“Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” - Ðó là lời Chúa.
Lịch Phụng vụ hàng năm không bắt đầu vào ngày xuân mùng một tết nhưng bắt đầu vào đầu tháng MV 1-B201
Lịch Phụng vụ hàng năm không bắt đầu vào ngày xuân mùng một tết nhưng bắt đầu vào đầu tháng mười hai. Bắt đầu một tháng trước ngày lễ Giáng Sinh của Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người ở giữa nhân loại. Lịch phụng vụ bắt đầu như thế với mục đích kêu gọi con người đổi mới trở thành con người mới. Con người mới đó có một tâm tình đơn sơ, hiền lành và khiêm nhường trong lòng như chính vua bình an mới sinh xuống trần. Con người mới đó sống nơi trần gian nhưng tấm lòng luôn huớng về thiên quốc là quê hương thật vì sau khi hoàn tất cuộc hành trình nơi dương thế họ được mời gọi tiến vào Thiên Quốc. Con người mới đó sống không cho chính mình mà sống làm rạng Danh Thiên Chúa. Con người mới đó nhận ra những giá trị tốt lành nơi người anh em mình. Con người mới đó nhận biết mọi người đều là con cái Thiên Chúa và họ được Thiên Chúa mến yêu. Con người mới đó nhận biết Thiên Chúa là Đấng duy nhất làm chủ cuộc đời và mọi sự ta hiện có đều là do Chúa ban mà chúng ta là người quản lí. Con người mới đó luôn nhận biết ta sống là sống cho Chúa và chết là chết trong Chúa.
Không phải thay đổi phụng vụ biến ta trở thành con người mới mà chính là Con Thiên Chúa xuống thế đổi mới. Không phải chỉ đổi mới con người mà qua sự chết và sống lại hiển vinh Đức Kitô đổi mới toàn thể vũ trụ. Phụng vụ hàng năm nhắc nhở chúng ta Con Chúa xuống trần, trở thành người như chúng ta, ở giũa chúng ta, cùng đồng hành với chúng ta nơi dương thế và biến cuộc lữ hành của ta trở nên giá trị hơn trước Chúa Cha. Đức Kitô xuống trần đổi mới í nghĩa tình yêu và xác tín hy sinh, kêu gọi chúng ta trở thành bạn hữu của Ngài và kêu cầu cùng Chúa Cha thánh hiến chúng ta trong sự thật. Gn17,17. Đức Kitô xuống trần mang âm nhạc trời cao xuống cho nhân loại qua tiếng hát của các Thiên Thần nơi hang Belem và cuối cùng thánh hoá cuộc sống, đau khổ, vất vả, cực nhọc, lao công và ngay cả bệnh tật của ta trở thành hào quang Thập Giá chính Ngài tự mình vác trên đường lên núi chịu đóng đanh thay cho nhân loại.
Đầu năm phụng vụ kêu gọi chúng ta đổi mới cõi lòng, đổi mới tâm hồn chuẩn bị đón mừng Con Chúa xuống trần. Giáo Hội kêu gọi chúng ta thay đổi lối sống cũ và học từ Đức Kitô khiêm nhường sanh trong máng cỏ nghèo khó, trống trải của bò lừa, sinh giữa mùa đông giá rét, nơi hoang địa và giữa thú vật. Đức Kitô giáng thế sưởi ấm lại tình cảm lạnh giá giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa. Tình cảm băng giá này phát sinh từ tội lỗi nhân loại và từ sự từ bỏ Thiên Chúa Đấng tổ tiên chúng ta tôn thờ để chạy theo thần ngoại bang, thờ ngẫu tượng. Từ bỏ ngẫu tượng để trở về với Thiên Chúa hằng sống để nhận sự sống thật, sự sống an lành thật và sự sống vĩnh cửu đời sau. Tình cảm băng giá vì con người tin vào khả năng nông cạn và sự không ngoan giới hạn của mình hơn là khả năng vạn năng và khôn ngoan khôn cùng của Thiên Chúa. Tình cảm băng giá vì con người tự đề cao mình quá đáng mà thiếu khiêm nhường nhận biết tất cả những gì chúng ta có đều là do Chúa ban, kể cả sự sống trần gian chúng ta đang có. Đức Kitô giáng trần kêu gọi con người từ bỏ cuộc sống hoang dã, lối sống bê tha phát xuất từ con tim chai đá, trở về với đời sống công chính. Hoang địa là nơi dư thừa cấu xé, săn giết nhau không thương tiếc. Hoang địa là nơi thú rình mồi ngày đêm, sơ sẩy, chểnh mảng là cuộc đời đi đong. Hoang địa là nơi mạnh sống, yếu chết, nhanh chân thì thoát, chậm chân là mồi. Hoang địa là nơi thú vật đối với nhau bằng móng vuốt, răng nanh. Con người đôi khi cũng đối xử với nhau bằng chì chiết, cắn cấu, dằn vặt và ngay cả bạo hành. Đức Kitô giáng sinh kêu gọi con người thay đổi, đối xử với nhau bằng tình thân, bằng bác ái, yêu thương và tha thứ, từ bỏ thói cắn cấu, cấu xé để trở nên con người hoàn thiện hơn. Giáng Sinh mời gọi chúng ta học từ Ấu Chúa trong máng cỏ, đơn sơ, hiền lành, khiêm nhường và ban phát hy vọng cho chính mình và cho anh em, học từ Ngài nhận biết giá trị đau khổ trần thế. Giáng Sinh kêu gọi con người nhận biết Con Thiên Chúa sống giữa chúng ta và chúng ta cần nhận ra giá trị tốt lành nơi anh em khác để tạ ơn Chúa và chung lời cùng tạ ơn để cùng sống chung bình an, hạnh phúc trần thế và cùng giúp nhau tiến vào thiên quốc khi cuộc đời trần thế chấm dứt.
Mùa vọng kêu gọi tỉnh thức để trở thành con người tốt hơn, tỉnh thức để đổi mới và tỉnh thức chống lại các cám dỗ, hoan lạc âm thầm xâm nhập tâm hồn ta. Học từ Đức Kitô bởi Ngài là đường là sự thật và là sự sống Gn 14,6. ón mừng Con Chúa xuống trần chỉ là bước đầu của Mùa vọng. Ý nghĩa chính của Mùa Vọng chính là chuẩn bị đón nhận Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang.
Khởi đầu niên lịch Phụng vụ mới với lời Chúa Kitô trong bài Tin mừng: “Anh em phải coi chừng MV 1-B202
Khởi đầu niên lịch Phụng vụ mới với lời Chúa Kitô trong bài Tin mừng: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến…”( Mc 13,33 tt ). Phải tỉnh thức, phải canh thức để đón chờ sự gì ? Câu trả lời thật hiển nhiên là để đón chờ Chúa lại đến trong vinh quang. Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, sẽ sai các Thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13, 26-27).
Quả thật, Kitô hữu chúng ta cũng như anh em lương dân hay bà con khác đạo, thường dễ có tâm tình lo sợ khi nghe nói đến cái ngày tận cùng của thế giới. Phận người nhuốm đầy tội nhơ, vì thế chúng ta thường e sợ khi nghĩ đến sự xét xử và lo lắng khi nghe nói đến ngày tận thế. Con người chúng ta vốn dính bén với những thực tại thế trần, từ của tiền đến danh vọng và cả mạng sống, vì thế, số người bình tỉnh đối diện với sự chết quả là xưa nay hiếm.
Lạy Chúa, xin hãy đến! Cầu thì cầu, xin thì cứ xin, nhưng niềm tin vẫn còn yếu kém. Trong nhiều lý do thì có lý do này: chúng ta chưa thật xác tín rằng Chúa đến để giải thoát chúng ta, để ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Và vì thế chúng ta vẫn mãi chưa thật sự sẵn sàng và tỉnh thức. Quả thật vẫn còn đó nhiều nghịch lý. Giả như có ai đó hẹn sẽ đến bất chợt trong một đêm không biết giờ nào nhưng là để trao tặng cho ta món tiền kếch sù là dăm bảy hay vài chục tỉ đồng thì dù không nhắc đi nhắc lại, chúng ta vẫn tỉnh thức và sẵn sàng với bằng mọi giá để khỏi bỏ lỡ dịp may ngàn năm có một. Thế mà thật trớ trêu, ai trong chúng ta cũng muốn lên thiên đàng nhưng nếu Chúa cho lên ngay lúc này thì lại xin Chúa hãy khoan thực hiện.
Dù muốn hay không thì cái ngày tận cùng của thế giới cũng sẽ tới, cái ngày tận cùng của đời ta cũng sẽ tới. Vũ trụ này, thế giới này đã có thời điểm bắt đầu thì sẽ có thời điểm kết thúc. Con người chúng ta có lúc chào đời thì phải có lúc lìa đời. Một chân lý đương nhiên, như nhiên, dù không thích ta vẫn phải đối diện. Chẳng ai có thể biết được ngày giờ tận cùng của lịch sử vũ trụ, kể cả các thiên thần và kể cả người Con, ngoại trừ Chúa Cha (x.Mc 13,32). Chẳng ai có thể biết đích xác ngày mình giả từ trần gian. Chính vì thế Chúa Kitô nhấn mạnh: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: Phải tỉnh thức!” (Mc 13,37).
Thế nào là tỉnh thức, sẵn sàng? Căn cứ vào lời Chúa Kitô, chúng ta có thể biết một vài cách thế sống sẵn sàng tỉnh thức như sau:
Xét về mặt tiêu cực: Tỉnh thức sẵn sàng là thái độ dứt khoát với tội lỗi. “ Anh em phải tỉnh thức, kẽo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc 13,36). Tình trạng ngủ mê là tình trạng mãi đắm chìm trong tội, là tình trạng mãi quyến luyến với các dục vọng bất chính, là tình trạng bị trói buộc bởi những thực tại trần gian chóng qua. Với một sợi chỉ mỏng manh cũng đủ làm con chim sẻ không thể cất cánh bay cao. Mùa vọng lại về, một lần nữa thử xét mình xem những gì đang làm chúng ta không thể sống tốt hơn, thanh cao hơn, hướng thượng hơn? Cần nhận diện cách trung thực và chính xác để rồi can đảm từ bỏ hoặc biết sống tự do với chúng.
Xét về mặt tích cực: Tỉnh thức sẵn sàng là thái độ sống biết quan tâm đến tha nhân, sống có tình, có lòng với người lân cận. Chúa Kitô đã minh hoạ thái độ sống tỉnh thức sẵn sàng này qua câu chuyện dụ ngôn năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại. Các cô khôn ngoan được xem là tỉnh thức vì có tấm lòng với cô dâu, chú rể, với hai họ, khi mang đèn thì biết chuẩn bị dầu đầy bình để đón chàng rể vì không biết chàng rể đến lúc nào. Ngược lại các cô khờ dại chẳng biết nghĩ đến ai, ngoài bản thân đến nỗi mang đèn mà không để ý gì đến dầu. Sống mà biết nghĩ đến tha nhân, sống có tấm lòng với người bên cạnh chính là một trong những cung cách sống sẵn sàng, tỉnh thức (x.Mt 25,1-13).
Chúa Kitô còn minh hoạ sự sẵn sàng tỉnh thức bằng việc chu toàn bổn phận với người dưới quyền, với người trong trách nhiệm của ta. Sau khi dạy các tông đồ phải tỉnh thức sẵn sàng vì chính giờ phút không ngờ thì Con Người sẽ đến, Chúa Kitô đã kể dụ ngôn về người đầy tớ trung tín được đặt lên coi sóc gia nhân để cấp phát cho họ đúng giờ, đúng lúc (x.Mt 24,45-51; Lc 12,41-48). Sự thường, người ta rất dễ sẵn sàng chu toàn trách nhiệm với người trên, nhưng với người dưới quyền thì xem ra hay xao nhãng. Bề trên gọi thì thưa vâng ngay, còn bề dưới hỏi thì phán rằng hãy chờ đấy. Không phải với người trên nhưng chính khi chu toàn bổn phận với người dưới quyền mới là lúc ta thực sự đang sống tỉnh thức sẵn sàng.
Mùa Vọng đã về. Chúng ta được mời gọi sẵn sàng tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Chúa đến để ban ân phúc cho chúng ta và cũng là để xét xử chúng ta. Gặp hoạ hay hưởng phúc đều do chính tấm lòng của chúng ta, do chính thái độ sống của chúng ta. Là loài có lý trí và ý chí tự do, xin đừng đổ thừa cho khách quan hay ngoại cảnh. Sống sẵn sàng, tỉnh thức là điều tất yếu, nếu không muốn phải bị diệt vong.
Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng hôm nay bắt đầu cho mùa phụng vụ mới. Vọng là mong, là chờ MV 1-B203
Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng hôm nay bắt đầu cho mùa phụng vụ mới. Vọng là mong, là chờ. Mùa Vọng là mùa mong chờ ngày Chúa đến. Trước hết, chúng ta có 4 tuần mùa Vọng được tượng trưng cho 4 cây nến đặt trong vòng hoa trước bàn thờ đây, để chuẩn bị và sửa soạn tâm hồn cho đại lễ kỷ niệm ngày Chúa Giáng Sinh cách đây hơn 2 ngàn 17 năm. Và thứ hai, chúng ta suy niệm và hướng tâm hồn về ngày Chúa đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết, cũng như chuẩn bị cho ngày Chúa đến cuối đời mình. Bài Tin mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta Chúa đến một cách bất ngờ, vì vậy chúng ta phải chuẩn bị bằng cách lắng nghe và sống Lời Chúa dạy, luôn tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi Chúa đến trong ân sủng và an bình.
Có một ký giả thường xuyên viết những bài bình luận thương vụ về xe hơi cho một tạp chí chuyên nghiệp. Ông cũng là tác giả của một cuốn sách nổi tiếng có tên là: “Drive It Forever”, tôi xin tạm dịch là “Lái Xe Muôn Đời.” Năm 1986, ký giả này mua một chiếc xe Ford cũ của Mỹ đời 1984, và nhờ một thợ máy danh tiếng bậc nhất tu bổ chiếc xe này cho đến khi được tuyên bố như là xe mới.
Sau đó, ông mướn một điều tra viên đi với ông đến 250 tiệm sửa xe trong 33 tiểu bang khắp nước Mỹ, để viết một bản báo cáo nhận định kỹ năng và sự chân thật của thợ sửa xe. Trước khi dừng lại tại một tiệm sửa xe nào, ông kéo dây “bu-ri” (spark-plug) lỏng ra làm cho máy chạy không đều. Một sợi dây bu-ri lỏng là một điều rất dễ nhận ra và sửa dù chỉ là một thợ mới ra trường hay mới vào nghề.
Thế thì điều gì đã xảy ra tại 250 tiệm sửa xe khi người thợ máy xem xét? Chúng ta hãy nghe chính ông ký giả này viết lại sau cuộc điều tra: “Tôi chỉ bằng lòng 44 phần trăm, 56 phần trăm còn lại, người thợ máy xe đã sửa những bộ phận không cần sửa, thay thế những bộ phận không phải thay thế hoặc tính tiền những công việc không làm. Tệ hơn nữa là những công việc họ sửa chữa lại tạo ra những trở ngại, vấn đề khác. Tổng cộng có hơn 100 trở ngại vô ích đã được kê ra trong các chi phiếu tốn phí từ 1 trăm đến 1 ngàn đô la.” Ông cho biết tiếp rằng một việc vô lý đã xảy ra tại một tiệm sửa xe trong thành phố Tucson, tiểu bang Arizona. Khi ông đưa xe cho vợ lái đến tiệm sửa xe, người thợ máy đã gắn sợi dây bu-ri vào nhưng trong hóa đơn trả tiền thì đề là điều chỉnh buồng đốt khí và hệ thống ti-ming. Buồng đốt khí của loại xe này được niêm phong hay dính chặt vào máy không bao giờ phải điều chỉnh. Ông ký giả đã kết thúc bản báo cáo cuộc điều tra bằng sự cảnh báo những người lái xe: hãy cận thận, coi chừng khi phải nhờ đến thợ sửa xe. Có nhiều thợ sửa xe giỏi và cũng có nhiều thợ xấu.
Thế thì câu chuyện trên có liên quan gì đến mùa Vọng? Câu trả lời rất đơn giản. Lời cảnh báo của ông ký giả và điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta trong bài Tin mừng hôm nay giống nhau. Cả hai sứ điệp là hãy coi chừng và đề phòng. Chúng ta nghe trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu bắt đầu lời giảng dạy bằng câu nói: “Các con hãy coi chừng.”
Chúng ta hiểu rõ điều ông ký giả cảnh báo chúng ta, hay nói khác đi chúng ta đề phòng điều gì, nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta coi chừng sự gì? Thưa Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy coi chừng ngày Chúa đến phán xét hay ngày sau hết của cuộc đời mình, bất cứ ngày nào đến trước. Chúa báo cho chúng ta biết ngày Chúa đến bất ngờ, thình lình, không biết lúc nào, và có thể ngày đó đến lúc chúng ta không sửa soạn và chuẩn bị, vì vậy, Chúa dạy chúng ta phải chuẩn bị, phải đề phòng.
Sống trong quốc gia này, chúng ta phải mua bảo hiểm đề phòng những rủi ro bất ngờ có thể xảy đến như bệnh tật hay tai nạn. Có bảo hiểm, khi những rủi ro xảy đến thì không đến nỗi bị thiệt hại vì được đền bù, có khi còn được tí tiền bỏ túi nữa. Điều khiến người ta lưu tâm và phải quyết định bảo hiểm, đó là tính bất ngờ của sự rủi ro. Vì nếu người ta biết trước hay dự đoán trước được chính xác ngày giờ xảy đến và xảy đến thế nào, thì gần đến ngày giờ ấy, người ta mới phải chuẩn bị đề phòng. Nhưng nếu nó xảy ra bất ngờ, và có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, thì người ta phải luôn luôn đề phòng và đề phòng không ngừng. Chúng ta mua bảo hiểm nhà, xe và sức khỏe năm này qua năm khác cho đến chết. Và lỡ có lúc nào không thể chuẩn bị hay đề phòng, thì lúc đó người ta không an tâm và lo lắng. Chính vì thế, người ý thức được tính bất ngờ của những rủi ro thì tìm cách mua bảo hiểm càng sớm càng tốt, để tâm hồn họ luôn luôn được bình an trong cuộc sống hay trong công việc làm ăn.
Nhưng chúng ta thấy thật buồn cười và phi lý, những rủi ro và thiệt hại to lớn hơn, quan trọng hơn, có ảnh hưởng vĩnh viễn, đời đời thì rất nhiều người lại chẳng thèm quan tâm, không chú ý, đề phòng hay chuẩn bị gì cả. Thực tế và cụ thể nhất là ngày Chúa gọi chúng ta về với Ngài, tức ngày tận cùng của cuộc đời. Nếu ngày đó được chúng ta chuẩn bị chu đáo, thì nó không có gì đáng sợ hay khủng khiếp đối với chúng ta, vì đó là ngày mà chúng ta bước vào một cuộc sống mới vĩnh cửu đầy hạnh phúc. Nhưng nếu ngày đó không được chuẩn bị tốt đẹp thì khi chúng ta phải ra trước tòa Chúa phán xét, thì ngày ấy đến với chúng ta có thể sẽ rất khủng khiếp.
Con người chúng ta phải theo một định luật cố định của tạo hóa, có nghĩa là chúng ta có sinh, thì chúng ta cũng sẽ có tử. Và như chúng ta biết vũ trụ và mọi thứ vật chất qua đi là xong, là hết chuyện. Còn loài người thì không như thế, ngày sau hết hay chết không phải là hết, chết là bắt đầu cho cuộc sống mới, đời sống vĩnh cửu. Chúng ta có tin hay không tin hay nghi ngờ, thì sự sống vĩnh cửu vẫn là một sự thật như lời Chúa đã khẳng định: “Mọi vật sẽ qua đi, trời đất sẽ qua đi nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” Cho nên chúng ta phải biết lắng nghe và sống lời Chúa kêu gọi hãy coi chừng, hãy sửa soạn chuẩn bị. Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta đừng để cơ hội mùa Vọng này đi qua mà không chú ý đến đời sống đức tin và linh hồn. Xin Chúa thúc đẩy và hướng dẫn.