Suy tư của Đức Cha Gioan B Bùi-Tuần Bài 151-200

Chủ nhật - 10/02/2019 08:55
Suy tư của Đức Cha Gioan B Bùi-Tuần Bài 151-200
Suy tư của Đức Cha Gioan B Bùi-Tuần Bài 151-200
Suy tư của Đức Cha Gioan B Bùi-Tuần Bài 151-200

Bùi-Tuần 0151: LỄ PHỤC SINH LÀ LỄ CỦA NIỀM HY VỌNG 19-04-1987. 2
Bùi-Tuần 0152: SỐNG TÍCH CỰC VỚI LỊCH SỬ HÔM NAY 03-05-1987. 3
Bùi-Tuần 0153: PHỤC VỤ HOÀ BÌNH 19-05-1987. 4
Bùi-Tuần 0154: CUỘC SỐNG ĐẠO HÃY LÀ MỘT SỨ ĐIỆP 06-06-1987. 7
Bùi-Tuần 0155: KẺ KHÔNG NHÀ 25-12-1987. 8
Bùi-Tuần 0156: NGHĨ TỚI NĂM 2000 07-06-1987. 11
Bùi-Tuần 0157: TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO 08-06-1987. 12
Bùi-Tuần 0158: ƠN LO LIỆU 08-06-1987. 14
Bùi-Tuần 0159: QUẢNG ĐẠI 08-06-1987. 16
Bùi-Tuần 0160: CỞI MỞ HOÀ NHẬP CÓ PHẨM CHẤT NÂNG LÊN.. 17
Bùi-Tuần 0161: DỄ THƯƠNG TRƯỚC MẶT CHÚA 21-06-1987. 19
Bùi-Tuần 0162: BÌNH AN TÂM HỒN 28-06-1987. 20
Bùi-Tuần 0163: TẤM VÉ ĐỂ LÊN TRỜI 15-08-1987. 22
Bùi-Tuần 0164: SỐNG ĐÚNG TÍNH NGƯỜI 16-08-1987. 24
Bùi-Tuần 0165: BÌNH AN CỦA CHÚA.. 25
Bùi-Tuần 0166: CẢM TẠ CHÚA SUỐT ĐỜI 16-08-1987. 26
Bùi-Tuần 0167: NƯƠNG TỰA VÀO NHAU 22-08-1987. 28
Bùi-Tuần 0168: ĐEM LẠI NIỀM VUI 22-08-1987. 29
Bùi-Tuần 0169: VẤN ĐỀ TƯƠNG LAI CON EM CHÚNG TA  23-08-1987. 31
Bùi-Tuần 0170: MẸ HẰNG CỨU GIÚP 23-08-1987. 33
Bùi-Tuần 0171: PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG ĐẠO 24-08-1987. 34
Bùi-Tuần 0172: SỐNG ĐẠO TỐT NHỜ ĐỔI MỚI 08-12-1987. 36
Bùi-Tuần 0173: CAN ĐẢM TRƯỚC CUỘC SỐNG 20-12-1987. 38
Bùi-Tuần 0174: MÙA XUÂN VỚI NHỮNG VẺ ĐẸP MỚI 1988. 40
Bùi-Tuần 0175: ĐƠN ĐỘC 08-12-1989. 41
Bùi-Tuần 0176: NHÀ CÓ ĐỨC MẸ LÀ NHÀ CÓ PHÚC.. 43
Bùi-Tuần 0177: HOÀ GIẢI - 05-03-1989. 44
Bùi-Tuần 0178: BIẾT CHÚA KITÔ 07-05-1989. 46
Bùi-Tuần 0179: GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG 14-05-1989. 47
Bùi-Tuần 0180: XAO XUYẾN VÀ SỢ HÃI 21-05-1989. 49
Bùi-Tuần 0181: THẾ HỆ MỚI, CẦN TÔNG ĐỒ MỚI – C 1989. 51
Bùi-Tuần 0182: CỞI MỞ 1989. 52
Bùi-Tuần 0183: SÁNG DANH ĐỨC CHÚA CHA VÀ ĐỨC CHÚA CON.. 54
Bùi-Tuần 0184: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN MỘT CÁCH TRONG SÁNG.. 55
Bùi-Tuần 0185: TỪNG NHÓM NHỎ 25-06-1989. 57
Bùi-Tuần 0186: ĐẠO NGOÀI ĐỜI 02-07-1989. 59
Bùi-Tuần 0187: NGHE LỜI CHÚA 09-07-1989. 61
Bùi-Tuần 0188: PHIÊN DỊCH TIN MỪNG 06-08-1989. 62
Bùi-Tuần 0189: CỦA CẢI 1989. 64
Bùi-Tuần 0190: TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN 30-08-1998. 65
Bùi-Tuần 0191: SỰ CỌ SÁT GIỮA NHỮNG KHÁC BIỆT 1989. 67
Bùi-Tuần 0192: CỬA HẸP 10-09-1989. 69
Bùi-Tuần 0193: KHIÊM TỐN 17-09-1989. 70
Bùi-Tuần 0194: HY SINH CHO TÌNH YÊU TUYỆT ĐỐI 72
Bùi-Tuần 0195: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU 1989. 73
Bùi-Tuần 0196: LINH MỤC LÀ AI? 18-01-1990. 75
Bùi-Tuần 0197: MỞ LÒNG TA RA VỚI NGƯỜI NGHÈO 15-02-1991. 77
Bùi-Tuần 0198: CHÚA THÁNH THẦN VÀ NGƯỜI NGHÈO KHO.. 79
Bùi-Tuần 0199: THÁNH Ý CHÚA CHA  26-02-1991. 81
Bùi-Tuần 0200: VÁC THÁNH GIÁ MÌNH 26-02-1991. 84
------------------------
Phân cách bài ĐC Bùi Tuần

Bùi-Tuần 0151: LỄ PHỤC SINH LÀ LỄ CỦA NIỀM HY VỌNG 19-04-1987

Lễ Phục Sinh Long Xuyên

Thánh lễ Phục Sinh bao giờ cũng rất đông người tham dự. Hầu như: 19-04-1987 Bùi-Tuần 151


Thánh lễ Phục Sinh bao giờ cũng rất đông người tham dự. Hầu như người công giáo nào cũng muốn có mặt trong lễ này với mục đích được thông công vào ơn sống lại của Chúa Cứu Thế. Cũng do mục đích ấy mà lễ Phục Sinh có thể gọi là lễ của niềm hy vọng, lễ của niềm cậy trông.

Ta cậy trông, tất nhiên là có lý do. Bởi vì không có gì mạnh bằng sự chết, thế mà Chúa Giêsu đã thắng nó bằng sự phục sinh của mình. Sự kiện đó thôi thúc ta thêm cậy trông vào quyền năng Chúa. Nếu ta gắn bó với Người, chắc chắn Người sẽ phục sinh ta.

Sự phục sinh mà ta mong muốn là được chia sẻ cuộc sống tốt lành của Chúa đời này đời sau. Phục Sinh như thế là đổi mới. Đổi người cũ ra người mới. Đổi nếp sống cũ ra nếp sống mới.

Muốn được thế, ta cậy trông nơi Chúa, nhưng chính ta cũng phải phấn đấu bước ra khỏi những cái mồ vô hình, và cảnh giác đừng tự đào mồ chôn mình. Mồ chôn ta là tính ích kỷ, tính hẹp hòi, tính ghen tương của ta. Mồ chôn ta là tính kiêu căng tự đại của ta. Mồ chôn ta là tính ưa trọng hình thức hơn là nội dung, ưa nói hơn là làm tốt. Mồ chôn ta là tính trì trệ, lạc hậu, thích bám vào những cái phụ thuộc mà bỏ lơ những gì chính yếu, thích chạy theo những lợi nhỏ mà quên đi những lợi lớn.

Mỗi người chúng ta hãy nhận thức rõ và chắc chắn rằng: Những tính xấu của mình như thế chính là những mồ mả vô hình chôn vùi ta và nhiều khi cũng chôn vùi nhiều người khác nữa. Nhận biết sự thực như vậy là bước đầu đi đến phục sinh. Rồi hằng ngày hãy bước thêm bằng những việc làm có tính cách tiến bộ, xa dần những mồ mả vô hình nói trên. Một trong những việc làm cụ thể như thế là làm tốt các việc bổn phận của mình, bổn phận trong gia đình, bổn phận trong xã hội, bổn phận trong tôn giáo. Làm tốt là làm một cách trung thực với tất cả lương tâm và với tất cả yêu cầu đạo đức. Chúng ta hãy áp dụng điều đó cách đặc biệt trong việc chu toàn bổn phận bầu cử sẽ tiến hành ngày mai.

Anh chị em thân mến,

Niềm hy vọng Phục Sinh là một niềm hy vọng đầy lạc quan, đầy phấn khởi. Với tinh thần đó, chúng ta sốt sắng cầu nguyện cho nhau, cho tất cả mọi đồng bào ta, cho Tổ quốc và cho Giáo Hội. Cũng trong tinh thần đó, tôi kính chúc tất cả anh chị em một lễ Phục Sinh tốt đẹp nhất. Amen.

Lễ Phục Sinh, ngày 19-04-1987, tại Long Xuyên

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0152: SỐNG TÍCH CỰC VỚI LỊCH SỬ HÔM NAY 03-05-1987


Long Xuyên

 

Theo bài Phúc Âm hôm nay (CN 3 PS-A), thì hai môn đệ Chúa từ: 03-05-1987 Bùi-Tuần 152


Theo bài Phúc Âm hôm nay (CN 3 PS-A), thì hai môn đệ Chúa từ Giêrusalem trở về Emmaus đã nói chuyện dài với nhau về cái chết của Chúa Giêsu. Cái chết của Chúa Giêsu là một biến cố mới xảy ra. Nó đụng mạnh vào lịch sử đương thời của đạo lúc ấy. Hai người hành hương kia biết biến cố đó. Họ không dửng dưng. Trái lại, họ sống mãnh liệt với biến cố đó của lịch sử. Họ suy nghĩ, họ đặt câu hỏi, họ tìm hiểu dưới ánh sáng lời Chúa. Họ thực sự thao thức dưới những vấn đề mà biến cố lịch sử đặt ra. Họ thực sự chia sẻ tâm tư của dân tộc họ và tôn giáo họ. Chính khi họ đang đi trong hoàn cảnh như thế thì Chúa Giêsu đã đến với họ, để đồng hành với họ, để chia sẻ với họ, để soi sáng cho họ.

Từ cái nội dung trên đây của Phúc Âm, tôi rút ra bài học này: Người môn đệ Chúa cần phải biết sống tích cực với lịch sử hôm nay của đất nước và của Hội Thánh. Đồng thời, họ rất cần mời Chúa Giêsu cùng đi với mình trong hành trình tâm hồn đầy những thao thức triền miên.

Tôi vừa nói đến bổn phận phải sống với lịch sử hôm nay. Lịch sử hôm nay là những gì đang xảy ra cho Đạo, cho Đời, ngay trước mắt ta, ngay tại đất nước và địa phương ta, ngay trong những năm tháng ta hiện sống. Thí dụ hiện tình có vô số những người nghèo túng, thiếu dinh dưỡng, thiếu văn hoá, thiếu lương tâm, thiếu niềm tin. Nếu ta dửng dưng với những hiện tình này, coi mình như không có trách nhiệm gì, hoặc nếu ta chỉ biết than trách, chỉ trích, đổ lỗi cho người khác, thì đó không phải là thái độ đúng đắn của người môn đệ Chúa. Người môn đệ Chúa phải có tinh thần của Chúa Cứu Thế, một tinh thần hiệp thông, một tinh thần chia sẻ, một tinh thần cứu độ, quảng đại biết sống cho người khác, cho lợi ích chung. Có nghĩa là người môn đệ Chúa phải sống tích cực với những vấn đề lịch sử đương thời, tích cực với những thao thức, và với những cống hiến thiết thực, hợp thời và có hiệu năng.

Muốn được như vậy, tôi vẫn nghĩ rằng: Người có đức tin nên mời Chúa đồng hành với mình trong mọi suy nghĩ giải quyết. Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: Nhờ có Chúa Giêsu đồng hành với mình, mà hai môn đệ kia đã nhận ra sự khôn ngoan tuyệt vời của Thánh giá. Thánh giá là sự khiêm tốn, là sự tự hạ, là sự quên mình. Thánh giá là sự quảng đại, là bác ái yêu thương. Đó là chìa khoá mở cửa phục sinh cứu độ. Chúa phán: “Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang”. Tôi coi lời Chúa dạy trên đây là một chân lý của mọi phát triển. Chấp nhận cái đau, cái khổ ở đây không phải là đề cao ý chí kiên cường, đề cao cái dũng mà chủ nghĩa duy ý chí thường làm, nhưng là khiêm tốn nhận biết con người của mình có rất nhiều giới hạn, nên cần phải luôn tìm tòi, học hỏi và nhờ đến sự giúp đỡ đa dạng của kẻ khác, nhất là của Đấng thiêng liêng đời đời hằng sống, trong những vấn đề vượt ngoài thẩm quyền khoa học. Việc làm như thế là việc làm vừa có cái dũng, vừa có cái trí, và vừa có đạo đức.

Anh chị em thân mến,

Lễ Thêm Sức hôm nay cũng là một biến cố nhỏ của lịch sử họ đạo. Tôi xin mỗi người trong họ đạo hãy tự hỏi mình xem: Tôi có biết sống tích cực với lịch sử này không. Tôi có thực sự đồng hành với Chúa trong những thăng trầm của địa phận và của địa phương không?”. Hãy tự hỏi và tự phê phán mình trước mặt Chúa.

Xin Chúa Thánh Thần giúp ta tìm thấy ý Chúa và làm theo ý Chúa. Amen.

Ngày 03-05-1987, tại Long Xuyên.

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0153: PHỤC VỤ HOÀ BÌNH 19-05-1987


-TP.HCM

Bài nói chuyện của ĐC  Bùi-Tuần với các linh mục tu sĩ  TP. HCM, về chuyến đi Matxcơva 03-1987

 

Nhiều câu hỏi đã đặt ra cho tôi về mục vụ xây dựng hoà bình. Tôi đã: 19-05-1987 Bùi-Tuần 153


Nhiều câu hỏi đã đặt ra cho tôi về mục vụ xây dựng hoà bình. Tôi đã suy nghĩ, đã trao đổi, và đã lựa chọn. Tất nhiên, những trả lời của tôi là dành riêng cho tôi. Vì thế, những điều tôi nói ở đây chỉ có tính cách tâm sự và chia sẻ, chứ không chủ ý giảng dạy gì.

I. Câu hỏi thứ nhất đặt ra cho tôi là: Tôi nên chú tâm làm mục vụ hoà bình qua chức năng nào nhiều hơn hết?

Để trả lời, tôi nhìn lại 3 chức năng của linh mục: Một là qui tụ đoàn chiên, hai là ban phát bí tích, ba là loan báo Tin Mừng. Tôi không ngần ngại trả lời: Chức năng loan báo Tin Mừng là chức năng thuận lợi nhất và có hiệu năng nhất để làm mục vụ hoà bình.

Bởi vì, loan báo Tin Mừng là chức năng tôi có thể thực hiện bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, bất cứ hoàn cảnh nào. Đang khi hai chức năng kia có những giới hạn rất hẹp. Ngoài ra, hai chức năng kia chỉ tới được những người có đạo, còn chức năng loan báo Tin Mừng có thể tới được mọi tuyến đường của con người. Hơn nữa, từ ít năm nay, thần học và mục vụ càng ngày càng thôi thúc các Giám mục, linh mục, tu sĩ phải thực sự coi việc loan báo Tin Mừng là bổn phận ưu tiên hàng đầu của mình.

II. Câu hỏi thứ hai đặt ra cho tôi là: Tin Mừng hoà bình mà tôi cần loan báo hôm nay là Tin Mừng thế nào?

Theo tôi, Tin Mừng đầu tiên về hoà bình mà mọi người Việt Nam đạo đời ngày nay đều cho là thực sự rất đáng mừng, rất có lợi cho đời cho đạo, đó là Tin Mừng đổi mới. Đổi mới con người, đổi mới đời sống, đổi mới xã hội, đổi mới Giáo Hội. Lúc này cái Tin Mừng mà ai cũng ham nghe hơn hết, đó là tin cuộc sống người dân được đổi mới.

Tin Mừng phúc Âm cũng khởi sự từ đó.

Loan báo Tin Mừng đổi mới không phải là làm công tác loan những tin đổi mới, nhưng là làm công tác thực hiện đổi mới.

Loan báo Tin Mừng đổi mới là tích cực tham gia những chặng đường đa dạng và phức tạp của quá trình đổi mới. Từ những cố gắng góp phần đổi mới các quan điểm, các cách nhìn, các cách suy nghĩ, những luật lệ, những tương quan, sao cho đúng với xu thế đi lên cuộc sống an bình hạnh phúc, cho đến sự tham gia phấn đấu để thực hiện những đổi mới ấy.

Loan báo Tin Mừng đổi mới là hăng hái đồng hành với những người biết nhìn về phía trước, để tẩy xoá cái lỗi thời, và nắm bắt lấy những nguồn lực giúp ta xây dựng và phát triển cấu trúc cho một nền an ninh tốt đẹp bền vững.

Kẻ loan báo Tin Mừng đổi mới, nên sống mãnh liệt bí tích hiệp thông. Hiệp thông với Chúa, để sống với kẻ khác, sống cho kẻ khác, sống nhờ kẻ khác.

Qua sự đồng hành, họ muốn làm chứng Hội Thánh là hiệp thông, linh mục là thừa tác viên của sự hiệp thông, và chính con người là một hiện hữu tương quan (être relationel). Phát huy tính đồng hành như vậy chính là phát triển những tương quan hoà bình.

III. Câu hỏi thứ ba đặt ra cho tôi là: tôi sẽ loan báo Tin Mừng đổi mới ở đâu?

Thưa ở mọi tuyến đường mà con người hôm nay đi lại nhiều nhất. Tuyến đường nhà thờ là tuyến đường của một thiểu số rất nhỏ. Cuộc sống với những hướng phát triển của nó mới là tuyến đường tôi dễ gặp được con người hôm nay.

IV. Câu hỏi thứ bốn đặt ra cho tôi là: Loan báo Tin Mừng hoà bình theo chiều hướng đổi mới nói trên và ở tuyến đường cuộc sống con người, có phải là một việc dễ làm không?

Thưa không dễ.

- Khó thứ nhất là vì chính mình phải có một số vốn liếng kiến thức đổi mới về nhiều mặt, như thần học, triết học, Giáo Hội học, xã hội học, v.v...

- Khó thứ hai là mục vụ vốn là một nghệ thuật hơn là một khoa học. Nghệ thuật mục vụ của mình có những giới hạn đau xót, mình muốn vượt qua mà không vượt qua được. - Khó thứ ba là vì số những kẻ đồng hành đổi mới có nhiệt tình và có năng lực không phải lúc nào cũng đông đảo.

- Khó thứ bốn là vì mục vụ của mình nhiều khi cũng bị hiểu lầm.

- Khó thứ năm là vì kết quả mục vụ của mình thường khó thấy được ngay trước mắt, nên có thể bị cám dỗ cho rằng không có hiệu năng, để rồi bỏ cuộc.

Anh chị em thân mến,

Khi chia sẻ tâm sự của tôi trên đây, chính là lúc anh chị em đồng hành với tôi trên một tuyến đường mục vụ hoà bình.

Tôi tin Chúa Giêsu đang đồng hành giữa chúng ta và với chúng ta trên tuyến đường này.

Chúng ta cảm tạ Người.

Xin cảm ơn anh chị em.

Bài nói chuyện với các linh mục tu sĩ tại TP. HCM, ngày 19-05-1987, về chuyến đi Matxcơva của Giám Mục Bùi-Tuần, tháng 03-01987.


 

Bùi-Tuần 0154: CUỘC SỐNG ĐẠO HÃY LÀ MỘT SỨ ĐIỆP 06-06-1987


Ông Dèo

 

Khi nghe tôi nói sắp đi làm lễ ở họ đạo Ông Dèo, nhiều người đã hỏi: 06-06-1987 Bùi-Tuần 154


Khi nghe tôi nói sắp đi làm lễ ở họ đạo Ông Dèo, nhiều người đã hỏi tôi: Dèo là ai? Họ đạo Ông Dèo ở đâu?

Rất nhiều người trong giáo phận không biết đến họ đạo chúng ta. Điều đó là chuyện tất nhiên thôi. Bởi vì họ đạo chúng ta rất nhỏ, lại ở trong vùng sâu nông thôn, chi chít những sông rạch, ít có khách lui tới, số tín hữu không quá 700, ngôi nhà thờ này có thể nằm gọn trong một gian thánh đường lớn, đời sống tinh thần vật chất ở đây đơn sơ, cách sinh hoạt tôn giáo của họ đạo ta rất khiêm tốn, anh chị em sống đạo một cách nhẹ nhàng, không có gì ồn ào, rầm rộ, phô trương.

Sự bé nhỏ, hiền hoà của họ đạo Ông Dèo như tôi vừa tả không phải là một cái gì thua thiệt. Trái lại, nó là một nét sống đạo thích hợp mà tôi vốn ưa thích.

Tôi thấy Đức Mẹ xưa cũng sống đạo một cách rất âm thầm hoà nhập. Người không hề làm sự gì có vẻ khác thường: Không làm phép lạ, không ngất trí khi cầu nguyện, không có một lòng sùng kính nào đặc biệt, không hề cổ động cách riêng cho ông thánh này, bà thánh nọ, không hề có những bài giảng hùng hồn, không có những tập trung lớn. Có thể nói là Đức Mẹ đã sống đạo một cách bình dân. Bình dân là không cầu kỳ, không kiểu cách, không tìm khác lạ bề ngoài. Bình dân là bình thường như mọi người dân, nhưng bình dân mà trong sáng, trong sáng nơi cái nhìn hiền từ, khiêm cung, đầm thắm, trong sáng nơi nét mặt dịu dàng, nhân ái, trong sáng trong cách đi, cách đứng ngồi có lễ phép, kỷ cương, trong sáng trong sự đảm đang, chu toàn bổn phận hằng ngày, trong sáng trong cách giao tiếp nhã nhặn, tế nhị, khôn ngoan, biết sống với người khác, biết sống cho người khác, biết sống nhờ người khác, và cùng với kẻ khác cố gắng nâng con người và đời sống con người lên.

Qua con người và đời sống Đức Mẹ, người đương thời có thể học được một sứ điệp quan trọng của Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa là Tình Yêu. Họ cảm thấy như có Thiên Chúa là tình yêu ở trong Đức Mẹ. Họ có cảm tưởng là Đức Mẹ sống trong hạnh phúc dạt dào của tình yêu bao la Thiên Chúa.

Anh chị em cũng như tôi, chúng ta rất muốn được phần nào như Đức Mẹ. Chúng ta sẽ chẳng thế nào toả sáng được tình yêu Thiên Chúa qua con người và đời sống hằng ngày chúng ta, nếu chúng ta không thực sự có Chúa là tình yêu trong mình. Chúng ta sẽ chẳng thế nào chiếu giãi được sự sống siêu nhiên qua con người và đời sống chúng ta, nếu chúng ta không thực sự có sự sống siêu nhiên dồi dào trong mình.

Để phát triển sự sống Chúa trong ta, tôi xin nhắc đến hai việc cụ thể sau đây:

- Một là mỗi ngày chúng ta hãy cầu nguyện với tinh thần tin cậy mến nồng nàn và sám hối khiêm cung.

- Hai là mỗi ngày chúng ta hãy để ý làm những việc lành có tính cách bác ái khiêm nhường quảng đại.

Hãy sống bác ái và hãy cầu nguyện trong tinh thần hiệp thông với Đức Mẹ, ta sẽ thấy phần nào niềm vui êm dịu sâu thẳm của hạnh phúc Chúa đã hứa cho những ai sống bé nhỏ, hoà hợp. Một cuộc sống như vậy là một cuộc sống hữu ích cho xã hội, vì nó chính là một sứ điệp của Thiên Chúa về tình yêu, về hạnh phúc và về hoà bình. Amen.

Ngày 06-06-1987, tại Ông Dèo.

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên


 

Bùi-Tuần 0155: KẺ KHÔNG NHÀ 25-12-1987


Lễ Giáng Sinh Long Xuyên

 

Đối với tôi, hình ảnh xúc động nhất của Chúa Giêsu giáng sinh nằm trong: 25-12-1987 Bùi-Tuần 155


Đối với tôi, hình ảnh xúc động nhất của Chúa Giêsu giáng sinh nằm trong hang đá là hình ảnh một kẻ không nhà.

Cái hang đá giữa cánh đồng đó không thể gọi được là căn nhà. Nó cũng không ở trên đất của gia đình Đức Mẹ và thánh Giuse, nghĩa là nó không phải là của nhà. Nó không là thổ cư. Nó ở xa nhà. Nó không phải là chỗ ở của con người. Thế mà Chúa Giêsu đã chọn ngã đó để đi vào đời.

Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ là hình ảnh của những kẻ không có địa chỉ, nếu không muốn gọi địa chỉ của họ là gầm cầu, ven đường, xó chợ.

Hang đá Bêlem cũng gợi nhớ tới những căn nhà không đáng gọi là nhà, bởi vì thiếu những điều kiện an toàn và vệ sinh tối thiểu.

Chúa Giêsu sinh ra trong hang đá giữa cánh đồng cô quạnh còn là hình ảnh của những kẻ bị chối từ không được vào nhà, nhưng sau cùng đã gặp được những tấm lòng tốt như những người chăn chiên trên cánh đồng Bêlem đêm Noel. Tình người và niềm tin chân thành của các mục tử ấy cùng với tình thương và niềm tin của Đức Mẹ và thánh Giuse đã trở thành căn nhà vô hình ấm áp cho Chúa Giêsu. Đang khi đó, chính tình yêu và niềm tinh của Chúa Cứu Thế dành cho Thiên Chúa Cha và nhân loại cũng đã là một căn nhà ổn định cho lẽ sống của con người ngay từ giây phút đầu tiên.

Hình ảnh Chúa Giêsu trong hang đá Bêlem như tôi vừa thấy đã giúp tôi để ý đến sự thực này: Có những người dù ở trong những căn nhà vật chất đầy đủ vững chắc, nhưng vẫn cảm thấy lạnh lẽo bơ vơ bất ổn như kẻ không nhà. Đang khi đó, có những người, dù phải sống trong những điều kiện vật chất rất thiếu thốn của kẻ không nhà, nhưng lại cảm được một sự thanh thản bình an, ổn định trong tâm hồn, như thể họ ở trong một căn nhà vô hình rất vững, rất đẹp nào đó, luôn che chở họ và làm cho đời họ tươi mát.

Theo tôi, căn nhà vô hình như thế chính là lòng tốt của mình, là lòng tốt của người khác, là lòng tốt của Thiên Chúa.

Để tấm lòng mình trở thành căn nhà ổn định tươi mát cho mình, nó cần phải thực sự sống mạnh mẽ với nhiều tình thương và niềm tin.

Lương thực tự nhiên của lòng ta là tình thương. Nên bất cứ một sự ghen ghét hận thù nào ta để trong lòng cũng đều sẽ sản sinh ra bóng tối và khí độc làm hại tâm hồn ta.

Lòng ta là một dòng sức sống không ngừng khao khát vươn lên những giá trị cao hơn chính con người. Nên bất cứ một sự hẹp hòi ích kỷ ti tiện nào ta nuôi trong lòng cũng sẽ kéo căn nhà lòng ta xuống thấp và nhỏ bé lại.

Lòng ta là một động lực cho hành trình cuộc sống đi về một cùng đích hứa hẹn hạnh phúc siêu việt trường tồn. Vì thế, bất cứ một sự sụp đổ nào của niềm tin vào các hứa hẹn nâng đỡ cuộc đời cũng sẽ làm cho căn nhà tâm hồn trở thành bất ổn vì chuyến đi cuộc đời phải mất phương hướng.

Căn nhà tâm hồn là nơi đón tiếp để lãnh nhận và để cho đi. Nó sống với nhiều liên hệ. Nó sống cho nhiều liên hệ. Nếu những liên hệ ấy có sự êm đềm của tình thương, có sự vươn lên của tinh thần quảng đại, có niềm tin vào những lý tưởng cao đẹp và những trái tim đáng tin đáng mến, thì một căn nhà tấm lòng đã vững sẽ càng thêm vững, hoặc nếu tự mình chưa vững thì sẽ được giúp cho vững.

Thực là buồn, nếu một người sống mà không có căn nhà vật chất tương đối tốt để ở.

Thực là buồn, nếu một người sống giữa bao người lại không gặp được những tấm lòng tốt che chở họ như một căn nhà tình nghĩa.

Thực là buồn, nếu lòng ta do thiếu những vẻ đẹp cần thiết đã không thể trở thành căn nhà tinh thần cho những người dù dễ tính nhất.

Thực là buồn, nếu chính tâm hồn của mình cũng không trở thành căn nhà ổn định tươi mát cho chính bản thân con người của mình.

Thời Chúa Giêsu giáng sinh, tình trạng kẻ không nhà đã là một vấn đề. Qua gần 20 thế kỷ, tình hình những kẻ không nhà vẫn còn là một vấn đề rất lớn. Do đó, Liên-Hiệp-Quốc đã đặt tên cho năm 1987 này là năm quốc tế lo cho những kẻ không nhà. Một tổ chức quốc tế của Liên-Hiệp-Quốc lo cho vấn đề này đã được thành lập, đặt trụ sở tại Nairobi nước Kenya. Theo ước lượng của tổ chức quốc tế này, thì hiện nay trên thế giới có khoảng một trăm triệu người không có nhà ở. Nhà ở nói đây là nhà ở vật chất. Chứ hiểu theo những ý nghĩa mà tôi vừa gợi ý, thì số người không nhà trên thế giới hiện nay có thể sẽ là một con số khủng khiếp, làm cho lương tâm mọi người thiện chí phải ray rứt.

Vấn đề kẻ không nhà mà Chúa Giêsu giáng sinh trong hang đá Bêlem đã gợi lên, đòi chúng ta phải suy nghĩ thêm về các trách nhiệm trong việc giải quyết vấn đề này. Trách nhiệm đó bao trùm từ cá nhân đến tập thể xóm làng, địa phương, quốc gia và quốc tế. Thiết tưởng cá nhân mỗi người chúng ta, ai cũng có trách nhiệm và cũng có khả năng phần nào kiến tạo căn nhà cho chính mình và cho những người chung quanh. Nếu chưa có được những căn nhà vật chất tốt, thì ít ra cũng phải cố gắng, có được những căn nhà tinh thần tương đối khả quan.

Tôi nghĩ rằng, ý thức được trách nhiệm trước vấn đề kẻ không nhà và cố gắng góp phần giải quyết trách nhiệm đó chính là một cách thiết thực và thích hợp để mừng lễ Chúa Cứu Thế giáng sinh trong năm 1987 là năm quốc tế lo cho kẻ không nhà. Amen.

Lễ Giáng Sinh ngày 25-12-1987, tại Long Xuyên

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên


 

Bùi-Tuần 0156: NGHĨ TỚI NĂM 2000 07-06-1987


Lễ Thêm sức Hoà Hưng

 

Khi tôi nghĩ đám đông hơn 700 em sắp chịu phép Thêm Sức đang ngồi: 07-06-1987 Bùi-Tuần 156


Khi tôi nghĩ đám đông hơn 700 em sắp chịu phép Thêm Sức đang ngồi trước mặt tôi đây, tự nhiên tôi nghĩ tới họ đạo Hoà Hưng năm 2000. Chỉ còn 13 năm nữa, tức là năm hai ngàn, một phần lớn sức sống họ đạo Hoà Hưng sẽ nằm trong tay 700 em này. Năm 2000, lịch sử họ đạo Hoà Hưng sẽ chuyển giao sang giới trẻ hôm nay, mà đại đa số đang có mặt trong thánh lễ này. Năm 2000 thế giới và xã hội Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi, não trạng con người sẽ có nhiều đổi mới về cách suy nghĩ.

Thấy trước như vậy là để tiên liệu, chuẩn bị cho giới trẻ hôm nay. Điều tôi nghĩ cần phải tiên liệu, cần phải chuẩn bị cho giới trẻ hôm nay là giúp chúng sống tinh thần cởi mở, hoà hợp một cách đúng đắn và phong phú.

Hiện nay, trên thế giới, khuynh hướng cởi mở hoà hợp đang phát triển mạnh trên mọi lãnh vực. Đó là một phát triển tốt, đáng hoan nghênh và khích lệ. Khuynh hướng này trở thành một đặc điểm của nền văn minh mới, đến nỗi những người chủ trương khép kín và đối đầu đang trở thành lỗi thời một cách lố bịch.

Khuynh hướng cởi mở hoà hợp cũng chính là chiều hướng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Kinh Thánh cho ta biết: Khi các tông đồ được ơn Chúa Thánh Thần, các ngài đã rao giảng Lời Chúa cho mọi người. Dù các ngài nói tiếng nước mình, thì tất cả người nghe thuộc các ngôn ngữ khác nhau đều hiểu được. Họ hiểu được nhau, họ cảm thấy gần gũi nhau, hoà hợp với nhau. Sách Tông Đồ Công Vụ cũng tả lại nếp sống Giáo Hội sơ khai như là một nếp sống chan hoà bác ái, mọi người cùng một lòng một ý với nhau, tự nguyện để của cải mình làm của chung. Họ thương yêu nhau chân thành. Họ phục vụ nhau với mục đích thăng tiến.

Theo tôi thấy, thì tinh thần cởi mở hoà hợp của các kitô hữu thời ấy có hai điểm quan trọng: Một là quan niệm của họ về người khác đã rất là hiền hoà, khiếm tốn, chân tình, êm dịu, không hề nghi kÿ, không hề căng cứng, không hề hắc ám. Hai là liên hệ của họ với người khác đã được thể hiện bằng việc chia sẻ thực sự và phục vụ thực sự. Những quan niệm như thế về người khác cũng như những việc làm như thế cho người khác đã xuất phát từ lòng cảm tin sâu sắc điều răn mới của Chúa Giêsu: “Thầy cho chúng con một điều răn mới, là chúng con thương yêu nhau”. Chính điều răn mới này, khi cắm rễ vào lòng tín hữu, đã trở thành cơ sở vững chắc, và động lực mạnh, để từ đó hướng dẫn khuynh hướng cởi mở và hoà hợp. Và cũng chính sự sống Thiên Chúa là tình yêu trong linh hồn họ do ơn Chúa Thánh Thần đổ vào dạt dào, đã giúp họ sống cởi mở hoà hợp một cách thanh thản chan hoà, mà không hề bị vấp ngã và bị lợi dụng.

Tôi nghĩ rằng, nếp sống đạo cởi mở hoà hợp của các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai vẫn là một mẫu gương tuyệt vời cho ta hôm nay. Ta cần học theo mẫu gương đó. Trước hết quan niệm lý thuyết cũng như cái nhìn tâm lý của ta về người khác phải thực sự đầy bác ái và trong sáng. Rồi những liên hệ của ta với người khác phải thực sự có tính cách phục vụ. Các bậc phụ huynh chúng ta ráng sống như vậy, và nhớ dạy con em chúng ta sống như vậy. Thiết tưởng đó là cách chuẩn bị tốt để con em ta biết sống cởi mở hoà hợp một cách đạo đức.

Mỗi ngày, khi lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, nếu ta biết tập trung suy gẫm về đức bác ái quảng đại, khiêm nhường của Đức Mẹ, đồng thời ta cũng hiệp thông với tinh thần Đức Mẹ một cách sâu sắc, thì chắc chắn sẽ có nhiều đổi mới tốt đẹp trong ta và trong Giáo Hội. Và năm 2000 sẽ là năm của hoà bình, của phát triển đầy hồng ân Thiên Chúa.

Lễ Thêm sức, ngày 07-06-1987, tại Hoà Hưng.

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0157: TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO 08-06-1987


Hòn Đất

 

Đêm rồi tôi ở Hoà hưng. Nhiều người trong đó đã xin tôi 8 giờ sáng: 08-06-1987 Bùi-Tuần 157


Đêm rồi tôi ở Hoà hưng. Nhiều người trong đó đã xin tôi 8 giờ sáng hãy xuống đò đi Rạch Giá. Nhưng tôi đã bỏ Hoà Hưng lúc 6 giờ sáng nay. Sở dĩ tôi đã bỏ Hoà hưng sớm như vậy, là vì tôi nghĩ đến anh chị em, tôi muốn lễ chiều nay ở Thổ Sơn này được bảo đảm.

Như anh chị em quá biết, đường từ Hoà hưng đến Thổ Sơn không xa lắm, nhưng tôi lo sợ có những bất ngờ làm cho chuyến đi bị trục trặc. Một là thời tiết mưa gió bất ngờ, hai là đó ghe xe cộ dễ bị hư hỏng bất ngờ, ba là sức khoẻ của tôi dễ xấu đi bất ngờ. Cái bất ngờ nào như thế cũng có thể xảy ra. Và nếu xảy ra, thì nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến cuộc lễ chiều nay tại đây, và các lễ đang được chuẩn bị ở nhiều địa điểm khác.

Tôi tâm sự với anh chị em những điều trên đây, là để chúng ta cùng chia sẻ với nhau những lo nghĩ chung về lợi ích chung.

Lợi ích chung tôi muốn nói ở đây là vấn đề tốt đời đẹp đạo. Tốt đời đẹp đạo là tuân thủ đồng thời cả luật đạo lẫn luật đời. Tốt đời đẹp đạo là phát huy đồng thời cả hai lợi ích đời và đạo. Tốt đời đẹp đạo là xây dựng được những liên hệ tốt giữa đời và đạo. Tốt đời đẹp đạo là có được sự gần gũi, thông cảm và tin tưởng lẫn nhau giữa những người vô tín ngưỡng với những người có tín ngưỡng.

Trên lý thuyết, tôi coi vấn đề tốt đời đẹp đạo là một đòi hỏi quan trọng của đức ái Phúc Âm. Trên thực tế, tôi thấy tốt đời đẹp đạo là một điều kiện cần để các sinh hoạt tôn giáo được tốt, và tâm hồn người có đạo được an tâm thanh thản.

Tốt đời đẹp đạo là một lý tưởng đẹp, nhưng không dễ thực hiện. Phải rất khiêm tốn, phải rất tế nhị, phải rất bén nhạy, phải rất quảng đại, phải rất khôn ngoan sáng suốt. Riêng tôi, tôi thấy điều quan trọng hơn hết là lòng yêu thương chân thành.

Đối với ai cũng vậy, hễ ta có lòng thương yêu chân thành, thì thái độ đối xử tốt sẽ tự phát, tự nhiên. Bằng nếu trong lòng đầy hằn học, khinh ghét, hoặc vẫn nuôi thành kiến xấu, thì thái độ bề ngoài dù có vẻ tốt, cũng sẽ chỉ là hình thức mà thôi. Hình thức tốt bề ngoài, có thể đủ cho đời sống xã hội, nhưng không đủ cho lương tâm đạo đức trước mặt Chúa. Muốn đổi mới lòng ta, thay thế ác cảm bằng thiện cảm, thay thế ích kỷ bằng quảng đại, thay thế kiêu căng bằng khiêm tốn, ta nên sống theo gương Đức Mẹ.

Xưa Đức Mẹ đã nói lời “Xin Vâng” với nhận thức rất khiêm tốn về mình, với tình thương bao la, đối với nhân loại, với lòng biết ơn vô tận đối với Thiên Chúa. Lời “Xin Vâng” ấy đã mở rộng lòng Đức Mẹ để đón Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Suốt đời, Đức Mẹ đã sống lời “Xin Vâng” ấy. Và Thiên Chúa là tình yêu đã làm cho trái tim Đức Mẹ trở nên một tình thương dịu hiền và khiêm nhường giống như trái tim Chúa Giêsu, mở rộng cửa cho mọi người.

Mỗi ngày, Chúa cũng thường soi sáng thúc giục ta hãy có những ý nghĩ tốt về người khác, hãy có những phán đoán công bình về những người ta hay có thành kiến, hãy có những lời nói thận trọng trong việc phê phán xã hội, hãy có những việc làm cụ thể để góp phần xây dựng và phát triển những liên hệ đời đạo. Để đáp lại, ta hãy nói lời “Xin Vâng”, và hãy sống lời “Xin Vâng” một cách thành thật và tích cực. Rồi ta sẽ thấy lòng ta dần dần được đổi mới. Từ đó, các mối liên hệ đời đạo cũng sẽ được đổi mới theo chiều hướng tốt đời thực sự và đẹp đạo thực sự.

Tôi nghĩ là vấn đề tốt đời đẹp đạo nên được suy nghĩ một cách có hệ thống, một cách có khoa học, trên cơ sở Phúc Âm, với lòng yêu nước trung thực, cùng với thực tế tâm lý xã hội Việt Nam hôm nay.

Hôm nay, ta ăn cơm là ăn hạt gạo của những cây lúa đã gieo trồng mấy tháng trước. Cũng thế, những gì chúng ta hôm nay đang cố gắng làm cho vấn đề tốt đời đẹp đạo, chính là những cây lúa cây màu chúng ta gieo trồng cho tương lai Hội Thánh Việt Nam, cho tương lai giáo phận Long Xuyên, cho tương lai họ đạo chúng ta, và cho tương lai tất cả đất nước Việt Nam ta. Nhìn sự thực đó, để thêm can đảm.

Xin Chúa Thánh Thần sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Xin Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn chúng con.
Hòn Đất, ngày 08-06-1987

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0158: ƠN LO LIỆU 08-06-1987

Gx Thánh Gia k. 7

 

Trước khi đến nhà thờ Thánh Gia kênh 7 đây, tôi đã đến Ông Dèo, thuộc: 08-06-1987 Bùi-Tuần 158


Trước khi đến nhà thờ Thánh Gia kênh 7 đây, tôi đã đến Ông Dèo, thuộc huyện Gò Quao, rồi đến Trảng Tranh và Hoà Hưng thuộc huyện Giồng Riềng, rồi đến Thổ Sơn thuộc huyện Hòn Đất. Tại mỗi nơi, tôi đã làm lễ và đã thăm hỏi giáo dân. Tôi nhận thấy tại mỗi nơi cuộc lễ đã được diễn tiến với nhiều sắc thái riêng, nhưng các lễ ở tất cả mọi nơi ấy đều có một đặc điểm chung này: Một là rất sốt sắng, hai là rất trật tự, ba là rất đơn gọn, bốn là rất hân hoan. Theo tôi thì những đặc điểm trên đây là những dấu chỉ của một tinh thần đức tin sống động, đi vào chiều sâu, chuyển biến theo đúng đường hướng mục vụ “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

Tôi hy vọng cuộc lễ tại kênh 7 này cũng sẽ có những đặc điểm như trên. Sở dĩ, tôi hy vọng như vậy là vì tôi biết các cha và anh chị em ở đây đã chuẩn bị kỹ càng chu đáo cho cuộc lễ này, đã làm hết sức mình để lo liệu cho bề ngoài bề trong cuộc lễ đạt được thành công thực sự.

Hồi nãy, khi bước vào nhà thờ này, tôi đọc thấy một hàng chữ lớn nhắc đến 7 ơn Chúa Thánh Thần, tự nhiên tôi để ý đặc biệt đến ơn biết lo liệu, và tôi xin Chúa Thánh Thần thương ban ơn ấy cho tôi, cho các linh mục tu sĩ và các tín hữu địa phận Long Xuyên ta, để mỗi người và mọi người chúng ta biết lo biết liệu cho đời sống đức tin của mình và của những kẻ thuộc về mình.

Biết lo biết liệu là một đòi hỏi thông thường của đời sống. Biết lo biết liệu lại càng là một đòi hỏi quan trọng của phần rỗi, cũng như của mọi sinh hoạt tôn giáo hôm nay.

Ngay vừa rồi, chiếc micrô đặt trên bàn thờ này đã bất ngờ bị hư và phải thay thế bằng một chiếc micrô khác. Chắc chắn trước lễ người có trách nhiệm đã hết sức lo liệu mọi chi tiết, để mọi sự được êm thắm trọn vẹn. Thế mà, ai ngờ trục trặc vẫn xảy ra. Nhưng may là cũng đã lo liệu trước, để kịp thời thay thế, nếu không thì bài giảng này sẽ bị cắt đứt. Chúng ta vừa chứng kiến một sự kiện: biết lo biết liệu bao giờ cũng hơn là chủ quan không lo không liệu.

Biết lo liệu là một trong 7 ơn Chúa Thánh Thần. Nhưng không phải là vì ơn Chúa Thánh Thần, nên cứ trông vào lời cầu nguyện, rồi không chịu làm gì hết. Không đâu. Chúa Thánh Thần ban ơn lo liệu cho ta, nhưng Người không miễn cho ta việc phải cộng tác tích cực với ơn của Người.

Cộng tác tích cực với ơn lo liệu của Chúa Thánh Thần là làm hết sức mình để có một tầm nhìn xa, có những kiến thức rộng, có sự bén nhạy trước những chuyển biến tâm lý: Xã hội, tôn giáo. Cộng tác tích cực với ơn Chúa Thánh Thần là hết sức khiêm tốn trước sự thật khách quan và trước khả năng bé mọn của bản thân mình, để sẵn sàng lắng nghe ý Chúa, và thực thi ý Chúa. Nhiều khi ơn lo liệu mà Chúa Thánh Thần ban cho những người Chúa chọn đã hướng dẫn họ có những giải quyết lạ lùng. Thí dụ, Đức Mẹ và Thánh Giuse suốt 30 năm đã lo liệu cho Chúa Giêsu từng ly từng chút, nhưng một cách rất âm thầm lặng lẽ. Hai Đấng rất thánh đã nói rất ít. Các Ngài làm chứng cho Chúa hầu như chỉ bằng đời sống mà thôi. Mà đời sống các Ngài là đời sống giáo dân nghèo, lao động chân tay, hoà nhập vào những vui buồn của dân làng mình. Cách lo liệu mà Đức Mẹ và thánh Giuse đã thực hiện để bảo vệ Chúa Giêsu có vẻ như quá yếu, nếu nói theo kiểu khôn ngoan loài người, nhưng lại chính là ơn lo liệu của Chúa Thánh Thần.

Cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn lo liệu đó là việc dễ. Nhưng cộng tác với ơn lo liệu của Chúa Thánh Thần, đó là việc khó. Nhận thức cho đúng sự thực đó là khởi đầu của sự cộng tác.

Nhà thờ Thánh Gia kênh 7, ngày 08-06-1987

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0159: QUẢNG ĐẠI 08-06-1987


K. 8b

 

Trên đường từ nhà xứ Thánh Gia kênh 7 đến đây, đò của tôi đã dừng: 08-06-1987 Bùi-Tuần 159


Trên đường từ nhà xứ Thánh Gia kênh 7 đến đây, đò của tôi đã dừng lại 2 nhà thờ họ nhánh. Tại mỗi nơi tôi ghé lại, các cha, các nam nữ tu sĩ và giáo dân già trẻ đều tỏ ra hết sức hân hoan. Ai cũng muốn tôi nán lại lâu hơn chút. Chính tôi cũng rất muốn kéo dài thêm thời gian thăm hỏi. Nhưng rồi, ai cũng nhìn xa hơn, để thấy không nên vì mình mà những nơi khác bị thiệt, ai cũng biết đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng. Nhờ đó mà thánh lễ tại đây đang được diễn tiến đúng chương trình qui định một cách trang nghiêm sốt sắng.

Sự kiện trên đây là một dấu chỉ tốt của sự trưởng thành trong nếp sống đạo. Nó cho thấy tình mến Chúa yêu người tại địa phương này đang trên đà phát triển đúng hướng.

Tình yêu nào cũng có lúc giằng co giữa cái lợi của riêng mình và cái lợi của kẻ khác. Để giải quyết một cách hợp lý, thì cần nhìn lên những lợi ích cao hơn, đó là lợi ích của Chúa, của Hội Thánh, của địa phận, của xã hội, của chung đất nước. Lợi ích chung và cao đó không phải chỉ là lợi ích vắn vỏi của ngày hôm nay, mà là lợi ích lâu dài của những năm tháng sau này của một tương lai xa.

Lợi ích chung và cao đó không phải là khó nhận ra, nếu chúng ta thực sự có lòng khiêm tốn và thực sự có lòng mến Chúa thương người. Nếu chúng ta quá quan-trọng-hoá chính mình, thì cái tôi quá lớn của ta sẽ làm ta mù quáng, thấy một mà chẳng thấy mười, để rồi cái lợi mà mình tưởng nắm được riêng cho mình cũng bị tiêu tan.

Tôi nghĩ là bản năng hầu hết chúng ta không tự nhiên quảng đại, không tự nhiên dễ dàng nhận ra đúng tầm quan trọng của lợi ích chung, và nhất là không tự nhiên sẵn sàng đặt lợi ích riêng trong lợi ích chung. Quảng đại là một nhân đức, mà nhân đức là một thói quen, phải tập đi tập lại mới thành.

Mỗi ngày có vô số việc Chúa kêu gọi ta quảng đại. Thí dụ, trường hợp những đụng chạm, Chúa thúc giục lòng ta: Con hãy nhịn nhục. Nếu ta biết noi gương Đức Mẹ mà nói lời “Xin Vâng”, rồi ráng sống lời “Xin Vâng” ấy, thì lòng ta sẽ thêm quảng đại, và Chúa sẽ thương chúng ta nhiều lắm. Trường hợp khác, có những cám dỗ kéo ta bám vào những thói tục hủ lậu, lỗi thời, đã trở thành tệ đoan xã hội, Chúa thúc giục lòng ta: Con đừng cố bám vào những cái có hại cho con, cho con cháu con, cho họ đạo con, cho đất nước con. Nếu ta biết noi gương Đức Mẹ mà nói lời “Xin Vâng”, rồi cố gắng thực hiện lời “Xin Vâng” ấy, thì lòng ta sẽ thêm quảng đại, và Chúa sẽ thương chúng ta nhiều lắm. Trường hợp khác, có những bất đồng ý kiến và tranh chấp quyền lợi, Chúa kêu gọi ta: Con hãy hết sức ăn ở hiền lành, khiêm nhường, rồi con sẽ thấy sự hợp nhất xuất phát từ đó. Nếu ta biết noi gương Đức Mẹ mà nói lời “Xin Vâng”, rồi thực tình sống đúng lời “Xin Vâng ấy, thì lòng ta sẽ thêm quảng đại và Chúa sẽ thương ta nhiều lắm.

Được Chúa yêu thương, đó là một hạnh phúc cao quí, giá trị vô cùng. Trong mỗi ngày có rất nhiều dịp để ta nói với Chúa những lời “Xin Vâng” nho nhỏ, những lời “Xin Vâng” nho nhỏ ấy có thể coi như những đồng tiền nhỏ. Nhưng nếu ta có được những đồng tiền nhỏ như vậy, Chúa sẽ ban cho ta những phần thưởng lớn gấp bội, có lợi rất lớn cho ta, đời này và đời sau vô cùng.

Tôi hy vọng anh chị em hiểu lời tôi, và sẽ thực hiện lời tôi. Anh chị em quá biết: Tôi chỉ chuyển đạt ý Chúa mà thôi.

Kênh 8b, ngày 08-06-1987.

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0160: CỞI MỞ HOÀ NHẬP CÓ PHẨM CHẤT NÂNG LÊN


 10-06-1987

Hiệp Tâm, K. Zérô

 

Đi từ đầu kênh, đến nhà thờ Hiệp Tâm này, tôi có cảm tưởng kênh Zérô; 10-06-1987 Bùi-Tuần 160


Đi từ đầu kênh, đến nhà thờ Hiệp Tâm này, tôi có cảm tưởng kênh Zérô của chúng ta có nhiều màu sắc: Có nhà thờ, có chùa chiền, có xóm người nam, có xóm người bắc.

Trong một môi trường đa dạng, có người thích sống khép kín, có người thích sống cởi mở. Mỗi người đều có lý do riêng của mình, do thành kiến, do kinh nghiệm, do tính tình.

Theo tôi nhận xét, thì đại đa số anh chị em đều muốn đi theo chiều hướng cởi mở, hoà nhập. Thiết tưởng đó chính là hướng của Phúc Âm, của Công đồng Vaticăng II, của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Sự cởi mở hoà nhập này được thực hiện bằng nhiều liên hệ tốt đẹp đối với nhau và nhiều tình cảm chân thành dành cho nhau.

Tình thân này trước hết là thái độ bên trong tâm hồn, biết nhìn người khác bằng con mắt hiền lành và khiêm tốn của người mang sự sống của Thiên Chúa trong mình. Thiên Chúa là tình yêu chan hoà. Con người có Thiên Chúa thực sự ở trong mình, sẽ nhìn người khác trong cái nhìn của Thiên Chúa là tình yêu.

Từ cái nhìn ấy sẽ hình thành thái độ đón nhận và cho đi. Ai cũng có thể là người thầy dạy ta, không về mặt này thì về mặt khác. Biết đón nhận, học hỏi những cái hay của người khác, biết kẻ khác ấy là ai, đó là một đặc điểm của tinh thần “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”. Hơn nữa, làm cho người khác trở thành người có ích cho ta, bao giờ cũng tốt hơn là làm cho họ trở thành người có hại cho ta.

Sự cởi mở hoà nhập tôi đang nói là một cách phát huy đức ái. Nó có tính cách nâng lên. Có nghĩa là những liên hệ cởi mở hoà nhập của ta bao giờ cũng nhắm mục đích thăng tiến con người, và bao giờ cũng mang nội dung có khả năng nâng con người và đời sống con người lên về nhiều mặt.

Nói thế, không có nghĩa là ta dùng những liên hệ cởi mở để giảng đạo, để tuyên truyền tôn giáo. Một sự trọng kính yêu thương chân thành, một việc phục vụ vị tha, một thái độ nhân ái, một đời sống lương thiện hiền hoà, một lương tâm trách nhiệm. Một sự ngay lành trung tín, một cách đi đứng nói năng có lễ phép, có tự chế, đó là những vẻ đẹp. Tôi vẫn coi những vẻ đẹp như thế là những thứ phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa, vừa tầm tiếp thu của phần đông nhân loại, có khả năng thăng tiến con người, và cũng mang nhiều hạt giống Tin Mừng cứu độ.

Cơm ta ăn hôm nay là gạo của mùa trước. Cũng vậy, những hạt giống Tin Mừng cứu độ ta gieo trồng hôm nay sẽ được thu hoạch những năm sau này. Hiện tại đang chuyển biến, tương lai đang hướng tới năm 2000 là năm mà theo dự đoán sự cởi mở và hoà hợp sẽ tới đỉnh cao trên lịch sử nhân loại.

Xin Chúa Thánh Thần thương ban cho mỗi người chúng ta ơn biết gieo những hạt giống Tin Mừng cứu độ trên khắp mọi chặng đường cuộc sống của ta.

Nhà thờ Hiệp Tâm, kênh Zérô, ngày 10-06-1987

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0161: DỄ THƯƠNG TRƯỚC MẶT CHÚA 21-06-1987


Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Long Xuyên

 

Thánh lễ hôm nay kính Mình Máu Thánh Chúa. Khi nói đến Mình Máu: 21-06-1987 Bùi-Tuần 161


Thánh lễ hôm nay kính Mình Máu Thánh Chúa. Khi nói đến Mình Máu Thánh Chúa, ta thường nghĩ đến nhà chầu và thánh lễ. Nhà Chầu là nơi đặt Mình Thánh. Thánh lễ là nơi truyền phép Mình Máu Thánh. Vì thế, đối với người có đức tin, việc đi lễ và viếng Thánh Thể không phải chỉ là một bổn phận, mà còn là biểu hiện tấm lòng hiếu thảo biết ơn.

Từ nhỏ đến giờ, từ giờ cho đến chết và cả sau khi đã chết, biết bao ơn lành ta nhận được từ Thánh Thể, từ nhà chầu! Bởi vì trong thánh lễ và nhà chầu có sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc ta. Ta không thấy Người, nhưng Người thấy ta. Thực sự Người đang ở đây. Thực sự Người đang nhìn ta. Thực sự Người đang xem thái độ từng người chúng ta đối với Người và đối với kẻ khác.

Thái độ của ta gồm thái độ bên ngoài và thái độ bên trong. Thái độ bên ngoài như là cách ta dành thời giờ cho việc đến nhà thờ dự lễ, viếng Chúa, cách ăn mặc, cách ta đi, ta quỳ, ta ngồi, ta đứng và cách ta đối xử với nhau... Những chi tiết bề ngoài ấy là những dấu chỉ có ý nghĩa. Còn thái độ bên trong là những tư tưởng, những tình cảm, những ước vọng, những ý hướng... Nội dung tâm tư này, chính là cái hồn, sẽ làm cho cuộc gặp gỡ giữa ta với Chúa trở nên sống động hay trống rỗng.

Khi ta đến gặp ai vì lý do tình nghĩa, nhất là để xin ơn này ơn nọ, tất nhiên thái độ của ta phải có cái gì gọi được là dễ thương. Cái dễ thương là cái dễ gây được cảm tình tốt, hay ít ra cũng không gây nên khó chịu, bực bội và chán ghét.

Khi ta đến gặp Chúa Giêsu Thánh Thể cũng vậy. Cần có một thái độ tương đối dễ thương.

Trong Phúc Âm, Chúa nói rõ có 2 hạng người đến nhà thờ cầu nguyện dâng lễ, nhưng Chúa không thấy họ dễ thương chút nào, nên đã không chấp nhận họ.
Hạng người thứ nhất là hạng người kiêu căng. Dù họ có năng ăn chay, năng đọc kinh, năng bỏ tiền của ra làm việc nọ việc kia có tính cách phô trương đạo đức như người biệt phái kể công với Chúa khi cầu nguyện, thì từng ấy cái cũng không làm cho họ nên dễ thương trước mặt Chúa, bởi vì tính kiêu căng nơi họ là cái Chúa rất ghê tởm.

Hạng người thứ hai là người hận thù, ghen ghét. Chúa bảo họ một cách rõ ràng dứt khoát là hãy đi làm hoà với những người mình đang hận thù ghen ghét, rồi hãy trở lại bàn thờ dâng lễ sau, bởi vì sự hận thù ghen ghét cũng là cái Chúa rất ghê tởm.

Anh chị em thân mến,

Ta rất muốn được Chúa thương. Bởi vì được Chúa thương, đó là một bảo đảm quí báu, một hạnh phúc lớn lao. Thế thì, ta phải cố gắng sống làm sao để trong đời sống ta trở nên dễ thương trước mặt Chúa và cũng dễ thương trước mặt người ta. Cố gắng tức là phải phấn đấu sửa mình và tập tành nhân đức. Ta biết mình có nhiều tội lỗi, có nhiều tính mê nết xấu. Ta biết mình rất thiếu những nét dễ thương. Vì thế, một trong những cách ta phấn đấu để trở nên tốt, đó là khi đến với Chúa, ta sẽ không đến một mình, mà ta sẽ xin Đức Mẹ dẫn ta đến với Chúa. Ta hiệp thông với Đức Mẹ mà cầu nguyện và thờ phượng Chúa, nhất là khi ta lên rước lễ. Sự hiệp thông với các nhân đức của Đức Mẹ sẽ làm cho ta nên dễ thương hơn trước mặt Chúa.

Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, ngày 21-06-1987, tại Long Xuyên.

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0162: BÌNH AN TÂM HỒN 28-06-1987


Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Long Xuyên

 

Bài Phúc Âm lễ hôm nay tương đối vắn (lễ Trái Tim), nhưng là một bài: 28-06-1987 Bùi-Tuần 162


Bài Phúc Âm lễ hôm nay tương đối vắn (lễ Trái Tim), nhưng là một bài học dài, rất hữu ích cho mọi người có đạo thuộc mọi tuổi trong mọi hoàn cảnh. Đó là bài học về sự bình an tâm hồn.

Bình an tâm hồn là điều ai cũng mong muốn. Sự bình an thanh thản của tâm hồn ví như bầu trời đẹp, như không khí trong lành, như luồng gió thơm mát đem lại cho con người một thứ hạnh phúc nội tâm êm đềm ngọt ngào đầy sức sống thanh cao.

Để tâm hồn được bình an thanh thản, người ta phải làm gì? Ta hãy nghe lời Chúa Giêsu dạy: Con hãy học với Cha sự hiền lành và khiêm nhường, rồi tâm hồn con sẽ được bình an thanh thản.

Bài học chỉ gồm mấy lời đó thôi. Bài học này do chính Chúa dạy, nên chắc chắn là đúng. Nhưng trên thực tế, ta sẽ học với Chúa về sự hiền lành khiêm nhường thế nào đây? Có phải cứ học thuộc lòng bài Phúc Âm hôm nay là tức khắc có sự bình an thanh thản tâm hồn không? Thưa không, theo tôi thấy thì chủ yếu việc học với Chúa là phải gặp chính Chúa, là phải sốt sắng cầu xin Chúa với tinh thần thống hối, và phải để Chúa chia sẻ sang ta sự sống và tâm tư của Người. Tôi thí dụ: Giờ phút này là giờ ta đến học với Chúa về đức hiền lành và khiêm nhường, thì việc thứ nhất mà ta làm trong giờ học này là phải thực sự gặp Chúa. Cụ thể gặp Chúa với con mắt đức tin ta nhìn Chúa trong nhà chầu và trên bàn thờ, thầm nói với Người lời tin ở Người, lời trông cậy ở Người, lời mến thương gắn bó đối với Người, lời cảm tạ ngợi khen Người. Thực sự gặp Chúa như vậy với tất cả tấm lòng cung kính hiếu thảo.

Tiếp đó là việc thứ hai ta làm, đó là cầu xin. Ta khiêm tốn nhận biết mình yếu đuối, hèn mọn, tội lỗi, hết lòng ăn năn sám hối những gì sai phạm đến đức hiền lành và khiêm tốn. Trong nhận thức ấy, ta cầu xin ơn Chúa giúp đỡ. Cầu xin không phải là nhờ công phúc riêng mình, mà nhờ công phúc và lòng thương xót của Chúa. Cầu xin với ý hướng làm sáng danh Chúa, chứ không mảy may có hậu ý làm sáng danh mình.

Rồi việc thứ ba sẽ làm là lắng nghe ý Chúa soi sáng lương tâm, cố gắng sống và làm những gì Chúa muốn. Cứ như vậy trái tim ta sẽ dần dần có sự sống và tinh thần của Chúa Giêsu, dần dần sẽ được thêm ơn Chúa Thánh Thần, dần dần sẽ trở nên hiền từ và khiêm nhường giống Chúa Giêsu. Nhờ đó mà tâm hồn ta sẽ được bình an thanh thản.

Việc học với Chúa như tôi vừa nói là việc ta đến với Chúa để được Chúa cải hoá bản thân ta, là việc ta cầu xin Chúa để được Chúa đổi mới con người của ta. Cải hoá bản thân, đổi mới con người là việc không dễ. Nó đòi rất nhiều thiện chí, rất nhiều cố gắng, rất nhiều thời giờ. Có nghĩa là ta phải sẵn sàng chấp nhận nhiều từ bỏ và biết dành ra nhiều thời giờ để đến với Chúa.

Nỗi bất hạnh lớn của con người là sống với một tâm hồn không được bình an thanh thản. Nhưng nỗi bất hạnh sẽ lớn lao hơn nếu người ta có trước mắt một tình thương vô cùng bình an bền vững, sẵn sàng che chở mà mình lại không biết tựa nương do thiếu hiền lành và khiêm nhường.

Anh chị em thân mến,

Không ai trong chúng ta lại muốn làm người bất hạnh. Ai cũng muốn có hạnh phúc, có bình an thanh thản trong tâm hồn. Thế thì ta hãy làm như Chúa Giêsu dạy, đó là hãy học với Người sự hiền lành và khiêm nhường. Thầy dạy ta là chính Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần sẽ đổi mới ta nếu ta đến với Chúa, nếu ta tin Chúa, nếu ta cậy trông Chúa, nếu ta cầu xin Chúa.

Trong tâm tình như vậy, giờ đây chúng ta chuẩn bị tuyên xưng niềm tin để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần. Amen.

Lễ Trái Tim Chúa Giêsu, ngày 28-06-1987, tại Long Xuyên

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0163: TẤM VÉ ĐỂ LÊN TRỜI 15-08-1987


Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời Kinh Quít

 

Lúc này là buổi chiều. Mặc dầu bây giờ trời còn sáng, nhưng chỉ còn vài: 15-08-1987 Bùi-Tuần 163


Lúc này là buổi chiều. Mặc dầu bây giờ trời còn sáng, nhưng chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là ngày hôm nay sẽ đi vào bóng tối, để rồi chấm dứt hoàn toàn.

Đời mỗi người cũng ví như một ngày. Có thời gian sống, nhưng rồi có lúc phải chết. Đời sống dài vắn khác nhau, nhưng mọi cái chết thường là rất vắn, nhưng hậu quả sẽ dài vô cùng. Bởi vì kẻ nào đi vào cõi chết mà mang trong mình sự sống Thiên Chúa, thì hồn họ sẽ được lên thiên đàng, hưởng phúc đời đời. Kẻ nào đi vào cõi chết mà không mang trong mình sự sống Thiên Chúa, thì hồn họ phải xuống hoả ngục, chịu cực hình muôn kiếp.

Câu tôi nói là quan trọng lắm đó. Tôi xin nhắc lại: “kẻ nào đi vào cõi chết mà mang trong mình sự sống Thiên Chúa, thì hồn họ sẽ được lên thiên đàng, hưởng phúc đời đời. Kẻ nào đi vào cõi chết mà không mang trong mình sự sống Thiên Chúa, thì hồn họ phải xuống hoả ngục, chịu cực hình muôn kiếp”.

Ai có suy nghĩ khi nghe câu tôi vừa nói sẽ thấy ngay đâu là cái gọi được như là tấm vé để vào thiên đàng. Đó là sự sống Thiên Chúa. Nhưng thế nào là sự sống Thiên Chúa? Tôi xin trả lời vắn tắt thế này: Thiên Chúa là tình yêu, sự sống Thiên Chúa là tình yêu thương.

Yêu thương ta nói ở đây không nên hiểu một cách phức tạp. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã cắt nghĩa bằng nhiều cách rất đơn sơ. Có thể tóm tắt thế này: Sự gì ta muốn được người ta làm cho ta, thì ta hãy làm cho người ta như thế. Sự gì ta không muốn người khác làm cho ta, thì ta đừng làm cho ai sự đó (Mt 7).

Tôi nghĩ rằng, nếu người nào chỉ nhớ được chừng đó, và ráng giữ chừng đó, thì chắc sẽ được Chúa thương nhiều lắm, và chắc sẽ được Chúa ban mọi ơn cần thiết để họ được lên thiên đàng.

Nhìn vào Đức Mẹ, tôi thấy Đức Mẹ đã được Chúa đưa lên trời cũng chính vì suốt đời Đức Mẹ đã cố gắng giữ luật yêu thương, suốt đời Đức Mẹ đã cố gắng vun trồng sự sống Thiên Chúa là tình yêu trong lòng mình. Tích cực sống sự sống Thiên Chúa là tình yêu, đó là sống đạo, đó là giữ đạo.

Lúc này, tôi đang nhìn thấy trước mắt tôi vô số người phải đứng ngồi ngoài nhà thờ. ở ngoài nhà thờ, nhưng cũng là đang dự thánh lễ, đang làm việc đạo, đang sống đạo. Cảnh này gợi ý cho tôi nghĩ rằng, vấn đề giữ đạo trong cuộc sống ngoài nhà thờ là vấn đề cần phải được để ý nhiều hơn. Bởi vì, vẫn có nhiều người có đạo, hễ nói đến đạo là hầu như chỉ nghĩ đến các việc trong nhà thờ mà thôi, như dự lễ, xưng tội, rước lễ, phép lành, đọc kinh. Nếu nghĩ giữ đạo là chỉ phải giữ mấy việc đó thì quá sai lầm. Tất nhiên, mấy việc đó là rất tốt nếu có mục đích mến Chúa, nhưng lòng mến Chúa nếu không được phiên dịch ra đời sống có tình người bằng cách đối xử tốt với nhau trong tư tưởng, lời nói, thái độ và việc làm, thì không phải là mến Chúa, không phải là giữ đạo. Ai không có lòng yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương họ, thì chưa thể gọi được là kẻ theo Chúa.

Tôi tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần, là tình yêu Thiên Chúa ban cho tôi và tất cả anh chị em càng ngày càng được thêm trong mình sự sống tình yêu Thiên Chúa và thể hiện ra bằng tình yêu thương chân thành quảng đại đối với mọi người chung quanh.

Xin Đức Mẹ Maria là Mẹ nhân lành thương nhìn đến từng người chúng ta đang hướng về trời. Xin cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tại Kinh Quít, ngày 15-08-1987

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0164: SỐNG ĐÚNG TÍNH NGƯỜI 16-08-1987


Cầu số Tư

 

Họ đạo chúng ta đây là một cộng đoàn nghèo. Nhà thờ nghèo, nhà cha: 16-08-1987 Bùi-Tuần 164


Họ đạo chúng ta đây là một cộng đoàn nghèo. Nhà thờ nghèo, nhà cha nghèo, đa số giáo dân là nghèo. Chữ nghèo ở đây nên viết hoa, để chỉ một thứ nghèo loại lớn.

Cảnh nghèo thường gây nên nhiều thua thiệt. Nhưng chúng ta biết điều này là: Thói đời hay đánh giá con người theo tiêu chuẩn giàu nghèo, còn Chúa đánh giá con người theo tiêu chuẩn thực chất con người. Thực chất con người là sống đúng tính người, sống đúng ơn kêu gọi làm người, đó là sống sự sống Thiên Chúa là tình yêu thương.

Người này kẻ nọ có đúng thương người hay không: đó là tiêu chuẩn Chúa căn cứ vào để đánh giá một người xem họ có sống đúng với tình người hay không, để rồi cũng theo đó mà thưởng phạt.

Chúa Giêsu đã nhắc đi nhắc lại điều đó. Trong bài giảng về ngày phán xét, Chúa cho thấy kẻ thương người sẽ được thưởng, kẻ không thương người sẽ bị phạt. Trong chuyện người phú hộ và người ăn mày Lagiarô, Chúa cho thấy người ăn mày Lagiarô được lên thiên đàng vì đã có lòng khiêm tốn nhẫn nhục, trân trọng đối với người khác, còn người phú hộ bị ném vào hoả ngục, vì đã có những thái độ dửng dưng khinh miệt kẻ bệnh tật túng nghèo. Trong dụ ngôn người bị kẻ cướp đánh nằm ở vệ đường, Chúa khen người ngoại giáo đã xuống ngựa chăm sóc người bất hạnh, và Chúa kết án những người có tiếng đạo đức đã làm ngơ trước cảnh rủi ro của người khác.

Tôi nghĩ rằng: Chúa cũng đã căn cứ vào tiêu chuẩn thương người để đánh giá Đức Mẹ, và do đó đã thưởng công vô cùng cho Đức Mẹ. Đọc chuyện Đức Mẹ, tôi không hề thấy Đức Mẹ đã có lần nào nghĩ xấu cho ai, nói xấu về ai, giận ghét ghen tương ai. Trái lại, Đức Mẹ đã hết sức khiêm tốn nhịn nhục, tha thứ, tích cực giúp đỡ an ủi mọi người chung quanh, và luôn lo cho phần rỗi mọi người, mọi nơi.

Những điều tôi vừa nhắc lại, có thể gọi là Tin Mừng của người nghèo. Bởi vì, đó là hy vọng vô cùng lớn lao cho người nghèo. Có nghĩa là bất cứ người nghèo nào cũng có thể được chia sẻ sự sống Thiên Chúa, nếu họ cố gắng sống tính người, là có lòng thương yêu chân thành quảng đại.

Tôi vừa nói 2 chữ “cố gắng” có nghĩa là sống đúng với tính người không phải là việc dễ đâu, sống trọn tình người là sống trọn tính người.

Tuy nhiên, bất cứ cố gắng nhỏ bé nào của người nghèo để thực thi ý Chúa, đều được Chúa kể là có giá trị lớn. Chỉ cần điều này là luôn luôn có thiện chí.

Ở đây, tôi phải nói lên một sự thực này là chính cảnh nghèo của họ đạo cầu số Tư, xã Vĩnh Bình này hôm nay đang dạy cho tôi nhiều bài học bổ ích về thiện chí và về tình người. Tôi tin rằng anh chị em rất đáng được Chúa thương yêu, rất đáng được Đức Mẹ ủi an, che chở giữ gìn. Tôi tha thiết xin Chúa Thánh Thần thêm sức cho anh chị em và cho chính mình tôi, để chúng ta sống trọn Phúc Âm của người nghèo.

Cầu số Tư, ngày 16-08-1987

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên


 

Bùi-Tuần 0165: BÌNH AN CỦA CHÚA


HẰNG Ở CÙNG ANH CHỊ EM 16-08-1987

Cần Đăng

 

Tất cả anh chị em họ đạo Cần Đăng đây đều là dân lao động, thường ;16-08-1987 Bùi-Tuần 165


Tất cả anh chị em họ đạo Cần Đăng đây đều là dân lao động, thường xuyên kiếm sống trên cánh đồng và trên sông rạch. Cuộc sống đầy lo âu, hy vọng thì nhiều, nhưng thực tế thu hoạch không luôn được như mong muốn. Trong hoàn cảnh này, tôi đến với anh chị em như một người trong gia đình. Tôi không tìm được một lời nào đặc biệt để chào chúc anh chị em bằng lời chào chung trong thánh lễ: Bình an của Chúa ở cùng anh chị em.

Tôi tha thiết cầu chúc cho mọi người và cho từng người, cho mọi gia đình và cho từng gia đình được ơn bình an của Chúa. Tất nhiên, ơn bình an của Chúa là do Chúa ban. Nhưng muốn đón nhận và hưởng ơn đó chính ta cũng phải góp phần cộng tác vào ơn Chúa. Cộng tác cách nào? Thưa cộng tác bằng cách cố gắng làm cho lòng ta thêm tốt, cố gắng làm cho tâm trí ta nên lương thiện. Bởi vì Kinh Thánh gắng liền ơn bình an với thiện tâm. Nghĩa là, ai có lòng tốt sẽ được thưởng ơn bình an của Chúa.

Chân lý ấy, Đức Mẹ đã được nghe trong đêm Sinh Nhật, và chân lý ấy Đức Mẹ đã thực hiện suốt đời. Lòng tốt của Đức Mẹ được Đức Mẹ xây dựng bằng sự Đức Mẹ luôn luôn hướng lòng mình về những điều tốt lành thánh thiện, luôn luôn nuôi trong lòng mình những ước muốn tốt cho kẻ khác, luôn luôn khiêm tốn, trân trọng đối với các giá trị của người khác, luôn luôn bao dung nhẫn nhục, nhân ái trước những lỗi lầm yếu đuối của người chung quanh.

Hiểu lòng tốt một cách đơn sơ như thế mà thôi, ta cũng thấy ngay là người có lòng tốt phải là người có tấm lòng rộng lượng, biết vui khi người khác được sự lành bằng mình hoặc hơn mình, biết buồn khi người khác không được sự lành như mình đã được. Nếu ta không biết vui khi người khác được sự lành bằng ta hoặc hơn ta, và hơn nữa, nếu ta lại buồn tức và đâm ra ganh ghét, hận thù, thì rõ ràng là lòng ta còn quá hẹp hòi, ta còn quá nặng tính ích kỷ, chưa gọi được là rộng lượng, chưa gọi được là lòng tốt. Mà lòng không tốt sẽ không đón nhận được ơn bình an của Chúa.

Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em. Mỗi lần đọc lên lời chào chúc ấy trong thánh lễ, tôi thường nhìn vào các gia đình và từng tâm hồn. Tôi thấy rất nhiều gia đình và rất nhiều tâm hồn không có sự bình an của Chúa. Điều đó làm tôi xót xa và lo lắng lắm.

Riêng anh chị em, ngay lúc này đang tạm gác mọi công việc thường ngày, để tới đây tham dự thánh lễ một cách sốt sắng, trang nghiêm trong tình mến Chúa yêu người, đó là một dấu chỉ của tấm lòng tốt. Tôi tin rằng, lòng tốt của anh chị em hôm nay sẽ đón nhận được dồi dào ơn bình an của Chúa, một ơn mà Chúa Thánh Thần sẽ ban cách đặc biệt cho những ai có lòng yêu mến Đức Mẹ.

Cần Đăng, ngày 16-08-1987
+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.



 

Bùi-Tuần 0166: CẢM TẠ CHÚA SUỐT ĐỜI 16-08-1987


Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời Long Xuyên

 

Hôm nay là lễ mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Tôi muốn cùng; 16-08-1987 Bùi-Tuần 166


Hôm nay là lễ mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Tôi muốn cùng anh chị em suy nghĩ vài phút về Đức Mẹ.

Đọc Phúc Âm, tôi thấy Đức Mẹ nói rất ít, các lời Người nói đều vắn gọn, chỉ có một đoạn phải kể là tương đối dài, đó là những lời Đức Mẹ cảm tạ Thiên Chúa.

Tôi nghĩ rằng không phải Đức Mẹ đã chỉ nói những lời cảm tạ ấy một lần trong đời, mà là suốt đời. Có thể nói, đời Đức Mẹ đã là những tháng ngày cảm tạ Thiên Chúa.

Đức Mẹ đã cảm tạ Chúa thế nào? Thưa một cách rất đơn giản, rất chân thành. Đức Mẹ không hề nói một tiếng nào ám chỉ bản thân mình có công phúc gì đáng được Chúa thương. Trái lại, Đức Mẹ xưng nhận mình là kẻ bé mọn, hèn yếu... Sở dĩ Chúa thương là vì Chúa giàu lòng nhân ái đối với những kẻ bé mọn, nghèo nàn, kính sợ Chúa. Trong lời cảm tạ, Đức Mẹ đã vẽ ra một vực sâu thăm thẳm, đó là sự hèn mọn của bản thân mình và một trời cao thăm thẳm, đó là quyền năng của Thiên Chúa. Khoảng cách là vô cùng. Nhưng khoảng cách đã được xoá đi do lòng thương mến của Chúa.

Nếu muốn tìm những danh từ để rút ra từ những lời cảm tạ của Đức Mẹ, tôi xin gọi Đức Mẹ là gương mẫu của lòng khiêm tốn, gương mẫu của lòng biết ơn, gương mẫu của tinh thần cảm tạ.

Đức Mẹ là như thế, còn chúng ta thì sao?

Chiều qua, tôi làm lễ tại nhà thờ Kinh Quít. Sáng nay lúc 6 giờ, tôi làm lễ tại nhà thờ họ đạo cầu số Tư, xã Vĩnh Bình. Và hồi 9 giờ, tôi làm lễ tại nhà thờ Cần Đăng. Cả ba họ đạo trên đây, đều là những họ đạo nhỏ và nghèo. So với họ đạo Long Xuyên về mặt sinh hoạt tôn giáo, ba họ đạo ấy phải kể là rất thiếu thốn, và họ đạo Long Xuyên phải kể là rất đầy đủ. Tuy nhiên, hầu hết mọi người tại các họ đạo thiếu thốn ấy đều đã tỏ ra hết sức hân hoan cảm tạ Chúa vì những gì ít ỏi họ có được. Những tấm lòng biết ơn Chúa của các họ đạo thiếu thốn làm tôi cảm động, và tự nhiên tôi nhớ đến anh chị em rất nhiều.

Tôi tự hỏi: Không biết anh chị em có nhận ra là mình đã được rất nhiều ơn Chúa hơn biết bao nhiêu người khác không? Và anh chị em đã cảm tạ Chúa vì muôn vàn ơn đó thế nào? Tôi thấy anh chị em hay đọc kinh, dâng hoa, dâng nến, xin lễ để tạ ơn. Những việc đó đều tốt. Nhưng không đủ. Cách cảm tạ tốt nhất đó là cách Đức Mẹ đã làm, đó là sống khiêm nhường, không quan-trọng-hoá chính mình, nhưng biết quan-trọng-hoá bất cứ ơn nào mình nhận được, dù là những ơn không làm mình vui, để rồi luôn sống theo thánh ý Chúa, sống sao cho Chúa được vui lòng với mình.

Lòng khiêm tốn biết ơn và cảm tạ không những là vẻ đẹp đối với Chúa mà cũng là vẻ đẹp đối với con người. Tôi mong vẻ đẹp ấy được mãi mãi mặn mà trong mỗi người chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ được chết lành và được về trời với Đức Mẹ là Mẹ chúng ta. Amen.

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 16-08-1987, tại Long Xuyên.

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0167: NƯƠNG TỰA VÀO NHAU 22-08-1987


Bắc Xuyên (K. E1)

 

Cuộc lễ hôm nay tại đây tuy kéo dài khoảng nom 2 tiếng đồng hồ, nhưng: 22-08-1987 Bùi-Tuần 167


Cuộc lễ hôm nay tại đây tuy kéo dài khoảng nom 2 tiếng đồng hồ, nhưng đã được chuẩn bị nhiều tháng với biết bao nhiêu công sức, với biết bao nhiêu nhiệt tình. Tất nhiên, nếu Chính Quyền không cho phép và không giúp đỡ thì không thể nào có được cuộc lễ này. Và tất nhiên, nếu thiếu các linh mục, nhất là cha xứ hoặc giả sử thiếu Đức Giám Mục, thì chắc chắn cũng sẽ không thể có cuộc lễ này. Nhưng cho dù được phép tổ chức lễ, có nhiều linh mục tu sĩ, có cả Giám Mục nữa, nếu thiếu sự cộng tác nhiệt tình của các giáo dân, thì cuộc lễ sẽ chỉ có được những kết quả rất giới hạn. Tôi đưa ra vài nhận xét trên đây, mục đích là để kéo sự chú ý mọi người chúng ta đến một sự thực rất cần cho cuộc sống đức tin, đó là hãy biết nương tựa vào nhau mà sống.

Sống đạo là sống với Chúa, sống với con người. Nhưng để sống như thế một cách hữu hiệu, sống đạo còn là sống với Hội Thánh, sống trong Hội Thánh, sống nhờ Hội Thánh. Hội Thánh là Giáo Hội toàn cầu, trong đó có Giáo Hội Việt Nam, mà giáo phận Long Xuyên ta là một đơn vị. Giáo phận Long Xuyên gồm nhiều giáo xứ, trong số đó có giáo xứ Bắc Xuyên chúng ta. Tất cả các nơi từ nhỏ đến lớn trong Hội Thánh đều tin như nhau, đều có những điều răn giống nhau, đều chịu các bí tích như nhau. Mỗi người trong Hội Thánh đều coi nhau là thành phần của một gia đình thiêng liêng, có liên hệ với nhau, có bổn phận đối với nhau. Biết đặt mình vào những liên hệ sống động ấy là như đặt mình vào một hệ thống hô hấp của đời sống đức tin.

Tôi vừa nói: Biết đặt mình vào những liên hệ sống động của Hội Thánh là như đặt mình vào một hệ thống hô hấp của đời sống đức tin. Câu đó có nghĩa gì?

Thưa có nghĩa thế này: Người tín hữu nào biết xây dựng và phát triển những liên hệ tích cực với Hội Thánh qua giáo xứ và giáo phận của mình, người ấy sẽ làm cho sự sống đức tin của mình hít thở được những làn khí tốt mà Chúa vốn đã dành sẵn một cách phong phú dồi dào trong Hội Thánh.

Khi nói đến việc xây dựng và phát triển những giây liên hệ của người tín hữu với giáo xứ và giáo phận, nhiều người nghĩ ngay đến những liên hệ bí tích và các sinh hoạt tôn giáo khác. Thí dụ: đi lễ, giúp đỡ nhà thờ, khi cha làm lễ đọc đến tên 2 vị Giám Mục giáo phận, thì nhớ đến các Ngài, hợp ý cầu nguyện cho các Ngài... Những việc làm như thế là những liên hệ tốt, nhưng đến mức nào thì còn tuỳ ở những tấm lòng thực sự của mỗi người. Tôi muốn nói đến hình thức bề ngoài và tấm lòng bên trong của các giây liên hệ của giáo xứ và giáo phận. Trong những giây liên hệ này, tôi vốn coi hình thức là quan trọng, nhưng tôi coi tấm lòng là quan trọng hơn. Tấm lòng là tình nghĩa, là sự hiếu thảo, là niềm thao thức của trái tim yêu thương đối với Hội Thánh. Tấm lòng là tâm tình chia sẻ và hiệp nhất với những người đứng đầu Hội Thánh, là đồng hành với các Ngài trên con đường sống đạo hôm nay dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tấm lòng là sự quảng đại thông cảm, nhường nhịn, tha thứ, giúp đỡ lẫn nhau, theo như kinh: “Thương người có 14 mối” đã gợi ý cho ta.

Khi suy nghĩ về Đức Mẹ, tôi thấy khi Đức Mẹ còn sống ở trần gian, Đức Mẹ cũng đã nương tựa vào Hội Thánh, và Hội Thánh cũng đã nương tựa vào Đức Mẹ. Như thế, tựa nương chính là một luật của sự sống đạo, của sự sống bái ái Phúc Âm, của sự sống khiêm nhường mà Chúa Cứu Thế đã dạy trên Thánh giá.

Xin Chúa Thánh Thần ban ơn đổi mới lòng ta, để lòng ta biết đón nhận và biết cho đi, nhờ đó mà xây dựng và phát huy được những giây liên hệ tốt trong giáo xứ và trong giáo phận, có lợi cho cuộc sống đức tin của mình, đời này và đời sau vô cùng. Amen.

Bắc Xuyên (kênh E1), ngày 22-08-1987.

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo Phận Long Xuyên


 

Bùi-Tuần 0168: ĐEM LẠI NIỀM VUI 22-08-1987


Thanh Hải, K.D2 

 

Tất cả chúng ta có mặt trong thánh lễ này đều đang hân hoan. Sự vui: 22-08-1987 Bùi-Tuần 168


Tất cả chúng ta có mặt trong thánh lễ này đều đang hân hoan. Sự vui mừng của chúng ta phát xuất từ tâm tình tự nhiên, và cũng từ đức tin siêu nhiên. Có thể nói niềm vui của chúng ta lúc này vừa là một bông hoa nở tự tấm lòng, vừa là một hương thơm bay từ trời xuống. Tôi coi niềm vui như thế này là yếu tố bổ ích cho cuộc sống, nhất là khi cuộc sống đã trở thành nặng nề mệt mỏi. Hơn nữa, tạo cho mình và cho kẻ khác những niềm vui chính đáng, đó cũng là một cách sống đạo tốt, nhằm trình bày tính cách lạc quan của đức tin và niềm hy vọng vào hạnh phúc trường sinh trên trời.

Trong đức tin ta gắn bó một cách tuyệt đối và lạc quan vào Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Trong đức cậy, ta phó thác một cách tuyệt đối và lạc quan vào công nghiệp vô cùng của Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc ta. Trong đức mến, ta chọn Chúa một cách tuyệt đối và lạc quan, vì Chúa là sự sống hoan lạc đời đời của ta. Khi quen sống đức tin, đức cậy, đức mến như vậy, ta sẽ thấy rằng những việc đạo đức bi quan ủ rũ, không những không thích hợp mà còn có hại nhiều mặt cho việc sống đạo và truyền đạo.

Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng vui được và cũng được vui, cũng như không phải bất cứ cái gì vui cũng đều là tốt cả, cũng như không phải mọi cái vui của ta đều là cái vui thích hợp cho kẻ khác. Những điều ấy, thiết tưởng mọi người tế nhị nào cũng có thể thấy.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây hôm nay, là mỗi người chúng ta phải noi gương Đức Mẹ cố gắng là nguyên do vui mừng cho những người chung quanh. Hội Thánh gọi Đức Mẹ “là Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống được vui”. Quả thật, Đức Mẹ đã là nguồn vui. Phúc Âm chỉ ghi lại một lần Đức Mẹ đi thăm viếng bà Isave. Phúc Âm cũng chỉ ghi lại một lần Đức Mẹ đã xin Chúa Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu cho một gia đình đang ăn cưới. Tất nhiên, những việc ấy đã đem lại những niềm vui lớn lao cho bao người. Nhưng theo tôi, Đức Mẹ đã gây được niềm vui thường xuyên cho người khác, không do các việc Đức Mẹ làm và các lời Đức Mẹ nói, cho bằng chính con người dễ thương của Đức Mẹ. Dù Đức Mẹ không làm gì giúp đỡ được người khác, dù Đức Mẹ không nói lời gì an ủi soi sáng cho ai, nhưng chính con người Đức Mẹ với vô số những đức tính tốt tỏ ra qua nét mặt và thái độ sống, cũng đủ làm cho những người chung quanh cảm thấy có một cái gì dịu dàng tươi mát đến nâng tâm hồn mình lên. Hình như chỉ cần nhìn thấy Đức Mẹ, chỉ cần gặp được Đức Mẹ, người ta tự nhiên đã cảm thấy vui rồi, một niềm vui sâu lắng như loan báo có một sự sống vô cùng tốt đẹp, khác hẳn sự sống đời này.

Tất nhiên, anh chị em cũng như tôi, ai cũng rất muốn trở thành con người dễ thương như Đức Mẹ. Nhưng muốn mà không được. Con người của Đức Mẹ thì vẹn toàn mọi mặt, còn con người của ta thì bất toàn nhiều mặt: Hầu hết chúng ta cũng đã làm hết sức mình để nên tốt hơn. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều khi cái xấu này của ta chưa dứt hẳn thì những dại dột, vụng về, yếu đuối khác lại nảy sinh trong ta, đến nỗi không lúc nào ta bước ra được khỏi chỗ đứng của người phải sám hối, “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.

Nhưng cái thái độ khiêm tốn biết mình như thế lại là một vẻ đẹp dễ thương, dễ mến. Sự khiêm tốn tự hạ không những làm vui lòng Chúa, mà cũng là cách thành công nhất trong mục đích làm vui lòng hết mọi người vì động lực đức ái Phúc Âm. Theo tôi, thì đó là một dấu chỉ của sự trưởng thành nội tâm, và cũng là cách hữu hiệu nhất đem lại niềm vui êm đềm trong trẻo cho chính bản thân mình.

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết sống đạo một cách lạc quan vui vẻ.

Thanh Hải, kinh D2, ngày 22-08-1987.

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0169: VẤN ĐỀ TƯƠNG LAI CON EM CHÚNG TA  23-08-1987


Hiếu Thuận, kinh H,

 

Nhà thờ Hiếu Thuận cũng như các nhà thờ khác thuộc kinh H này đều: 23-08-1987 Bùi-Tuần 169


Nhà thờ Hiếu Thuận cũng như các nhà thờ khác thuộc kinh H này đều là những nhà thờ loại nghèo. Hầu hết các hộ đều nghèo. Tuy nhiên, anh chị em nghèo của mà không nghèo lòng. Bởi vì các giới công giáo kinh H đây, đã có một lòng hiếu thảo rõ rệt đối với Chúa, qua thái độ tốt đối với các việc chung xã hội và tôn giáo. Tôi mong chữ Hiếu không phải chỉ là những chữ đầu tên gọi của mấy nhà thờ kinh H, mà còn là một đặc tính truyền thống của nếp sống ở đây.

Khi đề cập tới lòng hiếu thảo, tôi không cố ý đòi hỏi anh chị em điều gì đâu. Tôi chỉ muốn anh chị em chia sẻ phần nào những lo âu của tôi.

Một trong những lo âu lớn nhất của tôi hiện nay là vấn đề trẻ em tại các gia đình và các địa phương.

Số trẻ em ngày càng đông thêm. Bình thường thì thêm trẻ em là có thêm niềm vui. Nhưng đối với những ai có ý thức trách nhiệm thì thêm số trẻ em là thêm lo âu. Làm sao nuôi dưỡng cho mọi con em của mình được khoẻ mạnh vui tươi, bớt phải khổ đau mặc cảm, hưởng được hạnh phúc, không thua kém bạn bè cùng lứa tuổi. Đó đã là một vấn đề khó khăn rồi. Ngoài ra, còn phải liệu sao giáo dục, huấn luyện cho con em mình nên người vừa có đức, vừa có tài, vừa có học. Đó lại là vấn đề khó khăn hơn việc nuôi dưỡng. Cả hai vấn đề đều là những trách nhiệm đặt ra cho cha mẹ và gia đình, xã hội và Giáo Hội. Phía nào cũng đã có những cố gắng giải quyết vấn đề theo phần trách nhiệm của mình. Nhưng kết quả chỉ mới được phần nào thôi. Chứ sự ta đang có còn rất xa sự đáng lẽ phải có.

Ta có thể cho rằng con cái ta khoẻ mạnh, vui tươi, đủ ăn đủ mặc, nhưng đó là một cách đánh giá rất chủ quan của truyền thống người nghèo, chứ nếu đánh giá theo tiêu chuẩn khoa học, và so với các nước giàu, thì đời sống vật chất của các gia đình chúng ta, từ lớn đến nhỏ, đều còn quá thấp. Rồi nếu phải đánh giá cái học, cái tài, cái đức của con cái ta, thì tuy chúng ta không đến nỗi bi quan, chúng ta cũng không nên lạc quan một cách vội vã và ngây thơ. Chúng ta nên biết rằng, trong tương lai, sống là phải phấn đấu bằng thực lực của mình, nghĩa là phải có trình độ học thức, phải có trình độ tài năng chuyên môn, phải có trình độ đạo đức. Tôi nói trình độ, tức là trình độ tương đối cao. Nhưng để cho con em chúng ta có được những trình độ cao về học thức, về tài năng, về đạo đức, thì các bậc phụ huynh cũng như con em chúng ta cần phải cố gắng nhiều lắm, nhất là vì kinh H này còn thiếu nhiều điều kiện cần thiết cho việc phát triển. Cũng chính vì thế mà ta nên cố gắng họp lực xây dựng những điều kiện ấy. Thí dụ, chúng ta cùng với Chính Quyền mở rộng con đường xuyên kênh, mở mang trường sở và khuyến khích việc học, mở mang kinh tế gia đình, mở mang các liên hệ tốt giữa các gia đình không phân biệt tín ngưỡng, bắc nam. Thiết tưởng, nếu chỉ mở mang được chừng ấy một cách đều đặn mỗi năm, thì chắc chắn tương lai thế hệ con em chúng ta sẽ có thêm được nhiều thuận lợi để hướng bước đi lên.

Tôi coi việc mở mang những lãnh vực đó là đòi hỏi của tinh thần Phúc Âm. Nếu có ai hỏi tại sao, thì xin người đó nhớ lại một lời cắt nghĩa quan trọng của công đồng Vaticăng II mà thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980 đã trích lại, nguyên văn như sau: “Đối với người tín hữu, sao lãng bổn phận trần thế là sao lãng bổn phận đối với tha nhân, và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe doạ” (Thư chung số 7).

Cũng vì ý thức như vậy, nên tôi nghĩ rằng: Trong năm Đức Mẹ này nếu họ đạo nào làm được một vài công trình xã hội tốt để kính Đức Mẹ, thì việc đó cũng sẽ được đánh giá là việc đạo đức có giá trị cao và có ý nghĩa trước mặt Thiên Chúa, trước mặt Hội Thánh và trước mặt quê hương.

Xin Chúa Thánh Thần ban ơn cho chúng ta nhìn thấy rõ và thông hiểu các vấn đề đặt ra cho việc sống đạo tại Việt Nam chúng ta. Xin Người giúp chúng ta có sự khôn ngoan để góp phần giải quyết các vấn đề ấy.

Hiếu Thuận, kinh H, ngày 23-08-1987.

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0170: MẸ HẰNG CỨU GIÚP 23-08-1987


Láng Sen

 

Mỗi khi xe tôi chạy qua đây, bao giờ tôi cũng nhìn vào nhà thờ: 23-08-1987 Bùi-Tuần 170


Mỗi khi xe tôi chạy qua đây, bao giờ tôi cũng nhìn vào nhà thờ Láng Sen này. Và một điều tất nhiên phải có, đó là cái nhìn của tôi gặp thấy tượng Đức Mẹ nhân từ đứng đợi trước nhà thờ. Hình tượng vốn là hình tượng. Nhưng khi mắt tôi nhìn hình tượng Đức Mẹ, thì tâm trí tôi không dừng lại ở hình tượng, mà nghĩ ngay đến chính Đức Mẹ đang có mặt một cách thiêng liêng gần cạnh tôi. Tôi chào Người. Tôi tâm sự với Người. Tôi cầu nguyện và ý thức mạnh mẽ mình đang sống trong tình thương của Người.

Tôi nghĩ rằng: Chắc chắn anh chị em ở đây quen cầu nguyện với Đức Mẹ bằng những tâm tình cậy trông khẩn khoản của người con luôn nhìn Đức Mẹ là Mẹ Hằng Cứu Giúp, như hàng chữ đã ghi đậm nét dưới tượng Đức Mẹ ngoài kia. Vì thế, hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em đôi chút kinh nghiệm về Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Thú thực là không phải hễ lần nào tôi đến với Đức Mẹ tôi cũng cầu xin ơn này ơn nọ. Nhưng cũng không phải là tôi ít cầu xin sự giúp đỡ của Đức Mẹ. Phải nói là tôi đã cầu xin nhiều lắm, và tôi đã được ơn nhiều lắm. Trong khi tôi quan tâm đến Đức Mẹ như vậy, dần dần tôi đã nhận ra một điều lạ, đó là chính Đức Mẹ đã nhiều lần ngỏ ý muốn tôi giúp Đức Mẹ việc này việc nọ. Đúng ra thì Đức Mẹ luôn luôn phải là người đứng ở địa vị ban ơn giúp đỡ. Còn chúng ta luôn luôn phải đứng ở địa vị những người cầu xin giúp đỡ. Thế mà, không thiếu trường hợp chính Đức Mẹ lại ngỏ ý muốn ta giúp Đức Mẹ. Cho nên tôi gọi điều đó là điều lạ.

Tôi vừa nói là không thiếu trường hợp chính Đức Mẹ ngỏ ý muốn ta giúp Đức Mẹ. Bởi vì, những trường hợp như vậy đã thực sự xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Thí dụ: Có khi Đức Mẹ thúc giục ta thay Đức Mẹ đến an ủi một người đang cơn đau khổ. Thí dụ có khi Đức Mẹ ban cho ta một sự may mắn tinh thần vật chất nào đó, rồi soi sáng lòng ta hãy thay Đức Mẹ dùng sự may mắn đó mà giúp đỡ người này người nọ đang cơn khốn khó. Thí dụ, có khi Đức Mẹ sắp xếp đun đẩy ta đến một ngành nghề, một chức vụ, một công tác, rồi gợi cho ta hãy thay Đức Mẹ mà đem Tin Mừng cứu độ vào những môi trường ấy. Những trường hợp đó, tôi gọi là những trường hợp Đức Mẹ ngỏ ý muốn ta giúp đỡ Đức Mẹ. Khi ta giúp đỡ Đức Mẹ như thế, chính là lúc ta được Đức Mẹ giúp, để ta nên người tốt, có công đáng thưởng.

Ai trong chúng ta cũng có những kinh nghiệm tương tự. Chẳng hạn, người mẹ bảo đứa con nhỏ của mình: Con cầm cái kia lại đây giùm mẹ. Con cầm tờ giấy bạc này đưa cho người ăn mày ngồi đó giúp mẹ. Con mang tấm bánh này lại cho bà ngoại giùm mẹ. Khi người mẹ bảo con mình hãy làm những việc đó giúp mẹ, không phải vì người mẹ không thể trực tiếp làm những việc ấy, nhưng chính là để khi con mình làm những việc ấy, con mình sẽ tập luyện đức hiếu thảo, đức vâng lời, đức thương yêu. Chính khi con giúp mẹ những việc nhỏ là lúc mẹ giúp con những việc lớn, nghĩa là giúp con nên người có đức hạnh, dễ thương trước mặt Chúa và trước mặt người ta.

Đến đây, chúng ta đã thấy có một sợi giây liên hệ giữa sự Đức Mẹ giúp ta và sự ta giúp Đức Mẹ. Điều mà ta rút ra ở đây như một kết luận thực hành, đó là từ nay ta sẽ coi sự ta giúp Đức Mẹ là một ân huệ, là một vinh dự và cũng là một cách đặc biệt Đức Mẹ giúp ta. Ta nên nhớ rằng: Bất cứ một việc bác ái nào ta làm cho người khác, cho họ đạo, cho giáo phận, đều là việc ta giúp cho Đức Mẹ. Đức Mẹ sẽ không bỏ sót một việc nào như thế của ta, nhất là những khi ta chịu đau đớn giúp cho Đức Mẹ.

Ta cầu xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp với một tâm tình như vậy, ta sẽ gặp được Đức Mẹ, và ta sẽ cảm nghiệm được một sự sống mới tràn sâu vào tâm hồn ta, giúp ta tin mến Chúa trên hết mọi sự và thương yêu mọi người như Chúa thương ta.

Xin Chúa Thánh thần ban cho mọi người chúng ta sự sống của Thiên Chúa, để ta biết thế nào là thương yêu, là giúp đỡ. Amen.

Láng Sen, ngày 23-08-1987.

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0171: PHÁT TRIỂN ĐỜI SỐNG ĐẠO 24-08-1987


Kim Hoà, kênh G1

 

Từ ít tháng nay, thỉnh thoảng lại có người nói với tôi đại khái: Địa phận: 24-08-1987 Bùi-Tuần 171


Từ ít tháng nay, thỉnh thoảng lại có người nói với tôi đại khái: Địa phận này mới được phong chức linh mục, địa phận nọ được có những sinh hoạt tôn giáo rất là sầm uất, địa phận kia được kiến thiết nhiều nhà thờ mới, rất đẹp... Còn địa phận Long Xuyên thì sao? Tôi thường trả lời rằng: Đâu làm được gì cho dân thêm hạnh phúc, bớt được khổ đau, giúp cho con người được phát triển, giúp đời sống được nâng lên thì tôi rất hoan nghênh, và rất mừng cho những nơi ấy. Tôi nghĩ rằng: Tất cả các họ đạo thuộc địa phận Long Xuyên đều đi theo hướng phát triển đó, không phân biệt lãnh vực đạo đời, và trên thực tế, chúng ta đã có những bước tiến tốt đẹp, mặc dầu không rầm rộ.

Từ 3 ngày nay, tôi đã đi làm lễ ở một số nhà thờ và đã qua nhiều họ đạo thuộc hạt Thốt Nốt, tôi thấy họ đạo nào cũng đều có những vẻ mới về nhiều mặt khác nhau. Cụ thể trước mắt chúng ta là nhà thờ Kim Hoà này.

Nhưng có một điều đang được phát triển tại nhiều họ đạo trong địa phận ta, nhất là tại vùng Cái Sắn này, mà tôi cho là một bước tiến đáng kể về mặt đạo đức, đó là cách sống đạo bớt nặng nề về hình thức bề ngoài, mà chú tâm nhiều hơn đến chất lượng bên trong.

Thật sự thì hình thức bề ngoài không những không phải là cái gì xấu, cái gì dư thừa, mà còn là rất cần, nhưng khi một người quá bám vào cái hình thức bề ngoài để bôi bác, để giả hình, để phô trương, cạnh tranh đua đòi, thì các hình thức ấy sẽ làm giảm giá trị người đó hơn là làm tăng giá trị họ lên. Đọc Phúc Âm, ta thấy Chúa Giêsu đã nhiều lần khuyên can người có đạo đừng giữ đạo bằng hình thức bề ngoài. Chúa Giêsu trách kẻ miệng hay kêu tên Chúa, nhưng lòng thì xa Chúa. Chúa Giêsu trách kẻ đến bàn thờ cầu nguyện, khoe khoang các việc ăn chay và giữ luật của mình, nhưng lòng thì chẳng có một chút khiêm nhường nào. Chúa Giêsu trách kẻ kiêng việc ngày lễ một cách khắc khe tỉ mỉ, nhưng lại chẳng biết thương giúp đỡ người đau yếu. Chúa Giêsu trách kẻ khi giúp cho ai sự gì, thì phát loa cho mọi người hay biết, để tìm tiếng khen đời này.

Thời nay, tôi thấy vẫn còn nhiều người có vẻ như an tâm với cách giữ đạo hình thức. Đối với họ, miễn là có đi lễ, miễn là có đọc kinh, miễn là thỉnh thoảng có cho nhà thờ vài chục đồng bạc, như thế coi như là sòng phẳng rồi. Mới rồi, có một người khá giả đem trả cho tôi 5000 đồng. Người ấy nói với tôi rằng: Lâu trước đổi tiền con có mượn cha 5000 đồng. Bây giờ con xin hoàn lại cha số nợ đó. Và họ tỏ ra an tâm vui vẻ. Anh chị em thấy ngay: 5000 đồng lâu trước đổi tiền có giá trị thế nào, còn 5000 đồng bây giờ có giá trị thế nào. Mà người khá giả ấy lại rất bình tỉnh hiên ngang với hình thức trả nợ như vậy. Tôi nghĩ rằng: Nếu chúng ta cũng tính toán cách chu toàn bổn phận của ta đối với Chúa theo kiểu hình thức như vậy, thì sẽ ra sao.

Vì thế, mà điều tôi rất mong muốn mọi người chúng ta cố gắng xây dựng trong năm kính Đức Mẹ này, là xây dựng chính bản thân mình và xây dựng những người thuộc về mình, tất cả trở thành những hình ảnh Chúa Kitô, có dồi dào sự sống và tinh thần của Chúa. Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường. Chúa Giêsu đến để phục vụ. Chúa Giêsu vâng lời cho đến chết. Đó chỉ là mấy nét của hình ảnh Chúa Giêsu. Nếu ta xây dựng được một nét như thế trong bản thân ta và các người thuộc về ta, thì thiết tưởng đó sẽ chính là một công trình rất đẹp, rất quí để dâng kính Đức Mẹ.

Xin Chúa Thánh Thần ban ơn thêm sức cho mỗi người chúng ta, để càng ngày ta càng biết sống đạo theo tinh thần và chân lý như lời Chúa Kitô dạy. Amen.

Kim Hoà, kênh G1, ngày 24-08-1987

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám Mục Phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0172: SỐNG ĐẠO TỐT NHỜ ĐỔI MỚI 08-12-1987


Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Núi Sam 

 

Nhà thờ núi Sam của chúng ta, như chúng ta đang chứng kiến, thực là; 08-12-1987 Bùi-Tuần 172


Nhà thờ núi Sam của chúng ta, như chúng ta đang chứng kiến, thực là quá bé nhỏ. Nhưng tuổi của nó lại lớn. Theo sử liệu, thì nhà thờ chúng ta năm nay được 75 tuổi.

Nhà thờ bao giờ cũng được xây dựng sau khi có họ đạo. Nghĩa là khi có một số gia đình có đạo qui tụ lại thành một cộng đoàn đức tin, thì xây dựng nhà thờ là một nhu cầu không thể không đặt ra. Vì thế, nếu tuổi nhà thờ núi Sam là 75, thì tuổi họ đạo núi Sam chắc chắn là trên 75. Có họ đạo núi Sam trước, rồi mới có nhà thờ núi Sam sau. Như thế, họ đạo và nhà thờ núi Sam thuộc diện những hạt giống đầu tiên của Tin Mừng trong lịch sử đạo Công Giáo trong những tỉnh miền Tây.

Lịch sử hơn ba phần tư thế kỷ của họ đạo núi Sam không được ghi chép trên giấy tờ, nhưng còn đọc được qua nếp sống đạo của các gia đình, qua các sinh hoạt cộng đoàn đức tin, và qua những chuyển biến của khu nhà thờ này. Căn cứ vào đó, tôi thấy thời kỳ sau giải phóng tới nay là thời gian họ đạo ta có nhiều đổi mới nhất.

Đổi mới thứ nhất là đổi mới về những sắp xếp trong khu nhà thờ này. Tuy vẫn bé nhỏ khiêm tốn, nhưng khu nhà thờ này đã có nề nếp hơn, đã văn minh hơn, đã sống động hơn, đã ấm áp hơn.

Đổi mới thứ hai là đổi mới về hướng sống đạo. Tuy vẫn cố gắng thực hiện tối đa những sinh hoạt bí tích, Lời Chúa và cầu nguyện, họ đạo ta đã để ý nhiều hơn đến việc phát huy chiều kích xã hội của đạo, đó là tinh thần công bình bác ái, tinh thần hội nhập vào nhịp sống của địa phương. Tinh thần sống hoà hợp, cộng tác, liên hệ tốt với mọi đồng bào không phân biệt có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, cùng đạo hay khác đạo, tinh thần phục vụ con người bằng thái độ tốt và các việc làm tốt.

Đổi mới thứ ba là đổi mới về phát triển kinh tế. Mọi gia đình, mọi cá nhân đều tận lực lao động, xoay xở lo cho đời sống, coi việc phát triển kinh tế là một tiên đề quan trọng của đạo đức, và cách phát triển kinh tế như một cách phát triển con người.

Ba đổi mới trên đây là những đổi mới có tính cách cởi mở, phát xuất từ một não trạng mới, thực sự thao thức đến ích lợi chung của dân tộc, của tôn giáo, và đến chính phần rỗi linh hồn mình.

Những đổi mới này không những không làm hại gì cho họ đạo, mà trái lại đã đem lại cho họ đạo nhiều ích lợi về nhiều mặt. Một ích lợi quan trọng mà tôi muốn nêu lên ở đây đó là họ đạo được chính quyền và đồng bào địa phương mến thương, thông cảm, giúp đỡ. Nhờ đó, chúng ta được giữ đạo với một tinh thần thanh thản và lạc quan.

Giờ đây, đứng trong nhà thờ bé nhỏ khiêm tốn này, nhìn sang vô số chùa chiền lớn nhỏ ở núi Sam, nhìn vào địa phương bao la, nhìn sang biên giới Campuchia rộng dài, tôi thấy họ đạo núi Sam và nhà thờ núi Sam thực là quá bé nhỏ, tôi liên tưởng tới đời sống Đức Mẹ xưa cũng rất bé nhỏ, cũng rất âm thầm, nhưng đồng thời cũng rất dễ thương, nhờ sự hiền từ, khiêm nhường, bác ái và trong trắng của Đức Mẹ.

Tôi cầu xin cho họ đạo núi Sam này, cho địa phận Long Xuyên, cho Hội Thánh Việt Nam ta, biết sống theo gương Đức Mẹ, biết luôn đổi mới chính mình theo ý Chúa. Hãy làm đẹp hơn những cái đẹp bé nhỏ. Hãy làm tốt hơn những cái tốt bé nhỏ. Leo núi thì phải leo từng bước nhỏ. Cũng vậy, muốn lên thiên đàng, cũng phải leo lên từng bước nhỏ.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng và ban ơn cho chúng ta luôn biết bước những bước nhỏ, nhưng vững chắc, trong tinh thần đổi mới theo đúng hướng của Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc chúng ta. Amen.

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm tại nhà thờ Núi Sam, ngày 08-12-1987.

+ GB BÙI-TUẦN, Giám Mục phó giáo phận Long Xuyên


 

Bùi-Tuần 0173: CAN ĐẢM TRƯỚC CUỘC SỐNG 20-12-1987


Lễ Thêm Sức Năng Gù

 

Từ trước tới giờ, chưa bao giờ tôi thấy lễ Thêm Sức được chụp ảnh nhiều: 20-12-1987 Bùi-Tuần 173


Từ trước tới giờ, chưa bao giờ tôi thấy lễ Thêm Sức được chụp ảnh nhiều như hiện nay. Hầu như mỗi người lãnh bí tích Thêm Sức đều xin chụp ảnh. Tất nhiên, ai cũng muốn hình ảnh của mình phải đẹp để ghi nhớ một biến cố đẹp mà mình sẽ nhớ thương mãi trong những tháng năm sau này.

Rất tiếc là có những vẻ đẹp rất dễ thương, nhưng không có máy nào chụp được, đó là những vẻ đẹp tâm hồn, được kết tinh do những chân lý đủ loại, do các nhân đức, do sự sống siêu nhiên, do các ơn Chúa Thánh Thần. Những vẻ đẹp ấy, ta không nhìn thấy được trên hình ảnh, nhưng thực sự rất rõ nét trước mặt Chúa, người giàu kinh nghiệm cũng thấy được phần nào. Những vẻ đẹp tinh thần đó là những giá trị cao nâng con người lên, chuẩn bị cho con người đi vào cõi phúc trường sinh đời đời.

Vẻ đẹp tâm hồn có nhiều nét khác nhau. Nhưng thường có một số nét được đề cao hơn, tuỳ theo mỗi thời, tuỳ theo mỗi nơi. Bởi vì, những nét đó cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của thời đó, nơi đó. Hiện nay, chúng ta đang sống trong một chặng đường lịch sử, có nhiều khó khăn, nên theo tôi cái đẹp tâm hồn mà ta rất cần có lúc này, đó là sự can đảm trước cuộc sống.

Thật vậy, cuộc sống hôm nay cần có nhiều đổi mới. Nhưng điều đó sẽ không thể thực hiện được, nếu ta không có can đảm đổi mới bắt đầu từ chính bản thân mình, từ việc uốn nắn lại cách suy nghĩ sao cho sát thực tế hơn, đến việc tôi luyện lại nhân cách tính tình, khuynh hướng, sao cho trong sáng, phản ánh được vẻ đẹp Phúc Âm là tình mến Chúa yêu người.

Cuộc sống hôm nay cần có một lối sống đạo đặt trọng tâm vào việc thực thi triệt để lời Chúa dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Cha, là các con thương yêu nhau”. Nhưng điều đó sẽ không thể thực hiện được, nếu ta không có can đảm cởi bỏ thói quen thích bám vào những dấu chỉ khác, hạp với cách đánh giá của con người thế tục, hơn là hạp với cách nhìn của Chúa.

Cuộc sống hôm nay cần xây dựng những tin tưởng đối với nhau. Nhưng điều đó sẽ không thể thực hiện được, nếu ta không có can đảm dẹp bỏ thành kiến, để chủ động kiên trì nối kết những sợi dây tin tưởng với người khác, mặc dầu phải từ từ và tế nhị.

Cuộc sống hôm nay cần phải có những nương tựa đủ loại cả về tinh thần lẫn vật chất. Nhưng điều đó sẽ không thể thực hiện được, nếu ta không có can đảm bước qua tự ái để biết ăn ở khiêm tốn và biết trân trọng những khả năng tốt của người khác.

Cuộc sống hôm nay cần phải hăng hái lao động, khôn khéo xoay xở để có đủ ăn đủ mặc. Nhưng điều đó sẽ không thể thực hiện được, nếu ta không có can đảm chịu cực chịu khó và chịu thích nghi.

Cuộc sống hôm nay rất cần đến những lương tâm tốt, những tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng điều đó sẽ không thể có được, nếu ta không đủ can đảm chịu đựng mệt mỏi mà không buông xuôi, mà không biến chất.

Trong hoàn cảnh hiện nay, không nên nói đến sự can đảm trước cái chết, mà cần nói nhiều, nghĩ nhiều đến sự can đảm trước cuộc sống. Can đảm trước cuộc sống, đó là một đức tín rất cần thiết lúc này đối với mọi người Việt Nam nói chung và đối với những người công giáo Việt Nam nói riêng.

Tôi nói can đảm trước cuộc sống, không có nghĩa là tôi nêu lên một khẩu hiệu, một lời hô hào, nhưng có nghĩa là tôi muốn đánh lên một tiếng chuông kêu gọi hãy suy nghĩ xa hơn, để tìm ra nguồn lực giúp mình can đảm. Nguồn lực đó là đức tin.

Theo đức tin, thì cuộc sống của ta là một chuyến đi về thiên đàng. Chuyến đi này vốn có nhiều khó khăn đủ loại, nhưng khi ta tin cậy Chúa, thì không một cố gắng nào của ta sẽ vô hiệu cả, không một khổ đau nào của ta sẽ vô ích cả. Lợi ích và hiệu quả có thể không thấy rõ ngay được trước mắt, nhưng chắc chắc sẽ huy hoàng ở cuối chuyến đi cuộc đời. Khi nhìn 33 năm cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, ta thấy đó là một chuyến đi có nhiều đắng cay, nhưng cuối chuyến đi đó là sự Chúa sống lại đầy hoan lạc. Khi nhìn vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, ta mới thấy mọi đắng cay, mọi đau khổ, mọi cố gắng đều mang ý nghĩa cao đẹp. Thấy được như vậy rồi, ta sẽ không có một lựa chọn nào khác trước cuộc sống, ngoài sự phải can đảm phấn đấu để sống tốt, sống đẹp, sống lành.

Trong lễ Thêm Sức hôm nay, tôi cầu chúc mọi người chúng ta được ơn can đảm trước cuộc sống. Tôi xin tóm lược lại lý do: Chính bởi vì can đảm trước cuộc sống, đó là một nét có nhiều khả năng làm cho con người chúng ta và cuộc đời của ta được đẹp. Amen.

Lễ Thêm Sức tại Năng Gù, ngày 20-12-1987

1988


 

Bùi-Tuần 0174: MÙA XUÂN VỚI NHỮNG VẺ ĐẸP MỚI 1988


Xuân Mậu Thìn Long Xuyên

 

Ngày đầu xuân, nhà nào cũng muốn có thêm vẻ đẹp. Cái đẹp đầu: 1988 Bùi-Tuần 174


Ngày đầu xuân, nhà nào cũng muốn có thêm vẻ đẹp. Cái đẹp đầu xuân thường phải là cái đẹp mới. Nhà cửa được trang hoàng với những màu vôi màu sơn mới, với những bông hoa mới, với tấm lịch và tranh ảnh mới, với những đồ dùng mới sắm hay mới lau chùi, với những sắp xếp mới có mỹ thuật hơn, có khoa học hơn.

Vẻ đẹp mới, đó là đặc điểm của ngày đầu xuân. Vẻ đẹp mới cũng là tiêu chuẩn để đánh giá mùa xuân của một người, một tổ chức, một xã hội. Mùa xuân của họ là khả năng của họ biết thao thức, bén nhạy trước những cái đẹp mới, biết thẩm định đúng giá trị từng vẻ đẹp mới, biết trân trọng đón nhận những cái đẹp cần thiết, và thích hợp đúng thời gian.

Với mùa xuân như thế, một người, một tổ chức, một xã hội, dù tới tuổi nào, vẫn có thêm được những vẻ đẹp mới dưới nhiều dạng khác nhau và trong nhiều lãnh vực khác nhau.

Và phải có mùa xuân như thế, cá nhân cũng như xã hội lớn nhỏ mới có thể tiến bộ được. Trong một hoàn cảnh nào đó, nếu không tạo dựng được một mùa xuân như thế, thì chính sự tồn tại của mình cũng sẽ lâm nguy.

Nếu mùa xuân là đổi mới, thì không muốn đổi mới, không cố ý đổi mới, không biết đổi mới, sẽ là chứng cớ tỏ rõ mình không có mùa xuân. Ngược lại, nếu thực sự muốn đổi mới, cố đổi mới, biết đổi mới, thì dù chưa đạt được nhiều kết quả mới, sức sống như vậy cũng đã là một hứa hẹn tốt đẹp cho mùa xuân huy hoàng.

Phải biết nhiều, mới thấy được mình cũ hay mới. Phải nhìn vào một lý tưởng cao đẹp để so sánh, mới thấy được mùa xuân của mình đẹp tới đâu hay kém tới mức nào. Có nghĩa là mùa xuân con người và của xã hội sẽ khởi đi từ việc đổi mới cái nhìn của trí óc và trái tim của mình.

Mắt nhìn một bông hoa là nhìn bông hoa ấy đồng thời với cành lá và cây của nó, hoặc với bàn tay đang cầm nó, hoặc với cái bình đang đựng nó, và nhiều cái “với” khác xung quanh. Cái hiểu của trí khôn và của trái tim cũng là những cách nhìn. Phải nhìn vấn đề với những liên hệ gần xa mới gọi được là hiểu. Những cái nhìn như thế sẽ có nhiều sức thuyết phục, có khả năng gây được niềm tin khi bàn bạc và khi giải quyết, có tác động mạnh đến việc đổi mới.

Trong nhận định đó, tôi thiết tha cầu chúc những người có thiện chí và trách nhiệm xây dựng đoàn kết đời đạo, luôn có được những cái nhìn về đời về đạo thực sâu sắc, rộng rãi, trung thực, mới mẻ và đúng đắn, đồng thời biết không ngừng nhân lên những tầm nhìn như thế.

Thực hiện nguyện vọng đó là làm nên những vẻ đẹp mới, góp phần tạo dựng mùa xuân tươi đẹp cho đất nước và Hội Thánh Việt Nam.

Xuân Mậu Thìn 1988

+ GB. BÙI-TUẦN, Giám mục phó giáo phận Long Xuyên

1989


 

Bùi-Tuần 0175: ĐƠN ĐỘC 08-12-1989


Lễ Ba Vua Gò Quao

 

Như chúng ta đã biết: Chuyến đi của Ba Vua tìm đến Bêlem là một: 08-12-1989 Bùi-Tuần 175


Như chúng ta đã biết: Chuyến đi của Ba Vua tìm đến Bêlem là một chuyến đi đầy vất vả, qua nhều làng, nhiều tỉnh, nhiều nước. Chuyến đi ấy cũng là một chuyến đi đơn độc.

Ba Vua nghĩ là Đấng Cứu thế đã sinh ra, nhưng xung quanh mình có ai chia sẻ ý nghĩ đó đâu! Các Ngài lên đường, lận đận đi tìm Đấng Cứu thế, nhưng xung quanh mình có ai cùng lên đường với mình đâu!

Ba Vua càng cảm thấy đơn độc, khi đã qua những vùng có đông dân Israel là dân riêng Chúa, vốn đã từ ngàn xưa cầu mong gặp được Đấng Cứu Thế, nhưng thấy họ nay vẫn mong chờ, chứ có tin theo Ba Vua đâu, có đi tìm Đấng Cứu Thế như Ba Vua đâu!

Ba Vua càng cảm thấy đơn độc hơn nữa, khi thấy các Thầy Cả, các nhà thông thạo Kinh Thánh ở thành Giêrusalem, cũng không nghĩ rằng Chúa Cứu Thế đã sinh ra như Ba Vua đã nghĩ.

Nhất là Ba Vua đã cảm thấy đơn độc một cách ngỡ ngàng, khi đến cánh đồng Bêlem, bước vào hang đá, các Ngài thấy nơi Đấng Cứu Thế sinh ra sao mà lạnh lẽo thế, sao mà tồi tệ thế!

Nhưng có một điều đã làm cho Ba Vua được an ủi và vững tin, đó là Ba Vua đã tận mắt thầy Đấng Cứu Thế trước mặt mình, đang sống thân phận con người đơn độc, con người bị bỏ rơi, con ngời bi khinh chê, con người bị xua đuổi.

Ba Vua cũng cảm thấy được diễm phúc chia sẻ thân phận đó với Chúa Cứu Thế. Và các Ngài đã hiểu một cách thấm thía, không tình yêu nào cao đẹp bằng tình yêu như vậy, một tình yêu chia sẻ, một tình yêu cứu độ. Và các Ngài hiểu một cách xác tín điều này, là cái giá phải trả để cứu loài người, chính là chia sẻ thân phận đó vì tình yêu.

Gương Chúa Giêsu nơi hang đá, đó là một bài học đạo đức đã gây ấn tượng sâu sắc nhất trong tâm hồn Ba Vua, đó là bài học giáo lý căn bản nhất đã thấm sâu vào lòng Ba Vua, để quyết định hướng đi của một đời còn lại của Ba Vua.

Từ giả Bêlem, Ba Vua đã trở về quê nhà, sống hoà mình với những ngời bị bỏ rơi, bị túng thiếu, bị khinh chê. Các Ngài đã sống như thế như một sứ mạng, như một ơn gọi, mặc dầu đơn độc.

Trên đây là mấy hình ảnh về Ba Vua trong tâm hồn tôi. Thiết tưởng đó là những hình ảnh đẹp. Tôi thấy những hình ảnh như thế vẫn sống động trong Hội Thánh nơi này, nơi nọ. Và xin nói một cách thành thực, những hình ảnh như thế cũng đang sống động ở chính nơi đây, tại cộng đoàn nhỏ bé nghèo nàn, xa xôi, hẻo lánh này.

Các người của Chúa đã mang niềm tin đơn độc, với thân phận con người đơn độc, hoà mình với cuộc sống những người đơn độc, vì tình yêu Chúa, vì tình yêu các linh hồn.

Sự đơn độc của Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem, sự đơn độc của Cúa Giêsu trên thánh gia vì tình yêu Chúa và tình yêu các linh hồn, là một con đường không vẻ vang, không được hoan hô tán tụng, không có những thành công bề ngoài, nhưng đó là con đường Chúa Giêsu đã đi để cứu chuộc nhân loại. Ba Vua đã chia sẻ con đường đó với Chúa Giêsu.

Xin Chúa giúp chúng ta biết quảng đại đi theo Chúa.

Lễ Ba Vua, Gò Quao ngày 08-12-1989

Gioan B. Bùi-Tuần


 

Bùi-Tuần 0176: NHÀ CÓ ĐỨC MẸ LÀ NHÀ CÓ PHÚC


- 2TN – C 14-01-1989

Tân Hội

 

Từ sáng đến giờ, tôi được hạnh phúc ở giữa anh chị em. Tôi đã thấy: 14-01-1989 Bùi-Tuần 176


Từ sáng đến giờ, tôi được hạnh phúc ở giữa anh chị em. Tôi đã thấy tận mắt cuộc sống của anh chị em. Đúng như tôi đã nghe. Nói chung, đây là một cuộc sống nghèo, cuộc sống thấp, một cuộc sống thiếu nhiều điều kiện vật chất và tinh thần, thiếu đến cả những điều kiện tâm lý và xã hội cần thiết để ước vọng đổi mới cuộc sống có thể thực hiện được một cách mau lẹ.

Tuy nhiên, nếu tôi không lầm, thì anh chị em ở đây vốn giữ được toàn vẹn lòng kính mến Đức Mẹ, vẫn nhìn Đức Mẹ là “Mẹ nhân lành làm cho chúng ta được sống, được vui, được cậy”. Anh chi em đã nghĩ đúng, bởi vì sự gắn bó với Đức Mẹ vốn là một sức mạnh thiêng liêng có giá trị nâng đỡ cuộc đời của chúng ta. Đó là một sự thực mà bài Phúc Âm của thánh lễ hôm nay đã nói lên.

Bài Phúc Âm hôm nay kể lại chuyện phép lạ ở tiệc cưới Cana. Chuyện đó cho ta thấy: Nhà có Đức Mẹ là nhà có phúc.

Nhưng tôi không nghĩ rằng: Nhà nào có Đức Mẹ sẽ được phúc có rượu ngon, giống hệt như nhà tiệc cưới Cana. Bởi vì theo tôi, thì món quà có ý nghĩa mà Chúa và Đức Mẹ đã tặng, làm cho gia đình tiệc cưới Cana được hạnh phúc, không phải là những hũ rượu, mà chính là ơn thánh giúp cho đôi tân hôn và bà con thân thuộc hai họ đàng trai đàng gái được thông cảm nhau, được vui vẻ hoà thuận với nhau, được yêu thương nhau, và sau cùng, được ơn tin mến Chúa hơn.

Biến nước thành rượu, đó chỉ là một việc bề ngoài khác thường gây nên chấn động tâm lý, chuẩn bị một việc biến đổi bên trong tâm hồn. Việc biến đổi bên trong tâm hồn mới thực là chủ yếu. Chúa biến đổi những liên hệ lạc như nước lã, thành những tình thương tin cậy nồng nàn như rượu tốt. Chúa biến đổi những mơ ước tầm thường như nước sông, thành những lý tưởng chọn lọc như những thứ rượu quí. Chúa rót vào trái tim con người ơn thánh đức tin, đức cậy, đức mến. Phúc âm nói là nhiều người dự tiệc cưới Cana đã được đổi mới tân hồn. Cái phúc của nhà tiệc cưới Cana có Đức Mẹ là như thế.

Còn gia đình của anh chi em thì sao?

Có 2 câu hỏi nên đặt ra: Một là nhà anh chị em có Đức Mẹ, nghĩa là có chưng ảnh tượng Đức Mẹ, nhưng hằng ngày anh chị em có thân thiết với Đức Mẹ như gia đình tiệc cưới Cana không? Hai là anh chị em có biết vâng lời Chúa, là các việc theo thánh ý Chúa, giống như các người trong gia đình Cana không? Nếu họ đã không vâng lời làm theo lời Chúa là múc nước đổ vào chum, thì chắc Chúa đã không làm phép lạ đem hạnh phúc lại cho gia đình họ.

Mỗi gia đình chúng ta, cũng như mỗi người chúng ta, hãy xét mình theo 2 câu hỏi đó.

Càng xét mình, ta càng thấy mình thiếu sót. Xin Đức Mẹ tha thứ cho các con cái yếu đuối của Người. Chính cùng với sự yếu đuối của mình, và với sự khiêm tốn nhận biết mình yếu đuối, mà ta hãy đến với Đức Mẹ hằng ngày. Ban sáng đọc một vài kinh kính Đức Mẹ. Ban chiều lần chuỗi kính Đức Mẹ. Trung tín với Đức Mẹ, ta sẽ cảm nhận được sự giúp đữ của Đức Mẹ, và ta sẽ thấy: Người có Đức mẹ là Người có phúc. Cái phúc có thể không đến với ta như ta muốn và lúc ta muốn, bởi vì chưa phải là giờ của Chúa, nhưng nó sẽ đến trong giờ của Chúa.

Tân Hội, ngày 14-01-1989 (CN 2 - C)

+ Gioan B. Bùi-Tuần, Giám mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0177: HOÀ GIẢI - 05-03-1989


4 MC-C

Long Xuyên

 

Trong đời tôi, tôi đã dự nhiều tiệc mừng. Mỗi tiệc mừng đều có lý: 05-03-1989 Bùi-Tuần 177


Trong đời tôi, tôi đã dự nhiều tiệc mừng. Mỗi tiệc mừng đều có lý do của nó, như mừng tết, mừng khác quí, nừng tân linh mục, mừng tân hôn, mừng tân gia, mừng ngân khánh, v.v... Nói chung là như vậy. Còn thứ tiệc mừng vì lý do mừng hoà giải như bữa tiệc nói trong bài Phúc Âm lễ hôm nay thì ít có. Sự kiện này cho thấy tinh thần mến trọng hoà giải theo gương người cha nhân ái trong dụ ngôn hôm nay vẫn còn là vấn đề mới đối với thực tế chúng ta.

Người cha có hai đứa con. Đứa con đã một thời dài sống chia rẽ. Nó đòi chia của, đi bụi đời, cắt đứt liên hệ với gia đình. Nhưng rồi có lúc thấm mùi cay đắng, nó nhất định trở về. Người cha nhân ái, khi thấy con đàng xa, liền hối hả ra đón. Ngài không nhắc gì đến chuyện cũ. Ngài ôm lấy con, dẫn con vào nhà. Hơn nữa, để xoá mặc cảm của con, ngài đã ra lệnh cho các người giúp việc phải hết sức chăm sóc người con đó, dành cho anh những đồ dùng cá nhân, quần áo, giày dép đẹp nhất, sang nhất. Rồi ngài làm tiệc lớn, mời bà con thân thuộc gần xa đến ăn mừng.

Nhiều người thấy vậy, đã cho là quá đáng. Nhất là đứa anh đã bất bình ra mặt. Nhưng ngài cho biết suy nghĩ riêng của ngài. Theo ngài chia rẽ là như chết đi, hoà giải là như sống lại. Mà sống lại là một điều đáng quí đáng mừng không gì sánh được.

Cái nhìn trên đây của người cha nhân ái là một bài học lớn cho mỗi người chúng ta, nhất là trong thời này là thời điểm hoà giải. Chúng ta biết hiện nay khắp nơi hoà giải đang trở thành một xu thế lịch sử.

Hoà giải với Chúa và với mọi người đó là dấu chỉ để nhận ra con cái Chúa, đó là cách mở rộng Nước Trời. Nếu ta muốn tặng Chúa một niềm vui, thì hãy hoà giải nhiều hơn với Chúa và với mọi người. Nếu phải tìm thành tích của một cá nhân, của một tổ chức, để mừng khen, thì nên tìm công việc hoà giải của họ. Nếu ta muốn trở thành một người hữu ích cho Hội Thánh và cho xã hội, thì hãy quan tâm đến việc khuyến khích và xây dựng hoà giải giữa đời và đạo, trong nội bộ tôn giáo, trong gia đình, trong địa phương.

Có một điều bất ngờ đối với tôi trong dụ ngôn hôm nay, đó là khi mọi người đang ăn mừng hoà giải, thì có một người đã lên tiếng chống đối. Người đó chính lại là đứa con vốn được tiếng là ngoan, luôn ở bên người cha nhân ái, người đó cũng chính là anh ruột đứa em mới trở về. Giả sử anh ta chống đối, vì nghi ngờ sự thành thực của đứa em, thì ý kiến của anh ta có thể chấp nhận được phần nào. Đàng này, lý do chống đối của anh rõ rệt là vì tấm lòng hẹp hòi, so đo, ích kỷ. Cũng lạ thực, đứa con bao năm sống bên cạnh người cha đầy tình nhân ái đối với mình, sao anh ta không học được đức tính nhân ái sáng ngời ấy! Nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy điều đó chẳng có gì đáng lạ. Bởi vì, trên thực tế, biết bao nhiêu người của Hội Thánh, trong đó có tôi, đã bao năm được sống dưới sự che chở yêu thương đặc biệt của Chúa, được thường xuyên nghe giáo lý công bình bác ái Phúc Âm, thế mà vẫn chưa hết ích kỷ, bất công, khép kín, ác độc, chia rẽ.

Nhận định trên đây sẽ giúp ta khiêm tốn, để không ngừng đổi mới chính mình, bằng sự hằng ngày cố gắng hoà giải hơn với Chúa, hoà giải hơn với mọi người. Hoà giải là một chức vụ Chúa trao phó cho mỗi người chúng ta, như lời thánh Phaolô đã nói trong thư gửi giáo dân Corintô, mà bài đọc II lễ hôm nay đã trích dẫn.

Lạy Chúa,

Xin giúp con chu toàn chức vụ hoà giải, để con được nên giống Chúa hơn.

Chúa nhật thứ IV Mùa Chay (C)tại Long Xuyên, ngày 05-03-1989

 GB. BÙI-TUẦN, Giám mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0178: BIẾT CHÚA KITÔ 07-05-1989


- PS4 –C

Long Xuyên

 

Cách đây ít năm, một vị thừa sai tại một nước Hồi Giáo đã đưa: 07-05-1989 Bùi-Tuần 178


Cách đây ít năm, một vị thừa sai tại một nước Hồi Giáo đã đưa ra nhận xét sau đây trong một bài báo: Tinh thần tôn giáo của những người theo đạo Hồi thường tập trung vào một vài nhân đức rõ rệt được dạy trong sách Coran. Còn tinh thần tôn giáo của rất nhiều người Công giáo thường lại quá linh tinh. Họ không phân biệt điều nào là điều chính yếu, điều nào là phụ trong đạo của họ.

Nhận xét trên đây nếu thực sự đúng, thì đó là một sự thực rất đáng lo ngại. Nếu không để ý, thì với tinh thần như thế, đạo ở nhiều nơi sẽ dần dần biến dạng, biến chất, và rồi có lúc, những người mang danh là con Chúa sẽ chẳng còn biết Chúa là ai. Mà nếu không biết đúng về Chúa, thì đâu còn là con Chúa thật sự.

Về điều này, Chúa Giêsu đã nói rất rõ ràng trong bài Phúc Âm hôm nay. Chúa nói: “Con chiên Ta thì biết Ta”. Có nghĩa là: Sự biết Chúa Kitô là một bổn phận tất nhiên của những người thuộc về Chúa Kitô. Phải biết Chúa Kitô cho đúng, cho rõ, để đáng được gọi là con chiên của Người.

Lời Chúa dạy trên đây cho phép tôi nghĩ rằng: Trong giáo lý, sự biết Chúa Kitô là điều người theo Chúa nên biết trước nhất, nên biết nhiều nhất, nên biết thường xuyên với tất cả tâm tình cao quí nhất.

Biết Chúa là có những kiến thức về Chúa. Biết Chúa như thế là rất tốt, nhưng chưa đủ để gọi được là biết Chúa. Khi Chúa nói: “Con chiên của Ta thì biết Ta”, Chúa còn muốn nói về một sự biết sâu xa hơn, một sự biết có nghĩa như một sự cảm nhận được những rung động của trái tim Chúa, như một sự nắm bắt được những ý muốn thầm kín của tình thương Chúa, như một sự hoà hợp hoàn toàn trọn vẹn với thánh ý Chúa. Sự biết như thế là một cái gì sống động, rực cháy, không do sách vở, mà là do những giờ phút sống thân thiết với Chúa. Đó là sự biết của những người thương nhau. Và lúc đó, hình ảnh Chúa Kitô sáng lên với những nét thực là đơn giản, dễ thương, đúng như chính lời Người đã tự giới thiệu: “Ta là mục tử tốt lành... Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Nếu từ sự biết đó, ta cố gắng sống sao cho tốt lành nhân ái, hiền từ, khiêm tốn, theo mẫu gương Chúa là mục tử của ta, và cũng từ sự biết đó, nếu ta để ý giúp những người thuộc về ta cũng sống sao cho tốt lành, nhân ái, hiền từ và khiêm tốn, thì ta sẽ là con chiên thực của Chúa. Và ta sẽ thuộc về số những con chiên, mà hôm nay Chúa nói: “Chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay ta”.

Lạy Chúa, con luôn khát khao được biết Chúa nhiều hơn, và con luôn khát khao sự biết Chúa sẽ biến đổi lòng con, để càng ngày con càng trở nên con chiên tốt lành của Chúa là mục tử tốt lành của con. Amen.

Long Xuyên, 07-05-1989 (CN 4 PS-C)

+ Gioan B. BÙI-TUẦN


 

Bùi-Tuần 0179: GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG 14-05-1989


- PS5-C

Long Xuyên

 

Khi Chúa Giêsu đến trong thế gian, đạo cũ đang biến chất trầm: 14-05-1989 Bùi-Tuần 179


Khi Chúa Giêsu đến trong thế gian, đạo cũ đang biến chất trầm trọng. Đạo trở thành một gánh nặng: Nặng, vì những luật lệ khắt khe không cần thiết. Nặng, vì những người đạo đức giả, áp đặt một lối sống đạo câu nệ và phô trương.

Chúa Giêsu đến đổi mới tình hình đó. Người đổi mới, bằng những lời giảng đề cao bác ái, bằng những việc làm quảng đại vị tha, bằng thái độ sống hiền từ khiêm nhường chan hoà nhân ái.

Để tóm tắt tinh thần đổi mới đó, Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ giới răn vắn gọn, đó là giới luật yêu thương. Phúc Âm hôm nay công bố giới luật đó: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”. Yêu thương nhau chính là dấu chỉ đích thực của người môn đệ Thầy.

Ngày Chúa Giêsu nói những lời trên là ngày thứ năm Tuần Thánh, trong bữa tiệc ly, trước giờ chịu nạn. Vì thế, nên coi những lời đó là những lời trăn trối quan trọng.

Từ đó đến nay, qua 20 thế kỷ, tinh thần giới luật yêu thương của Chúa đã không ngừng lan rộng. Dần dần, nó đã thấm sâu vào các nền văn hoá.

Hôm nay, khi nhìn Việt Nam và thế giới, tôi rất mừng nhận thấy có vô số người đang truyền bá và hoạt động cho lý tưởng bác ái dưới nhiều hình thức khác nhau. Số người như thế là từng triệu, từng tỷ. Họ có mặt trong mọi tôn giáo, trong mọi quốc gia, trong mọi dân tộc, trong mọi ý thức hệ, trong mọi lãnh vực xã hội. Họ đang làm nên một bầu trời sao sáng bao la, như hình ảnh một Nước Trời tươi mát.

Đang khi đó, tôi rất buồn, khi thấy một số người công giáo xem ra lại vắng mặt ở bầu trời ấy. Tuy họ quan tâm đến nhiều thứ trong đạo, nhưng họ lại coi thường giới luật yêu thương. Họ siêng đọc kinh, nhưng đồng thời họ cũng siêng nói xấu, dèm pha kẻ khác. Họ nhiệt tình nâng cao đạo mình, nhưng đồng thời cũng hăng hái hạ kẻ khác xuống. Họ là ai? Không chừng đôi lúc cũng có chúng ta trong số đó.
Nếu ta khiêm tốn lo ngại như vậy, thì đó là một khởi sợ tốt cho một quyết tâm lâu dài.

Tôi nghĩ rằng: Giới luật yêu thương, nghe thì dễ, nhưng thực tình rất khó. Bời vì sẽ mãi mãi có những mâu thuẫn trong cuộc sống giữa các tính tình, giữa các ý kiến và giữa các quyền lợi. Ngay trong một gia đình, bác ái yêu thương, đôi khi cũng là vấn đề có nhiều sóng gió. Điều ta cố gắng làm để xây dựng bác ái yêu thương, không phải là xoá bỏ mọi khác biệt, để cái gì cũng nhất trí như nhau, nhưng là biết kính trọng nhau, thông cảm nhau, tha thứ cho nhau, và bổ túc cho nhau.

Một trong những việc ta có thể làm hằng ngày để xây dựng và mở rộng bác ái yêu thương là hãy năng cầu nguyện cho những người làm hại ta, hiểu lầm ta, và không muốn sống hoà thuận với ta. Khi cầu nguyện như vậy, ta sẽ thấy lòng ta được bình an. Và đó chính là dấu chỉ về sự mở rộng Nước Trời.

Để phân biệt cái gì là do Chúa, cái gì không phải là do Chúa, tôi vẫn dựa vào tiêu chuẩn giới luật yêu thương bác ái của Chúa. Có nghĩa là lời nói nào, việc làm nào, toan tính nào cổ vũ yêu thương bác ái, và dùng những phương tiện yêu thương bác ái, thì đó là do Chúa. Trái lại, lời nói nào, việc làm nào, toan tính nào khích động ghen ghét hận thù, hoặc tuy dầu có nhằm mục đích tốt, nhưng dùng những phương tiện trái với bác ái yêu thương, thì là dấu không phải do Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thánh Giá, và sự Chúa Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể, phải luôn là bài học sống động về bác ái yêu thương. Xin Chúa thương giúp chúng con hiểu được bài học đó. Nếu thiếu ơn Chúa giúp, chúng con sẽ không thể hiểu đúng được, và không thể thực thi đúng được. Xin thương xót chúng con, lạy Chúa.

Long Xuyên, ngày 14-05-1998.

+ Gioan B. Bùi-Tuần.


 

Bùi-Tuần 0180: XAO XUYẾN VÀ SỢ HÃI 21-05-1989


- CN 6 PS – C

Long Xuyên

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: 21-05-1989 Bùi-Tuần 180


Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi”. Đây là một đề tài vừa có tính cách tâm lý, vừa có tính cách giáo dục đạo đức.

Trước hết, lời Chúa nói trên đây cho thấy tình trạng tâm lý của các tông đồ lúc đó. Bảo: “Đừng xao xuyến và đừng sợ hãi”, có nghĩa như giáng tiếp bảo rằng: “Các con đang xao xuyến và đang sợ hãi”.

Nói lên tâm trạng đó có phải là điều xúc phạm không? Thưa không. Thật sự, sự xao xuyến và sợ hãi là những phản ứng tự nhiên của bản năng sinh tồn. Nó mạnh hay yếu, mau hay chậm là tuỳ loại tính tình, tuỳ nền giáo dục, và tuỳ nguyên nhân tác động gây nên phản ứng. Một người không biết xao xuyến và không biết sợ hãi mới là người đáng ngại. Những cảm xúc xao xuyến và sợ hãi nơi các tông đồ chứng tỏ các Ngài rất là người. Chúa Giêsu trong vườn cây dầu cũng đã để lộ những cảm xúc như thế. Sự Chúa Giêsu và các tông đồ, cùng chia sẻ thân phận chung của con người là cho ta dễ gần gũi các Ngài hơn.

Hơn nữa, trong giờ phút chia ly, các tông đồ coi sự Thầy mình ra đi là một mất mát quá lớn, nên các Ngài xao xuyến và sợ hãi. Phản ứng như thế đâu có gì là xấu!

Vậy tại sao Chúa Giêsu bảo: “Các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi"? Tôi nghĩ rằng: Với lời đó, Chúa Giêsu cho các tông đồ thấy: Chúa hiểu lòng tốt của họ là những người rất mến thương Chúa, rất gắn bó với Chúa. Đồng thời cũng với những lời đó, Chúa trao cho họ niềm hy vọng, đó là sự Chúa Thánh Thần đến. Như vậy, lời bảo: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” đúng là một sự chia sẻ đầy tình nghĩa, đem lại an ủi và niềm cậy trông. Lời đó cũng bảo cho các tông đồ biết: Không nên để những cảm xúc xao xuyến và sợ hãi vượt quá mức độ lành mạnh của nó.

Thời nay, sự xao xuyến và sợ hãi quá mức đang là nguyên nhân của nhiều căn bệnh tâm thần. Vô số người đã chết vì những bệnh do xao xuyến và sợ hãi quá mức gây nên. Rất nhiều người vẫn nhìn nhau với tâm tư sợ hãi.

Trong một hoàn cảnh như thế, những người loan báo Tin Mừng cứu độ và giáo dục sẽ thấy trách nhiệm của mình là không đơn giản. Đã hẵn, vấn đề sẽ không giải quyết được đơn thuần chỉ bằng những lời khuyên đạo đức. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy rằng: Khi đem lại cho ai một niềm hy vọng chan chứa tình thương xót của Chúa, qua những lời dịu hiền, nhất là qua chính bản thân ta có nét nhân ái của Chúa, thì vấn đề đã giải quyết được một phần đáng kể. Thiết tưởng đó cũng là một cách gieo rắc Tin Mừng cứu độ, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.

Lạy Chúa, xin cho con biết xao xuyến và sợ hãi những khi con thấy mình xa Chúa. Xin cũng thương giúp con biết đem hy vọng mới cho những ai đang hao mòn vì những xao xuyến và sợ hãi đủ thứ trong cuộc đời.

Long Xuyên 21-05-1989

+ Gioan B. BÙI-TUẦN.


 

Bùi-Tuần 0181: THẾ HỆ MỚI, CẦN TÔNG ĐỒ MỚI – C 1989


Lễ Chúa Giêsu lên trời Long Xuyên

 

Trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ: 1989 Bùi-Tuần 181


Trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ: “Hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật”.

Từ lời truyền đó, Hội Thánh đã không ngừng dạy ta về bổn phận phải đi loan báo Tin Mừng. Bổn phận này không phải của riêng hàng giám mục, mà là của mỗi người tín hữu. Theo Công Đồng Vatican 2, loan báo Tin Mừng là bản chất của Hội Thánh. Nó là yêu cầu bức thiết trong mọi thời, mọi nơi. Nó là ơn gọi làm tông đồ, mà mọi người tín hữu phải đáp lại.

Mới rồi, ngày 27-11-1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2, trong sứ điệp gởi giới trẻ, sau khi nhắc lại lời Chúa truyền trước khi về trời “Hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật”, Đức Thánh Cha đã đưa ra một hướng dẫn mới. Ngài viết: “Mỗi thế hệ mới, cần phải có tông đồ mới”.

Qua chỉ dẫn trên đây, Đức Thánh Cha muốn kéo chú ý đến việc loan báo Tin Mừng, cần phải thích hợp với hoàn cảnh cụ thể từng thời điểm và từng nơi.

Thế hệ mới là lớp người, với lứa tuổi mới, với nền văn minh mới, với trình độ hiểu biết mới, với não trạng mới. Thế hệ mới là thời điểm mới, với những nguy cơ mới và với những thuận lợi mới. Hội Thánh có bổn phận phải loan báo Tin Mừng cho thế hệ mới này. Để việc đó được hữu hiệu, thì theo Đức Thánh Cha nói, cần phải có tông đồ mới.

Tông đồ mới là ai?

Theo tôi, thì tông đồ mới sẽ là nhân sự mới, được chuẩn bị thích hợp cho thế hệ mới, hoặc sẽ là nhân sự cũ, nhưng có những hiểu biết nới, có não trạng mới, có cung cách mới và kế hoạch mới.

Để có thể hình dung được bộ mặt người tông đồ mới, thích hợp cho thế hệ mới hiện nay, Đức Thánh Cha đã vạch rõ công tác của họ, là xây dựng một nền văn minh có 3 đặc điểm sau đây: Một là tình thương, hai là công lý, ba là hoà bình.

Nói cách khác, người tông đồ mới của thế hệ mới hiện nay sẽ loan báo Tin Mừng, bằng cách góp phần xây dựng một nền văn minh của tình thương, một nền văn minh của công lý, một nền văn minh của hoà bình.

Qua hướng dẫn trên đây của Đức Thánh Cha, chúng ta thấy việc loan báo Tin Mừng thời nay đang được khuyến khích thể hiện, bằng đường lối xây dựng một nền văn minh xã hội, trong đó mọi người biết yêu thương nhau, biết kính trọng quyền lợi của nhau, biết sống hoà thuận với nhau.

Mỗi người tín hữu chúng ta có thể loan báo Tin Mừng bằng cách đó được không? Tôi quả quyết là có thể. Bởi vì, bất cứ ai trong chúng ta đều hiểu biết một cách tương đối đúng, thế nào là yêu thương nhau, thế nào là kính trọng quyền lợi của nhau, thế nào là sống hoà thuận với nhau. Bất cứ ai trong chúng ta cũng rất rành nguyên tắc đạo đức này: là điều gì ta muốn người khác làm cho ta, thì ta hãy cố gắng làm điều đó cho người khác. Còn điều nào ta không muốn người ta làm cho ta, thì ta đừng bao giờ làm điều đó cho ai cả.

Thiết tưởng con người biết sống yêu thương, công chính, hoà bình, đúng là con người văn minh. Và Đức Kitô, gương mẫu đời sống như thế, chính là mô hình đổi mới.

Tới đây, mỗi ngời chúng ta hãy nhìn lại chính mình, xem bản thân ta có thuộc loại tông đồ mới không? Trái tim ta có văn minh, vì vắng bóng những ghen ghét hận thù, bất công, bất hoà không? Miệng lưỡi ta có văn minh, không nhơ nhớp nhớp những lời nói hành, nói xấu, bỏ vạ, cáo gian, gièm pha, khích động, gieo rắc ác cảm và chia rẽ không? Hành động và tính toán của ta có văn minh, vì nêu cao bác ái, công bình và hoà giải không? Ta có sống thân thiết với Đức Kitô là gương mẫu tông đồ không?

Lạy Chúa, xin ban cho con luôn biết thao thức với nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Xin giúp gia đình con, xứ đạo con, giáo phận con, Hội Thánh Việt Nam của con trở thành những cộng đồng văn minh, sáng ngời Tình Thương, Công Lý và Hoà Bình.

+ Gioan B. Bùi-Tuần.


 

Bùi-Tuần 0182: CỞI MỞ 1989


Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

 

Theo Kinh Thánh kể lại, thì sau khi Chúa Giêsu lên trời, các môn: 1989 Bùi-Tuần 182


Theo Kinh Thánh kể lại, thì sau khi Chúa Giêsu lên trời, các môn đệ thường họp nhau cầu nguyện. Nơi họp là một nhà tư, và khi họp thì đóng cửa kín lại.

Căn nhà đóng kín, cũng là hình ảnh tâm hồn các môn đệ Chúa lúc bấy giờ. Khi Chúa Thánh Thần hiện xuống ban ơn đổi mới, những tâm hồn ấy đã được mở ra. Sự đổi mới, có nghĩa như một sự cởi mở. Sự cởi mở này có những hướng rõ rệt.

Trước hết, những tâm hồn ấy nhờ ơn Chúa Thánh Thần đổi mới, đã mở ra về hướng Chúa Kitô, như trung tâm điểm đời sống đức tin.

Các môn đệ ấy nhìn rõ Chúa Kitô là nguồn ơn cứu độ, là đường, là sự thật và là sự sống. Các ngài xác tín về mọi lời Chúa Kitô dạy. Lời Người là Tin Mừng. Chính Người là Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng, là bổn phận của người tin theo Đức Kitô. Họ không rao giảng giáo lý nào khác, ngoài giáo lý Đức Kitô. Họ ít nói tới các thánh, để chỉ tập trung lòng đạo vào Đức Kitô. Hầu như họ không đưa ra hình ảnh nào về Thiên Chúa, ngoài Đức Kitô, là hình ảnh đúng nhất của Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Ngoài ra, các môn đệ ấy, nhờ ơn Chúa Thánh Thần đổi mới, đã mở ra về hướng lạc quan, tưng bừng những lời ca tụng Chúa.

Đọc sách tông đồ Công vụ, ta thấy các môn đệ Chúa Kitô, sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, đã tỏ ra rất lạc quan. Họ luôn sống với một thái độ hoan lạc. Giờ họ họp nhau cầu nguyện là giờ ca tụng Chúa. Đúng là tâm hồn họ đã khám phá được một kho tàng. Một khi đã thấy được vẻ đẹp của niềm tin vào Chúa Kitô, họ chỉ còn biết ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Niềm tin, là một khám phá lạ lùng. Cả những trường hợp họ bị bắt bớ, khổ nhục vì Đức Kitô, họ vẫn có những phản ứng chan chứa bình an. Họ vui mừng, khi bị oan ức vì Đức Kitô. Họ coi những dịp xảy ra như thế là một hân hạnh, phải hân hoan đón nhận, với tất cả tâm tình cảm tạ Thiên Chúa. Nguồn lạc quan của họ là Đức Kitô. Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà họ dấn thân.

Hơn nữa, các môn đệ ấy, nhờ ơn Chúa Thánh Thần đổi mới, đã mở ra về hướng bác ái chan hoà yêu thương.

Sách Tông đồ Công vụ kể lại, sau khi Hội Thánh mới của Đức Kitô được thành lập với nhóm nhỏ tông đồ, nhờ ơn Chúa Thánh Linh, bác ái đã trở thành dấu chỉ thực sự của những người thuộc Hội Thánh này. Họ để mọi của cải làm của chung. Họ nâng đỡ nhau chân thành quảng đại. Đối với họ Hội Thánh là hiệp thông một cách sống động. Họ nhìn những người ngoài Hội Thánh với cái nhìn kính trọng, đầy khiêm tốn. Hội Thánh nói chung và từng tín hữu nói riêng, tỏ ra mình là khí cụ bình an của Chúa. Họ sống như một dấu chỉ của sự hoà giải. Hội Thánh lúc đó hoàn toàn vắng ý tưởng cho mình là một thế lực. Tổ chức của Hội Thánh nhẹ nhàng, đơn giản, nhắm mục đích phục vụ trong tinh thần bác ái.

Ba định hướng trên đây có thể gợi ý cho ta trong thời điểm hiện nay. Thời điểm này là thời điểm cởi mở. Đây là cơ hội có nhiều tiềm năng đa dạng. Nếu được vận dụng về hướng tốt thiệt, sự cởi mở sẽ giúp đạo đức đi lên. Nếu để tự do trôi dạt, hoặc hướng về cái tốt giả, sự cởi mở sẽ là cái đà cho phong trào phá hoại đạo đức.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

+ Gioan B. Bùi-Tuần.

Long Xuyên ngày 04-06-1989


 

Bùi-Tuần 0183: SÁNG DANH ĐỨC CHÚA CHA VÀ ĐỨC CHÚA CON


 VÀ ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN – C 11-06-1989

Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi

 

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào một: 11-06-1989 Bùi-Tuần 183


Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào một Thiên Chúa Ba Ngôi, như nội dung kinh Tin Kính dạy. Từ niềm tin ấy, chúng ta thấy có bổn phận phải làm sáng danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Bổn phận này được gợi ý bằng kinh Sáng Danh.

Khi đọc kinh Sáng Danh, không những ta ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi, mà ta còn muốn danh Người được sáng rạng khắp nơi. Ước muốn ấy thật sự chưa đạt được.

Hiện nay thế giới có trên 5 tỷ người, trong đó chỉ có 800 triệu là công giáo. Tính cách thiểu số ấy càng thấy rõ ở Á Châu và ở Việt Nam. Chúng ta đứng trong thiểu số. Đó là sự thực. Nhưng có phải vì là công giáo dù là thiểu số mà ta thuộc số những người thực sự làm sáng danh Chúa không? Thưa không. Sự khiêm tốn khuyên ta không nên loại trừ khả năng có những người trong công giáo nhưng không làm sáng danh Chúa, và có những người ngoài công giáo lại làm sáng danh Chúa.

Đọc Phúc Âm, ta thấy Chúa Giêsu nhiều lần đã chê trách một loại người có đạo quen thói giả hình bôi bác, đang khi đó Người lại khen mấy ông ngoại đạo. Về gương đức tin, có viên sĩ quan ngoại đạo. Về gương đức ái, có người Samaritanô tốt lành cũng là dân ngoại. Về gương biết ơn, có người phong cùi ngoại đạo được khỏi bệnh đã trở lại cám ơn Chúa. Ai dám nói là những người ngoại giáo ấy đã không làm sáng danh Chúa?

Nhiều khi chủ sự hoặc tham dự những cuộc lễ tôn giáo huy hoàng đông đảo, tôi hay nhớ lại lời sách tiên tri Isaia, để cảnh giác chính mình. Đoạn đó thế này: “Muôn vàn hy lễ có ích lợi gì cho Ta chăng?... Các ngươi đừng tiếp tục hiến dâng cho Ta những lễ tế vô ích nữa. Ta ghê tởm mùi hương. Ta không chịu được các ngày đầu tháng, các ngày Sabbat, và các ngày lễ trọng khác. Những cuộc hội họp của các ngươi đều là gian ác. Tâm hồn Ta chán ghét những ngày trăng mới và các lễ trọng của các ngươi. Tất cả những thứ đó đã làm khổ Ta. Ta đã nhàm chán chịu đựng rồi. Và khi các ngươi giơ tay lên, thì Ta quay mặt đi. Khi các ngươi càng cầu nguyện, thì Ta càng không nhận lời. Vì tay các ngươi vấy đầy máu. Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, hãy dẹp khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu xa. Đừng làm điều xấu nữa. Hãy làm điều lành. Hãy tìm kiếm công lý. Hãy cứu giúp những kẻ bị áp bức. Hãy xét xử công bình cho những trẻ mồ côi và bênh vực người goá bụa” (Is. 1,10-17).

Qua lời Kinh Thánh trên đây, ta thấy có nhiều việc coi như rất là sáng danh Chúa, nhưng lại bị Chúa ghê tởm. Bởi vì những việc ấy thiếu nội dung bác ái, không mến Chúa yêu người thực sự.

Để biết làm sáng danh Chúa, thiết tưởng ta nên lui tới nhiều hơn với Chúa Giêsu. Hãy năng suy gẫm Phúc Âm. Hãy năng cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể và trước tượng Chúa chịu đóng đinh. Hôm qua, hôm nay và ngày mai, Chúa Giêsu vẫn làm sáng danh Thiên Chúa bằng việc tế lễ chính cuộc sống của Người, bằng sự hiền lành khiêm tốn và nhân ái của bản thân Người. Nếu có sự sống Chúa Kitô trong mình, ta sẽ thấy được phần nào Chúa Cha là Cha giàu lòng thương xót. Chúa Con cứu độ loài người. Và Chúa Thánh Thần là tình yêu an ủi. Từ những chân lý sống động ấy, ta sẽ thấy cần phải làm gì để danh Chúa được ngợi khen khắp nơi, nhất là nơi những người ngoài công giáo.

Long Xuyên ngày 11-06-1989

+ Gioan B. Bùi-Tuần


 

Bùi-Tuần 0184: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN MỘT CÁCH TRONG SÁNG


- 12TN - C18-06-1989

Long Xuyên

 

Người tin mến Chúa coi việc tuyên xưng đức tin là một bổn phận: 18-06-1989 Bùi-Tuần 184


Người tin mến Chúa coi việc tuyên xưng đức tin là một bổn phận, một quyền lợi, một danh dự, một việc đẹp lòng Chúa và làm sáng danh Chúa.

Thiết tưởng thánh Phêrô cũng đã nghĩ như vậy, khi ngài tuyên xưng niềm tin của mình: “Thưa Thầy, Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

Thế nhưng, theo như Phúc Âm hôm nay thuật lại, Chúa Giêsu khi vừa nghe lời tuyên xưng đó, đã cấm thánh Phêrô và các tông đồ khác không được nói điều ấy với ai lúc bấy giờ. Chúa cho biết: Người sẽ bị nhiều đau khổ. Rồi Chúa lại nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”.

Suy gẫm những lời Chúa dạy trên đây, tôi thấy trước hết Chúa muốn các môn đệ Chúa phải khôn ngoan, biết lựa chọn thời điểm thuận lợi để nói lên lời tuyên xưng đức tin. Có thời điểm nên nói, có thời điểm nên thinh lặng đợi chờ.

Ngoài ra, Chúa muốn người tuyên xưng đức tin phải thực sự trong sáng. Trong sáng có nghĩa là qua con người và cuộc sống của họ, thế gian có thể nhìn thấy Chúa Kitô mà họ tuyên xưng, một Chúa Kitô từ bỏ mình, vác thánh giá vì yêu thương. Tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô là nên giống Chúa Kitô, đó là cách tuyên xưng trong sáng nhất.

Chính Chúa Kitô đã làm chứng mình là Con Thiên Chúa, không phải chỉ bằng lời nói khẳng định, mà nhất là bằng cách biểu hiện bản tính Thiên Chúa là tình thương vô cùng cao cả dưới mọi hình thức. Từ trời xuống thế, từ Bêlem đến Calvariô. Tất cả đều nói lên thái độ từ bỏ mình, để chia sẻ thân phận con người, chỉ vì mục đích cứu độ con người, để con người nhận ra tình thương cứu độ của Chúa.

Thấu triệt lời Chúa Kitô và theo gương Ngài, các tông đồ đã tuyên xưng đức tin một cách rất trong sáng. Nhìn thấy các ngài là như thể nhìn thấy hình ảnh Đức Kitô. Trí khôn các ngài trong sáng và trái tim các ngài trong sáng. Dù vui dù buồn, dù được kính trọng, dù bị khinh chê bắt bớ, các ngài luôn chiếu sáng sự hiền từ khiêm tốn đầy nhân ái chân thành, tha thiết với chân lý và tình thương. Để có được sự trong sáng như thế, các ngài đã phải từ bỏ mình nhiều lắm, và đã để cho các thánh giá thanh luyện các ngài.

Các thánh tử đạo Việt Nam cũng đã tuyên xưng đức tin một cách trong sáng như Chúa Kitô đã dạy. Trước khi từ bỏ mạng sống vì Chúa, các ngài đã từ bỏ những gì cản trở sự sống Chúa Kitô trong các ngài. Bản thân các ngài chiếu sáng tình mến Chúa yêu người như những ngôi sao sinh nhật loan báo sự bình an của Chúa.

Còn chúng ta thì sao?

Chúng ta thường nghĩ đến việc tuyên xưng đức tin bằng lời nói và các sinh hoạt tổ chức tôn giáo. Nghĩ thế là phải. Nhưng cần phải nghĩ nhiều hơn đến việc tuyên xưng đức tin bằng sự trong sáng của những người có đức tin và truyền bá đức tin. Trong sáng ở sự biết cố gắng từ bỏ tội lỗi và các tính mê nết xấu. Trong sáng ở sự vác thánh giá hằng ngày là lo chu toàn bổn phận của mình trong gia đình, xã hội và Giáo Hội.

Thế giới hiện nay có thể gọi là một thị trường lớn của đủ mọi thứ niềm tin. Tôn giáo nào cũng có niềm tin riêng. Chủ thuyết nào cũng có niềm tin riêng. Phong trào nào cũng có niềm tin riêng. Tình yêu nào cũng có niềm tin riêng. Mê tín nào cũng có niềm tin riêng. Niềm tin nào cũng có người ca ngợi, bênh vực và truyền bá.

Trong một tình hình như vậy, sự tuyên xưng đức tin của ta vào Thiên Chúa phải thực sự rất trong sáng, từ lời nói đến nội dung, từ tổ chức đến con người, từ thái độ bề ngoài đến trí khôn và trái tim bên trong. Đừng để sự tuyên xưng đức tin của ta bị tục hoá, kẻo rồi sẽ mất đi sức mạnh thiêng liêng chẳng gây được ảnh hưởng nào tốt nơi các đồng bào ngoài tôn giáo.

Lạy Chúa cứu chuộc con, đại đa số nhân loại, nhất là ở Châu Á và ở Việt Nam đều là những người ngoài Công Giáo. Họ không vào Hội Thánh Công Giáo, phải chăng vì chúng con thiếu trong sáng. Xin thương giúp chúng con biết làm hết sức mình để chúng con nên trong sáng theo ý muốn của Chúa.

Long Xuyên 18-06-1989 (Chúa Nhật XII - C)


 

Bùi-Tuần 0185: TỪNG NHÓM NHỎ 25-06-1989


- TN14 – C

 

Bài Phúc Âm lễ hôm nay cho thấy một sáng kiến của Chúa Giêsu: 25-06-1989 Bùi-Tuần 185


Bài Phúc Âm lễ hôm nay cho thấy một sáng kiến của Chúa Giêsu để loan báo Tin Mừng, đó là dùng các nhóm nhỏ. Chúa chọn 72 người, rồi chia số đó ra từng nhóm 2 người để sai đi khắp nơi.

Các nhóm này không phải là một tổ chức cho bằng một sự sống. Họ quan tâm đến sự liên kết cuộc sống tự nhiên với cuộc sống siêu nhiên. Họ chia sẻ sự sống của Chúa. Họ chia sẻ cuộc sống với người chung quanh. Họ chia sẻ cuộc sống của nội bộ nhóm.

Trước hết, cuộc sống của họ đối với Chúa là chia sẻ những băn khoăn thao thức của Chúa, Đấng sai họ. Tâm tư thao thức ấy được diễn tả trong lời sai đi: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy đi”. Khi họ cảm nghiệm được tình yêu rực cháy của trái tim Đấng sai họ đi, họ sẽ hiểu được Chúa sai họ đi vì mục đích nào. Khi sai họ đi, Chúa cũng cho họ thấy tình hình nơi họ đến là rất khó khăn. Chúa nói: “Này Ta sai các con như chiên con đến giữa sói rừng”. Với hình ảnh đó, Chúa báo trước là sẽ không có sự cân đối về sức mạnh tự nhiên giữa họ và hoàn cảnh bên ngoài. Sói mạnh hơn chiên, đó là sự thực thông thường. Nhưng chính vì nhận thức được sự yếu đuối của mình mà kẻ được sai đi, tuyệt đối sẽ phải tựa nương vào sức mạnh siêu nhiên của Đấng đã sai mình.

Với sức mạnh và tâm tình của Chúa, nhóm được sai đi sẽ tìm đến những địa chỉ được chọn. Hoạt động của họ ở những địa chỉ đó cũng là chia sẻ cuộc sống và liên kết cuộc sống với Nước Trời. Bài Phúc Âm gợi ý những việc làm cụ thể sau đây:

Khi vào nhà nào thì chào chúc bình an cho nhà đó. Để ý chia sẻ cuộc sống thực tế của những người trong nhà, như chữa bệnh tật cho họ, cùng ăn uống với họ. Và nâng tâm hồn họ lên, bằng cách nói cho họ biết: Nước Thiên Chúa đang ở gần bên họ. Nếu nơi nào tỏ ý không muốn đón tiếp, thì kẻ được sai đến, nên khăn gói ra đi. Nhưng trong lời từ giã, đừng quên báo cho nơi đó biết: Nước Thiên Chúa đã đến gần.

Qua những lời Phúc Âm kể lại hôm nay, ta thấy: Hoạt động của các nhóm nhỏ là hoà nhập một cách tế nhị vào nơi họ được sai đến. Tin Mừng mà họ loan báo, không phải là một hệ thống giáo lý, mà đơn giản chỉ là một đôi lời của Chúa có tác động nâng tâm hồn họ lên. Đôi lời Chúa đó được lồng vào khung cảnh thái độ bác ái chan hoà của chính con người được sai đi.

Như thế hoạt động của nhóm tại các địa chỉ sẽ rất nhẹ nhàng, đầy tình người, và tế nhị nhắc nhở về công bình, bác ái, bình an và những giá trị đưa con người vào Nước Thiên Chúa.

Nếu nhìn vào sinh hoạt nội bộ của những người trong nhóm, ta cũng thấy một bầu khí thanh thoát, vui tươi. Phúc Âm hôm nay thuật lại là khi các môn đệ trở về gặp lại nhau, họ vui mừng, kể cho nhau nghe những gì đã xảy ra cho họ. Qua lời Phúc Âm thuật lại, tôi thấy nội dung họp nhóm của họ không phải là tranh luận về quan điểm này nọ, đúng hay sai, mà là chia sẻ kinh nghiệm của nhau, trong tâm tình khiêm tốn, trọng kính, tin tưởng đối với nhau, và sẵn sàng lắng nghe lời Chúa dạy bảo.

Với những phân tích vắn tắt trên đây, tôi mong bài Phúc Âm hôm nay sẽ là một gợi ý phong phú và thiết thực cho những ai đang hoạt động cho Nước Chúa. Các hoạt động quần chúng bao giờ cũng cần, nhưng các hoạt động từng nhóm nhỏ bao giờ cũng có hiệu năng hơn.

Long Xuyên, ngày 25-06-1989 (CN 14 TN-C)

+ Gioan B. Bùi Tuần


 

Bùi-Tuần 0186: ĐẠO NGOÀI ĐỜI 02-07-1989


Long Xuyên

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, tôi thấy phảng phất một bức tranh: 02-07-1989 Bùi-Tuần 186


Trong bài Phúc Âm hôm nay, tôi thấy phảng phất một bức tranh tôn giáo xã hội. Bức tranh này có những nét tối và những nét sáng. Trên cùng một con đường lịch sử, cùng một cảnh đất, có kẻ kiệt sức nằm rên bên lề xã hội, đang khi đó, có những kẻ thoải mái đi giữa đường đời thênh thang. Họ thấy nhau, nhưng hoặc thấy mà như không thấy, giống trường hợp thầy tư tế. Hoặc thấy để rồi chia sẻ, như trường hợp người Samaria.

Chúa Giêsu khuyên: Hãy bắt chước người Samaria đã tỏ lòng xót thương đối với kẻ khổ đau nằm ở vệ đường. Với lời dạy trên đây, Chúa Giêsu nêu lên vấn đề đạo ngoài đường, đạo ngoài đời.

Vấn đề này trên lý thuyết là cả một hệ thống tư tưởng phong phú. Nhưng qua dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy vấn đề này có một số chân lý đơn giản, vắn gọn, cần nắm vững, để đem ra thực hành.

Trước hết, theo dụ ngôn, thì đạo ngoài đời đòi hỏi ta nhận thức đúng đắn về sự liên đới giữa ta với các người cùng ta đi chung một đường, cùng ta sống trong một khu xóm, một địa phương, một đất nước. Có những liên đới khác nhau, như do công bình xã hội, do bác ái, do cuộc sống và vận mệnh chung. Vì có liên đới với nhau, nên có trách nhiệm đối với nhau. Từ trách nhiệm kính trọng nhau và tôn trọng quyền lợi của nhau, đến trách nhiệm nâng đỡ nhau, và hợp tác với nhau để xây dựng công ích.

Chúa không chấp nhận thái độ lẩn trốn những đòi hỏi của sự liên đới. Không biết thầy tư tế và thầy trợ tế trong dụ ngôn hôm nay sẽ bị Chúa phán xét thế nào, nhưng rõ ràng Chúa không bằng lòng với họ. Mong rằng họ sẽ không bị phạt như người phú hộ kia đã làm ngơ trước cảnh nghèo khổ của người ăn mày Lagiarô. Ông phú hộ đó tự cho mình là không có trách nhiệm liên đới gì đối với người ăn mày ngồi ở cổng nhà mình. Nhưng thực sự thái độ đó đã là một tội nặng. Chúa đã đày ông xuống hoả ngục. Xem gương đó, ta thấy đạo ngoài đời, đạo ngoài đường là vấn đề quan trọng đến mức nào.

Ngoài ra, theo dụ ngôn hôm nay, thì đạo ngoài đời đòi hỏi ta nhận thức đúng đắn về sự Chúa đánh giá thái độ và việc làm của một người đối với kẻ khác, căn cứ theo thực chất việc làm và trái tim họ, bất chấp người đó có đạo hay không có đạo, thuộc đạo này hay đạo nọ.

Chúa Giêsu biết người Samaria bị đạo Do Thái gọi là dân ngoại, nhưng Chúa khen ông đã có lòng xót thương giúp đỡ kẻ khốn cùng. Hơn thế nữa, Chúa còn nêu ông lên làm mô hình và khuyên hãy bắt chước mô hình đó.

Sự kiện trên đây giúp ta khiêm tốn cởi mở, biết ca ngợi người tốt, việc tốt ngoài Hội Thánh Công Giáo của ta, để rồi cùng với họ và bắt chước họ, ta hợp tác với họ trong mọi công việc phục vụ con người.

Khi tôi đặt mình vào hoàn cảnh người nạn nhân nói trong Phúc Âm hôm nay, tôi dễ đoán được phản ứng tâm lý của ông trước thái độ ba người đi qua. Trong cơn khố khổ, người ta dễ phân biệt được ai thực sự thương mình, ai không. Kẻ thực sự thương mình và nâng đỡ mình trong lúc khổ đau khốn khó, sẽ xứng đáng nhận được lòng kính trọng, biết ơn của mình. Đó là điều tất nhiên. Vì thế, điều chắc chắn phải xảy ra là người nạn nhân nói trong dụ ngôn sẽ có cảm tình với người Samaria, thì đó chỉ là một diễn tiến tâm lý thông thường. Và nếu vì cách đối xử thiếu bác ái của hai thầy tư tế, mà người nạn nhân ấy sau này mất đi niềm tin tưởng đối với hai thầy và đạo của hai thầy, thì thiết tưởng đó là điều hai thầy và đạo của hai thầy nên suy nghĩ, để biết vấn đề sống đạo ngoài đường và ngoài đời có ảnh hưởng thế nào trong việc truyền giáo.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết dùng nhân cách và đối xử để làm chứng cho Chúa trong cuộc sống ngoài xã hội. Thế gian thương kẻ thương mình. Xin giúp con biết thương người, nhất là những kẻ khổ đau như Chúa vốn hằng thương con, để con được giống Chúa phần nào.

Long Xuyên ngày 02-07-1989

+ Gioan B. Bùi-Tuần


 

Bùi-Tuần 0187: NGHE LỜI CHÚA 09-07-1989


- TN16-C

Long Xuyên

 

Trong lễ hôm nay, trước bài Phúc Âm, cộng đoàn đã đứng lên đọc: 09-07-1989 Bùi-Tuần 187


Trong lễ hôm nay, trước bài Phúc Âm, cộng đoàn đã đứng lên đọc một câu Kinh Thánh quen thuộc như một câu châm ngôn: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Chúa phán ra”.

Tiếp đó là bài Phúc Âm đưa ra hình ảnh một Maria Madalêna ngồi nghe Lời Chúa. Đây là một hình ảnh rất có ý nghĩa.

Để hiểu Lời Chúa và sống Lời Chúa, nhiều khi ta dồn sức vào việc đọc Kinh Thánh, học Kinh Thánh, thuộc lòng Kinh Thánh, phân tích Kinh Thánh. Những việc đó là hữu ích, nhưng thiết tưởng không đầy đủ. Bởi vì ma quỉ có thể làm những việc đó hay hơn ta, nhưng không vì thế mà Lời Chúa trở thành lương thực cho chúng.

Tôi nghĩ việc quan trọng không bao giờ nên bỏ, nếu muốn hiểu Lời Chúa, là hãy ở bên Chúa. Phúc Âm nói: “Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Chúa”.

Không những Maria đã nghe Lời Chúa với thái độ khiêm tốn khó nghèo, tin tưởng và yêu mến, mà còn trong vị trí “ngồi bên chân Chúa”. Maria gặp Chúa, nhìn ngắm Chúa, cảm nghiệm được tình cảm và sức sống của Chúa qua từng Lời Chúa nói với mình. Lúc đó, Lời Chúa được Maria hiểu vừa bằng lý trí, vừa bằng trái tim, vừa bằng tinh thần, vừa bằng trực giác.

Kinh nghiệm cho thấy, khi hai người thương nhau tha thiết, họ có thể đọc được những tín hiệu thầm kín nhất của nhau, trong ánh mắt nhìn nhau. Họ có thể nắm bắt được lý tưởng sâu xa nhất của nhau trong những thái độ rất tầm thường đối xử với nhau. Họ có thể thấy được những vết thương lòng sâu lắng nhất trong những lời nhẹ nhàng gửi cho nhau. Đúng là trái tim có những hiểu biết mà trí khôn đơn thuần không hiểu biết được.

Thiết tưởng trái tim cũng giữ một vai trò quan trọng không kém trong việc tìm hiểu Lời Chúa.

Tìm hiểu Lời Chúa là tìm hiểu chính Chúa. Mà Chúa đã nói rõ là Chúa sẽ chỉ mạc khải mình cho những kẻ bé mọn đơn sơ. Hãy nhìn vào hình ảnh Maria Madalêna ngồi bên chân Chúa, ta sẽ dễ hiểu được ta phải bé mọn đơn sơ thế nào, để các Lời Chúa trở thành những mạc khải thực sự cho ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chính Chúa là lời của Thiên Chúa. Xin Chúa ngự vào lòng con và ở lại mãi trong con, để luôn đổi mới con người con.

Long Xuyên, ngày 09-07-1989 (CN XVI TN - C)

+ Gioan B. BÙI TUẦN, Giám mục phó giáo phận Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0188: PHIÊN DỊCH TIN MỪNG 06-08-1989


- TN17 –C

Long Xuyên

 

Bài Phúc Âm hôm nay nói về kinh Lạy Cha. Kinh này do chính Chúa: 06-08-1989 Bùi-Tuần 188


Bài Phúc Âm hôm nay nói về kinh Lạy Cha. Kinh này do chính Chúa Giêsu dạy. Tư tưởng rõ ràng. Lời lẽ vắn gọn. Kinh Lạy Cha đã được dịch ra đủ các thứ tiếng. Khi dịch sang ngôn ngữ nào, thì lời Chúa mặc lấy cách nói của ngôn ngữ đó. Nếu đem so sánh bản gốc với các bản dịch, ta thấy việc phiên dịch đã được thực hiện một cách thận trọng, uyển chuyển, vừa đúng nghĩa, vừa dễ hiểu, vừa dễ nghe. Vì thế, ngay bản dịch tiếng Việt, kinh Lạy Cha cũng đã được sửa đổi nhiều lần trong những năm qua.

Trên thực tế, hầu hết chúng ta chỉ đọc và nghe Phúc Âm nói chung và kinh Lạy Cha nói riêng theo các bản dịch. Do đó mà các bản dịch được coi là rất quan trọng.

Mới rồi, chiều ngày 11-07-1989, trong lễ đồng tế với Đức Hồng y Roger Etchegaray tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, có 2 bài đọc, một bài Phúc Âm và Kinh Lạy Cha. Tất cả đều là những bản dịch hay. Nhưng tôi có cảm tưởng là hầu hết mọi người hiện diện trong lễ đó đã không để ý gì đến nội dung và hình thức những bản dịch đó. Lúc ấy thực sự, họ để ý đến một bản dịch khác của Tin Mừng, một bản dịch không in thành sách, một bản dịch sống động trước mắt họ, đó là con người Đức Hồng Y Roger Etchegaray. Có thể nói chính con người của Ngài được coi như là một bản dịch Tin Mừng nói chung, và kinh Lạy Cha nói riêng.

Tình mến đối với Cha trên trời và tình thương đối với mọi người con cái Cha chung, đã được phiên dịch ra trong nụ cười hồn nhiên của Ngài, trong cái nhìn cởi mở thiết tha, trong thái độ đầy sức sống, trẻ trung, lanh lợi, trong cách tiếp cận gần gũi chân thành.

Ngài cũng nói nhiều, và cũng ít trích dẫn Kinh Thánh. Tư tưởng đơn sơ. Nhưng có hơn 20 tràng pháo tay vang lên sau từng câu từng đoạn. Bởi vì những lời Ngài nói, đi đôi với con người dễ mến của Ngài đã đi thẳng vào trái tim những người có mặt, đốt lên tình cảm hiệp thông, hướng về mục đích Phúc Âm. Cuộc sống của Ngài, với những đức tính rất người của Ngài chính là một bản dịch tinh thần Phúc Âm. Nhìn thấy Ngài là như đọc thấy Tim Mừng. Thành công của Ngài thiết tưởng là do những đức tính chính con người của Ngài, hơn là do những lời nói của Ngài.

Còn Đức Hồng Y, theo như chính Ngài nhận định, đã rất cảm động trước bầu khí hoan lạc của đức tin chan hoà đức ái tại đây. Có nghĩa là Phúc Âm nói chung, và kinh Lạy Cha nói riêng hôm đó đã được chính chúng ta phiên dịch ra một bầu khí đạo đức cộng đoàn.

Đức Hồng Y không hiểu nghĩa bài Kinh Thánh ta đọc bằng tiếng Việt. Ngài cũng không hiểu những lời thánh ca chúng ta hát hôm đó. Ngài cũng chỉ nhìn thấy với số đông vô vàn, cùng đọc kinh chung, cùng hát chung, cùng nhìn về một phía, với nét mặt hân hoan sốt sắng, trong trật tự và với thái độ thân thiết chân thành. Đúng là một bầu khí đức tin, bầu khí đức ái, bầu khí hiệp thông, bầu khí của kinh Lạy Cha, trong đó, mọi người nhìn lên Chúa là Cha trên trời giàu lòng thương xót, và nhìn nhau là anh chị em của một gia đình.

Qua những sự việc mới xảy ra như trên, chúng ta có thể khẳng định điều này, là cần phải biết phiên dịch Tin Mừng nói chung và kinh Lạy Cha nói riêng. Phiên dịch ra bằng chữ, thành văn. Và phiên dịch ra thành cuộc sống, thành bầu khí cộng đoàn. Bản dịch hay nhất và dễ lôi cuốn nhất, chính là con người sống Phúc Âm, sống kinh Lạy Cha. Bản dịch dễ hiểu nhất chính là bầu khí cộng đoàn chan hoà đức ái.

Nhận định như thế, ta sẽ hiểu tại sao cuối bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến sự cần phải xin Thánh Thần Chúa. Bởi vì chính Thánh Thần Chúa sẽ giúp ta biết phiên dịch lời Chúa ra chính con người sống động của ta, và bầu khí xã hội ta tham dự.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin đốt lửa mến Chúa yêu người trong trái tim chúng con, để chúng con biết loan báo Tin Mừng về Cha trên trời bằng những gì thấy được trên chính cuộc sống chúng con. Amen.

Long Xuyên, ngày 06-08-1989 (CN 17 TN - C)

+ Gioan B. Bùi-Tuần


 

Bùi-Tuần 0189: CỦA CẢI 1989


- TN18-C

Long Xuyên

 

Sau khi đọc thoáng bài Phúc Âm hôm nay, tôi đã nói với Chúa rằng: 1989 Bùi-Tuần 189


Sau khi đọc thoáng bài Phúc Âm hôm nay, tôi đã nói với Chúa rằng: Lạy Chúa, dân con đang nghèo. Trong hoàn cảnh như hiện nay, ai cũng coi sự làm ra nhiều của cải là một bổn phận không nên coi thường, ai cũng coi việc tích trữ tiền bạc là việc khôn ngoan, nên khuyến khích, để có vốn làm ăn, để tu sửa nhà cửa, để đề phòng lúc đau yếu già cả, để lo cho con cháu học hành, ai cũng coi đời sống sung túc là một lý tưởng tối thiểu để sống cho ra kiếp người. Ai cũng coi việc làm giàu là một quyền lợi phải đấu tranh cho mọi người dân. Thế mà trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã không nói theo chiều hướng đó. Trái lại, xem ra Chúa còn cảnh giác chúng con về sự đi tìm của cải. Những cảnh giác như vậy có nên đưa ra lúc này không?

Tôi đã thành thực nói với Chúa như vậy. Rồi tôi đọc đi đọc lại bài Phúc Âm, dần dần tôi nhận ra là lời Chúa cảnh giác hôm nay không những rất nên đưa ra lúc này, mà còn phải được mọi người chúng ta suy nghĩ. Bởi vì trong một hoàn cảnh mà kinh tế được đặt lên ưu tiên số một, thì khó tránh được những thoái hoá do ảo tưởng. Thí dụ, những ảo tưởng sau đây vừa kể trong Phúc Âm: Tưởng rằng hễ có nhiều của là sẽ có hạnh phúc trọn vẹn. Tưởng rằng hễ tích trữ được nhiều tiền của là đời mình sẽ được tuyệt đối bảo đảm. Tưởng rằng hễ biết làm giàu là tất nhiên sẽ được coi là người tốt.

Trên đây là những ảo tưởng không những sai về mặt đạo đức, mà cũng sai về mặt khoa học. Thế mà vô số người vẫn nuôi những ảo tưởng như thế, để rồi sẽ phải gánh chịu những hậu quả tai hại không lường được. Vì thế lời Chúa răn đe hôm nay là một bài học quý giá cho chúng ta.

Nếu cần đem bài Phúc Âm hôm nay dọi vào thực tế lúc này để đưa ra những chỉ dẫn thiết thực, thì những chỉ dẫn đó sẽ là thế này: Muốn xây dựng và phát triển nền hạnh phúc nói chung và nền kinh tế nói riêng, thì ưu tiên phải để ý đến việc giáo dục đào tạo những con người tốt, để họ không những có đủ khả năng khoa học chuyên môn, mà còn phải có lương tâm đạo đức nữa.

Một gia đình chỉ lo làm ra của cải mà không lo giáo dục con cái, sẽ phạm một sai lầm lớn. Một chương trình đào tạo người làm kinh tế chỉ lo dạy đủ thứ khoa học, mà không lo huấn luyện lương tâm con người kinh tế để nó trở thành đạo đức, sẽ là một chương trình còn quá thiếu.

Hiện nay phong trào thực dụng đang có khuynh hướng tạo nên một nền đạo đức mới, tạm gọi là đạo đức kinh doanh, thay thế cho nền đạo đức truyền thống, gọi là đạo đức hy sinh. Đạo đức hy sinh coi người biết hy sinh cho kẻ khác là một gương mẫu đẹp, nên bắt chước. Còn đạo đức kinh doanh coi người biết làm ra nhiều tiền của là một mô hình tốt, nên trọng vọng và nên noi theo. Não trạng đạo đức kinh doanh như thế dần dần sẽ không ngại đi tới kinh doanh đạo đức, buôn thần bán thánh, lợi dụng các hình thức đạo đức để làm tiền. Tình hình này, nếu không được cải thiện, sẽ gây nên vô vàn tai hại cho thế hệ con cháu chúng ta.

Vì thế, bài Phúc Âm hôm nay có thể được coi là một bài đạo đức xã hội có tính cách thời sự cấp bách.

Lạy Chúa, xin thương thay đổi lòng trí chúng con, để chúng con biết dùng của cải theo đúng tinh thần của Chúa.

Long Xuyên, ngày (CN 18 TN - C)

+ Gioan B. Bùi-Tuần.


 

Bùi-Tuần 0190: TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN 30-08-1998


- TN19–C

Long Xuyên

 

Bài Phúc Âm hôm nay có một đoạn dài nói về người giúp việc. Theo: 30-08-1998 Bùi-Tuần 190


Bài Phúc Âm hôm nay có một đoạn dài nói về người giúp việc. Theo nội dung đoạn văn đó, một người giúp việc tốt phải là người trung tín và khôn ngoan. Đây là tiêu chuẩn để chọn người cộng tác. Đây cũng chính là những đức tính mà mọi người cộng tác với Chúa cần phải để ý, trong việc sống đạo và truyền đạo giữa xã hội hôm nay.

Phúc Âm không định nghĩa thế nào là trung tín và khôn ngoan. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ bài Phúc Âm hôm nay, tôi có cảm tưởng người trung tín và khôn ngoan là người tỉnh thức.

Họ phải tỉnh thức để tìm hiểu ý chủ. Phải tỉnh thức để đón chủ trở về. Phải tỉnh thức để canh chừng nhà cửa, đừng để trộm cắp xâm nhập phá hoại tài sản của chủ. Phải tỉnh thức để biết phân biệt thứ của cải nào là thứ tốt thiệt, cần tích trữ cho chủ. Phải tỉnh thức để biết đón đúng giờ phục vụ những người trong nhà. Phải tỉnh thức để xây dựng và phát triển hoà khí giữa mọi người xung quanh.

Tỉnh thức như vừa mô tả vừa là một sự gắn bó với chủ, vừa là một sự cởi mở tỉnh táo với tình hình xung quanh.

Tỉnh thức như thế đòi phải có một trí khôn thông minh, vừa biết các nguyên tắc, vừa thấu hiểu tình hình cụ thể.

Sáng ngày 09-07-1989, lúc 10 giờ, Đức Hồng Y Roger Etchegaray tới Toà Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc tiếp đón ngài, Đức Hồng Y chỉ đáp từ ít tiếng, rồi ngài nói: “Tôi giống như trẻ nhỏ, cần ngủ. Tôi đang buồn ngủ vì đêm rồi thức khuya dậy sớm. Tôi xin phép được đi ngủ cho tới bữa ăn trưa”. Những lời chân thành hồn nhiên của ngài trên đây cho tôi thấy điều này là: Thức lâu, thức hoài thì khó mà tỉnh táo được. Tỉnh thức là việc không do ý chí đơn thuần, mà cũng lệ thuộc rất nhiều vào tình trạng quân bình của con người. Muốn trung tín với sứ mệnh của một chuyến đi dài, thì phải khôn ngoan giữ cho mình một tình trạng quân bình về sức khoẻ thể xác, tâm lý, thần kinh, lý trí và trái tim, biết sáng suốt thẩm định hoàn cảnh và sức mình để rồi cũng biết uyển chuyển thay đổi phương án cho thích hợp, để đạt được mục đích chính sau cùng. Nếu không thì dù có thức, nhưng không có tỉnh, có trung tín mà lại thiếu khôn ngoan.

Cuộc đời mỗi người chúng ta là một chuyến đi dài. Trong chuyến đi này, Chúa mời gọi chúng ta cộng tác với Chúa trong việc loan báo Tin Mừng, để mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, và Hội Thánh Chúa là dấu chỉ và là dụng cụ của sự kết hợp với Chúa và đoàn kết với nhân loại.

Phải luôn luôn nhìn mục đích đó, phải luôn trung tín với mục đích đó, phải khôn ngoan phấn đấu cho mục đích đó. Với tất cả tâm hồn tỉnh thức của người con Chúa, tuyệt đối quyết tâm thuộc trọn về Chúa, trong tinh thần mến Chúa yêu người tha thiết chân thành.

Lạy Chúa, có lúc con đã nghĩ rằng: Theo ý con thì sự khôn ngoan của Chúa đáng lẽ không nên để có mặt con trên trái đất này. Thế mà Chúa đã dựng nên con, Chúa đã gọi con, Chúa đã chọn con. Con cúi đầu cảm tạ lòng thương xót Chúa. Xin Chúa sống trong con, để với tinh thần Chúa, con biết phục vụ Nước Chúa như một người đầy tớ trung tín và khôn ngoan của Chúa.

*****

Lời Chúa (Lc 12,32-34):

“Hỡi đoàn con bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban Nước Trời cho các con. Các con hãy bán những gì các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó”.

Long Xuyên, ngày 30-08-1998 (Chúa Nhật 19 - C)

+ Gioan B. Bùi-Tuần, giám mục phó Long Xuyên


 

Bùi-Tuần 0191: SỰ CỌ SÁT GIỮA NHỮNG KHÁC BIỆT 1989


- TN20 –C

 

Mới rồi, một tờ báo có thuật lại một chuyện thời xưa. Chuyện đại khái: 1989 Bùi-Tuần 191


Mới rồi, một tờ báo có thuật lại một chuyện thời xưa. Chuyện đại khái như thế này: Một vị vua, khi bàn bạc việc nước với quần thần, mà không thấy ai có ý kiến nào khác ý vua. Hơn nữa, mọi người đều tỏ vẻ hoan hỉ, nhất trí ngợi khen vua, thì sau Hội Nghị, vua tỏ vẻ lo. Có người hỏi tại sao vua lo, thì vua trả lời: Trong cả triều đình bao la mà không có ai có ý kiến, khác ý kiến của ta, thì một là triều đình không ai giỏi bằng ta, mà ta đâu có giỏi. Hai là có người giỏi, nhưng thụ động, không chịu suy nghĩ, hoặc vì xu nịnh không dám nói ý của mình ra. Đàng nào cũng là nguy cơ cho đất nước.

Thiên hạ thời sau rất khen vị vua này. Vì vua đó là người cởi mở, cầu tiến, biết trọng những ý kiến khác biệt, coi đó như một dấu chỉ tốt, đáng mừng cho đất nước đi lên.

Chuyện trên đây có thể áp dụng cho bất cứ xã hội nào, dù đời dù đạo, dù lớn dù nhỏ. Chủ yếu chuyện đó muốn dạy một bài học, đó là: Nên khuyến khích có những khác biệt, đôi khi cũng phải chấp nhận chống đối, biết dùng những yếu tố đó một cách khôn khéo mới tiến bộ được. Đó là thực tế lịch sử đời đạo.


Vì thế, khi đọc bài Phúc Âm hôm nay, nói về những cọ sát gay gắt giữa những khác biệt và mâu thuẫn trong cộng đoàn, tôi có cảm tưởng là Chúa Giêsu muốn nói về một thực tế có chiều hướng tích cực. Chính Chúa muốn cảnh đó xảy ra, vì lợi ích cho cá nhân và cho cộng đoàn.

Bởi vì, như Chúa đã nói ở đầu bài Phúc Âm hôm nay, Chúa đem lửa xuống thế gian. Chúa muốn đốt tất cả mọi lòng người. Chúa thao thức rạo rực, bao lâu lửa ấy vẫn chưa bén được vào trái tim con người. Mà thực tế nhiếu nơi là như vậy. Đại đa số vẫn cứ trầm mình vào cảnh tự mãn hẹp hòi tăm tối. Để thức tỉnh họ, để lôi kéo họ ra tình trạng ù lì, chậm tiến và sai lầm, Chúa làm nổ ra những xung đột giữa các khuynh hướng khác nhau. Có những đấu tranh. Có những chống đối. Tình hình đó bắt mọi người phải suy nghĩ, phải cố gắng tốt hơn, nếu muốn tồn tại.

Tôi nghĩ rằng: Với đà cởi mở hiện nay, đất nước Việt Nam, Hội Thánh Việt Nam đang bước vào giai đoạn đó.

Trong các họ đạo, trong các gia đình, trong các cộng đoàn, thế hệ trẻ với não trạng mới đang dần dần vẽ nên bức ảnh Phúc Âm hôm nay tiên báo.

Để diễn tiến này không trở thành tiêu cực, những bậc phụ huynh, và những ai có trách nhiệm huấn luyện con người, cần biết đưa đạo đức và tinh thần đối thoại, tinh thần tranh luận, vào tinh thần gặp gỡ những khác biệt.

Sau đây là những gợi ý rút ra từ tinh thần thông điệp “Hoà Bình trên trái đất”, có thể áp dụng vào các trao đổi và các tranh luận:

- Một là phải thực hiện bằng những sự thực. Đừng hồ đồ, vu khống, xuyên tạc, gian dối, thành kiến.

- Hai là phải xây dựng trên nền tảng công bình, biết tôn trọng kẻ khác và quyền lợi kẻ khác.

- Ba là tiến hành trong bầu khí bác ái, từ động lực bên trong, đến giọng nói bên ngoài. Đừng dễ hận thù, ghen ghét, ích kỷ chi phối.

Lạy Chúa, nếu chính Chúa đã muốn xảy ra những khác biệt, thì xin Chúa thương giúp chúng con biết hiểu đúng và biết dùng đúng những khác biệt đó, để Nước Chúa trong con và trong tất cả mọi người, được mở rộng theo chương trình quan phòng của Chúa.

+ Gioan B. Bùi-Tuần, giám mục Long Xuyên.


 

Bùi-Tuần 0192: CỬA HẸP 10-09-1989


- TN21-C

Long Xuyên

 

Trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu nói: Cửa vào Thiên Đàng: 10-09-1989 Bùi-Tuần 192


Trong bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu nói: Cửa vào Thiên Đàng là cửa hẹp. Cửa hẹp là một hình ảnh tiêu biểu cho một thái độ. Theo tôi, thái độ đó là thái độ khiêm tốn.

Trước hết là khiêm tốn trong việc đánh giá mình và xét đoán kẻ khác. Đừng như những người hỏi Chúa hôm nay. Họ đã tự đánh giá mình quá cao, dựa vào sự họ năng lui tới Chúa, năng có mặt ở các nơi Chúa giảng, thuộc lòng những lời Chúa dạy. Họ tưởng như thế là họ chắc chắn được vào Thiên Đàng. Và từ ảo tưởng và tự mãn đó, họ cho rằng: Những ai không làm như họ, sẽ không được vào Thiên Đàng. Nhưng, Chúa đã cho họ biết: Khi họ gõ cửa Thiên Đàng, họ sẽ được trả lời rằng Chúa không biết họ là ai. Đang khi đó, vô số người Đông Tây Nam Bắc, mà trước đây họ khinh thường, sẽ được đón vào Thiên Đàng. Cái sẽ cản trở họ không vào được Thiên Đàng, chính là cái tôi tự mãn quá lớn của họ.

Ngoài ra, bao lần Chúa đã khuyên môn đệ rằng: Hãy biết khiêm nhường khi mình thành công. Đừng khoe khoang, kẻo tiếng khen đời này sẽ trở thành phần thưởng cho họ rồi. Mặc dù thành công, hãy khiêm tốn coi mình như đầy tớ vô ích, chỉ làm theo đúng bổn phận của mình. Còn trong trường hợp lỗi lầm, Chúa khuyên họ hãy khiêm tốn ăn năn. Kẻ có tội, biết khiêm nhường thống hối, vốn được Chúa thương yêu tha thứ, khác với kẻ không phạm tội, nhưng kiêu kỳ tự mãn. Lúc đó, sự kiêu căng tự mãn, lại trở thành một tội xấu xa đầy nguy hiểm, bởi vì thiếu thống hối ăn năn.

Khiêm nhường tự hạ là một đức tính Chúa căn dặn các môn đệ rất kỹ. Khiêm nhường khi cầu nguyện dâng lễ. Khiêm nhường trong sự chọn chỗ trong các đám tiệc. Khiêm nhường trong sự tha thứ và làm cho nhau nên tốt, dù có vì thế mà phải rửa chân cho nhau.

Theo ý Chúa dạy, muốn vào Thiên Đàng thi phải khiêm tốn như kẻ cúi đầu khom lưng lách mình qua cửa hẹp. Muốn vào Thiên Đàng thì phải bé nhỏ như những trẻ thơ. Về điểm này Chúa nói rất rõ: Các trẻ thơ và những ai giống trẻ thơ sẽ được vào Thiên Đàng.

Lạy Chúa, trong các tội chúng con hay phạm, thường không phải là những tội nghịch đức tin, mà thường là những tội nghịch đức bác ái, đức công bình và đức khiêm tốn. Xin Chúa giúp chúng con năng xét mình, và biết ăn năn sửa mình cách riêng về những lỗi lầm đó. Xin uốn nắn lòng chúng con trở nên giống trái tim Chúa, hiền lành, khiêm nhường, và đầy tính bác ái, để chúng con biết đi vào cửa hẹp mà vào Thiên Đàng.

Long Xuyên, ngày 10-9-1989

+ Gioan B. Bùi-Tuần Giám Mục Phó Giáo Phận Long Xuyên


 

Bùi-Tuần 0193: KHIÊM TỐN 17-09-1989


- TN22-C

Long Xuyên

 

Có nhiều lần dự tiệc, tôi đã chứng kiến một cảnh ồn ào mất trật tự: 17-09-1989 Bùi-Tuần 193


Có nhiều lần dự tiệc, tôi đã chứng kiến một cảnh ồn ào mất trật tự kéo dài nhiều phút. Lý do là vì xem ra ai cũng muốn ngồi ở những bàn cuối phòng ăn, còn bàn danh dự thì bỏ trống. Nhiều người, khi mời lên, cứ mãi vùng vằng từ chối. Phải đun đẩy, phải giằng co hồi lâu rồi mới êm!

Có nhiều lần tham dự thánh lễ, tôi cũng chứng kiến những cảnh tương tự, các ghế cuối thì chen chúc, đang khi các ghế đầu vẫn còn thưa thớt. Cha thầy và mấy ông chức việc phải mời người này, kéo người nọ. Mãi rồi mới ổn!

Không biết những cảnh như thế đã xảy ra, có phải do ý muốn áp dụng bài Phúc âm hôm nay không. Bởi vì bài Phúc âm hôm nay dạy phải nhường chỗ trên, chọn chỗ rốt hết, nhưng nếu thực sự những cảnh lộn xộn trên đây được cắt nghĩa như là cách áp dụng bài Phúc âm hôm nay, thì thiết tưởng cần xem xét lại. Vì cách đó làm mất trật tự, mất thời giờ. Đàng khác, thực tế cho thấy: Nhiều kẻ ngồi chỗ dưới mà kiêu căng, nhiều kẻ ngồi trên mà khiêm tốn. Hơn nữa, nhiều lúc ngồi trên là một cực hình, còn ngồi dưới lại tự do thoải mái.

Những thực tế trên đây giúp tôi hiểu bài Phúc âm hôm nay hơn.

Trước hết, điều Chúa chê bát hôm nay là sự tự nâng mình lên. Chỗ ngồi ở bàn ăn chỉ là một hình ảnh. Sự Chúa muốn nói qua hình ảnh đó là sự dành uy tín, danh vọng trong dư luận, trong cộng đoàn. Tự mình nâng mình lên là tự ái, tự đắc, tự tôn, tự đại, tự mãn, muốn trên người bằng cách phô trương, muốn hơn người bằng cách hạ kẻ khác xuống. Khi chưa được, thì mơ tưởng ước ao ghen tức. Khi đang thành hình, thì phấn đấu giành giựt, thủ đoạn. Khi đã có thì hả hê khoái trá, kiêu căng.

Ngoài ra, điều Chúa ngợi khen hôm nay là sự khiêm tốn. Sự khiêm tốn thực ở tại sự nhận biết sự thực và làm theo sự thực một cách đơn sơ chân thành.

Trật tự là một sự thực cần được tôn trọng. Trong gia đình, nhà trường, nhà thờ, giáo xứ, giáo phận, xã hội, đâu cũng cần có trật tự riêng của nó. Biết vị trí của mình ở chỗ nào, thì hãy đứng đúng vào chỗ đó, vâng phục trật tự chung là khiêm tốn.

Bản thân mình là một sự thực. Trước mặt Chúa và Hội Thánh, ta vẫn tự xưng mình là kẻ tội lỗi, rất cần được tha thứ và nâng đỡ. Cứ luôn sống theo sự thực đó, tức là khiêm tốn.

Mỗi người xung quanh ta là mỗi sự thực khác nhau. sự thực nào cũng phức tạp. Phương chi sự thực về con người. Nếu bản thân ta là một sự thực rất phức tạp, chẳng ai sẽ hiểu hết, biết đúng, thì bản thân những người khác cũng là sự thực rất phức tạp, chắc chắn ta sẽ không thể nào hiểu hết và biết đúng được. Vì thế, đừng hồ đồ, đừng suy đoán xấu, đừng kết án, đừng nói xấu, nói hành, bỏ vạ, cáo gian. Chúa dạy như vậy. Lời Chúa là sự thực. Cứ thực hành đúng Lời Chúa và giữ những liên hệ tốt với tha nhân, thì đó là khiêm tốn. Và sự khiêm tốn này luôn đi liền với bác ái, điều mà cuối bài Phúc âm hôm nay đã nhắn nhủ qua những lời khuyên hãy nhớ tới những kẻ khó nghèo.

Lạy Chúa Giêsu của con, sự khiêm tốn quan trọng nhất Chúa vẫn dạy con, và cũng là một sự thực căn bản nhất, đó là biết mình hèn yếu, nên luôn nhìn lên Chúa, Đấng cứu độ của con. Chỉ có Chúa là Đấng cứu độ con. Chỉ có Chúa là Đấng cứu độ loài người. Xin ban cho con biết gắn bó với Chúa mật thiết thường xuyên. Chỗ con muốn dành, chính là chỗ trong Trái Tim Chúa. Bởi vì con yếu đuối, chỉ biết cậy tin phó thác vào tình Chúa xót thương mà thôi.

Long Xuyên 17-9-1989

+ Gioan B, Bùi-Tuần, giám mục Phó Giáo Phận Long Xuyên


 

Bùi-Tuần 0194: HY SINH CHO TÌNH YÊU TUYỆT ĐỐI


- TN23-C24-09-1989

Long Xuyên

 

Hôm rồi, gặp một người Công giáo, tôi hỏi thăm họ lâu nay có lui tới: 24-09-1989 Bùi-Tuần 194


Hôm rồi, gặp một người Công giáo, tôi hỏi thăm họ lâu nay có lui tới nhà thờ, ít là lễ Chúa nhật không. Thì người đó thưa: Con lu bu quá, con đâu có ở không. Hết việc gia đình đến việc xã hội. Không còn giờ nào rảnh cả. Nghe câu trả lời đó, tôi buồn. Tôi thấy Chúa đã bị xếp hàng vào thứ yếu. Người ta tìm đủ cách để cân bằng các liên hệ gia đình với các liên hệ xã hội. Còn liên hệ với Chúa thì xem ra không thành vấn đề, hoặc chỉ là vấn đề rất phụ. Đó là chủ nghĩa tương đối hoá áp dụng cả với Chúa.

Suy nghĩ tình trạng trên đây dưới ánh sáng bài Phúc Âm hôm nay, tôi thực sự lo âu. Bởi vì trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết điều này là: Sự gắn bó với Chúa phải là một sự gắn bó tuyệt đối. Chúa đòi những ai muốn làm môn đệ Chúa phải dấn thân một cách tuyệt đối. Chúa diễn tả tính cách tuyệt đối ấy bằng những hình ảnh chọn lựa quyết định: Phải sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình. Phải vác thánh giá mình mà đi theo Chúa. Đó là một thái độ, một tư thế nói lên Chúa là tuyệt đối, và sẵn sàng chấp nhận bất cứ hy sinh nào miễn là được theo Chúa đến cùng.

Bình thường, đời sống đức tin không đòi hỏi những hy sinh lớn lao. Nhưng không vì thế mà được tưởng nghĩ rằng ngọn lửa đức tin trong lòng ta sẽ cứ cháy hoài, mà không cần đến củi hy sinh. Đức tin phải là một tình yêu rực cháy, vừa gắn bó với Chúa, vừa sưởi ấm những người xung quanh, vừa thanh luyện chính bản thân ta. Nếu có lò lửa, có củi, nhưng củi không được ném vào lò lửa, thì lửa sẽ tàn dần. Cũng vậy, lửa đức tin là do Chúa đốt lên trong hồn ta, củi là những hy sinh vốn đi liền với sự ta tuân giữ các giới răn Chúa trong việc chu toàn bổn phận mến Chúa yêu người. Bỏ củi vào lửa là việc của ta.

Theo tạp chí “Tân Phúc Âm hoá năm 2000”, số 8, phát hành tại Ý thì hiện nay số người Công giáo tại Pháp đi lễ Chúa nhật vào khoảng 10%, số người Công giáo tại Rôma, thủ đô Giáo Hội, đi lễ Chúa nhật vào khoảng 15% (Đa số không đi lễ). Còn theo tạp chí “Học hỏi” tháng 3, 1989, phát hành tại Pháp, thì số người đi lễ Chúa nhật ở Cộng hoà liên bang Đức đang đà giảm sút. Năm 1955 là 60%. Năm 1970 là 37%. Năm 1985 là 25%. Đa số không đi lễ, dù thứ bảy, dù Chúa nhật, không phải vì họ bận công việc làm ăn, mà là bận đi chơi, bận giải trí. Như thế, nhu cầu liên hệ với Chúa không những bị xếp sau nhu cầu làm ăn, mà còn sau cả nhu cầu giải trí nữa. Không còn chút hy sinh nào cho Chúa cả.

Tình hình đáng buồn trên đây đang lan tràn ở nhiều nước phát triển văn minh vật chất. Ta nên biết sự thực đó, để có một cái nhìn xa, như Chúa khuyên trong bài Phúc Âm hôm nay về sự xây tháp và giao chiến.

Nhìn xa ở đây là muốn xây dựng đời sống đạo, thì phải làm nền, làm móng cho sâu, cho vững. Nhìn xa ở đây là muốn đối phó với mặt trận ma quỉ thế gian xác thịt luôn tìm cách phá hoại đức tin, thì phải chuẩn bị cho mình và cho cộng đoàn đức tin của mình thực lực thiêng liêng.

Sống đức tin là sống gắn bó với một Đấng Tuyệt đối. Số phận đời đời của ta sẽ tuỳ thuộc vào sự gắn bó đó. Sẽ không thể có một sự gắn bó xứng đáng, nếu không phấn đấu, nếu không hy sinh.

Lạy Chúa Giêsu, con hết lòng cảm tạ Chúa đã ban cho con những thánh giá. Toàn là những thánh giá nhỏ, bởi vì Chúa biết con yếu đuối. Dù thế, xin Chúa thương giúp con vác những thánh giá ấy, để con nói lên lòng con tin mến Chúa. Nếu con vấp ngã, xin Chúa nâng con dậy. Con tin: Trong tay Chúa, con sẽ đi theo Chúa tới cùng.

Long Xuyên, ngày 24-09-1989

+ Gioan B. Bùi Tuần Giám mục Long Xuyên


 

Bùi-Tuần 0195: THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU 1989


- TN24-C

 

Một lần, tôi cắt nghĩa Phúc Âm bằng tranh ảnh cho một người ngoại: 1989 Bùi-Tuần 195


Một lần, tôi cắt nghĩa Phúc Âm bằng tranh ảnh cho một người ngoại đạo. Tôi cho họ xem bữa tiệc ly, và cắt nghĩa chút ít về phép Thánh Thể. Nghe xong, họ có vẻ dửng dưng. Chỉ nói: Ngộ quá. Tôi lại cho họ xem ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh, và cũng cắt nghĩa đôi chút về cuộc tử nạn của Chúa. Nghe xong, họ cũng như thường. Chỉ nói: Tội nghiệp cho Chúa. Tôi lại cho họ xem ảnh Chúa vác con chiên trên vai, và tiếp đó là ảnh Chúa ôm hôn một chàng thanh niên gầy ốm rách rưới. Tôi cắt nghĩa vài lời về lòng Chúa xót thương đi tìm con chiên lạc, vác nó trên vai, và vui mừng đón đứa con phung phá trở về, như bài Phúc Âm hôm nay diễn tả. Nghe xong, họ tỏ vẻ xúc động, nói: Chúa thực dễ thương. Và từ bức ảnh đó, chúng tôi đã trao đổi với nhau về đạo, về Chúa và về Hội Thánh.

Thì ra hình ảnh của bài Phúc Âm hôm nay đã là hình ảnh thực sự truyền giáo. Thái độ xót thương của Chúa đối với những kẻ lầm đường lạc lối đúng là một sức mạnh lôi cuốn. Trái tim đầy tình nhân ái của Chúa chính là chìa khoá mở cửa lòng người. Chúa đã dùng chìa khoá đó để mở cửa lòng các tông đồ và quần chúng trong Phúc Âm. Chúa vẫn dùng chìa khoá đó để mở cửa biết bao tâm hồn trong lịch sử mọi thời mọi nơi.

Điều đáng nói nhất ở đây là Chúa cũng đã dùng chìa khoá ấy để mở cửa lòng ta. Mỗi người chúng ta, dưới góc độ nào, đều là đứa con phung phá, đã được Chúa xót thương tha thứ, không phải một lần, mà là nhiều lần.

Thiên Chúa là Tình yêu, đó là điều không thấy nêu lên trong kinh Tin Kính. Nhưng tôi vẫn coi đó là một tín điều lớn nhất, quan trọng nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trên con đường phần rỗi.

Khi nhận thức được Thiên Chúa là Tình Yêu thương, không phải chỉ chung chung đối với nhân loại, mà là cách riêng đối với cá nhân ta, trong thâm tâm lòng ta, suốt dọc đời ta, từng ngày từng tháng từng năm, ta mới thấy được sự ta được Chúa yêu thương chính là một kho tàng quý báu nhất của ta.

Chúa yêu thương tôi, Chúa đi tìm tôi, Chúa ẵm tôi như ẵm con chiên lạc, Chúa ôm hôn tôi như đã hôn đứa con phung phá trở về. Những sự đó đã diễn ra trong đời tôi. Đó là chuyện đời tôi. Hiểu biết như vậy, ta sẽ cảm thấy tình yêu Thiên Chúa là một sự thực ngọt ngào ta thấy được rõ ràng ngay trong máu thịt ta.

Và tất nhiên là ta phải cảm tạ Chúa đến muôn đời vì ơn được Chúa yêu thương. Bình thường, khi được người nào yêu thương, ta vẫn coi là một may mắn, một vinh dự. Còn khi ta được chính Thiên Chúa cao cả yêu thương, ta có biết coi đó là một ân huệ lớn lao, đòi ta phải biết ơn không?

Một hôm, tới một vùng sâu làm lễ, tôi gặp một nhóm người từ rất xa đến. Nơi họ ở không có nhà thờ, không hề bao giờ có thánh lễ. Muốn đi lễ, họ phải chèo xuồng hơn 10 cây số mới tới được nhà thờ gần nhất. Một người gặp tôi đã nói: “Xin cha giúp chúng con sống thân thiết với Chúa Giêsu hơn”. Lời chân thành ấy đã làm tôi sửng sốt. Nó cho tôi thấy: Có những người sống nghèo túng, thiếu cả những phương tiện tối thiểu để lui tới các bí tích, thế mà lòng họ lại thường xuyên thao thức với tình yêu Thiên Chúa, họ coi sự sống thân thiết với Chúa Giêsu là một bổn phận cao quí, một hạnh phúc lớn lao của họ. Đang khi đó, biết bao người có của cải, có thời giờ, có phương tiện, ở gần nhà thờ có thánh lễ hằng ngày thì lại dửng dưng, như thể tình yêu Thiên Chúa không phải là sự gì thiết thân của họ. Chúng ta có thuộc vào hạng người như thế không?

Lạy Chúa, trong bóng tối dày đặc của sự ác đang bao phủ thế gian, con vẫn được Chúa trao cho một ngọn đèn thực sáng, đó là niềm tin và tình yêu xót thương của Chúa. Nhờ ngọn đèn đó, con vẫn nhìn thấy hy vọng, con vẫn thấy được bàn tay vô hình của Chúa trong mọi biến cố xảy ra. Con hết lòng cảm tạ Chúa đã ban cho con ngọn đèn ấy. Điều con cầu nguyện thiết tha hôm nay là xin Chúa thắp lên trong lòng mọi người có đạo niềm tin sáng ngời ấy, niềm tin vào tình yêu xót thương của Chúa.
+ Gioan B, Bùi Tuần, Giám mục Long Xuyên

1990


 

Bùi-Tuần 0196: LINH MỤC LÀ AI? 18-01-1990


Lễ đồng tế dịp cấm phòng năm  Long Xuyên

 

Lúc này, trên cung thánh nhà thờ Chánh toà Long Xuyên, đang có 125: 18-01-1990 Bùi-Tuần 196


Lúc này, trên cung thánh nhà thờ Chánh toà Long Xuyên, đang có 125 linh mục đồng tế. Với con số linh mục tương đối đông đảo khác thường này, linh mục đang trở thành đối tượng và đề tài cho nhiều suy nghĩ. Nhiều con mắt đang nhìn về linh mục. Nhiều miệng lưỡi đã hỏi bàn về linh mục. Nhiều lòng trí đang thắc mắc về linh mục.

Linh mục là ai?

Có nhiều câu trả lời. Riêng tôi, tôi xin trả lời thế này: Linh mục là người của những liên đới căn bản Thiên Chúa giáo.

Thực vậy, bản chất linh mục được xây dựng bằng ba sợi giây liên đới quan trọng sau đây:

1. Một là sợi giây giữa linh mục và Thiên Chúa.

Linh mục phải là người được Chúa gọi một cách đặc biệt, và phải là người dâng mình cho Chúa một cách đặc biệt. Ngài là người của Thiên Chúa.

2. Hai là sợi giây giữa linh mục và Hội Thánh Chúa Giêsu.

Linh mục phải là người được Hội Thánh Chúa Giêsu huấn luyện đào tạo, được Hội Thánh Chúa Giêsu truyền chức, và được Hội Thánh Chúa Giêsu sai đi. Ngài phải hoạt động tôn giáo trong tin thần hiệp thông với các bề trên trong đạo của ngài và với dân Chúa. Linh mục là người của Hội Thánh Chúa Giêsu.

3. Ba là sợi giây giữa linh mục và nhân loại nói chung, và đoàn chiên, đồng bào của ngài nói riêng.

Linh mục được chọn vì lợi ích của đoàn chiên và của đồng bào. Ngài được sai đến một địa điểm, để phục vụ đồng bào có đạo ở đó, và cũng để chia sẻ Tin Mừng cho các đồng bào ngoại đạo ở địa phương đó. Linh mục là người của con Chúa, của dân Chúa.

***

Ba sợi giây liên đới trên đây là rất cần thiết không thể thay thế được.
Do đó, muốn đánh giá một linh mục, người ta cần phải tham chiếu vào ba liên đới đó:

- Một là sự nhiệt tình gắn bó với Thiên Chúa.
- Hai là sự nhiệt tình gắn bó với Hội thánh.
- Ba là sự nhiệt tình gắn bó với đoàn chiên, và với dân tộc của mình.


Khi linh mục xây dựng, bảo vệ và phát triển các giây liên đới đó, ngài vừa phải hoà mình vào tập thể, mà cũng vừa phải bước đi đơn độc một mình.

Ngài hoà mình vào tập thể tín hữu và đồng bào. Bởi vì ngài ý thức lời Chúa dạy: Hãy là men, hãy là muối.

Ngài phải bước đi đơn độc một mình. Bởi vì ngài biết Chúa đòi hỏi: ©Ai không từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa, thì không xứng đáng là môn đệ Chúa. Từ bỏ mình, vác thánh giá mình, đó là những việc chẳng ai làm thay mình, vì đó là những việc riêng mình. Cái đơn độc là ở chỗ đó.

Nhưng dù khi đơn độc, dù khi hoà mình, linh mục vẫn chọn cuộc sống con người là con đường mình phải dấn thân vào, để phục vụ Hội Thánh, để loan báo Tin Mừng, để phượng thờ Thiên Chúa. Hợp như lời Đức Thánh Cha Giaon Phaolô II dạy: ©Con người là con đường của Hội Thánhª.

Trên con đường cuộc sống của đồng bào, linh mục muốn là khí cụ bình an của Chúa, với những chi tiết ©Kinh Hoà Bìnhª của thánh Phanxicô: ©Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầmª.

Tuy nhiên, ba sợi giây liên đới nơi linh mục sẽ tốt nhiều hay ít, cái đó còn tuỳ thuộc một phần ở sự cộng tác của đoàn thể tín hữu. Vì thế, tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy quãng đại trong việc cộng tác với các linh mục. Cộng tác với các linh mục, là lo cho việc Chúa, là lo cho việc Hội Thánh, và cũng là lo cho việc của chính anh chị em. Cách riêng, xin hãy cầu nguyện cho các ngài, và cho tôi nữa. Xin cảm ơn anh chị em.

Lễ đồng tế trong dịp cấm phòng năm tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, ngày 18-01-1990

+ Gioan B. BÙI-TUẦN, Giám mục giáo phận Long Xuyên

1991


 

Bùi-Tuần 0197: MỞ LÒNG TA RA VỚI NGƯỜI NGHÈO 15-02-1991


Xuân Tân Mùi Long Xuyên

 

Ngày đầu năm, anh chị em đến nhà thờ, đó là một việc làm đẹp, mang nhiều ý nghĩa. Đối với Chúa: 15-02-1991 Bùi-Tuần 197


Ngày đầu năm, anh chị em đến nhà thờ, đó là một việc làm đẹp, mang nhiều ý nghĩa. Đối với Chúa, cái đẹp nhất là ở trong trái tim mỗi người. Nếu trong trái tim ta có tình mến Chúa thiết tha nồng nàn và có một tình thương người chân thành vĩ đại, thì đó là lễ vật mà Chúa ưa thích nhất. Lễ vật như thế là một lễ vật vô hình, nên ta dễ ảo tưởng. Để giúp ta nhìn rõ lòng mình, Chúa lưu ý đặc biệt đến những việc bác ái từ thiện.

Chẳng hạn qua tiên tri Isaia, Chúa cho biết: Chúa yêu thích việc bác ái hơn là sự giữ chay (Is 58, 1-9). Qua thánh sử Luca, Chúa cho thấy: Chúa thích đến với những người tội lỗi để giúp họ ăn năn sám hối, hơn là đến với những người công chính (Lc 5, 27-32). Qua thánh sử Matthêu, Chúa khẳng định là Chúa quí trọng việc hòa giải hơn là sự dâng lễ (Mt 5, 20-26); Và cũng qua thánh sử Matthêu, Chúa báo trước là Chúa sẽ căn cứ vào các việc bác ái từ thiện mà thưởng phúc thiên đàng cho người ta, hơn là căn cứ vào các việc khác (Mt 25, 31-46).

Khi biết rõ thánh ý Chúa như trên, tôi mới thấy tinh thần bác ái chính là tiếng gọi Phúc Âm rất quan trọng mà Chúa muốn nhắn gởi con cái Người ngay ngày đầu năm. Nhất là vì tình hình thực tế chung quanh ta đang đánh thức lương tâm chúng ta.

Tôi thấy lúc này, xung quanh tôi, số người nghèo đông hơn là tôi tưởng. Nghèo là không có đủ gạo ăn, không có đủ áo mặc, không có đủ thuốc uống, không có đủ nhà ở. Tôi cũng thấy lúc này xung quanh tôi, có những cảnh nghèo bi đát hơn là tôi tưởng. Hiện tại của họ dày đặc những bóng tối, mà tương lai của họ không có một tia sáng hy vọng nào. Tôi cũng thấy lúc này xung quanh tôi, hậu quả của cảnh nghèo đang dẫn tới những bước đi xuống sâu hơn là tôi đã tưởng. Suy giảm về sức khỏe, suy giảm về học hành, suy giảm về niềm tin, suy giảm về những liên hệ xã hội, đồng thời lại tăng thêm những cái nhìn cay đắng đối với tất cả những gì là phô trương của các thế lực chính trị, tôn giáo và xã hội.

Nếu đúng là đang có một sự thức tỉnh của đám đông nghèo, thì những người tin Chúa càng cần phải thức tỉnh nhiều hơn, để biết cùng với Đức Kitô cứu chuộc, mở lòng mình ra về phía những người nghèo. Khi biết mở ra, ta thấy những người nghèo cho ta nhiều hơn là ta tưởng.

Trên đây là những lời tâm sự đầu năm của tôi. Tôi biết là những lời tâm sự trên đây cũng chính là những thao thức của anh chị em lúc này. Và tôi cũng thấy lòng tốt của anh chị em rộng lớn hơn tôi tưởng. Chắc Chúa rất vui mừng khi nhìn thấy lòng tốt của anh chị em. Sang năm mới, tôi cầu chúc cho lòng tốt của anh chị em được tốt thêm, tốt mãi.

Xin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót luôn xót thương chúng ta và mọi người cần đến lòng thương xót của Người.

Xuân Tân Mùi tại nhà thờ Chánh Tòa Long Xuyên, ngày 15-02-1991.


 

Bùi-Tuần 0198: CHÚA THÁNH THẦN VÀ NGƯỜI NGHÈO KHO


 - Luca 4, 16-22a 25-02-1991

Lễ Thêm Sức  K. Thầy Ký

 

Đọc xong bài phúc âm hôm nay, tôi đã nói với Chúa Thánh Thần rằng: 25-02-1991 Bùi-Tuần 198


Đọc xong bài phúc âm hôm nay, tôi đã nói với Chúa Thánh Thần rằng: Xưa Chúa đã ngự trên Đức Kitô, đã xức dầu cho Đức Kitô và đã sai Đức Kitô, đem Tin Mừng đến cho người nghèo khó, nên xin Chúa Thánh Thần sai Đức Kitô đem Tin Mừng đến cho chúng con. Xưa Chúa Thánh Thần đã sai Đức Kitô đến chữa lành cho những người bệnh tật, đui què, mù điếc, thì hôm nay, chính chúng con, là những người bệnh tật thiêng liêng, nên xin Chúa Thánh Thần thương sai Đấng Cứu Độ đến chữa lành cho chúng con.

Tôi nói như vậy, với đức tin. Và đức tin như vậy, không phải là một sự tuyên xưng như khi chúng ta đọc kinh Tin Kính, cũng không phải là một sự tuyên hứa như khi chúng ta chịu phép Thêm Sức, mà đức tin này là một sự gặp gỡ sống động, khiêm tốn và phó thác.

Sống động có nghĩa là: Khi tôi nói với Chúa như vậy, tôi tin Chúa ở trước mặt tôi, tôi tin Chúa đang nhìn tôi, nhất là tôi tin Chúa đang yêu thương tôi. Và sự gặp gỡ này phải rất khiêm nhường, có nghĩa là tôi nói với Chúa mà trong lòng mình tin nhận mình yếu đuối, tội lỗi, bất lực, tự sức mình không thể cứu được mình. Và sự gặp gỡ giữa tôi với Chúa cũng phải rất mực phó thác, có nghĩa là tôi tin Chúa quyền năng và yêu thương tôi vô cùng, nên tôi đặt mình trong bàn tay quyền năng thương xót của Chúa.

Nói đến lòng tin sống động, khiêm nhường và phó thác, tôi nghĩ tới một số gia đình nghèo, mà tôi đã đến thăm trong dịp tết vừa qua. Tôi nhớ tới một ông già ho lao, kiệt sức, nằm ở sàn nhà như một giống không ra người, như một mớ giẻ rách. Tôi nhớ tới một bà già mù như da bọc xương. Tất cả đều cùng cực nghèo khổ, không đủ cơm ăn, không có thuốc uống, không có áo mặc, không có giường nằm. Tôi chắc chắn là những người nghèo ấy biết chắc tự sức mình không thể thoát khỏi cảnh nghèo túng, khỏi cảnh bệnh tật như vậy. Và tôi cũng chắc chắn rằng, những người nghèo ấy, những người bệnh ấy không còn tin tưởng nào ở một người trên thế gian có thể cứu vớt được họ.

Nhưng họ có đức tin, họ đã cầu nguyện, cầu nguyện một cách đơn giản, cầu nguyện tự phát với tấm lòng trên môi, cầu nguyện với tất cả sự đau đớn của mình. Họ cầu nguyện không phải để xin phép lạ, cứu mình ra khỏi bệnh tật nghèo túng, mà chỉ cầu nguyện xin Chúa xót thương đến thân phận mình. Và tôi thấy kết quả là họ có một sự bình an trong tâm hồn, một sự bình an mà một người khỏe mạnh giàu sang, không cảm nếm được. Tôi đã thấy sự bình an trong tâm hồn của họ đúng là một phép lạ liên tục hiếm có.

Từ kinh nghiệm đó, tôi nhớ tới những bệnh tật ngay trong tâm hồn con người, những bệnh tật còn nguy hiểm và khó chữa hơn là những bệnh tật và cảnh nghèo túng vật chất. Một cảnh nghèo túng đã là khó cứu nỗi, một người mù, ho lao, còn khó chữa được, phương chi những bệnh tật trong tâm hồn. Tôi nghĩ là phải có một phép lạ nào đó mới có thể cứu vớt được.

Lúc nãy, khi bước vào trong nhà thờ này, tôi đọc thấy khẩu hiệu: “Xin Chúa Thánh Thần đổi mới tâm hồn các tín hữu”. Tôi thầm nói với Chúa Thánh Thần, xin Chúa đổi mới tâm hồn chúng con. Nhưng rồi, tôi nghe thấy tiếng Ngài nói với tôi: Không phải chỉ xin thôi, nhưng là phải xin với tâm hồn chay tịnh của Chúa Kitô trong sa mạc.

Chúng ta biết Chúa Kitô, Người trong sạch, Người vô tội, thế mà khi Người lên đường đổi mới các tâm hồn, Người đã vào trong sa mạc, ăn chay 40 ngày, không nhà cửa, không cơm nước, không có một vật gì che thân. Đó là một gương, để chúng ta biết: Muốn đổi mới tâm hồn của mình và đổi mới tâm hồn của những kẻ thuộc về mình, thì cần phải cầu nguyện như Chúa Kitô trong sa mạc.

Cầu nguyện là gặp gỡ, khiêm tốn, sống động phó thác, nhưng với lòng chay tịnh, với tinh thần chay tịnh, với một sự hãm mình nào đó. Bởi vì Chúa đòi của lễ, để Chúa ra tay cứu giúp chúng ta. Khi của lễ đã trọn, đã đầy, thì Chúa sẽ giúp chúng ta.

ở đây, tôi nhớ tới chuyện thánh Hiêrônimô, mà có lẽ anh chị em, những người mang tên thánh Hiêrônimô, đã có lần nghe. Người ta kể lại rằng: Thánh Hiêrônimô cầu nguyện trong hang đá, ở rừng vắng. Ngài thấy Chúa Giêsu trên cây thánh giá, hiện ra trong một lùm cây. Chúa Giêsu hỏi: Hiêrônimô, con cầu nguyện, mà con dâng cho Cha sự gì? Hiêrônimô thưa lại: Lạy Chúa, con cầu nguyện và con dâng cho Chúa sự ăn chay của con bằng ấy ngày đêm con chưa ăn, chưa uống gì. Con xin dâng cho Chúa. Chúa Giêsu trả lời: Tốt lắm, nhưng còn gì để dâng cho Cha nữa không? Thánh Hiêrônimô trả lời: Thưa còn. Con dâng cho Chúa sự thinh lặng của con, con rút lui vào rừng vắng để không nói với ai, để không nghe ai, để không tiếp xúc với ai, chỉ nghe Chúa, chỉ nói với Chúa, chỉ sống với Chúa. Con xin dâng sự thinh lặng của con cho Chúa. Chúa Giêsu đáp: Tốt lắm. Nhưng con còn gì thêm để dâng cho Cha không? Thánh Hiêrônimô thưa: Còn. Bởi vì con mới dịch sách thánh, con xin dâng Chúa bản dịch sách thánh của con, với những mồ hôi vất vả của con cho Chúa. Chúa trả lời: Tốt lắm. Nhưng con còn cái gì nữa không để dâng cho Cha? Thánh Hiêrônimô lúng túng, và Chúa Giêsu trả lời: Con còn sự yếu đuối, tội lỗi của con, con hãy dâng sự yếu đuối, tội lỗi của con cho Cha.

Câu chuyện trên đây nhắc nhủ chúng ta rằng: Khi chúng ta cầu nguyện, không những chúng ta phải gặp Chúa với tâm hồn sống động, khiêm tốn, phó thác, chay tịnh, mà còn phải có tâm hồn sám hối. Sám hối về những tội lỗi của mình. Sám hối về những tội lỗi của những kẻ thuộc về mình. Sám hối về tất cả những tội lỗi trong nhân loại, trong Hội Thánh, trong cộng đoàn của mình. Nếu chúng ta biết cầu nguyện như vậy, thì Chúa Thánh Thần sẽ đến với chúng ta, sẽ đổi mới tâm hồn của chúng ta.

Tôi nhìn về tương lai gần và xa, tôi thấy sẽ có những bất ngờ xảy ra cho chúng ta, có những bất ngờ dễ chịu, và có những bất ngờ rất khó chịu. Hãy biết cầu nguyện ngay từ bây giờ, để khi chúng ta gặp những thử thách, những bất ngờ khó chịu xảy ra, chúng ta giữ vững đức tin cho mình và cho những kẻ thuộc về mình. Biết bao sự chúng ta đã thấy trong giây phút đã trở nên số không, trong giây phút đã đổ vỡ tan tành. Đó là những kinh nghiệm về cuộc sống để chúng ta nhìn vào Chúa như một Đấng Cứu Độ duy nhất mà chúng ta cần phải bám víu vào một cách tuyệt đối, một cách phó thác với tấm lòng sám hối, với tinh thần chay tịnh sống động và khiêm tốn.

Trong tinh thần đó, giờ đây, chúng ta cùng các em tuyên xưng đức tin, để xin Chúa Thánh thần đến với chúng ta.

Lễ Thêm Sức, ngày 25-02-1991 tại kênh Thầy Ký, giáo xứ Thánh Gia.


 

Bùi-Tuần 0199: THÁNH Ý CHÚA CHA  26-02-1991


- Luca 10,21-24

Lễ Thêm Sức K.G2 Long Bình

 

Có lần đọc kinh Lạy Cha, đến câu: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng: 26-02-1991 Bùi-Tuần 199


Có lần đọc kinh Lạy Cha, đến câu: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Tôi ngẫm nghĩ trong lòng rằng: Ý Cha là gì để tôi thực hiện ý Cha dưới đất cũng như trên trời?

Tôi suy nghĩ hồi lâu, và tự nhiên tôi nhớ tới lời Chúa phán trong bài Phúc Âm hôm nay. Chúa Giêsu nói: “Thánh ý Chúa Cha là Chúa Cha đã trao mọi sự cho Chúa Con, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Chúa Con”.

Tôi nghe tiếng Chúa trả lời tôi trong lòng như vậy, tôi cảm thấy bình an, khoan khoái, vui mừng. Vì điều mà tôi băn khoăn tìm kiếm đã thấy rõ. Tôi tìm thánh ý Chúa Cha để thực hiện, thì hôm nay Chúa đã nói rõ: Thánh ý Chúa Cha, là hãy qua Đức Kitô, mà đến với Chúa Cha. Điều này, rất rõ ràng, rất dứt khoát, đó là thánh ý Chúa. Cho nên, chính Đức Kitô đã có lần khẳng định: “Ta là đường, Ta là sự thật, Ta là sự sống”. Có nghĩa là nếu ai không đi con đường Đức Kitô đã đi, người đó sẽ không tới được Đức Chúa Cha.

Nếu ai không học hỏi sự thật mà Đức Kitô đã giảng dạy, người đó sẽ lầm lạc. Nếu ai không có sự sống mà Đức Kitô đã sống, người đó sẽ không tham dự vào đời sống hạnh phúc trường sinh.

Các thánh tông đồ xưa, sống bên cạnh Đức Kitô đã nhận thức rất rõ điều đó, nên khi Đức Kitô về trời, các Ngài đã tập trung tất cả công việc rao giảng Tin Mừng vào Đức Kitô. Các Ngài kể lại lời Đức Kitô đã giảng. Các Ngài thuật lại các việc Đức Kitô đã làm. Các Ngài tả lại cuộc sống của Đức Kitô, cuộc khổ nạn và sự sống lại của Đức Kitô.

Và theo giáo lý các thánh tông đồ, chính Đức Kitô là Tin Mừng, chính Đức Kitô là Tin Mừng cứu độ. Sau thời các thánh tông đồ, Giáo Hội sơ khai vẫn tập trung lòng đạo vào Đức Kitô. Giáo lý, phục vụ đều tập trung và đề cao Đức Kitô: “Chỉ có Người là Chúa, chỉ có Người là Thánh, chỉ có Người là Đấng tối cao.... Chính nhờ Người, với Người, và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần”.

Đời sống đạo hồi đó, vì thế mà rất trong sáng, rất đơn sơ. Nhưng khi các thánh tông đồ đã qua đời rồi, thì dần dần, người ta đưa vào đời sống tôn giáo những lời về Chúa với nhiều màu sắc khác nhau, quá nhiều đến nỗi, ở nhiều nơi, những lời về Chúa lấn át những lời của Chúa.

Rồi người ta lại đưa vào đời sống đạo, những việc đạo đức mô phỏng việc đạo đức của Đức Kitô, đưa quá nhiều với nhiều màu sắc, đến nỗi những việc đạo đức mô phỏng việc đạo đức của Đức Kitô, che mờ đi chính việc của Đức Kitô.

Rồi người ta lại đưa vào đạo những đời sống gương mẫu bắt chước Đức Kitô, nhưng quá nhiều, và nhiều màu sắc, đến nỗi những cái bắt chước đó, lại làm biến dạng đi chính dung mạo Đức Kitô.

Rồi người ta có thói quen đề cao những vị đại diện Đức Kitô, các người trung gian của Đức Kitô quá nhiều với nhiều màu sắc, đến nỗi những dung mạo đó che khuất dung mạo thực sự của Đức Kitô.

Tình trạng đó đã dẫn Hội Thánh đến những chỗ suy yếu. Suy yếu về mặt đức tin, suy yếu về mặt truyền giáo. Nhiều nơi bỏ đạo. Nhiều nơi không còn có thể truyền giáo được nữa, bởi vì không qua Đức Kitô mà đến với Chúa Cha.

Nhận thấy tình trạng này, Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở cho mọi tín hữu: Hãy tập trung lòng đạo vào Đức Kitô. Tập trung vào Đức Kitô trong tu đức. Tập trung vào Đức Kitô trong giáo lý. Tập trung vào Đức Kitô trong việc truyền giáo. Tập trung vào Đức Kitô trong các tiêu chuẩn phán đoán nhận định. Những lời nhắn nhủ của Công Đồng Vatican II chẳng qua chỉ là nhắc nhở lại thánh ý Chúa Cha, là muốn phải qua Đức Kitô, để đến với Người, cũng chẳng qua là chỉ nhắc lại lời Đức Kitô đã khẳng định: Ta là đường, là sự thật, và là sự sống. Công Đồng Vatican II đã qua mấy chục năm nay rồi, thế nhưng nhiều nơi, nhiều người vẫn chưa tập trung lòng đạo vào Đức Kitô. Đến nỗi, mới rồi Đức Cha Matagrin, Tổng Giám Mục Grenobe đã đưa ra nhận xét này, là trong Giáo Hội Việt Nam, còn nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu. Kitô hữu là có Đức Kitô trong mình, là gắn bó với Đức Kitô, gắn bó với giáo lý Đức Kitô, là trung thành với Đức Kitô. Đức Kitô là trung tâm điểm của đời mình, nhiều người tin Chúa, nhưng ít người là Kitô hữu. Đó là một sơ xuất đáng buồn và đang gây tai hại trong việc truyền giáo và sống đạo.

Anh chị em thân mến,

Hãy tập trung vào Đức Kitô. Đó là thánh ý Chúa Cha, mà bài Phúc Âm hôm nay đã nói lên một cách rõ rệt: Tập trung vào Đức Kitô, đó là điều chính Chúa Kitô đã dạy. Tập trung vào Đức Kitô, đó là giáo lý các thánh tông đồ. Tập trung vào Đức Kitô, đó là lối sống đạo Giáo Hội sơ khai. Chỉ có con đường đó, ta mới có thể sống đạo một cách đúng đắn, và đó là con đường mà ta có thể dùng, và phải dùng để truyền giáo.

Nhiều nơi, đời sống đạo quá tản mác, nhiều người không còn phân biệt được cái gì là chính, cái gì là phụ trong đạo nữa. Hãy trở về tập trung vào Đức Kitô. Hôm nay, tôi nhắc lại điều đó và mong rằng lời nhắn nhủ này sẽ có công hiệu trong mỗi người anh chị em, và anh chị em khi thực hiện thánh ý Chúa Cha về điều này, sẽ cảm thấy hạnh phúc lớn lao, hạnh phúc mà Phúc Âm hôm nay nói, là đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, hạnh phúc mà Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm hôm nay: Nhiều tiên tri, nhiều vua muốn xem, muốn thấy, mà không thấy, không xem được.

Nếu chúng ta muốn và nếu chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần giúp đỡ, chúng ta sẽ gặp được Đức Kitô, khi chúng ta chọn Người, theo Người như trung tâm điểm đời ta. Amen.

Lễ Thêm Sức, ngày 26-02-1991 tại giáo xứ Long Bình, kênh G2.


 

Bùi-Tuần 0200: VÁC THÁNH GIÁ MÌNH 26-02-1991


 - Matthêu 16,24-27

Lễ Thêm Sức K.G1An Dũng BT4

 

Khi đọc bài Phúc Âm hôm nay, tôi nói với Chúa Giêsu rằng: 26-02-1991 Bùi-Tuần 200


Khi đọc bài Phúc Âm hôm nay, tôi nói với Chúa Giêsu rằng: Chúa bảo ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa. Con thấy hai điều kiện Chúa đưa ra khó quá đi.

1. Điều kiện thứ nhất: Từ bỏ mình.

Từ bỏ mình là từ bỏ ý riêng, từ bỏ lòng tự ái, từ bỏ tự do, từ bỏ những khuynh hướng và quyền lợi riêng của mình. Sự từ bỏ như vậy là một việc quá khó, con không thể vượt tới được.

2. Điều kiện thứ hai: Chúa đưa ra là hãy vác thánh giá mình.

Thánh giá của con là những yếu đuối, là những giới hạn, là những hoàn cảnh và những con người khó chấp nhận, là nhiệm vụ, với trăm công nghìn việc. Chúa bảo phải vác cái thánh giá đó, con thấy quá sức của con. Nói cho đúng thì không phải là con không muốn theo ý Chúa, không muốn đi theo Chúa, không muốn chấp nhận hai điều kiện ấy. Nhưng muốn mà không thực hiện được, vì khó quá đi. Giữa cái ý muốn của con và khả năng chịu đựng của con, có một khoảng cách sâu rộng như một vực thẳm, khó vượt qua được.

Khi tôi đang suy nghĩ và phàn nàn với Chúa như vậy thì tôi nghe thấy tiếng Chúa trả lời trong lòng tôi: Đúng, chính cái ray rứt của con lúc này, chính sự nhận biết yếu đuối của con lúc này, chính là ý thức về sự bất lực của con lúc này, là thánh giá mà Cha muốn con phải vác để đi theo Cha.

Tiếng Chúa trả lời như vậy, bỗng chốc làm sáng lên thân phận của tôi và thân phận mỗi người chúng ta. Thân phận của tôi, cũng như thân phận của mỗi người chúng ta đều mang những yếu đuối nhất định, đều mang những khuyết điểm nhất định, đều mang thất bại nhất định, mà dù cầu xin Chúa, Chúa vẫn không cất đi khỏi thân phận ta, những bất lực ta, những yếu đuối ta và những thất bại tất yếu đó, Chúa sẽ cứu độ hơn nữa, Chúa còn ràng buộc lại, trói nó lại, trói thân phận chúng ta cho chắc hơn như một thánh giá. Và Chúa bảo: Hãy vác thánh giá đó mà đi.

Nhưng có một sự vác thánh giá mà có công. Nhưng cũng có những cách vác thánh giá mà không có công. Chúng ta thấy người trộm bên tả Chúa Kitô trên Núi Sọ. Ông ta đã vác thánh giá, hơn nữa, đã chịu khó đóng đinh trên thánh giá, nhưng không có công gì. Còn trái lại, người trộm bên hữu Chúa Kitô trên Núi Sọ, đã vác thánh giá, để chịu đóng đinh trên thánh giá, và sau cùng đã được thưởng công lên thiên đàng. Cái khác nhau về sự thưởng phạt của hai người là do cách vác thánh giá của mỗi người: Kẻ trộm bên tả vác thánh giá, chịu đóng đinh trên thánh giá, nhưng với thái độ kiêu căng, với thái độ khích bác và chỉ trích Chúa, nên đã không có công trạng gì. Còn trái lại người trộm bên hữu đã vác thánh giá, đã chịu đóng đinh trên thánh giá, nhưng với thái độ khiêm cung, cậy tin vào Chúa, nên ông đã được công, được Chúa ban phước thiên đàng.

Cũng trong tinh thần đó mà Chúa Giêsu mới nói trong bài Phúc Âm hôm nay: Hãy vác thánh giá mình mà đi theo Chúa, chứ không phải chỉ vác thánh giá mà được công. Phải vác thánh giá mình mà đi theo Chúa, nghĩa là phải vác thánh giá mà bám vào Chúa, cậy trông vào Chúa.

Khi tôi có những suy nghĩ trên đây, tôi đã nhớ tới anh chị em. Tôi biết là anh chị em có nhiều thánh giá đang phải vác. Có những thánh giá vật chất. Có những thánh giá tinh thần. Có những thánh giá riêng, và có những thánh giá chung. Tôi biết rằng: Anh chị em đã vác thánh giá đó để đi theo Chúa, nghĩa là vác với một thái độ khiêm tốn, cậy trông. Nhưng tôi nhìn thấy kết quả trước mắt hãy còn khiêm tốn. Tuy nhiên, tôi tin rằng phần thưởng Chúa dành cho anh chị em những người vác thánh giá hằng ngày theo Chúa, chắc chắn là phải có và sẽ là rất lớn.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa hứa Con Người sẽ đến trong vinh quang của Chúa Cha, cùng với các Thiên Thần của Người, và Người sẽ trả công cho mỗi người tùy theo công việc họ đã làm. Công việc của mỗi người chúng ta chính là vác thánh giá theo Chúa Kitô.

Lời Chúa hứa trong bài Phúc Âm hôm nay đã mở ra một chân trời hy vọng cho mỗi người chúng ta. Giả sử Chúa căn cứ vào những thành công lẫy lừng, những công trình xây dựng vẻ vang, để mà trả công cho mỗi người, thì nhiều người, trong đó chắc có tôi sẽ là tay không, vì mình chẳng có công trạng gì lẫy lừng, chẳng xây dựng được gì gọi là công trình, gọi là vẻ vang.

Thế nhưng hôm nay, Chúa lại nói là, Chúa sẽ căn cứ vào công việc của mỗi người vác thập giá theo Chúa mà thưởng công. Như vậy thì tất cả chúng ta, những người già yếu, những người khốn khó, những người nghèo túng, những người bệnh tật, những người neo đơn, những người dốt nát... Tất cả những ai đang vác thập giá vì Chúa đều là đối tượng được Chúa thưởng sau này.

Những tư tưởng trên đây, xin nhờ Chúa Thánh Linh giúp cho chúng ta được can đảm và được có một hy vọng tươi sáng về tương lai của đời sống đạo chúng ta.

Tất nhiên, không ai tránh được những thánh giá mà Chúa muốn chúng ta vác. Dù trong bậc nào vẫn phải vác thánh giá của mình. Nhưng, chúng ta đừng tạo ra thánh giá cho mình một cách vô ích. Những thánh giá nào Chúa gởi cho, hãy bình tĩnh khiêm tốn cậy trông mà vác đi theo Chúa. Tôi nói: Đừng tạo ra thánh giá. Bởi vì thánh giá bao giờ cũng gây đau đớn cho mình và cho kẻ khác. Hãy can đảm và hãy cậy trông Chúa. Chúa sẽ căn cứ vào sự vác thánh giá mà thưởng công chúng ta.

Ngay chính lúc này, mỗi người đều cảm thấy những lo âu, những buồn phiền, những khổ đau. Tất cả đều là thánh giá. Nếu biết vác cho nên, với một thái độ khiêm nhường, với lòng cậy tin, thì Chúa sẽ ở bên chúng ta, và sẽ thưởng công cho chúng ta. Những công phúc tuy vô hình, chúng ta không trông thấy, nhưng chúng ta sẽ là những hạt men, những hạt giống, sẽ nở ra trong đời sau và trong thế hệ con cháu chúng ta.

Trong niềm tin đó, chúng ta hãy cùng các con em chúng ta tuyên xưng đức tin.

Lễ Thêm Sức, ngày 26-02-1991 tại giáo xứ An Dũng, kênh G1.
 

Tác giả: + GB. Bùi-Tuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây