Ngày 8/8: Lễ Thánh Đaminh

Thứ tư - 07/08/2024 10:01
Ngày 8/8: Lễ Thánh Đaminh
Ngày 8/8: Lễ Thánh Đaminh
Ngày 8/8-1: Lễ Thánh Đaminh, linh mục
---------------------------------
Mục Lục:

8/8-1: Thánh Đaminh, một vị thánh của kinh mân côi 1
8/8-2: Đaminh, Vị Thánh Của Kinh Mân Côi 3
8/8-3: Thánh DOMINICÔ.. 4
8/8-4: Linh đạo Đaminh. 7
8/8-5: Thanh Đaminh. 10

---------------------------------

 

8/8-1: Thánh Đaminh, một vị thánh của kinh mân côi

 

Mỗi vị thánh đều có những nét đặc biệt trong cuộc sống làm người, trong cuộc sống dấn thân theo 8/8-1

Mt 16, 13-23

Mỗi vị thánh đều có những nét đặc biệt trong cuộc sống làm người, trong cuộc sống dấn thân theo Chúa Kitô. Thánh Phanxicô khó khăn sống một cuộc đời nghèo tột cùng để làm chứng cho Chúa Kitô. Thánh Anphongsô rao giảng Tin Mừng cho những linh hồn bơ vơ tất bạt. Còn thánh Đaminh, Giáo Hội tôn kính hôm nay ngoài những nhân đức tuyệt hảo là trở nên giống Chúa Kitô, thánh nhân còn lừng danh là một vị thánh của kinh mân côi.

Thánh Đaminh được sinh ra trong một gia đình quí tộc. Cuộc đời của Ngài có nhiều triển vọng sẽ trở nên một người có công danh, có địa vị trong xã hội.

Thánh nhân mở mắt chào đời tại Tây Ban Nha vào năm 1170. Ngay từ nhỏ dù gia đình giầu sang phú quí, ăn uống dư thừa, thánh nhân đã có lòng đạo đức và sốt sắng hãm mình để sống kết hợp với Chúa Giêsu trong sa mạc. Ngài có đức tính cương trực, khẳng khái, thích làm việc có lớp lang, khoa học, hệ thống. Thánh nhân luôn chú tâm đến việc trau dồi kiến thức, văn hóa chuẩn bị cho bước đường tương lai. Con đường Chúa dẫn dắt Đaminh quả thực diệu kỳ. Ngài thụ phong linh mục triều để coi xứ, rồi lên chức kinh sĩ . Chúa đưa Đaminh hết nẻo đường này tới nẻo đường khác, Ngài như nghe được tiếng gọi từ đáy thâm sâu tâm hồn: ra đi truyền giáo cho các bộ lạc bên nước Nga. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, Đức Giáo Hoàng Innocentê III lại sai Ngài tới miền Toulouse, nước Pháp, nơi đang có nhiều làn sống ly giáo, lạc giáo xâm lấn, phá phách, lung lạc đức tin của nhiều người Kitô hữu. Ngài ý thức, công việc rao giảng Tin Mừng và khuyên nhủ các người lạc giáo trở về với Giáo Hội không phải là việc một sớm một chiều có thực hiện được. Nhưng nó đòi hỏi lời nói phải đi đôi với cuộc sống.

Thánh Đaminh đã lập Dòng Đaminh. Ngài cảm nghiệm sâu xa lời của Chúa: Hãy sống hiền lành và khiêm nhượng. Thánh nhân đã thúc giục các anh em của mình hăng say truyền bá Tin Mừng và sống khó nghèo như các môn đệ của thánh Phanxicô khó khăn.

Vào năm 1216, Đức thánh Cha Honoriô III đã chấp thuận và châu phê luật Dòng của Ngài. Thánh Đaminh đã luôn xác tín lời giảng dậy và cuộc sống theo 3 lời khuyên của Tin Mừng chính là linh hồn của mọi hoạt động, mọi công việc loan báo Tin Mừng. Thánh nhân chỉ được sống vỏn vẹn có 5 năm để chu toàn sứ mệnh của Đấng sáng lập Dòng.

Cuộc đời tại thế của thánh nhân là gương sáng tuyệt vời để nhiều người noi theo, bắt chước. Một trong những nét đẹp trong cuộc đời của thánh Đaminh là hy sinh và cầu nguyện. Thánh nhân đã nêu cao một đời sống hiến thân trọn vẹn cho Chúa. Ngài đã rảo quanh nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ý và Tây Ban Nha để nhờ ơn Chúa giúp đưa vô số những người lạc giáo trở về với Giáo Hội.

Để làm được công việc đó, thánh Đaminh đã thành lập Dòng nữ Đaminh với tôn chỉ sống tuyệt đối theo 3 lời khuyên Phúc Am, đồng thời loan truyền lòng tôn sùng Đức Mẹ và truyền bá tràng chuỗi mân côi.

Thánh Đaminh đã bám chặt lấy Đức Mẹ vì Ngài hiểu Mẹ Maria ở đâu, Chúa Giêsu cũng ở đó. Kinh mân côi là sợi dây xuyên suốt để các tu sĩ nam và nữ Dònhg Đaminh bền dỗ trong ơn gọi tận hiến của mình. Thánh nhân đã truyền bá lòng sùng kính Đức trinh nữ Maria và khuyên siêng năng lần hạt mân côi . Biết bao nhiêu người đã gặp được Chúa, ăn năn trở lại, sám hối nhờ tôn kính Đức Mẹ và nhờ việc siêng năng lần hạt mân côi.

Ngày 6/8/1221,thánh nhân qua đời tại Bologne nước Ý . Năm 1234, Đức Thánh Cha Grêgoriô IX tôn phong Đaminh lên bậc hiển thánh. Cuộc đời của thánh Đaminh không dài lắm từ 1170-1221, thánh nhân đã để lại gương sáng tuyệt vời về đời sống dựa theo Tin Mừng và Ngài đã loan truyền cách rất thành công lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria và khuyến khích, thúc giục mọi người năng lần chuỗi mân côi vì tràng chuỗi mân côi là khí giới của sự an bình, giây bền đỗ cho con người.

Xin thánh Đaminh cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con luôn tin tưởng vào Chúa .

Xin cho chúng con luôn biết tôn sùng Đức Mẹ và siêng năng lần chuỗi mân côi để ơn bền đỗ được bảo toàn.


Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

---------------------------------

 

8/8-2: Đaminh, Vị Thánh Của Kinh Mân Côi

 

Đaminh, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, mở mắt chào đời năm 1170 bên Tây Ban Nha: 8/8-2


Đaminh, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, mở mắt chào đời năm 1170 bên Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc, nhưng ngay từ nhỏ, Đaminh đã tập quen sống hãm mình. Ngoài ra, Đaminh có tính khẳng khái, thích làm việc có hệ thống và chú ý đến việc trau dồi kiến thức.

Khi làm linh mục, rồi kinh sĩ, Đaminh nổi bật về lòng ngay thẳng, hăng hái và tinh thần hy sinh. Ngài cảm thấy như được Chúa gọi đi để loan báo Tin Mừng cho các bộ lạc bên nước Nga, nhưng Đức Innocentê thứ 3 lại cử ngài đến hoạt động tại Toulouse bên Pháp, nơi những làn sóng lạc giáo đang làm lung niềm tin của nhiều người.

Đaminh xác tín rằng: Lời giảng dạy phải đi đôi với cuộc sống. Vì thế, ngài đã lập một hội dòng, quy tụ các tu sĩ sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm để có thể rao giảng, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống của mình. Chính Đaminh đã là người đầu tiên làm gương về nếp sống ấy bằng cách đi chân không, ngủ dưới đất, ăn chay và sống bằng của bố thí.

Vào năm 1216, Đức Hônôriô thứ 3 đã phên chuẩn dòng do cha Đaminh sámg lập mang tên "Dòng anh em giảng thuyết" thưo quy luật của thánh Augustinô, tức là dòng Đaminh ngày nay. Thiên Chúa chỉ dành cho cha Đaminh 5 năm vắn vỏi để chu toàn sứ mệnh của người gieo giống. Suốt thời gian này ngài đã rảo qua các nước Pháp, Italia và Tây Ban Nha để rao giảng và đã đưa nhiều người ly giáo trở về với Giáo Hội.

Trong suốt cuộc sống, Đaminh đã nêu cao gương hy sinh và cầu nguyện. Ngoài ra, ngài còn truyền bá lòng sùng kính Đức Maria và kinh Mân Côi, vì thế, ngài đã thành lập một dòng nữ để giúp chị em sống theo tinh thần này.

Cha Đaminh qua đời tại Bologna bên italia ngày 06/8/1221 và chỉ 13 năm sau, vào năm 1234, Đức Gregoriô thứ 9 tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.

Có một câu chuyện thuật lại giấc mơ của thánh Đaminh: Ngài thấy thế gian sắp bị án công thẳng của Thiên Chúa luận phạt, nhưng được cứu thoát nhờ lời cầu bàu của Đức Maria. Đức Mẹ chỉ cho Chúa Giêsu hai hình ảnh: một hình ảnh là chính Đaminh và hình ảnh kia là một người ăn mày quần áo rách tả tơi.

Ngày hôm sau, trong lúc cầu nguyện trong nhà thờ, Đaminh thấy người ăn mày trong mộng xuất hiện, tiến đến gần, ôm chầm Đaminh và nói: "Anh là người đồng hành với tôi. Nếu chúng ta cùng sánh vai tiến bước, thì không quyền lực nào có thể thắng chúng ta". Nhìn kỹ, Đaminh nhận ra người ăn mày đó chính là Phanxicô thành Assisi.

Cuộc gặp gỡ này của hai vị sáng lập dòng vẫn được các tu sĩ Đaminh và Phanxicô mừng mỗi năm. Vào ngày lễ kính hai thánh nhân, họ cùng nhau dâng Thánh Lễ và sau đó ngồi vào bàn để chia sẻ với nhau những tấm bánh và những lý tưởng đã làm cho Giáo Hội trở nên phong phú trong việc sống theo tinh thần Phúc Âm trải qua 7 thế kỷ nay.

Lý tưởng mà dòng Đaminh cũng như của các dòng khác không phải chỉ để chúng ta kính phục, nhưng cũng là để chúng ta noi gương. Các tu sĩ là những người tự nguyện sống trọn những lời khuyên của Phúc Âm qua ba lời khấn: khó nghèo, thanh tinh, vâng lời. Đó cũng là ba nhân đức mà mỗi người Kitô cũng phải thực hành tùy sức, tùy hoàn cảnh và địa vị của mình.
Sách Lẽ Sống Đài Chân Lý Á Châu

---------------------------------

 

8/8-3: Thánh DOMINICÔ


(1170 - -1221)

 

Thánh Đôminicô sinh tại Castille, năm 1170. Truyện về tuổi trẻ của Ngài nói tới nhiều điềm báo: 8/8-3


Thánh Đôminicô sinh tại Castille, năm 1170. Truyện về tuổi trẻ của Ngài nói tới nhiều điềm báo lạ lùng. Mẹ Ngài, bà Aza mơ thấy con mình như một con chó ngậm đuốc chạy khắp cả thế gian. E ngại vì giấc mơ này bà làm tuần cửu nhật xin cho được sinh nở vuông tròn đến ngày thứ bảy, vị chánh sở nói với bà:

- Đừng sợ gì vì đứa trẻ sinh ra sẽ trở thành ánh sáng thế gian và niềm an ủi cho Giáo hội, nhờ sự thánh thiện và giáo thuyết của nó.

Khi trẻ Đôminicô còn nằm trong nôi, một bầy ong mật lượn quanh rồi êm ái đậu xuống nơi nôi Ngài. Điều này báo trước rằng lời lẽ miệng Ngài sẽ êm dịu như mật ngọt. Ngày chịu phép rửa tội, vú nuôi Ngài thấy một vì sao chói sáng trên trán Ngài. Đó là dấu ơn thánh Ngài sẽ tỏa chiếu để thu hút các linh hồn.

Được cưng chiều, thánh Đôminicô sớm sống đời khổ hạnh. Ngài học hãm mình cầu nguyện khi vừa thôi nôi. Người vú nuôi nhiều lần thấy Ngài âm thầm thức dậy trong đêm tối để cầu nguyện. Ngài chọn một nơi thanh vắng ở cuối vườn làm nơi tâm sự với Chúa. Đức Trinh nữ thường hiện ra với Ngài, dạy Ngài lần chuỗi. Việc đạo đức này về sau trở thành phương thế hữu hiệu để cải hóa những người theo lạc giáo.

Đến tuổi đi học, Đôminicô được gởi tới thụ giáo với ông cậu là tổng linh mục ở Gumiel. Năm 14 tuổi, Ngài theo học tại đại học ở Palencia và đã tiến triển rất nhanh về hiểu biết lẫn nhân đức. Nạn đói lan tràn nước Tây Ban Nha, một người bạn đến thăm Đôminicô không thấy đồ dùng lẫn những pho sách quí đâu nữa. Ngài đã bán để giúp người nghèo khó rồi. Gương sáng này đã lôi kéo được nhiều sinh viên lẫn các giáo sư bắt chước.

Sau khi hoàn tất việc học, Đôminicô được đức Chadiegô, giám mục Osma truyền chức linh mục. Vị giám mục đạo đức này đang muốn canh tân lòng đạo đức trong giáo phận, đã đặt  cha Đôminicô làm kinh sĩ. Khi lo chuyện nhà nước qua Châu Au, đức cha Diegô dẫn cha Đôminicô đi theo. Tại Languedoc, các Ngài được chứng kiến được tàn phá mà bè rối Albigeois gây ra. Họ chủ trương rằng: mọi vật chất đều xấu và do ma quỉ. Sự hoàn thiện theo họ, hệ tại sự từ bỏ phi nhân bản để sống khắc khổ. Chủ trương này dẫn tới sự lãnh cảm. Chẳng hạn đối với việc hôn nhân và chôn vùi mọi cơ cấu xã hội gia đình. Họ còn có lễ nghi, và phẩm trật riêng. Người ta bị phân thành hai loại: một bên gồm những người hoàn thiện và những nhà lãnh đạo sống rất khắc khổ; bên kia là quần chúng tìm thấy nơi giáo thuyết mới lý do bào chữa cho sự tự do luân lý không bị kiềm chế của mình.

 Trên đường về, đức cha Diegô và cha Đôminicô đến Roma xin từ nhiệm để dấn thân vào cuộc truyền giáo quanh vùng Dniepen. Đức giáo hoàng Innocentê III từ lâu đã mong có người ra đi rao giảng tại miền nam nước Pháp, chống lại ảnh hưởng của bè rối Albigeois, thay vì chấp nhận lời thỉnh cầu, Đức giáo hoàng sai các Ngài tới miền nam nước Pháp. Hai người đã tới phụ lực với các sứ giả đã được sai tới trước kia. Tại Montpellier, đức cha Diegô đã nhận thấy sự khác biệt giữa các nhà giảng thuyết công giáo đầy xa hoa với các nhà giảng thuyết phái Albigeois đầy khiêm tốn giản dị. Các Ngài chọn đường lối khác, lấy khó nghèo và cầu nguyện làm gương sáng thu hút mọi người. Tháng 4 năm 1207, nhiều tu sĩ Xitô đến trợ lực. Trong vòng một năm trời, có đến 40 vị dấn thân vào hoạt động. Những thành công sơ khởi bắt đầu tới, nhưng không kéo dài được lâu. Các tu sĩ Xitô nản lòng. Đức cha Diegô trở về Tây Ban Nha kiếm thêm người trợ lực và qua đời tại đây. Một vị sự thần cũng từ trần. Tệ hại hơn cả là Phêrô Castelman, vị sự thần khác, bị bọn lạc giáo ám sát.

Còn lại mình cha Đôminicô. Ngài vẫn tiếp tục nhiệt tình hoạt động trong đường lối khổ hạnh và cầu nguyện. Không chấp nhận kiểu rao giảng khua trống gióng chiêng, Ngài nói:

- Không thể đến với kẻ thù như vậy được. Hãy trang bị bằng kinh nguyện và chân không mà đến với tên khổng lồ Goliath.

Trong sáu năm, cha Đôminicôp trải qua nhiều sóng gió, ngay khi mới tới, đức cha Diegô và Ngài đã thiết lập một cộng đoàn nữ tu tại Prouille. Bây giờ Ngài chỉ còn là trợ lực duy nhất, một ngày kia trong khi nhiệt tình cầu nguyện, thánh nhân than thở tại sao số người lạc giáo quá nhiều mà trở lại thì quá ít. Đức Trinh nữ đã hiện ra và dạy Ngài hãy rao giảng phép lần hạt Mân Côi. Vâng lời Mẹ, thánh nhân dồn nỗ lực vào việc truyền bá sự sùng kính kỳ diệu này, thay vì tranh luận như trước, Ngài dạy dân chúng hiểu phương pháp và tinh thần khi lần chuỗi. Ngài dẫn giải cho họ các mầu nhiệm thánh. Kết quả thật lạ lùng. Sau một thời gian ngắn, thánh Đôminicô đã được an ủi khi thấy hơn một trăm ngàn người tội lỗi và những kẻ lạc giáo được đưa trở về với Giáo hội.

Hoàn thành sứ mệnh, thánh Đôminicô có ý định thành lập một dòng tu làm vườn ươm các tông đồ. Ngài trình bày dự tính với Đức giáo hoàng Innocentê III. Nhưng đức giáo hoàng ngần ngại. Đêm sau Ngài mơ thấy đại giáo đường Lateranô bị rung chuyển và thánh Đôminicô đưa vai chống đỡ bức tường cho khỏi sụp đổ. Biết ý Chúa Ngài cho gọi thánh nhân đến và chấp thuận cho lập dòng mới. Đây là dòng giảng thuyết.

Khi còn ở Roma, một đêm kia, trong lúc cầu nguyện, thánh Đôminicô thấy Chúa Giêsu giận dữ muốn phóng ba ngọn đuốc xuống thiêu hủy thế gian:

- Loài người lao mình vào nết xấu kiêu căng nhục dục và biển lận, nên Ta muốn hủy diệt chúng bằng 3 ngọn lửa này.

Nhưng đức trinh nữ cản lại:

- Con ơi, hãy thương xót thế gian. Này đây có hai người sẽ làm sống dậy các nhân đức.
Đôminicô biết mình là một, nhưng người kia là ai thì chưa rõ. Hôm sau khi đến nhà thờ Ngài gặp một tu sĩ, mặc đồ người ăn xin ngồi ngay cửa. Đó là thánh Phanxicô. Hai người chưa gặp nhau, nhưng đã ôm choàng lấy nhau và gọi tên nhau. Các Ngài hợp nhất với nhau trong công cuộc của Chúa.

Thánh Đôminicô đề cao việc học, Ngài gởi các tu sĩ đến các đại học, Ngài truyền:

- Chớ gì các tu sĩ chuyên cần học tập ngày đêm. Lúc ở nhà cũng như khi đi ngoài đường, họ phải không ngừng đọc sách và suy gẫm.

Thánh Đôminicô rảo qua khắp nẻo trên đường giảng dạy, một thanh niên ngây ngất hỏi Ngài đã học cách nào, Ngài nói:

- Hỡi con trong sách đức ái đó, sách này hơn mọi sách dạy bảo tất cả.

Một năm trước khi qua đời, các cha dòng Đôminicô đã được sai tới Oxfor, Amgaria, Đan mạch và Hy lạp.

Thánh Đôminicô qua đời tại Bologna ngày  6 tháng 8 năm 1234. 

---------------------------------

 

8/8-4: Linh đạo Đaminh

 

Không phải là một nhà chiêm niệm nhưng là một mục tử. Lời di chúc cuối cùng: “Anh em: 8/8-4


Không phải là một nhà chiêm niệm nhưng là một mục tử.

Lời di chúc cuối cùng: “Anh em thân mến Không phải là một nhà chiêm niệm nhưng là một mục tử.

Lời di chúc cuối cùng: “Anh em thân mến. Đây là những gì Cha để lại cho anh em để anh em giữ lấy như là con có quyền thừa kế:

Anh em hãy sống bác ái
Hãy giữ lòng khiêm tốn
Hãy tự nguyện giữ đức thanh bần – khó nghèo.”

Đây không phải là những gì rút ra từ sách vở, mà là kết tinh của cả một cuộc sống mà chính Ngài đã nỗ lực thực hiện trong suốt một cuộc đời 51 năm – hơn một nửa thế kỷ.

Đọc kỹ cuộc đời của ngài để rút ra những nguyên tắc làm linh đạo cho cuộc đời của mình.

Xác định cho mình một vị trí rất rõ ràng: Trước Thiên Chúa, trong Giáo Hội, và bên cạnh những người khác.

A- Truớc Thiên Chúa.

1. Như một thụ tạo, một thụ tạo cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.

Câu chuyện: Kẻ tội lỗi nhất trên đời.

2. Một thụ tạo không có gì cả. Tất cả là do Thiên Chúa ban cho.
3. Gần gũi, tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa như một người Cha/Con.

a. Gần gũi Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện.

- Thường không chuẩn chước cho mình những giờ cầu nguyện.
- Truớc khi chết cầu nguyện suốt đêm.

b- tin tưởng – phó thác nơi Thiên Chúa

Khi được hỏi về các phương tiện phải có để đưa cuộc thánh chiến đến thành công, tại cuộc họp do thánh bộ tổ chức, Đaminh đứng dậy nói với tất cả các vị chức sắc: “Xin các  ngài hãy giải tán đoàn hùng binh của các ngài đi. Hãy lội bộ qua các nẻo đường để rao giảng Tin mừng của Đức Kitô khó nghèo và bị ruồng bỏ. Tất cả bộ vó giầu sang kia chỉ làm cho các ngài tê liệt. Các Ngài mang nặng quá nên không thể được lôi cuốn vào trong cuộc chinh phục các linh hồn”

B. Trong Giáo Hội

1- Như một thành viên của Gia đình Giáo Hội

a. Như một người con.
Giáo Hội không phải là của tôi
mà tôi là Giáo Hội
Giáo Hội là tôi.

b. Không đứng ngoài.
c. mà luôn hiệp thông: cùng vui, cùng đau khổ

2. Tìm mọi cách để sống mầu nhiệm Giáo Hội

a. Bôn ba khắp nơi rao giảng Tin Mừng với mục đích cho Giáo Hội được vùng lên

b. Ra sức hàn gắn những vết thuơng như lá các bè rối.
- Bằng cầu nguyện
- Bằng rao giảng
- Bằng tiếp xúc.

Tại Toulouse, Ngài vào một quán trọ gặp một người rối đạo. Sau một đêm, người đó xin trở lại.

c. Ra sức xây dựng Giáo Hội: Lập ra Dòng Anh Em Thuyết Giáo.

C. Bên cạnh những người khác như anh em. Muốn được như thế phải biết cách sống.
1. Không coi mình như một kẻ có quyền mà coi mình như một người phục vụ.

a. Tại các tu viện không có phòng riêng cho Anh Đaminh

b. Có thói quen thường chuẩn chước cho các tu sĩ của mình ăn chay hãm mình.

Nhưng chín ngài thì không bao giở bỏ.

c. Không bao giờ nghĩ đến những tiện nghi các nhân nhất là những kiểu cách của những người giầu có.

2. Sống đơn sơ chân thành với tất cả mọi người.

Trong cuốn “Thơì khai nguyên dòng thuyết giáo có ghi lại một nhận xét về cuộc đời của ngài như sau: “Cha được mọi người hết lòng qúi mến vì nếp sống đơn sơ, không bao giờ tỏ ra một d6áu ẩn ý hay giả bộ nào trong lời nói cũng như trong việc làm”

3. Hết lòng yêu thương mọi người.

a. Từ tâm với những người đau khổ.
b. Vui với người vui, khóc với những người kóc.
c. Đặc biệt luôn gần gũi với những người bị bỏ rơi.       

------------------------------

 

8/8-5: Thanh Đaminh.

 

Thánh Đaminh sinh tại Cát-tin nước Tây ban nha, năm 1170. Ngay từ lúc còn nhỏ, thánh nhân: 8/8-5


Thánh Đaminh sinh tại Cát-tin nước Tây ban nha, năm 1170.

Ngay từ lúc còn nhỏ, thánh nhân đã mến mộ sự học hành, cầu nguyện, hãm mình, sống khắc khổ và yêu thương người nghèo. Mỗi ngày đều có giờ nhất định để cầu nguyện và ngài ăn chay hãm mình luôn. Ngày kia có người đến xin Ngài giúp đỡ để chuộc lại đứa em bị bắt, ngài không còn tiền cho người ấy, vì đã bố thí hết, nên nói:

- Tôi không còn tiền, nhưng này chị hãy dẫn tôi nộp cho người ta, để chuộc em chịt về.
Người này không thể chấp nhận được đề nghị đó, nhưng lòng hết sức cảm phục sự hy sinh cao độ của Ngài.

Vì muốn dâng mình giúp việc Chúa, nên thánh nhân được gọi đến thụ giáo với một Linh Mục ở Gu-mi-en. Năm 14 tuổi, Ngài gia nhập Đại chủng việc tại Pa-len-ci-a. Sau khi hoàn tất việc học, Ngài được Đức Cha Đi-ê-gô truyền chức Linh Mục. Và vì thấy ngài thông minh nhân đức, nên Đức Giám Mục đặt ngài làm Kinh sĩ ở Ốt-ma.

Lúc Đức Cha sang Pháp lo việc mục vụ, thánh nhân được dẫn theo. Trong thời gian ở đây, ngài thấy tận mắt những khó khăn do bè rối Albigeois gây ra cho Hội Thánh. Họ chủ trương tất cả những gì thuộc về vật chất đều xấu xa: muốn hoàn thiện phải tận diệt vật chất, sống hoàn toàn khắc khổ. Ngài quyết định đem hết khả năng chống lại chủ trương sai lạc của họ. Nhưng nhận thấy một mình không thể đương đầu với sức bành trướng quá mạnh của họ nên ngài kêu gọi nhiều nhà truyền giáo nhiệt thành cộng tác. Đó là những người sau này sẽ trở nên tu sĩ hội dòng Ngài sáng lập, gọi là “dòng anh em thuyết giáo”.

Một cộng tác viên của ngài kể lại:

“ Đaminh có một đời sống luân lý, một lòng sốt sắng kính mến Chúa mãnh liệt, đến nỗi hiển nhiên ai cũng thấy ngài là tác phẩm của sự cao trọng và ơn thánh. Ngài có một tâm hồn bình thản đến nỗi chỉ rộn lên khi phải trắc ẩn và thương xót. Và vì tâm hồn hân hoan thì làm cho bộ mặt rạng rỡ, nên ngài cũng để lộ sự bình thản của tâm hồn ngài ra trên nét mặt hiền từ và vui tươi của Ngài.

“Đâu đâu ngài cũng tỏ ra một con người của Tin mừng, cả trong lời nói lẫn hành động..

“Ngài năng dâng lên Chúa lời cầu xin đặc biệt này là cho ngài được lòng bác ái chân thật, có khả năng săn sóc và đem lại phần rỗi cho người ta. Ngài nghĩ mình sẽ thật là chi thể của Chúa, nên tiên vàn mình đem hết sức lực mình ra cứu rỗi các linh hồn, giống như Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc moị người, đã tận hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Và chính để làm công việc ấy mà theo ý Chúa an bài sâu xa, Ngài đã lập ra “Dòng Anh em Thuyết Giáo”

Suốt sáu năm trời, thánh nhân dâng lời cầu nguyện, sự hy sinh kèm theo lời rao giảng kêu gọi moị người trở về với đức tin chân chính, nhưng kết quả không được bao nhiêu. Ngài buồn sầu than thở với Mẹ Maria và được Mẹ dạy bảo hãy rao giảng và cổ động mọi người lần chuỗi Môi khôi, để nhờ đó Mẹ cầu cùng Chúa cho những người lầm lạc trở về với Hội thánh. Vâng lời Đức Mẹ, ngài đem hết khả năng truyền bá chuỗi Môi khôi, giải thích các mầu nhiệm thánh, kêu gọi mọi người thực hành việc đạo đức này. Kết quả thật là lùng! Không bao lâu, những người tội lỗi và kẻ lầm lạc ăn năn trở về với Chúa. Thánh nhân hết sức vui mừng, tạ ơn Chúa và tri ơn Đức Mẹ.

Năm 1215, thánh nhân đến Roma, xin Đức Hô-nô-ri-ô thứ 3 châu phê luật dòng vào ngày 22/10/1216. Từ đó dòng phát triển mạnh mẽ và có mặt trên khắp thế giới .

Thánh nhân qua đời tại Bo-li-nha ngày 6 tháng 8 năm 1221. Năm 1231 Đức Thánh Cha Grêgôriô thứ IX đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.   

---------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây