Suy tư của Đức Cha Gioan B Bùi-Tuần Bài 101-150

Chủ nhật - 10/02/2019 08:46
Suy tư của Đức Cha Gioan B Bùi-Tuần Bài 101-150
Suy tư của Đức Cha Gioan B Bùi-Tuần Bài 101-150
Suy tư của Đức Cha Gioan B Bùi-Tuần Bài 101-150

Bùi-Tuần 0101: THÁNH GIOAN BAOTIXITA.. 2
Bùi-Tuần 0102: HỢP Ý CHÚA VÀ KHÔNG HỢP Ý CHÚA 30-06-1985. 4
Bùi-Tuần 0103: THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ 30-06-1985. 5
Bùi-Tuần 0104: NHỮNG KẺ CÓ ĐẠO KHÔNG TIN 07-07-1985. 6
Bùi-Tuần 0105: BƠ VƠ 21-07-1985. 8
Bùi-Tuần 0106: KHIÊM TỐN SỬA SAI 22-08-1985. 9
Bùi-Tuần 0107: SÁT THỰC TẾ 21-08-1985. 11
Bùi-Tuần 0108: KHIÊM NHƯỜNG 23-08-1985. 13
Bùi-Tuần 0109: CỘNG ĐOÀN ĐỨC ÁI 23-08-1985. 15
Bùi-Tuần 0110: ĐỨC TIN TRONG TÂM HỒN KHIÊM TỐN.. 16
Bùi-Tuần 0111: THANH LUYỆN 25-08-1985. 18
Bùi-Tuần 0112: MẪU NGƯỜI MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI 01-09-1985. 20
Bùi-Tuần 0113: LO ÂU 20-10-1985. 22
Bùi-Tuần 0114: ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI NGHÈO 24-10-1985. 24
Bùi-Tuần 0115: BA YẾU TỐ ĐỂ TIẾN TRIỂN 24-11-1985. 26
Bùi-Tuần 0116: BỐI RỐI LO SỢ 07-12-1985. 28
Bùi-Tuần 0117: CHÚA CHỌN07-12-1985. 29
Bùi-Tuần 0118: ĂN NĂN SÁM HỐI 08-12-1985. 31
Bùi-Tuần 0119: NHỮNG THUẬN LỢI TRONG NỘI TÂM 08-12-1985. 32
Bùi-Tuần 0120: NHỮNG ĐIỀU THỰC TẾ DẠY TA 09-12-1985. 34
Bùi-Tuần 0121: SỨC KHOẺ LINH HỒN 09-12-1985. 35
Bùi-Tuần 0122: CON NGƯỜI LÀ VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG BẬC NHẤT.. 37
Bùi-Tuần 0123: LÒNG TỐT 05-01-1986. 39
Bùi-Tuần 0124: THAO THỨC VỀ CUỘC SỐNG 10-01-1986. 41
Bùi-Tuần 0125: MẠNH MẼ, ĐẦY KHÔN NGOAN.. 43
Bùi-Tuần 0126: NĂM MỚI MONG CÓ NHIỀU LIÊN HỆ TỐT 09-02-1986. 45
Bùi-Tuần 0127: ĂN NĂN HỐI CẢI 02-03-1986. 46
Bùi-Tuần 0128: KHIÊM NHƯỜNG TRONG ĂN NĂN SÁM HỐI02-03-1986. 48
Bùi-Tuần 0129: NGƯỜI TỘI LỖI ĐẠO ĐỨC.. 50
Bùi-Tuần 0130: HÌNH ảNH LINH MỤC 16-03-1986. 51
Bùi-Tuần 0131: MỞ RỘNG TRÁI TIM 27-03-1986. 53
Bùi-Tuần 0132: LẠC QUAN 29-03-1986. 54
Bùi-Tuần 0133: LƯƠNG THỰC ĐỨC TIN 20-04-1986. 56
Bùi-Tuần 0134: CUỘC ĐỜI CÓ BẢO ĐẢM 03-08-1986. 57
Bùi-Tuần 0135: TINH THẦN CỞI 10-08-1986. 59
Bùi-Tuần 0136: HAI VIỆC HÀNG NGÀY 24-08-1986. 61
Bùi-Tuần 0137: MỘT SỐ ĐỔI THAY TRONG SUY NGHĨ 63
Bùi-Tuần 0138: TRUNG TÍN 06-10-1986. 65
Bùi-Tuần 0139: CUỘC ĐỜI THÁNH GIA 06-10-1986. 67
Bùi-Tuần 0140: KHÔNG CÓ GÌ TỐT MÀ DỄ CẢ! 07-10-1986. 68
Bùi-Tuần 0141: GIỚI HẠN 07-10-1986. 70
Bùi-Tuần 0142: ĐỔI MỚI CON NGƯỜI 07-10-1986. 71
Bùi-Tuần 0143: VIỆC LÀNH LÀM CHUNG 09-10-1986. 73
Bùi-Tuần 0144: NIỀM TIN YÊU 19-10-1986. 74
Bùi-Tuần 0145: HÒA BÌNH LÀ VẤN ĐỀ CỦA CON NGƯỜI 06-11-1986. 76
Bùi-Tuần 0146: NHỮNG LỜI NHẮN NHỦ 25-12-1986. 78
Bùi-Tuần 0147: CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN CHÚA25-12-1986. 79
Bùi-Tuần 0148: NĂM MỚI, ĐỔI MỚI 29-01-1987. 81
Bùi-Tuần 0149: LINH MỤC VIỆT NAM HÔM NAY 05-04-1987. 83
Bùi-Tuần 0150: HỘI THÁNH LÀ HIỆP THÔNG 16-04-1987. 85
----------------------
Phân cách bài ĐC Bùi Tuần

Bùi-Tuần 0101: THÁNH GIOAN BAOTIXITA

LÀ NGƯỜI LOAN TIN 23-06-1985
Lễ thánh Gioan Baotixita Long Xuyên

Như chúng ta đã biết, thánh Gioan Baotixita quen được gọi là Gioan: 23-06-1985 Bùi-Tuần 101


Như chúng ta đã biết, thánh Gioan Baotixita quen được gọi là Gioan tiền hô. Nói cách khác dễ hiểu hơn, Gioan Baotixita, hay Gioan tiền hô là người loan tin. Phúc Âm lễ hôm nay cho ta thấy Gioan là người chính Chúa đã chọn để loan tin. Loan tin là sứ mạng của Ngài.

Cái tin mà Gioan loan đi, là tin Chúa Cứu Thế đang đến. Chúa Cứu Thế có nhiều đặc điểm. Nhưng khi giới thiệu Chúa Cứu Thế, Gioan đã chỉ nhấn mạnh đến một đặc điểm mà thôi. Đặc điểm đó là sự khiêm nhường. Gioan chỉ vào Chúa Giêsu mà nói: “Đây là con chiên của Thiên Chúa. Đây là người gánh tội trần gian”.

Chúa Cứu Thế khiêm nhường như con chiên, Chúa Cứu Thế khiêm nhường dưới hình thức một kẻ mang nặng tội lỗi loài người trên vai, Ngài đang đến. Ai muốn gặp Ngài, thì phải làm sao? Gioan loan tin: Muốn gặp Chúa Cứu Thế khiêm nhường thì phải khiêm nhường, tức là hãy nhận biết lỗi lầm của mình, hãy ăn năn sám hối, hãy sửa mình lại.

Cách Gioan loan tin, cũng là khiêm nhường. Gioan quyết liệt từ chối mình không phải là Chúa Cứu Thế, không phải là tiên tri Êlia. Gioan cũng hề làm phép lạ. Người sống rất đơn sơ, nghèo khó. Ngài nhận mình chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc. Như ta biết trong sa mạc có những tiếng kêu như tiếng gió thổi, tiếng chim kêu, tiếng mưa rơi. Tất cả tiếng kêu đó, đều rất tầm thường rất tự nhiên, không đóng khung trong một khuôn khổ nào, không bị kẹt do một phạm vi nào. Cũng thế, cách mà Gioan dùng để loan tin về Chúa, cũng rất uyển chuyển, rất bình thường, cũng rất tự nhiên, cũng rất thanh thản, không gò bó vào một khuôn khổ nào, không câu nệ vào một hình thức nào. Ngài nói rất ít. Nhưng chính bản thân Ngài là một tiếng nói loan tin, một tiếng nói âm thầm. nhẹ nhàng thanh thản, nhưng đầy ơn Chúa Thánh Thần.

Thưa anh chị em,

Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi về thánh Gioan Baotixita. Từ những suy nghĩ đó, tôi nhìn thấy hai yêu cầu đặt ra cho chúng tôi.

Yêu cầu thứ nhất là chúng ta phải lắng nghe những loan tin của Chúa trong lịch sử hôm nay. Theo tôi, thì cái tin mà Chúa đang dùng nhiều người nhiều cách để loan báo hiện nay, vẫn là tin Chúa Cứu Thế đang đến với từng tâm hồn thiện chí. Chúa Cứu Thế rất khiêm nhường. Ai muốn gặp được Ngài, thì phải khiêm nhường. Tôi có cảm tưởng là rất nhiều người chúng ta trong Giáo Hội rất thiếu đức khiêm nhường, rất nhiều người trong chúng ta trong Giáo Hội hầu như không bao giờ chú ý đến đức khiêm nhường, đang khi khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức. Nếu chúng ta và Hội Thánh chúng ta không tự ý và tự sức sống thực sự khiêm nhường, thì chính Chúa sẽ tự động uốn nắn chúng ta và Hội Thánh chúng ta nên khiêm nhường, bằng cách có thể làm đau đớn. Không thể khác được. Bởi vì có khiêm nhường, thì ta và Giáo Hội ta mới có thể là dụng cụ cứu rỗi.

Yêu cầu thứ hai là chúng ta phải loan tin về Chúa cứu độ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi quan niệm rằng: Chia sẻ Tin Mừng cứu độ là bổn phận tất nhiên của mọi con cái Chúa. Nhưng nói thế, tôi không cố ý khuyên anh chị em lôi kéo ai theo đạo chúng ta. Tôi cũng không tán thành việc chia sẻ Tin Mừng cứu độ bằng những cách phô trương, nặng hình thức bề ngoài. Tôi nghĩ là Chúa muốn chúng ta hay là những Gioan Baotixita loan tin Chúa Cứu Thế khiêm nhường một cách khiêm nhường, bằng những cách khiêm nhường. Đó là bằng chính cuộc sống của mình, một cuộc sống lương thiện sống khiêm tốn, sống kết hợp với Chúa và đoàn kết với đồng bào, sống chan hòa tình người, sống phục vụ Tổ Quốc trong những khả năng khiêm tốn của mình.

Tôi thân ái cầu chúc anh chị em đạt được hai yêu cầu đó. Tôi cũng thành khẩn anh chị em cầu nguyện cho tôi biết thực hiện hai yêu cầu đó bằng tất cả những gì là tự nhiên và siêu nhiên mà Chúa thương ban cho chức vụ của tôi. Nguyện xin tinh thần thánh Gioan Baotixita luôn sống động mạnh mẽ trong mỗi người chúng ta. Amen.

Lễ thánh Gioan Baotixita ngày 23-06-1985


 

Bùi-Tuần 0102: HỢP Ý CHÚA VÀ KHÔNG HỢP Ý CHÚA 30-06-1985


Lễ Thêm Sức Năng Gù

 

Trong bài Phúc Âm lễ hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu khen thánh: 30-06-1985 Bùi-Tuần 102


Trong bài Phúc Âm lễ hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu khen thánh Phêrô. Chúa Giêsu hỏi các tông đồ: “Các con bảo Thầy là ai? Thánh Phêrô thưa: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Nghe vậy Chúa Giêsu liền chính thức xác nhận: “Tư tưởng con vừa nói ra, không phải của con, nhưng đúng là của Chúa Cha soi sáng cho con”. Với lời đó, Chúa Giêsu đã đánh giá cao quan điểm của thánh Phêrô. Cũng vì thế mà Chúa Giêsu trao cho Phêrô một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là nhiệm vụ phải đội trên mình tất cả tòa nhà Hội Thánh. Chúa phán: “Con là Đá, trên Đá này Cha sẽ xây Hội Thánh của Cha”. Thánh Phêrô hiểu lời đó. Ngài hiểu là chính bản thân mình, với tâm tình tư tưởng của mình cùng với cuộc đời mình, sẽ phải là một cái nền, để Chúa xây Hội Thánh lên trên. Đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đồng thời cũng là một vinh dự hết sức lớn lao, vinh dự làm người đứng đầu Hội Thánh.

Thánh Phêrô hiểu rõ mình được Chúa Giêsu tín nhiệm, nên Ngài tự nhiên nhìn thấy trước mắt một bổn phận đặt ra cho mình đó là bảo vệ Thầy mình. Bảo vệ Thầy mình có nghĩa là lo sao cho Thầy được an toàn, uy tín của Thầy được vẻ vang. Ít là thế. Ít là phải thế.

Chính vì vậy mà mấy ngày sau, khi nghe Chúa Giêsu nói, Chúa sẽ nạp mình chịu chết một cách đau đớn hổ nhục, thì Phêrô liền phản ứng ngay lập tức. Phêrô can ngăn: “Xin Thầy đừng làm chuyện đó. Xin Chúa Cha đừng để chuyện đó xảy ra cho Thầy”. Sở dĩ Phêrô can ngăn là vì muốn bảo vệ mạng sống, và uy tín của Thầy. Ngài nói lên ý nghĩ của mình nhân danh kẻ đã được chọn đứng đầu Hội Thánh phải bảo vệ Chúa. Tôi tưởng rằng khi nghe lời thánh Phêrô nói, Chúa Giêsu sẽ lại khen như lần trước, và Chúa sẽ nói: “Tư tưởng của con là do Chúa Cha soi sáng cho con! Thế nhưng, sự việc đã xảy ra trái ngược, Chúa Giêsu không khen, lại còn mắng trách: “Satan hãy lui xa ra, tư tưởng con vừa nói, không phải do Chúa soi sáng cho con đâu”.

Rõ ràng ở đây có mâu thuẫn giữa ý Phêrô và Chúa. Sự mâu thuẫn này lại xảy ra một lần nữa tại vườn Giếtsêmani, tối thứ năm tuần thánh: Khi Phêrô thấy có bọn người đến bắt Thầy mình, Phêrô liền tuốt gươm chém đứt tai một người trong bọn họ. Phêrô biết việc mình làm là một đụng độ liều mạng, là một thái độ cứng rắn, mục đích chỉ là để bảo vệ Thầy mình. Phêrô đã làm việc đó với tư cách một người đã được Chúa chọn làm nền tảng Hội Thánh. Tôi tưởng rằng, việc làm đó của Phêrô sẽ được Chúa khen và Chúa sẽ nói: “Việc con vừa làm là do Chúa Cha soi sáng”. Nhưng không, Chúa Giêsu không khen, trái lại Chúa còn trách Phêrô đã làm một việc ngăn cản thánh ý Chúa Cha.

Khi suy nghĩ mấy sự việc trên đây nơi thánh Phêrô, tôi thấy lo sợ. Tôi thấy thánh Phêrô là người được Chúa chọn đứng đầu Hội Thánh, được ở gần Chúa, Ngài có những ý nghĩ và việc làm tưởng là đẹp ý Chúa, tưởng là cần thiết để bênh Chúa, bênh đạo, thế mà Chúa lại không chấp nhận. Ý Chúa khác xa ý Ngài. Những trường hợp như thế có thể là đang xảy ra nơi nhiều người chúng ta. Chúng ta cũng như thánh Phêrô thực sự nhắm mục đích làm sáng danh Chúa, bênh Chúa, bênh đạo. Mục đích như thế là rất tốt. Mục đích đó chẳng có gì phải trách. Nhưng điều có thể bị Chúa trách đó là cách ta chọn để đạt mục đích đã thiếu khôn ngoan siêu nhiên. Tôi nghĩ là chúng ta phải dè dặt tế nhị nhiều lắm, phải khiêm tốn nhiều lắm, mới có thể nhìn rõ ý Chúa.

Chúng ta hãy năng cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho ta, cho Hội Thánh của ta, được sự khiêm nhường đầy can đảm, sự dè dặt tế nhị đầy sáng suốt, hầu chúng ta có thể nhìn thấy rõ ý Chúa muốn ta sống đạo cách nào là tốt nhất trong lịch sử hôm nay. Amen.

Lễ Thêm Sức 30.06.1985 tại nhà thờ Năng Gù.


 

Bùi-Tuần 0103: THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ 30-06-1985


VỚI CHIỀU HƯỚNG THÁO GỠ

Lễ Thêm Sức HọTrái Tim

 

Khi đọc sách “Tông Đồ Công Vụ”, tôi thấy có một sự kiện làm tôi: 30-06-1985 Bùi-Tuần 103


Khi đọc sách “Tông Đồ Công Vụ”, tôi thấy có một sự kiện làm tôi suy nghĩ. Sự kiện đó xảy ra ở Kaisaria, khi thánh Phêrô đang giảng cho gia đình ông Cornêliô, là gia đình người ngoại đạo, thì Chúa Thánh Thần hiện xuống trên những người này. Thấy thế, mọi người đều kinh ngạc. Phêrô nói: Chúa Thánh Thần đã xuống trên những người này rồi, thì ai dám cản ngăn họ chịu Phép Rửa!

Sự kiện trên đây cho thấy: Có những người chưa chịu Phép Rửa, thế mà họ đã được Chúa Thánh Thần đến với họ. Sự kiện này là một sự xảy ra rất mới mẻ. Nó đã giúp cho thánh Phêrô và Phaolô xây dựng cho Hội Thánh một tinh thần cởi mở.

Cũng nhờ sự kiện trên đây, các tông đồ đã có thể tháo gỡ dần dần nếp sống đạo hẹp hòi của bao người tín hữu thời đó. Họ hẹp hòi ở chổ dễ đề cao bất cứ sự gì của đạo mình một cách quá đáng. Họ hẹp hòi ở chỗ dễ tuyệt đối hóa mọi kinh kệ, mọi lễ nghi của đạo mình một cách quá khích. Họ hẹp hòi ở chỗ cương quyết duy trì cả những tục lệ không những không còn thích hợp, mà còn gây hại cho đạo mình nữa.

Đọc sách “Tông Đồ Công Vụ” ta thấy thánh Phêrô và thánh Phaolô đã tháo gỡ theo một chiều hướng rõ rệt, đó là đừng làm cho nếp sống đạo trở thành gánh nặng. Thánh Phêrô nói: “Đừng quàng lên cổ lên đầu tín hữu cái ách mà cha ông chúng ta và cả chúng ta đều không có sức mang nổi” (Cv 15,10). Rồi trong thư gởi giáo đoàn Antiokia, các tông đồ cũng đã viết: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định không chất thêm gánh nặng nào cho anh em, trừ vài điều cần kíp” (Cv 15,28).

Cái chiều hướng tháo gỡ mà các tông đồ xưa đã khởi xướng, cũng là chiều hướng tháo gỡ nay Giáo Hội ta đang tiếp nối. Có nhiều cái cần phải tháo gỡ. Nhưng cái đầu mối cần phải kiên trì tháo gỡ hơn hết, thiết tưởng chính là tính kiêu ngạo tế nhị hay len lỏi vào các tư tưởng, các phán đoán, các ước vọng, các việc làm, các thái độ và các lời nói của ta.

Thưa anh chị em,

Phải khiêm nhường nhiều lắm mới biết được thế nào là cởi mở. Phải khiêm nhường nhiều lắm mới đủ can đảm để tháo gỡ chính mình và để chịu tháo gỡ chính mình.

Xin Chúa Thánh Thần, xưa đã hướng dẫn hai thánh Phêrô, Phaolô biết cởi mở, biết tháo gỡ, nay cũng hướng dẫn ta và Hội Thánh của ta biết đi theo chiều hướng đó một cách đúng đắn và can đảm. Amen.

Lễ Thêm Sức 30-06-1985 tại nhà thờ Trái Tim, Năng Gù.


 

Bùi-Tuần 0104: NHỮNG KẺ CÓ ĐẠO KHÔNG TIN 07-07-1985

Long Xuyên 


 

Qua bài Phúc Âm hôm nay, (Chúa Nhật XIV, năm B), ta thấy Chúa: 07-07-1985 Bùi-Tuần 104


Qua bài Phúc Âm hôm nay, (Chúa Nhật XIV, năm B), ta thấy Chúa Giêsu tỏ vẻ buồn phiền khó chịu. Không phải Ngài buồn phiền khó chịu với những người ngoại giáo, nhưng Ngài buồn phiền khó chịu với những người có đạo. Những người này, tất nhiên có tín ngưỡng, hơn nữa, họ rất thông thuộc quê quán, họ hàng thân thuộc của Chúa Giêsu. Thế mà, Phúc Âm gọi họ là những kẻ cứng lòng tin. Và Chúa tránh xa họ.

Khi tôi đem ánh sáng bài Phúc Âm này dọi vào cuộc sống đạo hôm nay, tôi thấy tiếng Chúa nói với tôi không phải từ sách Phúc Âm, mà phát ra từ thực tại. Tôi thấy như Chúa Giêsu đang đi thăm nhiều họ đạo, đang ghé vào các gia đình Công Giáo, đang gặp gỡ các người tín hữu. Thế rồi, Chúa kết luận: Bao người vẫn không tin!

Chúa than trách: Bao kẻ tin Chúa, mà lại vẫn không tin! Nghe lời than trách đó, tôi thấy ngột ngạt. Nhưng khi bình tĩnh xét lại, tôi thấy nhiều người chúng ta có thể giống phần nào những người kể trong Phúc Âm hôm nay.

Thực vậy, nay cũng như xưa, bao người vẫn rất tin Chúa, nhưng đó là một Chúa bị họ đóng khung vào một số hình ảnh vinh quang mà họ ưa thích, chứ thực tế thì họ không mấy tin vào Chúa có thể đến với con người và ở giữa loài người dưới hình thức đơn sơ khiêm tốn.

Nay cũng như xưa, bao người cũng rất tin vào luật đạo, nhưng đó là các luật lệ của họ đề cao, chứ thực tế thì họ không mấy tin vào luật cơ bản mà Phúc Âm đề cao, đó là luật yêu thương.

Nay cũng như xưa, bao người vẫn rất tin vào Hội Thánh, nhưng đó là một Hội Thánh được họ buộc chặt vào những hình thức huy hoàng, hạp với tính tự cao tự đắc của họ, chứ thực tế thì họ không mấy tin rằng Hội Thánh phải là một hiện thân sống động của Chúa Giêsu khó nghèo, hiền lành, khiêm nhường, đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ.

Những sự tôi vừa nói là có thực. Nó đáng làm ta suy nghĩ. Nếu ta biết lo ngại, thì là dấu mừng. Nếu ta coi thường, thì là điều bi đát. Bi đát ở chỗ: Không biết lo ngại, chính là con đường tự phụ có thể dẫn tới muôn vàn tai hại.

Như ta vừa nghe trong Phúc Âm, những người có đạo thời đó đã quá tự phụ với lối sống đạo của mình, nên tiên tri nào dám chê trách họ, thì họ khinh chê và bách hại. Họ quá tự phụ với cách nhìn chủ quan của họ, nên một người nghèo, với những bề ngoài bình dị khiêm tốn như Chúa Giêsu, đã bị họ đánh giá rất thấp. Kết quả sự tự phụ của họ là Chúa xa tránh họ, bởi vì chính họ đã xa tránh con đường khiêm nhu của Chúa.

Thưa anh chị em,

Trong khi tuyên xưng đức tin , chúng ta nói lên một số điều về đạo. Đó chỉ là một số điều căn bản vắn tắt. Mấy điều tôi gợi ý trong bài hôm nay không có trong kinh Tin Kính, nhưng sự thực có trong Phúc Âm. Những điều đó rất cần được hiểu biết và thực hiện tốt, để cứu phần rỗi chính mình ta và giúp xây Hội Thánh của ta.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Chúa giúp cho những người có đạo không tin, được ơn đức tin. Xin Chúa giúp chúng con biết tin vào Chúa, tin vào luật Chúa, tin vào Hội Thánh, theo đúng những nét mà Chúa muốn chúng con tin. Amen.

Nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, ngày 07-07-1985


 

Bùi-Tuần 0105: BƠ VƠ 21-07-1985


Long Xuyên

 

Suy gẫm bài Phúc Âm hôm nay (Chúa nhật XVI QN.B), tôi hơi ngạc: 21-07-1985 Bùi-Tuần 105


Suy gẫm bài Phúc Âm hôm nay (Chúa nhật XVI QN.B), tôi hơi ngạc nhiên. Tôi thấy Chúa Giêsu đặt ra một vấn đề gọi là quan trọng, nhưng Ngài đã không giải quyết vấn đề đặt ra.

Phúc Âm nói là Chúa Giêsu thấy dân chúng bơ vơ như đoàn chiên không người chăn, thì Ngài động lòng thương. Nói thế, tức là Chúa Giêsu đã đặt ra vấn đề thiếu tông đồ lúc đó. Ngài thấy cảnh đoàn chiên thiếu người chăn là đoàn chiên bơ vơ, hoàn cảnh của họ như thế rất đáng thương.

Tôi tự hỏi: Chúa biết thế, sao Chúa không giải quyết vấn đề? Lúc đó, có ai buộc Ngài phải hạn chế số tông đồ vào số 12 đâu? Ngài có quyền và có thể gọi thêm. Không ai cấm cản Ngài. Thế nhưng, Ngài đã tự hạn chế số tông đồ của mình. Ngài biết số đó là số thiếu. Nhưng Ngài để vậy. Phúc Âm không giải thích tại sao. Phúc Âm không cắt nghĩa lý do vì sao Chúa để đoàn chiên bơ vơ.

Nhưng có một điều khác tôi đã thấy trong Phúc Âm, đó là chính các tông đồ cũng cảm thấy bơ vơ như ai. Khi họ thấy giông tố nổi lên, ghe họ sắp chìm, họ cảm thấy bơ vơ sợ hãi, họ đã la lên: Xin cứu chúng con. Chúng con chết mất. Rồi khi Chúa Giêsu bị bắt, họ như kẻ mất hồn, chạy trốn. Từ đó trở đi, bao lần họ đã đóng kín cửa nhà họ lại, không dám ló mặt ra ngoài. Họ cảm thấy bơ vơ sợ hãi. Đến như hai thánh Phêrô, Phaolô là hai chủ chăn cột trụ Giáo Hội, cũng đã có những lúc quá bơ vơ, như để mình chìm vào vực thẳm đau buồn, sợ hãi. Thánh Phêrô có lúc đã muốn trốn khỏi Rôma. Thánh Phaolô có lúc đã muốn được sớm chết đi, để thoát khỏi gánh nặng của mình.

 Thì ra, đoàn chiên có lúc bơ vơ, mà chủ chăn cũng có lúc còn bơ vơ hơn cả đoàn chiên. Chúa Giêsu thấy rõ vấn đề. Nhưng Ngài để vậy. Bởi vì chính Ngài cũng đã không giải quyết vấn đề đó cho chính mình Ngài. Chính Ngài cũng đã có những giờ phút bơ vơ sợ hãi, đến mức độ đổ mồ hôi máu ra, và đến nỗi đã phải thốt lên: “Ôi lạy Chúa Cha, sao Cha nỡ bỏ con!”. Chúa Giêsu mà còn bơ vơ sợ hãi giày vò Ngài, vì chính những đau đớn đó góp phần làm nên giá cứu chuộc nhân loại.

Đến đây thì tôi hiểu phần nào tại sao có những khi Chúa để cho đoàn chiên và chủ chiên gặp những tình trạng đau buồn, bơ vơ sợ hãi. Nếu ta hiểu rằng các thánh tông đồ cũng đã như thế, và Chúa Giêsu cũng đã như thế, thì sự ta chịu sẽ là một sự thông hiệp vào chương trình cứu độ của Chúa, và cũng là một sự thông hiệp bác ái với số phận bao nhiêu người đau khổ.

Chính những lúc như thế, tôi cảm thấy mình sống thánh lễ Misa một cách mãnh liệt và trung thực. Lễ Misa là chính bản thân mình đang được chia sẻ với Chúa Giêsu trên thánh giá, cũng như đang được chia sẻ với vô số đồng bào nghèo khổ bơ vơ sợ hãi. Lòng tin lòng mến lúc bấy giờ được mở rộng một cách bình an hơn bao giờ hết.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang nhìn thấy nhiều đoàn chiên bơ vơ. Ngài cũng đang nhìn thấy nhiều tông đồ bơ vơ. Nhưng Ngài để vậy. Đối với con cái Chúa, thì sự bơ vơ sợ hãi cũng là đòn bẫy đưa ta vào sự gắn bó với Chúa và tình chia sẻ đối với những người đau khổ.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn an ủi những người trong những hoàn cảnh đáng thương. Xin Chúa Thánh Thần ở với chúng ta. Amen.

Long Xuyên 21-07-1985


 

Bùi-Tuần 0106: KHIÊM TỐN SỬA SAI 22-08-1985


Gx Antôn, Kinh Ia

 

Khi đi xe từ Rạch Giá lên Tân Hiệp, và đi ghe từ Tân Hiệp đến kinh I: 22-08-1985 Bùi-Tuần 106


Khi đi xe từ Rạch Giá lên Tân Hiệp, và đi ghe từ Tân Hiệp đến kinh I này, với mục đích đến phục vụ anh chị em, nếu xe và ghe có gặp trục trặc, thì việc đầu tiên chúng tôi phải làm là xem lại xe, xem lại ghe, kiểm tra lại chính ghe chính xe của mình, để tìm xem có gì cần phải sửa lại, cần phải sắp xếp lại không. Nếu tôi không làm như thế, mà trái lại mỗi lần trục trặc, tôi vẫn chủ quan nhất định cho rằng: Trục trặc là do đường, do con kênh chứ xe mình, ghe mình lúc nào cũng rất tốt, tốt 100%, khỏi phải coi lại, thì chắc chắn đó là suy nghĩ không khôn, không sát thực tế, không giúp đưa đến giải quyết tốt.

Tôi đưa ra một sự kiện đơn giản trên đây là để giúp anh chị em hiểu được phần nào sự chúng ta cần phải năng xét lại chính mình một cách nghiêm chỉnh.

Công Đồng Vatican II đã có chủ trương đó. Nhưng trên thực tế, nhiều người Công Giáo và nhiều Giáo Hội địa phương đã không làm theo chủ trương đó một cách nhiệt tình.

Kinh nghiệm lịch sử càng ngày càng cho thấy: Sống Phúc Âm là để phục vụ con người, thế nhưng sự sống Phúc Âm đã gặp trục trặc đó đây trên thế giới. Tìm hiểu lý do tại đâu thì có khuynh hướng cho rằng: Mọi trục trặc điều do bên ngoài gây ra, chứ không do Hội Thánh, không do người Công Giáo. Có khuynh hướng lại cho rằng: Để giải quyết trục trặc, thì trước hết phải tìm lý do ở trong chính Hội Thánh, ở trong chính người Công Giáo.

Tôi thấy dần dần khuynh hướng thứ hai tôi vừa nói đã có lý. Có lý ở chỗ chính Chúa Giêsu khi xuống thế, đã nhắm sửa sai nội bộ tôn giáo như là đầu mối chương trình cứu độ của Ngài. Có lý ở chỗ khuynh hướng tìm sửa sai nội bộ tôn giáo chính là hướng đi của Công Đồng Vatican II.

Trong tinh thần thực tế và khiêm tốn đó Giáo Hội nhờ những trào lưu tiến bộ về thần học, triết học và xã hội, đã và đang tìm uốn nắn lại một số quan điểm tồn tại đã quá lâu đời.

Thí dụ quan điểm về trách nhiệm giết Chúa Giêsu. Trước đây, bao người có đạo vốn quả quyết rằng: Kẻ giết Chúa Giêsu là Giuda, là Philatô, là quân dữ. Chính họ là những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ giết Chúa Giêsu. Thế nhưng mới rồi, nhờ một sự chuyển biến tiến bộ về thần học và Kinh Thánh , Toà Thánh đã nhấn mạnh đến một quan điểm mới, đó là: Kẻ giết Chúa Giêsu là chính tội lỗi chúng ta. Chính chúng ta phạm bao tội lỗi, mới là những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ giết Chúa Giêsu.

Rồi một thí dụ khác về quan điểm qui trách nhiệm trong những vụ một số các vị giám mục, linh mục, tu sĩ hồi xưa đã bỏ Giáo Hội, để lập ra các Giáo Hội Tin Lành, Chính Thống. Trước đây, bao người có đạo vốn quả quyết rằng: Trách nhiệm hoàn toàn do phía ly khai, chứ Giáo Hội mình chẳng có lỗi gì. Thế nhưng nay cũng nhờ một sự chuyển biến tiến bộ về thần học và xã hội học, Giáo Hội Công Giáo đang có những quan điểm khiêm tốn hơn, nhận một phần trách nhiệm là do lỗi của mình.

Từ những quan điểm khiêm tốn đó, đã có nhiều hy vọng hàn gắn lại được những vết thương lịch sử, để có sự đoàn kết yêu thương nhau một cách quảng đại hơn.

Cũng trong tinh thần thực tế và khiêm tốn đó, nhiều Giáo Hội tại địa phương nhờ một số trào lưu tiến bộ trong Hội Thánh, cũng đang xem xét lại thái độ của mình đối với dân tộc của mình, đối với xã hội của mình. Nhiều Giáo Hội, nhất là tại Phi Châu và Nam Mỹ cũng đang cố gắng sửa lại những tồn tại tôn giáo do lịch sử, để người có đạo của họ được an tâm và thanh thản: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc của họ”.

Anh chị em thân mến,

Tôi nói bấy nhiêu với tất cả lòng chân thành tha thiết đối với Chúa và đối với Quê Hương. Tôi mong anh chị em chia sẻ những tư tưởng đó, để cùng góp phần xây dựng một Hội Thánh Việt Nam trong lòng dân tộc Việt Nam mến yêu.

Nguyện Chúa Thánh Thần ở giữa chúng ta và chúc lành cho chúng ta. Amen.

Giáo Xứ Antôn, Kinh Ia ngày 22-08-1985


 

Bùi-Tuần 0107: SÁT THỰC TẾ 21-08-1985


Rạch Giá

 

Cách đây hai mươi lăm năm, tức là năm 1960, nhà thờ Rạch Giá này: 21-08-1985 Bùi-Tuần 107


Cách đây hai mươi lăm năm, tức là năm 1960, nhà thờ Rạch Giá này đã được chọn làm địa điểm cho một giáo hạt của địa phận Long Xuyên mới được thành lập. Cách đây hai mươi lăm năm, giáo hạt Rạch Giá đã được khai sinh không lâu sau ngày khai sinh của địa phận mới Long Xuyên. Từ hai mươi lăm năm nay, cái tên “Giáo hạt Rạch Giá” đã trở thành một tên quen thuộc và trân trọng trong giáo phận Long Xuyên chúng ta.

Những ai ở Rạch Giá lâu năm chắc đã chứng kiến những biến chuyển trong nếp sống đạo từ 25 năm nay. Tôi nói ngay trong nhà thờ ta đây thôi. Đã có thời thánh lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh, hát tiếng La Tinh, bàn thờ thì đặt sát nhà tạm, linh mục làm lễ thì đứng quay lên, giáo dân rước lễ thì phải quì và chỉ được phép rước lễ một lần.

Thế rồi đã có những đổi mới dần dần. Những đổi mới đó đã được thực hiện do tinh thần Công Đồng Vatican II, muốn đạo phải sát với tinh thần dân tộc và với não trạng con người của thế kỷ hiện nay.

Cũng theo tinh thần đó, cách đây 5 năm, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra một Thư Chung, vạch ra cho Giáo Hội Việt Nam một đường hướng sống đạo thích hợp, đó là “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

Có người hỏi tôi: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” là thế nào? Để cắt nghĩa, tôi đã chỉ ra biển mà nói: Dân tộc Việt Nam ta ví như biển cả. Hội Thánh Việt Nam ta ví như con tàu. Con tàu đi được là nhờ có biển, nó phải dựa vào biển, nó phải đi trong biển, nó phải yêu mến và gắn bó với biển. Anh chị em họ đạo Rạch Giá là những người đứng trước biển, chắc dễ hiểu hình ảnh tôi đưa ra.

Hôm nay, khi nhắc đến đường lối “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, tôi muốn khuyên anh chị em hãy có những suy nghĩ tôn giáo càng ngày càng sát với thực tế hơn.

Riêng tôi, khi tôi suy nghĩ về cách sống đạo, bao giờ tôi cũng bám sát ba thực tế sau đây: Thực tế thứ nhất là Phúc Âm, thực tế thứ hai là dân tộc Việt Nam hôm nay, thực tế thứ ba là Công Đồng Vatican II với những phát huy của nó.

Với ba thực tế đó, tôi thấy ta rất có nhiều điều kiện để phụng thờ Chúa, và để phục vụ đồng bào đất nước ta hôm nay một cách an tâm và thanh nhàn.

ĐỂ được thế, tôi thiết nghĩ, cần có một điều quan trọng, đó là sự khiêm tốn. Khiên tốn để nhận biết mình và Giáo Hội mình. Cần phải sửa sai nhiều điều. Khiêm tốn để học hỏi những cái hay của những người không cùng tín ngưỡng như ta. Khiêm tốn trong cái nhìn về mình. Khiêm tốn trong cái nhìn về người khác. Để rồi, càng phải biết khiêm tốn cùng với Chúa Giêsu, phục vụ đồng bào Việt Nam ta, đất nước ta, Tổ Quốc ta.

Khiêm tốn sửa sai, khiêm tốn học hỏi, khiêm tốn phục vụ. Đó là vẻ đẹp của tuổi trẻ. Tuổi 25 là tuổi trẻ. Tôi cầu mong giáo hạt Rạch Giá nói chung và họ đạo Rạch Giá nói riêng, càng ngày càng có nhiều vẻ đẹp tôi vừa nói.

Xin Chúa Thánh Thần thánh hóa lòng khiêm tốn của chúng ta. Xin sửa sai mọi sự trong ngoài chúng con.

Rạch Giá, ngày 21-08-1985


 

Bùi-Tuần 0108: KHIÊM NHƯỜNG 23-08-1985


Ngọc Thạch

 

Một cuộc lễ thường có ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là thời gian: 23-08-1985 Bùi-Tuần 108


Một cuộc lễ thường có ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là thời gian chuẩn bị. Thời gian này có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng. Giai đoạn hai là chính cuộc lễ, thường chỉ diễn tiến trong mấy tiếng đồng hồ, hay một thời gian vắn. Giai đoạn thứ ba là thời gian sau cuộc lễ, với những hậu quả của cuộc lễ. Trong ba giai đoạn đó, thường giai đoạn thứ nhất được coi là quan trọng hơn cả.

Cuôc lễ hôm nay cũng có ba giai đoạn như thế. Và tôi thấy giai đoạn thứ nhất của chúng ta, đúng là một thời gian chuẩn bị rất tốt. Có nhiều lý do đưa tôi tới nhận xét đó. Một trong những lý do đó, là sự chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn mình bằng một tinh thần khiêm tốn, càng ngày càng thuận lợi cho việc lãnh nhận ơn Chúa, càng ngày càng đáp ứng chương trình thanh luyện của Chúa một cách tốt đẹp. Để tinh thần khiêm tốn trở thành một con đường sống đạo thường xuyên, có giá trị cao hơn nữa. Hôm nay, trong mấy phút vắn vỏi này, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy nghĩ của tôi.

Thưa anh chị em,

Nếu ai hỏi tôi: Chúa có thực sự muốn chúng ta khiêm tốn không? Thì tôi xin thưa: Chúa rất muốn. Hơn nữa Chúa truyền dạy, và hiện nay Chúa hối thúc. Có nơi Chúa cũng đang chủ động uốn nắn nhiều tâm hồn Chúa chọn, để nên khiêm nhường hơn theo ý Chúa. Bởi vì khiêm nhường là một điều kiện thiết yếu, để lãnh nhận ơn cứu chuộc. Không thể nào chuẩn chước được điều kiện đó.

Tôi nghĩ rằng: Nếu có ai trong chúng ta may mắn suốt đời chỉ làm điều lành, thì dầu vậy, họ vẫn là kẻ bất toàn về nhiều mặt, vẫn phải đọc kinh “Cáo mình” với tất cả lòng khiêm tốn sâu xa. Phương chi hầu hết chúng ta, là những kẻ rất yếu đuối, rất có giới hạn.

Chúa biết sự yếu đuối của ta. Chúa biết những giới hạn của ta. Và Chúa muốn chính chúng ta phải nhìn nhận rõ tình trạng đó của mình. Mình nhìn rõ mình không dễ lắm đâu!

Bao nhiêu người Pharisêu xưa đã nhìn mình với con mắt chủ quan. Họ cứ tưởng giữ luật đạo với những hình thức tỉ mỉ cặn kẽ, thế là đạo đức. Đang khi đó, vì thiếu khiêm nhường, hay nâng mình lên, hay kết án kẻ khác, nên họ bị Chúa gọi là những người đạo đức giả.

Bao người Do thái xưa cũng đã nhìn mình với con mắt chủ quan. Họ tưởng hễ là dân Chúa thì sẽ được Chúa đối xử đặc biệt hơn người khác. Đang khi đó, vì thiếu khiêm nhường, coi khinh kẻ ngoại giáo, nên họ bị Chúa cảnh cáo rằng: Rồi đây bao dân ngoại từ Phương Đông, Phương Tây sẽ vào Nước Trời, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra.

Rồi chính thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi, xưa cũng đã có lúc nhìn mình với con mắt chủ quan. Ngài tưởng rút gươm ra chém quân dữ, khinh ghét quân dữ, và kết án quân dữ là một việc can đảm phải làm để bênh Chúa, hợp với ý Chúa. Đang khi đó, vì thiếu khiêm nhường đi tới chỗ chối Chúa, lúc đó Ngài mới nhận ra rằng chính Ngài là người yếu đuối cần được Chúa thương cứu chữa. Chính Ngài là kẻ đáng khinh, đáng phải kết án hơn ai hết.

Những sự đã xảy ra nơi giới Pharisêu xưa, nơi nhiều người Do Thái xưa, nơi thánh Phêrô xưa, thực là một thảm kịch. Thảm kịch đó vẫn tái diễn, bởi vì con người khó tránh được cái nhìn chủ quan, do tính tự phụ của mình.

Nhưng để được ơn tha thứ, ơn cứu độ, Chúa đòi ta phải rất khiêm tốn.

Có lúc tôi rất lo âu về chức vụ Giám Mục của tôi. Tôi tự hỏi mình rằng: Tôi ít có dịp gặp gỡ đoàn chiên, ít có dịp giảng dạy, thì đoàn chiên sẽ được ơn cứu độ thế nào? Tôi tự hỏi mình, để rồi lại hỏi lại Chúa, xin Chúa soi sáng cho tôi. Thì tôi thấy thế này: Chúa Giêsu xưa sống cuộc đời trần thế 33 năm. Trong 33 năm, thì 30 năm thinh lặng ở Nagiarét, chỉ có 3 năm đi giảng. Trong 3 năm đi giảng Ngài cũng chẳng đi nhiều lắm, cũng chẳng giảng nhiều lắm. Nhưng các đỉnh cao chót Ngài đi tới để mở ra nguồn ơn cứu độ chan hòa, đó là thánh giá, nơi Ngài đã chấp nhận một sự khiêm nhường tột độ, để minh chứng lòng mến Chúa và yêu thương nhân loại.

Tôi thấy Chúa Giêsu như thế, thì tôi hiểu rằng, Chúa muốn chờ đợi chúng ta một cái gì còn quan trọng hơn bài giảng, hơn các sự gặp gỡ. Cái gì đó chính là sự ta quảng đại, thông hiệp với tâm hồn khiêm tốn của Chúa Giêsu, trong việc phụng thờ Chúa và phục vụ đồng bào ta.

Anh chị em thân mến,

Mỗi khi vào nhà thờ, bái chào Mình Thánh, ta đừng quên nhìn Chúa Giêsu đang nhìn ta. Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể đang ở giữa ta, đang phục vụ ta một cách hết sức âm thầm, hết sức khiêm tốn. Ta hãy xin Chúa giúp ta biết chia sẻ với Ngài, chấp nhận sống khiêm nhường như Ngài, là một sự can đảm rất lớn.

Tôi cảm tạ Chúa vì anh chị em đã hiểu như thế, và đang cố gắng sống như thế. Xin anh chị em cũng vui lòng cầu nguyện cho tôi, và cho con em chúng ta cũng được trung thành theo ơn Chúa gọi, để giai đoạn sau cuộc lễ, trở thành một giai đoạn đầy phúc lành của Chúa. Amen.

Ngọc Thạch, ngày 23-08-1985


 

Bùi-Tuần 0109: CỘNG ĐOÀN ĐỨC ÁI 23-08-1985


- Mc 6,30-34

Tân Hiệp

 

Bài Phúc Âm hôm nay (Xem Chủ Nhật 16 Quanh năm. B) cho ta thấy: 23-08-1985 Bùi-Tuần 109


Bài Phúc Âm hôm nay (Xem Chủ Nhật 16 Quanh năm. B) cho ta thấy một hình ảnh của Hội Thánh. Đoàn chiên đến với chủ chiên. Chủ chiên đến với đoàn chiên. Mỗi người đến đều mang theo mình tất cả con người của mình, như tính tình, tâm tư, những gì đã tốt và những gì chưa thành đạt. Mục đích đến là để chia sẻ tình người, là cùng nhau phát huy cái tốt, là để cùng nhau khắc phục khó khăn. Liên hệ như thế là liên hệ xã hội, liên hệ bình thường. Lối sống đạo như thế của các người tin theo Chúa lúc đó thực đơn sơ. Họ làm thành cộng đoàn. Có thể gọi là cộng đoàn bác ái, vì bác ái phục vụ là sợi dây ràng buộc họ lại với nhau.

Đó là một hình ảnh đẹp. Vì đó là một hình ảnh Hội Thánh mà Chúa Cứu Thế muốn xây dựng. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã nói rõ cái gì được Ngài chọn làm đặc điểm của người thuộc Hội Thánh Ngài. Chúa nói: “Người ta cứ dấu nầy, mà nhận biết các con là môn đệ Cha, là chúng con yêu thương nhau”.

Như thế đã quá rõ. Nếu người Công Giáo nào muốn khoe mình và họ đạo mình tốt, thì nên đem đời sống yêu thương ra mà khoe. Vì đó là cái gì căn bản nhất của đạo. Nếu người Công Giáo nào muốn phát triển đạo, thì ưu tiên nên phát triển đức yêu thương, như gieo rắc tình người, gây dựng sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết phục vụ. Đó là điều đẹp nhất của đạo. Nếu người Công Giáo nào muốn tỏ ra mình mạnh về lập trường tôn giáo, thì nên tỏ ra mạnh về đức bác ái yêu thương, như theo lời Chúa mà phân phát của cải mình cho người nghèo, tha thứ cho kẻ khác, không phải mỗi ngày 7 lần, mà là 70 lần 7. Đó mới là những điểm phải mạnh trong đạo. Nếu ai muốn cộng tác với Chúa Giêsu cứu độ, thì hãy đem các việc bác ái yêu thương của mình, hiệp thông với tình yêu vô biên của Chúa Giêsu. Đó là cách cộng tác chắc chắn đúng.

Càng ngày tôi càng hiểu, tại sao Chúa Giêsu trước giờ chịu nạn, khi nhìn về tương lai Hội Thánh, Chúa đã tỏ ra lo ngại rất nhiều về đặc điểm yêu thương của những người trong Hội Thánh. Ngài đã nhắc đi nhắc lại đến yêu thương hợp nhất. Bởi vì thực tế con người, dù ở đâu, dù sống thời buổi nào, cũng rất dễ lỗi lầm thiếu sót về đức yêu thương.

Xin nhớ điều này, là tình yêu thương nói đây, phải hiểu là tình yêu thương quảng đại và hướng thượng. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu khuyên các tông đồ nên tạm xa giáo dân một thời gian. Tôi thấy điều Chúa dạy là rất tâm lý. Dù đức thương yêu đối với nhau có gắn bó nhiệt tình đến đâu đi nữa, thì mỗi người cũng cần có một thời gian yên tĩnh cần thiết, để tìm lại chính mình, để bồi dưỡng nội tâm, để suy nghĩ cầu nguyện thờ phượng Chúa. Nhờ đó mà tình yêu thương được quân bình, trong sáng và phong phú hơn.

Khi đưa ra những tư tưởng trên đây, tôi nhìn thấy trước mắt tôi một Giáo Hội dang được Chúa thanh luyện. Nhưng chính vì thế mà nhiều người bị giao động, lo lắng không biết phải giữ đạo làm sao, phải giảng đạo thế nào, tôi nghĩ rằng: Nếu ta biết hướng cuộc sống đức tin vào con đường yêu thương bác ái như lời Chúa dạy, thì cuộc sống đạo sẽ thanh thản hơn, sẽ rộng rãi hơn. Trái lại, nếu ta cứ để lòng mình bực bội, bất mãn, cay đắng, lạc lõng trước một cuộc sống đạo có nhiều giới hạn về hình thức, thì e rằng ta sẽ càng ngày càng đi xa tinh thần yêu thương bác ái, là căn bản của đạo, càng ngày càng tự tách mình ra khỏi xã hội. Chúa không muốn như vậy.

Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa là tình yêu. Xin giúp con biết yêu thương đồng bào của con. Xin giúp con biết phục vụ dân tộc của con. Xin giúp con biết xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc của con. Xin giúp Hội Thánh của con thực hiện tốt giới răn yêu thương của Chúa, để mọi người nhìn thấy nơi Hội Thánh Chúa, một hình ảnh yêu thương dễ mến của Chúa, là Đấng giàu lòng thương xót. AMEN.

Nhà thờ Tân Hiệp, chiều ngày 23-08-1985.


 

Bùi-Tuần 0110: ĐỨC TIN TRONG TÂM HỒN KHIÊM TỐN


 - Mt 8,5-11 24-08-1985

Gx Vạn Đồn, Kinh B1,

 

Tôi đã thấy có nhiều người ngoại giáo cầu nguyện với Chúa, và Chúa: 24-08-1985 Bùi-Tuần 110


Tôi đã thấy có nhiều người ngoại giáo cầu nguyện với Chúa, và Chúa đã nghe lời họ. Tôi đã thấy nhiều người có đạo cầu nguyện với Chúa, và Chúa đã không nghe lời họ. Những trường hợp đó có thực. Còn những trường hợp sau đây cũng có thực, đó là có những người ngoại giáo đã tin Chúa với lòng tin rất mạnh, và có những người có đạo tin Chúa với lòng tin quá yếu. Đó là trường hợp ta vừa nghe kể trong bài Phúc Âm hôm nay (xem thứ hai, tuần I mùa vọng). Chúa Giêsu khen lòng tin viên đại đội trưởng ngoại giáo. Chúa nói: “Tôi chưa thấy một lòng tin mạnh như thế này trong dân Israel”.

Dân Israel bấy giờ toàn là dân có đạo. Họ thường giữ đạo với những luật rất tỉ mỉ. Họ đấu tranh cho luật đạo một cách can đảm. Xét bề ngoài, họ đáng được khen là có lòng tin mạnh mẽ. Nhưng không, Chúa Giêsu đã không khen họ. Ngài nhìn thấu suốt mọi lòng người. Ngài thấy dưới nếp sống đạo đó không có lòng tin đáng khen.

Nếu lúc này, Chúa Giêsu hiện ra, đứng trước chúng ta, nhìn thẳng vào từng người chúng ta, để phê phán lòng tin của chúng ta, liệu Ngài có khen lòng tin của chúng ta không? Hay là Ngài lại đề cao lòng tin của một người nào đó ta không ngờ chăng? Điều đó, tôi không biết được.

Nhưng có một điều tôi biết chắc và muốn nói thực ở đây với anh chị em, đó là đức tin được mạnh chính khi ta tìm Chúa trong cảm thức mình đang rất yếu đuối.

Viên đại đội trưởng trong Phúc Âm hôm nay đã tìm đến Chúa, đã nói với Chúa trong tâm tình một kẻ nhận biết mình hèn mọn. Chính lúc đó, lòng tin của ông trở nên mạnh mẽ. Tôi cũng thấy như vậy. Có những lúc tôi thấy mình trơ trọi với những lo âu, với những đớn đau, tôi có cảm tưởng như mình bị treo lên lơ lửng, đầu không chạm trời, chân không chạm đất. Chính lúc yếu đuối đó, tôi nhìn về Chúa, tin Chúa, và tôi thấy Chúa gần tôi hơn bao giờ hết. Những trường hợp như thế giúp tôi hiểu một cách thấm thía lời thánh Phaolô: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”.

Chúng ta biết các cây và các hạt giống, nếu được ươm trồng ở đất tương đối mềm, sẽ dễ trổ sinh tươi tốt. Tương tự cũng thế. Ơn đức tin là hạt giống, là cây trồng, nếu gặp được tâm hồn khiêm tốn như đất mềm, sẽ dễ ăn rễ và lớn lên tươi tốt, sinh hoa kết quả.

Mỗi người chúng ta đều có những điều kiện để khiên tốn: Thiếu thốn về của cải, bé nhỏ về địa vị, hèn mọn về tài đức, mong manh về số phận. Trong những hoàn cảnh đó, ta tìm về Chúa, ta nhìn lên Chúa, ta tin vào Chúa là Cha toàn năng giàu lòng thương xót.

Viên đại đội trưởng ngoại đạo đã chẳng vị vào công trạng của mình, để nài xin Chúa. Ông chỉ có niềm tin chân thành khiêm tốn. Ông tin là Chúa có quyền phép và có lòng thương. Thái độ đó đã đẹp lòng Chúa.

Ta cũng hãy đến với Chúa như vậy. Ta nên cố gắng loại trừ khỏi lòng dạ những tâm tình tự coi mình là đạo đức hơn kẻ khác. Ta nên để ý tập cho mình có thói quen biết kính trọng kẻ khác. Sự kính trọng đồng bào, kính trọng chính quyền, kính trọng những người không cùng tin tưởng như ta. Đó cũng là những yêu cầu của một lòng khiêm tốn, nuôi dưỡng đức tin. Ta phải cảnh giác, đừng để mình buồn khi thấy kẻ khác được hơn ta. Những tâm tình nhỏ hẹp và kiêu căng như thế sẽ cản trở đức tin và cũng sẽ cản trở việc xây dựng ích chung xã hội: Ta nên nhớ lời Chúa dạy: “Ai đưa mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Con là kẻ yếu đuối hèn mọn. Chúa là Đấng quyền năng, giầu tình thương xót. Xin thương xót chúng con. Xin cho con được gặp Chúa, được biết cảm tạ Chúa, vì ơn đức tin đã ban cho con. Amen.

Xứ Vạn Đồn, Kinh B1, ngày 24-08-1985.


 

Bùi-Tuần 0111: THANH LUYỆN 25-08-1985


- Mt 24,42-51

Bò Ót

 

Nghe bài Phúc Âm hôm nay (xem thứ năm 21QN), có thể có người: 25-08-1985 Bùi-Tuần 111


Nghe bài Phúc Âm hôm nay (xem thứ năm 21QN), có thể có người sẽ nói: Chuyện gì Chúa nói sẽ xảy ra sau này, thì cứ để sau này sẽ tính. Hôm nay trời vẫn đẹp và hy vọng càng ngày càng đẹp, đất vẫn tốt và hy vọng càng ngày càng tốt. Thế thì có gì mà phải lo, để rồi phải đặt vấn đề tỉnh thức và cầu nguyện!

Nếu nói như vậy, thì tôi e rằng không hợp lý. Bởi vì, điều Chúa muốn dạy ở đây là việc thanh luyện bản thân. Mà thanh luyện bản thân là vấn đề thời sự mỗi ngày. Nó là một yêu cầu bức thiết thường xuyên của ơn gọi làm con Thiên Chúa.

Quan sát quá trình thanh luyện dân Chúa, ta thấy Chúa đã dùng những phương pháp rất khoa học. Thí dụ sự giảng khuyên, sự nêu lên những gương sáng, sự khen thưởng, sự răn đe, sự sửa phạt. Có khi những người của Giáo Hội tự ý thanh luyện mình. Có khi chính Chúa chủ động thanh luyện họ. Hoặc bằng cách êm đềm, hoặc bằng cách đau đớn. Cũng có khi Chúa dùng sự nọ sự kia xảy ra, đụng mạnh đến họ, gây ra những sức ép có tác động cảnh cáo và uốn nắn họ. Đó cũng là trường hợp Phúc Âm nói tới hôm nay.

Thanh luyện là vấn đề thường xuyên đặt ra trong đạo. Nhưng nó đã trở thành một vấn đề được nhấn mạnh một cách hết sức khẩn trương, từ khi Công Đồng Vaticăng II đưa ra quyết tâm canh tân Giáo Hội.

Nhìn lại hai mươi năm qua, ta thấy đã có nhiều kết quả tốt. Thí dụ có sự kính trọng hơn đối với các giá trị trần thế, đã có sự khiêm tốn hơn đối với các tôn giáo bạn và sự vô tín ngưỡng, đã có thích ứng hơn trong phụng vụ, đã có sự dễ dàng hơn trong các bí tích, bí tích Hôn Nhân và Mình Thánh, đã có sự cởi mở hơn trong việc để cho giáo dân tham gia các việc của Hội Thánh.

Tuy nhiên, chuyển biến tốt vẫn chưa đều, chưa đủ. Phải nói thực là chúng ta còn cần phải thanh luyện. Vẫn còn nhiều vướng vít làm cho bao người có đạo, và người hoạt động tôn giáo chưa thực sự sống mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Phục Sinh. Vẫn còn nhiều trăn trở làm cho ta chưa được là: “Dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp nhất với Chúa, và hiệp nhất với con người hôm nay”. Những vướng vít, những trăn trở là một số não trạng nào đó, là một số thói quen nào đó, là một số yếu đuối nào đó.

Đang khi ấy, vì chương trình cứu độ, Chúa hối thúc công việc thanh luyện Giáo Hội, phải sao cho trung thực hơn, mau lẹ hơn.

Chính vì nhận thức như thế, nên thú thật với anh chị em là, tôi nhìn lại sự đang xảy ra trên thế giới, như cũng có ý nghĩa hối thúc Chúa. Thí dụ khi thấy những phê phán gay gắt của nhiều trào lưu tư tưởng đối nghịch với giáo lý Công Giáo, tôi tự hỏi: Phải chăng Chúa muốn nội dung giáo lý, cũng như cách dạy giáo lý cũng cần được thanh luyện, để căn bản Phúc Âm được trong sáng hơn, sát thực tế cuộc sống con người Việt Nam hôm nay hơn. Rồi thí dụ, khi thấy số linh mục bớt dần đi, bớt nổi nang hơn, nhưng lại vất vả hơn, tôi tự hỏi phải chăng Chúa muốn thanh luyện các linh mục, các giám mục và cách phục vụ của họ đạo, để họ càng có khả năng gần Chúa hơn, và càng có dịp chia sẻ với thực tế cuộc sống con người hôm nay hơn.

Anh chị em thân mến,

Trong mọi suy nghĩ về việc thanh luyện bản thân và địa phận, tôi cầu nguyện và tìm ý Chúa trong Kinh Thánh, trong Công Đồng,trong thực tại cuộc sống cụ thể hôm nay, và trong những chia sẻ ý kiến của nhiều tâm hồn có hiểu biết. Vì thế, thanh luyện là trở về với Phúc Âm, đồng thời cũng là thích ứng với thực tại. Đó cũng là ý nghĩa của chủ trương: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Con tin rằng Chúa đang thanh luyện Giáo Hội Việt Nam với tất cả lòng yêu thương. Con nhìn thấy một lễ Hiện Xuống mới, đang tràn vào các linh hồn Chúa chọn. Con cảm tạ và ngợi khen Chúa. Con chúc tụng lòng thương xót Chúa đến muôn đời. Amen.

Nhà thờ Bò Ót, Thới Thuận, ngày 25-08-1985


 

Bùi-Tuần 0112: MẪU NGƯỜI MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI 01-09-1985


Lễ các thánh tử đạo Việt Nam Long Xuyên

 

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là mừng: 01-09-1985 Bùi-Tuần 112


Hôm nay Giáo Hội mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là mừng chứng nhân đáng mến của Phúc Âm. Mai là lễ Quốc Khánh, một kỷ niệm lớn đầy vinh quang tự hào của dân tộc. Một lễ nhắc tới Phúc Âm. Một lễ nhắc tới dân tộc. Vì thế, hai lễ này gợi cho tôi một câu nổi danh của Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”. Câu đó được coi là đường hướng sống đạo của Hội Thánh Việt Nam. Câu đó được coi là giáo lý thu hẹp của người Công Giáo Việt Nam hôm nay.

Trong bài giảng vắn tắt này, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy nghĩ của tôi, về tinh thần câu: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

Anh chị em thân mến,

Nội dung cả cuốn Phúc Âm tóm lại 2 điều: Một là mến Chúa, hai là yêu người.

Có lần tôi hỏi: Tìm đâu ra mẫu người mến Chúa yêu người. Thì có người chỉ lên bàn thờ Chúa mà nói: Ai năng đi lễ đọc kinh, năng học hỏi về Chúa, đó là mẫu kẻ mến Chúa, và cũng là mẫu kẻ yêu người. Bởi vì, thờ phượng Chúa, lo việc Chúa, tất nhiên là những việc nói lên lòng mến Chúa, nhưng những việc đó cũng có tính cách cầu nguyện cho kẻ khác, phục vụ kẻ khác. Phục vụ kẻ khác nên cũng phải được coi là những việc yêu người.

Nhưng có người lại nghĩ khác: Họ chỉ vào người ta mà nói: Ai yêu thương con người, năng giúp đỡ đồng bào, giữ công bình bác ái với người chung quanh, tích cực phục vụ xã hội, Tổ Quốc. Đó là mẫu kẻ yêu người và đồng thời cũng là mẫu kẻ mến Chúa. Bởi vì, những việc đó nói lên lòng yêu người, nhưng cũng có nhiều khả năng làm chứng lòng mến Chúa đích thực, như thánh Gioan tông đồ đã dạy.

Như thế là có hai chủ trương. Chủ trương thứ nhất đề cao việc thờ phượng Chúa. Chủ trương thứ hai đề cao việc yêu thương con người. Không rõ anh chị em nghĩ thế nào, về hai chủ trương nói trên. Theo tôi thì cả hai chủ trương đều tốt. Nhưng chủ trương thứ hai tốt hơn. Và nếu hai chủ trương bổ túc cho nhau theo một mức độ hợp lý, thì sẽ thành một chủ trương tốt nhất.

Bổ túc cho nhau theo một mức độ hợp lý, có nghĩa là phải biết sắp xếp. Thí dụ, một ngày có hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Nếu ta dành ra một thời gian vắn chừng mười lăm phút, hoặc nửa giờ mà thôi, để đọc kinh chiều hôm sớm mai, để đọc một trang Kinh Thánh, chủ ý thờ phượng Chúa một cách đặc biệt, còn hai mươi ba tiếng rưỡi nữa, sẽ dành cho việc phục vụ gia đình, phục vụ xã hội và các việc khác, thì thiết tưởng đó là một phương thức sống Phúc Âm có thể tạm gọi là hợp lý.

Rồi thí dụ, một tuần lễ có 168 tiếng đồng hồ. Nếu ta dành ra một thời gian vắn khoảng hai tiếng mà thôi, để đến nhà thờ dự lễ đọc kinh, nghe giảng, chủ ý thờ phượng Chúa một cách đặc biệt, còn 166 tiếng đồng hồ nữa sẽ dành cho việc gia đình, việc xã hội và các việc khác, thì thiết tưởng đó cũng là một phương thức sống Phúc Âm có thể gọi là hợp lý. Bởi lẽ chính vì ta đặt nặng việc phục vụ con người trong đời sống Phúc Âm, nên ta dành hầu hết thời gian cho việc đó, còn thời giờ dành cho kinh lễ rất là giới hạn, và thời giờ vắn vỏi này thực sự cũng lại là thời giờ bồi dưỡng nội tâm ta, giúp ta được an ổn tâm hồn, được nghị lực thêm, để càng phục vụ xã hội một cách tốt hơn nữa.

Trong việc sắp xếp, tôi thường theo hai nhận định sau đây:

Một là cái tốt, cái hay nếu kéo dài quá mức cần thiết, sẽ trở thành cái không tốt, cái không hay. Vì thế, tôi vẫn khuyên các họ đạo hãy sắp xếp các sinh hoạt tôn giáo sau cho vắn gọn. Nhưng sự vắn gọn cũng phải trong mức độ hợp lý hợp tình, kẻo gây nên hậu quả không tốt.

Hai là cái tốt cái hay, nếu không thể hiện được đúng lúc, sẽ không còn gọi được là tốt, là hay. Vậy, lúc này là lúc rất cần thể hiện đời sống Phúc Âm qua những đức tính xã hội, qua việc yêu thương phục vụ con người. Nếu không thể hiện được, hoặc không muốn thể hiện, thì ta đừng nên trách bất cứ ai, nếu họ khi nhìn cách ta sống, vẫn không nhận ra Phúc Âm là hay là tốt.

Anh chị em thân mến,

Trong niềm tự hào chung của cả nước, và với tinh thần “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, chúng ta giờ đây nghĩ tới những vị đã có công dựng nước, nghĩ tới chính quyền của ta, nghĩ tới tất cả đồng bào của ta, nghĩ tới các người đã đổ máu mình ra để góp phần xây dựng Hội Thánh Việt Nam. Nghĩ tới để cảm mến, để cảm ơn, để gắn bó. Ta sốt sắng cầu nguyện cho Tổ Quốc ta được bình an thịnh vượng, cho mọi tín hữu được sống đức tin một cách trong sáng, cho chính chúng ta được luôn luôn là người hữu ích cho Tổ Quốc và cho Hội Thánh. Lạy Chúa, xin ở giữa chúng con. Xin các thánh tử đạo Việt Nam phù trợ chúng con. Amen.

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam, ngày 01-09-1985 tại Long Xuyên


 

Bùi-Tuần 0113: LO ÂU 20-10-1985


Định Mỹ

 

Bài Phúc Âm hôm nay (Mc 13,13) gợi ý cho tôi nhìn về một tâm: 20-10-1985  Bùi-Tuần 113


Bài Phúc Âm hôm nay (Mc 13,13) gợi ý cho tôi nhìn về một tâm trạng khá thông thường của mỗi người chúng ta, đó là sự lo âu. Tôi nhìn thấy những chuyện xảy ra ở mặt trời, mặt trăng, các vì sao, trên núi, dưới biển, thường ít khi làm cho ta lo âu. Trái lại, cái làm cho ta lo âu nhiều chính là những gì thường ngày đụng tới đời sống của ta. Thí dụ, nạn nghèo túng, nạn suy dinh dưỡng, nạn mòn mỏi, những đe dọa mất mùa, những đe dọa bệnh tật, những đe dọa chiến tranh... Đó là những sự làm ta lo âu không ít.

Lo âu là những phản ứng bình thường. Nó là dấu chỉ mang ý nghĩa báo động của những sự sống ý thức có bản năng tự vệ. Có lo âu, con người mới tìm đối phó, mới tìm khắc phục.

Trong những tình huống như thế, mỗi người chúng ta, dù lớn, dù nhỏ, đều tìm giải quyết cách nào mình cho là hữu hiệu nhất. Thí dụ đói thì lo ăn. Không sẵn của ăn thì lo làm ra, lo tìm kiếm. Tự mình không được, thì đi xin đi mượn. Có việc tự mình lo lấy được. Có việc ta phải nhờ người khác cùng lo. Đối với người có tín ngưỡng, thì đang khi mình tự lo lấy, hoặc nhờ người khác cùng lo, ta cũng thường cầu xin cậy trông ơn Chúa giúp đỡ. Ta làm việc đó một cách tự nhiên, theo một bản tính đã được đức tin soi sáng cho biết, Chúa quyền năng và hay thương xót, có thể giải đáp cho những giới hạn vô vàn của ta.

Thế rồi, khi nghĩ đến những gì sẽ xảy ra cho tôi, và cho những người thân của tôi sau cái chết tất nhiên phải đến, tôi cũng thấy lo âu rất nhiều. Tôi muốn đừng lo âu. Nhưng trong những việc quan trọng, thiết tưởng lo âu vẫn tốt hơn là không lo âu. Lo âu trước cái chết, cũng là một phản ứng nhân bản của một bản năng, muốn tìm về hạnh phúc trường sinh.

Trong việc tìm giải quyết thứ lo âu này, tôi không hoàn toàn tự mình làm được, tôi cũng không hoàn toàn nhờ vào người khác làm giúp tôi được, mà dứt khoát tôi phải cậy trông vào Chúa. Tôi tin chắc chắn, chính Chúa nắm giữ vận mạng của tôi, một vận mạng được thử thách, được xây dựng ở đời này, nhưng chỉ được thực sự kết luận ở đời sau. Tôi tin cậy Chúa. Tôi coi niềm tin cậy đó là một ơn huệ quí giá Chúa ban. Niềm tin cậy này là nguồn an ủi lớn lao, là cái phao bảo đảm để tôi bám vào, khi băng qua sự chết mà về đời sau.

Phúc Âm hôm nay khuyên dạy những kẻ tin cậy Chúa hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Hiểu một cách đơn giản, thì tỉnh thức là hãy cố gắng làm hết sức mình để tránh tội lỗi, để làm việc lành. Cầu nguyện là hãy năng gặp gỡ Chúa trong tinh thần thờ phượng, cảm tạ, thống hối và cầu xin sự tốt lành cho kẻ khác.

Anh chị em thân mến,

Đời sau bắt đầu ngay từ đời này. Nhưng đời này không dẫn tới đời sau theo một quy luật nhiều người tưởng nghĩ. Chúa Giêsu có lần đã nói: Rồi đây, nhiều dân từ phương đông phương tây sẽ được vào nước Chúa. Đang khi đó vô số con cái trong nhà sẽ bị loại ra. Lời Chúa phán đó cảnh cáo những người có đạo đừng tự phụ tự đắc với vốn liếng đạo đức của mình. Lời cảnh cáo đó khuyên giục ta phải khiêm tốn rất nhiều trong cái nhìn về mình và trong mọi phán đoán về kẻ khác. Kẻ ngoại khiêm tốn sẽ được Chúa ban cho niềm tin cậy vào phút chót, để họ vào Thiên Đàng. Còn kẻ có đạo kiêu căng, đã làm hư hỏng đức tin cậy ngay trong quá trình cuộc sống, sẽ bị loại ra ngoài. Lời Chúa Giêsu cảnh cáo rất đáng ta lo âu.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin thương thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi sự xấu làm lụi tàn đức tin cậy. Con cầu xin Chúa thương cho mọi người đều được lên Thiên Đàng. Con cầu xin Chúa thương đến những kẻ bất xứng nhất, trong đó có con, được ơn cậy tin vững bền vào lòng thương xót Chúa.

Lạy Chúa con cảm tạ Chúa. Amen.

Nhà thờ Định Mỹ, ngày 20-10-1985.


 

Bùi-Tuần 0114: ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI NGHÈO 24-10-1985


Lễ an táng bà cố ĐC Bùi Tuần - Maria Vũ thị Tần Chí Hoà, TP.HCM

 

Nếu có ai tương rằng: Mẹ tôi là một người xuất thân từ một dòng: 24-10-1985 Bùi-Tuần 114


Nếu có ai tưởng rằng: Mẹ tôi là một người xuất thân từ một dòng tộc có tiếng, thì tôi xin thưa: Dòng tộc mẹ tôi chỉ là những người nông dân lam lũ. Nếu có ai tưởng rằng mẹ tôi là một người có học, thì tôi xin thưa: Mẹ tôi không biết đọc, không biết viết. Nếu ai có tưởng rằng: Mẹ tôi là người thông hiểu sâu rộng về đạo, thì tôi xin thưa: Mẹ tôi là một người chỉ biết sống đạo một cách đơn sơ, với một đức tin đơn sơ. Đức tin đơn sơ này đã là sợi dây trắng,đẹp, bền vững, xuyên dài suốt cuộc đời 85 năm của mẹ tôi.

Thực vậy, mẹ tôi đã sống qua nhiều chặng đường lịch sử rất khác nhau, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, đức tin của mẹ tôi vẫn lặng lẽ lớn lên như hạt cải âm thầm mà Phúc Âm đã nói.

Mẹ tôi đã trải qua nhiều trạng thái sức khỏe khác nhau: Lúc thoải mái dễ chịu, lúc mệt mỏi liệt lào. Nhưng trong bất cứ tình trạng nào, đức tin của mẹ tôi vẫn được mẹ tôi yêu quí như một kho tàng rất châu báu, mà Chúa Giêsu đã nói là phải đổi lấy bằng tất cả gia sản của mình.

Tôi gọi đức tin của mẹ tôi là đức tin của người nghèo.

Đó là một niềm tin hồn nhiên. Niềm tin này không trích dẫn sách vở, không suy diễn bằng những luận cứ cao siêu, không phân tích và tổng hợp để kết luận thành công thức. Nhưng niềm tin này là một giải đáp thiết tha cho nhu cầu cơ bản của thực tại cuộc sống bản thân mình.

Mình hiểu biết bản thân mình mong manh, nghèo hèn, nên tìm về Chúa là Đấng tạo dựng nên mình. Mình hiểu bản thân mình rất yếu đuối, nên nhìn lên Chúa, cầu xin với Chúa. Chúa là Cha nhân từ giàu lòng thương xót. Mình là con Ngài. Cha thì thương con. Con thì tin Cha. Cha ở bên con. Cha dắt dìu con. Con thì phó thác nơi Cha, cậy trông Cha, gắn bó với Cha. Có một cái gì gần gũi. Có một cái gì thân mật. Rất là sống động. Rất là hồn nhiên. Rất là tha thiết. Sống với Chúa trong tình gia đình. Sống với Chúa trong tâm tư cảm tạ dạt dào. Sống với Chúa trong cái nhìn kính trọng và thân thương đối với gia đình, bạn hữu, bà con, đồng bào.

Đức tin của người nghèo đơn sơ là như thế. Chỉ bấy nhiêu thôi. Chỉ ngần ấy thôi. Nhưng chính là một ân huệ của Chúa. Nhờ đó người nghèo gặp được Chúa, thấy Chúa có mặt trong đời mình, đồng hành với mình trong mọi cảnh huống.

Đức tin như thế của người nghèo là một sức sống ấm áp nhẹ nhàng và thanh thản. Đó thực đúng là một Tin Mừng, Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã rao giảng cho người nghèo khó. Tôi thấy như vậy ở mẹ tôi.

Tôi xin phép kể ra đây một chi tiết. Ngay từ hồi còn bé nhỏ, mẹ tôi đã nhiều lần thuật lại cho chúng tôi nghe về một sự mẹ tôi đã thấy. Theo lời mẹ tôi thuật lại thì tối hôm đó, khi gia đình đọc kinh chung xong, mẹ tôi còn thầm thỉ đọc kinh riêng một mình. Bỗng mẹ tôi thấy xuất hiện trong phòng mình một cây nến sáng. Thấy thế, mẹ tôi sợ quá, nhất là sợ cây nến có thể làm cháy cổ mùng giường mẹ tôi. Trong lúc còn đang lúng túng như thế, thì mẹ tôi thấy một người trong phẩm phục Giám Mục bước tới đứng bên cạnh cây đèn cầy và bắt đầu giảng. Thấy vậy, mẹ tôi rất bàng hoàng. Và phản ứng tự nhiên của Mẹ tôi khi bối rối như vậy là cầu nguyện với Đức Mẹ. Bỗng mẹ tôi thấy Đức Mẹ từ trên cao đi xuống, rồi dừng lại đứng bên vị Giám Mục đó, nhưng hơi nhích về phía sau. Thấy vậy mẹ tôi mừng rỡ quá sức. Rồi một lát sau, tất cả đều biến đi. Hồi đó, mẹ tôi chưa tới 30 tuổi.

Chuyện trên đây, mẹ tôi kể đi kể lại ngay từ khi chúng tôi còn bé nhỏ, và lần nào cũng thế, mẹ tôi cũng kể lại một cách đơn sơ như một người ghi nhận sự việc đã xảy ra, chứ không suy nghĩ phức tạp, không mơ ước cao xa không kết luận gì. Mẹ tôi chỉ có ý nghĩ đơn giản này là: “Có Chúa ở bên mình. Có Chúa trong cuộc sống mình. Có Đức Mẹ cầu bầu che chở cho mình”.

Tôi thấy nhờ niềm tin đơn sơ đó, và trong niềm tin đơn sơ đó, mẹ tôi hầu như suốt cả đời đã được bình an trong tâm hồn, và trở thành có ích cho bao người chung quanh.

Giờ đây, chắc mẹ tôi đang thấy rõ một cách sáng lạn. “Có Chúa ở bên mình. Có Chúa trong cuộc đời mình. Có Đức Mẹ thương yêu mình”. Đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Mẹ tôi nghèo, chết đi, không để lại gì, ngoài những người con. Chúng tôi tiếp tục chia sẻ niềm tin của mẹ tôi. Đó là niềm tin của người nghèo.

Với niềm tin đó, tôi thân ái xin quí vị và anh chị em nhớ đến mẹ chúng tôi, nhớ đến chúng tôi trong lời cầu nguyện.

Cũng với niềm tin đó, tôi xin hết lòng cảm ơn quí vị và anh chị em. Xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót, ban tràn đầy ơn cứu độ cho linh hồn Maria và cho tất cả chúng ta. Amen.

Lễ an táng bà cố Maria Vũ thị Tần, tại nhà thờ Chí Hoà, thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 24-10-1985.


 

Bùi-Tuần 0115: BA YẾU TỐ ĐỂ TIẾN TRIỂN 24-11-1985


Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập giáo phận Long Xuyên Long Xuyên

 

Hôm nay là ngày 24 tháng 11 năm 1985. Đây là một ngày có ý nghĩa: 24-11-1985 Bùi-Tuần 115


Hôm nay là ngày 24 tháng 11 năm 1985. Đây là một ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với giáo phận Long Xuyên chúng ta. Bởi vì theo lịch sử đạo Công Giáo tại Việt Nam, thì giáo phận Long Xuyên được thành lập ngày 24-11-1960. Từ đó đến nay là chẵn 25 năm. Như thế, hôm nay là ngày kỷ niệm 25 năm thành lập giáo phận Long Xuyên, đồng thời cũng là Ngân Khánh Giám Mục Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Giám Mục chánh tòa Long Xuyên.

Một địa phận mới 25 tuổi, thì lịch sử của nó rất đơn giản và khiêm tốn. Khi nhìn giáo phận để nhận định những yếu tố làm nên sự tiến triển, tôi ít để ý đến số họ đạo, số nhà thờ, số giáo dân, số linh mục và số tu sĩ. Bởi vì tôi nghĩ rằng: Những thống kê nếu là một ngôn ngữ thích hợp để nói lên tình hình xã hội, thì nó lại rất yếu để nói lên thực trạng tinh thần tôn giáo. Tôi cũng ít để ý đến tình hình tổ chức và sinh hoạt tôn giáo. Bởi vì tôi nghĩ rằng những thứ đó nhiều khi có khả năng làm lợi cho tôn giáo nhưng rất nhiều khi cũng có khả năng làm hại cho tôn giáo. Bao lần, sự tự hào về những hình thức bề ngoài đã phải trả bằng những giá đau đớn, mà kết quả chỉ là để đổi lấy một nếp sống đạo nặng về vỏ, mà trong thì rỗng. Cho nên tôi thường để ý nhiều đến một số yếu tố, mà tôi cho là quan trọng, để đưa một họ đạo, một giáo phận đi lên.

1.- Yếu tố thứ nhất là khiêm tốn giữ cho tôn giáo mình luôn đứng vào đúng chỗ của mình, đó là phục vụ đồng bào.

Phục vụ một cách nhiệt tình, chân thành và khiêm tốn. Phục vụ bằng mọi khả năng có thể. Phục vụ tất cả đồng bào, không phân biệt lương giáo, có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng. Phục vụ với mục đích góp phần xây dựng hạnh phúc cho đồng bào. Có thế thôi. không có hậu ý nào cả. Phục vụ không để tìm tạo dựng thế lực, tạo dựng thanh thế. Phục vụ một cách vị tha như thế đòi phải sẵn sàng chấp nhận nhiều sự từ bỏ, kể cả từ bỏ tự ái, uy tín và sự sống của mình. Phục vụ như thế là đúng Phúc Âm, là đúng điều Chúa dạy. Nếu thế, thì một giáo xứ, một giáo phận chỉ có cách là phải làm đúng như thế mới đáng được Chúa bảo vệ, chỉ có cách làm đúng như thế mới được gọi là có giá trị phát triển thực sự. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, với yếu tố đó, Hội Thánh vẫn phát triển thực sự.

2.- Yếu tố thứ hai là sáng suốt hòa nhập đức tin vào cuộc sống của dân tộc mình.

Để dể hiểu, đôi khi tôi đưa ra ví dụ này: Tôi ví dụ người có đạo như cây lúa, dân tộc như cánh đồng. Cây lúa sống và lớn lên trong cánh đồng và nhờ cánh đồng. Để sống, nó phải yêu mến cánh đồng, dù nó muốn là giống lúa nào đi nữa. Ý nghĩa tồn tại của nó vượt khỏi bản thân nó. Tương tự như thế, một người có đạo, một giáo phận, nếu đứng ngoài lề xã hội sẽ tự hủy diệt chính mình. Xưa Chúa Giêsu đã là một công dân trọn vẹn của xã hội Do Thái. Và như thế, đức tin mới gặp được đông đảo tha nhân. Tin Mừng cứu độ mới tới được khắp nơi, khắp chốn.

3.- Yếu tố thứ ba là sự can đảm thức thời theo đà tiến của lịch sử.

Lịch sử không đứng nguyên một chỗ. Nó đòi người có đạo phải tỉnh táo, để vừa bảo toàn những cái cốt lõi của đạo, vừa đào thải những gì không còn thích hợp nữa. Sự gạn lọc từ tư tưởng, khuynh hướng, cho đến thói quen, không phải là một sớm một chiều là xong. Nhưng nếu ta chủ động và kiên trì, thì thời gian gạn lọc sẽ vắn lại, và đạo sẽ mau trong sáng. Lịch sử cứu độ là một hành trình của ơn thánh, xuyên qua lịch sử nhân loại, nên nhân loại có những suy nghĩ mới, có nền văn hóa mới, thì lịch sử cứu độ phải đồng hành một cách tế nhị và can đảm với bước đi của lịch sử. Có như thế, mới đồng hành được, mới phục vụ được. Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở ta yếu tố đó.

Ba yếu tố tôi vừa nói trên đây, có thể coi như là ba dòng sông thuận lợi để chuyên chở đức tin, đức cậy và đức mến vào khắp các tâm hồn thiện chí, mà sự cầu nguyện, lời Chúa và Bí Tích sẽ đi sâu vào. Đâu có ba dòng sông này là đấy có những dấu chỉ chắc chắn về sự phát triển tinh thần của Thiên Chúa Giáo.

Nhìn giáo phận Long Xuyên, tôi thấy có ba yếu tố đó. Có chỗ nhiều, có chỗ ít. Có nơi mạnh, có nơi còn yếu. Nhưng nói chung, thì những mặt tích cực trổi vượt hơn những mặt tiêu cực. Vì thế mà tôi thấy chúng ta có quyền lạc quan và tin tưởng.

Hôm nay, mừng kỷ niệm hai mươi lăm năm thành lập giáo phận, chúng ta vui mừng và cầu nguyện cho tất cả những người đã có công trong việc xây dựng giáo phận và Tòa Giám Mục, đặc biệt là Đức Cha chánh của chúng ta, sau đó là Cha Sở họ đạo Long Xuyên chúng ta. Chúng ta tiếp tục nâng đỡ nhau, để mọi người đều biết sống tốt đời đẹp đạo, trong tinh thần đoàn kết thắm thiết đời đạo, thực hiện đúng phương hướng mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã vạch ra cho chúng ta, là: “ Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

Lạy Chúa Giêsu Vua, Xin ở giữa chúng con, Xin hướng dẫn chúng con, Xin che chở chúng con, Xin ban phước lành cho chúng con. Amen.
Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập giáo phận Long Xuyên tại nhà thờ chính tòa Long Xuyên, ngày24-11-1985.


 

Bùi-Tuần 0116: BỐI RỐI LO SỢ 07-12-1985


Mỹ Luông

 

Hằng ngày tôi vẫn đọc kinh Kính Mừng, trong đó tôi nhắc lại lời Thiên: 07-12-1985 Bùi-Tuần 116


Hằng ngày tôi vẫn đọc kinh Kính Mừng, trong đó tôi nhắc lại lời Thiên Thần chào kính Đức Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”.

Có lúc tôi nghĩ rằng: Một người đã được Thiên Thần Chúa xác nhận là đầy ơn phúc, hẳn phải là người đầy đủ lắm đầy đủ về mọi mặt, đầy đủ tuyệt đối. Chẳng hạn như là người đó sẽ luôn luôn bình thản, không hề biết lo sợ là gì. Chẳng hạn như là người đó sẽ luôn thông hiểu các sự trên trời dưới đất chớ không hề biết bối rối trước sự xảy ra.

Thế nhưng, khi nghe bài Phúc Âm hôm nay tôi thấy những suy nghĩ như thế của tôi là không đúng. Phúc Âm nói rằng: Khi nghe lời Thiên Thần chào, Đức Mẹ đã tỏ ra bối rối, lo sợ.

Những phản ứng trên đây của Đức Mẹ chứng tỏ rằng: Đức Mẹ khi gặp một tin vui mừng mà còn tỏ ra bối rối lo sợ, thì phương chi khi gặp những tin đau buồn.

Đó là sự thực về Đức Mẹ. Và tôi thích sự thực đó. Vì những lý do sau đây:
1. Lý do thứ nhất là vì sự Đức Mẹ bối rối lo sợ giúp chúng ta dễ gần gũi Đức Mẹ hơn.

Đã hẳn, Đức Mẹ vẫn gần ta. Nhưng về phía ta, tâm lý con người thường ưa gần gũi và tâm sự với những ai có phần nào cùng thân phận với mình. Nếu ta thấy Đức Mẹ là con người siêu phàm xuất thế, quá khác với ta, thì giữa ta và Đức Mẹ sẽ có khoảng cách lớn và khoảng cách nhiều khi gây nên ngăn cách. Về điểm này, tôi thấy sự có những mặt yếu nhiều khi thực là hữu ích.

2. Lý do thứ hai là vì sự Đức Mẹ bối rối lo sợ, giúp ta dễ thông cảm với những người yếu đuối.

Một người dù đạo đức thánh thiện, cũng có những yếu đuối, vẫn có những giới hạn. Không những là không nên khinh họ, mà cũng chẳng nên lấy gì làm lạ. Biết bao người, nhờ nhận thức mình yếu đuối, đã trở nên khiêm nhường sâu sắc. Và sự khiêm nhường lại là một nhân đức rất quý giá. Biết bao người, nhờ nhận thức mình kém cỏi, đã ra sức phấn đấu để vươn lên, và sự phấn đấu lại là một nhân đức rất quan trọng. Lịch sử đã cho thấy: Có những yếu đuối đã xây dựng nên sức mạnh, có những kém cỏi đã là khởi đầu cho những thành công lớn.

3. Lý do thứ ba là vì sự Đức Mẹ bối rối lo sợ giúp ta biết cách giải quyết, khi chính chúng ta bối rối lo sợ.

Đức Mẹ đã giải quyết bằng cách hướng lòng về Chúa, và về Thiên Thần là Đấng mà Đức Mẹ tin là có khả năng giúp Đức Mẹ. Niềm cậy tin là một chìa khóa. Ta cũng nên làm như thế. Nghĩa là ta sẽ hướng về Chúa và về tất cả những ai mà ta tin là có khả năng giúp đỡ chúng ta. Dù nhờ Chúa, dù nhờ người khác, ta vẫn phải chủ động giải quyết những lo sợ bối rối của mình, bằng những cách ta thấy là tốt nhất.

Anh chị em thân mến,

Mấy ngày trước đây, khi nghĩ tới chuyến đi Mỹ Luông, tôi cũng có bối rối lo âu. Có lúc tôi định đã khởi hành đúng sáng sớm hôm nay. Nhưng rồi, khi nghĩ tới chuyện trời có thể mưa, đường sẽ lầy lội, xe honđa có thể hư, tôi lo sợ sẽ không tới đây kịp 7 giờ sáng, để làm lễ đúng giờ qui định. Tôi bối rối lo nghĩ. Sau cùng, tôi đã chọn một phương án khác bảo đảm hơn, đó là đi chiều hôm qua. Cũng nhờ biết lo nên nhìn trước, nhìn xa, tính trước, tính xa. Một chuyến đi nhỏ mà còn phải biết lo. Phương chi chuyến đi lớn là chính cuộc đời mình. Cuộc đời là một chuyến đi dài tìm về hạnh phúc đời này và tìm hạnh phúc đời sau. Biết lo sợ, bối rối, để mà suy tính, đó là điều hợp lý.

Xin Chúa Thánh Thần và Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội thương đến thân phận những người bối rối lo sợ.

Mỹ Luông, ngày 07-12-1985


 

Bùi-Tuần 0117: CHÚA CHỌN07-12-1985


Rạch Sâu

 

Bài Phúc Âm vừa nghe cho ta thấy Chúa đã tỏ cho Trinh Nữ Maria: 07-12-1985 Bùi-Tuần 117


Bài Phúc Âm vừa nghe cho ta thấy Chúa đã tỏ cho Trinh Nữ Maria biết ý Chúa muốn chọn Trinh Nữ làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Chi tiết đó gợi cho tôi nghĩ tới một giả thuyết. Tôi giả dụ Chúa đã không làm như Phúc Âm kể. Trái lại Chúa truyền cho thầy cả thượng phẩm loan báo cho toàn dân có đạo biết ý Chúa muốn chọn một phụ nữ làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Để góp ý, Chúa ban truyền cho mọi người có đạo được đề cử một phụ nữ nào mà mình xét là xứng đáng nhất.

Đó là một giả thuyết. Và anh chị em thử nghĩ xem, với giả thuyết ấy, kết quả sẽ có bao nhiêu ý kiến. Riêng tôi nghĩ là sẽ có rất nhiều tên cô này bà nọ được đề cử. Ý kiến nam giới sẽ rất khác nhau. Ý kiến nữ giới lại càng rất chia rẽ. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Phán đoán con người dễ thiếu sót, dễ thiên lệch. Nếu Chúa đòi phải có sự nhất trí hoàn toàn, thì cho tới hôm nay và cho đến tận thế, Chúa Cứu Thế vẫn chưa giáng trần.

Giả thuyết trên đây giúp tôi hiểu rõ hơn sự Chúa chọn Đức Mẹ. Chúa chọn Trinh Nữ Maria, là vì Chúa muốn chọn. Chúa chọn do ý Chúa. Lịch sử cứu độ cho thấy: Có những người dư luận tưởng rằng đáng chọn, nhưng Chúa đã không chọn. Có những người sẵn sàng tình nguyện để được chọn, thế mà Chúa đã không chọn. Nhiều sự chọn lựa của Chúa đã là những bất ngờ đối với con người. Đến ngày phán xét, khi thấy Chúa chọn những người vào Thiên Đàng, ta sẽ càng bất ngờ nhiều lắm. Những sự thực như thế đòi ta phải biết khiêm nhường.

Cũng với thái độ khiêm nhường, Đức Mẹ, khi biết mình được Chúa chọn đã đáp lại bằng lời “Xin vâng". Xin vâng là nói lên tâm tình cảm tạ. Xin vâng là nói lên quyết tâm làm theo ý Chúa. Xin vâng là nói lên ý chí trung thành và gắn bó với Đấng đã chọn mình. Xin vâng là nói lên thiện chí muốn dốc hết khả năng của mình vào việc phụng sự Chúa và phục vụ đồng bào của mình. Xin vâng là nói lên lòng tin tưởng của mình đặt trọn vẹn nơi Đấng đã tín nhiệm mình.

Với lời xin vâng, Đức Mẹ đã vun trồng những ân huệ Chúa trao ban. Những ân huệ đó là sự được Chúa chọn làm Mẹ Chúa Cứu Thế, là tất cả những gì tốt đẹp, chân thật và may mắn trong bản thân và gặp được ở môi trường sống. Để rồi cuộc đời Đức Mẹ đã trở nên như vườn bông thơm đẹp, như khu vườn cây sai trái tốt tươi, như cánh đồng bao la nặng lúa chín vàng làm lương thực nuôi dưỡng vô số tâm hồn.

Anh chị em thân mến,

Họ đạo Rạch Sâu đã được Chúa chọn. Từng gia đình và từng người trong họ đạo đã được Chúa chọn. Hãy nhìn kỹ, sẽ thấy mình được nhiều đặc ân, cả phần đời lẫn phần đạo. Ta đã đáp lại thế nào? Trong thánh lễ này, ta nên hợp với tâm tình Dức Mẹ mà nói lại lời xin vâng.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần thương giúp chúng ta biết dùng những ân huệ của Chúa, nhất là ơn Chúa đã chọn ta.

Rạch Sâu, ngày 07-12-1985


 

Bùi-Tuần 0118: ĂN NĂN SÁM HỐI 08-12-1985


Cù Lao Giêng

 

Tất cả các lời kinh và các bài sách thánh lễ hôm nay đều nói lên tinh: 08-12-1985 Bùi-Tuần 118


Tất cả các lời kinh và các bài sách thánh lễ hôm nay đều nói lên tinh thần chuẩn bị đón Chúa Cứu Thế. Chuẩn bị cách nào thì Phúc Âm trả lời rõ. Qua bài Phúc Âm, ta thấy thánh Gioan Baotixita đã giới thiệu với ta một cách chuẩn bị tốt nhất mà chính Chúa đã dạy Ngài rao giảng. Cách chuẩn bị đó là ăn năn sám hối.

Ai cũng hiểu ăn năn sám hối là gì. Đó là vấn đề quen. Nhưng thực hiện vấn đề quen chưa chắc đã là quen. vì thế, tôi xin chia sẻ với anh chị em vài nhận xét vắn tắt của tôi, mong góp phần giúp thực hiện sự ăn năn sám hối một cách chu đáo hơn.

Nhận xét thứ nhất của tôi là khi ăn năn sám hối, ta thường rất chú trọng đến việc nhìn vào chính mình. Đó là việc làm đúng. Nhưng, trong tôn giáo của ta, nếu quá nhấn mạnh đến việc nhìn vào chính mình, thì sự ăn năn sám hối sẽ rất thiếu sót.

Theo tinh thần thánh Gioan Baotixita, thì trong ăn năn sám hối rất cần nhìn lên Chúa, rất cần gặp gỡ Chúa. Thánh Gioan Baotixita chỉ vào Đức Kitô mà nói: “Đây là chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian”. Với lời đó, thánh Gioan Baotixita muốn ta nhìn vào Chúa Giêsu, lấy đức tin gặp gỡ Chúa Giêsu. Xin Chúa thương xót ban ơn giúp ta thấy được sự xấu xa độc hại của tội lỗi, giúp ta biết gớm ghét tội lỗi, giúp ta biết chọn lựa đàng lành.

Nhận xét thứ hai của tôi, là khi ăn năn sám hối, ta thường rất chú trọng đến những bổn phận đối với Chúa, như đi lễ, đọc kinh, tin cậy mến. Đó là việc làm đúng. Nhưng trong tôn giáo của ta, nếu hầu như chỉ chú trọng đến việc đó, thì ăn năn sám hối sẽ rất thiếu sót.

Theo tinh thần thánh Gioan Baotixita, thì ăn năn sám hối rất cần nghĩ tới những bổn phận đối với gia đình, bạn bè, đồng bào, xã hội, Tổ Quốc. Cứ xem lại những lời thánh Gioan Baotixita trả lời từng giới người đến hỏi ý kiến Ngài, ta sẽ thấy Ngài luôn khuyên mọi người giữ đức công bình. Đừng làm hại đồng bào, dù là của cải, dù là tính mạng, dù là thanh danh, dù là thời cơ. Hơn nữa, hãy đối xử tốt với, theo đức công bình với mọi người mình có liên hệ.

Nhận xét thứ ba của tôi là khi ăn năn sám hối, ta thường rất chú trọng đến “Tư tưởng, lời nói việc làm và những điều thiếu sót”. Đó là việc làm đúng. Nhưng trong tôn giáo của ta, nếu hầu như chỉ chú trọng đến những sự đó, thì việc ăn năn sám hối sẽ còn thiếu sót lắm.

Theo tinh thần thánh Gioan Baotixita, thì trong ăn năn sám hối còn cần để ý đến những nguồn, những gốc đã gây nên những tội tư tưởng, tội lời nói, tội việc làm và tội do thiếu sót. Một trong những nguồn gốc đó là tính hư nết xấu. Thánh Gioan Baotixita đã nói tới những núi đồi cần phải bạt đi, những cong queo cần phải uốn ngay lại. Tôi hiểu Ngài có ý nói về tính hư nết xấu nhiều hơn là về các tội lỗi. Tính hư nết xấu tự nó chưa phải là tội, nhưng nó là đầu mối đưa tới tội lỗi. Tính hư nết xấu, chẳng hạn như tính tự cao tự đắc, tính ích kỷ ghen tương, tính hay lười biếng, tính tham lam, tính nhỏ nhen, vv... Đó là những gì cong queo, đó là những đồi núi cần phải được sửa lại.

Anh chị em thân mến,

Anh chị em vừa hát đáp ca: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi”. Như thế, họ đạo Cù Lao Giêng nói chung, và từng người trong họ đạo nói riêng đã được đối xử rộng lượng. Thế nhưng, xét kỷ lại xem, ta có đáp lại hợp với những đối xử độ lượng không. Sự xem xét đó thiết tưởng rất cần cho việc chuẩn bị đón Chúa dịp lễ Giáng Sinh, và cũng hữu ích cho việc chuẩn bị đón Chúa trong thánh lễ bây giờ.
Cù Lao Giêng, ngày 08-12-1985


 

Bùi-Tuần 0119: NHỮNG THUẬN LỢI TRONG NỘI TÂM 08-12-1985


Cồn Phước

 

Khi đọc bài Phúc Âm lễ hôm nay, tôi thấy ái ngại cho thánh Gioan: 08-12-1985  Bùi-Tuần 119


Khi đọc bài Phúc Âm lễ hôm nay, tôi thấy ái ngại cho thánh Gioan Baotixita. Phúc Âm kể một loạt các hoàng đế, thủ hiến, tổng trấn. Đó là những người lãnh đạo phần đời. Tiếp đó là hai vị thượng phẩm Anna và Caipha những người đứng đầu phần đạo. Còn Gioan Baotixita thì chẳng có chức tước gì ngoài đời, trong đạo. Phúc Âm chỉ nói là Gioan Baotixita được Chúa sai đến. Chúa sai đến, nhưng Chúa có tuyên bố với giáo quyền, với chính quyền, với dân chúng việc đó đâu. Chúa sai đến, nhưng Gioan Baotixita đâu có xuất trình được bằng chứng nào là mình được Chúa sai đến. Nhiều vị thánh đã có những phép lạ để làm chứng mình là người Chúa sai đến. Còn Phúc Âm thì không thấy kể Gioan Baotixita đã làm phép lạ nào. Gioan Baotixita đến giảng cho dân với tư thế như thế là không thuận lợi.

Thêm vào đó lại còn một điều không thuận lợi nữa, đó là đề tài giảng của thánh Gioan Baotixita. Ngài giảng về ăn năn sám hối. Đề tài đó chẳng hấp dẫn gì. Hơn nữa, đó cũng là điều dễ đụng chạm lắm.

Thế nhưng, theo Phúc Âm kể, thì thánh Gioan Baotixita cũng đã có một số điều kiện thuận lợi.

+ Điều kiện thuận lợi thứ nhất là gặp được lương tâm nhiều người còn tốt. Dân chúng thì người thế này, có người thế kia, nhưng chung chung, họ vẫn mang bản năng mến phục lẽ phải, và kính trọng nhân đức. Rất nhiều người vẫn nuôi trong lòng sự khác khao công lý và ái mộ đời sống lương thiện. Khi họ gặp được những lẽ phải đơn sơ trong sáng và thiết thực như những lời giảng của thánh Gioan Baotixita, họ liền hoan nghênh thán phục.

+ Điều kiện thuận lợi thứ hai là Gioan Baotixita có lòng khiêm tốn sâu xa đầy nhiệt tình mến Chúa và yêu thương đồng bào mình. Phúc Âm đã thuật lại thái độ của Ngài bênh đỡ những người bị áp bức. Nhưng dù có uy tín lớn, Gioan Baotixita vẫn xưng mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, chỉ là kẻ sửa đường đón Đấng sẽ đến sau. Ngài giảng sự ăn năn sám hối, và chính Ngài cũng ăn năn sám hối sống khắc khổ như một người tội lỗi cần phải đền tội.

+ Điều kiện thuận lợi thứ ba là sự phù trợ của Chúa Ba Ngôi. Chúa Thánh Thần đã sai Ngài đi. Chúa Giêsu đã khen Ngài là kẻ cao trọng hơn hết trong nam giới. Thiên Chúa Cha đã cho Ngài nghe được tiếng phán về Chúa Cứu Thế: “Đây là con yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Chúa thương Ngài. Chúa chọn Ngài. Trong nội tâm Ngài có thần lực của Chúa, hỗ trợ Ngài hoàn thành nhiệm vụ người tiên tri của Đấng tối cao.

Anh chị em thân mến,

Họ đạo Cồn Phước có nhiều thuận lợi để sống đức tin. Nhưng tiên vàn chúng ta hãy vun trồng những thuận lợi trong chính nội tâm ta. Với những thuận lợi trong nội tâm chúng ta sẽ có thể sống đức tin một cách rất tốt đẹp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sống “Tốt đời đẹp đạo”, đó là điều thánh Gioan Baotixita đã làm, đó cũng là điều chúng ta đang nổ lực thực hiện. Tôi tin tưởng rằng: Chúng ta có nhiều thuận lợi, nhất là những thuận lợi trong nội tâm, nhờ đó chúng ta sẽ từng bước thành đạt điều chúng ta mong muốn để Chúa được vinh danh, Tổ Quốc được bình an thịnh vượng, và bản thân ta được thăng tiến.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn chúng ta.

Cồn Phước, chiều ngày 08-12-1985


 

Bùi-Tuần 0120: NHỮNG ĐIỀU THỰC TẾ DẠY TA 09-12-1985


Cồn Én

 

Đứng bên Chợ Thủ nhìn sang, tôi thấy nhà thờ Cồn Én rất gần. Nhưng: 09-12-1985 Bùi-Tuần 120


Đứng bên Chợ Thủ nhìn sang, tôi thấy nhà thờ Cồn Én rất gần. Nhưng để từ đó qua đây, tôi phải dự kiến một thời gian tương đối dài. Vì sông quá lớn, vì đường quanh co. Thực tế là như vậy. Không thể giải quyết cách khác. Giải quyết nào cũng phải sát thực tế.

Tôi nói như trên là để đi vào một vấn đề khác, đó là vấn đề sống đạo. Sống đạo phải rất sát thực tế. Bởi vì đạo là một thái độ của cuộc sống con người. ở đây tôi xin chia sẻ với anh chị em vài ý kiến.

Điều thứ nhất mà thực tế khuyên tôi về cách sống đạo, là hãy phát huy những đức tính nhân bản. Những đức tín nhân bản như lương tri, lương tâm, lương thiện, lễ phép, tế nhị, chân thành, trọng lời hứa, tự trọng, biết ơn. Những đức tín như thế không có gì gọi là cao siêu, nhưng chúng giới thiệu con người. Người ta phải biết sống đạo làm người trước khi sống đạo Chúa. Hay nói cho đúng, đạo Chúa kiện toàn đạo làm người, và hòa trong đạo làm người, chứ không đứng ngoài hay đứng trên đạo làm người. Tôi thấy có một số người quan niệm sống đạo như chỉ sống với những mầu nhiệm cao sâu xa vời, ít để ý tới những đức tín nhân bản. Với cách sống đạo như thế, họ tự tách mình ra khỏi thực tế, để trở thành những đối tượng lạc lõng, gây phiền hà và tức cười cho bao người khác. Đức tin lành mạnh đâu có dạy như thế. Tôi mong muốn những ai dạy đạo, dạy giáo lý nên để ý dạy nhiều về các đức tính nhân bản. Phải coi nhân bản là nhân tố của đạo. Phải biết làm người trước khi họ làm thánh.

Điều thứ hai là thực tế khuyên tôi về cách sống đạo, là hãy phát huy những đức tính dân tộc. Những đức tính dân tộc như yêu thương đồng bào, gắn bó với quê hương, tự hào về đất nước, hòa mình vào đời sống xã hội, chia sẻ trách nhiệm với địa phương, có mặt trong mọi vấn đề chung của lịch sử Tổ Quốc. Cuộc sống của ta không thể tách rời khỏi cuộc sống dân tộc, thì đạo trong cuộc sống của ta cũng thế. Tôi ví dụ cuộc sống hôm nay có được là nhờ bao nhiêu nhân tố: Từ chính quyền tỉnh đến chính quyền ấp, từ những người không tín ngưỡng đến những người có tín ngưỡng, từ Tòa Giám Mục đến từng cá nhân trong họ đạo, từ họ đạo ta đến các họ đạo xung quanh đây đã có bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu chiếu cố, bao nhiêu vất vả, bao nhiêu tình cảm từ gần đến xa, đã đổ vào cuộc lễ hôm nay. Đó là một phần nhỏ cụ thể của liên đới dân tộc. Có người, có ta. Có ta, có người. Đạo dạy phải có liên đới tốt giữa người với ta, giữa ta và dân tộc ta.

Điều thứ ba mà thực tế khuyên ta về cách sống đạo, là hãy phát huy những đức tính của cộng đoàn tín hữu thời Giáo Hội sơ khai. Hồi các thánh tông đồ, các tín hữu sống đạo một cách đơn sơ khiêm tốn vắn gọn, nhưng trong sáng. Họ chuyên chăm cầu nguyện, gắn bó với lời Chúa, thiết tha với bí tích Thánh Thể, sống tình huynh đệ và phục vụ kẻ nghèo. Với chừng ấy việc, họ đã sống đạo Chúa rất tốt, không phải chỉ là đạo với Chúa, nhưng cũng qua cách sống đạo làm người, đạo đối với đồng bào dân tộc. Tôi thấy đạo nghĩa nhiều nơi còn rườm rà lắm. Tệ hơn nữa, có nơi người ta lại quá bám vào những rườm rà đó, đến nỗi bỏ quên cốt lõi của đạo. Thực là đáng tiếc!

Anh chị em thân mến,

Khi nghĩ tới họ đạo Cồn Én, tôi không thể không đồng thời nghĩ tới con sông lớn, và những kênh rạch, những lùm cây và những mái ngói. Tất cả gắn liền với nhau. Cũng vậy, khi nghĩ tới sống đạo, tôi không thể không nghĩ tới những đức tính nhân bản, những đức tính dân tộc, những đức tính Giáo Hội thời các thánh tông đồ. Tất cả gắn liền với nhau. Tất cả làm nên một thực tế, là cuộc sống đạo hôm nay.

Nguyện Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết sống đạo một cách đúng đắn nhất.

Cồn Én, ngày 09-12-1985.


 

Bùi-Tuần 0121: SỨC KHOẺ LINH HỒN 09-12-1985


- Lc 3,1-6 Chợ Thủ

 

Bài Phúc Âm ta vừa nghe (CN II Mùa vọng C), ghi lại lời giảng của: 09-12-1985 Bùi-Tuần 121


Bài Phúc Âm ta vừa nghe (CN II Mùa vọng C), ghi lại lời giảng của thánh Gioan Baotixita. Đại khái, Ngài nói: Sự gì cong queo hãy uốn lại cho ngay, sự gì gồ ghề, lồi lõm, hãy sửa lại cho bằng.
Mấy lời giảng đó nghe thực vắn g
ọn, nhưng đặt ra một vấn đề. Vấn đề mà tôi hiểu Ngài muốn đặt ra là vấn đề sức khoẻ linh hồn. Ngài muốn khuyên mọi người hãy liệu sao cho linh hồn mình được khoẻ mạnh tốt đẹp.

Nhưng liệu cách nào? Tôi thấy sách đạo có nhiều lời khuyên, thí dụ hãy ăn năn, xưng tội, đền tội, chừa tội, tránh tội, cầu nguyện, rước lễ, vv... Tôi cũng nhiều lần khuyên người ta như vậy, và tôi thấy những lời khuyên như thế là đúng.

Thế nhưng, vấn đề còn phải giải quyết thêm một cách rộng hơn, xa hơn. Vì thực ra càng ngày khoa học về con người càng cho thấy các vấn đề về con người thường chằng chịt gắn bó với nhau. Thí dụ, đau bụng không luôn luôn là do cái bụng, mà nhiều khi là do các nghĩ ngợi lo lắng ở trong đầu. Như thế, nghĩ ngợi lo lắng, tuy thuộc tinh thần, nhưng lại là tiền đề của bệnh đau bụng thuộc về thể xác. Cũng vậy, sức khoẻ linh hồn thường không tách lìa hoàn toàn khỏi ảnh hưởng của sức khoẻ thân xác, sức khoẻ tâm sinh lý, sức khoẻ môi trường gia đình xã hội. Một người thường xuyên ốm đau, bệnh tật, suy dinh dưỡng, cũng như những người lâm cảnh cơ cực nghèo túng, thường dễ bị chia phối bởi một số cám dỗ nhất định, thường dễ sa ngã vào một số tội nhất định. Tội họ phạm phải được hiểu qua những tiền đề của nó. Đó là hoàn cảnh sức khoẻ thân xác, hoàn cảnh kinh tế, xã hội của họ.

Vì thế, tôi thấy cái chuyện cong queo, gồ ghề, lồi lõm của linh hồn, nên được xem xét một cách rộng rãi. Trong Phúc Âm ta thấy, Chúa Giêsu khi rao giảng việc lo phần rỗi linh hồn, cũng đã chữa rất nhiều bệnh nhân, cũng đã lo cho dân có của ăn áo mặc, cũng đã lo tháo gỡ mặc cảm cho nhiều người, cũng đã chia sẻ tình người với nhiều chi tiết tế nhị. Chúa lo cho sức khoẻ phần xác, sức khoẻ tâm sinh lý, chính cũng là để lo cho sức khoẻ phần hồn một cách khoa học.

Những suy nghĩ trên đây, mặc dầu sơ sài cũng đưa tôi đến một số kết luận thực hành:

Kết luận thực hành thứ nhất là khi thấy ai có tội, tôi nên tìm hiểu họ một cách rộng rãi và thông cảm. Bởi vì, tội nơi mỗi người thường là hậu quả của một giai đoạn lịch sử chung riêng, mà nhiều yếu tố đã gây nên.

Kết luận thực hành thứ hai là khi quan tâm đến sức khoẻ linh hồn, tôi không được phép coi thường những vấn đề khác của con người, như các vấn đề xã hội, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, y tế, lương thực, giáo dục vv... Bởi vì sức khoẻ linh hồn cũng được giải quyết một phần từ những khâu đó.

Kết luận thực hành thứ ba là tôi coi những người lo việc đời, việc xã hội, việc phần xác, là những người có chức năng góp phần không nhỏ vào việc cứu độ con người theo chương trình của Chúa. Nếu thiếu sự cộng hiến của họ, sức khoẻ linh hồn tôi và của bao người khác sẽ bị thử thách rất nặng nề.

Anh chị em thân mến,

Hồi nãy, các em đã hát: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, tôi nào còn sợ chi”. Khi nghe lời ca đó, tôi đã thầm nói với Chúa: Đó là những lời ca của hy vọng, của niềm tin. Chứ thực ra, lúc này con còn thiếu thốn nhiều lắm, con đang lo sợ nhiều lắm. Có những thiếu thốn về sức khoẻ, có những lo âu về hồn về xác. Con lo cho con, con lo cho đồng bào con. Con tin Chúa, nên con mới nói thiệt với Chúa như vậy. Con tin Chúa, mà không xin phép lạ. Con chỉ xin Chúa giúp con biết kiên trì phấn đấu, để đồng bào con mỗi ngày mỗi được ổn định hơn, mỗi ngày mỗi được khá hơn về sức khoẻ phần xác, về sức khoẻ phần hồn.

Xin cảm tạ Chúa!

Chợ Thủ, ngày 09-12-1985.


 

Bùi-Tuần 0122: CON NGƯỜI LÀ VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG BẬC NHẤT


24-12-1985

Lễ Giáng Sinh Long Xuyên

 

Nhiều khi suy nghĩ về cuộc sống, tôi thấy vô vàn vấn đề lớn nhỏ hiện: 24-12-1985  Bùi-Tuần 122


Nhiều khi suy nghĩ về cuộc sống, tôi thấy vô vàn vấn đề lớn nhỏ hiện ra nối tiếp nhau, vấn đề nào cũng muốn mình là quan trọng nhất.

Nhưng khi suy nghĩ về lễ Noel, tôi thấy có một vấn đề đứng hàng đầu, một vấn đề được coi là cốt lỏi của cuộc sống. Vấn đề đó là con người. Con người là vấn đề quan trọng bậc nhất.

Thực vậy, khi đọc kinh Tin Kính, tôi thấy cái giá mà Thiên Chúa phải trả, để giải quyết vấn đề con người, chứng tỏ vấn đề con người thực rất quan trọng. Kinh Tin Kính nói: “...Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế...”.

Thiên Chúa đã từ trời xuống thế, có nghĩa là Thiên Chúa đã làm người, đã mặc lấy thân phận con người, đã hòa mình vào thực tại của kiếp người, để chia sẻ cuộc sống con người, đã nên giống con người, để cùng với mọi người thiện chí, phấn đấu đẩy lui những sự xấu, phát huy và tạo dựng những cái tốt, làm cho mọi người sống xứng đáng phẩm giá con người, và đạt được mục đích sau cùng và ý nghĩa cao cả của ơn gọi làm người.

Như thế, con người chính là đối tượng của mầu nhiệm Giáng Sinh. Chính vì từng con người cụ thể mà Chúa đã đến. Chúa đến, để giúp mỗi người tìm được hạnh phúc tương đối ở đời này, và hạnh phúc tuyệt đối ở đời sau.

Chúa đã giáng sinh từ 1985 năm rồi. Nhưng Chúa vẫn tiếp tục đến với từng người bằng nhiều cách khác nhau, như qua Hội Thánh, qua các biến cố lịch sử, qua những vui buồn, thành công, thất bại, khiến lương tri mỗi người phải quan tâm suy nghĩ về thân phận của mình. Con người trở thành vấn đề cho chính mình, nhưng giải pháp nào xem ra cũng rộng lớn hơn chính con người.

Kết qủa là thời nay hơn bao giờ hết, con người đã trở thành một trung tâm được chú ý nhất của lịch sử. Những ý thức về công bình và bác ái trong các liên hệ càng ngày càng được phát huy sâu rộng và đúng đắn. Càng ngày mỗi người càng cảm thấy sự tôn trọng và thăng tiến con người là một nhân tố cần thiết làm nên văn minh, làm cho nước mạnh. Càng ngày người ta càng thấy rõ một xã hội giầu là trước hết phải giầu vì có nhiều người tốt lành, tài đức, hơn là vì có nhiều của cải. Lý tưởng mà con người mơ ước và theo đuổi mỗi ngày mỗi cao và phong phú hơn. Có thể nói, thời nay lý tưởng lớn mạnh hơn thực tế gấp bội, thiện tâm trổi vượt hơn ác tâm rất xa.

Nếu đó là những hạt giống của những đổi thay tốt hướng về Nước Trời, thì đúng là đang có một sự phát triển rộng rãi của Tin Mừng Giáng Sinh mà Thiên Thần xưa đã ca hát: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Cái nhìn lạc quan trên giúp cho người Công Giáo Việt Nam được thêm phấn khởi, để họ càng tích cực hơn trong mọi công tác xã hội có tính cách góp phần giải quyết vấn đề con người Việt Nam hôm nay.

Nếu ta nhận rằng: Chúa thật sự có mặt trong mọi việc ta phục vụ con người, thì tất nhiên ta sẽ thấy bất cứ việc tốt nào ta làm cho đồng bào thân mến của ta, đều có thể gọi là việc đạo.

Nếu ta biết rằng: Vấn đề con người là vấn đề quan trọng chính Chúa đã đặt ra, thì bất cứ ai có thiện chí góp phần vào vấn đề quan trọng đó, dù bất cứ việc gì, tự nhiên hay siêu nhiên, đều đáng được nhìn nhận là những người cộng tác vào việc của Chúa.

Nếu ta đã thấy: Xưa Chúa đến trong hang đá, giữa cánh đồng, để chờ đợi con người, thì những khi không thể đến nhà thờ, ta cũng sẽ an tâm tìm gặp Chúa ở khắp mọi nơi, mà không câu nệ hình thức.

Tinh thần sống đạo tôi vừa gợi ý đòi ta nhiều khiêm tốn, nhiều cởi mở, nhất là một đức tin nặng về bác ái. Với tinh thần đó chúng ta cầu nguyện cho nhau được biết sống Tin Mừng Giáng Sinh. Chúng ta sốt sắng cầu nguyện cho đồng bào ta được nhiều hạnh phúc, cho Tổ Quốc Việt Nam ta được bình an thịnh vượng. Cũng trong tinh thần đó, tôi xin thân ái cầu chúc tất cả anh chị em một lễ Noel tốt đẹp nhất.

Lễ Giáng Sinh, ngày 24-12-1985 tại nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên.

1986


 

Bùi-Tuần 0123: LÒNG TỐT 05-01-1986


Lễ Hiển Linh Long Xuyên

 

Lễ hôm nay quen gọi là lễ Ba Vua. Ba Vua từ xa đã tìm đến hang đá: 05-01-1986 Bùi-Tuần 123


Lễ hôm nay quen gọi là lễ Ba Vua. Ba Vua từ xa đã tìm đến hang đá Bêlem để thờ kính Thiên Chúa Giáng Sinh. Phúc Âm thuật lại chuyện đó một cách vắn tắt. Nhiều sách xưa và nay đã viết chuyện này với vô số chi tiết ly kỳ hấp dẫn. Có một điều mà cả Phúc Âm, cả các sách khác đều nhất trí, đó là Ba Vua đã đến hang đá Bêlem chỉ một lần duy nhất mà thôi. Sau khi thờ kính Chúa và dâng của lễ cho Ngài, Ba Vua đã từ giã ra về. Ra về không bao giờ trở lại.

Có lúc tôi đã tự hỏi: Gặp được Chúa Cứu Thế là một may mắn hết sức lớn lao, thế mà tại sao Ba Vua không ở lại Bêlem luôn, hay ít ra cũng nên ở lại đó lâu lâu chứ! Để lo cho Chúa giáng sinh Hài Nhi Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse sẽ được nhờ, và chính Ba Vua cũng sẽ được lợi.

Nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy: Nếu Ba Vua cứ ở lại mãi, hay ở lại quá lâu, thì Hài Nhi Giêsu sẽ chẳng được nhờ gì, trái lại sẽ bị hại, và chính Ba Vua cũng sẽ gặp nhiều rắc rối. Lý do là vì lúc đó ác vương Hêrôđê đang âm mưu thủ tiêu Hài Nhi Giêsu, và Ba Vua là chính những người mà ác vương muốn lợi dụng để dò xét tin tức. Cho nên, trong một hoàn cảnh như thế, sự Ba Vua biết sớm từ giã ra về, chính là một việc làm sáng suốt của một tình mến trưởng thành, nhìn xa thấy rộng.

Ngoài ra, có lúc tôi cũng tự hỏi: Ba Vua là người ngoại giáo, biết về Chúa rất đại khái, rất sơ sài; thời gian ở Bêlem không dài, tại đó, Hài Nhi Giêsu đâu có nói gì, còn Đức Mẹ và thánh Giuse, nếu có trao đổi về đạo thì cũng chỉ đôi chút thôi. Thế rồi, Ba Vua trở về quê hương mình, là những nước không theo đạo Chúa. Tại đó Ba Vua đã sống lành thánh và đã chết lành thánh.

Vậy, nhờ đâu mà Ba Vua đã sống lành thánh và chết lành thánh. Cái gì là quan trọng nhất đã giúp Ba Vua được như thế. Chắc không phải là do biết nhiều giáo lý cao siêu, vì các ngài biết đạo rất ít. Chắc không phải là năng đi nhà thờ, vì nước các Ngài là nước ngoại giáo, không có nhà thờ. Chắc không phải do đọc nhiều sách đạo, vì các Ngài là những người hầu như không hề biết đến sách đạo. Theo tôi, thì cái quan trọng nhất đã giúp Ba Vua sống lành thánh và chết lành thánh chính là cái thiện tâm, cái lòng tốt mà các Thiên Thần Chúa đã nhấn mạnh trong đêm Sinh Nhật: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Lòng tốt là lòng hướng về sự tốt, khát khao sự tốt, dễ nhận ra đâu là sự tốt, và kiên trì theo đuổi sự tốt.

Một trong những biểu hiện của lòng tốt, mà tôi rất khâm phục nơi Ba Vua, đó là sự các Ngài, khi thấy một con trẻ nghèo nằm trong máng cỏ, cô đơn, lạnh lẽo, các Ngài đã không ngại tin nhận đó chính là Thiên Chúa giáng trần, đã không ngại quỳ xuống thờ kính, đã không ngại dâng của lễ với tất cả lòng mến yêu trân trọng.

Lòng tốt của Ba Vua là sự biết đánh giá con người theo thực chất, chứ không theo vẻ bên ngoài. Lòng tốt của Ba Vua là sự kính trọng và khiêm tốn sâu xa đối với Chúa và đối với kẻ nghèo. Lòng tốt của Ba Vua là sự quyết tâm làm theo lẽ phải mà lương tâm mình nhận định. Tôi nghĩ là, sau lần gặp gỡ đó, Ba Vua đã được ơn nhìn nhận Chúa Cứu Thế, gắn bó với Chúa Cứu Thế, để rồi suốt đời, dù ở phương trời nào, các Ngài vẫn thông hiệp với Chúa Cứu Thế. Lòng tốt của các Ngài đã hòa mình vào lòng tốt bao la của Thiên Chúa, để mỗi người trở thành người hữu ích cho đồng bào mình, cho Tổ Quốc mình .

Anh chị em thân mến,

Lòng tốt như một thứ cây quí mà tạo hóa gieo vào tâm hồn mỗi người. Nếu nó được vun tưới, được chăm sóc, được bảo vệ, nó sẽ lớn lên tươi tốt. Người vun tưới, chăm sóc, bảo vệ nó là chính bản thân từng người, là gia đình, là xã hội, là tôn giáo. Tôi vẫn nghĩ rằng: Có một tấm lòng tốt là có một chìa khóa tốt, để mở cửa sự bình an. Có một tấm lòng tốt là có một tấm vé tốt để vào Thiên Đàng. Thiên Chúa giàu lòng thương xót, rất yêu thương những ai có lòng tốt, là phản ánh của chính lòng Ngài.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho con gặp được rất nhiều tấm lòng tốt. Con cầu mong cho con số đó được nhân lên mỗi ngày. Con cầu xin cho mọi đồng bào thân mến của con, biết lo cho nhau được có lòng tốt. Từ đó mà hạnh phúc được xây dựng và phát triển đúng hướng. Amen.

Lễ Hiển Linh, ngày 05-01-1986 tại nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0124: THAO THỨC VỀ CUỘC SỐNG 10-01-1986


Lễ Thêm Sức Phú An

 

Tờ tuần báo “Công Giáo và dân tộc” số Noel 1985, có viết khá dài và: 10-01-1986 Bùi-Tuần 124


Tờ tuần báo “Công Giáo và dân tộc” số Noel 1985, có viết khá dài và gọn về Thượng hội đồng Giám Mục thế giới khóa ngoại lệ, được tổ chức mới rồi tại Rôma. Nhiều vị tham dự đã phát biểu: Nếu người ta chỉ nghe những phát biểu về phụng vụ trong Giáo Hội, về tổ chức trong Giáo Hội, thì có thể lầm tưởng đạo Công Giáo chỉ quan tâm đến lễ nghi kinh kệ ca hát, đạo Công Giáo chỉ lo bộ máy tổ chức như một thế lực. Nhưng rất nhiều người đã để ý đến những phát biểu nói lên thao thức của nhiều Giáo Hội địa phương về cuộc sống của đồng bào mình, và họ cảm phục được thấy đạo Công Giáo đồng hành với dân tộc, hòa mình vào cuộc sống.

Thú thực, tôi rất ưa thích những phát biểu loại sau, mặc dầu tôi luôn kính trọng những phát biểu loại trước. Nhưng có lúc tôi đã tự hỏi: Cái ưa thích của tôi như vậy có hạp Phúc Âm không? Rất may là chính bài Phúc Âm hôm nay (thứ năm sau Hiển Linh) đã giúp tôi an tâm.

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại những lời đầu tiên Chúa Giêsu đã giảng. Chúa nói: Chúa mang Tin Mừng cho người nghèo khó, an ủi những kẻ ưu phiền, cởi gỡ cho những kẻ bị cầm buộc, cho người mù được xem, cho kẻ què được khỏi. Nói cách khác, Chúa muốn cho của cải con người được đầy đủ khỏi phải nghèo nàn, cho tâm trí con người được an vui khỏi phải sầu muộn, cho sự tự do của con người được tôn trọng khỏi bị áp bức, cho sức khoẻ con người tốt đẹp khỏi mù què bệnh nạn. Tất cả đều là những nét cụ thể của thực tế cuộc sống. Chúa khởi sự rao giảng đạo lý của mình bằng những lời thao thức về cuộc sống con người như thế đó.

Nghe những thao thức đó, tôi thấy đạo Chúa đi sát cuộc sống, đi vào cuộc sống. Tôi thấy đạo Chúa là một tình thương chứ không là một thế lực; đạo Chúa chủ yếu là phục vụ chứ không gây ảnh hưởng, đạo Chúa chủ trương góp phần xây dựng hạnh phúc con người ngay ở trần gian này, chứ không phải chỉ lo hạnh phúc đời sau mà thôi.

Mấy ngày sau lễ Noel vừa qua, đài truyền hình Cần Thơ có chiếu một cuốn phim tài liệu về: “Người Công Giáo huyện Thống Nhất”. Nội dung cuốn phim là những sinh hoạt người Công Giáo ở một huyện tỉnh Đồng Nai. Sau những hình ảnh ghi lại cảnh đọc kinh dự lễ, là những hình ảnh lao động ở ruộng vườn, ở công trường, ở xí nghiệp, ở tổ hợp. Rồi xuất hiện vô số trẻ em quàng khăn đỏ, đang học ở trường, vô số thanh niên đang sinh hoạt ở các lớp bộ đội, thanh niên xung phong. Chen vào các cảnh đó, có những nữ tu đang phục vụ tại bệnh viện, có những linh mục đang trao đổi với chính quyền về hợp tác xã, có những ông già bà cả đã nuôi cán bộ thời kháng chiến, vv... Tôi thấy mọi hình ảnh đều phản ảnh nổ lực xây dựng cuộc sống, trong tinh thần đoàn kết đời đạo, đầy tin tưởng và lạc quan. Đó là những hình ảnh đẹp của cuộc sống đạo, một cuộc sống Phúc Âm, một cuộc sống mến Chúa yêu người. Tôi có cảm tưởng là rất nhiều nơi trong địa phận ta, thí dụ họ đạo Phú An đây, cũng có những hình ảnh giá trị không kém.

Anh chị em thân mến,

Khi tôi thấy một gia đình, một họ đạo, một địa phương có dồi dào lương thực, ai cũng sống theo lương tri bén nhạy, ai cũng sống theo lương tâm ngay chính, ai cũng lo sống lương thiện đàng hoàng, thì tôi đánh giá gia đình đó, họ đạo đó, địa phương đó là có nhiều giá trị cao quí, là có những cuộc sống đáng ngợi khen và đầy hứa hẹn. Tôi nghĩ rằng, đức tin có nhiều khả năng góp phần phát huy những giá trị đó, những cuộc sống đó. Đức tin dạy phải nâng cao đời sống mình và của những kẻ thuộc về mình. Một lương tri được tăng cường bởi một đức tin như thế, sẽ càng nhạy bén trước thực tế, để thấy những cách nào là hữu hiệu trong tầm tay khả dĩ nâng cao trí thức, nâng cao đạo đức, nâng cao văn minh, nâng cao mức sống lên được, dù chỉ từng bước nhỏ. Đức tin dạy có Chúa ở khắp nơi, thông suốt mọi sự, sẽ thưởng phạt đúng công, đúng tội. Một lương tâm được tăng cường bởi một đức tin như thế, sẽ là một sức mạnh kiểm soát bản thân âm thầm, nhẹ nhàng mà đầy uy lực. Đức tin dạy: Yêu người là thước đo lòng mến Chúa. Một tâm hồn lương thiện, được tăng cường bởi một đức tin như thế, sẽ có thể biết cách phấn đấu tích cực và khôn khéo, để những cơ chế và những liên hệ xã hội được lương thiện hơn, được thức thời hơn.

Khi lo cho cuộc sống của đồng bào, tôi vẫn nghĩ đến sự cần phải đầu tư nhiều hơn vào chiều sâu của cuộc sống. Nghĩa là cuộc sống cần phải trí thức hơn, cần phải đạo đức hơn, cần phải khoa học hơn, cần phải người hơn. Vì thế, tôi khuyên các bậc phụ huynh, khi dạy đạo cho con em mình, nên hướng đạo lý về thực tế cuộc sống; giúp cho con em mình biết cùng với Chúa Kitô mến yêu cuộc sống và phấn đấu xây dựng cuộc sống; giúp cho con em mình gặp được Chúa Kitô ngay trong từng giây phút hiện tại, ở chính việc bổn phận của mình, ở trong lòng mình, ở đồng bào mình, ở bất cứ cái gì là đẹp, là tốt, là hay, là lành mạnh, là hạnh phúc; giúp cho con em mình nhận thấy các giá trị trần thế như tình bạn, tình yêu, tình quê hương, khoa học nghệ thuật, vv... là những thứ lương thực mà con cái Chúa có quyền và có bổn phận tôn trọng và phát triển đúng hướng.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Con tin Chúa luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại. Con tin Chúa yêu thương Giáo Hội, yêu thương loài người, yêu thương chúng con. Xin Chúa thương ban cho chúng con ơn biết cùng với Chúa Giêsu thao thức về cuộc sống của đồng bào thân mến của con. Xin cho mọi người được ấm no, bình an, hạnh phúc. Xin chúc lành cho chúng con. Amen.

Lễ Thêm Sức 10.01.1986 tại nhà thờ Phú An, huyện Phú Tân.


 

Bùi-Tuần 0125: MẠNH MẼ, ĐẦY KHÔN NGOAN


VÀ CÓ ƠN NGHĨA CỦA THIÊN CHÚA 02-02-1986 BT3:

Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh Long Xuyên

 

Lễ hôm nay là lễ Đức Mẹ dâng con. Bài Phúc Âm thuật lại khá nhiều: 02-02-1986 Bùi-Tuần 125


Lễ hôm nay là lễ Đức Mẹ dâng con. Bài Phúc Âm thuật lại khá nhiều chi tiết. Có một chi tiết kéo sự chú ý của tôi, kêu gọi tôi đào sâu suy nghĩ. Chi tiết đó là câu sau cùng của bài Phúc Âm. Câu đó thế nầy: “Con trẻ Giêsu lớn lên, mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và có ơn nghĩa của Thiên Chúa ở cùng con trẻ”

Vắn tắt thế thôi, nhưng thiết tưởng đó là những điều mà mọi cha mẹ Công Giáo đều mong muốn cho con mình. Cha mẹ nào có đức tin mà chẳng cầu cho con mình “lớn lên mạnh mẽ, đầy khôn ngoan và có ân nghĩa của Thiên Chúa”. Thú thực, chính tôi cũng mong được như thế. Mình lớn rồi, tuổi đời cũng cao rồi, nhưng về tinh thần, tôi vẫn coi mình còn nhỏ, vẫn mong lớn lên, mạnh mẽ, đầy khôn ngoan và được ơn nghĩa của Thiên Chúa ở với tôi luôn.

Nhưng thế nào là mạnh mẽ, đầy khôn ngoan và có ơn nghĩa của Thiên Chúa. Nhìn vào Chúa Giêsu, tôi thấy những nét đó dễ được mọi người nhất trí. Chẳng hạn, dịp Đức Mẹ dâng con, nếu là trường hợp lúc đó chúng ta được góp ý kiến, thì chắc không thiếu người trong chúng ta sẽ nói với Chúa rằng: Đức Kitô là con Thiên Chúa, dịp Đức Kitô dâng mình trong đền thánh là dịp rất tốt để ra mắt với giáo quyền và với toàn dân. Mình phải tổ chức lớn, để làm sáng danh Chúa. Vì thế, xin Đức Mẹ cứ mạnh mẽ khai báo với giáo quyền tất cả sự thực về lai lịch con trẻ Giêsu, để giáo quyền công bố long trọng cho dân mừng. Tôi nghĩ rằng những người nêu lên các ý kiến như thế, rất có thể được coi là can đảm, đầy khôn ngoan, có ơn Chúa. Thế nhưng, sự thực như trong Phúc Âm ghi lại đã rất khác xa. Cuộc lễ đã rất âm thầm. Chúa Giêsu đã dâng mình theo nghi thức vốn dành cho hạng người nghèo. Vị thầy cả chủ lễ vẫn không nhận ra con trẻ trong tay mình là Đấng Cứu Thế. Vậy mà Phúc Âm lại ca ngợi Đấng Cứu Thế như thế là mạnh mẽ, đầy khôn ngoan và có ơn nghĩa của Thiên Chúa.

Rồi suốt 30 năm dài ở Nagiarét, Chúa Giêsu đã sống đạo, truyền đạo bằng cuộc đời âm thầm cầu nguyện, lao động, đề cao các đức tính nhân bản, chứ không giảng dạy, không làm gì khác thường cả. Thế mà Phúc Âm đã ca ngợi Đấng Cứu Thế như thế là “Mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở với Ngài”.

Rồi trong ba năm giảng đạo, mặc dầu Ngài chủ trương phải nói lên sự thật, nhưng bao lần, có người muốn nói lên những sự thực tuyệt vời có nhiều khả năng làm sáng danh Chúa, thí dụ sự Ngài làm phép lạ cho họ, sự Ngài là Con Thiên Chúa... thì Ngài lại cấm, lại bảo họ đừng nói ra. Thế mà Phúc Âm đã ca ngợi Đấng Cứu Thế như thế là “Mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở với Ngài”.

Rồi suốt đời, Chúa Giêsu đã sống hiền lành khiêm nhượng, phục vụ đến độ phải chết một cách nhục nhã như một kẻ yếu hèn... Thế mà Phúc Âm đã ca ngợi Đấng Cứu Thế là “Mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở với Ngài”.

Những suy nghĩ của tôi dẫn tôi tới cái hướng kết luận sau đây:

Trong chương trình cứu độ, Chúa Giêsu đã đặt nặng sứ mạng làm chứng về tình yêu của Cha trên trời, đã đặt nặng sứ mạng làm chứng lòng mến Chúa bằng sự thương yêu con người. Khoa tâm lý dạy: Điều kiện quan trọng nhất để gợi lên được tình yêu, đó là phải thích hợp. Mặc dầu Thiên Chúa là tình yêu rất tốt lành, nhưng tình yêu rất tốt lành Thiên Chúa phải trình bày thế nào để hạp với con người cụ thể. Thiếu tính cách thích hợp, thì tình yêu dù tốt lành nhất cũng không đủ sức lôi kéo con người. Đó là vấn đề mà Chúa Giêsu đã giải quyết với bao can đảm, với bao khôn ngoan, với bao ơn Chúa!

Anh chị em thân mến,

Dù nhỏ, dù lớn, mọi người chúng ta cần phải cầu mong được “Lớn lên, mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và có ơn nghĩa Thiên Chúa”. Mỗi sáng khi dâng mình, tôi cũng hợp ý với Đức Mẹ khẩn khoản nói với Chúa điều đó, cho anh chị em và cho tôi. Cách riêng, và trong thánh lễ này, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, cho con em của ta được lớn lên mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và luôn được ơn nghĩa Chúa. Amen.
Lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh. Long Xuyên, ngày 02-02-1986


 

Bùi-Tuần 0126: NĂM MỚI MONG CÓ NHIỀU LIÊN HỆ TỐT 09-02-1986


Mồng một Tết Bính Dần Long Xuyên

 

Năm nào tôi cũng mong có một cái Tết thực lý tưởng, mà quần áo ai: 09-02-1986 Bùi-Tuần 126


Năm nào tôi cũng mong có một cái Tết thực lý tưởng, mà quần áo ai cũng đẹp, túi ai cũng nhiều tiền, mặt ai cũng tươi vui, lòng ai cũng thanh thản, nhà ai cũng khang trang đầy đủ, chỗ nào trên đất nước cũng văn minh, cũng chan hòa tin tưởng yêu thương.

Hôm nay tôi đang thấy một phần. Một phần mà thôi, nhưng là kết quả của bao công lao phấn đấu. Trong mỗi thành quả, dù là nhỏ bé, đều có nhiều đóng góp khác nhau. Chiếc áo ta mặc, nó là của ta, nhưng cũng do nhiều người mới có nó. Miếng bánh ta ăn, tuy tầm thường, nhưng cũng đã đến từ những cánh đồng, từ những dòng sông, từ những tuyến đường, từ những xí nghiệp đã in vết mồ hôi của bao bàn tay lao động. Các đồ ta dùng, dù âm thầm, nhưng vẫn nhắc đến từng trăm trí óc và trái tim đã trằn trọc, đã lo âu, đã suy tính để làm nên chúng, để giữ gìn chúng. Đúng là trong mỗi cuộc đời, đều có hơi thở của gia đình, của các người thân, của khắp giang sơn, của toàn vũ trụ. Và trong ánh sáng đức tin, ta còn thấy rõ đời ta có Chúa. Chúa ở với ta. Chúa ở trong ta. Rõ rệt như một tiếng lương tâm mãnh liệt. Rõ rệt như một tình yêu tha thiết. Rõ rệt như một hy vọng tuyệt vời.

Trên đây là cái nhìn khái quát, nhưng thiết tưởng cũng đủ để cho niềm vui ngày Tết của ta có nhiều ý nghĩa. Ta vui, vì thấy người khác được vui. Ta vui, vì làm cho người khác được vui. Ta vui, để người khác được vui. Ta vui trong tình người. Ta vui trong tình nghĩa. Ta vui trong tình Chúa yêu thương ta.

Chính vì cuộc sống của ta gắn chặt vào các mối liên hệ gần xa, và lệ thuộc rất nhiều vào các mối liên hệ đó, nên nguyện ước đầu năm của tôi, là trong năm mới, mỗi người chúng ta có được nhiều liên hệ tốt, và chính mình cũng là đối tượng tốt, để có thể là người hữu ích cho những ai có liên hệ với mình.

Tôi biết đối tượng tốt phải có nhiều điều kiện. Nhưng riêng tôi, tôi mong ít ra cũng phải có mấy điều kiện này:

Một là có lương tri bén nhạy, để thấy được trong một hoàn cảnh cụ thể mình phải xoay xở, phải sắp xếp thế nào cho tốt. Hai là có một lương tâm lành mạnh, để phát huy đạo đức, xứng đáng phẩm giá con người. Ba là có một mức độ lương thiện cao trong các nhận thức, để có đủ khả năng xây dựng đời sống. Những điều kiện tôi vừa kể sẽ ảnh hưởng không ít đến việc làm nên lương thực, làm nên lương bổng, là những sự rất cần cho cuộc sống hôm nay.

Tôi biết, nhiều nguyện ước của con người vượt xa khả năng con người, cũng như hạnh phúc của con người vốn lớn hơn chính con người. Vì thế khi chúc Tết ai, tôi vẫn chúc trong niềm cậy tin Chúa. Bởi vì tôi tin vững vàng Chúa là Cha giàu lòng thương xót, sẽ ban cho mọi kẻ tin cậy Chúa, vô vàn ơn lành mà Chúa biết sẽ sinh ích cho họ.

Trong niềm cậy tin đó, tôi cùng với anh chị em dâng lễ đầu năm. Với tâm tình khiêm tốn, biết ơn, ta nghĩ tới gia đình, tới Tổ Quốc, tới các ân nhân bè bạn, kẻ sống cũng như kẻ đã qua đời, kẻ đang có mặt cũng như kẻ vắng mặt. Ta nghĩ tới nhau. Và ta tin Chúa đang nhìn ta, đang thương ta, đang sẵn sàng chấp nhận mọi tâm tình ta dâng lên Ngài.

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót, con cảm tạ Cha, con kính mến Cha hết lòng. Xin Cha nhìn đến chúng con. Amen.

Mồng một Tết Bính Dần nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, ngày 09-02-1986.


 

Bùi-Tuần 0127: ĂN NĂN HỐI CẢI 02-03-1986


Cần Thay

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay (CN 3C, Mùa chay), Chúa Giêsu nói tới: 02-03-1986 Bùi-Tuần 127


Trong bài Phúc Âm hôm nay (CN 3C, Mùa chay), Chúa Giêsu nói tới một vấn đề rất quan trọng, đó là ăn năn hối cải. Chúa dùng những lời lẽ rất mạnh để khuyên răn sám hối. Ngài nói: Nếu chúng con không ăn năn hối cải chúng con sẽ bị hủy diệt.

Khi đọc bài Phúc Âm này, tôi tự hỏi mình rằng: Chúa nói mạnh như thế đó, nhưng có phải vì thế mà mọi người nghe lời Chúa đều sẽ ăn năn sám hối không? Tôi phải thành thực trả lời là không. Ngay bây giờ, nếu tôi hỏi từng người anh em có mặt đây thử nói lại một vài ý của lời Chúa vừa nghe, thì chưa chắc gì nhiều người đã nói lại được. Có nghĩa là nhiều người chỉ nghe qua, chứ không quan tâm tiếp thu ý Chúa. Chỉ một chi tiết như vậy cũng đủ chứng tỏ rằng: Sự ăn năn hối cải, tuy là vấn đề rất quan trọng, nhưng không dễ thực hiện chút nào. Đó là một kinh nghiệm mà mỗi người đều có thể thấy nơi gia đình mình, nơi tôn giáo mình, nơi thế hệ mình, nhất là nơi chính bản thân mình.

Chúng ta khó ăn năn hối cải lắm, vì rất nhiều lý do rất phức tạp. ở đây, tôi chỉ đề cập tới một lý do này mà thôi, đó là sự khó khăn của nhận thức.

Khi nghe khuyên bảo: Phải ăn năn hối cải thì ai cũng tự suy nghĩ: Phải ăn năn cái gì, cái gì là cái mình phải sám hối, cụ thể cái gì là cái mình phải sửa lại.

Tất nhiên cái phải ăn năn, phải sám hối, phải sửa lại, chính là cái xấu, là tội lỗi, là điều sai trái. Thế nhưng điều cụ thể đó là tội. Nếu xấu thì xấu đối với ai, nếu sai trái thì sai trái tới mức độ nào. Đó là những câu hỏi, mà các câu trả lời không luôn luôn có đủ sức thuyết phục.

Xưa kia, chính Chúa Giêsu là chân lý bằng xương bằng thịt, đã sống giữa dân Do Thái 33 năm, đã giảng dạy, đã làm bao phép lạ, nhưng kết quả thuyết phục của Ngài cũng rất giới hạn. Chỉ có một số nhỏ chịu suy nghĩ như Ngài. Còn phần đông, nhất là giới lãnh đạo tôn giáo thời đó vẫn khăng khăng cho những cái sai của mình là đúng, vẫn không ngừng chống đối Chúa Giêsu.

Cũng như ngày nay, các Giáo Hội cùng tôn thờ Thiên Chúa, như Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo, Công Giáo, vẫn tha thiết cầu xin ơn hiệp nhất. Nhưng đã mấy trăm năm rồi, bên nào cũng nhất định cho mình là phải, còn bên kia sai lầm. Nhận thức đúng sai đâu có dễ đâu!

Cách suy nghĩ và phán đoán của mỗi người, là cái gì rất thiêng liêng, chịu ảnh hưởng của tính tình, của tri thức và tiềm thức, của gia đình bè bạn, của nhà trường xã hội, của các niềm tin và các tình yêu, của nền văn minh và các biến cố đời sống. Nó phức tạp chứ không đơn giản. Thay đổi một nhận thức, một cách suy nghĩ, một cách phán đoán là cả một công trình khó khăn.

Những điều vắn tắt tôi nói trên đây cho ta thấy rằng: Nếu các chân lý đạo đức rất khó nhìn thấy rõ, bao người uy tín vẫn chưa nhất trí được với nhau trong các nhận định về đạo đức, thì điều chắc chắn và rõ rệt nhất ta cần phải nhận định, đó là bản thân ta phải rất khiêm tốn. Khiêm tốn với lương tâm mình, khiêm tốn với người khác, khiêm tốn đối với Chúa.

Tôi nghĩ khiêm tốn là nhận thức cần thiết nhất cho sự ăn năn sám hối. Bởi vì theo tôi, thì cốt yếu của sự ăn năn sám hối, mà Chúa kêu gọi, chính là sự trở về với những tình yêu cụ thể, đó là tình yêu Chúa, và tình yêu con người, chứ không phải cốt yếu là trở về với một cái gì trừu tượng lý thuyết, như lề luật và nguyên tắc. Mà để được Chúa thương để được con người thương, thì nhân tố có sức mạnh lôi kéo nhất chính là sự khiêm nhường.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin ban cho con ơn khiêm nhường, để dù với những lỗi lầm yếu đuối của con, con đáng được tiếp nhận tình thương bao dung của Chúa, cũng như tiếp nhận được tình thương rộng lượng của những người xung quanh.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa.

Cần Thay, ngày 02-03-1986


 

Bùi-Tuần 0128: KHIÊM NHƯỜNG TRONG ĂN NĂN SÁM HỐI02-03-1986


Cái Đôi

 

Hồi nãy, tại nhà thờ Cần Thay, tôi đã giảng về sự ăn năn hối cải, và tôi: 02-03-1986 Bùi-Tuần 128


Hồi nãy, tại nhà thờ Cần Thay, tôi đã giảng về sự ăn năn hối cải, và tôi đã nói đến sự khiêm nhường như là một điều kiện quan trọng. Giờ đây tôi muốn nói tiếp về điều kiện đó, cũng dựa theo bài Phúc Âm vừa nghe.

Theo nội dung bài Phúc Âm hôm nay (CN 3C, Mùa chay), Chúa Giêsu đã nhắc đến hai sự việc đang được dư luận lúc đó bàn tán xôn xao.

Sự việc thứ nhất là chuyện một số người Galilê bị quan Philatô giết đang khi họ tế sinh. Có dư luận cho rằng họ bị giết như thế là vì họ có tội, nên Chúa phạt. Chúa Giêsu nói: Không phải thế đâu. Việc anh chị em nên làm là hãy phê phán chính bản thân mình. Hãy ăn năn hối cải, kẻo chính mình sẽ bị hủy diệt.

Sự việc thứ hai là chuyện tháp Siloe đổ đè chết 18 người. Có dư luận cho rằng những người bị tháp đè chết như vậy chắc vì có tội nên bị Chúa phạt. Chúa Giêsu nói: Không phải thế đâu. Việc anh chị em nên làm là hãy ăn năn tội mình, kẻo chính mình sẽ bị hủy diệt.

Cách Chúa nói như trên cho phép ta hình dung được cái cảnh sai trái của dư luận lúc đó. Có những người tự cho mình cái quyền được leo lên tòa phán xét, để kêu người này là xấu, chê người kia là tội lỗi. Chúa bảo họ hãy bước xuống, đừng kiêu căng. Những phán đoán của họ như thế là sai. Hãy lo phán xét chính mình.

Như thế là rõ Chúa nhấn mạnh đến sự khiêm nhường trong việc ăn năn sám hối. Và sự khiêm nhường mà Chúa nhắc tới một cách minh bạch ở đây, chính là sự khiêm nhường trong cái nhìn về người khác. Đọc Phúc Âm ta thấy Chúa hay lưu ý đến sự khiêm nhường đó. Chính vì thế mà trong bất cứ sự ăn năn hối cải nào, ta đừng quên xem xét lại cái nhìn của ta về người khác, nhất là những cái nhìn được bộc lộ ra bằng lời nói.

Trong những lời ta nói, có thể đã có những phê phán kẻ khác không do tinh thần xây dựng mà do tinh thần nhỏ nhen hẹp hòi. Cũng có thể đã có những suy diễn xấu về người khác do thành kiến, do ác ý, do nông nổi. Cũng có thể đã do những lời nói lựa chọn tinh tế để hạ kẻ khác xuống do kiêu căng tự đắc. Cũng có thể lời ta nói về kẻ khác là đúng sự thực, nhưng mục đích, cung cách và hoàn cảnh không thích hợp, thiếu đạo đức, gây nên hậu quả xấu. Cũng có khi ta không chịu nói trong trường hợp cần nói, nên đã trở thành một thái độ lỗi bác ái và khiêm nhường.

Người ta có thể quan sát cách ta nhìn kẻ khác và cách ta phê phán kẻ khác mà biết được nhân cách, tình trạng đạo đức và trình độ trí thức của ta. Nhiều khi kẻ phê phán người khác lại phơi bày bản chất chính mình hơn là phơi bày bản chất người mình phê phán. Có những trường hợp ta thấy kẻ nhìn người khác đã để lộ chính phẩm chất thực sự của mình trong chính cái nhìn của mình. Thế mà họ cứ tưởng mình đang nắm bắt được sự thực của kẻ họ nhìn.

Chính vì thế mà càng cần thận trọng và khiêm tốn nhiều lắm.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin ban cho con sự sống của Chúa. Xin Chúa sống trong con.

Xin tinh thần Chúa hoạt động mạnh mẽ trong con, để con biết nhìn kẻ khác bằng cái nhìn của Chúa, cái nhìn đầy yêu thương, khiêm hạ và thông cảm. Amen.

Nhà thờ Cái Đôi, ngày 02-03- 1986.


 

Bùi-Tuần 0129: NGƯỜI TỘI LỖI ĐẠO ĐỨC


VÀ NGƯỜI ĐẠO ĐỨC TỘI LỖI - MC5-C16-03-1986

Núi Tượng

 

Đọc bài Phúc Âm lễ hôm nay (MC5-C), có người chú ý đến bà: 16-03-1986 Bùi-Tuần 129


Đọc bài Phúc Âm lễ hôm nay (MC5-C), có người chú ý đến bà Mađalêna, và có người chú ý đến những người biệt phái tố cáo bà Mađalêna. Phần tôi, tôi chú ý đến cả hai. Bà Mađalêna bị tố cáo là phạm trọng tội, nhưng sau đã ăn năn, nên tôi gọi bà là kẻ tội lỗi đạo đức. Còn những người biệt phái tố cáo bà Mađalêna là những người thuộc giới đạo đức, nhưng thực chất lại là đạo đức giả, nên tôi gọi họ là những kẻ đạo đức tội lỗi.

Chúa Giêsu đã nhiều lần đối chiếu hai hạng người như thế. Thí dụ bài Phúc Âm thứ bảy tuần trước nói đến hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người thu thuế vốn bị tiếng là tội lỗi, nhưng cầu nguyện với tâm hồn khiêm tốn, thì được khỏi tội. Người biệt phái vốn được tiếng là đạo đức, nhưng cầu nguyện với thái độ kiêu căng, nên không được khỏi tội. Đó là sự đối chiếu giữa kẻ tội lỗi đạo đức và người đạo đức tội lỗi. Rồi bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần rồi (CN IV, Mùa chay C) kể lại chuyện hai người con. Đứa con phung phá, sau đã ăn năn trở về, thì làm cho cha vui. Đứa con vốn ở nhà, có vẻ ngoan ngoãn, nhưng khi vừa gặp thử thách nhẹ, đã tỏ ra ghen tuông em và trách móc cha, nên làm cha buồn. Đó cũng là một sự đối chiếu. Một bên là người tội lỗi đạo đức , một bên là người đạo đức tội lỗi.

Nếu có ai hỏi tôi xem tôi có cảm tình hơn loại người nào trong hai loại đó, thì tôi xin thành thực trả lời là tôi có thiện cảm hơn với hạng người tội lỗi đạo đức. Và một điểm nơi họ đã gây được nhiều thiện cảm chính là sự khiêm tốn chân thành của họ, một sự khiêm tốn chân thành có sức giúp cho com người nhìn rõ hơn thực trạng của tâm hồn mình, có sức giúp cho con người cảm được mùi vị an bình của sự ăn năn và khát khao ơn tha thứ.

Tôi vẫn nghĩ rằng, đã là người, thì bình thường ai cũng có khuyết điểm, không nhiều thì ít. Và cho dù có ai được may mắn sống đời trong sạch, không hề có chút yếu đuối nào, nhưng nếu thiếu khiêm tốn, thì chính sự thiếu khiêm tốn đã là một thiếu sót lớn. Và thiếu sót này làm lu mờ hẳn đi tất cả mọi nét vốn được coi là đạo đức.

Theo bài Phúc Âm hôm nay, thì sự khiêm tốn chân thành có sức mạnh thay đổi người tội lỗi nên người đạo đức, đang khi sự kiêu căng lại biến đổi người đạo đức trở thành tội lỗi. Sự thay đổi này không tỏ rõ trong cuộc sống bình thường, nhưng khi có dịp thử thách, nhất là những dịp kéo mình vào sự so sánh mình với kẻ khác, như các trường hợp kể trong Phúc Âm trên đây, thì ai có khiêm nhường, ai không có sẽ lộ ra, để rồi từ đó sẽ càng rõ thay đổi tình trạng tội lỗi nên đạo đức, và tình trạng đạo đức nên tội lỗi.

Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi. Con chân thành thú nhận điều đó trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Con chân thành nhìn nhận chỗ đứng xứng đáng của con, chính là chỗ đứng giữa các tội nhân. Xin Chúa thương đến tất cả chúng con. Con tin Chúa, con tin cậy lòng thương yêu vô cùng của Chúa. Amen.

Núi Tượng, ngày 16-03-1986


 

Bùi-Tuần 0130: HÌNH ảNH LINH MỤC 16-03-1986


Lễ Truyền Dầu Long Xuyên

 

Trong các lời Kinh Thánh lễ hôm nay (Kỷ niệm Chúa lập chức Linh: 16-03-1986 Bùi-Tuần 130


Trong các lời Kinh Thánh lễ hôm nay (Kỷ niệm Chúa lập chức Linh Mục) có một ý được nêu lên ba lần:

Trước hết là bài đọc 1 nêu lên lời tiên tri Isaia khẳng định: “Chúa đã xức dầu cho tôi. Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”.

Tiếp đó là câu xướng trước Phúc Âm. Câu này tuyên xưng mạnh mẽ thế này: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người sai tôi đi đem Tin Mừng cho người nghèo khó”.

Sau cùng là bài Phúc Âm kể chuyện Chúa Giêsu khởi đầu cuộc đời công khai của Ngài bằng sự Ngài nhận về Ngài lời tuyên bố xưa của tiên tri Isaia: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi. Người sai tôi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”.

Cái ý được nhấn mạnh nhiều lần trên đây trong thánh lễ kỷ niệm thành lập chức Linh Mục đã là cơ sở để tạo nên trong Giáo Hội một hình ảnh về linh mục, theo đó linh mục là kẻ được Chúa xức dầu, có nhiệm vụ chủ yếu là loan báo Tin Mừng. Linh mục loan báo Tin Mừng, đó là hình ảnh về linh mục đã có từ xa xưa.

Nhưng hình ảnh này không phải là hình ảnh duy nhất về linh mục. Bởi vì còn một hình ảnh thứ hai cũng dựa vào Kinh Thánh. Theo hình ảnh này thì linh mục là người ban phát bí tích, là người lãnh đạo đoàn chiên.

Đã có một thời, do tình hình tôn giáo và xã hội, hình ảnh thứ hai đã làm lu mờ hình ảnh thứ nhất. Nhưng thời nay trong Giáo Hội đang phát triển một khuynh hướng muốn nhìn linh mục theo hình ảnh thứ nhất. Có một trào lưu thần học và mục vụ đang tìm khôi phục lại địa vị ưu tiên của hình ảnh thứ nhất về linh mục. Sự lựa chọn như thế tất nhiên được biện minh bởi nhiều lý do. ở đây, tôi chỉ tóm lược mà thôi.

Lý do thứ nhất, theo Kinh Thánh thì nhiệm vụ loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ khẩn thiết bậc nhất Chúa Giêsu đã trao cho Hội Thánh nói chung, và cho linh mục nói riêng. Đọc Phúc Âm, ta thấy bao lần Chúa nói tới sự phải làm chứng về Ngài, cần phải loan báo Tin Mừng, cần phải là đèn, là muối.

Lý do thứ hai, theo Công Đồng Vatican II thì bản chất Giáo Hội là loan báo Tin Mừng. Do đó, linh mục phải là người sống bản chất ấy của Giáo Hội một cách trung trực và mãnh liệt nhất.

Lý do thứ ba, hình ảnh linh mục loan báo Tin Mừng có vẻ khiêm tốn hơn, đang khi hình ảnh linh mục ban phát bí tích và lãnh đạo đoàn chiên có vẻ như phân biệt giai cấp, kẻ ban phát và người lãnh nhận, kẻ đứng đầu và người qui phục.

Lý do thứ bốn, hình ảnh linh mục ban phát bí tích, lãnh đạo đoàn chiên chỉ hiểu dễ dàng được trong một hoàn cảnh có người lãnh nhận bí tích và có đoàn chiên. Tôi thấy ở nhiều nơi bên Âu Mỹ, đa số giáo dân hiện nay không còn lui tới các bí tích một cách sùng mộ như trước nữa, họ cũng không còn dễ dàng qui tụ lại thành những hình thức đoàn chiên như thời trước nữa. Trong một hoàn cảnh như thế, những linh mục nào quá quen bám vào hình ảnh thứ hai, tức là hình ảnh đề cao vai trò linh mục làm bí tích và lãnh đạo, sẽ dễ bị lạc lõng, căng thẳng, chán nản. Họ thấy mình như không còn việc làm, như không còn tìm được ý nghĩa cho đời linh mục của mình nữa. Đang khi đó, những linh mục nào quen nhìn mình theo hình ảnh thứ nhất, tức là linh mục loan báo Tin Mừng, thì lại bình thản, luôn thấy mình có trong tầm tay cả một phạm vi hoạt động phong phú. Nhất là khi họ theo gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse hiểu Tin Mừng một cách rộng rãi, và hiểu cách loan báo Tin Mừng một cách cởi mở.

Anh chị em thân mến,

Có người đã hỏi tôi rằng: Tin mừng mà Cha thường xuyên muốn loan báo cho những người mà Cha gặp, đó là điều gì? Tôi đã thưa: Tin mừng mà tôi thường xuyên rất muốn loan báo cho những ai tôi gặp, đó là Tin Mừng họ được Cha trên trời yêu thương. Tôi loan báo Tin Mừng đó bằng sự chính bản thân tôi đang chân thành kính trọng họ, yêu thương họ, đang chân thành muốn được cùng với họ phát triển bất cứ sự gì là chân lý, là đẹp, là tốt, để nâng cuộc sống của họ lên về mọi mặt, thực hiện từng bước hạnh phúc lý tưởng của toàn dân. Tôi nghĩ hình thức Tin Mừng như thế rất hợp Phúc Âm, lại dễ hiểu, rất dễ được đón nhận và không hề bị hạn chế. Tôi tin rằng Chúa thực sự có mặt trong những Tin Mừng đó, nhất là khi loan báo tin này với tinh thần cầu nguyện.

Nếu anh chị em thấy trong đời sống, hoặc trong sách báo có những linh mục đã không thể làm gì khác ngoài việc loan Tin mừng như thế, thì xin anh chị em nên coi đó là những hình ảnh rất đúng nét linh mục, nhiều gần gũi, và không thiếu tính chất thời đại. Xin anh chị em năng cầu nguyện cho các linh mục, cho chúng tôi luôn trung thành với sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu là Linh Mục đời đời. Con xin cảm tạ Chúa. Con nguyện trung thành với Chúa. Chúa là Tin Mừng của con. Xin Chúa sống trong con mãi mãi. Amen.

Lễ Truyền Dầu, ngày 16-03-1986 tại Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0131: MỞ RỘNG TRÁI TIM 27-03-1986


Long Xuyên Thứ năm Tuần Thánh

 

Thánh lễ chiều thứ năm Tuần Thánh nhắc lại nhiều hình ảnh có vẻ yếu: 27-03-1986  Bùi-Tuần 131


Thánh lễ chiều thứ năm Tuần Thánh nhắc lại nhiều hình ảnh có vẻ yếu của lịch sử cứu độ.

Phúc Âm cho thấy các tông đồ vừa mới được thụ phong Linh Mục, vừa mới rước lễ, vừa mới nghe lời Chúa ủi an dặn dò, vừa mới được Chúa tỏ hết tình yêu thương tín nhiệm, nhưng chỉ vài giờ sau đó, tất cả các Ngài đều đã rất yếu đuối. Kẻ thì bán Chúa, kẻ thì chối Chúa, kẻ thì trốn tránh.

Chính Chúa Giêsu lúc này cũng có vẻ quá yếu. Ngài quì rửa chân cho các môn đệ. Ngài trối lại chính mình dưới hình thức khiêm tốn một lương thực bình thường. Ngài sợ đau khổ đến nỗi toát mồ hôi máu ra. Ngài để mình bị bắt, bị xỉ vả. Ngài bị tước đoạt hết, kể cả sự sống. Phản ứng của Ngài chỉ là thinh lặng và thái độ tuyên xưng lòng trung thành đối với Đức Chúa Cha và lòng bao dung đối với tất cả mọi người.

Đó là những biến cố quá bất ngờ đã làm cho các tông đồ chới với rụng rời. Nhưng chính những biến cố đó đã góp phần rất lớn trong việc thanh luyện các tông đồ. Trong nhiều trường hợp, lời Chúa và bí tích đã như những ánh sáng dịu, những nhắc nhở nhẹ, nhưng biến cố đớn đau mới quyết liệt cởi gỡ, mới uốn nắn mạnh, mới giúp cho tông đồ hiểu biết mình, hiểu biết Chúa, hiểu biết Giáo Hội một cách trung thực hơn.

Rõ ràng là trong chương trình cứu độ, các biến cố đời sống, nhất là các biến cố nặng nề, đã đóng một vai trò quan trọng bên cạnh lời Chúa và bí tích.

Tuy nhiên, hiệu năng của lời Chúa, của bí tích và của biến cố sẽ bị hạn chế, nếu không có sự cộng tác của ta. Theo thiển ý của tôi, thì một điều kiện cần để cộng tác, đó là phải có thiện chí mở rộng trái tim mình. Một trái tim rộng là một trái tim theo gương Chúa Giêsu biết ôm tất cả quê hương và nhân loại, biết nhìn bao quát hiện tại và tương lai, biết thao thức cho hạnh phúc toàn vẹn của mọi người, biết tìm ý Chúa qua Giáo Hội và ngoài Giáo Hội, biết coi việc xây dựng yêu thương đoàn kết rộng rãi là một đòi hỏi căn bản của Tin Mừng.

Tôi không sợ cuộc đời hẹp. Nhưng tôi sợ trái tim hẹp. Trái tim hẹp dễ gây nên thảm cảnh cho người khác và cho chính mình. Chính những trái tim hẹp của các người có đạo đã giết Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, giờ đây con đang làm lại việc Chúa làm xưa, là rửa chân cho các tông đồ. Con xin hiệp thông với tâm tình của Chúa. Tâm tình của Chúa là nhấn mạnh đến giới luật yêu thương. Con xin cảm tạ Chúa. Con xin vâng ý Chúa. Con xin theo Chúa. Amen.

Thứ năm Tuần Thánh nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên, ngày 27-03-1986.


 

Bùi-Tuần 0132: LẠC QUAN 29-03-1986


Lễ Phục Sinh Long Xuyên

 

Thánh lễ Vọng Phục Sinh có nhiều bài Kinh Thánh, nên giờ đây tôi: 29-03-1986 Bùi-Tuần 132


Thánh lễ Vọng Phục Sinh có nhiều bài Kinh Thánh, nên giờ đây tôi chỉ xin được chia sẻ với anh chị em vài suy nghĩ vắn tắt mà thôi. Nói cho đúng, thì đây là một chút kinh nghiệm tôn giáo của tôi về Chúa Cứu Thế.

Nói thiệt với anh chị em, tôi thấy đời tôi không phải lúc nào cũng sáng sủa cả. Cũng đã nhiều lúc tối tăm, cũng đã có nhiều khi xuống tinh thần. Nhưng tôi vẫn thường tìm được sự nâng đỡ quí báu nơi Chúa chịu nạn và Phục Sinh. Nhìn vào Ngài, nhất là hiệp thông với Ngài, tôi thấy đời mình có thêm lẽ sống, bởi vì nơi Ngài có những sự lạc quan đầy ý nghĩa cao cả.

Tôi cảm được sự lạc quan nơi Chúa Cứu Thế, khi tôi thấy các môn đệ Ngài chán nản, u buồn, thất vọng, thì Ngài đã vượt qua: Vượt qua sự chết, vượt qua mọi bế tắc, để không ngừng phục vụ những kẻ Ngài thương mến.

Thực tế, mục đích của Chúa Cứu Thế là phục vụ con người, giúp con người tháo gỡ mình khỏi mọi xiềng xích tội lỗi, khỏi bất công, khỏi ích kỷ, khỏi hận thù, khỏi nghèo khổ, để đi vào một cuộc sống của lẽ phải và tình thương chân chính. Nhưng chính trong người có đạo thời ấy đã có những hiểu lầm, những ghen tương, những thành kiến hẹp hòi, những bảo thủ lỗi thời tai hại. Những thứ đó đã giết Chúa, đã chôn Chúa. Nhưng chính cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa đã làm nên sức mạnh tuyệt vời ưu tiên giúp các tông đồ phải giải cứu chính mình khỏi con người cũ, để biết cùng với Chúa phục vụ đồng bào và nhân loại một cách thú vị hơn, cởi mở hơn và thích đáng hơn.

Sự lạc quan tôi muốn nói ở đây là ở hướng đó, cái hướng cải thiện con người, cái hướng phục vụ, nhằm nâng cao cuộc sống.

Sự lạc quan không nhất thiết phải là vui vẻ, nhưng là một sự tin tưởng vững chắc dựa trên cơ sở chính đáng. Có nghĩa là điều quan trọng không phải chỉ là theo gương Chúa, mà là phải tựa vào Chúa, phải đồng hành với Ngài, phải chia sẻ cuộc đời của Ngài, phải có sự sống của Ngài trong chính bản thân ta.

Tôi nghĩ rằng, sự lạc quan như thế có thể như ngọn đèn khiêm tốn phục sinh, thắp sáng lên niềm tin cậy mến, giúp cho ta biết “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” và góp phần bảo vệ hòa bình cho nhân loại.

Với tinh thần lạc quan của lễ Phục Sinh, tôi xin anh chị em cùng tôi sốt sắng cầu nguyện cho cuộc sống của đồng bào ta được luôn tốt đẹp, cho Tổ Quốc ta được luôn bình an thịnh vượng, cho chính bản thân mỗi người chúng ta được luôn là người có ích cho Giáo Hội và cho đất nước Việt Nam hôm nay của chúng ta. Amen.

Lễ Phục Sinh, ngày 29-03-1986 nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0133: LƯƠNG THỰC ĐỨC TIN 20-04-1986


Chúa Nhật Chúa Chiên Lành Long Xuyên

 

Lễ hôm nay quen gọi là Chúa Nhật “Mục tử tốt lành”. Mục tử có nghĩa: 20-04-1986 Bùi-Tuần 133


Lễ hôm nay quen gọi là Chúa Nhật “Mục tử tốt lành”. Mục tử có nghĩa là chăn chiên. Chăn chiên nói đây được dùng theo nghĩa bóng, để hiểu một cách thân thương về mọi người thuộc về Chúa.

Mục tử là Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu chia sẻ nhiệm vụ chăn chiên cho một số người được chọn, cụ thể trước mắt anh chị em đây, đó là chúng tôi, linh mục, giám mục.

Tuy là mục tử, tôi vẫn nhìn bản thân mình là một con chiên của Chúa. Bởi vì chính Chúa Giêsu cũng đã được gọi là Con Chiên Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là, bên cạnh những trách nhiệm riêng, đoàn chiên cũng như mục tử đều có những trách nhiệm chung. Một trong những trách nhiệm chung của chúng ta là phải bảo vệ và phát triển sự sống đức tin, nói một cách khác, là phải làm sao cho có lương thực hằng ngày nuôi dưỡng đức tin.

Lương thực hằng ngày nuôi dưỡng đức tin, đó là vấn đề tôi thường lo nghĩ. Dưới đây là mấy suy nghĩ vắn tắt tôi muốn được chia sẻ chân thành với anh chị em.
Trước hết tôi quan niệm rằng: Lương thực hằng ngày nuôi dưỡng đức tin là những gì giúp tôi mến Chúa yêu người. Cái gì, việc gì càng có nhiều tính cách mến Chúa yêu người thì càng đáng gọi là lương thực giàu phẩm chất Phúc Âm.

Tìm ra đâu lương thực như thế? Tôi nghĩ là Chúa ít cho ta lương thực làm sẵn. Chúa khôn ngoan vô cùng, Người thường gợi cho ta những phương hướng phải đi, để ta tự tìm ra lương thực. Một phương hướng tôi thấy Chúa chỉ cho, đó là chính thực tại ta đang sống. Thực tại đó là địa bàn cụ thể mà mỗi người đang sống và đang hoạt động. Thí dụ về phương diện đạo thì anh chị em thuộc họ đạo Long Xuyên, địa phận Long Xuyên, Giáo Hội Việt Nam. Về phương diện đời, anh chị em thuộc về thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đó là những nét lớn của địa bàn cụ thể đó mà ta phải tìm lương thực mến Chúa yêu người. Phải tìm gặp Chúa và tìm gặp con người trong địa bàn đó.

Hằng ngày trong họ đạo, trong địa phận, trong Giáo Hội, có biết bao nhiêu việc ta có thể góp phần phục vụ. Hằng ngày trong gia đình, trong khu xóm, trong địa phương, trong nước có biết bao nhiêu trách nhiệm kêu gọi mỗi người chúng ta phải có mặt và phải chia sẻ! Hằng ngày trong cuộc sống xã hội có biết bao nhiêu vấn đề thách đố ta hãy làm chứng mình yêu mến Chúa trên hết mọi sự và thương yêu người như Chúa thương ta! Hằng ngày có biết bao nhiêu tiếng Chúa thốt ra từ phép Thánh Thể, và từ muôn ngàn thân phận kẻ đau khổ cô độc, nghèo túng, bệnh tật, yếu đuối nhắc nhở ta hãy quảng đại với Chúa trong những sự sống đó.

 Nếu tôi biết tìm lương thực mến Chúa yêu người một cách cởi mở, tôi sẽ thấy điạ bàn hiện nay của chúng ta có rất nhiều tiềm năng phong phú, để giúp ta sống đức tin.

Cách sống của xã hội chúng ta hôm nay là phải ý thức mình sống trong xã hội, sống nhờ xã hội, sống với xã hội. Cách sống đó giúp ta thanh luyện và phát huy các nhân đức xã hội. Nếu biết dùng, thì những liên hệ khác nhau giữa ta và xã hội sẽ trở thành những tuyến đường ta gặp được con người, và gặp được Chúa. Nhất là khi ta biết rằng: Ta yêu người là cách minh chứng lòng ta mến Chúa.

Theo tôi, thì khi lương thực của đức tin không phải là một đầu óc nhớ cho thật nhiều những điều đã học về đạo, mà kho lương thực của đức tin phải là một não trạng biết sống đạo một cách thiết thực trong các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, một não trạng khiêm tốn, dễ để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và để người chia sẻ cho tình mến Chúa yêu người bao la trong sáng xuyên qua các chi tiết cụ thể cuộc sống hằng ngày, một não trạng biết gặp được Chúa và gặp được con người trong các ngã đường của lịch sử.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để có được một não trạng như thế. Chúa là Đấng Sáng Tạo. Người dựng nên những tâm hồn sáng tạo, những não trạng sáng tạo, những trái tim biết sáng tạo.

Lạy Chúa,

Xin Chúa thương giúp chúng con, Xin cảm tạ Chúa là Mục Tử tốt lành, đã và đang hướng dẫn chúng con. Amen.

Long Xuyên, 20-04-1986 Chúa Nhật Chúa Chiên Lành.


 

Bùi-Tuần 0134: CUỘC ĐỜI CÓ BẢO ĐẢM 03-08-1986


- CN 18TN

Long Xuyên

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay (CN 18QN,C), tôi chú ý đến một lời Chúa: 03-08-1986 Bùi-Tuần 134


Trong bài Phúc Âm hôm nay (CN 18QN,C), tôi chú ý đến một lời Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Đừng tưởng có nhiều của cải mà đời sống được bảo đảm đâu”. Đây là một lời nhắc bảo đơn sơ rất dễ hiểu, nhưng không nên coi thường, bởi vì đây là một chỉ dẫn quan trọng cho cuộc sống của ta, nhất là cho việc giáo dục con em chúng ta.

Đời sống được bảo đảm, có nghĩa là đời sống được hạnh phúc đầy đủ và vững bền. Hạnh phúc đầy đủ và vững bền có thể được ví như một toà nhà đẹp đẽ và kiên cố. Toà nhà như vậy là một công trình khéo léo được tạo thành do nhiều vật tư, do nhiều bàn tay, do nhiều khối óc. Có nhiều gạch ngói, đâu đã nói được là bảo đảm sẽ thành được toà nhà. Cũng vậy, có nhiều của cải, đâu đã nói được là cuộc đời có hạnh phúc.

Hạnh phúc của một người là một công trình rất lớn. Tôi mới đọc một tờ báo kể ra những điều kiện làm nên hạnh phúc con người. Đại khái là:

1. Phải có nhiều của cải. 2. Phải có nhiều sức khoẻ. 3. Phải có nhiều kiến thức. 4. Phải có nhiều đạo đức. 5. Phải có nhiều liên hệ tốt, trong đó tất nhiên là có tình yêu thương.

Đó chỉ là tóm lược, thế mà đã thấy sơ sơ 5 món. Xét cho cùng, thì điều kiện nào cũng quan trọng. Tất cả đều ảnh hưởng ngang nhau.

Theo tôi, thì mình được cái nào là mừng cái đó. Thiếu cái nào, thì phấn đấu cho cái đó. Hiện nay chúng ta đang phấn đấu, để có thêm của cải, để có thêm sức khỏe, để có thêm kiến thức, để có thêm đạo đức, để có thêm liên hệ tốt với Chúa và với con người. Ta phấn đấu vì hạnh phúc của bản thân mình, vì hạnh phúc của con em ta, vì hạnh phúc của đồng bào ta. Chính sự ta nổ lực phấn đấu như thế, cũng là một cách phát huy đạo đức rồi.

ở đây, tôi xin nhắc nhở điều này là, sự phấn đấu của ta cần được cân đối. Thí dụ: Đừng chỉ phấn đấu cho mặt đạo đức, rồi không quan tâm gì đến các giá trị khác, hoặc là chỉ lo xây dựng tài sản, rồi quên xây dựng con người, thường là nói đến xây dựng cái tài cái đức, luyện lọc lương tri và lương tâm, uốn nắn cách suy nghĩ, cách sống và cách liên hệ.

Riêng tôi, khi suy nghĩ đến hạnh phúc đời mình, tôi hay để ý đến cách bền bỉ, như là một điều kiện thiết yếu làm nên hạnh phúc. Hạnh phúc mà mong manh, mau hết, thì chưa là hạnh phúc thực. Làm sao cho hạnh phúc của mình được bền bỉ, lâu dài đời đời, đó là một ước mong chính đáng.

Để giải quyết ước mong đó, tôi tựa vào Thiên Chúa là Đấng hằng sống đời đời, có lòng yêu thương tôi vô cùng. Tôi vẫn ví cuộc sống tôi như một chuyến đi về với Chúa. Cái mà tôi cho là bảo đảm nhất cho chuyến đi này, chính là niềm tin cậy ở Chúa. Niềm tin cậy Chúa, đó là hành trang âm thầm của tôi suốt hành trình cuộc sống.

Anh chị em thân mến,

Cuối bài Phúc Âm hôm nay, Chúa tỏ ý mong muốn, khi gặp ta, Chúa sẽ thấy ta có được sự mà Chúa gọi là của cải trước mặt Chúa. Của cải trước mặt Chúa là những công đức, là những việc lành. Đối với những người biết mình chẳng có mấy công đức, chẳng có mấy việc lành, thì của cải trước mặt Chúa chỉ là niềm tin cậy, mà mình luôn đặt trọn vẹn vào lòng thương xót Chúa. Tôi vẫn cầu nguyện cho niềm tin cậy Chúa, được vững bền mãi mãi nơi anh chị em. Tin cậy Chúa là một ân huệ của Chúa. Ta đừng quên cảm tạ Chúa vì ân huệ cao quý đó.

Long Xuyên, ngày 03-08-1986.


 

Bùi-Tuần 0135: TINH THẦN CỞI 10-08-1986


Mở Lễ Thêm Sức Châu Đốc

 

Khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức, anh chị em muốn tuân giữ một điều: 10-08-1986 Bùi-Tuần 135


Khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức, anh chị em muốn tuân giữ một điều đạo dạy. Tôi cũng vậy. Khi làm bí tích Thêm Sức, tôi cũng tuân giữ một điều đạo dạy. Điều đạo truyền dạy về phép Thêm Sức, vẫn có trong Hội Thánh từ xưa tới nay. Người theo đạo không giữ các điều đạo dạy thì không an tâm. Vì thế, đối với anh chị em cũng như đối với tôi, qua được phép Thêm Sức là bớt được một nỗi ray rứt, và thêm được một niềm vui.

Ngoài ra, phép Thêm Sức còn mang lại cho người lãnh nhận, nhiều niềm vui bổ ích khác. ở đây, tôi chỉ nói tới một lợi ích này mà thôi. Đó là giúp cho người lãnh nhận, có một tinh thần cởi mở hơn.

Thực vậy, khi lãnh nhận phép Thêm Sức, người Công Giáo nhìn thấy vị Giám Mục, thì tâm hồn họ được cởi mở thêm hơn. Họ nhận thức được rằng, họ thuộc về một gia đình lớn, đó là giáo phận có vị Giám Mục đứng đầu. Rồi, vì nhận biết vị Giám Mục là kẻ kế vị các thánh tông đồ, họ sẽ dễ thấy mình là thành phần của Hội Thánh toàn cầu, do Chúa Giêsu sáng lập.

Rồi khi cử hành lễ Thêm Sức, người Công Giáo thấy vị Giám Mục cũng như các linh mục, và cả họ đạo đều tuân thủ luật pháp nhà nước, thì tâm hồn họ được cởi mở thêm hơn. Họ nhận thức một lần nữa rằng: Giữ đạo là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, là gắn bó với quê hương, là tôn trọng trật tự an ninh xã hội.

Rồi, khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức, người Công Giáo thấy mình được nhiều người lo cho họ, chia sẻ với họ, thì tâm hồn họ được cởi mở hơn. Họ thấy đạo là thông hiệp trong tình thương, và trong chân lý, là cố gắng vượt qua tính ích kỷ, để sống cho người khác một cách quảng đại, sáng suốt.

Rồi, khi nhận lãnh bí tích Thêm Sức, người Công Giáo thấy cuộc lễ được cử hành trang nghiêm sốt sắng, thì tâm hồn họ được cởi mở thêm hơn. Họ thấy đạo mình là thờ phượng Chúa, chia sẻ sự sống của Chúa, trong tinh thần hiệp nhất với Hội Thánh.

Nói cho đúng, thì cởi mở chính là một đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần trong phép Thêm Sức.

Xưa, nhờ ơn Chúa Thánh Thần ban, các tông đồ đã biết cởi mở về phía dân ngoại, để đến với họ, để kính trọng và thương mến họ, để học nơi họ nhiều cái hay cái tốt, để chia sẻ Tin Mừng với họ.

Xưa, nhờ ơn Chúa Thánh Thần ban, các tông đồ đã biết cởi mở về cách giữ đạo. Các Ngài không ngại bỏ đi những cách giữ đạo quá nặng về hình thức, để tập trung vào bản chất của đạo là mến Chúa yêu người.

Xưa, nhờ ơn Chúa Thánh Thần ban, các tông đồ đã biết cởi mở về phía Nước Trời. Các Ngài nhận ra vinh quang Thiên Chúa ở bất cứ sự tốt lành đẹp đẽ nào dù nơi bất cứ ai và dù của bất cứ nền văn hóa nào.

Cởi mở đòi hỏi khiêm tốn, nhiều khao khát, nhiều tìm tòi, nhiều tin tưởng.

Cũng trong tinh thần đó, thánh Lôrensô bổn mạng họ đạo Châu Đốc này đã sống cởi mở và đã chết cởi mở, khi Ngài chịu mọi cực hình để tìm về hạnh phúc bất diệt nơi Thiên Chúa hằng sống.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin cho ta được ơn cởi mở của Chúa Thánh Thần. Cởi mở là điều kiện để tiến.

Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta, để sự cởi mở của ta luôn luôn có tinh thần phục vụ Chúa, phục vụ Tổ Quốc, trong tinh thần mến Chúa yêu người nồng nàn và chân thật. Amen.

Lễ Thêm Sức, ngày 10-08-1986 tại nhà thờ Châu Đốc.


 

Bùi-Tuần 0136: HAI VIỆC HÀNG NGÀY 24-08-1986


Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương Long Xuyên

 

Những người đi qua nhà thờ Long Xuyên thường nhìn lên tượng Đức Mẹ: 24-08-1986 Bùi-Tuần 136


Những người đi qua nhà thờ Long Xuyên thường nhìn lên tượng Đức Mẹ đứng ở lưng chừng cây tháp. Tôi cũng hay nhìn lên tượng đó. Tượng đó ngày đêm nhắc cho họ đạo Long Xuyên nhớ quan thầy của mình là Đức Mẹ Maria Trinh Vương.

Nếu ai thắc mắc, tại sao hôm nay tôi mở đầu bài giảng như thế, thì xin giải thích ngay. Thưa bởi vì hôm nay họ đạo Long Xuyên chúng ta kính lễ quan thầy của mình.

Có người hỏi tôi rằng: Tượng Đức Mẹ cầm thánh giá có nghĩa gì? Tôi trả lời: Đức Mẹ cầm thánh giá có nghĩa như là Đức Mẹ cầm chắc chìa khóa mở cửa thiên đàng. Ai muốn vào Thiên Đàng, thì hãy nhờ Đức Mẹ và dùng chiếc chìa khóa đó. Tất nhiên tôi trả lời theo nghĩa bóng, để nói lên những điều tôi tin.

Thực vậy, tôi tin rằng: Tôi sống và có ngày tôi sẽ chết. Nhưng chết mà không hết. Bởi vì tôi có linh hồn hằng sống. Cuộc sống của tôi là một chuyến đi về cõi đời đời. Cõi đời đời ấy hoặc là Thiên Đàng, hoặc là Hỏa Ngục.

Và tôi tin rằng: Muốn lên Thiên Đàng, muốn tránh Hỏa Ngục, thì tôi phải sống lành phải chết lành. Nhưng tôi biết con người có bản tính yếu đuối, rất dễ phạm tội. Nếu Chúa chấp tội, thì chẳng ai rỗi được.

Nên tôi tin rằng: Chúa nhân lành vô cùng thương xót con người yếu đuối, nên đã cho con người một cách để chữa lành và để chết lành, cách đó là cậy trông vào công phúc vô cùng của Chúa Cứu Thế đã chịu chết trên thập giá, và cậy trông vào lòng nhân lành của Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Niềm tin như thế là niềm tin đầy an ủi, chứa chan hy vọng. Niềm tin như thế khiến ta muốn có những liên hệ tốt với Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

Nói chung, thì những liên hệ ấy, dù dưới hình nào, đều phải có tính cách gắn bó và thường xuyên. Tính cách gắn bó nói ở đây không phải chỉ là gắn bó về tình cảm, mà còn là gắn bó với thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa nói chung là muốn ta thường xuyên cố gắng vượt qua cái xấu để tới cái tốt, và vượt qua cái ít tốt để vươn lên cái tốt hơn.

Biết ý Chúa muốn là như vậy, ta có thể thấy được những việc ta nên làm để liên hệ với Chúa và Đức Mẹ. ở đây, tôi chỉ xin nhắc lại 2 việc này:

Việc thứ nhất là cầu nguyện hàng ngày. Mỗi sáng, vừa thức dậy, tôi cầu nguyện vài phút với ít kinh quen thuộc, rồi tôi nói với Chúa và Đức Mẹ đại khái. Xin giúp con và mọi người thân của con, và tất cả đồng bào của con hôm nay vượt qua được mọi khó khăn trắc trở, để nên người tốt hơn, có ích cho xã hội hơn và có hạnh phúc hơn. Tối đến, trước khi ngủ, tôi cũng cầu nguyện vài phút với ít kinh quen thuộc, rồi nói với Chúa và Đức Mẹ đại khái: Con xin cảm tạ Chúa và Đức Mẹ đã thương yêu con. Xin cho con và mọi người thân của con và tất cả đồng bào của con biết sống lành và chết lành.

Cầu nguyện như thế là nhắm một cái hướng đi lên, giúp ta gắn bó với Chúa và Đức Mẹ, trong tình mến Chúa yêu người.

Cầu nguyện, đó không phải là cách duy nhất để liên hệ với Chúa và Đức Mẹ, còn một việc khác nữa cũng do chính Chúa Giêsu đã mạc khải, việc đó là bác ái. Chúa Cứu Thế đã quả quyết: Khi các con làm việc tốt cho kẻ khác, thì Cha kể như chúng con làm cho chính Cha. Như thế, trong một ngày có biết bao nhiêu việc ta có thể làm cho Chúa. Bởi vì bác ái là lịch sự, là phục vụ, là yêu thương, là nhịn nhục, là tha thứ, là nghĩ tốt, muốn điều tốt và làm điều tốt cho kẻ khác.

Anh chị em thân mến,

Bác ái và cầu nguyện là 2 việc dễ nhất, và thông thường nhất ta có thể làm và nên làm hàng ngày, để ta liên hệ tốt với Chúa và Đức Mẹ. Rồi ta sẽ thấy có những chiếc chìa khóa thiêng liêng mở ra cho ta con đường về hạnh phúc đời đời.

Lạy Mẹ Maria,

Mẹ là Đấng làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy, xin Mẹ luôn ở giữa đời sống chúng con. Xin cho những người không biết cậy trông vào đâu được có niềm hy vọng. Xin cho những người buồn khổ được có niềm vui. Xin cho những người đang đi vào cõi chết được tìm thấy sự sống. Lạy Mẹ, xin nâng đỡ chúng con “Khi này và trong giờ lâm tử”. Amen.

Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên, ngày 24-08-1986.


 

Bùi-Tuần 0137: MỘT SỐ ĐỔI THAY TRONG SUY NGHĨ


VỀ LINH MỤC 23-09-1986

Lễ Kim Khánh linh mục của 2 cha: Louis Gonz. Nguyễn Hiếu Lễ; Stanislao Nguyễn Hữu Trí Bò-Ót

 

Cách đây 50 năm, đúng ngày này, hai anh em ruột: Nguyễn Hiếu Lễ: 23-09-1986 Bùi-Tuần 137


Cách đây 50 năm, đúng ngày này, hai anh em ruột: Nguyễn Hiếu Lễ và Nguyễn Hữu Trí đã thụ phong linh mục. Hôm nay là ngày kỷ niệm. Tất nhiên đây là kỷ niệm của 2 cha, nhưng cũng là một suy niệm chung cho giáo phận, nhất là cho các người cùng tham dự chức Linh Mục của Chúa Kitô.

Đối với lịch sử thì nữa thế kỷ là một thời gian khá dài. Đối với đời linh mục nói chung và linh mục Việt Nam nói riêng thì 50 năm từ đây trở về trước không chỉ quan trọng về thời gian dài, mà còn quan trọng về nhiều chuyển biến.

Đã có nhiều thay đổi nơi linh mục, như cách ăn mặc, cách sinh sống, cách làm lễ, cách thực thi mục vụ. ở đây, tôi muốn nhân dịp này nói đến một thứ đổi thay có tầm ảnh hưởng lớn, một thứ đổi thay mà 2 Cha đã từng có nhiều kinh nghiệm, một thứ đổi thay vẫn còn đang thành hình. Đó là đổi thay trong cách suy nghĩ về một số vấn đề linh mục. Tôi nói vấn đề này ở đây là để kính mừng 2 Cha và cũng như thay cho 2 Cha để tâm sự với anh chị em.

Tôi xin được vắn gọn về nội dung và hình thức.

Điều thứ nhất tôi thấy đổi thay tronh suy nghĩ về linh mục, đó là hình ảnh linh mục.

Linh mục có 3 chức năng: Một là loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Hai là ban phát các bí tích. Ba là đứng đầu đoàn chiên. Trước đây, có một thời đa số đặt chức năng thứ hai lên ưu tiên số một. Trong đầu óc họ, hình ảnh linh mục, luôn luôn chỉ là hình ảnh một thầy tế lễ. Các ảnh kỷ niệm thụ phong linh mục vẫn thường in hình một người mang phẩm phục tế lễ với hai bàn tay đang dâng bánh rượu. Nhưng não trạng ấy đã và đang thay đổi. Theo đó, linh mục trước hết phải là người loan báo Tin Mừng.

Loan báo Tin Mừng là chức năng thực sự ưu tiên số một. Điều này hợp với hiến chế tín lý về Hội Thánh và nghị quyết về chức linh mục của Công Đồng Vatican II. Nó cũng hợp với đòi hỏi mục vụ thời nay không muốn linh mục được coi như một giai cấp chỉ chuyên việc đứng đầu và chuyên việc ban phát, mà muốn Ngài trước hết phải được coi là một người anh em, cũng chia sẻ trách nhiệm chung của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng Cứu Độ.

Linh mục loan báo Tin Mừng với một chức năng riêng, bởi vì Ngài được Đấng ban quyền sai đi nhân danh Hội Thánh. Vì thế, hình ảnh linh mục loan báo Tin Mừng luôn luôn là một hình ảnh của một đời sống nội tâm vững vàng, gắn bó với Chúa và với Hội Thánh qua Đấng ban quyền của mình.

Điều thứ hai tôi thấy đổi thay trong suy nghĩ về linh mục, đó là cách loan báo về Tin Mừng.

Có 3 thứ loan báo Tin Mừng: Tin Mừng đọc, Tin Mừng nghe, Tin Mừng nhìn. Tin Mừng đọc là đọc đạo Chúa trong sách báo đạo. Tin Mừng nghe là nghe đạo Chúa qua các bài giảng dạy đạo. Tin Mừng nhìn là nhìn đạo Chúa qua đời sống con người tin đạo.

Trước đây và bây giờ rải rắc ở vài nơi, một số người thích dồn sức vào Tin Mừng đọc và Tin Mừng nghe. Nhưng nay, đại đa số đã đặt “Tin Mừng nhìn” lên hàng đầu. Ưu tiên này, chính Đức Phaolô VI đã nhắc đến trong Tông Huấn “Loan báo Tin Mừng”. Nó cũng là đòi hỏi của não trạng con người thời nay, thích đánh giá theo thực nghiệm hơn là theo ý niệm.

Điều thứ ba tôi thấy đổi thay trong suy nghĩ về linh mục, đó là địa bàn loan báo Tin Mừng.

Trước đây và bây giờ rải rác ở vài nơi, nhiều người quen coi địa bàn loan báo Tin Mừng chỉ là nhà thờ. Nhưng nay, đại đa số coi địa bàn loan báo Tin Mừng chính là cuộc sống. Tin Mừng mà ai cũng mong mỏi, đó là cuộc sống được nâng lên: Nâng sức khoẻ lên, nâng của cải lên, nâng kiến thức lên, nâng nhân đức lên, nâng các liên hệ tốt lên. Làm sao cho mọi đồng bào bớt đi được khổ đau, thêm được hạnh phúc. Làm sao cho con người biết sống với nhau có tình nghĩa, có thủy chung, có lương tâm, có bình an trật tự. Điều này cũng chính là đòi hỏi của Phúc Âm. Xưa Chúa Giêsu đã làm. Đối với con người mọi thời. Đó là Tin Mừng dễ hiểu nhất, để từ tình thương phục vụ đó có thể đi lên bác ái cao hơn trong lãnh vực mầu nhiệm.
Điều thứ tư tôi thấy đổi thay trong suy nghĩ về linh mục, đó là tinh thần loan báo Tin Mừng.

Trước đây một thời cũng có người đã loan báo Tin Mừng với một tinh thần gọi là của một Giáo Hội quyền lực. Nhưng nay, tinh thần kẻ loan báo Tin Mừng càng ngày càng khiêm tốn cởi mở, tôn trọng đối với xã hội và tâm lý con người. Họ nhận thức rằng: Con đường thông thường mà Tin Mừng đến với con người hôm nay là con đường xã hội. Phải nhờ xã hội, phải trong xã hội, phải trọng tâm lý con người.

Thư chung HĐGMVN 1980 đã nói lên tinh thần đó một cách rất rõ ràng và dức khoát. Tôi xin trích vài câu: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc VN, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng Quê Hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước” (số 9). “Anh chị em hãy cùng với chúng tôi đưa Hội Thánh ở VN đi vào con đường đã lựa chọn, là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (số 14).

Anh chị em thân mến,

Đổi thay về phụng vụ thì dễ. Đổi thay về cách suy nghĩ thì khó. Tuy khó, sự đổi thay ấy đã và đang thực hiện theo đúng chiều hướng tốt trong các giáo phận chúng ta. Hai linh mục kim khánh đây là những điển hình.

Đời sống một linh mục thường pha lẫn ánh sáng và bóng tối. 50 năm linh mục của hai cha cũng vậy. Chính vì thế mà chúng tôi kính trọng, thương mến và gần gũi hai cha. Hôm nay, chúng tôi nhìn 2 cha cũng là để nhìn về phía trước. Phía trước sẽ có ít linh mục. Đó là thời kỳ Chúa thanh luyện Hội Thánh nói chung, và chức linh mục nói riêng. Với suy nghĩ như thế, chúng ta hãy an tâm sống tốt đời đẹp đạo. Trong tinh thần cảm tạ Chúa, tôi xin thân ái cầu chúc 2 cha tiếp tục là dụng cụ và là dấu chỉ của sự thông hiệp, của sự hợp nhất với Chúa và với con người. Amen.
Lễ Kim Khánh linh mục của 2 cha: Louis Gonz. Nguyễn Hiếu Lễ; Stanislao Nguyễn Hữu Trí tại Thới Thuận, ngày 23-09-1986.


 

Bùi-Tuần 0138: TRUNG TÍN 06-10-1986


Thạnh An

 

Từ thánh lễ sau cùng tôi dâng tại đây cho đến thánh lễ hôm nay, tính: 06-10-1986 Bùi-Tuần 138


Từ thánh lễ sau cùng tôi dâng tại đây cho đến thánh lễ hôm nay, tính ra cũng đã 4 năm rồi. Thời gian khoảng cách là tương đối dài. Trong thời gian này, tôi vẫn nhìn thấy, và vẫn cảm thấy tấm lòng trung tín của anh chị em.

Ngoài sự trung tín nhiệt tình đối với Tổ Quốc, anh chị em đã có một sự trung tín chân thành đối với Chúa và đối với Hội Thánh thông qua các kẻ kế vị các thánh tông đồ.

Sự trung tín là một đức tính cao quí trong đời sống gia đình, đời sống xã hội và đời sống tôn giáo. Sống có trung, có tín, có thủy chung là sống đúng đạo làm người, và cũng là sống đúng đạo Chúa. Trung tín tạo nên một vẽ đẹp rạng rỡ, làm cho người bình thường không còn là tầm thường nữa.

Nếu chỉ trung tín khi mọi sự xảy ra đúng ý của mình, thì đâu đã gọi được là trung tín. Càng xa nhau, càng nhớ nhau. Càng khổ đau, càng thương nhau. Càng nhìn thấy yếu đuối hèn mọn, càng xót thương tận tình nâng đỡ. Đó mới thực là trung tín.

Trong bài Phúc Âm lễ hôm nay (Mt 18,1-4), Chúa bảo ta hãy bắt chước trẻ nhỏ. Đúng như vậy. Về mặt trung tín, ta cũng hãy bắt chước trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ như gắn bó thương mến cha mẹ của mình, mặc dầu cha mẹ nó có nghèo khổ, thua kém nhiều người khác. Hội Thánh của ta hôm nay, Tổ Quốc của ta lúc này, đang trong hoàn cảnh thiếu thốn nhiều mặt. Cũng chính vì thế, mà ta càng phải trung tín với Tổ Quốc và đối với Hội Thánh của ta.

Trung tín không phải là chuyện của một tháng, một năm, mà là chuyện của trọn đời. Nó là tấm vải phải dệt mỗi ngày bằng từng lời nói, bằng từng việc làm, bằng từng tình cảm, bằng từng suy nghĩ. Có nghĩa là con người trung tín luôn nuôi dưỡng, và bảo vệ ngọn lửa yêu thương trong lòng mình, bằng những việc nhỏ thường xuyên, hơn là bằng những việc lớn khác thường. Bởi vì việc nhỏ thì luôn luôn có sẵn, còn việc lớn thì hiếm có. Chúa dạy: Ai trung tín trong việc nhỏ sẽ trung thành trong việc lớn. Chứ Chúa không nói: Ai trung tín trong việc lớn sẽ trung thành trong việc nhỏ.

Trong Kinh Thánh, Chúa khen người đầy tớ khôn ngoan và trung tín, và vì đã khôn ngoan và trung tín, nên người đầy tớ ấy được tín nhiệm, được chọn và được yêu thương, kính trọng.

Tôi cầu mong tất cả anh chị em đều là những người như thế.

Tôi chỉ nói vắn tắt bấy nhiêu thôi. Tôi tin rằng: Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để anh chị em hiểu lòng tôi đối với anh chị em.

Anh chị em thân mến,

Anh chị em có biết tại sao Hội Thánh có thói quen gọi ngày thứ bảy là ngày Đức Mẹ không? Thưa là bởi vì: Xưa, ngày thứ bảy Tuần Thánh Đức Mẹ đã tuyệt đối trung tín trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát. Ngày ấy, Chúa Giêsu đã chịu nạn, đã chịu chết, xác được chôn táng trong mồ, hầu hết môn đệ Chúa, kể cả các tông đồ, đều xuống tinh thần, ngao ngán, chán nản. Nhưng trong bóng tối u buồn thê thảm ấy, có một ngọn đèn âm thầm lặng lẽ, đứng trước bão gió kinh hoàng, đó là trái tim trung tín Đức Mẹ.

Lạy Mẹ Maria,

Con xin Mẹ chia sẻ sang con sự trung tín của Mẹ, để sự trung tín của con, góp được phần nào lợi ích cho Hội Thánh, và cho Tổ Quốc Việt Nam của con. Amen.

Nhà thờ Thạnh An (Kinh D Chợ), ngày 06-10-1986.


 

Bùi-Tuần 0139: CUỘC ĐỜI THÁNH GIA 06-10-1986


Thầy Ký

 

Cũng đã từ lâu rồi, tôi không có dịp đến thăm anh chị em. Hôm nay đến: 06-10-1986 Bùi-Tuần 139


Cũng đã từ lâu rồi, tôi không có dịp đến thăm anh chị em. Hôm nay đến đây, dù trong thời gian vắn, tôi cũng thấy sơ qua được một số chuyển biến của họ đạo này. Trong những chuyển biến đáng khen có sự chuyển biến về mặt tinh thần, đặc biệt ở chỗ này là nhiều người anh chị em càng ngày càng nhìn thấy rõ thánh ý Chúa đang dùng mọi sự xảy ra để thanh luyện Hội Thánh, giúp cho con cái Chúa biết tích cực chia sẻ đời sống Nagiaret của Chúa Giêsu với Đức Mẹ và thánh Giuse.

Thực vậy, khi tôi nhìn Hội Thánh Việt Nam hôm nay, tất nhiên tôi có để ý đến nhà thờ với các buổi kinh lễ, nhưng tôi để ý nhiều hơn đến các gia đình. Tôi nhìn các gia đình anh chị em, xuyên qua hình ảnh gia đình Nagiaret, đó là những cộng đoàn nhỏ, dưới một mái nhà, gắn bó với nhau bằng những sợi dây tình nghĩa, sống bằng lao động, âm thầm lặng lẽ, đơn sơ, hòa mình vào thôn xóm, giao dịch với bà con thân thuộc bằng tình nghĩa hơn là bằng giấy tờ, nâng đỡ nhau vì tình người hơn là vì tính toán so đo, tin thờ Chúa bằng trái tim hơn là bằng hình thức bề ngoài.

Thánh Gia xưa, tương đối là như thế đó. Chúa Cứu Thế đã sống đơn sơ khiêm nhường như thế đó. Suốt 30 năm, Ngài đã dùng các chi tiết nhỏ mọn của cuộc sống Nagiaret để thờ phượng Chúa Cha. Suốt 30 năm, Ngài đã dùng sự khiêm tốn âm thầm lặng lẽ, hòa mình để rót tình thương và chân lý cứu độ vào lòng người. Suốt 30 năm, Ngài đã giới thiệu sự bé nhỏ hèn mọn, khó nghèo của Ngài để dạy Hội Thánh bài học cứu độ, một bài học Ngài đã khởi sự dạy từ lúc sinh ra nghèo khó ở Bêlem và sẽ kết thúc ở cây Thánh Giá trong cái chết đầy nhuốc nha nhục nhã vì vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu là Thầy ta. Chúng ta là môn đệ của Ngài. Môn đệ không trọng hơn Thầy. Chúa Kitô đã đi con đường nào để cứu chuộc nhân loại, thì môn đệ Ngài cũng sẽ phải đi theo con đường đó.

Trên lý thuyết, chúng ta vốn chủ trương như thế. Nhưng trên thực tế, hầu như ai cũng ngại đi vào. Nhất là khi Chúa đòi những người của Hội Thánh phải dứt bỏ lòng tham lam của cải, dứt bỏ lòng dính bén danh vọng, dứt bỏ những khuynh hướng tự ái, dứt bỏ những thói quen đạo đức giả, thích nâng mình lên và hạ kẻ khác xuống, thì khi ấy ta mới thấy giữa lý thuyết và thực tế có một khoảng cách rất xa.

Để rút vắn khoảng cách đó lại, Chúa đã đang và sẽ thanh luyện Hội Thánh. Ai hiểu ý Chúa để sớm biết sống khiêm nhường từ bỏ, sẽ được bình an trong tâm hồn. Và sự bình an như thế chính là một hương vị của hạnh phúc mà Chúa dành cho kẻ sống theo ý Chúa.

Anh chị em thân mến,

Tôi chỉ nói bấy nhiêu thôi. Tôi mong rằng khi tôi đi rồi, anh chị em sẽ nhớ bấy nhiêu đó như những lời tâm huyết tôi gởi lại để biết sống tốt đời đẹp đạo, có lợi cho Hội Thánh, có lợi cho Tổ Quốc.

Tôi không mong gì hơn là hạnh phúc của anh chị em. Xin Chúa Thánh Thần ở giữa chúng ta. Amen.

Nhà thờ Thánh Gia, Kinh Thầy Ký chiều ngày 06-10-1986.


 

Bùi-Tuần 0140: KHÔNG CÓ GÌ TỐT MÀ DỄ CẢ! 07-10-1986


Gx Giuse, K. C2

 

Lần sau cùng đến đây, tôi đã thấy họ đạo anh chị em có rất nhiều cố gắng: 07-10-1986 Bùi-Tuần 140


Lần sau cùng đến đây, tôi đã thấy họ đạo anh chị em có rất nhiều cố gắng trong việc xây dựng lợi ích chung. Hôm nay trở lại đây, tôi lại thấy những cố gắng đáng khen khác của họ đạo này. Tôi biết anh chị em đã cố gắng nhiều lắm, và trong bao nhiêu cố gắng, chắc anh chị em đã nhận thấy qua nhiều kinh nghiệm bản thân một sự thực hết sức rõ ràng, đó là không có sự gì tốt mà dễ cả.

Thực vậy, trên thực tế không có gì tốt mà dễ cả, dù trong phạm vi vật chất như làm ra được một hạt lúa, kiếm được một đồng bạc, dù trong phạm vi tinh thần như tập được một nhân đức, có được một văn bằng, có được một thánh lễ.

Cần biết sự thực đó, để có thể có những suy nghĩ, những lời nói, những thái độ đúng đắn về người khác, về Hội Thánh và về đất nước.

Không có gì tốt mà dễ cả. Chân lý đó dạy ta hãy khiêm tốn.

Khiêm tốn để thông cảm với những ai đã cố gắng mà chưa thấy kết quả.

Khiêm tốn để nâng đỡ những ai đang có thiện chí vươn lên mà chưa tiến được.

Khiêm tốn để chia sẻ tâm tư của những ai mang thân phận túng nghèo, bệnh tật, yếu đuối đang phấn đấu mà chưa đạt được những sự lòng mình mong muốn.

Khiêm tốn để biết khích lệ những ai vì việc chung mà phải lo âu, xuôi ngược.

Đừng nói rằng: Làm cho dân giàu nước mạnh là việc dễ. Đừng nói rằng: Làm cho mọi người không còn tiêu cực là việc dễ. Đừng nói rằng: Làm cho sự đạo được sầm uất là việc dễ. Không nên nói như vậy. Không có sự gì tốt mà dễ cả.

Ông Adong và bà Evà chỉ buộc phải giữ một điều nhỏ bé này là đừng ăn trái một cây trong vườn, thế mà 2 ông bà đã không giữ được điều nhỏ bé đó.
Các tông đồ được Chúa Giêsu yêu cầu thức với Ngài chỉ vài tiếng đồng hồ trong đêm sau hết ở vườn Giếtsêmani, thế mà các Ngài đã không đáp lại được lời yêu cầu nhỏ bé đó, mặc dầu các Ngài vừa mới rước lễ, và vừa mới được ơn thụ phong Linh Mục.

Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã cầu nguyện thiết tha cho những kẻ tin vào Ngài được hiệp nhất với nhau, thế mà đã gần 2 ngàn năm nay, sự hiệp nhất này vẫn còn là một công trình chưa hoàn thành.

Đúng thực, không có gì tốt mà dễ cả. Nói lên sự thực đó cũng là để đòi hỏi chính mình nhiều hơn. Tôi nói: Đòi hỏi chính mình chứ không phải đòi hỏi kẻ khác. Đòi hỏi chủ yếu, như tôi đã nói ở trên đó là chính mình phải rất khiêm tốn, để biết nương tựa vào Chúa, vào Hội Thánh, vào Tổ Quốc, vào những người chung quanh xa gần, và để càng thêm phấn đấu vượt qua tính ích kỷ, biết đặt mình vào hoàn cảnh kẻ khác, và cùng với họ mà làm việc tốt.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đã nói: “Không có Cha, chúng con không thể làm gì được”. Lời ấy Đức Mẹ đã hiểu rõ hơn ai hết. Vì thế, Đức Mẹ đã coi sự kết hợp với Chúa là một yêu cầu quan trọng của đời sống nội tâm. Hôn nay cũng là lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Đức Mẹ giúp ta được nhiều ơn Chúa Thánh Thần, hầu được kết hợp với Chúa, để ta góp phần tích cực vào việc xây dựng hạnh phúc cho toàn thể đồng bào Việt Nam ta.

Nhà thờ thánh Giuse, Kinh C2, ngày 07-10-1986


 

Bùi-Tuần 0141: GIỚI HẠN 07-10-1986


Họ Thánh Linh, K. Đ1

 

Sáng hôm qua, tôi làm lễ Thêm Sức tại nhà thờ Thạnh An, chiều hôm: 07-10-1986 Bùi-Tuần 141


Sáng hôm qua, tôi làm lễ Thêm Sức tại nhà thờ Thạnh An, chiều hôm qua tôi làm lễ tại nhà thờ Thánh Gia, kênh Thầy Ký, sáng sớm hôm nay lúc 05 giờ 30 tôi làm lễ ở nhà thờ thánh Giuse, họ đạo Hải Sơn, kênh C2, và bây giờ là 09 giờ 30, tôi làm lễ ở nhà thờ Thánh Linh, kênh Đl này. Mặc dầu khoảng cách giữa các con kênh và giữa các điểm làm lễ không bao xa, mặc dầu phương tiện di chuyển tương đối tốt, mặc dầu sức khoẻ của tôi được mọi người lo chăm sóc tối đa, lúc này tôi vẫn cảm thấy mệt. Tôi tự cảm thấy sức mình có hạn. Dù mình muốn làm hơn cũng không thể làm nổi. Có một khoảng cách giữa những sự mình muốn làm, và những sự mình thực hiện được.

Sự tôi đang cảm thấy trong chính bản thân tôi lúc này làm cho tôi liên tưởng tới sự giới hạn trong các phạm vi khác. Tôi thấy bất cứ phạm vi nào cũng có giới hạn. Khi vào phạm vi kinh tế, phạm vi xã hội, phạm vi văn hóa, phạm vi tôn giáo, phạm vi đạo đức, phạm vi gia đình, phạm vi tình yêu... Dần dần tôi cũng thấy có khoảng cách giữa lý tưởng mình muốn và thực tế cụ thể. Nguyên do tại sao, thì ai cũng phải biết, đó là vì con người muốn có giới hạn. Có những giới hạn do ngoại cảnh, có những giới hạn do khả năng của chính mình và có những giới hạn do chính Chúa muốn.

Đúng thực là có những giới hạn do chính Chúa muốn. Chính Chúa đã tự giới hạn sự tỏ bày quyền phép của Người ở Bêlem, ở Nagiarét và nhất là ở Calvariô. Qua sự tự giới hạn đến cùng độ, Chúa Giêsu đã đề cao đức khiêm nhường, đức yêu thương và đức tin phó thác.

Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã có thể tự cứu mình bằng những gì là vinh quang huy hoàng nhất, nhưng Người đã không làm thế. Trái lại, Người đã mặc lấy thân phận kẻ tôi đòi, kẻ tội lỗi, bị khinh chê ruồng bỏ, bị chết nhục nhã đau đớn, vì vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa đã cứu chuộc ta bằng sự tự hạn chế đầy khiên tốn đó.

Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã có thể tự làm sáng danh mình bằng cách làm cho mọi người nhận thấy rõ ràng tội lỗi của những kẻ kết án Chúa và sự vô tội của Người, nhưng Chúa đã không làm thế. Trái lại, Người còn van xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha tội cho họ, vì họ lầm không biết”. Chúa Giêsu đã cứu chuộc ta bằng lòng yêu thương vô cùng quảng đại đó.

Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã có thể tự trình bày sự sáng lạn của tình yêu Chúa Cha dành cho Người, bằng cách cho ai ai cũng nhìn thấy được tận mắt những gì đã xảy ra ở sông Giôđan lúc Người chịu phép rửa. Nhưng Chúa đã không làm thế. Trái lại, Chúa Giêsu đã sống những giờ phút rất tối tăm cùng cực như bị Chúa Cha bỏ rơi, để chỉ còn niềm tin tuyệt đối phó thác là lời nói duy nhất và sau cùng của Người: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”. Chúa Giêsu đã cứu chuộc ta bằng niềm tin phó thác tuyệt đối đó.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu muốn ta chia sẻ con đường cứu độ mà Chúa đã đi xưa, vì thế bất cứ hạn chế nào cũng là một tiếng Chúa gọi ta hãy biết sống khiêm nhường, sống yêu thương thông cảm, sống tin yêu phó thác. Nhận định như vậy, và sống như vậy ta sẽ thấy lòng mình thanh thản không bực bội, không phiền trách, không cằn nhằn. Xin Đức mẹ Mân Côi thương giúp ta thực hiện những điều Chúa soi sáng cho ta, để ta có thể góp phần vào việc xây dựng Hội Thánh và Tổ Quốc Việt Nam thân yêu của ta. Amen.

Nhà thờ Thánh Linh, kênh Đ1, ngày 7-10-1986 (trưa).


 

Bùi-Tuần 0142: ĐỔI MỚI CON NGƯỜI 07-10-1986


Gx Châu Long, k. F1

 

Hồi nãy, khi bước vào nhà thờ này, tôi tự nhiên chú ý đến một hàng: 07-10-1986 Bùi-Tuần 142


Hồi nãy, khi bước vào nhà thờ này, tôi tự nhiên chú ý đến một hàng chữ lớn trên tấm vải căng ở gian giữa nhà thờ: “Xin Chúa đổi mới chúng con”. Tôi không nghĩ rằng: Đây chỉ là một khẩu hiệu trang trí. Nhưng tôi chắc rằng đây là một tư tưởng đã được viết trong lòng anh chị em trước khi được viết lên tấm vải trắng kia. Đây là một tư tưởng không những đúng, mà còn rất cần. Đổi mới con người, đó là một đòi hỏi thường xuyên củc Phúc Âm, đó là một tiếng gọi khẩn thiết của Chúa Thánh Thần trong mọi lễ Thêm Sức. Nhận thức được điều đó đã là một điều tốt, khởi điểm cho mọi cố gắng đổi mới con người.

Trong việc cố gắng đổi mới bản thân và những người tin Chúa, tôi hay nhìn vào gương Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đổi mới các tông đồ trên những con đường dài, qua những thời gian dài, bằng những phương cách khác nhau. ở đây tôi chỉ xin nêu lên vắn tắt bốn phương cách này:

Phương cách thứ nhất là giảng dạy. Giảng dạy riêng, giảng dạy chung, giảng dạy bằng lời nói, giảng dạy bằng việc làm, bằng gương sáng. Lời Chúa đã uốn nắn các tông đồ dần dần.

Phương cách thứ hai là bí tích, Chúa Giêsu đã lập ra các bí tích, để chuyển sự sống Chúa vào linh hồn các tông đồ.

Phương cách thứ ba là đời sống cộng đoàn. Chúa Giêsu quy tụ các tông đồ lại, tất cả cùng sống chung, cùng được san sẻ, chia sớt. Ai cũng có cho đi, ai cũng có nhận lãnh. Đời sống chung đó rèn luyện đức bác ái cho thực khiêm tốn, cho thực quảng đại, cho thực kiên trì.

Phương cách thứ tư là các biến cố. Biến cố là những sự xảy ra đụng chạm tới đời sống con người, làm cho con người buồn vui, lo nghĩ hay chán nản. Thí dụ: Sự Chúa Giêsu bị tử nạn, Người sống lại là những biến cố lớn, đã có ảnh hưởng nhiều đến sự đổi mới các tông đồ.

Trong bốn phương cách vừa nói, tôi thấy phương cách thứ bốn là một phương cách mạnh, nhiều khi đã đưa tới những đổi mới quyết liệt. Thí dụ: Nhìn vào những sự đã xảy ra từ bữa Tiệc Ly trở đi, ta có thể thấy được phần nào sức mạnh đó. Trong bữa Tiệc Ly, các tông đồ được nghe chính Chúa Giêsu giảng dạy những lời tâm huyết nhất, các Ngài đã được rước lễ lần đầu và đã được thụ phong linh mục, các Ngài đã được đời sống cộng đoàn thân thiết rèn luyện, nhưng liền ngay sau đó, các Ngài đã có những việc làm hết sức yếu đuối: Kẻ thì trốn chạy, kẻ thì chối Chúa, kẻ thì bán Chúa. Chính sự cảm thấy mình quá yếu đuối như thế, cộng thêm sự cảm thấy Thầy mình cũng hèn yếu quá sức tưởng tượng, đã là những biến cố làm đổi thay lớn. Các tông đồ trở nên khiêm tốn hơn rất nhiều và có một cái nhìn thật mới mẻ về con đường cứu độ của Đấng Cứu Thế, để rồi, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các Ngài được trở nên hoàn toàn mới, với cách suy nghĩ mới, với cách sống mới, với những sức mạnh mới.

Anh chị em thân mến,

Trên thực tế, chúng ta thường hay để ý đến phương cách thứ nhất và thứ hai, còn phương cách thứ ba, nhất là phương cách thứ tư thì ít được quan tâm. Có thể rồi đây Chúa sẽ chủ động thanh luyện ta bằng phương cách thứ tư, nhiều hơn là bằng những phương cách khác. Dù bằng phương cách nào, Chúa vẫn thực hiện việc đổi mới ta vì thương ta, vì muốn sự lành cho ta. Ai nhận ra thánh ý Chúa và biết cộng tác với ơn Chúa, sẽ mau được đổi mới, một sự đổi mới từ nội tâm, một sự đổi mới sẽ góp phần rất tốt vào việc xây dựng lợi ích chung cho Hội Thánh và cho Tổ Quốc Việt Nam chúng ta.

Xin Đức Mẹ Mân Côi cầu bầu cho chúng ta. Amen.

Nhà thờ Châu Long, kinh F1, ngày 07-10-1986 (chiều).


 

Bùi-Tuần 0143: VIỆC LÀNH LÀM CHUNG 09-10-1986


Phú An

 

Tối hôm qua, khi tôi đi lại một mình trong phòng, tôi nghe thấy nhiều: 09-10-1986 Bùi-Tuần 143


Tối hôm qua, khi tôi đi lại một mình trong phòng, tôi nghe thấy nhiều tiếng đọc kinh vọng tới từ những gia đình xung quanh nhà thờ này. Tôi lắng nghe, và tôi nhận ra đó là kinh chuỗi Mân Côi. Tự nhiên tôi cảm thấy vui. Và rồi tôi cũng bắt đầu lần chuỗi của tôi, hiệp ý thông công với tất cả anh chị em trong họ đạo đang đọc kinh tối tại các gia đình. Lúc ấy, tôi không nhìn thấy anh chị em. Anh chị em cũng chẳng nhìn thấy tôi. Nhưng sự cùng đọc kinh với nhau trong một tinh thần hiệp thông đã làm cho tôi cảm thấy mình gần gũi anh chị em hơn, thương mến anh chị em hơn và đồng thời cũng cảm thấy ý thức về Hội Thánh một cách sống động hơn.

Sự tôi cảm nghiệm trên đây càng giúp cho tôi thấy rõ chân lý này là: Một việc lành mà làm chung với nhau thì tốt hơn là làm riêng lẻ. Từ xưa lắm, tôi nhớ thánh Inhaxiô thành Antiôkia cũng đã khuyên điều ấy với những lời rất mạnh mẽ. Đại khái Ngài nói: Chỉ khi nào chúng con làm việc lành chung với nhau thì mới thực sự là tốt, chứ làm riêng lẻ thì không tốt đâu. Làm chung là làm trong tinh thần hiệp nhất. Làm riêng lẻ là làm trong tinh thần hoặc là chia rẽ, hoặc là bất cần người khác. Lời khuyên trên đây đã có lúc tôi đã không quan tâm nhiều lắm. Nhưng càng ngày tôi càng nhận thấy lời khuyên ấy rất cần cho đời sống xã hội và tôn giáo.

Thực vậy, con người có tính xã hội. Nó sống trong xã hội, sống với xã hội và sống nhờ xã hội. Phải nương tựa vào nhau, phải hiệp thông với nhau, đó là luật để sống và để phát huy.

Chúng ta giữ đạo, đã thấy cái tính xã hội ấy được Phúc Âm nhấn mạnh và nâng lên. Chúa Giêsu đã dạy: “Khi hai ba người chúng con hợp nhau cầu nguyện, thì Cha ở giữa chúng con”. Có nghĩa là Chúa khuyến khích sự làm việc lành chung với nhau. Phúc Âm cũng dạy: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”. Có nghĩa là Chúa chúc lành cho những trái tim biết cùng nhau nhìn về một hướng tốt lành. Để giáo dục những người tin Chúa, Chúa đã lập ra Hội Thánh. Hội Thánh có những điều kiện thuận lợi giúp cho ta làm việc lành chung với nhau. Sự làm việc lành chung với nhau là một cách rèn luyện đức ái và đức khiêm nhường, nó cũng là một cách tốt để sống mầu nhiệm “Các thánh cùng thông công”. Thí dụ lúc này ta đang dâng lễ. Tôi biết mình hèn mọn bất xứng, nhưng tôi làm việc lành này, thông hiệp với đức tin của toàn thể Hội Thánh, tôi thông hiệp với công phúc bao la của Chúa Cứu Thế, của Đức Mẹ và của Hội Thánh trên trời, dưới đất và trong luyện ngục, tôi thông hiệp với lòng sốt sắng nhiệt tình của mọi người trong họ đạo này, như thế tôi làm việc lành này không riêng lẻ, mà làm chung, và vì làm chung, nên một việc lành được thêm lành hơn, một việc tốt được thêm tốt hơn.

Anh chị em thân mến,

Hãy biết làm việc lành chung với nhau. Trong gia đình, trong họ đạo, trong địa phương có biết bao nhiêu việc lành nên làm và phải làm. Ta có năng làm được việc lành nào thì hãy tích cực làm, và sẵn sàng đón nhận sự cộng tác của những người khác. Người khác có khả năng làm được việc lành nào, thì ta hãy mừng cho họ và nâng đỡ họ.

Xin Chúa Thánh Thần là tình yêu Thiên Chúa nối kết chúng ta lại, trong một tinh thần bình an và hiệp nhất, để chúng ta phụng sự Chúa và phục vụ Tổ Quốc một cách hữu hiệu và tốt đẹp nhất.

Nhà thờ Phú An, ngày 09-10-1986.


 

Bùi-Tuần 0144: NIỀM TIN YÊU 19-10-1986


Lễ giỗ một năm Bà Cố Vũ Thị Tần-dịp CN Truyền Giáo Tân Sơn Nhì, TP. HCM

 

Lễ giỗ mà chúng ta đang cử hành là một sự trao gởi niềm tin yêu: 19-10-1986 Bùi-Tuần 144


Lễ giỗ mà chúng ta đang cử hành là một sự trao gởi niềm tin yêu của ta cho người đã chết, cho nhau và cho Chúa. Chính do niềm tin yêu này mà giờ đây chúng ta gặp nhau, gặp Chúa và gặp linh hồn người quá cố. Niềm tin yêu của ta là một sợi dây nối kết những khoảng cách hữu hình và vô hình. Tôi muốn nói về niềm tin yêu Phúc Âm.

Tôi chẳng bao giờ có thể cân đo được niềm tin yêu ấy trong tôi và nơi kẻ khác. Nhưng tôi biết chắc điều này là niềm tin yêu ấy được Chúa gieo vào lòng ta ở nhiều thời điểm khác nhau. Dù ở thời điểm nào, niềm tin yêu ấy bao giờ cũng là một sự tìm về một Đấng vô hình luôn luôn mong muốn chia sẻ hạnh phúc vô cùng của Người cho ta và mọi người.

Tin yêu chủ yếu không phải là chấp nhận một đạo lý, mà là gắn bó với Đấng đời đời hằng sống bằng sự ta kính mến Người và thương yêu đồng loại. Vì thế, kẻ tin yêu thực sự sẽ không dừng lại ở những cái chỉ là phương tiện, như lễ nghi, giáo lý, tổ chức mà luôn tiến xa hơn, tới sự kết hợp chặt chẽ với Chúa và thông hiệp quảng đại với con người.

Có người hỏi tôi rằng: Do đâu mà tôi có niềm tin yêu ấy. Tôi đã trả lời: Niềm tin yêu của tôi là do Chúa ban cho tôi qua những con người tin yêu. Chắc hầu hết mọi người có đạo cũng sẽ trả lời như vậy về niềm tin yêu của mình. Trả lời như vậy là theo kinh nghiệm chứ không theo sách vở.

Thí dụ, khi đứa bé thấy cha mẹ và những người lớn đọc kinh, dự lễ, làm việc lành, tránh tội, nó đâu hiểu gì về các chân lý cao xa của đạo, nhưng qua thái độ của cha mẹ và những người lớn đối với Chúa và đối với người chung quanh, đứa bé có một thứ cảm tưởng nào đó về một Đấng vô hình. Cảm tưởng ấy dọn dẹp dần dần, dọn đường cho niềm tin yêu đích thực.
Một thí dụ khác. Một người Công Giáo luôn tỏ ra dễ thương, nhờ những đức tính nhân bản và xã hội trong sáng, cộng với một niềm tin yêu tế nhị thì cái dễ thương ấy có khả năng đánh thức những khát vọng hướng thượng ở nhiều tâm hồn, để họ gặp được sự dễ thương của Chúa trong niềm tin yêu.

Như vậy, trong việc chia sẻ niềm tin yêu Phúc Âm, ta thấy yếu tố con người là rất quan trọng. Vô số trường hợp đã cho thấy: Con đường dẫn người ta đến niềm tin yêu Phúc Âm chính là những người sống niềm tin yêu ấy. Rất nhiều người đã tin vào Phúc Âm, khởi sự từ chỗ họ tin vào con người sống niềm tin Phúc Âm. Rất nhiều người đã mến Phúc Âm khởi sự từ chỗ họ mến con người có niềm tin yêu Phúc Âm. Có thể nói: Phúc Âm được trở nên dễ thương nhờ sự dễ thương của những người tin yêu Phúc Âm.

Nếu hỏi tôi phải làm gì để trở nên dễ thương thì tôi không dám trả lời. Bởi vì trong cái gọi là dễ thương có yếu tố khách quan và cũng có yếu tố chủ quan. Tuy nhiên, tôi xin gợi ý đôi chút thế này: Một điều mà con người thời nay rất chú trọng để thương, để phục. Đó là phải có nhiều đức tính xã hội, như tinh thần đoàn kết khiêm nhu, không quan trọng hóa chính mình, đòi hỏi bản thân mình nhiều hơn là đòi hỏi người khác, biết chia sẻ, biết nâng đỡ, biết phục, biết nhẫn nhục tha thứ, biết tích cực làm cho cuộc sống đồng bào bớt được khổ đau, thêm được hạnh phúc. Những đức tính xã hội như thế cũng là những nhân đức Phúc Âm. Tất nhiên đời sống cầu nguyện vẫn luôn luôn là hết sức cần thiết, nhưng nếu tâm lý xã hội thời nay nhìn Phúc Âm qua góc độ các đức tính xã hội nhiều hơn, thì con người truyền bá Phúc Âm không được phép coi thường.

Anh chị em thân mến,

Yếu tố con người rất quan trọng trong việc truyền bá Phúc Âm. Tôi nói lên nhận xét ấy để nhớ lại công ơn những đại nhân của niềm tin yêu của tôi, trong đó có cha mẹ tôi và họ hàng thân thuộc, đồng thời để anh em cùng tôi nhìn rõ hơn con đường phía trước. Chúa đang thanh luyện yếu tố con người trong Hội Thánh mỗi ngày mỗi thêm dễ thương hơn, nhờ phản ảnh được khuôn mặt Chúa Giêsu yêu thương, hiền lành, khiêm nhường và tuyệt đối vâng phục thánh ý Chúa Cha.

Lạy Thiên Chúa là Cha, giàu lòng thương xót. Chúng con dâng lên Cha niềm tin yêu tha thiết của con. Chúng con cảm tạ Cha. Xin giúp chúng con biến niềm tin yêu này thành những việc làm có lợi cho Hội Thánh và cho tổ quốc Việt Nam hôm nay của chúng con. Amen.

Lễ giỗ một năm Bà Cố Vũ Thị Tần, tại nhà thờ Tân Sơn Nhì, TP. Hồ Chí Minh, dịp Chúa Nhật Truyền Giáo, ngày 19-10-86.


 

Bùi-Tuần 0145: HÒA BÌNH LÀ VẤN ĐỀ CỦA CON NGƯỜI 06-11-1986


Ngày cầu nguyện cho Hoà Bình Long Xuyên

 

Năm 1986 là năm “QUỐC TẾ HÒA BÌNH”. Liên Hiệp Quốc đã: 06-11-1986 Bùi-Tuần 145


Năm 1986 là năm “QUỐC TẾ HÒA BÌNH”. Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố như vậy, để kêu gọi mọi người khắp nơi trong năm nay hãy có những suy nghĩ và hành động đặc biệt có tính cách xây dựng Hòa Bình.

Cùng với toàn dân, giới Công Giáo tại địa phương này tích cực hưởng ứng lời kêu gọi ấy. Đồng thời chúng ta nhiệt liệt ủng hộ lập trường Hòa Bình của Chính Phủ Việt Nam chúng ta. Vì thế, hôm nay chúng ta gặp nhau trong nhà thờ này để cầu nguyện cho Hòa Bình. Cầu nguyện cho Hòa Bình là gặp Thiên Chúa, nguồn mạch Hòa Bình, là một cách suy nghĩ về Hòa Bình, là một việc cải hóa nội tâm hướng về Hòa Bình.

Hòa Bình mà chúng ta cầu nguyện là sự bình an trên thế giới, trong nước và trong các gia đình.

Hòa Bình nói đây không phải chỉ đơn giản là không có chiến tranh, mà còn là một sự an hoà hạnh phúc, được xây dựng trên nền tảng công lý và tình thương. Thái độ sống có công lý và tình thương được dân Việt Nam ta gọi là “Sống có tình có lý”. Nói cách đó đơn sơ nhưng hàm súc. Phúc Âm cũng dạy như vậy. Hơn nữa, Phúc Âm còn nâng cái tình cái lý ấy lên thành những bổn phận mà lương tâm người có đạo phải trả lời trước Chúa.

Đừng tưởng cái tình cái lý xây dựng Hòa Bình là một thái độ tĩnh. Không phải thế. Xây dựng Hòa Bình là một thế động. Nó đòi ta phải tích cực phấn đấu xóa bỏ những gì trái với công lý và tình thương, đồng thời phải nhiệt tình phát triển những quyền lợi và giá trị chính đáng của con người.

Hòa Bình là hoa quả của công lý và tình thương. Cho nên ở đâu công lý và tình thương càng phát triển, thì ở đó càng có Hòa Bình.

Trong phạm vi lớn của xã hội, thường những căn bản công lý và tình thương được xác định và cụ thể hóa một cách công minh và đúng đắn trong các lề luật, các khế ước, hiệp đồng, hiệp ước. Nhưng sự hữu hiệu của chúng còn tùy thuộc rất nhiều ở sự nhất trí về nhận thức và quyết tâm chân thành của mọi người. Bởi vì, không phải mọi người đều nghĩ như nhau, đều muốn như nhau, nhất là về quyền lợi của mình và của người khác.

Vì thế, trong việc xây dựng Hòa Bình và phát triển Hòa Bình, Liên Hiệp Quốc, cũng như Nhà Nước ta đã kêu gọi thiện chí của mọi người, mọi giới. Trong chiều hướng đó, nhiều hội nghị tôn giáo về Hòa Bình đã được tổ chức tại nước ta và nhiều nơi trên thế giới. Những hội nghị ấy đã có những sinh hoạt tôn giáo, trong đó đã nhấn mạnh đến việc cải hóa nội tâm, một điều vừa thích hợp với chức năng Công Giáo vừa thiết thực trong việc xây dựng Hoà Bình.

Thực vậy, Hoà Bình là vấn đề của con người, vì con người và từ lòng người. Nếu bản thân mỗi người biết tôn trọng người khác, có ý thức trách nhiệm về con người và về xã hội, biết thương người, biết cố gắng tự thắng chính mình, vượt qua những gì là kiêu căng, tham vọng, ích kỷ, ghen tương, nghi kÿ, hẹp hòi, hận thù, biết mưu cầu lợi ích chung, thì khối lượng thiện chí cộng tác với nhau sẽ rất lớn, nhận thức về công lý và tình thương sẽ rất cao, và quyết tâm xây dựng và phát triển Hoà Bình sẽ rất mạnh.

Chúng ta quá biết sự cải hóa nội tâm như thế không phải chuyện dễ. Đối với bản thân ta cũng thế, mà đối với con em ta và triệu triệu người khác cũng vậy. Khi cầu nguyện cho Hoà Bình, chúng ta không trông chờ một phép lạ nào. Nhưng chúng ta tin chắc rằng một giờ cầu nguyện như thế này sẽ có những tác động tốt đến tình cảm và lý trí chúng ta, sẽ tạo nên bầu khí tâm lý thuận lợi cho việc xây dựng đoàn kết và phát triển Hoà Bình.

Giờ đây, với niềm tin yêu Chúa, Với sự hiệp thông của Đức Thánh Cha và toàn thể Hội Thánh, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho Hoà Bình, và quyết tâm biến những suy nghĩ thành những hành động thiết thực, tất cả vì Hoà Bình.

Ngày cầu nguyện cho Hoà Bình 06-11-1986, tại nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0146: NHỮNG LỜI NHẮN NHỦ 25-12-1986


Núi Tượng

 

Vì thời gian vắn vỏi, sức khỏe của tôi không tốt, nhất là vì tôi chắc; 25-12-1986 Bùi-Tuần 146


Vì thời gian vắn vỏi, sức khỏe của tôi không tốt, nhất là vì tôi chắc chắn rằng tôi rất ít có dịp gặp anh chị em, nên trong mấy phút quí báu này, tôi muốn nhắn nhủ anh chị em vài điều cần thiết. Tôi nói vắn gọn, đơn sơ, dễ hiểu, dễ nhớ.

Điều thứ nhất tôi muốn nhắn nhủ anh chị em là hãy năng trung thành với việc cầu nguyện hằng ngày.

Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa bằng niềm tin cậy mến. Ta gặp gỡ Chúa như vậy mỗi ngày, hoặc chung ở nhà thờ, hoặc chung ở gia đình, hoặc riêng tư một mình. Đừng bỏ cầu nguyện ngày nào. Suốt đời thánh Gioan Baotixita đã rao giảng hai điều này: Hãy ăn năn sám hối và hãy tin vào Phúc Âm. Chúa Cứu Thế cũng đã nhấn mạnh hai điều ấy. Tôi thấy hai điều đó là hết sức cần. Nên tôi khuyên anh chị em hằng ngày hãy cầu xin Chúa ban cho mình và những kẻ thuộc về mình được sự sám hối và ơn trung thành với đức tin.

Điều thứ hai tôi muốn nhắn nhủ anh chị em là hãy tích cực sống công bình bác ái.

Tôi nhận thấy nhiều họ đạo có vẻ sầm uất, kinh lễ đông đảo, giáo lý rất thuộc, nhưng bác ái công bình thì không quan tâm đủ. Sống đạo như thế là không đúng. Bởi vì căn bản của đạo là công bình bác ái. Vì thế, ta hãy cố gắng tránh mọi việc làm, lời nói, thái độ, tư tưởng nào gây hại cho kẻ khác. Đồng thời hãy tích cực làm cho kẻ khác được bớt khổ đau, thêm được hạnh phúc.

Nói đến công bình bác ái, tôi cũng nghĩ đến việc phải bài trừ những tệ đoan xã hội như thói say sưa, cờ bạc, nói hành nói xấu, bỏ vạ cáo gian, vv... Những tệ đoan xã hội như vậy, nếu không được khắc phục, sẽ làm hư hỏng nhiều thế hệ.

Điều thứ ba tôi muốn nhắn nhủ là hãy phấn đấu nâng cao đời sống lên.

Theo tôi thấy thì kẻ thù nguy hại hiện nay đang phá chúng ta về mọi mặt, đó là sự nghèo túng và lạc hậu. Nghèo túng và lạc hậu không phải là tội. Nhưng nếu tình trạng như vậy kéo dài, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đời sống về nhiều mặt, kể cả mặt đạo đức. Vì thế phải coi việc nâng cao đời sống như một bổn phận tôn giáo. Trong mục đích ấy, chúng ta nên đẩy mạnh việc phát triển kinh tế gia đình và tích cực nâng cao việc học hành lên. Hiện giờ và trong tương lai, muốn có khả năng phục vụ, con người ta cần phải có nhiều học thức. Càng học nhiều, học sâu, học rộng, học cao, càng có khả năng phục vụ, càng có khả năng sống có ích cho xã hội và Hội Thánh. Tôi vẫn nghĩ rằng: Muốn nên người hữu ích, ta phải có cái dũng, có cái đức, và cũng phải có cái trí nữa.

Trên đây là những điều nhắn nhủ đơn sơ, cần thiết tôi gởi lại anh chị em. Tôi nói ít, nhưng anh chị em hiểu nhiều. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Tôi chỉ là một dụng cụ yếu đuối. Tôi cũng như anh chị em, luôn tin cậy phó thác nơi Chúa. Chúa là Cha nhân lành. Cha thì thương con. Con thì tin cậy phó thác nơi Cha. Tôi tin Chúa là Cha nhân lành, sẽ chẳng bỏ những con cái cậy tin Ngài. Chúa sẽ ở với con cái mình cho đến tận thế. Tôi tin ở Chúa. Tôi cậy ở Chúa. Tôi phó thác nơi Chúa. Amen.

Nhà thờ Núi Tượng, ngày 25-12-86.


 

Bùi-Tuần 0147: CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN CHÚA25-12-1986


Lễ Giáng Sinh Long Xuyên

 

Ngày Chúa Giáng Sinh là một biến cố lớn trong đạo. Biến cố này: 25-12-1986 Bùi-Tuần 147


Ngày Chúa Giáng Sinh là một biến cố lớn trong đạo. Biến cố này cũng đã được thế giới chọn làm mốc lịch sử, gọi là Công Nguyên.

Từ đó đến nay, lễ Noel đã trở thành một lễ xây dựng các liên hệ. Dịp này, ngoài việc đi viếng Chúa, rất nhiều người còn có thói quen làm những việc mang tính cách tạo niềm vui cho kẻ khác, như gửi thiệp chúc nhau, tặng quà cho nhau, gặp gỡ nhau, chia vui với nhau. Truyền thống ấy bắt nguồn từ ý nghĩa việc Chúa Giáng Sinh.

Thực vậy, Chúa Giáng Sinh là một cách đến thăm loài người. Sự viếng thăm này đã được thực hiện một cách lạ lùng ngoài mọi tưởng tượng. Chúa không đến uy nghi như Đấng tạo hóa quyền lực, nhưng đến khiêm tốn như một thụ tạo túng ngèo. Chúa không đến với lề luật như Đấng phán xét, nhưng đến với tình yêu chan hòa dưới hình thức một trẻ thơ, hết sức dễ thương. Chúa không đến để tạo nên khoảng cách như một chúa tể cao sa, nhưng đến để hoà mình như một người dân thường, âm thầm giữa các liên hệ gia đình, xã hội và tôn giáo.

Qua Hài Nhi Giêsu, ta thấy Chúa thực là gần gũi. Chúa trên ta vô cùng, đầy dư vô cùng. Thế mà Chúa đã bước xuống. Để làm gì? Thưa để nâng con người lên. Bước xuống để nâng lên. Bước xuống là việc khiêm nhường đầy bác ái. Nâng lên là việc bác ái đầy khiêm nhường. Chúa xuống làm người, giúp con người được lên làm Chúa.

Với việc làm như thế, Chúa nhắm mục đích phục vụ, giúp những người thiện chí bớt được khổ đau, thêm được hạnh phúc. Tất nhiên, mầu nhiệm Giáng Sinh không chỉ có thế. Nhưng nếu thực hiện được bấy nhiêu thôi, ta cũng sẽ là những người tốt mà Chúa Giêsu chờ.

Có lần trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã khen một người tốt và đặt họ làm mẫu cho các liên hệ người với người. Đó là người Samari đang từ Giêrusalem đến Giêricô. Khi thấy một người bị thương nằm ở vệ đường, ông đã xuống ngựa, cúi xuống hỏi thăm nạn nhân, nâng họ lên và tận tình chăm sóc họ.

Khi chọn người ngoại giáo ấy làm gương cho người có đạo, Chúa Giêsu muốn cụ thể hóa bài học Giáng Sinh, và cũng qua đó Chúa kêu gọi ta hãy xem xét lại cách ta suy nghĩ về đạo.

Đạo là đường dẫn đến Chúa. Đường dẫn đến Chúa chủ yếu là bác ái vị tha trong sáng. Niềm tin yêu Chúa phải được chứng minh bằng tấm lòng quảng đại khiêm tốn đối với tha nhân. Thước đo lòng mến Chúa là phục vụ con người, là hết sức tránh những lời nói, những việc làm và những thái độ có thể gây hại cho người khác. Đồng thời, nhiệt tình phấn đấu giúp người khác được nên tốt hơn. Mến Chúa là có trách nhiệm với người khác. Người khác nói đây là gia đình, đồng bào, Tổ Quốc, Hội Thánh và nhân loại.

Anh chị em thân mến,

Tôi nhìn vào hang đá Bêlem, tôi thấy Hài Nhi Giêsu thực rất nhẹ, nhưng lại nặng vô cùng. Trọng lượng của Người do tâm hồn hơn do thể xác. Tình yêu vốn là một sức nặng ngọt ngào. Và tình yêu của Người là bao la, vô cùng, vô tận.

Tôi cảm tạ Người. Tôi kính thờ Người, Tôi tin yêu Người. Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà tôi gắn bó với Hội Thánh và trung thành với Tổ Quốc. Trong niềm tin yêu ấy, tôi thiết tha cầu nguyện và thân ái cầu chúc tất cả anh chị em ơn bình an cao quí của Chúa Giáng Sinh.

Lễ Giáng Sinh 25-12-1986 tại nhà thờ Chính Toà Long Xuyên.

1987


 

Bùi-Tuần 0148: NĂM MỚI, ĐỔI MỚI 29-01-1987


Long Xuyên - Xuân Đinh Mão

 

Ngày nào cũng như ngày nào. Nhưng mỗi ngày mỗi khác. Ngày: 29-01-1987 Bùi-Tuần 148


Ngày nào cũng như ngày nào. Nhưng mỗi ngày mỗi khác. Ngày Tết càng khác, khác ở chỗ lòng ta nhiều hoa ở áo quần nhà cửa.

Ngày đầu năm, nhất là trong giờ thánh lễ lòng ta bộn bề nhiều nỗi nhớ. Nhớ kẻ đã chết, nhớ người ở xa, nhớ cha mẹ ông bà, họ hàng dòng tộc, nhớ những đồng bào vì thiên tai, bệnh hoạn mà không có mùa xuân, nhớ những chiến sĩ đón xuân xa tổ ấm gia đình, nhớ Chúa là Cha trên trời, giàu lòng thương xót. Nhớ những cộng đoàn đức tin, nhớ những liên hệ xa gần. Nhớ nhiều lắm.

Như thế là lòng ta đang đổi mới. Đổi mới ở chỗ ta củng cố thêm quan niệm của ta về sự sống.

Thực vậy, ta mừng nhau đã sống thêm tuổi, ta chúc nhau sẽ sống khoẻ mạnh, hạnh phúc nhiều hơn. Chung qui mọi lời mừng chúc của ta ngày đầu năm đều có tính cách chúc mừng sự sống.

Sự sống là một lịch sử. Nó có gốc nguồn và nhiều liên hệ. Nên chúc mừng sự sống không phải chỉ là chúc mừng sự sống đơn thuần, mà còn là trọng kính gốc nguồn sự sống và những gì phục vụ sự sống.

Nếu hôm nay ta là hoa là trái, thì ta không quên những người đã là gốc rễ. Làm gốc rễ là một vinh dự nặng nề mà hoa trái cành không thể hiểu hết.

Dù ở tuổi nào, sự sống của ta không bao giờ đơn độc. Sống là sống nhờ những sự sống khác. Sống là sống với những sự sống khác. Sống là sống trong những sự sống khác. Sống là phải tựa nương.

Nhiều khi sức khoẻ của ta được cải thiện nhờ một viên thuốc nhỏ, nhờ sự quan tâm tế nhị của một tấm lòng thông cảm. Tựa nương vào những cái bé nhỏ như vậy đâu có làm cho con người nên bé nhỏ. Phương chi khi ta tựa nương vào sự nâng đỡ của nhân dân, vào chính nghĩa của Tổ Quốc. Phương chi khi ta tựa nương vào các chân lý, niềm tin và lý tưởng. Và phương chi khi ta tựa nương vào Hội Thánh, vào Đức Mẹ, vào Thiên Chúa đời đời hằng sống.

Khi tôi chia sẻ sự sống của Chúa chính là lúc tôi nương tựa vào Chúa. Khi tôi hiệp thông với Hội Thánh chính là lúc tôi tựa nương vào Hội Thánh. Khi tôi đồng hành với dân tộc, phấn đấu cho lẽ phải và tình thương chính là lúc tôi tựa nương vào dân tộc, vào các lý tưởng tốt đẹp.

Sống tựa nương như thế là sống cởi mở và đoàn kết, tham dự vào những sức sống tươi đẹp, theo xu thế đi lên và phục vụ ích chung.

Suốt năm qua, chúng ta đã sống như vậy. Sang năm mới này, chúng ta sẽ sống như vậy một cách tốt hơn. Một cách tốt hơn có nghĩa là nếu lòng trí ta và cái nhìn của ta còn đôi chút gì là hẹp hòi, chia rẽ, ích kỷ, trì trệ, thì ta quyết tâm tháo gỡ bỏ đi, để mạnh dạn nâng lên những bước đi cởi mở, đoàn kết, vị tha và tiến bộ. Sự sống như vậy mặc dù có vắn või, vẫn là sự sống có ích. Đó là đổi mới những suy nghĩ cần thiết cho việc cải thiện đời sống.

Chúng ta cụ thể hoá sự đổi mới ấy bằng 3 việc này: Một là tích cực sống công bình bác ái, hai là trung thành cầu nguyện hằng ngày, ba là đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình.

Theo tôi, thì kẻ thù nguy hại trước mắt đang đe doạ ta hiện nay là nghèo túng và lạc hậu. Nghèo túng và lạc hậu lâu dài có khả năng ảnh hưởng xấu đến sự sống về nhiều mặt. Vì thế, ta không ngừng phấn đấu để nâng cao đời sống lên, coi việc phấn đấu này là một bổn phận tôn giáo. Tôi nói phấn đấu có nghĩa là việc nâng cao đời sống là việc khó. Phải có dũng, phải có trí và cũng cần phải có đức.

Tôi không dễ lạc quan, và cũng không dễ bi quan. Nhưng tôi tin rằng cuộc sống của ta đang từng bước đi lên. Đó là một niềm tin đổi mới. Niềm tin của ta vừa là niềm tin của người Việt Nam yêu nước, vừa là niềm tin của người công giáo tuyệt đối trung thành và gắn bó với Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống.

Với niềm tin ấy, tôi hiệp ý với anh chị em, tha thiết cầu nguyện cho Tổ Quốc hôm nay và tất cả đồng bào. Tôi thân ái cầu chúc anh chị em một năm mới nhiều đổi mới tốt đẹp.

Xuân Đinh Mão 29-01-1987, tại Long Xuyên , GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên


 

Bùi-Tuần 0149: LINH MỤC VIỆT NAM HÔM NAY 05-04-1987


Lễ Truyền Dầu Long Xuyên

 

Thánh lễ hôm nay tưởng nhớ đến việc lập chức linh mục. Dịp này, tôi: 05-04-1987  Bùi-Tuần 149


Thánh lễ hôm nay tưởng nhớ đến việc lập chức linh mục. Dịp này, tôi nhớ đến những linh mục đầu tiên xưa là các tông đồ, rồi tôi nhìn các linh mục Việt Nam hôm nay. Tôi thấy giữa hai thế hệ có một khoảng cách bao la về thời gian và không gian. Có nhiều điều khác nhau lắm, nhưng cũng có nhiều điều giống hệt như nhau. ở đây, tôi muốn nêu lên vài điểm trong số những điểm giống nhau đó.
Điểm I là nhiều linh mục Việt Nam hôm nay cũng như các linh mục đầu tiên xưa đều cố gắng sống quảng đại sứ mạng kẻ được sai đi.

Được sai đi không phải một lần, mà là nhiều lần. Kẻ sẵn sàng để được sai đi phải sẵn sàng từ bỏ những cuộc sống đã quen, để đi đến với những cuộc sống chưa quen, phải sẵn sàng từ bỏ những cuộc sống ổn định để bước vào những cuộc sống không ổn định, để rồi trong sự thay đổi như thế, kẻ được sai đi có thể nói một cách chắc chắn rằng: “Đúng thực có Chúa ở với tôi, trong mọi hoàn cảnh, mặc dầu nhiều khi tôi không nhận ra Ngài”.

Nhiều khi không nhận ra Chúa, có nghĩa là đã có những lúc cô đơn tăm tối, đã có những lúc lo âu sự sệt, đã có những lúc ray rức giày vò. Cũng như hoàn cảnh thánh Phêrô buồn phiền lủi thủi trốn ra khỏi thành Rôma, cũng như hoàn cảnh của thánh Phaolô ngao ngán muốn được trút khỏi thân phận yếu đuối lênh đênh chìm nổi.

Nhưng dù được sai đến những hoàn cảnh như thế, kẻ được sai đi vốn phấn đấu để trung thành gắn bó với Đấng đã sai mình. Đó là một sự hiệp thông có giá trị cứu rỗi mà linh mục xưa và nay đều cố gắng thực hiện.

 Điểm thứ 2 là nhiều linh mục Việt Nam hôm nay cũng như các linh mục đầu tiên đều cố gắng xây dựng một Giáo Hội tiên tri hơn là một Giáo Hội quyền lực.
Giáo Hội quyền lực được nhận ra nhờ những cơ chế vững mạnh. Còn Giáo Hội tiên tri được nhận ra nhờ tinh thần yêu thương huynh đệ chân thành thắm thiết. Tinh thần yêu thương này là dấu chỉ cuộc sống đời sau trên thiên đàng. Đó cũng là đặc điểm mà Chúa Giêsu dạy sẽ căn cứ vào để nhìn nhận ai là môn đệ của Người: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con yêu thương nhau”. Yêu thương nói đây, không chỉ hiểu đơn thuần là bác ái cho đi, mà còn là khiêm tốn đón nhận bất cứ sự gì là tốt lành, không phân biệt những giá trị ấy phát xuất từ tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, do đạo mình hay đạo khác.

Tình thương yêu như thế tất nhiên sẽ cởi mở và thích ứng sát với hiện thực cuộc sống. Vì thế, nhiều linh mục Việt Nam hôm nay muốn mình là người Samaritanô tốt lành trong dụ ngôn Phúc Âm, dám dừng lại lo cho một người lạ bị rủi ro bên đường, hơn là người thầy cả đạo cũ trong dụ ngôn đó, nghiêm trang lo đi thẳng nhìn thẳng, đúng hình thức luật đạo đức bề ngoài. Cũng nhờ đó mà Giáo Hội sẽ là một biển cả hiệp thông sống động, hơn là một núi đá, với khuôn khổ cứng đờ.
Phải nói thật rằng: Điều tôi vừa phát hoạ hiện nay chưa lan rộng đều khắp. Nhưng chắc chắn rồi đây sẽ thực hiện, vì sứ mạng hiệp thông của Giáo Hội chính là một đặc tính rất quan trọng, rất căn bản cho Giáo Hội, mà thần học sau Công đồng Vatican II đã phát huy, để đưa Giáo Hội về với chính mình.

Điều thứ 3 là nhiều linh mục Việt Nam hôm nay cũng như các linh mục đầu tiên xưa, đều cố gắng đổi mới và góp phần đổi mới Giáo Hội của mình.

Đổi mới khởi đi từ nhận thức khiêm tốn chân thành về mình, và về Giáo Hội mình. Bản thân mình vốn là kẻ yếu đuối, ngày nào cũng đọc kinh Cáo Mình: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”. Còn Giáo Hội mình, tuy có nhiều ánh sáng, nhưng cũng có nhiều bóng tối. Phải đổi mới lại, không phải chỉ một lần, mà là từng ngày. Bằng sự thống hối, bằng sự khiêm tốn lắng nghe Lời Chúa, bằng sự hiệp thông với ơn Chúa Thánh Thần.

Đổi mới không phải chỉ là xa lìa tội lỗi mà còn là thích ứng một cách nhạy bén và đúng đắn với giòng lịch sử mỗi ngày mỗi chuyển biến phức tạp và mau lẹ. Các tông đồ xưa đã làm việc đó. Nhiều linh mục Việt Nam hôm nay cũng đang tích cực làm việc đó.

Anh chị em thân mến,

Giờ đây, tôi sẽ làm phép các dầu mà linh mục sẽ dùng trong nhiều bí tích. Xin anh chị em hiệp ý với tôi cầu nguyện cho mọi người sẽ lãnh nhận các dầu này. Cách riêng ta cầu nguyện cho các linh mục. Cũng như tinh dầu, tuy lượng rất nhỏ, nhưng công dụng lớn, thì các linh mục, tuy số lượng nhỏ, nhưng hy vọng sẽ là những người có ích rất nhiều cho đạo, cho đời, cho nội bộ Giáo Hội cũng như cho Tổ Quốc thân yêu.

Lạy Chúa,

Con tin cậy ở Chúa. Xin Chúa luôn ở với các linh mục của chúng con. Amen.

Lễ Truyền Dầu, 05-04-1987, tại Long Xuyên

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0150: HỘI THÁNH LÀ HIỆP THÔNG 16-04-1987


Lễ chiều thứ năm Tuần Thánh  Long Xuyên

 

Lễ chiều thứ năm Tuần Thánh được gọi là lễ tưởng niệm bữa tiệc ly. Bởi: 16-04-1987 Bùi-Tuần 150


Lễ chiều thứ năm Tuần Thánh được gọi là lễ tưởng niệm bữa tiệc ly. Bởi vì, đây là bữa tối sau cùng của Chúa Cứu Thế trước phút chia ly. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa, Chúa Giêsu sẽ bước vào cuộc khổ nạn.

Trong bữa tiệc ly này, Chúa Giêsu đã quy tụ tất cả các môn đệ lại chung quanh, Người coi nhóm nhỏ này như mô hình của Hội Thánh tương lai. Mô hình này là thế nào?

Căn cứ vào lời Chúa nói và các việc Chúa làm trong bữa tiệc ly, tôi thấy mô hình Hội Thánh có đặc tính nổi bật là hiệp thông, và theo đó có thể nói: Hội Thánh là hiệp thông.

Trước hết là hiệp thông với Thiên Chúa. Chúa Cứu Thế khẳng định: “Cha là cây nho, chúng con là cành. Cành nào kết hợp với cây sẽ trổ hoa sinh trái. Cành nào tách rời khỏi cây sẽ phải héo tàn”. Ngoài sự hiệp thông với Chúa, người Hội Thánh còn phải hiệp thông với tha nhân. Chúa phán: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Cha, là các con thương yêu nhau”.

Để giúp xây dựng sự hiệp thông một cách cụ thể, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục. Thánh lễ là lễ hiệp thông. Kẻ dự lễ và kẻ rước lễ phải có tinh thần hiệp thông với Chúa và với tha nhân, cũng như các linh mục phải là những thừa tác viên tích cực của sự hiệp thông.

Một cách rất tốt để xây dựng hiệp thông đó là phục vụ bằng những việc làm cụ thể vị tha khiêm tốn. Chúa dạy điều đó qua việc Chúa hạ mình xuống rửa chân cho các tông đồ. Thiếu khiêm tốn cũng như thiếu bác ái cởi mở sẽ không thể xây dựng hiệp thông được.

Hội Thánh là hiệp thông. Người của Hội Thánh là người sống tinh thần hiệp thông và xây dựng sự hiệp thông. Khi đem mô hình vừa nói dọi vào các cộng đoàn công giáo, các gia đình công giáo, các người công giáo, tôi thấy có nơi thực hiện đúng, nhưng cũng có nhiều nơi chưa thực hiện đúng. Vẫn còn nhiều người không lo rửa chân cho người khác theo gương Chúa, mà chỉ lo bôi nhọ những ai hơn mình. Vẫn còn nhiều người hẹp hòi, khi hoạt động tôn giáo hay nghĩ đến việc bảo vệ và phát huy tư lợi hơn là nghĩ đến bổn phận phải sống và phát huy tinh thần hiệp thông một cách quảng đại, khiêm tốn và tế nhị. Vẫn còn nhiều người chưa hiểu, sự hiệp thông tích cực với các vị chủ chăn của họ đạo mình và của giáo phận mình là một bổn phận quan trọng thế nào.

Lúc này đây, trong nhà thờ này, chúng ta rất đông, thấy nhau, bên nhau. Đó là hình ảnh bề ngoài của Hội Thánh. Ta đừng quên xem xét lại tinh thần Hội Thánh của ta. Hội Thánh là hiệp thông với Chúa. Vậy, ta có thực sự nhìn lên Chúa không. Hội Thánh là hiệp thông với tha nhân. Vậy, ta có thực sự nhìn người khác với tấm lòng khiêm tốn cởi mở bác ái tế nhị không. Trong 3 ngày Tuần Thánh này, tôi mong anh chị em để ý đặc biệt hơn tinh thần hiệp thông. Không những suy nghĩ về sứ mạng của Hội Thánh là hiệp thông, mà còn cố gắng đem thực hiện những suy nghĩ đó bằng những việc làm cụ thể.

Lạy Chúa Giêsu,

Con xin hiệp thông với tinh thần của Chúa. Xin Chúa luôn ở với con, để sự sống của Chúa trong con sẽ giúp con xây dựng Hội Thánh Chúa, một Hội Thánh hiệp thông với Chúa và hiệp thông với nhân loại. Amen.

Lễ chiều thứ năm Tuần Thánh, lễ Rửa chân ngày 16-04-1987, tại Long Xuyên.

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.
 

Tác giả: + GB. Bùi-Tuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây