Tổng Luận Thần Học Phần I: Th. Tôma Aquinô - CÂU HỎI 8: SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA TRONG CÁC VẬT (4 tiết)

Thứ tư - 25/09/2024 22:04
Tổng Luận Thần Học Phần I: Th. Tôma Aquinô -  CÂU HỎI 8: SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA TRONG CÁC VẬT (4 tiết)
Tổng Luận Thần Học Phần I: Th. Tôma Aquinô - CÂU HỎI 8: SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA TRONG CÁC VẬT (4 tiết)
Tổng Luận Thần Học Phần I:
Th. Tôma Aquinô -

CÂU HỎI 8: SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA TRONG CÁC VẬT (4 tiết)

Vì bản tính của vô cùng hữu, là hiện diện khắp nơi và trong tất cả mọi vật; chúng ta giờ đây phải nghiên cứu cho biết: sự hiện hữu này thuộc về bản tính của Thiên Chúa không, chúng ta thấy có 4 quan điểm cần được nghiên cứu:

---------------------------------
TIẾT 1: THIÊN CHÚA Ở TRONG TẤT CẢ MỌI VẬT KHÔNG?. 1
TIẾT 2: THIÊN CHÚA Ở MỌI NƠI KHÔNG?. 3
TIẾT 3: THIÊN CHÚA Ở KHẮP NƠI DO YẾU TÍNH, DO NĂNG LỰC VÀ DO SỰ HIỆN DIỆN KHÔNG?. 6
TIẾT 4: Ở KHẮP NƠI CHỈ LÀ RIÊNG BIỆT THUỘC VỀ THIÊN CHÚA KHÔNG?. 9

---------------------------------
 

TIẾT 1: THIÊN CHÚA Ở TRONG TẤT CẢ MỌI VẬT KHÔNG?


VẤN NẠN

Xem ra Thiên Chúa không ở trong tất cả mọi vật.

1. Cái gì ở trên tất cả mọi vật, thì không ở trong tất cả mọi vật. Nhưng Thiên Chúa ở trên tất cả mọi vật, theo lời Thánh Vịnh: Thiên Chúa chí tôn trên tất cả các dân tộc, tầng trời cao thẳm vinh quang giải bày. Ai bằng Thiên Chúa chúng tôi? (Tv 113,4.5). Vậy Thiên Chúa không ở trong tất cả mọi vật.

2. Cái gì ở trong bất cứ vật gì khác, thì bị chứa đựng trong vật ấy, mà Thiên Chúa không bị chứa đựng trong các vật, nhưng nói đúng hơn, là Thiên Chúa chứa đựng các vật. Vậy, Thiên Chúa không ở trong các vật; và đúng hơn là các vật ở trong Thiên Chúa. Bởi đó, Augustin nói: các vật ở trong Thiên Chúa, phải hơn là Thiên Chúa ở trong một nơi chỗ nào (Lib. 83 Quaest., q.20).

3. Một tác nhân càng có năng lực, thì sự hành động càng mở rộng, mà Thiên Chúa có năng lực hơn tất cả mọi tác nhân. Bởi đó, hành động của Ngài có thể đạt tới các vật ở xa cách Ngài: nên Thiên Chúa không cần thiết phải ở trong mọi vật.

4. Ma quỷ cũng là những vật. Nhưng Thiên Chúa không ở trong ma quỷ, vì sự sáng và tối tăm có đâu chung đụng nhau (2Cr 6,14). Bởi đó, Thiên Chúa không ở trong tất cả mọi vật.

TRÁI LẠI

Một vật ở nơi nó hành động. Nhưng Thiên Chúa hành động trong mọi vật, theo lời tiên tri Isaia: Tay Chúa dang rộng, chúng đâu có thấy, ghen ghét dân, bị hổ ngươi đấy, lửa sẽ thiêu đốt bọn cừu địch Ngài. Ban bình an xuống cho chúng tôi, mọi hành động đều được Ngài làm trong chúng tôi, lạy Chúa (Is 26,11-12). Vậy Thiên Chúa ở trong tất cả mọi vật.

TRẢ LỜI

Thiên Chúa ở trong tất cả mọi vật, nhất định không phải là một phần yếu tính của các vật, cũng không phải là một tuỳ thể thêm vào cho chúng nó, nhưng là một tác nhân có mặt ở nơi sự vật mà Ngài hành động.

Vì tác nhân liên kết với vật mình hành động trực tiếp, và đụng chạm đến nó bằng năng lực của mình.

Đã minh chứng ở vật lý học (Aristote, Phys., 7,2), vật bị động và vật động phải hiện hữu chung với nhau. Nhưng, bởi vì Thiên Chúa là chính sự hiện hữu do yếu tính riêng của Ngài, thì sự hiện hữu được sáng tạo là cái kết quả riêng của Ngài, như đốt cháy là kết quả riêng của lửa.

Nhưng Thiên Chúa tạo nên kết quả này ở nơi các vật, không những trong khi các vật này bắt đầu hiện hữu trước tiên, mà lại chính trong khoảng thời gian các vật được bảo tồn trong sự hiện hữu, như sự sáng được tạo ra trong không khí bởi mặt trời bao lâu nó tồn tại được chiếu sáng.

Bởi đó, bao lâu một vật hiện hữu, thì bấy lâu Thiên Chúa phải hiện diện ở nó, theo thể cách hiện hữu của nó. Nhưng sự hiện hữu ở tận trong cùng ở nơi mỗi vật và hiện diện một cách chủ yếu nhất bên trong tất cả mọi vật, vì sự hiện hữu có tính cách mô thể đối với mọi vật đang hiện hữu thực sự, như đã trình bày rõ ràng ở trước.

Do đó, Thiên Chúa phải hiện hữu trong mọi vật và hiện hữu một cách ở tận trong sâu cùng.

GIẢI ĐÁP

1. Thiên Chúa ở trên tất cả mọi vật do sự tuyệt tác của Thiên tính; song Thiên Chúa ở trong tất cả mọi vật, vì Ngài là nguyên lý sáng tạo sự hiện hữu cho tất cả chúng nó, như đã trình bày ở trước.

2. Người ta nói, các vật hữu hình ở trong vật nào như ở trong cái gì chứa đựng chúng nó; còn vật thiêng liêng chứa đựng cái gì mà chính mình ở trong đó, như linh hồn chứa đựng thân thể.

Do đó, Thiên Chúa ở trong các vật như vật chứa đựng chúng nó.

Tuy nhiên, bằng cách loại suy với thế giới hữu hình, người ta nói mọi vật ở trong Thiên Chúa trong tư cách Ngài chứa đựng chúng nó.

3. Một tác nhân, dầu có năng lực tài giỏi đến đâu đi nữa, cũng không hành động trong khoảng cách, trừ ra qua trung gian. Nhưng năng lực tối cao của Thiên Chúa, một cách chủ yếu, hành động trực tiếp ở nơi mọi vật. Do đó, không có vật nào ở khoảng cách Thiên Chúa, dường như nó không có Thiên Chúa ở trong chính nó.

Các vật được nói ở khoảng cách Thiên Chúa, bởi không tương tự với Thiên Chúa trong bản tính và ân sủng hoàn toàn như Thiên Chúa ở trên tất cả mọi vật, do sự tuyệt hảo của Thiên tính.

4. Ở nơi ma quỷ, bản tính, thì được Thiên Chúa sáng tạo, còn sự xấu xa tội lỗi không do ở Thiên Chúa. Không nói được cách tuyệt đối Thiên Chúa ở nơi ma quỷ, trừ phi theo mức độ chúng nó là những vật, những hữu thể. Còn ở nơi các vật mà bản tính không bị hư hỏng, thì nói cách tuyệt đối Thiên Chúa ở nơi chúng nó.

---------------------------------
 

TIẾT 2: THIÊN CHÚA Ở MỌI NƠI KHÔNG?


VẤN NẠN

Xem ra Thiên Chúa không ở khắp nơi.

1. Ở khắp nơi, có nghĩa là ở mọi nơi, mọi chỗ. Nhưng ở mọi nơi chỗ không xứng với Thiên Chúa: với Thiên Chúa, thì thích hợp không ở một nơi nào hết. Vì các vật vô hình, như Boèce nói (De Hebdom, Pl, 64) không ở trong nơi chỗ. Bởi đó, Thiên Chúa không ở mọi nơi.

2. Tương quan thời gian đối với sự kế tiếp, thế nào thì tương quan nơi chỗ đối với sự thường xuyên thế ấy.

Nhưng một phần bất khả phân của một hành động hoặc của một chuyển động không thể hiện hữu trong nhiều thời gian khác nhau. Bởi đó, một phần bất khả phân trong giống của các vật thường xuyên, không ở mọi nơi.

Mà sự hiện hữu của Thiên Chúa không phải kế tiếp, nhưng là thường xuyên. Bởi đó, Thiên Chúa không ở nhiều nơi chỗ; và như vậy, Thiên Chúa không ở mọi nơi.

3. Hơn nữa, vật gì ở nguyên vẹn trong một nơi nào, thì không ở một phần trong nơi khác. Nhưng nếu Thiên Chúa ở một nơi nào, thì Ngài ở nguyên vẹn ở nơi đó. Vì Ngài không có ở các phần. Không có phần ở nơi khác; và bởi đó, Thiên Chúa không ở mọi nơi.

TRÁI LẠI

Đã ghi chép: Ta làm đầy cả trời và đất (Gr 23,24).

TRẢ LỜI

Nơi chỗ là thực tại, nên ở trong nơi chỗ, thì hiểu được hai cách:

- hoặc là theo thể cách các vật khác, tức là theo thể cách một vật được nói là ở trong vật khác bất cứ cách nào, chẳng hạn như các tuỳ thể của một nơi chỗ, ở trong nơi chỗ

- hoặc là theo thể cách riêng biệt của nơi chỗ, như các vật được đặt vào nơi chỗ, thì ở trong nơi chỗ.

Nhưng theo hai thể cách này, có thể nói một cách nào đó Thiên Chúa ở mọi nơi.

Trước tiên, Thiên Chúa ở trong mọi vật, bằng cách ban cho chúng, sự hiện hữu, năng lực và hành động; như thế; Thiên Chúa ở mọi nơi chỗ bằng cách ban cho sự hiện hữu và sự chuyển động nơi chỗ.

Hơn nữa, các vật được đặt trong nơi chỗ, thì ở trong nơi chỗ theo mức độ chúng nó làm đầy nơi chỗ.

Cũng cách đó, Thiên Chúa làm cho đầy mọi nơi chỗ, nhất định không phải như một vật thể, vì một vật thể được nói là làm đầy một nơi chỗ, theo mức độ nó trục xuất sự chiếm chỗ của vật khác; đang khi Thiên Chúa do sự kiện ở trong một nơi chỗ, không trục xuất các vật khác ra ngoài nơi chỗ ấy.

Sự thực là Thiên Chúa làm đầy mọi nơi chỗ bằng hành động ban phát sự hiện hữu cho các vật làm đầy tất cả mọi nơi chỗ.

GIẢI ĐÁP

1. Các vật vô hình không ở trong nơi chỗ bằng cách đụng chạm đến lượng có kích thước như các vật thể, nhưng bằng sự đụng chạm của năng lực.

2. Bởi khả phân hữu có hai thứ.

- Một thứ bất khả phân hữu là cái giới hạn của liên tục hữu, thí dụ, một điểm trong các vật thường xuyên, và các chốc lát trong các vật kế tiếp.

- Thứ bất khả phân hữu ở nơi các vật thường xuyên, vì có vị trí nhất định, không có thể ở trong nhiều phần của nơi chỗ, hoặc là trong nhiều chỗ.

Cũng thế đối với bất khả phân hữu của sự hành động hoặc sự chuyển động, vì bất khả phân hữu này có một trật tự nhất định trong chuyển động hoặc trong hành động, thì không có thể ở trong nhiều phần của thế gian.

Còn một thứ bất khả phân hữu nữa, thì ở ngoài nguyên vẹn giống liên tục hữu; và theo thể cách này, các vật vô hình như Thiên Chúa, Thiên thần, linh hồn, được gọi là bất khả phân hữu.

Thứ bất khả phân hữu như thế, không thuộc về liên tục hữu, với tính cách một phần của nó, nhưng thuộc về liên tục hữu, bằng cách dùng năng lực mà đụng chạm đến nó.

Bởi đó, thứ bất khả phân hữu này, theo mức độ năng lực có thể đụng chạm đến một hoặc nhiều vật khác, đến vật nhỏ mọn hoặc vật to lớn, thì nó ở trong một hoặc nhiều nơi chỗ, và trong nơi chỗ nhỏ hoặc lớn.

3. Một cái nguyên, được gọi như thế do liên quan với các phần của nó. Nhưng tiếng “phần” có hai nghĩa:

- một phần của yếu tính, như mô thể và chất thể được gọi là phần của hợp vật, đang khi giống và sự dị biệt được gọi là phần của loại.

- Còn có phần của lượng, bất cứ lượng nào cũng có thể phân chia các phần hiểu theo ý nghĩa này, bởi đó, vật nào ở nguyên vẹn trong một nơi nào theo toàn thể của lượng, thì có thể ở ngoài nơi chỗ này, vì lượng của vật đã được đặt vào nơi chỗ, thì có cùng một diện tích với lượng của nơi chỗ đó.

Do đó, không có toàn thể của lượng, mà không có toàn thể của nơi chỗ.

Nhưng toàn thể của yếu tính không có cùng một diện tích với nơi chỗ.

Cho nên, một vật ở nguyên vẹn trong một vật khác do toàn thể của yếu tính, thì không tất nhiên phải ở ngoài vật khác này.

Cũng nói như thế đối với các mô thể tuỳ thể, vì các mô thể tuỳ thể chỉ có lượng bằng cách ngẫu trừ.

Thí dụ, màu trắng ở nguyên vẹn trong mỗi phần của một mặt ngoài, nếu chúng ta nói đến toàn thể yếu tính của màu trắng ở nguyên vẹn hoàn toàn theo yếu tính của trên mỗi phần của mặt ngoài này.

Nhưng nếu toàn thể của màu trắng được quan sát theo lượng mà nó có cách ngẫu trừ, thì hẳn là nó không ở nguyên vẹn trong mỗi phần của mặt ngoài ấy.

Đàng khác, các vật vô hình không có toàn thể tính cách yếu tính hoặc cách ngẫu trừ ngoài ý tưởng đầy đủ về yếu tính của chúng nó. Bởi, cũng như linh hồn ở nguyên vẹn trong mỗi phần của thân thể, thì Thiên Chúa cũng ở cách nguyên vẹn như vậy trong tất cả mọi vật cùng ở một cách toàn vẹn tuyệt đối.

---------------------------------
 

TIẾT 3: THIÊN CHÚA Ở KHẮP NƠI DO YẾU TÍNH, DO NĂNG LỰC VÀ DO SỰ HIỆN DIỆN KHÔNG?


VẤN NẠN

Xem ra thể cách Thiên Chúa hằng hữu trong các vật bị giải thích sai, khi nói rằng Thiên Chúa ở trong tất cả mọi vật bằng yếu tính, bằng sự hiện diện và bằng năng lực.

1. Cái gì ở trong một vật nào do yếu tính, thì ở trong nó cách yếu tính. Mà Thiên Chúa không ở cách yếu tính trong các vật, vì Ngài không thuộc về yếu tính của vật nào cả. Vậy không được nói Thiên Chúa ở trong các vật bằng yếu tính, bằng sự hiện diện và bằng năng lực.

2. Hiện diện trong vật nào, thì có nghĩa là không vắng mặt ở nơi vật đó. Mà việc Thiên Chúa không vắng mắt ở nơi một vật nào, thì có nghĩa là Thiên Chúa ở trong các vật bằng yếu tính.

Bởi đó, sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi vật bằng yếu tính và bằng sự hiện diện nói lên cũng một vật.

Vậy, nói Thiên Chúa hiện diện trong các vật bằng yếu tính, bằng sự hiện diện và bằng năng lực, là nói vô ích.

3. Thiên Chúa do năng lực, mà là nguyên nhân tác thành mọi vật thế nào, thì do trí tuệ và ý chí.

Ngài cũng là nguyên nhân tác thành mọi vật như vậy. Bởi đó, Thiên Chúa cũng không hiện diện khắp nơi bằng năng lực của ngài.

4. Hơn nữa, như ân sủng là sự hoàn hảo thêm vào cho bản thể của một vật nào, thì nhiều sự hoàn hảo khác cũng được thêm vào cho như vậy.

Vậy nếu Thiên Chúa được nói rằng: Ngài ở trong những vật nào đó theo một cách thức đặc biệt do ân sủng, thì xem ra do mỗi một hoàn hảo, phải có một cách thức đặc biệt để Thiên Chúa hiện-hữu trong các vật.

TRÁI LẠI

Grégoire chú giải Diễm Tình Ca, nói Thiên Chúa ở trong tất cả mọi vật theo một cách thức tổng quát do sự hiện diện, năng lực và cái bản thể; nhưng Thiên Chúa được nói là hiện diện trong một vài vật, một cách thân mật bằng ân sủng (Peter Lombard, Sent., 1,37,1).

TRẢ LỜI

Thiên Chúa được nói là ở trong một vật bằng hai cách:

Cách thứ nhất, theo cách thức của nguyên nhân tác thành, và như vậy, Ngài ở trong tất cả mọi vật đã do Ngài sáng tạo.

Cách thứ hai, Thiên Chúa ở trong các vật như đối tượng của một hành động ở trong tác nhân; đó là đặc tính trong các hành động của linh hồn: vật được biết, thì ở vật biết, vật được thèm muốn thì ở trong vật thèm muốn.

Thiên Chúa, theo cách thứ hai này, một cách đặc biệt, ở trong các thụ tạo có lý tính, là những vật biết và mến Thiên Chúa cách hiện ý hoặc, thường ý. Và bởi vì thụ tạo có lý tính chiếm hữu đặc quyền này do ân sủng như sẽ trình bày sau, thì Thiên Chúa được nói là ở trong các Thánh bằng ăn sủng.

Nhưng việc Thiên Chúa ở cách nào trong các vật do Ngài sáng tạo, thì hiểu được, khi nhìn đến các vật ở trong các sự vật của nhân loại. Thí dụ, ông Vua được nói là ở trong cả nước do quyền bính của mình, mặc dầu Vua không hiện diện khắp nơi trong nước. Lại nữa, một vật được nói là do sự hiện diện, ở trong tất cả mọi vật thuộc về sự trông thấy của mình; như tất cả mọi sự trong một cái nhà nào, thì được nói là hiện diện đối với người nào, mặc dầu người này theo bản thể thực sự không ở mọi chỗ từng nhà này. Sau hết, một vật được nói là theo bản thể hoặc theo yếu tính trong nơi chỗ mà bản thể của nó ở. Nhưng đã có một số người, tức các người theo thuyết Manisêô, chủ trương các vật thiêng liêng và vô hình lệ thuộc vào quyền năng của Thiên Chúa; còn các vật hữu hình, thì lệ thuộc vào một quyền năng đối lập với Thiên Chúa. Bởi đó, để chống cự với các người đối lập nói trên, chúng ta phải nói Thiên Chúa ở trong mọi vật do quyền năng của Ngài.

Nhưng có những người khác theo lời nói thánh Augustin (De Haeres., 46), dầu họ tin tưởng tất cả mọi vật đều lệ thuộc vào quyền năng của Thiên Chúa, vẫn không nghĩ rằng sự quan phòng của Thiên Chúa cũng bao gồm các vật thể hạ tầng; và họ mượn lời nói của Gióp: Người có thấy đâu, vì mây mù từng đám; Thiên Chúa rảo bước cao tít thượng tầng và không trông xem những gì thuộc về chúng ta ( (G 22,1). Nhưng đố lại với những người này, chúng ta phải nói Thiên Chúa ở trong mọi vật do sự hiện diện của Ngài. Có những người khác nữa, mặc dầu họ nói tất cả mọi sự vật đều bao gồm trong sự quan phòng của Thiên Chúa, lại chủ trương không phải mọi vật đã được sáng tạo trực tiếp do Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa đã sáng tạo những thụ tạo đầu tiên và các thụ tạo đầu tiên này đã sáng tạo nên các thụ tạo khác. Và chống lại các ngài này, chúng ta phải nói Thiên Chúa ở trong mọi vật do yếu tính của Ngài.

Như vậy, Thiên Chúa ở trong mọi vật do năng lực của Ngài, theo mức độ mọi sự vật mở ra rõ ràng trước mắt của Thiên Chúa. Thiên Chúa ở trong mọi vật do yếu tính, theo mức độ Ngài ở trong mọi vật với tính cách là nguyên nhân tạo nên sự hiện hữu cho chúng nó, như đã trình bày ở Tiết 1.

GIẢI ĐÁP

1. Thiên Chúa được nói là ở trong mọi vật do yếu tính của Ngài không phải vì Ngài dường như là yếu tính của mọi vật, nhưng vì Ngài là nguyên nhân tạo nên sự hiện hữu của mọi vật như đã trình bày ở Tiết 1.

2. Một sự vật được nói là hiện diện đối với một vật, là khi sự vật này ở trong hạm vi trông thấy của vật đó, mặc dầu theo bản thể, nó có thể xa cách vật đó: ở đây có thể hiện diện hai cách: do yếu tính, và do sự hiện diện.

3. Sự hiểu biết và ý muốn đòi sự vật được hiểu biết ở trong vật hiểu biết và sự vật được muốn, ở trong người muốn. Do đó, theo sự hiểu biết và ý muốn thì các vật ở trong Thiên Chúa thì đúng hơn là Thiên Chúa ở trong các vật. Nhưng năng lực là nguyên nhân tác động trên vật khác. Do đó, nhờ năng lực mà tác nhân có tương quan và động chạm các vật bên ngoài; và như thế, do năng lực mà tác nhân được nói là ở trong vật khác.

4. Ngoài ân sủng, thì không sự hoàn hảo nào khác, thêm vào cho bản thể, làm cho Thiên Chúa hiện diện ở trong bất cứ vật nào, với tính cách là một đối tượng được biết và được mến; bởi đó, duy có ân sủng tạo nên một thể cách đặc biệt Thiên Chúa hiện hữu trong các vật. Tuy nhiên, còn một thể cách riêng biệt Thiên Chúa kết hợp với nhân loại: Thể cách Thiên Chúa hiện hữu này sẽ được nghiên cứu sau (Phần III, CH.2).

---------------------------------
 

TIẾT 4: Ở KHẮP NƠI CHỈ LÀ RIÊNG BIỆT THUỘC VỀ THIÊN CHÚA KHÔNG?


VẤN NẠN

Xem ở khắp nơi không chỉ thuộc về Thiên Chúa.

1. Theo Triết gia thì ở khắp nơi và vĩnh cửu và chất thể đệ nhất cũng thế, vì nó ở trong tất cả mọi vật thể, thì nó ở khắp nơi. Nhưng phổ hữu cũng như chất thể đệ nhất, không phải là Thiên Chúa, như đã trình bày ở trên (CH.3, t.5&8). Bởi đó, ở khắp nơi không chỉ thuộc về Thiên Chúa.

2. Số thì ở trong các vật được đếm. Nhưng toàn thể vũ trụ được cấu tạo trong số, như rõ ràng trong sách Khôn Ngoan: Mặc dầu, ngoài thú vật đó ra, chỉ một luồng gió họ cũng đủ chết, họ bị khủng bố do chính mọi hành vi của họ, và bị tiểu trừ do hơi thở toàn năng của khôn ngoan. Tuy nhiên khôn ngoan đã ăn bài mọi sự có hệ số, có điều độ (Kn 11,21). Vậy, có một số vật ở trong toàn thể vũ trụ và như vậy, các vật ấy ở khắp mọi nơi.

3. Vũ trụ là một thứ vật thể nguyên vẹn hoàn hảo. Mà vũ trụ nguyên vẹn thì ở khắp nơi, vì không có nơi chỗ ở ngoài vũ trụ. Vậy, ở khắp nơi không chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi.

4. Nếu vật thể nào vô hạn, thì có nơi chỗ nào ngoài nó; và như vậy, nó ở khắp mọi nơi. Vậy, ở khắp mọi nơi không chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi.

5. Cái hồn, theo lời Augustin nói, ở nguyên vẹn trong nguyên vẹn thân thể và nguyên vẹn trong mỗi một phần của thân thể (De Trin., 6,6). Bởi đó, giả như trong vũ trụ, chỉ có một con động vật, thì cái hồn của nó ở khắp mọi nơi; và như vậy ở khắp mọi nơi không chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi.

6. Hơn nữa, như Augustin nói, hồn cảm giác ở nơi nó thấy, và nó sống ở nơi nó cảm giác, và nó ở nơi nó sống. Nhưng hồn thấy dường như nó ở khắp mọi nơi: vì trong cái nhìn thoáng qua kế tiếp, cái hồn bao trùm nguyên vẹn không giản cả bầu trời trong một cái trông thấy. Vậy, hồn ở khắp mọi nơi.

Thánh Ambroise nói: “Ai cả dám gọi Chúa Thánh Thần là thụ tạo: Chúa Thánh Thần ở trong mọi vật và ở khắp nơi và ở luôn mãi: Ở như thế, thì chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi” (De Spir, Sancto, 1,7).

TRẢ LỜI

Ở khắp mọi nơi, thì nguyên thuỷ và nguyên thường (theo yếu tính) chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi. Nhưng ở khắp mọi nơi trước tiên được nói thuộc về cái gì mà nguyên vẹn nó ở khắp mọi nơi. Vì một vật ở khắp mọi nơi theo những phần khác nhau của nó ở trong những nơi khác nhau, thì vật đó một cách nguyên thuỷ, không ở khắp mọi nơi, vì cái gì thuộc về một vật nào theo từng phần, thì không thuộc về vật đó, cách nguyên thuỷ. Như thể, nếu người nào có răng trắng, thì sự trắng một cách nguyên thuỷ không thuộc về người đó, nhưng thuộc về răng của người đó. Nhưng một vật ở khắp nơi cách nguyên thường (cách yếu tính), khi ở mọi nơi cách ngẫu trừ không thuộc về nó: cách ngẫu trừ, nghĩa là thuần tuý do một sự giả thiết; như hột kê sẽ sẽ có thể ở khắp mọi nơi, giả như không hiện hữu vật thể nào khác. Ở khắp mọi nơi cách nguyên thường thuộc về một vật nào; và ở khắp mọi nơi cách nguyên thường chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi. Vì bất cứ giả thiết số các nơi chỗ nhiều đến đâu, cho dầu giả thiết số nơi chỗ vô cùng ngoài các nơi chỗ đang có đi nữa, thì tất yếu Thiên Chúa sẽ ở trong tất cả các nơi đó, vì không cái gì hiện hữu mà không do Thiên Chúa. Bởi đó, ở khắp mọi nơi thuộc về Thiên Chúa cách nguyên thuỷ và nguyên thường, và chỉ riêng biệt thuộc về Thiên Chúa mà thôi; vì cho dầu giả thiết hiện-hữu các nơi chỗ nhiều thế nào, thì Thiên Chúa vẫn ở trong tất cả nơi chỗ ấy, không phải do một phần của Ngài, nhưng do chính Ngài nguyên vẹn.

GIẢI ĐÁP

1. Phổ quát hữu và chất thể đệ nhất nhất định ở khắp mọi nơi, nhưng không do cũng một thứ hiện hữu.

2. Con số, vì là một tuỳ thể, không có trong nơi chỗ cách nguyên thường, nhưng theo cách ngẫu trừ: vì con số không ở nguyên vẹn trong bất cứ nơi chỗ nào, nhưng ở theo các phần của nó. Và như vậy, con số không ở khắp nơi cách nguyên thuỷ và nguyên thường.

3. Cái vật thể nguyên vẹn của vũ trụ ở khắp mọi nơi, nhưng không theo cách nguyên thuỷ, vì vũ trụ không ở nguyên vẹn trong một một nơi chỗ, nhưng do các phần của nó. Vũ trụ cũng không ở khắp nơi cách nguyên thường, về giả thết hiện hữu những nơi khác nữa, thì nó không ở trong các nơi khác này.

4. Giả như một vật thể vô cùng hiện hữu, thì vật thể này sẽ ở khắp mọi nơi, nhưng ở khắp mọi nơi theo những phần của nó.

5. Giả như chỉ có một động vật duy nhất, thì hồn của nó ở khắp mọi nơi cách nguyên thuỷ, nhưng theo cách ngẫu trừ.

6. Khi nói hồn thấy ở bất cứ nơi nào, thì bao gồm hai ý nghĩa. Theo ý nghĩa thứ nhất, trạng từ “ở bất cứ nơi nào” đổi nghĩa hành động “thấy” về phía đối tượng; và theo ý nghĩa này, thì sự thật là khi hồn thấy cả bầu trời, nó thấy trong bầu trời và nó cũng cảm giác trong bầu trời; nhưng không thể kết luận hồn sống trong bầu trời hoặc hiện hữu trong bầu trời, vì sống và hiện hữu không nói lên một hành động tới đối tượng ở ngoại giới.

Theo ý nghĩa thứ hai, thì hiểu biết được trạng từ nói trên, đổi nghĩa hành động của chủ thể trông thấy, nói lên hành động này phát xuất từ chủ thể trông thấy; và như vậy, sự thật là hồn cảm giác và trông thấy ở đâu, thì nó ở đó và nó sống ở đó theo thể cách nói này. Như thế, không nói được là hồn ở khắp mọi nơi.

---------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây