*** Đọc các bài của Lm. Mễn: 1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71; 2. Vào Internet: Youtube, Google, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, Cha Mễn kể chuyện, hoặc linh mục Mễn 3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com 5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165
**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)
**** Lạy Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.
Người ta đồn thổi rằng: Ăn thịt khỉ, nhất là óc khỉ, thì sẽ trị được bá bệnh, đặc biệt là chứng bệnh phong thấp. Nên họ tìm mọi cách để đánh bẫy khỉ.
Đây là một cách bẫy khỉ thật đơn giản:
Họ lấy trái dừa, bổ ra làm đôi, rồi khoét trái dừa một lỗ nhỏ, vừa bằng nắm tay khỉ, xong nhét vào trong đó một trái cam, cũng bổ làm đôi cho có mùi thơm ngon, rồi cột buộc trái dừa lại y như trước. Sau đó, đem trái dừa cột chặt trên cây.
Ngửi thấy mùi thơm của cam, khỉ sẽ chạy đến, leo lên cây, thọc tay vào trái dừa, nắm chặt lấy cả trái cam và lôi ra.
Thọc tay vào thì dễ, nhưng rút ra thì không được, vì bàn tay khỉ bây giờ đã quá lớn, so với lỗ dừa.
Có một điều rất trớ trêu, là khỉ không bao giờ chịu buông trái cam ra, để bàn tay được tự do. Bởi đã nắm được của ăn rồi, thì khỉ ta cứ khư khư giữ lấy cho chặt.
Biết mình bị mắc bẫy, nhưng cứ nắm chặt trái cam, dẫy giụa, kêu la chí chóe.
Và người thợ săn, cứ ung dung đến bắt lấy con khỉ dại khờ đáng thương.
*****
Thế giới chúng ta đang sống có nhiều thứ cạm bẫy, nhiều thứ cám dỗ, nhiều dịp tội, làm chúng ta sa ngã.
Ngay chính thân xác chúng ta, cũng có thể là những dịp tội, khiến chúng ta lỗi luật Chúa.
“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay nó đi” (Mc 9, 37-47)
Kiểu nói “chặt tay, chặt chân, móc mắt”, chỉ có ý nói theo nghĩa tượng trưng, để diễn tả các dịp tội, mà ta có thể tìm thấy trong chính bản thân mình.
Hội thánh không bao giờ đòi hỏi điều này, hiểu theo nghĩa đen. Bởi nếu cứ áp dụng triệt để theo từng câu, từng chữ theo nghĩa đen, thì khó mà tìm được một người Kitô hữu nào lành lặn.
Đức Giêsu cũng chỉ có ý đòi buộc chúng ta phải quyết tâm mạnh mẽ, để khử trừ các dịp tội, các thói hư tật xấu, các cơn cám dỗ, chớ có coi thường chúng.
Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều người dám cắt bỏ một phần thân thể, để cứu lấy sinh mạng của mình.
“Từ bỏ một điều quí giá, để giữ lại một điều quí giá hơn”, đó là lẽ khôn ngoan ở đời.
Cuộc sống vĩnh cửu không phải là điều quí giá, đáng cho chúng ta từ bỏ một phần thân thể đã trở nên xấu xa, để đổi lấy hay sao ?
Nếu cần một cuộc giải phẫu, để cứu lấy thân xác, thì cũng cần nhiều cuộc cắt bỏ, để cứu lấy linh hồn.
Chúng ta có thể “cắt bỏ” một thói hư tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cữ chỉ khinh khi, cắt bỏ một lối sống buông tuồng, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính… Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn “móc con mắt, chặt cánh tay”.
Đau, vì nó quá thân thiết với cuộc đời chúng ta, đau vì nó quá gắn liền với bản thân chúng ta, vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người chúng ta.
Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong tư cách làm người, và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Chúa.
Ludovic Giraud có viết:
“Nỗi đau đối với chúng ta, như lưỡi cày đối với mặt đất, nó cày xới, nhưng để làm cho đất màu mỡ, cũng như việc cắt tỉa cây cối: làm cây cối nhẹ nhàng, mạnh khỏe và đẩy nhanh những dòng nhựa lên cao”.
Có những người mơ ước hy sinh cuộc đời, nhưng lại không dám hy sinh những tật xấu của mình.
Tuy nhiên, giải phẫu không chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế các bộ phận hư hỏng nữa:
- Chúng ta có thể thay trái tim sỏi đá, căm hờn, bằng trái tim dịu hiền, yêu thương.
- Chúng ta có thể thay bộ óc định kiến, hẹp hòi, bằng bộ óc thoáng đạt, hồn nhiên, trong sáng, chất lượng như Chúa mong muốn.
Lạy Chúa, chung quanh chúng con hãy còn nhiều người làm gương xấu và nhiều người là nạn nhân của gương xấu, xin cho chúng con biết rõ những hậu quả ghê tởm của gương xấu, để không bao giờ làm gương xấu cho ai. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Bà Lorraine Hale dừng xe, khi đèn đỏ hiện lên ở một ngã tư. Bà nhìn thấy bên lề đường có một chị, dáng như nghiền xì ke, đang bồng ẵm một đứa bé.
Sau khi đèn xanh nổi lên, Lorraine đạp ga và bà lái tiếp.
Nhưng bỗng có một sức mạnh nào đó đã bảo bà phải quay xe trở lại chỗ vừa rồi. Bà liền quay trở lại và nói với người đàn bà nghiền xì ke kia rằng:
"Này, chị đang có những vấn đề nan giải và chị cần sự giúp đỡ. Chị hãy mang baby của chị đến nhà mẹ của tôi. Bà ấy sẽ giúp chị."
Người đàn bà nghiện xì ke nhìn Lorraine một cách không hiểu.
Loraine lập lại lời bà vừa nói có tới ba lần, nhưng không thấy có tác dụng gì. Sau đó, bà đã viết địa chỉ nhà của mẹ bà và nhét vào tay người đàn bà nghiện xì ke.
Sáng hôm sau, người đàn bà nghiện xì ke đã đến trước cửa gia đình bà Hale. Đứa con bà đang bồng trên tay run cầm cập, xổ mũi, và còn bị tiêu chảy nữa. Đứa bé đang chịu sự giày vò của sự thiếu thuốc xì ke.
Các trẻ em của những người mẹ nghiện xì ke, khi chào đời, thì thường là những đứa bé nghiện xì ke. Chúng đã bị nghiện xì ke từ khi còn trong lòng người mẹ.
Mẹ của Lorraine thường được hàng xóm gọi là 'Mother Hale' (bà mẹ tên Hale) đã ẵm lấy đứa bé, chữa trị nó trong thời gian chờ cho nó cai nghiện thuốc.
'Mother Hale' đã không biết rằng: nghĩa cử của bà đối với một người đàn bà nghiện xì ke đó, đã biến đổi cuộc đời của bà thế nào.
Dần dần, lời đồn đã vang đi và các bà mẹ nghiện xì ke khác đã mang con mình đến cửa của 'Mother Hale'.
Có lúc, 'Mother Hale' đã có đến cả hơn 20 em bé nghiện xì ke trong nhà bà.
Một đôi lúc, bà hết cả tiền bạc để mua thức ăn và quần áo cho chúng. Nhưng bà đã cố gắng để thu xếp cho ổn thỏa.
Trong vòng 16 năm, 'Mother Hale' đã giúp có khoảng trên 600 em bé cai nghiện thuốc xì ke.
'Mother Hale' chia sẻ rằng:
"Thường là khoảng thời gian bốn đến sáu tuần để cai nghiện. Những đứa bé khóc lóc rất thảm thương và mình chỉ có thể làm một điều là ẵm chúng và yêu thương chúng."
Tiếp theo đấy, một chuyện không ngờ đã xảy ra cho 'Mother Hale' và đã biến đổi cuộc đời của bà:
Một người nào đó đã nói về 'Mother Hale' cho tổng thống Reagan. Tổng thống rất cảm động và ông đã nhắc đến chuyện 'Mother Hale' trong một cuộc diễn thuyết toàn quốc rất quan trọng trong năm là 'State of Union'.
Sau đó, TV đã chiếu hình 'Mother Hale', một người đàn bà 81 tuổi đang chảy những giọt nước mắt trên gò má.
'Mother Hale' đã trở thành một nhân vật nổi tiếng qua một đêm.
Các báo chí đã đăng tải các tin tức về bà. Đồng thời các chương trình TV đã mời bà đến để phỏng vấn và nói chuyện. Qua đó, 'Mother Hale' đã được các nơi gởi tiền về để giúp bà thành lập thành một trung tâm, với tất cả những tiện nghi và người làm.
Nhiều thành phố khác đã cố gắng gặp bà để xin bà cho biết ý kiến, xin góp ý để cũng sẽ thành lập các trung tâm, để giúp những đứa bé nghiện xì ke.
*****
Câu truyện về 'Mother Hale' thật thích hợp với bài Phúc Âm hôm nay (Mc 10, 2-12), khi các bà mẹ đã đem các con trẻ của họ đến gặp Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay chúc lành. Và Chúa Giêsu đã nói:
"Hãy để cho các trẻ nhỏ đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng bởi vì Nước Thiên Chúa thuộc về những kẻ giống như chúng."
Chúa Giêsu đã "ôm chúng và chúc lành cho chúng" với tất cả tấm lòng yêu thương.
Và qua cách sống đó, chúng ta được truyền đạt: Phải làm một điều gì đó trong cuộc đời chúng ta.
Khi 'Mother Hale' giơ tay ra để bồng ẵm lấy đứa trẻ nghiện xì ke đầu tiên, bà đã không hề có một ý nghĩ gì về việc làm này của bà sẽ gây ảnh hưởng tới muôn triệu triệu người do một hành vi tình yêu thương đó.
Bà đã không có một ý nghĩ gì về 16 năm trong tương lai, điều bà làm sẽ trở nên một sự phản ứng để giúp đỡ cho muôn vàn trẻ em xấu số.
Bà đã không có một ý nghĩ gì về những hậu quả nối tiếp sẽ tiếp nối theo thành phố Harlem đến những thành phố khác.
Bà cũng đã không có một ý nghĩ gì rằng: Thiên Chúa sẽ dùng bà để bắt đầu một chương trình quan trọng mới, hầu giúp ích cho những đứa trẻ đau thương trong thời đại chúng ta.
Người Trung Hoa có câu ngạn ngữ như sau:
"Cuộc đời một đứa bé giống như một tờ giấy để các nét chữ được viết lên."
Dấu vết của 'Mother Hale' là một dấu vết tuyệt vời, mà bà đã in trên cuộc đời của hàng ngàn đứa trẻ.
Điều đó thật là tuyệt vời và nó làm cho chúng ta, những môn đệ Chúa, cũng muốn để lại những dấu vết gì tương tự trên muôn ngàn con trẻ, mà chúng ta gặp hằng ngày trong cuộc đời chúng ta, nhất là trên con cháu chúng ta.
Chúng ta mong muốn để lại trên chúng dấu vết của Chúa Giêsu, để chúng có thể sau này cũng sẽ để lại dấu vết ấy trên con cháu của chúng ta nữa.
Lạy chúa, xin giúp chúng con có được những cảm thức ngạc nhiên trước cuộc sống, đừng để chúng con trở nên mù loà, không nhìn thấy dấu tay Chúa trong vũ trụ quanh chúng con, đặc biệt nơi ánh mắt và khuôn mặt của các trẻ nhỏ.
Xin giúp con luôn biết cách tiếp cận những trẻ em chung quanh con, để đừng bao giờ con quên lời Chúa Giêsu truyền dạy: “Kẻ nào không tiếp nhận nước Chúa như một trẻ nhỏ thì sẽ chẳng bao giờ vào được đó”.
Xin hãy giúp con tái khám phá ra những ngạc nhiên đó, để con có thể tìm lại được cách thức cầu nguyện và phụng thờ Chúa theo như Chúa muốn. Amen.
Biến cố ngày 11-09-2001 tại nước Mỹ, khi tòa nhà tháp đôi sụp đổ, đã cướp đi bao sinh mạng và biết bao nhân tài, thì đã làm cho cả thế giới phải sững sờ!
Tại sao một đất nước nổi tiếng là hùng mạnh hàng đầu thế giới, nhất là về kinh tế, về an ninh, về khoa học... mà lại để xảy ra biến cố đáng tiếc thế này?
Sau hàng loạt những câu hỏi, nhằm thỏa mãn sự thắc mắc tự nhiên của con người, thì một câu hỏi quan trọng nhất và cũng là gốc rễ, căn nguyên của vấn đề được đưa ra, câu hỏi đó là:
“Tại sao Thiên Chúa lại cho phép xảy ra một thảm họa kinh hoàng như vậy?”
Và người ta đã nhận được một câu trả lời rất sâu sắc và rất thâm thúy của một số khá đông người dân tại Mỹ:
“Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn, vì điều đã xảy ra, chắc chắn là Ngài buồn không thua gì chúng ta.
Nhưng đành phải như vậy thôi, bởi vì từ nhiều năm nay, tất cả chúng ta đã nhất trí biếu quyết yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học, đi ra khỏi khỏi xã hội chúng ta đang sống và đi ra khỏi khỏi đời sống riêng tư của chúng ta.
Như thế, thì làm sao chúng ta còn có thể dám mong Chúa can thiệp gì, khi mà chúng ta đã khẩn thiết van xin Ngài đừng có can thiệp gì đến cuộc sống của chúng ta nữa, hãy để chúng ta được tự do, hãy để chúng ta được sống thoải mái. Trong mọi việc, hãy để chúng ta tự xử, tự lo liệu lấy cho mình!”.
*****
Thật vậy, tội lớn nhất của con người ngày hôm nay, chính là tội không còn tin có Thiên Chúa nữa. Và nếu Thiên Chúa có thật, thì người ta cũng tìm đủ mọi cách để loại bỏ Ngài ra khỏi cuộc sống.
Vì thế, đã có một thời, người ta tuyên bố rằng:
“Thiên Chúa đã chết”.
Đã có lần, người ta lên tới tậ cung trăng, rồi bảo:
“Chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả!”.
Và cũng có một thời, người ta cho rằng:
Ngày nay, khoa học đã tiến bộ đến vượt mức, sẽ có những lời giải đáp cho mọi vấn đề, không cần có Thiên Chúa nữa.
Hay nó một cách khác: Khoa học tiến bộ ngày nay đã trở thành nấm mồ chôn vùi Thiên Chúa!
Thật vậy, con người ngày nay ảo tưởng và ngây ngô khi nghĩ rằng: “Một bàn tay có thể che kín cả bầu trời”, nên không cần có Thiên Chúa nữa. Họ muốn loại bỏ tôn giáo và tự tin trong thế giới thực nghiệm. Nền tảng của họ được xây dựng thuần túy trên những phát minh khoa học. Đây là những lựa chọn sai lầm.
*****
Nên biết rằng: Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất của mọi vấn đề.
Lời Chúa phải là nền tảng để giúp khám phá, xây dựng và phát minh.
Một nhà nghiên cứu khoa học chân chính sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa, ngay trong công trình khảo cứu của mình.
Thật vậy, chính nhà bác học Newton đã nhìn nhận:
“Tôi thấy Thiên Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi!”.
Lời Chúa hôm nay (Mt 11, 20-24) mời gọi chúng ta sám hối để được ơn tha thứ.
Phải từ bỏ thái độ chai lỳ, vô ơn và bất kính, trước những ơn lành mà Ngài đã ban xuống trên cuộc đời, cho trong gia đình, nơi Giáo xứ và ngoài xã hội.
Đừng giả điếc làm ngơ; đừng kiêu ngạo, đừng tự phụ và ích kỷ, khiến cho Lời Chúa bị bóp nghẹt và không trổ sinh hoa trái được.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con biết sám hối, nhạy bén để nhận ra thánh ý Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, trong mọi biến cố và mau mắn thi hành, để khỏi bị khiển trách như dân thành Khoradin, Bethsaiđa và Capharnaum xưa kia. Amen.
Có một Bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục cao niên và tuyên bố:
"Thưa Ðức Cha, con đến để thông báo cho Ðức Cha biết: con đang nghĩ đến chuyện ra khỏi Giáo Hội, Ðức Cha nghĩ sao?".
Vị Giám mục yêu cầu ông cho biết một vài lý do, khiến ông có ý định đó.
Viên Bác sĩ nhìn thẳng vào mắt vị Giám mục và nói:
"Thưa Ðức Cha, Ðức Cha nghĩ coi: Giáo Hội đã có mặt trên trần gian này đã hơn 2.000 năm nay rồi, thế mà con người có khá gì hơn không?".
Vị Giám mục bình tĩnh trả lời:
"Bác sĩ nói thật chí lý. Nhưng Bác sĩ hãy thử nghĩ lại xem: Nước đã xuất hiện trên mặt đất này, đã từ bao nhiêu triệu năm nay rồi, vậy mà ngày nào Bác sĩ cũng như tôi, ai cũng phải rửa tay".
Nghe thế, viên Bác sĩ thinh lặng ra về, và không còn nghĩ đến chuyện rời bỏ Giáo Hội nữa.
*****
Với bài Tin Mừng hôm nay (Mt 13, 47-53), Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn, bao dung hơn, đối với Giáo Hội của Ngài.
Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ loại cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những con cá xấu.
Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, chỉ được thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi.
Trong khi chờ đợi, thì người môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.
Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy, lại gồm những con người tội lỗi.
Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu, chính là luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó, kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự tha thứ của anh em mình.
Thiếu ý thức ấy, thì người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu căng, giả hình, của những người Biệt phái, bị Chúa Giêsu lên án gắt gao.
Ðồng hành với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ, Giáo Hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình, với thái độ kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương, tha thứ mà thôi.
Không có ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không có sứ điệp nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ.
Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá, là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài và lôi kéo mọi người lên với Ngài.
Luôn ý thức về thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, chúng ta không ngừng cảm thông với những thiếu sót bất toàn trong Giáo Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ, bao dung với mọi người.
Đó là thách đố, đang đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết.
Lạy Chúa, xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn chúng con lòng yêu mến Giáo Hội, được thể hiện bằng những cử chỉ cảm thông, bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương, để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để những khó khăn trong cuộc đời làm chúng con chùn bước, cũng đừng để những dễ dãi trong cuộc sống làm chúng con ngủ quên.
Xin cho Hội Thánh trở nên men, được vùi sâu trong khối bột loài người, để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh thơm ngon.
Xin cho Hội Thánh thành cây to, bóng rợp, để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân mọi nước, để mọi nơi, mọi thời, mọi người, được hưởng niềm vui và sự tự do đích thực.
Xin cho chúng con biết góp phần xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời, nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh. Amen.
“Năm 1997, nhân dân Hàn Quốc, Malaixia, đã cùng nhà nước kiềm chế lạm phát, bằng việc chủ động tiêu dùng hàng nội, hạn chế tối đa dùng hàng xa xỉ từ nước ngoài.
Hơn thế nữa, rất nhiều phụ nữ của hai quốc gia này, còn ủng hộ nhà nước những đồ trang sức quý giá, như vàng bạc, kim cương… để cứu vãn nền kinh tế.
Những việc làm thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, với ý chí tự cường mạnh mẽ này, đã góp phần tích cực, giúp Hàn Quốc và Malaixia sớm vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng”
Sau khi nghe bản tin này, người bạn của tôi bình luận:
“Ở xứ người, khi gặp lạm phát, người dân ủng hộ vàng bạc, kim cương và những đồ trang sức quý giá, để cứu vãn quốc gia;
Còn tại xứ mình, khi đất nước gặp lạm phát, thì việc đầu tiên của nhiều người, là đổ xô mua vàng, mua đô-la… để thủ thân, vô tình làm cho tình hình kinh tế Đất Nước đã tồi tệ, lại càng tồi tệ thê thảm hơn.
Chủ trương của một số đồng bào ta, là “sống chết mặc bay, tao no trước đã”.
Nếu não trạng này không được thay đổi, thì không bao giờ đất nước chúng ta theo kịp các lân bang.”
*****
Chúa Giê-su khi đến trần gian, Ngài đã hiến thân, xây dựng phúc lợi cho cộng đồng, cho mọi người.
Mang lại phúc lợi cho cộng đồng nhân loại, là ưu tiên hàng đầu của Chúa Giê-su.
Do đó, Người đã hạ mình xuống thế, hóa thân làm người, để phục vụ nhân loại và hiến ban cả mạng sống mình cho muôn người, để cho muôn người được sống.
Trong ba năm bôn ba rao giảng Nước Trời, Chúa Giê-su luôn sống vì mọi người và cho mọi người:
“Cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kể điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7, 22)
Qua Tin Mừng hôm nay (Ga 6, 1-15), thánh Gioan giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng đặc biệt lưu tâm đến phúc lợi cộng đồng.
Người không dừng lại ở việc trao ban những lời đem lại hạnh phúc và sự sống đời đời cho đoàn dân đông đảo đang theo Người, mà Người còn chăm lo cho cả cái bao tử trống không của họ nữa.
*****
Chúa Giê-su cũng mời gọi chúng ta hãy tham gia xây dựng phúc lợi cộng đồng.
Xây dựng phúc lợi cộng đồng, là sự nghiệp chung của mọi người.
Thế nên, Chúa Giê-su không thực hiện một mình, mà còn kêu mời các môn đệ cùng tham gia vào việc nuôi ăn đoàn dân đông đảo, đang theo Người ngày hôm ấy.
Trước hết Chúa hỏi Phi-líp-phê, để mời gọi ông cùng chung lo với Người:
"Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”
Ông Phi-líp-phê đáp:
"Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh, cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."
Bấy giờ môn đệ thứ hai là An-rê vào cuộc:
“Thưa Thầy, ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!"
Thế là đứa bé sở hữu số thực phẩm này được đưa đến với Chúa Giê-su. Người đã thuyết phục em chịu hy sinh phần ăn quý hóa của mình cho tập thể.
Thế là ngay cả trẻ con, cũng được Chúa Giê-su mời gọi góp phần cho phúc lợi của cộng đồng.
Có lẽ đây là điều không dễ, vì khi đói, miếng bánh còn quý hơn cả vàng, và thói đời vẫn cho rằng: “sống chết mặc bây, tao no trước đã.”
Vậy mà em bé này đã quảng đại trao năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ vào tay Chúa Giê-su.
Sau khi có sự tham gia của các môn đệ và đứa bé, “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy”
Thế là phép lạ đã xảy ra: Bánh và cá liên tiếp được trao tay từ người này qua người khác, mọi người được ăn no nê, “ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.”
Số phận cá nhân tùy thuộc vào số phận cộng đồng
Số phận của mỗi tế bào trong cơ thể, cũng tùy thuộc vào số phận của toàn thân. Khi thân thể lâm trọng bệnh, thì các tế bào cũng bị ảnh hưởng nặng nề, và khi thân thể chết đi, thì các tế bào cũng không thể nào tồn tại được.
Cá nhân là những tế bào tạo thành xã hội, nên số phận của từng cá nhân hoàn toàn tùy thuộc vào số phận chung của xã hội và của cộng đồng.
Khi các cá nhân góp công góp sức xây dựng cộng đồng hưng thịnh hơn, thì sẽ được hưởng nhiều phúc lợi do cộng đồng mang lại.
Chính vì thế, “hiện nay các chiến lược gia của các công ty lớn, đều nhìn nhận rằng: Nghĩa vụ đóng góp cho phúc lợi xã hội, phải là một mục tiêu cốt lõi của công ty mình” (theo lời Tiến sĩ Nguyễn Công Phú, Tổng Giám Đốc Cty Apave Việt Nam & Đông Nam Á)
Ngồi chờ xã hội mang đến nhiều phúc lợi cho mình, mà không tham gia cống hiến cho cộng đồng xã hội, thì sẽ bị chê trách là ký sinh.
Ai biết hy sinh quyền lợi riêng, để lo cho lợi ích của tập thể, là người có tầm và có tâm.
Người biết vượt ra ngoài vòng lợi ích cá nhân và gia đình, để chăm lo cho phúc lợi cộng đồng, là người có nhân cách cao đẹp.
Và đó cũng là mẫu người môn đệ, mà Chúa Giê-su muốn đào tạo, qua nội dung Tin Mừng hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết noi gương Chúa, học với Chúa, để trở nên người biết chăm lo cho phúc lợi của những anh chị em sống chung quanh con. Amen.
Đám cưới của hoàng tử Charles, con của nữ hoàng Elizabeth nước Anh với Diana ngày 29 tháng 7 năm 1981 thật huy hoàng, chắc là vào loại tốn phí nhất từ xưa đến nay và có thể nói là hoành tráng, oai phong nhất lịch sử.
Nhiều người còn nhớ:
- Đám cưới hôm đó, với đoàn rước xe ngựa rất dài, từ lâu đài nữ hoàng tiến vào nhà thờ chính tòa Anh Giáo.
- Lễ nghi trang trọng hết mức.
Vậy mà, đã tan vỡ sau 15 năm.
Em của hoàng tử Charles là Andrew, lại cũng đã li dị với Sarah Ferguson,
- và em gái là Ann, cũng đã li dị với Mark Philips.
- Thêm nữa, em gái của nữ hoàng là Margaret đã lị dị với Lord Snowdon.
Chuyện li dị đã trở thành cái dịch của văn minh Âu Mỹ, đi vào tận nhiều gia đình, kể cả hoàng gia.
*****
Người ta tìm gì trong việc lập gia đình?
Tìm xây dựng tình yêu hạnh phúc, hay tìm hưởng thụ một đối vật, để khi đã tàn phai, nhạt nhẽo, thì lại phải thay đối tượng khác, chẳng khác gì đi thay bộ quần áo mới cho hợp thời trang: mỗi mùa một kiểu áo mới, một màu sắc mới!
Có người thay tới cả bảy tám lần cỡ, như ngôi sao màn bạc Liz Taylor, trong đó có anh chồng cưới lại lần thứ hai, vì thấy cũng còn sài được, hơn những thứ khác!
Người Việt vốn có truyền thống văn hóa chung thủy, cắn răng chịu đựng, hy sinh quên mình, để tìm xây tổ ấm yêu thương, nhưng nay, đã bị vất vào một cái ống, thì không còn tròn trĩnh, như khi còn ở trong bầu tròn nữa.
Một số người cũng bị nhiễm cái tâm thức tranh đấu quyền hưởng thụ trên đời, nên dễ cắt bớt những ràng buộc, xem ra lỉnh kỉnh trong gia đình, để mà được thêm tự do bay nhảy.
Nhân danh tình yêu để theo nhau, mê nhau, lấy nhau. Đám cưới cũng sang trọng, tốn phí chẳng kém ai.
Bên xứ Mỹ, nhiều đám có tới bốn đôi phù dâu, phù rể; tiền hoa và quay phim cả mấy ngàn Mỹ Kim.
Nhân danh tình yêu cả đấy. Đời chỉ có một lần ấy mà.
Vậy mà, cũng nhân danh tình yêu, để chán nhau, đánh nhau, bỏ nhau.
Rồi lại hăm hở đi tìm tình yêu khác.
Cơn khát tình, sao mà lam lũ quá vậy ???
Không một bài hát nào, mà không ít nhiều nói tới tình yêu.
Tiểu thuyết, sách vở, Ti Vi nói nhiều về tình yêu.
Như vậy tình yêu là cái gì, để mà đi tìm, hay đánh mất?
Cơn đói này, làm sao mà ít người thấy được thỏa mãn, mà chỉ thấy nước mắt, vật vã, hành hạ nhau?
*****
Ngày Giới Trẻ Thế Giới XII đã khai diễn tại Paris từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 8 năm 1997.
Trong tất cả những u ám về tình yêu và gia đình, ngay trước ngày Giới Trẻ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói lên ý hướng:
"Tham dự những biến cố ngày Giới Trẻ ở Paris xong, người trẻ phải trở về quê hương mình, như những sứ giả đem lại hy vọng, và như những chứng nhân tình yêu…"
Và Ngài đã gửi thông điệp cho giới trẻ thế giới về cái cốt lõi của tình yêu, mà nhiều người đang khát tìm:
"Hỡi các người trẻ của toàn thế giới, các con có thể gặp gỡ Thiên Chúa, trên mọi nẻo đường trong cuộc sống hằng ngày!
Các con có nhớ rằng: Các tông đồ xưa, đã vội vã đi đến bờ sông Gior-đan để lắng nghe vị tiên tri cuối cùng trong các vị đại tiên tri, đó là Gioan Tẩy Giả.
Ông đã chỉ cho họ thấy Giêsu Nazareth, như là một Đấng Cứu Thế, con chiên Thiên Chúa.
Vì tò mò, họ quyết định bước theo Ngài trong một khoảng cách ở đàng sau.
Họ hầu như mắc cỡ và ngại ngùng, cho tới khi Chúa Giêsu quay lại và hỏi họ:
“Các anh đang tìm gì đó?”
Đó là giây phút mở đầu, cho buổi đối thoại đầu tiên, dẫn đưa ông Anrê, Gioan, Simon 'Phêrô' và các vị tông đồ khác vào một cuộc phiêu lưu mới" (Gioan 1:29-51).
Qua vài chữ, nhưng đầy đủ, đã nói lên cuộc gặp gỡ thực sự và đầy bất ngờ, chúng ta tìm thấy nguồn gốc của mỗi cuộc hành trình trong đức tin:
- Đó là Chúa Giêsu luôn mở đầu câu chuyện, mỗi khi chúng ta muốn gặp Ngài.
Câu hỏi được hỏi ngược lại: Là những người muốn hỏi Ngài, chúng ta lại được Ngài hỏi; là những người đi tìm kiếm, chúng ta khám phá ra rằng: chúng ta được tìm kiếm. Thật vậy, Ngài luôn yêu thương chúng ta trước (Thư I Gioan 4:10).
Đây là chiều kích căn bản của cuộc gặp gỡ: Chúng ta không tìm cái gì, nhưng chúng ta tìm một người, "Đấng đang sống".
Người tín hữu không phải là môn đệ của một hệ thống triết lý nào đó, nhưng họ là những người nam, người nữ, qua đức tin, đã cảm nghiệm được sự gặp gỡ Chúa Kitô (Thư I Gioan 1:1).
*****
Chúng ta đang sống trong một thời đại với quá nhiều đổi thay:
- Sự suy đồi mau chóng của những ý thức hệ, đã từng được coi là bền vững, lâu dài, vượt thời gian, và những cuộc phiêu lưu mở rộng biên giới, đến các hành tinh khác.
- Nhân loại nhiều khi cảm thấy bất ổn, điên cuồng và lo âu (Mt 9:36).
Tuy nhiên, Lời Chúa không bao giờ suy giảm;
- Qua lịch sử và các biến cố đổi thay, Lời Chúa vẫn bền vững và sáng soi (Mt 24:35).
- Đức Tin của Giáo hội đặt nền tảng trên Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc trần gian, hôm qua, hôm nay và mãi mãi (Heb 13:8).
Điều đó cho thấy: Chúa Kitô là điểm chuẩn cho câu trả lời mọi vấn đề, phát xuất tự lòng người, khi phải đối diện với mầu nhiệm sự chết và sự sống.
Thực vậy, chỉ có Chúa Kitô, mới có thể là câu trả lời không bao giờ làm nản chí, hay thất vọng bất cứ ai.
Khi Cha nhớ lại những lần nói chuyện trước với các con. Qua đó, Cha đã cảm nghiệm được niềm vui, lúc chia sẻ cùng chúng con, về những bước hành trình tông đồ, trên khắp mọi nẻo đường thế giới;
Hình như Cha đọc được nơi tư tưởng các con một cái gì cấp bách, vô cùng quan trọng, một câu hỏi, mà các tông đồ xưa đã hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đang ở đâu?"
Các con hãy thử xem: Các con có thể lắng nghe lại trong thinh lặng của lúc cầu nguyện về câu trả lời của Chúa Giêsu: "Hãy đến mà xem".
*****
Có nhiều loại tình yêu: tình trai gái, tình vợ chồng, tình gia đình, tình bè bạn, tình quê hương… nhưng tất cả, đều qui về một tình yêu là Thiên Chúa.
Vì Thiên Chúa mới là tình yêu đích thực, còn mọi cơn khát tình ngoài Chúa, đều đưa đến tan hoang, đổ vỡ.
Tình yêu chỉ sung mãn, khi nối được vào nguồn tình Chúa, khi tìm gặp được Chúa Kitô, trong cảm nghiệm tình yêu trong cuộc sống hằng ngày.
ĐGH Biển Đức XVI đã viết thông điệp đầu tiên về đề tài này, như là một dấu chỉ thời đại. (Xin mời đọc trên mạng lưới bài viết của Lm. Trần Cao Tường về nhận định điềm thời đại này: www.dunglac.net/hiepthong/ht34-02ct.htm).
Như vậy, Tin Vui chính là chỉ cho phương cách tìm lại được sự thỏa tình trong cơn khát tình khủng khiếp, trong nếp sống xé mảnh, cô đơn hiện tại, vượt qua mọi phương cách con người.
Bởi lẽ, con người xem ra có dư mọi sự, với mọi lễ nghi vể tình yêu, nhưng lại đánh mất chính điều cốt tủy:
"Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người. Vì các người bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để chỉ nắm giữ tập tục loài người". (Mc 7: 6-8)
Mọi phương pháp tâm lý, mọi phân tích xã hội, mọi cuộc bàn cãi hay tập tục trần thế, sẽ chẳng giải quyết gì, cho đến khi con người trúng Tình Chúa, đi trong con đường giới răn Chúa, được tóm lại: yêu Chúa và thương người như thể thương thân.
Đó mới là con đường tình yêu.
Cuộc khủng hoảng, tan vỡ gia đình, có lý do sâu xa, là chỉ còn đóng kín vị kỷ, đặt nền trên sức mạnh trần thế, mà không còn mở rộng được tới tình yêu đích thật là chính Chúa.
Tình yêu như ánh sáng mầu, chiếu vào màn u tối, có sức thay đổi tất cả.
Cũng trong thông điệp trên, Đức Thánh Cha chỉ cho cách mở rộng tình yêu ích kỷ, đóng kín lại như ao nước tù, dễ làm ủng thối, để mở rộng ra mà gặp được Chúa Kitô, nơi những người nghèo, nơi dấn thân trần thế, tìm thấy lý tưởng phục vụ tha nhân, và nhất là gặp được Chúa, qua chính Lời Ngài trong Kinh Thánh và trong bí tích Thánh Thể.
Và để áp dụng phương thức tình yêu một cách cụ thể, Ngài nhắc tới một vị thánh trẻ của Hoa Hồng Tình Yêu:
"Vào ngày 30 tháng 9, 1997 kỷ niệm 100 năm ngày chết của Thánh Têrêsa thành Lisieux. Ngài là nhân vật lôi kéo rất nhiều người hành hương trẻ trong nước.
Thánh Têrêsa là một vị thánh trẻ, và sứ điệp của Ngài hôm nay rất đơn giản và gợi cảm, tràn đầy lòng biết ơn và ngợi khen: Thiên Chúa là Tình Yêu; mỗi người được Thiên Chúa yêu thương, Ngài mong muốn được mọi người đón nhận và yêu thương lại.
Hỡi các người trẻ của ngày hôm nay, đây là sứ điệp kêu gọi các con đón nhận và nói lớn lên cho những người đồng lứa:
"Con người được Thiên Chúa yêu thương! Giáo hội có bổn phận loan truyền lời này cho nhân loại." (Người Tín Hữu Giáo Dân, #34)
*****
Thánh Gioan Vianney là một linh mục ở một vùng quê miền Nam nước Pháp, mặt mày nhăn nheo, xấu xí, nhà thờ xứ Ars lại lát gạch nung đất và nhỏ hẹp; ghế quì thì xiêu vẹo cũ kỹ, ngài cũng dâng thánh lễ như mọi linh mục khác.
Nhưng tại sao ai nấy lại chen chúc nhau đến dự thánh lễ của ngài?
Thưa, vì ngài dâng lễ hết sức sốt sắng, bơm chất tình Chúa vào từng công việc nhỏ bé thường ngày, làm cho mọi người đến gần cảm nhận được tình Chúa.
Ngài đã chỉ cho mọi người gặp được Chúa Giêsu một cách đơn giản.
Có lần chính ngài đã trả lời:
"Người ta thấy Chúa Giêsu tế lễ trong cha: bí quyết lôi kéo mọi người đến với cha là ở chỗ đó."
Lạy Chúa, xin nhắc cho con nhớ rằng: Luật lệ và nghi thức là cần thiết, nhưng đừng quên điều cốt lõi của luật Chúa là yêu thương.
Xin dạy chúng con chỉ biết có một điều: Là chúng con làm mọi sự, chỉ để kính mến Chúa và yêu thương anh em. Amen.
Một trong những tác phẩm của giám mục Luigi Bettazzi được nhiều người chú ý, khi nhìn thấy tựa sách là cuốn “Thiên Chúa thuộc cánh tả”.
Để thấu hiểu ẩn ý của tác giả và nội dung cuốn sách, chúng ta chỉ cần hiểu sơ về tình hình chính trị của nước Ý và về Thánh Kinh.
Nước Ý nổi tiếng là một quốc gia bất ổn về mặt chính trị:
- Chính phủ thay đổi liên tục, và chuyện tranh giành giữa phe hữu và phe tả, luôn là một vấn đề nóng bỏng.
- Phe hữu với đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (Democratia Catholica) đứng đầu, nhưng luôn nghiêng về việc bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp người giầu.
- Còn phe tả gồm những người Cộng sản (Cộng sản Italia, khác xa Cộng sản Việt Nam) và những người công giáo tiến bộ, thì luôn đứng về phía người nghèo.
Còn theo Thánh Kinh, cụ thể nhất là các bài đọc trong Phụng vụ hôm nay:
- Bài đọc 1: Is 35,4-7a; - Bài đọc 2: Gc 2,1-5; - Bài Tin Mừng: Mc 7, 31-37,
thì Thiên Chúa của Kitô giáo, tuy yêu thương hết mọi người, nhưng đặc biệt ưu ái những con người khó nghèo, tật nguyền, bị thiệt thòi và bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Bằng ngôn ngữ chính trị của thế kỷ 20-21, thì chúng ta có thể quả quyết: Thiên Chúa đứng về phía người nghèo, Thiên Chúa thuộc cánh tả.
Chúng ta hãy đi sâu vào Lời Chúa, để đón nhận sứ điệp của Lời ấy, mà sống và làm theo.
*****
1. Thiên Chúa đứng về phía người nghèo khó tật nguyền và sằn sàng giải thoát họ khỏi cảnh tật nguyền khốn khổ.
Trong bài đọc 1, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng sẽ thay đổi số phận của tất cả những người nghèo khó trong thế giới này, đó là những người tật nguyền: mù, điếc, què, câm và những người bị thiệt thòi và bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Trong bài đọc 2, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng đã chọn lựa những người nghèo khó, để họ trở nên những người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa ban cho những ai yêu mến Người.
Trong bài Tin Mừng, chúng ta khám phá ra Đức Giêsu là Đấng đã mở tai, mở miệng, cho người điếc và ngọng, để anh ta trở thành người lành lặn bình thường.
Rõ ràng, mạc khải của Thánh Kinh cho ta thấy: Thiên Chúa là Đấng rất quan tâm đến những người nghèo khó, tật nguyền và Người luôn hành động, để thay đổi số phận của những con người ấy.
Cả lịch sử Thánh Kinh và lịch sử Kitô giáo xác định điều ấy:
- Trong thời xa xưa của lịch sử con người, Thiên Chúa đã chọn Ítraen làm dân riêng của Người và ký kết giao ước ngàn đời với họ, không phải vì họ là một dân tộc hùng mạnh, trung tín hay đạo đức hơn các dân tộc khác trong vùng Tiểu Á lúc bấy giờ.
Trái lại, Ítraen chỉ là một dân tộc nhỏ bé trong các dân tộc bé nhỏ khác.
Ítraen đã không ít lần phản bội giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, thế mà Thiên Chúa vẫn tín trung, vẫn yêu thương, vẫn chăm sóc, vẫn hướng dẫn họ, như Người đã cam kết.
Hơn nữa, trong lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa luôn đứng về phía những người yếu thế, trong các cuộc tranh chấp hay xung đột, giữa hai người, giữa hai nhóm người, hay giữa hai dân tộc.
Một thí dụ rõ ràng là trong cuộc lưu đầy ở Ai Cập, Ítraen bị đàn áp, bóc lột, chèn ép thì Thiên Chúa đã đứng về phía họ, để giải phóng họ khỏi những người Ai Cập giàu mạnh, có tướng hùng, binh hậu.
Lịch sử Kitô giáo lúc khởi đầu ở Giêrusalem, trong đế quốc Hy Lạp, cũng như đế quốc Roma, trong những thế kỷ đầu của Công nguyên và ở hầu hết các dân tộc trên thế giới cho ta thấy: những người tín hữu đầu tiên thường là những người dân nghèo, là thuộc tầng lớp thấp cổ, bé miệng trong xã hội.
Xét về mặt tâm lý xã hội học, thì những người này là hạng người thiếu thốn nhiều sự, thậm chí có người thiếu thốn tất cả mọi sự, nên họ khát khao một sự đổi đời.
Còn xét theo quan điểm Thánh Kinh, thì những người nghèo là những người được Thiên Chúa dành ưu tiên trong việc khám phá và đón nhận Tin Mừng.
Chính Đức Giêsu đã long trọng khẳng định điều ấy trong Phúc Âm:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, Lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11, 25-26 và Lc 10, 21).
2. Ưu tiên chọn lựa người nghèo để phục vụ, là con đường mục vụ của các Giáo hội địa phương ngày nay.
Chính vì tái khám phá ra cung cách hành động khác người (khác với con người) của Thiên Chúa, mà trong Giáo hội Công giáo, nhất là trong các Giáo hội địa phương ở Châu Mỹ La tinh, châu Phi và Châu Á, mới xuất hiện một nền thần học chọn lựa người nghèo làm ưu tiên trong mục vụ.
Nói cách cụ thể, người nghèo được chọn làm đối tượng ưu tiên của mọi hoạt động của Giáo hội.
Đây là một trong những trực cảm (intuition) quan trọng và tuyệt vời của các Nghị Phụ ở Công đồng Vatican II, cũng như ở các hội nghị các Giám mục Mỹ Châu La Tinh và Á Châu.
Riêng các Giám mục Á Châu họp tại Manila năm 1970, đã quyết định:
“Giáo hội Á châu phải là Giáo hội của người nghèo”, vì Chúa Giêsu đã chọn sống nghèo tại Châu Á và vì đại đa số dân chúng ở Châu Á là người nghèo.
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy, Thượng Hội đồng Giám mục Á châu (1998) và Tông huấn Giáo hội tại Á châu (1999) cũng nhấn mạnh đến việc các Giáo hội Á Châu và người Kitô hữu Á Châu phải phục vụ người nghèo và đối thoại với họ, theo gương Chúa Giêsu Kitô, là Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm một người Á châu nghèo.
3. Cần được ơn chữa lành, để biết ưu tiên yêu thương người nghèo, theo Ý Thiên Chúa và Chúa Kitô.
Tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo, hay ưu tiên chọn lựa người nghèo làm đối tượng phục vụ, là điều tuyệt vời trên lý thuyết, nhưng lại là điều cực kỳ khó trong thực tế.
Là con người, chúng ta thường xử sự cách thiên vị như Thánh Giacôbê đã mô tả trong bài đọc 2:
Chúng ta thường có xu hướng trọng giàu khinh nghèo.
Cha ông ta đã có câu: “Thấy người sang bắc quàng làm họ” để nói lên tâm lý chung ấy của con người.
Chính Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta:
Hãy mời ăn, những người không có khả năng mời lại chúng ta (Lc 14,12-14).
Muốn hiểu và sống được sứ điệp của Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần được ơn chữa lành, như những người tật nguyền trong Phúc Âm.
Họ tật nguyền về thể xác, còn chúng ta tật nguyền về tâm linh.
Chúa Giêsu chữa lành những người tật nguyền về thể xác, để loan báo việc Người sẵn sàng chữa lành về tâm linh.
Chúng ta cần được Chúa Giêsu kéo chúng ta ra một nơi riêng, đụng đến chúng ta, mở tai, mở mắt và mở miệng chúng ta.
Ơn chữa lành này rất quan trọng đối với mọi Kitô hữu.
Thiếu ơn chữa lành này, đời sống đức tin của chúng ta sẽ chỉ “tàng tàng ở bậc trung” mà thôi.
Còn có ơn chữa lành của Thánh Thần Đức Kitô, đời sống chúng ta sẽ thay đổi cách thâm sâu và xác tín.
Đó là Phép Rửa trong Thánh Thần, mà nhiều phong trào Thánh Linh và Canh Tân đang quảng bá và cổ võ.
Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa và Chúa Giêsu ban cho chúng ta ơn chữa lành ấy!
Lạy Thiên Chúa Cha, là Đấng toàn năng và yêu thương, xin Chúa ban cho chúng con ơn hiểu biết và cảm nhận sâu sắc về đường lối, cách hành động và cách chọn lựa của Chúa.
Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, nhưng lại ưu ái cách đặc biệt những con người bé nhỏ, khó nghèo; thậm chí càng bé nhỏ, càng khó nghèo, lại càng được Chúa yêu thương, ưu ái!
Còn chúng con, chúng con sống theo tinh thần của thế gian, thích chạy theo và thích kính trọng, thậm chí thích nịnh bợ những người quyền chức, giàu sang, để vụ lợi…
Xin Chúa biến đổi chúng con bằng Thánh Thần của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, là Đấng chữa lành mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền, xin Chúa kéo chúng con ra một nơi riêng với Chúa.
Xin Chúa đụng đến chúng con: - mắt chúng con không thấy, nên xin Chúa hãy mở mắt chúng con; - tai chúng con không nghe, nên xin Chúa hãy mở tai chúng con; - lòng chúng con khép kín, nên xin Chúa hãy mở lòng chúng con; - trí chúng con không hiểu, nên xin Chúa hãy mở trí chúng con; - miệng chúng con câm nín, nên xin Chúa hãy mở miệng chúng con, để chúng con được chữa lành, và được nên giống Chúa là Chúa chúng con. Amen.
Bà Gônđa-Mê (Golda Meir), nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Ít-ra-en, khi còn là một thiếu nữ, bà đã từng thất vọng về nhan sắc của mình. Bà đã có lần thuật lại giai đoạn thiếu thời ấy như sau:
"Mỗi lần nhìn khuôn mặt của mình trong gương, tôi lại thầm trách: Sao Ông Trời quá bất công, khi ban cho tôi một khuôn mặt không mấy đẹp đẽ, duyên dáng, như các bạn đồng trang lứa khác.
Mãi về sau tôi mới nhận ra rằng: Chính khuôn mặt không mấy đẹp đẽ của tôi, lại là một điều may mắn và mang lại sự tốt lành cho tôi.
Bởi vì điều ấy buộc tôi luôn phải cố gắng khám phá ra những tài năng sâu kín nơi bản thân và cố gắng phát triển chúng mỗi ngày một tốt hơn.
Cuối cùng tôi đã rút ra được bài học này:
Một phụ nữ đáng quí trọng, không phải ở chỗ có một sắc đẹp trời cho, vì nó không bền vững, vì nó sẽ phai tàn theo năm tháng.
Nhưng giá trị đích thực của một phụ nữ ở chỗ là, cố gắng phấn đấu làm việc, để khám phá ra khả năng Chúa ban cho mình, rồi phát huy những mặt tích cực, biến những tài năng đó trở thành phương tiện, giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội...".
Gônđa-Mê đã chấp nhận thập giá của mình, không than khóc, không phản kháng, không tức giận, không chán nản, nhưng sẵn sàng vác nó lên vai, với lòng can đảm, quyết vượt qua trở ngại, để cuối cùng, đã trở thành vị nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Israel.
*****
Trong bài Tin Mừng hôm nay (Mc 8, 27-35), Đức Giê-su đã đặt ra câu hỏi: “Người ta bảo Con Người là ai ?” cho dân chúng Do thái, cho các môn đệ của Ngài và cho mỗi tín hữu chúng ta hôm nay.
- Dư luận dân Do thái thì coi Đức Giê-su là ông Gio-an Tẩy giả tái sinh, là ngôn sứ Ê-li-a hay một vị ngôn sứ thời xưa.
- Riêng Tông đồ Phêrô đã tuyên xưng Đức Giê-su là "Đấng Ki-tô".
Tước vị Ki-tô, hay "Chris-tus", "Mê-si-a", ám chỉ Đấng được Thiên Chúa xức dầu, tấn phong làm Vua Thiên Sai, để giải phóng dân Ít-ra-en khỏi ách thống trị của đế quốc Rô-ma và trở thành một dân tộc hùng mạnh.
Tuy nhiên, Đức Giê-su lại mặc khải cho Phê-rô biết sứ mệnh của Người là cứu độ, bằng con đường "qua đau khổ vào vinh quang" (x Mt 16,21). Ngườ i là "Tôi trung của Đức Chúa", chịu đau khổ, để đền tội thay cho dân và làm cho muôn người được nên công chính, như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm (x Is 53,3-11).
*****
Tin mừng Gio-an viết:
"Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng sẽ được sống muôn đời" (Ga 3,16);
Người ta phải tin Đức Giê-su là "Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16), là "Đường, Sự Thật và Sự Sống", là con đường duy nhất dẫn đưa người ta lên trời: "Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy" (Ga 14,6).
Từ bỏ chính mình (Mt 16,24): Là bỏ "cái tôi" tự ái, ích kỷ; là bỏ ham mê tiền bạc, danh vọng, quyền hành và các đam mê bất chính khác.
Từ bỏ con người cũ để nên "đồng hình, đồng dạng" với Đức Giêsu Con Thiên Chúa (x Rm 8,29), tìm lại hình ảnh ban đầu, lúc mới được sáng tạo, là "giống như Thiên Chúa" (x Stk 1,26).
Còn vác thập giá mình: là sự tự chủ, là vượt lên những đòi hỏi của bản năng.
Thập giá là nỗ lực hoàn thiện, lọai bỏ con người thú tính, để mặc lấy nhân phẩm của thụ tạo duy nhất, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.
Như vậy, "vác thập giá mình" là chấp nhận đau khổ, thất bại gặp phải trong cuộc sống, noi gương Đức Giêsu chấp nhận đau khổ trong cuộc khổ nạn.
*****
Cuộc đời mỗi người, không phải lúc nào cũng thành công.
Bên cạnh những điều như ý, vẫn có những nỗi cay đắng, tủi nhục, những tai nạn rủi ro, những thất bại đau khổ... mà dù muốn hay không, chúng ta cũng phải chịu.
Đau khổ thất bại, vẫn có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến thành công, như người ta thường nói:
- "Thất bại là mẹ thành công". - 'Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành", như việc tổ phụ Giu-se, bị các anh bán làm nô lệ bên Ai Cập, lại trở thành tể tướng triều đình Ai Cập và đưa cả dòng tộc Gia-cóp sang bên Ai cập tránh nạn đói kém.
Tin là chấp nhận con đường thánh giá chật hẹp, leo dốc, như thánh Phao-lô đã khuyên đồ đệ Ti-mô-thê:
"Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình (2 Tim 2,12-14).
Ông bà chúng ta vẫn thường nói: Lửa thử vàng, gian nan thử đức.
Thiên Chúa thường sử dụng khổ đau, để rèn luyện con người nên tốt hơn.
Các vĩ nhân trên thế giới, các thánh nhân trong Giáo hội... đều phải trải qua muôn ngàn khó khăn trong cuộc sống.
Nhưng các ngài không nản chí, không buông xuôi, mà quyết tâm vượt qua, để trở nên vĩ đại, nêu cao gương sáng đức tin cho hậu thế noi theo.
Thi sĩ Ro-bớt Ha-min-tơn (Robert Browning Hamilton) trong bài thơ "Dọc đường" (Along the Road), đã tóm lược nội dung Tin Mừng hôm nay, bằng những lời lẽ đầy ý nghĩa như sau:
"Tôi đã cùng bước đi một quãng đường với Nữ Thần Hoan Lạc. Dọc đường, nàng đã cho tôi được sung sướng, bằng những lời ve vuốt tự ái của tôi.
Nhưng rồi cuối cùng, tôi chẳng thấy khôn ngoan hơn bao nhiêu.
Sau đó, tôi lại bước đi với Nữ Thần Đau Khổ.
Dọc đàng, nàng chẳng nói với tôi một lời.
Nhưng cuối cùng, tôi lại thấy mình lớn lên về kinh nghiệm sống, về sự khôn ngoan, nhờ trải qua kinh nghiệm đau thương suốt thời gian bước đi bên nàng...".
Còn Đức Ki-tô, Ngài đã tự nguyện chọn con đường thập giá để cứu độ nhân loại: "Qua thập giá đến vinh quang" (Per crucem ad lucem):
Tin Mừng theo thánh Luca có ghi: "Đức Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?" (Lc 24,26).
Người tín hữu chúng ta cũng phải trải qua đau khổ, rồi mới được thành công.
Từ đây, thập giá không còn là hình khổ ghê sợ, nhưng là phương tiện để đi vào trong vinh quang.
Con người ngày nay thường ngại hãm mình, tránh phải từ bỏ và không muốn hy sinh...
Nhưng nếu ai muốn cuộc sống có ý nghĩa, thì phải chấp nhận gian nan, thử thách, như người ta vẫn thường nói: "Có công mài sắt, có ngày nên kim" .
Một khi hiểu được ý nghĩa cao cả của thập giá, chúng ta sẽ hãnh diện về cây thập giá, như thánh Phaolô đa khẳng định:
"Vinh dự của tôi là Thập giá Đức Kitô"(Gl 6,14).
Chính cây thập giá mới là chiếc cầu, dẫn đưa chúng ta về Thiên Đàng.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, nếu con được Chúa hỏi: "Về phần con, con bảo Thầy là ai ? " Con sẽ tuyên xưng lòng tin như thế nào ?
Xin Chúa đừng để con tuyên xưng lòng tin chỉ ngoài môi miệng, nhưng xin giúp con tuyên xưng, bằng chính hành động, bằng chính cuộc sống của con:
- Bằng việc cầu nguyện kết hiệp mật thiết với Chúa; - Bằng luôn chu toàn bổn phận, với lòng yêu mến Chúa; - Biết cậy trông phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng; - Biết tạ ơn Chúa, khi vui, lúc buồn, khi thành công, cũng như lúc thất bại...
Vì biết rằng: Tất cả những gì Chúa để xảy đến cho con, đều là hồng ân của Chúa, đều mang lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của con, như thánh nữ Tê-rê-sa đã dạy.
Xin giúp con năng nhìn lên thánh giá Chúa, để học sống tình thương hiến thân quảng đại như Chúa, vì:
"Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình" (Ga 15,13).
Có một cậu bé nghèo, làm nghề bán hàng rong để kiếm tiền ăn học.
Một ngày nọ, cậu bé chỉ còn một hào trong túi, mà bụng thì đang đói, cậu ta đi đến nhà bên cạnh để xin ăn.
Một phụ nữ trẻ đẹp ra mở cửa, nhìn thấy cậu bé, cô ta đoán là cậu đang đói, bèn mang cho cậu một ly sữa lớn.
Cậu chầm chậm nhấp từng ngụm sữa một cách sản khoái, rồi hỏi cô ta: Cháu phải trả cho cô bao nhiêu ạ?
Người phụ nữ trả lời: Cháu không nợ cô cái gì cả. Bởi mẹ cô đã dạy cô từ nhỏ, là không bao giờ được nhận tiền trả cho lòng tốt.
Cậu bé cảm kích trước tấm lòng quá tốt của cô. Cậu cúi đầu từ giả và nói: Cháu xin hết lòng biết ơn cô, từ sâu thẳm trái tim cháu.
Khi ra đi, cậu cảm thấy khỏe khoắn hơn vì ly sửa ngon, vì no. Mà nhất là vì niềm tin của cậu vào con người, vừa bùng lên cách mãnh liệt trong cậu. Bởi, trước đó, cậu như muốn đầu hàng với số phận, muốn buông xuôi tất cả.
*****
Nhiều năm sau đó, người phụ nữ này bị ốm nặng. Các bác sĩ địa phương đành bó tay, không chữa khỏi. Họ chuyển bà đến thành phố lớn, để các chuyên gia nghiên cứu căn bệnh lạ lùng này.
Bác sĩ Tiến sĩ Howard Kelly được mời đến tham vấn.
Ngay lập tức, ông khoác áo choàng và đi đến phòng bệnh của bệnh nhân. Ông nhận ra ngay người hàng xóm, vị ân nhân của mình năm xưa.
Quay về phòng hội chuẩn, ông quyết định sẽ dốc hết sức lực để cứu sống bệnh nhân này.
Sau đó, tiến sĩ Howard Kelly đề nghị phòng y vụ chuyển cho ông hóa đơn viện phí của ân nhân để xem lại.
Ông viết vài chữ và chuyển nó đến người phụ nữ.
Bà nhìn tờ hóa đơn và thầm nghĩ rằng: Chắc bà phải thanh toán nó cho đến hết đời cũng chưa xong.
Bỗng nhiên, bà chú ý mấy dòng chữa ở góc dưới của hóa đơn: “Trị giá hóa đơn = một ly sữa”. ( trích câu chuyện tiến sỹ Howard Kelly).
*****
Khi đọc câu chuyện trên đây, chúng ta nhận ra được giá trị của việc làm phúc đức, của việc bác ái chúng ta làm, dù nó là một ly sữa thôi, nhưng đã cứu cả mạng sống của một con người, và giúp thăng tiến một con người.
Việc làm đó, được ghi rõ trong Tin mừng theo thánh Mác-cô:
“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
Chỗ khác Chúa Giê-su bảo:
“Khi Ta đói, các người đã không cho ăn. Ta khát, các người đã không cho uống...”
Rõ ràng, điều kiện tiên quyết để được vào Nước Trời là thể hiện lòng bác ái, yêu thương tha nhân.
Thế nhưng, nhìn xung quanh chúng ta, còn có biết bao người đang sống trong cảnh lầm than, đói khát, kiếm từng hạt cơm qua ngày: Người bán hàng rong, kẻ làm thuê, trẻ em đi bán vé xố...
Sau một ngày vất vả, họ lại phải trở về trú ẩn trong mái nhà dột nát, khi gặp trời mưa, bão tố thì không có chỗ để che thân.
Trong khi đó, có những kẻ thì ăn uống dư thừa, có khi bỏ đi cách phung phí những thức ăn còn dùng được, họ vẫn dửng dưng trước những con người đang từng ngày, từng giờ, đi tìm miếng ăn dư thừa bỏ đi đó mà không được.
“Nếu anh em làm cớ cho kẻ bé mọn đang tin Ta đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển.
Nếu tay anh em làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt nó đi.
Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc nó đi, vì thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa, còn hơn có đủ cả hai mắt, mà bị ném vào hỏa ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”.
*****
Khi nghe những lời răn đe này, chúng ta có suy nghĩ gì về số phận của con người không?.
Nếu hiểu lời Kinh Thánhtheo nghĩa đen, thì chắc hẳn con người trên thế gian này toàn là những người khuyết tật, bị cụt tay, què chân, mù mắt.
Khi con người ta đang chạy theo sự văn minh của nhân loại hiện nay, nhu cầu đời sống hưởng thụ càng ngày càng cao, thì con người ta lại đang mất dần niềm tin, họ không cần đến Chúa.
Ngay cả những bậc làm cha mẹ, cũng quên nhiệm vụ truyền đức tin cho con cái mình.
Họ không còn thời gian để đến nhà thờ, để đọc kinh, để tham dự dự thánh lễ, để tham gia các việc lành phúc đức.
Phải chăng đó là cái cớ cho kẻ khác vấp phạm!
Có thể chúng ta không bị mù về thể lý, nhưng một cách nào đó, chúng ta cũng đang bị mù về tâm linh, mà bị mù tâm linh mới là điều đáng sợ nhất:
- Khi người ta phạm tội, hay khi làm điều sai trái, gian ác, mà người ta vẫn cảm thấy là bình thường, không có áy náy gì, không cảm thấy có tội gì.
- Khi thấy người gặp tai nạn, mà người ta vẫn đứng cười một cách vô tư. Một thái độ, một trái tim vô cảm như vậy thật là đáng sợ.
Nếu nói cái tay, cái chân, cái miệng và con mắt làm nên dịp tội, thì tội đó được xuất phát từ bên trong con người chúng ta.
Theo lời của thánh Gia-cô-bê, ngài nói rất rõ:
“Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi khoái lạc của anh em đang gây ra trong con người anh em đó sao?.
Thật vây, anh em ham muốn mà không có, nên anh em ganh ghét, tìm cách loại trừ, và chém giết; anh em xin mà không được, vì anh em xin với tà ý”.
Cho nên, chúng ta chỉ có thể chữa lành vết thương tâm hồn, khi chúng ta ý thức được mình là kẻ có tội, cần được Chúa thứ tha, với sự ăn năn và sám hối thật lòng, thì mới có thể làm những việc lành và mới có thể là tấm gương sáng cho người khác.
Người ta không thể cho, những cái mình không có.
Chúng ta có thể rút lấy kinh nghiệm này của thánh Augustino, ngài nói: “ Lòng con mãi khuâng buâng khắc khoải, cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa”.
Chính kinh nghiệm quá khứ tội lỗi của Augustino đã dạy cho ngài bài học quý giá của sự sám hối và trở về với Chúa.
Vì Chúa cần chúng ta biết quay trở về cùng Chúa sau những lần lầm lỡ, nhờ đó, chúng ta biết cảm thông và chia sẻ nỗi khổ đau và bất hạnh của những anh chị em đang cần lòng quảng đại của chúng ta.
Một ly sữa đã đổi lấy mạng sống một con người, thì ly nước lã, dù cho người anh em uống, thì cũng chẳng mất phần thưởng đâu. Đó là lời hứa của Chúa Giêsu, cho những ai đặt niềm tin vào sự sống mai sau.
Lạy Chúa, - đã biết bao lần, tay con không biết nắm lấy một cụ già cần con dắt qua đường; - đã biết bao lần, chân con đi lạc bước vào những nơi tội lỗi xấu xa, và làm điều gian ác hại đến tha nhân; - đã bao lần đôi mắt con thấy người ăn xin ven đường, nhưng chẳng biết xót thương, chia sẻ. - đã bao lần con đã quên câu nói với con: “Chỉ một ly nước lã thôi!”.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin, để con nhận ra Chúa hôm nay và hàng ngày, nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách: những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu Lời Chúa; những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước, nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương; những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác, nhưng còn trong tinh thần nữa, bằng cách thực thi lời hy vọng này: "Điều mà ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính Ta". Amen.
Cuốn phim “A man for all seasons” (Người thích ứng với mọi mùa) được xây dựng dựa theo cuộc đời thánh Thomas More.
Khi Kha Luân Bố khám phá ra Mỹ Châu, thì Thomas More chỉ mới là một thiếu niên mười mấy tuổi tại Anh Quốc.
Chàng theo học tại Đại học Oxford.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, chàng dấn thân vào cuộc đời chính trị. Là một viên chức của triều đình, nên chàng được thăng quan tiến chức rất mau lẹ.
Năm 1529, vua Henri thứ VIII đã phong chàng lên chức Đại Pháp Quan của Anh Quốc.
Nhưng thảm kịch đã xảy đến cho Thomas More:
Khi vua Henri VIII ly dị với hoàng hậu và tái kết hôn không đúng theo luật lệ.
Để chống lại bất cứ ai phản đối cuộc hôn nhân này, Henri ra lệnh cho một số quan chức triều đình phải ký vào một văn bản tuyên thệ rằng:
Sự tái hôn của ông là hợp pháp.
Ông truyền cho các vị chức sắc này là, nếu họ từ chối không chịu ký vào văn bản ấy, họ sẽ bị hạ ngục, vì tội phản loạn, vì chống lại Triều Đình.
Và rồi thảm kịch đã xảy ra, khi ngài Norfold mang văn bản ấy đến cho Thomas More, ông này chẳng chịu ký, bất chấp biết bao lời thuyết phục, bất chấp biết bao lời khuyên ông thay đổi ý.
Cuối cùng, Norfolk không còn kiên nhẫn được nữa, ông bèn nói với bạn:
“Tôi không biết cuộc kết hôn có hợp pháp hay không, nhưng thây kệ nó!
Thomas ơi, ông hãy nhìn vào tất cả những kẻ đã ký vào đây ! Ông biết rõ những người này mà! Tại sao ông không thể làm như chúng tôi, nhân danh tình bạn của chúng ta?”
Thomas More vẫn từ chối. Ông không muốn tuyên thệ điều gì, mà tận thâm tâm ông biết là sai trái.
Cuối cùng, Thomas More bị tống giam. Vào ngày 6 tháng 6 năm 1535 ngài đã bị hành hình, vì tội phản loạn.
***
Câu chuyện thánh Thomas More làm sáng tỏ lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay:
“Nếu tay con làm mất đức tin, hãy chặt nó đi !.... Nếu chân con làm con mất đức tin, hãy chặt phăng nó đi !.... Nếu mắt con làm con mất đức tin, hãy móc nó quẳng đi ! Vì thà rằng con bị chột mà vào nước trời hơn là còn toàn vẹn hai mắt mà bị ném vào hoả ngục” (Mc 9, 37-42. 44. 46-47)
Chúa Giêsu không bảo chúng ta chặt chân tay, móc mắt, theo nghĩa đen, mà Ngài chỉ muốn dùng những thành ngữ quen thuộc của thời đại Ngài, để nhấn mạnh một điểm quan trọng là:
Các môn đệ Ngài phải sẵn lòng hy sinh tất cả những gì cần thiết, để giữ mình khỏi phạm tội, phải sẵn lòng hy sinh cả những gì quí báu nhất đối với ta, để được vào Nước Trời.
Trong trường hợp Thomas More, điều này có nghĩa là hy sinh cả mạng sống mình.
Chúng ta chớ vội nghĩ rằng: vì Thomas More là một vị thánh, nên ngài đã tự hiến dâng đời sống một cách dễ dàng.
Không đâu. Chúng ta hãy đọc những lời trong lá thư ngài viết cho cô con gái của ngài ít lâu, sau khi ngài bị giam, những lời này sẽ cho ta biết cuộc đấu tranh khủng khiếp xảy ra bên trong nội tâm của ngài như thế nào:
“Meg thân yêu,
Bố sẽ không bất tín với Chúa, dù bố cảm thấy yếu đuối, khi sắp phải đương đầu với nỗi sợ hãi.
Bố nhớ lại sự kiện thánh Phêrô bắt đầu chìm xuống nước vì thiếu đức tin, khi thấy gió thổi mạnh, bố sẽ bắt chước ông kêu cầu Chúa Kitô, nài xin Chúa giúp đỡ Bố.
Bố tin rằng: Chúa sẽ đặt đôi tay thánh thiện lên Bố và ngay trong cơn bão biển, Chúa sẽ giữ cho bố khỏi bị chìm xuống… vì thế hỡi con gái yêu của bố, con đừng bối rối âu lo, về bất cứ điều gì sẽ xảy đến cho bố trong cuộc sống dương trần này, không điều gì xảy ra ngoài ý Chúa.
Bố rất xác tín rằng: bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra, thì chắc hẳn đó là điều tốt nhất đấy”.
*****
Bài Phúc Âm hôm nay (Mc 9, 37-42. 44. 46-47) mời gọi chúng ta đặt lại câu hỏi này:
- Chúng ta có biết phòng tránh tội lỗi, để đạt được Nước Trời không?
- Chúng ta có biết canh chừng đối với bất cứ điều gì, có thể khiến chúng ta đánh mất Nước Trời không?
Trong một lá thư của mình, một vị thánh danh tiếng người Pháp, Francis de Sales, đã nói về vấn đề cám dỗ và việc canh phòng chống lại tội lỗi như sau;
“Mặc cho quân thù gào thét ở ngoài cửa, mặc cho nó gõ, nó la, nó gào, nó làm bậy làm bạ. chúng ta biết chắc rằng, nó không thể đi vào nhà, trừ khi chúng ta bằng lòng mở cửa cho nó”.
*****
Vậy, chúng ta cần tỉnh thức đề phòng tội lỗi.
Khi cơn cám dỗ xảy đến và chắc chắn nó sẽ đến, chúng ta hãy nhớ lại những lời thánh Thomas More đã viết cho Meg, con gái ngài:
“Bố sẽ nhớ lại sự kiện thánh Phêrô bắt đầu chìm xuống vì thiếu đức tin, khi thấy gío mạnh thổi lên, và bố cũng sẽ bắt chước ngài kêu lên với Chúa Kitô và khẩn cầu Ngài giúp đỡ. Bấy giờ bố tin rằng Chúa sẽ đặt tay lên người bố và giữ bố khỏi chìm xuống giữa cơn bão biển”.
Tóm lại, sứ điệp của Chúa Giêsu ẩn chứa trong bài Phúc Âm hôm nay như sau;
Chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh, để tránh tội và để đạt được Nước Trời.
Và chúng ta cũng phải sẵn sàng bắt chước Thomas More, Người đã hy sinh mạng sống mình vì Nước Trời.
Lạy Chúa, sống cho Chúa, sống vì Nước Trời, thật không dễ chút nào: Phải cắt bỏ những gì con gắn bó, những gì rất thiết thân với con.
Xin cho chúng con luôn hiểu rằng: Chỉ khi cắt tỉa những cành lá rườm rà, thì cây đời chúng con mới có thể trổ sinh hoa trái tốt tươi được.
Xin cho con dám từ bỏ chính mình, để con được lớn lên trong ân tình, trong ân sủng của Chúa. Amen.
Thu Hồ Tử, người nước Lỗ, mới cưới vợ được năm ngày, thì đã nhận được lệnh đi làm quan ở nước Tần.
Năm năm sau, Hồ Tử xin phép về quê thăm vợ và mẹ.
Khi về đến gần nhà, chàng bỗng thấy một thiếu nữ rất xinh đẹp, đang hái dâu bên đường.
Hồ Tử xuống xe, thả lời ong bướm trêu cợt.
Nàng hái dâu thản nhiên như không nghe thấy gì, tay không ngừng bứt lá.
Hồ Tử nói:
- Này em kia, dùng tận lực mà làm ruộng, cũng không bằng một năm được mùa.
Dùng hết sức mà hái dâu, sao bằng gặp được một người chồng làm quan.
Ta đây là quan lớn, vàng bạc sẵn có, nàng mà ưng thuận lấy ta, thì sẽ không thiếu thứ gì, chẳng cần phải hái dâu nữa đâu cho vất vả tấm thân !
Người thiếu nữ ấy vẫn giữ thái độ dửng dưng, nhìn ông quan với ánh mắt lạnh lùng, đầy khinh bỉ.
Hồ Tử về nhà lạy mẹ.
Khi vợ chàng ra gặp, thì Hồ Tử choáng váng mặt mày, vì vợ chàng chính là thiếu nữ hái dâu lúc nãy.
Chàng hổ thẹn vô cùng.
Lúc ấy, nàng mới dạy cho chàng một bài học:
- Chàng đi làm quan năm năm mới về, đáng lẽ chàng phải vội vã về thăm mẹ, gặp vợ. Thế mà, chỉ thấy một người đàn bà ở dọc đường, không biết người ta chồng con thế nào, mà đã dừng lại trêu ghẹo, không nhớ gì đến mẹ, cũng chẳng thiết gì tới vợ.
Quên mẹ thì bất hiếu, ham sắc thì lòng dâm, tính hạnh nhơ thì bất nghĩa, mà bất nghĩa thì trị dân chúng bất minh, người như thế sao đáng gọi là quan giỏi, chồng quí được ???
*****
Câu chuyện trên đây nhắc nhở chúng ta về sự chung thủy vợ chồng, mà Tin Mừng hôm nay xác định lại (Mc 10, 2-12).
Đó là luật đơn hôn và vĩnh hôn trong bậc hôn nhân:
“Lúc khởi đầu cuộc sáng tạo: Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.
Ý định của Thiên Chúa, là sáng tạo người nam và người nữ.
Việc kết hợp với nhau để trở thành một huyết nhục “là giao ước tình yêu”.
Hiệu quả của giao ước này là “hai người trở nên một”.
Điều này chứng tỏ việc ly dị, là bất trung với hôn ước, đồng thời cũng là sự bất tuân thánh ý Thiên Chúa.
Kể từ khi Kinh Thánh mở đầu với mối tình keo sơn giữa hai ông bà nguyên tổ, thì tình yêu vợ chồng đã trở nên duy nhất và chung thủy: “Mình với ta tuy hai mà một”.
Nhưng tình yêu hôn nhân ấy có thể vươn lên tột đỉnh non cao, mà cũng có thể rơi xuống hố sâu của vực thẳm.
Có những cặp vợ chồng bước đi bên nhau trong đời. Thế mà những bước chân dẫm lên đời nhau rất đau đớn. Bếp lửa gia đình đã tắt, cuộc vui đã tàn hơi, hành trình không trọn vẹn như mơ ước của thiên đường.
Lịch sử con người đầy dẫy những cuộc chia tay, đổ vỡ, phản bội:
- Từ thời Môsê dân chúng đã đòi ly dị, - rồi đến vua Đavid chiếm đoạt vợ Uria, - sang vua Antipas ly dị vợ để cưới nàng Hêrôđia.
Cứ thế tiếp diễn cho đến ngày nay.
Theo thống kê vào tháng 12/1989 tại các nước Phương Tây, cứ hai đôi hôn nhân thì có một đôi ly dị và hệ quả là 1/3 trẻ em sống như mồ côi.
Xét cho cùng, luật Chúa cấm ly dị, lại là một trợ giúp đắc lực cho các đôi vợ chồng trong lúc gặp khó khăn, giông tố, biết nhẫn nhịn, kiềm chế, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, và lành mạnh hóa xã hội.
Đó cũng là một ơn huệ của Bí tích Hôn nhân.
Hình ảnh “Đức Giêsu ôm các trẻ nhỏ vào lòng và chúc lành cho chúng” là một lời nhắc nhở các bậc cha mẹ:
Nếu “cơm không lành, canh không ngọt”, muốn chia tay, hãy nhìn vào con cái mình, những nạn nhân vô tội.
Nếu muốn chọn giải pháp “đường ai nấy đi” thì hãy nhớ đến những đứa trẻ đáng thương. Chúng sẽ đi về đâu ?
Thống kê cho thấy: Đại đa số thanh thiếu niên phạm pháp đều là con của những cha mẹ ly tán.
Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn Gia đình, số 59, có viết:
“Phẩm giá và trách nhiệm của gia đình Kitô hữu, xét như là một Hội thánh tại gia, chỉ có thể sống được với sự trợ giúp liên lỉ của Thiên Chúa, và sự trợ giúp này sẽ không bao giờ thiếu, nếu người ta biết cầu nguyện khẩn xin, với lòng tin cậy và khiêm tốn”.
Lạy chúa, xin giúp chúng con giữ mãi được cảm thức ngạc nhiên trước cuộc sống, đừng để chúng con trở nên mù loà không nhìn thấy dấu tay Chúa trong vũ trụ quanh chúng con, trong gia đình con, đặc biệt nơi ánh mắt và khuôn mặt của các trẻ nhỏ, nhờ đó mà tình yêu và hạnh phúc của gia đình con mỗi ngày một triển nở thêm bền chặt trong ân sủng Chúa. Amen.
Có ba người bộ hành, cũng là 3 bạn chí thân với nhau, trên đường đi tìm hạnh phúc, bất chợt nghe tiếng la thất thanh của vị đạo sĩ, từ trong hang núi chạy ra:
Chết! Chết! Chết! Tôi đã gặp thần chết!
Ba người bộ hành trên yêu cầu vị đạo sĩ dẫn mình vào trong hang, để tận mắt xem thần chết.
Vào hang đá khá sâu, đến nơi, vị đạo sĩ chỉ cho ba người thấy một kho vàng chôn giấu dưới đống đá.
Vị đạo sĩ lại kêu to lên: Thần chết! Thần chết! Thần chết! rồi bỏ đó chạy miệng hang.
Ba người quá đỗi bàng hoàng, vì kho vàng quá lớn.
Họ cùng nhau hối hả đào.
Nhưng cần phải có lương thực ăn, hầu đủ sức mà tiếp tục đào chứ !
Một người tình nguyện đi mua thức ăn.
Nhưng bất hạnh thay, khi ông ta đi mua thức ăn, thì hai người ở lại tìm cách giết ông bạn đi mua thức ăn.
Quả nhiên, khi mang thức ăn về, ông đã bị giết như kế hoạch và số vàng ấy được chia đôi và cho vào bao cẩn thận.
Bấy giờ hai người cùng nhau ăn trước khi xuống núi. Nhưng không ngờ trong thức ăn ấy đã có thuốc độc của gã đàn ông kia, muốn số vàng ấy thuộc trọn về riêng mình.
Vị đạo sĩ trên đã thấy thần chết, vì ông có khả năng đề kháng lòng tham của mình.
Còn ba người lữ hành trên không có khả năng cảm nghiệm những điều vui khác như tình bạn, lòng trung thành, sự độ lượng, mà chỉ thấy có một hạnh phúc duy nhất là tiền, là vàng, là kho báu.
Vàng bạc hoặc của cải, tự nó không phải là xấu, tự nó không phải là con đường buồn rầu, đau đớn, buốn thảm, chết chóc.
Phải chăng, tất cả đều là tự lòng mình mà ra cả.
*****
Người thanh niên mà Mác-cô tường thuật trong Phúc âm hôm nay (Mc 10, 17-30) sa sầm nét mặt và bước đi buồn rầu, vì anh ta tự chọn cho mình một trái tim, không tiếp nhận những vẻ đẹp khác. Anh đã đứng khựng tại chỗ, với những thành quả anh đang có, là đã giữ trọn lề luật Môisen và nhiều tài sản.
Anh đã từ chối lời mời gọi của Đức Giêsu, để tiến thêm lên một bước nữa, là chia sẻ những gì anh có với người nghèo khó.
Bước thứ hai nầy mới thực sự là quan trọng, nó mới bảo đảm gia nghiệp đời đời ccho anh, nó mới thoả mãn được câu hỏi mà anh đã đặt ra.
Trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô (Lc 16: 19-31).
Ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình...
Tiền của ông, thì ông cứ xài thoải mái, ông có lấy gì của ai đâu.
Phúc âm không hề nói: ông đã không làm điều gì sai trái cả.
Vậy, tại sao ông phải xuống hoả ngục?
Thưa tại vì ông không chia sẻ với anh Lazarô đói rách, bệnh hoạn đang nằm trước cửa nhà ông kia kìa.
Lại thêm một ông nhà giàu nữa, mà Luca, đoạn 12, câu 16-20 đã viết:
‘Ông tự nhủ mình rằng: Hồn tôi ơi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm, thôi cứ nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi cho thoả thích. Đời như thế này là đã quá ư đầy đủ, không còn ước mơ hạnh phúc nào khác nữa.
Thiên Chúa thì bảo: Đồ ngu, nội đêm nay, ta đòi mạng ngươi, thì của cải của ngươi sẽ thuộc về tay ai?
*****
Hôm nay, chúng ta cũng nên đặt lại câu hỏi này cho mình, mà thưa với Đức Giêsu:
- Thưa Thầy, con phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?
Đức Giêsu sẽ đưa mắt âu yếm nhìn ta, như đã từng nhìn người thanh niên trong Phúc âm xưa kia và bảo:
- Con có giữ trọn 10 điều răn ĐCT, cùng 6 điều răn Hội thánh không?
- Lạy Chúa, tất cả những điều đó con đã giữ trọn từ khuya
Một lần nữa Chúa cũng lại âu yếm nhìn ta:
- Con đừng quên anh Lazarô, người không tên, không tuổi, đói rách, bệnh hoạn đang nằm ngay trước cửa nhà con.
Lazarô đây là hình ảnh tất cả những ai nghèo khó về phần hồn, cũng như về phần xác.
Anh Lazarô hàng xóm của ta có khi không thiếu tiền bạc, hoặc đói thức ăn, nhưng anh ta thiếu tình bạn, anh ta đói tình thương, anh ta cần sự độ lượng và tha thứ, anh ta cần sự nâng đở tinh thần. . .
Và như Phêrô đã nói với người ăn xin tại cửa Đẹp:
Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi xin cho anh đây: Ấy là Đức Giêsu Kitô, với quyền năng của Người (Act 3: 4)
*****
Thánh Phanxicô Assisi, Mẹ Chân phước Theresa Calcuta, vị đạo sĩ trong câu chuyện trên đây, là những mẫu gương cho chúng ta soi và bắt chước.
Chúng ta sẽ không sợ cái cảnh ngồi trên lưng con lạc đà chui qua lỗ kim không lọt. Vì Chúa ở đâu, thì ta sẽ ở đó với Người. Vì ta là môn đệ của Người, nếu ta biết sống chia sẻ như lời Chúa đã dạy.
Trên bia mộ trong một nghĩa trang kia, có khắc mấy dòng chữ sau đây, cũng đáng cho chúng ta suy nghỉ:
Những gì tôi có, nay đã thuộc về người khác. Những gì tôi đã mua sắm, nay người khác hưởng dùng. Những gì tôi đã cho đi, nay thuộc về tôi.
Lạy Mẹ Maria, xin cho con có được một tâm hồn rộng mở, để con đón nhận và thực thi trọn vẹn sứ điệp tình thương, mà Con Mẹ đã dạy. Amen.
Có một học giả vô thần hỏi một anh nông dân người Nga:
“Bác tin có Thượng Đế không ?”
Bác nông dân trả lời:
“Tôi tin có Thiên Chúa.”
Học giả lại hỏi: “Tại sao bác tin ? Bác có thấy Thiên Chúa không ?”
Bác trả lời:
“Không, nhưng tôi cũng chưa thấy một người Nhật nào hết. Dầu vậy, tôi cũng tin rằng có người Nhật, vì quân đội của chúng ta đã chống lại quân Nhật trong trận chiến vừa qua.
Nếu không có Thiên Chúa tại sao các ông chống lại Ngài ?”
*****
Trong thế kỷ thứ 17, thuyết vô thần chưa được phát triển trong các cộng đồng Do-thái.
Một người Do-thái đến nói với một Rabbi rằng: “Tôi không tin Thiên Chúa !”
Vị Rabbi ôm lấy người đồng hương, rồi nói:
“Anh ơi, tôi muốn được như anh lắm, nhưng không được.
Anh đang ở trong một hoàn cảnh sướng hơn tôi.
Khi gặp một người đang đau khổ, tôi tự nói: Thiên Chúa sẽ giúp đỡ người đó, nhưng tôi thì không giúp.
Còn anh, anh thì không tin có Thiên Chúa. Vậy, anh phải giúp đỡ những người đau khổ, bởi vì không có Thiên Chúa, thì ai giúp cho họ đây ? Anh phải làm những công việc của Thiên Chúa.
Vậy anh nên: Cho người đói ăn, an ủi người buồn rầu, nói sự thật cho mọi người, đem niềm vui cho mọi người, anh hãy yêu thương tất cả và cư xử với mọi người như thể Thiên Chúa đã yêu thương.
Một năm sau mình gặp lại nhau, rồi tôi sẽ xin anh cho tôi biết: có Thiên Chúa hay không nhé ?“
Lạy Chúa, xin hãy mở mắt đức tin, giúp con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong vũ trụ, trong thiên nhiên, để con dâng lời ca ngợi, chúc tụng, tạ ơn Chúa;
Xin cho con thấy Chúa hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, để con sốt sắng lãnh nhận và được kết hiệp mật thiết với Chúa mỗi ngày;
Xin cho con thấy Chúa đang hiện diện nơi những người nghèo khó, yếu đau, thất vọng, để con động viên an ủi và ân cần phục vụ họ, như phục vụ chính Chúa. Amen.
Nakamura, một thiếu nữ Nhật, 18 tuổi, gia nhập đạo Công giáo được bốn năm.
Từ ngày vào đạo, theo linh mục phụ trách giáo điểm truyền giáo nơi đây cho biết: Hầu như không có ngày nào cô bỏ việc tham dự thánh lễ lúc 6g30 sáng.
Rồi, ngày 6/8/1945, Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hirôshima. Cảnh tượng tàn phá thật là khủng khiếp...
Đã gần hai tuần lễ, vị linh mục phụ trách giáo điểm nơi đây đã không thấy Nakamura đi lễ nữa, nên quyết định đi thăm cô.
Ngài khổ sở len lỏi mãi, mới tới được nhà của Nakamura.
Chao ôi, nhà nàng đã sụp đổ tan tành, chỉ còn cái tường cao chừng hai thước, trơ trọi đứng đó...
Vị linh mục thổn thức, đi vòng ra phía sau nhà. Ngài đã phải chứng kiến một cảnh tượng thật thê thảm:
- Một cái chòi thô sơ, bốn góc là bốn cái cột trơ trọi, chung quanh che bằng chiếu manh, áo quần rách tả tơi, trên nóc, mấy tấm tôn kẽm đã xiêu vẹo, đang treo lơ lững giữa không trung.
Ngài bước vào trong, ngài phải thốt lên: Ôi lạy Chúa, một cái chõng thô sơ, ọp ẹp, muốn sập: Nakamura đang nằm trên đó, áo xống tả tơi, bị cháy sém, hai tay, hai chân co quắp lại như một xác chết...
Vị linh mục khựng lại một lúc, không sao nói được một lời.
Sau một lát, ngài lấy hết can đảm gọi tên nàng.
Nghe tiếng có người gọi, Nakamura nhúc nhích, nhưng không sao trở mình được, bởi nàng bị thương nặng quá, chân tay mình mẩy, chỗ nào cũng thấy sây sát.
Ở đầu vai bên phải, thịt xương cháy xám lòi ra, để lộ một lỗ hổng, có thể đút lọt mấy ngón tay.
Vị linh mục xắn tay áo, lau chùi, dọn dẹp, rồi giúp nàng xoay mình.
Nakamura mở hai mắt, nhìn vị linh mục, mấy giọt lệ tràn ra trên má. Cô cựa quậy tay trái, như muốn giơ lên để chào, mà không giơ lên nổi.
Vừa nhận ra linh mục, nàng nói thì thầm: “Cha có mang Mình Thánh Chúa đến cho con không?”.
Vị linh mục chưa kịp trả lời nàng, thì nước mắt nàng lại tuôn trào ra.
Sau ít phút trao đổi, vị linh mục được biết, đã 14 ngày qua, cha nàng, tuy bị thương khá nặng, nhưng mỗi ngày ông vẫn cố gắng đem cho nàng một ít đồ ăn, và thức uống.
Ngoài ra, thì chẳng có ai biết gì về nàng ở đây, để đến giúp đỡ, lo lắng, chăm sóc cho nàng.
Vậy mà Nakamura không một lời kêu ca, than thở, cũng không kêu xin xót thương, giúp đỡ.
Nàng như quên đi tất cả mọi đau đớn, ê chề, chỉ nhỏ nhẹ hỏi vị linh mục vừa khi mới gặp: “Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không?”.
Có lẽ đây là mối bận tâm lo lắng nhất của cô trong nỗi cô đơn và đau đớn lúc này.
Vị linh mục nghẹn ngào cảm kích cực độ, nước mắt ngài cứ thi nhau trào ra...
Ngài vội vàng quay trở về nhà, lấy Mình Thánh Chúa, để mang đến cho Nakamura được rước Chúa.
Sau đó, ngài cố nán ở lại thêm một ít thời gian với cô, để lau chùi, dọn dẹp túp lều của cô... cho tươm tất đôi chút.
Nakamura nhỏ nhẹ nói với ngài:
“Thưa Cha, đã bốn năm nay, con chuẩn bị vào Dòng. Con muốn tận hiến đời con cho Chúa, con muốn hết mình phục vụ những người nghèo khó, bệnh tật.
Nhưng hiện giờ, con như thế này, thì con làm được gì, con không biết Chúa sẽ dẫn dắt con về đâu?
Nhưng dẫu sao, ở đâu, đi về hướng nào, ra sao, thì Chúa vẫn là nguồn sức mạnh, là nguồn hạnh phúc, là tất cả của con...”.
Hôm sau, vị linh mục trở lại, mang theo Mình Thánh Chúa… nhưng Nakamura đã về trời với Bạn Chí Thánh Giêsu... không còn trên mặt đất khổ đau này nữa.
*****
Nakamura mới gia nhập đạo được mấy năm, hằng ngày đi lễ ban sáng và rước lễ... bị tai nạn, cửa nhà tan nát, thương tích đầy mình, đớn đau khôn lường về tinh thần, về thể xác, mà không hề có một lời kêu ca, hay ta thán.
Vừa gặp linh mục, Nakamura chỉ xin có một điều duy nhất là được rước Mình Thánh Chúa...
Vị linh mục xác tín:
Ngoài trường “Thánh Thể” ra, thì không có trường nào khác dạy được như vậy!
Tin Mừng hôm nay (Mt 14, 13-21) cho biết: Dân Chúa khao khát nước Trời, đến nỗi họ đã bỏ tất cả mọi sự, để tìm đến Chúa, để được lắng nghe Chúa giảng dạy, đến quên mất cả thời gian.
Đúng như lời Chúa Kitô dạy:
“Trước hết, hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Ngài đã cho họ thêm:
- Đã làm cho họ được no đủ, họ được thỏa lòng khao khát Lời công chính, Lời đó dẫn đưa họ về Nước Trời.
- Nước đó được bắt đầu nơi tâm hồn của những người theo Chúa, bởi vì khi đã theo và đã nghe Đức Kitô giảng dạy, thì chính Ngài thương xót và chữa lành họ khỏi những bệnh hoạn, tật nguyền.
Ngài còn làm cho họ no thỏa nhu cầu sự sống thể xác, ngay tại “chỗ hoang vắng” (Mt 14:13).
*****
Chỗ Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, gợi lại cho chúng ta hình ảnh sa mạc, mà dân Do Thái xưa kia đã đi trong bốn mươi năm và được nuôi bằng manna, bánh bởi Trời, để dân Người được sống trong suốt hành trình đi về đất Chúa Hứa, nơi đó “mọi người sẽ được nuôi ăn và ăn no nê” (x. Đnl 6,11; 11,15; 31,20).
Trước sự khao khát Lời Hằng Sống, mà dân Chúa phải đứng trước sự đói khát của nhu cầu thân xác, thì Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ:
“…các con hãy cho họ ăn”.
Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”.
Với sự lo toan của con người là bình thường, nhưng các ông không thể nào lo ăn cho cả ngàn người, đó là phản ứng sự bất lực nơi con người, trước những nhu cầu to lớn về lương thực,… cho năm ngàn người chứ đâu phải ít !!!.
Người bảo các ông: “Hãy đem lại cho Thầy”.
Chúa truyền cho dân chúng “ngồi xuống trên cỏ” (Mt 14:19), có nghĩa là sửa soạn ăn, đây cũng là tư thế sẵn sàng, để lãnh nhận hồng ân Chúa sắp ban.
“Ngài cầm bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ”.
Chúa làm một cử chỉ giống như trong bữa tiệc ly (x. Mt 26,26), và cũng để chỉ tới bữa tiệc sau này trên nước Trời (x. Mt 8,11-12; 22,1-10).
Hành động trung tâm của Nước Trời là mọi người đều đều được ăn no.
Sự dư dật (12 thúng đầy bánh còn dư lại) là một dấu chỉ được loan báo cho thời kỳ của Đấng Mêssia, như trong Kinh Thánh loan báo (x. Đnl 6,11; Tv 132,15; Is 65,10).
Phép lạ bánh hóa nhiều của Chúa Giêsu gợi cho chúng ta sự việc:
- Tiên tri Êlisê ra lệnh cho các đầy tớ đa nghi, mang hai mươi chiếc bánh, nuôi ăn cả trăm người (x. 2V 4,42-44).
- Các sách Tin Mừng thuật lại cho chúng ta sáu lần Chúa hóa bánh ra nhiều (Mt 14:13.21; 15,32-39; Mc 6,30-44; 8,1-9; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15).
Như dân Chúa tìm về đất hứa, hay cũng giống như những người Do Thái xưa, đã cất bước đi tìm nước Thiên Chúa và nghe Lời giảng dạy đến quên cả thời gian, thì chúng ta cũng hãy đến với Chúa, để được Chúa chăm sóc, đỡ nâng, chữa lành mọi vết thương, và được no thỏa tất cả mọi khát vọng…
Lạy Chúa, Chúa cần sự cộng tác của chúng con. Chúa cần con người góp công, chung sức, để mưu ích cho nhau.
Sự đóng góp của các môn đệ, chẳng thấm vào đâu, nhưng từ đó, Chúa đã thực hiện một bữa ăn no nê cho dân chúng.
Xin Chúa giúp con luôn biết mở rộng trái tim, trước những nhu cầu của anh chị em chung quanh con.
Xin dạy chúng con biết mở rộng bàn tay, biết dâng hiến cho Chúa và cho tha nhân. Dù sự đóng góp của chúng con chẳng đáng kể là gì, so với nhu cầu của thế giới, nhưng con tin chắc Chúa đang chờ đợi, và sẵn sàng đón nhận sự đóng góp của chúg con, để Chúa nhân lên gấp bội.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con thực hiện những ý nguyện hôm nay. Amen.
Bác sĩ Ý Antinori đã tạo ra một chấn động mạnh trong lương tâm nhân loại, khi ông tuyên bố việc tạo sinh con người, theo phương pháp vô tính.
Phương pháp tạo sinh vô tính đã được áp dụng thành công vào việc sản sinh ra con cừu có tên là Doli tại Anh Quốc cách đây vài năm và đã được áp dụng vào những loài vật khác nhau từ chuột, đến bò, heo…
Vấn đề cần đặt ra, không phải là chuyện phương pháp kỹ thuật tạo sinh vô tính có hoàn hảo không.
Tất nhiên, đem thí nghiệm tạo ra một con người, mà không biết chắc sẽ sinh ra một con người bình thường, hay một quái thai, quả là một hành động liều lĩnh, vô trách nhiệm.
Nhưng ngay cả khi phương pháp tạo sinh vô tính đã được nghiên cứu tới mức hoàn hảo đi nữa, thì câu hỏi vẫn là
Con người có quyền sản sinh vô tính con người không?
Không riêng gì những con người có niềm tin tôn giáo, mà ngay cả với những ai không thuộc tôn giáo nào đi nữa, thì đã là con người có lương tri, người ta không thể trốn tránh một câu hỏi có trách nhiệm như thế.
Tựu trung, đạo đức vẫn luôn luôn là chiều kích bao trùm toàn bộ mọi khía cạnh của cuộc sống con người.
Trong bất cứ sinh hoạt nào, con người cũng luôn luôn phải tự hỏi:
- Tôi có được phép làm điều này không? - Tôi phải cư xử như thế nào cho xứng với phẩm giá con người?
Ðã làm người, là phải chấp nhận những giới hạn:
- Không ai được hỏi ý kiến khi sinh ra. - Không ai chọn lựa cha mẹ, quê hương để sinh ra.
Con người đến trong cõi đời này, không do chọn lựa của mình.
Ðiều ấy cho thấy: Tính giới hạn, là tất yếu đối với con người.
Cái chết, lại càng là một khẳng định về những giới hạn ấy.
Mà đã có giới hạn, cho nên con người không thể sống, mà không tuân theo những qui luật của cuộc sống.
Bên cạnh những qui luật của thiên nhiên, quan trọng hơn cả là những qui luật đạo đức.
Chỉ khi nào tuân hành những qui luật đạo đức ấy, con người mới có thể triển nở trong nhân cách và thành toàn.
*****
Là người tín hữu Kitô, chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về thân phận con người, dưới ánh sáng mầu nhiệm nhập thể.
Chỉ trong Ngôi Lời nhập thể làm người, chân lý về con người mới được sáng tỏ.
Chúng ta biết về mình và chúng ta biết phải sống như thế nào cho ra người, khi nhìn vào con người và cuộc sống của Chúa Giêsu.
Trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê, thánh Phaolô đã tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể như sau:
"Chúa Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì sự ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự". (Pilipphê 2,6-11).
Quả thật, Chúa Giêsu là mẫu gương của vâng phục:
- Suốt ba mươi năm ẩn dật tại Nazareth, Ngài đã vâng phục cha mẹ, tuân thủ các Lề Luật của Môsê.
- Tin Mừng hôm nay (Mt 17, 21-26) ghi lại việc Ngài đóng thuế cho đền thờ, đây là một điển hình của rất nhiều cử chỉ vâng phục, mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài.
Vâng phục là nói lên tính cách bất toàn và giới hạn của thân phận con người.
Ðã làm người, Chúa Giêsu đã không đi ra ngoài những qui luật ấy của thân phận con người, nhưng chính vì vâng phục, mà Ngài đã chọn kiếp sống con người.
Ngài là một mẫu người hoàn hảo: Hoàn hảo, không phải vì không có giới hạn trong kiếp người, mà chính là vì đã vâng phục.
Thánh Phaolô đã khẳng định:
- “Người… vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập thự” (Pl 2,8),
- “Nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19),
- “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều nỗi đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9).
- "Chính vì Ngài đã vâng phục, mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu, vượt lên trên muôn ngàn danh hiệu".
Vâng phục để được suy tôn, tự hạ để được nâng lên.
Sống những giới hạn của kiếp người với tinh thần trách nhiệm, để được là người hơn.
Ðó là qui luật của cuộc sống, mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời, trong những bổn phận trần thế và những hành động yêu thương nhỏ bé của con. Amen.
Cách đây ít lâu, khi đọc báo hằng ngày, tình cờ tôi ghi nhận được một mẩu tin là lạ. Đó là mẩu bố cáo đăng ký địa chỉ trên cung trăng:
Ai muốn đứng tên chủ quyền một thửa đất trên gương mặt chị hằng, bảo đảm sẽ có bằng khoán giấy tờ công chứng đường hoàng, hãy mau mau đăng ký, chọn vị trí trên bản đồ và nộp tiền đầy đủ. Bảo đảm, chỉ vài ngày sau là sẽ được trao tận tay sổ hồng, sổ đỏ, để cứ mỗi đêm, khi trăng sáng lên, là có quyền vác kính viễn vọng ra, để ngắm nghía, chỉ trỏ, giới thiệu với bạn bè về dự án tương lai địa chỉ trên cao của mình.
Thấy mẩu tin ngồ ngộ, tôi ghi nhận.
Và hôm nay lễ Mông Triệu, kính Đức Maria Hồn Xác Lên Trời (8/12), nghe vẳng bên tai bài hát “Như một vầng trăng tuyệt vời, muôn ngàn tia sáng lung linh chốn thiên cung” ca ngợi Đức Maria, bỗng dưng nhớ lại và liên tưởng: mỗi tín hữu cũng có một địa chỉ trên cao, địa chỉ ấy mang tên Maria.
1. Đức Maria: một địa chỉ thiết định cho lòng tin
- Đây không phải là điều huyền hoặc do trí tưởng tượng con người bịa ra trong một lúc cao hứng, - Đây cũng không phải là sản phẩm mang nặng cảm tính do lòng đạo đức của giới lớp bình dân, - Đây càng không phải là do nhất trí, đồng ý giơ tay tán thành theo kiểu vào hùa, mà không cần biết đến có tự do hay không.
Không phải thế,
Đây là kết quả của những suy tư, tìm kiếm lâu dài của đời sống Giáo Hội:
- Trước năm 1950, người ta có quyền bán tín bán nghi, tin hay không tin cũng chẳng hề hấn gì, như thánh Tôma tiến sĩ;
- Nhưng kể từ ngày lễ Các Thánh 1/11/1950, khi Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố sự kiện Đức Maria Mông Triệu như một tín điều, thì người ta không còn có thể dửng dưng được nữa, mà nhất thiết phải reo lên vui mừng, vì đã được sáng tỏ:
Trên cao, Đức Maria chính là địa chỉ của lòng tin người Công Giáo.
Thật vậy, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nên không thể chịu hậu quả của Tội nguyên tổ là phải chết.
Mẹ trọn đời Đồng Trinh, nên cứ lý cũng trọn đời trinh nguyên tồn tại.
Mẹ cung cấp chất liệu xác thân cho Ngôi Hai Thiên Chúa, bước xuống đồng hành với con người trong kiếp phận loài người, thì khi Phục Sinh về trời vinh quang, Thiên Chúa cũng giữ gìn cho Mẹ mình thoát khỏi cảnh hư nát thân xác.
Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, nếu đã được Thiên Chúa yêu thương gìn giữ từ thuở đời đời, bằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì cũng được Thiên Chúa giữ gìn cho đến muôn ngàn đời, bằng đặc ân Mông Triệu tuyệt diệu hơn mọi người trần.
Cách khác, Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là một ngôn ngữ mang tính dấu chỉ dễ đọc của một địa chỉ trên cao, vốn đã có sẵn trong mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô.
2. Đức Maria: một địa chỉ thiết thân của đời tín hữu
Ngày nay, có thể có người nghĩ rằng: Đức Maria Mông Triệu chỉ là một tín điều, nghĩa là một điều được Giáo Hội xác lập, như đối tượng phải tin; lại nữa, cũng chỉ được định tín cách nay chưa lâu, mới từ năm 1950, có chi mà quan trọng?
Giữa cộng đoàn, xin được cùng với Giáo Hội nhắc lại rằng:
Đây không phải là chuyện thuần tuý quy ước, mà đúng là chuyện thiết thân với mọi con người. Khi gọi một chiếc xe là “xe máy” thì nó là “xe máy”, dù chẳng có chút máy móc nào, mà chỉ là “xe đạp”. Đó là quy ước.
Thế nhưng, khi tín điều thiết định thì khác, vì ở đó cả vận mệnh đời sống của những kẻ tin cũng được định hình theo.
Đức Maria về trời, nhưng không về với đôi tay trắng, mà là nặng trĩu vận mệnh của cả Giáo Hội, có Đức Kitô là Đầu, mà vinh quang của Đầu tiến đến đâu, thì vinh quang của Thân Mình cũng tỏ hiện đến đó.
Nhưng qua việc Đức Maria về trời, tín hữu nhận thấy rõ hơn vận mệnh đời mình:
- Mẹ là người đi đầu, để cho ta được tiếp bước. - Mẹ được đưa về trời, là tiền đề cho lòng tin người tín hữu: Nếu sống như Mẹ, họ cũng sẽ được về trời với Mẹ. Mẹ như người đi trước cho ta được theo sau.
- Mẹ được đưa về trời, là tiền đề cho lòng tin người tín hữu: Nếu sống như Mẹ, họ cũng sẽ được về trời với Mẹ. Mẹ như người đi trước cho ta được theo sau.
- Mẹ được đưa về trời, là khuôn mẫu cho niềm hy vọng: Bên kia địa chỉ trần thế này là một địa chỉ trên cao của cuộc sống phong phú đời đời. Mẹ là người đi mau, cho ta được níu kéo dắt dìu.
- Mẹ về trời, xác lập một hướng đi cho lòng yêu mến: Yêu trung thành hôm nay sẽ được dẫn tới bến bờ yêu thương tinh ròng vĩnh phúc mai sau.
Thế đó, Đức Maria, địa chỉ trên cao thiết thân cho mệnh đời tín hữu.
3. Đức Maria: một địa chỉ thiết thực cho mỗi cảnh đời
Vấn đề được đặt ra ở đây, không chỉ là chuyện hiểu biết và tin tưởng, nghĩa là dừng lại trong nhận thức, cho dẫu đó là bước đầu không thể thiếu được,
Nhưng quan trọng hơn, là hỏi xem: Địa chỉ trên cao kia có để lại âm hưởng gì trong đời sống hằng ngày của chúng ta không ?
Có một bài hát “Kinh Tin Kính” kết thúc bằng câu quyết tâm “Tin những gì Hội Thánh dạy con”.
Tốt lắm, nhưng nghe sao vẫn cứ ngờ ngợ, tin tất cả, mà không lo chuyển hoá niềm tin vào cuộc sống thiết thực, thì tự nó đã hàm chứa một nguy cơ của sự cả tin.
Giống như một cha sở cử hành Bí tích Xức Dầu cho một nữ bệnh nhân tân tòng trọng tuổi, với những công thức tuyên tín dài dòng, bệnh nhân ấy trong cơn đau đớn đã thốt lên: “Cha nói thánh tướng nào con cũng tin cả”.
Thành thử, hôm nay, khi tuyên xưng Đức Maria hồn xác về trời, chính là lúc ta phải nỗ lực tổ chức xây dựng đời sống của ta nơi địa chỉ trần thế này, sao cho phù hợp, cho tương thích với địa chỉ trên cao, mà ta tin yêu và hy vọng.
Làm sao có thể về trời thanh nhàn, khi mà cuộc đời này ta chưa thanh sạch tâm hồn, chưa thanh bạch nếp sống, chưa thanh luyện ý chí, chưa thanh thoát tư duy, chưa thanh cao tình cảm, chưa thanh thản nỗi đau ở đời và chưa thanh thoả nhiệm vụ người người với nhau?
Làm sao có thể về trời thênh thang, khi cuộc sống hôm nay vẫn còn bận bịu, bỏ neo nơi những khuynh hướng đam mê sùng bái, như là dục vọng buông lơi lòng tham không đáy hay quyền bính vô độ?
Và làm sao có thể về trời với Mẹ, khi ta hằng ngày vẫn còn nhận chìm mình trong những lo toan, tính toán, làm ăn, mà không chỉ dừng lại ở mức “lương thực hằng ngày”, “cầu vừa đủ xài” của Kinh Lạy Cha, mà còn mong có mọi sự nhiều thêm nữa, trừ một sự là có điểm dừng?
Muốn có địa chỉ trên cao, hãy tích cực đăng ký xây dựng ngay từ địa chỉ trần thế này.
Qua một bài báo về kỹ thuật hàng không, được biết rằng: Người ta đang tính tới chuyện bay cao, bay xa và bay nhanh hơn.
Điều này đòi hỏi phải giải quyết ba thông số kỹ thuật:
- Giảm nhẹ thân tàu, - Tăng cường sức đẩy động cơ và - Trang bị bộ phận định hướng tốt.
Bất giác tôi nghĩ đến chuyến bay đời người về địa chỉ trên cao, cũng
- cần trút nhẹ lo toan, - gia tăng ơn thánh, và - nỗ lực định hướng theo gương Đức Mẹ.
Như vậy, chuyến bay ấy chắc chắn sẽ cao, xa, nhanh, an toàn.
Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con luôn biết dâng cao tin yêu và hy vọng, để làm quen với địa chỉ trên cao, ngay từ cuộc sống xem ra còn nhiều trũng thấp hôm nay, nơi trần gian này.
Lạy Mẹ Maria, địa chỉ trên cao, xin dạy cho con biết trải qua bao tháng ngày hôm nay, biết đường sống thánh từ nay, để ngày mai sẽ được thẳng bay về Trời, được sống vĩnh viễn bên Mẹ, và bên Thiên Chúa, hạnh phúc muôn đời. Amen.
Anh ta có một bí quyết: Khéo để dành cam lâu ngày, mà cam vẫn không bị ủng. Lâu ngày, mà vỏ cam vẫn đỏ hồng, vẫn trông tốt đẹp như vàng ngọc.
Đem ra chợ bán, thiên hạ ai tranh nhau mua. Ai thấy cam như, vậy mà chẳng thèm?
Thế rồi một hôm, Lưu Cơ (Lưu Thiên Tử), cũng tới mua một quả.
Đem về nhà bóc ra, thì ôi thôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát.
Ông liền ra chợ lại, tìm gặp người bán cam trách móc:
“Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, để đãi tân khách, hay là chỉ để làm cho choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ? Tệ thật! Anh giả dối lắm”.
Người buôn cam mỉm cười nói:
“Tôi làm nghề này đã lâu lắm rồi, để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, thì người ta mua. Chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi.
Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải riêng gì một mình tôi. Ông thật không nghĩ cho đến nơi.
Này thử nghĩ xem:
- Người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng, trông ra dáng quan lắm. Kỳ thực họ có giỏi được như Ngô Khởi, Tô Tẫn không?
- Người đội mũ cao, đóng đai dài, trông ra dáng quan văn lắm. Kỳ thực họ có được giỏi như Cao Dao, Y Doãn không?
- Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu. Quan lại tham nhũng không biết trừng trị. Pháp độ hỏng không biết sửa đổi. Ngồi không ăn lương, chẳng biết xấu hổ…
Thế mà lúc ra ngoài công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của lạ, oai vệ, hách dịch vô cùng!...
Đó, bề ngoài của họ chẳng như vàng ngọc, mà bề trong thì lại chẳng hôi thối, và xác xơ, như bông nát là gì?
Sao ông không chịu xét những hạng người như thế, mà lại đi xét quả cam của tôi?”
*****
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay (Mt 23, 27-32) tiếp tục lên án những lối đạo đức giả hình của các kinh sư và pharisiêu, vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài, mà không lo giữ sự trong sạch tâm hồn.
Họ lo rửa tay chân, mà không lo rửa lương tâm.
Trong tâm hồn họ vẫn luôn ấp ủ đầy những ý đồ xấu xa.
Ðức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết trông rất đẹp đẽ, nhưng bên trong thì lại đầy những xương cốt, hôi hám… (x. Mt 23:27-28).
Họ cứ cố gắng tô trát cái vỏ bên ngoài, để che giấu cái tâm địa xấu xa bên trong.
Càng che giấu, họ càng bị Ðức Giêsu phát hiện và lên án.
Ðức Giêsu đã mượn lời ngôn sứ Isaia (Is 29,13) nặng lời chỉ trích họ:
“Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7,6).
Sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở dân Chúa, phải tuân giữ các giới răn, các Lề Luật, các huấn lệnh, tượng trưng cho sự khôn ngoan, trong sáng và sáng suốt của dân Chúa giữa muôn dân muôn nước (x. Đnl 4,1-2.6-8).
Nhưng Ðạo Chúa không phải chỉ là hình thức giữ các mệnh lệnh.
Ðạo Chúa là tình yêu chân thật, xuất phát tự đáy lòng.
Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn chúng ta, Ngài thấy rõ những khuyết điểm, những lỗi lầm của chúng ta.
Hãy xin Ngài soi sáng và thức tỉnh ta, để ta nhận ra được những yếu đuối và sai lầm của bản thân, thẳng thắn nhìn nhận và mau mắn sửa đổi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết trở về với đời sống nội tâm thực sự, để con nhận ra mình chẳng là gì, và Chúa mới là tất cả.
Xin cho con biết nhận ra sự thấp hèn của con, để con biết khiêm tốn mà nhận ra những sự thật về con, để con biết lo chỉnh sửa, hầu xứng đáng đón nhận hồng ân cứu độ của Chúa. Amen
*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 trở lại)
I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (6 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/ 1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1 2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2 3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3 4. Chuyện gà mái ấp trứng đại bàng – Sách 4 5. Chuyện “Số Con Rệp” – Sách 5
6. Thiên Chúa là Đấng hay quên – Sách 6
II. – Chuyện đời chuyện đạo: (10 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/ 1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1 2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2 3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3 4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4 5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5 6. Phút thánh hoá gia đình đầu năm mới - Sách 6 7. Năm Mão nói chuyện con mèo - Sách 7 8. Một kiểu sống lại không vui - Sách 8 9. Chuyện con gà trống - Sách 9 10. Kinh cầu các thánh chẳng hề được phong - Sách 10
III. - Chuyện kể cho các gia đình: (25 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/ 1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1 2. Đừng bỏ cuộc - sách 2 3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3 4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4 5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5 6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6 7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7 8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8 9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9 10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10 11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11 12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12 13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13 14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14 15. Chuyện cô giáo năm xưa - Sách 15 16. Kinh nghiệm của những người trở về “Từ Cõi Chết” nói với ta - Sách 16 17. Quyển nhật ký của mẹ - Sách 17 18. Phép lạ từ việc sùng kính Đức Mẹ - Sách 18 19. Ngày của bố - Sách 19 20. Chuyện 2 cha con hoang đàng - Sách 20 21. Chuyện Kẻ “tự bắc thang lên trời” - Sách 21 22. Chuyện Quỷ Ám là có thật - Sách 22 23. Chuyện bán linh hồn cho ma quỉ - Sách 23 24. Thảm họa: Một Thiên Đường không có Thiên Chúa – Sách 24
25. Nếu Thiên Chúa không có, thì tại sao lại chống Ngài ? – Sách 25
IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn) https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/ 1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1 2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2 3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3 4. Căn hầm bí mật - Sách 4 5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5 6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6 7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7 8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8
V. – Kho sách quý: (6 cuốn) https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/ 1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1 2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2 3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3 4. Sách tháng các linh hồn – Sách 4
5 300 Chuyện ngắn giúp minh họa lời Chúa (Phần I) – Sách 5
6 300 Chuyện ngắn giúp minh họa lời Chúa (Phần II)– Sách 6