Ngày 22/08 Đức Maria Nữ Vương

Thứ tư - 21/08/2024 09:28
Ngày 22/08 Đức Maria Nữ Vương
Ngày 22/08 Đức Maria Nữ Vương
Ngày 22/08 Đức Maria Nữ Vương

Suy Niệm Lời Chúa Hằng
Thứ 5 TN –Tuần 20/2024 - 22/08 Đức Maria Nữ Vương
Nguồn: https://giaophanlongxuyen. org/

----------------------------------
Mục Lục:

Lời Chúa: Lc 1, 26-38. 2
Suy Niệm 1. Tôi là nữ tì của Chúa. 2
Suy Niệm 2. Mẹ tuyệt vời 3
Suy Niệm 3. Đức Maria Trinh Nữ Vương. 4
Suy Niệm 4. Mẹ tuyệt vời 5
Suy Niệm 5. Mẹ tuyệt vời 6
Suy Niệm 6. Mẹ tuyệt vời 8
Suy Niệm 7. Trinh Nữ Vương. 9
Suy Niệm 8. Đức Maria Nữ Vương. 10
Suy Niệm 9. Đức Maria là Nữ Vương. 10
Suy Niệm 10. Đức Maria Trinh Nữ Vương. 12
Suy Niệm 11. Đức Maria Nữ Vương. 12
Suy Niệm 12. Đức Maria Nữ Vương: Biến cố truyền tin. 13
Suy Niệm 13. Mẹ Maria: nữ hoàng thiên quốc. 14
Suy Niệm 14. Đức Maria nữ vương. 16
Suy Niệm 15. Đức Maria nữ vương. 17
Suy Niệm 16. Đức Maria trinh nữ vương. 18
Suy Niệm 17. Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương. 20
Suy Niệm 18. Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương. 21
Suy Niệm 19. Lễ Ðức Maria Nữ Vương. 23
Suy Niệm 20. Đức Maria Nữ Vương, Nữ vương ban sự bình an. 23
Suy Niệm 21. Này tôi là tôi tớ Chúa. 25
Suy Niệm 22. Đức Maria Nữ Vương. 26
Suy Niệm 23. KHÁI NIỆM VƯƠNG QUYỀN CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA.. 27
Suy Niệm 24. Đức Maria Nữ Vương. 30
Suy Niệm 25. Lời Mẹ kêu gọi 32
Suy Niệm 26. Nữ Vương Hòa Bình. 33

---------------------------------
Xin Vâng.
22/08 – Thứ Năm tuần 20 thường niên – Đức Maria Nữ Vương. Lễ nhớ.
"Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con trai".

* Vì cả thân xác cũng đã được biến đổi, Đức Maria trong vinh quang mông triệu đã trở nên thành công tối hậu của công trình cứu chuộc. Nhưng Đức Maria vô cùng diễm lệ đồng thời cũng rất quyền thế bởi vì Người là Thánh Mẫu của Đấng mà “triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Chính vì thế, từ bao thế kỷ, các tín hữu đã kính chào Mẹ là Đức Nữ Vương, Đấng Trung Gian tối cao của ân sủng.

---------------------------------

 

Lời Chúa: Lc 1, 26-38


Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, Trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng:
"Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và đưọc gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà.

---------------------------------

 

Suy Niệm 1. Tôi là nữ tì của Chúa


-- Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Maria, một thôn nữ của ngôi làng Nadarét nhỏ bé thuộc vùng Galilê.
Cô đã đính hôn, và cứ sự thường, Cô sẽ kết hôn với ông Giuse.
Cuộc sống của Cô bề ngoài chẳng có gì khác thường.
Nhưng bên trong, Cô là một kiệt tác của Thiên Chúa.
Đơn giản vì Cô được tuyển chọn giữa mọi phụ nữ trên địa cầu
để trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ của chính Ngôi Lời nhập thể.
Thiên Chúa đã làm những điều tốt đẹp nhất cho Cô
để Cô xứng đáng với đặc ân mà chẳng ai dám nghĩ tới.
Thiên Chúa muốn Con Một của Ngài làm người trăm phần trăm,
nên Ngài cần một người mẹ trần thế cho Người Con ấy.
Maria được chọn và được chuẩn bị hết sức chu đáo cho trọng trách này.
Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng quyết định của Cô.
Maria có chấp nhận cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không?
Một Thiên Chúa tôn trọng tự do là một Thiên Chúa biết mời gọi, hỏi ý.
Thiên Chúa cần sự gật đầu ưng thuận của một cô thiếu nữ xứ Paléttin
để Con của Ngài được làm người ở trên trái đất.
Thiên Chúa khiêm tốn không muốn đặt Cô trước sự đã rồi.
Ngài muốn Con của Ngài được Cô đón nhận vào cả hồn lẫn xác.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện sứ thần Gabrien truyền tin cho Maria.
Đúng hơn đây là chuyện Thiên Chúa siêu việt hỏi ý một thụ tạo nhỏ bé.
Lời chào của sứ thần làm Cô rất bối rối, không hiểu và sợ hãi (cc. 29-30).
Maria được chào là Đấng đầy ân sủng,
nghĩa là người được Thiên Chúa đặc biệt mến yêu.
Ngài vẫn luôn ở cùng Cô ngay từ khi Cô còn trong lòng mẹ.
Sứ thần báo tin Cô sẽ thụ thai một con trai.
Người Con này là Con Đấng Tối Cao, là Vị Vua thuộc dòng Đavít (c. 33).
Hẳn Maria biết ngay là mình được mời gọi làm Mẹ Đấng Mêsia,
một danh dự mà bao thiếu nữ Do thái mong đợi.
Nhưng Maria vẫn chưa hiểu làm sao Cô có thể thụ thai
khi Cô chưa làm lễ thành hôn và về chung sống với chồng (c. 34).
Sứ thần cho biết việc Cô thụ thai là chuyện độc nhất vô nhị.
Cô có con là vì “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Cô
và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên Cô” (c. 35).
Người chồng tương lai của Cô không dự phần vào việc thụ thai này.
Con của Cô sẽ được gọi là Con Thiên Chúa theo nghĩa viên mãn nhất.
Maria đã nói tiếng Xin Vâng với đề nghị của Thiên Chúa (c. 38).
Cô đã thụ thai từ khi nói tiếng Xin Vâng đầy tín thác ấy.
Ngôi Hai Thiên Chúa đã hiện diện trong lòng Cô, trong đời Cô.
Chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi và hỏi ý như Maria xưa.
Ngài cũng cần từng người chúng ta để cứu độ cả nhân loại.
Nếu chúng ta chịu cưu mang Đức Giêsu, sinh hạ và làm cho Ngài lớn lên,
thì chúng ta được chia sẻ chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa.
 
Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
 
--------------------------------

 

Suy Niệm 2. Mẹ tuyệt vời


--TGM Giuse Nguyễn Năng
Sứ điệp: Sau tiếng “ xin vâng” của Mẹ Maria, một chân trời mới được mở ra, một không gian nhiệm mầu của tình yêu được thể hiện: Con Thiên Chúa làm người đến ở với nhân loại để chia sẻ trọn vẹn phận người như chúng ta, trừ tội lỗi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa không uy nghi từ trời cao bước xuống, nhưng đi ra từ lòng mẹ, cũng mong manh yếu đuối như biết bao trẻ thơ khác, cũng cần được che chở, nuôi dưỡng và lớn lên. Con nhìn thấy công lao của Mẹ Maria thật cao vời vĩ đại. Mẹ đã không chỉ “xin vâng” một lần trong ngày truyền tin, nhưng trong mọi biến cố của cuộc sống, nhất là những giây phút đứng dưới chân Thánh giá, Mẹ đã can đảm, quyết liệt để “Xin vâng”. Chắc chắn thái độ tín thác tuyệt đối của Mẹ vào chương trình của Chúa, đã họa lại sự vâng phục trọn vẹn của Chúa Giêsu, nhờ đó Ngài hoàn tất ơn cứu độ mà Chúa Cha đã giao phó.

Lạy Chúa, Chúa làm người để dạy chúng con quí trọng cuộc sống trong sự tin yêu và tín thác. Dù mảnh đời của Chúa cũng lận đận, long đong với phận nghèo, Chúa vẫn chấp nhận và sống đến cùng cho Thánh ý Chúa Cha. Còn con, khi gặp những giây phút gian nan, chán chường, thất vọng, thất bại, con thấy đời bỗng trở nên vô nghĩa, muốn buông xuôi.

Nhìn vào cuộc sống của Mẹ, những khó khăn của con chẳng đáng là gì. Hôm nay, nhờ gương sáng và lời cầu bầu của Mẹ, xin Chúa giúp con đừng cậy dựa vào sức mình, nhưng luôn biết trông cậy vào quyền năng của Chúa, nhất là biết tín thác trọn vẹn vào chương trình kỳ diệu mà Chúa muốn thực hiện nơi thân phận nhỏ bé, yếu hèn của con. Amen.

Ghi nhớ: “Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con trai”.

--------------------------------

 

Suy Niệm 3. Đức Maria Trinh Nữ Vương


--Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

A- Phân tích (Hạt giống...)

Cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với các môn đệ sau câu chuyện người thanh niên nhà giàu:

Chúa Giêsu tuyên bố: “Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời.”
Các môn đệ quá bỡ ngỡ nên than: “Vậy thì ai có thể được cứu độ ?”

Chúa Giêsu an ủi: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được.”

Sau đó Chúa hứa phần thưởng cho các môn đệ đã từ bỏ mọi sự mà theo Ngài: họ sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”: Của cải vật chất tuy rất hữu ích cho sự sống đời này, nhưng hoàn toàn vô ích cho sự sống đời đời, có thể còn là một cản trở rất lớn.

2. “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”: Hãy trình bày với Chúa điều gì hiện tôi không thể làm được, và xin Chúa giúp ta làm điều đó.

3. Người kia mua của người láng giềng một mảnh đất. Khi đào đất để đổ nền nhà, người đó tìm được một hũ vàng. Vốn là người lương thiện và thành thật, anh mang hũ vàng qua nhà người láng giềng và nói: “Đây là hũ vàng tôi tìm thấy trong mảnh đất ông đã bán cho tôi. Tôi mua đất chứ không mua hũ vàng. Vậy tôi xin trả lại hũ vàng cho ông.” Người láng giềng cũng lương thiện không kém. Ông không nhận hũ vàng và giải thích như sau: “Khi bán miếng đất cho anh, tôi đã có ý định bán tất cả những gì chứa trong đó. Vậy hũ vàng là của anh.” Hai bên cứ nhường nhau mãi cho đến tối mà vẫn chưa có ai chịu nhận hũ vàng. Rốt cuộc cả hai đồng ý tạm ngưng tranh luận, hẹn hôm sau bàn tiếp.

Nhưng qua một đêm trằn trọc suy nghĩ, họ đã bị con quỷ tham lam nhập vào lúc nào không hay. Sáng hôm sau hai người gặp lại. Người mua đất liền nói: “Tôi đã suy nghĩ kỹ lại thì thấy lời ông nói hôm qua quả là chí lý: Tôi đã mua đất của ông, tất nhiên mọi sự trong mảnh đất ấy đều thuộc về tôi.” Người láng giềng cãi: ”Không phải thế. Hôm nay tôi đã xét kỹ thì thấy lời hôm qua rất xác đáng: anh không thể nào mua món đồ nào mà chính anh không có ý định mua. Anh chỉ mua đất chứ không mua vàng, anh hãy trả lại hũ vàng cho tôi.”

Hai người cãi nhau dữ dội. Từ đó họ không còn là láng giềng tốt của nhau mà trở thành thù địch của nhau.

4. “Tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời.” (Mt 19,29)

Apraham, tổ phụ chúng ta, đã vâng lời Thiên Chúa. Ông đã đem Isaac-con trai độc nhất của mình-mà tế lễ cho Ngài. Còn gì đau khổ hơn bằng chính người cha phải đem giết con trai mình bằng bất cứ lý do gì. Thế nhưng, Abraham đã làm điều đó. Ông đã hy sinh cái quý giá nhất của mình cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thấu hiểu lòng trung thành của ông và Ngài đã ban cho ông không những một người con mà cả một dòng dõi đông đúc.

Để tỏ lòng trung thành với Chúa, Abraham đã dâng Isaac; Còn chúng con, chúng con đã hy sinh được gì ? Xin Chúa giúp sức cho chúng con để chúng con biết trung thành với Chúa, và sống hy sinh vì Chúa. (Hosanna).

---------------------------------

 

Suy Niệm 4. Mẹ tuyệt vời


--Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Câu chuyện

Sự tôn sùng Đức Trinh Nữ Vương đã có từ lâu đời trong Giáo hội: Vào thế kỷ thứ tư, thánh Ephrem gọi Ðức Maria là Hoàng hậu và sau đó các Giáo phụ cũng như các Tiến sĩ Hội thánh tiếp tục dùng danh xưng này. Các thánh thi từ thế kỷ XI cho đến XIII đề cập đến Ðức Maria như một hoàng hậu: “Kính mừng Hoàng hậu Thánh Thiện”, “Kính mừng Hoàng hậu Thiên Ðàng”. Tràng hạt dòng Ðaminh và dòng Phanxicô cũng như biết bao lời cầu khẩn Ðức Maria trong kinh nguyện đều mừng kính tư cách Nữ vương của Đức Maria.

Đức Giáo hoàng Piô VII vào thế kỷ XIX đã cho phép một số giáo phận mừng lễ Đức Trinh Nữ Vương. Đức Giáo hoàng Piô IX đã thiết lập một lời nguyện và một lễ kính Đức Trinh Nữ Vương đặc biệt. Đức Giáo hoàng Piô XII đã long trọng dâng loài người cho trái tim vẹn sạch Đức Trinh Nữ Vương vào năm 1942 giữa lúc thế chiến thứ hai đang ngập tràn. Năm 1944, chính Đức Giáo hoàng Piô XII đã truyền mừng kính lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương trong Giáo hội toàn cầu. Ngày 1 tháng 11 năm 1954, tức bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về Trời, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là “sự cứu rỗi của dân Rôma”.

Cuộc cải tổ Lịch Phụng Vụ Rôma do Đức Thánh Cha Phaolô VI thực hiện vào năm 1969, Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương được chuyển sang ngày 22 tháng 08, tức tám ngày sau Đại Lễ Đức Mẹ Được Rước Về Trời. Chính Đức Phaolô VI định nghĩa về Lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương: “Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên Trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: Tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền” (Tông huấn Lòng sùng kính Ðức Mẹ Maria).

Suy niệm

Tại Nadarét hẻo lánh, Maria đón một vị khách lạ, sứ thần Gabriel đến với lời chào: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Lời chào và sự loan báo của sứ thần làm Maria bối rối vì cô Maria đã đính hôn cùng chàng trai Giuse, vì không hiểu hết sự việc hơn nữa mình là một thôn nữ thấp kém sao lại được hồng ân cao cả. Sứ thần Gabriel giải thích: “Thiên Chúa ở cùng trinh nữ” lời tiên báo của ngôn sứ về hồng ân vĩ đại cho con người: Thiên Chúa ở với dân Người như ngôn sứ Isaia nói về tên Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta (x. Is 7,14), Thiên Chúa ở cùng nhân loại nhưng trước hết với và qua Đức Maria: Đấng được Đức Chúa ở cùng, cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế.

Maria thắc mắc làm sao việc sinh con có thể thực hiện được, cô đã khấn hứa trọn đời trinh khiết. Sứ thần giải thích: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ”. Sứ thần quả quyết: “Uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa”, sứ Thần khẳng định: “Vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Dù chưa hiểu và biết rõ hết sự việc, Maria khiêm tốn đặt toàn bộ cuộc đời của mình trong thánh ý của Thiên Chúa qua việc đáp trả: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”, Maria hoàn toàn sẵn sàng thi hành ý muốn của Chúa trong công cuộc cứu độ trần gian, như một tôi tớ khiêm cung, yêu mến và phó thác trong tin tưởng.

Thánh Augustinô cho ta thấy vai trò cao cả của Đức Maria trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa: “Đấng các tầng trời không đủ sức chứa, lại được cưu mang nơi cung lòng một người phụ nữ. Mẹ điều hành Vị Thủ Lãnh của chúng ta; Mẹ mang Đấng mà chúng ta đang ở trong; Mẹ ban tặng sữa cho Đấng là Bánh của chúng ta”. Những lời ca tụng trên đây làm nổi bật tất cả những đặc ân, tước hiệu, cũng như vinh dự của Đức Maria phát xuất từ vai trò có một không hai của Ngài: Mẹ Đấng Cứu Thế. Người Mẹ ấy đã âm thầm chia sẻ, cộng tác với Con Mình trong những ngày gian khổ ở trần thế Maria vẫn luôn “xin vâng” hoàn toàn tận hiến đời mình để thực hiện thánh ý Chúa. Khi hoàn tất sứ vụ ở trần gian, Maria được rước về Trời cả hồn lẫn xác, để rồi được đặt làm Nữ Vương Thiên Quốc, tiếp tục vai trò cầu bầu như người Mẹ của cả nhân loại: “... Đức Maria sáng chói như Nữ hoàng và như bà Mẹ, Ngài cầu bầu cho chúng ta cạnh vua muôn thuở” (Marialis cultus, 6)

Chúng ta mang tâm tình cùng với Đức Giáo hoàng Piô XII: “Xin Mẹ cai quản trên Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin Mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, trên mặt đất và cả biển khơi”.

Ý lực sống:

“Kính chào Ðức Nữ Vương,
Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống,
Kính chào Lẽ Cậy Trông”. (Trích Salve Regina).

 ---------------------------------
 
 

Suy Niệm 5. Mẹ tuyệt vời


--Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Ngày 1 tháng 11 năm 1954, bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức thánh cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức trinh Nữ là “sự cứu rỗi của dân Roma”. Đây là cử chỉ tượng trưng biểu thị sự công bố về vương quyền phổ quát của Đức Maria.

Đoàn người đông đảo đứng chật quãng đường đền thờ thánh Phêrô, nhân danh cả hoàn cầu, dâng cao niềm hoan hỉ.

Đức Thánh cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài nói: “Xin Mẹ cai quản trên Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, cũng như trên mặt đất và cả biển khơi.”

Ngài còn nói: - “Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử nhất của con người.”

Đức Maria là Mẹ thánh, tước hiệu này khiến cho Mẹ được đặc ân không bị thương tổn vì tội lỗi. Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ cũng không bị thương tổn vì sự chết. Khi kết thúc cuộc đời trần gian cũng như từ những lời đầu tiên buổi truyền tin, mẹ là tuyệt đỉnh của nhân tính bất khả xâm phạm luôn hiệp nhất với Ngôi Lời để hoàn tất công cuộc cứu rỗi thế gian. Không một ý tưởng, hành vi nào của Mẹ lại rời khỏi con Mẹ trong việc chinh phục bản tính nhân loại và việc chinh phục vũ trụ.

Trong kinh lạy Nữ Vương chúng ta xưng tụng: ”Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi họa diệt vong, Nữ Vương có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhất bên cạnh Đức Vua. Ngày nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ và uy quyền của Mẹ bên ngai tòa Chúa Giêsu. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của ơn cứu độ và là hoa trái tuyệt mỹ của thập giá Chúa Giêsu” Một người nữ mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5)

Một cầu chuyện vui nhưng cũng nói lên một ý nghĩa nào đó cho việc mừng kính của chúng ta hôm nay:

Một ngày kia, Chúa Giêsu đi dạo trên thiên đàng cũng giống Thiên Chúa đi dạo trong vườn địa đàng thuở xưa. Ngài rất ngạc nhiên khi nhận thấy trong những góc tối, có nhiều khuôn mặt rất khả nghi đang ở đó.

Ngài tự hỏi:

- Làm thế nào mà họ vào đây được.

Ngài đến gặp thánh Phêrô và trách ông là thiếu cảnh giác.

Thánh Phêrô phàn nàn:

- Con làm thế nào được? Con canh cổng rất cẩn thận, nhưng đêm khuya mẹ Ngài mở cửa sổ cho những kẻ tinh quái này vào và con làm sao dám chống cự?

Vấng! Chúng ta hãy đến với Đức Mẹ, chắc chắn Mẹ sẽ không từ chối..

Dougias Hyde là chủ bút tờ báo vô thần ở Anh quốc. Ông nghiên cứu về Giáo hội Công giáo vì mục đích để viết bài phê bình Giáo hội .

Nhưng lạ thay, càng nghiên cứu về Giáo hội, tâm trí ông càng xác tín về chân lý của Giáo hội.

Một ngày nọ, trên đường đến nhiệm sở ở Luân đôn, ông quyết định ghé vào một nhà thờ. Khi đã yên vị ở hàng ghế cuối, ông thắc mắc không hiểu mãnh lực nào đã đưa mình đến đây.

Bỗng có một thiếu nữ bước vào, cô ta đi thẳng đến bức tượng của Đức Maria. Khi cô gái đi ngang qua, Hyde đã nhận ra khuôn mặt lo âu của cô ta. Cô gái quì dưới chân Đức Maria một lúc lâu, đoạn đứng dậy và rời khỏi nhà thờ.

Lúc đi ngang qua, Hyde nhận thấy nét lo âu lúc nãy tan biến, nhường chỗ cho sự an bình vui tươi và thanh thản.

Khi cô gái đi rồi, Hyde liền bắt chước cô gái ấy đến quì trước tượng Đức Mẹ và nghẹn ngào thốt lên:

- Lạy Đức Mẹ nhân từ, xin hãy nhân từ, xin Mẹ hãy nhân từ với con.

Đó là những lời ông đã ghi ra trong cuốn sách tựa đề: “Tôi tin” mà ông sẽ viết sau này

Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa. (Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Maria Nữ Vương).

---------------------------------

 

Suy Niệm 6. Mẹ tuyệt vời


--Lm. Nguyễn Hưng Lợi

Còn gì vui bằng, hạnh phúc khi có Mẹ ở bên. Còn Mẹ là một ân huệ. Còn Mẹ là một hồng ân tuyệt diệu. Mẹ trần thế còn quí hóa như thế. Mẹ trên trời còn giá trị biết bao.

Maria là tên người Mẹ thiêng liêng, tên cao trọng, tên tuyệt vời. Còn gì hạnh phúc khi con người được thân thương gọi tên Mẹ “Maria”. Tên Mẹ thật dịu hiền, thật nhẹ nhàng, thật gợi cảm. Tên Mẹ gói ghém tất cả, nói lên tất cả. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ là Nữ Vương trên trời dưới đất. Với muôn tước hiệu Giáo Hội ca tụng Mẹ: “Tước hiệu nào cũng đẹp, cũng quí, cũng cao vời”. Nhân loại không ngớt cùng Mẹ tung hô Thiên Chúa:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1, 46-48).

Maria quả thực đã trọn đời tín thác nơi Chúa. Việc thăm viếng bà chị họ Ê-li-gia-bét nói lên tình thương của Mẹ đối với ông Dacaria và bà Êligiabét, Mẹ đến để phục vụ họ, nhưng Mẹ đến cũng là đem cho họ sứ điệp của niềm vui và bình an: “Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êligiabét” (Lc 1, 40). Lời chào của Maria có ý nghĩa cao vời hơn mọi lời chào xã giao hoặc lời chào của những người thân đi xa về. Mẹ Maria, Nữ tử Sion đã nói lên lời chào bình an, lời chào hoàn tất niềm mong đợi của Israen. Mẹ đã đem niềm hạnh phúc, mang Chúa Giêsu, hoa trái của lòng trinh khiết của Mẹ, mang Vua Hòa Bình là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần đến để khi bà Êligiabét vừa nghe lời Mẹ, đứa con trong bụng bà nhảy lên… (Lc 1, 41).

Maria đã trao ban chính bản thân trọn vẹn bằng lời “xin vâng” đầy lòng tin và tín thác nơi Thiên Chúa, do đó: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14).

Mẹ Maria là Nữ Vương các Ngôn sứ, các thánh tử đạo, Nữ Vương trên trời dưới đất. Tước hiệu ấy đi đôi với tước hiệu Vua Giêsu Con của Mẹ. Chúa Giêsu là Vua, nhưng Vua yêu thương, phục vụ và khiêm nhượng. “Nước Tôi không thuộc thế gian này”. Chúa Giêsu đã nói với Philatô như thế. Ngài xác nhận: “Tôi là Vua” (Ga 18,37).

Vua chết trên thập giá để kéo mọi người đến với Ngài vì “Chỉ nơi Ngài mới có ơn cứu chuộc chan chứa” (Copiosa apud Eum Rédemptio). “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Mẹ Maria là Nữ Vương đứng dưới chân thập giá: “Con Mẹ là Vua cứu chuộc”. Nên, Mẹ cũng đồng hiệp thông với sự đau khổ, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu để thống trị với Con của Mẹ trong Nước Thiên Chúa.”… Hôm nay, trong lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ ngự bên cạnh Vua cao cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người Mẹ nhân hiền” (Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trong tông huấn: “Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria”).

Dù rằng, thế giới hôm nay, chức “Vua” chỉ có vai trò tượng trưng, nhưng không hề có thực quyền, Maria là Nữ Vương vẫn hoàn toàn có giá trị, vẫn hoàn toàn có uy quyền trước Chúa Giêsu Vua, Con của Mẹ. Nhân loại vẫn không ngớt ca tụng Mẹ là Nữ Vương như kinh Lạy Nữ Vương chúng ta vẫn thường đọc. Mẹ là Nữ Vương bên ngai toà Đức Kitô để Mẹ chiếu dọi ánh hào quang vinh quang của Chúa Giêsu Vua cho nhân loại.

Người ta đã tôn sùng Đức Trinh Nữ Vương từ lâu đời. Đức Thánh Cha Piô VII vào thế kỷ XIX đã công khai cho phép một số Giáo Phận mừng lễ Đức Trinh Nữ Vương. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã thiết lập một lời nguyện và một lễ kính Đức Trinh Nữ Vương đặc biệt. Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng dâng loài người cho trái tim vẹn sạch Đức Trinh Nữ Vương vào năm 1942 giữa lúc thế chiến thứ 2 đang ngập tràn. Năm 1944, chính Đức Giáo Hoàng Piô XII đã buộc mừng kính lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương trong Giáo Hội toàn cầu.

Muôn đời, nhân loại sẽ hiệp ý với Mẹ Trinh Nữ Vương ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người “(Lc 11, 49-50). Mẹ là Nữ Vương cao sang, uy quyền. Mẹ là Nữ Vương tuyệt mỹ.

Lạy Đức Trinh Nữ Maria xin cầu bầu cùng Chúa cho chúng con trước ngai toà Chúa để chúng con luôn tín thác vào Chúa và hết lòng trông cậy vào Mẹ. Amen.

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 7. Trinh Nữ Vương


--‘Lẽ Sống’
--R. Veritas

Hiện nay, tại một số ít quốc gia trên thế giới như Anh Quốc, Hòa Lan, Thụy Ðiển, Thái Lan, chức nữ hoàng và quốc vương vẫn còn tồn tại, nhưng họ chỉ đóng vai trò tượng trưng, chứ không có thực quyền.

Giữa trào lưu có sự thay đổi quan trọng này trong hình thức chính trị và trong đời sống xã hội, những câu kinh: "Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy..." lượt dịch bài bình ca bất hủ bằng tiếng La Tinh: "Salve Regina..." vẫn còn được bao cửa miệng và tâm hồn dâng lên Mẹ Maria, diễn tả tấm lòng tôn kính, mến yêu của đoàn con cái đối với mẹ không mảy may bị lạnh nhạt, mặc cho thế sự đổi thay.

Trong tông huấn mang tựa đề: "Lòmg sùng kính Ðức Mẹ Maria", Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã định nghĩa về Ðức Maria Trinh Nữ Vương mà Giáo Hội mừng kính hôm nay đại khái như sau: "Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền".

Lời giải thích của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây giúp chúng ta hiểu đúng vai trò của Mẹ Maria theo tinh thần của cộng đồng Vatican II. Ðó là liên kết vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria với Chúa Giêsu và công cuộc cứu rỗi của Ngài.

Theo dòng trào lưu đổi thay của quan niệm về tự do, dân chủ, vai trò Nữ Vương của Mẹ Maria vẫn đứng vững trong tâm trí và con tim của trăm triệu con cái Mẹ, vì Mẹ ngự bên cạnh Chúa Giêsu Vua. Một vị vua dùng thập giá làm ngai vàng, mão gai làm triều thiên và muôn thuở cạnh sườn ngài bị đâm thủng, để nguồn suối của tình yêu Thiên Chúa luôn chảy tràn, giải lao cho nhân loại đang khao khát tình yêu chân thật, làm động lực để biến xã hội loài người thành Nước Trời, với Chúa Giêsu là Vua. Mẹ Maria đứng cạnh ngai vàng thập giá, trái tim bị gươm đâm thâu, để dòng máu tình yêu của Mẹ hòa chảy, hầu đồng lao cộng khổ và đồng thống trị với con Mẹ trong Nước Trời.

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 8. Đức Maria Nữ Vương


--Nguyễn Đức Tuyên

Việc cử hành lễ Đức Maria Nữ Vương đem đến cho chúng ta một niềm vui đặc biệt khi chiêm ngắm một con đường khác mà Thiên Chúa vén mở tình yêu của Ngài cho nhân loại. Ngài ban cho Mẹ Maria - một bông hồng giữa bụi gai mà không bị suy suyển - được đồng hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa, trên tất cả các thiên thần.

Bằng phương cách độc nhất, Mẹ tự nguyện trở thành dụng cụ của Thiên Chúa để qua Mẹ “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga. 1:14). Những hoa trái cứu chuộc đến với chúng ta qua Đức Maria khi Mẹ trả lời “Xin Vâng” với Chúa Cha để đem Chúa Giêsu Kitô vào thế giới loài người. Thân xác Đức Maria trở nên cực thánh khi cưu mang Đức Kitô. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca chỉ cho ta một trái tim hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, yêu mến Ngài, và uớc muốn làm mọi sự cho Ngài và tuân phục Ngài. Được Chúa chúc phúc, Đức Maria tuân theo kế hoạch cứu độ, và hiến đâng trọn đời cho Chúa.

Vì vậy Mẹ Maria rất thánh được tôn vinh lên địa vị cao quí nơi ngai tòa Thiên Chúa Ba Ngôi, từ nơi này Thiên Chúa cho các thánh thấy rõ Thiên Chúa đời đời hằng hữu và mọi thụ tạo đều tuỳ thuộc thánh ý Chúa. Được tràn đầy ân sủng vượt trên mọi thụ tạo, ở trần thế, Đức Maria đã hạ mình xuống địa vị thấp hèn nhất, thì nay, trên thiên quốc, Mẹ được nhận lấy địa vị tối cao và tham dự quyền chăm sóc mọi tạo vật. Mẹ là Nữ Vuơng, là Đấng Bảo Vệ, là Trạng Sư, là Mẹ và Thầy Giáo hội lữ hành. Mẹ giúp đỡ và cứu vớt mọi nỗi thống khổ, vất vả, cực nhọc, và ưu phiền của nhân loại.

Phụng vụ hôm nay nhắc tới việc Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương, xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa.

Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, nói về Đức Maria như sau: “các Tông Đồ trước ngày lễ Ngũ Tuần ‘đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và với anh em của Ngài’ (Cv 1:14), Đức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, Đấng đã bao phủ Người trong ngày Truyền tin. Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội lỗi nguyên tổ và sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ để nên giống Con của Người trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. (số 59).

Mẹ Maria đã chia sẻ mọi việc làm và nỗi thống khổ của Đấng Cứu Chuộc nhân thế. Mẹ đã đứng bên thánh giá lúc Chúa lìa trần và Chúa thưởng Mẹ xứng với tình yêu và công nghiệp của Mẹ và Mẹ được xưng tụng là Nữ Vuơng thiên đàng và Nữ Vuơng cả vũ trụ vạn vật.

Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài là nguồn mạch của sức mạnh, hy vọng và yêu thương nơi Đức Maria. Xin hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn con, xin ban sức mạnh, hy vọng và tình yêu nơi con để Vua Vinh Hiển ngự vào lòng con.

 ---------------------------------

 

Suy Niệm 9. Đức Maria là Nữ Vương


-- JNK

1) Đức Ma-ri-a là Nữ Vương

Trong kinh cầu Đức Mẹ, ta thấy Giáo Hội tôn vinh Đức Ma-ri-a là Nữ Vương với nhiều danh hiệu khác nhau: Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương các thiên thần, Nữ Vương các thánh nam cùng các thánh nữ, Nữ Vương ban sự bình yên, v. v… Vương có nghĩa là vua, là chủ tể. Đương nhiên tước hiệu Vương hay Vua của Đức Ma-ri-a không đồng nghĩa hay đồng hàng với tước hiệu Vương hay Vua của Thiên Chúa hay của Đức Giê-su. Nhưng là Vương hay Vua có nghĩa là có sự trổi vượt, có quyền cai trị, có thế lực, thần thế, có bề tôi hay những người dưới quyền…

Trong vũ trụ luôn luôn có phẩm trật rõ rệt. Cao cả nhất là Thiên Chúa Ba Ngôi, trong đó có Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa, và kế đến là Đức Ma-ri-a. Vì là Mẹ sinh ra Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Mẹ thuộc hẳn về «Hoàng Gia» hay Gia Đình của Thiên Chúa. Đây là một vinh dự chung rất lớn lao cho loài người, vì trong «Hoàng Gia» này – bao gồm những thủ lãnh cao cấp nhất của vũ trụ – ta thấy có hai vị là con người: Đức Giê-su và Mẹ Ma-ri-a. Đây cũng là một lợi điểm cho cả loài người. Các thiên thần không có được vinh dự ấy.

Như vậy, Mẹ Ma-ri-a rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa, và rất có uy quyền đối với loài thiên thần và loài người. Ngày lễ hôm nay có chủ ý tôn vinh tước hiệu, thần thế và uy quyền ấy của Mẹ Ma-ri-a.

2) Điều quan trọng là: Mẹ Ma-ri-a có phải là Nữ Vương của chính tâm hồn và bản thân ta không?

Mẹ Ma-ri-a là Nữ Vương trên trời dưới đất, Giáo Hội Công giáo tuyên xưng như vậy. Nhưng điều ấy sẽ không ích lợi gì cho chính bản thân ta, nếu nó hoàn toàn xảy ra bên ngoài ta, nghĩa là nếu như Mẹ không phải là Nữ Vương của chính tâm hồn và bản thân ta. Việc Mẹ Ma-ri-a là Nữ Vương trên trời dưới đất phải là một sự việc hiện sinh đang xảy ra «tại đây và lúc này» trong chính bản thân ta, trong ý thức của ta. Nghĩa là bất cứ lúc nào ta cũng ý thức và nhìn nhận Mẹ Ma-ri-a vừa là Mẹ ta, vừa là vị Nữ Hoàng thống trị tâm hồn ta. Nói cách khác, ta luôn ý thức phận làm con, làm thần dân của Mẹ, và lúc nào cũng sẵn sàng tuân hành ý muốn hay mệnh lệnh của Mẹ nói trong chiều sâu tâm khảm ta. Được như thế, Mẹ sẽ uốn nắn tâm hồn ta nên hoàn hảo giống như Đức Giê-su, Con của Mẹ.

Nói một cách cụ thể, trong bất cứ hoàn cảnh hay tình huống nào trong cuộc đời, ta cũng đều nên hỏi Mẹ: «Lạy Mẹ, con phải làm gì đây? Mẹ muốn con làm gì và làm thế nào?» Khi ta quyết tâm làm theo sự hướng dẫn hay chỉ đạo của Mẹ chứ không phải theo ý riêng mình, Mẹ sẽ giúp ta hoàn thành mọi việc một cách tốt đẹp và việc ta làm sẽ có một giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa. Cứ như thế, ta sẽ nên thánh.

3. Chính Mẹ đã nêu gương cho ta trong việc làm theo thánh ý Chúa

Bài Tin Mừng cho ta thấy Mẹ không muốn mọi sự xảy ra theo ý riêng mình, mà sẵn sàng vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, qua lời của thiên sứ. Chính vì thế, Mẹ đã trở nên người phụ nữ cao trọng và diễm phúc hơn tất cả mọi phụ nữ. Mẹ tin tưởng rằng cách mình tính dù có khôn ngoan tới đâu cũng không bằng cách Thiên Chúa tính cho mình. Cứ phó thác toàn bộ chuyện của mình cho Ngài, không theo ý riêng của mình, thì cuối cùng, cách Ngài tính cho ta là cách khôn ngoan và tốt đẹp nhất. Tương tự như vậy, ta hãy để cho Mẹ được toàn quyền xếp đặt mọi sự trong cuộc đời ta, thì cuộc đời ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn trường hợp chính ta tự xếp đặt lấy độc lập với ý muốn của Mẹ. Tại sao? Vì Mẹ vừa yêu thương ta vô cùng, lại khôn ngoan hơn ta rất nhiều. Không bao giờ Mẹ lại để cho những đứa con phó thác cho sự khôn ngoan và tình thương của Mẹ phải thất vọng hay thiệt hại vì sự phó thác ấy.

Tóm lại, trong ngày lễ kính Mẹ Ma-ri-a là Nữ Vương trên trời dưới đất, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hãy tôn vinh Mẹ là Nữ Vương của chính bản thân mình, của gia đình mình. Đó là cách hết sức khôn ngoan để cuộc đời ta nên thánh thiện, tốt đẹp và hạnh phúc nhất.

------------------------------

 

Suy Niệm 10. Đức Maria Trinh Nữ Vương


Ngày 1 tháng 11 năm 1954, bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là "sự cứu rỗi của dân Roma". Đây là cử chỉ tượng trưng biểu thị sự công bố về vương quyền phổ quát của Đức Mẹ Maria.

Đoàn người đông đảo đứng chật quảng đường đền thờ thánh Phêrô, nhân danh cả hoàn cầu, dâng cao niềm hoan hỉ.

Đức Thánh Cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài nói: "Xin Mẹ cai quản trên Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin Mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, cũng như trên mặt đất và cả biển khơi."

Ngài còn nói: "Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử nhất của con người."

Đức Maria là Mẹ thánh, tước hiệu này khiến cho Mẹ được đặc ân không bị thương tổn vì tội lỗi. Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ cũng không bị thương tổn vì sự chết. Khi kết thúc cuộc đời trần gian cũng như từ những lời đầu tiên buổi truyền tin, mẹ là tuyệt đỉnh của nhân tính bất khả xâm phạm luôn hiệp nhất với Ngôi Lời để hoàn tất công cuộc cứu rỗi thế gian. Không một ý tưởng, hành vi nào của Mẹ lại rời khỏi con Mẹ trong việc chinh phục bản tính nhân loại và việc chinh phục vũ trụ.

Trong kinh lạy Nữ Vương chúng ta xưng tụng "Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong, Nữ Vương có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhất bên cạnh Đức Vua.

Ngày nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ và uy quyền của Mẹ bên ngai tòa Chúa Giêsu. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của ơn cứu rỗi và là hoa trái tuyệt mỹ của thập giá Chúa Giêsu "Một người nữ mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Ga 2,5).

Lễ Mông Triệu (Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời) kéo dài một tuần đến lễ Đức Trinh Nữ Vương, lễ này cho thấy Đức Mẹ Maria sáng chói như Nữ Hoàng và như Bà Mẹ, Ngài là Đấng cầu bầu cho chúng ta bên cạnh Đức Vua muôn thuở.” (Marialis cultus, 6)

Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa. (Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Maria Nữ Vương).

------------------------------

 

Suy Niệm 11. Đức Maria Nữ Vương


Thánh vịnh 44, 10 viết rằng: ”Lạy Chúa, bên hữu Ngài, Hoàng Hậu sánh vai, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, và trang điểm huy hoàng rực rỡ ». Thánh lễ mừng kính Đức Maria Trinh Nữ Vương đã có từ lâu, nhưng phải đợi đến năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII buộc toàn thể Giáo Hội mừng kính lễ này trọng thể trong toàn thể Giáo Hội.

KHÁI NIỆM VƯƠNG QUYỀN CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA:

Với muôn vàn tước hiệu Giáo Hội và nhân loại cung kính dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, tước hiệu Nữ Vương Vũ Trụ Trời Đất bao gồm mọi tước hiệu Nữ Vương khác, và tước hiệu này có nền tảng trong Sách Khải Huyền: ”Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1) hoặc “Người mang Danh viết trên áo, trên tà áo của Người: Vua các vua và Chúa các chúa” (Kh 19,16). Chúa là vua trên hết các vua. Vương quyền của Ngài vượt trên mọi vương quyền.

Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu cũng phải được tôn vinh như vậy, và nhân loại phải tung hô vương quyền, tôn nhận Mẹ là Nữ Vương trên hết mọi Nữ Vương. Cha thánh Giám Mục Anphongsô đệ Liguori đã viết: ”Chúng ta hãy cám tạ Nữ Vương rất dấu yêu của chúng ta, bởi vì mọi ơn chúng ta được lãnh nhận đều từ tay Mẹ và nhờ lời cầu bầu của Mẹ” (Vinh Quang Đức Mẹ, II). Trong kinh lạy Nữ Vương ta đọc thấy: ”Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, Ngọt ngào cho cuộc sống, Kính chào lẽ cậy trông » (Salve Regina). Mẹ Maria được tôn nhận làm Nữ Vương trên thiên quốc. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập lễ Đức Maria Trinh Vương và công bố tông thư Coeli Reginam nói về Vương Quyền của Đức Trinh Nữ Maria: vương quyền của Mẹ Maria là vương quyền của yêu thương và phục vụ.

MẸ MARIA LÀ NỮ VƯƠNG TRỜI ĐẤT:

Trong kinh lạy Nữ Vương chúng ta xưng tụng ”Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong, Nữ Vương có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhứt bên cạnh Đức Vua.

Ngày nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ và uy quyền của Mẹ bên ngai toà Chúa Giêsu. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của ơn cứu độ và là hoa trái tuyệt mỹ của thập giá Chúa Giêsu: ”Một người nữ mình mặc áo mặt trụi, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1). Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa: ”Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5).

Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Maria Nữ Vương).

------------------------------

 

Suy Niệm 12. Đức Maria Nữ Vương: Biến cố truyền tin


--Giuse Đinh Thành Đạt SDB

Một phụ nữ mang trong mình mầm sống đã được 7 tháng, chị hết sức vui mừng và hạnh phúc, nhưng chị lại không có được sức khỏe bình thường như những bà mẹ khác.

Sau khi đã theo dõi sức khỏe của chị một thời gian dài, bác sĩ quyết định nói cho chị biết sự thật rằng bệnh của chị hiện tại không cho phép chị sinh em bé, nếu chị sinh con thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.

Vì vậy chị chỉ có thể chọn lựa một là bỏ em bé, hai là giữ lại thai nhi nhưng chị sẽ có nguy cơ mất mạng rất cao. Họ rất thông cảm với chị và mong chị suy nghĩ cho kỹ hầu có được quyết định đúng đắn.

Người mẹ trẻ hết sức bối rối và đau lòng, nhưng sau một thời gian, chị đã quyết định hy sinh bản thân cho con mình được sống.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn nhận được rất nhiều thông tin mỗi ngày. Có những thông tin chỉ hời hợt, nhưng cũng có những thông tin thật quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống mỗi người.

Nếu có người đưa đến cho bạn hai thông tin nào đó rất quan trọng, một tin vui và một tin buồn thì bạn sẽ muốn nghe loại nào trước? Có thể chúng ta sẽ phân vân chưa biết chọn tin nào trước, nhưng một thực tế là thông tin ấy có liên quan đến cuộc sống của chúng ta, bạn không thể nào phủ nhận nó được và cần có thêm chút thời gian để chọn lựa.

Bài Tin Mừng hôm nay Đức Maria cũng lâm vào hoàn cảnh phải tiếp nhận một thông điệp gửi đến từ sứ thần của Chúa, nhưng ngài không có được thời gian để suy nghĩ, chọn lựa như người mẹ trong câu truyện trên, dù rằng đây là một tin trọng đại liên quan đến cả cuộc đời Mẹ. Trong hoàn cảnh của Mẹ phải đối diện lúc này là một vinh dự cao cả, một sự thiện tuyệt đối không thể chối từ: "Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao". Có lẽ cũng có người trong chúng ta thắc mắc rằng việc làm Mẹ Thiên Chúa là một vinh dự lớn lao như vậy thì có gì phải chần chờ, có gì mà khó khăn, có gì mà bối rối? Nếu là tôi thì sẽ nhận lời tức khắc!

Chúng ta sẽ nghĩ thế nào nếu chính chúng ta trong hiện tại là một cô gái mười sáu trăng tròn, bỗng dưng có một vị thiên sứ hay một người nào đó đến báo tin rằng chúng ta sẽ có thai và đứa con đó là Thiên Chúa? Liệu chúng ta có đủ niềm tin để đón nhận hay không?

Khi chúng ta nói cho người khác rằng con của mình không phải là kết quả của người phàm và đó là Thiên Chúa, liệu họ có tin không? Chúng ta sẽ xoay xở thế nào trong cuộc sống để nuôi dưỡng con mình bằng kinh nghiệm non trẻ ấy?

Đức Maria thời ấy lại còn phải đối diện với việc giải thích thế nào cho người bạn đời của mình tin và hiểu. Hơn nữa vào thời ấy, một khi người phụ nữ nào không chồng mà có con sẽ phải đối diện với việc bị ném đá cho đến chết!

Việc Đức Maria mang thai trong thời điểm này chẳng khác nào người mẹ trong câu truyện trên đang đón nhận một thông tin liên quan đến chính mạng sống của mình.

Chính việc can đảm đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa và tín thác hoàn toàn vào Ngài để thực hiện trọn vẹn sứ vụ của mình cách hoàn hảo, Đức Maria đã trở nên một Nữ Vương trong việc thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Cuộc sống của chúng ta không thiếu những thông tin tích cực lẫn tiêu cực ảnh hưởng đến sinh hoạt của chúng ta, và không ít lần chúng ta đã than trách, đã chạy trốn trước những thách đố của cuộc sống và rất có thể đã không còn sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Vì vậy chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria trong cách đón nhận từng biến cố, chúng ta không phản ứng nóng vội trước mọi thông tin, nhưng là tìm ra ý Chúa và luôn sẵn lòng thực thi thánh ý Thiên Chúa trong lời thưa "xin vâng" bằng sự khiêm nhường sâu thẳm và tín thác vào Chúa quan phòng theo gương Mẹ Maria.

Trong mỗi biến cố của cuộc sống, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ và tin rằng Đức Maria Trinh Nữ Vương sẽ luôn che chở và phù giúp chúng ta khi chúng ta chạy đến cùng ngài.

------------------------------

 

Suy Niệm 13. Mẹ Maria: nữ hoàng thiên quốc


Ngày 1 tháng 11 năm 1954, bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức Trinh Nữ là: ”Sự cứu rỗi của dân thành Rôma và toàn thế giới”. Đức Thánh Cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Đức Giêsu và Mẹ Maria kèm với lời nguyện: ”Xin Mẹ cai quản trên Giáo Hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia. Trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin Mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, trên mặt đất và cả biển khơi”. Ngài còn nói: ”Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập vào mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử”.

1. Niềm hạnh phúc cho tất cả những người tin

Đây là một niềm vui và hạnh phúc tuyệt vời cho tất cả những ai mang trong mình niềm tin vào Thiên Chúa và lòng yêu mến Mẹ Maria. Thật vậy, ngày Mẹ được rước lên trời cả hồn lẫn xác đã làm cho cả Triều Thần Thiên Quốc phải kính cẩn nghiêng mình. Đoạn Kinh Thánh sau đây mang tính thần bí của thánh Gioan trong sách Khải Huyền cho chúng ta thấy rõ điều đó: ”Có điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Và như một lẽ tất yếu, Triều Thần Thiên Quốc đồng thanh tung hô: ”Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?” (Dc 6,10); Thánh Vịnh 44 được hòa vào bản nhạc du dương mà các Thiên Thần đang véo von ca hát làm nên vẻ huy hoàng của ngày Mẹ được tôn phong: ”Hàng cung nữ, có những vì công chúa, bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai, trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy” (Tv 44, 10).

Thật vậy, hôm nay là ngày tuyệt vời của Mẹ. Ngày Mẹ được Thiên Chúa Ba Ngôi tôn vinh làm Nữ Vương và Bà Chúa của toàn thể tạo vật. Với tước hiệu này, Mẹ trở thành: ”Người mang một danh hiệu viết trên áo choàng và trên vế: “Vua các vua, Chúa các chúa” ( Kh 19, 16 ).

Khi được Thiên Chúa tôn phong, Mẹ đảm nhận vai trò: ”Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian” (GLCG số 969). Điều này được thánh giám mục Anphongsô đệ Liguori cảm nghiệm: ”Chúng ta hãy cảm tạ Nữ Vương rất dấu yêu của chúng ta, bởi vì mọi ơn chúng ta được lãnh nhận đều từ tay Mẹ và nhờ lời cầu bầu của Mẹ” (Vinh Quang Đức Mẹ, II ). Và trong truyền thống Giáo Hội, chúng ta thấy xuất hiện lời kinh cổ xưa nhất ca ngợi Mẹ và cũng thể hiện niềm tin nơi Mẹ trong vai trò Nữ Vương: ”Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, Ngọt ngào cho cuộc sống, Kính chào lẽ cậy trông” (Salve Regina).

Tại sao Đức Maria lại được Thiên Chúa ân thưởng như vậy?

Thưa! Cả cuộc đời của Mẹ luôn trung thành tuân theo thánh ý Thiên Chúa Cha, được tràn ngập ân sủng của Chúa Thánh Thần và luôn gắn bó với Đức Giêsu trong mọi biến cố của cuộc đời trần thế: từ lúc sinh ra, rao giảng và dưới chân thập giá, sống lại và lên trời. Vì thế, vương quyền cao sang và vinh dự của Mẹ được gắn liền với vương quyền tuyệt đối của Con Mẹ. Thật vậy, khởi đi từ Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa thì cũng xuất phát từ Ngài.

Như vậy, theo lẽ tất nhiên, vì Thiên Chúa đã yêu thương Mẹ cách tuyệt đối, gìn giữ cách nhiệm mầu, nên việc đặt Mẹ vượt trên mọi thần thánh, và đổ tràn trên Mẹ tất cả ân sủng trên trời là một ân ban từ lòng quảng đại của Thiên Chúa trên thụ tạo ưu tuyển, tuyệt mỹ và toàn hảo.

2. Khẩn cầu Mẹ trong vai trò Nữ Vương

Thật ý nghĩa khi Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập lễ này sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Qua tước hiệu cao quý này, ngài đã mời gọi con cái của Giáo Hội hãy hướng lòng lên Mẹ trên ngai tòa ân sủng để khẩn cầu Mẹ lúc gặp phải nghịch cảnh, thất bại hay đang lầm lũi trong tối tăm của tội lỗi. Ngài còn mời gọi con cái của mình, dù là là bất hảo và phàm ngôn, nhưng là con cái, chúng ta hãy lấy tình con thảo để ca khen Mẹ trong tâm tình tin tưởng, yêu mến, phó thác. Đồng thời luôn luôn vâng phục những lời Mẹ nhắn nhủ và biết noi gương Mẹ để thi hành thánh ý Thiên Chúa cách mau mắn.

Vì vậy, hãy can đảm chạy đến với Mẹ, Mẹ sẽ trở che, vỗ về, an ủi, trong vai trò là ”Đấng Hằng Cứu Giúp”. Chúng ta có quyền hy vọng điều đó, vì Mẹ là Bà Chúa của mọi thụ tạo (x Thánh thi kinh sáng lễ Đức Mẹ lên trời).

Để kết thúc, xin được mượn lời bài hát: ”Chút tình con thơ” của nhạc sĩ lm. Nguyễn Duy để nói lên niềm hy vọng của chúng ta ở nơi Mẹ trong vai trò là Trạng Sư:

“Mẹ ơi, trên trần gian, con chưa thấy ai, đến nhờ Mẹ mà Mẹ không thương giúp. Mẹ ơi, con biết rằng tình Mẹ rất bao la, luôn dõi nhìn từng nhịp bước con thơ”

Vì ”Mẹ nguồn cậy trông cho người thất vọng. Mẹ là niềm tin cho người lữ thứ. Mẹ là niềm vui cho người buồn đau. Mẹ là nghỉ ngơi cho người đơn côi”.(Internet)

Cầu nguyện:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

------------------------------

 

Suy Niệm 14. Đức Maria nữ vương


--Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thánh vịnh 44, 10 viết rằng: “Lạy Chúa, bên hữu Ngài, Hoàng Hậu sánh vai, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, và trang điểm huy hoàng rực rỡ’’. Thánh lễ mừng kính Đức Maria Trinh Nữ Vương đã có từ lâu, nhưng phải đợi đến năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII buộc toàn thể Giáo Hội mừng kính lễ này trọng thể trong toàn thể Giáo Hội.

KHÁI NIỆM VƯƠNG QUYỀN CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA:

Với muôn vàn tước hiệu Giáo Hội và nhân loại cung kính dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, tước hiệu Nữ Vương Vũ Trụ Trời Đất bao gồm mọi tước hiệu Nữ Vương khác, và tước hiệu này có nền tảng trong Sách Khải Huyền: “Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1) hoặc ”Người mang Danh viết trên áo, trên tà áo của Người: Vua các vua và Chúa các chúa” (Kh 19, 16). Chúa là vua trên hết các vua. Vương quyền của Ngài vượt trên mọi vương quyền.

Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu cũng phải được tôn vinh như vậy và nhân loại phải tung hô vương quyền, tôn nhận Mẹ là Nữ Vương trên hết mọi Nữ Vương. Thánh Giám Mục Anphongsô đệ Liguori đã viết: “Chúng ta hãy cám tạ Nữ Vương rất dấu yêu của chúng ta, bởi vì mọi ơn chúng ta đợc lãnh nhận đều từ tay Mẹ và nhờ lời cầu bầu của Mẹ” (Vinh Quang Đức Mẹ, II). Trong kinh lạy Nữ Vương ta đọc thấy: “Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, Ngọt ngào cho cuộc sống, Kính chào lẽ cậy trông’’ (Salve Regina). Mẹ Maria được tôn nhận làm Nữ Vương trên thiên quốc. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập lễ Đức Maria Trinh Vương và công bố tông thư Coeli Reginam nói về Vương Quyền của Đức Trinh Nữ Maria: vương quyền của Mẹ Maria là vương quyền của yêu thương và phục vụ.

MẸ MARIA LÀ NỮ VƯƠNG TRỜI ĐẤT:

Trong kinh lạy Nữ Vương chúng ta xưng tụng” Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con”. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong, Nữ Vương có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhứt bên cạnh Đức Vua. Ngày nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ và uy quyền của Mẹ bên ngai tòa Chúa Giêsu. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của ơn cứu độ và là hoa trái tuyệt mỹ của thập giá Chúa Giêsu ‘‘Một người nữ mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1). Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5).

Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa” (Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Maria Nữ Vương).

------------------------------

 

Suy Niệm 15. Đức Maria nữ vương


-- Enzo Lodi

1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ Đức Maria nữ vương được Đức Piô XII thiết lập năm 1955 vào ngày 31 tháng 5, nay chuyển sang tám ngày sau lễ Đức Mẹ lên trời để nhấn mạnh hơn dây liên lạc giữa tư cách nữ vương của Đức Trinh nữ với việc thân xác Người được gọi về trời. Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Đức trinh nữ vô nhiễm, được Chúa gìn giữ khỏi mọi tỳ vết tội nguyên tổ, sau khi vượt qua cuộc đời trần gian, đã được đưa cả hồn và xác về vinh quang trên trời, được Chúa đặt làm nữ hoàng vũ trụ để nhờ thế hoàn toàn phù hợp với Con mình hơn” (Vatican II, GH.59).

Ngay từ thế kỷ thứ IV, ảnh tượng đã thường biểu thị bên cạnh Đức Kitô Pantocrator (Đức Kitô uy nghiêm) hình ảnh của Mẹ Người mà từ trung cổ người ta đã gọi là Nữ vương. Chẳng hạn nhiều ca vãn rất cổ ca tụng Người là nữ hoàng như: Salve Regina, Regina coeli, Ave Regina coelorum... cũng như các mầu nhiệm trong chuỗi Mân côi và trong kinh cầu Đức Bà Lorette.

Việc thiết lập lễ này là theo lời thỉnh cầu của các đại hội Thánh mẫu ở Lyon (1900), Fribourg (1902), Einsiedeln (1906), nhưng nhất là sau việc Đức Piô lập lễ Chúa Kitô Vua năm 1925. Sau hết, ngày 11 tháng 10 năm 1954, nhân kỷ niệm trăm năm tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Piô XII đã thiết lập lễ Đức Maria Nữ vương, nêu lên các lý do lịch sử và thần học trong thông điệp Ad coeli Reginam

Các bản văn phụng vụ chọn nhân lễ Đức Maria Nữ vương năm 1955 nêu bật chân lý sau đây mà Tông Huấn Marialis cultus (số 6) cũng sẽ nhấn mạnh: “Đức Ma-ri-a ngồi bên cạnh Vua muôn đời, rạng rỡ trong tư cách Nữ hoàng và khẩn cầu cho ta trong tư cách bà mẹ”. Cũng vậy, điệp ca Maguificat nhắc lại rằng Đức Ma-ri-a “cùng với Đức Kitô thống trị muôn đời”.

2. Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày nhấn mạnh nền tảng của vương quyền Đức Maria mẹ Chúa Kitô, đồng thời cũng là mẹ và nữ hoàng của chúng ta. Lý do cuối cùng của “chức nữ vương” nơi Đức Trinh Nữ trước hết do tính cách mẹ Thiên Chúa của Người. Vì quả thực, cũng như Đức Kitô là Chúa và là vua mọi loài thụ tạo, Đức Maria, mẹ Chúa cũng tham gia một cách tương tự vào quyền vương đế của con mình. Chức nữ vương của Đức Maria cũng dựa trên sự tham dự sâu xa vào công trình cứu chuộc của Đức Giêsu con mình, cùng chịu đau khổ với Con và dâng Con lên Chúa Cha (xem thông điệp Ad coeli Reginam, của Đức Piô XII. Như công đồng Vatican II đã viết: “Đức Maria, khi dâng lên Chúa sự ưng thuận của mình, đã trở thành mẹ của Đức Giêsu và không chút vướng víu tội lỗi, Người chấp thuận ý định cứu rỗi của Chúa, Người hiến thân trọn vẹn cho con người và công việc của Con mình như là tỳ nữ của Chúa, hầu phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc trong sự lệ thuộc và cùng với Con, nhờ ơn Thiên Chúa toàn năng” (GH.56)

Đức Kitô Con Thiên Chúa và Con Đức Ma-ri-a là trưởng tử một đoàn anh em đông đúc (Rm 8,29) thế nào, thì Đức Maria cũng là mẹ của toàn dân Chúa, được chỉ định về vinh quang trên trời, hứa cho con cái Thiên Chúa (xem phần cuối lời nguyện trong ngày). Vậy nên vương quốc Đấng thiên sai được Đức Maria chia sẻ cũng được hứa ban cho mọi người, trước hết là các tông đồ, sau đến mọi Kitô hữu, hầu hoàn tất những lời này của Đức Kitô: “Phần anh em, anh em đã trung thành với Thầy trong các thử thách. Vậy nên Thầy đã sắm vương quốc cho anh em, như cha Thầy đã sắm cho Thầy, ngõ hầu anh em cùng ăn cùng uống nơi bàn tiệc trong vương quốc của Thầy và anh em ngồi trên các ngai để xét xử mười hai chi họ It-xra-en” (Lc 22,28-30).

Bài giảng thánh Amédée ở Lausanne trong lễ Đức Mẹ lên trời nhấn mạnh tính cách trung gian của Đức Maria vì Người đứng bên hữu của Con mình: “Là hôn thê, mẹ của Hôn Phu duy nhất, mẹ như suối từ những mảnh vườn thiêng liêng và là giếng phát sinh những mạch nước hằng sống, mạch nước nuôi sống vọt thành suối từ đỉnh Liban Thiên Chúa. Bởi thế từ núi Sion mẹ cho tuôn trào những con sông an bình, những con suối ân phúc xuống đến mọi dân tộc”.

Ca vãn trong thần vụ ca tụng Đức Maria nữ tỳ của Chúa “đã được Chúa chấp thuận như một công trình hoàn hảo” và đang ngự trị trong vinh quang. Ca vãn giải thích sứ mệnh của Đức Maria, là mẹ và là nữ vương, được kêu gọi trở nên sự phản chiếu lòng nhân từ Chúa và là sự nâng đỡ chúng ta bằng những lời: “Hỡi người phụ nữ / được Chúa khoác áo choàng ánh sáng / khi bóng tối sự chết / bủa vây trên vũ trụ / Mẹ soi chiếu con đường về Nước trời” .

Vai trò của Đức Ma-ri-a là Mẹ và là Nữ vương càng được ca khen một cách tuyệt diệu trong một Điệp ca cuối trong kinh tối: “kính lạy Bà vị Nữ hoàng Thiên quốc (Ave Regina coelorum) …”

“Kính lạy Bà, vị nữ hoàng Thiên quốc
Lạy nữ vương trên chín phẩm thiên thân,
Là cội thiêng, là cửa trời vinh phúc,
Đem vầng hồng rực rỡ xuống trần gian.
Mừng vui lên, mừng vui lên Trinh nữ,
Bà hiển vinh, Bà diễm lệ khôn tày
Bên tòa Chúa Kitô, ngôi Thánh Tử
Cúi lạy Bà, xin nguyện giúp cầu thay”.

------------------------------

 

Suy Niệm 16. Đức Maria trinh nữ vương


--Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.Cist

Việc thiết lập ngày lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương được khởi đi từ ước nguyện của các đại hội Thánh Mẫu tại Lyon (1900), Fribourg (1902) và Einsiedeln (1906). Ước nguyện này đã được thực hiện khi Đức Giáo Hoàng Pio XII đã thiết lập lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương vào ngày 11/10/1954, nhân kỷ niệm 400 năm tuyên bố tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Việc mừng kính lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương cho ta thấy mối liên hệ tuyệt vời giữa các đặc ân mà Mẹ đã nhận lãnh. Điều này đã được Công Đồng Vaticano II khẳng định: “Đức Trinh Nữ Maria được Chúa giữ gìn khỏi mọi tỳ vết tội nguyên tổ, sau khi vượt qua cuộc đời trần gian, đã được cả hồn lẫn xác về vinh quang trên trời, được Chúa đặt làm nữ hoàn vũ trụ để nhờ thế hoàn toàn phù hợp với Con mình hơn” (Vaticano II, GH, Số 59).

Chúng ta cùng dừng lại một vài điểm chính nói lên ý nghĩa của thánh lễ này:

1. Đức Maria không vướng nhơ Tội Nguyên Tổ

Để chuẩn bị cho con Thiên Chúa làm người, Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ không vướng mắc Tội Nguyên Tổ ngay từ đầu. Mẹ là tuyệt đỉnh của nhân tính bất khả xâm phạm: Mẹ không bị tổn thương vì tội lỗi, cho nên, mẹ cũng không bị tổn thương do sự chết. Đó là điều Thiên Chúa muốn. Bởi chưng cuộc đời Mẹ luôn kết hợp với Ngôi Lời để hoàn thành chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mọi hành vi của Mẹ luôn quy hướng về Đức Kitô, và cùng với Ngài, mang lại cho nhân thế niềm an vui, sự giải thoát khỏi gông cùm tội lỗi và sự chết. Đức Giáo Hoàng Pio IX đã nói rõ trong tín điều đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào năm 1854: “Đức Maria rất thánh ngay từ giây phút đầu tiên nhập thai với một đặc ân và là món quà độc nhất ân sủng của Thiên Chúa quyền năng, dựa trên những công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại đã giữ gìn Mẹ khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ”.

2. Đức Maria- Mẹ Thiên Chúa

Vai trò Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa là yếu tố làm nên tước vị Đức Maria Nữ Vương. Bởi vì, Đức Kitô là Chúa và là vua vũ hoàn, cho nên, Đức Maria cũng được tham dự vào quyền vương đế của Con mình. Tước vị Nữ Vương của Đức Maria được đặt vào trong khung cảnh Mẹ tham dự sâu xa vào công trình cứu chuộc của Đức Giêsu Con Mẹ. Trong Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh (số 56), Công Đồng Vaticano II đã minh định: “Khi thưa tiếng ‘xin vâng’ (Lc 1,38), Mẹ đã chấp nhận lời Thiên Thần mà trở nên Mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở Ngài, Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Thiên Chúa, hầu tham gia vào mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với con của Ngài”.

3. Đức Maria được vinh hiển trên trời

Tín điều Đức Maria hồn xác lên trời được Đức Pio XII tuyên tín năm 1950, với xác tín Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi hoàn tất cuộc sống trần gian, được lên trời cả hồn lẫn xác. Thánh Amêđô giám mục đã hết lời ca ngợi Mẹ: Thật là phải lẽ việc Đức Maria trước khi lên trời, đã rạng danh ở khắp mặt đất và danh ngài thật lẫy lừng ở khắp mọi nơi, trước khi sự vinh quang của ngài được đưa lên các tầng trời. Với thánh nhân, việc mừng kính Đức Maria Nữ Vương làm cho “người người vui mừng, kẻ nhìn nhận ngài là Nữ Vương, kẻ suy tôn ngài là Nữ Chúa, tất cả đều yêu mến phụng thờ ngài”.

4. Nhân loại được thông chia ân phúc cùng Mẹ

Nhân dịp kỷ niệm bốn năm tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời và kết thúc năm Thánh Mẫu, được Đức Giáo Hoàng Pio XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng đức trinh nữ để nói lên vương quyền phổ quát của Đức Maria. Trong sự kiện này Đức Giáo Hoàng đã trao gửi tất cả thế giới cho Mẹ: Xin Mẹ cai quản trên Giáo Hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình, cũng như mọi xã hội và quốc gia, cũng như trên mọi cộng đoàn. Xin Mẹ cai trị trên mọi nẻo đường, mọi quảng trường, mọi thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, trên mặt đất và cả biển khơi.

Lời trao gửi của Đức Giáo Hoàng giúp ta thêm xác tín rằng: Đức Kitô Con Thiên Chúa và Con Đức Maria là trưởng tử đàn em đông đúc (Rm 8,29) thế nào, thì Đức Maria cũng là Mẹ của toàn dân Chúa. Cho nên, vương quốc Đấng Thiên Sai được Đức Maria thông chia cũng được hứa ban cho mọi người, như lời Đức Kitô đã nói: “Thầy sẽ trao vương quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được ăn uống đồng bàn với Thầy trong vương quốc của Thầy” (Lc 22,29-30).

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hãy làm chủ cuộc đời con, làm chủ tâm hồn con và hướng dẫn chúng con luôn bước đi theo đường lối Chúa dưới sự soi dẫn của Tin mừng. Amen.

------------------------------

 

Suy Niệm 17. Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương


--Lm Đa-minh Thiệu O.Cist

Từ ngày mồng 01 tháng 11 năm 1953 tới ngày mồng 01 tháng 11 năm 1954, Giáo hội Công giáo đã cử hành Năm Thánh Đức Mẹ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đức Thánh Cha Pi-ô IX công bố Tín Điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vào ngày mồng 01 tháng 11 năm 1954, tức ngày bế mạc Năm Thánh vừa nêu, Đức Pi-ô XII đã công bố việc thiết lập ngày Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương, và ấn định rằng, Giáo hội Công giáo sẽ cử hành ngày Lễ này vào ngày cuối cùng trong Tháng Hoa Kính Đức Mẹ, tức ngày 31 tháng 05. Việc công bố này được thực hiện trong buổi tôn kính bức ảnh Đức Mẹ Ban Ơn tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, tức Vương Cung Thánh Đường Kính Đức Maria lớn nhất Rô-ma.

Tuy nhiên, trong cuộc cải tổ Lịch Phụng Vụ Rô-ma do Đức Thánh Cha Phao-lô VI thực hiện vào năm 1969, Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương được chuyển sang ngày 22 tháng 08, tức 8 ngày sau Đại Lễ Đức Mẹ Được Rước Về Trời, và được cử hành trong Giáo hội với bậc Lễ nhớ. Khi thực hiện việc thay đổi này, Giáo hội đã có một lời giải thích như sau: “Để sự liên kết giữa phẩm hàm Trinh Nữ Vương của Đức Maria với việc Mẹ được cung rước về Thiên Đàng trở nên rõ ràng hơn.” Vì thế, chức Trinh Nữ Vương của Đức Maria không nên được cử hành một cách đơn giản vào ngày cuối cùng trong tháng 05, tức Tháng Hoa Kính Đức Mẹ, như là hồng ân cuối cùng được thêm vào trong các hồng ân của Mẹ, nhưng từ nay về sau, sự tôn vinh Đức Maria làm Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương các Thiên Thần và các Thánh, nên được hiểu như là sự hoàn tất việc nghênh đón Mẹ vào trong vinh quang Thiên Đàng. Trước đây, ngày 22 tháng 08 được dành để cử hành Lễ kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria. Ngày Lễ này cũng do Đức Pi-ô XII thiết lập và được cử hành trên toàn Giáo hội. Nhưng từ khi có cuộc cải tổ lịch Phụng Vụ vào năm 1969, ngày Lễ này đã được chuyển về cho gần với Đại Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, và cụ thể là vào ngày thứ Bảy ngay sau Đại Lễ Kính Thánh Tâm Chúa.

Người ta cũng có thể nói về cuộc phong vương cho Đức Maria thay vì nói rằng, vương quyền của Đức Maria, và căn cứ vào đó, người ta có thể gọi ngày Lễ này là ngày Lễ Đăng Quang của Đức Maria.

Thực ra, không phải kể từ ngày mồng 01 tháng 11 năm 1954, Đức Maria mới được các tín hữu nhìn ngắm và tôn kính với tư cách là Nữ Vương các Thiên Thần và các Thánh trên Trời. Mà ngay từ hồi Trung Cổ, Đức Maria cũng đã được các tín hữu chiêm ngưỡng và tôn kính với tư cách như thế rồi. Kể từ đó, sự kiện Đức Maria được Thiên Chúa Ba Ngôi trao vương miện đã được trình bày trên nhiều bức họa, cũng như trên các bức phù điêu. Rất nhiều những lời cầu nguyện, những Thánh Thy và những bài ca hướng lên Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Trạng Sư, Người Cầu Thay Nguyện Giúp cho nhân loại bên Chúa Con vương đế của Mẹ. Sự kiện Phong Vương cho Đức Maria cũng được trình bày trong một số các bức họa thời Ba-rốc. Bên cạnh hình thức này, để trình bày về sự kiện Đức Maria được phong vương, tất nhiên cũng còn có rất nhiều những bức họa khác trình bày Đức Maria ngồi trên ngai, đầu đội triều thiên và tay ẵm Chúa Hài Đồng. Có vô vàn những bức ảnh Đức Mẹ ban ơn thuộc hình thức này!

Vương quyền của Đức Maria, hay việc Mẹ được tôn phong làm Nữ Vương các Thiên Thần và các Thánh, Nữ Vương của cộng đoàn trên trời, được hình thành nên trong phẩm vị làm Thân Mẫu Thiên Chúa của Mẹ: Mẹ là Thân Mẫu của Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, và vì Ngôi Lời Thiên Chúa làm người cũng là Chiên Thiên Chúa, nên Mẹ cũng là Thân Mẫu của Đấng Cứu Chuộc. Với tư cách là Thân Mẫu của Đấng Cứu Chuộc, Mẹ đã dự phần trong cuộc chiến thắng của Chúa Giê-su Ki-tô trên tội lỗi, trên sự chết, trên Sa-tan và trên quyền lực của hắn. Mẹ là Đấng được canh phòng trước tất cả mọi vết nhơ tội lỗi, và Mẹ cũng chính là Đấng Chiến Thắng nhờ vào sự chiến thắng của Con Mẹ trên những mãnh lực đối địch với Thiên Chúa. Vì thế, vương quyền của Mẹ cũng có thể được hiểu như là sự thể hiện cuộc chiến thắng của Mẹ cùng với Con mình. Việc tôn kính Con của Đức Maria ảnh hưởng hoàn toàn trên việc tôn kính dành cho Mẹ. Trong các Thánh Thy khác nhau của mình, Thánh Phao-lô cũng đã phác họa địa vị bao trùm vũ trụ của Chúa Ki-tô (Col 1,12-20; Phil 2,5-11; s. a. 1 Cor 15,20-28; Eph 1,3-23; 2,5). Do đó, với tư cách là Mẹ của Con Thiên Chúa và của Đấng Cứu Độ, Đức Maria cũng tham dự vào trong địa vị của Chúa Ki-tô. Và điều này cũng đã được thể hiện sẵn trong khi trình bày về tất cả những người được cứu chuộc: “Nhưng Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời” (Eph 2,4tt; xc. Col 1,13; 3,1tt). Ngay cả lời tổng nguyện trong ngày Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương cũng cầu xin cho được ơn tham dự vào Vương Quyền Thiên Quốc:

"Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa”.

------------------------------

 

Suy Niệm 18. Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương


(22.08)

--BBT Dòng NVHB

Hòa chung tâm tình với toàn thể Giáo hội hân hoan mừng lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương.

Suy niệm về cuộc đời của Mẹ, Giáo hội nhìn nhận Mẹ đáng được tôn phong lên tước hiệu TRINH NỮ VƯƠNG, bởi Mẹ đã cưu mang và sinh hạ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. HD Chúng ta thật hạnh phúc vì được mang danh thánh Mẹ, có Mẹ cùng đồng hành qua các biến cố và những thăng trầm lịch sử, nhờ đó HD chúng ta vẫn đứng vững và phát triển cho đến hôm nay. Để cảm nghiệm sâu hơn ngày lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta cùng lắng nghe đôi nét về Lịch sử và ý nghĩa ngày lễ, đồng thời dâng lên Mẹ tâm nguyện của đoàn con Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa bình.

1. Lịch sử ngày lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương

Vào ngày mồng 01 tháng 11 năm 1954, ngày Giáo Hội bế mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm công bố Tín Điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Pi-ô XII đã công bố việc thiết lập ngày Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương. Ngài đã ấn định rằng, Giáo hội Công giáo sẽ cử hành ngày Lễ này vào ngày cuối cùng trong Tháng Hoa Kính Đức Mẹ, tức ngày 31 tháng 05.

Tuy nhiên, trong cuộc cải tổ Lịch Phụng Vụ Rô-ma vào năm 1969, do Đức Thánh Cha Phao-lô VI thực hiện: Lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương được chuyển sang ngày 22 tháng 08, tức 8 ngày sau Đại Lễ Đức Mẹ Được Rước Về Trời, và được cử hành trong Giáo hội với bậc Lễ nhớ. Khi thực hiện việc thay đổi này, Giáo hội đã có một lời giải thích như sau: “Để sự liên kết giữa phẩm hàm Trinh Nữ Vương của Đức Maria với việc Mẹ được cung nghinh về Thiên Đàng trở nên rõ ràng hơn.” Vì thế, chức Trinh Nữ Vương của Đức Maria không nên cử hành một cách đơn giản vào ngày cuối cùng trong tháng 05, tức Tháng Hoa Kính Đức Mẹ, như là hồng ân cuối cùng được thêm vào trong các hồng ân của Mẹ. Nhưng từ nay về sau, sự tôn vinh Đức Maria làm Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương các Thiên Thần và các Thánh, nên được hiểu như là sự hoàn tất việc nghênh đón Mẹ vào trong vinh quang Thiên Đàng.

Không phải kể từ ngày mồng 01 tháng 11 năm 1954, Đức Maria mới được các tín hữu nhìn ngắm và tôn kính với tư cách là Nữ Vương trên Trời. Ngay từ thời Trung Cổ, Đức Maria đã được các tín hữu chiêm ngưỡng và tôn kính như thế. Kể từ đó, sự kiện Thiên Chúa Ba Ngôi trao vương miện cho Đức Maria được trình bày trên nhiều bức họa, cũng như trên các bức phù điêu. Rất nhiều lời cầu nguyện, những Thánh Thi và những bài ca hướng lên Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Trạng Sư, Người Cầu Thay Nguyện Giúp cho nhân loại bên Chúa Con. Mẹ là Thân Mẫu của Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, và vì Ngôi Lời Thiên Chúa làm người cũng là Chiên Thiên Chúa, nên Mẹ cũng là Thân Mẫu của Đấng Cứu Chuộc. Mẹ là Đấng được canh phòng khỏi tất cả mọi vết nhơ tội lỗi, và Mẹ cũng chính là Đấng Chiến Thắng nhờ vào sự chiến thắng của Con Mẹ trên những mãnh lực đối địch với Thiên Chúa. Vì thế, vương quyền của Mẹ cũng có thể được hiểu như là sự thể hiện cuộc chiến thắng của Mẹ cùng với Con mình. (x. Lm Đa-minh Thiệu O.Cist)

2. Ý nghĩa lễ Đức Mẹ Trinh Vương

Trong bài huấn dụ trưa Chúa nhật ngày 22-8-2010 với hàng ngàn tín hữu hành hương tại dinh thự Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã diễn giải ý nghĩa lễ Đức Mẹ Trinh Vương  như sau:

"Tám ngày sau lễ trọng Đức Mẹ hồn xác lên trời, phụng vụ mời gọi chúng ta tôn kính Đức Trinh Nữ Maria với tước hiệu 'Nữ Vương'. Chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ Chúa Kitô được Chúa Con đội triều thiên, nghĩa là được tháp nhập vào Vương quyền hoàn vũ của Ngài,… Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về chân lý ấy của Phúc Âm, nghĩa là Thiên Chúa hạ bệ những kẻ kêu ngạo và quyền thế ở trần thế này và nâng cao người khiêm nhường (xc Lc 1,52)”.

Thiếu nữ khiêm hạ đơn sơ làng Nazareth xưa kia nay trở thành Nữ Vương thế giới! Đây thực là một trong những kỳ công của Thiên Chúa. Dĩ nhiên vương quyền của Mẹ Maria hoàn toàn là điều tương đối so với vương quyền của Chúa Kitô: Ngài là Chúa, sau khi đã chết tủi nhục trên Thánh Giá, đã được Chúa Cha nâng lên cao, vượt trên mọi loài thụ tạo, trên trời, trên mặt đất và dưới lòng đất (xc Pl 2,9-11). Theo một kế hoạch ân phúc, Mẹ Vô Nhiễm đã hoàn toàn được tháp nhập vào mầu nhiệm Chúa Con: vào sự nhập thể, vào cuộc sống trần thế, trước tiên là cuộc sống ẩn dật tại Nazareth. Sau đó, được biểu lộ trong mầu nhiệm cứu thế; Mẹ được tháp nhập vào cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa; và sau cùng được tháp nhập vào vinh quang Phục Sinh và lên trời. Mẹ đã chia sẻ với Con không những các khía cạnh nhân trần của mầu nhiệm này, nhưng cả ý hướng sâu xa, thánh ý Chúa, nhờ hoạt động của Thánh Linh ở trong Mẹ, đến độ toàn thể cuộc sống, khó nghèo và khiêm hạ của Mẹ được thăng hoa, biến đổi và tôn vinh, nhờ đi qua ”cửa hẹp” là chính Chúa Giêsu (xc Lc 13,24). Đúng vậy, Mẹ Maria là người đầu tiên đã được đi qua “con đường” mà Chúa Kitô mở ra để vào Nước Thiên Chúa, một con đường mà những người khiêm hạ, những người tín thác nơi Lời Chúa và quyết tâm đem Lời Chúa ra thực hành, cũng được mời gọi bước vào.

3. Tâm nguyện với Đức Maria Trinh Nữ Vương

Lạy Mẹ Maria Trinh Nữ Vương,

Cùng với cả triều thần thiên quốc và muôn loài thọ tạo dưới đất, chúng con đồng hoan hỉ tung hô và chúc khen Mẹ là Đấng Đầy Ân Phúc. Thiên Chúa đã ân thưởng triều thiên Nữ Vương cho Mẹ nhờ phúc lộc của Thánh Tử Giêsu con Mẹ.

Mừng kính danh hiệu Mẹ Trinh Nữ Vương hôm nay, cũng là dịp để chúng con được cảm mến hơn tình mẫu hậu của Mẹ dành cho chúng con.

Xin thương đồng hành và nâng đỡ Hội Dòng chúng con đang từng bước canh tân đời sống theo Định hướng: Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, Hân Hoan Ra Đi gieo rắc Tin Mừng bình an của Chúa, ưu tiên cho anh chị em  dồng bào Dân Tộc và những nơi “xó xỉnh lều tranh để thực thi mười bốn mối thương người” (tr. bài giảng thiết lập Dòng).

Như một ‘nữ tỳ hèn mọn được Chúa thương nhìn tới’, xin cho từng chị em trong HD luôn sống tinh thần hoán cải và canh tân. Biết khiêm nhường trong suy nghĩ, lời nói và việc làm. Biết sống đời nội tâm sâu sắc, kết hiệp với Chúa Chúa Giêsu Thánh Thể, để có thể lắng nghe và biện phân Lời Chúa trong từng hoàn cảnh cuộc sống hằng ngày. Biết mau mắn lên đường dấn thân cho sứ vụ mới và dám hi sinh quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa.

Xin Mẹ dẫn lối cho các bạn trẻ đang tìm chân lý, biết quả cảm dấn thân cho sứ mạng và quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa trong ơn gọi NVHB.

Xin cho chị em cựu tu sinh NVHB đang lần bước giữa đời được bình an và hạnh phúc.

Chúng con phó thác trong vòng tay Từ Mẫu mọi thành viên gia đình NVHB tại thế. Xin Mẹ an ủi và chở che để hết mọi anh chị em cảm nghiệm được niềm vui và ân phúc trong đại gia đình này, để chung tay với Hội Dòng loan báo tìn mừng hòa bình mọi nơi.

Sau hết, xin cho toàn thể nhân loại chúng con biêt tìm đến nương ẩn dưới tà áo Trinh Vương của Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho thế giới được sớm thoát khỏi cơn đại nạn dịch bệnh Covid đang từng ngày lấy đi sinh mạng của hàng ngàn người. Xin thương che chở chúng con, lạy Đức Maria Trinh Nữ Vương Hòa Bình.

------------------------------

 

Suy Niệm 19. Lễ Ðức Maria Nữ Vương


22-08

Vào năm 1954, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ này. Nhưng tư cách nữ vương của Ðức Maria có nguồn gốc trong Phúc Âm. Vào lúc Truyền Tin, sứ thần Gabriel thông báo rằng Con của Ðức Maria sẽ nối ngôi Ðavít và cai trị đến muôn đời. Trong cuộc Thăm Viếng, bà Êlizabét gọi Ðức Maria là “mẹ của Chúa tôi.” Cũng như trong tất cả mầu nhiệm cuộc đời của Ðức Maria, ngài rất gần gũi với Ðức Giêsu, do đó ngài được chia sẻ vương quyền của Ðức Giêsu. Chúng ta cũng có thể nhớ lại rằng, trong Cựu Ước, người mẹ của vua rất có thế lực trong triều đình.

Vào thế kỷ thứ tư, Thánh Ephrem gọi Ðức Maria là Hoàng Hậu và sau đó các Giáo Phụ cũng như các Tiến Sĩ Hội Thánh tiếp tục dùng danh xưng này. Các thánh thi từ thế kỷ 11 cho đến 13 đề cập đến Ðức Maria như một hoàng hậu: “Kính mừng Hoàng Hậu Thánh Thiện,” “Kính mừng Hoàng Hậu Thiên Ðàng.” Tràng hạt dòng Ðaminh và dòng Phanxicô cũng như biết bao lời cầu khẩn Ðức Maria trong kinh nguyện đều mừng kính tư cách nữ vương của ngài.

Ngày lễ này rất thích hợp để theo sau lễ Ðức Mẹ Thăng Thiên, và bây giờ được cử mừng vào ngày thứ tám sau ngày lễ nói trên. Trong thông điệp Nữ Vương Thiên Ðàng, Ðức Piô XII nói rằng Ðức Maria xứng với danh hiệu này vì ngài là Mẹ Thiên Chúa, vì ngài cộng tác chặt chẽ trong công trình cứu chuộc của Ðức Giêsu như một Evà Mới, vì sự tuyệt hảo trổi vượt của ngài và vì sự can thiệp quyền thế của Ðức Maria.

Lời Bàn

Như Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Rôma 8:28-30, tự thuở đời đời Thiên Chúa đã tiền định cho con người được chia sẻ hình ảnh của Con Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Ðức Maria được tiền định làm mẹ của Ðức Giêsu. Như Ðức Giêsu là vua của muôn tạo vật, thì Ðức Maria là hoàng hậu, nhờ vào Ðức Giêsu. Tất cả mọi xưng tụng tư cách nữ vương này đều xuất phát từ ý định đời đời của Thiên Chúa. Như Ðức Giêsu hành sử vương quyền của Người trên mặt đất bằng cách phục vụ Chúa Cha và loài người, thì Ðức Maria cũng hành sử quyền nữ vương của ngài. Như Ðức Giêsu vinh hiển vẫn ở với chúng ta như một vị vua cho đến tận thế (Mt. 28:20), thì Ðức Maria cũng vậy, ngài là người đã được đưa lên trời và được ban thưởng triều thiên hoàng hậu của thiên đàng và trần thế.

Lời Trích

“Tất cả mọi Kitô Hữu hãy tha thiết khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người. Hãy nài xin ngài là đấng là trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời khẩn nguyện, và được tôn vinh trên trời trên tất cả thần thánh, để ngài có thể cầu bầu cùng Con ngài trong sự hiệp thông với toàn thể các thánh. Cầu mong sao ngài vẫn tiếp tục công việc ấy cho mọi dân tộc của gia đình nhân loại, dù họ được vinh dự mang danh Kitô Hữu hay chưa biết đến Ðấng Cứu Thế, đều được hân hoan cùng nhau quy tụ trong an bình và hòa thuận hợp thành một Dân Chúa, vì vinh hiển của Ba Ngôi Cực Thánh và Không Phân Chia” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 69).

------------------------------

 

Suy Niệm 20. Đức Maria Nữ Vương, Nữ vương ban sự bình an


--Huệ Minh

(Is 9, 2-4. 6-7; Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8; Lc 1, 26-38)

Từ lâu đời, nhiều bài thánh ca đã hướng lên đức Maria dưới tước hiệu Nữ vương (thí dụ: “Salve Regina, Reginae coaeli, Ave regina coelorum); trong kinh cầu Đức Mẹ, lời khẩn cầu “Nữ vương” được lặp lại nhiều lần dưới nhiều tước hiệu khác nhau.

Thế nhưng, lễ Đức Maria Nữ vương thì mới được đức Piô XII thiết lập vào năm 1954, (để đánh dấu năm Thánh mẫu kỷ niệm bách chu niên của việc tuyên bố tín điều Đức mẹ vô nhiễm nguyên tội), với thông điệp “Ad caeli reginam” ngày 11/10/1954. Lễ này được ấn định cử hành vào ngày 31 tháng 5.

Và rồi, với cuộc canh tân phụng vụ sau Công Đồng đã dời lễ nhớ sang ngày 22 tháng 8 để làm nêu bật hơn sự gắn liền tước hiệu Nữ vương của Đức Maria với việc lên Trời: chúng ta chiêm ngắm Đức Maria, Nữ hoàng ngồi bên cạnh Vua thiên triều để cầu bầu cho chúng ta như Thái Hậu.

Thật vậy, chức Nữ vương của Đức Maria được gắn liền với vai trò làm mẹ và chuyển cầu. Có lẽ nên hiểu tước “Nữ vương” theo nghĩa là “Thái Hậu” (bà mẹ của Đức Vua), hơn là Hoàng hậu hay Nữ hoàng. Hơn thế nữa, cũng như Đức Kitô đã giải thích vương triều Thiên Chúa theo nghĩa phục vụ chứ không phải thống trị, chúng ta cũng hiểu được rằng vinh quang của Đức Maria không dành để củng cổ thế lực, nhưng là nhằm để thực thi lòng ân cần săn sóc đối với anh chị em còn trên đường lữ hành.

Ý nghĩa tước hiệu “Nữ vương” được phụng vụ giải thích trong phần dẫn nhập vào bài lễ như sau:

Có ít là bốn lý do để đức Maria đáng mang tước hiệu Nữ vương: lòng khiêm nhường; chức phận làm mẹ; vai trò chuyển cầu; hình ảnh vinh quang của Hội thánh.

1) Đức Maria là Nữ vương trên trời bởi vì khi còn ở dưới thế, Người là tôi tớ khiêm nhường của Chúa. Theo như lời của chính Chúa đã dạy: “ai hạ mình xuống thì sẽ được nhấc lên” (Lc 14, 11). Cũng như Chúa Cha đã tôn vinh Đức Kitô vì đã hạ mình cho đến chết trên thập giá (Pl 2, 6-11), thì Ngài cũng nhấc người nữ tì hèn hạ lên trên các thiên thần.

2) Đức Maria là Nữ vương vì là thân mẫu của Vua cứu thế, Đấng “ngự trên toàn vua Đavít đến ngàn đời” (Lc 1, 32-33). Bà Isave đã chúc tụng Người là “Mẹ của Chúa tôi” (Lc 1, 41-43).

3) Đức Maria là Nữ vương bởi vì ở bên cạnh đức Vua vinh hiển trên trời để cầu bầu cho nhân loại. Khi còn tại thế, Đức Maria đã đồng lao cộng tác với Đức Kitô vào sự cứu chuộc trong đau khổ; ngày nay Người cũng chia sẻ vinh quang với Chúa để cầu xin cho hết mọi người được hưởng nhờ ơn đó.

4) Đức Maria là Nữ vương vì người tiên phong cho hội thánh mai hậu, cũng được gọi vào chia sẻ vinh quang của con cái Chúa trong nước trời (Kh 5, 10), lãnh triều thiên vinh quang (1Pr 5, 4), triều thiên công chính (2Tm 4, 8).

Và rồi, chúng ta thấy để tôn kính Nữ Vương, với kinh cầu Đức Bà, ta thấy có nhiều lời ca tụng Đức Nữ vương.

 Đức giáo hoàng Piô 6 năm 1814, thêm vào kinh Cầu Đức Bà 8 câu tôn vinh Nữ vương:"Nữ Vương các thánh thiên thần" cho đến câu "Nữ Vương các thánh nam cùng các thánh nữ".

Nữ vương các thánh thiên thần.
Nữ vương các thánh Tổ tông.
Nữ vương các thánh Tiên tri.
Nữ vương các thánh Tông đồ.
Nữ vương các thánh Tử vì đạo.
Nữ vương các thánh Hiển tu.
Nữ vương các thánh Ðồng trinh.
Nữ vương các thánh Nam cùng các thánh Nữ.
Nữ vương truyền phép rất thánh Mân côi.

- Đức Lêô 13, năm 1833 thêm: "Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân côi".

Nữ vương chẳng hề mắc tội tổ tông. - Đức Piô 9, năm 1854 thêm: "Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông".

Nữ vương linh hồn và xác lên trời.- Đức Piô 12, năm 1950 thêm: "Nữ Vương linh hồn và xác lên trời".

Nữ vương các gia đình.- Đức Gioan Phaolô 2, năm 1995 thêm "Nữ Vương các gia đình" để cầu cho các gia đình đang gặp nhiều khó khăn giữa thế giới hôm nay.

Đặc biệt, lời ca tụng Nữ vương ban sự bằng yên được Đức Bênêđictô 15, năm 1915 thêm "Nữ Vương ban sự bằng yên".

Và, đặc biệt hơn nữa, trong các giờ kinh gia đình, giờ kinh chúng ta thường nghe thấy câu cuối cùng: “Nữ Vương ban sự bình yên – cầu cho chúng con”. Không chỉ xướng 1 lần mà xướng đến 3 lần.

Điều mà người ta tha thiết nài xin nên người ta mới xướng nhiều đến như vậy. Phải chăng đó là tâm thức của con người, tâm thức của mỗi người chúng ta khi hướng lòng lên với Đức Mẹ.

Thật vậy, Mẹ Maria – Mẹ chúng ta – Mẹ chính là Nữ Vương trời đất.

Maria xứng đáng là Nữ Vương Trời đất bởi lẽ Mẹ đã thưa hai tiếng xin vâng như trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền".

Eva đã xuẩn động bất tuân để làm cho con người trở nên nô lệ của tội lỗi. Chính từ ngày đó, con người đã bất an vì tội lỗi lan tràn mặt đất. Còn Maria – Ave – hai tiếng Mẹ đảo vần đó đã mang lại ơn cứu độ, mang ơn bình an đến cho nhân loại.

Nhìn vào thực tế của cuộc đời, ta thấy con người không thể nào thoát khỏi sự quan phòng, khỏi bàn tay của Thiên Chúa để rồi càng bất tuân, càng hí hoáy lòng ta lại bất an. Càng đi tìm cho mình cái tôi của mình, sự tự do của mình ta lại thấy bất an. Kinh nghiệm rõ ràng nơi Mẹ Maria, ta sẽ bình an khi ta thân thưa với Chúa lời xin vâng như Mẹ.

Và, thật sự là thế, Maria là Mẹ, là Nữ Vương ban sự bình an bởi lẽ trong tâm tình là Mẹ, Mẹ hiểu được lòng con thơ.

Cuộc đời con người, ắt hẳn không có gì quý cho bằng sự bình an trong tâm hồn. Chính vì thế, mỗi người chúng ta nếu muốn bình an thật sự thì hãy đến bên Mẹ, nép mình vào lòng Mẹ và cùng thưa với Chúa lời xin vâng như Mẹ chúng ta sẽ có sự bình an như Mẹ.

Trong tâm niệm, ta hãy cũng niệm lời xướng thật dễ thương: Nữ Vương ban sự bình an – cầu cho chúng con.

Xin Mẹ là Mẹ, là Nữ Vương ban sự bình an luôn che chở chúng con trong vòng tay của Mẹ để đời chúng con mãi mãi được sự bình an.

------------------------------

 

Suy Niệm 21. Này tôi là tôi tớ Chúa


—Lm. Micae Võ Thành Nhân

Ngày 15/ 8 hàng năm, Giáo Hội mừng trọng thể lễ Chúa đưa Mẹ lên trời cả hồn và xác. Chúng ta là con cái của Mẹ, là em của Chúa, chúng ta còn ở nơi trần gian, nơi thung lũng nước mắt, chúng ta khẩn cầu Mẹ luôn: “Nữ vương linh hồn và xác lên trời “. Nghĩa là, sau khi lên trời, Chúa đã tôn phong Mẹ với tước hiệu là Nữ Vương, đặt Mẹ bên cạnh Chúa, để cho cả tạo vật trên trời đưới đất chiêm ngắm Mẹ là một người Mẹ đầy quyền uy, cao sang, từ ái và chúng ta kêu xin Mẹ “ Cầu cho chúng con” (Kinh cầu Đức Bà).

Từ việc chúng ta xưng tụng Mẹ là Nữ Vương linh hồn và xác lên trời, chúng ta lại tiếp tục đọc với một tâm tình của một người con thảo, sốt sắng, và khẩn cầu hàng ngày:

-Nữ Vương các thánh thiên thần.
-Nữ Vương các thánh tổ tông.
-Nữ Vương các thánh tiên tri.
-Nữ Vương các thánh tông đồ.
-Nữ Vương các thánh tử vì đạo.
-Nữ Vương các thánh hiển tu.
-Nữ vương các thánh đồng trinh.
-Nữ vương các thánh nam cùng các thánh nữ.
-Nữ vương chẳng hề mắc tội tổ tông.
-Nữ Vương truyền phép rất thánh Mân Côi.
-Nữ Vương ban sự bình an.

Như vậy, trên thiên quốc, Mẹ quyền thế vô cùng, ngoài Chúa ra thì chỉ có Mẹ mà thôi. Vì thế mà chúng ta biết rằng Chúa đã đặt tất cả các ơn trong tay Đức Mẹ, Mẹ muốn ban cho ai, ban lúc nào, ban cách nào, ban như thế nào, ban bao nhiêu thì tùy ở nơi Mẹ. Do vậy mà chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, khẩn cầu cùng Mẹ, để Mẹ dẫn chúng ta đến gặp Chúa, rồi sau đó, Chúa mới nhờ Mẹ ban ơn cho chúng ta.

Hiện giờ đây, Đức Mẹ là Chúa Bà của chúng ta, vì Chúa là Mặt Trời soi đường ngay nẻo chính đã từ lòng Mẹ sinh ra, chắc chắn với cương vị Chúa đã ban cho Mẹ như thế, Mẹ sẽ thương yêu chúng ta hơn, Mẹ sẽ gìn giữ, bảo vệ, chở che, cứu giúp cùng ban ơn chúng ta. Nhất là Mẹ sẽ giúp chúng ta sống như Mẹ đã sống là luôn thực hiện lời Chúa dạy bảo. Bởi vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, chúng ta phải đi theo sự dẫn dắt của Chúa. Đồng thời, cần phải đi theo con đường Mẹ đã đi là con đường thập giá của Chúa, là con đường từ bỏ bản thân với biết bao nhiêu những tính hư tật xấu, đam mê xác thịt, tham sân si, bài bạc rượu chè hút chích trai gái, gian lận, trộm cắp, chấp nhận gian nan thử thách, giữ đạo Chúa, xa tránh các tội lỗi, chuyên cần thực hiện các nhân đức, thì chúng ta sẽ được Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa, gặp được Chúa sau này.

Lạy Mẹ Maria của chúng con, trần gian chúng con đang sống đây là một biển đời khổ ái. Mẹ đã từng sống và đã vượt qua được để rồi bây giờ Mẹ được sống bên Chúa, được Chúa đặt làm Nữ Vương trời đất. Chúng con cầu khẩn Mẹ, kêu xin Mẹ, xin Mẹ thương đến thân phận tội lỗi của chúng con, xin Mẹ thương chúng con đang còn ở nơi tăm tối mịt mù không lối thoát này mà giúp đỡ chúng con biết luôn hướng lòng lên với Chúa, khẩn cầu Chúa. Xin Mẹ luôn ở bên cạnh chúng con, phù giúp đỡ nâng chúng con, nhất là những lúc chúng con bị bão giông, sóng to gió lớn vây bủa cuộc đời chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con sống đạo tốt để sau này được gặp Chúa, quả phúc của lòng Mẹ, cùng Mẹ ngợi khen, chúc tụng Chúa muôn đời. Amen.

---------------------------------

 

Suy Niệm 22. Đức Maria Nữ Vương


22/08

"Này đây, Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu" (Lc 1,31).

Giáo hội trình bày cho chúng ta thấy Đức Maria là một Eva mới, hoàn toàn trái ngược với Eva cũ, bất tín và bất trung. Đức Maria là người luôn tin tưởng và tùng phục Thiên Chúa trong mọi sự. Vì thế, Mẹ đã trở thành kiểu mẫu của những ai đang trên đường đến với Chúa, và dấn thân cho niềm tin của mình. Để được hạnh phúc và được vinh quang trên trời như hôm nay, Đức Maria đã trải qua bao nhiêu là thử thách, gian khổ và nguy hiểm. Nhưng Mẹ đã trung thành với Thiên Chúa, và sống trọn vẹn cho niềm tin của mình. Cuộc đời của những người Kitô hữu đích thực hôm nay, cũng sẽ không tránh khỏi những gian nan và khốn khó. Vì thế, Theo gương Mẹ, chúng ta cũng hãy trung thành với ơn gọi làm con Chúa trong suốt hành trình về quê trời. Xin cho chúng ta có được lòng can đảm, và một đức tin vững vàng, để chúng ta luôn tìm và sống theo thánh ý Chúa, như Mẹ Maria.

Thnh vịnh 44, 10 viết rằng: “Lạy Cha, bn hữu Ngi, Hồng Hậu snh vai, mặc xim y dệt gấm thu vng, v trang điểm huy hồng rực rỡ Ẫ. Thnh lễ mừng kính Đức Maria Trinh Nữ Vương đ cĩ từ lu, nhưng phải đợi đến năm 1944, Đức Gio Hồng Piơ XII buộc tồn thể Gio Hội mừng kính lễ ny trọng thể trong tồn thể Gio Hội.

KHI NIỆM VƯƠNG QUYỀN CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA:

Với muơn vn tước hiệu Gio Hội v nhn loại cung kính dng ln Đức Trinh Nữ Maria, tước hiệu Nữ Vương Vũ Trụ Trời Đất bao gồm mọi tước hiệu Nữ Vương khc, v tước hiệu ny cĩ nền tảng trong Sch Khải Huyền:Ữ Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trn trời: một người nữ mặc mặt trời, chn đạp mặt trăng, đầu đội triều thin mười hai ngơi saoỮ( Kh 12,1 ) hoặc Ẫ Người mang Danh viết trn o, trn t o của Người: Vua cc vua v Cha cc chaỮ( Kh 19, 16 ). Cha l vua trn hết cc vua. Vương quyền của Ngi vượt trn mọi vương quyền.

Đức Trinh Nữ Maria l Mẹ của Cha Gisu cũng phải được tơn vinh như vậy v nhn loại phải tung hơ vương quyền, tơn nhận Mẹ l Nữ Vương trn hết mọi Nữ Vương. Cha thnh Gim Mục Anphongsơ đệ Liguori đ viết:Ữ Chng ta hy cm tạ Nữ Vương rất dấu yu của chng ta, bởi vì mọi ơn chng ta đợc lnh nhận đều từ tay Mẹ v nhờ lời cầu bầu của MẹỮ ( Vinh Quang Đức Mẹ, II ).Trong kinh lạy Nữ Vương ta đọc thấy:ỮKính cho Đức Nữ Vương, B l Mẹ xĩt thương, Ngọt ngo cho cuộc sống, Kính cho lẽ cậy trơng Ẫ( Salve Regina ). Mẹ Maria được tơn nhận lm Nữ Vương trn thin quốc. Đức Gio Hồng Piơ XII đ thiết lập lễ Đức Maria Trinh Vương v cơng bố tơng thư Coeli Reginam nĩi về Vương Quyền của Đức Trinh Nữ Maria: vương quyền của Mẹ Maria l vương quyền của yu thương v phục vụ.

MẸ MARIA L NỮ VƯƠNG TRỜI ĐẤT:

Trong kinh lạy Nữ Vương chng ta xưng tụngỮ Thn lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, Mẹ l sự sống, sự ngọt ngo v hy vọng của chng conỮ. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đ cứu dn ra khỏi hoạ diệt vong, Nữ Vương cĩ mọi quyền hnh bn Đức Vua v l Đấng bầu cử linh thing nhứt bn cạnh Đức Vua. Ngy nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ v uy quyền của Mẹ bn ngai tịa Cha Gisu. Mẹ l hoa quả tuyệt vời của ơn cứu độ v l hoa tri tuyệt mỹ của thập gi Cha GisuỮ Một người nữ mình mặc o mặt trời, chn đạp vầng trăng, đầu đội triều thin mười hai ngơi saoỮ( Kh 12, 1 ). Mẹ Maria l người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Cha:Ữ Người bảo gì, cc anh cứ việc lm theoỮ( Ga 2, 5 ).

Lạy Cha, Cha đ đặt Thnh Mẫu của Đức Kitơ Con Cha lm Thnh Mẫu v Nữ Vương chng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu m cho chng con đạt tới phc vinh quang Cha dnh sẵn trn trời cho con ci Cha . ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Maria Nữ Vương ).
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

---------------------------------

 

Suy Niệm 23. KHÁI NIỆM VƯƠNG QUYỀN CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA


Thánh vịnh 44, 10 viết rằng: “Lạy Chúa, bên hữu Ngài, Hoàng Hậu sánh vai, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, và trang điểm huy hoàng rực rỡ Ẫ. Thánh lễ mừng kính Đức Maria Trinh Nữ Vương đã có từ lâu, nhưng phải đợi đến năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII buộc toàn thể Giáo Hội mừng kính lễ này trọng thể trong toàn thể Giáo Hội.

KHÁI NIỆM VƯƠNG QUYỀN CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA:

Với muôn vàn tước hiệu Giáo Hội và nhân loại cung kính dâng lên Đức Trinh Nữ Maria, tước hiệu Nữ Vương Vũ Trụ Trời Đất bao gồm mọi tước hiệu Nữ Vương khác, và tước hiệu này có nền tảng trong Sách Khải Huyền:Ữ Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi saoỮ( Kh 12,1 ) hoặc Ẫ Người mang Danh viết trên áo, trên tà áo của Người: Vua các vua và Chúa các chúaỮ( Kh 19, 16 ). Chúa là vua trên hết các vua. Vương quyền của Ngài vượt trên mọi vương quyền.

Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu cũng phải được tôn vinh như vậy và nhân loại phải tung hô vương quyền, tôn nhận Mẹ là Nữ Vương trên hết mọi Nữ Vương. Cha thánh Giám Mục Anphongsô đệ Liguori đã viết:Ữ Chúng ta hãy cám tạ Nữ Vương rất dấu yêu của chúng ta, bởi vì mọi ơn chúng ta đợc lãnh nhận đều từ tay Mẹ và nhờ lời cầu bầu của MẹỮ ( Vinh Quang Đức Mẹ, II ).Trong kinh lạy Nữ Vương ta đọc thấy:ỮKính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, Ngọt ngào cho cuộc sống, Kính chào lẽ cậy trông Ẫ( Salve Regina ). Mẹ Maria được tôn nhận làm Nữ Vương trên thiên quốc. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập lễ Đức Maria Trinh Vương và công bố tông thư Coeli Reginam nói về Vương Quyền của Đức Trinh Nữ Maria: vương quyền của Mẹ Maria là vương quyền của yêu thương và phục vụ.

MẸ MARIA LÀ NỮ VƯƠNG TRỜI ĐẤT:

Trong kinh lạy Nữ Vương chúng ta xưng tụngỮ Thân lạy Nữ Vương, lạy Mẹ từ bi, Mẹ là sự sống, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng conỮ. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong, Nữ Vương có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhứt bên cạnh Đức Vua. Ngày nay, những lời ca tụng Đức Mẹ hướng về vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ và uy quyền của Mẹ bên ngai tòa Chúa Giêsu. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của ơn cứu độ và là hoa trái tuyệt mỹ của thập giá Chúa GiêsuỮ Một người nữ mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi saoỮ( Kh 12, 1 ). Mẹ Maria là người Mẹ đầy uy quyền trước mặt Chúa:Ữ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theoỮ( Ga 2, 5 ).
Lạy Chúa, Chúa đã đặt Thánh Mẫu của Đức Kitô Con Chúa làm Thánh Mẫu và Nữ Vương chúng con. Xin nhận lời Đức Nữ Vương chuyển cầu mà cho chúng con đạt tới phúc vinh quang Chúa dành sẵn trên trời cho con cái Chúa . ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Maria Nữ Vương ).
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
22/8-3. Leã kính Ñöùc Meï Nöõ Vöông Hoøa Bình
VietCatholic News (21/08/2004 )

BÌNH AN

(Bài giảng thánh lễ kính Đức Mẹ, Nữ Vương Hoà Bình,tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, ngày 22/8/2004)
Nhà thờ chánh toà Long Xuyên nhận Đức Mẹ làm Bổn Mạng. Đức Mẹ có nhiều tước hiệu. Nhà: 22/8-2
Nhà thờ chánh toà Long Xuyên nhận Đức Mẹ làm Bổn Mạng. Đức Mẹ có nhiều tước hiệu. Nhà thờ Long Xuyên kính Đức Mẹ mang tước hiệu Nữ Vương Hoà Bình.

Hoà Bình là một khát vọng thiết tha, nhưng lại là một thực tế mong manh.

Mong Manh.

Phúc Âm kể rằng: “Đang khi Đức Giêsu ra khỏi Đền thờ Giêrusalem, thì một môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, Thầy xem: Đá lớn thật! Công trình kiến trúc vĩ đại thật!. Đức Giêsu đáp: con nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, tất cả sẽ bị phá đổ” (Mc 13,1-2).

Khi Chúa Giêsu phán những lời trên, tình hình còn rất ổn định, trong bình an, thịnh vượng. Nhưng chẳng lâu sau, lời Chúa đã ứng nghiệm. Không những đền thờ bị phá, mà dân của đền thờ cũng bị tan tác.

Sự kiện đó cho thấy: Hoà bình cũng như mọi sự gọi là hạnh phúc trên đời đều mong manh.

Suốt cuộc đời tôi như một hành trình dài, tôi đã thấy và đã cảm nghiệm sâu sắc tính cách mong manh, mà Chúa chỉ vào chính đền thờ Giêrusalem để nhắc nhở những người tin theo Chúa.

Bất ngờ.

Không những Chúa nhắc nhở về tính cách mong manh của hạnh phúc đời này, mà còn chỉ rõ tính cách bất ngờ của sự mất đi. Như dụ ngôn Chúa nói về nhà phú hộ. Đang khi ông ta đinh ninh chắc chắn những gì mình có sẽ bảo đảm hạnh phúc lâu dài cho ông, thì Chúa bảo ông: “Đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ông. Những gì ông thu tích sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).

Mong manh và bất ngờ: Hai tính cách đó về cảnh đời Chúa đề cập đến không có nghĩa là Chúa muốn chúng ta đừng lo cho cuộc sống đời này. Dứt khoát là không. Điều Chúa muốn dạy ta là hãy quan tâm nhiều hơn đến việc làm giàu trước mặt Thiên Chúa (x. Lc 12,21), để có bình an thực sự và vững bền.

Thế nào là làm giàu trước mặt Thiên Chúa để có bình an thực sự và vững bền?

Bình an thực và vững bền.

Thiết tưởng đơn sơ chỉ thế này: Có chính Đức Kitô ở trong ta. Người ở trong ta cùng với thánh giá cứu độ của Người. Như thánh Phaolô quả quyết: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá” (Gl 2,19). “Tôi cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ cõi chết” (Pl 3,10-11).

Những dấu chỉ.

Tại Việt Nam nói chung và tại địa phương này nói riêng, những người làm giàu trước mặt Chúa như vừa tả trên đây có đông không?

Tôi không biết con số chính xác. Nhưng tôi dám chắc con số đó không phải là ít. Tôi nhận ra họ ở mấy dấu chỉ này:

1/ Họ thao thức đón nhận Đức Kitô. Qua việc tham dự thánh lễ, rước lễ, viếng Mình Thánh Chúa và cầu nguyện Lời Chúa.

2/ Họ được Đức Kitô ban cho họ một trái tim nhạy bén, dễ xót thương những người đau khổ, những người còn xa Chúa và những người bỏ Chúa.

3/ Họ được tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu chia sẻ cho họ tinh thần hy sinh phục vụ, để họ trở nên khí cụ bình an của Chúa, trong gia đình, xóm ngõ, nghề nghiệp của họ.

Tất cả ba dấu chỉ trên đây của họ thường được Chúa bảo vệ, trong nếp sống khiêm tốn, âm thầm.

Ba giá trị quý giá đó trong nếp sống khiêm nhường đòi nhiều cố gắng, và phấn đấu. Những cố gắng và phấn đấu đó ví như thánh giá. Thánh giá đó đến từ tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu. Thánh giá đó sẽ đưa ta tới vinh quang được chia sẻ từ vinh quang Chúa Giêsu.

Đức Mẹ đã trở nên Nữ Vương Hoà Bình qua con đường thánh giá đó. Vì thế, Đức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình của chúng ta cầm thánh giá trong tay.

Phó thác.

Khi nhìn Đức Mẹ, Nữ Vương Hoà Bình cầm thánh giá, và khi hiểu hoà bình là một ơn Chúa ban cho những ai đón nhận Đức Kitô và thánh giá của Người, chúng ta mới thấy một bí quyết sau cùng, để được bình an. Bí quyết đó là sống đơn sơ bé nhỏ, như trẻ thơ trong tay Mẹ. Tất cả đều được phó thác trong tình Mẹ bao la. Tất cả đều gói trọn trong niềm cậy tin của đứa con yếu đuối luôn sát bên trái tim Mẹ hiền.

Đời ta đã, đang và sẽ trải qua kinh nghiệm này: Xây dựng bình an là việc khó, nhưng bình an thường rất mong manh. Bình an dễ đổ vỡ bất ngờ. Nhưng ai đặt hy vọng vào Chúa, vào Đức Mẹ, sẽ được ơn bình an thực sự và vững bền.
+ GM JB Bùi Tuần


---------------------------------

 

Suy Niệm 24. Đức Maria Nữ Vương


Sưu tầm

(Bài đọc I sách bài đọc tr 197, đáp ca SlGd tr 1431, Phúc âm sách bài đọc tr 32)

1. Lịch sử ngày lễ

Thế kỷ 4, giáo hội Đông phương đã tôn kính Đức Mẹ là Nữ vương trong kinh cầu nguyện, nhưng 22/8-4

- Thế kỷ 4, giáo hội Đông phương đã tôn kính Đức Mẹ là Nữ vương trong kinh cầu nguyện, nhưng chưa có lễ kính.

- Thế kỷ 11, Giáo hội Tây phương mới có các kinh cầu xin cùng Mẹ Nữ Vương.

- Năm 1900, nhiều đơn từ khắp Giáo hội gửi về Rôma tâu xin Đức Thánh Cha thiết lập Lễ Đức Mẹ Nữ Vương cho toàn thể Giáo hội,

- Năm 1925, Đức Piô 11 lập lễ Chúa Kitô Vua, phong trào vận động thiết lập lễ Mẹ Nữ Vương ngày càng lớn mạnh.

- Năm 1933, một đền thờ lớn tại Port-Said gần cửa kênh Suez, Ai Cập, đã được cung hiến Đức Maria, Nữ Vương thế giới.

- Năm 1954, Đức Piô 12 ban hành Thông điệp Ad Coeli Reginam và thành lập Lễ Đức Mẹ Nữ Vương cho toàn thể Giáo hội và mừng vào ngày 31 tháng Năm.

- Năm 1969, theo chiều hướng canh tân Phụng vụ, Đức Phaolô 6 đã đổi lễ Nữ vương sang ngày 22 tháng Tám sau lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời ngày 15 tháng Tám.

Giáo hội Đông phương quan niệm rằng Đức Maria mới thực là Nữ Vương trời đất, nhưng là "Nữ Vương tình yêu xinh đẹp" (Hc 24:18). Thánh Ephrem viết những kinh mô tả Đức Mẹ là Bà Chúa, là Nữ Vương lộng lẫy hơn các thần Cherubim và vinh quang hơn các thần Seraphim, là Mẹ, là Đấng Trung gian. Bên Giáo Hội Đông phương và Giáo hội Tây phương có kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương), kinh Regina coeli (Lạy Nữ Vương Thiên đàng), kinh Ave Regina coelorum (Lạy Nữ Vương trên trời).

2. Ca tụng Đức Nữ vương trong kinh cầu Đức Bà:

- Đức giáo hoàng Piô 6 năm 1814, thêm vào kinh Cầu Đức Bà 8 câu tôn vinh Nữ vương:"Nữ Vương các thánh thiên thần" cho đến câu "Nữ Vương các thánh nam cùng các thánh nữ".

Nữ vương các thánh thiên thần.
Nữ vương các thánh Tổ tông.
Nữ vương các thánh Tiên tri.
Nữ vương các thánh Tông đồ.
Nữ vương các thánh Tử vì đạo.
Nữ vương các thánh Hiển tu.
Nữ vương các thánh Ðồng trinh.
Nữ vương các thánh Nam cùng các thánh Nữ.
Nữ vương truyền phép rất thánh Mân côi.- Đức Leô 13, năm 1833 thêm: "Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân côi".
Nữ vương chẳng hề mắc tội tổ tông. - Đức Piô 9, năm 1854 thêm: "Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông".
Nữ vương ban sự bằng yên.- Đức Bênêđictô 15, năm 1915 thêm "Nữ Vương ban sự bằng yên".
Nữ vương linh hồn và xác lên trời.- Đức Piô 12, năm 1950 thêm: "Nữ Vương linh hồn và xác lên trời".
Nữ vương các gia đình.- Đức Gioan Phaolô 2, năm 1995 thêm "Nữ Vương các gia đình" để cầu cho các gia đình đang gặp nhiều khó khăn giữa thế giới hôm nay.

3. Ta hãy năng đọc kinh Lạy Nữ vương để được Mẹ ban nhiều ơn lành.

Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, thân lạy Mẹ. Chúng con con cháu Evà, ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà; chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương. Hỡi ơi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin nghé mặt thương xem chúng con, đến sau khỏi đầy, xin cho chúng con được thấy Ðức Chúa Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ.

 Ôi khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

4. Truyện thánh:

 1/ Thầy Dòng sợ hãi giờ chết

Trong lịch sử dòng thánh Augustinô, kể tích một thầy dòng đạo đức đã cao tuổi, mắc bệnh nặng sắp chết. Nằm trên giường bệnh, thầy nghĩ đến giờ phải đứng trước toà Chúa phán xét thì lo buồn khiếp sợ. Anh em trong dòng an ủi và khuyên thầy hãy vững vàng tin ở lòng nhân từ vô cùng Thiên Chúa nhưng thầy cũng chẳng bớt sợ hãi lo buồn.

 Có lần thầy quá khiếp sợ đến nỗi phát khóc một hồi lâu. Bỗng chốc Ðức Mẹ hiện ra lấy lời dịu dàng phán bảo rằng: "Ớ con, con đừng sợ! Lúc còn khỏe, ngày nào con cũng đọc kinh Lạy Nữ vương, ước mong được xem thấy Chúa Giêsu Con Mẹ, Mẹ nghe lời con sau khi chết, Mẹ sẽ đưa con về trời xem thấy Chúa Giêsu muôn đời".

 Bệnh nhân bấy giờ mới yên lòng và vững vàng cậy trông cho đến khi nhắm mắt bằng yên trong tay Ðức Mẹ.

2/ Mẹ gật đầu khi nhà dòng hát kinh Lạy Nữ vương:

Trong lịch sử Dòng Đaminh có ghi lại một tích chuyện tỏ ra Đức Mẹ yêu thương, bang trợ những con cái Đức Mẹ là các thầy Dòng Đaminh:

Tại Balê, có một bà quí phái đã giúp công của trong việc xây cất tu viện Đaminh, mệnh danh là nhà dòng thánh Giacôbê. Khi tu viện đã hoàn thành, bà thường đến thông công với các thầy khi nguyện kinh thần vụ, nhất là khi hát kinh Lạy Nữ Vương trước khi ngủ đêm.

Muốn tỏ ra mình thương yêu con cái và trả công cho vị ân nhân, một tối kia, đang khi các tu sĩ hát kinh Lạy nữ vương, Đức mẹ thân hiện ra cho bà quí phái xem thấy cử chỉ, nét mặt nhân từ của Người khi các tu sĩ xưng hô Người là Nữ Vương nhân lành...

Khi hát đến câu: Chúng tôi con cháu Evà ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà", thì Đức Mẹ đặt Chúa Giêsu trên bàn thờ, sấp mình xuống đất cầu xin cho các tu sĩ.

Khi hát câu: Xin ghé mắt thương xem chúng tôi, đến sau khỏi đầy, thì Đức Mẹ âu yếm các tu sĩ như bảo họ " Mẹ là Mẹ Yêu dấu của các con, hãy nhìn ngắm nhan thánh Mẹ ở đời này, nhất là đời sau trên Thiên đàng"

Khi hát câu: Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, thì Đức Mẹ mỉm cười gật đầu tỏ ý hài lòng rồi biến đi.

Đến sau, bà quí phái này đã thuật lại câu chuyện được thấy để phấn khích các tu sĩ dòng tăng bội tình yêu Đức Mẹ.

Sau khi điều tra kĩ lưỡng, nhà Dòng đã truyền ghi tích lạ này vào lịch sử của Dòng để các tu sĩ muôn đời ghi nhớ và thêm lòng kính mến, cậy trông Đức Mẹ, Đấng đã bảo vệ Dòng từ ban đầu và mãi mãi.

(Tháng Mân côi Đức Bà trang 216-218)

---------------------------------

 

Suy Niệm 25. Lời Mẹ kêu gọi


 1/ Trích Truyện Đức Mẹ (bà Agreda)

Sau khi Mẹ về trời cả hồn cả xác, Chúa Ba Ngôi ban cho Mẹ chức làm Nữ vương trời đất, và "đặt trên đầu Mẹ một triều thiên vinh quang cực kỳ lộng lẫy, rạng chiếu luồng sáng tuyệt lạ, sẽ không bao giờ có nữa" (Truyện Đức Me, trang 342)

Mẹ được vinh quang, nhưng Mẹ đau khổ khi nhìn xuống dương gian, Mẹ nói:

"Hỡi con, nếu ở thiên đàng, Mẹ còn có thể phải đau khổ, Mẹ đau đớn nhường nào khi thấy biết bao linh hồn phải hư mất! Trong khi cuộc đời qua đi quá mau chóng như vậy, mà con cái Giáo hội cứ tự vướng mắc vào dò bẫy ma quỉ, mê theo cuộc sống kiêu sa, ve vuốt dục vọng xác thịt, tự lên án phạt mình đời đời, mặc dầu được Chúa ban cho mọi thứ ân sủng. Có lẽ họ ngờ rằng được chết một cách tự nhiên, dứt bỏ được cuộc đời như loài thú là sung sướng rồi. Nhưng không đâu, còn hoả ngục nữa, hoả ngục đời đời sẽ ngốn nuốt họ. Tự lao mình vào đó thật ngu dại tội lỗi chừng nào!

Hỡi phàm nhân lầm lạc, các con cứ nghĩ đi đâu? Các con làm gì thế? Các con có biết thế nào là nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền, là thông phần đời đời vào sự sống và vinh quang của Ngài không? Các con tìm gì để thay vào hạnh phúc vô cùng ấy được? Các con sẽ không thể tìm được một hạnh phúc nào khác đâu. Ai đã làm tâm trí các con mờ đục và mê loạn như thế? Các con cũng phải suy nghĩ cho kỹ rằng lao nhọc ngắn, mà hạnh phúc hay tai họa vĩnh cửu sẽ vô cùng.

Đời sống của Mẹ liên tục chất đầy những đau khổ và khổ đau. Nhưng khi Mẹ đến lĩnh phần thưởng, Mẹ thấy những đau khổ ấy chẳng thấm vào đâu, Mẹ quên chúng đi ngay như là chẳng bao giờ đã phải chịu đau khổ. Cho nên con hãy coi nhẹ mọi thử thách con gặp, sao cho chẳng có gì con lấy làm cam go, mặc dầu phải băng qua lửa thiêu gươm chém: thiên đàng đẹp đẽ lắm, con ơi! Nếu các thánh có thể trở lại trần gian để lập công thêm được một cấp độ hạnh phúc mới nữa, hẳn các ngài sẽ hân hoan chịu hết cả mọi cực hình có thể tưởng tượng ra cho đến ngày phán xét chung.

Thế mà ở trần gian người ta lại nói rằng: "Thôi, rỗi linh hồn là được: vinh quang nhiều hay ít hơn một chút có hệ gì". Giọng điệu đó chỉ có thể giải thích là do điên dại quá mức, là quá thiếu tình yêu mến Thiên Chúa. Tâm địa ấy chứa cả nguy hiểm hư mất đấy.

Nếu người ta chạy lại xin Mẹ cầu bầu cho, có thể không có tình trạng đó, vì Thiên Chúa đã tôn nhận Mẹ làm Mẹ, làm Đấng Bảo Trợ, và làm Trạng Sư cho cả loài người. Lòng lành của Mẹ vượt quá trên ác tâm của họ, ngăn cản được phép công của Chúa, mở được cửa tình thương của Người và đem được người ta vào thông hưởng tình thân ái với Người.

 2/ To The Priests Our Lady's sons )

"22-8-1974 Lễ Mẹ Nữ vương: Hôm nay Giáo hội và cả Thiên đàng tung hô Mẹ là Nữ vương. Quả vậy, vì chính Chúa Giêsu Con Mẹ dành triều thiên vinh quang này cho Mẹ.

"Hỡi con, nếu con biết được Mẹ vinh quang và an ủi chừng nào khi được thống trị như Nữ vương trong tâm hồn con. Ước gì trái tim con, trái tim tất cả các linh mục của Mẹ phải là vương quốc Mẹ thống trị, như thế Trái Tim Mẹ sẽ toàn thắng trong các con Mẹ .

"Mẹ muốn dẫn dắt con đến lòng siêu thoát tất cả và phó thác hoàn toàn...

Có nhiều cách, nhưng chỉ có một con đường duy nhất cho các linh mục yêu dấu của Mẹ, đó là con đường Trái Tim Vẹn sạch và sầu bi Mẹ .

Nơi Trái Tim Mẹ, Mẹ muốn tất cả hãy nên như những trẻ nhỏ, vì thế họ phải biết ở lặng, đừng quá náo động, đừng muốn tổ chức và hành động như người làm chủ, họ chỉ cố gắng trở nên như những trẻ nhỏ, như những con trẻ để cầu nguyện, mến yêu, như những con trẻ để chịu đau khổ với Mẹ và cho Mẹ vì phần rỗi các con cái Mẹ.( số 58)

"Tất cả những người đã được Con Mẹ cứu chuộc đều làn con Mẹ, tất cả, tất cả là con Mẹ đúng nghĩa.

"Cả những người con xa lìa Thiên Chúa , những tội nhân, những người vô thần, những người từ chối Thiên Chúa , những người chống lại Thiên Chúa, và thù ghét ngài. Tất cả đều làn con cái Mẹ .
" Mẹ cần nhiều lời cầu nguyện và nhiều đau khổ để cứu rỗi họ. (số 21).

(To The Priests Our Lady's sons # 56, 58, 21)

---------------------------------

 

Suy Niệm 26. Nữ Vương Hòa Bình


Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương Hòa Bình, Giáo hội Công giáo kính mừng Đức Mẹ với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa vào ngày Tết dương lịch – mồng 1 tháng Một hằng năm, và cũng là ngày cầu xin hòa bình cho thế giới. Nghệ thuật diễn tả Đức Mẹ cầm trái địa cầu có chim bồ câu và cành lá ô-liu, biểu tượng của hòa bình. Lễ Đức Mẹ Hòa Bình được mừng vào ngày 24 tháng 1 hằng năm tại Hawaii và một số nhà thờ tại Hoa Kỳ, những nơi khác mừng vào ngày 9 tháng 7.

Cố NS Hải Linh (1920-1988) đã viết bài Thánh ca “Nữ Vương Hòa Bình”, với giai điệu du dương và lời ca nói lên tâm tình thảo kính của người Việt. Ca từ phần điệp khúc thế này: “Kính mừng Nữ vương, Nữ vương Hòa bình, Nữ vương Hòa bình. Đây bao tâm hồn thao thức, dân con đất Việt nao nức, cất tiếng ca mừng vui: Kính chào Nữ vương Hòa bình. Tung hô Mẹ Maria! Tung hô Mẹ đầy ơn phúc! Mẹ là sáng khắp đất nước bao la! Tung hô Mẹ Maria! Tung hô Mẹ đầy ơn phúc! Đem nguồn sống an vui chan hòa”.

Đức Mẹ Hòa Bình là bổn mạng của Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ, do Peter Coudrin sáng lập tại Paris trong thời Cách Mạng Pháp. Khi dòng này xây nhà thờ Công giáo tại Hawaii, người ta kính dâng quần đảo Hawaii cho Đức Mẹ Hòa Bình che chở. Người ta xây nhà thờ Công giáo đầu tiên tại Hawaii để dâng kính Đức Mẹ. Ngày nay, Nhà thờ Đức Mẹ Hòa Bình ở Honolulu là nhà thờ Công giáo cổ nhất vẫn được sử dụng tại Hoa Kỳ.

Đền thờ EDSA (Epifanio De Los Santos, nghĩa là “quy tụ các thánh”) được dâng kính Đức Mẹ Hòa Bình. Đền thờ này ở Philippine, gần giao lộ các xa lộ. Tại đường phố này, dân Philippine nói rằng Đức Mẹ Hòa Bình đã hiện ra bên những chiếc xe tăng và bộ chỉ huy quân đội tấn công đối phương hồi năm 1986, và đã ngăn chặn được.

Có ba tượng Đức Mẹ Hòa Bình đặt tại Paris và Honolulu. Tượng thứ nhất bằng gỗ được đặt tại Tu viện Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ ở Pháp. Tượng thứ nhì lớn hơn và bằng đồng được đặt trong Thánh đường Đức Mẹ Hòa Bình. Tượng thứ ba được đặt trên Thánh đường Đức Mẹ Hòa Bình.

Tượng Đức Mẹ Hòa Bình nguyên thủy được Đức TGM Paris cho đặt ngày 9-7-1906. Từ đó, cứ đến ngày 9 tháng 7, Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ lại mừng lễ Đức Mẹ Hòa Bình. Trong những năm Thế chiến I, ĐGH Bênêđictô XVI đã thêm lời cầu Đức Mẹ Hòa Bình vào Kinh cầu Đức Mẹ Loreto (*) để dùng trong phụng vụ từ năm 1917.

Thánh GH Gioan Phaolô II đã thánh hiến và dâng kính Thánh đường Đức Mẹ Yamoussoukro cho Nữ Vương Hòa Bình. Đây là đền thờ lớn nhất Phi châu. Các nơi khác trên thế giới, có các nhà thờ mang tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình, nhất là ở Ai-len và Hoa Kỳ, đặc biệt là Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình ở Bray, Co. Wicklow, Ai-len.

Nhà nguyện Foujita ở Reims (Pháp) cũng được dâng kính Đức Mẹ Hòa Bình, để ghi nhớ cuộc tàn phá của vụ thả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Nhà nguyện tại Đại học St. Edward ở Austin (Texas, Hoa Kỳ) cũng được dâng kính Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình.

Tước hiệu Đức Mẹ Hòa Bình thường được thay bằng Nữ Vương Hòa Bình. Đức Maria là Thân Mẫu của “Hoàng Tử Bình An”, tức là Chúa Giêsu, Đấng giao hòa đất trời. Đức Mẹ đã đau khổ đứng dưới chân Thánh Giá nên xứng đáng bảo trợ cho mọi người được hưởng hòa bình đích thực. Ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Mẹ đã cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn bình an. Đức Mẹ cầu xin Chúa cho chúng ta được tinh thần yêu mến, đoàn kết và hòa giả. Đức Maria là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, luôn bình an sống kết hiệp với Thiên Chúa. Có nhiều tông thư của các giáo hoàng đã cầu xin Đức Mẹ can thiệp để có hòa bình.

Hòa Bình thế giới là chủ đề tại Fatima. Điều đó đã ảnh hưởng các phong trào như Đạo Binh Xanh và nhiều phong trào Chuỗi Mai Côi. Đức Mẹ luôn nhắc tới hòa bình trong những lần hiện ra. Đức Mẹ Hòa Bình là bổn mạng của El Salvador. Tại Việt Nam, Đức Mẹ Hòa Bình cũng được đặt lộ thiên trước Vương cung Thánh đường Saigon tại trung tâm thành phố.

Theo tiếng Ả-rập, Hồi giáo nghĩa là “kiến tạo hòa bình”. Hồi giáo do Mohammed sáng lập, coi kinh Koran là sách thánh. Hồi giáo cũng chấp nhận Tân ước của Kitô giáo và Cựu ước của Do Thái giáo là những sách được Chúa Thánh Thần linh hứng. Các tín đồ Hồi giáo, cũng như các tín đồ Do Thái giáo và Kitô giáo, chỉ tin vào MỘT Thiên Chúa. Nhưng qua nhiều thế kỷ, các tín đồ Hồi giáo chiến tranh nhiều với các tín đồ Do Thái giáo và Kitô giáo, hy vọng hòa bình rất ít. Tuy nhiên, kế hoạch hòa bình của Thiên Chúa, liên quan Đức Mẹ, đã được chứng tỏ tại Fatima (Bồ Đào Nha) và ở những nơi khác trên khắp thế giới.

Khi người Hồi giáo chiếm Bồ Đào Nha, làng Fatima bị đổi tên theo Hồi giáo, với tên của Hoàng Tử Yêu Dấu ở Lâu đài Ourem gần đó. Công Chúa chết sau khi kết hôn với Bá tước Ourem, được rửa tội và được đặt tên là Oureana, theo tên khi mới sinh là Fatima, cũng như các cô gái Hồi giáo khác, để tôn kính ái nữ của Mohammed. Trong số con gái của ông, Fatima được Mohammed yêu quý. Mohammed nói: “Trên trời, nó ở chỗ cao nhất, chỉ sau Đức Trinh Nữ Maria”.

Sự thật là người Hồi giáo tới từ nhiều quốc gia, đa số từ Trung Đông, tạo nên số đông khách hành hương đến với Đức Mẹ Fatima khiến chính phủ Bồ Đào Nha phải quan tâm. Sự kết hợp giữa tên theo Hồi giáo lòng sùng kính của Hồi giáo dành cho Đức Mẹ tạo nên sự thu hút mạnh đối vối dân Hồi giáo. Thiên Chúa rất nhiệm mầu. Fatima là một phần trong kế hoạch của Ngài, là niềm hy vọng của thế giới.

Trong kinh Koran, Thánh danh Đức Maria được nhắc tới không dưới 30 lần. Ngoài ra không một phụ nữ nào được nhắc tới, kể cả ái nữ của Mohammed là Fatima. Trong số nam giới, chỉ có Áp-ra-ham, Môsê, và Noe được nhắc tới nhiều lần hơn Đức Maria. Cũng trong kinh Koran, Đức Maria được mô tả là “Trinh Nữ trọn đời đồng trinh”. Niềm tin của Hồi giáo về sự đồng trinh của Đức Maria khiến những người tự nhận mình là Kitô hữu phải hổ thẹn vì đã nghi ngờ hoặc không tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh. Đức Mẹ và các tín đồ Hồi giáo có mối quan hệ đặc biệt!

Thánh địa Giêrusalem là chiến trường giữa người Hồi giáo và người Kitô giáo qua nhiều thế kỷ. Bằng chứng là nhiều nhà thờ đã được Công giáo xây dựng đã bị người Hồi giáo phá hủy, nhưng lại được Thập Tự Quân tái xây dựng, ngày nay cũng vẫn xảy ra. Tuy nhiên, có một ngoại lệ: Đền thờ Thánh Anna ở Giêrusalem vẫn nguyên vẹn.

Thập Tự Quân đã xây dựng và dâng kính Thân mẫu của Đức Maria – Thánh Anna. Tại hầm mộ ở Nhà thờ Thánh Anna, tượng Nhi Nữ Maria vẫn được tôn kính ngay tại nơi Đức Mẹ sinh ra. Lòng sùng kính Đức Mẹ khiến người Hồi giáo không phá hủy nơi sinh của Đức Maria. Nền tảng trong kế hoạch của Thiên Chúa tại Fatima có thể thấy tại Thánh địa, nơi Đức Giêsu Kitô đã sống và thực hiện sứ vụ.

Thế kỷ VIII, khi người Hồi giáo càn quét khắp Tây Ban Nha, một kho tàng tôn giáo lớn được chôn giấu để giữ an toàn, trên núi Estremadura: Tượng Đức Mẹ bế Hài Nhi Giêsu. Đó là tặng phẩm của Thánh GH Grêgôriô Cả dành cho ĐGM Leander, GP Seville. Sau khi lật đổ chế độ của Hồi giáo, người ta phát hiện bức tượng quý này vào năm 1326, ngay sau khi Đức Mẹ hiện ra với một người chăn chiên tên là Gil. Tượng Đức Mẹ được đem về đặt tại một tu viện Phanxicô ở gần “Sông Sói”.

Trong thời gian chiếm giữ Tây Ban Nha, chính người Hồi giáo đã đặt tên cho dòng sông đó. Họ đặt tên theo kiểu của Hồi giáo là “Guadalupe” (nhĩa là Sông Sói – Guada là “sông”, Lupe là “sói”). Từ đó, hình ảnh Công giáo trở thành nổi tiếng ở tây Ban Nha, từ thế kỷ XIV, nhờ cái tên “Đức Mẹ Guadalupe” theo kiểu Hồi giáo – tức là “Đức Mẹ Hoa Hồng”, lễ ngày 12 tháng 12 hằng năm)

Thiên Chúa biết các nhà truyền giáo Tây Ban Nha sẽ phải đối mặt với sự chống đối dữ dội trong “thế giới mới” từ người Aztec ở Ấn Độ. Dân Aztec thờ Tỵ Thần (thần Rắn) bằng đá, thần này bắt người ta phải hy sinh tế thần. Rất khó giành lấy các linh hồn cho Đức Kitô từ những kẻ khát máu đó. Tuy nhiên, với Thiên Chúa thì mọi thứ đều có thể (x. Mt 19:26; Lc 1:37; Mc 10:27). Đức Mẹ hiện đã ra với Juan Diego năm 1531. Đức Mẹ yêu cầu Juan Diego gọi Đức Mẹ là “coatloxopeuh” (phát âm là “te quatlasupe”, theo tiếng Aztec Ấn độ ở vùng Nahuatl nghĩa là “người đạp rắn”). Về lịch sử, đó là một phần văn hóa Aztec thời đó, hằng năm có ít nhất 20.000 người (đàn ông, phụ nữ và trẻ em) phải làm vật hy sinh tế thần.

Chuyện còn nữa. Ngày 7-10-1571, Hải quân Công giáo đã chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Tây ban Nha, Venice, và Genoa, dưới sự chỉ huy của tư lệnh Don Juan, người Áo. Đó là cuộc chiến cuối cùng trên biển, lực lượng Hồi giáo với khoảng 12.000 tới 15.000 Kitô hữu nô lệ. Các tàu chiến Công giáo được “trang bị” bằng Chuỗi Mai Côi của Đức Trinh Nữ Maria.

Biết quân đội Công giáo yếu thế, Thánh GH Piô V kêu gọi cả Âu châu lần chuỗi Mai Côi cầu xin chiến thắng. Ngày nay, chúng ta biết rằng chiến thắng hiển hách đó đã được xác nhận là nhờ Kinh Mai Côi, ngăn chặn được cuộc xâm lăng của quân Hồi giáo ở Âu châu, đó là quyền lực của Thiên Chúa tác động qua Đức Mẹ. Lúc chiến thắng, St. Thánh GH Piô V, ở Vatican cách hằng trăm dặm, đã tuyên bố đó là sức mạnh siêu nhiên. Ngài nói: “Quân đội Kitô giáo đã chiến thắng!”. Và rồi ngài bật khóc trong tâm tình tạ ơn Chúa.

Tại Lepanto, khi chiến thắng quân Hồi giáo nhờ Kinh Mai Côi. Thánh Padre Piô (Piô Năm Dấu), khi đó là linh hướng của Đạo Binh Xanh, đã xác định: “Chuỗi Mai Côi là vũ khí”. Có thể nói rằng Kinh Mai Côi là vũ khí “siêu nguyên tử”. Thật đúng như vậy!

Từ chiến thắng trận Lepanto, Giáo hội mừng kính tước hiệu “Đức Mẹ Chiến Thắng” vào ngày 7 tháng 10. Sau đó, lễ này được đổi thành tước hiệu “Đức Mẹ Mai Côi”, và được mở rộng ra toàn cầu từ năm 1716, thời ĐGH Clement XI. Mở ngoặc: ĐGH Clement XI đã tuyên thánh cho ĐGH Piô V năm 1712.

Tại Fatima, khi được hỏi danh xưng, Đức Mẹ đã nói: “Ta là Mẹ Mai Côi”. Đức Mẹ đã dạy chúng ta hằng ngày phải cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi. Chính Kinh Mai KhCôi là kế hoạch hòa bình của Thiên Chúa, cho chúng ta niềm hy vọng. Tại Fatima, Đức Mẹ cũng đã hứa: Hoán cải các tội nhân và hoán cải nước Nga. Điều gì đến cũng đã đến.

Tuy nhiên, mỗi chúng ta phải nghiêm túc xét lại mình qua ba mệnh lệnh Fatima: (1) Tôn sùng Mẫu Tâm, (2) Lần Chuỗi Mai Côi, và (3) Canh tân đời sống. Được như vậy thì chắc chắn có hòa bình đích thực. Nhưng nên lưu ý, hòa bình có hai dạng: Hòa bình xã hội và hòa bình tâm hồn. Có hòa bình tâm hồn, hòa bình tâm linh, tất nhiên sẽ có hòa bình xã hội. Chiến tranh bom đạm, dù là nguyên tử hoặc hạt nhân, cũng không độc hại bằng chiến tranh tinh thần!

Thánh nữ Maria Faustyna Kowalska (1905-1938) viết trong Nhật Ký: “Tôi càng bắt chước Mẹ Thiên Chúa, tôi càng nhận biết Thiên Chúa – The more I imitate the Mother of God, the more deeply I get to know God” (số 843).

Lạy Đức Mẹ Mai Côi, Nữ Vương Hòa Bình, xin ban hòa bình đích thực cho chúng con, xin cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Kinh cầu này có từ thời Trung Cổ, được ĐGH Sixtô V phê chuẩn năm 1587.
Bài này đã đăng báo Trái Tim Đức Mẹ, Dòng Dồng Công xuất bản tại Hoa Kỳ, tháng 1-2015.
Nữ Vương Hòa Bình: https://www.youtube.com/watch?v=yMYGJNR9aCw

---------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây