(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 258) ------------------------------------- Bạn thân mến,
Tại nhà thờ chính tòa miền Ba-vi-e (Bavière), thuộc Tây Đức, có một tượng thánh giá rất nổi tiếng, được chạm trổ rất công phu từ thế kỷ thứ 14.
Khách hành hương đến đây hàng năm rất đông.
Tượng thánh giá này nổi tiếng, không phải chỉ vì tượng đã được chạm trổ rất công phu, rất có nghệ thuật, và trông rất đẹp.
Nhưng tượng này còn được nổi tiếng, là vì tượng thánh giá này trông rất lạ mắt, không giống như bất cứ tượng thánh giá nào khác, mà người ta vẫn thường trông thấy.
Bởi 2 cánh tay của tượng Chúa chịu đóng đinh, đã không có dính trên lỗ đinh nữa, mà lại được buông thỏng xuống, và vòng ra phía trước, như là đang ôm lấy một con người nào đó.
Nhất là khi nghe nhiều người kể đi kể lại câu chuyện khá ly kỳ về cây thánh giá này, đã làm cho nhiều người chú ý, đã gợi lên sự tò mò hiếu kỳ cho biết bao nhiêu người, và đã khiến cho nhiều người đã tìm đến đây, để quan sát tận nơi, để trông thấy tận mắt.
Người ta kể lại rằng:
Xưa kia tại nơi đây, có một người đàn ông, không biết từ đâu đến, đã quì gối cầu nguyện rất thống thiết dưới chân thánh giá này.
Ông cầu nguyện thật lâu giờ.
Ông cầu nguyện rất sốt sắng.
Ông hết lòng ăn năn sám hối về các tội ông đã phạm, để hy vọng sẽ được Chúa tha thứ hết mọi tội lỗi cho ông.
Nhưng, rồi bỗng nhiên, một tư tưởng ngờ vực đã làm cho ông nản lòng, thất vọng, đã làm cho ông mất hết niềm hy vọng, mất hết lòng trông cậy vào Chúa.
Tư tưởng đó là:
Tội của tôi lớn như vậy, tội của tôi nhiều như vậy, thì làm sao Chúa có thể tha thứ hết cho tôi được.
Và, ông đâm ra chán chường thất vọng thật sự.
Ông buồn bả đứng lên, quyết định trở về nhà, và chấp nhận trở về con đường cũ. Phó mặc cho cuộc đời trôi nổi. Phó mặc cho số mệnh.
Thế nhưng, khi chưa kịp quay lưng bước đi, thì bỗng từ trên cây thánh giá, Chúa đã buông thỏng đôi tay xuống, ghì ông lại, và ôm chầm lấy đôi vai của ông, trong vòng tay âu yếm của Chúa, làm cho ông không thể nào nhúc nhích được nữa.
Ông run rẩy. Mặt ông xanh mét. Ông hốt hoảng. Ông khiếp vía. Gọng rung rung. Ông liên hồi xin lỗi Chúa. Ông liên hồi nói với Chúa:
“Lạy Chúa, con tin Chúa. Con không còn dám nghi ngờ lòng thương xót của Chúa nữa đâu. Xin Chúa hãy tha thứ cho con. Xin Chúa hãy tha thứ tất cả mọi tội lỗi của con. Ông quá xúc động. Ông đã khóc, và khóc thật nhiều, vì cái nghĩa cử quá cao đẹp, mà Chúa đã dành riêng cho ông”.
Khi qua cơn xúc động, cũng là lúc đôi tay của Chúa buông ông ra.
Ông đã bình tĩnh trở lại. Ông quyết tâm ở lại đây suốt đời để phục ảnh thánh Chúa. Bởi ông đã thấy Chúa quá tốt đối với ông. Ông đã cảm nghiệm được tình thương của Chúa thật hải hà, lòng khoan dung của Chúa thật bao la. Ông đã cảm thấy yêu mến Chúa vô chừng.
Thế nhưng, sau sự kiện đó, nghĩa là sau khi đôi tay Chúa đã buông thả ông ta ra, thì người ta thấy đôi tay của Chúa vẫn tiếp tục giữ y nguyên như thế cho đến ngày hôm nay, như là Chúa muốn cho mọi người thấy và hiểu cho rằng, lòng thương xót của Chúa thì vô biên, sự tha thứ của Chúa thì không có giới hạn, đối với bất cứ ai chạy đến với Chúa. Chúa sẽ không phân biệt một ai đâu. Chúa không hề loại trừ một người nào đâu. Do đó, đừng có ai nghi nan về lòng thương xót của Chúa nữa.
*****
Bạn thân mến,
Trong suốt cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, chúng ta đã từng thấy Chúa Giêsu bày tỏ tấm lòng yêu thương của Chúa đối với con người rất nhiều lần, và bằng rất nhiều cách khác nhau:
- Nào là, Chúa đã làm rất nhiều phép lạ, để cứu chữa con người khỏi đủ mọi thứ bệnh tật phần xác.
- Nào là, Chúa đã xua trừ trừ ma quỉ, giải phóng con người khỏi mọi đau khổ phần hồn.
- Chúa đã không ngại dạy dỗ dân chúng ngày đêm, mà không hề biết mệt mỏi.
- Chúa đã âu yếm đón tiếp các trẻ nhỏ, đã âu yếm ôm chúng vào lòng, và chúc lành cho chúng.
- Chúa đã tha thứ mọi tội lỗi cho những ai hết lòng ăn năn thống hối trở về với Chúa.
Và hôm nay, Chúa nhật lễ lá, chúng ta đang cùng nhau kỉ niệm lại việc Chúa Giêsu kiên quyết bước vào đoạn đường cuối của tình yêu.
Đây là đỉnh cao của việc Chúa hiến thân cho con người, cho chúng ta, những con người tội lỗi.
Chúa quyết định yêu, và quyết yêu thương cho đến cùng, bằng việc chấp nhận một cuộc khổ nạn thê thảm, bằng việc chấp nhận một cái chết thật đau thương trên thánh giá. Chấp nhận hy sinh đến trút hết giọt máu cuối cùng.
Chúng ta còn nhớ, cách đây 40 ngày, Chúa đã bắt đầu một cuộc chay tịnh thật khắc khổ, liên tục kéo dài suốt 40 đêm ngày trong sa mạc, chịu đói, chịu khát.
Cuối cùng, cơn đói cơn khát, đã làm cho Chúa muốn ngã quỵ.
Thế là, ma quỉ nhân cơ hội này, đã xuất hiện, đã bày nhiều trò để cám dỗ Chúa:
“Nếu ông là Con Thiên Chúa, tại sao ông không truyền cho hòn đá này biến thành bánh để ăn đi”.
Nhưng Chúa Giêsu vẫn kiên quyết không lùi bước. Chúa đã khẳng khái trả lời:
“Đã có lời chép rằng: Người ta sống không nguyên chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Matthêu 4,3-4)).
Và những cơn cám dỗ tiếp theo, đã cho ta thấy là Chúa vẫn một mực chống trả một cách dứt khoát. Chúa đã không chịu bỏ cuộc.
Cuối cùng, Chúa đã chiến thắng, và mà quỉ phải đành chịu thua, rút lui.
Nhưng Phúc âm thánh theo thánh Luca, đoạn 4, câu 13, đã có ghi thêm một chi tiết này, rất đáng cho chúng ta suy nghĩ, đó là: “Quỉ rút lui, để chờ dịp khác”.
Và dịp khác ấy chính là hôm nay:
Khi Chúa Giêsu phải hấp hối ở vườn Cây Dầu, cũng gọi là vườn Ghiết-sê-ma-ni.
Đây quả là cuộc giao tranh, giữa Chúa Giêsu và quyền lực của tối tăm, giữa sự thiện và sự ác.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện, và cầu nguyện thật nhiều. Ngài coi việc cầu nguyện, như là một phương thế cuối cùng, để chiến thắng các chước cám dỗ.
Nhưng, chính bản thân của Chúa Giêsu, cũng hầu như sắp bị ngã gục:
Hình như cuộc chiến nội tâm của Chúa đã quá căng thẳng, đến mức có thể quỵ ngã thật sự, nên Chúa Giêsu mới tha thiết van xin với Thiên Chúa Cha:
“Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin tha cho con, để con khỏi phải uống chén đắng này. Và Kinh thánh kể lại: Trong cơn xao xuyến bồi hồi, quá sợ hãi đó, máu của Chúa Giêsu đã hoà lẫn với mồ hôi, nhỏ từng giọt, rơi xuống đất. Chúa sắp sửa bỏ cuộc. Nhưng Chúa còn kịp thời, nhớ lại sứ mạng được trao phó, nên Chúa mới can đảm cầu nguyện tiếp:
“Nhưng, xin đường theo ý con, một chỉ xin vâng theo ý Cha mà thôi”
Và theo thánh Luca, dịp khác ấy của Satan đã mong chờ từ lâu, đó chính là hôm nay:
Khi mà Satan đã nhập được vào Giuđa, là một trong nhóm 12 môn đệ thân tín của Chúa, đã làm cho Giuđa ra mù quán, đã làm cho Giuđa quá say mê tiền bạc, đã làm cho Giuđa quá ham thích của cải, đến mức phải chạy đi tìm kẻ thù, để thương lượng cách thế, với một cái hôn thật giả dối, để bán nộp thầy mình, chỉ với giá 30 đồng bạc.
Và cũng theo thánh Luca, dịp khác ấy của Satan mong chờ từ lâu, đó cũng chính là hôm nay:
Khi mà Phêrô và các môn đệ của Chúa, đã bị Satan sàng xảy như người ta sàng gạo.
Phêrô đã sập bẫy. Phêrô đã chối là không biết Thầy. Và đã chối đến 3 lần.
Còn các môn đệ khác, thì đã 3 giò 4 cẳng chạy một mạch, để trốn, để thoát thân.
Bởi, ai cũng kinh hãi khiếp sợ.
Ai cũng hết hồn hết vía.
Ai cũng bị sợ bị liên luỵ với Thầy mình.
Họ chạy trốn, mà mặt không hề dám quay lại, để mặc cho thầy mình cô đơn một mình, trong buồn tuổi khổ nhục, một mình phải đương đầu đối phó với bọn quân dữ.
Thế nhưng, Chúa Giêsu trong mọi tình huống, vẫn luôn tỏ ra nhân từ:
Chẳng hạn trong bữa tiệc ly, chúng ta thấy Chúa Giêsu cầm một tấm bánh trao cho Giuđa, như muốn thực hiện một nghĩa cử yêu thương cuối cùng đối với Giuđa, nhưng đã không có tác dụng gì đối với Giuđa.
Rồi ở vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã hiền hòa đón tiếp Giuđa, với những lời lẽ thật dịu dàng, để nhắc nhở ông về tình nghĩa thầy trò:
“Giuđa ơi, con định dùng cái hôn này để nộp Thầy hay sao?” (Luca 23,48).
Nhưng, tất cả những cố gắng đó của Chúa, cũng đã không tác dụng gì. Chúa đã hoàn toàn thất bại.
Nhưng, trong những nỗi thất bại ê chề đó, Chúa Giêsu cũng vẫn quay lại nhìn Phêrô lần cuối, với một ánh mắt thật dịu dàng, để tha thứ cho ông, vì cái tội ông vừa chối Thầy.
Chúa cũng đã an ủi những phụ nữ thương khóc, khi đi theo Chúa, trên đường Chúa vác thập giá lên núi Sọ.
Chúa cũng đã xin Thiên Chúa Cha, tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người.
Chúa lại hứa ban thiên đàng cho người trộm lành biết ăn năn sám hối, vv....
Như thế chúng ta đã thấy: Trong mọi tình huống, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tỏ ra nhân từ, vẫn tiếp tục tỏ ra yêu thương và vẫn tiếp tục tỏ ra sẵn sàng tha thứ cho mọi người. Tha thứ tất cả.
Cuối cùng, chính bản thân Chúa Giêsu, Ngài đã hoàn toàn chấp nhận dâng hiến trên thánh giá, hiến thân cho đến hơi thở cuối cùng, để cứu chuộc tất cả nhân loại, để cứu chuộc mọi người, để cứu rỗi từng người chúng ta.
Thật đúng như câu Chúa đã từng nói:
“Không có tình yêu nào cao quí hơn mối tình của người, dám hy sinh mạng sống của mình vì bạn hữu”.
Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con, mà Chúa đã chẳng quản ngại chịu mọi đau khổ, và đã cam đảm dám chấp nhận một cái chết thật nhục nhã, thật đau thương trên thánh giá.
Xin cho mỗi người chúng con, cũng nhận ra tình yêu thương cao quí này, để chúng con cũng biết cố gắng, mà tìm cách yêu thương Chúa hơn nữa, nhất là cố gắng không làm cho Chúa phải đau khổ, phải buồn phiền vì con. Amen.