ĐÔI CHIẾC XE LĂN VƯỢT LÊN SỐ PHẬN (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 269) ------------------------------------- Bạn thân mến,
Có một phụ nữ tật nguyền, lặn lội từ Nghệ An vào TP. Hồ Chí Minh để kiếm sống.
Người phụ nữ tật nguyền này lại gặp một người đàn ông mất một chân, không nơi nương tựa.
Họ đã tìm đến nhau trong niềm hạnh phúc muộn màng, và cùng nhau xây dựng một mái ấm yêu thương. Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng Vũ Văn Tỵ và Lê Thị Thế, được đăng trên báo Tuổi Trẻ Online, rất đáng cho chúng ta trân trọng và bái phục.
Hằng ngày, từ lúc 4 giờ sáng, hai ông bà lục tục thức dậy, chuẩn bị đồ đạc, rồi dìu nhau xuống cầu thang gỗ, mỗi người một chiếc xe lăn, đi bán vé số, cho đến tối mịt mới về.
Khi Thành Phố chìm vào giấc ngủ, thì cũng là lúc 2 OB. trở về nhà, sau một ngày rong rủi trên khắp các đường phố. Đó cũng là lúc căn gác nhỏ bé của họ, nằm trên một con hẽm ngoằn ngèo, trên đường Chiến Thắng, lại sáng lên ánh đèn dầu và vang lên những tiếng cười rộn rã.
Khi được hỏi về đời tư, thì bà Thế kể như sau:
Hồi lúc 6 tháng tuổi, bà bị một cơn sốt nóng dữ dội. Cơn sốt này đã làm cho bà liệt đi nửa người. Đôi chân bà thì càng ngày càng teo tóp lại, rồi liệt hẳn.
Lớn lên, ý thức mình là người khuyết tật, bà buồn lắm, nhưng cũng rán vượt lên số phận.
Từ đó, bà cố gắng lết đi bằng nữa thân mình còn lại, để mưu sống cùng với mẹ già, bằng cách cào xới mãnh đất vườn, chung quanh nhà, để kiếm ăn, đắp đổi qua ngày.
Khi đã đến tuổi 30 rồi, mà không thấy có một người đàn ông nào tìm đến với bà, bà bèn xin một đứa con, để cho căn nhà bớt phần tẻ lạnh.
Niềm vui chưa trọn vẹn, thì kinh tế gia đình bắt đầu gặp khó khăn:
Bà mẹ thì mỗi ngày một già yếu đi, không lao động được như trước nữa. Mâm cơm gia đình đã thêm miệng ăn, mà hiệu quả lao động của gia đình thì lại giảm.
Đã thế, đứa bé lại đã đến tuổi đi học.
Năm đứa con lên 7 tuổi, bà đã gởi đứa con lại cho bà ngoại, để vào miền nam kiếm sống. Bà bắt đầu lại từ đầu, bằng công việc bán vé số.
Rồi bà đã gặp ông Tỵ, và đã nên duyên với ông từ đó.
Còn ông Tỵ thì tâm sự như sau:
Trong một lần chạy bom trong chiến tranh vào năm 1974, ông bị mất đi một chân trái.
Trước khi gặp bà Thế, ông cũng đã lập gia đình. Cuộc sống khuyết tật đầy khó khăn, cho nên vợ ông đã đâm đơn ly dị. Ông chán nản, bỏ quê, lên Saigon để kiếm sống.
Ông đã trở thành người vô gia cư, không có nhà để trú chân, không có gia đình để nương tựa.
Ngày ngày phải chống nạn, khập khiễng đi qua các con đường để bán vé số mưu sinh.
Đêm đêm thì lang thang tìm gốc cây, hay băng đá công viên, hay các gầm cầu để trú trọ.
Dù trời khô ráo hay mưa gió, dù mùa hè nóng bức hay mùa đông lạnh lẽo giá rét, đối với ông không có vấn đề gì. Bởi ông đâu có cách nào khác để lựa chọn. Có khi lại bị kẻ này người nọ xua đuổi, vì những người có tiền, có của, đã không muốn cho mái hiên hay cổng nhà của họ bị phiền hà.
Rồi một hôm, ông gặp bà Thế, 2 con người tật nguyền, bất hạnh. Họ cảm thông trước hoàn cảnh của nhau, và muốn nương tựa vào nhau trong những lúc đau ốm.
Tuy phải lao động thật vất vả, để kiếm sống một cách rất cực khổ, nhưng 2 OB cũng vẫn không đủ tiền để thuê một căn hộ dưới đất, để cho việc di chuyển đi lại đỡ phải vất vả hơn. 2 OB đành phải chấp nhận thuê một căn gác.
Dầu vậy, 2 OB cũng đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi, với cái hạnh phúc đang có.
Bà Thế tâm sự:
Nay đã có ông Tỵ làm chân cho tôi rồi, nên tôi đâu có còn mong gì hơn nữa.
Còn ông Tỵ thì tâm sự: Trải qua bao nhiêu mất mát, giờ đây, tôi mới thật sự trân trọng cái hạnh phúc tôi đang có.
Người ta thường nghĩ: Tiền bạc là có thể mua được tất cả. Nhưng người ta lại quên, có một thứ không thể nào mua được bằng tiền bạc, đó là tình yêu và hạnh phúc.
Rõ ràng, 2 OB đã cảm thấy rất hạnh phúc, cho dù phải sống trong cái cảnh rất khó nghèo.
Căn gác nhỏ bé, vỏn vẹn chỉ có khoảng 8m2, nằm trong một con hẻm, ngoằn ngèo, thật sâu, không đèn điện, không tiện nghi, trong khu ổ chuột rất nghèo, ở ngoại ô TP.
Vậy mà, nó đã trở thành một tổ ấm cho 2 OB, vì nơi đây luôn luôn có đầy ấp tình yêu thương.
Điều gì đã làm nên điều kỳ diệu đó?
Thưa, đó chính là Tình Yêu.
Hạnh phúc, chính là yêu và được yêu. Cuộc sống của họ, vẫn luôn đầy ấp những khó khăn, vì bệnh, vì khuyết tật, vì nghèo, vì no đói rất thất thường.
Mới đây, nhiều chứng bệnh lâu năm của của ông Tỵ lại tái phát.
Vì yêu thương chồng, mà bà Thế lại phải bỏ hết mọi công việc, lo vay mượn tiền của kẻ này người nọ, để chữa trị cho chồng.
Mà hoàn cảnh bi đát như thế này, thì nào có mấy ai dám cho vay mượn. Phải có cái tâm đạo đức lắm, thì người ta mới dám liều mạng.
Việc vay mượn tiền đã là khó, nhưng việc chăm sóc nuôi bệnh đối bà Thế, lại càng khó khăn hơn, bởi đôi chân tật nguyền, bởi thân thể bại liệt. Bà phải lết lên lết xuống, qua mấy chục bậc thang của nhà thương, để mua cho chồng từng viên thuốc, bưng cho chồng từng bát cháo, cho đến ngày ông Tỵ bình phục.
Với tấm lòng yêu thương vợ hết mình, và cũng để bày tỏ lòng biết ơn đối với người vợ, đã hết mình tận tụy hy sinh cho mình, nên vừa khi sức khỏe được hồi phục, ông Tỵ lại cố gắng đi làm ngay, để san sẻ gánh nặng kinh tế gia đình với người vợ yêu quí.
Ông nói: Được san sẻ những khó khăn với vợ trong cuộc sống gia đình, thì đó là một hạnh phúc.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có bài hát:
“Ngày sau, sỏi đá cũng cần có nhau”.
Và cứ như thế, họ bước qua những nỗi vất vả khó nhọc của cuộc đời, trong tình yêu và hạnh phúc.
Hằng đêm, nếu có dịp đi ngang qua con đường, cạnh đường rày xe lửa ở đường Chiến Thắng, thì ai ai cũng có thể thấy 2 chiếc xe lăn đặt sát vào nhau, được cẩn thận khóa vào thanh sắt của hàng rào, bằng một sợi dây xích.
Dù ngày nắng, hay ngày mưa, đôi chiếc xe lăn vẫn được khóa ở đó, bên cạnh nhau vào các buổi tối.
Sáng sớm, 2 OB lại cùng nhau đi trên chiếc xe lăn ấy, phân chia nhau, rảo qua các nẻo đường, đi qua các phố chợ. Tối đến, căn nhà nhỏ của 2 OB lại sáng đèn lên, rộn ràng tiếng nói, tiếng cười.
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, vì cuộc sống vẫn còn những chuyện tình đẹp, như chuyện cổ tích giữa đời thường.
*****
Kinh Thánh đã không mô tả cách cụ thể cuộc sống của 2 thánh Gioakim và Anna, mà chúng con kính nhớ hôm nay (26/7).
Nhưng chúng con tin rằng, các Ngài cũng đã rất yêu thương nhau. Và Đức Maria, chính là hoa trái tình yêu ngọt ngào của các Ngài, và cũng là kết tinh hoàn hảo của một tình yêu trong Thiên Chúa.
Xin hai thánh song thân của Đức Maria, cầu bầu cùng Chúa, cho những ai đang sống đời sống hôn nhân, biết để Chúa ngự trị trong gia đình mình, và biết yêu thương kính trọng nhau, vì “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”. Amen.