Bấy giờ trong Mười Hai Tông đồ, có ông Tô-ma gọi là Ði-đy-mô, không ở cùng với các ông, khi Chúa Giê-su hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà, và có Tô-ma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giê-su hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tô-ma: “Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tô-ma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giê-su nói với ông: “Tô-ma, vì con đã thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Thánh Tôma, còn gọi là Ðidimô, ngưòi xú Galilêalà một trong số mười hai môn đệ của Chúa Giêsu.
Phúc Âm, đặc biệt là Phúc Âm thánh Gioan, đã cho ta thấy Ngài là người rất nhiệt thành và tận tuy.
Một lần Chúa Giêsu muốn về Giuđêa đề cho Lazarô sống lại, nhưng nơi đó người Do Thái đang âm mưu giết Chúa, nên Tôma đã can đâm nói: “Nào chúng ta cùng đi để được chết với Thầy”.
Sau khi Chúa sống lại, lòng cứng tin của Tôma đã là bài học đích đáng cho muôn thế hệ.
Đối với sự phuc sinh cúa Chúa, Ngài chi biết thốt lên: “Lay Chúa tôi và là Chúa Tròi tôi”.
Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, có lẽ Ngài đã di rao giảng Tin Mừng ở Patia, Ba Tư.
Một văn kiện khác cho rằng: Ngài đã đặt chân lên Ấn Độ và chịu tử đạo ở đó, vì người ta đã tìm thấy nhiều tài liệu chứng minh ngay từ xưa, dân tộc Ấn đã có một lòng tôn kính đặc biệt đối với Thánh Tôma tông đồ.
Họp ý với Giáo Hôi, chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời bầu cử của Thánh nhân, thêm đức tin cho chúng ta, nhất là trong thế giới duy vật ngày nay.
Tô-ma còn có biệt danh là “Đi-đi-mô”, theo tiếng A-ram, có nghĩa là “sinh đôi”, là một trong Nhóm Mười Hai.
Phúc Âm thánh Gioan trình bày ngài như một người hay tìm tòi, hay nghi ngờ (x Ga 11,16 ; 14,5 ; 20,24-29). Khi ngắt ngang huấn từ giã biệt của Chúa Giêsu, ông được Chúa trả lời: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Sau khi nhận những tin về cuộc Phục Sinh, ông không muốn tin, nhưng lại là người tuyên xưng rõ ràng nhất với Đấng Phục Sinh (Ga 20,28).
Theo truyền thuyết, sau này Tô-ma đi truyền giáo bên Ấn Độ và được tử đạo ở đấy. Vào thế kỷ thứ 3, di hài ngày được chuyển về Edessa. Thánh Ép-rem, người Syrie, đã tôn vinh thánh Tô-ma, qua nhiều bài thánh thi. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
A. Hạt giống...
Hai lần hiện ra cách nhau 8 ngày này nhằm những mục tiêu sau:
1. Chúa Giêsu nâng đức tin của các một đệ lên một bậc: từ mức độ thấp là tin dựa vào bằng chứng mà giác quan kiểm nghiệm được (câu 20 “Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài” ; câu 25, Tôma đòi điều kiện “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài...) lên mức độ cao là tin chỉ vì nghe bởi vì mình đã an tâm về uy tín của người nói cho mình nghe (câu 29: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”) 2. Chúa Giêsu ban bình an cho các môn đệ để rồi các ông lại ban bình an cho người khác qua việc tha tội. Sự bình an này là hoa trái của Thánh Thần, và đặt nền tảng trên việc tin vào Chúa Giêsu phục sinh.
B.... nẩy mầm.
1. Một cuộc đối thoại giữa hai người yêu nhau:
- Em có bằng lòng lấy anh không ? - Bằng lòng. - Chúng ta chỉ mới quen nhau mấy tháng. Em chỉ nghe anh nói thôi chứ chưa có dịp ”kiểm tra” lý lịch và quá khứ của anh. Sao em tin anh thế ? - Vì em yêu anh ! Tình yêu hỗ trợ cho niềm tin. (Góp nhặt)
2. Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hi vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi:
- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao ?
- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao. (Góp nhặt)
3. “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.
“Xoảng... !“ Cái bình vỡ. “Hư quá ! Mẹ đã bảo rồi”. Không phải một lần nhưng nhiều lần xảy ra như thế. Mặc dù đã được me báo trước, nhưng tôi vẫn cứ muốn thử xem sao.
Lớn lên, tôi hiểu biết nhiều hơn nhưng cũng đa nghi hơn. Cái gì hơi khác thường là tôi đòi phải có bằng chứng rõ ràng. Với một công thức mới chưa được chứng minh, tôi không tài nào nhớ được. Và đôi khi, trong những giây phút trao lòng, tôi cũng đã hỏi: “Không biết có Chúa thật không ?”.
Cuộc sống càng phát triển, dường như con người chỉ muốn tin vào những cái có thể cân, đong, đo, đếm được mà thôi.
Nhưng thước đo nào đủ cho chiều cao thập tự. Cán cân nào đủ đo tình yêu của Người.
Lạy Chúa, xin cho con biết vững tin vào tình yêu cứu độ. (Epphata)
4. “Tôma, vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29)
Trong một vụ tai nạn xe hơi, thầy của tôi bị thương trầm trọng tưởng chừng như không qua khỏi. Ấy vậy mà sau hai tháng điều trị, Thầy đã chóng bình phục và trở về với cuộc sống thường ngày. Khi tôi vào thăm, Thầy đã đón tôi với nét mặt tươi vui và thái độ hân hoan lạ thường. Tôi thắc mắc không hiểu sao với vết thương như thế mà Thầy có thể chịu đựng nổi trước những lưỡi dao len lỏi vào từng tớ thịt, cắt xén, thêm bớt… Thầy vui vẻ trả lời: “Cứ mỗi lần như thế, Thầy lại nhớ đến hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thánh giá, và nỗi đau của Thầy như tan biến hết”. Tôi đã làm cho Thầy chưng hửng khi hỏi lại: “Thầy có thấy Chúa đâu mà lại tin như vậy ?”.
Tâm trạng và thái độ của tôi lúc ấy cũng giống như tâm trạng của Tôma trong Tin Mừng. Đã có lúc tôi tự hỏi: Chúa ở đâu ? Sao tôi chẳng thấy ? Và tôi không còn thiết nghĩ đến Chúa nữa. Tôi đi lễ chẳng qua vì tôi “lỡ” chịu phép Rửa tội. Đến nhà thờ mà tâm hồn cứ để tận đâu đâu. Lời Chúa nói với Tôma đã làm tôi bừng tỉnh, mắt như mở ra. Và tôi thấy Chúa đang mỉm cười với chính mình.
Chúa Giêsu ơi, đức tin của con như hạt sương mai đậu trên nhành cây, để nguyên thì còn mà đụng vào thì sẽ mất. Xin thêm niềm tin cho con, để con dù không thấy Chúa nhưng vẫn tin Ngài đang hiện diện bên con trong cuộc đời. (Hosanna) 5. Mầm khác:
Tám ngày sau lễ Phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra với các tông đồ, nhưng thánh Tô-ma lại vắng mặt. Khi ông về, các tông đồ kể lại cho ông nghe biết việc Chúa Ki-tô đã Phục sinh, nhưng ông không tin và còn thách thức: “Nếu tôi không nhìn dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc ngón tay tôi vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin“. Chiều ý thánh Tô-ma, một tuần lễ sau vào chiều Chúa nhật, Chúa Giê-su hiện ra một lần nữa với các tông đồ và có Tô-ma ở đó. Tô-ma đã thấy Chúa và ông đã tin Chúa Ki-tô Phục sinh.
Dựa vào câu chuyện trong Phúc Âm, người ta chỉ thấy sự cứng lòng tin của thánh Tô-ma. Như thế, hai chữ Tô-ma từ đó đã trở thành đồng nghĩa với sự cứng lòng tin và dường như đã trở thành một danh từ chung để chỉ những người không chịu tin một cách dễ dàng vào những chân lý hiển nhiên nào đó. Trường hợp đó người ta hay gọi ông là Tô-ma, và công khai hơn trong một kinh nổi tiếng mà Giáo hội hay đọc hoặc hay hát khi chầu Thánh Thể trong đó có câu: “Nay dầu không thấy Chúa tôi như thánh Tô-ma thuở trước, nhưng tôi cũng xưng ra thật, Chúa thật là Chúa Trời tôi”.
Khi đọc hoặc hát lên câu kinh đó, dù muốn dù không. Giáo hội đã nhắc công khai sự cứng tin của thánh Tô-ma. Tội nghiệp cho thánh Tô-ma, ngài đã đi vào lịch sử với sự cứng lòng tin nối tiếp của ngài. Hôm nay, để công bằng, chúng ta hãy có một cái nhìn về phía những người khác, về phía các tông đồ khác để biện hộ cho Tô-ma một chút kẻo tội nghiệp, Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế đã bị đóng đinh vào thập giá, đã bị giết chết thực sự nhưng biến cố quan trọng nhất là Ngài đã sống lại và hiện ra với các tông đồ.
Các tông đồ kia đã làm chứng về Chúa Ki-tô Phục sinh như thế nào? Có lẽ vì sợ sệt, trốn tránh mà các ông đã làm cho Tô-ma vẫn còn nghi ngờ. Các ông có phần trách nhiệm của mình đối với sự cứng lòng tin của Tô-ma.
Lạy thánh Tô-ma Tông đồ, xin cầu cho chúng con. Amen.
Chúng ta vừa nghe một câu chuyện mà chúng ta đã thuộc lòng từ khi còn nhỏ. Câu chuyện hôm nay đã trở thành một gợi hứng cho rất nhiều bài suy niệm với rất nhiều khía cạnh khác nhau. Riêng tôi, tôi chỉ xin chia sẻ với anh chị em một vài cảm nghĩ rất riêng tư của mình. Tôi muốn nói tới những đức tính của Tôma làm tôi nể phục.
1. Trước hết là sự minh bạch và rõ ràng trong lập trường của ông.
Tôma không phải là người trung lập. Ông có một lập trường rất rõ rệt. Ông sống quyết liệt, không sống nửa vời. Ông nhất định không chịu nói là mình tin khi ông không tin. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ của mình xuống bằng cách làm như mình không hề nghi ngờ. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông hoàn toàn đúng.
Đó là thái độ mà tôi tưởng Chúa cũng thích. Chính vì thế mà không những Chúa không khiển trách Tôma mà còn xem như bằng lòng với ông khi hiện ra với ông trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chúa không thích thái độ dở dở ương ương, thái độ nửa vời vì nó là một thái độ rất khó chịu và rất nguy hiểm.
Để cho người ta thấy thái độ nửa vời nguy hiểm như thế nào thì người Tây phương đã viết nên câu chuyện này. Hồi đó, dưới hỏa ngục, các tướng quỷ tranh luận với nhau về đề tài: “Đâu là phương pháp hữu hiệu nhất để chống lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa?” Trên khán đài nồng nặc mùi diêm sinh và bên dưới là các tướng lãnh tranh luận sôi nổi với nhau.
Tên thứ nhất đứng lên tuyên bố:
Đối với tôi, lòng ham mê ăn uống là thù địch số một của Chúa. Thử hỏi vì lý do gì mà Ađam và Evà sa ngã phạm tội ở vườn địa đàng? Thưa cũng chỉ vì thèm ăn một trái táo. Rồi đến Esau mất quyền trưởng nam cũng chỉ vì một bát cháo đậu xanh.
Một tràng pháo tay vang dội.
Kế đó tên quỷ thứ hai cứng rắn phản đối tên thứ nhất. Hắn cho rằng lòng tham của cải mới chính là thù địch số một của Chúa. Giuđa là một thí dụ.
Tên quỷ thứ ba tiến lên. Theo hắn thì lòng kiêu ngạo chính là chủ của mọi tính hư nết xấu.Sự sa ngã của các thiên thần là thí dụ.
Tên quỷ thứ tư bước lên khán đài ngang nhiên tuyên bố:
Không, thù địch số một của Chúa chính là lòng ham mê nhục dục và mọi thú vui giác quan.
Nghe những lời đó quỷ vương phân vân không biết phải trao chiến thắng về cho ai, bởi vì ai cũng có lý cả. Sau cùng, từ chỗ quan khách đang ngồi chăm chú theo dõi, tên quỷ thứ năm dõng dạc chậm rãi tiến ra. Với giọng vừa mỉa mai vừa cứng rắn, hắn lên tiếng đả kích tất cả các lý luận trên và phủ nhận mọi bằng chứng đã được đưa ra. Sau đó hắn nói dằn từng tiếng:
Kẻ thù số một của Chúa không hẳn là lòng ham mê, tham lam cũng không phải là tính kiêu ngạo, tất cả những thói xấu đó đứng riêng rẽ một mình chẳng khác nào con dao cùn, nhưng nếu tổng hợp tất cả những thói xấu đó lại thành một hợp chất khác tuy không tên tuổi, không ai để ý tới, nhưng chúng sẽ là một khí cụ lợi hại và hiệu nghiệm nhất. Đó là lòng lạnh nhạt, không nóng cũng không lạnh. Những kẻ lạnh nhạt không hẳn là những người thù địch chống lại Chúa một cách trắng trợn, nhưng chúng cũng không phải là những người thân thiện gì với Chúa, đó mới chính là kẻ thù tai hại hơn cả.
Đây chúng ta hãy nghe lại những lời mạnh mẽ Chúa nói trong sách Khải Huyền với dân Laodiciae: “Ta biết các việc ngươi làm. Ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng ta (Kh 3, 15-16)
Ngày hôm nay chẳng thiếu những người giữ đạo cho có, chỉ hình thức, lạnh chẳng ra lạnh, nóng cũng chẳng ra nóng. Những người như thế đang là mối nguy cho Chúa hôm nay.
2. Đức tính thứ hai mà tôi cảm phục nơi con người của Tôma là khi đã biết chắc chắn, ông sẽ đi cho đến cùng.
Đây là đức tính của những anh hùng. Người anh hùng khi đã biết chắc chắn, họ sẽ đi cho đến cùng. Khi Tôma nói: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi”(Ga 20, 28) thì ông đã biết ông phải sống như thế nào rồi. Tôma không đứng ở vị trí lưng chừng. Ông không làm bộ hoài nghi chỉ nhằm chơi trò ú tim tinh thần. Sở dĩ ông nghi ngờ là vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã biết chắc rồi, ông hoàn toàn tuân phục.
Theo một cuốn sách ngoại kinh có nhan đề “Các công việc của Tôma” người ta thấy Tôma được mô tả là một con người rất trung thực. Sau đây là một trích đoạn có liên quan đến Tôma.
“Sau khi Chúa sống lại, các môn đệ được phân bổ khu vực để đi rao truyền Tin Mừng cho mọi người. Mỗi người phải đến một nơi nào đó để mọi người trên khắp thế gian đều được nghe Tin Mừng. Tôma bắt thăm nhằm xứ Ấn Độ. Thoạt đầu Tôma không chịu. Ông nói:
- Tôi là một người Do thái, làm sao lại có thể đến sống giữa những người Ấn độ mà truyền giảng chân lý cho họ được?
Tối đến, Chúa Giêsu hiện ra với ông và bảo
- Này Tôma, đừng sợ, hãy đến Ấn độ và giảng ở đó, vì ân sủng của Ta ở cùng con.
Lúc đó có một thương gia tên Abbanes từ Ấn đến Giêrusalem. Ông này được vua Gundaphorus sai đi để tìm cho nhà vua một người thợ mộc giỏi để đem về Ấn Độ. Tôma vốn là một thợ mộc. Chúa Giêsu đến cùng Abbanes ngoài chợ và hỏi:
- Ông có muốn mua một thợ mộc không?
Abbanes đáp:
- Muốn.
Chúa Giêsu nói :
- Tôi có một tên nô lệ làm thợ mộc và tôi muốn bán!
Rồi Chúa chỉ Tôma đang đứng đàng xa. Hai bên ngã giá và Tôma bị bán. Tờ biên nhận viết như sau: “Tôi tên là Giêsu, con trai Giuse thợ mộc, nhìn nhận có bán tên nô lệ của tôi là Tôma cho ông Abbanes, thương gia của Gundaphorus, vua dân Ấn”. Sau khi viết xong giấy bán, Chúa Giêsu đi tìm Tôma, đưa ông đến với Abbanes. Abbanes hỏi:
- Có phải người đó là chủ của anh không?
Tôma đáp :
- Phải.
Abbanes nói:
- Tôi đã mua anh từ ông ta.
Tôma yên lặng. Sáng hôm sau, Tôma dậy thật sớm để cầu nguyện, sau đó ông đến thưa với Chúa Giêsu:
- Lạy Chúa, con xin nhận bất cứ nơi nào Chúa muốn, nguyện ý Ngài được nên trọn.
Và sau đó ông lên đường.
Vâng! Đó chính là Tôma một người chậm tin, chậm thuần phục, nhưng khi đã thuận phục thì thuận phục hoàn toàn.
Câu chuyện còn tiếp tục kể rằng vua Gundaphorus ra lệnh cho Tôma xây một cung điện. Tôma bằng lòng. Nhà vua cấp tiền đầy đủ cho ông mua vật liệu và thuê nhân công, nhưng ông đem phân phát hết cho người nghèo. Ông luôn luôn tâu với vua rằng ngôi nhà đang được xây cất. Sau một thời gian nhà vua sinh nghi bèn cho gọi Tôma đến hỏi:
- Ngươi xây cung điện cho ta xong chưa?
Ông đáp:
- Bây giờ hoàng thượng chưa thể đến xem được, nhưng sau khi lìa bỏ đời này thì hoàng thượng sẽ thấy.
Thoạt đầu nhà vua nổi cơn thịnh nộ và người ta tưởng là tánh mạng của Tôma lâm nguy, nhưng cuối cùng như một phép lạ, nhà vua tin Chúa. Và như thế, Tôma đã đem Kitô giáo đến Ấn độ.
Kính thưa anh chị em
Con người của Tôma là thế. Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ, ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Tôma là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả. Nhưng một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng. Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi. Ông là người muốn biết rõ và sau khi đã biết, ông đã sống chết với gì gì ông biết.