ÔNG ĐỐC CHÍNH VÀO ĐẠO CHÚA - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 194

Thứ bảy - 22/01/2022 17:30
ÔNG ĐỐC CHÍNH VÀO ĐẠO CHÚA - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 194
ÔNG ĐỐC CHÍNH VÀO ĐẠO CHÚA - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 194
ÔNG ĐỐC CHÍNH VÀO ĐẠO CHÚA

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 194)
-------------------------------------
Trong thánh lễ sáng hôm nay, cha giảng lễ đã chọn một đoạn Phúc Âm của thánh Gioan, đoạn 6,37-40, để đọc cho giáo dân nghe, và cũng để cùng với giáo dân suy gẫm. Bài giảng đó lại chỉ xoay quanh có một câu kinh thánh này thôi:

“Tất cả những gì Cha Ta đã trao ban cho Ta, thì sẽ đến với Ta. Và những ai đến với Ta, Ta sẽ không khước từ họ”.

Đây là lễ an táng của một ông cụ già, mới vào đạo Chúa. Ông đã trên 80 tuổi .

Ngoài một vài người trong gia đình biết chuyện, thì chắc không mấy ai biết cụ già này đã đến với Chúa như thế nào đâu.

Nói ông cụ già là người đạo mới, mà đúng là mới thật, bởi ông chỉ mới được rửa tội chưa được 2 ngày thì đã qua đời.

Còn bà cụ, vợ ông, mới thật là người đạo gốc, đạo dòng. Hai người đã sống với nhau từ thời son trẻ, với phép Hôn Phối chuẩn khác đạo.

Cách đây hơn nửa thế kỷ, bà cụ là một nữ hộ sinh trong một bệnh viện lớn có tiếng ở Hà Nội.

Tuy bà là người đạo gốc đạo dòng, nhưng mà rất ít có ai biết rõ về tông tích lý lịch của bà.

May ra, thì chỉ biết bà thuộc nhóm các bà đạo đức, thường hay tham gia các việc từ thiện bác ái, với cái tên là bà Đốc Chính. Gọi là Bà Đốc, bởi ông chồng bà là Đốc-tơ  (gọi theo tiếng tây docteur, có nghĩa là Bác Sĩ).

Bà Đốc Chính là người công giáo, nên bà giữa luật đạo khá chín chắn. Bà coi mạng sống con người là hồng ân Chúa ban, cho nên chuyện sống chết là do quyền năng Thiên Chúa quyết định.

Do đó, việc phá thai, dù là trực tiếp hay gián tiếp, bà vẫn coi đó là tội, vì lỗi luật Chúa, vì lỗi luật đạo, cho nên không bao giờ bà dám làm, cũng không dám tham gia bằng bất cứ hình thức nào.

Đang khi đó, mọi người trong xã hội lại coi việc phá thai là chuyện bình thường: Thích thì giữ con lại, không thích thì tẩy nó đi.

Vì bà Đốc Chính không chịu theo trào lưu như mọi người, cho nên bị người ta đánh giá là “duy tâm”, có nghĩa là lạc hậu, có nghĩa là lỗi thời, có nghĩa cổ lỗ xỉ.

Có người còn cho bà là “phản động” nữa, bởi bà không chịu chấp hành theo lệnh của cấp trên.

Thế là lý lịch của bà bị coi là “có vấn đề”.

Tuy biết thế, nhưng bà Đốc Chính vẫn cứ kiên trì, vẫn giữ vững lập trường theo niềm tin tôn giáo của mình.

Và bà vẫn biết, những bất ổn trong cuộc sống đang chờ đón bà, nhưng bà vẫn chấp nhận. Bà vẫn cứ tiếp tục tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Bà chấp nhận tất cả, miễn sao đẹp lòng Chúa là được rồi.

Thế rồi, sự gì phải tới nó đã tới:

Một hôm thật bất ngờ, bà được lệnh chuyển công tác một cách đột ngột, mà chẳng ai biết lý do.

Tuy, công tác của bà ở bệnh viện Hà Nội vẫn đang diễn tiến thật bình thường, thật tốt đẹp.

Nơi Bà Đốc được lệnh thuyên chuyển về, là một trạm xá ở vùng quê, xa xôi, hẻo lánh, thuộc vùng kinh tế mới, heo hút, thiếu thốn mọi sự.

Bà Đốc Chính, vốn là con của một gia đình “tư sản truyền thống”, giàu có, tiện nghi, đầy đủ, thuộc giai cấp trung lưu ở Thủ đô Hà Nội, nay lại phải đi xa nhà, xa gia đình, xa những tiện nghi quen thuộc, phải lưu lạc nơi chốn thâm u, thuộc vùng sâu vùng xa, với biết bao ngỡ ngàng, ngại ngùng, lo âu đủ mọi chuyện.

Nhưng bà quyết tâm khăn gói lên đường, bởi bà nghĩ:

Một người con Chúa thì không thể ngại khó, ngại khổ được, khi phục vụ giúp đỡ người khác.

Bà nghĩ:

Trước lạ, sau quen, người ta sống được, thì mình cũng sống được.

Nhất là bà luôn tâm niệm:

“Đôi bàn tay Chúa dẫn con đi, tay hồng ân Chúa sẽ đưa con về”.

Mà đúng như vậy, chưa được bao lâu, chỉ mới được vài tuần lễ thôi, bỗng lại bất ngờ, bà nhận được lệnh điều về chỗ cũ, công tác tại bệnh viện Hà Nội, trước sự ngỡ ngàng của bao người, mà chẳng ai hiểu lý do tại sao.

Bởi, nơi bà về công tác, là một nới hoàn toàn xa lạ, mà chỉ mới vài tuần lễ, thì bà cũng chỉ mới tập tễnh làm quen người, làm quen việc, làm quen với chỗ ở thôi, chứ nào bà đã làm được gì đâu.

Vậy mà, người ta lại ra lệnh, điều bà về bệnh viện cũ trở lại.

Mãi sau này, người ta mới khám phá ra, là khi bà rời khỏi bệnh viện Hà Nội, thì đã có không biết bao nhiêu chuyện rắc rối, phức tạp, liên tiếp xảy đến, làm đau đầu các cấp lãnh đạo ở bệnh viện.

Lúc đó, ban lãnh đạo mới nhận ra:

Bà Chính quả là một một nữ hộ sinh tài ba, có tay nghề thật cao, thật vững vàng trong công tác.

Người như bà bệnh viện rất cần. Có thể nói là bệnh viện không thể thiếu bà lúc này.

Cuối cùng, thì mọi người trong ban lãnh đạo đều nhất trí chấp nhận cho bà trở về chỗ cũ, và cũng đành phải chấp nhấn cái gọi là “dở hơi” nơi bà, để cho mọi công việc chung của bệnh viện được ổn định, được trôi chảy hơn. Còn việc bà tin ai, bà tin cái gì, bà chủ trương sống ra sao thì mặc kệ bà.

Thế là bà Chính thở phào nhẹ nhỏm, bởi Chúa đã vừa cất đi một thánh giá khá nặng đối với bà.

*****

Nhưng, niềm vui được trọn vẹn, thì bỗng một thánh giá khác Chúa gởi đến cho bà, còn nặng hơn nhiều, còn vất vả hơn nhiều, còn khốn đốn hơn nhiều, đó là vấn đề ông Đốc Chính, chồng của bà.

Số là khi 2 người mới quen nhau, ông Đốc đã biết bà Chính là ngưòi công giáo, là ngưòi đạo dòng.

Nhưng vì yêu thương muốn cưới bàn, nên ông đành chấp nhận cho bà tiếp tục giữ đạo, nhưng trong lòng, ông không vui chút nào.

Và sự không vui này, cứ lần lần được tỏ lộ ra, như không thể nào đè nén được nữa.

Thế là ông Chính bắt đầu thắc mắc, hạch xách bà đủ điều, đủ chuyện, liên quan đến vấn đề tôn giáo, liên quan đến vấn đề bà thường đi đọc kinh, xem lễ, liên quan đến vấn đề bà thường tham dự các đoàn thể, để rồi vắng nhà thường xuyên.

Những vấn đề ông đặt ra, thường rất là vô lý.

Nhưng bà Chính chấp nhận, để mua sự bình an cho gia đình.

Bởi, bà Chính cũng đã biết: Bà càng mộ đạo bao nhiêu, thì ông Chính lại càng dị ứng bấy nhiêu, càng ác cảm với đạo bấy nhiêu.

Nhất là khi ông thấy các con cứ lần lượt rửa tội theo đạo mẹ, rồi lớn lên, chúng lấy chồng công giáo, lại đưa nhau đến nhà thờ làm lễ cưới nữa.

Cứ mỗi một lần như vậy, ông lại cảm thấy mình bị cô đơn hơn, lại cảm thấy mình bị lạc lõng hơn, ngay trong chính gia đình của ông.

Tuy những dịp rửa tội, hay dịp  lễ cưới của các con, ông đều có mặt, nhưng lòng ông vẫn không vui làm sao ấy.

Ông chỉ cố gắng đè nén chịu đựng sự bự bội thôi.

Nhiều người trong gia đình đã cảm nhận được điều đó. Nhưng ai cũng hài lòng, vì mọi sự đều diễn tiến một cách êm thắm, tốt đẹp.

Không phải ông Chính thiếu tâm linh, bởi ông Chính rất chân thành, rất lịch sự, rất thương người, rất nhân đạo, rất vị tha.

Cụ thể, là khi bà già giúp việc cho gia đình đau liệt, ông đã không nề hà đứng ra chăm sóc trực tiếp, hầu hạ tận tình, suốt mấy năm liền, cho đến khi bà chết.

Khi bà già tắt thở, ông Chính đã bỏ ra nhiều tiền, nhiều công sức, để lo chuyện hậu sự cho bà rất tươm tất, mà không hề kêu ca, cũng không hề kể công, cũng không hề bắt con cháu của bà đóng góp gì hết.

Bởi, ông muốn đền ơn đáp nghĩa một người, đã một đời tận tụy giúp việc cho gia đình mình.

Về mặt này, phải nói là ông rất tốt, rất tuyệt vời.

Thế nhưng, về chuyện đạo, ông vẫn cứ hay hạch sách bắt bẻ, gây khó khăn đủ điều đủ cách.

Gần đây, trong nhà ai cũng thấy, càng ngày ông càng khó hơn, không vì một nguyên do nào khác, mà chỉ là một sự phản kháng, một sự dị ứng của ông về đạo thôi:

Bởi, đối với ông, Đạo đã xúc phạm đến ông quá nhiều. Đạo đã làm cho tình cảm của ông đối với vợ và con bị tổn thương.

Ông đã cảm thấy mình như bị phản bội.

Tất nhiên, là hai ông bà và con cái vẫn yêu thương nhau, vẫn quí trọng nhau. Nhưng, riêng trong lãnh vực tôn giáo mới có dị ứng thôi.

Không phải ông Đốc Chính không biết gì về đạo. Bởi sống bên cạnh vợ con ngoan đạo lâu năm, nên ông cũng đã biết khá nhiều về đạo, nhưng ông vẫn dị ứng về đạo.

Do đó, vợ con và bạn bè, ai ai cũng đều biết tính của ông, nên chẳng bao giờ có ai dám đưa chuyện tôn giáo ra để bàn, để nói.

Có lần, sau khi gặp gỡ vài linh mục, ông cũng khen: Các linh mục rất là hoà đồng, rất vui vẻ, rất thông minh, đúng là những người học sâu, hiểu rộng.

Nhưng chỉ có thế thôi. Bởi trong thâm tâm, ông vẫn dị ứng đối với đạo.

Nếu bà Chính đã rất thành công trong việc cầu nguyện, trong việc truyền giáo, trong việc tông đồ, ở nơi này nơi nọ, thì ngay trong chính gia đình bà, phải nói là bà rất thất bại. Bởi bà có nói được điều gì về đạo với ông chồng đâu.

Rồi những năm đất nước Việt Nam chia cắt, gia đình ông Đốc Chính cũng phải bị chia đôi, như bao gia đình khác:

Một số đứa con lớn đã cùng với gia đình nó, theo làng sóng những người di cư, bỏ miền Bắc, chạy vô Nam.

Ông Bà Đốc Chính và mấy con nhỏ thì tiếp tục ở lại Miền Bắc.

Sau khi thống nhất đất nước, ông Bà Đốc Chính có vào Nam thăm các con mấy lần.

Rồi cuối cùng, ông bà và tất cả các con cái đều đoàn tụ ở trong Nam.

Nhưng chưa được bao lâu, thì 2 đứa con lớn có đủ tiêu chuẩn để được di cư sang Mỹ, bởi chúng là những sĩ quan chế độ cũ.

Và 2 ông bà cũng đã chiều theo chúng, lên đường, sang định cư bên Mỹ, bởi những đứa con còn lại cũng đã lớn, và cũng đã yên bề gia thất.

Người ta  hay than phiền, là người Việt có tuổi sang Mỹ thường rất buồn. Mà đúng như vậy.

Nhưng, riêng bà cụ Chính thì không buồn, bởi nơi nào có nhà thờ, có kinh sách, có đoàn thể, có công tác từ thiện bác ái xã hội, là bà đã vui rồi.

Thế là ngày ngày, ông cụ Chính cứ thui thủi ở nhà một mình, rất cô đơn, rất buồn tẻ.

Sự buồn chán đó, có lúc đã đến tột độ, không thể nào chịu đựng nỗi được nữa, nên một hôm ông quyết định trở về Saigon, để sống chung với đứa con gái út.

Nhiều người thân quen thắc mắc: Hai cụ cả đời gắn bó với nhau, sao đến cuối đời lại chia tay, mỗi người một phương một cõi?

Hay, ông đã tới nước Mỹ là Thiên Đàng rồi, vậy tại sao ông lại bỏ về Việt Nam ?

Có người, còn cho ông là dở hơi.

Phần ông, ông vẫn cứ thinh lặng, chẳng nói chẳng rằng. Bởi chỉ có một mình ông, mới hiểu được những việc ông đang làm.

*****

Về Việt Nam, cụ Chính yếu đi trông thấy, bởi cuộc sống cứ làm cho ông nghĩ ngợi mãi, không lúc nào thoải mái.

Nhiều bạn bè đến thăm, có cả các linh mục và tu sĩ nữa, nhưng vì đã biết tính của ông, nên chẳng có ai dám đưa vấn đề tôn giáo ra để nói.

Bởi lúc còn khoẻ mạnh bình thường, cụ bà và các con cái, đã thuyết phục còn không được, thì đến lúc này còn phiền cụ làm gì nữa.

Vã lại, ai cũng sợ đưa vấn đề tôn giáo ra sẽ làm cho cụ lên tension mà đứt mạch máu.

Bỗng một tối nọ,  trong cơn đau đớn hầu như không chịu nổi, cụ thốt lên:

“Chúa ơi, xin cứu con”.

Cô con gái giật mình, cúi xuống hỏi:

“Thế, bố có tin Chúa không?
Bố có muốn theo Chúa không?


Cụ Chính nhè nhẹ gật đầu, miệng thều thào trong hơi gió:

Có, bố muốn theo Chúa.

Cô con gái, trong lúc khẩn cấp, đã vội vàng lấy nước rửa tội cho bố.

Sau đó, cha xứ đã có đến, để ban những bí tích sau cùng.

Ngày hôm sau, Cụ Chính đã qua đời thật thanh thản, thật bình an trong tay Chúa.

Cho đến lúc này, mọi người trong gia đình mới thấy, lời cầu nguyện và những việc lành phúc đức của bà Đốc Chính, cũng như của các con đã làm từ lâu, nay mới có kết quả, quá lòng mong ước.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng bao giờ nản lòng bỏ cuộc, khi phải cầu nguyện, khi phải làm các việc từ thiện bác ái đạo đức.

Bởi Chúa đã nói: Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứ độ. Amen.

-------------------
Mời nghe: https://www.youtube.com/watch?v=Pr2ZPypQ9Is 

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây