Đã nhiều năm sống trên vùng cao xung quanh bao bọc bằng những dẫy núi trùng trùng điệp điệp, đường sá ổ gà, ổ chuột, uốn khoanh lượn khúc, càng ngày tôi càng nghiệm ra lời của Gioan Tẩy Giả khi xưa qủa thật ấn tượng đối với tôi: “Quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng. Hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống” (Lc 3, 4-5 ). Mà không gây chú ý sao được khi hàng ngày tôi phải đi qua những con đường quanh co, nhìn những thung lũng sâu thật ghê rợn. Lời của vị ngôn sứ năm xưa vẫn còn văng vẳng khi Gioan làm cho Hêrôđê, Caipha ngộ nhận về Đấng Mêsia... và làm sao bắt gặp được Chúa khi tâm hồn con người còn đang bị tội lỗi làm cho u tối âm u ?
Đoạn Tin Mừng sáng nay định vị rõ ràng cái mốc lịch sử khi Gioan Tẩy Giả rao giảng, kêu gọi ăn năn sám hối và lãnh nhận phép rửa. Hêrôđê, một vị vua tàn bạo đã ngộ nhận thật sự và đã có cái nhìn hết sức trần tục về một Đấng cứu tinh mà toàn dân Do Thái hằng mong đợi nhiều năm qua biết bao thế kỷ. Việc mong đợi của người Do Thái về một Đấng cứu tinh xem ra thúc bách họ nhiều: ” họ ước thấy một vị vua lãnh đạo họ, qui tụ số sốt Israen về để họ được sống trong hòa bình và giầu có”. Hêrôđê đã lầm tưởng Đấng cứu độ sẽ tới và sẽ tranh ngôi báu với ông, nên ông ra lệnh hạ sát tất cả những đứa con đầu lòng của người Do Thái ( Mt 2, 16 ) để chận đứng sự xuất hiện của Đấng cứu tinh của người Do Thái. Chúa Giêsu, Đấng cứu tinh nhân loại đã tới không phải để thực hiện sứ mạng làm vua theo cái nhìn nhân loại mà là để thương yêu và cảm thông với thân phận loài người. Với hình hài một hài nhi khó khăn nằm trong máng cỏ, Chúa Giêsu muốn dậy cho mọi người bài học phục vụ trong khiêm tốn hơn là đè đầu đè cổ người khác: “...Ta đến để phục vụ, chứ không phải được hầu hạ”. Còn Caipha và các vị lãnh đạo tôn giáo có chức cao quyền uy lúc đó, không thể nào hiểu nổi về Đấng Mêsia như các ngôn sứ đã loan báo dù rằng họ coi họ như những người am hiểu lề luật và các ngôn sứ họ khó có thể chấp nhận nổi lơi loan báo của các ngôn sứ và ngay cả lời của Gioan Tẩy Giả: “Chúa Giêsu không thể tầm thường như thế được”. Sau này, khi Chúa bắt đầu sứ vụ công khai và suốt các năm rao giảng của Chúa, Ngài và các vị lãnh đạo tôn giáo, các luật sĩ, biệt phái, ký lục càng lúc càng trở nên mâu thuẫn về sứ mạng, địa vị và Tin Mừng của Chúa loan báo vì Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô luôn mâu thẫn với những suy nghĩ, với đặc quyền, đặc lợi của họ.
Mâu thuẫn khác đến từ mỗi người. Tấm lòng con người luôn có sự giằng co giữa thiện và ác. Thử thách ấy, mâu thuẫn ấy như những ngọn đồi cao, như những thung lũng sâu, đường đi dốc đá, ngoằn ngoèo, hiểm trở. Núi đồi mà tôi đã nhiều năm nhìn ngắm, nhưng ở độ cao có nhiều ngọn đồi tôi không thể nào chinh phục được... Những hố sâu, những vực thẳm hai bên đường hun hút làm cho nhiều người và ngay cả bản thân tôi cũng cảm thấy ái ngại mỗi lần đi qua những quãng đường đó. Gioan rao giảng sự sám hối ăn năn và ngay thời điểm Ông Gioan loan báo lại lời của ngôn sứ Isaia đã có sự phân hóa trong nhiều thành phần xã hội người Do Thái.Một số trong dân chúng, quân lính, người thu thuế đã nghe lời Gioan mà sám hối, ăn nay, xin chịu phép rửa. Tuy nhiên còn một số rất đông đã ngả theo giới lãnh đạo tôn giáo tiếp tục trông đợi Đấng Mêsia theo nhãn giới của họ.Nên, thái độ đổi mới rất cần cho việc gặp Chúa...
Gioan kêu gọi sám hối trùng hợp với thời kỳ Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ đầu tiên của Ngài: “sám hối và tin vào Tin Mừng “. Sám hối là qui chiếu vào Chúa Giêsu, là quay trở về với Thiên Chúa của Giao Ước. Người Kitô hữu cần phải thay đổi não trạng và được kêu gọi đặt tin tưởng và phó thác cả sinh mạng của mình nơi Đức Giêsu. Lời của Gioan Tẩy Giả: “ Quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng. Núi sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống” làm cho con người phải tỉnh thức và thay đổi. Mùa vọng như vậy là đào sâu giáo huấn của Chúa Giêsu, sống lối sống của Chúa vì Chúa chính là con đường dẫn ta từ thế giới cũ sang một thế giới hoàn toàn được đổi mới dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần để ta sống yêu thương mà đạt tới sự sống vĩnh cửu. Chúa Giêsu, vị cứu tinh đã gặp gỡ các mục đồng, các nhà đạo sĩ, Ngài đã tỏ mình ra cho họ để họ hiểu Ngài, tin Ngài và cùng Ngài chia sẻ kiếp sống làm người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết loại bỏ mọi chướng ngại vật trên đường gặp gỡ Chúa.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Bạn hiểu sao về lời kêu gọi sám hối ăn năn của Gioan Tẩy Giả?
2. Bạn đã gặp những trở ngại nào trên con đường tìm kiếm Chúa ?
3. Theo bạn Mùa Vọng là gì ?
Luca là tác giả phúc âm về lịch sử cứu độ, ông triển khai lịch sử này thành ba phân cảnh hay thành một bức tam bình, chẳng hạn như trong câu rất cô đặc sau đây: "Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ (Israen); từ thời đó thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo (Đức Giêsu), và ai cũng dùng sức mạnh mà vào (Giáo Hội)" (16,16). Luca cũng thích dựng lên nhiều hàng hiên (trụ lang) qua đó ông đưa chúng ta long trọng đi vào lịch sử. Khi Đức Giêsu sinh ra thì: "Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ..." (2,1). Khi Người khởi sự cuộc sống công khai, với Gioan Tẩy giả kéo màn, như trong bài Tin Mừng hôm nay, thì: "Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn, Hêrôđê làm tiểu vương... Khanan và Caipha làm thượng tế..."
1. Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người...
Tại sao Luca đã quy tụ cả một loạt nhân vật lịch sử như vậy chung quanh chân trời từ đó Đức Giêsu sắp nổi lên? Đó là vì ông muốn trình bày cho thấy chúng ta chẳng phải sắp trải qua một kinh nghiệm thần bí, khôn tả và nội tâm, nhưng sắp chứng kiến một sự xâm nhập của Thiên Chúa vào bên trong những năm tháng và những con đường của loài người, nghĩa là vào bên trong lịch sử nhân loại. Trung tâm điểm và độc đáo tính của Kitô giáo là thế, sự lạ bất ngờ ta phải loan báo là thế. Như một triết gia Kitô giáo Đan mạch thế kỷ vừa qua là Soren Kierkegaard đã viết, hai thế giới của Thiên Chúa và của con người, của trời và của đất trong Đức Kitô đã đụng chạm nhau, không phải để nổ tung nhưng là để kết hợp. Hầu thực hiện một công trình vĩ đại là ban bố ơn cứu độ phổ quát.
Quả thế, lời mở đầu với những nhân vật đương thời vừa thấy là tiếng cồng lớn nhất của lịch sử, công bố một chuyện phi thường: "Mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa". Điều mà cụ già Simêon đã loan báo cách âm thầm hơn: "Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho mọi người: Israen và dân ngoại". Chúng ta đã thường quá thu hẹp các chân trời này, lãng quên hạng người đầu, loại bỏ hạng người sau. Và chúng ta luôn liều mình đánh mất, trên các con đường của lịch sử, cái lẽ ra phải là nỗi ám ảnh của chúng ta: Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người, Người muốn cứu họ tất cả. Như Đức Gioan-Phaolô II nói trong số 5 sứ điệp Truyền giáo năm 2000: "Viễn cảnh cuộc Đại Toàn xá chúng ta đang cử hành, cũng dẫn chúng ta tới một sự dấn thân truyền giáo mạnh mẽ hơn cho muôn dân. Hai ngàn năm sau khi việc truyền giáo khởi sự, vẫn còn nhiều khu vực địa lý, văn hóa, nhân loại và xã hội rộng lớn trong đó Đức Kitô và Tin mừng của Người chưa xâm nhập vào... Chúng ta phải xác tín sâu xa rằng phúc âm hóa là một việc phục vụ tuyệt hảo làm cho nhân loại, vì nó chuẩn bị cho nhân loại thực hiện chương trình của TC, Đấng muốn tất cả mọi người kết hiệp với mình, để biến họ thành một dân gồm những anh chị em được giải thoát khỏi những bất công và được sinh động bởi những tâm tình liên đới đích thực".
Người muốn thực hiện tất cả những điều ấy nhờ Đấng Mêsia. Dân Do thái thời ấy nóng lòng chờ đợi vị này tới độ trái tim họ bắt đầu đập khi nhìn nhà ngôn sứ mới, Gioan Tẩy giả: "Biết đâu ông ta lại chẳng là Đấng Mêsia!" Thế nhưng, sẽ có điều lạ thường hơn nữa! Rồi đây, nhờ Tin Mừng, nhờ cuộc Phục sinh và nhờ cuộc Hiện xuống, những người Do thái độc thần cách quyết liệt sẽ thấy mở ra trước mắt cũng như được mời gọi đón nhận điều không thể tưởng tượng: Đấng Mêsia, ấy là Đức Giêsu, và Đức Giêsu lại là Thiên Chúa. Và Gioan Tẩy giả đã phác họa chân dung đầu tiên về Người: "Một Đấng quyền thế hơn tôi đang đến...". Nhưng cũng sẽ phải cần các đại thần học gia của những thế kỷ đầu, kinh nghiệm của các thánh, và nhất là Thánh Thần, mới ấp úng được điều không thể trình bày: Thiên Chúa độc nhất là Cha, Con và Thánh Thần; và Ngôi Con đã nhập thể, dưới triều hoàng đế Augustô và hoàng đế Tibêriô.
2.... qua việc hoán cải bản thân chúng ta.
Mùa Vọng đặt ta lại trước các chân trời bao la ấy của ơn cứu độ, ơn cứu độ dành cho mọi người mà Chúa Cha đã sai Con mình đến với. Nhưng còn phải đón nhận Người Con đó! Và Gioan Tẩy giả, con người trần trụi trước đám nhân vật tai to mặt lớn trong thiên hạ đương thời, đã yêu cầu chúng ta chuẩn bị cho Người một con đường, một lời yêu cầu không khoan nhượng, đầy thách thức. Muốn hiểu con đường này, ta hãy lên lại bài đọc thứ nhất hôm nay, trong đó ngôn sứ Barúc (5,7), bắt chước Isaia, đã viết: "Thiên Chúa đã ra lệnh bạt thấp mọi núi cao và gò nổng có tự lâu đời, lấp đầy các thung lũng, cho mặt đất trở nên bằng phẳng, để Israen tiến bước vững vàng dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa". Thành thử con đường ấy là con đường thẳng, hướng đến một mục tiêu có ánh sáng tràn ngập. Đó là "con đường thiêng" (thần lộ) mà ở Tây Á cổ vẫn thường được xây dựng trước các đền thờ: chúng phải thật bằng phẳng và thẳng tắp, dấu chỉ sự hoàn hảo và niềm hân hoan.
Đây là một hình ảnh nhắc cho kitô hữu chúng ta nhớ rằng để gặp Đấng Mêsia đang đến, gặp ánh sáng của tương lai, gặp niềm vui của tự do trọn vẹn, chúng ta phải mở cho được một con đường thẳng giữa bao chuyển động quanh co của lịch sử, bao mưu toan mờ ám nhằm áp đặt ách toàn trị độc tài; phải kiên trì phá hủy các ngọn núi của chủ nghĩa vô thần hay của thói thờ ngẫu tượng vốn án ngữ chân trời của chúng ta; phải lấp đầy vực sâu của phi lý, của vô nghĩa, của trống rỗng nội tâm tạo nên bởi một não trạng duy vật hưởng thụ. Cụ thể nơi bản thân và trong hoàn cảnh chúng ta, "giải tỏa" và "dọn sạch" thần lộ là làm bay tung những cánh cửa gài then quá chặt vì sợ hãi, chẳng dám công khai lên tiếng trước quyền lực bất công, là phá hủy những ngọn núi ngập ngừng và vấn nạn, chẳng muốn dấn thân để làm chứng nhân cho chân lý, lý luận rằng chỉ cần làm chứng nhân cho bác ái đã đủ, là lấp đầy những hố sâu ích kỷ, chỉ tìm an thân và dễ dãi cho chính mình, tìm ân huệ từ những kẻ nắm quyền lực, bất chấp chuyện anh em mình đang đau khổ vì mất những điều kiện căn bản để làm con người và làm con Chúa. Như Đức Gioan-Phaolô II đã nói trên đây: "Chương trình TC là muốn tất cả mọi người kết hiệp với mình, để biến họ thành một dân gồm những anh chị em được giải thoát khỏi những bất công và được sinh động bởi những tâm tình liên đới đích thực". Đây là một công việc đầy kiên nhẫn và can đảm, vì đòi trả giá bằng mồ hôi và nước mắt; nhưng cuối cùng trên con đường ấy, sẽ đi vào một đoàn người thật đông đảo "thuộc mọi dân, mọi nước, mọi chi tộc và mọi ngôn ngữ", như Khải huyền sẽ mô tả (7,9).
Thưa với Chúa mùa Vọng: "Xin đến cứu hết thảy chúng con!" sẽ là một lời cầu nguyện của kẻ mơ mộng nếu nó không làm ta nhớ tới cái phải được cứu trong mỗi người chúng ta. Nghe một lãnh chúa Tây Ban Nha phàn nàn: "Mọi chuyện ra tồi tệ!", thánh Phêrô Alcantara đã trả lời: "Nếu ông tạo cho mình một con tim nhân lành, thì chính một phần của thế giới đã nên tốt đẹp". Bà Elisabeth Leseur, một giáo dân sắp được Giáo Hội đưa lên bàn thờ, cũng trong hoàn cảnh tương tự. Chồng bà là một nhà trí thức vô thần hết sức cực đoan. Không làm sao khuyên nhủ được chồng, bà đã cố gắng làm một người vợ rất hiền thảo và làm một tín hữu rất thánh thiện. Bao nhiêu tâm sự chẳng bày tỏ được với chồng, bà đã bày tỏ với Chúa trong nhật ký. Sau khi bà chết, ông Leseur không khỏi tiếc thương người vợ có tâm hồn quảng đại dịu dàng của mình, và vì muốn "đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi", ông đã lục tìm những tập nhật ký của bà để đọc. Ông đã say sưa theo dõi từng hàng chữ tâm sự và đã hiểu ra ước vọng tha thiết của vợ là thấy ông nhìn nhận trở lại tình yêu của Thiên Chúa. Cuối cùng thì ông đã hồi tâm, xin học giáo lý và chịu bí tích Thánh tẩy năm 1915. Không bao lâu sau đó, ông xin vào nhà tập dòng Đa Minh, nơi đây ông thành tâm kiên nhẫn theo đuổi cuộc sống tu trì và được thụ phong linh mục. Khi gương sống thánh thiện của bà Elisabeth Leseur bắt đầu có ảnh hưởng rộng và sâu sắc trên xã hội thì bề trên dòng đã mạnh dạn chỉ định linh mục Leseur lên đường đi diễn thuyết ở nhiều nơi về đời sống gương mẫu của người vợ đã chết trước đây của mình. Lúc đầu, cha Leseur rất e ngại chần chừ, nhưng cuối cùng cha đã vâng lời. Năm 1930, cha soạn cuốn "Hạnh bà Elisabeth Leseur" trong khi tập Nhật ký trước đây của bà đã xuất bản tới hàng trăm ngàn cuốn.
Tin Mừng của Chúa Nhật Thứ 2 Mùa Vọng năm C theo thánh sử Luca đã đặc biệt ghi lại bối cảnh lịch sử và địa dư lúc Gioan Tẩy Giả bắt đầu thi hành sứ vụ "dọn đường cho Đức Chúa: "Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđêa, Herôđê làm tiểu vương miền Galilê". Chúng ta nên lưu ý đến những nhân vật lịch sử cùng thời với vị Sứ giả của Chúa Giêsu và cũng sẽ có liên quan tới cuộc đời Chúa Cứu Thế sau này.
Đoạn kết của Tin Mừng Chúa nhật hôm nay đã mở ra một viễn tượng mới thật huy hoàng, thật an ủi cho bạn, cho tôi và cho mọi chúng sinh: Rồi hết mọi phàm nhân sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Hết mọi người phàm sẽ được "thấy" ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. "Thấy" Thiên Chúa tận mắt (Isaia 52,8) vẫn là niềm mơ ước sâu xa nhất của mọi chúng sinh. Ai cũng mong được "thấy" ơn cứu độ của Chúa như cụ già Simeon ẵm Hài Nhi Giêsu trên đôi tay và ca lên rằng: "Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ". (Lc 2, 27-32).
Ước mơ lớn lao nhất của bạn và của tôi vẫn là được sống hạnh phúc, được sống mãi không phải chết. Nhưng thực tế và kinh nghiệm sống hé mở cho chúng ta thấy "cuộc đời là bể khổ". Từ khi ta cất tiếng khóc oe oe chào đời, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay xuống, mấy ai được hưởng hạnh phúc trọn vẹn?! Lúc nào tâm trí ta cũng lo âu khắc khoải với những câu hỏi vẫn ám ảnh con người trong mọi nơi và mọi thời: tôi sinh ra đời để làm gì? Tại sao cuộc đời của tôi bị đau khổ triền miên? Sau khi chết tôi sẽ đi về đâu? Tôi có thể tự giải thoát và tự cứu mình khỏi chết không? Chả nhẽ cuộc đời là vô nghĩa như các triết gia vô thần đã chủ trương: con người sinh ra để rồi chết.
Mỗi tôn giáo đã đem đến cho con người một câu giải đáp, một lóe sáng hy vọng, đồng thời đề nghị những phương dược để được trường sinh bất tử. Ở đây, Gioan Tẩy Giả loan báo một sứ điệp cứu rỗi mới và đề nghị một giải đáp căn bản để đạt tới cứu cánh: "Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội". Gioan Tẩy Giả tiếp tục sứ mệnh của ngôn sứ Isaia: kêu gọi con người "dọn đường cho Đức Chúa", tức là chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Thiên Sai đến.
Ở ngưỡng của Tân Ước, sứ điệp hoán cải của các Ngôn Sứ trong Cựu Ước đã được kết tinh lại trong lời giáo huấn của Gioan Tẩy Giả, vị Ngôn Sứ sau cùng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần" (Mt 3,2). Dân Do Thái xưa bị các Ngôn Sứ cho là một "dân cứng đầu cứng cổ" (Mt 13,15, Is 6,10), lòng chai dạ đá, không thèm lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa. Thử hỏi, lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả vang vọng cách đây 2000 năm, cũng đã là lời kêu gọi của các ngôn sứ bao ngàn năm trước Chúa giáng sinh được lập đi lập lại cho dân của Chúa chọn, có còn giá trị bạn, cho tôi, cho thời đại văn minh ngày nay nữa không?
Câu trả lời thật rõ ràng: sứ điệp "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần" vẫn còn hiện thực và càng khẩn thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong Năm Toàn Xá 2000 này. Bạn và tôi cứ thử đưa mắt nhìn vào cuộc sống cá nhân của mình, cuộc sống của gia đình bạn, của xóm làng mình sinh sống, của môi trường và công xưởng bạn làm việc, nói rộng ra của xã hội và thế giới hôm nay... Bạn sẽ thấy chính bạn, chính gia đình bạn, chính cộng đòan và xã hội thụ hưởng vật chất hôm nay, đang cần được giải thoát, đang cần được cứu độ.
Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi bạn, mời gọi tôi, mời gọi con người hôm nay hãy bắt tay vào việc bằng các việc sám hối cụ thể sau:
1. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy: Lũng sâu bao giờ cũng là tượng trưng cho hố thẳm của mọi nguy hiểm, mọi bất trắc. Hố sâu tượng trưng cho túi tham vô đáy của con người. Vì gian tham, con người có thể thực hiện đủ mọi tội ác để vơ vớt. Tưởng rằng càng vơ vét nhiều, mình càng giầu, càng đầy. Nhưng oái oăm thay, mình càng thấy cuộc đời trỗng rỗng. Hành động "lấp đầy" theo nghĩa siêu nhiên ở đây là lấp đầy những hố thẳm mênh mông (những khát vọng vô biên) của con người bằng đạo đức, bằng công chính, bằng chính Thiên Chúa, là Đấng Cội Nguồn sự sống, là chính Chân Thiện Mỹ.
2. Mọi núi đồi phải bạt cho thấp: Mãi mãi con người chỉ là tạo vật, không phải là "Chúa", dù có cố gắng bắt chước con ếch để hít hơi phình bụng, nhưng ếch vẫn là ếch! Ý thức được sự bất toàn và giới hạn của mình, hay đúng hơn "biết mình" để đừng tự cao tự đại, để "cải quá tự tân". Từ bỏ tính kiêu căng, "coi trời bằng vung" của mọi tạo vật, biết nhìn nhận thân phận yếu đuối mỏng dòn của mình. "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,13). Nước mưa chỉ có tuôn chảy xuống lũng sâu và ở lại đó làm cho cây cối quanh bờ sinh hoa kết trái. Ơn Thiên Chúa cũng như dòng nước tuôn trào vào lòng kẻ khiêm nhu, để nhuần thấm, để tưới gội và làm cho cuộc sống con người đâm chồi nẩy lộc và đơm bông kết trái, hức hẹn một mùa gặt phong phú.
3. Khúc quanh co phải uốn cho ngay: Phải sống lương thiện. Con tim phải trở nên "nhân chi sơ tính bản thiện" của một trẻ em (Mt 18,3) mới có thể vào được Nước Trời. Sống quanh co lươn lẹo vì tự ái, vì danh lợi dục chỉ làm cho mình xa người khác và xa Thiên Chúa.
4. Đường lồi lõm phải san cho phẳng: Phải nỗ lực chỉnh đốn và sửa sang lại những chỗ "lồi lõm" chính là các tính mê tật xấu lớn nhỏ, những sỏi đá làm cho Lời Chúa không thể đâm chồi lẩy lộc và đâm rễ sâu vào tâm hồn. Luật Mới của Nước Thiên Chúa đòi hỏi con người phải "san cho phẳng" những gì là "lồi lõm". Lòng "ăn năn sám hối" hoán cải nội tâm và luân lý (metanoia) buộc con người phải "từ bỏ" các đam mê và các tà thần để quay về với Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
5. Lãnh nhận Phép Rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội: Lãnh nhận Phép Rửa để được ơn tha thứ mọi tội lội và được thánh hóa (Lc 24,47). Chúa Giêsu, trước khi lên trời, đã ra lệnh cho các môn đệ rao giảng Tin Mừng cho khắp thế giới và rửa tội muôn dân: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án" (Mc 16, 15-16).
Sám hối để nhập tịch Nước Thiên Chúa, bước theo Thầy Giêsu như vị Sư Phụ chí thánh và thực hành linh đạo của Ngài: Đức Giêsu không những đến để loan báo Nước Thiên Chúa, nhưng Ngài còn khai mở với quyền năng (Mt 1,15; Mt 4,17). Ngài đã đến, chính là để " kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn" (Luca 5,32). Nhưng lời kêu gọi "sám hối ăn năn" của Chúa Giêsu gặp nhiều ngáng trở: tính tự mãn và ngoan cố của người dưới mọi hình thức, mọi đam mê danh lợi dục, như những dây chằng chịt trói buộc con người lại. Còn con người ngày nay, còn Bạn, còn tôi? Lòng của mỗi người chúng ta ra sao trước lời mời gọi hoán cải nội tâm của Thiên Chúa.
Một chiều gần áp ngày lễ Giáng Sinh, quan tòa hỏi một tù nhân: "Anh bị cáo về tội gì?" Bị cáo đáp: "Dạ thưa vì tội shopping đồ Giáng Sinh quá sớm." "Cái gì? Shopping sớm đâu có phải là tội," Quan tòa hỏi tiếp: "Anh nói sớm vậy sớm như thế nào?" Bị cáo giải thích: "Dạ, dạ, dạ thưa sớm là trước khi tiệm mở cửa."
Chưa đến lễ Giáng Sinh, nhưng đó đây đã thấy đầy dẫy những cửa tiệm, các dịch vụ quảng cáo hấp dẫn mời gọi mua sắm chuẩn bị mừng lễ.
Hôm nay Giáo Hội dùng lời Chúa mời gọi chúng ta dọn lòng để đón mừng Chúa đến: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu, và hãy bạt mọi núi đồi' con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng." Khi còn giúp xứ ở Buffalo và Rochester, NY, một lần tôi có dịp trở lại Boston, và trong lúc kẹt xe trên đường, ngồi suy nghĩ lẩn thẩn: Như những thành phố khác, Boston cũng có những đồi núi và thung lũng. Là một trong những thành phố cổ kính nhất nước Mỹ ngày xưa có những con đường mòn nhỏ hẹp đơn sơ, ngày nay vì dân số gia tăng, nhu cầu xã hội văn minh đòi hỏi, người ta đã phải xây thêm cầu, thêm những con đường hầm vậy mà vẫn còn kẹt xe nhất là vào những giờ đến sở và tan sở. Nếu dân chúng biết hy sinh sắp xếp đi xe chung với nhau và chỉ đi khi cần thiết thôi thì có lẽ việc kẹt xe sẽ đỡ hơn nhiều.
Liên tưởng tới cuộc sống tâm linh, có lẽ tâm hồn mỗi người chúng ta cũng giống như thành phố Boston, do ảnh hưởng của tội nguyên tổ, chúng ta đã có những đồi núi kiêu ngạo, những thung lũng ích kỷ hẹp hòi, ngày xưa khi còn bé tâm hồn chúng ta đơn sơ, nhưng rồi lớn lên chung đụng và do ảnh hưởng của xã hội, chúng ta đã xây thêm cho mình những cây cầu tự ái khoe khoang, đã làm thêm những con đường hầm u tối của tội lỗi kỳ thị thiên lệch, đã tạo nên những con đường quanh co của gian dối thiếu công bằng. Chúng ta đã mua sắm đưa vào tâm hồn chúng ta thêm nhiều xe cộ đồ đạc dư thừa không cần thiết để rồi làm cản trở lưu thông, cản trở chúng ta đến với Chúa.
Một lần khác, đi từ Toronto, Canada về Mỹ phải đi qua một cây cầu nối giữa hai nước. Nếu không có cây cầu này thật khó mà qua lại với nhau. Tuy rằng có được cây cầu nối liền hai nước là một chuyện cần thiết nhưng có sang đến được với nhau hay không lại là một chuyện khác, vì đến trạm kiểm soát thấy có những người Canada phải quay xe trở lại không vào Mỹ được, có lẽ vì thiếu giấy tờ hay trục trặc chuyện chi đó nên nhân viên an ninh di trú của Mỹ không cho vào, sợ vào rồi ở lậu làm thiệt hại cho nước Mỹ.
Liên tưởng tới ơn cứu chuộc, Chúa Kitô đã đến trần gian bắc một cây cầu nối liền giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và nhân loại, để nhân loại và Thiên Chúa có thể gặp gỡ nhau, nhưng điều đáng buồn là Thiên Chúa đến, nhưng con người, vì lý do nào đó, nhiều khi đã không để cho Thiên Chúa nhập cảnh, không cho phép Thiên Chúa định cư sống với con người, trái ngược lại với lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong năm Thánh 2000: Hãy mở rộng cửa đón nhận Chúa Kitô.
Rồi mới đây, có dịp từ Houston đi Port Arthur, Texas để thăm hai cha bạn chúc mừng và chung vui với các ngài có được ngôi thánh đường mới. Một điều làm ngạc nhiên thích thú là con đường 73 dẫn tới Port Arthur nay được mở rộng chạy hai chiều bằng phẳng thoải mái. Trước đây, đoạn đường Houston-Port Arthur phải chạy mất khoảng 1 giờ 45 phút hoặc 2 giờ đồng hồ xe hơi, nhưng nay thời gian đã có thể rút ngắn đi nhiều. Câu hỏi được nêu lên là con đường từ ta đến với Chúa và đến với anh chị em phải chăng cũng đã được mở rộng để chúng ta có thể gặp Chúa và anh chị em một cách mau lẹ hơn, an bình hơn đem lại nhiều niềm vui niềm hạnh phúc? Để có được con đường tốt, bằng phẳng rộng rãi dễ đi, người ta đã phải tốn nhiều tiền bạc, thời giờ, cũng như nhân lực... Để con đường dẫn đến với Chúa được dễ dàng, phải chăng chúng ta cũng đã đang can đảm hy sinh dấn thân?
Mùa Vọng trong năm Thánh 2000 là thời điểm thuận lợi mời gọi mỗi người chúng ta kiểm điểm lại con đường dẫn đến tới Chúa. Nếu khi Chúa đến, Chúa thấy con đường chúng ta không còn "hố sâu, núi đồi, cong queo, gồ ghề, và mọi người đã gặp thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa" thì năm Thánh 2000 đã là một năm đầy ý nghĩa.
Hội thánh đang long trọng kỷ niệm 2000 năm Đức Kitô đến trần gian để thực hiện công cuộc cứu độ loài người. Vậy phải chăng tiếng kêu " Hãy dọn đường Chúa" của Gioan Tẩy giả đã trở thành lỗi thời? Mặc dù Đức Kitô đã đến và đã thực hiện trọn vẹn mọi việc để cứu độ nhân loại, và đúng ra với sự hy sinh cao cả của Ngài, con người đã được giải thoát hết mọi tội lỗi để sống trong yêu thương và hạnh phúc. Thế nhưng, chính vì tôn trọng phẩm giá, tự do và ý thức của con người nên Thiên Chúa đã không dùng bất cứ hình thức cưỡng bức nào để buộc con người phải chấp nhận chân lý và tình yêu của Ngài. Và thực tế là sự lầm lạc, đau khổ, chết chóc vẫn còn tồn tại trên khắp thế giới. Vì thế Đức Kitô vẫn luôn giang rộng hai tay để mời gọi và chờ đón từng người đang sống lầm lạc và đau khổ trở về sống trong Hội thánh của Ngài, mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang của Thiên Chúa mãi mãi. Và do đó tiếng kêu: " Hãy dọn đường Chúa" của Gioan tẩy giả trong sa mạc vẫn chan chứa tình yêu và khẩn thiết đối với từng người chúng ta hôm nay.
Con đường Chúa đã được mở ra. Nói cách khác: Chúa đã đến. Vấn đề còn lại là con người có muốn cất bước lên đường theo Chúa hay không? Tiếng kêu " Hãy dọn đường Chúa" của Gioan đã lôi kéo đủ mọi thành phần đến với ông trên bờ sông Giodan: thường dân, binh lính, biệt phái, thu thuế Tiếng đó mặc dầu được kêu lên từ trong sa mạc, nhưng đã vọng đến tận thủ đô Giêrusalem và một phái đoàn chính thức đã được gởi đến cho dù chỉ là để để chất vấn Gioan.
Và hôm nay, tiếng kêu của Gioan vẫn còn đang tác động mạnh mẽ trong lòng nhiều người chúng ta. Những điều xưa kia Gioan đã nói với dân chúng nay vẫn còn hợp thời, vẫn còn giá trị. Đặc biệt tiếng Gioan kêu trong sa mạc để chỉ đích danh Chúa Cứu Thế, hiện nay đang được lập lại hàng ngày trong mỗi thánh lễ được cử hành trên khắp thế giới: "Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian". Chắc chắn tiếng kêu đó sẽ còn vang vọng mãi cho đến ngày tận thế.
Hãy Dọn đường Chúa chính là lên đường. Nếu Đức Kitô là con đường mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại thì dọn đường Chúa chính là đón nhận chính Đức Kitô và cất bước theo Ngài. Dọn đường Chúa là để cho Đức Kitô bạt đi những núi đồi kiêu ngạo, lấp sâu những hố sâu thù hận ngăn cách ta với Chúa cũng như với mọi người, và uốn nắn lại những gì quanh co, không ngay thẳng trong lòng mình. Đó không phải hủy diệt hay vong thân, mà là chấp nhận được cắt tỉa để trổ sinh hoa trái. Hoa trái đó nói theo Thánh Pholô ( bài đọc II ) chính là những việc lành.
Lời Chúa hôm nay mang lại cho chúng ta niềm hy vọng mà Chúa nhật I Mùa Vọng đã khai mào. Một hy vọng đặt nền tảng trên niềm tin Kitô giáo: Thiên Chúa đã khai mở lối đi để con người tiến bước vững vàng "dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng thương xót và sự công chính của Ngài". Và nếu như con người về phần mình không cộng tác bằng cách lên đường bước đi theo Chúa, thì đừng hoài mong niềm hy vọng kia trở thành hiện thực. Vì thế dọn đường Chúa vừa là một hồng ân vừa là trách nhiệm đòi hỏi thi hành nghiêm túc trong cuộc sống, cách riêng trong mùa vọng này.
Phim "Mùi Đu Đủ Xanh" do một người Việt bên Pháp là Trần Anh Hùng đạo diễn, đã được trình chiếu khắp bên Âu cũng như bên Mỹ. Mùi là một cô bé nhà nghèo nhưng mắt luôn tươi sáng và yêu đời. Vì cô nhìn thấy sức sống trong từng cọng cỏ, từng con dế, từng cành lá đu đủ xanh, từng động tác của công việc dù xem ra tầm thường. Tất cả đều đang tuôn chảy sức sống tràn trề nhảy múa thênh thang.
Bé Mùi phải đi làm con ở cho một gia đình nhà giầu. Nhà này giầu của mà lại nghèo lòng. Đứa con có tính ác thích giết chết những con vật vô tội, như lấy nến chảy nóng nhỏ xuống đàn kiến cho giẫy giụa chết. Mà chính bé Mùi cũng bị hành hạ gần như vậy. Bé bị đuổi mấy lần. Mỗi lần di chuyển thì "hành lý" của Mùi chẳng có gì ngoài một cái túi xách đựng một bộ quần áo cũ rách, và không quên mang theo cái hộp đựng dế. Mùi rất thích súc vật và cây cối. Mỗi lần có chuyện buồn thì chẳng phải phí tiền đi "bác sĩ tâm bệnh" như ngày nay, mà Mùi chỉ cần đưa hộp dế ra săn sóc, chơi giỡn với chúng. Mỗi lần làm việc vất vả, mồ hôi nhễ nhãi, Mùi chỉ cần mở cửa sổ nhìn ra vườn đàng sau, thì tự nhiên mắt Mùi sáng lên long lanh, nụ cười tươi nở no tròn, cả con người như rạo rực lên nguồn sinh khí mới, nhẹ nhàng bay bay lên. Trời ơi, cây đu đủ xanh đang vươn lên vẻ rạng ngời dưới ánh nắng mới lên chan hòa, như chuyển nhựa sống căng phồng vào con người của Mùi. Hạnh phúc đơn giản quá, đang trong tầm tay.
Trái lại, ông chủ nhà chẳng mấy khi biết cười., con mắt lờ đờ như mất hồn. Nét mặt ông luôn luôn đăm chiêu tư lự. Ông thường hay bỏ nhà đi kiếm chác tí tình ở ngoài. Chắc ông nghĩ hạnh phúc nằm ở chỗ này chỗ kia. Con đường đi tìm hạnh phúc sao dài dằng dặc và kham khổ đến thế! Đang khi ông được một người vợ thật hiền dịu, có tình người, luôn kiên nhẫn chung thủy, mặc dù bao chuyện trớ trêu của ông... Để đến một ngày ông đi chán phải trở về với bệnh tật thân tàn ma dại, bà vợ vẫn nhẫn nhục thứ tha và săn sóc cho ông.
Đối với Mùi thì đường tìm hạnh phúc ở ngay trong bếp, ngay sau vườn, bên cành đu đủ xanh, bên hộp dế. Có phải đi đâu xa? Còn ông chủ thì cứ mải miết đi tìm, chẳng bao giờ thấy! Ông bị bệnh mắt nặng, cần phải đi bác sĩ để khám mắt và đeo kính thì mới có thể nhìn thấy được.
NHỮNG CON MẮT QUẦNG THÂM
Quả thực, con mắt của nhiều người cũng đang bị bệnh nặng giống như ông chủ trong Phim Mùi Đu Đủ Xanh: mắt bị mờ tối vì quá nhiều chuyện khiến không còn biết đường nào mà đi nữa. Tiếng hát Khánh Ly đang rên rỉ vang lên đâu đây diễn tả những u uẩn trong con mắt lúc này, như ngôn từ của triết gia hiện sinh phi lí Jean Paul Sartres: cuộc đời sinh ra đó, bị vất ra đó, giẫy giụa rên xiết, rồi một ngày gần đây lăn ra chết... Chỉ có vậy thôi sao?! Đúng là đã mất niềm tin về hiện tại, về ngày mai:
Những con mắt trần gian, xin nguôi vết nhục nhằn. Những con mắt muộn phiền, xin cấy lại niềm tin. Những con mắt quầng thâm, xin tươi sáng một lần...
Những con mắt thù hận, cho ta đời lạnh căm... Những con mắt bạc tình, cháy tan ngày thần tiên...
Ngày ra đi với gió, ta nghe tình đổi mùa. Rừng đông rơi chiếc lá, ta cười với âm u. Trên quê hương còn lại, ta đi qua nửa đời chưa thấy được ngày vui. Đường trần rồi khăn gói, mai kia chào cuộc đời, nghìn trùng cơn gió bay... Nhìn lại nhau có mắt lo âu...
TÌM SAI CHỖ
Đi tìm hạnh phúc, xây tổ ấm gia đình, mà nhiều người cứ phải nhớn nhác đi kiếm chác ngoài đường. Riết mà hạnh phúc như vẫn ngoài tầm tay.
Trong "Tiếng Chim Hót" của Anthony de Mello có truyện "Tìm sai chỗ" được kể như thế này:
Một người thấy ông bạn láng giềng cứ lom khom tìm mãi một cái gì trên nền đất, dưới ánh đèn đường nên hỏi:
- Ông bạn tìm gì vậy?
Người láng giềng liền trả lời: Tôi tìm chìa khóa đánh rơi.
Thế rồi cả hai cùng chăm chú, lom khom cố gắng tìm tiếp. Một hồi lâu người này chợt nhận ra một điều gì nên hỏi người láng giềng:
- Mà ông bạn làm rơi nó ở đâu vậy? - Ở trong nhà thì phải. - Nhưng tại sao ông bạn lại tìm ở đây? - Vì ở đây có đèn điện sáng hơn.
Có thể nhiều người cũng đang đi tìm chìa khóa hạnh phúc gia đình ở ngoài như vậy. Cứ thấy ánh sáng hào nhoáng văn minh là như con thiêu thân đâm rầm vào. Rồi lăn ra chết. Nơi Tivi, nơi quảng cáo, nơi các đua đòi theo sức ép... Phải làm thêm giờ, phải kiếm thêm tiền, phải có xe bóng, phải có nhà sang... Nhiều thứ phải lắm. Khiến gia đình bị bỏ rơi hoang tàn, rồi cũng từ đó mà sinh ra một xã hội rối loạn như đang thấy hiện nay. Bao nhiêu bài khảo luận về tội ác, về băng đảng, về xì ke ma túy, sẽ chẳng ăn thua gì, một khi cái rễ nằm ngay tại trong mỗi gia đình đã bị cắt đứt.
TIN VUI VỀ MẮT KÍNH NHÌN THIÊN NIÊN MỚI
Trong một tấm thiệp Giáng Sinh, hình hang đá Bê Lem không hề có vách núi, cũng không có lều tranh. Hài nhi Giêsu nằm gọn ngủ ngon ở giữa. Hình Đức Maria và Thánh Giuse cúi khum xuống thành mái nhà che chở, giữ hơi ấm, bật sáng lung linh giữa đêm đen lạnh buốt. Bí quyết hạnh phúc nằm ở con mắt nhìn, ẩn sâu trong tim.
Mùa Vọng là mùa chờ đợi. Không phải là lại đi tìm và chờ đợi mãi đâu xa, mà là hồi phục lại con mắt nhìn, tức là con mắt của niềm tin, để thấy được điều đang chờ đợi mong tìm đã ở ngay bên rồi, ngay trong nhà mình, trong tim mình, như lời Kinh Thánh qua miệng Duy-An hô lên trong hoang địa:
"Hãy thống hối vì Nước Trời đã gần bên... Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng".
Nước Trời, tức Vườn Hạnh Phúc đã ở ngay bên rồi. Chỉ cần sửa đường, chỉnh lại lối nhìn, hồi phục con mắt của niềm tin, thay đổi nếp sống cong queo lồi lõm hiện tại đang chận vít con mắt lại. Mở ra thì thấy được Chúa vẫn đang có mặt đồng hành với mình trong cuộc sống qua mọi thăng trầm. Đây mới là một giác ngộ đúng nghĩa nhất: bừng mở con mắt sáng rực của niềm tin tuyệt đối đón nhận Chúa Kitô bước vào cuộc sống mình thì có sức vượt qua tất cả, và xốn xang rộn rã bước vào năm 2000.
Đúng vậy, giữa mọi xung khắc và rối loạn, người tin Chúa vẫn luôn tìm được nét an bình vì thấy được Chúa đang giáng sinh bước vào cuộc sống của mình, như cảm nghiệm của thi hào Tagore:
"Chẳng rõ từ thuở nào xa xôi, khi gặp mặt, Người lại đến gần như thế.
Mặt trời, sao đêm chẳng thể che kín hình Người nên tôi vẫn thấy chân dung.
Biết bao buổi sáng, biết bao buổi chiều, tôi nghe tiếng chân đi lại. Thiên sứ Người sai ra đi lẻn vào tim tôi, rồi bí mật gọi tên.
Không hiểu hôm nay vì sao đời lại xốn xang, rộn rã. Nguồn vui lâng lâng nhẹ lướt qua tim.
Dường như đã đến lúc dừng tay nghỉ việc. Trong không gian phảng phất hương vị mơ hồ lan tỏa từ hình bóng Người ngào ngạt" (Lời Dâng #46)
Tin mừng Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Vọng nói về việc dọn đường cho Chúa. Đạo là con đường dẫn đến Chúa. Đạo là ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu không có đường không đi đến đâu cả. Văn minh hay không là do hệ thống đường xá. Đế quốc Rôma ngày xưa lớn mạnh vì hệ thống đường chạy dài khắc lãnh thổ của đế quốc.
Chúa đã dọn đường cho con Ngài qua suốt 4000 năm lịch sử của dân Do thái. Abraham khởi đầu cuộc sống thật bằng việc lên đường từ giã thành Ur để sang đất hứa. Và lịch sử do thái là những chuyến xuất hành di cư, lang thang trong sa mạc, lưu đầy va mất quê hương trong một thơi gian dài.
Chúa Giêsu sống ở thế gian bằng những cuộc lên đường sang Ai cập, về Nazareth, lên sa mạc, vào đền thánh và trở lại Galilêa. Cuộc sống công khai của Chúa ít là có ba cuộc hành trình lên Giêrusalem. Và sau cùng Ngài lên đường về nhà cha.
Sửa đường theo Gioan là thống hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, Sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo san cho thẳng. Những gì cao bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa.
Sửa đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén vàng cho chủ. Như tên lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh.
Con đường mà Gioan nói tới đây chinh là cõi lòng ta. Như con đường cho Chúa đi qua. Như căn nhà cho Chúa ngự tới. Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có tiếng động của những tình cảm lăng loàn, hay những tính mê nết xấu, có tiếng gọi của bạc tiền lợi danh. Cho nên trong cõi lòng đó phải có im lặng như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì. Chỉ nói những lời để giúp đỡ người khác. Và tâm hồn ấy bình an nên nghe rõ tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi. Như thế dọn đường chính là tạo im lặng cho tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.
Thánh Kinh cho thấy: Ta đã gọi con ta vào sa mạc và ta đã nói khó cùng nó. Chúa không nói qua tiếng sấm nổ, gió lốc mà chỉ nói với Isai trong tiếng gió hiu hiu.
Tâm tình của mùa vọng chính là nhìn lại quãng không của lòng ta để dọn cho sạch hay là dẹp bỏ những âm thanh nghịch tai để chỉ nghe được tiếng Chúa. Có nghe mới biết rõ và yêu mến Ngài và tìm được sự sống.
Bản văn của thánh Lu-ca xác định trình thuật Tin Mừng hôm nay trong bối cảnh không gian và thời gian. Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô ... , tức là năm 28 Công ngayên. Hoàng đế Ti-bê-ri-ô cai trị cả một đế quốc Rô-ma rộng lớn, bao trùm từ bờ biển phía bắc xuống tận biên thuỳ sa mạc Xa-ha-ra, từ Pa-lét-tin sang eo biển Gi-bơ-ran-ta. Biển Địa Trung Hải, ngày nay có mười lăm quốc gia khác nhau ở quanh bờ, còn hồi ấy chỉ là một cái hồ trong đế quốc Rô-ma. Các vương hầu thay mặt hoàng đế cai trị các miền đất khác nhau thuộc đế quốc. Thánh Lu-ca kể lại một số miền nơi Đức Giê-su thi hành sứ vụ: Giu-đê với tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô, Ga-li-lê với vua Hê-rô-đê ... Sau những chi tiết về tình hình chính trị, tác giả kết thúc bằng cách nêu tên những thủ lãnh tôn giáo thời đó: Khan-na và Cai-pha.
Tất cả mọi người đều ở trong vị trí của mình, các vị trí đã được sắp xếp cả hệ thống hoạt động hoàn hảo. Hoàng đế trị vì, quan tổng trấn cai trị và các thượng tế thi hành chức vụ của mình. Cả một hệ thống vững mạnh, mọi sự dường như tốt đẹp và không thay đổi.
Chính trong bối cảnh ấy, một biến cố xảy ra: có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an ... Ông Gio-an xuất hiện và tất cả đều bị đặt thành vấn đề. Vị ngôn sứ đến từ một nơi khác, và đi đến một nơi khác. Ông không rao giảng về sự nghỉ ngơi, nhưng về sự hoạt động, về sự thay đổi toàn diện. Tiếng kêu của ông trong hoang địa làm xáo trộn mọi thực tại, chấm dứt tình trạng yên ổn: một con đường được mở ra và người ta phải đi theo con đường này. Ông Gio-an xuất hiện và loan báo một thế giới mới, mở ra một con đường dẫn đến một thực tại khác, mở ra một lỗ hổng giữa cuộc sống ngột ngạt, tù túng.
Như Tin Mừng thuật lại, các nhân vật đều có vị trí và chức vụ của mình, còn Gio-an, ông chẳng có gì cả. Ông chỉ là một con người bình thường trước những nhân vật đầy quyền uy. Ông chỉ được xác định qua lời ông loan báo. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông, tiếng nói của ông lại lật đổ toàn bộ hệ thống phẩm trật, hệ thống của những kẻ nắm quyền quyết định số phận toàn thể thế giới: bởi vì lời ông giảng không phải là của riêng ông, nhưng là của Thiên Chứa, Đấng Toàn Năng.
Lời của Thiên Chúa là lời bất ngờ, làm đảo lộn ; lời ấy đưa ra sáng kiến và mỗi người nhận thấy mình được mời gọi để đứng dậy và lên đường.
Như thế, lên đường không phải là đứng yên một chỗ, duy trì những cái đã có, nhưng là tìm kiếm, khám phá, sáng tạo và canh tân. Chỉ khi đó ơn cứu độ mới xuất hiện, và Thiên Chúa sẽ đến ở trong thành phố, trong cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân cũng như trong cuộc sống của tập thể.
Khi lên tiếng mời gọi mở một con đường trong hoang địa, ông Gio-an cũng khai mạc một cuộc sinh ra của con người ngày nay.
MỘT TIẾNG KÊU
Một tiếng kêu ... Thật là hạnh phúc ! Đã lâu lắm rồi người ta không còn được nghe tiếng nói của một vị ngôn sứ. Một tiếng kêu ... Tiếng kêu gì vậy ? Tiếng kêu công bố Lời của Thiên Chúa, tiếng kêu cho biết Thiên Chúa lại lên đường.
Thật là lạ lùng ! Đừng quên rằng tiếng kêu ấy đã vang lên vào năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê ...
Một tiếng kêu ... Tiếng kêu trong vùng hoang địa: Hãy dọn sẵn con dường của Đức Chúa.
Trong hoang địa. Ngày nay, tại hoang địa, những ngườiBê-đu-en biết cách làm lại một con đường chỉ trong vài ngày, có khi trong vài giờ. Ở đâu có một quán trọ, thì người ta sẽ mau chóng rải đá, lấp những chỗ trũng, sửa lại những khúc quanh, điểu chỉnh các biển báo hiệu. Và ngay tức khắc, trước mắt người khác chỉ thấy toàn là cát, đá và bụi, một con đường mới đã thành hình.
Hình như có rất nhiều con đường trong cuộc sống mà người ta không nhận ra ?
Đó là con đường cầu ngayện mà người ta để cho cát vùi lấp. Đó là con đường tuân phục và từ bỏ mà người ta đã mất các biển báo hiệu. Đó là con đường yêu thương người khốn khổ mà người ta không quan tâm. Dầu vậy, tất cả những điều ấy đều không quan trọng. Đức Giê-su cần tìm ra một con đường để qua đó Người có thể đi vào cuộc sống của nhân loại, vào tâm hồn của mỗi người.
Về phần mình, con người sẽ làm gì để tái lập tất cả những con đường bị bỏ quên ấy ?
Làm chung với nhau. Mọi người đều cùng làm. Lời kêu gọi của ngôn sứ hướng tới mọi người chứ không phải chỉ một ai đó. Cả cộng đoàn địa phương đều được mời gọi tìm ra điều nào quan trọng nhất để đón mừng lễ No-en đang đến.
Thánh Phao-lô viết: Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn (Pl l,9-lO).
Nhận ra cái gì là tốt hơn, đó lại không phải là san phẳng đường lồi lõm ?
Mỗi khi người Ki-tô hữu cùng nhau cầu nguyện, suy tư, chia sẻ, thì đó là những con đường tốt nhất để tại nơi họ ở hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứa độ của Thiên Chúa.
Trong công việc cùng nhau đón tiếp Chúa, người ta cần sự trợ giúp của người khác: người ta cần đến mọi bàn tay, mọi khối óc. Mỗi người đều phải nhớ rằng: chẳng có ai là người vô dụng. Mỗi người phải chỉ cho kẻ khác thấy những con đường mà, vì lười biếng hay mệt mỏi, họ không nhìn thấy.
Lúc ấy, mỗi ngày Hội Thánh nhận ra nơi mình ân sủng sám hối, tức là sự thay đổi lối sống. Lúc ấy, lời khẳng định của Đức Giê-su "Tôi là đường'' mỗi ngày một trở nên hiện thực hơn.NHỮNG TIẾNG KÊU TRONG LỊCH SỬ
Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa ... Lời loan báo này được vang lên ba lần trong lịch sử.
Lần thứ nhất, cách đây lâu lắm rồi, vào khoảng thế kỷ VI trước công nguyên. Khi ấy, dân Do-thái bị đưa đi lưu đày: họ không còn Đền Thờ, không có vựa, cũng chẳng có đất riêng để cư ngụ. Một vị ngôn sứ xuất hiện và báo cho dân biết Thiên Chúa sẽ can thiệp và đám người lưu đày sẽ được trở về quê hương. Con đường hồi hương sẽ băng qua sa mạc, nhưng Thiên Chúa sẽ ở với họ. Chính lúc ấy, vị ngôn sứ loan báo: trong sa mạc, hãy mở ra một con đường cho Đức Chúa ... (x. Is 40,3). Trước ý định của Thiên Chúa là dẫn đưa những người lưu đày trở về quê hương, các trở ngại biến mất, con đường trở nên thẳng băng, các lỗ trũng được lấp đầy.
Lần thứ hai, khoảng sáu thế kỷ sau, ông Gio-an Tẩy Giả loan báo một điều kỳ diệu hơn: Thiên Chúa sắp viếng thăm dân Người, không phải để giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày, nhưng để giải thoát nhân loại khỏi tình trạng nô lệ trầm trọng hơn. Người đến cứu các tội nhân, đưa họ vào vương quốc của Thiên Chúa, cho họ được quyền sống như những người con.
Lần thứ ba, cách đó hai mươi thế kỷ, lời ngôn sứ lại vang lên một lần nữa. Lời ấy hôm nay vang lên cho chúng ta: trong sa mạc của thế giới này, chúng ta hãy nghe lời ngôn sứ nói với mỗi người chúng ta: Chúa đến và mọi người đều được nhìn thấy ơn cứu độ. Thiên Chúa cũng muốn thực hiện những kỳ công cho chúng ta. Lời loan báo này khuyến khích chúng ta phải tiến bộ thêm trong sự hiểu biết Thiên Chúa và yêu mến người khác. Thiên Chúa muốn đưa chúng ta đến hưởng vinh quang và ánh sáng của Người, và chúng ta phải đem lòng yêu mến và nhiệt thành mà đáp lại.
Xin đừng để chúng con mải mê thế sự,
chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa.
Một tiếng kêu vọng khắp mặt đất
Thiên Chúa đang đến trong bóng đêm.
Hạt giống ánh sáng
đã đem lại kết quả. Này đã đến giờ của Vương Quốc, cây khô nay đã nở hoa;
nhưng trước mặt Con Người,
ai có thể đứng vững ?Từ phương Đông, Ngày của Người đã bắt đầu,
không ai tránh Người được; Lời Người như một lưỡi gươm
bóc trần cả tâm hồn. Chỉ người nghèo mới được nghĩa với Người,
chỉ người nghèo mới biết yêu mến,
và Thiên Chúa mời họ
ngồi bên cạnh Con yêu dấu.
Theo phụng vụ Pháp.
Lời rao giảng của Gio-an tiền hô trong sa mạc dạy ta phải sống mùa vọng như thế nào? Chính: MV 2-C9
Lời rao giảng của Gio-an tiền hô trong sa mạc dạy ta phải sống mùa vọng như thế nào? Chính trong sa mạc mà Gio-an tiền hô công bố sứ điệp Đấng cứu thế đến. Bài trích sách Ba-rúc hôm nay ghi lại: người Do thái đã bị đi lưu đầy và tản mát vì tội bất trung phản nghịch cùng Chúa. Họ nhắm đến cái ngày mà Thiên Chúa sẽ tụ tập họ lại và dẫn đưa họ về đất hứa. Vì thế tác giả sách Ba-rúc đã nuôi dưỡng họ bằng niềm hi vọng cứu rỗi. Mặc dầu bị đàn áp họ vẫn hi vọng Chúa sẽ không bỏ rơi họ. Cái sứ điệp ‘Đấng cứu thế sẽ đến’ của Gio-an tiền hô cũng đã làm cho họ vui tai, bởi vì qua bao nhiêu thế kỷ, họ đã bị quyền lực ngoại bang đô hộ, dưới chế độ Ba tư, dưới ách nô lệ bên Ai cập, ách thống trị của người Si-ri-a, và ách cai trị của người La mã.
Trong khoảng thời gian gần ba mươi năm, Gio-an tiền hô đã sửa soạn cho cái sứ mệnh loan báo tin mừng Đấng cứu thế đến bằng cách hãm mình cầu nguyện. Để làm khơi dạy cái lòng ăn năn sám hối, Gio-an tiền hô bắt đầu phép rửa sám hối. Gio-an dùng nghi thức bằng nước để giúp cho dân nhận thức được cái nhu cầu sám hối tội lỗi và trở về với Chúa.
Ta đang sống trong Mùa vọng, mùa mong đợi Đấng cứu thế. Nói một cách cụ thể hơn, ta đang sửa soạn mừng lễ Sinh nhật. Hàng ngày ta thấy trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, hoặc cửa tiệm, bảo ta sửa soạn mừng lễ sinh nhật bằng việc mua quà, gửi quà, trang hoàng nhà cửa, sửa soạn cây sinh nhật và dọn bữa ăn sinh nhật. Người ta biến mùa sinh nhật thành mùa quảng cáo và nghệ thuật quảng cáo đã làm chủ mùa này. Nói như vậy không có nghĩa là ta loại bỏ việc trang hoàng và trao đổi quà cáp. Việc trang hoàng và trao quà cũng cần, để giúp cho nền kinh tế được phát triển. Ngoài ra ta cần biểu hiệu bên ngoài như trang hoàng hang đá máng cỏ, đèn điện, cây sinh nhật, đèn sinh nhật để giúp khơi dạy lòng đạo đức bên trong. Tuy nhiên ta phải vượt lên trên biểu hiệu để tìm cho ra ý nghĩa đích thực của việc mừng lễ sinh nhật. Ta cần trở về cái ý nghĩa nguyên thuỷ của việc sửa soạn mừng lễ sinh nhật. Đâu là cái động lực khiến ta sửa soạn mừng lễ sinh nhật bề ngoài? Tại sao ta trang hoàng? Vì ta muốn mừng lễ sinh nhật trong cái bàu khí vui tươi. Khi gửi quà sinh nhật ta cần nhắc nhở cho mình về một món quà cao quí nhất của Thiên Chúa: đó là việc Ngài ban chính Con Một Người cho nhân loại. Như vậy trao quà cho nhau là để chia sẻ hồng ân Thiên Chúa ban.
Đối với người công giáo trưởng thành và đạo hạnh, việc sửa soạn mừng lễ sinh nhật phải được đặt nặng ở phần nội tâm. Người công giáo phải cải tà qui chính, sửa soạn tâm hồn bằng việc hoà giải với Chúa qua bí tích giải tội. Ta cần sửa soạn tâm hồn bằng cách lắng nghe lời Chúa qua miệng tiên tri I-sa-i-a và Gio-an tiền hô: Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho ngay thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng (Lc 3:4-5). Lời Chúa hiểu theo nghĩa bóng có nghĩa là phải bạt đi tính kiêu căng tự phụ, phải chôn lấp đi lòng dạ ẩn khúc, phải uốn thẳng lại tính quanh co, xuyên tạc, bịa đặt.
Đã bao nhiêu mùa giáng sinh qua đi mà vẫn để lại trong ta một tâm hồn trống rỗng? Mùa giáng sinh này có thể thay đổi, có thể có cái gì khác biệt, nếu ta thực sự lắng nghe và thực hành lời kêu gọi sám hối. Và cái thay đổi, cái khác biệt đó sẽ là khởi điểm cho cuộc sống mới của mỗi người, cuộc sống bình an trong ơn nghĩa với Chúa.
Gio-an là vị tiên tri được linh hứng đầu tiên đến đập tan sự yên lặng: MV 2-C10
Gio-an là vị tiên tri được linh hứng đầu tiên đến đập tan sự yên lặng của bao thế kỷ trôi qua từ đời tiên tri Ma-la-ki. Sự quan trọng của chức vụ của ông được Lu-ca nêu ra bằng cách liệt kê những chi tiết xác thực định vị thời kỳ của ông. Khi nói đến tên những nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo, ông đã cho biết trong thời ấy có sáu cuộc bổ nhiệm, để đưa dần tới tính cách phổ thông của Tin Mừng. Với thiên tài của một sử gia, Lu-ca đã liên kết câu chuyện ông kể với các biến cố của thế giới. Trước hết, ông phải nêu tên vị hoàng đế đang trị vì đế quốc La-mã là Xê-da Ti-bê-ri-ô, rồi ông kể đến Phi-la-tô, tổng đốc xứ Giu-đê, người đã mang một vết nhơ muôn đời là kẻ lên án tử cho Chúa Giê-su, Hê-rô-đê An-ti-pa, con người quyến dụ và sát nhân, con của Hê-rô-đê đại vương, được bổ nhiệm cai trị xứ Ga-li-lê, Phi-lip-phê và Ly-xa-ni-a làm tổng đốc các xứ lân cận.
Về phương diện giáo quyền, ông nhắc tới An-na và Cai-pha. Chưa bao giờ có hai thượng tế cùng một lúc. Vậy Lu-ca có ý gì khi nêu ra hai tên. Thượng tế là người đứng đầu Do-thái cả về phương diện tôn giáo lẫn chính trị. Ngày xưa chức thượng tế được cha truyền con nối và mãn đại, nhưng khi người La-mã đến, chức vị đó làm đầu mối cho đủ thứ gian lận. Kết quả là từ khoảng năm 37 TC-26 SC đã có đến hai mươi tám thầy thượng tế khác nhau. An-na hành chức thực thụ từ năm 7 TC-14 SC. Cho nên khi ấy ông đã mãn nhiệm, nhưng kế vị ông là bốn người con trai và Cai-pha là con rể ông. Do đó, tuy Cai-pha là thượng phẩm đương chức, nhưng thực quyền vẫn ở trong tay An-na. Vì thế sau khi Chúa Giê-su bị bắt đã phải điệu đến chỗ ông trước tiên, dầu lúc đó ông không còn tước vị gì. Lu-ca đem ghép tên ông vào với Cai-pha để muốn nói lên tình trạng "bất thường" về tôn giáo thời ấy.
Một bản danh sách của những lãnh tụ như thế cho ta thấy sự thoái hóa tột bậc về đạo đức lẫn tôn giáo lúc bấy giờ và sự cần thiết phải có một người kêu gọi Ít-ra-en trở lại thờ phượng và phụng sự Thiên Chúa .
Vị sứ giả ấy đã đến trong con người của Gio-an, con Gia-ca-ri-a. Sau một thời gian dài tôi luyện bằng kỷ luật khắc khổ trong sa mạc, ông đã xuất hiện với một sứ điệp quả quyết từ Thiên Chúa lôi cuốn quần chúng đông đảo đến thung lũng Gio-đan, để nghe giảng đạo và tiếp nhận lễ rửa như một dấu hiệu và ấn chứng cho lòng ăn năn. Bản chất của chức vụ ông là làm ứng nghiệm lời báo trước của tiên tri I-sai-a "Tiếng kêu trong hoang địa", người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Sự chuẩn bị này có tính cách Đông phương, khi một vị vua định đi tuần tra một vùng nào trong vương quốc mình thì sai một vị quan đi trước để hô hào dân chúng sửa sang đường sá. Chỗ trũng phải lấp đầy, chỗ cao phải bạt xuống, đường quanh co phải nắn lại cho thẳng, đường gồ ghề phải sửa cho êm. Cũng thế, Gio-an được coi như sứ giả của Vua, nhưng sự sửa soạn của ông nhấn mạnh là sự sửa soạn tâm hồn và đời sống. Như vậy, muốn cho người ta sẵn sàng tiếp nhận Chúa Ki-tô, những trở ngại đạo đức cần phải dẹp sạch, phải sám hối ăn năn và từ bỏ tội lỗi. Lu-ca đã kết thúc câu trích I-sai-a rằng: "Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa." để phù hợp với tính cách phổ thông của Tin Mừng.
Vicka là một trong sáu thị nhân tại Mễ-du, được chính Đức Mẹ dạy dỗ, khi có người hỏi: "Theo cô biết, ăn năn trở lại là thế nào ?"
Ăn năn hối cải là ý thức rằng chúng ta đang sống trước mặt Thiên Chúa, đêm cũng như ngày, và chúng ta chịu trách nhiệm về tất cả những gì thuộc thuộc bản thân ta, cũng như những gì thuộc quyền sở hữu của ta. Mẹ đã đến kêu gọi mọi người thế hãy nghe theo các sứ điệp của Mẹ mà ăn năn hối cải. Sống trong tội quả là điều nguy hiểm ! Những tai họa ghê gớm đang chờ đợi những kẻ không quay trở về cùng Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa luôn tha thứ cho ta, dầu tội lỗi đến như thế nào. Không có tội nào quá lớn đến nỗi Thiên Chúa không tha thứ được. Tình yêu Thiên Chúa luôn mãi lớn hơn tội lỗi chúng ta. Tất cả những gì ta có thể làm là nài xin. Đức Mẹ đến để bảo ta nài xin Chúa tha thứ ngay bây giờ. Mẹ nhắc lại cho ta rằng Thiên Chúa không bao giờ từ chối tha thứ cho bất cứ ai xin Người.
Và khi được hỏi về mức độ khẩn trương phải ăn năn, Vicka đáp: "Đức Mẹ phải khóc vì những đứa con của mình không biết Thiên Chúa, hoặc quay lưng với Thiên Chúa, hoặc bất tuân các giới răn của Người.
Rồi sau khi được Đức Mẹ dắt đi tham quan thiên đàng, luyện ngục và hỏa ngục, cùng với Jakov, trong một cuộc phỏng vấn, có người hỏi: "Từ khi thấy hỏa ngục lời cầu nguyện của cô có khác gì không ?" Vicka đáp ngay: "Ồ, dĩ nhiên là có. Bây giờ tôi cầu nguyện cho kẻ tội lỗi ăn năn hối cải. Tôi biết cái gì đang chờ đợi họ, nếu họ từ chối quay trở về.
Vậy điều gì xảy ra đối với kẻ phạm tội ?
Hết thảy chúng ta đều phạm tội. Đó là lý do Đức Mẹ kêu gọi ta làm hòa lại với Thiên Chúa và với anh em ta, chị em ta, ngay từ bây giờ. Ta càng cứng đầu chống nghịch đường lối của Thiên Chúa, thì ta càng rời xa Nước Thiên Chúa. Và khi được hỏi: "Làm sao để chúng ta quay trở lại ? Vicka cho biết: "Đức Mẹ bảo rằng bao lâu còn sống trên trần, ta còn có thể trở lại với Thiên Chúa mọi giờ mọi phút, bằng cách ăn năn sám hối. Và cũng vì thế, ăn năn hối cải không phải là một việc nhất thời, làm một lần là xong. Đó là con đường xuyên suốt đời người, và lúc đầu, người ta có thể gặp nhiều khó khăn, vì Xa-tan rất mạnh mẽ, và nó tìm mọi cách để cản trở việc ăn năn hối cải của ta. Càng gặp khó khăn ta càng phải cầu nguyện. Ăn năn hối cải không thể là chuyện nói đầu môi chót lưỡi, song bằng hành động, bằng tình yêu, một công việc kiên trì mỗi ngày."
Còn Jakov, khi được hỏi ăn năn hối cải có ý nghĩa thế nào đối với cậu. Cậu trả lời: "Khi em còn nhỏ, em chỉ biết sơ sơ về Thiên Chúa . Cũng có đi dự lễ, đi nhà thờ, nhưng không bao giờ thực sự cảm nghiệm được Thiên Chúa. Đi là chỉ do sự thúc đẩy. Cần nhất là Thiên Chúa phải sống trong ta. Em không cảm nghiệm được điều ấy cho đến khi các cuộc hiện ra xảy ra. Em có thể nói ăn năn trở lại là Thiên Chúa sống trong em và em nhận biết sự ấy."
Rồi khi được hỏi: "Làm thế nào để cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong đời sống ? Jakov được Đức Mẹ dạy, trả lời: nhờ cầu nguyện. Và như vậy, phương thế để ăn năn trở lại đó là: dành thời giờ để cầu nguyện.
Bạn đã sám hối như thế nào ? Và quyết định mỗi ngày dành ra bao nhiêu giờ để cầu nguyện ?
Khi Gioan Tẩy giả được sai đi loan báo Đấng Messia, ông mở đầu hoạt động bằng kêu gọi dân chúng mau mở đường đón Ngài: "Hãy sửa đường của Chúa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi ho sâu. Hãy bạt mọi núi đồi. Và mọi người sẽ thấy ơn cúu độ của Thiên Chúa'? Lời thúc giục của Gioan lúc nào cũng thích hợp với người Kitô hũu: Hãy mở cho Thiên Chúa một con đườngvào chính lòng mình.
THẾ NÀO LÀ MỞ ĐƯỜNG CHO CHÚA?
Các nhà kinh tế và chỉnh trang lãnh thổ đều đồng ý rằng: Muốn phát triển những miền rừng rậm, hoang dã thì việc đầu tiên phải làm là mở đường. Đường mở tới đâu thì cảnh âm u, tiêu điều sẽ bị đẩy lùi dần tới đó. Dân chúng kéo đến lập nghiệp, sự sống bừng lên, văn minh lan tới. Nhờ giao lưa với những vìnlg đông dân cư, chấm dứt được tình trạng cô lập
Người Kitô hữu cũng phải làm một việc tương tự: mở đường cho Chúa đến với chính mình.
HẤM DÚT NNH TRẠNG CÔ LẬP
Chúng ta là Kitô hữu mà nhiều lúc chúng ta sống như thể không có Chúa, hoặc không cần đến Chúa. Mình tự cô lập mình. Nhiều người sống trong tâm trạng: có Chúa cũng chẳng thêm gì, mà không có Chúa cũng chẳng thiếu gì. Vẫn sống được. Cuộc đời mình cứ việc diễn ra bên ngoài Chúa. Mà như vậy lại càng hay, bởi vì mình có thể sắp đặt cuộc đời mình theo ý mình muốn, sống như ý mình thích. Có Chúa nhúng tay vào thêm rắc rối, mình sẽ bị trói tay. Sống như vậy sẽ thật buồn thảm.
Thật ra thái độ cô lập đó là một sự tự sát. Con người không thể sống thiếu dưỡng khí. Thiên Chúa chính là dưỡng khí của con người Kitô. Thiếu dưỡng khí thì chết ngạt. Thiên Chúa chính là sự sống và là nguồn cứu độ của ta. Không có Chúa, sự sống của ta chỉ là sự chết trá hình và cuộc đời của ta chỉ là một cơn hấp hối kéo dài.
Để cho ánh sáng và sự sống của Chúa tràn tới. Chúa đến để giải thoát chứ không phải để trói buộc. Có Chúa thì mình mới sống thật tự do, thật viên mãn ; vì chúng ta đã được Kitô hóa.
CHUYỂN HU'ỚNG ĐỜL MÌNH
Nếu chưa có đường thì phải mở đường cho Chúa. Nếu đã có đường nhưng đường còn quanh co, gồ ghề thì cần sửa lại. Cuộc chuyển hướng này sẽ diễn ra theo từng giai đoạn.
Trước hết hãy can đảm thoát ra khỏi tình trạng tội lỗi. Có lẽ chúng ta chưa đến nỗi lâm vào tình trạng bế quan tỏa cảng nói trên, nhưng có thể lại mắc kẹt nhiều cách khác. Mình muốn đón Chúa, thấy cần đón Chúa, nhưng lại chưa sẵn sàng đoạn tuyệt với tội lỗi. Biết rõ tình trạng bắt cá hai tay đó không ổn, nhưng còn luyến tiếc lối sống cũ, chưa quyết tâm dứt bỏ. Còn bị giằng co, do dự giữa hai tiếng gọi trái nghịch. Như vậy là đã có sẵn một con đường, nhưng chỉ là một con đường mòn chật hẹp, quanh co, lầy lội, đầy trở ngại.
Đối với tình trạng giằng co này, lời Gioan Tẩy giả trong đoạn Tin Mừng thật rất thích hợp: Hãy uốn nắn đường cho ngay thẳng, bạt chỗ cao, lấp chỗ trũng. . . để Chúa có thể đến được
Bước tiếp theo là cần khơi lửa mến lên trong lòng mình. Sạch tội đã là một bước tiến đáng kể, nhưng cũng vấn chưa đủ Có biết bao người sạch tội nặng, nhưng lòng vẫn nguội lạnh, hững hờ. Không xa Chúa hăn, nhưng cũng chẳng gần Ngài bao nhiêu. Còn thiếu một nỗ lực tích cực hướng tới sự thánh thiệnẠ còn sống đạo theo thời vụ, mưa nắng đan xen, chưa thấy Thiên Chúa là niềm khao khát lớll nhất của đời mình, đồng thời cũng ìà nguồn cảm hứng vô tận của mình.
Trong những điều kiện như vậy chúng ta vẫn còn phải mở rộng đường cho Chúa đến, càng ngày càng rộng. Càng ngày càng khao khát Thiên Chúa nhiều hơn. Được tràn đầy Thiên Chúa bao nhiêu càng thêm khao khát bấy nhiêu. Như vậy cuộc đời sẽ được biến đổi thành một Mùa Vọng trường kỳ và liên tục.
Sau khi kêu gọi dân chúng dọn đường cho Chúa đến, Gioan còn nói thêm “Và mọi ngltời sẽ dltợc thấy ơn cứu dộ'.
Nếu chúng ta thật lòng tìm kiếm và quyết tâm mở đường cho Chúa thì chính chúng ta cũng sẽ được thấy ơn cứu độ, nghĩa là gặp được Thiên Chúa.
Trận bão tuyết trên dòng cỏ Cansas phủ một lớp tuyết dầy từ 1,5 m đến 2 m trên đường đi. Chuông điện thoại reo trong nhà bác sĩ. Vợ của ông Yohn Lang sắp sinh một em bé. Nhưng bác sĩ không thể vượt qua những đồng tuyết dầy đó. Ông John kêu gọi lối xóm: “Xin các bạn giúp bác sĩ tới” tức thời, tứ phía, đàn ông, con trai tay cầm cuốc, xẻng ùa tới, họ làm việc tận lực trong hai tiếng đồng hồ, thế là bác sĩ kịp thời để giúp em bé Lang chào đời.
Hôm nay, lời kêu gọi của một người cha khác, người cha trên trời đến với chúng ta: “Hãy dọn đường cho Chúa” Con của Ngài sẽ sinh ra một cách đăc biệt trong ít tuần lễ nữa. Lời kêu gọi từ sứ giả Isaia của Chúa Cha, được vị tiến bộ người bà con của Chúa hài đồng nhắc lại: “Hãy dọn đường sẵn sàng”.
Chúng ta được mời gọi, không phải để dẹp những đống tuyết, nhưng để dẹp bỏ những khinh khi, những biếng nhác, những tội lỗi và những gì làm Chúa Hài đồng không thể đến trong con tim chúng ta.
Để dọn đường, chúng ta phải nghĩ tới ý nghĩa của lễ Giáng sinh, chúng ta phải xin người ngự đến trong con tim của mọi người, chúng ta phải làm những gì đẹp lòng Người – Hãy tử tế với mọi người, giúp đỡ kẻ thiếu thốn, quên mình để giúp người khác thoải mái, hạnh phúc và mến chuộng hơn.
Có nhiều thứ chuẩn bị vật chất cho ngày Chúa đến: quà tặng, thiệp mừng, đồ trang trí, thực phẩm, chương trình, chuẩn bị cho ngày lễ gia đình, những cái đó tốt đẹp, nhưng phải hơn thế nữa chúng ta phải dọn lòng trí cho thanh sạch. Hơn nữa, chúng ta dọn đường Chúa cách tập thể. Trong câu chuyện một nhóm người lối xóm dọn dẹp tuyết, cho chúng ta ý tưởng chúng ta phải dọn đường thế nào cho hài nhi Betlem đến trong lòng chúng ta cũng như họ, chúng ta cùng làm việc với nhau.
Giáng sinh là một lễ của cộng đoàn. Hầu hết chúng ta – tôi hy vọng tất cả chúng ta – Giáng sinh là một lễ của gia đình. Tất cả gia đình cần phải tham dự, cần giúp nhau chuẩn bị, cần góp sức với nhau.
Trong gia đình họ đạo, chúng ta cũng cần sát cánh với nhau. Mỗi người có phận sự của mình trong nghi lễ ngày sinh nhật Chúa, người giúp việc, người giải thích, người đọc sách, người dọn máng cỏ, người trang hoàng bàn thờ và tất cả chúng ta cùng ca hát, và cầu nguyện trong mùa thánh này.
Hãy để ý những lời cầu nguyện trong thánh lễ, chúng ta thường dùng từ ngữ “chúng ta”, “chúng con” như: “chúng con dâng lên Chúa, chúng con cảm tạ Chúa”. Chúng con ca tụng Chúa. Hãy làm cho chúng ta xứng đáng, nhất là trong lời kinh chính Chúa Giêsu đã dậy chúng ta: “Lạy cha chúng con... lương thực chúng con... tội lỗi chúng con”
Với Chúa, mỗi người chúng ta đều quí giá. Chúng ta càng quí hơn khi chúng ta cầu nguyện với nhau, ca hát với nhau, dâng lễ với nhau, chịu lễ với nhau, làm việc với nhau, ước gì mọi người chúng ta cùng nhau dọn đường Chúa đến trong tâm hồn, như một gia đình riêng, như một gia đình họ đạo và như một gia đình rộng lớn của Chúa. Amen.
Mỗi năm vào ngày 31 tháng 1, cả thế giới mừng ngày Quốc Tế Phong Cùi. Người có công thiết lập nên ngày đáng ghi nhớ này là ông Raoul Follereau (1903-1977).
Raoul Follereau còn khởi xướng nhiều chiến dịch khác nữa, luôn để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Năm 1942, ông kêu gọi: "Hiến một giờ tiền công cho người nghèo". Năm 1946, ông đề nghị ai nấy tham gia xây dựng "Nền trật tự bác ái" theo khả năng sẵn có của mỗi người, khởi đi từ cách mỗi người suy nghĩ và hành động nhằm xây dựng nền văn minh tình thương.
Đặc biệt ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 1947, Raoul Follereau phát động một chiến dịch gọi là "Tổng đình công và bãi thị chống lại ích kỷ". Chiến dịch này bắt đầu đúng ba giờ chiều hôm đó, lúc mà mọi Kitô hữu khắp nơi trên thế giới tưởng niệm cái chết hoàn toàn tự nguyện của Đức Giêsu, Đấng đã hy sinh tính mạng để đưa đồng loại bước ra khỏi ích kỷ.
Ngay thời còn nhỏ, cậu Raoul Follereau đã ham văn chương thi phú. Là con của một kỹ nghệ gia giàu có ở Pháp, cậu được chỉ định chuyên học kỹ thuật để kế nghiệp người bố chết sớm. Sau cậu tìm cách theo học văn chương và đỗ tiến sĩ triết tại đại học Paris ở tuổi 24. Thơ văn mà Raoul Follereau sáng tác được biết đến trên văn đàn Bình Minh của kịch trường Pháp. Bài "những con búp bê" chẳng hạn, được đọc cả ngàn lần. Hơn nữa, Raoul Follereau còn nổi tiếng về tài hùng biện bẩm sinh. Ông được mời đi diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới nói tiếng Pháp, theo chương trình Liên Minh Văn Hoá Pháp tổ chức.
Ông Raoul Follereau là tiếng nói thay cho lớp người nghèo bị xã hội gạt sang bên lề. Ngay với bài "Những con búp bê", Raoul Follereau đã sớm lên tiếng bênh vực người nghèo. Những công trình lớn nhất của ông là tạo được tình liên đới dành cho bệnh nhân phong cùi khắp nơi trên thế giới. Người gây khởi hứng cho ông trong công trình này chính là các nữ tu Công Giáo tại Bắc Phi Châu. Bằng mọi giá các nữ tu này đã cứu các bệnh nhân phong cùi khỏi bị đẩy ra bên lề xã hội. Năm 1942, ông Raoul Follereau đã quảng đại đáp lại lời yêu cầu của các nữ tu này, để phát động chương trình diễn thuyết ở nhiều nơi. Ở đâu Raoul Follereau cũng vạch cho cử tọa thấy tình trạng bi đát của người bệnh phong. Ông đã làm chấn động nhiều cử tọa, khơi dậy cả một phong trào cho tình liên đới dành cho người phong.
Thế là nhiều nơi trên thế giới vang lên tiếng kêu cứu của người phong cùi. Chính ông Raoul Follereau đã vượt qua 2 triệu cây số đường trường, xuyên qua 55 quốc gia, thu về cho người phong cùi số tiền cứu trợ là 3 tỷ đồng quan Pháp. Nhưng quan trọng hơn gấp bội chính là tình thương mà ông khơi dậy nơi lòng người để thính giả nghe ông tích cực, giúp bệnh nhân phong cùi bước ra khỏi tình trạng bị cô lập.
Đi thăm người phong cùi ở đâu trên thế giới, ông cũng mang lại cho họ mối tình ấm áp theo gương Chúa Giêsu xưa. Việc ông bắt tay hoặc ôm hôn họ là điều hết sức tự nhiên.
Chuyến viếng thăm đầu tiên ông Raoul Follereau thực hiện tại đảo Hawai vào năm 1948 đáng kể, vì đó là nơi cha Phêrô Đa Miêng (1840-1889), vị tông đồ người phong, đã từng sinh sống và phục vụ họ; Ngài đã được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước.
Năm 1964, ông Raoul Follereau thành lập Liên Hiệp chống bệnh phong. Trong thập niên 60, hai ông bà Raoul Follereau đã đến đã đến viếng thăm các trại phong Việt Nam, như Quy Hoà, Bến Sắn và Kon Tum.
Cuộc chiến chống bệnh phong còn được Raoul Follereau nới rộng để bao gồm mọi căn bệnh khiến cho con người xa cách nhau và loại trừ nhau, như nghèo đói, ích kỷ và chiến tranh. Ông đặt người ta trước chọn lựa giữa "bom nguyên tử hoặc yêu thương". Năm 1954, ông kêu gọi hai nguyên thủ quốc gia là Mỹ và Nga, khi ấy là hai ông Eisenhower và Malenkov: Mỗi quốc gia hãy tặng số tiền trị giá một chiếc máy bay ném bom mà thôi cũng đủ để săn sóc mọi người phong trên toàn thế giới! Năm 1964, ông yêu cầu Liên Hiệp Quốc thiết lập cơ chế khuyến khích mỗi quốc gia dành tiền chi phí một ngày cho khí giới vào công cuộc chống nạn nghèo đói và bệnh tật. Ông đã nhận được ba triệu chữ ký của người trẻ từ 14 đến 20 tuổi, thuộc 125 quốc gia. Kết quả là năm 1969, Liên Hiệp Quốc đã chấp nhận việc thiết lập nên "Ngày chiến đấu cho hoà bình".
Sửa Lối Cho Thẳng (Lc 3,4)
Raoul Follereau qua đời năm 1977, nhưng những tổ chức ông thiết lập vẫn còn góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Liên Hiệp Chống Bệnh Phong do ông thiết lập vẫn làm việc đắc lực. Hội Thân Hữu Raoul Follereau được thiết lập từ hơn 30 năm nay, hiện còn hoạt động tại 56 quốc gia, trong đó có 26 nước Phi Châu, 4 nước Châu Mỹ La Tinh, 7 nước Á Châu, 1 nước Châu Đại Dương và 4 nước Au Châu; trong số các nước Á Châu có Miến Điện, Trung Hoa, Indonêsia, Ấn Độ, Băng-la-đét, Pakistan và Phi Luật Tân. Số bệnh nhân phong được Hội này chữa lành và giúp tái gia nhập xã hội gồm trên 700 ngàn người. Ngoài ra, Hội còn phát động chiến dịch canh tân đời sống, loại bỏ những nguyên nhân làm cho con người bị băng hoại, như tệ nạn chiến tranh, thù hằn, bất công, khai thác và bóc lột những thành phần yếu kém trong xã hội. Lý tưởng mà Hội nhắm tới là góp phần xây dựng một nền văn minh tình thương, trong đó mọi người được kính trọng và yêu thương.
Nhưng nguồn khởi hứng đầu tiên thúc đẩy ông Raoul Follereau trở nên tiếng nói cho bệnh nhân phong cùi, chính là các chị nữ tu Công Giáo tại Bắc Phi Châu. Các chị không những nói thay cho họ, các chị còn dâng hiến đời mình để phục vụ họ. Và trước các chị nữ tu này còn có vị tông đồ người phong là cha Phêrô Đa Miêng, vị linh mục 23 tuổi đã tự nguyện đến thưa với Đức Giám Mục của mình rằng: "Này con đây, con sẵn sàng để được chôn sống với anh em bệnh phong"; và quả thực, 17 năm sau, cha Đa Miêng đã qua đời do bệnh phong cùi mà Ngài đã tự nguyện nhiễm lấy cho mình vì tình yêu mà ngài dành cho anh chị em mắc bệnh phong.
Để Người Đi (Lc 3,4)
Đó là những con người nối tiếp nhau phần nào thể hiện điều tông đồ Phaolô nói về chính Đức Kitô, Đấng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế… Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người (Pl 2,7-9).
Điều khiến loài người phải thán phục là Thiên Chúa đã an bài để sai sứ giả đến trước loan báo về việc xuất hiện Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô. Sứ giả ấy chính là Gioan Tẩy Giả mà cuộc đời và sự nghiệp được chỉ định gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của chính Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ trần gian.
Sách Tin Mừng Luca cho thấy ngay từ khi còn trong lòng mẹ, Gioan đã nhảy mừng để loan báo về cuộc viếng thăm của Đức Maria, người em họ mà được chị là bà Isave, nhận là "Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm tôi" (Lc 1,43).
Ba tháng sau, khi Gioan Tẩy Giả chào đời, người bố đang câm bỗng nói được để tiên báo "Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên" (Lc 1,77).
Ba mươi năm sau, chính Gioan Tẩy Giả xuất hiện nơi hoang địa vùng ven sông Giođan. Ông tự xưng là tiếng hô trong hoang địa: "Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi" (Lc 3,4).
Ngày nay, Giáo Hội rất coi trọng cuộc đối thoại bằng hành động qua đó các Kitô hữu cùng với tha nhân cộng tác nhằm phát triển và giải phóng con người toàn diện (x. Dialogue and Proclamation, Hội Đồng Toà Thánh về Đối Thoại Liên Tôn và Bộ Phúc Âm Hoá các Dân Tộc, 1991, số 42). Đó quả là cách đối thoại và công bố Tin Mừng có tính khả tín đối với người thời nay. Ông Raoul Follereau, các chị nữ tu phục vụ người phong cùi tại Hawai, tại Quy Hoà, và Bến Sắn; cha Phêrô Đa Miêng tự nguyện trở nên người phong cùi và chết cho họ, mỗi người mỗi cách đều góp phần thể hiện lời ông Gioan Tẩy Giả hô to trong hoang địa: "Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi" (Lc 3,4).
Một số câu hỏi gợi ý
1. Bạn tâm đắc gì về hoạt động của ông Raoul Follereau nhằm góp phần giải phóng con người toàn diện? Hãy so sánh hoạt động của ông với cách phục vụ người bệnh của các chị nữ tu tại Bến Sắn, Quy Hoà, nhất là với cha Phêrô Đa Miêng.
2. Riêng bạn nghĩ bạn có thể áp dụng lời này của ông Gioan Tẩy Giả được chăng: "Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi (Lc 3,4)?
1. Thiên Chúa nói với Gioan, mời gọi ông cộng tác với Ngài vào kế hoạch cứu độ của Ngài. Thế còn chúng ta? Ngài có mời gọi ta làm gì không? Ta có nghe thấy Ngài mời gọi ta làm gì không? Nếu không thì tại ta hay tại Ngài?
2. Gioan mời gọi mọi người sám hối. Sám hối là gì? Sám hối chỉ hoàn toàn mang tính cá nhân hay còn mang tính tập thể nữa?
Suy tư gợi ý:
1. Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa kêu gọi
Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa kêu gọi một cách rất đặc biệt. Trước khi ông sinh ra, đã có những biến cố kỳ lạ liên quan đến ông. Cha ông đã gặp thiên sứ hiện ra trong Đền Thờ báo tin việc ra đời của ông, rồi cha ông bị câm vì cứng tin; mẹ ông mang thai ông trong tuổi già; và cha ông chỉ hết câm khi đặt tên cho ông (x. Lc 1,5-25.57-80). Khi ông đến tuổi trưởng thành, Kinh Thánh viết về ông: «Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa». Và ông đã đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa ra đi, rao giảng về Nước Trời, chuẩn bị hay dọn đường cho Đức Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại, đến trần gian. Ông đã chu toàn ơn gọi một cách hết sức nhiệt thành, đến nỗi đã chết một cách rất anh hùng vì ơn gọi của mình (x. Mt 14,3-12; Mc 6,17-29).
2. Thiên Chúa cũng kêu gọi chúng ta
Ơn gọi của Gioan thì như thế. Còn ơn gọi của chúng ta thì sao? Để cứu rỗi nhân loại và làm cho con người được hạnh phúc, để thiết lập Nước Trời, Thiên Chúa cần rất nhiều người cộng tác. Ai cộng tác thì Ngài cũng đều kêu gọi và thánh hóa. Nhưng Ngài không kêu gọi một cách minh nhiên, rõ rệt bằng lời nói theo kiểu một người cao cấp ngoài đời mời gọi một ai đó cộng tác với mình. Người được Ngài mời gọi, ban đầu, thường cảm thấy một cách mơ hồ có một khuynh hướng hướng về Ngài, về công việc của Ngài. Khuynh hướng ấy ngày càng trở nên mạnh mẽ và rõ nét cho đến một hôm nó trở thành một lời mời gọi rõ rệt từ bên trong. Khuynh hướng này có trở nên mạnh mẽ và rõ rệt hay không, điều ấy còn tùy thuộc vào lòng nhiệt thành và quảng đại của ta trong những lần Chúa mời gọi ta thực hiện những công việc nho nhỏ trong những tình huống xảy ra thường ngày. Người không làm theo tiếng lương tâm, không đáp lại tiếng Ngài trong những trường hợp cụ thể của đời sống, sẽ không cảm thấy Ngài gọi mình trong những công việc lớn hơn.
Rất nhiều người không được mời gọi cộng tác với Ngài trong công việc của Ngài chỉ vì họ không nghe được tiếng Ngài. Sở dĩ ta không nghe được tiếng Ngài chính vì ta chẳng mấy khi chịu im lặng để lắng nghe tiếng Ngài vang vọng trong thâm tâm ta. Thực ra Ngài vẫn nói, vẫn kêu gọi mọi người, nhưng nhiều người chẳng thèm nghe vì còn bận quan tâm đến những chuyện của trần gian. Nhiều lần như thế, tiếng Ngài ở trong ta ngày càng yếu ớt và đến một lúc nào đó tiếng Ngài như tắt hẳn. Như vậy, không phải Ngài không nói mà vì lỗ tai tâm linh của ta đã bị điếc, không còn khả năng nghe thấy tiếng Ngài nữa. Và ta bị điếc cũng là tại ta không muốn nghe, hay không muốn đáp lại lời mời gọi của Ngài.
3. Gioan Tẩy Giả kêu gọi sám hối
Trước khi Đức Giêsu đến với trần gian, Thiên Chúa kêu gọi Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Ngài, bằng cách mời gọi mọi người sám hối, và biểu lộ lòng sám hối bằng một nghi thức bên ngoài là rửa tội. Sám hối là nhận ra những tội lỗi, khuyết tật của mình để quyết tâm sửa đổi hầu trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Nếu sám hối không dẫn đến tình trạng tốt đẹp hơn, thì sám hối đó chỉ là sám hối hời hợt, ngoài miệng… Nếu thực hiện nghi thức sám hối ở bên ngoài (như rửa tội, xưng tội…) mà trong lòng không thật tâm sám hối thì đó chỉ là việc làm lấy lệ hay giả dối.
Sám hối để đón Chúa đến không chỉ mang tính cá nhân mà còn phải mang tính xã hội nữa. Nghĩa là người thật sự sám hối không chỉ làm cho bản thân mình, tâm hồn mình nên tốt đẹp hơn, mà còn phải tìm cách làm cho tập thể, cộng đoàn hay xã hội của mình nên tốt đẹp nữa.
Việc sám hối ấy căn bản là ở trong nội tâm. Và nếu đó là sám hối thật sự thì nó phải hướng đến hành động, hay tất yếu dẫn đến hành động thật sự. Ngôn sứ Isaia mô tả sự sám hối ấy bằng những hình tượng khác nhau: «Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng».
4. Sám hối một cách cụ thể là gì?
Điều quan trọng để đón Chúa đến là phải có tinh thần sám hối. Nhưng tinh thần sám hối đích thực thì luôn phải được thể hiện thành hành động, nghĩa là nó phải dẫn đến sự chừa cải, tu sửa, cải thiện… Nói khác đi, có gì sai thì phải sửa cho đúng, xấu thì sửa cho tốt, cho đẹp, cong thì thành thẳng, gồ ghề thành phẳng, cao thì bạt xuống, thấp phải đôn lên… Việc sám hối và tu sửa phải được thực hiện không chỉ nơi cá nhân mà còn trong giáo hội và xã hội.
- nơi cá nhân: cá nhân nào cũng đều có những tật xấu, khuyết điểm, sự vị kỷ, tính kiêu căng, tham lam, đố kỵ, ghen ghét, lười biếng, hèn nhát, v.v…
- trong giáo hội và xã hội: giáo hội hay xã hội nào cũng đều có bất công, những cơ chế phát sinh bất công, những luật lệ phi lý, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ nạn… tất cả đều làm cho con người trong tập thể đau khổ, trì trệ, không phát triển, v.v…
Hiện nay, trong đời sống tâm linh và tu đức, rất nhiều kitô hữu chỉ nghĩ tới việc nên thánh cá nhân, sự cứu rỗi cá nhân, mà quên đi chiều kích giáo hội và xã hội của ơn cứu rỗi và sự nên thánh. Họ quan niệm việc nên thánh hay cứu rỗi của họ có thể thực hiện một mình, độc lập với những người chung quanh… Nghĩa là họ có thể nên thánh, được cứu rỗi mà không cần nghĩ gì đến xã hội và giáo hội, bất chấp đến những bất công, trì trệ hay những thành quả tốt đẹp của giáo hội và xã hội. Họ cho rằng họ có thể nên thánh và được cứu rỗi mà không cần nghĩ đến những người chung quanh xem họ có nhu cầu gì, đau khổ hay hạnh phúc ra sao.
Thiết tưởng tinh thần cốt yếu của Kitô giáo là tình yêu, một tình yêu trải rộng đến mọi người không phân biệt bạn thù, giàu nghèo, giai cấp, v.v… Tiêu chuẩn cuối cùng để Thiên Chúa xét đoán sự công chính của mỗi người là tình yêu họ dành cho tha nhân (x. Mt 25,31-46). Nên sự sám hối cũng như sự tu sửa của người kitô hữu để đón Chúa đến phải chủ yếu nhắm đến tình yêu, đến sự quan tâm của mình đối với tha nhân, đối với giáo hội, xã hội, quê hương, đất nước và toàn nhân loại.
Trong chiều hướng đó, câu «Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng» cần phải được hiểu không chỉ áp dụng cho bản thân mỗi cá nhân mà còn cho cả giáo hội và xã hội nữa.
5. Ý thức sám hối mang tính giáo hội và xã hội
Tất cả mọi kitô hữu đều có trách nhiệm biến cải giáo hội và xã hội nên tốt hơn, nghĩa là phải sửa sai, phải thay đổi những gì chưa đúng, hoặc có hại trong giáo hội và xã hội. Trong dân gian có câu: «Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh», hay «quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách» (kẻ kém cỏi nhất trong đất nước cũng có trách nhiệm về sự thịnh suy của đất nước). Cũng thế, mọi kitô hữu dù là giáo dân hay linh mục tu sĩ, là người thất học hay trí thức đều có trách nhiệm đối với sự phát triển hay suy thoái của giáo hội và xã hội. Những kitô hữu tỏ ra vô tâm, vô tình, vô trách nhiệm đối với tha nhân, với xã hội, đất nước, thế giới, với giáo hội địa phương, cũng như với giáo hội hoàn vũ, cần phải suy xét lại thái độ vô tình ấy của mình. Rất có thể ta chưa phải là kitô hữu đích thực, chưa có đủ tình yêu đối với tha nhân, một phẩm tính căn bản của người kitô hữu.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin Cha giúp con thực hiện lời kêu gọi sám hối của Gioan Tẩy Giả, cụ thể là mở rộng tấm lòng hẹp hòi của con ra. Xin cho con biết ôm cả thế giới, cả giáo hội, cả quê hương vào lòng, để con biết quan tâm đến những vấn đề rộng lớn, biết ý thức chia sẻ trách nhiệm chung với mọi người trước lịch sử của đất nước, của giáo hội và thế giới. Xin đừng để con quá hững hờ, làm ngơ hay dửng dưng vô trách nhiệm trước những biến cố đau thương hay sự hưng thịnh của đất nước, của giáo hội và thế giới.
1. Muốn cho thấy Đức Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử. Bởi thế Luca liệt kê những nhân vật lịch sử đang hành quyền lúc Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng. Trong số những nhân vật ấy,
- Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực chính trị, như Hoàng đế Tibêriô, Tổng trấn Phonxiô Philatô, các Tiểu vương Hêrôđê, Philípphê, Lyxania.
- Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực tôn giáo, như các thượng tế Khanna và Caipha.
Lãnh địa mà họ đang hành quyền vừa là phần đất do thái (như Giuđê, Galilê), vừa là phần đất lương dân (như Iturê, Trakhônít, Abilên).
2. Khi kê khai những nhân vật đang cầm quyền vừa trong lãnh vực tôn giáo lẫn lãnh vực chính trị, vừa ở đất do thái vừa ở đất lương dân, Thánh Luca còn muốn nói Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ phổ quát, chẳng những cho người do thái mà còn cho mọi dân tộc.
3. Và Gioan Tẩy giả chính là kẻ tiền họ dọn đường cho Ngài.
B.... nẩy mầm.
1. Ngôi Hai Thiên Chúa từ trời cao đã xuống trần gian, đi vào lịch sử loài người. Nghĩa là Ngài muốn chia xẻ thân phận con người. Còn tôi, tôi có muốn chia xẻ cuộc đời tôi cho Ngài không ?
2. Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ toàn thể nhân loại. Thế mà đã sau 20 thế kỷ và sắp bước vào thiên niên kỷ thứ ba mà còn rất nhiều người chưa nhìn nhận Ngài. Do đâu ? Tôi có phần trách nhiệm nào trong sự thiếu sót này không ?
3. Trách nhiệm của tôi có lẽ là đã không quan tâm đến việc “dọn đường”. Ngày xưa Đấng Cứu Độ cần có Gioan dọn đường, thì ngày nay cũng vẫn thế. Việc này ngày nay được gọi là “Tiền phúc âm hóa”. Việc “tiền phúc ấm hóa” tạo những điều kiện thuận lợi cho mãnh đất, để khi hạt giống phúc âm gieo xuống thì mọc lên ngay. Vậy tôi sẽ làm công việc tiền phúc âm hóa này cho những ai ? Và làm bằng cách nào ?
4. Gioan tẩy giả được kêu gọi là ngôn sứ cho Chúa trong khung cảnh lịch sử thời ông. Chúa cũng gọi tôi làm chứng cho Ngài trong khung cảnh lịch sử và xã hội cụ thể của tôi. Tôi phải trình bày Đức Giêsu như thế nào để cho người đương thời thấy được rằng Ngài là một Đấng rất gần gũi với họ và có thể cứu họ ?
5. Gioan được kêu gọi “trong sa mạc”, nghĩa là trong một khung cảnh thinh lặng. Tôi cũng chỉ có thể gặp Chúa và nghe được tiếng gọi của Ngài nếu tôi biết đi vào “sa mạc” bằng tĩnh tâm, cầu nguyện và không để mình bị xáo trộn bởi những lo lắng sự đời.
6. Chẳng những tôi phải dọn đường cho Chúa đến với anh chị em tôi, mà cũng phải dọn con đường tâm hồn tôi để cho Chúa đến với tôi nữa. Vậy, hiện tại con đường tâm hồn của tôi thế nào: những chỗ quanh co là gì ? lồi lõm là gì ?
Nếu bây giờ đi thăm một thành phố lớn, chúng ta sẽ thấy những gian hàng thật lộng lẫy, những cây thông, những ông già Noel và những ánh đèn màu nhấp nháy. Nếu hỏi tại sao, lập tức chúng ta sẽ ghi nhận được câu trả lời: - Lễ Giáng sinh đã gần tới. Lễ Giáng sinh đối với nhiều người là một dịp để mua sắm, để tặng quà và để ăn nhậu. Họ tích cực chuẩn bị cho ngày lễ lới, nhưng chỉ là những sự chuẩn bị bên ngoài và mang tính cách phù phiếm. Đối với chúng ta thì khác. Lễ Giáng sinh là ngày chúng ta mừng kính biến cố trọng đại nhất của lịch sử: biến cố con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta, Ngài sinh ra trong yếu đuối như một hài nhi bé bỏng, Ngài sinh ra trong nghèo túng nơi máng cỏ Bêlem. Là một biến cố trọng đại nhất của lịch sử nhân loại, nên chúng ta không thể không chuẩn bị. Nhưng việc chuẩn bị cần thiết và quan trọng nhất chính là việc chuẩn bị cõi lòng của mình: Hãy gột rửa tâm tư, hãy thanh tẩy con tim. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta lại quên lãng sự cần thiết và quan trọng ấy. Chúng ta chống lại khuynh hướng tục hóa những sự kiện linh thiêng. Sự tục hóa này mỗi ngày một lan rộng trong thế giới hôm nay, nhưng lại chạy theo thời trang, về phe với đám đông để không còn nhận ra sự thật. Chúng ta hô hào trở về nguồn, nhưng lại không hiều trờ về nguồn là như thế nào. Đoạn Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy khuôn mặt của Gioan Tiền hô. Ông vào sa mạc để sống cảnh nghèo túng và khắc khổ: ăn châu chấu với mật ong rừng. Trong chốn hoang vu ấy, ông đã chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Đấng Cứu Thế. Lời ông nói thật thẳng thắn và cứng rắn, không đưa đẩy theo kiểu ngoại giao:
- Hỡi nòi rắn độc, ai sẽ cứu các ngươi khỏi cơn thịnh nộ sắp tới. Hãy đâm bông kết trái theo như lòng thống hối. Cái rìu đã đặt dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ bị chặt và quăng vào lửa.
Dân chúng ta thắc mắc về những lời cảnh cáo ấy:
- Vậy chúng tôi phải làm gì ?
Và Gioan đã không ngần ngại trả lời:
- Ai có hai áo, hãy chia sẻ cho người không có. Ai có của ăn cũng hãy làm như thế.
Với bọn biệt phái và lính tráng, ông đòi hỏi nơi họ sự thành thật và công bằng. Ông lặp lại lời tiên tri Isaia:
- Hãy dọn đường Chúa đến, quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy và nơi cao phải bạt xuống.
Để ngày Chúa đến đem lại niềm vui mừng và hy vọng, mỗi người chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn, cụ thể là hãy ăn năn sám hối, chạy đến nơi tòa cáo giải và xưng thú mọi tội lỗi để được ơn tha thứ.
Nếu chúng ta khô khan nguội lãnh, hãy xin Chúa giúp chúng ta cảm nghiệm được tình thương Chúa đã dành cho chúng ta qua màu nhiệm Giáng sinh, để rồi chúng ta cũng sẽ quì gối thờ lạy Hài nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem như mẹ Maria và thánh Giuse, như các mục đồng và ba nhà đạo sĩ phương đông. Nếu đầu óc chúng ta còn chất chứa nhiều hận thù, thiên kiến và bè phái, hãy xin Chúa giúp chúng ta biết yêu thương và trở nên anh em của tất cả mọi người. Nếu chúng ta còn nóng nảy, tức tối và giận hờn, hãy xin Chúa giúp chúng ta trở nên hiền dịu và khiên nhường , như chính Chúa đã xác quyết:
- Các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường.
Rồi trong những sắm sửa cho ngày lễ Giáng sinh, hãy nghĩ đến những người nghèo khổ, bằng cách dành một ngân khoản nào đó để làm phúc bố thí và giúp đỡ họ, bởi vì Đức Kitô đang ở trong họ, như lời Ngài đã phán:
- Sự gì các con làm cho một kẻ bé mọn nhất là các con đã làm cho chính Ta vậy.
Có chuẩn bị như vậy, thì ngày lễ Giáng sinh mới đem lại cho chúng ta niềm an bình và hanh phúc. Niềm an bình và hạnh phúc ấy các thiên thần đã hát vang trên cánh đồng Bêlem:
- Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Người ta kể lại rằng, một khoa học gia và cũng là họa sĩ nổi danh Leonardo da Vinci vẽ bức tranh Bữa Tiệc Ly, bức tranh được rất nhiều người khen ngợi cho đến ngày hôm nay. Ông có một tranh chấp mạnh mẽ với người láng giềng, tâm tình thù hận trong tâm hồn không cho phép ông vẽ một chân dung nhân từ dịu dàng của Chúa Giêsu. Ngồi trong phòng vẽ hàng giờ, nhưng Leonardo da Vinci không thể nào tập trung tinh thần để vẽ chân dung. Cuối cùng, ông quyết định đi tìm để làm hòa với người đang có tranh chấp, rồi với tâm hồn an bình thư thái, ông đã vẽ được dung mạo Chúa Giêsu trong bức tranh nổi tiếng Bữa Tiệc Ly, và dung mạo của Chúa Giêsu do ông vẽ ra đó thể hiện tuyệt vời đặc sắc tinh thần của Chúa Giêsu mà cho đến ngày hôm nay chưa có hay ít có họa sĩ nào theo kịp. Hơn Leonardo da Vinci, mỗi người chúng ta được mời gọi không phải chỉ vẽ chân dung Chúa Giêsu trên trang giấy trong bức họa mà thể hiện chính Chúa Giêsu, trở thành một Chúa Giêsu Kitô thứ hai. Chúng ta không thể nào thành công làm công việc này, nếu tâm hồn chúng ta còn tích chứa những tật xấu, những tội lỗi, những tâm tình thù hận, ganh tị với anh chị em. Mỗi người chúng ta cần thực hiện điều mà thánh Phaolô tông đồ gọi là lớn lên trong đức bác ái: “Lòng bác ái của anh em càng ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Chúa Kitô ngự đến”.
Đây có thể nói là mục tiêu chính của Mùa vọng chúng ta đang cử hành, mùa chuẩn bị tâm hồn của chúng ta hay đúng hơn tẩy sạch tâm hồn chúng ta khỏi những gì là tiêu cực xấu xa, nghịch lại sự thật của Chúa, để chúng ta có thể không phải là họa lại mà là trở thành chính Chúa Giêsu, đón nhận hoàn toàn ân sủng cứu rỗi của Ngài. Đây cũng là điều mà Gioan tiền hô trong bài Phúc âm hôm nay lớn tiếng nhắc lại cho mọi thành phần dân Do thái thời Ngài đang bị cám dỗ bỏ quên Thiên Chúa, hoặc làm méo mó dung mạo Thiên Chúa mà họ đã được mời gọi làm chứng giữa muôn dân. Bí quyết đó là việc ăn năn thống hối, thay đổi nội tâm đã được Gioan rao giảng. Đón tiếp một vị khách phàm trần, người ta chỉ cần chưng diện treo hoa đèn, biểu ngữ, chào đón, chúc tụng và hô to những khẩu hiệu ngoài môi miệng cho qua lượt, nhưng để đón Chúa đến và họa lại chân dung của Chúa trong chính đời sống của mình thì con người phải thay đổi thực sự tâm hồn, phải thực hiện cuộc canh tân thay đổi nội tâm khỏi những tâm tình xấu xa tội lỗi.
Ước chi trong Mùa vọng này giúp chúng ta lắng nghe lời mời gọi của Gioan tẩy giả và nhất là lời mời gọi của chính Chúa đang đứng ngoài gõ cửa chờ ta để trở nên hiện ảnh, hiện thân của Chúa Giêsu giữa anh chị em, làm vinh danh Thiên Chúa và cũng vừa xây dựng được một xã hội tốt đẹp xứng đáng với con người mỗi ngày một hơn.
Đôi khi chúng ta thinh lặng, trong lúc lẽ ra phải nói, vì chúng ta cho là tôn trọng kẻ khác, không muốn làm cho họ tổn thương và tức giận. Ta hãy nhìn nhận điều này: Ngày nay thật là hiếm hoi những tiếng nói mạnh mẽ, dứt khoát, thúc bách và có uy tín kêu gọi vươn lên ; và không những vươn lên mà còn hoán cải nữa.
Ta hiểu rằng bản thân chúng ta có những lý do chính đáng để đừng lên tiếng lớn quá và không trách móc kẻ khác trước khi xem xét đến bản thân mình. Nhưng không được nên ngăn cản Thiên Chúa lên tiếng. Vậy ta hãy lắng nghe Gioan tẩy giả nói nhân danh Ngài và ta hãy tự nhủ rằng những lời của ông nói với mỗi người chúng ta, trước khi nói với những người lân cận ta. Hãy để những người lân cận ta lo công việc họ, còn ta hãy lo công việc mình.
“Hãy dọn đường cho Chúa, hãy san bằng lối đi của Ngài. Hãy hoán cải, hãy vứt đi những gì làm chậm bước tiến của bạn hướng về Chúa. Nếu bạn đã lầm đường, thì hãy trở lui và đi vào con đường đưa tới cõi sống”. Đó là những tiếng kêu của Gioan tẩy giả, những tiếng kêu của chính Thiên Chúa. Ta đừng hiểu chúng như những lời kết án nhưng như những lời mời gọi lớn lên. Ta đừng nghĩ rằng những tiếng gọi này được ngỏ với chúng ta để khiến chúng ta u buồn ; nhưng chính là để chúng ta được vui mừng mà vị ngôn sứ đã lên tiếng.
Chúng ta đừng để cho mình bị lừa dối. Ta đừng tưởng rằng, bất chấp những gì người ta nói, ta vẫn có thể lớn lên mà không cần cố gắng, ta có thể đạt được những đỉnh cao mà không phải hụt hơi, ta có thể tự chủ và thực hiện những điều lớn lao mà không trầy da tróc vẩy.
Muốn đến với Thiên Chúa, bao giờ cũng phải đấu tranh, hoán cải, liên lỉ tự điều chỉnh và dứt khoát nhắm vào điều chính yếu, không để cho mình bị sao lãng bởi những gì không có giá trị và giả dối.
Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Philipphê: “Tôi xin anh em hãy nhận định những gì là quan trọng nhất”. Lời khuyên này thật chí lý vào thời đại ấy, và có lẽ còn thích hợp hơn nữa cho ngày hôm nay khi chúng ta rất thường xuyên và rất dễ dàng bỏ qua những gì thật sự quan trọng và quá chú trọng đến những gì ít hoặc không quan trọng chút nào cả.
Điều quan trọng là hướng về Thiên Chúa, là vì Ngài mà can đảm xua đuổi sự dữ và thi hành điều thiện. Điều quan trọng là dành cho tiền bạc, các thú vui dễ dàng và gây thất vọng, quyền bính và những thứ phô trương bên ngoài vị trí thích hợp cho chúng: vị trí phụ thuộc hoặc rốt hết, hoặc không có chỗ nào hết.
“Hãy san bằng… hãy chỉnh đốn… hãy hoán cải…” không phải dễ đâu ! Ta có lý mà lặp lại rằng: Đáp “xin vâng” trước những tiếng gọi của Chúa thật là cam go. Nhưng ta cũng phải nhắc đi nhắc lại rằng lời xin vâng này là nguồn mạch phát sinh niềm vui. Tôi rất thích câu kết thúc đoạn sách Ngôn sứ Baruc mà chúng ta vừa nghe: “Thiên Chúa sẽ dẫn đưa Israel đi trong niềm vui, dưới ánh sáng vinh quang của Ngài”.
Việc bước đi hướng về Chúa dù có lúc khó khăn, thậm chí đau khổ nữa, nhưng đó là một cuộc mạo hiểm vui tươi. Làm sao có thể khác được ! Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta là Thiên Chúa của niềm vui. Thiên Chúa Đấng đang đến với chúng ta, là Chúa của niềm hoan lạc. Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta gặp được sau những cuộc hoán cải lớn nhỏ của chúng ta, là Thiên Chúa của niềm vui. Vậy khi để cho Ngài lôi cuốn, khi tìm cách đến với Ngài và chuẩn bị đón tiếp Ngài, ta chỉ có thể bước đi trong niềm vui mà thôi.
Niềm vui được lớn lên, niềm vui được thoát khỏi sự dữ, niềm vui được chiến thắng sự tầm thường, niềm vui được mỗi ngày trở nên con cái xứng đáng hơn của Chúa Cha, niềm vui được yêu mến đến nỗi chịu đau khổ như Chúa Giêsu, Đấng đang đến với chúng ta, đã dạy cho chúng ta.
Người ta thường nói mùa vọng là một mùa sám hối. Đúng vậy, nhưng với điều kiện là ta đừng quên rằng nó cũng là, và đặc biệt là một thời gian của niềm vui. Làm sao không vui khi chúng ta được tiếng gọi của Chúa lôi cuốn ?
Một khuôn mặt quen thuộc của Mùa vọng đó là khuôn mặt của thánh Gioan tiền hô. Thánh Luca trong bài Tin mừng hôm nay đã viết: “Có tiếng người kêu trong hoang địa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.
Tiếng người kêu trong hoang địa ấy là của thánh Gioan tiền hô. Và con đường mà Người nhắc tới không phải là một con đường trong không gian, nhưng là con đường nội tâm của mỗi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Con Thiên Chúa làm người. Sửa đường cho Chúa đến là điều cần thiết và hợp lý. Bởi khi đón tiếp một vị khách quí, người ta thường sửa sang đường sá, quét dọn những nơi vị khách sẽ đi qua, trang trí đẹp đẽ tại những nơi vị khách sẽ đến. Làm như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách.
Thiên Chúa là một vị khách cao cả không ai sánh bằng. Người đã hạ cố đến thăm và ở lại sống với những thần dân thấp hèn của Người. Vậy mà Người chẳng được đón tiếp như Người đáng được. Thánh Gioan thánh sử đã viết: “Người đã đến nhà Người, nhưng người nhà đã không chịu đón tiếp Người”. Vì thế mà lời kêu gọi của thánh Gioan tiền hô trở thành một tiếng kêu trong sa mạc. Tiếng kêu trong sa mạc là tiếng kêu không có người nghe, là tiếng kêu vang vọng vào không trung rồi bay đi, bởi sa mạc là nơi hoang vắng, nơi không có người để tiếp nhận tiếng kêu.
Không phải chỉ dân Do thái ngày xưa không chịu đón tiếp Con Thiên Chúa làm người. Con người thời đại hôm nay cũng thế. Trong thời đại hôm nay, Lời Chúa đã được Hội thánh loan báo không phải ở trong sa mạc nhưng ở nơi đô hội, ở chốn đông người, vậy mà lời loan báo ấy cũng không khác gì tiếng kêu trong sa mạc. Có nhiều thứ sa mạc ở nơi chính cõi lòng con người hôm nay:
- Sa mạc của sự lãnh đạm, thờ ơ. Rất nhiều người đã sống như thể không có Chúa và không cần Chúa. Đối với những người này thì sống như vậy sẽ thoải mái hơn nhiều, bởi họ có thể tự do làm mọi sự theo ý mình, theo sự thúc đẩy của bản năng mà không có gì khuấy động lương tâm làm họ phải day dứt cả. Tin Chúa chỉ bận lòng thêm thôi.
- Sa mạc của sự vô cảm về mặt tâm linh và luân lý. Đối với nhiều người, Thiên Chúa của họ là cái bụng, là tiền bạc, là danh vọng, là lạc thú xác thịt. Bận tâm duy nhất của họ là làm sao kiếm cho thật nhiều tiền bằng bất cứ cách nào. Và khi đã có tiền trong tay thì họ tìm cách để hưởng thụ. Hưởng thụ trong vấn đề ăn uống. Hưởng thụ trong vấn đề nhục dục… Ngoài ra không còn gì nữa cả. Không còn niềm tin, không còn luân thường đạo lý, không còn lương thiện, không còn đạo đức, không còn nhân phẩm, không còn nhân ái, không còn vị tha, không còn công bình, không còn trung tín…
Chính vì vậy mà Lời Chúa vẫn mãi mãi chỉ là những tiếng kêu trong sa mạc. Chính vì thế mà giữa Thiên Chúa và con người không có đường để đi đến với nhau. Mà nếu có thì cũng chỉ là những con đường đầy thung lũng, đầy vực thẳm, đầy núi cao không thể vượt qua được.
Điều cần suy nghĩ và tự vấn lương tâm là: ta có mặt trong số những người sống như trên không ?
Thiên Chúa đang ân cần kêu gọi ta trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Chúng ta có nghe thấy tiếng Người hay không ?
Năm cùng tháng tận, chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta sẽ giã từ một năm cũ. Cũng như mọi năm, tôi có cảm tưởng là trước khi lật sang trang sử mới, con người ghi vội vào cuối trang sử cũ một vài nghĩa cử để nói lên thiện chí của mình, cũng như để bày tỏ niềm hy vọng về cuộc sống ấm no hạnh phúc, một cuộc sống được xây dựng trên nền tảng của công lý và hòa bình.
Một trong các nghĩa tử ấy là việc phóng thích các người bị giam cầm, như việc trả lại tự do cho các con tin Tây phương bên Trung đông chẳng hạn. Quả tim của con người không khỏi bị giao động khi nhìn thấy trên màn ảnh truyền hình những gương mặt hớn hở hân hoan của những người được trả lại tự do. Hay những nụ cười hòa lẫn nước mắt của họ và của những người thân thương của mình trong những giây phút hội ngộ. Đối với những người bị bắt làm con tin ấy cũng như đối với những ai bị giam cầm ở bất cứ nơi nào dưới hình thức nào đi chăng nữa, thì sự phóng thích mang một ý nghĩa của một kinh nghiệm mãnh liệt về sự tự do. Khung cảnh sống bị giới hạn trong bốn bức tường chật hẹp của nhà giam bây giờ là cả một bầu trời rộng thênh thang, cuộc sống tưởng chừng như bị bóp nghẹt, giờ đây có thể được phát triển với bao dự án, bao hy vọng, bao giấc mơ. Tương lai dường như bị chặn đứng giờ đây lại được tự do tiến tới.
Chúa nhật thứ II mùa vọng của phụng vụ năm C cũng có thể gọi được là “Chúa nhật giải phóng”. Với những hình ảnh tràn đầy hân hoan trong bài đọc 1 nơi ngôn sứ Baruk diễn tả công việc Thiên Chúa giải phóng và đưa dân Chúa từ một cuộc sống đau khổ lầm than trở về quê cha đất tổ của họ trong vui mừng và trong vinh dự.
Rồi trong bài Phúc âm, thánh Gioan tẩy giả tiếp tục rao truyền Tin mừng giải phóng và lập lại lời kêu gọi của ngôn sứ Baruk: “Hãy sửa đường cong queo cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi làm cản trở công việc hồi hương của dân Chúa và gây chướng ngại cho Đấng Cứu Thế đến ở giữa dân người để giải phóng và cứu rỗi họ”. Nhưng làm sao mọi người cảm thấy Thiên Chúa thực sự đến tại đây và trong lúc này để giải thoát họ không những hoàn cảnh lúc họ đang sống, và làm thế nào để mọi người có thể cảm nghiệm rằng thánh Gioan tẩy giả vẫn còn đang tiếp tục rao giảng về sự ăn năn thống hối để chuẩn bị cho ngày Chúa đến mà tất cả mọi người chúng ta trong Chúa nhật hôm nay cũng đang hướng về ơn cứu độ.
Câu trả lời cho hai vấn nạn trên nằm trong ý nghĩa của mùa vọng, bởi lẽ mùa vọng không phải là đợi chờ một biến cố đã xảy ra trong quá khứ xưa, mùa vọng càng không phải là mùa đợi chờ để mừng kỷ niệm Giáng sinh như mừng sinh nhật của Đức Giêsu diễn ra cách đây hơn 2000 năm. Không ! Mùa vọng phải là mùa chuẩn bị tích cực để Thiên Chúa qua Đức Giêsu đến giải phóng và cứu rỗi mọi người trong hoàn cảnh cụ thể của ngày hôm nay. Đó là lý do tại sao thánh sử Luca ghi thật rõ ràng niên lịch và nhân vật lịch sử làm bối cảnh chính trị của một biến cố Ngôi hai giáng trần.
Hoàng đế Rôma thống trị khắp vùng Trung đông, Palestine bị lực lượng ngoại xâm chiếm đóng. Giuđêa nằm dưới quyền cai quản của quan trấn thủ Phongxiô Philatô, còn các vùng khác được trao cho các tay sai của hoàng đế Rôma giám quản. Cả tình trạng tôn giáo cũng bị lũng đoạn, vị Anna và Caipha đã cố gắng dung hòa giữa tôn giáo và chính trị để giữ vững địa vị thượng tế của mình. Trong bối cảnh chính trị, xã hội và tôn giáo đen tối ấy, Thiên Chúa đã bắt đầu hành động, qua đó một lần nữa Thiên Chúa chứng tỏ rằng công cuộc giải phóng và cứu rỗi của Người không phải được diễn ra trên trời, nhưng thực sự được diễn tiến trên mặt đất, giữa con người và trong dòng lịch sử. Quả thật, Thiên Chúa đã bắt đầu cuộc giải phóng để mang ơn cứu rỗi cho con người qua lời kêu gọi và rao giảng của thánh Gioan đã được Chúa Giêsu trao phó cho ngài để dọn đường cho Chúa đến và chuẩn bị cho chúng ta đón nhận ngày Chúa đến.
Để chu toàn sứ mệnh Thiên Chúa trao phó, thánh Gioan tẩy giả đã đi vào sa mạc hoang vắng. Thánh Gioan muốn lôi kéo các thính giả của ngài và lôi kéo chúng ta ra khỏi nếp sống bon chen thường nhật, ra khỏi những lo lắng hằng ngày, ra khỏi những thói quen tật xấu, những đam mê và ra khỏi con người cũ để đi vào sa mạc vắng vẻ là nơi con người dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa. Và cuộc gặp gỡ Thiên Chúa đúng nghĩa nào cũng phơi bày con người thật và biết sống thật của mỗi cá nhân.
Cuộc gặp gỡ Thiên Chúa đích thực nào cũng kêu mời con người phải ăn năn, phải thống hối, có nghĩa là kêu mời con người trở về với Thiên Chúa. Vì thế, sau thời gian vào hoang địa để gặp gỡ Thiên Chúa, để biết rõ con người và nếp sống thật của mình, thánh Gioan tẩy giả hướng dẫn chúng ta trở về cuộc sống hằng ngày, xuyên qua dòng sông Jordan để lãnh nhận phép rửa thống hối là dấu chỉ bên ngoài của một quyết định nội tâm dứt khoát trở về với Chúa. Một Thiên Chúa từ thuở tạo thiên lập địa đã luôn gắn liền lời nói với hành động.
Vì thế, công cuộc thống hối đúng nghĩa của con người không thể chỉ diễn ra bằng lời nói: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói và việc làm…”, nhưng phải kèm theo những hành động cụ thể, những hành động cụ thể này đã được thánh Gioan loan báo hôm nay: “Hãy dọn đường Chúa đến”. Hãy sửa đường cong queo của tinh thần vô trách nhiệm, của lòng ích kỷ, của tính hay mánh mung lừa đảo bằng những con đường ngay thẳng của tinh thần liên đới, chia sẻ, thật thà, biết tôn trọng sự thật. Hãy lấp mọi hố sâu của chia rẽ hận thù, của thiên kiến nghi kỵ bằng sự khoan dung tha thứ, bằng sự tin tưởng thiện chí và tin tưởng vào khả năng của nhau. Hãy bạt mọi núi đồi của lòng kiêu hãnh, của óc địa phương bằng tinh thần khiêm nhu, và biết đặt công ích lên trên quyền lợi của cá nhân, quyền lợi của đảng phái. Hãy san bằng những con đường bi quan yếm thế của những thất vọng, của những ngày đen tối, của những lỗi lầm trong quá khứ bằng những cái nhìn tích cực, lạc quan tràn đầy hy vọng nơi chính mình, nơi kẻ khác và nơi cuộc sống. Đó là những hành động cụ thể, những điều kiện cần phải thực hiện trong ngày Chúa đến, thực hiện trong ngày giải phóng và cứu rỗi của Người, xây dựng trên công lý, hiệp nhất hòa bình và tình thương giữa lòng xã hội của ngày hôm nay.
Vậy ! Bạn và tôi sẽ làm gì trong mùa vọng năm nay để chung tay đẩy mạnh tiến trình giải phóng và cứu rỗi của Thiên Chúa trong gia đình, trong làng xóm, trong giáo xứ và trong xã hội chúng ta đang sống ?
- Phần thứ nhất mô tả khung cảnh thời gian và không gian, khi Gioan con ông Dacaria bắt đầu thi hành ơn gọi làm tiền sứ của Đấng Cứu Thế. Ong rời bỏ nơi sa mạc hoang địa, đi khắp vùng sông Giođan rao giảng phép Rửa sám hối cầu ơn tha tội, nên ông còn được gọi là Gioan Tẩy Giả.
- Phần thứ hai trích dẫn lời ngôn sứ Isaia tuyên sấm về việc Đức Chúa sẽ đến cứu thoát dân Ítraen khỏi cảnh lưu đầy và được trở về quê hương. Lời sấm ngôn này giờ đây được ứng nghiệm nơi Gioan tiền sứ. Ong tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, đi trước loan báo Đấng Cứu Thế sắp đến và đề nghị mọi người ăn năn sám hối tội lỗi, đồng thời chịu phép rửa trong dòng nước sông Giođan, để sẽ nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
2) CHÚ THÍCH:
- Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phong-xi-ô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philipphê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-kho-nít; Lyxania làm tiểu vương miền A-bi-lên; Khan-na và Caipha làm thượng tế. Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa (Lc 3,1-2):
+ Luca kể lại sự kiện Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa kêu gọi làm tiền sứ (tiền hô) cho Đấng Cứu Thế trong một khung cảnh lịch sử khá rõ ràng cả về đời cũng như đạo:
** Về phần đời: vào năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Rôma và Tibêriô, khi Philatô đang làm toàn quyền xứ Giuđê (từ năm 26 đến 36 sau CN). Vua Hêrôđê Antipa (x. Lc 9,7-9) đang cai trị miền Galilê (từ năm 4 trước CN đến năm 39 sau CN). Người ta thường gọi ông là tiểu vương (x. Lc 9,7; Cv 13,1), để phân biệt với vua cha là Hêrôđê cả hay Hêrôđê đại vương (x. Lc 1,5), chết vào năm 4 trước CN (x. Mt 2,1). Philipphê làm tiểu vương miền Iturê và Tra-kho-nít. Ông này cũng là con vua Hêrôđê Cả, cai trị miền Đông Bắc biển hồ Galilê từ năm 4 trước CN tới năm 34 sau CN. Ông cũng có lần được nhắc đến trong Tin Mừng (x. Mt 14,3). Lyxania là một ông hoàng ít được người ta biết đến, cai trị miền A-bi-lên ngoại giáo.
** Về phần đạo: Khi Khan-na và Caipha đang làm thượng tế. Chức thượng tế được nhắc cuối cùng như một người lãnh đạo dân Chúa, tương phản với chức hoàng đế ngoại giáo. Thực ra Khan-na là bố vợ của Caipha, đã làm thương tế từ năm 6 đến năm 15 sau CN. Về sau, ông bị nhà cầm quyền Rôma cách chức, phải nhường cho con rể là Caipha chức vụ thượng tế. Caipha giữ chức vụ này đến năm 36. Cả hai ông có liên quan đến vụ án của Đức Giêsu (x. Ga 18,13-24; Mt 26,3.62-66), và về sau hai ông này cũng bách hại các tông đồ (x. Cv 4,6).
+ Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa: Thiên Chúa đã kêu gọi Gioan là con của tư tế Dacaria (x. Lc 1,63). Ơn gọi của Gioan được thực hiện trong hoang địa, nơi mà ông đã sống suốt thời kỳ niên thiếu (x. Lc 1,80).
- Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi (Lc 3,3-4):
+ Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan: Sông Giođan là một con sông lớn duy nhất của nước Do thái, dài khoảng 300 cây số, chảy từ Bắc xuống Nam qua biển hồ Galilê và cuối cùng đổ vào biển Chết. Theo Mt và Mc thì ông Gioan rao giảng trong hoang địa. Còn theo Lc thì ông Gioan bỏ hoang địa rao giảng ở vùng ven sông Giođan, miền đất có khá đông dân chúng sinh sống, nhờ có các công trình xây dựng của các vua như Hêrôđê Cả và A-khê-lao. Đối với tác giả Luca, miền này là lãnh địa rao giảng của Gioan, cũng như miền Galilê và Giuđê là lãnh địa rao giảng của Đức Giêsu.
+ Rao giảng: Đây là từ ngữ mà các Tông Đồ thường dùng trong thời Giáo Hội sơ khai (x. 1 Tx 2,9). Rao giảng nghĩa là hô lớn tiếng, rao to lên cho mọi người nghe biết. Ngoài ra còn có nghĩa là loan truyền Tin Mừng (x. Lc 4,18-19; 8,1). Theo Matthêu và Máccô thì ông Gioan rao giảng trong hoang địa(x. Mt 3,1; Mc 1,4). Còn Luca như ở đây thì ông Gioan bỏ nơi hoang địa và rao giảng ở vùng ven sông Giođan (x. Lc 3,3).
+ Kêu gọi người ta chịu phép rửa: Phép rửa là nghi lễ thanh tẩy bằng nước do Gioan Tẩy Giả thực hiện và phép rửa còn là một bí tích do Đức Giêsu thiết lập và truyền cho Giáo Hội thực hiện, nhằm thanh tẩy người lãnh nhận khỏi mọi tội lỗi và tái sinh họ làm con Thiên Chúa bởi nước và Thánh Thần.
+ Tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội: Sám hối có nghĩa là hoán cải, thay đổi hoàn toàn con người, từ nội tâm đến cách sống, hoàn toàn quay về với Thiên Chúa. Một mặt là từ bỏ nếp suy nghĩ của mình để tín thác nơi Thiên Chúa, mặt khác là từ bỏ tội lỗi để sống theo lòng tin ấy. Phép rửa của Gioan đòi điều kiện cốt yếu phải có lòng sám hối. Chính nhờ có lòng sám hối bên trong được bày tỏ ra bề ngoài bằng việc chịu phép rửa, mà người ta sẽ được ơn tha tội ngay lúc đó, hoặc sẽ được tha tội khi triều đại Thiên Chúa đến (x. Ed 36,25).
+ Như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia: Lời trích từ Is 40,3-5 gợi lại cuộc giải phóng và hồi hương của người Do thái từ Ba-by-lon, được một vị ngôn sứ vô danh loan báo như một cuộc Xuất Hành thứ hai. Ap dụng lời sấm “Có tiếng người hô trong hoang địa” vào lời giảng của Gioan Tẩy Giả và câu “Sửa lối thẳng để Người đi” ám chỉ công cuộc cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu sắp bắt đầu.
- Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,5-6):
+ Mọi núi đồi phải bạt cho thấp: Hình ảnh này theo Isaia (x. Is 2,14-17) có nghĩa như câu trong bài kinh Ngợi Khen: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51-52).
+ Mọi người phàm sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa: Mọi xác thịt hay xác phàm là lối nói để chỉ loài thụ tạo (x. St 6,12-13, 17-19). Chính Đức Giêsu sẽ mang ơn cứu độ đến cho mọi người (x. Cv 28,28).
II. HỌC SỐNG LỜI CHÚA:
1) Lời Chúa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa (Lc 3,4a):
- Câu chuyện 1:
Vào ngày 16 tháng 11 năm 2000 mới đây tổng thống Bill Clinton của Hoa Kỳ đã đến viếng thăm chính thức nước ta do lời mời của các vị lãnh đạo. Cuộc viếng thăm này nhằm thắt chặt mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp từ 8 năm gần đây, củng cố sự hợp tác mậu dịch thương mại giữa hai nước. Đây là một chuyến viếng thăm rất quan trọng, đánh dấu một bước ngoặc mới về lịch sử: Khép chặt cánh cửa thù nghịch nhau, và mở ra một giai đoạn mới hòa bình và hợp tác lâu dài mà cả hai bên cùng có lợi.
- Suy niệm:
+ Khi một vị nguyên thủ quốc gia đến thăm, nước chủ nhà sẽ phải chuẩn bị trước cả tháng trời. Ban tổ chức phải lo sắp xếp về lễ nghi đón tiếp tại phi trường và việc di chuyển vào thành phố. Về an ninh, cảnh sát giao thông và công an bảo vệ trật tự trị an phải phối hợp hành động để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Các buổi hội nghị chính thức giữa các thành viên chính phủ của hai nhà nước và những buổi nói chuyện tại các cơ quan như Đại học, các cuộc tham quan công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất hay các xí nghiệp nhà máy…đều phải được sắp xếp chu đáo theo một lịch trình chính xác cụ thể. Một chi tiết đáng lưu ý là khi đoàn xe di chuyển thì đều có các nút chặn ở các ngã tư có phái đoàn sắp đi qua và luôn có xe còi hụ đi trước dẹp đường …Càng được chuẩn bị kỹ lưỡng thì cuộc viếng thăm kia càng thành công tốt đẹp.
+ Mùa vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến viếng thăm và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Chúa sẽ đến với mỗi người chúng ta trong giờ chết, và người sẽ tái lâm trong uy quyền vinh quang trong ngày tận thế. Thời gian 4 tuần lễ Mùa Vọng là lúc chúng ta cần hồi tâm sám hối như lời Chúa kêu gọi: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa ngự đến !”
+ Gioan đã được kêu gọi từ sa mạc để dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Sa mạc nói đây đồng nghĩa với thinh lặng nội tâm, suy tư và câu nguyện. Nhờ một lối sống khổ hạnh giống như ngôn sứ Elia xưa, mà lời rao giảng của ông kêu gọi sám hối đã đạt được kết quả tốt đẹp: Người ta từ khắp nơi kéo đến nghe ông rao giảng, rồi quyết tâm sám hối và thể hiện lòng sám hối tội lỗi qua việc chịu phép rửa do Gioan Tẩy Giả thực hiện dưới sông Giođan.
+ Vào sa mạc hôm nay chính là tạo bầu khí thinh lặng để dễ gặp gỡ cầu nguyện với Chúa. Vậy ta cần phải vào sa mạc mà cầu nguyện thế nào ? Một hôm vì thường thấy một ông già ngồi lâu giờ trước Nhà Tạm trong nhà thờ, thánh Gioan Vi-an-nây cha sở họ Ars đã đến gần ông và hỏi: “Này bác, tôi thấy bác hay đến nhà thờ và ngồi một mình trước Nhà Tạm lâu như vậy để làm gì vậy ?” Bấy giờ ông lão đáp: “Thực ra tôi cũng chẳng biết phải làm gì nói gì với Chúa. Tôi chỉ biết nhìn Chúa Giêsu đang ngự trong Nhà Tạm và cảm thấy bình an hạnh phúc được Ngài nhìn lại”. Cha sở liền khen ông lão đã làm một việc đúng. Vì cầu nguyện không gì khác hơn là một sự thinh lặng chìm trong suy tư và hiệp nhất với Chúa.
+ Trong bầu khi thinh lặng của tâm hồn, ta hãy năng thưa với Chúa một lời nguyện tắt như tiên tri Samuen đã được thầy cả Hêli dạy thưa chuyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy phán dạy. Vì tôi tớ Chúa đã sẵn sàng nghe !” (1 Sm 3,10).
- Thảo luận: Để dọn đường cho Chúa ngự đến trong giờ chết của mỗi người chúng ta hay vào ngày Tận Thế chung toàn nhân loại, chúng ta quyết tâm sẽ làm gì ?
2) Lời Chúa: Sửa lối cho thẳng để Người đi (Lc 3,4b):
- Câu chuyện 2: An-Phớt No-Ben và giải No-Ben hoà bình .
An-Phớt No-Ben (Alfred Nobel) một khoa học gia đã có công phát minh ra chất nổ và nhờ bán phát minh nói trên mà ông đã trở thành một người nổi tiếng và giàu nhất thế giới lúc bấy giờ. Một hôm, No-ben thật bàng hoàng khi thấy các tờ báo đều đăng những hàng tít lớn loan tin về cái chết của ông, mà họ mô tả như một người đã cống hiến cuộc đời để chế tạo ra cốt mìn, một thứ vũ khí chiến tranh sát thương hàng loạt. Thì ra người ta đã lầm ông với người anh ruột trùng tên mới qua đời. Thực ra, việc phát minh ra chất nổ của ông chỉ nhằm phục vụ con người như dùng để phá núi đá làm đường hầm cho xe cộ dễ dàng đi xuyên qua núi đá, hoặc để lấy đá nguyên liệu làm xi măng xây dựng đường xá, cầu cống, nhà của và các việc tốt đẹp khác… phục vụ cho con người. Việc người ta xử dụng phát minh của ông để làm mìn sát thương trong cuộc chiến tranh là hoàn toàn trái với ý muốn của ông. Ngay sáng hôm đó, No-ben đã đi đến một quyết định quan trọng Ong nhờ luật sư làm di chúc để cống hiến toàn bộ tài sản to lớn của ông để phục vụ hòa bình. Đó là nguồn gốc của giải thưởng No-ben. Mỗi năm, người ta dùng số tiền lời từ tài khoản của No-ben để làm giải thưởng có giá trị thưởng cho những ai có công xây dựng hòa bình trên thế giới, cho những người đem lại những cống hiến to lớn về các lãnh vực như văn học, vật lý, hóa học hay y học … phục vụ hạnh phúc cho loài người …
- Suy niệm:
+ Nhờ lòng quảng đại: sẵn sàng hy sinh toàn bộ tài sản của mình cho công ích, và nhờ thái độ khôn ngoan quyết định nhanh chóng dứt khoát của No-ben, mà đang từ một con người bị khinh miệt, bị đánh giá là nguyên nhân chiến tranh gây biết bao đau khổ và chết chóc tang thương cho loài người…thì ngày nay No-ben lại được cả thế giới ngưỡng mộ, và công nhận là một người có công xây dựng hòa bình, góp phần mang lại hạnh phúc cho nhân loại.
+ “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” nghĩa là phải ăn năn sám hối:
* Mọi thung lũng phải lấp cho đầy: Tránh sự chia rẽ, hận thù ganh ghét nhau…Cần phải lấp đầy tâm hồn bằng sự tha thứ, hòa giải trong tình huynh đệ yêu thương.
* Mọi núi đồi phải bạt cho thấp: Tránh những lời khoe khoang hay làm những việc tốt để tìm tiếng khen nơi người đời. Phải kính trọng người khác bằng những lời xưng hô hợp với địa vị của mỗi người. Tránh thói háo danh, coi mình hơn kẻ khác.
* Khúc quanh co phải uốn cho ngay: Về tư tưởng: Không có ý tưởng quanh co, không gian dối, không ăn nói chua ngoa hay chữi thề…
* Đường lồi lõm phải san cho phẳng: Tránh tính nóng nảy và nét mặt cau có, tránh gây gỗ với người khác. Tránh sự ganh tị nhỏ nhen, cố chấp, ích kỷ hại nhân…
+ Nội dung chính trong lời kêu gọi của Gioan Tiền sứ là “Hãy sám hối”. Sám hối bao gồm sự nhận biết tội của mình, hối tiếc vì mình đã phạm tội, và nhờ ơn Chúa giúp, quyết tâm chừ bỏ. Thiếu một trong ba yếu tố trên thì không còn là sự sám hối. Giuđa biết tội mình, hối tiếc vì tội đã phạm và lẽ ra phải quay về với Chúa thì ông ta lại đi treo cổ tự tử ! (x. Mt 27,5) nên bị Chúa trách: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn !” (x. Mc 14,21). Còn thánh Phêrô cũng biết tội mình đã chối Chúa, nên ông đã ăn năn khóc lóc và quyết tâm trở về với Chúa. Do đó, không những Phêrô được Chúa tha mà còn được Người ban quyền chăn chiên con chiên mẹ. Ong được tha nhiều vì đã yêu mến Chúa nhiều (x. Ga 21, 15-17).
- Thảo luận: Mỗi người chúng ta đều có tính kiêu căng tự mãn. Vậy thói xấu ấy thường được thể hiện qua những thái độ, lời nói và hành động nào ? Ta phải làm gì để chừa bỏ thói kiêu ngạo tự mãn trong Mùa Vọng này ?
III. HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU
1) Lạy Chúa Giêsu. Sám hối không phải là điều dễ dàng. Bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Xin cho chúng con học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúa là Đấng trong sạch thánh thiện, thế mà lại tình nguyện xếp hàng đứng chung với các tội nhân để xin Gioan làm phép rửa cho. Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với thân phận con người mỏng dòn yếu đối của chúng con. Xin cho chúng con biết luôn điều chỉnh cách suy nghĩ và lối sống của chúng con, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình. Ước gì Chúa ban cho chúng con được ơn sám hối thực sự trong những ngày Mùa Vọng này. Cho chúng con có quyết tâm làm những việc cụ thể, và can đảm chấp nhận những lời phê bình xây dựng của tha nhân, vì “thuốc đắng đã tật”. Amen.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria. -Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2) Lạy Mẹ Maria, trong những ngày Mùa vọng này, xin Mẹ giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón Chúa đến ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin cho chúng con biết thực hành theo lời Chúa dạy qua ngôn sứ Isaia: “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Xin cho chúng con biết nhận ra những thói hư tật xấu của mình để tu sửa: bạt đi mọi núi đồi kiêu căng tự mãn, lấp đầy thung lũng lười biếng làm việc đạo đức, những thiếu sót bổn phận với Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con uốn lại cho ngay những hành động gian dối bất công hay những lời nói thiếu thành thật, cho chúng con san bằng những ổ gà trái tính khó nết, những tật xấu hay càu nhàu la mắng người khác, những cách cư xử thô bạo thiếu tế nhị với người chung quanh. Trong những ngày này, xin Mẹ giúp chúng con thực lòng ăn năn sám hối, để chúng con xứng đáng được Chúa tha thứ tội lỗi và đón nhận được hồng ân cứu độ của Chúa ban cho chúng con.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria. -Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Năm thứ 15 dưới triều hoàng đế Tibêriô là vào khoảng năm thứ 28.
Cách Luca kể lại sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả làm ta liên tưởng đến các tiên tri trong Cựu Ước. Khi liên kết biến cố này với lịch sử đời và đạo của Do Thái, Luca vẽ một bức tranh có vẻ ảm đạm: Một số trong những lãnh tụ được kể ra sẽ có liên hệ trực tiếp đến cái chết của Đức Kitô. Tin mừng đã được loan báo cho một thế giới thật u tối.
Luca nhắc đến tên của hai vị thày cả thượng thẩm, Khanna và Caipha, những nhân vật đầy thế lực trong Do Thái Giáo. Tuy thế, việc dùng tên của hai nhân vật này còn có ý nghiã sâu xa hơn. Khanna tại vị khi Đức Giêsu giáng sinh, Caipha nắm quyền khi Đức Giêsu bị xử án. Luca đã nhắc đến cả cuộc đời Đấng Cứu Thế khi đề cập đến tên hai nhân vật này.
Luca bắt đầu, một cách gián tiếp nhắc đến La Mã, trung tâm quyền lực của thế giới. Và rồi câu truyện khởi đi từ Giuđea đến Galilêa, rồi Syria, tiếp đến là vùng bắc Damascus. Qua mỗi địa danh chúng ta đi dần lên hướng bắc, vùng đất của dân ngoại: Luca thực sự đang vẽ cho ta thấy lộ trình mà tin mừng sẽ được rao giảng, chặng cuối cùng chính là thủ đô La Mã.
Mặc dù phép rửa cần phải có nước, nhưng việc lựa chọn sông Giođan không phải chỉ vì thế mà thôi. Phải chăng phép rửa của Gioan ở đây có một liên hệ lịch sử với một giao ước xưa trước khi dân Do Thái băng qua sông Giođan để vào đất hứa?
Thời đó tại Palestine đã có những phong trào làm phép rửa do nhiều nhóm khác nhau. Mỗi nhóm có cách thức và ý nghĩa riêng. Phép rửa của Gioan, theo Luca, là "tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội". Gioan Tẩy Giả rất nổi tiếng. Ông đã làm cho nhiều người trở lại và có nhiều môn đệ.
So với Phúc Âm của Máccô và Matthêu, ta thấy Luca đã nhắc lại dài hơn lời tiên tri Isaia, có ý nhấn mạnh lời hứa mọi dân tộc sẽ được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Luca muốn nhắm đến các đọc giả của ông còn đang thuộc dân ngoại.
Một Điểm Chính
Gioan Tẩy Giả thúc giục mọi người đến nghe lời ông hãy từ bỏ nếp sống gian tà để quay về với Thiên Chúa .
Suy Niệm
Tại sao sa mạc lại quan trọng hơn các cung điện nơi các địa danh được nêu lên trong đoạn Kinh Thánh hôm nay? Đã có bao giờ có một "sa mạc" trong cuộc sống của tôi chăng?
Sống trong xã hội tân tiến ngày hôm nay, tôi phải từ bỏ những gì để quay trở về?
Chúng ta vừa giống vừa khác Gioan Tẩy Giả ở những điểm gì? Ai đã là những Gioan Tẩy Giả của tôi?
Vào năm 1980, một bệnh nhân thuộc não bộ: anh Cordell Brown, được mời đến nói chuyện trong Câu Lạc Bộ thế giới tại Philadelphia. Anh nói: "Tôi là một người bị bệnh (lãng quên) mất trí não, ngồi xe lăn, ăn uống hết sức mệt, nói năng thật khó khăn, nhưng tôi được mời đến đây để làm chứng nhân cho Chúa trước mọi người bình thường trong câu lạc bộ. Tôi đã cố gắng moi trí nhớ cả đêm qua mà cũng không thể nào nhớ lại được. Nhưng hôm nay tôi dám nói với anh chị em, tôi thành thạo tất cả mọi điều trong đời tôi. Tôi trả lời rành rõi mọi điều người trí thức như ông Steve Carleton, ông Mike Schmit chất vấn. Đó là nhờ ơn Thiên Chúa ban cho, nhờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa mà tôi trả lời thành thạo mọi điều. Nhưng sau đây vài giây phút nữa tôi có thể trở lại con người mang não bộ mất trí. Tôi có thể làm được nhiều tiền, nhưng có điều chắc rằn tôi đang có đây là ơn Đức Kitô soi sáng cho tôi".
Trước hết, câu chuyện nói cho chúng ta về Mùa Vọng, nói về ơn Thiên Chúa. Mùa Vọng gợi cho chúng ta điều gì thực là quan trọng đối với chúng ta? Xin mời các bạn hãy trở về với ơn Chúa, nhất là chúng ta phải xem Đức Kitô có là ưu tiên trong cuộc đời hay khổng? Cả 3 bài đọc đều nói về sự cần thiết phải dọn đường chu Chúa đến. Cả ba đều nói lên: "Nếu chúng ta không sống đúng với điều chúng ta phải sống, thì chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm". Nghĩa là chúng ta không sống đúng theo lẽ công chính thì 3 bài đọc mời gọi chúng ta hãy trở về với nền tảng ấy (công chính). Nếu chúng ta đặt cái thang công lên trước thì chúng ta hãy thay đổi thái độ. Thánh Gioan đã đề nghị "Hãy sám hối. Hãy cải tà quy chính. Hãy bắt đầu làm lại cuộc sống mới. Hẫy xin Thiên Chúa thứ tha lỗi lầm". Mùa Vọng là thời gian để chúng ta sửa mình, để chúng ta thay đổi, để dọn đưòng cho ngay thẳng.
Cũng có nhiều loại đường: đường bộ, đường biển, đường mòn, đường xa lộ, đường lang, đường đất, đường cheo leo, đường nhỏ, đường ổ gà...... Nhưng con đường chúng ta có ý nói đến là con đường thiêng liêng, con đường tâm hôn, con đường đi đến sự đời đời, con đường an toàn cho cuộc sống.
Lạy Chúa, Mùa Vọng Giáo Hội kêu gọi chúng con là con đường nhận biết Chúa. Con đường thánh hóa cuộc đời, con đường nhận biết mình và nhìn ra ơn Chúa. Xin cho chúng con biết lợi dụng những ngày của Mùa Vọng để nhìn ra con đương mình cần đi.
Một vị giảng thuyết đã kể truyện: Hồi còn ở Đà Lạt, ngài có quen một ông tài xế lái xe đò Minh: MV 2-C24
Một vị giảng thuyết đã kể truyện: Hồi còn ở Đà Lạt, ngài có quen một ông tài xế lái xe đò Minh Trung chạy đường Đàlạt - Sàigòn. Ông cho biết, ông lái xe đã gần 30 năm nay mà chưa hề bao giờ gây ra một tai nạn nào. Bí quyết nghề nghiệp của ông là: Ăn ngủ điều độ, không bao giờ uống rượu mà lái xe, cẩn thận tuân giữ luật giao thông. Ngoài ra ông luôn kiểm soát xe, xem có gì trục trặc thì sửa chữa ngay, xăng nhớt luôn đầy đủ... Một câu truyện khác cũng khá hữu ích: Một hôm có hai chàng thanh niên, một trong hai, lái xe thường hay bị cảnh sát chặn lại trao tặng ticket, chàng ta tỏ ra bực bội khó chịu, phàn nàn với bạn mình. Anh bạn kia có thâm ý muốn dạy cho bạn mình một bài học, anh nói: "Tôi có cách, không tài nào cảnh sát có thể bắt được tôi, dù bất cứ chạy ở đâu hay bất cứ khi nào, dù đêm hay ngày". Anh bạn này tỏ ra không tin và nặc hỏi cho biết làm cách nào mà cảnh sát lại không phạt được. Khi đó, anh kia mới đáp lời: "Chỉ có một bí quyết duy nhất để anh khỏi bị cảnh sát phạt, là anh hãy chạy xe đúng luật giao thông".
I. TRUNG THÀNH GIỮ ĐƯỜNG LỐI CHÚA
Hôm nay, Chúa Nhật I Mùa Vọng, mùa trông đợi Chúa Cứu Thế đến cứu chuộc nhân loại, Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy cho con biết lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa Cứu Độ con".
Đường đi, lối bước của Chúa là gì? Chúng ta hãy nghe lời Chúa dạy chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay: "Chúng con hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời" và Chúa cũng dạy thêm: "Chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn... để có thể đứng vững".
Giáo Hội cũng dùng lời Thánh Phaolô Tông Đồ nhắn nhủ chúng ta: "Anh chị em hãy liệu sao để cho lòng anh chị em được bền vững trên đường thánh thiện, để đừng có gì đáng trách trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta".
Trung thành tuân giữ đường lối Chúa, là chúng ta thực thi đúng thánh ý Ngài, được biểu lộ qua các giới luật và lời Chúa truyền dạy trong Thánh Kinh, nơi các giáo huấn và lề luật của Giáo Hội, nơi các sắc dụ và luật lệ chính đáng của các quốc gia, và gần hơn hết là nơi tiếng lương tâm chân chính đã được Chúa khắc sâu lề luật của Người và lề luật đó luôn thầm nhủ trong tâm hồn mỗi người chúng ta.
II. MÙA TRÔNG CHỜ CHÚA ĐẾN
Cuộc đời chúng ta nơi trần gian này chính là một Mùa Vọng, mùa trông đợi Chúa đến; hay nói cách khác, trần gian là cuộc hành trình đưa chúng ta tiến về quê hương vĩnh cửu Thiên Quốc, nơi Chúa đang chờ đợi để ân thưởng và cho chúng ta được thừa hưởng hạnh phúc trong vinh quang bất diệt với Người.
Để được xứng đáng đón Chúa đến với mỗi người chúng ta, khi Chúa gọi chúng ta về với Người, hoặc khi Chúa đến thăm viếng để ban ơn phúc cho chúng ta, cũng như lúc Chúa đến trần gian trong Ngày Chung Thẩm, ngày vũ trụ này chấm dứt, để xét xử và thưởng phạt công minh tất cả những việc lành dữ, những việc phúc thiện chúng ta đã thực hiện. Chúng ta hãy nghe lời tác giả sách Gương Chúa Giêsu khuyên nhủ: "Bạn hãy sẵn sàng luôn, hãy sống thế nào để giờ chết khỏi đến lúc bạn chưa sẵn sàng".
Chính Chúa Kitô đã nhiều lần căn dặn: "Chúng con hãy sẵn sàng, vì lúc bất ngờ Con Người sẽ đến".
III. CHẮC CHẮN TỚI ĐÍCH MONG CHỜ
Để chắc chắn đạt tới đích mong chờ, để chúng ta gặp được Chúa trong niềm hân hoan vui sướng, chúng ta hãy tỉnh thức, hãy vươn tâm hồn lên tới Chúa, gỡ mình thoát khỏi những ràng buộc của những đam mê tội lỗi, của những tính mê nết xấu, những bất thuận chia rẽ, tham lam, tranh chấp và những điều khác tương tự... như lời Thánh Tông Đồ nhắc nhở: "Anh chị em hãy đầy lòng thương yêu nhau, tha thứ cho nhau, giúp đỡ nhau, chia sẻ cơm áo với người cùng khổ. Bỏ đi những tranh chấp, những chia rẽ trong cộng đoàn".
Kết Luận
Giống như người tài xế lành nghề, luôn tuân giữ và chu toàn luật giao thông, chúng ta hãy chu toàn thánh ý Chúa, tuân giữ các lề luật và thánh chỉ của Người với tất cả tấm lòng con ngoan hiền thảo hiếu, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ bị Chúa trách mắng sửa phạt; trái lại, còn được Chúa yêu thương tỏ mình và dẫn chúng ta đạt tới đích mong chờ trong vinh quang hạnh phúc.
Trong chuyến viếng thăm Washington D.C. cách đây vài năm, một trong những bức tượng khiến: MV 2-C25
Trong chuyến viếng thăm Washington D.C. cách đây vài năm, một trong những bức tượng khiến tôi cũng như hầu hết khách viếng thăm thủ phủ của Hoa Kỳ cảm động là bức tượng của cha Damien, vị tông đồ người hủi. Cha Damien là một linh mục trẻ người Bỉ đã tình nguyện cống hiến cả cuộc đời linh mục cho những người cùi trên đảo Molokai bên Hawaii. Đối với những người cùi trên đảo Molokai, cha Damien chẳng những là cha sở của họ mà ngài còn là vị lương y và là nhà cố vấn, là ông thợ nề xây cất nhà cửa cho họ và cũng là nhân viên cảnh sát duy nhất trên đảo kiêm luôn việc tẩm liệm kẻ chết và đào mộ. Ngài chính là nhà truyền giáo đích thực, khi vừa mới dọn đến ở hẳn với người hủi đã bắt đầu bài giảng đầu tiên với hàng chữ không ai có thể ngờ được: "Người hủi chúng ta..." Nói cách khác, cha Damien đã tự đồng hóa mình với người hủi ngay từ giây phút đầu tiên đến ở với họ.
Đây là bức tượng sống động về hình ảnh của cha Damien trong những tháng cuối đời khi bệnh hủi đã phá hủy tất cả dung mạo của ngài. Dưới chân bức tượng là tấm bảng đồng ghi lại nguyên văn câu trả lời của nhà điêu khắc Marisol Escobar khi người ta phản đối bà vì đã tạc cha Damien với hình ảnh xấu xí như vậy: "Mầu nhiệm của sự biến đổi thân thể - trở nên như ngài hằng mong muốn".
Trong các bài đọc Chúa Nhật tuần này, Giáo hội tiếp tục kêu gọi các Kitô hữu chuẩn bị tâm hồn đón Chúa giáng sinh. Và mặc cho các cha kêu gào và ca đoàn cứ tấu mãi khúc "Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội...", hầu hết các Kitô hữu đều không hiểu ý nghĩa đích thực của mùa Vọng là gì. Đa số người ta hiểu mùa Vọng là mùa sắm quà cáp hoặc viết thiệp chúc nhau trong mùa Giáng sinh. Một số rất ít hiểu rằng mùa Vọng là mùa mong đợi, mùa chuẩn bị tâm hồn nhưng lại hiểu không đúng là mình mong đợi ai và chuẩn bị cái gì. Nếu cứ tiếp tục hỏi thì câu trả lời sau cùng sẽ là: Mong đợi mùa Giáng sinh và chuẩn bị đón Chúa đến.
Đây là câu trả lời mà chúng ta thường nghe thấy, nhưng ít khi chịu để tâm suy nghĩ để nhận ra sự trái ngược của nó. Vì chưng, ngày nay chỉ có những người theo Do thái giáo mới còn mong chờ Chúa đến; còn người Kitô hữu chúng ta đã tin nhận Chúa đã đến cách đây hai ngàn năm rồi. Hơn nữa, Ngài đang hiện diện với chúng ta và trong chúng ta từng giây phút, đặc biệt là sau mỗi lần rước lễ, chúng ta được trở nên một với Ngài. Vậy tại sao chúng ta lại còn mong chờ Chúa đến? Do đó, câu trả lời trên đây phải đảo ngược lại mới đúng, tức là thay vì chúng ta chờ Chúa thì phải nói là Chúa chờ chúng ta.
Thật vậy, Chúa đã đến và ở giữa chúng ta. Tuy nhiên, ngày nay vẫn còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Lý do vì Chúa chưa được đưa ra ánh sáng cho những người chung quanh ta chiêm ngưỡng. Và chỉ có chúng ta mới giúp Chúa làm được việc này. Nói cách khác, mùa Vọng đúng nghĩa phải là mùa Chúa chờ đợi để được chúng ta đưa Ngài ra ánh sáng cho những người chung quanh có thể thấy và tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi. Vì chưng, mặc dầu Ngài đã xuống trần hơn hai ngàn năm nay, nhưng đến bây giờ chúng ta vẫn còn dấu ẩn Ngài dưới đáy thung lũng của tội lỗi và che kín Ngài sau những núi đồi của tự ái và kiêu ngạo khiến người ta không thể nhận biết Ngài.
Hãy nhìn lên Mẹ Maria để thấy được nhiệm vụ của mỗi người chúng ta. Sau khi thưa lời "Xin Vâng" chịu thai Con Thiên Chúa, Mẹ đã vội vã vượt núi trèo non để đem Chúa đến cho bà chị họ Isave khiến thánh Gioan Tẩy Giả phải nhảy mừng trong lòng bà Isave. Và trong cuộc đời công khai của Chúa, Mẹ đã phải cam chịu biết bao khổ nhục để Chúa có cơ hội tỏ mình ra cho dân chúng đến mức phải phơi mình trên thánh giá giữa hai tên tử tội.
Sau khi nhìn thấy cảnh những người hủi bị bỏ rơi trên đảo Molokai, cha Damien đã dám gạt bỏ tất cả để chấp nhận đồng hoá với người hủi ngõ hầu có cơ hội đem Chúa đến cho họ.
Ước gì mỗi người chúng ta, ít là bắt đầu từ Mùa Vọng năm nay, cũng dám can đảm lấp đầy những thung lũng của ngăn cách trong gia đình, của chia rẽ trong cộng đoàn; san bằng những núi đồi của tự ái, ích kỷ; đồng thời uốn nắn những quanh co của dối gian lừa đảo trong cuộc sống. Có như vậy, người ta mới có thể nhìn thấy Chúa trong mỗi người chúng ta tùy theo hoàn cảnh sống của từng người.
Ngày Giáng Sinh của hai ngàn năm trước, Chúa đã sinh vào thế gian và đồng hoá với cuộc sống chúng ta để chúng ta có thể tin nhận Ngài. Điều mong ước của Ngài trong Mùa Vọng năm nay là được nhìn thấy chúng ta trở nên giống Ngài để qua chúng ta, người ta có thể tin nhận Chúa đã giáng trần đem bình an hạnh phúc cho người thiện tâm.
Trong cuốn truyện Quo Vadis có kể về một chàng thanh niên người Lamã tên là Vinicius đã: MV 2-C26
Trong cuốn truyện Quo Vadis có kể về một chàng thanh niên người Lamã tên là Vinicius đã yêu một người con gái trẻ đẹp người Kitô giáo. Tuy thế, người con gái đã không mấy yêu thích anh chàng Vinicius, bởi hai người có hai cuộc sống khác biệt nhau.
Vinicius đã trở nên tò mò không biết các Kitô làm gì khi họ họp nhau cầu nguyện. Nên một buổi tối nọ, anh đã đi theo cô gái anh yêu thích và đến chỗ các Kitô họp nhau cầu nguyện. Anh đến không phải vì đạo nghĩa gì nhưng vì nàng.
Khi Thánh Phêrô giảng lời Chúa Giêsu thì một sự lạ đã xảy ra cho Vinicius. Anh đón nhận những lời của Chúa Giêsu một cách chân thành. Anh đã suy nghĩ làm sao để có thể trở thành một Kitô hữu. Anh phải cởi bỏ cuộc sống cũ. Anh phải bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống hoàn toàn khác biệt với cuộc sống cũ. Đó là điều mà người Do thái ngày xưa gọi là sự trở lại.
Từ ngữ "trở lại" có nghĩa là ngừng cuộc du hành trên con đường sai và bắt đầu đi con đường mới.
Thánh Gioan Tiền Hô đã kêu gọi người ta hãy trở về từ con đường tội lỗi dẫn đến sự diệt vong và bắt đầu ra đi trên con đường nhân đức dẫn đến cuộc sống mới.
Như thế, sự trở lại liên quan đến việc chấp nhận rằng cuộc sống của chúng đang trên đà tiến đến sự xấu, và quyết tâm để đổi mới về một hướng tốt.
Ngài nhắc nhở cho dân chúng thời đó đến xin Ngài chịu phép rửa: "Tôi rửa các anh với nước. Đấng sắp đến sẽ rửa các anh trong Thánh Thần." Phép rửa của Gioan là phép rửa sám hối. Nó chuẩn bị cho phép rửa của Chúa Giêsu.
Khi chúng ta đón nhận phép rửa tái sinh của Chúa Giêsu, chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần và bắt đầu một cuộc sống mới hoàn toàn. Đó là chúng ta bắt đầu ra đi trên một con đường đúng.
Nói tóm lại, Thánh Gioan Tiền Hô đã kêu gọi dân chúng trong bài Phúc Âm làm hai điều sau: Thứ nhất, họ chịu phép rửa sám hối, tức là từ bỏ lối sống cũ của tội lỗi. Thứ hai, họ phải chịu phép rửa tái sinh, tức là đón nhận cuộc sống mới trong Thánh Thần.
Vậy chúng ta phải áp dụng làm sao bài học đó hơn 2000 năm sau? Chúng ta cần phải áp dụng làm sao trong Mùa Vọng này?
Tất cả mọi người chúng ta đều có thể nói rằng chúng ta đã ở trong tình trạng giống như chàng thanh niên Vinicius, hoặc đám dân chúng trong bài Phúc Âm hôm nay.
Cho dù là chúng ta đã lãnh nhận phép rửa tội trong Thánh Thần, tuy nhiên chúng ta không ít thì nhiều đã vấp ngã lại vào vũng bùn tội lỗi.
Tất cả mọi người chúng ta đều cần phải thu lượm lại những điều xấu trong cuộc sống của chúng ta và đốt chúng đi. Tất cả mọi người chúng ta cần phải phục hồi sự sống Thần Linh trong chúng ta.
Mùa Vọng là thời gian để chúng ta làm những điều đó, và vì lý do đó mà Giáo Hội sắp xếp cho chúng ta nghe về Thánh Gioan Tiền Hô kêu gọi con người hãy trở lại và chuẩn bị chờ đón Chúa Giêsu.
Giáo hội biết rằng tất cả mọi người chúng ta đều cần phải trở lại, cho dù là một ít, để chuẩn bị cử hành kỷ niệm biến cố Giáng Sinh. Và khi chúng ta làm như thế, chúng ta sẽ chuẩn bị cho mình để chào đón sự Chúa sẽ đến lần thứ hai.
Thiên Chúa nói với tất cả chúng ta hôm nay qua lời của tiên tri Isaia: "Hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy mình đi... Khi tội lỗi các ngươi đỏ như nhiễu điều, họa chăng chúng sẽ gột trắng được như tuyết?" (Is 1:16, 18).
Sau cuộc hành quân, một nhóm người thuộc phe chiến thắng đang túm năm tụm ba chung vui: MV 2-C27
Sau cuộc hành quân, một nhóm người thuộc phe chiến thắng đang túm năm tụm ba chung vui chiến thắng. Bỗng nhiên không hiểu từ đâu, một ai đó đã quăng vào giữa nhóm một trái lựu đạn đang trong tư thế nổ. Ngay tức khắc từ trong nhóm ấy, một chiến sĩ trẻ nhanh tay cầm trái lựu đạn hất văng ra xa và ra hiệu cho mọi người nằm xuống. Trái lựu đạn nổ, không một ai bị thương hay tử vong trong chuyện này. Mọi người ào đến công kênh anh chiến binh trẻ năng nổ, nhanh nhẹn và hành động kịp thời đã cứu được đồng đội. Họ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.
Trong thời điểm dọn lòng đợi chờ Chúa đến. Qua bài đọc chúa nhật thứ hai mùa vọng hôm nay, chúng ta cùng lắng nghe lời kêu gọi của tiên tri Baruc: “Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng trên nơi cao và nhìn về hướng đông& Vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang”. Trải dài qua dòng chảy của thời gian, càng ngày con người càng tỏ ra những tiến bộ đậm nét đem lại những thành quả tiến bộ cho nhân loại trong mọi lãnh vực. Sự nhậy bén và nhanh nhẹn để bắt kịp đà tiến của thế giới, nó thôi thúc từng con người, từng quốc gia trên các đất nước không ngừng đầu tư, phát triển. Phải chăng đây là một biến dạng, một đổi mới?
Bài đọc hai của Thánh Phaolô tông đồ cùng đồng hành với bài Tin mừng mà Thánh sử Luca đã làm nổi bật một đột phá ngoại lệ. Đó là nếu muốn đổi mới tâm hồn thì chúng ta luôn phải: “biết dọn đường cho ngay, biết san bằng hố sâu cho bằng, hãy uốn những gì còn đang quanh co cho ra ngay thẳng”.
Chúa Giêsu Kitô, Người chấp nhận mặc lấy cho mình chiếc áo yếu hèn của thân phận con người. Chính sự biến dạng, thay hình này đã làm cho thành thánh Giêrusalem đại diện cho dân Chúa cũng mang một ơn gọi mới. Muốn được cứu rỗi, con người phải được lãnh chịu bí tích thánh tẩy sám hối, hoán cải tâm hồn, thay đổi lối sống. Phải biết canh tân từ lời nói, thánh hoá các hành động, cung cách hành xử với tha nhân trong cuộc sống thường hằng. Từ bỏ, tự nó thật sự là một yêu sách Thiên Chúa đòi để được nên mới mẻ. Có hai người cùng treo trên thập tự bên cạnh Đức Giêsu Kitô, chúng ta hãy so sánh: một người thì nguyền rủa thân phận, nguyền rủa cả Đấng Cứu Độ. Còn người phía bên phải Chúa Kitô được nhân loại đặt cho cái tên trùng khớp với hành động của ông. Cái tên nói lên sự đổi mới, may mắn, hành động đúng. Đó là: Người Trộm Lành. Chúng ta thấy đúng thôi, vì ông đã nhận ra tội lỗi của mình. Chính sự chết của Chúa là một tỏ bày bộ mặt tội lỗi của nhân loại. Người trộm lành đã nhận ra điều này. Thập giá cũng là bằng chứng làm tàn lụi tội lỗi do con người gây ra. Ngày nay đã có biết bao lò nguyên tử, biết bao xưởng chế tạo vũ khí, bom đạn. Phải chăng đây là những bằng chứng chứng minh đỉnh cao trí tuệ của con người? Những phát minh với mục đích để hành hạ, để loại trừ, để huỷ diệt nhau.
Vậy cho đến bao giờ nhân loại mới hết huỷ diệt, mới biết san bằng, mới biết lấp đầy những mối hoạ gây ra cho chính linh hồn và cho đồng loại? Biết nhanh nhẹn sửa sai những khuyết điểm, những đam mê. Nhanh chóng đẩy lùi sự huỷ diệt ra khỏi mình cũng là lúc cùng đẩy sự huỷ diệt xa khỏi những người đang ở bên cạnh ta. Người chiến sĩ nhanh tay đẩy trái lựu đạn không chỉ để cứu mình mà còn cứu cả đồng đội đang ngồi chung quanh đấy nữa. Một thể hiện cần thiết và thức thời.
Nhanh nhẹn: mau chóng nhận ra Chúa như người trộm lành, anh ta cũng nhanh chóng được Chúa tiếp nhận bằng lời hứa: “Ngay hôm nay, anh sẽ được hưởng nước thiên đàng cùng Ta”. Một khi mau chóng nhận ra sợi dây của con diều bị vướng vào vật cản, làm cho dây không tiếp tục bung ra khiến con diều không thể tiếp tục bay cao thêm được, con diều đang ở trong tình trạng bay sà và bất lực. Hãy tháo gỡ trong can đảm và hy sinh, biết mình để hãm mình và để thắng mình.
Hành động: biết khôn ngoan như con rắn để chống trả lại những thử thách hay cám dỗ tấn công linh hồn. Biết hành động nhanh, ma quỷ cũng sẽ chẳng kịp có cơ hội để tấn công, ngược lại nếu chần chừ chính là lúc để cho ma quỷ được nước tấn công lại ta vậy. Trong vườn địa đàng, nếu bà E và biết nhanh nhẹn nhấc đôi chân mau mắn rời ngay chỗ ma quỷ dụ dỗ chắc hẳn tình hình sẽ sáng sủa. Thế nên: đào vi thượng sách cũng là một trong những kế sách để ta chiến thắng chước cám dỗ.
Tin tưởng: Sự sống vẫn tiếp tục cho chính anh và đồng đội ngay sau khi người chiến sĩ kịp hất văng trái lựu đạn ra khỏi tầm sát thương. Từ thái độ linh hoạt này cho chúng ta thấy sự bức phá của thập giá Đức Kitô, Đấng gánh tội trần gian và đã chết cho trần gian. Tin vào Cha và cậy nhờ Cha, Đức Kitô đã xin Cha tha thứ cho những kẻ giết mình được sự thứ tha. Người khẳng quyết vì họ lầm nên không biết việc họ làm.
Chúng ta hãy mau mau bật mình ra khỏi những ích kỷ nhỏ nhoi, tham vọng của ghen tương, thù oán hẹp hòi để mặc lấy Đức Kitô. Lúc này nơi từng người chúng ta, ai cũng vẫn còn kịp, còn đủ thời gian để hoán cải, để uốn cho ngay và san bằng khuyết điểm, đam mê trong tâm hồn. Tin tưởng vào Chúa, nhanh lẹ quăng trái phá ra khỏi tầm công phá linh hồn cách can đảm và cương quyết.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hãy ôm gọn con vào vòng tay hiền mẫu yêu thương của Mẹ. Để từ ánh nhìn yêu thương Mẹ sẽ làm cho con trở nên nhạy bén, nhanh lẹ diệt trừ ích kỷ đang ẩn núp thầm kín đâu đó trong từng mỗi con người chúng con.
Trích dongcong.net Br. Phaolô M. Nguyễn Kim Thanh, CMC
Lời Chúa cho Hôm nay: Hãy dọn đường cho Chúa - * Prepare the way of the Lord *
Chúng ta hãy nhìn về hướng đông, là Chúa Kitô, ánh sáng của thế giới. Sứ điệp của mùa Vọng là Đức Tin: MV 2-C28
* BÀI ĐỌC 1: Ba-rúc 5, 1-9 = Chúng ta hãy nhìn về hướng đông, là Chúa Kitô, ánh sáng của thế giới. Sứ điệp của mùa Vọng là Đức Tin./ We should look to the East, the Christ, the light of the world. The message is faith. * BÀI ĐỌC 2: Phil.1, 4-6;8-11 = Thánh Phaolô viết về ngày cuả Chúa Giêsu đến. Trong khi mong đơị Ngài đến, người tín hữu vui mừng./ Paul writes about the day of Christ Jesus coming. Christians is cooperating with joy.
* TIN MỪNG (Gospel): Luca 3, 1-6 = Luca nói về Gioan Tâỷ giả được goị là tiên tri, nhân danh Chúa, ông loan báo sứ điệp về sám hối./ Luke relates John Baptizer’s call to be a prophet. In God name, he is to deliver a message rep.
A- A. Bạn và tôi cùng Cảm - Nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc trên: (Reflections, live out and share)
1/ Để chuẩn bị cho sứ vụ của Đức Giêsu, ông Gioan Tẩy giả thực hành như sau: “Ông liền đi khắp vùng sông Gio-đan rao giảng kêu goị người ta chiụ phép Rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” Tôi cũng được Chuá giao trách nhiệm trong bổn phận hiện tại bằng chính cách ăn nết ở cuả mình với người khác, làm cho họ cảm nhận và trở về với Chúa. Chia sẻ việc làm cụ thể để anh em thấy Chúa? (Hành đaọ)
“John went throughout the whole region of the Jordan, proclaiming a Baptism of repentance for& (Lc. 3, 3)
2/ Việc phải làm để ngươì ta thấy Chúa mà tiên tri Isaia nói là: “Moị thung lũng phải lấp cho đầy, mọi đồi núi phải bạt cho thấp&rồi sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Con người có những thiếu sót và thâm độc cần loại bỏ, có nhiều tính kiêu căng, khinh bỉ anh em, ai cũng cần phải giải thóat khỏi con người mới xứng đáng được Chúa tiếp nhận. Bạn nói những quyết tâm canh tân Gia đình? (Học đạo)
“Every valley shall be filled and every mountain and hill& made straight&shall see the salvation of God.” (Lc.3,5-6)
3/ Sách tiên tri Ba-rúc viết về sứ điệp cuả Chúa: “Vì Thiên Chuá ra lệnh phải bạt thấp núi cao&,phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu...” Giáo hội cần những ngươì như thánh Phanxicô Assisi, con người sống đời sống khó nghèo làm thay đổi Giáo hội trở về với đúng Tin Mừng. Thánh Catherine thành Siena, ngươì kiên trì cố vấn cho Giáo hòang trở về với Ánh sáng Phúc âm và đã thành công trong chức năng của một Tín hữu trong Giáo hội. Tôi chia sẻ những can đảm xây dựng Giáo hội?(Sống đaọ)
“For God has commanded that every lofty mountain be made low&and gorges be filled to level ground.” (Br. 5, 7)
4/ Trong bài đọc 2, thánh Phaolô đã có nhiều vui mừng gởi đến bạn: “Tôi luôn vui sướng&Vì từ buổi ban đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng .”Lời chúc bình an cuối thánh lễ có nơi nói: Thánh lễ chưa chấm dứt và mời Tín hữu haỹ ra đi, ra về, hay lên đường bình an để yêu thương và phục vụ Tin Mừng trong đời sống nữa. Bạn nói những việc làm sau mỗi thánh lễ? (Sùng đạo)
“I pray always with joy&because of your part nership for the Gospel from the first day until now". (Philíp. 1, 4 )
B.Câu Kinh Thánh tôi chọn làm Châm ngôn Sống tuần này: ( The Best GodỴs Word )
MỌI THUNG LŨNG PHẢI LẤP CHO ĐẦY, MỌI NÚI ĐỒI PHẢI BẠT CHO THẤP...
“Every valley shall be filled, every mountain and hill shall be made low...” ( Lc. 3, 5 )
Vatican II: Đức Trinh Nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời trong tâm hồn cũng như thân xác và đem Sự Sống đến cho thế gian nên được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa. ( Giáo hội # 53
C.Thực hành Lời Chúa: (For Action) Bạn có thể dấn thân làm một việc như thánh Phanxicô Assisi hay Catherine
Tôi chọn gợi ý Cảm nghiệm Sống số 2 ở phần A để áp dụng Sống cụ thể trong Gia đình, Giáo xứ và Xã hội.
D.Tôi cầu nguyện và Sống lơì tôi cầu xin: ( I pray and practice )
Lạy Chúa Giêsu, thánh Gioan Tẩy gỉa đã đi trước rao giảng cho sứ mệnh của Chúa. Xin cho con được tiếp tục phục vụ Tin Mừng bằng những việc làm cụ thể cho Gia đình và Giáo hội đang cần đến con hôm nay.
Lời hay ý đẹp: SỬA SAI GIÚP ÍCH RẤT NHIỀU, NHƯNG KHÍCH LỆ CÒN GIÚP NHIỀU HƠN NỮA.
“ Correction does much, but encouragement does more “
Tiếp nối tư tưởng của những ngày cuối năm Phụng vụ, ngay Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, Phụng vụ của Giáo Hội tiếp tục mời gọi chúng ta hướng về ngày Chúa đến lần thứ hai. Đức Giêsu đã đến trong trần gian một cách âm thầm, nhỏ bé cách đây hơn 2000 năm, và chắc chắn Ngài sẽ tái lâm một lần nữa trong vinh quang. Và để chuẩn bị cho ngày Ngài tái lâm, trước lúc về Trời, Đức Giêsu đã mời gọi từng người chúng ta lên đường loan báo cho mọi người Tin mừng cứu độ. Thế nhưng, nhìn lại hơn 2000 năm qua, tuy đã có nhiều cố gắng của Giáo Hội, nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa nhận biết về Tin mừng của Đức Giêsu Kitô.
Chính vì thế, trong thư Mục vụ năm 2003 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã mời gọi từng người chúng ta đáp lại lời mời gọi “Ra khơi” của Đức Thánh Cha Gioan - Phaolô II “qui hướng mọi hoạt động của Hội Thánh tại Việt Nam vào việc “Loan báo Tin mừng” (Thư Mục vụ 2003, số 1).
Trong tâm tình đó, chúng ta cùng nhau nhìn lại việc loan báo Tin mừng trong thời đại hôm nay.
1. TIN MỪNG CHO NGƯỜI SẦU KHỔ:
Tin mừng chính là niềm vui. Do đó, sứ mạng đầu tiên của người loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa là đem niềm vui và hy vọng đến cho những người đang còn ngồi trong bóng tối của đau khổ, ưu phiền. Đó cũng chính là điều mà ngôn sứ Barúc đã thực hiện khi ông loan báo ngày giải thoát cho dân Do thái đang trong cảnh lưu đày.
Lúc đó, dân Do thái đang còn sống nơi đất khách quê người, trong thân phận của một dân tộc nô lệ, mọi cánh cửa hướng về tương lai như đóng kín đối với họ. Họ tưởng chừng như không còn gì nữa, mọi lời hứa của Thiên Chúa đối với cha ông họ chỉ còn là một kỷ niệm. Thế nhưng, ngay giữa lúc đen tối ấy, được sự soi sáng của Thiên Chúa, vị ngôn sứ đã loan báo một cho họ một ngày mai tươi sáng. Một thành Giêrusalem mới huy hoàng rực rỡ sẽ xuất hiện thay thế cho thành Giêrusalem cũ đã bị quân đội Babilon tàn phá. Ông mời gọi: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi”.
Không những cởi áo tang chế, được cất khỏi nỗi khổ nhục của người nô lệ, Giêrusalem mới còn là nơi để muôn dân nước hướng về, như lời vị ngôn sứ: “Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong Công lý, và Vinh dự trong hiếu nghĩa”. Trong niềm hân hoan, vui mừng đó, vị ngôn sứ kêu gọi thành Giêrusalem và cũng lời động viên dân Chúa giữa cảnh lưu đày: “Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Đấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ”. Như thế, bằng những lời thật mạnh mẽ, và một giọng điệu hân hoan, vĐ ngôn sứ đã loan báo cho đám dân lưu đày một niềm vui, một niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Trong niềm hân hoan vui mừng đó, tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca đã cất tiếng reo vui: “Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những lời hân hoan”.
2. TIN MỪNG CHO NGƯỜI HÔM NAY:
Kế đó, Tin mừng mà chúng ta loan báo, không phải là một thứ Tin mừng trên giấy, trên môi miệng, hay chỉ là một Tin mừng cho ngày mai, ở một nơi nào đó. Trái lại, Tin mừng mà chúng ta loan báo phải là một Tin mừng cho cuộc sống hiện tại của những con người đang sống hôm nay, và Tin mừng đó cần được loan báo đến tất cả những ai đang sống bên cạnh chúng ta. Chúng ta cần rao giảng Tin mừng của Đức Kitô ngay trong đời sống thường ngày của chúng ta, như Gioan Tẩy Giả đã làm. Đọc lại Tin mừng, chúng ta thấy, chỉ với vài hàng vắn vỏi, thánh sử Luca đã cho ta thấy rõ, Gioan đã thực hiện sứ vụ của mình trong một thời đại thật cụ thể, đó là: “Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế, có lời Chúa kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa. Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội”. Gioan đã không lựa chọn nơi chốn cũng như hoàn cảnh để rao giảng, nhưng đã lên đường thi hành sứ vụ ngay khi được Chúa kêu gọi.
Noi gương Gioan, ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội, sứ vụ loan báo Tin mừng này cũng đã được các tín hữu thành Philipphê thực hiện, như lời xác nhận của thánh Phaolô mà chúng ta vừa nghe: “Anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay”. Mặt khác, đối với thánh Phaolô, việc rao giảng Tin mừng mà mỗi người chúng ta thực hiện không phải đơn thuần là việc của chúng ta, nhưng vượt trên tất cả, đó còn chính là công việc của Thiên Chúa. Do đó, chính Thiên Chúa sẽ là Đấng hoàn tất công cuộc loan báo Tin mừng mà chúng ta đang thực hiện: “Tôi tin tưởng rằng Đấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Đức Giêsu Kitô”.
Và để Tin mừng của Đức Kitô thực sự được loan báo, mỗi người chúng ta cần để Tin mừng đó thấm nhập vào con người, vào cuộc sống của chính mỗi người chúng ta, hay nói một cách khác, chúng ta cần sống trước Tin mừng chúng ta sẽ rao giảng, bởi lẽ “không ai có thể cho điều mình không có”. Xác tín điều đó, thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê: “Điều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách trong ngày của Đức Kitô”.
Như thế, sống Tin mừng, theo thánh Phaolô, là gia tăng đời sống bác ái, và giữ lương tâm của mình được trong sạch không gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa. Cùng chung suy nghĩ đó, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư chung năm 2003 vừa qua đã mời gọi chúng ta thực hiện những việc làm thật cụ thể như sau:
Trước hết là cầu nguyện cho việc truyền giáo. Các ngài nói: “Việc cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo phải được tiếp tục trong gia đình và với bản thân mỗi người, không chỉ bằng lời kinh mà còn bằng những hi sinh hãm mình hằng ngày”. Chúng ta có thể thực hiện việc hi sinh hãm mình này bằng cách bớt đi một điếu thuốc, một ly rượu, một ly chè, một que kem, hay những mua sắm không cần thiết&, để góp phần xoa dịu nỗi khó khăn, thiếu thốn nơi những anh chị em đang sống chung quanh chúng ta.
Kế đó, các ngài mời gọi chúng ta: “Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống. Người tín hữu giáo dân hãy nỗ lực cùng với đồng bào xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố, xóm làng, loại trừ mọi tệ đoan tật xấu” (Thư chung 2003, số 10). Việc loại trừ mọi tệ đoan tật xấu, xây dựng một nếp sống lành mạnh trong khu phố, xóm làng này không phải chỉ là một quyết tâm trong nhà thờ, nhưng phải được thực hiện trong từng phút giây của cuộc sống, bởi từng người chúng ta.
Chớ gì nhờ sức mạnh của Thánh Thể, từng người chúng ta đủ can đảm sống những đòi hỏi của Tin mừng của Đức Giêsu. Nhờ đó, Tin mừng này ngày càng được nhiều người biết đến, để rồi vào ngày Đức Giêsu Tái Lâm, tất cả chúng ta cùng được hân hoan đoàn tụ với nhau trong Nước của Ngài. Amen.
Qua báo chí những ngày gần đây, độc giả cả nước hết sức bực bội về cách làm việc của ngành giao thông công chánh: Trong khi nhà nước đã bỏ ra hằng bao nhiêu tỷ đồng để làm mới và mở rộng các con đường, nhất là các quốc lộ và đường liên tỉnh, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho sự lưu thông hành khách và hàng hóa thì các quan chức ngành cảnh sát giao thông lại có sáng kiến đem súng tốc độ ra bắn để phạt tiền các tài xế chạy quá tốc độ cho phép. Điều người dân không thể hiểu nổi là cảnh sát giao thông đã ấn định một loại tốc độ rùa tức khoảng 30 cây số.
Nếu trong đời sống đời thường của ngày hôm nay đường xá là điều kiện cốt yếu cho sự phát triển, thì trong đời sống tôn giáo và tâm linh cũng rất cần có những con đường để con người đến được với thần linh hoặc ngược lại. Và vì thế mà cần đến những người làm và mở đường. Nhân vật có trách nhiệm dọn đường cho Chúa Cứu Thế cách đây hơn hai ngàn năm là Gioan. Trách nhiệm ấy được giao cho tất cả mọi Kitô hữu từ ngày ấy đến nay.
II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA
2.1 Bài đọc 1: Br 5,1-9:
* “Sách ngôn sứ Barúc là công trình biên soạn hay sưu tập của một tác gỉa ở thế kỷ II trước CN với một nội dung phức hợp. Sách được mạo xưng là của Ba rúc, thư ký của ngôn sứ Giêrêmia, và cho chúng ta biết về đời sống tôn giáo của người Do Thái ở các cộng đoàn hải ngoại và ảnh hưởng mạnh mẽ của ngôn sứ Giêrêmia đối với dân Do Thái sau biến cố năm 587 trước CN” (Kinh Thánh Toàn Bộ, Dẫn nhập Cựu Ước, trang 29).
* Br 5,1-9: là sấm ngôn kêu gọi Giêrusalem thay đổi cách sống vì Thiên Chúa đang và sẽ thay đổi số phận của thành: “Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi. Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi là “Bình an xây dựng trên công chính” và “Vinh quang xuất phát từ lòng kính sợ Thiên Chúa” và của dân Ítraen: “Con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về, chúng hớn hở mừng vui, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ khác chi một ngai vàng”.
* Để chuẩn bị cho ngày hồng ân đặc biệt ấy, Thiên Chúa ra chỉ thị cho con dân Ítraen phải thực hiện một số việc: “bạt thấp núi và gò cao; lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu.” Đó chính là công việc dọn đường mà Gioan được giao như chúng ta sẽ thấy trong bài Phúc âm hôm nay.
2.2 Bài đọc 2: Pl 1,4-6.8-11:
* Trong bài đọc 2 Chúa nhật này, Thánh Phaolô cũng viết cho tín hữu Philípphê những điều tương tự như ngài đã viết cho các tín hữu Thêxalônica trong bài đọc 2 Chúa nhật tuần trước: Thánh Phaolô khen ngợi những việc làm tốt của các tín hữu và thúc đẩy họ tăng cường hơn nữa đời sống yêu thương, tinh tuyền, không có gì đáng trách trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm.
* Đối với Thánh Phaolô và các tín hữu thời sơ khai thì việc trông đợi ngày/sự kiện Chúa Kitô quang lâm là yếu tố chi phối tất cả tư tương và cách sống: người tín hữu sống, hành động, hy sinh, hãm mình, phấn đấu vì ngày/sự kiện ấy. Nói cách khác, cả đời người Kitô hữu là ngóng đợi ngày/sự kiện Chúa quang lâm. Cả đời người Kitô hữu là chuẩn bị, là dọn đường cho Chúa đến.
2.3 Bài Tin Mừng: Lc 3,1-6:
* Là khung cảnh chính trị, xã hội và tôn giáo của đất nước và lòng người Palestin vào giai đoạn Đức Giêsu Nadarét sắp xuất hiện công khai:
- Thời gian: năm thứ 15 thuộc triều hoàng đế Tibêriô, với các nhân vật lịch sử: Philatô làm tổng trấn Galilê, Philiphê làm tiểu vương Iturê và Trakhônít; Lyxania làm tiểu vương Abilên; Khanan và Caipha làm thượng tế đền thờ.
- Không gian: là đất nước Palestin theo Do Thái giáo đang bị Đế quốc Roma cai trị: lòng người ngóng chờ Giavê Thiên Chúa thực hiện lời hứa: ban Đấng Cứu Thế giải thoát Ítraen khỏi cảnh nô lệ ngoại bang.
- Sự kiện: Gioan, con ông Dacaria và bà Elisabét, xuất hiện trong hoang đĐa, lớn tiếng rao giảng và kêu gọi mọi người tỏ lòng sám hối bằng cách chấp nhận được rửa trong dòng sông Giócđan, để đón mừng Chúa Cứu Thế, vì Người sắp xuất hiện.
* Sứ mạng mà Gioan phải thực hiện là: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa; sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; mọi núi đồi phải bạt cho thấp; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” Nói cách khác, Gioan có sứ mạng chuẩn bị các tâm hồn, chấn chỉnh nếp sống con người và cải cách cơ chế tôn giáo và xã hội, để Chúa Cứu Thế có thể đến được với hết mọi người và hết mọi nhà.
III. ĐÓN NHẬN & SỐNG SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA
3.1 Gioan là người đọn đường cho Chúa Cứu Thế:
* Gioan là ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước, có một sứ mạng hết sức độc đáo là chuẩn bị lòng người đón nhận Đức Giêsu Nadarét là Thiên Chúa nhập thể làm người. Gioan không lôi kéo người ta về với mình mà hướng mọi người về một nhân vật sẽ đến sau: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16).
* Gioan đã đọn đường cho Chúa Cứu Thế bằng hai cách khác nhau:
- Cách thứ nhất là Ngài kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, thay đổi nếp sống, vì Chúa Cứu Thế đã gần đến. Nhiều người đã nghe theo người mà nhận phép rửa trong dòng sông Giócđan và thay đổi cách sống cho phù hợp với thời điểm lịch sử của Ơn Cứu độ.
- Cách thứ hai là ngài chuẩn bĐ cho Đức Giêsu một số môn đệ cốt cán: đó chính là các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu: Anrê và Simon Phêrô, Gioan và Giacôbê, họ đều là môn đệ thân tín nhất của Gioan. Gioan đã không giữ họ lại, trái lại ngài muốn họ bỏ mình mà đi theo Đức Giêsu, khi ngài chỉ Đức Giêsu mà nói với các môn đệ của mình: “Người kia chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”
3.2 Chúng ta đọn đường đón Chúa đến với chúng ta. Đó là phần thứ nhất của sứ điệp của Lời Chúa hôm nay. Mỗi người chúng ta phải chuẩn bị đón Chúa đến với mình. Chúa Giêsu muốn đến với chúng ta và muốn lại trong tâm hồn và trong nhà của chúng ta. Người nói với mỗi người chúng ta câu mà Người đã nói với Dakêu xưa: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Chúng ta có mau mắn về nhà, dọn lối trước dẹp cổng sau để đón Chúa không? Cách chuẩn bị đón Chúa đã được Thánh Kinh trình bày một cách rất tượng hình:”Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa; sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; mọi núi đồi phải bạt cho thấp; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng.” Nói bằng ngôn ngữ ngày hôm nay, thì chúng ta phải sống theo Lòng Tin tức sống thanh thoát, trong sạch, ngay thẳng, cống hiến, không dính bén và nô lệ chức quyền, danh vọng, địa vị và tiền bạc, không quanh co, không uẩn khúc, không lừa dối. Sống như thế đòi chúng ta phải hy sinh từ bỏ rất nhiều. Sống như thế đòi chúng ta phải biết chấp nhận thiệt thòi, lép vé, bị bắt nạt, thậm chí bị bách hại và loại trừ. Nhứng nếu dũng cảm dọn đường đón Chúa vào tâm hồn, vào cuộc sống, vào gia đình chúng ta, thì chúng ta sẽ được hạnh phúc nghe Chúa Giêsu tuyên bố: “Hôm nay, ơn cứu độ đến cho nhà/người/tâm hồn này!” (Lc 19,9).
3.3 Chúng ta đọn đường cho Chúa đến với những người sống bên chúng ta và các môi trường trong đó chúng ta sống và lao động. Đó là phần thứ hai của sứ điệp của Lời Chúa hôm nay. Mỗi người chúng ta phải là một Gioan dọn đường cho Chúa đến với những người xung quanh, đến với môi trường trong đó chúng ta sinh sống và lao động. Đó là khu dân cư xóm, thôn, phường, xã; là phân xưởng sản xuất, là công ty xí nghiệp, là văn phòng dịch vụ v.v&. Chúng ta dọn đường cho Chúa đến với người xung quanh và các môi trường trên bằng cách xây dựng bác ái & yêu thương, tha thứ & tôn trọng lẫn nhau cũng như xây dựng công lý & hòa bình. Cũng còn bằng cách làm biến đổi xã hội tức làm trong sạch và lành mạnh hóa môi trường xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị trên quê hương thân yêu này nữa. Rõ ràng là công việc dọn đường cho Chúa ngày hôm nay khó khăn phức tạp hơn nhiều so với công việc mà Gioan được giao ngày xưa; vì không thiếu gì thế lực sẽ ngăn cản và chống đối chúng ta: đó là tội lỗi, là lòng tham vô đáy, là thói ích kỷ thấp hèn của con người, cá nhân và tập thể.
3.4 Thực hành: Để cụ thể hóa việc đón nhận và sống sứ điệp Lời Chúa, mỗi người hãy chọn một trong hai hoặc cả hai quyết tâm sau đây:
(1) Mỗi ngày tập hy sinh từ bỏ một cái gì đó: ý riêng, sở thích, thời giờ, tiền bạc, để cho tâm hồn được thanh thoát nhẹ nhàng, dễ đón rước Chúa hơn.
(2) Trong tuần tìm cách nói về Lễ Giáng Sinh với một người không công giáo để giúp người ấy hiểu về Chúa, về Đạo hơn. Hoặc chia sẻ với một người bạn công giáo, về đời sống nội tâm hay truyền giáo, để củng cố lòng tin của người ấy và của riêng mình.
IV. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu Kitô là Chúa Cứu Độ chúng sinh, Chúa đã đến và mỗi ngày mỗi đến. Chúng con xin Chúa đến với chúng con, đến với mọi người, nhất là xin Chúa đến với những người khô khan, nguội lạnh, sống xa Chúa và những người từ chối hay chống đối Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết chuẩn bị tâm hồn mình và biết hoạt động để thay đổi môi trường xã hội hầu Chúa đến được với chúng con và với mọi người!
Để sa mạc thành nơi có sự sống, điều kiện cần thiết trước hết là nước. Bên cạnh đó là sự chăm: MV 2-C31
Để sa mạc thành nơi có sự sống, điều kiện cần thiết trước hết là nước. Bên cạnh đó là sự chăm sóc, lao công vất vả của con người để cải tạo sa mạc. Không thể tìm được một khu vườn xinh tươi nơi sa mạc nếu trước hết người ta không tính đến hai điều kiện tiên quyết này. Không có nước, không có sự khai phá và chăm sóc của con người, đời đời sa mạc vẫn chỉ là sa mạc khô cằn. Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới, hiện tượng phá rừng đã làm cho đất canh tác bị thu hẹp, hiện tượng sa mạc hóa đất đai ngày càng gia tăng. Để kiến tạo thảm xanh và chống sa mạc hóa, hai điều kiện trên đây cũng lại là hai điều kiện hàng đầu.
Cũng vậy, tâm hồn con người ví như sa mạc. Vì thế sa mạc tâm hồn cũng cần những điều kiện tối ưu. Nếu so sánh điều kiện nước như là ơn Chúa; điều kiện cải tạo sa mạc và sự ra công chăm sóc tưới bón của con người là nỗ lực sống thánh thiện, là sự cố gắng vun bồi cho đời Kitô hữu của mình bằng cộng tác với ơn Chúa, bằng vâng phục thánh ý Chúa và yêu thương con người, đó chính là lúc ta hóa sa mạc lòng mình thành nơi tươi tốt, nơi mang sức sống của hoa trái thánh thiện, của ơn Chúa.
Bởi đó, để có thể mở lòng đón nhận ơn Chúa và để tiếp sức cho sự kiến tạo lòng mình thành mảnh đất tốt tươi, ta hãy lắng nghe Lời Chúa hôm nay thúc giục. Đó là “Tiếng kêu trong sa mạc”. Tiếng kêu ấy thúc giục ta hãy khẩn trương lên, thúc giục lòng ta đừng cố chấp, đừng ở lỳ trong tình trạng thoái hóa, đừng để lòng mình vốn đã là sa mạc, bị sa mạc hóa nhiều hơn. Vì thế: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho bằng”. Ta cần phải thực hiện lời mời gọi ấy không phải ngày một hoặc ngày hai, mà là cả một đời. Có như thế, kết quả cuối cùng sẽ là một kết quả vui mừng lớn lao: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.
Nhưng sa mạc mà chúng ta đề cập, có hai nghĩa. Thông thường, trong tu đức, sa mạc có nghĩa rất tốt. Sa mạc là nơi thanh vắng, và sa mạc tâm hồn là một nội tâm trầm lặng, yên tĩnh, bình an, nơi mà lòng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa. Nhiều tu sĩ, nhiều vị ẩn tu đã tìm đến sa mạc để đi vào sa mạc tâm hồn sống với Chúa trọn vẹn. Thánh Gioan Tẩy Giả đã từng tu luyện nơi sa mạc để hiệp thông với Chúa của mình như thế. Nhưng khi vào trong làng mạc để mời gọi sám hối, thì sa mạc mà thánh Gioan đề cập, lại là một thứ hoang địa thiếu sự sống. Đó là nơi gió quay cuồng, đất khô cằn, nắng nóng cháy. Đúng hơn, khi khẳng đĐnh “Tôi là tiếng kêu trong sa mạc” (Ga 1, 23), thánh Gioan muốn nói rằng “tôi là tiếng kêu trong lòng người”, vì lòng người đã bĐ sa mạc hóa. Bởi đó, sa mạc của lòng người cũng sẽ là nơi tối tăm, chứa đầy nguy hiểm, là nơi thiếu ơn Chúa, thiếu tình yêu và đầy tham vọng, mưu mô, đam mê xấu& Chúng ta cùng nhau suy nghĩ về sa mạc theo nghĩa thứ hai này.
Mỗi mùa Vọng, ta lại gặp khuôn mặt đáng yêu của thánh Gioan Tẩy Giả, người đã từng có một cuộc sinh ra kỳ diệu, một lối sống khác thường. Sa mạc là nơi vắng người, trơ trụi, thiếu sự sống, lại là nơi thánh Gioan sinh sống, lớn lên và trưởng thành. Cũng chính nơi sa mạc đầy dẫy sự khắc nghiệt, lại là nơi thánh Gioan gặp gỡ Thiên Chúa. Bên cạnh sự lớn lên về thể lý, thánh Gioan còn được sống trong ơn Chúa, lớn lên trong tình yêu của Chúa và trưởng thành trong thánh ý Người. Thánh Gioan đã lắng nghe Lời Chúa đúng như Tin Mừng hôm nay cho biết: “Có Lời Chúa phán cùng con ông Giacaria là ông Gioan trong sa mạc”. Lời của Chúa đã đưa thánh gioan ra khỏi sa mạc, đến mọi vùng ven sông Giodan mà gặp gỡ con người. Lời Chúa thánh nhân đã nghe, giờ đây trở thành Lời Chúa thánh nhân công bố. Tiếng Chúa mời gọi thánh nhân, trở thành tiếng thánh nhân mời gọi mọi người. Thánh Gioan đúng là tiếng kêu trong sa mạc như chính người đã khẳng định.
“Tiếng kêu trong sa mạc” đòi chúng ta hãy sửa đường cho Chúa. Nhưng không phải con đường đất, đường nhựa, mà chính là con đường của cõi lòng người, đường đi vào tâm hồn. Bởi đó, bằng những cách nói đầy gợi ảnh: thung lũng; núi đồi; đường quanh co; lối đi lồi lõm&, thánh Gioan kêu mời chúng ta ăn năn sám hối: Hãy cải đổi nếp sống, nếp nghĩ, nếu cần, cải đổi toàn diện, cải đổi cả não trạng của mình. Vì tận trong tâm hồn ta, có ai lường hết bao nhiêu lối suy nghĩ quanh co, sự tính toán lệch lạc. Tận trong tâm hồn ta có bao nhiêu hố sâu tăm tối, vì thiếu ánh sáng của tình yêu. Hoặc chính nơi ấy, có bao nhiêu núi đồi của sự ngạo ngễ, của tự kiêu, tự mãn& Vì thế, Ta đừng tiếp tục sống như xưa nữa, nhưng hãy uốn nắn những quanh co, lấp bằng những lồi lõm của tội lỗi, của thói hư tật xấu, của những tham vọng và dục vọng thiếu ngay chính& Bạn và tôi hãy sám hối. Vì sám hối là dọn con đường của lòng mình.
Dọn đường tâm hồn là để đón chờ Chúa đến. Chúa cần tâm hồn xứng đáng để làm nơi trú ngụ. Chúa cầm tâm hồn rỗng, không chứa đầy tội lỗi để tuôn đổ ơn của Người. Nhưng để dọn tâm hồn thật lành thánh như thế, chỉ cần đi xưng tội qua loa, xưng tội để trấn an lương tâm mà thôi chưa đủ. Vì như thế chưa phải là cải đổi tâm hồn, chưa đi tới hoàn thiện chính mình. Xưng tội như thế là xưng cho có, cho rồi. Xưng tội như thế là biến bí tích giải tội thành phương tiện cho mình lạm dụng, và lợi dụng để tự đánh lừa bản thân. Đó là một sự cố chấp, là ở lỳ trong tội.
Nếu biến sa mạc thành đất có sự sống, con người phải mất sức, mất của, và chấp nhận nhiều khó khăn. Cũng vậy, dọn đường tâm hồn là chấp nhận biến đổi sa mạc của cõi lòng thành miền đất trù phú, miền đất thấm đẫm ơn Chúa. Bởi vậy, người ta phải chấp nhận sự hao mòn sức lực, chấp nhận tự gọt giũa chính mình, chấp nhận nhiều khó khăn khác nhau. Vì biến đổi như thế là sám hối. Và sám hối thật lòng đòi phải có dấn thân thật sự để tự mình từ nay dám cắt bỏ một thói quen, một đam mê, một tật xấu& để lòng mình biết yêu hơn, khiêm nhường hơn, sống tinh thần phục vụ hơn, vị tha hơn& Vì chỉ khi nào dám chối từ những rườm rà xung quanh mình, con người ta mới dám mong ước thuộc về Thiên Chúa. Thái độ sám hối tận căn ấy, mới là sám hối đúng nghĩa. Điều đó không dễ chút nào, vì nó làm ta đau đớn, xót xa, trầy trụa, mất mát. Chỉ có sám hối trọn vẹn mới sống đúng nghĩa hai chữ “dọn đường”. Chúa cần một thái độ dọn đường một cách tự nguyện, dứt khoát như thế, để Người đi vào tâm hồn và tâm hồn có chỗ chứa đựng ơn thánh của Người. Khi tâm hồn có Chúa, tâm hồn không còn là sa mạc và cũng chẳng hề sợ sa mạc hóa, nếu biết giữ mãi ơn Chúa trong tâm hồn mình bằng một đời sống tốt lành, vươn lên trong sự thánh thiện.
Vậy chúng ta hãy đi vào sa mạc như các nhà ẩn sĩ (chứ không phải sa mạc thiếu sự sống), nghĩa là biết trở về với nội tâm của mình, xua đi những ồn ào, những lo toan của cuộc sống. Ta hãy đi vào sự tĩnh mịch của sa mạc lòng mình mà lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe những đòi hỏi của Tin Mừng: Phải sửa đường xưa lối cũ, uốn nắn cho ngay thẳng những lối đi quanh co theo sở thích trái chướng của bản thân, lúc thế này, khi thế khác. Mọi gồ ghề ngăn cản các quan hệ tốt đẹp với Chúa, với tha nhân hãy bạt xuống và san phẳng để hiến dâng tình yêu của mình đến với anh em và với Thiên Chúa. Có như thế, ta mới “Thấy ơn Thiên Chúa cứu độ” như lời thánh Gioan loan báo.
chủ đề: “Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị chào đón Chúa Kitô. Chúng ta hãy chấn chỉnh lại cuộc sống của mình”
Một ngày chúa nhật vào tháng sáu oi ả, hàng triệu người Mỹ đang theo dõi truyền hình trận: MV 2-C32
Một ngày chúa nhật vào tháng sáu oi ả, hàng triệu người Mỹ đang theo dõi truyền hình trận tranh giải toàn quốc môn Golf tổ chức trên sân cỏ lộ thiên. Ở phút gay go của trận đấu: máy thu hình tâp trung vào Jack Micklaus. Anh đang giữ banh ở khu đất lởm chởm và đang chuẩn bị sút bóng. Chậm rãi nhưng quả quyết, anh giơ chiếc gậy nhắm vào quả banh, và suốt 20 giây trên màn hình người ta thấy anh chần chừ, chuẩn bị sút bóng. Nhưng rồi đột nhiên vào giây cuối cùng anh bỏ mặc qủa bóng và nói to cho mọi người nghe: “Cú sút này trật đích rồi.” Bình luận viên thể thao trận đấu bối rối thốt lên: “Nhưng anh đã không sút bóng: không hiểu chuyện gì xảy ra với anh?” & và cuộc tranh giải lại tiếp tục.
Về sau Nicklaus giải thích rõ ràng tại sao như vậy trong cuốn sách của anh nhan đề: Golf My way (lối chơi gôn của tôi). Anh mô tả cách thức anh chuẩn bị cho từng cú sút bóng như thế nào: đầu tiên, anh sắp xếp các cú sút trong trí nghĩa là anh tưởng tượng ra trước từng cú sút, sau đó anh mới vung gậy đánh thực sự trên sân. Anh nói: “Y hệt một cuộn phim màu, trước hết tôi mường tượng trái banh tôi sắp vung gậy đánh, trái banh trông xinh xắn, trắng trẻo đang nằm trên sân cỏ xanh thắm, rồi hình ảnh trong trí chuyển biến thật lẹ làng và tôi thấy đường banh đang lăn, và thấy cả cách thức nó chạm đất ra sao nữa, rồi cảnh ấy nhoà đi nhường cho cảnh tiếp theo. Cảnh này chỉ cho tôi cách vung gậy để đưa những hình ảnh đã mường tượng trước đó trở thành hiện thực.
Điều mà Jack Nicklaus thực hiện trên sân golf vào trưa chúa nhật nóng bức ấy chính là điều Giáo Hội khuyên chúng ta nên làm trong suốt Mùa Vọng này, nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị tâm trí để đón tiếp Chúa Kitô. Đây chẳng phải chỉ là sự đón tiếp liên quan đến cuộc giáng lâm có tính cách lịch sử của Ngài thường được chúng ta tưởng niệm vào dịp lễ Giáng Sinh, cũng không phải chỉ liên quan đến cuộc giáng lâm mầu nhiệm của Ngài nơi bí tích Thánh Thể, mà đặc biệt là cuộc giáng lâm sau cùng của Ngài ngày tận thế. Chúng ta hãy nói đến cuộc giáng lâm cuối cùng này của Chúa Giêsu.
Để đón Chúa Giêsu đến, chúng ta đã chuẩn bị thế nào? Chúng ta nên vâng theo lời dạy của thánh Gioan tẩy giả khi ông chuẩn bị cho dân Do Thái thời ông đón chờ Đức Giêsu đến với thế gian lần đầu tiên. Ông dạy bảo họ ăn năn thống hối từ bỏ tội lỗi. Có một vài câu Tin Mừng hôm nay. “Hãy sinh hoa trái tốt lành để chứng tỏ lòng ăn năn thống hối của các ngươi” (Lc 3: 8). Đây là điều Giáo Hội mời gọi chúng ta thực hiện trong mùa chờ đợi này. Chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi và bắt đầu sống đúng như Chúa Giêsu từng dạy chúng ta; chúng ta hãy nghiêm chỉnh tự vấn xem “Liệu chúng ta có thể trình diện trước Chúa ngay lúc này không?”
Có lẽ sau khi hồi tâm dò xét kỹ, chúng ta cũng sẽ làm giống như Jack Micklaus trên sân golf, đó là rời bỏ quả bóng và thốt lên: “cú sút trật đích rồi!” để sau đó, chúng ta sẽ phải thay đổi một số điều trong cuộc sống.
Vài năm trước đây, tạp chí This week (tuần này) có thuật lại câu chuyện cảm động về một cậu bé 17 tuổI người Hoà Lan đã từng trốn khỏi trại tập trung Đức Quốc Xã, nhưng đã bị bắt lại và bị kết án tử hình. Ngay trước khi bị hành hình, cậu đã gởi cho bố cậu lá thư sau đây. Tôi xin trích lại: “Bố thân yêu, thật khó khăn lắm con mới viết được cho bố lá thư này, nhưng con vẫn phải cho bố hay rằng con đã bị toà án quân sự kết tội tử hình. Xin bố đọc lá thư này một mình và khéo léo báo cho mẹ biết dùm con& chẳng bao lâu nữa, đúng 5 giờ, điều đó sẽ xảy đến cho con& chỉ một chốc thôi thế là con sẽ về với Chúa. Nói cho cùng đấy có phải là cuộc chuyển tiếp đáng kinh hãi không?& con cảm thấy rõ ràng rằng mình đang ở gần bên Chúa, con đã chuẩn bị sẵn sàng đón chờ cái chết& con nghĩ rằng con còn đỡ đau khổ hơn bố nhiều, vì con biết rằng mình đã xưng hết tội lỗi, và hiện tâm hồn con hoàn toàn thanh thản.. ký tên “Kless”.
Phúc cho ai vào giờ chết có thể nói được như cậu ta. Mùa vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn anh chị em để đến giờ chết anh chị em có thể nói được như thế. Đó là thời gian để anh chị em hồi tâm tỉnh trí và chuẩn bị; đây là thời gian tự vấn chính mình;chúng ta có sẵn sàng đón tiếp Chúa Giêsu vào giờ chết không? Chúng ta có sẵn sàng đón Chúa Giêsu vào ngày tận thế không? Chúng ta có sẵn sàng gặp Chúa Giêsu ngay lúc này không? Chúng ta có nói được như cậu bé trên không? “con cảm thấy rõ ràng con đang ở gần bên Chúa. Con đã chuẩn bị sẵn sàng đón chờ cái chết& con đã xưng hết tội lỗi và tâm hồn con hoàn toàn thanh thản”.
Vậy nếu hiện giờ chúng ta chưa có thể nói lên câu ấy thì liệu đến cuối Mùa Vọng chúng ta có thể thốt lên được câu nói ấy không?
Trong thời gian Mùa Vọng, Giáo Hội kêu gọi các tín hữu chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến”: MV 2-C33
Trong thời gian Mùa Vọng, Giáo Hội kêu gọi các tín hữu chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Chúa đã đến trong lịch sử nhân loại cách đây hơn 2000 năm tại đất nước Palestina, Ngài hiện đang đến với mỗi người chúng ta và chúng ta tin rằng Ngài sẽ đến trong vinh quanh vào ngày Cánh Chung. Nhưng những lần Chúa đến thì không ai biết trước được, Ngài đến thật bất ngờ. Do đó chúng ta phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng ra đón Chúa đến. Phụng vụ tuần trước nhắc đến hai phương thế chờ đợi Chúa đến là tỉnh thức và cầu nguyện. Tuần này chúng ta nghe đoạn Tin Mừng thánh Luca giới thiệu một nhân vật điển hình của Mùa Vọng. Người đó chính là thánh Gioan Tiền hô, vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước. Sứ mạng của ông là kêu gọi dân chúng dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, ông dùng lời ngôn sứ Isaia để kêu gọi dân chúng sửa đổi đời sống:
“Tiếng của người hô trong hoang địa. Hãy dọn đường cho Chúa. Sửa lối cho thẳng để người đi. Mọi thác ghềnh sẽ được lấp đầy. Mọi núi đồi sẽ được hạ thấp. Nơi cong queo nên thẳng tắp. Chỗ gồ ghề đường đi phẳng lì..Và mọi người sẽ được ơn cứu thoát của Thiên Chúa” (Is 40, 3 - 5).
1. Gioan Tiền hô nhân vật điển hình của Mùa Vọng:
Ở phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy thánh sử Luca ghi lại tên của những vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo trên quê hương của Chúa Giêsu. Họ là những ông lớn, có quyền hành, có địa vị, rất giàu sang và được quần chúng nhân dân kính sợ. Hẳn là trong số họ có những kẻ tham lam, độc đoán, chuyên bóc lột nhân dân. Trái tim của họ không bao giờ biết đồng cảm với người nghèo. Cho nên họ không thể nào chấp nhận được một Tin mừng trọng đại sắp diễn ra. Một Đấng Cứu Thế Giáng sinh. Họ không có một sự chuẩn bị nào cho Ngài, hay đúng hơn họ không muốn chuẩn bĐ chỗ cho Đấng Cứu Thế đến trong trần gian này.
Trái ngược hẳn, Thánh Gioan tiền hô lại xuất hiện trong bối cảnh đương thời đó. Ông lên tiếng kêu gọi dân chúng dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tin Mừng nói đến khung cảnh lịch sử mà vị Tiền hô thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình. Đặt thánh Gioan Tiền hô song song với các vị lãnh đạo thời đó, thánh sử Luca muốn nhấn mạnh đến sự khác thường nơi con người của Gioan. Ông là một con người “trần trụi” hoàn toàn, không có tài sản, không có nhà cửa, không địa vị chức quyền. Gioan sống ẩn mình nơi hoang địa, ăn uống khắc khổ.
Nhưng Gioan Tiền hô là một trong những nhân vật điển hình của Mùa Vọng. Ông sống đúng nghĩa của sự chờ đợi của Chúa đến. Ông sống nghèo nàn túng thiếu để đồng hành với người nghèo và những người thấp kém nhất trong xã hội. Đó là tinh thần chủ yếu mà Giáo Hội nhắc nhở chúng ta trong ngày Chúa Nhật hôm nay. Chờ đợi Chúa đến không phải là dậm chân tại chỗ để bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Chờ đợi Chúa đến là vẫn tích cực làm viêc, nhất là làm những việc tốt giúp người và giúp đời. Chờ đợi Chúa đến là biết sống nghèo như thánh Giaon tiền hô. Để cuối chặng đường của Mùa Vọng là ngày lễ Giáng sinh chúng ta vui mừng hãnh diện ra đón Chúa đến.
2. Hãy dọn đường cho Chúa:
Con đường ở đây chính là tấm lòng của mỗi người. Không ai bước đi trên con đường gồ ghề lồi lõm bẩn thỉu. Vì thế chúng ta phải sửa sang ngay thẳng, bằng phẳng tấm lòng của mình. Đời sống chúng ta phải được tu sửa thường xuyên để không bị xuống cấp bởi lòng tham lam, ích kỷ, tính kiêu căng, sự lọc lừa giả dối, các dục vọng. Không những phải tu sửa, chúng ta cần làm mới đời sống mình bằng những giá trị tốt đẹp như lòng nhân ái, bao dung, khiêm tốn. Như vậy chúng ta mới là những ngôn sứ thời nay. Chúng ta cần làm chứng cho Chúa đang đến vì yêu thương con người. Mùa Vọng nhắc mỗi Kitô hữu cũng là một Gioan Tiền hô.
Vào mấy tuần trước Giáng sinh các em thiếu nhi thường tham gia một chiến dịch để mừng lễ Giáng sinh. Chiến dịch đó mang tên là quà tặng mừng sinh nhật Giêsu. Để được khen thưởng các em phải làm những việc tốt. Khi tổng kết chiến dịch các anh chị Huynh trưởng đọc các em thiếu nhi của mình phụ trách ghi lại rất nhiều việc tốt. Dù rất nhỏ bé và đơn sơ nhưng những việc đó thể hiện tấm lòng của các em đối với Chúa. Các em kể rằng mình đã giúp mẹ quét nhà, nấu cơm rửa bát. Có em thì đến nhà bạn giúp dọn dẹp bếp núc. Thay vì thường gây ồn ào, mất trật tự khu xóm các em biết giữ im lặng vào giữa trưa và đêm khuya để mọi người được nghỉ ngơi, biết nhặt rác. Tất cả là những món quà các em dâng tặng Giêsu để mừng sinh nhật Ngài.
Thế đấy Mùa Vọng với các em thật ý nghĩa biết bao. Mùa Vọng là thời gian các em gom góp những của cải thiêng liêng để làm quà tặng sinh nhật Chúa Giêsu Hài Nhi. Đó chỉ là những việc tốt, sự quan tâm, giúp đỡ các em dành cho người thân của mình. Qua đó chúng ta học được ở các em thiếu nhi một cách thế sống Mùa Vọng tích cực hơn.
Lạy Chúa là Đấng đang đến với chúng con hàng ngày. Chúng con tin như vậy. Xin cho chúng con biết dọn tấm lòng của mình cho sạch đẹp thoáng đãng để Chúa đến thăm. Vì điều đó đem lại ích lợi cho chúng con. Vì khi Chúa đến với lòng chúng con, Chúa sẽ đổi mới mọi sự, Chúa mở tung cánh của lòng chúng con để chúng con luôn rộng mở đón tiếp mọi người bằng với một tấm lòng yêu thương chân thành.
Tuần này bài đọc Tin Mừng có đoạn mở đầu hơi khác thường. Theo thói quen Tin Mừng thường khởi sự bằng một câu gần như công thức: Vào lúc ấy, trong những ngày ấy, vào một ngày thứ bảy, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần,… hoặc giả nếu bài Phúc Âm là một dụ ngôn hay chuyện kể thì thường không có thời gian hoặc nơi chốn: “Chúa Giêsu nói với đám đông, Chúa Giêsu kể dụ ngôn này cho dân chúng…”
Hôm nay thì hoàn toàn khác hẳn. Một nửa bài Tin Mừng là về ngày tháng, nơi chốn và các nhân vật lịch sử, về quyền bính đạo đời. “Năm thứ 10 triều đại hoàng đế Tiberio, thời Pontio Philatô làm tổng trấn miền Giuđêa, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê… Thánh Luca là một sử gia nghiêm chỉnh, ông viết có lương tâm trách nhiệm nên không thể đặt bút bừa bãi. Khi chọn viết những dòng này hẳn ông có chủ đích trong đầu. Những chi tiết gợi ý rằng sứ điệp Đức Chúa Trời ban cho nhân loại được tỏ lộ trong hoàn cảnh rất cụ thể, thời gian và nơi chốn rõ ràng, không vô định như người ta lầm tưởng. Nói cách khác, Thiên Chúa hành động trong lịch sử nhân loại bằng các đường lối đặc trưng, dễ nhận ra, trong ngày nào đó, tại địa điểm nhất định. Điều này khiến chúng ta coi lại các biến cố, thực tại trong đời mình. Biết bao lần Thiên Chúa đã ngỏ lời với linh hồn, nhưng vì bận rộn công việc, nên nhiều khi chúng ta bỏ qua, không lưu tâm nhận ra. Ngài ban lời cho chúng ta qua những biến cố bình thừơng như công ăn việc làm, giải trí, hoạt động xã hội… Chúng ta nên lắng nghe và nhận ra sứ điệp của Chúa Thánh Thần để thăng tiến đời sống thiêng liêng của mình.
Tuy nhiên, đôi khi trong dòng lịch sử, Ngài cũng mặc khải ý muốn bằng các đường lối hoàn toàn mới lạ, không ngờ trước được. Một ý nghĩa nào đó bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ điển hình. Trong khi quyền bính đạo đời hành xử bình thường tại đất Palestine thì Thiên Chúa bước vào xã hội Do Thái, thay đổi hẳn cục diện nhân loại, mang vào thế giới một lối sống hoàn toàn mới, thăng tiến số phận mỗi người lên một đỉnh cao chưa từng thấy, trả lại cho con người địa vị và phẩm giá nguyên thuỷ mà tội lỗi đã xoá bỏ. Ai ngờ được chuyện đó? Thiên Chúa đã ban lời của Ngài cho Gioan trong hoang địa và lời đó loan truyền cho người khác, đến tận chúng ta hôm nay. Xin nhắc lại là Lời hằng sống được ban cho loài người trong nơi hoang vắng, và được Gioan lãnh nhận đầy đủ. Đây là bài học cho mỗi linh hồn chúng ta, cần những giây phút tĩnh mịch để lắng nghe và suy tư Lời Chúa. Những hoạt động náo nhiệt, những chương trình tham lam thường phân tán trí khôn, làm cản trở ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta cần xét lại. Quang cảnh và bầu khí đôi khi rất cần thiết cho việc thăng tiến tâm linh. Điều này không đòi hỏi nhiều thời gian và công thức. Tôi biết có một công nhân đưa thư. Trên đường đi làm việc bổn phận, bao giờ ông cũng ghé qua nhà thờ 5 phút. Ngày nào cũng vậy. Tôi hỏi, ông trả lời: “Năm phút ấy là quý báu trong ngày hoạt động của tôi. Tôi yêu thích yên tĩnh, nó làm cho thần kinh thư giãn. Cuộc sống của tôi quá bận rộn, nhất là trong mùa cuối năm này.” Nhân viên đưa thư làm đúng tinh thần mùa vọng. Ông lắng đọng tâm hồn để đón nghe Lời Thiên Chúa. Còn bạn thì sao? Lời Chúa đến với…..trong hoang địa. Điền tên bạn vào chỗ trống của câu trên. Thiên Chúa chẳng giới hạn Lời Ngài cho số nhỏ ưu tuyển (élites), nhưng cho bất cứ những ai có lòng đơn sơ thành thật. Vào thời Chúa Giêsu, trong dân Do Thái nhiều người nổi danh như Caipha, Hanna, Lisania, Philipphê, Hêrôđê, Philatô, Tiberius Cesare. Tuy nhiên Lời Chúa lại đến với nhà giảng thuyết vô danh Gioan Tẩy Giả. Ai dám nói việc Ngài làm là vô lý?
Hoang địa có một vị trí đặc biệt trong Thánh Kinh. Đối với lịch sử dân Do Thái, nó còn có nghĩa đặc biệt hơn. Nó là con đường ra khỏi kiếp sống nô lệ Ai Cập. Trong hoang địa Thiên Chúa nói với tuyển dân, mặc khải tên Ngài cho họ, dẫn đưa họ từng ngày đi về đất hứa. Đồng lao cộng khổ với họ trong sa mạc nóng cháy, khô cằn. Nhờ những kinh nghiệm hoang địa, họ học biết đợi chờ Chúa đến. Đến để làm tròn lời Ngài hứa cùng các tổ phụ. Những người Israel ngoan đạo thời Gioan Tẩy Giả biết rõ những điều đó và cố gắng sống am hợp với giáo lý của tổ tiên. Trường hợp của ông bà Dacaria, Đức Maria là những ví dụ cụ thể, mùa vọng của Hội Thánh ngày nay cũng dõi theo tinh thần đó: trông đợi và khát khao Chúa ngự đến. Làm khác đi là phản bội tổ tiên trong đức tin.
Thánh Gioan giữ vai trò nổi bật trong cả bốn Âm, đặc biệt trong Tin Mừng của Thánh Luca. Ông đã tỉ mỉ thuật lại biến cố truyền tin thụ thai của Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Ông đã ghi lại thời niên thiếu của hai vị cách rõ ràng, chi tiết. Phúc Âm hôm nay ông cho biết Gioan nghe tiếng Chúa trong sa mạc và đã đi rao giảng khắp miền sông Giođan. Giođan lại là địa danh khác quan trọng trong đời sống tôn giáo của tuyển dân Do Thái. Sau khi thoát khỏi Ai Cập, họ bỏ lại kiếp sống nô lệ ở phía sau, tuyển dân lang thang bốn chục năm trong sa mạc, họ vượt sông Giođan và vào Đất Hứa. Họ hoàn toàn thoát khỏi kiếp sống nhọc nhằn, bước vào đời tự do, tự chủ, một nếp sống mới chưa từng được biết. Đây là hình bóng của người Kitô hữu qua biến cố thanh tẩy. Nước sông Giođan là hình bóng của nước rửa tội hôm nay. Chẳng hiểu bao nhiêu giáo dân ý thức được như vậy? Nước rửa tội không chỉ là chất liệu của nghi thức. Nó dẫn đưa linh hồn vào lối sống mới, vô tội và tràn đầy ơn thánh. Nó tưới gội tín hữu suốt cuộc đời tự do và hồng ân, cho đến giây phút cuối cùng. Hạnh phúc biết bao cho những ai trung thành với Chúa! Nó cứu thoát chúng ta khỏi kiếp nô lệ tủi hổ, đồng hành qua sa mạc trần gian, nâng đỡ trong những lúc gian truân, khích lệ khi chán nản lạc đường, sai lối. Mùa vọng chính là thời gian suy nghĩ lại ý nghĩa của bí tích rửa tội. Chúng ta cần ơn trợ giúp để sửa chữa ý hướng đời mình. Nếu nó quanh co gồ ghề thì phải uốn cho thẳng. Nếu nó là núi đồi, gò nổng thì cần bạt xuống. Nếu nó là thung lũng, hố sâu thì cần lấp cho đầy. Giáo Hội hằng kêu gọi, nhưng hình như rất ít kẻ để tâm thực hiện, kể cả tu sĩ, giáo sĩ.
Thực ra, thay đổi nếp sống mới là đề tài của chúa nhật 2 mùa vọng. Chúng ta hãy lắng nghe tiên tri Baruk nói: “Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục và mặc lấy áo vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi. Hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa và đội trên đầu triều thiên hiển vinh Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.” Hơn nữa vị tiên tri còn loan báo cho Giêrusalem một tên mới: “Mãi mãi Thiên Chúa sẽ gọi ngươi là bình an xây dựng trên công chính, và vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa rồi tiên tri tiếp tục kể ra tới bốn ân phúc khác Thiên Chúa sẽ ban cho xứ sở: “Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về theo lệnh Đấng Thánh đã truyền dạy (C5). Họ trở về như một ông hoàng, được đón tiếp sang trọng. Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi không xe không ngựa. Nay Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng (C6). Các núi đồi bạt xuống, thung lũng lấp cho đầy để Israel tiến bước an toàn (C7) trên đầu chúng rợp bóng rừng xanh và quế trầm đủ loại (C8). Ngoài ra họ còn được Thiên Chúa đồng hành che chở (C9). Như vậy những nhọc nhằn của kiếp lưu đày Babylon không phải là vô ích, chẳng qua đó chỉ là hình phạt vì tội bất trung. Khi đã biết ăn năn hối cải, dân Israel sẽ được đền bù và yêu thương. Phải chăng đây cũng là lời kêu gọi của Mùa Vọng năm nay? Chúng ta vật lộn để nghe tiếng Chúa và cố gắng tối đa để đáp trả. Lời của Baruk mở lòng mở trí tín hữu, ban cho chúng ta tràn đầy hy vọng, khi đã trở lại cùng Thiên Chúa. Chúng ta sẽ giống như dân tộc Do Thái được Ngài ấp ủ, thương yêu và dẫn bước đi trên con đường công minh chính trực: “Thiên Chúa sẽ đưa chúng về với ngươi… Ngài dẫn đầu Israel trong vui mừng… bằng ánh sáng vinh quang của Ngài”.
Xin nhớ nơi khác cũng trong Phúc Âm Luca, Gioan Tẩy Giả đã nặng lời khiển trách dân chúng đến với ông, gọi họ là nòi rắn độc (3,7) là giả hình, trốn tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Hôm nay tiên tri Baruk kêu gọi chúng ta thay đổi cuộc sống, có lẽ chẳng ai muốn nghe. Gioan chẳng được rao giảng trong đền thờ hoặc ngoài đường phố Giêrusalem, ông phải thi hành sứ vụ của mình nơi hoang địa, bởi lẽ quyền bính đạo đời chẳng muốn nghe ông. Ông gây xáo trộn nếp sống an bình, phẳng lặng mà họ cố gắng lắm mới thiết lập được. Vậy thì phép rửa bằng lòng sám hối để được tha tội mà Giáo Hội theo gương thánh Gioan rao giảng cho chúng ta ngày nay, liệu có được mọi người chấp nhận? Nó luôn đòi hỏi hy sinh và thú nhận tội lỗi. Liệu xã hội văn minh này sẵn lòng nghe theo? Trong vụ kiện giáo sĩ lạm dụng tình dục vừa qua, có nạn nhân chỉ đòi bồi thường bằng lời xin lỗi thành thật mà cũng chẳng được! Thế thì lời giảng suông phỏng có ích chi?
Thánh Gioan Tiền Hô cho biết rằng Thiên Chúa sẽ can thiệp vào cuộc sống mỗi người: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Tuy Mùa Vọng không có cùng giọng điệu nặng nề như Mùa Chay, tuy nhiên, mở lòng ra và ăn năn sám hối là điều thánh Gioan đòi hỏi bên bờ sông Giođan. Bí tích rửa tội cam kết ơn tha tội luôn luôn sẵn sàng cho mọi người, nhưng với điều kiện là thực tâm sám hối. Hơn nữa, Mùa Vọng nhắc nhớ Thiên Chúa sẵn sàng ban lời cho những ai mong đợi, ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống, như xưa Ngài đã ban cho thánh Gioan: “Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan, con ông Dacaria, trong hoang địa”. Thánh Luca cho biết rõ thời điểm và nơi chốn lời đó phán ra. Vậy thì ông cũng cho ta hay lúc này, nơi đây, trong giai đoạn này của ngày tháng, vị trí này của chúng ta, lời Thiên Chúa cũng đến với từng linh hồn. Xin hãy lắng nghe và đem ra thực hành, để được Ngài hướng dẫn sống trọn vẹn con đường còn lại. Giáo Hội Hoa Kỳ vừa bị vấp ngã cần lắng nghe lời Ngài để có thêm nghị lực, ngõ hầu nhanh chóng hàn gắn các vết thương. Chúng ta phải trở nên dấu chỉ rõ ràng cho thế giới về phương diện này.
Từ thời Thiên Chúa kêu gọi ông Gioan trong hoang địa tới nay, bối cảnh xã hội đã thay đổi nhiều. Nhưng về khía cạnh luân lý, tôn giáo thì không khác nhau lắm. Chúng ta cũng đang ở trong sa mạc. Mặc dù thành phố nhiều hơn, văn minh hơn, loài người đông đúc hơn. Nhưng như Karl Rahner nhận xét, con người càng sống cô đơn, ích kỷ hơn. Nỗi cô đơn cõi lòng này còn dễ sợ hơn hoang địa. Bởi lẽ nảy sinh nhiều loại thú dữ hơn. Thú dữ của lòng tham lam, cạnh tranh, vơ vét, hưởng lạc, áp bức, xâm lược, dâm đãng, xì ke, quỷ quyệt. Chúng ta trong lòng Hội Thánh phải biểu lộ cho thế gian một nếp sống khác. Nếp sống không có núi đồi kiêu ngạo, không có hố sâu chà đạp nhân phẩm, thung lũng vô tín, không đường quanh co đối xử, không bức từơng ngăn cách. Và như thánh Gioan Tiền Hô luôn khát khao mong đợi điều gì mới mẻ và lạ lùng làm biến đổi lòng người nên tốt. Chúng ta trong mùa vọng này cũng cầu xin Thiên Chúa thương mở to đôi mắt tâm linh để nhìn thấy những điều kỳ diệu Ngài hứa ban, lúc này và tại nơi đây trong đời sống mỗi người. Amen.
Mấy nhà khảo sát về súc vật đều cho rằng loài nào ăn rau cỏ như con bò, con chiên, thì tính tình hiền lành, còn loài nào ăn thịt như con cọp, con sư tử, thì dữ tợn hung hăng. Con người thì vừa ăn rau vừa ăn thịt nên vừa hiền vừa dữ, tùy lúc tùy cơn. Người Á Ðông ăn tôm cá và rau cỏ nhiều nên có thể vì thế mà tính tình điềm đạm hơn chăng? Bây giờ sang đất Âu Mỹ đầy ứ thịt, người mình cũng có thể thay đổi tính tình. Ðiều này còn cần được chứng minh, nhưng biết chắc rằng ăn thịt nhiều thì xác thịt nặng nề gồ ghề ra nhiều phía, dễ bị ứ mỡ, nghẹt tim, tắc mạch máu, khiến xe cứu cấp phải làm việc cần mẫn hơn: còi hụ hối hả, chết vội vàng.
Chất mỡ đọng bên vách mạch máu dễ làm tắc nghẽn lắm. Nấu phở mà cứ đổ bừa nước mỡ xuống bồn rửa thì chất mỡ sẽ đọng lại làm nghẹt cả ống nước, phương chi là chất mỡ cứ mỗi ngày mỗi thặng dư trong cơ thể vì đồ ăn nhiều chất béo.
RƯỢU TỎI VÀ RƯỢU NHO ÐỎ
Vận động cũng là một cách làm tan mỡ. Chính vì thế mà những người lớn tuổi bên này thường phải đi bộ mỗi ngày cho giãn xương cốt và làm mạch máu lưu thông đều hòa. Người Á Ðông thì thích uống trà. Vì trong trà có chất làm tan mỡ. Người Tàu ăn mỡ nhiều mà ít bị chấn tim vì uống trà nhiều. Người Âu Mỹ cũng đang có phong trào uống trà với lời tiên báo lạc quan là một ngày kia trà sẽ thay thế coca vào thế kỷ 21.
Ở Âu Châu thì người Ý, người Pháp, nổi tiếng ăn nhiều. Vậy mà họ cũng ít bị chứng nghẹt máu. Khảo sát kỹ thì biết được rằng mấy dân này uống rượu nho đỏ thường xuyên khi dùng bữa. Chỉ có rượu nho đỏ mới có tác dụng làm tiêu mỡ, chứ không phải rượu nho trắng. Vì vỏ trái nho đỏ có chất này.
Mấy năm rồi một số người Việt bắt đầu uống rượu tỏi. Ðây là một phương pháp được cơ quan WHO lo về sức khỏe của Liên Hiệp Quốc phổ biến trên báo y tế từ những năm 1982, 1983, 1984. Cơ quan này đã khám ra bên Ai Cập, nơi mà khí hậu sa mạc khắc nghiệt, đồ ăn thì thiếu chất, vậy mà người dân lại khỏe mạnh hơn các dân Ả Rập khác. Lý do là gia đình Ai Cập nào cũng có trong nhà một lọ rượu tỏi. Vì trong tỏi có chất phitoncid là loại kháng sinh thực vật có tác dụng diệt một số vi khuẩn, và hoạt tinh màu vàng giúp làm tan chất mỡ dưới dạng cholesterol bám vào vách mạch máu.
Cách làm rượu tỏi cũng đơn giản lắm. Lấy khoảng 50 gram tỏi khô bóc vỏ thái nhỏ bỏ vào một cái lọ, rồi đổ 100 ml rượu trắng vào. Bên Mỹ có loại rượu Vodka cũng được lắm. Ngâm 10 ngày thì bắt đầu uống được. Mỗi lần uống khoảng 40 giọt, bằng một muỗm cà phê. Mỗi ngày hai lần: sáng sớm trước khi ăn, và ban tối trước khi đi ngủ. Người phải kiêng rượu hay không uống được rượu cũng có thể uống được rượu tỏi vì với 40 giọt thì lượng rượu rất ít không đáng kể. Cơ quan WHO còn cho biết thêm rằng rượu tỏi cũng rất hiệu nghiệm đối với các chứng bệnh sưng khớp xương, huyết áp cao, phế quản, tiểu đường, tiêu hóa.
BÚP NGHI HOẶC: CÓ CHĂNG ÐỜI LÁ CHẾT?
Nhà thơ Du Tử Lê đã diễn tả cái cảnh tắc nghẽn ở một khía cạnh khác thê thảm hơn và ngột ngạt hơn nhiều. Lời thì bi quan nhưng quả là một bức vẽ sống động diễn tả dấu chỉ thời đại của nhiều tâm hồn lúc này, dù đang đứng ở vị thế nào trong xã hội, dù lương tháng bao nhiêu, thì vẫn thấy mình đang hụt hẫng trong một nhịp quay lớn hơn.
Mây kiệt sức kéo chiều lên đỉnh núi
Mặt trời rơi, hẫng, nhớ nhung / đen /
Cát xúc động xô sông về / mắt / cuối /
Sóng lênh đênh / oải / muộn / lãng quên, quen.
Dẫu điểm đứng chỗ nào trong vũ trụ
Em cách gì một lúc: - ở hai nơi
Chỉ tôi biết: -tôi vô cùng loãng, nhẹ
Sống phân thây từng miếng / vụn / hôi / mùi
Búp nghi hoặc: -có chăng đời lá: chết!
Hoa nào tin quả đắng đến không ngờ.
TIN VUI GỬI NGƯỜI BỊ TẮC MẠCH
Chất mỡ cholesterol làm tắc nghẽn mạch máu khiến nhiều người điêu đứng, mất đi cuộc sống thoải mái an vui. Cũng chính vì thấy vậy nơi nhiều tâm hồn mà Nhà Dọn Ðường là Gioan đã gióng lên lời của tiên tri Isaia trong nơi thanh vắng:
“Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu, và bạt mọi núi đồi; con đường cong quẹo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Luca 3: 6)
Theo truyền thống đạo Chúa, bốn tuần sửa soạn mừng Chúa Giáng Sinh gọi là Mùa Vọng, là những ngày vọng chờ. Chất mỡ cholesterol làm tắc nghẽn mạch máu nên sức khỏe trở nên tiều tụy. Vậy phải tìm cách làm tan chất mỡ này, tức là “hãy làm cho thẳng những con đường cong quẹo, san cho bằng những con đường gồ ghề” thì tự nhiên sẽ khỏe mạnh lại, “sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”
Nước đục để yên sẽ lắng trong. Chất bùn đục, chất cholesterol tội lỗi tham sân si đang làm vẩn đục tâm hồn, vít mọi mạch lưu thông khiến mình bị ứ đọng tù túng và cằn cỗi, không còn chất sinh khí nữa.
Biết làm sao để làm tan chất mỡ vít mạch này? Cơ thể còn cần vận động, cần chất trà, chất rượu đỏ hay rượu tỏi, phương chi là tinh thần, chả lẽ cứ để bị chấn tim hoài?
Trong Ðạo Chúa có một linh dược làm tan biến chất cholesterol tinh thần là bí tích hòa giải. Vọng chờ đúng nhất là tìm khai thông mạch máu bị tắc nghẽn qua bí tích này, tìm lại “ơn cứu độ,” tìm lại được niềm an vui đã bị vít chắn. Ðừng để bị “heart attack” rồi mới tìm cách chạy chữa, e quá muộn.
PHÚT TỊNH TÂM
Xin cho con biết dành những giây phút tĩnh lặng hôm nay và mỗi ngày để mọi nước đục tâm hồn con được lắng trong, tìm lại được an bình. Chính trong những phút hồi tâm và cầu nguyện mà con tìm lại được sức khỏe tinh thần, khai thông được những mạch bị vít, làm cho những nẻo quanh co được thẳng lại.
Ðó là sự KHÁC BIỆT trong cuộc sống của con lúc này:
Từ thật sớm tôi đã lo thức dậy,
Ðể hối hả cho xong việc một ngày;
Vì quá nhiều công chuyện phải tra tay
Nên tôi chẳng có giờ mà cầu nguyện.
Nhưng vấn đề mãi chồng chất thêm lo
Nhiều bổn phận càng ngày càng đè nặng.
Tôi phàn nàn sao Chúa chẳng giúp cho?
Ngài trả lời: “Tại con không cầu khẩn.”
ôi muốn thấy niềm vui và vẻ đẹp
Nhưng ngày sống thật mệt mỏi xám đen
Tôi than van sao Chúa không cho gặp?
Ngài nói rõ: “Tại con chẳng kiếm tìm.”
Tôi ra sức mở vào hưởng Thánh Nhan
Mọi chìa khóa tôi đều mang thử hết.
Chúa ân cần rất âu yếm bảo ban:
“Này con hỡi, sao con không gõ cửa?”
Buổi sáng nay tôi cũng lo dậy sớm,
Ðể tĩnh lặng trước khi bước vào ngày;
Với quá nhiều công việc phải xong ngay
Nên tôi cần để giờ mà cầu nguyện.
1. Khuôn mặt Gioan Tẩy giả nổi bật trong suốt thời gian mùa vọng vì ông là vị tiên tri cuối cùng của CƯ, là người duy nhất trong các tiên tri chỉ cho thấy Đấng mình loan báo, là Đấng cứu độ thế gian, ĐGK Chúa chúng ta (kinh tiền tụng lễ thánh Gioan tẩy giả).
Đoản văn này tường thuật ơn gọi tiên tri của ông bằng cách lồng vào trong khung cảnh lịch sử trần thế và tôn giáo. Nhưng theo lời trình bày long trọng lúc mở đầu, ta có thể đoán được, và sẽ cố gắng minh chứng bằng bản văn còn nhắm xa hơn con người Gioan tẩy giả; đàng sau vị Tiền hô, chính Chúa Giêsu mà bản văn muốn loan báo và đặt vào trung tâm lịch sử nhân loại.
2. Thật vậy, mới nhìn qua, thì hình như trong đoản văn chúng ta đang nghiên cứu đây, Lc chỉ chú ý đến sứ vụ tiên tri của ông Gioan tẩy giả. Nhưng nhiều dấu chứng cho thấy là qua sự kiện này, Lc muốn nhắm đến việc Chúa Giêsu ngự đến.
a. Trước hết, điểm đáng chú ý là Lc tham chiếu nhiều đến lịch sử đương thời để đánh dấu việc khai mào sứ vụ của Gioan tẩy giả, mà không nói gì đến sứ vụ của Chúa Giêsu (3,21), mặc dù đối với ông, đó là việc chủ yếu. Điều bất thường này sẽ làm ta ít ngạc nhiên nếu ta nhận xét là ngay từ đầu phúc âm, Luca xem Gioan tẩy giả và Chúa Giêsu liên đới với nhau (xem phần trước: những sự song đối giữa truyền tin và sinh hạ)
Cũng như sự kiện thời hiệu của Luca 1,5 (dưới thời vua Hêrođê) được áp dụng cho cả hai lần truyền tin về Gioan tẩy giả và Chúa Giêsu (Lc 1,5-25 và 26-38), thì thời hiệu lịch sử của Lc 3,1-2 cũng có giá trị cho những bước đầu của sứ vụ Gioan và Chúa Giêsu. Luca sẽ không trình bày một cách long trọng như thế, nếu chỉ muốn đánh dấu những bước đầu trong sứ vụ của Gioan tẩy giả mà thôi.
b. Việc kể tên hoàng đế Roma, tổng trấn Philatô và các vị quận vương khác không nhất thiết liên quan đến sứ vụ của tiên tri Gioan cho bằng liên hệ đến vua Giêsu. Như chúng ta đã thấy, Luca thường đề cập cách song đối trong phúc âm của ông vương quyền của Chúa Giêsu với vương quyền của các vua trần thế đương thời. Cho nên ở đây, ông phải nghĩ đến Chúa Giêsu nhiều hơn là Gioan tẩy giả.
c. Luca trích dẫn tiên tri Is 40,3 như các tác giả phúc âm khác để mặc cho sứ vụ Gioan tẩy giả một ý nghĩa. Nhưng ông còn kéo dài câu trích dẫn đó cho tới việc loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa đã tỏ hiện, là để cho thấy trước tiên ông muốn nói đến ngày xuất hiện của Chúa Giêsu.
Bởi thế có thể kết luận rằng, khác với các đoạn song song trong Mt và Mc, đoạn văn này của Lc loan báo việc xuất hiện của Chúa Giêsu ngay trong sứ vụ của Gioan tẩy giả. Cái nhìn này không làm ta ngạc nhiên, vì trong hai chương đầu nói về thời thơ ấu, Lc đã minh chứng dài dòng rằng sứ mạng của Gioan tẩy giả hoàn toàn hệ tại trong việc loan báo, rao giảng vế Chúa Giêsu (Lc 1,14.17, 19.41-44. 76-77.)
3. Như vậy, Lc đã nhìn hai sự xuất hiện của Gioan tẩy giả và của Chúa Giêsu thế nào ?
a. Khi đánh dấu thời gian xuất hiện của Chúa Giêsu và Gioan tẩy giả tương quan với các vua và thượng tế thời bấy giờ, Lc muốn xác định thời gian của hai sự xuất hiện đó trong lịch sử trần thế, như các sử gia Hy Lạp thường làm. Cách tính thời gian này cũng không được chính xác, vì nó chỉ cho niên hiệu của triều đại Tiberiô Xêda (Tibère Cêsar) mà thôi, và một khoảng cách thời gian giữa sứ vụ của Gioan và Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Ngài không xa thời gian Gioan rao giảng bao nhiêu. Ông ước tính Chúa Giêsu chịu phép rửa vào năm thứ 15 triều đại vua Tiberiô và dữ kiện này trùng hợp với Ga 2,20 (Chúa Giêsu ở tại Giêrusalem vào dịp lễ vượt qua năm 28).
b. Khi nói đến sự xuất hiện của Gioan và Chúa Giêsu, Lc không mấy quan tâm đến lịch sử trần thế cho bằng lồng chúng vào lịch sử cứu rỗi. Khi trích dẫn dài dòng Is 40,3-5 ông cho thấy qua các sự kiện đó, việc hoàn tất lời tiên tri của CƯ và xác định đúng tầm quan trọng của chúng: sứ mạng của Gioan là việc loan báo lần cuối cùng ơn cứu độ, sứ mạng của Chúa Giêsu là việc Thiên Chúa ngự đến và là ơn cứu độ cho mọi người.
c. Sứ mạng của Gioan tẩy giả bắt đầu, tạo nên một giai đoạn chuẩn bị của thời tiên tri: là thời gian mà Israel được kêu gọi trở về với Thiên Chúa của mình trong tinh thần sám hối và khiêm hạ. Đây là giai đoạn cuối cùng của Cực ước.
d. Sứ mạng của Chúa Giêsu chỉ mới được loan báo như là việc cao điểm lời rao giảng của vị tiền hô mà thôi. Sứ mạng đó sẽ là việc Chúa ngự đến, là ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người. Qua những lời tiên báo của Isaia, độc giả phúc âm, khi đã biết được mạc khải của biến cố phục sinh, có thể nhận ra thiên tính của Chúa Giêsu và ơn cứu độ Ngài đem đến cho mọi người.
Luca giúp nắm vững tầm quan trọng phổ quát của biến cố bằng cách đặt nó vào lịch sử thánh của dân Chúa (tại Giuđea, Galilê, dưới thời thượng tế) cũng như vào lịch sử của thế giới ngoại giáo (đời hoàng đế Tiberiô, vùng Iturêa). Nhưng việc loan báo vẫn còn kín đáo, vì Luca muốn tôn trọng đường lối sư phạm tiệm tiến của mạc khải.
4. Tại sao phụng vụ mùa vọng lại dùng bản văn này là bản văn không liên quan đến việc sinh hạ của Chúa Giêsu và chỉ nhắm tới sứ mạng của Ngài một cách gián tiếp qua sứ mạng của Gioan ?
Điều này có thể do bởi sự kiện các phúc âm ít tường thuật các việc xẩy ra trước khi Chúa Giêsu ra đời. Và nhất là do bởi mối quan tâm muốn trình bày một bản văn công bố ngày Chúa Giêsu gần đến. Ngày Chúa đến thật ra không phải chỉ thể hiện trong ngày giáng sinh mà thôi nhưng còn xẩy ra trong suốt chuỗi xuất hiện liên tục, từ truyền tin đến dâng mình đền thánh, từ lúc chịu phép rửa bởi Gioan cho đến Phục sinh.
Mỗi một lần xuất hiện trên, thực ra cũng chỉ là lời hứa và bảo chứng cho lần xuất hiện cuối cùng trong vinh quang và uy quyền của ngày quang lâm. Người Kitô hữu hôm nay, khi đọc phúc âm kể lại các lần xuất hiện đã qua của Chúa Giêsu, phải luôn luôn hướng về lần ngự đến cuối cùng đó như là ơn cứu độ của mình. Trong lúc gần đến ngày Giáng sinh, đoạn phúc âm này kêu mời chúng ta chuẩn bị ngày Chúa đến. Qua lời kêu gọi thống hối ăn năn, qua lời hứa ban ơn cứu độ cho mọi người, bản văn soi sáng cho chúng ta về mầu nhệm của hài nhi nằm trong máng cỏ và qui hướng chúng ta về ngày hài nhi ấy trở lại trong vinh quang.
5. Nét quan trọng trong sứ vụ của Gioan mà truyền thống đã giữ lại để làm nổi bật cá vị của ông là phép rửa của ông ban trên sông Giođan. Tước vị ho baptistês (12 lần trong phúc âm nhất lãm; trong Flavius Josèphe) là một dấu chứng. Những người đương thời của Chúa Giêsu rất kinh ngạc về nghi thức này, vì nó mang môt cái gì mới lạ.
Trước Gioan tẩy giả đã có một phong trào “thanh tẩy” khá mạnh ở Palettin và Xiri, nơi xuất phát là sông Giođan và các nguồn của nó ở phía bắc. Có nhiều ảnh hưởng đã gây nên phong trào đó. Phong trào bành trướng hơn 400 năm, từ 150 trước Chúa Giêsu đến khoãng năm 300 sau Chúa Giêsu, chia ra nhiều môn phái “thanh tẩy” (x. J. Thomas. Le mouvement baptiste en Palesine et Syrie).
Một vài nghi lễ dưới thời Gioan cũng na ná như phép rửa của ông. các người biệt phái đã lập thói quen thanh tẩy thường nhật: luật thứ sáu trong sách Mishna, chia thành khái luận, có bàn đến những tập tục thanh tẩy này. Những người tân tòng muốn gia nhập Do thái giáo phải tắm là chuyện bình thường (ngày nay vẫn còn trong đạo Do thái chính thống) được xem như là phần bổ túc cắt bì (x. R.E.O White, The Biblical Doctrine of Initoation, Londres, 1960, tr. 56-72; G.R.Beaslay Murray, Baptism in the New Testatement, Londres, 1962, tr. 18-31). Mới đây những nghi thức thanh tẩy của môn phái Cumran được sửa lại gần giống như phép rửa của Gioan. Những cuộc khai quật trong ngành khảo cổ đã cho thấy có nhiều giếng ở Cumrân, ít nhất là hai trong số đó được dùng cho nghi thức thanh tẩy. Các bản văn nói về vấn đề này đều có trong qui luật của Cộng đoàn. Chẳng rõ ràng gì: chắc chắn có một lời thề long trọng biểu thị việc gia nhập vào cộng đoàn, nhưng người ta không biết chắc chắn có việc tắm rửa đặc biệt bổ túc cho nghi thức gia nhập hay không. Về sau thì việc tắm rửa có nghi thức này được làm lại mỗi ngày. Người ta kết luận là việc thanh tẩy của Gioan không trực tiếp mượn nghi thức của Cumrân, hai nghi thức này có lẽ là hai cách diễn tả song song với nhau của cùng một phong trào rộng lớn (về liên quan giữa nghi thức áp dụng tại Qumân và phép rửa của Gioan, x.J.A. T.Robinson, The Baptism of John and the Qumân Community, Havard Theo. Rev. 50 (1957), 175-191; G.R.Beaslay- Murray, Baptism in the N.T. 11-18).
Đâu là những nét phân biệt phép rửa của Gioan với các nghi thức tương tự áp dụng trong thời đại ông ? Mặc dù đã nghiên cứu tìm tòi, người ta vẫn không biết được nguồn gốc chính xác phép rửa của Gioan; không thể nào xác định cho đúng môi trường trực tiếp mà Gioan đã mượn nghi thức này. Dù phép rửa của Gioan được ban cho người đã từng quen với loại nghi thức này, chúng ta vẫn phải giả thiết là nghi thức của ông có một yếu tố thật độc đáo, vì dân chúng kinh ngạc.
Trong các nghi thức thanh tẩy của người biệt phái và người Esséniens, thì chính đương sự tự làm lấy nghi thức, trái lại Gioan thanh tẩy cho ai thú nhận tội lỗi mình. Những nghi thức thanh tẩy cũng như các việc tắm rửa các môn phái trên được làm lại mỗi ngày, trong lúc phép rửa của Gioan hình như chỉ một lần thôi, hoặc ít ra là đã ghi dấu một biến chuyển quan trọng trong đời sống của một người. Trên điểm này thì phép rửa của các người mới tòng giáo có thể so sánh với phép rửa của Gioan. nhưng khác với phép rửa của các người mới tòng giáo, phép rửa của Gioan được ban cho những người Do thái, sự kiện này nói lên một xác quyết quan trọng là: hệ thống luật lệ của Do thái giáo, dưới cái nhìn của Gioan, không thể nào cứu rỗi con người khỏi tội lỗi. Các nghi thức khác chú trọng ít nhiều đến cử chỉ bên ngoài, còn Gioan thì nhấn mạnh đến tâm tình thống hối mà phép rửa chỉ là dấu chỉ ngoại diện mà thôi. Sự nội tâm hóa các việc đạo đức chuẩn bị cho những lời huấn dụ của Chúa Giêsu. Được tuyên bố hoặc tỏ ra thanh sạch chưa đủ, cần phải thanh sạch bên trong nữa. Sau hết, phép rửa của Gioan khác biệt bởi đặc tính cánh chung và thiên sai. Phép rửa đó tạo nên việc sám hối sinh ơn thanh tẩy cho dân, mà các tiên tri đã báo trước để chuẩn bị cho thời cứu độ (Is 1,16; Ez 36,25; Zac 13,1...)
Làm thế nào để so sánh phép rửa của Gioan và phép rửa của Chúa Giêsu ? Chính Gioan đã nói là ông rửa “trong nước”, còn Đức Kitô sẽ rửa “trong Thánh Thần” (Mc 3,12;Lc 3,16; Ga 1,31-33). Phép rửa của Gioan tự nó thông ban đời sống mới.
Hiệu quả phép rửa của Gioan (để thanh tẩy dân chúng khỏi tội lỗi) hình như được đặt vào giữa tâm tình thống hối thuần túy bên trong và nghi thức Kitô giáo phát sinh hiệu quả mà nghi thức đã biểu thị. Nghi thức của Gioan xem ra dính liền với hành động tượng trưng, đặc thù của thời tiên tri (1V 22,11; Is 20,2; Gr 19,10; 28,10; Ez 4,3). Không phải là một tâm tình suông nhưng là một tâm tình được thể hiện bằng một hành vi tượng trưng.
KẾT LUẬN
Đó là hoạt động của vị Tiền hô được lồng vào trong khung cảnh lịch sử. Thời gian hoạt động của ông không còn được căn cứ vào triều đại của một vị vua Giuda hay Israel như các tiên tri xưa nữa (x.Is 1,1; Gr 1,2; Ez 1,2; Am 1,1; Mi 1,1; So 1,1) nhưng căn cứ vào triều đại của vị chúa tể hoàn cầu là César. Sự kiện này nói lên tính cách phổ quát của Tin mừng được Gioan loan báo.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Giống như ơn gọi của Gioan tẩy giả, ơn gọi chúng ta cũng gắn liền chúng ta với thời đại hiện tại. Chúng ta không phải là những con người của thời xa xưa hay tương lai. Phải sống trong ngày hôm nay của Thiên Chúa (Dt 4,7) là thời gian duy nhất thuận lợi cho việc phát triển con người Kitô hữu chúng ta (2Cr 6,2). Như Gioan tẩy giả, Chúa muốn chúng ta sống trong một khung cảnh cụ thể từ đó chúng ta xuất phát. Khung cảnh này là giòng giống, gia đình, xứ sở, khí hậu... sẽ chi phối thái độ và cuộc sống của ta. Gioan là con người của sa mạc, con người thời Tibère César, chúng ta là những con người của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của thế kỷ 20. Chúa quan phòng đã muốn như vậy. Và cách thế duy nhất giúp chúng ta đáp ứng ơn gọi cách trung tín như Gioan tẩy giả là cương quyết chấp nhận thời đại và môi trường chúng ta để biến thành nơi phục vụ lời Chúa và là nơi hành động với tư cách là Kitô hữu, theo chân Chúa Giêsu.
2. Vào thời đại Gioan, các vị hoàng đế và vương hầu, các tổng trấn và quận vương, cũng như các chính khách của mọi thời đại, đều tưởng rằng họ là những người thực hiện những biến cố quan trọng nhất của lịch sử. Tuy nhiên, ngày nay người ta chỉ nhắc tới họ chỉ vì họ có chút liên hệ với một vị tiên tri không tên tuổi của đế quốc La mã: vị tiên tri đó là Gioan tẩy giả, người đã loan báo trong sa mạc vương quốc sắp đến của Thiên sai. Nhìn về phía Thiên Chúa, thì không phải những cuộc chinh phục vĩ đại của đế quốc La mã hay những ân mưu của Herôđê là quan trọng. Nhưng đúng hơn là Lời Chúa xảy đến cho Gioan, con của Giacaria. Trong phạm vi tâm linh là phạm vi duy nhất mang tính cách quyết định cho cuộc sống con người, những cái vỏ uy quyền và vinh quang bên ngoài không có giá trị gì. Vì Thiên Chúa thực hiện những ý định lớn lao của người về thế gian. Đời sống của ta cũng thế: bất chấp khả năng chính trị, kinh tế hay văn hóa của chúng ta, Thiên Chúa cũng có thể dùng chúng ta để thay đổi bộ mặt thế giới, nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng gọi của Ngài mà trở về với Ngài mỗi ngày.
3. Trong sa mạc của cuộc sống chúng ta (nỗi cô đơn của tâm hồn có thể làm cho nhiều người can đảm nhất phải nản lòng). Lời Chúa vang dội trong chúng ta qua lời rao giảng khi chúng ta được mời gọi đến tham dự ngày lễ Chúa nhật với các anh chị em tín hữu khác để tôn thờ Chúa Cha, nhờ lễ vật của Chúa Giêsu Con Ngài. Lúc đó, qua cộng đoàn giáo xứ, chúng ta sẽ gặp gỡ tất cả mọi tín hữu trên hoàn cầu là những người đồng thời với chúng ta, dù họ thuộc dân tộc, chính thể và nghi lễ nào. Tất cả đều được hưởng ơn tha thứ tội lỗi. Nếu biết chạy đến bí tích cáo giải với một tâm hồn thống hối thành thật. Như thế chúng ta mới chuẩn bị chu đáo việc gặp gỡ Đấng Cứu Thế trong hiến tế. Tạ ơn nơi bàn thánh và lời cầu nguyện chúng ta mới có hiệu quả hơn, trong ý hướng hiệp nhất và truyền giáo, cho mọi người biết nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô và lãnh nhận nơi Ngài ơn Cứu độ.
4. Hãy dọn đường cho Chúa trong tâm hồn ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22,20). Hãy sửa lại cho thẳng những lối đi quanh co đầy sở thích trái chướng, hãy làm cho ý hướng và hành vi trong đời sống chúng ta được ngay thẳng; hãy kiên trì trong đường lối ngay chính của việc bổn phận, không cực đoan hoặc “xét lại”. Hãy lấp đầy hố thẳm của của tâm hồn. Nếu trống rỗng lòng quảng đại và lý tưởng Kitô giáo. Hãy bạt xuống các đồi núi của tính kiêu căng, hãy san bằng các chỗ gồ ghề trong tính tình và hãy chấm dứt chia rẽ.
5. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi (1Tm 2,4). Nhưng biết bao người chưa ý thức, cảm nghiệm hồng ân của mạc khải Kitô giáo và chưa thấy được vinh quang của Chúa trong giáo hội của Ngài mà vị tiên tri Isaia đã loan báo. Hãy nghĩ đến đông đảo dân chúng ngoài kitô giáo (Rm 11,25-27). Hãy cầu nguyện cho họ trong mùa vọng này và kêu xin Chúa ban nhiều ơn gọi truyền giáo, để ánh sáng phúc âm tỏa lan hết mọi người (Rm 10,14-18). Hãy trở nên các nhà truyền giáo theo gương vị tiền hô bằng cách này hay cách khác, ít nữa bằng lời kinh và bằng việc trung thành chu toàn sứ mạng riêng biệt của mỗi người ở bất cứ nơi nào mà Chúa quan phòng cho ta sống.
Hài nhi ở đây chính là Gioan Tẩy giả, cũng được gọi là Gioan Tiền hô. Sở dĩ chúng ta gọi ngài là Gioan Tẩy giả, vì ngài trao ban phép rửa sám hối. Còn gọi ngài là Gioan Tiền hô, bởi vì ngài có nhiệm vụ đi trước để hô hào mọi người chuẩn bị đón mừng Chúa đến.
Nhìn vào cuộc đời của ngài, chúng ta nhận thấy được bàn tay yêu thương của Chúa luôn hướng dẫn. Thực vậy, Phúc âm kể lại rằng:
Bà Êlisabeth và ông Giacaria sống chung với nhau trong bậc vợ chồng đã già rồi mà vẫn chưa có con. Một hôm ông vào đền thờ làm nhiệm vụ tư tế của mình. Thiên thần Chúa đã hiện ra cùng ông và cho biết: bạn ông sẽ sinh con. Ông không tin bởi vì cả hai đã cao niên, nên yêu cầu một bằng chứng. Thiên thần Chúa trả lời: Kể từ nay ông sẽ bị câm và sự thực đã xảy ra như thế.
Được tin bà Elisabeth, người chị họ của mình, đã có mang, Đức Maria liền vội vã lên đường thăm viếng. Trước sự hiện diện của Mẹ Maria và Chúa Giêsu, dù mới chỉ là một thai nhi, Gioan cũng đã nhảy mừng.
Rồi sau khi Gioan đã mở mắt chào đời, người ta hỏi ý kiến ông để đặt tên cho con trẻ, và ông đã trả lời bằng chữ viết: tên con trẻ là Gioan…Và cũng từ lúc ấy ông nói được và không còn câm nữa.
Lớn lên, Gioan vào trong hoang địa, sống một cuộc sống khắc khổ. Mặc áo da thú, ăn châu chấu với mật ong rừng. Tiếng tăm về sự thánh thiện của ngài được loan truyền, thế là người ta kéo đến với ngài. Ngài khuyên mọi người sám hối ăn năn, dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Lúc nào ngài cũng tỏ ra khiêm nhường, tự xưng mình chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc và không xứng đáng cởi dây giày cho Đấng Cứu Thế.
Ngày kia Chúa Giêsu trà trộn với đám đông dân chúng đến xin Gioan làm phép rửa. Lúc đầu Gioan đã từ chối vì ngài biết Chúa Giêsu là ai. Nhưng sau cùng ngài cũng vui lòng trao ban phép rửa. Và lúc đó một sự kiện lạ lùng đã xảy ra: Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên Đức Kitô và từ trời có tiếng phán: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.
Sau đó Gioan đã long trọng giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ và đám đông: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Ngài vui mừng khi thấy các môn đệ và dân chúng tin theo Đức Kitô. Chính ngài đã nói: Đức Kitô cần phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi. Có lần ngài đã sai hai môn đệ thân tín đến hỏi Chúa Giêsu: có phải là Đấng sẽ đến hay là còn phải chờ đợi một Đấng nào khác. Thâm ý của Gioan là muốn để cho các môn đệ của mình được nghe chính Chúa Giêsu xác quyết. Chúa Giêsu đã nói với họ: Hãy về nói với Gioan những điều các ngươi đã ghi nhận: người mù được thấy, kẻ què được đi, người phong cùi được lành sạch và kẻ nghèo túng được đón nhận Tin Mừng.
Với một tính tình ngay thẳng, Gioan đã lên tiếng can ngăn Hêrôđê không được phép lấy vợ của anh mình. Chính vì thế mà ngài đã bị tống ngục và sau cùng đã bị lấy đầu.
Nhìn thoáng qua cuộc đời của Gioan Tiền hô, chúng ta thấy ngài đã chu toàn sứ mạng Chúa trao phó, đó là chuẩn bị mọi người đón nhận Chúa đến, và khi Chúa đến, ngài đã giới thiệu Chúa cho mọi người được nhận biết.
Với chúng ta cũng thế, trong mùa vọng, chúng ta phải uốn nắn sửa đổi lại những thói hư tật xấu để Chúa đến trong tâm hồn chúng ta, đồng thời hãy biết dùng lời nói và việc làm, nhất là những hành động bác ái yêu thương, để giới thiệu Chúa cho những người chung quanh.
Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta muốn tự định nghĩa về mình. Chúng ta tự hỏi mình là ai. Đây là một câu hỏi quan trọng và cần thiết.
Gioan Tẩy Giả cũng đã đặt cho mình câu hỏi tương tự. Nhiều người nghĩ rằng ông là đấng Mêsia, là Êlia... Còn ông, ông biết rõ ông là ai. Gioan không đánh lừa mình hay đánh lừa người khác. Ông tự định nghĩa: "Tôi là tiếng kêu trong sa mạc. Hãy dọn đường cho Chúa đến" (Ga 1, 23).
Cả cuộc đời Gioan là một tiếng kêu. Tiếng kêu ấy đã vang lên từ khi ông được thụ thai, một cuộc thụ thai lạ lùng khi cha mẹ ông đã luống tuổi. Tiếng kêu ấy rõ dần qua cuộc sống đặc biệt của ông: nơi hoang địa, mặc áo lông thú, ăn châu chấu và mật ong rừng. Tiếng kêu ấy vang động khắp vùng ven sông Giođan.
Một tiếng kêu khẩn thiết: hãy sám hối. Một tiếng kêu cấp bách: hãy dọn đường cho Chúa đến. Tiếng kêu cuối cùng của Gioan đã đưa ông đến cái chết: "Vua không được phép lấy bà ấy làm vợ" (Mt 14,4).
Gioan hấp dẫn vì ông sống điều ông giảng: ông sống khổ hạnh và mời gọi người ta sám hối. Gioan mãi mãi hấp dẫn vì ông không bao giờ tìm mình. Ông sống vai trò của người mở đường, người giới thiệu cho Đấng đến sau ông nhưng lại quyền thế hơn ông. Ông vui mừng tự xóa mình đi để Đức Giêsu được nổi bật. Chính vì thế mà ông trở nên cao trọng.
Con người chỉ cao trọng khi sống cho Thiên Chúa.
Mỗi lần mùa Vọng trở về, chúng ta có dịp gặp lại Gioan, người dọn đường.
Chúa Giêsu hôm nay vẫn cần những Gioan Tiền Hô mới biết tiếng kêu thức tỉnh nhân loại, biết dạy cho họ chờ đợi và nhận ra ơn cứu độ đã đến.
Dọn đường là lội ngược dòng, là chấp nhận bị khai trừ, bị từ chối.
Gioan đã dọn đường bằng cả cuộc đời để cuộc hôn nhân giữa Chúa Kitô và nhân loại thành tựu.
Hội Thánh vẫn cần những người dám sống điều mình nói, và dám nói điều mình sống.
Gợi Ý Chia Sẻ
Giáo Hội mời gọi chúng ta lội ngược dòng trước sự lôi kéo của vật chất, hưởng thụ. Có khi nào bạn dám đi ngược với tập thể, vì muốn sống theo ý Chúa?
Trong cuộc sống của Gioan Tẩy Giả, điều gì đánh động bạn hơn cả?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
Khi đến với Chúa con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con; con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con; con đóng lại bút viết: các quan điểm của con; con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con; để con được ở một mình với Ngài, lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài, con sẽ xỏ giày vào để đi theo đường của Chúa, con sẽ đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa, con sẽ đeo kính vào để nhìn thế giới của Chúa, con sẽ mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa, con sẽ cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa.
Sứ vụ của thánh Gioan Tẩy giả là chuẩn bị việc Đấng Cứu thế đến. Ông rời bỏ hoang địa sau thời gian tĩnh tâm lâu ngày. Để trả lời cho những kẻ nghĩ rằng cứ giữ đúng những nghi thức Lề luật là được Thiên Chúa thương yêu, ông giảng về sự cần thiết phải hồi tâm và thay đổi nếp sống. Thật ra, ông chỉ tiếp nối lời giảng dạy của các tiên tri. Ông là người cuối cùng, đến trước Chúa Giêsu, trong chuỗi dài những tiên tri không ngớt nhắc nhở Israel về sự cần thiết chuẩn bị nghênh đón Chúa. Công việc chuẩn bị này là nhiệm vụ toàn dân cũng như của mỗi người. Sửa soạn đón Chúa Giêsu là không được quên lãng việc thờ phượng Thiên Chúa, là xua đuổi ngẫu tượng, là uốn thẳng những đường ngõ bị bất công và ích kỷ làm cho cong queo khúc khuỷu.
Chúng ta có thể từ đoạn Phúc Âm hôm nay rút ra hai câu quan trọng:
1) Thiên Chúa phán với Gioan Tẩy giả trong hoang địa
Nói chung, người ta nhận thấy trong Kinh Thánh điều này: Thiên Chúa chuẩn bị những sứ giả của Người bằng một thời gian tĩnh tâm vắng vẻ lâu dài. Trong thế giới hiện tại, lối chuẩn bị như thế vẫn có giá trị đối với bất cứ Kitô hữu nào. Không phải tất cả các tín hữu đều phải dành nhiều ngày giờ để sống trong cô tịch. Nhưng chính trong chừng mực mà, theo ơn gọi, Kitô hữu nào đảm nhận một trách vụ trong Giáo Hội, thì phải sắp đặt thời giờ cần thiết để cầu nguyện, mặt đối mặt với Chúa.
2) Gioan Tẩy giả rao giảng một sự thanh tẩy bằng sám hối, trở lại, để lĩnh ơn tha thứ.
Biệt phái và Sa-đốc là giới thính giả được thánh Gioan chú trọng đặc biệt. Họ dễ tin rằng: hễ tuân giữ đúng Lề luật là giữ đạo cách đầy đủ. Nhưng ông nói với họ: điều chủ yếu là phải đổi mới tâm hồn. Ít lâu sau, Chúa Giêsu phán dạy rằng những điều làm cho người ta ô uế, chúng xuất phát từ cõi lòng: đó là thù hận, tà dâm, ghen ghét, bất công, là chủ trương duy vật thực tế của thế gian. Để chuẩn bị nghênh đón Chúa Giêsu, thánh Gioan Tẩy giả loan báo sự cần thiết phải thanh luyện tâm hồn. Chúng ta có thể ghi lấy điều sau đây: Tuân giữ giới răn Chúa mới chỉ là bề ngoài, còn phải kèm theo một nội tâm thật sự xua đuổi sự tội. Tâm tình ấy chính là thái độ thành thật đối với Thiên Chúa.
Đời Chiến Quốc, nhà du thuyết Tô Tần sang nước Sở, phải đợi suốt ba ngày mới được vào ra mắt vua Sở.
Nói xong câu chuyện, Tô Tần xin cáo biệt đi ngay. Vua Sở bảo: “Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quý như nghe tiếng một bậc danh nhân xưa. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao?”
Tô Tần thưa: “Tôi xem ra thấy nước Sở này có đồ ăn đắt hơn ngọc, củi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như trời. Nay nhà vua muốn bắt tôi ở lại để ăn ngọc, thổi quế, nhờ ma thấy trời hay sao?
Vua Sở khẩn khoản nói: “Xin mời tiên sinh cứ ở lại, quả nhân đã hiểu rõ quá rồi”.
Một đất nước mà vật giá đắt đỏ: “Gạo châu củi quế”, vua quan xa cách dân chúng, thì nhân dân trong nước khổ sở biết bao. Cái đáng khen của vua Sở là sau khi nghe Tô Tần bình phẩm về tình hình kinh tế chính trị của đất nước mình, thì ông liền nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa.
Mỗi lần mùa vọng đến, lại có một Tô Tần xuất hiện để vạch ra những lỗi lầm của chúng ta và nhắc chúng ta sám hối canh tân. Đó chính là Gioan Tẩy giả: “Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4)
Nếu Tô Tần là nhà du thuyết cho nước Sở, thì Gioan chính là ngôn sứ của dân tộc Do thái. Ông đã thấy các nhân vật đạo đời: Từ hoàng đế Tibêriô đến quan tổng trấn Philatô, từ vua Hêrôđê, Philip, Lyxaria cho đến các vị thượng tế Anna và Caipha; lòng người đầy những khúc quanh lồi lõm, thung lũng hố sâu, núi đồi hiểm trở.
Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Ông kêu gọi mọi người sửa sang đường sá. Nhưng con đường quan trọng chính là đường vào cõi lòng.
Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những núi đồi ngạo nghễ của tự mãn, tự kiêu. Phải bạt cho thấp những gồ ghề lồi lõm của bất công, bất chính.
Nếu sám hối là dọn đường của lòng mình, thì chúng ta hãy dẹp bỏ những chướng ngại của tâm hồn, để Chúa có thể đến và ngự lại trong đó.
Nếu Gioan là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần đầu, thì chúng ta sẽ là sứ giả chuẩn bị cho Người đến từng ngày trong cuộc sống của anh em.
Thiên Chúa chỉ có thể đến gặp con người trên những con đường ngay thẳng, phẳng phiu. Và ơn cứu độ của Người cũng chỉ ban cho những ai rộng tay đón nhận.
Lạy Chúa, thật là khó khi nhận mình lầm lỗi, và cũng không dễ dàng khi phải sửa chữa lỗi lầm.
Xin ban cho chúng con ơn sám hối, dám đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa đớn đau, để chúng con xứng đáng đón rước Chúa đến, mang nguồn vui ơn cứu độ. Amen.
Vào cuối tuần trước, nhiều vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã đến Hà Nội để dự Hội Nghị Thượng Đỉnh của Tổ Chức APEC. Chúng ta có thể mường tượng ra cảnh nước chủ nhà đã phải vất vả như thế nào để chuẩn bị và đón tiếp các vị khách quan trọng ấy.
Từ kinh nghiệm chính trị kinh tế xã hội ấy, chúng ta dễ hiểu hơn những điều Sách Thánh nói về việc chuẩn bị đón mừng Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa Cứu Thế của muôn dân, muôn người. Thật vậy muốn đón rước Chúa vào nhà là tâm hồn và cuộc sống của chúng ta, thì tỉnh thức và cầu nguyện là cần thiết nhưng chưa đủ! Chúng ta còn phải tích cực chuẩn bị là dọn đường cho Chúa đến với mình và với mọi người nữa.
II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh:
(1) Bài đọc 1: Br 5,1-9: Hy vọng của Giê-ru-sa-lem.
1 Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; 2 hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. 3 Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi. 4 Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi là "Bình an xây dựng trên công chính", và "Vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa". 5 Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông: Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy. Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui. 6 Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa. Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng. 7 Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa. 8 Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm sẽ toả bóng che rợp Ít-ra-en, 9 vì Thiên Chúa sẽ dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc,
dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.
(2) Bài đọc 2: Pl 1,4-6.8-11: Tạ ơn và cầu nguyện.
4 Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, 5 vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng 6 Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm. 8 Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su. 9 Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, 10 để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm. 11 Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.
(3) Bài Tin Mừng: Lc 3,1-6: Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng (Mt 3,1-12; Mc 1,2-6; Ga 1,19-28).
1 Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, 2 Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. 3 Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, 4 như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 5 Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. 6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
2.2 Trong ba bài Thánh Kinh trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nào?
(1) Bài đọc 1 (Br 5,1-9) là sấm ngôn kêu gọi thành thánh Giê-ru-sa-lem nhận thức sứ mạng và vai trò lịch sử của mình vì Thiên Chúa đang và sẽ thay đổi số phận của thành. Thiên Chúa ra chỉ thị cho thành là: “bạt thấp núi cao và gò nổng, lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu” để chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Sau này Gio-an Tiền Hô cũng hô hào dân Do Thái thực hiện những chuẩn bị cơ bản ấy.
Qua đoạn văn Sách Ba rúc 5,1-9 trên, xuất hiện gương mặt của một Đấng Thiên Chúa trung thành với lời hứa và thích làm điều tốt đẹp cho dân, khiến dân riêng và thành thánh được vẻ vang trước mặt thiên hạ.
(2) Bài đọc 2 (Pl 1,4-6.8-11) là những lời tâm tình của Thánh Phao-lô Tông đồ viết cho các tín hữu Phi-líp-phê. Thánh Phao-lô khen ngợi những việc tốt lành mà họ đã thực hiện để thúc đẩy họ tăng cường hơn nữa đời sống yêu thương, tinh tuyền trong khi chờ đón Ngày Chúa Ki-tô Quang Lâm. Đối với Thánh Phao-lô và các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai thì việc trông đợi Ngày/Biến Cố Chúa Ki-tô Quang Lâm là yếu tố chi phối tư tưởng và cách sống, có nghĩa là người Kitô hữu sống, hành động, hy sinh, hãm mình, phấn đấu vì Ngày/Biến Cố ấy. Nói cách khác điều người Ki-tô hữu mong đợi, ngóng chờ nhất là Ngày/Biến Cố Quang Lâm của Chúa Giê-su Ki-tô.
Qua đoạn thư Philípphê 1,4-6.8-11 trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, tinh tuyền; Chúa Giêsu là Đấng sẽ đến để hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa.
(3) Bài Tin Mừng (Lc 3,1-6) là tường thuật về khung cảnh (tôn giáo và chính trị, xã hội) và những lời kêu gọi và việc làm của Gio-an Tiền Hô là người được giao sứ mạng chuẩn bị các tâm hồn, chấn chỉnh nếp sống con người và cải cách cơ chế tôn giáo và xã hội, để Chúa Cứu Thế có thể đến được với hết mọi người, mọi nhà.
Qua đoạn Phúc Âm Luca 3, 1-6 trên, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng muốn cứu hết mọi người nên mới giao cho ông Gioan sứ vụ rao giảng trong hoang địa, kêu gọi tội nhân ăn năn sám hối, để dọn đường đón nhận Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.
2.3 Qua ba bài Thánh Kinh trên, Thiên Chúa muốn gửi sứ điệp gì cho chúng ta?
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là:
Dọn đường cho Chúa Giê-su Ki-tô có thể đến, không chỉ với ta mà còn đến với mọi người, mọi nhà, đến với xã hội và thế giới hôm nay!
III. SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
Muốn thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là chuẩn bị hay dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến, chúng ta được mời gọi thực hiện hai việc mà trong Thư Mục Vụ 2006, các Giám Mục Việt Nam (1) cũng đã nêu. Đó là:
(1o) Canh tân đời sống cá nhân, có nghĩa là:
* thay đổi từ tình trạng tội lỗi sang tình trạng sạch tội; * thay đổi từ tình trạng khô khan, nguội lạnh sang tình trạng đạo đức, sốt sáng; * thay đổi từ tình trạng khép kín, bảo thủ, vị kỷ sang tình trạng cởi mở, cầu tiến và vị tha; * thay đổi từ tình trạng trùm chăn, không dấn thân sang tình trạng dấn thân, phục vụ tha nhân. * thay đổi từ tình trạng u mê và thờ ơ với Lời Chúa sang tình trạng siêng năng đọc, học Lời Chúa mỗi ngày, mỗi tuần và say mê Lời Chúa.
(Cụ thể là……………………………………………………………).
Khi chúng ta canh tân thân đời sống thì chúng ta trở thành một con người thánh thiện, dễ thương, hữu ích, được Thiên Chúa và mọi người yêu mến!
Canh tân thân đời sống là cách tốt nhất để chúng ta dọn đường cho Thiên Chúa đến với chúng ta và cư ngụ trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.
(2o) Dấn thân phục vụ một xã hội công bằng vì hai lý do khách quan và chủ quan. Khách quan là giá trị nội tại (in se) của công bằng; chủ quan là giá trị của công bằng trong mối liên hệ với con người và xã hội:
* Khách quan mà nói thì công bằng là tiền đề của bác ái, yêu thương, là điều kiện của hòa bình và hòa hợp giữa người với người và giữa các nhóm người với nhau.
* Còn chủ quan mà nói thì công bằng là một đòi hỏi bức bách của hàng chục triệu con người đang bị phân biệt đối xử, đang là nạn nhân của bất công trong xã hội Việt Nam ngày nay.
(Cụ thể là……………………………………………………).
Khi dấn thân phục vụ một xã hội công bằng thì chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc, được người lương thiện hoan nghênh nhưng có thể chúng ta sẽ phải thiệt thòi, thậm chí có khi mất mạng (2); nhưng là cách “mất được” chứ không phải là “mất mất” (3).
Dấn thân phục vụ một xã hội công là cách tốt nhất để chúng ta dọn đường cho Thiên Chúa đến với con người và xã hội và cư ngụ trong tâm hồn và cuộc sống của nhiều người.
IV. CẦU NGUYỆN (Có thể dùng làm Lời Nguyện Giáo Dân)
(1o) Lạy Thiên Chúa Cha là Thiên Chúa hằng sống và là Thiên Chúa Tình Yêu, Chúa đã ban Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu, cho loài người. Chúng con xin dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa. Xin Chúa nhậm lời chúng con. Xin Chúa nhậm lời chúng con.
(2o) Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến trần gian cách nay hơn hai ngàn năm khi Chúa nhập thể làm người, sinh sống ở Pa-lét-tin, rao giảng Tin Mừng và chịu nạn chịu chết vì loài người. Chúng con xin dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa. Xin Chúa nhậm lời chúng con. Xin Chúa nhậm lời chúng con.
(3o) Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng sẽ đến một lần nữa trong vinh quang vào Ngày Quang Lâm, để hoàn tất công trình Cứu Độ của Chúa. Chúng con xin Chúa thương giúp chúng con biết chuẩn bị tâm hồn và cuộc sống để đón rước Chúa và đưa Chúa đến với người khác. Xin Chúa nhậm lời chúng con. Xin Chúa nhậm lời chúng con.
(4o) Lạy Chúa Giêsu Kitô, vì Chúa là Thiên Chúa hằng sống và là Đấng Phục Sinh từ cõi chết nên Chúa vẫn đến với các tâm hồn mỗi ngày mỗi giờ. Chúng con cầu xin Chúa hãy thường xuyên đến với chúng con và với mọi người. Xin Chúa nhậm lời chúng con. Xin Chúa nhậm lời chúng con.
(5o) Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa là Đấng thi ân giáng phúc cho trần gian. Chúng con xin dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa. Xin Chúa hãy đến và ban ơn phúc cho mọi tâm hồn, mọi gia đình và mọi cộng đồng quốc gia và quốc tế. Xin Chúa nhậm lời chúng con. Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. Seattle Tacoma (WA/USA) ngày 25.11.2006.
……….
Ghi chú:
(1) Xem Thư Mục Vụ 2006 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 5 và 6.
(2) Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết… Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. (Mt 10,17-19.22).
(2) Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt 15, 24-26).
Thư HĐGMV N 2006 đã khẳng định: “ Đời sống đạo vừa cần găn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em”.
Chúa nhật II Mùa vọng, Giáo hội giới thiệu cho chúng ta khuôn mặt Gioan Tiền hô, một ngôn sứ luôn gắn bó với Thiên Chúa, rất gần gũi với con người. Lời Chúa Gioan chiêm niệm trong hoang địa qua nhiều năm tháng đã giúp ông tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều hạng người qua những vùng ven sông Giođan. Lời Chúa Gioan nghe đã trở thành lời Chúa ông công bố. Tiếng Chúa gọi Gioan đã trở thành tiếng ông mời gọi mọi người.Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho anh chị em mình đến với Chúa Cứu Thế.
Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Sau 5 thế kỷ vắng bóng ngôn sứ, nay Gioan xuất hiện với sứ mạng Tiền hô. Ông đáp lại tiếng Chúa gọi, ra đi rao giảng về Nước Trời, dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại đến trần gian. Ông đã chu toàn ơn gọi cách nhiệt thành và đã chết anh hùng cho sứ vụ. (x. Mt 14,3012; Mc 6,17-19). Cuộc đời Gioan là một thiên anh hùng ca, bất khuất trước cường quyền, bao dung với tội nhân.
Gioan có một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường. Gioan chọn con đường tu khổ chế: ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú. Sống trong hoang địa trơ trụi, vắng người, thiếu sự sống. Nhưng chính ở đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thâm trầm với thiên Chúa.
Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Gioan mời dân chúng sám hối. Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Như thế, Gioan kêu gọi hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn. Phải bạt cho thấp những gồ ghề của bất công bất chính.
Đạo là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Đạo là ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu không có đường thì không đi đến đâu cả. Một đất nước có văn minh hay không là do hệ thống đường sá.
Đạo từ nguyên thuỷ luôn mang ý nghĩa trong sáng, ngay thẳng, công minh. Đạo dẫn đưa con người đến chân thiện mỹ.
Đạo là đường nên có thể nói sống đạo là sống ngoài đường, sống với người khác, sống với cuộc đời. Abraham khởi đầu cuộc sống thật bằng việc lên đường từ giã thành Ur để sang đất hứa. Và lịch sử Do thái là những chuyến xuất hành di cư, lang thang trong sa mạc, lưu đầy và mất quê hương trong một thời gian dài. Gioan rao giảng và làm phép rửa khắp mọi nẻo đường. Chúa Giêsu sống ở thế gian bằng những cuộc lên đường sang Ai cập, về Nazareth, lên sa mạc, vào đền thánh và trở lại Galilêa. Cuộc sống công khai của Chúa ít là có ba cuộc hành trình lên Giêrusalem. Và sau cùng Ngài lên đường về nhà cha.
Vì là đường nên nên đạo luôn mở ra nối kết và đón nhận cuộc sống, đón nhận mọi người, không phân biệt ai với tinh thần yêu thương của Thiên Chúa. Tin mừng chính là đạo, là con đường mà Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta đi theo ngài.
Đường quan trọng nhất là đường vào cõi lòng. Gioan đã chỉ cho thấy rằng, mỗi con người đều có ít nhiều đồi núi kiêu ngạo, thung lũng ích kỷ, ghồ ghề khúc khuỷu trong các mối quan hệ. Có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vằng ánh sáng tình yêu. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo san cho thẳng. Những gì cao cần bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp. Đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.
Con đường mà Gioan nói tới đây chinh là đường vào cõi lòng. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thân dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua. Như căn nhà cho Chúa ngự tới. Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nổi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu. Cho nên trong cõi lòng đó phải có im lặng như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì. Chỉ nói những lời để giúp đỡ người khác. Và tâm hồn ấy bình an nên nghe rõ tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi. Như thế dọn đường chính là tạo im lặng cho tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.
Dọn đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén vàng cho chủ. Như tên lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.
Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường thường được làm bằng đất đá nhựa bê tông. Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.
Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi.
Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức. Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan. Sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.
Tin mừng hôm nay nói về việc dọn đường cho Chúa. Đạo là con đường dẫn đến Chúa. Đạo là ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu không có đường không đi đến đâu cả. Văn minh hay không là do hệ thống đường sá. Đế quốc Rôma ngày xưa lớn mạnh vì hệ thống đường chạy dài khắc lãnh thổ của đế quốc.
Chúa đã dọn đường cho con Ngài qua suốt 4000 năm lịch sử của dân Do thái. Abraham khởi đầu cuộc sống thật bằng việc lên đường từ giã thành Ur để sang đất hứa. Và lịch sử do thái là những chuyến xuất hành di cư, lang thang trong sa mạc, lưu đầy va mất quê hương trong một thôi gian dài.
Chúa Giêsu sống ở thế gian bằng những cuộc lên đường sang Ai cập, về Nazareth, lên sa mạc, vào đền thánh và trở lại Galilêa. Cuộc sống công khai của Chúa ít là có ba cuộc hành trình lên Giêrusalem. Và sau cùng Ngài lên đường về nhà cha.
Sửa đường theo Gioan là thống hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, Sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo san cho thẳng. Những gì cao bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa.
Sửa đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén vàng cho chủ. Như tên lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh.
Con đường mà Gioan nói tới đây chinh là cõi lòng ta. Như con đường cho Chúa đi qua. Như căn nhà cho Chúa ngự tới. Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có tiếng động của những tình cảm lăng loàn, hay những tính mê nết xấu, có tiếng gọi của bạc tiền lợi danh. Cho nên trong cõi lòng đó phải có im lặng như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì. Chỉ nói những lời để giúp đỡ người khác. Và tâm hồn ấy bình an nên nghe rõ tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi. Như thế dọn đường chính là tạo im lặng cho tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.
Thánh Kinh cho thấy: Ta đã gọi con ta vào sa mạc và ta đã nói khó cùng nó. Chúa không nói qua tiếng sấm nổ, gió lốc mà chỉ nói với Isai trong tiếng gió hiu hiu.
Tâm tình của mùa vọng chính là nhìn lại quãng không của lòng ta để dọn cho sạch hay là dẹp bỏ những âm thanh nghịch tai để chỉ nghe được tiếng Chúa. Có nghe mới biết rõ và yêu mến Ngài và tìm được sự sống.
Thomas Morton là một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Mặc dù theo Anh giáo, nhưng khi còn trẻ, chàng đã sống như một kẻ vô thần. Sau khi trở lại, chàng đã vào dòng khổ tu. Chàng đã ghi lại biến cố làm đảo lộn cuộc đời chàng như sau:
Hôm đó tình cờ tôi bước chân vào một nhà thờ Công giáo. Điều đầu tiên lôi kéo sự chú ý của tôi đó là một cô gái duyên dáng đang quỳ cầu nguyện một cách sốt sắng, không để ý tới những gì xảy ra chung quanh. Tôi tự hỏi: Tại sao một thiếu nữ trẻ đẹp lại có thể quỳ cầu nguyện trong một ngôi thánh đường lặng lẽ, một cách hết sức tự nhiên và say đắm như thể bị hút hồn?
Dĩ nhiên cô gái vào nhà thờ không phải là để cho người ta nhìn ngắm, mà là để cầu nguyện và chỉ để cầu nguyện mà thôi. Cuộc gặp gỡ thân tình của cô gái với Thiên Chúa trong khung cảnh vắng lặng ấy đã là một trong những yếu tố dẫn đưa tôi đến chỗ gặp Chúa và theo đạo sau này.
Ngôi thánh đường, trong bầu khí trang nghiêm và thinh lặng ấy, phải chăng là hình ảnh của một sa mạc, nơi con người có thể gặp gỡ và sống thân mật với Thiên Chúa giữa dòng chảy của một cuộc đời nhiều bon chen và dao động này.
Thực vậy, theo Kinh Thánh sa mạc vừa là nơi con người chịu thử thách, vừa là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Như chúng ta thường thấy: sa mạc thì khô cằn sỏi đá. Ban ngày thì nắng cháy, còn ban đêm thì lạnh buốt.
Đó chính là hình ảnh cuộc sống của con người không có bóng dáng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Giữa cảnh hoang vu của cát đá, con người đói khát và lạc hướng. Thảm trạng ấy sẽ giúp con người ý thức được cái bé bỏng của thân phận, cái vô nghĩa của đời mình, bởi vì con người là gì nếu không phải chỉ là cát bụi.
Nhận thức này sẽ giúp chúng ta từ bỏ mọi ý nghĩ kiêu căng và ngạo mạn, đồng thời mở rộng tâm hồn mình cho ơn sủng của Chúa hoạt động.
Đường vào sa mạc như thế là con đường dẫn đưa con người đến điểm hẹn, gặp gỡ với Thiên Chúa và đón nhận những ơn phúc của Ngài.
Trong cuộc sống thiêng liêng, càng biết vào sa mạc, nghĩa là càng sống thinh lặng và cầu nguyện, thì càng cảm nghiệm được sự gặp gỡ với Thiên Chúa một cách mật thiết và gắn bó hơn.
Dân Do Thái đã phải lang thang trong sa mạc suốt bốn mươi năm trời. Trong thời gian này, họ đã phải gặp nhiều thử thách, nhưng cũng đã được chứng kiến biết bao việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm vì yêu thương họ.
Chúa Giêsu trước khi bắt đầu cuộc sống công khai, cũng đã vào sa mạc suốt bốn mươi đêm ngày. Và Phúc âm đã ghi nhận trong thời gian này, Ngài đã ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ.
Còn chúng ta thì sao? Giữa những bon chen của cuộc sống, chúng ta có biết vào sa mạc, có biết dành lấy những giây phút thinh lặng để thực sự cầu nguyện, gặp gỡ và kết hiệp mật thiết với Chúa hay không?
Bài Tin Mừng mở đầu thật long trọng khi nêu tên tất cả những vị lãnh đạo cao cấp thời đó. Từ Tibêriô, hoàng đế của đế quốc La mã, quyền uy phủ trên toàn thế giới thời ấy, đến Philatô, tổng trấn, đại diện cho hoàng đế cai trị nước Do Thái. Từ Hêrôđê, dù là bù nhìn, cai trị miền Bắc, đến em ông cai trị miền Nam. Từ Anna đến Caipha cùng trong gia đình làm thượng tế nắm giữ quyền đạo Do Thái. Tên tuổi những vị lãnh đạo cao cấp đầy quyền uy nói lên thực trạng của đất nước Do Thái thời đó: bị nô lệ. Chính vì thế, hơn bao giờ hết người Do Thái mong chờ Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Người. Chúa đã đến, không phải bằng con đường phô trương nhưng bằng con đường nội tâm. Thánh Gioan Baotixita hôm nay khi kêu gọi mở đường cũng nhắm đến con đường nội tâm. Chỉ những ai đi đường nội tâm mới gặp được Chúa. Qua lời rao giảng của Thánh Gioan Tiền Hô, đường nội tâm có những đặc điểm sau:
Đường nội tâm đi trong cô tịch. Thật lạ lùng. Một chương trình cứu thế lớn lao như thế mà Chúa chẳng ngỏ lời với các vị lãnh đạo cao cấp uy quyền, nhưng lại ngỏ với Thánh Gioan Baotixita. Một chương trình lớn lao như thế không khởi đầu từ thủ đô đất nuớc, nhưng lại phát xuất từ vùng hoang địa xa xôi. Thực ra, Chúa vẫn ngỏ lời với nhân loại. Nhưng tiếng Chúa nói âm thầm, sâu thẳm. Các vị lãnh đạo cao cấp sống trong ồn ào của đô thị phồn hoa, bị tiếng thét gào của đam mê, dục vọng, quyền lực lấn át, nên không nghe được tiếng Chúa. Thánh Gioan Baotixita nghe được tiếng Chúa nhờ đi vào con đường cô tịch. Sống ẩn thân nơi hoang địa. Chuyên chăm cầu nguyện trong tu viện. Bỏ ngoài tai tất cả những tiếng ồn ao thế tục. Chỉ khao khát lắng nghe Lời Chúa. Nên đã gặp được Chúa và được biết chương trình cứu độ của Chúa.
Đường nội tâm đi trong đi trong khiêm nhường. Chúa là Đấng vô cùng khiêm nhường. Chỉ những ai khiêm nhường mới gặp được Chúa. Các vị lãnh đạo uy quyền nói trên rất tự mãn. Tự mãn vì Tự mãn vì quyền uy bao trùm khắp mặt đất. Tự mãn vì dinh thự đền đài nguy nga. Tự mãn vì quần áo lụa sang trọng. Tự mãn yến tiệc linh đình. Thánh Gioan Baotixita thật khiêm nhường. Khiêm nhường trong đời sống âm thầm nơi hoang địa. Khiêm nhường trong tu viện đơn sơ. Khiêm nhường trong thực phẩm tự nhiên rất đạm bạc: chỉ ăn châu chấu và mật ong rừng. Khiêm nhường trong trang phục giản dị bằng da thú, chỉ có mục đích che thân. Khiêm nhường xưng mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Nhờ thế đã gặp được Chúa, được Chúa tuyển chọn trở thành người mở đường cho Chúa.
Đường nội tâm đi trong chiến đấu. Không phải chiến đấu với người khác. Nhưng chiến đấu với chính mình. Cuộc chiến đấu được Thánh Gioan Tiền Hô dùng lời tiên tri Isaia diễn tả trong việc sửa chữa con đường. Con đường là tâm hồn. Sửa chữa con đường vật chất tuy khó mà dễ. Sửa chữa con đường tâm hồn khó biết bao. Tâm hồn có những núi đồi kiêu ngạo tự mãn. Để sửa chữa phải bát núi đồi xuống. Phải cắt đi một phần tâm hồn không phải dễ dàng. Tâm hồn có những khúc quanh co, để uốn nắn lại phải vạt bớt chỗ quanh co. Gọt dũa tâm hồn đau đớn lắm. Từ bỏ mình là một cuộc chiến khốc liệt. Thắng được mình khó hơn thắng vạn quân.
Đời sống ta quá lo lắng bon chen nên thiếu chiều sâu nội tâm. Hôm nay ta hãy nghe lời Thánh Gioan Tiền Hô dạy, biết ăn năn sám hối trở về với Chúa. Biết rửa sạch tội lỗi. Biết đổi mới tâm hồn bằng cuộc sống đi vào nội tâm. Tìm những giờ phút thanh vắng cô tịch để lắng nghe tiếng Chúa. Sống đơn sơ khiêm nhường để nên giống Chúa. Muốn được như thế ta phải chiến đấu để từ bỏ ý riêng. Chúa đã đến ở đầu đường. Ta chưa nhìn thấy chỉ vì con đường tâm hồn còn lồi lõm quanh co. khi nào ta cắt bỏ được hết những lồi lõm quanh co trong tâm hồn, ta sẽ được thấy Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Đường nội tâm có những đặc điểm nào? Cô tịch, khiêm nhường và chiến đấu, đặc điểm nào cần thiết nhất cho đời sống bạn hiện nay? 2. Thánh Gioan Tiền Hô có sống những lời Ngài rao giảng không? 3. Con đường nội tâm của bạn còn phải sửa chữa ở những đoạn nào? Có dễ không? Tại sao?
Trong những trận bão lụt tại miền Trung nước Việt, nhiều làng bị nước ngập; nhiều đoạn đường bị nước lũ cuốn đi hay bị sạt lở, xe cộ không đi lại được… Dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn xử dụng được nữa. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.
Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người.
Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.
* * *
Bạn thân mến, Con đường vật lý đã cần, nhưng “con đường thiêng liêng” còn cần hơn…Con đường thiêng liêng có thật tốt mới giúp ta lãnh nhận Ơn Chúa và nhất là đón nhận chính Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được Ngài vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.
Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo, luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.
Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh lợi, thú vui dục vọng
Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.
Con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì sự lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.
Tất cả những ngọn đồi, những hố sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta.. Trong Mùa vọng này, chúng ta được mời gọi hãy sửa chữa con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta cho tốt đẹp hơn để đón Chúa đến
Hãy bạt đi những thói kiêu căng tự mãn; tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đầy những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà; những đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá, giả hình. Hãy san bằng những lượn sóng gồ ghề độc ác; những câu nói hành nói xấu trong cuộc sống hằng ngày.
* * *
Lạy Chúa, Đổi mới một con đường bằng cách lấp đầy những hố sâu, uốn thẳng những khúc quanh thì thật dễ, dọn dẹp cho sạch sẽ một con đường thì dễ hơn… Nhưng đổi mới tâm hồn, dọn dẹp con đường thiêng liêng trong tâm hồn thì không dễ chút nào. Để chuẩn bị cho ngày Con Thiên Chúa lại đến, xin ban ơn giúp sức cho con trên con đường phấn đấu bản thân, để mỗi ngày con biết "bắt đầu lại" công việc dọn dẹp đổi mới con đường thiêng liêng trong tâm hồn con, Amen.
Có một nhà giảng thuyết nổi tiếng, cứ hết Chúa nhật này đến Chúa nhật khác, đều đến giảng tại một cộng đoàn rộng lớn. Họ rất chăm chú lắng nghe. Vào một Chúa nhật, khi ông đang đi đến bục giảng, thì những lời trong Tin Mừng vang bên tai ông: “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Một ý tưởng bất chợt đến với ông: “Thiên Chúa không cần chúng ta phải sửa đường cho Người, nhưng chính chúng ta mới cần”.
Từ trên bục giảng, ông nhìn vào các gương mặt đang chờ đợi của giáo dân, và tự hỏi không biết những lời đó có ý nghĩa gì đối với họ. Những điều cần phải chấn chỉnh trong cuộc sống của họ là gì? Ông nhận ra rằng chỉ bản thân họ mới có thể trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, có một lãnh vực mà ông cảm thấy đáng nói đến: các mối quan hệ thường xuyên bị bóp méo và rối loạn của họ.
Ông đã quen biết những người này cả một thời gian dài. Họ đã từng đến với ông, để được giúp đỡ và hướng dẫn qua những vấn đề của họ. Ông biết những đố kỵ nhỏ nhặt làm cho tâm hộn họ bực bội, những hận thù khiến cho người này chống lại người kia, những cuộc cãi vã vặt vãnh vẫn còn tồn tại, những ghen tỵ và hiểu lầm, sự tự hào xuẩn ngốc.
Ông quyết định gởi một thông điệp cho những con người cố chấp, đầy cay đắng, không chịu tha thứ và bỏ qua đó. Ông sẽ ghi khắc nơi họ ý tưởng rằng cuộc đời vốn dĩ quá ngắn ngủi rồi, không ai nên gây hận thù và bất mãn cho nhau nữa. Ông sẽ van nài họ nên cư xử trong sự hiểu biết và khoan dung đối với nhau. Ông sẽ nói với họ từ tận tâm hồn của ông, như thể ông đang nói riêng với từng người vậy. Thế là ông bắt đầu:
Anh chị em thân mến, tôi xin được nhắc lại những lời trong Tin Mừng: “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Thiên Chúa không cần chúng ta phải sửa đường cho Người, nhưng chính chúng ta cần.
Chúng ta cứ để mặc cho những chuyện hiểu lầm diễn ra từ năm này sang năm khác, với ý nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ khai thông chúng. Chúng ta cứ để cho những cuộc cãi vã tiếp tục tồn tại, bởi vì chúng ta không thể sắp xếp tư tưởng, để dẹp bỏ và chấm dứt lòng tự hào của chúng ta.
Chúng ta đi ngang qua những người khác với vẻ mặt sưng sỉa, không hề nói với họ một lời nào, mà không có một vài thái độ đố kỵ vớ vẩn, mặc dù chúng ta biết rằng mình sẽ hối hận và xấu hổ nếu nghe tin rằng ngày mai một trong những người đó sẽ qua đời.
Chúng ta cứ để mặc cho người đồng loại của mình bị đói khát, cho đến khi chúng ta nghe tin rằng người đó đang chết đói, hoặc chúng ta làm cho người bạn của mình bị đau lòng, vì một lời đánh giá mà một ngày nào đó chúng ta đã nói với họ.
Nếu chúng ta nhận ra rằng “thì giờ ngắn ngủi”, thì câu nói này sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến thế nào. Làm sao để chúng ta có thể ra đi ngay tức khắc, và làm được những điều, mà có thể không bao giờ chúng ta có cơ hội khác để thực hiện.
“Tôi xin nhắc lại: Thiên Chúa không cần chúng ta phải sửa đường cho Người nhưng chính chúng ta cần. Vì thế, nếu chúng ta có thái độ quanh co, hoặc lối sống không ngay thẳng, hoặc mối quan hệ không chân thật nào đó cần được chấn chỉnh lại, thì chúng ta hãy sửa đổi ngay. Sau đó, chúng ta sẽ thực sự chuẩn bị đường cho Chúa đến với chúng ta”.
Ông kết thúc bài giảng của mình ở đó. Nhưng lời nói của ông thật đáng suy gẫm. Đối với những người đang đi trên một con đường quanh co, thì quả thật mọi sự đều khó khăn. Nhưng mọi sự đều trở nên dễ dàng, đối với những người đi trên đường ngay nẻo chính –đường lối của sự thật, lương thiện và tốt đẹp. Nhưng để đi trên một con đường ngay thẳng, người ta cần có sức mạnh, sự khôn ngoan và chân thật.
Thiên Chúa không hề từ bỏ con người, khi chúng ta bị lạc khỏi đường lối ngay thật. Người vẫn mời gọi chúng ta rời bỏ con đường quanh co, để đến với đường ngay nẻo chính. Mùa Vọng là một thời gian tuyệt vời, để chúng ta biết nhắm bản thân đến đường hướng ngay thẳng, và tự mình cam kết đi trên đường lối đúng đắn. Chúng ta phải cầu xin Chúa cất đi sự mù lòa khỏi cặp mắt chúng ta, sự yếu đuối khỏi ý chí chúng ta, và sự cứng cỏi trong tâm hồn chúng ta, để sao cho cuộc sống chúng ta được tràn đầy ân sủng trong ngày Người đến.
Một mẩu chuyện của người Phi Châu kể lại rằng: Một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế. Anh ta giải thích như sau: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi”.
Sa mạc mong mỏi được trở thành ngôi vườn, cũng vậy, tâm hồn con người luôn hướng tới về điều thiện. Khoảng cách giữa sa mạc và ngôi vườn xinh tươi đó là nước non, điều kiện thời tiết và nhất là công lao của con người. Không có sự chăm sóc của con người, sa mạc vẫn tiếp tục là bãi cát khô cằn. Cõi lòng con người cũng sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn cỗi nếu có không được vun xới và tưới bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh và tình yêu. Phải tốn biết bao là kiên nhẫn, biết bao chống đỡ, biết bao cương nghị, biết bao mồ hôi… để biến sa mạc của tâm hồn thành một khu vườn tươi tốt… Sa mạc tâm hồn của chúng ta sẽ khóc mãi nếu chúng ta không ra tay cày xới và vun trồng mỗi ngày.
Tin Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta hãy cày xới và vun trồng cho sa mạc tâm hồn chúng ta nở hoa đón mừng Chúa Cứu Thế: “Có tiếng kêu trong sa mạc: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi”. Đó là tiếng kêu của Gioan Tiền Hô. Là tiếng kêu trong sa mạc, Gioan không thể vắng bóng trong Mùa Vọng – Giáng Sinh, vì đời sống của Gioan đã gắn liền với đời sống của Chúa Cứu Thế như “tiếng kêu” gắn liền với Đấng là “Lời của Thiên Chúa”. Đàng khác, đời sống của vị Tiền Hô chỉ có lý do khi có Đấng Cứu Thế xuất hiện phía sau; và đời sống của vị Tẩy Giả làm phép rửa sám hối chỉ có ý nghĩa khi có Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Bí tích Thánh Tẩy để tha tội.
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã làm xuất phát những tiếng kêu qua các Ngôn Sứ trong Cựu Ước để tiên báo Đấng Thiên Sai Cứu Thế sẽ đến. Là Ngôn Sứ cuối cùng của Cựu Ước, tiếng kêu của Gioan Tiền Hô đã đúc kết, tổng hợp mọi tiếng kêu của các Ngôn Sứ khác, như tiếng kêu của Isaia, tiếng kêu của Êlia, tiếng kêu của Giêrêmia, của Baruc (Bđ.1). Chính vì vậy “Tiếng kêu trong sa mạc” là tên gọi của Gioan, một tên rất mông lung, có vẻ vô danh, nhưng lại rất súc tích: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lung, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.
Thưa anh chị em,
Ngày nay, khi nói “Tiếng kêu trong sa mạc”, người ta thường hiểu là tiếng kêu vô ích, lời hô hào không được hưởng ứng, không được đón nghe. Nhưng tiếng Gioan đã kêu lên trong sa mạc không phải là “tiếng kêu trong sa mạc” theo nghĩa đó. Trái lại, tiếng kêu ấy đã lôi kéo đủ thứ mọi hạng người khắp xứ Palestine đến với Gioan trên bờ sông Giođan. Tiếng ấy mặc dù kêu lên trong sa mạc nhưng đã vang vọng tới tận thủ đô Giêrusalem đến nỗi một phái đoàn chính thức đã được các vị lãnh đạo tôn giáo sai đến để chất vấn Gioan tận nơi sa mạc.
Tiếng kêu của Gioan không vô ích và cũng không lỗi thời, vì ngày nay, sau gần 2000 năm, tiếng kêu ấy vẫn còn tác động mạnh mẽ trong lòng nhiều người. Những điều xưa kia Gioan nói với dân chúng, hiện nay vẫn còn hợp thời, vẫn còn có giá trị. Và trong thực tế, ở khắp nơi trên thế giới, bao lâu hỗn loạn, tranh chấp, hận thù vẫn còn thì công cuộc dọn đường cho Chúa đến vẫn còn cấp bách. Như vậy, tiếng kêu của Gioan vẫn mãi mãi cần thiết để con người thay đổi đời sống cho tốt đẹp hơn.
Mỗi Mùa Vọng, tiếng kêu của Gioan trong sa mạc lại lay động, thức tỉnh chúng ta, đặt chúng ta đối diện trước một số vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội, để chúng ta xét mình, kiểm điểm nếp sống, để cải thiện đời sống mỗi ngày thêm trọn hảo, để dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa Cứu Thế ngự đến. Tuy nhiên, đối với một số người, tiếng kêu của Gioan đã trở thành thực sự là “tiếng kêu trong sa mạc”, không được họ lắng nghe và hưởng ứng bởi vì trong lòng họ là những đô thị ồn ào, nhộn nhịp, hỗn độn, ô nhiễm…, tâm hồn họ thiếu sự thanh vắng, cô tịch của sa mạc khiến họ không nghe được tiếng kêu của Gioan: Hãy dọn đường cho Chúa. Tiếng kêu của Gioan không gặp được một âm vang nào trong lòng họ, hoặc có đi nữa thì cũng chỉ là nhất thời và hời hợt như “hạt giống rơi vào bụi gai” mà Chúa đã giải thích là “những hạng người nghe lời Chúa, rồi bị những mối bồn chồn lo lắng, đam mê khoái lạc trên đời làm nghẽn đi mà không sinh hoa kết quả được” (Mt 13,18-23).
Vì vậy, muốn nghe được tiếng kêu của Gioan Tiền Hô thì phải tạo cho lòng mình trở nên sa mạc. Sa mạc là nơi thuận tiện cho cuộc hẹn hò gặp gỡ thân tình để nghe rõ tiếng Chúa hơn và để nhận lãnh sứ mạng của mình. Như ngôn sứ Hôsê đã viết: “Thiên Chúa sẽ dẫn đưa Israen vào sa mạc, vào nơi thanh vắng, để ở đó, lòng kề lòng, Ta sẽ tâm tình với nó” (Hs 2,16). Ở sa mạc Sahara ngày nay, người ta vẫn còn thấy có những cộng đoàn tu sĩ, như các Tiểu đệ, Tiểu muội Chúa Giêsu, theo tinh thần Cha Charles de Foucauld, các tu sĩ ấy dù ở đâu cũng phải qua một thời gian tu luyện sống với Chúa, lắng nghe Chúa gọi giữa sa mạc, giữa cảnh cô tịch, nghèo khó, để sau khi đã có kinh nghiệm cụ thể về sa mạc, các tu sĩ ấy có thể tạo cho lòng mình trở nên sa mạc trong khi dấn thân phục vụ con người ở giữa lòng đời. Đó chính là công việc vun xới cho sa mạc nở hoa đón mừng Chúa Cứu Thế.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta không đi vào sa mạc như các tu sĩ Tiểu đệ, Tiểu muội của Chúa Giêsu được, nhưng chúng ta cẩn phải tạo cho lòng mình trở thành một sa mạc, một nơi trầm lặng, yên tĩnh, bình an, để dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa mời gọi giữa cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp, bề bộn, căng thẳng nầy. Có nghe được tiếng Chúa nói qua tiếng kêu của Gioan Tiền Hô hôm nay, chúng ta mới bắt tay vào việc dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa ngự đến: Phải sửa lại đường xưa lối cũ, uốn nắn cho ngay thẳng những lối quanh co theo sở thích trái chướng của mình, lúc thế này khi thế khác… Phải trung thành trước sau như một, thi hành mọi đòi hỏi của Tin Mừng. Mọi gồ ghề ngăn trở các quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình Chúa, tình người chan hòa đến với hết mọi người. Có như vậy, xã hội mới dần dần trở thành huynh đệ hơn, tốt đẹp hơn, sẵn sàng cho Chúa đến, và cuối cùng để đón nhận ơn cứu độ từ chính Đấng Cứu Độ như Gioan loan báo: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.
Đối với Luca, sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả là một trong các bản lề của lịch sử thế giới. Vì thế ông đã dùng sáu cách khác nhau để ghi dấu thời gian cho việc đó.
1. Tibêriô là người kế vị Auguttô, là hoàng đế thứ hai của Rôma. Vào năm 11-12 SCN, Luca bắt đầu bằng cách đặt sự xuất hiện của Gioan vào trong một bối cảnh thế giới, bối cảnh của đế quốc Rôma.
2. Còn ba mốc thời gian kế tiếp của Luca thì liên quan đến các tổ chức chính trị tại Palestine. Danh hiệu của vua chư hầu nghĩa là “thống đốc của một phần tư”. Những tỉnh như Thessaly và Galat, bị chia thành bốn miền hay gọi bốn khu vực, vị thống đốc của mỗi miền đó được gọi là vua chư hầu, nhưng về sau danh từ đó được mở rộng, dùng để chỉ thống đốc của bất cứ nơi nào. Hêrôđê đại đế băng hà năm 4 TCN sau khi cai trị khoảng 40 năm. Ông chia nước cho 3 con, và Rôma trong giai đoạn đầu đồng ý quyết định của ông. (a) Hêrôđê Antipa lãnh xứ Galilê và xứ Perea. Ông cai trị từ năm 4 TCN đến 39 SCN, vì vậy cuộc đời của Chúa Giêsu nằm trong thời gian cai trị của vua này và phần lớn sống trong lãnh địa của ông tại Galilê. (b) Hêrôđê Philipphê nhận xứ Yturê và xứ Tracônit, ông cai trị từ năm 4 TCN đến 39 SCN, thành Xêdarê được chính ông xây dựng nên được gọi theo tên ông. (c) Akhêlaô nhận xứ Giuđê, xứ Samari và xứ Êđôm. Ông là một vị vua tệ hại. Sau cùng, người Do Thái đã phải xin triều định Rôma cách chức ông. Rôma đã quá chán cảnh nổi loạn ở xứ Giuđê, liền đặt một quan tổng trấn, là vị thống đốc người Rôma. Đó là lý do tại sao người Rôma đã trực tiếp cai trị xứ Giuđê. Bấy giờ Phitatô người Rôma làm tổng trấn, cầm quyền từ năm 25 SCN đến 37 SCN. Như vậy, chỉ trong một câu Kinh Thánh, Luca cho ta thấy tổng quát về sự phân chia vương quốc đã từng một thời thuộc Hêrôđê đại đế.
3. Về Lysania là ai thì chúng ta không biết gì thêm.
4. Sau khi nói về tình hình thế giới và tình trạng chính trị của xứ Palestine, Luca quay về tình hình tôn giáo, và ghi dấu thời gian Gioan xuất hiện là đương thời của Khanan và Caipha giữ chức vụ thượng tế. Chưa bao giờ có hai thượng tế cùng một lúc. Vậy Luca có ý nói gì khi nêu lên hai vị này? Thầy thượng tế là người đứng đầu xã hội Do Thái cả về phương diện tôn giáo lẫn chính trị. Ngày xưa chức thượng tế được cha truyền con nối và mãn đại. Nhưng khi người Rôma đến, chức vị đó làm đầu mối cho đủ thứ gian lận. Kết quả là từ khoảng 37 TCN đến 26 SCN đã có đến 28 thầy thượng tế khác nhau. Khanan hành chức tế lễ thực thụ từ năm 7 TCN đến 14 SCN. Cho nên khi ông ấy mãn nhiệm, nhưng kế vị ông là bốn người con và Caipha là con rể ông. Do đó, tuy Caipha là thầy thượng tế đương chức, Khanan vẫn có quyền hành. Vì thế sau khi Chúa Giêsu bị bắt đã phải điệu đến chỗ ông trước tiên (Ga 18,13), dù lúc đó ông không còn tước vị gì. Luca đem tên ông ghép vào với Caipha mặc dù Caipha là thầy thượng tế đương nhiệm, Khanan vẫn còn là một nhân vật tư tế rất có ảnh hưởng trong nước.
Các câu 4-6 được trích từ Isaia 40,3-5. Bên phương Đông, khi một vị vua định đi tuần tra một vùng nào đó trong vương quốc mình thì sai một vị sứ giả đi trước để bảo dân chúng sửa sang đường sá. Cũng thế, Gioan được coi như sứ giả của Vua. Nhưng sửa soạn mà ông nhấn mạnh ở đây là sửa soạn tâm hồn và đời sống. Ông nói: “Vua đang đến, đừng lo sửa soạn đường sá, hãy chuẩn bị đời sống các ngươi”. Mỗi chúng ta đều có bổn phận liên tục phải gắng sức làm cho đời sống mình xứng đáng trước mặt Vua đời đời.