KINH NGHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI TRỞ VỀ “TỪ CÕI CHẾT” NÓI VỚI TA - Chuyện kể Gia đình - Sách 16

Thứ sáu - 25/11/2022 23:37
KINH NGHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI TRỞ VỀ “TỪ CÕI CHẾT” NÓI VỚI TA - Chuyện kể Gia đình - Sách 16
KINH NGHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI TRỞ VỀ “TỪ CÕI CHẾT” NÓI VỚI TA - Chuyện kể Gia đình - Sách 16
Lm. Phêrô NguyễnVăn Mễn
(sưu tầm)


KINH NGHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI TRỞ VỀ “TỪ CÕI CHẾT” NÓI VỚI TA

Nguồn:
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/


---------------------------------

*** Đọc các bài của Lm. Mễn:
1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71;

2. Vào Internet: Google, Youtube, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, hoặc linh mục Mễn

3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com

5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165

**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)

**** Lạy  Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.

----------------------------
Mục Lục

Bài 1: MỘT PHIÊN TÒA HIẾM THẤY.. 2
Bài 2: THAO THỨC CUỐI CÙNG CỦA CHÚA.. 3
Bài 3: KITÔ HỮU “NGOẠI ĐẠO”. 6
Bài 4: KHIÊM TỐN VÂNG PHỤC NHƯ CON THẢO CỦA THIÊN CHÚA.. 8
Bài 5: KINH NGHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI TRỞ VỀ “TỪ CÕI CHẾT” NÓI VỚI TA.. 13
Bài 6: CHUYỆN THÁNH AN-PHONG-SÔ ĐỔI ĐỜI 16
Bài 7: MAHATMA GANDHI HAM MÊ ĐỌC SÁCH THÁNH, NHƯNG KHÔNG
          THEO ĐẠO CHÚA.. 19

Bài 8: SỨC MẠNH CỦA GƯƠNG SÁNG.. 21
Bài 9: XỨ SỞ CỦA NỤ CƯỜI 24
Bài 10: SỐNG HAY CHỈ TỒN TẠI?. 26
Bài 11: SỰ THÁNH THIỆN ĐÍCH THỰC.. 34
Bài 12: CÂU CHUYỆN HIẾU THẢO CỦA ANH SANJAY KUMAR.. 37
Bài 13: CHUYỆN BỨC TRANH KHÔNG CÓ MẮT. 41
Bài 14: TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN.. 43
Bài 15: ANH ĐÃ LÀM GÌ CHO THIÊN CHÚA CHƯA?. 47

----------------------------

 

Bài 1: MỘT PHIÊN TÒA HIẾM THẤY

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 442

Bạn thân mến,

Đây là một câu chuyện có thật, xảy ra tại Indonesia.

Trong phòng xử... án, chủ tọa tỏ vẻ trầm ngâm, bóp trán suy nghĩ miên man, trước những cáo buộc của các công tố viên, tố cáo một cụ bà, về cái tội ăn cắp tài sản.

Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah (tiền Indonesia = IDR).

Lời bào chữa của bà: Lý do ăn cắp là vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói ăn.

Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói: Bà ta cần phải được xử tội nghiêm minh, như bao nhiêu người khác.


Thẩm phán thở dài và nói : “Xin lỗi, thưa bà...” , ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ, rồi nói tiếp:

 “Nhưng, pháp luật là pháp luật. Tôi là người đại diện của Pháp luật, nên tôi phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt: Bà phải bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, thì bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.”

Bà cụ run run, rướm nước mắt, suy nghĩ: Mình đi tù rồi, thì con cháu ở nhà ai lo, ai chăm sóc cho.

Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp:

“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân đang có mặt trong phiên toà này 50.000 Rupiah, vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này, mà lại để cho một bà cụ già phải ăn cắp, chủ vì cháu mình bị đói và bị bệnh tật”.

Nói xong , ông cởi mũ của mình ra, tự động móc bóp, cho vào đó 50.000 Rupiah, rồi đưa mũ cho cô thư ký và nói:

“Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng. Và tiền thu được bao nhiêu, hãy đưa tất cả cho bị cáo.”

Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, của một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường. Bà lão run run vì vui sướng.


Thẩm phán gõ búa, kết thúc phiên toà trong hạnh phúc của tất cả mọi người.

Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh và cảm động nhất, mà chúng ta biết được, bởi tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta. Vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp, mà còn dùng cả trái tim để phán xét.

Lạy Chúa, trong cuộc sống thường ngày, con thường hay phê bình, chỉ trích kẻ này người nọ. Xin cho con trong mọi trường hợp, biết dùng trái tim mà ứng xử, như Chúa đã dạy và như Chúa đã làm gương cho con, bởi “Chúa là Đấng hay thương xót”. Amen.

-------------------

 

Bài 2: THAO THỨC CUỐI CÙNG CỦA CHÚA

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 443

Bạn thân mến,

Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời, ông muốn dạy cho các con bài học hiệp nhất: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.

Ông gọi các con đến và nói:

Vàng bạc thì cha không có, nhưng cha có một gia tài, còn quý giá hơn cả vàng bạc. Và cha muốn để gia tài đó lại cho các con.

Nói xong, ông lấy ra ba chiếc đũa tre, trao cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo: “Các con hãy bẻ gãy chiếc đũa cho cha xem”.

Ba người con vâng lời cha, đã bẻ gãy chiếc đũa của mình thật dễ dàng.

Sau đó, người cha trao cho ba người con, mỗi người một bó đũa và nói:

“Các con hãy bẻ gãy bó đũa này cho cha xem”.

Lúc này, ba người con dùng hết sức lực của mình, mà vẫn không sao bẻ gãy được.

Bấy giờ, người cha mới nói:

“Nếu các con biết đoàn kết, yêu thương nhau, thì các con sẽ giống như bó đũa kia, sẽ không có sức mạnh nào có thể làm gãy được các con. Ngược lại, nếu các con không đoàn kết yêu thương nhau, mỗi người một nơi,  mỗi người một kiểu, một cách, chia rẽ nhau, thì các con sẽ như chiếc đũa kia bị người ta bẻ gãy một cách dễ dàng. Chúng con hãy luôn hiệp nhất với nhau. Bởi: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.

Nói xong, người cha ra đi trong vòng tay yêu thương của các con.

*****

Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ của mình và những ai đã cùng chia sẻ với Ngài trong bữa tiệc ly, trước khi bước vào cuộc thương khó. (Gioan 17,20-26).

Đây là những tâm tình cuối cùng, trong lời cầu nguyện hướng về Chúa Cha, trước khi Ngài bị bắt và kết án trên thập tự.

Đó là thời điểm khó khăn nhất, khủng hoảng nhất và cũng là thời điểm Thầy trò ly biệt nhau.

Chúa Giêsu sống trong thế giới, với kinh nghiệm nhân loại, mà Ngài đang mang lấy, Ngài đã thấy trước được những gì là khó khăn, liên quan đến đời sống đức tin. Ngài hiểu được những khó khăn, mà các môn đệ của Ngài sắp phải chứng kiến, khi Ngài bước vào cuộc thương khó.

Trái tim của người Thầy luôn nghĩ đến các môn sinh của mình và những người sẽ đón tiếp Lời Ngài qua các môn sinh này, nên Ngài tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha:

“Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con” (Ga 17,20).

Lời cầu nguyện của Ngài, với một lòng tha thiết với Chúa Cha, cho tất cả chúng ta, những người tin vào Ngài, đang sống đức tin ấy giữa lòng thế giới đầy gian lao thử thách, được luôn trung thành với Lời Ngài và nhất là luôn được hiệp nhất với nhau trong tình yêu.

Mặc dù chính Ngài, đang mang trong mình bao nỗi lo âu sợ hãi của cuộc thương khó đang chờ đón Ngài, nhưng Ngài vẫn dành trọn lời cầu tha thiết cho các môn đệ mình, đang mang thân phận con người mỏng dòn, yếu đuối, phải đối mặt với “thế gian, với quỹ dữ” luôn chực sẵn để cắn xé họ.

Ngài đã nhìn thấy trước những khó khăn của việc giữ đức tin và của sự hiệp nhất, với những tương quan của thực tế của thế giới, trong mọi thời đại. Đó là sự chia rẽ:

- Chia rẽ giữa các quốc gia,
- Chia rẽ giữa các chủng tộc,
- Chia rẽ giữa các tôn giáo….

Chính sự chia rẽ sẽ đào sâu trong lòng con người một vực thẳm của sự ngăn cách.

Và với thời gian, nó sẽ sinh ra hận thù, chiến tranh… như chúng ta thấy ở châu Phi và Trung Đông….

Sự chia rẽ còn xuất hiện giữa những người cùng chung một niềm tin Kitô.

Sự chia rẽ ngay trong lòng Giáo hội, đã không biểu lộ được tình yêu Thiên Chúa hiện diện giữa con người trong thế giới, mà Đức Kitô mong muốn và đã loan báo cho trần gian.

Không chỉ trên bình diện quốc tế, sự chia rẽ còn xảy ra nơi phạm vi nhỏ hơn, như trong cộng đoàn, trong công sở và ngay cả trong gia đình…

Nó bào mòn hạnh phúc và gây nên sự đổ vỡ trong các mối quan hệ gia đình và xã hội...

Trong thế giới hôm nay, sự chia rẽ xảy ra từng ngày, nối tiếp từng năm và kéo dài từ thế kỷ này, qua thế thế kỷ kia.

Chính vì thế, mà trái tim của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục rỉ máu. Và lời cầu nguyện của Ngài vẫn còn vang vọng và thắm thiết bên Chúa Cha:

“Xin cho mọi người được nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).

Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta, vì sự hiệp nhất, trước hết là quà tặng, là ân sủng từ Thiên Chúa, là ân ban, xuất phát từ nơi trái tim của Chúa Ba Ngôi, mà khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã chia sẻ cho chúng ta, trong tư cách là Con Thiên Chúa.

Với ân sủng này, chúng ta cùng Ngài đi vào sự hiệp nhất với Chúa Cha, trong Thánh Thần:

“Con đã ban cho chúng vinh hiển, mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một.  Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con” (Ga 17,22-23).

Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay đặt chúng ta, những người đón tiếp và tin vào Lời, trong trái tim và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.

Ngài còn tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta ở bên Chúa Cha, để cho sự hiệp nhất giữa chúng ta, những chi thể của Ngài, được hoàn thiện: Hiệp nhất nơi gia đình, nơi cộng đoàn, trong Giáo hội, với tình yêu, chính là hình ảnh của Ngài hiệp nhất với Cha trong Thánh Thần.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hướng dẫn chúng con luôn biết sống trung thành với ân sủng mà Ngài đã ban, để chúng con biết đón nhận những khác biệt của anh em, để để chúng con luôn tìm về một mối hiệp nhất, trong tình yêu Chúa ban. Amen.

-------------------

 

Bài 3: KITÔ HỮU “NGOẠI ĐẠO”

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 444

Bạn thân mến,

Cha Karl Rahner, một nhà thần học lỗi lạc người Đức, đã đưa ra một nhận xét có vẻ mâu thuẫn và ngược đời. Ngài nói: Có những “kitô hữu ngoại đạo”, và trái lại có những người bên lương mà lại có đạo”.

Để dễ dàng đánh giá nhận xét “ngô nghĩnh” trên đúng hay sai, chúng ta hãy xem sự kiện Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem, để phân tích và tìm hiểu.

Khi Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem: Tại sao dân thành Giê-ru-sa-lem, cùng với vua Hê-rô-đê, là những người có đạo, lại không hề hay biết. Một khi đã hay biết thì cũng không hề lên đường để đi tìm, để được gặp Chúa Hài nhi sinh ra ở kề bên mình?

Trái lại 3 nhà đạo sĩ, là những kẻ ngoại giáo, những người ở tận mãi đâu đâu, rất xa, lại nhận ra, lại lên đường đi tìm và đã gặp được Chúa !

Sở dĩ có chuyện trái ngược này, là do niềm tin.

Vì khi có một đức tin sống động”, thì con người ta dễ dàng nhận ra và dễ dàng tìm gặp được Chúa trong đời mình.

Trái lại, khi có một đức tin chết”, thì con người ta không thể nhận ra Chúa. Tất nhiên là cũng không thể gặp được Chúa.

*****

Đối với người Do Thái bấy giờ là dân riêng, được Chúa tuyển chọn từ lâu đời, đáng lẽ ra, họ phải đặt trọng tâm vào niềm tin ở Thiên Chúa và Lời Người là Chúa Giêsu. Nhưng Chúa đã không gặp được một niềm tin sống động nơi họ, nên họ đã không tìm thấy Chúa.

Có thể nói: Đức tin của họ là một đức tin chết, nghĩa là một đức tin chỉ dựa vào những hình thức, những lễ nghi bên ngoài, hơn là thấm nhuầm vào trong nội tâm. Họ chỉ dựa vào luật lệ, để tìm sự cầu an cho bản thân, hơn là cố gắng hy sinh mọi sự, để phục vụ Chúa và tha nhân.

Trái lại, niềm tin của các nhà đạo sĩ, tuy gọi là ngoại đạo, nhưng họ lại có một niềm tin ‘sống’. Và nhờ niềm tin này, họ đã tìm, và đã gặp được Chúa.

Để gọi được là một niềm tin ‘sống’ thì niềm tin đó, ít nhất phải có những đặc tính sau đây:

1. Phải có thái độ và tinh thần căn bản, là sống trong tình trạng báo động, để nhận ra dấu hiệu, có thể dẫn đưa tới Chúa.

Giữa trăm ngàn công việc, với bao biến cố trong cuộc sống, chúng ta có thể thao thức nhận ra những dấu hiệu mời gọi của Chúa, để nhận ra Ngài không ?

Dấu hiệu mời gọi của Chúa thì không thiếu, mà chỉ tại chúng ta thiếu một tâm hồn nhạy bén, để khám phá ra Chúa đó thôi.

2. Khi đã nhận ra được dấu hiệu của chúa rồi, thì điều kiện kế tiếp là phải lên đường tìm kiếm. Nghĩa là ta phải ra khỏi tình trạng an vui, tọa hưởng của mình.

Nói rõ hơn, muốn sống đúng đức tin đòi hỏi, muốn gặp được Chúa đích thực, ta phải từ bỏ tình trạng sống yên thân, cầu an, phải ra sức dẹp bỏ những rào cản ích kỷ, kiêu căng, ươn lười.

3. Thao thức tìm kiếm, hy sinh từ bỏ mọi sự để tìm Chúa thôi chưa đủ. Việc tìm Chúa và nhận ra Ngài, không phải làm một lần, mà là suốt cả đời, tất nhiên không phải là dễ dàng, nhưng chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại khó khăn. Do đó, phải có một lòng trung kiên bền đỗ tới cùng, luôn hy vọng, mà không bao giờ được chán nản, phải luôn tin tưởng và cậy trông.

Niềm tin, là ơn cứu sống cho con người, khi niềm tin đó thôi thúc con người, ra sức tìm gặp cho được Chúa trong cuộc sống.

Không có thứ niềm tin luôn đóng băng, vì nó biến con người thành vô dụng và trở nên đồ phế thải.

Lạy Chúa, xin giúp con có được niềm tin sống động, để con gặp được Chúa, đời này và đời sau. Amen.

-------------------

 

Bài 4: KHIÊM TỐN VÂNG PHỤC NHƯ CON THẢO CỦA THIÊN CHÚA

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 445

Bạn thân mến,

Trong kho tàng truyện thần thoại Hy-lạp, có một câu chuyện kể về 2 cha con nhà kia thế này:

Người cha tên là I-đam và con là I-ka.

I-đam là một kiến trúc sư, kiêm nghề điêu khắc. Chính ông đã được nhà vua trao cho nhiệm vụ xây một bát quái đồ, để giam giữ một con quái vật, đầu người, mình thú rất hung dữ, hầu bảo vệ dân lành khỏi bị nó giết hại.

Nhưng về sau, do hiểu lầm, hai cha con I-đam và I-ka là có âm mưu làm loạn, nên vua Mi-nos đã hạ lệnh tống giam cả hai cha con vào bát quái đồ đó.

Nhưng rồi trong "cái khó, lại ló cái khôn":

Trong lúc bị giam cầm, hai cha con này đã tìm được cách trốn thoát, bằng cách làm cánh chim để bay lên cao.

Họ đã dùng sáp ong, nối nhiều lông chim lại, thành 2 bộ cánh chim đại bàng và đã thoát ra khỏi nhà tù, qua một lổ thông hơi trên mái.

Quá phấn khởi trước thành công bất ngờ, anh con trai càng lúc càng bay lên cao, bỏ ngoài tai những lời khuyến cáo khẩn thiết của cha mình.

Khi bay cao gần đến gần mặt trời, thì bị sức nóng của mặt trời, làm tan chảy sáp dính các lông chim trên đôi cánh bay. Thế là anh con trai đã bị rơi từ độ cao xuống đất, chết tan xác.

Chính cái thói kiêu hãnh về sự thành công, đã làm cho người con trai không chịu vâng lời cha, nên cuối cùng, đã bị rơi xuống đất chết thê thảm.

*****

Ngày nay, sự kiêu ngạo cũng làm cho người ta coi thường và bỏ ngoài tai những lời khuyên can đầy khôn ngoan, và đầy kinh nghiệm của các bậc cha bác, thầy cô giáo và những bậc cao niên.

Nếu mỗi người chúng ta chỉ biết chiều theo những đam mê ích kỷ của riêng tư của mình, thì chắc chắn chúng ta sẽ phải chuốc lấy những thất bại đau thương, thảm hại.

*****

Dối nghịch với sự kiêu ngạo chính là sự khiêm tốn.

Nói về sự khiêm tốn, chúng ta có 1 mẫu gương thật tuyệt vời là thánh Gio-an Tẩy Giả.

Thánh Gio-an Tẩy Giả, khi khám phá thấy Chúa Giêsu hòa mình trong đám đông dân chúng, đến xin ngài làm phép rửa, thì Gioan đã nói với Chúa Giêsu:

"Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !".

*****

Vào năm 30 trước Công Nguyên, Gioan Tẩy giả đã xuất hiện tại sông Gio-đan, ăn mặc như ngôn sứ Ê-li-a (x. Mt 3,4), rao giảng cùng một sứ điệp về sự phán xét công thẳng của Thiên Chúa như Ê-li-a, đồng thời Gio-an đã kêu gọi mọi người: «Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần» (Mt 3,2).

Ông còn làm phép rửa cho những ai thành tâm sám hối, để chuẩn bị tâm hồn họ đón nhận Đấng Thiên Sai sắp đến (x. Cv 19,4).

Gio-an cũng khiêm tốn khi nói về vai trò và sứ mạng của Đấng Thiên Sai như sau:

"Đấng đến sau tôi, thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa» (3,11).

Đấng Thiên Sai mà Gioan Tẩy giả muốn ám chí, chính là Chúa Giêsu.

Vừa giới thiệu về Đấng Thiên Sai xong, bỗng Gio-an thấy Chúa Giêsu đang xếp hàng giữ đám đông quần chúng, đến xin mình làm phép rửa cho tại sông Gio-đan, ông Gio-an đã hốt hoảng thân thưa với Người:

"Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa cho, thế mà sao Ngài lại đến với tôi !".

Khi Đức Giêsu nghe Gioan nói thế, liền trấn an ông:

"Bây giờ hãy cứ làm thế đã, vì chúng ta phải làm như vậy, để giữ trọn đức công chính" (Mt 3,15). Và Gio-an đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu.

Như vậy "Giữ trọn đức công chính" theo Chúa Giêsu là vâng lời, để làm theo ý muốn của Thiên Chúa.

*****

Về sau, thánh Phao-lô cũng nói về sự khiêm nhường vâng phục của Chúa Giêsu như sau:

"Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự".

Sự vâng lời ấy thể hiện qua việc Người xin chịu phép rửa, dìm mình trong dòng sông Gio-đan, biểu tượng cuộc tử nạn và phục sinh của Người lúc cuối đời trần thế.

Phao-lô viết tiếp: "Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu" (Pl 2,9-11).

Qua đó, Phao-lô dạy các tín hữu phải noi gương Đức Giêsu "giữ trọn đức công chính" bằng việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Còn chúng ta hôm nay, hãy năng cầu nguyện với Chúa Giêsu, như tông đồ Phao-lô sau khi bị té ngựa, ở cửa thành Đa-mát:

"Lạy Chúa, con phải làm gì ?" (Cv 22,10).

Chúa ta phải ứng xử thế nào để nên con thảo của Thiên Chúa?:

Chúng ta chú ý: Khi Đức Giêsu chịu phép Rửa xong và từ dưới nước trồi lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người" (Mt 3,16-17).

Ngày nay muốn được Thiên Chúa nhận chúng ta là con yêu dấu, như đã xác nhận Đức Giê-su, thì chúng ta cần có một cách sống và một lối ứng xử thật khiêm tốn, cụ thể như sau:

- Khiêm tốn nhận lỗi, mỗi khi được người khác góp ý:

Ai trong chúng ta ít nhiều cũng đều sai lỗi, nhưng chúng ta thường giả hình che đậy, để được người khác đánh giá tốt về mình.

Khi bị người khác phê bình chỉ trích, chúng ta thường hay bực tức và tỏ ra thù ghét kẻ dám phê phán nói xấu mình.

Khi bị thất bại hay có sự cố bất lợi, ít khi chúng ta nhận sai sót, mà thường hay đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho người dưới hay đổ lỗi cho tại hoàn cảnh.

Mỗi người nên ý thức rằng: Thái độ khiêm tốn nhận lỗi và thành tâm sửa sai sẽ giúp chúng ta nên hoàn thiện hơn, và sẽ gây được thiện cảm với người khác. Đây cũng là điều kiện để mọi việc ta làm được thành công.

- Khiêm tốn bỏ qua những điều nhỏ mọn:

Khi thấy người dưới sai lỗi không nghiêm trọng, chỉ nên nhẹ nhàng nhắc bảo, với lòng bao dung nhân hậu. Tránh rầy la to tiếng, làm mất sự bình an và tình đoàn kết nội bộ.

- Cần khiêm tốn sửa lỗi cho tha nhân theo cách Chúa dạy:

Việc sửa lỗi phải do tình thương, chứ không do ác cảm, thù ghét.

Muốn sửa lỗi cho tha nhân cách hiệu quả, cần tiến hành cách khôn khéo từng bước, theo lời Chúa dạy như sau:

Một là phải âm thầm gặp riêng người có lỗi, để tránh cho họ bị mất tiếng tốt giữa cộng đoàn, giữa tập thể.

Hai là phải tế nhị rào trước đón sau, để chuẩn bị tinh thần, giúp kẻ có lỗi sẵn sàng lắng nghe, chỉnh sửa.

Ba là phải nhẫn nại chờ đợi và tránh thái độ nóng vội.

Chỉ nên đưa ra cộng đoàn xử lý nghiêm, nếu kẻ kia cố chấp, không chịu sám hối. Và chỉ nên đưa ra cộng đoàn xử lý nghiêm, trong những trường hợp lỗi lầm của họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đoàn, nếu không kịp thời chấn chỉnh (x. Mt 18,15-17).

Lạy Chúa, xin dạy con bài học khiêm tốn, để trong mọi hoàn cảnh, và trong mọi ứng xử của con sẽ đem lại lợi ích cho con và cho mọi người Amen.

---------------------------------

 

Bài 5: KINH NGHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI TRỞ VỀ “TỪ CÕI CHẾT” NÓI VỚI TA

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 446

Bạn thân mến,

Trong chương trình “Những điều bạn có thể chưa biết” của đài VTV3 tuần rồi có tường thuật một trường hợp lạ lùng:

Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại.

Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời: chị thấy mình như được bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, và các dụng cụ y tế.

Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ, màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày.

Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra, băn khoăn, để ý tìm kiếm.

Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện, nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi, vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ, ai đã đặt ở đó tự hồi nào.

Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: Chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.

*****

Đó là một trong 1.370 trường hợp trở về từ cõi chết, mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra.

Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì:

Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này. Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại.

Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa (Luca 20,27-38). Và kinh nghiệm hiếm có của họ rất có thể hữu ích cho ta. Kinh nghiệm của họ nói với ta hai điều:

1. Có cuộc sống khác ở bên kia cái chết.

Kinh nghiệm của họ phù hợp với niềm tin dân gian, nhất là của người Việt Nam vẫn tin rằng: thác là phế thách, còn là tinh anh. Vì tin có sự sống ở bên kia cái chết, mà chúng ta mới thờ kính tổ tiên, cúng quảy, giỗ chạp.

Niềm tin ấy phù hợp với giáo lý của Chúa. Khi Môsê thấy Chúa hiện ra trong bụi gai cháy đỏ. Ông hỏi Chúa là ai. Chúa trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp”. Vào thời của Môsê, Abraham đã qua đời được 5, 6 trăm năm. Vậy mà Chúa vẫn tự giới thiệu là Thiên Chúa Abraham, tức là Abraham vẫn sống, đang sống bên Chúa. Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống, chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến cuộc sống sau cái chết, như dụ ngôn người giàu có và Lagiarô, trong dụ ngôn về ngày phán xét, dụ ngôn lúa đồng và cỏ dại.

Theo thánh Phaolô, cuộc sống đời sau mới là đích điểm, mà mọi tạo vật nhắm tới. Trong thư Rôma, Ngài viết:

“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải chịu vậy. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-23)

Chúng ta rên siết, vì cuộc sống hiện tại đầy khổ ải. Chúng ta mong chờ cuộc sống đích thực ở mai sau. Đời sống này là thời kỳ thai nghén. Ta phải chịu đau đớn để sinh vào đời sau.

2. Cuộc sống ở bên kia rất khác với cuộc sống hiện tại.

Khi Chúa Giêsu trả lời người Sadducêô, Chúa Giêsu đã mặc khải ba chân lý.

Chân lý thứ nhất: Chỉ những ai được tuyển chọn mới được vào Nước Chúa. Sự sống đời sau có đó. Nhưng không phải ai cũng vào được. Chỉ có những người được xét là xứng đáng mới được vào.

Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa đã nói tới việc tuyển chọn này. Chúa sẽ loại chiên ra khỏi dê, lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cá tốt ra khỏi cá xấu. Tiêu chuẩn để chọn lựa là Tám mối phúc, nhất là giới răn bác ái yêu thương.

Chân lý thứ hai: Người ta sẽ giống như thiên thần. Đời sống trên trời sẽ không có gì giống với đời sống dưới đất. Sẽ không còn đói khát, nên sẽ không cần ăn uống. Sẽ chẳng có lấy vợ lấy chồng, sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi, vì người ta không bao giờ chết nữa. Nếu vậy, trên trời ta có còn là ta nữa không, hay ta trở thành một người khác, một kiếp khác?

Thưa, tuy có khác, nhưng ta vẫn là ta. Đứa bé bụ bẫm hôm nay chẳng có gì giống với cái bào thai ngọ nguậy trong bụng mẹ hôm qua. Nhưng cả hai chỉ là một. Bà cụ 90 tuổi hôm nay chẳng còn gì giống với cô thiếu nữ, mà bà đã là cách nay 70 năm.

Nhưng cả hai vẫn là một. Chú bướm xinh đẹp nhởn nhơ bay lượn trên khóm hoa hôm nay, chẳng có gì giống với gã sâu xấu xí lê la trên đất hôm qua. Nhưng cả hai vẫn chỉ là một.

Trên trời, ta sống một cuộc sống khác, không ăn uống, không lấy vợ lấy chồng. Nhưng ta vẫn là ta. Có khác biệt, nhưng vẫn có liên tục.

Chân lý thứ ba: Ta sẽ trở thành con Thiên Chúa. Sống lại rồi, ta như đứa con bấy lâu phiêu bạt xa quê, nay được trở lại nhà cha mẹ.

Tâm hồn luôn bị dằn vặt, vì niềm khao khát vô biên, nay mới được no thỏa: Thiên Chúa chính là hạnh phúc lấp đầy được vực thẳm khao khát vô biên của ta.

Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Là con Thiên Chúa, hạnh phúc lớn nhất của ta là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn hạnh phúc, nên thánh Phaolô đã nói: “Những đau khổ ta chịu bây giờ không thấm gì, so với hạnh phúc sau này ta sẽ được. Và mọi tạo vật mong tới ngày được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, để được cùng con cái Thiên Chúa, chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,22). Vì hạnh phúc ấy mà tám mẹ con trong sách Macabê (2Macabê 1-14) đã cam chịu mọi khổ hình.

Lời Chúa hôm nay (Luca 20,27-38) đem lại cho ta bao niềm hy vọng. Chúa cho ta biết:

- Đời ta sẽ không đi trong bất định, lạc vào hư vô, nhưng đời ta có một cùng đích, đó là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta.

- Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

- Đời ta như vậy sẽ không đi vào mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở trong vinh quang tự do.

Đúng như lời thánh Phaolô nói:

“Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)

Lạy Chúa, xin cho con biết sống ở đời này theo đúng Lời Chúa dạy, để mai sau con sẽ xứng đáng được trở nên con của Chúa. Amen.

-------------------

 

Bài 6: CHUYỆN THÁNH AN-PHONG-SÔ ĐỔI ĐỜI

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 447

Bạn thân mến,

Có một câu chuyện kể rằng:

Trước khi dâng mình cho Chúa, thánh An-phong-sô là một luật sư lỗi lạc. Ngài rất nổi danh, vì tài hùng biện và vì lý luận đanh thép sắc bén. Nhờ tài ba, Ngài đã thành công, trong rất nhiều vụ án hiểm hóc.

Nhưng một hôm, Chúa đã để cho Ngài phải thất bại.

Trong một vụ án, mà Ngài cảm thấy là rất là đơn giản, rất là dễ dàng, nhưng Ngài đã bị thua một cách thảm hại.

Trước thất bại cay đắng đó, Ngài thấy như cả bầu trời sụp đổ.

Danh tiếng phút chốc tan đi như mây khói. Uy tín bị cuốn đi trong làn gió thoảng. Cả một màn đen tối u ám, phủ xuống cuộc đời Ngài.

Chẳng còn biết tìm an ủi ở nơi nào khác, Ngài đã quay về bên Chúa, chìm đắm trong tĩnh lặng và cầu nguyện.

Nhờ ơn Chúa, Ngài đã tìm lại được niềm bình an.

Hơn thế nữa, Ngài đã nghe được tiếng Chúa mời gọi đi vào con đường Chúa muốn.

Từ đó, Ngài hiến thân trọn vẹn để phục vụ Chúa: Ngài đã trở thành linh mục, giám mục và lập ra Dòng Chúa Cứu Thế.

Sau này, khi nhìn lại, Ngài hiểu rằng: Chính Chúa đã hiện diện trong những thất bại, để đưa Ngài về con đường theo thánh ý Chúa.

Chính Chúa đã dùng những đau khổ, để huấn luyện Ngài, trong đức khiêm nhường phó thác. Chính bàn tay Chúa đã hạ Ngài xuống trong danh vọng trần thế, để nâng Ngài lên trong vinh quang Thiên đàng.

*****

Trong sách Tin Mừng ta thấy thuật lại nhiều trường hợp tương tự:

- Khi thuyền của các môn đệ đang vất vả vượt qua sóng gió, Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các ông. Các ông tưởng là ma nên càng sợ hãi hơn. Nhưng đó chính là Chúa Giêsu. Ngài làm cho biển êm sóng lặng và thuyền các ông tới bến bình an.

- Có lần Chúa Giêsu cùng ở trên thuyền với các ông, nhưng Ngài ngủ say, đến nỗi sóng gió dữ dội, mà vẫn không hay biết gì. Các ông hoảng hốt đánh thức Ngài dậy. Và Ngài đã đe sóng gió khiến chúng phải im lặng.

Những ngày sau Phục Sinh cũng thế.

Ngài đến bất ngờ, khiến các môn đệ sợ hãi. Họ đang bị cái chết đau thương của Ngài ám ảnh. Nên khi Ngài đến, họ cứ tưởng là ma hiện hình. Đức Giêsu phải trấn an họ. Cho họ xem những vết thương ở tay chân. Và cùng ăn, cùng uống với họ và giải nghĩa Thánh Kinh cho họ. Nhờ thế, họ tìm lại được bình an, được vui tươi và tin tưởng tuyệt đối vào Ngài.

*****

Trong đời sống chúng ta cũng thế.

Rất nhiều lần trong đời, ta cứ tưởng Chúa là bóng ma, đến đe doạ đời sống ta.

Có những biến cố lịch sử làm đảo lộn đời ta, tưởng chừng như đưa cuộc đời ta vào ngõ cụt. Nhưng không ngờ chính Chúa dùng biến cố lịch sử, để dẫn đưa ta vào một con đường mới theo thánh ý Chúa.

Có những khi ta gặp thất bại ê chề, tưởng chừng như không còn gượng dậy nổi. Nhưng không ngờ chính Chúa đã dùng thất bại, để cảnh tỉnh ta, giúp tâm hồn ta vươn lên trong một đời sống mới, cao cả, tươi đẹp hơn.

Có những khi ta gặp phải những nỗi đau buồn tê tái tưởng như chết đi được. Ta cứ tưởng Chúa đã bỏ rơi ta. Nhưng không ngờ chính Chúa hiện diện trong những đau buồn đó, để giúp ta sống trưởng thành, sâu xa, và phong phú hơn.

Khi đức tin các Tông đồ còn yếu kém, họ tưởng Chúa là ma. Khi đức tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Chúa Giêsu là có thực. Đức tin của các Tông đồ đã được củng cố, nhờ được gặp gỡ, tiếp xúc thân mật với Chúa Giêsu và được nghe Ngài giải nghĩa Thánh Kinh.

Đức tin của ta còn rất non yếu. Ta hãy biết bắt chước các Tông đồ, mà củng cố đức tin ta, bằng cách năng gặp gỡ Chúa Giêsu. Hãy đến gặp Ngài trong Thánh Lễ. Hãy đến gặp Ngài trong giờ kinh sáng tối trong gia đình. Nhất là hãy đến gặp Ngài trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện với Chúa, tâm sự thân mật với Chúa.

Hãy củng cố đức tin bằng cách học hỏi Thánh Kinh. Hãy cố gắng đọc một đôi đoạn Thánh Kinh mỗi ngày, để hiểu biết Chúa hơn. Bởi việc năng suy niệm Thánh Kinh sẽ giúp ta tìm ra được thánh ý Chúa. Và nhất là hãy biết thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày.

Một khi đã gặp gỡ Chúa và đã thấu hiểu Lời Chúa, ta sẽ chẳng còn bị những bóng ma ám ảnh nữa. Lúc đó, ta sẽ nhìn thấy Chúa thật rõ ràng trong tất cả các biến cố vui buồn của đời sống. Cuộc sống ta sẽ tràn đầy niềm vui và sẽ được bình an.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, con tin Chúa đang hiện diện ở bên con. Con xin phó thác cuộc đời con trong tay Chúa.

Xin cho cho con được luôn trung thành với niềm tin yêu, cậy trông và phó thác này. Amen.

-------------------

 

Bài 7: MAHATMA GANDHI HAM MÊ ĐỌC SÁCH THÁNH, NHƯNG KHÔNG THEO ĐẠO CHÚA

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 448

Bạn thân mến,

Mahatma Gandhi (1869 - 1948), là một nhà ái quốc, đã được tôn vinh là cha già của dân tộc Ấn Độ, và cũng là vị thánh của những người Ấn giáo. Ông đã đấu tranh, giành lại độc lập và tự do cho dân tộc Ấn Độ, bằng đường lối ôn hòa, bất bạo động.

Một hôm người ta hỏi ông: “Trước thảm họa nguyên tử, ngài sẽ làm gì?”

Ganhdi trả lời: “Tôi sẽ cầu nguyện”.

Gandhi là người rất yêu mến giáo huấn của Chúa Kitô, rất thường đọc Kinh Thánh, nhưng nếu được hỏi thêm: “Vì sao ngài không theo đạo Công giáo?”

Ông đã trả lời như sau:

“Phúc Âm của Chúa thì rất tốt lành, thật là tuyệt vời, nhưng người công giáo đã không sống theo Phúc Âm, nên họ không hơn gì chúng tôi”.

Sau đó, ông còn nói thêm:

“Nếu tôi đã hân hạnh gặp được một người nào là Kitô hữu chân thực, thì có lẽ tôi đã trở nên một người Kitô hữu từ lâu rồi”.

Chính vì không sống đúng tư cách người môn đệ Chúa Kitô, người tín hữu đã làm che mờ Chúa Kitô, nên Gandhi đã không thể đến với Đạo Chúa Kitô.

Câu trả lời của Gandhi làm cho chúng ta phải cảnh tỉnh, và nhớ lại Lời Chúa đã nói trong Tin Mừng Mt 5,13-16: “Các con là muối ướp đời, là ánh sáng cho trần gian”.

*****

Người môn đệ của Chúa phải là muối để ướp cho đời, mà là muối, thì phải luôn có vị mặn, muối không thề lạt được.

Tác giả Cl. Tassin chú giải:

“Các môn đệ đem hương vị cho đời, để bảo đảm sự sống còn của thế gian, trước mặt Thiên Chúa. Nhưng nếu họ không đảm đương được công việc này và đánh mất tinh thần các mối phúc, thì họ sẽ chẳng còn có giá trị gì và Thiên Chúa sẽ từ bỏ họ” (Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Centurion, 1991, tr.62).

Không chỉ trở nên vị mặn và hữu dụng, như tính chất của muối, người môn đệ Chúa  còn phải trở nên ánh sáng của nhân loại (x.Pl 2,15; so sánh với Ep 5,8-14), là tham dự vào sự sáng của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là ánh sáng của thế gian” (Lc 2,32; Ga 8,12; 12,35). Và là nguồn ánh sáng cứu độ, như Thánh Vịnh đã khẳng định: “Đức Chúa là ánh sáng và là sự cứu chuộc của tôi” (Tv 27,1).

Ánh sáng cũng được sử dụng như là một biểu tượng trong Kinh Thánh, thường chỉ sự mặc khải cứu độ của Thiên Chúa.

Ngôn sứ Isaia đã loan báo, người Tôi tớ Giavê là “ánh sáng muôn dân” (Is 49,6); và Israel cũng phải là ánh sáng cho dân ngoại (x. Is 42,6).

Giáo lý Công giáo số 1216 đã xác định: Trong phép Rửa tội, người được rửa tội nhận lấy Ngôi Lời là “ánh sáng đích thực soi sáng mọi người”, và “sau khi được soi sáng như thế”, họ trở nên “con của sự sáng” và chính bản thân họ là “ánh sáng”.

Cho nên, thánh Phaolô mời gọi mỗi chúng ta: “Anh em phải chiếu sáng, như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).

Chúng ta đều được mời gọi nên như muối và ánh sáng: Phaolô cũng đồng hóa “muối” với “sự khôn ngoan” và ngài mời gọi chúng ta, trong từng lời ăn tiếng nói, phải mang vị mặn mà của muối:

“Anh em hãy ăn ở khôn ngoan. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương” (Cl 4,5-6).

Trong ý nghĩa đó, mỗi hành động của chúng ta, cũng phải mang hương vị mặn mà của tình yêu đậm đà, sẵn sàng chia sẻ vị mặn đó cho anh chị em mình. Mỗi khi dấn thân, tham gia gánh vác công việc trong xã hội, trong Giáo hội, cũng phải chan chứa vị mặn của muối, trong trách nhiệm, trong công việc, khi phục vụ anh chị em mình.

Khi mang lời mặn mà dễ thương, hành động thắm nồng tình yêu, tinh thần trách nhiệm, người Kitô hữu sẽ trở nên ánh sáng, như Công đồng Vaticanô II đã chỉ rõ:

“…Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên, có sức lôi kéo người ta đến với đức tin và đến với Thiên Chúa”, vì Chúa phán: “Sự sáng của các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con, mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16).

Tuy nhiên, khi chúng ta đi vào cuộc sống ở giữa đời và ở trong thế gian, dưới ảnh hưởng của các thế lực bóng tối, hương vị của muối trong chúng ta có thể trở nên nhạt, và đèn của chúng ta có thể bị hết dầu, nên ánh sáng cũng bị lụi tàn.

Để tìm lại được hương vị mặn và dầu cho đèn sáng, muối cần được ướp lại bằng vị mặn của Đức Giêsu, ngọn đèn cần được nuôi dưỡng bằng dầu tình yêu của Ngài, qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể, để được ơn tha thứ, được ơn chữa lành và sẽ có thêm được sức mạnh, nhờ được kết hiệp với Chúa Giêsu, bằng sức sống thánh và bằng tình yêu dâng hiến.

Lạy Chúa, từng bước đi trong cuộc sống dương gian này, xin cho con luôn tâm niệm và thực hiện đúng điều Chúa dạy: Các con phải là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian. Amen.

-------------------

 

Bài 8: SỨC MẠNH CỦA GƯƠNG SÁNG

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 449

Bạn thân mến,

Tại một bệnh viện, có một bé gái được đưa vào phòng giải phẫu. Bác sĩ nói: "Cháu ạ, trước khi giải phẫu, chú phải làm cho cháu ngủ cái đã!"

Cô bé, vốn được người mẹ đạo đức huấn luyện từ nhỏ về thói quen cầu nguyện trước khi đi ngủ, liền đáp:

"Ồ, nếu bác sĩ làm cho cháu ngủ, thì xin hãy để cho cháu được cầu nguyện trước cái đã".

Rồi em ngồi dậy, sốt sắng cầu nguyện. Sau một phút, em nói: "Bây giờ thì bác sĩ có thể cho cháu bắt đầu ngủ được rồi đấy!"

Nghi thế, chính bác sĩ giải phẫu cũng âm thầm cầu nguyện, khi sắp bắt tay vào việc chuyên môn gây mê và giải phẫu khối u cho em nhỏ.

Đây là lần cầu nguyện đầu tiên của ông, sau hơn 30 năm xa Chúa. Không biết sức mạnh nào ở nơi cô bé yếu đuối kia, đã làm khơi dậy niềm tin nơi vị bác sĩ đáng bậc cha chú của em!

Bạn thân mến,

Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giôđan bởi thánh Gioan Tẩy Giả (Mt 3,16-17), thì có một biến cố lớn đã xảy ra, là khi Chúa Giê-su vừa chịu phép rửa xong, Người vừa từ ở dưới nước đứng lên, thì mọi người bỗng thấy các tầng trời mở ra. Thần Khí của Thiên Chúa như chim bồ câu, đáp xuống và đậu trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”.

Biến cố này, cũng nhắc nhở chúng ta một điều rất quan trọng, mà chúng ta thường hay quên, đó là chúng ta cần phải ý thức và sống ơn gọi chúng ta khi đã lãnh nhận phép rửa tội, là “Sống như con cái Chúa, ở mọi nơi, mọi lúc”.

Phép rửa tội không chỉ là một lễ nghi để cử hành, nhưng còn là khởi đầu của một cuộc sống mới, kéo dài trong suốt cuộc đời người tín hữu chúng ta.

Chúng ta vui mừng vì được ơn tái sinh làm con Thiên Chúa, nên chúng ta phải sống thế nào, để Thiên Chúa cũng xác nhận chúng ta, như đã xác nhận Đức Giê-su: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người".

Sống như con cái Chúa, là chúng ta phải sống như thánh Phaolô dạy, là chúng ta phải cùng chết với Đức Kitô, và để cùng sống lại với Đức Kitô.

Đây cũng là những lời, mà chúng ta những tín hữu, đã cam kết khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội.

Bởi, qua nghi lễ thanh tẩy bằng nước, diễn tả mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, Hội thánh cũng nhắc nhở các tín hữu, cũng phải chết đi cho những gì thuộc về ma quỉ, thế gian, cùng các đam mê tội lỗi bất chính, để cùng được sống lại một đời sống mới làm con Thiên Chúa.

Chết đi cho các thói hư tật xấu, cụ thể là lọai trừ khỏi nơi ta óc bè phái, cục bộ, tính tự cao, tự đại, khi cho mình là hay và thường khi chê bai anh chị em mình. Quyết từ bỏ những việc làm xấu xa như: tham ô, hối lộ, ăn cắp của công, bóc lột người nghèo, giết người, cướp của, chè chén, say sưa, cờ gian, bạc lận, gian tham... Phải loại bỏ những ý nghĩ đen tối, những lời nói hành, nói xấu, vu oan, giáng hoạ, kết án kẻ mình không ưa, nói sai sự thật. Phải loại bỏ tính ưa tọc mạch, tò mò, soi mói, xen vào đời tư của kẻ khác...

Sống như con cái Chúa, còn là sống hiếu thảo với Chúa Cha, noi gương Chúa Giêsu là Con yêu dấu, luôn làm hài lòng Cha (x Mt 3,17), bằng việc kết hiệp với Chúa Cha qua các kinh nguyện hằng ngày, luôn tìm thánh ý Chúa Cha để thi hành (x Dt 10,9; Mt 26,39), quyết tích cực góp phần xây dựng xã hội mình đang sống ngày một an tòan hơn, sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn, để dần dần trở thành "Trời Mới Đất Mới" (Kh 21,1-4) theo thánh ý Thiên Chúa.

Rồi, sống như con cái Chúa, còn là làm chứng cho Chúa Giêsu, không nhất thiết đòi chúng ta phải luôn nói về Chúa, nhưng là đòi chúng ta luôn thực hành đức tin, đức cậy, chiếu sáng đức ái qua cuộc sống hòa hợp với mọi người chung quanh, noi theo gương em bé trong câu chuyện trên. Tuy em không nói về Chúa, nhưng chính gương sáng cầu nguyện của em, với lòng tin, cậy trông, phó thác, đã có sức lay động đức tin nguội lạnh của viên bác sĩ giải phẫu cho em.

Rồi, sống như con cái Chúa, còn là làm chứng cho Chúa Giêsu, bằng việc chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng, làm cho "danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến" (Mt 6,9-10), bằng sự cầu nguyện kết hiệp, bằng thái độ ứng xử thân thiện, bằng lời nói hòa nhã vui vẻ, bằng việc làm phục vụ khiêm tốn, nhất là bằng  việc năng thăm viếng, chia sẻ cơm áo và phục vụ những người nghèo khổ bệnh tật, những người bị bỏ rơi bên lề xã hội, như Lời Chúa dạy: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời" (Mt 5,16).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được học tập nơi Chúa nhân đức hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin cho con luôn biết nhận ra những thiếu sót và những lầm lỗi của con. Xin cho con đừng cố tình làm cho mình nổi trội hơn anh chị em con. Xin cho con luôn ăn nói khiêm tốn nhỏ nhẹ, không la mắng hay to tiếng với tha nhân. Xin cho con biết chọn phần ít hơn người khác về quyền lợi, nhưng sẵn sàng dấn thân phục vụ nhiều hơn cho họ. Xin cho con biết nói ít, làm nhiều. Nhờ đó, "hữu xạ tự nhiên hương": Con sẽ có thể chiếu ánh sáng tình yêu của Chúa trước mặt thiên hạ, và qua con, anh chị em lương dân sống bên cạnh con, cũng sẽ nhận biết và yêu mến Chúa, để cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với con. Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.

-------------------

 

Bài 9: XỨ SỞ CỦA NỤ CƯỜI

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 450

Bạn thân mến,

Trong kho tàng chuyện cổ tích của người Ấn Độ, có kể lại một câu nguyện như sau:

Một hôm, theo lời yêu cầu của các đệ tử, một vị linh sư Ấn Ðộ đã kể lại kinh nghiệm về các giai đoạn đời tu của ông như sau:

- Giai đoạn đầu tiên của ta đã được Thiên Chúa cầm tay, dẫn đến một xứ sở của hoạt động. Ta đã ở lại đây nhiều năm.

- Tiếp sau đó, Ngài đã trở lại và đưa ta đến một xứ sở của niềm đau. Tại đây, trái tim của ta đã được thanh tẩy, tôi luyện, khỏi mọi dính bén với của cải trần thế.

- Sau đấy, Ngài dẫn ta đến miền đất của cô đơn. Ở đấy, mọi ti tiện nhỏ bé của bản thân ta đều bị thiêu hủy hết, và ta đã có thể đi vào một xứ sở của thinh lặng. Trước mắt ta, mầu nhiệm của sự sống và của sự chết đều được tỏ bày thật rõ ràng, rất trong sáng..

Nghe thế, các môn đệ bèn hỏi:

- Phải chăng thầy đã đạt tới giai đoạn cuối cùng, trong cuộc tìm kiếm của thầy?

Vị linh sư bình thản trả lời:

- Chưa đâu. Một ngày nọ Thiên Chúa đã nói với ta như sau:

"Lần này, Ta đưa con vào tận thâm cung của đền thánh, để con được đi vào trong cung lòng của Ta".

Thế là ta đã đến xứ sở của nụ cười.

******

Người Tây Phương thường nói: "Một vị thánh buồn, là một vị thánh đáng buồn".

Niềm hoan lạc, sự vui tươi, phải chăng, đó không phải là nét cốt yếu cần thiết phải có, được hiển hiện thật rõ nét trên khuôn mặt của một vị thánh đó sao?

Kinh Thánh đã nói: "Thiên Chúa là đấng làm hoan lạc tuổi xuân con".

Thiên Chúa làm cho con được hoan lạc, bởi vì Ngài chính là niềm vui. Ði vào cung lòng của Thiên Chúa, là tìm được niềm vui, tìm được nụ cười muôn thưở của niềm hân hoan đó.

Nụ cười, không chỉ là biểu hiệu của niềm vui, mà nó còn là một thách thức đối với mọi người, nhất là trong một hoàn cảnh đau thương, bi đát. Ðó là nụ cười của bà Sara đã bật lên, giữa cảnh già nua son sẻ, bởi thực tế, khi Thiên Chúa vừa cho bà biết: Bà sẽ thụ thai, mặc dầu bà đã già lão. Lúc đó, bà Sara đã bật cười.

Thiên Chúa thường khơi dậy những nụ cười như thế. Tư tưởng của Ngài, hành động của Ngài, thường là những nghịch lý đối với con người, thường rất khó hiểu đối với con người.

Là Lời của Thiên Chúa, là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng là sự nghịch lý nhập thể. Cả cuộc sống, lời rao giảng, nhất là cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, rõ ràng là một chuỗi những nghịch lý trước con mắt của người đời.

Người đời chạy theo tiền của, danh vọng, quyền bính, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: "Phúc cho những ai nghèo khó".

Người đời thích gây bạo động và hận thù, thì Chúa Giêsu lại dạy: "Phúc cho những ai hiền lành và xây dựng hòa bình".

Người đời cho rằng: Cái chết là một nỗi bất hạnh tột cùng, là tận điểm của cuộc sống, là sự kết liễu của tất cả, thì Chúa Giêsu lại dạy: Đó là khởi đầu của hạnh phúc, là cửa ngõ đưa tới sự sống đời đời.

Thánh Phaolô đã diễn tả cái nghịch lý cao vời ấy của Thiên Chúa, bằng lời khẳng định sau đây:

"Ðiều mà thế gian cho là yếu hèn, thì đó lại chính là sức mạnh của Thiên Chúa... Những gì người đời cho là điên dại, thì đó chính là lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa" (1Cor. 1,26-29)

Lạy Chúa, xin ban cho con một đức tin vững mạnh, để con có thể luôn xác tín vào Chúa, xác tín vào những gì mà Chúa đã và sẽ sắp xếp an bài cho cuộc đời con, cho Giáo Hội, cho xã hội, và cho chương trình của Chúa trong trời đất vũ trụ này, để con có thể vượt qua được mọi gian lao thử thách trong cuộc sống. Amen.

-------------------

 

Bài 10: SỐNG HAY CHỈ TỒN TẠI?

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 451)
Trích bài trong:
Giải Viết Văn Đường Trường 2018 – GP. Qui Nhơn.


- Đừng! Bình tĩnh đi em, bước xuống đây, đừng làm dại em ơi!

- Không! Chẳng ai có thể giúp tôi cả, hết thật rồi! Hắn gạt tôi, hắn không muốn đứa bé này. Tôi chẳng còn thiết sống nữa…

- Em gái, việc gì cũng có hướng giải quyết. Đứa trẻ không có tội gì, cứu lấy đứa trẻ, cứu cả mình… Xuống đây với chị đi! Làm ơn mà...- Ái khóc lóc van xin cô gái.

- Chị mặc tôi! Chị không là tôi, làm sao hiểu điều tôi phải trải qua bao giờ? Đúng, đứa bé này không có tội. Nhưng tôi không muốn nó phải sống trong thế giới giả tạo này...- Nước mắt cô gái lưng tròng- Cái tên khốn nạn... bỏ tôi, bỏ con hắn... Tôi chẳng cần đến nó nữa…- Cô nức lên từng tiếng.

Bất chợt cô gào lên: “Tôi không muốn sống nữa!”, và thả mình xuống…

Thời gian như lệch đi một giây, mọi người xung quanh như chết lặng khi nghe tiếng gào cuối cùng của cô gái, tiếng gào như tiếng xé lòng, xé thời gian lẫn không gian ngay lúc đó. Có nỗi đau nào bằng nỗi đau bị người mình yêu dối lừa tình cảm và không nhận cái thai mình đã gây ra. Chỉ là cô gái đang độ thanh xuân tươi đẹp mà gặp chuyện như vậy, đương nhiên cái đầu óc minh mẫn đến đâu cũng bị bóp nghẹt bởi đau khổ, tìm đến cái chết là điều khó tránh khỏi, nhưng sẽ khiến bao người tiếc nuối. Sau cơn mưa trời lại sáng mà, cuộc sống này vốn dĩ đâu bình lặng, lúc thăng lúc trầm, lúc êm ả, lúc chông gai, cái cốt lõi là biết vực dậy sau khi ngã, biết tìm niềm vui ẩn giấu đằng sau nỗi buồn. Ai cũng sợ những tảng đá cản lối mình, nhưng sao không dẫm lên chúng để đưa bản thân lên tầm cao mới. Nếu cô gái hiểu rằng: “Khó khăn đau đớn hiện tại không phải là đích đến cuối cùng mà cô hướng đến. Chuyện tốt đẹp có thể vẫn chưa đến lúc xảy ra”, thì mọi thứ có lẽ đã không như thế này, dẫu biết đâu dễ dàng.

Tưởng chừng như kết thúc mọi chuyện, nhưng thật may lúc cô gái sắp gieo mình xuống thì Ái đã kịp lao tới, giật lấy gấu áo cô gái và lôi xuống vệ cầu. Cô gái ngất lịm vì đuối sức, giọt nước mắt vẫn lăn dài trên gò má, nước mắt của chua xót, lầm lỡ tuổi xuân.

Nắng vàng len qua khe cửa sổ, dọi thẳng vào giường bệnh cô gái đang nằm. Từ từ mở mắt, nhìn quanh và thấy Ái đang ngồi cạnh mạn giường mình, bỗng nước mắt chan hòa, cô ngoảnh mặt đi và khóc:

- Sao lại cứu tôi? Tôi lấy lí do gì để sống tiếp đây?- Cô gái nức lên.

- Lí do phải sống tiếp ư? Đó là vì đứa con em. Chị biết nỗi đau mà em phải trải qua. Nhưng thời gian sẽ xoa dịu mọi nỗi đau.

- Chị hiểu điều tôi đang trải qua sao? Chị là tôi chắc!- Cô gái tức giận, câu nói như lưỡi dao cứa vào vết thương cũ, Ái thấy nhói đau.

- Đúng! Chị không phải là em, nhưng chị đã từng là em… Mọi cảm xúc của em bây giờ, chị cũng đã trải qua. Kể cả tự tử cũng không loại trừ.

Cô gái trẻ lau nước mắt, ngạc nhiên khi nghe Ái nói vậy. Đôi mắt đã in hằn dấu vết thời gian qua nếp chân chim, ánh mắt nhìn về phía xa xa ngoài cửa sổ. Bao cảm xúc năm xưa chợt ùa về:

*****

“Chị là con một trong gia đình Công Giáo, gia đình khá giả nên từ bé đã không thiếu thứ gì, duy trừ tình cảm của bố mẹ. Họ chỉ biết suốt ngày cắm đầu vào công việc, chẳng thèm đoái hoài đến chị. Họ nghĩ rằng phải kiếm thật nhiều tiền thì gia đình mới sung túc, chị cũng hạnh phúc vì điều đó. Nhưng họ đâu biết rằng, chính vì suy nghĩ đó, tâm hồn đứa con duy nhất của họ bị gặm nhấm từng ngày đến trầm cảm, bởi chị quá đơn độc. Chị “khát” lắm cảm giác đầm ấm thuở nhỏ khi cả nhà cùng nhau ngồi lại lần chuỗi Mân Côi”…

Ái từ từ kể cho cô gái về cuộc đời mình: “Em biết không, chị nghĩ em hạnh phúc hơn chị đấy, ngày ngày em được ăn những bữa cơm gia đình, được bố mẹ quan tâm, bao bọc. Còn chị, thời gian của bố mẹ chỉ dành cho công việc, ngày nào cũng lủi thủi ăn cơm một mình, đến quen luôn đấy”. Khóe mắt cô chợt cay cay, vừa kể mà cô đã khóc tự bao giờ, cái cảm giác đơn độc ấy như xâm chiếm trọn con người cô lúc này.

Cứ thế, tâm hồn cô lãnh cảm từng ngày. Mọi người nhìn vào gia đình cô ôi sao ngưỡng mộ, cha mẹ làm ăn phát đạt, con gái thì nết na, đạo đức, thật có phúc. Nhưng mỗi lần bước vào căn nhà, cô thấy rùng mình lắm, căn nhà này không ấm áp vậy đâu. Giá lạnh lắm, trái tim mọi người trong nhà này bị đóng băng cả rồi; trong nhà này không có người sống đâu, chỉ là vài cái xác di động đang tồn tại thôi. Thật đấy!... Cô muốn hét lên cho cả thế giới biết điều ấy.

Thời gian thấm thoắt trôi, cô đã là thiếu nữ 18 tuổi. Là năm cuối cấp, nên phải lên kế hoạch cho tương lai thôi. Vì từ nhỏ cô đã sống trong sự thiếu thốn tình cảm, cho nên cô muốn học chuyên sâu về ngành tâm lý. Nhưng, đời đâu như mơ, khi cô trình bày về ước mơ của mình thì đã chịu sự phản đối từ bố mẹ. Họ cho rằng, cô là con một trong nhà nên phải theo học về kinh doanh để tiếp quản sự nghiệp của bố mẹ. Thật khó chấp nhận, cô tìm dịp có cả bố mẹ ở nhà để thưa chuyện rõ ràng.

- Bố mẹ!

- Gì thế con?

- Là về việc chọn trường đại học ạ! Bố mẹ từng định hướng cho con thi vào trường chuyên về kinh doanh... Con muốn nói là...

- Đúng rồi, học cái đó sau mà quản lí công ty của gia đình mình con ạ. Nghĩ được vậy thì tốt lắm!- Chưa kịp nói, mẹ cô đã tấm tắc khen ngợi.

- Không! Ý con là... là...

- Là gì?

- Con không muốn học trường bố mẹ nói.

- Không trường đó thì trường nào?- Bố cô xen ngang.

- Con muốn học chuyên ngành tâm lí!

- Tâm lí tháng kiếm được mấy hào mấy xu? Trong khi có sẵn sự nghiệp bố mẹ đó rồi. Con phải thi vào trường bố mẹ định hướng cho ấy…- Bố cô nhẹ nhàng nhắc nhở.

- Nhưng… con không thích việc này, con muốn theo đuổi ước mơ của con. Con hy vọng bố mẹ tôn trọng quyết định của con.

Bố cô cau mày: “Đủ rồi, cứ quyết định trường cũ đi. Sau này con mới biết, chỉ cần giàu thì mọi thứ đều không quan trọng nữa đâu!”

Lại là tiền bạc. Sống phải ước mơ và phải chạm được ước mơ mà, nhưng cô khó lòng thực hiện được khi tiền bạc là mục đích bố mẹ cô hướng tới.

- Con nghĩ kĩ rồi. Con đang thưa chuyện nghiêm túc. Con muốn thi vào trường chuyên ngành tâm lý, đó là điều con thật sự mong muốn.- Cô nắm chặt hai tay, cố giữ bình tĩnh.

Mẹ cô lay nhẹ, thủ thỉ: “Thôi con, đừng nói nữa, con biết tính bố rồi mà, đừng chọc tức bố”.

Mặc mẹ, cô kiên quyết, “thà một phút huy hoàng rồi dập tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm mà”… Cô phải vượt qua cuộc sống tối tăm này, dù là cơ hội nhỏ cũng phải thử: “Mẹ ạ! Con chắc chắn sẽ thi vào trường chuyên ngành tâm lý. Từ bé đến giờ con chưa trái ý bố mẹ bao giờ, nhưng lần này khác. Con có cuộc sống của riêng con. Bố mẹ có nói gì nữa thì con vẫn làm theo điều mình mong muốn”.- Câu trả lời chắc như đinh đóng cột làm bố cô tức giận vô cùng, mặt ông đỏ bừng: “Thế mày học cái đó xong, gia nghiệp này đem đổ à? Mày có ước mơ, thế ước mơ của tao thì sao? Tao bán mạng để làm việc nuôi mày đấy!”

- Nhưng con không thể sống cho bố mẹ mãi được.

- Im! Mấy ngày nay công việc đã không thuận lợi rồi, mày đừng làm tao điên lên! Đúng là đẻ ra cái “giống cái” chả được tích sự gì, giá hồi đó sinh ra thằng con trai thì giờ tao đã sướng rồi.

Ra là vì công việc, phải “giết” ước mơ của người khác để ước mơ của ông ta thành hiên thực? Vì “giống cái” không mong đợi này được sinh chứ không phải là một thằng con nối nghiệp? Sao có thể lấy giới tính con gái mình ra mà chế giễu, cô ấy có thể tự chọn cho mình giới tính được chắc? Nếu được thế, có lẽ cô đã chọn ngôi nhà khác chứ không phải là căn nhà băng giá này rồi. Cô khóc, chua xót từng từ, miệng cười nhạt dưới dòng nước mắt: “Đúng là chỉ có công việc. Bố chưa bao giờ thấy sự tồn tại của con đúng không... Ôi... tiếc quá... Biết sao được, con không phải là quý tử mà bố mong chờ, con là “giống cái” vô phúc được sinh ra bởi người bố lấy làm vợ đấy... Đúng là số phận con xui xẻo khi vấp vào căn nhà đáng kinh tởm này mà…- Cô cười thật chua xót- Từ bé đến giờ, đã có lần nào bố đặt vào hoàn cảnh của con để cảm nhận chưa? Suốt 7 năm nay con phải uống thuốc trầm cảm bố mẹ có biết không?- Vừa nói, cô vừa móc trong túi hộp thuốc trầm cảm rồi đổ ra giữa bàn.

Nước mắt cô lăn dài trên gò má, chảy xuống cổ, làm ướt đẫm cánh áo. Mẹ cô khóc lên: “Con nói sao, con bị trầm cảm ư? Sao lại ra thế này ông ơi!”- Bà víu vào áo chồng đau đớn.

- À quên mất, con là người vô hình trong cái nhà này mà, có ai thấy đâu mà đòi nhận được tình thương từ người khác!- Ái đánh đôi mắt đẫm lệ và đầy sự khinh bỉ sang người bố- Bố này! Sao hồi đó bố không giết con đi, hay là xin một cậu quý tử bố mong chờ về mà nuôi thế?

Đôi mắt bố đỏ lòm, trợn ngược lên như muốn nuốt chửng cô. Ông ta vói cái tay ra chỉ cô, hét lên: “Mày nói cái gì cơ? Khốn nạn!… Mày nói tao giết mày ư... Mày... Biết có ngày này tao cũng chẳng đẻ ra cái loại vô phúc như mày rồi! Mày đủ lông đủ cánh rồi nên muốn làm gì thì làm đúng không? Đồ ăn cháo đá bát... Mày là dạng khôn nhà dại chợ thôi... Cút! Cút cho khuất mắt tao!”- Ông vừa quát vừa thở từng hơi hồng hộc như muốn đứt cả tiếng.

Cô khóc to hơn: “Được... Con cũng chẳng thèm ở lại căn nhà này nữa... Con cút... Bố cứ ôm cái sản nghiệp gớm ghiếc của mình mà sống cho hết đời mình luôn đi!”

Cô xô rầm cánh cửa chạy ra ngoài. Cô chạy như điên loạn. Nước mắt nhạt nhòa, càng chạy cô càng khóc nhiều hơn bởi những lời chửi vả của bố cô cứ văng vẳng bên tai. Lúc đó, bố cô đập xán đồ đạc tung tóe rồi bỏ lên phòng; còn mẹ cô chỉ biết khóc lóc và than vãn khi nhìn thấy gia đình như vậy.

Sau một lúc chạy ra khỏi nhà, Ái cũng đuối sức, cô dừng lại ngồi trên bậc tam cấp ven đường. Có tiếng nhạc mở to, cô ngước lên, là quán bar! “Đúng rồi! Uống say để quên hết. Giờ mình cũng là một đứa bỏ nhà đi, còn gì phải lo nghĩ”. Ý nghĩ ấy chợt lóe lên trong đầu, cứ thế chẳng đắn đo, cô lao thẳng vào quán uống không ngừng nghỉ. Cô muốn say, để quên đi mọi chuyện, cô uống nhiều đến mức nằm thượt ra quầy, tay vẫn đập bàn và: “Thêm rượu đi!”…

“Con bé nay trông được phết nhỉ!”, một tên thanh niên ở đó tự nhủ.

- Cô em! Đi chơi với anh cho khuây khỏa không?- Thằng đó rót rượu rồi trêu đùa Ái.

Cô say khướt rồi có biết gì nữa đâu, cái đầu gật gật, miệng lảm nhảm: “Ừ... kiếm trò gì vui”. Thằng đó được đà, cứ thế mà lấn tới thôi. Hắn ta dìu Ái dậy và thủ thỉ: “Rồi! Đi kiếm trò vui nào! Đây ồn quá đi mất!”. Hắn cười đắc ý và đưa Ái vào khách sạn. Rốt cuộc, tấm thân trinh trắng của đời người con gái đã chẳng còn.

Mặt trời đã lên cao, Ái tỉnh dậy, dụi mắt, sao phòng mình lạ vậy! Bất chợt cô hét toáng lên khi nhìn cơ thể. Cô giật mình, sực nhớ mọi chuyện hôm qua… “Ôi không! Sao chuyện này có thể xảy ra với mày được, Ái? Sao lại uống say đến mức đó. Làm sao bây giờ, tên đó là ai mày cũng không biết kia mà! Sao cuộc sống lại bất công thế này!”- Cô úp mặt khóc rưng rức, đau khổ tột cùng.

Nắng vàng hắt nhẹ qua từng kẽ lá, gió thoảng mùi hoa sữa lướt qua mái tóc cô gái, dòng người qua lại tấp nập… Cảnh vật vẫn như mọi ngày, duy chỉ có một bóng người bơ vơ bước đi như cái xác không hồn. Chân đi, nhưng phải dừng lại chốn nào? Rồi như có ai gọi tới… Cái Hà, bạn thân cũ của Ái bắt gặp cô, hai người tâm sự với nhau. Cô kể, cô khóc. Hà nghe, cũng chẳng cầm được lòng. Hà xót thay cho Ái, Hà bảo Ái đến nhà mình ở vài hôm, vì bố mẹ cũng mới về quê ngoại, chắc chưa về lại đây. Quả không sai: Người bạn thật sự là người ở bên bạn khi khó khăn nhất.

Mấy hôm Ái thấy mệt mỏi là lạ nên đi bệnh viện khám. Chờ kết quả kiểm tra mà trông mệt mỏi quá.

“Đây là phiếu kết quả. Em đã có thai”, bác sĩ đưa cô tờ kết quả. Thật chẳng khác nào sét đánh bên tai! Làm sao đây, bố cô sẽ nguyền rủa cô đến chết mất, đời người con gái thế là hết. Đau khổ đến tột cùng, Ái rời căn phòng, nước mắt không ngưng. Bầu trời hòa thêm nỗi đau, từng giọt mưa nặng hạt rơi. Cô lang thang, cảnh vật bỗng chốc mờ dần sau màn lệ hoen tràn trên mắt.

“Bíp...”, tiếng còi xe ôtô kéo dài… Cô lao mình vào mũi xe ôtô. Tim con người sao mỏng manh, yếu đuối đến thế, Chúa ơi! Sao Người bắt một cô gái nhỏ bé phải vác cái thập giá lớn đến vậy? Sao Người mãi lặng im? Chẳng phải Người đã hứa là ở lại với chúng con mọi ngày trong suốt đời chúng con ư, nhưng cớ sao giờ đây lại không thấy bóng dáng của Người vậy?

- Bảo nó phá cái thai, rồi đi du học. Bà vào mà lựa lời nói với nó…

- Nhưng... Mình dù có bỏ bê đến đâu cũng là người có đạo mà, phá thai liệu... Tôi lo lắm!

- Giờ này còn nghĩ được mấy cái này à... Để cái thai là nhục cả dòng họ.

Đây là đâu, mình chết rồi mà, nhưng sao lại có tiếng bố mẹ ở đây? Mẹ cô vừa lúc đó bước vào: “Con tỉnh rồi à? Thật may lúc đó tài xế phanh xe kịp. Con vì quá hoảng loạn nên ngất đi... Con bỏ cái thai đi, làm lại cuộc đời. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Qua bên đó, con gắng học, sau này tiếp quản sự nghiệp… Giờ đó là cách tốt nhất đối với con, con nhé...”

- Vẫn là tiếp quản công việc… Mà bỏ cái thai này... Chúa có tha đâu mẹ!”- Ái khóc lên.

- Tha! Tha hết!... Giờ phải bỏ cái thai này thì cuộc sống của con mới trở lại như trước kia được”- Mẹ cô cũng khóc lên và ôm chầm lấy cô.

Đang lúc đợi vào phòng phá thai, Ái lướt Facebook, cô tình cờ thấy một đoạn clip của nhóm Bảo Vệ Sự Sống đang xin các thai nhi ở bệnh viện để chôn cất. Ôi! Những đứa trẻ đó đã thành hình, là con người thực sự. Chúng có lẽ đau lắm, ôi thật xót xa khi bị mẹ chúng bỏ lại. Có đứa vẫn còn đầy đủ bộ phận, nhưng có đứa bị cắt ra từng phần. Cô khóc lên: “Con mình lát nữa cũng sẽ phải chịu cảnh này sao? Ôi không! Nó sẽ oán trách mình, phải làm sao đây?”…

- Ái! Tao biết chuyện mày tự tử nên chạy tới đây. Sao mày dại dột thế hả? Giờ sao mày lại ở đây, phòng phá thai?- Hà hớt hải.

- Tao... có thai rồi mày ạ! Bố mẹ tao bảo là phá cái thai đó rồi làm lại từ đầu. Tao chẳng biết làm sao nữa… Tao vừa xem được cái này- Cô đưa điện thoại cho Hà- Tao thấy day dứt lắm, tao không muốn con tao phải đau…- Ái nức lên từng tiếng trong sự dằn vặt.

 - Sao? Gia đình mày là đạo gốc mà, chẳng lẽ không biết giáo luật cấm phá thai ư? Tội đấy mày à! Đó là giết người đấy! Mày thấy những đứa bé này không, thật tội nghiệp, mẹ chúng nó có lẽ cũng phải dằn vặt trong suốt quãng đời còn lại đấy!- Hà nắm lấy tay Ái- Ái! Bố mẹ mày trước giờ chỉ là đang tồn tại chứ không phải đang sống. Họ chỉ biết kiếm tiền mà không biết đến tình yêu thương, đến cả đứa cháu mà họ cũng không cần thì còn gì nữa… Cả tên đã làm ra cái bụng bầu này, nó cũng chỉ đang tồn tại thôi, nó cũng không biết đến yêu thương. Nhưng, mày thì khác, mày biết rõ mày không tồn tại đơn thuần như bọn họ mà, mày khao khát được yêu thương biết nhường nào, mày biết cảm nhận được sự đau khổ, vậy mày nghĩ con mày nó muốn chịu sự khổ đau giống mày sao? Nó sẽ oán hận mày. Chúa cũng sẽ thất vọng về mày. Trước giờ mày là đứa ngoan đạo mà, mày không thể như vậy được, mày phải yêu thương đứa con này…

- Nhưng bố mẹ tao sẽ không cho tao giữ đứa bé này…- Ái khóc lóc thảm thiết.

- Đây, chính nhóm Bảo Vệ Sự Sống sẽ là chỗ dựa cho mày, đến đó sinh đứa bé, rồi theo đuổi ước mơ của mày, họ sẽ chăm sóc mày lẫn đứa trẻ. Đừng làm tổn hại đến nó, đừng xúc phạm đến công trình tạo dựng của Chúa. Nó là con người mày ạ, mày phải cứu nó. Vì mày đang sống…

Hai đứa ôm nhau khóc nức nở. Ái nghe lời Hà, đến nhóm Bảo Vệ Sự Sống, cô chỉ dám gọi cho mẹ một tiếng rồi cúp máy: “Mẹ, đứa trẻ này sẽ là cuộc đời mới của con, con sẽ sinh nó ra, phá thai là tội ác. Con xin lỗi”.

Cuối cùng thì đứa bé cũng cất tiếng khóc chào đời, là một bé gái thật đáng yêu được sinh ra dưới mái ấm Bảo Vệ Sự Sống. Ái ôm lấy đứa trẻ trong giọt nước mắt hạnh phúc. “Mẹ sẽ cho con cảm nhận được tình yêu thương trọn vẹn khi con bên mẹ, bên Chúa. Cảm ơn vì đã đến bên mẹ”.

Buổi sáng hôm ấy, buổi sáng mà đứa con cô chính thức là tín hữu trong gia đình Hội Thánh qua bí tích Rửa Tội. Cô cùng mọi người dâng lời kinh tâm tình lên Chúa, dâng đứa con của mình cho Chúa. Hòa vào lời kinh, cô thấy nhớ lắm giờ kinh gia đình, nhớ bố mẹ, cô muốn được xin lỗi.

Hôm đó, cô trở về, mã khóa vẫn không đổi, cô bước vào nhà, thấy bố mẹ đang ngồi, cô rướm nước mắt: “Bố mẹ… con xin lỗi!”. Bố mẹ cô bỗng dưng khóc lên ôm cô vào lòng: “Bố mẹ xin lỗi vì không quan tâm đến cảm nhận của con, đã để con chịu đựng quá nhiều thiệt thòi, xin lỗi vì đã ép con phải phá thai… Con Hà đã cho bố mẹ biết sai lầm của mình, biết con đến mái ấm Bảo Vệ Sự Sống để dưỡng thai, nhưng bố mẹ không đến gặp con vì sợ con sẽ hoảng loạn, thật sự xin lỗi con”… Ngày hôm đó nắng ấm đã trở lại, tình người đã quay về, cả gia đình Ái đoàn tụ với nhau. Căn nhà giờ đây đã vui vẻ, còn có tiếng khóc của trẻ con làm hâm nóng tình yêu gia đình. Cùng ăn uống, cùng vui chơi, cùng đọc kinh sốt sắng thật chẳng còn hạnh phúc nào hơn…

“Và chị đã theo học ngành tâm lý, giờ đây chị hạnh phúc vô cùng, chị không thấy xấu hổ vì đứa con của mình. Gia đình chị đã xưng tội rước lễ hàng ngày, ngày một yêu mến Chúa hơn”. Cô lau nhẹ giọt nước mắt, nhìn cô gái trẻ: “ Em hãy bảo vệ thiên thần của em nhé!’’

- Em xin lỗi vì lúc đầu đã nặng lời với chị như vậy. Vâng… vì con, em sẽ sống tiếp, biết đâu nó sẽ giúp em mở ra một trang mới của cuộc đời!”

Cuộc sống là vậy, lúc thăng lúc trầm, nhưng không có gì là không thể vượt qua. Thế là Ái đã cứu được hai mạng người, hạnh phúc dường bao. Ngày lại ngày, cô sống đầm ấm bên gia đình như gia đình Thánh Gia xưa. Chợt cô nhớ lại câu nói của cái Hà: “Mày đang sống chứ không đơn thuần là tồn tại”. Bố mẹ giờ cũng đã được “sống lại” lần nữa khi biết nhận thức về tình cảm gia đình, lòng kính trọng Thiên Chúa quan trọng hơn ngàn lần so với công việc và tiền bạc. Cô thắc mắc không biết “bố” của con cô đã được “sống lại” hay chưa. Cô cũng đã “sống lại”, được là chính mình, “sống lại” để sinh ra đứa con. Ái biết mình muốn sống và phải sống, nhờ Ơn Chúa mà gia đình Ái đã được “sống lại”, nhờ mái ấm Bảo Vệ Sự Sống mà cuộc đời cô đã đổi thay. Nhìn ra thế giới bên ngoài, cô vẫn tự hỏi liệu bây giờ nhiều người đang “Sống hay Tồn Tại?”…

Nguồn: https://www.tapsanmucdong.net/2018/04/song-hay-ton-tai-truyen-ngan.html

-------------------

 

Bài 11: SỰ THÁNH THIỆN ĐÍCH THỰC

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 452

Bạn thân mến,

Chân phước Marchello, một kỹ nghệ gia giàu có, người Italia, đã bán hết tất cả gia sản của mình và sang tận Châu Mỹ La tinh, để phục vụ những người phong cùi, đã có kể lại một câu chuyện như sau:

Tại một viện bài phung (cùi) giữa rừng già miền Amazone, có một người đàn bà, thoạt nhìn qua, ai cũng thấy đáng thương.

Từ nhiều năm qua, vì mắc bệnh phong cùi, nên bà bị chồng con bỏ rơi. Bà sống đơn độc trong một túp lều gỗ, mặt mũi bà đã bị bệnh cùi đục khoét đến độ không còn hình tượng là con người nữa.

Mang đến cho bà vài món quà, chân phước Marchello hỏi bà:

- Bà làm gì suốt ngày? Có ai đến thăm bà không?

Người đàn bà trả lời:

- Tôi sống đơn độc một mình. Tôi đâu còn làm được gì nữa, tay chân thì bại liệt, mắt mũi thì lại chẳng còn trông thấy gì nữa.

Marchello đã tỏ ra cảm thông trước nỗi khổ của bà, liền ngài hỏi:

- Vậy chắc là bà phải cô đơn, buồn chán lắm phải không?

Người đàn bà liền nói:

- Thưa ngài, không. Tôi cô độc thì có, nhưng tôi không hề cảm thấy buồn hoặc bị bỏ rơi, bởi vì tôi cầu nguyện suốt ngày và tôi luôn cảm thấy có Chúa bên cạnh.

Ngạc nhiên về lòng tin của bà, chân phước Marchello hỏi tiếp:

- Thế bà cầu nguyện cho ai?

Người đàn bà như mở to được đôi mắt mù lòa, bà nói:

- Tôi cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ. Tôi cầu nguyện cho những người phong cùi bị bỏ rơi, cho các trẻ em mồ côi, cho tất cả những ai đã giúp đỡ trung tâm này.

Chân phước Marchello ngắt lời bà:

- Bà không cầu nguyện cho bà sao?

Với một nụ cười rạng rỡ, người đàn bà quả quyết:

- Tôi chỉ cầu nguyện cho những người khác thôi, bởi vì khi người khác được hạnh phúc, thì chính tôi cũng cảm thấy được hạnh phúc rồi.

*****

Thái độ sống và cầu nguyện của người đàn bà phong cùi trên đây, minh họa cho sự thánh thiện đích thực, là người chỉ sống cho người khác, lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình.

Ðể có được một thái độ như thế, chắc chắn phải có một đức tin sâu xa, một đức tin luôn đòi hỏi con người nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi người và yêu thương mọi người.

Như vậy, thánh thiện và bác ái cũng là một: Thánh thiện mà không có bác ái là thánh thiện giả hình.

Chúa Giêsu đã đến, để đem lại cho sự thánh thiện một nội dung đích thực. Ngài đề ra một mẫu mực thánh thiện hoàn toàn khác với quan niệm và thực hành của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, tức là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Theo họ, thánh thiện là chu toàn một cách chi li và máy móc những luật lệ đã được quy định, mà không màng đến linh hồn của lề luật, là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những qui luật về ăn chay và cầu nguyện, nhưng họ lại sẵn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.

Ðả phá quan niệm và cách thực hành của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Chúa Giêsu đã đưa bác ái vào, làm trọng tâm của lề luật; hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái.

Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và làm động lực cho toàn cuộc sống:

"Nếu các con không ăn ở công chính hơn những Biệt Phái và Luật Sĩ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời." (Mt 5, 20-26)

Quả thật, nếu an bình, hân hoan, hạnh phúc là thể hiện của Nước Trời, ngay trong cuộc sống này, thì chúng ta chỉ có thể được vào Nước Trời, nếu chúng ta biết sống cho tha nhân mà thôi.

Sống vui và hạnh phúc, phải chăng không là mơ ước của mọi người, nhưng liệu mỗi người có ý thức rằng:

Bí quyết của hạnh phúc và niềm vui ấy, chính là sống cho tha nhân không?

Kỳ thực, các thánh là những người đã đạt được niềm vui và hạnh phúc ấy, ngay từ cuộc sống này.

Người Tây phương đã chẳng nói: "Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn" đó sao?

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tìm kiếm và biết nếm cảm được niềm vui và hạnh phúc đích thực, trong yêu thương và trong phục vụ những anh chị em sống bên cạnh con. Amen.

-------------------

 

Bài 12: CÂU CHUYỆN HIẾU THẢO CỦA ANH SANJAY KUMAR

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 453

Bạn thân mến,

Anh Sanjay Kumar, một thợ điện, 42 tuổi, đã gánh cha và mẹ trên vai, đi suốt quãng đường 216km, từ Uttar Pradesh, đến thủ đô Delhi, Ấn Độ, để giúp hai vị phụ mẫu thực hiện ước nguyện, là được tắm nước thánh sông Hằng ( Gange ) ở Haridwar.

Kumar nói: “Rất nhiều bạn trẻ không hiểu được niềm hạnh phúc được phục vụ cha mẹ. Tôi gánh cha mẹ trên vai, để thể hiện sự kính trọng và biết ơn, vì họ đã cho tôi được sống trên thế giới này. Đối với tôi, họ chính là những vị thần”.

Cha mẹ của Kumar là ông Lala Ram, 95 tuổi và bà vợ, 80 tuổi đã rất cảm động trước hành động này của con trai mình.

“Chúng tôi đã cản nó, bảo đừng làm việc này, nhưng nó vẫn cứ không chịu nghe, lại còn quỳ xuống chân chúng tôi, để xin phép chúng tôi”.

Mẹ anh cho biết: 

Bất chấp trời mưa to, đường lầy lội, Kumar vẫn gánh cả cha và mẹ cùng lúc trên vai, đi một quãng đường dài khoảng 25 – 30km mỗi ngày. Chúng tôi chỉ dừng lại giữa đường, để rửa ráy và ăn uống. Mỗi lần dừng lại, Kumar đều quỳ xuống chân cha mẹ và nhận lời chúc phúc của chúng tôi. 

Câu chuyện này đã lan đi rất nhanh, từ làng này sang làng khác. Hàng ngàn người dân đã đến gặp họ để được nhận lời chúc phúc từ cha mẹ Kumar ( theo Hindusantimes 3-8-2010 ).

*****

Bài trích thuật Tin Mừng theo Thánh Luca (Lc 3, 15-16. 21-22), còn giới thiệu một người con hiếu thảo vô cùng, hơn gấp nhiều nhiều lần Kumar.

Không ai có thể mường tượng nổi rằng, con của một bậc đại vương, lại sinh hạ nơi chuồng bò lừa hôi hám, trong đêm đông giá rét, trong sự ghẻ lạnh của mọi người.

Không ai có thể tin rằng, người con đó hoàn toàn tự nguyện, rời bỏ chốn cao sang, xuống làm thân phận người nghèo nàn, cùng đinh.

Thực tế, Cha của Người Con này còn uy danh gấp vạn vạn lần vua chúa thế gian. Thế mà Người Con này đã vâng lời để nhập thể, để thi hành sứ mạng cứu nhân độ loại.

1. Trước hết, Người Con này vâng lời để nhập thể.

Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài đã tác tạo muôn vật, muôn loài, và nhất là dựng nên con người.

Nhưng con người đã sớm vong ân, bội nghĩa, đã phạm tội, đã chống lại Đại Ân Nhân của mình.

Nhưng Tình Yêu Chúa đã không hề suy giảm, đã cho Con Một xuống thế làm người, ở giữa loài người, để cứu loài người thoát khỏi ách phạt muôn đời.

Người Con này vâng phục và khiêm nhường nhập thế, trong cảnh cơ hàn. Thái độ này, mới có thể xóa đi tội bất tuân và kiêu ngạo của tổ tông loài người. Từ đó, ngày Chúa Giêsu giáng sinh đã trở thành ngày hồng phúc cho toàn thể nhân loại.

Còn con người chúng ta thì thường nghĩ ngược lại: “Con vua thì được làm vua, con của sãi chùa thì quét lá đa.”

Mặc nhiên công nhận cái tôn ti trật tự đó, thì hầu như có vẻ đúng đắn, hợp tình và hợp lý, nhưng nó rất phi nhân bản và rất bất công.

Thiên Chúa đã không chấp nhận thói đời đó.

Ngay bản thân mỗi người chúng ta, cũng đã khó thoát ra khỏi cái tháp ngà của cái tôi bền vững và độc đoán. Khó thoát khỏi những đam mê hưởng thụ, để quan tâm, giúp đỡ, an ủi và chia sẻ với tha nhân.

2. Rồi Người Con này vâng lời, để gánh lấy tội trần gian.

Người Con tinh tuyền, chẳng hề nhuốm vướng một tội tình nào, nhưng Người cũng đã hòa mình với dân chúng tội lỗi, những kẻ gian manh, dâm ô, độc ác, để đến xin ông Gioan Tẩy Giả làm Phép Rửa cho: “Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa” ( Lc 3, 21 ).

Đồng thời, Người cũng chính thức gánh nhận tội lỗi loài người, để rồi hóa giải bằng chính cuộc Khổ Nạn sau này. Người chính là con chiên hy tế, để chuộc tội thay cho chúng ta, trước mặt Chúa Cha.

Con người chúng ta thì thường lại thích chọn thái độ “mackeno” ( mặc-kệ-nó ) của quan Philatô: Rửa tay vô trách nhiệm. Dửng dưng, vô cảm với tội ác, với gian manh, với thói xấu và với cả sự đau khổ của đồng loại.

Cơn cám dỗ này như một chứng bịnh hay lây, đang lan tràn như vũ bão trong xã hội thực dụng, khiến cho lương tâm con người dần dần trở nên băng giá với đồng loại. Xa nhau, và dần dần coi nhau như thù địch, cần loại bỏ.

3. Hơn nữa, Người Con này luôn gắn bó mật thiết với Chúa Cha

Người Con này luôn cầu nguyện liên lỷ với Thiên Chúa Cha hằng ngày, đã tỏ ra mối liên kết, gắn bó chặt chẽ với Chúa Cha. Ngay khi đi rao giảng sau này, dù mệt nhọc, dù mải mê chăm lo đoàn dân bơ vơ không người yên ủi, Chúa Giêsu vẫn không hề quên dành thì giờ buổi chiều tối, để thiết tha cầu nguyện, kết hợp với Cha mình.

Do vậy, vừa lãnh nhận phép rửa xong, Người liền sốt sáng cầu nguyện, thì “trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người, dưới hình dáng như chim bồ câu” ( Lc 3, 22 ). Sự kiện này mặc khải cho toàn dân thấy: Người chính là Đấng Messia, chính là Ngôi Hai nhập thể. Đấng mà Dân Chúa hằng mong đợi từ bao lâu nay.

Con người chúng ta thì trái lại, thường hay kiêu ngạo, tự mãn, vô ơn, không hề nhìn nhận Tất cả đều là hồng ân. Nên không cần cầu nguyện, không cần tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa. Vẫn cậy vào sức mình, cậy vào tài năng và may mắn, con người thường hợm hĩnh, hãnh diện về bản thân mình, mà không cần biết ân huệ từ đâu đã ban cho mình…

4. Cuối cùng, Người Con này được Thiên Chúa Cha nhận là Con dấu yêu.

Với tấm lòng vâng phục, khiêm nhường và cầu nguyện, Chúa Giêsu đã được nhìn nhận xứng đáng là Người Con dấu yêu:

“Có tiếng từ trời phán rằng: Con là con yêu dâu của Cha; Cha hài lòng về con” (Lc 3, 22 ).

Người con hiếu thảo là luôn biết vâng phục theo ý cha. Chúa Giêsu luôn làm theo Thánh Ý Cha. Như khi mới 12 tuổi, Người ở lại rao giảng trong Đến Thờ. Người đặt mối tương quan với Thiên Chúa, bên trên tương quan huyết thống. Luôn luôn dành ưu tiên cho Thiên Chúa. 

Người con yêu dấu luôn làm đẹp lòng cha, nên Chúa Giêsu chấp nhận cuộc sống bần hàn, chấp nhận bị xua đuổi, bị đố kỵ, ganh ghét, thù địch, vì không hề sống theo ý riêng, không theo bản năng con người, vốn ham sống, sợ chết, thích hưởng thụ, thích ăn ngon, mặc đẹp, vinh thân, phì gia.

Hơn nữa, Người Con này còn chấp nhận cuộc đời sóng gió, kết thúc bằng cái chết khổ nhục, để thực hiện hoàn hảo công cuộc cứu rổi loài người, khỏi phải chết lầm than.

Người con yêu dấu luôn biết phụng dưỡng cha, hầu chuyện, gặp gỡ, thăm hỏi, tâm sự với cha. Bằng những buổi cầu nguyện liên lỷ và sốt sắng, Chúa Giêsu cũng luôn hiện hữu bên cạnh Chúa Cha.

Chúa Cứu Thế đã làm cách mạng, muôn triệu người đã hưởng ứng với khẩu hiệu cùa Ngài là “Vâng lời cho đến chết !” ( Đường Hy Vọng, 395 ).

Con người chúng ta chỉ có thể hiểu được đức khiêm nhượng, khi suy niệm cả cuộc đời của Chúa Giêsu: Con Thiên Chúa đã hạ mình xuống, chịu mọi sự cơ cực, ngớ ngẩn, dốt nát, hiểu lầm sâu độc, suốt 33 năm vì yêu chúng ta” ( Đường Hy Vọng, 510 ).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã bắt đầu sứ vụ  bằng khiêm tốn nhận phép rửa ở sông Giô-đan, cùng với đám đông dân chúng. Xin dạy cho con biết khiêm nhường, ăn năn thống hối mọi tội lỗi, để cũng nhận được sự thứ tha của Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con biết vâng lời và khiêm nhường như Mẹ, để xứng đáng lãnh nhận ơn Đức Chúa Thánh Thần, thêm sức mạnh cho con chống trả các cơn cám dỗ, và trung thành đi theo Chúa mãi cho đến cùng. Amen.

--------------------------------

 

Bài 13: CHUYỆN BỨC TRANH KHÔNG CÓ MẮT

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 454

Bạn thân mến,

Có một gia đình sống với nhau rất hạnh phúc.

Những ngày nghỉ, họ thường cho con đi chơi công viên, dạo phố. Chị dắt tay con trai đi trước, anh thong thả đi đằng sau.

Chị luôn nắm tay con thật chặt. Lúc nào chị cũng nghĩ đường phố đông người, nhiều xe, lại thỉnh thoảng có những bọn trẻ mới lớn, tự xưng mình là “anh hùng xa lộ”, lạng lách như điên.

Cứ nhìn thấy chúng, là chị vội bế con đứng nép vào bên lề đường, hoặc rẽ vào một cửa hàng nào đó, chờ cho chúng đi qua.

Một lần, có một chiếc ô tô, suýt cán vào con chị, chị liền lao ra, để che chở, bào vệ  con mình. Con trai chị thoát nạn, nhưng chị bị thương. Đứa con trai nhìn mẹ, vừa khóc và vừa hỏi: “Mẹ thương con lắm phải không?”.

Chị chỉ nhìn con, rồi mỉm cười.

Sau đó, hàng xóm thấy họ ít đi dạo phố hơn trước. Bởi, chồng chị bị ốm nặng. Đêm khuya, không có người trông con, một mình chị: lưng cõng chồng, tay dắt con vào bệnh viện. Những ngày anh điều trị, hôm nào chị cũng phải dắt con và chăm sóc chồng như thế.

Đến bữa ăn, chị nấu cháo, rồi đánh thật nhuyễn, lọc kỹ, đưa vào miệng cho anh từng muỗng cơm, muỗng canh. Và trước khi đưa vào miệng anh, chị đều đưa lên miệng thử trước, tránh cho anh khỏi bị phỏng.

Khi đỡ ốm, anh rơm rớm nước mắt, nắm tay chị thật chặt:

“Em thật tốt đối với anh! Anh rất biết ơn em!”.

Đứa con trai cũng rưng rưng:

“Mẹ ơi, con thương mẹ nhiều lắm!”.

Chị vẫn chỉ tươi cười nhìn chồng cách trìu mến, và ôm con trai vào lòng.

Khi anh được ra viện, cuộc sống gia đình lại trở nên bình thường như trước. Những ngày nghỉ, cả nhà lại cùng nhau đi dạo phố. Anh còn yếu, nên chị vừa đi vừa đỡ anh, luôn miệng nhắc anh phải cẩn thận. Khi có ô tô đến gần, chị thường đứng trước mặt anh, để che chắn, để đề phòng bất trắc.

Nhưng một ngày kia, không ai có thể ngờ, gia đình họ bị tan vỡ.

Anh chạy theo một cô gái khác. Cô ta trẻ hơn, hấp dẫn hơn và khêu gợi hơn chị.

Hình ảnh của chị vợ mờ dần trong trái tim anh. Anh thấy chị không chiều chuộcng anh bằng cô ta. Trong mắt anh, chị vợ ngày một xấu đi.

Khi anh dọn đi, đứa con trai giữ chặt tay bố: “Tại sao bố bỏ đi? Chẳng phải bố đã khen mẹ tốt là gì?”.

Người bố không dám nhìn vào mặt con. Anh ta nhắm mắt lại như để chạy trốn. Hình ảnh ấy đã ăn sâu vào trong ký ức của đứa con…

Rồi con chị khôn lớn. Cậu vẽ rất đẹp. Nhưng có điều đặc biệt, là những người đàn ông cậu vẽ trong tranh đều không có mắt.

Có người xem những bức tranh cậu vẽ, lấy làm lạ, hỏi: “Người này là ai vậy?”.

“Cháu vẽ bố cháu đấy!”, cậu đáp.

Người kia hỏi tiếp: “Sao cháu vẽ bố, mà lại không vẽ mắt?”.

Cậu bé trả lời ráo hoảnh: Bố cháu thật không có mắt!

*****

Mọi hi sinh, đều chất chứa những tình cảm tình yêu lớn lao trong đó, chỉ những ai dùng tâm hồn để nhìn xem, thì mới cảm nhận hết được điều đó.

Đừng bao giờ làm tổn thương tâm hồn của một đứa trẻ, vì những tổn thương đó sẽ đi theo nó đến suốt cuộc đời.

Với một người đàn bà, nỗi đau lớn nhất không phải là bị phản bội, mà là không thể chăm sóc cho người mình yêu thương như trước được nữa…

Kẻ lãng quên sự hi sinh của người khác, thì chính là kẻ không có mắt!

Lạy Chúa, không nhận ra những hi sinh của người khác dành cho mình, là một tội vô tình, và không trân trọng đủ những hi sinh đó, thì lại là một tội vô ơn.

Xin cho con đừng bao giờ trở thành kẻ vô tình hay người vô ơn đối với mọi người, nhất là đối với Chúa.

Xin cho con biết luôn cám ơn Chúa trong mọi nơi, mọi lúc: Cám ơn, vì Chúa đã đưa con vào đời. Cám ơn vì muôn ơn lành hồn xác Chúa đã ban cho con, nhất là ơn được làm con Chúa. Xin cho con biết trân trọng những ơn huệ Chúa ban, và biết sử dụng những ơn huệ đó, để đem lại lợi ích cho con và cho mọi người, đời này và đời sau. Amen.
-------------------

 

Bài 14: TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 455

Đăng Trình
(ĐCV Sao Biển - Nha Trang)

“Happy Birthday to Hồng Ân”...

Câu hát chúc mừng thôi nôi Hồng Ân của đám trẻ trong làng, làm căn nhà rộn rã hẳn lên. Nhìn con cười vui vẻ mà nó không sao cầm được nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc. Hà ôm nó vào lòng cùng hướng nhìn lên bàn thờ Chúa, gia đình nó thầm dâng lời tạ ơn, vì muôn hồng ân Chúa ban, đặc biệt là ban cho vợ chồng nó một đứa con trai bụ bẫm, khỏe mạnh.

* * *

Sơn và nó yêu nhau từ cái thời còn là học sinh cấp ba. Mãi đến năm năm sau mới quyết định kết hôn, sau khi chúng nó đã hoàn thành xong bậc đại học.

Sơn là con trai duy nhất trong một gia đình giàu có, gia giáo, cả ba và mẹ đều là giáo viên. Gia đình hai bên nội, ngoại cũng giàu có và học thức cao. Bà con xóm giềng nghe nói nó lấy Sơn thì xì xào: “Con Thủy mà lấy được thằng Sơn thì phúc ba đời”. Lời nhận xét đó không sai, chính ba mẹ nó cũng nghĩ như thế.

Một gia đình nghèo với mười người con như nhà nó mà lại có được một đứa con rể nhà giàu, gia giáo như vậy quả là phúc thiệt.

Còn chính nó, nó cũng cảm nhận mình thật hạnh phúc khi có Sơn bên cạnh, được sống bên Sơn suốt cuộc đời thì còn gì hơn. Sau đủ các nghi thức, thủ tục cưới hỏi, nó và Sơn cũng chính thức về chung nhà. Những ngày đầu sống ở gia đình chồng, nó cố gắng chăm lo từng chút một, xứng là một con dâu thảo. Ba mẹ Sơn cũng rất thương nó, luôn vui vẻ cười nói, nhưng sao nó lại cảm thấy mình không được bình an và tự nhiên mỗi khi nhìn thẳng vào đôi mắt đó. Nó như cảm nhận được điều gì trong ánh mắt mang dáng dấp của sự khinh khi, xem thường.

Một năm trôi qua, nó bắt đầu lo lắng, vì đã lâu mà nó vẫn chưa mang thai, dù vợ chồng vẫn sinh hoạt bình thường. Những câu nhắc nhở của ba mẹ chồng về việc mau sinh con, cũng mỗi lúc mỗi nhiều với vẻ khó chịu hơn trước. Rồi cũng bước sang năm thứ hai mà nó cũng chưa mang lại cho Sơn một đứa con, niềm vui của một người làm cha. Nó cảm thấy mình thật vô dụng dù đã uống khá nhiều thuốc.

Sáng nay nhìn ánh mắt và cách ba mẹ nói chuyện, nó linh tính chuyện không hay sắp xảy ra. Quả đúng như vậy, sau khi Sơn đi làm, ba mẹ cho gọi nó ra phòng khách.

- Thủy, con ngồi đi, ba mẹ có chuyện muốn nói với con.

Nó nghe lời nói trịnh trọng, mà tâm hồn chợt thấy bất an. Nó e dè đáp lại: “Dạ”. Sau cái tằng hắng lấy giọng, ba cất tiếng nói: “Chắc con cũng biết, con về nhà này làm dâu cũng hai năm rồi... Nói thời gian hai năm đối với một đứa con dâu chắc con cũng biết tao với má mầy muốn nói gì rồi. (Cách xưng hô thay đổi đột ngột làm nó bất giác đang cúi đầu bỗng ngước nhìn lên, nó cảm thấy trái tim mình rung lên theo từng lời của ba)... Sẵn không có thằng Sơn ở nhà, tao nói thẳng luôn. Thật ra, chúng tao chẳng bao giờ chấp nhận cho Thằng Sơn nó cưới mầy làm vợ. Tao cũng chẳng thể hiểu một đứa con gái cũng không phải là đẹp đẽ gì, gia cảnh chẳng có gì nổi trội, mà thằng Sơn lại thích. Nhưng vì thằng Sơn nó yêu mầy và chỉ muốn cưới một mình mầy nên tao chấp nhận, miễn sao mầy sinh cho nhà này một đứa con trai để có người nhang khói cho tổ tiên là được. Thế mà mãi tới hôm nay mầy cũng không làm được. Mầy nghĩ chúng tao có lo lắng không?” Mẹ chồng cũng thêm vào: “Cô học cao chắc cũng hiểu câu này: “Cây độc không trái, gái độc không con” chứ? Là đàn bà lấy chồng mà không sinh đẻ được đúng là đồ vô dụng, vô tích sự. Chỉ có mỗi việc đẻ, mà làm cũng không xong, thì làm được trò trống gì! Vợ chồng tui nghĩ, cô nên viết đơn ly hôn với thằng Sơn, rồi cuốn gói ra khỏi đây, để thằng Sơn còn cưới vợ khác về sinh con cho nó”.

Nghe từng lời ba má thốt ra, mà nước mắt nó không ngừng rơi. Mỗi lời, mỗi chữ thốt ra từ hai con người học thức, mà nó rất kính trọng, như những vết dao khứa vào trái tim đang rướm máu của nó. Lặng người vài phút, nó biết nơi này không còn thuộc về mình nữa, làm sao sống nổi đây? Nó đứng thẳng người cám ơn ba mẹ thời gian qua đã yêu thương nó, rồi dọn đồ vào vali kéo ra khỏi nhà, trước nụ cười đầy đắc ý, mà nó không buồn ngoảnh mặt lại nhìn.

Nó trở lại căn nhà đầy yêu thương, mà nó đã từng gắn bó, dù nghèo, nhưng nơi đó có ba mẹ và anh chị. Nhìn nó kéo vali vào nhà là ba mẹ đã hiểu được chuyện gì xảy ra cho con mình. Không ai hiểu con mình cho bằng ba mẹ. Ba đã ôm nó vào lòng an ủi: “Về tới nhà là tốt rồi con”. Nghe ba nói, nó bật khóc, khóc thật nhiều, khóc như chưa từng được khóc. Đứa con gái út lại được dịp nũng nịu với ba sau bao ngày vất vả chịu đựng.

Rồi ngày qua ngày, tuần nối tuần, mà cũng không thấy Sơn sang. Nó đang mãi nghĩ về một con người vô tình, yêu nhau suốt ngần ấy năm, mà không hiểu nhau. Bỗng nó nghe tiếng xe ngoài sân, khẽ mở cánh cửa sổ nó thấy Sơn. Lòng nó như rộn lên vì vui sướng, sau bao ngày không gặp mặt. Sơn vào nhà xin gặp nó, nó nghe tiếng liền chạy ra, trên bàn khách ba mẹ nó đã ngồi sẵn ở đó. Sơn xin lỗi ba mẹ và nó rồi nhẹ nhàng đặt “ĐƠN XIN LY HÔN” trên bàn. Sơn nói: “Con đã nghe ba mẹ con nói về chuyện này, con đã suy nghĩ rất nhiều và con nghĩ ba mẹ con cũng có cái lý của họ. Nếu đã không thể đem lại cho nhau hạnh phúc trọn vẹn thì nên chia tay, để ai nấy có cuộc sống riêng của mình, có khi điều đó lại làm đôi bên cảm thấy thoải mái hơn”. Nghe xong câu nói của Sơn, nét mặt rạng rỡ, với nụ cười trên môi nó bỗng dưng lịm tắt, khuôn mặt cũng dần biến sắc. Nó cầm lấy bút, ký vào đơn, mà không cần phải suy nghĩ. Thế là hết, mọi thứ chấm dứt từ đây, tình yêu ngần ấy năm cũng chỉ còn đọng lại trên một tờ giấy. Sau khi Sơn chào về, nó vô phòng đóng cửa lại ngồi một mình, lần này nó không khóc, nó cảm thấy nước mắt của nó không đáng phải rơi cho một người vô tâm.

Thời gian trôi qua, nó dần dần lấy lại tinh thần, sống vui vẻ, cởi mở như mọi chuyện vẫn chưa hề tồn tại. Hôm nay là Giáng Sinh, mấy đứa cháu rủ nhau kéo nó ra ngoài đến nhà thờ vui Noel, vì đã lâu nó không ra khỏi nhà. Bị mấy đứa cháu giục quá nó cũng đồng ý đi. Nhà thờ đêm Giáng Sinh khá nhộn nhịp, đâu đâu cũng nghe: “Mừng Giáng Sinh cậu nha”, “Merry Christmas”...

Bỗng nó nghe giọng ai quen quen, đang trình diễn một ca khúc Giáng Sinh trên sân khấu, nó quay mặt nhìn lên, ánh mắt nó chạm vào đôi mắt ấy, đôi mắt quen thuộc, là anh Hà. Đã ba năm nó không gặp anh, kể từ ngày nó quyết định lấy Sơn. Lúc trước, anh và nó cùng tham gia câu lạc bộ âm nhạc, anh học trên nó một khóa, nó rất thích nghe anh hát. Nó nghĩ anh sẽ không thấy nó giữa ngàn người dưới sân nhà thờ, nhưng không ngờ khi trình diễn xong ca khúc ấy, anh đã đi tìm nó.

Cảm giác gặp lại anh sau nhiều năm, làm cho cả nó và anh đều rất vui. Anh hỏi thăm, rồi kể cho nó nhiều chuyện vui, cứ như khoảng thời gian vừa qua không tồn tại. Nói chuyện được một lúc, nó xin phép về vì đã tới giờ thánh lễ, anh phải vào với mọi người.

Sau đêm gặp nhau tình cờ ấy, anh Hà với nó thường xuyên nhắn tin trò chuyện với nhau. Không lâu sau đó, vào một ngày Chúa Nhật đẹp trời, đang ngồi trước hiên nhà, nó thấy anh chở mẹ đến nhà nó. Bác gái xuống xe nở nụ cười phúc hậu:
“Chào con, bác muốn gặp ba mẹ con”. Nghe tiếng ai ngoài sân xin gặp, ba mẹ nó đứng sau lưng nói: “Mời chị và cháu vào nhà”, làm cho nó giật cả mình. Nó nghĩ thầm trong lòng không biết là chuyện gì đây.

Mẹ nó rót nước mời khách. Ba nó cất lời: “Chị và cháu đến gặp vợ chồng tôi có việc gì không ạ?” Mẹ anh từ tốn đáp: “Hôm nay, tôi sang đây là xin được cưới con Thủy cho thằng Hà, con trai tôi”. Cả nó lẫn ba mẹ đều cảm thấy bất ngờ với câu nói trên. Thì ra đây là món quà bất ngờ, mà anh nói sẽ tặng nó ngày mai. Nó nhìn anh ngượng ngùng. Ba nó thưa lại: “Vợ chồng tôi rất vui, về lời hỏi cưới của chị, nhưng tôi phải nói cho chị biết điều này: Con Thủy, con gái tôi vừa mới ly hôn với chồng nó, chỉ vì nó không thể có con”. Mẹ anh vội đáp lời: “Thằng Hà đã kể cho vợ chồng tôi biết tất cả về hoàn cảnh của Thủy, và chúng tôi nghĩ, nếu chúng yêu nhau và thật sự muốn đến với nhau, thì chúng tôi chấp nhận. Còn chuyện Thủy không thể có con thì vợ chồng nó có thể xin con nuôi. Miễn sao Thủy chịu học đạo Công giáo là chúng tôi mừng rồi, chỉ cần vậy thôi”. Ba mẹ hỏi ý kiến nó về việc này, nó chỉ biết cúi đầu mỉm cười: “Dạ, con đồng ý”. Rồi sau ngần ấy tháng học lớp “Giáo lý dự tòng” rồi cùng anh học “Giáo lý hôn nhân”, anh và nó được kết hôn theo nghi thức đạo, trước sự chứng kiến của cha xứ và hai bên gia đình.

Ba mẹ chồng thương yêu nó như con gái trong nhà, mà chẳng bao giờ nhắc tới chuyện con cái. Một hôm, bỗng nó cảm thấy mệt mỏi trong người, anh đưa nó đi khám thì phát hiện nó có thai. Tin ấy làm chấn động cả gia đình chồng, lẫn gia đình nó. Tin nó mang thai là tin vui không thể ngờ với đứa con gái hai đời chồng, vì lý do không thể có con. Sau đó nó về nhà mẹ để dưỡng thai và sinh con. Hồng Ân chào đời trông rất bụ bẫm và khỏe mạnh, đó là ân huệ Chúa ban, khi cho nó gặp được anh lần nữa. Tất cả là hồng ân Chúa, anh quyết định dùng tên này đặt tên cho con trai. Ba mẹ chồng đã thương nó, nay còn thương hơn nữa, vì đã mang lại một món quà quá lớn cho gia đình.

* * *

Sau đó, mẹ nó kể, nghe người ta nói thằng Sơn đã tái hôn nhưng vợ sau của nó cũng không mang thai được, nên cũng ly hôn luôn rồi. Mẹ nó nói tiếp: “Thằng Sơn quyết định đi khám mới phát hiện mình mới chính là nguyên nhân, nó vô sinh chứ không phải con, nó đã gọi điện nhờ mẹ xin lỗi con”. Nghe xong nó cảm thấy tội nghiệp cho Sơn.

Mấy tháng sau, anh Hà đưa mẹ sang xin đón vợ và con về thì mọi người đến chia vui, có người còn nói: “Thủy với Sơn không hợp là đúng rồi, núi với nước có khi nào thuận nhau (truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh), chỉ có Thủy và Hà mới thuận thôi, sông nước không thuận sao mà được, phải không mọi người?”. Rồi cả nhà phá lên cười.

Mãi sau này anh mới nói cho nó biết, anh đã yêu thầm nó từ rất lâu, nhưng vì nó yêu Sơn trước, nên anh không muốn làm nó khó xử. Rồi cả chuyện mấy đứa cháu cố nài ép nó ra khỏi nhà đến nhà thờ đêm Giáng Sinh năm ấy cũng là kế hoạch của anh nhờ tụi nó. Nó ôm anh như một lời cảm ơn, chính anh đã đem lại cho nó hạnh phúc thật sự, đem lại cho nó một gia đình nồng ấm. Nó cùng anh tạ ơn Chúa vì muôn hồng ân Chúa ban cho vợ chồng nó.

Nguồn: https://www.tapsanmucdong.net/2022/11/tat-ca-la-hong-ang-trinh.html

-------------------------------

 

Bài 15: ANH ĐÃ LÀM GÌ CHO THIÊN CHÚA CHƯA?

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 456

Bạn thân mến,

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp, tên là Charles de Foucauld, hăng say kể cho gia đình nghe về những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Mọi người đều chăm chú theo dõi câu chuyện của anh, trong đó có cô cháu bé, chưa tròn 10 tuổi.

 Khi anh vừa chấm dứt chuyện kể, thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau:

"Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được rất nhiều việc vĩ đại... Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?"

Câu hỏi ấy như một luồng điện giật, khiến anh trở thành bất động.

Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. "Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?".

Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình, để rồi chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi, trụy lạc và những danh vọng phù phiếm... Mắt anh bỗng mở ra, để thấy được những nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.

Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.

Một ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, thì anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh, có tiếng than van, rên rỉ của một người Hồi Giáo.

Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: Anh có thể giam mình cầu nguyện một mình, giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao?

Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.

Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo.

Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh: Chiều ngày 1 tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát, giữa lúc anh đang cầu nguyện...

Anh chết do một nhóm du kích đột nhập vào nhà anh, cướp của, bắt trói anh lại và cuối cùng đã hạ sát anh tại chỗ. Anh đã bị hạ sát, như một người vô tội, bị hiểu lầm, do những tranh chấp giữa tôn giáo và chính trị, như cái chết của Chúa Giêsu

Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống của anh: Họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội... Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì đó cho Chúa.

*****

Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương, để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê.

Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh, cầu nguyện và đau khổ của mình trong 4 bức tường của nhà dòng như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu.

Có những nhà truyền giáo hùng hồn rao giảng như các tông đồ.

Nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ cảnh nhgèo với những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, giữa xã hội như Charles de Foucauld.

Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng cho mọi người khắp đó đây: đó cũng là mẫu người truyền giáo, mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình... vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.

Lạy Chúa, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng con đây, hãy còn rất nhiều người chưa biết Chúa. Xin Chúa sai nhiều thợ gặt lành nghề đến với cánh đông truyền giáo này, để nhờ đó, nhiều người trong anh chị em chúng con cũng được diễm phúc nhận biết Chúa, được nhận làm con Chúa, và cũng được hưởng ơn cứu độ của Chúa nữa.

Xin Chúa hãy sử dụng con như dụng cụ Chúa dùng, để có thể mang lại nhiều lợi ích cho các linh hồn, như thánh ý Chúa muốn. Amen.

-------------------


Những sách đã in (37 cuốn):
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/nhung-sach-da-in-1654.html

*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 trở lại)

I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (4 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/
1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1
2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2
3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3
4. Chuyện gà mái ấp trứng đại bàng– Sách 4

II. – Chuyện đời chuyện đạo: (5 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/
1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1
2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2
3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3
4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4
5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5

III. - Chuyện kể cho các gia đình: (16 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/
1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1
2. Đừng bỏ cuộc - sách 2
3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3
4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4
5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5
6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6
7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7
8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8
9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9
10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10
11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11
12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12
13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13
14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14
15. Chuyện cô giáo năm xưa - Sách 15
16. Kinh nghiệm của những người trở về “Từ Cõi Chết” nói với ta - Sách 16

IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/
1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1
2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2
3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3
4. Căn hầm bí mật - Sách 4
5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5
6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6
7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7
8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8

V. – Kho sách quý: (4 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/
1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1
2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2
3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3
4. Sách tháng các linh hồn – Sách 4

----------------------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây