MỘT SỰ NHẦM LẪN ĐÁNG TIẾC (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 302) -------------------------------------
Bạn thân mến,
Người ta kể lại rằng: Ở một cửa hàng bán hoa, đã có xảy ra một sự nhầm lẫn thật đáng tiếc.
Số là hôm đó, cửa hàng làm hai lẵng hoa cho hai khách hàng khác nhau:
- Một là để chúc mừng ngân hàng, vừa mới khai trương một chi nhánh mới.
- Hai là để chia buồn với một đám tang của một người thân mới qua đời.
Thế nhưng, khi chuyển các lẳng hoa đi, thì người chuyển hoa đã đưa nhầm địa chỉ:
- Lẵng hoa gửi cho đám tang thì lại nhận được lời chúc:
“Chúc Mừng Khai Trương Một Cơ Sở Mới”.
- Còn Chi Nhánh Ngân hàng, đang được khai trương, thì lại nhận được hàng chữ:
“Thành Kính Phân Ưu”.
Sự nhầm lẫn này, chỉ là một sự vô tình thôi, chẳng ai mong muốn. Nhưng sự nhầm lẫn này, quả là một điều đáng trách, thiếu trách nhiệm trong nghề nghiệp. Bởi sự nhầm lẫn này, đã gây nên không biết bao nhiêu phiền hà và nghĩ ngợi, cho không biết bao nhiêu người.
*****
Nhưng dưới một góc cạnh nào đó, nó cũng gợi lên cho ta nhiều suy nghĩ hữu ích cho cuộc sống.
Chẳng hạn: Đời là bể khổ. Cho nên, chết chính là lúc chúng ta bước ra khỏi cái bể khổ này, là chúng ta được giải thoát khỏi mọi phiền lụy, khổ ải của cuộc đời, là chúng ta xoá đi mọi lo âu phiền muộn ở trần gian. Nhờ cái chết, chúng ta sẽ không còn đau khổ nữa, sẽ không còn lo âu phiền muộn nữa, sẽ không còn cảnh bon chen vất vả nữa, sẽ không còn vật lộn với cuộc sống nữa.
Như thế, chết chính là một hạnh phúc, là một chuyện đáng mừng.
Mà đáng mừng nhất, và cũng là hạnh phúc lớn nhất, là chúng ta được về với Thiên Chúa là Cha chúng ta, là Đấng đã yêu thương ta, là Đấng đang chờ đón ta. Mà hạnh phúc bên Thiên Chúa, mới là hạnh phúc thật, mới là hạnh phúc lâu bền, mới là hạnh phúc vĩnh cửu.
Đó chính là Quê Hương đích thật của chúng ta.
Ông bà chúng ta xưa nay vẫn thường nói: “Sinh ký tử qui”. Có nghĩa là, sống ở trần gian này chỉ là tạm bợ thôi. Chết mới là trở về quê thật của mình. Như vậy, chết, chính là một sự vui mừng, chứ không phải là một sự buồn bã, đớn đau, xót thương, nuối tiếc.
Ai mà lại đi thương tiếc cho một đứa con xa nhà, nay được trở về?
Ai mà lại buồn bã, khi mà được đoàn tụ với Cha của mình trên trời, sau bao nhiêu chục năm xa cách?
Còn trong Truyền Thống văn hoá Việt Nam, thì mọi người đều tin rằng: Chết là quy tiên, là một sự trở về, về chính nơi mình đã xuất phát ra.
Ngày xưa, tại các nghĩa trang ở miền quê, người ta vẫn thường chôn xác người chết dưới đất sâu. Rồi sau khi đặt quan tài xuống, người ta lấy đất mới đào, vun đắp lên trên, thành một cái nấm mộ, giống như hình một người phụ nữ mang thai.
Điều này ngụ ý diễn tả về một cuộc trở về với lòng đất mẹ. Chính nơi lòng mẹ, mà ta đã được sinh ra. Đó là nơi kín đáo nhất, là nơi ấm cúng nhất. Như thế, nấm mồ, không phải là dấu chỉ, về một con người đã chết dưới lòng đất lạnh, mà là dấu chỉ, về một cuộc trở về với nguồn cội đích thực của mình, trở về chính nơi mà mình đã xuất phát ra.
Mà cội nguồn đích thật của chúng ta là Thiên Chúa, là Thiên Đàng, là hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.
Mừng Chúa Phục Sinh, là chúng ta mừng Chúa đã sống lại, là mừng Chúa đã ra khỏi mồ, nấm mồ của sự chết. Khi mà nấm mồ của Chúa đã bị bật tung ra, khi mà tảng đá không còn che lấp cửa mộ nữa, khi mà nấm mộ và các khăn liệm đã không còn phủ kín con người của Chúa nữa, thì đó là dấu chỉ Chúa đã sống lại.
Sự sống lại huy hoàng của Chúa, đã đẩy lùi sự vắng lặng và sự cô quạnh của đêm tối sự chết.
Qua những sự việc này, Chúa muốn chúng ta hiểu:
Con người ta sinh ra, không phải chỉa là để chờ chết, mà là để chúng ta bước vào cuộc hành trình tiến về nhà Cha trên trời.
Chúa Phục sinh, là một tin vui, loan báo cửa trời đã rộng mở.
Chúa Phục sinh, còn là một lời mời gọi mọi người, hãy cất bước, hãy tiến lên mà bước vào đó.
Bởi, trời là cõi phúc bất diệt, là nơi “không còn sự chết, không còn than khóc đau thương nữa”. Nơi đó, sẽ không còn đêm tối nữa, cũng sẽ không còn những cuộc chia tay ly biệt nữa, cũng sẽ không còn nước mắt đau thương nữa.
Mừng Chúa phục sinh, là chúng ta mừng Chúa đã sống lại, mừng Chúa đã về trời, mừng Chúa đã về với Cha Ngài.
Ngài không về đó một mình. Bởi, ở đồi Canvê, Chúa đã hứa Thiên Đàng cho người trộm lành: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi”.
Còn trong Phúc Âm thánh Gioan đoạn 14 câu 3, có ghi lại câu Chúa hứa Thiên Đàng, cho những ai tin và theo Ngài như sau:
“Thầy ra đi, là để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu, thì các con cũng sẽ ở đó với Thầy”.
Đây chính là nền tảng của niềm tin, của người công giáo chúng ta. Chúng ta tin vào Đấng Phục Sinh, là Đấng đã sống lại, là Đấng hằng sống. Và chúng ta cũng tin một cách xác tín, là chúng ta cũng sẽ được sống lại, cũng sẽ được sống hạnh phúc muôn đời bên Thiên Chúa, sau những ngày sống ở trần gian này.
Ước gì niềm vui Phục sinh, sẽ biến đổi chúng ta thành những con người mới. Những con người của ân sủng. Những con người của tự do. Những con người, không còn bị những đam mê thấp hèn thống trị nữa, không còn bị những thói đời gian dối, làm mất đi những vẻ đẹp cao quý, của phẩm giá con người, được tạo dựng nên, giống hình ảnh Chúa.
Ước gì niềm tin vào Chúa phục sinh, giúp cho mỗi người chúng ta, biết cố gắng phấn đấu liên lỉ mỗi ngày, để có thể vượt qua được những điều ác nơi ta, để có thể thắng được những tật xấu luôn sẵn có nơi ta.
Mà để được như vậy, chúng ta hãy chấp nhận sống hy sinh, chấp nhận sống gian khổ, hãy hăng say làm các việc từ thiện bác ái, hãy tập sống quên mình, để còn biết nghĩ đến người khác. Nhờ đó mà sau này, chúng ta cũng sẽ được phục sinh vinh hiển với Chúa, nơi quê hương vĩnh cửu đích thật trên thiên đàng.
Lạy Chúa Kitô phục sinh, xin hướng dẫn con trên mọi nẻo đường đời con đi.
Xin nâng đỡ con trong mọi tình huống của cuộc sống, để mai sau, con cũng được về Thiên Quốc, chung hưởng hạnh phúc muôn đời bên Thiên Chúa. Amen