*** Đọc các bài của Lm. Mễn: 1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71; 2. Vào Internet: Google, Youtube, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, hoặc linh mục Mễn 3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com 5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165
**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)
**** Lạy Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.
Trong một lần đi viếng mộ, tôi thấy có một ngôi mộ bên cạnh mộ của ba mẹ tôi, tuy đơn sơ thôi, nhưng đã làm cho tôi chú ý rất nhiều.
Bởi ngôi mộ này, lúc nào cũng phủ đầy hoa trường xuân.
Phía đầu mộ, có dựng một cây Thánh Giá bằng gỗ, đẽo bằng tay, trên đó có khắc tên người chết.
Được biết đó là một cô gái, chết lúc chỉ mới 22 tuổi.
Điều tôi chú ý nhất, đó là: Mỗi lần đến đây, tôi đều thấy ngôi mộ này, lúc cũng nào được chăm sóc rất cẩn thận, rất chu đáo, rất sạch sẽ, có nhiều bông hoa tươi, và hương nhan rất tươm tất.
Thế là trí tưởng tượng của tôi đã thêu dệt nên đủ thứ chuyện, về người con gái yểu mệnh, đang nằm dưới lòng đất này.
Thế rồi, sau nhiều lần ra nghĩa trang, thì có một lần tôi bắt gặp được một người đàn ông, vừa viếng mộ này đi ra. Tôi thấy rõ, ông ta là một cụ già, nên tôi đoán già đoán non rằng:
Người nằm dưới ngôi mộ này chắc là người vợ của ông, đã chết khi còn trẻ.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, mỗi khi ra thăm mộ, tôi thấy ngôi mộ không còn được chăm sóc chu đáo như trước.
Tôi cứ nghĩ:
Chắc là những người nhà của họ đã di chuyển đi xa, không còn có ai ở gần nữa, để chăm sóc mộ như trước.
Hay là ông cụ già đã chết rồi, nên con cháu đã không còn quan tâm đến ngôi mộ này nữa.
Rồi bỗng một hôm, tôi ra nghĩa trang thăm viếng mộ của ba mẹ tôi, và cũng để sơn phết lại ngôi mộ của ba mẹ tôi, để chuẩn bị mừng Xuân mới, tôi lại thấy ông cụ già năm xưa cũng ra viếng mộ.
Chúng tôi chào nhau, rồi tiếp tục việc ai nấy làm.
Bởi các mộ của người mthân chúng tôi cũng gần kề nhau thôi, mà thời gan chăm sóc mộ thì cũng khá lâu, cho nên tôi có dịp làm quen với cụ già, và được ông cụ tâm sự như sau:
“Đây là ngôi mộ của mẹ tôi. Bà chết khi tôi hãy còn rất nhỏ. Lúc đó, tôi chỉ mới được một tuổi rưỡi thôi. Bà chết, vì chứng bệnh xưng phổi. Và thật sự, tôi chả nhớ tí gì về mẹ tôi. Tôi cũng chẳng biết chút nào về mẹ tôi.
Còn cây Thánh Giá bằng gỗ này, là do chính tay tôi đã làm cho mẹ tôi.
Tôi là người duy nhất đến thăm mộ mẹ, vì bà không có đứa con nào khác ngoài tôi.
Sau khi mẹ tôi mất, ba tôi đã đi một bước nữa. Và bà mẹ kế, chỉ quan tâm đến các em tôi thôi, những đứa em cùng cha khác mẹ với tôi.
Do đó, tôi rất cô đơn. Và trong những nỗi nhớ mẹ, tôi thường hay chạy ra mộ để tâm sự, để giải bày cho mẹ tôi nghe. Và ngày nào hình như tôi cũng ra thăm mộ mẹ tôi.
Việc tôi ra mộ mẹ tôi hằng ngày, hình như đã trở thành một thói quen, ngay từ khi trí khôn tôi mới chớm có.
Và thói quen này, dần dần đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của tôi.
Bởi, tôi cần mẹ tôi, để tôi trút bầu tâm sự, để tôi thưa chuyện với mẹ, về những chuyện vui buồn trong cuộc sống, để mẹ tôi bảo ban dạy dỗ thêm cho tôi, để mẹ tôi chỉ cho tôi những việc cần phải làm.
Bởi trên đời này, ngoài mẹ tôi, tôi không biết phải hỏi ai.
Bởi, người mà tôi trân trọng nhất trần gian này, chính là mẹ tôi. Người mà tôi yêu quí nhất trần gian này, cũng chỉ có mẹ tôi thôi. Ngoài mẹ tôi ra, tôi không còn thấy có ai khác.
Hiện nay, vì hoàn cảnh cuộc sống, tôi không còn ở gần mộ mẹ tôi được nữa, nên tôi không có dịp thường xuyên ra viếng mộ mẹ tôi. Và tôi cũng không còn có dịp chăm sóc mộ mẹ tôi như trước kia. Nhưng không bao giờ tôi quên được mẹ tôi.
Đối với tôi, ngôi mộ, chính là ngôi nhà thân thương nhất của tôi. Mỗi khi đến đây, tôi có cảm tường như mình trở về nhà của mình.
Giờ đây, với cái tuổi 80, việc đi lại của tôi ngày càng khó khăn hơn. Nhưng tôi quyết tâm: Bao lâu, chân tôi còn đi lại được, tôi gắng sức trở về thăm mộ mẹ tôi, mỗi năm ít là 2 lần: Vào dịp lễ giỗ và vào dịp lễ Tết.
Quyết tâm là như vậy, nhưng không biết: Tôi còn có thể đến đây được mấy lần nữa. Bởi ở cái tuổi 80 này, tôi mang trong mình đủ mọi thứ bệnh tật. Và cái chết đối với tôi, chắc cũng không còn xa nữa”.
Tôi im lặng, và hết sức chú ý lắng nghe từng lời cụ nói. Nước mắt tôi bỗng tràn dâng. Tôi thật sự xúc động, bởi tôi rất may mắn và cũng rất vinh dự, gặp được một con người thật vĩ đại, một con người hiếu thảo thật tuyệt vời, và cái cách hiếu thảo như cụ già. chưa chắc gì có thể gặp thấy được ở bất cứ nơi nào khác.
Đây, đúng là lần đầu tiên tôi gặp được một tình yêu tuyệt vời đến như thế, một tình yêu của một người con hiếu thảo, trọn vẹn dành cho mẹ.
Tôi nghĩ: Tôi còn may mắn hơn ông cụ già này rất nhiều, bởi tôi tuy mất ba mất mẹ, nhưng tôi hãy còn giữ lại được biết bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui về ba mẹ của tôi.
Còn cụ già đáng thương này, thì chẳng có được một chút kỷ niệm gì về mẹ của ông.
Có chăng thì cũng chỉ có một tấm ảnh nhỏ, mà cụ vừa đem ra khoe, một tấm ảnh đã chụp từ rất xa xưa, đã rất mờ nhạt và đã ố vàng, mà người ta bảo đó là mẹ của ông. Chỉ có thế thôi! Vậy mà ông đã gắn bó với mẹ một cách mật thiết đến mức như vậy, gắn bó từ khi ông chưa có đủ trí khôn để hiểu, và cũng chưa có ý thức để đón nhận tình mẫu tử của bà!
Tôi chào tạm biệt cụ già, và lòng vẫn nao nao lâng lâng khó tả.
Tôi hết sức cám ơn ông, bởi ông đã cho tôi một món quà thật đặc biệt, thật tuyệt vời. Ông đã dạy cho tôi biết: Thế nào là một tấm lòng chân thành, một tình yêu thương trọn vẹn dành cho mẹ.
Tôi vẫn thầm thán phục ông: Tuy bên ngoài, ông là một con người hết sức bình thường, nhưng tấm lòng của ông lại hết sức cao thượng, thật tuyệt vời.
Trên đường trở về nhà, tôi vẫn cứ tiếp tục miên mang suy nghĩ về mẫu gương hiếu thảo đặc biệt này.
Tôi quyết định: Từ nay trở đi, mỗi khi ra viếng mộ ba mẹ tôi, tôi sẽ tiếp tục chăm sóc ngôi mộ bên cạnh này, thay thế cụ già hiếu thảo đó, như là chăm sóc chính ngôi mộ của mẹ tôi.
Lạy Chúa, trên đời này vẫn còn có biết bao những mẫu gương hiếu kính cha mẹ cách thật tuyệt vời như vậy.
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con hôm nay, cũng biết học hỏi nơi những tấm gương tuyệt vời đó, để noi theo, để bắt chước, để biết có những sáng kiến, mà sống luật “Hiếu thảo đối với mẹ Cha”, như Chúa đã từng dạy chúng con, để chúng con xứng đáng được Chúa chúc phúc. Amen.
Báo “Người Quan Sát Rôma”, là một cơ quan ngôn luận bán chính thức của Tòa Thánh Vatican, trong một số ra hồi tháng 2 năm 1999, có ghi lại một tấm gương quả cảm và kiên quyết của một người phụ nữ Ý, rất đáng chúng ta khâm phục:
Ở sườn núi Chilentô, thuộc miền Nam nước Ý, có một người phụ nữ tên là Catharina Marado, ngày ngày 2 buổi, cõng đứa con trai khuyết tật của mình là Angelo, leo lên một dốc núi cao, thật vất vả, để đem con đến trường học. Đây là một ngôi trường làng nhỏ bé:
Dù mưa, dù gió, dù thời tiết khí hậu thế nào, cô bất chấp, cô vẫn cứ kiên trì với bổn phận này.
Đây là một bổn phận thật vất vả, hầu như quá sức đối với một phụ nữ như cô.
Bởi cỏng một cậu con trai 15 tuổi khuyết tật, đi xuyên qua những con đường cong queo, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, của miền núi, và phải leo lên một cái dốc có khoảng 200 bậc cấp, để có thể đến trường học, quả thật là một chuyện không dễ dàng chút nào.
Đã có những lúc, vì quá mệt mỏi, cô ta đã hầu như muốn ngã quỵ. Nhưng cô quyết cố tiếp tục bổn phận này, một bổn nphận do cô tự ý, tự nguyện đặt ra cho mình, vì cô coi đây là lẽ sống của đời cô.
Không những Angelo bị tê liệt, mà lại còn bị mất cả khả năng nói, và trí hiểu của bé cũng rất là giới hạn, so với một người bình thường.
Cô chấp nhận chịu mọi gian lao cực khổ, bởi cô nghĩ: Nếu con cô, mà bị bỏ rơi bên lề xã hội, thì đây quả là một nỗi khổ vô chừng, và sẽ là một nỗi bất hạnh lớn nhất đối với con cô.
Do đó, bằng mọi giá, cô chấp nhận đưa lưng làm xe chuyên chở, để ngày ngày chuyển tải con trai đến trường, con trai mà cô quen gọi một cách trìu mến, là thiên thần của cô.
Cô Catharina đã từng nói: Mỗi lần nhìn thấy Angelo mỉm cười, là tôi quên hết mọi vất vả nhọc nhằn. Niềm vui của Angelo, cũng chính là niềm vui của tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô chừng.
Lòng can đảm của người mẹ trẻ này, đã dám chấp nhận mọi gian lao đau khổ, chắc chắn là do tình yêu của một người mẹ, muốn dành trọn vẹn cho con mình. Nhất là khi thấy đứa con mình bị khuyết tật, thì cô lại càng muốn yêu thương nhiều hơn, càng muốn chăm sóc nhiều hơn những đứa con khác. Chính tình cái yêu này đã là sức mạnh giúp cô vượt qua tất cả mọi khó khăn, từ trong gia đình, cũng như ngoài xã hội.
* * *
Bạn thân mến.
Những hy sinh vất vả của Catharina Marado dành cho con mình, đã cho chúng ta thấy hình ảnh của một người mẹ thật phi thường, thật cao cả, thật cảm động.
Nhưng những hình ảnh cao cả phi thường tương tự như thế, chắc chắn là không thiếu ở Việt Nam chúng ta, mà có thể nói là có rất nhiều nữa.
Mà xét cho cùng, là ở đâu và ở bất cứ thời nào, cũng đều có những tấm gương can đảm và hy sinh phi thường của các bà mẹ dành cho con của mình.
Nói đến những tấm gương can đảm và hy sinh phi thường của các bà mẹ dành cho con mình, chúng ta không thể không nhắc đến Đức Mẹ Maria.
Hình ảnh của một người mẹ, ngày ngày cỏng con trên lưng, bước lên gần 200 bậc thang, để đưa con đến trường, nằm trên sườn núi, làm cho chúng hình dung Đức Mẹ Maria, ngày ngày cũng đã từng bước, dõi theo từng dấu chân của Chúa Giêsu con mẹ, trên những nẻo đường truyền giáo, suốt 3 năm đi giảng đạo, khắp đất nước Do thái.
Mà nhất là Đức Mẹ đã bước đi từng bước, theo chân Chúa Giêsu, khi Chúa vác thập giá lên núi sọ để chịu án tử hình.
Nhìn những nỗi khổ đau của Chúa Giêsu con mẹ, nhất là cảnh hấp hối trên núi sọ, đã làm cho lòng Mẹ Maria ra tan nát, và Mẹ cũng bị hấp hối từng cơn, không khác gì Chúa Giêsu.
Rõ ràng, tình mẫu tử, luôn là một hy sinh tuyệt vời, rất là cao cả, rất là quảng đại, không gì có thể sánh ví được, hay là có thể diễn tả hết được.
Dưới chân thập giá của Chúa Giêsu, và trong cơn hấp hối của Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã trao nhân loại, đã trao mỗi người chúng ta cho Đức Mẹ:
“Này là con mẹ”.
Chính Thánh Gioan đã đại diện cho tất cả chúng ta.
Chính khi Mẹ Maria, bị những lưỡi đòng đâm thâu xuyên trái tim, vì tội lỗi của chúng ta, mà chúng ta đã cảm nghiệm được phần nào tình Mẫu tử cao cả của Mẹ dành cho chúng ta.
Chúng ta hãy năng chạy đến với Đức Mẹ, hãy năng kêu cầu van xin với Đức Mẹ, để Mẹ cũng nâng đỡ, để Mẹ cũng an ủi, để Mẹ cũng che chở và để Mẹ dẫn đắt chúng ta, trong cuộc sống trần gian tạm bợ, đầy gian lao thử thách này.
Có Mẹ đi với chúng ta, cuộc đời của chúng ta sẽ không sợ cô đơn. Có Mẹ đi với chúng ta, chúng ta sẽ không sợ lạc hướng, để thẳng tiến về quê trời.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hãy luôn là mẹ của chúng con. Xin hãy ở bên chúng con, hôm nay và mãi mãi. Amen.
Nhân Ngày Lễ Các Bà Mẹ (Mother’s Day ) diễn ra hàng năm tại Mỹ vào ngày Chúa Nhật thứ 2 của tháng 5, tờ báo National Enquirer đã tổ chức một cuộc bình bầu, để chọn ra một người mẹ vĩ đại nhất của nước Mỹ trong năm.
Trong số gần 3.000 người được Ban giám khảo đem ra để bầu chọn, thì bà Flo Howell, 65 tuổi, cư ngụ tại California, là người đã đạt được giải nhất.
Cách đây 36 năm, bà Flo sinh ra được một đứa con trai. Bà đặt tên cho trẻ là John.
Bất hạnh thay, John bị bệnh bại não, một chứng bịnh nan y rất đau đớn, vì phải chịu những cơn co giật thường xuyên, bất kể ngày đêm.
Đây là môt nỗi bất hạnh, đã làm cho bà buồn khổ vô chừng, bởi đây là một đứa con duy nhất của bà.
Nhưng có một nỗi buồn còn lớn hơn nữa, đã làm cho bà đau khổ khôn thể tả, đó là người chồng của bà đã quyết định ly dị với bà. Bởi ông không chịu nổi cái cảnh gia đình, có một đứa con mắc chứng bệnh nan y thê thảm như vậy.
Mà đây, chính là đứa con của ông. Đứa con, do chính 2 vợ chồng ông tạo nên. Thế mà chính ông lại vô tâm, không muốn gánh chịu trách nhiệm làm cha của mình.
Đã thế, ông lại tuyên bố, là sẽ không trợ cấp gì cho hai mẹ con bà, bởi bà đã không chịu hủy bỏ đứa con bệnh tật này theo như ông yêu cầu.
Thế nhưng, bà Flo, vẫn kiên quyết, vẫn giữ lập trường, vẫn quyết định giữ đứa con trai của mình lại, vì nó là con của bà.
Bởi bà nghĩ: Dầu nó, có xấu xí tàn tật đến cỡ nào, thì nó vẫn là con của bà. Bà quyết tâm giữ nó lại, để yêu thương, để chăm sóc, chứ không nhẫn tâm giết nó đi.
Bà muốn giữ nó lại tại nhà, chứ không chịu gửi nó vào các cơ sở từ thiện xã hội cho rãnh tay, như nhiều bạn bè, và như nhiều người thân đã khuyên.
Bởi bà nghĩ: Con của bà đã quá đau đớn vì bệnh tật, đã quá khốn khổ vì chứng bệnh nan y luôn hành hạ thân xác, lại phải chịu khốn khổ thêm vì mất cha, vì mất mẹ, vì mất tình thương, thì đây, quả là một nỗi khổ vô chừng cho con bà, và đây, sẽ là nỗi bất hạnh lớn nhất đối với con bà. Do đó, bằng mọi giá, bà chấp nhận khổ, hơn là để con của bà phải khổ. Bà chấp nhận khổ, miễn sao con của bà vui, là bà đã mãn nguyện lắm rồi.
Và ngày hôm nay nay thì John, anh chàng trai mắc bệnh bại não đó, đã thành danh, đã có địa vị trong xã hội. Anh muốn viết về người mẹ của anh, là bà Flo Howell, để tỏ lòng biết ơn mẹ, và cũng muốn gởi đến tòa báo, để dự thi ngày Hiền Mẫu 1996.
Sau đây là trích đoạn bài viết của anh:
“Mẹ tôi đã hy sinh cả một cuộc đời cho tôi, mà không bao giờ xa rời tôi. Bà luôn giữ cho tôi được sạch sẽ, tắm rửa, cạo râu, mặc quần áo cho tôi, và tìm mua cho tôi những món đồ chơi, những vật dụng thật dễ thương...
Mẹ tôi thường nói với tôi rằng:
“Con chính là món quà Tình Yêu, mà Thiên Chúa đã trao ban cho mẹ, mẹ sung sướng vô chừng”.
Tôi biết, đó là những lời lẽ, mà mẹ tôi thường dùng, để khích lệ tôi, để an ủi tôi, để tạo cho tôi một niềm tin, để tạo cho tôi sự lạc quan, mà vui sống, mà phấn đấu để thành người hữu dụng”.
Nhưng, tôi cũng biết, đôi khi ở trong phòng riêng của mẹ, mẹ tôi đã khóc, và khóc rất nhiều. Khóc vì cảnh cô đơn tẻ lạnh, khóc vì buồn bã chán chường, khóc vì mệt mỏi kiệt sức, khóc vì có quá nhiều khó khăn phải đương đầu, phải đối phó trong cuộc sống, nào là kinh tế tài chánh vật chất quá giới hạn, nào là dư luận xã hội dèm pha chê bai, nào là những người thân trong gia đình phê phán, kết án, không thương tiếc, bởi người ta đã bảo mà bà không chịu nghe, đã bao nhiêu người khuyên mà bà không chịu theo.
Nói thật, không ai dám chấp nhận cái quyết định thật can đảm của mẹ tôi. Do đó, mọi người, ai cũng xa tránh, không ai thông cảm, không ai chia sẻ cho cái nỗi khổ của mẹ tôi.
Cũng từ đó, mẹ tôi càng cô đơn hơn, càng không có ai đứng ra tiếp sức hay nâng đỡ mẹ tôi trong cái gánh nặng nề này, một cái gánh quá nặng đối với một phụ nữ như mẹ tôi, một người phụ nữ ốm o gầy còm, thường xuyên bệnh hoạn.
Đã thế, những cơn co giật rất đau đớn do cơn bệnh của tôi gây nên, đã thường xuyên làm cho mẹ tôi mất ăn, mất ngủ. Nên thân xác của mẹ tôi trông đã thê thảm, lại càng thê thảm hơn .
Vậy mà, mỗi khi bước ra khỏi phòng riêng của mẹ, là mẹ tôi mỉm cười thật tươi với tôi. Mẹ tôi quả là người mẹ tốt nhất, là người mẹ cao cả vĩ đại nhất trong các bà mẹ.
Hôm nay, nhân Ngày Lễ Của Các Bà Mẹ, tôi viết những dòng chữ này rất thật về mẹ tôi, như một món quà đặc biệt tôi tặng riêng cho mẹ tôi, và tôi xin gởi đến Ban giám khảo, nếu được ban giám khảo bầu chọn mẹ tôi... thì đây quả hạnh phúc vô cùng, và là nguồn an ủi vô chừng cho tôi, vì tôi đã có dịp đền đáp phần nào công ơn, mà mẹ tôi đã một đời hy sinh cho tôi, chỉ vì yêu thương tôi.
Và tôi cũng muốn nhân cơ hội này, xin mọi người hãy tôn vinh các bà mẹ vĩ đại cao cả như thế, những người mẹ đã từng chịu đựng bao vất vã, bao khổ đau, bao cực nhọc, bao tuổi nhục, chỉ vì thương con. Và những chịu đựng này, có khi rất âm thầm, và có rất ít người quan tâm biết đến.”
*****
Bạn có biết không: Khi đọc xong bài viết này, tất cả các thành viên trong Ban giám khảo, đều đã không ngăn được những xúc động. Họ đã nhất trí bầu chọn bà Flo Howell, là “người mẹ vĩ đại nhất nước Mỹ năm 1996”.
Tình Yêu rõ ràng, là một cái gì không thể hiểu được, nó đã vượt quá lý trí của con người.
Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương con với một tình yêu, mà con cũng không thể nào hiểu nổi:
Chúa đã yêu con khi con hãy còn trong trứng nước, hãy còn là bào thai trong bụng mẹ.
Chúa lại chấp nhận chết, để đền tội thay cho con. Chúa lại chọn một cái chết thật đau thương, nhục nhã, chết treo trên thập giá, vì yêu thương con, chết như một tên tội phạm.
Chúa đã chết thay cho con, khi con hãy còn là tội nhân. Nghĩa là con còn đang sống trong tình trạng thù nghịch với Chúa.
Đang khi đó con chẳng là gì, con chẳng có gì, con chẳng có công trạng gì đáng để chúa quan tâm, đáng để Chúa yêu thương.
Xin Chúa hãy mở mắt con ra, để cho con thấy, để cho con luôn biết tạ ơn Chúa.
Nhất là xin dạy cho con: Ngày hôm nay, con biết phải làm gì, để có thể đền đáp lại phần nào tình yêu thương vô bờ bến, mà Chúa đã dành cho con. Amen.
Có một thầy giáo dạy kèm học sinh, thường hay lợi dụng lúc học trò làm bài tập, thì ông ngồi liêm diêm ngủ. Không ngờ, dù làm tỉnh cỡ nào, ông cũng vẫn bị các học trò phát hiện.
Thế rồi một hôm, khi thấy thầy đang vui, bỗng có một nhóm bạn trai tinh nghịch chọc ghẹo thầy:
Lúc nãy, chúng em bắt gặp thầy ngủ, đang lúc chúng em làm bài.
Thầy giáo bình tĩnh chống chữa:
Không phải là thầy ngủ đâu. Mà là thầy đi vào cõi mộng, để hội kiến với các bậc thánh hiền ngày xưa.
Nó cũng giống như Đức Khổng Tử vẫn thường nằm mộng thấy Châu Công. Rồi sau đó, khi tỉnh dậy, Khổng Tử đã đem những lời thánh hiền nói trong mộng, để dạy dỗ cho các đệ tử của mình.
Cũng vậy, thầy cũng thường hay đi vào trong cõi mộng, để thỉnh giáo các bậc thánh hiền, để có những cái hay, mà dạy lại cho các em.
Rồi một hôm, có một vài học trò biếng nhác học hành, nên đã ngủ gục liên miên trong giờ giảng bài. Không ngờ khi bắt gặp, thầy giáo đã giận dữ, đã trách mắng một trận nên thân.
Đến giờ giải lao, khi thấy thầy đã hết giận, các trò tinh nghịch chạy đến trò truyện và giải thích cho thầy nghe:
Lúc nãy, không phải là tụi em ngủ đâu. Mà tụi em chỉ bắt chước thầy, đi gặp các bậc thánh hiền, để hỏi một số vấn đề, mà chúng em thường rất thắc mắc.
Thầy giáo cũng tò mò hỏi: Các em thắc mắc những gì. Có gặp được các vị thánh hiền không, và các vị ấy đã nói những gì với các em?
Các trò đua nhau trả lời:
Dạ có, tụi em đã gặp được các vị thánh hiền trong mộng. Và tụi em đã hỏi: Có phải mỗi ngày, thầy giáo của tụi con, cũng đều có đến hội ý với các vị phải không?
Nhưng, các vị thánh hiền đã trả lời một cách rất rõ ràng và rất dứt khoát:
Không có đâu.
Và các ngài còn khẳng định:
Là từ trước đến nay, các ngài chưa hề gặp mặt thầy của tụi em lần nào hết.
***
Câu chuyện trên đây, làm cho tôi liên tưởng đến câu chuyện của một cha sở nọ, đã từng hỏi một bà đạo đức, rất thường đi lễ. Không những bà trung thành với việc đi lễ chúa nhật, mà cả lễ ngày thường, bà cũng rất siêng năng:
Cha sở hỏi:
- Tôi thấy bà rất thường đi lễ, nhưng sao không thấy đứa con trai của bà đi lễ ? Kể cả lễ Chúa nhật.
Bà đạo đức trả lời:
- Thưa cha, con đành bó tay thôi, con đành chịu thôi. Bởi con nói hoài nói mãi, mà con của con cũng không chịu nghe con.
Cha sở hỏi:
- Chắc là nó có bận nhiều công việc lắm phải không ?
Bà ta trả lời:
- Dạ thưa cha, không phải đâu. Nó mà bận cái gì. Nó chỉ bận nhậu. Nó chỉ bận vui chơi với bạn bè của nó thôi. Cứ mỗi lần con nhắc đến chuyện đi nhà thờ, nhắc đến chuyện đi lễ, là nó nói:
Sao mà, má cứ nói hoài có một chuyện đó thôi. Má có linh hồn, má lo giữ đi theo cách của má. Còn linh hồn của con, con giữ theo cách của con. Con không bỏ Chúa, con không bỏ đạo đâu, má đừng lo, má đừng sợ. Con vẫn nhớ đến Chúa mà. Con vẫn tin Chúa. Nhưng, con chỉ tin Chúa trong lòng thôi. Con chỉ thờ Chúa theo cách của con thôi. Bởi Chúa thì ở khắp mọi nơi. Cần gì đến nhà thờ. Cần gì phải đi lễ nữa! Cần gì phải xưng tội rước lễ. Đạo tại tâm là đủ rồi.
- Thưa cha, nó đã chủ trương như vậy đó. Chứ nó không hề bận gì hết.
Nghe xong, cha sở chỉ biết lắc đầu thở dài, mà không hề nói thêm được một lời nào nữa.
Bởi đối với người chủ trương như vậy, thì Chúa cũng đành bó tay thôi, Chúa cũng đành chịu thôi. Bởi những lập luận họ đưa ra, chỉ là những lời dối trá, cố tình bao che cho những sự bê bối của họ, cố tình bao che cho sự khô đạo của họ, cố tình bao che cho cái tính lười biếng của họ.
Nó cũng giống như ông thầy giáo kia bịa chuyện, để chống chữa cho cái chuyện hay ngủ gục trước mặt học trò.
Làm gì có chuyện gặp được thánh hiền trong mộng!
Và cũng thế, làm gì có chuyện gặp Chúa trong mơ, trong mộng. Làm gì có chuyện thờ Chúa trong sòng bạc. Làm gì có chuyện gặp Chúa trong các nhà chứa, bia ôm gái điếm. Làm gì có chuyện gặp Chúa trong các buổi nhậu nhẹt, thâu đêm suốt sáng, để rồi bỏ bê hết mọi công việc gia đình, bỏ luôn cả những bổn phận thờ phượng Chúa nữa.
Rõ ràng, đây chỉ là những chuyện dối trá, là những lập luận theo kiểu ngụy biện của những người khô đạo, nhằm để bao che cho những hành vi bê trễ nguội lạnh của họ thôi.
Họ, đúng là những người đi “đạo nửa chừng”. Mà người ta thường gọi họ là những người giữ đạo “ba rọi”. Nghĩa là đạo nữa nạt nữa mỡ, nạt không ra nạt, mà mỡ cũng chẳng ra mỡ.
Tuy họ mang tên là con Chúa, vì đã được rửa tội, vì có tên trong sổ họ đạo, nhưng kỳ thực họ chẳng giữ đạo tí nào.
Đạo đối với họ, chỉ là có cái tên thôi: Họ là những người “hữu danh vô thực”. Đạo của họ chỉ ở cái miệng thôi. Đạo của họ chỉ có trong mộng thôi.
Họ tưởng mình giữ đạo cũng khá lắm, cũng tốt lắm, cũng đạo đức lắm. Nhưng nào có gì để chứng minh?
Họ cũng nghĩ: Mình cũng thường xuyên gặp Chúa. Mình cũng thường xuyên thấy Chúa.
Nhưng đó là Chúa nào? Có phải là Chúa đã chịu đóng đinh trên thập giá, mà chúng ta vẫn tôn thờ không? Hay Chúa của họ chỉ có ở trong mộng mị thôi.
Mà đã là ở trong mộng, thì làm gì có thật. Bởi họ đã quên lời thánh Giacôbê tông đồ đã dạy, trong thư thứ 2 của Ngài, ở câu 17, nguyên văn như sau:
Đức tin không có việc làm là đức tin chết (Giac 2,17).
Nghĩa là, tuy có đức tin đó, nhưng nếu đức tin đã không được thể hiện bằng việc làm cụ thể bên ngoài, bằng những việc đạo đức, bằng những việc từ thiện bác ái, bằng việc năng lui tới nhà thờ để thờ phượng Chúa, thì đức tin của họ, nếu có, cũng coi như đã chết từ lâu rồi.
Làm gì có thể gọi được là một người Kitô hữu chân chính. Làm gì có thể gọi được là người công giáo chính tông. Làm gì có thể gọi được là người tín hữu đích thực, khi mà họ lười biếng không đến nhà thờ, để làm việc thờ phượng Chúa, để tham dự thánh lễ.
Ngày thường đã không đến nhà thờ đã đành, vì không có luật buộc. Nhưng cả lễ Chúa nhật là luật buộc, Chúa buộc, mà Giáo hội cũng buộc, thế mà họ cũng coi thường, họ vẫn bỏ lễ Chùa Nhật, bỏ mà không hề có một chút áy náy gì!!!
Vì ít đến nhà thờ, cho nên họ cũng rất ngại việc đi xưng tội. Lấy cớ là sợ cha la, sợ cha rầy, nên không dám đến toà giải tội.
Mà càng để lâu thì lại càng sợ, thì càng ngán, thì càng lo. Đây cũng là những lý do, mà ma quỉ thường dùng, để ngăn cản người ta đến với toà giải tội.
Có một điều rất lạ, là lỗi luật Chúa, thì người ta lại không sợ Chúa, mà lại đi sợ ông cha.
Chúa mới là Đấng cầm quyền thưởng phạt, thưởng phạt đời đời, thưởng phạt tới nơi tới chốn, thế mà họ vẫn không ngán, thế mà họ vẫn không sợ.
Chúng ta cũng nên nhớ điều này nữa: Đó là Bí tích Giải tội do Chúa lập ra, là để giúp cho con người tự rèn luyện chính bản thân mình cho hoàn thiện hơn.
Mà nói đến rèn luyện, là nói đến việc phải làm đi làm lại, phải lập đi lập lại thường xuyên thì mới mong thành công.
Chính Chúa Giêsu đã dạy trong Mt đoạn 5 câu 48 như sau:
“Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con ở trên trời, là Đấng hoàn thiện”.
Những người không chịu năng lui tới với Bí tích giải tội, hình như đã quên điều này.
Mà vì đã lâu lắm không đi xưng tội, cho nên họ đâu có thể lên rước Chúa.
Mà không Rước Chúa, thì làm gì có lương thực nuôi linh hồn, làm gì có sự sống của Chúa trong người, làm gì dám chắc có thể hưởng được sự sống đời đời sau này như Chúa đã hứa.
Bởi Chúa đã nói rất rõ:
“Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời”.
Có nghĩa là nếu không siêng năng rước Chúa, thì sẽ chẳng có thể dự phần những gì Chúa đã hứa đâu.
Lạy Chúa, con biết: Ơn cứu độ của con, không phải là chuyện “hên xui”, cũng không phải là chuyện cầu may, ngồi chờ “sung rụng”, càng không phải là chuyện mơ mộng mà có được.
Nhưng ơn cứu độ chỉ đến với con, nhờ những vất vả hy sinh, nhờ những thường xuyên cố gắng phấn đấu, thì mới có thôi.
Mỗi khi nhìn lên cây thánh giá Chúa, thì con lại hiểu thêm đôi chút về cái giá phải trả cho ơn cứu độ, mà Chúa đã dành cho con.
Xin Chúa nhắc nhở cho con biết siêng năng nhìn lên thánh giá Chúa, để con biết phải làm gì. Và khi con làm, xin Chúa giúp đỡ, để trong từng giây phút của cuộc sống, con chỉ luôn làm những điều đẹp lòng Chúa thôi. Amen.
Câu chuyện sau đây, là lời tự thuật của một người trí thức, ký tên là Phanxicô Xaviê, sau một thời gian nổi loạn với cuộc sống nội tâm, đã trở về với Chúa, và đã ghi lại những dòng tâm sự sau đây:
Tôi bước vào đời, với một tấm giấy “thế vì khai sanh” bằng tiếng Pháp, trong đó có ghi: "Fils de parents inconnus": Con của cha mẹ vô danh.
Thường, người ta quen gọi tôi là A-Ki. Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết vì sao, mà tôi có cái tên đó.
Phải chăng, là vì vào thời ấy, người ta có thói quen đặt tên cho con chó là Ki, hay là vì không biết tôi xuất xứ từ đâu, nên gọi là "À Qui ?" (có nghĩa là con vô thừa nhận).
Tôi lớn lên trong vòng tay của các chị Dòng Nữ Tử Bác Ai, và của các cha Thừa Sai, Dòng Thánh Vincent de Paul.
Các cha mẹ nuôi của chúng tôi, yêu thương những trẻ mồ côi, với một tình thương vô vị lợi, đến độ, tôi thấy bị hụt hẫng.
Bởi lẽ, suốt tuổi thơ, chúng tôi không nhận được một tình yêu “bình thường” nào, như bao nhiêu bạn bè cùng lớp, cùng trường.
Thế nên, khi lên 17 tuổi, tôi đã bắt đầu nổi loạn, và làm tất cả mọi sự, ngược lại hoàn toàn với tất cả sự mong đợi của mọi người.
Hết bậc trung học, tôi đi vào cuộc đời, trong tình trạng tứ cố vô thân.
Tôi thi vào Đại Học Sư Phạm, khoa Pháp Văn, vì đó là nơi, để tôi có thể trốn đi lính, lại được hưởng học bổng, mà lại khỏi phải học hành gì cả, bởi tôi vốn là một học sinh gỏi nhất lớp về môn Pháp Văn khi còn ở Yersin, một trường trung học công lập của Pháp ở Đà Lạt.
Tóm lại, từ năm 18 tuổi, tôi không thấy, những ân huệ tôi đã nhận được, thật sự là một ân huệ, mà chỉ biết oán trách cuộc đời.
Bởi, tôi luôn ở vị thế không bình thường, ở vị thế thua thiệt, so với những người chung quanh.
Tình yêu thương của Thiên Chúa, mà các cha mẹ nuôi của tôi đã dạy, bỗng trở nên một lưỡi đòng, đâm thấu vào trái tim tôi, làm tổn thương tính tự ái của tôi. Và đây cũng là một cái cớ, để tôi chống lại Thiên Chúa.
Tôi không thể chấp nhận Thiên Chúa, một người Cha “toàn năng, và yêu thương vô cùng”, lại đối xử với tôi một cách bất công như thế. Và tôi oán hận Người.
Và tôi ngang nhiên, lăn vào con đường tội lỗi: Một phần, vì buồn chán, và một phần, như để thách thức Thiên Chúa.
Có lẽ các bạn không cần tôi phải kể lại những tội lỗi tôi đã phạm. Các bạn chỉ cần biết là trong 10 giới răn của Chúa, tôi không chừa một thứ giới răn nào mà không phạm. May ra là điều răn thứ năm: Chớ giết người, là tôi chưa có thôi.
Mà thực sự, tôi cũng không dám chắc như thế nữa:
Bởi có thể, tôi đã vô tình, giết đi mạng sống của những cô gái nào đó, đã từng có liên hệ với tôi, do tôi đã gieo bao đau khổ cho họ về vật chất, về tinh thần, làm cho họ mất đi niềm tin vào cuộc sống, bởi họ quá tin tưởng vào tôi, bởi họ quá yêu thương tôi...
Càng lao mình vào tội lỗi, tôi càng thấy kiệt quệ, cả về thể xác, lẫn tinh thần.
Rồi cả ngày lẫn đêm, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, tôi thường phải đối diện với một lỗ hổng trống rỗng, thật ghê rợn trong tâm hồn tôi, thật khó diễn tả.
Để lấp đầy nỗi ám ảnh khủng khiếp này, tôi cần có một người luôn luôn ở bên cạnh.
Thế là tôi đã quyết định lập gia đình, đang khi tôi còn học ở năm cuối cùng của đại học.
Tôi coi đây một cách để chạy trốn những bóng đen đáng sợ trong cuộc sống.
Trong 7 cô gái, tôi cùng liên hệ một lúc, tôi đã chọn một người, mà người này, tôi chỉ mới quen chưa được hai tháng. Cô ấy là gia đình Phật Tử.
Tôi kết hôn với cô, mà không hề có thắc mắc gì về luật đạo, cũng chẳng hề có quan tâm gì đến Bí Tích Hôn Nhân. Bởi tôi đã tự tách mình ra khỏi bên lề Giáo Hội đã từ lâu rồi...
Không ngờ, cuộc hôn nhân ấy lại đưa tôi vào một đêm đen khác.
Thay vì tìm được một lối thoát, tôi lại thấy mình rơi vào một ngục tù, còn ngộp thở hơn.
Bởi tôi đã được lớn lên, bên cạnh những con người quá yêu thương tôi, yêu một cách vô vị lợi, nên tôi càng trở thành một con người chỉ biết đòi hỏi, mà không bao giờ biết hy sinh, không bao giờ biết nghĩ đến người khác.
Khi vợ tôi có mang, tôi đã trả cô về cho gia đình bên ngoại, để bên đó lo tất cả mọi sự...
Thế mà, tôi cũng không hề có một chút áy náy gì, và cũng chẳng cảm thấy có một chút bổn phận nào.
Rồi khi ra trường, tôi chọn về làm việc ở Cần Thơ, đang khi vợ tôi vẫn còn ở Đà Lạt.
Thỉnh thoảng, cô ta có xuống ở với tôi một vài tháng.
Nhưng, tôi chẳng cảm thấy có hạnh phúc, mà chỉ thấy toàn là những chuyện phiền hà mà thôi.
Nhưng tôi cũng quá mệt mỏi, đến nỗi cũng không hề nghĩ đến chuyện ly dị nữa.
Tôi biết: Vợ tôi chắc chắn là bất hạnh lắm, nhưng thuở ấy, tôi không bao giờ nghĩ, dầu chỉ thoáng trong đầu, là tôi đang gây đau khổ cho một người câm lặng yêu thương tôi.
Là một giáo sư Đại Học, nên tôi không thể nào sống xô bồ như trước kia, như thời còn là sinh viên.
Thế là, tôi phải chọn một nơi vui chơi, mà vẫn giữ được “tư cách” của mình.
Tôi công khai tuyên bố, tôi là người Công Giáo, và rồi tôi đến tham gia những sinh hoạt trong nhóm sinh viên Công Giáo.
Vị Tuyên Úy Sinh Viên Công giáo Cần Thơ lúc bấy giờ, là cha Hoàng Đắc Ánh.
Cha là một linh mục trẻ, vừa lấy xong bằng tiến sĩ thần học và cử nhân Kinh Thánh ở nước ngoài về, nên cha là một con người, vừa cởi mở, vừa rất sâu sắc.
Cha đến Cần Thơ với dự định, thành lập một trung tâm, như một câu lạc bộ, dành riêng cho giới trí thức Công Giáo, như cha Pineau đã từng thực hiện, tại Trung Tâm Phục Hưng, 44 Tú Xương Sài-gòn, vào thập niên 50.
Đi với Bụt, thì mặc áo cà sa. Đi với sinh viên Công Giáo, thì đọc Sách Thánh.
Ngoài những giờ vui chơi “lành mạnh”, tôi cũng dự những buổi chia sẻ Lời Chúa.
Tôi cũng đã từng đi dự lễ, cũng đã từng lên rước Chúa, bởi tôi không muốn ai thắc mắc gì về tôi.
Còn việc đi xưng tội, thì không bao giờ có tôi.
Chúa đối với tôi lúc bấy giờ, chỉ là một trò đùa...
Tôi đóng kịch là người ngoan đạo, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn oán ghét Thiên Chúa, vì Người đã để tôi cù bơ cù bất trong cuộc đời, và đặt bao nỗi tuyệt vọng, trong một cái vỏ đàng hoàng của tôi:
Dù tôi có lăn lộn thế nào giữa đám đông, thì nỗi cô đơn của tôi, cũng vẫn làm cho tôi ngộp thở từng giây từng phút.
Đã có mấy lần, tôi cũng nghĩ đến việc tự tử êm ái, nhưng vì nhiều lý do khiến tôi chưa dám làm.
Cho đến một Mùa Chay nọ, tôi nghe đọc bài Thương Khó của Chúa Giêsu... Khi nghe vị chủ tế đọc lên:
"Lạy Cha, sao Cha bỏ con", bỗng tôi rùng mình.
Trong khoảnh khắc đó, tôi đã thấy được toàn bộ sự chua chát của con người, đã đối xử với Chúa:
Chúa phải trải qua một đêm cô đơn ở Vườn Cây Dầu, tên là Giếtsêmani.
Chúa phải trải qua những nỗi sợ hãi kinh hoàng, đến độ đổ mồ hôi máu.
Rồi bị tù đày, rồi bị tra tấn, bị nhạo báng, bị phỉ nhổ, bị trói, và bị kéo lê trên đường lên Núi Sọ.
Tuy đã kiệt sức, nhưng vai thì lại phải mang vác một cây thập giá thật cồng kềnh, đã 3 lần té ngã, chúi mặt xuống đất, nào là tiếng búa, nào là mũi đinh... .
Và tôi, bỗng cảm thấy thương Ngài vô chừng, cảm thấy Ngài quả là một người bạn chí thiết của tôi.
Bởi Ngài cũng đã bị cô đơn như tôi. Bởi Ngài cũng chịu những nỗi bất công như tôi, và còn hơn tôi nữa.
Hôm đó là lần đầu tiên, khi về nhà, tôi đã tự ý mở Phúc Âm ra để đọc, sau mấy năm đọc một cách máy móc với các sinh viên.
Nhưng chưa phải là tôi đến với Chúa thật sự đâu, bởi tôi chỉ muốn đọc lại tiểu sử của một người Bạn, mà sao tôi thấy giống tôi đến thế.
Nhưng rồi, khi đọc Phúc âm theo thánh Lu-ca, về những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu, thì tôi đã không còn hiểu gì được nữa.
Bởi thánh Lu-ca viết:
"Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha".
Tôi không thể hiểu, là tại sao một người đã bị bỏ rơi đến chết như thế, mà lại vẫn còn có thể tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Cha của mình.
Tôi đến trao đổi với cha Ánh.
Cha lắng nghe tôi nói thật lâu, mà không hề nói một tiếng nào.
Cuối cùng, cha đề nghị với tôi, cùng đọc một đoạn Phúc âm khác, cũng của thánh Lu-ca, đoạn nói về “Người con trai hoang đàng”.
Tôi đã hiểu ý của cha, và tôi đã dõng dạt tuyên bố: Tôi không muốn xưng tội đâu, bởi vì, tôi không biết phải xưng thế nào... vì tội của tôi nhiều quá.
Cha Ánh bảo:
"Anh cứ nói với Chúa, những gì anh đã nói với tôi tự nãy giờ...”.
Rồi cha quỳ gối xuống trước mặt tôi, và làm dấu Thánh Giá.
Bầu trời như sụp đổ ! Không còn là một linh mục khuyên nhủ người “con hoang đàng” nữa, mà là Thiên Chúa, qua vị đại diện của Ngài, đang quỳ gối cầu xin, dưới chân tôi.
Tôi choáng váng.
Trước mặt tôi là hình ảnh, một Thiên Chúa quỳ xuống, để khẩn cầu tôi, để xin lỗi tôi: Xin lỗi, vì đã đem tình yêu vô biên của Người, làm xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi.
Tôi không thể nào đứng vững được nữa. Tôi xụp quỳ xuống bên cạnh cha, và lắp bắp:
"Lạy Cha, xin Cha tha tội cho con...”.
Tôi chỉ nói được có thế, rồi nghẹn họng... Nước mắt cứ trào ra. Lâu thật lâu, tôi mới nghe được câu: "Cha tha tội cho con...” Và tôi đã oà lên khóc...
Kể từ khi, tôi có trí khôn đến giờ, chưa bao giờ tôi khóc. Bởi tôi rất ghét cái sướt mướt, vì nó là sản phẩm của đàn bà, nó chứng tỏ một sự hèn nhát! Một sự nhu nhược.
Thế mà hôm đó, tôi đã oà khóc như một đứa con nít...
Và quả thật, kể từ ngày đó, tôi đã trở thành một đứa con nít, trong tay Cha trên Trời, Đấng đã yêu thương tôi, đến độ, đã cho tôi cái đặc ân bị bỏ rơi, giống như Con Chí Ái của Ngài.
Tôi đã chấp nhận lại cuộc đời, và cuộc đời đã chấp nhận tôi.
Vâng, tôi là một đứa con hoang đàng trở về, sau 10 năm chống đối Chúa, sau 10 năm nổi loạn với Chúa, bởi vì, tình yêu của Chúa, mạnh hơn sự căm thù của tôi...
*****
Tôi kể lại cuộc đời của tôi, theo lời đề nghị của cha Lê Quang Uy, một linh mục trẻ Dòng Chúa Cứu Thế, một linh mục luôn thao thức gởi những chứng tích của Tình Yêu Thiên Chúa, đến cho mọi người, và cho từng người.
Tôi viết lại những dòng này, là vì đức vâng lời.
Bởi tôi nghĩ, đã đến lúc, cuộc đời của tôi không còn thuộc về tôi nữa.
Sở dĩ, tôi kể lại những đêm đen của đời tôi, không phải là vì cuộc đời tôi có cái gì đáng nghe, hơn cuộc đời của bất cứ ai khác, nhưng tôi xin được phép kể lại cái biến cố khiến tôi trở lại, như là một ân huệ lớn lao, chỉ để tạ ơn Chúa, và để kêu gọi mọi người cùng tạ ơn Chúa với tôi.
*****
Và đây là điều duy nhất, tôi muốn nói với những ai đang ở trong cô đơn, trong tuyệt vọng, trong tội lỗi nhiều như tôi trước đây:
Bạn từng nghĩ rằng, Thiên Chúa là một người Cha Nhân Lành, đang chờ đợi bạn trở về, để xin lỗi Người, để Người có thể mặc cho bạn chiếc áo thượng hạng, mở tiệc lớn ăn mừng bạn, vì bạn là đứa con hoang trở về ...
Sai rồi ! Đó chỉ là câu chuyện trong dụ ngôn trong của Phúc âm!
Nhưng trong thực tế cuộc đời, Chúa không hề chờ đợi bạn trở về đâu. Mà Chúa đang theo sát bạn, vẫn luôn quỳ gối dưới chân bạn, mà khẩn cầu, mà xin bạn tha thứ cho Người, bởi Người đã xúc phạm đến bạn, khi vì quá yêu thương bạn, mà chấp mọi vết nhơ, do chính bạn đã tạo ra cho tâm hồn bạn.
Bạn hãy nhìn xuống đi, rồi cũng như tôi, bạn sẽ bắt gặp được Thiên Chúa, đã quỳ gối dưới chân bạn từ lâu lắm rồi, để khẩn cầu bạn.
Vậy, xin bạn hãy thương Người. Vậy, xin bạn đừng nỡ dửng dưng, với Người, đừng vô tâm đối với Người nữa.
Lạy Chúa, khi nghe lời tâm sự của vị Giáo sư, đã một đời nổi loạn với Chúa, bỗng dưng lại nhận ra tình yêu Thương của Chúa, con thật cảm phục Chúa vô chừng.
Chúa có đường lối riêng của Chúa.
Chúa cách thức hành động riêng của Chúa.
Chúa có thể biến một con người đang căm thù Chúa, lại trở thành một người con ngoan hiền của Chúa.
Xin cho con luôn biết khám phá ra tình yêu thương của Chúa trong mọi hoàn cảnh sống, và trong mọi tình huống của cuộc đời con. Amen.
Nơi đây hồi đó, là một vùng ngoại ô thuộc thành phố. Có một ngôi Thánh Đường đã được xây dựng khá lâu, tuy không lớn lắm, nhưng cũng đủ, để phục vụ cho những nhu cầu tôn giáo của bà con giáo dân ở đây.
Tuy không đẹp lắm, nhưng cũng đủ trang nghiêm và thánh thiêng, để hướng lòng người ta lên với Chúa.
Nói thật, ai cũng cảm thấy hài lòng, vì sự thân thương, hài hoà, gần gũi của những sinh hoạt tôn giáo, rất phù hợp với lớp dân nghèo ở đây.
Dân chúng sống ở đây thường là những người có đạo, nên họ thích sống quanh quẩn chung quanh nhà thờ.
Giáo dân ở đây không đông lắm. Nhà ở của họ, thì lưa thưa rãi rác. Họ là những dân kỳ cựu, đã từng sinh sống ở đây lâu năm.
Đất cát nhà cửa của họ, thường là do ông bà tổ tiên để lại.
Phần lớn họ đều sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi nhỏ, và lao động phổ thông.
Tuy cuộc sống có nghèo, nhưng cũng đủ tạm qua ngày, nên cuộc sống cũng gọi được là tạm ổn định.
Họ thường trồng rau xanh, bên những thửa vườn quanh nhà, và ở những vuông đất chạy dọc theo hai bờ kênh.
Lúc đó người ta mua bán trao đổi hàng hoá với nhau, nhờ những chiếc xuồng ghe ngang dọc qua lại suốt dọc con kênh.
Chiều chiều bọn trẻ con, thường hay tụ tập ra bờ kênh, để thả diều, để hóng gió, để nô giỡn, trông rất hồn nhiên nên thơ, chúng không có gì để bận tâm hay phải lo nghĩ. Quang cảng trông thật dễ thương vô chừng.
*****
Thế rồi, vì hoàn cảnh cuộc sống, dân chúng ở khắp nơi, đã đua nhau, đổ xô về thành phố để kiếm sống. Dân số càng ngày càng đông thêm, nhà cửa lại mọc lên chi chít, ngang dọc, chẳng theo một trật tự nào.
Những vườn rau trước kia, nay được thay thế bằng những ngôi nhà tường, có rào cao, có cổng rộng, và nhiều nhà cao tầng, cũng đã bắt đầu mọc lên.
Dòng nước của con kênh, nay đã trở nên đen ngòm, và đã bị ô nhiễm trầm trọng.
Những ghe thuyền xưa kia, thường qua lại, nay không thấy bóng dáng đâu nữa.
Bọn trẻ con, cũng không còn thấy tập trung vui chơi ở hai bênh bờ kinh như xưa. Bởi không còn có đất nào trống.
Vã lại ngày nay, bọn trẻ có những trò chơi điện tử, hiện đại hơn, nên chẳng tha thiết gì đến những trò chơi dân giả, kiểu nông thôn.
Rồi dân nhập cư, mỗi ngày một cứ đông thêm, chen chút nhau, như không còn đất để đặt chân, cũng còn không khí để thở nữa. Bởi nhiều nhà cao tầng, cũng đã đua nhau mọc lên, cao ngất, chiếm hết không gian.
Cả ánh nắng mặc trời, cũng khó lòng mà lọt xuống mặt đường đi.
Và vùng ngoại ô xưa kia, nay bỗng nhiên, lọt sâu vào trong Thành Phố, và đã trở thành vùng đất thuộc trung tâm thành phố.
Với làn sóng dân nhập cư tràn lan, những người công giáo ở khắp nơi, cũng đua nhau vào thành phố. Thế là giáo dân quanh nhà thờ lại cứ tăng lên theo cấp số nhân.
Rồi vì nhu cầu tôn giáo đòi hỏi, cha sở quyết định phá nhà thờ cũ, để xây dựng lại nhà thờ mới, cho to hơn, cho lớn hơn, cho rộng rãi hơn, cho đẹp hơn, cho nguy nga tráng lệ hơn, cho lộng lẫy hơn, cho phù hợp với hướng đi lên của thành phố.
Tượng đài Đức Mẹ xưa kia, bên cạnh Nhà Thờ, cũng đã được trùng tu lại. Nhưng để bảo đảm an ninh, người ta đã làm một hàng rào, bao xung quanh Linh Địa. Những ai muốn vào thắp nhang, lễ hương, hoặc cầu khấn với Đức Mẹ, thì phải bỏ dép ra ở bên ngoài, và phải bước qua một cánh cửa hẹp, chỉ đủ cho một người đi qua. Còn tượng Đức Mẹ, thì nay, đã được đặt ở vị trí trên cao hơn xưa.
Tuy có vẻ uy nghi, trang trọng, lộng lẫy hơn xưa thật, nhưng vô tình cũng đã tạo thành một khoảng cách xa xăm làm sao ấy.
*****
Thánh Lễ sáng nay, phải nói là đặc biệt hơn các ngày thường. Bởi gian Cung Thánh đã được trang hoàng bằng những bình hoa tươi, rất nhiều, rất đẹp, rất quý.
Trên bàn thờ có đặt hai cây đèn cầy màu tím, với hoa văn rất cầu kỳ.
Còn trên gian cung thánh, có xếp những hàng ghế, dành cho các linh mục đồng tế.
Ở bên dưới, giữa lòng nhà thờ, có những dãy ghế được gắn những tấm thẻ báo, dành riêng cho các Tu Sĩ Nam Nữ và các thân nhân.
Ở một góc nhà thờ, có một đội kèn tây, thỉnh thoảng phát ra những bài thánh ca, tiếng oang oang thật inh ỏi, làm gật nảy cả mình, những người đang cầu nguyện trong nhà thờ.
Khổ nhất là những ông già bà cả, những người yếu tim, phải chấp nhận chịu đựng, cho nên họ chẳng thấy hay ho gì. Mặc dù, đây là đội kèn tây nổi tiếng trong Thành Phố.
Phải tốn nhiều tiền lắm, phải tốn công sức nhiều lắm, người ta mới rước họ được về đây.
Không biết trước mặt Chúa, thêm một đội kèn tây như vậy, thì người chết có được thêm công phúc gì không, hay người chết có được giảm bớt hình phạt bởi tội hay không?
Nhưng dù sao, đây chính là lễ an táng, do hàng xứ, muốn tổ chức thật đặc biệt, dành cho vị đại ân nhân của Giáo Xứ.
Kể từ lúc đại ân nhân này nằm xuống, thì các hội đoàn trong Giáo Xứ, đã thay nhau đến đọc kinh rân rang, liên tục.
Mỗi hội đoàn, sau khi đọc kinh xong, đều được đại diện của gia đình chu đáo, dúi cho một phong bì dầy cộm. Và hình như không thấy thiếu vắng một đoàn thể nào trong Giáo Xứ, mà không đến cầu kinh.
Trong bài giảng Thánh Lễ, cha giảng đã liệt kê không sót một công đức nào của vị đại ân nhân này. Phải nói là ngài “rút ruột” ra, để giảng một bài thật hùng hồn, thật cảm động, đã làm cho nhiều bà, nhiều cô, kể cả các nữ tu nữa, cũng phải lấy khăn mù xoa ra, mà lau nước mắt.
Nhưng những con cháu, nhất là những người, từ nước ngoài trở về, thì lại nghe một cách rất “bình tĩnh”, thản nhiên, coi như đó là chuyện đương nhiên, bình thường và có phần hãnh diện tự hào nữa.
*****
Nhưng có một chuyện xảy ra quá bất ngờ, làm cho mọi người lúng túng, không biết ứng xử làm sao cho chuẩn.
Số là đang lúc Thánh Lễ an táng được diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng, thì một bà điên xuất hiện. Bà bình tĩnh, từ lối giữa nhà thờ, chậm chậm tiến lên phía hàng ghế đầu của các nữ tu. Bà quỳ gối ở đó. Bà cầu kinh thật trang nghiêm. Bà cầu kinh sốt sắng như mọi người.
Được biết, bà điên này, là dân nhập cư, đã nhập vào đây ở cái thời, mà các ao rau muống mới mọc lên vài cái toà nhà cao tầng.
Trước đây, bà cũng đã có một gia đình. Chồng bà chạy xe Honda ôm. Đứa con trai duy nhất lúc đó, thì còn đang học tiểu học.
Bởi vì bà nghèo, nên hai vợ chồng của bà cũng tiến đến hôn nhân rất trễ.
Và cả gia đình chỉ có khả năng thuê một căn gác ọp ẹp, chưa đầy 12m2 để ở trọ.
Nhưng dù sao, thì cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn nhiều, so với quê hương miền Trung của bà, vừa nghèo, vừa đói, lại vừa khổ. Đã thế, quanh năm ngày tháng lại bị bão tố, lũ lụt đe doạ thường xuyên.
Trong một ngày mưa gió âm u, chồng bà chạy xe không thấy trở về. Người ta chạy đến báo tin cho bà hay, là chồng bà vừa mới chết trên đường trở về nhà, sau khi đã cố gắng chạy thêm một cuốc xe cuối cùng, để lấy tiền đóng học phí cho đứa con.
Nghe tin dữ này, bà đã ngã quỵ, gục xuống đất, bất tĩnh.
Đứa con trai thì ngơ ngác nhìn vào đêm tối, mà chẳng hiểu gì.
Đám ma đã diễn ra sau đó, hết sức lặng lẽ và âm thầm.
Bởi, đây là dân nhập cư, đã không xin gia nhập họ đạo, và không ai biết tông tích lý lịch đạo nghĩa thế nào, cho nên theo quy định của Giáo Xứ nơi này, thì họ không được phép đưa vào trong nhà thờ để làm lễ an táng. Mà cha xứ chỉ đến tại nhà, để cử hành nghi lễ an táng qua loa, rồi gia đình đưa đi hoả táng.
Đám tang hôm ấy chẳng thấy có một hội đoàn nào trong Giáo Xứ đến viếng thăm hay cầu kinh.
Sau đám táng, cơn vật vã của bà còn tiếp tục kéo dài cả tuần lễ.
Cuối cùng, bà cũng đã gượng dậy được, bởi bà nhìn thấy đứa con của bà hãy còn quá nhỏ, rất cần được bà tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương.
Bất hạnh thay, khoảng một tháng sau, thì đứa con cũng từ trần, vì chứng bệnh sốt xuất huyết.
Đúng ra, thì em bé không đến nỗi phải chết một cách oan uổng như vậy đâu, nếu như bà có tiền, và đưa em kịp thời vào bệnh viện.
Đám tang của em, còn buồn bã hơn và lạnh lẽo, hơn đám tang của cha nó nhiều.
Lần này, thì hình như bà đã kiệt sức hoàn toàn, kể cả thể xác lẫn tinh thần, nên bà không còn có thể gượng dậy được nữa.
Bà đã khóc, khóc rất nhiều, và khóc đến hết nước mắt.
Và khi đã đi đến tận cùng của nỗi đau, bà không còn khóc được nữa, bà lại bắt đầu cười, cười liên hồi, cười từng cơn, cười một cách vu vơ.
Vì lúc nào bà cũng cười, cho nên người ta có cảm tưởng là bà không còn đau khổ nữa.
Nhưng cái cười của bà nó như man man, nó như như dại dại làm sao ấy. Từ đó, người ta gọi bà là “Bà Điên”.
Bà tiếp tục sống được, là nhờ lòng hảo tâm, thương hại của những người chung quanh, người thì cho cái này, kẻ thì cho cái khác, thế là bà sống đắp đổi qua ngày, trong cái kiếp phù sinh thật bi thảm.
Những khi lên cơn, bà thường đi lang thang đó đây.
Bà đã ở đâu, không ai biết rõ. Nhưng có một điều đặc biệt, là ngày nào, người ta cũng thấy bà có mặt ở nhà thờ để tham dự Thánh Lễ.
Nhưng chưa bao giờ, thấy bà tham dự một Thánh Lễ nào, cho có đầu có cuối. Có khi, thì bà đến nhà thờ thật sớm, có lúc lễ gần xong thì bà mới tới. Khi Lễ xong, mọi người ra về, bà thường còn nán ở lại nhà thờ khá lâu, để cầu nguyện riêng.
Bà cầu nguyện rất lớn tiếng. Và lời cầu nguyện của bà, thường chẳng ai hiểu bà muốn nói gì với Chúa. Nhưng nhìn bà, người ta có cảm tưởng, là bà rất xác tín, là Chúa đã hiểu những điều bà đang cầu xin.
Thỉnh thoảng trong Thánh Lễ, bà đã có những cử chỉ, hay những lời kinh, chẳng giống ai.
Nhất là khi cộng đoàn đọc kinh “Tôi Thú Nhận”, tới câu: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng...”, thì bà đọc rất thống thiết, giọng rất bi ai, nghe rất thảm thương.
Bà đấm ngực thật mạnh, như đấm để cho vỡ toang lồng ngực ra.
Rồi khi linh mục đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người...” thì bà thưa “Amen” thật to, và thưa đến ba lần, thưa với ba cao độ khác nhau, từ cao xuống thấp. Thật đúng là một bà điên. Bởi bà chẳng giống ai ! Những người chung quanh tỏ ra rất khó chịu, nhưng cũng có lúc lại không nín cười được.
Có lần, khi chủ tế đọc lời truyền phép xong, giơ cao Mình Thánh Chúa lên, để giáo dân thời lạy, thì bà ung dung bước thẳng lên gian Cung Thánh, kính cẩn hôn tượng thánh giá Chúa, được cắm ở trước bàn thờ, rồi ung dung bước xuống, khiến cả nhà thờ ngỡ ngàng.
Tứ đó, các ông bà đạo đức, và các ông Hội Đồng Gíao Xứ luôn cảnh giác, coi chừng bà, để còn kịp thời ngăn chận những hành động kỳ quặc của bà, hoặc lôi kéo bà ra khỏi nhà thờ ngay.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, không thấy bà xuất hiện ở nhà thờ này nữa. Mọi người, ai cũng vui mừng phấn khởi.
*****
Nhưng, thật bất ngờ trong Thánh Lễ an táng sáng hôm nay, không biết từ đâu, bỗng dưng bà lại xuất hiện.
Bà khoác trên mình một bộ đồ nhiều màu sắc, đầy bụi bặm. Nhưng gương mặt và ánh mắt của bà, thì có vẻ tỉnh táo hơn trước kia.
Không hiểu tại sao, bà lại muốn tiến lên chỗ dành riêng của các nữ tu để ngồi dự Lễ ?
Có lẽ bà muốn quan sát đám tang này cho thật rõ hơn, cho thật kỹ hơn chăng ?
Bà chăm chú tham dự Thánh Lễ và thỉnh thoảng hướng mắt về phía cỗ quan tài, với một cái nhìn ngơ ngát khó hiểu.
Cái mùi hôi và nước dãi, từ miệng của bà nhiễu ra, đã làm cho một số nữ tu tỏ ra rất khó chịu.
Đến lúc gần rước lễ, hình như một chị nữ tu trẻ, nữa, liền móc trong túi áo ra một tờ giấy bạc 10.000 đồng nhăn nheo, dúi vào tay bà, và ra hiệu cho bà đi chỗ khác mà ngồi.
Bà ta, dường như cũng hiểu ra, nên vội vàng đứng lên ngay, và tiến thẳng ra phía lòng nhà thờ, để xếp hàng chờ được rước lễ.
Một vị trong Hội Đồng Giáo Xứ thấy vậy, đã vội vàng tiến đến, nắm lấy tay bà, và lôi kéo bà ra khỏi nhà thờ.
Nhìn lên ảnh Chúa chuộc tội, đang treo trên cao, người ta thấy cạnh sườn Chúa vẫn còn chảy ra một dòng máu đỏ thẳm...
Lạy Chúa, chúng con là những kẻ có tội. Xin Chúa thương tha tội cho chúng con.
Xin cho chúng con, đừng vì một lý do nào đó, hay vì một hoàn cảnh nào đó, mà vô tâm đối với những người nghèo khổ, hay những người có những hoàn cảnh ít may mắn, kẻo những vết thương của Chúa, lại tiếp tục rướm máu. Amen.
Có một chàng thanh niên, tên là Osaman, một sinh viên Đại Học năm thứ 3 khoa Văn Chương.
Anh ta đang có những nỗi buồn miên man ray rức trong cuộc sống, mà không biết thổ lộ cùng ai. Anh cũng chẳng biết tìm đến ai để bàn, để hỏi nữa.
Thế là anh cứ đi lang thang thất thểu, hết phố này đến phố nọ ở Paris, thủ đô nước Pháp. Mà rồi thật sự, anh cũng không biết mình đi đâu, và cũng không biết mình đi để làm gì nữa.
Thế rồi một hôm, đang khi đi trên đường phố, mà lòng thì suy nghĩ miên man bông lung, bỗng anh chú ý đến cái tháp của một nhà thờ cổ kính, ngọn tháp thì vút cao, như muốn vươn lên tới tận trời xanh.
Nhìn lên ngọn tháp, tự nhiên lòng anh bổng cảm thấy lâng lâng nhẹ nhàng dễ chịu cách lạ thường.
Anh muốn dừng lại ở nhà thờ này đôi lúc, vừa để nghỉ mệt, vừa để thưởng thức khung cảnh yên tỉnh thánh thiêng của nơi này, vừa để cho tâm hồn mệt mỏi của anh được xả hơi đôi chút, vừa để tìm lại sự thanh thản cho tâm hồn.
Anh đã bước vào trong nhà thờ. Và khi còn đang đứng ở phía cuối, bỗng anh chú ý đến một cái bóng đen đang quì cầu nguyện nơi hàng ghế đầu. Anh chợt nhận ra đó là thầy giáo của anh. Nhưng, sợ mình nhầm lẫn chăng, nên anh quyết định bước lên cho gần, để trông thấy cho rõ hơn.
Khi đến gần, rõ ràng, anh đã không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là thầy giáo của anh, một nhà bác học thiên tài André Marie Ampère (1775 – 1836).
Chàng sinh viên hết sức ngỡ ngàng, và đã có không biết bao suy nghĩ miên man lảng vảng trong đầu óc của anh, về việc một vị giáo sư vật lý và hoá học nổi tiếng đến như vậy, lại có thể đến nhà thờ cầu nguyện.
Bởi từ lâu anh cứ nghĩ, nhà thờ là nơi chỉ dành cho những ông già bà cả, cho những đàn bà con gái, cho bọn trẻ, cho bọn con nít, cho những người nhẹ dạ nông nổi dễ tin, cho những người ít học ít hiểu biết.
Cũng từ những suy nghĩ đó, cho nên kể từ ngày anh đặt chân vào đại học, cũng là lúc anh bắt đầu bỏ Chúa, bỏ đạo, và hầu như rất ít khi anh đặt chân bước vào trong nhà thờ, tuy anh là đạo gốc, tuy anh là đạo dòng. Còn việc xưng tội rước lễ, thì coi như là không bao giờ có anh.
Khi vị giáo sư đứng dậy ra về, anh chàng sinh viên vẫn tiếp tục ở lại nhà thờ, vẫn quỳ gối cầu nguyện khá lâu.
Đề tài cầu nguyện của anh cũng chỉ xoay quanh vấn đề:
Một nhà bác học nổi tiếng như vậy, mà vẫn có thể tin Chúa được sao, vẫn còn có thể giữ đạo được sao, vẫn còn có thể cầu nguyện được sao?
Thế thì tại sao, anh mới chỉ là một sinh viên tầm thường thôi, chữ nghĩa thì có gì đâu, bằng cấp thì có ra cái gì đâu, vậy mà từ bấy lâu nay, tại sao anh lại bỏ Chúa, tại sao anh lại bỏ đạo, để tỏ ra là một nhà trí thức chăng. Thật là buồn cười, thật là phi lý vô chừng.
Sau một lúc miên man suy nghĩ và cầu nguyện, anh đứng dậy, bước ra khỏi nhà thờ. Anh vội vàng đi thẳng một mạch đến nhà riêng của nhà bác học.
Anh nhè nhẹ gõ cửa. Nhưng anh vẫn còn rụt rè do dự, chưa dám bước vào ngay.
Hiểu tâm trạng của các học trò của mình, nên vị giáo sư lên tiếng trước:
“Này anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh được điều gì chăng? Chắc là anh đang gặp phải một bài toán vật lý nào đó khó lắm phải không ?”
Anh chàng sinh viên nhè nhẹ trả lời: “Dạ thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Cho nên nói thật, các môn khoa học của con, phải nói là dốt lắm. Nhưng, con xin được phép hỏi thầy một chút về vấn đề Đức Tin mà thôi”.
Vị giáo sư khiêm tốn đáp lại: “Ah, cái về vấn đề Đức Tin hả. Phải công nhận, đây lại là một môn yếu nhất của tôi. Nhưng thôi cũng được, nếu tôi có thể giúp anh được điều gì, tôi sẽ rất sẵn sàng.”
Anh chàng sinh viên nói tiếp:
“Thưa Thầy, người ta có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại, vừa là một người tín hữu bình thường, vừa có thể cầu nguyện bình thường, như mọi người khác được chăng ?”
Vị giáo sư ngỡ ngàng trước câu hỏi của chàng sinh viên. Nhưng ông cũng cố gắng để trả lời. Với cặp môi run run, đầy xúc động, ông nói:
“Này anh bạn trẻ, chúng ta chỉ có thể vĩ đại, khi chúng ta cầu nguyện mà thôi !”
***
Bạn thân mến.
Câu trả lời của nhà bác học nỗi tiếng André Marie Ampère, cũng chính là câu nói thời danh của một nhà toán học kiêm triết gia Blaise Pascal đã nói trước đó khá lâu, có lẽ vào khoảng năm 1653. Ông ta đã nói như thế này:
"Con người sẽ vĩ đại, khi quỳ gối cầu nguyện”.
Phải, khi quỳ gối cầu nguyện, con người sẽ trở nên vĩ đại, bởi vì đó là lúc con người được kết hợp với Chúa là Chúa tể trời đất, là Đấng thượng trí vô song.
Và chúng ta sẽ trở nên vĩ đại thật sự, vì được có dịp, sống thân thiện mật thiết với Đấng cao cả tuyệt vời đó.
Được hoà hợp với Ngài, được sống thân tình với ngài, được sống tình nghĩa với Ngài, thật thân thương, thật mật thiết với Ngài, trong tâm tình Cha con, thì phải nói là thật tuyệt vời:
Lúc đó, ta sẽ là con của Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ là Cha của ta. Còn gì hạnh phúc hơn, còn gì vinh dự hơn, khi Cha con hoà hợp với nhau, thật thân tình như vậy!.
*****
Bạn thân mến,
Có bao giờ bạn đã cầu nguyện được như các nhà bác học này chưa?
Coi chừng, bạn chỉ mới đọc kinh mà thôi, chứ chưa cầu nguyện thật sự. Bởi bạn đọc kinh, chứ bạn chưa hề gặp được Chúa. Bởi qua những lời kinh bạn đọc, cũng chỉ là đọc những công thức có sẵn, như những câu thần chú, đọc như cái máy, đọc như một con sáo, đọc mà không hề ý thức, đọc mà không hề hiểu, là bạn đang đọc cái gì nữa.
Như vậy thì làm sao, bạn có thể nếm cảm được sự vĩ đại của việc cầu nguyện ?
Bạn chưa nếm cảm được sự tuyệt vời của sự cầu nguyện, cũng có thể là do bạn đã không biết dành thời gian thinh lặng nhiều hơn, cố gắng đến nhà thờ sớm hơn một chút, để viếng Chúa một cách riêng tư, để tâm sự một mình bạn với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Cũng có thể là do bạn đã buông xuôi theo những công cuộc làm ăn, đến nỗi quên đi cả những bổn phận thờ phượng Chúa.
Cũng có thể là do bạn quá chăm lo cho phần xác, mà lơ là, mà bê trễ trong việc chăm sóc cho phần rỗi đời đời của bạn.
Cũng có thể là do mỗi lần cầu nguyện, tâm trí của bạn để ở đâu đâu, chứ không tập trung hết mình cho buổi cầu nguyện, làm cho buổi cầu nguyện của bạn có quá nhiều chia trí lo ra.
Do đó, khi cầu nguyện, bạn đã không hề có một chút tâm tình gì đối với Chúa.
Và vì Chúa đã không hề có một chỗ nào trong cuộc sống của bạn, để bạn quan tâm, cho nên bạn đã không cố gắng đủ để sắp xếp một thời gian nào đó, thuận tiện cho việc cầu nguyện thờ phượng Chúa, ở nhà thờ, và ở gia đình, sáng và tối.
Có thể bạn nói: Làm gì, mà tôi có giờ để cầu nguyện như vậy được.
Nhưng mà này bạn, bạn đã quên một điều rất quan trọng trong cuộc sống của bạn: Đó là thời giờ.
Thời giờ là của Chúa chứ đâu phải là của bạn.
Chúa đã ban cho bạn lúc nào, ban cho bạn bao nhiêu, là tùy ý Chúa.
Và Chúa muốn lấy lại bất cứ lúc nào, cũng tùy ý Chúa muốn, bạn chẳng có một chút quyền gì trên thời gian, mà bạn đang hưởng đâu.
Đừng nghĩ: Thời gian là của bạn, để rồi bạn độc quyền chiếm hữu, để rồi chỉ biết dùng nó, mà lo cho những nhu cầu riêng tư của chính bản thân bạn mà thôi, còn Chúa, thì bạn không bao giờ nghĩ đến, và cũng chẳng bao giờ dành cho Chúa một khoảng thời gian nào hết.
Như thế, có phải là bất công lắm hay không ?
Như thế, có phải là bạn đang chọc giận, chọc tức Chúa thường xuyên không?
Vậy, tôi khuyên bạn, hãy quan tâm hơn nữa đến đời sống đạo:
Hãy dành cho Chúa một chỗ trong tâm hồn của bạn đi.
Hãy lo tìm thời gian mà thờ phượng Chúa, hằng ngày chung với mọi người trong gia đình, và hằng tuần chung với mọi người ở nhà thờ vào ngày Chúa Nhật.
Chắc là bạn có đọc kinh cầu nguyện sáng tối mỗi ngày phải không?
Đó là chuyện bình thường của một người con Chúa mà thôi.
Nhưng nếu, chỉ đọc riêng mà thôi, thì chưa đủ đâu:
Bởi vì, khi cầu nguyện riêng, thì Chúa sẽ ban ơn riêng cho bạn.
Còn khi cầu nguyện chung với mọi người trong gia đình, thì Chúa sẽ ban ơn chung cho mọi người trong gia đình. Ơn chung cũng cần thiết lắm cho gia đình, không kém gì ơn riêng đâu:
Ơn làm chồng, ơn làm vợ, ơn làm cha, ơn làm mẹ, ơn làm con cái hiếu thảo ngoan hiền, ơn sống hoà thuận yêu thương nhau. Ơn sắp xếp tổ chức cuộc sống của gia đình mình sao cho được hài hoà, sao cho được êm ấm, sao cho được hạnh phúc.
Ông bà chúng ta thường nói:
Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên (= gầy chuyện là của con người, mà thành chuyện hay không còn tùy thuộc ở Trời, còn tùy thuộc vào Thiên Chúa nữa).
Hay như Chúa Giêsu cũng đã nói trong Kinh Thánh:
“Không có Thầy, chúng con không thể làm gì được đâu” (Gioan 15,5b).
Hay chỗ khác trong thánh vịnh (Tv 127,1) cũng có nói:
“Nếu, mà Thiên Chúa không xây nhà, thì thợ nề vất vã cũng chỉ là luống công vô ích mà thôi”.
Cũng vậy, gia đình mà không có ơn Chúa, thì gia đình rất dễ mất phương hướng lắm.
Một chiếc xe hay một chiếc tàu, mà mất phương hướng, hay lạc tay lái, thì bạn đã biết chắc kết cuộc sẽ ra sao? Chắc chắn là sẽ thê thảm lắm?
Cuộc sống gia đình của bạn cũng sẽ như vậy thôi.
Lạy Chúa, xin dạy cho mỗi người chúng con biết cách cầu nguyện, như Chúa đã dạy các tông đồ xưa kia. Amen
Ở miền bắc bán cầu, những người Eskimo có một cách đánh bẫy chó sói rất là độc đáo:
Họ mài những con dao thật bén, rồi đem những con dao đó nhúng vào máu của súc vật, để cho toàn lưỡi dao phủ đầy máu. Thế rồi, họ mang những con dao đầy máu đó đem cắm ở ngoài đồng.
Những con chó sói, khi ngửi thấy mùi máu, chúng liền nhanh chân chạy đến liếm máu ở những lưỡi dao đó.
Khi đã say máu, chúng không hề hay biết là những lưỡi dao đang cắt lưỡi chúng. Chúng càng liếm thì lưỡi càng bị thương tích. Mà lưỡi càng bị thương tích thì máu lại càng ra nhiều. Mà máu càng chảy ra nhiều, thì sức lực của chúng cũng càng cạn kiệt dần. Cuối cùng, tất cả đàn đều lần lượt ngã lăn ra chết hết.
*****
Bạn thân mến,
Những con chó sói, vì mê say liếm máu tươi, cho nên đã bị những cái bẫy giết chết.
Còn con người chúng ta thì sao?
Chúng ta có khôn ngoan hơn những con chó sói đó không?
Coi chừng: Chúng ta cũng đang bị rất nhiều thứ cạm bẫy, rút dần rút mòn cuộc sống của ta, mà ta chẳng hề hay biết!!!.
Trong Phúc âm thánh Mattthêu 4,1-11, chúng ta thấy Chúa Giêsu 3 lần bị ma quỉ cám dỗ, sau khi đã ăn chay 40 đêm ngày trong sa mạc.
Đây chính là 3 loại cám dỗ, mà con người của chúng ta thường hay mắc phải:
- Đó là thích được ăn sung mặc sướng,
- Đó là thích được vinh hoa phú quý,
- Đó là thích được trọng vọng, được tiếng tăm, được mọi người biết đến tên tuổi của mình.
*****
Cái cạm bẫy thứ nhất đã đánh thẳng vào cái nhu cầu sinh tồn rất thiết thực đối với con người chúng ta, đó là nhu cầu cơm ăn áo mặc.
Đành rằng, có thực mới vực được đạo, nhưng con người ta không phải chỉ cần có cơm ăn áo mặc là đủ.
Mà con người còn cần nhiều thứ khác nữa: Chẳng hạn như những giá trị tinh thần cũng rất cần được thoả mãn, những giá trị đạo đức rất cần phải được đáp ứng, những giá trị mỹ thuật, nghệ thuật, giúp cho con người được phát triển toàn diện, cũng không thể thiếu được trong cuộc sống.
Đã có biết bao nhiêu tai hoạ xảy ra cho con người, cho xã hội, chỉ vì người ta chỉ biết chú trọng đến đời sống vật chất, mà quên đi những giá trị thiêng liêng, đã quên đi những giá trị tinh thần và đạo đức. Người đã quên đi ý nghĩa thật sự của đời người:
- Hiện tại sống để làm gì?
- Rồi mai kia chết sẽ phải đi về đâu?
Nói chung, người ta quá say mê chạy theo những hưởng thụ của tiện nghi vật chất, để rồi đánh mất đi cái phương hướng và cùng đích của đời mình.
Còn cái cạm bẫy thứ hai thì đánh thẳng vào những nhu cầu tâm lý:
Có voi thì đòi tiên.
Nghĩa là người ta chẳng bao giờ hài lòng về những cái mình đang có.
Đành rằng: Biết nhìn lên, biết nhìn tới, biết nhìn xa, để cố gắng vươn lên, là yếu tố cần thiết, để giúp cho con người và xã hội được thăng tiến.
Nhưng nếu không khéo, không biết cảnh giác, thì nó sẽ trở thành những cạm bẫy nguy hiểm.
Bởi nó thường tạo ra những nhu cầu vật chất rất giả tạo:
- Nào là đồ dùng thì phải là hàng hiệu.
- Quần áo thì phải có nhãn, có mác cao cấp nổi tiếng.
- Còn xe cộ, nhà cửa, máy móc trong nhà, thì phải như bạn bè, hoặc là hơn mọi người thì mới chịu.
Cái tâm lý đua đòi, không muốn thua kém ai hết, sẽ đưa chúng ta đến những túi tham không đáy, và lòng muốn của ta sẽ không có chỗ dừng.
Thế là người ta sẽ không còn thời gian để nghĩ đến ngày mai, để nghĩ đến tương lai, hay để nghĩ đến số phận mai sau: Chết rồi, mai kia sẽ đi về đâu?
Đó là chưa nói: Thiên Chúa, Thiên Đàng đối với họ sẽ là một cái gì rất xa vời, không thực tế, không sát với cuộc sống.
Bởi họ không quan tâm, cho nên họ cũng chẳng có chuẩn bị gì, cũng chẳng lo đầu tư gì cho phần rỗi đời đời của họ.
Thế là khi chết, họ phải đành trắng tay mà thôi.
Bởi: “Không có đóng tiền hụi, thì làm sao hốt hụi được?”
Còn cái cạm bẫy thứ ba, thì tinh vi hơn nhiều, đó là thích sự thành công, thích được trọng vọng, thích được người khác tri ân, thích được người khác biết ơn, thích được người khác biết đến tên tuổi của mình.
Và người ta lại coi đây là một nhu cầu tinh thần phải có, để rồi cố đạt cho bằng được, bằng mọi giá, bằng mọi cách.
Quả thật, đây là một cái bẫy nguy hiểm vô chừng: Nguy hiểm đối với mọi người, kể cả những người tu hành, những người đạo đức nữa.
Nếu ta coi những tiếng tung hô, những lời chúc tụng ngợi khen là những thành công, để rồi ngây ngất, không còn biết sự thật ta là ai, thì đây quả là một đại hoạ cho ta, trong ngày Chúa đến phán xét nhân loại.
Rồi, nếu chỉ một vài lời phê bình, chê bai, chỉ trích, cũng đủ để ta bực bội, khó chịu, mất bình tỉnh, có khi sinh ra giận dỗi, hận thù, ghen ghét, thì thử hỏi:
- Ta có xứng đáng là môn đệ của Chúa chăng ?
- Ta có xứng danh là con Chúa không ?
- Ta có đáng được Chúa yêu thương nữa chăng ?
Bởi, trên thánh giá trong cơn hấp hối, Chúa Giêsu đã nài nẳn xin Thiên Chúa Cha tha cho kẻ hành hạ mình, cho những kẻ giết mình.
Và chúng ta đừng quên lời Chúa đã căn dặn:
“Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Gioan 13,34).
Hay,
“Cứ dấu này, mà người ta nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau” (Gioan 13,35).
Rồi, những khi gặp thất bại, ta đã từng có nhưng thái độ nào?
Ta có bình tỉnh, có can đảm đứng vững, để tiếp tục chu toàn những bổn phận đời đạo của mình chăng, hay là chúng ta lại thối chí, nản lòng, rồi buông xuôi, bỏ bê tất cả, kể cả những bổn phận đạo đức căn bản của người công giáo.
Hay có khi vì những thất bại, ta lại sinh ra ghen tức, với kẻ này người bọ, với những người thành công may mắn hơn ta.
Hay tệ hại hơn nữa, ta lại tỏ ra bất mãn, muốn gây tai hoạ cho họ, bởi ăn không được, thì muốn đạp đổ.
Ta nên nhớ, những tư tưởng đó, dù chỉ mới nảy sinh ra trong đầu óc mà thôi, thì cũng đã mang tội rồi.
Bởi, ta đã không quảng đại đủ, không cao thượng đủ, như Chúa đã mong chờ nơi ta, như Chúa đã làm gương cho ta.
Hay có khi còn tệ hơn nữa, vì những thử thách, vì những thất bại này khác, rồi ta lại nghi ngờ quyền năng của Thiên Chúa, không tin vào tình thương của Chúa.
Có khi không còn tin vào sự hiện diện của Chúa ở nơi trần gian này.
******
Bạn thân mến:
Ăn sung mặc sướng, vinh hoa phú quý, danh vọng thành đạt, đó những thứ ai trong chúng ta cũng đều thích.
Nhưng hãy cẩn thận, hãy cảnh giác, bởi đó, có thể là những cái bẫy ngầm rất nguy hiểm, rất dễ làm cho ta bị lạc mất phương hướng, rất dễ làm cho ta xa rời Thiên Chúa, rồi cuối cùng, phần rỗi đời đời của ta cũng xa rời khỏi tầm tay của ta.
Ta cũng hãy nên nhớ: Nếu ma quỷ đã không buông tha cho Chúa Giêsu, thì không dễ gì ma quỉ lại buông tha cho chúng ta đâu.
Phần chúng ta, chúng ta hãy luôn tỉnh thức, hãy luôn cảnh giác, để thấy được, đâu cạm bẫy nguy hiểm đó, để luôn còn biết tìm mọi phương cách để tránh, và để khỏi bị mắc phải những cái bẫy ngầm nguy hiểm đó.
Lạy Chúa, “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen!”
Trong thánh lễ sáng hôm nay, cha giảng lễ đã chọn một đoạn Phúc Âm của thánh Gioan, đoạn 6,37-40, để đọc cho giáo dân nghe, và cũng để cùng với giáo dân suy gẫm. Bài giảng đó lại chỉ xoay quanh có một câu kinh thánh này thôi:
“Tất cả những gì Cha Ta đã trao ban cho Ta, thì sẽ đến với Ta. Và những ai đến với Ta, Ta sẽ không khước từ họ”.
Đây là lễ an táng của một ông cụ già, mới vào đạo Chúa. Ông đã trên 80 tuổi .
Ngoài một vài người trong gia đình biết chuyện, thì chắc không mấy ai biết cụ già này đã đến với Chúa như thế nào đâu.
Nói ông cụ già là người đạo mới, mà đúng là mới thật, bởi ông chỉ mới được rửa tội chưa được 2 ngày thì đã qua đời.
Còn bà cụ, vợ ông, mới thật là người đạo gốc, đạo dòng. Hai người đã sống với nhau từ thời son trẻ, với phép Hôn Phối chuẩn khác đạo.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, bà cụ là một nữ hộ sinh trong một bệnh viện lớn có tiếng ở Hà Nội.
Tuy bà là người đạo gốc đạo dòng, nhưng mà rất ít có ai biết rõ về tông tích lý lịch của bà.
May ra, thì chỉ biết bà thuộc nhóm các bà đạo đức, thường hay tham gia các việc từ thiện bác ái, với cái tên là bà Đốc Chính. Gọi là Bà Đốc, bởi ông chồng bà là Đốc-tơ (gọi theo tiếng tây docteur, có nghĩa là Bác Sĩ).
Bà Đốc Chính là người công giáo, nên bà giữa luật đạo khá chín chắn. Bà coi mạng sống con người là hồng ân Chúa ban, cho nên chuyện sống chết là do quyền năng Thiên Chúa quyết định.
Do đó, việc phá thai, dù là trực tiếp hay gián tiếp, bà vẫn coi đó là tội, vì lỗi luật Chúa, vì lỗi luật đạo, cho nên không bao giờ bà dám làm, cũng không dám tham gia bằng bất cứ hình thức nào.
Đang khi đó, mọi người trong xã hội lại coi việc phá thai là chuyện bình thường: Thích thì giữ con lại, không thích thì tẩy nó đi.
Vì bà Đốc Chính không chịu theo trào lưu như mọi người, cho nên bị người ta đánh giá là “duy tâm”, có nghĩa là lạc hậu, có nghĩa là lỗi thời, có nghĩa cổ lỗ xỉ.
Có người còn cho bà là “phản động” nữa, bởi bà không chịu chấp hành theo lệnh của cấp trên.
Thế là lý lịch của bà bị coi là “có vấn đề”.
Tuy biết thế, nhưng bà Đốc Chính vẫn cứ kiên trì, vẫn giữ vững lập trường theo niềm tin tôn giáo của mình.
Và bà vẫn biết, những bất ổn trong cuộc sống đang chờ đón bà, nhưng bà vẫn chấp nhận. Bà vẫn cứ tiếp tục tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Bà chấp nhận tất cả, miễn sao đẹp lòng Chúa là được rồi.
Thế rồi, sự gì phải tới nó đã tới:
Một hôm thật bất ngờ, bà được lệnh chuyển công tác một cách đột ngột, mà chẳng ai biết lý do.
Tuy, công tác của bà ở bệnh viện Hà Nội vẫn đang diễn tiến thật bình thường, thật tốt đẹp.
Nơi Bà Đốc được lệnh thuyên chuyển về, là một trạm xá ở vùng quê, xa xôi, hẻo lánh, thuộc vùng kinh tế mới, heo hút, thiếu thốn mọi sự.
Bà Đốc Chính, vốn là con của một gia đình “tư sản truyền thống”, giàu có, tiện nghi, đầy đủ, thuộc giai cấp trung lưu ở Thủ đô Hà Nội, nay lại phải đi xa nhà, xa gia đình, xa những tiện nghi quen thuộc, phải lưu lạc nơi chốn thâm u, thuộc vùng sâu vùng xa, với biết bao ngỡ ngàng, ngại ngùng, lo âu đủ mọi chuyện.
Nhưng bà quyết tâm khăn gói lên đường, bởi bà nghĩ:
Một người con Chúa thì không thể ngại khó, ngại khổ được, khi phục vụ giúp đỡ người khác.
Bà nghĩ:
Trước lạ, sau quen, người ta sống được, thì mình cũng sống được.
Nhất là bà luôn tâm niệm:
“Đôi bàn tay Chúa dẫn con đi, tay hồng ân Chúa sẽ đưa con về”.
Mà đúng như vậy, chưa được bao lâu, chỉ mới được vài tuần lễ thôi, bỗng lại bất ngờ, bà nhận được lệnh điều về chỗ cũ, công tác tại bệnh viện Hà Nội, trước sự ngỡ ngàng của bao người, mà chẳng ai hiểu lý do tại sao.
Bởi, nơi bà về công tác, là một nới hoàn toàn xa lạ, mà chỉ mới vài tuần lễ, thì bà cũng chỉ mới tập tễnh làm quen người, làm quen việc, làm quen với chỗ ở thôi, chứ nào bà đã làm được gì đâu.
Vậy mà, người ta lại ra lệnh, điều bà về bệnh viện cũ trở lại.
Mãi sau này, người ta mới khám phá ra, là khi bà rời khỏi bệnh viện Hà Nội, thì đã có không biết bao nhiêu chuyện rắc rối, phức tạp, liên tiếp xảy đến, làm đau đầu các cấp lãnh đạo ở bệnh viện.
Lúc đó, ban lãnh đạo mới nhận ra:
Bà Chính quả là một một nữ hộ sinh tài ba, có tay nghề thật cao, thật vững vàng trong công tác.
Người như bà bệnh viện rất cần. Có thể nói là bệnh viện không thể thiếu bà lúc này.
Cuối cùng, thì mọi người trong ban lãnh đạo đều nhất trí chấp nhận cho bà trở về chỗ cũ, và cũng đành phải chấp nhấn cái gọi là “dở hơi” nơi bà, để cho mọi công việc chung của bệnh viện được ổn định, được trôi chảy hơn. Còn việc bà tin ai, bà tin cái gì, bà chủ trương sống ra sao thì mặc kệ bà.
Thế là bà Chính thở phào nhẹ nhỏm, bởi Chúa đã vừa cất đi một thánh giá khá nặng đối với bà.
*****
Nhưng, niềm vui được trọn vẹn, thì bỗng một thánh giá khác Chúa gởi đến cho bà, còn nặng hơn nhiều, còn vất vả hơn nhiều, còn khốn đốn hơn nhiều, đó là vấn đề ông Đốc Chính, chồng của bà.
Số là khi 2 người mới quen nhau, ông Đốc đã biết bà Chính là ngưòi công giáo, là ngưòi đạo dòng.
Nhưng vì yêu thương muốn cưới bàn, nên ông đành chấp nhận cho bà tiếp tục giữ đạo, nhưng trong lòng, ông không vui chút nào.
Và sự không vui này, cứ lần lần được tỏ lộ ra, như không thể nào đè nén được nữa.
Thế là ông Chính bắt đầu thắc mắc, hạch xách bà đủ điều, đủ chuyện, liên quan đến vấn đề tôn giáo, liên quan đến vấn đề bà thường đi đọc kinh, xem lễ, liên quan đến vấn đề bà thường tham dự các đoàn thể, để rồi vắng nhà thường xuyên.
Những vấn đề ông đặt ra, thường rất là vô lý.
Nhưng bà Chính chấp nhận, để mua sự bình an cho gia đình.
Bởi, bà Chính cũng đã biết: Bà càng mộ đạo bao nhiêu, thì ông Chính lại càng dị ứng bấy nhiêu, càng ác cảm với đạo bấy nhiêu.
Nhất là khi ông thấy các con cứ lần lượt rửa tội theo đạo mẹ, rồi lớn lên, chúng lấy chồng công giáo, lại đưa nhau đến nhà thờ làm lễ cưới nữa.
Cứ mỗi một lần như vậy, ông lại cảm thấy mình bị cô đơn hơn, lại cảm thấy mình bị lạc lõng hơn, ngay trong chính gia đình của ông.
Tuy những dịp rửa tội, hay dịp lễ cưới của các con, ông đều có mặt, nhưng lòng ông vẫn không vui làm sao ấy.
Ông chỉ cố gắng đè nén chịu đựng sự bự bội thôi.
Nhiều người trong gia đình đã cảm nhận được điều đó. Nhưng ai cũng hài lòng, vì mọi sự đều diễn tiến một cách êm thắm, tốt đẹp.
Không phải ông Chính thiếu tâm linh, bởi ông Chính rất chân thành, rất lịch sự, rất thương người, rất nhân đạo, rất vị tha.
Cụ thể, là khi bà già giúp việc cho gia đình đau liệt, ông đã không nề hà đứng ra chăm sóc trực tiếp, hầu hạ tận tình, suốt mấy năm liền, cho đến khi bà chết.
Khi bà già tắt thở, ông Chính đã bỏ ra nhiều tiền, nhiều công sức, để lo chuyện hậu sự cho bà rất tươm tất, mà không hề kêu ca, cũng không hề kể công, cũng không hề bắt con cháu của bà đóng góp gì hết.
Bởi, ông muốn đền ơn đáp nghĩa một người, đã một đời tận tụy giúp việc cho gia đình mình.
Về mặt này, phải nói là ông rất tốt, rất tuyệt vời.
Thế nhưng, về chuyện đạo, ông vẫn cứ hay hạch sách bắt bẻ, gây khó khăn đủ điều đủ cách.
Gần đây, trong nhà ai cũng thấy, càng ngày ông càng khó hơn, không vì một nguyên do nào khác, mà chỉ là một sự phản kháng, một sự dị ứng của ông về đạo thôi:
Bởi, đối với ông, Đạo đã xúc phạm đến ông quá nhiều. Đạo đã làm cho tình cảm của ông đối với vợ và con bị tổn thương.
Ông đã cảm thấy mình như bị phản bội.
Tất nhiên, là hai ông bà và con cái vẫn yêu thương nhau, vẫn quí trọng nhau. Nhưng, riêng trong lãnh vực tôn giáo mới có dị ứng thôi.
Không phải ông Đốc Chính không biết gì về đạo. Bởi sống bên cạnh vợ con ngoan đạo lâu năm, nên ông cũng đã biết khá nhiều về đạo, nhưng ông vẫn dị ứng về đạo.
Do đó, vợ con và bạn bè, ai ai cũng đều biết tính của ông, nên chẳng bao giờ có ai dám đưa chuyện tôn giáo ra để bàn, để nói.
Có lần, sau khi gặp gỡ vài linh mục, ông cũng khen: Các linh mục rất là hoà đồng, rất vui vẻ, rất thông minh, đúng là những người học sâu, hiểu rộng.
Nhưng chỉ có thế thôi. Bởi trong thâm tâm, ông vẫn dị ứng đối với đạo.
Nếu bà Chính đã rất thành công trong việc cầu nguyện, trong việc truyền giáo, trong việc tông đồ, ở nơi này nơi nọ, thì ngay trong chính gia đình bà, phải nói là bà rất thất bại. Bởi bà có nói được điều gì về đạo với ông chồng đâu.
Rồi những năm đất nước Việt Nam chia cắt, gia đình ông Đốc Chính cũng phải bị chia đôi, như bao gia đình khác:
Một số đứa con lớn đã cùng với gia đình nó, theo làng sóng những người di cư, bỏ miền Bắc, chạy vô Nam.
Ông Bà Đốc Chính và mấy con nhỏ thì tiếp tục ở lại Miền Bắc.
Sau khi thống nhất đất nước, ông Bà Đốc Chính có vào Nam thăm các con mấy lần.
Rồi cuối cùng, ông bà và tất cả các con cái đều đoàn tụ ở trong Nam.
Nhưng chưa được bao lâu, thì 2 đứa con lớn có đủ tiêu chuẩn để được di cư sang Mỹ, bởi chúng là những sĩ quan chế độ cũ.
Và 2 ông bà cũng đã chiều theo chúng, lên đường, sang định cư bên Mỹ, bởi những đứa con còn lại cũng đã lớn, và cũng đã yên bề gia thất.
Người ta hay than phiền, là người Việt có tuổi sang Mỹ thường rất buồn. Mà đúng như vậy.
Nhưng, riêng bà cụ Chính thì không buồn, bởi nơi nào có nhà thờ, có kinh sách, có đoàn thể, có công tác từ thiện bác ái xã hội, là bà đã vui rồi.
Thế là ngày ngày, ông cụ Chính cứ thui thủi ở nhà một mình, rất cô đơn, rất buồn tẻ.
Sự buồn chán đó, có lúc đã đến tột độ, không thể nào chịu đựng nỗi được nữa, nên một hôm ông quyết định trở về Saigon, để sống chung với đứa con gái út.
Nhiều người thân quen thắc mắc: Hai cụ cả đời gắn bó với nhau, sao đến cuối đời lại chia tay, mỗi người một phương một cõi?
Hay, ông đã tới nước Mỹ là Thiên Đàng rồi, vậy tại sao ông lại bỏ về Việt Nam ?
Có người, còn cho ông là dở hơi.
Phần ông, ông vẫn cứ thinh lặng, chẳng nói chẳng rằng. Bởi chỉ có một mình ông, mới hiểu được những việc ông đang làm.
*****
Về Việt Nam, cụ Chính yếu đi trông thấy, bởi cuộc sống cứ làm cho ông nghĩ ngợi mãi, không lúc nào thoải mái.
Nhiều bạn bè đến thăm, có cả các linh mục và tu sĩ nữa, nhưng vì đã biết tính của ông, nên chẳng có ai dám đưa vấn đề tôn giáo ra để nói.
Bởi lúc còn khoẻ mạnh bình thường, cụ bà và các con cái, đã thuyết phục còn không được, thì đến lúc này còn phiền cụ làm gì nữa.
Vã lại, ai cũng sợ đưa vấn đề tôn giáo ra sẽ làm cho cụ lên tension mà đứt mạch máu.
Bỗng một tối nọ, trong cơn đau đớn hầu như không chịu nổi, cụ thốt lên:
“Chúa ơi, xin cứu con”.
Cô con gái giật mình, cúi xuống hỏi:
“Thế, bố có tin Chúa không?
Bố có muốn theo Chúa không?
Cụ Chính nhè nhẹ gật đầu, miệng thều thào trong hơi gió:
Có, bố muốn theo Chúa.
Cô con gái, trong lúc khẩn cấp, đã vội vàng lấy nước rửa tội cho bố.
Sau đó, cha xứ đã có đến, để ban những bí tích sau cùng.
Ngày hôm sau, Cụ Chính đã qua đời thật thanh thản, thật bình an trong tay Chúa.
Cho đến lúc này, mọi người trong gia đình mới thấy, lời cầu nguyện và những việc lành phúc đức của bà Đốc Chính, cũng như của các con đã làm từ lâu, nay mới có kết quả, quá lòng mong ước.
Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng bao giờ nản lòng bỏ cuộc, khi phải cầu nguyện, khi phải làm các việc từ thiện bác ái đạo đức.
Bởi Chúa đã nói: Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứ độ. Amen.
Mọi người sinh ra, đều từ tro bụi, và rồi sẽ trở về bụi tro.
Cũng như mây, hợp rồi tan.
Và không ai có thể thoát ra khỏi cái qui luật này.
Nó đơn giản lắm. Nhưng nó cũng nghiệt ngã ghê lắm.
Mẹ tôi cũng thế.
Mẹ tôi, cũng không thể thoát ra khỏi cái vòng sinh bệnh lão tử đó.
Số là mẹ tôi đau ốm liệt giường, có thể nói là đã gần sáu năm nay. Và sau nhiều lần, cơn bệnh trở đi tái lại, mẹ tôi đã trút hơi thở cuối cùng.
*****
Khi mẹ tắt thở, thì việc đầu tiên, là tất cả các con họp nhau lại, để bàn việc đám tang cho mẹ.
Mọi người đều đồng thanh nhất trí, là phải tổ chức đám tang cho mẹ. sao cho thật to, sao cho thật linh đình, sao cho thật rôm rả:
- Phải sắm cho mẹ một cỗ áo quan, đẹp nhất, bằng gỗ quí nhất, loại đắt tiền nhất.
Nhưng mà mẹ ơi, liệu mẹ có cảm nghiệm được lòng thảo hiếu của các con đối với mẹ lúc này không, khi mà mẹ chỉ còn là một cái "xác không hồn"?
Nghĩ lại những ngày xưa kia, khi mẹ đau ốm, các con đã có "sáng kiến" khoác cho mẹ một tấm nilon lạnh giá, thay cho quần áo bằng vải. Bởi, ai cũng ngại: Phải vất vả trong việc lau chùi, phải giặt giũ, phải tắm rửa cho mẹ.
Nay, khi mẹ chết, thì ai cũng muốn đặt mẹ vào một cỗ áo quan thật đẹp, thật đắt tiền. Bên trong áo quan lại được bọc bằng một loại vải màu hồng, thật sáng, thật sang, thật đẹp, thật ấm, mẹ có thích không?!
- Rồi hôm nay mẹ mất, các con kéo nhau về thật đông đủ, không thiếu vắng một ai. Nào là vòng trong vòng ngoài, vây kín chung quanh thi hài của mẹ. Tất cả đều khóc lóc thảm thiết, tiếng khóc thật não nề, thật bi ai. Họ vật vã, như những người sắp chết. Có đứa khóc nhiều quá, đến nỗi khàn cả tiếng.
Bà con lối xóm kháo láo với nhau: "Con cháu nhà này hiếu thảo quá!"
Nghĩ lại những ngày xưa kia, khi mẹ đau ốm, các con cứ đùn đẩy nhau, đứa nào cũng ngại phải nuôi mẹ, cho nên cuối cùng, chúng bèn phải mở một phiên họp bất thường, để bốc thăm, để cắt phiên nuôi mẹ.
Có đứa, khi đến phiên nuôi mẹ, thì lại lấy cớ là phải đi thẩm mỹ viện, vì đã có hẹn, để rồi suốt cả ngày hôm ấy, mẹ phải tẻ lạnh một mình trong phòng, cơm chẳng có, nước cũng không, thuốc men chẳng có ai giúp mẹ uống nữa, bởi ai cũng tưởng là đã có cắt phiên rồi.
Nhưng mà mẹ ơi, sắc đẹp là muôn năm, sắc đẹp là trên hết!
- Rồi khi mẹ chết, anh cả ra lệnh mổ heo giết gà nhiều thật là nhiều, không ai tiếc tiền tiếc của đối với mẹ, bởi ai cũng tuyên bố: "Mẹ chết có một lần, cho nên phải làm cỗ thật to!"
Nghĩ lại những ngày xưa kia, khi mẹ đau ốm, có khi mẹ chỉ thèm một chén cơm canh đơn giản thôi, thế mà đâu có được.
Bởi có đứa nói: "Cho mẹ ăn uống ít ít thôi, kẻo mẹ lại ỉa đái nhiều, chỉ khổ công mệt xác dọn dẹp giặt giũ !".
- Và rồi, khi tin báo tử được loan đi, bà con láng giềng khắp nơi xa gần, xếp hàng để vào phúng viếng mẹ.
Nghĩ lại những ngày xưa kia, gần sáu năm trời chứ đâu phải ít, khi mẹ đau ốm trên giường bệnh, mẹ thầm mong có người ngồi bên cạnh, để cho bớt đi nỗi cô đơn, để có người nói chuyện cho khuây khoả, mà nào có được đâu.
Có chăng, thì thỉnh thoảng cũng có một vài người đến thăm viếng hỏi han, nhưng rồi, cũng lại vội vàng ra về, bởi người ta đâu có thích thú gì, khi ngồi lâu bên giường bệnh.
Bởi những câu chuyện bên giường bệnh cũng chỉ lẩn quẩn một vài câu chuyện, được lập đi lập lại, độc điệu, chán ngấy.
Cũng bởi vì thời kinh tế thị trường, làm gì người ta có giờ để ngồi nghe những chuyện linh tinh, vớ vẫn, tầm phào đó.
Và cũng bởi những mùi tanh hôi khó tránh, do cơn bệnh kéo dài lâu năm, người ta đâu có thích thú gì để ngồi lâu, mà ngửi những mùi tanh hôi đó !!.
Mẹ ơi, con còn nhớ, có lần một đứa cháu nội, lân la đến vuốt tóc mẹ và định hôn lên má mẹ nữa, nhưng mà mẹ nó nhanh tay kéo nó giật lùi lại, rồi sa sầm nét mặt lẩm bẩm: "Con ngu quá! Con muốn lây bệnh hả?!"
- Ngày mẹ mất, người ta đến phúng viếng mẹ nhiều vòng hoa vòng cườm, đủ loại, đủ kiểu, đủ cỡ, đủ màu sắc, với những hàng chữ thật lớn, thật đậm nét: “Thành kính phân ưu, vô cùng thương tiếc”.
Và các con cháu cũng thi nhau đi đặt mua những vòng hoa, mang về nhiều thật nhiều.
Thế là ai cũng phải trầm trồ ca ngợi: Đám táng này lớn thật. Đám táng này to thật.
Nghĩ lại những ngày xưa kia, khi mẹ còn sống, mẹ thường kể: Là mẹ thích hái những đoá hoa dại để cài lên mái tóc.
Và mẹ cũng thường hay ra đồng với bạn bè, để hái những loại hoa rừng hoa dại bên các bờ ruộng, mang về dâng kính Đức Mẹ.
Cả cuộc đời của mẹ, đơn giản chỉ có thế thôi.
Mà thật sự, khi còn sống. mẹ chưa bao giờ được cái diễm phúc có ai tặng hoa cho mẹ.
- Có đoàn thể đến kính viếng mẹ, cũng đọc điếu văn phân ưu. Bài điếu văn nào cũng bày tỏ những nỗi niềm thương tiếc vô hạn, và hết lời ca ngợi mẹ, về những công đức mẹ đã làm. Họ còn ước mong, giá mà mẹ còn sống...
Nhưng mà mẹ ơi, nghĩ lại những ngày xưa kia khi mẹ còn sống, người khen mẹ thì nào có mấy ai, chỉ thấy người ta phê bình, chỉ trích, chê bai, trách móc đủ thứ, kể cả con cháu nữa.
Những người đang mong ước mẹ sống lại, cũng chính là những người xưa kia cũng đã từng phiền trách mẹ nhiều nhất.
Có lần, họ đã nói ngay trong chính ngôi nhà của mẹ: Sao mà bà ta không chịu chết sớm đi, để cho con cháu đỡ phải khổ!
Nghe những lời đó, chắc là mẹ đã từng chết đi nhiều lần, ngay khi mẹ hãy còn đang sống, bởi thấy lòng người ta sao mà vô tâm quá, sao mà nhẫn tâm quá, sao mà độc địa quá.
- Khi đến phúng viếng mẹ, người ta còn có thói quen để lại nhiều phong bì, phong thơ nữa.
Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt thì nhắm nghiền lại, mẹ có còn tiêu xài tiền được nữa không?
Nghĩ lại những ngày xưa kia khi mẹ đau ốm, phải lo thầy, phải lo chạy thuốc bao năm trời, có nhiều lúc tiền vơi, cạn kiệt, nhưng nào có mấy ai thấy để thông cảm, để ra tay hào hiệp giúp đỡ mẹ, kể cả con cháu.
Chắc mẹ cũng thông cảm cho cuộc sống khó khăn, vất vả của họ, nhưng nỗi buồn riêng tư thật miên mang, chắc mẹ cũng không thể tránh khỏi.
- Mẹ ơi, "nghĩa tử là nghĩa tận", người ta vẫn thường nói như thế.
Nhưng tại sao, người ta không chịu sống tốt với nhau, trong những ngày còn sống, mà cứ phải đợi đến khi chết, để rồi người ta mới biết đối xử tử tế với nhau?
Tại sao, người ta không biết yêu thương nhau, không biết giúp đỡ nhau, trong những ngày còn sống, nhất là trong những lúc gặp khó khăn, trong những lúc cô đơn, trong những lúc đau yếu, mà lại nhất thiết phải đợi cho đến khi chết, người ta mới lo phúng viếng?
Lạy Chúa. xin cho chúng con, trong những ngày còn sống ở trần gian này, biết cố gắng sống tử tế với nhau, biết cố gắng trao cho nhau những nụ cười, biết tặng cho nhau một lời thăm hỏi, biết trao cho nhau những lời khích lệ, biết nói với nhau những lời động viên an ủi tích cực, biết cho nhau những chia sẻ thân thương, trong tình liên đới.
Kẻo đợi đến khi chết, mọi nghĩa cử yêu thương, như những vòng hoa thật đẹp, như những bao thơ phúng viếng, như những bài điếu văn ca ngợi, và những cử chỉ cao đẹp dành cho người chết, đều sẽ trở thành vô ích, vô nghĩa mà thôi.
Bởi, đó chỉ là những hình thức xã giao, khoe khoang, phô trương, những thứ mà Chúa đâu có thích, mà Chúa đâu có ưa.
Xin Chúa nhắc nhở cho mỗi người chúng con luôn biết cố gắng sống tốt với nhau như lòng Chúa mong muốn. Amen.
Một hôm, khi đi bách bộ trong khuôn viên nhà thờ, bỗng tôi thấy có một cuốn tập, của một em học sinh nào đó, để quên ở băng đá. Tôi cầm lên xem. Bỗng tôi chú ý mấy dòng chữ ghi ở bìa tập như sau:
“Lạy Chúa, con biết, yêu là đau khổ,
nhưng xin cho con được khổ vì yêu”.
Mấy dòng chữ này, bỗng làm cho tôi nhớ lại một câu nói của một nhóm bạn trẻ, đã có lần trò truyện với nhau:
"Yêu thì khổ.
Không yêu thì lỗ.
Thà khổ còn hơn lỗ."
Không biết các bạn trẻ, đã hiểu như thế nào về những câu nói đó trong cái tuổi học trò.
Nhưng dầu sao, cũng cho chúng ta thấy được một sự thật này, đó là “tình yêu và đau khổ, có một tương quan rất mật thiết đối với nhau”.
Bởi không có tình yêu nào, mà lại không có đau khổ. Nghĩa là đau khổ, luôn gắn liền với tình yêu.
*****
Chính Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, cũng đã vì yêu thương nhân loại, mà phải chuốc lấy vào thân bao khổ lụy, bao đớn đau, bao tuổi nhục, bao phiền muộn.
Chỉ trong 3 ngày cuối đời của Chúa thôi, chúng ta cũng đã chứng kiến biết bao thảm cảnh.
Thử đọc bài thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy biết bao khốn khó, đớn đau, tuổi nhục, liên tiếp đổ xuống trên đầu Chúa Giêsu:
- Nào là, Chúa bị một môn đệ thân cận phản bội, bán rẻ thầy mình, chỉ bằng giá bán một tên nô lệ.
- Nào là Chúa bị quân lính hung hãn, đằng đằng sát khí, vũ khí trong tay, luôn sẵn sàng tra tay bắt Chúa. Và họ đã vây bắt Ngài giữa lúc đêm khuya. Họ bắt Ngài như bắt một tên tội phạm nguy hiểm.
- Nào là Chúa bị Phêrô chối bỏ, như không bao giờ quen biết;
- Nào là Chúa bị lên án, là đã nói phạm thượng, nên đáng phải chịu án tử hình;
- Nào là Chúa bị treo trên thập giá, thân xác và tâm hồn đã ra tan nát.
Thế mà, người ta vẫn không chịu buông tha. Bởi dân chúng, kẻ qua nguời lại, đều thách đố, nhục mạ Ngài:
"Nếu ông là con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ cứu ông...!!" (Mt 27,43).
Cả tên cướp đang bị hành hình bên Chúa cũng lên tiếng khích bác:
“Nếu ông là con Thiên Chúa, hãy tự cứu ông đi, rồi cứu chúng tôi nữa”.
Trên đỉnh cây thập giá, người ta đã cho gắn một tấm bảng thật mỉa mai, thật bôi bác. Tấm bảng đó viết bằng 3 thứ tiếng, để cho mọi người, ai cũng có thể đọc được, ai cũng có thể hiểu được: “Đây là Vua dân Do Thái”. Nghĩa là, vua mà như thế này đây!!!
Phần Chúa Giêsu, Ngài đã đón nhận tất cả, với tất cả lòng yêu thương của một ngôi vị Thiên Chúa.
Vì yêu thương, mà Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, mang thân phận mỏng dòn của con người, hoàn toàn giống như con người, chỉ trừ tội lỗi thôi.
Rồi cũng vì yêu thương chúng ta, mà Con Thiên Chúa đã tự ý, tự nguyện đi vào cuộc khổ nạn, và chấp nhận một cái chết nhục nhã thật đau trên thập giá.
*****
Còn chúng ta thì sao?
Có đúng không, mỗi khi gặp khó, gặp khổ, chúng ta thường tìm cách đùa đẩy tránh né?
Có khi tệ hại hơn nữa, là chúng ta lại than phiền, chúng ta lại lẩm bẩm trách móc Thiên Chúa:
"Nếu Thiên Chúa, quả là một Đấng nhân từ vô cùng, thì tại sao Ngài lại để chồng tôi chết một cách thảm thương như vậy?...
Tại sao vợ tôi lại phải mắc bệnh nan y đến không còn đường để cứu chữa?
Tại sao con cái của tôi lại phải bỏ nhà ra đi?...
Tại sao con của tôi lại phải bị đuổi việc?
Tại sao con tôi lại phải mất công công ăn việc làm, bởi nó là lao động chính của gia đình ?...
Nếu Chúa yêu tôi, tại sao lại để tôi phải chịu cảnh khổ như thế này...?"
Bạn thân mến,
Nếu chúng ta hồi tâm suy nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy: Những lời than phiền trách móc như vậy, đâu có khác gì những lời trách móc thách thức rất phạm thượng của những kẻ xưa kia, đứng dưới chân thánh giá:
- Nếu ông là con Thiên Chúa, ông hãy xuống khỏi thập giá đi xem nào! ...
- Nếu Thiên Chúa đã yêu thương ông, thì bây giờ hãy cứu ông đi....
- Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy tự cứu ông đi rồi cứu chúng tôi nữa....
- Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng tôi tin nào.
Phần Chúa Giêsu và Mẹ Maria, chúng ta đã thấy các Ngài phải chịu đau khổ biết chừng nào, đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần.
Về Đức Mẹ, Phúc âm thánh Luca 2,35 có ghi lại một câu rất thâm thúy như sau:
"Một lưỡi gươm sẽ đâm tâm hồn bà" .
Còn về Chúa Giêsu, Phúc âm thánh Matthêu 26,38 cũng ghi lại như sau:
"Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi có thể chết được!"
Dầu vậy, các Ngài đã không hề buông ra một lời than phiền, trách móc, hay oán trách nào.
Nếu có ca thán, thì cũng chỉ là những lời trách yêu của một người con hiếu thảo thôi:
"Lạy Cha, Cha bỏ con sao?"
và, chỗ khác Chúa nói:
"Cha ơi, nếu có thể được, thì xin Cha tha cho con, để con khỏi phải uống chén đắng này... Nhưng, đừng theo ý con, một chỉ xin vâng theo ý Cha mà thôi".
Xin vâng theo ý Cha, đó là điều, mà các bậc cha mẹ thường mong muốn nơi các con cái của mình.
Hiểu biết điều đó, cho nên Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng đã hết mình “xin vâng”:
- Xin vâng” một cách trọn vẹn,
- Xin vâng” một cách hoàn hảo,
- Xin vâng” như là một hy tế thường xuyên trong cuộc đời, để làm của lễ dâng lên Thiên Chúa Cha.
Bạn thân mến,
Nếu chỉ biết nhìn vào con người của ta, nếu chỉ biết nhìn vào các khốn khó ta đang chịu, để rồi than phiền, để rồi trách móc, thì coi chừng, ta sẽ cảm thấy mình bất hạnh vô chừng, bởi ta đang thấy mình bị dồn nén tư bề, dồn nén đến nỗi, như không còn lối thoát nữa.
Từ đó, ta sẽ thấy mình cô đơn cùng cực, sẽ thấy mình bất hạnh thê thảm, sẽ thấy mình thất vọng ê chề, sẽ cảm thấy buồn tuổi, và có khi sẽ không còn thiết gì đến sống nữa.
Trong những hoàn cảnh đó, thay vì nhìn vào ta, ta hãy ngước mắt nhìn lên thánh giá Chúa, chắc chắn ta sẽ tìm được nguồn an ủi dồi dào.
Thánh Đaminh đã quả quyết:
"Thánh giá là cuốn sách luôn mở rộng. Ai chịu đọc, sẽ học được nơi đó, những bài học quý giá. Mọi nguồn trợ lực của ta sẽ đến từ cây thánh giá Chúa Kitô".
Các thánh, ở bất cứ nơi nào, ở bất cứ thời đại nào, gần chúng ta nhất là các thánh tử đạo Việt Nam, các Ngài chính là những chứng nhân sống động nhất cho chân lý này.
Các ngài đã chịu bao cực hình, đã bị tra tấn cách dã man: Nào là bị bỏ đói rũ tù, bị voi giầy, bị gông cùm, bị kìm kẹp, bị chém đầu, bị phanh thây.
Thế mà, khi ra pháp trường, miệng các Ngài vẫn còn có thể ca hát, vẫn còn có thể ca ngợi, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa.
Sức mạnh nào đã khiến cho các Ngài vui chịu được những cực hình đó?
Phải chăng, là do tình yêu, phát xuất từ thập giá Chúa Kitô?
Một "Tình yêu dũng mãnh”, đến nỗi thác lũ cũng không thể dập tắt được, đến nỗi Đại Hồng Thủy cũng không thể nhận chìm được.
Ai đã vì Chúa mà vác thánh giá một cách vui lòng, thì sẽ thấy thánh giá trở nên nhẹ nhàng. Đó chính là mầu nhiệm của tình yêu và đau khổ!
Chúa đã nói:
"Các con hãy mang lấy ách của Ta, vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng. Rồi, tâm hồn các con sẽ được bồi dưỡng và bình an".
Lạy Chúa, xin ban ơn cho con, luôn biết xây dựng và cũng cố tình yêu của con đối với Chúa, qua việc cố gắng chu toàn các bổn phận hằng ngày của con.
Bởi Chúa đã dạy: Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình đi, hãy vác thánh giá mình hằng ngày mà theo.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con. Xin hướng dẫn con trên con đường theo Chúa. Amen.
Có một đứa con gái độ mười tuổi hỏi mẹ nó như sau:
“Mẹ ơi! Nếu ba con chết trước mẹ, thì mẹ sẽ làm gì?”
Một câu hỏi quá bất ngờ, làm cho người mẹ lúng túng, nên tỏ vẻ khó chịu và lên giọng gắt gỏng đứa con gái:
Sao con hỏi gì, mà kỳ cục qúa vậy? Sao con không đi, mà hỏi ba con xem.
Đứa bé nhanh miệng trả lời ngay:
“Con đã hỏi ba con rồi.
Ba con nói:
Nếu mẹ con chết trước ba, thì ba sẽ ở vậy nuôi con, giúp con nên người khôn lớn. Ba sẽ dạy dỗ con thành người tốt. Ba sẽ giúp con học hành cho giỏi, để sau này con sẽ làm việc giúp đời, con sẽ thành người hữu ích cho gia đình, cho xã hội, cho Giáo hội. Xong rồi, ba sẽ dành cuộc đời còn lại, để chuyên lo làm các việc từ thiện bác ái xã hội, và sẽ tích cực làm các việc thiện nguyện trong nhà thờ, giúp việc cho giáo xứ nữa.
Nghe nói thế, người mẹ liền dịu giọng, mỉm cười, nhìn đứa con gái rồi nói:
- Thì mẹ, cũng sẽ làm giống y như ba con thôi.
*** Bạn thân mến,
Câu hỏi của đứa bé vừa đặt ra cho ba mẹ nó, phải chăng, là do hình ảnh của những gia đình bị đổ vỡ, mà cha mẹ không còn sống chung với nhau, để rồi gây nên cho các con cái, là những bạn bè của nó, những cảnh sống rất bi đát, rất thê thảm, thiếu tình thương, thiếu đủ mọi chuyện, làm cho chúng mang nhiều mặc cảm với bạn bè, trông thật thảm hại vô chừng.
Cho nên, tuy bé hãy còn rất nhỏ, nhưng bé đã bắt đầu lo sợ cho tương lai của nó.
Nếu chẳng may, vì một lý do nào đó, mà chính nó không còn được diễm phúc sống chung trong một gia đình có đủ cha và mẹ.
Mối lo sợ đó của nhiều em bé hôm nay, là một điều có thật.
Bởi, chúng đã từng tận mắt chứng kiến bao cảnh thương tâm của các bạn bè chúng, do các cha mẹ đã ly dị nhau, không còn sống chung với nhau nữa. Cho nên chúng phải sống với ông bà, hoặc sống với cô bác chú dì, hay phải sống trong các viện mồ côi, với một tình thương không bình thường, mà kẻ này người nọ dành cho chúng.
Mà đáng buồn thật, và cũng đáng lo thật.
Bởi hằng ngày, chúng phải chứng kiến những cảnh cha mẹ chúng cải vả nhau, chửi bới nhau liên tục, chửi bới nhau không tiếc lời, với những lời lẽ nặng nề thật khó nghe, với những cử chỉ thô bạo khủng khiếp, làm cho chúng luôn sống trong sợ hãi, và luôn nôm nốp lo sợ một ngày nào đó, cha mẹ chúng cũng chia tay nhau.
- Bởi sau cuộc chia tay của cha mẹ chúng, cuộc đời cuộc đời của chúng sẽ ra sao?
- Chúng sẽ sống với ai?
- Ai sẽ lo cho chúng?
- Ai sẽ nuôi dưỡng chúng?
- Và chúng có còn được đi học như các bạn của chúng nữa không ?...
Mà cũng đáng buồn thật.
Bởi chúng hãy còn quá nhỏ, mà đã phải đối mặt với những vấn đề quá lớn của những người lớn.
Chúng luôn sống trong lo sợ, vì chúng luôn bị động, chúng không làm chủ được bản thân, chúng cũng không có cách nào để tự bảo vệ chính mình.
Nếu tình huống xấu xảy ra cho cha mẹ chúng, thì cuộc đời chúng sẽ thê thảm biết chừng nào !!
Và chúng có cơ sở để mà lo lắng thật sự.
Nhưng, các cha mẹ chúng có thấu biết được những suy nghĩ của những con cái mình không ?
Khi mà các cha mẹ đơn phương quyết định ly dị, không hề nghĩ gì đến con cái của mình?
Chúng ta nên biết điều này: Là cho dù cha hay mẹ, có thương con nhiều đến đâu đi nữa, có chăm sóc chu chu đáo đến mức nào đi nữa, mà thiếu vắng tình thương của cha hoặc mẹ, thì sự phát triển của chúng về thể xác, về tinh thần, về tính tình, về tâm lý, về đạo đức... vẫn là một sự phát triển khập khiễng, không quân bình, không bình thường.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm này trước mặt Chúa, về sự không bình thường của chúng?
Chác chắn phải là cha mẹ của chúng thôi.
Bởi, có chạy đàng trời, cũng không khỏi nắng được đâu.
*****
Nghĩ lại những ngày trước đây:
Chỉ vì chữ “tình”, mà người ta đã tìm đến với nhau, đã xích lại gần nhau, để yêu thương nhau, rồi lấy nhau thành một gia đình, và sinh con cái.
Nhưng hôm nay, lại cũng vì chữ tình, mà người ta dám can đảm nói với nhau là đã hết rồi, là đã chấm dứt rồi, để rồi lại có tình với người khác.
Thế là họ đành lòng, cất bước ra đi, quên hết mọi kỷ niệm, quên hết những ngày ái ân yêu thương, và quên hết cả đàn con vô tội, đang phải sống vất vưởng trong những hoàn cảnh thiếu thốn về mọi mặt, nhất là thiếu tình thương của cha, hoặc của mẹ.
Người cất bước ra đi, đúng là đã lỗi phạm với lời thề hứa hôn nhân đã đành, nhưng còn cho thấy, họ đã không còn tin tưởng vào Thiên Chúa nữa, họ khôn còn xác tín những điều Chúa dạy nữa. Họ cố tình nhắm mắt, để không nhìn thấy ánh mắt của Thiên Chúa đang chăm chú nhìn họ. Họ tự cho mình cái quyền làm theo luật đời, và chấp nhận đánh mất các giá trị của cuộc sống hôn nhân gia đình, để mong tìm cho mình một sự tự do mới. Họ sướng hay khổ, nào có ai biết, nhưng coi chừng “Cóc chết ba năm, cũng quay đầu về núi”.
Rồi hiện tại, họ vẫn còn đang khỏe mạnh, họ tưởng việc họ đang làm (lỗi lời thề hứa hôn nhân) là đúng, họ tưởng quyết định ly dị của họ là không sai.
Cho nên, họ kết án người bạn phối ngẫu của họ đủ thứ tội, với những lời lẽ thật nặng nề, thật gay gắt.
Họ rất vui sướng, họ rất hả dạ, khi thấy người bạn đời của họ phải đau khổ, phải ngậm đắng nuốt cay trong tuổi hờn.
Thế là họ xoa tay như một người vô tội, và rồi thanh thản cất bước ra đi, mà lương tâm không hề có một chút áy náy nào, mặc dầu ngày lãnh bí tích hôn phối, họ đã cam kết bao điều tốt đẹp trước mặt Chúa, cam kết rất mạnh dạn, cam kết rất dứt khoát, là
“Hứa sẽ giữ lòng chung thủy, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng nhau, suốt đời”
*****
Đang khi đó, người bạn phối ngẫu của họ ở lại, chỉ vì muốn trung thành với những cam kết của hôn nhân, nên hằng ngày, họ phải đối diện với biết bao phải sống vất vưởng.
Có khi, vì những đau khổ chán chường đến cùng cực, đã có lúc làm cho người ở lại mất đi sự tin tưởng vào người khác và có khi mất đi cả niềm tin vào Thiên Chúa nữa.
Trong dân gian Việt nam có câu ca thán rất thâm thúy như sau, để nói lên sự cô đơn và đau khổ, vì bị người mà họ yêu thương, ruồng rẫy, phản bội.
“Người ta đi biển có đôi,
còn tôi vượt biển mồ côi một mình”.
Sự cô đơn, đã làm cho những người bị ly dị sống trong nước mắt, trong sầu khổ, trong mặc cảm, trong tuyệt vọng.
Nếu, họ không anh dũng giữ vững đức tin, nếu họ không can đảm giữ vững niềm trông cậy và tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, thì họ sẽ chết dần chết mòn trong đau khổ do sự ly dị ấy.
Họ đau khổ, vì bị người bạn đời bỏ rơi và quên lãng đã đành.
Mà họ đau khổ, vì phải gánh chịu cái trách nhiệm lo cho con cái có một mình, một trách nhiệm thật nặng nề.
Họ đau khổ, vì tiếng đời soi mói, mỉa mai, bàn tán.
Họ đau khổ, vì phải đối diện với thực tế hàng ngày rất đen bạc, rất phủ phàng.
Họ đau khổ, vì vết thương lòng, kéo dài suốt cả cuộc đời của họ.
Họ đau khổ, vì câu hỏi tại sao, sự việc lại xảy ra cho họ như vậy. Họ hỏi, nhưng không bao giờ có câu trả lời.
- Tại sắc đẹp ư?
- Do họ xấu xí hơn người mới ư?
- Do họ quê mùa, không biết ăn mặc, không biết chưng diện ư?
- Do họ béo mập, thân hình không còn thon thả gọn gàng như khi mới lấy nhau ư?...
Đó, đâu phải là những lỗi của họ. Đó là chưa kể, là vì phải lo toan gánh vác bao công việc của gia đình: Lo cho chồng, lo cho con, nên đã quên đi chính việc chăm só lo cho bản thân mình.
- Hay tại sức khỏe chăng?
Đây cũng đâu phải là những lỗi lầm của họ. Phải chăng, vì quá vất vả với công việc làm ăn, hay phải thức đêm thức hôm, để chăm sóc lo cho chồng, để lo cho con, nên sức khoẻ mới suy sụp, nay đau, mai ốm, và cuối cùng thân hình mới ra tiều tụy như thế này.
- Hay, tại cách ăn cách nói chăng?
Đây cũng chưa hẳn là lỗi của họ. Bởi, có thể những áp lực của việc làm nơi công sở, hay do công việc làm ăn thua lỗ, mà chẳng có ai tiếp sức, chia sẻ, gánh vác, cho nên khi về đến nhà, họ không có đủ kiên nhẫn, để trả lời những câu hỏi vô nghĩa, vớ vẩn của kẻ này người nọ.
Từ những suy nghĩ đó, nhiều người đã rơi vào những mặc cảm trầm trọng: Họ tự nhận hết các lỗi về phía của họ, họ tự trách họ, và họ cho mình là người có lỗi, đã gây cớ cho sự đổ vỡ.
Họ bắt đầu rút lui, tránh né, không muốn gặp ai. Họ không muốn giao tiếp với ai. Họ sống trong cảnh cô đơn và muốn tách biệt với thế giới bên ngoài.
Đang khi đó, họ quả là một người anh hùng, một người thật vĩ đại. Chỉ có Chúa biết được việc họ làm thôi.
Cũng có những người có đạo yếu đức tin, đã thầm trách Chúa, vì phải đối mặt với quá nhiều gian lao thử thách đau khổ. Họ đã rơi vào những hoàn cảnh hụt hẫng:
- Sao Chúa lại bỏ rơi con.
- Sao Chúa lại bảo con phải yêu kẻ thù.
- Sao con lại phải cầu nguyện cho kẻ ghét con.
- Sao con lại phải cầu nguyện cho kẻ làm hại cả cuộc đời của con.
- Sao Chúa không cho phép con làm theo cách của những người trần thế vẫn thường làm.
Thế nhưng, cũng có rất nhiều người có đạo có một đức tin thật vững mạnh, luôn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, tin một cách tuyệt đối.
Họ can đảm gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con cái, một cách thật tuyệt hảo.
Họ tin tưởng, họ cậy trông phó thác vào ơn Chúa, mà không hề than phiền trách móc. Bởi họ xác tín rằng: Trách nhiệm của họ càng nặng, thì ơn Chúa ban xuống cho họ càng nhiều.
Họ can đảm đối diện với cuộc sống của chính họ một cách bình tĩnh, một cách can đảm, một cách anh dũng. Bởi họ tin tưởng Chúa luôn đồng hành với họ trong cuộc sống.
Và nhất là, họ coi đây là một hình thức “tu tại gia”:
- Họ quyết tâm theo Chúa, theo cho đến cùng.
- Họ quyết tâm giữ những điều Chúa dạy.
- Họ quyết tâm vác thánh giá cuộc đời mình, để cùng theo Chúa Giêsu lên đồi Calvê, để cùng chịu chết với Chúa, để hy vọng được cùng sống lại với Chúa trong ngày sau hết. Bởi họ đã tin tưởng Chúa đã chiến thắng sự chết.
Họ đã đặt tất cả hy vọng vào Lời Chúa hứa, là Chúa sẽ ban phần thưởng Nước Trời cho những kẻ tốt lành, và cho những người vượt qua được những gian lao thách, đã vượt qua được những đau khổ trên trần gian này. Nên họ đã bình tĩnh vô chừng trước mọi tình huống của cuộc sống.
Họ cố gắng chấp nhận chịu đựng những đau khổ trong hiện tại, để lập công, để đền tội, để xây dựng Nước Trời cho mình mai sau.
Họ cố gắng mở lòng mình ra, chứ không tự trói buộc mình trong những cô đơn, trong buồn tuổi.
Họ lắng nghe tâm sự của những người đồng cảnh ngộ, để cảm thông, để chia sẻ, để an ủi lẫn nhau, như là những việc đạo đức cần làm.
Họ cậy dựa vào ơn Chúa để hãnh diện, vì họ được Chúa kêu gọi để cộng tác vào một sứ vụ cao cả đặc biệt, đó là làm vinh danh Thiên Chúa.
Bởi họ nhận thức: Nếu không có ơn Chúa, thì người bình thường khó có thể vượt qua nổi cái tình huống khó khăn này.
Họ vẫn sống để làm chứng cho đức tin, mặc dù kẻ thù của họ là những đau khổ, luôn đè bẹp họ, luôn muốn họ phải chết đi.
Nhưng họ nhất quyết sống, sống để tạ ơn Chúa, Đấng đã giúp họ chiến thắng vượt qua được chính họ, đã giúp họ giữ vững đức tin.
Họ đã trở thành tấm gương sáng cho biết bao nhiêu người công giáo khác noi theo, bắt chước.
Họ đã khám phá ra những ơn Chúa đã ban, qua nhiều hình thức khác nhau, như nơi tha nhân, nơi bạn bè, nơi các bí tích, nơi các việc từ thiện bác ái xã hội.
Nhờ đó, họ đã thoát ra được những mặc cảm, thoát ra được những bóng đen u tối của cuộc đời, để tiếp tục những sinh hoạt bình thường như mọi người.
Họ yêu đời, vì đời cần họ, vì gia đình cần họ, vì con cái cần họ, vì mọi người cần họ, vì xã hội cần họ.
Nhất là khi nhìn xuống, họ đã thấy còn có biết bao người khác đang đau khổ còn hơn họ nhiều.
Lạy Chúa, con hết lời cảm phục và ngưỡng mộ những người, đã anh dũng giữ đạo, đã can đảm giữ luật Chúa, trong những hoàn cảnh thật lẻ loi cô đơn.
Họ đã là những tấm gương sáng cho con, cho những ai đang giữ luật đạo một cách hời hợt nguội lạnh, cho những ai đã lâu lắm rồi không chịu đến toà giải tội, đã lâu lắm rồi, hình như họ đã quên mất Đức Tin, quên cả Đức Cậy, quên cả mất Đức Mến, quên cả những việc đạo đức cần phải làm, như bổn phận hằng ngày, là lo kinh sáng kinh tối, bổn phận hằng tuần đi lễ Chúa Nhật, và bổn phận hằng tháng, hoặc 2-3 tháng, nhớ lo đi xưng tội, để rước lễ thật sốt sắng.
Xin Chúa cho mọi gia đình, cho cha mẹ, cho con cái được luôn sống yêu thương, hợp nhất với nhau, trong tư tưởng, trong lời nói, cũng như trong việc làm, nhờ những trợ lực của ơn Chúa.
Xin cho mọi người đang sống trong bậc gia đình, biết dùng tình yêu của thuở ban đầu, mà cư xử với nhau, luôn biết kính trọng nhau, luôn yêu thương nhau, và luôn biết tha thứ cho nhau. Để cứ dấu này mà thiên hạ nhận biết chúng con là con cái của Thiên Chúa.
Xin cho các bậc cha mẹ, biết dùng tình yêu làm chỗ dựa cho gia đình, biết chấp nhận những hy sinh, để làm gương sáng cho con cái.
Cuối cùng, xin cho những người đang phải sống trong cảnh đổ vỡ hôn nhân, được biết dâng hiến cuộc đời còn lại của mình, mà làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, như các thánh tử đạo Việt Nam xưa kia. Amen.
Nếu có dịp đi thăm các nghĩa trang, hay “Đất thánh”, thì chúng ta sẽ thấy có một loài hoa thường được người ta chọn để trồng chung quanh mộ của những người thân.
Loại hoa đó có sắc màu tím. Tên của nó là "Forget Me Not". Và người Việt quen gọi là "Xin Đừng Quên Tôi". Còn những người biết thưởng thức hoa thì gọi nó là "Lưu Ly Thảo".
Khi chọn loại hoa này để trồng bên mộ, là người ta cố ý nhắc nhở, là “hãy luôn cố gắng mà nhớ đến những người thân của chúng ta đã qua đời”.
Ai trong chúng ta cũng đều ao ước có những người khác nhớ đến mình.
Đó là chuyện thường tình thôi.
Thời nào cũng thế thôi.
Ở đâu cũng vậy thôi.
Người nào cũng giống nhau thôi.
Chẳng hạn: Người mẹ sửa soạn đi chợ thì đứa con nói: "Mẹ ơi, Mẹ nhớ mua quà cho con nhé".
Một anh sắp sửa mở một bữa nhậu, khi bạn bè đánh hơi được liền nói: "Này, anh nhớ gọi tôi đấy nhé."
Còn người chồng sắp đi làm xa, thì người vợ dặn dò: "Anh nhớ, gọi về cho em nhé."
Còn vị linh mục, sau khi thăm viếng bệnh nhân, thì bệnh nhân cũng thường hay nói: "Xin Cha nhớ cầu nguyện cho con."
Chúa Giêsu, tuy là Thiên Chúa, nhưng cũng không ở trường hợp ngoại lệ.
Chúng ta còn nhớ:
Khi lập phép Thánh Thể vừa xong, Chúa Giêsu đã tha thiết nói với các môn đệ của mình:
“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Và ngày nay trong mỗi Thánh Lễ, sau phần Truyền Phép, chủ tế cũng đã vâng lời Chúa, mà lập lại y như thế.
Rồi người trộm lành, khi bị đóng đinh trên thập giá, cũng đã van xin Chúa Giêsu:
"Lạy Ngài, khi nào về Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi".
Cuộc sống hằng ngày của chúng ta, có biết bao vất vả cực nhọc, có biết bao trăn trở ưu phiền, bận bịu trăm phương nghìn chuyện, ấy thế mà, khi vừa nhận được một cú điện thoại của ai đó gọi đến thăm hỏi, bỗng lòng chúng ta vui lên.
Rồi khi nhận được một lá thư của một người thân, bỗng lòng chúng ta rộn lên trong niềm vui sướng.
Hay khi chúng ta nhận được một món quà nào đó, bỗng lòng chúng ta cũng cảm thấy phấn khởi.
Tất cả những niềm vui đó, bỗng làm cho những gánh nặng lo âu của của chúng ta tan biến đi. Và cuộc sống của chúng ta bỗng trở nên nhẹ nhàng dễ chịu.
Tại sao vậy ?
Thưa, bởi vì người ta có nhớ đến tôi, nên người ta mới gọi điện thoại cho tôi.
Bởi người ta có nhớ đến tôi, nên người ta mới viết thư cho tôi.
Bởi người ta có nhớ đến tôi, nên người ta mới gửi quà cho tôi.
"Nhớ đến tôi” là ba chữ, mà không ai trong chúng ta muốn biến mất trong cuộc đời của mình.
Bởi, nếu nó biến mất đi, thì cuộc đời của chúng ta sẽ bất hạnh vô chừng.
*****
Hiện tại, chúng ta có biết chăng:
Ông bà, cha mẹ của chúng ta, những người thân của chúng ta, những ân nhân của chúng ta, những bạn bè của chúng ta, đang nằm ở dưới lòng đất, họ đang cần gì nơi chúng ta?
Thưa, họ cần đến lòng Thương Xót của Chúa, đó là điều chắc chắn, là lẽ đương nhiên rồi.
Nhưng ngoài ra, họ cần gì nơi chúng ta?
Chắc chắn là họ cần chúng ta, họ mong chúng ta, nhớ đến họ.
Ngẫm nghĩ mà xem, chúng ta thường rất ít khi nhớ đến họ.
Có thể chúng ta đã quên họ rồi chăng?
Họ rất dễ bị quên với thời gian. Bởi con người xưa nay vẫn thế: "Xa mặt cách lòng".
Đó là điều đau đớn nhất cho những người đã chết, những người, mà đã một thời, chúng ta đã nặng tình, nặng nghĩa với họ, đã một thời, chúng ta đã mang ơn họ rất nhiều.
Một em bé muốn ăn, chỉ cần khóc. Một người lớn muốn cái gì thì lên tiếng nói. Còn những người đã chết chẳng cần ăn, chẳng cần mặc, chẳng cần gì khác. Họ chỉ cần chúng ta nhớ đến họ và cầu nguyện cho họ thôi.
Thế nhưng, thật tội nghiệp cho họ, là họ không nói được, là họ không khóc được, là họ không ra dấu được để xin ta.
Đó, mới là nỗi khổ đau tột cùng của những người đã chết.
Họ có quyền yêu cầu chúng ta, bởi chúng ta mắc nợ họ, nhưng họ không thể bày tỏ những yêu cầu của họ. Đó là một sự thiệt hại lớn cho họ. Đó là một nỗi khổ đau cho họ. Phải nói là khổ đau vô chừng.
Vì thế, mà một văn sĩ người Pháp tên là Jean Couteau, đã nói được một câu rất hay:
"Đối với những người đã chết, thì nấm mồ thực sự của họ, không phải ở trong nghĩa trang, mà là ở trong những con tim quên lãng của những con người còn đang sống".
*****
Bạn thân mến,
Một ngày nào đó, tôi và bạn sẽ chết. Đó là lẽ đương nhiên thôi. Đó là chuyện chắc chắn.
Nhưng mà chúng ta muốn người ta đặt những gì trên quan tài của chúng ta?
Vài chục bông hồng chăng? Bông hồng rồi vài ngày sẽ héo.
Vài chục bông huệ chăng? Bông huệ thì rồi chẳng bao lâu sẽ tàn.
Hay, muốn có nhiều vòng hoa vòng cườm chăng? Phải nói thiệt, những thứ đó chẳng giúp ích gì cho phần rỗi đời đời của ta.
Vậy, ngay bây giờ, ta hãy nói với những người thân của ta, là ta thích rải lên thi hài của ta những bông hoa tưởng nhớ.
Hãy trải lên quan tài của ta những nụ hoa cầu nguyện.
Hãy chăm sóc ngôi mộ của ta bằng những chùm hoa Xin Lễ.
Hãy tặng cho ta những bông hoa Hy Sinh và những việc từ thiện bác ái.
Hãy khắc lên bia mộ của ta dòng chữ: “ Forget Me Not, xin đừng quên tôi”.
Phải nói thật:
Sau khi ta chết, những thứ hoa đó rất cần cho ta.
Nó cần cho ta còn hơn con thơ cần sữa mẹ. Nó cần cho ta còn hơn thiếu nữ cần tình yêu. Nó cần cho ta còn hơn khu vườn cần nắng ấm.
Chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giêsu dạy:
“Điều gì các con muốn người ta làm cho các con, thì các con hãy làm cho người ta trước đi”.
Có nghĩa là, nếu chúng ta muốn sau này có nhiều người tưởng nhớ đến ta, cầu nguyện cho ta, thì bắt đầu từ hôm nay, ta hãy thường xuyên hơn để tưởng nhớ đến những linh hồn ông bà cha mẹ, những thân nhân, những ân nhân, những bạn bè, những linh hồn mồ côi.
Hãy biến sự tưởng nhớ đó của chúng ta, thành những việc cụ thể đạo đức.
Ta nên nhớ:
Tình nghĩa thì quan trọng hơn bạc tiền.
Đời sau thì có giá trị hơn đời này.
Những đồng tiền Xin Lễ, những việc đạo đức, và những từ thiện bác ái, sẽ tạo nên cho ta những cảm giác hạnh phúc.
Bởi ta đã làm được những việc cao thượng có ý nghĩa, bởi, những người thân của ta đã, đang và sẽ được an ủi, bởi họ còn được ta tiếp tục tưởng nhớ mãi mãi.
Lạy Chúa, cuộc sống của chúng con hôm nay rất là tất bật. Lúc nào cũng hấp tấp, cũng vội vàng.
Có những lúc, con cũng không có thời giờ để lo cho bản thân con nữa.
Cho nên, con rất thiếu sót trong việc chăm lo cho phần rỗi đời đời của con.
Còn việc nghĩ đến ông bà cha mẹ những người thân đã qua đời, thì phải nói là con rất thiếu sót.
Xin Chúa nhắc nhở cho con, để con biết lo chu toàn những bổn phận hiếu thảo này, để con không trở thành con người bất hiếu, vô ơn.
Mà nhất là, nhờ những việc đạo đức đó, mà sau này, nhiều người sẽ còn nhớ đến con nữa. Amen.
*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 trở lại)
I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (3 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/ 1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1 2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2 3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3
II. – Chuyện đời chuyện đạo: (5 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/ 1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1 2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2 3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3 4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4 5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5
III. - Chuyện kể cho các gia đình: (14 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/ 1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1 2. Đừng bỏ cuộc - sách 2 3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3 4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4 5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5 6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6 7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7 8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8 9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9 10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10 11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11 12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12 13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13 14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14
IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/ 1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1 2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2 3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3 4. Căn hầm bí mật - Sách 4 5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5 6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6 7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7 8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8
V. – Kho sách quý: (3 cuốn) https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/ 1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1 2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2 3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3 ----------------------------------------------