CẦU NGUYỆN SẼ LÀM CHO TA NÊN VĨ ĐẠI - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 190

Thứ bảy - 22/01/2022 07:21
CẦU NGUYỆN SẼ LÀM CHO TA NÊN VĨ ĐẠI - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 190
CẦU NGUYỆN SẼ LÀM CHO TA NÊN VĨ ĐẠI - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 190
CẦU NGUYỆN SẼ LÀM CHO TA NÊN VĨ ĐẠI

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 190)
-------------------------------------
Có một chàng thanh niên, tên là Osaman, một sinh viên Đại Học năm thứ 3 khoa Văn Chương.

Anh ta đang có những nỗi buồn miên man ray rức trong cuộc sống, mà không biết thổ lộ cùng ai. Anh cũng chẳng biết tìm đến ai để bàn, để hỏi nữa.

Thế là anh cứ đi lang thang thất thểu, hết phố này đến phố nọ ở Paris, thủ đô nước Pháp. Mà rồi thật sự, anh cũng không biết mình đi đâu, và cũng không biết mình đi để làm gì nữa.

Thế rồi một hôm, đang khi đi trên đường phố, mà lòng thì suy nghĩ miên man bông lung, bỗng anh chú ý đến cái tháp của một nhà thờ cổ kính, ngọn tháp thì vút cao, như muốn vươn lên tới tận trời xanh.

Nhìn lên ngọn tháp, tự nhiên lòng anh bổng cảm thấy lâng lâng nhẹ nhàng dễ chịu cách lạ thường.

Anh muốn dừng lại ở nhà thờ này đôi lúc, vừa để nghỉ mệt, vừa để thưởng thức khung cảnh yên tỉnh thánh thiêng của nơi này, vừa để cho tâm hồn mệt mỏi của anh được xả hơi đôi chút, vừa để tìm lại sự thanh thản cho tâm hồn.

Anh đã bước vào trong nhà thờ. Và khi còn đang đứng ở phía cuối, bỗng anh chú ý đến một cái bóng đen đang quì cầu nguyện nơi hàng ghế đầu. Anh chợt nhận ra đó là thầy giáo của anh. Nhưng, sợ mình nhầm lẫn chăng, nên anh quyết định bước lên cho gần, để trông thấy cho rõ hơn.

Khi đến gần, rõ ràng, anh đã không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là thầy giáo của anh, một nhà bác học thiên tài André Marie Ampère (1775 – 1836).

Chàng sinh viên hết sức ngỡ ngàng, và đã có không biết bao suy nghĩ miên man lảng vảng trong đầu óc của anh, về việc một vị  giáo sư vật lý và hoá học nổi tiếng đến như vậy, lại có thể đến nhà thờ cầu nguyện.

Bởi từ lâu anh cứ nghĩ, nhà thờ là nơi chỉ dành cho những ông già bà cả, cho những đàn bà con gái, cho bọn trẻ, cho bọn con nít, cho những người nhẹ dạ nông nổi dễ tin, cho những người ít học ít hiểu biết.

Cũng từ những suy nghĩ đó, cho nên kể từ ngày anh đặt chân vào đại học, cũng là lúc anh bắt đầu bỏ Chúa, bỏ đạo, và hầu như rất ít khi anh đặt chân bước vào trong nhà thờ, tuy anh là đạo gốc, tuy anh là đạo dòng. Còn việc xưng tội rước lễ, thì coi như là không bao giờ có anh.

Khi vị giáo sư đứng dậy ra về, anh chàng sinh viên vẫn tiếp tục ở lại nhà thờ, vẫn quỳ gối cầu nguyện khá lâu.

Đề tài cầu nguyện của anh cũng chỉ xoay quanh vấn đề:

Một nhà bác học nổi tiếng như vậy, mà vẫn có thể tin Chúa được sao, vẫn còn có thể giữ đạo được sao, vẫn còn có thể cầu nguyện được sao?

Thế thì tại sao, anh mới chỉ là một sinh viên tầm thường thôi, chữ nghĩa thì có gì đâu, bằng cấp thì có ra cái gì đâu, vậy mà từ bấy lâu nay, tại sao anh lại bỏ Chúa, tại sao anh lại bỏ đạo, để tỏ ra là một nhà trí thức chăng. Thật là buồn cười, thật là phi lý vô chừng.

Sau một lúc miên man suy nghĩ và cầu nguyện, anh đứng dậy, bước ra khỏi nhà thờ. Anh vội vàng đi thẳng một mạch đến nhà riêng của nhà bác học.

Anh nhè nhẹ gõ cửa. Nhưng anh vẫn còn rụt rè do dự, chưa dám bước vào ngay.

Hiểu tâm trạng của các học trò của mình, nên vị giáo sư lên tiếng trước:

“Này anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh được điều gì chăng? Chắc là anh đang gặp phải một bài toán vật lý nào đó khó lắm phải không ?”

Anh chàng sinh viên nhè nhẹ trả lời: “Dạ thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Cho nên nói thật, các môn khoa học của con, phải nói là dốt lắm. Nhưng, con xin được phép hỏi thầy một chút về vấn đề Đức Tin mà thôi”.

Vị giáo sư khiêm tốn đáp lại: “Ah, cái về vấn đề Đức Tin hả. Phải công nhận, đây lại là một môn yếu nhất của tôi. Nhưng thôi cũng được, nếu tôi có thể giúp anh được điều gì, tôi sẽ rất sẵn sàng.”

Anh chàng sinh viên nói tiếp:

“Thưa Thầy, người ta có thể vừa là một nhà bác học vĩ đại, vừa là một người tín hữu bình thường, vừa có thể cầu nguyện bình thường, như mọi người khác được chăng ?”

Vị giáo sư ngỡ ngàng trước câu hỏi của chàng sinh viên. Nhưng ông cũng cố gắng để trả lời. Với cặp môi run run, đầy xúc động, ông nói:

 “Này anh bạn trẻ, chúng ta chỉ có thể vĩ đại, khi chúng ta cầu nguyện mà thôi !”

***

Bạn thân mến.

Câu trả lời của nhà bác học nỗi tiếng André Marie Ampère, cũng chính là câu nói thời danh của một nhà toán học kiêm triết gia Blaise Pascal đã nói trước đó khá lâu, có lẽ vào khoảng năm 1653. Ông ta đã nói như thế này:

"Con người sẽ vĩ đại, khi quỳ gối cầu nguyện”.

Phải, khi quỳ gối cầu nguyện, con người sẽ trở nên vĩ đại, bởi vì đó là lúc con người được kết hợp với Chúa là Chúa tể trời đất, là Đấng thượng trí vô song.

Và chúng ta sẽ trở nên vĩ đại thật sự, vì được có dịp, sống thân thiện mật thiết với Đấng cao cả tuyệt vời đó.

Được hoà hợp với Ngài, được sống thân tình với ngài, được sống tình nghĩa với Ngài, thật thân thương, thật mật thiết với Ngài, trong tâm tình Cha con, thì phải nói là thật tuyệt vời:

Lúc đó, ta sẽ là con của Thiên Chúa, và Thiên Chúa sẽ là Cha của ta. Còn gì hạnh phúc hơn, còn gì vinh dự hơn, khi Cha con hoà hợp với nhau, thật thân tình như vậy!.

*****

Bạn thân mến,

Có bao giờ bạn đã cầu nguyện được như các nhà bác học này chưa?

Coi chừng, bạn chỉ mới đọc kinh mà thôi, chứ chưa cầu nguyện thật sự. Bởi bạn đọc kinh, chứ bạn chưa hề gặp được Chúa. Bởi qua những lời kinh bạn đọc, cũng chỉ là đọc những công thức có sẵn, như những câu thần chú, đọc như cái máy, đọc như một con sáo, đọc mà không hề ý thức, đọc mà không hề hiểu, là bạn đang đọc cái gì nữa.

Như vậy thì làm sao, bạn có thể nếm cảm được sự vĩ đại của việc cầu nguyện ?

Bạn chưa nếm cảm được sự tuyệt vời của sự cầu nguyện, cũng có thể là do bạn đã không biết dành thời gian thinh lặng nhiều hơn, cố gắng đến nhà thờ sớm hơn một chút, để viếng Chúa một cách riêng tư, để tâm sự một mình bạn với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Cũng có thể là do bạn đã buông xuôi theo những công cuộc làm ăn, đến nỗi quên đi cả những bổn phận thờ phượng Chúa.

Cũng có thể là do bạn quá chăm lo cho phần xác, mà lơ là, mà bê trễ trong việc chăm sóc cho phần rỗi đời đời của bạn.

Cũng có thể là do mỗi lần cầu nguyện, tâm trí của bạn để ở đâu đâu, chứ không tập trung hết mình cho buổi cầu nguyện, làm cho buổi cầu nguyện của bạn có quá nhiều chia trí lo ra.

Do đó, khi cầu nguyện, bạn đã không hề có một chút tâm tình gì đối với Chúa.

Và vì Chúa đã không hề có một chỗ nào trong cuộc sống của bạn, để bạn quan tâm, cho nên bạn đã không cố gắng đủ để sắp xếp một thời gian nào đó, thuận tiện cho việc cầu nguyện thờ phượng Chúa, ở nhà thờ, và ở gia đình, sáng và tối.

Có thể bạn nói: Làm gì, mà tôi có giờ để cầu nguyện như vậy được.

Nhưng mà này bạn, bạn đã quên một điều rất quan trọng trong cuộc sống của bạn: Đó là thời giờ.

Thời giờ là của Chúa chứ đâu phải là của bạn.

Chúa đã ban cho bạn lúc nào, ban cho bạn bao nhiêu, là tùy ý Chúa.

Và Chúa muốn lấy lại bất cứ lúc nào, cũng tùy ý Chúa muốn, bạn chẳng có một chút quyền gì trên thời gian, mà bạn đang hưởng đâu.

Đừng nghĩ: Thời gian là của bạn, để rồi bạn độc quyền chiếm hữu, để rồi chỉ biết dùng nó, mà lo cho những nhu cầu riêng tư của chính bản thân bạn mà thôi, còn Chúa, thì bạn không bao giờ nghĩ đến, và cũng chẳng bao giờ dành cho Chúa một khoảng thời gian nào hết.

Như thế, có phải là bất công lắm hay không ?

Như thế, có phải là bạn đang chọc giận, chọc tức Chúa thường xuyên không?

Vậy, tôi khuyên bạn, hãy quan tâm hơn nữa đến đời sống đạo:

Hãy dành cho Chúa một chỗ trong tâm hồn của bạn đi.

Hãy lo tìm thời gian mà thờ phượng Chúa, hằng ngày chung với mọi người trong gia đình, và hằng tuần chung với mọi người ở nhà thờ vào ngày Chúa Nhật.

Chắc là bạn có đọc kinh cầu nguyện sáng tối mỗi ngày phải không?

Đó là chuyện bình thường của một người con Chúa mà thôi.

Nhưng nếu, chỉ đọc riêng mà thôi, thì chưa đủ đâu:

Bởi vì, khi cầu nguyện riêng, thì Chúa sẽ ban ơn riêng cho bạn.

Còn khi cầu nguyện chung với mọi người trong gia đình, thì Chúa sẽ ban ơn chung cho mọi người trong gia đình. Ơn chung cũng cần thiết lắm cho gia đình, không kém gì ơn riêng đâu:

Ơn làm chồng, ơn làm vợ, ơn làm cha, ơn làm mẹ, ơn làm con cái hiếu thảo ngoan hiền, ơn sống hoà thuận yêu thương nhau. Ơn sắp xếp tổ chức cuộc sống của gia đình mình sao cho được hài hoà, sao cho được êm ấm, sao cho được hạnh phúc.

Ông bà chúng ta thường nói:

Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên (= gầy chuyện là của con người, mà thành chuyện hay không còn tùy thuộc ở Trời, còn tùy thuộc vào Thiên Chúa nữa).

Hay như Chúa Giêsu cũng đã nói trong Kinh Thánh:

“Không có Thầy, chúng con không thể làm gì được đâu” (Gioan 15,5b).

Hay chỗ khác trong thánh vịnh (Tv 127,1) cũng có nói:

“Nếu, mà Thiên Chúa không xây nhà, thì thợ nề vất vã cũng chỉ là luống công vô ích mà thôi”.

Cũng vậy, gia đình mà không có ơn Chúa, thì gia đình rất dễ mất phương hướng lắm.

Một chiếc xe hay một chiếc tàu, mà mất phương hướng, hay lạc tay lái, thì bạn đã biết chắc kết cuộc sẽ ra sao? Chắc chắn là sẽ thê thảm lắm?

Cuộc sống gia đình của bạn cũng sẽ như vậy thôi.

Lạy Chúa, xin dạy cho mỗi người chúng con biết cách cầu nguyện, như Chúa đã dạy các tông đồ xưa kia. Amen

-------------------
Mời nghe: https://www.youtube.com/watch?v=9X84BldvB2g 

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây