Nếu có ai nêu lên sáng kiến mở một cuộc triển lãm, trưng bày các tác phẩm về Thiên Chúa Ngôi Cha, thì kết quả sẽ thế nào? Sẽ có bao nhiêu sách, bao nhiêu kinh, bao nhiêu bài hát, bao nhiêu tượng ảnh? Tôi nghĩ sẽ chẳng có bao nhiêu. Dù các tác phẩm đó sẽ rất giới hạn, thì cũng chẳng gì là tất cả đều giúp cho dân chúng có một hình ảnh vừa đúng vừa dễ hiểu về Thiên Chúa. Có một điều sẽ rất khó, đó là dựa vào tiêu chuẩn nào để đánh giá? Có nghĩa là phải có một hình ảnh nào được gọi là hình ảnh mẫu, thì mới có thể so sánh được.
Ở đây, tôi nhớ tới một chi tiết trong Phúc Âm. Tối thứ năm, sau bữa tiệc ly, Philipphê nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ Chúa Cha cho chúng con, và thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giêsu trả lời: “Thầy ở với chúng con đã bấy lâu, thế mà chúng con chưa biết Thầy sao? Ai thấy Thầy, thì thấy Chúa Cha” (Ga 14,8-9). Với lời nói trên, Chúa Giêsu đã xác nhận: Chính Người là hình ảnh sống động của Thiên Chúa Cha. Chính Người là một mạc khải bằng xương bằng thịt về Thiên Chúa Cha. Người và Chúa Cha là một.
Như thế, ai muốn có một quan niệm đúng đắn về Thiên Chúa, ai muốn tìm nét đặc điểm của Thiên Chúa, để rồi cố nên giống Chúa, để rồi nhờ đó mà nhận ra kẻ nào là thực giống Chúa, thì chỉ có một cách bảo đảm nhất phải theo, đó là nhìn vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã nói gì, đã làm gì, đã sống thế nào, tất cả sẽ vẽ lên hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh chính thức này sẽ giúp loại trừ những hình ảnh không đúng về Thiên Chúa đã và đang gây tai hại muôn vàn cho mục vụ.
Đọc lại Phúc Âm, ta thấy có ba hạng người hay bị Chúa Giêsu phê phán gay gắt, vì họ được coi là những người chuyên vẽ hình Thiên Chúa, nhưng lại vẽ sai. Ba hạng người đó là giới tư tế, giới thông luật và giới đạo đức, cũng gọi là biệt phái.
Cách họ trình bày tôn giáo đã tạo cho tín hữu một não trạng nhìn Thiên Chúa như một vị Chúa mờ ảo, xa vời, ngự giữa những màng lưới lề luật trùng trùng lớp lớp. Vòng trong là lề luật, vòng ngoài là luật lệ. Đụng tới đâu cũng đụng tới luật. Chỗ này tội nặng, chỗ kia tội nhẹ, cứ như là một rừng bảng cấm la liệt khắp các ngã đường dẫn tới Chúa. Cả đến những cái tỉ mỉ cũng có luật, cũng có tội. Thí dụ họ nói ai không nạp thuế thập phân rau thơm là có tội, ai không rửa tay trước bữa ăn là có tội, ai vào nhà kẻ ngoại ngày thứ bảy là có tội. Trong một cái não trạng như thế, Thiên Chúa như bị chìm vào một cơ chế phức tạp, gây nên lạnh lùng, gây nên khoảng cách, gây nên sợ hãi. Với não trạng đó, người tín hữu khi làm việc thờ phượng Chúa, thường lo hết luật này đến luật kia, ít có lo gặp chính Chúa. Việc phượng thờ biến thành việc giữ luật, chứ không phải là một sự gặp gỡ tâm tình giữa con người với Thiên Chúa. Liên hệ với Thiên Chúa là một gánh nặng.
Rồi cũng do cách trình bày đạo của ba nhóm trên đây, nhiều người có đạo hồi đó quen nhìn Chúa như một vị thần riêng của mình, với chủ trương đối kháng, kỳ thị những ai không thờ Chúa của mình. Dần dà trong não trạng của họ dựng nên các thứ chiến tuyến, đặt Chúa đứng về phía họ, để lên án những ai đứng phía bên kia: chiến tuyến giữa dân có đạo đức và loại người tội lỗi, chiến tuyến của những người được coi là giữ luật Chúa và những người bị coi là không giữ luật Chúa. Thí dụ: Họ nói ai thông công với kẻ ngoại là mất lòng Chúa, kẻ ngoại là thứ phải khinh phải tránh, vì thế dù có khát lả, cũng không được uống nước của họ. Chúa Giêsu đã thấy người phụ nữ Samaria nói như thế trên bờ giếng Giacob. Và thí dụ, theo họ thì những ai ngồi cùng bàn với nhân viên thu thuế là mất lòng Chúa. Vì kẻ thu thuế là kẻ tội lỗi phải khinh phải tránh. Do đó, ngồi ăn với Giakêu là điều không chấp nhận được. Thí dụ nữa: Họ nói ai làm phép lạ chữa bệnh ngày thứ bảy là lỗi luật Chúa, kẻ đó phải khinh phải tránh. Vì thế, người mà được Chúa Giêsu chữa lành đã bị trục xuất khỏi hội đường, chỉ vì dám bênh kẻ đã làm phép lạ chữa bệnh ngày thứ bảy.
Trong một não trạng như thế, Thiên Chúa như bị che phủ bởi một guồng máy xếp loại gây tự tôn cho bên này, gây tự ti cho bên kia. Việc thờ phượng Chúa trở thành việc thống kê các thành tích: “Thưa Chúa, tôi đã ăn chay mỗi tuần hai lần”. Việc thờ phượng Chúa dễ trở thành việc tự kiêu và khinh người khác: “Thưa Chúa, tôi không như người thu thuế đang đứng cuối nhà thờ đâu!”.
Với cái nhìn Thiên Chúa như thế, người có đạo dễ đưa tôn giáo mình lên, nhưng đồng thời cũng lại cô lập hoá tôn giáo mình. Họ dành cho mình một chỗ đứng tưởng là cao. Nhưng thực sự lại quá thấp và quá cô đơn, vì Chúa không đứng chung với họ là kẻ kiêu căng, khinh người, tự đắc.
Rồi ba nhóm nói trên cũng hay vẽ Thiên Chúa như một vị thần của các nguyên tắc, cần đúng nguyên tắc, chỉ cần nguyên tắc, riết rồi cũng câu nệ hình thức, thành giả hình. Thí dụ: Tôi luôn mang sách luật trong mình, đó là tôi luôn giữ luật, thế là đúng nguyên tắc. Tôi đọc kinh lâu giờ, tôi hay kêu “Lạy Chúa, lạy Chúa”, đó là tôi năng cầu nguyện, thế là đúng nguyên tắc. Tôi sơn phết mồ mả các tiên tri, thế là đúng nguyên tắc. Nhưng thực ra cách giữ nguyên tắc như thế chỉ là thứ đạo đức giả. Việc đọc kinh ăn chay không còn là việc liên hệ với Chúa, mà chỉ là những hình thức trống rỗng đem Chúa ra làm nhãn hiệu.
Các thứ hình ảnh Thiên Chúa vừa kể trên đã do chính những người hoạt động tôn giáo làm nên. Bao người đã lầm, tưởng các hình ảnh ấy đã phản ảnh đúng Thiên Chúa. Nhưng thực sự là sai. Ta biết chắc điều đó, vì Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã mạc khải. Qua Chúa Giêsu, ta thấy Thiên Chúa rất khác với những hình ảnh người ta đã tưởng nghĩ. Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Thiên Chúa là Cha, không phải chỉ là Cha của Chúa Giêsu, mà cũng là Cha của tôi, của bạn, của chúng ta, Cha trên trời của chúng ta có vô vàn vẻ đẹp. Nhưng có một đặc điểm mà thánh Phaolô đã cho là rất đẹp, rất quan trọng, rất cần nêu lên, đó là lòng thương xót. DEUS DIVES IN MISERICORDIA (Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót). Đó là một hình ảnh rất đúng và cũng rất dễ hiểu về Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã giới thiệu hình ảnh đó bằng chính bản thân Ngài, nhất là trong sự Người tự hạ. Tự hạ bước xuống, tự hạ tìm đến con người, tự hạ phục vụ con người, tự hạ hoà mình vào bản tính nhân loại, tự hạ chia sẻ với thân phận những người cùng khổ nhất, tự nạp mình chịu chết để cứu chuộc, tự hạ trở thành lương thực nuôi dưỡng sự sống linh hồn con cái của Người.
Nếu ai hay suy nghĩ lòng thương xót của Chúa trong lãnh vực thiêng liêng, thì cũng nên nhớ rằng trong Phúc Âm, hoạt động của lòng thương xót Chúa đã được nhận thấy rất nhiều trong lãnh vực vật chất. Một hôm, mấy môn đệ của Gioan Tẩy Giả đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có phải Thầy là vị phải đến, hay chúng con còn phải đợi một vị khác?”. Chúa Giêsu trả lời: “Hãy về kể lại cho Gioan tất cả những gì các anh đã thấy và đã nghe: kẻ mù được xem, kẻ què được đi, kẻ phong cùi được chữa lành, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, và kẻ nghèo được nghe giảng Tin Mừng” (Lc 7,22-23). Tất cả những việc Chúa Giêsu làm kể trên đây không phải là thiêng liêng, rất dễ xác nghiệm. Nó liên hệ trực tiếp đến thân xác, đến sức khoẻ, đến cuộc sống đời này. Nếu ai hay suy nghĩ lòng thương xót của Chúa dành cho người thánh thiện, thì cũng nên nhớ rằng trong Phúc Âm, hành động của lòng thương xót Chúa đã nhận được thấy rất mạnh mẽ và lạ lùng đối với người tội lỗi. Dụ ngôn người con phung phá, dụ ngôn Chúa chiên lành bỏ chín mươi chín con chiên tốt để đi tìm một con chiên lạc, thái độ đối với ông Giakêu, bà Madalena và người đàn bà Samaria vv...
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, điều này đối với chúng ta không phải là một điều lạ. Nếu cần đặt thành vấn đề, thì đó là vấn đề lòng thương xót của Thiên Chúa có được ta nêu lên đủ trong mục vụ hiện nay hay không? Chắc không phải vì vô tình mà Thông điệp DEUS DIVES IN MISERICORDIA đã xác định Thiên Chúa giàu lòng thương xót là một chân lý căn bản của Tin Mừng. Thế nhưng, khi kiểm tra lại thực tế, ta thấy mục vụ của chúng ta nhiều nơi chưa nhấn mạnh đến chân lý căn bản đó. Các kinh phổ thông ta đọc từ xưa đến nay thường gọi Thiên Chúa là Cha toàn năng, Thiên Chúa là Đấng thưởng phạt vô cùng. Những đặc điểm này của Thiên Chúa đã được dựa vào các công thức tuyên xưng đức tin ngay từ đầu Hội Thánh. Các công thức đầu tiên cũng đã muốn như thế do yêu cầu hoàn cảnh lịch sử. Bởi vì các Công đồng ấy nhắm vào tín lý nhiều hơn mục vụ. Để bổ túc, Hội Thánh đã nhắc đến lòng thương xót của Thiên Chúa bằng nhiều cách. Về điểm này, phụng vụ Giáo Hội Đông Phương trổi hơn phụng vụ Rôma. Người ta gọi phụng vụ Giáo Hội Đông Phương là Phụng vụ Kyrie eleison, vì trong thánh lễ cũng như trong phụng vụ giờ kinh, lời hát Kyrie eleison được chen kẽ đều khắp đến mấy chục lần, suốt từ đầu đến cuối. “Xin Chúa thương xót chúng con” hát đi hát lại như có ý rót chân lý đó vào tâm thức người tin, như muốn nó thấm vào, như nhắc nhở, như uốn nắn.
Có một điều tưởng nên để ý, đó là xuyên qua các bài giảng, bài hát, lời kinh, hình vẽ, nhiều người trình bày lòng thương xót của Chúa với những cách quá nghiêng về tĩnh, đang khi thực sự lòng thương xót của Chúa là một thể động. Lòng thương xót của Chúa là lòng thương xót dấn thân, xả thân, phấn đấu. Lòng thương xót của Chúa là lòng thương xót dám có những sáng kiến sáng tạo, dám có những chấp nhận đau đớn. Lòng thương xót của Chúa là hình ảnh Chúa Giêsu đang cùng kéo lưới với những người dân chài, đang cúi xuống nâng một xác chết lên và cho nó sống lại, đang ôm mấy đứa trẻ, đang nhìn những kẻ đánh mình với một cái nhìn tràn đầy khiêm nhường và nhân ái, đang mững rỡ hối hả chạy ra đón người con phung phá trở về.
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, hình ảnh này rất cần cho mục vụ hôm nay.
Công Đồng Vatican thứ II, trong Hiến chế Gaudium et Spes đã đưa ra lời cảnh cáo đáng ta suy nghĩ: “Bao người không tin Chúa, đó là một sự kiện. Trong sự kiện này, người Công giáo có phần trách nhiệm không nhỏ. Hoặc do lười biếng giáo dục đức tin, hoặc do không biết trình bày tôn giáo, hoặc do sa sút đời sống luân lý, xã hội, tôn giáo, nên thay vì họ tỏ bày hình ảnh đích thực của Thiên Chúa, thì họ đã che phủ đi”. Thiết tưởng lời cảnh cáo trên đây có thể là một đề tài gây nhiều ray rứt cho lương tâm ta.
Lạy Cha chúng con ở trên trời!
Con muốn tuyên xưng chân lý dễ mến này, bằng tất cả đời con. Con gắn bó với Cha, với sự sống của Cha, với Lời của Cha, với Nước Trời của Cha. Lạy Cha chúng con ở trên trời giàu lòng thương xót, xin thương xót chúng con. Amen.
Trong một buổi mạn đàm về tôn giáo, có người đã đưa ra câu hỏi: Giả sử chúng ta ở một hoàn cảnh không có nhà thờ, không có linh mục, không có họ đạo, không có sách đạo, không có một tổ chức sinh hoạt tôn giáo nào cả, trong hoàn cảnh như thế, ta có thể làm sáng danh Chúa được không? Nhiều người phát biểu. Tóm tắt có ba ý kiến.
Ý kiến thứ nhất cho rằng: Trong hoàn cảnh như thế, dứt khoát không còn cách nào làm sáng danh Chúa. Ý kiến thứ hai cho rằng: Trong hoàn cảnh như thế, vẫn có thể làm sáng danh Chúa, nhưng chút ít thôi. Ý kiến thứ ba cho rằng: Trong hoàn cảnh như thế, có thể làm sáng danh Chúa rất nhiều.
Những ý kiến trên đây cho thấy không có sự nhất trí về đường lối làm sáng danh Chúa. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Bởi vì Chúa thì đời đời. Mà làm sáng danh Chúa là việc của con người sống trong lịch sử. Lịch sử thời nay có nhiều điều không giống lịch sử thời trước. Lịch sử nơi này có những cái khác lịch sử nơi kia. Do đó, mỗi việc làm sáng danh Chúa cần được lựa chọn theo hoàn cảnh lịch sử của nó. Thí dụ, thời trước luật phụng vụ đòi hỏi phải làm các bí tích bằng tiếng Latinh, để nói lên sự thống nhất trong Giáo Hội, thống nhất như thế là làm sáng danh Chúa. Nhưng thời nay, nếu cố gắng duy trì sự thống nhất kiểu đó thì không còn là việc làm sáng danh Chúa nữa.
Thời nay, con người vẫn là con người, nhưng có nhiều chuyển biến về mọi mặt. Cuối năm 1965, khi Hiến chế Gaudium et Spes (Niềm Tin và Hy Vọng) của Công đồng Vatican II được công bố, Hiến Chế đã xác định: “Nhân loại ngày nay đang sống vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình” (số 4). “Trình trạng sinh sống của con người hiện đại về phương diện xã hội, văn hoá đã biến đổi sâu sắc, khiến con người có thể nói đến một kỷ nguyên của lịch sử nhân loại” (số 54).
Nhận định trên đây là vào năm 1965. Năm nay là 1987. Cái mới của năm 1965 đã thành cũ rồi. Năm 1965 đã là giai đoạn mới. Phương chi năm nay. Hơn 20 năm với đà tiến hoá rất mạnh, rất mau, đã đưa năm 1987 vào một kỷ nguyên rất mới, nhất là đối với chúng ta đang cùng với dân tộc sống trong Chủ nghĩa Xã hội. Trong thời đại mới, với nếp sống mới, với suy nghĩ mới, nhiều vấn đề cần được xem xét lại. Làm sáng danh Chúa cũng là một vấn đề như thế.
Để biết làm sáng danh Chúa trong thời đại này, thiết tưởng nên làm những gì vừa hợp với giáo lý Phúc Âm và cũng vừa hợp với thời buổi ta đang sống. Theo phương hướng đó, ở đây tôi xin đưa ra một ít nhận xét gợi ý về nhân loại thời nay:
1/ Nhân loại thời nay càng ngày càng quy hướng lịch sử vào một trung tâm điểm. Trung tâm điểm đó là con người.
Từ những câu chuyện ngoài đường cho đến các chương trình hội nghị quốc tế, các vấn đề đều xoay quanh con người: như lương thực, nhà ở, môi sinh, tình yêu, gia đình, sinh sản, hoà bình, vv.... Đọc các Công đồng, ta thấy các Công đồng trước đây chủ yếu bàn về Chúa, nhưng Công đồng Vatican II đã quan tâm nhiều đến con người, con người với một quan niệm, một cấu trúc mới theo Gaudium et Spes, đó là “con người là xác và hồn”, chứ không phải con người “gồm xác và hồn”. Cả xác và hồn cũng đáng kính trọng. Chính con người như thế là trung tâm của lịch sử hôm nay. Trong Thông điệp Redemptor hominis, Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta vốn giữ một niềm xác tín sâu sắc, là ngày nay trên thế giới không có một chương trình nào, kể cả khi kèm theo những ý thức hệ đối chọi nhau về vũ trụ quan, mà lại không đặt con người lên hàng đầu” (số 17). Cũng trong Thông điệp Redemptor hominis, Đức Thánh Cha đã quả quyết trung tâm mục vụ chính là con người. Ngài viết: “Tất cả con đường của Giáo Hội đều đưa tới con người. Con người là con đường của Giáo Hội” (số 14). “Con người bao giờ cũng là và trở thành con đường cho đời sống thường nhật của Giáo Hội” (số 21).
Trong một hoàn cảnh lịch sử như hiện nay có thể nói nhân loại hôm nay chỉ nhìn thấy danh Chúa cả sáng, khi thấy Giáo Hội với cơ chế, luật lệ của mình, và với các hoạt động của mình thực sự quan tâm đến con người và các vấn đề thời sự của con người.
2/ Nhân loại thời nay càng ngày càng đề cao bản tính xã hội của con người.
Công đồng Vatican II cũng đã nêu lên sự kiện đó trong Gaudium et Spes: “Trong những nét chính yếu của thế giới hôm nay phải kể tới sự gia tăng những mối quan hệ giữa con người với nhau” (số 23). Đối với con người thời nay, quan niệm về sự sống đặt nặng chiều kích các quan hệ. Sống là sống với xã hội, sống trong xã hội, sống nhờ xã hội. Cuộc sống mỗi người đều lệ thuộc vào mạng lưới quan hệ phức tạp bao la. Gaudium et Spes nói: “Mỗi người đều phải nhìn nhận và tôn trọng những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay” (số 30). “Vì đời sống xã hội đối với con người không phải là cái gì phụ thuộc. Do đó, nhờ trao đổi với người khác, nhờ việc phục vụ lẫn nhau, con người được phát huy mọi khả năng của mình và có thể đáp ứng được thiên chức của mình” (số 23). Lời dạy trên đây của Công đồng cho ta thấy, thời nay con người rất cần các đức tính xã hội. Họ cần phải thích và biết trao đổi với người khác. Họ cần phải thích và biết phục vụ người khác. Họ cần phải thích và biết đối thoại với người khác. Bất cứ ai cũng cần như thế. Huống hồ những người lo việc làm sáng danh Chúa.
3/ Nhân loại thời nay càng ngày càng đề cao tinh thần phục vụ, coi đó như tiêu chuẩn để đánh giá con người.
Càng ngày con người càng phát triển khoa học kỹ thuật, tạo nên nền văn hoá mới, cuộc sống mới. Cái gì cũng cần phải xác nghiệm, cái gì cũng cần phải chứng minh. Trước đây, người ta thích đánh giá con người theo một trật tự sẵn có, theo những phạm trù thuộc quan niệm tĩnh, thí dụ theo quan niệm này thì kẻ lo việc siêu nhiên sẽ trọng hơn kẻ lo việc tự nhiên, kẻ đi tu trọng hơn kẻ ngoài đời, kẻ giữ mình đồng trinh trọng hơn kẻ kết bạn. Nhưng nay, với óc thực nghiệm, với quan niệm động về sự vật và với tinh thần xã hội, nhân loại coi phục vụ là tiêu chuẩn để đánh giá con người. Người có giá trị là người biết phục vụ, phục vụ thực tình, phục vụ hữu hiệu. Trong các nghề, những người được tuyên dương là người tốt đều là những người nổi bật về tinh thần phục vụ. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã theo chiều hướng đó và đi rất xa theo chiều hướng đó, khi Ngài đánh giá phục vụ. Đêm Sinh nhật 1972 tại Mont Saratte, Ngài đã nói với các công nhân thế này: “Khi các bạn làm việc trong nhà máy này, thì với một nghĩa vụ nào đó, cũng kể như các bạn ở trong nhà thờ, dù các bạn không nghĩ đến điều đó. Ở đây, các bạn tiếp xúc với công việc, với tư tưởng, với sự hiện diện của Chúa. Các bạn thấy lao động phục vụ và lời cầu nguyện cùng có một gốc rễ chung mặc dù diễn tả của hai bên có khác nhau. Các bạn có thể và các bạn phải sống đạo đức ở đây, trong xưởng máy bao la này, dù các bạn không làm gì khác ngoài yêu mến, suy nghĩ và ca tụng lao động phục vụ cam go của các bạn”.
Với luận cứ trên đây, Đức Thánh Cha đã coi phục vụ, khi thực hiện tốt, là việc đạo đức. Ở đây ta thấy, phục vụ mà Đức Thánh Cha nói tới không phải là một thứ phục vụ cá nhân, mà phục vụ xã hội. Sự phục vụ xã hội đã là vấn đề mà các Đức Giáo Hoàng bàn tới rất nhiều trong các thông điệp gần đây, như Rerum Novarum 1892, Quadragesimo anno 1931, Mater et Magistra 1961, Pacem in terris 1963 và Populorum progressio 1957, Laborem exercens 1981. Theo đó, phục vụ xã hội là có mặt trong các vấn đề của địa phương mình, của đất nước mình, của thời đại mình, là tích cực góp phần vào việc giải quyết các vấn đề ấy, là chia sẻ mọi hậu quả may rủi của việc thực hiện những giải quyết đề ra. Đó cũng chính là phương hướng làm sáng danh Chúa.
4/ Nhân loại thời nay coi trọng phục vụ bằng việc làm tốt hơn người phục vụ chỉ bằng ý hướng tốt.
Phục vụ bằng việc làm tốt là đáp ứng nhu cầu, đúng lúc đúng nơi một cách thiết thực, thích hợp và hữu hiệu. Chúa Giêsu xưa đã rất nhấn mạnh đến phục vụ bằng việc làm tốt. Người coi phục vụ bằng việc làm tốt là đặc điểm của Đấng Cứu Thế, Đấng đến không để được phục vụ, mà là để phục vụ. Khi các môn đệ Gioan Tẩy Giả hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng khác?” Chúa Giêsu trả lời: “Các anh hãy về kể cho Gioan những gì các anh đã thấy và đã nghe: kẻ mù được xem, kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, kẻ quỷ ám được khỏi, kẻ phong cùi được lành, kẻ nghèo khó được rao giảng Tin Mừng”. Với lời nói trên, Chúa Giêsu đã đề cao phục vụ bằng việc làm tốt, những việc làm thấy được, những việc kiểm chứng được. Cách phục vụ đó rất thích hợp với óc thực nghiệm của con người, nhất là con người thời nay.
Khi nói về ngày phán xét, Chúa Giêsu càng đề cao phục vụ bằng việc làm tốt. Chúa phán với những kẻ đứng bên hữu: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lên hưởng phúc trường sinh, vì xưa khi Ta đói, chúng con đã cho Ta ăn, Ta khát, chúng con đã cho Ta uống...”. Nghe thế, họ bỡ ngỡ hỏi Chúa: “Chúng con có bao giờ thấy Chúa đói, mà chúng con đã cho Chúa ăn đâu? Chúng con có bao giờ thấy Chúa khát, mà chúng con đã cho Chúa uống đâu?” Chúa giải thích: “Khi các con cho kẻ đói ăn, là các con cho chính Ta ăn, khi các con cho kẻ khát uống, là các con cho chính Ta uống”.
Với những chi tiết trên đây, ta thấy những người được Chúa chúc phúc đó, khi phục vụ tha nhân, đã không hề có ý mình phục vụ Chúa trong tha nhân. Bây giờ Chúa cắt nghĩa quá tốt cho mình như thế, thì mình mới biết. Chứ khi cho một người đói ăn, một người khát uống, họ làm hoàn toàn vì tình người. Việc họ làm hoàn toàn nhân bản, đơn giản thế thôi, tự nhiên thế thôi. Đó là phục vụ thiết thực, cụ thể. Phục vụ bằng việc làm tốt như thế là kẻ được Chúa Cha chúc phúc, được hưởng phúc thiên đàng. Có nghĩa là họ được công nhận là những kẻ làm sáng danh Chúa. Một thời nào đó có khuynh hướng quá đề cao ý hướng và coi nhẹ việc làm. Thời nay, người ta vẫn coi trọng ý hướng, nhưng căn cứ vào việc làm để đánh giá ý hướng.
Với bốn nhận xét trên đây, chúng ta có thể đi đến kết luận thế này: Bao lâu ta còn sống với người khác và trong xã hội, bấy lâu ta còn có vô số hoàn cảnh làm sáng danh Chúa. Bởi vì, luôn luôn ta có thể phục vụ. Phục vụ con người, phục vụ xã hội bất cứ cách nào miễn là bằng việc làm tốt, chính là một cách làm sáng danh Chúa. Đừng ngại gọi phục vụ là đạo đức, là hành vi tôn giáo.
Làm sáng danh Chúa cách đó rất hợp với Phúc Âm và cũng rất thích hợp với lịch sử nhân loại hôm nay. Phục vụ như thế là góp phần làm sáng lên trong Hội Thánh hình ảnh sống động của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Phục vụ như thế là góp phần làm sáng lên tình thương xót của Chúa trong lịch sử Cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu, xưa trên đường Emmaus, Chúa đã nhập cuộc với hai người khách bộ hành không nhận ra Chúa. Họ đi đường nào, Chúa cũng đi đường đó. Họ bàn chuyện gì, Chúa cũng bàn chuyện đó. Họ ăn, Chúa cũng ăn. Chính sự chia sẻ phục vụ và trao đổi đầy tình người của Chúa đã làm cho họ nhận ra Chúa. Xin Chúa sống trong con, giúp con đồng hành với đồng bào của con trong mọi cảnh huống. Xin giúp con biết thương yêu dân tộc của con, Tổ Quốc của con với tất cả tinh thần phục vụ. Xin Chúa giàu lòng thương xót ở giữa chúng con. Nguyện danh Cha cả sáng. Amen.
Nước Trời không phải là một thế lực. Không thể căn cứ vào số người rửa tội, đi lễ đọc kinh, để phỏng đoán được hình ảnh của Nước Trời. Không ai vẽ được bản đồ Nước Trời. Không ai thống kê được số người của Nước Trời. Bởi vì Nước Trời là một thứ đời sống nội tâm: Những nội tâm có tinh thần của Chúa hướng dẫn, những nội tâm có sự sống của Chúa Ba Ngôi ngự trị, những nội tâm khao khát và gắn bó với chân lý, tình thương, hoà bình và ân sủng, để rồi phấn đấu cho chân lý, tình thương, hoà bình và ân sủng được lan tràn.
Khi Chúa Giêsu dạy ta cầu xin cho Nước Chúa trị đến, thì rõ ràng Chúa muốn ta cộng tác vào việc Nước Chúa trị đến. Thực sự, Chúa vẫn chủ động với con người. Ơn Chúa đến bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng tiếp nhận hay không, nhiều hay ít, là chuyện của mỗi người. Và đó chính là điểm then chốt Chúa kêu gọi ta cộng tác.
Nói đến cộng tác với Chúa, chúng ta tự nhiên hay nghĩ đến cầu nguyện, bí tích, và nhiều việc đạo đức khác. Nghĩ như thế cũng đúng thôi. Nhưng những việc ấy không miễn cho ta khỏi những lựa chọn.
Cụ thể như chúng ta hôm nay đang sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, đang cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tố Quốc Việt Nam trong hoàn cảnh mới. Trong giai đoạn lịch sử như thế, ta sẽ chọn thái độ nào để cộng tác với Chúa, trong việc Nước Chúa trị đến?
Một lời của Chúa Giêsu có thể gợi ý cho ta chọn lựa thái độ. Lời đó là: “Ta nói thực với các con, nếu các con không trở nên giống như trẻ nhỏ, chúng con sẽ không thể vào Nước Trời” (Mt 18,2). Theo lời Chúa trên đây, thì thái độ trẻ nhỏ là một thái độ tốt, thái độ cần, không những để vào Nước Trời, mà cũng để cộng tác vào Nước Cha trị đến.
Trước hết, thái độ trẻ nhỏ là hồn nhiên.
Trẻ nhỏ sống hồn nhiên. Hồn nhiên là cái gì tự phát. Cái hồn nhiên, cái tự phát mạnh mẽ nhất của trẻ nhỏ là tình thương. Nó hiểu bằng tình thương. Nó diễn tả bằng tình thương. Nó thích được yêu thương. Nó tin vào một người, chỉ khi nào nó cảm thấy người ấy thương nó. Thuyết phục nó bằng lý lẽ không có hiệu quả, nếu không kèm theo tình thương. Tình thương là ngôn ngữ hồn nhiên nhất của trẻ nhỏ. Nó nhận ra các mối quan hệ qua ngôn ngữ đó.
Đọc Phúc Âm, ta thấy Chúa Giêsu cũng đã đem Nước Trời đến với con người qua ngôn ngữ yêu thương. Giacôbê, Gioan, Phêrô thấy Người dễ mến, thì xin theo Người, chứ lúc ấy các tông đồ đâu đã biết gì về giáo lý Chúa dạy. Dần dà họ mới được nghe Chúa giảng. Có điều họ hiểu, có điều họ không hiểu. Nhưng dù hiểu dù không, họ cũng tin lời Thầy mình. Bởi vì họ biết mình được Thầy thương nhiều lắm. Mến Thầy, và được Thầy thương, nên tin lời Thầy. Mến Người, nên tin Người, tin Người nên tin lời Người, và càng tin lại càng mến. Cứ thế tin và yêu quyện lấy nhau khăng khít.
Tình yêu của Chúa Giêsu đối với họ cũng như đối với đồng bào có tính cách hồn nhiên. Thấy dân đói, tức thì Chúa lo sao cho có bánh. Thấy người bệnh, tức thì Chúa ra tay cứu chữa. Thấy gia đình Lagiarô khóc, Chúa nức nở khóc, lật đật đi vào mồ, truyền cho xác sống lại. Mọi tình thương hồn nhiên, tự phát, phản ứng tự nhiên của một tấm lòng giàu tình thương.
Hôm nay kẻ cộng tác trong việc Nước Cha trị đến tưởng cũng cần như thế. Tôi gặp một người, thì Tin Mừng Nước Trời thực tế nhất tôi có thể đem đến cho họ, là cho họ thấy, họ đang được Thiên Chúa yêu thương qua bản thân tôi đang yêu thương và kính trọng họ. Nếu tôi chỉ có thể làm được chỉ chừng ấy thôi, thì cũng đáng mừng rồi. Chúa sẽ làm tiếp. Đức tin là một ân huệ của Chúa. Tôi vẫn nghĩ rằng, đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời. Có thể đó là niềm tin của trẻ nhỏ. Nhưng niềm tin trẻ nhỏ đó thực sự đã được minh chứng bằng vô số kết quả tốt.
Một thái độ khác, đặc điểm của trẻ nhỏ là thích những gì bé mọn.
Trẻ nhỏ ưa chọn những cái gì nhỏ. Nó bằng lòng với những niềm vui bé nhỏ. Nó thích chơi với những bạn bè nhỏ. Chúa Giêsu, dù là Đức Chúa Trời, cũng đã đến với con người trong những hình thức bé nhỏ. Đứa trẻ thơ trong hang đá Bêlem. Người thợ ở Nagiarét. Người dân thường trong ba năm rao giảng. Người bị đóng đinh trên thánh giá. Tất cả mọi chặng đường cuộc sống, Chúa Giêsu cứu thế đến trong hình thức bé nhỏ hèn mọn.
Khi làm phép lạ, Chúa Giêsu thường bảo người ta đừng nói ra. Khi dân chúng muốn tôn Người làm vua, Người đã tránh. Người không muốn gây thanh thế. Người rất kỵ khoe khoang. Người chỉ muốn phục vụ đồng bào Người một cách âm thầm. Người làm nhiều hơn là giảng. Việc làm của Người rất bình dị. Lời Người giảng cũng rất đơn sơ. Ngay việc Người huấn luyện tông đồ cũng trong giới hạn thực là nhỏ bé. Nhân sự quá ít. Nội dung học rất ít. Thời gian học cũng rất ít. Chuẩn bị chỉ có ba năm để làm linh mục, để làm giám mục, để làm giáo hoàng.
Nhưng chính qua những cuộc sống bé mọn ấy mà Nước Trời đã lan ra. Sự kiện trên đây khiến chúng ta lạc quan. Lạc quan về chỗ đứng khiêm tốn của Giáo Hội chúng ta. Lạc quan với các việc nhỏ mọn chúng ta làm. Lạc quan với những cộng đoàn nhỏ bé của chúng ta. Tôi có cảm tưởng là sức sống đang đem lại mùa xuân cho Giáo Hội. Phát xuất từ những tâm hồn bé mọn, từ những cộng đoàn huynh đệ nhỏ bé, từ những gia đình đức tin âm thầm. Nước Trời đến với trẻ nhỏ và qua các người giống như trẻ nhỏ.
Một thái độ nữa rất đáng chú ý nơi trẻ nhỏ là thích ứng.
Trẻ rất dễ thích ứng. Chuyện “Một tâm hồn” kể: Hồi còn nhỏ, bé Têrêsa đi chơi với các chị và nhiều người lớn. Đến một quãng đường nhỏ, một con ngựa đứng ngang cản lối. Các người lớn loay hoay tìm cách đuổi con ngựa đi. Con ngựa cứ đứng ỳ ra đó. Đang lúc mọi người lớn bối rối, thì bé Têrêsa cúi người xuống, chui qua bụng ngựa, đi sang bên kia một cách nhẹ nhàng. Những chuyện như thế, ta thấy rất thường có quanh ta.
Khả năng thích ứng của trẻ nhỏ rất lớn. Nhờ đó mà nó phát triển.
Kẻ lo cho Nước Chúa trị đến mà không muốn thích ứng như trẻ nhỏ sẽ tự cô lập mình. Gần đây, để thích ứng với xã hội đổi mới, Giáo Hội đã có Công đồng Vatican II, đã canh tân giáo luật, đã canh tân phụng vụ, đã xếp lại giáo triều Rôma, đã tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới ba năm một lần. Nhất là Giáo Hội đã có những đường hướng mới, thí dụ mục vụ đối thoại hơn là mục vụ đánh vạ, phân quyền hơn là tập trung quyền, đa dạng mà thống nhất hơn là độc dạng mà chia ly.
Tại Việt Nam cũng có những thích ứng đáng kể. Như sự thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, sự chấp nhận hình thức kính thờ tổ tiên, Thư Chung 1980 với chủ trương sống tốt đời đẹp đạo. Các thích ứng trên đã đem lại nhiều kết qủa tốt.
Thế nhưng, chuyển biến của xã hội càng ngày càng mau lẹ và đa dạng, mà thích ứng của đạo nhiều nơi chậm và khó khăn. Thí dụ: Phong trào Thần học Giải phóng là một thích ứng với Phong trào Giải phóng Dân tộc, Phong trào Phi Châu hoá Giáo Hội Phi Châu là một thích ứng với Phong trào Thống nhất Phi Châu, Phong trào Thiên Chúa giáo cho Chủ nghĩa Xã hội là một thích ứng với Phong trào Chủ nghĩa Xã hội. Nhưng nhiều thích ứng đã làm băn khoăn Toà Thánh. Leonardo Boff của Thần học Giải phóng, Pablo Richard của phong trào Thiên Chúa giáo cho Chủ nghĩa Xã hội, Eloe Julien Pénoukou của Phong trào Phi Châu hoá Giáo Hội Phi Châu đã được hoan nghênh nhiều, nhưng cũng bị chỉ trích không ít.
Thực sự, Toà Thánh có lý do để băn khoăn, nhưng nhiều thích ứng quan trọng đã được nghĩ ra, cũng là để giúp giải quyết nhận xét đau buồn của chính Toà Thánh. Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi 1975, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã than phiền rằng: “Sự đoạn giao giữa Tin Mừng và văn hoá là một bi kịch của thời đại chúng ta” (số 20). Nghĩa là đạo trong một nước mà lại lạc lõng, đứng ngoài văn hoá của dân tộc nước đó, thì thực là một bi kịch cho chính tôn giáo.
Về thích ứng, thánh Phaolô tông đồ đã có chủ trương táo bạo khi Người nói: “Tôi là Do Thái với người Do Thái, là Hy Lạp với người Hy Lạp”. Còn ta, ta đã thích ứng thế nào với chế độ Xã hội Chủ nghĩa của chúng ta. Thiết tưởng sự không chịu thích ứng và sự thích ứng đến độ tha hoá, cả hai thái độ cùng không hạp với bổn phận người cộng tác vào việc Nước Cha trị đến.
Thích ứng, thích những sự bé mọn và tình thương hồn nhiên, đó là ba thái độ đang phát triển nơi mỗi người chúng ta. Thêm vào đó, mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu lời cầu xin “Nước Cha trị đến”. Những lời kinh ấy bay ra từ trái tim những người con Chúa hướng lên Cha trên trời giàu lòng thương xót. Chỉ một sự kiện đó mà thôi cũng đủ cho tôi tin tưởng rằng Nước Chúa càng ngày trị đến trên quê hương Việt Nam yêu mến này, một Nước Chúa không là một thế lực, nhưng là những đời sống nội tâm chan hoà tình yêu thương, yêu chuộng chân lý, hoà bình, gắn bó với ân sủng trong sự hiền lành và khiêm tốn của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ loài người.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Amen.
Vâng ý Chúa: nghe qua thấy dễ, nhưng thực tế cho thấy vấn đề này khá phức tạp. Trước hết phải biết ý Chúa, rồi khi đã biết ý Chúa, thì phải chấp hành nghiêm túc. Cả hai điều đó đâu phải dễ! Hoàn cảnh mục vụ nhiều khi đặt ra cho giám mục, linh mục những câu hỏi khó trả lời. Trong trường hợp này, làm thế nào là hợp ý Chúa? Trong vấn đề kia, giải quyết ra sao để đúng ý Chúa? Ta suy nghĩ, cầu nguyện, bàn hỏi để lấy quyết định. Và ta chịu trách nhiệm về quyết định của ta. Nếu quyết định của ta thực sự hợp với ý Chúa, thì dù cho hậu quả thế nào, ta cũng an tâm. Nhưng không thiếu trường hợp ta không quả quyết được quyết định của ta hợp với ý Chúa. Đó là lý do làm chúng ta nhiều khi băn khoăn lo lắng.
Trong khi tìm hình ảnh một người vâng ý Chúa, tôi đã chọn thánh Phêrô. Ngài là chủ chiên, Ngài đã vâng ý Chúa. Nhưng diễn tiến thế nào?
Phúc Âm nhắc đến thánh Phêrô cả thảy là 153 lần, đang khi tên các tông đồ khác chỉ được nhắc tới không quá 20 lần. Sự kiện đó chứng tỏ thánh Phêrô là nhân vật rất quan trọng. Ở đây, tôi chỉ xin nêu lên ít chi tiết mà thôi.
Chi tiết thứ nhất là đoạn 16 Phúc Âm thánh Matthêu: “Chúa Giêsu bắt đầu cho biết Chúa sẽ phải đi Giêrusalem, chịu đau khổ tại đó do các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão, sẽ bị giết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Phêrô kéo Chúa ra một bên, khuyên can Người: Thưa Thầy, xin Chúa gìn giữ Thầy. Không, sự đó không xảy đến cho Thầy đâu!. Chúa Giêsu quay lại, nói với Phêrô: Satan, lùi lại đàng sau đi, con là một hòn đá vấp phạm cho Ta, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, nhưng là của loài người”.
Chi tiết trên đây đã xảy ra ở Xêsarêa của Philip. Điều đáng lấy làm lạ là sự việc này xảy ra, tiếp sau khi Chúa Giêsu khen Phêrô, và tuyên bố tín nhiệm Phêrô. Mới lúc nào trước đó, Chúa nói với Phêrô: “Con là đá, Cha sẽ xây Hội Thánh Cha trên đá này, cửa hỏa ngục sẽ không phá nổi. Cha sẽ cho con chìa khoá Nước Trời. Sự gì con tha dưới đất, trên trời cũng tha. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc”. Được Chúa tín nhiệm như thế, hẳn Phêrô nghĩ mình có bổn phận bênh đỡ bảo vệ Chúa, nên Ngài đã khuyên can Chúa, đừng làm những gì mất uy tín mình như vậy. Ý thánh Phêrô là tốt. Ngài đã phát biểu với tư cách đá tảng Hội Thánh. Thế nhưng, Ngài đã bị Chúa trách mắng. Thay vì gọi Ngài là hòn đá nền tảng Hội Thánh, Chúa đã gọi Ngài là hòn đá gây nên vấp phạm.
Cũng lúc nào trước đó, Chúa Giêsu nghe Phêrô tuyên xưng Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì đã khen Phêrô: “Phúc cho con, Simon con Giona, vì không phải máu thịt đã mạc khải cho con, nhưng là Cha trên trời”. Phêrô mới được Chúa khen lời tuyên xưng của mình là do ơn Chúa Cha soi sáng. Phêrô chắc mừng lắm, và an tâm tưởng rằng ý kiến mình can ngăn Chúa đừng đi chịu chết cũng là tư tưởng do Chúa Cha soi sáng. Ngờ đâu Chúa Giêsu lại trách: “Tư tưởng của con không phải là của Thiên Chúa, mà là do con người”.
Những gì trên đây đã xảy ra cho vị chủ chăn Phêrô, có thể cũng đã xảy ra cho các vị chủ chăn khác, trong đó có chúng ta. Nhiều khi ta đưa ra một quyết định với tư tưởng người có trách nhiệm bảo vệ Hội Thánh. Ta có ý ngay lành như thánh Phêrô. Quyết định của ta xem ra cũng hợp lý như cái hợp lý của thánh Phêrô. Nhưng thánh Phêrô thì được Chúa bảo rõ là quyết định của Ngài coi như tốt đó, nhưng không phải là ý Chúa. Còn chúng ta thì không được Chúa bảo cho biết. Ta có thể nghĩ quyết định của ta là khôn ngoan. Nhưng ta cũng biết điều này: sự khôn ngoan của Chúa khác sự khôn ngoan của người phàm. Theo kiểu nói của thánh Phêrô, thì sự khôn ngoan của Chúa bị bao người cho là khờ dại, là gương mù, gương xấu. Trường hợp của thánh Phêrô giúp ta suy nghĩ.
Chi tiết thứ hai về thánh Phêrô giúp ta suy nghĩ hơn nữa. Đó là đoạn 18, Phúc Âm thánh Gioan: “Ông Phêrô có thanh kiếm liền tuốt ra đánh đầy tớ thầy cả thượng tế, chém đứt tai bên phải y. Đầy tớ ấy tên là Mancô. Chúa Giêsu nói với Phêrô: Hãy xỏ gươm vào vỏ. Chén đắng Cha Ta trao cho Ta lẽ nào Ta không uống. Bấy giờ lính trói Chúa Giêsu, điệu Ngài đi... Simon và môn đệ kia đi theo Chúa Giêsu vào dinh thượng tế”.
Qua bài Phúc Âm trên, ta thấy Phêrô đã đánh chém kẻ bắt Chúa và sự Ngài đi vào dinh thượng tế, trà trộn với lính canh là những việc can đảm. Nhưng hành vi đó chứng tỏ Phêrô cho tới phút chót vẫn không chịu bỏ ý định cản Thầy mình đi chịu chết. Phêrô vẫn không nhất trí với ý định của Thầy mình. Ý của Phêrô cũng do lòng tốt, muốn bảo vệ Thầy mình, không muốn Thầy mình phải khổ nhục. Nhưng dù Phêrô có ý tốt đến đâu, Chúa Giêsu vẫn cương quyết cho Phêrô thấy ý tốt đó không phải ý Chúa. Ý Chúa là thân phận người đầy tớ Giavê phải được thực hiện nơi Đấng Cứu Thế. Đức Kitô phải chịu mọi sự, mà tiên tri Isaia đã nói xưa: “Người đầy tớ không còn hình dáng, không còn vẻ đẹp để người ta nhìn ngắm, không còn vẻ bề ngoài để người ta yêu thích. Người đầy tớ Đức Giavê bị khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như kẻ bị che mặt và bị khinh dể... Người đầy tớ Đức Giavê bị thương tích vì tội chúng ta” (Is 52). Đó là thân phận người đầy tớ Đức Giavê mà Chúa Kitô phải thực hiện nơi chính bản thân mình. Người đã nhiều lần nói cho Phêrô: Ý Cha trên trời là như thế. Nhưng xem ra Phêrô không sao hiểu được ý Chúa Cha tại sao phải như thế, và dù có hiểu thì xem ra Phêrô không sao chấp nhận được. Ngài vẫn muốn cứng rắn. Vẫn muốn đụng độ, vẫn thích đương đầu, tới đâu thì tới.
Nhưng đã đến lúc Phêrô hiểu, đó là lúc Phêrô chối Chúa, như chi tiết thứ ba sau đây ghi lại:
Chi tiết thứ ba là đoạn 22 Phúc Âm thánh Luca: “Phêrô theo Chúa đàng xa. Vì binh lính đốt lửa giữa sân và ngồi xung quanh để sưởi. Phêrô cũng ngồi giữa bọn họ. Vậy, một người đầy tớ gái thấy Phêrô ngồi gần lửa, liền nhận ra, và hỏi: Ông này cũng đi với hắn đó. Phêrô chối: Thưa bà, tôi không hề biết người đó. Một lát sau, một người khác thấy Phêrô, lại nói: Ông này nữa, ông cũng cùng phe với hắn. Phêrô trả lời: Thưa ông bạn, tôi đâu có thế. Phỏng một giờ sau, một người khác lại quả quyết: Ông này chắc chắn đã đi với hắn. Đàng khác ông lại là người Galilê. Phêrô nói: Tôi không hiểu ông muốn nói gì. Chính lúc đó, gà liền gáy, Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại nhìn Phêrô. Phêrô chợt nhớ lại lời Chúa đã nói trước: Trước khi gà gáy con sẽ chối Thầy ba lần. Phêrô liền ra ngoài khóc lóc thảm thiết”.
Đoạn Phúc Âm này cho thấy tâm trạng Phêrô lúc đó. Chối Thầy rồi, Phêrô chợt thấy mình rơi xuống vực thẳm. Ngài cảm thấy thấm thía sự yếu đuối của mình. Bao nhiêu tự ái, bao nhiêu chủ quan đã sụp đổ! Trước đó, Ngài tưởng mình sáng suốt can đảm, bây giờ hết rồi! Sụp đổ uy tín đối với Thầy và các bạn. Sụp đổ luôn niềm tự tín cho mình là gần Chúa thì hiểu ý Chúa và tuân giữ ý Chúa. Sụp đổ luôn cảm tưởng cho mình là nền tảng Hội Thánh thì không có thể sai sót! Cái nhìn của Chúa Giêsu giàu tình thương xót và mang nặng đớn đau khổ nhục đã hoán cải tâm hồn Phêrô sụp đổ thành con người khiêm tốn hoàn toàn phó thác nơi Chúa. Bây giờ thì Ngài hiểu sự yếu đuối của mình thực đáng ghê sợ! Ngài là thế! Đoàn chiên Ngài cũng như thế! Nhân loại cũng là thế! Đó là điều thứ nhất của giáo lý cứu độ. Từ nhận thức mình là người tội lỗi yếu đuối, Phêrô từ nay khiêm tốn cậy nhờ vào công phúc của Chúa Giêsu chết và sống lại, để được cứu độ. Bây giờ thì Ngài hiểu mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại đúng là ý Chúa Cha giàu lòng thương xót, và chính mầu nhiệm đó là điều Ngài sẽ phải rao giảng. Ngài hiểu chính Ngài, người lãnh đạo đoàn chiên cũng là con người tội lỗi yếu đuối, đã được Chúa cứu độ do mầu nhiệm ấy.
Suy nghĩ về ba chi tiết trên đây, ta thấy thánh Phêrô đã khám phá ra ý Chúa, không phải một cách dễ dàng và chỉ trong chốc lát, nhưng là một cách khó khăn và dần dần. Có nghe lời Chúa, có thấy việc Chúa làm, có bị thất bại, có được Chúa đoái nhìn tha thứ, Phêrô mới cảm thấy thấm, mới nuốt trọn vẹn được ý Chúa. Xem ra Chúa đã phải đấu tranh lâu dài bằng nhiều cách với Phêrô, thì Phêrô sau cùng mới chấp nhận được ý Chúa. Sau này, trong vấn đề cắt bì, Phêrô cũng phải đấu tranh kịch liệt với chính mình, thì Phêrô mới chịu đổi ý, mới chấp nhận lập trường của Phaolô, là phải bỏ đi những luật lệ không cần thiết, để thích ứng với dân ngoại. Phêrô đã từ bỏ ý riêng mình, đã phải khiêm tốn lắm mới đón nhận được ý Chúa. Với kinh nghiệm bản thân, Ngài đã hiểu ý nghĩa sâu xa lời Chúa Giêsu: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì đã giấu những chân lý này cho các người thông thái, mà chỉ mạc khải cho những kẻ hèn mọn”.
Do đó, nếu hôm nay chúng ta muốn có một dấu chỉ, để căn cứ vào mà xét xem những quyết định của ta có hợp ý Chúa hay không, nhiều hay ít, thì phải chăng dấu chỉ đó là tính chất hiền lành, khiêm nhường, giàu lòng thương xót, phản ảnh được tinh thần của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương soi sáng tâm trí chúng con, để chúng con biết hướng dẫn dân Chúa với những lựa chọn hợp thánh ý Chúa. Amen.
Tôi vẫn thường khẳng định với tôi rằng: Lương thực cần thiết nhất cho tôi là những gì giúp tôi đạt được hạnh phúc tối hậu trường tồn. Bởi vì tôi tin vững vàng Lời Chúa: “Được mọi sự thế gian mà mất linh hồn thì có lợi gì!”.
Lương thực cần thiết đó tất nhiên phải có phẩm chất riêng. Theo Phúc Âm, thứ phẩm chất riêng ấy là mến Chúa yêu người. Lòng mến Chúa yêu người phải được nuôi dưỡng bằng các việc làm. Việc làm nào giúp tôi có mặt trước mặt Chúa và có mặt với con người hôm nay, việc làm nào giúp tôi gặp được Chúa và gặp được con người hôm nay, việc làm nào giúp tôi nói chuyện được với Chúa và nói chuyện được với con người hôm nay, việc làm nào giúp tôi thờ phượng Chúa và phục vụ con người hôm nay, thì việc đó là thứ lương thực nuôi dưỡng lòng mến Chúa yêu người.
Một thứ lương thực như thế sẽ giúp phát huy những gì là tích cực và giúp đẩy lui những gì là tiêu cực, để con người mỗi ngày mỗi nên giống Chúa Kitô là mô hình tuyệt hảo.
Quan niệm của tôi về “lương thực hằng ngày” trong kinh Lạy Cha đại khái là như thế.
Khi cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” tôi không chờ Chúa sẽ làm phép lạ. Tôi hiểu rằng: Cha mẹ khôn ngoan thường không để lại cho con những lương thực làm sẵn, nhưng dạy cho con những hướng phải đi, để tự mình sáng tạo làm ra lương thực. Chúa cũng phải dùng cách đó. Tôi càng cầu xin, Chúa càng nhắc cho tôi những đường hướng phải đi.
Dưới đây là một số đường hướng tôi thấy cần nhấn mạnh, xét theo hiện tình mục vụ:
Đường hướng thứ nhất là
Hãy nhìn mình với cái nhìn hiện thực.
Ai trong chúng ta cũng có một tài liệu rất nhỏ, rất đơn sơ về chính mình. Cứ nhìn tài liệu ấy với những ý nghĩa nó gợi lên thì đó là cái nhìn tôi gọi là hiện thực. Tài liệu tôi nói ở đây chính là tấm chứng minh nhân dân của mỗi người.
Đọc nội dung tấm chứng nhân dân của mình, tôi thấy tôi là thành phần của những tập thể, đó là gia đình, địa phương, Tổ Quốc và tôn giáo. Tấm chứng minh nhân dân của tôi mang một con số rất dài, có nghĩa là tôi đứng trong tổng số bao la của đồng bào cả nước. Tấm chứng minh nhân dân ghi tuổi của tôi, cái tuổi đó nhắc cho tôi những quá trình cuộc sống, những năm tháng, những lãnh nhận và đã cho đi. Nhìn tấm chứng minh nhân dân, tôi thấy mình trong quyền quản lý của Nhà Nước của tôi.
Tóm lại, nhìn tấm chứng minh nhân dân, tôi thấy rõ chỗ đứng của mình là một chỗ đứng trong những tập thể, là một chỗ đứng bên cạnh hằng triệu cuộc sống. Nó phải tựa vào đồng bào và có trách nhiệm với đồng bào. Nó phải tựa vào địa phương và có trách nhiệm với địa phương. Nó phải tựa vào Tổ Quốc và có trách nhiệm với Tổ Quốc. Nó phải tựa vào Hội Thánh và có trách nhiệm với Hội Thánh. Đó là thực tế.
Thực tế cho thấy: tất cả những gì là tôi và tất cả những gì tôi có đều dính vào lịch sử của bao người chung quanh. Thực tế cho thấy các hoạt động hiện nay của tôi được thực hiện nhiều hay ít, một phần còn tùy ở sự giúp đỡ của các nguồn ngọn ghi trong chứng minh nhân dân.
Khi nhìn thực tế đó một cách trung thực, tôi thấy mình bé nhỏ đòi hỏi nhiều gắn bó. Sự gắn bó với những nguồn gốc ghi trong chứng minh nhân dân là một gắn bó sơ đẳng, bình thường. Từ ít lâu nay, sự gắn bó của những người hoạt động tôn giáo với các gốc nguồn đã và đang là vấn đề sôi động tại nhiều Giáo Hội, nhất là trong các nước mới giành được độc lập. Nhiều khuynh hướng thần học và mục vụ thúc giục các giáo hội địa phương hãy sống mầu nhiệm nhập thể một cách tích cực hơn. Hình thức thực hiện sẽ tuỳ thời. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, sự thực hiện gắn bó qua mấy điểm sau đây vốn được coi là ngôn ngữ mục vụ thích hợp:
Tích cực chia sẻ với người nghèo, góp phần nâng cao đời sống địa phương, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, đồng hành với nhân loại trên đường đấu tranh cho hoàn bình, tình thương và công lý.
Chiều hướng mục vụ trên đây không xa lạ với lá Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980. Lựa chọn chiều hướng đó là đúng, đúng với Phúc Âm, đúng với Công Đồng Vatican II, đúng với trào lưu lịch sử đất nước và thế giới. Xin Chúa Kitô sống trong chúng ta, để chúng ta biết nhìn đường hướng này bằng con mắt trong sáng mến Chúa yêu người, biết nhiệt thành mà khôn ngoan, biết uyển chuyển mà trung tín.
Đường hướng thứ hai là
Hãy nhìn kẻ khác với cái nhìn trách nhiệm.
Cái nhìn của con người thường chứa nhiều câu hỏi. Nhìn một người thường có nghĩa là hỏi về người đó: Người này tốt hay xấu? Mình tin được họ hay mình nên nghi? Coi bộ họ dễ hay khó? Không biết họ có đồng ý với mình hay không? Không biết lòng họ thực sự thế nào?... Có khi hỏi để đấy. Có khi hỏi rồi tự trả lời. Đặt câu hỏi về một người thiết tưởng cũng đã phải có tinh thần trách nhiệm. Phương chi những câu trả lời. Bởi vì trong đó có mến Chúa yêu người. Và bởi vì từ đó sẽ sinh ra hậu quả cho người ta, cho xã hội và cho chính bản thân mình. Thí dụ cái nhìn của mấy thầy cả đạo cũ về Chúa Giêsu. Ban đầu chỉ là một cái nhìn bất bình, rồi tích tụ thành ác cảm, từ đó rỉ ra những lời gièm pha khích động, rồi thai nghén thành âm mưu triệt hạ, sau cùng là công khai tìm giết Đức Kitô. Như thế hậu quả của một cái nhìn đâu phải nhỏ.
Để răn đe mình, tôi hay nhắc lại câu Chúa dạy: “Con đừng xét đoán, để con khỏi bị xét đoán”, “Con dùng đấu nào đong cho kẻ khác, Chúa cũng sẽ dùng đấu đó đong lại cho con”.
Những lời Chúa dạy trên đây rất hiệu nghiệm đối với mỗi người có đạo. Có những người chỉ biết mấy câu sơ sài như thế, nhưng họ sống triệt để với cái vốn liếng nhỏ nhoi đó, và họ đã rất lương thiện, không những không dám hại ai, mà còn cố gắng làm các việc phúc đức, giúp những người chung quanh. Đang khi đó, một số người có đạo biết nhiều điều, tin nhiều điều, giữ nhiều điều, nhưng lại thiếu sót nhiều điều trong cái nhìn về kẻ khác.
Có ba thiếu sót phổ thông. Một là cái nhìn dửng dưng. Phúc Âm đã tả cái nhìn dửng dưng trong dụ ngôn người phú hộ nhìn Lagiarô lở loét ngồi ăn ngoài cổng. Và trong dụ ngôn người thầy cả nhìn kẻ bị cướp đánh nằm ở vệ đường. Hai là cái nhìn ghen tương. Sách Thánh nói đến cái nhìn đó trong chuyện Cain đối với Abel. Esau đối với Giacob. 11 người con Giacob đối với em út là Giuse, vua Saulê đối với Đavid, mấy thầy cả đạo cũ đối với Chúa Giêsu. Ba là cái nhìn thành kiến. Thành kiến do dư luận, do giáo dục, do tín ngưỡng, do chính trị, do nghề nghiệp, do văn hoá, do địa phương. Những thành kiến gây ra chia rẽ, bất công và thiệt hại vô vàn cho đất nước và cho Hội Thánh.
Nhiều nơi sinh hoạt tôn giáo có vẻ sầm uất, nhưng ba cái nhìn trên đây cũng rất sầm uất. Nhiều người có vẻ hãnh diện với nếp sống kinh lễ đều đặn của mình, đồng thời xem ra cũng hãnh diện với ba cái nhìn trên đây của mình, không hề tỏ dấu gì là sai trái.
Tôi thiết nghĩ đây là vấn đề nghiêm trọng. Bởi vì, ta quá hiểu lời Chúa phán xưa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau”. Khắp nơi trong Hội Thánh cần tích cực hơn nữa trong việc trách nhiệm hoá cái nhìn của người có đạo. Cần nhắc đi nhắc lại điều đó. Cần tập trung giáo huấn với giới luật yêu thương. Nhất là cần có gương sáng. Chắc chắn Chúa muốn như vậy. Những việc như thế sẽ nuôi dưỡng lòng mến Chúa yêu người. Một não trạng biết nhìn kẻ khác với tinh thần trách nhiệm Phúc Âm sẽ dễ gặp được con người hôm nay và gặp được Chúa một cách thanh thản chan hoà hy vọng.
Đường hướng thứ ba là
Nhìn các giá trị trần thế với cái nhìn cởi mở.
Sở dĩ tôi đề cập đến vấn đề này là vì một đàng hiện nay nhân loại đang tiến mạnh trên đà phát triển những giá trị trần thế, như văn hoá, khoa học, kỹ thuật, và một đàng trong đạo vẫn tồn tại một khuynh hướng tu đức có vẻ dửng dưng hoặc nghi kỵ đối với các giá trị trần thế. Khuynh hướng tu đức đó không là điều xa lạ gì trong một số sách đạo đức. Hậu quả có tốt và có xấu. Thực sự đã có những lệch lạc trong cái nhìn của một số người “đạo đức” về giá trị trần thế.
Tôi thiết nghĩ, theo quy luật tiến hoá, lịch sử nhân loại sẽ không quay trở về những chặng đường cũ. Chặng đường lịch sử nhân loại hôm nay là chặng đường phát triển văn hoá, khoa học, kỹ thuật. Con người hôm nay đang đi trên con đường này. Nếu loan báo Tin Mừng là phải gặp được con người hôm nay, thì dứt khoát kẻ loan báo Tin Mừng chỉ gặp được con người hôm nay trên chính con đường họ đang đi. Tôi tin có Chúa trên con đường này. Chúa Kitô sẽ chia sẻ sự sống của Người cho mọi chặng đường đa dạng đã qua của lịch sử, thì chính Người đang đi xuyên qua lịch sử, cũng đang chia sẻ sự sống của Người cho hình thức lịch sử hôm nay.
Cho dù có ai trong chúng ta không ưa thích chặng đường lịch sử hôm nay, họ cũng vẫn có bổn phận tìm hiểu nó. Và đó là bổn phận do chức vụ thừa tác viên của Chúa. Sắc chỉ “Presbyterorum Ordinis” nói: “Các thừa tác viên của Chúa sẽ không có khả năng phục vụ con người, nếu các ngài xa lạ với cuộc sống của họ và những hoàn cảnh cuộc đời” (3). Sắc chỉ “Optatam totius” khi nói đến hành trang kẻ muốn thụ phong linh mục, cũng đã kể đến những kiến thức về triết học và khoa học hiện đại, nhất là những trào lưu văn hoá có ảnh hưởng lớn trong nước của mình (1). Tông huấn Loan Báo Tin Mừng cũng nói đến sự am hiểu nền văn hoá địa phương là một yêu cầu của sứ mạng kẻ loan báo Tin Mừng.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 1/3/1980 nói với các sinh viên Rôma rằng: “Người lớn là người luôn sẵn sàng học hỏi thêm. Còn kẻ nào tưởng mình biết đủ, sẽ thực sự chỉ đầy cái lỗi của mình, nhưng lại trống vắng những giá trị lớn có khả năng làm giàu cuộc sống”. Chúng ta không phải là những con người còn nhỏ. Nếu chúng ta chịu khó đọc các sách báo Việt Nam xuất bản đủ loại càng ngày càng nhiều, chúng ta sẽ gặp được nhiều giá trị lớn lao làm giàu cho cuộc sống, như Đức Giáo Hoàng nói, nhất là sẽ giúp cho ta dễ gặp được con người Việt Nam ngày nay.
Mới rồi, trong Đại hội Giáo dân tại Rucca di Papa, Rôma, gồm có 120 đại diện của 63 tổ chức giáo dân thuộc nhiều nước, từ ngày 20 đến 25 tháng 6 năm 1985, giáo sư Rocco Buttiglione đã đưa ra nhận xét này là hiện nay giữa đức tin và văn hoá có một sự đoạn giao trầm trọng. Nhận xét này cũng đã được Đức Phaolô VI nói tới. Tìm hiểu trách nhiệm về tình trạng đó, tất nhiên ta không đổ lỗi cho văn hoá, mà phải hỏi những người truyền bá đức tin. Theo tôi, sự đồng hành với trào lưu văn hoá hôm nay và tìm những điểm gặp gỡ là điều hợp lý, phải cố gắng thực hiện, nếu đức tin thực sự muốn gặp được con người của nền văn hoá hôm nay. Nếu ta thấy đường hướng trên đây là đúng, ta sẽ có vô số việc làm trong một ngày, để góp phần mở rộng kho lương thực mến Chúa yêu người cho mình và cho bao kẻ khác.
Đường hướng sau cùng là
Hãy nhìn Chúa với cái nhìn tin cậy.
Về điểm này, tôi xin trình bày thành thực kinh nghiệm bé nhỏ của tôi. Khi tôi nhìn Chúa, tôi luôn thấy Người là Tình Yêu toàn năng giàu lòng thương xót đang nhìn tôi là kẻ yếu đuối hèn mọn. Từ tình yêu Chúa, tôi nghe lời Chúa nhắn nhủ: “Cha là cây nho, con là cành nho. Cha là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Tôi nhìn Chúa như vậy và tôi tin cậy Chúa. Tôi không phân tích niềm tin cậy khi nó trở thành sự sống. Tôi chỉ thấy rằng: Niềm tin cậy đó là tuyệt đối, là sức mạnh mãnh liệt kéo tôi về phía trước.
Theo tâm lý, sở dĩ người ta còn tin lời một người nói, chính là vì người ta tin vào con người của họ. Có tin người thì mới tin lời. Tin lời do đã tin người. Niềm tin vào một người thường được nẩy sinh và được xây dựng do gặp gỡ họ nhiều hơn là do học hỏi về họ. Hồi xưa các tông đồ gặp Chúa, rồi nhờ gặp Chúa nên họ tin vào Chúa, rồi vì tin vào Chúa, nên họ tin các lời Chúa dạy. Tiến trình đó đáng được ta suy nghĩ.
Vì thế, một điều tôi cho là hết sức quan trọng trong mục vụ mến Chúa yêu người đó là nên tìm cách giúp người ta gặp gỡ Chúa nhiều hơn là học hỏi về Chúa. Tất nhiên biết nhiều, học nhiều về Chúa là điều rất tốt. Nhưng chúng ta đừng quên sự thật này là vô số người, kể cả ma quỉ, biết nhiều về Chúa, nhưng không vì thế mà tin cậy Chúa. Trái lại, có những người rất ít hiểu về Chúa, nhưng vì năng gặp Chúa, năng gần gũi Chúa, nên đã được Chúa ban cho đức tin rất mạnh, rất nồng nàn.
Nhận xét như vậy, nên khi giảng dạy cho ai về Chúa, tôi không quên giúp họ gặp Chúa. Và khi không thể giảng dạy về Chúa, tôi vẫn thấy có nhiều thuận lợi để giúp con người gặp gỡ Chúa. Ta có thói quen nhấn mạnh đến sự gặp Chúa qua phụng vụ thánh lễ và các bí tích, nhưng hiện nay, vì hoàn cảnh thiếu linh mục, có thể nói ba phần tư tổng số tín hữu Việt Nam không thường xuyên lui tới phụng vụ hằng ngày được. Hoàn cảnh đó ngày càng tăng, ta có trách nhiệm đối với đa số lớn lao kia đang phải xa phụng vụ. Ta có trách nhiệm giúp họ gặp được Chúa ngoài con đường phụng vụ, bởi vì không thể khác được. Ta có trách nhiệm giúp cho mọi người có đạo tìm được lương thực thiêng liêng ở con đường vừa tầm tay của họ, nhất là trong hoàn cảnh sinh sống vất vả hiện nay. Trong mục đích ấy, Hiến chế Sacrosanctum Concilium của Công đồng Vatican II đã ca ngợi nền phượng tự ngoài phụng vụ (cultus extra-liturgicus 11, 12). Nó không thay thế phụng vụ, nhưng nó trở thành rất quan trọng khi phụng vụ rút vào những giới hạn không sao tránh được.
Bốn đường hướng trên đây chỉ là những gợi ý khiêm tốn, để đi tới kết luận này là: Muốn phấn đấu hữu hiệu, thì không phải chỉ cần nhiệt tình, mà còn phải có một não trạng cởi mở nhạy bén. Não trạng là cách nhìn, cách suy nghĩ.
Hôm nay, để làm ra tiền, để tìm ra lương thực vật chất, con người Việt Nam không thể cứ nhìn, cứ suy nghĩ theo não trạng cũ được.
Cũng vậy, sự đổi mới não trạng là một yếu tố rất cần thiết trong việc giải quyết vấn đề lương thực thiêng liêng. Có thể nói, chính não trạng giúp làm nên kho tàng lương thực thiêng liêng, chính não trạng giúp ta biết cách gặp được Chúa và gặp được con người.
Lạy Cha trên trời, xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Chúng con cảm tạ Cha đã nhậm lời chúng con, Cha đã và đang chỉ cho chúng con những hướng đi, để chúng con tìm ra lương thực. Cha là Đấng tạo dựng, Cha sáng tạo nên những não trạng biết sáng tạo. Cha muốn những trái tim sáng tạo của con cái Cha biết đi vào chiều rộng bao la của Nước Trời. Xin ca ngợi Cha đến muôn đời. Amen.
Nhân loại hôm nay rất khác nhân loại thời trước. Đã có chuyển biến về nhiều mặt. Nhận xét trên đây đã do Công đồng Vatican II chính thức nêu lên trong Hiến chế Gaudium et Spes. Những chuyển biến vẫn tiếp tục phát triển thêm từng năm từng tháng một cách mau lẹ. Trong các chuyển biến quan trọng, có chuyển biến về cách con người suy nghĩ. Con người hôm nay suy nghĩ khác con người thời xưa, với những phạm trù khác xưa, với những cách đánh giá khác xưa, với những mô hình khác xưa. Sự kiện này đã được Công đồng Vatican II và các Đức Giáo Hoàng sau đó ghi nhận.
Ở đây, trong vấn đề tội, tôi xin trình bày vài chuyển biến trong suy nghĩ của con người hôm nay về ba điểm:
- Thời nay, người ta để ý nhất đến thứ tội nào? - Thời nay, người ta xem xét trách nhiệm về tội ra sao? - Thời nay, người ta nghĩ gì về cách để được tha tội?
Chuyển biến thứ nhất là
Ngày nay rất đông người không còn để ý đến nhiều sự mà đạo Công giáo coi là tội. Đang khi đó càng ngày càng phát triển những trào lưu chống bất công, gây nên ý thức rộng lớn về công bình bác ái.
Thực vậy, nhìn lại mấy chục năm gần đây, tôi thấy ý thức về tội trong Giáo Hội đã thay đổi nhiều. Xin đưa ra mấy dẫn chứng:
Trước đây dân chúng các nước kể như toàn tòng Công giáo vốn coi hôn phối khác đạo là việc khó chấp nhận. Nay, họ đã phổ biến tán thành.
Trước đây, người có đạo thường rất sợ tội phạm sự thánh. Nay ý thức về sự thánh đã khá nhạt nhoà.
Trước đây, sáu điều răn Hội Thánh được tuân giữ tỉ mỉ. Nay, rõ ràng đang có sự lỏng lẻo trong tất cả sáu điều răn đó, đến nỗi nhiều nơi bây giờ tại Âu Mỹ số người đi lễ Chúa nhật chỉ còn mười phần trăm.
Trước đây, nhiều chi tiết thuộc điều răn thứ Sáu bị xã hội kết án khắt khe. Nay, cũng những chi tiết ấy lại được coi bình thường.
Lương tâm con người có nhiều thay đổi. Các sách thần học luân lý thời nay không còn nói tới tỉ mỉ về các tội như thời trước. Thời trước ý thức về tội đi vào lòng người qua ngả tôn giáo. Thời nay ngoài ngả tôn giáo, ý thức về tội còn đi vào lòng người qua ngả văn hoá, chính trị và nếp sống xã hội. Đạo đức của ba nhân tố trên đây từ ít lâu nay đề cao việc chống bất công như một mục tiêu lớn. Do đó, ý thức về tội của con người hôm nay hầu như tập trung vào tội chống bất công dưới nhiều hình thức. Ý thức này đang phát triển với những nét sau đây:
a) Phạm vi công bình và bác ái rộng lớn hơn trước.
Thời trước, người ta hay nói đến công bình bác ái giữa những cá nhân và các môi trường nhỏ. Những ranh giới đó nay đã vượt qua để nói tới công bình bác ái giữa các giai cấp, giữa phái nam và phái nữ, giữa các nước, giữa các châu, giữa các nước công nghiệp hoá và các nước kém mở mang. Ta thấy rõ nét đó trong các phong trào đấu tranh, trong các hội nghị quốc tế, trong các đề cương của các đảng phái chính trị, trong các bộ luật đủ loại, trong các tác phẩm văn hoá.
b) Quan niệm về công bình bác ái sắc bén hơn trước.
Trước đây, có lúc người ta nhân danh đạo đức bắt buộc người vợ phải hoàn toàn vâng phục người chồng. Nhưng nay, có những trường hợp bắt buộc như thế phải coi là vô nhân đạo, là không công bình.
Trước đây, có lúc người ta chúc cho đôi tân hôn được sinh sản đông con nhiều cháu. Nhưng nay, người ta coi việc giới hạn sinh sản một cách hợp lý là một trách nhiệm công bình bác ái của cha mẹ đối với chính con cái mình.
Trước đây, của ai thì người ấy có quyền hưởng. Nhưng nay, người có dư của cải, nếu không tiếp cứu người cùng cực, sẽ bị coi là lỗi đức công bình bác ái.
c) Tính cách công bình bác ái phổ quát hơn trước.
Trước đây, khi nói tới công bình bác ái, người ta hay kèm theo uy tín xuất xứ. Thí dụ: Công bình Phúc Âm, từ bi Đức Phật. Nhưng nay, người ta ưa nói đến công bình bác ái trống không, nghĩa là công bình bác ái không có nhãn hiệu, tự nó có uy tín, chứ không cần dựa vào xuất xứ. Hiện nay, trong các hội nghị, trong các cuộc trao đổi, trong các tác phẩm văn hoá, người ta dễ gặp nhau ở những chân lý không nhãn hiệu. Một thứ công bình được giá nhờ nhãn hiệu hơn là nhờ bản chất sẽ mau bị mất giá.
d) Phương cách đạt tới công bình bác ái là một đấu tranh tích cực hơn là chịu đựng tiêu cực.
Tất nhiên, đấu tranh có nhiều hình thức, như bằng lý luận, bằng thiện cảm, bằng dư luận, bằng vũ trang, nhất là bằng cách chứng minh lẽ phải qua cuộc sống tốt lành của mình. Thí dụ chị nữ tu trong tiểu thuyết “Cuộc đời bên ngoài” của Vũ Huy Ánh, sau khi so sánh công bình bác ái trong nội bộ nhà tu với công bình bác ái của cuộc đời bên ngoài, chị đã xin xuất tu.
So sánh hai thực tại, tức là có đấu tranh giữa hai thực tế. Rồi thí dụ những đấu tranh vừa tình cảm vừa lý luận trong những tác phẩm sau: Tôi và Chúng ta; Nhân danh Công lý; Mùa hè trước biển; Đứng trước biển; Ngao Sò Óc Hến, Cù Lao Tràm, vv... Hằng ngày đọc báo, nghe đài ta thấy đấu tranh tích cực cho công lý hiện nay đang sôi nổi dưới nhiều hình thức rất khác nhau, nhưng nhiều khi cũng vì quá đề cao đấu tranh mà không có luân lý để lựa chọn phương tiện, nên có những chủ quan đưa tới lạm dụng, dễ xảy ra nhiều trường hợp tự cho phép mình lấy của người khác, làm hại người khác, mà vẫn coi việc làm của mình như thế là công bình hợp lý.
Sự chuyển biến về cách con người hôm nay suy nghĩ như vừa nói trên đây vẫn đang phát triển lan tràn qua mọi biên giới tôn giáo.
Chuyển biến thứ hai là
Khoa học về con người càng phát triển, người ta càng thẩm định trách nhiệm về tội một cách thận trọng hơn, nghĩa là một cách muốn có công bình bác ái nhiều hơn.
Chúng ta đã biết vụ Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục phong chức giám mục và linh mục bất chấp luật lệ Giáo Hội, và vụ ngài tuyên bố trên báo chí lập trường của ngài coi Toà Thánh hiện nay trong tình trạng trống ngôi, có nghĩa là ngài coi Đức Giáo Hoàng đương kim không phải là giáo hoàng thực. Những việc trên đây theo giáo luật phải kể là tội trọng. Nếu những việc này xảy ra trăm năm trước đây, hẳn Toà Thánh đã có những biện pháp mạnh đối với Đức Cha Ngô. Thế nhưng, Toà Thánh đã xét đến những áp lực khác nhau đưa Đức Cha Ngô tới những hoạt động sai trái, như sức khỏe yếu, tình trạng căng thẳng do những dao động tâm lý khác thường, những ám ảnh... nên Toà Thánh đã nhìn các lỗi lầm của Đức Cha Ngô với cái nhìn khoan dung. Dư luận cũng chia sẻ cách xét xử hợp lý hợp tình đó. Trên đây là một thí dụ cho thấy hiện nay có những suy nghĩ mới trong việc thẩm định trách nhiệm về tội.
Trong Hội nghị Y khoa xã hội Strasbourg năm 1953, nhiều bác sĩ, triết gia, thần học gia đã cho thấy sức khỏe và đời sống thiêng liêng có một tương quan chặt chẽ. Ý kiến đó được bàn một cách sâu sắc trong nhiều bài phát biểu đã in thành sách tựa đề “La santé et la vie spirituelle”.
Trong cuốn Perspective chrétienne pour une médecine humaine, cha Bernard Hoering, nhà luân lý học nổi tiếng đã bàn nhiều đến liên hệ giữa tội và sức khoẻ, cũng như giữa sức khỏe của cá nhân với những tiền đề xa gần vượt ngoài trách nhiệm của cá nhân. Vấn đề này cũng được cha Bernard Hoering đề cập rộng rãi trong bộ La loi du Christ, tập III.
Trong cuốn La guérison dans la mission de l'Eglise, tác giả Georges Seignier đã nói tới liên hệ giữa tội với cấu trúc thân thể. Có trường hợp, sau khi giải phẫu óc, lấy ra một số tế bào, người bệnh tự nhiên hết còn muốn phạm những tội mà trước đây họ vốn bị cám dỗ một cách dữ dội.
Khoa tính tình học cho thấy liên hệ giữa tội và tính tình, cũng như giữa tính tình và cấu trúc thân xác. Thí dụ: một người với dáng vấp như thế, thường có tính tình như thế, và vì tính tình như thế nên dễ rơi vào những tội như thế.
Khoa phân tâm học của Freud cũng cho thấy hoạt động tội lỗi nhiều khi gây nên một phần do áp lực của vô thức và tiềm thức.
Cũng vì liên hệ chằng chịt giữa tội và các yếu tố có sẵn, nên trong cuốn Le sens du péché, cha Jérome Régnier đã nhắc đến một khuynh hướng tư tưởng muốn gọi con người phạm tội là nạn nhân của một số mệnh tất yếu. Đó chỉ là một cách nói. Bởi vì sự tự do của nội tâm con người là một công trình phải xây dựng mới có. Phải chinh phục chính mình. Phải chiến thắng chính mình mới có được tự do nội tâm. Vì thế, nếu quen sống buông thả, để rồi trở thành một con người không còn tự do nội tâm, người ta vẫn không tránh được mọi trách nhiệm về các tội mình phạm. Tuy nhiên, sự chia sẻ trách nhiệm sẽ được xem xét một cách công bình bác ái.
Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã cầu xin cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ, vì họ lầm không biết”. Não trạng con người hôm nay cũng phần nào đang chuyển biến theo chiều hướng bao dung đó.
Chuyển biến thứ ba là
Ngày nay rất nhiều người coi sự làm việc công bình bác ái là cách được tha tội tốt hơn mọi cách khác.
Trước đây, để được khỏi tội, người Công giáo chúng ta thường đến với bí tích cáo giải. Nhưng nay thói quen đó đã thay đổi rất nhiều. Bên Âu Mỹ, số người đi xưng tội giảm sút rất rõ rệt. Một phần vì người ta không còn tin vào hiệu năng của bí tích cáo giải nữa. Toà Thánh đã nhiều lần hô hào tín hữu trở lại với toà cáo giải. Nhưng kết quả chưa được là bao.
Đang khi đó, một số người, vẫn giữ vững tinh thần sám hối. Nhưng để được ơn tha thứ, họ quan tâm làm các việc từ thiện, các việc công bình bác ái, góp công của vào các công trình phúc lợi chung, các việc mà đạo Công giáo đã tóm tắt trong “14 mối thương xót”. Họ tin việc lành công bình bác ái là một điều kiện để họ được ơn tha tội. Cách suy nghĩ như vậy và cách làm như vậy đòi một sự cố gắng lớn hơn trong sự đi xưng tội, và cũng đem lại những hiệu quả giáo dục sâu sắc.
Phúc Âm có nhiều gợi ý cho cách suy nghĩ trên. Thí dụ: Chúa nói về người đầy tớ kia không chịu tha nợ cho kẻ đã mắc nợ với anh, vì thế vua cũng không tha nợ anh. Có nghĩa là điều kiện để anh được vua tha nợ, là chính anh phải tha nợ cho kẻ khác mắc nợ với anh.
Rồi thí dụ trường hợp Chúa nói về người đến bàn thờ dâng lễ, sực nhớ mình có sự bất hoà với một người anh em. Chúa bảo người đó hãy ngừng dâng lễ, hãy về làm hoà với người anh em kia trước đã, rồi hãy trở lại bàn thờ dâng lễ tiếp. Có nghĩa là điều kiện để làm hoà với Chúa là hãy làm hoà với con người trước đã.
Tôi vừa trình bày tóm tắt mấy nhận xét của tôi về cách suy nghĩ của con người hôm nay, liên quan đến vấn đề tội, tóm tắt thế này:
1. Ngày nay, người ta để ý đến tội nghịch công bình bác ái hơn các thứ tội khác.
2. Ngày nay, người ta xét đoán trách nhiệm về tội một cách công bình bác ái hơn trước.
3. Ngày nay, người ta quan tâm hơn trước đến việc làm công bình bác ái, như phương cách để được tha tội và đền tội.
Những chuyển biến này có những cái không tốt, nhưng nếu được uốn nắn, thanh luyện, sẽ là những tiếng nói tốt cho Phúc Âm. Thiết tưởng mục vụ của chúng ta nên nhạy bén với những chuyển biến quan trọng đó, để giúp người tín hữu có được những thái độ bên trong tâm hồn, và những việc làm bên ngoài xã hội thích ứng đứng đắn và mau lẹ với những cách suy nghĩ mới.
Lãnh đạo là nhìn thấy trước.
Lạy Cha chúng con ở trên trời,
Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Chúng con biết chúng con mắc nợ với Cha rất nhiều. Chúng con thực tình ăn năn sám hối vì mọi tội lỗi chúng con đã phạm. Xin Cha nhân từ thương xót chúng con. Chúng con tin rằng: khi chúng con thứ tha là lúc chúng con được tha thứ. Xin Cha giúp chúng con thực hiện niềm tin ấy với lòng quảng đại sáng suốt. Lạy Cha giàu lòng thương xót, xin cảm tạ Cha hết lòng. Amen.
Chước cám dỗ đầu tiên đã gây nên tội tổ tông truyền, đó là sự ma quỷ xui hai ông bài nguyên tổ quan trọng hoá chính mình. Các chước cám dỗ ngoạn mục mà Satan đã dành cho Chúa Cứu Thế trong sa mạc đều do Satan lầm tưởng rằng: Chúa Cứu Thế cũng quan trọng hoá chính mình như bất cứ ai. Chước cám dỗ mà các tông đồ xưa đã để lộ ra, khi tranh cãi về chỗ trên chỗ dưới, và khi khoe khoang đã trừ được quỉ, đã nói lên các ngài có phần nào cũng thích quan trọng hoá chính mình. Hiểu theo phân tâm học, thì ai cũng mang sẵn trong mình chước cám dỗ đó. Khuynh hướng quan trọng hoá chính mình là một khuynh hướng gọi được là bẩm sinh. Nó mạnh nó yếu, tùy cá tính mỗi người, và tùy ở ảnh hưởng của các nhân tố tác động.
Những người tu cũng có khuynh hướng bẩm sinh như mọi người. Nền giáo dục trong nhà tu thường có những phương pháp giúp chế ngự khuynh hướng quan trọng hoá chính mình, nhưng kết quả vẫn có giới hạn. Sự kính trọng, lòng mộ mến và những hy vọng Giáo Hội dành cho kẻ tu trì có khả năng khích lệ họ quảng đại cho lý tưởng, nhưng cũng có khả năng trở thành những chước cám dỗ. Ấy là chưa nói tới mưu mô của ma quỷ.
Sự quan trọng hoá chính mình đôi khi len lỏi vào các việc đạo đức, được nuôi dưỡng, được bảo vệ tinh vi khéo léo bằng các hình thức đạo đức. Thế là nó ung dung tác hại. Chước cám dỗ không còn dễ bị nhận ra là chước cám dỗ.
Ai trong chúng ta cũng muốn xa chước cám dỗ. Ai trong chúng ta cũng muốn đừng bao giờ sa chước cám dỗ.
Để củng cố ý muốn tốt lành ấy, tôi xin trình bày ba sự kiện có tính cách kêu gọi chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về chước cám dỗ quan trọng hoá chính mình:
Sự kiện thứ nhất là Đang có trào lưu muốn đánh giá con người chúng ta theo thực chất khả năng loan báo Tin Mừng hơn là theo chức vụ lãnh đạo đoàn chiên và ban bí tích.
Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis kể ra ba chức vụ của linh mục: chức vụ loan báo Tin Mừng, chức vụ ban bí tích, chức vụ lãnh đạo dân Chúa. Có một thời, người ta đề cao chức vụ ban bí tích và lãnh đạo dân Chúa hơn là chức vụ loan báo Tin Mừng. Nhưng nay đang có trào lưu muốn các linh mục đặt chức vụ loan báo Tin Mừng lên hàng ưu tiên số một trong các nhiệm vụ của mình.
Chính Công đồng Vatican II đã tuyên bố là tất cả Giáo Hội phải ở trong tình trạng loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng chính là bản chất của Giáo Hội. Loan báo Tin Mừng chính là nhiệm vụ của Chúa Cứu Thế: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Ngài đã xức dầu cho tôi, Ngài sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Loan báo Tin Mừng chính là sứ mạng Chúa trao cho các tông đồ: “Chúng con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc trên khắp thế giới”.
Loan báo Tin Mừng là việc của bất cứ linh mục nào, đang khi việc ban phát bí tích và lãnh đạo chỉ được dành cho một số linh mục mà thôi. Loan báo Tin Mừng là việc có thể làm bất cứ ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đang khi việc bí tích và lãnh đạo được quy định trong những giới hạn rõ rệt.
Loan báo Tin Mừng là việc làm khó hơn việc ban bí tích và lãnh đạo. Nhất là khi chính sự lãnh đạo và ban bí tích cũng trở thành phương tiện loan báo Tin Mừng.
Thời nay, loan báo Tin Mừng là làm chứng về một biến cố hơn là trình bày một đạo lý. Biến cố đó là điều đã xảy ra cho mình và mình đang sống biến cố ấy. Chính là biến cố mình đã gặp được Chúa, mình đang sống với Chúa, mình vốn tin cậy Chúa là Cha giàu lòng thương xót.
Thời nay, loan báo Tin Mừng là giới thiệu Hội Thánh như một hạt cải bé nhỏ, một ngọn đèn khiêm tốn, một tấm men âm thầm, hơn là giới thiệu Hội Thánh như một lâu đài lộng lẫy xây trên đỉnh núi được bảo vệ bằng những tường rào cấm cản.
Thời nay, loan báo Tin Mừng là gây nên một não trạng có chiều sâu biết suy nghĩ đúng, biết lựa chọn đúng, biết khao khát những lý tưởng đẹp, hơn là gây nên một ký ức nhớ thực nhiều những điều về đạo.
Thời nay, loan báo Tin Mừng là phiên dịch niềm tin Chúa phục sinh ra một thái độ sống lạc quan tin tưởng hơn là kể lại chuyện Chúa sống lại.
Thời nay, loan báo Tin Mừng là tìm phục vụ tất cả đồng bào hơn là chỉ đấu tranh cho quyền lợi Hội Thánh.
Nếu hiểu như thế, ta sẽ thấy loan báo Tin Mừng không còn là việc có thể dựa vào thẩm quyền, dựa vào địa vị, mà là việc phải dựa vào thực chất khả năng. Đòi hỏi này không phải dễ, vì loan báo Tin Mừng trở thành một công việc nhiều khi vượt sức riêng ta, nên ta cần phải rất khiêm tốn, để rồi chính tinh thần khiêm tốn sẽ là yếu tố quan trọng giúp ta biết loan báo Tin Mừng, và cũng giúp ta biết cảnh giác trước cơn cám dỗ thích quan trọng hoá chính mình.
Sự kiện thứ hai là Đang có trào lưu đẩy mạnh vai trò giáo dân trong Hội Thánh.
Đọc các văn kiện Công đồng Vatican II, tôi thấy vai trò giáo dân được trình bày nhiều lần một cách trịnh trọng đầy thương mến. Ngoài sắc lệnh Apostolicam Actuositatem về hoạt động tông đồ giáo dân, còn nhiều Hiến chế và Nghị quyết đã nói dài đến giáo dân, đặc biệt là Hiến chế Gaudium et Spes và Lumen Gentium, cũng như Nghị quyết Ad Gentes.
Từ Công đồng Vatican II đến nay, các thứ hội nghị giáo dân được tổ chức đều đều, theo một nhịp độ tăng mau, thí dụ ngay trong sáu tháng đầu năm 1986, đã có ba hội nghị quốc tế giáo dân:
- Hội nghị quốc tế giáo dân tổ chức tại Tân Tây Lan từ 30-1 đến 5-2-1986, dành cho giáo dân các nước Úc, Tân Tây Lan, Papusi và Tân Ghinê. Chủ đề hội nghị là: Ơn gọi của giáo dân trong đời sống và trong sứ mệnh của Giáo Hội địa phương.
- Hội nghị quốc tế giáo dân tổ chức Scotland từ 3-3 đến 10-3-1986, dành cho giáo dân các nước Anh, Scotland và Ái Nhĩ Lan. Chủ đề hội nghị là: Thành phần của Hội Thánh là những người thợ của Nước Trời.
- Hội nghị quốc tế giáo dân tổ chức tại Đài Loan từ 24-3 đến 27-4-1986, dành cho giáo dân các nước Á Đông. Chủ đề hội nghị là: Vai trò của giáo dân trong việc phát triển giáo hội địa phương tại Á Đông.
- Thượng Hội đồng Giám Mục tổ chức tại Vatican tháng 10 năm 1987: bàn về giáo dân.
Khắp nơi, đều cho thấy tinh thần giáo dân rất cao, hoạt động giáo dân đa dạng, vai trò giáo dân rất cần thiết.
Trong một đại hội tại Pháp, gồm đại diện các họ đạo không có lễ Chúa nhật, người ta thấy giáo dân đã đảm đang duy trì được họ đạo và nếp sống đạo một cách can đảm và linh lợi.
Tại Ấn Độ, một nước có 12 triệu người Công giáo, chia thành một 109 địa phận, với 14 ngôn ngữ khác nhau, giáo dân đã chứng minh họ là những người cộng tác cần thiết và đắc lực cho hàng giáo sĩ trong việc phát triển Hội Thánh và trong việc góp phần xứng đáng xây dựng đất nước của họ.
Tại Indonesia, một nước ít người Công giáo, sống rải rác trên 13.000 hòn đảo, gồm 50% tín hữu không hề gặp được linh mục, nhưng nhờ các tông đồ giáo dân, đức tin vẫn được duy trì và phát triển đều đều trong nếp sống tốt đời đẹp đạo.
Kinh nghiệm tại Việt Nam, và tại các giáo hội địa phương thiếu linh mục, cho thấy điều này: Nếu lấy tiêu chuẩn trung tín, nhiệt thành, khôn ngoan, để chọn tông đồ giáo dân, thì số tông đồ giáo dân sẽ không bao giờ là vấn đề dễ căng như vấn đề linh mục. Có những giáo dân không được Giáo Hội chính thức chọn vào chức vụ nào, nhưng họ lại được Chúa Thánh Thần chọn. Họ là những dụng cụ tầm thường, âm thầm, nhưng đều nhiệt tình và trung tín, khôn ngoan của Chúa Thánh Thần.
Khi so sánh những nơi quá thiếu thốn linh mục, nhưng tinh thần đạo lại cao, với những nơi quá nhiều linh mục, nhưng tinh thần đạo lại quá xuống, tôi có một cảm nghĩ cũng xin thành thực trình bày. Tôi nghĩ rằng Chúa để xảy ra như vậy, để chứng tỏ nhân sự cũng như cơ sở, sách báo đều là những phương tiện, những trung gian. Chúa có thể dùng và có thể không dùng, tuỳ ý Chúa.
Nếu một lúc nào đó, người ta quá quan trọng hoá phương tiện và trung gian như chính mục đích, hoặc trung gian và phương tiện không còn đủ thích hợp để đưa con người đến với Chúa và đem Chúa về với con người, thì lúc đó có thể Chúa sẽ chủ động giảm bớt phương tiện và trung gian. Tôi nói là chính Chúa chủ động, vì mục đích thanh luyện trung gian và phương tiện của Người. Chính Chúa sẽ tỏ bày quyền năng, lòng thương xót của Người một cách phi thường qua những phương tiện và trung gian ít ỏi, tầm thường, bé mọn, như Chúa đã làm cho Hội Thánh trong các thế kỷ đầu.
Thiết tưởng chúng ta phải tìm hiểu chương trình đó của Chúa, thì mới có thể giải quyết được vấn đề thiếu linh mục và thiếu các phương tiện tôn giáo. Bao lâu người Công giáo chưa thực sự sống “Nhờ Đức Kitô Chúa chúng ta”, trái lại chỉ biết bám vào phương tiện và trung gian, bấy lâu Chúa còn thanh luyện họ bằng đủ thứ khó khăn.
Những suy nghĩ trên đây cũng như sự kiện vai trò giáo dân đang phát triển mạnh, có khả năng giúp ta thêm khiêm tốn trước những cám dỗ quan trọng hoá chính mình.
Sự kiện thứ ba là Đang có trào lưu muốn việc sống đạo tốt cần phải được chứng minh qua việc sống đời tốt.
Trước đây khi vận động nếp sống đạo, tôi hay dùng công thức cổ truyền. Tôi khuyên người ta hãy siêng năng đọc kinh, xem lễ, xưng tội, rước lễ, học hỏi về đạo. Nay thêm vào đó, tôi còn khuyên họ hãy quan tâm chăm lo cuộc sống của đồng bào, sống đời công dân tốt.
Mới rồi, đọc báo LOsservatore Romano, số ra ngày 22-10-1986, tôi vui mừng thấy cái phần tôi thêm đó lại là một hướng quan trọng. Trong số báo đó có bài huấn từ của Đức Thánh Cha đọc trước Đại hội các Giám Mục Âu Châu ngày 11-10-1985. Sau khi phân tích tình hình Công giáo trên thế giới và đặc biệt ở Châu Âu, Đức Thánh Cha đã đưa ra một số gợi ý về phương hướng mục vụ. Xin trích ở đây vài câu điển hình: “... trong tình hình hiện nay, Giáo Hội phải làm chứng những giá trị Phúc Âm về công bình bác ái, hoà bình, và Giáo Hội phải vận động cho những giá trị ấy ...”; “Giáo Hội phải làm người Samaritanô tốt lành đối với con người hôm nay”; “Giáo Hội phải gần gũi con người hôm nay. Do đó, cần phải có một sự hiện diện tích cực và một sự tham gia nhiệt tình vào đời sống của con người”.
Những chỉ dẫn trên đây của Đức Giáo Hoàng giúp củng cố thêm một trào lưu tôn giáo, coi việc nâng cao đời sống con người và tham dự vào các vấn đề cụ thể của đời sống là một yêu cầu thời sự của cách sống đạo hôm nay.
Như chúng ta quá biết, lo cho cuộc sống, chính là ưu tư hàng đầu thường xuyên của mọi người Việt Nam lúc này. Do đó, nó cũng phải là ưu tiên hàng đầu của Giáo Hội Việt Nam. Hoạt động tôn giáo của chúng ta tất nhiên cũng sẽ theo phương hướng đó. Người Việt Nam hôm nay sẽ theo phương hướng đó mà cân đo sự quan trọng của Giáo Hội nói chung, và của từng người chúng ta nói riêng.
Nhìn khả năng bé mọn của mình trong nhiệm vụ nâng cao đời sống đồng bào, ta sẽ thấy mình phải khiêm nhường nhiều lắm trước những ảo tưởng muốn quan trọng hoá chính mình.
Trong năm Thánh Mẫu này, chúng ta càng nên nhìn gương Đức Mẹ để học sống khiêm nhường.
Lạy Cha nhân từ, Con tin lời Cha dạy: “Không có Cha, con không thể làm được gì”. Con tin lời Cha dạy: “Ta chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho kẻ khiêm nhường”. Xin Cha thương giúp cho trái tim của con được nên giống Trái Tim của Cha hiền lành và khiêm nhường. Lạy Cha, xin chớ để con sa chước dỗ. Amen.
Từ xưa tới nay, sự dữ vốn giữ một vị trí ung dung bên cạnh sự lành. Vẫn có bệnh tật, vẫn có túng thiếu, vẫn có nhiều tiêu cực trong cuộc sống. Đó là một thách thức. Hằng triệu người mọi thời đã mãnh liệt đối phó với sự dữ. Tôi muốn đứng vào hàng ngũ những người như thế. Tôi không được phép ỷ lại. Tôi phải dấn thân thực sự bằng việc làm, để cố gắng giảm bớt sự dữ, tăng thêm sự lành.
Trong cuộc phấn đấu cam go, phức tạp và trường kỳ, tôi cần nhận định rõ động cơ phấn đấu và thái độ phấn đấu. Người Thầy gần gũi nhất đã giúp tôi nhận định, chính là Thánh giá Chúa Giêsu.
Thánh giá là biểu hiệu phấn đấu của Chúa Giêsu. Khi nhìn về biểu hiệu ấy, thánh Phaolô tông đồ đã viết cho giáo đoàn Êphêsô: “Anh chị em hãy theo con đường của tình yêu, bắt chước gương Chúa Kitô, Đấng đã thương chúng ta và chết cho chúng ta, tự hiến dâng mình làm lễ hy sinh thơm tho dâng lên Đức Chúa Cha” (Ep 5,2). Trong thư gởi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã nhắc lại: “Bằng chứng mà Thiên Chúa yêu ta đó là Chúa Kitô đã chịu chết vì ta” (Rm 5,8). Trong thư gởi giáo đoàn Galata, thánh Phaolô đã tâm sự: “Chúa đã yêu thương tôi, và đã tự nạp mình chịu chết vì tôi” (Gl 2,20).
Qua những lời thánh Phaolô, tôi hiểu mọi phấn đấu của Chúa Kitô đều do động tác tình yêu. Chính Chúa Kitô đã cho thấy động lực ấy nhiều lần, nhất là trong những giây phút trầm trọng nhất. Trên Thánh giá, khi Đức Kitô cảm thấy mình bị Đức Chúa Cha ruồng bỏ, Người vẫn khẳng định lòng tin mến trung thành đối với Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, Con xin dâng phó linh hồn Con trong tay Cha”. Trên thánh giá, khi Đức Kitô cảm thấy như mình bị mọi người phản bội, Người vẫn khẳng định lòng yêu thương trung thành, quảng đại đối với mọi người: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ lầm không biết”.
Nhìn Thánh giá Chúa và nhớ lại cuộc tử nạn của Chúa, tôi thấy động lực tình yêu của Chúa thực là cao cả, thực là trong sáng.
Nếu đem các thứ phấn đấu của ta soi vào gương Thánh giá Chúa, mỗi người chúng ta cần xem xét lại động lực phấn đấu của mình. Nếu được hỏi vì sao phấn đấu, ta sẽ thưa: vì tình mến Chúa yêu người. Tôi nghĩ câu trả lời đó đúng với lương tâm. Tuy nhiên, trong những giờ phút thinh lặng trở về với nội tâm, đối diện với Chúa, ta sẽ thấy động lực phấn đấu của ta có thể mang nhiều vẩn đục. Thí dụ: cầu nguyện là một hình thức phấn đấu, được coi là việc đạo đức. Cầu nguyện ở ngoài đường, trước công chúng càng đáng được coi là việc đạo đức can đảm, vì tính cách tuyên xưng đức tin. Thế nhưng, có lần Chúa Giêsu đã chê trách việc làm như thế của Pharisêu, bởi vì Chúa thấy rõ động lực thực sự trong lòng họ chỉ là tính ham muốn phô trương.
Sau khi đọc mấy cuốn tiểu thuyết về Công giáo như: Bão Biển, Xung Đột, Thời Gian của Người, Ngày Phán Xét, tôi nhận thấy: Dưới cái nhìn của các tác giả, nhiều hoạt động thời gian của các Toà Giám Mục, của các linh mục đã do một hoạt động thầm kín xấu xa thúc đẩy, đó là việc muốn bảo vệ và mở rộng quyền lực, muốn lấn lướt và tranh giành ảnh hưởng. Theo tôi nhận xét mấy tác giả đó có nhiều chủ quan, nhưng cũng đáng được chúng ta suy nghĩ, giúp ta kiểm điểm lại chiều sâu của động lực trong nội tâm ta. Động lực tuy rất tốt, nhưng cũng dễ biến thể. Nó biến thể dần dần, đi tới nhiều tình trạng khác nhau, trong đó có tình trạng nguội lạnh được coi là biến thể phổ thông nhất. Nhiều tác giả tu đức gọi chứng nguội lạnh là căn bệnh quen thuộc của bậc tu trì.
Để dễ nhận định tình hình, động lực của ta, xem nó có nguội lạnh hay không, nhiều hay ít, ta nên đối chiếu thái độ phấn đấu của Chúa với thái độ phấn đấu của ta.
Trước hết, thái độ phấn đấu của Chúa Giêsu trên Thánh giá là vâng lời gắn bó.
Thái độ này đã được phụng vụ nêu cao trong các lễ nghi tôn vinh Thánh giá: “Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên Thánh giá” (Pl 2,8). “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, nhưng xin để thánh ý Cha được mọi bề trọn vẹn”. Chúa Giêsu khi phấn đấu loại trừ sự dữ, đã vâng lời đến thế, đã gắn bó như vậy.
Còn ta? Trong mọi hoạt động đẩy lui sự dữ, ta có tinh thần gắn bó và phục tùng không? Chúa kêu gọi ta qua các bề trên, nhưng khi được gọi rồi, ta đôi khi cũng có thể có những thái độ như tách rời khỏi kẻ gọi ta, như thế muốn chiếm hữu ơn gọi thay vì để cho ơn gọi hướng dẫn.
Cùng với thái độ vâng lời gắn bó, Chúa Giêsu trên Thánh giá đã nêu cao thái độ hiền lành khiêm tốn.
Phấn đấu mà quá hiền từ, mà quá khiêm tốn, là một thái độ nhiều người cho là hèn yếu. Nhưng Chúa Giêsu đã chọn thái độ đó, bởi vì Chúa biết chính sự hiền từ khiêm tốn là một sức mạnh rất can đảm có khả năng phi thường.
Khi tôi nhìn kẻ đóng đinh bên tả Chúa Giêsu, tôi thấy anh ta hung hăng, nói móc người này, thách thức người kia. Anh có vẻ coi thường đau khổ. Nhưng tôi đã nhận ra sự thật. Anh chết trên thánh giá mà không tử đạo, bởi vì anh chết trong hằn học, bực tức, kiêu căng. Sự kiện này cũng giúp tôi hiểu rõ tầm quan trọng của thái độ hiền lành khiêm tốn trong suốt quá trình phấn đấu của Chúa Kitô: “Chúng con hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Mặc dù hiền lành khiêm tốn, Chúa Giêsu cũng không thể giấu được thái độ nhiệt tình vô tận của mình.
Người biết mình là Con Thiên Chúa, có bổn phận gánh tội trần gian. Mà gánh tội trần gian là phải chịu vô vàn đau khổ, như các tiên tri đã loan báo. Nhưng Chúa Giêsu vốn coi sự tuân phục ý Chúa Cha là lương thực của mình. Người nói: “Lương thực của tôi là làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 4,31). Nhiệt tình của Người là quan tâm, là lo lắng, là thao thức, là không ngừng phấn đấu cho hạnh phúc của con người và vinh quang Thiên Chúa, theo như thánh ý Chúa Cha, dù phải từ bỏ, dù phải hy sinh.
Khi đem so sánh thái độ nhiệt tình của Chúa Giêsu chịu nạn, với thái độ nhiệt tình của tôi, tôi thấy có sự khác nhau, xa như một trời một vực. Điều Chúa hôm nay không đòi tôi hy sinh, thì tôi hy sinh. Còn điều Chúa hôm nay đòi tôi từ bỏ, thì tôi ham muốn giữ lại.
Qua thái độ vừa kể, đó là nhiệt tình, hiền lành, khiêm tốn và vâng lời gắn bó, ta đã thoáng nhìn được tình trạng tinh thần phấn đấu của ta, ta đã có thể bắt gặp được những gì cần chỉnh đốn lại, ta đã nhận ra sự cần thiết phải luôn kết hợp với tinh thần phấn đấu của Thánh giá Chúa Kitô.
Khi nói tới sự thích hợp với tinh thần phấn đấu của Thánh giá Chúa, tôi nghĩ tới ba việc sau đây:
Một là việc tôn sùng Thánh giá. Phụng vụ Rôma dành cho Thánh giá một sự tôn sùng đặc biệt, nhưng chưa được đặc biệt lắm, nếu so với phụng vụ Bizantin và Copte. Trong phụng vụ Bizantin mỗi năm có năm lễ kính Thánh giá. Phụng vụ Copte, ngoài những lễ trọng kính Thánh giá, còn có tuần tam nhật, và kinh cầu Thánh giá.
Trong cả hai phụng vụ Đông phương vừa nói có những lễ nghi rước Thánh giá trọng thể mỗi năm. Mỗi lần rước như vậy, cộng đoàn hát từ 400 cho đến 450 lần Kyrie eleison, với những cử chỉ phục lạy Thánh giá. Tất nhiên, chúng ta không thể bắt chước mọi việc trên đây, nhưng chúng ta nên coi đó, để có một lòng tôn sùng Thánh giá, là điều rất hữu ích cho mục vụ hôm nay.
Hai là việc tôn sùng Thánh Thể. Điều thiết tưởng nên nói ở đây, chính là sự ta cần thông hiệp với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Ta xin Người chia sẻ cho ta sự sống của Người. Ta dâng cho Người mọi phấn đấu của ta. Ta chẳng là gì. Ta chẳng có gì. Nhưng “Nhờ người, với Người và trong Người”, ta góp phần nhỏ bé vào công lao phấn đấu của Người.
Ba là việc ta chia sẻ thân phận những kẻ khổ đau. Họ là những người túng đói, những người bệnh tật, những kẻ cô đơn, những kẻ nghèo nàn về nhiều phương diện. Sự khó ta chịu không thấm tháp gì so với sự khó họ chịu. Ta gần gũi họ, ta hiểu họ. Ta chia sẻ cái dư của ta và cái thiếu của họ. Họ sẽ dạy ta tinh thần phấn đấu kiên cường của họ. Chúa nói với ta qua thánh giá của họ.
Khi còn nhỏ, tôi đã được một lời dạy rất gọn trong sách “Gương Chúa Giêsu”: “Cuộc sống con người là một cuộc phấn đấu triền miên không ngừng”. Càng thêm tuổi, tôi càng hiểu thêm lời dạy quý báu đó. Phải phấn đấu nhiều lắm. Phấn đấu bằng lao động tay chân. Phấn đấu bằng học hành. Phấn đấu bằng suy nghĩ, nói năng, giao tiếp. Phấn đấu bằng tần tảo làm ăn. Phấu đấu bằng cầu nguyện. Phấn đấu bằng cố gắng chu toàn các việc bổn phận... Dù hết sức phấn đấu, sự dữ vẫn tồn tại. Tuy nhiên, có phấn đấu là có thành công. Nghĩa là sự dữ giảm đi, sự lành tăng lên, hay ít ra sự dữ cũng giới hạn lại. Vì thế, phấn đấu là một luật của sự sống. Ta phấn đấu vì động lực tình yêu và với thái độ của Chúa Giêsu trên Thánh giá, nên ta có quyền lạc quan.
Trong kinh cầu Thánh giá thời Trung cổ (Ephemerides liturgicae XLVI, 1932) có đoạn như sau:
Thánh giá là hy vọng của kẻ có đạo, Thánh giá là phục sinh của kẻ đã chết, Thánh giá là kẻ dẫn lối cho kẻ mù loà, Thánh giá là đường cho kẻ trở lại, Thánh giá là sự nâng đỡ cho kẻ bước đi không vững, Thánh giá là sự an ủi cho kẻ túng nghèo, Thánh giá là sự sống cho người tín hữu, Thánh giá là là sự che chở cho kẻ khiêm nhường, Thánh giá là là sự loại trừ những kẻ kiêu căng, Thánh giá là chiến thắng của Đức Kitô.
Đó là bài ca đầy lạc quan dành cho những ai phấn đấu chống lại sự dữ trong tinh thần Thánh giá. Tôi thích nhìn lên tượng Đức Mẹ cầm Thánh giá đứng cuối nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên cũng để tìm sự lạc quan ấy.
Lạy Cha nhân lành, Xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Con tin Cha đã nhậm lời con. Bởi vì Cha đã cho con sự sống và tinh thần phấn đấu. Sự dữ lớn nhất là đầu hàng sự dữ. Sự lành cần nhất là phấn đấu cho sự lành. Con tin Cha đang ở với con, đang phấn đấu bên con. Con phấn đấu cho dân tộc con được hạnh phúc, cho Tổ Quốc con được bình an thịnh vượng, cho Hội Thánh của con được là dấu chỉ và là dụng cụ của sự kết hợp với Chúa và của sự đoàn kết với nhân loại. Con hết lòng cảm tạ Cha muôn đời. Amen.