Ngày 11/06: Thánh Banaba, tông đồ

Thứ hai - 10/06/2024 18:18
Ngày 11/06: Thánh Banaba, tông đồ
Ngày 11/06: Thánh Banaba, tông đồ
Ngày 11/06: Thánh Banaba, tông đồ
---------------------------------
Mục Lục:

Bài 1: Phụng vụ Chư thánh (Châu Kiên Long) 1
Bài 2: Phụng vụ chư thánh (Lm Nguyễn văn Trinh) 2
Bài 3: Lịch sử - Thánh Barnaba tông đồ. 5
Bài 4: tonggiaophanhanoi.org. 7
Bài 5: Lm. Giuse Đinh Tất Quý. 9
Bài 6: Lm. Giuse Đinh Lập Liễm.. 11
Bài 7 Truyện: Nhạc sĩ Phó tế Vũ Thành An. 13


---------------------------------

 

Bài 1: Phụng vụ Chư thánh (Châu Kiên Long)


Thánh BARNABÊ tông dồ

Thánh Barnabê gốc Do Thái, thuộc chi họ Lêvi, nhưng sinh ra tại đảo Chypre.

Ngài đã có dịp nghe Chúa Giêsu giảng và trở nên một trong số 72 môn đệ đầu tiên.

Sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, Barnabê vâng lệnh các Tông đồ đi giảng Phúc Âm tại Antiokia, một địa điềm truyền giáo thịnh vượng nhất thời bấy giờ.

Được đầy Chúa Thánh Thần và nhờ tài lợi khầu, Ngài đã lôi cuốn được nhiều người trở về với Thiên Chúa.

Ngài đã tìm và mời Thánh Phaolô tới giảng day với Ngài tại dây. Sau dó, các Ngài trở lại Giêrusalem, mang theo món tiền quyên được và trao cho các kỳ mục cùng gặp gỡ các vị Tông đồ khác.

Nhưng ý Chúa muốn trao phó cho Barnabê và Phaolô sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, nên các Ngài đã trẩy đi Séleucie và Chypre. Các Ngài được dân bản xứ đón tiếp và tin theo.

Tuy nhiên ở một vài nơi, có những nguòi Do Thái thủ cựu ghen tương, đã thốt ra nhiều lời ngạo mạn đối với các Ngài.

Các Ngài cũng được Chúa ban quyền làm nhiều phép la, chữa lành các bệnh tật, cho kẻ chết sống lại.... đề củng cố lòng tin cúa tân tòng.

Hoat động cúa các Ngài được ghi lại trong sách Công Vụ Sứ Đồ.

Thánh Barnabê cùng vói Marcô ờ lai Chypre, tiếp tục giảng đạo và lãnh phúc tử đạo tại đây.

Chính những người Do Thái từ Syria âm mưu xúi dân ném đá và xử tử Ngài.

Nǎm 488, đời Hoàng đế Zenon, người ta đã tìm được hài côt thánh Barnabê tai Sa-lamine, đảo Chypre.

---------------------------------

 

Bài 2: Phụng vụ chư thánh (Lm Nguyễn văn Trinh)


Lịch sử

Cv 11,21b-26; 13,1-3 Mt 10,7-15

Ba-na-ba “là một người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin (Cv11,23). Ngài được sách công vụ nhận là Tông Đồ (14,4) cho dù ngài không thuộc nhóm Mười Hai.

Ngài là một người Do Thái, thuộc giáo tỉnh Cypern, gốc Lê-vi và tên gọi là Giuse.

Chúng ta không biết lúc nào ngài gia nhập Kitô giáo.

Như Công Vụ ghi, ngài có lòng đại độ: “Giuse, người đã được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là con của sự an ủi, một người Lê-vi, người gốc Ky-prô, có một thửa ruộng, ông đã bán đi và đem bạc đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4,36-37)

Ngài là người hướng dẫn Saolô mới trở lại, đến gặp các vị Tông Đồ ở Giêrusalem (Cv 9,26-27).

Sau này, vào khoảng năm 42, đã tìm Saolô từ Tar-sô đưa sang An-ti-ô-ki-a, làm người cộng sự truyền giáo.

Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất, cả hai đi Ky-prô và mạn nam Tiểu Á.

Cả hai đã đi Giêrusalem dự Công Nghị Tông Đồ, để đấu tranh cho việc người ngoại, một khi gia nhập Ki-tô giáo, không phải lệ thuộc Lề Luật.

Sau đấy, có cuộc tranh cãi giữa hai người, chỉ vì Phao-lô không muốn đem theo Mác-cô, bà con của Ba-na-ba, trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai. Ba-na-ba đã đem Mác-cô đi với mình đến Ky-prô (Cv 15,39)

Theo truyền thuyết sau này, Ba-na-ba bị ném đá chết tại Sa-la-mít (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống...

Những chỉ dẫn tiếp theo về cách đối xử của người được sai đi giảng Tin Mừng:
- Công việc sẽ làm: “chữa lành” người đau yếu.
- Trừ quỷ.
- Tinh thần phục vụ quãng đại: Hãy cho cách nhưng không vì trước đó ta đã lãnh nhận cách nhưng không.
- Đừng quá bận tâm đến những phương tiện vật chất. Có thứ gì thì dùng thứ đó.
- Cũng đừng quá quan tâm kén chọn chỗ trọ.
- Phải đem bình an đến cho những người mình gặp gỡ.

B.... nẩy mầm.

1. “Các con hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần”: nhiều người không tin có Thiên Chúa, nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa ở quá xa. Sứ giả Tin Mừng phải làm cho người ta tin rằng Thiên Chúa và Nước Trời đang ở thật gần, bởi vì Thiên Chúa chính là Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

2. “Chữa lành các bệnh nhân…, làm cho kẻ chết sống lại…, làm cho những người cùi được sạch… trừ quỷ…”: tông đồ là một con người chuyên làm lành: xoa dịu những đau khổ, đem lại lẽ sống cho kẻ tuyệt vọng, giúp đỡ những người bị xã hội khinh chê, giải thoát người ta khỏi tội lỗi…

3. “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không”: Làm tông đồ cũng là một bổn phận công bình. Tôi đã lãnh nhận rất nhiều từ Chúa và Giáo Hội cho nên tôi cũng phải biết cho đi.

4. Nhận và cho: Một hôm có một vị bá tước đến cho Thánh Gioan Thiên Chúa số tiền 25 đồng vàng để ngài giúp những người nghèo khổ. Ngay chiều hôm ấy, ông ta giả trang làm một người ăn xin đến xin thánh nhân bố thí. Thánh Gioan Thiên Chúa động lòng thương, lấy cả số tiền 25 đồng vàng đem cho người ấy kèm với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến thú nhận tất cả với thánh nhân và xin lỗi vì đã thử lòng bác ái của Ngài. Khi từ giã, ông đưa tặng thêm 150 đồng vàng nữa ngoài số 25 đồng mà ông xin hoàn lại. Từ đó cứ mỗi tuần ông lại gởi tới bệnh viện của thánh nhân một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ những người nghèo (Góp nhặt)

5. Phaolô và Banaba đều là những tông đồ nhưng cá tính và cách đối xử khác hẳn nhau. Phaolô thì nguyên tắc và cứng rắn, còn Banaba thì tình cảm và mềm dẽo. Bởi thế đôi khi hai ông đụng độ nhau: lần thứ nhất là về vấn đề ăn chung Ga 2,13). Số là Giáo Hội đã có quyết định rằng lương dân tòng giáo không bị buộc giữ tục lệ do thái giáo, trong đó có tục lệ phân biệt những món ăn nào sạch những món ăn nào dơ. Bởi đó các tông đồ đều hòa đồng với lương dân, ăn chung bàn với họ. Nhưng một lần kia vì có mặt những người do thái nên vì muốn không gây khó chịu cho họ, thánh Banaba và cả thánh Phêrô đã tránh ngồi chung bàn ăn với những người lương tòng giáo. Lần đó Phaolô đã nổi giận đứng lên công khai trách nặng hai ngài. Nhưng sách thánh không viết gì về phản ứng ngược lại của hai vị, tức là hai vị đã nhịn. Phêrô vị lãnh đạo Giáo Hội, Banaba người đỡ đầu cho Phaolô, còn Phaolô chỉ là một kẻ đến sau, một người cấp dưới. Thế mà hôm nay người đến sau và người cấp dưới ấy công khai chỉ trích hai bậc trưởng thượng trước mặt cả người do thái lẫn người lương tòng giáo. Vậy mà hai vị này vẫn nhịn. Thật là một tấm gương về lòng khiêm tốn và coi trọng hòa khí. Lần đụng độ thứ hai là về việc của Marcô (Cv 15,39): Trong chuyến truyền giáo thứ nhất, Banaba đã cho Marcô nhập đoàn. Nhưng sau một số gian khổ, Marcô đã bỏ cuộc về nhà với mẹ. Phaolô giận lắm. Đến khi chuẩn bị chuyến truyền giáo thứ hai, Banaba lại rủ Marcô theo, có ý là để Marcô đoái công chuộc tội. Nhưng Phaolô cương quyết không nhận. Phần Banaba thì cũng thiết tha muốn cứu vớt Marcô nên cũng nhất định giữ anh này. Kết quả là Banaba và Phaolô đành phải chia tay nhau, mỗi người dẫn một đoàn truyền giáo riêng đi giảng một hướng riêng. Chuyện bất đồng này lại sinh kết quả tốt là việc truyền giáo càng được đẩy mạnh hơn. Còn thêm một kết quả nữa chứng minh quan điểm của Banaba là hợp lý, đó là ông đã thực sự cứu chữa được Marcô, Marcô trở thành một tông đồ nhiệt thành và tác giả quyển Tin Mừng thứ hai.

Mỗi người chúng ta khi sinh ra mang sẵn một loại tính tình. Hãy sống Tin Mừng và loan Tin Mừng theo cá tính riêng của mình.

6. Đoạn Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ trước khi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Trong đó lời dặn đầu tiên là “Anh em hãy chữa lành” và lời dặn cuối cùng là “Đến đâu anh em hãy mang bình an tới đó”. Với cá tính tự nhiên thích hợp với hai điều này, Thánh Banaba đã thực hiện rõ nhất hai lời căn dặn này của Chúa:

- Ngài đã cứu chữa Phaolô khi đứng ra bảo lãnh Phaolô trước mặt các tông đồ; rồi giúp cho hai bên hoà thuận với nhau, cộng tác nhau vui vẻ.

- Ngài đã cứu chữa giáo đoàn Antiôkhia, chẳng những hóa giải được mối e ngại của Giêrusalem đối với những hoạt động truyền giáo của giáo đoàn non trẻ này, mà còn khuyến khích họ, bồi dưỡng giáo lý cho họ và nâng uy tín của họ đối với giáo đoàn mẹ Giêrusalem. Rồi lại làm cho hai giáo đoàn mẹ con hòa thuận hợp tác.

- Ngài cứu chữa chính giáo đoàn mẹ Giêrusalem, đem đồ cứu trọ của Antiôkhia về cho Giêrusalem.

- Cùng với Phaolô, Ngài cứu chữa các tín hữu gốc lương dân. Bênh vực họ trong hội nghị Giêrusalem. Góp phần làm cho kitô hữu gốc do thái và kitô hữu gốc lương dân sống hòa thuận với nhau trong cùng một niềm tin.

- Ngay cả khi đụng chạm với Phaolô, Thánh Banaba cũng được thúc đẩy bởi tấm lòng thích cứu chữa và hòa giải: trong vụ ăn uống là vì Ngài không muốn gây vấp phạm cho các tín hữu gốc do thái; trong vụ Marcô là vì Ngài muốn cứu vớt một kẻ đã lỡ một lần lỗi phạm.

7. “Đừng sắm vàng bạc hay tiến đồng để giắt lưng. Đi đường đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy” (Mt 10,9-10)

Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan đã lên đường. Họ tức khắc bỏ chài lưới mà lên đường. Họ muốn tung cánh trong tự do bát ngát. Họ gieo Tin Mừng khắp cánh đồng Galilê.

Quê hương con, bao thế hệ cũng đã lên đường. Họ kiếm tìm bình đẳng, bác ái và tự do. Họ đấu tranh cho công bằng xã hội. Họ xây dựng một thế giới hòa bình. Và nhiều người đã bỏ mình vì Nước Chúa.

Còn con… Con cần đội chiếc mũ bằng cấp. Con thích mặc chiếc áo sắc đẹp. Con muốn xỏ đôi giày tình yêu. Con ham vác vài bao của cải, và tay cầm cây gậy quyền năng. Rồi con trở nên nặng nề vì các tạo vật ấy.

Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. Xin sai chúng con lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. (Hosanna)

8. Mầm khác :

---------------------------------

 

Bài 3: Lịch sử - Thánh Barnaba tông đồ


(Thế kỷ I)

Thánh Barnaba nắm giữ một chức vụ nổi bật trong những chương đầu của sách công vụ tông đồ, không phải cho mình, mà nhằm giới thiệu thánh Phaolô, anh hùng trong cuốn sách.

Ngài là một người Do thái, được sinh tại Chypre. Và là một phần tử trong Giáo hội sơ khai ở Giêrusalem.

Chính ở địa vị này, mà khoảng năm 39, tân tòng Saolê được đón nhận vào cộng đoàn các tông đồ (Cv 9-27).

Bốn năm sau, Ngài kêu gọi Saolê tham gia công tác hướng dẫn cộng đoàn Kitô giáo mới được thiết lập ở Antiôkia (Cv 11,19-26).

Thành phố này rất quan trọng, chỉ kém Rôma và đã trở nên trung tâm Kitô giáo của lương dân.

Một lần nữa, cùng với Saolê, Ngài được trao phó cho nhiệm vụ mang tiền cứu trợ gởi về cho Giáo hội Giêrusalem (Cv 27-30).

Nơi đây, hai người lại được Gioan, Marô là bà con của Barnaba (Gl 4,10) nhập bọn.

Ba người họp thành đoàn truyền giáo, lên đường khoảng năm 45 (Cv 13 và 14).

Từ đây, Barnaba dần dần ẩn mặt đi.

Dầu Chypre, là sinh quán của Ngài, nhưng chính Saolê dưới tên mới là Phaolô dẫn đầu cuộc truyền bá Phúc âm.

Phaolô và đoàn tùy tùng lên đường tới lục địa Tiểu Á.

Khi cùng Phaolô rao giảng (Cv 14,8-18), Barnaba được coi là thần Jupiter và Phaolô là Hermes.

Đây là chứng cớ hùng hồn về vai trò hỗ tương của hai ông.

Ba năm sau, Phaolô trở về và được cộng đồng Giêrusalem phê chuẩn về đường lối Ngài theo trong chuyến hành trình (Cv 15,1-35).

Năm sau, dự định hành trình truyền giáo thứ hai, có sự tranh chấp về việc kết nạp Gioan Marcô (Cv 15,35-41). Phaolô chọn các bạn đồng hành khác và Barnaba trở về Chypre.

Việc giới thiệu Phaolô đã được hoàn thành và tên Ngài không còn được nhắc đến trong sách Công vụ nữa.

Trong việc trao đổi thư từ của Phaolô với Giáo hội Côrintô cho thấy: khoảng năm 56 thánh Barnaba vẫn còn sống (1Cr 9,5).

Sáu năm sau Phaolô xin Marcô đến gặp mình ở Roma (2Tm4). Sự kiện này cho phép chúng ta nghĩ rằng thánh Barnaba đã qua đời.

Một truyền thống sau này nói tới chuyến hành trình của thánh Barnaba tới Alexandria, Rôma, và Milan.

Tại Milan, Ngài là giám mục tiên khởi.

Một truyền thống đáng tin hơn cho biết: Ngài chết vì ném đá ở Salamis, sinh quán của Ngài.

Nay còn nhiều mảnh vụn của cuốn ngụy thư Phúc âm thánh Barnaba và của một tác phẩm thuộc thế kỷ thứ V là công vụ thánh Barnana.

Nhưng những tài liệu này không cho biết nhiều hơn những điều đã biết được từ sách Công vụ các tông đồ.

Cuốn gọi là thơ thánh Barnaba, mà nhiều giáo phụ chép vào thơ mục thánh kinh, nay người ta biết được là tác phẩm của một người Do thái theo Kitô giáo ở Alexandria.

Người ta nói rằng: mộ Ngài được tìm thấy năm 448. Trên ngực Ngài còn có một cuốn Phúc âm theo thánh Matthêu, mà chính thánh Barnaba đã chép tay.

---------------------------------

 

Bài 4: tonggiaophanhanoi.org


Thánh Ba-na-ba – Tông đồ

Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Từ thế kỷ XI lễ nhớ thánh Barnaba được cử hành ngày 11 tháng 6 tại Rôma. Ngày tháng này được thống nhất chung cho cả Đông Phương lẫn Tây Phương, kỷ niệm ngày tìm thấy thi hài của người. Kinh Nguyện Thánh Thể của Giáo triều Rôma nêu tên Barnaba cùng với Stêphanô và Matthias.

Trong Công vụ Tông Đồ, ngài được gọi là Joseph và biệt hiệu là Barnaba (người có tài yên ủi). Ngài là một thầy Lêvi, quê quán ở đảo Cypre, xứng đáng mang danh “Tông Đồ” trong Giáo hội tiên khởi. Ngài lấy tiền bán đất đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 37). Loan báo Tin Mừng ở Antiochia, thành phố thứ ba của đế quốc Rôma và đã tìm Phaolô thành Tarsus đến với cộng đoàn. Hơn một năm, ngài cùng Phaolô chuyên tâm rao giảng Tin Mừng cho cộng đoàn mới trong thành phố. Nơi đây, các tín hữu lần đầu tiên nhận danh hiệu “Ki-tô hữu”, nghĩa là “môn đệ của Đức Kitô” (tiếng Hy Lạp: Christianos).

Barnaba theo Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất (Cv13,2-4), đi khắp đảo Cypre và khắp bờ biển miền nam Tiểu Á. Nhưng sau Công đồng Giêrusalem, năm 49, Barnaba chia tay Phaolô để cùng người anh em họ Gioan Márcô trở lại đảo Cypre. Các tư liệu xưa cho chúng ta biết ngài đã qua Rôma và bị người Do Thái ném đá gần Salamine. Có lẽ người ta đã tìm thấy thi hài của ngài tại đó, vào thế kỷ V.

Truyền thống xem ngài là một trong bảy mươi môn đệ của Chúa và cho rằng ngài là tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái, cũng như Thư của Barnaba, có lẽ gửi từ Alexandrie. Ngược lại, chắc người ta đã đọc trong Giáo hội tiên khởi một bản Tin Mừng mang tên ngài, nhưng bản Tin Mừng này đã không đến tay chúng ta.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời nguyện nhập lễ lấy lại lời ca ngợi của Công vụ khi gọi Barnaba là “Người đầy ơn Thánh Thần và lòng tin”: Khi tới nơi và thấy ơn Thiên Chúa như vậy, ông Barnaba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa, vì ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin (Cv 11, 24).

b. Lời nguyện trên lễ vật nhắc đến “tình yêu nồng nàn đã thúc đẩy Barnaba chuyển trao ánh sáng Tin Mừng cho các dân tộc ngoại giáo”. Trước lòng hăng say hoạt động Tông Đồ của Phaolô thành Tarsus, Barnaba không phải là người đứng bên lề do khiêm tốn giả tạo, nhưng ngài muốn dành cho Phaolô tác vụ rao giảng lời Chúa (Cv 14, 12 b). Còn về phần mình, ngài vẫn tiếp tục hợp tác, nêu gương sẵn sàng hy sinh phục vụ. Chính Barnaba là người đi tìm Phaolô ở Tarsus để đưa về Antiochia và cho hội nhập vào một cộng đoàn đang dè dặt nghi kỵ, trước khi cùng nhau đem Tin Mừng cho các dân tộc ngoại giáo sống ở các bờ biển phía nam Tiểu Á.

c. Khi nhắc đến việc Đức Giêsu sai các Tông Đồ ra đi truyền giáo: Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước trời đã đến gần…, bài Tin Mừng Thánh lễ (Mt 10,7-13) cũng gợi lại tinh thần hành động của Hội thánh dựa trên ý muốn của Đấng sáng lập, như được mô tả trong Công vụ (xem bài đọc một: Cv 11, 21..13, 3): Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Barnaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm”. Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.

Như thế việc sai đi truyền giáo được thể hiện như một hành vi trang trọng của Hội thánh (kinh nguyện, chay tịnh, đặt tay…) dâng hiến con người để phụng sự Chúa.

Enzo Lodi

---------------------------------

 

Bài 5: Lm. Giuse Đinh Tất Quý


1. Đôi hàng tiểu sử.

Banaba “là một người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin’’ (Cv11,23). Ngài được sách công vụ nhận là Tông Đồ (Cv 14,4) cho dù ngài không thuộc nhóm Mười Hai

Ngài là một người Do Thái thuộc giáo tỉnh Cypern, gốc Lêvi và tên gọi là Giuse. Chúng ta không biết ngài đã gia nhập Kitô giáo lúc nào. Như Sách Tông Đồ Công Vụ ghi, ngài có lòng đại độ: “Giuse, người đã được các Tông Đồ đặt tên là Barnaba nghĩa là con của sự an ủi  một người Lêvi, người gốc Kyprô, có một thửa ruộng, ông đã bán đi và đem bạc đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4,36-37)

Ngài là người hướng dẫn Saolô sau khi Saulô trở lại đến gặp các vị Tông Đồ ở Giêrusalem (Cv 9,26-27). Sau này vào khoảng năm 42, Barnaba đã tìm đến với Saolô ở Tarsô rồi cùng với Phaolô sang truyền giáo tại Antiôkia. Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất này, cả hai đi Kyprô và mạn nam Tiểu Á. Chính các ngài đã đi Giêrusalem dự Công Nghị Tông Đồ để đấu tranh cho việc những người dân ngoại, khi gia nhập Kitô giáo, không phải lệ thuộc Lề Luật cũ. Sau đó xảy ra một cuộc tranh cãi giữa hai người. Lý do là vì Phaolô không muốn đem theo Máccô, bà con của Barnaba đi theo mình trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai cho nên Barnaba đã đem Máccô đi với mình đến Kyprô (Cv 15,39)

Theo truyền thuyết, sau này Barnaba bị ném đá chết tại Salamít (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

II. CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Phaolô và Barnaba đều là những tông đồ nhưng cá tính và cách đối xử khác hẳn nhau. Phaolô thì nguyên tắc và cứng rắn, còn Barnaba thì tình cảm và mềm dẻo. Bởi thế đôi khi hai ông đụng độ nhau:

Lần thứ nhất là về vấn đề ăn chung (Ga 2,13). Số là Giáo Hội đã có quyết định rằng lương dân tòng giáo không bị buộc giữ tục lệ Do thái giáo, trong đó có tục lệ phân biệt những món ăn nào sạch những món ăn nào dơ. Bởi đó các tông đồ đều hòa đồng với lương dân, ăn chung bàn với họ. Nhưng một lần kia vì sự có mặt của những người Do thái nên vì muốn tránh không muốn gây khó chịu cho họ, nên thánh Barnaba và cả thánh Phêrô đã tránh ngồi chung bàn ăn với những người lương dân mới tòng giáo. Lần đó Phaolô đã nổi giận đứng lên công khai trách hai người nặng lời. Sách Thánh không viết gì về phản ứng ngược lại của hai vị, tức là hai vị đã nhịn. Chúng ta nên để ý: Lúc đó Phêrô vị lãnh đạo Giáo Hội, và Barnaba người đỡ đầu cho Phaolô. Phaolô chỉ là một người đến sau, một người cấp dưới. Là một người đến sau và là người cấp dưới như vậy mà hôm nay Phaolô dám công khai chỉ trích hai bậc trưởng thượng của mình trước mặt cả người Do thái lẫn người lương mới tòng giáo như vậy mà Phêrô và Barnaba vẫn nhịn. Đây phải nói là một tấm gương hết sức sống động về lòng khiêm tốn và coi trọng hòa khí.

Lần đụng độ thứ hai là về việc có liên quan đến Marcô (Cv 15,39) : Trong chuyến truyền giáo thứ nhất, Barnaba đã cho Marcô nhập đoàn. Nhưng sau một số gian khổ, Marcô đã bỏ cuộc về nhà với mẹ. Phaolô rất giận. Đến khi chuẩn bị chuyến truyền giáo thứ hai, Barnaba lại rủ Marcô đi theo, có ý là để cho Marcô đoái công chuộc tội. Nhưng Phaolô cương quyết không nhận. Phần vì Barnaba thiết tha muốn cứu vớt Marcô nên nhất định giữ anh này lại. Kết quả là Barnaba và Phaolô đành phải chia tay nhau, mỗi người dẫn một đoàn truyền giáo riêng đi giảng mỗi người một hướng. Thật không dè rằng chuyện bất đồng này lại đưa đến kết quả tốt. Đó là việc truyền giáo càng ngày càng được đẩy mạnh hơn. Và thêm một kết quả nữa cũng hết sức tốt đẹp. Nó đã chứng minh cho quan điểm của Barnaba là hợp lý. Đó là Barnaba đã thực sự cứu chữa được Marcô, không những đã giúp Marcô trở thành một tông đồ nhiệt thành mà sau này còn là tác giả quyển Tin Mừng thứ hai.

Tóm lại chúng ta thấy mỗi người chúng ta khi sinh ra đã mang sẵn một loại tính tình. Hãy sống Tin Mừng và loan Tin Mừng theo cá tính riêng của mình.

Đoạn Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ trước khi sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Trong đó lời dặn đầu tiên là “Anh em hãy chữa lành” và lời dặn cuối cùng là “Đến đâu anh em hãy mang bình an tới đó”. Với cá tính tự nhiên thích hợp với hai điều này, Thánh Barnaba đã thực hiện rõ nhất hai lời căn dặn này của Chúa :

Ngài đã cứu giúp Phaolô khi đứng ra bảo lãnh cho Phaolô trước mặt các tông đồ ; rồi giúp cho hai bên hoà thuận với nhau, cộng tác với nhau một cách vui vẻ.

Ngài đã cứu giúp giáo đoàn Antiôkia, chẳng những đã hóa giải được mối e ngại của Giêrusalem đối với những hoạt động truyền giáo của giáo đoàn non trẻ này, mà còn khuyến khích họ, bồi dưỡng giáo lý cho họ và nâng uy tín của họ lên đối với giáo đoàn mẹ Giêrusalem. Rồi lại làm cho hai giáo đoàn mẹ con hòa thuận hợp tác với nhau.

Ngài cũng đã hỗ trợ chính giáo đoàn mẹ Giêrusalem, đem đồ cứu trợ của Antiôkia về cho Giêrusalem.

Cùng với Phaolô, Ngài bênh vực cho các tín hữu gốc lương dân trong hội nghị Giêrusalem. Góp phần làm cho kitô hữu gốc Do thái và kitô hữu gốc lương dân sống hòa thuận với nhau trong cùng một niềm tin.

Ngay cả khi có những đụng chạm với Phaolô, Thánh Barnaba cũng luôn giữ được bầu khi huynh đệ vì việc làm của ngài phát xuất bởi tấm lòng thích cứu chữa và hòa giải : Thí dụ như trong vụ ăn uống là vì Ngài không muốn gây cớ vấp phạm cho các tín hữu gốc Do thái ; trong vụ Marcô là vì Ngài muốn cứu vớt một kẻ đã lỡ một lần lỗi phạm.

Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta có được tâm hồn giống như tâm hồn của thánh Barnaba: Luôn biết đấu tranh cho lẽ phải nhưng với một tấm lòng bao dung và nhất là chỉ vì yêu mến Chúa.

 ---------------------------------

 

Bài 6: Lm. Giuse Đinh Lập Liễm


Thánh Banaba, tông đồ: Chúa huấn dụ các Tông đồ (Mt 10, 6-13)

Sau khi gọi 12 Tông đồ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền, Chúa Giêsu huấn dụ các Tông đồ nhiều điều khi sai các ông đi thực tập truyền giáo.

Trong huấn dụ truyền giáo, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ khi đi truyền giáo thì “đừng mang gì cả”. Người tông đồ của Chúa không được lệ thuộc vào vật chất, nhưng cần nhẹ nhàng thanh thoát như một người lữ hành. Hơn nữa, một người loan báo Tin mừng phải hoàn toàn tin tưởng, phó thác nơi Chúa quan phòng.

Bài Tin mừng hôm nay đặc biệt hoạ lên chân dung của một vị Tông đồ của Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin mừng: mang sứ điệp Nước trời, chữa lành người đau yếu, sống khó nghèo và đem bình an đến cho mọi người. Vậy Chúa Giêsu sai mười hai Tông đồ đi thực tập truyền giáo tới nơi nào? Dặn dò các ông mang những gì? Truyền cho các ông phải nói gì? Phải có thái độ nào khi người ta tiếp đón hay không tiếp đón, thậm chí còn bị người ta xua đuổi... Đó là những điều chúng ta cần tìm hiểu trong bài này.

Trước hết, Chúa bảo các ông phải rao giảng Nước trời. Đó là nội dung sứ điệp các ông phải giảng dạy. Nước trời đã được Ngài loan báo và thiết lập, nghĩa là với sự xuất hiện của Ngài, Nước trời không còn xa xôi, cũng không còn là lời hứa, nhưng đã hình thành trong thời gian qua sự hiện diện của Ngài, đã đến cùng với Ngài, chính Ngài thiết lập Nước trời ở trần gian.

Tiếp đến là khi đi truyền giáo, Chúa bảo các ông phải hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa, nghĩa là người môn đệ ra đi truyền giáo phải có tấm lòng từ bỏ tất cả, của cải vật chất, phải thoát ly ra ngoài vòng kiềm tỏa của tiền bạc...

Sau cùng, Chúa cho các ông biết: công việc rao giảng của các ông không dễ dàng, có người chấp nhận, có người không. Vậy các ông phải có thái độ thế nào? Gặp được nhà nào tốt lành chính đáng, niềm nở đón tiếp, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Làm như vậy là tỏ lòng kính trọng, trung thành và biết ơn lòng hiếu khách...

Tin mừng hôm nay cũng cho thấy một điểm khó hiểu đến phi lý, đó là Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi vào một nơi vô định với hai bàn tay trắng, ngay cả một chút tiền túi cũng không, tất cả đều nằm trong chờ đợi. Thật là nghịch lý và khó hiểu, nhưng đó lại là điều Chúa muốn nơi các môn đệ: Ngài muốn cho họ sống nghèo khó để rồi khám phá ra đâu là sự giàu có đích thực. Người môn đệ nghèo, không phải vì họ không có khả năng làm giàu hoặc không được phép hưởng dùng của cải. Nhưng trong sự nghèo khó, họ sẽ khám phá ra ý nghĩa đích thực của giàu có và cảm nghiệm được tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Và cũng nhờ đó họ sẽ an tâm dồn nỗ lực cho việc rao giảng Tin mừng cứu rỗi (Mỗi ngày một tin vui).

Hôm ấy là lễ thánh Têrêsa Avila, dòng kín Carmêlô tại Lisieux mở cửa cho giáo dân và du khách viếng thăm. Có một người du khách không hiểu lý do đời sống khắc khổ của các nữ tu đã thầm nghĩ: chỉ có những người không đủ ăn đủ mặc mới dấn thân vào đây. Gặp một nữ tu tại hành lang, ông nói: “Này chị, giả như chị có toà nhà sang trọng như toà nhà ở ngoài cổng đối diện với nhà Dòng, chị có thể hy sinh chôn mình trong bốn bức tường Dòng Kín này không?” Chị nữ tu mỉm cười trả lời: “Thưa ông, nhà ấy chính là nhà của tôi”. Quả thật, đó là nhà của chị thánh Têrêsa Hài Đồng mà người du khách hiếu kỳ vừa chất vấn.

Đối với chúng ta ngày nay, mỗi người chúng ta khi nhận phép Rửa tội và phép Thêm sức, chúng ta đều được Chúa mời gọi và sai đi rao giảng Nước trời, tức là rao giảng về Chúa Giêsu, về tình thương của Ngài và những hồng ân của Thiên Chúa, có người bằng việc làm, có người bằng lời nói, nhưng tất cả đều rao giảng bằng chính đời sống của mình.

---------------------------------

 

Bài 7 Truyện: Nhạc sĩ Phó tế Vũ Thành An


Mới đây, với chủ đề nhạc thính phòng, trung tâm ca nhạc Thuý Nga có trụ sở tại Paris đã giới thiệu một số nhạc sĩ quen thuộc, trong đó nhạc sĩ Vũ Thành An được chú ý tới một cách đặc biệt. Người ta chú ý đến người nhạc sĩ này không phải vì những “Bài ca không tên” bất hủ của ông hồi trước năm 1975, mà vì cuộc hành trình đức tin mà ông đã chia sẻ trong cuốn băng.

Như một linh mục đứng trên bục giảng trong nhà thờ, nhạc sĩ Vũ Thánh An cho biết ông đã gặp gỡ Chúa Kitô. Với tất cả niềm vui và xác tín của mình, ông đã kể lại cho mọi người nghe tại sao ông đã trở lại với đức tin Công giáo? Tại sao ông đã chuyển hướng để chỉ sáng tác thánh ca và hiện đang phục vụ Giáo hội trong chức Phó tế vĩnh viễn.

Với những khán thính giả ngoài Kitô giáo, những điều chia sẻ của nhạc sĩ Vũ Thành An hẳn là một trong những bài giảng hay nhất và có sức thuyết phục nhất. Dù có dửng dưng và lạnh lùng đến đâu, có lẽ không ai mà không bị đánh động bởi cung cách tuyên xưng và rao giảng Tin mừng một cách vô cùng đơn sơ và cũng vô cùng can đảm của người nhạc sĩ này.

Truyền giáo là chia sẻ niềm tin mà mình đã và đang sống một cách xác tín và triệt để. Có lẽ nhạc sĩ Vũ Thành An đã thực thi đúng mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ trong bài Tin mừng hôm nay: “Các con đã nhận lãnh nhưng không, các con cũng hãy cho nhưng không”.

---------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây