Các thánh là những người đã noi gương bắt chước Chúa Giêsu tới tận cốt lõi của Người. Nói một: 1/8-1
Các thánh là những người đã noi gương bắt chước Chúa Giêsu tới tận cốt lõi của Người. Nói một cách khác, các thánh là những người đã họa lại chính hình ảnh của Chúa Giêsu cứu thế đến nỗi thánh Phaolô đã có thể thốt lên: "Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi " hoặc " Anh em hãy bắt chước Thầy,như là Thầy đã bắt chước Đức Kitô "( 1 Co 11,1 ). Thánh là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô . Đọc Cựu ước ngay những trang đầu của sách Khải nguyên, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Người. Chúa muốn tất cả mọi người đều trở nên giống Ngài. Mỗi đời sống Kitô hữu đều là ngọn đèn sáng được thắp lên từ ánh lửa phục sinh, được thắp lên bằng ngọn lửa Tin, Yêu . Ngọn lửa này,con người có thể cho nó bùng lên giữa dòng đời, giữa cuộc sống thế tục hay nó được dâng hiến cho tình yêu trong đời sống hiến thân phục vụ cho tha nhân, cho mọi người trong đời sống dâng hiến . Đời sống theo Chúa, sống tình yêu bền bỉ của Chúa như cha Henri J.M Nouwen đã viết:
" Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa là tình yêu vĩnh cửu, tình yêu không hư, không nát "( The Inner of Love ). Thánh Phaolô viết:"Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi ". Chính vì thế, hôm nay Giáo Hội và đặc biệt các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế trên khắp thế giới tôn vinh một Con Người, đã hoàn toàn trở nên giống Đức Kitô trong các nhân đức, tới mức độ hoàn thiện.Thánh Anphongsô có thể ví được như một ngọn nến sáng được đốt lên từ ngọn lửa cháy bừng là Chúa Giêsu phục sinh để nối lửa cho nhiều người và nối lửa cho đời bằng chính sự thánh thiện và sự sống của mình: sự sống bắt nguồn từ Chúa sống lại . Đã hơn hai trăm năm qua, thánh Anphongsô đã để lại cho Giáo Hội, cho nhân loại và cho các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế do Người thiết lập một mẫu gương thánh thiện không bao giờ có thể tàn phai . Mẫu gương được gọt dũa, được chạm trổ đến nỗi hiện nguyên hình Đấng Cứu Thế Giêsu . Gương của Người làm nổi bật bộ mặt tràn đầy yêu thương của Chúa Cứu Thế vì chính nơi Chúa: " Ơn cứu chuộc chứa chan" . Thánh Anphongsô đã chỉ cho nhân loại,cho người nghèo và cho các đệ tử của Người biết đâu là Tình Yêu của Chúa Giêsu .Tình yêu hy sinh đến tận hiến cả thân xác mình trên thập giá: "Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu"( Ga 15, 13 ).Thánh Anphongsô đã vạch ra cho nhân loại con đường theo Chúa : " Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình,vác thập giá của mình mà theo Ta "( Lc 9, 23 ). Nên, thánh Anphongsô,hôm nay đã giơ tay cao, đã chỉ cho các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế của Ngài nhớ về cội nguồn của mình. Cội nguồn mà chính thánh Anphonsô đã lập ra một Dòng mang tên Chúa Cứu Thế vào năm 1732 với bao nhiêu thăng trầm,bao nhiêu khó khăn, thử thách.
Thánh Anphongsô đã viết nên trang sử oai hùng cho đời mình,cho Dòng mình sáng lập . Với 16 tuổi đời, hai bằng tiến sĩ luật đạo và đời đã hé mở tương lai rạng rỡ cho cuộc đời thăng tiến của Anphongsô. Vinh quang vẫn là thách đố lớn nhất đối với gia đình của Anphongsô. Cha của Người không đồng ý cho Anphongsô tận hiến cuộc đời cho Chúa. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu ,một vụ kiện, đáng lẽ Anphongsô phải thắng, nhưngẨvẫn là đường lối quan phòng kỳ diệu của Chúa,thánh Anphongsô đã từ bỏ pháp đình, từ bỏ tất cả . Với sự nhất quyết theo chân Chúa, Anphongsô đã thắng cả sự ngăn cản của người cha và Người đã quyết định dứt khoát đi vào con đường hẹp .Thánh Anphongsô , sau khi học xong triết và thần học, đã lãnh nhận sứ vụ linh mục vào ngày 21 tháng 12 năm 1726 . Người đã chuyên cần giảng dậy và khuyên bảo mọi người thay đổi, tiến bước trên con đường nên thánh. Vì chính Người,sau một cuộc thua kiện đã thay đổi tất cả, đổi mới tất cả. Thánh Anphongsô đã đặt chiếc gươm, biểu tượng của dòng quí tộc dưới chân Đức Mẹ. Thánh Anphongsô đã biến giây phút đó, giây phút hiện tại mà Người đặt thanh bảo kiếm dưới chân Đức trinh nữ Maria làm giây phút hồng phúc và cứu độ. Cái giây phút mà trong cuộc hành trình chịu chết, Chúa đã nhìn Phêrô khiến Phêrô ăn năn và quay trở về với Chúa. Đó là giây phút cứu độ của Phêrô. Còn đối với Anphongsô, giờ cứu độ của Người ở ngay dưới chân Đức Mẹ.Thánh Anphongsô đã lập một Dòng chuyên lo rao giảng cho những người nghèo, những người bơ vơ, vất vưởng và truyền bá lòng tôn sùng Đức Mẹ, nhất là đức trinh nữ Maria với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp .
Thánh Anphongsô đã làm gương cho các sĩ tử của Người trong nhiều nhân đức, đặc biệt ba nhân đức của Tin Mừng : Vâng phục, Khiết tịnh và khó nghèo . Người đã sống cùng tận cái cốt lõi của đạo là tình thương và muốn cho mọi người, cho các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế cũng noi gương bắt chước Ngài sống cái cốt lõi ấy.Ngài đã làm việc không ngừng,không ngơi nghỉ và dám khấn với Chúa: " Không bỏ xót một phút, giây nào ". Năm 1762, thánh Anphongsô được đặt làm Giám mục Giáo phận thánh Agatha Gothorum . Cuộc đời của thánh nhân gặp trăm bề thử thách cho tới cuối đời, nhưng Ngài đã tìm lại bình an và ra đi cách thánh thiện trong tay Chúa vào ngày 1/8/1789 .Năm 1871, Đức Thánh Cha Piô IX đã đặt cho Ngài tước hiệu Tiến sĩ Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng Piô XII đặt Ngài làm quan thầy các cha giải tội và các nhà luân lý.Xin thánh Anphongsô thắp lên trong tâm hồn các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế ngọn lửa Đức tin,ngọn lửa truyền giáo không bao giờ tắt.Xin cho chúng con luôn bắt chước thánh Anphongsô yêu mến người nghèo,người bơ vơ tất bạt .Xin cho chúng con luôn biết loan truyền lòng sùng kính Đức Mẹ như thánh Anphonsô đã sống và đã làm.
Hôm nay, Hội Thánh nhớ Thánh An-phong Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh. Cách riêng, các: 1/8-2
Hôm nay, Hội Thánh nhớ Thánh An-phong Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh. Cách riêng, các Tu Sĩ DCCT mừng kính ngài cách đặc biệt vì ngài là Đấng sáng lập DCCT. Thánh Phao-lô gọi các tín hữu Ki-tô là các thánh. Tuy nhiên, khi công khai công bố một người là Hiển Thánh, hẳn Hội Thánh đã nhận được nơi cuộc đời của vị Thánh ấy một thông điệp Thiên Chúa ban cho thời đại mình. Vậy qua Thánh An-phong chúng ta nhận được điều gì từ Thiên Chúa ? Xin mời chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm hai ý tưởng:
- Lòng xót thương của Thiên Chúa. - Lòng xót thương của Thiên Chúa thể hiện nơi Thánh An-phong.
I. LÒNG XÓT THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA
Chúng ta vừa nghe Tin Mừng Thánh Mát-thêu thuật lại: “Chúa Giê-su rảo quanh khắp các thành thị, làng mạc rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt...”
Tất nhiên, chẳng phải vì thấy đám đông dân chúng lầm than vất vưởng mà bây giờ Đức Giê-su mới chạnh lòng thương, mà từ ngàn đời Thiên Chúa đã cưu mang những con người khốn khổ ấy. Những chương đầu sách Sáng Thế cho ta biết: thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh của Thiên Chúa. Tiếc thay, con người đã phạm tội nghịch lại Thiên Chúa, tự mình đánh mất đi Thiên Đường Hạnh Phúc, đánh mất Sự Sống; cuộc đời con người phải trả giá bằng vất vả lầm than. Dẫu vậy, quyết ý của Thiên Chúa vẫn là cứu độ con người. Ngay sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế.
Đấng Cứu Thế đã đến trần gian và đã thực hiện điều Ngôn Sứ I-sai-a viết nơi bài đọc I: “Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho tù nhân, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa … Hẳn điều này phải là một tin mừng, tin vui, tin tốt lành cho mọi người, nhất là cho từng người chúng ta đang hiện diện nơi đây.
Vậy thì chúng ta hãy vui lên, hãy nhận lấy tình thương của Thiên Chúa nơi Đấng Cứu Thế, hãy vui lên vì niềm vui được Thiên Chúa viếng thăm cứu độ. Các bạn nghèo của Thiên Chúa hãy vui lên, bởi bạn được Đấng Cứu Thế trút bỏ vinh quang Thiên Chúa để đi tìm kiếm bạn, hầu giải phóng toàn diện con người bạn. Dẫu tội lỗi, dẫu nghèo nàn nhưng các bạn đã được Đấng Cứu Thế yêu thương trân trọng và được trở nên tinh tuyền thánh thiện, thành bạn hữu, thành anh em của Người.
Từ đây, chúng ta có thể tự tin mà hiên ngang trước cuộc đời: cho dù đời mình có bị người khác khinh thường, khước từ hoặc không được ai yêu thương, chúng ta vẫn vững tin có Thiên Chúa yêu thương bênh vực; cho dù đời mình có bị những cơ chế nào đó bóp nghẹt sức sống, kìm hãm sự tự do, ta vẫn ung dung, bởi Thiên Chúa mới là Đấng làm chủ đời mình.
Hẳn lòng xót thương của Chúa Giê-su không chỉ bừng lên trong chốc lát ở một buổi chiều khi Người nhìn thấy đám đông lầm than vất vưởng. Đoạn cuối Tin Mừng, Chúa Giê-su sai mười hai Tông Đồ tiếp tục lên đường loan báo Tin Mừng. Người trao cho các ông “được quyền trên các thần ô uế để các ông khử trử chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”.
Tiếp nối sứ vụ của Chúa Cứu Thế, các môn đệ đã hăng hái lên đường thực thi Sứ Vụ Cứu Thế trong quyền năng của Thiên Chúa. Các ngài bước theo con đường Chúa Giê-su đã đi: “Loan báo Tin Mừng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối, chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền và nhất là hy sinh cả mạng sống mình vì Tin Mừng”. Như vậy, sự hiện diện của các Tông Đồ là sự hiện diện lòng xót thương của Thiên Chúa. Ta có thể suy gẫm lòng xót thương của Thiên Chúa được tiếp tục thể hiện nơi cuộc đời của thánh giám mục An-phong.
II. LÒNG XÓT THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA THỂ HIỆN NƠI CUỘC ĐỜI THÁNH AN-PHONG
Thiên Chúa đã chạm vào cuộc đời của An-phong và biến đổi con người ấy trở nên khí cụ sắc bén phục vụ Ơn Cứu Độ, trở nên hiện thân lòng xót thương của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể tạm so sánh để suy gẫm điều ấy...
Nếu như ngày xưa Chúa Giê-su đã trút bỏ vinh quang Thiên Chúa mà đồng hành với kiếp người, với những người cùng khổ, thì An-phong cũng đã trút bỏ vinh quang của một hiệp sĩ có học vị danh tiếng ( 16 tuổi đã đậu 2 tiến sĩ cả đạo lẫn đời ), thuộc gia đình quý tộc... để tận hiến đời mình cho Thiên Chúa và dấn thân phục vụ người nghèo.
Trong Lịch Sử Cứu Độ, nhiều lần vì xót thương dân Chúa không có những mục tử tốt lành hướng dẫn, Thiên Chúa đã từng làm trỗi dậy trong dân những vị Ngôn Sứ hướng dẫn dân Chúa. Chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa đã thực hiện điều kỳ diệu ấy nơi Thánh An-phong.
Vào thế kỷ 18, tại vương quốc Napoli, người ta tính được bình quân khoảng 25 người tín hữu Ki-tô thì có một Linh Mục. Vậy mà không ít tín hữu Ki-tô lại không được chăm sóc về mặt thiêng liêng. Trong hoàn cảnh đó cha An-phong xuất hiện. Ngay sau khi lãnh sứ vụ Linh Mục ở tuổi 30, cha đã chọn việc phục vụ người nghèo tại các bệnh viện. Ngài còn thiết lập những Nhà Nguyện về đêm để tạo điều kiện cho những người dân nghèo sau một ngày lao động vất vả, tối về có nơi cầu nguyện.
Thế rồi, sau một thời gian lăn xả phục vụ đến kiệt sức, cha An-phong đi về một miền quê yên tĩnh ở Scala để nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Tại đây, cha lại gặp những người chăn cừu trên núi. Hỏi ra, cha được biết họ cũng là những tín hữu Ki-tô bơ vơ lạc lõng “không người chăn dắt”. Thế là, thay vì nghỉ cho khỏe, cha lại tận tụy dạy Giáo Lý, giúp họ sống đạo. Khởi từ đây, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, từ sự kiện này, cha quyết định lập một Dòng mang tên Chúa Cứu Thế với trí ý theo gương Chúa Cứu Thế trực tiếp rao giảng Tin Mừng cho người nghèo...
Nếu như ngày xưa Chúa Giê-su đã phải rảo quanh các khắp các làng mạc thành thị để rao giảng Tin Mừng, thì cha An-phong và các anh em của ngài trong DCCT cũng tự nguyện rong ruổi khắp nơi tìm kiếm người nghèo mà phục vụ họ. Ngay từ buổi đầu lập Dòng, ở miền quê, các ngài đi truyền giáo, đi giảng đại phúc. Ở thành thị, các ngài phục vụ những cô gái lỡ lầm, các bệnh nhân neo đơn khốn khổ... Từng thế hệ nối tiếp hệ nhau, các Tu Sĩ DCCT luôn đọc cho được những dấu chỉ thời đại mà thẩm định người nghèo là ai. Họ không chỉ là những người nghèo vật chất, mà còn là bất cứ ai thiếu trợ giúp thiêng liêng, thiếu vắng Thiên Chúa trong đời mình. Cho dù họ là những người tu hành, là những người có tài sản kếch xù hay là những người nắm quyền bính trong tay... mà đời họ thiếu vắng Thiên Chúa thì họ vẫn là đối tượng được ưu tiên quan tâm. Chúng ta có thể nói, họ chính là đám đông lầm than vất vưởng mà Tin Mừng Mát-thêu đã nhắc đến...
Nếu như ngày xưa Chúa Giê-su đã cứu độ loài người bằng con đường thập giá, thì cha An-phong cũng đã phục vụ Ơn Cứu Độ bằng con đường thập giá. Sau khi Dòng được thành lập ít lâu, Dòng bị phân rẽ thành hai nhánh do sự hiểu lầm, do những quan điểm lập trường khác nhau. Khi ấy, cha An-phong ngụ tại Tu Viện của một nhánh bị Tòa Thánh phủ nhận. Vì vậy, ngài đương nhiên bị liệt vào hàng bị loại trừ. Hẳn đây là một nỗi đau của Đấng Sáng Lập. Dầu vậy, ngài vẫn tin tưởng và nói tiên tri rằng sau khi ngài qua đời Dòng sẽ hiệp nhất và phát triển. Và đã ứng nghiệm lạ lùng: Hiện nay DCCT đã hiện diện khắp nơi trên thế giới. Riêng tại Việt Nam Dòng có khoảng 17 cộng đoàn trải dài từ Bắc chí Nam. Thánh An-phong đã được Thiên Chúa chạm đến, biến đổi trở thành hiện thân lòng xót thương của Thiên Chúa. Ánh mắt chạnh thương của Đấng Cứu Thế đã được tiếp nối nơi đôi mắt chạnh thương của thánh An-phong dành cho người nghèo.
Tuy nhiên, trước khi là một vị Thánh, ngài phải là một con người. Con người An-phong đã được Thiên Chúa chạm đến, biến đổi trở thành “người lính giỏi của Đức Giê-su”. Người lính giỏi ấy một khi tham gia “nghề nhà binh”, sẽ không “vướng mắc vào những việc thuộc đời sống dân sự” ( x. Bài đọc II: 2 Tim 2, 1 – 7 ). Thánh An-phong đã trút bỏ vinh hoa phú quý mà ngài đáng được hưởng để toàn tâm toàn ý phục vụ Ơn Cứu Độ. Sau khi bị thua kiện do sự lừa lọc giàn xếp của những nhà cầm quyền đương thời, ngài đã nhận ra bộ mặt gian xảo của thế gian: tất cả học vị, bằng cấp, quyền bính... mà không có cái Tâm thì đều trở thành vô giá trị, thậm chí, còn trở thành nguy cơ hủy diệt con người.
Thánh An-phong đã mang tất cả sự hiểu biết của mình phục vụ Thiên Chúa và các linh hồn tất bạt. Ngài có viết trong một tác phẩm: “Tất cả sự trọn lành thánh thiện của linh hồn đều hệ tại lòng yêu mến Chúa Giê-su Chúa của chúng ta” ( x. Kinh Sách ). Chính lòng yêu mến Chúa Giê-su thanh luyện tâm hồn ngài trở nên hiện thân lòng xót thương của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, ta không thể so sánh một con người với Thiên Chúa cao cả. Tuy nhiên, ta mạo muội làm điều ấy là để nhận rõ hơn lòng xót thương của Thiên Chúa dành cho con người, yêu thương biến đổi con người. Qua một con người cụ thể là Thánh An-phong, chúng ta vững tin Thiên Chúa cũng đang chạnh thương muốn chạm đến đời chúng ta.
Hôm nay, chúng ta mừng kính Thánh An-phong. Trước hết Lời Chúa giúp chúng ta suy gẫm về lòng xót thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại lầm than trong mọi thời đại. Lòng xót thương ấy được tiếp nối nơi các thánh Tông Đồ, qua các vị Thánh nam nữ, và đặc biệt nơi An-phong. Ngài đã mở đời mình để Thiên Chúa làm chủ, biến đổi trở nên khí cụ phục vụ Ơn Cứu Độ, trở nên hiện thân lòng xót thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Mong rằng Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay trở thành máu, thành xương, hun đúc tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta cũng biết mang lấy mối bận tâm của Thiên Chúa, ưu ái với người nghèo và can đảm trước cuộc sống. Mong rằng gương thánh nhân giúp chúng ta suy gẫm Thánh Ý Thiên Chúa dành cho nhân loại, dành cho chính chúng ta...
Thánh Alphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marinella gần Naples và là: 1/8-3
Thánh Alphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marinella gần Naples và là con trưởng trong 7 anh em. Ngay từ trong nôi, Ngài là giáo điểm tập hợp ân huệ đáng mơ ước như trí thông minh, danh giá, tài sản, thiên khiếu nghệ thuật và một tấm lòng đại độ. Trong khi đó người mẹ rất đạo hạnh nghĩ rằng:
- Các ân huệ tốt đẹp nhất sẽ chẳng có giá trị gì nếu không hướng về Chúa. Người lãnh nhiều phải trả nhiều.
Như vậy ân phúc kỳ diệu nhất mà Alphongsô nhận được chính là giáo huấn của người mẹ. Alphongsô học tiếng Hy lạp, tiếng Latinh, tiếng Pháp và toán. Ngài say mê âm nhạc và hội họa. Là một con người có chí. Alphongsô gây ảnh hưởng tốt đối với chúng bạn. Bằng sự trong trắng tế nhị và lòng đạo đức của mình. Một người bạn kể lại rằng: có lần thua cuộc chơi và giận dữ đến độ trở nên sỗ sàng. Alphongsô buồn phiền nghỉ chơi và nói:
- “Chúa không muốn tôi được chút tiền đã khiến cho bạn làm phiền lòng Ngài”
Thế rồi Alphongsô biến mất vào vườn. Các bạn đổ xô đi tìm Ngài và gặp Ngài đang quỳ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ đặt trên cành cây. Người bạn xấu xúc động nói:
- “Tôi đã làm phiền một vị thánh”.
Alphongsô thành công rất sớm trên cùng đời. 17 tuổi Ngài đậu bằng tiến sĩ luật khoa cả về giáo luật lẫn dân luật và đã bắt đầu hành nghề luật sư. Khả năng hùng biện của Ngài hứa hẹn một tương lai sáng lạn. Nhưng tuổi trẻ cũng có cớ dẫn Ngài tới lỗi lầm với trong hậu quả bi thảm, năm 1723 trong một vụ kiện, Ngài biện hộ với một giọng nói hùng hồn. Lý lẽ vững chắc, làm cho cả tòa án phải ngỡ ngàng tán thưởng. Nhưng khi vừa dứt lời, đối thủ ôn hoà vạch ra một lỗi nhỏ mà Ngài không nhận thấy. Chính lỗi nhỏ đó đã tiêu hủy luận chứng lẫn danh tiếng của Ngài. Thất bại Alphongsô rất đau buồn và đã đóng cửa phòng hai ngày liền. Ngài suy nghĩ và tự hỏi rằng: “Đây không phải là lời mời gọi của Chúa hay sao ...? Bỏ nghề, Ngài nói: - “Oi thế gian, ta đã biết ngươi. Hỡi pháp đình, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa”.
Ngài tìm đường sống và dấn thân cho công cuộc bác ái. Một ngày kia, đang khi thăm viếng các bệnh nhân trong một nhà thương, Ngài nghe hỏi: - “Ngươi làm gì ở thế gian này ?”
Nhìn chung quanh Ngài không thấy ai, nhưng Ngài vẫn nghe hỏi một lần nữa. Vào một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ từ bi gần đó, Ngài hứa sẽ gia nhập dòng giảng thuyết và làm linh mục. Đặt thanh gươm trên bàn thờ Ngài nói:
- “Lạy Chúa này con đây, xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa. Con là gì và con có chi, con xin hiến dâng để phụng sự Chúa”.
Nghe tin này cha Ngài giận dữ, Ngài quyết bỏ nghề, bỏ cả vị hôn thê của Ngài sao ? Ngài đã trả lời rằng: đối với Chúa chẳng có hy sinh nào gọi là quá lớn lao cả. Ngài cương quyết giữ ý định và cha Ngài không thèm nhìn đến Ngài nữa. Năm 1726, Ngài thụ phong linh mục.
Thánh nhân rao giảng khắp vương quốc Naples. Cha Ngài giận dữ quyết không chịu nghe. Ngày kia ông vào một thánh đường, đúng lúc con ông đang thuyết giảng. Thoạt đầu ông giận dữ, nhưng rồi dần dần ông mềm lòng. Ơn Chúa đã đến nhờ lời giảng dạy của con ông. Kết thúc giờ phụng vụ ra về ông nói: “Con tôi đã làm cho tôi được biết Chúa”.
Suốt đời, thánh Alphongsô không những chỉ nỗ lực trong công việc tri thức mà còn lo tiếp xúc với dân chúng. Ngài chỉ thích việc ngồi tòa hơn là việc nghiên cứu. Ngài mang đặc điểm của một linh mục truyền giáo. Thành quả của Ngài thực hiện được chính là dòng Chúa Cứu Thế, thành lập tại Scala tháng 11 năm 1732. Dầu cho từ đầu, hội dòng đã bị phân rẽ thành hai phe và thánh Alphongsô phải khởi đầu lại, với hai người bạn, nhưng hội dòng cũng khởi sự lớn dần. Dòng được chuẩn nhận ngày 21 tháng 2 năm 1749.
Năm 1548 thánh nhân xuất bản bộ thần học luân lý, được đức giáo hoàng Bênêdictô XIV phê chuẩn và gặt trong nhiều thành quả tức thời.
Năm 1762 Đức giáo hoàng Clementô XIV đặt Ngài làm giám mục cai quản địa phận Agata. Ngài nỗ lực thăng tiến lòng đạo đức trong điạ phận, khởi sự từ viêc canh tân hàng giáo sĩ. Năm 1775 Ngài được đức giáo hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm để về sống trong dòng tại Nocera.
Những năm cuối đời, thánh Alphongsô đã trải qua rất nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Dầu trong “đêm tối của linh hồn” Ngài vẫn không nao núng và luôn kiên trì cầu nguyện. Ngài nói: “Ai cầu nguyện sẽ được cứu thoát, ai không cầu nguyện sẽ tự luận phạt”. Cuối cùng Ngài tìm được bình an và qua đời năm 1787.
Ngày 1/8: Thánh An-phong-sô Ma-ri-a Li-gô-ri – Giám mục – Tiến sĩ Hội Thánh Lễ nhớ
12146 St. Anphongso
1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Thánh Alphonse (An-phong) là Đấng sáng lập hội dòng Chúa Cứu Thế vào một giai đoạn chủ nghĩa duy lý thống trị. Qua đời ngày 1 tháng tám năm 1787 tại Campanie (nước Italie), Ngài được phong thánh năm 1839 và năm 1871, Giáo hội tuyên bố Ngài là tiến sỹ Hội thánh.
Alphonse-Marie de Liguori sinh năm 1696 gần Naples, trong một gia đình quí tộc. Đỗ tiến sĩ luật đời và cả luật đạo năm mười bảy tuổi, nhưng năm 1723, Alphonse rời bỏ tòa án để đi làm linh mục (năm 1726). Trước tiên Ngài lo đào tạo các thừa sai sang Trung quốc tại một chủng viện ở Naples, nhằm phục vụ các bệnh nhân và giảng dạy giới bình dân. Về sau, Ngài giảng dạy trong các vùng quê miền Naples, nơi đây Ngài khám phá thấy sự thiếu thốn lớn trong vấn đề đạo đức. Điều này đưa Ngài tới việc thành lập một hội dòng mới (Dòng Chúa Cứu Thế) vào năm 1732 nhằm mục đích truyền giáo cho các miền quê, đặc biệt là cho giới bình dân và dạy dỗ về bí tích hòa giải. Năm 1749, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIV sẽ phê chuẩn luật dòng mới này. Mặc dầu có các khó khăn buổi đầu, hội dòng đã nhanh chóng phát triển, đặc biệt nhờ công của thánh Clément Hofbauer phổ biến sang Ba Lan và trong các xứ thuộc Đức.
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện trong ngày cầu khẩn Chúa là Đấng không ngừng thúc đẩy phát sinh trong Hội Thánh “nhưng gương mẫu nhân đức mới”. Quả thế, vào thời đó giữa hai chủ trương lạc quan tôn giáo và nhặt nhiệm do Janséniste chủ xướng, thánh Alphonse đã xây dựng một hệ thống thần học luân lý được mệnh danh là “thuyết trung dung”, dựa trên nguyên tắc lòng nhân từ vô biên của Chúa, và đứng giữa hai thái cực nhặt nhiệm và thả lỏng của những người chủ trương “có thể”. Qua công trình của nhà luân lý quân bình, thánh Alphonse đã đặc biệt có công trong việc giải phóng các giáo hữu đương thời khỏi chủ trương quá nhiệm nhặt của phái Jansenius. Là nhà giảng thuyết và nhà luân lý lớn, thánh nhân cũng biết khai thác các tài năng thơ – nhạc của mình phục vụ cho nhiệt tình truyền giáo. Ngài là một trong những tác giả thánh ca Noel nổi tiếng. Người ta gán cho thánh Alphonse một trăm sáu mươi tác phẩm thần học hoặc đạo đức, trong đó phải kể Viếng Mình Thánh Chúa (1745), Vinh quang của Đức Maria (1750), Phương pháp lớn là cầu nguyện (1759), Luận về tình yêu của Đức Giêsu Kitô và Thần học luân lý (1753 – 1755). Tác phẩm trọn bộ của Người đã được dịch sang tiếng Pháp (1834 – 1842).
Phụng vụ bài đọc trích dẫn từ bộ Luận về tình yêu của Đức Giêsu Kitô cho ta thấy linh đạo của thánh An-phong là dựa trên tình yêu:“Vì Chúa biết rằng con người thường bị các ân huệ chinh phục, Chúa đã muốn buộc nó yêu Chúa vì các ơn của Người. Chúa nói, Ta muốn lôi kéo chúng bằng những thứ lưới mà loài người mắc phải, để chúng yêu Ta, vì đó là những sợi dây yêu thương”.
Lời nguyện trên lễ vật nhắc lại rằng thánh Alphonse đã tự dâng hiến chính mình “như một hy lễ thánh”. Đặc biệt là khi đã lớn tuổi, vị sáng lập dòng Chúa Cứu Thế đã gặp phải bao thử thách do những đau khổ lớn lao, nhưng ngài đã đón nhận tất cả với sự kiên nhẫn anh hùng: bệnh tật, ngờ vực, thậm chí cả sự xa lánh của chính gia đình dòng tu của mình, những cuộc tranh giành gây đối chọi giữa các thành viên hội dòng, kết cuộc đi đến chia rẽ, và sau hết nổi lo bị kết án, đã hằn sâu những năm cuối đời thánh nhân.
Lời nguyện tạ lễ gọi thánh An-phong là “nhà giảng thuyết và tư tế trung thành của Thánh Thể”. Ngài luôn tận tâm với việc canh tân lòng tôn sùng Thánh thể, – cách riêng, việc thực hiện các cuộc Viếng Mình Thánh Chúa, và Ngài đòi hỏi phải tôn kính Thánh Thể cách xứng đáng. Vị chủ chăn lớn thường nói: “Chính nhờ việc cầu nguyện mà các thánh nên thánh”; chính vì ý thức rõ tính cách quan trọng của cầu nguyện mà bản thân Ngài luôn thực hành và rao giảng, thánh nhân cũng đã thành lập một ngành nữ của hội dòng Chúa Cứu Thế với hoạt động chủ yếu là thần vụ, suy gẫm và đọc sách thiêng liêng. Thánh nhân đặt “tình yêu vô biên” của Cha vĩnh cửu đối với nhân loại làm nền tảng cho toàn bộ giáo lý của Người, bởi vì “Đấng đã không từ chối giao phó chính Con Một mình vì tất cả chúng ta, làm sao Chúa lại không ban tất cả cho chúng ta, cùng với Con của Người?” (Luận về tình yêu Đức Giêsu Kitô).
Hôm nay Giáo Hội cho chúng mừng kính Thánh Anphongsô Đệ Ligoriô, Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế. Tiến Sĩ Hội Thánh. Bổn mạng các nhà luân lý Công giáo. Bổn mạng các cha giải tội.
Anphongsô Đệ Ligoriô sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marrinella gần thị trấn Naples.
Cha mẹ cậu thuộc dòng quí tộc: quyền uy cũng như của cải đều dư thừa nhưng không vì thế mà kém sút về đạo hạnh. Chính vì vậy, mà Thiên Chúa đã đoái thương cho hai ông bà được phúc sinh hạ một đấng thánh.
Nhờ được một bà mẹ đạo đức giáo huấn nên ngay từ hồi còn thơ ấu, Anphongsô đã là một thiếu nhi nết na và có một tâm hồn mến Chúa sâu xa, có lòng kính mến Chúa Giêsu ngự trong phép Thánh Thể và Đức Mẹ Maria đồng trinh rất đặc biệt.
Anphongsô được đi học rất sớm và vì siêng năng nên có thể nói cậu trội đã vượt về hết mọi môn học, đặc biệt môn văn chương và âm nhạc. Mới mười sáu tuổi, sinh viên ưu tú Anphongsô đã giật bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật. Thân phụ Anphongsô cho con theo đuổi nghề luật sư và chỉ sau một thời gian ngắn, ngài trở thành một trạng sư lỗi lạc tại kinh thành Naples. Suốt mười năm trường sống trong nghề luật sư, Anphongsô đã tỏ ra là một người công bình liêm khiết và quãng thời gian đó Thiên Chúa như muốn dùng Ngài làm một tấm gương phản chiếu cho sự đạo đức thánh thiện giữa một thế giới ham chuộng danh lợi.
Rồi một biến cố xảy đến làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Anphongsô. Năm 1723, Ngài nhận cãi cho một vụ kiện mà bị cáo là hầu tước miền Toscane. Ngài dành hẳn một tháng trời để nghiên cứu vấn đề, và với sự xác tín thế nào cũng thắng, Ngài hùng hồn biện hộ trước tòa án với những lý chứng vững vàng. Dứt lời, mọi thính giả đều vỗ tay vang rền và chính ông chánh án cũng tưởng phải xử án theo lời vị luật sư trẻ tuổi. Nhưng trong khi mọi người cũng như chính Anphongsô tưởng sẽ đắc thắng thì vị luật sư cãi cho nguyên cáo đứng dậy. Miệng mở một nụ cười kiêu hãnh, ông lên tiếng bênh vực cho thân chủ và cho Anphongsô thấy một khía cạnh chính yếu mà Ngài đã quên không xét đến. Chính cái khía cạnh quan trọng ấy đã đánh đổ tất cả những lý luận hùng hồn của Anphongsô và dĩ nhiên kết quả vụ kiện đã xoay chiều hẳn.
Trước tình thế ấy, Anphongsô như người bị sét đánh. Tuy nhiên với tâm hồn chính trực, Ngài không hề cãi lại và vui lòng nhận sự thất bại. Ngài chỉ đáp lại một cách khiêm tốn:
- Thưa quí vị, tôi đã lầm trong vụ này, xin quí vị tha lỗi.
Và bước ra khỏi tòa án ngài lẩm bẩm:
- Ôi thế gian giả dối, ta đã biết cái mặt thật của ngươi... !
Chúa nhật 28 tháng 8 năm 1723 trong khi tận tâm săn sóc các bệnh nhân trong một phòng bệnh, Anphongsô nghe như có tiếng Chúa thúc giục trong lòng :
- Con còn ở thế gian làm gì nữa ?
Anphongsô mau mắn đáp lại:
- Lạy Chúa, xin Chúa hãy dạy con làm tất cả những gì Chúa muốn.
Ra khỏi bệnh viện, Anphongsô vào nhà thờ các cha dòng Chuộc Kẻ Làm Tôi gần đấy. Ngài sấp mình thờ lạy Mình Thánh Chúa. Để tỏ lòng thành thật, Ngài rút gươm ra đem đặt trên bàn thờ Đức Mẹ.
Nhưng để thực hiện ý định toàn hiến đó, Anphongsô đã gặp phải rất nhiều cản trở. Nhưng cuối cùng, ngài đã vượt qua được tất cả.
Ngày 21 tháng 12 năm 1726 là ngày vui mừng nhất đời thầy. Thầy được gọi chịu chức linh mục do chính Đức Hồng y Lignatelli Tổng giám mục thành Naples chủ phong.
Từ đây có thể nói rằng cha Anphongsô đã dùng cả cuộc đời của mình để chuyên chú vào việc giảng dạy và khuyên bảo người ta tiến bước trên con đường nhân đức.
Để thưởng công và cũng vì tin cậy ở tài đức của cha Anphongsô, tháng 3 năm 1762, Đức Thánh Cha Clementê đã hạ sắc phong Ngài lên chức giám mục quản trị địa phận thánh Agatha (Sainte Agathe des Goths) Cha Anphongsô cho mình là bất xứng nên đã khiêm nhường viết thơ xin Đức Thánh Cha tha miễn cho trọng trách đó, nhưng Đức Thánh Cha nhất định không nghe. Vì Đức vâng lời Ngài xin vui nhận và ngày 20 tháng 6 năm 1767, Ngài được thụ phong tại La mã.
Sau mười ba năm ở chức vụ giám mục, Ngài cảm thấy sức lực đã suy yếu nên xin Đức Thánh Cha Piô VI cho về hưu dưỡng tại nhà dòng Pagani cách Naples độ năm dặm. Cuối cùng Chúa đã ban bình an cho tôi tớ Chúa và ngày 1 tháng 8 năm 1787 Ngài an nghỉ một cách thánh thiện trong Chúa khi đã hưởng thọ được hơn chín mươi tuổi.
Sau khi tạ thế được một năm. Giáo hội đã mở ra cuộc điều tra để phong chân phước cho Ngài và ngày 6 tháng 9 năm 1816 Ngài chính thức được tôn lên bậc chân phước. Đức Thánh cha Grêgôriô đã tôn phong Ngài lên bậc Hiển thánh ngày 26 tháng 5 năm 1839.
Để ghi công Ngài, Đức Thánh Cha Piô IX đã ra sắc chỉ ngày 7 tháng 7 năm 1871, tôn phong Ngài là tiến sĩ của toàn thể Giáo hội.
Chỉ có Chúa mới biết được số linh hồn đã nhờ lời cha mà trở lại hay là được vững vàng hơn trên đường trọn lành. (Internet)
II. BÀI HỌC
1. Sự kêu gọi màu nhiệm của Thiên Chúa.
Khi nghiên cứu cuộc đời của thánh Anphongsô, không ai mà không để ý đến một vụ kiện mà lịch sử gọi là một vụ kiện lịch sử: một vụ kiện mà Alphongsô Bị Thua, thế nhưng chính vì bị thua mà Anphongsô đã quyết định Từ Bỏ Tất Cả để thuộc trọn về Chúa.
Thế mới hay đường lối của Thiên Chúa huyền nhiệm biết là chừng nào.
Xưa kia Chúa đã cho Phaolô trở lại với bằng một cú ngã ngựa, đã cho Ignatiô tìm ra được con đường sống bằng một vết thương khó lành sau một trận thất bại cũng như Maguerite de Cortone một thiếu nữ sống dầm dề trong tội lỗi được nhìn thấy thi thể thối tha của người yêu ở một góc rừng để rồi từ đó nàng đã trở về với Chúa, khoác lên mình bộ tu phục của dòng ba Phanxicô, biến nhà mình thành bệnh xá rồi vừa săn sóc các bệnh nhân vừa lao động sản xuất nuôi họ và cuối cùng trở thành một vị thánh.
Đúng là con đường của Chúa kỳ diệu thật. Chúng ta hãy cảm tạ ơn Chúa vì những hồng ân Chúa làm cho loài người chúng ta.
2. Sự nghiệp của thánh Anphongsô.
Anphongsô là người có năng khiếu về nghệ thuật, cha mẹ ông đã cho ngài theo học những bậc thầy về nghệ thuật. Ngài vừa là một nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ và tác giả. Ngài đã cống hiến tất cả tài năng vào việc thực thi sứ mạng Kitô giáo và tổ chức cộng đoàn.
Thánh Anphongsô đã viết khoảng 111 tác phẩm về tâm linh và thần học. Với 21.500 ấn bản được dịch sang 72 ngôn ngữ khác nhau đã cho thấy rằng qua dòng thời gian, ngài là một trong những tác giả Công giáo được đọc nhiều nhất. Trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài: Đại phương thế cầu nguyện (The Great Means of Prayer), Cách tỏ tình yêu với Chúa Kitô (The Practice of the Love of Jesus Christ) và Viếng Thánh Thể (The Visits to the Most Holy Sacrament).
Ngài là tác giả của lời và nhạc của một trong những bản thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng Quanno Nascetti Ninno và được dịch ra tiếng Ý bởi Giáo hoàng Piô XI với tên “Tu scendi dalle stelle” (Chúa xuống từ những vì sao).
Trong lĩnh vực Thánh Mẫu Học, Anphongsô đã viết các tác phẩm: Vinh quang Đức Maria, Sùng kính Đức Mẹ, Cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa, Người bạn đời của Chúa Giêsu Kitô và các tác phẩm khác. Tư tưởng về Thánh Mẫu Học của ngài chủ yếu dựa trên sự kế thừa của các Thánh Augustinô và Thánh Ambrosiô. Với lòng sùng kính Mẹ Maria, ông giải thích vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ: Mẹ là Đấng tham dự vào Ơn Cứu Chuộc, là Vị Trung Gian của ơn thánh, là Mẹ, là Trạng Sư và là Nữ hoàng. Hơn nữa, Thánh Anphongsô còn khẳng định rằng lòng sùng kính đối với Mẹ Maria sẽ là một sự an ủi lớn cho chúng ta trong giờ chết.
Cuối cùng là lãnh vực Thần học luân lý
Sự đóng góp lớn nhất cho Giáo hội của Thánh Alphonsus trong lĩnh vực Thần học là cuốn: Thần học luân lý.
“Thần học Luân lý”, đã đề nghị một tổng hợp quân bình và có sức thuyết phục giữa các đòi hỏi của lề luật Thiên Chúa - được ghi khắc trong con tim chúng ta, được Đức Kitô mạc khải cách trọn vẹn và được Giáo hội giải thích cách uy tín - với các năng động của lương tâm và sự tự do của con người; chính trong việc gắn bó với chân lý và sự thiện mà con người có thể đạt được sự trưởng thành và kiện toàn chính mình.
Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một vị thánh tốt lành và thánh thiện như thế. Amen.