về.

Tôi thấy "tội nghiệp" cho Ổng quá.

Tôi thương cho Ổng quá.

Rồi càng suy nghĩ thêm, tôi lại càng thấy mình sao rất gần gũi với Ổng.

Nhìn Ổng bị đóng đinh trên 2 thanh gỗ, mình mảy máu me bầm tím. Tôi lại liên tưởng đến lần, tôi bị vấp mấy thanh gỗ của cái cầu, mắc qua con mương, trong vườn của ngoại tôi.

Tôi đã bị té ngã xuống nước. Tôi suýt chết đuối, mà cả nhà đâu có ai hay, đâu có ai biết để cứu tôi.

Tôi bị uống nước khá nhiều, mà nước trong mương, nào có sạch sẽ gì. Nghĩ đến thôi, là tôi đã rùng mình.

Mà đâu chỉ có thế.

Sau khi cố trường tới, cố bươn tới, cố bơi, cố lội, mãi mới lên bờ được. Mà nào tôi có biết bơi, biết lội hồi nào đâu. May mà cái mương không sâu lắm, cũng không lớn lắm. Tôi vội vàng chạy vào nhà, qua lối bếp, để đừng có ai thấy, kẻo sợ bị đòn thêm.

Sau khi thay đồ, tôi mới thấy: Khắp cả mình mảy bầm tím. Cả thân mình đều ê ẩm, di chuyển đi lại rất là khó, bởi chỗ nào cũng đau, nhưng tôi cố làm tỉnh, để đừng có ai biết. Bởi nếu có ai biết, là rắc rối ngay.

Khi nhìn lên Ông này, tôi nhớ lại chuyện xưa nên tôi đã khóc. Tôi thương Ông này vô chừng! Tôi đã thật sự xúc động. Tôi đã nói với Ông:

Con thấy Ông cũng rất giống con!
Con thương ông nhiều lắm.
Hổng biết, Ông có thương con không.
Con hứa: Nếu sau này lớn lên, khi con có điều kiện, con sẽ học đạo của Ông, con sẽ theo đạo của Ông, để con có thể an ủi Ông, để Ông đỡ phải đau khổ.


Khi đến tuổi lập gia đình, tôi quen biết một người có đạo. Tôi học đạo. Tôi được vào đạo Chúa. Và mỗi Chúa Nhật tôi lại được theo chồng đi lễ.

Chồng tôi chỉ đi lễ Chúa Nhật thôi. Và cũng có khi đi thêm lễ Giáng Sinh nữa.

Còn thỉnh thoảng có ai mời đi lễ cưới, hoặc đi lễ an táng, thì ảnh mới đi lễ thêm nữa.

Vậy là tôi cũng đi lễ, theo đúng số lần mà chồng tôi đã đi, và cũng có thể là ít hơn. Bởi tôi là người đạo theo, cho nên tôi chỉ biết đi lễ theo! Chứ tôi chưa có ý thức, là tôi đi lễ cho mình!

Tuy những kỷ niệm của buổi đi lễ đầu tiên, đã làm cho tôi yêu Chúa nhiều. Dấu ấn này vẫn không phai, và không bao giờ tôi quên.

Nhưng yêu Chúa thì có, mà yêu Thánh Lễ thì chưa!!!

Lúc tôi vào cuộc đời làm mẹ, thì tôi mới cảm nghiệm được tình mẹ thương con.

Rồi, vì bao nỗi bất an, lo lắng khi con đau yếu, cộng thêm bao vấn đề lo âu trong cuộc sống, mà với bàn tay, khối óc của con người, tôi đành bó tay.

Tôi cảm thấy mình thật sự là bất lực trước những bon chen của cuộc sống.

Tôi mới bắt đầu tự mình đi lễ thêm vào các ngày thường, để xin Chúa giúp cho những hoàn cảnh bó tay đó.

Nhưng, cũng chỉ thỉnh thoảng thôi.

Và cũng chỉ khi nào cần Chúa ban ơn giúp đỡ thôi.

*****

Rồi sau ngày 30-4-1975, một biến cố thật bất ngờ, tôi được ba má từ Hà Nội vào thăm. Nghe ba má giải thích ngọn nguồn, tỏ tường mọi lý do, tại sao khiến cho ba mẹ phải gửi tôi ở lại miền Nam cho ông bà ngoại.

Bởi lúc bấy giờ, ba mẹ phải theo đoàn đi tập kết ra Bắc, phải đi đường biển, mà tôi thì vừa mới qua được trận ốm đau dai dẳng, đến thừa chết thiếu sống, nên ba mẹ không dám mang tôi theo, sợ tôi chết dọc đường.

Ôi, những lời giải thích đó, đã giúp tôi vui mừng phấn khởi biết chừng nào.

Nhất là được gặp lại ba mẹ, sau bao năm xa cách.

Tôi cứ tưởng, là ba mẹ tôi đã chết rồi. Bởi những người chung quanh tôi, chẳng ai nói gì về ba mẹ tôi.

Nay, tôi không còn tủi thân nữa, và cũng không còn  nghĩ sai về ba mẹ tôi nữa.

*****

Nhưng phải công nhận, đây chính là công việc của Chúa Quan phòng sắp xếp an bài, để tôi được ở lại với ngoại, để tôi có dịp đến nhà thờ, để tôi có dịp làm quen với ông xã tôi, để tôi có dịp học đạo, để tôi được biết Chúa, để tôi được vào được vào đạo Chúa, được yêu Chúa, và được ơn tái sinh làm con cái Chúa.

Đây là một ơn huệ lớn lao vô chừng, mà Chúa đã ưu ái dành riêng cho tôi. Tôi cám ơn Người.

Và một khi đã hiểu, đây là một ơn huệ do Chúa ưu ái thương ban, cho nên tôi có bổn phận, phải lo tranh thủ mà đi lễ nhiều hơn vào các ngày thường, vừa để tạ ơn Chúa đã yêu thương tôi, vừa để an ủi Chúa, nhất là ngày nay, vào các ngày thường, người ta đi lễ thưa thớt lắm. Có thể là do công việc làm ăn. Nhưng cũng có thể, là do người ta không trân trọng Chúa đủ, nên người ta dành thời gian cho những việc ở đâu đâu, còn đến với Chúa, thì họ không còn thời gian nữa. Do đó, tôi muốn đi lễ nhiều hơn, để an ủi Chúa, kẻo sợ Chúa buồn.

Ngoài ra, còn có một lý do khác nữa, khiến cho tôi yêu thích việc đi lễ, bởi đây là nguồn bình an, mà tôi đã cảm nhận được sau mỗi Thánh Lễ, nhất là những lúc tôi có vấn đề buồn sầu, lo nghĩ, bế tắc trong cuộc sống.

Rồi mỗi khi lên rước Chúa, tôi lại cảm thấy ấm lòng hơn, và được an ủi rất nhiều. Bởi Thiên Chúa đã đích thân đến với tôi, để an ủi tôi, để nâng đỡ chia sẻ hoàn cảnh bế tắc này của tôi.

Quả thật, tôi được an ủi rất nhiều.

Đây, cũng chính là lúc mà tôi bắt đầu yêu mến Thánh Lễ, và yêu mến Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh.

Và rồi, thỉnh thoảng tôi được ông xã chiều ý mà đi lễ ngày thường với tôi. Tôi cảm thấy vui mừng và hạnh phúc vô chừng.

Tôi đã hết lời tạ ơn Chúa.

Tôi quyết tiếp tục cầu nguyện, để một ngày nào đó, ông xã tôi cũng sẽ cảm nghiệm được ơn Chúa qua việc đi lễ và rước lễ, sẽ cũng với tôi đi lễ mỗi ngày.

*****

Riêng đối với tôi hôm nay, việc đi lễ đã không còn là đi theo nữa, mà là đi lễ cho riêng mình.

Tôi coi việc đi lễ cũng chính là đi học:

Học để biết Chúa hơn.
Học để biết chính mình.


Biết Chúa, để tình tôi yêu Chúa được thiết tha hơn, được nồng nhiệt hơn, được bền bỉ hơn.

Biết mình, để tôi biết khiêm tốn hơn, khi sống với chồng, khi sống với con, khi sống với những người chung quanh.

Và cũng nhờ Lời Chúa nhắc nhở hằng ngày trong thánh lễ, hay trong các kinh đọc, tôi sẽ có nhiều cơ may để chỉnh sửa lại những thiếu sót lỗi lầm của tôi.

Tôi luôn khắc ghi lời Chúa đã nói:

"Người ta sống không nguyên bởi bánh,
nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Matthêu 4,4).


Và rồi kinh nghiệm cho tôi thấy:

Bao tài năng, bao công sức, bao của cải, kể cả sự nghiệp, mà tôi đã dày công xây dựng tích luỹ trong mấy chục năm qua, nó vẫn bấp bênh, nó vẫn không mang lại cho tôi sự ổn định, nó vẫn không mang lại cho tôi bình an, nó vẫn không mang lại cho tôi hạnh phúc, như tôi lòng tôi vẫn hằng mong ước.

Rồi, nếu nghĩ sâu hơn xa hơn về lúc kết thúc cuộc đời, tôi sẽ ra đi cũng chỉ với 2 bàn tay trắng.

Trước Toà Phán xét, Chúa sẽ hỏi tôi nhiều thứ, nhiều chuyện lắm, bởi, đó là lúc tôi phải tường trình và báo cáo về cuộc sống của tôi.

Nhưng coi chừng, những thứ Chúa hỏi, toàn là những thứ tôi không hề có chuẩn bị.

Bởi lâu nay, tôi chỉ có giờ lo làm những cái tôi cần, chứ tôi đâu có giờ lo làm những cái Chúa cần.

Mà nếu như vậy, thì những giây phút Chúa phán xét đó, sẽ là những giây phút kinh hoàng và hải hùng cho tôi biết chừng nào, bởi tôi không có chuẩn bị trước.

Cho nên ngay từ bây giờ, tôi quyết cố gắng sắp xếp thời gian, để có thể đi lễ nhiều hơn, để cho lời Chúa có thể nhắc nhở tôi nhiều hơn, để tôi có thể sửa đổi nhiều hơn, để tôi chuẩn bị kỷ hơn cho ngày trình diện trước toà Chúa, khi tôi kết thúc những ngày sống ở trần gian này.

Và đây là điều tôi hằng ao ước, tôi kiên tâm cầu xin cho ông xã của tôi, một ngày kia, sẽ  cùng với tôi đi lễ mỗi ngày, nhất là trong những ngày xế bóng này, vừa để xin được ơn biến đổi, vừa để đền tội, vừa để lo tích lũy những công đức cho mình mai sau, vừa để cho việc tôi đi lễ hằng ngày đỡ cô đơn, vừa cũng để tránh đi cái cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Lạy Chúa, xin ban ơn cho con được yêu mến Chúa nhiều hơn nữa, biết yêu mến thánh lễ, và nhất là biết cố gắng đi tham dự thánh lễ nhiều hơn nữa, bởi đây là nguồn mạch sự sống đời đời cho con, ở đời này và đời sau. Amen

-------------------
Mời nghe: https://www.youtube.com/watch?v=y4Y3T5glMQo&t=8s
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây