Ngày 13/06: Thánh Antôn Pađua

Thứ tư - 12/06/2024 10:11
Ngày 13/06: Thánh Antôn Pađua
Ngày 13/06: Thánh Antôn Pađua
Ngày 13/06: Thánh Antôn Pađua 
---------------------------------
Nội Dung:

Bài 1: Phụng Vụ Chư Thánh (Châu Kiên Long) 1
Bài 2: Thánh Antôn Pađua. 2
Bài 3: tonggiaophanhanoi.org. 5
Bài 4: ofmvientu.org. 7

---------------------------------

 

Bài 1: Phụng Vụ Chư Thánh (Châu Kiên Long)


Antôn Pađua sinh nǎm 1195 tai Lisbonne thủ đô nước Bồ Đào Nha, trong một gia đình quyền quí và đạo đức.

Vốn được giáo dục theo tinh thần Phúc Âm, nên Ngài sớm ý thức được việc dâng mình cho Chúa.

Đầu tiên, Ngài nhập dòng Thánh Au-gus-ti-nô và được chịu chức linh mục tại đó.

Cảm thấy lý tưởng sống khiêm tốn và khắc kỷ hợp vói mình hơn, và nhất là Ngài ao ước được truyền giáo cho dân ngoại và được tử đạo, nên Ngài dã xin gia nhâp dòng Phanxicô nǎm1220.

Tại đây, Ngài được bề trên sai đi truyền giáo cho dân Sar-ra-sins ở Phi Châu, thể theo ý nguyện của Ngài.

Nhưng ý Chúa quan phòng lại định liệu cách khác:

Vừa tói Phi Châu, Ngài ngã bênh nặng và phải trở về quê điều trị.

Trên đường về quê, tàu Ngài bi bão thổi dạt vào đảo Si-ci-le, thuộc nước Ý và Ngài ở lai nhà dòn gtại Monte Paulo.

Nhờ gương đạo đức và tài giảng thuyet, Ngài được bề trên cử đi giảng khắp nơi và lo viêc huấn luyện các tu sĩ trong dòng.

Bất cứ ở đâu, lời giảng cúa Ngài đều có sức lôi cuốn nhiều người đến nghe.

Chúa còn minh xác lời Ngài, bằng rất nhiều phép lạ. Không những tại Ý, mà còn tại đất Pháp. Ngài làm việc không biết mệt mỏi. Và ngưòi ta dã ghép cho Ngài cas1i tên: “Hòm bia giao ước” và “Cái búa của bọn lạc giáo”.

Ngài trở về Pađua một năm trước khi chết.

Ngài nồi tiếng, vì công đức và các phép lạ đã làm.

Ngày 13-6-1231 Ngài về an nghỉ trong Chúa, hưởng thọ 36 tuồi.

Năm 1946 Đức Giáo Hoàng Piô XII tôn Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.

---------------------------------

 

Bài 2: Thánh Antôn Pađua


Linh mục và tiến sĩ hội thánh
(1195 - 1231)

Lòng tôn sùng rộng rãi và mạnh mẽ đối với thánh Antôn Padua thật lạ lùng so với những sự kiện đời Ngài.

Ngài sinh năm 1195 có lẽ gần Lisbonne, với tên gọi là Fer-nan-đô.

Cha Ngài là hiệp sĩ và là viên chức tại triều đình hoàng đế Alphongsô thứ  II, vua nước Bồ Đào Nha.

Fer-nan-đô được gởi đi học trường nhà thờ chánh tòa tại Lisbonne, nhưng năm 15 tuổi, Ngài gia nhập dòng thánh Au-gus-ti-nô.

Sau hai năm tại nhà dòng, Ngài xin được chuyển về Co-im-bra vì bạn bè đến thăm quá đông.  

Tu viện Co-im-bra có một trường dạy Thánh kinh rất danh tiếng.

Tám năm trời Fer-nan-đô nỗ lực học hỏi và đã trở thành học giả sâu sắc về thần học và kinh thánh.

1. Biến cố thay đổi

Ngày kia, với nhiệm vụ tiếp khách, Ngài săn sóc cho 5 tu sĩ Phanxicô đang trên đường tới Mo-roc-co.

Về sau, họ bị tàn sát dã man và thi hài họ được đưa về Co-im-bra, để tổ chức quốc táng.

Fer-nan-đô mong ước hiến đời mình cho cánh đồng truyền giáo xa xăm.

Nôn nóng với ước vọng mới, Fer-nan-đô phải tiến một bước bất thường đầy đau khổ, là rời bỏ dòng Au-gus-ti-nô, để nhập dòng Phanxicô.

Nhà dòng đặt tên Ngài là Antôn và chấp thuận cho Ngài tới Mo-roc-cô.

Nhưng vinh dự tử đạo không được dành riêng cho Ngài.

Ngài ngã bệnh và phải trở về quê nhà.

Trên đường về, con tàu bị bão thổi bạt tới Mes-si-na, ở Si-cy-ly.

Thế là An tôn nhập đoàn với anh em Phanxicô nước Ý.

Có lẽ thánh nhân có mặt trong cuộc họp ở Assisi. Năm 1221, ngài gặp thánh Phanxicô ở đây.

Ít lâu sau, Ngài được gởi tới viện tế bần ở For-li, gần E-mi-lia, để làm những công việc hèn hạ.

---------------------------------

2. Biến cố 2.

Dầu vậy một biến cố bất ngờ khiến người ta khám phá ra khả năng đặc biệt của thánh nhân.

Trong một lễ nghi phong chức ở Forli nhà giảng thuyết đặc biệt vắng mặt, không ai dám thay thế. Cha giám tỉnh truyền cho Antôn lên tòa giảng.

Antôn làm cho khán giả phải kinh ngạc. Người ta thấy ngay trước được rằng: Ngài là một nhà giảng thuyết bậc nhất.

Hậu quả tức thời không lâu, Ngài được chỉ định làm nhà giảng thuyết trong cả Italia.

Đây là một thời, mà Giáo hội cần đến những nhà giảng thuyết hơn bao giờ hết, để chống lại các lạc thuyết.

Kể từ đó, nhà tế bần Forli không còn gặp lại Antôn nữa. Ngài du hành không ngừng bước từ miền nam nước Ý, tới miên Bắc nước Pháp, hiến trọn thời gian và năng lực cho việc giảng dạy.

Sự đáp ứng của dân chúng đã khích lệ Ngài nhiều. Các nhà thờ không đủ chỗ cho người đến nghe. Người ta phải làm bục cho Ngài đứng ngòai cửa. Nhưng rồi đường phố và quảng trường đã lại chật hẹp quá và người ta lại phải mang bục ra khỏi thành phố tới những cánh đồng hay sườn đồi, nơi có thể dung nạp những 20, 30, 40 ngàn người đến nghe Ngài. Nghe tin Ngài đến đâu, thì nơi đó tiệm buôn đóng cửa, chợ hoãn phiên họp, tòa ngưng xử án. Suốt đêm dân chúng từ khắp hướng đốt đuốc tụ về. Dường như bất cứ ai một lần chịu ảnh hưởng của thánh Antôn thì không có gì chống lại được sự lôi cuốn bởi các bài giảng của Ngài.

Chủ trương.

Ngài thường mạnh mẽ chống lại sự yếu đuối của hàng tu sĩ, qua những tội nổi bật trong xã hội đường thời như: tính tham lam, nếp sống xa hoa, sự độc đoán của họ.

Đây là một giai thoại điển hình:

Khi Ngài được mời để giảng ở hội đồng, họp tại Bourges, dưới sự chủ tọa của tổng giám mục Simon de Sully. Với những lời mở đầu: “Tibi loquor cornute” (Tôi xin thưa cùng Ngài, đang mang mũ giám mục trên đầu). Thánh nhân tố giác vị giám mục mời Ngài tới, làm mọi thính giả phải kinh ngạc.

Cũng tại Bourges, nên ghi lại một phép lạ lừng danh về  một con lừa thờ lạy bí tích cực trọng. Với một người Do thái không tin phép Bí tích Mình Thánh. Thánh nhân nói:

- Nếu con lừa ông cưỡi, mà quỳ xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình dưới hình bánh, thì ông có tin không ?

Người Do thái nhận lời thách thức.

Hai ngày, ông ta không cho lừa ăn, rồi dẫn tới chỗ họp chợ, giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua, con vật quên đói, quay sang thờ lạy Chúa.

Mùa chay cuối cùng, thánh Antôn giảng ở Pađua. Và người ta còn nhớ mãi về sự nhiệt tình, mà thánh nhân đã khơi dậy.

Dân địa phương đã không thể nào tìm ra thức ăn, lẫn chỗ ở, cho đoàn người đông đảo kéo tới.

Nhưng sau mùa chay này, thánh nhân đã kiệt sức. Ngài xin các bạn đồng hành đưa về nhà thờ Đức Maria ở Pađua để khỏi làm phiền cho chủ nhà trọ. Không nói được nữa. Ngài dừng chân ở nhà dòng Đức Mẹ người nghèo ở Arcella. Tại đây, người ta đặt Ngài ngồi dậy và giúp Ngài thở. Ngài bắt đầu hát thánh thi Tạ ơn và qua đời giữa tiếng ca ngày 13 tháng 6 năm 1231.

---------------------------------

 

Bài 3: tonggiaophanhanoi.org


1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Thánh Antôn được mừng vào ngày kỷ niệm qua đời tại Padoua 13 tháng 6 năm 1231. Ngài được Đức Giáo Hoàng Grégoire IX phong thánh năm 1232 và được Đức Piô XII phong “tiến sĩ của Tin Mừng” năm 1946.

Antôn sinh tại Lisbonne, ở Bồ Đào Nha, khoảng 1195 và nhận tên thánh rửa tội là Fernando. Năm 1210, lúc còn rất trẻ, ngài đã vào hội kinh sĩ triều của Dòng thánh Augustin tại Lisbonne, trước khi vào Đan viện thánh Giá ở Coimbra. Năm 1220, sau khi hâm mộ lý tưởng của thánh Phanxicô và mong ước được phúc tử đạo tại Đất thánh, ngài xin Dòng Phan-xi-cô tiếp nhận mình và mang tên gọi là thầy Antôn. Sau khi được sai đi truyền giáo cho dân tộc Maures, ngài ngã bệnh và quyết định trở về Bồ-Đào-Nha. Nhưng bão tố đã đẩy người đến đảo Sicile.

Năm 1221, Thầy Antôn tham dự tổng công hội Nuttes và gặp thánh Phanxicô Assise. Phanxicô nói với ngài: “Tôi thích thầy dạy môn thần học thánh cho các anh em”. Khi nhận thấy ngài có nhiều biệt tài, các Bề trên đã phái ngài sang miền bắc nước Ý rao giảng chống lạc giáo Cathare chủ trương thanh tịnh quá khích, và sang miền nam nước Pháp để chống bè rối Albigeois. Ngài tham dự Công đồng Montpellier; sau đó đến Toulouse và Puy-en-Velay. Mùa thu năm 1225, thầy Antôn ở Bourges, nơi đây đã diễn ra phép lạ con la không ăn lúa kiều mạch để quỳ lạy Thánh Thể. Năm sau, người dự công nghị Arles và được bổ nhiệm coi sóc các anh em hèn mọn (“menudets”) ở Limousin. Từ tu viện Brive-la-gaillarde do ngài thành lập, ngài hoạt động ra khắp vùng. Chính tại Châteauneuf-la-Forêt đã diễn ra phép lạ nổi tiếng của thánh Antôn bồng Chúa Hài Nhi trên tay.

Năm 1227, khi đến Ý vì được bổ nhiệm làm Giám tỉnh Romagne, ngài qua Rôma và thuyết giảng trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Grégoire IX. Tại Rimini, trước sự chống đối của những kẻ theo lạc giáo, Antôn bỏ đi, rao giảng cho loài cá. Ngài hô lớn: “Hỡi loài cá biển và sông ngòi, bởi vì con người không muốn nghe lời Chúa, thì này đây tôi loan báo lời Chúa cho các bạn !” Sau cùng, đến Padoua và sống tại tu viện Đức Mẹ Maria. Từ đấy, vị thánh thành Padoua lâm bệnh, mắc chứng thủy thũng. Nhưng theo lời yêu cầu của Đức Hồng y Raynaldo Conti, ngài đọc cho các tu sĩ trong Dòng chép các Bài giảng ngày chúa nhật và các Bài giảng tôn vinh các thánh.

Thứ sáu ngày 13 tháng 6 năm 1231, thầy Antôn thốt lời cuối cùng: “Video Dominum meum” (Tôi thấy Chúa) và qua đời, hưởng thọ khoảng 36 tuổi. Thi hài của người được tôn kính tại Pa-đô-va, trong Vương Cung thánh đường nổi tiếng thánh Antôn.

Người ta cầu khẩn Antôn Padoua để được tìm thấy các đồ vật bị lạc mất. Các phép lạ do lời ngài cầu thay nguyện giúp rất nhiều. Các phép lạ nổi tiếng nhất được minh hoạ trên nhiều ảnh tượng: các bích họa, các phù điêu trên tường của Titien ở Padoua, các tác phẩm Perugin, của Corrège, Murillo, Donatello, Van Dyck… thánh Antôn được minh hoạ lần lượt bằng hình ảnh ngài cầm quyển sách, một ngọn lửa, một hoa huệ tươi nở, bồng Hài Nhi Giêsu, hay đang rao giảng cho các đàn cá…

---------------------------------

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện riêng ca tụng Antôn Padoua là “vị rao giảng Tin Mừng vĩ đại” và là “đấng bênh vực kẻ nghèo hèn”. Đức Giáo Hoàng Grégoire IX nhận thấy trong lời giảng dạy của thánh nhân một sự khôn ngoan sâu sắc và nhất là lòng mến Chúa và các linh hồn thật lớn lao, nên ngài đã gọi người là “Khám Giao Ước”. Cũng vậy, Đức Piô XII đã phong ngài tước hiệu “tiến sĩ của Tin Mừng”. Vì được tràn đầy Chúa Thánh Thần và nhờ các biệt tài thuyết giảng và tranh luận, nên ngài cũng được gọi là “tai hoạ cho kẻ lạc giáo” (hay là chiếc búa giáng trên đầu kẻ lạc giáo).

Khi trích dẫn lời thánh Grégoire, Antôn tuyên bố: “Qui luật cho nhà giảng thuyết là phải thực hành điều mình rao giảng”. Rồi ngài nói tiếp: “Ai đầy thánh thiện thì nói được nhiều thứ tiếng. Nhiều thứ tiếng ở đây có ý hiểu là những lời chứng về Đức Kitô như khiêm nhường, nghèo khó, kiên nhẫn và tuân phục… Vậy chúng ta hãy nói tùy theo khả năng Thánh Thần đã ban cho … đồng thời để chúng ta được đầy tràn tinh thần ăn năn sám hối, được đốt cháy bởi lưỡi lửa của Thánh Thần mà tuyên xưng đức tin… (Bài đọc – Kinh sách). Một tác giả xưa kể: “Khi thầy nhân lành ra đi giảng thuyết, mọi công việc đều phải ngưng… Người ta đi khắp thành phố và đồng quê… Lúc ấy, họ tha thứ các xúc phạm của nhau, kẻ trộm cắp trả lại những gì họ đã cướp lấy, kẻ tội nhân sám hối ăn năn.” Le Poverello nói rằng thầy Antôn đã được lý tưởng khó nghèo của Phanxicô Assise chinh phục; ngài đã chọn lối sống khiêm hạ và khó nghèo. Sau khi trở lại Ý vào năm 1227, ngài công kích dữ dội những kẻ cho vay nặng lãi, bóc lột người nghèo. Ngài thẳng thắn bênh vực người nghèo, đồng thời làm cho mọi người tôn trọng các lề luật để che chở họ. Ngài cũng công kích thái độ không đạo đức của một số giáo sĩ: “Nào ai có thể bẻ gãy xiềng xích phú quí, lạc thú, danh vọng đang cầm hãm các giáo sĩ và tu sĩ xấu ? …”

“Hướng đến một mục đích duy nhất: cứu rỗi các tâm hồn”: đó là mục đích mà thầy Antôn đã tự đề ra cho mình. Ngài nhắm đạt đến mục tiêu đó khi hướng tâm hồn mọi người nhớ đến lòng khoan dung của Thiên Chúa. Ngài giảng rằng: “Hỡi tội nhân đáng thương, tại sao lại tuyệt vọng về sự cứu rỗi của mình, vì vạn sự ở trần thế đều nói lên lòng bao dung và yêu thương của Chúa ? Hãy nhìn lên hai vị trạng sư: Một người Mẹ (Đức Maria) và một Đấng Cứu thế ! Không, không, với hai người trung gian như thế, lòng bao dung của Thiên Chúa sẽ không xua đuổi ngươi đâu.”

Enzo Lodi

---------------------------------

 

Bài 4: ofmvientu.org


Thánh Antôn thành Padova

 - 13/6

Sinh tại nước Bồ Đào Nha năm 1195. Người ta đặt tên cho thánh nhân là “Phécđinăng.” Thánh nhân được hấp thụ một nền giáo dục tuyệt vời nơi các thầy dòng thánh Augustinô; và sau đó, thánh nhân đã gia nhập hội dòng này.

Vị thánh rất được ưa chuộng này sinh tại nước Bồ Đào Nha năm 1195. Người ta đặt tên cho thánh nhân là “Phécđinăng.” Thánh nhân được hấp thụ một nền giáo dục tuyệt vời nơi các thầy dòng thánh Augustinô; và sau đó, thánh nhân đã gia nhập hội dòng này.

        Lúc hai mươi lăm tuổi, cuộc sống của Phécđinăng lại chuyển sang một hướng đi kỳ thú. Ngài nghe biết có mấy tu sĩ dòng Phanxicô đã được phúc tử đạo bởi những người Mor ở Môrôcô. Các tu sĩ này là thánh Bêra và các bạn tử đạo. Chúng ta đã cử hành thánh lễ kính các ngài ngày 16 tháng Giêng. Từ lúc ấy trở đi, Phécđinăng cảm thấy một ham ước mãnh liệt muốn được tử đạo vì Chúa Kitô. Rồi ngài gia nhập dòng Phanxicô. Hội dòng này mới được thiết lập. Chính thánh Phanxicô Assisiô sáng lập dòng vẫn còn sống. Phécđinăng đổi tên là Antôn. Ngài tới Phi châu rao giảng cho người Mor. Nhưng chẳng bao lâu, thánh Antôn đã lâm bệnh rất nặng đến nỗi phải trở về nước Ý. Chẳng ai trong hội dòng mới của Antôn nhận biết được Antôn tài giỏi lỗi lạc đến chừng nào! Họ không biết Antôn đã được giáo dục và học hành đến đâu! Antôn không bao giờ tự nói về mình! Vì vậy các bề trên dòng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài tới một đan viện âm thầm ở Ý. Nơi đó, Antôn làm công việc rửa chén dĩa xoong chảo. Rồi một ngày kia, Antôn đã giảng một bài thật hay cho một nhóm đông các linh mục nghe. Từ đó trở đi, suốt chín năm cho tới lúc qua đời, thánh Antôn đã thuyết giảng khắp nơi trong nước Ý. Người ta hâm mộ Antôn đến nỗi đã thường đóng các cửa tiệm của họ để đến nghe thánh nhân thuyết giảng.

Thánh Antôn Pađua hay được người ta cầu khấn trong những cơn bạo bệnh thể xác cũng như khủng hoảng tinh thần. Qua sự cầu thay nguyện giúp của thánh nhân, nhiều phép lạ đã xảy ra. Rất đông người đã nhận được các ơn lành nhờ sự bầu cử của ngài. Đó là lý do tại sao người ta hay gọi Antôn Pađua là “đấng hay làm phép lạ.” Người ta thường trình bày bức tượng thánh Antôn Pađua đang bồng ẵm Chúa Hài Nhi Giêsu bởi vì Chúa Hài Nhi Giêsu đã hiện ra với ngài. Những bức hình khác trình bày thánh nhân đang ôm một cuốn sách Kinh Thánh. Điều này cho thấy thánh Antôn Pađua rất thành thạo, yêu mến và năng rao giảng lời Chúa. Thật sự, thánh Antôn Pađua rất thông giỏi, đặc biệt về khoa Kinh Thánh, đến nỗi ngài được đức thánh cha Piô XII tôn phong là “Tiến sĩ Tin Mừng” hay còn gọi là “Tiến sĩ Kinh Thánh.”

Thánh Antôn Pađua qua đời tại Axêla gần thành phố Pađua, nước Ý, vào ngày 13 tháng Sáu năm 1231 khi mới được ba mươi sáu tuổi. Một năm sau, Antôn Pađua được đức thánh cha Grêgôriô IX tôn phong hiển thánh.

Đôi lúc chúng ta mong muốn mọi người nhận biết những việc tốt lành chúng ta làm hoặc chúng ta biết cách làm. Có thể chúng ta sẽ không luôn luôn nhận được nhiều sự chú ý. Đó là những lúc chúng ta nên cầu xin thánh Antôn Pađua dạy cho chúng ta biết tự hài lòng với chính mình. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta đừng để tâm vào những cái chúng ta có thể nhận được nhưng hãy nhắm vào những cái chúng ta có thể trao ban trong đời sống này.

---------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây