KHÓC MẸ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 196

Chủ nhật - 23/01/2022 08:57
KHÓC MẸ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 196
KHÓC MẸ - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 196
KHÓC MẸ
 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 196)
-------------------------------------
Bạn thân mến,

Mọi người sinh ra, đều từ tro bụi, và rồi sẽ trở về bụi tro.

Cũng như mây, hợp rồi tan.

Và không ai có thể thoát ra khỏi cái qui luật này.

Nó đơn giản lắm. Nhưng nó cũng nghiệt ngã ghê lắm.

Mẹ tôi cũng thế.

Mẹ tôi, cũng không thể thoát ra khỏi cái vòng sinh bệnh lão tử đó.

Số là mẹ tôi đau ốm liệt giường, có thể nói là đã gần sáu năm nay. Và sau nhiều lần, cơn bệnh trở đi tái lại, mẹ tôi đã trút hơi thở cuối cùng.

*****

Khi mẹ tắt thở, thì việc đầu tiên, là tất cả các con họp nhau lại, để bàn việc đám tang cho mẹ.

Mọi người đều đồng thanh nhất trí, là phải tổ chức đám tang cho mẹ. sao cho thật to, sao cho thật linh đình, sao cho thật rôm rả:

- Phải sắm cho mẹ một cỗ áo quan, đẹp nhất, bằng gỗ quí nhất, loại đắt tiền nhất.

Nhưng mà mẹ ơi, liệu mẹ có cảm nghiệm được lòng thảo hiếu của các con đối với mẹ lúc này không, khi mà mẹ chỉ còn là một cái "xác không hồn"?

Nghĩ lại những ngày xưa kia, khi mẹ đau ốm, các con đã có "sáng kiến" khoác cho mẹ một tấm nilon lạnh giá, thay cho quần áo bằng vải. Bởi, ai cũng ngại: Phải vất vả trong việc lau chùi, phải giặt giũ, phải tắm rửa cho mẹ.

Nay, khi mẹ chết, thì ai cũng muốn đặt mẹ vào một cỗ áo quan thật đẹp, thật đắt tiền. Bên trong áo quan lại được bọc bằng một loại vải màu hồng, thật sáng, thật sang, thật đẹp, thật ấm, mẹ có thích không?!

- Rồi hôm nay mẹ mất, các con kéo nhau về thật đông đủ, không thiếu vắng một ai. Nào là vòng trong vòng ngoài, vây kín chung quanh thi hài của mẹ. Tất cả đều khóc lóc thảm thiết, tiếng khóc thật não nề, thật bi ai. Họ vật vã, như những người sắp chết. Có đứa khóc nhiều quá, đến nỗi khàn cả tiếng.

Bà con lối xóm kháo láo với nhau: "Con cháu nhà này hiếu thảo quá!"

Nghĩ lại những ngày xưa kia, khi mẹ đau ốm, các con cứ đùn đẩy nhau, đứa nào cũng ngại phải nuôi mẹ, cho nên cuối cùng, chúng bèn phải mở một phiên họp bất thường, để bốc thăm, để cắt phiên nuôi mẹ.

Có đứa, khi đến phiên nuôi mẹ, thì lại lấy cớ là phải đi thẩm mỹ viện, vì đã có hẹn, để rồi suốt cả ngày hôm ấy, mẹ phải tẻ lạnh một mình trong phòng, cơm chẳng có, nước cũng không, thuốc men chẳng có ai giúp mẹ uống nữa, bởi ai cũng tưởng là đã có cắt phiên rồi.

Nhưng mà mẹ ơi, sắc đẹp là muôn năm, sắc đẹp là trên hết!

- Rồi khi mẹ chết, anh cả ra lệnh mổ heo giết gà nhiều thật là nhiều, không ai tiếc tiền tiếc của đối với mẹ, bởi ai cũng tuyên bố: "Mẹ chết có một lần, cho nên phải làm cỗ thật to!"

Nghĩ lại những ngày xưa kia, khi mẹ đau ốm, có khi mẹ chỉ thèm một chén cơm canh đơn giản thôi, thế mà đâu có được.

Bởi có đứa nói: "Cho mẹ ăn uống ít ít thôi, kẻo mẹ lại ỉa đái nhiều, chỉ  khổ công mệt xác dọn dẹp giặt giũ !".

- Và rồi, khi tin báo tử được loan đi, bà con láng giềng khắp nơi xa gần, xếp hàng để vào phúng viếng mẹ.

Nghĩ lại những ngày xưa kia, gần sáu năm trời chứ đâu phải ít, khi mẹ đau ốm trên giường bệnh, mẹ thầm mong có người ngồi bên cạnh, để cho bớt đi nỗi cô đơn, để có người nói chuyện cho khuây khoả, mà nào có được đâu.

Có chăng, thì thỉnh thoảng cũng có một vài người đến thăm viếng hỏi han, nhưng rồi, cũng lại vội vàng ra về, bởi người ta đâu có thích thú gì, khi ngồi lâu bên giường bệnh.

Bởi những câu chuyện bên giường bệnh cũng chỉ lẩn quẩn một vài câu chuyện, được lập đi lập lại, độc điệu, chán ngấy.

Cũng bởi vì thời kinh tế thị trường, làm gì người ta có giờ để ngồi nghe những chuyện linh tinh, vớ vẫn, tầm phào đó.

Và cũng bởi những mùi tanh hôi khó tránh, do cơn bệnh kéo dài lâu năm, người ta đâu có thích thú gì để ngồi lâu, mà ngửi những mùi tanh hôi đó !!.

Mẹ ơi, con còn nhớ, có lần một đứa cháu nội, lân la đến vuốt tóc mẹ và định hôn lên má mẹ nữa, nhưng mà mẹ nó nhanh tay kéo nó giật lùi lại, rồi sa sầm nét mặt lẩm bẩm: "Con ngu quá! Con muốn lây bệnh hả?!"

- Ngày mẹ mất, người ta đến phúng viếng mẹ nhiều vòng hoa vòng cườm, đủ loại, đủ kiểu, đủ cỡ, đủ màu sắc, với những hàng chữ thật lớn, thật đậm nét: “Thành kính phân ưu, vô cùng thương tiếc”.

Và các con cháu cũng thi nhau đi đặt mua những vòng hoa, mang về nhiều thật nhiều.

Thế là ai cũng phải trầm trồ ca ngợi: Đám táng này lớn thật. Đám táng này to thật.

Nghĩ lại những ngày xưa kia, khi mẹ còn sống, mẹ thường kể: Là mẹ thích hái những đoá hoa dại để cài lên mái tóc.

Và mẹ cũng thường hay ra đồng với bạn bè, để hái những loại hoa rừng hoa dại bên các bờ ruộng, mang về dâng kính Đức Mẹ.

Cả cuộc đời của mẹ, đơn giản chỉ có thế thôi.

Mà thật sự, khi còn sống. mẹ chưa bao giờ được cái diễm phúc có ai tặng hoa cho mẹ.

- Có đoàn thể đến kính viếng mẹ, cũng đọc điếu văn phân ưu. Bài điếu văn nào cũng bày tỏ những nỗi niềm thương tiếc vô hạn, và hết lời ca ngợi mẹ, về những công đức mẹ đã làm. Họ còn ước mong, giá mà mẹ còn sống...

Nhưng mà mẹ ơi, nghĩ lại những ngày xưa kia khi mẹ còn sống, người khen mẹ thì nào có mấy ai, chỉ thấy người ta phê bình, chỉ trích, chê  bai, trách móc đủ thứ, kể cả con cháu nữa.

Những người đang mong ước mẹ sống lại, cũng chính là những người xưa kia cũng đã từng phiền trách mẹ nhiều nhất.

Có lần, họ đã nói ngay trong chính ngôi nhà của mẹ: Sao mà bà ta không chịu chết sớm đi, để cho con cháu đỡ phải khổ!

Nghe những lời đó, chắc là mẹ đã từng chết đi nhiều lần, ngay khi mẹ hãy còn đang sống, bởi thấy lòng người ta sao mà vô tâm quá, sao mà nhẫn tâm quá, sao mà độc địa quá.

- Khi đến phúng viếng mẹ, người ta còn có thói quen để lại nhiều phong bì, phong thơ nữa.

Mẹ ơi, mẹ bất động nằm đó, mắt thì nhắm nghiền lại, mẹ có còn tiêu xài tiền được nữa không?

Nghĩ lại những ngày xưa kia khi mẹ đau ốm, phải lo thầy, phải lo chạy thuốc bao năm trời, có nhiều lúc tiền vơi, cạn kiệt, nhưng nào có mấy ai thấy để thông cảm, để ra tay hào hiệp giúp đỡ mẹ, kể cả con cháu.

Chắc mẹ cũng thông cảm cho cuộc sống khó khăn, vất vả của họ, nhưng nỗi buồn riêng tư thật miên mang, chắc mẹ cũng không thể tránh khỏi.

- Mẹ ơi, "nghĩa tử là nghĩa tận", người ta vẫn thường nói như thế.

Nhưng tại sao, người ta không chịu sống tốt với nhau, trong những ngày còn sống, mà cứ phải đợi đến khi chết, để rồi người ta mới biết đối xử tử tế với nhau?

Tại sao, người ta không biết yêu thương nhau, không biết giúp đỡ nhau, trong những ngày còn sống, nhất là trong những lúc gặp khó khăn, trong những lúc cô đơn, trong những lúc đau yếu, mà lại nhất thiết phải đợi cho đến khi chết, người ta mới lo phúng viếng?

Lạy Chúa. xin cho chúng con, trong những ngày còn sống ở trần gian này, biết cố gắng sống tử tế với nhau, biết cố gắng trao cho nhau những nụ cười, biết tặng cho nhau một lời thăm hỏi, biết trao cho nhau những lời khích lệ, biết nói với nhau những lời động viên an ủi tích cực, biết cho nhau những chia sẻ thân thương, trong tình liên đới.

Kẻo đợi đến khi chết, mọi nghĩa cử yêu thương, như những vòng hoa thật đẹp, như những bao thơ phúng viếng, như những bài điếu văn ca ngợi, và những cử chỉ cao đẹp dành cho người chết, đều sẽ trở thành vô ích, vô nghĩa mà thôi.

Bởi, đó chỉ là những hình thức xã giao, khoe khoang, phô trương, những thứ mà Chúa đâu có thích, mà Chúa đâu có ưa.

Xin Chúa nhắc nhở cho mỗi người chúng con luôn biết cố gắng sống tốt với nhau như lòng Chúa mong muốn. Amen.

-------------------
Mời nghe: https://www.youtube.com/watch?v=I29MTcZcCMQ 

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây