Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi ABC Bài 51-100: Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi Vị ------------------------------------------ Năm A: Phúc Âm: Ga 3, 16-18 "Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian, nhờ Người mà được cứu độ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa". - Ðó là lời Chúa.
Năm B: Phúc Âm: Mt 28, 16-20 “Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. - Ðó là lời Chúa.
Năm C: Phúc Âm: Ga 16, 12-15: "Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".
Ba Ngôi Thiên Chúa khác biệt nhau, hay đồng dạng với nhau? Nếu bản chất khác biệt nhau: BaNgôi ABC51
1. Ba Ngôi Thiên Chúa khác biệt nhau, hay đồng dạng với nhau? Nếu bản chất khác biệt nhau, có Ngôi nào muốn bắt các Ngôi kia phải trở nên giống mình không? Sự hiệp nhất của Ba Ngôi xây dựng trên tinh thần «hiệp nhất trong đa dạng» hay «thống nhất bằng đồng dạng» ?
2. Vũ trụ vạn vật mà Ba Ngôi tạo dựng là đa dạng hay đồng dạng với nhau? Thiên Chúa có muốn chúng ta biến vạn vật thành đồng dạng không? Bắt mọi người phải đồng dạng với mình thì có hợp với ý Thiên Chúa không?
Suy tư gợi ý:
1. Hiệp nhất trong đa dạng nơi Ba Ngôi Thiên Chúa
Thiên Chúa theo quan niệm Kitô giáo là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng lại gồm có ba Ngôi - nói nôm na là ba Đấng, ba Vị hay ba «Người» - khác biệt nhau. Ba Ngôi nhưng mỗi Ngôi một vẻ, không Ngôi nào giống Ngôi nào. Ba Ngôi khác biệt nhau, nhưng lại hoàn toàn bình đẳng, và không Ngôi nào muốn Ngôi kia phải trở nên giống như mình. Chính vì chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng của nhau, mà Ba Ngôi sống hòa bình với nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau, yêu thương nhau, và hiệp nhất với nhau chặt chẽ tới mức độ chỉ còn là một Thiên Chúa duy nhất.
2. Sự khác biệt và đa dạng trong vũ trụ vạn vật
Ba Ngôi khác biệt nhau và đa dạng như vậy, nên đã tạo dựng nên một vũ trụ cũng đầy khác biệt và đa hình đa dạng vô cùng. Ngài tạo dựng nên muôn loài khác biệt nhau, và loài nào cũng lại phân chia thành nhiều cấp độ khác nhau với những chủng loại khác nhau. Nhờ đó vũ trụ trở nên vô cùng phong phú, muôn hình muôn vẻ. Thật vậy, tinh tú trên trời thì đủ kiểu đủ loại. Con người người thì đủ mọi chủng tộc, đủ mọi ngôn ngữ, đủ mọi nền văn hóa khác biệt nhau. Thú vật và thực vật thì lại càng đa hình đa dạng hơn: loại sống trên trời, loại trên đất, loại dưới nước, loại thật to như đại bàng, cổ thụ, loại thật nhỏ như vi trùng, vi-rút, loại ăn thịt, loại ăn cỏ… Vạn vật phong phú và đa dạng đến nỗi con người từ khi biết khám phá đến nay vẫn chỉ thấy mình khám phá được một phần rất nhỏ. Chỉ riêng loài hoa thôi đã có cả hàng chục ngàn giống khác nhau. Vạn vật tuy vô cùng đa dạng như thế, nhưng vật nào cũng có cái hay cái đẹp riêng của nó và trở nên một toàn thể rất hài hòa. Chính vì thế mà vũ trụ mới tươi đẹp huy hoàng làm sao! Thử tưởng tượng xem nếu Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong đó vạn vật đồng dạng với nhau, nghĩa là chỉ có một loài duy nhất, loài này cũng chỉ có một chủng loại duy nhất thì vũ trụ sẽ buồn thảm biết bao! Chỉ cần xét loài hoa: nếu hoa chỉ có một loại duy nhất - dù là loại được hầu hết mọi người coi là đẹp nhất - thì thế giới sẽ bớt đẹp, bớt thơ mộng và phong phú đi biết bao!
Riêng xã hội con người, Thiên Chúa đã gầy dựng trong đó nhiều dân tộc với những nền văn minh, văn hóa, phong tục, nề nếp suy nghĩ khác nhau. Thiên Chúa cũng cho xuất hiện nhiều tôn giáo với những nghi thức, tín điều, với những cách gọi tên, cách quan niệm hay cách nhìn về Thực Tại Tối Hậu khác biệt nhau; v.v… Nói về từng người, thì mỗi người một vẻ, mỗi người một diện mạo, một tài năng, một tính tình, một quan niệm, một lối suy nghĩ khác nhau: «bá nhân bá tính». Ngay như khi cùng nhau nhìn vào một sự vật cụ thể, thì mỗi người lại có một cách nhìn khác nhau, cách diễn tả về vật ấy cũng khác nhau, thậm chí gọi vật ấy bằng những tên khác nhau. Một vật cụ thể hữu hạn mà người ta còn có nhiều cách nhìn khác nhau như vậy, huống gì khi họ suy nghĩ về những thứ vô hình, nhất là những thực tại không thể quan niệm hay suy nghĩ được, chẳng hạn khi suy nghĩ về tuyệt đối, về nguồn gốc siêu hình của vũ trụ vạn vật… làm sao mà họ quan niệm và nhìn cách giống nhau cho được? Thôi thì đủ mọi loại quan niệm, đủ mọi kiểu nhìn, đủ mọi tên gọi khác nhau cho Thực Tại Tối Hậu duy nhất ấy!
Những cách nhìn khác nhau ấy - dù là hướng về một vật hết sức cụ thể hay về những thực tại hết sức trừu tượng - cũng thường bổ túc cho nhau dẫu có mâu thuẫn lẫn nhau, để - nếu tổng hợp lại - sẽ có được một cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Chính nhờ sự khác nhau ấy mà con người mới cần lẫn nhau, mới phải hợp tác với nhau, mới yêu thương nhau. Chẳng hạn khi xây một căn nhà, người ta cần có đồ họa của kiến trúc sư, cần khả năng thực hiện tổng quát của nhà thầu khoán, cần sự khéo léo của đủ loại thợ (mộc, xây, trang trí, điện…), cần những nhà cung cấp vật tư khác nhau (gạch, xi măng, sắt, gỗ, ống nước, đồ điện…). Ông kiến trúc sư có tài giỏi đến đâu mà không nhờ thầu khoán thực hiện thì cũng chẳng làm nên trò trống gì! Ông thầu khoán mà không thuê được thợ thì cũng đành bó tay bất lực! Thợ khéo léo hay tài giỏi đến đâu mà không có kiến trúc sư hay thầu khoán thì cũng chẳng biết phải làm gì. Nhờ tài năng khác nhau mà người ta cần lẫn nhau, kết hợp với nhau, yêu thương nhau! Thiên Chúa của chúng ta - gồm Ba Ngôi khác biệt, tuy đa dạng nhưng lại hiệp nhất - đã muốn như thế, chúng ta không nên đi ngược lại đường lối của Ngài!
3. Khuynh hướng phản đa dạng của con người
Thế nhưng trên thế giới có biết bao nhiêu con người, bao nhiêu tập thể muốn đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, muốn chống lại luật «vạn vật đa dạng» của Ngài. Họ muốn tất cả mọi người phải nghĩ giống như họ, làm giống như họ, chỉ theo một lập trường duy nhất là lập trường của họ, vì họ cho rằng chỉ có họ là nghĩ đúng, làm đúng, lập trường của họ là duy nhất đúng hoặc đúng hơn cả. Ai khác họ là họ khó chịu, bực bội, kết án, loại trừ. Họ muốn trên thế giới này chỉ có một bè đảng duy nhất là bè đảng của họ, một ý thức hệ duy nhất là ý thức hệ của họ, một tôn giáo duy nhất là tôn giáo của họ, một đoàn thể duy nhất là đoàn thể của họ… Và họ nỗ lực để biến thế giới đa dạng này thành độc dạng hay đồng dạng (uniforme), thậm chí với tất cả thiện chí hay lòng thành của họ. Biện pháp của họ là loại trừ tất cả những ai khác với họ. Ai chủ trương khác với họ thì bị coi là đối lập, là kẻ thù, cần phải tiêu diệt.
Rất tiếc là trên thế giới này không chỉ có một bè đảng, một tôn giáo, một đoàn thể duy nhất nghĩ mình là duy nhất đúng hoặc đng hơn cả và chủ trương loại trừ những ai khác với mình, mà có nhiều bè đảng, nhiều tôn giáo, nhiều đoàn thể nghĩ và chủ trương như vậy. Thế là có chiến tranh: bè đảng này tìm cách diệt bè đảng kia, tôn giáo này diệt tôn giáo kia, đoàn thể này diệt đoàn thể kia. Bè đảng nào, tôn giáo nào, đoàn thể nào cũng đều nhân danh sự thiện, sự đúng của mình - mà họ nghĩ là duy nhất thiện, duy nhất đúng - để tiêu diệt những gì mà họ cho rằng chắc chắn là sai lầm, xấu xa. Ai cũng có những «vũ khí» riêng của mình để ép buộc người khác theo mình, trung thành với mình, đồng dạng với mình. Bè đảng thì dùng vũ lực, âm mưu chính trị. Tôn giáo thì dùng những quyền lực thiêng liêng của mình. Đoàn thể thì dùng kỷ luật riêng của đoàn thể.
Nhưng hễ phản lại ý muốn của Thiên Chúa thì chỉ gây rối loạn. Đáng lẽ con người phải tôn trọng sự khác biệt nhau như một hồng ân Thiên Chúa ban để bổ túc lẫn nhau, để hợp tác với nhau, và để nhờ đó mà dễ yêu thương nhau, dễ đi đến hiệp nhất. Hiệp nhất ở đây là thứ hiệp nhất trong đa dạng. Có tôn trọng sự khác biệt của nhau thì mới có thể hiệp nhất được. Nhưng con người lại coi tình trạng đa dạng đó như một bất lợi cho «cái tôi tập thể» của mình. «Cái tôi» nào - dù là cá nhân hay tập thể - thì cũng ích kỷ, muốn đề cao mình và những gì của mình, muốn mình phải trổi vượt hơn những «cái tôi» khác, và những gì của mình cũng phải trổi vượt hơn những gì của những «cái tôi» khác. «Cái tôi» nào cũng muốn dùng thế mạnh của mình để hiếp đáp những «cái tôi» khác yếu thế hơn, bắt những «cái tôi» khác phải theo mình, phải đồng dạng với mình. Họ muốn «thống nhất bằng đồng dạng».
4. «Hiệp nhất trong đa dạng» là ý muốn của Thiên Chúa
Ôi, chính cái ý chí muốn «thống nhất bằng đồng dạng» này đã gây nên biết bao cảnh «nồi da xáo thịt» trong các quốc gia, cảnh các «bè phái ly khai» trong các tôn giáo, cảnh chia rẽ nhau trong các đoàn thể. Đúng là chưa phát triển được ra bên ngoài thì đã bị chia rẽ nội bộ. Thiết tưởng thế giới đã phải đau khổ rất nhiều, phải chịu biết bao cảnh đau thương tang tóc chỉ vì những tham vọng «thống nhất bằng đồng dạng» của các bè đảng, tôn giáo, đoàn thể. Nhưng thực tế hiện nay chứng tỏ rằng tham vọng đó càng ngày càng trở nên phi lý, phản tiến bộ và bất khả thi. Thật vậy, khuynh hướng của thế giới, của các quốc gia dân tộc càng ngày càng đòi hỏi phải «đa nguyên chính trị», phải « đa đảng », phải loại trừ độc tài. Chủ trương «độc đảng», «độc tài» đang dần dần bị đào thải khỏi nhân loại vì chủ trương này chỉ làm cho quốc gia dân tộc mình bị băng hoại, nghèo khổ và chậm tiến. Các tôn giáo thì tôn giáo nào cũng muốn trở thành tôn giáo toàn cầu và đều nỗ lực tối đa để đạt được điều đó; nhưng dường như ngày nay tôn giáo nào cũng đều đi đến tình trạng «bão hòa», nghĩa là khó có thể phát triển thêm về tỷ lệ dân số. Vì ai đã theo tôn giáo nào thì khó mà bỏ tôn giáo mình để theo tôn giáo khác, vì tôn giáo nào cũng có những biện pháp riêng khá hữu hiệu để giữ tín đồ của tôn giáo mình lại. Tuy vẫn có những người thay đổi tôn giáo, nhưng khi có những người tôn giáo này bỏ sang tôn giáo kia, thì ngược lại cũng lại có những người tôn giáo kia bỏ sang tôn giáo này. Cuối cùng vẫn phải chấp nhận một «thế giới đa nguyên tôn giáo», như một «dấu hiệu của thời đại» (signum temporum) để nhận ra ý muốn của Thiên Chúa. Các đoàn thể cũng tương tự như thế.
Vì thế, đã đến lúc các bè đảng, các tôn giáo, các đoàn thể phải nhận ra rằng càng muốn «thống nhất bằng đồng dạng» thì càng gây nên chia rẽ, xáo trộn, và đau khổ cho nhân loại, vì điều này chống lại luật tự nhiên của Thiên Chúa. Trái lại, càng muốn «hiệp nhất trong đa dạng» - nghĩa là đến với nhau trong tinh thần tôn trọng sự khác biệt và đa dạng - thì càng dễ đoàn kết, càng dễ gắn bó yêu thương nhau. Vì sự «hiệp nhất trong đa dạng» chính là ý muốn của Thiên Chúa. Và sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa chính là gương mẫu toàn hảo nhất của sự «hiệp nhất trong đa dạng» mà chúng ta phải noi theo. Gia đình nào, dân tộc nào, tôn giáo nào, tập thể nào biết noi gương này thì sẽ càng ngày càng trở nên hạnh phúc, thịnh vượng và phát triển. Cầu nguyện Lạy Cha, xin cho con cũng như các Kitô hữu và mọi tín đồ của các tôn giáo biết noi gương «hiệp nhất trong đa dạng» của Ba Ngôi Thiên Chúa; biết tôn trọng sự khác biệt và đa dạng mà Cha đã tạo nên nơi mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia, mỗi tôn giáo… Xin cho chúng con biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, đừng ép ai phải giống mình. Để chúng con nhận ra rằng chúng con cần lẫn nhau, cần đến với nhau, cần tìm hiểu, thông cảm, hợp tác với nhau, và nhất là cần yêu thương nhau như Cha hằng mong muốn điều đó. Amen. -------------------------------
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm siêu nhiên, sâu thẩm, chính Chúa mạc khải nhân loại mới: BaNgôi ABC52
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm siêu nhiên, sâu thẩm, chính Chúa mạc khải nhân loại mới có thể hiểu thấu được. Còn nếu con người lý luận, phân tích, và dùng khoa học hoặc phương tiện vi tính, máy móc để lý giải, kiểm chứng thì không bao giờ trí khôn con người có thể đạt thấu.Ngay thánh Phaolô đã viết: “Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được ! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau”( Rm 12, 33-34 ).
CHÚA GIÊSU MẠC KHẢI Ở NƠI THIÊN CHÚA CÓ BA NGÔI VỊ PHÂN BIỆT VỚI NHAU:
Nếu con người cứ tự mình cố gắng minh chứng, lý giải để tìm hiểu một Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ba Ngôi chỉ là một Chúa, chắc chắn con người sẽ rối trí, đau đầu không sao hiểu nổi. Người ta thuật lại rằng ngay thánh Augustinô, tiến sĩ, một Vị Thánh thông minh, tài giỏi, nhưng khi nghĩ về Chúa Ba Ngôi, thánh nhân cũng không sao hiểu nổi một Chúa Ba Ngôi. Tìm hiểu theo trí óc loài người, giống như một em nhỏ múc nước biển đổ vào lỗ cát trên bãi biển. Vì trí khôn con người trước một mầu nhiệm, thật quá nhỏ bé, hạn hẹp, nó không thể nào vươn lên và lý giải được những sự siêu việt trên trời.Chính Chúa Giêsu đã dậy cho nhân loại biết mầu nhiệm cao cả đó. Khi sứ thần Gabrien truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria chịu thai và sinh ra Đấng Cứu Thế, sứ thần đã cho Trinh nữ hay Con của Trinh nữ Maria sẽ được gọi là Con của Đấng tối cao, Con Thiên Chúa. Như thế, Chúa Giêsu chính là Ngôi Hai Con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần(Lc 1, 30-35 ).
Rồi khi Chúa Giêsu chịu phép rửa trong sông Giorđan, các tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên đầu Chúa Giêsu, và từ trời tiếng Chúa Cha phán rằng:” Đây là Con Ta yêu dấu đẹp lòng Ta mọi đng”(Mt 3, 16-17 ). Trong thời gian giảng đạo, Chúa Giêsu thường nhắc đến Chúa Cha “ Cha Ta hằng làm việc, thì Ta cũng làm việc...”( Ga 5, 19 ) hoặc” Ta và Cha Ta là một “( Ga 10, 30 ).Rao giảng, Chúa đã nhiều lần đã nói tới Chúa Thánh Thần: “ Nếu các con yêu mến Thầy...Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng phù trợ khác để Ngài ở với các con luôn mãi”( Ga 14, 15 ) hoặc”...Thần Khí sự thật, từ nơi Cha xuất phát ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta”( Ga 15, 26 ).
Chúa phục sinh trước khi về trời đã mạc khải rõ ràng nhất về hành động của Chúa Ba Ngôi trong các giai đoạn lịch sử cứu rỗi:” Các con hãy đi giảng dậy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, nhân danh Chúa Con và nhân danh Chúa Thánh Thần”( Mt 28, 19 ).Có người đã dùng ngón tay có ba đốt để nói về Chúa Ba Ngôi. Thánh Ignatiô Loyola dùng hình ảnh ba nốt nhạc cùng hòa âm. Con người dùng rất nhiều ví dụ để nói về Chúa Ba Ngôi, nhưng tựu trung chỉ Chúa Giêsu mới cho ta hiểu rõ về Chúa Ba Ngôi.
CHÚA BA NGÔI LÀM GÌ CHO TA ?
Chúa Ba Ngôi có liên hệ rất mật thiết với mỗi người chúng ta: Chúa Cha tạo dựng nên ta. Chúa Con chuộc tội cho ta. Chúa Thánh Thần biến đổi ta, ban ân sủng, nung nấu lửa mến cho ta. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi kéo ta về Thiên Chúa duy nhất với những hoạt động khác nhau của Người trong lịch sử cứu độ nhân loại. Mừng Chúa Ba Ngôi là ta mừng toàn bộ công trình cứu chuộc của Chúa, đưa ta dấn thân vào công trình của Chúa bằng cách thi hành lệnh truyền giáo của Chúaphục sinh trao phó, rao giảng và tụ họp, thâu nạp muôn dân vào Giáo Hội một Hội Thánh của những kẻ tin, sống cuộc sống mới của Chúa sống lại, xây dựng tình huynh đệ bác ái, chia sẻ niềm tin. Ba Ngôi có liên hệ mật thiết với ta, nên ta cũng phải tin kính, cậy trông, kính mến, tạ ơn, cầu xin Chúa Ba Ngôi. Khi ta có ân sủng, sạch tội, Chúa Ba Ngôi ngự trị trong tâm hồn ta như lời Chúa nói:”Ai yêu mến Ta, thì vâng giữ lời Ta và Cha Ta sẽ thương yêu kẻ ấy, và chúng ta sẽ đến và ở trong kẻ ấy”( Ga 14, 23 ). Chúa Ba Ngôi sẽ ở trong linh hồn ta, nên ta phải hết sức xa lánh tội trọng để không bao giờ ta dám xua đuổi Chúa Ba Ngôi ra khỏi linh hồn ta.
Dấu thánh giá là cách biểu lộ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu Mỗi lần làm dấu thánh giá là ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi và đó là dấu đức tin của Đạo công giáo.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Bạn hiểu gì về Chúa Ba Ngôi ? 2. Chúa Giêsu nói gì về Chúa Ba Ngôi ? -------------------------------
Cha, Con, và Thánh Thần. Ba Ngôi cùng một bản thể. Một Thiên Chúa duy nhất. Điều này quả: BaNgôi ABC53
Cha, Con, và Thánh Thần. Ba Ngôi cùng một bản thể. Một Thiên Chúa duy nhất. Điều này quả là một thách đố khôn lường cho trí khôn con người, nhưng lại là một mầu nhiệm cao cả nhất trong các mầu nhiệm. Không phải những trí khôn tầm thường như chúng ta mới cảm thấy lúng túng, và khó hiểu khi suy về Chúa Ba Ngôi, mà ngay cả những đầu óc và trí khôn vỹ đại cũng đã phải chào thua. Câu chuyện của Augustine trên bờ biển năm xưa vẫn là câu chuyện được truyền tụng mỗi khi nhắc đến Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thuở đó, với khả năng suy luận và với lòng nhiệt thành sẵn có, Augustine đã muốn tìm hiểu và phân tách về một Thiên Chúa mà lại có Ba Ngôi. Con người từng vang danh là “rừng gỗ quí của Giáo Hội” ấy đã không lường được sức mình. Ông đã làm một chuyện mà Thiên Chúa vừa thương, lại vừa thấy thương hại. Và Ngài đã sai sứ giả xuống để kịp thời giải cứu ông. Thiên thần Chúa hiện thân là một em nhỏ, đùa chơi và dùng cái vỏ sò múc từng giọt nước đại dương đổ vào một lỗ cáy. Thái độ vô tư của em đã lôi kéo được sự chú ý của Augustine. Ông đã dừng suy nghĩ, và hỏi em:
- Này em nhỏ, em đang làm gì thế?
- Cháu đang cố tát biển này vào lỗ cáy đây. Em bé thưa.
- Rồ rại và không tưởng. Lỗ cáy nhỏ bé này làm sao chứa được đại dương mênh mông.
- Ồ! Việc cháu làm thế mà còn có lý hơn việc Ngài đang làm đấy. Em bé nói xong và đột nhiên biến mất.
Augustine hiểu rằng Chúa đã sai thiên thần đến để cứu mình khỏi rơi vào cảm tưởng vô cùng kiêu ngạo khi làm một chuyện đo lường Thiên Chúa, Đấng hằng hữu mà trí khôn nhỏ bé của ông không sao chứa nổi.
Nhưng dường như nhiều người ngày nay đang muốn tiếp tục công việc mà Augustine đã bỏ dở. Họ đã không muốn đầu hàng Thiên Chúa, và họ vẫn cố tình phân tích, tìm hiểu Ngài bằng những câu hỏi “tại sao?” Thật ra, điều mà Augustine đã bỏ dở cho đến tận thế cũng vẫn không bộ óc nào của con người và của các thần trời có thể tiếp tục làm nổi. Bởi vì Tạo Hóa vô cùng, mà thụ tạo thì hữu hạn. Đơn giản thế thôi. Tuy nhiên, nếu việc phân tích Ba Ngôi Thiên Chúa là một việc làm rồ rại, và không tưởng, thì việc cảm nghiệm về Ngài, và cảm nhận được sự hiện hữu của Ba Ngôi Thiên Chúa là điều mà con người có thể làm được. Không những thế, chính Chúa Giêsu đã lệnh truyền cho môn đệ Ngài phải làm chuyện này: “Vậy các con hãy đi giảng dậy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28:19). Vậy nếu ta không cảm nhận sự có mặt của Ngài trong cuộc đời của mình, làm sao ta có thể nói về Ngài, và chia sẻ về Ngài với những anh chị em mình.
Hằng ngày chúng ta chẳng dùng đến nước là gì. Nước để uống, để tắm rửa, giặt giũ hay sao? Nhưng có lẽ ít khi ta dừng lại để tìm hiểu xem một chút về đặc tính của nước. Nước thể lỏng, nước thể cứng, và nước thể hơi. Tất cả ba dạng nước này đều là nước, nhưng ở mỗi dạng thức khác nhau, con người đã được hưởng trọn vẹn công dụng và lợi ích của nước.
Thật vậy, nếu không có nước để uống thì hậu quả gì xẩy ra thì ai cũng biết. Nhưng nếu gặp lúc trời nóng bức, mà có một ly nước đá lạnh thì tuyệt vời. Và Chúa cũng đã chiều ý con người để làm nước biến thành nước đá. Nếu nước thường đổ lên đầu làm mát mẻ, thì một cục nước đá rơi vào đầu sẽ không mát mẻ, ngược lại còn u đầu, và có khi bể đầu phải vào nhà thương. Cả hai đều là nước. Tuy nhiên, nếu không có những làn hơi nước chuyển lưu, thì vũ trụ này sẽ trở thành một bãi sa mạc hoang vu, và sẽ không còn thửa đất nào gọi được là mầu mỡ, vì thiếu nước. Cũng trong trường hợp ấy, Chúa lại bảo nước phải trở thành thể hơi, lãng du trên mặt đất, và đến đâu Ngài muốn thì tụ họp lại rồi rơi xuống làm mát mẻ con người, và tắm gội cho mặt đất. Đó là những lúc trời mưa.
Thiên Chúa Ba Ngôi là một. Nhưng mỗi Ngôi lại thi hành chức năng của mình, khi tạo thành vũ trụ, cứu độ nhân loại, và thánh hóa nhân loại đã được cứu độ. Tất cả chỉ là một hành động diễn tả tình yêu của Thiên Chúa. Công việc tạo thành vẫn được coi là của Ngôi Cha, và công việc cứu độ là việc làm của Ngôi Con. Nhưng thánh hoá, làm cho con người hiểu thấu tình thương Chúa Cha, ơn cứu độ Chúa Con, và được cứu rỗi là tác động của Chúa Thánh Thần.
Chắc bạn không muốn làm cái lỗ cáy, và em bé tát biển kia chứ? Vậy hằng ngày khi uống nước, khi tắm rửa, khi hít thở khí trời mát mẻ hoặc nhìn trời mưa, bạn hãy thầm thĩ với Đấng đã tạo dựng nên nước rằng: “Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, xin cho con yêu Chúa mỗi ngày một hơn. Amen”. Như vậy cũng đủ lên Thiên Đàng và làm thánh lớn rồi phải không bạn. Và trong niềm tin yêu vào Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng ta hãy cùng với Giáo Hội trong lời nguyện nhập lễ của lễ Chúa Ba Ngôi, tuyên xưng: “Lạy Chúa Cha là Đấng đã sai Ngôi Lời ban chân lý và Thánh Thần ban ơn Thánh Hoá đến thế gian. Chúa đã tỏ bày cho con người biết mầu nhiệm kỳ diệu của Chúa. Xin cho chúng con khi tuyên xưng đức tin chân chính, được nhận biết vinh quang của Chúa Ba Ngôi hằng hữu, và tôn thờ một Chúa trong quyền năng uy linh của Chúa”. -------------------------------
Kirchner, một nhà thiên văn nổi tiếng, có một bạn học là người vô thần. Một hôm, ông bạn này: BaNgôi ABC54
Kirchner, một nhà thiên văn nổi tiếng, có một bạn học là người vô thần. Một hôm, ông bạn này tới thăm nhà thiên văn và rất thích thú ngắm nghía mô hình thái dương hệ đặt trên bàn giấy. Mỗi khi dùng cần quay, thì cả thái dương hệ di chuyển theo đúng vị trí của mỗi hành tinh. Ông bạn vô thần hỏi:
- Thì tôi vừa nói với anh là không ai làm cả. Nó tự mình mà có, nhà thiên văn đáp.
Ông bạn vô thần lúc này cảm thấy hơi nóng mặt, nên nói gằn từng tiếng: "Thì ra anh chơi tôi đấy phải không?" Nhà thiên văn đáp: "Xin lỗi anh, nhưng tôi chỉ muốn cho anh thấy cái vô lý của anh. Trong khi anh không tin cái mô hình đó tự nó mà có, anh lại cho rằng mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, và cả vũ trụ hiện hữu mà không có Đấng Tạo Dựng!"
Người bạn vô thần lặng lẽ từ giã ra về, lòng suy nghĩ miên man, rồi cuối cùng đã xin trở lại gia nhập Giáo Hội Công Giáo.
Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội dâng Thánh Lễ kính thờ Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi. Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao trọng nhất trong Kitô Giáo: Một Thiên Chúa duy nhất mà có Ba Ngôi riêng biệt, Thiên Chúa Ngôi Cha, Thiên Chúa Ngôi Con và Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh. Chúa Cha tạo dựng vũ trụ, Chúa Con Cứu Chuộc muôn dân và Chúa Thánh Linh thánh hóa các linh hồn.
Đây là một mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, nó vượt mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn hữu hạn con người. Các nhà bác học dù khôn ngoan thông thái đến đâu cũng không thể hiểu hết được cái vũ trụ vật chất đang hiển hiện trước mắt, mà chỉ mò mẫm khám phá được một phần nào nơi các công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Vậy con người càng phải thú nhận sự bất lực của chính mình, trước một mầu nhiệm cao trọng nhất của Đức Tin, đó là Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta hãy hết lòng khiêm tốn suy phục và tôn thờ những điều Chúa đã mạc khải trong Thánh Kinh, với thế giá là Đấng chân thật vô cùng, không hề lừa dối ai và cũng không ai có thể lừa dối được Ngài.
I. MẶC KHẢI CHÚA BA NGÔI TRONG TÂN ƯỚC
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chính Chúa Kitô, là Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người đã mạc khải cho chúng ta về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, qua thánh lệnh Ngài truyền cho các Tông Đồ: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được Chúa Cha trao ban cho Thầy, vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm Phép Rửa cho họ nhân Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con". Chúa còn phán tiếp: "Thầy hứa sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28:19-20).
Nơi khác, Chúa hứa yêu thương và đến ngự trong lòng những kẻ yêu mến và tuân giữ giáo huấn của Ngài: "Ai yêu mến và tuân giữ giáo huấn của Thầy, Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy và Chúng Ta sẽ đến và ngự trong người ấy" (Jn. 14:23). Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi còn được mạc khải ở nhiều nơi khác trong Tân Ước, như dịp Chúa tỏ vinh quang của Người cho ba môn đệ (Mt 17), dịp Chúa chịu Phép Rửa tại sông Jordan (Mt 3:13-17).
Đó là những chân lý Chúa và Giáo Hội dạy chúng ta phải tin, hằng ngày chúng ta tuyên xưng niềm tin đó khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá, đọc kinh Sáng Danh, và tuyên xưng trong kinh Tin Kính, hoặc các trường hợp khác tương tự khi tham dự các Nghi Lễ Phụng Vụ.
II. ĐỀN THỜ SỐNG ĐỘNG CỦA CHÚA BA NGÔI
Khi lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy, chúng ta được diễm phúc trở nên con Thiên Chúa, được Chúa Ba Ngôi ngự trong hồn xác chúng ta như Đền Thờ sống động, như Thiên Đàng của Người. Chúng ta còn được sống bằng sức sống thần linh của Chúa, nhờ công nghiệp Ơn Cứu Chuộc của Chúa Kitô.
Chính nhờ niềm tin Chúa Ba Ngôi ngự trong linh hồn, mà biết bao người đã biết sống cuộc đời trong sạch; bao tội nhân đã được ơn cải thiện, bỏ đàng tội lỗi trở về với Chúa; bao chính nhân đã anh dũng hy sinh vì Chúa, sẵn sàng hy hiến cuộc đời để bênh vực Đức Tin; bao thanh niên nam nữ đã hy sinh cả cuộc đời mộng mơ, thánh hiến bản thân và cả cuộc sống để phụng sự Thiên Chúa; bao vị tông đồ đã từ bỏ quê cha đất tổ, với nếp sống đầy đủ tiện nghi thoải mái, để chọn một cuộc sống khổ cực nghèo nàn vất vả nơi các xứ truyền giáo, nhiều khi phải liều cả mạng sống mình để chinh phục các linh hồn về cho Chúa.
III. NGHĨA VỤ KHẨN THIẾT CỦA CHÚNG TA
Là con cái Chúa và Giáo Hội, chúng ta phải có nghĩa vụ nào với ơn cao cả được Chúa Ba Ngôi ngự trong tâm hồn chúng ta? Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta không phải chỉ như một Thiên Chúa, một Chủ Tể tối cao hiện diện trong các thụ tạo của Người; mà hơn nữa, Chúa còn ngự trong tâm hồn chúng ta như một Người Cha Nhân Từ hằng yêu thương con cái, như lời Chúa Cứu Thế đã dạy chúng ta cầu xin với Người: "Lạy Cha chúng con ngự trên trời". Chúa quan đến mọi nhu cầu dù rất nhỏ mọn, chẳng khác gì một bà mẹ săn sóc con nhỏ của mình. Chính Chúa đã bày tỏ lòng yêu thương đó, khi sánh Mình như một bà mẹ qua lời Chúa phán với tiên tri Isaia: "Các con được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm vào lòng, nâng niu trên đầu gối, như mẹ hiền âu yếm con thơ, Cha cũng cưng yêu vỗ về các con như vậy" (Is 66:12-13).
Tình Chúa yêu thương chúng ta còn tới chỗ thái quá khi nâng chúng ta lên ngang hàng với Người và gọi chúng ta là bạn: "Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi các con là Bạn Tâm Phúc, vì tất cả những điều Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho các con biết" (Jn 15:15).
Chúa còn ngự trong tâm hồn chúng ta như Đấng Thánh Hóa, luôn trào đổ muôn ơn lành xuống trên chúng ta, ban cho chúng ta các nhân đức và hồng ân của Người, giúp chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi và quyền lực Satan, hầu chúng ta được sống xứng đáng với ơn gọi cao cả làm con Chúa, làm Đền Thờ sống động Chúa hằng sung sướng hiển ngự.
Vậy nghĩa vụ khẩn thiết chúng ta phải có đối với Chúa Ba Ngôi là:
1. Tôn Thờ: Chúng ta cần phải dâng lên Chúa lòng tôn thờ xứng đng như một nghĩa vụ khẩn thiết của một thụ tạo phải có đối với Đấng Tạo Hóa, bằng cách luôn hiệp với Hiến Lễ Thánh Thể hằng tiến dâng nơi các bàn thờ trên khắp thế giới, nhất là mỗi khi chúng ta cử hành hay tham dự Thánh Lễ Misa; đồng thời; biến cả cuộc đời chúng ta cùng với Công Nghiệp và Giá Máu Chúa Cứu Thế, thành một Thánh Lễ liên tiếp để tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, vì chỉ có Lễ Hy Sinh của Chúa Kitô mới có giá trị vô song, tái diễn Lễ Hiến Tế Núi Sọ mới đáng được Thiên Chúa hài lòng chấp nhận. Không bao giờ cố tình tục hóa Đền Thờ bản thân chúng ta đã được hiến dâng cho Chúa ngày chúng ta lãnh Nhiệm Tích Thánh Tẩy, như lời Thánh Phaolô nhắn nhủ: "Anh em không biết rằng anh em là Đền Thờ Thiên Chúa sao, ai tục hóa Đền Thờ Thiên Chúa, sẽ bị Chúa hủy diệt" (1 Cor 3:16).
2. Yêu Mến: Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa, bằng cách không từ chối Chúa điều gì, luôn làm hài lòng Chúa, làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa, dâng trót tình yêu cho Chúa, đáp lại lòng Chúa khát khao: "Con hãy dâng trái tim con cho Cha!" (Prov 23:26) hợp với thánh lệnh Chúa truyền: "Con hãy yêu mến Thiên Chúa là Chúa con hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết tâm hồn con" (Mt 22:37).
3. Biết Ơn: Để tỏ lòng biết ơn Chúa vì những ơn phúc Chúa đã ban, ơn được làm con Chúa, ơn được làm Bạn Tâm Phúc của Chúa Kitô, ơn được trở nên Thừa Tác Viên phân phát các mầu nhiệm thánh... Chúng ta hãy cẩn phòng bảo toàn ơn thánh đã lãnh nhận, luôn giữ tâm hồn trong sạch sống trong ơn nghĩa Chúa, luôn làm hòa lòng Chúa, không bao giờ xúc phạm đến Chúa, bằng cách cố tình phạm bất cứ một tội lỗi nào, nhất là tội trọng, vì phạm tội trọng là trục xuất Chúa Ba Ngôi ra khỏi tâm hồn, đón rước ma quỉ vào thống trị tâm hồn mình. Hơn nữa, cần phải cố gắng giãi sáng ơn thánh Chúa bằng sống đời gương mẫu thánh thiện, nên chứng nhân chinh phục cho Chúa các linh hồn, để chớ gì tất cả những ai chúng ta giao tiếp, những ai chúng ta có sứ mạng phục vụ, đều cảm nhận thấy nơi bản thân chúng ta là "Người mang Thiên Chúa trong lòng".
Kết Luận
Những ai được tham dự các buổi triều yết Đức Thánh Cha Piô XII đều có cùng một nhận định khi quả quyết rằng: "Chúng tôi có cảm giác như ngài đang thấy Thiên Chúa hiện diện". Một bác nông phu nhà quê cũng phát biểu một tư tưởng tương tự, khi được mời tới thẩm vấn để lập hồ sơ xin phong Thánh cho Thánh Gioan Maria Vianney: "Tôi đã thấy Thiên Chúa nơi ngài!"
Vậy, người ta sẽ phát biểu thế nào khi thấy chúng ta, là những con người được diễm phúc mang danh nghĩa là con Thiên Chúa, là Bạn Tâm Phúc của Chúa Kitô, là Chúa Kitô thứ hai, là những tông đồ, những sứ giả của Thiên Chúa? -------------------------------
Chuyện kể rằng: một hôm có chàng thanh niên vào rừng đốn củi. Đến trưa nhọc mệt anh nằm: BaNgôi ABC55
Chuyện kể rằng: một hôm có chàng thanh niên vào rừng đốn củi. Đến trưa nhọc mệt anh nằm nghỉ dưới gốc cây đa cổ thụ, nhìn lên thấy cành lá rườm rà, song qủa đa nhỏ xíu. Anh thầm nghĩ, sao cây thì khổng lồ mà trái nhỏ xíu vậy tôi mà là Ông Trời thì tôi cho trái nó to như trái bí và lá nó to như lá chuối như thế mới cân xứng. Đúng là Ông Trời thiếu khôn ngoan, không biết tính toán gì cả. Thế rồi anh ngủ đi lúc nào không hay. Đang ngủ say thì một cơn gió lớn thổi mạnh làm một qủa đa rớt vào mặt anh ta. Anh giật mình thức dậy vừa xoa mặt vừa nghĩ: May quá, nếu trái đa lớn bằng trái bí thì mặt mình đã dập ra như cái bánh bao rồi. Qủa là Ông Trời khôn ngoan, biết lo liệu hơn là mình nghĩ.
Thiên Chúa sáng tạo mọi sự hài hòa và có tính toán của Chúa. Nhìn vào chính thân thể mình, chúng ta thấy là cả một công trình vừa tỉ mỉ vừa tài khéo không có đầu óc phàm nhân nào hiểu thấu. Thí dụ như chỉ trong một square inch da của chúng ta mà thôi thì trong đó có chứa tới 19 triệu tế bào của da, 60 sợi lông, 90 tuyến mỡ, 19 feet mạch máu, 625 tuyến mồ hôi và 19,000 tế bào cảm giác.
Sách Giáo Lý Công Giáo số 292 cho chúng ta biết Sáng Tạo là công cuộc của Chúa Ba Ngôi, "Được ám chỉ trong Cựu Ước, được mạc khải trong Tân Ước, hành động sáng tạo của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là một và không thể tách rời hành động sáng tạo của Chúa Cha... Sáng tạo là công cuộc chung của Ba Ngôi Thiên Chúa."
Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm vượt trên mọi trí khôn thụ tạo. Mầu nhiệm này là mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin và của sinh hoạt Kitô giáo. Nếu dùng đầu óc để tìm hiểu mầu nhiệm này thì chắc chắn chúng ta thất vọng. Nhưng may mắn chúng ta có Trái Tim để cảm nghiệm được một phần nào không phải cái "lý lẽ" của mầu nhiệm nhưng thứ "tình yêu" bao la mà Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta. Nghĩa là vì yêu thương mà Thiên Chúa Ba Ngôi dựng nên chúng ta, vì yêu thương mà sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa không bỏ mặc nhưng hy sinh Người Con duy nhất của Ngài để cứu chuộc chúng ta, rồi cũng vì yêu thương mà Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta, tức là Chúa Thánh Thần tiếp tục công trình cứu chuộc của Chúa Con nơi mỗi người cho tới khi thành đạt là được hưởng Nước Trời.
Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu cho nên khi đo lường con người thì Chúa đo ở Trái Tim chứ không ở Cái Đầu. Có nghĩa là Chúa đo mức độ chúng ta mến Chúa và yêu anh chị em chứ không đo mức độ chúng ta hiểu biết khoa học nhiều hay thông suốt nhiều ngôn ngữ.
Cứ trở lại Phúc Âm chúng ta thấy rõ điều đó: để định đoạt số phận đời đời của mỗi người thì Chúa hỏi chúng ta có làm hay không làm cho những anh chị em nghèo đói, trần truồng, lao tù, đau yếu? Để xác định chúng ta được tha nhiều hay ít thì Chúa cũng đo ở tình yêu, "Chị này được tha nhiều bời vì chị yêu mến nhiều." Để giao trách nhiệm liên quan đến người khác thì Chúa đo lường ở tình yêu, "Phêrô, con có yêu mến Thầy hơn những người này hay không?.. . hãy chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Thầy." Để xác định chúng ta là môn đệ Chúa hay không thì Chúa cũng dựa vào tình yêu, "Các con cứ yêu mến nhau để thiên hạ nhìn thấy mà biết các con là môn đệ Thầy." Như vậy "đồng phục" của người Công Giáo là Đức Bác Ái, Yêu Thương.
Ngày nào đó con người sẽ trở về nguồn gốc của mình là tro bụi. Tất cả những hành trang chúng ta gom góp và nâng niu như: kiến thức, sức khỏe, sắc đẹp, thông minh, tài khéo.. . khi chạm tới quan tài đều biến thành con số không. Chỉ có một thứ hành trang duy nhất chúng ta có thể mang đi với mình là Tình Yêu Thiên Chúa và tha nhân.
Trong ngày lễ trọng tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta nhắc nhở mình cái chân lý này: Tôi đã được Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương nên Ngài dựng thành, cứu chuộc và thánh hóa. Vậy tôi phải có nghĩa vụ đáp trả lại tình yêu đó. Nợ tình phải trả bằng tình. Cuối cùng chỉ có Đức Mến là thiên thu.
Đã nhiều lần tôi trộm nghĩ, nếu bây giờ mình ra khỏi thế gian này, đứng trước tòa Chúa phán xét thì điều gì tôi hối hận nhất? Tôi không cần suy nghĩ lâu để tìm ra câu trả lời, "Điều tôi hối hận nhất là khi còn sống trên trần gian này tôi yêu mến Chúa qúa ít. Từ cái nhược điểm đó nó kéo đi theo bao nhiêu vấn đề xấu hay tiêu cực khác." Rất may chúng ta còn có thời giờ, chúng ta biết phải làm gì để bớt hối hận nhiều ở đời sau. -------------------------------
Trong đoạn Tông thư Thánh phaolô có lời cầu chúc: "Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô: BaNgôi ABC56
Trong đoạn Tông thư Thánh phaolô có lời cầu chúc: "Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng ta và tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em" là một lời mạc khải xác quyết của Ngài về gia đình đầy ân sủng của Chúa Ba Ngôi, trong đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Mầu nhiệm về Thiên Chúa duy nhất đồng một bản thể nhưng có Ba Ngôi riêng biệt và hành động khác nhau đã được các thánh Tông Đồ tuyên tín ngay trong thời khơi dựng Giáo Hội qua kinh Tin kính. "Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng dựng nên trời đất muôn vật. Tôi tin kính Chúa Giêsu Kitô Con một Đức Chúa Cha, xuống thế làm người, chịu chết chuộc tội cho thiên hạ Tôi tin kính Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng ban sự sồng...". Chúng ta cũng tin như thế vì thế giá của chính Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa đã nói cho chúng ta biết về Chúa Ba ngôi. Chúng ta cũng tin như thế vì thế giá của các thánh Tổ phụ và các thánh khác đã được Chúa mạc khải cho. Thánh Augustinô dạy: "Màu nhiệm Chúa Ba ngôi chỉ có thể hiểu được khi chúng ta được hợp nhất với Chúa trên thiên đng"
Thánh Augustinô là vị đại thánh Tiến sỹ của Giáo hội, ngài đã suy nghĩ và tìm hiểu để dạy cho mọi người biết về Chúa Ba ngôi thế nào khi ngài đi bách bộ trên bờ biển. Chúa đã sai một thiên thần nhỏ đến nơi ngài đang suy niệm, lấy con sò múc nước biển đổ vào lỗ con dã tràng đào trên cát. Augustinô thấy em làm việc các thích thú, nhưng có về kỳ ngộ đối với ngài, nên ngài đến hỏi em:
- Em làm việc gì mà ngộ thế ?
Em trả lời:
- Cháu có ước vọng tát cạn nước biển khơi bằng cách múc nước đổ vào lỗ con dã tràng này.
- Không được đâu em, biển thì rộng bao la, nước biển thì dạt dào mà lỗ dã tràng thì nhỏ bé, làm sao tát cạn được biển.
Thiên thần nhỏ trả lời:
- Cháu nghĩ cháu có thể làm được việc này và tát cạn được nước biển cách dễ dàng hơn điều ngài đang suy luận trong lòng về Thiên Chúa Ba ngôi nữa.
Nói rồi Thiên thần biến đi và lời đó đánh thức ngài về với thực tại con người. "Tát cạn nước biển còn dễ hơn việc suy về Chúa Ba ngôi" và ngài đã kết luận "Thiên Chúa Ba ngôi là một màu nhiệm chỉ có thể hiểu đủ khi ta được về trời". Tuy nhiên ngài cũng dùng nhiểu thí dụ cụ thể để giải đáp những thắc mắc theo trí óc loài người. Ngài diễn tả sự DUY NHẤT của Thiên Chúa Ba Ngôi như một hình tam giác đều với đầy đủ mọi đặc tính như nhau và bằng nhau của toán học.
Ngài cũng dùng ngọn đèn cầy để diễn tả TÁC ĐỘNG RIÊNG của mỗi Ngôi: Ngọn lửa nguồn chính, là Chúa Cha phát sinh ra ánh sáng là Chúa Con để cứu người ta khỏi ngồi trong bóng tối tội lỗi. Ngọn lửa cũng đem hơi ấm là Thánh Thần để thánh hóa, sưởi ấm mọi cõi lỏng cô lạnh. Cả ba hành động khác nhau nhưng cũng do một nguồn là ngọn lữa.
Ta cũng có thể diễn tả sự NHẤT TRÍ và HÒA HỢP của Chúa Ba ngôi trong tư tưởng và hành động như người chơi dương cầm: Cây đàn là Chúa Cha hợp với năng khiếu, tài khéo của đôi tay là Chúa Con để dệt lên những cung điệu nhịp nhàng thánh thót là sự sống động của Chúa Thánh thần, làm thỏa lòng người nghe. Tuy ba hành động khác nhau nhưng cả ba đều hợp nhất trong hành động, đều hòa hợp trong việc làm. Chính sự hợp nhất vả hòa đồng ấy mà Thiên Chúa Ba Ngôi cảm thấy mình hạnh phúc không chi sánh bằng, một hạnh phúc bất tận và miên trường trong sự trường cửu của Ngài.
Thánh Phaolô đã cảm khoái được sự hợp nhất yêu thương này nơi Thiên Chúa nên ngài khuyên chúng ta: "Anh chị em hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, hãy hòa thuận với nhau thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an hạnh phúc sẽ ở với anh chị em" (2 Cor 13:12). Gia đình Chúa Ba Ngôi là một gương mẫu yêu thương, hòa thuận và nhất trí. Chúng ta cũng hãy gắng tạo cho gia đình chúng ta nên một gia đình nhất trí trong yêu thương và trong che chờ đùm bọc như vậy.
Một trong những năn trở dễ phá vỡ hạnh phúc gia đình, tôi muốn lưu ý anh chị em là sự khó chịu buồn bực do bạn bè, do chủ hãng, do sở làm, do nhà trường, do hoàn cảnh giao tế xã hội... tạo nên cho mình rồi khi về nhà không gạt bỏ, không để nó ở ngoài cửa, mà đem về trút đổ trên con cái, trên vợ chồng... gây khó khăn cho nhau, làm mất đi bầu khí hạnh phúc gia đình. Chớ gì khi về nhà chúng ta chỉ sống cái bầu khí của gia đình: yêu thương, chia sẻ, nâng đỡ, an ủi nhau.... Đó là hình ảng của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa, duy nhất, thánh thiện, nhất trí và yêu thương.
Nguyện xin Chúa Ba ngôi soi dẫn trí lòng mỗi người trong gia đình chúng con, biết sống đúng địa vị trong nhà, biết hợp lòng nhất trí với nhau trong tư tưởng và hành động để chúng con trở nên một gia đình hạnh phúc, nên hiện thân của Gia đình Ba ngôi Thiên Chúa giữa trần gian. Amen. (6/2003). -------------------------------
Có người nông dân dạy con trai mới lớn: muốn cho mướp ra nhiều trái phải bấm ngọn.Cậu bé hỏi: BaNgôi ABC57
Có người nông dân dạy con trai mới lớn: muốn cho mướp ra nhiều trái phải bấm ngọn.Cậu bé hỏi: tại sao? Người Cha trả lời: vì nó tức nên nó đâm trái.
Có thể cậu bé không bằng lòng,nhưng sau này khi vào đại học nông nghiệp,cậu sẽ biết rõ lý do.
Một em bé đứng trước thi hài ông nội, hỏi mẹ: Mẹ ơi sao ông nội chết vậy hả mẹ? Mẹ đáp: vì ông nội già rồi.Bé lại hỏi: thế bà nội già rồi sao không chết ? Chú Tư trẻ vậy sao lại chết.Người mẹ vui mừng vì thấy con thông minh,lý sự nhưng lúng túng không tìm ra câu trả lời thoả đáng.Khi lớn lên em bé sẽ hiểu lý do.
Trước mầu nhiệm Ba Ngôi,một mầu nhiệm cao sâu,tri khôn nhỏ bé của con người không thể hiễu nổi.Tại sao một Chúa mà Ba Ngôi?,1 là 3,3 là 1 ?.Ba Ngôi là một mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa,nó vượt qua mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn hữu hạn con người. Qua bao thời đại trí khôn con người dựa vào mạc khải để tìm hiểu huyền nhiệm sâu thẳm này.
Thánh kinh có bàn nhiều về mầu nhiệm Ba Ngôi
- Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất nhưng cũng có mầm móng về mầu nhiệm Ba Ngôi.Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất của Cựu ước( Ịnl 6,4-5).Ịiều này cần thiết cho bối cảnh đa thần giáo ở trung đông thời bấy giờ.
- Mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba ngôi.Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan.Chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1, 32-34). Tiếng chúa Cha tuyên phán: con là con Ta yêu dấu (Mt 1,11).Tiếng nói, chim câu,Chúa Giêsu,ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi.Trong phúc âm Mathêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và con và Thánh thần”( Mt 28,19).Thánh phaolô luôn cầu chúc: An sủng của Ịức Kitô,tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh thần ở cùng anh chị em.
Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi và là Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần.Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa,dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.Mỗi ngôi vị đều bằng nhau về về thần tính và ưu phẩm,nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa.Mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất.Nói theo từ ngữ của Công đồng Vatican II: Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha,Chúa Cha chia sẽ và bàn bạc sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.Việc thực hiện sáng kiến ấy giống như một bản trường ca gồm hai phần chính.Ịức Kitô thực hiện phần đầu.Ngài nhập thể,mạc khải về Chúa Cha dâng lên Cha hy lễ thập giá để cứu độ.Phần hai dựa vào công trình ấy mà nâng con người lên,đưa con người về cùng Cha,đó là phần vụ của Chúa Thánh Thần. Thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, Ngài bỗng bổng nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.
Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau.Ba Ngôi là một gia đình.Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa.Thiên Chúa là Cha. Ịức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau.Ịạo lý Ịông phương vốn trọng chữ trung, chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo.Trung với Chúa,hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết,chỉ có thể đón nhận bằng đức tin.Thực tại Ba ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rực rỡ,ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.
Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quang Ịức Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần.Là dân tộc lữ hành,phát xuất từ Chúa Cha,sẽ trở về với Chúa Cha,nhờ trung gian của Ịức Kitô,dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần.Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô,được xây dựng thành Ịền Thờ Chúa Thánh Thần . Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại ( x.GH 1; GLCG số 772).Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội.Giáo hội là công trình của Ba Ngôi.Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.
Nhìn lên cung thánh, thấy Thánh Giá,Nhà Tạm,Bàn Thờ.Ịó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu.Trên Thánh Giá,Ịức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha.Ngài tự nguyện chịu đau khổ,chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha,để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài.Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực.Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô.Khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Ịức Kitô.Ngài luôn hiện diện giữa dân Người,đặc biệt khi Lời Kinh thánh được công bố qua thừa tác viên linh mục để ban ân sủng cho tín hữu.
Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh,cùng một sự sống đó là tình yêu thần linh.Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.Với chúng ta sự sống ấy là sự sống của Ịức Kitô,Mình và Máu Ịức Kitô trao ban qua thánh thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34).Khi chia sẽ chén hiệp thông cuả Ba Ngôi,chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một( Ga 17,21).
Chúng ta đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa.Nói theo kiểu nói của Ịức Hồng y Henry De Lubac: Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương.Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng.Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến.Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương.Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa.Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa,tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa.Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu,không gặp mâu thuẫn đau khổ.Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Ịức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẽ,là ở lại trong tình yêu.Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác “Nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời và trong cuộc sống hàng ngày.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An -------------------------------
Đức Kitô cầu nguyện cùng Chúa Cha xin thánh hiến các môn đệ, và qua các môn đệ chúng ta: BaNgôi ABC58
Đức Kitô cầu nguyện cùng Chúa Cha xin thánh hiến các môn đệ, và qua các môn đệ chúng ta cũng được ơn thánh hiến trong tình yêu Thiên Chúa. Mỗi lần chúng ta đọc kinh: Thánh, Thánh, Thánh& Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng siêu việt, nổi bật cao trọng khác thường. Và chính trong sự thánh thiện của Ba Ngôi Thiên Chúa mà chúng ta được kêu gọi thánh hiến bằng sự hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa. “Cầu cho chúng nên một như chúng ta là một.” Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi: Ba ngôi hiệp nhất trong một Bản tính Tình yêu. Hiệp nhất nên một trong tình yêu đó là giấc mơ của con người trong tình bạn hữu, trong tình yêu vợ chồng, trong tình yêu nhân loại: “Tứ hải giai huynh đệ.” Và trong Tình yêu Thiên Chúa.
Chính Đức Kitô đã sống sự hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong suốt cuộc đời cứu thế của mình. Mỗi hoạt động của Đức Kitô đều quy tụ về Tình yêu hiệp nhất Thiên Chúa Ba Ngôi.
Giáo hội hiện hữu và sinh sống hoạt động trong Thiên Chúa duy nhất nhưng Ba ngôi Thiên Chúa. Giáo hội phản ảnh sự hiệp nhất tình yêu Thiên Chúa trong sự khác biệt chủng tộc màu da tiếng nói: đó là hình ảnh thông hiệp ở trần gian bằng sự cầu nguyện, cử hành các bí tích, thực hiện bác ái yêu thương nhau. Nhưng trước tiên, Giáo Hội là hình ảnh thánh thiện của Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh!
Đức Maria cũng là hình ảnh thánh thiện trong sự sống kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa xuống thế làm người trong lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Đức Maria cho chúng ta thấy quyền lực Thiên Chúa Cha, bản tính nhân loại nơi Đức Kitô và sức sống hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có cố gắng đem lại chút tình yêu cho tha nhân trong việc giao tiếp chuyện trò, trong công việc làm, trong đời sống gia đình bạn bè, trong sự dấn thân phục vụ tha nhân& để chúng ta trở nên một trong Tình yêu Thiên Chúa Ba ngôi.
Mỗi người chúng ta là Kitô hữu, là người đã nhận bí tích Rửa tội, cũng là con người như bao nhiêu người khác, nhưng chúng ta có cái khác là thông phần thánh thiện của Thiên Chúa. Đó là chân lý mà Đức Kitô muốn bày tỏ và thực hiện trong sứ mạng của mình. Sự thánh hiến của Đức Kitô cho Chúa Cha, trong Tình yêu Thiên Chúa Ba ngôi được thể hiện cách trọn vẹn khi Đức Kitô phó mình chịu chết trên cây thánh giá: “Chỉ căn cứ vào điều này chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng sống vì chúng ta; như vậy cả chúng ta nữa, chúng ta phải thí mạng sống vì anh chị em” (1 Ga 3,16).
Chúng ta có ý thức nhận đặc ân cao trọng nầy là được hiệp thông, được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa Ba Ngôi, được thánh hiến trong Tình yêu Thiên Chúa Ba ngôi. Và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải thánh hiến tha nhân, hiệp thông với tha nhân trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi!
1) Ý chính: Mầu nhiệm “Tam Vị Nhất Thể” hay Một Chúa Ba Ngôi.
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Tin Mừng Mát-thêu: Đức Giêsu Phục Sinh hẹn các Tông: BaNgôi ABC59
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Tin Mừng Mát-thêu: Đức Giêsu Phục Sinh hẹn các Tông Đồ đến một ngọn núi miền Galilê. Ở đó Người tuyên bố rằng: Người đã được Chúa Cha trao cho toàn quyền trên trời dưới đất và Người sai các ông đi khắp nơi thâu nạp môn đồ, làm phép rửa cho họ “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Người hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế.
2) Chú thích:
- Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi (Mt 28, 16-17):
+ Mười một môn đệ: Nói về Giuđa Ít-ca-ri-ốt: khi thấy Thầy Giêsu là người vô tội do mình bán nộp đã rơi vào tay các đầu mục Do Thái và sắp bị kết án tử hình, Giuđa cảm thấy hối hận. Hắn liền đem ba mươi quan tiền được trả công để trả lại cho các đầu mục Do Thái. Khi không được nhận lại, Giuđa đã ném số bạc đó vào gian Thánh Đền Thờ và đi thắt cổ tự tử (x. Mt 27,3-5). Nhóm 12 Tông Đồ do thiếu mất Giuđa, và Mátthia lúc đó chưa được bổ sung (x. Cv 1,15-26), nên hóm chỉ còn 11 ông. Từ đây, Nhóm này trở thành Tông Đồ Đoàn, được trao nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh Chúa.
+ Đi tới miền Galilê: Tức là đến với dân ngoại, giống như Đức Giêsu vào lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng (x. Mt 4,12-17), và cũng để vâng theo chỉ thị của Chúa Phục Sinh truyền cho các ông qua bà Maria Mácđala và bà Maria khác (x. Mt 28,10).
+ Đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến: Xét về địa điểm thì không thể xác định cụ thể. Nhưng ở đây Mátthêu chỉ muốn nói đến núi theo ý nghĩa tương trưng mà thôi: Núi là nơi Thiên Chúa mặc khải. Chẳng hạn: Đức Chúa trao Luật Giao Ước cho Môsê trên núi Khô-rép (x. Xh 24, 13.15.18). Khởi đầu sứ mệnh thiên sai, Đức Giêsu đã trao Hiến Chương Nước Trời trên Núi và gọi là Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 5,1-7,27).
+ Thấy Người, các ông bái lạy: Sau nhiều lần hiện ra để củng cố niềm tin của các môn đệ và các Tông Đồ, lần này Chúa Giêsu hiện ra để trao sứ mệnh phổ quát cho các ông trước khi về trời. Cử chỉ bái lạy của các ông nói lên đức tin của các ông: Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa”.
+ Nhưng có mấy ông lại hoài nghi: Câu này thật khó giải thích, vì xem ra mâu thuẫn với thái độ bái lạy trước đó. Có mấy cách giải thích lý do các ông hoài nghi như sau:
*Ý thứ nhất: sự hoài nghi nói đây không phải là hoài nghi Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết, nhưng là hoài nghi rằng Đấng hiện ra đây có phải là Thầy Giêsu thực sự hay chỉ là hình bóng ma quái như các lần hiện ra trước đó (x. Lc 24,37).
* Ý kiến khác lại cho rằng: hoài nghi là thái độ phải xảy ra trước khi đạt tới đức tin hoàn hảo. Có điều chắc là Mát thêu không có ý nói đến thái độ hoài nghi vào lúc này, nhưng nhắc đến sự hoài nghi đã xảy ra trước đó mà ông chưa có dịp nhắc đến. Như vậy đây chỉ là một sự trục trặc về cách hành văn, chứ không co mâu thuẫn về tư tưởng.
* Sau cùng có ý kiến cho rằng: Vì đây là cuộc hiện ra để “trao sứ mệnh” cho Nhóm Mười Một là đại diện của Hội Thánh, nên sự hoài nghi nói đây không phải là sự hoài nghi của riêng các Tông Đồ, mà là thái độ của Hội Thánh nói chung. Mấy kẻ còn hoài nghi ám chỉ Hội Thánh vào thời Tin Mừng đang được hình thành, và cũng ám chỉ Hội Thánh hôm nay: Mầu nhiệm Phục Sinh tuy là sự thật hiển nhiên, nhưng vẫn luôn bị người ta hoài nghi.
- Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,18-19):
+Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất: Lúc khởi đầu sứ mệnh, cũng ở trên núi cao. Đức Giêsu đã từng từ chối quyền trên mọi nước thế gian do Xatan hứa ban (x. Mt 4,8-10). Nhưng giờ đây Người lại tuyên bố: Người đã được Thiên Chúa trao toàn quyền trên trời dưới đất, ứng nghiệm lời sấm của Đanien về sứ mệnh của con Người như sau: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong, khác hẳn với mọi vương quốc. Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ dẫm nát và nghiền tan” (Đn 7, 14). Ở đây, quyền của Đức Giêsu còn bao trùm cả trên trời dưới đất nữa (x. Rm 1,4; Pl 2,9-11).
+ Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ: Hội Thánh phải dùng quyền của Đức Giêsu trao cho, nhân danh Người mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ Người. Trước hết là dân Do Thái (x. Mt 10,5-6; 15,24), rồi đến mọi dân tộc trên thế giới (x. Mt 8,11; 22,8-10; 24,14; 25,32).
+ Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Để làm cho người ta nên môn đệ Chúa Giêsu, các Tông Đồ phải làm phép rửa tái sinh họ bằng nước bề ngoài và bằng Thần Khí bên trong (x. Ga 3,3.5). Phép rửa đó được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Mt 28,19).
- Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20): + Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em: Sứ mệnh các Tông Đồ còn gồm cả quyền dạy dỗ các tín hữu cho tới khi Hội Thánh đạt tới tình trạng viên mãn (x. Ep 1,23), nghĩa là trở thành một Dân Riêng Mới của Giao Ước Mới, sống Giới Răn Mới của Đức Giêsu đã ban là: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 13,34).
+ Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Phục Sinh hứa sẽ luôn ở trong Hội Thánh nhờ Thánh Thần của Người và trong các mục tử của Người, để giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh “được sai đi” khắp nơi cho đến ngày tận thế. Như vậy Chúa Giêsu đã mặc khải Người chính là “Đấng Emmanuen: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).
** Thắc mắc 1: Thánh Kinh nói gì về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi ? Nội dung Mầu Nhiệm ấy thế nào ? Có cách diễn tả nào giúp hiểu phần nào về Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi hay không ?
Giải đáp:
a) Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong Thánh Kinh:
- Cựu Ước: Muốn nhấn mạnh đến đức tin độc thần: Chỉ có Đức Chúa mới là Thiên Chúa độc nhất, chỉ mình Người mới hiện hữu và có thể ban ơn cứu độ. Do đó, trong Cựu Ước Thiên Chúa chưa mặc khải về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
* Trong Mười Điều Răn được ban cho dân Israen, điều răn quan trọng nhất là: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,3).
* Ngôn Sứ Isaia cũng tuyên sấm lời Thiên Chúa: “Trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành. Và sau Ta cũng vậy. Chính Ta đây là Đức Chúa. Ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ” (Is 43,10-11).
- Tân Ước:
* Thánh Mátthêu thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chịu phép Rửa. Trong đó mặc khải về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: Khi Đức Giêsu chịu phép Rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa, có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16). Tiếng phán từ trời là của Chúa Cha (Ngôi I ), Đức Giêsu là Chúa Con (Ngôi II ) và chim bồ câu là hình ảnh của Chúa Thánh Thần (Ngôi III ). Mátthêu cũng ghi lại lệnh truyền của Chúa Phục Sinh cho các Tông đồ, trong đó mặc khải rõ ràng nhất về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như sau: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
* Thánh Luca trong Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại bài giảng của tông đồ Phêrô, trong đó có câu: “Thiên Chúa Cha (Ngôi I ) đã ra tay uy quyền nâng Người lên (Ngôi II ), trao cho Người Thánh Thần (Ngôi III ) đã hứa, để người (Ngôi II ) đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2,33).
* Thánh Gioan nhiều lần đề cập đến Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong Tin Mừng thứ tư: “Thầy (Ngôi II) sẽ xin Chúa Cha (Ngôi I ), và Người (Ngôi I ) sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác (Ngôi III ), đến ở với anh em luôn mãi (Ga 14,16). - “Mọi sự Chúa Cha có (Ngôi I ) đều là của Thầy (Ngôi II ). Vì thế, Thầy (Ngôi II ) đã nói: Người ( Ngôi III ) lấy những gì của Thầy (II) mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15).- “Tôi (Ngôi II ) và Chúa Cha (Ngôi I ) là Một” (Ga 10,30).
* Thánh Phaolô diển tả về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong một số đoạn thư như sau: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô (Ngôi II ), tình yêu của Chúa Cha (Ngôi I ), và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần (Ngôi III ) ở cùng anh chị em” (2 Cr 13,13).- Nơi khác, Phaolô viết: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa (Ngôi I ) đã sai Thần Khí (Ngôi III ) của Con mình (Ngôi II ) đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên “Ap-ba, Ba ơi !” (Gl 4,6).- Trong thư Ephêsô: “Thật vậy, nhờ Người (Ngôi II ), cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí (Ngôi III ) duy nhất, mà đến cùng Chúa Cha (Ngôi I )” (Ep 2,18);- Cũng trong thư Ephêsô: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí (Ngôi III ), cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa (Ngôi II ), một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa (Ngôi I ), Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6).- Trong thư Titô: “Thiên Chúa (Ngôi I ) đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần (Ngôi III ) xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô (Ngôi II ) Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6).
b) Nội dung Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Chỉ có Một Thiên Chúa là Tình Yêu Thương (1 Ga 4,7), nhưng Người có Ba Ngôi: Ngôi thứ Nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con, Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính Thiên Chúa và cùng một quyền năng, nên trong Ba Ngôi không có vấn đề Ngôi nào lớn hơn. * Chúa Cha đã dựng nên ta: Khi sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người, Thiên Chúa xuất hiện là Ngôi thứ Nhất như một người Cha. Người dùng Lời quyền năng làm cho vạn vật từ hư không xuất hiện (x. St 1,3.6.8.11.14.20.24.26). Và Người tiếp tục quan phòng gìn giữ để các tạo vật ấy được tồn tại và phát triển biến hóa ngày một tốt đẹp hơn. Người cứu độ loài người bằng cách sai Con Một nhập thể cứu chuộc và ban Thánh Thần thánh hóa loài người.
* Chúa Con đã cứu chuộc ta: Khi thực hiện chương trình cứu độ loài người, Chúa Cha đã sai Con Một mình là Ngôi Hai xuống thế làm người là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 3,16). Người thi hành sứ mệnh Thiên Sai bằng việc công bố Tin Mừng Nước Trời, làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, và cuối cùng tình nguyện chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay loài người và sống lại vinh quang để cứu rỗi loài người. Đức Giêsu chính là “Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,16), là “Con rất yêu dấu luôn làm hài lòng Cha” (Mc 1,11). Người là phản ảnh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (x. Dt 1,3). Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Ngài luôn hiệp nhất với Chúa Cha (x. Ga 17,22). Nếu phẩm chức làm Con Thiên Chúa đặt Đức Giêsu ngang hàng với Thiên Chúa: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30.33), thì với tư cách là Đấng Thiên Sai, Đức Giêsu luôn hành động lệ thuộc vào Chúa Cha (x. Ga 5,19; 14,10): “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13,16); “Bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14,28).
Về mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, Thánh Phaolô dạy như sau: “ Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn lại hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên húa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quì, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,6-11).
* Chúa Thánh Thần thánh hoá ta: Khi tuôn đổ Thần Khí ân sủng xuống trên các Tông Đồ và các Môn Đệ, ban ơn soi sáng giúp lương dân gia nhập Nước Trời là Giáo Hội, tiếp tục trợ giúp Giáo Hội chu toàn ba sứ mệnh của Đấng Thiên Sai: Một là làm Ngôn Sứ để rao giảng Tin Mừng; Hai là làm Tư Tế để thánh hóa loài người nhờ cử hành các phép Bí Tích; Ba là làm Vương Đế để chăm sóc và phục vụ đoàn chiên của Chúa trao phó &thì Thiên Chúa đó là Chúa Ngôi Ba, được gọi là Chúa Thánh Thần hay Chúa Thánh Linh.
c) Một số cách diễn tả về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi:
Các nhà thần học đã cố gắng diễn tả về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi nhằm giúp các tín hữu hiểu biết được phần nào về Mầu Nhiệm này, cụ thể như sau:
* Thánh Patrick dùng hình ảnh lá cây “Tam diệp thảo” tuy chỉ có một lá, nhưng lá ấy lại có ba lá nhỏ dính với nhau. Thánh Inhaxiô thì dùng hình ảnh một hợp âm trên dòng nhạc, gồm ba nốt nhạc chồng lên nhau.
* Ngoài ra, có thể diễn tả Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi bằng mấy hình ảnh sau: Nước tuy chỉ là một chất nhưng có thể xuất hiện dưới ba dạng khác nhau là: hơi, đặc và lỏng ; Hình Tam Giác Đều tuy chỉ là một hình tam giác, nhưng lại có ba góc và ba cạnh bằng nhau; Một người đàn ông kia tuy chỉ là một người nhưng lại có 3 vai trò khác nhau: là “cha” đối với con ông ta; là “con” đối với cha mẹ của ông; là “bạn”, “ông” hay “chú” đối với người khác.
** Thắc mắc 2: Phải chăng ngay từ khi lên trời, Đức Giêsu đã trao cho Hội Thánh sứ mệnh phải lập tức đi rao giảng Tin Mừng khắp muôn dân ngay ? Phải chăng công thức làm phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đã được chính Chúa Kitô truyền cho các Tông Đồ trong đoạn Tin Mừng hôm nay ?
Giải đáp:
- Sứ mệnh rao giảng Tin Mừng khắp muôn dân:
Quả thật, Công Vụ Tông Đồ, là sách lịch sử về Hội Thánh thời sơ khai, do Luca biên soạn, ra đời vào khoảng từ năm 80 đến 90, dưới ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần. Trong sách này, Hội Thánh sơ khai được Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn và ban ơn phù trợ, đã phải qua một thời gian dài và gặp nhiều kinh nghiệm đau thương, mới dần dần ý thức được tầm mức phổ quát của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng là phải đến với mọi dân tộc (x. Cv10,42.44-48; 13,44-52).
- Rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi: Trong Sách Công Vụ Tông Đồ, tác giả Luca mới chỉ nói tới việc ban phép rửa nhân danh Chúa Giêsu (x. Cv 2,38; 10,48). Từ những nhận định này, ta có thể kết luận như sau: Mệnh lệnh được trao cho các Tông Đồ trong đoạn Tin Mừng này đúng thật là của Chúa Kitô Phục Sinh. Nhưng tính phổ quát của mệnh lệnh đó đã được Hội Thánh lãnh hội dần dần nhờ ơn soi dẫn của Thánh Thần và nhờ kinh nghiệm thực tế gặp phải trên đường truyền giáo.
- Như vậy: Mãi đến cuối thế kỷ thứ nhất, từ năm 80 đến năm 90, sau nhiều năm sưu tập và biên soạn, Tin Mừng Mátthêu mới được hình thành cách hoàn chỉnh như hiện nay. Vậy khi thuật lại lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các Tông Đồ, Mátthêu đã đặt vào miệng Chúa Giêsu câu công thức rửa tội “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (x. Mt 28,19; 1Cr 6,11), mà trong thời gian ấy, Giáo Hội đã xử dụng trong nghi lễ phụng vụ phép Rửa, thay thế cho công thức phép rửa ban đầu “Nhân danh Chúa Giêsu”, như sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại (x. Cv 2,38; 8,16; 10,48; 19,5).
II. HỌC SỐNG LỜI CHÚA
1) “Làm phép Rửa cho họ Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19):
- Câu chuyện: Chàng sinh viên và ông già Lu-y Pát-tơ:
Trên chuyến xe lửa Ly-ông Pa-ri (Lyon Paris), một thanh niên ăn mặc sang trọng, ngồi bên một ông già với vẻ bề ngoài đơn giản và hơi nhà quê. Bấy giờ ông cụ đang cầu nguyện bằng cách nhắm mắt, tay cầm cỗ tràng hạt và miệng lẩm bẩm đọc kinh. Chờ cho ông cụ đọc xong, chàng thanh niên bắt đầu gợi chuyện: “Tôi có nhận xét là tại sao đến giờ này mà ông còn quá tin tưởng như thời trung cổ ! Chắc ông cũng tin Đức Mẹ sinh con mà còn đồng trinh và những chuyện đại loại được ghi trong Thánh Kinh, và được mấy ông linh mục nhai đi nhai lại trong nhà thờ chớ gì ?” Ông già trả lời: “Đúng như vậy đó! Thế còn cậu thì sao ?” Chàng trai liền cười rộ lên và nói: “Tôi mà lại tin những điều vớ vẩn đó sao ? Tôi đã khám phá ra sự thật ở trường Đại Học. Thiết tưởng ông nên bắt đầu bỏ xâu chuỗi đi, để có giờ đọc các sách báo khoa học tiến bộ !” Ông già nói: “Tôi cũng muốn như vậy, nhưng lại sợ khó lòng hiểu nổi khoa học !” Chàng thanh niên liền đáp: “Được rồi, tôi sẽ gửi biếu ông một số sách khoa học. Thế ông có biết đọc không ?”. Ông cụ trả lời: “Cám ơn cậu, tôi biết đọc”. Chàng thanh niên nói: “Thế thì tốt. Nhưng xin ông cho địa chỉ để tôi gữi sách”. Bấy giờ ông già rút trong túi ra một tấm danh thiếp có ghi mấy hàng chữ: “Lu-y Pát-tơ” (Louis Pasteur) -Viện nghiên cứu khoa học - Pa-ri (Paris)”. Ông cụ mà chàng thanh niên đánh giá thuộc loại mê tín và hủ lậu, không ai khác hơn lại chính là nhà bác học lừng danh Lu-y Pát-tơ, đã từng viết nhiều sách nghiên cứu khoa học mà anh ta say sưa tìm hiểu và rất khâm phục !
- Suy nghĩ và quyết tâm:
Đạo Công Giáo có nhiều chân lý đức tin, là những điều mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã được Đức Giêsu mặc khải, được Hội Thánh giảng dạy lại cho các tín hữu. Các chân lý Đức Tin ấy được tóm lại trong kinh Tin Kính. Trong số các mầu nhiệm đức tin thì Một Chúa a Ngôi là mầu nhiệm quan trọng nhất và là nền tảng của mọi mầu nhiệm khác. Đã là mầu nhiệm thì đương nhiên con người khó lòng thấu hiểu được. Tuy nhiên nếu biết khiêm tốn cầu xin Thánh Thần soi sáng, và cố gắng học hỏi nơi các vị Chủ Chăn, thì người ta cũng có thể lãnh hội được phần nào các mầu nhiệm ấy, và sẽ không thấy có sự đối nghịch giữa khoa học và đức tin như nhà bác học Lu-y Pát-tơ trong câu chuyện trên.
Vậy trong những ngày này, tôi sẽ làm gì để đào sâu về giáo lý đức tin ?
2) Khi nào thần khí sự thật đến, người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,13):
- Câu chuyện: Con người bất lực trước những mầu nhiệm:
Thánh Au-gút-ti-nô một hôm đi bách bộ trên bãi biển và tâm trí thì luôn suy nghĩ về Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Làm sao chỉ có Một Thiên Chúa và Người lại có Ba Ngôi khác nhau: Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con và Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Như vậy lẽ ra phải có Ba thay vì chỉ có Một Thiên Chúa mới hợp lý ? Au-gút-ti-nô không sao lý giải được điều mầu nhiệm này: Một mà lại là Ba, và Ba lại chỉ ở trong Một ? Bấy giờ Au-gút-ti-nô trông thấy có một bé trai đang ngồi trên bãi biển, tay cầm một cái vỏ sò múc nước biển rồi đổ vào một cái lỗ nhỏ hang còng ở trên bãi cát. Vị giám mục hỏi cậu bé: “Này em ! em đang làm gì vậy ?” - Cậu bé trả lời: “Cháu đang cố múc tất cả nước của đại dương này để đổ vào lỗ hang của con còng này !” - Vị Giám Mục nói: “Sao em lại làm một điều vô lý như vậy ? Em hãy nhìn xem: Nước biển bao la như vậy thì làm sao cái lỗ hang còng nhỏ bé kia có thể chứa hết nước của nó được !”. Nhưng Au-gút-ti-nô thật bất ngờ, khi nghe cậu bé đáp: “Việc cháu làm đây cũng không vô lý bằng việc Ngài đang làm: làm sao Ngài có thể dùng trí khôn nhỏ bé của Ngài mà hiểu thấu được Mầu Nhiệm vô cùng lớn lao của Thiên Chúa ?” Nói xong cậu bé biến mất. Bấy giờ Giám Mục Au-gút-ti-nô hiểu rằng Chúa đã sai thiên thần đến để giúp mình ý thức sự giới hạn và bất lực khi phải đối diện với những mầu nhiệm cao cả vô cùng của Thiên Chúa.
- Suy nghĩ và quyết tâm:
+ Có nhiều chân lý đức tin mà những người vô tín, hay chưa có kiến thức về giáo lý khó lòng chấp nhận, như khi Đức Giêsu giảng về mầu nhiệm Bánh Hằng Sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời& Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”, thì một số môn đệ Đức Giêsu đã chê trách: “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?”&Và “từ lúc đó có nhiều môn đệ đã rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6, 54-66). Cũng có một số chân lý đức tin được Đức Giêsu dạy, nhưng lúc đó các Tông Đồ chưa hiểu. Phải chờ đến khi Thánh Thần hiện xuống, họ mới hiểu rõ ràng. Đúng như Chúa Giêsu đã nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13).
+ Vậy để mừng kính Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cách cụ thể, tuần này tôi quyết tâm sống tình yêu thương thế nào đối với những người tôi không mấy ưa thích ?
Đáp: Năng nhớ cầu nguyện điều tốt cho họ, đi bước trước để bắt chuyện với họ, âm thầm làm một việc gì tốt và ích lợi cho họ cả về vật chất cũng như tinh thần mà tránh không cho họ biết.
III. HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU
1) Lạy Chúa Giêsu, Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi hôm nay dạy cho chúng con bài học về tình yêu thương vì: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (x. 1 Ga 4,7). Lạy Chúa, từ trước đến nay, con vẫn chưa sống tình thương của Chúa, con thường hay nghĩ xấu cho người khác. Con ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mà không quan tâm đến tha nhân, làm ngơ trước nỗi đau của đồng loại, không đáp ứng nhu cầu của người nghèo đói bệnh tật sống bên con.
Lạy Chúa Giêsu. Trong những ngày này, con quyết tâm sống tình bác ái yêu thương để nên con cái Thiên Chúa là Tình Yêu. Xin giúp con quảng đại tha thứ những lỗi phạm của tha nhân, ăn ở hiếu thảo với Cha mẹ, thuận hòa với anh em ruột thịt. Xin cho con biết nhìn thấy Chúa đang bị đau khổ bỏ rơi nơi những người bất hạnh&để con thể hiện tình thương qua sự thăm hỏi an ủi tinh thần, chia sẻ vật chất giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria. - Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2) Lạy Mẹ Maria. Xin giúp con ý thức rằng: loài người chúng con đã được dựng nên giống hình ảnh “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Thánh Phaolô dạy: “Tình yêu thì nhẫn nhục hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7). Vậy xin Mẹ giúp con đi bước trước đến thăm những người nghèo khổ bệnh tật&như Mẹ đã đến với gia đình Giacaria xưa. Xin cho con biết chào hỏi người khác trước như Mẹ đã chào bà Elisabét, làm cho con trẻ Gioan được vui mừng. Trong những ngày này, xin Mẹ giúp con sống tình yêu thương qua thái độ khiêm nhường phục vụ người khác như Mẹ đã phục vụ giúp đỡ bà Elisabét xưa.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria. - Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Hội Thánh dạy rằng: Trong Kitô giáo thì mầu nhiệm của các mầu nhiệm là mầu nhiệm Một: BaNgôi ABC60
Hội Thánh dạy rằng: Trong Kitô giáo thì mầu nhiệm của các mầu nhiệm là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần! Tất cả công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Tất cả công trình Cứu Chuộc và Thánh Hóa cũng xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Lệnh truyền mà Đức Giêsu giao cho các Tông đồ trước khi về Trời là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, giúp họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu Kitô, rửa tội cho họ nhân danh một Chúa Cha Ba Ngôi. Chúng ta hãy tiếp cận các bài Thánh Kinh của Phụng vụ để hiểu thêm Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cao cả và tuyệt vời và sống phù hợp với các hệ quả của Mầu nhiệm ấy.
I. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA
1. Bài đọc 1: Dnl 4,32-34.39-40: Nội dung đoạn sách đệ nhị luật trên là lời thuyết giảng hùng hồn của Môsê về những kỳ công mà Thiên Chúa đã làm cho dân Ítraen: Người đã cho dân Ítraen nghe được tiếng Người phán từ bụi gai mà không phải chết; Người đã chọn dân Ítraen làm dân riêng của Người; Người đã giải thoát dân Ítraen khỏi cảnh nô lệ Ai Cập và ban cho họ vùng Đất Hứa. Để đáp lại cách cư xử đầy yêu thương ấy của Thiên Chúa, Môsê khuyên dân Ítraen hãy tuyên xưng: Thiên Chúa là Đức Chúa, chỉ có mình Người là Đức Chúa, ngoài Người ra không có thần linh nào khác và Môsê khuyên họ hãy tuân giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Thiên Chúa.
2. Bài đọc 2: Rm 8,14-17: Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Rôma về ơn huệ lớn lao và căn bản nhất mà Thần Khí mang lại cho người tín hữu là làm họ trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa và nhờ đó họ được phép gọi Thiên Chúa là: Ap-ba! Cha ơi! Chính Thần Khí chứng thực cho chúng ta biết rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Và một khi được là con thì cũng là kẻ thừa kế gia tài của Thiên Chúa. Vinh dự của người tín hữu là được làm người đồng thừa kế vinh quang với Đức Kitô nếu như họ đã cùng chịu đau khổ với Người.
3. Bài Tin Mừng: Mt 28,16-20: là đoạn kết của Sách Tin Mừng Mátthêu, kể lại sự kiện mười một Tông đồ (Giuđa Ítcariốt đã chết) đến gặp Đức Giêsu lần cuối, trên ngọn núi mà Người đã hẹn với các ông. Thánh Mátthêu không kể lại một chi tiết nào khác của cuộc gặp gỡ ấy ngoài lời tuyên bố long trọng chưa từng thấy của Đức Giêsu Phục Sinh và sắp Thăng Thiên: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
II. ĐÓN NHẬN & SỐNG SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA
1. Mọi quyền được Thiên Chúa Cha đặt vào tay Chúa Giêsu Kitô: Đó là nội dung thứ nhất trong lời tuyên bố của Đức Giêsu trước lúc Người lên trời. Nhờ cuộc sống hiến thân và cái chết hiến tế trên Thập giá Chúa Giêsu đã hoàn thành Thánh Ý của Thiên Chúa Cha và lập nên công trạng vô cùng to lớn trước mặt Chúa Cha. Vì thế mà Cha đã trao cho Người mọi quyền trên trời dưới đất để thưởng công Người. Từ ngày đó trở đi Chúa Giêsu có toàn quyền định đoạt trong mọi sự, trên mọi người. Nên chúng ta cần phải biết chạy đến với Người mà nài xin.
2. Sứ mạng cao cả được trao cho các môn đệ: Nội dung thứ hai trong lời tuyên bố của Đức Giêsu trước lúc Người lên trời là sứ mạng mà Người đã giao phó cho các môn đệ và những ai tiếp nối vai trò môn đệ qua các thế hệ. Sứ mạng ấy bao gồm những công việc cụ thể và rành ròi sau đây:
* Ra đi: có nghĩa là chúng ta phải bỏ “nơi trú ẩn” hay “tình trạng khép kín, thờ ơ” của mình mà quan tâm và đến với tha nhân, nhất là đến với những người cần đến sự yêu thương chăm sóc của chúng ta hoặc những người đang chờ mong Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa và ơn giải thoát của Người.
* Làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa Giêsu: có nghĩa là chúng ta phải giúp mọi người nhận biết và tin theo Chúa Giêsu như chúng ta và sống trọn ơn gọi môn đệ Chúa Giêsu như chúng ta. Ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu Kitô của mọi Kitô hữu gồm hai yếu tính quan trọng là (1o) đời sống mật thiết, gắn bó với Chúa Giêsu và (2o) đời sống chia sẻ sứ mạng được sai đến trần gian của Người. Nếu như bản thân người tín hữu còn chưa hiểu, chưa ý thức và chưa sống ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu của mình, thì làm sao những người tín hữu ấy có thể giúp cho người khác trở thành môn đệ Chúa Giêsu được!
* Dạy cho các tân môn đệ tuân giữ mọi điều Chúa Giêsu đã truyền dạy: có nghĩa là chúng ta phải giúp anh chị em tân tòng sống và thực hành các giới luật Phúc Am của Chúa Giêsu. Ở đây cũng giống như ở trên: nếu như các Kitô hữu không hiểu, không biết, không sống mọi điều Chúa Giêsu đã truyền dạy trong Phúc Am thì làm sao họ giúp những anh chị em tân tòng tức bổn đạo mới hiểu, biết và sống các chỉ thị và giới răn ấy cho được. Ở đây, chúng ta cũng có thể dùng câu phương châm của người La Mã xưa: Không ai cho cái mình không có mà tự nhắc nhở mình và nhắc nhở nhau.
Nhìn ra chung quanh, chúng ta sẽ thấy có không biết bao nhiêu người đang cần đến sự yêu thương chăm sóc của người khác hoặc sống trong sự chờ mong Tin Mừng Tình Yêu Thiên Chúa. Nhưng nhiều khi chúng ta sống quá vô ý thức (như thày tư tế và thày Lêvi trong câu chuyện Người Samari tốt lành Lc 10,29-36) và nên chúng ta không thấy nhu cầu của họ và không đến với họ. Chỉ cần so sánh con số những người đã chịu phép Thánh Tẩy với tổng số người dân Việt Nam thì chúng ta thấy con số những người đang chờ mong Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa trên mảnh đất hình chữ S này đông đảo như thế nào. Ít là khoảng hơn 70 triệu trên tổng số khoảng 80 triệu chưa nhìn nhận Đức Chúa là Thiên Chúa của họ, chưa tin rằng chỉ có một mình Người là Đức Chúa, ngoài Người ra không có thần linh nào khác (Bài đọc 1). Hơn nữa trong tổng số 6-7 triệu người đã chịu phép Rửa Tội, con số những người biết Chúa một cách tường tận và theo Chúa một cách ý thức và tích cực cũng không phải là đại đa số. Nói thế có nghĩa là công việc của các môn đệ là chúng ta vẫn còn vô cùng lớn lao và nặng nề!
* Làm phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi cho những người tin theo: có nghĩa là chúng ta đón nhận và trao tặng mạc khải về Thiên Chúa là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm nền tảng, quan trọng và cao siêu nhất của Kitô giáo. Vì thế chúng ta phải cố gắng tìm hiểu và sống mầu nhiệm ấy ở mức độ tối thiểu thì chúng ta mới có thể coi mình là người công giáo. Về Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, linh mục Peter Nemeshegyi, Dòng Tên, đã viết trong cuốn The Meaning of Christianity (Ý nghĩa Kitô giáo) những dòng dưới đây:
“Chân lý Mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi mang lại cho chúng ta một chiều kích mới trong sự hiểu biết về bản chất của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Một, nhưng Ngài không đơn độc. Bản chất đích thực của Thiên Chúa là một nguồn suối bất tận của yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Cha sinh ra Chúa Con, thông ban cho Chúa Con mọi sự. Chúa Con yêu thương Chúa Cha, đáp trả lại tất cả mọi sự. Chúa Thánh Thần là hoa quả của sự trao ban hỗ tương ấy giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Thánh Thần chính là Tình yêu của Thiên Chúa. Đó là Chân Lý được diễn tả trong Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là Một, nhưng bản chất của Ngài là Tình Yêu hỗ tương giữa Ba Ngôi Vị. Ngôi thứ nhất là Cha, Nguồn Mạch của mọi sự. Ngôi thứ Hai là Con, Hình Anh đích thực của sự Thiện Hảo của Chúa Cha. Ngôi thứ Ba là Thánh Thần, Mối Tương Quan Yêu Thương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ sự Nhập thể làm người của Chúa Con và sự sai phái Chúa Thánh thần, chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi. Chúng ta trở thành anh em của Đức Kitô. Chính Chúa Giêsu sống trong chúng ta và Thánh Thần sinh động chúng ta bằng hơi thở của Chúa Giêsu. Thiên Chúa Cha chấp nhận chúng ta làm dưỡng tử của Ngài. Nhờ Chúa Thần thúc đẩy, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha chúng ta”
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi đòi người tín hữu sống yêu thương, hiệp thông, san sẻ với nhau, giúp đỡ nhau trong mọi cảnh ngộ và trong mọi lãnh vực. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi cũng như đòi người đã chịu Phép Thánh Tẩy sống bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì tất cả đều là con cái của Thiên Chúa, đều là anh em của Chúa Kitô và đồng thừa kế với Người.
3. Lời hứa tuyệt vời dành cho các môn đệ: Nội dung thứ ba trong lời tuyên bố của Đức Giêsu trước lúc Người lên trời là lời hứa mà Chúa Giêsu đã cam kết với các môn đệ: Và đây, Thày ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Đức Giêsu đã không để lại một cuốn kinh Coran như vị sáng lập đạo Hồi hay một bộ sách như Đức Khổng. (Ngay cả 4 Sách Phúc Am cũng không do tay Chúa Giêsu biên soạn). Nhưng Người đã hứa sẽ luôn luôn hiện diện bên các môn đệ. Sự hiện diện thần linh nhưng vô hình của Đấng Phục Sinh là bảo chứng tuyệt diệu nhất đối với Kitô hữu chúng ta. Tin tưởng vào sự hiện diện đầy uy quyền và yêu thương ấy, chúng ta chẳng có gì phải sợ. Chính sự hiện diện ấy đã giữ gìn Giáo hội suốt hai mươi thế kỷ qua và sẽ tiếp tục giữ gìn Giáo hội trong giai đoạn sắp tới vượt qua mọi giông tố bão táp.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội -------------------------------
Hàng ngày khi làm dấu thánh giá là chúng ta tuyên xưng vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi: BaNgôi ABC61
Hàng ngày khi làm dấu thánh giá là chúng ta tuyên xưng vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Đó là trọng tâm trong đời sống đức tin của người Công giáo. Đó là lời dạy của Chúa Giêsu với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là mầu nhiệm đức tin mời gọi chúng ta đem vào cuộc sống của mình. Vì mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi khó hiểu nên người ta chỉ có thể đón nhận bằng cả cuộc sống mà thôi. Hiểu không quan trọng bằng tin, yêu và sống với Chúa Ba Ngôi.
“Thiên Chúa là tình yêu” phát biểu này của Thánh Gioan Tông đồ giúp chúng ta hiểu đúng về Thiên Chúa. Để có thể phát biểu được như vậy, ngài đã luôn tin tưởng vào Chúa và được Chúa yêu thương. Lời phát biểu đó là đúc kết của cả cuộc đời theo Chúa của thánh nhân. Lời phát biểu đó soi sáng đức tin cho chúng ta hiểu về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Thật vậy, Thiên Chúa là Tình yêu thì tất cả những gì thuộc về Ngài hay ở trong Ngài cũng là Tình yêu. Chính vì thế Thánh Augustinô lại cho chúng ta một nhận định rõ ràng hơn: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của Tình yêu” Tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu trọn hảo. Tình yêu Thiên Chúa vượt lên trên mọi thứ tình cảm khác trong nhân loại. Tình yêu của Ngài là tình yêu chung thủy bền vững, tình yêu muôn đời tồn tại và vô vị lợi. Trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chúng ta học được cung cách sống yêu thương mọi người.
Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Và mỗi Ngôi vị đều có những chương trình riêng nhằm phục vụ lợi ích cho con người. Chúa Cha là Đấng Tự Hữu, Ngài yêu thương và tạo dựng muôn vật, khi tạo dựng nên con người. Ngài ban cho một phẩm giá cao trọng. Chúa Con đến trần gian để cứu độ những người lầm lạc tội lỗi. Ngài dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa Cha là Đấng nhân hậu và đầy lòng thương xót.
Sau cùng Chúa Thánh Thần là Tình yêu và Sự Sống, Ngài đang đồng hành với Hội Thánh. Chính Ngài nuôi dưỡng đức tin và lòng mến của người Kitô hữu qua mọi thời đại, Như vậy Ba Ngôi Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc sống con người. Ba Ngôi Thiên Chúa là cộng đồng của tình yêu thương. Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất nhau trong tình yêu. Chương trình chính yếu trong mọi hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi là nâng cao người vươn tới tầm mức của một Tình yêu cao đẹp. Chúng ta đã đón nhận hồng ân Thiên Chúa Ba Ngôi thì cuộc sống chúng ta phải thấm nhuần tình yêu thương. Chúng ta sẽ xứng đáng là những người con của Cha trên trời nếu chúng ta biết sống trao ban tất cả cho mọi người. Với phương châm sống “mình vì mọi người, nhưng không đòi hỏi người khác sống vì mình”, chúng ta đang trao ban hạnh phúc cho tha nhân. Đặc biệt là gia đình chúng ta đang sống phải là cộng đồng của tình yêu thương. Một gia đình ngập tràn tình yêu thương và niềm hạnh phúc vì mỗi người biết sống vì nhau sẽ là mô thức về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Trong ngày lễ Cháu Ba Ngôi mỗi người Kitô hữu sẽ được học tập để sống yêu thương như là bài học vỡ lòng không bao giờ quên trong cuộc đời. Chúng ta chiêm ngắm Chúa Ba Ngôi là cộng đồng của tình yêu thương để học theo. Học sống theo gương Chúa là chúng ta luôn giữ cho gia đình mình đầm ấm yêu thương. Điều đó tùy thuộc vào việc chúng ta sống có trách nhiệm với gia đình mình. Học sống theo gương Chúa Ba Ngôi là chúng ta sống sao để đem niềm vui đến cho mọi thành viên trong gia đình. Và tấm lòng của chúng ta đối với gia đình sẽ được cụ thể: Khi người con biết kính yêu, vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ, người cha tận tụy làm việc nuôi dạy con cái thành người, người mẹ chăm sóc, lắng nghe, chia sẻ, những tâm tự của con cái. Sống được như thế là gia đình chúng ta đang có Chúa hiện diện. Dưới sự hướng dẫn dịu, chúng ta sẽ tìm được chỗ dựa cho gia đình mình trước những cơn sóng gió trong cuộc sống đức tin.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con rằng “không có Thầy chúng con không làm được gì”. Chúng con luôn tin vào lời đó của Chúa. Xin Chúa soi lòng mở trí chúng con hiểu về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nhất là để chúng con luôn cảm nhận tình Chúa yêu thương chúng con là vô bờ, để chúng con luôn cố gắng gìn giữ cho gia đình mình luôn là cộng đồng của tình yêu thương như Thiên Chúa là tình yêu vậy. Amen.
Martin Lê Hoàng Vũ -------------------------------
Một Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng Toàn năng và độc nhất, Đấng dựng nên trời đât: BaNgôi ABC62
* BÀI ĐỌC 1: Đệ nhị luật (Deuteronomy) 4, 32- 34; 39- 40= Một Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng Toàn năng và độc nhất, Đấng dựng nên trời đât./ The One God: The Greatest and the only One, the Creator of Heaven and earth.
* BÀI ĐỌC 2: Rom. 8, 14- 17= Con của Chúa: Phaolô nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa con và nô lệ. Chúng ta được liên hệ với Chúa như con./ Children of God: Paul stresses the difference between a slave and a son. We are related to...
* BÀI TIN MỪNG(Gospel) Math.28, 16- 20 = Môn đệ của Chúa Ba Ngôi: Môn đệ không có nghĩa là theo và học nơi thầy nhưng còn là tạo quan hệ mật thiết giữa người với người./ Disciples of the Trinity: Discipleship does not mean following and learning from a teacher; rather is seen as establishing a strong person-to-person relationship.
A. Bạn và tôi cùng Cảm nghiệm Sống và Chia sẻ ba bài đọc trên: ( Reflections, live out and share )
1/ Đức Giêsu hiện ra tai Galilê và sai các môn đệ như sau: “Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy người các ông bái lay, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.” Chúa đang nói với tôi qua hoàn cảnh này, qua biến cố kia. Có lúc tôi nhận ra Ngài, có lúc tôi không thấy. Tại sao tôi mất niềm tin khi Chúa đến?
Jesus had ordered them. When they all saw Him, they worshiped, bur they doubted. (Math. 28, 16- 7)
2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu thật rõ: “...làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em...” Quyền bính Chúa bao trùm cả trời đất, đây là Giao Ứớc mới Sống theo Luật mới do Chúa Giêsu công bố, mỗi người được tham dự và phải phải thi hành theo nhiệm vụ của mình. Bạn đã chu toàn được những gì trong gia đình và xã hội ?
. ..batizing them in the name of the Father, the Son and the Holy Spirit. .. all that I have commanded you. (Math.28, 19- 20)
3/ Trong thư gởi Rôma, thánh Phaolô quả quyết như sau: “ Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa...tức là đồng thừa kế với Đức Kitô...” Chính Thần Khí đã phục sinh Đức Kitô và tạo nên quan hệ giữa tôi và Thiên Chúa, được hưởng như con ruột giống Đức Kitô vì cùng chung một Thần Khí là nguồn sự sống... Nếu là con thì đời sống Tín hữu của tôi hôm nay như thế nào?
The Spirit Himself bears witness with our Spirit that we are children of God...joint heirs with Christ. (Rom. 8, 16- 17)
4/ Sách Đệ nhị luật nói bạn được Chúa chọn là một hồng ân: “Hôm nay anh em phải biết để tâm và suy niệm...Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lênh của Người...” Bạn đã thấy Thiên Chúa hùng vĩ và bao la, đã dựng nên bạn là người sống trên mặt đất. Bạn đang có giấc mơ nào để đáp lại tình yêu của Ngài?
“You must now know and fix in your heart...You must keep His statues and commandment...” (Đnl. 4, 39- 40)
B. Câu Kinh Thánh tôi chọn làm Châm ngôn Sống tuần này: ( The Best GodỴs Word )
ANH EM HÃY ĐI VÀ LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ... (Math. 28, 19)
Go, therefore, and make disciples of all nations...
C. Ngay bây giờ tôi phải làm gì theo Lời Chúa kêu gọi: ( So what am I doing / For Action )
a/ Tôi hãy chọn 1 trong 4 Gợi ý Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ở phần A để áp dụng vào đời sống.
b/ Bạn nên sống gần gũi với người lương dân trong công việc xã hội để họ dễ nhìn thấy Chúa.
D. Bạn dựa vào Lời Chúa để nói chuyện với Ngài trong mọi lúc: (Pray and practice / Pray in Action )
* Bạn cầu nguyện tự lòng mình phát ra (bộc phát)với Chúa dựa theo 4 câu Kinh Thánh nêu lên ở phần A.
* Hoặc do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần bạn chúc tụng, ca ngợi Chúa...
Hoa thơm cỏ lạ: LÀM CHỨNG MẠNH MẼ NHẤT LÀ ĐỜI SỐNG TIN KÍNH
Kinh thánh không dậy dỗ chuyên biệt về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngay cả từ “Ba Ngôi” cũng: BaNgôi ABC63
Kinh thánh không dậy dỗ chuyên biệt về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngay cả từ “Ba Ngôi” cũng không lần nào xuất hiện trong đó. Bởi vậy tín điều “Ba Ngôi” có một lịch sử đầy sóng gió. Đúng thế, làm sao mô tả được điều mà không thể mô tả? Điều mà luôn luôn vượt ra ngoài ngôn ngữ loài người? Mầu nhiệm trên hết mọi nhiệm mầu? Khi công thức tín điều được dần dần hình thành trong nhiều thế kỷ, thì những từ như “ngôi vị” (person), “bản thể” (substance), “yếu tính” (essence) và “mô thể” (hypostasis)& được dùng theo nghĩa mà Kinh Thánh không hề biết tới, kể cả các tác giả thánh thư. Trong thời gian đó người ta dậy dỗ mầu nhiệm “Ba Ngôi” bằng loại suy và ẩn dụ.
Cho nên bài thuyết giảng hôm nay tôi không dùng những từ ấy, theo lời khuyên khôn ngoan của nhà thần học lỗi lạc, Catherine Mowry LaCugna. Tác giả nói rằng các bài đọc của Thánh lễ Chúa nhật này cung cấp đầy đủ ý tưởng để rao giảng về mầu nhiệm Ba Ngôi, không cần tìm kiếm đâu xa. Nhưng phải quy chiếu về tín điều Thiên Chúa Cứu Chuộc, qua Đức Kitô, trong quyền năng Thánh Thần, và những hệ quả của nó ở cuộc đời người tín hữu, chứ không nên dùng các công thức thần học hoặc các lý thuyết chuyên môn của một vị thánh nào, như thánh Augustino hay các công đồng trong Giáo hội. Phụng vụ của Hội thánh chủ yếu là các nghi thức trang trọng, cử hành những biến cố của nhiệm cục cứu độ, cho nên thuyết giảng trong lễ Chúa Ba Ngôi phải tập trung vào thực tại cụ thể của ơn thánh và tình yêu thần linh trong việc cứu chuộc loài người. Không nên lang thang ra các nội dung khác. Đó là điều tôi nghe theo ở bài suy niệm này, tức khai triển như tác giả LaCugna nói: “Nguồn rao giảng phong phú” từ các bài đọc Kinh thánh và phụng vụ của ngày lễ.
Khi ông Môsê muốn dân Do thái suy gẫm về bản tính Thiên Chúa, thì ông kêu gọi họ nhớ lại những công việc kỳ diệu Ngài đã thực hiện cho họ. Họ sẽ nhận ra Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa nào khi cảm nhận được bàn tay Ngài hành động vì lợi ích của tuyển dân. Ông nhấn mạnh “chẳng có thần nào khác, giống như Thiên Chúa của anh em” đã làm những việc lạ lùng để bênh vựa anh em, chẳng có thần nào khác đã nói với anh em như Thiên Chúa đã nói qua tôi tớ Ngài là Moisen. Thiên Chúa mà họ nhận biết, tôn thờ không ở xa, ở trên họ. Nhưng đang ngự giữa họ, tuyển chọn họ trong các quốc gia, giải phóng họ khỏi kiếp nô lệ Ai-cập. Thiên Chúa đã phán truyền và họ đã nghe tiếng Ngài. Ngài đã giang cánh tay mạnh mẽ, quyền năng bênh đỡ họ. Moisen, trong từ ngữ của tác giả LaCugna, đã kêu gọi tuyển dân tập chú ý vào những “thực tại cụ thể của ơn thánh và tình thương thần linh” mà họ từng kinh nghiệm.
Cùng một cách thức như vậy, hôm nay chúng ta cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã thực hiện trong vũ trụ điều mà không quyền năng nào dưới gầm trời có thể làm: tuyển chọn chúng ta, yêu thương chúng ta mà không cần điều kiện công nghiệp hoặc thành tựu về phần chúng ta, tập hợp chúng ta thành một dân tộc biết kính tin, đồng hành với chúng ta qua mọi thời đại và cư ngụ giữa chúng ta, cả khi sóng gió nổi lên chống đối. Chính Thiên Chúa, ngay từ khởi thuỷ tuyển chọn dân Israel, vẫn hằng giơ tay mời gọi mọi người trong Thánh lễ này, như Moisen xưa, phải nhận biết và để tâm suy xét: “Trên trời cao cũng như dưới đất thấp chỉ có Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không còn thần nào khác.” (4,39). Như vậy bằng những lời tuyên bố đó, tiên tri Moisen hôm nay cũng kêu gọi chúng ta nhiệt thành cử hành việc tôn thờ Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn chúng ta, ngự giữa chúng ta và sẽ không bao giờ rời xa Hội thánh nữa.
Để có thể luôn tưởng nhớ Đức Chúa Trời, như ông Moisen đề nghị, chúng ta phải nhìn lại toàn cảnh cuộc đời mình, nhặt ra những giây phút khủng hoảng cay đắng nhất, những thử thách ghê gớm nhất và nhớ lại Thiên Chúa đã nâng đỡ chúng ta ra sao ! Ngay cả nhiều lúc chúng ta phản bội, Ngài vẫn giang rộng cánh tay yêu thương trên chúng ta. Hôm nay cũng phải cử hành việc tưởng nhớ đến lòng yêu mến, bạn bè, hàng xóm, láng giềng và muôn vàn người khác bao bọc chúng ta. Họ cũng là bằng chứng cụ thể Thiên Chúa dùng để tỏ lòng Ngài thương yêu. Thật dịu dàng khi nghĩ đến những tâm hồn cao thượng đó. Qua họ mà Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương mình. Nhờ bản văn này các tác giả muộn thời thiết lập nên nền thần học độc thần, sáng ngời qua mọi thời đại. Nhưng hôm nay, bài đọc một hẳn lôi kéo tâm trí mọi người vào việc thờ phượng Thiên Chúa cho phải lẽ, đúng đạo, và giúp đỡ chúng ta luôn ghi nhớ và tuyên xưng cùng với Moisen, tuyển dân, toàn thể nhân loại: “Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra chẳng còn thần nào khác”. Nếu như có ai yêu cầu chúng ta giải thích “Ba Ngôi” là gì, chúng ta chỉ có thể trả lời: “Dạ, chịu thua, nhưng xin để tôi kể cho ngài nghe về “kinh nghiệm Ba Ngôi”. Bởi lẽ đó là điều tôi cảm nghiệm được trước nhất trong cuộc sống mình”.
Bài đọc Tin mừng thật ngắn gọn, trích từ Phúc âm thánh Mattheo, gần tương tự như kết thúc của thánh Marcô, Chúa sai Mười một Tông đồ đi rao giảng Tin mừng, làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy dỗ thiên hạ tuân giữ các điều Ngài truyền, nhưng bối cảnh thì vẫn còn mơ hồ. Thánh Mattheo cũng kết thúc Tin mừng của ông và tỏ ra nhất quán, những chi ông viết trong toàn thể nội dung, thì lúc này ông tóm gọn lại: ông đã nhấn mạnh sự hiện diện của Chúa Giêsu với nhóm môn đệ và ngay từ thuở ban đầu ông gọi Chúa là Emmanuel=Thiên Chúa ở cùng chúng ta (1,23) thì giờ đây Chúa sắp rời bỏ các môn đệ, nhưng vẫn xác định sự có mặt của Ngài là Emmanuel: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (28,20). Với xác nhận này, quả thật Ngài hiện diện với họ trong công trình truyền giáo, sai họ đi “làm cho muôn dân trở thành môn đệ Ngài.”
Sớm hơn nữa, ở đoạn 10, Ngài truyền cho họ chỉ đến với những con chiên lạc nhà Israel (6,7), khởi sự từ Giêrusalem. Tuy nhiên, thánh Mattheô đã cho chúng ta vài ám chỉ về sự mở rộng phạm vi truyền giáo này. Thí dụ trong gia phả Chúa Giêsu, thánh nhân đã gồm cả các đàn bà ngoại giáo vào nhóm tổ phụ Đức Ki-tô (1,13). Rồi đến các nhà chiêm tinh từ phương đông, các người lính La-mã chấp nhận đức tin, người đàn bà xứ Canaan, khi khởi công sứ vụ ở miền Galilea, vùng Dơvulun và Naptali, thánh Mattheô gọi là “đất của dân ngoại” (4,15), nhưng bằng chứng quyết định có lẽ là lúc thánh nhân mô tả cuộc phán xét cuối cùng (25,32). Lúc ấy mọi dân nước sẽ được gọi đến trước tôn nhan Chúa Giêsu để chịu phân xử về các việc lành, dữ. Tiêu chuẩn không thuộc về tuyển dân hay một quốc gia nào, mà là cách đối xử với kẻ nghèo khó, bần cùng, đói khát&
Cho nên chẳng lạ gì lời căn dặn cuối cùng của Chúa Giêsu là đi rao giảng, rửa tội và dậy dỗ muôn dân cho đến mút cùng trái đất. Chẳng có ranh giới nào trước mặt các môn đệ để không được giảng thuyết. Sứ điệp là cho mọi người, mọi nơi, mọi thời đại. Mục tiêu căn bản là phép thanh tẩy và các hệ quả tiếp theo. Người đã được rửa tội phải tuân giữ “mọi điều Thầy đã truyền dậy cho anh em.” Chúa Giêsu muốn các môn đệ sống đích thực giới răn mới “yêu thương” và niềm hy vọng to lớn của giới răn đó. Họ phải sống như những công dân của một vương quốc mới, gồm toàn những anh chị em của cùng một Cha và lệ thuộc vào lòng thương xót của Thượng Đế khi đón nhận những linh hồn đói khát công chính và ơn cứu độ.
Lúc các môn đệ hội họp với Chúa Phục sinh ở Galilêa, họ nhận ta vẻ nhiệm mầu nơi Ngài, họ thờ lạy, nhưng vẫn còn chút hoài nghi. Âu đó cũng là bài học đầy an ủi cho mọi tín hữu, bởi biết rằng, cũng như mình, họ chẳng phải đã hoàn toàn thánh thiện. Chúng ta vẫn còn có đám mây nghi hoặc khi tham dự thánh lễ, cầu nguyện, chia sẻ bánh thánh, thờ lậy Chúa sống lại. Chúng ta cũng vẫn chưa hoàn toàn trong sạch, thánh thiện. Tuy nhiên niềm nghi nan đó không ngăn cản họ trở thành đại sứ của Chúa Giêsu khắp thế gian. Ngài đoan hứa với họ, không bỏ mặc họ một mình mà luôn luôn hiện diện bên cạnh họ, tiếp tục làm Emmanuel: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế&” Đó là lý do căn bản để mọi tín hữu phải luôn sống thánh thiện, điều cốt yếu của Nước trời trong Phúc âm thánh Mattheô. Tất cả những ai được Chúa sai đi, cá nhân hay cộng đoàn, phải luôn nghi nhớ điểm đó. Chúa mong đợi chúng ta tiến triển trong đời siêu nhiên, ăn ở nghèo nàn trong nếp sống, kháo khát lớn mạnh trong tình yêu, kính trọng quyền lợi, nhân vị tha nhân, xót thương kẻ thù địch, đơn thành dấn thân hầu việc Chúa và sẵn sàng chấp nhận bách hại, thử thách vì danh Đức Ki-tô. Chúa đòi hỏi sự đáp ứng của chúng ta phải hoàn toàn, không những trong hành vi tôn giáo bên ngoài mà còn thanh sạch từ tâm ý và thái độ. Bởi chúng ta phải hướng dẫn thế giới hành động lành thánh như Ngài đã hành động, khôn ngoan như Ngài đã nêu gương, bố thí cho kẻ nghèo khổ, tỉnh thức trong ăn chay cầu nguyện. Điểm cốt lõi của các lời Chúa Giêsu truyền dạy là hành động vì yêu mến (7,12). Cuối cùng chúng ta chỉ chịu phán xét tuỳ vào sự kiện đã yêu mến ra sao? (25,31).
Tóm lại khi nhìn lên bầu trời với những trăng sao lấp lánh, chúng ta ngỡ ngàng thán phục vẻ đẹp của thiên nhiên. Chúng ta thờ lạy quyền năng bao la của Thượng đế và trong lễ Ba Ngôi hôm nay chúng ta tự đặt cho mình câu hỏi bản tính Thiên Chúa là gì? Cả hai bài đọc 1 và 3 của thánh lễ trả lời cho linh hồn rằng Thiên Chúa chẳng ở đâu xa, chẳng ngự trên cao, siêu việt khỏi loài người mà luôn hành động mạnh mẽ trong nhân loại, vì nhân loại. Ngài gần gũi và thân mật với mỗi người. Ngài đã đi vào thế giới để mở mắt cho chúng ta xem thấy bản tính yêu thương của Ngài. Trong Đức Ki-tô Ngài giải thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi và tất cả những chi chia rẽ cộng đồng nhân loại. Chúa Giêsu đã sai phái các môn đệ đi rao giảng, và qua thần khí, Ngài vẫn nói với trái tim họ Tin mừng cứu rỗi. Ngài hướng dẫn họ, thêm sức mạnh để họ đủ khả năng rao giảng Tin mừng cho kẻ khác. Đúng thật, Thượng đế là Tạo hoá toàn năng, quyền phép, chúa tể các tầng trời. Nhưng có một điều lạ lùng hơn nữa, qua lời dạy của Chúa Giêsu và qua Thần khí mách bảo, Thiên Chúa ấy luôn về “phe” với nhân loại một cách đầy yêu thương và bất biến. Amen.
Chú ý: Học thuyết Chúa Ba Ngôi căn bản là về tương quan. Thánh Gioan ngắn gọn hơn: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu đòi hỏi tương quan. Yêu mình thì gọi là ích kỷ, không biết, không tôn thờ Chúa Ba Ngôi.
Hôm nay chủ nhật lễ Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn nhất trong: BaNgôi ABC64
Hôm nay chủ nhật lễ Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn nhất trong đạo của chúng ta, là mầu nhiệm mà thánh Phaolô đã dạy: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1Cr 2, 9). Đây là mầu nhiệm -có thể nói- lột tả được tất cả bản tính của Thiên Chúa: Tình Yêu.
1. Tình yêu liên kết
Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần mà làm phép Rửa cho người tin vào Đức Giêsu để họ được trở nên môn đệ của Ngài, là một dấu ấn không phai mờ của tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và nói lên một ý nghĩa cũng vô cùng quan trọng, đó chính là từ đây họ được liên kết chặt chẽ với Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.
Từ một loài thụ tạo thấp hèn được nâng lên làm con của Thiên Chúa qua sự chết và sống lại của Đức Kitô, người Kitô hữu đã thực sự là sợi dây tình yêu liên kết giữa con người với nhau khi họ nhân danh Chúa Ba Ngôi để phục vụ và yêu thương người thân cận trong chính bổn phận của mình, họ liên kết với nhau vì “chỉ có một Thiên Chúa một đức tin và một phép Rửa và”.
2. Tình yêu chia sẻ.
Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, không ai lớn hơn ai, nhưng là bằng nhau, như nhau và chia sẻ với nhau về cái “có” của mình: có vô cùng, có yêu thương, có quyền năng, có sáng tạo, có hiện hữu, có thánh, có chân, có thiện, có mỹ...
Một sự chia sẻ hài hoà trong một Thiên Chúa Ba Ngôi, mà chính chúng ta -những người Kitô hữu- đã được diễm phúc hiệp thông và đón nhận như là một hồng ân của lời hứa ban sự sống vĩnh cửu trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Tình yêu được chia sẻ là tình yêu trưởng thành ở trần gian và viên mãn ở trên thiên đàng.
Do đó, hết thảy chúng ta đều cảm thấy vui sướng hạnh phúc khi đem tình yêu này chia sẻ cho anh em, cho tha nhân mà không cần phải biết họ là ai, bởi vì nhân danh Chúa Ba Ngôi, chúng ta đem tình yêu của Ngài cho mọi người, bởi vì khi hiến thân là khi được nhận lãnh (Th. Phnxicô Asisi).
Chúa Giêsu đã vì yêu mà chia sẻ thân phận con người như chúng ta, và đã hiến dâng thân mình làm của lễ để đền tội thay cho chúng ta.
3. Tình yêu đón nhận
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trở nên một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi vị, duy nhất nhưng không làm mờ mỗi ngôi vị của nhau, trái lại trở nên nguồn mạch Tình Yêu của mọi loài trên trời dưới đất.
Bí tích Rửa Tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi đã làm cho người Kitô hữu biết đón nhận nhau trong cuộc sống, bởi vì nơi họ, tình yêu của Thiên Chúa toả lan trong hành vi ngôn ngữ của họ, bởi vì nơi họ mà anh em nhận ra mình là anh em của nhau trong một Cha trên trời.
Chúa Giêsu vì yêu mà đón nhận tất cả chúng ta là những tội nhân vào trong trái tim của Ngài.
Anh chị em thân mến,
Ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay nhắc nhở cho chúng ta biết đến đâu là cội nguồn của hạnh phúc, đó chính là tình yêu, nhưng tình yêu này phải được bắt nguồn từ sự kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tình yêu chân chính giúp chúng ta nhận ra được giá trị của mỗi người nơi anh em chị em; tình yêu chân chính cũng làm cho chúng ta biết đón nhận những khuyết điểm của tha nhân mà tha thứ; tình yêu chân chính giúp chúng ta biết chia sẻ những bất hạnh của người nghèo, những đau khổ của người bị đời bỏ rơi, và tình yêu chân chính làm cho mỗi người trong chúng ta trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Kitô ở trần gian này.
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).
Vâng lời Chúa dạy, chúng ta ra đi để làm cho người khác trở thành môn đệ Chúa, nhưng nếu chúng ta chưa trở thành môn đệ của Chúa trước, thì ai mà tin vào lời nói của chúng ta chứ ?
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Bài giảng lễ Chúa Ba Ngôi tại nhà thờ Chúa Thánh Thần - Taiwan.
Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa: BaNgôi ABC65
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Khi truyền dạy các môn đệ hãy ban phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cho hết những ai tin vào đức Giêsu, Ngài đã mạc khải cho chúng ta rằng: Ba Ngôi Thiên Chúa thông hiệp với nhau một cách tuyệt hảo. Không có cái gì là của riêng, cũng như không một chương trình sáng tạo nào là ý riêng của một Ngôi Vị. Khi ai tin vào đức Giêsu là đồng thời tin vào Đấng đã sai Ngài đến là Chúa Cha, và chính Đấng ấy cũng đã sai Chúa Thánh Thần đến thánh hóa trần gian và tâm hồn mỗi tín hữu. Người tin được tiếp nhận hoàn toàn để trở nên một thành viên thân thiết trong gia đình chí thánh của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Ngay từ trước khi có vũ trụ và thời gian, Ba Ngôi Thiên Chúa đã kết hợp toàn vẹn với nhau, rồi từ Tình Thương hùng vĩ muôn trùng ấy mọi thọ tạo được tác sinh để được diễm phúc chia sẻ vinh quang vô tận của Thiên Chúa. Nhưng trong lúc những thọ tạo vui hưởng vinh quang của Thiên Chúa, thì một số giữa họ đã lầm tưởng rằng đó là quyền năng của chính mình, mạo nhận rằng mình cũng là _chúaỴ nên đã tự ý tách rời và đi đến chỗ phản nghịch lại Thiên Chúa Ba Ngôi, dẫn đầu là Lu-xi-phe và bè lũ của chúng. Rồi vì ghen tức chúng đã phỉnh gạt tổ tiên A-dong cùng E-và của loài người theo chúng để chống lại Thiên Chúa. Cho đến ngày nay trong mỗi tâm hồn con người đều mang cái mầm mống phản loạn, nghịch tử ấy! Để diệt trừ tận căn cái mầm phản trắc ấy, Con Một Chí Ai của Thiên Chúa đã chấp nhận khiêm hạ đến tận cùng đất đen: tự ý trút bỏ Thiên Tính để mang kiếp phàm nhân, trở nên người nghèo khổ nhất giữa những kẻ nghèo, bị đời tước lột cả nhân phẩm khi bị kết án bất công trên thập tự giá. Bị cả nhân loại nguyền rủa khinh chê vứt bỏ như căn bã của xã hội!
Tin nhận đức Giêsu là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa, chính là con đường dẫn ta về cõi vĩnh phúc nơi gia đình Thiên Chúa đã an định cho ta ngay từ đầu. Khi thực hành những giới luật yêu thương đức Giêsu đã dạy là ta hiểu được vinh dự cao quí tuyệt đối được mãi mãi làm con cái của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lm. Phêrô Trần Văn Trợ SJ -------------------------------
Thiên Chúa theo quan niệm Ki-tô giáo là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng lại gồm có ba Ngôi: BaNgôi ABC66
Thiên Chúa theo quan niệm Ki-tô giáo là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng lại gồm có ba Ngôi – nói nôm na là ba Đấng, ba Vị hay ba “Người” – khác biệt nhau. Ba Ngôi nhưng mỗi Ngôi một vẻ, không Ngôi nào giống Ngôi nào. Ba Ngôi khác biệt nhau, nhưng lại hoàn toàn bình đẳng, và không Ngôi nào muốn Ngôi kia phải trở nên giống như mình. Chính vì chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng của nhau, mà Ba Ngôi sống hòa bình với nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau, yêu thương nhau, và hiệp nhất với nhau chặt chẽ tới mức độ chỉ còn là một Thiên Chúa duy nhất.
2. Sự khác biệt và đa dạng trong vũ trụ vạn vật
Ba Ngôi khác biệt nhau và đa dạng như vậy, nên đã tạo dựng nên một vũ trụ cũng đầy khác biệt và đa hình đa dạng vô cùng. Ngài tạo dựng nên muôn loài khác biệt nhau, và loài nào cũng lại phân chia thành nhiều cấp độ khác nhau với những chủng loại khác nhau. Nhờ đó vũ trụ trở nên vô cùng phong phú, muôn hình muôn vẻ. Thật vậy, tinh tú trên trời thì đủ kiểu đủ loại. Con người người thì đủ mọi chủng tộc, đủ mọi ngôn ngữ, đủ mọi nền văn hóa khác biệt nhau. Thú vật và thực vật thì lại càng đa hình đa dạng hơn: loại sống trên trời, loại trên đất, loại dưới nước, loại thật to như đại bàng, cổ thụ, loại thật nhỏ như vi trùng, vi-rút, loại ăn thịt, loại ăn cỏ...
Vạn vật phong phú và đa dạng đến nỗi con người từ khi biết khám phá đến nay vẫn chỉ thấy mình khám phá được một phần rất nhỏ. Chỉ riêng loài hoa thôi đã có cả hàng chục ngàn giống khác nhau. Vạn vật tuy vô cùng đa dạng như thế, nhưng vật nào cũng có cái hay cái đẹp riêng của nó và trở nên một toàn thể rất hài hòa. Chính vì thế mà vũ trụ mới tươi đẹp huy hoàng làm sao ! Thử tưởng tượng xem nếu Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong đó vạn vật đồng dạng với nhau, nghĩa là chỉ có một loài duy nhất, loài này cũng chỉ có một chủng loại duy nhất thì vũ trụ sẽ buồn thảm biết bao ! Chỉ cần xét loài hoa: nếu hoa chỉ có một loại duy nhất – dù là loại được hầu hết mọi người coi là đẹp nhất – thì thế giới sẽ bớt đẹp, bớt thơ mộng và phong phú đi biết bao !
Riêng xã hội con người, Thiên Chúa đã gầy dựng trong đó nhiều dân tộc với những nền văn minh, văn hóa, phong tục, nề nếp suy nghĩ khác nhau. Thiên Chúa cũng cho xuất hiện nhiều tôn giáo với những nghi thức, tín điều, với những cách gọi tên, cách quan niệm hay cách nhìn về Thực Tại Tối Hậu khác biệt nhau; v.v... Nói về từng người, thì mỗi người một vẻ, mỗi người một diện mạo, một tài năng, một tính tình, một quan niệm, một lối suy nghĩ khác nhau: “bá nhân bá tính”.
Ngay như khi cùng nhau nhìn vào một sự vật cụ thể, thì mỗi người lại có một cách nhìn khác nhau, cách diễn tả về vật ấy cũng khác nhau, thậm chí gọi vật ấy bằng những tên khác nhau. Một vật cụ thể hữu hạn mà người ta còn có nhiều cách nhìn khác nhau như vậy, huống gì khi họ suy nghĩ về những thứ vô hình, nhất là những thực tại không thể quan niệm hay suy nghĩ được, chẳng hạn khi suy nghĩ về tuyệt đối, về nguồn gốc siêu hình của vũ trụ vạn vật… làm sao mà họ quan niệm và nhìn cách giống nhau cho được ? Thôi thì đủ mọi loại quan niệm, đủ mọi kiểu nhìn, đủ mọi tên gọi khác nhau cho Thực Tại Tối Hậu duy nhất ấy !
Những cách nhìn khác nhau ấy – dù là hướng về một vật hết sức cụ thể hay về những thực tại hết sức trừu tượng – cũng thường bổ túc cho nhau dẫu có mâu thuẫn lẫn nhau, để – nếu tổng hợp lại – sẽ có được một cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Chính nhờ sự khác nhau ấy mà con người mới cần lẫn nhau, mới phải hợp tác với nhau, mới yêu thương nhau.
Chẳng hạn khi xây một căn nhà, người ta cần có đồ họa của kiến trúc sư, cần khả năng thực hiện tổng quát của nhà thầu khoán, cần sự khéo léo của đủ loại thợ ( mộc, xây, trang trí, điện... ), cần những nhà cung cấp vật tư khác nhau ( gạch, xi măng, sắt, gỗ, ống nước, đồ điện... ). Ông kiến trúc sư có tài giỏi đến đâu mà không nhờ thầu khoán thực hiện thì cũng chẳng làm nên trò trống gì ! Ông thầu khoán mà không thuê được thợ thì cũng đành bó tay bất lực ! Thợ khéo léo hay tài giỏi đến đâu mà không có kiến trúc sư hay thầu khoán thì cũng chẳng biết phải làm gì. Nhờ tài năng khác nhau mà người ta cần lẫn nhau, kết hợp với nhau, yêu thương nhau ! Thiên Chúa của chúng ta – gồm Ba Ngôi khác biệt, tuy đa dạng nhưng lại hiệp nhất – đã muốn như thế, chúng ta không nên đi ngược lại đường lối của Ngài !
3. Khuynh hướng phản đa dạng của con người
Thế nhưng trên thế giới có biết bao nhiêu con người, bao nhiêu tập thể muốn đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, muốn chống lại luật “vạn vật đa dạng” của Ngài. Họ muốn tất cả mọi người phải nghĩ giống như họ, làm giống như họ, chỉ theo một lập trường duy nhất là lập trường của họ, vì họ cho rằng chỉ có họ là nghĩ đúng, làm đúng, lập trường của họ là duy nhất đúng hoặc đúng hơn cả. Ai khác họ là họ khó chịu, bực bội, kết án, loại trừ. Họ muốn trên thế giới này chỉ có một bè đảng duy nhất là bè đảng của họ, một ý thức hệ duy nhất là ý thức hệ của họ, một tôn giáo duy nhất là tôn giáo của họ, một đoàn thể duy nhất là đoàn thể của họ… Và họ nỗ lực để biến thế giới đa dạng này thành độc dạng hay đồng dạng ( uniforme ), thậm chí với tất cả thiện chí hay lòng thành của họ. Biện pháp của họ là loại trừ tất cả những ai khác với họ. Ai chủ trương khác với họ thì bị coi là đối lập, là kẻ thù, cần phải tiêu diệt.
Rất tiếc là trên thế giới này không chỉ có một bè đảng, một tôn giáo, một đoàn thể duy nhất nghĩ mình là duy nhất đúng hoặc đúng hơn cả và chủ trương loại trừ những ai khác với mình, mà có nhiều bè đảng, nhiều tôn giáo, nhiều đoàn thể nghĩ và chủ trương như vậy. Thế là có chiến tranh: bè đảng này tìm cách diệt bè đảng kia, tôn giáo này diệt tôn giáo kia, đoàn thể này diệt đoàn thể kia. Bè đảng nào, tôn giáo nào, đoàn thể nào cũng đều nhân danh sự thiện, sự đúng của mình – mà họ nghĩ là duy nhất thiện, duy nhất đúng – để tiêu diệt những gì mà họ cho rằng chắc chắn là sai lầm, xấu xa. Ai cũng có những “vũ khí” riêng của mình để ép buộc người khác theo mình, trung thành với mình, đồng dạng với mình. Bè đảng thì dùng vũ lực, âm mưu chính trị. Tôn giáo thì dùng những quyền lực thiêng liêng của mình. Đoàn thể thì dùng kỷ luật riêng của đoàn thể.
Nhưng hễ phản lại ý muốn của Thiên Chúa thì chỉ gây rối loạn. Đáng lẽ con người phải tôn trọng sự khác biệt nhau như một hồng ân Thiên Chúa ban để bổ túc lẫn nhau, để hợp tác với nhau, và để nhờ đó mà dễ yêu thương nhau, dễ đi đến hiệp nhất. Hiệp nhất ở đây là thứ hiệp nhất trong đa dạng. Có tôn trọng sự khác biệt của nhau thì mới có thể hiệp nhất được. Nhưng con người lại coi tình trạng đa dạng đó như một bất lợi cho “cái tôi tập thể” của mình.
“Cái tôi” nào – dù là cá nhân hay tập thể – thì cũng ích kỷ, muốn đề cao mình và những gì của mình, muốn mình phải trổi vượt hơn những “cái tôi” khác, và những gì của mình cũng phải trổi vượt hơn những gì của những “cái tôi” khác. “Cái tôi” nào cũng muốn dùng thế mạnh của mình để hiếp đáp những “cái tôi” khác yếu thế hơn, bắt những “cái tôi” khác phải theo mình, phải đồng dạng với mình. Họ muốn “thống nhất bằng đồng dạng”.
4. “Hiệp nhất trong đa dạng” là ý muốn của Thiên Chúa
Ôi, chính cái ý chí muốn “thống nhất bằng đồng dạng” này đã gây nên biết bao cảnh “nồi da xáo thịt” trong các quốc gia, cảnh các “bè phái ly khai” trong các tôn giáo, cảnh chia rẽ nhau trong các đoàn thể. Đúng là chưa phát triển được ra bên ngoài thì đã bị chia rẽ nội bộ. Thiết tưởng thế giới đã phải đau khổ rất nhiều, phải chịu biết bao cảnh đau thương tang tóc chỉ vì những tham vọng “thống nhất bằng đồng dạng” của các bè đảng, tôn giáo, đoàn thể. Nhưng thực tế hiện nay chứng tỏ rằng tham vọng đó càng ngày càng trở nên phi lý, phản tiến bộ và bất khả thi ( Gospelnet xin lược một đoạn ngắn )...
Riêng về mặt tôn giáo thì tôn giáo nào cũng muốn trở thành tôn giáo toàn cầu và đều nỗ lực tối đa để đạt được điều đó; nhưng dường như ngày nay tôn giáo nào cũng đều đi đến tình trạng bão hòa, nghĩa là khó có thể phát triển thêm về tỷ lệ dân số. Vì ai đã theo tôn giáo nào thì khó mà bỏ tôn giáo mình để theo tôn giáo khác, vì tôn giáo nào cũng có những biện pháp riêng khá hữu hiệu để giữ tín đồ của tôn giáo mình lại. Tuy vẫn có những người thay đổi tôn giáo, nhưng khi có những người tôn giáo này bỏ sang tôn giáo kia, thì ngược lại cũng lại có những người tôn giáo kia bỏ sang tôn giáo này. Cuối cùng vẫn phải chấp nhận một “thế giới đa nguyên tôn giáo”, như một “dấu hiệu của thời đại” ( signum temporum ) để nhận ra ý muốn của Thiên Chúa. Các đoàn thể cũng tương tự như thế.
Vì thế, đã đến lúc các bè đảng, các tôn giáo, các đoàn thể phải nhận ra rằng càng muốn “thống nhất bằng đồng dạng” thì càng gây nên chia rẽ, xáo trộn, và đau khổ cho nhân loại, vì điều này chống lại luật tự nhiên của Thiên Chúa. Trái lại, càng muốn “hiệp nhất trong đa dạng” – nghĩa là đến với nhau trong tinh thần tôn trọng sự khác biệt và đa dạng – thì càng dễ đoàn kết, càng dễ gắn bó yêu thương nhau. Vì sự “hiệp nhất trong đa dạng” chính là ý muốn của Thiên Chúa. Và sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa chính là gương mẫu toàn hảo nhất của sự “hiệp nhất trong đa dạng” mà chúng ta phải noi theo. Gia đình nào, dân tộc nào, tôn giáo nào, tập thể nào biết noi gương này thì sẽ càng ngày càng trở nên hạnh phúc, thịnh vượng và phát triển.
Lạy Cha, xin cho con cũng như các Ki-tô hữu và mọi tín đồ của các tôn giáo biết noi gương “hiệp nhất trong đa dạng” của Ba Ngôi Thiên Chúa; biết tôn trọng sự khác biệt và đa dạng mà Cha đã tạo nên nơi mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia, mỗi tôn giáo... Xin cho chúng con biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, đừng ép ai phải giống mình. Để chúng con nhận ra rằng chúng con cần lẫn nhau, cần đến với nhau, cần tìm hiểu, thông cảm, hợp tác với nhau, và nhất là cần yêu thương nhau như Cha hằng mong muốn điều đó. Amen.
Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT -------------------------------
Đây là phần cuối của quyển Tin mừng Mt. Đức Giêsu phục sinh hẹn các tông đồ đến một ngọn: BaNgôi ABC67
Đây là phần cuối của quyển Tin mừng Mt. Đức Giêsu phục sinh hẹn các tông đồ đến một ngọn núi miền Galilê. Ở đó Ngài tuyên bố rằng Ngài đã được trao toàn quền trên trời dưới đất, rồi Ngài sai các ông đi loan Tin mừng cho muôn dân, rửa tội cho họ “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ngài cũng hứa sẽ ở cùng với các ông mọi ngày cho đến tận thế.
B...nẩy mầm.
1. Về Chúa Ba Ngôi, các quyển Tin mừng không cho ta biết gì nhiếu hơn đoạn này: Thiên Chúa có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Nhưng nhờ suy gẫm, Thánh Gioan đã chia xẻ cho ta biết thêm một điều rất cơ bản: “Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16)
Nếu ai nói với tôi: “Xin hãy cho biết Thiên Chúa là thế nào?”, tôi sẽ bảo người đó: “Hãy yêu thương anh em nhiều hơn. Tình yêu sẽ nói cho bạn biết Thiên Chúa là thế nào” (André Seve)
2. Thiên Chúa là Tình yêu. Bản chất của Ngài là Tình yêu. Bởi thế ai yêu thương thì có thể biết Thiên Chúa, có thể sống trong nước Thiên Chúa và hưởng được hạnh phúc của Thiên Chúa. Càng yêu thương thì càng giống Thiên Chúa; ngược lại càng ít yêu thương thì càng khác với Thiên Chúa.
3. Thiên Chúa yêu thương tôi vì Ngài là tình yêu chứ không phải vì tôi dễ yêu. Chính Ngài mới làm cho tôi thành dễ yêu bằng cách ban cho tôi những phương tiện để càng ngày tôi càng có khả năng yêu thương nhioều hơn.
4. Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chì trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.
Taị vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra ngoài!
Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vức vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ: “đối ngoại hữu kỳ tâm- đối nội vô tâm giả”
Từ đó Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm có ông bạn tên Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi:
- Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?
- Đứng về mặt chính trị của triếu đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo. Để ông bạn coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô tâm”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim ra giúp người. Nội bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học từ bi của Phật, khoan nhân hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng thuật của Thần Đạo Nhật bản vậy. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì qủa là ngay chính của thiên hạ vậy. Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ đạo công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhập phép rửa tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục.. (Trích “Phúc”) -------------------------------
Bài đọc hôm nay là một phần của bài diễn từ cáo biệt trong bữa Tiệc Ly . (c.12) "Anh em không: BaNgôi ABC68
Bài đọc hôm nay là một phần của bài diễn từ cáo biệt trong bữa Tiệc Ly .
(c.12) "Anh em không có sức chịu nổi": có nhiều điều các môn đệ không hiểu được vì ít là hai lý do sau: thứ nhất, Đức Giêsu chưa hoàn tất cuộc khổ nạn, chịu chết và phục sinh . Thứ hai, các môn đệ cần được giúp đõ mới có thể hiểu được những điều Đức Giêsu giảng dạy. Đấng Bảo Trợ là Đấng sẽ giúp đỡ họ .
(c.13) "Thần Khí sự thật": Đức Giêsu bị tố cáo nhiều điều, nhưng sự thật vẫn là: Ngài là Con Thiên Chúa.
(c.13) "Người sẽ dẫn anh em tới sự thật": sự hướng dẫn vừa có nghiã là làm cho thông hiểu, vừa là một lối sống qua đó chúng ta hiểu Đức Giêsu rõ hơn.
(c.13) "Những điều sẽ xảy đến": không phải là những điều gì mới mẻ, vì Đức Giêsu đã chính là một sự mạc khải của Thiên Chúa. Điều sắp đến là các thế hệ tương lai sẽ hiểu về sự mạc khải đó như thế nào.
(c.14) "Người sẽ tôn vinh Thầy": Ngài sẽ cho ta hiểu rõ căn tính thật sự của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa
(c.15) "Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy": cho thấy sự hiệp nhất giữa Đức Giêsu và Cha Ngài. Nhắc đến Cha ở đây cũng muốn nói rằng Cha đã sai Thánh Linh, trong khi ở câu 16:7, Đức Giêsu nói "Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em"
Một Điểm Chính
Chúa Thánh Thần đến từ nơi Chúa Cha và Chúa Con. Ngài giúp đỡ chúng ta, lúc này và nơi đây, hiểu và sống theo sự thật của Chúa và được mạc khải nhờ Chúa Con.
Suy Niệm
Tôi hiểu và sống sự thật Đức Giêsu đã dạy như thế nào?
Sự mạc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi như thế nào? -------------------------------
Thánh Tôma, một nhà thần học nổi tiếng, đã nói: - Sống trên trần gian, chúng ta chỉ biết: BaNgôi ABC69
Thánh Tôma, một nhà thần học nổi tiếng, đã nói:
- Sống trên trần gian, chúng ta chỉ biết rằng Thiên Chúa vượt lên trên tất cả những gì trí khôn chúng ta có thể mường tượng ra.
Bất kỳ một ai suy nghĩ, đều phải công nhận Thiên Chúa là một mầu nhiệm. Mà cái nhân của mầu nhiệm này chính là Ba Ngôi. Một điều trí khôn chúng ta chẳng bao giờ có thể khám phá ra.
Trong Cựu ước, chúng ta không tìm thấy một dấu vết nào về mầu nhiệm cao siêu này. Chỉ mình Đức Kitô mới tỏ lộ cho chúng ta hay mà thôi. Thực vậy, Tân ước đã trình bày cho chúng ta thấy mối liên hệ mật thiết giữa Ba Ngôi cực thánh. Tín điều này là nền tảng, là khung cửa dẫn chúng ta vào miền đất của đức tin Kitô giáo.
Từ thưở đời đời, Thiên Chúa đã không cô độc lẻ loi, đã không khép kín, nhưng luôn ngập tràn yêu thương, mở ra và và chuyển thông sự sống. Cách riêng là đối với con người, Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một đặc ân cao quí, đó là được tham dự vào cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Nhờ bí tích rửa tội, Chúa Cha ban cho chúng ta quyền được làm con Ngài, cũng như quyền được thừa kế nước trời, do công nghiệp tử nạn của Đức Kitô, người anh cả của gia đình nhân loại.
Hơn thế nữa, Chúa Cha và Chúa Con còn ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Ngài là sợi dây tình yêu liên kết chúng ta lại với Chúa và với nhau. Chính vì thế, bí tích rửa tội là một ơn huệ vô cùng trọng đại. Nối kết chúng ta lại với Đức Kitô và qua Đức Kitô nối kết chúng ta lại với Chúa Ba Ngôi.
Ngoài ra, bí tích rửa tội còn giúp chúng ta nhận biết bản tính đích thực của Thiên Chúa, bản tính ấy chính là tình yêu. Thánh Gioan, vị tông đồ có diễm phúc tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly, không ngừng nói với chúng ta rằng:
- Thiên Chúa là tình yêu.
Thực vậy, tất cả mọi yêu thương của chúng ta chỉ là một mảnh nhỏ tách ra từ trái tim ngập tràn yêu thương của Thiên Chúa. Tất cả mọi yêu thương của chúng ta chỉ là một phản ảnh yếu ớt cho tình yêu của Ngài. Tất cả mọi yêu thương liên kết chúng ta lại trong tình bác ái, rập theo khuôn mẫu của Thiên Chúa, nguồn mạch tình yêu tuyệt vời. Đó chính là đỉnh cao của sự thánh thiện, của địa vị và phẩm giá nơi con người.
Thế nhưng, chúng ta phải thành thật thú nhận rằng: Tình yêu là một danh từ quá mung lung và chúng ta chỉ là những kẻ mò mẫm đi tìm một cách thức diễn tả. Chúng ta chỉ có thể thấy được tình yêu đích thực trong việc chiêm ngắm, thờ lạy và vâng phục thánh ý Thiên Chúa mà thôi.
Kể từ năm 1934, Đức Thánh Cha Gioan 22 đã khuyến khích và phát động việc tôn thờ Chúa Ba Ngôi, một điểm quan trọng và nền tảng cho đức tin Kitô giáo, bằng cách mặc cho ngày lễ hôm nay một vẻ long trọng khác thường, đặt nó vào ngày Chúa nhật đầu tiên sau lễ Hiện Xuống, như một kết thúc cho chương trình của Thiên Chúa: tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa.
Hãy dâng lên Chúa Ba Ngôi tâm tình thờ lạy và ngợi khen, dù ngôn ngữ loài người chỉ là những lời bập bẹ trước vẻ cao siêu tuyệt vời của Thiên Chúa.
Giáo hội luôn thấy ở trước mặt mình mầu nhiệm Ba Ngôi, không phải chỉ trong ngày lễ hôm nay, mà hơn thế nữa, mọi bí tích được thực hiện, mọi lời kinh chính thức được kêu cầu…tất cả đều được làm nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Rồi mỗi khi làm dấu thánh giá cũng như mỗi khi đọc kinh sáng danh, chúng ta đều tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Và nhiều lúc, Giáo hội đã mượn lời thánh Phaolô để cầu chúc cho chúng ta:
- Nguyện xin ơn sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần hằng ở cùng anh chị em.
Hãy đáp lại lời mời gọi của Giáo hội bằng cách dâng lên Chúa Ba Ngôi những tâm tình thờ lạy và cảm tạ, đồng thời hãy cố gắng sống xứng đáng với tình yêu thương mà Chúa Ba Ngôi đã dành cho mỗi người chúng ta. -------------------------------
Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần , Vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng: BaNgôi ABC70
“Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ,
Vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng ta”.
Đó là mở đầu thánh lễ mừng kính Chúa Ba Ngôi. Các bản văn phụng vụ không nhằm giải thích tại sao một Thiên Chúa duy nhất mà lại có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô, nhưng cả khi mạc khải cho các môn đệ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu cũng đã không giải thích tại sao Thiên Chúa duy nhất mà lại có Ba Ngôi.
Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ, nhất là trong bài diễn văn từ biệt dài trong bữa Tiệc Ly về sự hiện diện và tác động của từng ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, và về mối tương quan hiệp nhất giữa Ba Ngôi mà không giải thích lý do tại sao. Các tông đồ lúc đó cũng đã không thắc mắc tại sao như vậy, nhưng các ngài đã yêu mến, chấp nhận và sống mầu nhiệm với hết lòng chân thành.
“Ta và Cha Ta, Chúng ta chỉ là một. Ai tuân giữ giới răn Ta truyền thì Chúng ta sẽ đến ngự trong người đó”. Trong Phúc âm thánh Gioan được dùng trong thánh lễ kính Chúa Trời Ba Ngôi là những lời của Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ như sau: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ chúng con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy chúng con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói như vậy và Người sẽ dạy bảo các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người đã lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói là Người sẽ lãnh nhận nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.
Đó là những lời trích từ bài diễn văn dài được ghi lại nơi ba chương của Phúc âm thánh Gioan, từ chương XIV-XVI, trong đó mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được Chúa Giêsu nhắc đến mà không giải thích cho các tông đồ. Vấn đề quan trọng nhất không phải là biết hết tất cả mọi sự về Thiên Chúa mà là sống mầu nhiệm Thiên Chúa. Sự hiểu biết của con người tuy có thể đạt được phần nào về Thiên Chúa nhưng không thể nào biết trọn được cả.
Sự việc đã xảy ra cho thánh Augustinô khi thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là một lời dạy cho chúng ta ngày nay. Trí khôn con người hữu hạn làm sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô cùng, nếu muốn hiểu thì chẳng khác nào muốn đem nước của đại dương mênh mông mà đổ vào trong một lỗ nhỏ như trò đùa của em bé mà thánh Augustinô gặp nơi bờ biển.
“Thầy con nhiều điều phải nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy chúng con biết tất cả sự thật, Ngài sẽ đưa các con vào trong trọn cả sự thật”. Mỗi ngày chúng ta cần lớn lên trong tương quan với Thiên Chúa, cần được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn chúng ta tiến sâu vào trong mầu nhiệm bao la của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là một sự khám phá vô cùng và mãi không bao giờ ngừng, cả cho đến khi chúng ta được đối diện với Thiên Chúa trong cõi đời đời.
Mỗi ngày chúng ta càng được hướng dẫn hay để cho mình được hướng dẫn tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì chúng ta càng trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến, càng được thần thiêng hóa trở nên giống Thiên Chúa hơn và đối xử với anh chị em xung quanh như chính Thiên Chúa muốn.
Càng được thấm nhuần trong mầu nhiệm Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp thân tình với Thiên Chúa thì chúng ta càng có tâm hồn quảng đại, mở rộng đón nhận anh chị em xung quanh và phục vụ họ trong mọi hoàn cảnh cụ thể. Đây là kinh nghiệm sống đức tin của những vị thánh mà không chứng minh hay giải thích nào của lý trí có thể đủ sức trình bày. -------------------------------
Các nhà thần học cổ điển đã thường tranh luận với nhau về vấn đề tương quan giữa tin và hiểu: BaNgôi ABC71:
Các nhà thần học cổ điển đã thường tranh luận với nhau về vấn đề tương quan giữa tin và hiểu. Tin trước hiểu sau hay là hiểu trước rồi mới tin sau, đó là hai chiều kích luôn song hành với nhau. Đức tin tìm được sự hiểu biết hay là hiểu biết tìm đến đức tin. Thật ra, hiểu rồi tin hay tin rồi mới hiểu là hai chiều kích không thể thiếu được trong sinh hoạt của con người. Một con người có trí khôn để hiểu biết, nhưng lại là một trí khôn có giới hạn. Tin và hiểu, hiểu rồi tin cần bổ túc cho nhau luôn mãi trong cuộc sống nhân bản của con người cũng như trong cuộc sống Kitô.
Trước mầu nhiệm Thiên Chúa vô cùng cao cả được mạc khải cho con người hữu hạn thì yêu cầu phải hiểu rồi mới tin, có thể là một yêu cầu của con người tự phụ, tự kiêu. Nhưng ngược lại, nếu chỉ muốn tin mà không cần hiểu biết gì cả thì cũng dễ dàng rơi vào trong sự mù quáng khó tin.
Trước mầu nhiệm của mọi mầu nhiệm, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ Chúa nhật hôm nay, nếu cứ xoay qaunh vấn đề tin và hiểu thì có lẽ chúng ta sẽ không đi đến đâu cả.
Chúa Giêsu đã áp dụng phương pháp đặc biệt khác đối với các tông đồ để mạc khải cho các ngài về mầu nhiệm Thiên Chúa, đó là kinh nghiệm sống cao độ giữa Chúa Giêsu và các tông đồ mà cao điểm là kinh nghiệm Chúa Phục sinh và biến cố Chúa Thánh Thần Hiện xuống để hướng dẫn các ông tiến sâu vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Các tông đồ cần sống với kinh nghiệm sống với Chúa Giêsu và cần Chúa Thánh Thần hướng dẫn để có thể đi sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa này, và khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa đó không phải một Thiên Chúa đơn độc, nhưng là một Thiên Chúa phong phú gồm cả Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần.
Khi mời theo Chúa và cả khi gần kết thúc cuộc đời theo Chúa trên trần gian, các tông đồ đã không hiểu gì cho lắm về mầu nhiệm Thiên Chúa như được Chúa Giêsu mạc khải. Các ngài còn tranh tụng với nhau về địa vị lớn nhỏ, muốn ngồi bên hữu, bên tả của Chúa. Tranh tụng với nhau về lúc nào sẽ thiết lập lại vương quốc cho dân tộc Israel và tranh tụng với nhau biết bao chuyện thường tình khác nữa của con người trần tục.
Kinh nghiệm sống của các ông với Chúa Giêsu chắc có lẽ sẽ không đi đến đâu, sẽ không phát sinh hiệu năng làm các ông trở thành chứng nhân cho Chúa, bao lâu các ông chưa hiểu mối liên hệ nào giữa cuộc đời của các ông với cuộc đời của Chúa Giêsu: Theo Chúa để làm gì ? Và có ích gì cho cuộc sống ?
Hành động của Chúa Giêsu Phục sinh ban Chúa Thánh Thần xuống trên các tông đồ có thể nói là hành động cuối cùng để hoàn tất công cuộc mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa, để đưa các tông đồ vào mầu nhiệm Thiên Chúa mỗi ngày một sâu xa hơn. Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đưa chúng con đến vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần sẽ đến để dẫn đưa chúng con vào trong sự thật mỗi ngày một trọn vẹn hơn, sâu xa hơn.
Đó là điều mà chúng ta nghe được trong bài Phúc âm hôm nay, một đoạn trích ngắn từ bài diễn văn dài của Chúa Giêsu cho các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Đó là con đường tương quan sống động giữa Thiên Chúa và con người. Nếu mất đi hay không có mối tương quan này thì e rằng những đồ đệ của Chúa ngày xưa cũng như chúng ta hôm nay sẽ chỉ là những kẻ mang danh hiệu là người Kitô, người Công giáo trống rỗng, không có nội dung, không có cuộc sống thánh thiện chi cả.
Tiếp xúc hằng ngày với Chúa Giêsu, các tông đồ cảm nghiệm được rằng, mầu nhiệm Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải trước mắt các ông qua lời giảng dạy và qua những dấu lạ Chúa làm là một mầu nhiệm rất phong phú về Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, luôn luôn hiệp nhất với nhau và luôn luôn yêu thương con người, muốn biến đổi con người để con người sống yêu thương hiệp nhất với nhau và với Thiên Chúa.
Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần có một ý định rõ ràng là mời gọi các ông, mời gọi những con người đi theo Ngài hãy cộng tác vào chương trình hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, để tình thương Thiên Chúa được hiện diện mãi trong con người.
Mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta hãy vượt qua sự tò mò ý thức của trí khôn con người, một trí khôn có giới hạn nhưng lại tự kiêu, không chấp nhận giới hạn, muốn đặt vấn đề về tất cả mọi sự và thắc mắc tại sao Thiên Chúa có một mà lại có ba ngôi ? Chúng ta hãy vượt qua sự tò mò ý thức này để kiểm điểm lại mối tương quan sống động giữa ta với Thiên Chúa hiện nay. Mối tương quan đó như thế nào rồi ? Đang sinh sống tốt tươi hay đã héo hon. Xin Chúa giúp chúng ta thiết lập lại mối tương quan này, cảm thấy được Thiên Chúa hiện diện trong đời sống chúng ta và xác tín về tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta, và để cho tình yêu đó biến mọi người chúng ta mỗi ngày trở nên chứng nhân cho Ngài giữa anh chị em.
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, Ba Ngôi Thiên Chúa của tình yêu thương, xin gìn giữ chúng con trong tình yêu mãi mãi và biến mỗi người chúng con trở nên những chứng nhân làm chứng cho tình yêu này. Xin Chúa thương gìn giữ chúng con trong đức tin mà giờ đây chúng con cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính. -------------------------------
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm thâm sâu, cao cả nhất, vì là chính đời sống nội: BaNgôi ABC72
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm thâm sâu, cao cả nhất, vì là chính đời sống nội tại của Thiên Chúa, và đây cũng là mầu nhiệm trung tâm và nền tảng của các mầu nhiệm khác. Bởi vì các mầu nhiệm khác như Nhập Thể, Cứu Chuộc, Sống Lại, Lên Trời, Hiện Xuống đều đặt nền tảng trên mầu nhiệm này, hoặc chỉ hiểu được nhờ mầu nhiệm này. Nhìn vào lịch sử cứu chuộc, chúng ta thấy rõ ràng có Ba Ngôi hoạt động: Chúa Cha sai Con mình xuống trần cứu thế, Chúa Con sinh làm người thực hiện ý định cứu chuộc của Chúa Cha. Rồi Chúa Thánh Thần được cả Chúa Cha và Chúa Con gửi đến để trợ giúp và thánh hóa mọi người và mỗi người hoàn thành ơn cứu chuộc của mình.
Như vậy, khi dạy cho chúng ta biết công cuộc cứu chuộc của Ngài, Thiên Chúa đồng thời cũng dạy cho chúng ta biết về Ba Ngôi nơi Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể biết được mầu nhiệm này nhờ Thiên Chúa trực tiếp mạc khải. Tuy nhiên, mầu nhiệm Ba Ngôi rất khó hiểu. Con số 1, 2, 3 là để đếm đo. Mà đã đếm đo thì phải là những gì hữu hình, có lượng, có chất thì mới đếm đo được. Thiên Chúa vô hình, thiêng liêng, không lệ thuộc vào không gian và thời gian như chúng ta, thì làm sao đo đếm được. Mặc dầu mầu nhiệm này đã được chính Chúa Giêsu dạy bảo qua ngôn ngữ của loài người, nhưng vẫn là chuyện khó hiểu. Tuy nhiên, khó hiểu mà không nghịch lý.
Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy có Ba Ngôi. Ba Ngôi thật sự phân biệt nhau, khác nhau, nhưng Ba Ngôi chỉ có một bản tính duy nhất là bản tính Thiên Chúa, nên chỉ có một Thiên Chúa thôi. Ngôi Cha và Ngôi Con là một: một bản tính, một quyền năng như Chúa Giêsu đã quả quyết: “Cha Ta và Ta là một”. “Cha Ta làm sao thì Ta làm y như vậy”, “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”. Ngôi Ba và Ngôi Hai cũng là một, như Chúa Giêsu đã nói: “Chúa Thánh Thần sẽ đến từ Cha và Ta. Người chỉ nói những gì nghe biết bởi Chúa Kitô”, “Ai nói dối Chúa Thánh Thần thì cũng nói dối chính Thiên Chúa”. Những điều trên cho chúng ta biết: Ba Ngôi đồng bản tính với nhau, nếu không đồng bản tính thì không thể có sự liên hệ và lệ thuộc mật thiết giữa Ba Ngôi như vậy được.
Trong cuộc đời trần thế này, nơi chúng ta còn đang bước đi trong đức tin, chúng ta không thể hiểu được hết, được nhiều về một mầu nhiệm cao cả và thâm sâu như vậy. Chúng ta chỉ hiểu được phần nào trong giới hạn chật hẹp của trí tuệ con người và qua những hình ảnh tương đối, bất toàn, mượn nơi thế giới loài người, như hình tam giác đều, ba tài năng của con người: hiểu, nhớ và muốn. Ba giai đoạn của thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Điện có sức làm chuyển động, đốt nóng và soi sáng… Chúng ta dùng kiểu nói nào hay hình ảnh nào để diễn tả thì cũng chỉ là tương đối vậy thôi, vì ngôn ngữ loài người không thể diễn tả hết được, như có người đã nói: “Đố ai định nghĩa được tình yêu”, phương chi là nói tới Thiên Chúa Ba Ngôi.
Có một câu chuyện kể rằng: một hôm, khi suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, thánh Âu Tinh, trong một thị kiến, nhìn thấy mình đi bách bộ trên bãi biển. Bên bờ đại dương bao la, ngài nhìn thấy một em bé chơi một trò chơi kỳ lạ. Em đào một lỗ nhỏ giữa cát trắng, và dùng một cái vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ ấy. Cho đến bao giờ em mới múc được hết nước đại dương đổ vào cái lỗ nhỏ ấy ? Không thể làm được. Thì ra đó là một thiên thần từ trời xuống dạy cho nhà tiến sĩ Âu Tinh một bài học về Thiên Chúa Ba Ngôi: đừng hòng dùng lý trí để mà tìm hiểu bản thân của Thiên Chúa vô hình và siêu việt, người ta chỉ có thể dùng con tim để mà tiếp xúc và hiệp thông mà thôi.
Thế nên, chúng ta hãy xin Thiên Chúa cho lòng chúng ta được khiêm tốn. Đừng bao giờ điên rồ đòi “giải quyết vấn đề Thiên Chúa”, đứng mất công bóp trán hòa hợp số 1 với số 3, vì Thiên Chúa không phải là một vấn đề hay một bài toán để chúng ta giải quyết. Nếu Thiên Chúa nằm trong sự giải quyết của con người thì không còn phải là Thiên Chúa nữa, mà chỉ là sản phẩm do trí óc chật hẹp của con người tạo ra. Nhưng đâu phải trí óc chúng ta tạo nên Thiên Chúa, chính Thiên Chúa đã tạo nên trí óc chúng ta.
Xin đề nghị một điều, hay đúng hơn là nhắc lại một điều, bởi vì điều này chúng ta đã và đang làm rồi, đó là làm dấu thánh giá. Mỗi lần làm dấu thánh giá là một lần chúng ta biểu lộ lòng tôn kính và tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Điều muốn nói ở đây là chúng ta hãy làm dấu thánh giá mỗi khi có thể và nhất là làm nghiêm trang, tôn kính, đúng vị trí từng ngôi trên trán, trên ngực và trên hai vai đàng hoàng, chứ đừng làm ẩu, vội vàng như đuổi ruồi muỗi hay vẽ bùa, vừa bất kính vừa không ích lợi gì. Ước mong từ nay, trước khi làm một việc gì, chúng ta hãy làm dấu thánh giá với tất ac ý thức và niềm tin: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần . Amen. -------------------------------
Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu: BaNgôi ABC73
Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu nổi. Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau:
Đố ai biết lúa mấy cây, Biết sông mấy khúc, Biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, Để ta khuyên gió, Gió đừng rung cây.
Nhưng tất cả mọi điều khó hiểu trong cuộc sống con người có lẽ tình yêu là khó hiểu nhất. Vâng, chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực, qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa. Và vì không có được một định nghĩa như vậy nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm vậy.
Nhưng tình yêu ấy có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi mà ngày hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính là mầu nhiệm cao cả nhất, khó hiểu nhất trong Giáo Hội Công giáo chúng ta. Như sách giáo lý của Giáo Hội khẳng định: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa “cho chúng ta” “.
Vậy vấn đề đặt ra cho chúng ta ở đây đó là phải hiểu và đón nhận mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm quá cao siêu này như thế nào.
Khi nói đến mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, có người thì chấp nhận một cách thụ động, coi như một sự thật hiển nhiên không cần tìm hiểu thêm, người khác thì cố gắng dùng những hình ảnh cụ thể để so sánh chân lý cao siêu này hầu dễ được tin nhận hơn như ngọn lửa của que diêm, cả ba đặc tính: sáng, nóng và cháy xuất hiện cùng một lúc và không thể tách rời nhau, hoặc với một tam giác đều có ba cạnh, ba góc bằng nhau. Nhưng tốt hơn hết, chúng ta tuyên xưng: đây là mầu nhiệm đức tin, nghĩa là chúng ta đón nhận trọn vẹn chân lý ấy nhờ tin vào mạc khải của Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Bởi vì nếu không có Thiên Chúa mạc khải, thì chúng ta không biết gì về Ba Ngôi, việc nhập thể của Con Thiên Chúa hay sứ mạng của Chúa Thánh Thần. Như thánh Gioan tông đồ vào cuối đời mình, khi suy niệm về cuộc đời, cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu mới định nghĩa được “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa là tình yêu tức là tự chính nơi Thiên Chúa là yêu thương và là nguồn gốc của mọi tình yêu.
Vâng, chính vì tình yêu mà Chúa Cha sinh ra Chúa Con ; đã trao cho Chúa Con tất cả, ngay chính bản thân mình, như trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chính Đức Giêsu khẳng định rõ ràng: “mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”. Và Chúa Cha yêu Chúa Con đến nỗi luôn ở trong Chúa Con, hiệp thông làm một với Chúa Con. Nên khi tông đồ Philipphê tha thiết muốn được xem thấy Chúa Cha, Đức Giêsu đã trả lời ngay: “Ai thấy Thầy là thấy Cha. Anh không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao ?” Và chính sự kết hợp giữa Chúa Cha và Chúa Con nhiệm xuất ra một tình yêu, tình yêu ấy lại là một ngôi vị, đó là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là luồng tình yêu từ Chúa Cha đến Chúa Con và từ Chúa Con đến Chúa Cha, là sức mạnh tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Vì thế, trong Ba Ngôi luôn có một sự đón nhận, trao hiến và hiệp thông tình yêu vĩnh cửu trong một Thiên Chúa duy nhất.
Quả thực, tình yêu nào cũng muốn bộc lộ, muốn hiệp thông, muốn trao hiến, người yêu nào cũng muốn tỏ tình thì đối với tình yêu Thiên Chúa chúng ta còn mạnh mẽ gấp bội. Qua công trình sáng tạo Thiên Chúa muốn vũ trụ vạn vật và con người hiệp thông với Ngài để đón nhận tình yêu và sự sống. Ngay cả khi con người sa ngã, chối từ lòng thương ấy thì Thiên Chúa “vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” nên “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một cho thế gian”. Người Con Một ấy chính là Đức Giêsu. Qua Đức Giêsu mà chúng ta thấy được bộ mặt của Thiên Chúa, Ngài đã dạy cho chúng ta biết thế nào là yêu thương. Qua kiếp sống làm người, qua cái chết đau thương, Ngài muốn tỏ ra cho nhân loại thấy rằng Ba Ngôi Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta. Đặc biệt qua biến cố Phục sinh của Đức Giêsu chính Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu hiệp thông vừa nối kết Đức Giêsu lại với Chúa Cha, làm cho Đức Giêsu làm một với Chúa Cha vừa nối kết nhân loại với Thiên Chúa và với nhau. Và vì yêu thương cho đến cùng, nên Giáo Hội là Dân Thiên Chúa được sinh ra từ tình yêu của Chúa Cha, được Chúa Con thiết lập, được nuôi dưỡng và hoàn tất nhờ Chúa Thánh Thần để qua sự hiện diện của Giáo Hội như một dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại luôn mãi.
Đối với Giáo Hội, qua bao thời đại vẫn không ngừng thể hiện căn tính của mình cho nhân loại thấy mình vừa là dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, vừa hiệp thông với Thiên Chúa trong tình yêu, đặc biệt qua đời sống phụng vụ, như Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế về Giáo Hội đã trích lại câu mấu chốt của thánh Cyprianô rằng: “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta nhận thấy nếu Thiên Chúa là tình yêu và con người đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa thì một cách tất yếu phẩm giá của con người đã được xây dựng trên tình yêu. Vì thế, ai chối bỏ tình yêu, gieo rắc hận thù thì người đó đã chối bỏ con người và do đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Trái lại “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”.
Hôm nay Thiên Chúa Ba Ngôi đang dùng tiếng nói của Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống hiệp thông trong tình yêu của Ngài hơn nữa. Cụ thể là thành viên trong gia đình mỗi người chúng ta xem đã hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi để đón nhận và thể hiện tình yêu của Ngài như thế nào ? Rồi, giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ với con cái và giữa anh chị em với nhau đã thực sự yêu thương nhau góp phần làm cho gia đình mình trở nên dấu chỉ và hình ảnh sống động của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa tình yêu nơi trần gian hay chưa?
Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tôn thờ là nguồn mạch tình yêu đã trao ban tình yêu qua chương trình cứu độ và sẵn sàng đón nhận mọi người hiệp thông với Ngài, thì Ngài cũng đang mong chờ thái độ đáp trả của chúng ta, một thái độ biết đón nhận, trao hiến và hiệp thông tình yêu với Ngài và với anh em đồng loại.
Trong thánh lễ này chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu hiệp thông luôn hướng dẫn đời sống mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta, giúp chúng ta biết lắng nghe và thực hành lời của Chúa Giêsu để cùng với việc can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi như qua việc làm dấu thánh giá, cầu nguyện, tham dự thánh lễ, chúng ta biết sống bác ái yêu thương trong gia đình, khu xóm, cộng đoàn của mình, để xứng đáng là những nghĩa tử của Chúa Cha và luôn được sống hiệp thông trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. -------------------------------
Đức tin không phải là một thứ tự kỷ ám thị. Đây là ân sủng của một sự gặp gỡ mầu nhiệm với: BaNgôi ABC74
Đức tin không phải là một thứ tự kỷ ám thị. Đây là ân sủng của một sự gặp gỡ mầu nhiệm với một Đấng nào đó. Nó ở bên ngoài mọi lý lẽ và cảm xúc, nhưng lý lẽ và cảm xúc cũng có thể hiện diện. Chúng ta có thể hiểu Thiên Chúa bằng trí óc và bằng giác quan. Thật vậy bằng toàn bộ con người chúng ta. Chúng tôi không nói về một xác tín của trí tuệ, mà về một cảm thức về Thiên Chúa – một cảm giác. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời làm sao.
Nhà văn Nga, Tolstoy kể lại câu chuyện một đêm kia, ông đang cầu nguyện Thiên Chúa trong giường ngủ của ông trước một ảnh Đức Bà Đồng Trinh của Hy Lạp. Ngọn đèn đêm đang cháy. Kế đó ông ra ngoài ban công. Đêm tối đen như mực, và bầu trời đầy sao – sao mờ, sao sáng, một đám sao hỗn độn. Có một vẻ lóng lánh trên bầu trời, và trên địa cầu có những bóng đêm và hình dáng những cây khô. Ông nói:
“Đó là một đêm kỳ diệu. Làm thế nào mà người ta không tin vào linh hồn bất tử khi người ta cảm thấy sự vĩ đại vô biên như thế trong bản thân mình ? Tôi có thể chết. Và tôi nghe một tiếng trong nội tâm nói với tôi: Người đấy, ông hãy bái quì Người và thinh lặng”.
Người nào có cảm giác về Thiên Chúa và về sự hiện diện của Người trong đời sống, người ấy thật hạnh phúc. Đó là tài sản duy nhất đang có. Như một người đã nói: “Tôi không cần tin Ngài. Vấn đề đức tin không còn quan trọng nữa. Tôi biết chính điều ấy”.
Khi người ta biết một điều gì, thật sự biết một cách thâm sâu trong tâm hồn họ. Người ta không cần biện luận hoặc chứng minh điều đó. Họ biết đúng điều đó và như thế là đủ. Đức tin thật sự là một ơn của Thiên Chúa. Người ta tin với tâm hồn dù không biết tại sao hoặc cũng không tìm kiếm sự hiểu biết. Một sự chắc chắn thân thiết đổ đầy tâm hồn người ta cũng đủ.
Khi chúng ta có một cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, chúng ta không còn cảm thấy lẻ loi cô độc trong thế giới. Chúng ta có thể nhìn thấy với sự thán phục và yêu thương mọi tạo vật như là công trình của một Đấng Nghệ Nhân là bạn của chúng ta.
Cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới là một phúc lành cao cả, nhưng cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta là một phúc lành còn cao cả hơn. Suốt đời, thánh Âu Tinh đã học theo điều đó. Ngài viết:
“Oi Đấng toàn mỹ từ muôn đời cho đến muôn đời, con đã yêu Chúa chậm trễ, vâng, con đã yêu Chúa chậm trễ. Chúa ở bên trong con, nhưng con ở bên ngoài, và tìm kiếm Chúa ở nơi bên ngoài ấy. Và thật vô duyên, con đắm chìm trong những sự vật khả ái mà Chúa đã tạo dựng. Chúa ở với con, mà con không ở với Chúa. Những vật thụ tạo giữ con xa cách Chúa ; tuy rằng nếu chúng không ở trong Chúa thì chúng sẽ không còn hiện hữu. Tại sao con lại cầu xin Chúa đến với con khi mà nếu Chúa không ở với con, con sẽ không còn hiện hữu”.
Chúng ta gặp Thiên Chúa không phải chỉ trong thế giới bên ngoài chúng ta nhưng trong thế giới bên trong chúng ta, và thấy rằng Người gần gũi chúng ta hơn là chúng ta vẫn nghi ngờ. Người tham dự vào chúng ta như lời thánh Phaolô đã nói: “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu”.
Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi dù không rõ ràng ở nơi nào. Người giống như một nhà viết tiểu sử mà công việc là kể lại câu chuyện trong lúc ông vẫn đứng ở hậu cảnh.
Đối với nhiều người, sự im lặng của Thiên Chúa là một vấn đề lớn. Nhưng “Một Thiên Chúa ồn ào và hiển nhiên sẽ là một bạo chúa áp bức, không an toàn thay vì là một sự động viên không giới hạn đối với bản chất yếu đuối và hay sợ sệt của chúng ta. Câu đáp lại của Người hòa nhập vào cuộc hành trình dài, gồm những sự kiện to lớn của đời sống, xâu thành chuỗi xuyên suốt mọi vật” (John Updike).
Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà chúng ta qui phục nhưng không bị mất chính mình. -------------------------------
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.
Câu truyện về Chúa Ba Ngôi mà ai cũng biết là mẫu đối thoại giữa nhà thông thái Âu-tinh và chú: BaNgôi ABC75
Câu truyện về Chúa Ba Ngôi mà ai cũng biết là mẫu đối thoại giữa nhà thông thái Âu-tinh và chú bé nơi bờ biển. Nhà thông thái đi dạo nơi bờ biển trong khi đầu óc cứ băn khoăn tìm hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, ngài thấy một em bé đang lấy vỏ ngao (sò) múc nước biển đổ vào lỗ còng. Ngài tò mò định hỏi xem em định làm gì ? - Em định múc hết nước biển đổ vào lỗ còng này ! Ngài lên tiếng bảo em sao lại làm một việc mà không lượng sức của mình !... thì được em đáp ngay rằng việc em làm còn chưa vô ích bằng việc cái đầu của ngài cứ mải miết tìm hiểu về Chúa Ba Ngôi !
Thật không quan trọng để bàn về câu truyện đã thực sự sảy ra hay người ta đã tạo ra, điều cốt yếu là nhắm nói lên tính cách "vượt quá" sức hiểu biết của con người. Một nhà thông thái đã phát biểu: "Chân lý giống như ánh sáng mặt trời với con mắt đau". Nếu một chân lý thông thường mà còn thế, huống nữa là chân lý Ba Ngôi Một Chúa. Còn chính Âu-tinh đã tuyên bố: "Sao cứ để trí khôn anh bay lượn đó đây ? Thiên Chúa không như điều anh tưởng tượng, không như điều anh tin là hiểu rồi: Thiên Chúa là tình yêu". Khi quả quyết điều này, Âu-tinh cũng chỉ nhắc lại lời của nhà thần học Gioan đã viết từ thế kỷ thứ I: "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4,8), và để hiểu Thiên-Chúa-là-tình-yêu như thế nào, cũng chính Gioan diễn tả (qua lời Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe).
Thiên Chúa là tình yêu vì Ngài yêu. Nếu có một thực tại mà chính Phaolô phải thú nhận "Mắt phàm chưa hề trông, tai chưa hề nghe, lòng chưa hề cảm thấy" (1Cr 2,9) thì đó phải là đời sống thầm nội của Thiên Chúa . Chúng ta biết dược tý nào đều phải nhờ Chúa Giêsu cho biết:
Cha Ta và Ta là một ! Thiên Chúa yêu nên Thiên Chúa là một. điều ấy được Âu-tinh nói rõ ra: "Thiên Chúa là tình yêu vì Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần là một". Nếu Thiên Chúa là tình yêu là vì chính Thiên Chúa hiệp nhất hoàn toàn trong các ngôi vị yêu thương. Tình yêu hoàn toàn là sự kết hợp trọn vẹn giữa hai chủ thể bằng tận hiến cho nhau. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi diễn đúng thực sự hiệp nhất hoàn toàn này. Ai cũng biết Chúa Cha không phải là Chúa Con, Ngôi Hai không phải là Ngôi Ba. Các ngôi vị phân biệt hoàn toàn và không thể giản lược vào nhau. Đó chính là điều kiện của tình yêu chân chính, tình yêu chỉ có được giữa nhân vị và nhân vị. Tình yêu là hợp nhất, điều đó dĩ nhiên phải có một "tôi" và "anh", nhưng lại không "tôi tan biến trong anh" hay ngược lại !
Nhưng đồng thời lại chỉ có Một Chúa, hay nói khác đi đồng bản tính. Đồng nhất bản tính có nghĩa là khai trừ mọi ý tưởng chia phần và phân ly, phế bỏ hoàn toàn "của tôi" và "của anh". Âu-tinh diễn tả: "Nếu Thiên Chúa là tình yêu là vì tình yêu không thể bẻ gãy sự hiệp nhất, nhưng liên kết khôn tả Ba Ngôi Thiên Chúa ". Thực vậy, nơi Thiên Chúa không thể có phân chia, hay tham phần đi nữa, mỗi ngôi cùng chiếm hữu toàn diện , cùng sung mãn vô biên, cùng một thần tính. Đó không phải là những cá thể ích kỷ đối diện nhau, cũng chẳng phải những hữu thể đặt kề sát tẩy trừ nhau, nhưng là những hữu thể quảng đại hiến thân cho nhau. Như vậy, sự phối hợp giữa các ngôi vị đòi phải có sự phân biệt hoàn toàn lại thể hiện trong một sự hiệp nhất toàn vẹn. Chúa Giêsu diễn tả tất cả chân lý ấy trong một câu đơn giản: "Ta và Cha là Một".
"Ta sống vì Cha" (Ga 6,57). Thánh Hilarius khi chú giải lời khẳng định "Ta và Cha là một" của Chúa Giêsu đã diễn tả: "Ba Ngôi là một vì ngôi này cho ngôi kia". Ngôi này cho ngôi kia, vì ngôi kia. Đó là yếu tố cần thiết thứ hai của tình yêu đích thực. Nơi Ba Ngôi Thiên Chúa không những chỉ có sự hiệp nhất vì cũng có thần tính duy nhất, nhưng ngôi này với ngôi kia còn có thông giao sống động. Tín điều dạy: Ngôi Cha sinh Ngôi Con và Ngôi Nhất và Ngôi Hai là nguồn gốc Ngôi Ba. Như vậy, giữa Ba Ngôi có tương quan mật thiết dựa trên điều mà loài người chúng ta gọi là tận hiến. Dĩ nhiên mỗi ngôi đều yêu mình, vì đó chính là mình, là bản thể, và muốn như vậy. Đừng ngây thơ tưởng rằng Chúa Cha muốn là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần muốn là Chúa Cha hay Chúa Con. Nhưng mỗi ngôi chỉ chiếm hữu sự sung mãn toàn vẹn và độc nhất mộc cách hoàn toàn vô vị lợi, có thể nói được mỗi ngôi là để cho các ngôi khác. Ngôi Cha hoàn toàn quảng đại, không tích trữ cho mình, nhưng thông ban cho Ngôi Con tất cả những gì Ngài có trừ phụ tính. Ngài thông ban toàn thể thần tính. Chúa Con đã đáp lại lòng quảng đại ấy bằng lòng hiếu thảo vô biên: "Ta sống vì Cha". Chúa Cha và Chúa Con thông ban cho Chúa Thánh Thần cũng bằng lòng quảng đại vô bờ ấy tất cả sự sung mãn thần tính trọn vẹn. Về Chúa Thánh Thần đáp lại tình yêu vô biên của Chúa Cha và Chúa Con bằng một lòng biết ơn vô cùng say mến.
Nơi Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta được biết: "Chúa Cha yêu Chúa Con và trao phó mọi sự trong tay Ngài" ( 3, 35). Ngài thỏa mãn hoàn toàn nơi Chúa Con. Cũng nên lưu ý là Chúa Cha tự mạc khải khi nói với Chúa Con hay nói với chúng ta về Chúa Con, Ngài không nói "Ta là Chúa Cha", nhưng "Đây là Con Ta yêu dấu". Tình yêu vị tha của Ngài luôn hướng về Chúa Con. Chúa Con hoàn toàn ý thức mọi điều lĩnh nhận do Chúa Cha tuyên bố: "Điều Ngài dậy không phải của Ngài" (7,16), "Phép lạ Ngài làm không phải việc của Ngài nhưng là việc của Cha" (10, 38), của ăn của Ngài là làm theo ý Đấng đã sai Ngài (4, 34), Ngài không tìm vinh danh Ngài nhưng khao khát mê say tìm vinh danh Chúa Cha (8, 49), Ngài thỏa mãn hoàn toàn trong sự lệ thuộc vào Chúa Cha (8, 28). Cũng vậy, khi Thầy Chí Thánh dạy ta về Chúa Thánh Thần , Thần của Chúa Cha và Chúa Con. Ngài mạc khải cho chúng ta thấy tình yêu giữa Ba Ngôi trái hẳn với lòng ích kỷ. Chúa Thánh Thần lãnh nhận tất cả cho Chúa Cha và Chúa Con, vì thế sứ mệnh của Ngài bên cạnh chúng ta hệ tại không tự mình nói điều gì, nhưng dạy giáo lý của Chúa Con để Chúa Con được nhận biết (16,13), để hướng dẫn các tâm hồn về với Chúa Cha và Chúa Con, để vang lên lời ca tụng biết ơn Chúa Cha và Chúa Con qua quả tim nhân loại.
Thiên Chúa là tình yêu vì Chúa Cha yêu Chúa Con, Chúa Con yêu Chúa Cha, Chúa Cha và Chúa Con yêu Chúa Thánh Thần , Đấng yêu lại cũng bằng tình yêu vô cùng."Mỗi ngôi vị sống cho các ngôi khác không kém gì sống cho chính mình " (Grégoire de Naziane), điều đó có nghĩa mỗi ngôi vị muốn là chính mình, nhưng chỉ muốn là mình để yêu các ngôi khác và trong khi yêu các ngôi khác.
Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu đòi hiệp nhất và tận hiến. Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta thấy đời sống thâm nội, mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa . Nhưng Thiên Chúa còn trải rộng tình yêu ấy ra bên ngoài, đến tận nhân loại chúng ta. Tông đồ Gioan ghi lại: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một...". Tình yêu đích thực là cho ra chứ không phải nhận vào, là tặng ban chứ không phải đón nhận. Đây không còn phải là cho tiền bạc, thời giờ, tặng vật này, quà biếu khác, nhưng là chính con ruột mình. Đây là Con Một, duy nhất. Khi tặng ban như vậy cũng có nghĩa là ban chính mình. Chiều rộng của tình yêu này là cả thế gian. Ở đây không phải là một quốc gia, không phải chỉ có những người tốt lành, không phải chỉ những người biết yêu mến Ngài, nhưng toàn thể nhân loại. Toàn thể những người khó yêu và chẳng có gì đáng yêu, người cô đơn chẳng được ai yêu, người yêu mến Thiên Chúa lẫn người chối bỏ tình yêu của Ngài, những người chẳng bao giờ suy nghĩ đến Ngài cùng những người yên nghỉ trong tình yêu của Ngài, tất cả đều được bao gồm trong tình yêu bao la, bao hàm tất cả của Thiên Chúa . Thánh Âu-tinh nói: "Thiên Chúa yêu thương mỗi chúng ta dường như có một mình chúng ta để Ngài yêu mà thôi".
Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đến trần gian để dạy chúng ta con đường yêu thương và thông ban cho chúng ta chính sự sống yêu thương của Ngài, mà chúng ta gọi là sự sống đời đời. Sống mầu nhiệm Ba Ngôi, là sống yêu thương, yêu như Chúa yêu. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta đem mầu nhiệm cao cả ấy vào cuộc sống của chúng ta, chúng ta hãy đọc lại phần thứ hai của Kinh Lạy Cha...
Lời kinh này là một kết hợp kỳ diệu những nhu cầu của chúng ta. Phần này nói tới ba nhu cầu cơ bản của loài người và ba phạm vi thời gian mà con người sinh hoạt. Trước hết là lời cầu xin bánh (lương thực), là xin điều thiết yếu duy trì sự sống và bởi đó đem nhu cầu hiện tại đến trước Chúa. Thứ hai, cầu xin ơn tha thứ là đem quá khứ vào sự hiện diện của Chúa và ơn tha thứ của Ngài. Thứ ba, cầu xin giúp đỡ trong cơn cám dỗ là trao phó cả tương lai vào trong tay Chúa. Tất cả cuộc đời chúng ta từ quá khứ, hiện tại đến tương lai được đem đến đặt dưới bệ chân Chúa. Kinh cầu nguyện này không những là bài trình bày trọn cuộc đời chúng ta trước sự hiện diện của Chúa, nhưng cũng là bài cầu xin Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong cuộc sống của chúng ta nữa. Khi xin bánh để duy trì cuộc sống của chúng ta trên đất là chúng ta hướng lòng về Chúa Cha, Đấng Tạo Hóa nâng đỡ mọi cuộc sống. Khi xin ơn tha thứ là chúng ta hướng lòng về Chúa Con, Đấng Cứu độ chúng ta. Khi xin cứu giúp trong cơn cám dỗ tương lai là chúng ta hướng lòng về Chúa Thánh Thần , Đấng Hướng Dẫn và An Ủi chúng ta. Như vậy, với việc thực hành lời Chúa Giêsu dạy, chúng ta đem cả cuộc đời đến với Chúa Ba Ngôi và đem Ba Ngôi Thiên Chúa vào suốt cuộc đời chúng ta. -------------------------------
Người ta kể rằng: thánh Augustinô, một hôm đi bách bộ dọc bờ biển Địa Trung Hải, vừa đi vừa: BaNgôi ABC76
Người ta kể rằng: thánh Augustinô, một hôm đi bách bộ dọc bờ biển Địa Trung Hải, vừa đi vừa suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bỗng nhiên thánh nhân gặp một em nhỏ lấy vỏ sò múc nước đổ vào một cái lỗ. Đang còn ngạc nhiên về công việc luống công vô ích này, em bé đã trả lời: việc em múc hết nước biển đổ vào lỗ nhỏ còn dễ hơn điều mà thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Rồi em bé biến đi.
Nhớ lại lớp giáo lý xa xưa, ở đó, Chúa Ba Ngôi được ví như một hình tam giác đều, có ba góc bằng nhau. Hay chúng ta cũng được nghe so sánh Chúa Ba Ngôi với nước ở ba thể: khí, lỏng và rắn… Tuy nhiên, tất cả những lối so sánh ấy dường như quá khô khan, vì không phản ánh một cách trung thực và sống động hình ảnh thật sự của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Cách đây vài năm, vào ngày cuối của khóa học về Chúa Ba Ngôi, cha giáo sư hỏi chúng tôi:
- Bây giờ các anh chị đã hiểu mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chưa ?
Gần như cả lớp đồng thanh:
- Thưa cha hiểu.
Cha bật cười:
- Vậy thì các anh chị giỏi hơn tôi rồi !
Dĩ nhiên, con người giới hạn của chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm quá siêu việt này, nhưng để sống, lại là điều hoàn toàn có thể. Mầu nhiệm Ba ngôi chính là hình ảnh rất thân quen, rất gần gũi nếu nhìn Ba Ngôi dưới khía cạnh tình yêu. Vâng, Ba Ngôi Thiên Chúa chính là một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Tình yêu ấy đã không giữ lại cho mình, nhưng đổ tràn vào trần gian. Một tình yêu tràn ngập vũ trụ khi Thiên Chúa Cha dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài ; là tình yêu cứu độ, thứ tha qua cái chết nhục nhằn của Chúa Con chí thánh ; là tình yêu thánh hóa, đổi mới trong Thánh Thần. Thánh Gioan đã định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu. Một tình yêu chan hòa, chia sẻ giữa Ba Ngôi: Cha trao cho Con tất cả. Con dâng tất cả cho Cha, tình yêu khắng khít giữa Cha-Con là Thánh Thần. Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao, không phải chỉ là trao quà tặng hay cái gì đó ở bên ngoài mình, nhưng là trao đi điều quí nhất: “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi tặng ban cả Con Một…”
Thiết nghĩ không có hình ảnh nào diễn tả đẹp hơn mầu nhiệm Ba Ngôi cho bằng hình ảnh một gia đình: vợ chồng yêu thương nhau và con cái là kết tinh của tình yêu. “Mình với ta tuy hai mà một… Ta thương nhau quá nên hai hóa ra thành một”. Dù là hai, bốn, mười hoặc nhiều hơn đi nữa, nhưng gia đình, cộng đoàn chúng ta sẽ thực sự phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, nếu chúng ta chỉ có một trái tim để yêu thương, một niềm vui để chia sẻ, một nỗi buồn để cảm thông nâng đỡ, một khát vọng nên thánh… Tiếc rằng ngày nay, nhiều gia đình, cộng đoàn đã không còn là tổ ấm, nhưng biến thành nhà trọ: khách đến rồi khách lại đi, chẳng cần biết những người thân yêu của mình đang nghĩ gì, làm gì, cần gì và sống như thế nào ! Đời sống gia đình nặng nề, khó thở và tẻ nhạt, bởi vì nơi ấy đã không còn tình yêu nữa.
Chợt nhớ lại câu chuyện khá ngộ nghĩnh xảy ra tại một cộng đoàn các sư huynh ở Việt Nam. Cộng đoàn gồm ba vị, người Việt mình thường quen gọi là các “phe” (Frère). Lần kia, một nhân viên của sở bưu điện đem thư đến, vừa giao thư vừa lẩm bẩm: “Nhà có ba người thì ba phe, sống chó gì được !” (chỉ là vì trên bì thư, người gởi viết: Kính gởi phe M.., phe H.., phe B.). Thật là một sự hiểu lầm tai hại !
Chúng ta sẽ mãi còn xa lạ với mầu nhiệm Ba Ngôi, nếu chúng ta còn xa lạ với tình yêu được bắt đầu ngay trong gia đình, cộng đoàn. Gia đình, cộng đoàn chúng ta hãy trở thành một bản nhạc du dương hòa điệu, trong đó mỗi người là một nốt nhạc đã được Thiên Chúa đặt để. Xin đừng tự ý thăng giáng, cũng đừng thay đổi vị trí, vai trò của mình. Hãy sống đúng bổn phận Chúa trao và như thế, mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn và qui hướng về tình yêu, tình yêu của mầu nhiệm Ba Ngôi mà mỗi ngày chúng ta lặp lại nhiều lần khi làm dấu thánh giá: ân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. -------------------------------
Một vị vua kia đến cuối cuộc đời cảm thấy buồn chán. Ông nói: “Suốt đời ta, ta đã cảm thụ được: BaNgôi ABC77
Một vị vua kia đến cuối cuộc đời cảm thấy buồn chán. Ông nói: “Suốt đời ta, ta đã cảm thụ được tất cả những gì mà một con người có thể cảm thụ được bằng các giác quan. Nhưng vẫn còn một điều ta chưa được thấy, đó là ta chưa thấy Chúa. Bây giờ nếu ta chỉ được nhìn thấy Chúa một thoáng thôi thì ta cũng sẽ mãn nguyện mà chết". Nhà vua tham khảo ý kiến những bậc khôn ngoan, hứa cho họ đủ thứ phần thưởng nếu họ giúp ông thực hiện điều mơ ước ấy. Nhưng chẳng ai giúp được.
Thế rồi có một chàng chăn cừu nghe chuyện trên và tìm đến gặp nhà vua. Chàng nói: “Có lẽ hạ thần có thể giúp bệ hạ được”. Nhà vua rất sung sướng theo người chăn cừu leo lên nhiều ngọn đồi. Khi đến đỉnh một ngọn đồi nọ, người chăn cừu đưa tay chỉ mặt trời và bảo: “Hãy xem kìa”. Nhà vua ngước mắt nhìn lên nhưng liền nhắm lại ngay vì chói quá. Ông bảo: “Nhà ngươi muốn cho ta mù sao !” Người chăn cừu đáp: “Tâu bệ hạ, đây mới chỉ là một phần nhỏ của vinh quang Thiên Chúa mà bệ hạ còn nhìn không nổi. Thế thì làm sao bệ hạ có thể nhìn được Thiên Chúa bằng cặp mắt bất toàn của bệ hạ ? Bệ hạ phải tìm cách nhìn Ngài bằng cặp mắt khác”.
Nhà vua rất thích ý tưởng ấy, nói: “Ta cám ơn ngươi đã mở cặp mắt trí khôn của ta. Bây giờ hãy trả lời cho câu hỏi khác của ta: Thiên Chúa sống ở đâu ?” Người chăn cừu lại đưa tay chỉ lên trời: “Bệ hạ hãy nhìn những con chim đang bay kia. Chúng sống trong bầu khí không khí bao quanh. Chúng ta cũng thế, chúng ta sống trong sự bảo bọc của Thiên Chúa. Xin bệ hạ đừng tìm kiếm nữa, mà hãy mở rộng mắt ra để nhìn, mở tai ra để nghe. Thế nào bệ hạ cũng thấy được Ngài. Thiên đàng ở ngay dưới chân chúng ta cũng như ở ngay trên đầu chúng ta”.
Nhà vua dừng bước, cố gắng nhìn, cố gắng lắng nghe. Thế là một cảm giác bình an lộ rõ trên khuôn mặt buồn thảm của ông. Người chăn cừu nói tiếp: “Tâu bệ hạ, còn một điều nữa”. Rồi chàng dẫn nhà vua đến một cái giếng. Nhà vua nhìn xuống mặt nước bằng phẳng, hỏi: “Ai sống dưới đó thế ?” Người chăn cừu đáp: “Thiên Chúa”. “Ta có thể nhìn thấy Ngài không ?” “Được chứ, bệ hạ chỉ cần nhìn”. Nhà vua chăm chú nhìn xuống giếng, nhưng chỉ thấy gương mặt của mình phản chiếu trên mặt nước. Ông nói: “Ta chỉ thấy mặt ta thôi”. Người chăn cừu giải thích: “Bây giờ thì bệ hạ đã biết Thiên Chúa sống ở đâu rồi. Ngài sống trong bệ hạ đó”.
Nhà vua nhận ra rằng người chăn cừu khôn ngoan và giàu có hơn ông. Ông cám ơn chàng và trở về hoàng cung. Chẳng ai biết ông có nhìn thấy Thiên Chúa không, nhưng ai cũng nói rằng có một điều gì đó đã biến đổi trái tim ông, bởi vì từ đó trở đi ông đối xử rất nhân hậu với mọi người, kể cả người đầy tớ hèn hạ nhất của ông.
Thiên Chúa ở khắp chung quanh chúng ta. Nhưng chừng nào chúng ta chưa khám phá Ngài ở ngay trog lòng c húng ta thì Ngài như vẫn còn ở xa, vẫn như một người lạ thờ ơ vô tình. Còn khi chúng ta cảm nhận Ngài ở trong chúng ta thì không bao giờ chúng ta còn cảm thấy cô đơn nữa, và khi đó chúng ta sẽ nhìn thấy thiên nhiên là một công trình của một Đấng Nghệ Sĩ thân thiết của chúng ta.
Thiên Chúa Ba Ngôi vừa ở trong chúng ta vừa siêu vượt chúng ta. Đúng là một mầu nhiệm, nhưng là một mầu nhiệm tình yêu. -------------------------------
Người Châu Phi có một câu chuyện sau đây về Thiên Chúa: Một hôm Thiên Chúa đi thăm: BaNgôi ABC78
Người Châu Phi có một câu chuyện sau đây về Thiên Chúa: Một hôm Thiên Chúa đi thăm châu lục rộng lớn này và Ngài thấy có một bộ lạc bị mất đức tin. Thế là Ngài hiện ra giữa một mảnh ruộng đang có 4 người làm việc, mỗi người một góc, 4 người này thấy Chúa hiện ra giữa mảnh ruộng. Họ chăm chú nhìn Ngài rồi phục mình thờ lạy.
Sau đó Thiên Chúa biến hình rồi xem sự việc diễn tiến thế nào. Bốn người kia chạy vào làng và nói rằng: Đúng là có Thiên Chúa vì họ đã thấy Ngài hiện ra. Từ này về sau chúng ta đừng sống vô thần nữa mà phải lo thờ phượng Chúa. Mọi người nghe đều tin là Thiên Chúa đã hiện ra thật. Nhưng một người hỏi: “Thế thì Thiên Chúa mặc áo màu gì ?”
- Ngài mặc áo đỏ. Người thứ nhất trả lời. - Không, Ngài mặc áo xanh. Người thứ hai cãi lại. - Hai đứa bay sai cả. Ngài mặc áo màu lục. Người thứ ba nói thế. - Tất cả đều điên hết rồi. Người thứ tư la to. Ngài mặc áo vàng.
Thế là mọi người cãi nhau chí chóe, rồi ẩu đả nhau. Cuối cùng bộ lạc chia thành 4 phe.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy mọi người dân bộ lạc ấy đều sai lầm. Thực ra mỗi người chỉ thấy một thoáng về Thiên Chúa. Lẽ ra mỗi người phải biết rằng mình chỉ thấy được một phần thì họ cho rằng họ thấy toàn vẹn. Nếu như họ biết lấy cái nhìn của người khác để bổ sung cho cái nhìn của mình thì họ sẽ có một hình ảnh đầy đủ và phong phú hơn về Thiên Chúa.
Thiên Chúa lớn hơn tất cả chúng ta. Chúng ta không bao giờ hiểu biết trọn vẹn về Ngài. Để hiểu biết những sự dưới thế chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều, thế thì làm sao chúng ta nắm bắt được những sự trên trời. Chỉ có ơn ban khôn ngoan mới giúp chúng ta hiểu được đường lối của Thiên Chúa. Con người có thể biết những chân lý đức tin, nhưng không thể hiểu biết chính Thiên Chúa.
Cần phải có một hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa, nếu không thì mọi sự sẽ lạc hướng cả. Làm sao chúng ta có thể thờ phượng Ngài cho phải đạo hoặc có một liên hệ đúng đắn với Ngài nếu chúng ta có một hình ảnh sai lạc về Ngài ?
Muốn biết Thiên Chúa là thế nào, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, vì như thánh Phaolô nói, “Ngài là hình ảnh Thiên Chúa vô hình”. Vậy Chúa Giêsu ra sao ? Trong mọi hình ảnh Chúa Giêsu, hình ảnh đẹp nhất là Mục Tử nhân lành. Chính Chúa Giêsu đã mô tả mình bằng hình ảnh này. Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, hiến mạng sống mình cho đàn chiên. Trong hình ảnh Chúa Giêsu, chúng ta thấy được tình thương Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Còn Chúa Thánh Thần thì thế nào ? Chúa Thánh Thần chính là tình thương giữa Chúa Cha với Chúa Con, và giữa các Đấng với chúng ta.
Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là vấn đề để tranh luận, cũng không phải là vấn đề để học biết, mà là để cầu nguyện và để sống. Kitô hữu sống trong thế giới của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế giới này không phải là một thế giới ở đâu xa xôi, mà chính là thế giới mà ta sống hằng ngày. Như câu chuyện của Châu Phi vừa kể phía trên, thế giới ấy là thế giới mà Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta. -------------------------------
"Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi."
Đức Giêsu khi sắp về với Cha, đã chấp nhận giới hạn của các môn đệ. Ngài chưa nói hết được: BaNgôi ABC79
Đức Giêsu khi sắp về với Cha, đã chấp nhận giới hạn của các môn đệ. Ngài chưa nói hết được những điều Ngài muốn nói, nhưng Ngài không muốn ép họ phải cố hiểu. Cần có thời gian, và nhất là cần Thánh Thần...
Đức Giêsu chấp nhận ra đi khi việc huấn luyện còn dang dở. Ngài chấp nhận mình không phải là vị thầy duy nhất: Sau này, Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều (Ga 14,26).
Ngài cũng chẳng phải là Đấng Bảo Trợ duy nhất vì còn một Đấng Bảo Trợ khác đến sau Ngài (x. Ga 14,16).
Ngài đã vén mở cho các môn đệ thấy sự thật, sự thật về Cha, về bản thân mình và về con người. Nhưng Ngài biết rằng cần có Thánh Thần từ từ dẫn dắt các môn đệ mới hiểu thấu và đi vào toàn bộ sự thật.
Vì lợi ích của họ, Đức Giêsu sẵn sàng ra đi (x. Ga 16,7), để nhường chỗ cho Đấng Cha và Ngài sai đến.
Đức Giêsu chẳng tìm mình, và Thánh Thần cũng vậy.
Thánh Thần chỉ có sứ mạng là đưa con người đến với Cha và Con là Đức Giêsu. Ngài chẳng tìm vinh quang cho mình, nhưng chỉ tìm tôn vinh và làm chứng cho Đức Giêsu.
Cha cũng chẳng tìm mình. Cha chẳng giữ gì làm của riêng.
"Mọi sự Cha có đều là của Thầy" (c.15) Cha là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con. Con là Con vì đón nhận tất cả từ Cha.
Tình yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần,
Khi chiêm ngắm thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy đó là một cộng đoàn lý tưởng. Mỗi ngôi vị đều sống cho hai ngôi vị kia.
Yêu thương và hiệp thông với nhau đòi từ bỏ. Nhưng từ bỏ lại làm cho mỗi ngôi vị trọn vẹn là mình, và sống trong hạnh phúc viên mãn.
Thiên Chúa của Kitô giáo là một cộng đoàn yêu thương, nhưng thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi lại không khép kín.
Thế giới ấy vươn ra ngoài mình, để cho hạnh phúc tuôn đổ trên toàn bộ công trình sáng tạo.
Cha yêu loài người đến độ sai Con Một làm người. Con yêu loài người đến độ dám sống và chết cho họ. Thánh Thần yêu loài người đến độ luôn ở bên để ủi an nâng đỡ. Cả Ba Ngôi cùng nhau lo cho loài người.
Ước mơ lớn nhất của Ba Ngôi là đưa cả nhân loại đi vào thế giới thần linh của mình, để mỗi người được hưởng hạnh phúc làm con trong Chúa Con.
Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu mở ra, chia sẻ, mời gọi.
Tình yêu đích thực bao giờ cũng khiêm hạ đợi chờ. Chúng ta tự hỏi mình có sẵn sàng mở ra để Chúa đi vào thế giới của mình và để mình đi vào thế giới của Chúa không?
Gợi Ý Chia Sẻ
Cha là Đấng Sáng Tạo, Con là Đấng Cứu Độ, Thánh Thần là Đấng đem lại sự sống, sự canh tân, sự hiệp nhất. Bạn là hình ảnh Chúa Ba Ngôi, bạn thấy mình giống Ngài ở điểm nào?
Thế giới hôm nay bị đổ vỡ vì lòng ích kỷ của nhiều người, bị xâu xé giữa tôi và chúng ta. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi giúp gì để giải quyết vấn đề trên? Cầu Nguyện
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng co tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ. -------------------------------
Mỗi ngày chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần, chúng ta nhắc đến Chúa Ba Ngôi là Cha, Con: BaNgôi ABC80
Mỗi ngày chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần, chúng ta nhắc đến Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần. Chúng ta muốn ghi dấu của Ba Ngôi trên thân thể, và trên mọi hoạt động của ta, hay đúng hơn, chính Ba Ngôi đã không ngừng ghi dấu trên cuộc đời ta và trong suốt dòng lịch sử.
Mầu nhiệm Một Thiên Chúa Duy Nhất trong Ba Ngôi vị là mầu nhiệm được Đức Giêsu mạc khải cho ta.
Cha là Đấng yêu Con và hằng sinh ra Con. Con là người được yêu và được Cha sai vào thế giới. Thánh Thần là tình yêu, nối kết Cha và Con.
Như vậy Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một ngôi vị đơn độc, nhưng là Ba Ngôi hiệp thông chặt chẽ với nhau.
Ba Ngôi chia sẻ cho nhau mọi sự mình có: "Mọi sự Cha có đều là của Thầy" (Ga 16,15).
Ba Ngôi cùng nhau hành động trong sự hoà hợp. Thánh Thần không tự mình mà nói nhưng chỉ nhắc lại và đào sâu lời Đức Giêsu, giống như Đức Giêsu đã chẳng tự mình mà nói nhưng chỉ nói những gì mình nghe được từ Cha.
Thánh Thần sẽ tôn vinh Đức Giêsu như Đức Giêsu đã suốt đời tôn vinh Cha.
Nếu sống là sống với, sống cho, sống nhờ thì ta có thể gặp được mẫu mực sống tuyệt vời nơi Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mỗi Ngôi đều không tìm mình, chỉ sống cho Ngôi khác, và từ đó tạo ra khuôn mặt riêng của mình. Thiên Chúa vừa là một, vừa là ba. Hội Thánh cũng vừa duy nhất, vừa đa dạng. Mười hai tông đồ, bốn sách Tin Mừng, hai kinh Lạy Cha... Để sự duy nhất đừng trở thành độc khối nghèo nàn, để sự đa dạng đừng trở thành cớ chia rẽ, cần có sự hiệp thông sâu xa trong Hội Thánh.
Đời sống của Ba Ngôi là mẫu mực cho mọi tổ chức của con người trên trần thế.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta chiêm ngắm sự hiện diện của Ba Ngôi ở nơi ta.
"Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy" (Ga 14,23), "Thánh Thần ở lại bên cạnh anh em và sẽ ở trong anh em" (Ga 14,17).
Đây là tin mừng quá đỗi lớn lao: Thiên Chúa siêu việt xa thẳm lại ở rất gần ta, chỉ cần quay vào nội tâm, là ta gặp được Ngài.
Kitô hữu là người mang trời cao, mang thiên quốc trong mảnh đời yếu đuối của mình. Hãy cung kính trước sự hiện diện đó, và để cho Tình Yêu Ba Ngôi tự do hoạt động nơi bạn, và qua bạn mà lan đến toàn thế giới.
Gợi Ý Chia Sẻ
"Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai." Bạn có kinh nghiệm gì về việc sống hết mình cho người khác, mà vẫn không đánh mất chính mình?
Một em bé nói: "Thiên Chúa là một người cha yêu con cái như một người mẹ." Đâu là hình ảnh của bạn về Thiên Chúa? Có khi nào bạn cảm nghiệm được Ngài yêu bạn không?
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng co tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ. -------------------------------
Các thánh ký Phúc Âm đã có một cảm nghiệm về Thiên Chúa là Đấng Vô Cùng giầu sang, hoàn: BaNgôi ABC81
Các thánh ký Phúc Âm đã có một cảm nghiệm về Thiên Chúa là Đấng Vô Cùng giầu sang, hoàn mỹ, và uy quyền mà không một chữ, hoặc một hình ảnh nào có thể diễn tả được. Cần phải là ba để diễn tả cách đầy đủ sự sung mãn và phong phú của Thiên Chúa, Đấng mặc khải mình cho chúng ta. Một Chúa, chứ không phải ba Chúa. Tín điều Chúa Ba Ngôi, sự cảm nhận được Ba Ngôi Thiên Chúa, hay là bất cứ cái gì đi nữa, đều qui về một Chúa. Thiên Chúa của chúng ta là Chúa duy nhất! Sự cảm nghiệm về Thiên Chúa bằng cách này đã là nguồn sức sống cho các tín hữu thời sơ khai. Do cái cảm nghiệm này đã làm cho họ có sức mạnh để nhận biết Tình yêu mà họ chưa từng có bao giờ biết từ trước. Cái cảm nghiệm này là một điều cực kỳ quan trọng trong cuộc sống của họ, và cuộc sống của chúng ta nữa.
Chuyện đã xảy ra thời Tân Ước đó là Chúa Giêsu đã đến giữa họ, và họ đã cảm nghiệm được Thiên Chúa trong một cái nhìn mới mẻ đầy sửng sốt mà không thể nào giữ trong lòng nổi. Họ phải loan truyền Tin Mừng này ra cho toàn thể thế giới. Điều họ đã nhận ra là Thiên Chúa Cha, Đấng yêu thương họ vô cùng, hiện diện trong Người Con, và Người Con đã hiện thân ở giữa họ. Thiên Chúa, trong Người Con, đã hiện diện ở giữa họ như là một thần tượng tuyệt hảo trong cuộc sống của con người.
Chúng ta tụ tập nơi đây bởi vì chúng ta muốn biết làm sao để sống một cuộc đời Kitô giáo. Đây là một mẫu gương cho chúng ta. Đây không phải là những cảm nghiệm mơ hồ về Thiên Chúa mà chúng ta không thể nào nắm được. Thiên Chúa đang hiện diện như là một người giữa chúng ta. Như các Kitô hữu thời sơ khai đã cảm nghiệm được sự mặc xác của Thiên Chúa và đã sống qua những biến cố của Quyền Năng Phục Sinh, họ nhận ra trong một cách mới mẻ Thiên Chúa yêu thương họ biết bao.
Hơn thế nữa, họ còn có thể cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa bằng một cách khác, một điều mới xảy ra. Họ diễn tả cái đó giống như là ngọn gió thổi qua. Họ nói đó là những ngọn lửa sống động, ấm áp, và linh thiêng. Họ khám phá ra cái cảm nghiệm này của sự hiện diện Thiên Chúa ở trong họ, và nó làm cho họ được sống động. Họ nhận ra rằng họ được tẩy rửa. Cái mặc cảm tội lỗi trong người của họ đã được tẩy xoá và được tăng thêm sức mạnh. Họ đã có thể đứng lên trước công chúng, vua chúa, và rao giảng Tin Mừng. Bởi Chúa Thánh Thần quá tuyệt hảo, các thánh ký đã nhắc đến Ngài hơn 350 lần bằng nhiều cách thế khác nhau. Chẳng hạn Đấng Bảo Trợ, Đấng Bào Chữa, Thần Chân Lý, Đấng Ban Phát Ơn Phúc, Ánh Sáng của Tâm Hồn, Đấng Ban Sức Mạnh, Đấng An Ủi.
Vào một buổi sáng ngày Chúa nhật, một bà mẹ đã nói với người con cả rằng, "Billy, hôm nay mẹ không thấy khỏe để đi lễ được, con đi lễ đi." Và Billy đã đi Lễ. Lễ song, khi Billy về nhà, mẹ chàng hỏi, "Hôm nay con ngồi ở đâu?" "Thì con vẫn ngồi ở chỗ cũ," Billy trả lời mẹ. Câu trả lời đó đã làm cho mẹ cậu nghi ngờ, bà liền tiếp, "Thế hôm nay bài Phúc Âm nói về cái gì?" Billy ngẫm nghĩ và trả lời cách ngập ngừng, "Ờ...để xem coi, hình như hôm nay có cái gì đó liên quan đến vấn đề lãnh nhận một cái mền." Thế là xong! Mẹ cậu liền gọi cho cha xứ và hỏi cha hôm nay bài Phúc Âm nói gì, cha liền trả lời, "Hãy kiên nhẫn, các con sẽ nhận lãnh sức mạnh..."
"Các con sẽ nhận lãnh sức mạnh," Chúa Giêsu phán, "khi Thần Chân Lý đến trên các con." Đó là sức mạnh của tình yêu. Đó là sức mạnh biến đổi. Đây không phải là điều gì mới mẻ cả. Các bạn đã biết cả rồi. Tuy nhiên, có khi nào bạn để ý để mà suy nghĩ và đem ra thực hành không? Những hàng chữ chỉ là những chữ chết nếu không được đem ra thi hành.
Các thánh ký Phúc âm đã nghĩ đến việc chúng ta thành thật trước mặt Chúa về con người của chúng ta; về những cái đưa đẩy tranh chấp trong cuộc sống của mình; về những cái chống đối và địch thù khi thi hành đức ái của Chúa Giêsu trong cuộc sống; về cách thức chúng ta làm cho người khác đau khổ; về những cái khác biệt khinh thị người này người nọ; về cách thức chúng ta che đậy hoặc bào chữa những lỗi lầm của mình. Các thánh ký hằng luôn kêu gọi chúng ta hãy đối diện với hiện thực về chính con người của mình trước mặt Chúa.
Khi chúng ta thống hối, thành thật, và khi chúng ta biết phá đi những cái cản trở trong cuộc sống, thì lúc đó chúng ta sẽ bắt đầu cảm nghiệm được cuộc sống của Chúa trong chúng ta. Các bạn sẽ trở thành con người mà Thiên Chúa đã tạo dựng từ ban đầu. Một con người yêu thương. Các bạn sẽ có cái nhìn mới mẻ về những người thân trong gia đình.
Thần Khí Chân Lý đang chờ đợi bạn để dẫn dắt và cảm hóa bạn với những điều tuyệt diệu sau: Tôi đi tìm linh hồn của mình, nhưng tôi không thấy. Tôi đi tìm Chúa, mà Chúa ẩn náu ở đâu. Tôi đi tìm người anh em, và tôi gặp ở đó cả ba. -------------------------------
Thời Cựu Ước người Do Thái nhận biết “Thiên Chúa là Đấng duy nhất” (Đnl.6, 4). Nhờ Đức: BaNgôi ABC82
Thời Cựu Ước người Do Thái nhận biết “Thiên Chúa là Đấng duy nhất” (Đnl.6, 4). Nhờ Đức Yêsu, ki-tô hữu nhận biết Thiên Chúa là “Ba Ngôi Vị”.
Con người nói về Thiên Chúa
Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối, ngôn từ con người không thể diễn tả hoàn toàn được. Những hình ảnh diễn tả về Thiên Chúa Cha như một “ông già” râu dài phúc hậu, hoặc “chim bồ câu” chỉ Chúa Thánh Thần, là những hình ảnh biểu trưng. Cả những từ ngữ về Thiên Chúa, như “Cha”, như “Con”, như “Thánh Thần”, cũng là những từ ngữ được dùng với nghĩa loại suy; nghĩa là, chúng chỉ diễn tả được phần nào về Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng vô hình, Ngài không có hình ảnh như con người; Thiên Chúa là Cha, nhưng không phải là cha hoàn toàn theo nghĩa con người vẫn thường dùng; Thiên Chúa là Con nhưng cũng không phải là con như con người.
Theo con người, cha luôn có trước con, nhưng không như vậy nơi Thiên Chúa Ba Ngôi; nơi Thiên Chúa, Ba Ngôi không ngôi vị nào có trước ngôi vị nào; tuy vậy Thiên Chúa vẫn là Cha, là Lời, là Thánh Thần; và cũng có thể nói Thiên Chúa là Cha, là Con, là Thánh Thần. Nơi con người, chỉ có một bản tính người nhưng có nhiều người khác nhau; nhưng không vậy nơi Thiên Chúa. Tuy một bản tính Thiên Chúa, nhưng Ba Ngôi Thiên Chúa không phải là ba Chúa, mà chỉ là một Thiên Chúa.
Trong Kinh Thánh, không có từ ngữ “ba ngôi”. Từ ngữ “ba ngôi” là từ ngữ do các nhà thần học sáng tạo để diễn tả Thiên Chúa là Đấng “nguồn” của mọi sự, Đức Yêsu như Đấng luôn kết hiệp với Thiên Chúa, đến độ đồng nhất với Thiên Chúa, và được diễn tả là “Thiên Chúa nhập thể”, Thánh Thần như Đấng từ Cha và Con. Ba Ngôi Thiên Chúa không phải là ba thực tại (nếu là ba thực tại, nghĩa là, ba Chúa), nhưng chỉ là một thực tại, và là ba ngôi vị phân biệt rõ ràng: Cha không phải là Con hoặc Thánh Thần, Con không phải là Cha hoặc Thánh Thần, Thánh Thần không phải là Cha và Con. Tuy vậy Ba Ngôi là một với nhau, là một trong mọi sự, là một trong bản tính, là một trong ý muốn, là một trong quyền năng, là một trong hiện hữu.
Thiên Chúa Đấng là nguyên uỷ mọi loài, là nguồn của tất cả, là “Cha”, là Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa nơi Đức Yêsu, là Thiên Chúa nhập thể, là “Con”, là ngôi hai Thiên Chúa, là Lời Thiên Chúa. Thánh Thần là Thiên Chúa đang hiện diện nơi cung lòng con người, hướng dẫn con người trong mọi sự, dạy dỗ con người mọi điều, là Ngôi Ba Thiên Chúa.
Thiên Chúa Đấng Siêu Việt, Đấng vượt trên tất cả, Đấng “ngự trên trời”, đang hiện diện trong cung lòng mỗi người (Ga.14, 16.23). Ngay cả từ ngữ “ngự trên trời”, cũng là cách nói để chỉ Thiên Chúa là Đấng siêu việt mà con người không thể thấu đáo được. Đức Yêsu “lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa” nhưng Ngài đang “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Ngôn từ là phương tiện để diễn tả về Thiên Chúa, phaỉ cố gắng để hiểu, và xin ơn Thánh Thần để hiểu Thiên Chúa hơn. Nói như vậy, không phải là phủ nhận giá trị của từ ngữ. Cũng phải dựa vào từ ngữ để hiểu điều Kinh Thánh, Giáo Hội, và các nhà thần học muốn diễn tả.
Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương chúng ta vô cùng
Giáo Hội đọc Cựu Ước trong niềm tin Thiên Chúa Ba Ngôi, và hiểu Đức Khôn Ngoan đã hiện diện với Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng vũ trụ. Đức Khôn Ngoan là Ngôi Lời Thiên Chúa trước khi nhập thể. Đức Khôn Ngoan trước khi nhập thể, vẫn ở nơi Thiên Chúa và đã yêu mến con người.
Thánh Thần, Đấng ở nơi Thiên Chúa và được sai tới với con người, sẽ dạy dỗ con người, sẽ dẫn con người tới sự thật trọn vẹn. “Mọi sự của Cha đều là của Thầy” nhưng Thánh Thần lại “lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”, như vậy nơi Ba Ngôi tất cả là chung.
“Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”. Thiên Chúa, Ba Ngôi Thiên Chúa, yêu chúng ta vô cùng.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Bạn có thường ý thức Thiên Chúa luôn hiện diện với bạn không? Ý thức Thiên Chúa hiện diện với bạn, bạn được gì? 2. Bạn hiểu thế nào khi nói Thiên Chúa là Cha? Tương quan của bạn với Ngài như thế nào? 3. Bạn có cảm nghiệm Thánh Thần gần gũi với bạn không? Tại sao? -------------------------------
Chủ đề: Tin cậy vo Cha Cha, yu mến Cha Gisu, lắng nghe vng phục Cha Thnh Linh.
Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng thời tổng thống Richard Nixon có viết một quyển sách nhan: BaNgôi ABC83
Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng thời tổng thống Richard Nixon có viết một quyển sách nhan đề: Years of Upheaval (những năm biến động) trong đó ghi lại biến cố xảy ra đêm thứ tư mồng 07-08-1974. Đây là đêm cuối cùng trước khi Nixon loan tin từ chức trước toàn thể thế giới. Lúc đó Kissinger đang ngồi tại nhà dùng bữa tối với bà Nancy, vợ ông, cùng với các con và ký giả Joseph Alsop. Khoảng 9 giờ tối, chuông điện thoại vang lên. Tổng thống Nixon gọi Kissinger đến toà Bạch Ốc ngay lập tức. khi Kissinger đến, ông thấy Nixon đang ngồi uể oải trong chiếc ghế màu nâu. Ánh sáng yếu ớt từ chiếc bàn nhỏ xíu dùng để đọc sách toả xuống trên tấm nệm nhỏ màu vàng đắp trên người ông. Phần còn lại của căn phòng chìm trong bóng tối. Hai người trao đổi với nhau về nhiều vấn đề. Vào quãng nửa đêm. Kisinger đứng dậy ra về. Nixon tiễn ông đến tận cầu thang máy. Thình lình Nixon dừng lại ngay bên ngoài cánh cửa dẫn đến phòng ngủ Lincoln. Ông yêu cầu Kissinger cùng quì gối xuống cầu nguyện với ông. Nixon nhớ là cả hai người đều quì gối xuống, còn Kissinger nói rằng ông không nhớ ông có quì xuống không. Tuy nhiên ông nhớ rõ lúc ấy ông tràn đầy lo sợ và không biết “phải cầu xin điều gì”.
***
Hình ảnh Kisinger sợ hãi quì xuống trong bóng đêm và không biết “phải cầu xin điều gì” là hình ảnh minh hoạ rất chính xác nhiều người trong chúng ta khi suy gẫm về lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay. Giống như Kissinger, chúng ta cũng có cảm giác đầy lo sợ, nhưng chúng ta lại không biết cầu xin gì và cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi như thế nào. Người Kitô hữu chúng ta cần phải cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi cách thức nào đây? Chúng ta phải kêu cầu, phải nói gì khi chúng ta quì gối trước Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh trong dịp lễ này? Làm sao để áp dụng thực tiễn hơn mầu nhiệm Ba ngôi vào cuộc sống thường nhật của chúng ta?
Chúng ta hãy sử dụng lối ám chỉ mà các tu sĩ thường dùng khi tuyên hứa ba lời khấn về đức khó nghèo, trinh khiết và vâng phục. Họ xem ba lời khấn này như là ba cách thế thuận tiện giúp họ tận hiến đặc biệt cho Ba Ngôi chí thánh. Chẳng hạn, họ khấn giữ đức khó nghèo như phương cách thích hợp để tận hiến cho Chúa Cha, qua đó họ biểu lộ lòng tín thác đặc biệt vào sự quan phòng của Ngài, cũng như nhờ đức ấy họ có dịp thực thi lời Chúa Giêsu nhắn bảo các môn đệ: “Về sự sống của mình, các con đừng lo mình sẽ ăn gì, và về xác thân cũng đừng lo cho mình sẽ mặc gì… Cha trên trời biết rõ các con cần những thứ ấy. Thay vào đó, hãy tìm kiếm nước Ngài và mọi sự khác sẽ được ban thêm cho các con” (Lc 12: 22, 30-31)
Nếu lời khấn khó nghèo là điều thích hợp biểu lộ sự tận hiến đặc biệt cho Chúa Cha thì lời khấn đức trinh khiết là điều thích hợp để dâng mình cho Chúa Con. Như chúng ta biết, Chúa Giêsu đã sống độc thân như mọi tu sĩ thường khấn. Ngài đã tự cho mình thuộc về mọi gia đình chứ không thuộc về riêng ai. Tuy nhiên quan trọng hơn, lời khấn thanh tịnh biểu lộ nỗ lực cá nhân của người tu sĩ nhằm bắt chước Chúa Giêsu là Chúa và cũng là gương mẫu của họ. Họ khấn hứa sẽ trở nên gần gũi Ngài hết sức có thể.
Sau cùng, lời khấn vâng phục là cơ hội biểu lộ sự tận hiến đặc biệt cho Chúa Thánh Linh, từ ngữ vâng phục trong tiếng La tinh có nghĩa là “NGHE”. Qua lời khấn vâng phục, người tu sĩ tận hiến mình để lắng nghe tiếng Chúa Thánh Linh và tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa trên cuộc đời họ và họ tin rằng Chúa Thánh Linh ngỏ lời với họ đặc biệt qua các mệnh lệnh và bề trên của họ.
Cả ba lời khấn: Khó nghèo (tức tin cậy phó thác vào Chúa Cha) Trinh khiết (tức noi theo Chúa Giêsu) và Vâng phục (tức lắng nghe Lời Chúa Thánh Linh) cũng áp dụng cho mọi Kitô hữu dù một số đông không tuyên thệ giữ ba lời khấn này.
Chẳng hạn, trong tình hình kinh tế chao đảo hiện nay, mọi người chúng ta, đặc biệt là những người thất nghiệp và già cả, chúng ta cần phải tín thác vào Chúa Cha. Cũng như lũ chim trời, chúng ta không phải lúc nào cũng nắm chắc được tương lai của mình. Vì thế, chúng ta cần tin chắc rằng Cha trên trời sẽ cung cấp đầy đủ cho chúng ta. Thứ đến, trong thế giới đầy tham lam ích kỷ hiện nay, chúng ta cần noi gương Chúa Giêsu khi Ngài phán: “Đây là lệnh truyền của Ta, các con hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con” (Ga 15: 12)
Cuối cùng trong một thế giới đầy tranh chấp hỗn loạn về tư tưởng và ngôn luận hiện nay chúng ta cần được Chúa Thánh Linh soi đường chỉ lối. Có nhiều khi chúng ta thực sự chẳng biết rõ điều gì là đúng đắn, và cũng chẳng biết cách thế nào là tốt nhất để xử lý một tình cảnh nào đó. Những lúc như thế, chúng ta cần hồi tâm cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa Thánh Linh truyền dạy.
Và như thế cho dù không tuyên thệ giữ ba lời khấn khó nghèo, trinh khiết, và vâng phục, chúng ta cũng vẫn có thể áp dụng tinh thần ba lời khấn ấy vào cuộc sống chúng ta: Khi gặp khó khăn thiếu thốn, chúng ta có thể tín thác vào Chúa Cha như lũ chim trời không gieo không gặt kia. Chúng ta cũng có thể noi gương Chúa Giêsu, yêu đến cả kẻ thù của chúng ta vì như Chúa Giêsu nói: “Nếu các ngươi chỉ yêu kẻ nào yêu mến các ngươi thì nào có hay gì? Ngay cả kẻ tội lỗi cũng yêu người nào yêu mến họ kia mà!”(Lc 6:12)
Cuối cùng, chúng ta có thể tập lắng nghe Lời Chúa Thánh Linh đặc biệt trong khi cầu nguyện. Và như thế, tin cậy vào Chúa Cha, bước theo Chúa Giêsu và lắng nghe Lời Chúa Thánh Linh là ba phương thế đem mầu nhiệm Ba Ngôi vào ngay trung tâm cuộc sống thường nhật của chúng ta. Nói tóm lại, đó chính là cách áp dụng thực tiễn Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay. Đây là lễ tán dương mầu nhiệm vĩ đại về Đức Chúa Cha là Đấng chúng ta tin cậy, về Chúa Giêsu người anh mà chúng ta phải noi theo, và về Chúa Thánh Linh người bạn đồng hành luôn sẵn sàng hướng dẫn chúng ta trong mọi lúc.
Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện dâng lên Chúa Ba Ngôi qua việc làm dấu thánh giá, nhãn hiệu đức tin Công Giáo của chúng ta.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen -------------------------------
Một vị linh mục ngồi trong phi trường ở Chicago đợi máy bay. Một người đàn ông đến ngồi bên: BaNgôi ABC84
Một vị linh mục ngồi trong phi trường ở Chicago đợi máy bay. Một người đàn ông đến ngồi bên cạnh, và đề cập về tôn giáo, ông khoe rằng: “Tôi không chấp nhận cái gì mà tôi không hiểu, vấn đề ba Chúa trong một Chúa hay bất cứ điều gì tương tự, không ai có thể giảng nghĩa cho tôi, nên tôi không tin”
Chỉ vào luồng ánh sáng qua cửa sổ, Linh mục hỏi: “Bạn có tin mặt trời không?” Kẻ hoài nghi trả lời: “Dĩ nhiên, có chứ”. Vị linh mục tiếp: “Được, ánh sáng bạn thấy qua cửa sổ, là từ Mặt trời cách đây 150 triệu cây số chiếu tới, sức nóng chúng ta cảm thấy phát xuất từ mặt trời và ánh sáng. Chúa Ba Ngôi có phần tương tự như vậy: Mặt trời là Thiên Chúa Cha. Mặt trời chiếu ánh sáng là Thiên Chúa Con. Rồi từ mặt trời và ánh sáng phát sinh ra sức nóng, từ Chúa Cha và Chúa Con nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần. Bạn có thể giải thích được sự liên hệ của mặt trời, ánh sáng và sức nóng được không?” Người hoài nghi im lặng.
Khi chúng ta xum họp nơi đây để chúc tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi, chúng ta đầu tiên chấp nhận rằng đây là một mầu nhiệm, một chân lý không ai có thể hiểu được, giảng giải được. Chúng ta biết đó là sự thật, vì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi nhiều lần, nhất là trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta đón nhận, chúng ta tin, vì Chúa Giêsu đã dạy. Chúng ta tôn vinh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh là nguồn mọi sự thiện hảo. Tóm lại, Chúa Ba Ngôi ví như mặt trời trên bầu trời.
Mặt trời là nguồn năng lượng vật lý, Chúa Ba Ngôi là nguồn sống chúng ta. Mặt trời chiếu toả ánh sáng, Chúa Ba Ngôi soi sáng lòng trí con người. Mặt trời toả sức nóng, Chúa Ba Ngôi tuôn đổ sức nóng thiêng liêng: tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Mặt trời chữa lành bệnh tật, Chúa Ba Ngôi chữa lành tâm hồn khỏi tội lỗi. Mặt trời tiêu diệt vi khuẩn và truyền nhiễm, Chúa Ba Ngôi khử trừ tật xấu thiêng liêng. Mặt trời chiếu sáng và làm vui cảnh vật quanh chúng ta. Chúa Ba Ngôi làm hoan hỉ lòng người.
Không lạ gì có những người cổ xưa thờ mặt trời như một vị Thiên Chúa, họ đã không biết có một đấng Cao trọng hơn mặt trời, đấng sáng tạo mặt trời. Trong bài đáp ca hôm nay chúng ta kêu cầu: “Con ngắm tầng trời, công trình tay Chúa tạo dựng: trăng, sao Chúa xếp đặt”.
Điểm đặc biệt ta cần để ý, Chúa Ba Ngôi không phải là bộ Ba năng lực không hồn nhưng là những ngôi vị sống động, thông biết và yêu thương. Với Người, chúng ta có thể kêu cầu như chúng ta thường làm trong thánh lễ. Giây phút nữa, trong kinh tin kính chúng ta tuyên xưng đức tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng mạnh mẽ và sốt sắng. Cũng thế, lời cầu nguyện đầu tiên người Công Giáo học là dấu Thánh Giá, một biểu lộ Đức tin về Thiên Chúa Ba Ngôi và Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá. Chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá với lòng sốt mến, sùng mộ, nhất là trong thánh lễ này và đặc biệt cuối bài giảng này. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. -------------------------------
Thiên Chúa đã mạc khải chính mình và đối thoại với con người. Mạc khải ấy cho ta biết Người: BaNgôi ABC85:
Thiên Chúa đã mạc khải chính mình và đối thoại với con người. Mạc khải ấy cho ta biết Người là Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi. Đồng thời với mạc khải, Người mời gọi ta là đoàn dân đông đảo của Người, hãy sống mầu nhiệm mà ta đã đón nhận. 1. Tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi
Niềm tin Thiên Chúa duy nhất đã có từ trong Cựu Ước. Khi chọn dân Ít-ra-en là dân riêng, Thiên Chúa ban lề luật cho họ. Lề luật thứ nhất và quan trọng nhất là: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” ( Đnl 5, 6 – 7 ).
Người Ít-ra-en tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất mỗi ngày trong lời kinh: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em…” ( Đnl 6, 4 – 5 ).
Trong Tân Ước, Chúa Giê-su nhắc lại niềm tin này khi mời gọi hãy yêu mến Thiên Chúa duy nhất “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức” ( Mc 12, 30 ). Nhưng Chúa không dừng lại ở tín điều Thiên Chúa duy nhất. Người tiến xa hơn khi mạc khải Thiên Chúa ấy là “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” ( Mt 28, 19 ). Chúa Giê-su không dùng ý niệm “Ba Ngôi” của triết học để diễn tả Thiên Chúa. Nhưng mạc khải của Người giúp ta hiểu Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi.
Và khi tuyên xưng “Tôi tin kính một Thiên Chúa”, Giáo Hội, cũng là chính chúng ta, tuyên xưng Đức Tin vào Đấng đã yêu thương, gọi ta vào đời qua bàn tay tạo dựng của Người. Người cũng là Thiên Chúa cứu độ khi cho ta được sống đời đời. Người là Đấng thánh hóa, khi làm cho con người thuần túy của ta sống chính sự sống của Người. Nghĩa là ơn thánh hóa của Chúa làm cho ta được thần hóa.
Tương ứng với việc: tạo dựng, cứu chuộc, thánh hóa, Thiên Chúa biểu lộ Người là Cha, Con, Thánh Thần. Dù có sự phân biệt, nhưng cả Ba Ngôi cùng hoạt động trong mọi công trình và thể hiện nơi những công trình chung ấy, những nét riêng của ngôi vị mình. Chính vì vừa chung nhưng cũng vừa riêng, toàn bộ công trình của Thiên Chúa vừa cho thấy đặc tính của từng Ngôi Vị, vừa cho thấy bản tính duy nhất của Ba Ngôi.
Giáo lý về Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi là trung tâm của Ki-tô Giáo, đặt nền tảng cho Đức Tin Công Giáo. Vì thế, ai cho rằng, mình thuộc về Giáo Hội Công Giáo, lại suy nghĩ, hay nói điều gì có ý đi ngược lại Giáo Lý này, người ấy sai lạc Đức Tin.
2. Sống lời tuyên xưng
Nói gì thì nói, cố gắng giải thích đến đâu, ta vẫn không thể hiểu hết mầu nhiệm Thiên Chúa. Mãi mãi Người là một huyền nhiệm lớn lao, cao cả. Thiên Chúa là cả một bầu trời mênh mông. Chúng ta chỉ là một cánh én chao nghiêng giữa bầu trời ấy. Nhỏ bé là thế, những gì cánh én có thể hiểu được chỉ là giới hạn khôn cùng.
Vì thế, nhận ra thân phận bé nhỏ, hèn kém và tội lỗi của mình bao nhiêu, người tín hữu cần phải có lòng khiêm tốn, vâng phục và quyết tâm tôn thờ Thiên Chúa đến cùng bấy nhiêu. Đó phải là thái độ căn bản và thường xuyên của từng người chúng ta.
Tấm gương của Mô-sê hoàn toàn để cho Chúa thu phục khi hiểu ra mình đang đối diện với Đấng Chí Thánh, Thần trên các thần, là bài học lớn cho bạn và tôi.
Thánh Kinh kể, một ngày kia, khi Mô-sê đang chăn đàn vật tại núi Khô-rép, bỗng ông nhận thấy một quang cảnh hết sức lạ thường: bụi gai rực lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Tò mò, ông chạy đến xem cho tường. Từ giữa bụi gai, có tiếng nói, gọi đúng tên ông: “Mô-sê ! Mô-sê !” Tiếng gọi ấy ra lệnh cho ông phải bỏ dép ra và không được đến gần, vì nơi ấy là nơi thánh. Tiếng nói ấy tự xưng là Thiên Chúa của tổ tiên ông. Ông sợ hãi che mặt, không dám diện kiến với uy nghi của Đức Chúa chí thánh của ông.
Ông càng sợ hãi hơn khi Đức Chúa ngỏ lời sai ông đi giải thoát Dân của Người ra khỏi cảnh lầm than nô lệ cho người Ai Cập. Dù biết mình yếu đuối, nhỏ nhoi, nhưng tin tưởng vào lời Chúa: “Ta sẽ ở với ngươi” ( Xh 3, 12 ), ông đã đáp trả bằng cả một đời trung thành, yêu mến, tùng phục, tôn thờ Đức Chúa của ông. Có thể nói, ông đã sống chết cho sứ mạng đã lãnh nhận.
Tuy nhiên, sứ mạng ấy không dễ chút nào. Biết bao lần Mô-sê như chẳng còn sức đâu mà chịu đựng lòng dân. Sự bội phản, thái độ thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa, những lời kêu trách xúc phạm đến Chúa... của Dân, làm cho ông mệt mỏi, đuối sức.
Đó là chưa kể 40 năm ròng rã sống trong sa mạc, không chịu nổi sự khắc nghiệt, dân chúng trút lên ông những lời, thái độ, hành động, suy nghĩ... thù hằn của họ.
Chính vì thế, dù là một nhà giải phóng lừng danh, Mô-sê cũng đã từng quặn thắt tâm hồn, kêu than cùng Chúa và muốn chết đi: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài ? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả Dân này lên vai con ? Có phải con đã cưu mang Dân này đâu, có phải con sinh ra nó đâu ?… Một mình con không thể gánh cả Dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn…” ( Ds 11, 12 tt ).
Học lấy mẫu gương của Mô-sê, nhận ra sự uy nghi cao cả của Chúa, bạn và tôi hãy để Chúa làm chủ cuộc đời mình, và quyết tâm sống một đời trung thành với ơn Chúa ban. Chúng ta hãy khiêm nhường đón nhận tất cả những nghịch cảnh xảy ra cho mình mà phó thác trong bàn tay quan phòng dìu dắt của Chúa.
Chắc chắn cuộc đời sẽ không thiếu những nhức nhối, những thương đau, những oan khuất. Dù ta từ chối hay chấp nhận, cuộc đời vẫn cứ thế. Nhưng nếu trong Đức Tin và niềm phó thác, trước những nghịch cảnh, ta sẽ bình an hơn, bớt khổ sở hơn. Chúng ta hãy nhớ rằng, loài người đã được Chúa yêu thương. Nhưng những ai tin tưởng, khiêm tốn, vâng phục, sẽ là người đầu tiên đón nhận tình yêu ấy.
Bởi vậy, chúng ta hãy tập sống như Thánh Phao-lô dạy: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” ( 1 Tx 5, 18 ).
1. Những gì con người biết về Thiên Chúa là vô cùng ít so với những gì họ không biết về Ngài
Qua dòng lịch sử, ta thấy con người ngày càng hiểu biết nhiều hơn về đủ mọi phương diện. Nhưng: BaNgôi ABC86
Qua dòng lịch sử, ta thấy con người ngày càng hiểu biết nhiều hơn về đủ mọi phương diện. Nhưng càng biết nhiều, con người càng khám phá ra sự bao la của những gì mình chưa biết: “Càng biết nhiều, càng thấy mình dốt”. Những gì con người đã biết giống như diện tích bên trong một vòng tròn, còn những gì chưa biết giống như diện tích bao la bên ngoài vòng tròn. Vòng tròn càng nhỏ thì phần tiếp xúc với bên ngoài vòng tròn càng nhỏ, vòng tròn càng lớn thì phần tiếp xúc với bên ngoài vòng tròn càng lớn. Tương tự, người ta khi biết ít thì thấy những điều mình chưa biết cũng ít, nhưng càng biết nhiều thì khám phá ra những điều mình chưa biết càng nhiều lên.
Thế giới vật chất tuy hữu hạn, nhưng con người khám phá suốt mấy chục thế kỷ mà vẫn không hết. Trái lại, càng khám phá thì càng nhận ra những điều mình chưa biết nhiều lên gấp bội. Thế thì những gì con người biết về Thiên Chúa, Đấng vô hạn, lại càng nhỏ bé gấp triệu triệu lần hơn nữa khi so với những điều họ chưa biết về Ngài! Tuy nhiên, Ngài vẫn tiếp tục cho con người biết về Ngài. Ngài đã tự mặc khải cho con người qua vũ trụ, qua các ngôn sứ, qua Đức Giê-su, và hiện nay vẫn tiếp tục qua Thánh Thần của Ngài. Nhưng nhiều khi con người tự mãn về những hiểu biết của mình về Ngài, nên con người đã không biết thêm về Ngài được bao nhiêu so với những gì con người biết về thế giới vật chất.
2. Thiên Chúa mặc khải về Ngài một cách rất tiệm tiến
Nếu kiến thức về vật chất hữu hạn này mà con người không thể tiếp thu một lúc mà phải tiếp thu dần dần qua thời gian mấy chục thế kỷ, thì những kiến thức về Thiên Chúa vô hạn cũng thế: con người chỉ có thể tiếp thu dần dần qua thời gian. Vì thế, trước khi từ giã các tông đồ, Đức Giê-su nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi”. Có lẽ Ngài cũng muốn nói như Đức Phật: Điều ta đã nói ra so với điều ta biết chỉ như nắm lá trong tay so với lá của cả khu rừng.
Khi mặc khải cho con người, Đức Giê-su tương tự như một thầy dạy toán cho học sinh cấp một, ông không thể nhồi nhét hết kiến thức toán học trong đầu ông cho các em trong một hai năm được. Ông phải chờ các em tiêu hóa hết những điều mình đã dạy rồi mới dạy tiếp những kiến thức khác. Và thường là ông phải nhường cho những ông thầy khác dạy tiếp cho các em trong những năm sau. Đức Giê-su cũng vậy, Ngài còn rất nhiều điều phải nói về Thiên Chúa cho các tông đồ, cho con người, nhưng không thể nói hết được, vì các tông đồ cũng như con người “không có sức chịu nổi”, nghĩa là không thể tiếp thu hết được. Nay Ngài không thể tiếp tục ở trần thế để mặc khải về Thiên Chúa cho con người, Ngài phải nhờ người khác tiếp nối công việc ấy. Người ấy chính là Thánh Thần.
Ngài nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Nhưng Thánh Thần không mặc khải cho con người bằng lời nói rõ ràng như Đức Giê-su, mà theo cách riêng của Ngài, là linh hứng cho con người. Con người phải thích ứng với cách của Ngài.
3. Thái độ cần có để tiến bộ trong hiểu biết
Để tiếp nhận thêm kiến thức, người học trò cần phải nhận ra rằng mình còn rất nhiều điều chưa biết. Ai nghĩ rằng những điều mình đã học là tất cả, là đầy đủ rồi, thì không thể hiểu biết thêm được nữa. Cũng vậy, nếu con người cho rằng những gì mình biết về Thiên Chúa đã quá đầy đủ rồi, không cần biết thêm, thì con người sẽ tự mãn và dậm chân tại chỗ về mặt tâm linh. Nếu con người hay Giáo Hội cho rằng hình thái mà mình đang có là hoàn hảo rồi, không cần phải đổi mới gì hết, thì Thánh Thần dù có muốn đổi mới và thăng tiến Giáo Hội cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Người học trò cấp một được thầy dạy rằng không được lấy số nhỏ trừ số lớn; điều đó thật hợp lý với khối óc nhỏ bé của em. Nhưng khi lên cấp hai, nếu em cứ nhất định rằng không thể lấy số nhỏ trừ số lớn, thì em không thể học lên cao được, vì ở cấp hai người ta bắt đầu dùng số âm. Cũng vậy, tại cấp hai, thầy giáo dạy rằng không được để số âm trong căn hiệu bậc chẵn, vì điều đó là phi lý. Nhưng khi học giải tích về số ảo, thì số âm trong căn hiệu bậc chẵn là điều bình thường và hữu lý. Nếu học sinh cứ nhất định cho những gì mình đã biết là chân lý không thể thay đổi, thì em không thể tiến cao hơn được. Việc hiểu biết về sự vật hữu hạn mà còn đòi hỏi phải “phá chấp” như vậy mới tiến bộ được, chẳng lẽ muốn tiến bộ trong việc hiểu biết Thiên Chúa vô hạn lại chẳng phải “phá chấp” ?
4. Không nên tự mãn về những gì đã biết hay đã có
Nhìn vào sự tiến triển về vật chất, chúng ta có thể nhận ra mình cần phải làm gì để tiến bộ về tâm linh. Khi con người có được chiếc xe đạp, nếu họ tự mãn rằng thế là đủ rồi, và cho đó là hết cỡ rồi, thì sẽ không bao giờ họ phát minh được xe gắn máy hay xe hơi. Muốn tiến triển, con người phải cải thiện không ngừng về kiến thức. Rất nhiều điều con người thế hệ trước cho là đúng và khó có thể khác được, thì thế hệ sau không còn cho là đúng nữa. Nhiều định luật mới đã phủ định hoặc bổ túc những định luật cũ, các giả thuyết cũ cũng được hoàn chỉnh bằng những giả thuyết mới. Chính nhờ ý thức mình còn thiếu, còn phải thay đổi mà con người tiến bộ. Nếu cứ khư khư giữ những quan niệm cũ, cho đó là những chân lý không thể thay đổi, thì con người ngày nay làm sao có được những máy vi tính, những điện thoại di động, những mạng lưới điện toán ( internet ), những phương tiện di chuyển tối tân ?
Nhân loại phát triển và tiến bộ được là do có những người dám xét lại những quan niệm cũ mà mọi người đều đã cho là đúng. Nhờ đó họ đã đưa ra được những quan niệm mới đúng hơn. Những người đó nhiều khi phải trả giá rất mắc cho sự đổi mới táo bạo ấy. Họ thường bị người đồng thời kết án là phá hoại. Nhưng nếu không có những con người táo bạo ấy, con người sẽ dậm chân tại chỗ, và sẽ không có tiến bộ.
5. Luật của Chúa nhưng lại được lập ra cho con người
Hiện nay, trong Giáo Hội, có những điều mà rất nhiều người cho là những chân lý bất biến, là luật của Thiên Chúa, là truyền thống của Giáo Hội, là tông truyền... nên không bao giờ được thay đổi. Họ rất có lý. Nhưng thiết tưởng cần phải phân biệt giữa chân lý và cách hiểu hay diễn tả chân lý. Chân lý thì bất biến, nhưng cách hiểu hay diễn tả chân lý thì thay đổi tùy theo trình độ hiểu biết của con người. Tương tự như bản chất của sự vật thì không hề thay đổi, nhưng cách hiểu và diễn tả của con người về sự vật thì mỗi thời mỗi khác.
Nếu đọc Thánh Kinh, ta sẽ thấy có những điều mà con người nghĩ rằng không bao giờ thay đổi, nhưng rồi cuối cùng cũng đã thay đổi. Quả thật, luật của Mô-sê được người Do Thái quan niệm là luật của Thiên Chúa, nên họ tưởng luật đó sẽ được áp dụng cho cả nhân loại đến muôn đời. Nhưng thật ra, luật đó chỉ được áp dụng khoảng 1.300 năm cho người Do Thái, nghĩa là tính từ khi có Mô-sê đến thời các tông đồ. Vì đến thời các tông đồ, chính các Tông Đồ được Thánh Thần soi sáng đã tuyên bố bãi bỏ luật Mô-sê ( x. Cv 15, 1 – 29 ). Vì thế, hiện nay, người Ki-tô hữu trong Giáo Hội đâu phải tuân giữ luật Mô-sê, mà chỉ tuân giữ luật yêu thương của Đức Giê-su và luật Giáo Hội thôi. Nếu luật Mô-sê là luật của Thiên Chúa mà con người, dưới tác động của Thánh Thần, đã từng thay đổi, thì còn luật nào trên thế giới này lại tuyệt đối không thể thay đổi ?
Vả lại, luật của Thiên Chúa, cho dù do Thiên Chúa lập ra, thì cũng lập ra cho con người: “Ngày sa-bát được dựng nên cho con người, chứ không phải con người được dựng nên cho ngày sa-bát” ( Mc 2, 27 ). Mà con người thì luôn luôn biến đổi, nên luật cho con người cũng phải biến đổi mới có thể phù hợp với con người từng thời đại. Quan niệm về Thiên Chúa cũng vậy. Nếu quan niệm thời Cựu Ước về Thiên Chúa đã bị thay đổi, thì liệu quan niệm của chúng ta hiện nay về Thiên Chúa có thể không thay đổi chăng ?
Khi con người cố chấp vào một điều nào đó mà không chịu lắng nghe Thánh Thần, thì con người sẽ không theo kịp Thánh Thần, và có nguy cơ chống lại Thánh Thần. Các tư tế, kinh sư Do Thái xưa chính vì quá cố chấp vào lề luật, vào những điều họ cho là chân lý bất biến, nên họ đã không theo kịp và không tiếp nhận được những đổi mới của Thánh Thần qua Đức Giê-su và các Tông Đồ. Cuối cùng họ đã giết chết các Ngài. Họ đã cản trở những đổi mới của Thánh Thần. Họ đã phạm đến Thánh Thần: “Ai phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” ( Mt 12, 32 ).
Nhiều khi chúng ta phải hồi tâm tự hỏi xem: sự phát triển của Giáo Hội về chất lượng cũng như số lượng trong những thế kỷ qua có khả quan không ? Chúng ta có thể hài lòng về sự phát triển ấy không ? Có phát triển như lòng Thiên Chúa hay Thánh Thần mong muốn không ? Nếu không thì tại sao ? Giáo Hội có cần phải thay đổi để phát triển hơn nữa không ?
Lạy Cha, Thánh Thần của Cha thì luôn luôn đổi mới, nhưng con người lại cứ cố chấp vào cái cũ, vào những gì mình đã biết. Vì thế, họ không thích ứng được với những đòi hỏi của Thánh Thần mà vẫn cứ tưởng làm như thế là phụng sự và bảo vệ Thiên Chúa ( x. Ga 16, 2 ). Xin Cha giúp con biết lắng nghe Thánh Thần trong lòng con, để con theo kịp được những đổi mới mà Ngài muốn thực hiện nơi con.
Giu-se NGUYỄN CHÍNH KẾT -------------------------------
Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm căn bản và là nền tảng cho Đức Tin Ki-tô giáo: BaNgôi ABC87
Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm căn bản và là nền tảng cho Đức Tin Ki-tô giáo chúng ta. Khi nói đến Mầu Nhiệm Ba Ngôi, chúng ta thường e ngại, vì nó vượt quá tầm hiểu biết và trí hiểu của chúng ta. Sự e ngại của chúng ta thật là chính đáng, bởi lẽ Thiên Chúa đã từng phán qua miệng Ngôn Sứ I-sai-a: “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” ( Is 55, 9 ).
Cho dù chúng ta không thể hiểu hết, nhưng khi chiêm ngắm các kỳ công của Ba Ngôi trong vũ trụ, nhất là nhờ mạc khải của Ngôi Hai, Con Một Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể phần nào hiểu được Mầu Nhiệm Ba Ngôi, như lời Thánh Gio-an trong bài tựa sách Tin Mừng của mình: “Thiên Chúa chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” ( Ga 1, 18 ).
Thật vậy, nếu không được Đức Giê-su mạc khải, chúng ta không thể nào biết được mầu nhiệm Ba Ngôi. Đọc lại Cựu ước, chúng ta thấy giáo huấn thường xuyên của Mô-sê và các Ngôn Sứ là kêu gọi dân tôn thờ một Gia-vê Thiên Chúa duy nhất: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng” ( Đnl 6, 4 – 5 ).
Giáo huấn về một Thiên Chúa duy nhất, một tôn giáo độc thần vẫn được các ngôn sứ tiếp tục duy trì trong suốt dọc dài lịch sử của Do Thái giáo. Mãi về sau này các hiền nhân Do Thái, nhờ ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa mới bắt đầu có một vài suy tư về sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Dưới cái nhìn của các hiền nhân, sự Khôn Ngoan đã được nhân cách hoá và diễn tả như một ngôi vị riêng biệt với Thiên Chúa, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc một: “Đây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: “Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở”.
Đối với các hiền nhân, sự Khôn Ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng khác với Thiên Chúa, và cũng đã có từ thuở đời đời và đã trợ giúp Người trong công trình tạo dựng vũ trụ, như lời phán của sự Khôn Ngoan mà chúng ta vừa nghe trong sách Cách Ngôn: “Khi Người vạch vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa… khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng”. Tuy nhiên, giáo huấn này của các hiền nhân vẫn còn nhiều giới hạn, chưa được rõ ràng cách minh nhiên. Sự Khôn Ngoan này vẫn chưa được coi là một ngôi vị Thiên Chúa. Giáo huấn về Mầu Nhiệm Ba Ngôi chỉ thật sự trở nên rõ ràng nhờ mạc khải của Đức Giê-su trong Tân Ước.
Chúa Nhật mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vừa qua, chúng ta đã cùng nhau suy niệm: Chúa Thánh Thần chính là Nguồn Sống của Giáo Hội. Từ nơi Ngài, Giáo Hội nhận được sức sống viên mãn của Thiên Chúa. Nhờ sự sống đó, mặc dù phải trải qua nhiều gian nan, thử thách, gặp nhiều sóng gió... Giáo Hội vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển một cách sung mãn cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, sự sống mà Thánh Thần ban xuống trong Giáo Hội cũng chính là sự sống mà Đức Giê-su đã đem lại cho chúng ta nhờ cuộc Vượt Qua của Ngài. Trong bữa ăn cuối cùng trước lúc Ngài về cùng Cha, Đức Giê-su đã báo trước cho các môn đệ: “Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy... Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”. Mặt khác, sự sống mà Đức Giê-su ban cho chúng ta cũng chính là sự sống mà Ngài đã nhận lãnh từ nơi Chúa Cha, như lời khẳng định của Đức Giê-su: “Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy”.
Thánh Thần không nói tự mình, nhưng lãnh nhận từ nơi Đức Ki-tô mà nói, mà mọi sự có nơi Đức Ki-tô cũng là của Cha. Như vậy, chỉ với một vài câu ngắn ngủi, Đức Giê-su đã cho chúng ta biết được một mầu nhiệm cao vời nhất trong các mầu nhiệm, đó là mầu nhiệm: Một Chúa Ba Ngôi.
Mặt khác cùng với việc mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm Ba Ngôi, Đức Giê-su đã cho chúng ta thấy sợi dây liên kết Ba Ngôi nên một đó là Tình Yêu. Một Tình Yêu thật tuyệt vời, một Tình Yêu không dừng lại ở chính mình, nhưng luôn mở ra và hướng về. Tình Yêu đó phát xuất từ Chúa Cha là khởi nguồn của mọi tình yêu, và Chúa Con đã được sinh ra từ Tình Yêu của Chúa Cha, và “Chúa Thánh Thần chính là ngọn gió Tình Yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa thổi Tình Yêu của Chúa Cha quay về Chúa Con và Tình Yêu của Chúa Con quay về Chúa Cha” ( Gm. Phao-lô Bùi Văn Đọc, Chỉ có một Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trang 286 ).
Kế đó, quay trở lại với các bài đọc, chúng ta còn thấy một điểm độc đáo nữa của mầu nhiệm Ba Ngôi, đó là sự hiệp nhất, hay đúng hơn là duy nhất. Ơn cứu độ mà mỗi người chúng ta đã lành nhận đó chính là công trình của cả Ba Ngôi Thiên Chúa, hay nói theo cách nói của Thánh Phao-lô trong bài đọc hai: “Khi được Đức Tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”. Còn lòng mến Chúa thì được tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần.
Đây là một sự hiệp nhất độc đáo, có một không hai, bởi lẽ Ba Ngôi hiệp nhất nhưng không đồng nhất. Thật vậy Ba Ngôi tuy cùng một Bản Thể, nhưng vẫn là ba ngôi vị khác nhau. Ba Ngôi hiệp nhất nên một, nhưng mỗi ngôi vẫn tồn tại riêng biệt, không đánh mất chính mình. Cho dù “tất cả những gì Cha có đều là của Thầy”, thì Chúa Cha vẫn là Chúa Cha và Chúa Con vẫn là Chúa Con; và cho dù Thánh Thần “sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con” đi chăng nữa, thì Chúa Thánh Thần vẫn là một ngôi vị riêng biệt với Chúa Con. Chính vì hiệp nhất nhưng mỗi ngôi vẫn giữ được sự độc đáo riêng của mình, nên sự hiệp nhất của Ba Ngôi đã trở nên thật phong phú, và sung mãn.
Chiêm ngắm sự hiệp nhất của Ba Ngôi trong ngày lễ hôm nay, cũng là cơ hội để mỗi người chúng ta củng cố lại đời sống của mỗi người, mỗi gia đình chúng ta. Noi gương Ba Ngôi, mỗi người chúng ta hãy cố gắng xây dựng gia đình và cộng đoàn chúng ta trên nền tảng của tình yêu, một tình yêu không đóng kín nơi con người ích kỷ của mình, nhưng luôn mở ra và hướng về người khác. Một tình yêu không độc đoán, chỉ bắt người khác làm theo ý mình, nhưng khoan dung và nhân hậu, luôn hướng tới lợi ích chung của tập thể và nhất là luôn đi theo sự hướng dẫn của Lời Chúa. Và nếu gia đình, và cộng đoàn của chúng ta luôn biết xây dựng trên nền tảng của tình yêu ấy, một tình yêu luôn tôn trọng những khác biệt chính đáng của người khác, lúc đó, gia đình và cộng đoàn chúng ta sẽ thực sự được hiệp nhất, một sự hiệp nhất phản ánh cho sự hiệp nhất độc đáo của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Câu truyện mà có lẽ nhiều người đã nghe được kể lại dưới hình thức này hay hình thức khác liên: BaNgôi ABC88
Câu truyện mà có lẽ nhiều người đã nghe được kể lại dưới hình thức này hay hình thức khác liên quan đến Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, đó là:
Một hôm, thánh Augustine tản bộ dọc theo bờ biển. Ông cố tìm xem để làm thế nào có thể giải thích và cắt nghĩa được Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Nhưng kìa, một em nhỏ - thiên thần - xuất hiện, đùa chơi với sóng biển bằng cách lấy một vỏ sò múc nước biển đổ vào một lỗ cáy gần đấy. Thấy hành động ngộ nghĩnh của em, ông hỏi:
- Em nhỏ đang làm gì thế?
- Dạ, cháu đang tát biển đây.
- Vào chiếc lỗ này, và bằng cái vỏ sò này?
- Dạ!
Nghe vậy, ông thở dài và nói:
- Làm sao em có thể tát được cái biển này. Và làm sao cái lỗ cáy này có thể chứa nổi nước biển?
- Dạ! Cháu hiểu. Nhưng ý nghĩ và hành động của ông còn rồ dại hơn cháu đấy.
Và thiên thần biến mất, để lại một mình Augustine xấu hổ với ý tưởng rằng mình có thể tát đổ đại dương bao la, mênh mông vô tận của Ba Ngôi Thiên Chúa vào cái lỗ cáy trí tuệ mình.
Thiên Chúa và con người. Vô hạn và hữu hạn. Vô hình và hữu hình. Thần linh và xác phàm. Đó là những yếu tố mà con người sẽ không bao giờ có thể san bằng để từ đó hiểu và thấu triệt được Thiên Chúa.
Khoa học ngày nay cho biết, khi con người được đưa vào vũ trụ, dù chỉ là một cuộc du hành không gian ngắn như lên thăm mặt trăng, con người đã ý thức được cái hữu hạn và bất toàn của trí tuệ con người rồi. Đó là chưa nói tới nếu bằng một cách nào đó, con người có thể lên được những vì tinh tú xa trái đất hằng tỷ năm ánh sáng chẳng hạn, thì từ đó, họ càng nhìn thấy cái nhỏ bé đến tan biến của trái đất vào không gian mênh mông vô tận. Trái đất và những hành tinh quay quanh mặt trời cũng chỉ là một thái dương hệ nhỏ trong triệu triệu thái dương hệ thuộc giải ngân hà mà những đêm trăng sáng, trời thanh trong, ngước mắt lên vòm trời ta có thể nhìn thấy xa xa. Thế mà trong vũ trụ lại có hàng tỷ tỷ ngân hà, thì thử hỏi con người là chi mà dám đo lường và phân tích Đấng Tạo Hóa.
Nhưng lại cũng dựa vào những khám phá của khoa học và sự hiểu biết của mình, con người ngày nay đang có khuynh hướng muốn phân tích, tìm hiểu về Thiên Chúa và đời sống của Ngài. Trong cái cao ngạo ấy, con người lại muốn lập lại hành động mà Augustine đã làm xưa, là muốn biết Thiên Chúa là ai. Tại sao một Chúa mà lại có Ba Ngôi? Thật vậy, thông thái như Augustine mà đứng trước mầu nhiệm ấy cũng chỉ là một đứa trẻ và còn hơn một đứa trẻ, là rồ rại muốn kín đổ càn khôn vào cái lỗ cáy của trí tuệ. Do đó, con người tốt hơn nên đón nhận những cảm nhận về mầu nhiệm này bằng con mắt và trái tim. Bằng sự đơn sơ của tâm hồn trong trắng, ngây thơ đối với mầu nhiệm cao cả mà mình không bao giờ thấu hiểu. Đức Giám Mục Mai Thanh Lương trong buổi phát thanh của chương trình Tin Mừng Sự Sống, ngày 6 tháng 6 năm 2004, đã diễn giải về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bằng cụm từ «Cộng Đoàn Tình Yêu».
Thiên Chúa Ba Ngôi là một Cộng Đoàn Tình Yêu. Chúa Cha yêu Chúa Con bằng tình yêu Chúa Thánh Thần. Tình yêu nối kết ấy có tự muôn thuở, thánh thiện và vĩnh hằng làm nên đời sống nội tại của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao khi trình bày về Thiên Chúa, Thánh Ký Gioan đã viết: «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8).
Nhờ vào định nghĩa của Thánh Gioan, con người đã có thể cảm nhận được Thiên Chúa qua tác động của tình yêu mà họ trao cho một người và nhận từ một người. Vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu, sức thu hút và sức mạnh của tình yêu là một nhiệm mầu của Thượng Đế chia sẻ với con người. Tình yêu của cặp tình nhân. Tình yêu vợ chồng. Tình yêu cha mẹ và con cái. Tình yêu anh, chị, em. Tình yêu tha nhân...Tất cả là những phản ảnh của Tình Yêu Thiên Chúa, và đến từ mối tương quan mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Theo Fromm, một nhà tâm lý tình yêu, thì tình yêu từ Thiên Chúa đến với con người và từ con người trở về với Thiên Chúa là tình yêu cao cả nhất.
Tình yêu này xét theo cái nhìn tâm lý học, vượt xa tình yêu trai gái, tình yêu của những đôi tình nhân. Nhận xét này cũng được Elbert Ellis củng cố bằng thuyết Hữu Lý Tình Cảm, trong đó xác định vị trí của niềm tin như một động lực tuyệt đối có thể tạo nên những vị tuẫn giáo, hoặc những kẻ cuồng tín. Theo đó, hành động tử đạo dưới bất cứ cái nhìn của tôn giáo nào đều đến từ cảm nhận của tình yêu, sự kính phục dành cho Đấng Tối Cao mà nếu được nhìn qua lăng kính đức tin Công Giáo, đó là đức ái hay tình yêu hoặc tình mến.
Nhưng nếu hình ảnh Một Chúa Ba Ngôi diễn tả bằng đời sống nội tại của Thiên Chúa là Tình Yêu làm con người khó cảm nhận, thì qua mầu nhiệm sáng tạo, cứu chuộc, và thánh hóa, con người có thể phần nào nhận ra được sức sống và tình yêu của «Cộng Đoàn Ba Ngôi» ấy.
Đức Tin dậy rằng, Ngôi Cha sáng tạo vũ trụ và con người, mặc dù công trình sáng tạo vẫn là việc làm của cả Ba Ngôi Thiên Chúa, vì Ba Ngôi chỉ là một. Rồi khi con người sa ngã, việc cứu chuộc con người lại là công việc của Chúa Con. Nhưng mặc dù Chúa Con cứu chuộc thì cũng là Ba Ngôi cùng cứu chuộc. Và sau khi con người được cứu chuộc, việc thánh hóa, ứng dụng và làm triển nở ơn cứu chuộc là việc làm của Chúa Thánh Thần, tuy Ba Ngôi luôn luôn hiện diện và thánh hóa mọi tâm hồn, vì tâm hồn trong sạch là «đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi».
Thiên Chúa là Tình Yêu. Con đường từ sáng tạo đến cứu chuộc và thánh hóa thấm đượm một tình yêu bao la của Đấng từ đời đời là chính Tình Yêu. Do đặc tính thông ban và chia sẻ của tình yêu, Thiên Chúa đã thông ban, chia sẻ Tình Yêu hay chính sự sống nội tại của Ngài cho muôn loài thụ tạo, trong đó có con người. Dù sáng tạo, cứu chuộc hay thánh hóa, tất cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều có mặt và hòa nhập với nhau trong hành động của từng Ngôi, bởi vì động lực phát xuất từ Thiên Chúa cho những việc làm này không gì hơn là tình yêu. Mà đã là Tình Yêu từ Thiên Chúa thì cũng chính là Thiên Chúa có mặt và hiện diện trong những hành động ấy. Mặt khác vì Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa, nên mỗi việc Ngôi nào làm thì cũng mang trọn vẹn ý nghĩa và hành động của cả Ba Ngôi.
Tóm lại, tuy không khám phá ra sự có mặt của Ba Ngôi Thiên Chúa trong vũ trụ, hoặc trong cuộc sống thường ngày bằng những phân tích khoa học về khoảng cách giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, sự khác biệt Ngôi Vị hay nhận diện những khác biệt ấy nơi từng Ngôi Vị, nhưng con người cũng có thể biết được Ngài bằng việc nhìn vào chính cuộc sống mình cũng như vũ trụ quanh mình. Do những nhiệm mầu của vũ trụ, do những nhiệm mầu của đời sống mỗi người và từng người, nhất là do mối tương giao thánh thiện giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với con người bằng tình yêu, tất cả là một lời tuyên xưng và cảm nhận sự có mặt của Ba Ngôi Thiên Chúa. -------------------------------
Vào giờ Đức Giêsu sắp "phải bỏ thánh giá mà về với Chúa Cha", ta thấy có hai giai đoạn trong: BaNgôi ABC89
Vào giờ Đức Giêsu sắp "phải bỏ thánh giá mà về với Chúa Cha", ta thấy có hai giai đoạn trong bài diễn từ sau bữa Tiệc Ly.
-Thời kỳ của Đức Giêsu, thì các môn đệ "không làm sao có sức chịu nổi” những lời Người.
-Thời kỳ của Thần Linh "thì chính người sẽ dẫn các ông tới sự thật toàn vẹn”.
X. Léon-Dufour quảng giải: "Bây giờ" của bữa Tiệc ly đối tương phản với thời kỳ Đấng Bảo Trợ đến; và việc đến này tùy thuộc vào lễ Vượt Qua của Chúa Con " (“Lecture de l'Evangile de St Jean", cuốn 3. Seuil, trg 23l).
2...Đến thời kỳ của Chúa Thánh Thần
Thần Khí này, Đức Giêsu hứa với các tông đồ: "sẽ dẫn các ông đến sự thật toàn vẹn". Việc Chúa Thánh Thần đến soi sáng vào quá khứ của Đức Giêsu, sẽ khiến cộng đoàn các môn đệ của Người hiểu sâu thêm những lời nói và việc làm của người, hiểu để áp dụng và đi vào cuộc sống. Hơn nữa, Người còn cho các môn đệ thông hiệp vào hiện tại của Đức Giêsu, Người Con đã được tôn vinh nơi Thiên Chúa và đang muốn thông ban cho các môn đệ chính con người vinh quang của mình.
Thần Khí này, Đức Giêsu phán tiếp “sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em". Để dẫn đến sự thật, Thần Khí "sẽ nói lên" hay là “sẽ diễn tả" điều mà Người nhận từ Chúa Con... X. Léon-dufour giải thích thêm: "Nếu Đức Giêsu ngừng nói bên tai, thì việc Người nói trong tim (đồng nghĩa với “mạc khải” vẫn còn tiếp tục nhờ trung gian của Thần Khí. Quả vậy Thần Khí không nói nhân danh quyền năng của mình, cũng giống như Đức Giêsu đã không nói tự ý mình; Thần Khí sẽ nhận từ Đức Giêsu cũng giống như Đức Giêsu nhận từ Chúa Cha (8,26). Tiếng nói của Thần Khí chắc chắn không đập vào lỗ tai, nhưng thấm sâu tận tâm hồn. Như vậy, Chúa Con tiếp tục mạc khải của mình bằng cách thế khác trước, cách thế "thần linh "... Chúa Thánh Linh sẽ là người biểu lộ Đức Giêsu vậy"
II. BÀI ĐỌC THÊM:
1.“Nguồn suối không hề cạn"
(H. Vulliez, trong "Thiên Chúa rất gần, Năm C", DDB, trg 76-77). “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em ". Vào lúc ly biệt, những lời kín đáo này phát ra từ môi miệng Đức Giêsu để kết thúc buổi hàn huyên đầy tình hiệp thông. Vấn đề không tại điều muốn nói, mà tại ý nghĩa thẳm sâu nằm những lời ấy. Sánh với những gì nằm sâu trong lòng biển cả bao la, thì lời nói cũng chia như đám bọt biển trắng xoá trên mặt mà thôi. Điều mà Thầy muốn ban cho anh em, chia sẻ với anh em là những gì tự đáy lòng Thầy, là những gì là sâu xa, nhất từ nội tâm Thầy.
Không phải là Thầy không còn thời giờ, cũng chẳng phải Thầy còn nói thêm nhiều điều khác. Thầy chỉ mong muốn lặp đi lặp lại mãi mãi điều cốt lõi. Ước chi điều cốt lõi được lặp lại hoài này, luôn có được vẻ tươi mát của buổi bình minh đang xuất hiện.
Nội tâm Thầy như mạch nước muốn vọt lên nhưng lại không vọt lên được. Điều Thầy muốn nói ra thì lại không thể diễn tả được. Và người nghe không bao giờ có thể hiểu, cũng không thể cảm nghiệm được với ánh sáng và cường độ mà thầy mong muốn, vì điều đó thuộc về Thầy một cách quá lạ thường. Cái "tôi " thẳm sâu này không sao tả xiết.
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em". Nhưng lúc này, như thế là đủ rồi. Không thể nói thêm nữa, và người nghe cũng không thể tiếp thu hơn. Sự truyền đạt từ người này sang người kia kết thúc, vào lúc mối hiệp thông không còn có thể hiệp nhất thêm nữa.
"Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em” . Khi Đức Giêsu tâm sự điều này với các bạn hữu của Người, thì tình Thầy trò thân mật trước lúc chia ly rất phong phú đến nỗi ông có thể nói gì hơn nữa.
Vả lại, Người còn có thể mạc khải gì hơn về Người hoặc Chúa Người chăng? Người chẳng phải là mạc khải đầy đủ Thiên Chúa rồi đấy sao. Đây không phải một "món hàng tàng trữ" ngủ yên trong tủ sắt, hoặc được nâng niu giữ gìn trong hộp quý. Không đâu, đây là một dòng suối không hề cạn kiệt.
Thần Khí, trong khi giúp người ta hiểu biết và nhìn nhận Đức Giêsu, sẽ khiến người ta không ngừng đói khát muốn hiểu biết hơn nữa. Thần Khí khơi dậy nơi lòng người tín hữu sự hiện diện của Đấng Phục sinh. Người giúp khám phá sụ hiện diện đó là gì, có hệ quả gì trong cuộc sống thường nhật cũng như trong những giờ phút trọng đại của lịch sử.
Một sự hiện diện kín đáo và mãnh liệt. Một sự hiện diện đầy bình an và tình thương. Và sự hiện diện này là Sự sống. " Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải, Người là ai?
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, cũng như lất cả những mầu nhiệm đặc biệt Kitô giáo, không tự nhiên dễ hiểu đối với những trí tuệ thích lý luận của con người. Mới đây một đứa trẻ đã nói với cha nó rằng: "Ba mà cũng còn tin những chuyện ấy à?. Phản ứng của đứa trẻ này minh họa rõ ràng cái não trạng vụ khoa học mà ta đã bị thấm nhiễm, và não trạng đó có khuynh hướng chủ trương cái gì có thể kiểm nghiệm được mới được coi là có thật.
Tuy nhiên, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm đáp ứng được những ước mơ thâm sâu nhất của nhân loại. Bí mật của thế giới chúng ta không phải là cái gì trừu tượng, hoặc một sức mạnh vô danh tăm tối, nhưng là một tình thương..., có thể nói được rằng: "đó là nhịp đập của ba trái tim thương yêu nhau " hoặc nói theo ngôn ngữ truyền thống hơn, nhưng cùng một thực tại lạ lùng đó, ta nói: Thiên chúa là ba ngôi vị, nhưng ba ngôi là một Chúa duy nhất.
Thật vậy, bạn hãy mở sách Tin Mừng bất kỳ trang nào, bạn sẽ thấy rằng Đức Giêsu không khi nào đóng vai giáo sư dạy môn tôn giáo hoặc môn triết học. Người đã không hề giảng bài về Chúa Ba Ngôi. Người cũng không bao giờ nói ra lí ngữ đó. Không! Nhưng đơn giản là Người đã sống. Người tã sống như một người Con. Người chỉ mang trong tim, chỉ nói ra nơi cửa miệng cái tên của lòng yêu thương, các tên của Đấng mà, các trẻ nhỏ Do Thái ngày nay vẫn còn dùng để gọi cha của chúng trên các đường phố Giêrusalem.
Chúng ta vừa mới nghe những lời rất đơn sơ của Tin Mừng: Mọi sự thuộc về. Cha, do thánh Gioan kể lại (Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu phiên dịch cách hồn nhiên là: à Papa le Bon Diêu": thuộc về "Ba" Chúa Trời) những gì thuộc về cha Thầy, là của Thầy. Rồi Người nói tiếp liền: "Thần Khí sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em ".
Như vậy, cách sử sự và những lời của Đức Giêsu đưa ta vào làm quen với "Ba Ngôi " vừa hoàn toàn tách biệt, tuy hiên, lại vừa hoàn toàn liên kết nên một. Vâng, Đức Giêsu là Đấng luôn "quy hướng về Đấng khác".
Quả thật, trong suốt lịch sử của nhân loại đi tìm kiếm từ Ấn giáo, Đức Giêsu và chỉ một mình Đức Giêsu là người đủ bạo dạn để đám nghĩ rằng: Thiên Chúa không phải là Đấng cô đơn, xoay tròn chung quanh mình, giam hãm mình trong một thứ ích kỷ thánh thiêng..., nhưng Thiên Chúa là Đấng khởi nguồn và làm nẩy sinh mối liên hệ yêu thương. -------------------------------
Các nhà chú giải đã phải khổ vì mấy chữ trong 15,15 theo đó thì CGS đã nói tất cả cho các tông: BaNgôi ABC90
1. “Ta còn lắm điều phải nói với các ngươi”. Các nhà chú giải đã phải khổ vì mấy chữ trong 15,15 theo đó thì CGS đã nói tất cả cho các tông đồ. Chắc chắn Ngài đã nói hết cho họ vì Ngài là mạc khải hoàn hảo của Cha và không còn gì mới để Chúa Thánh Thần mạc khải thêm; vì thế đừng đợi chờ một mạc khải nào khác. Tất cả đã được Kitô mang đến vì Ngài là “lời” (1,1.14), là “sự cắt nghĩa” Chúa Cha (1,18). Không còn chữ nào có thể thêm vào Lời đó, không còn có thể sửa chữa được điều gì. Nhưng có thể quảng diễn ra dài hơn, trở lại những điều Ngài đã nói để thấu hiểu tường tận (thánh Gioan đã dùng phương pháp khai triển kiểu vòng ốc này) (x.14,16.26). Nếu Đức Kitô xét rằng nói hết bây giờ cho các tông đồ cũng đều vô ích, mặc dầu họ có nhiều thiện chí, là vì chỉ Thánh thần mới có thể biến họ đủ khả năng quán triệt mạc khải của TC bằng cách làm cho họ biết đón nhận “những điều thần thiêng (1Co 2,13); như trẻ sơ sinh trong 1Co 3,1, họ chưa có thể ăn uống gì ngoài sữa.
2. Thần khí “sự thật” đến khi mạc khải kết thúc, sẽ hoàn toàn đưa họ vào tận nguồn chân lý. Ngài sẽ hướng dẫn họ khám phá toàn bộ chân lý và chân lý sẽ là con đường sống đối với họ, là qui tắc nội tâm cho cuộc đời của họ (Tv 25,5.9; 143,10; Kn 9,11; 10,17). Mặc dầu Chúa đã truyền đạt tất cả những điều bí nhiệm cho (15,15), họ vẫn chưa thể hiểu hết được. Để thấu hiểu, họ cần có một phương pháp thích hợp mà khoa sư phạm của Thánh Thần sẽ mang đến. Thánh Thần không phải là thày dạy nhưng là một người lặp lại và giải thích lời giáo huấn của thày thôi. Ngài không tự quyền nói, cũng như CGS cũng như CGS không nói tự quyền mình (Ga 3,32; 7,16-17; 8,26-28.40,12,14,10; 15,15) nhưng chỉ mạc khải Chúa Cha để tôn vinh danh Người (Ga 12,28; 14,13; 15,8; 17,4-6) Vì thế Thánh Thần không có giáo thuyết riêng. Ngài chỉ đến khơi lại và giúp cho hiểu được mạc khải của Cha được Con (14,26).
Khoa sư phạm của Thánh Thần còn có một mục đích khác; soi sáng những biến cố sẽ xảy ra. Vì thấu hiểu mạc khải của Đức Kitô sẽ không ích gì nếu không biết áp dụng vào các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Nhờ ánh sáng của Ngài, môn đệ có khả năng nhận thức họ phải cư xử thế nào cho phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau sẽ xảy đến, để điều chỉnh lối sống của họ theo nhân sinh quan và vũ trụ quan Kitô giáo. Người Kitô hữu nhìn mọi sự khác cái nhìn của lương dân vì họ giải thích tất cả bắt nguồn từ biến cố luôn hiện thực của Đức Kitô. Sự chết, sự phục sinh và lên trời của Ngài không phải chỉ là những sự kiện quá khứ đã xong xuôi chẳng còn âm hưởng gì đến thời hiện tại. Các hành vi cứu thế của Đức Kitô vẫn kéo dài từ thời gian này qua thời gian nọ, trong công việc tầm thường hàng ngày cũng như trong những biến động của lịch sử. Gán cho lịch sữ mộ ý nghĩa Kitô giáo, giúp khám phá ra những dấu vết của chương trình TC trong tất cả sự kiện đó ("vì tôi đã không e ngại mà dấu giếm đi, để không loan báo cho anh em biết ý định của TC")(Cv 20,27), chiếu ánh sáng sống động của mạc khải trên mọi biến cố, vào mọi thời đại: đó là sứ mệnh của Thánh thần nơi các môn đệ. Như vậy, Ngài không có tiên báo chi tiết về tương lai cũng như không tường thuật những biến cố làm đề tài của niên sử. Dưới con mắt của Ngài, điều thiết yếu không phải là chỗ đó, nhưng là chiều hướng diễn tiến của kế hoạch cứu rỗi.
Tuy nhiên, Thánh Thần sẽ biến tất cả Kitô hữu thành những ngôn sứ. Giống như các ngôn sứ CƯ, bổn phận chủ yếu của họ không phải là tiên báo, nhưng là khám phá ý định TC trong biến cố hiện đại, “đọc các thời triệu”, nhận biết chiều kích riêng của TC đằng sau những biến cố đó. Tất cả mọi biến cố của thế giới, xảy ra từ ngày CGS hiển vinh, đều thuộc về thời cánh chung, cho nên việc thấu hiểu trật tự mới, mà người đàn bà Samarotanô trông đợi nơi đấng Messia (4,25), chỉ có Thánh Thần thông ban mà thôi. Tác giả sách khải huyền đã thử nói tiên tri theo kiểu này.
Vì thế Thánh Thần không mang lại một mạc khải mới, nhưng chỉ liên tục giải thích mạc khải của Đức Kitô để không ngừng soi chiếu các biến cố của thời đại. Thánh Thần liên tục tham chiếu mạc khải của Đức Kitô. Ngài đón nhận tất cả từ Đức Kitô, cũng như Đức Kitô đã đón nhận mọi sự từ Cha. Có một tiếp nối hoàn hảo giũa mạc khải trong Đức Kitô và sự thông hiểu nhờ Thánh Thần. Cả hai đều bắt nguồn từ Cha.
Nhưng tất cả những cái đó không cấm giáo hội, dưới ảnh hưởng của Thánh Thần, giải thích không ngừng nội dung mạc khải do Đức Kitô mang đến, phát sinh cái mà các nhà khoa học gọi là “sự tiến triển các tín điều”. Công đồng Vaticanô II đã dạy: “Thánh truyền do các tông đồ truyền lại được tiến triển trong Giáo hội dưới sự trợ giúp của Thánh Thần. Thật vậy, các sự việc và các lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn nhờ sự chiêm ngắm và học hỏi của các tín hữu, những người đã ghi nhận những điều đó lòng (Lc 2,19 và 51); nhờ sự thông hiểu những điều thiêng liêng họ cảm nghiệm được, hoặc nhờ việc giảng dạy của những người lãnh nhận một đoàn sủng chắc chắn về chân lý, do việc kế vị trong chức giám mục. Nói cách khác, qua bao thế kỷ Giáo hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý TC cho đến khi lời Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo hội (hiến chế mạc khải của TC, số 8).
KẾT LUẬN
1. Trước khi tiếp tục mùa quanh năm (là mùa sẽ kết thúc năm phụng vụ bằng lễ Chúa Kitô Vua). Hôm nay Giáo hội muốn chúng ta thưởng thức mạc khải chính yếu do Đức Kitô mang đến. Qua tất cả những biến cố cuộc đời Ngài mà chúng ta đã cùng nhau sống lại suốt năm phụng vụ này CGS đã dần dần cho chúng ta nhận biết một cách cụ thể mối giây liên lạc giữa Ngài với Cha và Thánh Thần. Chính qua Ngài, chúng ta từ từ tiến sâu vào mạc khải của TC.
TC đã tỏ mình ra không như là một hữu thể trừu tượng, một kiến trúc của trí tuệ, hay còn tệ hơn nữa như một người xa lạ. Trong Đức Kitô, người trở nên một người trong chúng ta để chúng ta dễ nhận biết Ngài: “Ai thấy Ta là thấy Cha”, CGS đã nói với Philipphê như vậy.
2. Trong lời Chúa nghe hôm nay, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem CGS nói thế nào về Cha và Thánh Thần, Chúa đã tự mạc khải thế nào cho ta. Đầu tiên, CGS nói đến Cha và Thánh Thần như những ngôi vị riêng biệt khác với chính Ngài. Trong phúc âm chúng ta vừa nghe, CGS nói với các môn đệ: “Khi Ngài đến, vì là Thần khí sự thật...”. CGS nói đến Ngài như một ngôi vị thật sự mà người ta đợi chờ, như một Đấng sẽ đến và sẽ hoàn tất một sứ mệnh rõ ràng và lạ thường.
Chúng ta nhớ lại là đã cùng nhau đọc và suy niệm một vài đoạn trong diễn từ sau Tiệc ly trong các Chúa nhật mùa Phục sinh; trong các đoạn đó, CGS thường nói về Cha và Thánh Thần; chính nơi Cha mà Con qui chiếu mọi dự định của mình và nhận lấy Lời để loan truyền. Con công chính hóa loài người, ban cho họ sự bình an và uỷ cho họ quyền hòa giải. Thánh Thần dẫn đưa những ai đón nhận Con đi đến chân lý.
3. Chính khi nói về các Đấng đó như những ngôi vị tách biệt, CGS cũng nói đến Cha và Thánh Thần như hiệp nhất với Ngài. Ngài cho thấy các đấng đã hiệp nhất với nhau đến nỗi Đấng này sẽ không làm gì nếu không có đấng kia. Trong bài phúc âm hôm nay cũng thấy nói đến sự hiệp nhất Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Thánh Thần chỉ lặp lại giáo huấn của CGS hay khi dạy là Ngài dạy về CGS. Mọi điều Đức Kitô biết và có được đều bắt nguồn từ Cha. Hơn nữa, tất cả những gì Cha biết và có thì Người đã ban cho Đức Kitô đến nỗi mỗi ngôi đều có cái mà ngôi kia có và đồng thời không chiếm hữu một điều gì riêng cho mình. Khi nói đến Cha và Thánh Thần, CGS cho chúng ta thấy các đấng vừa khác biệt vừa đồng nhất, vừa tách rời vừa hiệp nhất, khi các đấng hành động thì là ba, và đồng thời cũng chỉ có một hiện diện.
4. Khi nói cho chúng ta biết về chính Ngài và về mối tương giao của Ngài với Cha và Thánh Thần, CGS tỏ bí mật tình yêu cho chúng ta, Ngài thỏa mãn những gì mà chúng ta ao ước tự thâm tâm nhưng cảm thấy không thể nào đạt được.
Một đàng, sự phân biệt các ngôi vị cho thấy sự phân biệt tự trị trọn vẹn của mỗi ngôi. Cho nên có một sự kính trọng tuyệt đối và không có sự lệ thuộc hay thống trị lẫn nhau. Thật vậy ai mà không ước mơ được sự giải thoát khỏi uy lực của kẻ khác ? Vì đó chính là điều kiện căn bản để ngôi vị được tự trị và độc lập trọn vẹn.
Đàng khác, có sự thông hiệp hoàn toàn của Ba Ngôi với nhau trong mối hiệp nhất. Các đấng không bao giờ làm việc gì mà không có nhau; các Ngài luôn cùng nhau hành động; điều gì ngôi này có thì ngôi kia cũng có; ngôi này là gì thì ngôi kia cũng vậy. Ai mà không ước mơ sự thông hiệp hoàn toàn với người khác, sự hiệp nhất khắn khít đến nỗi không còn ranh giới, đến nỗi thông giao với nhau một cách trọn vẹn, đơn sơ, chân thành. Ở đây chúng ta bắt gặp lại từ ngữ nổi tiếng của thánh Gioan, một từ ngữ mà chưa bao giờ có ai tát cạn ý nghĩa phong phú: “TC là tình yêu”. không phải là TC có tình yêu như có ánh sáng, quyền năng hay sự sống. Không ! Ngài là tình yêu. Tình yêu là bản chất của Ngài.
5. Chính giữa lòng cuộc sống hàng ngày và trong mối tương giao với người khác, chúng ta sẽ dần dần bắt chước tình yêu TC Ba Ngôi nhờ học cách yêu thương dưới ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Hãy cầu xin Chúa mạc khải cho chúng ta có lòng ước muốn tình yêu đó. Như vậy sự hiểu biết TC sẽ làm tâm hồn ta luôn tràn ngập bình an và hân hoan vui sướng. -------------------------------
Có phải tất cả những gì có thể nói về Thiên Chúa đều đã được mạc khải qua Đức Giê-su Ki-tô: BaNgôi ABC91
1. Có phải tất cả những gì có thể nói về Thiên Chúa đều đã được mạc khải qua Đức Giê-su Ki-tô, và không còn gì để nói về Thiên Chúa ngoài những mạc khải ấy?
2. Theo Đức Ki-tô, «khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn». Thần Khí sự thật đã đến chưa, và Ngài đã mạc khải sự thật về Thiên Chúa như thế nào?
3. Có thể có nhiều cách nhìn khác nhau nhau về Thiên Chúa không? Các cách nhìn ấy có thể mỗi cách đều có giá trị riêng của nó không? Tại sao?
4. Ba Ngôi Thiên Chúa có khác biệt nhau không? Sự khác biệt ấy làm cho Ba Ngôi hợp nhất hay chia rẽ? Sự khác biệt giữa mọi loài, mọi vật, mọi tôn giáo trên thế giới, có nằm trong ý muốn của Thiên Chúa không?
Suy tư gợi ý:
1. Còn nhiều điều phải nói về TC hơn những điều đã nói ra Đức Giê-su đến thế gian để mạc khải cho con người biết về Thiên Chúa, nhưng đời Ngài quá ngắn ngủi (33 năm), mà trong đó Ngài chỉ dành một phần thời gian rất nhỏ (3 năm) để giảng dạy. Làm sao Ngài có thể nói hết về Thiên Chúa, Đấng vô cùng vô tận? Thế giới này là hữu hạn, thế mà con người nghiên cứu hết đời này đến đời khác, thế kỷ này đến thế kỷ khác, và đã có hàng tỷ cuốn sách viết ra về thế giới, thế mà vẫn không hết. Con người lúc nào, thời nào cũng vẫn khám phá ra cái mới về thế giới, vũ trụ. Thế giới hữu hạn mà còn vậy, Thiên Chúa là Đấng vô hạn, lẽ nào Đức Giê-su lại chỉ cần nói trong 3 năm mà hết được? Giả như Đức Giê-su có dành ra 100 hay 1000 năm để nói về Thiên Chúa, thì cũng không nói hết được, vì Ngài là Đấng vô biên và phong phú khôn lường! Vì thế, trước khi từ giã các môn đệ để về cùng Chúa Cha, Ngài nói: «Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi». Nghĩa là về Thiên Chúa thì còn nhiều điều phải nói lắm, nhưng có nói thêm thì các tông đồ lúc ấy chẳng lãnh hội được!
«Không có sức chịu nổi», vì chân lý về Thiên Chúa thì quá cao siêu, mà khả năng hiểu biết của con người thì quá hạn hẹp, nông cạn, làm sao trong một thời gian quá ngắn con người hiểu biết được. Những môn học dành cho cấp 3, thì học sinh cấp 2 không thể lãnh hội được. Cũng vậy, Đức Giê-su không thể nói cho các môn đệ những điều về Thiên Chúa vượt quá khả năng lãnh hội của họ lúc đó được, vì nói mà họ không hiểu thì vô ích. Ngài chỉ nói trong khả năng lãnh hội hạn hẹp của họ mà thôi. Phải chờ trình độ hiểu biết, suy tư và tâm linh của họ cao hơn, thì mới có thể nói những điều cao siêu, khó hiểu hơn.
Vì thế, chúng ta đừng quá ảo tưởng về những điều đã được mạc khải qua Đức Giê-su, cho đó là trọn vẹn, là gồm đầy đủ tất cả những gì có thể nói về Thiên Chúa. Chẳng lẽ Thiên Chúa của chúng ta lại quá hữu hạn như thế sao?
2. Thần Khí sự thật sẽ tiếp tục mạc khải
Con người có nhu cầu hiểu biết về Thiên Chúa. Vì thế, việc mạc khải về Thiên Chúa vẫn được tiếp tục mạc khải qua lịch sử con người bởi Thánh Thần, như Đức Giê-su đã hứa: «Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn». Thánh Thần đã hiện xuống trên các tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần, nhưng Ngài không nói gì cả. Và chắc chắn trong suốt chiều dài lịch sử con người, Ngài còn xuống trên rất nhiều người khác nữa, thuộc tất cả mọi thời đại. Cách mạc khải của Thánh Thần không phải theo kiểu của Đức Giê-su: nhập thể thành một người để nói với một số người. Mà theo kiểu ngôn sứ Giô-en đã báo trước: «Thiên Chúa phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta, cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ» (Cv 2,17-18; xem Ge 3,1-2).
Nếu tất cả những gì Đức Giê-su nói không phải là tất cả những gì có thể nói được về Thiên Chúa vô hạn, thì chắc chắn còn nhiều điều được mạc khải về Thiên Chúa là do Thánh Thần của Ngài, ngoài những gì Đức Giê-su đã nói. Theo ngôn sứ Giô-en được Phê-rô nhắc lại trong sách Công vụ tông đồ, thì trong lịch sử con người, Thần Khí đã được đổ xuống trên rất nhiều người, để họ nói lên những chân lý về Thiên Chúa, và đó chính là mạc khải của Thánh Thần. Những mạc khải ấy ở đâu? là gì? Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ, và rất có thể nhờ đó, ta thấy được chỗ đứng của các tôn giáo trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.
Vì khi Ngài là chủ tể điều khiển lịch sử, thì việc xuất hiện các tôn giáo lớn trên thế giới không thể là ngoài thánh ý của Ngài. Nhất là khi Ngài lại để cho các tôn giáo ấy xuất hiện và phát triển trước Ki-tô giáo. Chẳng hạn tại châu Á, đang khi các tôn giáo khác xuất hiện từ những thế kỷ đầu công nguyên, thì mãi đến thế kỷ 15, Thiên Chúa mới cho Ki-tô giáo được truyền bá một cách có qui mô tại châu Á. Tại sao Thiên Chúa lại để Ki-tô giáo đến trễ như vậy? Ngài có muốn Ki-tô giáo cạnh tranh với các tôn giáo khác không? – Chúng ta phải nhận ra ý muốn của Ngài qua việc Ngài đã làm trong lịch sử, chứ không phải là đoán ý của Ngài qua sự mong muốn của chúng ta! Trời cao hơn đất bao nhiêu thì thánh ý Ngài cao hơn ý chúng ta như vậy! (xem Is 55,8-9)
3. Muôn loài vạn vật đều đa dạng và đa diện
Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật đa hình đa dạng, và vật nào cũng đều đa diện. Vật nào cũng đều có thể có nhiều cách nhìn khác nhau, do nhiều người khác nhau nhìn từ nhiều vị trí khác nhau. Cùng một vấn đề, nhưng người nhìn thấy thế này, kẻ nhìn thế khác: một bác sĩ khó có thể có cùng một cách nhìn với một kỹ sư, và lại càng khác xa cách nhìn của một bác nông dân. Chẳng ai dám kết luận là cách nhìn này đúng, cách nhìn này sai, mà chỉ có thể kết luận rằng chúng khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Thiên Chúa vẫn luôn luôn thích có sự đa dạng trong vũ trụ. Chẳng hạn đối với loài hoa, Ngài đã dựng nên hàng vạn loại khác nhau, trong đó mỗi loại đẹp mỗi vẻ. Chắc chắn Ngài và bất kỳ ai trong chúng ta, chẳng ai muốn dẹp đi mọi loại hoa, chỉ để tồn tại một loài mà ta nghĩ là đẹp nhất mà thôi. Như thế thế giới này sẽ bớt phong phú, sẽ trở nên buồn tẻ hơn. Cũng thế, chắc hẳn Ngài cũng không thích trên thế giới này chỉ tồn tại một cách nhìn duy nhất về Ngài, một cách thờ phượng duy nhất dành cho Ngài theo kiểu một tôn giáo nào đó, vì như thế, thế giới sẽ trở nên đơn điệu, buồn tẻ. Chính vì thế, Ngài đã cho lập nên nhiều tôn giáo, nhiều ý thức hệ khác nhau, không phải để nhân loại chia rẽ nhau, mâu thuẫn nhau, mà để bổ túc cho nhau.
Thiên Chúa muốn người ta hợp tác với nhau, yêu thương nhau, chấp nhận sự khác biệt của nhau, hơn cả sự hoàn hảo cá nhân của họ. Chính vì thế, Ngài đã không dựng nên những con người hoàn hảo, có khả năng tự độc lập. Mà Ngài đã dựng nên những con người không hoàn hảo: người được mặt này mất mặt kia, kẻ được mặt kia nhưng lại mất mặt này, để con người cần lẫn nhau, nương nhau mà tồn tại, hầu nhờ đó họ cộng tác với nhau, yêu thương nhau. Cũng như người nam và người nữ nhờ khác nhau, nhờ không hoàn hảo (người được mặt này kẻ được mặt kia), mà họ yêu thương và kết hợp với nhau thành vợ chồng.
4. Hãy bắt chước Ba Ngôi Thiên Chúa của chúng ta
Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi khác biệt nhau, mỗi Ngôi một vẻ. Nhờ vậy, Ba Ngôi yêu thương nhau, hợp với nhau thành một Thiên Chúa duy nhất. Ba Ngôi tuy khác biệt nhau, nhưng lại chấp nhận nhau, cần lẫn nhau, hợp tác với nhau, yêu thương nhau, sống chung hòa bình với nhau. Ba Ngôi không bao giờ muốn tiêu diệt nhau để chỉ còn một Ngôi tồn tại. Ba Ngôi đều bằng nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng cả sự bình đẳng giữa nhau, không Ngôi nào muốn vượt trội hơn để thống trị Hai Ngôi kia.
Mọi người, mọi gia đình, mọi tập thể, mọi tôn giáo, cần bắt chước Ba Ngôi trong những khía cạnh ấy. Đừng ai mong mình vượt trội hơn những người khác, muốn thống trị những người khác, muốn chiếm địa vị độc tôn, độc quyền. Ba Ngôi của chúng ta là một Ba Ngôi hợp nhất, nhưng hợp nhất ở đây là thứ hợp nhất trong đa dạng, chứ không phải hợp nhất trong đồng nhất. Mọi tập thể, mọi gia đình, mọi tôn giáo, cần phải chống lại cơn cám dỗ muốn hợp nhất bằng cách làm mọi sự thành đồng nhất: muốn mọi người chỉ còn một cách nhìn, một cách suy nghĩ duy nhất là cách của mình. Trái lại, cần phải tôn trọng sự khác biệt và bình đẳng, thì nhân loại mới có nhiều khả năng yêu thương nhau, và sống chung hòa bình với nhau được.
Mọi chia rẽ, chiến tranh trong gia đình, trong tập thể đều phát xuất từ ý của một người nào đó muốn áp đặt ý của mình lên người khác, muốn thống trị, muốn trổi vượt, muốn độc tôn. Và cái ý ngông nghênh ấy cuối cùng chỉ là những hình thức thể hiện tính kiêu ngạo, ích kỷ, muốn tự đề cao mình.
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho mọi người, mọi tập thể trên trần gian, trong đó có Giáo Hội của chúng con, biết bắt chước tinh thần yêu thương hợp tác của Ba Ngôi: biết yêu thương nhau, biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, không áp đặt lẫn nhau, ép người khác trở nên giống mình, nghĩ như mình, nhưng muốn cho nhau cùng tồn tại, để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, yêu thương và hợp nhất với nhau. Đó cũng chính là Nước Trời mà Đức Giê-su muốn xây dựng cho trần gian. -------------------------------
Mỗi ngày chúng ta đụng phải mầu nhiệm của những con người xung quanh chúng ta, chúng ta: BaNgôi ABC92
Mỗi ngày chúng ta đụng phải mầu nhiệm của những con người xung quanh chúng ta, chúng ta thường phải thú nhận: "Tôi không hiểu được con người ấy. Tôi luôn luôn ngạc nhiên về những gì tôi khám phá ra.. Khi gặp người ấy mỗi buổi sáng, tôi có cảm tưởng lại phải làm quen với họ nữa. Vẽ ra một hình ảnh mới, đi sâu vào ý nghĩa những lời nói của họ, xác định chủ đích của những việc họ làm. Đôi khi chúng ta nản lòng và đành phải rời bỏ con người khó hiểu này để đi tìm một người khác dễ hiểu hơn, trong suốt hơn. Và sau một thời gian, chúng ta cũng bị thất vọng như trước. Nếu những con người gần gũi chúng ta, những bạn đồng hành chúng ta gặp gỡ hàng ngày mà còn khó hiểu đến thế, thì sẽ sao đây về Thiên Chúa "
Đức tin cho chung ta đạt đến Thiên Chúa.
Ta không đến gần Thiên Chúa như đến gần một người láng giềng mà. ta gặp ngoài đường. Thánh Phoalô nhắc lại rằng: "Chỉ nhờ đức tin chúng ta mới có thể đạt đến thế giới của ân sủng mà thôi ". Đối với những thói quen thông đạt của chúng ta, điều này có vẻ cần bàn cãi lại. Đức tin được xem như một thứ giáo lý chính thức mà ta phải theo, như người ta chấp nhận chương trình chính thức của một đảng chính trị vậy Đức tin sẽ giống như một bản đanh mục những gì không thể hiểu được trong Kitô giáo và ta phải chấp nhận vậy.
Thánh Phoalô nói rằng đức tin là một sự hiểu biết đáng cho chúng ta hãnh diện thậm chí tự hào nữa. Đây không phải là một sự hiểu biết nhờ những nghiên cứu thông thái của chúng ta mà là một sự hiểu biết do Thiên Chúa ban, được Chúa Thánh Thần đổ tràn vào tâm hồn chúng ta, và cho phép chúng ta đạt đến Thiên Chúa.
Những mối tương quan sâu xa nhất làm cho chúng ta thỏa mãn nhất và được chúng ta trau dồi đã bắt đầu bằng niềm tin. Những người thân cận, bạn bè nói với chúng ta về họ, chúng ta chấp nhận những gì họ bày tỏ với chúng ta, có lẽ không hiểu lắm nhưngvới niềm tin tưởng và một ngày nào đó niềm tin tưởng đã mang hoa kết quả là làm cho chứng ta thán phục trước sự phong phú và tính độc đáo của những gì ta đã biết được về họ.
Khi Thiên Chúa tâm sự.
Như một người bạn, Thiên Chúa đã nói về Ngài, Ngài đã cho ta biết về Ngài. Ngài như thể đã vén bức màn che đậy sự phong phú của hữa thể Ngài. Đoạn Tin mừng thánh Gioan được đọc trong lễ Ba Ngôi hôm nay nhắc lại những lời của Chúa Giêsu. Trước hết Ngài nói với chúng ta một điều đáng ngạc nhiên: Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài không ở một mình. Ngài có một người Cha. Và cùng với Chúa Cha, Ngài hiệp thông trong Thánh Thần.
Trước một số người có bản lĩnh xuất sắc, có sự phong phú khác thường, chúng ta nói về bản lĩnh, tri thông minh và cảm tính của họ như là những thực tại phân biệt nhau. Điều này có thể giúp chúng ta hiểu một chút những gì Chúa Giêsu nói, mặc dù sự so sánh này rất nghèo nàn. Ngài muốn nói với chúng ta rằng Thiên Chúa rất cao cả, cao cả hơn tất cả những gì chúng ta quan niệm được. Cao cả đến nỗi hữu thể của Ngài vượt các giới hạn của một ngôi vị duy nhất Thiên Chúa là Ba Ngôi.
Đồng thời Chúa Giêsu nhấn mạnh trên sự duy nhất của hữu thể nơi Thiên Chúa. Giữa các ngôi vị phân biệt nhau có sự duy nhất về hiểu biết, duy nhất về tình thương, duy nhất trong hành động. Và điều này khác hẳn sự đồng tâm nhất trí ta có thể thiết lập giữa chúng ta. Bởi vì hữu thể của chúng ta có giới hạn, nên bao giờ cũng chia sẻ một chút phức tạp và bị phân tán. Ta thán phục những người mà nơi họ sự phong phú của hữu thể có thể hội nhập trí khôn. Tình thương và hành động vào với nhau. Đây là một lối tiếp cận rất vụng về, nhưng nó hiến cho chúng ta một con đường bé nhỏ để nói về Thiên Chúa: Thiên Chúa lớn đến nỗi Ngài là Một, dù có Ba Ngôi.
Để kết thúc.
Nếu Thiên Chúa đã mặc khải một chút gì về hữu thể của Ngài, thì không phải để làm quáng mắt chúng ta, nhưng để mời gọi chúng ta đến với Ngài và thậm chí chia sẻ cuộc sống với Ngài nữa. Ngài không là một vị thần xa lạ. Nhưng như sách Châm ngôn nói: "Thiên Chúa ưa thích ở với con cái loài người" -------------------------------
Trong cuộc đời có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn loài người sẽ không bao giờ có thể hiểu thấu: BaNgôi ABC93
Trong cuộc đời có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn loài người sẽ không bao giờ có thể hiểu thấu nổi. Để diễn tả các thực tại vô cùng tận của cuộc sống, cha ông chúng ta ngày xưa mới thách đố:
Đố ai biết núi mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Đố ai quét sạch lá rừng, để ta khuyên gió, gió đừng rung cây. Đố ai biết đá mấy hòn, tua rua mấy chiếc, trăng tròn mấy đêm. Đố ai tát bể Đông Khê, tát sông Bồ Đề, nhổ mạ cấy trên.
Tất cả mọi thực tại tuyệt diệu khó hiểu của cuộc sống con người có lẽ tình yêu là khó hiểu nhất. Tình yêu của loài người khó hiểu đã đành, tình yêu của Thiên Chúa lại càng khó hiểu hơn nữa. Chúa được gì khi tạo dựng nên ta? Tại sao Chúa lại phải chết để cứu ta. Chỉ có tình yêu đích thực vô biên và vô vị lợi mới trao ban sự sống và tận hiến tất cả.
Lễ Chúa Ba Ngôi cử hành mầu nhiệm tình yêu ấy của Thiên Chúa. Bắt chước kiểu diễn tả của thánh sử Gioan trong phần dẫn nhập Phúc âm, chúng ta có thể nói: Từ nguyên thủy đã có tình yêu và tình yêu quy hướng về Thiên Chúa và Thiên Chúa là tình yêu. Và tình yêu nhập thể và đến sống giữa chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã tự tỏ lộ ra cho loài người như là Con của Thiên Chúa, trong cuộc đối thoại của sự sống và yêu thương với. Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Trong Ngài, chúng ta nhận Thiên Chúa là Cha và Chúa Thánh Thần như là quyền lực tinh thần, như là hiền mẫu trao ban sự sống. Thiên Chúa là tình yêu trọn vẹn, tình yêu nhân ba để trở thành tình Cha, anh Con và tình vợ chồng, tình mẹ, tình anh em và tình bạn hữu.
Để diễn tả tình yêu đó của Thiên Chúa đối với loài người và với thế giới, truyền thống khôn ngoan của Kinh Thánh Cựu ước dựng hình ảnh sự khôn ngoan và cô đọng sự sống, sự khôn ngoan trong biến cố sáng tạo Sự khôn ngoan được nhân cách hóa và trở thành môi giới giữa Thiên Chúa và mọi loại thụ tạo, như tường thuật trong chương 8 sách Cách Ngôn. Khác với các nền văn hóa vòng Trung Đông cổ không biết đến một Thiên Chúa duy nhất, nhưng dân Do Thái tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Trong khi các dân tộc khác coi mọi sức mạnh trong vũ trụ và thiên nhiên đều là thần linh và thánh hóa tất cả mọi hình thái của sự hiện hữu và sự sống, thì người Do Thái đã luôn luôn luôn tuyên xưng rằng, vũ trụ thế giới và mọi loài mọi vật đều là các thụ tạo phát xuất từ quyền năng và bàn tay nhân lành của Thiên Chúa Tạo Hóa duy nhất. Sách Đệ nhị luật 8,4 ghi lại tín điều đầu tiên trong kinh Tin Kính của dân Do Thái: “Hãy lắhg nghe hỡi Israel, Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất".
Sách Cách ngôn 8 nêu bật sự lệ thuộc của mọi loài thụ tạo nơi Thiên Chúa và cho thấy con người là thụ tạo tuyệt vời phát xuất từ chính bàn tay tạo dựng của Ngài. Qua đó soạn giả Do Thái bác bỏ quan niệm bi quan mà các dân tộc vong Trung Đông cổ có vẻ con người. Qua nhiều thiên anh hùng ca với kiểu cách trình bày và hình ảnh huyền thoại khác nhau, các dân tộc xa xưa tìm giải thích các lý do hiện diện của sự thiện, tiến bộ, hạnh phúc và của sự đừ, khổ đau và cái chết trong cuộc sống của con người. Chẳng hạn thiên anh hùng ca tựa đề là "Khí tử trên cao" cho rằng vũ trụ và con người phát xuất từ cuộc chiến giữa thần linh và thần dữ. Thần lành là nguyên lý của sự thiện và hạnh phúc tiến bộ, thần dữ là nguyên lý của sự dữ khổ đau và cái chết. Thiên anh hùng ca thì cho rằng con người được các thần linh dựng nên với đất sét hòa lẫn với máu của thần linh và không khác hẳn, nó mang trong mình dùng máu bại trận bị chúc dữ và có số phận hẩm hiu khốn khổ sống chết tuỳ ý của các thần linh.
Kinh thánh trái lại khẳng định rằng vũ trụ và loài người đều do Thiên Chúa duy nhất sáng tạo ra, mọi loài mọi vật đaề là hoa trái, tình yêu thương quan phòng ấp ủ của Thiên Chúa. Đấng là tình yêu trọn vẹn tràn đầy, một tình yêu thông hiệp, ban phát, phân chia và trao ban sự sống. Còn hơn thế nữa, sự sáng tạo diễn tả thái độ sống tươi vui tươi bằng của sự khôn ngoan, ngữ từ của Thiên Chúa: "Ta ở gần Ngài như là kiên trúc sư và hằng ngày Ta đã là niềm hân hoan của Ngài. Ta vui sướng trước mặt Ngài trong mọi lúc, Ta vui chơi trên mặt địa cầu và tìm thấy các niềm vui của Ta nơi con cái loài người".
Theo người xưa, ý niệm về sự khôn ngoan được dông để ám chỉ luật lệ điều khiển vũ trụ. Sự khôn ngoan cũng được dùng để ám chỉ linh hồn là nhân tố khiến cho mọi sự được sinh động đều được, nếu không được nâng lên hàng thần linh, thì cũng được coi như một thực thể tuyệt đối. Còn theo suy tư của Kinh Thánh, sự khôn ngoan là dụng cụ Thiên Chúa dông để tạo dựng vũ trụ, nó diễn tả tất cả sự xinh đẹp tinh tế và sự hiện diện của công trình tạo dựng trong thế giới này. Do đó Thiên Chúa cũng chính là sự khôn ngoan, bởi vì Ngài chính là nguồn mạch làm phát sinh ra thế giới xinh đẹp tốt lành và hài hoà hạnh phúc. Với ánh sáng của lòng tin và chiều kích tôn giáo đó, con người có thể nhận ra nguồn cội của mình nơi Thiên Chúa, khám phá ra ý nghĩa cuộc sống và sự hiện diện của mình trong thế giới này và giải thích được lịch sử cũng như mọi biến cố xảy ra trong dòng lịch sử
Nói cách khác, ơn gọi làm người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa là ơn gọi sống khôn ngoan. Người khôn ngoan là người biết sống trung thực với chiều kích tôn giáo, với các giá trị siêu việt và để cho các giá trị ấy hướng dẫn tư tưởng, lời nói, việc làm và mọi cung cách hành xử của mình. Người khôn ngoan là người bất lấy các giá trị siêu việt làm điểm quy chiếu và động lực thúc đẩy soi sáng các liên hệ của mình với tha nhân trong mọi lãnh vực xã hội, chính trị, kinh tế của cuộc sống. Đây là lý do giải thích tại sao các tác phẩm thuộc nền văn chương khôn ngoan trong Kinh Thánh Cựu ước như sách Cách Ngôn, Huấn Ca, Khôn Ngoan và Giảng Viên lại có nội dung chính yếu là việc đào tạo con người và hướng dẫn cuộc sống thường ngày của con người theo ánh sáng của chiều kích tôn giáo hay theo sự khôn ngoan.
Trong các tác phẩm Tân ước chẳng hạn, thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Rôm 5: Sống khôn ngoan có nghĩa là hiểu biết chương trình mà Thiên Chúa có đối với con người và với thế giới. Với ánh sáng mặc khải của Chúa Giêsu và với ánh sáng của lòng tin, tín hữu biết ý thức được rằng Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi kiếp sống nô lệ tội lỗi và họ được sống cuộc sống mới trong ơn thánh cứu độ. Cuộc sống mới đó trao ban cho họ một cái nhìn mới về thế giới, Kitô hữu không lạc quan ngây thơ cũng không bi quan chán nản và họ không để cho chủ trương tiến bộ cấp tiến đánh lừa, một chủ trương muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người và ra khỏi cuộc sống thế giới, một chủ trương muốn tôn thờ khoa học và ý thức hệ chính trị kinh tế, xã hội muốn cho chúng để thay thế Thiên Chúa.
Và người Kitô hữu cũng không yếm thế khước từ sự hiện diện của sự dữ và khổ đau cho rằng thế giới này bị tình cờ và một số mạng dã man oan nghiệt hướng dẫn, và đi đến kết luận sự dữ và khổ đau là những bằng chứng cho thấy Thiên Chúa không hiện hữu và hiện diện trong cuộc sống con người và giữa dùng lịch sử. Không, Kitô hữu là một người thực tế, biết nhìn mọi sự dưới ánh sáng của thánh giá và sự Phục sinh của Chúa Kitô. Thánh giá như biểu tượng của khổ đau và sự dữ rộng mở con tim họ trong nền trời Phục sinh diễn tả xác tín và lòng tin của họ vào Thiên Chúa. Họ biết rằng Thiên Chúa không lừa dối con người, cũng không bỏ rơi con người và thế giới này làm mối cho sự dữ tội lỗi và cái chết. Bởi vì con người và thế giới là hoa trái tình yêu thương ấp ủ do chính bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa làm ra. Đó là ý nghĩ, lời thánh Phaolô khẳng định: Niềm hy vọng không gây thất vọng tình yêu thương cứu độ vô biên ấy. Chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta, đặc biệt trong Phúc âm thánh Gioan, trong các chương từ 13 đến 17, thánh Gioan nêu bật mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Thiên Chúa Cha là Đấng hướng dẫn toàn bộ cuộc sống con người và lịch sử thế giới, chính Ngài trao ban Thiên Chúa Con sứ mạng dẫn đưa con người và thế giới trở về với Ngài theo chương trình tình yêu thương nguyên thủy của thời tạo dựng.
Khi vâng lời Thiên Chúa Cha trong mọi sự, Chúa Giêsu sửa chữa và chữa lành nhân loại khỏi cái chết và cuộc sống xa rời Thiên Chúa, nổi loạn chống lại Ngài. Và cũng chính Thiên Chúa Cha hướng dẫn cuộc sống của Kitô hữu và của Giáo Hội, dân mới của Ngài qua sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng trọ giúp con người hiểu biết sự thật toàn vẹn. Nghĩa là hiểu biết và chấp nhận chương trình yêu thương cứu độ mà Thiên Chúa có đối với loài người và với thế giới. Nhưng ở đây cũng như trong thời tạo dựng, Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng sự tự do của mỗi một người, Ngài để cho chung ta tự do quyết định chấp nhận hay khước từ chướng trình yêu thương cứu độ.
Hôm nay lễ Chúa Ba Ngôi nhắc nhở cho chúng ta biết sự thật mặc khải của chương trình cứu độ, đồng thời kêu mời chúng ta ý thức được trách nhiệm cao cả của chúng ta, đó là con người nấm giữ vận mạng của chính mình trong tay. -------------------------------
Biết làm sao định nghĩa được tình yêu ". Có lẽ đây không chỉ là câu hát thú vị trên môi: BaNgôi ABC94
Có lẽ đây không chỉ là câu hát thú vị trên môi miệng của những cặp uyên ương hay của những tâm hồn đang tương tư, mà còn là khấc khoải của từng người trong chúng ta. Thật thế, ai trong chúng ta cũng yêu mến và muốn được yêu, tuy nhiên không gì khiến chúng la phải lúng túng cho bằng phái định nghĩa về tình yêu. Tình yêu quả thực là một mầu nhiệm. Tại sao chỉ có con người mới biết yêu? Có lẽ chúng ta chỉ có thể trả lời cho câu hỏi ấy bằng chính mầu nhiệm của Thiên Chúa mà thôi. Vào cuối cuộc đời của mình, khi suy niệm về cuộc đời, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu, thánh Gioan tông đồ đã phát biểu như sau: "Thiên Chúa là Tình Yêu".
Đây quả thực là một công thức độc nhất vô nhị của Kitô giáo, trước và sau Kitô giáo có lẽ chưa có một tôn giáo hay một lý thuyết nào đã gọi Thiên Chúa là Tình Yêu: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian”. Gọi Thiên Chúa là tình yêu bởi vì Thiên Chúa vừa tỏ mình cho chúng ta một cách gần gũi thiết thân, lại cũng vừa là một mầu nhiệm mà chúng ta không bao giờ hiểu thấu được. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã tỏ mình qua Người Con Một của Ngài. Người Con đó chúng ta thấy được một mặt của Thiên Chúa, Ngài đã dạy cho chúng ta biết thế nào là yêu thương và Ngài đã sống kiếp của con người, đã chết một cách đau thương nhục nhã để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
Tình yêu nào cũng muốn được bộc lộ, người yêu nào cũng muốn tỏ mình. Bằng cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thật sự tỏ tình với con người. Thiên Chúa đã tỏ tình và Ngài đã yêu thương cho đến cùng. Chính vì thế mà Ngài đã sai phái Thánh Thần đến để khai sinh Giáo Hội. Thánh Thần chính là tình yêu nối tiếp Chúa Cha và Chúa Con. Thiên Chúa thông ban tình yêu của Ngài cho Giáo Hội để Giáo Hội hiện diện như một dấu chứng của tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Giáhội là tiếng tỏ tình của Thiên Chúa đối với con người.
Mừng kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo Hội muốn nhắc nhở cho chúng ta chân lý ấy. Tỏ mình cho chúng ta, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng Ngài là Ba Ngôi vị, Ngài là Tình yêu. Đó là mầu nhiệm cơ bản nhất, từ đó Giáo Hội được xuất phát và được xây dựng. Giáo Hội vừa là hình ảnh, vừa là thể hiện mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Nhưng mầu nhiệm không chỉ là nền tảng của Giáo Hội mà còn là ánh sáng chiếu dọi vào bí ẩn của con người. Thật thế, chỉ trong Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta mới hiểu rõ được ơn gọi và định mạng của con người. Nếu Thiên Chúa là tình yêu và nếu con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, thì một cách tất yếu, con người chỉ thật sự là con người bởi vì con người biết yêu thương. Phầm giá của con người được xây dựng trên chính tình yêu, ai chối bỏ Tình yêu, ai gieo rắc hận thù, người đó cũng chối bỏ con người vàdo đó cũng chối bỏ Thiên.Chúa. Trái lại, ai sống trong tình yêu người đó cũng sống trong Thiên Chúa.
Lễ Ba Ngôi không chỉ là lời ca tụng tình yêu của Thiên Chúa mà còn là một tuyên xưng về phẩm giá con người. Thiên Chúa yêu thương con người, Thiên Chúa phú bẩm cho con người khả năng biết yêu thương. Ngài tỏ mình cho con người để con người cũng nhận ra được phẩm giá cao cả của mình. Mỗi ngày, từ lúc khởi đầu mặt ngày mới cho đến lúc trở lại giường ngủ, chúng ta không ngừng tuyên xưng mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa và phẩm giá cao cả của con người, mầu nhiệm ấy gắn liền với thập giá của Chúa Giêsu mà chúng ta vẽ trên người. Qua cái chết trên thập giá, không những Chúa Giêsu đã tỏ bày cho chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa, Ngài còn vạch ra cho chúng ta con đường để đi vào mầu nhiệm ấy của Thiên Chúa, đó là con đường của yêu thương. Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương cho đến giọt máu cuối cùng. Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy được bộ mặt của Thiên Chúa, Ngài đã dạy cho chúng ta biết thế nào là yêu thương. Ước gì dấu thánh mà chúng ta vẽ trên người để tuyên xưng mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, sẽ không là một cử chỉ máy móc mà được cụ thể hóa bằng một niềm tin kiên định với tình yêu của Thiên Chúa, cũng như được thể hiện bằng cả cuộc sống yêu thương của chúng ta. Sống và chết như Chúa Giêsu, nghĩa là sống quảng đại, sống quên mình, sống hy sinh, sống tha thứ đó là dấu thánh đích thực của mỗi người Kitô hữu chúng ta. -------------------------------
Trong tiểu sử của đại đế Alexandre có kể một câu chuyện như sau: “Một lên lính phạm kỷ luật: BaNgôi ABC95
Trong tiểu sử của đại đế Alexandre có kể một câu chuyện như sau: “Một lên lính phạm kỷ luật bị điều ra trước mặt ông. Sau khi đã lắng nghe những hành vi phạm pháp của người lính, đại đế nhìn thẳng vào người lính và hỏi như sau: Ngươi tên là gì? Người đó thưa: Alexandre. Đại đế tưởng mình nghe lầm. Một lần nữa người binh sĩ trả lời sau khi nghe hỏi lại lần thứ hai: Alexandre. Ông hỏi lần thứ ba và người cũng xưng mình là Alecxandre. Đại đế liền nghiêm túc nói với người đó như sau: Người bảo ngươi là Alexandre, ta truyền cho ngươi hãy thay cách sống, hoặc là ngươi phải đổi tên bởi vì không ai mang danh ta mà được phép làm những điều ngươi đã làm".
Bạn thân mến, có một danh hiệu còn cao cả gấp bội tên của đại đế Alexandre. Đó là danh hiệu mà những người Kitô hữu không ngừng tuyên xưng: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Người tín hữu chịu phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Giáo Hội cũng tập hợp người tín hữu nhân đanh Cha và Con và Thánh Thần. Giáo Hội cũng khởi đầu và kết thúc mọi knh nguyện của mình bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi mới bập bẹ nói, người tín hữu đã bắt đầu tuyên xưng: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Từ lúc thức giấc cho đến khi đi ngũ trở lại, người tín hữu luôn khởi đầu và kết thúc công việc của mình: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Người tín hữu làm mọi sự nhân đanh Cha và Con và Thánh Thần. Người tín hữu mang danh Cha và Con và Thánh Thần. Người tín hữu sống trong danh Cha và Con và Thánh Thần. Người tín hữu được bao bọc trong mầu nhiệm mà Giáo Hội Công Giáo gọi là mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Đó là mầu nhiệm trên mọi mầu nhiệm. Một mầu nhiệm mà ngay cả ý chí và óc tưởng tượng của con người không thể nào thấu hiểu và hình dung được. Nhận đó là mầu nhiệm Đức Kito đã mặc khải bằng cả cuộc sống và nhất là cái chết của Ngài, chúng ta có thể đọc lại một số tài liệu tiêu biểu như sau của Chúa Giêsu về Chúa Cha, Ngài nói như sau: “chỉ duy có Cha biết Con và Con biết Cha. Cha Ta và Ta là một". Ngôi Con tuyên bố như sau: "Chúa Thánh Thần mà Cha Thầy sẽ nhân danh Thầy mà đến với chúng con, Người sẽ dạy cho chúng Con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho chúng con mọi điều mà Thầy đã nói với chúng con".
Nhưng quan trọng hơn cả là mệnh lệnh mà Ngài ban cho các môn đệ trước khi về trời, mệnh lệnh đó là: “các con hãy dạy dỗ muôn dân, làm phép rửa cho họ Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Dưới sự soi sáng và hướng dẫn của Chúa Giêsu, ôn lại những lời mặc khải của Ngôi để truyền dạy các tín hữu như sau: "Chỉ có một Thiên Chúa độc nhân nhưng Ngài có Ba Ngôi vị khác nhau tức là Cha, Con và Thánh Thần. Ngôi thứ nhất là Thiên Chúa, Ngôi thứ hai là Thiên Chúa, Ngôi thứ ba là Thiên Chúa. Nhưng chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Điều đó không có nghĩa là một Thiên Chúa đã lần lượt xuất hiện dưới ba dạng khác nhau. Ba Ngôi vị đồng hiện diện với nhau từ thuở đời đời và nắm giữ ba vai trò khác nhau. Ngôi thứ nhất là Cha, Đấng tạo thành trời đất. Ngôi thứ hai là Con, Đấng cứu chuộc. Ngôi thứ ba là Thánh Thần, đấng thánh hóa.
Bạn thân mến, nghe đến đây hẳn bạn cảm thấy chóng mặt và lý trí của bạn cũng đã bất đầu muốn nổi loạn. Nhưng đó lại là chân lý cơ bản nhất trong đạo Công Giáo. Đó cũng là sự mặc khải mà Chúa Giêsu phải trả bằng cái chết của Ngài. Thiên Chúa là mầu nhiệm và mãi mãi vẫn là mầu nhiệm. Thế nhưng tại sao Chúa Giêsu đã mặc khải cho con người một mầu nhiệm quá cao siêu như thế, chắc chắn là không phải để thử thách thiện chí của con người, hoặc để dựng lên một bức tường dựng đứng để suy niệm và thử thách óc tưởng tượng của con người. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm đích thực của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, trong Ba Ngôi Thiên Chúa luôn có một sự trao đổi vĩnh cửu. Chúa Cha thông ban chính mình và yêu mến, Chúa Con nhận lãnh và yêu mến. Chúa Thánh Thần là luồng tình yêu từ Chúa Cha đến Chúa Con và từ Chúa Con đến Chúa Cha. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi giúp cho chúng ta hiểu được động lực của Thiên Chúa trong công cuộc tạo dựng và cứu chuộc.
Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người, đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thiên Chúa là mẩu nhiệm và cũng chính trong mầu nhiệm của Thiên Chúa mà con người mới có thể được soi sáng về bí ẩn của chính mình. Phải, mầu nhiệm của Thiên Chúa soi sáng cho mầu nhiệm của con người. Thiên Chúa là một cộng đồng tình yêu, từ đó phát xuất mọi tình yêu. Con người không thể sống trọn ơn gọi là người của nó nếu nó không biết yêu.
Bạn thân mến, muốn hay không muốn, ý thức hay không, tất cả chúng ta đều sống một mầu nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa. Cầu chúc các bạn sớm cảm nhận được tình yêu của Ngài và tìm thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. -------------------------------
Mầu nhiệm cao cả nhất và là nguyên lý của mọi Mầu nhiệm của Ki-tô giáo là Mầu Nhiệm Thiên: BaNgôi ABC96
Mầu nhiệm cao cả nhất và là nguyên lý của mọi Mầu nhiệm của Ki-tô giáo là Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hay Thiên Chúa là Cha, là Con và Thánh Thần. Thế mà trong cách diễn tả (viết, nói) nhiều người cho ta cái cảm giác là họ thấu hiểu hết, họ có thể giải thích và cắt nghĩa được hết ! Thú thực tôi chỉ muốn thinh lặng chiêm ngắm và tự nhận là mình chẳng hiểu gì cả! Tuy thế dựa vào Giáo Lý Giáo Hội dạy, tôi hình dung ra được rất nhiều hệ lụy ( conséquences ) của Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà tôi cảm thấy được mời sống và thể hiện trong cuộc sống thường ngày của mình. II. LẮNG NGHE VÀ TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM
Chúng ta khám phá Đức Giê-su là Ai ?
Đây không phải là một bản văn tường thuật mà chỉ là một bản văn diễn từ trong đó Chúa Giê-su hé mở cho ông Ni-cô-đê-mô ( và chúng ta ) hiểu được lý do tại sao Con Một Thiên Chúa – là Đức Giê-su Na-da-rét – lại xuất hiện ở trần gian, trong lịch sử loài người chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Vậy Đức Giê-su là ai ? Đức Giê-su là Con Một Thiên Chúa, là Đấng mà vì Tình Thương bao la mà Thiên Chúa Cha đã ban cho nhân loại, để những ai tin vào Danh của Người thì không phải chết mà được sống muôn đời !
Vậy thì chúng ta thấy Chúa Giê-su chính là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu hay Người là hiện thân hữu hình của Tình Yêu vô hình của Thiên Chúa siêu việt. Chúa Giê-su cũng chính là Ơn Cứu độ, là Cứu Chúa của nhân loại. Điều kiện cần và đủ để chúng ta có được Tình Yêu hay Ơn Cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su là chúng ta tin vào Danh của Người ( câu 18 ). Chúng ta cũng có thể nói một cách khác là muốn đón nhận được Tình Yêu và Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su thì điều kiện cần và đủ là chúng ta phải được tái sinh trong nước và Thánh Thần như Chúa Giê-su đã hai lần khẳng định với ông Ni-cô-đê-mô: “Thật tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh lại bởi ơn trên” ( Ga 3, 3 ) “Thật tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” ( Ga 3, 5 ).
Chính mối hiệp thông chặt chẽ giữa Thiên Chúa Cha và Con Một của Người là Chúa Giê-su giúp cho Giáo hội hiểu phần nào bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu Cứu Độ. Chính Tình Yêu Cứu độ ấy là Thần Khí của Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, là Ngôi Ba Thiên Chúa !
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta điều gì ?
Trước hết Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đón nhận mạc khải của Thiên Chúa mà Chúa Giê-su đã tỏ ra cho ông Ni-cô-đê-mô: Đó là vì yêu thương con người đến cực độ mà Thiên Chúa Cha mới ban Con Một Người cho con người để mọi người khỏi phải chết mà được sống muôn đời.
(2) Tiếp theo, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin vào Danh Chúa Giê-su, hãy chịu tái sinh bằng nước và Thánh Thần để chúng ta gia nhập Nước Trời, trở thành công dân của Nước Trời.
Sau cùng, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống và thể hiện những hệ lụy của Mầu Nhiệm Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần ( Thiên Chúa Ba Ngôi ) trong đời sống thường ngày của chúng ta:
Hệ lụy trước tiên là sống mối hiệp thông chặt chẽ và cao độ, trước hết là với Thiên Chúa Cha là Đấng đã vì yêu thương mà dựng nên vũ trụ vạn vật và con người, mà sai Con Một Người đến trần gian để mạc khải chân dung và bản chất đích thực của Thiên Chúa là Tình Yêu và là Ơn Cứu độ. Khi nào chúng ta sống và thể hiện mối hiệp thông sâu xa của một người con hiếu thảo đối với Cha thì chúng ta có hạnh phúc và bình an.
Hệ lụy thứ hai là sống mối hiệp thông chặt chẽ và cao độ với Chúa Giê-su Ki-tô bằng đời sống tâm linh xác tín, cá vị, dấn thân bước theo Chúa Ki-tô và phục vụ anh chị em. Khi nào chúng ta có những suy nghĩ, tâm tình và hành động giống như Chúa Giê-su Ki-tô thì chúng ta có hạnh phúc và bình an.
Hệ lụy thứ ba là sống mối hiệp thông chặt chẽ và cao độ với Chúa Thánh Thần, với Giáo hội, cụ thể là với những người đã được Thiên Chúa chọn mà giao trọng trách lãnh đạo và phục vụ cộng đoàn và với mọi tín hữu có cùng một niềm tin. Khi nào chúng ta sống liên đới, đoàn kết, tôn trọng và hỗ tương với mọi thành phần Dân Chúa thì chúng ta có hạnh phúc và bình an.
Hệ lụy thứ tư là sống mối hiệp thông chặt chẽ và cao độ với mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa, đều giống Thiên Chúa và với thế giới vạn vật, với thiên nhiên đã được Thiên Chúa tạo dựng để phục vụ con người. Khi nào chúng ta sống và thể hiện mối hiệp thông sâu xa này thì chúng ta có hạnh phúc và bình an.
III. SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
Lời Chúa mời gọi tôi đón nhận mạc khải của Thiên Chúa Cha là Thiên Chúa Yêu Thương và Cứu Độ. Tôi có đón nhận và sống theo mạc khải ấy không ?
Lời Chúa mời tôi tin vào Danh Chúa Giê-su Ki-tô Đấng Cứu độ tôi và toàn thể nhân loại. Tôi có tin vào Danh Chúa Giê-su Ki-tô không ? Tôi có chịu “sinh lại” để trở thành thành viên của Nước Chúa không ?
Lời Chúa mời gọi tôi sống và thể hiện mối hiệp thông sâu sắc của tôi với Thiên Chúa là Cha, với Chúa Giê-su Ki-tô là Con, với Ngôi Ba là Thánh Thần, với các tín hữu cùng Cộng đoàn tin, với mọi người và vũ trụ vạn vật. Tôi có sống và thể hiện mối hiệp thông ấy mỗi ngày không ?
IV. CẦU NGUYỆN
Lạy Cha trên Trời, Cha đã gọi con để con được là một phần trong mầu nhiệm thân thể của Chúa Ki-tô, Con Yêu dấu Cha. Cha đã gọi con để con được là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Con xin Ngài ban cho con những ơn của Chúa Thánh Thần:
ơn khôn ngoan để con biết tránh xa những sự điên rồ của thế gian này,
ơn hiểu biết để con hiểu thấu đầy đủ ý nghĩa sự hiện hữu của con và mục đích của mọi sự trên thế gian,
ơn biết lo liệu để con luôn biết chọn con đường chính đáng,
ơn sức mạnh để con luôn trung thành với Chúa trước những áp lực của cơn cám dỗ,
ơn đạo đức để con luôn tôn kính Ngài trong mọi việc làm, suy nghĩ và lời nói của con,
ơn kính sợ Chúa để nếu có tình yêu làm cho con sa ngã, con có thể tỉnh thức mau lẹ trước những hậu quả đời đời do việc làm của con.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin viếng thăm con với Ân sủng và Tình yêu của Ngài. Amen.
( Trích Tuần Cửu Nhật Kính Chúa Thánh Thần, Lời nguyện của ngày thứ ba ).
Hi-ê-rô-ni-mô NGUYỄN VĂN NỘI -------------------------------
Suốt trong thời gian thật dài vừa qua, chúng ta đã có dịp nói với nhau nhiều về Chúa Giêsu: BaNgôi ABC97
Suốt trong thời gian thật dài vừa qua, chúng ta đã có dịp nói với nhau nhiều về Chúa Giêsu.
Tuần vừa qua chúng ta đã suy niệm về Chúa Thánh thần.
Hôm nay Giáo hội dẫn chúng ta vào trọng tâm quan trọng nhất của niềm tin khi Giáo Hội hướng chúng ta về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm cột trụ của Đạo.
Đã có nhiều lần tôi nói với anh chị em: Đây là vấn đề rất khó trình bày. Khó không phải về phía Thiên Chúa mà khó về phía con người của chúng ta. Ngôn ngữ của chúng ta không đủ sức để diễn tả về một mầu nhiệm cao cả như thế này.
Ở đây tôi cũng không dám có một tham vọng làm cho anh chị em hiểu thật rõ mầu nhiệm này. Tuy nhiên tôi cũng phải cố gắng nói một điều gì đó cho việc cử hành phụng vụ hôm nay.
Tôi xin dựa vào Thánh Kinh để nói với anh chị em. Vậy thử hỏi Thánh Kinh đã nói gì về mầu nhiệm này?
A. Trước hết là Cựu ước.
Có thể nói Cựu ước không có một chỉ dẫn nào rõ rệt về Mầu nhiệm này.
a- Hình ảnh đầu tiên mà người ta gặp của Cựu ước về Thiên Chúa là hình ảnh về một Thiên Chúa đầy uy quyền và là đáng sợ.
+ Ngay từ chương đầu của sách STK, chúng ta đã thấy điều đó. Chỉ cần một lời là Thiên Chúa đã làm nên mọi sự. Cả công trình sáng tạo: Chỉ cần Thiên Chúa phán một lời là có tất cả. Đối với con người thì cách diễn tả có hơi khác một chút nhưng tựu trung thì chúng ta thấy Thiên Chúa chẳng cần phải vất vả gì Người cũng làm được mọi sự Người muốn.
+ Nhưng bên cạnh đó ta cũng thấy một Thiên Chúa thật đáng sợ. Thiên Chúa tập trung mọi quyền hành trong tay của Người, sẵn sàng trừng phạt tất cả những ai dám chống đối, dám đi ngược lại với những cấm kỵ mà Ngài đã ban bố. Câu truyện Adam-Evà và nhất là câu truyện lụt đại hồng thủy cho chúng ta thấy điều đó. Thiên Chúa sẵn sàng dìm gần như cả loài người xuống nước khi loài người cố tình đi xa đường lối của Chúa. Cha Maurice Zundel gọi Thiên Chúa của thời kỳ này là "Thiên Chúa cảnh sát."
b- Bước sang giai đoạn thứ hai của Cựu Ước.
Bên cạnh hình ảnh một Thiên Chúa đầy uy quyền, chúng ta còn thấy một Thiên Chúa độc tôn, duy nhất và xa cách với con người.
(+ Bài sách thánh thứ I mà chúng ta vừa nghe khẳng định một chân lý thật quan trọng trong giai đoạn này: Thiên Chúa là Chúa duy nhất. Ngoài Chúa ra không còn một thần nào khác nữa.)
+ Thiên Chúa duy nhất đó vẫn còn là một Thiên Chúa đáng kính sợ...loài người không xứng đáng được gần Người. Moise phải tụt giầy ra mới được chạm tới nơi Người ngự xuống. Dân chúng thì phải cách xa hơn...kẻ nào dám vượt qua cái giới hãn đã được vạch sẵn thì lập tức sẽ phải chết.
+ Sau này khi hòm bia giao ước được trao cho con người gìn giữ thì cũng chỉ có những ai được chỉ định đặc biệt mới được vào mà dâng hương. Ngoài ra thì không ai được bén mảng tới. Kẻ nào mà dám liều lĩnh thì hình phạt sẽ không thể lường được.
Đó là hình ảnh về một Thiên Chúa mà chúng ta gặp trong Cựu Ước.
B. Bước sang thời Tân ước thì chúng ta đã thấy có một bước nhảy vọt thật đáng mừng. Thiên Chúa không còn phải là Thiên Chúa đầy uy quyền và xa cách với con người nữa mà đã trở thành một Thiên Chúa gần gũi với con người.
+ Chúng ta hãy nhớ lại câu truyện sứ thần truyền tin cho Đức Ma ria. Thật là một sự thể không ai có thể lường trước được. Một Thiên Chúa làm người. Ngài trở thành EMMANUEL...nghĩa là Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Thiên Chúa không còn xa cách con người nữa nhưng đã đi vào cuộc sống và sống như một con người, bằng xương bằng thịt. Thánh Gioan đã viết cho các tín hữu của Ngài như thế này: "Chúng tôi đã sờ thấy Ngôi Lời hằng sống" Phêrô cũng viết tương tự như thế: "Chúng tôi đã được cùng ăn cùng uống với Người"
+ Thời đại của một Thiên Chúa đáng sợ và xa cách đã chấm dứt để nhường chỗ cho một Thiên Chúa hiền lành và khiêm nhường ở giữa loài người. Tuy nhiên đó chưa phải là hình ảnh mà Thiên Chúa muốn cho con người chúng ta có về Người.
+ Hình ảnh đúng mà con người phải có về Thiên Chúa là hình ảnh về một Thiên Chúa Ngôi vị. Đây là mặc khải quan trọng nhất trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Hình ảnh này phải đợi mãi tới những ngày cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Chúa chúng ta mới được Ngài mạc khải cho chúng ta khi Ngài nói cho chúng ta về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần...và nhất là lệnh truyền của Ngài khi Ngài sai các sứ giả phải nhân danh Chúa Cha - Chúa Con và Chúa Thánh thần mà rao giảng cho mọi người biết về một Thiên Chúa yêu thương loài người.
Vâng chính vì yêu thương mà Chúa đã dựng nên loài người. Cũng vì yêu thương mà Ngài đã cứu chuộc và cũng chính vì yêu thương mà Ngài vẫn tiếp tục thánh hóa loài người chúng ta. Ngài chính là Tình yêu.
Chúng ta hãy hết lòng thờ kính Người.
C Abraham từ ngày dược Chúa chọn ngày càng sống tâ~tình với Chúa và xa cách các thần tượng.Thấy thế ông thân sinh dẫn Abraham đến trước mặt vua Ramos.
Nhà Vua hỏi Abraham: Tại sao nhà ngươi lại không tôn thờ các thần tượng của vương quốc?
+ Tâu hoàng thượng! - Abarahm trả lời một cách cương quyết. Bởi vì lửa có thể thiêu rủi các thần tượng ấy.
- Như vậy thì hãy tôn thờ lữa. Nhà vua nói. Abraham thưa lại:
+ "Nếu thế thì hạ thần tôn thờ nước thì tốt hơn. Vì nước dập tắt được lửa.
- Thế thì hãy tôn thờ nước.
+ Tâu hoàng thượng, không. Hạ thần tôn thờ mây thì tốt hơn bởi vì nước từ mây mà ra.
- Thế thì hãy tôn thờ mây đi.
+ Tâu hoàng thượng không. Vì gió mạnh hơn mây và gió thổi làm mây phải tan biến.
- Vậy thì hãy tôn thờ gió.
Nghe thế Abraham trả lời vua Ramos:
“Nếu gió là Thiên Chúa...thì ta hãy tôn thờ con người vì con người có hơi thở.
Nhà vua đã bắt đầu có dấu hiệu không còn đủ kiên nhẫn, tuy nhiên nhà vua cũng rán giữ vẻ ôn tồn bảo Abraham:
- Vậy thì hãy tôn thờ con người
Abraham trả lời:
+ "Tâu hoàng thượng không ! Vì con người phải chết"
Nhà vua giận dữ quát lên: "vậy hãy tôn thờ sự chết đi "
Abraham dõng dạc trả lời: "Đấng duy nhất phải tôn thờ là Chúa tể của cả sự sống và sự chết. Đấng đó là Thiên Chúa, Chúa của hạ thần.
Vâng chúng con cũng vậy. Chúng con xin tôn thờ Chúa là Chúa của chúng con. Chính Chúa đã ban cho chúng con sự sống. Chính Chúa cứu chuộc chúng con để chúng con được sống dồi dào. Vận mạng của mỗi người chúng con ở trong tay Chúa. Xin Chúa giữ gìn và thánh hóa chúng con, giúp chúng con đạt tới quê hương trên trời mai sau. Amen. -------------------------------
Lễ Chúa Ba Ngôi mà chúng ta cử hành hôm nay, mời gọi chúng ta đối diện với mầu nhiệm: BaNgôi ABC98
Lễ Chúa Ba Ngôi mà chúng ta cử hành hôm nay, mời gọi chúng ta đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta có thể biết những điều chắc chắn về Người bằng việc chiêm ngắm vũ trụ. Nhưng chính Chúa Giêsu là người đã mặc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta có thể vì quá ám ảnh vào những tạo vật của Thiên Chúa để rồi lại quên mất chính Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta cùng hồi tâm về những điều đó.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mặc khải cho chúng con biết Thiên Chúa là người Cha hằng chăm sóc cho đoàn con của Người. Xin Chúa thương xót chúng con.
Qua cuộc nhập thể, Chúa đã trở nên người Anh của chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Qua ân sủng Thánh Thần của Ngài, tình yêu Thiên Chúa đã đổ tràn trong tâm hồn chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Dẫn vào các bài đọc
Bài đọc 1: Cn 8,22-31
Bài đọc này trong lời ca ngợi Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, có thể được coi là những bước dò dẫm tiến đến mặc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba ngôi.
Bài đọc 2: Rm 5,1-5
Chúa Kitô cho chúng ta có khả năng thiết lập tương quan tình yêu với Thiên Chúa. Điều này đem lại cho chúng ta hy vọng và nâng đỡ chúng ta trong đau khổ. Chúa Thánh Thần giúp ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho ta.
Tin Mừng: Ga 16,12-15
Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội hiểu trọn vẹn ý nghĩa những điều Chúa Giêsu đã dạy, đặc biệt điều Người đã nói về Chúa Cha.
Bài giảng 1
THẤY THIÊN CHÚA
Có một vị vua vào những ngày cuối đời của ông ngập tràn những nỗi ưu phiền. Ông nói: “Trong đời tôi, tôi đã trải qua kinh nghiệm về những điều lớn lao mà con người có thể cảm nghiệm bằng ý thức của bản thân. Nhưng còn một điều mà tôi vẫn không thể gặp được. Tôi chưa gặp được Thiên Chúa. Tôi sẽ chết trong hạnh phúc nếu tôi có thể dù chỉ một lần được thoáng nhìn thấy Thiên Chúa.”
Nhà vua bàn bạc với các bậc thông thái, và hứa trọng thưởng cho họ nếu họ có thể làm cho ước mơ của nhà vua thành hiện thực, nhưng họ vẫn bó tay.
Sau đó, một chàng chăn cừu nghe được lời hứa của nhà vua. Chàng tới gặp nhà vua và nói: “Có thể tôi giúp được ngài.” Nhà vua vui mừng và đi theo chàng chăn cừu lên những ngọn đồi. Khi nhìn thấy sự nghèo túng của chàng chăn cừu, nhà vua đem lòng thương hại chàng. Trong lúc tiếp tục cuộc hành trình, nhà vua dụi đôi mắt với niềm mong đợi điều mà mình sẽ được nhìn thấy. Nhưng chàng chăn cừu nói với nhà vua: “Thưa ngài, nếu ngài muốn nhìn thấy Thiên Chúa, xin thưa, không phải bằng đôi mắt trong sáng nhưng phải nhìn bằng con tim của ngài.”
Họ dừng lại tại đỉnh đồi. Sau đó, đưa tay chỉ về hướng mặt trời, chàng chăn cừu nói: “Nhìn kìa.” Nhà vua ngước đôi mắt và cố gắng nhìn trực tiếp vào mặt trời, nhưng ánh sáng chói loà làm hoa mắt ông. “Nhà ngươi muốn ta bị mù sao ?” Nhà vua hỏi. Chàng chăn cừu trả lời: “Nhưng, thưa đức vua, đây mới chỉ là một trong những tạo vật của Thiên Chúa, chỉ là một phản chiếu nhỏ bé vinh quang của Thiên Chúa. Vậy sao ngài có thể trông mong gì đến việc chiêm ngắm Thiên Chúa bằng đôi mắt yếu đuối và bất toàn của ngài được ? Vậy ngài phải bắt đầu tìm gặp Thiên Chúa với đôi mắt khác chứ không thể dùng đôi mắt thể lý này được.”
Nhà vua thích thú với ý kiến này và nói: “Tôi cám ơn anh bạn vì đã mở đôi mắt tâm trí tôi. Bây giờ anh hãy cho tôi biết Thiên Chúa Người sống ở đâu ?” Một lần nữa chàng chăn cừu lại chỉ tay lên bầu trời. Dưới bầu trời những con chim đang bay lượn, chàng nói: “Nhìn xem những con chim, chúng sống trong sự bao bọc của bầu không khí như thế nào, thì chúng ta cũng sống trong sự bao bọc của Thiên Chúa như thế. Đừng cất công tìm kiếm. Hãy mở đôi mắt và chiêm ngắm. Hãy mở đôi tai và lắng nghe. Ngài không thể không trông thấy Thiên Chúa. Thiên đường ở ngay dưới chân ta cũng như phía trên đầu ta.”
Nhà vua dừng bước, ngắm nhìn và lắng nghe. Trong lúc ấy kinh nghiệm về sự bình an thoáng hiện trên nét mặt vốn buồn phiền của nhà vua. Chàng chăn cừu thêm vào: “Còn có một điều khác nữa, thưa ngài”, nói xong chàng dẫn nhà vua tới một giếng nước. Chàng đứng đó xem xét mặt nước sâu êm ả trong thinh lặng. Nhà vua hỏi: “Ai lại sống ở đó ?” Chàng chăn cừu trả lời: “Thiên Chúa.” “Tôi có thể thấy Thiên Chúa không ?” “Được chứ, chỉ cần nhìn.”
Nhà vua nhìn chằm chằm chú ý xuống lòng giếng. Nhưng ông chỉ nhìn thấy hình bóng của chính mình in trên mặt nước. Sau đó, ông ngẩng đầu và nói: “Nhưng tôi chỉ nhìn thấy có mình tôi.” “Giờ đây, ngài biết Thiên Chúa sống ở đâu. Thiên Chúa sống trong chính ngài.”
Nhà vua nhận ra người chăn cừu bình thường này lại giàu có và khôn ngoan hơn ông. Nhà vua cám ơn chàng chăn cừu và trở về cung điện của mình. Chẳng ai biết được rằng nhà vua đã gặp thấy Thiên Chúa, nhưng mọi người có thể nói rằng đã có điều gì đó diễn ra trong tâm hồn của nhà vua. Điều này có thể thấy rõ qua cách thức đối xử hết sức tử tế của nhà vua đối với những đầy tớ, ngay cả với những người thấp bé nhất.
Thiên Chúa hiện diện quanh ta. Nhưng ta sẽ mãi luôn thờ ơ, chẳng chút thân tình và để ý đến Người, cho tới khi chúng ta phát hiện ra rằng Người ở trong ta. Khi ta cảm nghiệm được Thiên Chúa ở trong ta, sự cô độc sẽ chẳng còn là vấn đề lớn đối với ta, vì ta biết rằng ta không cô đơn. Và chúng ta sẽ thấy tác phẩm cũng như những công việc của nhà nghệ sĩ - Người là bạn của chúng ta.
Một Thiên Chúa, ba ngôi vị, Thiên Chúa - Đấng ngự trong ta và hoàn toàn vượt trên ta. Đây là một mầu nhiệm cao vời, nhưng lại là mầu nhiệm tình yêu.
Bài giảng 2
HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA
Có một câu chuyện của thổ dân châu Phi về Thiên Chúa, câu chuyện diễn ra như thế này. Một hôm, khi Thiên Chúa đi dạo trên một lục địa rộng lớn, Người chú ý thấy rằng có một bộ tộc khác thường, đã đánh mất niềm tin của họ. Vì thế Người mới hiện đến với bốn người đang làm việc trên một cánh đồng, mỗi người một góc. Bốn người đàn ông nhìn thấy Thiên Chúa đứng ở giữa cánh đồng, họ nhìn Người thật kỹ lưỡng, và rồi họ sụp xuống mặt đất để thờ lạy.
Sau đó Thiên Chúa biến mất, nhưng Người vẫn dõi theo những chuyện sẽ xảy ra sau đó. Bốn người đàn ông trở về làng của mình, tập họp mọi người lại, và loan báo rằng không còn nghi ngờ gì nữa: Thiên Chúa hiện hữu thực sự, Người chăm sóc họ, vì Người đã hạ cố đến thăm viếng họ. Do đó, tất cả mọi người phải bắt đầu tôn thờ Người trong nghiêm chỉnh. Dân chúng đón nhận những tin tức này với tràn đầy niềm phấn khởi. Họ nhận ra rằng bốn người đàn ông này đã có một cuộc thị kiến thần linh. Sau đó, một dân làng cất tiếng hỏi: “Thế Thiên Chúa mặc cái gì ?”
Người thứ nhất trả lời: “Người khoác một chiếc áo choàng màu đỏ.”
“Không, Người khoác chiếc áo choàng màu xanh dương”, người thứ hai nói.
“Cả hai anh đều lầm rồi, đó là chiếc áo choàng màu lá”,
người thứ ba nói.
“Các anh mất trí cả rồi, Người khoác chiếc áo choàng màu vàng chứ”, người thứ tư la lên.
Và họ bắt đầu tranh cãi với nhau. Cuộc tranh cãi trở thành cuộc ẩu đả. Cuối cùng họ miệt thị và ghét nhau, và chia rẽ nhau thành bốn bè phái.
Với một suy nghĩ nhỏ, họ có thể dễ dàng đạt tới một thoả thuận chung. Mỗi người đã được ban cho một thoáng nhìn về Thiên Chúa. Thay vì cứ khăng khăng cho rằng điều mà mỗi người đã thấy là hình ảnh trọn vẹn, họ có thể kết hợp với hình ảnh từng phần mà mỗi người đã được thấy. Giả như họ cởi mở trước quan điểm của người khác, họ có thể đã đạt tới một hình ảnh phong phú và chi tiết về Thiên Chúa.
Thiên Chúa siêu việt vượt trên chúng ta. Chúng ta không bao giờ nhận thức thấu đáo trọn vẹn về Người. Chúng ta cố gắng lắm mới có thể hiểu được những điều đang diễn ra trên mặt đất này. Do đó làm sao ta có thể hiểu thấu đáo những điều trên trời ? Chỉ có ân sủng khôn ngoan mới có thể giúp chúng ta hiểu được đường lối của Thiên Chúa. Con người có thể biết được những chân lý của đức tin nhưng không thể biết được Thiên Chúa.
Điều quan trọng là chúng ta phải có một hình ảnh đúng về Người. Nếu chúng ta có một hình ảnh sai, mọi thứ khác cũng sẽ lạc xa khỏi trung tâm điểm. Làm sao chúng ta có thể cầu nguyện một cách đúng đắn, hoặc làm sao ta có thể có được mối tương quan trọn vẹn với Chúa, nếu chúng ta có một hình ảnh sai hoặc không đầy đủ về Người ? Người Kitô hữu nhìn cuộc sống như lời đáp trả tình yêu của Thiên Chúa.
Để mô tả Thiên Chúa, chúng ta có thể thực hiện được là khi nhìn vào chính Chúa Giêsu. Như lời của thánh Phaolô: “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình.” Chúng ta mô tả Chúa Giêsu như thế nào ? Tất cả những hình ảnh mà chúng ta có về Chúa Giêsu, một trong những hình ảnh đẹp nhất đó là hình ảnh Chúa Chiên Lành. Đây là hình ảnh Chúa Giêsu đã nói về chính Người. Chúa Giêsu là Chúa Chiên Lành, Đấng đã thí mạng vì đàn chiên. Nơi Chúa Giêsu, chúng ta thấy được tình yêu của Chúa Cha dành cho chúng ta. Và Chúa Thánh Thần là mối liên kết tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, tình yêu giữa các Ngài và chúng ta.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là đề tài để tranh luận hay nghiên cứu, học hỏi. Đó là mầu nhiệm để cầu nguyện và để sống. Người Kitô hữu sống trong thế giới của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế giới này không phải là một nơi nào đó vượt ra ngoài không gian vũ trụ. Đó chính là trái đất nơi ta đang sống mỗi ngày. Như câu chuyện của thổ dân châu Phi cho chúng ta thấy, đó là nơi Chúa hiện đến với chúng ta.
Bài giảng 3
MỘT NHẬN THỨC VỀ THIÊN CHÚA
Đức tin không phải là một thứ tự kỷ ám thị. Đó là ân sủng của một cuộc gặp gỡ thần linh với Đấng nào đó. Nó vượt xa mọi lý lẽ và mọi xúc cảm, nhưng lại là những thực tại có thật. Trong chừng mực nào đó, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa với trí khôn và ý thức của ta, thật ra, với trọn vẹn con người của ta. Điều chúng ta đang nói đến không phải chỉ xét đến việc tri thức có thể nhận biết Thiên Chúa, nhưng còn là cảm thức. Đây là một kinh nghiệm tuyệt vời.
Nhà văn Nga, Tolstoy, kể lại rằng một buổi tối ông cầu nguyện với Chúa trong phòng ngủ, trước tấm icon Hy Lạp ảnh Đức Trinh Nữ. Ngọn đèn canh thức cầu nguyện đang cháy. Sau đó ông bước ra ngoài ban công. Bóng đêm đã phủ xuống, bầu trời đầy sao, những ánh sao mờ, những ánh sao sáng chói, một trời ngợp sao. Có một ánh chớp trên bầu trời, và phủ trên mặt đất là bóng tối và bóng của những cây đã chết. Ông nói:
Đó là một đêm tuyệt diệu. Làm sao người ta có thể không tin vào sự bất tử của linh hồn khi người ta cảm thấy nơi chính con người của họ sự hùng vĩ mênh mông như thế. Tôi có thể mất đi. Và tôi nghe thấy tiếng nói trong thâm tâm tôi: "Ngài ở đây. Hãy quỳ xuống và lặng thinh."
Hạnh phúc thay những ai có được nhận thức về Thiên Chúa và sự hiện diện của Người trong cuộc sống của họ. Đây là sự phong phú có giá trị nhất đáng sở hữu. Như một người nọ đã nói: “Lạy Chúa, con không cần để tin Ngài. Điều đó chẳng quan trọng chút nào với đức tin. Con chỉ cần biết Ngài.”
Khi người ta biết điều gì đó, thật sự biết nó trong sâu thẳm của tâm hồn, họ không còn cần đến những lý lẽ về nó, hoặc chứng minh nó. Họ chỉ cần biết nó, thế là đủ. Đức tin, đích thực là một ân sủng của Thiên Chúa. Người ta tin với tâm hồn, mà không cần biết tại sao hay ngay cả việc tìm kiếm để hiểu. Sự thân tình vững chắc đã tràn ngập con người ta, như thế là đủ.
Khi chúng ta có được sự nhận thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, chúng ta không còn cảm thấy cô đơn. Chúng ta có thể chiêm ngắm các tạo vật như tác phẩm của một nghệ sĩ, Đấng là bạn của ta, với niềm thán phục và yêu thương.
Hồng ân đó chính là kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, nhưng cũng là hồng ân khi ta có kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong ta. Chính điều này đã khiến thánh Augustinô suốt một đời mới học biết được. Ngài viết:
“Con yêu Chúa quá muộn, lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa vừa mới mãi, con yêu Chúa quá muộn ! Này Chúa vẫn ở trong con, mà hồi ấy con cứ ở ngoài và cứ tìm Chúa bên ngoài ! Con thật xấu khi mải chạy theo vẻ đẹp nơi các thụ tạo của Chúa. Chúa từng ở với con, mà con chẳng ở với Chúa. Những sự vật vẫn giữ con xa Chúa, nếu chúng không ở trong Chúa thì chúng làm sao hiện hữu được ? Tại sao con lại đòi Chúa đến với con khi, nếu Chúa không ở với con, con cũng sẽ không hiện hữu.”
Chúng ta gặp Chúa không chỉ nơi thế giới chung quanh ta, nhưng còn nơi thế giới ở trong ta, và thấy rằng Người gần bên ta hơn ta tưởng nghĩ. Người là một phần trong ta. Như lời của thánh Phaolô: “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Cv 17,28).
Thiên Chúa hiện diện ở mọi nơi mặc dù chúng ta không thấy được Người cách cụ thể ở một chốn nào cả. Người như người viết tiểu sử mà công việc là tường thuật nơi một vị trí âm thầm kín đáo.
Mặc dù sự thinh lặng của Thiên Chúa là một vấn đề lớn. Nhưng "một Thiên Chúa ầm ĩ và rõ rệt sẽ là một bạo chúa, thay vì, Người là nguồn cổ vũ giúp đỡ không ngừng cho bản chất mỏng manh và sợ hãi của chúng ta. Kết cuộc, sự đáp lại của Người sẽ đến với ta, như sợi chỉ xuyên suốt tất cả" (John Updike).
Thiên Chúa là Đấng duy nhất mà nơi Người ta có thể dâng hiến trọn vẹn mà không vong thân.
LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Khi ta cầu xin Thiên Chúa Cha về những nhu cầu của ta, chúng ta cầu xin nhân danh Chúa Giêsu, và tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần cùng cầu nguyện với chúng ta.
Xướng: Cầu nguyện cho các Kitô hữu để tất cả được hiệp nhất trong lời ca tụng tán dương và tôn vinh Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Xướng: Cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới, để tất cả biết rằng chính họ cùng sống chung trong một gia đình của Thiên Chúa.
Xướng: Cầu nguyện cho những ai đang tìm kiếm Thiên Chúa được gặp Người, và những ai đã xa lìa Chúa được trở lại với Người.
Xướng: Cầu nguyện cho cộng đoàn hiện diện nơi đây, để chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa tình yêu, Người ở bên ta, truyền nguồn cảm hứng cho ta yêu mến anh chị em.
Chủ tế: Lạy Cha, với lòng thương xót dịu hiền của Cha, xin hướng dẫn tâm hồn còn ương ngạnh của chúng con, để chúng con nhận biết rằng tự sức chúng con, chúng con không thể thực thi thánh ý Cha. Chúng con cầu xin … -------------------------------
Cách đây hàng ngàn năm, có một nhà hiền triết tài giỏi tên là Simonide. Ngày kia, nhà vua: BaNgôi ABC99
Cách đây hàng ngàn năm, có một nhà hiền triết tài giỏi tên là Simonide. Ngày kia, nhà vua cho vời ông ta đến và hỏi:
- Thượng đế là gì ?
Ông ta xin nhà vua cho mình một ngày để suy nghĩ. Sáng hôm sau, khi nhà vua gọi tới, thì ông ta lại xin thêm hai ngày nữa để suy nghĩ.
Và khi hai ngày đã trôi qua, ông ta lại xin thêm bốn ngày nữa. Rồi sau đó, ông ta lại xin thêm tám ngày nữa. Cứ mỗi lần nhà vua truyền cho ông ta đến, thì ông ta lại xin hoãn với số ngày gấp đôi. Sau cùng, nhà vua bực bội, cho triệu ông ta đến và giận dữ hỏi:
- Cho tới bao giờ, nhà ngươi mới trả lời câu hỏi của ta ? Thượng đế là gì ?
Bấy giờ ông ta mới ôn tồn trả lời:
- Xin nhà vua đừng hối thúc tôi. Vấn đề thật khó khăn và tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được câu trả lời. Bởi vì càng suy nghĩ, tôi lại càng cảm thấy bối rối. Vấn đề dường như đã vượt ra ngoài khả năng của tôi.
Kể lại câu chuyện này, tôi cũng muốn nói lên sự bất lực của chúng ta khi phải trình bày về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mà chúng ta mừng kính hôm nay. Mặc dù chúng ta đã học hỏi, đã tìm tòi, nhưng không bao giờ được quên rằng: Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm. Sở dĩ chúng ta biết được là vì chính Chúa đã tỏ lộ cho chúng ta.
Tất cả những gì chúng ta biết về mầu nhiệm này được gồm tóm như sau: Nơi Thiên Chúa có ba ngôi, Cha Con và Thánh Thần. Cả ba ngôi cực thánh này đều có chung một bản tính, nên bằng nhau về mọi phương diện và chỉ làm thành một Thiên Chúa duy nhất.
Trong giây phút này, tôi chỉ xin chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ, đó là đứng trước mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trí khôn chúng ta lại quá nhỏ bé đề mà hiểu thấu, nhưng con tim chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến.
Thực vậy, trí khôn chúng ta quá nhỏ bé để mà hiểu thấu. Tôi xin đưa ra một thí dụ: trước mặt chúng ta đây có ba cô, cô Quít, cô Mít, cô Cam. Đó là ba ngôi vị. Mỗi người có một bản tính khác nhau và làm thành ba con người riêng biệt. Đối với Chúa Ba Ngôi thì khác. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mặc dù là ba ngôi riêng biệt, những chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Đó là một mầu nhiệm không thể nào hiểu thấu, bởi vì trí khôn chúng ta quá nhỏ bé.
Hẳn rằng đã nhiều lần chúng ta được nghe mẩu chuyện về thánh Augustinô. Ngài là một vị thánh tiến sĩ trong Giáo hội, đã viết nhiều cuốn sách có giá trị. Ngày kia, để bắt đầu viết một thiên khảo luận về Chúa Ba Ngôi, ngài đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ và cầu nguyện. Bỗng chốc ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Ngài dừng chân và hỏi:
- Em làm gì thế ? Em bé bèn trả lời: - Tôi muốn tát hết nước biển vào trong chiếc lỗ này. Thánh nhân mỉm cười và nói: - Làm sao cht được ? Nhưng em bé nghiêm nét mặt và nói: - Tôi làm việc này còn dễ hơn cái ảo vọng của ngài là muốn trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.
Nói đoạn, em bé biến mất. Thánh nhân hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người thì quá nhỏ bé để hiểu về mầu nhiệm này.
Thế nhưng, con tim của chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tỏ lộ không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng để chúng ta yêu mến.
Trước hết, con tim chúng ta đủ to lớn để ca tụng ngài. Mỗi khi hát: Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Mỗi khi đọc: Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Môi khi làm dấu thánh giá, là chúng ta ca tụng và thờ lạy Chúa Ba Ngôi.
Hơn thế nữa, con tim chúng ta cũng đủ to lớn để cảm tạ Chúa Ba Ngôi. Vậy Ngài đã làm gì cho chúng ta ? Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng ta ngay khi chúng ta còn chưa cất tiếng khóc chào đời. Chúa Con đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu chuộc chúng ta. Và Chúa Thánh Thần luôn thánh háo chúng ta. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Nhờ bí tích Thêm sức, chúng ta trở nên những người lính chiến của Chúa Thánh Thần. Nhờ bí tích Giải tội, chúng ta được tẩy sạch mọi tội lỗi. Vì thế, chúng ta phải cảm tạ và yêu mến Chúa Ba Ngôi.
Sau cùng, trái tim chúng ta cũng đủ to lớn để cho Chúa Ba Ngôi ngự trị. Thiên Chúa không ngự trên chốn trời cao, xa cách ngàn trùng. Trái lại, Ngài sống trong chúng ta, Ngài ở cùng chúng ta và chúng ta là đền thờ sống động của Ngài. Mỗi khi tâm hồn chúng ta sạch tội trọng, Chúa Ba Ngôi sẽ ngự trị và trao ban cho chúng ta sự sống thầm linh, sự sống ân sủng, nhờ đó, chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa.
Hãy yêu mến Chúa Ba Ngôi, để rồi chúng ta sẽ được chiêm ngắm Ngài nhãn tiền, mắt đối mặt trong niềm hạnh phúc đời đời. -------------------------------
Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Chúng ta mở đầu như thế có nghĩa là: BaNgôi ABC100
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Chúng ta mở đầu như thế có nghĩa là chúng ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để bắt đầu bài chia sẻ này. Không phải riêng tôi mà tất cả mọi Kitô hữu đích thực, khi làm một việc gì đều muốn làm trong ý nghĩa đó, tức là mỗi khi bắt đầu một công việc gì chúng ta luôn làm dấu thánh giá. Một nhà văn Kitô giáo ở thế kỷ thứ hai, Ông Tetulianô đã viết: “Dù khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu bằng dấu thánh giá”. Lời khuyên đó cho thấy việc làm dấu thánh giá đã có ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội. Thánh Phaolô cũng thường mở đầu và kết thúc các thư của ngài một cách tương tự: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.
Người Kitô hữu biểu lộ thánh giá ra bên ngoài để tuyên xưng đức tin và tôn vinh Chúa. Cũng có trường hợp vì tôn trọng thái độ tôn giáo của người khác, chúng ta chỉ thầm nguyện ở trong lòng mà không làm dấu thánh giá bên ngoài. Nhưng cách này hay cách kia, chúng ta đều ý thức rằng chúng ta đang làm mọi việc nhân danh Thiên Chúa để tôn vinh Ngài, như lời Kinh Thánh dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa”. Đặc biệt hôm nay chúng ta đề cập đến dấu thánh giá để nói về Chúa Ba Ngôi, để nói lên lòng chúng ta tin nhận một Thiên Chúa độc nhất có Ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Trước hết, chúng ta phải nói ngay: Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng vĩ đại nhất của đạo Công giáo: một mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của Thiên Chúa mà con người không có quyền cũng như không có khả năng đạt tới, chỉ có Con Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta biết mà thôi. Bởi vì mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm về đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, tức đời sống yêu mến của Thiên Chúa, cho nên chỉ được mặc khải trong thời Tân Ước, là thời yêu mến, và do chính Con Một Thiên Chúa là hình ảnh, là tình yêu của Đức Chúa Cha. Đại khái mầu nhiệm ấy được diễn tả như sau: Chúa Cha chiêm ngưỡng chính mình thì có một hình ảnh, một ý nghĩ, một tâm tình, một lời về mình. Hình ảnh, ý nghĩa, hay kiến thức hoặc tâm tình ấy là Ngôi Hai hay Ngôi Lời. Thế rồi hai ngôi chiêm ngưỡng và yêu nhau làm phát xuất ra một mối tình hay một tình yêu. Tình yêu đó là chính Ngôi Ba: Chúa Thánh Thần.
Khó hiểu quá phải không ? Đúng vậy, mầu nhiệm Ba Ngôi rất khó hiểu và mãi mãi vẫn là khó hiểu. Chúng ta biết được như thế là do chính Chúa Giêsu đã mặc khải, các tông đồ đã truyền dạy và cả Giáo Hội không ngừng tuyên xưng như vậy. Giáo Hội toàn cầu đã nhóm họp nhiều công đồng để xác định rõ đức tin của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi. Các công đồng quan trọng nhất đã định tín về chân lý này là công đồng Ni-xê-a năm 325, công đồng côn-tăng-ti-nốp năm 381, công đồng La-trăng IV năm 1215, công đồng Li-ông II năm 1274, công đồng Fơ-lo-ren năm 1439.
Mầu nhiệm Ba Ngôi được coi như một công thức mà Giáo Hội sử dụng trong tất cả mọi sinh hoạt: từ một dấu thánh giá, một phép lành cho đến một lời thề long trọng hay một bí tích. Tất cả đều bắt nguồn ở công thức duy nhất Chúa Kitô đã dùng để ban truyền mệnh lệnh rửa tội cho muôn dân trước khi Ngài lên trời. Trong đời sống một người tín hữu, ngay từ khi chưa chào đời cho đến khi chết rồi, biết bao nhiêu lần công thức ấy đã được đọc trên mình chúng ta kèm với dấu thánh giá hay một nghi thức hoặc cử chỉ nào khác. Nhưng vì là một công thức, cho nên khi nghe đến hay đọc lên, nhất là sau khi đã lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta không còn cảm thấy gì nữa, công thức ấy đã được nhắc tới một cách máy móc, vô ý thức, đôi khi còn thiếu tôn kính nữa. Vì vậy, chúng ta cần sửa chữa lại điều không tốt đẹp ấy và quyết tâm từ nay mỗi khi làm dấu thánh giá chúng ta sẽ làm một cách ý thức và tôn kính.