(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 183) ------------------------------------- Có một thầy giáo dạy kèm học sinh, thường hay lợi dụng lúc học trò làm bài tập, thì ông ngồi liêm diêm ngủ. Không ngờ, dù làm tỉnh cỡ nào, ông cũng vẫn bị các học trò phát hiện.
Thế rồi một hôm, khi thấy thầy đang vui, bỗng có một nhóm bạn trai tinh nghịch chọc ghẹo thầy:
Lúc nãy, chúng em bắt gặp thầy ngủ, đang lúc chúng em làm bài.
Thầy giáo bình tĩnh chống chữa:
Không phải là thầy ngủ đâu. Mà là thầy đi vào cõi mộng, để hội kiến với các bậc thánh hiền ngày xưa.
Nó cũng giống như Đức Khổng Tử vẫn thường nằm mộng thấy Châu Công. Rồi sau đó, khi tỉnh dậy, Khổng Tử đã đem những lời thánh hiền nói trong mộng, để dạy dỗ cho các đệ tử của mình.
Cũng vậy, thầy cũng thường hay đi vào trong cõi mộng, để thỉnh giáo các bậc thánh hiền, để có những cái hay, mà dạy lại cho các em.
Rồi một hôm, có một vài học trò biếng nhác học hành, nên đã ngủ gục liên miên trong giờ giảng bài. Không ngờ khi bắt gặp, thầy giáo đã giận dữ, đã trách mắng một trận nên thân.
Đến giờ giải lao, khi thấy thầy đã hết giận, các trò tinh nghịch chạy đến trò truyện và giải thích cho thầy nghe:
Lúc nãy, không phải là tụi em ngủ đâu. Mà tụi em chỉ bắt chước thầy, đi gặp các bậc thánh hiền, để hỏi một số vấn đề, mà chúng em thường rất thắc mắc.
Thầy giáo cũng tò mò hỏi: Các em thắc mắc những gì. Có gặp được các vị thánh hiền không, và các vị ấy đã nói những gì với các em?
Các trò đua nhau trả lời:
Dạ có, tụi em đã gặp được các vị thánh hiền trong mộng. Và tụi em đã hỏi: Có phải mỗi ngày, thầy giáo của tụi con, cũng đều có đến hội ý với các vị phải không?
Nhưng, các vị thánh hiền đã trả lời một cách rất rõ ràng và rất dứt khoát:
Không có đâu.
Và các ngài còn khẳng định:
Là từ trước đến nay, các ngài chưa hề gặp mặt thầy của tụi em lần nào hết.
***
Câu chuyện trên đây, làm cho tôi liên tưởng đến câu chuyện của một cha sở nọ, đã từng hỏi một bà đạo đức, rất thường đi lễ. Không những bà trung thành với việc đi lễ chúa nhật, mà cả lễ ngày thường, bà cũng rất siêng năng:
Cha sở hỏi:
- Tôi thấy bà rất thường đi lễ, nhưng sao không thấy đứa con trai của bà đi lễ ? Kể cả lễ Chúa nhật.
Bà đạo đức trả lời:
- Thưa cha, con đành bó tay thôi, con đành chịu thôi. Bởi con nói hoài nói mãi, mà con của con cũng không chịu nghe con.
Cha sở hỏi:
- Chắc là nó có bận nhiều công việc lắm phải không ?
Bà ta trả lời:
- Dạ thưa cha, không phải đâu. Nó mà bận cái gì. Nó chỉ bận nhậu. Nó chỉ bận vui chơi với bạn bè của nó thôi. Cứ mỗi lần con nhắc đến chuyện đi nhà thờ, nhắc đến chuyện đi lễ, là nó nói:
Sao mà, má cứ nói hoài có một chuyện đó thôi. Má có linh hồn, má lo giữ đi theo cách của má. Còn linh hồn của con, con giữ theo cách của con. Con không bỏ Chúa, con không bỏ đạo đâu, má đừng lo, má đừng sợ. Con vẫn nhớ đến Chúa mà. Con vẫn tin Chúa. Nhưng, con chỉ tin Chúa trong lòng thôi. Con chỉ thờ Chúa theo cách của con thôi. Bởi Chúa thì ở khắp mọi nơi. Cần gì đến nhà thờ. Cần gì phải đi lễ nữa! Cần gì phải xưng tội rước lễ. Đạo tại tâm là đủ rồi.
- Thưa cha, nó đã chủ trương như vậy đó. Chứ nó không hề bận gì hết.
Nghe xong, cha sở chỉ biết lắc đầu thở dài, mà không hề nói thêm được một lời nào nữa.
Bởi đối với người chủ trương như vậy, thì Chúa cũng đành bó tay thôi, Chúa cũng đành chịu thôi. Bởi những lập luận họ đưa ra, chỉ là những lời dối trá, cố tình bao che cho những sự bê bối của họ, cố tình bao che cho sự khô đạo của họ, cố tình bao che cho cái tính lười biếng của họ.
Nó cũng giống như ông thầy giáo kia bịa chuyện, để chống chữa cho cái chuyện hay ngủ gục trước mặt học trò.
Làm gì có chuyện gặp được thánh hiền trong mộng!
Và cũng thế, làm gì có chuyện gặp Chúa trong mơ, trong mộng. Làm gì có chuyện thờ Chúa trong sòng bạc. Làm gì có chuyện gặp Chúa trong các nhà chứa, bia ôm gái điếm. Làm gì có chuyện gặp Chúa trong các buổi nhậu nhẹt, thâu đêm suốt sáng, để rồi bỏ bê hết mọi công việc gia đình, bỏ luôn cả những bổn phận thờ phượng Chúa nữa.
Rõ ràng, đây chỉ là những chuyện dối trá, là những lập luận theo kiểu ngụy biện của những người khô đạo, nhằm để bao che cho những hành vi bê trễ nguội lạnh của họ thôi.
Họ, đúng là những người đi “đạo nửa chừng”. Mà người ta thường gọi họ là những người giữ đạo “ba rọi”. Nghĩa là đạo nữa nạt nữa mỡ, nạt không ra nạt, mà mỡ cũng chẳng ra mỡ.
Tuy họ mang tên là con Chúa, vì đã được rửa tội, vì có tên trong sổ họ đạo, nhưng kỳ thực họ chẳng giữ đạo tí nào.
Đạo đối với họ, chỉ là có cái tên thôi: Họ là những người “hữu danh vô thực”. Đạo của họ chỉ ở cái miệng thôi. Đạo của họ chỉ có trong mộng thôi.
Họ tưởng mình giữ đạo cũng khá lắm, cũng tốt lắm, cũng đạo đức lắm. Nhưng nào có gì để chứng minh?
Họ cũng nghĩ: Mình cũng thường xuyên gặp Chúa. Mình cũng thường xuyên thấy Chúa.
Nhưng đó là Chúa nào? Có phải là Chúa đã chịu đóng đinh trên thập giá, mà chúng ta vẫn tôn thờ không? Hay Chúa của họ chỉ có ở trong mộng mị thôi.
Mà đã là ở trong mộng, thì làm gì có thật. Bởi họ đã quên lời thánh Giacôbê tông đồ đã dạy, trong thư thứ 2 của Ngài, ở câu 17, nguyên văn như sau:
Đức tin không có việc làm là đức tin chết (Giac 2,17).
Nghĩa là, tuy có đức tin đó, nhưng nếu đức tin đã không được thể hiện bằng việc làm cụ thể bên ngoài, bằng những việc đạo đức, bằng những việc từ thiện bác ái, bằng việc năng lui tới nhà thờ để thờ phượng Chúa, thì đức tin của họ, nếu có, cũng coi như đã chết từ lâu rồi.
Làm gì có thể gọi được là một người Kitô hữu chân chính. Làm gì có thể gọi được là người công giáo chính tông. Làm gì có thể gọi được là người tín hữu đích thực, khi mà họ lười biếng không đến nhà thờ, để làm việc thờ phượng Chúa, để tham dự thánh lễ.
Ngày thường đã không đến nhà thờ đã đành, vì không có luật buộc. Nhưng cả lễ Chúa nhật là luật buộc, Chúa buộc, mà Giáo hội cũng buộc, thế mà họ cũng coi thường, họ vẫn bỏ lễ Chùa Nhật, bỏ mà không hề có một chút áy náy gì!!!
Vì ít đến nhà thờ, cho nên họ cũng rất ngại việc đi xưng tội. Lấy cớ là sợ cha la, sợ cha rầy, nên không dám đến toà giải tội.
Mà càng để lâu thì lại càng sợ, thì càng ngán, thì càng lo. Đây cũng là những lý do, mà ma quỉ thường dùng, để ngăn cản người ta đến với toà giải tội.
Có một điều rất lạ, là lỗi luật Chúa, thì người ta lại không sợ Chúa, mà lại đi sợ ông cha.
Chúa mới là Đấng cầm quyền thưởng phạt, thưởng phạt đời đời, thưởng phạt tới nơi tới chốn, thế mà họ vẫn không ngán, thế mà họ vẫn không sợ.
Chúng ta cũng nên nhớ điều này nữa: Đó là Bí tích Giải tội do Chúa lập ra, là để giúp cho con người tự rèn luyện chính bản thân mình cho hoàn thiện hơn.
Mà nói đến rèn luyện, là nói đến việc phải làm đi làm lại, phải lập đi lập lại thường xuyên thì mới mong thành công.
Chính Chúa Giêsu đã dạy trong Mt đoạn 5 câu 48 như sau:
“Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con ở trên trời, là Đấng hoàn thiện”.
Những người không chịu năng lui tới với Bí tích giải tội, hình như đã quên điều này.
Mà vì đã lâu lắm không đi xưng tội, cho nên họ đâu có thể lên rước Chúa.
Mà không Rước Chúa, thì làm gì có lương thực nuôi linh hồn, làm gì có sự sống của Chúa trong người, làm gì dám chắc có thể hưởng được sự sống đời đời sau này như Chúa đã hứa.
Bởi Chúa đã nói rất rõ:
“Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời”.
Có nghĩa là nếu không siêng năng rước Chúa, thì sẽ chẳng có thể dự phần những gì Chúa đã hứa đâu.
Lạy Chúa, con biết: Ơn cứu độ của con, không phải là chuyện “hên xui”, cũng không phải là chuyện cầu may, ngồi chờ “sung rụng”, càng không phải là chuyện mơ mộng mà có được.
Nhưng ơn cứu độ chỉ đến với con, nhờ những vất vả hy sinh, nhờ những thường xuyên cố gắng phấn đấu, thì mới có thôi.
Mỗi khi nhìn lên cây thánh giá Chúa, thì con lại hiểu thêm đôi chút về cái giá phải trả cho ơn cứu độ, mà Chúa đã dành cho con.
Xin Chúa nhắc nhở cho con biết siêng năng nhìn lên thánh giá Chúa, để con biết phải làm gì. Và khi con làm, xin Chúa giúp đỡ, để trong từng giây phút của cuộc sống, con chỉ luôn làm những điều đẹp lòng Chúa thôi. Amen.