Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 022 - TN 22-B: Chuyện Bên lề một Thánh Lễ đồng tế

Thứ hai - 23/08/2021 21:30
Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 022 - TN 22-B: Chuyện Bên lề một Thánh Lễ đồng tế
Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 022 - TN 22-B: Chuyện Bên lề một Thánh Lễ đồng tế
Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 022 - TN 22-B:
Chuyện Bên lề một Thánh Lễ đồng tế
--------------------------------------
Bạn thân mến,

Có một đoàn rước các linh mục đồng tế, đang nghiêm trang tiến vào nhà thờ, bỗng trong đám đông dân chúng dứng 2 bên, có tiếng một phụ nữ xầm xì nghe khá rõ:


“Lễ hôm nay các cha đông như ma (quỷ) vậy”.

Tôi chẳng biết là ma có bao nhiêu con, nhưng chắc là cũng nhiều lắm, vì hôm đó, các cha cũng thật đông.

Khi nói các cha đến đông như vậy, thì hiểu ngay là ý người này muốn nói:

“Buổi lễ hôm nay thật là long trọng”.

Nhận xét của người này, tôi thiết nghĩ, cũng là của nhiều người trong chúng ta, vì chẳng biết từ bao giờ, trong tâm trí của chúng ta có một suy nghĩ, cứ lễ nào có đông các cha, rước xách linh đình, rầm rộ, thì đó là lễ trọng, có giá trị hơn các lễ khác.

Chúng ta chỉ dừng lại ở những nghi thức bên ngoài,
mà quên đi đời sống nội tâm bên trong.


*****

Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay (Chúa Nhật TN 22-B) cho chúng ta một cái nhìn khác với cái nhìn của chúng ta.

Thiên Chúa muốn chúng ta có một lòng yêu mến chân thành đối với Ngài. Và chính lòng yêu mến đó sẽ chỉ cho chúng ta biết phải làm gì đối với Thiên Chúa. Do đó, dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, tôi muốn cùng quý ông bà anh chị em nhìn lại đời sống đạo của mỗi người chúng ta.

1. Từ việc giữ đạo …

Khi nói đến đời sống tôn giáo, thông thường chúng ta nghĩ ngay đến một số các luật lệ và nghi thức. Và chúng ta cũng thường có khuynh hướng đánh giá mức độ đạo đức của một người qua số lần người đó tham dự các lễ nghi, và giữ các luật lệ.

Chính vì thế mà mỗi khi thấy có người nào, không giữ như chúng ta, chúng ta liền phê bình và cho là “khô đạo”.

Đó cũng chính là quan niệm của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu. Ngay khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu dùng bữa mà không rửa tay theo luật, lập tức các người Biệt phái liền chất vấn Ngài:

“Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân, mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?”.

Như vậy, thắc mắc của những người Biệt phái không phải là vấn đề vệ sinh, nhưng là “tập tục của tiền nhân”.

Chúng ta biết rằng: Đối các người Biệt phái, trước khi ăn, họ phải rửa từ khuỷu tay trở xuống 2 lần.

- Lần thứ nhất vì tay bẩn, và
- lần thứ hai là để tẩy rửa nước của lần rửa thứ nhất đã bị bẩn vì đã dính vào tay bẩn của mình.


Đứng trước chất vấn của họ, một chất vấn chỉ dựa vào nghi thức bên ngoài, Đức Giêsu đã lên tiếng cảnh cáo họ:

“Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lí về các ngươi, như lời chép rằng: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta…”.

Đức Giêsu còn tuyên bố rõ rằng: Chỉ có những gì từ bên trong ra, mới làm cho con người ta ra ô uế, chứ không phải là những điều từ bên ngoài vào:

“Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho con người ta ra ô uế”. (Marcô 7,15-23)

Những người Biệt phái đã cắt nghĩa và thêm vào thật nhiều chi tiết tỉ mỉ, trong khi đó, điều quan trọng là giới luật yêu thương của Thiên Chúa, thì họ lại bỏ qua.

Họ quên mất lời nhắc nhở của Môisen trong sách Đệ Nhị Luật:

“Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi”.

Họ đã thêm quá nhiều điều phụ và chỉ dừng lại ở đó, mà quên đi điều chính yếu. Họ quên mất rằng: Đối với Thiên Chúa, Ngài muốn từng người chúng ta đến với Ngài bằng cả tấm lòng, và trọn vẹn con người của chúng ta, chứ không chỉ là những nghi thức rầm rộ ở bên ngoài.

Chỉ dừng lại ở những nghi thức, lề luật nơi Nhà thờ, mà quên đi việc phải sống Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày, cũng là điều mà tôi và quý ông bà anh chị em rất dễ mắc phải.

Thực ra, có lẽ chúng ta chẳng muốn sống giả hình, nhưng vì giữ những nghi thức đó, xem ra dễ hơn là sống những đòi hỏi của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ mới giữ đạo, chứ chưa sống đạo. Chúng ta chưa để Tin mừng của Chúa biến đổi cuộc sống của chúng ta; chính vì thế, chúng ta vẫn còn phải nghe những nhận xét thật đau lòng của anh chị em chưa tin: “Tin đạo, chứ không tin người có đạo”. Họ không tin chúng ta, vì chúng ta chưa thật sự sống điều chúng ta tin.

2. … đến việc Sống đạo:

Nếu chỉ lo giữ những nghi thức bên ngoài, mà không có một tấm lòng chân thật bên trong, những nghi thức này sẽ không bền vững, thậm chí, chúng còn dẫn chúng ta đến một thói xấu khác, là kiêu căng, là tự phụ, là dễ kết án người khác….

Ý thức điều đó, Môisen đã nhắc nhở dân Israel: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành để được sống”.

Môisen nhắc cho dân biết rằng, để mãi mãi được sống trong tình yêu của Thiên Chúa và được Ngài giữ gìn, thì họ phải sống điều Thiên Chúa dạy, chứ không chỉ nghe xuông, hay là chỉ giữ những gì con người nghĩ ra.

Như thế để được sống, chúng ta không chỉ nghe, nhưng cần đem Lời Chúa ra sống, ngay trong cuộc sống hiện tại hàng ngày của chúng ta cách cụ thể, như lời thánh Giacôbê:

“Anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh Lời đã gieo trong lòng anh em … Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này”

Không những bản thân chúng ta sống Lời Chúa, nhưng mỗi người còn có bổn phận thông truyền và giúp đỡ cho người khác cùng sống Lời Chúa, nhất là những người thân trong gia đình của chúng ta, như lời dạy của Môisen:

“Các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”.

Sống Lời Chúa chính là sự bảo đảm cho chúng ta có được một tâm hồn bình an và nhất là giúp chúng ta ngày càng đến gần với Chúa hơn. Chính tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca, với kinh nghiệm sống của mình, cùng với sự soi sáng của Thánh Thần đã khẳng định điều đó, khi nêu lên câu hỏi:

“Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa?”.

Và tác giả cũng đã đưa ra cho chúng ta câu trả lời:

“Đó là người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống; người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận”.

Chúng ta cần tin tưởng và sống theo Lời Chúa, lời của Đức Kitô, bởi vì đây là con đường duy nhất đưa chúng ta đến sự sống đời đời, như lời Ngài đã khẳng định:

 “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Lắng nghe Lời Chúa hôm nay, là cơ hội để mỗi người chúng ta kiểm điểm lại cuộc sống của mình trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta nghe Lời Chúa mỗi tuần, thậm chí là mỗi ngày, nhưng chúng ta đã có lần nào can đảm sống những đòi hỏi của Chúa chưa?

Mỗi lần tham dự Thánh lễ, là mỗi lần chúng ta tham dự vào hiến tế tình yêu để lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thế nhưng, khi trở về nhà, chúng ta vẫn nói hành, vẫn sống gian dối, vẫn còn chia bè, lập phái, và chưa sẵn sàng để tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Như thế, phải chăng chúng ta đang tự lừa dối chính mình và người khác, như lời thánh Giacôbê:

“Anh em hãy thực thi Lời đã nghe,
chớ đừng nghe xuông mà lừa dối chính mình”.

Chớ gì, với sự trợ lực của Thánh Thể, khi rời ngôi Thánh Đường này, để trở về nhà, từng người chúng ta luôn sẵn sàng thực hiện những điều Chúa dạy chúng ta trong từng ngày sống của mình. Amen.

Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn

-----------------------------------

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây