Ngày 21/06 Thánh Luy Gonzaga

Thứ ba - 18/06/2024 05:09
Ngày 21/06 Thánh Luy Gonzaga
Ngày 21/06 Thánh Luy Gonzaga
Ngày 21/06 Thánh Luy Gonzaga
---------------------------------
Nội Dung:

Bài 1: Phụng Vụ Chư Thánh – Châu Kiên Long. 1
Bài 2: Thánh Luy Gonzaga. 2
Bài 3: Thánh Aloysius. 4
Bài 4: Thánh Luy Gonzaga. 4
Bài 5: Thánh Luy Gonzaga, Bổn mạng Dòng Tên. 6
Bài 6: Vị thánh bổn mạng của giới trẻ Công giáo. 8
Bài 7: Thánh Luy Gonzaga, Mẫu gương nên thánh cho bạn trẻ. 9


---------------------------------
 

Bài 1: Phụng Vụ Chư Thánh – Châu Kiên Long

NGÀY 21 THÁNG VI

Thánh LOUIS GONZAGUE, tu sĩ

(1568-1591)

Thánh Louis Gonzague con của Vua Ferdinand de Gonzague sinh nǎm 1568 tại Catiglione, nước Ý.

Vừa mói lọt lòng mẹ, ngưòi ta đã vội rửa tội cho Ngài, vì thấy Ngài khó sống.

Với một nền giáo dục hoàn bị và nhất là dưới ảnh hưởng đạo đức cúa nguòi mẹ hiền, Ngài đã sớm nhận ra tiếng Chúa gọi.


Nǎm 17 tuổi, Ngài cương quyết từ bỏ mọi cúa cải trần thế, nhường quyền thừa kế cho em, đề gia nhập dòng Tên (1585), dùng những phương pháp của Thánh Ignatiô, như một lợi khí, hầu chu toàn bồn phận tông đồ.

Ngài đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn đau khổ, để tiến tới một cuộc sống chìm đắm trong cầu nguyên, thanh sạch, không một chút vẩn đục.

Với tuồi trẻ, Ngài thích chi huy, hơn là vâng lời.

Tính nóng giận, thiếu kiên nhẫn và sự bất mãn, đã ám ảnh tâm trí, nhưng Ngài quyết hạ mình xuống trưóc mặt Thiên Chúa.

Năm năm trường chống lại ý riêng, bằng cách tuân theo những chỉ dẫn của bề trên.

Suốt thời gian ở nhà tâp, cũng như khi theo học, Ngài đã nêu cao gương bác ái anh hùng.

Ngài yêu mến Chúa hết lòng và đã thể hiện tình yêu đó qua việc hiến thân, phục vụ bệnh nhân trong một nhà thương, bất chấp những bệnh truyền nhiễm.

Ngài đã thắng vượt con người cũ cách vinh quang, đến nổi không ai tưởng tượng nổi, và ngưòi ta đã gọi Ngài là “con ngưòi không xác”, hay “thiên thần nhập thế”.

Cuối cùng, Chúa đã gọi Ngài về ngày 21-6-1591, vừa hưởng trọn 24 xuân xanh.

Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIII, sau khi phong thánh cho Ngài, đã đặt Ngài làm quan thầy các người giữ đức trinh khiết, năm 1726.

---------------------------------
 

Bài 2: Thánh Luy Gonzaga


21/06-1: Thánh LUY GONZAGA,  TU SĨ

(1568 - 1591)

Thánh Luy là con trưởng của Ferrante, bá tước lâu đài Castiglione, miền Lombardic.

Ông đã nhượng chức tổng chỉ huy cho hiệp sĩ của vua Henry VIII, vì thích triều đình Tây Ban Nha hơn, tại Marid, Ferrante gặp Martha Tana đi theo hoàng hậu Isabelle. Ông lập gia đình với Martha năm 1566. Ngày 9 tháng 3  năm 1568, Luy chào đời.

Thân mẫu thánh nhân là người đạo đức. Bà đã dạy cho Luy biết kính sợ và yêu mến Chúa ngay từ  hồi còn thơ ấu. Vì vậy, thánh nhân hay được gọi là “thiên thần con”. Thân phụ Ngài trái lại đã muốn hứơng dẫn con mình vào nghề binh đao. Hồi lên 4 tuổi, Ngài được dẫn tới Casal để dự cuộc duyệt binh. Thân phụ Ngài cho Ngài mặc như một sĩ quan và vui mừng khi thấy con dẫn đầu đoàn quân, với quân phục vừa tầm cậu. Luy sống ở đây nhiều tháng và có dịp nghe những lời tục tĩu của lính tráng, dầu không hiểu gì. Một ngày kia,, khi binh sĩ đang ngủ, Luy ăn cắp thuốc nạp vào súng khai hóa và suýt chết vì súng giật. Bá tước định trừng phạt đứa con của mình nhưng nhờ binh sĩ can thiệp, cậu được thả. Tuy nhiên đây là một lỗi lầm mà Luy than khóc suốt đời.

Năm 1577, Luy cùng với em trai là là Rôđôlfo được gởi đi học tại Florence. Tại đây, Luy đã khấn giữ mình trinh khiết trước ảnh Đức Mẹ truyền tin nhà nguyện dòng Tôi Tớ Đức Mẹ. Chẳng bao lâu sau, Ngài trở về Castigliône, và quyết định hiến mình cho Thiên Chúa, Ngài tăng thêm việc đạo đức và coi đó như bổn phận:  quỳ đọc kinh nhật tụng Đức Mẹ, các thánh vịnh sám hối và những kinh nguyện khác. Tại Castigilione, Đức Hồng y Carrôlô Borrômeô đã làm cho Luy rước lễ lần đầu. Đức hồng y đã ngạc nhiên trước nhiệt tình và sự khắc khổ của thánh nhân và thốt lên: “Đứa trẻ này có thể làm gương cho chính các tu sĩ”.

Bá tước Ferrante được đặt làm quan thị vệ của vua Tây Ban Nha, Luy trở thành thị đồng của hoàng tử, Luy nhiệt tình phục vụ hoàng tử Diogô, nhưng vẫn tìm cách sống tại triều đình như là sống trong tu viện. Nhưng rồi cái chết của Diegô dẫn Luy tới quyết định dứt khoát từ bỏ thế gian để gia nhập dòng Chúa Giêsu. Thân phụ Ngài bất mãn vì quyết định ấy và Luy phải đợi ba năm để được sự ưng thuận của thân phụ. Năm 18 tuổi, Ngài vui vẻ nhượng quyền thừa tự và bước vào đời sống tu trì.

Tại tu viện Luy muốn được hoàn toàn quên lãng. Ngài lo chuyện bếp núc, giúp đỡ người nghèo đeo bị đi ăn xin ngoài phố. Đối với gia đình, Ngài chỉ còn muốn nghĩ tới trong kinh nguyện mà thôi. Sau 2 năm trong dòng, ngày 25 tháng 11 năm 1587, Ngài tuyên khấn và lãnh phép cắt tóc gia nhập hàng giáo sĩ  ít lâu sau đó.

Nhưng gia đình bỗng có chuyện tranh chấp sau khi thân phụ Ngài qua đời. Tháng 9 năm 1589, bề trên cho phép Luy về Castiglione để giàn xếp. Luy được tiếp đón như một thiên thần từ trời xuống. Mẹ Ngài không cầm mình nổi, đã quì xuống trước mặt con. Từ khắp ngả người ta nói với nhau:

Chúng ta thấy Một Vị Thánh.

Cuộc dàn xếp ổn thỏa, Luy được lãnh giảng thuyết trước khi đi. Ngài đã diễn thuyết một cách kỳ diệu đến nỗi hơn 700 thính giả đã tới tòa cáo giải ngay.

Giã từ cha mẹ, Luy trở lại Milan ngày 22 tháng 3 năm 1590 để tiếp tục lớp thần học và được dời về Rôma ngay năm đó để diễn thuyết trước mặt nhiều giám mục nước Ý. Chính tại đây Ngài qua đời như là nạn nhân của lòng bác ái. Lúc ấy có một bệnh dịch tàn phá Rôma. Thánh Luy hiến trọn xác hồn phục vụ các bệnh nhân, Ngài làm nhiệm vụ khuân vác giúp đỡ mọi người, có khi vác cả xác chết nữa. Tận tụy làm việc cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1591 thì bị bất tỉnh. Hôm sau tỉnh dậy Ngài chào anh em, rước của ăn đàng rồi từ trần. 

-----------------------------------
 

Bài 3: Thánh Aloysius

Thánh Aloysius là con của Bá tước Castiglione, một quan lớn trong triều đình của vua Philip II, nước Tây ban nha. Được người mẹ mộ đạo dạy dổ từ bé nên Aloysius rất ham mê đọc kinh và làm nhưng công việc đạo đức và hãm mình.

Aloysius được gởi đến triều đình Florence để học tiếng La tinh và tiếng Ý. Mặc dù mới 9 tuổi Aloysius tỏ ra rất độc lập và cương trực; Aloysius không ngần ngại chỉ trích lối sống bê tha và vô đạo đức của những người quí tộc.

Bị goi trở về laị Mantua, Aloysius khám phá ra Dòng Tên. Đến 16 tuổi Aloysius xin phép cha gia nhập dòng này vì say mê tinh thần của thánh lập dòng, thánh Ignace de Loyola. Aloysius phải chờ đợi một thời gian lâu mới được sự chấp thuận của cha mình. Quận công Gonzaga trở thành Chưởng Án của vua Philip II, nhưng Aloysius vẫn tiếp tục cuộc sống nghèo khó ăn chay hãm mình và cầu nguyện, một cuộc chiến đấu thật gay go giữa danh vọng thế tục và đời sống tinh thần.

Đến tháng 11 năm 1585, sau khi suy niệm các điều tu đức của thánh Ignace, Aloysius nhường quyền lợi và chức tước hoàng tử cho em mình và gia nhập Dòng Tên lúc 17 tuổi. Aloysius tuyên thệ lần đầu tiên tại Đại Học Romain năm 1587..Aloysius đang học triết học và thần học thì nạn đói và bệnh dịch hạch lan tràn dử dội trong thành Roma. Mặc dù ốm yếu, Aloysius tình nguyện giúp đỡ và săn sóc các nạn nhân. Bị lây bệnh dịch hạch, Aloysius bình thản chấp nhận sư chết với niềm vui thanh thoát chờ đợi ngày về với Chúa.

Thánh Aloysius trút hơi thở cuối cùng ngày 20 tháng 6 năm 1591 khi mới 23 tuổi đời.Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác

-----------------------------------
 

Bài 4: Thánh Luy Gonzaga


21/06-3:

THÁNH LUY GONZAGA TUỔI TRẺ DÂNG HIẾN

Luy Gonzaga sinh ngày 9 tháng 3 năm 1568, là con trưởng của hầu tước xứ Castiglione, miền bắc nước Ý.

Danh tiếng gia đình và kỳ vọng của hầu tước đều được đặt cả vào Luy. Lên bốn tuổi, Luy đã bắt đầu cùng bố sống trong quân đội, cậu mặc đồ lính, đeo súng và học hỏi nghiệp binh đao. Ông hầu tước ắt hẳn hài lòng về những gì cậu quý tử đang theo đuổi và hy vọng cậu sẽ làm rạng danh dòng họ Gonzaga hơn nữa. Lên 9 tuổi, Luy và cậu em Rudolpho được gởi đến cung điện của hầu tước Francesco de’Medici ở Firenze để học hỏi những nghi lễ của lối sống vương giả. Cũng ở nơi ấy, Luy nhìn ra mặt trái của lối sống xa hoa và phóng khoáng; nơi mà người ta luôn có những âm mưu và sẵn sàng lừa gạt nhau, họ giải quyết vấn đề bằng dao và thuốc độc. Nhưng ngay trong môi trường nhiều cạm bẫy đe dọa, bàn tay Chúa bắt đầu hướng dẫn Luy theo con đường yêu thương của Ngài.

Mặc dù cuộc sống bên ngoài của Luy mang nhiều vẻ khác nhau, nội tâm của cậu vẫn hướng về điều thiện bằng việc cầu nguyện và thích thú đọc Thánh vịnh. Nhờ vậy, Luy khám phá ra rằng chỉ còn cách rút lui khỏi những cuộc vui và bàn tiệc để tránh phạm tội. Sau thời gian ở Firenze, Luy được gởi tới Mantua sống với những người họ hàng. Tại đây, cậu tình cờ đọc được cuốn tóm lược giáo lý với phần suy niệm của Cha Phêrô Canisiô. Luy liền dùng tập sách này làm đề tài cầu nguyện hàng ngày và cảm nếm những an ủi lớn lao.

Trong một chuyến đi với gia đình đến Tây Ban Nha, Luy gặp một cha giải tội dòng Tên ở Madrid và cậu ngày càng muốn trở thành Giêsu hữu. Ngày 15 tháng 8 năm 1583, đang khi cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ trong nhà thờ, từ nội tâm, Luy cảm thấy mình được Chúa gọi theo bậc sống tu trì và mong ước gia nhập dòng Tên. Ý đã quyết, Luy nguyện theo đuổi đến cùng ơn gọi của mình.

Tin này đến tai vị hầu tước và ngay lập tức ông nổi trận lôi đình khiển trách Luy nặng lời và tìm đủ mọi cách ngăn cản với hy vọng cậu đổi ý. Nhưng tất cả mọi cách ông hầu tước áp dụng chẳng đem lại thay đổi gì, bởi Luy một mực xin được từ bỏ tất cả để gia nhập dòng Tên. Ông hầu tước, mặc dù đặt mọi kỳ vọng vào cậu quý tử sẽ là người thừa kế mình trong gia tộc, đành phải để Luy ra đi. Trong lòng hầu tước chẳng hề muốn điều này, nhưng vì thương con, ông đành chiều ý cậu. Đối với ông, Luy là “kho tàng quý báu nhất trên cõi đời này”.

Tháng 11 năm 1585, Luy nhường lại ngôi thế tử cho em trai và lên đường hướng về nhà Tập thánh Anrê ở Rôma. Cùng đi với anh là cả một đoàn tuỳ tùng: cha tuyên uý của gia đình, viên thái sư, một tu sĩ, những người hầu cận. Trên đường, nhắc đến chuyện nhường ngôi thế tử, một người trong đoàn tuỳ tùng nói với anh: "Chắc công tử Rudolpho vui lắm", Luy trả lời:"Tôi còn vui hơn".

Khi vào nhà Tập, Luy tâm niệm rằng: “Tôi là thanh sắt cong, phải vào nhà Dòng để được uốn lại cho thẳng”. Trong thực tế, Luy nhận thấy rằng nếp sống nhà Tập lại ít đòi hỏi hơn những gì cậu tự đặt ra cho mình khi còn ở nhà. Thực vậy, theo sự hướng dẫn của Cha giám tập, Luy không được tiếp tục việc đánh tội như đã quen làm, cậu cũng không được ăn chay thường xuyên như đã thực hành trước đây. Trên hết, Luy từ bỏ chính mình để tuân thủ cách tỉ mỉ tiến trình đào luyện trở thành Giêsu hữu. Luy bắt đầu tập làm những việc nhỏ nhặt trong nhà như rửa chén, lau nhà, quét mạng nhện… những việc mà trước đây anh chưa từng đụng đến. Hết thời gian nhà Tập, Luy tuyên khấn lần đầu ngày 25 tháng 11 năm 1587 và chuyển đến Đại học Rôma để tiếp tục chương trình thần học.

Đầu năm 1591, nước Ý lâm nạn đói kém và dịch bệnh hoành hành. Cùng với các anh em khác, Luy đi quyên góp thực phẩm, quần áo giúp những bệnh nhân. Luy đưa những người bệnh đang hấp hối ngoài đường phố đến bệnh viện, tắm rửa và cho họ ăn, sau đó chuẩn bị cho họ lãnh nhận các bí tích sau cùng. Một lần sau khi trở về từ bệnh viện, Luy nói với Cha linh hướng Roberto Bellarmino rằng: “Con có cảm là con chẳng sống thêm bao lâu nữa. Con có một khao khát mãnh liệt để làm việc và phục vụ Chúa nơi các bệnh nhân. Nhưng con nghĩ rằng Chúa đã không cho con cơ hội này, nếu Ngài khoan giản việc đưa con về với Ngài.”

Những ngày sau đó, nhiều anh em trẻ bị ngã bệnh, Cha bề trên buộc phải yêu cầu các học viên hạn chế tiếp xúc với người bệnh và chỉ cho phép anh em đến giúp ở bệnh viện Đức Mẹ An Ủi, nơi có những người bệnh nhẹ và ít lây. Một hôm, trên đường đến bệnh viện, Luy đã bế một người bệnh và chăm sóc cẩn thận. Hôm đó về nhà anh đã bị lây bệnh, rồi nằm liệt giường từ ngày 3-3-1591.

Những ngày sau đó, Luy đón nhận tất cả những khó chịu thể xác ,với tâm hồn phó thác kiên vững. Qua cầu nguyện, anh được biết mình sẽ được đưa về với Chúa vào ngày cuối của tuần bát nhật kính Mình Thánh Chúa. Thời gian ấy đã đến, ngày 21-6-1591, Luy xin được lãnh các bí tích sau cùng. Vào khoảng 11 giờ, Luy, tay nắm chặt tượng thánh giá, mắt nhìn thẳng vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh và môi miệng anh cố gắng thốt lên Danh Thánh Giêsu lần cuối cùng. Anh ra đi trong bình an khi mới 23 tuổi.

-----------------------------------
 

Bài 5: Thánh Luy Gonzaga, Bổn mạng Dòng Tên

Thánh Luy Gonzaga, Tu sĩ Dòng Tên.
Sinh : 09.03.1568 – tại Castiglione, Bắc Ý.
Qua đời : 21.06.1591

Luy Gonzaga sinh ngày 9 tháng 3 năm 1568, là con trưởng của hầu tước xứ Castiglione, miền bắc nước Ý. Danh tiếng gia đình và kỳ vọng của hầu tước đều được đặt cả vào Luy. Lên bốn tuổi, Luy đã bắt đầu cùng bố sống trong quân đội, cậu mặc đồ lính, đeo súng và học hỏi nghiệp binh đao. Ông hầu tước ắt hẳn hài lòng về những gì cậu quý tử đang theo đuổi và hy vọng cậu sẽ làm rạng danh dòng họ Gonzaga hơn nữa. Lên 9 tuổi, Luy và cậu em Rudolpho được gởi đến cung điện của hầu tước Francesco de’Medici ở Firenze để học hỏi những nghi lễ của lối sống vương giả. Cũng ở nơi ấy, Luy nhìn ra mặt trái của lối sống xa hoa và phóng khoáng; nơi mà người ta luôn có những âm mưu và sẵn sàng lừa gạt nhau, họ giải quyết vấn đề bằng dao và thuốc độc. Nhưng ngay trong môi trường nhiều cạm bẫy đe dọa, bàn tay Chúa bắt đầu hướng dẫn Luy theo con đường yêu thương của Ngài.

Mặc dù cuộc sống bên ngoài của Luy mang nhiều vẻ khác nhau, nội tâm của cậu vẫn hướng về điều thiện bằng việc cầu nguyện và thích thú đọc Thánh vịnh. Nhờ vậy, Luy khám phá ra rằng chỉ còn cách rút lui khỏi những cuộc vui và bàn tiệc để tránh phạm tội. Sau thời gian ở Firenze, Luy được gởi tới Mantua sống với những người họ hàng. Tại đây, cậu tình cờ đọc được cuốn tóm lược giáo lý với phần suy niệm của Cha Phêrô Canisiô. Luy liền dùng tập sách này làm đề tài cầu nguyện hàng ngày và cảm nếm những an ủi lớn lao.

Trong một chuyến đi với gia đình đến Tây Ban Nha, Luy gặp một cha giải tội dòng Tên ở Madrid và cậu ngày càng muốn trở thành Giêsu hữu. Ngày 15 tháng 8 năm 1583, đang khi cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ trong nhà thờ, từ nội tâm, Luy cảm thấy mình được Chúa gọi theo bậc sống tu trì và mong ước gia nhập dòng Tên. Ý đã quyết, Luy nguyện theo đuổi đến cùng ơn gọi của mình.

Tin này đến tai vị hầu tước và ngay lập tức ông nổi trận lôi đình khiển trách Luy nặng lời và tìm đủ mọi cách ngăn cản với hy vọng cậu đổi ý. Nhưng tất cả mọi cách ông hầu tước áp dụng chẳng đem lại thay đổi gì bởi Luy một mực xin được từ bỏ tất cả để gia nhập dòng Tên. Ông hầu tước, mặc dù đặt mọi kỳ vọng vào cậu quý tử sẽ là người thừa kế mình trong gia tộc, đành phải để Luy ra đi. Tròng lòng hầu tước chẳng hề muốn điều này, nhưng vì thương con, ông đành chiều ý cậu. Đối với ông, Luy là “kho tàng quý báu nhất trên cõi đời này”.

Tháng 11 năm 1585, Luy nhường lại ngôi thế tử cho em trai và lên đường hướng về nhà Tập thánh Anrê ở Rôma. Cùng đi với anh là cả một đoàn tuỳ tùng: cha tuyên uý của gia đình, viên thái sư, một tu sĩ, những người hầu cận. Trên đường, nhắc đến chuyện nhường ngôi thế tử, một người trong đoàn tuỳ tùng nói với anh: “Chắc công tử Rudolpho vui lắm”, Luy trả lời:“Tôi còn vui hơn”.

Khi vào nhà Tập, Luy tâm niệm rằng: “Tôi là thanh sắt cong, phải vào nhà Dòng để được uốn lại cho thẳng”. Trong thực tế, Luy nhận thấy rằng nếp sống nhà Tập lại ít đòi hỏi hơn những gì cậu tự đặt ra cho mình khi còn ở nhà. Thực vậy, theo sự hướng dẫn của Cha giám tập, Luy không được tiếp tục việc đánh tội như đã quen làm, cậu cũng không được ăn chay thường xuyên như đã thực hành trước đây. Trên hết, Luy từ bỏ chính mình để tuân thủ cách tỉ mỉ tiến trình đào luyện trở thành Giêsu hữu. Luy bắt đầu tập làm những việc nhỏ nhặt trong nhà như rửa chén, lau nhà, quét mạng nhện… những việc mà trước đây anh chưa từng đụng đến. Hết thời gian nhà Tập, Luy tuyên khấn lần đầu ngày 25 tháng 11 năm 1587 và chuyển đến Đại học Rôma để tiếp tục chương trình thần học.

Đầu năm 1591, nước Ý lâm nạn đói kém và dịch bệnh hoành hành. Cùng với các anh em khác, Luy đi quyên góp thực phẩm, quần áo giúp những bệnh nhân. Luy đưa những người bệnh đang hấp hối ngoài đường phố đến bệnh viện, tắm rửa và cho họ ăn, sau đó chuẩn bị cho họ lãnh nhận các bí tích sau cùng. Một lần sau khi trở về từ bệnh viện, Luy nói với Cha linh hướng Roberto Bellarmino rằng: “Con tin rằng mình chẳng sống thêm bao lâu nữa. Con cảm thấy nơi mình một khao khát mãnh liệt để làm việc và phục vụ Chúa nơi các bệnh nhân. Con nghĩ rằng Chúa đã không cho con cơ hội này nếu Ngài không muốn đưa con về với Ngài.”

Những ngày sau đó, nhiều anh em trẻ bị ngã bệnh, Cha bề trên buộc phải yêu cầu các học viên hạn chế tiếp xúc với người bệnh và chỉ cho phép anh em đến giúp ở bệnh viện Đức Mẹ An Ủi, nơi có những người bệnh nhẹ và ít lây. Một hôm, Luy đến bệnh viện, bế một người bệnh và chăm sóc cẩn thận. Về nhà anh ngã bệnh ngay và nằm liệt giường từ ngày 3 tháng 3 năm 1591.

Những ngày sau đó, Luy đón nhận tất cả những khó chịu thể xác với tâm hồn phó thác kiên vững. Qua cầu nguyện, anh được biết mình sẽ được đưa về với Chúa vào ngày cuối của tuần bát nhật kính Mình Thánh Chúa. Thời gian ấy đến, ngày 21 tháng 6 năm 1591, Luy xin được lãnh các bí tích sau cùng. Vào khoảng 11 giờ, Luy, tay nắm chặt tượng thánh giá, mắt nhìn thẳng vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh và môi miệng anh cố gắng thốt lên Danh Thánh Giêsu lần cuối cùng. Anh ra đi trong bình an khi mới 23 tuổi.
AMDG

-----------------------------------
 

Bài 6: Vị thánh bổn mạng của giới trẻ Công giáo


ĐỂ TÔN VINH THIÊN CHÚA HƠN

21/06-5: Thánh Luy Gonzaga

Luy Gonzaga, vị thánh bổn mạng của giới trẻ Công giáo, sinh ngày mùng 9 tháng Ba năm 1568. Khi mới chào đời, thân phụ Luy Gonzaga đã có ý huấn luyện ngài thành một sĩ quan vĩ đại. Lúc Luy Gonzaga mới lên 5, người cha đã dẫn Luy vào trong doanh trại quân đội. Ở đó, cậu Luy học cách đi duyệt binh. Thậm chí vào một ngày kia, Luy Gonzaga đã cố gắng xoay sở để nạp đạn vào súng và tập bắn đang lúc các binh lính nghỉ ngơi. Luy Gonzaga cũng học được những tiếng thô tục của binh sĩ. Khi nhận biết ý nghĩa của những từ ngữ này, Luy Gonzaga cảm thấy rất hối hận vì đã sử dụng chúng.

Lớn lên, Luy Gonzaga được gởi vào triều đình sống với các hoàng tử và công tước. Sự gian dối, căm hờn và nhơ bẩn hiển hiện nhan nhản khắp nơi. Nhưng bệnh tật là yếu tố ảnh hưởng đáng kể nhất đã tác động trên thánh Luy Gonzaga và làm cho thánh nhân phải cẩn trọng để sống đời Kitô hữu của ngài. Và Luy Gonzaga đã lâm bệnh. Điều đó đã tạo cho ngài có được chút thời giờ để cầu nguyện và đọc các sách tốt. Khi lên 16 tuổi, Luy Gonzaga quyết định trở nên một linh mục dòng Tên. Thân phụ ngài không bằng lòng. Tuy nhiên, ba năm sau ông đã chấp thuận. Khi nhập dòng, Luy Gonzaga đã xin làm những công việc vất vả và hèn kém. Luy Gonzaga đã phục vụ trong nhà bếp và rửa chén dĩa. Luy thường nói: “Tôi là một miếng sắt cong queo. Tôi đến với Đạo để được chiếc búa khổ chế đền tội tán ra cho thẳng!”

Khi cơn bệnh dịch xâm chiếm Rôma, Luy Gonzaga xin phép bề trên để đi săn sóc những người đau ốm. Luy Gonzaga – một người trước đây đã từng có những đầy tớ hầu hạ phục dịch – vậy mà giờ đây lại đi tắm rửa cho các bệnh nhân và dọn giường chiếu cho họ! Luy Gonzaga đã phục vụ họ cho tới khi chính ngài cũng bị lây bệnh.

Thánh Luy Gonzaga qua đời lúc vừa tròn 23 tuổi. Đó là vào đêm 20 tháng Sáu năm 1591. Ngài đơn sơ thốt lên: “Tôi sắp về thiên đàng!” Xác thánh Luy Gonzaga được mai táng trong thánh đường dâng kính thánh Inhaxiô ở Rôma. Năm 1726, Luy Gonzaga được đức thánh cha Bênêđictô tôn phong hiển thánh.

 Nếu áp lực của danh vọng địa vị bắt chúng ta phải nói và phải làm những điều không nên, chúng ta hãy xin thánh Luy Gonzaga ban cho lòng can đảm để thực thi những điều thiện hảo.

-----------------------------------
 

Bài 7: Thánh Luy Gonzaga, Mẫu gương nên thánh cho bạn trẻ


Đến ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời 15.8.1583, thế tử Lu-y đã chắc chắn phải theo con đường nào: Dòng Tên.

Khi được biết quyết định ấy, hầu tước[1] Ferrante Gonzaga nổi giận lôi đình. Ông buộc Lu-y phải bỏ ngay ý định “quái gở” ấy đi, nếu không ông sẽ cho một trận đòn nên thân, ngay trước mặt bá quan văn võ ở triều đình Tây Ban Nha.

Lu-y không chút nao núng: “Con sẽ sung sướng chịu trận đòn ấy ,vì yêu mến Chúa!”

Hầu tước cho gọi lần lượt tất cả mọi người ông nghi ngờ đã thổi cho thế tử ý định vào Dòng Tên, và nặng lời trách móc, kể cả bà hầu tước cũng như cha linh hưỡng của thế tử. Nhưng ai nấy đều chối không hề biết hay xúi giục thế tử làm chuyện đó. Hầu tước đành gọi thế tử đến: “Ít ra con cũng phải nghĩ đến một dòng tu khác hy vọng được quyền cao chức trọng trong Hội Thánh cho khỏi bẽ mặt dòng họ nhà mình.”[2] Thế tử giải thích: “Thưa cha, đó chính là lý do tại sao con chọn Dòng Tên. Con muốn dứt hẳn đường danh vọng. Nếu ham danh vọng thì con chỉ cần ở nhà nối nghiệp cha, tội gì con lại đi thả mồi bắt bóng!”

Điều gì đã dẫn thế tử Lu-y đến một quyết định hệ trọng như vậy năm mới 15 tuổi?

1. Ông hoàng con

Ngày 9.3.1568, Lu-y cất tiếng chào đời. Hôm sau tất cả cả dân xứ Castiglione, miền bắc nước Ý, tưng bừng mở hội ăn mừng hầu tước đã có thế tử. Chuông tất cả các nhà thờ đồng loạt đổ trong 3 ngày vào đúng 11g, đồng thời ban nhạc trình diễn lưu động trên khắp các đường phố, thôn xóm. Suốt một ngày, hầu tước thết tiệc, mọi người được tự do ăn uống no say thỏa thích. Các cuộc vui chơi được tổ chức khắp nơi, ban đêm lại mở hội hoa đăng và bắn pháo hoa. Hình như hầu tước đặt tất cả hy vọng của mình cũng như của cả dòng họ nơi thế tử. Sau này khi Lu-y vào nhà tập Dòng Tên, ông viết cho cha Bề Trên Cả: “Tôi trao cho cha kho tàng quý báu nhất của tôi trên cõi đời này.”

Sinh trong gia đình lãnh chúa[3] thời Phục Hưng[4] ở Châu Âu, Lu-y đã sống đúng như một ông hoàng ngay từ thời thơ ấu. Hầu tước yêu quý anh vô cùng, nên anh được săn sóc cực kỳ chu đáo. Ông cũng mong anh nối nghiệp mình và làm cho dòng họ Gonzaga được vẻ vang hơn nữa.

Năm lên 5 tuổi, Lu-y được cha cho mặc quần áo sĩ quan và sống với cha trong doanh trại. Anh rất thích mang súng và bắn súng. Một hôm cả trại quân đang ngủ, cậu hoàng nhỏ đã lẻn đi lấy thuốc súng và khai hỏa một khẩu đại pháo. Tiếng nổ dữ dội khiến hầu tước tưởng là một cuộc nổi loạn. Lệnh báo động được tức tốc ban hành và cuộc truy nã bắt đầu. Ít phút sau quân lính đem thủ phạm đến trình diện hầu tước. Ông ra lệnh: “Đã là quân nhân thì dù 6 tuổi hay 60 tuổi cũng phải bị phạt theo quân luật.” Dù sao, hôm ấy ông rất hãnh diện thấy thế tử đầy hy vọng nối nghiệp cha. Ở trại lính về, Lu-y làm cho mọi người sửng sốt vì cách ăn nói kỳ dị. Thật vậy, bây giờ anh dùng ngôn ngữ của những người ăn nói bừa bãi nhất. Tiếng lóng pha trộn với những tiếng chửi thề tục tĩu làm cho bà hầu tước và nhiều người phải đỏ mặt. Viên thái sư được lệnh ngay lập tức phải tập lại cho thế tử ngôn ngữ của hàng vương giả. Sau này khi đã lớn, Lu-y rất hối hận vì những chuyện không hay xảy ra trên đây, và phần nào đã cho thấy phải đổi môi trường để có được một nếp sống thánh thiện.[5]

Năm lên 7 tuổi, Lu-y cùng với em là Rôđolphô bắt đầu được gửi đi thọ giáo tại các triều đình danh tiếng ở Châu Âu. Đâu đâu anh cũng thấy cảnh vinh hoa có thể làm nhiều người lóa mắt. Đời sống ở các triều đình có thể tóm tắt trong hai chữ hưởng thụ. Người ta không biết làm gì hơn là tổ chức những bữa tiệc linh đình, đàn ca múa hát cho qua ngày đoạn tháng. Những cuộc chơi được tổ chức liên miên. Những buổi bàn luận có vẻ đứng đắn thỉnh thoảng cũng được tổ chức để tỏ ra vẻ là những nhà trí thức. Thời giờ còn lại dùng để chuyện trò. Đề tài các câu chuyện hầu hết là những quan hệ tình tứ lăng nhăng, nhiều khi chẳng đứng đắn bao nhiêu.

Sống trong một xã hội như vậy, Lu-y phải tập giữ đúng phong thái của một ông hoàng, từ cách cư xử nghi thức rườm rà, cách xưng hô cầu kỳ, đến lối nói chuyện kiểu cách… Anh cũng học khiêu vũ và nhiều trò giải trí khác. Đi đâu thì lên xe xuống ngựa, kẻ đưa người đón. Về đến nhà, anh được hầu hạ đủ mọi cách, đến nỗi sau này lúc mới vào dòng, anh lúng túng khi phải tự mặc quần áo lấy! Dĩ nhiên bàn ăn của anh luôn đầy ắp mọi thứ cao lương mỹ vị. Trong nhà kẻ hầu người hạ không bao giờ thiếu, ra đường được người ta kính nể giở mũ cúi đầu.

2 Hạt giống Nước Trời

Nhưng giữa vùng đất hoang lạnh ấy, hình như hạt giống Nước Trời đã nảy mầm trong lòng ông hoàng nhỏ. Bà hầu tước là một người đạo hạnh sốt sắng. Ngay từ những ngày thơ ấu, Lu-y đã được hun đúc trong trường cầu nguyện của bà, từ những mẫu kinh đơn giản đến những quyển sách về đời sống thiêng liêng. Khoảng năm 12 tuổi, anh bắt đầu theo cuốn Suy niệm hằng ngày của thánh Phêrô Kanis[6]. Lời văn sáng sủa, lý luận mạch lạc, và nhất là lòng nhiệt thành của vị thánh tiến sĩ đã góp phần không nhỏ vào việc tạo nơi anh một vài nét chấm phá về con người anh mai ngày. Tuy nhiên, anh có vẻ đóng kín theo bản tính tự nhiên, nay lại đóng kín cả về đời sống thiêng liêng. Anh chỉ thích ở một mình để cầu nguyện. Điều này được sửa chữa phần nào khi chẳng bao lâu sau anh đọc quyển Lá thư Ấn Độ tường thuật những chuyện táo bạo và anh hùng của các thừa sai Ấn Độ[7]. Từ đây không bao giờ anh quên những miền truyền giáo, và sau này sẽ nóng lòng muốn đi loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Anh bắt đầu thực tập ngay. Noi gương các nhà truyền giáo, anh tập họp một số trẻ em để giảng giáo lý cho chúng. Rồi anh đơn sơ trò chuyện với những người nghèo, thăm hỏi những người đau yếu, giúp đỡ người thiếu thốn. Nhờ đó anh cũng khám phá ra cảnh đối chọi giữa những người dân lam lũ đầu tắt mặt tối kiếm bát cơm manh áo, trong khi hàng vương giả và quý tộc sống phè phỡn đến phát ngượng.

Rồi anh may mắn được tiếp xúc với một vị thánh khác: thánh Carôlô Borromeo[8]. Đây là một Hồng Y Tổng Giám Mục dòng dõi   quý phái, có liên hệ mật thiết và gia đình Gonzaga, hiện làm Kinh Lược Tông Tòa[9] ở quê hương anh. Chỉ sau một lần hội kiến, anh được ngài cho rước lễ lần đầu. Được đón tiếp Chúa Giêsu Thánh Thể từ tay một vị thánh như thế, hai trái tim cùng hòa nhịp với trái tim Chúa Giêsu, hẳn Lu-y đã nghĩ đến một đời sống nhiều ý nghĩa hơn là hưởng thụ nơi cung điện. Từ đây, hễ có dịp, anh thường lui tới các nhà dòng. Có lẽ vào thời gian này, anh đã có ý định từ bỏ địa vị để tìm đến đời sống cầu nguyện và hãm mình… Sau đó, từ năm 13 tuổi, anh đã thực sự chăm chỉ cầu nguyện và làm việc đền tội nặng nề: ăn chay, đánh tội, mùa đông không sưởi ấm, để một khúc gỗ vào giường nằm cho đau. Anh tưởng đó là con đường nên thánh. Anh cầu nguyện liên lỉ: “Lạy Chúa, xin hướng dẫn con, xin hướng dẫn con sống tốt hơn.”

Cũng vào thời gian ấy, anh cùng với cả gia đình sang sống ở triều đình Tây Ban Nha. Ở đây, anh được thấy tận mắt cách sống ngạo nghễ, diêm dúa của hàng quý tộc. Sự lười biếng không những được coi là tao nhã, nhưng còn được biến thành một thứ nghệ thuật nữa. Tây Ban Nha lúc ấy là quê hương của những khám phá về thế giới ngoài Châu Âu, nên nhờ học hỏi, tầm mắt của anh cũng mở rộng hơn. So sáng đời sống vương giả của mình với những con người nghèo khổ ở các phương trời xa, anh bắt đầu cảm thấy không ổn. Vua Felipe II nước Tây Ban Nha lúc đó có thể nói là người quyền thế nhất trên mặt địa cầu. Dưới quyền ông là 22 nước, gầm cả những vùng đất xa lắc xa lơ, một quân đội hùng mạnh, nhiều đoàn tàu biển xông xáo đi tìm nguồn lợi. Chính tại triều đình này, anh đã khám phá một điểm động trời: “Chỉ có một vị vua hoàn hảo đáng cho người ta xả thân phục vụ là Đức Kitô; chỉ có một nước đáng cho người ta xây dựng là Nước Trời.” Từ này, mọi thứ vinh hoa thế gian đối với anh chỉ còn là phù vân giả trá. Từ đây anh càng thâm tín hơn về chính lời anh đã nói với những người hầu cận năm anh mới 10 tuổi: “Được làm tôi Chúa còn hơn làm tôi vua cả thế gian.”

Vấn đề của Lu-y bây giờ chỉ còn là chọn dòng tu nào. Và anh đã chọn Dòng Tên. Lý do là vì Dòng Tên mới thành lập[10], còn đầy sức sống và lòng nhiệt thành tông đồ. Thứ đến, trong Dòng Tên có lời khấn từ chối mọi phẩm tước trong Hội Thánh. Anh cũng ước mong một ngày kia được gửi đi truyền giáo ở những nơi xa xôi, nơi người ta chưa biết Chúa, chẳng hạn như ở vùng Đông Á, theo gương vị thừa sai Dòng Tên nổi tiếng là thánh Phanxicô Xavier. Vào hôm lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1583, trong một giờ cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ ở nhà nguyện tại cộng đoàn Dòng Tên tại Madrid, anh hoàn toàn xác tín về ơn gọi. Lập tức anh đi bàn hỏi với cha linh hướng, và vị này cũng xác nhận là anh được Chúa kêu gọi dâng mình cho Chúa. Chỉ còn phải có phép của hầu tước, vì anh mới 15 tuổi.

3 Cho tới cùng

Vì ông hầu tước nhất định không chịu nghe anh nói chuyện về ơn gọi, anh cứ ngày ngày đến năn nỉ cha. Hình như ông hơi xiêu lòng, nhưng vẫn không để anh ra đi. Nhân dịp cha Phanxicô Gonzaga, Bề Trên Cả dòng Thánh Phanxicô là người trong dòng họ đang đi kinh lược tại Tây Ban Nha, ông xin ngài khảo sát trường hợp của Lu-y. Sau khi gặp và trao đổi cặn kẽ với anh, cha Phanxicô xác nhận anh được Chúa gọi. Nhưng ông hầu tước vẫn dùng dằng.

Một hôm Lu-y cùng với em là Rôđolphô đi dạo chơi một vòng qua đường phố Madrid. Trên đường về, khi đến học viện Dòng Tên, anh nhất định ở lại đó chứ không chịu về nữa. Quyết định của anh làm cả nhà dòng cũng như đoàn tùy tùng đều hết sức bối rối. Hôm ấy ông hầu tước đang đau yếu nên không thể đến bắt anh về được. Ông sai người đến đưa anh về, nhưng anh cương quyết: “Trước sau thế nào tôi cũng vào ở đây, thay vì để ngày mai thì hôm nay đến cũng vậy!” Cha anh điên đầu vì chuyện này. Ông cho rằng anh làm mang tiếng cả dòng họ, và nhắn anh muốn vào dòng thì phải vào một cách đàng hoàng hơn. Được lời hứa ấy, anh chịu trở lại cung điện. Ông hầu tước thấy rằng ở Tây Ban Nha xảy ra nhiều chuyện rắc rối quá, nên quyết định đưa cả gia đình về lại quê nhà. Ông cũng hy vọng với thời gian và nhờ thay đổi nơi chốn, cả ý định của Lu-y cũng thay đổi theo. Ông đâu ngờ rằng anh đang áp dụng triệt để điều anh đã học được nơi ông. Chính anh cho biết: “Trong đã học được nơi cha tôi nguyên tắc này là khi bắt tay vào việc gì, thì phải hết sức cố gắng làm cho tới cùng.”

Về đến Ý, hầu tước sai Lu-y cùng với em là Rôđolphô đi thăm viếng một vòng các vị lãnh chúa và quan chức trong miền. Thâm ý của ông là làm cha Lu-y quên đi chuyện ơn gọi. Nhưng Lu-y đã thay đổi phong thái. Anh ăn mặc rất đơn giản, còn để cho em ăn mặc rất sang trọng. Trong các buổi dạ hội tổ chức tiếp đón, anh từ chối khiêu vũ. Trái lại anh luôn chăm chú cầu nguyện, gia tăng hãm mình đền tội, và hễ có dịp là đến ở trong cộng đoàn Dòng Tên. Khi đi hết một vòng về đến quê nhà, anh đã 17 tuổi. Hai năm trời đi đó đây càng làm anh thêm xác tín về ơn gọi. Ông hầu tước lại một lần nữa đi vận động mọi người để thuyết phục Lu-y bỏ ơn gọi, hay ít là bỏ ý định vào Dòng Tên. Công tước, giám mục, hồng y… đều được ông nhờ đến. Nhưng Lu-y không một chút lay chuyển.

Một hôm giận dữ, ông quở trách Lu-y nặng lời, rồi đuổi anh đi. Anh lẳng lặng ra lệnh cho đám tùy tùng dọn dẹp đồ đạc ra ở nhà nghỉ mát gần dòng Thánh Phanxicô, cách cung điện chừng 2 cây số. Khi biết tin ấy, ông hầu tước cho người đi triệu anh về. Anh thưa: “Con tưởng cha đuổi con đi thì con phải đi!” Bị la mắng, anh về phòng cầu nguyện và đánh tội[11], tha thiết xin Chúa can thiệp để được theo ơn gọi. Hầu tước được các người hầu cận dẫn đi xem tận mắt những vết máu trên người thế tử. Quá xúc động, ông cho biết ông đồng ý để anh đi. Anh lập tức viết thư báo cho cha Bề Trên Cả Dòng Tên, xin được nhận vào dòng. Đồng thời các thủ tục giấy tờ nhường ngôi cho Rôđolphô cũng được soạn thảo.

Nhưng khi mọi việc đã xong đâu vào đó, ông hầu tước lại nói không bao giờ ông hứa cho phép anh vào Dòng Tên. Đau khổ, anh chỉ còn biết cầu nguyện. bỗng một hôm anh đường đột vào phòng hầu tước và tuyên bố: “Con hoàn toàn tùy thuộc nơi cha; cha muốn làm sao thì nên vậy. Nhưng con đoan chắc là con được Chúa gọi vào Dòng Tên. Cha không cho phép con đi là cha chống lại Chúa.” Nói xong, anh biến ngay khỏi phòng, không chờ đợi câu trả lời. Trước thái độ ấy, hầu tước không biết làm gì hơn là để cho nước mắt tự do chảy dàn dụa trên mặt. Ông khóc mãi, cuối cùng cho gọi Lu-y đến và nói: “Lu-y, con ơi! Con làm cha đứt từng khúc ruột! Cha đã đặt hết hy vọng nơi con, nhưng vì Chúa gọi con, thôi cha để con đi. Cha chúc lành cho con.”

Ngày 2.11.1585, thế tử Lu-y chính thức nhường ngôi cho em. Hôm sau, anh giã từ gia đình đi Rôma. Cùng đi với anh là cả một đoàn tùy tùng gồm cha tuyên úy của gia đình, viên thái sư, một tu sĩ và những người hầu cận. Trên đường, một người trong đoàn tùy tùng nói với anh: “Chắc công tử Rôđolphô thích lắm!” Anh đáp: “Chưa thích bằng tôi!”

4 Nhà Chúa

Đến Rôma, sau vài ngày nghỉ tại dinh Thượng Phụ Giêrusalem là Scipio Gonzaga, Lu-y vào nhà tập Thánh Anrê ngày 25.11. Trước khi từ giã đoàn người tháp tùng anh đến Rôma, anh còn gửi lời nhắn hầu tước: “Chúa bảo hãy quên dân tộc và nhà cha ngươi!”[12] Nhận phòng ở nhà tập, anh tự nhủ: “Đây là nơi mình được an nghỉ mãi mãi, vì chính mình đã chọn.” Rồi anh quỳ gối, mắt rưng rưng, cảm tạ Chúa đã đưa anh ra khỏi thế gian phù hoa đến ở trong tình yêu Chúa.

“Tôi là thanh sắt cong, phải vào dòng để được uốn lại cho thẳng”, anh tự nhủ như vậy. Nhưng thật ra khi vào nhà tập, anh là một người đã chín chắn, có lẽ hơi quá nữa là khác. Nếp sống trong dòng không giống như anh vẫn tưởng. Trước kia anh tự do làm theo lòng sốt sắng cá nhân, giờ đây mọi sự đều phải vào khuôn khổ. Anh không được cầu nguyện lâu giờ như trước kia. Trái lại, phải nói chuyện gấp 10 lần. Các việc hãm mình đền tội của anh đều phải giảm xuống cho có chừng mực. Thực là một thử thách lớn lao đối với một ông hoàng trẻ quen ra lệnh và gần như không bao giờ phải theo một kỷ luật nào. Nhưng sẵn ý chí cương nghị, anh nhất quyết giữ tỉ mỉ mọi điểm trong chương trình huấn luyện, biết rằng đó là cách để thanh sắt cong được uốn lại cho thẳng.

Ngay từ nhà tập, anh đã học được thói quen tích cực xây dựng đời sống cộng đoàn. Dù sống nhiệm nhặt, nhưng anh vẫn vui tươi. Anh thích đi trao đổi những vấn đề thiêng liêng với các bạn. Theo lời chứng của nhiều người, sau khi nói chuyện với anh, người ta thấy lòng sốt sắng hơn cả cầu nguyện. Nhưng anh đặc biệt để ý đến những người ít được để ý: những anh em ốm đau hay những anh em mới đến. những lần thăm hỏi những câu chuyện trao đổi với anh đã làm cho nhiều người cảm thấy phấn khởi mãnh liệt trong đời sống thiêng liêng. Ở nhà tập Thánh Anrê cũng như ở học viện Rôma sau này, anh rất thích gặp gỡ và nói chuyện với các tu huynh[13]. Nhờ gương sáng và việc làm, anh đã trở thành một nhân tố quan trọng kết hợp cả cộng đoàn huynh đệ trong Chúa Kitô.

Lu-y muốn thực sự quên hẳn địa vị của mình trong xã hội. Không gì làm anh ngượng ngùng hơn là khen anh thuộc về một dòng họ trâm anh. Trong nhà, anh thích làm những việc tầm thường, mà trước kia anh không hề đụng tay đến. Anh rất thích làm những việc vệ sinh như lau nhà, quét màng nhện, rửa chén bát. Có lẽ trước kia anh được người khác làm cho hưởng, nay anh tập làm cho người khác hưởng, dù nhiều khi anh vụng về. Ra đường, anh không bao giờ chịu mặc bộ tu phục đẹp đẽ gia đình đã may. Người ta không ai nhận ra giữa các tập sinh có một ông hoàng. Một lần kia, vì không nhận ra anh, một bà quý phái tỏ ý thương hại ông hoàng Gonzaga bỗng dưng tự chôn vùi mình trong Dòng Tên; anh bình thản trả lời: “Anh ấy chưa chết đâu, trái lại vẫn sống hạnh phúc nữa!”

Nhờ vào trí thông minh, tính cần mẫn, óc tinh tế, và vì đã học được khá nhiều từ trước, nên anh đã hoàn tất giáo trình triết học và bắt đầu giáo trình thần học ngay khi chưa mãn kỳ tập.

Sau 2 năm kỳ tập, anh tuyên khấn[14] và nhập học viện Rôma. Anh sung sướng được chỉ định ở trong căn phòng nhỏ và xấu nhất nhà[15]. Anh không muốn giữ gì trong phòng để dùng riêng. Cuối cùng, ngoài quyển Thánh Kinh, anh chỉ còn giữ bộ Tổng Luận Thần Học[16] của thánh Tôma Aquino, nhưng khi có người mới đến, anh xin nhường lại cả bộ sách ấy, vì nhà thiếu sách. Thế là anh chỉ còn giữ duy nhất quyển Thánh Kinh.

Ham thích học Thánh Kinh, anh đặc biệt say mê các trình thuật về cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu. Hình như ngay từ nhỏ, anh đã ý thức rất rõ về tội lỗi của con người. trước mắt anh là cảnh sống trong các triều đình. Chính dòng họ Gonzaga cũng nổi tiếng vì những vụ tranh chấp đẫm máu, những cuộc tàn sát ghê rợn. Tóm lại, anh thấy chỉ vì danh lợi, người ta dễ dàng đặt Chúa ra ngoài lề cuộc sống, hoặc biến Chúa thành một thứ đồ trang sức không hơn không kém. Vì thế, ngay từ nhỏ, hình ảnh cây Thánh Giá đã ăn sâu vào tâm trí anh. Cầu nguyện, hãm mình, hy sinh, đánh tội… chưa đủ. Anh thấy phải đáp lại tình yêu Thánh Giá bằng một tình yêu Thánh Giá. Anh mơ ước chịu tử đạo, hay ít là sống cực nhọc, chịu đau khổ vì yêu mến Chúa Giêsu. Để chuẩn bị ngày mai ấy, anh đã làm tất cả những gì phải làm và có thể làm được.

Nghĩ rằng sau này mình sẽ đi truyền giáo ở Châu Á, anh tích cực chuẩn bị hành trang thừa sai. Anh xin phép đi dạy giáo lý cho trẻ em, nhưng bề trên từ chối vì tình trạng sức khỏe. Bù lại, anh được trao phó nhiệm vụ dạy giáo lý cho những người giúp việc trong học viện. Anh nhiệt thành với công việc, và thân thiết với từng người, làm cho ai nấy đều học được không chỉ giáo lý, mà cả mẫu gương sống động nữa. Nhiều anh em trong học viện nói anh làm như thể cả công cuộc cứu rỗi thế gian được tóm gọn trong việc dạy giáo lý cho nhóm người bình dị ấy.

Khi trong gia đình anh xảy ra một vài chuyện rắc rối, chính cha Bề Trên Cả đã cử anh đi hòa giải. Em anh và một người chú tranh nhau một tòa lâu đài. Rồi đến chuyện hôn nhân gây nhiều tai tiếng của Rôđolphô. Anh đã thành công tốt đẹp không những vì lòng ngay thẳng, vì trí phán đoán, mà còn vì gương mẫu đời sống bác ái và khiêm tốn.

Nhiều người đã nghĩ sau này anh sẽ không đi truyền giáo, nhưng sẽ làm Bề Trên Cả Dòng Tên.

5 Tình yêu cao cả

Đầu năm 1591, cả nước Ý lâm nạn đói kém. Hậu quả của nạn đói là dịch hạch lan tràn. Dân chúng khắp nơi đổ xô về Rôma để chạy thầy chạy thuốc. Các bệnh viện đều chật ních. Cảnh chết chóc làm cho cả kinh thành sống trong cảnh kinh hoàng. Anh em Giêsu hữu[17] ra sức xoa dịu vết đau thương của dân nghèo. Hằng ngày anh em ra ngoài đường phố, đi lạc quyên giúp người đói, hay săn sóc những người bị bệnh dịch hạch. Cha Bề Trên Cả Acquaviva đã cho thành lập thêm một bệnh viện mới. Ngay từ những ngày đầu tiên mới phát hiện dịch hạch, đã có nhiều học viên đến xin cha viện trưởng cho phép đi cứu trợ, trong đó có Lu-y Gonzaga. Các anh đi đây đi đó khắp nơi trong thành phố thu góp quần áo, đồ ăn thức uống, đem về giúp người đói rét. Riêng Lu-y, nhờ quen biết hàng quý tộc, đã xung phong ăn mặc lem luốc đến từng nhà sang trọng xin đồ cứu trợ. Cả gia đình anh cũng gửi đồ cứu trợ vào theo yêu cầu của anh. Khi gặp người bị dịch hạch, anh không ngần ngại vác trên vai đem về tận bệnh viện săn sóc chu đáo.

Anh Lu-y hình như rất thích công việc nguy hiểm này. Anh giành lấy những người bị nặng nhất, và không từ khước bất cứ một công việc khó khăn hay nguy hiểm nào. Khi bệnh dịch lan tràn mạnh hơn, hầu như cả học viện Rôma trở thành một trung tâm cứu trợ. Nhưng chừng bao lâu sau, các bề trên thấy các học viên ngã như rạ: nhiều anh bị lây bệnh và vài anh đã chết. Cùng với nhiều học viên khác, Lu-y bị cấm đặt chân đến bệnh viện. Nhưng muộn rồi! Dù theo lời năn nỉ của anh, bề trên đã cho phép anh đi giúp người bệnh nhẹ và không lây bệnh ở bệnh viện Đức Mẹ An Ủi, anh vẫn ngã bệnh. Một hôm trên đường đến bệnh viện, gặp một người nằm giữa đường, anh tới xốc lên và cõng vào bệnh viện. Trước khi ra về, anh cũng săn sóc người ấy cẩn thận. Đến nhà, anh liệt giường luôn. Hôm ấy là ngày 3.3.1591.

Chỉ mấy ngày sau, anh chịu các bí tích sau hết. Anh vui vẻ dù cả cộng đoàn đều rớm lệ. Nhưng rồi có vẻ anh thoát nguy hiểm: cơn bệnh kéo dài thay vì giết chết bệnh nhân ngay lập tức. Trong thời gian chữa trị, anh chịu đựng cơn đau, hay đúng hơn, anh chờ đón cái chết với một tinh thần đức tin mãnh liệt, một tinh thần siêu nhiên sáng ngời. Anh thường trao đổi chuyện thiêng liêng với những người đến thăm. Cả đến cha linh hướng của anh là thánh Rôbertô Bellarmino[18], hay Hồng Y Thượng Phụ Scipio Gonzaga, cũng phải nhìn nhận chưa từng thấy một người nào vui lòng chấp nhận cái chết đến thế.

Sau hơn 100 ngày bị cơn bệnh hành hạ, đêm 20.6.1591, vào khoảng gần nửa đêm, anh ôm chặt Thánh Giá trên ngực, miệng lặp đi lặp lại: “Tôi vui sướng ra đi! Tôi vui sướng ra đi!” Và anh tắt thở, trên môi còn điểm một nụ cười tươi. Mẹ anh đã dạy anh hằng ngày quỳ gối trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá để cầu xin Chúa tha tội cho mình và cho mọi người. Hằng tháng bà cũng đưa anh đi thăm những bệnh nhân nghèo. Cứ thế, anh đã theo sát Chúa Giêsu đến Đồi Sọ. Ở đó, anh nên một với Đấng đã yêu mến con người.

6 Thư gửi mẹ

Thánh Lu-y vào Dòng Tên được ít lâu thì thân phụ qua đời. Trên giường bệnh, biết là sắp chết, ngài viết thư cho mẹ.

Thưa mẹ khả kính,
Con cầu xin Chúa Thánh Thần luôn ban xuống cho mẹ ân sủng và niềm an ủi của Người.

Khi nhận được thư của mẹ thì con vẫn còn ở trên chốn tử vong này. Nhưng đã đến lúc phải hướng về trời, nơi chúng ta sẽ ca ngợi Thiên Chúa hằng hữu trong cõi đất dành cho kẻ sống. Con cứ tưởng mình đã hoàn tất được cuộc hành trình này trước đây rồi. Nếu bác ái là vui với người vui, khóc với người khóc, như thánh Phaolô nói, thì thưa mẹ khả kính, hẳn là mẹ phải hết sức vui mừng vì Chúa đã tỏ cho con thấy niềm hoan lạc đích thực và sự bảo đảm không bao giờ sợ mất Người nữa; sở dĩ con được ơn này cũng là vì tình thương và ân sủng Chúa dành cho mẹ.

Thưa mẹ khả kính,

Con thú thật với mẹ là khi suy nghĩ về lòng nhân hậu của Thiên Chúa, bao la như biển cả không đáy không bờ, thì tâm trí con bàng hoàng, hầu như lạc lõng, không sao hiểu nổi. Quả thật, dù con chẳng vất vả bao nhiêu trong một thời gian vắn vỏi, thế mà Chúa cũng mời con đến nghỉ yên muôn đời. Từ trời cao, Người gọi con đến hưởng hạnh phúc vô biên, hạnh phúc mà con đã không mấy thiết tha tìm kiếm, và Người hứa ban thưởng cho con vì những giọt nước mắt ít ỏi con đã đổ ra.

Thưa mẹ khả kính,

Xin mẹ hết sức cẩn thận, đừng khóc thương con như khóc thương người chết, kẻo xúc phạm đến lòng nhân từ vô biên của Chúa. Thực ra, con vẫn sống trước nha Thiên Chúa và những khi cần thiết con có thể dùng lời cầu nguyện mà giúp đỡ mẹ hữu hiệu hơn cả lúc con còn sống ở trần gian. Cuộc chia ly này sẽ không lâu, vì trên trời chúng ta sẽ gặp lại nhau, và một khi cùng kết hợp với Đấng cứu độ chúng ta, chúng ta sẽ được hưởng niềm vui bất diệt mà hết lòng ngợi khen Chúa và ca tụng tình thương Chúa đến muôn đời. Chúa lấy lại cái Người đã ký thác nơi chúng ta không ngoài ý định là đặt nó vào nơi an toàn chắc chắn hơn và dùng chính những thứ mà chúng ta ước mong có được để làm cho chúng ta nên phong phú.

Thưa mẹ khả kính,

Sở dĩ con nói những điều đó là vì lòng những ước mong mẹ và toàn thể gia đình coi cuộc ra đi của con như một ân huệ đáng mừng. Xin mẹ lấy tình mẫu tử mà chúc lành cho cuộc hành trình này của con cho đến khi đạt tới bến bờ con hằng hy vọng. Con đã tự ý viết thư này vì không còn cách nào khác để bày tỏ lòng kính yêu mà một người con phải có đối với mẹ mình.
________________________________________
[1] Bậc thứ 2 trong 5 tước của giới quý tộc: công, hầu, bá, tử, nam.
[2] Trong Dòng Tên có lời khấn không nhận các phẩm chức Hội Thánh như giám mục, hồng y…
[3] Thực tế là vua một nước nhỏ.
[4] Thế kỷ XV-XVI
[5] Phần nào giống như trường hợp Mạnh Tử: ở gần nghĩa trang thì bắt chước đám tang, ở gần chợ thì bắt chước người buôn bán… Bà mẹ quyết định dọn nhà đến ở gần trường, thế là Mạnh Tử ham học và nên người tài giỏi.
[6] Người Hà Lan, linh mục Dòng Tên và giáo sư thần học thời ấy, năm 1925 được tuyên thánh và tiến sĩ Hội Thánh.
[7] Từ Ấn Độ ngày nay được hiểu là nước Ấn Độ, nhưng thời ấy người ta hiểu chung cả về vùng đất thuộc Châu Á, từ Ấn Độ đến miền Đông Á, trong đó có cả Việt Nam.
[8] Ngài sinh năm 1538 tại Ý. Năm 22 tuổi, dù chưa chịu chức thánh, ngài được cậu ruột là Đức Giáo Hoàng Piô IV bổ nhiệm làm Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Ít lâu sau ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Milano, miền bắc nước Ý. Ngài thực hiện chương trình canh tân của công đồng Trento. Ngài qua đời năm 1584.
[9] Đại diện Đức Giáo Hoàng đi xem xét tình hình và đưa ra những quyết định cần thiết.
[10] Dòng Tên được Tòa Thánh phê chuẩn năm 1540.
[11] Dùng roi bằng dây tự đánh vào mình.
[12] Tv 44,11
[13] Những tu sĩ không làm linh mục, thường lo những việc phục vụ trong cộng đoàn.
[14] Trong Dòng Tên, không có khấn tạm; các tu sĩ khấn trọn đời ngay sau 2 năm kỳ tập.
[15] Các bề trên thường làm như vậy để tập cho những tu sĩ thuộc hàng quý tộc tập từ bỏ và hy sinh. Sau này chính thánh Gioan Berchmans cũng cho là được hưởng một đặc ân khi dọn đến ở phòng ấy, đặc biệt vì đó đã từng là phòng của thánh Lu-y Gonzaga.
[16] Sách giáo khoa chính của giáo trình thần học thời ấy.
[17] Thành viên Dòng Tên
[18] Thánh Rôbertô Bellarmino (1542-1621): sinh tại miền bắc nước Ý, vào Dòng Tên năm 18 tuổi, thụ phong linh mục năm 28 tuổi, làm giáo sư thần học và linh hướng tại Học viện Rôma của Dòng Tên năm 34 tuổi.  Sau khi thánh Lu-y Gonzaga qua đời, ngài làm viện trưởng năm 50 tuổi, làm giám tỉnh Dòng Tên Napoli năm 52 tuổi, được đặt làm hồng y năm 57 tuổi.

---------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây