Tội nhân trở thành thánh nhân - Chuyện Đời Chuyện đạo - Sách 17

Thứ tư - 25/09/2024 02:55
Tội nhân trở thành thánh nhân - Chuyện Đời Chuyện đạo - Sách 17
Tội nhân trở thành thánh nhân - Chuyện Đời Chuyện đạo - Sách 17
Lm. Phêrô NguyễnVăn Mễn
(sưu tầm

Tội nhân trở thành thánh nhân
Chuyện Đời Chuyện đạo - Sách 17

Nguồn:
https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/

--------------------------

*** Đọc các bài của Lm. Mễn:
1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71;
2. Vào Internet: Youtube, Google, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, Cha Mễn kể chuyện, hoặc linh mục Mễn
3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com
5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165

**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)

**** Lạy  Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.


---------------------------------

Mục Lục:

Bài 1: Cuộc sống khổ hạnh của thánh Phanxicô Assisi 2
Bài 2: Chuyện cái kén và lòng tốt con người 6
Bài 3: Tâm sự giữa ông và cháu. 7
Bài 4: Cuộc tranh luận hấp dẫn giữa một cụ bà và ba vị tiến sĩ 9
Bài 5: Niềm vui của một bệnh nhân cao tuổi khi hấp hối 11
Bài 6: Mỗi chúng ta, chính là món quà ý nghĩa để cho đi 13
Bài 7: Những phương thế chống lại ma quỷ. 16
Bài 8: Con mèo lần chuỗi hạt bồ đề. 22
Bài 9: Lý do người công giáo khôn ngoan luôn khao khát đi lễ hàng ngày ???. 23
Bài 10: Niềm tin của một em bé. 26
Bài 11: Một câu nói, nghe mà nhói lòng !!! 27
Bài 12: Có một loại "nhẫn nhịn", lại khiến cho người ta hối hận không kịρ. 29
Bài 13: Một chuyện thật bất ngờ cho chú xe ôm.. 30
Bài 14: Tội nhân trở thành thánh nhân. 31
Bài 15: Người cao tuổi chưa hẳn là già. 33
Bài 16: Con đường tôi đến với Chúa là như thế đó. 34
Bài 17: Hai lỗi phổ biến nhất của người cầu nguyện bằng kinh mân côi 39
Bài 18: 10 Cách cốt yếu để trưởng thành trong sự khiêm nhường của Mẹ Têrêsa. 40
Bài 19: Một linh mục quyết treo bảng: “Đức Mẹ Maria đã không nhậm lời con cầu xin”  41
Bài 20: 10 "khuyết điểm" của Chúa Giêsu. 44
Bài 21: Ý nghĩa của R.I.P. một lời cầu nguyện bằng tiếng La-tinh. 47

---------------------------------

 

Bài 1: Cuộc sống khổ hạnh của thánh Phanxicô Assisi

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 347

Bạn tân mến,

Dạo gần đây ở Việt Nam đã nổi lên một nhân vật, được mọi người biết đến, dưới cái tên Thích Minh Tuệ (tên thật là Lê Anh Tú - sinh năm 1981).

Cá nhân mình, với lòng quý trọng, mình xin được phép xưng vị này là thầy.

Và đã có nhiều người Công Giáo cũng bị thu hút bởi lối sống "từ bỏ" của vị thầy này, đến nỗi một số người còn đặt ra câu hỏi:

"Liệu bên Công Giáo mình, có cần một người giống như thầy thích Minh Tuệ chăng?"

Thưa, chúng ta không chỉ có một, mà đã còn có nhiều hơn thế nữa, điển hính một nhân vật lịch sử xuất hiện cách đây hơn 800 năm trước.

Ông vĩ đại đến mức, mà ngày nay người ta coi ông chính là cầu nối giữa Công Giáo và Tin Lành, giữa Công Giáo và Hồi Giáo, giữa Công Giáo và Phật Giáo ... đó là thánh Phanxicô thành Assisi.

*****

Phanxicô xuất thân trong một gia đình giàu có, và trải qua nhiều biến cố, ngài đã từ bỏ cha mẹ và quyền kế thừa một gia sản “kết xù”, để sống như một kẻ ăn mày, ăn xin.

Ngài mặc chiếc áo dài len thô, loại trang phục của một người nông dân nghèo nhất thời đó.

Ngài đi khất thực, cùng với những người anh em thiện chí, tự nguyện sống đời nghèo khó như Ngài. Họ cùng nhau giúp đỡ những người cùi hủi, đậu mùa,… và những nạn nhân bị xã hội thời đó ruồng bỏ.

Quan điểm sống khổ hạnh, không phải hiếm thấy trong Kitô Giáo chúng ta, mà nó còn rất phổ biến, có thề nói là mạnh mẽ, ở thời kỳ đầu của Kitô Giáo.

Nổi bật nhất là những vị thánh bảo vệ sự khổ hạnh của tu sĩ như thánh Ambrose, Giêrônimô ...

Nhưng rồi, kể từ khi Kitô Giáo phát triển mạnh, dần dần trở thành quốc giáo, lan tỏa khắp các nước Châu Âu, thì nó lại bắt đầu dần bị biến tướng, khi Thần Quyền kiểm soát, đứng lên trên cả Thế Quyền.

Lúc bấy giờ, những giám mục, linh mục, tu sĩ… đôi khi được hưởng những đặc quyền, đặc lợi, có quyền lực hơn cả các quý tộc và các lãnh chúa ... Hệ quả, dần dần đã dẫn đến việc biến những kẻ đi tìm ơn gọi, muốn đi tu, trở thành công cụ cho những tham vọng quyền lực, tiền bạc, giàu sang, hơn là vì đức tin và vì phục vụ loan báo tin mừng.

Đây chính là lúc mà một vị như Phanxicô đã xuất hiện, một nhân vật bị mọi người cho là “kẻ điên khùng” (vì đi ngược dòng với trào lưu hưởng thụ của xã hội lúc bấy giờ). Nhất là bị những người giàu, kể cả tầng lớp giáo sĩ thượng lưu ghét bỏ, ngờ vực, bị coi là một thứ dị giáo ... nhưng kẻ điên này lại rất được đông đảo người dân mến mộ, đi theo.

Dẫu vậy chúng ta vẫn tin tưởng: Dù Hội Thánh có bị len lỏi bởi những thành phần xấu, nhưng Hội Thánh vẫn được dẫn dắt bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Bằng cách sống nghèo khó của mình, Phanxicô đã cảm hóa được Clare Assisi, một cô gái trẻ, quý tộc, giàu có, và một số chị em bạn gái trang tuổi, cũng tự nguyện từ bỏ cuộc sống nhung lụa như Phanxicô, lập thành nhóm, chuyên sống khó nghèo, tận tình, hết mình giúp đỡ những người khổ, bệnh hoạn...

Sau này, bà cũng lập nên “Dòng các chị em nghèo khó", theo lối sống của Phanxicô.

*****

Sau vài năm, cùng với những người anh em cùng chí hướng đi khất thực và thuyết giảng, Phanxicô đã cùng với mọi người đến Roma, xin gặp Giáo Hoàng Innocent III, để xin ngài phê chuẩn cho việc thành lập một dòng tu mới của ngài.

Khi đến Roma, Phanxicô vô tình gặp được vị Giám Mục, là cha giải tội của ĐGH Innocent III.

Ngay lập tức, vị giám mục này rất có thiện cảm với Phanxicô và đồng ý đưa Phanxicô cùng với nhóm anh em đến diện kiến Đức Giáo Hoàng.

Sau cuộc tiếp kiến với Giáo Hoàng, một số cố vấn bên cạnh Đức Giáo Hoàng đã không có cảm tình với cách sống khó nghèo của Phanxicô. Họ cho là nguy hiểm và không thực tế.

Nhưng sau một giấc mơ kỳ lạ đêm trước, thì chính Đức giáo hoàng đã đồng ý phê chuẩn cho thành lập dòng của Phanxicô, bấp chấp những lời can ngăn của những người cố vấn. Và dòng Phanxicô này vẫn tiếp tục phát triển mạnh trên khắp thế giới, cho đến ngày hôm nay,

*****

Một điều thú vị, là chỉ khoảng 10 năm sau, nhiều nhân vật nổi tiếng lại trở thành bạn của thánh Phanxicô, đó là Đức Giáo Hoàng Gregory IX, thánh Đa Minh, thánh Clare Assisi ...

*****

* Về chuyến đi đến Đất Thánh và sự kiện kết nối với Hồi Giáo.

Trong hành trình đi khắp nơi để thuyết giảng của Phanxicô, có lẽ đây là một sự kiện đặc biệt nhất trong lịch sử, đó là vào 9 năm sau khi dòng tu được thành lập.

Thời điểm ấy, phe Kitô Giáo và Hồi Giáo vẫn đang chiến tranh ác liệt, giành vùng Đất Thánh (Israel & Palestine ngày nay), được biết đến với cái tên Thập Tự Chinh.

Với lối giảng thuyết mang hòa bình đến trong mọi người và mọi nơi, chắc hẳn sẽ không ít người nói Phanxicô có giỏi thì hãy đến những nơi chiến tranh như Đất Thánh Giêrusalem mà thuyết giảng.

Và Phanxicô thực sự Phanxicô đã đặt chân đến Đất Thánh.

Không những thế, Ngài còn dám đích thân đến gặp Sultan, là Al-Kamil, điều mà ngay cả một lãnh đạo quân sự phe Kitô Giáo khi đó, cũng phải rất e dè.

Al-Kamil là thủ lĩnh Hồi Giáo của Ai Cập, là cháu trai của chiến thần Hồi Giáo Saladin.

Vị quốc vương này đã đón tiếp Phanxicô một cách niềm nở, ân cần và Phanxicô đã ở lại thuyết giảng cho người Hồi giáo trong vài ngày, sau đó ngài được trở về bình an vô sự.

Ngày nay, sự kiện ý nghĩa này vẫn luôn là cầu nối cho những cuộc gặp gỡ giữa Công Giáo và Hồi Giáo.

*****

* Phanxicô – vị thánh kết nối Công giáo và Phật Giáo

Vào cuối năm 2017, trong dịp Đức Thánh Cha tông du Miến Điện, ngài đã gặp Kumarabhivasma là chủ tịch hội đồng tối cao của các tu sĩ Phật giáo.

Và vị Giáo Hoàng đã có buổi chia sẻ khi nói về thánh Phanxicô và Đức Phật tại một quốc gia có 90% người dân là Phật Giáo này.

Một tu sĩ Phật giáo nổi tiếng là Yokoi, hiệu trưởng Học viện Thiền Phật giáo của Đại học Komazawa ở Tokyo, đã phát biểu cảm tưởng của mình là Thánh Phanxicô Assisi chính là điển hình cho ba lý tưởng cơ bản của Đạo Phật. Ông cảm thấy Thánh Phanxicô là một người không tham lam, không giận dữ và không ảo tưởng.

Hay như " - Lời Cầu Nguyện của Thánh Phanxicô" một lời kinh đẹp đến mức nó lan tỏa ra ngói phạm vi Công Giáo.

Thật ra, lời cầu nguyện này không phải là của Thánh Phanxicô, nhưng vì lời của nó vẻ mộc mạc tựa như thánh nhân, nên qua nhiều biến cố, lời kinh này đã được gán cho Ngài.

Trong quá trình nhầm lẫn thú vị này, cũng có sự góp công của một số người Tin Lành. Bởi họ nghĩ chỉ có thánh Phanxicô mới là tác giả của lời kinh đơn sơ đó.

Và lời kinh Kinh Hòa Bình cũng được nhiều người Phật Giáo biết đến nhất.

Nguồn:
#SắcMàuThiênChúaGiáo;  #LịchSửSMTCG; #SaintSMTCG


---------------------------------

 

Bài 2: Chuyện cái kén và lòng tốt con người

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 348

Bạn thân mến,

Một cậu bé nhìn thấy cái kén của con bướm trên cành cây.

Một hôm, bé thấy cái kén mở ra một khe nhỏ. Cậu bé tò mò, rình chờ ngồi quan sát con bướm bên trong kén, có đến hàng giờ, cho đến khi thấy con bướm gắng sức để chui qua cái khe nhỏ ấy, mà không đạt được gì cả, cậu bé mới quyết định giúp con bướm. Cậu lấy cái kéo mở rộng khe nhỏ của cái kén cho to hẳn ra.

Con bướm chui ra được ngay. Nhưng cơ thể nó bị phồng lên, có vẻ rất yếu, cánh của nó bị co cụm lại.

Cậu bé tiếp tục quan sát con bướm, hi vọng với thời gian, cái cánh nó sẽ đủ lớn, để có thề đỡ lấy được cơ thể của nó mà bay được. Nhưng chuyện đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra, và con bướm đó sẽ không bao giờ bay được.

Lời Bàn:
Cậu bé, dù tốt bụng nhưng vội vàng. Bởi bé đã không hiểu được rằng: Chính cái khe nhỏ của cái kén, bắt buộc con bướm phải nỗ lực, phải gắng sức để thoát ra. Đây chính là điều kiện tự nhiên, để nó thăng thêm sức lực, để có thể bay được, khi nó thoát ra ngoài kén.

*****

Chính quy luật trong tự nhiên này sẽ chúng ta hiểu được một quy luật chung của xã hội:

1. Con người phải biết nỗ lực, phấn đấu, để vượt qua những thử thách trong cuộc sống, để con người có thể trưởng thành, và là tiền đề để dẫn đến thành công.

2. Câu chuyện còn nhắc nhở mỗi người chúng ta: Lòng tốt là rất đáng quí, rất đáng trân trọng, nhưng nếu đặt lòng tốt không đúng lúc, đúng chỗ, đúng việc, đúng người, thì có khi sẽ rất phản tác dụng, có khi sẽ rất tai hại.

--------------------------------

 

Bài 3: Tâm sự giữa ông và cháu

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 349 W

Bạn thân mến,

Một cô cháu gái hỏi ông nội:

Ông ơi, ngày xưa ông sống thế nào mà không có công nghệ...:

không có máy tính
không có máy bay không người lái
không có bitcoin
không có kết nối Internet
không có TV
không có điều hòa
không có ô tô
không có điện thoại di động?”…..

Ông nội trả lời:

Giống như thế hệ của cháu đang sống ngày hôm nay...:

không có lời cầu nguyện
không có lòng thương xót
không có sự tôn trọng
không có giáo dục thực sự
nhân cách kém
không có lòng tốt của con người
không biết gì là xấu hổ cả
không có sự khiêm tốn
không có sự trung thực…..

*****

Thế hệ các ông, những người sinh ra trong những năm 1930-1980, là những người có phúc. Cuộc sống của các ông là bằng chứng sống động:

• Khi chơi và đi xe đạp, các ông chưa bao giờ đội mũ bảo hiểm.

• Sau giờ học, các ông tự làm bài tập về nhà và chúng tôi luôn chơi trên đồng cỏ, cho đến khi mặt trời lặn.

• Các ông chơi với những người bạn thực sự, chứ không phải những người bạn ảo trên Fb, Zalo hay Instagram, Pinterest, TikTok…

• Nếu khát, các ông sẽ uống nước từ đài phun nước, từ thác nước, nước máy, chứ không phải nước lọc từ ao hồ, giếng bẩn… pha hóa chất, rồi gọi là nước khoáng, nước ngọt….

• Các ông không bao giờ lo lắng và ốm đau, ngay cả khi các ông dùng chung cốc, chungly, chung đĩa với bạn bè.

• Các ông chưa bao giờ tăng cân, do ăn thức ăn nhanh mỗi ngày hiện nay.

• Không có gì xảy ra với đôi chân và cái đầu của các ông, mặc dù đi đâu cũng đầu trần, chân đất.

• Các ông chưa bao giờ sử dụng thực phẩm bổ sung, để bồi bổ….

• Các ông thường tự làm đồ chơi và chơi với chúng, chẳng ngồi chơi game suốt ngày trên điện thoại hay computer, nên mắt các ông chẳng bao giờ mang kính cận.

• Cha mẹ các ông không giàu có. Họ đã cho chúng tôi tình yêu, chứ không phải những món quà vật chất.

• Các ông chưa bao giờ có điện thoại di động, DVD, PSP, máy chơi game, Xbox, trò chơi điện tử, PC, máy tính xách tay, trò chuyện qua internet. . . nhưng các ông có những người bạn thực sự ngoài đời.

• Các ông đến thăm bạn bè, mà không cần được mời và cùng nhau chia sẻ, thưởng thức đồ ăn cùng gia đình họ.

• Cha mẹ con cái sống gần nhau, để tận hưởng thời gian thân hương, ấm cúng của gia đình.

• Các ông có thể, chỉ có những bức ảnh đen trắng, nhưng cháu có thể tìm thấy những kỷ niệm đầy màu sắc trong những bức ảnh đó.

• Các ông là thế hệ độc đáo nhất, bởi vì các ông là thế hệ cuối cùng, biết nghe lời cha mẹ và cũng là những người đầu tiên, bị buộc phải nghe lời con cái mình.

Các ông là phiên bản giới hạn của tạo hóa, nhưng là kho báu của thiên nhiên, nên hãy tận dụng, học hỏi từ các ông, trước khi nó sắp biến mất khỏi thế gian này.
 
(Mai Liên Sưu tầm)

---------------------------------

 

Bài 4: Cuộc tranh luận hấp dẫn giữa một cụ bà và ba vị tiến sĩ

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 350

Bạn thân mến,

Sau Thế chiến I, có một nước nọ muốn dùng phương pháp khoa học, để tuyên truyền người dân, không nên tin vào Thần Thánh. Và họ mong muốn cả dân tộc thoát ly khỏi tôn giáo và tín ngưỡng.

Vậy là trong một buổi hội thảo, chính quyền mời ba vị Tiến sĩ lên thuyết giảng…

Vị thứ nhất là Tiến sĩ về Thiên văn, sau khi ông bước lên sân khấu lý giải vô số lý do về thuyết vô thần, cuối cùng ông hô to: “Tôi đã dùng kính viễn vọng quan sát khắp vũ trụ hơn 20 năm qua, nhưng chưa bao giờ trông thấy Thần linh nào cả, vì thế chắc chắn là không có thần thánh”.

Sau câu nói đó, ông đã nhận được tràng pháo tay rôm rả của đông đảo công chúng.

Vị thứ hai là Tiến sĩ Y học, sau khi nói rất nhiều đạo lý cho rằng: Con người tuyệt nhiên không có linh hồn, ông kết luận: “Tôi đã từng giải phẫu hàng trăm thi thể, và quan sát tỉ mỉ các bộ phận, thế nhưng không phát hiện có nơi nào, chỗ nào để linh hồn gửi gắm. Trong tim à? Trong đầu à? Trong máu à? Tôi đều giải phẫu nhiều lần rồi, nhưng không thấy gì, vì thế chắc chắn không có linh hồn”.

Nói xong, ông cũng lại nhận được những tràng pháo tay vang dội.

Vị thứ ba là một nữ Tiến sĩ, một nhà luận lý học. Cô từ từ bước lên sân khấu, rồi phát biểu: “Người chết giống như cái đèn bị tắt. Chết là hết, tuyệt đối không có cái gọi là Thiên đàng hay Địa ngục để phán xét. Tôi đã từng đọc qua các sách cổ kim đông tây, nhưng không thấy ghi chép gì về chuyện này”.

*****

Sau khi ba vị tiến sĩ thuyết giảng xong, người chủ trì hướng về phía công chúng nói:

“Nếu trong tất cả mọi người có ai không thỏa mãn, hoặc muốn tranh luận, đều có quyền lên thảo luận công khai”.

Sau một lúc lâu, không thấy có ai lên tiếng phản bác, buổi tuyên truyền chuẩn bị kết thúc trong sự đắc thắng.

Bỗng, một bà cụ bước lên sân khấu, nói với người chủ trì: “Tôi có thể hỏi vài câu hỏi được không?”

Vị chủ trì nói: “Rất hoan nghênh cụ!”

- Thế rồi bà cụ nhìn vị tiến sĩ đầu tiên, hỏi: “Anh dùng kính viễn vọng nhìn được hơn 20 năm, thế anh có nhìn thấy gió không? Nó có hình dạng thế nào?”.

Vị tiến sĩ trả lời: “Kính viễn vọng sao có thể trông thấy gió được thưa cụ?”

Bà cụ nói: “Trên thế giới có gió không? Anh dùng kính viễn vọng nhìn không thấy gió, lẽ nào anh có thể dùng kính viễn vọng nhìn thấy CHÚA? Anh dùng kính viễn vọng nhìn không thấy CHÚA thì có nghĩa là không có CHÚA sao?” Vị Tiến sĩ chỉ biết im lặng không thể đáp lại được câu nào.

- Thế rồi bà cụ lại nhìn sang vị Tiến sĩ thứ hai, hỏi: “Anh có yêu vợ anh không?”

Vị Tiến sĩ kia thưa: “Dạ, có yêu, thưa cụ”.

Bà cụ tiếp lời: “Vậy anh đưa con dao giải phẫu cho tôi, tôi thử mổ bụng anh xem thử, cái gọi là ‘yêu’ đó nằm ở bộ phận nào? Trong gan? Trong dạ dày? Hay trong ruột?”

(Bên dưới mọi người cười vang dội).

- Tiếp tục, bà cụ lại nhìn sang nữ Tiến sĩ hỏi: “Cô đã đọc quyển sách này chưa? Nó gọi là 'Kinh Thánh'. Chẳng phải rõ ràng quyển sách này có nói mọi người sau khi chết đều chịu phán quyết sao? Cô đừng tưởng chết là hết, phải biết rằng việc sau khi chết còn nhiều và dài hơn lúc còn sống rất nhiều!

Khi cô còn trong bụng mẹ, nếu có người nói với cô rằng ‘không lâu nữa cô sẽ có mặt trên trái đất, có trời trăng sơn thủy, phải ăn cơm, mặc quần áo’, cô có tin không?

Thế nhưng hôm nay, cô không chỉ tin, mà còn thực sự đã đang sống trong thế giới này.

Thế giới vĩnh hằng cũng là như thế!”

…..(khoảng lặng dài)……

Lời bàn:
Những gì chúng ta chưa nhìn thấy, không có nghĩa là nó không tồn tại.
Những gì chúng ta biết được của ngày hôm nay, chưa phải là những gì chúng ta sẽ biết vào ngày mai.

Vậy, hãy luôn mở lòng và đón nhận những điều kỳ diệu quanh ta!

---------------------------------

 

Bài 5: Niềm vui của một bệnh nhân cao tuổi khi hấp hối

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 351

Bạn thân mến,

Sáng nay, tôi trao Mình Thánh cho bệnh nhân.

Sau khi đọc xong các công thức, tôi nâng Mình Thánh Chúa thật cao: Mình Thánh Chúa Ki-tô!

Bà già cau có, cựa quậy rồi ú ớ....

Tôi lại cất giọng nói lớn hơn: Mình Thánh Chúa Ki-tô!

Bà già bất hợp tác, tiếp tục kêu la, cau có, khó chịu, quằn quại... Chắc bà đau trong người, tôi nghĩ thế.

Lúc này tôi hô lần thứ ba, lớn hơn hai lần đầu: Mình Thánh Chúa Ki-tô!

Dường như bà cụ đang thách thức sự kiên nhẫn của tôi. Tôi nói nhỏ nhẹ hơn: Bà ơi, bà há miệng ra, con cho bà rước Mình Thánh Chúa nhé, Chúa sẽ ban cho bà mau khỏe lại...

Bà cụ càng cựa quậy, bất hợp tác, rồi ú ớ...

Thấy vậy, ông trùm đang đứng cạnh bên nói lớn: Bà há miệng rước Chúa, lát con sẽ đưa bà đi chơi nhé...

Bà cụ vẫn vậy, mè nheo, cau có, bất hợp tác.

Cô con gái bên cạnh kê tai nói nhỏ: Cha ơi, bà con khó chịu trong người như vậy cả tuần rồi.

Tôi hít một hơi, đầy vẻ kiên nhẫn với cụ già, rồi lại nói: Bà ơi, bà há miệng ra con cho bà rước Thánh Thể, Chúa sẽ ban cho bà có sức khỏe, cho bà mau lành bệnh... bà há miệng ra...

Cụ già càng cựa quậy và tỏ vẻ khó chịu nhiều hơn. Chúng tôi đang không biết phải làm sao lúc này, thì cô con gái nhỏ đứng bên cạnh nói lớn:

- Bà há miệng ra rước Chúa, lát con cho bà tiền nhé.

Bất chợt, bà già nằm im, rồi ngoan ngoãn há miệng ra. Tôi nhanh chóng, trao Mình Thánh cho bà.

Mọi người nhìn nhau.

Bước ra khỏi phòng trọ ngột ngạt và tối tăm, lòng tôi bất chợt tự hỏi:

Không lẽ, đồng tiền có sức mạnh đến thế !!!

Một con người đã gần đất xa trời rồi, những tưởng có thể buông bỏ tất cả, để được nhẹ nhàng, thanh thản, để đến trình diện trước tôn nhan Chúa, thế nhưng …..

Quả thật, đồng tiền có sức mạnh thật ghê gớm. Nó theo bám con người suốt cả cuộc đời, cho đến hơi thở cuối cùng vẫn không buông tha.

-----------------------

- Tôi không trách bà già ham tiền.

Mà bà ham tiền cũng đâu có gì là tội lỗi. Cứ nhìn cái phòng trọ chật chội, hôi hám, mạng nhện, bồ hóng giăng kín, cái giường gấp tạm bợ, thân phận người cũng tạm bợ... mới thấy: tiền quan trọng như thế nào !!!

- Tôi tự hỏi lòng mình: Tôi đã từng khấn với Chúa lời khấn Khó Nghèo, nhưng liệu rằng tôi có thanh thản ung dung tự tại trước tiền bạc không, hay rồi cũng lại bám víu vào thứ này, thứ kia, bám víu vào những thứ chóng qua ở trần gian này. Có thể chăng vì đồng tiền, mà tôi lại lắc đầu, ngậm miệng, cố tình gạt ra bên ngoài kho báu vô biên, đó là Mình Thánh Chúa Ki-tô ???

Lm. Mar - Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

---------------------------------

 

Bài 6: Mỗi chúng ta, chính là món quà ý nghĩa để cho đi

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 352

Ban thân mến,

 Ralph Waldo Emerson đã nói: “Món quà duy nhất chính là một phần của bạn”.

Và 12 món quà sau đây chính là những món quà từ bạn.

Chúng không tốn kém gì, nhưng đó chính là những món quà quý giá nhất, mà bạn có thể tặng cho gia đình và bạn bè.

Nó có thể mang lại những ảnh hưởng dài lâu.
 
Có lẽ bạn nghĩ rằng mình có rất ít để ban tặng cho người khác và những điều bạn tặng chẳng mang đến điều khác biệt gì nơi cuộc sống của họ, nhưng không phải như thế.

Bảng liệt kê dưới đây chỉ cho bạn biết những món quà bạn có thể ban tặng và sẽ được trân trọng mãi mãi, hãy bắt đầu với...
 
1. Thời gian

Trong thế giới bận rộn của chúng ta, cụm từ: “Tôi không có thời gian để…” đã trở thành một lời than phiền rất quen thuộc. Giống như một cái cây đang lớn lên, bất kỳ một mối quan hệ nào giữa người với người chỉ có thể trở nên khắng khít, nếu nó nhận được sự quan tâm.

Hầu hết tất cả những mối quan hệ của con người, đều được nuôi dưỡng bằng một loại thuốc bổ, có tên gọi là “thời gian”.

Một cú điện thoại gọi đến trò chuyện với một người bạn đang chán nản, hoặc dành ra nửa giờ để thăm người dì đang sống một mình, cũng có thể có ý nghĩa rất nhiều.
 
2. Gương tốt

Hầu hết mọi người học được những thái độ và hành động cơ bản, bằng cách quan sát những người khác. Hãy là một tấm gương tốt, bằng cách giải quyết những tình huống khó khăn, theo cách của một người trưởng thành.
 
3. Chấp nhận

Rất nhiều vấn đề giữa hai vợ chồng hay giữa những người bạn, nảy sinh do một người cố gắng thay đổi người khác, để phù hợp với những quan điểm đã được định kiến trước.

Nhưng bạn có biết rằng: thường thì con người sẽ bắt đầu bỏ đi những thói quen xấu, một khi họ được người khác chấp nhận con người thật của họ?

4. Nhìn ra điều tốt nhất nơi người khác

Khi chúng ta trông chờ một người phản ứng lại theo cách tích cực, họ sẽ thường làm như thế.
 
5. Từ bỏ thói quen xấu

Tất cả chúng ta đều có những thói quen làm phiền lòng những người mình yêu thương.

Quả là một món quà tuyệt vời biết bao, nếu chúng ta từ bỏ những thói quen gây khó chịu và không lành mạnh.
 
6. Chia sẻ

Giúp ai đó mà bạn yêu thương học được điều gì đó mới - đó chính là sự đầu tư quan trọng cho niềm hạnh phúc tương lai của người ấy.

Chia sẻ những tài năng của chúng ta với những người khác, chính là một cách rất tốt để thể hiện tình yêu của chính mình.
 
7. Lắng nghe

Rất ít người trong chúng ta biết được thế nào là lắng nghe một cách hữu hiệu. Chúng ta rất thường chen ngang, hay không quan tâm đến những gì người khác đang nói.
 
8. Đón nhận

Khi chúng ta để cho người khác tặng chúng ta thứ gì đó và khi chúng ta đón nhận món quà của họ với tấm lòng biết ơn, là chúng ta đang tặng cho họ một trong những món quà quan trọng nhất.
 
9. Vui đùa

Hãy hưởng ứng, khi ai đó hướng dẫn mọi người tìm sự vui thích, qua những việc làm bình thường.

10. Tôn trọng cuộc sống riêng tư

Rất nhiều lần chúng ta khiến những người chúng ta yêu thương phải nghẹt thở, vì sự tò mò và làm mất thời gian của họ.

Mỗi người chúng ta đều cần tình bạn và cần sự riêng tư.

Hãy từ bỏ tính hay tò mò của bạn và để cho những người bạn yêu thương quyền có được những suy nghĩ và những cảm xúc riêng tư.
 
11. Tự trọng

Rất khó, để cưỡng lại việc luôn muốn cho những người bạn yêu thương những lời khuyên vô ích hoặc không cần thiết.

Những lời khuyên như thế có thể vô tình làm xúc phạm đến lòng tự trọng của họ.
 
12. Cởi mở

Những mối quan hệ có thể tiến triển và khăng khít, hoặc cũng có thể trở nên nhạt nhẽo và phai mờ.

Cởi mở - để cho người khác hiểu thêm về bạn - có thể biến mối quan hệ đang bị phai mờ, thành một mối quan hệ ngày càng thân thiết.

Nó cũng có thể giúp duy trì tình bạn hay cuộc hôn nhân vốn đang rất tốt đẹp. Cởi mở, còn làm cho người khác có cơ hội để hiểu rõ hơn về bạn.
St

---------------------------------

 

Bài 7: Những phương thế chống lại ma quỷ

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 353

Bạn thân mến,

1. Trừ quỷ trọng thể

Định nghĩa của việc trừ quỷ trọng thể theo GLHTCG, số 1673, là:

“Khi Hội Thánh, một cách công khai và có thẩm quyền, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, cầu xin để một người hay một đồ vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó, thì gọi là Trừ tà”[24].

Tuy nhiên, ma quỷ biết rằng: Các phép trừ quỷ sẽ làm cho nó đau đơn, nên nó lẩn tránh chừng nào tốt chừng đấy, bằng cách che đậy không cho người ta biết nạn nhân bị quỷ nhập, hoặc làm cho người ta lầm tưởng bệnh nhân bị điên, nhờ vậy mà nó tránh được các phép trừ quỷ và tự do hành động trong các bệnh nhân.

Vào thế kỷ XVII, sách lược này của ma quỷ đã bị tố giác.

Và sách các phép, nơi qui tụ kinh nghiệm ngàn đời của Giáo Hội, cũng đã ghi một cách chính xác như sau:

"Ma quỷ có thói quen trả lời dối trá và chỉ tỏ cho thấy sự hiện diện của chúng một cách bất đắc dĩ, để khiến vị trừ tà ngưng công việc trừ quỷ lại, hay làm cho mọi người tin rằng bệnh nhân không phải bị quỷ nhập"[25].

Ma quỷ rất sợ các phép trừ quỷ, đứng trước sự trốn tránh của ma quỷ ấy, chúng ta dựa vào dấu hiệu nào, để nhận biết rằng ma quỷ đang nhập vào một người nào đó.

2. Dấu hiệu nhận biết

Khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu khác thường, chúng ta cần phải biết nghi ngờ và kiểm soát chặt chẽ hơn, để xem bệnh nhân có dấu hiệu gì gọi là quỷ nhập hay không.

Đức Cha Saudreau khi trích dẫn bác sĩ Hélot, một bác sĩ chuyên môn thời của ngài, đã có đưa ra những dấu hiệu sau đây[26]:

- Bệnh nhân bị co giật, khiến ta có thể nhận ra có một trí tuệ khác với trí tuệ của bệnh nhân, và có lúc bệnh nhân bình thường, có lúc bất thường xen kẽ nhau.

- Bệnh nhân có những cử động dị thường luôn luôn đi kèm với sự tác động kéo dài như: nhảy, múa, mất thăng bằng, bò lê dưới đất, đập phá, đau đớn, té ngã, mà không có nguyên nhân rõ rệt, vặn cổ, vặn gáy....

- Bệnh nhân có những biến chứng, đau đớn không chịu nổi, đột nhiên được chữa lành bằng nước thánh, bằng dấu thánh giá, bằng Mình Thánh Chúa,...

- Bệnh nhân đột nhiên bị mất cảm giác, giác quan và cảm tính, và có thể lấy lại được trong chốc lát nhờ cầu nguyện.

- Bệnh nhân kêu la giống như thú vật, bị buộc phải tru tréo lên một cách vô ý thức, nghĩa là sau đó bệnh nhân không còn nhớ gì nữa.

- Khi nhìn một người bình thường, bệnh nhân lại thấy người đó dị thường, hay thấy người đó là quỷ.

- Bệnh nhân tự nhiên nổi giận, khi thấy những vật dụng đã được làm phép, hay khi thấy một linh mục, hay khi thấy người đi ngang qua một nhà thờ, lại muốn vào.

- Bệnh nhân không thể ăn uống hay gìn giữ được những đồ ăn thức uống đã được làm phép….

Trên đây là những dấu hiệu để nhận biết người bị quỷ nhập,  mà Đức Cha Saudreau đã trích dẫn.

Bây giờ, chúng ta nói đến những dấu hiệu, mà sách Các Phép đã đưa ra, như những dấu hiệu chắc chắn của chứng quỷ nhập.

Nói chung, những dấu hiệu này là những dấu hiệu chứng tỏ có một trí tuệ nào đó, chắc chắn khác với trí tuệ của nạn nhân, đang hiện diện trong họ.

Trong Sách Các Phép những dấu hiệu đó là [27]:

- Bệnh nhân nói tiếng lạ, hay hiểu được người nói tiếng đó.

- Bệnh nhân nói cho biết những chuyện ở xa hay còn trong vòng bí mật.

- Bệnh nhân biểu lộ những khả năng vượt quá tuổi tác hay vượt quá điều kiện của mình, như lơ lửng trên không, mà không bám hay dựa vào đâu cả, đi lộn ngược đầu trên vòm nhà hay trần nhà, vẫn khư khư bất động, bất chấp những nỗ lực đẩy hay kéo của những người mạnh hơn hợp lại...

Bên cạnh việc đưa ra những dấu hiệu xác nhận bệnh nhân bị quỷ nhập, Sách Các Phép còn nói rất rõ:

"Ma quỷ gây trở ngại được chừng nào hay chừng ấy, để cản trở bệnh nhân lãnh nhận phép trừ quỷ".

Cho nên, việc trừ quỷ cho dẫu có gian nan, cam go, thì những vị trừ quỷ vẫn phải kiên trì chiến đấu và không được lùi bước trước những khó khăn trong việc trừ quỷ.

Và việc trừ quỷ này nên diễn ra càng sớm càng tốt, sau khi xác nhận bệnh nhân chắc chắn bị chứng quỷ nhập.

Thế nhưng, ai mới là người có thẩm quyền trừ quỷ?

3. Người có thẩm quyền trừ quỷ

Để chuẩn xác hơn khi nói về người có thẩm quyền trừ quỷ, xin trích dẫn nguyên văn một số điều Giáo Luật, liên quan đến việc trừ quỷ:

Điều 1172[28]:
1. Không ai có thể trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và minh nhiên của Đấng Bản Quyền địa phương.

2. Đấng Bản Quyền địa phương chỉ ban phép trừ tà cho một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan, và có đời sống vẹn toàn.

Điều 1151: Cho dầu có quyền năng trừ quỷ, nếu không nhận được phép đặc biệt và khẩn cấp của Đấng Bản Quyền tức Đức Giám mục của mình, thì không ai có thể trừ quỷ một cách hợp pháp cho những người bị quỷ nhập[29].

Điều 1152: Các thừa tác viên hợp pháp có thể thi hành phép trừ quỷ không chỉ cho các tín hữu hay tân tòng, mà còn cho những người ngoài Công giáo hay đã bị vạ tuyệt thông nữa[30].

Điều 1153: Khi thi hành phép trừ quỷ trong lễ rửa tội, trong lúc truyền phép Thánh Thể, hay khi chầu phép lành, thì vị trừ quỷ phải chính là thừa tác viên hợp pháp làm các nghi lễ đó[31].

Qua những điều luật này, chúng ta thấy được: Giám mục không bao giờ ban quyền trừ quỷ một cách long trọng cho ai, ngoài những linh mục đã được tuyển chọn kỹ lưỡng về khả năng trừ quỷ và tư cách sống của vị đó.

Nếu vị nào không đạt được điều kiện theo các điều luật trên, thì vị đó sẽ không thể là người trừ quỷ một cách hợp pháp.

4. Các phương thế khác

Song song với các phép trừ quỷ trọng thể, mà một vị có năng quyền trừ quỷ hợp pháp có thể cử hành, thì người Công giáo còn có những vũ khí sắc bén và mạnh mẽ khác, để chống lại sự hiện diện của ma quỷ[32]:

a. Bí tích Hòa Giải

Phương thế quan trọng nhất khởi đầu cho các phương thế, là chúng ta cần phải hoán cải, qua bí tích Hòa giải. Qua đó, chúng ta sẽ được Chúa tha thứ mọi tội lỗi, và một khi chúng ta không còn tội lỗi, thì chúng ta cũng không còn nô lệ cho ma quỷ và đang được sống trong tình trạng ân sủng.

b. Tham dự Thánh Lễ

Cùng với bí tích Hòa giải là Thánh lễ. Khi tham dự thánh lễ, chúng ta tham dự vào phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể.

Ở phần phụng vụ Lời Chúa, chúng ta được lắng nghe Lời Chúa, là Lời có sức mạnh xua đuổi ma quỷ.

Ở phần phụng vụ Thánh Thể, chúng ta rước chính Chúa Giêsu vào lòng, là Đấng, mà ma quỷ phải run sợ, khi nghe đến Danh Thánh của Ngài.

c. Thánh Giá

Ma quỷ chạy trốn khỏi mặt Chúa Giêsu trên thánh giá. Vì thế chúng ta cần có một cây thánh giá được linh mục làm phép và đặt ở một nơi cao trọng nhất trong nhà.

Hoặc đeo thánh giá ở cổ với niềm tin rằng: Chúa sẽ giữ gìn chúng ta khỏi tà thần.

d. Lời cầu nguyện với Đức Mẹ Maria, các thiên thần và các thánh

Bằng quyền năng và thánh ý Chúa, Đức Mẹ Maria, các thiên thần và các thánh, luôn giúp đỡ chúng ta trong chiến trận với ma quỷ.

Chúng ta nên cầu nguyện với Đức Mẹ bằng Kinh Mân Côi, vì chuỗi Mân Côi là xiềng xích trói buộc ma quỷ.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể cầu xin với các thiên thần và các thánh, để các ngài giúp chúng ta chống lại ma quỷ tấn công.

e. Mang trong mình những vật thánh

Các vật thánh như nước phép và muối làm phép, cần được rẩy thường xuyên ở trong nhà. Nước phép và muối phép, có thể được rẩy trong các món ăn, thức uống để xin Chúa bảo vệ chúng ta.

Xương các thánh, cũng có quyền năng mạnh mẽ chống lại ma quỷ, chúng ta nên đeo các xương thánh, hay các ảnh vẩy, mề đay, hình ảnh các thánh, để xin các ngài bảo vệ.

f. Ăn chay và cầu nguyện

Đây là điều, mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Ngài dạy chúng ta phải ăn chay và cầu nguyện, vì “loại quỷ đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay” (Mc 9,29).

Ăn chay là để nâng con người lên khỏi sức mạnh của thân xác và của cám dỗ vật chất.

Cầu nguyện là để đón nhận sức mạnh chiến thắng của Đức Kitô – Đấng đã đánh bại quyền lực của Satan.

g. Tuân theo Giáo huấn của Giáo hội

Với những vỏ bọc tốt đẹp, ma quỷ dễ dàng dụ dỗ những người thánh thiện nhất xa rời Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói trước:

“Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: “Này, Đấng Kitô ‘ở đây’ hoặc ‘ở đó, thì anh em đừng tin”.

Thật vậy, sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn. Thầy báo trước cho anh em đấy” (Mt 24,23-25).

Vì thế, chúng ta cần phải cẩn thận với những giáo phái đi ngược lại với Giáo hội, đồng thời vững tin vào những gì Giáo hội dạy. Vì Giáo hội là do Chúa Giêsu thiết lập, nên Chúa Giêsu sẽ không bao giờ phản bội Giáo hội, và nơi Giáo hội luôn có Chúa Thánh Thần hoạt động.

*****

Trên đây là những phương thế chống lại ma quỷ.

Nếu phép trừ quỷ trọng thể cần phải điều tra kỹ lưỡng, nghiêm ngặt về những dấu hiệu của nạn nhân mới có thể thực hiện, thì các phương thế này lại rất dễ thực hiện trong đời sống mỗi người chúng ta. Cho nên, chúng ta hãy tận dụng các phương thế này với đức tin, đức cậy và đức mến, để được thoát khỏi sự chi phối của ma quỷ nhất có thể.

Đồng thời, chúng ta cũng cần tránh những việc huyền bí như thờ lạy Satan, gọi người chết về, cầu cơ, phù thuỷ, ma thuật, bùa chú, bói toán… để không làm cớ cho ma quỷ ám hại.

Kết luận

Theo quan điểm của Giáo hội đã trình bày ở trên, thì ma quỷ là có thật, chúng có nhiều khả năng phi thường và có thể gây ảnh hưởng trên con người, kể cả thân xác chúng ta như: quấy phá, áp chế, ám và nhập.

Thế nhưng, “các cuộc tấn công của ma quỷ chỉ có thể xảy ra, chừng nào Thiên Chúa cho phép, vì lợi ích của chúng ta – để thanh luyện, thử thách đức tin và tăng trưởng trong sự thánh khiết.

Sự quan phòng cho phép những gì cần thiết cho sự cứu rỗi của một linh hồn và luôn ban cho chúng ta những ơn cần thiết, trong những thử thách của chúng ta”[33].

Chúng ta cần phải xác tín rằng: Thiên Chúa luôn luôn mạnh hơn ma quỷ, ma quỷ luôn ghét Thiên Chúa và sợ hãi Ngài, cũng như bất cứ điều gì mang hương thơm của sự thánh thiện.

Vì thế, nếu chúng ta làm cho đời sống của mình trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) thì chắc chắn ma quỷ sẽ lui bước.

Hơn nữa, để ngăn chặn sự tấn công của ma quỷ, chúng ta cần giữ mình sạch tội trọng và năng lãnh nhận các bí tích, tuyệt đối tránh mọi tiếp xúc với ma quỷ - là nguyên cớ cho ma quỷ hành động.

danvienphuocly

---------------------------------

 

Bài 8: Con mèo lần chuỗi hạt bồ đề

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 354

Bạn thân mến,

Một bà già sáng sớm nào tụng kinh. Bà vừa tụng kinh vừa lần chuỗi hạt bồ đề.

Một hôm, cháu gái của bà lấy chuỗi hạt của bà, để bắt chước bà tụng kinh. Nhưng vì không cẩn thận, nên đã làm cho tràng hạt rơi vào bể cá.

Con mèo con trong nhà bà ngửi thấy mùi thơm thơm trong bể cá liền chạy đến. Mèo thò tay (chân trước) vào bể cá mò, mò mãi không bắt được con cá nào, mà lại mò trúng cổ tràng hạt và lôi lên.

Mèo thấy tràng hạt cũng hay hay, nên nó cứ mân mê, lật đi, lật lại mãi không thôi.

Lúc đó, có một con chuột nhìn thấy mèo con đang nắm tràng hạt, nó liền chạy vào tổ chuột, phấn khởi nói với lũ chuột: “Tôi xin báo cho cả nhà mình biết một tin mừng: mèo con đã bắt đầu tin vào Phật rồi, có lẽ nó đã bắt đầu ăn chay, niệm phật rồi. Nó sẽ không còn bắt chúng ta nữa đâu!”

Lũ chuột nghe nói thế nên con nào con nấy yên tâm, mạnh dạn chạy ra khỏi hang.

Mèo con nhìn thấy lũ chuột chạy ra chạy vào nghĩ bụng: “Bọn quỷ này không còn coi ta ra gì nữa à, mà lại dám thậm thà thậm thụt, chạy ra chạy vào. Được, chúng mày hãy mở to đôi mắt mà xem tao xử lý đẹp bọn chúng mày nhé !”.

Kết quả, lũ chuột hồ đồ kia đều trở thành món khoái khẩu của mèo con.

Lời bàn:
Trong chuyện này, chuột bị mê muội bởi những ảo tưởng, ào giác, nên đã có những phán đoán sai lầm tai hại.

Vì thế, chúng ta khi xem xét bất cứ việc gì, thì cũng không nên để bị mờ mắt, vì những biểu hiện ở bề ngoài. Cần phải xem xét kỹ hơn, suy nghĩ kỹ hơn, để nắm vững bản chất đích thực của nó, để tránh những tai họa có thể.

---------------------------------

 

Bài 9: Lý do người công giáo khôn ngoan luôn khao khát đi lễ hàng ngày ???

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 355

Bạnthân mến,

​Một bà cụ kia rất thánh thiện, đạo đức nhưng lại bị đau chân, không tự đi Lễ được. Bà nhờ con dâu chở đi Lễ hàng ngày và thường nói với con dâu:

"Con à, cuộc đời mà không có Chúa thì là vất đi hết. Đẹp rồi cũng ra đất. Xinh rồi cũng thành bùn. Giàu rồi khi chết cũng không đem theo được nổi 1 xu. Sang rồi cũng chẳng có ích lợi, chẳng có nghĩa lý gì.

Có làm vương làm tướng, thì rồi cũng sẽ về với cát bụi.

Có đẳng cấp và hoành tráng mấy, đi nữa, thì rồi cũng phải trở về với cõi hư vô.

 Có sở hữu cả thế giới thì cũng phải tay trắng ra đi.

Chết là hết con ạ.

Không có việc gì phải bận tâm bằng việc Chúa.

Cho nên, dù có bận mấy đi nữa thì cũng cố gắng sắp xếp mà đi Lễ nhé. Đặc biệt là không bao giờ được bỏ Lễ Chúa Nhật, vì bất cứ lý do gì.

“Vì nếu người ta sở hữu cả thế gian, mà phải thiệt mất Linh hồn của mình, thì nà có ích lợi gì?”

“Người ta sẽ lấy gì mà đổi lấy Linh hồn mình?” (x Mt 16,26).

Vì sẽ có lúc, con muốn đi lẽ mà cũng không đi được đâu. Như Mẹ đây này, giờ muốn tự đi cũng không đi được. Nhờ có con chở đi, nên mẹ vẫn còn rất may mắn. Nhiều người bị liệt gường, khao khát đi Lễ, mà không bao giờ đi được nữa. Vì quá muộn rồi.

Rồi con cứ nhìn các ngôi mộ mà xem : Những người nằm trong đó, có muốn đi lễ thì cũng không bao giờ đi được nữa. Vì quá muộn rồi.

Hơn nữa, ta không biết ngày nào, giờ nào Chúa gọi ta về, biết đâu ngày mai thì sao?

Giám mục cũng chết, Linh mục cũng chết, Tổng thống cũng chết, ông thầy cũng chết, bà sơ cũng chết... ai rồi cũng phải chết.

Thời bây giờ chết trẻ, chết đột ngột, chết bất ngờ, chết ngỡ ngàng, nhiều quá, nhiều vô kể.

Thậm chí 18 đôi mươi cũng đã chết, khỏe cũng lăn đùng ra chết, sáng đang khỏe, chiều đã chết, đêm ngủ sáng dậy đã chết, nên ta cần nhanh chóng đi Lễ hàng ngày để Chúa ban ơn và để đền tội.

Nhưng hãy luôn đi Lễ cách thành tâm, cung kính, khiêm nhường và sốt sắng thì mới có hiệu quả.

Con cứ lo các việc của Chúa đi, thì Chúa sẽ lo lại các việc của con.

Mẹ rất cám ơn con, vì nhờ có con mà Mẹ mới được đi Lễ hàng ngày.

Mai sau mẹ có được vào Thiên đàng, thì một phần cũng nhờ ở con. Rồi mẹ sẽ phù hộ cho con".

Con còn nhớ lời Chúa Giê-su phán chứ?

“Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ của mình”. (Mt 5, 23-24).

Nếu không, thì việc dâng Lễ của con sẽ trở nên hết sức vô nghĩa, và sẽ không thể đẹp lòng Chúa được.

****

Bạn thân mến,

​Chính những câu nói tuy đơn giản, nhưng thực tế và sâu sắc đó đã khắc sâu vào tâm trí cô con dâu thảo hiền của bà cụ và cô ấy đã say mến Thánh Lễ từ đó.

Thánh Lễ là trung tâm điểm và cao điểm nhất của đời sống Đạo.

Đi Lễ là để gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau.
Đi Lễ là để nghỉ ngơi phần xác và nuôi dưỡng phần hồn.
Đi Lễ là để lắng nghe lời Chúa dạy cho cuộc sống ta bớt nhàm chán và sai lầm, thêm lạc quan và có ý nghĩa.
Đi Lễ là để được rước Mình Máu Thánh Chúa để Chúa làm chủ tâm hồn và cuộc đời.
Đi Lễ là để được Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn ơn phúc.
Đi Lễ là để được Chúa ban cho sức mạnh để vượt qua cám dỗ, thử thách và đau khổ.
Đi Lễ là để được Chúa ban cho niềm vui, bình an và hi vọng.
Đi Lễ là để cầu cho ông bà tổ tiên, người thân bạn hữu được rỗi Linh hồn.
Vân vân và vân vân...

Chính Thánh Bênađô đã nói: Người ta được nhiều công phúc khi dự Lễ sốt sắng, hơn khi người ta bố thí tất cả của cải mình có cho người nghèo, và hơn đi hành hương trên khắp thế giới.

Rồi Thánh Anselmo cũng nói: Dâng 1 Thánh Lễ sốt sắng khi còn sống, thì ơn ích hơn cả ngàn Thánh Lễ khi đã qua đời.

- NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔN NGOAN LÀ NGƯỜI BIẾT SAY MÊ THÁNH LỄ.

- NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔN NGOAN LÀ NGƯỜI KHÔNG BỎ LỄ CHÚA NHẬT.

- NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔN NGOAN LÀ NGƯỜI LUÔN DỰ LỄ SỐT SẮNG.

- ĐI LỄ LÀ ĐI CHO MÌNH. AI ĐI LỄ NGƯỜI ẤY ĐƯỢC ƠN.

Chính Thánh Augustino cũng đã khuyên:

Hãy chăm sóc tốt thể xác, nếu bạn muốn sống lâu. Nhưng hãy chăm sóc tốt linh hồn, vì có thể bạn sẽ chết vào ngày mai.

Hãy chăm sóc Linh hồn tốt hơn thể xác, vì thể xác thì sẽ hư nát, còn linh hồn thì mãi bất tử.

Hãy đi Lễ ngay, vì rất có thể ngày mai bạn không còn cơ hội đi Lễ đâu. Cuộc đời có ai biết đâu ngày mai?

Nhưng hãy luôn đi Lễ cách khiêm nhường, khao khát, thành tâm và sốt sắng thì mới có hiệu quả.

---------------------------------

 

Bài 10: Niềm tin của một em bé

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 356

Bạn thân mến,

Ở một làng quê nọ, trời hạn hán trong một thời gian dài khiến cuộc sống của dân làng trở nên khó khăn. Nhiều tháng trôi qua, mọi người đều mong mưa để có thể tiếp tục sinh sống, nhưng dường như họ đã mất hết kiên nhẫn. Nhiều gia đình đã rời khỏi làng để tìm đường sống, những người khác ở lại chỉ còn biết chờ đợi trong tuyệt vọng. Cuối cùng, vị cao niên trưởng làng đã quyết định tổ chức một buổi cầu nguyện tập thể trên một ngọn đồi cao. Ông thuyết phục mọi người đến dự và mỗi người phải mang theo một vật để thể hiện lòng tin của mình.

Đến hẹn, mọi người tập trung trên ngọn đồi và không quên mang theo những đồ vật thể hiện lòng tin. Có người mang theo một cái móng ngựa may mắn, nhiều người còn mang theo cả bảo vật của gia đình… Dù nghĩ rằng chúng chẳng thay đổi được điều gì nhưng họ cũng đã mang theo rất nhiều thứ quý giá tượng trưng cho lòng tin của họ. Họ bắt đầu cầu nguyện và giơ cao những đồ vật thể hiện niềm tin của mình một cách thành khẩn.

Như thể có phép màu, mây đen liền kéo đến và trời đã đổ mưa – những giọt mưa quý giá sau bao nhiêu ngày tháng nắng hạn. Mọi người đều hân hoan vui sướng, nhưng ngay lập tức giữa họ lại xảy ra một cuộc tranh cãi xem đồ vật nào đã mang lại may mắn cho ngôi làng. Ai cũng cho rằng đồ vật của mình linh thiêng nhất. Bỗng người ta nghe thấy một bé gái reo lên:

– Con biết thế nào trời cũng mưa mà. Mẹ thấy không, con đã mang theo chiếc ô này, giờ mẹ con mình có thể về nhà mà không bị ướt!

Em bé đã giơ cao chiếc ô và cùng mẹ đi về nhà trong niềm hân hoan. Những người còn lại nhìn theo và hiểu rằng không phải đồ vật của mình linh thiêng, mà chính em bé mới là người có niềm tin lớn nhất. Niềm tin ấy đã mang mưa đến cho cả dân làng…

---------------------------------

 

Bài 11: Một câu nói, nghe mà nhói lòng !!!

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 357

Bạn thân mến,

Tính cờ tôi được nghe nhóm thanh niên choai choai, người Công Giáo nhận xét:

Các Cha, Các Thầy bên Đạo mình, chắc gì đã được bằng Thầy Minh Tuệ???

Thật nhói lòng, nhưng họ cũng có lý, là bởi vì thời gian gần đây, rất nhiều người ca ngợi Thầy Minh Tuệ, rồi các Cha cũng đã đưa Thầy Minh Tuệ vào trong những bài giảng của mình, bởi vì Đó là một câu chuyện có thật, mà không ai dám phủ nhận.

*****

Vậy là chứng tỏ các bạn này chưa được nghe ai kể về một

- Đức Hồng Y FX. Nguyễn Văn  Thuận.

Vì lý do chính trị, Ngài đã bị biệt giam trong một thời gian dài, ở các nhà tù khác nhau từ nam ra bắc.

(13 năm bị giam cầm, từ ngày 15/08/1975, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, cho đến ngày 21/11/1988, nhằm lễ Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thờ, ngài mới được ra khỏi nhà tù, nhưng vẫn tiếp tục bị quản chế tại Hà Nội).

Trong trại biệt giam, Ngài đã phải âm thầm dâng thánh lễ một mình, với vài giọt rượu và một mẩu vụn của bánh lễ.

Trong thời gian bị biệt giam trong tù, Ngài đã âm thầm, lèn lút, viết được cuốn sách “Đường Hy Vọng” rất nổi tiếng, đến nay đã được xuất bản hầu như trên khắp thế giới, bằng nhiều thứ tiếng.

Trong tù, Ngài đã cảm hóa và đưa được nhiều người về với Chúa, bằng tình thương yêu và sự tha thứ của Ngài, trong đó có cả những cán bộ trại giam ( xin đọc trong quyển 5, bài chiếc bánh và 2 con cá ).

Khi Thầy Minh Tuệ dừng bước, thì những đệ tử cũng bỏ cái nồi cơm điện, để trở về với cuộc sống trước đây của họ. Còn những người đã được ĐHY cảm hóa, thì dù Ngài có chết đi, thì họ cũng vẫn tiếp tục theo Chúa đến cùng.

Rồi ở gần đây thôi và thực tế nhất, là có Cha Nguyễn Văn Tịch (Nhiều người biết đến với biệt danh “Cha Tịch Thai Nhi”), thuộc GX Tây Hải, Hố Nai, Giáo Phận Xuân Lộc. Những ai đã từng đến đây, vào các Thánh lễ chiều Chúa Nhật đẩu tháng (nơi chôn cất hàng ngàn thai nhi ), thì sẽ rõ.

Ngài không được phép thong dong, thả bộ như Thầy Minh Tuệ, mà phải chạy thật nhanh, cho xong mọi thứ, mọi công việc trong mục vụ, để có giờ về với những thai nhi  đang chờ Ngài lo chuyện hậu sự cho chúng, ( hàng ngàn thai nhi đã được ngài chôn cất tử tế, để ít ra, các em không được sống như con người, thì cũng được chết như bao con người khác).

Ngài không được phép chê tiền như Thầy Minh Tuệ khi có người giúp đỡ, vì để lo việc hậu sự cho các thai nhi và những người cơ nhỡ, thì phải cần đến tiền. Bởi vì một ca nước sạch hoặc một kw điện…, cũng đều phải mua bằng tiền.

Ngài không dám đi chân đất, vì nếu ốm đau, thì ai lo cho các thai nhi và những người cơ nhỡ ….

Ngài không đi xin lương thực bằng nồi cơm điện, mà là từng bằng bao tải, bởi vì Thầy Minh tuệ chỉ xin đủ, cho một mình ăn, còn Cha Tịch phải xin, để lo cho những thai nhi và bao nhiêu người cơ nhỡ trong nhà tạm lánh trong mái ấm của nhà Ngài.

Cuộc lữ hành của Thầy Minh Tuệ có điểm dừng và danh tiếng của Thầy đang bắt đầu bị sao nhãng, theo kiểu nổi tiếng nhất thời, của các minh tinh màn bạc, thì việc làm và tâm nguyện Của Cha Tịch thì chắc chắn sẽ chỉ dừng lại khi Ngài nhắm mắt xuôi tay. Những người đã được Cha cưu mang, họ sẽ không bao giờ quên ơn, và công Đức của Cha chắc chắn sẽ  được lưu truyền mãi cho hậu thế.

(Bạn cũng nên biết: Trong xã hội, không chỉ ở Việt Nam, mà ở khắp nơi trên thế giới, nhất là ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, có biết bao linh mục, tu sĩ, các dòng tu, và giáo dân Công Giáo…, đã dấn thân phục vụ những người nghèo, nhữngngười có những hòan cảnh cơ nhở…. trong các mái ấm, các trường khuyết tật, các cơ sở từ thiện, những tổ chức tình thương, hay âm thầm phục vụ trong các bệnh viện, các trại cùi… tất cả đếu âm thầm, theo tinh thần mà Chúa Giêsu đã dạy: “Khi bố thí, hay khi làm các việc lành phúc đức… anh em làm, nhưng đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6, 1-6. 16-18).

Viết theo: Thùy Linh Phùng https://www.facebook.com/groups/485684535509550/user/100074581927552/

---------------------------------

 

Bài 12: Có một loại "nhẫn nhịn", lại khiến cho người ta hối hận không kịρ

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 358

Bạn thân mến

Một cô gái lên tàu cao tốc, thấγ ghế ngồi của mình bị một người đàn ông ngồi rồi.

Cô kiểm tra lại vé của mình lần nữa, rồi lịch sự nói với người đàn ông:

“Thưa ông, ông ngồi nhầm ghế rồi chăng?”

Người đàn ông lấγ vé ra xem, rồi lớn tiếng:

“Cô hãγ nhìn kỹ đi, đâγ là chỗ ngồi của tôi, cô có bị mù không đó?”

Cô gáι nhìn kỹ tấm vé của ông ấγ, rồi nói :

" Nhưng thưa ông ...ông đã ...."

" Không,  tôi không muốn nghe cô nói thêm điều gì nữa...."

Rồi cô gái không nói năng gì, chỉ lặng lẽ đứng ở bên chổ ghế người đàn ông ấy đang ngồi….

Một lúc sau tàu chạγ, cô gáι cúi đầu xuống nói khẽ với người đàn ông rằng:

“Thưa ông, ông cho tôi nói nhé !... Ông không ngồi nhầm ghế, nhưng ông đã ngồi nhầm tàu rồi ạ !”.

---------
- Có một loại "nhẫn nhịn" lại khiến  cho người ta hối hận không kịρ.
- Nếu cứ mồm to, là có thể giải quγết được vấn đề, thì loài lừa đã thống trị thế giới nàγ rồi...

---------------------------------

 

Bài 13: Một chuyện thật bất ngờ cho chú xe ôm

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 359

Bạn thân mến,

Chú xe ôm dừng xe trước cổng, cho cô sinh viên xuống.

Bất ngờ, cô đưa chú gói quà và nói:

- Chú về nhà, rồi mở ra xem nhé.

Bắt đầu ngày mai cháu không đi học nữa, hôm nay cháu đã tốt nghiệp rồi. Cám ơn chú nhiều!

Chú xe ôm về nhà, cất xe, vào phòng mở gói quà ra, ngoài bộ quần áo, còn có một số tiền rất lớn, và một bức thư như sau:

''Thưa thầy, em là T- H, đã từng học toán với thầy năm lớp sáu ở trường Nguyễn Trãi.

Lên lớp chín thì em nghe tin thầy bị giảm biên chế, đồng thời, thầy cũng bị đau dây thanh quản, nên khó nói.

Từ đó thầy đi xe ôm kiếm sống, lúc nào cũng đeo khẩu trang kín mít, để đừng có học trò nào nhận ra.

Nhưng em đã nhận ra thầy, khi thầy ngồi đón khách ở ngã tư.

Từ đó, em không tự đạp xe đi học nữa, mà đặt mối nhờ thầy chở em đi học đến hết lớp chín, hết phổ thông, và lên đại học.

Sáng nào đi học em cũng lấy theo 3 phần ăn, một phần cho em đến lớp ngồi ăn, phần thứ hai biếu thầy, và phần thứ ba là biếu bà bán vé số nghèo ở góc đường Nguyễn Du.

Ngày nào em cũng mua cho bà mấy tờ vé số, rất mong trúng số, nhưng chẳng hy vọng lắm.

Bố mẹ em hay thắc mắc về hành vi của em, nhưng vì chiều em nên bố mẹ cũng đồng ý.

Em phát hiện thầy rất yêu nghề dạy học. Dù không đến lớp nữa, nhưng thầy đã lập một trang web dạy kèm cho tất cả ai bị yếu toán.

Thầy đã dạy dỗ tận tình, giúp nhiều bạn lấy lại kiến thức cơ bản toán bị hổng , để các bạn có nền tảng học tiếp. Thầy tập trung hướng dẫn biết bao học sinh trung học cơ sở trở nên vững về toán.

Thì ra, ban ngày thầy chạy xe ôm, ban đêm thầy lên internet để dạy học miễn phí.

Em nhận ra thầy, vì cách nói quen thuộc của thầy vào cuối các buổi học là “các em gắng học để sau này phụng sự cho đời”.

Bây giờ lên mạng, thầy vẫn nói câu đó. Trong cuộc đời thực, thầy là chú xe ôm đen đúa vất vả, nhưng trên mạng thầy vẫn còn uy phong của một thầy giáo tận tụy hiền lành.

Hình như trời không phụ lòng người. Thầy có biết không, là em mua số mãi rồi cũng có lúc trúng số, lúc đó em đang học năm thứ ba. Em lĩnh tiền, rồi đưa hết vào gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Em kiên nhẫn chờ đến hôm nay.

Hôm nay, em đã tốt nghiệp rồi, nên sẽ không còn đi xe ôm nữa, mà sẽ tự lái xe máy đi làm.

Em xin được kính biếu thầy một phần số tiền trúng số của emm như chút lòng tri ân của người học trò ngày xưa, mà sự thành công của em hôm nay đã có không ít công ơn thầy trong đó.''

“Nhất tự vi sư – Bán tự vi sư”

Mai này dù có đi xa, hằng ngày, không còn ngồi trên xe của thầy nữa, nhưng em vẫn luôn nhớ về “chú xe ôm”, thân thể gầy gò, nhưng có trái tim tình người rất quý báu, và dưới mái tóc đã bạc ấy, là một tâm hồn thật cao cả.

#LXT

---------------------------------

 

Bài 14: Tội nhân trở thành thánh nhân

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 360

Bạn thân mến,

Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng 11 năm 354, tại Tagaste, nay là thành phố Souk-Ahras, thuộc nước Algeria, nằm phía Bắc Phi Châu.

Cha ngài là thị trưởng Patricius, thuộc gia tộc quyền quý và mẹ là Monica, một tín hữu công giáo, đạo hạnh, gương mẫu, và giàu nhân đức.

Mẹ Monica đã kiên trì cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và mở lòng người chồng và người con trai yêu quý tìm về nguồn Chân Thiện Mỹ.

Ơn Chúa rất huyền nhiệm và linh động nơi cuộc đời Augustinô.

Khi còn bé, Augustinô là một cậu bé tinh nghịch, thông minh xuất chúng, nên cậu là niềm hãnh diện của ông Patricius.

Sau 16 năm sống với gia đình tại Tagaste, ngài đã được cha mẹ cho đi học về văn khoa hùng biện tại Carthage vào cuối năm 370.

Thành phố Carthage là một thành đô phồn thịnh, những toà nhà nguy nga lộng lẫy, thổ dân ở đây đa số là đa thần, và lối sống cao sa, dễ đưa con người vào con đường sa hoa trụy lạc.

Cuộc sống ở đô thành đã thu hút biết bao bạn trẻ và Augustinô cũng không ngoại lệ.

Tuy con đường học vấn trổi vượt hơn các bạn học, nhưng đời sống tâm linh và luân lý thì bị suy sụp.

Năm 19 tuổi, Augustinô đã trở thành giáo sư triết học. Sự thành công trong học vấn đã tạo cho ngài một chỗ đứng vững vàng trong xã hội. Những kiến thức thâm thúy và sự khôn ngoan của triết gia Cicero đã gợi trong tâm thức Augustinô nỗi khát vọng tìm kiếm sự khôn ngoan chân thật.

Khi nghe giáo chủ của giáo phái Manikê hùng biện về giáo thuyết của họ, ngài bị thu hút và đã gia nhập giáo phái này.

Với tài hùng biện sẵn có, ngài đã thuyết phục được bao nhiêu người gia nhập vào giáo phái đó.

Sau những năm theo học tại Carthage, năm 373 ngài trở về quê Tagaste, nhưng mẹ ngài không thể đón nhận một người thuộc bè phái Manikê, dù đó là con trai của mình. Nhưng tình yêu đã khiến Monica tha thứ và hết lời khuyên con trở về chính lộ. Thời gian ở Tagaste, Augustinô đã mở lớp dạy môn khoa Ngữ Văn để kiếm tiền sinh sống.

Suốt 9 năm làm tín đồ Manikê, đến năm 383, khi tròn 29 tuổi, ngài ao ước sang Ý để lập nghiệp, nhưng ý định này không được mẹ tác thành.

Tuy nhiên, ngài vẫn trốn mẹ mà đi sang thánh đô Rôma, nước Ý. Khi đến nơi, ngài đã lâm trọng bệnh và sau khi hồi phục ngài đã mở lớp dạy chuyên khoa văn hùng biện. Học sinh ở đây không trả lệ phí nên ngài nản lòng và bỏ dạy. Cuối cùng, ngài xin dạy tại đại học ở Milan. Là một giáo sư dạy triết học, ngài say mê tìm kiếm và đào sâu vào triết lý của Plato.

Năm 384-387, là giai đoạn khủng hoảng niềm tin. Giai đoạn khủng hoảng được chấm dứt khi ngài nghe bài giảng thật huyền nhiệm của thánh Giám mục Ambrôsiô.

Phục Sinh năm 387, Augustinô được Rửa tội tại Nhà thờ Milan. Ít lâu sau, đang khi phải chiến đấu dữ dội với những ham muốn của xác thịt, ngài đã nghe như có tiếng thúc bách từ nội tâm là hãy cầm sách Thánh lên để đọc. Ngài mở thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma:

“Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14).

Niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn Augustinô và đã biến đổi cuộc đời của ngài hoàn toàn.

Hè năm 387, Augustinô cùng với mẹ và các bạn đồng hành đến cảng Ostia. Ít lâu sau, mẹ ngài qua đời và được chôn cất tại đây. Năm 388, ngài trở về Tagaste. Cùng với người bạn Alypius, ngài đã thành lập đan viện để sống chiêm niệm. Năm 391, ngài được phong chức linh mục thành Hippo và ở đây cho đến chết.

Khi nhận ra Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ, ngài đã viết rất nhiều sách để phi bác các lạc thuyết thời bấy giờ. Năm 395, ngài được phong làm phụ tá Đức Giám mục thành Hippo. Sau khi Đức Giám mục Valerius thành Hippo băng hà năm 396, thánh Augustinô lên kế vị. Sự khôn ngoan và thánh thiện của ngài đã giúp cho Giáo Hội Phi Châu tiến triển rất nhiều. Ngài còn để lại những bộ sách quý giá về thần học, minh giáo và chú giải thánh kinh. Trong suốt quãng thời gian làm Giám Mục, ngài còn thể hiện một tinh thần khiêm tốn và tình huynh đệ bác ái tuyệt hảo đối với các linh mục dưới quyền ngài.

Sau khi trở lại, thánh Augustinô sống nhưng không còn phải là ngài sống nữa, mà là Đức Kitô sống nơi ngài. Khi mọi sự đã hoàn tất, Chúa đã gọi ngài một lần nữa qua cơn bệnh trầm trọng và đã qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo. Ngài đã được phong thánh và nâng lên hàng Tiến sĩ Hội thánh vào năm 1303.

Thánh Augustinô trở lại vào năm 33 tuổi và 3 năm sau Ngài trở thành linh mục, rồi năm 41 tuổi làm giám mục. Ngài biết Chúa và yêu Chúa tuy muộn màng nhưng thật nồng cháy “Con đã yêu mến Ngài quá muộn, ôi Đấng tốt đẹp rất cổ kính và rất tân kỳ ! Con đã yêu mến Ngài quá muộn !

Này, Ngài vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con và vì thế con tìm Ngài ở bên ngoài; là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những vật xinh đẹp Ngài đã tạo dựng nên. Ngài đã ở với con mà con lại không ở với Ngài. Chính những vật, nếu không hiện hữu trong Ngài thì không bao giờ hiện hữu, đã cầm giữ con xa Ngài. Ngài đã kêu gọi, đã gào thét, đã thắng sự điếc lác của con. Ngài đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù lòa của con. Ngài đã tỏa mùi thơm của Ngài ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Ngài. Con đã được nếm Ngài, và đâm ra đói khát Ngài; Ngài đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Ngài”. (Tự thuật X, 27, 38 ). Ngài đã cầu nguyện, đọc tìm hiểu Kinh Thánh và lắng nghe lời Chúa nên luôn thao thức “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”. (Tự thuật I, 1, 1).

2. Thánh Augustinô, bậc trí thức của mọi thời

Thánh Augustinô để lại cho Giáo hội một kho tàng tư tưởng quý giá trong 252 cuốn sách lớn nhỏ, 509 bài giảng đủ loại, và 207 lá thư xa gần. Những tư tưởng bất hủ của ngài thường được trích từ ba cuốn sách nổi tiếng là: Những thú nhận, Thành trì của Thiên Chúa, về Chúa Ba Ngôi.

Nội dung tư tưởng phần lớn tập trung vào ba lãnh vực: Triết học, thần học, linh đạo.Hình thức ngài dùng để diễn tả nội dung là rất phong phú. Tất cả đều mang dấu ấn của một người học cao về văn chương và hùng biện.

Đọc những tác phẩm của thánh Augustinô, người nghiên cứu thấy: Phần, mà ngài nhận được bởi người khác, là rất đa dạng. Phần, mà ngài tự suy nghĩ ra, là rất sâu sắc.Ngài đã là giáo sư ở Thagaste, ở Carthage, ở Roma, ở Milan.Ngài có quan hệ mật thiết với nhiều bạn bè trí thức, trong đó có thánh Ambrôsiô.

Trí thức của thánh Augustinô được nhận thấy ở điểm chung này là: Say mê đi tìm sự thật, lẽ phải và đức khôn ngoan. Đối tượng là Thiên Chúa và con người.Sau khi đã mải miết đi tìm ở các trường phái, các trường học, các học giả, thánh nhân đã đi tìm nơi Đức Kitô. Ngài thú nhận: Chỉ Đức Kitô mới cho ngài thấy rõ sự thực, lẽ phải và sự khôn ngoan. Chỉ Đức Kitô mới là thầy chỉ cho ngài thấy con đường phần rỗi. Đức Kitô dạy ngài qua gương đạo đức của mẹ ngài là thánh Monica, qua Lời Chúa và trong nội tâm sâu thẳm của ngài.Ngài ghi lại tất cả cuộc đời thăng trầm của ngài một cách rất khiêm nhường.Với những tư tưởng trí thức trộn vào những kinh nghiệm bản thân, thánh Augutinh đã phản bác các bè rối một cách trí thức và đạo đức. Cũng với trí thức và đạo đức, ngài đã lập cộng đoàn tu viện ở Thagaste, đã sống đời mục vụ khi làm giám mục ở Hippone. Tại đây, ngài cũng đã trí thức trong lối sống của ngài.

Một chọn lựa đã được thánh Augustinô hay nhắc tới, đó là đời sống bên trong hơn đời sống bên ngoài. Trong mục vụ, thánh Augustinô lo cho đời sống bên ngoài của con chiên bằng nhiều cách, nhất là bằng cách dạy bảo, cảnh báo, khuyên răn. Nhưng điều quan trọng hơn ngài luôn cố gắng là, lo cho con chiên đi vào nội tâm mình, để gặp gỡ Đức Kitô. Trong cố gắng ấy, ngài thường nhấn mạnh đến đời sống phục vụ trong yêu thương, tình nghĩa theo gương Đức Kitô. Chính Đức Kitô mới là Đấng dạy dỗ nội tâm và đổi mới con người bên trong. Vì thế, mục đích sau cùng, mà ngài nhắm tới trong mọi bài giảng, là dẫn con người đến với Đức Kitô.

Thánh Augustinô là niềm tự hào của giáo phận Hippone, của Hội Thánh Phi châu, của Hội Thánh toàn cầu.

Nếu nhìn Hội Thánh Việt Nam qua gương trí thức của ngài, chúng ta sẽ thấy mình còn nhiều điều phải cố gắng thêm.

Bước đầu của trí thức là biết nhận thấy vấn đề.Trong lãnh vực tư tưởng cũng như trong lãnh vực đời sống, trí thức vẫn là một tiếng gọi. Dù đối thoại, dù đối kháng, chúng ta cần phải trí thức. Nhất là trí thức Phúc Âm. Những chọn lựa đạo đức, nếu thiếu chiều sâu trí thức, sẽ khó có thể làm cho Chúa được vinh quang trên đất nước Việt Nam hôm nay một cách hữu hiệu và lâu bền.

Trên đất nước Việt Nam hôm nay và ngày mai, trí thức đang và sẽ phát triển ở mọi tầng lớp. Trí thức cũng đang được khát khao ngay ở thôn quê bình dân nghèo túng.

Ước mong Công giáo Việt Nam khi hiện diện và đồng hành, sẽ không thiếu một đội ngũ trí thức tầm cỡ đi đầu. Vừa trí thức trong đạo, vừa trí thức ngoài đời. Khối trí thức ấy sẽ sát cánh kề vai với các trí thức xã hội, để cùng với tất cả đồng bào, xây dựng quê hương chung là Việt Nam yêu mến của chúng ta. Chúng ta thành khẩn dâng lên Chúa mong ước trên đây với tâm tình cầu nguyện khiêm cung. (x.Vietcatholic 27-8-2010, nhân lễ kính thánh Augustinô, suy nghĩ về trí thức; ĐGM Bùi Tuần).

3. “Giám mục vì anh chị em, Kitô hữu với anh chị em”

Cho anh chị em, tôi là Giám Mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu. Tước hiệu thứ nhất là trách vụ đã lãnh nhận, tước hiệu thứ hai là của ân sủng. Tước hiệu đầu nói lên mối nguy hiểm, tước hiệu sau nói lên ơn cứu độ.

Thánh Augustinô đã sống một đời sống cầu nguyện liên lỉ, không ngừng đào sâu Kinh thánh. Kinh nguyện trong cộng đoàn giúp ngài thêm mạnh mẽ. Sự ân cần của ngài đối với mọi người luôn là một huyền thoại: những người dự tòng chuẩn bị bí tích rửa tôi, những người bị mất phương hướng luân lý viết thư xin ngài chỉ giáo, những giáo lý viên chán nản, những linh mục mất định hướng thần học…

Đối với Augustinô, người kitô hữu phải kết hợp thành một thân thể duy nhất với Chúa Kitô. Vả lại, cuộc sống kitô hữu là gì, nếu không phải là mặc lấy Chúa Kitô, tái sinh trong Thiên Chúa và trong sự thăng tiến tâm linh cho đến lúc gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt ?

Cầu nguyện

Ôi ! Thánh Augustinô ngàn đời hạnh phúc.
Thiên Chúa đã chọn Ngài để trở thành mục tử của Hội thánh.
Thiên Chúa đã ban cho Ngài đầy Tinh thần Khôn ngoan và thông hiểu.
Suốt đời, Ngài đã tìm kiếm Thiên Chúa với cả con tim thổn thức của mình.
Trong đức tin, với lòng tín thác, tình yêu và sự bền chí, chúng con kêu cầu Ngài vì Ngài là cha chúng con:
Xin giúp chúng con được củng cố trong đức tin, đức cậy và đức mến.
Xin giúp chúng con biết noi gương Ngài luôn khát khao Thiên Chúa là nguồn mạch của sự khôn ngoan đích thực.
Xin cũng giúp chúng con tìm thấy sự nghỉ an trong Thiên Chúa, chủ thể tình yêu vĩnh cửu mà thôi. Amen. (Lời nguyện trong tuần cửu nhật chuẩn bị năm thánh của tiểu chủng viện Thánh Augustinô-Koupélà).

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

---------------------------------

 

Bài 15: Người cao tuổi chưa hẳn là già

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 361

Bạn thân mến,

Làm thế nào mà khi về hưu, ta chỉ trở thành “cao tuổi” thôi, chứ không thành người “già”... Bởi vì: “Cao tuổi”, khác với “Già”.

- Trong khi người cao tuổi còn thích chơi thể thao, thích khám phá, thích đi du lịch, thích làm vườn,… thì người già lại thích nghỉ ngơi.

- Trong khi người cao tuổi có nhiều thứ tình yêu để cho đi,… thì người già lại hay tích lũy lòng ganh tỵ, hận thù, và oán hờn....

- Trong khi người cao tuổi có những dự tính này nọ cho tương lai của mình,… thì người già lại thích nhìn về quá khứ, luyến tiếc quá khứ và thường hay trách móc, luôn cảm thấy như bị bỏ rơi.

- Trong khi quyển nhật ký của người cao tuổi gồm toàn là những “ngày mai”, có nhiều hy vọng cho một tương lai sáng láng và có ích,… thì quyển nhật ký của người già chỉ chứa những “ngày hôm qua” và mỗi ngày không thất có gì thay đổi....

- Trong khi người cao tuổi đón chờ những ngày sẽ tới trong háo hức, thích nhìn ngắm những bông hoa tươi đẹp, quan tâm để ý đến những con vật quanh mình và thích săn sóc thương yêu nó,… thì người già đau khổ, với những ngày ít ỏi còn lại của mình, hay lo lắng buồn rầu, và không quan tâm đoái hoài gì đến những con sâu, con kiến xung quanh mình.

-  Trong khi người cao tuổi thỉnh thoảng có những giấc chiêm bao rất đẹp và êm ái, có những giấc mộng đưa họ vào những cảnh thần tiên mê ly, thích thú… thì người già lại thường gặp những cơn ác mộng, gây nên nỗi kinh hoàng, sợ hãi...

****

Hãy cố gắng cho mình, để đừng có cái chữ “GIÀ” trong cuộc sống... hãy cố gắng sống buông bỏ, quẳng xa nó đi...

Khi đã là những người cao tuổi, chắc chắn là chúng ta không muốn để mình bị hủy hoại vì nghĩ mình già, bởi chúng ta còn có lắm thứ đáng yêu chung quanh ta, chúng có thể làm cho trái tim ta rung động, giúp cuộc sống của chúng ta có thể trẻ trung, bởi chúng ta có nhiều việc để làm, bởi chúng ta có nhiều dự tính để thực hiện, bởi nhiều người đang cần đến chúng ta, bởi có lắm thứ đang chờ chúng ta quan tâm chăm sóc, chỉ sợ ta là làm không hết, không xuể thôi….

Người cao tuổi thích chia sẻ tình cảm nhỏ mọn của mình cho mọi người, cho mọi vật xung quanh... thì sẽ không có giờ để buồn, để chán, để nghĩ đến “già”.

Những người cao tuổi như thế luôn tưởng tượng, luôn nhgĩ rằng mình còn trẻ ... nên họ sẽ được trẻ mãi với thời gian... họ sống nửa mộng và nửa thực.. nhờ những giấc mộng vàng này, sẽ tạo nên cứu cánh cho sắc đẹp và giúp cho sức khỏe của họ sẽ chậm bị huỷ diệt...

Vì thế, người cao tuổi không phải là người già... họ vẫn trẻ đẹp mãi, với sắc đẹp của người cao tuổi...

---------------------------------

 

Bài 16: Con đường tôi đến với Chúa là như thế đó

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 362

Bạn thân mến,

Đây là lời tâm sự thận cảm động của một người mới váo đạo Chúa:

Tôi sinh ra trong một gia đình đông con không Công giáo. 

Hơn 30 năm trước, mỗi buổi chiều, tôi thường vừa nhảy lò cò vừa hát:

“Đức Chúa Cha mua 3 múi mít,
Đức Chúa Mẹ chê ít không ăn…”


Lớn lên chút nữa, tôi tò mò theo đám bạn học Công giáo vào nhà thờ hôn chân Chúa. 

Hôn vào lỗ đinh, tôi sợ rợn cả người, nhưng trong lòng trộm hỏi:

Sao người ta yêu Chúa thế!  Sao Chúa Giêsu tội nghiệp, lại để cho người ta đánh tả tơi!…

Nhà tôi gần xóm núi, mùa đông sương phủ trắng con đường dốc. 

Thế mà từ 5 giờ sáng, tôi đã thấy các cụ già lọm khọm đi nhà thờ.  Hầu như không sót buổi nào!  Dẫu có mưa phùn, hay gió thổi lạnh buốt.  Quá nể phục!...

Tôi bắt đầu suy tư…

Hẳn phải có một sức hút tâm linh rất mạnh mẽ nơi cái nhà thờ ấy…

Quê tôi rất nghèo.  Những năm 80 đói xác xơ!  Nhà tranh vách lá xiêu vẹo. 

Một gia đình Công giáo vừa mới chuyển về, mua lại căn nhà rách nát cạnh nhà tôi. 

Nhưng điều lạ lùng, là chỉ một tuần lễ sau, có một nhóm thanh thiếu niên độ mười mấy hai chục người kéo đến, kẻ vác cột, người kéo tranh…, chỉ trong một ngày là ngôi nhà đã được sửa chữa tươm tất! 

Hỏi ra tôi mới biết: Cha nhà thờ cho người đến giúp. 

À thì ra thế!  Hèn gì xóm đạo ở phía khu B, nhà nào cũng vững chải, khang trang, đâu có nhếch nhác như xóm kinh tế mới của tôi!  Hay thật!  Tôi ngưỡng mộ thèm muốn…

Nhưng chạnh lòng nhất là vào những dịp lễ, tết, Trung Thu hay vào cuối năm học, thiếu nhi nhà thờ luôn được tặng quà thêm, nhìn bọn nó xúng xính quà cáp trên tay, gương mặt rạng rỡ, đôi lúc còn được tổ chức cho vui chơi, bọn trẻ không Công giáo chúng tôi, đứa nào cũng thèm thuồng và buồn thiu buồn thỉu… Có đạo sướng quá, vui quá, và được thương nhiều quá!

Năm nào cũng vậy, gần đến Giáng sinh thì trời càng trở lạnh. 

Người ta kháo nhau: Đêm noel lạnh lắm!  Lạnh nhất đấy!  Mà đúng là đêm Noel trời lạnh thật!  Có cái gì đó nhiệm màu, thánh thiêng, được thắp lên trong lòng tôi…

Năm tôi lên mười sáu. 

Một anh thanh niên hay ghé nhà tôi chơi.  Anh thao thao nói cho tôi nghe về Chúa.

Tôi ngưỡng mộ sự hiểu biết của anh lắm!

(Sau này tôi mới biết là lúc ấy anh đang học giáo lý dự tòng, hôm trước nghe cha dạy gì, thì hôm sau đem truyền đạt lại cho tôi thôi!) 

Có lần tôi nài nỉ anh: Hôm nào rảnh thì dắt tôi đi nhà thờ với. Anh trả lời tôi rằng: “Ừ, để khi nào tiện anh dắt đi.  Cha nói: Nếu như được ơn Chúa gọi mời, thì trước sau gì cũng theo Chúa thôi!”…

Từ ngày ấy, tôi ước mơ “được Chúa gọi mời”…

Thời gian trôi qua… anh đi đâu mà chẳng hề giã biệt tôi.  Lời hứa bỏ lơ lửng đó. 

Tôi vùi đầu vào sách vở.  Hai năm sau tôi lên thành phố vào đại học.  Tất bật với cuộc sống, mơ ước của tôi cũng dần lãng quên…

Bất ngờ tôi gặp lại anh ấy! 

Rất tình cờ, nhưng tôi xác tín rằng: Đó là định mệnh Chúa dành cho tôi.  Anh dắt tôi đi nhà thờ thật!  Ước mơ ngày ấy lại trỗi dậy trong tôi. 

Tôi còn nhớ như in lần đầu anh dắt tôi đến nhà thờ Chúa Hiển Linh ở Phú Lâm, tôi đã rụt rè cầu nguyện chỉ có một câu:

“Chúa ơi!  Con chẳng biết gì về Ngài, nếu quả thật Ngài là Đấng quyền năng, thì xin cho con biết Ngài và yêu Ngài với...!"

Rồi cứ thế, anh ấy đèo tôi trên xe đạp chiều chiều đi lễ… Rất nghèo nhưng rất vui… 

Anh đưa tôi đi học giáo lý dự tòng, rồi sau đó, cùng nhau học giáo lý hôn nhân. 

Tôi được rửa tội tại nhà thờ Tân Thái Sơn.

Cha mẹ tôi tôn trọng quyết định của tôi.

Ngày rửa tội, tôi không muốn khóc, nhưng nước mắt lại cứ rơi ra!  Bởi tôi đã mong đợi ngày ấy lâu biết bao nhiêu – cái ngày mà tôi được đón nhận mình Thánh Chúa! 

Tôi cảm nhận một niềm thương chan chứa trong tâm hồn…

Chúa thương tôi nhiều quá! 

Lúc ấy và cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghe một bài thánh ca xúc động vang lên, lòng tôi lại thổn thức…

Chúa ơi!  “Chúa ghi vào hồn con dấu ấn của ngài…”

Tốt nghiệp đại học, chúng tôi cưới nhau.

Tôi mang trong mình một tham vọng lớn lắm:

Tôi sẽ dùng hết tài ăn nói khéo léo của mình, để thuyết phục cha mẹ và anh em nhập đạo! 

Hết lần này đến lần khác, tôi cố gắng kiên trì. 

Cuối cùng, thì tôi đón nhận được một ánh mắt rất nghiêm nghị của Ba tôi:

“Từ nay con đừng bao giờ đem chuyện tôn giáo ra nói với Ba nữa, Ba không muốn nghe đâu!” 

Anh em tôi thì chế nhạo: “Mở miệng ra là nghe sặc mùi Chúa!”

Tôi rất buồn.  Lòng nghe tái tê… Tôi thương cha mẹ anh em nhiều lắm!  Tôi tin mình tìm thấy Chúa là tìm thấy bến bờ yêu thương.  Dẫu trong khó nghèo, chúng tôi vẫn có một niềm bình an sâu lắng. 

Bởi, chúng tôi tin vào sự quan phòng của Chúa.  Lời Ngài đã dạy chúng tôi sống nhường nhịn, tha thứ, yêu thương. 

Nhìn mẹ cha, anh em, sống tất bật trong cơm áo gạo tiền và bao nỗi lo toan cho xác thịt, không có một phút lo liệu cho phần hồn, tôi ái ngại cho đời sau!  Thương quá!  Nhưng không biết làm sao!..

Chúa đã dạy tôi qua miệng lưỡi một ai đó:

Đừng nói gì, hãy cầu nguyện đi! 
Không có gì là Chúa không làm được! 


Thế là từ đó, tôi cầu nguyện.  Lúc sốt ruột, lúc ỉ ôi, lúc than thở:

Cha ơi!  Sao lại để con đến với Cha quá muộn màng!  Và sao Cha ôm con vào lòng, mà còn để mẹ cha anh em con tăm tối!… 

Năm năm, rồi sáu năm trôi qua, vẫn không có gì thay đổi.  Lòng tôi vẫn da diết nặng trĩu. 

Có một lần tôi chợt nhận ra, nếu Chúa không để tôi đợi chờ mong mỏi, chắc lòng tôi chẳng có nỗi khát khao! 

Biết đâu nếu gia đình tôi đạo gốc, tôi chẳng còn có nỗi niềm để thưa gởi, gắn bó với Chúa nữa thì sao? 

Thật đáng sợ, nếu một ngày nào đó lòng tôi lạnh nhạt, không có gì để nói với Cha, không còn ríu rít “Cha ơi!  Con đây, con dâng ngày của con trong tay Cha!” 

Nhận ra điều này, tôi cảm tạ Cha…

Rồi đến năm thứ bảy.  Một lần về thăm quê, ba gọi tôi lại bảo:

“Ba muốn theo đạo, con đi găp cha nhà thờ đi!” 

Tôi nghe lùng bùng trong tai, không tin được.  Cảm tạ Chúa!..

Thế là ba, mẹ và bà nội tôi được rửa tội (Ông tôi đã mất). 

Bảy anh chị em của tôi không theo đạo, nhưng cũng đến nhà thờ dự lễ.  Tôi lại khóc thút thít trong nhà thờ.

Một năm sau, em trai kế và chị gái kế của tôi cùng con cái cũng lần lượt được rửa tội tại nhà thờ Tân Thái Sơn luôn. 

(Đây là hai người trước đây hay chế giễu tôi nhiều nhất!..)

Còn đến 5 gia đình anh chị em của con nữa Cha ơi! Con xin đặt tất cả trong trái tim nhân hậu vô biên của Cha!

*****

Con đường tôi đến với Chúa là như thế đó!
Có bước chân lọm khọm của cụ già.
Có sự hăng hái vô tư của anh chị thanh niên.
Có sự tận tuỵ của vị chủ chăn và sự chăm lo của ban hành giáo.
Có tình yêu nâng đỡ của chồng tôi.

Và trên tất cả, là Cha yêu thương trên trời, là Chúa Giêsu chết treo trên thập giá, là Chúa Thánh Thần luôn ở giữa đời tôi.

Tôi tin Chúa ban tặng mỗi người một con đường riêng.  Con đường ấy mỗi ngày thêm một điều mới lạ, thêm một cụm cỏ, một nhánh hoa từ lòng mến của nhau. 

Tôi cảm tạ tất cả những người đã đi trên con đường cuộc đời tôi- tuy không dành cho tôi, nhưng đã để lại những ấn tượng trong lòng tôi rất đẹp. 

Những điều rất đời thường, tưởng chừng như sẽ rơi hút vào không gian. Nhưng không, trong ơn Thiêng, nó sẽ được trau chuốt và đọng lại, rồi một ngày, đúng thời đúng lúc, sẽ nở hoa…

Mẫu Bút Chì

---------------------------------

 

Bài 17: Hai lỗi phổ biến nhất của người cầu nguyện bằng kinh mân côi

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 363

Bạn thân mến,

Hai lỗi này được Thánh Louis de Montfort chỉ ra. Ngài là một trong những vị thánh vĩ đại nhất qua mọi thời, trong việc sùng kính Đức Maria.

Trong tập sách nhỏ của ngài có tựa đề “Bí Mật Chuỗi Mân Côi” (có thể tìm thấy đầy đủ bản tiếng Anh trên mạng), thánh Louis Marie de Montfort nêu ra hai lỗi phổ biến của những người thực hiện sự sùng kính này.

Đây là lời hướng dẫn của ngài:

Sau khi khẩn nài Chúa Thánh Thần, để xin được đọc Kinh Mân Côi cách sốt sắng, bạn hãy đặt mình trong giây lát trước sự hiện diện của Thiên Chúa và dâng các chục kinh…

Trước khi bắt đầu một chục kinh, tùy vào thời gian bạn có, hãy tạm dừng một chút hay lâu hơn, để suy gẫm về mầu nhiệm, mà bạn sắp tôn vinh trong chục kinh đó.

Do bởi mầu nhiệm này và qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ, bạn đừng bao giờ quên xin một trong những nhân đức tỏa sáng nhất trong mầu nhiệm này, hoặc một trong những điều bạn đặc biệt cần.

Hãy hết sức cẩn thận tránh hai cạm bẫy mà hầu hết mọi người đều rơi vào khi lần chuỗi Mân côi:

- Thứ nhất là nguy cơ không xin bất kỳ một ơn nào.

Thật vậy, nếu có hỏi một số người ngay lành ý nguyện kinh Mân côi của họ là gì, họ sẽ không biết phải nói làm sao.

Vì vậy, bất cứ khi nào đọc kinh Mân côi, phải bảo đảm rằng bạn đều có ý xin một vài ơn, hay nhân đức đặc biệt, hoặc xin cho có sức mạnh để vượt qua tội lỗi.

- Lỗi thứ hai thường phạm phải khi đọc kinh Mân côi là không có ý định nào khác ngoài việc đọc xong càng nhanh càng tốt.

Điều này là do rất nhiều người xem kinh Mân côi như một gánh nặng.

Gánh nặng này đè trĩu trên chúng ta, khi chúng ta đã không đọc kinh, đặc biệt là khi chúng ta đã hứa là sẽ đọc thường xuyên, hoặc được bảo là hãy đọc kinh Mân Côi để đền tội, và điều này ít nhiều lại đối nghịch với ý muốn của chúng ta.

---------------------------------

 

Bài 18: 10 Cách cốt yếu để trưởng thành trong sự khiêm nhường của Mẹ Têrêsa

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 364

1. Nói ít về bản thân nhất có thể.

2. Để tâm đến công việc của chính mình.

3. Đừng điều khiển công việc của người khác.

4. Tránh sự tò mò.

5. Bỏ qua lỗi lầm của người khác.

6. Chấp nhận sự xúc phạm và tổn thương.

7. Chấp nhận bị coi thường, bị quên lãng và không được ưa thích.

8. Vẫn tử tế và hiền lành ngay cả khi bị khiêu khích.

9. Không bao giờ tự cao tự đại.

10. Luôn chọn điều khó nhất.

Nguồn:
#motherteresacalcutta #meteresa


---------------------------------

 

Bài 19: Một linh mục quyết treo bảng: “Đức Mẹ Maria đã không nhậm lời con cầu xin”

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 365

Bạn thân mến,

Một cụ già đau thập tử nhất sinh, đã quyết liệt trả lời cho vị linh mục, đang tìm hết cách, để khuyên cụ dọn mình lãnh các bí tích sau cùng:

- “Không! Nhân danh Satan, ba lần tôi nói: KHÔNG!”

*****

Vị linh mục này trước đó đã hùng hồn giảng về Đức Mẹ Maria là Mẹ Nhân Lành và là nơi Nương Ẩn của tội nhân:

“Tôi tin tưởng vững chắc rằng: Đức Mẹ không thể nào để cho một linh hồn bị trầm luân, khi có người tha thiết cầu nguyện cho linh hồn ấy!”

Cụ già đang hấp hối này, đã từng xua đuổi các linh mục đến thăm, khi các vị ngỏ lời khuyên lơn cụ. Cụ vừa xua đuổi, vừa không tiếc lời nguyền rủa!

Giờ đây, đến phiên vị linh mục táo bạo này, cụ già cũng không tha. Cụ quyết liệt từ chối không nghe lời khuyên bảo.

Vị linh mục đành lấy chiếc ghế, ngồi vào một xó phòng, mắt không ngớt nhìn vào bệnh nhân, và lấy tràng hạt ra bắt đầu lần chuỗi Mân Côi.

Vị linh mục nghĩ đến câu nói thời danh của thánh Clément-Marie Hofbauer (1751-1820), Dòng Chúa Cứu Thế, vị tông đồ thành Vienne:

“Mỗi khi đi thăm một người tội lỗi đau nặng gần chết, tôi luôn luôn lần hạt Mân Côi, để kêu van Đức Mẹ MARIA cứu giúp. Và không lần nào tôi bị thất trận. Không người tội lỗi nào tắt thở mà không lãnh các bí tích sau cùng!”

*****

Cụ già hấp hối, như đang tiến vào giây phút sau cùng.

Vị linh mục cố thử lần cuối.

Cha tiến đến bên người bệnh và nói với cụ già về việc ra trình diện trước tòa Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, cha cẩn thận không nói đến hai tiếng “xưng tội”.

Dầu vậy, cụ già cũng vẫn nổi giận. Cụ cố thu hết tàn hơi còn lại, cất tiếng la thật lớn: “Không! Nhân danh Satan, ba lần tôi nói KHÔNG!”

Vị linh mục lủi thủi trở về chỗ ngồi cũ và tiếp tục lần hạt Mân Côi, chờ đợi chiến thắng của Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria.

Đây là trận giao tranh khốc liệt giữa hỏa ngục và Đức Mẹ Maria, tranh dành ơn cứu rỗi của một linh hồn!

Trong cơn khốn cùng, gần như tuyệt vọng, vị linh mục thân thưa với Mẹ Thiên Chúa:

“Trong ngôi thánh đường của giáo xứ chúng con, nơi bàn thờ dâng kính Mẹ, các tín hữu Công Giáo thường treo các bảng ghi ơn với hàng chữ:

”ĐỨC MẸ MARIA Đà NHẬN LỜI CHÚNG CON CẦU XIN”.

Vậy, nếu Mẹ để cho cụ già tội lỗi này ra đi về thế giới bên kia, mà không lãnh các bí tích sau hết, thì con quyết sẽ cho treo một bảng mới, với hàng chữ:

”ĐỨC MẸ MARIA Đà KHÔNG NHẬM LỜI CON CẦU XIN!”

Thưa với Đức Mẹ xong, vị linh mục tiến đến bên người bệnh và tìm cách hoán cải cụ già lần chót.

Cha đưa Thánh Giá Đức GIÊSU KITÔ cho cụ và nói:

“Cụ có biết Đấng đã hiến mạng sống mình cho loài người không?”

Vài giây phút trôi qua, bỗng người bệnh nói:

“Đây chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!”

Nghe vậy, vị linh mục bỗng vui ra mặt, nhẹ nhàng nói tiếp:

“Trong vài giờ nữa, cụ sẽ ra trình diện trước mặt Người. Vậy cụ hãy hôn kính Người trước đi!”

Và phép lạ đã xảy ra: Người hấp hối cầm lấy tượng Thánh Giá Chúa Giêsu và hôn đi hôn lại nhiều lần, với trọn lòng kính mến.

Vị linh mục vô cùng mừng rỡ. Cha sung sướng nói với Nữ Tu đứng bên cạnh: “Chị à, trận chiến đã chấm dứt! Đức Trinh Nữ Maria đã toàn thắng!”

Cụ già hấp hối, xin rước “Của-Ăn-Đàng”.

Vị linh mục liền giúp cụ dọn mình xưng tội.

Sau đó, nước mắt lưng tròng vì cảm động, cha trao Mình Thánh Chúa cho cụ.

Sau khi nhận bí tích xức dầu bệnh nhân và ơn toàn xá, cụ già êm ái trút hơi thở cuối cùng.

Để tỏ lòng tri ân và ghi ơn Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria, vị linh mục đã cho treo nơi bàn thờ dâng kính Đức Mẹ tấm bảng mới, đẹp hơn, to hơn, với hàng chữ:

“ ĐỨC MẸ MARIA LUÔN LUÔN NHẬM LỜI CẦU XIN ! ”

(René Laurentin + Albert Pfleger, ”Fioretti de la Vierge Marie”, Mambré Editeur-Diffuseur, 1992, trang 12)

-------------------------------

 

Bài 20: 10 "khuyết điểm" của Chúa Giêsu

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 366

Bạn thân mến,

Trong quyển sách "Niềm vui sống đạo", Đức Cố Hồng Y PX. Thuận đã kể ra được 10 "khuyết điểm" của Chúa Giêsu. Và ngài nói là ngài rất yêu 10 "khuyết điểm" này.

Một trong 10 "khuyết điểm", mà Chúa Giêsu mắc phải, là Ngài "không biết làm kinh tế":

- Chúa Giêsu đã coi 1=99. Khi Ngài thấy mất một con chiên trong đàn bị lạc thì Ngài lại bỏ 99 con kia, để đi tìm cho bằng được con chiên bị lạc mất.

Hơn nữa,

- Chúa Giêsu cũng không biết cách tiếp thị và quảng cáo: Quảng cáo, là mời gọi người ta đến với mình, thì phải tìm cái gì đó hấp dẫn và lôi cuốn, bằng cách "tô son" lên những điều mình nói một chút. Đằng này Chúa Giêsu lại nói: "Ai muốn theo tôi, thì hãy từ bỏ mình, vác thập mình mà theo" (Mc 8, 34).

Quảng cáo và chiêu mộ lính kiểu Chúa Giêsu thì "thua" là cái chắc! Bởi lẽ, khi nghe nói đến thập giá, thì ai mà chẳng sợ. Chẳng ai háo hức ôm lấy thập giá vào mình bao giờ!

Hơn nữa, theo Thầy tưởng đâu cũng được cái gì đó hấp dẫn một chút, như lãnh lương được vài chục triệu, hay ít ra là cũng được vài triệu mỗi tháng (tình theo giá thị trường hôm nay 2024), hay được người ta kính trọng, hoặc có địa vị cao trong xã hội, hay cái gì đó đại loại là như thế.

Chứ theo Thầy, mà chỉ có vác thập giá thôi, thì dại gì mà liều mạng như thế!

Như vậy, xem ra Chúa Giêsu dở hơn con người ngày nay trong chuyện làm ăn và quảng cáo nhiều lắm!

*****

Nhưng Chúa Giêsu không đến trần gian để làm kinh tế!

Ngài cũng không biết dùng ngôn ngữ kiểu quảng cáo của con người thường làm, để tô son cho mình và sứ vụ của mình.

Ngài đến trần gian với một sứ mạng duy nhất là

"nói lên Sự thật, sống cho Sự thật và làm chứng cho Sự thật" (x. Ga 18,37).

Ngài đã nói như thế trước mặt tổng trấn Philatô.

Và đặc biệt, trong những năm tháng ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Ngài đã từng lớn tiếng nói rằng:

"Sự thật sẽ giải phóng các ngươi" (Ga 8,32).

Philatô đã hỏi Chúa Giêsu: "Sự thật là cái gì?".

Nhưng Chúa đã không trả lời ông ta câu hỏi đó. Bởi lẽ, Sự thật chính là bản thân của Ngài. Ngài là hiện thân của Sự thật. Từng lời nói, từng hành động và trọn cuộc sống của Ngài đều là Sự thật trọn hảo!

*****

Tin mừng hôm nay (Mc 8, 27-35) chỉ cho chúng ta thấy có rất nhiều nội dung, nhiều vấn đề, nói lên Sự Thật nơi Thiên Chúa.

Nhưng tôi xin chọn câu nói, mà Chúa Giêsu xem ra rất thao thức, rất tha thiết mời gọi chúng ta thực hiện nó trong cuộc sống của chúng ta.

Ngài nói rất rõ rằng: "Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy" (Mc 8,35).

Đó là sự thật, một Sự thật trọn hảo dành cho những ai dám dấn thân vào con đường của sự hy sinh và từ bỏ: Con đường Thập giá.

*****

Có lẽ việc chọn lựa cho mình một con đường sống là cần kíp và chính đáng nhất trong cuộc đời của mỗi con người.

Theo thói thường thì ai cũng muốn có một cuộc sống dễ dàng, một cuộc sống tiện nghi, sung túc và vui vẻ. . .

Nhưng có điều là một cuộc sống dù đáng ước mơ như thế cũng không có gì đảm bảo cho con người ta được sống hạnh phúc.

Vì hạnh phúc đích thực không thể tìm thấy được nơi cuộc sống ở trần gian.

Thế nhưng, nhiều người lại say mê và ra sức đi tìm, đi kiếm, để sở hữu nó! B

iết bao nhiêu cố gắng và khó nhọc của con người nhằm tìm kiếm và giữ lại hạnh phúc trần gian, đều tan biến.

Bởi vì, "con người từ đất mà ra thì cũng phải trở về với đất bụi" (x. St 3, 19).

Và con người đã không mang gì vào trần gian, thì cũng đừng mong đem gì ra khỏi chốn gian trần này.

Điều chắc chắn duy nhất là: "ba tấc đất mới thật là nhà, nơi nó ở muôn đời muôn kiếp" (Tv 49, 12).

Con đường đưa con người tới hạnh phúc thật chính là con đường "liều mất mạng sống mình vì Chúa Giêsu và vì Tin mừng".

Nói cách khác, đó là con đường của Thập giá: "Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất".

*****

Kẻ yêu mạng sống mình thì chỉ biết sống cho mình, muốn được mọi người nhìn nhận và phục vụ cho mình.

Đó là con đường sống được lót bằng những chiếc thảm hoa êm ái và rực rỡ, nhưng sẽ dẫn con người ích kỷ đi tới hố diệt vong.

Thật bất hạnh cho những người chỉ biết yêu mình, qui hướng về mình và sống cho riêng mình!

Trong Thần thoại Hy Lạp có kể câu chuyện về một anh chàng có tên là Narcise. Narcise là một chàng trai trẻ đẹp không còn chỗ nào chê được, và cũng không có dung mạo của ai có thể so sánh với anh ta được.

Anh ta cũng nhận ra điều đó, nên rất tự hào về chính mình. Dần dần anh ta khám phá ra là không ai xứng đáng để anh ta kết bạn cả.

Cuối cùng, anh ta chỉ còn cách là quay trở lại để yêu chính mình. Anh ta đã yêu mình cách tha thiết và say mê mình ngây ngất, đến độ quên hết mọi sự. Ngày đêm lo tìm cách để nhìn ngắm mình cho đã thèm!

Bất cứ nơi đâu có thể soi mình được, là anh ta không tiếc thời gian để nhìn ngắm mình cho thoả lòng khao khát.

Một hôm, anh ta đi ngang qua một cái giếng sâu, có nước rất trong xanh. Anh chàng Narcise liền soi mình dưới lòng giếng sâu.

Tiếc thay, vì không kìm chế được lòng say mê vẻ đẹp của mình, nên anh ta đã lao mình xuống lòng giếng để ôm lấy mình. Nhưng khốn khổ thay, anh ta đã chết chìm một mình trong lòng giếng ấy.

*****

Câu chuyện trên muốn đem đến cho chúng ta một thông điệp này là: kẻ nào quá yêu mình và say mê mình, thì khó có thể tránh được cái chết trong cô đơn và tủi nhục.

Đó cũng chính là sứ điệp, mà Tin mừng hôm nay gửi đến chúng ta:

"Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy".

Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết can đảm chọn lấy con đường "thập giá" và vui vẻ vác lấy thập giá đời mình, để theo Chúa đến cùng.

"Vác thập giá" theo Chúa, là chu toàn việc bổn phận của mình hằng ngày, là trung tín sống niềm tin tưởng phó thác vào Chúa, qua mọi biến cố buồn vui trong cuộc sống của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho Lời của Chúa hôm nay luôn được vang vọng mãi trong từng ngày sống của chúng con, để chúng con được sáng suốt nhìn thấy con đường, mà Chúa đang mời gọi và chờ đợi chúng con bước theo Ngài, ngõ hầu mai sau được Chúa cho đứng vào hàng ngũ những người Chúa chọn và tìm được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Amen.

------------------------------------

 

Bài 21: Ý nghĩa của R.I.P. một lời cầu nguyện bằng tiếng La-tinh

Chuyện Đời Đạo - Sách 17- Bài 367

Bạn thân mến,

Bạn có biết R.I.P. là một lời cầu nguyện bằng tiếng La-tinh?

Những chữ viết tắt thường được nhìn thấy trên các bia mộ có lịch sử cổ đại gắn liền với những lễ tang của Công giáo.

Trên các bia mộ trên khắp thế giới, R.I.P. là một chữ viết tắt có lịch sử rất đẹp. Các chữ cái viết tắt của một cụm từ tiếng La-tinh, requiescat in pace. Dịch sang tiếng Anh là “rest in peace” (Yên nghỉ), nhưng thật ra cụm từ tiếng La-tinh là một phần trong một lời cầu nguyện dài cho người qua đời

Lần đầu tiên cụm từ La-tinh này được sử dụng bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 và với ý cầu nguyện cho người đã qua đời, cầu xin cho họ được an giấc ngàn thu trên Thiên Đàng. Nó phù hợp với niềm tin Công giáo về luyện ngục và ngày nay cụm từ vẫn còn giữ vị trí trung tâm trong các nghi thức đám tang của Công giáo.
Lời cầu nguyện được tìm thấy trong những câu xướng và đáp sau:

Requiem æternam dona ei, Domine
(. Lạy Chúa, xin cho linh hồn người qua đời được nghỉ yên muôn đời)


. Et lux perpetua luceat ei:
(. Và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên linh hồn ấy).


. Requiescat in pace.
(. Xin cho linh hồn được yên nghỉ).


. Amen.
(. Amen).


Lời cầu nguyện này cũng được chuyển thành nhạc, đặc biệt trong các Thánh Lễ “Requiem” bằng tiếng La-tinh. Các nhà soạn nhạc như Bach và Mozart đã soạn những tác phẩm dựa trên lời cầu nguyện này.

[Nguồn: aleteia]

---------------------------------

Những sách cha Mễn đã in (69 cuốn):
như lương thực tinh thần hổ trợ bà con qua lại thời Covid
từ khi nhà thờ không có thánh lễ, không có giảng dạy, không có các lớp Giáo Lý và không có các sinh hoạt đoàn thể....

https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/nhung-sach-da-in-1654.html

*** Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link trên của sách vào thẻ nhớ, hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. (Chỉ khoảng 24 tờ A4).

*** Bạn cũng có thể đọc trực tiếp các bài này, trên Điện Thoại cảm ứng, khi bạn dùng ngón tay chạm vào đường link trên: https://...

*** Và  bạn cũng có thể chép đường link trên: https://...  gởi qua Zalo, Messenger, Line, Viber,... làm quà tặng cho các bạn bè, nhiều người được đọc, sẽ có nhiều lợi ích.


---------------------------------

I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (9 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/
1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1
2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2
3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3
4. Chuyện gà mái ấp trứng đại bàng – Sách 4
5. Chuyện “Số Con Rệp” – Sách 5
6. Thiên Chúa là Đấng hay quên  – Sách 6
7. Chuyện một người con chọn mẹ để sinh ra – Sách 7
8. Family, một định nghĩa hay về gia đình – Sách 8
9. Hộ Chiếu Nước Trời – Sách 9

II. – Chuyện đời chuyện đạo: (17 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/
1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1
2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2
3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3
4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4
5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5
6. Phút thánh hoá gia đình đầu năm mới - Sách 6
7. Năm Mão nói chuyện con mèo - Sách 7
8. Một kiểu sống lại không vui - Sách 8
9. Chuyện con gà trống - Sách 9
10. Kinh cầu các thánh chẳng hề  được phong - Sách 10
11. Làm phúc giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục - Sách 11
12. Các linh hồn nơi Luyện Ngục sẽ không quên sự giúp đỡ của chúng ta - Sách 12

13. Tình Mẫu Tử trong dịp Lễ Giáng Sinh - Sách 13
14. Năm Thìn, nói chuyện con rồng - Sách 14

15. Nhật ký của một linh hồn sau khi chết - Sách 15
16. Những lời tâm sự của người cận kề cái chết - Sách 16
17. Tội nhân trở thành thánh nhân - Sách 17

III. - Chuyện kể cho các gia đình: (29 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/
1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1
2. Đừng bỏ cuộc - sách 2
3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3
4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4
5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5
6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6
7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7
8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8
9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9
10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10
11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11
12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12
13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13
14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14
15. Chuyện cô giáo năm xưa - Sách 15
16. Kinh nghiệm của những người trở về “Từ Cõi Chết” nói với ta - Sách 16
17. Quyển nhật ký của mẹ - Sách 17
18. Phép lạ từ việc sùng kính Đức Mẹ - Sách 18
19. Ngày của bố - Sách 19
20. Chuyện 2 cha con hoang đàng - Sách 20
21. Chuyện Kẻ “tự bắc thang lên trời” - Sách 21
22. Chuyện Quỷ Ám là có thật - Sách 22
23. Chuyện bán linh hồn cho ma quỉ - Sách 23
24. Thảm họa: Một Thiên Đường không có Thiên Chúa – Sách 24
25. Nếu Thiên Chúa không có, thì tại sao lại chống Ngài ? – Sách 25
26. Ông già Noel không mặc đồ đỏ – Sách 26
27. Tình yêu có sức mạnh biến đổi – Sách 27

28. Chuyện một mối tình thật đẹp – Sách 28
29. Một kinh ngiệm truyền giáo thật dễ thương – Sách 29

IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/
1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1
2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2
3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3
4. Căn hầm bí mật - Sách 4
5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5
6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6
7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7
8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8

V. – Kho sách quý: (6 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/
1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1
2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2
3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3
4. Sách tháng các linh hồn – Sách 4
5 300 Chuyện ngắn giúp minh họa lời Chúa (Phần I) – Sách 5
6 300 Chuyện ngắn giúp minh họa lời Chúa (Phần II)– Sách 6


----------------------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây