“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
{Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.} - Ðó là lời Chúa.
Người ta thường bảo: - Mấy ai học được chữ ngờ. Có những điều chúng ta không bao giờ nghĩ: TN 2-C1
Người ta thường bảo:
- Mấy ai học được chữ ngờ.
Có những điều chúng ta không bao giờ nghĩ đến, thì lại xảy ra. Đó cũng là trường họp của đoạn Tin mừng hôm nay. Thực vậy, Chúa Giêsu đã khởi đầu cuộc sống công khai bằng cách tham dự một đám cười ở Cana và thực hiện phép lạ đầu tiên cũng tại đây.
Là Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, chúng ta thích Ngài chọn lựa một hoàn cảnh khác, trang trọng hơn để tỏ mình ra cùng thiên hạ.
Đúng thế, chúng ta thử tưởng tượng một vị Giám mục hay một vị Hồng y chẳng hạn như Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, ngay sau khi vừa được tấn phong, đã vội vã cùng với những người thân cận nhất của mình, đi tham dự một đám cưới.
Bữa tiệc kéo dài tới tận khuya thì thiếu rượu, vị Giám mục hay vị Hồng y ấy bèn sai người về lấy những chai rượu lễ, mang tới để đãi khách và kéo dài tiệc vui. Nếu sự thật đã xảy ra như vậy, thì khi nghe biết, chúng ta chỉ còn cách lắc đầu, nhún vai và không thể nào hiểu nổi.
Thế nhưng đối với Chúa Giêsu thì đó lại là một chuyện bình thường. Ngài ngồi giữa đám khách dự tiệc và làm phép lạ đầu tiên, biến nước lã trở thành rượu ngon. Sáu chum đựng nước, chứa từ ba trăm đến bốn trăm lít, đã được chủ tiệc xác nhận là một thứ rượu ngon tuyệt vời. Vậy đâu là mục đích và đâu là ý nghĩa của việc Chúa Giêsu đã làm ?
Trong Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu ít khi đề cập đến vấn đề hôn nhân, cũng như về tình yêu gia đình. Tuy nhiên đây chắc chắn phải là một vấn đề thời sự nóng bỏng lúc bấy giờ, bởi vì như chúng ta đã biết lúc bấy giờ quân đội La Mã đang chiếm đóng xứ này. Và cùng với họ, là những xáo trộn về đạo đức và những suy thoái về luân lý.
Hơn thế nữa, xứ Palestine lại nằm giữa những dân tộc ngoại giáo với những quan niệm sai lạc về hôn nhân và gia đình. Hẳn rằng Chúa Giêsu có nhiều lý do để trình bày về đề tài này, nhưng Ngài lại nói rất ít.
Còn chúng ta hôm nay, chúng ta đã bàn bạc, đã viết lách rất nhiều. Nào là sự khủng hoảng của đời sống gia đình. Nào là sự sụp đổ của tình yêu hôn nhân. Nào là những khác biệt tâm lý trong liên hệ vợ chồng…Thế nhưng ngày hôm nay lại có nhiều đổ vỡ trong hôn nhân và gia đình hơn hết.
Người ta tính trung bình hiện nay trên thế giới, cứ mỗi một tiếng đồng hồ lại có tới cả trăm đôi vợ chồng lôi nhau ra tòa để ly dị. Con số ly tị tăng nhanh và lên tới 50% tại các nước phương tây, nghĩa là cứ hai cặp vợ chồng thành hôn, thì lại có một cặp thất bại, phải ly dị nhau. Ấy là chưa kể tới biết bao thai nhi đã bị giết chết một cách oan uổng. Mới đây người ta đã xếp Việt Nam chúng ta vào một trong ba nước có con số nạo phá thai cao nhất thế giới…
Còn Chúa Giêsu thì khác. Ngài không nói nhưng Ngài đã làm. Ngài ở giữa đôi tân hôn tại Cana, tham dự đám cưới của họ và thánh hóa mái gia đình họ vừa mới gầy dựng. Hành động khởi đầu cho sứ mạng của Ngài không phải là một thông điệp gửi đến cho toàn thể thế giới, cũng không phải là một cuộc biểu dương lực lượng, nhưng là một đám cưới nhà quê, qua đó Ngài tỏ cho chúng ta biết Ngài chính là suối nguồn đem lại bình an và hạnh phúc, cảm thông và trung thành cho đôi tân hôn.
Đúng thế, hôn nhân không phải chỉ là một giao ước mang tính cách xã hội, mà còn là một bí tích, một sự kết hợp thiêng liêng trong ơn sủng và Đức Kitô chính là sợi dây nối kết họ lại với nhau. Tình yêu của họ là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo hội, như tại Cana Ngài đã giúp cho họ vượt qua mọi khó khăn. Hơn thế nữa, hôn nhân còn là một cơ may để họ cộng tác với Thiên Chúa trong việc hình thành và giáo dục những người con cái Thiên Chúa.
Có nhìn hôn nhân và gia đình như thế, chúng ta mới tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống lứa đôi và sức mạnhg giúp chúng ta trung thành cùng nhau trong liên hệ vợ chồng, bởi vì Đức Kitô đang ở giữa chúng ta.
Trong đại hội giới trẻ thế giới tại thủ đô Manila nước Phi Luật Tân (10-15/1/1995), có một sự: TN 2-C2
Trong đại hội giới trẻ thế giới tại thủ đô Manila nước Phi Luật Tân (10-15/1/1995), có một sự kiện khá ngộ nghĩnh tương tự như câu chuyện của ông Giakêu tìm cách nhìn xem Chúa Giêsu.
Sự kiện đó là: khi xe của Đức Thánh Cha đang di chuyển trên đường phố có hàng triệu người đứng ở hai bên đường chào đón Người, người ta thấy một phụ nữ trèo lên cột điện, chờ xe Đức Thánh Cha đi qua, để được nhìn thấy Người.
Khi được phỏng vấn tại sao lại liều lĩnh thế, chị đã trả lời: “Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội duy nhất trong đời tôi có thể nhìn thấy Đức Thánh Cha. Và được nhìn thấy Đức Thánh Cha một lần thôi tôi cũng mãn nguyện rồi”. Người phụ nữ này là một người Tin Lành.
Được nhìn thấy Đức Thánh Cha, được Đức Thánh Cha viếng thăm đã trở thành một ước mơ, một niềm vui lớn đối với nhiều người, bất kể lương hay giáo.
Điều đó dễ hiểu, bởi sự hiện diện của Đức Thánh Cha là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa chứ chưa phải là chính Thiên Chúa. Người chỉ là sứ giả đi trước để dọn đường cho Thiên Chúa đến với các tâm hồn. Nhưng nếu sự hiện diện của sứ giả Thiên Chúa đã đem lại niềm vui to lớn dường ấy, thì sự hiện diện của chính Thiên Chúa sẽ mang lại niềm vui to lớn đến độ nào ?
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay nói đến sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria tại một gia đình có đám cưới ở Cana. Và sự hiện diện của các Ngài không những đã mang lại niềm vui cho nhà đám, mà còn cứu cho gia đình này khỏi một bàn thua trông thấy. Nhờ các Ngài mà rượu đã hết lại trở nên dư dật. Nhờ các Ngài mà cô dâu chú rể và gia đình nhà đám khỏi bẽ mặt trước các thực khách. Nhờ các Ngài mà niềm vui của ngày cưới được tiếp tục và trọn vẹn.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana là hình ảnh sự hiện diện của các Ngài trong gia đình và trong cuộc đời của chúng ta.
Các Ngài hiện diện để thi ân giáng phúc cho chúng ta, bởi các Ngài là Cha, là Mẹ của chúng ta. Các Ngài hiểu rõ mọi nhu cầu của đời sống chúng ta, dù chúng ta chưa trình bày với các Ngài. Các Ngài sẽ bao bọc, sẽ chở che, sẽ yêu thương, sẽ dẫn dắt chúng ta qua mọi nẻo đường và trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria không bao giờ là một tai họa, nhưng luôn mang lại ân phúc. Vấn đề là chúng ta có cho các Ngài nhập hộ khẩu vào trong gia đình và trong cuộc đời của mình hay không ?
Phép lạ hóa nước ra rượu tại tiệc cưới làng Cana có một ý nghĩa Kitô học rất sâu xa, ý nghĩa đó: TN 2-C3
Phép lạ hóa nước ra rượu tại tiệc cưới làng Cana có một ý nghĩa Kitô học rất sâu xa, ý nghĩa đó được tóm gọn trong câu kết luận của thánh sử Gioan: “Chúa Giêsu tỏ hiện vinh quang của Ngài để các môn đệ tin vào Ngài”.
Rượu mới tuyệt hảo và dư đầy là chính Chúa Giêsu, Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, là giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người. Giao ước mới thay thế giao ước cũ và trổi vượt hơn giao ước cũ trên tất cả mọi phương diện. Hình ảnh rượu mới được các tiên tri của Cựu ước như Amos và Giêrêmia diễn tả như là dấu chỉ của cuộc sống hạnh phúc, an lành thịnh vượng của dân Thiên Chúa trong thời cứu rỗi.
Ba thánh sử nhất lãm: Marcô, Matthêu và Luca cũng dùng hình ảnh rượu mới để định nghĩa lòng tin. Tin là hoán cải, là từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, mặc lấy Chúa Kitô, mặc lấy giáo huấn của Ngài. Định nghĩa trên đây đã đặc biệt được thánh Phaolô khai triển. Dù giờ của Ngài chưa đến, nhưng Chúa Giêsu đã chiều theo ý Mẹ Ngài, tỏ hiện vinh quang của Ngài để các môn đệ tin. Giờ và vinh quang mà Chúa Giêsu muốn tỏ hiện ra cho các môn đệ ngay từ lúc làm phép lạ cho nước hóa ra rượu tại tiệc cưới Cana chính là giờ thập giá, là cái chết và sự sống lại của Ngài.
Theo thánh sử Gioan, chúng ta chỉ có thể hiểu được bản chất đích thực và sâu xa của vinh quang được bắt đầu thể hiện tại Cana đó dưới ánh sáng của giờ sau hết, nghĩa là lúc Chúa Giêsu bị treo trên thập giá để rồi chết đi và sống lại. Chính qua thập giá với cái chết khổ nhục của mình mà Chúa Giêsu chiến thắng quyền lực tội lỗi và sự dữ. Ngài bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn của bạo lực, giải thoát con người khỏi ách gông cùm của sự dữ.
Những dấu chỉ bắt đầu từ dấu chỉ của phép lạ tại tiệc cưới Cana có nhiệm vụ mạc khải mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu trên đường tiến lên thập giá. Con đường Chúa Giêsu đi tiềm ẩn và sự chiến thắng vinh quang của Thiên Chúa sẽ được tỏ hiện trong cái chết và sự sống lại của Ngài. Vinh quang của Thiên Chúa đối với loài người được tỏ hiện rõ ràng nhất trên thập giá, qua cái chết của Chúa Giêsu. Thập giá là bảo chứng tuyệt đỉnh của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Trong Chúa Giêsu, vinh quang đó là sự tùng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa Cha để hoàn thành chương trình cứu độ và đổi mới trần gian.
Nếu chúng ta hiểu phép lạ ở Cana theo nghĩa đen, chúng ta sẽ giản lược nó thành một điều kỳ: TN 2-C4
Nếu chúng ta hiểu phép lạ ở Cana theo nghĩa đen, chúng ta sẽ giản lược nó thành một điều kỳ diệu chỉ trong nháy mắt là xong và giới hạn ý nghĩa của nó.
Thật ra, vấn đề không phải ở chỗ quyền năng làm biến đổi nước thành rượu. Chúng ta đã biết làm điều ấy như thế nào – việc ấy xảy ra mỗi năm trong các vườn nho và các nhà máy của chúng ta. Phép lạ có một ý nghĩa sâu xa và rộng lớn hơn và ý nghĩa này có giá trị ở mọi thời đại. Nó còn quan trọng hơn một điều kỳ diệu.
Trong nỗ lực mô tả mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Người. Kinh thánh dùng hình ảnh của hôn phu và hôn thê. Và để mô tả niềm vui mà Thiên Chúa tìm thấy ở giữa dân Người, Kinh Thánh dùng hình ảnh của tiệc cưới.
Bài đọc 1 chứa một sứ điệp về niềm hy vọng của dân Thiên Chúa trong những thời kỳ suy sụp nhất của lịch sử họ. Giêrusalem bị tàn phá và nhiều người dân đi đày qua Babylon. Israen, một thời là tân vương của Thiên Chúa, giờ đây giống như một quả phụ bị lấy mất con. Tuy nhiên, hôn phu của nàng là Thiên Chúa đã không quên nàng. Sẽ có một tiệc cưới mới. Thiên Chúa sẽ phục hưng dân Người.
Lời hứa này đã được thực hiện khi dân chúng trở về từ chốn lưu đày, nhưng đặc biệt hơn khi Đức Giêsu đến. Người ta không ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai ở một tiệc cưới. Ở tiệc cưới ấy, người ta thiếu rượu. Cách nói này muốn ám chỉ tôn giáo cũ, giao ước cũ vẫn còn thiếu sót. Đã đến lúc mọi lời hứa phải được thực hiện, cũng là thời kỳ của luật mới và tinh thần mới.
Các ngôn sứ đã nói trước về việc rượu chảy dồi dào trong ngày của Đấng Mêsia. Ở Cana, chính Đức Giêsu đã ban phát rượu ấy. Và mọi người nếm hưởng rượu ấy đều đồng ý rằng rượu này ngon hơn rượu cũ. Chúng ta nhận thấy sự quảng đại tuyệt đối của phép lạ. Sáu cái chum đá, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Chúng ta thoáng thấy lòng ấm áp của Người. Trật tự mới bắt đầu với một hành động xót thương.
Điều Đức Giêsu đã thực hiện ở Cana không phải là một việc làm hời hợt, qua loa. Nó nói lên điều phải xảy ra trong suốt sứ vụ của Người. Hóa nước thành rượu là một biểu tượng của việc Người cần phải thực hiện. Bất cứ nơi nào Người đến, cái cũ được đổi thành cái mới. Người đã đổi nước mắt của bà góa ở Nain thành niềm vui, tính vị kỷ của Giakêu thành sự yêu thương. Trên núi Canvariô, Người đổi sự tuyệt vọng của tên gian phi thành niềm hy vọng. Và trong buổi sáng Phục sinh, Người đổi cái chết thành sự sống.
Sự hiện diện của Người có thể làm thay đổi đời sống của những người đã được tiếp xúc với Người cả khi họ không nhận ra. Và Người tiếp tục làm điều đó cho những ai tin tưởng và đi theo Người. Người biến đổi đời sống chúng ta thành một điều kỳ diệu. Người cho ta tham dự vào đời sống thần linh – không thua gì trạng thái xuất thần do hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng tất cả những điều đó vẫn còn ở lại trên bình diện lý thuyết nếu chúng ta không cảm nghiệm điều đó trong đời sống chúng ta, và nếu Đức Giêsu không hóa nước thành rượu một cách nào đó trong đời sống chúng ta.
Nước là một chất cần thiết và có ích cho sự sống còn của cơ thể. Tuy nhiên, dù nước đem lại sự thỏa mãn nhưng nó không đem lại niềm vui. Mặt khác, rượu làm say sưa và phấn chấn tinh thần.
Phúc cho những người khát khao thứ “rượu” mới mà Đức Giêsu cung cấp. Rượu cũ là lời hứa ; rượu mới là sự hoàn thành. Của cải vật chất không đủ. Đức Giêsu đem lại một chiều kích mới cho đời sống. Người mang lại một niềm vui mà thế gian không thể mang lại.
Người yêu cầu các gia nhân múc nước đã hóa thành rượu và đem đến cho người quản tiệc. Đức Giêsu đã dùng những người trung gian để chuyển giao những ơn huệ của Người. Người yêu cầu chúng ta chia sẻ với những người khác các ơn lành mà Người đã chia sẻ với chúng ta.
Điều đã xảy ra ở tiệc cưới Cana sớm muộn gì cũng xảy ra trong mỗi cuộc hôn nhân – người ta: TN 2-C5
Điều đã xảy ra ở tiệc cưới Cana sớm muộn gì cũng xảy ra trong mỗi cuộc hôn nhân – người ta thiếu rượu. Qua đó chúng ta muốn nói điều gì ? Một cuộc hôn nhân mẫu mực bắt đầu bằng một bữa tiệc vui và nồng nhiệt. Đôi tân hôn được bạn hữu vây quanh và những người đến mừng cùng với quà cưới không ngớt lời chúc tụng họ. Hy vọng và mơ ước tràn đầy, họ lên kế hoạch cho tuần trăng mật. Rượu uống thỏa thuê.
Rồi sau tuần trăng mật họ trở về và công việc làm ăn thật sự bắt đầu – sắp xếp nhà cửa và học cách sống chung với một người khác. Lúc ban đầu họ tìm thấy niềm vui to lớn được sống bên nhau. Họ tin rằng tình yêu của họ đã được tiền định trên trời và có ý nghĩa là sẽ kéo dài muôn thuở. Rượu vẫn còn dồi dào.
Nhưng khi con người ở cận kề với một người khác, sẽ có những vấn đề nảy sinh. Căng thẳng xuất hiện. Họ khám phá rằng họ đã không cưới một thiên thần, nhưng một con người đã bị tội lỗi và vị kỷ làm tổn thương. Họ ngạc nhiên về sự nghèo nàn mà họ khám phá nơi người kia. Tuần trăng mật đã hết. Người ta thiếu rượu. Tất cả những gì còn lại là “nước” của một tiềm năng còm cõi.
Những sự việc như thế cũng xảy ra trong chuyên môn, nghề nghiệp và cả trong những ơn gọi như đời sống linh mục hoặc đời sống tu trì. Ở đây cũng hết rượu. Niềm vui, còn lại là nước của thói quen, của sự tẻ nhạt và có thể là sự vỡ mộng. Nhưng chúng ta hãy trở lại với vấn đề hôn nhân.
Giờ đây rượu ban đầu đã cạn, họ phải làm gì ? Có những người bị cám dỗ “cạn” theo với rượu: “Không còn gì cho tôi nữa”. Thái độ này tưởng chừng có lý nhưng nó bao hàm một tính vị kỷ đáng sợ. Đối với những con người như thế, hôn nhân chỉ là một sự liên kết của hai con người vị kỷ vì thế, trong lúc họ lợi dụng lẫn nhau, họ bắt đầu tìm kiếm ở chỗ khác những hoa quả mà người ta có thể hái và ăn mà không vất vả và bỏ công sức.
Nhưng một cặp vợ chồng phải làm gì ? Họ phải biết rằng rượu ban đầu đã cạn. Trong một lúc, họ phải tìm cách xoay xở với nước. Nhưng họ không nên sợ hãi hay thất vọng khi điều đó xảy ra. Họ phải chống trả cơn cám dỗ bỏ rơi mối tương quan và đánh mất chính mình trong một nghề nghiệp hoặc một đời sống xã hội cuồng nhiệt. Điều họ phải làm là phải nỗ lực cải thiện tương quan giữa họ qua đó, họ có thể trưởng thành như những con người khám phá ý nghĩa thật sự của tình yêu. Khủng hoảng ấy có thể trở thành một cơ hội.
Và đây là một điều làm người ta ngạc nhiên: rượu ban đầu cần phải cạn. Nếu không rượu mới không thể đến được tình yêu lúc ban đầu cho dù đẹp và lãng mạn không thể kéo dài được. Chắc chắn nó phải trôi qua. Nhưng trôi qua không phải là một điều xấu. Thật vậy, nó phải trôi qua để một tình yêu mới mẻ và sâu đậm hơn được sinh ra. Tình yêu mới này chủ yếu là đặt người khác đứng trước mình. Người ta phải quên chính mình và tìm thấy niềm vui khi mình yêu thương hơn là khi mình được yêu thương, khi mình cho hơn là khi mình nhận.
Tình yêu là một cuộc phiêu lưu khó khăn. Bước vào hôn nhân là bước vào một trường học tình yêu ở đó mọi người đều là những học viên chậm chạp. Chính vì thế, chúng ta cần có sự hiện diện của Đức Kitô.
Rượu mới không chỉ có ý nghĩa đối với cặp hôn phối mà còn có ý nghĩa đối với mọi người. Điều này có nghĩa là chúng ta phải thay đổi. Đức Kitô phải cảm hóa tâm hồn chúng ta và giúp đỡ chúng ta yêu thương vô vị lợi. Đối với những người tìm kiếm sự giúp đỡ của Người thì phép lạ Cana vẫn còn xảy ra – nước của lòng vị kỷ được biến đổi thành rượu của tình yêu chân chính. Và điều kỳ lạ là rượu nho mới lại ngon hơn rượu nho cũ.
Trong các thứ tình yêu, tình yêu nào nồng nàn tha thiết nhất? Thưa là tình cha mẹ dành cho con: TN 2-C6
Trong các thứ tình yêu, tình yêu nào nồng nàn tha thiết nhất? Thưa là tình cha mẹ dành cho con cái và tình yêu vợ chồng dành cho nhau. Nếu so sánh hai thứ tình yêu đó, thì tình yêu vợ chồng chắc chắn là mạnh hơn. Bởi đó, sách Sáng Thế đã viết: người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình. Chúa Giêsu cũng đồng ý như thế, nên đã trích dẫn lại câu ấy khi tranh luận với các người biệt phái. Cũng vì lý do đó, nên khi muốn tỏ cho loài người biết Thiên Chúa yêu thương loài người đến mức nào, Ngài đã dùng hình ảnh tình yêu vợ chồng để minh họa.
Trong tình yêu vợ chồng, điều gì đáng quí nhất ? Thưa đó là sự hy sinh cho nau và chung thủy với nhau. Hy sinh cho nhau nhiều chừng nào thì đó là bằng chứng yêu thương nhiều chừng ấy. Dù gặp phải bao sóng gió, dù những khuyết điểm lỗi lầm thường xuyên đe dọa, nhưng vợ chồng vẫn yêu thương nhau đến chết, đó mới là tình yêu chân thật vững bền.
Thế nhưng, trong một trăm đôi vợ chồng, có bao nhiêu đôi đã hy sinh và chung thủy được như thế ? Rốt cuộc dù con người được nếm vị ngọt của nhiều loại tình yêu, nhưng rất nhiều lần cũng phải thất vọng với những tình yêu nhân loại, cho dù đó là tình yêu vợ chồng tha thiết nhất.
Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới là tình yêu chân thật và cao cả nhất: vì yêu thương chúng ta, Chúa Cha đã hy sinh ban chính Con Một Ngài cho chúng ta. Vì yêu thương chúng ta, Chúa Con đã hy sinh đến nỗi chịu chết vì chúng ta: không có tình yêu nào cao trọng cho bằng tình yêu của người dám hiến mạng sống mình vì người mình yêu. Mặt khác, dù loài người luôn phản bội, Thiên Chúa vẫn tha thứ và vẫn cứ yêu thương. Loài người đã nhiều lần bỏ Chúa, nhưng Chúa không bao giờ bỏ loài người.
Con người là một sinh vật yêu thương: con người cần yêu thương vàcần được yêu thương. Chúng ta hãy tìm đến tình yêu Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta sẽ chẳng phải thất vọng bao giờ.
Ở đất Vũ Bình có một giống vượn, lông đỏ như vang, nõn nà như tơ, trông xa lấp lánh rất là: TN 2-C7
Ở đất Vũ Bình có một giống vượn, lông đỏ như vang, nõn nà như tơ, trông xa lấp lánh rất là đẹp mắt. Có hai mẹ con vượn, mẹ thì khôn ngoan và tinh anh, còn con thì ngây ngô và nhẹ dạ, nhưng lúc nào mẹ con cũng đi bên nhau. Người đi săn không thể nào nhử mồi hay đánh bẫy được, mới lấy thuốc độc sát vào đầu mũi tên, rình lúc vượn mẹ vô ý thì bắn. Khi vượn mẹ bị trúng tên, biết mình không thể sống được, liền vắt sữa ra cho con uống, xong rồi lăn ra chết. Người đi săn quay về phía vượn con, cầm roi quất vào xác vượn mẹ. Vượn con trông thấy kêu gào thương xót chạy lại gần, người đi săn liền vồ lấy mà bắt sống. Lúc về nhà, cứ đêm đêm, vượn con nằm phục bên xác mẹ thì mới yên, đôi khi lại ôm lấy mẹ kêu gào thảm thiết. Không được mấy hôm vượn con cũng lăn ra chết.
Tình mẫu tử của giống vượn lông đỏ làm cho chúng ta vô cùng xúc động. Tuy nhiên, chúng ta cũng có một người mẹ hết lòng chăm lo cho từ đứa con, còn lớn lao hơn gấp bội, đó chính là Mẹ Maria. Có thể nói một trong những trang đẹp nhất của sách Tin mừng Gioan, chính là bài tường thuật về tiệc cưới Cana. Chính nơi tiệc cưới này, Mẹ đã bày tỏ thật sâu sắc tình mẫu tử của Mẹ.
Theo tập tục Do thái, đám cưới kéo dài suốt bảy ngày, nhưng mới đến ngày thứ ba, thì tiệc cưới Cana đã hết rượu. Thật là một tai họa bất ngờ. Chủ tiệc vô cùng bối rối và khó xử. Duy chỉ có Mẹ Maria nhận ra được tình thế gay go ấy. Sự nhạy cảm và lòng yêu thương của tình mẫu tử đã khiến Mẹ mạnh dạn thưa với Chúa Giêsu: Họ hết rượu rồi. Một câu nói ngụ ý nài xin kín đáo. Nhưng lời đáp trả của Chúa Giêsu mới làm cho chúng ta thật sửng sốt: Tôi với bà có con chi ? Giờ tôi chưa đến. Qua câu nói này, Chúa Giêsu chỉ muốn xác quyết tính siêu việt của Ngài: hoàn toàn lệ thuộc Chúa Cha. Chắc Mẹ cũng không hiểu rõ chữ Giờ, tức là vinh quang của Chúa Giêsu sau cuộc tử nạn và phục sinh. Nhưng Mẹ vẫn một mực tin tưởng vào Con của Mẹ. Mẹ mong Con làm một điều gì đó: Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo. Quả thật, Chúa Giêsu có bảo và các người giúp việc đã làm. Thế là Chúa Giêsu quyết định thực hiện một phép lạ đầu tiên trong cuộc đời công khai rao giảng, một phép lạ kiểu mẫu của các phép lạ kế tiệp. Tuy giờ tôn vinh chưa đến, nhưng ngay lúc này, Ngài muốn biểu lộ giờ vinh quang ấy qua phép lạ Ngài sắp thực hiện, để các môn đệ tin vào Ngài.
Nhờ sự can theịp của Mẹ mà phép lạ Cana đã được thực hiện để đức tin của các môn đệ được củng cố và triển nở. Nhờ sự đóng góp của Mẹ mà sáu chum nước lã, khoảng 700 lít biến thành rượu ngon, để niềm vui của đôi tân hôn và khách dự tiệc được trọn vẹn.
Ngày nay Mẹ vẫn nói nhỏ bên tai Chúa: Họ hết rượu rồi. Để cho bao mối tình đang nhạt phai được trở nên nồng thắm, để cho bao gia đình thiếu vắng tình yêu được củng cố, hòa thuận và yêu thương, để bao tâm hồn đang chao đảo giữ vững được niềm tin và hy vọng.
Nếu ngày xưa Chúa đã biến nước lã của Cựu ước thành rượu ngon của Tân ước, để mở ra một thời đại mới, thời đã thiên sai, thì hôm nay Ngài cũng muốn chúng ta biến cuộc đời lạt lẽo của mình thành rượu nồng tình yêu: yêu Chúa và yêu người, để tất cả được chan chứa niềm vui cứu độ. Nếu ngày xưa Chúa đã biến thứ nước tẩy uế của Do thái giáo thành rượu ngon hảo hạng, để thiết lập một trật tự mới, thì hôm nay Ngài cũng mời gọi chúng ta biến đổi trái đất này thành một thế giới mới: chân thật, công bằng và yêu thương.
Trong đêm Giáng sinh, chúng ta đã được nghe các thiên thần công bố: Ta báo cho các ngươi: TN 2-C8
Trong đêm Giáng sinh, chúng ta đã được nghe các thiên thần công bố: Ta báo cho các ngươi một tin mừng trọng đại, hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra. Thực vậy, Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta để ban niềm vui cho mọi người sống trên trái đất. Họ là những người đau khổ, bất hạnh, nghèo hèn, thiếu hơi ấm của tình thương trong gia đình…Hôm nay, chúng ta cũng thấy được vị Thiên Chúa đầy tình thương và nhân ái qua những trang Kinh thánh vừa nghe.
Thực vậy, Kinh thánh đã mượn hình ảnh tiệc cưới có cô dâu và chú rể, để miêu tả việc Thiên Chúa ở giữa nhân loại, thật gần gũi và thân thương. Tiên tri Isaia đã loan báo: Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về, như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ. Hơn thế nữa, qua Tin mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu chính là con người của niềm vui. Ngài luôn vui vẻ và hơn thế nữa, Ngài còn mang niềm vui đến cho mọi người một cách rộng rãi. Giọt nước mắt của bà góa thành Naim đã hóa nên nụ cười khi con trai bà sống lại. Tính ích kỷ của ông Gialêu đã đổi thành tình yêu quảng đại khi đền bù và chia sẻ cho anh chị em. Lòng sám hối của người trộm lành biến thành niềm vui được cứu độ. Và quan trọng hơn nữa, nỗi buồn tủi của chiều thứ sáu tuần thánh trở nên niềm vui dâng trào sức sống của ngày phục sinh…Đặc biệt hôm nay, Ngài cùng với Mẹ Maria và các môn đệ tham dự tiệc cưới ở Cana. Tại đây, Ngài đã dùng quyền năng làm phép lạ cho nước lã biến thành rượu ngon để duy trì niềm vui và hạnh phúc cho đôi bạn trẻ trong ngày quan trọng nhất đời của họ.
Có một cô bé đi thăm ông bác đang bị ốm. Thế nhưng chẳng may giữa đường thì trời đổ mưa và cô bé nhìn thấy một bà lão. Thế là cô bé vội chạy lại che dù và đưa bà lão về nhà. Tới nhà, bà lão nói: Cám ơn cháu. Bà có hai quả dưa. Một quả chín đỏ vừa ngọt lại vừa thơm. Còn quả kia, vừa xanh lại vừa đắng, nhưng lại có công dụng chữa bệnh, cháu muốn quả nào ? Cô bé lễ phép thưa: bác cháu đang ốm, cháu xin bà quả xanh để chữa bệnh cho bác cháu. Cầm quả dưa trong tay, cô bé nhanh nhẹn đi tới nhà bác. Ông bác ăn quả dưa xanh, thì lập tức cơn bệnh liền thuyên giảm. Ông bác mỉm cười, vui vẻ cám ơn cô bé.
Noi gương cô bé, và nhất là noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy cố gắng đem niềm vui đến cho những người chung quanh, nhờ đó chúng ta sẽ trở nên là chứng nhân cho Tin mừng của Chúa.
Đám cưới là cơ hội rất đặc biệt có cha mẹ, anh chị em, họ hàng bạn hữu của cô dâu chú rể: TN 2-C9
Đám cưới là cơ hội rất đặc biệt có cha mẹ, anh chị em, họ hàng bạn hữu của cô dâu chú rể đến tham dự, để chia sẻ niềm vui mừng với cô dâu chú rể và của gia đình hai họ. Phúc âm hôm nay kể lại một đám cưới cổ xưa, bị thiếu rượu. Trong buổi tiệc cưới Do thái mà hết rượu thì cả là một vấn đề mất mặt cho cô dâu chú rể. Đôi tân hôn nào bắt đầu cuộc sống hôn nhân như vậy thì kể là xuống dốc.
Trong Thánh kinh, cái hình ảnh hôn nhân được chọn để ám chỉ mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Dân mà Chúa chọn được coi là vị hôn thê. Đây là một ví dụ về hình ảnh hôn nhân trong trong bài trích sách tiên tri Is-a-i-a hôm nay: Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62:5). Trong Thánh kinh Tân ước, Chúa Giê-su ví mình như tân lang. Còn thánh Phao-lô nói về giáo hội như là hôn thê của Chúa.
Phúc âm hôm nay kể lại việc Chúa Giê-su chúc lành cho tiệc cưới Ca-na, bằng cách biến nước thành rượu cho khác dự tiệc cưới. Chúa góp phần làm vui vho tiệc cưới bằng cách ban cho họ loại rượu mới, để cho tiệc cưới được tiếp tục vui. Loại rượu mới được cung cấp cho tiệc cưới, mừng đời sống mới của cô dâu chú rể. Mặc dầu Chúa làm phép lạ do quyền năng của Chúa, nhưng Nguời làm với sự cộng tác của mẹ Người, của người đàu bàn và người giúp việc. Trong tiệc cưới mẹ Maria tỏ ra có cặp mắt quan sát và tỏ mối quan tâm đến người khác. Khi thấy chủ nhà hết rượu, mẹ đã cậy nhờ đến Chúa can thiệp. Mẹ chỉ cần nói xa xôi bóng gió: Họ hết rượu rồi (Ga 2:3). Mẹ chỉ nói có thế, không thêm gì khác, bởi vì mẹ biết Con mình sẽ làm gì. Chính cái mối quan tâm của mẹ đã cứu đôi tân hôn vượt qua cái bẽ mặt thiếu rượu trong tiệc cưới. Khi tôi tân hôn đương đầu với cái khó khăn trắc trở đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân thì có mẹ can thiệp, có Chúa làm phép lạ cứu chữa, vì họ đã mời Chúa và mẹ Người đến dự tiệc.
Nếu trong tiệc cưới Ca-na, Chúa biến đổi nước thành rượu, Chúa cũng biến đổi đời sống mỗi người miễn là ta cộng tác với ơn Chúa để Chúa hành động. Cộng tác với ơn Chúa là đem Chúa vào đời sống: đời sống cá nhân, đời sống vợ chồng và đời sống gia đình.
Thiên Chúa nói với loài người qua các dấu chỉ của thời đại, qua các biến cố xẩy ra trong đời sống, để biểu lộ sứ điệp của Chúa. Phép lạ ở tiệc cưới Ca-na cho thấy đây là phép lạ đầu tiên Chúa làm để khiến người ta chú ý về lời giảng dạy và việc Người làm. Thánh sử Gio-an là người duy nhất ghi lại phép lã này. Để có thể cảm thấy mỗi ý nghĩa của mỗi phép lạ, người ta phải biết mở tai và mở mắt đức tin. Theo thánh Gio-an cái phép lạ hoá nước ra nhiều bao hàm ý nghĩa thần học, tiên báo Bí tích Thánh thể. Cũng như Chúa dùng quyền năng biến nước thành rượu, Chúa cũng dùng quyền năng biến đổi bánh rượu thành Mình Máu thánh Chúa. Việc bao hàm ý nghĩa thần học là ở đó, chỉ cần ta mở rộng mắt đức tin. Cũng như Chúa đã biến nước thành rượu, Chúa cũng muốn biến đổi đời sống ta. Để Chúa có thể biến đổi tâm hồn và đời sống, ta cần cộng tác với ơn Chúa.
Trong tất cả động vật trên vũ trụ này, có lẽ con người mỏng manh, yếu đuối nhất, mặc dù sau: TN 2-C10
Trong tất cả động vật trên vũ trụ này, có lẽ con người mỏng manh, yếu đuối nhất, mặc dù sau này, khi trưởng thành nó thông minh hơn hẳn mọi loài, có thể chinh phục tất cả. Ta cứ để mặc một em bé vừa sinh ra vào một chỗ nào đó, đừng ai săn sóc cả. Không bao lâu sau em bé sẽ chết. Còn các động vật khác, không có mẹ vẫn tự mình sống được. Do vậy con người cần có một điểm tựa cho chính mình, nhất là về phương diện tâm linh. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên, khi bất cứ tôn giáo nào ra đời cũng đều có người tin theo, không cần biết đúng sai, hư thật !
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe kể về tiệc cưới ở Cana. Sau khi được Đức Mẹ cho biết người ta hết rượu, Chúa làm phép lạ biến nước thành rượu ngon. Chúng ta có vô số bài học có thể rút ra được từ bài Tin Mừng độc đáo này. Tôi chỉ xin triển khai hai điểm sau đây:
Thứ nhất: Gioan Thánh sử cho biết đây là phép lạ đầu tiên của Chúa, nghĩa là trước đó Chúa chưa hề làm phép lạ nào. Vậy tại sao Mẹ Ngài lại quan tâm quá đáng đến người khác, nên nhờ con mình giải quyết ?
Người ta thường nói “Không ai biết con bằng mẹ”, điều này dường như đúng. Làm sao chúng ta dám không tin vào biết bao nhiêu lần Mẹ, Con tỉ tê, tâm sự. Ngài là người con duy nhất, mà lại là Con của Thiên Chúa, làm sao Mẹ không tâm đắc, trân quý, yêu thương. Thế nào chẳng có những lần Con Mẹ tiết lộ ít nhiều về Thiên tính của mình. Nói theo phương diện bản tính nhân loại, làm sao Mẹ không biết Con mình nghĩ gì, muốn gì, thao thức, trăn trở ra sao ! Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì cung lòng cưu mang tình yêu ấy cũng được hấp thụ, lan tỏa, chan chứa tình yêu. Vì cảm thông, yêu thương đồng loại nên Mẹ lên tiếng với Con mình, điều này cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là trung tâm điểm của vạn vật, Ngài là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề.
Thứ hai: Đức Mẹ bảo gia nhân “Ngài bảo gì cứ làm theo”. Tại sao Đức Mẹ tin chắc Chúa Giêsu sẽ làm phép lạ vì do mình yêu cầu ?
Đức Mẹ hoàn toàn tin tưởng, phó thác vào Con mình, đồng thời Mẹ cũng khẳng định một điều Con mình rất hiếu thảo với cha mẹ, không bao giờ làm buồn lòng cha mẹ. Do đó khi đề xuất việc hết rượu với Con mình, Đức Mẹ tin chắc Ngài sẽ can thiệp, dĩ nhiên là bằng phép lạ, dù trước đó Ngài chưa từng làm. Điều này cũng nói lên giá trị thật sự trong lời bầu cử của Mẹ đối với Con mình. Nói đến con cái hiếu thảo với cha mẹ, tôi liên tưởng đến một người con rất hiếu thảo, quý trọng mẹ mình, không bao giờ dám làm buồn lòng mẹ mình đó là vua Salômôn trong Cựu Ước. Trong Sách Các Vua quyển 1, 2: 19-20 khi mẹ Salômôn đến gặp ông, ông ra đón và sấp mình chào bà; đoạn ông ngồi trên ngai, đồng thời truyền đặt một ngai cho bà ngồi bên hữu, và nói “Thưa mẹ, mẹ cần gì cứ nói con không từ chối mẹ điều gì”.
Salômôn đại đế, một con người khôn ngoan minh mẫn, trước đó không ai sánh bằng, sau đó không ai bì kịp. Thế nhưng cuối đời, lúc về già, không ai có thể ngờ ông ta bị hư đi một cách thảm hại: đã theo đạo của các bà vợ, xây nhiều đền thờ cho các thần ngoại. Thiên Chúa đã trừng phạt bằng cách chỉ để lại cho con Salômôn một chi tộc mà thôi. Phải chăng điều này nói lên con người luôn nô lệ cho sự yếu đuối, dại dột, sai lầm, hay thay đổi, dù cho kẻ đó tài đức, khôn ngoan cách mấy. Bởi vậy lối thoát duy nhất: cần phải có một điểm tựa thật vững vàng, chắc chắn, nếu không muốn bị thay đổi, bị thoái hóa, tiêu diệt.
Trong tiệc cưới hôm nay, Đức Mẹ nhậy bén với sự thiếu thốn, ngặt nghèo của chủ nhà khi họ hết rượu đãi khách, Mẹ đã can thiệp với Con mình dù chủ nhà chưa lên tiếng yêu cầu. Chúng ta là con cái Mẹ, Mẹ không nhận biết những nhu cầu để giúp đỡ chúng ta sao ? Hiện nay Mẹ đang vinh hiển, tràn đầy uy quyền, nắm giữ kho báu ân sủng của Con Mẹ, Mẹ lại tiếc với chúng ta sao ! Chính trên thập giá, trước khi trút hơi, Chúa đã trối Mẹ cho Gioan, và Gioan cho Mẹ. Đấy là lúc chúng ta trở thành con cái Mẹ.
Tóm lại, trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy một điểm nổi bật đó là Thiên Chúa ở đâu, Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Ngài ở đó. Và càng sâu sắc hơn nữa khi Thánh Gioan “người môn đệ Chúa yêu”, yêu mến Chúa thật sự, thì được Chúa trao ban Đức Mẹ ở cùng. Trong tiệc cưới ở Cana, do Đức Mẹ yêu cầu nên phép lạ đầu tiên đã xảy ra. Dù lúc đó Mẹ còn tại thế, huống chi bây giờ Mẹ đang tột cùng vinh hiển bên cạnh Con Mẹ. Người Công giáo không lạ gì với những phép lạ Mẹ làm, đang xảy ra đây đó như Lộ Đức, Fatima và nhiều nơi khác nữa… có thể nói rằng người Công giáo hôm nay, khôn ngoan hơn Salômôn thuở trước, chúng ta may mắn hơn vì có Mẹ Maria dẫn đường, bầu cử, dìu dắt, bảo bọc. Chúng ta những con cái tội lỗi, bất xứng, chỉ xin chạy theo Mẹ, chỉ cần nắm lấy gấu áo Mẹ là “được tất cả”. Chúng ta hãy bám chặt vào Mẹ, chỉ có Mẹ là điểm tựa chắc chắn, bảo đảm nhất cho hạnh phúc bây giờ và mai hậu, vì Mẹ rất Thánh là điểm hẹn của chúng ta và Con Mẹ. Kết thúc tôi xin mượn lời nguyện của Thánh Tômas Aquinô, Tiến sĩ Hội Thánh, nhà Thần học lớn, lỗi lạc nhất của Giáo Hội Công Giáo, cầu nguyện cùng Đức Mẹ như sau:
“Lạy Trinh Nữ Maria dịu hiền, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của lòng yêu thương, trìu mến. Con Gái Vua Trời Đất, Nữ vương các thiên thần, Mẹ của tất cả tín hữu, Trong ngày hôm nay và hết mọi ngày đời con, con xin phó thác vào lòng nhân hậu của Mẹ: thân xác và linh hồn con, mọi cư xử, suy nghĩ, lựa chọn, ước muốn, lời nói, việc làm, hết thảy cuộc sống và sự chết của con. Xin Mẹ trợ giúp để tất cả đều được trở thành tốt đẹp, phù hợp với thiên ý của Con Trai Yêu Dấu Mẹ, Chúa Giêsu Kitô của chúng con. Xin Mẹ rất Thánh hãy ở với con”.
Chủ đề: Thiên Chúa cứu chữa điều hư hỏng nên hoàn hảo hơn cả tình trạng ban đầu Câu hỏi gợi ý:
Hôn nhân hay bậc sống đời gia đình - cùng với những vui thú, trách nhiệm, vất vả của nó: TN 2-C11
1. Hôn nhân hay bậc sống đời gia đình - cùng với những vui thú, trách nhiệm, vất vả của nó - có phải là một lối sống được Thiên Chúa mong muốn và chúc lành không? Hay đó là một bậc sống thấp hèn?
2. Trường hợp đám cưới này, nhờ sự can thiệp cứu độ của Đức Giêsu, sự thiếu rượu cuối cùng lại biến thành có rượu mà rượu ấy lại còn ngon hơn rượu trước, khiến cho đám cưới trở nên tốt đẹp hơn dự tính. Điều đó hàm ý nghĩa gì khi có sự cứu chữa hay can thiệp của Thiên Chúa?
3. Vai trò của Đức Mẹ trong bối cảnh này quan trọng thế nào? Sự thường trong hoàn cảnh này, nếu không có Đức Mẹ, thì Chúa Giêsu có ra tay cứu chữa không?
4. Lý do gì khiến Đức Mẹ nhận ra họ thiếu rượu? Mẹ có nhậy bén trước nhu cầu của người khác không? Tại sao Mẹ lại nhậy bén như vậy?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Giêsu tham dự tiệc cưới và cứu chữa thế kẹt cho đám cưới
Ngay từ khởi thủy, «Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ» (St 1,27), để từng cặp nam nữ sống thân thiện yêu thương nhau, trở nên một với nhau, «cả hai trở thành một xương thịt» (St 2,24). Thiên Chúa muốn họ sống với nhau thành một tổ ấm, một gia đình, để yêu thương nhau, nâng đỡ nương tựa nhau, xây dựng hạnh phúc cho nhau, và để sinh con cái hầu duy trì nhân loại đến muôn đời. Vì thế, đôi nam nữ yêu thương nhau, kết hợp với nhau thành vợ chồng, thành gia đình. Họ còn cộng tác với Ngài trong công cuộc tiếp tục sáng tạo con người. Đó là điều hết sức tốt đẹp và thánh thiện, nằm trong kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa.
Vì thế, đời sống hôn nhân hay gia đình nằm trong kế hoạch đầu tiên - có thể nói kế thượng sách - của Thiên Chúa, tức kế hoạch sáng tạo. Do đó, ơn gọi sống đời hôn nhân và gia đình là một ơn gọi hết sức cao quí. Chính vì thế, phép lạ mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, là phép lạ dành cho tiệc cưới Cana. Cả Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ của Ngài cùng tham dự tiệc cưới này. Điều đó nói lên rằng Thiên Chúa - qua con người Đức Giêsu - đã đánh giá bậc sống hôn nhân gia đình rất cao quí, đáng được ủng hộ và chúc phúc.
Có điều đáng tiếc là kế hoạch đầu tiên này đã bị tội nguyên tổ làm hư hỏng, nên Thiên Chúa đã đưa ra một kế hoạch thứ hai là kế hoạch cứu chuộc. Ơn gọi linh mục hay tu sĩ nằm trong kế hoạch cứu rỗi này. Trong kế hoạch cứu chuộc này, theo suy nghĩ của Giáo Hội, thì Đức Giêsu đã lập bí tích hôn nhân trong tiệc cưới Cana này.
2. Kế hoạch cứu chuộc làm kế hoạch sáng tạo thành công tốt đẹp hơn
Trong đám cưới, rượu được đưa ra ban đầu chắc chắn cũng là loại rượu ngon, ngon nhất trong khả năng kinh tế của gia đình đôi tân hôn. Nhưng sự trục trặc đã xảy ra khiến cho nếu không có sự can thiệp cứu chữa của Chúa Giêsu, gia đình đôi tân hôn sẽ bị mất mặt hay mang tiếng, và đám cưới sẽ mất vui đi rất nhiều. Nhưng chính nhờ có sự trục trặc đó mà Đức Giêsu mới ra tay cứu chữa. Và một khi Ngài ra tay cứu chữa thì bữa tiệc lại trở nên vui hơn, tốt đẹp hơn, hơn cả khi không có trục trặc xảy ra. Rượu sau này là loại rượu ngon hơn, chắc chắn khiến khách dự tiệc vui hơn, uống được nhiều hơn, và hài lòng hơn bình thường rất nhiều. Điều này có một ý nghĩa rất thâm sâu.
Công trình sáng tạo của Thiên Chúa hết sức tốt đẹp. Nhưng rồi có sự trục trặc xảy ra do tội lỗi con người. Nhưng sự cứu chuộc của Chúa Giêsu không phải chỉ là sửa chữa cho tình trạng đó đỡ xấu đi, mà chắc chắn sẽ làm cho kết quả cuối cùng còn tốt đẹp hơn là khi không xảy ra trục trặc nào cả. Chính vì thế, trong lễ đêm Phục sinh, Giáo Hội đã không ngần ngại tuyên bố: tội nguyên tổ là một tội hồng phúc. Vì chính nhờ có tội đó mới có kế hoạch cứu chuộc. Và theo sự khôn ngoan và toàn năng của Thiên Chúa, chắc chắn kế hoạch cứu chuộc này không chỉ sửa chữa lại kế hoạch sáng tạo đã bị hư hỏng, mà còn làm cho kế hoạch sáng tạo ấy thành công mỹ mãn, tốt đẹp hơn lên gấp bội. Có hành xử như thế, Thiên Chúa của chúng ta mới đúng là Thiên Chúa cao cả vĩ đại, đầy quyền năng. Và chỉ Ngài mới có thể làm cho điều xấu nhất trở nên tốt nhất mà thôi. Đó chính là lý do để người Kitô hữu luôn luôn sống hân hoan và tràn đầy hy vọng vào tương lai.
3. Sự đồng công của Đức Mẹ trong công việc của Chúa Giêsu
Sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ, và sự can thiệp đặc biệt của Ngài để cứu nguy cho đám cưới ấy là một dấu hiệu hết sức ý nghĩa. Cuộc hôn nhân hay đám cưới (vốn thuộc kế hoạch thứ nhất) đã lâm vào tình trạng nguy khốn (hình ảnh của sự trục trặc gây ra do tội nguyên tổ) đã được Chúa Giêsu cứu chữa một cách hết sức tốt đẹp (kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa đã thành công).
Sự cứu chữa ấy có sự đóng góp hết sức quan trọng của Mẹ Maria: Chúa Giêsu đã thực hiện sự cứu chữa ấy theo yêu cầu đầy lòng thương người của Mẹ mình. Trong công việc cứu chữa đám cưới này, Đức Mẹ đã tỏ ra tư cách của mình là người Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Giêsu một cách hết sức rõ ràng và cụ thể. Công việc chính yếu là do Chúa Giêsu, nhưng nếu không có Mẹ Maria thì sự cứu chữa ấy có thể đã không xảy ra.
Người Kitô hữu cần ý thức hơn về vai trò rất quan trọng của Mẹ Maria trong việc nên thánh và sống đời Kitô hữu của mình. Trong việc nên thánh, những Kitô hữu nào biết cậy nhờ vào sự bảo trợ của Mẹ Maria thì thường là dễ thành công hơn.
4. Mẫu gương quan tâm đến nhu cầu của tha nhân nơi Mẹ Maria
Lý do khiến Đức Mẹ trở nên Đấng Đồng Công với Chúa Giêsu, chính là tình yêu thương chan hòa của Ngài đối với mọi người, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo. Tình yêu thương ấy đã khiến Đức Mẹ trở nên hết sức nhậy cảm trước nhu cầu, nỗi khó khăn, sự đau khổ cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc của người khác. Vì thế, trong đám tiệc, khi chủ nhà sắp hết rượu, Đức Mẹ đã nhận ra ngay nỗi lo lắng của họ, cho dù theo lẽ thường họ cố gắng không biểu lộ ra. Chắc chắn có biết bao phụ nữ cùng đi dự đám cưới ấy đã không nhận ra điều ấy.
Sự nhạy bén đó Mẹ có được là do lòng yêu thương của Mẹ khiến Mẹ luôn quan tâm đến người khác, quan tâm đến từng chi tiết của đời sống. Có thể nói tình yêu luôn luôn phải được biểu lộ bằng sự quan tâm. Mặc dù quan tâm không phải lúc nào cũng là dấu chứng của yêu thương, nhưng chắc chắn rằng không quan tâm thì cũng đồng nghĩa với không yêu thương.
Chúng ta thường nghĩ rằng mình đang yêu thương, đặc biệt những người gần gũi ta nhất: cha mẹ, vợ con (hay chồng con), anh chị em ta. Nhưng có đích thật là ta yêu thương những người ấy không? ta có thật sự quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn, niềm mong ước, hy vọng hay nhu cầu của họ không? ta có sẵn sàng thỏa mãn những nhu cầu ấy bất chấp phải hy sinh ít nhiều thì giờ, tiền bạc, sức lực của ta không? ta sẵn sàng tới mức độ nào?
CẦU NGUYỆN
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết bắt chước Mẹ, biết biểu lộ tình thương của con đối với những người chung quanh một cách cụ thể bằng sự quan tâm thật sự đối với những niềm vui, nỗi buồn, những thuận lợi cũng như những bất lợi của họ. Xin đừng để con thường xuyên vô tình, hay cố tình làm ngơ trước những nhu cầu hay những đau khổ của người khác.
Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn để làm Mẹ của Con Một Ngài. Sau việc Chúa tỏ mình: TN 2-C12
Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn để làm Mẹ của Con Một Ngài. Sau việc Chúa tỏ mình ra cho nhân loại qua ba nhà đạo sĩ phương Đông, Giáo Hội lại trình bầy cho nhân loại về các công việc của Chúa trong lúc khởi đầu rao giảng của Ngài để xây dựng nước trời khiến Chúa nhập thể giáng sinh cứu rỗi nhân loại. Phụng vụ Chúa nhật II thường niên, giới thiệu tiệc cưới Cana trong đó sự hiện diện của Mẹ Maria rất đáng chúng ta lưu tâm chú ý.
CHÚA BẦY TỎ QUYỀN NĂNG QUA GIỜ CỦA NGÀI:
Sự thực trong tiệc cưới Cana, Mẹ có mặt ở đó từ lâu trước khi Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tới dự tiệc. Điều này cho ta hay Chúa đã rời gia đình, kết nạp các môn đệ và đi rao giảng nước trời. Chúa Giêsu đã dấn thân vào việc loan báo nước Thiên Chúa và nhận các môn đệ để chung sống với họ và đi các miền để xây dựng nước trời. Mẹ có mặt trong tiệc cưới Cana và sau này dưới chân thập giá gợi ý cho ta hay Mẹ đã tham gia mật thiết vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu Mẹ ở giữanhân loại để nhận đón ơn cứu chuộc mà Chúa mang lại cho nhân loại, cho con người. Bữa tiệc đang vui vẻ, chủ đám và chú rể, cô dâu, phấn khởi, hồ hỡi. Rượu khôngthể thiếu. Nhưng, cái nhưng vẫn là cái có thể và đã xẩy ra trong tiệc cưới Cana. Mẹ Maria đã thấy nhà đám hết rượu. Sự tinh tế, tế nhị của Mẹ đã gợi lên biết bao thán phục nơi nhà đám xứ Cana hôm nay. Mẹ đã cảm thông với nhà đám và muốn giúp đỡ họ. Ở đây, ta thấy có sự tương phản giữa giờ của Chúa và sự khởi đầu trong tiệc cưới Cana. Phép lạ Chúa sẽ làm theo lời cầu bầu của Mẹ Maria và chính Mẹ đã thưa với Chúa về các nhu cầu của nhà đám. Mẹ đã cầu khẩn cùng Chúa Giêsu cho nhà đám và nhắn nhủ mọi người, nhắn nhủ nhân loại hãy làm theo lệnh của Chúa.
CHÚA ĐÃ LÀM PHÉP LẠ ĐẦU TIÊN BIẾN NƯỚC LÃ HÓA THÀNH RƯỢU NGON:
Trước nỗi khốn khổ của đám tiệc đang vui, mà hết rượu sẽ biến gia đình nhà đám mất mặt với khách và đây là điều không thể chấp nhận nổi. Chủ tiệc biết rất rõ điều đó. Nỗi thống khổ và nhục nhã đã hiện rõ trên nét mặt của chủ tiệc. Mẹ Maria đã thấy rõ điều đó. Mẹ đã hiểu rõ nỗi bận tâm nhục nhằn của chủ tiệc và cả gia đình nhà đám. Mẹ đã ra tay nhận lấy tất cả và xin với Chúa một đặc ân là cất khỏi nỗi lo âu, đau khổ và nhục nhã của chủ tiệc để ông chủ không bị mất mặt, mắc cỡ, hổ thẹn với khách được mời và với nhiều người khác. Chúa đã tiếp cứu và làm một phép lạ dấu chỉ để giới thiệu cho nhân loại về uy quyền và lòng quảng đại, thương xót của Chúa Giêsu. Chúa đã làm cho sáu chum lớn trống không, được các gia nhân đổ đầy nước biến thành rượu ngon. Chúa Giêsu loan báo trước cho nhân loại nước biến thành rượu trong rtiệc cưới Cana là biểu trưng tiên báo máu của Ngài sẽ đổ ra trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Nước ở Cana biến thành rượu ngon tiên trưng cho nước hằng sống, mà người phụ nữ samaria khi được Chúa gợi ý, đã xin cho bằng được thứ nước ấy. Ở đây, chủ tiệc đã nếm nước hóa thành rượu, ông là người hiểu rõ hơn ai hết, ông đã vui mừng cảm tạ và các môn đệ đã tin vào Chúa Giêsu. Chỉ một lời của Mẹ, chỉ một việc vâng phục của các gia nhân khi nghe Mẹ nói:" Ngài bảo gì cứ làm như vậy". Chúa đã cất nỗi khổ nhục cho đôi vợ chồng trẻ và cất sự hổ thẹn cho chủ tiệc, cho nhà đám. Chúa thay đổi tất cả và chỉ có Ngài mới làm được việc đó. Mẹ có đó để giúp con người, giúp nhân loại đến với Con của Mẹ.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Tiệc cưới Cana dậy cho ta điều gì ?
2. Tại sao Chúa không làm ngay phép lạ biến nước lã thành rượu ?
3. Giờ ở đây có nghĩa gì ?
Tin mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh tuần lễ khai mạc sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu và: TN 2-C13
Tin mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh tuần lễ khai mạc sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu và cuộc hành trinh tiến về Cana miền Galilê là ngày cuối cùng. Chính tại đây, Chúa Giêsu được mời dự tiệc cưới và phép lạ đầu tiên hoá nước thành rượu của Người được thực hiện qua sự khẩn cầu của Đức Maria.
Có ở trong hoàn cảnh của gia chủ nhân ngày vui khi con cái thành hôn mà gặp “sự cố hết rượu” hay gặp bất cứ sự cố gì, chúng ta mới cảm nhận được nổi lắng lo tột cùng của các bậc làm cha làm mẹ; và có ở trong địa vị của một thực khách dự tiệc cưới đứng trước sự cố xảy đến cho gia chủ, chúng ta mới thấy hết được sự nhậy cảm, sự tinh tế và quan tâm của Đức Maria. Thật vậy, Đức Maria luôn và vẫn mãi là một người Mẹ rất tinh tế, rất nhậy cảm trước nhu cầu của người khác. Trong trường hợp của gia chủ cũng như của đôi tân hôn, chính Mẹ là người nhận ra nổi lo lắng và tình thế khó xử của họ- điều này có thể khiến cho gia đình của cô dâu chú rễ mất mặt- nên Mẹ đã nhờ Chúa Giêsu là người con Mẹ hằng tin tưởng yêu thương can thiệp nhằm giúp cho ngày vui của đôi tân hôn được trọn vẹn.
Mặc dù chưa phải là Giờ của Chúa Giêsu- “Giờ con chưa đến” có thể hiểu là giờ Chúa Giêsu chịu chết, giờ Chúa Giêsu được tôn vinh bên hữu Chúa Cha- thế nhưng chúng ta thấy bằng trực giác nhậy cảm và tinh tế của người mẹ, người phụ nữ, Đức Maria dường như thấy trước việc sắp làm của Chúa Giêsu. Và quả thật đúng như vậy. Rượu Giao ước mới, giao ước vĩnh cửu tuy chưa đến thời, đến buổi Chúa Giêsu ban tặng nhưng nay, qua sự can thiệp của Mẹ, Chúa Giêsu đã làm một dấu lạ tượng trưng cho thứ rượu Giao ước mà Người sẽ ban cho nhân loại khi chịu hiến tế trên Thập giá.
Không nói chắc ai cũng biết bộ mặt rạng rỡ của gia chủ và đặc biệt là của cô dâu chú rễ khi tiệc vui tưởng chừng “đứt gánh dọc đường” thì nay với số lượng rượu vào khoảng từ 480 đến 720 lít, lại toàn là rượu hảo hạn cho phép họ cũng như toàn thể thực khách kéo dài cuộc vui. Lẽ dĩ nhiên chúng ta không dừng lại ở đó. Phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện tại tiệc cưới Cana nhằm bày tỏ vinh quang Thần linh của Người; đồng thời nhằm củng cố, làm nảy sinh lòng tin nơi các môn đệ, khiến các ông tin vững vàng vào Thầy, trở nên những con người mới- những con người tin vào quyền năng Thần linh của Thiên Chúa. Chưa hết, phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện được thánh sử Gioan ghi lại và ngài cho biết đó là ngày thứ ba, điều đó cho thấy một sự tiên báo đến biến cố Phục sinh của Chúa Giêsu. Thật vậy, ngày thứ ba là ngày Chúa Giêsu được nâng cao (Glorificatio), được tôn vinh bên hữu Thiên Chúa. Dấu lạ Cana chính là sự tỏ bày trước thời hạn quyền năng Thần linh mà Người sẽ thực hiện trong “giờ” của Người.
Nhìn vào tiệc cưới Cana, chúng ta thấy gì? Đó phải chăng là sự bất lực của con người đứng trước những vấn đề sống còn của nhân loại của thế giới mà cho dù có tài giỏi cách mấy, con người cũng không thể khiến nhân loại này, thế giới này kéo dài thêm tuổi thọ dù chỉ một giây. Đó phải chăng vì sự yếu đuối và đầy giời hạn của mình, mà nhân loại cần đến Đức Maria trong vai trò của một người Mẹ luôn nhìn thấy trước những nhu cầu của con cái để khẩn cầu Thiên Chúa nhờ đó ơn Chúa sẽ tuôn đổ xuống nhân loại. Và đó phải chăng là dịp để chúng ta nhìn lại thái độ của mỗi người chúng ta đối với Đức Maria, khi chúng ta chưa ý thức, chưa tín thác, chưa cậy trông đủ vào Mẹ, chưa thấy được vai trò của Mẹ trước nhan thánh Chúa. Thánh Don Bosco từng nói: “Hãy chạy đến với Đức Maria, các con sẽ thấy phép lạ là gì”. Ước mong lời Chúa hôm nay biến đổi tâm hồn mỗi người chúng ta, khiến chúng ta tín thác đường đời vào trong tay Mẹ để qua Mẹ, chúng ta đến được với tình yêu Chúa Giêsu là người Con Chí ái Mẹ hằng mến yêu.
Sứ điệp ‘chính’ của Lời Chúa: Thiên Chúa nâng con người lên và làm cho cuộc sống con: TN 2-C14
1. Sứ điệp ‘chính’ của Lời Chúa: Thiên Chúa nâng con người lên và làm cho cuộc sống con người được thăng hoa: Đó là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể rút ra được từ các bài Kinh Thánh hôm nay. (a) Trước hết là trong Sách Ngôn sứ Isaia: Thiên Chúa coi Ítraen như một người vợ, tức là Thiên Chúa nâng Ítraen lên ngang hàng với Thiên Chúa. Niềm vui mà Thiên Chúa có được từ dân riêng chẳng khác gì niềm vui mà cô dâu đem lại cho chàng rể. Thật không thể tưởng tượng nổi! (b) Rồi đến trong Tin Mừng Gioan: Đức Giêsu chẳng những đã cứu vớt đôi tân hôn ở Cana khỏi bẽ mặt với họ hàng và bạn bè mà còn biến đổi Tiệc Cưới của họ thành một Tiệc Cưới Lớn (vì có nhiều rượu ngon) cũng như đã đem đến cho cuộc hôn nhân và đời sống gia đình của họ một Ý Nghĩa Lớn. Tiệc Cưới của họ là hình ảnh Tiệc Cưới của Hoàng Tử Giêsu với cô dâu là nhân loại mới. Đời sống gia đình của họ diễn tả chọn lựa và tính chất của chính Đức Giêsu Kitô là Emmanuen nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi”. (c) Sau cùng là trong Thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô: Thần Khí Thiên Chúa ban phát cho mỗi tín hữu mỗi hồng ân hay đặc sủng theo cách khác nhau. Đặc sủng hay hồng ân ấy được ban cho từng người nhưng là để cả cộng đoàn được hưởng. Vì nhờ hồng ân hay đặc sủng ấy mà cuộc sống của mỗi cá nhân và cả cộng đoàn được thăng hoa, phát triển như lòng Chúa mong ước.
2. Sứ điệp ‘phụ’ của Lời Chúa: Thiên Chúa muốn con người biết trân trọng các hồng ân mà họ đã lãnh nhận và biết cách thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa: Đó là điều quan trọng thứ hai mà chúng ta rút ra được từ các bài Kinh Thánh hôm nay. Thánh Phaolô kết án những người, vì những ơn huệ khác nhau, mà sống và gây chia rẽ trong cộng đoàn. Điều đó hoàn toàn trái ngược với dụng ý của Thần Khí Thiên Chúa khi ban phát các ân huệ ấy cho mỗi người. Còn trong Phúc âm Luca 19,11-27 chúng ta thấy thái độ và lời nói gay gắt của ông chủ trong dụ ngôn mười yến bạc như thế nào: ”Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh……” và “Lấy lại yến bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười yến”. Đó chính là thái độ và quan điểm của Thiên Chúa đối với những kẻ không biết trân trọng các đặc sủng hay hồng ân mà Người đã ban cho họ. Vì không biết trân trọng nên họ không biết sinh lợi để tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa.
3. Thực thi sứ điệp của Lời Chúa trong tuần: Mỗi người chúng ta hãy nhìn vào cách mình sống và cách mình sử dụng các ân huệ Thiên Chúa ban cho: (1o) Tôi đã dùng đức tin, cậy, mến; tài năng, của cải, thời gian, sức khoẻ, chức vụ và địa vị xã hội của tôi như thế nào? (2o) Hằng ngày tôi có biết cảm tạ Đấng đã ban các ơn huệ ấy cho tôi không? (3o) Hằng ngày tôi có biết dùng các ơn huệ ấy để mưu ích cho người chung quanh, cho cộng đoàn giáo xứ và cho cộng đồng dân cư không?
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha là Thiên Chúa toàn trí, toàn năng, chúng con hết lòng ngưỡng mộ Lòng Yêu Thương vô bờ bến của Cha: Cha đã nâng chúng con lên và đã đổ tràn mọi hồng ân quí gía của Cha cho chúng con. Chúng con xin cảm tạ Cha. Xin Cha ban cho chúng con ơn biết trân trọng tấm lòng và ân huệ của Cha. Cũng xin Cha ban cho chúng con ơn biết làm cho các ân huệ Cha ban sinh lợi sinh lãi cho chúng con và mọi người. Amen.
Vào ngày đầu năm học, một thầy giáo đã muốn làm cho các học sinh lớp khoa học của mình được: TN 2-C15
Vào ngày đầu năm học, một thầy giáo đã muốn làm cho các học sinh lớp khoa học của mình được ngạc nhiên nên thầy đã làm một thực nghiệm "phép lạ" trong lớp.
Để bắt đầu cuộc thực nghiệm, thầy đã đổ vào một cái chai một thứ nước trong suốt (Phenol Phathalein). Sau đó, thầy đã lấy một chất hóa học khác, cũng trong suốt (Sodium Hydroxide), và đổ vào cái chai kia luôn. "Thành Công!" Khi hai chất hóa học hòa với nhau đã trở thành một chất nước màu đỏ. Các học sinh ai cũng trầm trồ khen ngợi, và bởi vì hăng quá thầy giáo đã quậy cái chai mạnh đến nỗi nó đổ xuống cả chiếc bàn của mình. Sau đó, thầy đã phải nhanh tay lấy mấy tấm khăn lau lấy lau để trong khi các học sinh cứ ngồi đó nhìn thầy giáo của mình. "Chẳng lẽ không có em nào cho thầy một tay sao?" thầy giáo nhìn các học sinh và hỏi. Rồi thì cả lớp đã ủng hộ vỗ tay.
Qua hai ngàn năm, các Kitô hữu đã không ngừng khen ngợi những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm, biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana. Năm ngàn người theo Chúa nghe giảng đã được ăn no nê. Chúa Giêsu đã chữa mắt cho người mù, cho người cùi được sạch, cho người bất toại đi được. Khi chúng ta nghe những câu truyện tương tự như trên, chúng ta cảm phục hoan hô ngài. Thêm nữa, chúng ta còn mong muốn những phép lạ đó sẽ tiếp tục xảy ra trong thời đại này. Chúng ta vẫn thường cầu nguyện xin cho phép lạ xảy ra. Điều đó không có gì là sai trái cả, bởi vì chính các tác giả Tân Uớc đã nói với chúng ta rằng hãy mở rộng tâm hồn để ân phúc của Thiên Chúa đổ xuống và làm phép lạ trong chúng ta. Các thánh ký đã không ngừng nói với chúng ta rằng không có chuyện gì mà không thể được đối với Thiên Chúa. "Làm sao chuyện ấy có thể xảy ra được?" là lời mà Đức Maria đã nói với sứ thần Gabriel. "Không có chuyện gì mà không thể đối với Thiên Chúa," thiên sứ đã trả lời Mẹ (Lc 1: 34,37).
Trong cuốn truyện "Sự Chết Đến Với Đức Tổng Giám Mục," một vị linh mục và một giám mục nói chuyện với nhau về những phép lạ ghi lại trong Tân Ước. Cả hai đều đồng ý là những phép lạ có một tầm mức quan trọng đối với các tín hữu thời sơ khai để củng cố đức tin của họ. Đức giám mục nói, "Phép lạ là một cái gì đó thực tế giúp cho người ta dựa vào." Ngài còn tiếp rằng thế nhưng điều mình cần phải để ý là những phép lạ đó bị người khác nhìn bằng con mắt dị đoan. Ngài nói, "Phép lạ xảy ra khi cái nhìn của con người quyện vào với tình yêu Thiên Chúa. Ở đâu có một tình yêu bao la, thì ở đấy luôn luôn có phép lạ... Phép lạ không phải chỉ là được ơn chữa bệnh, nhưng còn là được cái nhận thức tinh tế, để mắt chúng ta nhìn thấy và tai chúng ta nghe được điều gì đang ở trong hiện tại nói với chúng ta."
Trong một kịch tuồng tên là "Cánh Đồng Xanh," Tổng Thần Gabriel được diễn tả là một người nóng nảy đang sẵn sàng để thổi chiếc kèn cuối cùng. Tổng thần đã nài nỉ xin Chúa cho thổi để đến ngày tận thế. Sau cùng, Thiên Chúa quở trách, "Gabriel, con có nhận ra rằng thỉnh thoảng con người có lúc trở nên những tạo vật tốt không?"
Đúng thế, có những giây phút thật sáng sủa và rạng rỡ. Có những lúc, có những ánh nhìn đẹp đẽ và cam đoan. Có những lúc, những phép lạ tình yêu của những kẻ tốt lành, hiền lành và nhân hậu, đã làm cho thế giới trở nên sống động và đẹp đẽ.
Là một chuyện không thể xảy khi chúng ta tin tưởng vào Chúa, Đấng tạo dựng trời đất và muôn vật, Đấng thấu suốt tâm can, thấu suốt mọi sự tự nhiên và siêu nhiên, mà chúng ta lại không biết mở lòng ra cho những phép lạ... Hãy mở rộng tấm lòng của bạn ra để khám phá ra những phép lạ kỳ diệu mà Đấng Toàn năng đã làm trong cuộc đời của bạn! Phép lạ có thể xảy ra! Phép lạ có thật!
Bởi vì Thiên Chúa là Chúa cho nên tất cả mọi sự đều có thể! Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài có thể biến đổi đau khổ thành vui mừng, thất vọng thành hy vọng, chết chóc thành sự sống!
Bởi vì bạn là bạn và là con của Thiên Chúa, bởi vì bạn là một kiệt tác tốt nhất trong muôn loài, bạn có một chỗ đứng rất quan trọng trong chương trình của Thiên Chúa. Mục đích của cuộc sống, mục đích mà bạn hiện hữu trên trái đất này, đó là bạn phải trở thành một người làm phép lạ. Bạn có thể làm những việc phi thường nhân danh Chúa Kitô! Bạn có thể làm những phép lạ tình yêu nhân danh Chúa Giêsu.
Hãy tin tưởng vào Chúa! Hãy tin tưởng vào quyền năng của Ngài! Hãy tin tưởng vào sự sắp đặt của Ngài trong cuộc đời của bạn! Nói một cách khác đó là hãy yêu thương nhau!
Cách đây hai ngàn năm, Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, đã nói với các đầy tớ hãy làm những gì Chúa Giêsu bảo họ làm. Các đầy tớ đó đã làm theo và phép lạ đã xảy ra, nước hóa thành rượu.
Ở đây và trong giây phút này, các thánh ký Tân Ước nói với chúng ta rằng hãy làm những gì Ngài bảo các bạn. Hãy yêu thương cha mẹ, anh chị em, hàng xóm, và cả những người mình ghét. Qua đó, chúng ta sẽ lãnh nhận được sự tán thưởng của Thiên Chúa.
Đức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana: TN 2-C16
Đức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana.
Đám cưới là một cuộc vui kéo dài cả tuần. Tiếc thay, tiệc nửa chừng thì hết rượu.
Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên trong Tin Mừng Gioan. Ngài đã biến nước thành rượu. Ngài trả lại bầu khí vui tươi cho đám cưới.
Tin Mừng Gioan hay kể lại những dấu lạ có ý nghĩa. Những dấu lạ vén mở con người Đức Giêsu.
Làm bánh hóa nhiều cho thấy Đức Giêsu là Bánh thật. Chữa người mù bẩm sinh cho thấy Đức Giêsu là Ánh Sáng. Hoàn sinh Ladarô cho thấy Đức Giêsu là sự Sống Lại. Dấu lạ ở tiệc cưới Cana cũng cho ta biết Ngài.
Thứ nước dùng cho nghi thức tẩy uế của Do Thái giáo, Đức Giêsu biến nó thành rượu ngon, một lượng rượu khổng lồ vượt quá mức đòi hỏi.
Ngài biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước.
Như thế Ngài đã mở ra một thời đại mới thời đại thiên sai, chan chứa niềm vui cứu độ.
Đức Giêsu cho thấy mình chính là Đấng Mêsia.
Ngài đến để thiết lập một trật tự mới dồi dào và phong phú, như rượu vừa nhiều vừa ngon.
Cựu Ước không làm con người mãn nguyện.
Con người vẫn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc vẫn là cái gì bèo bọt, mong manh.
Đức Giêsu đã dự tiệc cưới ở Cana.
Ngài muốn dự mọi bữa tiệc liên hoan của con người. Ngài muốn chia sẻ và bảo vệ niềm vui bé nhỏ nơi họ. Đừng để Đức Giêsu đứng ngoài hạnh phúc của bạn. Đừng coi Ngài là người ganh ghét với niềm vui bạn có.
Nếu bạn nghe lời Ngài, đổ nước đầy các chum rỗng, bạn sẽ gặp được hạnh phúc vững bền.
Dấu lạ Cana chủ yếu cho ta thấy Đức Giêsu là ai, nhưng Đức Maria cũng có một vai trò đáng kể. Mẹ hiện diện trong tiệc cưới như thân mẫu Đức Giêsu. Mẹ thấy rõ sự lúng túng lo âu của chàng rể.
"Họ hết rượu rồi": Mẹ chỉ nói với Con như vậy. Câu nói của Mẹ ẩn chứa một lời nài xin kín đáo. Mẹ mong Con làm một điều gì đó mà Mẹ không rõ. "Người bảo gì, các anh hãy làm."
Quả thật Đức Giêsu có bảo và các gia nhân có làm, nhờ đó dấu lạ Cana được thực hiện.
Qua sự đóng góp của Mẹ trong dấu lạ mở màn này, đức tin của các môn đệ được củng cố và lớn lên.
Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi!
Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ... Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối.
"Người bảo gì, các con hãy làm":
Đó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.
Gợi Ý Chia Sẻ
Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc ngay từ đời này. Theo bạn, thế nào là một con người hạnh phúc? Hạnh phúc đích thực dựa trên những yếu tố nào?
Đâu là những điều đe dọa hạnh phúc bình thường của một người?
Cầu Nguyện
Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ. Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa. Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt. Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly. Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Phúc Âm Thánh Gioan, một cuốn sách về các dấu lạ; có thể được xem như sách Sáng Thế: TN 2-C17
Phúc Âm Thánh Gioan, một cuốn sách về các dấu lạ; có thể được xem như sách Sáng Thế của Kitô giáo. Phép lạ ở Cana là "dấu lạ" đầu tiên của Đức Giêsu giúp các môn đệ tin vào Ngài là Đấng Mêsia (c.11).
Đức Giêsu thay thế phong tục thanh tẩy của người Do Thái (c.6), một nghi thức cũ , bằng rượu, tượng trưng cho đạo lý mới. Rượu chính là lời giảng dạy và sự khôn ngoan của Ngài (Cách Ngôn 9:1-5).
(c.1) "Ngày thứ ba" ám chỉ xa đến biến cố phục sinh, lúc Đức Giêsu sống lại vinh quang từ cõi chết. Vào ngày thứ ba của cuộc đời công khai (hai ngày sau khi gọi các môn đệ đầu tiên), Đức Giêsu tỏ bày vinh quang của Ngài qua phép lạ biến nước thành rượu.
Phép lạ đầu tiên này xảy đến trước lễ Vượt Qua (c.13). Hai năm sau đó, cũng chính trong dịp lễ này Đức Giêsu lại biến rượu thành chính máu cực thánh của Ngài.
Trong Do Thái giáo, tiệc cưới cũng tượng trưng cho sự hàn gắn những vết thương trong mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc được tuyển chọn của Ngài. (Isaia 62:4-5)
Chữ "bà" ở đây mang một âm điệu trang trọng, một lối nói nghi thức. Khi bị đóng đinh trên thập giá, Đức Giêsu đã lại dùng chính danh từ này một cách âu yếm và kính trọng khi nói với Đức Mẹ (Gn 19:26).
Khi gọi mẹ mình bằng "bà", Đức Giêsu có thể đã muốn xác định Đức Mẹ là một Evà mới, là mẹ của tất cả các môn đệ của Ngài thay cho Evà cũ là "mẹ các sinh linh" (Khởi Nguyên 3:20). Như thế chúng ta có thể so sánh hai hình an?h của một Evà cũ đưa đẩy Adong đến việc phạm tội đầu tiên (KN 3:6) với hình ảnh một Evà mới dẫn đưa Adong mới, là Đức Giêsu, tỏ bày vinh quang của Ngài trong phép lạ đầu tiên này.
"Giờ" là một danh từ quan trọng trong Phúc Âm Gioan, là thời điểm của sự phán xét, của tối tăm, của sự chết, của sự vâng lời tuyệt đối và của sự sống lại khải hoàn (Gn 5:28, 7:30, 12:23, 13:1, 17:1). Câu 4 cho thấy trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu, trước khi giờ của Ngài đến, mọi việc Ngài làm là hoàn toàn theo ý của Đức Chúa Cha.
Một Điểm Chính
Việc biến đổi nước của Cựu Ước thành rượu cứu chuộc đánh dấu sự chuyển tiếp từ cũ sang mới. Đức Giêsu khởi sự thời điểm cứu chuộc nhân loại.
Suy Niệm
Bạn hiện diện ở đó khi Mẹ Maria đến với Đức Giêsu để xin giúp đỡ. Qua sự việc đó bạn cảm nhận gì về tính tình của Mẹ? Bạn học được điều gì từ gương Mẹ? Bạn có nghĩ là Đức Giêsu đã tỏ ra khó chịu với mẹ mình chăng? Bạn có nghĩ rằng bạn hiểu Ngài chăng?
Có khi nào trong cuộc sống bạn cảm thấy mình cạn hết "rượu" chăng? Những lúc đó Đức Giêsu lại đổ đầy cho bạn như thế nào?
Dịp Năm Thánh 2000 Tám Lưu Linh theo vợ đi hành hương ở Lộ Đức về. Tới phi trường, nhân: TN 2-C18
Dịp Năm Thánh 2000 Tám Lưu Linh theo vợ đi hành hương ở Lộ Đức về. Tới phi trường, nhân viên quan thuế mở hành lý của ông ta ra, hỏi:
- Cái gì trong mấy cái chai này vậy?
Tám trả lời:
- Nước suối, nước Đức Mẹ Lộ Đức.
Nhân viên quan thuế không tin, mở thử một chai, ngửi:
- Đâu phải là nước, rõ ràng là rượu mà.
Tám Lưu Linh quì xụp xuống, giang rộng hai tay ngửa mặt lên trời, thành khẩn:
- Quả là phép lạ! Xin tạ ơn Đức Mẹ!
Chúng ta không rõ và có thể hoài nghi phép lạ mà Tám Lưu Linh tuyên bố. Tuy nhiên bài tin mừng theo thánh Gioan hôm nay ghi lại một phép lạ thực sự, phép lạ đã được Chúa làm cho nước hóa thành rượu tại tiệc cưới Cana.
Cách đây ít năm tôi và một số cha bạn có cơ hội hành hương Đất Thánh ở Do Thái và đến thăm nhà thờ tiệc cưới Cana nơi kỷ niệm Chúa làm phép lạ biến nước thành rượu để giúp cho đôi vợ chồng mới cưới khỏi xấu hổ mất mặt vì thiếu rượu.
Trong phần cầu nguyện cha hướng dẫn nhắn nhủ là có thể nhắc tên những người sắp sửa lập gia đình kỳ hè năm đó. Tôi đã nhắc tên một số cặp vợ chồng và cầu nguyện nhiều cho họ cũng như cho các gia đình.
Sau đó ghé thăm tiệm rượu, người ta mời tôi dùng thử rượu cưới, tôi tự nghĩ mình đi tu, độc thân không cưới ai và không ai thèm cưới mình nhưng dù vậy mình vẫn có quyền hưởng rượu cưới chứ và vì nghĩ như thế nên tự thưởng cho mình một ly, thấy rượu cưới ngon ngọt êm dịu thì thôi và lúc đó bị cám dỗ: Không ngờ tình yêu gia đình lại ngon ngọt dịu êm như thế. Biết trước như vậy mình không đi tu nữa xong. Just kidding.
Sau đó tôi mua 5 chai và cha bạn mua 2 chai. Khi mua không nghĩ gì đến chuyện mang về khó khăn, nhưng khi di chuyển từ miền Bắc, từ Nagiaret xuống miền Nam, Bê-lem, và nghĩ đến chuyện mang về Mỹ là cả một công trình, tôi mới bàn với cha bạn: "Thôi mỗi ngày chúng ta mừng nhau một chai và như thế trong 7 ngày chúng ta thanh toán hết và không còn phải lo lắng gì đến chuyện phải mang về khó khăn nữa. Nếu ai có hỏi thì mình trả lời là rượu cưới có nhiều chất alcohol nên đã bay hơi hết rồi." Nói xong làm liền tôi mở ra một chai và chia ra làm hai mỗi người một nửa rồi nói: "Let us celebrate. Nào chúng ta hãy cùng nhau hoan hỉ." Nói thế chứ cũng cố mang về được bốn chai còn lại.
Trong một lễ cưới, tôi dùng chai rượu Cana để làm hình ảnh trình bày chia sẻ về ý nghĩa tình yêu: Chai rượu này quí vì nó chỉ được bán ở một nơi duy nhất trên thế giới đó là Cana. Nó quí vì nó nhắc lại việc Chúa hiện diện trong tiệc cưới làm cho đôi vợ chồng được sung sướng hạnh phúc. Hơn nữa nó còn quí ở chỗ công phu gìn giữ khi phải di chuyển từ miền Bắc nước Do Thái là Cana xuống miền Nam là Bê-lem, và đi lên miền Trung là Giêrusalem và từ Giêrusalem trở về Mỹ an toàn là cả một công trình vất vả khó khăn. Tôi phải lấy vải lấy khăn bọc các chai lại rồi xếp cẩn thận trong vali và lúc nào cũng xách theo mình không dám gửi xe bus hay máy bay vì sợ vỡ.
Cũng như rượu Cana này, tình yêu của các cặp vợ chồng dành cho nhau thật cao quí vì nó phát xuất từ Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu đó còn cao quí vì nó gói ghém sự trao ban trọn vẹn của cặp vợ chồng trao cho nhau. Tuy nhiên cũng như chai rượu này dễ bể dễ vỡ, tình yêu thật cao quí nhưng cũng rất dòn mỏng, dễ vỡ dễ mất, chỉ một chút không để ý, một chút tự ái ích kỷ, một chút kiêu ngạo cố chấp, cũng có thể làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Một buổi sáng khác, tôi chạy bộ trong công viên trước sân nhà thờ ở Rochester, New York. Trong lúc chạy bộ, thấy có những miểng chai thủy tinh vỡ vụn trên lối đi, tôi về nhà lấy chổi ra quét vì sợ có người nào sẽ bị thương vì những miểng chai vỡ. Đang khi quét dọn, tôi liên tưởng tới hạnh phúc gia đình và vấn đề ly dị. Gìn giữ một chai rượu ngon cho khỏi vỡ không phải là chuyện dễ dàng, đòi nhiều hy sinh cố gắng, nhưng đập vỡ chai rượu ngon đó dễ thôi. Chỉ cần ích kỷ lười biếng một chút vất xuống nền xi-măng một cái là đi đoong chai rượu ngon ngay. Đập vỡ chai rượu dễ, tuy nhiên vừa mất rượu ngon, rồi thêm vào đó, những miểng chai vỡ đã có thể gây tai nạn thương tích cho nhiều người.
Gìn giữ chai rượu ngon cũng như gìn giữ hạnh phúc gia đình không phải là chuyện đơn giản dễ dàng. Tuy nhiên đập vỡ chai rượu cũng như ly dị phá hủy hạnh phúc gia đình thật dễ, và rồi giống như những miếng chai vỡ có thể gây tai nạn cho nhiều người, sự ly dị đã đang gây đau khổ phiền toái cho chính cặp vợ chồng đó, cho con cái họ, cho gia đình hai bên cũng như cho xã hội.
Một em bé sau khi nghe xong bài tin mừng hôm nay về việc Chúa tham dự tiệc cưới và đã làm phép lạ cho nước hóa rượu giúp cho cặp vợ chồng mới cưới được sung sướng hạnh phúc, về nhà ông bố hỏi: "Con đã học được gì nơi bài tin mừng đó?" Em bé suy nghĩ trong giây lát rồi trả lời: "Nếu có đám cưới, hãy làm thế nào để Chúa phải có mặt ở đó."
Mời Chúa tham dự chỉ trong tiệc cưới không thôi chưa đủ, còn cần Chúa hiện diện trong cả cuộc sống gia đình. Thiếu rượu, tiệc cưới mất vui, thiếu rượu tình yêu gia đình không hạnh phúc. "Hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình," Chúa muốn đến với rượu tình yêu giúp cho các gia đình sống hạnh phúc, nhưng còn tùy thuộc ý muốn tự do tiếp nhận hay hờ hững chối từ đầy trách nhiệm của con người.
Cho đến nay, người ta không biết đích xác Cana nằm ở đâu trong vùng Galilê, nhưng hẳn Cana: TN 2-C19
Cho đến nay, người ta không biết đích xác Cana nằm ở đâu trong vùng Galilê, nhưng hẳn Cana không xa Nadarét lắm. Có lẽ đây là đám cưới của một người bà con. Đức Maria được mời, Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên của Ngài cũng được mời, nhưng có thể Đức Maria đã đến trước. Theo tập tục thời đó, đám cưới kéo dài một tuần lễ với nhiều khách khứa tiệc tùng. Chúng ta không rõ nhờ đâu mà Đức Maria biết được rượu đã hết. Phải chăng Mẹ đã nghe được những tiếng xì xào từ dưới bếp, hay Mẹ đã đọc được sự lúng túng trên nét mặt của những người dọn bàn? Dù sao đi nữa hết rượu thật là điều đáng xấu hổ, làm bẽ mặt gia đình và làm bữa tiệc mất vui. Đức Maria cũng chẳng biết làm sao trước chuyện rủi ro này. Mẹ chỉ nói với Đức Giêsu: "Họ hết rượu rồi." Trong câu nói của Mẹ ẩn dấu một lời yêu cầu kín đáo, đầy tin tưởng. Tuy nhiên, chúng ta không nên khẳng định là Mẹ có ý xin Đức Giêsu làm phép lạ. Theo Tin Mừng Luca, hẳn Mẹ biết sứ mạng Thiên Sai của Con, nhưng trong những năm dài ở Nadarét, Đức Giêsu đã sống rất mực bình thường. Ngài chưa bao giờ làm phép lạ nào cả. "Họ hết rượu rồi." Qua câu nói này, Mẹ chờ đợi Đức Giêsu làm một điều gì đó mà chính Mẹ cũng không rõ. Mẹ hy vọng Ngài sẽ can thiệp theo cách của Ngài.
Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu thật là khó hiểu. Ngài gọi Mẹ Ngài là "Bà". Người
Do Thái không có thói quen gọi như vậy. Trong các sách Tin Mừng, Ngài cũng gọi một số phụ nữ khác là Bà (Mt 15,28; Lc 13,12; Ga 4,21;20,13). Lối xưng hô này là lối xưng hô bình thường và lịch sự. "Chuyện đó can gì đến Bà và Con?" câu này phải được hiểu như một lời từ chối của Đức Giêsu, không muốn đáp ứng lời yêu cầu của Mẹ (x. 2S 19,23). Đức Giêsu không trách móc Đức Mẹ, Ngài chỉ khẳng định siêu việt tính của mình, và ám chỉ đến sự lệ thuộc trọn vẹn của mình vào Chúa Cha. "Giờ của con chưa đến" Giờ ở đây là Giờ Đức Giêsu chịu khổ nạn, được phục sinh và tôn vinh. Toàn bộ sứ vụ của Đức Giêsu, bắt đầu từ dấu lạ ở Cana, đều hướng đến Giờ đó. Trong 11 chương đầu, thánh Gioan thường dùng lối nói: "Giờ chưa đến" (2,4; 7,30; 8,20), nhưng "nó đang đến" (4,21.23; 5,25-28). Từ chương 12 trở đi, ta gặp lối nói: "Giờ đã đến" (12,23; 13,1; 17,1). Lúc đầu Đức Giêsu có vẻ từ chối lời Mẹ Ngài yêu cầu. Ngài biết rằng vinh quang của Ngài chỉ được tỏ bày và Giờ sau hết, nên Ngài có vẻ chưa muốn hé lộ vinh quang ra trong lúc này, qua phép lạ đầu tiên.
Trước câu trả lời của Đức Giêsu, Mẹ Ngài không vội nản lòng. Mẹ để cho con mình đươc tự do. Nhưng Mẹ lại muốn gia nhân ở trong tư thế sẵn sàng hành động: "Người bảo gì các anh cứ việc làm theo." Quả thực, Đức Giêsu sau đó đã bảo gia nhân đổ nước đầy 6 chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục của người Do Thái. Nước đã biến thành rượu, mà lại là rượu ngon. Một lượng rượu khổng lồ, quá dư thừa cho một đám cưới ở vùng quê.
Một Phép Lạ Mang Nhiều Ý Nghĩa
Trong cả Tin Mừng theo thánh Gioan, chỉ có bảy phép lạ được kể lại. Phép lạ ở Cana có một vị trí nổi bật, vì đó là dấu lạ đầu tiên Đức Giêsu làm trong cuộc đời công khai. Các phép lạ trong Tin Mừng thứ tư đều không phải chỉ là những hành vi biểu lộ quyền năng của Đức Giêsu, nhưng hơn nữa, chúng mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm Giêsu. Nói cách khác, phép lạ trong Tin Mừng Gioan có tính biểu tượng cao. Chúng là những dấu chỉ (sémeion) cho ta biết về con người Đức Giêsu. Sau phép lạ, đôi khi có một bài giảng dài của Đức Giêsu nhằm vén mở ý nghĩa sâu xa của phép lạ vừa kể. Thí dụ sau khi làm phép lạ bánh hoá nhiều, Đức Giêsu tự giới thiệu: "Tôi là bánh ban sự sống" (Ga 6,1-58). Khi làm cho người mù được thấy ánh sáng, Đức Giêsu nói: "Tôi là ánh sáng thế gian" (Ga 9,1-41). Khi hoàn sinh cho Ladarô, Đức Giêsu tự nhận: "Tôi là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,1-44). Chúng ta tự hỏi phép lạ ở Cana có mang một ý nghĩa sâu xa không, có cho chúng ta biết về căn tính mầu nhiệm của Đức Giêsu không?
Bối cảnh của phép lạ ở Cana là bối cảnh một đám cưới. Trong Cựu Ước, để diễn tả tình yêu thắm thiết của Thiên Chúa đối với dân Ít-ra-en, thường dùng hình ảnh hôn lễ. Thiên Chúa làm đám cưới với dân của mình. Người tự nhận mình là Chú Rể (x. Ed 16,1-4; Hs 2,16-25; Is 62,1-5). Bối cảnh phép lạ Cana cũng là bối cảnh của một bữa tiệc. Bữa tiệc là hình ảnh được dùng để mô tả niềm vui vào ngày Đấng Mêsia đến. Dĩ nhiên bữa tiệc này có dồi dào rượu ngon. "Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon." (Is 25,6). Chúng ta thấy Đức Giêsu nhiều lần dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời. Ngài tự ví mình như Chú Rể (Mc 2,19; Mt 9,15; Lc 5,34). Ngài coi giáo huấn của Ngài là thứ rượu mới không thể chứa trong bầu da cũ (Mc 2,22).
Đọc lại đoạn Tin Mừng trên đây, ta bắt gặp một chú rể lúng túng và bất lực vì hết rượu đãi khách. Anh ta chỉ có nước dùng để thanh tẩy theo luật Môsê. Đức Giêsu xuất hiện như Chú Rể thực sự của nhân loại. Ngài biến nước thành rượu, biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước. Rượu của Ngài vừa ngon, vừa nhiều; có cả phẩm lẫn lượng. Hình ảnh này cho thấy ơn cứu độ do Đức Giêsu đem lại thật là một nguồn ơn quý giá và dư dật. Trong bàn tiệc Thánh Thể, Đức Giêsu biến rượu thành Máu Ngài. Mỗi lần dự Thánh Lễ là một lần dự tiệc. Bữa tiệc hôm nay chuẩn bị cho Bữa Tiệc Thiên Quốc.
Hãy Làm Điều Ngài Bảo
Các sách Tin Mừng có ghi lại một vài câu nói ngắn của Đức Mẹ với thiên thần Gáp-ri-en hay với Đức Giêsu. Còn đây là câu nói duy nhất của Đức Mẹ cho các gia nhân, có thể hiểu cho chúng ta, "Hãy làm điều Ngài bảo". Đức Maria đưa chúng ta đến với Đức Giêsu và mời gọi chúng ta thực hiện ý muốn của Ngài. Như vậy trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta đã gặp Đức Maria (bước 1); để rồi, từ Đức Maria, chúng ta gặp lại Đức Kitô, để đào sâu hơn mối liên hệ đã có với Ngài và bám rễ sâu trong Ngài (bước 2). Tin Mừng thánh Gioan chỉ nhắc đến Đức Mẹ hai lần: lần đầu ở Cana; lần cuối ở Núi Sọ. Đức Mẹ chứng kiến cái chết của Con, và từ đây Mẹ trở nên Mẹ của các tín hữu (Ga 19,25-27). Cả hai lần đều có sự hiện diện của Đức Giêsu và sự hiện diện của con người. Mẹ đã đưa con người đến với Đức Giêsu ở Cana, và Đức Giêsu cũng đã đưa thánh Gioan, đại diện cho các tín hữu, đến với Đức Mẹ: "Này là Mẹ con". Mẹ đã hiện diện ở tiệc vui Cana, Mẹ cũng hiện diện ở Núi Sọ. Mẹ đã đi từ bước đầu cho đến cao điểm của sứ vụ Đức Giêsu.
Hôm nay, Mẹ vẫn ở với loài người, vẫn chia sẻ niềm vui và nỗi lo lắng của con người. Ngay trong tiệc cưới cũng có chuyện không vui. Mẹ không ép Chúa làm phép lạ và Mẹ cũng chẳng có quyền đó. Phép lạ Cana do quyết định cuối cùng của Đức Giêsu, Ngài làm theo ý Cha. Nhưng chúng ta vẫn không quên sự đóng góp, can thiệp của Mẹ, một người mẹ nhạy cảm và từ ái. Hôm nay, Mẹ cần hiện diện trong mọi cộng đoàn Kitô hữu, trong gia đình, trong giáo xứ, tu hội, nhóm tông đồ và trong cả Hội Thánh. Cuộc sống chúng ta thường có những khó khăn trắc trở. Mẹ vẫn thường nói với Chúa: "Họ hết rượu rồi" và Mẹ cũng hay nói với từng người chúng ta: "Hãy làm mọi điều Ngài bảo".
Một số câu hỏi gợi ý
1. Sự hiện diện và hành động của Đức Giêsu và Đức Mẹ tại tiệc cưới Cana đã làm cho niềm vui được trọn vẹn. Bạn nghĩ gì về sự hiện diện của hai Đấng trong gia đình Kitô hữu, cũng như trong mọi cộng đoàn?
2. Bạn nghỉ gì về vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội? Người phụ nữ hôm nay có học được điều gì nơi khuôn mặt của Đức Maria không?
Đức Giê-su được mời đến dự tiệc cưới tại Ca-na, cùng với Thân Mẫu, và Người đã đến, vừa với: TN 2-C20
Đức Giê-su được mời đến dự tiệc cưới tại Ca-na, cùng với Thân Mẫu, và Người đã đến, vừa với tư cách bạn hữu, vừa với tư cách họ hàng. Liệu người có biết rằng tại đây, trong đám cưới này, Người sẽ khơi mào các dấu chỉ mà Người sẽ hoàn thành trong suốt thời gian tại thế của mình?
Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người (Ga 2,11).
Thánh Gio-an đã viết như thế vào cuối trình thuật tiệc cưới Ca-na. Câu kết luận vắn tắt này chứng tỏ Gio-an là người biết đọc và hiểu những gì đã xảy ra. Quả thế, ngay đầu Tin Mừng thứ Tư, tác giả đã viết: Lúc khởi đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa (1,1). Đức Giê-su là Ngôi Lời và cũng chính là Đấng Mê-si-a được sai đến trần gian: dấu lạ đầu tienh này diễn tả trong thời gian vinh quang vĩnh cửu của Đức Giê-su. Tác giả thuật lại dấu lạ này để người tín hữu tin Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, là Con Thiên Chúa, và vì tin, họ sống nhờ danh Người (Ga 20,30-31).
Không phải là tình cờ khi tiệc cưới này diễn ra vào vào giai đoạn đầu cuộc đời công khai của Đức Giê-su. Trong Đức Giê-su, Thiên Chúa đã kết hôn với nhân loại: đó chính là Tin Mừng, mặc dù các thực khách lúc này chưa biết rằng Con Thiên Chúa đang ngồi cùng bàn với họ, và cũng chưa biết rằng Đức Giê-su chính là Vị Hôn Phu đích thực. Trong tiệc cưới này, sự hiện diện của Vị Hôn Phu là một mặc khải trọn vẹn về các mầu nhiệm: chính Người giữ lại rượu ngon cho đến mãi bây giờ mà người chủ tiệc không biết.
Rượu là thành quả từ cây nho và công lao của con người, là thức uống tuyệt hảo trong tiệc cưới. Đó chính là mạch máu của đất đã thấm rượu ánh mặt trời, với biết bao vất vả của người trồng nho trong suốt cả năm. Rượu được đưa ra vào phần cuối bữa tiệc, quả không phải là thứ rượu tầm thường. Đó chính là ơn cứu chuộc, là sự sống.
Theo tác giả Gio-an, thứ rượu này được múc ra từ những chum đá đựng nước dùng cho việc thanh tẩy. Nước này biểu tượng cho một thứ thể chế tôn giáo, một thế giới cũ thiên về nghi thức. Giờ đây Đức Giê-su đến để biến nước ấy thành rượu: thế giới cũ bị đổ nhào, nhường chỗ cho một thế giới mới. Lúc này, cuộc lễ mới thực sự bắt đầu, vì người ta được uống một thứ rượu xứng đáng là dấu chỉ Nước Trời như các ngôn sứ từng loan báo.
Cái nhìn của Gio-an còn đi xa hơn: trong câu chuyện có vẻ bình thường này, người ta thấy toàn bộ Tin Mừng của Đức Giê-su đang bắt đầu nảy mầm: Giờ đã điểm mở đầu cho giờ chung cuộc là Đức Giê-su đổ máu ra trên thập giá để hoàn tất tiệc cưới giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Như vậy, Ca-na là một khởi đầu kỳ diệu và là biểu tượng về mầu nhiệm cứu độ! Ngay từ lúc khởi đầu, Đức Maria đã có mặt và can thiệp, mặc dù Mẹ chưa hiểu hết ("Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con?")
Ca-na quả là dấu chỉ đầu tiên, nhưng lại tóm tắt toàn bộ Tin Mừng. Tất cả đều đã bao hàm trong biến cố này, nếu người ta biết đọc!
2. Những lễ hội
Trước đây, người Do thái vẫn thườg được hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Người ta có thể đến gặp Người ở đâu? Người ta có thể nhìn thấy Người và nghe tiếng Người ở đâu? Và họ thường trả lời Thiên Chúa ở tại Giê-ru-sa-lem. Đền thờ là nơi Người ngự.
Hôm nay, qua câu chuyện Tin Mừng, câu trả lời đã khác đi: Thiên Chúa đang ở trong tiệc cưới, cùng bàn với những thực khách.
Ca-na không chỉ đồng nghĩa với phép lạ đã được chú giải cả ngàn lần. Đó chính là một nơi cao của Tin Mừng. Xưa kia, Thiên Chúa đã từng bày tỏ vinh quang của Người tại Xi-nai, tại Bê-lem, và Đền thờ; còn giờ đây, Thiên Chúa xuất hiện tại Ca-na, trong một tiệc cưới. Địa danh này diễn tả một phương thức hiện diện mới của Thiên Chúa, của giao ước.
Do đó, người ta có thể gọi ? Đức Giê-su là Thiên Chúa của các núi cao, là Hữu Thể Vĩnh Cửu. Qua sự hiện diện mới này của Thiên Chúa, cuộc đời trở nên sống động hơn, đẹp đẽ hơn, bởi vì luôn chất chứa trong mình một niềm hy vọng, một sự chấp nhận.
Khi chấp thuận lời mời đến tham dự tiệc cưới tại Ca-na, Đức Giê-su muốn khai mạc lễ hội của niềm vui, lễ hội của tình yêu, lễ của đôi vợ chồng. Sự hiện diện của Đức Giê-su tại tiệc cưới Ca-na đưa ta trở về với cuộc lễ tại vườn Ê-đen, trở về với tình trạng nguyên thủy, hay nói cách khác, sự hiện diện ấy là việc thánh hiến tình yêu.
Quả thế, sự hiện diện của Đức Giê-su tại tiệc cưới là một cuộc lễ với nhiều ý nghĩa.
* Lễ của giao ước: người Kitô hữu quan niệm hôn nhân là mộ bí tích, tức là dấu chỉ hoàn hảo nhất về mối tương giao giữa Thiên Chúa và con người,. Đời sống vợ chồng là một dấu chỉ hữu hình về tình yêu giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh.
* Lễ Hiển Linh: đây không phải chỉ là một phép lạ, nhưng còn là sự bày tỏ chính thức của Thiên Chúa. Chính Người có mặt trong tiệc cưới, cùng ăn cùng uống với các thực khách.
Cuộc hiển linh này không phải là của Đức Chúa Toàn Năng, nhưng là của Thiên Chúa Bét-lem, người bạn của các mục đồng và các đạo sĩ, bạn của những người khiêm tốn và của những người dám phiêu lưu, của những người nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần.
* Lễ thánh: Thiên Chúa xuất hiện không phải với những nghi thức long trọng. Chính sự hiện diện của Người làm cho những địa điểm, những con người, những đồ vật tại đó trở nên thiêng thánh, bởi vì Người thánh hóa tất cả. Người ta sẽ còn gặp Thiên Chúa tại bờ giếng Gia-cóp, ở bàn ăn nhà người thu thuế, tại nghĩa trang, trước ngôi mộ của người bạn, sau nữa tại thập giá. Tại tất cả những nơi đó, Người sẽ biến đổi sự chết thành sự sống.
Thiên Chúa ở Ca-na là như vậy.
3. Cuộc đời là tiệc cưới
Đức Giê-su có mặt tại Ca-na và biến nước thành rượu ngon. Đối với chúng ta, biến cố này có ý nghĩa gì?
Người đã có mặt ở Ca-na, để cho ta thấy Người cũng có mặt trong những biến cố khác nhau của đời ta. Sự hiện diện của Người trong những biến cố này làm cho chúng ta nhận ra quyền năng của Người. Đồng thời làm cho tất cả sự kiện mang một ý nghĩa mới, ý nghĩa đặc biệt.
Thật thế, cũng như sự hiện diện của Đức Giê-su tại tiệc cưới Ca-na làm cho bữa tiệc này trở thành một dấu chỉ về sự can thiệp của Thiên Chúa, thì sự hiện diện của Người trong cuộc đời chúng ta cũng đem lại giá trị vĩnh cửu. Chính Đức Giê-su làm cho bữa tiệc của nhân loại được trọn vẹn và tràn đầy niềm vui. Do đó, nếu không có Đức Giê-su, mọi bữa tiệc của nhân loại vẫn còn dang dở và niềm vui chưa tới mức trọn vẹn.
Chính Đức Giê-su muốn có mặt trong cuộc đời chúng ta để biến tất cả thành những dấu chỉ của niềm vui và hy vọng. Người đến và biến cuộc đời ta thành mối tương giao để qui hướng về một điểm duy nhất là tình yêu.
Vì vậy, dù cuộc đời chúng ta có thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn hiểu rằng Đức Giê-su đang chia sẻ với chúng ta, Người đang nâng đỡ và đang chiến đấu cùng với chúng ta. Đó là điều ta phải tin tưởng.
Chúng ta phảo tin vào quyền năng của Đức Giê-su: Người có thể biến đổi tất cả. Người cho cuộc đời vô vị và tầm thường của chúng ta thành một cuộc sống có giá trị. Người có thể sử dụng những nỗi yếu đuối của chúng ta làm chất liệu cho một cuộc đời mới. Phải tin tưởng vào Người.
Tuy vậy, một điều nữa là phải muốn thay đổi. Đôi khi chúng ta vẫn chống chế: Nước đã biến thành rượu, rượu đã trở nên Máu Đức Kitô. Điều ấy đã xảy ra tại Ca-na, tại đồi Can-vê, nhưng cuộc đời thì khác.
Cần nhớ rằng, nếu không muốn biến đổi, thì chúng ta chưa sám hối thực sự. Chỉ khi nào sẵn sàng làm theo điều Người chỉ, lúc ấy chúng ta mới có thể buớc vào lễ hội của Thiên Chúa, lễ hội của niềm vui.
Các người thường nói: "Ráng chiều ửng hồng, rạng đông sẽ đẹp"; hoặc: "Trời kia màu đỏ pha: TN 2-C21
"Các người thường nói: "Ráng chiều ửng hồng, rạng đông sẽ đẹp"; hoặc: "Trời kia màu đỏ pha thâm, hôm nay giông gió không nhầm đâu ai". Các người đã biết nhìn điềm trời mà luận thời tiết, cớ sao không biết xem dấu chỉ mà luận thời kỳ?" (Mt 16:1-3).
THỜI ĐIỂM 33 LÚC KHOÁI
Nhạc sư Hải Linh khi còn sống ở New Orleans thường rất ít khi thắt cà vạt. Mỗi lần đi đâu phải buộc cà vạt vào cổ cho hợp chỗ "nhớn" thì ông lấy làm khổ sở lắm. Ông bảo giống như sắp bị "thắt cổ" lãnh án tử hình vậy; không thì nó cũng chẹt bóp cổ mình ăn nuốt làm sao cho ngon được!
Riêng tôi mỗi lần đi ăn tiệc mà ngồi ở chỗ cao thì cũng chẳng mấy thú vị gì. Một trong những lý do dễ hiểu là chỗ vị vọng thường ngay sát sân khấu có nhiều loa phóng thanh, mà ban nhạc bây giờ phải đánh to hết sức xem ra mới đã. Thế là mình cứ việc lo mà đền tội trong suốt hơn một tiếng đồng hồ: màng tai thì giãn bong lùng bùng, các dây thần kinh thì lỏng ra thật đáng ái ngại.
BA MƯƠI BA CÁI THÚ CỦA KIM THÁNH THÁN
Đang khi nhiều người mong mỏi đời mình sẽ khấm khá khi ngồi được chỗ cao hơn, được lên cấp, tăng lương, mua được bộ đồ mắc tiền, tậu được chiếc xe láng cho le lói với thiên hạ, thì nhà nghệ sĩ Trung Hoa là Kim Thánh Thán đã khám phá ba mươi ba lúc vui thỏa thật giản đơn. Và Lâm Ngữ Đường đã ghi lại trong Một Quan Niệm Về Sống Đẹp (The Importance of Living).
1. Tháng bảy mùa hè, mặt trời ngừng ở giữa trời, không có gió mà cũng không có mây, sân trước sân sau hực lên như lò lửa, không một con chim nào bay lại. Mồ hôi đổ khắp mình, chảy như suối. Cơm dọn sẵn trước mặt mà ăn không được. Bảo trải chiếu để nằm trên đất, nhưng chiếu ướt nhẹp, ruồi bay lại đậu ở cổ ở mũi, đuổi không đi. Đương lúc không biết làm sao thì bỗng mây đen kéo tới, sấm nổ vang như trăm vạn tiếng trống tiếng kèn của đạo quân. Mái nhà nước xối như thác. Mồ hôi ngưng chảy, đất sạch như quét, ruồi bay đi hết, ăn cơm được. Vậy chẳng khoái lắm sao?
2. Trước phòng đọc sách, chặt các cây rủ lá che để trồng một vài cây chuối. Vậy chẳng khoái lắm sao?
3. Sau bữa cơm, không biết làm gì, dạo chợ thấy một món đồ nhỏ muốn mua. Trả giá cũng gần xong, số tiền chỉ còn cách nhau một chút mà người bán không chịu nhường, cố tranh cho được. Tôi lấy ra trong tay áo ra một vật giá trị cũng xấp xỉ chỗ sai biệt đó, ném xuống quầy cho người bán hàng. Hắn đổi ngay sắc diện, cười vui. Vậy chẳng khoái lắm sao?
4. Lúc rảnh rỗi không biết làm gì, sắp đặt lại đồ vật trong một cái rương cũ bỗng thấy hằng chục hằng trăm văn khế cũ mới của những người thiếu nợ. Người còn sống kẻ đã chết, nhưng toàn là vô hy vọng đòi lại được tiền. Không cho ai hay, tôi gom lại, châm lửa đốt hết, ngẩng lên nhìn trời cao không gợn một đám mây. Vậy chẳng khoái lắm sao?
5. Một ngày hè, dậy sớm, thấy người ta cưa tre làm ống nước ở dưới một mái che. Vậy chẳng khoái lắm sao?
6. Mưa dầm suốt tháng, sáng nằm ở giường không muốn dậy, như người say rượu hoặc đau. Bỗng nghe chim ríu rít mừng nắng. Tôi vội đưa tay ra vén màn, đẩy mạnh cửa sổ ngó ra, thấy ánh mặt trời long lanh rực rỡ, và cây trong rừng như mới gội. Vậy chẳng khoái lắm sao?
7. Đêm đông uống rượu, trời chuyển lạnh dữ, đẩy cửa sổ nhìn ra thấy tuyết đã phủ mặt đất tới ba bốn tấc. Vậy chẳng khoái lắm sao?
8. Mở tủ ra, tình cờ tìm được bức thư của một người bạn cũ. Vậy chẳng khoái lắm sao?
9. Một bạn nghèo lại mượn tiền, nhưng còn ngại ngùng và nói bâng quơ những chuyện đâu đâu; đoán được nỗi khổ tâm của bạn, kéo lại chỗ vắng, hỏi cần bao nhiêu, rồi đi gấp vô nhà trong, lấy đủ số ra đưa. Và hỏi bạn có cần về gấp để thu xếp công việc không, nếu không thì ở lại uống vài chén rượu. Vậy chẳng khoái lắm sao? 10. Mở cửa sổ cho con ong bay ra. Vậy chẳng khoái lắm sao?
11. Thấy chiếc diều đứt dây. Vậy chẳng khoái lắm sao?
12. Trả hết nợ. Vậy chẳng khoái lắm sao? v.v.
TIN VUI TỪ CON CÓC NHẢY KHƠI KHƠI
Ấy, đại khái 33 lúc khoái của Kim Thánh Thán nó dễ dàng như vậy đấy. Ông ta có thể ghi ra thêm cả trăm, cả ngàn, cả triệu lúc khoái khác cũng được vậy thôi. Tội nghiệp cho thi sĩ Byron chỉ hưởng được có ba giờ sung sướng trong suốt một đời. Chắc ông ta vào loại bị bệnh bất mãn kinh niên, nếu không thì ít ra ông cũng hưởng được 33 lúc khoái như Kim Thánh Thán chứ. Thấy diều đứt dây cũng thú. Thấy trời mưa cũng thú, trồng thêm một cây cũng thú, dứt được một vài ràng buộc làm mất thong dong cũng thú. Nhiều cái thú lắm.
Và Lâm Ngữ Đường góp ý: "Đọc đoạn Kim Thánh Thán trên, có phải rõ ràng thế giới là một bàn tiệc bày ra cho chúng ta hưởng đấy không? Tôi ngờ rằng sở dĩ chúng ta cứ ngoan cố nhắm mắt không chịu nhìn cái thế giới đẹp đẽ đó thôi".
Nhà thơ Luân Hoán đã bày tỏ được một lúc khoái bằng một tình cờ rất hiển nhiên trong Cỏ Hoa Gối Đầu:
Đôi khi chống nạng ngắm trờithấy con cóc nhảy khơi khơi mà thèm.
Nhìn một con cóc nhảy cũng là một cách chiêm nghiệm hay thiền đấy. Mình bỗng cảm nhận được cái thong dong, tự tại, sung sướng với những gì mọi khi vẫn coi là tầm thường thấp kém. Hạnh phúc thật giản đơn đã luôn được trao ban sẵn đó, khi nắm bắt được vẻ kinh ngạc lạ lùng của sự hiện hữu, của chính sự sống lần đầu thấy tim mình đang đập và máu đang chuyển, thấy được nhựa cây đang đẩy chất màu cho những búp mới nhú ra, thấy được tia nắng mới dậy thì nhảy múa trên làn cỏ tươi mát, thấy được mắt của con ruồi được cấu tạo bằng trên ba ngàn lăng kính...
Đây chính là phút giác ngộ phát hiện ra một dòng sức sống bao la vẫn không ngừng nhảy múa, trong cây, trong lá, trong từng li ti huyết quản, trong sức cựa động đổi mùa. Cuộc đời đã vốn giàu có quá, rộng lượng quá. Thế là tâm mình tự nhiên được rộng mở, lên ngôi được với lượng từ tâm cao cả của đất trời kia.
Con cóc biết lãnh nhận và hưởng được niềm sảng khoái được sinh ra trên mặt đất. Con chim, con cá cũng vậy. Chẳng có con nào phải đi viện thẩm mỹ, phải đi nhà thương tâm trí, phải đi khai an sinh xã hội...Mình cảm thấy thẹn khi thấy con cóc nhảy khơi khơi nhởn nhơ sung sướng mà mình thì mỗi ngày thêm nhăn nhó phờ phạc và nhỏ nhoi ti tiện hẳn ra. Cũng tại mình thích vênh mặt lên, tách lìa khỏi mạch nhựa miên viễn để tự giam nhốt mình vào cái bị thịt tù túng.
Đúng như Tin Vui Chúa Giêsu đã loan báo cho thời điểm 2000:
"Ai nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên". (Luca 14: 11)
PHÚT CẢM NHẬN
Người thích tìm chỗ cao thì đang phải trả giá rồi, vì chận vít và đánh mất đi niềm hoan lạc tự thân, rất đơn giản, tinh ròng. Lòng người mẹ bao la vì biết chọn chỗ thấp nhất như biển cả. Thấp nên đón nhận và dung hóa được tất cả mưa trời, thác suối, sông ngòi...
Xin cho lòng tôi cũng được đục khoét trở thành ống sáo rỗng không, cho hơi thở tình yêu từ trời phả vào thành giai điệu reo vui bất tận.
Bài hát tôi đã rũ sạch điểm tô lòe loẹt, không còn kiểu cách huênh hoang.
Đồ trang sức sẽ ngăn cách Người với tôi, làm giảm đi thân tình, làm động đạc át cả tiếng thì thầm nhè nhẹ.
Trước mặt Người lòng hợm hĩnh thi nhân nơi tôi chết trong thẹn thùng.
Ôi thi bá đời tôi, tôi xin đến ngồi dưới chân Người!
Chỉ xin biến đời tôi thành bình dị, thẳng ngay, như ống sáo trúc Người phả đầy âm nhạc vào trong.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đề cập đến ba vấn đề, và tất cả đều liên hệ đến: TN 2-C22
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đề cập đến ba vấn đề, và tất cả đều liên hệ đến tình yêu:
-Con Thiên Chúa nhập cuộc -Trong tình yêu, người thứ ba là thừa ? -Phép lạ tại Cana, vì người nghèo.
Con Thiên Chúa nhập cuộc.
Chúa Giêsu làm người , một con người trọn vẹn và bình thường như bao nhiêu người khác: cũng lao động, cũng lên Giêrusalem dự lễ như mọi người Do thái khác, cũng đi dự đám cưới của bà con hay của xóm giềng. Chúa sống bình thường đến nỗi không ai nhận ra Chúa , cứ tưởng Ngài cũng chỉ là một con người bình thường và tầm thường như bao con người khác ở cái xứ Galilê nghèo khổ ấy . Ngài đã nhập cuộc một cách trọn vẹn , sống hòa đồng với mọi người giữa một xóm nghèo.
Hôm nay Ngài đi dự đám cưới ở Cana, chắc là đám cưới của một người bà con thân thuộc gì đây, vì cả Đức Mẹ và các môn đệ cũng đi dự . Khi một linh mục hay một Giám mục đi dự một đám cưới, chẳng qua là vì tình nghĩa , chứ không phải vì thích ăn uống. Ở đây Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài đến dự đám cưới nầy cũng vì tình nghĩa,vì thương yêu,vì đây có lẽ là một đám cưới nhà nghèo, thiếu rượu nửa chừng ! Một đám cưới ở cái xứ Galilê nghèo khổ nầy.
Đọc Phúc Am, thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu được người nầy người nọ mời đi ăn, nhất là Ngài thường hay đồng bàn với người tội lỗi và bọn thu thuế, những con người nghèo về mặt xã hội. Ngài có vẻ thân tình với những lớp người ấy, cho nên người Biệt Phái và Luật sĩ mới chê trách người. Từ đó, chúng ta thấy Ngài cũng có mục đích khi ăn uống ở nhà nầy nhà nọ: "Người bệnh mới cần đến thầy thuốc":người tội lỗi mới cần cứu vớt . Hôm nay cũng thế, Ngài đến dự tiệc cưới cũng vì để tỏ tình liên đới với người nghèo.
Trong tình yêu,người thứ ba là thừa?
Trong một vở kịch nói, một thanh niên cùng với một người bạn trai đến chỗ hẹn với cô bồ của mình .Khi người con gái đến , chào hỏi nhau xong, người bạn trai bảo:"Trong tình yêu, người thứ ba là thừa",nói xong, anh ta bỏ hai người lại, ra đi . Và hai người kia cảm thấy anh nói thế là đúng, nên nhìn nhau mỉm cười, Thầm cám ơn anh bạn tế nhị.
Trong tình yêu nam nữ là thế, nhưng trong hôn nhân công giáo, câu đó có đúng không ? Trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, câu đó không luôn luôn đúng, bởi vì trong đám tiệc hôm nay cũng như trong cuộc đời của cặp tân hôn nầy, nếu không có Chúa hiện diện thì không xong rồi: đám cưới gì mà nửa chừng lại hết rượu? Hạnh phúc gia đình gặp xui xẻo ngay từ đầu.
Trong tình yêu gia đình, không chỉ có hai người yêu nhau là có thể tạo hạnh phúc lâu bền cho nhau được. Phải có Chúa hiện diện trong tình yêu ấy. Chuá đã kết hợp họ với nhau để sống hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ấy thật mong manh, phải có Chúa giữ gìn, ban ơn và che chở họ. Những người đã lập gia đình lâu năm, trải qua kinh nghiệm những khó khăn của đời sống hôn nhân, đều cảm nghiệm được rằng sự hiện diện của Chúa trong tình yêu, trong đời sống gia đình là rất cần thiết. Những gia đình gặp nhiều khó khăn, những cặp bỏ nhau dễ dàng là vì những gia đình ấy thường thiếu đi sự hiện diên của Chúa trong gia đình họ.
Các môn đệ tin Người.
Bài tin Mừng nầy kết thúc bằng câu: "Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên nầy tại Cana xứ Galilê , và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người."Theo Gioan, phép lạ đầu tiên nầy là để tỏ vinh quang Chúa, cũng cố niềm tin cho các môn đệ. Chúa đã tỏ mình ra khi ba vua đến thờ lạy, khi Chúa chịu phép rửa, tầng trời mở ra , có tiếng Chuá Cha phán và có Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên Ngài, khi Chúa biến hình trên núi Taborê, nay Chuá lại tỏ mình ra bằng một phép lạ nhãn tiền:biến nước thành rượu . Đó là những sự kiện có tính hiển linh, Chúa tỏ mình ra là Thiên Chúa quyền năng .
Suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay, tôi thấy Chúa rất gần gũi tôi, nhất là những lúc tôi hay gia đình tôi gặp những chuyện không may hay nghèo khổ thiếu thốn -như đám cưới của đôi tân hết rượu nửa chừng- vì Chúa đã nhập cuộc và hiện diện với tôi trong cuộc sống . Hạnh phúc của tôi và của gia đình tôi tùy thuộc vào việc tôi có biết mời Chúa đến sống trong tôi và gia đình tôi hay không . Va khi có Chuá trong cuộc sống , Chuá luôn luôn sẵn sàng tỏ mình ra với tôi, can thiệp đúng lúc bằng cách nầy hay cách khác, biến những thử thách đau khổ thành niềm vui trong đời.
Thiên Chuá không ở xa.
Ngày xưa có những người đi hành hương từ những nơi rất xa xôi, đến Giêrusalem , đi hết tháng nầy qua tháng khác vừa đi vừa hành khất kiếm ăn dọc đường. Có một người hành hương nọ lên đường, lương thực đem đi đã hết từ lâu rồi, áo quần lem luốc. Ông ta phải đi qua một trường học, nhằm lúc học sinh tan trường. Thấy ông ăn mặc thô hèn,đám học sinh hú nhau: Ê, có một thằng điên anh em ơi! Chúng đuổi theo đằng sau và lấy đất liêng ông.
Ông nhủ thầm: lạy Chúa, con đói gần chết, đã không thương thì chớ, chúng còn chọc ghẹo con, bảo con là điên khùng. Chuá ở đâu , sao cứ làm thinh hoài vậy! Ông đi một quảng nữa gặp một cánh rừng, bụng đói cồn cào, bước đi hết nổi, ông bèn ngồi dưới một gốc cây và thầm thưa với Chúa: Chắc con chết mất Chúa ơi! Sao Chúa không sai một người nào đến cứu con với. Vừa nói xong thì nghe một tiếng đệt, ông quay lại thấy một trái xoài rụng, ông lượm và nhai ngấu nghiến. Mấy con quạ trên cây lại làm rụng hai trái nữa. Ăn hết ba trái xoài và uống một ngụm nước suối, thấy khỏe hẳn lên, ông lại lên đường. Đi hết cánh rừng, ông gặp một con chó . Con chó nhìn ông một lúc rồi vẩy đuôi cúi đầu đi về phía ông. Ông làm quen , xoa đầu nó và biết có chó tức là có nhà gần đâu đây.
Ông theo con chó và đến một căn nhà, gặp một người đàn ông. Sau vài câu chào hỏi, biết ông là khách hành hương, chủ nhà mời ông vào, vì gia đình nầy là người công giáo. Sau bữa cơm chiều, chủ nhà gọi đứa con út là bé Tom đặt ngồi trên bắp vế ông và nói chuyện với khách. Vừa nói chuyện vừa thọc léc và nhéo tai bé Tom, bé Tom vừa cười vừa la lên chí chóe. Chủ nhà nhìn khách cười và nói: "Khi người ta thương nhau thì người ta tự do muốn cư xử với nhau sao cũng được. Và thường thương ai, người ta lại thích làm khổ người mình yêu thương. Nói xong ông lại thọc léc thằng bé làm nó dẫy dụa và la lên. Va khi nghe người khách kể những gì ông gặp trên đường và nỗi thất vọng của ông ta, chủ nhà bảo: "Anh đừng buồn khi người ta cho anh là khùng là điên. Anh đi tìm Chúa tức là anh yêu Chúa. Vì thế Người được tự do gọi anh là khùng là điên: thằng điên của Ta. Đó là cách Chuá tỏ tình với anh đó, ông bạn ạ.
Chuá cũng đã từng tỏ tình với tôi như vậy đó. Anh bảo Chuá bỏ rơi anh ư? Không đâu, Chúa cho các thiên thần đến cứu giúp anh mà anh không biết đó thôi: các chú quạ, chú chó nhà tôi là những thiên thần đã giúp anh đó. Con Thiên Chuá đã mặc lấy xác phàm thì tại sao thiên thần lại không đội lốt con quạ, con chó hay trái cây được, phải không anh?"-Người khách chong tai nghe và trố mắt nhìn chủ nhà , rồi nói: "Cám ơn anh thật nhiều! Anh đã mở mắt cho tôi thấy sự hiện diện của Chuá trong đời."-Chính Chuá là Đấng chúng ta phải cám ơn. Tôi chỉ là một nông dân thất học mà thôi.-Sau một đêm ngủ ngon, người bộ hành lại lên đường. Chú chó vẩy cái đuôi như chào ông, ông chào lại: "Xin cám ơn chú cẩu thiên thần của tôi"!
1. ĐỨC GIÊ-SU THAM DỰ TIỆC CƯỚI VÀ CỨU CHỮA THẾ KẸT CHO ĐÁM CƯỚI
Ngay từ khởi thủy, “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” ( St 1, 27 ), để từng cặp nam nữ sống: TN 2-C23
Ngay từ khởi thủy, “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” ( St 1, 27 ), để từng cặp nam nữ sống thân thiện yêu thương nhau, trở nên một với nhau, “cả hai trở thành một xương thịt” ( St 2, 24 ). Thiên Chúa muốn họ sống với nhau thành một tổ ấm, một gia đình, để yêu thương nhau, nâng đỡ nương tựa nhau, xây dựng hạnh phúc cho nhau, và để sinh con cái hầu duy trì nhân loại đến muôn đời. Vì thế, đôi nam nữ yêu thương nhau, kết hợp với nhau thành vợ chồng, thành gia đình. Họ còn cộng tác với Ngài trong công cuộc tiếp tục sáng tạo con người. Đó là điều hết sức tốt đẹp và thánh thiện, nằm trong kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa.
Vì thế, đời sống hôn nhân hay gia đình nằm trong kế hoạch đầu tiên – có thể nói kế thượng sách – của Thiên Chúa, tức kế hoạch sáng tạo. Do đó, ơn gọi sống đời hôn nhân và gia đình là một ơn gọi hết sức cao quí. Chính vì thế, phép lạ mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giê-su, là phép lạ dành cho tiệc cưới Ca-na. Cả Chúa Giê-su, Đức Mẹ và các môn đệ của Ngài cùng tham dự tiệc cưới này. Điều đó nói lên rằng Thiên Chúa – qua con người Đức Giê-su – đã đánh giá bậc sống hôn nhân gia đình rất cao quí, đáng được ủng hộ và chúc phúc.
Có điều đáng tiếc là kế hoạch đầu tiên này đã bị tội nguyên tổ làm hư hỏng, nên Thiên Chúa đã đưa ra một kế hoạch thứ hai là kế hoạch cứu chuộc. Ơn gọi Linh Mục hay Tu Sĩ nằm trong kế hoạch cứu rỗi này. Trong kế hoạch cứu chuộc này, theo suy nghĩ của Giáo Hội, thì Đức Giê-su đã lập Bí Tích Hôn Nhân trong tiệc cưới Ca-na này.
2. KẾ HOẠCH CỨU CHUỘC LÀM KẾ HOẠCH SÁNG TẠO THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP HƠN
Trong đám cưới, rượu được đưa ra ban đầu chắc chắn cũng là loại rượu ngon, ngon nhất trong khả năng kinh tế của gia đình đôi tân hôn. Nhưng sự trục trặc đã xảy ra khiến cho nếu không có sự can thiệp cứu chữa của Chúa Giê-su, gia đình đôi tân hôn sẽ bị mất mặt hay mang tiếng, và đám cưới sẽ mất vui đi rất nhiều. Nhưng chính nhờ có sự trục trặc đó mà Đức Giê-su mới ra tay cứu chữa. Và một khi Ngài ra tay cứu chữa thì bữa tiệc lại trở nên vui hơn, tốt đẹp hơn, hơn cả khi không có trục trặc xảy ra. Rượu sau này là loại rượu ngon hơn, chắc chắn khiến khách dự tiệc vui hơn, uống được nhiều hơn, và hài lòng hơn bình thường rất nhiều. Điều này có một ý nghĩa rất thâm sâu.
Công trình sáng tạo của Thiên Chúa hết sức tốt đẹp. Nhưng rồi có sự trục trặc xảy ra do tội lỗi con người. Nhưng sự cứu chuộc của Chúa Giê-su không phải chỉ là sửa chữa cho tình trạng đó đỡ xấu đi, mà chắc chắn sẽ làm cho kết quả cuối cùng còn tốt đẹp hơn là khi không xảy ra trục trặc nào cả. Chính vì thế, trong lễ Đêm Phục Sinh, Giáo Hội đã không ngần ngại tuyên bố: tội nguyên tổ là một tội hồng phúc. Vì chính nhờ có tội đó mới có kế hoạch cứu chuộc.
Và theo sự khôn ngoan và toàn năng của Thiên Chúa, chắc chắn kế hoạch cứu chuộc này không chỉ sửa chữa lại kế hoạch sáng tạo đã bị hư hỏng, mà còn làm cho kế hoạch sáng tạo ấy thành công mỹ mãn, tốt đẹp hơn lên gấp bội. Có hành xử như thế, Thiên Chúa của chúng ta mới đúng là Thiên Chúa cao cả vĩ đại, đầy quyền năng. Và chỉ Ngài mới có thể làm cho điều xấu nhất trở nên tốt nhất mà thôi. Đó chính là lý do để người Ki-tô hữu luôn luôn sống hân hoan và tràn đầy hy vọng vào tương lai.
3. SỰ ĐỒNG CÔNG CỦA ĐỨC MẸ TRONG CÔNG VIỆC CỦA CHÚA GIÊ-SU
Sự hiện diện của Chúa Giê-su, Đức Mẹ và các môn đệ, và sự can thiệp đặc biệt của Ngài để cứu nguy cho đám cưới ấy là một dấu hiệu hết sức ý nghĩa. Cuộc hôn nhân hay đám cưới ( vốn thuộc kế hoạch thứ nhất ) đã lâm vào tình trạng nguy khốn (hình ảnh của sự trục trặc gây ra do tội nguyên tổ ) đã được Chúa Giê-su cứu chữa một cách hết sức tốt đẹp ( kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa đã thành công ).
Sự cứu chữa ấy có sự đóng góp hết sức quan trọng của Mẹ Ma-ri-a: Chúa Giê-su đã thực hiện sự cứu chữa ấy theo yêu cầu đầy lòng thương người của Mẹ mình. Trong công việc cứu chữa đám cưới này, Đức Mẹ đã tỏ ra tư cách của mình là người Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Giê-su một cách hết sức rõ ràng và cụ thể. Công việc chính yếu là do Chúa Giê-su, nhưng nếu không có Mẹ Ma-ri-a thì sự cứu chữa ấy có thể đã không xảy ra.
Người Ki-tô hữu cần ý thức hơn về vai trò rất quan trọng của Mẹ Ma-ri-a trong việc nên thánh và sống đời Ki-tô hữu của mình. Trong việc nên thánh, những Ki-tô hữu nào biết cậy nhờ vào sự bảo trợ của Mẹ Maria thì thường là dễ thành công hơn.
4. MẪU GƯƠNG QUAN TÂM ĐẾN NHU CẦU CỦA THA NHÂN NƠI MẸ MA-RI-A
Lý do khiến Đức Mẹ trở nên Đấng Đồng Công với Chúa Giê-su, chính là tình yêu thương chan hòa của Ngài đối với mọi người, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo. Tình yêu thương ấy đã khiến Đức Mẹ trở nên hết sức nhậy cảm trước nhu cầu, nỗi khó khăn, sự đau khổ cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc của người khác. Vì thế, trong đám tiệc, khi chủ nhà sắp hết rượu, Đức Mẹ đã nhận ra ngay nỗi lo lắng của họ, cho dù theo lẽ thường họ cố gắng không biểu lộ ra. Chắc chắn có biết bao phụ nữ cùng đi dự đám cưới ấy đã không nhận ra điều ấy.
Sự nhạy bén đó Mẹ có được là do lòng yêu thương của Mẹ khiến Mẹ luôn quan tâm đến người khác, quan tâm đến từng chi tiết của đời sống. Có thể nói tình yêu luôn luôn phải được biểu lộ bằng sự quan tâm. Mặc dù quan tâm không phải lúc nào cũng là dấu chứng của yêu thương, nhưng chắc chắn rằng không quan tâm thì cũng đồng nghĩa với không yêu thương. Chúng ta thường nghĩ rằng mình đang yêu thương, đặc biệt những người gần gũi ta nhất: cha mẹ, vợ con ( hay chồng con ), anh chị em ta. Nhưng có đích thật là ta yêu thương những người ấy không ? ta có thật sự quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn, niềm mong ước, hy vọng hay nhu cầu của họ không ? ta có sẵn sàng thỏa mãn những nhu cầu ấy bất chấp phải hy sinh ít nhiều thì giờ, tiền bạc, sức lực của ta không ? ta sẵn sàng tới mức độ nào ?
Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin cho con biết bắt chước Mẹ, biết biểu lộ tình thương của con đối với những người chung quanh một cách cụ thể bằng sự quan tâm thật sự đối với những niềm vui, nỗi buồn, những thuận lợi cũng như những bất lợi của họ. Xin đừng để con thường xuyên vô tình, hay cố tình làm ngơ trước những nhu cầu hay những đau khổ của người khác. Amen.
Lễ Hiển Linh nói lên mầu nhiệm Đức Giê-su tỏ mình cho chư dân. Sau Lễ này, Phụng Vụ: TN 2-C24
Lễ Hiển Linh nói lên mầu nhiệm Đức Giê-su tỏ mình cho chư dân. Sau Lễ này, Phụng Vụ Mùa Thường Niên tường thuật những công việc đầu tiên Đức Giê-su làm trong kế hoạch xây dựng Nước Trời. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật phép lạ Chúa Giê-su đã hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na. Các môn đệ nhìn thấy phép lạ và đã tin theo Người. Trước hết chúng ta hãy chú ý đến một vài từ ngữ Thánh Gio-an dùng trong bài Tin Mừng này:
1. “Ngày thứ ba”: Đây là “ngày thứ ba” tính từ khi Chúa Giê-su khởi sự trẩy đi Ga-li-lê. “Ngày thứ ba” cũng gợi đến ý tưởng Chúa phục sinh sau ba ngày chịu chết. Chúng ta phải dùng mầu nhiệm Chúa sống lại để hiểu sự việc sắp xảy ra trong tiệc cưới Ca-na cũng như mẫu đối thoại giữa Chúa Giê-su và•Mẹ•Ngài.
2. “Tiệc cưới”: Thánh Gio-an nói đến tiệc cưới này để làm bối cảnh cho việc Chúa Giê-su tỏ bày vinh quang của Người. Theo tập tục Do-thái bấy giơ tiệc cưới thường kéo dài một tuần lễ và thường được tổ chức vào ban đêm. Thánh Kinh dùng hình ảnh tiệc cưới để tượng trưng cho cuộc hôn nhân giữa Đức Ki-tô với dân Ngưới. Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Đức Ki-tô như vị Hôn Phu ( Ga 3, 29 ). Chúa Giê-su cũng tự xưng là vị Hôn Phu ( Mc 2, 19 ). Người cũng mô tả Nước Trời dưới hình ảnh một bữa Tiệc Cưới ( Mt 22, 1 – 14 ). Theo nghi lễ, hôn phu phải cung cấp rượu. Với tư cách là Hôn Phu của nhân loại, chính Chúa Giê-su cung cấp rượu cho Tiệc Cưới.
Bây giờ xin quan sát hai nhân vật nổi bật trong bài Tin Mừng: Mẹ Ma-ri-a và chính Đức Giê-su.
Tiệc cuới Ca-na có Mẹ Ma-ri-a và các môn đệ Chúa Giê-su tham dự. Điều đó giả thiết đây là tiệc cưới trong vòng bà con thân thuộc. Giữa cuộc vui lại thiếu rượu. Mẹ Ma-ri-a là người đã phát hiện ra điều đó. Mẹ nói cho Chúa Giê-su biết điều lo lắng của chủ nhà: “Họ hết rượu rồi”. Lời đáp trả của Chúa Giê-su thoạt nghe qua rất chán chường: “Chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến”. Thế nhưng Mẹ Ma-ri-a vẫn không nao núng. Mẹ tin chắc Chúa Giê-su sẽ ra tay hành động. Vì thế Mẹ mới nói với gia nhân: ”Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”.
Mẹ Ma-ri-a đã có mặt tại tiệc cưới khi Chúa Giê-su đến với các môn đệ. “Họ hết rượu rồi”. Ai xui Đức Ma-ri-a nói như vậy ? Làm sao Mẹ biết việc đó ? Hành động này nói lên sự hiểu biết thông cảm và tình thương cứu độ nhân loại của Mẹ. Mẹ là Đấng cầu bàu cho loài người khốn khó. Mẹ thưa với Thiên Chúa về mọi nhu cầu của chúng ta. Một mặt Mẹ cầu bàu cho chúng ta. Mặt khác Mẹ lại dạy chúng ta thi hành lời Chúa: ”Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”. Trước mặt Chúa mẹ là Đấng chuyển cầu cho chúng ta. Còn đối với chúng ta, Mẹ luôn luôn nhắn nhủ hãy làm theo ý Chúa muốn. Hai vai trò ấy cho chúng ta thấy Mẹ Ma-ri-a trong Mầu Nhiệm Cứu Thế và khiến chúng ta phải biết tôn sùng Mẹ thế nào cho hợp ý Mẹ.
Tin Mừng Thánh Gio-an hai lần nhắc đến Mẹ Ma-ri-a: lần thứ nhất tại tiệc cưới Ca-na vào lúc bắt đầu và lần thứ hai dưới chân thập giá vào lúc kết thúc sứ vụ của• Đức Giê-su. Trong cả hai lần đó Chúa Giê-su đều gọi Mẹ mình bằng từ “bà”. Chúa Giê-su đã đặt Mẹ vào trong kế hoạch cứu độ. Trong kế hoạch này, tình máu mủ thế gian không ăn thua gì. Tất cả tùy thuộc ở•Niềm Tin vào Thiên Chúa và sự thi hành ý muốn của Người. Mọi việc Chúa Giê-su làm đều hoàn toàn do Chúa Cha định đoạt. Ngài nói “Giờ tôi chưa đến” vì Ngài chưa chịu thương khó và rồi phục sinh, nhưng Ngài muốn biểu lộ giờ vinh quang ấy qua dấu chỉ phép lạ hóa nước thành rượu. Ngài biến nước thành rượu để báo trươc sẽ đến giờ biến rượu thành Máu trong Bí Tích Thánh Thể để nuôi sống nhân loại. Tiệc cưới nhân loại có ngày tàn, còn Tiệc Cưới Chúa Giê-su thết đãi loài người vẫn còn tiếp diễn cho đến tận thế.
Lạy Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa và là•Mẹ•của chúng con, Mẹ đã luôn dâng lên Chúa mọi nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống chúng con. Xin Mẹ dạy chúng con biết khát khao thứ ruợu mới là chính Máu Thánh của Chúa Giê-su đã đổ ra để cho chúng con được sống bằng sự sống thần linh của Thiên Chúa. Amen.
Trong cả Năm Phụng Vụ có lẽ Lễ Giáng Sinh mang sắc thái vui tươi nhất. Chúng ta có lý: TN 2-C25
Trong cả Năm Phụng Vụ có lẽ Lễ Giáng Sinh mang sắc thái vui tươi nhất. Chúng ta có lý để vui mừng, bởi vì với việc Nhập Thể, Thiên Chúa đã thực hiện trọn vẹn lời hứa đến ở với dân Ngài. Con Thiên Chúa không chỉ đến với dân riêng của Ngài, nhưng Ngài còn đến với toàn thể nhân loại khi dùng ánh sao lạ giúp cho các đạo sĩ từ trời Đông xa xôi đến bái thờ Ngài. Đồng thời, khi lần bước theo đám đông dân chúng đến bờ sông Gio-đan để được Gio-an thanh tẩy, Con Thiên Chúa đã thực sự cùng đồng hành với chúng ta trong từng bước đi của cuộc sống, và chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta trong thân phận của một con người.
Niềm vui đó càng được dâng cao hơn nữa, khi phụng vụ hôm nay nhẹ nhàng thuật lại cho ta câu chuyện xảy ra tại tiệc cưới Cana. Cùng với Đức Ma-ri-a và các tông đồ, Đức Giê-su đã hiện diện trong bữa tiệc long trọng này, tuy âm thầm, nhưng thực hữu hiệu, Đức Giê-su đã từng bước đi vào cuộc sống đời thường của con người, cùng chung vui, sẻ buồn với con người, và quan trọng hơn cả, Ngài đã giúp chúng ta vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Trong tâm tình đó, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm một vài nét về việc Thiên Chúa đến viếng thăm Dân Người.
1. ĐEM LẠI NIỀM VUI:
Cũng giống như bất kỳ một cuộc viếng thăm nào khác, điều mà Thiên Chúa đem đến cho dân trong cuộc viếng thăm của Người, đó là niềm vui. Đến với dân, Người đem lại cho dân niềm vui của của những người đang sống trong cảnh tối tăm gặp được ánh sáng. Niềm vui của những người đang sống trong cảnh tù đày được ơn giải thoát. Đó cũng là niềm vui của những người đang gặp khó khăn, trở ngại nay được giải quyết, nâng đỡ.
Trước hết đó là niềm vui của những người đi trong bóng tối gặp được ánh sáng soi đường. Thiên Chúa chính là ánh sáng rạng ngời soi dẫn dân Người đang đi trong bóng tối của sự chết, như lời báo trước của ngôn sứ I-sai-a: “Đấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Đấng Cứu độ Si-on đến như ngọn đuốc sáng ngời”. Không chỉ là Đấng Cứu Độ của Si-on, vinh quang Thiên Chúa còn tỏa rạng trên khắp cả muôn dân: “Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Đấng Công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người”. Lời loan báo này của vị ngôn sứ quả thật đã được thực hiện trọn vẹn nơi Đức Ki-tô. Ngài chính là ánh sáng bừng lên trong đêm Giáng Sinh chiếu soi cho dân Do-thái đang sống trong bóng đêm của tội lỗi và cũng là nguồn ánh sáng dẫn đưa muôn dân đến hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Kế đó, là niềm vui vì được giải thoát, được phục hồi lại danh dự và phẩm giá của con người. Vị ngôn sứ cho biết: vào ngày Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người, thì: “Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới… Ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư”.
Cuối cùng, đó là niềm vui vì được chia sẻ, cảm thông. Thật vậy, với kinh nghiệm của mình, chắc hẳn từng người chúng ta biết rằng: không có gì gây bối rối và khó xử cho bằng khi đang giữa bữa tiệc lại thiếu rượu, và hơn nữa, đó lại là bữa tiệc cưới. Do đó, việc Đức Giê-su hóa nước thành rượu, giải quyết khó khăn cho gia đình chủ tiệc cưới hôm nay, nhìn bên ngoài thật bình thường, nhưng đã góp phần không nhỏ làm cho niềm vui của đôi tân hôn trở nên trọn vẹn. Đặc biệt, Đức Giê-su đã giúp đỡ trong âm thầm, không lớn tiếng, không kể công ồn ào, bởi vì ngay cả người quản tiệc cũng “không biết rượu tự đâu ra”. Và có lẽ đó là điều làm cho người được giúp đỡ vui nhất, vì họ không cảm thấy nặng nề, hay bị gò ép.
Như thế, vào ngày Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người, Người đã đem đến cho họ một niềm vui tuy nhẹ nhàng, êm đềm, nhưng cũng thật sâu sắc, một niềm vui thật vĩ đại, nhưng lại không ồn ào bên ngoài. Tắt một lời, đó là một niềm vui ngọt ngào, đem lại cho dân một sự bình an từ tận cõi thâm sâu của tâm hồn. Và như để niềm vui của dân nên trọn, lời Chúa hôm nay còn cho thấy, Đức Giê-su cũng chính là Đấng ban Thánh Thần, tái lập lại sự hiệp nhất từ nguyên thủy mà con người đã đánh mất bởi tội lỗi của mình.
2. SỐNG HIỆP NHẤT:
Ngay trong đêm Giáng Sinh, sứ thần đã tung hô: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Lời ca này của các sứ thần như muốn nói lên mục đích của việc Nhập thể là đem lại bình an cho con người, mà một trong những điều quan trọng nhất của sự bình an và niềm vui thật, đó là sự hiệp nhất.
Do đó, tinh thần hiệp nhất là một trong những dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Xác tín điều đó, Thánh Phao-lô tuyên bố: “Có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người”. Vâng, chỉ có một Thiên Chúa, một Thánh Thần là nguồn gốc và là chủ mọi ân huệ.
Mặt khác, cũng giống như trong một thân thể, miệng ăn không chỉ cho riêng nó, nhưng là đem lại nguồn năng lượng cho toàn thân, mọi ơn huệ chúng ta lãnh nhận cũng không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân chúng ta, nhưng còn là ích lợi cho toàn thân: “Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích... Người ban ơn riêng cho mỗi người theo như Người qui định”.
Tuy nhiên để sống hiệp nhất, mỗi người không được phép làm theo ý riêng, nhưng cần tuân theo sự hướng dẫn của lời Chúa. Trong tiệc cưới tại Ca-na, Đức Ma-ri-a cũng đã căn dặn các người giúp việc: “Người bảo gì, phải làm theo”. Chúng ta cần sống theo lời dạy của Chúa, cho dù lời đó có khó nghe, khó hiểu đối với suy nghĩ tự nhiên của chúng ta. Về điều này, những người giúp việc trong tiệc cưới tại Cana hôm nay là một mẫu gương thật tuyệt vời cho chúng ta.
Thật vậy, nghe theo lời căn dặn của Mẹ Ma-ri-a, các người giúp việc đã mau mắn thực hiện điều mà chàng thanh niên Giê-su bảo, đó là xách nước đổ đầy sáu chum, mà mỗi chum chứa khoảng 80 – 120 lít nước, tức là phải xách khoảng 480 – 720 lít nước, rồi còn múc đem cho người quản tiệc nếm. Giả sử, nếu nước chẳng thành rượu thì không biết số phận của các người giúp việc sẽ ra sao ! Thế nhưng, những người giúp việc không lý luận. Họ chỉ biết vâng lời.
Và thế là điều tưởng chừng như không thể đã trở thành có thể. Nước lã đã biến thành rượu ngon đến nỗi người quản tiệc đã trách tân lang: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông giữ rượu ngon cho tới giờ này”. Và việc làm này của Đức Giê-su, đối với Thánh Gio-an, đã trở thành dấu lạ đầu tiên tỏ lộ vinh quang của Đức Giê-su, và quan trọng hơn đã khiến cho “các môn đệ Người tin vào Người”. Hay nói một cách khác, khi chứng kiến việc Đức Giê-su hóa nước thành rượu, các môn đệ đã nhận ra rằng “Thiên Chúa đã đến viếng thăm dân Người”.
Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục đến và hiện diện ở giữa chúng ta, đặc biệt là trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng có lẽ chúng ta vẫn chưa nhận ra Ngài. Mặt khác, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn còn nói hành, nói xấu người khác, chúng ta vẫn còn là nguyên nhân của biết bao chuyện bất hòa chia rẽ trong gia đình, trong khu xóm. Chớ gì, nhờ sức mạnh của Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta sắp lãnh nhận đây, biến đổi cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta luôn sống hiệp nhất, yêu thương. Nhờ đó, từng người chúng ta cũng trở thành một dấu lạ để mọi người nhận ra rằng “Thiên Chúa đang đến viếng thăm dân Người”. Amen.
Chủ đề:Một khi bạn mời được Chúa Giêsu vào nhà. chắc chắc bạn sẽ được đổi mới
Cách đây ít lâu, có một bài báo thú vị của một phụ nữ kể lại việc trang hoàng nhà cửa của: TN 2-C26
Cách đây ít lâu, có một bài báo thú vị của một phụ nữ kể lại việc trang hoàng nhà cửa của gia đình bà. Mọi công việc Trang trí đều được vợ chồng tâm đồng ý hiệp với nhau cho đến khi chồng bà dùng quyền độc đoán bảo người trang trí nội thất treo bức hình Chúa Giêsu kích thước khoảng 40x50cm vào chỗ nổi bật nhất trong nhà. Bà cố gắng thuyết phục chồng đổi ý song ông vẫn cứ khăng khăng không chịu.
Tuy nhiên, đang lúc tranh cãi với nhau, bà chợt nhớ lại những lời của Chúa Giêsu: “Bất cứ ai nhìn nhận Ta trước mặt kẻ khác thì Ta cũng sẽ nhìn nhận người ấy trước mặt Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 10: 32). Thế là bà chịu nghe theo ý kiến của chồng.
Giờ đây bà nói rằng bà rất vui vì đã nghe theo ý chồng, vì bà nghĩ rằng bức hình Chúa Giêsu đã gây được ảnh hưởng đáng kể trên gia đình bà lẫn trên bạn bè khách khứa nữa. Chẳng hạn ngày nọ có người khách lạ sau khi chăm chú nhìn vào bức hình liền nói với bà: “Bà biết không, Chúa Giêsu trên bức hình đó không nhìn bà đâu, Ngài nhìn xuyên qua tâm hồn bà đó!” Và đêm nọ một người bạn sau khi ngồi ngắm bức hình cũng thốt lên; “Lúc nào tôi cũng cảm thấy trong nhà chị rất bình an”. Tuy nhiên, người phụ nữ nói thêm - ấn tượng mạnh mẽ nhất tác động trên các bạn bè khách khứa của tôi là mỗi khi nhìn tấm hình Chúa Giêsu thì tâm hồn họ luôn được nâng cao lên.
Cuối cùng người phụ nữ nói rằng có thể mọi người sẽ cười và không chừng còn nhạo báng những nhận xét trên đây của bà, nhưng bà chẳng bận tâm. Bà tâm sự: “Theo thiển ý của tôi, một khi bạn biết mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được biến đổi không còn như trước nữa”.
Đôi tân hôn trẻ trong Phúc Âm hôm nay hẳn đồng ý với người phụ nữ trên. Họ đã mời Chúa Giêsu vào nhà họ và Ngài đã làm phép lạ đầu tiên ở đó. Và hẳn nhiên hai bạn trẻ này được thay đổi khác trước. Phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm cho nước biến thành rượu báo trước phép lạ sau cùng biến rượu thành máu Ngài có lẽ không phải ngẫu nhiên. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên khi Chúa làm phép lạ sau trong căn nhà của một người có tên là Máccô (Mc 14: 12-15) Cv 12: 12) Và cũng như cặp vợ chồng nơi tiệc cuới Cana, Gioan Mácô (tên chủ nhà tiệc ly) và gia đình ông sẽ được biến đổi, không còn sống giống như trước nữa.
Một nhận xét nho nhỏ về Chúa Giêsu là Ngài thường làm phép lạ trong nhà của dân chúng. Chẳng hạn lần đầu tiên Chúa Giêsu được Phêrô mời đến nhà thì việc trước tiên Chúa làm là chữa cho bà mẹ vợ Phêrô được khỏi bệnh” (Mc 1:31). Và khi Giairô, viên quản trị hội đường mời Chúa Giêsu đến nhà ông thì việc đầu tiên Chúa làm cũng là cứu sống cho con gái ông vừa mới qua đời (Mc 5: 41). Nhờ đó cả hai gia đình Phêrô lẫn Giairô được biến đổi, không còn giống như cũ nữa. Rồi một lần nọ có người Pharisêu mời Chúa Giêsu đến ăn tối ở nhà ông. Thì việc đầu tiên Chúa làm cũng vẫn là chữa lành một bệnh nhân ở nhà ông ta (Lc 14:4). Làm sao chúng ta có thể quên được anh chàng thu thuế “cắt cổ” tên là Giakêu quê ở Giêricô. Một hôm, chàng cũng đón Chúa Giêsu đến thăm nhà mình để rồi chàng bằng lòng hiến nửa số của cải cho kẻ nghèo khó và đền bù gấp 4 lần cho những kẻ trước đây bị chàng bóc lột (Lc 19”8). Cuối cùng, hẳn chúng ta cũng nhớ mẩu chuyện đầy cảm động xảy ra tại làng Emmau vào buổi tối Phục sinh. Hai môn đệ mời Chúa Giêsu dùng bữa tối mặc dù họ hoàn toàn không biết đó là Ngài. Thế là Chúa Giêsu đã cử hành cùng với họ buổi lễ Thánh Thể đầu tiên kể từ bữa Tiệc Ly. (Lc 24:30)
Đó chỉ là vài thí dụ cho thấy những kẻ mời Chúa Giêsu vào nhà mình rồi thì sẽ không còn sống lối sống cũ nữa.
Những ví dụ trên khiến chúng ta tự nhủ: Đã có bao giờ chúng ta biết ý thức chủ động mời Chúa Giêsu vào nhà chúng ta chưa? chẳng hạn có một nhà trang trí nội thất nào đó đến tham quan ngôi nhà chúng ta thì liệu người ấy có nhìn thấy gia đình chúng ta thuộc về Chúa Giêsu qua cách bài trí trên tường vách không? Hay là người ấy sẽ bình phẩm; “Tôi thấy con cái ông bà là những đệ tử ruột của Broce Springteen và Michael Jacksson”. Hoặc giả cô con gái của chúng ta dẫn một đứa bạn đồng lớp trong đại học về nhà chơi, liệu khi trở về trường người bạn này sẽ nói với con gái chúng ta là: Mình không thể quên được những lời cầu kinh vào mỗi bữa ăn ở gia đình bạn, và mình cũng chẳng quên được tình thương yêu đầm ấm trong gia đình bạn, ngoài ra mình cũng nhớ là mình chưa hề nghe các người trong gia đình bạn lăng nhục hay nói hành nói xấu gì ai cả”.Và người bạn sinh viên ấy sẽ không bao giờ sống lối sống cũ nữa vì cô ta đã được gặp Chúa Giêsu nơi nhà chúng ta.
Như thế, có thể nói việc mời Chúa Giêsu vào nhà là bổn phận quan trọng nhất của mỗi người chúng ta. Và cách thức mời Ngài vào nhà có thể hiện từ việc treo lên tường một tượng chịu nạn hay một bức hình Chúa, cho đến việc kính cẩn đọc kinh vào mỗi bữa ăn, hoặc từ việc chân thành đối xử lẫn nhau cho đến thái độ không bao giờ nói hành nói xấu ai cả. Một khi chúng ta đã mời được Chúa Giêsu vào nhà, thì chắc chắn sẽ có điều đặc biệt xảy đến cho chúng ta, bởi vì không bao giờ Chúa ghé thăm một nhà nào mà lại không làm một điều kỳ dịêu nào đó ở trong nhà ấy. Đây chính là sứ điệp chúng ta cần lắng nghe và ghi nhớ vào lòng, vì sứ điệp này có thể thay đổi toàn bộ đời sống gia đình chúng ta. Nói cách khác, chúng ta có thể diễn tả điều đó bằng những lời mà người phụ nữ kia viết trên báo: “Theo thiển ý của tôi, một khi bạn mời được Chúa Giêsu vào nhà bạn thì bạn sẽ không bao giờ sống lối sống cũ nữa”. Và Chúa Giêsu cũng đã hứa trong sách Khải huyền như sau: “Này Ta đứng trước cửa và gõ. Hễ kẻ nào nghe tiếng Ta và mở cửa ra, thì Ta sẽ bước vào nhà, cùng ăn tối với kẻ ấy, và kẻ ấy sẽ cùng ăn tối với Ta” (Kh 3: 20)
Để kết thúc, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến thăm và chúc phúc cho gia đình chúng con. Xin chúc lành cho cánh cửa nhà chúng con. Ước chi những cánh cửa này luôn biết mở ra cho kẻ tha phương và người hiu quạnh. Xin chúc lành cho phòng ốc gia đình chúng con để chúng tràn đầy sự hiện diện của Chúa. Và trên hết xin Chúa hãy chúc lành cho mỗi người trong gia đình chúng con để tâm trí chúng con luôn biết mở cho những kẻ khó khăn, và trái tim luôn luôn biết hướng về Chúa.
Trong thế kỷ IV, Ariô truyền bá một lạc thuyết vô cùng nguy hại: Ariô chủ trương rằng Đức: TN 2-C27
Trong thế kỷ IV, Ariô truyền bá một lạc thuyết vô cùng nguy hại: Ariô chủ trương rằng Đức Kitô Giêsu không thực sự là Con Thiên Chúa. Hoàng đến Theôđôsiô đỡ đầu cho lạc thuyết này. Cũng vào lúc ấy Hoàng đế Theôđôsiô phong cho Hoàng tử mười sáu tuổi cùng trị vì trên ngôi Hoàng đế với ông. Trong những khách mời trong buổi lễ phong vương, có Đức Giám Mục Amphilocô,. Đức Giám Mục nói vài lời chúc mừng rồi chuẩn bị ra về. Hoàng đế giận dữ hỏi: “Ngài không quan tâm đến Hoàng tử sao? Ngài không biết rằng ta đã phong Hoàng tử cùng trị vì với ta sao? vị Giám mục bình tĩnh trả lời: “Tâu Hoàng Thượng, Hoàng Thượng phật ý vì sự giả bộ thờ ơ của tôi đối với Hoàng tử vì tôi đã không tỏ ra tôn kính Hoàng tử như bệ hạ sao? Vậy Thiên Chúa nghĩ sao về Hoàng Thượng khi Hoàng Thượng giáng cấp Người Con ngang hàng và đồng hằng hữu với Thiên Chúa dưới danh hiệu Con Thiên Chúa?
Ngày nay có nhiều người, có cả một số người mệnh danh là Kitô hữu đã chối bỏ hoặc nghi ngờ về thiên tính của Đức Kitô. Những người ấy hãy lắng nghe cha trên trời trong bài tin mừng hôm nay; “Con là con yêu quí của Cha. Cha hài lòng về Con”. Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan đánh dấu khởi đầu công khai công việc của Chúa chúng ta là Đấng Cứu Chuộc.
Công cuộc cứu chuộc là hành động của cả Ba Ngôi Thiên Chúa vì chúng ta thấy Chúa Thánh Linh lấy hình chim bồ câu ngự xuống, chúng ta nghe thấy tiếng của Chúa Cha. Biến cố này rất quan trọng nên chúng ta, những người theo Chúa Kitô mừng lễ Chúa Kitô chịu phép rửa bằng một ngày lễ đặc biệt hôm nay, giống như ngày lễ đăng quang của Đức Giáo hoàng hay ngày lễ nhậm chức của Tổng Thống.
Một điểm đặc biệt trong ngày lễ hôm nay mà tôi muốn nhấn mạnh: đó là Cha trên trời hài lòng về Con yêu qúi của Người, Đức Giêsu. Có người Cha nào lại không vui sướng khi con của ông khởi sự một chức vụ quan trọng: Người cha của một bác sỹ, người cha của Tân Linh Mục, người cha của chú rể trong ngày cưới. Niềm vui ấy càng lớn lao hơn khi người con ấy vâng phục và tôn kính cha mình. Đức Kitô là một người con yêu mến và vâng phục Chúa Cha. Người khoan dung và khiêm tốn như một người “tôi tớ” được nhắc tới trong bài đọc thứ nhất, vì thế mà Chúa Cha hài lòng về Người.
Bạn và tôi đã được chịu Bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi để nhận biết, yêu mến và phụng sự Cha trên trời. Khi chúng ta cố gắng để sống Bí tích Rửa tội, khi chúng ta cố gắng thi hành những việc Chúa Cha mời gọi, khi chúng ta cố gắng theo người Con Chí Thánh trong sự vâng phục, khiêm hạ và ân cần, là chúng ta cũng làm hài lòng Cha trên trời của chúng ta.
Hãy chú ý những lần chúng ta thưa trực tiếp với Chúa Cha trong Thánh lễ, hợp lòng hợp ý trong lời kinh Chúa Giêsu đã dạy: “Lạy Cha chúng con& ý Cha thể hiện&” Ước gì Cha trên trời hài lòng với mọi người trong chúng ta. Amen.
Hôm nay, nhân suy niệm bài Tin Mừng về tiệc cưới Cana, tôi muốn lấy một ví dụ: Nếu: TN 2-C28
Hôm nay, nhân suy niệm bài Tin Mừng về tiệc cưới Cana, tôi muốn lấy một ví dụ: Nếu nhà bạn tổ chức đám cưới, đang giữa chừng tiệc, thì hết rượu, hết bia, bạn sẽ làm gì? Trong hoàn cảnh hôm nay của Việt Nam, có lẽ bạn sẽ cho rằng câu hỏi vừa rồi hơi thừa. Vì khi bạn đặt tiệc, người ta sẽ dựa vào số khách mà bạn mời, rồi chuẩn bị mọi thứ đâu vào đó. Hoặc nếu giữa chừng tiệc có hết rượu đi nữa, ta chỉ cần quay số điện thoại gọi tới đại lý rượu bia, người ta sẽ phục vụ tận nhà, mang đến tận nơi. Hay bạn cũng có thể trả lời tôi: mua nhiều hơn, để sẵn đó, uống không hết thì trả lại, ăn thua gì mà phải lo hết bia, hết rượu.
Đó là chưa nói tới việc đãi tiệc tại các nhà hàng. Chẳng những nhà hàng sẽ không bao giờ hết rượu, ngược lại người ta còn phục vụ bạn tới nơi tới chốn, thực khách uống càng nhiều, càng tốt… Nói tóm lại, bây giờ đãi tiệc mà lo hết rượu thì cũng giống như người ta lo… “bò trắng răng” vậy.
Thời buổi này mọi sự dễ dàng là vậy. Nhưng nếu bạn nhớ lại cách đây chừng mưới mấy, hai mươi năm, khi mà đất nước mình vừa mới thoát chiến tranh, cuộc sống nhiều khó khăn, làm gì dễ dàng như vậy. Nếu đám tiệc không khéo tiên liệu, chỉ còn cách “quê độ”, cô dâu chú rể, nhà trai, nhà gái chỉ có thẹn thùng với người thân, bạn bè…
Đưa ra ví dụ để hiểu hơn thời Chúa Giêsu cách đây ngót hai ngàn năm. Từ đó giúp ta hiểu hơn chỗ đứng khá quan trọng của Đức Maria trong lời cầu nguyện.
Tin mừng thánh Gioan kể lại sự kiện đã trở nên rất quen thuộc với mọi Kitô hữu: Có một đám cưới ở làng Cana, có cả Chúa Giêsu, Đức Maria và các môn đệ của Chúa được mời đến dự. Tiệc đang giữa chừng thì rượu hết. Tưởng rằng gia đình nhà đám sẽ bối rối vô cùng. Chắc chắn cô dâu chú rể sẽ xấu hổ nhiều. Nhưng Đức Mẹ đã nhìn thấy nỗi lòng của họ, đã hiểu rõ tâm trạng khó xử của họ. Mẹ đã lên tiếng, đã nói với Con mình: “Họ hết rượu rồi”. Lời nói này, đúng hớn chỉ là một lời đề nghị, một cách nhắc nhở khéo léo, tế nhị chứ chưa phải là một lời cầu xin, một tiếng vang nài nào.
Sau lời đề nghị của Đức Maria, Chúa Giêsu trả lời Mẹ mình như thế nào? Người nói: “Tôi với Bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến”. Chúng ta thử diễn lại câu nói này cho dễ hiểu hơn:
- “Tôi với Bà có can chi đâu”: Chuyện họ hết rượu đâu có liên quan gì đến Con và Mẹ. Con và Mẹ chỉ là khách thôi mà.
- Và điều quan trọng hơn: “Giờ của Con chưa đến”: Chưa phải là lúc Con làm phép lạ. Chưa phải là lúc Con chứng minh quyền năng Thiên Chúa của mình.
Một câu trả lời với hai lý do chắc như đinh đóng cột như thế, rõ ràng là một lời từ chối. Và cũng rất rõ ràng, phép lạ sẽ không xảy ra. Chúa Giêsu dứt khoát khẳng định: “Giờ của con chưa đến”, làm sao phép lạ lại có thể có được.
Nhưng trước câu trả lời xem ra quá phủ phàng của Chúa Giêsu, thái độ của Đức Mẹ như thế nào? lúng túng chăng? Hay ngơ ngác vì không hiểu lời con mình? Hay Người bực bội vì trước mặt mọi người, con mình trả lời với mẹ của nó bằng những lời cứng cỏi như thế?
Không đúng! Thái độ của Đức Maria rất lạ thường, đó là thái độ của một đức tin lớn: Mẹ thật tự tin vào mình. Mẹ như không đếm xỉa đến lời chối từ của Chúa. Nói cho đúng, thái độ của Đức Maria cũng cứng cỏi không kém câu trả lời của Chúa. Hình như lúc này, Mẹ muốn cho thấy chức năng làm Mẹ của mình. Mẹ không đôi co với Chúa, thậm chí không nói với Chúa một câu nào nữa. Nhưng liền sau câu nói của Chúa Giêsu, cũng chính là lúc Mẹ quay sang những người giúp việc và nói với họ: “Hễ Người bảo gì thì phải làm theo”. Và câu nói này, một lần nữa cho thấy sự khôn ngoan của Đức Mẹ: Mẹ thừa biết khả năng của con mình đã vậy, hình như Mẹ còn đoán trước được Chúa sẽ phải làm gì.
Rõ ràng, qua thái độ và câu nói này, chứng tỏ Đức Mẹ thấy được giá trị làm Mẹ Thiên Chúa của mình, thấy được hiệu lực của lời cầu xin của mình. Dù Chúa trả lời Đức Mẹ bằng một câu chối từ, nhưng sau cùng Người vẫn làm phép lạ. Vẫn thực hiện hành động theo lời của Mẹ mình.
Giả sử, lúc đó Chúa một mực giữ ý kiến riêng của mình, không làm phép lạ, không nghe lời Đức Mẹ - Vì Chúa rất có quyền làm như vậy - thì Đức Mẹ sượng sùng biết chừng nào, đáng xấu hổ biết chừng nào.
Nhưng Chúa đã không để người mẹ đã cưu mang, đã sinh ra và nuôi nấng mình phải chịu như vậy. Chúa không để lời cầu xin của Đức Mẹ trở thành con số không. Một mặt vẫn bảo rằng “Giờ của con chưa tới” và đám tiệc còn hay hết rượu thì chẳng có liên quan gì đến chúng ta, nhưng mặt khác, phép lạ vẫn cứ xảy ra thật. Người đã biến nước thành rượu thật. Không chỉ thành rượu, mà còn là rượu ngon. Và đám cưới không chỉ cứ tiếp tục vui, mà còn vui hơn.
Khởi đi từ những gì vừa mới phân tích, chúng ta đi đến xác quyết: Lời cầu nguyện của Đức Mẹ là lời hiệu nghiệm và có uy lực. Lời đó mang lại giá trị cho đời sống chúng ta. Nó cho thấy Đức Mẹ có quyền năng trong lời chuyển cầu của mình. Lời chuyển cầu hiệu nghiệm và uy lực ấy rất cần cho chúng ta, vì nó mang lại giá trị cho đời sống, mang lại hạnh phúc cho con người, mang lại những phép lạ lớn lao tưởng chừng như không thể xảy ra. Vì thế, khi tôn thờ Thiên Chúa, bạn và tôi cũng hãy yêu mến Đức Mẹ. Hãy tâm sự với Đức Mẹ, hãy bày tỏ duộc đời mình với Đức Mẹ.
Nếu trong đám cưới ngày xưa đã từng hết rượu, thì sống trong đời hôm nay, có biết bao nhiêu lần chén hạnh phúc của chúng ta đã vơi đi, hay đã cạn hết rồi. Men của tình yêu, của nỗi vui, của sự thành công, của sung túc không còn. Ngay cả khi tất cả những điều ấy phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương, bằng máu mới có được… Vậy mà chỉ sau một biến cố nào đó, đã mất hết, đã cướp hết, mình hoàn toàn trắng tay, chỉ để lại trong lòng nỗi cô đơn dằn xé, nỗi chán chường đến mức bạt nhược… Những lúc như thế, tôi và bạn cần lắm một lời van xin của Đức Mẹ đến với Chúa Kitô: “Họ hết rượu rồi”, để Chúa an ủi và ban nghị lực, ban đức tin giúp ta có thể vượt qua những đắng cay cồn cào ấy.
Lạy Mẹ Maria, xin ở lại nơi từng người chúng con, và ở lại trong mỗi gia đình. Vì chúng con cần có Mẹ là trung gian của lời cầu nguyện và là máng chuyển thông ơn Chúa cho chúng con. Chúng con cần có Mẹ, rất cần sự hiện diện và lời bàu cử kịp thời của Mẹ trong mọi hoàn cảnh của đời sống chúng con.
Thân mẫu Đức Giêsu, Đức Giêsu và các môn đệ của Người đã được mời tham dự một bữa tiệc: TN 2-C29
Thân mẫu Đức Giêsu, Đức Giêsu và các môn đệ của Người đã được mời tham dự một bữa tiệc cưới tại làng Cana miền Galilê. Đám cưới kéo dài suốt cả tuần lễ. Nhưng tiếc thay tiệc mới nửa chừng thì lại hết rượu. Nhờ lời bầu cử của Đức Maria mà Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên là biến nước thành rượu ngon, dù Giờ của Người chưa đến ! Người làm phép lạ này để biểu lộ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin vào Người.
2) Chú thích: - Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới, có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự (Ga 2,1-2):
+ Ngày thứ ba có tiệc cưới tại Cana miền Galilê: Ngày thứ ba có liên quan đến “ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (x. Mt 16,21; Mc 8,31; Lc 24,7). Ngày thứ ba ở đây tính từ khi khởi sự đi Galilê, Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên là biến nước thành rượu để bày tỏ vinh quang của Người.
+ Có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự: Trong Tin Mừng Gioan, Đức Maria được nhắc đến 2 lần trong thời gian Đức Giêsu giảng đạo: Một là Đức Maria có mặt trong tiệc cưới Cana, khi Đức Giêsu bắt đầu sứ mệnh. Hai là Đức Maria đứng dưới chân cây thập giá, khi Đức Giêsu kết thúc sứ mệnh chịu chết đền tội thay cho nhân loại. Điều này ngầm nói lên sự cộng tác tích cực của Đức Mẹ trong công trình cứu chuộc loài người của Đức Giêsu.
+ Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự: Sự hiện diện của Đức Giêsu và các môn đệ Người, cùng với sự có mặt của Đức Mẹ trong tiệc cưới này, ngoài ý nghĩa tự nhiên là bà con đến chia sẻ niềm vui với đôi tân hôn, còn biểu lộ một ý nghĩa siêu nhiên: vai trò cứu chuộc của Đức Giêsu chuẩn bị bữa tiệc cưới Nước Trời cho nhân loại, có sự góp phần của Đức Mẹ và của Giáo Hội.
- Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con ? giờ của con chưa đến”. Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,3-5):
+ Thiếu rượu: Thường người Do thái vẫn ăn uống tiết độ. Nhưng trong những dịp vui như dự tiệc cưới, họ lại thường uống thái quá. Vì thế tiệc mới nửa chừng thì đã hết rượu.
+ Thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”: Đức Mẹ rất nhạy cảm đối với nhu cầu cấp thời của đôi tân hôn. Mẹ nhận ra nỗi khó khăn của họ là sắp hết rượu. Đức Mẹ không những là một khách dự tiệc bình thường, mà Ngài còn như một người nhà của đôi tân hôn. Ngài tỏ ra quan tâm đến họ, nên đã nói với Đức Giêsu “Họ hết rượu rồi !” với hy vọng Đức Giêsu có cách giúp đỡ cho gia đình đôi tân hôn.
+ Thưa bà: Ở đây và trên cây thập gía (Ga 19,26), Đức Giêsu dùng từ người đàn bà (gune) để gọi Đức Maria thân mẫu Người. Cách gọi này nhắc lại sách Sáng Thế (x.St 3,15.20), qua đó cho thấy: Đức Maria chính là E-và mới của thời Tân Ước, là mẹ của nhân loại mới được ơn cứu độ.
+ Chuyện đó can gì đến bà và con ?: Đây là một kiểu nói Do thái nhằm từ chối một sự can thiệp không hợp thời, chưa đúng lúc (x. 2 Sm 16,10; 1 V 17,18).
+ Giờ của con chưa đến: Đức Giêsu không thể làm gì trước thời hạn do Chúa Cha ấn định là Giờ của Người (x. Ga 7,30; 8,20). Giờ Người phải chịu chết (x. Ga 12,27) và được tôn vinh (x. Ga 12,23; 13,31), lúc Người rời bỏ thế gian mà về với Chúa Cha (x. Ga 13,1). Ở đây có ý nói rằng: Giờ được tôn vinh thì chưa đến, vì Người chưa chịu tử nạn và phục sinh. Nhưng ngay bây giờ Người muốn biểu lộ Giờ vinh quang ấy cho các môn đệ thấy và tin vào Người qua dấu chỉ là phép lạ Người sắp làm.
+ “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”: Trực giác của người phụ nữ, của một bà mẹ, khiến Đức Maria xác tín là Người sắp can thiệp, nên căn dặn gia nhân hãy làm theo lệnh Đức Giêsu truyền. Lời này nhắc lại lời của Pharaon nói với dân Ai-cập đang đói cơm bánh, hãy tuân theo mênh lệnh của Giuse xưa: “Cứ đến với ông Giuse. Ong bảo gì, các ngươi hãy làm theo” (St 41,55).
- Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi !” và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Họ liền đem cho ông (Ga 2,6-8):
+ Sáu cái chum đá dùng vào việc thanh tẩy: Theo phong tục Do thái, người ta thường để những chum nước trong sân trước hay sau nhà có đám tiệc, để khách rửa tay theo luật thanh tẩy trước khi ăn (x. Mt 15,2; Mc 7,3; Lc 11,39). Ở đây có 6 chum đá, mỗi chum chứa được hai hay ba thùng 40 lít nước. Như vậy mỗi chum chứa khoảng từ 80 đến 120 lít nước, một số lượng khá nhiều !
+ “Các anh đổ đầy nước vào chum đi !” và họ đổ đầy tới miệng: Đức Giêsu quyết định hành động, nên ra lệnh cho gia nhân đổ đầy nước vào sáu chum đá. Đổ đầy tới miệng là dấu chỉ sự dư dật, phong phú, tràn đầy mọi ơn lành của Đấng Mêsia. Khoảng 600 lít rượu nho thì cả làng sẽ tha hồ uống cho thỏa thích !
+ Múc đem cho ông quản tiệc: Quản tiệc là người đứng đầu trông coi việc cỗ bàn.
- Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại mà nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê, và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người (Ga 2,9-11):
+ Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra…): Điều này chứng tỏ sự kiện nước đã hóa thành rượu là có thật, đề cao uy quyền của Chúa Giêsu. Ông quản tiệc không biết rượu ở đâu ra, nói lên tính cách khách quan của ông.
+ “Ai ai cũng thết đãi rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn”: Ông quản tiệc ngạc nhiên trước phẩm chất đặc biệt của rượu. Sự ngạc nhiên này làm nổi bật siêu việt tính của rượu mới. Theo nhận định của ông quản tiệc thì: “Rượu ngon đã đến sau rượu xoàng !”: Việc biến nước thành rượu nói lên sự thay thế trật tự tôn giáo cũ Do thái bằng trật tự tôn giáo mới mà Đức Giêsu sắp thiết lập là đạo công giáo.
+ Dấu lạ đầu tiên: dấu lạ là một việc làm cụ thể trước mắt quyền năng, nhằm cho thấy một sự thực thiêng liêng còn ẩn dấu. Dấu lạ đầu tiên này gây nên một sự đổi mới hữu hình: nước biến hóa thành rượu. Rượu tượng trưng cho Tân Ước, một nhiệm cục mới so với Nước, ám chỉ những nghi thức của đạo Do thái thuộc về Cựu Ước. Ngoài ra Rượu cũng tượng trưng cho đạo lý mới, cho Lời Chúa mà Đức Kitô sẽ dọn ra trên bàn tiệc để khoản đãi dân chúng với tư cách là Đức Khôn Ngoan hay Ngôi Lời của Thiên Chúa. Dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana nhằm tỏ bày vinh quang, nghĩa là quyền năng thần linh của Đức Giêsu (c. 11b). Dấu lạ đầu tiên này góp phần biến các môn đệ thành những con người mới, tin vào Đức Giêsu (x. Ga 2,11c).
II. Học sống Lời Chúa:
1) Lời Chúa: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3):
- Câu chuyện 1: Lòng hiếu thảo của loài Vượn Đỏ.
Ở đất Vũ Bình xưa có hai mẹ con nhà vượn đỏ. Chúng có bộ lông màu đỏ giống như màu rượu vang, lại rất mượt mà sáng đẹp. Vượn mẹ thì khôn ngoan, đầy kinh nghiệm đương đầu với các hiểm nguy bất trắc, còn vượn con lại rất ngây thơ khờ dại. Nhưng được vươn mẹ luôn ở bên cạnh chăm sóc bảo vệ nên chưa xảy ra điều gì nguy hiểm. Ở vùng ấy cũng có một số thợ săn. Những người này không thể dùng mồi nhử để đánh bẫy bắt sống được hai mẹ con nhà vượn đỏ, liền dùng thuốc độc bôi vào đầu mũi tên và đã bắn trúng vượn mẹ. Khi bị trúng tên, vượn mẹ biết mình không thể sống được nữa, liền cho con bú hết sữa rồi lăn ra chết. Bọn thợ săn muốn bắt sống vượn con, liền lấy roi quật vào xác vượn mẹ đã chết. Vượn con thương mẹ nên bất chấp hiểm nguy, chạy lại gần nằm phục xuống trước mẹ, nên đã bị bắt sống. Khi bị nhốt trong chuồng, vượn con chịu nằm yên khi còn thấy xác vượn mẹ mà không chịu ăn uống gì cả. Và sau mấy ngày thì chết theo vượn mẹ.
- Suy niệm:
+ Loài người chúng ta có một bà mẹ yêu thương con cái còn lớn lao hơn gấp bội tình yêu của hai mẹ con vượn đỏ trong câu chuyện trên. Bà Mẹ ấy chính là Đức Maria, Mẹ luôn quan tâm săn sóc từng đứa con là chúng ta. Tại tiệc cưới thành Cana trong bài Tin Mừng hôm nay, Mẹ đã sớm nhận ra sự khó khăn của gia đình đôi tân hôn là thiếu rượu, đang khi bữa tiệc mới được nửa chừng ! Mẹ không làm được phép lạ, nhưng tin vào quyền năng của người con yêu của mình, Mẹ đã nói với con: “Họ hết rượu rồi !”. Rồi với thái độ hoàn toàn tin cậy, Mẹ bảo các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Trước thái độ tin cậy ấy, Đức Giêsu quyết định thực hiện dấu lạ đầu tiên. Tuy Giờ được tôn vinh chưa đến, nhưng Đức Giêsu muốn biểu lộ giờ vinh quang ấy qua phép lạ biến nước thành rượu, để “Các môn đệ tin vào Người” (x. Ga 2,11c).
+ Nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria mà phép lạ đã được thực hiện, để đức tin của các môn đệ được củng cố và triển nở. Cũng nhờ sự can thiệp của Mẹ, mà sáu chum nước với khoảng 600 lít nước đã biến thành rượu ngon, để niềm vui của đôi tân hôn và khách dự tiệc được trọn vẹn.
+ Ngày nay, Mẹ vẫn nói nhỏ với Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi”, để bao mối tình đang nhạt phai được trở nên mặn nồng tươi thắm, để bao gia đình đang thiếu tình yêu được củng cố, để bao tâm hồn đang chán nản thất vọng vì bệnh tật lâu ngày, làm ăn thua lỗ, bị tai ương hoạn nạn vùi giập…được lấy lại thăng bằng cho tâm hồn và giữ vững được đức tin, tin cậy phó thác vào tình thương yêu quan phòng của Thiên Chúa.
+ Nếu ngày xưa Đức Giêsu đã biến thứ nước lã của Cựu Ước thành rượu ngon của Tân Ước, để mở ra một thời đại Thiên Sai mới, thì ngày nay Người cũng muốn biến cuộc đời lạt lẽo của chúng ta thành rượu nồng tình yêu, để mọi người được chan hòa niềm vui ơn cứu độ.
+ Nếu Đức Giêsu đã biến thứ nước tẩy uế của Do thái giáo thành rượu ngon hảo hạng, để thiết lập một tôn giáo mới, thì Người cũng mời gọi chúng ta hãy biến đổi trái đất này thành một thế giới mới: Chân thật, công bình và yêu thương.
2) Lời Chúa: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5):
- Câu chuyện 2:
Cách đây ít lâu, có một phụ nữ đã kể lại câu chuyện trong gia đình bà như sau:
“Từ trước đến nay hai vợ chồng tôi luôn nhất trí trong việc mua sắm và trang trí nhà cửa. Tuy nhiên, gần đây ông chồng tôi tự nhiên mang về một khung ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu bằng kiếng, có kích thước 40x50 cm, bên trong có thiết kế ánh sáng đèn điện. Mỗi khi đèn sáng thì hình Thánh Tâm Chúa lại sáng lên rất đẹp. Ong chồng tôi đòi treo bức ảnh này ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách. Theo ý tôi thì nên treo ở phòng ăn hay phòng ngủ. Không nên treo tại phòng khách là nơi có nhiều người lui tới. Nhưng lần này chồng tôi quyết tâm bảo thủ ý mình. Trong lúc đang tranh cãi thì tự nhiên lời Chúa xuất hiện trong trí khôn tôi: “Ai nhìn nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10, 32). Cuối cùng tôi đã đồng ý với chồng tôi.
Giờ đây, sau mấy năm, tôi thực sự không hồi tiếc gì về việc đã chiều theo ý chồng. Vì bức ảnh Thánh Tâm Chúa đã phát sinh hiệu quả tốt đẹp trên gia đình tôi và các khách đến thăm chúng tôi. Ngày nọ, có một ông khách sau khi chăm chú nhìn vào bức hình, đã phát biểu: “Bà biết không ? Khi nhìn vào khuôn mặt của Chúa Giêsu trên bức hình này, tôi có cảm tưởng như Người đang nhìn thấu qua tâm hồn tôi !”. Rồi một đêm kia, một bà bạn sau khi ngồi ngắm bức hình cũng đã thốt lên: “Mỗi lần đến đây, lúc nào tôi cũng có cảm giác trong nhà chị có sự bình an”. Nói chung, khi nhìn vào hình Chúa Giêsu, thì tâm hồn họ được nâng cao ! Có thể mọi người sẽ mỉm cười nhạo báng về những nhận xét của tôi, nhưng tôi cũng chẳng quan tâm. Theo thiển ý tôi: Một khi bạn mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được ơn biến đổi nên tốt, không còn giống như thời gian trước đó nữa !”
- Suy niệm:
+ Trong Tin Mừng, khi đến thăm nhà một người nào, Đức Giêsu đều làm những việc tốt cho họ: Chữa cho bà mẹ vợ thánh Phêrô khỏi bệnh cảm sốt (x. Mc 1,29.31); Cứu sống con gái ông Gia-ia (x. Mc 5,38-43); Chữa lành một người mắc bệnh phù thũng khi đang dự tiệc tại nhà thủ lãnh nhóm Pharisêu (x. Lc 14,1-4); Nhờ Đức Giêsu đến thăm nhà mà ông Da-kêu đã biến đổi từ một kẻ tham lam bóc lột bất công, thành một người quảng đại (x. Lc 19,8); Hai môn đệ làng Em-mau khi được vị khách đồng hành vào nhà, đã nhận ra Đức Giêsu Phục Sinh khi Người bẻ bánh (x. Lc 13-32).
+ Đôi tân hôn trong bài tin Mừng hôm nay đã mời Đức Giêsu vào nhà và đã được Người làm dấu lạ đầu tiên biến nước lã thành rượu ngon.
- Thảo luận: Một người kia có dịp nghĩ hè tại nhà một bạn thân. Sau kỳ nghĩ đã viết thư cám ơn bạn và trong thư có đoạn nhận xét về gia đình của bạn như sau: “Tôi cảm thấy gia đình bạn là một gia đình công giáo đạo đức thực sự: cách bài trí trong nhà thật ấn tượng với những tranh ảnh đạo được treo trên tường thay vì những tranh lịch người mẫu ăn mặc hở hang. Tôi không quên được những lời cầu nguyện sốt sắng lần lượt của từng thành viên gia đình bạn trước khi dùng bữa. Tôi cảm thấy một bầu khí đầm ấm yêu thương và bình an trong ngôi nhà của bạn: Mọi người đều biết quan tâm tôn trọng và săn sóc cho nhau. Tôi chưa bao giờ nghe có sự tranh cãi to tiếng, những lời tục tĩu hay những chỉ trích nói hành người vắng mặt trong nhà của bạn…”. Vậy gia đình của bạn hiện nay đã có được những phẩm chất đạo đức nào giống như gia đình được nói tới trong bức thư nói trên ?
III. Hiệp sống nguyện cầu
1) Lạy Chúa Giêsu. Xin hãy đến thăm và chúc phúc cho gia đình con. Ước chi cánh cửa nhà con sẳn sàng rộng mở để tiếp đón những kẻ không nhà. Xin chúc lành cho ngôi nhà của gia đình con để luôn tràn đầy sự hiện diện của Chúa, thể hiện qua các tranh ảnh đạo trang trí trong nhà, nhất là qua cách cư xử yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Xin cho gia đình con đón nghe lời Chúa trong các giờ kinh tối. Xin cho đôi tay con luôn rộng mở để chia sẻ cơm áo cho những kẻ khó khăn bất hạnh. Xin cho trái tim con luôn hướng về Chúa là nguồn mạch sự sống và là hạnh phúc đích thực của đời con.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria. - Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
2) Lạy Mẹ Maria, Mẹ đầy lòng từ bi nhân hậu, hằng quan tâm đến mọi người chúng con, và sẳn sàng giúp đỡ giải quyết các nhu cầu của chúng con. Tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã đến tham dự không phải như một người khách bình thường, mà với tâm trạng của một người thân thuộc. Mẹ chia sẻ sự lo lắng của gia đình đôi tân hôn khi tiệc mới nửa chừng mà rượu sắp hết. Mẹ đã chạy đến xin người con yêu là Đức Giêsu can thiệp giúp đỡ.
Hôm nay con cầu xin Mẹ cho gia đình con và các gia đình trên toàn thế giới. Trong cuộc sống chung, chúng con đã từng gặp biết bao khó khăn trăn trở. Có những lúc cuộc sống của chúng con như rơi vào thế kẹt “Tiến thoái lưỡng nan”. Nhưng con tin chắc rằng Mẹ vẫn ở bên con, cùng chia sẻ nỗi ưu tư với con. Xin cho con biết chạy đến với Mẹ, để được Mẹ chỉ bảo đàng lành, dạy con biết phải làm gì cho đẹp lòng Chúa. Như trong bữa tiệc cưới Cana, gia nhân đã vâng lời Mẹ căn dặn mà làm theo lời giáo huấn của Chúa Giêsu và đã có được rượu ngon, đã cứu vãn được danh dự và tạo niềm vui cho đôi tân hôn. Xin Mẹ giúp các gia đình biết đón nghe Lời Chúa, suy niệm và áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Xin cho chúng con quyết tâm thực thi ý Chúa. Xin cho chúng con biết nghe lời Mẹ để vâng nghe những điều Đức Giêsu dạy.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria. - Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời công: TN 2-C30
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện trong cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng. Đây là phép lạ được thực hiện trong khung cảnh của một tiệc cưới và có sự can thiệp của Mẹ Maria. Qua thái độ, lời nói của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta khám phá ra được bài học cụ thể cho gia đình, cũng như cho mỗi cá nhân, để mỗi người biết làm sao tình yêu, niềm vui và hạnh phúc luôn đầy tràn trong cuộc sống của chúng ta.
1. Phép lạ được diễn ra trong khung cảnh của một tiệc cưới:
Chúa Giêsu và Mẹ Maria đi ăn cưới một người bà con. Điều này rất bình thường trong cuộc sống của con người. Nhưng lần này khi đến tham dự tiệc cưới và thực hiện phép lạ hoá nước thành rượu, Đức Giêsu muốn nói lên mối quan tâm của Ngài đối với gia đình. Trong tiệc cưới này Ngài đã cứu cho gia đình nhà chủ tiệc một bàn thua hết rượu và để cho cuộc vui không bị gián đoạn. Như vậy, Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến cuộc sống gia đình. Ngài muốn làm nỗi bật về về vai trò của gia đình, nhất là tính bền vững của Gia đình Công Giáo. Đứng trước những khó khăn của cuộc sống gia đình Chúa vạch ra một đường lối để cho gia đình luôn được êm ấm, hạnh phúc
Từ thực tế cho thấy, khi một sự cố nào xảy ra trong gia đình, bình tâm suy nghĩ lại và kiểm điểm chính mình chúng ta thấy gia đình chúng ta lúc đó nhất định phải thiếu một cái gì đó: cu thể như thiếu thông cảm, thiếu kiên nhẫn, thiếu tế nhị, thiếu bao dung quảng đại, và tất đều bắt nguồn từ thiếu rượu yêu thương, hũ rượu yêu thương đã cạn. Và chỉ có Chúa mới làm cho đầy, bên cạnh đó Ngài cần sự cố gắng của chúng ta
2. Phép lạ có sự can thiệp của Đức Mẹ Maria
Trên bình diện tự nhiên gia đình Công Giáo không khác với các gia đình khác trong nhân loại. Bởi gia đình chúng ta cũng được xây dựng trên tình yêu nam nữ, cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, cũng cần những hiểu biết về đời sống lứa đôi, và những đức tính nhân bản để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, một điểm khác duy nhất và căn bản là gia đình Công Giáo nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, đôi bạn nam nữ được chính Thiên Chúa kết hợp và tác thành.
Mẹ Maria có mặt trong tiệc cưới không phải sự ngẫu nhiên mà là do sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngày nay Mẹ đang có mặt trong cuộc sống gia đình chúng ta. Mẹ cùng chia sẻ nỗi lo với mỗi người chúng ta. Mẹ biết những khó khăn mà gia đình chúng ta đang gặp phải. Me hiểu gia đình chúng ta đang thiếu những gì và cần gì. Mẹ đón nhận cái khổ của các gia đình như là cái khổ của mình. Chính vì thế khi cuộc sống gia đình gặp sóng gió chúng ta hãy tìm đến với Me Mariạ. Mẹ sẵng sàng làm những gì có thể để giúp gia đình chúng ta như năm xưa Mẹ đã báo cho Chúa biết việc hết rượu. Nhờ Mẹ cầu bầu Chúa sẽ lại làm phép lạ để cho rượu yêu thương được trong hũ của gia đình chúng ta được đầy. Chúng ta hãy lắng nghe lời Mẹ Maria chỉ dạy. Mẹ không dạy chúng ta điều gì khác ngoài Lời Chúa và được đúc kết từ chính cuộc sống của Mẹ. Quan tâm, chia sẻ vui buồn sướng khổ giữa các thành viên trong cuộc sống gia đình là điều mà Mẹ luôn dạy mỗi người chúng ta. Nhưng quan trọng hơn cả là Mẹ luôn căn dặn chúng ta “Người bảo sao hãy làm vậy”.Chúa Giêsu bảo gì chúng ta hãy làm theo Ngài.
Chúa bảo chúng ta hãy giữ gìn cho gia đình của mình luôn được hạnh phúc. “Sự gì của Thiên Chúa đã liên kết con người không được tháo gỡ”
Chúa Giêsu bảo chúng ta qua lời Thánh Phaolô nhắn nhủ giáo đoàn Côlôsê “Trên hết mọi sự anh em phải có đức yêu thương”.
3. Bài học cho gia đình Công Giáo
Lắng nghe bài Tin Mừng hôm nay chúng ta được mời gọi hướng về các gia đình nói chung và gia đình Công Giáo nói riêng. Gia đình chúng ta phải nhìn vào tấm gương của Mẹ Maria, lời nói, cung cách ứng xử của Mẹ,. Dù Tin Mừng chỉ phác họa đôi nét rất gọn về phép lạ tại Cana, nhưng đủ cho chúng ta học theo thái độ nhạy bén vừa mang tính nhân bản vừa thể hiện lòng tin vững vàng. của Mẹ Maria
Thái độ nhạy bén của Mẹ Maria toát lên một cử chỉ đầy tình người. Nhạy bén với nhu cầu của người khác là nét tinh tế của tình yêu. Gia đình không thể có yêu thương hạnh phúc bền vững nếu không có tình yêu ngự trị.
Thái độ nhạy bén của Mẹ Maria cũng là thái độ của lòng tin. Mẹ tin Chúa sẽ thực hiện điều Mẹ cầu xin. Mẹ có tin Mẹ mới dám nói với gia nhân: “Người bảo gì cứ làm theo” Khi căn dạy người khác như thế, thì chính Mẹ đã thực hiện trước, Mẹ quy chiếu cuộc đời mình về Chúa Giêsu, luôn thực hiện điều gì Thiên Chúa muốn.
Lạy Chúa Giêsu từ tiệc cưới Cana năm xưa, chúng con nghĩ đến đời sống gia đình chúng con. Nhiều khi những khó khăn trắc trở đều xuất phát từ việc thiếu rượu yêu thương, làm cho gia đình mất vui, không còn đầm ấm hạnh phúc. Chúng con luôn tin Chúa đang tiếp tục thực hiện những phép lạ trong cuộc sống gia đình chúng con. Xin cho mỗi thành viên trong gia đình chúng con biết đóng góp công sức nhỏ bé của mình khi chúng con biết làm theo lời Chúa dạy, biết tin tưởng vào Chúa như Mẹ Maria. Amen.
Trong Phụng vụ của Hội Thánh, Mùa Thường Niên tiếp nối Mùa Giáng Sinh. Nếu Mùa Giáng: TN 2-C31
Trong Phụng vụ của Hội Thánh, Mùa Thường Niên tiếp nối Mùa Giáng Sinh. Nếu Mùa Giáng Sinh có ý nghĩa là đón mừng Chúa đến với nhân loại thì Mùa Thường Niên là thời gian triển khai những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người. Chúa Nhật thứ 2 Thường Niên với phép lạ Đức Giêsu biến nước lã thành rượu ngon ở Cana, cho thấy con người và cuộc sống của con người đã được Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô nâng cao và thăng hoa như thế nào.
II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA
2.1 Bài đọc 1: Is 62,1-5: (a) “Sách Isaia là cuốn sách ngôn sứ lớn nhất. Sách gồm ba phần thuộc ba thời kỳ khác nhau. Isaia 56-66 gọi là Isaia đệ tam, có lẽ là một bộ sưu tập lời rao giảng của nhiều vị ngôn sứ trong thời kỳ từ lúc xây xong đền thờ mới (515 trước CN) cho đến 445 trước CN. Khi Nơkhêmia hoàn tất việc trùng tu tường thành, dân chúng chán nản vì thấy đền thờ mới quá khiêm tốn, đời sống kinh tế chẳng khá gì, đời sống đạo đức cũng chẳng hơn xưa: vẫn đầy áp bức bóc lột, thối nát. Các ngôn sứ củng cố niềm tin của cộng đồng Do Thái hồi hương” (Kinh Thánh trọn bộ, Dẫn nhập Cựu ước, trang 28-29).
(b) Isaia 62,1-5 là một đoạn văn nói về niềm vui mà Thiên Chúa có được do Xion là thành thánh và dân riêng Chúa là Ítraen đem lại. Ngôn sứ không ngại ví niềm vui ấy như niềm vui của nàng dâu đem lại cho chú rể. Ngôn sứ cũng không ngại diễn tả mối quan hệ giữa Thiên Chúa và Ítraen bằng một lễ cưới, bằng một hôn ước: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về”.
(c) Nhờ Tân Ước, chúng ta biết rằng Ítraen dân riêng của Thiên Chúa đã không còn là Ítraen cũ mà đã thành Ítraen mới, tức Hội Thánh các kẻ tin. Giao ước và hôn ước mới cũng đã thay thế giao ước và hôn ước cũ. Giao ước và hôn ước mới đã được ký kết trong Hiến tế Thập giá của chính Đức Giêsu Kitô, “Con Yêu Dấu của Cha, đẹp lòng Cha mọi bề”. Vì thế mà Hội Thánh đã được gọi là Hiền Thê của Chúa Kitô Giêsu và các tín hữu cũng trở thành người nhà, con cái yêu dấu của Thiên Chúa.
2.2 Bài đọc 2: 1 Cr 12,4-11: (a) Thánh Phaolô khẳng định “duy nhất tính” của Kitô giáo: Chỉ có một Thiên Chúa, một Phép rửa, một đức tin, một Thần Khí. Nhưng vì Thiên Chúa là Đấng giầu sang, quyền phép vô cùng nên ân huệ của Người cũng phong phú và đa dạng vô cùng. Người phân phát kho tàng các hồng ân vô tận của Thiên Chúa chính là Thần Khí: “Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dậy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ”
(b) Các đặc sủng và hồng ân khác nhau, nhưng tất cả các đặc sủng và hồng ân phong phú và đa dạng ấy lại có cùng một mục đích duy nhất là mưu cầu ích chung cho cộng đoàn kẻ tin. Vì thế nếu Thần Khí duy nhất làm ra tất cả những ơn huệ đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người, thì không có nghĩa là mỗi người nhận những đặc sủng ấy cho riêng mình mà là cho cả cộng đoàn. Hiểu như thế thì tính ích kỷ, vụ lợi, cục bộ là những điều hoàn toàn trái ngược với tinh thần và Tin Mừng Kitô giáo. Khốn nỗi trong thực tế lại có không ít người chỉ dùng những hồng ân Chúa ban cho, là các ơn thiêng liêng và vật chất để phục vụ bản thân và gia đình riêng mà không quan tâm gì đến lợi ích của cộng đoàn hay của tha nhân.
(c) Các đặc sủng hay hồng ân được Thần Khí ban cho các tín hữu là để mỗi người biết cách sử dụng và sinh lời -cho cá nhân và cộng đoàn- như trong dụ ngôn những nén bạc của Phúc âm Mt 25,14-30 và Lc 19,11-27: một nén sinh lời thành hai, hai nén sinh lời thành bốn và năm nén sinh lời thành mười. Hiểu như thế thì sự ươn lười, làm biếng, không quan tâm đến việc phát huy tài năng tự nhiên và siêu nhiên mà Chúa ban cho là những thái độ trái ngược với tinh thần và Tin Mừng Kitô giáo. Trong thực tế, có không ít người thỏa mãn với sự hiểu biết hạn hẹp của mình về Thánh Kinh, Giáo Lý& mà không chịu tìm tòi học hỏi thêm nữa. Cũng có không ít người không lo phát huy lòng quảng đại, bác ái và tinh thần phục vụ vô vị lợi để làm giầu cho tha nhân và cộng đoàn.
2.3 Bài Tin Mừng: Ga 2,1-11: (a) Là tường thuật của Gioan về phép lạ đầu tiên mà Đức Giêsu thực hiện ở Cana, trong khung cảnh một tiệc cưới. Chắc chú rể là người trong họ hàng bà con, vì Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu cũng là khách mời như chính Đức Giêsu và các môn đệ. Đọc Phúc âm, chúng ta thấy Đức Giêsu rất thích các buổi tiệc tùng, nhất là Tiệc Cưới. Chính Chúa cũng đã nhiều lần nói đến việc đãi khách, cũng như đã dùng hình ảnh Tiệc Cưới để trình bày về Nước Trời (xem Mt 22, 1-14).
(b) Sự kiện xẩy ra một cách đột xuất và bất ngờ: tiệc cưới đang vui thì hết rượu. Đức Maria đã nhanh chóng phát hiện tình trạng khó xử của nhà đám. Không thể gọi điện thoại cho cửa hàng hay đại lý để yêu cầu họ mang rượu tới như chúng ta ngày nay, Đức Maria đã tế nhị nói với con mình là Đức Giêsu: “Họ hết rượu rồi.” Xem rao Đức Giêsu không quan tâm đến gợi ý tinh tế của mẹ: “Thưa bà chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ tôi chưa đến”
Mặc dầu vậy Đức Maria cũng nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” vì tin rằng Đức Giêsu sẽ can thiệp. Và quả là đức Giêsu đã can thiệp: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi” & “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc”. Nước lã tầm thường đã biến thành rượu ngon: “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh giữ lại rượu ngon mãi cho đến bây giờ”
(c) Thánh Gioan kết chuyện: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” Biến nước lã thành rượu ngon là dấu lạ nhằm mục đích bày tỏ vinh quang của Chúa Giêsu và đem lại kết quả là các môn đệ đã tin vào Người.
III. ĐÓN NHẬN & SỐNG SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA
3.1 Sứ điệp “chính” của Lời Chúa: Thiên Chúa nâng con người lên và làm cho cuộc sống con người được thăng hoa: Đó là điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể rút ra được từ các bài Kinh Thánh hôm nay. (a) Trước hết là trong Sách Ngôn sứ Isaia: Thiên Chúa coi Ítraen như một người vợ, tức là Thiên Chúa nâng Ítraen lên ngang hàng với Thiên Chúa. Niềm vui mà Thiên Chúa có được từ dân riêng chẳng khác gì niềm vui mà cô dâu đem lại cho chàng rể. Thật không thể tưởng tượng nổi! (b) Rồi đến trong Tin Mừng Gioan: Đức Giêsu chẳng những đã cứu vớt đôi tân hôn ở Cana khỏi bẽ mặt với họ hàng và bạn bè mà còn biến đổi Tiệc Cưới của họ thành một Tiệc Cưới Lớn (vì có nhiều rượu ngon) cũng như đã đem đến cho cuộc hôn nhân và đời sống gia đình của họ một Ý Nghĩa Lớn. Tiệc Cưới của họ là hình ảnh Tiệc Cưới của Hoàng Tử Giêsu với cô dâu là nhân loại mới. Đời sống gia đình của họ diễn tả chọn lựa và tính chất của chính Đức Giêsu Kitô là Emmanuen nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi”. (c) Sau cùng là trong Thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô: Thần Khí Thiên Chúa ban phát cho mỗi tín hữu mỗi hồng ân hay đặc sủng theo cách khác nhau. Đặc sủng hay hồng ân ấy được ban cho từng người nhưng là để cả cộng đoàn được hưởng. Vì nhờ hồng ân hay đặc sủng ấy mà cuộc sống của mỗi cá nhân và cả cộng đoàn được thăng hoa, phát triển như lòng Chúa mong ước.
3.2 Sứ điệp _phụỴ của Lời Chúa: Thiên Chúa muốn con người biết trân trọng các hồng ân mà họ đã lãnh nhận và biết cách thể hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa: Đó là điều quan trọng thứ hai mà chúng ta rút ra được từ các bài Kinh Thánh hôm nay. Thánh Phaolô kết án những người, vì những ơn huệ khác nhau, mà sống và gây chia rẽ trong cộng đoàn. Điều đó hoàn toàn trái ngược với dụng ý của Thần Khí Thiên Chúa khi ban phát các ân huệ ấy cho mỗi người. Còn trong Phúc âm Luca 19,11-27 chúng ta thấy thái độ và lời nói gay gắt của ông chủ trong dụ ngôn mười yến bạc như thế nào: “Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh&&” và “Lấy lại yến bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười yến”. Đó chính là thái độ và quan điểm của Thiên Chúa đối với những kẻ không biết trân trọng các đặc sủng hay hồng ân mà Người đã ban cho họ. Vì không biết trân trọng nên họ không biết sinh lợi để tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa.
3.3 Thực thi sứ điệp của Lời Chúa trong tuần: Mỗi người chúng ta hãy nhìn vào cách mình sống và cách mình sử dụng các ân huệ Thiên Chúa ban cho: (1o) Tôi đã dùng đức tin, cậy, mến; tài năng, của cải, thời gian, sức khoẻ, chức vụ và địa vị xã hội của tôi như thế nào? (2o) Hằng ngày tôi có biết cảm tạ Đấng đã ban các ơn huệ ấy cho tôi không? (3o) Hằng ngày tôi có biết dùng các ơn huệ ấy để mưu ích cho người chung quanh, cho cộng đoàn giáo xứ và cho cộng đồng dân cư không?
IV. CẦU NGUYỆN Lạy Cha là Thiên Chúa toàn trí, toàn năng, chúng con hết lòng ngưỡng mộ Lòng Yêu Thương vô bờ bến của Cha: Cha đã nâng chúng con lên và đã đổ tràn mọi hồng ân quí gía của Cha cho chúng con. Chúng con xin cảm tạ Cha. Xin Cha ban cho chúng con ơn biết trân trọng tấm lòng và ân huệ của Cha. Cũng xin Cha ban cho chúng con ơn biết làm cho các ân huệ Cha ban sinh lợi sinh lãi cho chúng con và mọi người. Amen.
Chúa Nhật 2 Thường niên / 2nd Sunday in Ordinary Time
Lời Chúa cho hôm nay: The two of them become one body
Tình yêu Chúa: Lời Chúa đến với bạn trong đoạn này có thể là một câu hỏi: Bạn có tự thấy: TN 2-C32
BÀI ĐỌC 1: Isaia 62, 1- 5 = Tình yêu Chúa: Lời Chúa đến với bạn trong đoạn này có thể là một câu hỏi: Bạn có tự thấy mình liên hệ với Chúa không? God’s Word to you in this passage could be a question: How do you see yourself in relation to God?
* BÀI ĐỌC 2: 1 Cor. 12, 4- 11 = Quà của Thánh Thần:Thánh Phaolô nhấn mạnh Chúa yêu chúng ta và cùng ban Thánh Thần tình yêu cho tất cả mọi người./ Paul stresses that God loves all of us and gives His same Spirit of love to all members.
* TIN MỪNG(Gospel) Gioan 2, 1- 12 = Chúa Giêsu mạc khải vinh quang của Ngài trong tiệc cưới tại Cana ở Galilê có mẹ của Ngài cũng ở đó./ Jesus reveals His glory in wedding at Cana in Galilee, and the mother of Jesus was there.
A. Bạn và tôi cùng Cảm - Nghiệm Sống và chia sẻ ba bài đọc trên: ( Reflections, live out and share )
1/ Trong tiệc cưới Cana, Đức Maria tỏ ra quan tâm như sau:Khi thấy hết rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi” Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến.” Mẹ Chúa Giêsu rất nhạy cảm đối với lo lắng của đôi tân hôn là thiếu rượu, nên mạnh dạn nói với Con bà. Đức Giêsu đã nói ám chỉ đến rượu Giao Ước Mới vì giờ của Ngài chưa đến; nhưng mẹ Maria cũng hiểu Ngài sắp làm dấu lạ đó. Điều gì tôi đã thực hiện được trong Gia đình và sở làm? (Hành đạo)
“the wine run out, Jesus’ mother told“They have no more wine”. Jesus replied:...My hour has not yet come.” (Ga. 2, 3- 4)
2/ Sau đó, Đức Giêsu đã bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi...Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Hành động cụ thể này Chúa nói lên một sự đổi mới qua nước và rượu tượng trưng cho đạo lý mới, quyền năng Thần Linh của Người, đó là biến cố Phục sinh vĩ đại! Hôm nay Chúa cũng vẫn nói với mọi người hãy hành động, hãy thay đổi để trở thành những Tín hữu mới tiếp tục công trình của Đức Kitô. Bạn chia sẻ những quyết tâm đổi mới trong môi trường sống? ( Sùng đạo)
“Fill those jars with water...Now He said: “draw some out and take it to the waiter in charge .” (Ga. 2, 7- 8)
3/ Bài đọc 1 nói Chúa yêu tôi đến nỗi như: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về, như cô dâu là niềm vui cho chú rể...” Tôi nghĩ sao về tình Chúa yêu tôi như vậy! Tôi chỉ biết mượn lời ca: tình yêu Chúa như trăng như sao, đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa, biết lấy chi cảm mến, biết lấy chi báo đền hồng ân Chúa. Tôi cố gắng đọc và suy niệm Lời Chúa hàng ngày. (Sống đạo)
“As a young man marries a virgin, your Builder shall marry you, as a bridegroom rejoices in his bride...” (Is. 62, 5 )
4/ Thánh Phaolô nói về Quà của Chúa Thánh Thần như sau: “Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.” Tôi đã cảm nhận được Chúa Thánh Linh làm việc trong mọi người trong Gia đình,Cộng đoàn và Giáo hội nên tôi tôn trọng, khuyến khích nhau để họ chu toàn những Đặc sủng Chúa đã ban. Bạn kể những Đặc sủng Chúa đang ban cho Cộng đoàn? (Học đạo)
“There are different works but the same God who accomplished all of them in everyone. (1Cor 12,6)
B. Câu Kinh Thánh thúc đẩy tôi chọn làm Châm ngôn Sống tuần này: ( The Best God’ Word )
GIỜ CỦA CON CHƯA ĐẾN - NGƯỜI BẢO GÌ CÁC ANH CỨ VIỆC LÀM THEO. (Ga 2, 4- 5)
* My hour has not yet come - Do what ever He tells you *
Vatican II: Giáo hội phổ quát xuất hiện như một như một dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhât giữa Chúa Cha, Chúa Con va Chúa Thánh Thần. (Giáo hội# 4)
C- C. Ngay bây giờ tôi phải làm gì: ( So what am I doing / For Action) 1/ Tôi chọn 1 trong 4 Gợi ý Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ở phần A. 2/ Bạn cần nhận ra Chúa Thánh Thần đang làm việc với nhiều tác vụ khác nhau trong Cộng đoàn.
D-Tôi cầu nguyện và Sống Cầu nguyện (I pray and practice) Lạy Cha! Đức Giêsu đã nói: Giờ của con chưa đến., Xin cho con biết lắng nghe Lời Cha trong mọi biến cố cuộc sống để làm theo ý Cha ngay trong Gia đình và Cộng đoàn của con. Pt. Nguyễn Định
Hoa thơm cỏ lạ: CHỈ NAM TI-VI TỐT NHẤT LÀ KINH THÁNH The Best TV guide is the Bible
Chủ đề: Thiên Chúa cứu chữa điều hư hỏng nên hoàn hảo hơn cả tình trạng ban đầu
ĐỌC LỜI CHÚA
Muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ ngắm nhìn vinh: TN 2-C33
* Is 62,1-5: (2) Muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho.
* 1 Cr 12,4-11: (4) Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. (11) Chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.
* TIN MỪNG: Ga 2,1-11
Tiệc cưới Cana
(1) Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. (2) Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. (3) Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: «Họ hết rượu rồi». (4) Đức Giêsu đáp: «Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến». (5) Thân mẫu Người nói với gia nhân: «Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo».
(6) Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. (7) Đức Giêsu bảo họ: «Các anh đổ đầy nước vào chum đi!» Và họ đổ đầy tới miệng. (8) Rồi Người nói với họ: «Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc». Họ liền đem cho ông. (9) Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại (10) và nói: «Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ». (11) Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. (12) Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Hôn nhân hay bậc sống đời gia đình - cùng với những vui thú, trách nhiệm, vất vả của nó - có phải là một lối sống được Thiên Chúa mong muốn và chúc lành không? Hay đó là một bậc sống thấp hèn?
2. Trường hợp đám cưới này, nhờ sự can thiệp cứu độ của Đức Giêsu, sự thiếu rượu cuối cùng lại biến thành có rượu mà rượu ấy lại còn ngon hơn rượu trước, khiến cho đám cưới trở nên tốt đẹp hơn dự tính. Điều đó hàm ý nghĩa gì khi có sự cứu chữa hay can thiệp của Thiên Chúa?
3. Vai trò của Đức Mẹ trong bối cảnh này quan trọng thế nào? Sự thường trong hoàn cảnh này, nếu không có Đức Mẹ, thì Chúa Giêsu có ra tay cứu chữa không?
4. Lý do gì khiến Đức Mẹ nhận ra họ thiếu rượu? Mẹ có nhậy bén trước nhu cầu của người khác không? Tại sao Mẹ lại nhậy bén như vậy?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Giêsu tham dự tiệc cưới và cứu chữa thế kẹt cho đám cưới
Ngay từ khởi thủy, «Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ» (St 1,27), để từng cặp nam nữ sống thân thiện yêu thương nhau, trở nên một với nhau, «cả hai trở thành một xương thịt» (St 2,24). Thiên Chúa muốn họ sống với nhau thành một tổ ấm, một gia đình, để yêu thương nhau, nâng đỡ nương tựa nhau, xây dựng hạnh phúc cho nhau, và để sinh con cái hầu duy trì nhân loại đến muôn đời. Vì thế, đôi nam nữ yêu thương nhau, kết hợp với nhau thành vợ chồng, thành gia đình. Họ còn cộng tác với Ngài trong công cuộc tiếp tục sáng tạo con người. Đó là điều hết sức tốt đẹp và thánh thiện, nằm trong kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa.
Vì thế, đời sống hôn nhân hay gia đình nằm trong kế hoạch đầu tiên - có thể nói kế thượng sách - của Thiên Chúa, tức kế hoạch sáng tạo. Do đó, ơn gọi sống đời hôn nhân và gia đình là một ơn gọi hết sức cao quí. Chính vì thế, phép lạ mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, là phép lạ dành cho tiệc cưới Cana. Cả Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ của Ngài cùng tham dự tiệc cưới này. Điều đó nói lên rằng Thiên Chúa - qua con người Đức Giêsu - đã đánh giá bậc sống hôn nhân gia đình rất cao quí, đáng được ủng hộ và chúc phúc.
Có điều đáng tiếc là kế hoạch đầu tiên này đã bị tội nguyên tổ làm hư hỏng, nên Thiên Chúa đã đưa ra một kế hoạch thứ hai là kế hoạch cứu chuộc. Ơn gọi linh mục hay tu sĩ nằm trong kế hoạch cứu rỗi này. Trong kế hoạch cứu chuộc này, theo suy nghĩ của Giáo Hội, thì Đức Giêsu đã lập bí tích hôn nhân trong tiệc cưới Cana này.
2. Kế hoạch cứu chuộc làm kế hoạch sáng tạo thành công tốt đẹp hơn
Trong đám cưới, rượu được đưa ra ban đầu chắc chắn cũng là loại rượu ngon, ngon nhất trong khả năng kinh tế của gia đình đôi tân hôn. Nhưng sự trục trặc đã xảy ra khiến cho nếu không có sự can thiệp cứu chữa của Chúa Giêsu, gia đình đôi tân hôn sẽ bị mất mặt hay mang tiếng, và đám cưới sẽ mất vui đi rất nhiều. Nhưng chính nhờ có sự trục trặc đó mà Đức Giêsu mới ra tay cứu chữa. Và một khi Ngài ra tay cứu chữa thì bữa tiệc lại trở nên vui hơn, tốt đẹp hơn, hơn cả khi không có trục trặc xảy ra. Rượu sau này là loại rượu ngon hơn, chắc chắn khiến khách dự tiệc vui hơn, uống được nhiều hơn, và hài lòng hơn bình thường rất nhiều. Điều này có một ý nghĩa rất thâm sâu.
Công trình sáng tạo của Thiên Chúa hết sức tốt đẹp. Nhưng rồi có sự trục trặc xảy ra do tội lỗi con người. Nhưng sự cứu chuộc của Chúa Giêsu không phải chỉ là sửa chữa cho tình trạng đó đỡ xấu đi, mà chắc chắn sẽ làm cho kết quả cuối cùng còn tốt đẹp hơn là khi không xảy ra trục trặc nào cả. Chính vì thế, trong lễ đêm Phục sinh, Giáo Hội đã không ngần ngại tuyên bố: tội nguyên tổ là một tội hồng phúc. Vì chính nhờ có tội đó mới có kế hoạch cứu chuộc. Và theo sự khôn ngoan và toàn năng của Thiên Chúa, chắc chắn kế hoạch cứu chuộc này không chỉ sửa chữa lại kế hoạch sáng tạo đã bị hư hỏng, mà còn làm cho kế hoạch sáng tạo ấy thành công mỹ mãn, tốt đẹp hơn lên gấp bội. Có hành xử như thế, Thiên Chúa của chúng ta mới đúng là Thiên Chúa cao cả vĩ đại, đầy quyền năng. Và chỉ Ngài mới có thể làm cho điều xấu nhất trở nên tốt nhất mà thôi. Đó chính là lý do để người Kitô hữu luôn luôn sống hân hoan và tràn đầy hy vọng vào tương lai.
3. Sự đồng công của Đức Mẹ trong công việc của Chúa Giêsu
Sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ, và sự can thiệp đặc biệt của Ngài để cứu nguy cho đám cưới ấy là một dấu hiệu hết sức ý nghĩa. Cuộc hôn nhân hay đám cưới (vốn thuộc kế hoạch thứ nhất) đã lâm vào tình trạng nguy khốn (hình ảnh của sự trục trặc gây ra do tội nguyên tổ) đã được Chúa Giêsu cứu chữa một cách hết sức tốt đẹp (kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa đã thành công).
Sự cứu chữa ấy có sự đóng góp hết sức quan trọng của Mẹ Maria: Chúa Giêsu đã thực hiện sự cứu chữa ấy theo yêu cầu đầy lòng thương người của Mẹ mình. Trong công việc cứu chữa đám cưới này, Đức Mẹ đã tỏ ra tư cách của mình là người Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Giêsu một cách hết sức rõ ràng và cụ thể. Công việc chính yếu là do Chúa Giêsu, nhưng nếu không có Mẹ Maria thì sự cứu chữa ấy có thể đã không xảy ra.
Người Kitô hữu cần ý thức hơn về vai trò rất quan trọng của Mẹ Maria trong việc nên thánh và sống đời Kitô hữu của mình. Trong việc nên thánh, những Kitô hữu nào biết cậy nhờ vào sự bảo trợ của Mẹ Maria thì thường là dễ thành công hơn.
4. Mẫu gương quan tâm đến nhu cầu của tha nhân nơi Mẹ Maria
Lý do khiến Đức Mẹ trở nên Đấng Đồng Công với Chúa Giêsu, chính là tình yêu thương chan hòa của Ngài đối với mọi người, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo. Tình yêu thương ấy đã khiến Đức Mẹ trở nên hết sức nhậy cảm trước nhu cầu, nỗi khó khăn, sự đau khổ cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc của người khác. Vì thế, trong đám tiệc, khi chủ nhà sắp hết rượu, Đức Mẹ đã nhận ra ngay nỗi lo lắng của họ, cho dù theo lẽ thường họ cố gắng không biểu lộ ra. Chắc chắn có biết bao phụ nữ cùng đi dự đám cưới ấy đã không nhận ra điều ấy.
Sự nhạy bén đó Mẹ có được là do lòng yêu thương của Mẹ khiến Mẹ luôn quan tâm đến người khác, quan tâm đến từng chi tiết của đời sống. Có thể nói tình yêu luôn luôn phải được biểu lộ bằng sự quan tâm. Mặc dù quan tâm không phải lúc nào cũng là dấu chứng của yêu thương, nhưng chắc chắn rằng không quan tâm thì cũng đồng nghĩa với không yêu thương.
Chúng ta thường nghĩ rằng mình đang yêu thương, đặc biệt những người gần gũi ta nhất: cha mẹ, vợ con (hay chồng con), anh chị em ta. Nhưng có đích thật là ta yêu thương những người ấy không? ta có thật sự quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn, niềm mong ước, hy vọng hay nhu cầu của họ không? ta có sẵn sàng thỏa mãn những nhu cầu ấy bất chấp phải hy sinh ít nhiều thì giờ, tiền bạc, sức lực của ta không? ta sẵn sàng tới mức độ nào?
CẦU NGUYỆN
Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết bắt chước Mẹ, biết biểu lộ tình thương của con đối với những người chung quanh một cách cụ thể bằng sự quan tâm thật sự đối với những niềm vui, nỗi buồn, những thuận lợi cũng như những bất lợi của họ. Xin đừng để con thường xuyên vô tình, hay cố tình làm ngơ trước những nhu cầu hay những đau khổ của người khác.
Những ngày tháng cuối năm các đám cưới đua nhau tổ chức. Mùa cưới rộ lên làm cho mùa đông: TN 2-C34 FB
Những ngày tháng cuối năm các đám cưới đua nhau tổ chức. Mùa cưới rộ lên làm cho mùa đông bớt vẻ ảm đạm tiêu điều. Đám cưới nào thường cũng vui. Trong đám cưới người ta chỉ nói chuyện vui. Nhưng niềm vui kéo dài được bao lâu? Những lời chúc trăm năm hạnh phúc có thật sự đem hạnh phúc đến cho đôi tân hôn và làm cho họ hạnh phúc suốt đời không? Nhìn vào thực trạng đời sống gia đình hôm nay, ta thấy có được hạnh phúc gia đình là một điều rất khó, hạnh phúc trăm năm thì lại càng khó lắm.
Đám cưới Cana hôm nay cũng suýt lâm vào cảnh bế tắc. Tiệc đang nửa chừng thì hết rượu. Hết rượu là một bất trắc không ngờ. Trong gia đình, những bất trắc có thể đưa đến bất đồng. Bất đồng dễ đưa tới bất hoà. Đã bất hoà thì đường đến bất hạnh không xa.
Đám cưới Cana thực khôn ngoan nên đã mời Chúa Giêsu đến dự tiệc. Việc Chúa Giêsu đến tham dự bữa tiệc cưới nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa yêu thương con người nên đã đến ở giữa loài người. Không những đến ở giữa loài người. Thiên Chúa còn trở nên một người bạn thân thiết của con người, đồng hành với con người, chia vui sẻ buồn với con người. Chưa bao giờ người ta thấy một Thiên Chúa gần gũi đến thế, thân tình đến thế. Với tình than, Thiên Chúa đã đến chia vui với gia đình trong dịp đại hỷ. Và việc Thiên Chúa đến nhà đã cứu gia đình mới khỏi cảnh bất hạnh ngay trong ngày đầu tiên chung sống.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn mời Chúa đến nhà. Sự hiện diện của Chúa giúp ta vượt qua được những bất trắc trong đời sống gia đình. Những bất trắc thì nhan nhản trong đời sống hằng ngày.
Việc thiếu rượu của gia đình Cana nói lên những thiếu thốn của gia đình chúng ta. Có những thiếu thốn về vật chất: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thiếu thốn tiền cho con đi học, thiếu thốn thuốc men khi bệnh tật. Có những thiếu thốn về tinh thần: thiếu quan tâm chăm sóc lẫn nhau, thiếu khuyên bảo dạy dỗ con cháu, thiếu kính trọng trong đối xử, thiếu tế nhị trong lời nói. Nhưng trầm trọng nhất là những thiếu thốn về đời sống đạo đức: thiếu đức tin, thiếu lòng đạo đức sốt sắng, thiếu công bằng bác ái, thiếu trách nhiệm duy trì đời sống đức tin trong gia đình.
Đời sống gia đình lúc đầu rất vui, nhưng sau đó, nếu không khéo gìn giữ sẽ trở nên nhạt nhẽo như nước lã. Nhạt nhẽo vì tình nghĩa phai dần. Nhạt nhẽo vì những bổn phận nặng nề, nhàm chán. Nhạt nhẽo vì những khuyết điểm không tránh được của mọi người.
Những thiếu thốn và những nhạt nhẽo ấy hầu như vượt ngoài khả năng giải quyết của ta, nên ai cũng muốn mời Chúa đến nhà để Chúa cứu gia đình khỏi sự tan vỡ, sụp đổ.
Thế nhưng mời Chúa đến không phải là tổ chức làm phép nhà cho long trọng, ăn tân gia cho linh đình. Mời Chúa đến không phải chỉ là làm bàn thờ cho đẹp, treo thật nhiều ảnh tượng. Muốn mời Chúa đến, việc đầu tiên cần thiết là phải làm theo ý Chúa. Như Đức Mẹ dạy các gia nhân: “Người bảo gì thì phải làm theo”. Nhờ làm theo lời Chúa mà gia đình Cana thoát khỏi cảnh xấu hổ, hạnh phúc gia đình được bền vững.
Gia đình muốn sống trong vui tươi, muốn giữ vững được hạnh phúc hãy làm theo Lời Chúa. Đọc Phúc Âm, học hỏi và đem ra thực hành. Để Lời Chúa hướng dẫn mọi lời ăn tiếng nói của mình. Để Lời Chúa soi sáng những suy nghĩ của mình. Để Lời Chúa điều khiển mọi việc làm của mình. Lộc Xuân mà chúng ta rút được trong ngày Tết phải là châm ngôn hướng dẫn toàn bộ đời sống gia đình trong suốt năm mới này.
Sống theo Lời Chúa, gia đình sẽ được Chúa dẫn dắt vượt qua những thiếu thốn. Sống với Chúa, hạnh phúc gia đình sẽ luôn nồng nàn tươi mới như chất rượu ngon. Sống trung thành kết hiệp với Chúa, gia đình sẽ được Chúa đưa vào dự bữa tiệc cưới trên trời, lúc đó chàng rể đích thật là Đức Kitô sẽ cho ta nếm thử rượu tuyệt ngon trên thiên đàng, đó là hạnh phúc không bao giờ tàn phai.
Lạy Chúa, xin đến với chúng con. Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con. Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Gia đình bạn có kinh nghiệm gì về những thiếu thốn? 2. Gia đình bạn có kinh nghiệm gì về sự nhạt nhẽo tình nghĩa? 3. Bạn đã có kinh nghiệm về việc thực hành Lời Chúa trong gia đình chưa? 4. Có bao giờ bạn cảm thấy gia đình bạn được Chúa cứu thoát khỏi hiểm nguy, thử thách, thất bại?
Phép lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu đã làm khi Ngài công khai rao giảng tin mừng Nước Trời chính là phép: TN 2-C35
Phép lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu đã làm khi Ngài công khai rao giảng tin mừng Nước Trời chính là phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana, mà thánh Gioan đã tường thuật cho chúng ta nghe trong bài tin mừng hôm nay, đã nảy sinh trong tôi hai đề tài suy niệm trong tuần này:
1. Có Chúa hiện diện là niềm vui của con người.
Chúa Giêsu hiện diện trong tiệc cưới ở làng Cana là một biến cố, biến cố này đã làm cho mọi người kinh ngạc sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ biến nước trở thành rượu ngon, để kéo dài niềm vui và cứu cho chủ nhà của chàng rể một phen hú vía vì rượu đã hết.
Chúa hiện diện trong gia đình chúng ta, cứu giúp chúng ta khỏi những ưu phiền và đem lại niềm vui cho mỗi người như Ngài đã hiện trong tiệc cưới tại làng Cana, chúng ta hãy mời gọi Ngài đến trong nhà chúng ta để tình yêu giữa cha mẹ và con cái càng thêm nồng nàn vì có “rượu tình yêu” là chính Ngài ban cho.
Chúa hiện diện trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, với biết bao là vất vả khó khăn, với biết bao là chán chường và đau khổ, chính Ngài, với lời mời ân cần của chúng ta, Ngài sẽ đến để đem lại niềm vui cho chúng ta, niềm vui của Ngài sẽ bất tận và lây lan cho người khác khi chúng ta đã có niềm vui của Ngài.
Đường đời chúng ta đi mà nếu có Chúa cùng đồng hành hiện diện thì quả là hạnh phúc, bởi vì khi Ngài hiện diện thì đồng thời bình an cũng hiện diện, và vui tươi cũng có mặt làm cho đường chúng ta đi trở nên gần hơn, và chúng ta cũng trở nên gần gủi với tha nhân hơn.
2. Mọi người vui vẻ khi có chúng ta hiện diện
Là con cái của Thiên Chúa, là môn đệ của Đức Kitô và là anh em của mọi người, chúng ta cũng cùng theo Chúa Giêsu đi dự tiệc cưới như các tông đồ xưa, nhưng tiệc cưới mà chúng ta tham dự đây không phải là ở làng Cana, nhưng là ở nơi đâu có chúng ta, thì ở đó là một bàn tiệc của sự vui vẻ, thân ái và phục vụ...
Chúa Giêsu đã hiện diện trong tiệc cưới và mọi người đã trở nên vui vẻ vì rượu được uống no say. Chúng ta hiện diện và mang lại vui vẻ hân hoan ở những nơi mà đau khổ đang như một cuồng phong thổi tan nát cuộc sống tinh thần và vật chất của tha nhân: nơi những trại phong cùi, nơi những trại giáo huấn trẻ bụi đời, nơi những trại cai nghiện ma túy, nơi những trại mồ côi và nơi phục hồi nhân phẩm của các cô gái lỡ lầm.v.v...
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu đã mở đầu bằng việc làm cho nước hóa thành rượu, và kết thúc bằng việc hiến tế chính mình trên Thánh Giá trên đồi Calvê, rồi kéo dài mãi cho đến ngày tận thế trong bí tích Thánh Thể trên các bàn thờ...
Nước biến thành rượu,
nổi buồn biến thành niềm vui,
đau khổ biến thành hân hoan,
và thất vọng biến thành hi vọng,
là những điều mà chúng ta sẽ làm được, khi chúng ta biết đồng hành cùng Chúa Giêsu đi tham dự tiệc cưới Nước Trời trong thánh lễ, bởi vì nơi đây rượu đã biến thành Máu Thánh và bánh miến biến thành Mình Thánh của Ngài làm của nuôi linh hồn của chúng ta.
Đó chính là niềm vui và hi vọng của Chúa Giêsu mà mọi người nhìn thấy nơi con người chúng ta vậy !
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Bài giảng chủ nhật 2 thường niên tại nhà thờ Chúa Phục Sinh-Taiwan Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Chúng ta đang ở trong những ngày đầu năm 2004. Nhiều người hạ những quyết tâm tốt lành, không: TN 2-C36
Chúng ta đang ở trong những ngày đầu năm 2004. Nhiều người hạ những quyết tâm tốt lành, không phải chỉ về thân hình gầy ốm thêm, tập thể dục thường xuyên, giảm giờ coi truyền hình, nhưng còn về luân lý, hạnh phúc, gia đình. Tỉ như kiên nhẫn hơn, nhiều thời gian cho con cái hơn, làm việc từ thiện xã hội… Nhưng thử hỏi chúng ta giữ lời hứa được bao nhiêu phần trăm? Trong thời buổi xô bồ, công việc dồn dập và ít giờ giấc suy nghĩ, nghỉ ngơi, chúng ta thấy mình chẳng thực hiện được chi hết, lại rơi vào thói quen cũ. Chúng ta đã làm những quyết định đẹp đẽ, canh tân nếp sống, không đi vào vết xe đổ. Nhưng thực tế, hiệu quả không như mình muốn, đâu vẫn hoàn đấy. Khi nhận ra mình thất bại, chúng ta chỉ còn giơ hai tay lên trời ta thán: “Vũ như cẩn! Vũ như cẩn!” (vẫn như cũ).
Cũng còn các yếu tố khác khiến chúng ta thất bại. Năm này lướt qua năm nọ mà không có gì thay đổi lớn hơn bỏ lịch cũ thay tờ mới. Mọi việc diễn biến như cuối năm trước hoặc cũng như cả năm trước. Vì vậy chúng ta nghĩ rằng mình vẫn là thế, vẫn những sinh hoạt nề nếp, ăn ngủ, gia đình, bạn bè, trẻ con đi học, người lớn lao động kiếm sống. Nhìn rộng ra xã hội, đất nước, thế giới cũng vẫn rặt một điều: Chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, tranh chấp biên giới, đất đai, tôn giáo, đảng phái, hà hiếp, bóc lột. Có khác chi đâu? Người ta cảm giác mọi sự vũ như cẩn, thì mình cũng như vậy thôi, khó thấy đổi thay trong bản thân!
Cho nên tôi phân vân không hiểu tình cảnh dân Israel thế nào, khi họ trở về từ chốn lưu đày Babylon? Họ cảm thấy thất vọng, buồn chán không? Khi nhìn thành Giêrusalem, xưa kia huy hoàng, nay điêu tàn, đổ nát, đền thờ xưa sang trọng uy nghi, nay chẳng còn viên đá nào nằm trên viên đá nào, thì họ có cùng tâm trạng như chúng ta bây giờ không? Nếu phải xây dựng lại từ đầu, liệu họ có đủ kiên nhẫn mà hoàn tất? Nếu công việc quá sức lực thì làm sao đây? Trước những khó khăn của xã hội, đất nước, thế giới chúng ta cảm thấy quá bé nhỏ, bất lực, thiên về khuynh hướng thoái thác, phủi tay: “Ích chi việc đội đá vá trời như Nữ Oa? Mà làm được gì thì liệu có tác động để thế giới đổi thay? Khó quá, không khác chi hạt muối bỏ bể. Năm tới sẽ trôi qua và bản thân tôi chắc vũ như cẩn. Toàn bộ thế gian là vậy thôi!
Tuy nhiên tiên tri Isaia, trong bài đọc một, tuyên bố một viễn tượng tốt đẹp cho dân Do Thái từ chốn lưu đày trở về và chúng ta hôm nay. Ngôn sứ nhìn thấy trước Israel được xây dựng lại, trùng tu viên mãn: “Vì lòng mến Xion, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giêrusalem, tôi nghỉ yên sao đành, tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc. Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng”. Nhưng việc phục hồi là do Thiên Chúa. Dĩ nhiên dân Do Thái phải bắt tay vào việc, và phải làm việc cật lực. Nhưng Thiên Chúa thấu rõ nhu cầu của họ và Ngài sẽ lo liệu để lao động mang tới kết quả. Israel có danh xưng mới, được Thiên Chúa ưu ái: “Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Chúa đặt cho.” Một dấu hiệu của tương giao tốt đẹp với Đức Chúa Trời. Tuyển dân sẽ có địa vị cao sang hoàng tộc và chính Thiên Chúa là yên ổn của họ. Ở đây ngôn sứ Isaia lấy lại giọng văn của Hôsê: “Chẳng còn ai réo tên ngươi: “Đồ bị ruồng bỏ, xứ sở ngươi hết bị tiếng là “phận bạc duyên đơn”. Nhưng ngươi được gọi là “Ái khanh lòng Ta hỡi” Xứ sở ngươi nức tiếng là “duyên thắm chỉ hồng””. Hơn nữa dân tộc Do Thái sẽ có một giao ước mới với Đức Chúa so sánh bằng cuộc hôn phối khắng khít và hạnh phúc: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui của chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” - Bài đọc một vang vọng hình ảnh tiệc cưới Cana của Tin Mừng. Tác giả Aelred R. Rosser nói: “Ít phân đoạn trong Kinh Thánh so sánh bằng bài trích hôm nay. Nó là một khẳng định về mức độ và thể loại tình yêu Thiên Chúa dành cho trái đất. Chẳng lạ gì tình yêu đó không bao giờ phai nhạt”. (The workbook for lectors and Gospel readers p48).
Nhưng thật ngỡ ngàng khi mở đọc bài Tin Mừng chúa nhật này. Nó được trích từ Phúc Âm theo thánh Gioan. Đáng lý năm C, chúng ta đọc Phúc Âm thánh Luca. Tuần tới sẽ theo thứ tự đó. Sự thật là bài đọc ba của Chúa nhật này rất thích hợp dẫn nhập nội dung của các chúa nhật năm C. Bài đọc một đoan hứa Thượng Đế sẽ đến để kết hôn với dân Do Thái, nói riêng, với nhân loại nói chung. Chúa Giêsu là dấu chỉ cuộc hôn phối đã thành hiện thực. Tiệc cưới Cana là hình bóng. Cho nên nó là câu chuyện thích hợp nhất, nói lên việc Thiên Chúa ước ao kết hợp với chúng ta. Một dân tộc đang “oải” được Thiên Chúa - chú rể - làm nhẹ tâng gánh nặng nề và đổi mới tâm thần. Tất cả những lời nói, việc làm của Chúa Giêsu trong các chủ nhật tiếp theo sẽ mặc khải Thiên Chúa vươn tới loài người như một Đấng yêu thương. Không phải yêu thương một cá nhân, một dân tộc nào, nhưng toàn thể nhân loại. Bởi lẽ, tiệc cưới là một dịch vụ công cộng. Toàn thể dân làng họp mừng ngày vui. Toàn thể loài người cử hành giao ước mới với Thượng Đế. Nhưng chúng ta thiếu rượu, không đủ phương tiện để cử hành trọn vẹn niềm vui. Cho nên Thượng Đế đã bước vào, ra tay cứu chữa, để loài người có lý do mà vui mừng. Rượu mới trong kỷ nguyên mới. Nếp sống cũ, thói quen cũ không cần phải được lập lại. Năm tháng trôi qua không nhất thiết với những quyết tâm hão, lời hứa suông. Rượu mới làm tâm thần chúng ta phấn khởi, lòng dạ hân hoan. Cuộc đời đã sang trang không nên luyến tiếc cái cũ, không nên cố chấp, hoá đá, mà phí uổng thời gian.
Câu chuyện Cana không chỉ nguyên nói về nước biến thành rượu. Ý nghĩa của nó rộng rãi gấp trăm. Thánh Gioan gọi là dấu chỉ đầu tiên Chúa Giêsu làm. Chúng ta biết dấu chỉ dẫn đến thực tại. Thực tại ở đây là Thiên Chúa tỏ mình ra cho loài người (nguyên văn Phúc Âm nói: Mạc khải vinh quang Ngài). Nó biểu lộ Chúa Giêsu là Ai, ngõ hầu nhân loại chấp nhận Ngài và cảm thấy sự thân cận của Thiên Chúa mà Ngài là hiện thân. Lúc này người ta đang khao khát cử hành tiệc cưới, nhưng thiếu hẳn phương tiện để tiến hành. Chúa Giêsu hiện diện và ban phương tiện để chúng ta mừng Thiên Chúa ở giữa nhân loại. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật gần gũi. Là Chú Rể của tiệc cưới và làm cho cô dâu “loài người” được hoan hỷ. Ngài giữ rượu ngon cho đến lúc cuối chầu. Có nhà bình luận đề nghị phim “Babette’s feast” làm thí dụ cho bài Tin Mừng hôm nay. Xem phim chúng ta sẽ cảm thấy ý nghĩa của rượu mới và tiệc vui hôn nhân.
Cứ theo thói tục tổ chức việc hôn nhân thời Chúa Giêsu và của ngày nay, thì đám cưới Cana chẳng đáng kể là bao. Một làng nhỏ, cô dâu chú rể vô danh, tiệc đang giữa chừng thì rượu hết chứng tỏ nhà nghèo, vặt đầu cá vá đầu tôm, kéo chỗ lành đắp chỗ rách, chẳng sung túc gì, có thể là … tẽn tò, xấu hổ. Nhưng thánh Gioan đã làm nên chuyện, tưởng chừng như một biến cố lớn, có tầm cỡ quan trọng. Thánh nhân có dụng ý. Ông kể lại trong Phúc Âm của mình vỏn vẹn bảy phép lạ, mà ông gọi là “dấu” (Signum). So sánh với ba Phúc Âm khác thì là con số nhỏ. Ngoài ra, phép lạ đầu tiên này mang ý nghĩa nhiều hơn sự kiện. Chúa Giêsu không chỉ thoả mãn nhu cầu tức thời của đôi tân hôn. Ngài cũng không cung cấp chỉ đủ rượu cho bữa tiệc, nhưng ê hề, có tới gần 500 lít rượu và toàn rượu ngon, đến nỗi người chủ tiệc phải ngạc nhiên, bật ra tiếng khen “Anh giữ rượu ngon đến bây giờ”. Câu nói vô tình, nhưng làm chúng ta suy nghĩ nhiều. Chúng ta rời tiệc cưới mà còn văng vẳng bên tai… giữ rượu ngon mãi tới bây giờ. Lúc nào? Bây giờ. Thiên Chúa làm đúng như Isaia tiên báo: Ngài kết hôn với nhân loại trong tình yêu mến tràn đầy và vĩnh viễn. Mối tương giao của Ngài với chúng ta không bủn xỉn, bấp bênh mà là “rượu ngon mãi tới bây giờ”, tức say sưa bền vững đến thiên thu. Nhiệm mầu này ai suy cho thấu? Ai cảm tạ hồng ân cho cân xứng? Ngài cho chúng ta đầy đủ lý do để cử hành tình yêu của Ngài, ngay cả ở những giây phút khó khăn nhất cuộc sống. Quên ơn Ngài, sống trác táng quả là một phản bội không thể tưởng tượng.
Như vậy Thiên Chúa chúng ta thật vĩ đại, không để chúng ta thiếu thốn điều chi. Cuộc sống con người theo thời gian không hề giảm bớt ý nghĩa và triển vọng. Ngày nay người ta thần thánh hoá tuổi trẻ. Già là một tai nạn, cái khổ. Nhưng đó là thái độ lầm lẫn. Với Thiên Chúa, với rượu ngon của Chúa Giêsu, cuộc sống luôn tăng trưởng. Thân xác có thể tàn lụi dần, nhưng linh hồn luôn lớn mạnh trong tình yêu bình an, kinh nghiệm thiêng liêng và hạnh phúc vĩnh cửu. Khi con người bên ngoài chết dần đi, là lúc con người bên trong nếm hương vị ngọt ngào của những đường hướng mới, năm tháng mới. Những giá trị thực của đời sống được bộc lộ rõ ràng. Chúng ta sẽ uống rượu làm cho mình ngày một lành thánh hơn, hoan hỷ hơn. Nó sẽ dẫn đưa chúng ta đến thứ Rượu Ngon Nhất trong bàn tiệc trên nước trời. Hiện thời chúng ta có rượu Thánh Thể. Rượu này Thiên Chúa tuyên bố luôn dư thừa, thoả mãn mọi ước vọng của con người. Chúa Giêsu sẽ luôn ban cho mỗi người lý do để cử hành vui, giận, mừng, lo trên bước đường lữ thứ trần gian. Ở Cana Thiên Chúa được mặc khải trong thì hiện tại. Nghĩa là chúng ta không bao giờ thiếu rượu, thiếu dấu chỉ để biến giây phút mình đang sống thành niềm vui. Ngay cả khi phải chịu mất mát, hy sinh, người thân yêu qua đời, nghề nghiệp tan vỡ, bạn bè phản trắc, tài sản tiêu tan. Thiên Chúa của tiệc cưới Cana luôn hiện diện bên mỗi người. Đúng vậy, trong nhiều trường hợp Ngài luôn ban khả năng để chúng ta có thể nói: “Tại đây, lúc này, con xin tạ ơn Ngài suốt cả đời con. Rượu con uống ngọt ngào quá đỗi”. Sau này, chúng ta sẽ được nghe Ngài nói: “Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào” (10,10).
Nhưng xin đừng quên: Tất cả những ơn huệ này, là lời yêu cầu của Đức Maria trong tiệc cưới Cana. Không có Mẹ, thì đôi tân hôn chẳng được rượu ngon, và chúng ta cũng chẳng có lý do để vui mừng trong cuộc sống. Mẹ đã làm cho “giờ của Chúa Giêsu” mau đến. Nghĩa là “ơn cứu độ” được ban trước cho loài người, mặc dù giờ tử nạn trên thánh giá, mở màn nhiệm cục cứu chuộc, chưa đến. Quý vị nghĩ thế nào? Có đáng tán tụng cả hai? Xin cho mỗi người nhận thức được bổn phận mình, sống vui tươi, thánh thiện, cậy trông, mà tạ ơn Thiên Chúa toàn năng và Đức Trinh Nữ Maria đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Thánh sử Gioan khi thuật lại “Tiệc Cưới Cana”, Ngài đã viết như sau: "Có Mẹ của Chúa Giêsu: TN 2-C37
Thánh sử Gioan khi thuật lại ‘Tiệc Cưới Cana’, Ngài đã viết như sau: "Có Mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới"
Khi đọc xong câu trên, có lẽ người tín hữu chúng ta đều hiểu rằng, Đức Maria, Chúa Giêsu và các môn đệ là những khách được mời tham dự tiệc cưới nầy. Nhưng qua câu nói của Mẹ: “Họ hết rượu rồi!” thì chúng ta có thể thấy thêm hai cách nghĩ khác nhau về vai trò của Mẹ Maria trong tiệc cưới nầy.
Mẹ là thực khách được mời như bao người khác và cũng có thể Mẹ có họ hàng với gia đình tổ chức đám cưới… cho nên Mẹ đã theo dõi diễn biến của tiệc cưới trong lúc mọi người đang vui say với nhau, ngay cả chú rể và người quản tiệc cũng không biết là rượu đã hết. Dựa trên điều nầy, chúng ta có thể hiểu thêm là có thể Mẹ đã tinh tế xuống gian nhà bếp… cho nên Mẹ mới biết rõ tình hình nên mới báo cho Chúa Giêsu: ‘Họ hết rượu rồi’.
Qua cử chỉ tế nhị của Mẹ Maria, chúng ta có thể học được rất nhiều bài học trong cuộc sống, đặc biệt là đối với các bà Mẹ và người Cha Việt Nam… Nhiều bà mẹ Việt Nam, mỗi khi có con lặp gia đình - cách riêng là con gái - thì mất ăn mất ngủ lo cho con đủ điều… từ việc chọn món ăn, chọn nhà hàng, mời khách…trao cho con những kinh nghiệm của những đám cưới mà các bà đã từng tham dự ‘được khen - bị chê’ để con mình thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức đám cưới của chúng sắp tới….
Nhưng dựa vào cuộc sống rất thực tế ngày nay, đôi lúc có những bà mẹ sẽ cảm thấy ‘đau nhói con tim’ khi nghe những đức con của mình trả lời:’ Đám cưới của con’… Xin mượn lời Chúa Giêsu để thêm vào: ‘Can gì đến Bà’ - ‘Mẹ!’. Nhưng ngược lại, cho dù Chúa Giêsu sau khi nghe Mẹ Ngài nói: “Họ hết rượu rồi’ Ngài đã trả lời ngay: ‘Can gì đến Bà! Giờ tôi chưa đến’. Nhưng vì Mẹ, Chúa Giêsu đã làm phép cho 6 chum nước trở thành rượu ngon.
Một chi tiết khác trong Tin Mừng hôm nay cũng giúp cho các bà mẹ và cũng cho những người cha trong gia đình cần phải có đối với con cái, đó là đức ‘Kiên Nhẫn’. Cho dù khi Mẹ Maria nghe Chúa Giêsu trả lời: “Can gì đến Bà!’ như mũi dao đâm thấu con tim, nhưng Mẹ đã ‘Kiên Nhẫn’ nhắc khéo gia nhân: “Hễ Ngài bảo gì thì hãy làm theo…’
Dù ‘Giờ Chưa Đến’ nhưng Chúa Giêsu đã làm phép lạ…. Có rất nhiều người cha, người mẹ đã không đủ kiên nhẫn chờ đợi những đứa con đi ‘chơi khuya’ trở về như Mẹ thánh Mônica chờ Augustinô trở về giữa canh khuya! ‘Mẹ chưa ngủ à!’ Augustinô hỏi Mẹ. ‘Mẹ chờ con về rồi mẹ mới đi ngủ’. Đó là câu trả lời của Mẹ thánh Mônica.
Câu nói đó không phải chỉ một lần nhưng có lẽ cả trăm lần… trong ‘Kiên Nhẫn’ có khi cả trong ‘Nước Mắt và Cầu Nguyện’ cho nên Mẹ thánh Mônica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô thành mội vị đại thánh trong Giáo Hội.
Lễ Kính của Mẹ và Con, có lẽ vì thế mà Giáo Hội đã khôn khéo sắp liền với nhau theo năm tháng. Hình ảnh của ‘Mẹ và Con - Maria và Giêsu’ cũng gắn liền cận kề từ hang đá Bêlem đến Tiệc Cưới Cana hôm nay, tiếp đến Mẹ vẫn ‘dõi theo’ bước chân con trên bước đường con đi rao giảng Tin Mừng. Đôi lúc Mẹ vẫn bị cư xử lạnh nhạt… ‘Mẹ và anh em Ngài đang đứng ngoài tìm Ngài…’ Chúa Giêsu nói: ‘Ai là anh em và là Mẹ Ta…’
Nhưng Mẹ vẫn ‘Kiên Nhẫn - Âm Thầm’ theo dấu chân con cho đến đỉnh đồi Golgotha, đã đón nhận xác con, ôm con vào lòng như nơi hang đá Bêlem và đã táng xác con nơi mộ thánh.
Đa số các đám cưới ngày nay, các đôi bạn trẻ tự định liệu lấy tất cả về ‘Lễ Cưới-Tiệc Cưới’ của họ… Cha mẹ hai bên chỉ là những ‘Cố Vấn Tối Cao’ mà thôi, ngay cả khách được mời cũng được đôi Tân Hôn ‘Tuyển Lựa’… Đôi lúc, ngay cả cha mẹ và anh chị em trong gia đình của hai bên sẽ nhận được một số thiệp rất ‘Hạn Chế’ là chỉ có bấy nhiêu thiệp và chỉ có ‘bấy nhiêu’. Họ không cần biết là Cha Me hoặc Anh Em của hai bên sẽ mời ai hoặc cần bao nhiêu thiệp? Vì họ cho rằng đây là đám cưới của họ chứ đâu phải đám cưới của…. anh…. hay chị… mà muốn mời ai thì mời...
Cha mẹ trong thế giới hôm nay cần nghiền ngẫm những bài học rất ‘Thời Đại’ và hãy bắt chước gương của Mẹ Maria cũng như của Mẹ Thánh Mônica: ‘Kiên Nhẫn - Âm Thầm - Cầu Nguyện’ … Hãy trao cho con cái ‘Chìa Khóa Thiêng Liêng’ để mở cánh cửa hạnh phúc đó là ‘bửu bối tinh thần’ hơn là ‘Bảo con Cái Theo Ý của Cha Mẹ trong vấn đề tổ chức ‘Lễ Cưới - Tiệc Cưới’ theo ý của chúng ta.
Phúc thay cho cuộc sống hôn nhân của những đôi vợ chồng đã tận hiến cuộc đời nơi sự che chở của Mẹ. Muốn bảo vệ hạnh phúc của hôn nhân thì phải tuân giữ những điều Con của Mẹ dạy. Một khi hôn nhân được gắn bó với Chúa Kitô thì tình yêu đó sẽ được yên vui, đầm ấm, biết tự thắng, quên mình, trung thành và hiến dâng không điều kiện. Nhờ đó họ sẽ đủ sức mạnh sống thủy chung trong ơn gọi cho đến mãn đời.
Lời Nguyện
Lạy Chúa, đời sống hôn nhân trong thế giới hôm nay, đang thiếu ‘Rượu Ngon - Hạnh Phúc’. Xin Chúa và Mẹ Maria - luôn hiện diện trong gia đình như tại Tiệc Cưới Cana…. để biến hoá những đắng cay, sầu khổ, phong ba bão táp của cuộc đời thành rượu thông cảm ủi an, tha thứ. Xin cho họ biết thắng vượt mọi gian nan thử thách thành những chất men của rượu nồng để họ có thể tiếp tục sống đời hôn nhân chung thủy.
Họ hết rượu rồi! Đức Maria đã tỏ ra rất nhạy cảm trước những khốn khó của tha nhân. Chỉ cần nhìn: TN 2-C38
Họ hết rượu rồi! Đức Maria đã tỏ ra rất nhạy cảm trước những khốn khó của tha nhân. Chỉ cần nhìn thấy những nét âu lo buồn khổ trên gương mặt các người trong gia đình của đôi tân hôn, Đức Mẹ đã đoán biết được sự việc cấp bách và nghiêm trọng đến thế nào. Và Mẹ đã không chờ họ mở lời thở than, nhưng nhanh nhảu tìm cách cứu giúp họ thoát cảnh bế tắt. Có thể là họ cũng chẳng ngờ rằng đức Maria có thể giúp họ điều chi, nên đã không ngỏ lời.
Và cũng qua sự kiện đức Maria đến than thở với Chúa Giêsu, ta suy ra rằng Ngài đã từng làm một số phép lạ trong phạm vi gia đình của ba Đấng. Vì nếu đức Giêsu không từng làm phép lạ, thì đức Mẹ chẳng có thể biết, để mong đợi gì nơi Chúa Giêsu vào lúc túng ngặt này. Và tuy rằng: giờ của con chưa đến; xong đức Giêsu đã không thể cưỡng lại lời kêu xin của Đức Mẹ! Với những lời đối đáp giữa Chúa Giêsu và Đức Mẹ, ta có thể bảo rằng: phép lạ này xảy ra trong tiệc cưới hôm nay, là do lòng bác ái của Đức Mẹ, chứ Chúa Giêsu đã không có ý này ngay từ đầu. Tình thương của Đức Mẹ đã ‘buộc’ Chúa Giêsu bày tỏ quyền năng của Ngài sớm hơn dự định. Sự kiện này cũng chứng tỏ rằng, Đức Mẹ có một thế đứng rất đặc biệt trong tim của Chúa Giêsu. Giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu hầu như không có khoảng ngăn cách nào, từ đó Mẹ Maria mới tiên liệu và dặn dò các gia nhân: Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo. Vì sợ người ngoài không biết chuyện, có thể phản ứng gây bất lợi khiến phép lạ khó xảy ra, Mẹ Maria đã nhanh nhảu rào đón trước, để bảo đảm rằng phép lạ sẽ được thực hiện như Ngài muốn.
Mẹ Maria đã có lòng tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu, có thể giúp đỡ những người lâm cơn túng quẩn này. Chính nhờ lòng tin và tình bác ái của Mẹ Maria đã lôi kéo quyền năng của Thiên Chúa được biểu hiện trong đức Giêsu. Ngày nay, Mẹ Maria vẫn hằng sốt sắng bầu cử cho chúng ta là con cái khốn khổ của Ngài trước tòa Thiên Chúa. Hãy nhờ Mẹ dẫn chúng ta đến cùng Chúa.
Lịch Tây ghi rõ ngày 21 tháng 3 là ngày bắt đầu mùa xuân. Nhưng thực ra trời đất đã bắt đầu cựa mình: TN 2-C39
Lịch Tây ghi rõ ngày 21 tháng 3 là ngày bắt đầu mùa xuân. Nhưng thực ra trời đất đã bắt đầu cựa mình vào dịp tết Việt Nam. Mùa đông bàn giao cho mùa xuân, gọi là giao thừa. Ðúng là ngày bắt đầu một tiết nhịp mới, nhựa sống căng phồng tung tóe từ cành cây kẽ đá.
Trời đất vẫn xoay vần theo nhịp theo điệu. Có lúc thì xuống thật thấp, như những củ thủy tiên bị vùi dập cho “chết” đi từ tháng mười năm trước, nằm chìm sâu dưới “lòng đất lạnh.” Vậy mà sức gì lạ lắm: đúng tiết đúng nhịp thì bật lên những mầm non đầy nhựa sống. Rồi nở ra những bông hoa rực rỡ đủ màu hấp dẫn quá chừng. Như vậy thì trời đất có lễ nghi “giao thừa” đàng hoàng đấy chứ. Khi “chết” thì biết mình chết, không giẫy giụa la hét như con người. Vì củ thủy tiên khi bị vùi dập đã “thấy” trước ngày lễ bàn giao của sự cựa mình đất trời mà hòa vào khúc luân vũ. Nó “thấy” được bên dưới đợt sóng sinh tử chuyển vần là một dòng sức sống duy nhất, nên nó an nhiên nhảy múa theo nhịp dòng đời.
NÉT XUÂN SƠN
Nhà văn Phạm Xuân Ðài trong cuốn “Hà Nội Trong Mắt Tôi” đã kể lại tâm trạng của chính mình khi bị cầm tù ở Bắc Việt, “quắt queo vì đói lạnh, lòng run chứ không còn rung động, các bắp thịt teo tóp căng cứng trong cơn lập cập,” nhưng vẫn tự nhủ để giữ tinh thần khỏi suy sụp bằng một cái nhìn chính xác: “Miễn là đừng chết, miễn là qua được mùa đông.”
Mà quả thực, đất trời có nhịp, dòng đời cũng có nhịp: “Rồi thì núi sẽ trở lại núi, sông trở lại sông, người trở lại người. Một buổi, cơn giá lạnh như đang tan loãng dần trong không gian, cái ấm áp như nhen nhóm được một tí từ đâu đấy, cây mơ, cây đào bỗng đầy nụ... Và xuống bến sông, nhìn về phía đông nơi con sông chảy dần thành chất lỏng để có thể xôn xao nhè nhẹ trong cuộc hành trình. Bạn sẽ sững người trông thấy núi, và tâm bạn, trí bạn, miệng bạn cùng lúc thốt lên: “Nét xuân sơn”, như là chỉ có tiếng đó mới nói lên đầy đủ được những gì bạn đang thấy. Trên nền trời vừa trong sáng lại một cách dị kì sau mấy tháng xám xịt, như một tảng ngọc xanh có pha phơn phớt hồng, các dãy núi mới toanh như vừa lột xác. Trời nước trong một làn ánh sáng long lanh, núi đứng tiếp sau từng dãy, trật tự và tươi cười, đường nét thanh tú rõ rệt cái đậm cái nhạt tạo thành một bức hoành tráng mĩ lệ, như một dàn hợp xướng ngợi ca điều cao cả trong lành đang ngập tràn trong trời đất. Vứt bỏ mớ áo xống lôi thôi của mùa đông, dáng núi trở nên uyển chuyển duyên dáng lạ lùng, một thân thể người nữ tuyệt hảo trong tuổi thanh xuân cũng không thể hơn thế. Ðường cắt trên bầu trời như một nét hân hoan, một tiếng cười chưa thành, một niềm vui mới chớm. Chứa chan. Người đứng trên bờ sông cảm thấy mắt mình đẫm lệ vui, biết mình đã bắt lại được với nguồn sống đang chỗi dậy trong đất, trong nước, trong cây đá ở trên núi. Núi có vẻ đang vẫy tay, đang chuẩn bị lên đường trong một hành trình đầy hứa hẹn...”
Thì ra cái nhịp đất trời vẫn mãi chuyển vần trầm bổng, nhưng vẫn chỉ là một dòng sức sống. “Bắt lại” được với nhịp dòng sống đó, nắm bắt được những khoảnh khắc thấy được này... thì mắt sẽ đẫm lệ vui là phải. Cái sức gì lạ vậy? Thì đây Phạm Xuân Ðài tâm sự:
“Người đứng bên bờ sông Mã đã bẩy lần được tiếp sức như thế để tiếp tục sống còn. Không gì hữu hiệu hơn là mùa xuân. Một niềm vui từ đâu trong sâu thẳm bỗng được khơi dậy cùng với núi thay áo mới, sông hết đông lạnh và bầu khí ôn hòa. Cái gì làm cho tôi vui thế? Không có gì làm cho tôi vui cả, bản thân tôi lúc ấy là niềm vui. Cái mà tôi gọi là niềm vui ấy thật ra là một sự cựa quậy chuyển mình của chính tôi như là một phần của sự chuyển mình chung của vạn vật. Có thể thiên nhiên vô tình, chuyển mình như thế chắc chẳng vui mà cũng chẳng buồn, cái nẩy mầm với cái tàn lụi đối với vũ trụ vần xoay thì có gì là quan trọng đâu, chỉ là cái chu kỳ được lặp lại. Nhưng đối với tôi, một sinh vật ốm o đói rét và tuyệt vọng đứng bên sông Mã một buổi sáng xuân thì cái “cựa mình mùa xuân” xảy ra trong tôi thật cực kỳ quan trọng, nó cho tôi một nỗi phơi phới không điều kiện, nỗi phơi phới tự thân, đưa tôi ngang tầm với núi với sông và với bầu trời rộng lớn khiến trong chốc lát tôi thấy nỗi khổ đau tuyệt vọng đang mang chỉ là cái nhỏ bé buồn cười...” (Thế Kỷ xuất bản, trang 58-60)
Tuyệt quá, tuyệt quá! Phạm Xuân Ðài đang thấy cái mà ít người thấy được. Vẽ lên được nét vật vã và nhìn thấy được dòng sống đang chuyển hóa, chẳng phải là giây phút giác ngộ bỗng khám phá ra một kỳ diệu nhưng thực ra lại rất bình thường sao? Giống bức tranh “Ðêm Sao” Vincent van Gogh vẽ trên bờ sông Rhones chảy qua vùng Arles miền Nam nước Pháp quá. Dòng sông ánh sáng vẫn đang chuyển sinh lực hóa giải tất cả những tăm tối mịt mù. Ðau khổ phi lý được hóa giải bằng nét xuân sơn. Hàng cây trơ trụi lá cho thấy “đầu cành khô bỗng hoa nở tràn”. Tự nhiên thôi. Có gì lạ đâu. Hoặc là quá lạ lùng đấy phải không? Dòng đời vẫn thế. Ðất trời vẫn một nhịp. Nhưng cái lạ là thấy được như vậy mà hòa theo được cái nhịp điệu đó, chứ không ghì lại. Những khoảnh khắc này mới thật kỳ diệu, được biến thành thiên thu, đưa “con người cũng lên ngôi theo” có sức thay đổi cả một đời người, mở ra cả một nhãn quan mới, thấy được trời mới và đất mới. Sức đột biến là vậy.
TỪ QUI TRÌNH ÐẠT VUÔNG TRÒN
Lời Thánh Kinh đang vang vọng quanh đây, chứng nghiệm một cuộc đột biến đang diễn tiến:
Lời chàng văng vẳng bên rào
Em ơi tỉnh dậy ra chào Chúa xuân.
Mưa ngớt tạnh đông tàn băng giá,
Hoa đồng nhà muôn đóa khoe tươi
Nhạc xuân rộn rã nơi nơi
Ngàn chim đua hót vang trời líu lo.
(Thánh Kinh, Diệu Ca 2:10-12, bản dịch của Ðào Mộng Nam)
Sức đột biến này do thần lực từ cõi Tròn, là chính Chúa Trời, vị Thần Tình Yêu. Biến cố của hai ngàn năm trước đây Ðức Giêsu là Thiên Chúa đã bước vào lịch sử con người, trở thành một người, mang tròn xuống vuông để nâng vuông lên tròn, đã như một qui trình thể hiện vuông tròn mang lại mùa xuân mới cho nhân loại. Thì nay, sau những tàn tạ của trái đắng mùa đông vì muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống nhầy nhụa duy vật này, con người đang khắc khoải tìm mở lại con mắt niềm tin, để thấy được Chúa Xuân đang khấp khởi bước lại vào cuộc đời của mình làm đột biến nở hoa mùa xuân mới.
Theo nét văn hóa Việt tộc, khi mọi sự được xuôi xắn nhịp nhàng thì gọi là được vuông tròn. Nét này phát khởi từ câu truyện thiêng của Việt tộc với phong tục bánh dầy bánh chưng ngày Tết. Vật chất đất vuông phải hòa nhịp với tinh thần trời tròn thì mới tròn đầy viên mãn được. Ðó là qui trình của đạo sống Việt tộc. Không hiểu từ hồi nào, có thể từ vô thức do trào lưu kỹ thuật mới với mớ thuyết “người là con vật kinh tế” chỉ biết tìm mồi, một số người mình không khéo mà chỉ còn thích ăn bánh chưng vào dịp Tết, quên phắt bánh dầy! Vậy nên giá phải trả cũng đã quá cao, oan khiên chảy thành dòng sông máu, chảy tràn ra vịnh Thái Lan, chảy vượt cả Thái Bình Dương mà tiếp tục quằn quại giẫy giụa! Chả lẽ bằng ấy hành hạ vùi giập vẫn chưa đủ cho người mình giác ngộ nhìn ra một mở lối nào cho thế kỷ 21 hay sao?
NHỊP VŨ VUÔNG TRÒN CỦA VIỆT TỘC
Ðây là thời khắc trân trọng để nhận lại bánh dầy tròn vào một năm mới, vào một ngàn năm đang bắt đầu, bắt lại lối nhìn trong đạo sống Việt tộc như một dòng lực vẫn chảy từ bao đời qua suốt dọc dài lịch sử. Mùa xuân chính là thời điểm bắt lại nhịp vuông tròn theo tâm thức Việt. Vì thế mà phong tục bánh dầy bánh chưng được cử hành trang trọng thành một nghi lễ hẳn hòi vào ngày Tết, mở đầu nhịp vũ vuông tròn cho cả một năm.
Quả là dân mình là dân có đạo, là đạo vuông tròn, là đạo hiếu đất vuông hướng về trời tròn, nguồn sức sống mùa xuân, từ trong máu, từ trong tâm, từ bao thuở, từ ánh mắt tổ tiên, từ nhịp tim sông núi, từ nhịp thở giống nòi. Ðó là nhịp vũ hòa nhập cõi vuông vào cõi tròn, biến cuộc sống đang trì trệ ứ đọng trở thành một nhịp uốn lượn như thủy triều, hài hòa nét vuông và nét tròn trên những mái nhà cong, biến chân không thành diệu hữu, nối kết được đông tây, hóa giải được mọi xung khắc.
Trời đất vẫn một nhịp, vẫn một diễn tiến theo qui trình. Nhưng bí quyết đạt vuông tròn lại nằm trong tim mỗi người, khi biết hòa theo được nhịp đó. Chẳng lạ gì mà đối với nhà văn Phạm Xuân Ðài, “một sinh vật ốm o đói rét và tuyệt vọng đứng bên sông Mã một buổi sáng xuân, thì cái “cựa mình mùa xuân” xảy ra trong tôi thật cực kỳ quan trọng, nó cho tôi một nỗi phơi phới không điều kiện, nỗi phơi phới tự thân, đưa tôi ngang tầm với núi với sông và với bầu trời rộng lớn khiến trong chốc lát tôi thấy nỗi khổ đau tuyệt vọng đang mang chỉ là cái nhỏ bé buồn cười...”
Nhãn quan này sao gần Ðạo Chúa quá! Giây phút giác ngộ thấy được dòng nhựa sống mùa xuân ra đời thì bốn mùa đều là mùa xuân cả, mỗi ngày sống, mỗi phút giây cũng đều nhuần gội áng thiều quang. Hàn Mặc Tử đã cảm nhận được sức đột biến từ chính đời mình, từ những quằn quại giẫy giụa bệnh cùi đến cái thấy lạ lùng của Nhịp Vũ Sông Thanh: dòng tuôn ơn phước thanh bình, thanh thản, thanh tú:
Tứ thời xuân, tứ thời xuân non nước
Phút thiêng liêng nhuần gội áng hào quang
Thiên hạ bình và trời tuôn ơn phước,
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian.
PHÚT CẢM NHẬN SỨC ÐỘT BIẾN
Sức đột biến nơi Ðức Giêsu thì thật rõ. Khi chấp nhận làm người, Ðức Giêsu cũng chấp nhận thân phận mỏng dòn yếu đuối như bất cứ ai, cũng mang nét vuông của đất. Nhưng sở dĩ Ngài có được sức mạnh biến đổi mọi sự khiến mọi người sửng sốt, là vì Ngài cảm nhận và hành động “trong quyền lực Thánh Thần,” là nét tròn của Trời.
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Vui cho kẻ nghèo khổ. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bì giam cầm biết họ được tha, cho người mù sáng mắt lại, giải thoát những kẻ bị đè nén, và loan báo năm hồng ân của Chúa” (Luca 4: 18-19).
Lâu nay mình cũng bị ứ đọng trì trệ một cách nào đó, tiêu điều lạnh lẽo như cảnh cuối đông vì chỉ lo thu mình vào cõi vuông của sức riêng. Có những lúc thấy mình như cành cây trơ trụi lá, chẳng làm gì cho ra hồn cả. Giây phút này mình muốn mở tâm ra để cảm nhận sức đột biến từ dòng sống đất trời cựa mình sang xuân. Ðoạn Kinh Thánh mà Chúa Giêsu cảm nghiệm về năng lực Thánh Thần hôm nay cũng ứng nghiệm nơi cuộc sống của mình. Ðược đột biến do chính dòng lực tình của vị Thần Tình Yêu, có sức hóa giải và biến đổi tất cả. Ðó là dòng thần lực của Thần Linh Chúa chuyển chất tình yêu có sức làm rung động con tim và ấm áp lòng người.
Và mình hòa nhập vào cả một dòng thác sức sống đang tuôn đổ xuống lòng mình qua mọi sự, qua từng nhịp thở, qua từng cây cỏ vạn vật:
“Cùng một dòng sinh lực tuôn chảy ngày đêm trong mạch máu tôi, cũng đang chảy tuôn qua thế giới, nhảy múa theo tiết điệu nhịp nhàng.
Cũng chính một sinh lực đang hân hoan phóng lên khỏi mặt đất nẩy mầm thành muôn vàn ngọn cỏ, vươn lên thành những lớp sóng cuồn cuộn hoa lá xum xuê.
Cùng một sinh lực đu đưa ru nhịp sinh tử trong nôi đại dương như nhịp thủy triều lên xuống.
Tôi cảm thấy cơ thể mình tươi tắn lại khi được cả sinh lực đất trời tuôn nhập. Và thấy thật thỏa thuê cảm nhận được lực bơm sinh khí qua bao thời đại đang đánh nhịp nhảy múa trong huyết quản tôi lúc này.” (Tagore, Lời Dâng #69)
(The same stream of life that runs through my veins night and day runs through the world and dances in rythmic measures.
It is the same life that shoots in joy through the dust of the earth in numberless blades of grass and breaks into tumultuous waves of leaves and flowers.
It is the same life that is rocked in the ocean-cradle of birth and of death, in ebb and in flow.
I feel my limbs are made glorious by the touch of this world of life. And my pride is from the life-throb of ages dancing in my blood this moment.)
Nhạc sư Hải Linh khi còn sống ở New Orleans thường rất ít khi thắt cà vạt. Mỗi lần đi đâu phải: TN 2-C40
Nhạc sư Hải Linh khi còn sống ở New Orleans thường rất ít khi thắt cà vạt. Mỗi lần đi đâu phải buộc cà vạt vào cổ cho hợp chỗ "nhớn" thì ông lấy làm khổ sở lắm. Ông bảo giống như sắp bị "thắt cổ" lãnh án tử hình vậy; không thì nó cũng chẹt bóp cổ mình ăn nuốt làm sao cho ngon được!
Riêng tôi mỗi lần đi ăn tiệc mà ngồi ở chỗ cao thì cũng chẳng mấy thú vị gì. Một trong những lý do dễ hiểu là chỗ vị vọng thường ngay sát sân khấu có nhiều loa phóng thanh, mà ban nhạc bây giờ phải đánh to hết sức xem ra mới đã. Thế là mình cứ việc lo mà đền tội trong suốt hơn một tiếng đồng hồ: màng tai thì giãn bong lùng bùng, các dây thần kinh thì lỏng ra thật đáng ái ngại.
BA MƯƠI BA CÁI THÚ CỦA KIM THÁNH THÁN
Đang khi nhiều người mong mỏi đời mình sẽ khấm khá khi ngồi được chỗ cao hơn, được lên cấp, tăng lương, mua được bộ đồ mắc tiền, tậu được chiếc xe láng cho le lói với thiên hạ, thì nhà nghệ sĩ Trung Hoa là Kim Thánh Thán đã khám phá ba mươi ba lúc vui thỏa thật giản đơn. Và Lâm Ngữ Đường đã ghi lại trong Một Quan Niệm Về Sống Đẹp (The Importance of Living).
1. Tháng bảy mùa hè, mặt trời ngừng ở giữa trời, không có gió mà cũng không có mây, sân trước sân sau hực lên như lò lửa, không một con chim nào bay lại. Mồ hôi đổ khắp mình, chảy như suối. Cơm dọn sẵn trước mặt mà ăn không được. Bảo trải chiếu để nằm trên đất, nhưng chiếu ướt nhẹp, ruồi bay lại đậu ở cổ ở mũi, đuổi không đi. Đương lúc không biết làm sao thì bỗng mây đen kéo tới, sấm nổ vang như trăm vạn tiếng trống tiếng kèn của đạo quân. Mái nhà nước xối như thác. Mồ hôi ngưng chảy, đất sạch như quét, ruồi bay đi hết, ăn cơm được. Vậy chẳng khoái lắm sao?
2. Trước phòng đọc sách, chặt các cây rủ lá che để trồng một vài cây chuối. Vậy chẳng khoái lắm sao?
3. Sau bữa cơm, không biết làm gì, dạo chợ thấy một món đồ nhỏ muốn mua. Trả giá cũng gần xong, số tiền chỉ còn cách nhau một chút mà người bán không chịu nhường, cố tranh cho được. Tôi lấy ra trong tay áo ra một vật giá trị cũng xấp xỉ chỗ sai biệt đó, ném xuống quầy cho người bán hàng. Hắn đổi ngay sắc diện, cười vui. Vậy chẳng khoái lắm sao?
4. Lúc rảnh rỗi không biết làm gì, sắp đặt lại đồ vật trong một cái rương cũ bỗng thấy hằng chục hằng trăm văn khế cũ mới của những người thiếu nợ. Người còn sống kẻ đã chết, nhưng toàn là vô hy vọng đòi lại được tiền. Không cho ai hay, tôi gom lại, châm lửa đốt hết, ngẩng lên nhìn trời cao không gợn một đám mây. Vậy chẳng khoái lắm sao?
5. Một ngày hè, dậy sớm, thấy người ta cưa tre làm ống nước ở dưới một mái che. Vậy chẳng khoái lắm sao?
6. Mưa dầm suốt tháng, sáng nằm ở giường không muốn dậy, như người say rượu hoặc đau. Bỗng nghe chim ríu rít mừng nắng. Tôi vội đưa tay ra vén màn, đẩy mạnh cửa sổ ngó ra, thấy ánh mặt trời long lanh rực rỡ, và cây trong rừng như mới gội. Vậy chẳng khoái lắm sao?
7. Đêm đông uống rượu, trời chuyển lạnh dữ, đẩy cửa sổ nhìn ra thấy tuyết đã phủ mặt đất tới ba bốn tấc. Vậy chẳng khoái lắm sao?
8. Mở tủ ra, tình cờ tìm được bức thư của một người bạn cũ. Vậy chẳng khoái lắm sao?
9. Một bạn nghèo lại mượn tiền, nhưng còn ngại ngùng và nói bâng quơ những chuyện đâu đâu; đoán được nỗi khổ tâm của bạn, kéo lại chỗ vắng, hỏi cần bao nhiêu, rồi đi gấp vô nhà trong, lấy đủ số ra đưa. Và hỏi bạn có cần về gấp để thu xếp công việc không, nếu không thì ở lại uống vài chén rượu. Vậy chẳng khoái lắm sao?
10. Mở cửa sổ cho con ong bay ra. Vậy chẳng khoái lắm sao?
11. Thấy chiếc diều đứt dây. Vậy chẳng khoái lắm sao?
12. Trả hết nợ. Vậy chẳng khoái lắm sao? v.v.
TIN VUI TỪ CON CÓC NHẢY KHƠI KHƠI
Ấy, đại khái 33 lúc khoái của Kim Thánh Thán nó dễ dàng như vậy đấy. Ông ta có thể ghi ra thêm cả trăm, cả ngàn, cả triệu lúc khoái khác cũng được vậy thôi. Tội nghiệp cho thi sĩ Byron chỉ hưởng được có ba giờ sung sướng trong suốt một đời. Chắc ông ta vào loại bị bệnh bất mãn kinh niên, nếu không thì ít ra ông cũng hưởng được 33 lúc khoái như Kim Thánh Thán chứ. Thấy diều đứt dây cũng thú. Thấy trời mưa cũng thú, trồng thêm một cây cũng thú, dứt được một vài ràng buộc làm mất thong dong cũng thú. Nhiều cái thú lắm.
Và Lâm Ngữ Đường góp ý: "Đọc đoạn Kim Thánh Thán trên, có phải rõ ràng thế giới là một bàn tiệc bày ra cho chúng ta hưởng đấy không? Tôi ngờ rằng sở dĩ chúng ta cứ ngoan cố nhắm mắt không chịu nhìn cái thế giới đẹp đẽ đó thôi".
Nhà thơ Luân Hoán đã bày tỏ được một lúc khoái bằng một tình cờ rất hiển nhiên trong Cỏ Hoa Gối Đầu:
Đôi khi chống nạng ngắm trời
thấy con cóc nhảy khơi khơi mà thèm.
Nhìn một con cóc nhảy cũng là một cách chiêm nghiệm hay thiền đấy. Mình bỗng cảm nhận được cái thong dong, tự tại, sung sướng với những gì mọi khi vẫn coi là tầm thường thấp kém. Hạnh phúc thật giản đơn đã luôn được trao ban sẵn đó, khi nắm bắt được vẻ kinh ngạc lạ lùng của sự hiện hữu, của chính sự sống lần đầu thấy tim mình đang đập và máu đang chuyển, thấy được nhựa cây đang đẩy chất màu cho những búp mới nhú ra, thấy được tia nắng mới dậy thì nhảy múa trên làn cỏ tươi mát, thấy được mắt của con ruồi được cấu tạo bằng trên ba ngàn lăng kính...
Đây chính là phút giác ngộ phát hiện ra một dòng sức sống bao la vẫn không ngừng nhảy múa, trong cây, trong lá, trong từng li ti huyết quản, trong sức cựa động đổi mùa. Cuộc đời đã vốn giàu có quá, rộng lượng quá. Thế là tâm mình tự nhiên được rộng mở, lên ngôi được với lượng từ tâm cao cả của đất trời kia.
Con cóc biết lãnh nhận và hưởng được niềm sảng khoái được sinh ra trên mặt đất. Con chim, con cá cũng vậy. Chẳng có con nào phải đi viện thẩm mỹ, phải đi nhà thương tâm trí, phải đi khai an sinh xã hội...Mình cảm thấy thẹn khi thấy con cóc nhảy khơi khơi nhởn nhơ sung sướng mà mình thì mỗi ngày thêm nhăn nhó phờ phạc và nhỏ nhoi ti tiện hẳn ra. Cũng tại mình thích vênh mặt lên, tách lìa khỏi mạch nhựa miên viễn để tự giam nhốt mình vào cái bị thịt tù túng.
Đúng như Tin Vui Chúa Giêsu đã loan báo cho thời điểm 2000:
"Ai nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên". (Luca 14: 11)
PHÚT CẢM NHẬN
Người thích tìm chỗ cao thì đang phải trả giá rồi, vì chận vít và đánh mất đi niềm hoan lạc tự thân, rất đơn giản, tinh ròng. Lòng người mẹ bao la vì biết chọn chỗ thấp nhất như biển cả. Thấp nên đón nhận và dung hóa được tất cả mưa trời, thác suối, sông ngòi...
Xin cho lòng tôi cũng được đục khoét trở thành ống sáo rỗng không, cho hơi thở tình yêu từ trời phả vào thành giai điệu reo vui bất tận.
Bài hát tôi đã rũ sạch điểm tô lòe loẹt, không còn kiểu cách huênh hoang.
Đồ trang sức sẽ ngăn cách Người với tôi, làm giảm đi thân tình, làm động đạc át cả tiếng thì thầm nhè nhẹ.
Trước mặt Người lòng hợm hĩnh thi nhân nơi tôi chết trong thẹn thùng.
Ôi thi bá đời tôi, tôi xin đến ngồi dưới chân Người!
Chỉ xin biến đời tôi thành bình dị, thẳng ngay, như ống sáo trúc Người phả đầy âm nhạc vào trong.
Tường thuật này không phải đơn giản nói về một bữa tiệc cưới, nhưng còn là “dấu chỉ đầu tiên”: TN 2-C41
Tường thuật này không phải đơn giản nói về một bữa tiệc cưới, nhưng còn là “dấu chỉ đầu tiên” qua đó Đức Giêsu “bày tỏ vinh quang của Ngài” để cho “các môn đệ tin vào Ngài” (câu 11). Chúa bày tỏ những gì ?
1. Trước hết Ngài cho thấy Ngài Đấng khai mở một thời kỳ hoan lạc mới. Thánh Kinh thường dùng hình ảnh tiệc cưới để chỉ thời hoan lạc Messia, và hình ảnh chú rể để chỉ Đấng Messia. Trong đám cưới ở Cana, lẽ ra chú rể phải cung cấp đủ rượu cho khách dự tiệc, và như thế bữa tiệc mới vui mừng trọn vẹn. Thế nhưng chú rể ấy đã không chu toàn. Kẻ cung cấp rượu và làm cho bữa tiệc vui mừng trọn vẹn lại chính là Đức Giêsu.
2. Ngài còn cho thấy Ngài đến để thiết lập một tín ngưỡng mới thay thế tín ngưỡng đã quá lỗi thời của người do thái: bài tường thuật có nhắc đến những chum đựng nước để cho người ta thanh tẩy trước khi dự tiệc. Đấy là một tục lệ tiêu biểu của đạo cũ. Hôm nay những chum ấy đã được Chúa Giêsu cho tràn ngập rượu mới, lại là thứ rượu ngon vượt sức tưởng tượng của người ta. Nghĩa là tín ngưỡng mới mà Đức Giêsu thiết lập vượt xa tín ngưỡng cũ quá bám víu vào hình thức bề ngoài.
3. Bài tường thuật cũng nói tới “giờ” (Đức Giêsu nói với Đức Maria: “Giờ con chưa đến”). “Giờ” là lúc Đức Giêsu được vinh quang khi chịu chết trên Thập giá để tuôn ơn cứu độ cho loài người. Hôm nay ở Cana, tuy chưa tới “giờ” ấy, nhưng Ngài cũng tỏ chút vinh quang cho các môn đệ và người ta thấy trước qua việc Ngài làm phép lạ cho nước hóa thành rượu.
4. Vinh quang Chúa đã được hé lộ trước cũng do công của Đức Maria, kẻ đã tế nhị thấy hoàn cảnh khó khăn của chủ nhà và chủ động đến xin Đức Giêsu can thiệp.
B.... nẩy mầm.
1. Tín ngưỡng mới mà Đức Giêsu thiết lập không bám víu vào những hình thức lễ nghi bề ngoài, nhưng chú trọng đến đức tin bên trong và nhất là tin vào mầu nhiệm thập giá.
Mặc dù tôi đã ở thời Tân Ước và đang ở vào cuối thiên niên kỳ thứ hai, nhưng hình như đạo của tôi vẫn mới chỉ là một lớp vỏ bề ngoài với một ít hình thức lễ nghi. Xin Chúa cho con thêm đức tin, nhất là tin vào mầu nhiệm thập giá vinh quang của Chúa.
2. Những người đầy tớ hôm đó đã vâng lời Chúa mà đi xách nước đổ vào các chum. Thế là nước lã hóa thành rượu ngon. Nhiều khi Chúa cũng bảo tôi làm những việc rất tầm thường. Nhưng những việc tầm thường ấy nếu được làm vì vâng lời và tin tưởng thì sẽ sinh ra những hiệu quả kỳ diệu không ngờ.
3. Đức Maria có cặp mắt tế nhị tuyệt vời. Không cần ai nói, Người chỉ thấy thái độ bối rối của các gia nhân là hiểu ngay hoàn cảnh khó khăn của họ. Và Người đã nói với Chúa.
Xin ban cho một con cắp mắt tế nhị và một trái tim nhạy cảm để sớm thấy và giúp đỡ những khó khăn bối rối của anh chị em con.
4. Và Đức Maria còn dạy tôi một cách thức cầu nguyện: Xem ra Người không xin gì cả, chỉ trình bày hoàn cảnh “Họ hết rượu rồi”, và để Chúa giải quyết.
Khi cầu nguyện, tôi cũng phải có tinh thần tin tưởng phó thác như thế. Tôi trình bày hoàn cảnh khó khăn của mình, tôi không đòi hỏi hay áp đặt cho Chúa bất cứ cách giải quyết nào, vì tôi tin chắc rằng Chúa đã hiểu hoàn cảnh của tôi và Ngài có cách giúp đỡ tôi.
5. “Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người rằng “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3)
Vào một buổi chiều, tôi đạp xe đạp quanh thành phố. Bên cạnh tôi, biết bao người cũng đang tất bật, vội vã. Chiếc xe Honda chạy trước tôi bỗng để rơi vật gì đó. Tôi thản nhiên vượt qua, sát một bên. Nhưng người lái chiếc xe bên cạnh đã nhắc tôi “Nhặt giúp họ nhanh lên, kẻo xe cán hư mất”. Tôi giật mình, cúi xuống lượm những thứ ấy lên để trả lại cho chủ nhân của nó.
Cuộc sống tất bật đã khiến tôi bàng quan với mọi chuyện. Tôi coi chuyện của người khác chẳng dính dáng gì đến mình. Tôi chỉ biết sống cho riêng mình, sòng phẳng với nhau là đủ lắm rồi. Và tôi chỉ muốn co mình lại, để được yên ổn trong dòng chảy của cuộc đời.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết noi gương Mẹ, biết nhìn ra chung quanh để thấy được nhu cầu của những người đang cần đến sự giúp đỡ của con. (Epphata)
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức: TN 2-C42
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: "Họ hết rượu rồi." Đức Giê-su đáp: "Thưa bà, chuyện có can gì đến bà và con ? Giờ của con chưa đến. Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."
Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi !" Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), Ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ." Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
Sở dĩ gọi Ca-na trong miền Ga-li-lê là để phân biệt với Ca-na miền Coelo-Syria. Đây là một làng rất gần Na-da-rét. Thánh Hiêrônimô, người từng ở Pa-lét-tin bảo rằng, từ Na-da-rét ông có thể nhìn thấy Ca-na. Tại đó đang có một đám cưới, Đức Ma-ri-a được mời đến dự và giữ một vai trò đặc biệt, chắc liên quan đến việc tổ chức nên bà đã tỏ ra lo lắng khi thấy thiếu rượu. Bà cũng có đủ quyền để ra lệnh cho đầy tớ làm bất cứ điều gì Chúa bảo.
Tại xứ Pa-lét-tin, lễ cưới là một cơ hội thật sự quan trọng. Theo luật Do-thái, lễ cưới của một trinh nữ phải tổ chức vào ngày thứ tư. Điều này rất thú vị, vì nó cho chúng ta căn cứ để tính lui lại: nếu đám cưới nhằm ngày thứ Tư, thì ngày Chúa Giê-su gặp An-rê và Gio-an lần đầu tiên phải là ngày sa-bát, và cả hai đều ở với Ngài trọn ngày đó. Tại Pa-lét-tin tiệc cưới kéo dài hơn một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Bấy giờ trời đã tối, họ được đưa đi qua các con đường làng, dưới ánh đuốc, có lọng che đầu. Họ được đưa theo con đường càng dài càng tốt để có thể gặp được nhiều người chúc mừng. Tại Pa-lét-tin vợ chồng mới cưới không đi hưởng tuần trăng mật. Họ ở tại nhà mở cửa suốt tuần để tiếp khách. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Họ được đối xử như vị vua và hoàng hậu, và lời nói của họ là luật. Nếu suốt đời người ta phải sống cơ cực vất vả, thì được một tuần tiệc tùng, vui vẻ, quả thực là cơ hội vô cùng đặc biệt trong đời người. Chúa Giê-su đã vui vẻ tham dự ngày hạnh phúc ấy. Nhưng đã có trục trặc xảy ra.
Trong đám tiệc của người Do-thái, rất cần rượu. Các ra-bi vẫn nói: "Không rượu thì không vui." Không phải vì mọi người nghiện rượu, nhưng bên Đông phương món rượu thật quan trọng. Sự thật, đối với họ say rượu là một điều xấu hổ, nên họ uống rượu pha hai phần rượu và ba phần nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn, thức uống là có vấn đề, vì ở Đông phương tiếp khách là một nhiệm vụ thiêng liêng ; thiếu thức ăn, thức uống trong một tiệc cưới là điều xấu hổ, nhục nhã cho cả cô dâu lẫn chú rể. Vì thế Đức Ma-ri-a đã báo cho Chúa Giê-su biết sự việc. Và Chúa Giê-su đã bày tỏ quyền năng của Ngài để cứu gia đình mộc mạc này khỏi bị tổn thương nhục nhã. Ngài đã hành động vì lòng ưu ái, tử tế, thông cảm với những người mộc mạc đơn sơ.
Câu chuyện đã được kể lại cách sống động nên rõ ràng phải là do người đã chứng kiến tận mắt ghi lại, nhưng không phải là ghi lại ngay sau khi xảy ra mà là bảy mươi năm sau, và cũng ghi lại tác dụng của phép lạ ấy: "Đức Giê-su làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na và bày tỏ vinh quang của Người." Chúa làm phép lạ này bày tỏ vinh quang của Người. chúng ta cố gắng tìm biết các nguyên tắc bày tỏ vinh quang này.
Bước đường cùng khiến người ta quay về với Chúa, cung cấp dịp tiện cho Người hành động, ân huệ của Chúa được ban cho ai thành khẩn kêu cầu Ngài. Dầu có người chê cầu nguyện là mê tín, hay bình thường thì chẳng bao giờ cầu nguyện, nhưng một khi đã lâm vào cảnh khốn cùng, chẳng ai không ngước mắt lên trời mà kêu cầu.
Đức Ma-ri-a là người thân trong gia đình này, được mời tới dự tiệc cưới, khi thấy rượu đã hết, biết ngay chủ nhà sẽ rất bối rối, sẽ bị bẽ mặt, và các thực khách sẽ mất vui. Không kể đến địa vị làm mẹ, đến với Đức Giê-su mà cầu khẩn: "Họ hết rượu rồi." Làm mẹ, mà hạ mình cầu cứu con, không phải dễ lắm đâu. Đàng khác chưa biết ý Chúa ra sao, đường đột đưa ra một lời cầu như vậy mà không thăm dò trước có khi rước lấy tai họa. Thế nhưng đến nước này, nếu không kêu cầu Chúa thì còn biết trông cậy vào ai nữa !
Lời cầu nguyện của Đức Ma-ri-a bị thôi thúc vì hoàn cảnh mà Mẹ đảm trách lấy, là kiểu mẫu cho những lời cầu của chúng ta.
Vì chúng ta thấy lời cầu của Đức Ma-ri-a là lời cầu "Ý Cha thực hiện" vì Ngài chỉ nói: "Họ hết rượu rồi" chứ không thêm gì vào nữa ! Một lời cầu nguyện tốt là "trình lên Chúa các nhu cầu của mình" rồi để Ngài làm theo ý Ngài. Đức Ma-ri-a đã làm như thế ; còn phần chúng ta, ngoài việc trình nhu cầu lên Chúa, thường hay bày thêm cách này cách kia, đôi khi còn đòi Chúa phải làm theo ý của mình. Đức Ma-ri-a không ép Chúa, Ngài để Chúa tự do định liệu. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy có người đã làm theo gương Đức Ma-ri-a, khi La-da-rô đau nặng, hai chị em Mát-ta và Ma-ri-a sai người đi thưa Chúa "người Thày yêu đau nặng."
Lời cầu nguyện của Đức Ma-ri-a là lời cầu nguyện hạ mình: đây là lời cầu xin của bà mẹ đối với con. Nếu còn giữ thể diện thì không dễ gì một bà mẹ sẵn lòng hạ mình kêu cầu con ; đã thế lại còn nhận được một lời đáp ứng dường như cứng cỏi của Chúa Giê-su: "Thưa bà, chuyện đó can chi đến bà và con, giờ của con chưa đến." Thế nhưng, Đức Ma-ri-a đã từ bỏ mình trước rồi, chỉ nghĩ đến tình hình khẩn cấp chứ không nghĩ đế thể diện cá nhân. Lời cầu xin không kể đến thể diện mình quả là phép mầu để Chúa được vinh hiển. Chẳng những tại đây, do lời cầu của Đức Ma-ri-a mà Chúa được vinh hiển, mà khắp nơi qua Kinh Thánh đều thấy Chúa làm phép lạ là do có người kêu cầu.
Này, có một người phung đến gần Ngài thưa: "Lạy Chúa, nếu Chúa ưng, xin cho con được lành mạnh. Chúa giơ tay sờ đến anh phán: Ta muốn, anh được lành sạch. Tức thì người phung được sạch."
Khi Chúa vào Ca-pha-na-um, có một sĩ quan đến thưa Ngài: "Con gái tôi đau gần chết, xin Thày đến đặt tay trên nó, để được sống." Chúa bèn đứng dậy đi theo ông."
Phê-rô hòng chìm xuống nước la lên: "Thầy ơi cứu con với, tức thì Chúa giơ tay ra cứu ông."
Hai người mù thưa: "Lạy Chúa, xin cho mắt chúng tôi được sáng. Chúa động lòng thương, liền sờ đến mắt và hai người thấy được."
Có thể trưng nhiều hơn, nhưng cũng đủ để ta thấy Chúa thường hay mượn cớ người ta cầu nguyện để ban ơn, để tỏ bày vinh hiển của Ngài. Nguyện lời cầu của chúng ta cũng giống thế.
Thấy nhà chủ hết rượu Đức Ma-ri-a trình lên Chúa nhu cầu, thì nhận được một lời đáp ứng không mấy tích cực: "Chuyện đó can chi đến bà và con, giờ của con chưa đến." Làm thân bà mẹ mà phải hạ mình xin con đã là khó, nay lại nhận được một câu trả lời như thế, rất dễ nản lòng, mất hết cậy trông. Đức Ma-ri-a không thế, Ngài vẫn bình tĩnh bảo những người giúp việc Đức Giê-su bảo gì cứ làm theo đó. Tại sao Đức Ma-ri-a biết Chúa sẽ ra lệnh cho các kẻ giúp việc ? Đó chỉ do bà tin. Bà chẳng vì cảm xúc mà nghi ngờ điều mình xin, nhưng lấy đức tin mà nắm lấy lời hứa của việc cầu nguyện: "Cứ xin thì sẽ được." Chính vì đức tin mà Ma-ri-a dặn bảo các người giúp việc phải tuân theo lệnh Chúa.
Trình bày nhu cầu xong, phải tin vào lời hứa của Chúa mà chắc chắn mình đước nhận lời. Thiếu đức tin thì không bao giờ thấy vinh hiển của Chúa. Các vĩ nhân trong lịch sử thánh đều là những anh hùng đức tin: bởi đức tin, nước Biển Đỏ rẽ đôi, bởi đức tin có thể qua sông Gio-đan, bởi đức tin có thể đánh lui toán quân của ngoại bang, bởi đức tin có thể khiến thành Giê-ri-cô sụp đổ, khiến người mù được sáng, què được đi, kẻ phung được sạch, người chết rồi cũng được sống lại. Có việc nào không bởi đức tin mà tỏ bày vinh quang của Chúa đâu. Thế nên, Chúa từng phán với Mát-ta rằng: "Ta đã chẳng nói với con rằng nếu con tin con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa." Giả như lúc này Đức Ma-ri-a không dặn bảo những người giúp việc sẵn sàng làm theo lệnh Chúa thì Chúa cũng chẳng bảo họ làm gì nữa, mà dầu có bảo họ cũng chẳng nghe theo. Thế thì đã không có phép lạ nước hóa ra rượu… nhưng vì đức tin của Đức Ma-ri-a quá lớn, nên phép lạ đã xảy ra.
Sở dĩ chúng ta không được thấy vinh hiển Chúa trong đời sống, không phải vì chúng ta không cầu xin, nhưng vì cầu xin trong sự không tin. Hãy bắt chước Đức Ma-ri-a, nghĩa là phải lấy đức tin mà nhận điều mình cầu xin dầu hoàn cảnh là thập phần khó khăn, cảm giác thập phần lạt lẽo, nhưng phải làm xong những điều phải làm như Đức Ma-ri-a đã từng làm thì Chúa sẽ phải giữ lời Ngài đã hứa mà ban ơn cho ta để tỏ vinh quang Ngài.
Với lòng đầy tin tưởng, Đức Ma-ri-a nói gì: "Người bảo gì cứ làm theo đó." Phải ghi chặt vào lòng câu nói đó. Vì đó là việc buộc phải làm về phương diện loài người. Nếu ta không chịu vâng phục mà làm theo, vinh quang của Chúa có thể bị cản trở vì bất tuân của loài người. Các bạn có tin Thiên Chúa rẽ đôi nước Biển Đỏ không? Tin chứ, nhưng nếu bất tuân mà không giơ cây gậy lên thì nước Hằng Hải đâu có phân đôi tả hữu ; các bạn có tin nước sông Gio-đan ngưng chảy không ? Tin chứ, nhưng nếu vì bất tuân mà không đặt chân vào dòng sông thì nước không dồn lại thành đống. Bạn có tin Chúa có thể làm sụp đổ tường thành Giê-ri-cô không ? Tin chư, nhưng nếu không theo lời Chúa mà đi vòng quanh thành đủ bảy ngày, thì tường thành không tự nhiên đổ xuống đâu. Người teo tay phải vâng lời Chúa mà giơ tay ra, mới được lành ; người phung phải vâng lời Chúa đem thân đến cho thầy tư tế khám nghiệm mới được sạch phung ; người mù phải vâng lời Chúa đi xuống ao Si-lô-ê mà rửa mới xem thấy được. Trong Kinh Thánh có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng sự vâng phục là điều kiện buộc phải có để Chúa bày tỏ vinh quang của Ngài.
Trong tiệc cưới, các gia nhân đang bận rộn, vậy mà Chúa bảo họ phải đổ đầy nước vào sáu cái chum đá, thế mà họ vâng lệnh "đổ đầy tới miệng". Rồi tiếp theo lệnh thứ hai: "Bây giờ hãy múc đưa cho người quản tiệc. Họ liền đem cho ông." Chữ 'liền' ở đây rất ý nghĩa, đây chính là thái độ tỏ rõ vinh quang Chúa. Có gì buộc mà họ phải vâng lời Ngài, Ngài đâu có phải là chủ của họ, họ đang bận rộn, gặp lúc thiếu rượu lại còn quýnh lên ; lại nữa lời bảo của Chúa chẳng hợp lẽ chút nào: đổ nước vào chum đá đã là phiền hà, lại còn múc đem cho người quản tiệc để làm gì ? Bảo làm thế, để làm gì trong tình thế khó khăn này ? Thế nhưng gia nhân đã vâng theo không hề phản kháng cằu nhằu, Chúa bảo làm gì họ làm thế. Họ đem lại cho Chúa cơ hội hoàn toàn tự do để bày tỏ quyền năng là biến nước thành rượu. Nếu người ta không chịu vâng phục mà đổ nước vào rồi lại múc nước ra, hay tuy là vâng theo, nhưng không trọn vẹn, chỉ để lưng chừng, thì thế nào cũng giảm bớt hay làm bế tắc vinh hiển của Chúa. Thế mới biết vâng lời không cần lý do mới khó làm sao ! Nhưng vâng phục không cần lý do quả thực là điều kiện duy nhất của những ai giúp việc Chúa !
Đến với Chúa, chúng ta chỉ có sự cầu xin thì không đủ, cần phải có đức tin nữa ; chỉ có đức tin cũng chưa đủ, còn phải có sự vâng phục nữa. Chắc có nhiều người nói mình đã có đức tin rồi, nhưng thử hỏi thật lòng mình đã có vâng phục hoàn toàn chưa. Chúa bảo bạn làm điều gì cứ làm ngay điều đó, đừng nhìn xem hoàn cảnh, đừng đòi lý do, "cứ làm theo đi" một người đi theo Chúa, quả có nhiều bài phải học, mà bài khó học hơn hết là vâng phục, có thể nói rằng hễ ai tiến bộ trong sự vâng phục là có tiến bộ trong đời thuộc linh. Vâng phục là đem chủ quyền của mình mà nhường cho Chúa, để Chúa cai trị, khi nào người môn đệ hoàn toàn vâng phục Chúa, Chúa mới hoàn toàn làm chủ người môn đệ. Phải biết chắc rằng bạn có vâng phục Chúa, Chúa mới vâng phục bạn (nghe lời bạn cầu xin.)
Phúc âm các dấu lạ” (2,1-12,36) bắt đầu với chủ đề mà phần cuối của lời tựa đã loan báo: TN 2-C43
1. “Phúc âm các dấu lạ” (2,1-12,36) bắt đầu với chủ đề mà phần cuối của lời tựa đã loan báo: “Luật đã được ban nhờ Môisen, ân sủng và chân lý thì nhờ ĐGK mà có” (1,17). Chủ đề này gắn liền với việc canh tân phổ quát mà thời thiên sai phải sống (Kh 21,5: “Này đây Ta dựng vũ trụ mới"). Nhưng đây không phải là một trật tự cổ xưa được hoàn thiện nhờ trật tự mới (nhãn giới của phúc âm nhất lãm, nhất là của Mt); hai trật tự này đối nghịch nhau, để làm nổi bật siêu việt tính của trật tự mới. Văn mạch cho thấy cuộc tranh luận với dân “Do thái” là những kẻ luôn bám vào Môisen và không chịu nhìn nhận Môisen là người chuẩn bị cho CGS (5,45t; 9,28t). Trật tự mới được đức Kitô thiết lập, không phải là sự thành tựu của trật tự cũ, nhưng đối nghịch với lề luật của Môisen mà dân Do thái lấy làm đủ. Trong đoạn này, trật tự mới và cũ được xét đến trong toàn thể (2,1-11), hay trong những yếu tố chính yếu: việc phượng tự (2,13tt; 4,20tt), việc tái sinh (3,5tt; 4,14).
Thật vậy, trong 4 chương đầu tiên, CGS cố gắng cho thấy, chính Ngài có bổn phận thiết lập một nhiệm cục mới trổi vượt giao ước cũ. Trong lời tuyên bố long trọng cùng Nathanael (1,51): “người Israel đích thực không có gian dối trong mình” (1,47), CGS hứa cho Israel mới thấy các thiên thần lên xuống, không phải lên một nơi nào đó như ở Béthel (Stk 28,10-17), nhưng trên con người được tôn vinh, Đấng sẽ là “nhà TC và cửa thiên đàng” trong nhiệm cục cứu rỗi Kitô giáo. Trình thuật tiệc cưới Cana nhắm đến giao ước mới, và rõ ràng hơn nữa nhắm tới rượu thiên sai của bí tích Thánh Thể; việc đuổi dân buôn bán ra khỏi đền thờ làm nghĩ đến ngôi đền thánh hoàn hảo là thân xác Đấng phục sinh: cuộc đối thoại với Nicôđemô bàn đến vấn đề tái phát sinh phát xuất từ Thánh Thần; cuộc tiếp xúc với bà xứ Samaria đặt đối nghịch phụng tự cổ xưa với phụng tự mới trong tinh thần và chân lý.
2. Đoạn văn đơn sơ của chúng ta (xảy ra trong bối cảnh buổi lễ cưới nhà quê) xem ra đơn sơ, và người ta có khuynh hướng đồng hóa nó với những trình thuật phép lạ trong phúc âm nhất lãm. Tuy nhiên câu kết luận (2,11) tiềm tàng những dấu hiệu đặc thù của Gioan - “dấu lạ đầu tiên” “Ngài tỏ vinh quang”; “Các môn đệ tin vào Ngài” - Những đặc điểm này mời gọi độc giả, qua những hình thức bề ngoài, khám phá tầm mức đích thực của hoạt động CGS. Ngoài câu trả lời của đức Kitô với mẹ Ngài (2,4) xem ra bí mật và nghiêm khắc, và người ta cũng không hiểu gì hơn sau việc can thiệp của Maria. Tuy nhiên, xem ra Maria không lo lắng, và CGS cuối cùng đã làm phép lạ, mà thoạt tiên tưởng như Ngài từ chối.
Về đoản văn này, có nhiều cách giải thích, thường hoàn toàn xa lạ với nhãn giới Gioan. Các nhà chú giải công giáo đã nghiên cứu đoản văn này dưới khía cạnh thánh mẫu học (mariologique). Để có thể hiểu đoạn này cần phải tôn trọng hai nguyên tắc hiển nhiên: một là đoản văn phải được soi sáng nhờ văn mạch của Gioan, hai là phải phân biệt cách thức trình bày (niveau rédactionnel) và thực tế cụ thể (niveau anecdotiquec) của các sự kiện lịch sử. Chúng ta thử xem đâu là những đặc điểm của nhãn giới Gioan (trình độ biên tập).
a/ Ý nghĩa biểu tượng của phép lạ này. Gioan gọi phép lạ này là một dấu chỉ (c.11), như những phép lạ khác. Dĩ nhiên các dấu lạ khác của phúc âm thứ tư cũng có một giá trị biểu tượng: việc hóa bánh ra nhiều minh chứng CGS ban bánh hằng sống và chính Ngài là bánh ấy (6,36.51), việc chữa lành người mù từ khi mới sinh nhằm biểu lộ CGS như “ánh sáng trần gian” (9,5); việc Lazarô sống lại minh xác CGS là sự sống lại và là sự sống (11,25). Như vậy, nước, rượu và việc hóa nước thành rượu phải ám chỉ những thực tại vượt quá bề ngoài hữu hình. Nước biểu thị trật tự tôn giáo Do thái: như thánh Gioan lưu 6 chum đá được “dùng theo tục lệ thanh tẩy của người Do thái” (c.6) và chúng ta biết những nghi lễ thanh tẩy là một trong những đặc tính chính việc sống đạo của dân Do thái (Mc 7,3t). Ngược lại, chính CGS đã nói đến rượu thuộc trật tự tôn giáo mới mà Ngài thiết lập (Mc 9,17 và song song); chén rượu, trong bữa tiệc ly, được liên kết với việc thiết lập giao ước mới (Mt 26,27-29 và song song); CƯ đã biết đến rượu, biểu tượng của hạnh phúc cánh chung (Stk 49, 11t; Is 21,6; J 14,18). Do đó dấu lạ Cana biểu thị việc thay thế toàn trật tự tôn giáo cổ xưa, bằng trật tự tôn giáo mới. Lượng rượu trùng hợp với sự phong phú của ân sủng (1,16) và sự sống (7,38) mà Gioan đề cập như là đặc điểm của trật tự mới được đức kitô thiết lập.
b/ Những người đối thoại với CGS thường không hiểu. Trong phúc âm thứ tư, những người tiếp xúc với CGS thường chỉ lưu tân đến vấn đề vật chất: dân Do thái chỉ thấy đền thờ được xây cất từ 46 năm (2,20); Nicôđem hạn hẹp trong sự sinh sản thể lý (4,13-14); bà xứ Samari chỉ nghĩ đến nước giếng Giacop (4,11-12.15); dân Do thái xin phép lạ bánh Manna (6,30tt). CGS cố gắng đưa các đối thoại viên đến một trật tự khác, nhưng thường không mấy ai hiểu Ngài. Tại sao ? Vì Ngài là con người siêu việt “từ trời xuống” (3,13.31). Con người và sứ điệp của Ngài vượt quá trí hiểu loài người. Họ chỉ có thể hiểu, nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần (16,12-14), Đấng chỉ được ban sau khi đức kitô hiển vinh (7,39).
Vì thế, không lạ gì khi mẹ CGS không hiểu điều con mình nói (2,4). Lc 2,48 cũng ghi lại một chuyện tương tự. Cũng như các đối thoại viên của CGS, trong phúc âm thứ tư, Maria một cách nào đó ở vào một bình diện xa cách Con mình. Do đó, khi gọi mẹ là “Bà”, CGS muốn đồng hóa mẹ với các người Ngài gặp.
c/ Sáng kiến làm phép lạ. Những phép lạ CGS ghi lại không bao giờ được thực hiện theo ý người xin. Viên sĩ quan xin Chúa đi chữa lành con mình, phải tin Ngài, dù ở xa, đã chữa lành bằng lời Ngài phán (4,50). Người bất toại chỉ mong có người giúp anh đi xuống hồ nước, và này CGS đã chữa lành anh bằng lời Ngài (5,7-9). Chính CGS tự quyết định nuôi dân (6,5-13) và chữa lành người mù từ khi mới sinh ra (9,3-7). Chị em Lazarô nài xin CGS đến chữa lành em mình, nhưng Ngài vẫn ở lại chỗ thêm hai ngày (11,3-7), để rồi sau đó cho Lazarô sống lại.
Đức Kitô trong phúc âm Gioan không bao giờ trói buộc vì lời con người nài xin. Đường Ngài phải đi, và ngay cả những hoàn cảnh nhỏ nhặt, đều được Cha Ngài chỉ định, chứ không phải ai khác. Do đó, CGS không thể dễ dàng chấp thuận sự “chạy chọt” của mẹ Ngài. Ngài làm phép lạ, do sáng kiến của Ngài, hay đúng hơn dưới sự hướng dẫn của Cha. Vì thế trước tiên CGS không chịu làm theo ý Maria (2,4), được khi xem ra sau đó Ngài hành động theo ý mẹ xin. Phép lạ làm Maria phỉ nguyện, nhưng không phải phép lạ được làm vì đã được xin.
3. Do đó, đây là ý nghĩa tổng quát có thể gán cho đoạn này. Ở câu 3, Maria trình bày một sự kiện để xin CGS giúp. Việc trình bày này có hai ý: bề ngoài, là xin CGS giúp đôi tân hôn về mặt vật chất; nhưng việc hóa bánh thành rượu nói lên việc thay thế trật tự tôn giáo cổ xưa bằng trật tự tôn giáo mới. Chắc chắn Maria chỉ thấy ý nghĩa thứ nhất của lời nài xin của mình.
Tất cả mọi cố gắng hòa dịu câu 4 đã làm mất siêu việt tính của CGS và lòng vâng phục tuyệt đối của Cha Ngài. Câu trả lời của CGS rõ ràng là lời từ chối hành động theo sự can thiệp của mẹ Ngài. Dù cho mẹ là người thân nhất, xét theo mặt thể lý, tuy nhiên theo bản tính bà thuộc trần gian này, còn Ngài thuộc thế giới trên cao. Do đó, Ngài có thể gọi mẹ là “Bà” như mọi người ở dưới thế này và nói lên sự bất liên quan giữa hai người. Chắc chắn là vì Maria còn ở dưới thế này, Bà không thể hiểu rằng việc thay đổi mà Bà nài xin cách vô thức chỉ có thể thực hiện theo quyết định của Chúa Cha, vào giờ tôn vinh Con Ngài.
Tuy nhiên, không nên hiểu câu trả lời của CGS như một lời trách mắng mẹ Ngài. Đức Kitô chỉ xác quyết siêu việt tính của Ngài và cách mặc nhiên sự lệ thuộc hoàn toàn đối với Cha Ngài. Vì thế, Ngài từ chối thi hành điều Maria xin cách vô thức.
Dù không hiểu, Maria luôn tin tưởng vào Con và trao phó cho Ngài tất cả công việc (c.5). Bấy giờ đức Kitô hoàn thành cách tự phát phép lạ, vì Cha Ngài ưng muốn và chuẩn y. Phép lạ này chưa phải là dấu chỉ tuyệt hảo được thực hiện vào giờ tôn vinh CGS nhưng là 1 tiền dấu chỉ. Để nhấn mạnh tầm mức của hình ảnh tiền trưng này, Gioan nhắc đến phẩm và lượng của thứ rượu mới.
Vai trò của Maria trong đoạn này xem ra đáng ngạc nhiên. Chắc chắn rằng Maria hoàn tất một nhiệm vụ phụ thuộc. Mẹ không chỉ cho CGS thái độ phải có, nhưng lời nài xin của Mẹ dù sao cũng trở nên cơ hội cho dấu chỉ đầu tiên của CGS, tiên báo sẽ có một dấu chỉ ở tột đỉnh của sứ vụ Ngài. Vào giờ tuyệt đỉnh này, Gioan lại giới thiệu Maria nhưng lần này như là mẹ của mọi môn đệ. Sự hiện diện của Maria ở đầu và cuối sứ vụ của CGS - hai lần duy nhất mà mẹ xuất hiện trong phúc âm thứ tư - có thể ám chỉ một thứ trung gian trong việc thiết lập một trật tự mới.
KẾT LUẬN
Khi trình bày hành vi khai mạc sứ vụ ấy của Đức Kitô, Gioan đã gợi cho chúng ta thấy Đức Kitô có sứ vụ chính yếu là thiết lập giao ước mới và vĩnh viễn với Israel đích thật: Ngài là vị hôn phu thần linh sửa soạn cho vị hôn thê thiêng liêng “quang vinh, không một tì ố hay nét nhăn, nhưng thánh thiện vô tì vết” (Eph 5,27) để giới thiệu nàng vào Ngày sau hết, hầu sống với tân nương cuộc Hôn nhân vĩnh cửu. Nhưng cuộc hôn nhân trên trời này đã được khai mào ngay từ bây giờ, vì Hôn phu đã có mặt và đã có tân nương - Giáo hội (3,29), được nhân cách hóa trong Maria và các môn đệ.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Trong CƯ, TC tự xưng là hôn phu của Israel như bài học thứ nhất ngày hôm nay. Từ đó, CƯ đã trình bày việc chọn lựa những không của TC, sự ân cần chăm sóc của Chúa đối với Israel, lòng nhẫn nại vô bờ của Ngài, Lời Ngài mời gọi hối cải tâm hồn, mời gọi sống thân mật tuân phục và yêu mến. Đức Kitô là vị hôn phu của Giáo hội (Eph 5,22-23), điều mà Khải huyền cũng diễn tả khi nói đến tiệc cưới giữa Con Chiên (Đức Kitô) với Giêrusalem lý tưởng từ trời xuống (Giáo hội). (Kh 21,9). Đức Kitô chọn Giáo hội làm hôn thê thiêng liêng của Ngài. Ngài hiến cuộc sống mình cho Giáo hội, thanh tẩy Giáo hội bằng nghi thức tắm hôn lễ (tục lễ cổ xưa của lễ nghi hôn nhân), ban đầy ơn cho Giáo hội, dưỡng nuôi Giáo hội nơi bàn tiệc Thánh Thể. Chính khi cử hành bàn tiệc Thánh Thể mà Giáo hội chuẩn bị dự tiệc thiên quốc và việc biểu lộ vinh quang của Chúa.
2. CGS sửa soạn việc thiết lập hôn nhân Kitô giáo bằng sự hiện diện ở tiệc cưới Cana, cũng như sau này Ngài sẽ thiết lập bí tích rửa tội bằng việc dìm thân xác thánh hiến của Ngài trong nước sông Hòa giang, khi được vị Tiền hô làm phép rửa. Người ta thấy tính cách tả chân của Gioan: Ngôi Lời TC chia xẻ niềm vui của hôn lễ thôn quê.
3. CGS hiện diện ở mọi lễ hôn phối cử hành trong Giáo hội, vì chính Ngài là Đấng thông ban ân sủng cho đôi tân hôn nhận lãnh bí tích. Maria cũng tham dự với tư cách trung gian của mọi ân sủng. Đây không phải là hình ảnh của Giáo hội, trong đó đang cử hành nghi thức hôn lễ sao ? Bàn tiệc cưới thật sự là bàn tiệc Thánh Thể. Với bàn tiệc thánh này, đôi tân hôn được mời đến tham dự, để luôn giữ mình sống đúng những lời đoan hứa.
4. Sự lưu tâm tế nhị của CGS và mẹ Maria đã làm cho đôi tân hôn ở Cana khỏi mất mặt, minh chứng cho những người sống bậc vợ chồng, biết rằng Chúa quan phòng luôn nhìn đến gia đình của họ, bằng hành động của Chúa Cứu thế và mẹ Ngài.
5. Maria xuất hiện ở Cana như mẹ Chúa Giêsu, Hôn Thê của Chúa và như là người Phụ Nữ tham gia vào công cuộc cứu rỗi thay thế cho Evà thất trung. Sự hiện diện của mẹ Maria trong đời sống chúng ta là một chú ý thường xuyên của Mẹ đến các nhu cầu của chúng ta nhờ sự hiểu biết mà Mẹ có được trong TC về những hoạt động, tư tưởng và tình cảm của chúng ta, và nhờ tình thương của mẹ đối với chúng ta. Chúng ta hãy vui sống dưới ảnh hưởng của Mẹ và hãy đón nhận Mẹ trong nhà chúng ta.
6. Can thiệp của Mẹ Maria bên CGS: Maria là người trình bày cho TC và Con của Người những nhu cầu của loài người. Bài ca Salve Regina gọi Người là trạng sư của chúng ta.
7. Mệnh lệnh của Mẹ Maria “Ngài có bảo gì, hãy làm theo": biểu lộ cho con người thánh ý TC. Qua những lời khuyên cũng như gương sáng của Người, mẹ Maria chỉ cho chúng ta đường dẫn đến Con của Người.
8. Maria góp phần vào việc hình thành nhóm môn đệ đầu tiên của Con mình, khi ôm ấp họ cùng với Con của Người trong tình mẫu tử. Là tín hữu của Đức Kitô, cũng là môn đệ Ngài, chúng ta hãy biết rằng mình là con cái của đức Maria - điều này đã được nói rõ ràng trên thập giá, khi CGS trao phó thánh Gioan cho Mẹ. Ước gì mẹ Maria dẫn đưa chúng ta, với một đức tin được canh tân, vào mầu nhiệm của Đức Kitô, cho đến ngày chiêm ngưỡng vinh quang Ngài.
Qua dáng điệu và giọng nói cũng đoán được anh tài xế xe buýt này ở New York, mới tới từ: TN 2-C44
Qua dáng điệu và giọng nói cũng đoán được anh tài xế xe buýt này ở New York, mới tới từ Ý đại Lợi không lâu. Anh rất lịch thiệp và vui vẻ. Nhưng anh làm một việc có vẻ kỳ dị với một số hành khách của anh: anh chỉ cho họ tất cả mọi nhả thở trên tuyến đường của anh, nhà thờ Tin lành, Hội đường Do thái cũng như nhà thờ công giáo, có người hỏi tại sao anh làm như thế ? Anh trả lời: “Tôi tới đây được hai năm. Tôi cưới Josephie, không lâu sau đó tôi gặp nạn, vợ tôi bắt đầu ho và mỗi ngày mỗi yếu dần, bác sĩ bảo nàng bị lủng cả hai bên phổi trầm trọng. Nàng phải vào dưỡng đường để điều trị. Mỗi ngày Chúa nhật tôi đilễ và xin Chúa một phép lạ. Tôi làm việc hai ca để có tiền trả bác sĩ, sau hai năm điều trị vợ tôi hết bệnh. Hiện giờ nàng ở nhà và mạnh khỏe. Chúa đã tốt với tôi đó là lý do tôi chỉ cho người ta những nơi mà chúng ta có thể đến để ca tụng và cảm tạ Chúa.
Tôi tin chắc rằng vợ chồng trẻ trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nói với mọi người về phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho họ khi họ thiếu rượu.
Thực tế mà nói, mỗi cặp vợ chồng thường thiếu một cái gì đó vào một lúc nào đó: bạn thiếu kiên nhẫn, bạn thiếu hiểu nhau, bạn thiếu thông cảm... và đôi khi bạn thiếu ngay cả tình yêu. Bạn hết tiền, bạn không có một việc làm... bạn thiếu sức khoẻ như người vợ của anh tài xế xe buýt... Như họ, như cặp vợ chồng ở Cana, bạn hãy đến với Chúa Giêsu bạn sẽ được giúp đỡ những gì bạn cần để hôn nhân bạn hạnh phúc hơn.
Bạn phải làm phần của bạn. Như anh tài xế xe buýt, bạn phải mọi việc nhiều hơn. Giả sử hôn nhân của bạn điêu đứng vì thiếu kiên nhẫn, bạn hãy bàn hỏi, lập kế hoạch để bạn có thể kiên nhẫn làm sao và đau khổ nào. Rồi – đây là điều quan trọng – bạn hãy xin Chúa Giêsu giúp bạn kiên nhẫn. Bạn thiếu hụt tài chánh ? Bạn lập kế hoạch làm sổ chi tiêu – Rồi – đây là điều quan trọng nhất – xin Chúa Giêsu giúp bạn đủ chi tiêu.
Sự sai lầm của chúng ta không xin Chúa giúp chúng ta giải quyết vấn đề. Chúa Giêsu có mặt trong đám cưới của bạn. Người là một phần tử của gia đình bạn, Người sẵn sàng giúp đỡ, Người đang chờ bạn xin Người, như Đức Maria đã làm tại Cana, như anh tài xế xe buýt ở New York đã làm, tốt nhất bạn hãy cầu xin qua Đức Maria những gì bạn cần trong hôn nhân của bạn. Như vậy sẽ không có gì thiếu nữa.
Thế rồi hãy nhớ cám ơn Chúa: “Hãy công bố những việc kỳ diệu của Chúa cho mọi dân tộc”. Hãy nâng tâm hồn lên... hãy cám ơn Chúa. Hãy hợp lời cảm tạ của bạn với hy lễ tạ ơn chúng ta sắp dâng lên Chúa.
Thánh lễ là một bữa tiệc với Chúa Giêsu vừa là chủ tiệc vừa là khách mời. Thánh lễ cũng là một tác động, một hy lễ tạ ơn, đây là lúc thuận lợi nhất để bạn xin Chúa những gì cần cho hôn nhân của bạn và cũng là lúc thuận lợi nhất để bạn cảm tạ Chúa vì những ơn Chúa đã ban cho cuộc hôn nhân của bạn. Amen.
Có một đôi vợ chồng trẻ được cha mẹ cho ra riêng. Trong khi trang hoàng ngôi nhà mới, họ: TN 2-C45
Có một đôi vợ chồng trẻ được cha mẹ cho ra riêng. Trong khi trang hoàng ngôi nhà mới, họ đã bất đồng với nhau về chỗ để treo bức ảnh Chúa Giêsu. Người chồng thì muốn treo bức ảnh ấy ở một vị trí nổi bật nhất trong nhà. Cuối cùng thì người vợ đành phải nhượng bộ, bởi vì chị bỗng nhớ lại lời Chúa Giêsu đã phán:
- Ai xưng tụng Ta trước mặt người đời, thì Ta cũng sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Ta ở trên trời.
Chính bức ảnh này đã gây được một ấn tượng mạnh đối với gia đình và khách khứa đến thăm.
Ngày kia, một người bạn, sau khi nhìn ngắm bức ảnh đã nói với chị:
- Chúa Giêsu không phải chỉ nhìn vào chị, mà còn nhìn xuyên qua tâm hồn chị.
Người khác thì cho biết:
- Lúc nào tôi cũng cảm thấy gia đình chị luôn bình an.
Chính chị đã tâm sự:
- Một khi bạn biết mời Chúa vào nhà, chắc chắn bạn sẽ được biến đổi, không còn như trước nữa.
Đôi tân hôn tại cana, hẳn sẽ đồng ý với người vợ trong câu chuyện trên, bởi vì họ đã mời Chúa Giêsu đến nơi gia đình họ và Ngài đã làm phép lạ đầu tiên, cho nước lã biến thành rượu ngon, để họ khỏi bị bẽ mặt với khách dự tiệc.
Đọc lại Phúc âm, chúng ta sẽ thấy được một nhận xét nho nhỏ và thú vị, đó là nhiều lần Ngài đã làm phép lạ ở trong gia đình của dân chúng. Chẳng hạn khi Phêrô mời Ngài đến nhà thì Ngài đã chữa lành cho bà mẹ vợ đang sốt nặng. Cũng tại nhà Giairô, Ngài đã cho con gái ông được sống lại. Khi dùng bữa tại nhà ông Biệt phái, Ngài cũng đã chữa lành cho một bệnh nhân. Đặc biệt là với Giakêu và Matthêu, sự hiện diện của Chúa Giêsu đã làm thay đổi cuộc sống của hai ông, Matthêu thì đã trở nên tông đồ của Chúa. Còn Giakêu thì nhất quyết làm lại đời mình và đền bù những thiệt hại mình đã gây ra.
Từ những hình ảnh trên, chúng ta hãy tự hỏi xem:
- Chúng ta đã thực sự mời Chúa Giêsu vào nhà chúng ta hay chưa ?
Một người khách khi bước chân vào nhà chúng ta, liệu họ có nhận ra chúng ta thuộc về Chúa qua cách bài trí trên bàn thờ, trên tường vách, hay là người ấy sẽ bình phẩm:
- Tôi thấy con cái của ông bà là những đệ tử ruột của Lý Hùng, của Thu Hương, của Diễm My… bởi vì khắp nơi trong nhà được dán la liệt hình ảnh của những tài tử này.
Liệu một người khách sau vài ngày viếng thăm và ở lại trong gia đình chúng ta, khi ra về họ sẽ nói:
- Gia đình bạn thực là một gia đình Kitô giáo. Mình không thể nào quên được những lời kinh ban tối và ban sáng, trước và sau mỗi bữa ăn. Cũng như chẳng bao giờ quên được tình thương yêu đầm ấm trong gia đình bạn. Ngoài ra mình cũng nhớ là mình chưa hề nghe những người trong gia đình bạn nói hành nói xấu ai cả.
Như thế, việc mời Chúa Giêsu vào nhà là một bổn phận thật quan trọng của mỗi người chúng ta. Cách thức mời Ngài vào nhà, có thể là bằng việc treo lên bàn thờ một tượng chịu nạn, hay một bức ảnh về Chúa. Có thể là việc kính cẩn đọc kinh tối và sớm, trước và sau mỗi bữa ăn. Nhất là bằng việc đối xử với nhau một cách yêu thương và chân thành, cũng như không bao giờ oán hận và thù ghét ai cả.
Cùng với sự hiện diện của Ngài thì bản thân chúng ta sẽ được đổi mới và gia đình chúng ta sẽ được đầm ấm và hạnh phúc.
Người ta nghĩ rằng Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana là vì mẹ Người được mời đến, dường như vì: TN 2-C46
Người ta nghĩ rằng Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana là vì mẹ Người được mời đến, dường như vì có liên hệ thân thuộc với họ nhà trai hoặc nhà gái. Thần học thiêng liêng rút ra một kết luận ít nhất cũng phù hợp với kinh nghiệm của Giáo Hội: Việc Đức Maria can thiệp khiến cho nhiều tâm hồn mở rộng nghênh đón Chúa Giêsu. Danh từ ‘bà’ mà Chúa nói với mẹ Người là theo phép lịch sự Do thái thời đó, chẳng có gì đáng cho ta khó chịu. Trong bài tường thuật có hai yếu tố chính của lịch sử Chúa Giêsu: quyền năng của Chúa được Người sử dụng để biểu lộ lòng nhân hậu của Người. Chúa xen vào đời sống nhân loại hằng ngày, Chúa can thiệp vào những công việc tầm thường nhất của con người. Một số nhà phê bình nào đó cho rằng việc Chúa làm phép lạ là một việc rất khó xảy ra, Chúa đắn đo cân nhắc rất nhiều trước khi tỏ quyền uy của Người. Như vậy chúng ta thấy rằng về phương diện đạo đức con người có hai nhược điểm: dễ đi đến chỗ thái quá, sinh ra mê tín – hoặc trái lại, dễ sa vào thái độ thần thoại hoá. Chúng ta chấp nhận thiên ký sự tiệc cưới Cana như thể đón nhận ánh bình minh báo hiệu một ngày đẹp trời. Chúng ta mở mắt đón lấy nguồn sáng đang lên.
1) Từ phép lạ Cana trở đi, Chúa đến nơi nào là nơi ấy có một sự biến đổi, bao giờ cũng vậy. Đức Maria ở đâu, nếu lúc đó chưa có mặt Chúa thì chắc chắn Chúa đang trên đường tới đó. Chúng ta quan niệm đời sống Kitô giáo không như một hệ tư tưởng áp dụng cho thế giới, nhưng là một sự nghênh đón Chúa Kitô đến với chúng ta, cho nên bao giờ chúng ta cũng có lý do mời Đức Maria (Mẹ chúng ta) đến chung vui hoặc chia sẻ lo âu với chúng ta. Thế là mau mau Chúa cũng sẽ đến. Mặt khác, Chúa làm gì trong tiệc cưới? Chúa biến đổi nước thành rượu. Nước là chất tượng trưng cho thực tại thường nhất của đời sống chúng ta. Sự hiện diện của Chúa Kitô trong đời sống của một người tầm thường làm biến đổi, thần hoá đời sống ấy. Ở đây rượu tượng trưng cho mạch nhựa lưu thông trong cây nho và cành nho, tức là ân huệ đời sống thần linh do Chúa Kitô ban cho.
2) Phép lạ Cana xảy ra giữa một tiệc cưới. Những bậc giáo phụ (là những tác giả thời khởi thuỷ đã đóng góp thành lập kho tàng truyền khẩu trong Giáo Hội) từng nghĩ rằng chính sự kiện Chúa dự đám cưới Cana nâng phép hôn phối Kitô giáo (trong đó Chúa hiện diện) lên hàng một bí tích. Dẫu sao, Chúa đã tới chung vui với đôi tân hôn trẻ tuổi. Chắc chắn lúc đó Chúa thấy rõ điều mà Thần Trí Chúa sau này sẽ mặc khải cho Giáo Hội của Người: Chúa, vị tân lang của Giáo Hội, Chúa muốn cho Giáo Hội có hạnh phúc. Đối với Giáo Hội, quyền năng thần kỳ của Chúa vô hình, thường không lộ ra bên ngoài, nhưng có thật: Chúa can thiệp, xen vào đời sống nhân loại hằng ngày của người Kitô hữu, thành phần của Giáo Hội. Sự hiện diện của Chúa là một sự thật, đòi hỏi người ta dâng lời cảm tạ trong niềm vui sướng cao độ nhất.
Sở dĩ gọi Cana trong miền Galilê là để phân biệt với Cana miền Coelo-Syria. Đây là một làng: TN 2-C47
Sở dĩ gọi Cana trong miền Galilê là để phân biệt với Cana miền Coelo-Syria. Đây là một làng rất gần Nagiarét. Thánh Hiêrônimô, người từng ở Palestine bảo rằng, từ Nagiarét ngài có thể nhìn thấy Cana. Tại đó đang có một đám cưới, Đức Maria được mời đến dự và giữ một vai trò đặc biệt, chắc liên quan đến việc tổ chức nên Mẹ đã tỏ ra lo lắng khi thấy thiếu rượu. Mẹ cũng có đủ quyền để ra lệnh cho đầy tớ làm bất cứ điều gì Chúa bảo.
Tại xứ Palestine, lễ cưới là một dịp thật sự quan trọng. Theo luật Do thái, lễ cưới của một trinh nữ phải tổ chức vào ngày thứ tư. Điều này rất thú vị, vì nó cho chúng ta căn cứ để tính lui lại: nếu đám cưới nhằm ngày thứ tư, thì ngày Chúa Giêsu gặp Anrê và Gioan lần đầu tiên phải là ngày Sabát, và cả hai đều ở với Ngài trọn ngày đó. Tại Palestine tiệc cưới kéo dài hơn một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được đưa về nhà mới. Bấy giờ trời đã tối, họ được đưa đi qua các con đường càng dài càng tốt để có thể gặp được nhiều người chúc mừng. Tại Palestine, vợ chồng mới cưới không đi hưởng tuần trăng mật. Họ ở tại nhà mở cửa suốt tuần để tiếp khách. Họ đội vương miện và mặc y phục hôn lễ. Họ được đối xử như vị vua và hoàng hậu, và lời nói của họ là luật. Nếu suốt đời người ta phải sống cơ cực vất vả, thì được một tuần tiệc tùng, vui vẻ, quả thực là cơ hội vô cùng đặc biệt trong đời người. Chúa Giêsu đã vui vẻ tham dự ngày hạnh phúc ấy. Nhưng đã có trục trặc xảy ra.
Trong đám tiệc của người Do thái, rất cần rượu. Các rabbi vẫn nói: “Không rượu thì không vui”. Không phải vì mọi người nghiện rượu, nhưng ở Đông Phương, món rượu thật quan trọng. Sự thật, đối với họ say rượu là một điều xấu hổ, nên họ uống rượu pha hai phần rượu và ba phần nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn, thức uống là có vấn đề, vì ở Đông Phương tiếp khách là một nhiệm vụ thiêng liêng; thiếu thức ăn thức uống trong một tiệc cưới là điều xấu hổ, nhục nhã cho cả cô dâu lẫn chú rể. Vì thế, Đức Maria đã báo cho Chúa Giêsu biết sự việc. Và Chúa Giêsu đã bày tỏ quyền năng của Ngài để cứu gia đình mộc mạc này khỏi bị tổn thương nhục nhã. Ngài đã hành động vì lòng ưu ái, tử tế, thông cảm với những người mộc mạc đơn sơ.
Câu chuyện đã được kể lại các sống động nên rõ ràng phải là do người đã chứng kiến tận mắt ghi lại, nhưng không phải là ghi lại ngay sau khi xảy ra mà là bảy mươi năm sau, và cũng ghi lại tác dụng của phép lạ ấy: “Dấu lạ đầu hết này, Đức Yêsu đã làm tại Cana xứ Galilê, và đã tỏ vinh quang Ngài ra và môn đồ đã tin vào Ngài”. Chúa làm phép lạ này bày tỏ vinh quang Ngài. Chúng ta cố gắng tìm biết các nguyên tắc bày tỏ vinh quang này.
- Bước đường cùng khiến người ta quay về với Chúa, cung cấp dịp thuận tiện cho người hành động, ân huệ của Chúa được ban cho ai thành khẩn kêu cầu Ngài. Dầu có người chê cầu nguyện là mê tín, hay bình thường thì chẳng bao giờ cầu nguyện, nhưng một khi lâm vào cảnh khốn cùng, chẳng ai không ngước mắt lên trời mà kêu cầu.
- Đức Maria là người thân trong gia đình này, được mời tới dự tiệc cưới, khi thấy rượu đã hết, biết ngay chủ nhà sẽ rất bối rối, sẽ bị bẽ mặt, và các thực khách sẽ mất vui. Không kể đến địa vị làm mẹ, Đức Maria đã khẩn cầu với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi!". Làm mẹ mà hạ mình cầu cứu con, không phải dễ lắm đâu!. Đàng khác chưa biết ý Chúa ra sao, đường đột đưa ra một lời cầu như vậy mà không thăm dò trước có khi rước lấy tai hoạ. Thế nhưng đến nước này, nếu không kêu cầu Chúa thì còn biết trông cậy vào ai nữa!
Lời cầu nguyện của Đức Maria bị thôi thúc vì hoàn cảnh mà mẹ đảm trách, là kiểu mẫu cho những lời cầu của chúng ta.
Vì chúng ta thấy lời cầu của Đức Maria là lời cầu “Ý Cha thực hiện” vì Ngài chỉ nói: “Họ hết rượu rồi!" chứ không thêm gì vào nữa! Một lời cầu nguyện tốt là “trình lên Chúa các nhu cầu của mình” rồi để Ngài làm theo ý Ngài. Đức Maria đã làm như thế; Còn phần chúng ta, ngoài việc trình nhu cầu lên Chúa, thường hay bày thêm cách này cách kia, đôi khi còn đòi Chúa phải làm theo ý của mình, Đức Maria không ép Chúa, Ngài để Chúa tự do định liệu. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy có người đã làm theo gương Đức Maria, khi Lagiarô đau nặng, hai chị em Mátta và Maria sai người đi thưa Chúa “người Thầy yêu đau nặng”.
Lời cầu nguyện của Đức Maria là lời cầu nguyện hạ mình: đây là lời cầu xin của bà mẹ đối với con. Nếu còn giữ thể diện thì không dễ gì một bà mẹ sẵn lòng hạ mình kêu cầu con; đã thế lại còn nhận được một lời đáp ứng dường như cứng cỏi của Chúa Giêsu: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Thế nhưng, Đức Maria đã từ bỏ mình trước rồi, chỉ nghĩ đến tình hình khẩn cấp chứ không nghĩ đến thể diện cá nhân. Lời cầu xin không kể đến thể diện mình quả là phép mầu để Chúa được vinh hiển. Chẳng những tại đây, do lời cầu của Đức Maria mà Chúa được vinh hiển, mà khắp nơi qua Kinh Thánh đều thấy Chúa làm phép lạ là do có người kêu cầu. Thí dụ như: Khi Chúa vào Capharnaum, có một sĩ quan đến thưa Ngài: “Con gái tôi đau gần chết, xin Thầy đến đặt tay trên nó, để được sống”. Chúa bèn đứng dậy đi theo ông.
Thấy chủ nhà hết rượu Đức Maria trình lên Chúa nhu cầu, thì nhận được một lời đáp ứng không mấy tích cực: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Làm thân bà mẹ mà phải hạ mình xin con đã là khó, nay lại nhận được một câu trả lời như thế, rất dễ nản lòng, mất hết cậy trông. Đức Maria không thế, Ngài vẫn bình tĩnh bảo những người giúp việc: Chúa Giêsu bảo gì thì cứ làm theo. Tại sao Đức Maria biết Chúa sẽ ra lệnh cho những người giúp việc? Đó chỉ do lòng tin. Đức Maria chẳng vì cảm xúc mà nghi ngờ điều mình xin, nhưng lấy đức tin mà nắm lấy lời hứa của việc cầu nguyện: “cứ xin thì sẽ được”. Chính vì đức tin mà Đức Maria dặn bảo những người giúp việc phải tuân theo lệnh Chúa.
Trình bày nhu cầu xong, phải tin vào lời hứa của Chúa mà chắc chắn mình được nhận lời. Thiếu đức tin thì không bao giờ thấy vinh hiển của Chúa. Các vĩ nhân trong lịch sử thánh đều là những anh hùng đức tin: bởi đức tin, nước Biển Đỏ rẽ đôi, bởi đức tin có thể qua sông Giođan, bởi đức tin có thể đánh lui toán quân của ngoại bang, bởi đức tin có thể khiến thành Giêricô sụp đổ, khiến người mù được sáng, què được đi, kẻ phung được sạch, người chết được sống lại. Có việc nào không bởi đức tin mà tỏ bày vinh quang của Chúa đâu. Thế nên, Chúa đã từng phán với Mátta rằng: “Ta đã chẳng nói với con rằng nếu con tin con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa”. Giả như lúc này Đức Maria không dặn bảo những người giúp việc sẵn sàng làm theo lệnh Chúa thì Chúa cũng chẳng bảo họ làm gì nữa, mà dầu có bảo họ cũng chẳng nghe theo. Thế thì đã không có phép lạ nước hoá rượu… nhưng vì đức tin của Đức Maria quá lớn, nên phép lạ đã xảy ra.
Sở dĩ chúng ta không được thấy vinh hiển Chúa trong đời sống, không phải vì chúng ta không cầu xin, nhưng vì cầu xin trong sự không tin. Hãy bắt chước Đức Maria, nghĩa là phải lấy đức tin mà nhận điều mình cầu xin dầu hoàn cảnh là thập phần khó khăn, cảm giác thập phần lạt lẽo, nhưng phải làm xong những điều phải làm như Đức Maria đã từng làm thì Chúa sẽ giữ lời Ngài đã hứa mà ban ơn cho ta để tỏ vinh quang Ngài.
Với lòng đầy tin tưởng, Đức Maria nói: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo". Phải ghi khắc vào lòng câu nói đó. Vì đó là việc buộc phải làm về phương diện loài người. Nếu ta không chịu vâng phục mà làm theo, vinh quang của Chúa có thể bị cản trở vì bất tuân của loài người. Các bạn có tin Thiên Chúa rẽ đôi nước Biển Đỏ không? Tin chứ, nhưng nếu bất tuân mà không giơ cây gậy lên thì nước Hằng Hải đâu có phân đôi tả hữu. Các bạn có tin nước Giođan ngưng chảy không? Tin chứ, nhưng nếu vì bất tuân mà không đặt chân vào dòng sông thì nước không dồn lại thành đống. Bạn có tin Chúa có thể làm sụp đổ tường thành Giêricô không? Tin chứ, nhưng nếu không theo lời Chúa mà đi vòng quanh thành đủ bảy ngày, thì tường thành đã không tự nhiên đổ xuống đâu. Người teo tay phải vâng lời Chúa mà giơ tay ra, mới được lành. Người phung hủi phải vâng lời Chúa đem thân đến cho thầy tư tế khám nghiệm mới được sạch. Người mù phải vâng lời Chúa đi tới hồ Silôê mà rửa mới nhìn thấy được. Trong Kinh Thánh có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng sự vâng phục là điều kiện buộc phải có để Chúa bày tỏ vinh quang của Ngài.
Trong tiệc cưới, các gia nhân đang bận rộn, vậy mà Chúa bảo họ phải đổ đầy nước vào sáu cái chum đá, thế mà họ vâng lệnh “đổ đầy tới miệng”. Rồi tiếp theo lệnh thứ hai: “Bây giờ hãy múc đưa cho người quản tiệc”. Họ liền đem cho ông. Chữ ‘liền’ ở đây rất ý nghĩa, đây chính là thái độ tỏ rõ vinh quang Chúa. Có gì buộc mà họ phải vâng lời Ngài, Ngài đâu có phải là chủ của họ, họ đang bận rộn, gặp lúc thiếu rượu đang còn quýnh lên. Lại nữa, lời bảo của Chúa chẳng hợp lẽ chút nào: đổ nước vào chum đá đã là phiền hà, lại còn múc đem cho người quản tiệc để làm gì? Bảo làm thế, để làm gì trong tình thế khó khăn này? Thế nhưng gia nhân đã vâng theo không hề phản kháng cằn nhằn, Chúa bảo họ làm gì, họ làm thế. Họ đem lại cho Chúa cơ hội hoàn toàn tự do để bày tỏ quyền năng là biến nước thành rượu. Nếu người ta không chịu vâng phục mà đổ nước vào rồi lại múc nước ra, hay tuy là vâng theo, nhưng không trọn vẹn, chỉ để lưng chừng, thì thế nào cũng giảm bớt, hay làm bế tắc vinh hiển của Chúa. Thế mới biết vâng lời không cần lý do mới khó làm sao! Nhưng vâng phục không cần lý do quả thực là điều kiện duy nhất của những ai giúp việc Chúa!
Đến với Chúa, chúng ta chỉ có sự cầu xin thì không đủ, cần phải có đức tin nữa; có đức tin cũng chưa đủ, còn phải có sự vâng phục nữa. Chắc có nhiều người nói mình đã có đức tin rồi, nhưng thử hỏi thật lòng mình đã có vâng phục hoàn toàn chưa. Chúa bảo bạn làm điều gì cứ làm ngay điều đó, đừng nhìn xem hoàn cảnh, đừng đòi lý do, “cứ làm theo đi”. Một người đi theo Chúa quả nhiều bài phải học, mà bài khó học hơn hết là vâng phục, có thể nói rằng hễ ai tiến bộ trong sự vâng phục là có tiến bộ trong đời sống thiêng liêng. Vâng phục là đem chủ quyền của mình mà dành cho Chúa, để Chúa cai trị. Khi nào người môn đệ hoàn toàn vâng phục Chúa, Chúa mới hoàn toàn làm chủ người môn đệ. Phải biết chắc rằng bạn có vâng phục Chúa, Chúa mới nghe lời bạn cầu xin.
Sự náo động chung quanh việc thiếu rượu, cuộc đối thoại đáng kinh ngạc giữa Chúa Giêsu và: TN 2-C48
Sự náo động chung quanh việc thiếu rượu, cuộc đối thoại đáng kinh ngạc giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, phép lạ làm sững sờ, sự hài hước (‘Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ’), thật là sống động! Biết bao nhiêu hoạ sĩ thích vẽ đám cưới Cana, và chúng ta cũng bị cám dỗ biết mấy là dừng lại ở nơi sự thu hút của đám cưới này.
Nhưng chúng ta đang đọc Tin Mừng của thánh Gioan. Ngài là người kể chuyện tài tình và là thần học gia Tin Mừng đang mặc khải các mầu nhiệm bằng cách tiên phong sử dụng những từ ngữ với một nghệ thuật tinh vi. Bạn hãy nhìn xem các từ ‘vinh quang’ và ‘dấu chỉ’ đang chiếu sáng. Bạn hãy xem nước và rượu tương phản nhau biết bao, giờ (‘Giờ của tôi chưa đến’) và sự bắt đầu (‘Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na’: tại Cana, khởi đầu các dấu chỉ). Bạn hãy đọc kỹ trang mặc khải này và bạn sẽ gặp được hai câu chính yếu: “Người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu”… “Các môn đệ đã tin vào Người”.
Mỗi đoạn Tin Mừng thánh Gioan là một lời kêu gọi tin vào một điều mà điều này là một bước tiến gần tới toàn bộ đức tin. Tin vào điều gì ở đây? Đó là Chúa Giêsu thay đổi tất cả. Ngài đến Cana và nước hoá thành rượu. Đây là một ‘phép lạ-dấu chỉ’. Chúa Giêsu đến và thế giới được biến đổi: “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5,17). Chúa Giêsu đến trong cuộc sống của chúng ta và nếu chúng ta tin, theo nghĩa rất mãnh liệt của thánh Gioan, thì cuộc sống của chúng ta được biến đổi. Chúng ta đi từ cuộc sống hơi tẻ nhạt đến một cuộc sống mạnh mẽ. Cuộc sống này nhảy múa ca hát và bẻ gãy những bó buộc sai trái: Rượu của Chúa Giêsu Kitô! Ngài nói: rượu mới của ta làm vỡ những bình cũ (Mc 2,22).
Than ôi! Người ta còn có thể nói rằng tôn giáo là rượu ngon của cuộc sống nữa hay không? Chúng ta đã làm cho Kitô giáo trở thành một cái gì buồn tẻ, thật sự không làm cho say sưa. Nước của Cana! Nước trong Thánh Kinh, nước trong thánh Gioan vọt ra, tẩy sạch, biểu tượng của sự sống: nước hằng sống. Nhưng không phải nước tại Cana.
“Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái”. Đây là nước mà Chúa Giêsu sẽ biến đổi, nước biểu tượng của một tôn giáo hình thức. Tôn giáo hằng sống của người Do thái trở nên quá tỉ mỉ, giả hình. Đó là căn bệnh của mọi tôn giáo. Cuối cùng người ta tin rằng để làm vui lòng Chúa, chỉ cần thốt lên những câu nói, rửa ráy, làm những việc bề ngoài là đủ.
Tôn giáo của Chúa Giêsu thay đổi tất cả: đó là rượu say đắm của tình yêu. Chúng ta làm Chúa vui lòng nếu các nghi thức của chúng ta là những dấu chỉ và là sự trỗi dậy việc chúng ta trao ban cho tha nhân, nếu chúng ta thay đổi, ít ra là xoa dịu nỗi khổ nhọc của một người anh em thành niềm vui. Chúa Giêsu mang lại khả năng chưa từng có này: từ nay tất cả sẽ có thể là tình yêu. Ngài nói với Mẹ Maria: ‘Thưa Mẹ, Mẹ chờ đợi gì ở con? Con sẽ làm hơn thế nhiều khi đã tới giờ!’.
Nhưng ở đây nổ ra khả năng sinh hạ của Mẹ Maria: Mẹ đã sinh hạ ra con trai của Mẹ cho cuộc đời, Mẹ đã sinh hạ con trai đó cho cuộc sống công khai của Ngài, với những phương tiện của một người mẹ của Đấng Duy Nhất: sự kín đáo và niềm tin.
Có gì kín đáo hơn thế? “Họ hết rượu rồi” (Tôi thích câu này ‘hết rượu rồi’ của các nhà chú giải, thay vì ‘còn ít rượu’: Chúa Giêsu sẽ không cho thêm rượu, Ngài sẽ cho rượu).
Và đức tin rất mạnh mẽ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Rất ít lời, vừa đủ để sự nhục nhã của một cặp vợ chồng trẻ được biến đổi thành niềm vui. Và để chúng ta muốn xin Mẹ Maria ân sủng của tiệc cưới Cana: cuối cùng chúng ta hãy tin rằng Chúa Giêsu thay đổi tất cả.
Bây giờ chúng ta đến phần chân lý sâu nhiệm và ẩn dấu mà Gioan muốn truyền đạt khi kể lại: TN 2-C49
Bây giờ chúng ta đến phần chân lý sâu nhiệm và ẩn dấu mà Gioan muốn truyền đạt khi kể lại câu chuyện này.
Điều cần nhớ là ông viết sách này cho cả người Do Thái lẫn Hy Lạp. Mục đích của ông là kể lại câu chuyện về Chúa Giêsu sao cho không xa lạ với người Hy Lạp. Trước hết, hãy nhìn từ quan điểm Do Thái. Nên nhớ trong những câu chuyện đơn giản của Gioan còn tiềm ẩn một ý nghĩa sâu nhiệm hơn, mà chỉ những ai chịu suy nghĩ mới có thể nhìn thấy được. Trong cả Phúc Âm, Gioan không hề viết một chi tiết nào không cần thiết và vô nghĩa. Mỗi chi tiết đều mang một ý nghĩa, và đều hướng tới một điểm cao xa hơn. Có sáu cái ché đá đựng nước và theo lệnh của Chúa Giêsu, nước đã biến thành rượu. Đối với người Do Thái, con số 7 là con số đầy đủ và trọn vẹn. Vậy số 6 là chưa đầy đủ, không toàn vẹn. Sáu cái ché đá đựng nước tiêu biểu cho toàn thể những cái bất toàn của luật và thay vào đó bằng thứ rượu mới của ân sủng Phúc Âm. Chúa Giêsu đã đổi những bất toàn của luật ra sự toàn hảo của ân sủng. Liên hệ với điều này còn một điểm đáng chú ý khác nữa. Sáu cái ché đựng nước, mỗi cái chứa từ 80 đến 120 lít. Chúa Giêsu khiến nước lã trong sáu ché ấy biến thành rượu ngon, tất cả phải có từ 500 đến 700 lít rượu. Nêu lên sự kiện này, Gioan không chỉ muốn chúng ta hiểu câu chuyện theo nghĩa đen. Vấn đề ông muốn nêu lên là khi ân sủng của Chúa đã đến với loài người, thì ân sủng ấy có đủ để cung cấp cho tất cả. Không có đám cưới nào trên đời có thể uống hết sáu, bảy trăm lít rượu. Không một nhu cầu nào trên thế gian lại làm cạn nguồn ân sủng của Chúa Cứu Thế. Ân sủng quang vinh của Chúa luôn luôn dư tràn.
Gioan cho chúng ta thấy trong Chúa Giêsu, những cái bất toàn đã trở thành hoàn toàn, ân sủng thì vô hạn, đầy đủ và dư dật bội phần cho mọi nhu cầu.
Bây giờ hãy nhìn từ quan điểm Hy Lạp. Người Hy Lạp cũng có những chuyện tích như vậy. Dionysos là thần rượu của người Hy Lạp. Pausanias là một tác giả Hy Lạp chuyên mô tả xứ sở và các lễ lạc cổ của đất nước ông. Trong phần nói về xứ Elis, ông đã mô tả một nghi lễ và niềm tin thời cổ như sau: “Giữa khu chợ và sông Menius là một rạp hát cũ và đền thờ Dionysos. Tượng thần ấy do Praxitels sáng tạo. Không có thần nào được dân Eleans kính trọng cho bằng Dionysos, họ bảo là thần ấy đến dự tiệc cùng họ tại khu Thyia, địa điểm tổ chức lễ cách thành phố khoảng một dặm. Người ta đem ba cái ấm lớn vào đền thờ và các vị tư tế đặt chúng tại đó, trước sự hiện diện của dân chúng. Các tư tế và những người được chọn sẽ đóng dấu niêm phong cửa đền. Hôm sau, mọi người tự do xem xét các dấu niêm phong và khi vào đền, họ thấy các ấm đã đầy rượu. Tôi không có mặt tại đó trong kỳ lễ, nhưng những người khả kính nhất trong xứ Elis và cả khách lạ nữa đều thề rằng: Các sự kiện có thật như tôi vừa kể”.
Vậy người Hy Lạp cũng có những câu chuyện tương tự, nhưng dường như Gioan muốn nói với họ rằng: “Các bạn có nhiều truyền thuyết về các thần của mình, đó chỉ là những câu chuyện được kể lại và các bạn đều biết chúng không có thật. Chúa Giêsu đã đến, Ngài làm những điều mà các bạn hằng mơ ước các thần của các bạn có thể làm được. Ngài khiến những điều các bạn trông mong thành hiện thực”.
Với người Do Thái, Gioan nói: “Chúa Giêsu đã đến để đổi sự bất toàn của luật lệ thành sự toàn hảo của ân sủng”. Với người Hy Lạp, ông bảo: “Chúa Giêsu đã đến để thực hiện những điều mà các bạn hằng mơ ước, mà chỉ các thần mới có thể làm được”.
Bây giờ chúng ta có thể thấy điều Gioan muốn truyền đạt. Mỗi câu chuyện không phải chỉ mô tả điều Chúa Giêsu làm một lần rồi chẳng bao giờ tái diễn, nhưng Ngài vẫn làm cho đến đời đời. Ông cho chúng ta biết, không phải về những việc Chúa Giêsu một lần làm tại xứ Palestine, mà về những việc Ngài vẫn làm thời nay. Điều ông muốn chúng ta thấy ở đây, không phải chỉ lần Chúa Giêsu hoá nước trong các ché đá nào đó thành rượu, nhưng ông muốn chúng ta nhận thấy rằng, bất cứ lúc nào Chúa bước vào một đời sống, thì đời sống ấy nhận được một phẩm chất mới, giống như nước lã đã biến thành rượu vậy. Không có Chúa Giêsu thì cuộc đời vốn ứ đọng, phẳng lì và chán ngán. Khi Chúa Giêsu bước vào đời sống, nó trở nên sống động, tươi sáng và lý thú. Không có Chúa, cuộc đời thật lạnh lẽo, vô vị, đáng chán, với Chúa Giêsu thì cuộc sống trở nên hấp dẫn, kỳ diệu và tươi vui.
Khi Sir Wilfred Grenfell kêu gọi những người tình nguyện đến công tác với ông tại Labrador, ông không hứa cho họ nhiều tiền, nhưng hứa là họ sẽ sử dụng thì giờ của đời họ xứng đáng. Đó là điều Chúa Giêsu hứa với chúng ta. Nên nhớ là Gioan viết sách này đã 70 năm sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ông đã suy nghĩ, nghiền ngẫm, và hồi tưởng suốt 70 năm dài, cho đến khi thấy được các ý nghĩa mà lúc bấy giờ ông chưa nhận ra. Khi thuật lại câu chuyện này, ông nhớ lại những ngày đã sống với Chúa Giêsu, ông nói: “Bất kỳ Chúa đi đâu, khi nào Chúa bước vào cuộc sống của ai thì đều giống việc Ngài hoá nước thành rượu”. Và ông muốn nói với chúng ta: “Nếu bạn muốn được niềm vui mới, hãy trở thành người theo gót Chúa Giêsu Kitô. Lúc đó, sẽ có những thay đổi trong cuộc đời của bạn, như nước biến thành rượu vậy”.
Thấy đôi tân hôn chưa được nếm rượu Thiên Sai, Mẹ Maria nhập cuộc: “Người bảo gì, các anh: TN 2-C50
Suy niệm: Thấy đôi tân hôn chưa được nếm rượu Thin Sai, Mẹ Maria nhập cuộc: “Người bảo gì, cc anh cứ lm theo.” Mẹ vững tin vo Cha Gisu, nhờ đó m dấu lạ đầu tin được thực hiện, dẫn đôi tân hôn v cc mơn đệ đến với Đấng l nguồn mạch đức tin. Sau đó, Mẹ xĩa mình đi, biết rằng mình chỉ giữ vai trị chuyển cầu. Mẹ khơng hoạt động song song với Cha Gisu, Mẹ chỉ hoạt động cho Cha. Chỉ cĩ một Đấng Trung Gian duy nhất l Đức Kitơ. Nhưng Mẹ dẫn chúng ta đến với Cha cch bảo đảm nhất (Per Mariam ad Jesum). Lịng tơn kính Mẹ, vì thế, phải dẫn đưa ta đến với Cha Kitơ. Thnh Grignon de Montfort lưu ý rằng ta khơng tận hiến cho Đức Mẹ, m tận hiến cho Cha Gisu qua Đức Mẹ v nhờ Đức Mẹ.
Mời Bạn: Suy xt lại lịng sng kính Đức Mẹ v cc thnh của ta, phải chăng ta coi cc ngi như l Thin Cha, khi dừng lại ở một lịng mộ mến qu cỡ ướt t, ủy mị đến độ tơn thờ, m qun rằng cc ngi l những phản nh Thin Cha tồn chn,
thiện, mỹ.
Sống Lời Cha: “Cc tín hữu hy nhớ rằng lịng tơn sng chn chính khơng hệ tại tình cảm chĩng qua v vơ bổ, cũng khơng hệ tại một sự dễ tin, ph phiếm, nhưng pht sinh từ một đức tin chn thật.Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thin Cha, v thc đẩy chng ta lấy tình con thảo yu mến Mẹ chng ta v noi gương các nhân đức của Mẹ.” (Hiến Chế Tín Lý về Gio Hội 67)
Cầu nguyện: Lạy Mẹ, xin dẫn con đến với Cha bằng một lịng tin-cậy-mến vững vng, nồng ấm như Mẹ. Xin Mẹ dạy con biết bắt chước Mẹ, chuyn chăm lm những gì Cha muốn. Amen.