Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 26-B Bài 1-50 Thà cụt một tay mà vào cõi sống

Thứ năm - 27/09/2018 09:05
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 26-B Bài 1-50 Thà cụt một tay mà vào cõi sống
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 26-B Bài 1-50 Thà cụt một tay mà vào cõi sống
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 26-B Bài 1-50 Thà cụt một tay mà vào cõi sống

----------------------------

TN 26-B1. Cám dỗ của óc bè phái và độc quyền trong tôn giáo – JKN.. 2
TN 26-B2. Một chọn lựa khó nuốt - Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi 5
TN 26-B3. CỘNG TÁC TRONG VIỆC LÀM SÁNG DANH CHÚA.. 7
TN 26-B4. TINH THẦN CỞI MỞ – Lm. VIKINI 9
TN 26-B5. Làm Cớ Sa Ngã. 11
TN 26-B6. Bắt Ông Ấy Chịu Trách Nhiệm.. 13
TN 26-B7. SỐNG LỜI CHÚA - GHEN TỨC.. 14
TN 26-B8. CSTM / 221- DỊP TỘI 16
TN 26-B9. PV / 619- LỜI KHUYÊN.. 18
TN 26-B10. PV / 622- TẢNG ĐÁ.. 19
TN 26-B11. PV / 624- LÊN ÁN.. 21
TN 26-B12. SCĐ / 688- ÓC GANH TỴ.. 22
TN 26-B13. SCĐ / 694- GIẢI PHẪU.. 24
TN 26-B14. Hoạt động tông đồ - Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn. 25
TN 26-B15. TỪ BỎ - Lm. Phan Văn Lợi 28
TN 26-B16. VÌ HẠNH PHÚC MAI SAU - Lm. Bùi Mạnh Tín. 31
TN 26-B17. CÁI GIÁ NGƯỜI MÔN ĐỆ PHẢI TRẢ.. 32
TN 26-B18. AI KHÔNG CHỐNG LẠI CHÚNG TA LÀ THUẬN VỚI CHÚNG TA.. 35
TN 26-B19. CHẶT TAY BẠN ĐI. (RW) 36
TN 26-B20. ÓC BÈ PHÁI, CỤC BỘ.. 37
TN 26-B21. Óc bè phái & tinh thần phe nhóm không phù hợp với Đạo Chúa Kitô. 50
TN 26-B22. GƯƠNG SÁNG HAY GƯƠNG TỐI 54
TN 26-B23. THUỘC VỀ CHÚA KITÔ - Lm. Trọng Thưởng, CMC.. 56
TN 26-B24. TỪ BỎ VÀ HY SINH - Lm. Thu Băng, CMC.. 58
TN 26-B25. Óc bè phái và cớ vấp phạm.. 60
TN 26-B26. HÃY TRÁNH XA DỊP TỘI - Lm. Vũ Xuân Hạnh. 61
TN 26-B27. AI KHÔNG CHỐNG LẠI TA LÀ ỦNG HỘ TA.. 64
TN 26-B28. ĐỨC MẾN.. 66
TN 26-B29. CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN. B.. 69
TN 26-B30. Dịp tội 73
TN 26-B31. Quyết liệt dứt khoát với tội lỗi 75
TN 26-B32. SNLC/825 - Nhân danh. 77
TN 26-B33. CSTM/220 - Gương mù. 78
TN 26-B34. NẾU CHÂN ANH LÀM CỚ CHO ANH SA NGÃ.. 79
TN 26-B35. Thời đại chúng ta có đáng bị tròng cối đá vào cổ không?. 82
TN 26-B36. Mẹ của sự khám phá. 83
TN 26-B37. Tinh thần đại kết 85
TN 26-B38. Chú giải mục vụ của William Barclay. 87
TN 26-B39. Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux. 93
TN 26-B40. Chú giải của Noel Quesson. 95
TN 26-B41. Chú giải của Fiches Dominicales. 99
TN 26-B42. Gợi ý bài giảng của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt 104
TN 26-B43. ĐỨC GIÊSU GIÁO HUẤN CÁC MÔN ĐỆ.. 106
TN 26-B44. AI KHÔNG CHỐNG LẠI CHÚNG TA LÀ ỦNG HỘ CHÚNG TA.. 110
TN 26-B45. CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN.. 112
TN 26-B46. CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN.. 116
TN 26-B47. DIỆT TRỪ GƯƠNG XẤU.. 123
TN 26-B48. LÀM CỚ VẤP NGÃ.. 125
TN 26-B49. PHE NÀY, CÁNH NỌ.. 127
TN 26-B50. ỦNG HỘ VÀ CHỐNG ĐỐI 131

------------------------------------

Phúc Âm: Mc 9, 37-42. 44. 46-47: “Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”. - Ðó là lời Chúa.
------------------------------------------
.
TN 26-B1. Cám dỗ của óc bè phái và độc quyền trong tôn giáo – JKN
Câu hỏi gợi ý:

 

Khi thấy có người ngoài nhóm mình nhân danh Thầy mình để trừ quỉ, các tông đồ khó chịu: TN 26-B1


1. Khi thấy có người ngoài nhóm mình nhân danh Thầy mình để trừ quỉ, các tông đồ khó chịu và muốn ngăn cản. Thái độ ấy có đúng không? Nó nói lên não trạng gì? Não trạng ấy có hiện hữu trong các Kitô hữu hiện nay không?

2. Các giáo phái Kitô giáo hiện nay có đoàn kết, yêu thương nhau không? Đức Giêsu sẽ vui hay buồn khi thấy các giáo phái tuy đều nhận mình là Chúa là Thầy nhưng lại nhân danh đức tin để nói xấu, kết án và loại trừ nhau?

3. Đức tin có thể gây chia rẽ, nhưng đức ái chỉ tạo nên đoàn kết. Giữa hai nhân đức quan trọng ấy, đức nào mới thật sự là điều kiện để vào Nước Trời?

CHIA SẺ

1. Khuynh hướng bè phái và muốn độc quyền của các tông đồ

Một trong những khuynh hướng rất thông thường nơi con người, đó là óc bè phái và ham muốn độc quyền. Khuynh hướng này được biểu lộ nơi các môn đệ Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Trên con đường loan báo Tin Mừng, các môn đệ Ngài thấy có những người không thuộc nhóm của mình lại nhân danh Ngài mà làm được những phép lạ như trừ quỉ, chữa bệnh… Theo quan niệm của các ông, chỉ những ai ở trong nhóm 12 như mình mới có quyền nhân danh Thầy mình để làm phép lạ, trừ quỉ, chữa bệnh… Nếu có ai khác làm điều ấy được, lập tức các ông nhận thấy độc quyền của mình bị xâm phạm. Có lẽ các ông cảm thấy bực bội vì điều ấy nên đã cố ra tay ngăn cản họ. Đức Giêsu đã tỏ ra không tán thành khuynh hướng bè phái muốn độc quyền ấy của các ông.

2. Cám dỗ mang tính bè phái và độc quyền nơi người Kitô hữu

Trong đời sống Kitô hữu, nhiều khi chính chúng ta cũng bị cám dỗ bởi não trạng bè phái và ham muốn độc quyền như các môn đệ Đức Giêsu. Chẳng hạn những người cùng tin vào Đức Giêsu và cùng nhận Ngài là Cứu Chúa, theo thời gian, bị phân thành nhiều giáo phái khác nhau. Việc bị phân hóa như thế là một việc hết sức tự nhiên nếu không muốn nói là tất yếu, vì tất cả mọi tôn giáo, mọi trường phái tư tưởng, nghệ thuật, v. v… đều bị phân hóa theo thời gian theo định luật đa dạng hóa của tự nhiên. Theo tôi, nếu không bị phân hóa như thế thì đó mới chính là điều lạ thường. Đương nhiên, giáo phái nào cũng tự cho mình là đúng đắn nhất, là gần với chân lý nhất. Tiếp xúc với các tín đồ của nhiều giáo phái khác nhau, tôi không hề thấy một giáo phái nào lại cho rằng có một giáo phái khác đúng hơn mình. Điều này cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên hay bất mãn chút nào!

Dù khác nhau - chủ yếu là trong tiểu tiết - các giáo phái vẫn hết sức giống nhau trong đại thể. Giáo phái nào cũng đều tin và tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Giáo phái nào cũng chủ trương phải sẵn sàng dấn thân theo Ngài với tất cả tình yêu, lòng nhiệt thành của mình. Giáo phái nào cũng đều tuyên xưng: «Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ» (Rm 10,9). Giáo phái nào cũng chủ trương: «Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu thoát» (Rm 10,13).

3. Thật là một gương xấu vĩ đại

Nhưng thật là một điều trớ trêu và là một gương xấu vĩ đại trước những người ngoài Kitô giáo, khi mà:

- một đằng Đức Giêsu - Đấng mà mọi giáo phái Kitô giáo đều tôn thờ, đều nhận là Chúa, là Thày - đã tuyên bố: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35).

- đằng khác, các giáo phái Kitô giáo lại coi nhau như là ngoại đạo! Các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, một vài trường hợp khủng bố lẫn nhau! Nhiều giáo phái Kitô giáo phủ nhận khả năng được cứu rỗi của những người thuộc giáo phái khác, cho dù tất cả đều tin và tuyên xưng những điều căn bản y hệt như nhau! Dường như giáo phái nào cũng muốn hạn chế hoặc chỉ dành riêng sự cứu rỗi cho những ai theo giáo phái của mình! Đó là điều tôi lấy làm lạ, làm ngạc nhiên hết sức, và không thể chấp nhận được!

Đây quả là một gương xấu vĩ đại, một điều mỉa mai cho Đức Giêsu và cho tất cả các giáo phái Kitô giáo, vì gương xấu này là một phản chứng nặng nề đối với những người ngoài Kitô giáo, khiến họ không thể chấp nhận được một tôn giáo như thế! Ước gì các giáo phái Kitô giáo đều đọc và suy nghĩ câu Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: «Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn».

4. Coi chừng chính kẻ kết án lại là kẻ độc ác, thiếu tình thương

Khi nghe một người Kitô hữu thuộc một giáo phái nào đó quả quyết chắc chắn rằng những Kitô hữu trong những giáo phái khác với họ đều không được cứu rỗi, thì tôi hỏi người ấy: «Vậy anh có muốn điều anh quả quyết như thế là đúng không?» Nếu anh ta trả lời rằng muốn, thì tôi nói: «Vậy thì anh quả là độc ác! Một đằng Thiên Chúa muốn tất cả mọi người đều được cứu rỗi (x.1Tm 2,4), Còn anh lại muốn chỉ những ai trong giáo phái của anh mới được cứu rỗi. Anh sẵn sàng chấp nhận những người khác giáo phái của anh không được cứu rỗi, tức sa hỏa ngục. Vậy thì anh mới chính là người đáng sa hỏa ngục đầu tiên, vì nơi anh không có tình thương! Vì tình thương mới là điều quan trọng nhất phải có để vào thiên đàng, để hợp nhất với Đấng mà bản chất là tình thương».

Nếu anh ta mong rằng điều anh ta nghĩ là sai, thì tôi bảo: «Như vậy là anh rất nhân từ, có tình thương! Tốt lắm! Phần tôi, tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa còn nhân từ và nhiều tình thương hơn anh gấp tỷ lần. Ngài có đủ quyền năng và đủ cách để giải quyết cho những Kitô hữu khác giáo phái với anh được cứu rỗi. Vì thế, anh hãy phó mặc số phận của những người theo giáo phái khác trong tay Chúa và hãy an tâm! Anh hãy lo cho chính bản thân anh thì tốt hơn, vì nếu anh không có tình yêu, anh không thể vào thiên đàng được đâu! Điều Chúa muốn nơi anh chính là anh hãy coi các Kitô hữu khác giáo phái với anh là đồng đạo, và coi cả những người khác tôn giáo với anh nữa là anh em. Anh hãy yêu thương họ và hãy mong ước những điều tốt lành nhất cho họ!»

5. Điều quan trọng nhất để vào được thiên đàng là tình yêu

Điều quan trọng để vào được thiên đàng là đức tin. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là tình yêu. Thánh Phaolô viết: «Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến» (1Cr 13,13). Khi lên thiên đàng, đức tin, đức cậy không còn vì không cần thiết nữa, chỉ riêng «đức mến không bao giờ mất được» (1Cr 13,8). Thiên đàng được định nghĩa là nơi hạnh phúc, trong đó mọi người hoàn toàn đối xử với nhau bằng tình thương. Nếu có ai còn ích kỷ hay thiếu tình thương mà lọt vào đó ắt người đó sẽ làm ô nhiễm ngay bầu khí hạnh phúc của thiên đàng. Chính vì thế, theo tinh thần đoạn Tin Mừng Mt 25,31-46, khi phán xét, Thiên Chúa chỉ phán xét về cách cư xử của ta có tình thương hay không mà thôi. Cứ nhìn vào đời sống thực tế thì biết, chúng ta dễ hạnh phúc ở bên những người biết yêu thương hơn là bên những người có niềm tin. Thực ra, niềm tin đích thực tất yếu phải dẫn tới tình yêu. Thế giới này đã từng điêu đứng khổ sở vì những cuộc chiến tranh tôn giáo, thậm chí ngày nay vẫn còn. Những cuộc chiến tranh ấy nổ ra không phải do con người thiếu đức tin cho bằng thiếu tình thương. Có thể nói: đức tin cộng với lòng ích kỷ (tức thiếu tình thương) sẽ thành óc bè phái. Óc bè phái chính là nguyên nhân của chiến tranh. Vì thế, đức tin phải đi đôi với đức mến hay dẫn tới đức mến mới là đức tin đích thật. Niềm tin không dẫn tới tình yêu, thật ra, chỉ là niềm tin giả tạo, tương tự như «đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2,17.26). Như vậy, một Kitô hữu có đầu óc bè phái, muốn độc quyền được cứu rỗi, nghĩa là muốn loại trừ những Kitô hữu khác giáo phái mình, không muốn họ hưởng hạnh phúc đời đời, thì Kitô hữu ấy rõ ràng là thiếu tình thương. Mà thiếu tình thương thì làm sao vào thiên đàng được?

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin cho con một đức tin đích thực nơi Cha và nơi Đức Giêsu. Đức tin đích thực tự bản chất phải bao hàm tình yêu ở bên trong. Không bao hàm tình yêu, đức tin đó chỉ là đức tin giả tạo, là nguồn phát sinh óc bè phái, óc độc quyền, cũng là nguồn phát sinh nên bao cuộc chiến tranh tôn giáo trên thế giới. Xin ban cho con tình yêu đối với mọi người chung quanh con, đặc biệt đối với tất cả những ai tin theo Đức Giêsu, như dấu chỉ đặc trưng cho người môn đệ đích thực của Ngài.

------------------------------------

 

TN 26-B2. Một chọn lựa khó nuốt - Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

 

Con người sinh ra và lớn lên vẫn muốn cho mình được nhiều đặc lợi, đặc quyền. Một lối sống đầy: TN 26-B2


Con người sinh ra và lớn lên vẫn muốn cho mình được nhiều đặc lợi, đặc quyền. Một lối sống đầy đủ, thoải mái, hạnh phúc ai cũng muốn có được. Đã có một lối sống tốt với nhiều quyền lợi, con người ít muốn để luột mất. Vì thế, bảo vệ các đặc quyền, đặc lợi là một khuynh hướng chúng ta có thể gặp thấy nơi chính những con người được Chúa tuyển chọn. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó.

VẪN LÀ TÍNH BẢO THỦ CỦA CON NGƯỜI:

Con người thường muốn kéo người này người kia vào phe nhóm của mình. Đã là nhóm, là phe, con người thường muốn giữ cho mình cái gì riêng biệt và muốn cho mình cái quyền hơn người khác mà nếu một con người nào đó không thuộc phe của mình họ không được cái quyền như mình.

Ở đây ta có thể thấy nơi bài đọc I tức là thời Cựu Ước, Gioduê, tùy tùng của Môsê đã muốn dành cho mình cái quyền nói ngôn sứ cho một số người và quyền này, Giôduê đã không muốn cho bất cứ người nào ngoài phe ông, nghĩa là không thuộc nhóm ông được có quyền này. Thời Chúa Giêsu, các môn đệ thuộc nhóm 12 cũng không khá hơn Gioduê là bao, các môn đệ đã ngăn cấm bất cứ người nào không thuộc nhóm 12 nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỉ. Các môn đệ của Chúa, cũng như Gioduê thời xưa, đã để lộ chân tướng thiển cận, cái nhìn hẹp hòi, cục bộ và bảo thủ về quyền năng Chúa ban cho các ông. Gioduê và các môn đệ cứ tưởng rằng chỉ có mình có quyền nói ngôn sứ hay quyền nhân danh Chúa mà trừ quỉ vì các ông thuộc nhóm 12 và được tuyển chọn. Các môn đệ đã làm cho Chúa bị che mờ và làm cho Chúa bị giới hạn trong phe nhóm 12, nghĩa là những người được chính Chúa Giêsu tuyển chọn... Nói ngôn sứ là do Chúa ban và trừ quỉ là nhân danh Chúa mà trừ, chứ không phải tự ý các ông làm được việc đó. Nên, sống cục bộ trong phe nhóm, trong cộng đoàn là tự đặt mình tiếm đoạt vinh quang và quyền năng của Chúa.

CÁI NHÌN THỰC TẾ CỦA CHÚA GIÊSU:

Chúa Giêsu không muốn con người, hay các môn đệ của Ngài đóng khung Ngài, đóng chốt quyền năng của Ngài trong nhóm này, nhóm kia, trong cộng đoàn này, cộng đoàn nọ. Chúa cũng không muốn bất cứ ai nhân danh Ngài để chiếm đoạt quyền năng của Ngài làm riêng của mình. Môn đệ có thể trừ quỉ được là do quyền năng của Chúa ban cho, chứ không phải vì họ thuộc nhóm 12 và được Chúa tuyển chọn. Chúa đưa các tông đồ trở về với thực tế và sự thật: “Không ai nhân danh Ta làm phép lạ rồi lại nói xấu Ta”. Sở dĩ con người hay môn đệ có làm được gì hay làm được phép lạ là do họ tin vào quyền năng của Thiên Chúa, được thi thố ra nơi người Con của Ngài là Đức Giêsu, Đấng chiến thắng ma quỉ tà thần, satan, sự dữ, tin vào Chúa Giêsu, tin vào sứ mạng cứu thế của Chúa. Như vậy con người có làm được gì là do tin vào Chúa Giêsu và tin vào quyền năng của Ngài... Các môn đệ của Chúa có là gì, có làm được gì là do họ thuộc về Chúa và tin vào Ngài. Như thế, làm được gì: trừ quỉ, làm phép lạ là do Chúa, chứ không phải tự ý con người hay tự con người mang một cái nhãn hiệu nào đó, rồi tự nhãn hiệu ấy giúp con người có thể làm được việc này việc kia.

QUAN NIỆM CỦA CHÚA GIÊSU:

Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ bài học đích đáng, bài học đó cũng là gương cho nhân loại ở muôn thời. Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thân tín của Ngài hiểu rằng tự sức mình, tự con người mình, các môn đệ không thể làm được gì. Cái nhìn này cũng giống quan niệm của người Việt Nam: “Không thầy đó mày làm nên”. Chúa Giêsu muốn vạch cho các môn đệ thấy phải tin vào Chúa, phải tin vào Danh của Ngài, lòng tin sẽ giúp các ông thắng vượt và làm được nhiều việc cao cả kể cả phép lạ và trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ rằng đừng quá bảo thủ, cục bộ: lo bảo vệ đặc quyền, đặc lợi, bảo tồn những nét riêng biệt của nhóm, của phe mà loại trừ kẻ khác dẫu cho họ cũng tin vào Chúa và nhân danh Chúa. Những người này cũng phải được trân trọng, kính nể: “làm phước cho ai dù chỉ cho họ uống một ly nước lạnh, tiếp đón, cho khách đỗ nhờ cũng đáng được trọng thưởng và làm cớ vấp phạm cho một em nhỏ cũng đáng bị trừng phạt, xô ngã”. Chúa muốn chỉ ra rằng Giáo Hội của Ngài do Ngài thiết lập luôn tồn tại vì có Chúa Thánh Thần ở cùng: “Giáo Hội Chúa là Giáo Hội duy nhất, thánh thiện và tông truyền”, nên Hội Thánh không được tự đóng khung và loại trừ những ai không thuộc tổ chức của mình. Ơn cứu độ được trao ban cho mọi người nơi thập giá của Chúa Giêsu. Tin vào Chúa và nhân danh Chúa để phục vụ là tin nhận chính Đức Giêsu Kitô đang điều khiển Giáo Hội và chính Ngài đang tiếp tục làm phép lạ, xua trừ ma quỉ, xua trừ satan, sự dữ để mang lại hạnh phúc và an bình cho mọi người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn tin nhận Chúa là Đấng quyền năng và hay chạnh lòng thương xót.

GỢI Ý CHIA SẺ

1. Bạn hiểu sao về câu nói của Đức Giêsu: "Ai không chống đối chúng là ủng hộ chúng ta"
2. Bạn có tự đóng khung Giáo Hội không?

------------------------------------

 

TN 26-B3. CỘNG TÁC TRONG VIỆC LÀM SÁNG DANH CHÚA


  - Lm Trần Bình Trọng

 

Bất cứ khi nào ta bận tâm so sánh mình với người khác, ta thường nảy sinh ra những cảm giác: TN 26-B3


Bất cứ khi nào ta bận tâm so sánh mình với người khác, ta thường nảy sinh ra những cảm giác ghen tị. Phụng vụ lời Chúa hôm nay dạy ta phải vui mừng khi thấy có người làm việc thiện hảo và cộng tác với người khác trong việc làm sánh danh Chúa. Ta thấy trong bài trích sách Dân số, ông Gio-su-ê đã hiểu lầm khi thấy ông Môi-sen thông đạt thần trí của Thiên Chúa đến với người khác. Việc đó đã gây thắc mắc cho ông Gio-su-ê. Ông Gio-su-ê lo lắng là có quá nhiều người được ơn tiên tri. Môi-sen khuyên Gio-su-ê đừng quan tâm, vì càng nhiều người nói tiên tri, càng làm sáng danh Thiên Chúa.

Đến lượt thánh Gio-an tông đồ cũng hiểu lầm về việc Chúa Giê-su ban tặng quyền năng cho người nghe. Ông Gio-an sinh ghen tuông vì có người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh Chúa để trừ quỉ. Ông Gio-an có ý nói, có người nào khác cũng đã hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Và ông tưởng đó là sai, và không được phép vì người đó không thuộc nhóm các tông đồ. Chúa bảo Gio-an là: Ai không chống lại các con là ủng hộ các con (Mc 9:40). Chúa không nói là người đó không cần tìm kiếm sự hiệp nhất với các tông đồ. Chúa chỉ bảo ông Gio-an phải vui mừng khi có người làm việc thiện và việc lành, dù người đó không phải trong nhóm, hay mình không thích người đó.

Theo lời Chúa dạy trong Thánh kinh hôm nay, thì ta cần cộng tác với những người có thiện chí và thiện ý trong việc làm giảm bớt nỗi thống khổ của nhân loại, làm tăng phẩm giá con người, và làm việc cổ võ công bình bác ái. Cộng tác với người khác, với các hội đoàn trong việc bác ái xã hội, không có nghĩa là ta phải nhượng bộ những điều ta tin tưởng về đạo giáo. Trái lại ta phải giữ vững lập trường về đức tin truyền thống công giáo. Nếu Chúa dạy ta phải vui mừng với người làm việc thiện và cộng tác với họ, thì Chúa cũng bảo ta phải xa tránh sự dữ và gương xấu. Chúa dặn bảo ta không được làm cớ vấp phạm cho người khác, không làm gương mù gương xấu, nhất là cho người yếu đức tin. Chúa bảo ai làm cớ vấp phạm cho người yếu đức tin thì đáng trách phạt. Nếu Chúa bảo ta phải cộng tác và cổ võ công việc thiện hảo, thì Người cũng bảo ta phải tẩy chay việc dữ, tẩy chay những tệ đoan, những bất công trong xã hội loài người. Nếu sự việc ta làm, sự vật ta có, nếu chi thể ta gây dịp tội, gây nguy hại cho đức tin, cho sự cứu rỗi, Chúa bảo ta phải kiểm soát và canh chừng, phải làm chủ chính mình và làm chủ tình thế, chứ không để mình làm nô lệ cho dục vọng và ham muốn.

Như vậy nếu truyền hình phim ảnh, sách báo có thể làm sa đoạ đời sống tinh thần, làm suy giảm đức tin, làm cản trở mối liên hệ với Chúa, và làm nguy hại cho phần rỗi linh hồn, người ta phải kiểm soát. Ta có thể cảm thấy khó tin lời Chúa, bởi vì đường lối của Chúa khác với đường lối loài người, và những giá trị siêu nhiên khác với những giá trị trần thế. Tuy nhiên lời Chúa vẫn là sự thật, và lời Chúa là lời ban sự sống. Chúa đến để làm đảo lộn những giá trị của loài người. Trong cái bậc thang giá trị thì những giá trị vật chất phải nhường chỗ cho những giá trị tinh thần, và những giá trị tinh thần phải nhường chỗ cho những giá trị thiệng liêng. Khi ta đặt đúng mức độ ưu tiên cho cái bậc thang giá trị, ta sẽ cảm nghiệm được phần thưởng mà Chúa dành để cho ta ngay tại đời này.

------------------------------------

 

TN 26-B4. TINH THẦN CỞI MỞ – Lm. VIKINI

 

Tin mừng kể: “Một người không theo chúng ta, nhưng lại nhân danh Thầy mà trừ quỷ”. Người: TN 26-B4


Tin mừng kể: “Một người không theo chúng ta, nhưng lại nhân danh Thầy mà trừ quỷ”. Người đó bề ngoài không đi theo Chúa như các môn đệ, nhưng chắc chắn bên trong, tâm trí ông đã tin theo Chúa rồi. Ông có tin Chúa là Đấng quyền phép hơn ma quỷ, ông mới nhân danh Chúa, mới tin cậy danh Chúa mà đuổi quỷ. Ông vừa có đức tin, vừa có lòng bác ái thương cứu giúp kẻ bị quỷ hành hạ.

Thời trước, cứ đến tối 30 tết, các cụ đạo đức nhất gia đình, đến nhà thờ xin nước thánh về rảy khắp các gia đình con cháu. Các cụ xin nước thánh của Chúa có sức đuổi ma quỷ để sang năm mới, mọi gia đình con cháu được thoát khỏi mọi ám ảnh sự dữ của ma quỷ hãm hại. Năm mới được mọi sự nên mới, nên tốt đẹp, cả hồn an xác mạnh.

Phong tục Việt Nam xưa, trước khi bước sang năm mới, nhà nào cũng trồng cây nêu thật cao và thẳng vút, dưới sân vẽ những mũi tên bắn đi tứ phương để xua đuổi ma quỷ ngay từ những ngày đầu năm mới, mong được mọi sự an lành suốt năm, phải chăng đó là cách tham gia vào công cuộc xua trừ quỷ dữ của Đức Giêsu ? Họ tin có quỷ hãm hại con người. Họ quyết tâm trừ khử chúng, coi chúng là nguyên nhân gây ra tội ác và tai họa. Chúng gieo rắc tội lỗi xấu xa cho con người.

Họ đã thực hiện công cuộc như Đức Giêsu đã thực hiện là giải thoát con người khỏi ách nô lệ của quỷ dữ, khỏi mọi ảnh hưởng của quỷ xấu xa để con người được sống an lành, tốt đẹp trong ánh sáng chí thiện, chí mỹ là Thiên Chúa.

Mục đích việc trừ quỷ của họ rất hợp với mục đích cứu thế của Đức Giêsu. Người đến thế gian để cứu loài người thoát vòng nô lệ ma quỷ, để trở về làm con Thiên Chúa. Vì thế, trong bí tích Rửa tội, Linh mục hỏi kẻ sắp chịu phép Rửa tội: “Để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, anh chị em có từ bỏ ma quỷ, là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi không ? Họ trừ khử ma quỷ là họ muốn sống trong tự do của con cái tốt lành, tức là con cái Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng, những ai tốt lành đều là con cái Thiên Chúa. Như vậy, việc trừ quỷ của “người không theo chúng ta” xét về mục đích và thiện tâm thiện chí, thì tự căn bản nền tảng, họ đã theo Chúa thực sự rồi. Cho nên, họ đáng được Thiên Chúa chúc phúc bình an và cứu độ, như các thiên thần đã hát khi Chúa giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Họ chỉ khác chúng ta là họ chưa được nhận những nghi thức bên ngoài như chúng ta. Chúng ta trừ quỷ thì đọc lời Chúa, dùng nước thánh, tuyên xưng đức tin rõ ràng bằng lời nói và chịu phép rửa nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Còn họ, họ diễn tả theo cách thức dùng cây nêu, mũi tên là dấu chỉ như một quyền phép siêu phàm mạnh mẽ hơn quỷ để trừ quỷ, nhờ một Đấng tốt lành để bảo vệ họ mà xua đuổi những loại xấu xa, độc hại. Như vậy, họ chỉ khác chúng ta về phương diện dụng cụ diễn tả bên ngoài, chúng là những dấu chỉ phụ thuộc để diễn tả điều căn bản nền tảng bên trong.

Bí tích của đạo Chúa cũng là dấu chỉ bên ngoài chỉ những mầu nhiệm huyền bí thiêng liêng bên trong. Đức Giêsu đã dùng rất nhiều những dấu chỉ của trần thế để diễn tả những mầu nhiệm nước Trời như thế. Người đã dùng những hình ảnh sinh hoạt, văn hóa hay thiên nhiên, hữu hình để diễn tả mầu nhiệm nước Trời vô hình, như: men, muối, ánh sáng, hạt cải, cỏ lùng, người gieo giống, người quản lý, nén bạc, tiệc cưới hoàng tử, chàng rể, các cô phù dâu … nhất là Người đã dùng thân xác phàm trần của Người cũng như thập giá, và lưỡi đòng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa yêu thương loài người. Đó là cách hội nhập văn hóa, là tinh thần cởi mở đại kết của Đức Giêsu, biết trân trọng những giá trị trần thế, những giá trị khác biệt chúng ta. Nhưng những giá trị ấy cũng thực là những giá trị Thiên Chúa đã dựng nên. Chính vì thế, Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta làm gì. Vì không có ai nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

Họ trừ quỷ là họ đã thực sự nhân danh Đức Giêsu, họ đã tích cực ủng hộ công cuộc cứu thế của Người. Sao lại ngăn cản họ ? Sao không đón rước họ vào hàng môn đệ của Đức Giêsu ? Nhiều khi chúng ta ăn phải đũa của Pharisiêu quá lệ thuộc vào nghi thức bên ngoài, mà lòng thì xa Thiên Chúa, ngăn cản họ, coi chừng chúng ta ngăn cản Thánh Linh, vì “Thánh Linh muốn thổi đâu thì thổi”. Họ có thể đã được rửa trong Thánh Thần. Họ là những Giakêu, đã tìm cách nhìn thấy Đức Giêsu. Họ là những sĩ quan La mã đã đến xin Người cứu chữa đầy tớ, là những người Samari nhân hậu đã được Đức Giêsu khen ngợi và nêu gương cho chúng ta. Họ là gia đình viên thái giám, người Thêôphi, là những gia đình Cornêliô (Cvtd. 8, 26-40 và 10, 1-48). Họ cũng có thể là “Người đã cho anh em một ly rước vì lẽ anh em là người của Đức Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu ?”. Còn chúng ta, hãy coi chừng, rất có thể chúng ta làm cho một trong những tín hữu bé mọn này phạm tội, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ mà quăng xuống biển còn hơn. Hãy coi chừng tay, chân, mắt, mũi, miệng lưỡi chúng ta đừng để ma quỷ xúi giục làm gương mù gương xấu cho kẻ khác, kẻo sẽ bị ném vào lửa hỏa ngục, là nơi dòi bọ rúc rỉa người ta và lửa không hề tắt.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được tâm hồn quảng đại cầu nguyện như Môisen: “Phải xin Chúa ban Thánh Thần trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ. Xin cho chúng con biết bước vào nhà chư dân như thánh Phêrô đã bước vào gia đình Cornêliô để tất cả đều được lãnh nhận Thánh Thần. Amen.

------------------------------------

 

TN 26-B5. Làm Cớ Sa Ngã

 

Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu. Gương xấu lan nhanh nhờ các phương: TN 26-B5


Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu.

Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông, tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi.

Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu, khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng.

Đức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ này: "... thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn."

Có thể chúng ta đã ít nhiều gây gương xấu. Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin. Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng. Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu.

Có biết bao duyên cớ đẩy đưa một người sa ngã. Nhiều khi chúng ta, vì vô tình hay thiếu khôn ngoan, không biết hạn chế tự do của mình, nên đã làm tổn thương lương tâm của những người yếu đuối.

 Tôi có thể gây dịp tội khiến anh em tôi sa ngã, nhưng chính thân xác tôi lại có thể là dịp tội cho tôi.

Đức Giêsu đòi ta chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội.

Hội Thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen (nếu thế thì khó mà có một Kitô hữu lành lặn!). Nhưng chúng ta lại không được coi thường tính chất mạnh mẽ và quyết liệt của đòi buộc này.

Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên nếu thấy có người dám chịu cắt bỏ một phần thân thể hầu cứu lấy sinh mạng của mình.

Người khôn là người dám từ bỏ một điều quý để giữ lại một điều quý hơn.

Chỉ ai coi cuộc sống vĩnh cửu là điều quý nhất, người ấy mới dám hy sinh mắt và tay chân, những gì vốn là tốt, nhưng nay lại thành vật cản trở.

Có bao điều thiết thân, gắn liền với đời ta, nhưng nay đã trở thành vật cản trở. Cả những điều ấy, ta cũng phải cắt đứt, đoạn tuyệt.

Chấp nhận đoạn tuyệt là chấp nhận đớn đau. Bỏ một tật xấu, một thói quen, một kế hoạch có khi còn đau hơn móc mắt hay chặt tay.

Nếu chúng ta can đảm thắng vượt nỗi đau, chúng ta sẽ được tự do thanh thoát.

Nếu cần một cuộc giải phẫu cho linh hồn. Giải phẫu không phải chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế: thay ước muốn nơi trái tim, thay lối nghĩ nơi bộ óc, thay cái nhìn nơi đôi mắt, thay cách hành động nơi tay.

Đức Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn.

Để vươn tới Tuyệt Đối thì cần hy sinh cái tương đối.

Ước gì chúng ta ra khỏi thái độ lấp lửng, nửa vời, và dứt khoát chọn Thiên Chúa là Tuyệt Đối.

Gợi Ý Chia Sẻ

Theo ý bạn, đâu là những gương xấu mà giới trẻ hôm nay chịu ảnh hưởng (nơi gia đình, trường học, giáo xứ, xã hội)? Những gương xấu đó đã tác hại thế nào trên giới trẻ?

Bạn có kinh nghiệm gì về việc "chặt bỏ" một tật xấu, một thói quen, hay việc "cắt đứt" một liên hệ nguy hiểm? Bạn có thành công không?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.

------------------------------------

 

TN 26-B6. Bắt Ông Ấy Chịu Trách Nhiệm

 

William Porter một nhà văn nổi tiếng, bút hiệu là O. Henry, viết về một em bé gái mồ côi mẹ: TN 26-B6 FB


William Porter một nhà văn nổi tiếng, bút hiệu là O. Henry, viết về một em bé gái mồ côi mẹ từ hồi còn bé. Bé gái này thường hay ở nhà và ngóng chờ ông bố đi làm về để có thể ngồi lên trên đùi bố để hưởng chút tình cha con.

Nhưng thương thay, mỗi buổi tối sau khi người cha làm các công việc ông vẫn thường làm là ăn, rồi đọc báo, hút xì gà, rồi đi ngủ.

Khi người con gái nhỏ của ông đến gần thì ông thường bảo: "Con không thấy cha mệt sao? Con hãy ra ngoài tìm bạn mà chơi."

Người con gái thấy cha bảo vậy thì cũng ra ngoài đường để tìm bạn chơi và nó cố gắng nhí nhảnh bao nhiêu có thể.

Chuyện không may đã xảy ra. Sau khi đứa con gái đó lớn lên, cô bắt đầu đi tìm những mối tình cảm từ bất cứ ai trao tặng. Cô đã trở thành một cô gái điếm.

Một ngày nọ, cô gái điếm đó chết đi và tiến về cửa thiên đàng. Thánh Phêrô thấy vậy liền nói với Chúa Giêsu: "Nó là một đứa tội lỗi, Chúa ơi. Nó là một cô gái điếm. Nó chỉ có thể đến một nơi thôi!"

Tiếp đến là khúc cuối của câu truyện gây cho khán giả ngạc nhiên. Chúa Giêsu quay sang bảo Thánh Phêrô rằng: "Con hãy mở cửa thiên đàng cho cô ấy vào đi. Khi người cha của cô ấy đến đây, con hãy bắt ông ấy chịu trách nhiệm."

**********

Thiên Chúa rất nhân từ đối với những kẻ lầm lạc mà không do lỗi của họ. Nhưng Thiên Chúa sẽ yêu cầu những kẻ nào làm cho người khác bị lầm lạc phải chịu trách nhiệm.

Chúng ta có thể thêm vào rằng: cách chúng ta làm cho kẻ khác lầm lạc thường không phải là chúng ta đã làm gì, nhưng thường là chúng ta đã không làm điều gì cho họ.

Cách đây vài năm, trong cuốn 'Reader's Digest' có đăng tải một bài báo của Jane Lindstrom. Bài báo này có tên là "Làm Sao Bạn Biết Nếu Tôi Không Nói?": "Các trẻ em thèm muốn sự yêu thương từ nơi cha mẹ. Nếu tình yêu bị khóa lại trong trái tim chúng ta, nó không thể tới các em được. Nó cũng giống như là một lá thư đã viết, mà không đem đi gởi. Nhưng nếu những đứa trẻ được tình yêu bảo đảm, chúng sẽ nghe được những lời nói của chúng ta: con ngoan của mẹ Cha. Mẹ cha rất lấy làm hãnh diện về con. Cha mẹ hết sức lấy làm vinh dự có một người con như con."

Nếu chúng ta từ chối không bày tỏ tình thương, chúng ta có thể làm cho người mình thương đi vào con đường lầm lạc. Và Thiên Chúa sẽ bắt chúng ta phải chịu trách nhiệm,  như trong trường hợp câu truyện của O. Henry.

Bài Phúc Âm hôm nay kêu gọi chúng ta tự vấn mình câu hỏi quan trọng. Chúng ta có làm gì, hoặc không làm gì, để có thể gây cho người khác đi vào con đường lầm lạc? Hoặc là chúng ta đã quá lo lắng cho những sự đau thương và lo nghĩ riêng mà bỏ đi những cách biểu lộ tình yêu với những người chúng ta quí mến?

------------------------------------

 

TN 26-B7. SỐNG LỜI CHÚA - GHEN TỨC

 

Qua phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta ghi nhận hai nhân vật, đó là Giôsuê và Gioan: TN 26-B7


Qua phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta ghi nhận hai nhân vật, đó là Giôsuê và Gioan. Cả hai nhân vật này đều có chung một thái độ, đáng cho chúng ta suy nghĩ, đó là lòng ghen tức.

Nhân vật thứ nhất là Giôsuê. Ông đã được Maisen tuyển chọn, đặt đứng đầu quân đội, để dẫn đưa dân Do Thái băng qua sa mạc cát nóng, cũng như vượt qua sông Giócđan, tiến vào miền đất hứa, chiếm lại phần lãnh thổ của cha ông ngày trước. Thế nhưng, Giôsuê đã ghen tức vì hai ông Eđát và Mêđát được ơn nói tiên tri. Bởi đó, Giôsuê đã xin Maisen ngăn cản, nhưng Maisen đã không làm theo lời Giôsuê nài xin.yêu cầu.

Nhân vật thứ hai là Gioan. Ông là vị tông đồ trẻ tuổi và được Chúa Giêsu yêu mến. Thế nhưng, khi nhìn thấy những người khác nhân danh Chúa Giêsu, Thày mình, mà trừ quỉ, có lẽ Gioan cũng đã có một chút ghen tức và đã ngăn cấm họ, hầu bản thân mình và phe nhóm của mình được độc quyền. Và như chúng ta đã thấy: Chúa Giêsu đã  không chấp nhân quan niệm ấy

Từ thái độ của Giôsuê và của Gioan, chúng ta chúng ta có thể rút ra một định nghĩa: ghen tức là thái độ buồn sầu khi người khác được may mắn và vui mừng khi họ gặp phải rủi ro hay tai ương hoạn nạn. Nếu xét mình, chúng ta sẽ thấy đó chính là phản ứng thường tình của mỗi người chúng ta. Một người bạn thành công, chúng ta cảm thấy bực bội, rồi từ đó chúng ta đi nói hành nói xấu người bạn ấy. Thôi thì đủ mọi chuyện, thượng vàng  hạ cám. Chúng ta ghen tức, nhưng chúng ta đâu có ngờ tới những hậu quả tai hại của nó.

Thực vậy, người có tính ghen tức không bao giờ được hạnh phúc cả. Tôm hồn luôn buồn bực vì thua kém bè bạn vì những sự không đâu. Người bạn có bộ quần áo mới cũng làm cho chúng ta buồn. Người bạn được thiên hạ khen cũng làm cho chúng ta bực. Và nhiều khi thái độ ghen tức của chúng ta sẽ trở thành đề tài cho người khác chê cười. Chẳng hạn có hai ông mù đi ăn xin. Ông này nghe người ta bảo ông kia hát hay thì bực bội lắm. Vào một buổi sáng, ông này nghe thấy tiếng hát của ông kia, liền mon men lại gần rồi cũng gân cổ lên để mà hát. Ông nào cũng hát thật to để cho người đi đường biết rằng mình hát hay. Thế nhưng, ai đi qua cũng đều lắc đầu ngao ngán và nói: rõ thật đồ điên.

Thái độ ghen tức còn có thể dẫn đến những tội lỗi nặng nề khác nữa, chẳng hạn như nói hành nói xấu, bỏ vạ cáo gian, thậm chí đến cả tội giết người. Vì thế, ghen tức đã được liệt vào trong bảy mối tội đầu, là như những căn nguyên sinh ra mọi tội lỗi khác.

Như chúng ta đã biết: Giuse được Giacóp yêu thương khiến cho các người anh ghen tức, nhất là khi Giuse kể lại những giấc mơ của mình. Nào là những bó lúa của các anh vây quanh và sụp lạy bó lúa của Giuse. Nào là mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao sụp lạy Giuse…Từ thài độ ghen tức ấy, những người đã anh tìm cách giết hại Giuse như bỏ Giuse xuống giếng cạn và sau cùng đã bán Giuse cho phường lái buôn Ismaen đang trên đường đi xuống Ai cập. Rồi lấy áo choàng của Giuse nhúng vào máu chiên mà đem về báo cho Giacóp biết là Giuse đã bị thú dữ ăn thịt.

Những người biệt phái cũng đã ghen tức với Chúa Giêsu, nên họ đã cáo gian Chúa trước tòa án Philatô và đã đóng danh Ngài vào thập giál

Để dứt bỏ thái độ ghen tức, chúng ta hãy hòa mình vào nếp sống của người khác: vui niềm vui của họ, buồn nỗi buồn của họ. Hãy bắt chước thánh Gioan Tiền Ho, đã không ghen tức khi thấy ảnh hưởng của mình bị giảm sút, trong khi uy tín của Chúa Giêsu mỗi ngày một gia tăng. Trái lại, ông đã nói:

- Tôi phải nhỏ đi, còn Ngài phải lớn lên. Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Ngài.

Hãy để cho Chúa được lớn lên trong chúng ta. Hãy trở nên như đày tớ phục vụ người khác. Hãy thực thi lời thánh Phaolô trong cuộc sống thường ngày, đó là hãy vui cùng người vui và hãy buồn với người buồn.

------------------------------------

 

TN 26-B8. CSTM / 221- DỊP TỘI

 

Bài Tin Mừng có hai phần và trong mỗi phần Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta một điều quí giá: TN 26-B8


Bài Tin Mừng có hai phần và trong mỗi phần Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta một điều quí giá: Thứ nhất, đừng làm cớ cho người khác vấp phạm. Thứ hai, phải loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho chính mình phạm tội.

Trước khi đưa ra những lời khuyên này, Chúa Giêsu cho biết: Chúa sẽ ghi công và khen thưởng cho những ai giúp đỡ bất cứ cái gì cho môn đệ của Ngài, dù chỉ là một bát nước lã thôi, Ngài cũng không bao giờ quên lòng tốt của họ. Nhưng ngược lại, Ngài cũng không thể làm ngơ khi người nào làm cho một người khác, dù là trẻ nhỏ hay người hèn kém nhất vấp phạm, nghĩa là làm gương mù gương xấu lôi kéo người khác phạm tội, xa Ngài, thì Ngài không bao giờ bỏ qua đâu.

Rồi để cho mọi người ý thức về sự nghiêm trọng của việc ấy, Ngài bảo rằng: “Khốn cho kẻ làm gương mù gương xấu”. Gương mù gương xấu là gì ? Là lời nói hay việc làm gây nên sự thiệt hại cho linh hồn người ta. Gương mù gương xấu ví như hòn đá đặt giữa lối đi làm cho người ta vấp ngã, nên dịp cho người ta phạm tội. Rất là tai hại: không những mình đã phạm tội mà còn làm cho kẻ khác phạm tội nữa.

Trên một chuyến xe lửa, cha Béc-Na Vô-gan gặp một hành khách ăn nói rất tự do và thô tục. Ông ta nói những chuyện đồi bại, lấy làm thích thú và cười khoái trá. Mọi thái độ khôn ngoan và lịch sự nhắc ông ta để ông ta im lặng đều không hiệu quả. Xe đến ga, người hành khách ấy xuống. Cha Vô-gan thò đầu ra cửa xe gọi theo: “Này ông, ông còn quên cái gì đây này”. Người đó vội leo lên toa, nhìn quanh và hỏi: “Quên cái gì đâu ?”. Cha Vô-gan nói với giọng tử tế nhưng cứng rắn: “Ông để lại một ấn tượng xấu cho hành khách trong toa”. Người ấy xấu hổ đi xuống ngay. Đó, ông ta đã xấu lại còn gieo rắc điều xấu cho người khác. Tai hại và nguy hiểm như vậy, nên Chúa Giêsu nói: họ đáng buộc cối đá vào cổ và quăng xuống biển, nghĩa là tội của người ấy nặng lắm và rất đáng trừng phạt. Họ phải chịu trách nhiệm về những tội họ làm cho người khác phạm và những tội chính họ phạm nữa.

Sau khi khuyên dạy không được làm cớ cho người khác vấp phạm, tức là không được làm gương mù gương xấu, Chúa Giêsu lại khuyên phải loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho chính mình phạm tội, vì sẽ mất sự sống đời đời, mất nước Thiên Chúa. Chúa đưa ra một thí dụ để giải thích: mỗi chi thể của con người đều quí giá. Chẳng hạn: tay, chân, mắt. Nhưng nếu phải mất một tay, một chân, một mắt để được sống, thì vẫn phải đáng đánh đổi, nghĩa là khi một phần nào của thân thể bị đau bệnh, không hy vọng chữa khỏi, như bị ung thư chẳng hạn, gây nguy hiểm cho thân thể và đe dọa đến sinh mạng, thì người ta phải giải phẫu, mổ, cắt hoặc cưa phần thân thể đó đi. Làm như thế sẽ bảo toàn được sự sống hay bảo toàn được những phần thân thể khác, đó là chuyện thông thường trong y khoa.

Nếu vậy, khi sự sống cần phải lựa chọn lại chính là sự sống đời đời, thì càng đáng đánh đổi hơn nữa, nghĩa là nếu tay, chân, mắt nên cớ cho mình phạm tội, đe dọa mất sự sống đời đời, thì hãy đánh đổi nó. Nói rõ hơn, khi Chúa nói chặt tay, chặt chân, móc mắt, không có nghĩa là chặt tay, chặt chân hay móc mắt thật, nhưng có nghĩa là phải dứt khoát với dịp tội. Mắt có thể hiểu là cha mẹ, người trên. Tay có thể hiểu là anh chị em, bạn hữu, những kẻ ngang hàng. Nếu cha mẹ hay người trên gây dịp tội cho chúng ta, dẫn chúng ta vào đàng tội lỗi, thì bằng mọi giá, chúng ta phải dứt khoát với những người đó, dù có bị mất lòng. Thà được lòng Thiên Chúa  còn hơn được lòng người thế gian. Cũng vậy, nếu chúng ta biết rằng: giao du với những người bạn đó, lần nào đi chơi với người ấy, chúng ta cũng mắc thêm tội… thì dứt bỏ với dịp tội là chúng ta phải cắt đứt đi mối tình bạn đó, dù có phải xót xa cách mấy. Thà chịu đau khổ trong năm tháng còn hơn phải chịu cực hình ở chốn đời đời.

Bài Tin Mừng này thật là một bài học rất hữu ích. Chúng ta hãy nhớ rằng: mỗi người đều có một phần trách nhiệm trong việc kiến tạo môi trường thần linh ở khu vực mình sống. Bởi đó chúng ta phải tránh tội lỗi và việc xấu gây gương mù gương xấu cho tha nhân. Ngay cả những việc không xấu mà nên cớ cho anh em vấp phạm, chúng ta cũng phải tránh. Cũng thế, tất cả những gì chúng ta có: tiền tài, của cải, chức vị, bạn hữu, thân quyến, nghề nghiệp… đều chỉ là những phương tiện để xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng nếu những thứ đó là căn cớ cho tội lỗi, gây nguy cơ đánh mất nước trời, thì vì Chúa Kitô và vì nước trời, chúng ta hãy sẵn sàng từ bỏ, dù phải hy sinh đắt giá, vì được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích gì ? Xin Chúa cho tất cả chúng ta ghi nhớ và thực hành bài học hôm nay. 

------------------------------------

 

TN 26-B9. PV / 619- LỜI KHUYÊN

 

Tin Mừng nêu ra nhiều điểm rất quan trọng có tính thực hành. Mặc dù những điểm ấy lúc ban: TN 26-B9


Tin Mừng nêu ra nhiều điểm rất quan trọng có tính thực hành. Mặc dù những điểm ấy lúc ban đầu gởi đến các người lãnh đạo trong cộng đoàn nhưng chúng cũng thích hợp với mọi môn đệ của Đức Giêsu.

1. Các Tông đồ đề cập đến một người không lấy tư cách đoàn thể của họ, để chữa lành dân chúng nhân danh Đức Giêsu. Các ông tìm cách ngăn cản người ấy. Tại sao? Bởi vì các ông ganh tị quan hệ đặc biệt của người ấy với Đức Giêsu ( có một ví dụ tương tự trong Bài đọc 1 ). Chúng ta nhớ đến thái độ hẹp hòi của chúng ta đối với các Kitô hữu thuộc các Giáo hội khác trước Công đồng Vaticanô II.

Nhưng Đức Giêsu nói: “ Đừng ngăn cản người ta “. Sự kiện người ấy nhân danh Người có nghĩa là người ấy không chống lại các Tông đồ. Kế đó Đức Giêsu cho họ một bài học về sự cởi mở và lòng khoan dung. Thật vậy, mọi lời cầu nguyện trong thánh lễ, và trong mọi bí tích được cử hành nhân danh Đức Giêsu và quyền năng của Người. Nhưng người Công giáo không độc quyền về Đức Giêsu.

Một số người e ngại các ơn huệ và thành tựu của những người khác. Nếu như họ có một thái độ cởi mở hơn hẳn họ sẽ thấy mình được phong phú thêm thay vì giảm bớt đi bởi những ơn huệ ấy. Người nào khác tôi không thu nhỏ tôi nhưng làm tôi thêm phong phú. Thiên Chúa ban phát những ơn huệ của Người một cách tự do. Trách nhiệm của chúng ta là vui mừng tiếp nhận những ơn huệ ấy dù chúng xuất hiện nơi đâu.

2. Đức Giêsu đã nói rằng ai cho những người bé mọn dù chỉ một chén nước lã sẽ được tưởng thưởng. Một chén nước lã là tượng trưng cho một loại công việc tốt lành nhỏ bé. Ít người trong chúng ta có cơ hội làm những việc lớn. Nhưng cơ hội cho một chén nước có thể đến với chúng ta nhiều lần trong một ngày. Một hành động nhân từ nhỏ bé có thể biến đổi một mùa đông ít nhất thành một khoảnh khắc mùa hè cho một người khác.

Không cần có những hành vi to lớn để có thể giúp đỡ và an ủi con người mà hành vi ấy nhắm đến. Chỉ cần những sự nồng ấm. Mọi hành vi xuất phát từ tâm hồn đều có sự nồng ấm ấy.

3. Sau đó, Đức Giêsu đề cập đến tội gây ra sự vấp ngã – làm cho người khác phạm tội. Người tuyên bố lời cảnh báo nghiêm khắc chống lại những người dẫn những kẻ bé mọn tin vào Người đi lạc lối. Khi chúng ta nghĩ đến những tội ác mà người ta gây ra cho các trẻ em hôm nay, dù là qua sự thờ ơ hay lạm dụng thì lời cảnh cáo của Đức Giêsu chúng ta phải coi là rất quan trọng.

4. Rồi Đức Giêsu nói đến nguyên nhân của tội nằm trong chính chúng ta. Một kẻ thù của con người nằm trong chính con người. Những cơ hội gây ra tội phải bị đoạn tuyệt không chút thương tiếc. Đức Giêsu khuyên người ta phải thực hiện những hy sinh đắt giá nhất để tránh xa tội lỗi, kể cả phải cắt bỏ tay chân hoặc móc mắt mình.

Những lời này không thể được hiểu sống sượng theo nghĩa đen. Đường hướng mà Đức Giêsu muốn đưa ra là người ta phải tránh xa tội nặng bằng bất cứ giá nào. Chúng ta phải sẵn sàng làm bất cứ việc gì có thể làm được để loại trừ điều ác ra khỏi đời sống chúng ta. Mục đích của Người là in sâu vào tâm trí chúng ta không thể nào tẩy xóa được, rằng nước Thiên Chúa đáng cho chúng ta hy sinh mọi thứ khác.

5. Đức Giêsu nói về hỏa ngục và so sánh nó với Ghê-hen-na, Ghê-hen-na là một hẻm núi ở phía nam Giêrusalem. Có một thời, người ta giết các trẻ nhỏ ở đó để tế thần Mô-lốc. Giô-xua đã chấm dứt việc thờ cúng đó, và sau này nơi đó dùng làm nơi đổ rác và xác thú vật. Là một mảnh đất báo điềm gở, nó trở thành biểu tượng cho nơi trừng phạt sau này.

Và lúc nào cũng thế, Lời Đức Giêsu đem lại cho chúng ta nhiều điều để suy nghĩ. Nếu chú ý đến Lời Người, những việc chúng ta làm sẽ trở nên tốt đẹp.

------------------------------------

 

TN 26-B10. PV / 622- TẢNG ĐÁ

 

Ngày nay, người ta sống gần gũi với nhau hơn bao giờ hết. Vì thế, ảnh hưởng giữa con người với: TN 26-B10


Ngày nay, người ta sống gần gũi với nhau hơn bao giờ hết. Vì thế, ảnh hưởng giữa con người với nhau càng lớn hơn. Dù chúng ta có biết điều đó hay không, chúng ta vẫn là  tảng đá gây vấp ngã hoặc viên đá giúp cho người khác vượt qua trên con đường dẫn đến ơn cứu chuộc. Ở đây xin đưa ra một vài thí dụ về việc chúng ta có thể là cố gây ra sa ngã hay tảng đá gây vấp ngã cho người khác.

Bạn là cớ gây vấp ngã cho tôi khi bạn không tử tế hoặc bất công trong cách đối xử với tôi. Bạn làm cho tôi cảm thấy rằng tôi là người xấu.

Bạn là cớ gây vấp ngã cho tôi khi bạn làm tôi bị sỉ nhục chỉ vì tôi không sống theo những gì bạn mong mỏi. Bạn làm tổn thương lòng tự hào của tôi và làm hại hình ảnh mà tôi có về mình.

Bạn là cớ gây vấp ngã cho tôi khi bạn hạ thấp tôi và đẩy tôi ra phía sau. Khi bạn đứng dưới ánh đèn sân khấu, còn tôi buộc phải lùi về làm cái bóng của bạn. Điều này làm tôi cảm thấy mình thấp kém.

Bạn là cớ gây vấp ngã cho tôi khi bạn loại trừ tôi hoặc không biết đến tôi. Bạn làm cho tôi cảm thấy mình là một người xa lạ hoặc một người ở bên lề.

Bạn là cớ gây vấp ngã cho tôi khi bạn luôn phê bình tôi một cách bất công làm tôi chua cay vì sự vô liêm sỉ của bạn. Bạn làm lý tưởng tôi sụp đổ và phá hủy những mơ ước của tôi.

Bạn là cớ gây vấp ngã cho tôi khi bạn trả tiền lương ít ỏi cho tôi (xem Bài đọc 2). Bạn biến tôi thành nô lệ để bạn có thể sống như một ông hoàng. Bạn làm tôi nghèo đi để làm giàu cho bạn.

Nếu bạn làm những điều đó cho tôi, bạn là bóng tối đối với tôi. Bạn là một trở ngại trong đường lối của tôi. Bạn là một cớ gây vấp ngã, một tảng đá làm tôi vấp ngã trên con đường phát triển của bản thân, và bạn làm cho tôi khó đến được Nước Trời.

Nhưng bạn cũng có thể là viên đá vượt qua cho tôi.

Bạn là viên đá vượt qua cho tôi khi bạn nâng đỡ tôi trong những lúc yếu đuối và nghi ngờ.

Bạn là viên đá vượt qua cho tôi khi bạn làm tôi tin vào chính mình, khi tăng thêm niềm tự tin cho tôi.

Bạn là viên đá vượt qua cho tôi khi tôi cảm thấy không đầy đủ, nhưng bạn giúp tôi khám phá các khả năng đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban cho tôi.

Bạn là viên đá vượt qua cho tôi khi bạn đòi hỏi thách đố mà không làm tổn thương tôi, trái lại giúp tôi trưởng thành và phát triển tiềm năng của mình.

Bạn là viên đá vượt qua cho tôi khi bạn chấp nhận tôi, dù những người khác bỏ rơi tôi.

Bạn là viên đá vượt qua cho tôi khi bạn từ chối hùa theo đám đông để ném viên đá buộc tội và phán xét tôi khi tôi phạm tội.

Bạn là viên đá vượt qua cho tôi khi bạn tha thứ cho tôi. Bạn giải thoát cho tôi khỏi quá khứ của tôi, và tôi được tự do để lại tiến bước.

Bạn là viên đá vượt qua cho tôi khi bạn sử dụng tôi và trả lương cho tôi một cách công bằng.

Nếu bạn làm cho tôi bất cứ điều nào như thế, bạn là ánh sáng cho tôi trong bóng tối. Bạn là một  bảng chỉ đường cho tôi trong những lúc nghi ngờ. Bạn là một cái cầu bên trên dòng nước lo âu, bối rối. Bạn làm cho việc vào Nước Trời của tôi được dễ dàng hơn.

Đức Giêsu nói nếu bạn đã cho tôi dù chỉ là một chén nước lã, bạn sẽ được tưởng thưởng về điều đó. Nhưng bạn đã làm nhiều hơn thế. Bạn đã dẫn tôi đến giếng nước của bạn và chia sẻ với tôi.

------------------------------------

 

TN 26-B11. PV / 624- LÊN ÁN

 

Rất nhiều người thán phục và ao ước như người giàu có. Thế mà thánh Giacôbê đã tấn công gay: TN 26-B11


Rất nhiều người thán phục và ao ước như người giàu có. Thế mà thánh Giacôbê đã tấn công gay gắt những người giàu. (Bài đọc 2) Tuy nhiên, không phải vì họ giàu mà bị lên án. Thánh Giacôbê đưa ra hai điểm cơ bản.

Trước hết là sự giàu sang sau cùng không có giá trị gì. Bất cứ tiện nghi và xa hoa nào mà giàu sang đem lại đều tạm bợ; sau cùng, nó là sự hư ảo phù vân. Sự giàu sang không dẫn đến hạnh phúc. Vì thế, đặt hy vọng vào của cải vật chất là điên rồ.

Đây là điều mà đôi khi tất cả chúng ta phải nhớ lại, bởi vì chúng ta sống trong một nền văn hóa nói với chúng ta điều ngược lại. Bằng rất nhiều cách, nền văn hóa ấy nói với chúng ta rằng sở hữu của cải dẫn đến hạnh phúc. Đây là một sứ điệp đầy sự quyến rũ làm hư hỏng nhiều cuộc đời.

Điểm thứ hai mà thánh Giacôbê nêu ra liên quan đến cách mà người ta trở nên giàu có. Trong nhiều trường hợp, được giàu có và giữ sự giàu có lâu dài bao hàm hành động bất công và bóc lột người yếu kém. Ở đây, chúng ta không nói về sự điên rồ mà nói về một điều vừa ác vừa có tội.

Còn hai điểm nữa cũng cần phải nói đến.

Sự giàu có tạo ra một ảnh hưởng trên người sở hữu nó. Mối bận tâm đến những sự vật chất cuốn hút mọi suy nghĩ và ưu tư của người ấy về đời này và loại bỏ đời sau. Hơn thế nữa, sự chiếm hữu còn làm cho một người trở nên kiêu ngạo, tự cao, tự mãn. Giàu có nuôi dưỡng ích kỷ, làm cho tâm hồn người có của thành ra chai cứng. Không ai thấy sự nguy hiểm của những sự vật chất bằng Đức Giêsu.

Sau cùng tất cả những điều đó phải được nhìn trong sự tương phản với một hậu cảnh ở đó hàng triệu người đang sống trong cảnh nghèo nàn và đói khát. Đối với một người có quá nhiều, thì ít nhất có đến mười người có quá ít. Một vài người ăn uống no nê trong lúc nhiều người khác lại rất thiếu thốn. Trong một số nơi trên trái đất những đứa trẻ bị chết trước mắt của mẹ chúng.

Theo một bài báo trong tờ The Tablet (Tháng 12-1996) tài sản của 358 tỉ phú giàu nhất thì tương đương với tài sản của 2,3 tỉ dân nghèo, chiếm 45 /o dân số của thế giới. Có sự bất bình đẳng rất to lớn. Khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo ngày càng xa thêm.

Sự bất bình đẳng ấy là một điều xấu lớn. Nó giải thích sự bất an mà con người ngày nay cảm thấy, một sự bất an mà không chỉ người nghèo nhưng cả người giàu cũng cảm thấy. Nó đòi hỏi một giải pháp kiên quyết. Nhưng phải bắt đầu ở đâu và phải làm gì ? Bước đầu tiên là phải ý thức về nó.

Giàu có là một trách nhiệm. Người ta sẽ bị phán xét bởi hai tiêu chuẩn: họ có được của cải như thế nào và họ sử dụng nó như thế nào ?

------------------------------------

 

TN 26-B12. SCĐ / 688- ÓC GANH TỴ

 

Khi ấy có một số người không thuộc nhóm 12 tông đồ. Họ thấy Đức Giêsu làm nhiều phép lạ: TN 26-B12


Khi ấy có một số người không thuộc nhóm 12 tông đồ. Họ thấy Đức Giêsu làm nhiều phép lạ, rồi họ thấy các tông đồ tuy không phải là Chúa nhưng nhờ danh Chúa mà cũng làm phép lạ được. Thế là họ cũng nhân danh Đức Giêsu và họ cũng làm được một số phép lạ. Thấy vậy, tông đồ Gioan bực tức, đã ngăn cấm họ và báo cáo lại cho Đức Giêsu biết. Gioan tưởng cấm vậy là đúng, bởi vì những người đó không phải tông đồ Chúa cho nên họ không có quyền nhân danh Chúa mà làm phép lạ. Nhưng Đức Giêsu bảo đừng ngăn cấm họ. Và Đức Giêsu còn nói một câu rất hay mà chút nữa chúng ta sẽ suy gẫm, Chúa nói “Ai không chống lại Ta thì thuộc về Ta”.

Qua câu chuyện trên, điều chúng ta nên lưu ý là: cái óc ganh tỵ đã có sẵn trong con người từ thuở rất xa xưa, nó vẫn còn tiếp tục ở trong con người ngay trong thời Tân ước. Nó ở ngay trong những con người vốn là những người thân cận của Chúa, như ông Giôsuê sau này sẽ lãnh đạo dân Chúa tiến vào Đất Hứa, như chính thánh Gioan một tông đồ được Đức Giêsu yêu thương nhất. Đó là óc ganh tỵ bè phái vì danh Chúa. Nói “Oc ganh tỵ bè phái vì danh Chúa “bởi vì ganh tỵ có tới ba cấp bực:

. Cấp thứ nhất là ganh tỵ: đó là thói xấu khiến cho người ta khó chịu bực bội khi thấy người khác cũng làm được một việc hay việc tốt như mình hoặc còn hay hơn, tốt hơn mình nữa.

. Cấp  thứ hai là ganh tỵ bè phái: là ganh tỵ với người không thuộc phe nhóm của mình.

. Cấp thứ ba là ganh tỵ bè phái vì danh Chúa: nghĩa là những người tín hữu Chúa, những người có đạo ganh tỵ với những người không có đạo khi những người không có đạo này làm được những điều hay điều tốt.

Phải nhìn nhận rằng người có đạo thường mang đầu óc tự tôn. Họ lý luận rằng bởi vì Chúa của mình là toàn năng, toàn thiện cho nên đạo của mình phải là đạo tốt nhất, hay nhất. Do đó chỉ có đạo của mình mới có thể làm được những việc hay việc tốt. Khi thấy những người không có đạo dự tính làm điều này điều nọ thì nghĩ thầm rằng chúng nó sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu. Thế nhưng  người ta đã làm việc  thành công, thì khi đó những người có đạo tức bực, tìm cách nói xấu, xuyên tạc để hạ giá thành quả của những người kia vì họ không thuộc đạo của mình. Trong quá khứ, chúng ta đã thấy có những vụ thiên tai bão lụt. Các tổ chức bác ái công giáo đã hết lòng quyên góp cứu trợ. Những người công giáo rất hãnh diện với những cuộc cứu trợ do Giáo Hội Công giáo đứng ra tổ chức. Cũng có những nhóm khác cũng làm việc từ thiện cứu trợ như vậy, nhưng một số người Công giáo tỏ ra nghi ngờ và khinh chê việc làm của những nhóm kia cho rằng họ sẽ chẳng làm tới đâu, có làm được thì cũng mất mát, tham ô tùm lum, phẩm vật cứu trợ không hoàn toàn tới tay các nạn nhân. Đó là một thí dụ về cái óc ganh tỵ bè phái vì danh Chúa.

Nhưng Chúa không chấp nhận như thế đâu. Đức Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc “Ai không chống lại Ta thì phải kể như là thuộc về Ta”. Nguyên tắc này độc đáo vì nó đi ngược lại với nguyên tắc người ta vẫn thường theo từ trước tới giờ. Người ta thường nghĩ “ Ai không theo ta tức là kẻ chống ta”, hoặc “Ai không phải là bạn ta thì là kẻ thù của ta”, hay hơn nữa “Ai làm bạn với kẻ thù ta thì cũng là kẻ thù của ta”. Những nguyên tắc vừa kể biểu lộ một tâm lý tự tôn và độc tôn: chỉ có phe nhóm của mình là hay, loại trừ tất cả những ai không thuộc về phe nhóm mình. Còn nguyên tắc của Đức Giêsu là một nguyên tắc cởi mở, rộng lượng, nới rộng vòng tay hợp tác: tất cả mọi người, miễn là họ không chống lại ta, cho dù người đó không thuộc đạo ta, cũng phải coi là bạn của ta; cũng phải hợp tác với họ.

Giữa xã hội ngày nay, con số những người có đạo chỉ là một con số nhỏ. Nếu những người có đạo cứ khư khư với đầu óc tự tôn và độc tôn thì họ sẽ trở thành lẻ loi, sẽ bị cô lập giữa xã hội. Còn nếu những người có đạo biết thực hành nguyên tắc của Đức Giêsu đề ra thì họ sẽ sống chan hòa với những người khác, sẽ có rất nhiều cơ hội để cùng với những người khác thực hiện biết bao nhiêu điều tốt mà Chúa muốn họ làm.

Vả lại, Chúa đâu phải chỉ muốn cho những người có đạo làm việc tốt, mà Chúa muốn cho mọi người đều làm việc tốt. Chúa cũng đâu có cần những người có đạo chúng ta khi làm được một việc tốt thì phải dán nhãn hiệu đạo lên việc tốt đó, phải ký tên mình lên việc tốt đó. Điều mà Chúa muốn là có những việc tốt đã được làm.

Chúng ta hãy cố gắng sống theo tinh thần Tin Mừng Chúa: đừng ganh tỵ, đừng giữ đầu óc bè phái… nhưng cố gắng sống chan hòa với mọi người, cùng với mọi người thực hiện những điều tốt, những việc làm có ích cho tha nhân, cho xã hội.
:
 

TN 26-B13. SCĐ / 694- GIẢI PHẪU

 

Người ta đồn thổi rằng: An thịt khỉ, nhất là óc khỉ sẽ trị được bệnh phong thấp. Nên họ tìm: TN 26-B13


Người ta đồn thổi rằng: An thịt khỉ, nhất là óc khỉ sẽ trị được bệnh phong thấp. Nên họ tìm cách đánh bẫy khỉ.

Họ lấy trái dừa bổ làm đôi, nhét vào trong đó một trái cam thơm ngon, rồi khoét một lỗ nhỏ vừa bằng nắm tay khỉ, xong cột trái dừa lại như trước. Sau đó đem cột chặt trên cây. Ngửi thấy mùi thơm của cam, khỉ sẽ chạy đến, leo lên cây, thọc tay vào trái dừa, nắm chặt lấy trái cam và lôi ra. Thọc tay vào thì dễ, nhưng rút ra thì không được vì bàn tay khỉ bây giờ đã quá lớn so với lỗ dừa. Có một điều rất trớ trêu, là không bao giờ khỉ chịu buông trái cam ra để bàn tay được tự do. Đã nắm được của ăn rồi thì cứ khư khư giữ lấy. Biết mình bị mắc bẫy nhưng cứ nắm chặt trái cam, dẫy giụa, kêu la chí chóe. Và người thợ săn cứ ung dung đến bắt lấy con khỉ dại khờ đáng thương.

Thế giới chúng ta đang sống có nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, nhiều dịp tội làm chúng ta sa ngã. Ngay chính thân xác chúng ta cũng có thể là những dịp tội, khiến chúng ta lỗi luật Chúa. “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay nó đi”. Kiểu nói “chặt tay, chặt chân, móc mắt” chỉ có ý nói theo nghĩa tượng trưng, để diễn tả các dịp tội mà ta có thể tìm thấy trong chính bản thân mình. Hội thánh không bao giờ đòi hỏi điều này hiểu theo nghĩa đen, nếu cứ áp dụng triệt để theo từng câu từng chữ, thì khó mà tìm được một người Kitô hữu lành lặn. Đức Giêsu chỉ có ý đòi buộc chúng ta phải quyết tâm mạnh mẽ để khử trừ các dịp tội, các cơn cám dỗ, chớ coi thường chúng. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều người dám cắt bỏ một phần thân thể để cứu lấy sinh mạng của mình. “Từ bỏ một điều quí giá để giữ lại một điều quí giá hơn”, đó là lẽ khôn ngoan ở đời. Cuộc sống vĩnh cửu không là điều quí giá đáng cho chúng ta từ bỏ một phần thân thể đã trở nên xấu xa để đổi lấy sao ? Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác, thì cũng cần nhiều cuộc cắt bỏ để cứu lấy linh hồn. Chúng ta có thể “cắt bỏ” một thói hư tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cữ chỉ khinh khi, cắt bỏ một lối sống buông tuồng, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính… Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn “móc con mắt, chặt cánh tay”. Đau vì nó quá thân thiết với cuộc đời chúng ta, đau vì nó quá gắn liền với bản thân chúng ta, vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người chúng ta. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong tư cách làm người, và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Chúa. Ludovic Giraud có viết: “Nỗi đau đối với chúng ta như lưỡi cày đối với mặt đất, nó cày xới nhưng để làm cho đất màu mỡ, cũng như việc cắt tỉa cây cối: làm cây cối nhẹ nhàng, mạnh khỏe và đẩy nhanh những dòng nhựa lên cao”. Có những người mơ ước hy sinh cuộc đời, nhưng lại không dám hy sinh những tật xấu của mình. Tuy nhiên, giải phẫu không chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế các bộ phận hư hỏng. Chúng ta có thể thay trái tim sỏi đá căm hờn bằng trái tim dịu hiền yêu thương. Chúng ta có thể thay bộ óc định kiến hẹp hòi bằng bộ óc thoáng đạt hồn nhiên.

----------------------------

 

TN 26-B14. Hoạt động tông đồ - Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn

 

Trong hai Chúa Nhật vừa qua, Lời Chúa mời gọi chúng ta bước theo con đường thập giá của: TN 26-B14


Trong hai Chúa Nhật vừa qua, Lời Chúa mời gọi chúng ta bước theo con đường thập giá của Đức Kitô. Một con đường xem ra khờ dại trước mắt người đời nhưng lại là một sự khôn ngoan đích thực, đem lại cho từng người chúng ta cuộc sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, sự lựa chọn này không được dừng lại ở một suy nghĩ, một lời nói hay chỉ là một quyết tâm, nhưng cần được thể hiện bằng những việc làm cụ thể ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta. Con đường thập giá đó đòi mỗi người chúng ta không được phép dừng lại nơi những cái thấy trước mắt hay là bản thân mình, nhưng phải qui hướng tất cả mọi việc chúng ta làm, và cả cuộc sống của chúng ta về với Chúa.

Trong tâm tình đó, dựa vào Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại các hoạt động tông đồ của mỗi người kitô hữu chúng ta, dưới hai khía cạnh:

- Hoạt động tông đồ: việc của Thiên Chúa.

- Hoạt động tông đồ: hành vi nhân danh Thiên Chúa.

1. Hoạt động tông đồ: Việc của Chúa:

Trong các hoạt động tông đồ, chúng ta thường nghe một câu nói quen thuộc: “Tôi đang làm việc này, việc nọ hay là dâng cúng vật này, cái nọ cho Chúa”. Khi dùng chữ “làm cho Chúa, hay dâng cho Chúa”, một cách nào đó, chúng ta nghĩ rằng, mọi việc là do công lao của chúng ta, chúng ta làm chủ. Còn Thiên Chúa chỉ là Đấng nhận lãnh sự hào phóng của chúng ta mà thôi.

Đây là một ảo tưởng mà chúng ta rất thường hay vấp phải. Chính Môisen, một người rất gần gũi với Thiên Chúa, đã từng được trực tiếp nói chuyện với Chúa, mặt giáp mặt cách nhãn tiền (x. Ds 12, 6-8). Thế mà ông cũng đã có lần thốt lên: “Sao Người lại làm khổ tôi tớ Người… Phải chăng tôi đã cưu mang tất cả dân này? Phải chăng tôi đã sinh chúng, để Người phải bảo tôi: Hãy bồng lấy nó vào lòng ngươi, như vú nuôi bồng con đỏ mà đem vào đất Ta đã thề hứa cho cha ông chúng?” (Ds 11, 10-12). Khi thốt lên những lời này, phải chăng Môisen đang nghĩ rằng công việc dẫn dân về Đất Hứa và việc chăm sóc dân là việc của ông? Ông đang làm cho Chúa. Do đó, ông than trách và như đang kể công với Chúa.

Môisen cứ nghĩ rằng ông đang làm cho Chúa, mà quên mất rằng: Ông chỉ là dụng cụ, còn chính Thiên Chúa mới là người điều khiển tất cả. Và nếu Thiên Chúa là Chủ, thì Ngài có quyền chọn ông để làm việc của Ngài, đồng thời, Ngài còn có quyền chọn người này hay người khác, dùng hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác để thi hành ý muốn của Ngài. Thiên Chúa đã ban cho Môisen sức mạnh của Ngài, và Ngài cũng có thể lấy sức mạnh đó để ban cho cả những người khác nữa để họ thi hành công việc của Ngài. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua bài sách Đệ Nhị Luật chúng ta vừa nghe: “Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môisen, đồng thời lấy thần trí trong Môisen mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão”. Nhờ thần trí ấy 70 vị bô lão đã nói tiên tri, kể cả hai vị mặc dù có tên trong danh sách, nhưng không có mặt ở đó cũng nói tiên tri. Điều đó cho thấy sự tự do hoàn toàn của Thiên Chúa trong công việc của Ngài. Ngài muốn chọn ai, ở đâu và sai họ làm gì là tuỳ ý muốn của Ngài.

Đồng thời qua đó, một lần nữa chứng tỏ rằng: không phải là chúng ta đang làm cho Chúa, nhưng tất cả các công việc tông đồ là của Chúa.

2. Hoạt động nhân danh Chúa:

Ngay khi thấy có hai người không ở cùng trong lều trại cũng được ơn nói tiên tri, Giosuê đã đề nghị với Môisen: “Hỡi ông Môisen, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Giosuê không thể chấp nhận được việc có những người không cùng nhóm với mình lại có những khả năng, quyền lợi như mình, hay nói thẳng ra, Giosuê đang ganh tị với họ, cho dù họ chẳng làm hại gì ông. Đó cũng là tâm trạng của các tông đồ đối với những người trừ quỷ, nhưng không ở trong nhóm 12 với các ông. Các ông đã thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con thấy có những kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Các tông đồ đã ngăn cản người khác trừ quỷ, không phải vì họ làm việc xấu, nhưng chỉ đơn giản vì những người đó không cùng phe nhóm với các ông. Đây là cũng điều mà tôi và quý ông bà anh chị em vẫn hay vấp phạm. Chúng ta vẫn thường hay ganh tị, thậm chí còn tìm đủ cách để dèm pha, nói xấu người khác khi thấy có người nào khác làm việc tốt hơn chúng ta, thành công hơn chúng ta.

Đức Giêsu đã không đồng ý với suy nghĩ của các tông đồ, Ngài nói rõ với các ông: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy”. Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn các tông đồ hiểu rằng: việc tông đồ là việc của Chúa. Do đó, Ngài có thể sử dụng bất cứ ai để làm việc cho Ngài, chứ không phải chỉ riêng nhóm 12 của các ông. Đồng thời, Ngài cũng cho các ông thấy rõ một chân lý: mọi hoạt động tông đồ đích thực phải là một hành động nhân danh Chúa, và đem lại lợi ích cho cộng đoàn, chứ không phải là nhân danh một cá nhân hay một phe nhóm nào.

Kế đến, vì là việc của Thiên Chúa, nên mọi công tác tông đồ đều có giá trị như nhau. Đức Giêsu khẳng định: “Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Vâng, một ly nước lã thật là nhỏ bé, và chẳng có giá trị gì trước mắt mọi người, nhưng nếu được làm nhân danh Chúa, hay nói cách khác, một việc làm cho dù là tầm thường, nhưng nếu được làm với một tình yêu thì sẽ có một giá trị vô song. Tình yêu chính là “chiếc đũa thần” có sức làm cho những điều tầm thường trở nên phi thường.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy tất cả các việc tông đồ đều phát xuất từ Thiên Chúa và là của Chúa. Do đó, mọi việc tông đồ chúng ta thực hiện đều phải làm nhân danh Ngài. Để thực hiện được điều này, mỗi người chúng ta cần có một tâm hồn khiêm tốn, rộng mở để đón nhận tha nhân với tất cả sự khác biệt của họ. Đồng thời, bản thân mỗi người chúng ta cũng phải biết chia sẻ những gì mình có cho người khác. Chính Đức Giêsu cũng đã thực hiện sự chia sẻ này cho chúng ta, như chúng ta vừa nghe trong câu xướng trước Tin Mừng: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. Việc chia sẻ này của chúng ta cần được bắt đầu bằng việc mở rộng tấm lòng của mình với các anh chị em bất hạnh khác đang sống quanh ta, nếu không những của cải chúng ta tích trữ, đang khi anh chị em chúng ta đang thiếu thốn, chính là lời tố cáo chúng ta trước mặt Thiên Chúa như lời thánh Giacôbê tông đồ: “Hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la… Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi”.

Lắng nghe lời Chúa hôm nay, chớ gì từng người chúng ta ý thức hơn về mọi hoạt động tông đồ của mình. Mỗi người chúng ta đang làm việc của Chúa, chứ không phải đang làm cho Chúa. Từ đó, chúng ta có một cái nhìn tích cực hơn với anh chị em mình, không kết án, hoặc loại trừ bất cứ ai, nhưng luôn nghĩ tốt về người khác, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận mọi người. Amen.

----------------------------

 

TN 26-B15. TỪ BỎ - Lm. Phan Văn Lợi

 

Giáo huấn của Đức Giêsu trong Mc 9,38-48 bàn đến nhiều vấn đề có vẻ rất khác biệt. Câu: TN 26-B15


Giáo huấn của Đức Giêsu trong Mc 9,38-48 bàn đến nhiều vấn đề có vẻ rất khác biệt. Câu Gioan hỏi và lời Người đáp về kẻ trừ quỷ xa lạ với Nhóm Mười Hai làm nên một khối duy nhất (cc.38-40). Nhưng với câu nói về ly nước cho môn đồ (c.41), chúng ta thay đổi đề tài cách đột ngột. Và đoạn văn từ câu 42 đến 48 về gương xấu xem ra lại nhảy sang một chuyện khác nữa. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy một sợi chỉ xuyên suốt trang Tin mừng này. Sợi chỉ đó là "sự từ bỏ" mà Đức Giêsu luôn kêu mời môn đệ thực hiện. Ở đây, Người kêu mời môn đệ trước hết hãy từ bỏ tinh thần bè phái, tiếp đến là từ bỏ những gì có thể làm anh em và chính bản thân mình vấp ngã.

1. Từ bỏ tinh thần bè phái

Đối với Gioan, chỉ nhóm Mười Hai mới có quyền hành động nhân danh Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta". Đức Giêsu lập tức bẻ gãy tính ích kỷ này bằng cách mở rộng tối đa phạm vi đón tiếp: "Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".

Tuy nhiên, nơi Mátthêu, ta đụng phải câu nói: "Ai không đi với tôi là chống lại tôi". Phản ứng khác? Vâng, vì hoàn cảnh khác. Trong Mt 12,30, Đức Giêsu chiến đấu với những kẻ lăng nhục mình. Họ kết án Người thông đồng với quỷ! Người mạnh mẽ phản ứng: Các ông không muốn đi với tôi. Thật rõ ràng, họ đã chủ ý thực hiện sự chọn lựa khủng khiếp nhất mà một con người có thể thực hiện: dầu đã thấy Đức Giêsu, đã nghe Đức Giêsu, họ vẫn chống lại Đức Giêsu.

Trong Máccô (và Luca) thì rất khác: đây là chuyện một con người thiện chí: "Vì đã làm nhiều phép lạ nhân danh Thầy, kẻ ấy không thể là một đối thủ. Anh ta chẳng chống lại chúng ta". Vậy anh ta theo chúng ta à? Nói thế xem ra khá lạc quan đấy! Ở đây chúng ta sẽ luôn chia rẽ thành kitô hữu cởi mở và kitô hữu ngờ vực. Gioan đứng về phe đóng kín: "Tay ấy không thuộc nhóm ta". Phải biết nhìn. Tiếp đón cách mù quáng không phân biệt cũng chẳng tốt hơn khép kín trong một nội bộ kiểu bè phái.

Khi nghĩ đến một số kẻ sẽ kêu danh Người: ("Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?"), Đức Giêsu đã nói cách nặng nề: "Ngày phán xét, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi" (Mt 7,22-23).

Vì sao? Vì họ từng thực hiện cái tách ra khỏi Đức Giêsu hơn cả: cuộc sống giả hình. Họ đã nói rất hay: "Lạy Chúa, lạy Chúa!" Họ đã lão luyện trong các chuyện thiêng thánh, nhưng họ sống một cuộc đời xấu xa: "Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!" (Mt 7,22-23).

Đó là tiêu chuẩn sẽ giúp chúng ta quyết định ai thuộc nhóm mình: không phải tiếng kêu "Lạy Chúa, lạy Chúa!" nhưng là nỗ lực tránh trở thành xấu xa. Tiêu chuẩn rộng rãi chăng? Chắc chắn rồi. Càng rộng rãi vì phải sử dụng nó một cách năng động: xem lúc này đây, con người đó có nỗ lực nên tốt lành không. Nếu thế thì đương sự theo chúng ta dẫu có quá khứ nào chăng nữa. Chớ xua đuổi anh ta vì anh ta hơi ra khỏi các chuẩn mực, không hành đạo bao nhiêu, không chính thống bao nhiêu. Và thậm chí khá xa Đức Kitô, nhưng lại được Người lôi kéo.

Chúng ta có phận sự xem nhóm kitô hữu của mình phải chăng là một hạt nhân thu hút hay một câu lạc bộ khép chặt. Đức Giêsu đã đến quy tụ mọi người. Nếu đóng kín các cửa để nhóm mình vẫn mãi nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ được riêng tư. Nhưng Đức Giêsu có lẽ sẽ chẳng ở đó.

2. Từ bỏ cớ làm sa ngã

Sang phần hai, giọng điệu Đức Giêsu càng trở nên nghiêm trọng, với một chuỗi dài những câu được liên kết bằng từ mấu chốt: "làm cớ sa ngã" (bốn lần)

Trước hết là một lời cảnh cáo nghiêm khắc cho những người dựng lên chướng ngại vật, khiến những "kẻ bé mọn" (tức các tín hữu mà đức tin non yếu) bị vấp ngã. Thánh Phaolô cho ta biết có nhiều loại kitô hữu trong các giáo đoàn và họ ảnh hưởng lên nhau: những người có "hiểu biết" dễ trở thành cơ hội vấp ngã cho những kẻ yếu kém muốn bắt chước họ dù không có hiểu biết như họ (x. 1Cr 8,7-13; 9,22; 10,24-29; Rm 14,1-23). Và thánh Phaolô kết luận: "Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô" (1Cr 8,12). Xác quyết này nhấn mạnh cách khác sự liên đới giữa Đức Giêsu với kẻ nhỏ nhất trong các tín hữu như Mc ghi nhận trong bài Tin mừng. Thành thử tính cách trầm trọng của gương xấu tố giác ở đây phát xuất từ phẩm giá của người tín hữu lu mờ nhất. Và sự nghiêm khắc của Đức Giêsu đủ nói lên lòng kính trọng và mối ưu tư phải dành cho kẻ ấy. Bất hạnh lớn nhất có thể xảy tới cho một người là lôi kéo phạm tội một trong các kẻ nhỏ này: một bất hạnh lớn hơn việc bị xô xuống lòng đại dương với một cối xay lớn cột vào cổ.

Tiếp đến, sự trầm trọng của gương xấu được xác định theo mối nguy nó gây ra cho mỗi người. Bất cứ ai đều có thể tìm thấy trong bản thân một cơ hội gây gương xấu và như thế liều mình đánh mất Sự sống vĩnh cửu. Sự sống này quá quan trọng đến nỗi ta phải chấp nhận hy sinh một phần thân thể nếu cần thiết. Sao chỉ có 3 chi thể (tay, chân, mắt)? Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, là trộm cướp, bạo hành, ước muốn xấu xa (x. Mc 7,21-22)

Để hiểu những lời này của Đức Giêsu, phải lưu ý đến lối nói cụ thể và thường nghịch lý trong cuộc đàm thoại của Người. Thật vô ích khi tìm xem những tội nào mà bàn tay, bàn chân hay con mắt có thể là cơ hội. Vả lại việc cắt bỏ chúng chẳng loại trừ được nguy hiểm đâu. Chúng tượng trưng tất cả các dịp tội mà một kitô hữu có thể tìm thấy trong chính bản thân hay trong tương giao với bên ngoài. Và chúng cho thấy sự trừ tuyệt bị đòi hỏi thật là ghê gớm. Nói thế, Đức Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của "sự sống", của "Vương quốc Thiên Chúa", tiêu chuẩn dứt khoát cho mọi lựa chọn của con người (x. Mc 8,35-37; 10,23-27; Mt 13,44-45).

 Một lần kia, thánh Phanxicô Assidiô ngã bệnh đau bao tử. Một đồ đệ của ngài là anh Giuniphêrô, lo việc y tá, liền trổ tài: chữa bệnh bằng thịt quay. Giuniphêrô bắt được đâu đó một con sáo, đem làm thịt, ướp dầu ôliu rồi nướng thật ngon lành, dâng lên "cha" bề trên. Phanxicô nuốt xong miếng thịt sáo cuối cùng, bỗng thấy ray rứt khôn tả:

- Khốn nạn thật. Chính ta hằng ngày vẫn ra rả khuyên mọi người sống đời nghèo cực, chính ta đã từng đuổi một anh em ra khỏi dòng vì tội ham ăn ham uống, cũng chính ta đã từng từ chối không chấp nhận vào dòng một người khác vì lỗi coi trọng tư sản hơn số phận kẻ nghèo... Thế mà vừa rồi ta lại lén lút xơi nguyên cả một con sáo! Đồ tham ăn! Đồ dối trá! Thật là một gương xấu tầy trời!

Phanxicô gọi một đồ đệ khác là anh Giacôbê đến, bảo lấy sợi dây thắt một cái tròng. Giacôbê nhất nhất vâng lời "đấng thánh". Hai người cùng đi đến đầu thành phố Assidiô thì Phanxicô đút đầu vào tròng, rồi bảo Giacôbê cứ thế dắt đi. Vừa đi, Giacôbê vừa lớn tiếng hô (như Phanxicô đã truyền buộc): "Đây, mời bà con ra mà xem! Đây là người đã yêu cầu bà con nhịn ăn nhịn mặc, sống đơn giản, nghèo cực, nhưng tự mình lại nại cớ đau bao tử để ăn cả một con sáo nướng đây. Mời bà con ra mà xem". Cả một đám trẻ con lũ lượt kéo theo vây xem cảnh người dắt người. (Cây đàn của thánh Phanxicô).

----------------------------

 

TN 26-B16. VÌ HẠNH PHÚC MAI SAU - Lm. Bùi Mạnh Tín

 

Đức Kitô là Đấng rất nhân từ, rộng lượng, luôn sẵn sàng tha thứ và dễ dàng thông cảm với: TN 26-B16


Đức Kitô là Đấng rất nhân từ, rộng lượng, luôn sẵn sàng tha thứ và dễ dàng thông cảm với mọi người. Điều này được minh chứng qua suốt cuộc sống và Tin Mừng Ngài rao giảng. Tuy nhiên, cũng chính trong Tin Mừng, chúng ta thấy các đòi hỏi của các Ngài là thật gắt gao, cứng rắn và quyết liệt. Một số những đòi hỏi đó được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Thân xác và các chi thể nơi con người là món quà vô giá do Thiên Chúa ban tặng. Món quà ấy Thiên Chúa luôn tìm cách che chở duy trì, và con người có bổn phận bảo vệ tốt đa. Tuy nhiên, ở đây Đức Kitô cho thấy rằng, món quà ấy không được ban tặng để phục vụ cho những mục đích bất chính, cũng không chỉ nhắm tới những lợi ích trần gian, mà phải hướng về hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Chính vì thế, nhiều khi con người phải dám chấp nhận những thiệt thòi về thể xác: cắt bỏ một chi thể, chấp nhận một chứng bệnh, và ngay cả việc hy sinh chính mạng sống mình. Chúa xác định rõ ràng: nếu cố gắng bảo vệc các chi thể được lành lặn và đầy đủ mà vì thế đánh mất hạnh phúc mai sau, thì đó là một quyết định sai lầm lớn lao. Ngược lại, vì phải cắt bỏ một vài chi thể hay phải chấp nhận các thiệt thòi trong cuộc sống mà chiếm đoạt được cuộc sống mai sau, thì đó là một chọn lựa khôn ngoan, sáng suốt mà con người phải can đảm thực hiện. Chọn lựa này vừa vì ích lợi của bản thân mỗi người, vừa vì ích lợi của tha nhân. Bởi đó, con người không được xử dụng thân xác mình vào những mục đích bất chính hoặc biến nó thành những phương tiện gây gương xấu cho tha nhân, nhất là cho những người đơn sơ nhỏ bé. Hành động ngược lại ý Chúa, không những chúng ta tự đánh mất hạnh phúc mai sau của chính mình và tha nhân, nhưng còn chà đạp trên món quà vô giá mà Thiên Chúa đã ban tặng.

Trên thực tế, vì bản tính nhân loại yếu đuối, nhu nhược và sống trong những hoàn cảnh phức tạp với nhiều lôi cuốn, lắm khi chúng ta đã đảo lộn giá trị mà Chúa Giêsu đề ra: thay vì dành mọi ưu tiên cho đời sau, chúng ta lại dành cho đời này' thay vì phải hy sinh thân xác để bảo vệ linh hồn, chúng ta lại chấp nhận những thiệt thòi về linh hồn để bảo vệ thân xác... Nhưng cũng may mắn, chính trong những hoàn cảnh phức tạp khó khăn đó, Thiên Chúa luôn đặt trước mắt chúng ta nhiều gương sáng của các thánh, đặc biệt các thánh tử đạo. Các ngài đã sáng suốt can đảm đáp lại đòi hỏi của Chúa Kitô, đám chấp nhận mọi thiệt thòi về thể xác, ngay cả việc thí mạng sống để được hạnh phúc sau này. Khi nhìn vào cuộc sống các ngài, chúng ta hiểu rõ hơn lời tuyên bố của Chúa Giêsu: "Ai tìm cách cứu mạng sống mình thì sẽ mất' ai dám mất mạng sống mình vì Thầy, sẽ tìm lại được nó ở đời sau" (Mt 10:49).

Tiểu sử vua thánh Luy nước Pháp kể rằng: một ngày kia bà Blanche là mẹ Luy gọi con mình đến và nói: "Thà mẹ thấy con chết trước mặt mẹ còn hơn thấy con phạm một tội trọng". Với lời nói của mẹ, Luy đã sống rất thánh thiện, đặc biệt có tinh thần bác ái và luôn lo lắng cho việc hiệp nhất giữa Công giáo Rôma và Hy Lạp. Nhà vua qua đời năm 1270 và được phong thánh năm 1297.

----------------------------

 

TN 26-B17. CÁI GIÁ NGƯỜI MÔN ĐỆ PHẢI TRẢ


Mark Link S.J.

Chủ đề:Người môn đệ phải sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh vì nước trời...

 

Cuốn phim “A man for all seasons” (Người thích ứng mọi mùa) được xây dựng dựa theo cuộc: TN 26-B17


Cuốn phim “A man for all seasons” (Người thích ứng mọi mùa) được xây dựng dựa theo cuộc đời thánh Thomas More.

Khi Kha Luân Bố khám phá ra Mỹ Châu, Thomas More mới là một thiếu niên mười mấy tuổi tại Anh Quốc. Chàng theo học tại Đại học Oxford. Sau khi tốt nghiệp Đại học, chàng dấn thân vào cuộc đời chính trị. Là một viên chức của triều đình, chàng được thăng quan tiến chức rất mau lẹ, năm 1529, vua Henri thứ VIII đã phong chàng lên chức Đại pháp quan của Anh Quốc.

Nhưng thảm kịch đã xảy đến cho Thomas More. Khi vua Henri VIII ly dị với hoàng hậu và tái kết hôn không đúng theo luật lệ. Để chống lại bất cứ ai phản đối cuộc hôn này, Henri ra lệnh cho một số quan chức triều đình ký vào một văn bản tuyên thệ rằng sự tái hôn của ông là hợp pháp. Ông truyền cho các vị chức sắc này  là nếu họ từ chối không chịu ký vào văn bản ấy họ sẽ bị hạ ngục vì tội phản loạn. Và rồi thảm kịch đã xảy ra khi ngài Norfold mang văn bản ấy đến cho Thomas More. Ông này chẳng chịu ký bất chấp biết bao lời thuyết phục khuyên ông thay đổi ý. Cuối cùng, Norfolk không còn kiên nhẫn được nữa, ông nói với bạn:

“Tôi không biết cuộc kết hôn có hợp pháp hay không, nhưng thây kệ nó! Thomas ơi, ông hãy nhìn vào tất cả những kẻ đã ký vào đây ! Ông biết rõ những người này mà! Tại sao ông không thể làm như chúng tôi, nhân danh tình bạn của chúng ta?” Thomas More vẫn từ chối. Ông không muốn tuyên thệ điều gì mà tận thâm tâm ông biết là sai trái. Cuối cùng, Thomas More bị tống giam. Vào ngày 6 tháng 6 năm 1535 ngài đã bị hành hình vì tội phản loạn.

***

Câu chuyện thánh Thomas More làm sáng tỏ lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay: “Nếu tay con làm mất đức tin, hãy chặt nó đi !.... Nếu chân con làm con mất đức tin, hãy chặt phăng nó đi !.... Nếu mắt con làm con mất đức tin, hãy móc nó quẳng đi ! vì thà rằng con bị chột mà vào nước trời hơn là còn toàn vẹn hai mắt mà bị ném vào hoả ngục”.

Chúa Giêsu không bảo chúng ta chặt chân tay, móc mắt, theo nghĩa đen, Ngài chỉ muốn dùng những thành ngữ quen thuộc của thời đại Ngài để nhấn mạnh một điểm quan trọng là:

Các môn đệ Ngài phải sẵn lòng hy sinh tất cả sự gì cần thiết để giữ mình khỏi phạm tội, phải sẵn lòng hy sinh cả những gì quí báu nhất đối với ta để được vào nước trời. Trong trường hợp Thomas More, điều này có nghĩa là hy sinh cả mạng sống mình.

Chúng ta chớ vội nghĩ rằng vì Thomas More là một vị thánh nên ngài đã tự hiến dâng đời sống  một cách dễ dàng. Chúng ta hãy lắng nghe những lời trong lá thư ngài viết cho cô con gái của ngài ít lâu sau khi ngài bị giam, những lời này sẽ cho ta biết cuộc đấu tranh khủng khiếp xảy ra bên trong tâm hồn ngài như thế nào:

“Meg thân yêu, Bố sẽ không bất tín với Chúa, dù bố cảm thấy yếu đuối khi sắp phải đương đầu với nỗi sợ hãi. Bố nhớ lại sự kiện thánh Phêrô bắt đầu chìm xuống nước vì thiếu đức tin, khi thấy gió thổi mạnh, bố sẽ bắt chước ông kêu cầu Chúa Kitô nài xin Chúa giúp đỡ Bố. Bố tin rằng Chúa sẽ đặt đôi tay thánh thiện lên Bố và ngay trong cơn bão biển Chúa sẽ giữ cho bố khỏi bị chìm xuống…  vì thế hỡi con gái yêu của bố, con đừng bối rối âu lo về bất cứ điều gì sẽ xảy đến cho bố trong cuộc sống dương trần này, không điều gì xảy ra ngoài ý Chúa, Bố rất xác tín rằng bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra, thì chắc hẳn đó là điều tốt nhất đấy”.

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta đặt lại câu hỏi này: chúng ta có biết phòng tránh tội lỗi để đạt nước trời không? Chúng ta có biết canh chừng đối với bất cứ điều gì có thể khiến chúng ta đánh mất nước trời không?

Trong một lá thư của mình, một vị thánh danh tiếng người Pháp, Francis de Sales, đã nói về vấn đề cám dỗ và việc canh phòng chống lại tội lỗi như sau;

“Mặc cho quân thù gào thét ở ngoài cửa,
mặc cho nó gõ, nó la, nó gào, nó làm bậy làm bạ.
chúng ta biết chắc rằng nó không thể đi vào nhà trừ khi chúng ta bằng lòng mở cửa cho nó”.

Vậy chúng ta cần tỉnh thức đề phòng tội lỗi. Khi cơn cám dỗ xảy đến Ợ và chắc chắn nó sẽ đến chúng ta hãy nhớ lại những lời thánh Thomas More đã viết cho Meg con gái ngài:

“Bố sẽ nhớ lại sự kiện thánh Phêrô bắt đầu chìm xuống vì thiếu đức tin khi thấy gío mạnh thổi lên, và bố cũng sẽ bắt chước ngài kêu lên với Chúa Kitô và khẩn cầu Ngài giúp đỡ. Bấy giờ bố tin rằng Chúa sẽ đặt tay lên người bố và giữ bố khỏi chìm xuống giữa cơn bão biển”.

Tóm lại, sứ điệp của Chúa Giêsu ẩn chứa trong bài Phúc Âm hôm nay như sau; chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh để tránh tội và để đạt được nước trời. Và chúng ta cũng phải sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh để tránh tội và để đạt được nước trời. Và chúng ta cũng phải sẵn sàng bắt chước Thomas More Người đã hy sinh mạng sống mình vì nước trời.

Chúng ta sẽ kết thúc với những lời rút ra từ bài hát cổ xưa mà Giáo hội thường xử dụng trong Kinh nhật tụng giờ Kinh chiều của một số ngày Chúa Nhật trong năm phục vụ.

“Nghe danh hiệu Giêsu, mọi gối phải quì xuống,

 Mọi miệng lưỡi phải xưng tụng Ngài là Vua vinh quang... Hãy để Ngài ngự trị tâm hồn bạn. Hãy để Ngài chinh phục những gì chưa thánh thiện, những gì chưa đúng. Ước gì bạn biết lên tiếng gọi Ngài trong cơn cám dỗ. Hãy để Ngài che phủ bạn bằng ánh sáng và quyền năng của Ngài. Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang của Cha Ngài, để ngự trị trên trái đất. Ngài là Thiên Chúa cứu độ. Ngài là Đấng Kitô Chủ tế chúng ta”.

--------------------------

 

TN 26-B18. AI KHÔNG CHỐNG LẠI CHÚNG TA LÀ THUẬN VỚI CHÚNG TA


N. Quesson

 

Một ni cô nọ có một tượng Phật bọc vàng, cô quý pho tượng lắm, đi đâu cũng mang theo. Trong: TN 26-B18


Một ni cô nọ có một tượng Phật bọc vàng, cô quý pho tượng lắm, đi đâu cũng mang theo. Trong ngôi chùa cô tu hành có nhiều tượng phật, cô dọn riêng cho pho tượng của mình một bàn thờ đặc biệt. Lúc đốt hương trước tượng phật của mình, ni cô không muốn làn khói hương bay sang các tượng khác, cô xoay trở làm sao cho làn khói hương bay thẳng vào mũi pho tượng vàng của mình. Lâu ngày pho tượng vàng của ni cô vì đón nhận khói hương mỗi ngày nên mũi tượng trở thành đen xì, xấu xí.

Đôi khi lòng nhiệt tình đến mức ích kỷ, cũng trở nên nhỏ mọn khó coi.

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu không hài lòng về thái độ hẹp hòi của các tông đồ. Chúa vừa bảo các ông khiêm tốn, phải nên tôi tớ mọi người, phải phục vụ mọi người, chứ không phải chỉ nói riêng với người đồng đạo, người Công Giáo.

Nhưng các tông đồ chưa thấm nhuần bài học này. Chúng ta thấy chính Gioan, một tông đồ ưu tú của Chúa Giêsu phát biểu; “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con muốn ngăn cấm anh ta, vì anh ta không theo chúng ta”. đọc câu chuyện này có lẽ ai trong chúng ta cũng thấy cái tính hẹp hòi, không thích hợp với tinh thần quảng đại của Chúa Giêsu.

Chúng ta đừng quên rằng trong thực tế ngày nay, tinh thần này vẫn còn tồn tại và đôi khi vẫn bộc lộ trong tư duy cá nhân hay tập thể. Có lúc các tin hữu chúng ta cũng khó chịu khi thấy có người ngoài nhóm chúng ta mà cũng làm được những chuyện tốt đẹp khác thường. Những người không phải kitô hữu mà cũng nhận được ơn Chúa, họ cũng biểu lộ được những đức tính mà người Công giáo ra công gắng sức tập luyện mà chưa đạt tới. Thấy những người ngoài Công giáo sống tốt, biết xả kỷ, vị tha, có người Công giáo đã tỏ ra không ưa, cho rằng những hành vi kia chỉ là vẻ bề ngoài hoặc giả tạo. Còn Chúa Giêsu, Người muốn sửa đổi những suy nghĩ sai lầm ấy. Người cho các tông đồ thấy rõ. Ai không chống lại chúa, là ủng hộ Chúa, và họ cũng có thể sống theo tinh thần Chúa. Chúa có thể ban ơn cho bất cứ ai. Người không bị ràng buộc và một băng nhóm hay một cơ chế nào. Giáo lý và Tin Mừng của Chúa dành cho mọi người, giáo cũng như lương. Ở chỗ khác, Chúa cũng diễn tả vấn đề này bằng kiểu nói khác: “Thần khí như gió, muốn thổi đâu thì thổi” (Ga. 3,8)

Thánh Phêrô đã thấy Thánh Linh xuống trên cả dân ngoại (Cv. 10, 44). Chúa thông suốt mọi sự, Người đã giải thích cho các môn đệ: “Không ai vừa nhân danh thầy làm phép lạ, lại vội nói xấu Thầy”. Nghĩa là có những lúc Chúa tỏ uy quyền của Ngài trên cả những người chưa phải là tín hữu Kitô. Điều đó giúp chúng ta xác quyết rằng những hành động tốt thì luôn luôn do Chúa soi sáng thúc đẩy. Hiểu như thế chúng ta sẽ nhận ra những người thành tâm thiện chí để hợp tác, để đón nhận bạn đồng hành trên đường phục vụ và loan báo Tin Mừng Cứu độ cho mọi người theo gương Chúa và chu toàn ý định của Chúa: “Muốn cho mọi người được cứu và nhận ra chân lý” (1 Tm, 2, 4)

Lạy Chúa, xin giúp con sống quảng đại với mọi người, sẵn sàng hợp tác với những người thành tâm thiện chí để mưu ích cho mọi người. Xin Chúa tỏ quyền năng Chúa trên chúng con và những người đang tìm về với Chúa. Chúng con tạ ơn Ngài.

--------------------------

 

TN 26-B19. CHẶT TAY BẠN ĐI. (RW)


Gm. Arthur Tonne

 

Ngày xửa, ngày xưa, một đoàn thám hiểm từ lục địa Châu Âu đi tìm đất mới. Bạn biết gì về: TN 26-B19


Ngày xửa, ngày xưa, một đoàn thám hiểm từ lục địa Châu Âu đi tìm đất mới. Bạn biết gì về hòn đảo Ireland ngày nay- Nhà lãnh đạo của họ là một người phiêu lưu với số mệnh. Ông tuyên bố: Ai đụng đất đầu tiên, sẽ là chủ toàn thể lãnh thổ. Một người trong nhóm tên là OỴ Feil quyết tâm dành được đất mới. Ông rán sức chèo, nhưng một chiếc thuyền đối thủ rượt theo ông, bắt kịp ông rồi qua mặt ông. Ông có thể làm gì? người đàn ông tinh thần mạnh mẽ, ý chí sắt đá nay buông mái chèo, cầm lấy búa và chặt bàn tay trái liệng lên bờ. Như thế ông là người đầu tiên đụng vào đất mới, và nó là của ông.

Tôi kể câu chuyện đẫm máu và rùng rợn này để giúp chúng ta hiểu được những lời đẫm máu và rùng rợn của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay; “Nếu tay bạn làm cớ cho bạn phạm tội, hãy chặt nó đi. Thà bạn tàn tật mà được vào cõi hằng sống hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục. Chúa Giêsu muốn nói điều chi?”

Người nói rằng những ai theo Người phải sẵn sàng hy sinh những cái gần gũi nhất, thân yêu nhất hơn là bất tuân luật Chúa bởi phạm tội. Cắt tay, chặt chân, hay móc mắt không hiểu theo nghĩa đen. Chúa Giêsu không nói rằng chúng ta phải thật sự chặt tay, chặt chân. Đó chỉ là cách nhấn mạnh của Người và gây ấn tượng mạnh mẽ trên chúng ta, để chúng ta hiểu rằng Nước Thiên Chúa, đất vĩnh cửu của chúng ta muốn đạt được, xứng đáng mọi hy sinh.

Để chiếm được Nước trời, chúng ta phải sẵn sàng làm một vài việc quyết liệt và đau đớn như chặt chân, cắt tay. Với một số người, xa lìa một vài món đồ vật chất cũng có thể đau đớn như cắt một bàn tay. Tuy nhiên Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: Nếu chúng ta cho người đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người không nhà ở trọ; chúng ta sẽ chiếm được nước trời. Chúng ta phải làm một vài hy sinh để nâng đỡ Giáo hội Chúa, công cuộc của Chúa là truyền bá đức tin Cái đó thường cũng đau đớn.

Hy sinh để đẹp lòng Chúa và chiếm đoạt Nước trời có thể cũng đau đớn như cắt một bàn tay. Với một người nghiện rượu, bỏ một chai rượu hay chỉ một ly thôi cũng có thể gây khổ sở cho anh. Nhưng để làm đẹp lòng Chúa, anh phải bỏ.

Chúng ta thích ngủ nướng trên giường vào sáng Chúa nhật hơn là đi lễ. Cố gắng, chiến đấu để vượt thắng tính lười biếng, có thể gây phiền phức, khó chịu ở một mức độ nào đó. Nhưng đó là phương cách để chúng ta chiếm đoạt Nước Thiên Chúa.

Thường dễ ngồi, chăm chú nhìn màn kính truyền hình đến phút chót, hơn là để dành chút thời giờ cầu nguyện hay đọc vài dòng Kinh Thánh, hoặc đọc báo chí công giáo, và ngay cả nói chuyện với người thương.

Hầu chuyện với Chúa là một đặc ân lớn lao, một niềm vui tuyệt diệu nhưng nó đòi hỏi cố gắng cắt bớt một vài việc không quan trọng và gặp gỡ Chúa; Chúa Giêsu đã cố gắng Chúa Giêsu đã hy sinh. Người không chỉ cắt tay, Người hiến cả thân mình, chúng ta tưởng niệm sự dâng hiến đó nơi đây trên bàn thờ này. Hãy xin Chúa Giêsu sức mạnh để từ bỏ chính mình.

Xin Chúa chúc lành bạn.

--------------------------

 

TN 26-B20. ÓC BÈ PHÁI, CỤC BỘ


"Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta"  (Mc 9,40)

Minh họa

- Mille images 138 A

Sợi chỉ đỏ:

- Bài đọc I (Ds 11,25-29): Giôsuê khó chịu khi thấy hai người kỳ mục không đến Lều Thánh mà lại nói tiên tri. Ông bảo Môsê ngăn cấm hai người ấy. Nhưng ông Môsê chẳng những không ngăn cấm mà còn nói: "Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ".

- Tin Mừng (Mc 9,37-42.44.46-47): Gioan thấy có người ngoài nhóm môn đệ mà cũng nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ. Gioan yêu cầu Đức Giêsu ngăn cấm họ. Nhưng Đức Giêsu đáp: "Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".

I. DẪN VÀO THÁNH  LỄ

Anh chị em thân mến

 

Chúa nhật vừa qua, Lời Chúa đã dạy chúng ta đừng ganh ghét đố kỵ. Hôm nay, Lời Chúa lại: TN 26-B20


Chúa nhật vừa qua, Lời Chúa đã dạy chúng ta đừng ganh ghét đố kỵ. Hôm nay, Lời Chúa lại dạy chúng ta đừng có óc bè phái cục bộ, chỉ biết đến nhóm mình, phe mình và loại trừ những người không thuộc phe nhóm của mình.

Đoàn kết trong nội bộ là tốt, nhưng kỳ thị và loại trừ những người khác thì là xấu.

Chúng ta hãy chăm chỉ nghe giáo huấn của Chúa và cố gắng thi hành.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúng con có lỗi vì đã không thích những người không cùng tín ngưỡng với chúng con.

- Chúng con có lỗi vì tạo phe nhóm chống đối nhau.

- Vì họ đạo chúng con chia bè chia cánh, nên đã không là tấm gương tốt cho những người lương.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Ds 11,25-29)

Giôsuê khó chịu khi thấy hai người kỳ mục không đến Lều Thánh mà lại nói tiên tri. Ông bảo Môsê ngăn cấm hai người ấy. Nhưng ông Môsê chẳng những không ngăn cấm mà còn nói: "Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ".

2. Đáp ca (Tv 118)

Tác giả Thánh Vịnh 18 suy nghĩ  "Nào ai thấy rõ các lỗi lầm của mình ?" Từ đó ông khiêm tốn nhìn nhận có những tội mình phạm mà chẳng hay, trong đó có tội kiêu ngạo.

Phối hợp với bài đọc I và bài Tin Mừng, ta có thể thấy cái thứ tội kiêu ngạo ta phạm mà chẳng hay chính là sự đố kỵ với những người không cùng ở trong tập thể của mình: mình ghét họ, mình chống họ nhưng cứ tưởng làm như thế là tốt cho tập thể mình.

3. Tin Mừng (Mc 9,37-42.44.46-47)

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu dạy hai bài học:

a/ Bài học bao dung và hợp tác: Khi thấy một số người không thuộc nhóm 12 mà cũng nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ thì Gioan khó chịu, xin Chúa ngăn cấm. Đức Giêsu chẳng những không cấm họ mà còn sửa dạy các môn đệ mình.

- Người đời thường có óc bè phái: ích kỷ bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phương châm của thế gian là "Ai không theo ta tức là nghịch với ta"

- Đức Giêsu dạy các môn đệ đừng nhìn ai bằng cặp mắt thành kiến đố kỵ, và sẵn sàng hợp tác với tất cả môi người thiện chí. Phương châm Chúa đưa ra là "Ai không chống đối ta tức là ủng hộ ta".

b/ Sự tai hại trầm trọng của việc làm gương xấu gây vấp phạm cho "những kẻ bé mọn".

- "Những kẻ bé mọn" không hẳn là trẻ con, mà còn là những người mà đức tin còn non yếu. Ai gây cớ vấp phạm cho họ thì thà buộc cối đá vào cổ nó rồi xô nó xuống biển còn hơn.

- Ngay cả bản thân mình mà gây cớ vấp phạm cho mình thì mình cũng phải tự khắt khe với mình để diệt trừ nguy hiểm tận gốc: "Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi&"

4. Bài đọc II (Gc 5,1-6) (Chủ đề phụ)

Thánh Giacôbê nặng lời phê phán những người giàu có mà không giúp đỡ những người nghèo: (1) Những tiền bạc của cải mà họ tích trữ không xài tới chính là bằng chứng buộc tội họ ; (2) Tài sản của họ là do gian lận, bất công mà có ; (3) Họ dùng tài sản để thỏa mãn khát vọng khoái lạc và làm hại người công chính.

IV. GỢI Ý GIẢNG

* 1. Óc ganh tị bè phái... vì danh Chúa !

Những bài Sách Thánh mà phụng vụ tuyển đọc trong Thánh Lễ hôm nay đề cập tới một tính xấu, đó là Óc ganh tị bè phái vì danh Chúa. Tính xấu đó như thế nào, chút nữa chúng ta sẽ phân tích. Bây giờ trước hết chúng ta hãy xem lại những bài đọc nói gì.

- Bài đọc I kể một câu chuyện xảy ra từ thời ông Môsê đang dẫn dân Chúa đi lang thang trong sa mạc, nghĩa là lâu lắm rồi, khoảng năm 1250 trước Chúa Giáng sinh, nghĩa là cách nay đến hơn 3000 năm. Khi ấy Chúa bảo Môsê chọn trong dân ra 72 người để Chúa đổ ơn Chúa Thánh Thần xuống trên họ và nhờ đó họ được ơn nói tiên tri. Môsê đã chọn 72 người, Chúa đã ban cho họ ơn nói tiên tri. Nhưng mà có 2 người khác không ở trong danh sách 72 người kia cũng nói tiên tri. Một đứa bé thấy vậy chạy về báo cáo cho Môsê và người phụ tá của ông là Giôsuê hay sự việc. Giôsuê liền đề nghị ông Môsê ra lệnh ngăn cấm 2 người đó, lý do là vì họ không thuộc danh sách 72 người được chọn. Xin nhắc lại rằng câu chuyện này xảy ra từ thời Cựu Ước, cách đây khoảng 3000 năm lận. Nghĩa là từ thuở rất xa xưa, mà người ta đã có tính ganh tị rồi.

- Cái tính xấu này vẫn còn cho tới thời Tân ước. Bài Tin Mừng kể: Khi ấy có một số người không thuộc nhóm 12 tông đồ. Họ thấy Đức Giêsu làm nhiều phép lạ, rồi họ thấy các tông đồ tuy không phải là Chúa nhưng nhờ danh Chúa mà cũng làm phép lạ được. Thế là họ cũng nhân danh Đức Giêsu và họ cũng làm được một số phép lạ. Thấy vậy, tông đồ Gioan bực tức, đã ngăn cấm họ và báo cáo lại cho Đức Giêsu biết. Gioan tưởng cấm như vậy là đúng, bởi vì những người đó không phải là tông đồ Chúa cho nên họ không có quyền nhân danh Chúa mà làm phép lạ. Nhưng Đức Giêsu bảo đừng ngăn cấm họ. Và Đức Giêsu còn nói một câu rất hay mà chút nữa chúng ta sẽ suy gẫm, Chúa nói "Ai không chống lại ta thì thuộc về ta".

Qua hai câu chuyện trên, điều chúng ta nên lưu ý là: cái óc ganh tị đã có sẵn trong con người từ thuở rất xa xưa, nó vẫn còn tiếp tục ở trong con người ngay trong thời Tân ước. Nó ở ngay trong những con người vốn là những người thân cận của Chúa, như Ông Giôsuê sau này sẽ lãnh đạo dân Chúa tiến vào Đất Hứa, như chính thánh Gioan một tông đồ được Đức Giêsu yêu thương nhất. Đó là óc ganh tị bè phái vì danh Chúa. Nói "Óc ganh tị Bè Phái vì danh Chúa" bởi vì ganh tị có tới 3 cấp bực:

. Cấp thứ nhất là Ganh tị: đó là thói xấu khiến cho người ta khó chịu bực bội khi thấy người khác cũng làm được một việc hay việc tốt như mình hoặc còn hay hơn, tốt hơn mình nữa.

. Cấp thứ hai là Ganh tị bè phái: là Ganh tị với người không thuộc phe nhóm của mình.

. Cấp thứ ba là Ganh tị bè phái vì danh Chúa: nghĩa là những người tín hữu Chúa, những người có đạo ganh tị với những người không có đạo khi những người không có đạo này làm được những điều hay điều tốt.

Phải nhìn nhận rằng người có đạo thường mang đầu óc tự tôn. Họ lý luận rằng bởi vì Chúa của mình là toàn năng, toàn thiện cho nên đạo của mình phải là đạo tốt nhất, hay nhất. Do đó chỉ có đạo của mình mới có thể làm được những việc hay việc tốt. Khi thấy những người không có đạo dự tính làm điều này điều nọ thì nghĩ thầm rằng chúng nó sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu. Thế nhưng người ta đã làm việc thành công, thì khi đó những người có đạo tức bực, tìm cách nói xấu, xuyên tạc để hạ giá thành quả của những người kia vì họ không thuộc đạo của mình. Trong quá khứ, chúng ta đã thấy có những vụ thiên tai bão lụt. Các tổ chức bác ái công giáo đã hết lòng quyên góp cứu trợ. Những người công giáo rất hãnh diện với những cuộc cứu trợ do Giáo Hội Công giáo đứng ra tổ chức. Cũng có những nhóm khác cũng làm việc từ thiện cứu trợ như vậy, nhưng một số người công giáo tỏ ra nghi ngờ và khinh chê việc làm của những nhóm kia cho rằng họ sẽ chẳng làm tới đâu, có làm được thì cũng mất mát, tham ô tùm lum, phẩm vật cứu trợ không hoàn toàn tới tay các nạn nhân. Đó là một thí dụ về cái óc ganh tị bè phái vì danh Chúa.

Nhưng Chúa không chấp nhận như thế đâu. Đức Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc "Ai không chống lại ta thì phải kể như là thuộc về ta". Nguyên tắc này độc đáo vì nó đi ngược lại với nguyên tắc người ta vẫn thường theo từ trước tới giờ. Người ta thường nghĩ "Ai không theo ta tức là kẻ chống ta", hoặc "Ai không phải là bạn ta thì là kẻ thù của ta", hay hơn nữa "Ai làm bạn với kẻ thù ta thì cũng là kẻ thù của ta". Những nguyên tắc vừa kể biểu lộ một tâm lý tự tôn và độc tôn: chỉ có phe nhóm của mình là hay, loại trừ tất cả những ai không thuộc phe nhóm mình. Còn nguyên tắc của Đức Giêsu là một nguyên tắc cởi mở, rộng lượng, nới rộng vòng tay hợp tác: tất cả mọi người, miễn là họ không chống lại ta, cho dù người đó không thuộc đạo ta, cũng phải coi là bạn của ta ; cũng phải hợp tác với họ.

Giữa xã hội ngày nay, con số những người có đạo chỉ là một con số nhỏ. Nếu những người có đạo cứ khư khư với đầu óc tự tôn và độc tôn thì họ sẽ trở thành lẻ loi, sẽ bị cô lập giữa xã hội. Còn nếu những người có đạo biết thực hành nguyên tắc của Đức Giêsu đề ra thì họ sẽ sống chan hoà với những người khác, sẽ có rất nhiều cơ hội để cùng với những người khác thực hiện biết bao nhiêu điều tốt mà Chúa muốn họ làm.

Vả lại, Chúa đâu phải chỉ muốn cho những người có đạo làm việc tốt, mà Chúa muốn cho mọi người đều làm việc tốt. Chúa cũng đâu có cần những người có đạo chúng ta khi làm được một việc tốt thì phải dán nhãn hiệu đạo lên việc tốt đó, phải ký tên mình lên việc tốt đó. Điều mà Chúa muốn là có những việc tốt đã được làm.

Chúng ta hãy cố gắng sống theo tinh thần Tin Mừng Chúa: đừng ganh tị, đừng giữ đầu óc bè phái... nhưng cố gắng sống chan hoà với mọi người, cùng với mọi người thực hiện những việc tốt, những việc làm có ích cho tha nhân, cho xã hội.

2. Dịp tội

Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng những lời rất mạnh mẽ của Đức Giêsu:

. Nếu tay con nên dịp tội cho con thì hãy chặt nó đi. Thà con mất một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ 2 tay mà phải vào hoả ngục.

. Nếu chân con nên dịp tội cho con thì hãy chặt nó đi. Thà con mất một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ 2 chân mà phải vào hoả ngục.

. Và nếu mắt con nên dịp tội cho con thì hãy móc nó đi. Thà con còn một mắt mà được vào Nước TC còn hơn có đủ 2 mắt mà phải ném xuống hoả ngục.

Dĩ nhiên đây là kiểu nói cường điệu theo thói quen của người Á Đông. Không ai hiểu những câu đó sát nghĩa đến cả. Ta chưa thấy ai tự chặt tay chặt chân móc mắt để khỏi phạm tội cả. Ngay cả các thánh cũng vậy, các Ngài đã chống trả các cơn cám dỗ rất là quyết liệt, nhưng không bằng cách chặt tay chặt chân móc mắt mình. Có một trường hợp đặc biệt sau đây: Ông Origène, một Linh mục rất thánh thiện và cũng rất thông thái, uyên bác. Các tác phẩm của ông được xếp ngang hàng với tác phẩm của các thánh giáo phụ và tiến sĩ của Giáo Hội. Ông thường bị cám dỗ mạnh về xác thịt, cho nên một hôm ông quyết định tự thiến mình đi để khỏi bị cám dỗ nữa. Hành động này của ông chẳng những không được Giáo Hội khen mà còn bị chê trách nữa, do hành động ấy mặc dù ông rất thánh thiện và thông thái nhưng ông đã không được phong thánh và cũng không được coi là giáo phụ, hay tiến sĩ Giáo Hội, vì ông bị coi là một người bất bình thường.

Vậy, chúng ta không nên hiểu những lời Tin Mừng trên theo sát nghĩa đen. Mà phải hiểu theo tinh thần. CG muốn căn dặn chúng ta phải hết sức triệt để xa lánh các dịp tội.

Nhưng, dịp tội là gì ? Thưa là tất cả những gì có thể khiến ta phạm tội.

. Đó có thể là một sự vật. Td một chiếc xe đạp để ở chỗ vắng vẻ mà không có khoá.
. Đó có thể là một người. Td một cô gái đẹp lả lơi ăn mặc hở hang.
. Đó có thể là một hoàn cảnh, một môi trường. Td một xóm bình khang, một ổ điếm.
- Để cho rõ hơn nữa, các nhà luân lý phân ra nhiều loại dịp tội:

. Dịp tội gần: là những dịp mà nếu gặp thì hầu như chắc chắn ta sẽ phạm tội. Td người ghiền xì ke khi tới cơn ghiền, không có tiền, hễ gặp đồ đạc ai để hớ hênh thì hầu như chắc chắn sẽ "chôm" liền. Gặp 10 lần thì phạm tội khoảng 7,8 lần.

. Dịp tội xa là những dịp mà có gặp thì cũng ít khi phạm tội. Td một người bình thường gặp một món đồ để hớ hênh. Có thể là anh ta sẽ ăn cắp, mà cũng có thể không ăn cắp.

Dịp tội gần lại được phân làm 2 loại nữa:

. Dịp bó buộc là tuỳ hoàn cảnh đó có nguy hiểm khiến mình phạm tội, nhưng mình bó buộc phải vào, nếu không vào thì bị thiệt hại nặng. Td một cô gái làm việc cho ông chủ có máu dê xồm và thường phải gặp mặt ông ta. Ịây là một dịp nguy hiểm, nhưng nếu cô không gặp thì cô phải mất việc làm, phải thất nghiệp, phải túng thiếu.

. Dịp tự do: là dịp tội cũng nguy hiểm nhưng ta không bó buộc phải gặp. Td không ai bó buộc một cô gái phải đến gặp một người đàn ông không đứng đắn vào buổi tối tại một nơi hẹn vắng vẻ.

Sau khi đã phân biệt nhiều thứ tội khác nhau. Bây giờ chúng ta nghĩ xem mình phải tránh loại dịp tội nào ? Xin nhớ 3 nguyên tắc sau:

. Buộc phải tránh dịp tội gần, vì đó là dịp mà nếu ta gặp thì hầu như chắc chắn chúng ta sẽ bị phạm tội. Td.

. Khi gặp dịp tội tự do, ta phải xa tránh: vì đó cũng là một dịp tội gần nguy hiểm hầu chắc sẽ phạm tội nhưng ta không bị bó buộc phải vào dịp đó cho nên phải tránh đi.

. Còn nếu là dịp bó buộc thì ta đành phải gặp, tuy nhiên phải khôn khéo làm cho dịp tội gần và bó buộc đó tành ra dịp tội xa. Td một cô gái phải cặp mắt một ông chủ không đứng đắn, đó là một dịp tội gần và bó buộc. Nhưng nếu cô cùng đến với một người bạn khác nữa, hoặc đến gặp ở chỗ có đông người thì cô không còn nguy hiểm nữa, dịp đó đã trở thành dịp tội xa rồi.

Con người chúng ta có lương tri và có ý muốn hướng thượng, không ai cố tình muốn làm tội. Tuy nhiên con người chúng ta cũng rất yếu đuối và dễ bị lôi cuốn cho nên dễ bị sa ngã nếu gặp dịp tội. Bảng phân loại các dịp tội ở trên tuy hơi tỉ mỉ và có tính cách giáo điều, nhưng rất rõ ràng và hữu ích. Chúng ta hãy cố gắng xa lánh các dịp tội gần, vì Chúa đã dạy: "Nếu tay con nên dịp tội cho con..."

3. Giải phẫu.

Người ta đồn thổi rằng: Ăn thịt khỉ, nhất là óc khỉ sẽ trị được bệnh phong thấp. Nên họ tìm cách đánh bẫy khỉ.

Họ lấy trái dừa bổ làm đôi, nhét vào trong đó một trái cam thơm ngon, rồi khoét một lỗ nhỏ vừa bằng nắm tay khỉ, xong cột trái dừa lại như trước. Sau đó đem cột chặt trên cây.

Ngửi thấy mùi thơm của cam, khỉ sẽ chạy đến, leo lên cây, thọt tay vào trái dừa, nắm chặt lấy trái cam và lôi ra.

Thọt tay vào thì dễ, nhưng rút ra thì không được vì bàn tay khỉ bây giờ đã quá lớn so với lỗ dừa. Có một điều rất trớ trêu, là không bao giờ khỉ chịu buông trái cam ra để bàn tay được tự do. Đã nắm được của ăn rồi thì cứ khư khư giữ lấy. Biết mình bị mắc bẫy nhưng cứ nắm chặt trái cam, dẫy dụa, kêu la chí choé. Và người thợ săn cứ ung dung đến bắt lấy con khỉ dại khờ đáng thương.

********

Thế giới chúng ta đang sống có nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, nhiều dịp tội làm chúng ta sa ngã. Ngay chính thân xác chúng ta cũng có thể là những dịp tội, khiến chúng ta lỗi luật Chúa. "Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay nó đi" (Mc.9,43). Kiểu nói "chặt tay, chặt chân, móc mắt" chỉ có ý nói theo nghĩa tượng trưng, để diễn tả các dịp tội mà ta có thể tìm thấy trong chính bản thân mình. Hội thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen, nếu cứ áp dụng triệt để theo từng câu từng chữ, thì khó mà tìm được một người Kitô hữu lành lặn.

Đức Giêsu chỉ có ý đòi buộc chúng ta phải quyết tâm mạnh mẽ để khử trừ các dịp tội, các cơm cám dỗ, chớ coi thường chúng.

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều người dám cắt bỏ một phần thân thể để cứu lấy sinh mạng của mình. "Từ bỏ một điều quý giá để giữ lại một điều quý giá hơn", đó là lẽ khôn ngoan ở đời. Cuộc sống vĩnh cửu không là điều quý giá đáng cho chúng ta từ bỏ một phần thân thể đã trở nên xấu xa để đổi lấy sao ? Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác, thì cũng cần nhiều cuộc cắt bỏ để cứu lấy linh hồn. Chúng ta có thể "cắt bỏ" một thói hư tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh khi, cắt bỏ một lối sống buông tuồng, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính& Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn "móc con mắt, chặt cánh tay". Đau vì nó quá thân thiết với cuộc đời chúng ta, đau vì nó quá gắn liền với bản thân chúng ta, vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người chúng ta. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong tư cách làm người, và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Chúa. Ludovic Giraud có viết: "Nỗi đau đối với chúng ta như lưỡi cày đối với mặt đất, nó cầy xới nhưng để làm cho đất màu mở, cũng như việc cắt tỉa cây cối: làm cây cối nhẹ nhàng, mạnh khỏe và đẩy nhanh những dòng nhựa lên cao".

Có những người mơ ước hy sinh cuộc đời, nhưng lại không dám hy sinh những tật xấu của mình. Tuy nhiên, giải phẫu không chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế các bộ phận hư hỏng. Chúng ta có thể thay trái tim sỏi đá căm hờn bằng trái tim dịu hiền yêu thương. Chúng ta có thể thay bộ óc định kiến hẹp hòi bằng bộ óc thoáng đạt hồn nhiên.

*********

Lạy Chúa, sống cho Chúa thật không dễ chút nào: Phải cắt bỏ những gì mình gắn bó, thiết thân. Xin cho chúng con luôn hiểu rằng: chỉ khi cắt tỉa những cành lá rườm rà thì cây đời chúng con mới trổ sinh hoa trái tốt tươi. Xin cho chúng con dám ra khỏi chính mình, để được lớn lên trong ân tình của Chúa. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

4. Mảnh suy tư

a/ Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta:

- Chúng ta có quyền nhân danh Đức Giêsu mà làm việc này việc nọ, nhưng đó không phải là độc quyền của chúng ta.

- Nếu biết suy nghĩ kỹ, ta sẽ hiểu rằng những tài năng và thành công của những người khác không hề làm cho chúng ta bị nghèo đi, trái lại còn làm giàu thêm cho chúng ta.

- Cũng thế, một người khác với chúng ta không hề làm chúng ta nghèo đi nhưng còn làm cho chúng ta giàu thêm.

- Thiên Chúa ban nhiều ơn cho nhiều người. Bổn phận của chúng ta là đón tiếp những ơn ban đó ở bất cứ nơi nào mà chúng ta phát hiện.

b/ Ai cho anh em một chén nước lả thì người đó không mất phần thưởng đâu:

- Chén nước lả là tượng trưng cho việc tốt nho nhỏ. Chúng ta ít có dịp làm những việc tốt lớn lao, nhưng có rất nhiều dịp làm những việc tốt nho nhỏ.

- Một việc làm có khả năng an ủi không nhất thiết phải là một việc lớn, mà chỉ cần là một việc sưởi ấm cõi lòng.

c/ Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn phải sa ngã thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn:

- Cái làm cho trẻ con dễ thương nhất là tâm hồn rộng mở của chúng. Do tâm hồn rộng mở, trẻ con đón nhận một cách ngây thơ tất cả những gì người ta dạy chúng.

- Nhưng cũng do tâm hồn rộng mở mà trẻ con dễ bị tổn thương nhất vì bất cứ điều xấu nào cũng có thể xâm nhập vào đấy.

- Tội làm gương xấu cho trẻ con đáng bị buộc cối đá vào cổ mà ném xuống biển vì tội đó biến cái dễ thương nhất thành cái tổn thương nhất.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã dạy: "Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta", và "Ai làm cớ cho tín hữu bé nhỏ sa ngã thì thà buộc cội đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn". Chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Chúa:

1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội thánh biết cố gắng tránh mọi gương xấu / mà nêu gương tốt cho mọi người.

2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người có trách nhiệm lãnh đạo kẻ khác / dù chưa biết Chúa để tin theo Chúa / vẫn luôn sống lương thiện và không bao giờ chống đối Chúa.

3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những nạn nhân của các gương xấu, nhất là các trẻ nhỏ / gặp được những bạn bè và những nhà giáo dục biết đem chúng trở về đời sống lương thiện.

4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho anh chị em trong xứ đạo chúng ta / biết khoan dung với những người làm gương xấu nhưng không chống đối Chúa / và biết luôn cố gắng để không làm gương xấu cho ai.

Chủ tế : Lạy Chúa, chung quanh chúng con còn nhiều người làm gương xấu và nhiều người là nạn nhân của gương xấu, xin cho chúng con biết rõ những hậu quả ghê tởm của gương xấu, để không bao giờ làm gương xấu cho ai. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Sau kinh Lạy Cha: "Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin giải thoát chúng con khỏi óc bè phái, cục bộ&"

VII. GIẢI TÁN

Trong tuần này, chúng ta hãy ghi nhớ và sống một câu Tin Mừng này: "Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".

Bài đọc thêm

THƯ DO THÁI

A. Văn thể

Tác phẩm này không mang hình thức một bức thư, nghĩa là không ghi tên người gởi và người nhận ở đầu. Mãi đến khi kết thúc (13,22-24) mới có những nét của một bức thư ("Tôi chỉ viết cho anh em vắn tắt thôi"). Mặc dù ở 1 vài bản chép có câu "gởi tín hữu do thái" ở đầu tác phẩm, nhưng người ta nghiên cứu thấy câu này được thêm vào về sau chứ không có từ đầu.

Giọng điệu trong tác phẩm giống như một bài diễn văn hay một bài khảo luận: trang trọng, uyên bác.

Vì thế có nhiều giả thuyết về tác phẩm này: nó là một bức thư (lettre) ? hay một bức tông thư (épitre) ? một bài diễn thuyết ? hay một thiên khảo luận ? Mỗi giả thuyết đều có những lý lẽ ủng hộ nhưng cũng có những lý lẽ nghịch lại.

Ý kiến được nhiều người chấp nhận hiện nay là: đó là một bức tông thư được viết bởi một người vừa học thức uyên bác vừa sẵn tài hùng biện. Vì thế nó mang đủ các tính chất của thư, bài giảng và khảo luận.

B. Tác giả

Ban đầu ai cũng tưởng tác giả là Phaolô. Nhưng dần dần người ta khám phá thêm nhiều lý do không cho phép tưởng như thế nữa:

- 13 thư kia đều ghi tên tác giả là Phaolô, còn thư này không.

- Lời văn và giọng điệu hoàn toàn khác với Phaolô. Cách trích dẫn Cựu Ước cũng khác. Cách bố cục cũng khác: Phaolô thường chia bức thư thành 2 phần: phần I giáo thuyết, phần II khuyên dạy. Trong thư này, giáo thuyết và lời khuyên xen lẫn nhau.

- Chủ đề trung tâm của thư này là Chức Tư Tế của Đức Kitô, chủ đề này rất xa lạ trong các thư của Phaolô. Trái lại, một ý tưởng luôn có trong các thư  của Phaolô là "công chính hóa bởi đức tin" thì không có trong tác phẩm này.

Vì thế người ta thiên về kết luận tác giả là một người khác. Người đó là ai ? Người ta đã đưa ra một số "ứng cử viên" như Luca, Barnnabê, thánh Clêmentê thành Rôma và Apollo.

Trong số đó Apollo được ủng hộ nhiều nhất (giả thuyết này được khởi xướng đầu tiên do Luther, thế kỷ 17), vì những lý do sau:

- Sách Cv mô tả Apollo là một người do thái ở Alexandria, một trung tâm văn hóa lớn, có tài hùng biện, am hiểu Thánh Kinh, nhiệt thành sốt sắng, thường trưng dẫn Thánh Kinh để chứng minh Giêsu là Đức Kitô (x. Cv 18,24-28). Tác giả thư này cũng có những nét đó.

- Nếu đi sâu vào nội dung thì ta thấy tác giả chịu ảnh hưởng của Phaolô, tông đồ Gioan và triết gia Philon. Mà Apollo chính là một người như thế: thấm nhuần triết lý Philon, quen biết nhiều với Phaolô và Gioan.

C. Người nhận

Chúng ta đừng quan tâm tới những chữ "gởi tín hữu do thái" của một số bản chép, vì, như đã nói, chúng được thêm vào sau.

Có giả thuyết rằng người nhận là những tín hữu gốc do thái sống ở Palestina và nói tiếng híp-ri. Nếu giả thuyết này đúng thì thư này ban đầu phải viết bằng chữ híp-ri rồi sau dịch ra chữ hy lạp. Nhưng lối văn hy lạp của thư này rõ ràng không phải là văn dịch. Vậy thuyết này không vững.

Giả thuyết được chấp nhận nhiều nhất là  thư nầy được viết cho những cộng đoàn tín hữu gồm những người do thái tòng giáo đang có nhiều sa sút về đức tin và đang nản lòng trước những khó khăn.

D. Địa điểm và thời điểm viết

Cũng không có gì chắc chắn mà chỉ toàn giả thuyết. Giả thuyết dễ chấp nhận hơn cả là thư này được viết trước năm 70 (vì thư nói nhiều về Đền thờ Giêrusalem và những lễ nghi ở đó. Nếu như nó được viết sau khi Đền thờ bị phá huỷ năm 70 thì hẳn là tác giả có nói đến sự phá huỷ ấy. Đàng nay tác giả luôn nói về Đền thờ và các lễ nghi như thể đang còn hoạt động).

Còn nơi viết là đâu ? Câu cuối thư (13,24) có mấy chữ "Anh em Ý gởi lời thăm anh em" khiến nhiều người cho rằng thư này được viết tại nước Ý. Tuy nhiên mấy chữ đó có thể hiểu nhiều cách: "những người ý", "những người từ Ý tới"... Tóm lại, khó xác định nơi viết.

E. Hoàn cảnh

Thư này được viết cho những người do thái đã từ bỏ đạo của tổ tiên với những luật lệ và nghi thức do Môsê đặt ra để theo đạo của Đức Kitô.

Nhưng việc thay đổi này khiến họ gặp nhiều khó khăn: khó khăn chủ quan là do chính họ suy nghĩ ra. Họ đã quá quen với những lễ nghi do thái rực rỡ huy hoàng, bây giờ tham dự những lễ nghi kitô giáo được tổ chức đơn sơ trong các cộng đoàn nhỏ bé, nên họ không tránh khỏi so sánh và tự nhủ họ bị thua thiệt (gần như "bỏ mồi bắt bóng") ; khó khăn khách quan là bị những người đồng đạo cũ xem là những kẻ bội giáo, thù ghét họ, bách hại họ, tước đoạt tài sản họ và có khi còn bỏ tù họ nữa (Dt 10,32-36). Với tâm thức còn mang nặng ảnh hưởng do thái giáo, những kitô hữu tội nghiệp ấy nghĩ rằng họ bị như vậy vì họ đã bỏ Yavê nên nay bị trừng phạt (6,10). Từ đó họ hoang mang đặt lại vấn đề: phải chăng họ đã lầm ? Rồi họ đâm ra trễ nãi (6,12), chậm hiểu (5,11), bị cám dỗ (2,18) và chán nản (12,12)...

Tác giả đã cố gắng an ủi và khuyến khích độc giả của mình. Ông kêu họ hãy bám chắc vào Lời Chúa để khỏi lạc xa chân lý (2,1), kiên trì như những lực sĩ (12,1), đừng rơi vào lầm lạc (13,9), đừng buông trôi theo khuynh hướng mệt mỏi sờn lòng (12,3). Ông còn khuyên họ luôn dán mắt vào ơn cứu độ (10,35) và kiên vững trong hy vọng (10,39). Tóm lại, nguồn nâng đỡ họ trong mọi hoàn cảnh phải là Đức tin (pistis) hiểu theo cả 3 nghĩa: vừa ngoan ngoãn đón nhận lời Chúa mặc khải, vừa cậy dựa vào sự quan phòng của Chúa, vừa kiên trì trung thành thực hiện ý Chúa (3,7  4,13  11)

C. Spicq nhận xét: "Cũng như thư Rm là một tài liệu về ơn cứu độ, thư Gl về sự tự do, thư 1 Cr về tình bác ái huynh đệ, thì thư do thái là một tài liệu về  Đức tin phó thác can đảm, gắn bó với Chúa Cứu Thế bằng cả tâm hồn và con người mình".

F. Nội dung

1. Luận đề 1: Đức Kitô là vua vũ trụ  (1,5--2,18)
2. Luận đề 2: ĐK là vị Thượng Tế trung tín và hay thương xót : 3,1-5,10
3. Luận đề 3: Chức Thượng Tế của Đức Kitô : 5,11-10,18

G. Nhận định

Ngày xưa, những tín hữu gốc do thái đã hoang mang vì những cái giá phải trả cho việc họ chọn theo kitô giáo: a/ Không còn được hưởng những đặc miễn mà chính quyền Rôma dành cho các tín đồ Do thái giáo ; b/ trái lại còn bị Rôma đàn áp, bách hại ; c/ ngoài ra lại còn bị chính đồng bào do thái bách hại nữa& Họ tự nghĩ "Phải chăng mình đã sai ?", và họ muốn xét lại quyết định của mình.

Ngày nay vấn đề tương tự cũng có thể đặt ra cho chúng ta: theo đạo, chúng ta chẳng những không được thêm gì cho cuộc sống vật chất, ngược lại còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người sau một thời gian theo đạo mà "chẳng được ích lợi gì" đã thôi không theo đạo nữa ; một số khác hoang mang muốn đặt lại vấn đề.

Nếu đã hoang mang thì cuộc sống sẽ chao đảo và không thể tiến lên. Do đó tác giả đã khuyến khích tín hữu kiên vững trong đức tin của mình: hãy xác tín mình đã chọn rất đúng, hãy nghĩ rằng không nên đảo ngược lại sự chọn lựa cơ bản ấy nữa, và hãy nhìn thằng vào Đức Kitô mà tiến lên phía trước.

--------------------------

 

TN 26-B21. Óc bè phái & tinh thần phe nhóm không phù hợp với Đạo Chúa Kitô


 - Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 

Một trong những yếu điểm của người Việt Nam chúng ta, trong đạo cũng như ngoài đời, là: TN 26-B21


Một trong những yếu điểm của người Việt Nam chúng ta, trong đạo cũng như ngoài đời, là sự phân hóa, chia rẽ, không đoàn kết và không biết hợp tác với nhau; là óc cục bộ địa phương, là tinh thần phe nhóm, nghi kỵ lẫn nhau. Trong bối cảnh chung ấy bài đọc Cựu Ước trong sách Dân số và bài Tin Mừng theo Thánh Maccô của Chúa Nhật 26 Thường niên hôm nay rất đáng được người Kitô hữu chúng ta lắng nghe để suy niệm cho đến nơi đến chốn và liên hệ với cách suy nghĩ và hành động thường ngày của mỗi người. Có như thế Lời Chúa mới là Lời Hằng Sống, tức là Lời làm cho chúng ta sống dồi dào và thánh thiện.

I. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1.1 Bài đọc 1: Ds 11,25-29: Là tường thuật về sự kiện Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên bẩy mươi vị kỳ mục có mặt trong lều và trên cả hai vị kỳ mục không có mặt trong lều mà ở lại trong trại. Đó là hai ông Enđát và Mendát. Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên bẩy mươi vị kỳ mục có mặt trong lều thì không gây khó chịu cho một ai cả, vì tất cả bẩy mươi vị kỳ mục đó đã nghe theo lời ông Môsê mà tập trung trong lều. Còn việc Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên hai vị kỳ mục không có mặt trong lều theo lệnh của ông Môsê mà vẫn ở lại trong trại thì đã gây khó chịu cho nhiều người, mà tiêu biểu là ông Giôsuê. Ông Giôsuê đã phản ứng theo cách suy nghĩ hẹp hòi, thiển cận của mình: “Thưa Thầy xin Thầy ngăn cản họ!” tức ngăn không cho họ phát ngôn Lời Thiên Chúa. Nhưng ông Môsê đã phản ứng một cách rất chính xác: “Anh ghen dùm tôi à?” Ông Mosê đã không lấy thế làm buồn, không coi đó là sự kiện làm mất hay giảm uy tín của mình hay của Thần Khí Thiên Chúa. Trái lại ông Môsê cho rằng càng có nhiều con cái Ítraen được Thần Khí đậu xuống trên họ để họ phát ngôn Lời Thiên Chúa thì càng tốt. Và ông ước mong điều đó xẩy ra: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”

1.2 Bài đọc 2: Gc 5,1-6: Là những lời khắt khe của Thánh Giacôbê về những tai họa mà những người giầu có phải gánh chịu. Của cải vật chất là điều cần thiết cho cuộc sống, nhưng của cải vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích của cuộc sống. Vì thế nếu không biết làm chủ của cải vật chất, con người sẽ làm nô lệ cho nó. Nhất là những người làm giầu một cách bất chính, bất công thì càng phải coi chừng: vì tiếng kêu than của những nạn nhân của bất công sẽ thấu đến tai Chúa các đạo binh. Đời sống xa hoa, buông thả theo khoái lạc và sự thỏa mãn các dục vọng chỉ khiến những người giầu có bất chính bất công bị kết án mà thôi.

1.3 Bài Tin Mừng: Mc 9,38-43.45.47-48: Là tường thuật tiếp theo của Máccô về giáo huấn của Đức Giêsu về phục vụ. Đoạn Tin Mừng có ba ý chính như sau:

(*) Từ câu 38 đến hết câu 40: là tường thuật về sự kiện có nhiều người không thuộc nhóm môn đệ Đức Giêsu mà lấy danh Người mà trừ quỷ. Thấy thế các tông đồ khó chịu và phản ứng. Tiêu biểu là phản ứng của ông Gioan: “Thưa Thầy chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ qủy. Chúng con đã cố ngăn cản người ta, vì người ấy không theo chúng ta”. Đức Giêsu đã ngăn cản ông Gioan và các tông đồ: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngày sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Và Đức Giêsu đưa ra một nguyên tắc đáng mọi người quan tâm: “Quả thật ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Vì nội dung các câu 38-40 ăn khớp với nội dung bài đọc 1 nên được chọn để triển khai trong phần II.

(**) Câu 41 và 42: mọi hành động đều có giá trị: hoặc đáng được thưởng hoặc đáng bị phạt. Bất cứ việc làm nào- dù nhỏ bé- nếu được thực hiện vì Chúa đều có phần thưởng xứng đáng. Trái lại bất cứ hành động nào làm nguy hại đến tha nhân (làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đáng tin cậy phải sa ngã), đều bị trừng phạt.

(***) Từ câu 43 đến hết câu 48: nói lên quan điểm của Đức Giêsu về việc những người theo Chúa phải lánh xa dịp tội bằng bất cứ giá nào: Chân tay hay con mắt là những cơ quan, những bộ phận rất cần thiết cho một thân thể, cho một con người. Thế nhưng nếu chúng làm cớ cho ta phạm tội, thì ta phải hy sinh, phải hủy, phải loại chúng. Dù mất chân, mất tay, mất mắt để tránh xa tội lỗi, thì chúng ta cũng phải làm để được vào Nước Thiên Chúa. Việc vào được Nước Thiên Chúa là điều hết sức quan trọng khiến chúng ta có thể hy sinh tất cả.

II. ĐÓN NHẬN & SỐNG SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA

2.1 Cách suy nghĩ và hành động của Đức Kitô và của Thần Khí: Trong bài chia sẻ của Đức Tân Giám Mục Kontum trong thánh lễ tạ ơn tại nhà hưu dưỡng của các linh mục gốc Hà Nội mới đây, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh đã nói với mọi người rằng: giáo phận Kontum chỉ có khoảng 30 linh mục, tuổi bình quân là 60. Mỗi tuần lễ một vị linh mục phải đi 100-200 cây số để làm mục vụ là chuyện bình thường. Vì thế mà có câu “hộ khẩu trường trú trên đường” để nói lên việc các linh mục phải thường xuyên di chuyển trong khi thi hành mục vụ. Trong bối cảnh thiếu linh mục một cách trầm trọng như thế thì vai trò người giáo phu (giáo lý viên người dân tộc) nổi bật lên giữa cánh đồng truyền giáo Tây Nguyên. Nhiều người trong số giáo phu ấy chỉ lao động trong 5 ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Còn ngày thứ 7 và Chúa nhật họ dành cho việc tông đồ. Có khi họ phải đi xa, thậm chí rất xa, để nói về Chúa, để dạy giáo lý cho bà con đồng bào dân tộc của họ. Họ làm công việc truyền giáo một cách hăng say, hạnh phúc không chờ được thù lao vì họ cho rằng họ chỉ làm công việc mà họ phải làm. Họ nói lời Thiên Chúa một cách đơn sơ mộc mạc cho người khác. Hiện có rất nhiều người dân tộc xin nhập Đạo. Có khi cả một buôn làng kéo đến với các linh mục để xin học đạo, để xin được rửa tội, để xin các linh mục nói Lời Chúa cho họ. Phải chăng những điều các tác giả Thánh Kinh chép mấy ngàn năm trước nay vẫn đang xẩy ra giữa lòng Giáo hội Việt Nam ta? Phải chăng Thần Khí Thiên Chúa hoạt động một cách tự do và vượt mọi khuôn khổ như chính Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô, một bậc thông thái của dân Ítraen: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khi mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8).

2.2 Cách suy nghĩ và hành động hẹp hòi, ích kỷ và bè phái của các Kitô hữu: Nếu đi sâu vào suy nghĩ và thái độ của người Công giáo chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta có nhiều thành kiến chẳng những đối với các tín đồ của các tôn giáo khác mà còn đối với nhau là những người cùng trong một Giáo hội. Phải nhìn nhận rằng anh em Tin Lành Việt Nam đã và đang nỗ lực rất nhiều trong việc rao giảng Lời Chúa và cải thiện đời sống cho các sắc tộc vùng xa vùng cao. Vì thế có rất nhiều người thuộc các dân tộc ít người theo Tin Lành. Cũng phải nhìn nhận rằng có rất nhiều người ngoài Công giáo có một đời sống rất tốt lành và đáng ngưỡng mộ: yêu thương, quảng đại, hy sinh phục vụ tha nhân một cách vô vị lợi. Thế nhưng chúng ta phải thú nhận rằng đối với anh chị em Tin Lành và những người khác đạo, chúng ta thấy còn rất nhiều thành kiến. Mà ngay cả trong nội bộ Giáo hội, các thành phần Dân Chúa cũng có nhiều thành kiến với nhau, cũng có óc cục bộ địa phương, cũng có phân biệt đối xử. Thường chúng ta thích lấy sự hẹp hòi của lòng mình làm tiêu chuẩn cho suy nghĩ và hành động của người khác, thậm chí của chính Thiên Chúa. Nói cách khác chúng ta gọt đẽo nên một Thiên Chúa theo hình tượng là sản phẩm của chính chúng ta. Đó là một dạng của tội thờ ngẫu tượng mà Thiên Chúa đã nghiêm cấm trong Cựu Ước. Chúng ta muốn mọi người phải suy nghĩ và sống giống như chúng ta. Nếu họ sống khác thì chúng ta nghi ngờ, coi thường và có đôi khi lên án họ.

Nguyên nhân chính tạo nên tình trạng trên là người Kitô hữu chúng ta chưa thực sự sống Phúc Am hay chưa được Phúc âm hóa. Di sản của một nền văn hóa làng xã và hậu quả của tình trạng chiến tranh triền miên suốt nhiều thế kỷ của dân tộc khiến chúng ta dễ phân hóa hơn đoàn kết, dễ nghi ngờ hơn tin tưởng nhau, dễ thích làm việc cá nhân hơn hợp tác với nhau, dễ sống cục bộ địa phương, phe nhóm hơn sống hài hòa và vì đại nghĩa chung.

III. CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, là con cái của Chúa mà chúng con chẳng hiểu gì về sự toàn trí toàn năng của Chúa, là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô mà chúng con không nắm bắt được tinh thần của Thầy, là cộng tác viên của Chúa Thánh Thần mà chúng con chẳng am tường phạm vi hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa. Chúng con suy nghĩ và hành động một cách hẹp hòi, ích kỷ. Chúng con sống cục bộ, phe nhóm và coi thường người khác. Chúng con muốn lấy lòng mình làm tiêu chuẩn cho hoạt động của chính Thiên Chúa. Mà lòng chúng con thì bé nhỏ, hẹp hòi, ích kỷ! Đó chính là tội phạm thượng của chúng con. Xin Thiên Chúa mở lòng, mở trí, mở mắt, mở tai, mở tay chúng con, để chúng con nhận ra hoạt động của Thần Khí và cộng tác với Người, vì phần rỗi mọi người.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

--------------------------

 

TN 26-B22. GƯƠNG SÁNG HAY GƯƠNG TỐI


 - T.s. Trần Quang Huy Khanh

Mc 9,38-43.45

 

Môn đệ của Chúa, ngoài tinh thần phục vụ vô vị lợi, đơn sơ và khiêm tốn, còn phải là những nhà: TN 26-B22


Môn đệ của Chúa, ngoài tinh thần phục vụ vô vị lợi, đơn sơ và khiêm tốn, còn phải là những nhà mô phạm về luân lý và đạo đức nữa. Thiếu tư chất đạo đức và mô phạm này, họ coi như đã chọn nhầm nghề, và hậu quả thật là hết sức bi đát: “Nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” (Mc 9: 42).

Trái tim và vòng tay người môn đệ phải mở rộng, và vươn ra để ôm lấy mọi người. Nó không thể nhỏ mọn và hẹp hòi như cái nhìn của Gioan. Thánh Sử Máccô kể lại là Gioan đã tỏ ra nhỏ nhen và ghen tức khi thấy một người khác nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ. Vì thế, khi Gioan đem vấn đề ra hỏi Chúa Giêsu, thì Ngài đã nhân cơ hội ấy nói cho các ông biết thế nào là một tâm hồn rộng mở, thế nào là trái tim của một người phục vụ đích thực. Theo đó, không cần phải là phe nhóm, cũng không cần phải vỗ ngực xưng tên mới là những môn đệ Ngài. Cái làm nên môn-đệ-tính là tâm hồn, là trái tim, và thái độ hòa đồng trước những khác biệt và dị đồng. Ngài nói với các ông: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con” (Mc 9: 39-40).

Tiếp đó, Ngài muốn cho các ông hiểu thêm rằng, tinh thần người môn đệ cần phải phản ảnh tinh thần của chính Ngài. Do đó, người môn đệ phải có bổn phận làm sáng tỏ khuôn mặt Đức Kitô bằng chính đời sống gương sáng của mình. Đây không phải là vấn đề tranh dành ngôi thứ và quyền lợi. Đây cũng không phải là hành động phe nhóm. Muốn làm lớn, muốn trở thành kẻ cả, và muốn độc quyền với Tin Mừng cứu độ thì vẫn có thể được, nhưng hãy coi chừng, không sống xứng đáng với vai trò ấy, người môn đệ có thể tự chuốc họa vào thân và còn làm thiệt hại cho nhiều người khác nữa: “Nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” (Mc 9: 42).

Trong tâm lý giáo dục, và qua những tấm gương của ngành giáo dục, chưa thấy có lời khuyên nào như thế, cũng như chưa có hình phạt nào như thế cả. Có thể nói là chưa có một triết lý giáo dục, hoặc phương pháp giáo dục nào mà lại bao gồm những lời hướng dẫn mạnh bạo và dứt khoát như của Chúa Giêsu. Và cũng chưa ai dám áp dụng nguyên tắc giáo dục này, là buộc cối đá vào cổ một người rồi quẳng xuống biển với mục đích là để tránh cho người ấy khỏi phải nhìn thấy một gương xấu. Sở dĩ mà không ai dám làm vì ngay trong hoàn cảnh của môi trường thời đó, nếu phải làm như vậy, thì không biết có bao nhiêu người đã phải bỏ xuống biển. Và nếu những lời ấy được áp dụng theo nghĩa đen vào thời đại chúng ta đang sống đây, thì nhân loại trên trái đất này chỉ còn cách di nhà xuống biển mà ở. Thống kê cho biết, nguyên trong lãnh vực truyền thông, mỗi năm một người phải nhìn đến hơn 40.000 cảnh chướng tai, gai mắt trên màn ảnh chiếc TV của mình. Như vậy thì biển cả sẽ là đất bằng, và mọi người sẽ xuống đó làm nhà ở, vì đâu đâu trên trái đất cũng nhìn thấy gương xấu.

Chúa dùng hình ảnh những nạn nhân của gương xấu là những người nhỏ bé, hèn mọn, những kẻ thấp cổ, bé miệng, những kẻ bị xã hội coi rẻ. Điều này cho ta hiểu rằng những người làm gương xấu, những kẻ gây ra gương mù là chính thành phần có vai vế, có quyền lực, và ảnh hưởng lớn trong xã hội. Họ là những Pharisiêu, những ký lục, những luật sỹ, và những thượng tế thời đó, cũng như những Pharisiêu, những ký lục, những luật sỹ và thượng tế thời đại.

Dưới con mắt của tâm lý giáo dục, thì nhiều lỗi lầm và hậu quả của giáo dục không phải đến từ những người thụ huấn, mà là do những người mang trách nhiệm giáo dục. Bởi thế, đứng trước một gương xấu, nếu phải buộc cối đá vào cổ mà quẳng xuống biển, thì cách tốt nhất là nên quăng cả người nhận gương xấu và kẻ làm gương xấu như vậy mới công bằng. Và nếu nói tới khía cạnh có tính cách đề phòng, ngăn ngừa thì tốt nhất vẫn là đừng có gương xấu; do đó, người làm gương xấu phải bị quăng xuống biển trước. Điều này đã và đang xẩy ra ngay trong cuộc sống của Giáo Hội và trong lòng Giáo Hội. Giáo Hội Hoa Kỳ, đang trải qua những khủng hoảng trầm trọng mà kết quả cũng là những người trong vai trò mô phạm luân lý và đạo đức không chu toàn trách nhiệm mình, ngược lại, đã trở thành những kẻ làm gương xấu.

Thánh Sử Máccô còn đi xa hơn về vấn đề gương xấu khi nhắc lại lời Chúa Giêsu nói về những điều kiện để vào Thiên Đàng. Ngài nói với tất cả những ai muốn lên đó rằng, họ thà cụt tay, cụt chân, chột mắt mà vào Thiên Đàng, còn hơn có hai chân, hai tay, hai mắt lành lặn: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà rằng mất một tay mà vào được cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục” (Mc 9: 43). Ngài tiếp tục nói về chân, và về mắt một cách tương tự. Câu hỏi được nêu lên ở đây là tại sao đang nói về thái độ cần đối xử với một người làm phép lạ ngoài nhóm Tông Đồ, Chúa Giêsu lại đề cập đến những kẻ hèn mọn trước thái độ gương mù, rồi lại dẫn đến hình ảnh vào Thiên Đàng với một mắt, một chân, hoặc một tay?

Thưa đó là những nét chính để vẽ nên hình ảnh của một nhân dáng trọn vẹn của Đức Kitô, một nhân dáng mà tất cả những ai muốn làm môn đệ đều phải mô phỏng mỗi khi giới thiệu hoặc nói về Chúa. Thật vậy, những gì gọi là đẹp thì phải đơn sơ, trinh nguyên và tinh tấn. Vẻ đẹp của một bức tranh, vẻ đẹp của một bài thơ, vẻ đẹp của một thân hình. Nhiều người ngày nay đã bỏ ra bao nhiêu tiền bạc cho được chiếc cằm chẻ, cặp môi trái tim, bộ ngực đầy đặn, hoặc đôi má lúm đồng tiền. Như vậy khi Chúa đề cập đến việc vào Thiên Đàng của những người một mắt, một chân, một tay, là Ngài có ý nhấn mạnh đến cái giá phải trả cho vẻ đẹp tinh thần ấy. Ngài không có ý nói đến hình thức.

Nhân cách của một người môn đệ. Vai trò mô phạm của người Kitô hữu mà Máccô đã ghi lại mới đọc xem ra có phần tiêu cực và gây một ấn tượng bi quan. Nhưng nếu suy ngắm cẩn thận tất cả những gì được nêu lên, và sự trùng hợp của nó với nhau, ta sẽ thấy hình ảnh trọn vẹn ấy chính là khuôn mặt Đức Kitô. Những người mang danh tông đồ, môn đệ, hoặc Kitô hữu là những người trước hết phải tìm hiểu, phải mô phỏng cách đầy đủ trước khi họ trình bày và nói với những người khác về Ngài.

Tinh thần người môn đệ, nếp sống người môn đệ, do đó, cần phải có một trái tim rộng mở, một tâm lý sống trưởng thành, và một sự bén nhậy trước lời dậy dỗ của Thiên Chúa. Hình ảnh này cho ta một cái nhìn về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, thánh thiện, và tuyệt vời. Ngài chính là mô phạm của cuộc đời và lối sống của chúng ta. Ngoài Ngài ra, ta sẽ không tìm được bậc thầy, nhà mô phạm nào thanh khiết, tốt lành, và thánh thiện như thế cả. Và điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, tuy bất xứng, nhưng một khi được mời tham dự ơn gọi làm người Kitô hữu, làm môn đệ, tức là được trao cho vai trò làm chứng về Chúa Giêsu, giảng về Chúa Giêsu, hướng dẫn người khác tìm đến với Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng phải cố gắng hết lòng để sống sao không trở thành một vấp ngã cho chính mình và những người khác: “Nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” (Mc 9: 42).

Trích Dongcong.net - T.s. Trần Quang Huy Khanh

--------------------------

 

TN 26-B23. THUỘC VỀ CHÚA KITÔ - Lm. Trọng Thưởng, CMC


Mc 9,38-43.45

 

Trong một thánh lễ, cha thấy có người hay ngồi ngủ ngáy khò khò trong khi cha giảng. Một: TN 26-B23


Trong một thánh lễ, cha thấy có người hay ngồi ngủ ngáy khò khò trong khi cha giảng. Một hôm cha để ý và định chọc cho người này bỏ tật gây gương mù ấy. Trong khi giảng, như thường lệ người kia rơi vào "cơn mê" triền miên, cha nói một câu: "Ai muốn xuống hoả ngục thì đứng lên." Phần đầu cha nói nhỏ, nhưng đến chữ "đứng lên" cha quát thật to. Anh kia giật bắn người tỉnh dậy, vội vàng đứng phắt lên. Mấy trăm con mắt tròn xoe quay quay sang nhìn anh. Biết mình bị "trúng vố" nhưng cũng là tay chẳng vừa anh nhìn quanh rồi nói:

- Thưa cha, con chẳng biết cha đang biểu quyết vấn đề gì, nhưng trong nhà thờ này chỉ có cha với con đang đứng, vậy là cha với con đồng quan điểm, cùng phe với nhau.

Phân chia bè phái phe đảng là thói quen tự nhiên của con người trong xã hội. Tại Hoa Kỳ người ta có đủ thứ hội, tổ chức, phe đảng. Nào là đảng Dân Chủ, đảng Cộng Hoà, đảng Tự Do, hội chơi golf, hội thổi kèn, hội học sinh danh dự... Khi phân chia như thế người ta loại bỏ những người ngoài hội, ngoài đảng trong những lãnh vực, sinh hoạt nào đó, và dành quyền lợi ưu tiên cho những người trong đảng, trong hội. Điều này chẳng có gì sai trái. Tuy nhiên Chúa Kitô không chấp nhận đầu óc bè phái trong lãnh vực liên hệ đến Ngài, đối với những kẻ thuộc về Ngài. Danh xưng của Chúa không phải là một copyright mà bất cứ ai muốn nhân danh phải trả tiền. Danh xưng của Chúa là một ơn huệ cho không biếu không. Danh xưng đó có sức đem lại ơn cứu độ cho bất cứ ai tin vào, bất kể người ấy thuộc phe nhóm nào.

Tuy nhiên người thuộc về Chúa Kitô phải có lối sống dứt khoát với những ảnh hưởng xấu. Bè phái, phe nhóm thường có những ảnh hưởng sâu rộng trên đời sống mỗi thành phần. Nếu chiều hướng và đường lối của phe nhóm đó xấu, nó sẽ đưa thành viên đến hành động xấu. Nếu phe nhóm đó có đường lối tốt, sẽ gây ảnh hưởng tốt cho những người trong nhóm. Có những phe nhóm không chính thức trong đời sống xã hội, đó là bạn bè: những người quen biết ở sở làm, quen biết ở trường, quen biết nơi giải trí, quen biết ở nhà thờ, họ hàng... Những người bạn này thường có những ảnh hưởng trên chúng ta, có thể là xấu, có thể là tốt tùy theo phẩm chất và việc làm của họ. Chúa Kitô đã nói rất rõ cho những ai muốn thuộc về Ngài. Họ phải dứt khoát loại bỏ những bạn bè xấu, những người gây ảnh hưởng không tốt trên đời sống cá nhân cũng như gia đình mình. Những người đó có thể là bạn bè thân thiết lâu năm, tình nghĩa, gắn bó với chúng ta như mắt, chân, tay... Nhưng nếu họ làm gương xấu cho ta, cho gia đình, chúng ta phải dứt khoát với họ như móc mắt, chặt chân, chặt tay của mình vậy, để gìn giữ sự sống đời đời nơi chúng ta và nơi gia đình. Ngày nay những ảnh hưởng xấu không chỉ do con người nhưng còn do sách báo, phim ảnh, TV, âm nhạc, video games, Internet... Là những người cha, người mẹ trong gia đình chúng ta cần phải tỉnh thức đề phòng coi chừng những ảnh hưởng xấu làm băng hoại bản thân và con cái do những điều kể trên. Chúng ta hãy nhớ rằng sự sống đời đời rất quí hoá, nhưng đồng thời cũng dễ đánh mất, nhất là trong xã hội đầy những ảnh hưởng xấu của thời nay.

NS. Trái Tim Đức Mẹ - Lm. Trọng Thưởng, CMC

--------------------------

 

TN 26-B24. TỪ BỎ VÀ HY SINH - Lm. Thu Băng, CMC


Mc 9,38-43.45

 

Lời Chúa hôm nay đưa ra cho chúng ta một nguyên tắc thực hành về sự từ bỏ điều xấu, làm: TN 26-B24


Lời Chúa hôm nay đưa ra cho chúng ta một nguyên tắc thực hành về sự từ bỏ điều xấu, làm điều thiện để tích góp của báu trên trời.

Đối với những điều xấu Chúa dạy: Tuyệt đối tránh, không được làm gương mù gương xấu, tránh các nguyên cớ gây nên dịp tội "Thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển thì hơn" (Mc 9:42), là để nó làm gương xấu. Hoặc "Nếu tay chân con nên dịp tội, thà rằng chặt nó đi thì hơn " (Mc 9:43), là để nó mà vào hỏa ngục. Chúa dùng kiểu nói mạnh, nói cụ thể để chúng ta hiểu được tầm quan trọng của lời dạy. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu việc cột đá vào cổ cũng như chặt tay chân, khoét mắt, xẻo lưỡi.... theo nghĩa bóng, nghĩa là phải hết sức xa tránh làm gương mù gương xấu cho chính mình và cho người khác.

Đời sống Công giáo đòi hỏi chúng ta phải luôn cố gắng làm lành và lánh dữ, luôn tích cực làm mọi việc đẹp lòng Chúa, nhân danh Chúa mà thực hiện. Cái gì không đẹp lòng Chúa thì từ bỏ, không làm. Lại cũng luôn canh phòng và xa tránh những gương mù gương xấu của người khác nữa, để đạt được mục đích sống thánh thiện, đạt được niềm hạnh phúc đời sau.

Trong chuyện Một Tâm Hồn chị thánh Têrêsa tả về việc chị thu tích ơn phúc cho mình như sau: "Một lần kia tại nhà giặt, con ngồi giặt trước mặt một chị. Chị này chốc chốc lại vẩy nước bẩn vào con. Thoạt đầu con muốn lùi ra lau mặt để chị ấy biết con không hài lòng, nhưng nghĩ lại như thế là dại, vì bỏ mất những viên ngọc quý người ta tặng không cho mình và con đã thôi không tỏ vẻ khó chịu gì hết. Hơn nữa con cố nén lòng để ước ao nước dơ ấy bắn lên con nhiều hơn. Qua nửa giờ đón nhận, con cảm thấy vui thú vì được nên trò vui cho chị em".

Cuối năm 1955 trong bệnh viện, cha Don Gnochi nói với bác sỹ: "Khi tôi chết, bác sỹ móc hai con mắt tôi để giúp cho hai đứa trẻ mù mà tôi đã nuôi". Bác sỹ đã thực hiện việc hy hiến của cha và điều đó làm cảm kích cả bác sỹ, ông đã quyết dâng hiến cuộc đời của mình để phục vụ các người xấu số.

Bà Bá tước Littry là người đã xây cất một bệnh viện tại Marne, xứ Eperny và chính bà đã ra tay phục vụ tại bệnh viện này. Khi nghe tin cậu con trai độc nhất của bà đã chết vì nghĩa vụ nơi trận tuyến, bà vô cùng đau khổ và thấy như tiêu tan hết nghị lực. Nhưng rồi bà dằn sự đau khổ lại và tiếp tục đi giúp các thương binh đưa đến bệnh viện. Ngày đó, một thương binh người Đức là kẻ thù của quốc gia được đưa đến bệnh viện. Khi thay áo cho tên lính Đức, bà bắt gặp chiếc ví và cái đồng hồ của cậu Jacques con bà. Vừa bàng hoàng vừa tức giận, bà thốt lên "Đây là tên lính đã giết chết con trai tôi". Mở ví ra bà thấy một tờ giấy con viết "Mẹ yêu quí, xin mẹ tha cho kẻ thù để cầu nguyện cho con mẹ nhé". Sau một hồi xúc động, bà Littry cúi xuống tiếp tục săn sóc người thù và một giọt nước mắt nóng hổi từ mắt bà rơi xuống, long lanh như một hạt kim cương.

Têrêsa đón nhận nước dơ bắn vào mình, không khác gì Têrêsa chặt chân mình không chạy đi nơi khác, đó là một thực hành tốt.

Cha Don Gnochi khoét mắt cho hai đứa trẻ mồ côi ngài nuôi, có một mức độ cao hơn, đó là nghĩa cử hy sinh đáng ca ngợi.

Bà Bá tước Littry đã cầm hãm được cơn giận với kẻ thù, lại hy sinh săn sóc cho họ nữa, phải chăng bà đã chặt cánh tay, đã khoét mắt mình, đã cát lưỡi mình, đã cạo hết não tủy mình để không trả thù cho con ? Việc làm này đên một mực độ tuyệt hảo.
Cuộc sống riêng mỗi người chúng ta cũng không thiếu gì những việc to việc nhỏ tương tự như vậy xảy ra (anh chị em ghanh nhau, con cái khó tính, cha mẹ ngặt nghèo, vợ chồng bất nhất, khác ý khác tính, họ hàng chòm xón bất bình, ghen tị, bạn bè vô ơn vô nghĩa, những sở thích, những đam mê riêng mỗi người.... Đủ thứ chuyện). Nhưng chúng ta có đủ can đảm để chịu đựng, đủ can đảm để từ bỏ những đam mê bất chính hàng ngày không ? Có dám nhắm mắt hy sinh trước những cơn bực dọc trong gia đình, nơi công sở, ngoài xã hội không ? Có can đảm để dấn thân giúp đỡ mọi người, nhất là người mình không ưa không thích hay kẻ thù của mình nữa ? Có sẵn sàng làm những việc không tên tuổi mà bất cứ lúc nào, bất cứ ai cần đến không ? Có để tâm cầu nguyện xin ơn mạnh sức để thắng lướt mọi khó khăn xảy đến trong đời mình không ?

Đó là những nghĩa cử Chúa muốn chúng ta thực hiện trong đời sống, Chúa muốn chúng ta làm đẹp chính mình.

Lạy Chúa xin cho con ơn can đảm để con thắng lướt mọi đam mê bất chính. Lại xin cho con sức mạnh để phục vụ, lòng quảng đại biết quên mình để hy sinh cho công nghĩa. Amen. (9/2003).

Trích Dongcong.net - Lm. Thu Băng, CMC

--------------------------

 

TN 26-B25. Óc bè phái và cớ vấp phạm


- Phó tế Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Mc 9, 38-43.45.47-48

 

Tại Ca-phac-na-um, ông Gio-an - em ông Gia-cô-bê và là con của ông Giê-bê-đê, có biệt danh: TN 26-B25


Tại Ca-phac-na-um, ông Gio-an - em ông Gia-cô-bê và là con của ông Giê-bê-đê, có biệt danh là con của Thiên lôi”- với óc kỳ thị bè phái, ông đã “mách” Chúa về việc “có người nhân danh Chúa mà trừ quỷ”. Nhân đó Chúa đã tiếp tục dạy dỗ các ông về tinh thần phục vụ.

Không nên kỳ thị, bè phái

Đứng trước thái độ kỳ thị, bè phái của Gio-an, Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đệ về mối nguy của các ông là muốn chiếm “độc quyền” về đức tin và rao giảng chân lý Tin mừng. Chúa đã khẳng định: tất cả những ai rao giảng về Chúa, nói về Chúa dù họ không cùng đoàn thể, không cùng sắc tộc mầu da, ngôn ngữ,& thì cũng đừng ngăn cản họ vì “ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Chúa Giê-su không chấp nhận một tinh thần “pháo đài” chỉ đóng khung trong một đoàn thể, một dân tộc; mà cần phải mở rộng tiếp đón tất cả những ai không thù nghịch với mình khi nhân danh Chúa để thực thi bác ái, công bình.

Hiệu quả của việc thi ân

Xa hơn, Chúa còn nêu lên một dụ ngôn về việc ai chỉ cho các môn đệ Chúa uống một ly nước lã vì người đó thuộc về Đức Ky-tô, thì sẽ được phần thưởng. Như thế là với một cử chỉ tưởng chừng không quan trọng: cho người anh em một ly nước lã, vì người đó là môn đệ Chúa, thì trước mặt Thiên Chúa, cử chỉ bé mọn đó đã mang một giá trị là phần thưởng mai sau.

Giáo huấn về việc gây cớ vấp phạm

Tiếp theo là giáo huấn của Chúa về việc gây nên gương mù gương xấu cho “những kẻ bé mọn”. Những kẻ bé mọn ở đây có thể hiểu là những người tín hữu mà đức tin vẫn còn yếu nên rất dễ bị lay động do những người vốn có đức tin vững chắc. Nói một cách dễ hiểu thì, đã là Ky-tô hữu, chúng ta đừng gây cớ vấp phạm cho những người chưa hiểu biết Chúa hoặc hiểu chưa thấu đáo về Chúa. Cớ đó có thể là lời nói của chúng ta, hành vi sống của chúng ta, thái độ của chúng ta đối với những người xung quanh,&Chúng ta có thể loan báo về Chúa ngay trên chính quê hương của chúng ta, trên chính xứ đạo chúng ta, trên chính đoàn thể của chúng ta, ngay trong môi trường xã hội mà chúng ta đang tham dự bằng việc sống công bình chính trực theo lời Chúa dạy. Có một điều chắc chắc là nếu chúng ta thực thi lời Chúa bằng cách thực thi những việc dù rất nhỏ mọn, đến một lúc nào đó, chúng ta khỏi cần phải quảng cáo “Tôi là người Công giáo”, tức khắc mọi người sẽ nhận ra “chân dung” thật sự của chúng ta.

Chúa Giê-su nhấn mạnh đến điều này qua ba lời cảnh giác đối với 3 chi thể của ta, đó là Tay, Chân và Mắt. Tại sao chỉ có 3 chi thể? Có lẽ chúng tiêu biểu cho những gì mà con người hay vi phạm như tay chân tiêu biểu cho trộm cướp, mắt tiêu biểu cho những ước muốn xấu xa, tội lỗi.

Ước mong sao lời Chúa mà chúng ta suy niệm hôm nay thực sự trở nên nguồn sống, thực sự trở nên động lực khiến chúng ta không thể sống trái với những gì mà mình đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa để gây duyên cớ vấp phạm cho những ai chưa nhận biết Chúa, vì như thế thì “thà buộc cối đá lớn vào cổ mà quăng xuống biển còn hơn”.

 Phó tế Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

--------------------------

 

TN 26-B26. HÃY TRÁNH XA DỊP TỘI - Lm. Vũ Xuân Hạnh 

Mc 9,38-43;45

 

Một đàng Chúa Giêsu đưa ra những hình phạt rất quyết liệt và kinh khủng dành cho những ai: TN 26-B26


Một đàng Chúa Giêsu đưa ra những hình phạt rất quyết liệt và kinh khủng dành cho những ai phạm tội: “Nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn có đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn có đủ hai chân mà phải ném xuống hỏa ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào Nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hỏa ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”. Chúa không nói là tội gì sẽ xử như thế nào, không hề phân biệt mức độ của tội và hình phạt dành cho tội, mà chỉ nói một cách quá chung chung. Hình như cứ có tội là phạt và chi thể nào làm cớ cho ta phạm tội, bất luận là tội gì, cần phải loại trừ chi thể ấy? Khi nói những lời như thế, xem ra Lời của Chúa không chỉ quyết liệt mà còn độc ác?

Dù Chúa dạy như thế, nhưng trong thực tế, Giáo Hột chẳng bao giờ thực hiện. Suy nghĩ xa hơn một chút, ta thử tưởng tượng mà xem, nếu Giáo Hội sử dụng hình phạt dành cho tội như Chúa đã dạy, sẽ xảy ra hai tường hợp: Trường hợp 1: Thế giới này sẽ có một Giáo Hội bi đát, khủng khiếp và rùng rợn không thể tưởng tượng: một Giáo Hội toàn là những người bị thương, bị tật, bị què, bị cụt&, vì không ai là không phạm tội, và phạm tội rất nhiều lần trong suốt cuộc đời của mình. Trường hợp 2: Giáo Hội sẽ không tồn tại, vì không có người. Chắc chắn không ai dám gia nhập vào một Giáo Hội tàn nhẫn như thế. Chẳng những không bao giờ thực hiện những điều ấy, mà Giáo Hội còn dạy những điều ngược lại, ngược hoàn toàn. Sách Giáo lý Công giáo của Giáo Hội đòi phải “Tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể”. Sách Giáo lý cho biết: “&Tra tấn thể xác hay tinh thần để điều tra, để trừng phạt tội phạm, đe dọa đối phương, để trả thù, là điều nghịch với sự tôn trọng con người và phẩm giá con người. Ngoài những trường hợp trị liệu, việc cố tình cắt bỏ, hủy hoại hoặc triệt sản, thực hiện trên những người vô tội đều nghịch với luật luân lý” (GLCG 2297).

Ta vẫn biết Lời Chúa là sự thật, là Lời ban sự sống, nhưng trong trường hợp này ta phải hiểu thế nào? Giáo Hội và Chúa Giêsu, ai đúng, ai sai?

Thực ra chẳng ai sai hết. Lời Chúa mãi mãi vẫn là Lời chân lý, Lời ban sự sống. Ngày nào Giáo Hội còn tin Chúa Kitô, còn nhận Chúa Kitô làm Cứu Chúa của mình, ngày ấy Giáo Hội vẫn phải sống và rao giảng Lời Chúa Kitô, và giáo lý của Giáo Hội vẫn phải phù hợp thánh ý Chúa. Về phía Chúa Giêsu, khi nói những lời xem ra quá sức quyết liệt và nặng nề như thế, Người muốn cho thấy sự trầm trọng của gương xấu, của chước cám dỗ, của những dịp tội, và xác định mối nguy hại có khi không nhỏ mà nó gây ra cho mỗi người. Qua đó, Người cho thấy cuộc chiến chống lại dịp tội, chống lại chước cám dỗ là một cuộc chiến lớn. Cuộc chiến ấy đòi hỏi một thái độ dứt khoát triệt để; một sự từ bỏ đến mức như không còn kể đến chi thể của mình; một sự hy sinh chẳng những không khoan nhượng nhưng có khi còn thiệt thòi, còn đau xót, còn cảm thấy mất mát về mặt vật chất và thân xác. Tất cả những điều ấy là để chiếm lấy đời sống vĩnh cửu. Nói như thế là hiểu nghĩa bóng. Còn hiểu nghĩa đen: giá trị của sự sống vĩnh cửu quan trọng cho đến mức, nếu cần phải đánh đổi, ta sẵn sàng chấp nhận hy sinh chính bản thân mình để giữ lấy sự sống ấy.

Ngoài ra, ta còn phải lưu ý: Lời Chúa Giêsu là lối nói cụ thể, thường gây cho người nghe cảm giác nghịch lý. Vì thật vô ích, khi phải tìm xem những tội nào có nguy cơ xuất phát từ bàn tay, bàn chân hay con mắt& Mặt khác, dù có cắt bỏ bất cứ một phần chi thể nào, hình như đều là sự vô ích, vì như thế chưa hẵn là đã loại trừ được nguy cơ phạm tội. Vì người ta phạm tội đâu phải chỉ do bàn tay, bàn chân hay đôi mắt, nhưng là cả con người của mình từ suy nghĩ, lời nói đến hành động. Nói cho cùng, sự trừ tuyệt đối với sự dữ là một đòi hỏi đắt giá. Qua đó Chúa Giêsu cho thấy giá trị tuyệt đối của sự sống, của hạnh phúc Nước Trời. Đó cũng là tiêu chuẩn vượt trên mọi tiêu chuẩn mà con người phải chọn lựa.

Bạn thân mến, người ta kể rằng, trong một khu rừng nọ có một con thỏ cái sống bên cạnh một đàng thỏ con. Ngày nọ, khi các con đã lớn, thỏ mẹ dẫn chúng ra đồng tìm mồi. Bỗng dưng từ đàng xa, xuất hiện một tiếng rống nghe rất dữ tợn. Tức khắc, gương mặt thỏ mẹ hiện rõ nét lo sợ. Nó vội làm hiệu cho các con về hang ẩn núp. Tuy nhiên, có một chú thỏ con tò mò và hiếu kỳ, muốn biết tiếng rống to đó là gì. Nó tách khỏi đàng, trốn mẹ, trốn anh em nấn ná ở lại để xem cho bằng được. Tiếng rống mỗi lúc một gần hơn. Chẳng bao lâu sau, từ phía tiếng rống ấy, không chỉ có tiếng rống mà còn xuất hiện một con hổ to. Thỏ con không biết là hổ nhưng bắt đầu cảm thấy sợ, khi chứng kiến một bộ mặt đầy sát khí, mắt và miệng thật to, hàm răng lởm chởm và những chiếc răng nanh thật dài trông khủng khiếp. Thỏ con quá sợ hãi, co chân chạy thật nhanh. Nhưng chính lúc thỏ con di động, là lúc nó gây sự chú ý cho con hổ. Chỉ cần một cú nhảy thật nhanh của con hổ độc ác, thỏ con đã nằm gọn trong miệng nó.

Hôm nay Chúa nói với tôi và bạn: Nếu tay hay chân, hay mắt ta nên dịp tội thì hãy chặt, hãy móc nó mà quăng đi, có khác nào Chúa muốn ta hãy tránh xa dịp tội! Vì thế, bạn và tôi đừng bao giờ liều thân nhảy vào dịp tội, đừng bao giờ tò mò đối với những hoàn cảnh nguy hại đến đức tin, đúng hơn đến sự sống vĩnh cửu của mình. Chú thỏ con tội nghiệp kia chỉ vì tò mò muốn biết tiếng rống khủng khiếp là gì, đã không tránh xa hoàn cảnh có thể đưa tới cái chết. Không tránh xa sự nguy hiểm, thỏ con đã tự nộp mình cho sự chết. Bạn và tôi, nếu không lánh xa dịp tội, nếu không ý thức mình yếu đuối, mỏng dòn, sự sa ngã do cố ý là điều khó tránh khỏi. Tội là sự chết của tâm hồn. Tránh xa dịp tội là tự cứu mình thoát chết.

Bên cạnh nỗ lực của bản thân để không phạm tội, chúng ta không được phép quên một nguyên tắc khó lòng thay đổi: Đời sống cầu nguyện. Con người không thể làm gì mà không cần đến ơn Chúa. Điều ấy càng đúng đối với đời sống thiêng liêng của ta. Bởi thế, lãnh bí tích; đọc kinh cầu nguyện; thánh lễ; đọc, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa& là những phương tiện giúp ta thêm mạnh mẽ để chống lại chước cám dỗ, và cũng để ta luôn tắm mình trong ơn Chúa. Hãy nhớ rằng, khi gần Chúa ta sẽ dễ xa cách tội. Nhưng nếu để mình xa Chúa, ta sẽ dễ gần tội.

Lm. Vũ Xuân Hạnh

--------------------------

 

TN 26-B27. AI KHÔNG CHỐNG LẠI TA LÀ ỦNG HỘ TA


- Phó Tế Huyền Đồng

Chúa Nhật 26 Thường Niên B: 26th Sunday in Ordinary Time

Lời Chúa cho hôm nay: AI KHÔNG CHỐNG LẠI TA LÀ ỦNG HỘ TA = * Whoever is not against us is for us *

 

Ông Môsê nói: Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ: TN 26-B27


* BÀI ĐỌC 1: Dân số 11, 25- 29 = Ông Môsê nói: Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ./ Would that all the people of the Lord were prophets!. .. the Lord might bestow His Spirit on them all!

* BÀI ĐỌC 2: Giacôbê 5, 1- 6 = Không công bằng của người giầu: những kẻ giầu có...tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo các ngươi đã bị mối ăn./ You rich,...Your weath has rotted, your fine wardrobe has grown moth-eaten.

* BÀI TIN MỪNG(Gospel) Mac-cô 9, 38- 43; 45; 47- 48 = Mọi người có thể ca tụng Đức Kitô: Đừng ngăn cản người ta. Ai không chống lại ta là ủng hộ ta./ Everyone can Proclaim Christ. Do not stop...Whoever is not against us is for us.

A. Bạn và tôi cùng Cảm - Nghiệm Sống và Chia sẻ ba bài đọc trên: (Reflections, live out and share )

1/ Ông Gioan nói với Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Thái độ của ông Gioan cũng là thái độ của tôi thường có suy nghĩ là người ấy không hợp với tôi hay cùng tôn giáo với mình, họ không theo chúng ta, nên tôi không hợp tác với họ, tìm cách ngăn cản họ. Những gì đã cản trở tôi không hòa hợp với người khác? (Hành đạo)

“Teacher, we saw someone driving out demons in your name, we tried to prevent him because...follow us.” (Mc.9, 38- 39)

2/ Đức Giêsu quả quyết nói với bạn: “Ai làm cớ cho một trong một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Việc làm gương xấu, gương mù thường xảy ra ở những người phục vụ để những Tín hữu phải vấp ngã. Tội này rất nặng và Chúa đã lên án gắt gao là buộc cối đá và ném xuống biển. Điều nào giúp bạn thay đổi con người cũ này? (Đào luyện)

“Whoever causes one...who believes in Me to sin, it would be better...his neck, he were thrown into the sea.” (Mc. 9, 42)

3/ Trong bài đọc 1, ông Môsê trả lời ông Giôsuê: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”Vì Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ. Ông Giôsuê thấy nhiều người được Thần Khí Chúa, nên đã ngăn cản họ. Hành động ghen tương khi phục vụ cần phải thaó bỏ khỏi tôi, vì tôi không giống Ngài. Chia sẻ những phương tiện đã giúp tôi thăng tiến? (Thánh thiện)

“Are you jealous for my sake? Would that all the people of the Lord were prophets!.. His Spirit on them all”. Dsố 11, 29)

4/ Thánh Giacôbê đã nghiêm trách những kẻ độc ác như sau: “Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các ngươi.” Có những người đã lợi dụng địa vị, tiền bạc để đè bẹp người nghèo, ức hiếp người lương thiện. Tại sao bạn chưa chịu cải tiến tốt cho Gia đình, Cộng đoàn? (Sống đạo)

“You have condemned, murdered (even killed) the righteous man; because he does not resist you.” (Gc. 5, 6 )

B. Câu Kinh Thánh bạn và tôi chọn làm Châm ngôn Sống tuần này: ( The Best GodỴs Word )

“ KHÔNG AI CHỐNG LẠI CHÚNGTA LÀ ỦNG HỘ CHÚNG TA “ (Mc. 9, 40 )

“ Whoever is not against us is for us”

* Công Đồng dạy: “ Để chúng tôi khỏi trở thành những chướng ngại vật, vì quan niệm quá nghiêm khắc cho những ai lãnh nhận ơn cứu rỗi .(Thánh Basiliô Cả) (GHCG. # 3)

C. Ngay bây giờ tôi phải làm gì để Sống hòa hợp với mọi người: ( So what am I doing / For Action )

1/ Tôi có thể chọn 1 trong 4 Gợi ý Cảm-Nghiệm Sống và Chia sẻ ở phần A để thực hành vào đời sống.

2/ Bạn nên có một cái nhìn mới về người nghèo và yếu thế bằng có tư tưởng và hành động công bằng.

D- D.Tôi cầu nguyện với Lời Chúa và Sống thực hành điều cầu xin: ( I pray and practice / Pray in Action )

a/ Tôi đọc lại một câu Kinh Thánh mình thích nhất, để xin Chúa Thánh Linh đến thanh tẩy tâm hồn.

b/ Bạn tự phát những cảm nhận được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, với những quyết tâm thực hiện tuần này.

Lời hay ý đẹp: TÌNH YÊU NHƯ CHÚA KITÔ SẼ CHỮA LÀNH BỆNH GANH TỴ TRONG LÒNG

“Christlike love will heal the heart disease of envy”

 Phó Tế Huyền Đồng 

--------------------------

 

TN 26-B28. ĐỨC MẾN


1.      KHUYNH HƯỚNG BÈ PHÁI VÀ MUỐN ĐỘC QUYỀN CỦA CÁC TÔNG ĐỒ

 

Một trong những khuynh hướng rất thông thường nơi con người, đó là óc bè phái và ham muốn: TN 26-B28


Một trong những khuynh hướng rất thông thường nơi con người, đó là óc bè phái và ham muốn độc quyền. Khuynh hướng này được biểu lộ nơi các môn đệ Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay. Trên con đường loan báo Tin Mừng, các môn đệ Ngài thấy có những người không thuộc nhóm của mình lại nhân danh Ngài mà làm được những phép lạ như trừ quỷ, chữa bệnh... Theo quan niệm của các ông, chỉ những ai ở trong nhóm 12 như mình mới có quyền nhân danh Thầy mình để làm phép lạ, trừ quỷ, chữa bệnh... Nếu có ai khác làm điều ấy được, lập tức các ông nhận thấy độc quyền của mình bị xâm phạm. Có lẽ các ông cảm thấy bực bội vì điều ấy nên đã cố ra tay ngăn cản họ. Đức Giê-su đã tỏ ra không tán thành khuynh hướng bè phái muốn độc quyền ấy của các ông.

2.      CÁM DỖ MANG TÍNH BÈ PHÁI VÀ ĐỘC QUYỀN NƠI NGƯỜI KI-TÔ HỮU

Trong đời sống Ki-tô hữu, nhiều khi chính chúng ta cũng bị cám dỗ bởi não trạng bè phái và ham muốn độc quyền như các môn đệ Đức Giê-su. Chẳng hạn những người cùng tin vào Đức Giê-su và cùng nhận Ngài là Cứu Chúa, theo thời gian, bị phân thành nhiều giáo phái khác nhau. Việc bị phân hóa như thế là một việc hết sức tự nhiên nếu không muốn nói là tất yếu, vì tất cả mọi tôn giáo, mọi trường phái tư tưởng, nghệ thuật, v.v... đều bị phân hóa theo thời gian theo định luật đa dạng hóa của tự nhiên.

Theo tôi, nếu không bị phân hóa như thế thì đó mới chính là điều lạ thường. Đương nhiên, giáo phái nào cũng tự cho mình là đúng đắn nhất, là gần với chân lý nhất. Tiếp xúc với các tín đồ của nhiều giáo phái khác nhau, tôi không hề thấy một giáo phái nào lại cho rằng có một giáo phái khác đúng hơn mình. Điều này cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên hay bất mãn chút nào ! Dù khác nhau – chủ yếu là trong tiểu tiết – các giáo phái vẫn hết sức giống nhau trong đại thể. Giáo phái nào cũng đều tin và tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Giáo phái nào cũng chủ trương phải sẵn sàng dấn thân theo Ngài với tất cả tình yêu, lòng nhiệt thành của mình. Giáo phái nào cũng đều tuyên xưng: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” ( Rm 10, 9 ). Giáo phái nào cũng chủ trương: “Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu thoát” ( Rm 10, 13 ).

3.      THẬT LÀ MỘT GƯƠNG XẤU VĨ ĐẠI

Nhưng thật là một điều trớ trêu và là một gương xấu vĩ đại trước những người ngoài Ki-tô giáo, khi mà: Một đằng Đức Giê-su – Đấng mà mọi giáo phái Ki-tô giáo đều tôn thờ, đều nhận là Chúa, là Thầy – đã tuyên bố: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau” ( Ga 13, 35 ). Đằng khác, các giáo phái Ki-tô giáo lại coi nhau như là ngoại đạo ! Các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, một vài trường hợp khủng bố lẫn nhau ! Nhiều giáo phái Ki-tô giáo phủ nhận khả năng được cứu rỗi của những người thuộc giáo phái khác, cho dù tất cả đều tin và tuyên xưng những điều căn bản y hệt như nhau ! Dường như giáo phái nào cũng muốn hạn chế hoặc chỉ dành riêng sự cứu rỗi cho những ai theo giáo phái của mình ! Đó là điều tôi lấy làm lạ, làm ngạc nhiên hết sức, và không thể chấp nhận được !

Đây quả là một gương xấu vĩ đại, một điều mỉa mai cho Đức Giê-su và cho tất cả các giáo phái Ki-tô giáo, vì gương xấu này là một phản chứng nặng nề đối với những người ngoài Ki-tô giáo, khiến họ không thể chấp nhận được một tôn giáo như thế ! Ước gì các giáo phái Ki-tô giáo đều đọc và suy nghĩ câu Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”.

4.      COI CHỪNG CHÍNH KẺ KẾT ÁN LẠI LÀ KẺ ĐỘC ÁC, THIẾU TÌNH THƯƠNG

Khi nghe một người Ki-tô hữu thuộc một giáo phái nào đó quả quyết chắc chắn rằng những Ki-tô hữu trong những giáo phái khác với họ đều không được cứu rỗi, thì tôi hỏi người ấy: “Vậy anh có muốn điều anh quả quyết như thế là đúng không ?” Nếu anh ta trả lời rằng muốn, thì tôi nói: “Vậy thì anh quả là độc ác ! Một đằng Thiên Chúa muốn tất cả mọi người đều được cứu rỗi ( x. 1 Tm 2, 4 ), còn anh lại muốn chỉ những ai trong giáo phái của anh mới được cứu rỗi. Anh sẵn sàng chấp nhận những người khác giáo phái của anh không được cứu rỗi, tức sa hỏa ngục. Vậy thì anh mới chính là người đáng sa hỏa ngục đầu tiên, vì nơi anh không có tình thương ! Vì tình thương mới là điều quan trọng nhất phải có để vào thiên đàng, để hợp nhất với Đấng mà bản chất là tình thương”.

Nếu anh ta mong rằng điều anh ta nghĩ là sai, thì tôi bảo: “Như vậy là anh rất nhân từ, có tình thương ! Tốt lắm ! Phần tôi, tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa còn nhân từ và nhiều tình thương hơn anh gấp tỷ lần. Ngài có đủ quyền năng và đủ cách để giải quyết cho những Ki-tô hữu khác giáo phái với anh được cứu rỗi. Vì thế, anh hãy phó mặc số phận của những người theo giáo phái khác trong tay Chúa và hãy an tâm ! Anh hãy lo cho chính bản thân anh thì tốt hơn, vì nếu anh không có tình yêu, anh không thể vào thiên đàng được đâu ! Điều Chúa muốn nơi anh chính là anh hãy coi các Ki-tô hữu khác giáo phái với anh là đồng đạo, và coi cả những người khác tôn giáo với anh nữa là anh em. Anh hãy yêu thương họ và hãy mong ước những điều tốt lành nhất cho họ !”

5.      ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT ĐỂ VÀO ĐƯỢC THIÊN ĐÀNG LÀ TÌNH YÊU

Điều quan trọng để vào được thiên đàng là Đức Tin. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là tình yêu. Thánh Phao-lô viết: “Hiện nay Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến” ( 1 Cr 13, 13 ). Khi lên thiên đàng, Đức Tin, Đức Cậy không còn vì không cần thiết nữa, chỉ riêng “Đức Mến không bao giờ mất được” ( 1 Cr 13, 8 ). Thiên đàng được định nghĩa là nơi hạnh phúc, trong đó mọi người hoàn toàn đối xử với nhau bằng tình thương. Nếu có ai còn ích kỷ hay thiếu tình thương mà lọt vào đó ắt người đó sẽ làm ô nhiễm ngay bầu khí hạnh phúc của thiên đàng.

Chính vì thế, theo tinh thần đoạn Tin Mừng Mt 25, 31 – 46, khi phán xét, Thiên Chúa chỉ phán xét về cách cư xử của ta có tình thương hay không mà thôi. Cứ nhìn vào đời sống thực tế thì biết, chúng ta dễ hạnh phúc ở bên những người biết yêu thương hơn là bên những người có niềm tin. Thực ra, niềm tin đích thực tất yếu phải dẫn tới tình yêu. Thế giới này đã từng điêu đứng khổ sở vì những cuộc chiến tranh tôn giáo, thậm chí ngày nay vẫn còn. Những cuộc chiến tranh ấy nổ ra không phải do con người thiếu Đức Tin cho bằng thiếu tình thương. Có thể nói: Đức Tin cộng với lòng ích kỷ ( tức thiếu tình thương ) sẽ thành óc bè phái. Óc bè phái chính là nguyên nhân của chiến tranh.

Vì thế, Đức Tin phải đi đôi với Đức Mến hay dẫn tới Đức Mến mới là Đức Tin đích thật. Niềm tin không dẫn tới tình yêu, thật ra, chỉ là niềm tin giả tạo, tương tự như “Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết” ( Gc 2, 17. 26 ). Như vậy, một Ki-tô hữu có đầu óc bè phái, muốn độc quyền được cứu rỗi, nghĩa là muốn loại trừ những Ki-tô hữu khác giáo phái mình, không muốn họ hưởng hạnh phúc đời đời, thì Ki-tô hữu ấy rõ ràng là thiếu tình thương. Mà thiếu tình thương thì làm sao vào thiên đàng được ?

Lạy Cha, xin cho con một Đức Tin đích thực nơi Cha và nơi Đức Giê-su. Đức Tin đích thực tự bản chất phải bao hàm tình yêu ở bên trong. Không bao hàm tình yêu, Đức Tin đó chỉ là Đức Tin giả tạo, là nguồn phát sinh óc bè phái, óc độc quyền, cũng là nguồn phát sinh nên bao cuộc chiến tranh tôn giáo trên thế giới. Xin ban cho con tình yêu đối với mọi người chung quanh con, đặc biệt đối với tất cả những ai tin theo Đức Giê-su, như dấu chỉ đặc trưng cho người môn đệ đích thực của Ngài.   

Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT

--------------------------

 

TN 26-B29. CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN. B


Mc 9,38-43.45.47-48

Thưa quý vị,

 

Nhân loại đã phát sinh tật xấu “chia phe” từ thời Cain giết em là Abel (St 4,1). Nó trở thành: TN 26-B29


Nhân loại đã phát sinh tật xấu “chia phe” từ thời Cain giết em là Abel (St 4,1). Nó trở thành khuynh hướng “tự nhiên”, đến nỗi ngày nay các tâm lý gia cho là bẩm sinh. Những chiếc máy ảnh được giấu kín trong sân chơi của các trường mẫu giáo. Các em được tự do vui đùa thoả thích. Chẳng sớm thì muộn tự dưng các em tụ họp thành “các nhóm” và phân biệt ra đứa “ở trong”, đứa “ở ngoài” nhóm, chứ chẳng bao giờ đồng nhất. Như vậy từ rất sớm trong đời người chúng ta đã phân chia thành vòng trong và vòng ngoài tại các giao tiếp xã hội. Lớn hơn nữa sự phân chia ngày càng rõ nét ở các trường tiểu học, trung học, đại học. Khuynh hướng này được bộc lộ dưới nhiều hình thức, quần áo, môn chơi, giai tầng, hội kín. Bên Âu Mỹ các trường đại học có các fraternities (huynh hội), sororities (tỷ hội) rất nghiêm ngặt. Hội viên phải trải qua các thử thách ghê sợ, nhiều học sinh, sinh viên phải dùng tới biện pháp “tự tử”, vì không qua được luật lệ của hội. Sau các “hội” này là các “câu lạc bộ”, rồi đến các cơ hội làm ăn, địa vị xã hội, chính trị& Nghĩa là “các phe” được hình thành và phát triển suốt chiều dài của đời người trong một quốc gia hay cộng đồng quốc tế. Ở gia đình chúng ta cũng có những hiện tượng tương tự. Nhiều khi phải giữ thể diện, ăn tiêu phung phí để các thành viên khác hài lòng mà chấp nhận chúng ta. Thí dụ không đủ tiền, phải đi vay mượn để mua Tv màu, phẳng, hiện đại, hoặc nhà cửa rộng rãi không cần thiết, tiện nghi đắt tiền, xe hơi hợp thời trang, cho con đi học trường điểm, du học ngoại quốc. Rồi kiếm tiền bằng những nghề bất chính.

Cũng vì để được chấp nhận trong một tổ chức nghề nghiệp hay hàng xóm láng giềng, mà nhiều lúc chúng ta giữ yên lặng, trong khi đáng lý phải tố cáo bất công, áp bức, phản bội hoặc nói hành, gièm pha lẫn nhau. Khi khác phải hối lộ số tiền lớn để được nhận vào câu lạc bộ với nhiều quyền lợi. Tệ hơn nữa có những kẻ phải chứng minh mình là tay anh chị, dám thực hiện những hành động côn đồ, bạo lực, phạm pháp để lọt được vào các hang ổ tội ác. Báo chí hàng ngày phơi bày nhan nhản các trường hợp như vậy trong xã hội “đen, đỏ” thuộc mọi cấp bậc, màu da, tiếng nói, ngôn ngữ, sắc tộc, quốc gia, quốc tế. Người ta thường hãnh diện về nguồn gốc, tổ chức của mình và khinh thường người khác. Bất hạnh thay, ngay cả trong tình trạng tôn giáo cũng có những khuynh hướng như vậy. Chúng ta có những mặc cảm giáo sĩ, giáo dân, giám mục, linh mục, tu sĩ và vô tình loại bỏ, khinh thường lẫn nhau. Những giáo xứ, họ đạo, địa phận càng phát triển phe nhóm hơn nữa. Chúng ta dùng “ảnh hưởng”, địa vị để áp đặt chương trình của mình trên người khác. Ý kiến của mình phải là độc tôn, bất chấp sự thật và lẽ phải. Xưa nay đã xảy ra rất nhiều cạnh tranh, hiềm tỵ, phá đám giữa các phe nhóm trong cùng một nhà Dòng, tỉnh Dòng, giáo xứ, địa phận,& Thật là đau lòng và vi phạm nặng nề luật thương yêu của Thiên Chúa. Nhưng chẳng ai lưu tâm. Người ta vẫn ngang nhiên tự phong là đạo đức, làm theo “Thánh ý”. Cũng không oan khi có kẻ xấu miệng gán ghép nhóm này là “bảo thủ” nhóm khác là “cấp tiến”, nhóm thì được khen là cởi mở, thức thời. Nhóm bị chê là thoái hoá, lạc hậu. Còn nhiều thuật ngữ khác nữa để miêu tả tinh thần “phe nhóm” mà tôi không thể liệt kê hết.

Trên đất nước Hoa Kỳ những năm gần đây, các phe nhóm nhập cư, nghèo khổ và phụ nữ đã đứng lên thách đố dân da trắng, thuộc thế giới thứ nhất giàu có, đa số là đàn ông, trong các tổ chức quyền bính của giáo hội. Họ đòi hỏi đâu là tiếng nói của những kẻ ngoài lề xã hội, bị loại trừ? Đâu là vị trí của họ trong lòng Hội Thánh. Liệu tiếng nói của họ có được ai lắng nghe trong cơ chế thần học, giáo lý của giáo hội? Vì lý do này hay ý kiến khác nhiều người đã bị gạt ra khỏi sinh hoạt chung và không được kính trọng, tỷ như trường hợp của các ông En-đát và Mê-đát thời Môsê. Họ không đi hội họp mà vẫn có thể nói tiên tri ngay tại nhà mình. Bảy mươi vị vọng khác không thể hiểu được và đã báo cáo lên ông Môsê. May thay Môsê đã hiểu ra vấn đề và đã ao ước mọi người khác cũng được hưởng Thần khí như hai ông. Môsê không có khuynh hướng phe phái như các bậc vị vọng kia. Ông trả lời Giosuê con ông Nun: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban thần khí trên toàn dân của Người để tất cả đều là ngôn sứ”. Thì ra, Thần khí không hề về phe với ai. Ngài hoàn toàn tự do hoạt động trên khắp mặt địa cầu. Chẳng ai có khả năng “nhốt” Ngài vào nơi chốn nào cả!

Đó là bài học lớn cho những ai liên minh với quyền bính trong giáo hội cơ chế. Đọc kỹ các bản văn thánh lễ hôm nay thì đúng như vậy. Và cũng là cơ hội để chúng ta xét lại thái độ của mình đối với các tín hữu vô danh tiểu tốt. Trước hết chúng ta phải nhận thức rằng: ân huệ và nghĩa vụ hoàn toàn thuộc về toàn thể cộng đồng đức tin. Không ai được phép giành đặc quyền đặc lợi cho “phe” của mình. Tuy rằng một số người trong chúng ta có những trọng trách nặng nề hơn. Thí dụ những người đã được truyền chức để đại diện cho cơ chế hoặc cộng đoàn đặc biệt. Người khác làm tư tế, mục sư, giảng thuyết. Người khác nữa làm giáo lý viên, giảng sư, đọc sách, giúp lễ. Nhiều người có lời khấn, nhiều người không. Có những tín hữu hi sinh toàn thời gian cho việc phục vụ nhà Chúa, người tín hữu khác chỉ có thể bán thời gian. Tất cả đều chia sẻ công tác thăng tiến giáo hội. Đến đây thì chúng ta phải dừng lại kẻo lây nhiễm tinh thần bè phái. Cứ như các bài đọc, thì gương xấu không phải nói tiên tri sai chỗ hoặc trừ quỷ không có phép của Chúa Giêsu. Nhưng là một tinh thần hành đạo thiếu bác ái như Thánh Giacôbê dạy. Cho nên, khi nhìn lại vị trí của mình trong giáo hội chúng ta phải ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng hoàn thành thánh ý của Ngài qua Thần Khí. Không phụ thuộc vào ai. Ngài chịu trách nhiệm về chương trình của mình: chỉ đạo, hướng dẫn, chữa lành, làm phép lạ, hoà giải, nuôi dưỡng kẻ nghèo đói, an ủi cô nhi quả phụ, kết thúc chiến tranh, ban phát hoà bình, xây dựng ngôn sứ, tương lai,.. Ngài sẽ hành động trong và ngoài giáo hội cơ chế, trong và ngoài hội nghị kỳ mục.

Trong bài Tin mừng, tông đồ Gioan phàn nàn với Chúa Giêsu rằng có ai đó không thuộc về nhóm mười hai đã làm dấu lạ nhân danh Thầy Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không theo chúng ta.” Rõ ràng trong đầu óc ông có tư tưởng phe phái và cố chấp. Ông sợ thiên hạ chia sẻ quyền lực của mình. Họ mới là những người được hưởng đặc ân, được tham dự vào sứ vụ của Thầy, cho nên ông ngăn cấm người ta trừ quỷ. Hẹp hòi biết mấy, tương tự như não trạng chúng ta hôm nay. Nhưng Gioan đã thất bại. Chúa Giêsu khiển trách ông: “đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay cả sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Cũng giống như trường hợp của Môsê, Chúa Giêsu cho biết đừng giới hạn quyền năng của Thánh Thần. Ngài hoàn toàn tự do vươn tới những đối tượng có nhu cầu, ngay cả vượt ra ngoài khuôn khổ nhóm mười hai ưu tuyển. Trong Tin mừng chẳng chỗ nào thấy Chúa Giêsu thiết lập “tiêu chuẩn” để làm môn đệ. Tất cả đều được thâu nhận miễn là có thành tâm, thiện chí: “Những ai không chống lại Thầy, là ủng hộ Thầy.” Đúng là một luật lệ chung chung, phổ quát. Chẳng tổ chức nào trên thế gian đặt tiêu chuẩn cho các hội viên của mình rộng rãi như vậy. Chúng ta nên lấy đây làm gương để xét lại thái độ trong khu xóm, giáo xứ. Những ai có nhu cầu, đều phải được chúng ta chăm lo, bất kể màu da, ngôn ngữ, địa vị xã hội, giàu nghèo,… hạn chế là không phải tinh thần Chúa Giêsu!

Hơn nữa Ngài còn nhấn mạnh: “Ai cho anh em dù chỉ một chén nước lã& thì Thầy bảo thật, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Thế nghĩa là chẳng cần nhãn hiệu thành viên của nhóm mới được “quyền lợi” phần thưởng! Ôi sao mà cao sang, rộng rãi: Cả nhân loại, mọi thời, mọi nơi, đều được lãnh phần thưởng của Thượng Đế, nếu biết yêu thương, bác ái. Cái tiêu chuẩn duy nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là “tình yêu” tha nhân. Cứ như lối suy nghĩ này thì những kẻ làm lớn trong hàng môn đệ của Ngài có lẽ lại trở nên rốt hết, vì họ khinh thường những kẻ bé mọn trong cộng đồng. Chọn những vị trí tốt nhất để trở thành vật cản, không cho thiên hạ tiếp cận với Chúa Giêsu. Họ đặt ra không biết bao nhiêu lề luật, hạn chế! Thật ra, Thần khí của Thiên Chúa không hề bị ngăn cản. Ngài tự khẳng định mình trong các công trình yêu mến, bác ái. Không ai có đặc quyền đặc lợi trong sứ vụ của Chúa Giêsu! Tất cả đều bình đẳng, tất cả đều là anh em trong tình yêu của Ngài: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Tiêu chuẩn để theo Chúa Giêsu, làm môn đệ Ngài chỉ có bấy nhiêu! Và chúng ta thấy nhiều hạng người này trong xã hội, bên Đông cũng như bên Tây, da trắng cũng như da màu, nghèo cũng như giàu. Họ nuôi dưỡng cô nhi quả phụ, chăm lo bệnh nhân, người già cả, trẻ bé thơ, bụi đời, xì ke, ma tuý, aids. Họ cổ võ hoà bình, chống chiến tranh, bất công xã hội, lập nhà thương, xây dựng trường học, xoá đói giảm nghèo, phân phát thuốc men miễn phí. Những công việc này, đáng lẽ là của giáo hội và các môn đệ Chúa Giêsu.

Cứ như kinh nghiệm thì nhiều tổ chức đi trước chúng ta trong công tác từ thiện. Họ rất đỗi nhạy cảm trước những khổ đau của tha nhân. Nhiều khi chúng ta còn phải tổ chức, cắt đặt, chỉ định vai vế. Những tổ chức tình nguyện thì khỏi cần. Ở đâu có nhu cầu là họ đáp ứng ngay, mau lẹ và chu đáo. Cách cho hơn là của cho. Cha Karl Rahner có ý kiến rằng, bởi lẽ chỉ có một Thiên Chúa, Đấng thương yêu nhân loại qua Đức Kitô, cho nên tất cả những ai nghe theo lương tâm, làm lành lánh ác, theo lẽ phải mà hành động thì đều là môn đệ Chúa Giêsu. Nói “vâng” cho các đòi hỏi của Ngài, dầu biết hay không biết Ngài hiện diện trên trần gian. Karl Rahner gọi họ là Kitô hữu “vô danh”. Như thế thì những ai sống thiện, làm lành đều hưởng Thần khí của Ngài, thi hành sứ vụ của Ngài và chúng ta phải công nhận ân huệ nơi kẻ khác, ân huệ thường nhật trong nếp sống, chứ không phải chỉ là lý thuyết. Chúng ta không buộc phải chấp nhận thuật ngữ “tín hữu vô danh” của Karl Rahner. Nhưng ý kiến của ông có phần chính xác. Đời sống tốt lành là dấu chỉ bàn tay Thiên Chúa đang hoạt động trên thế gian. Những linh hồn như thế sẽ được Thiên Chúa cứu vớt bằng cách nào đó mà chúng ta không biết. Bởi họ đang thi hành Thánh ý Ngài giữa đồng loại mình. Hy sinh của họ soi sáng chúng ta gạt bỏ khuynh hướng bè phái, chia phe. Tinh thần của Đức Kitô, quả thật, đã bẻ gãy mọi rào cản, đạp đổ mọi tường thành mà linh mục, tu sĩ, giáo dân “chính thống” đã dựng nên. Nó đã thấm nhuần mọi tầng lớp xã hội, tràn lan khắp mặt địa cầu. Xin Chúa cho chúng ta luôn được tinh thần ấy hướng dẫn mãi mãi. Amen

Suy niệm:

Chiếc đồng hồ chậm năm phút nguy hiểm hơn cái chậm nửa tiếng. Chậm nửa tiếng người ta dễ biết mà điều chỉnh. Còn chậm năm phút khó biết hơn nên dễ bị nhỡ tàu xe, máy bay, công việc. Cũng thế, chân lý nửa vời gây nhiều thiệt hại hơn sai lầm hoàn toàn. (Danh ngôn phương Tây).

Lm. Jude Siciliano, OP.

--------------------------

 

TN 26-B30. Dịp tội

 

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ về dịp tội.  Câu hỏi thứ nhất: Dịp tội: TN 26-B30


Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ về dịp tội.

Câu hỏi thứ nhất: Dịp tội là gì?

Tôi xin thưa, đó là những hoàn cảnh thúc đẩy làm cho chúng ta dễ dàng vấp ngã.

Câu hỏi thứ hai: Chúng ta phải có thái độ nào đối với dịp tội?

Trước hết bản thân chúng ta không được trở thành dịp tội cho người khác sai lỗi. Hay nói một cách cụ thể hơn, chúng ta không được phép làm gương mù gương xấu cho người khác.

Rất nhiều lần chúng ta đã nói:

- Không ai có thể sống cô độc lẻ loi một mình, trái lại, chúng ta sống là sống với người khác.

Thế nhưng, trong cuộc sống chung này, chúng ta lại ảnh hưởng đến nhau rất nhiều. Một lời nói tốt, hay một việc làm tốt sẽ để lại một ảnh hưởng tốt. Trái lại, một lời nói xấu hay một việc làm xấu, sẽ tạo nên một hậu quả xấu nơi người chung quanh. Chính vì thế mà tục ngữ đã bảo:

- Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

Hay như danh ngôn Tây phương cũng nói:

- Anh hãy chỉ cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ cho anh hay anh là người như thế nào.

Chính vì thế, chúng ta không được làm gương mù gương xấu, trở thành dịp tội, trở thành cái cớ cho người khác vấp phạm.

Chúa Giêsu đã có một thái độ nghiêm khắc đối với kẻ làm gương mù gương xấu. Ngài nói:

- Nếu ai làm cho một trong những kẻ bé mọn này phạm tội, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà quẳng xuống biển còn hơn.

Đang khi mọi người cố gắng rao giảng Tin Mừng, góp phần làm cho Giáo hội được phát triển, thì gương mù gương xấu sẽ hủy hoại Giáo hội và làm cho Giáo hội bị giảm sút.

 Ngoài ra, bản thân chúng ta còn phải xa tránh những dịp tội.

Như trên chúng ta đã nói dịp tội là những hoàn cảnh thúc đẩy khiến chúng ta dễ dàng sai lỗi. Bởi đó, tục ngữ đã dạy:

- Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, chơi dao có ngày đứt tay.

Hay như một nhà đạo đức đã xác quyết:

- Sống trong dịp tội mà không sai lỗi vấp phạm, thì đó là một phép lạ cả thể mà chắc chắn Chúa sẽ chẳng bao giờ thực hiện cho chúng ta.

Tuy nhiên, có điều chúng ta cần phải lưu ý: dịp tội thay đổi tùy theo mức độ hiểu biết và trưởng thành của mỗi người. Cùng một cuốn sách, người này đọc thì thấy hay và bổ ích, còn người khác thì bị cám dỗ nặng nề về đức tin hay đức trong sạch. Vì thế, không phải hễ thấy người khác làm việc nọ việc kia là chúng ta bắt chước mà làm theo. Trái lại, cần phải suy nghĩ, cân nhắc, bàn hỏi và lắng nghe tiếng nói của lương tâm để dễ dàng nhận ra dịp tội, bởi vì trước mỗi hoàn cảnh, trước mỗi công việc, lương tâm thường lên tiếng báo động và chỉ cho chúng ta hay đâu là cái phải làm và đâu là cái phải tránh.

Tóm lại để bảo vệ vẻ trong trắng của tâm hồn, chúng ta hãy can đảm xa tránh dịp tội, như lời Chúa đã phán dạy:

- Nếu mắt con làm con phạm tội, thì hãy móc nó đi, vì thà rằng chột một mắt mà được vào nước trời, còn hơn là có đủ cả hai mắt mà bị quăng vào hỏa ngục đời đời.

--------------------------

 

TN 26-B31. Quyết liệt dứt khoát với tội lỗi


– ĐTGM. Ngô quang Kiệt

 

Nếu mỗi chi thể phạm tội đều phải bị cắt bỏ, chắc chắn không một ai lành lặn. Không thể hiểu: TN 26-B31 FB


Nếu mỗi chi thể phạm tội đều phải bị cắt bỏ, chắc chắn không một ai lành lặn. Không thể hiểu theo nghĩa đen những lời Đức Giêsu nói hôm nay. Tuy nhiên cũng không được loại trừ tính chất quyết liệt của những lời đó. Đức Giêsu bảo ta phải chặt tay, chặt chân, móc mắt khi những chi thể này phạm tội, có nghĩa là phải quyết liệt với sự xấu.

Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như căn bệnh hay lây. Đã nhiễm vào một phần thân thể, sẽ nhanh chóng lây lan tới cả cơ thể. Lây lan đến đâu làm độc đến đấy. Phải ngăn chặn ngay từ đầu, nếu không sẽ khó mà cứu vãn được mạng sống.

Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như nọc độc loài thú dữ. Đã vào mạch máu sẽ mau chóng tràn vào tim. Khi chất độc đã ngấm đến tim, sẽ làm tê liệt mọi hoạt động của cơ thể, sẽ cướp đi mạng sống con người.

Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như loại thuốc mê . Một khi để sự xấu nhiễm vào, người ta sẽ mất khả năng chống cự. Sự xấu làm cho con người ra nhu nhược yếu hèn, làm tê liệt ý chí phấn đấu. Để cho sự xấu xâm nhập, nó sẽ thống trị ta, sẽ bắt ta làm nô lệ. Một khi đã rơi vào ách nô lệ sự xấu, con người khó lòng thoát ra.

Quyết liệt dứt khoát với sự xấu cũng giống như chặt tay, chặt chân, móc mắt, nghĩa là phải sẵn sàng chịu đau khổ, Dứt khoát với tội lỗi không dễ. Tội lỗi khi đã thấm vào người, nó trở nên như một phần bản thân, gắn bó với bản thân. Dứt bỏ cũng đau đớn như chính cơ thể bị chặt bỏ, xé lìa. Ta hãy xem người cai nghiện. Cơn nghiện vật vã dày vò tưởng chết đi được. Vì đối với người nghiện, ma túy trở thành một phần thiết thân của đời sống đến nỗi khi phải dứt lìa họ đau đớn khổ sở như phải tách lìa một phần thân thể, như đánh mất chính sự sống.

Chặt tay, chặt chân, móc mắt cũng có nghĩa là dứt lìa với những người, những nơi, những đồ vật khiến ta phạm tội. Những con người, những đồ vật, những nơi chốn đó trở thành một phần đời của ta. Để dứt bỏ, trái tim ta đau đớn đến rướm máu. Cuộc dứt bỏ làm tâm hồn ta như bị thương tích đau đớn vô cùng.

Cũng như người bệnh phải chịu phẫu thuật, cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống, Chúa bảo ta phải quyết liệt với tội lỗi, phải chặt tay, chặt chân, móc mắt không phải vì muốn hành hạ ta, muốn ta phải đau khổ. Trái lại chính vì yêu thương ta, muốn ta được hnạh phúc mà Chúa dạy ta phải dứt khoát với tội lỗi.

Dứt bỏ tội lỗi là dứt bỏ những phần hư hỏng xấu xa, nhiễm bệnh trong cơ thể. Dứt bỏ tội lỗi là ngăn ngừa không cho sự xấu xâm nhập vào linh hồn. Dứt bỏ sự xấu là ngăn chặn sự độc hại tàn phá linh hồn. Dứt bỏ tội lỗi là giúp linh hồn có cơ hội được lớn mạnh, được phát triển.

Ham vui một chốc lát để rồi chịu kết án suốt đời khổ sở. Hay là chịu đau khổ một chốc lát để suốt đời được tự do hạnh phúc. Ta chọn đàng nào? Chắc chắn ta phải chọn con đường hạnh phúc lâu dài. Chính Chúa muốn hạnh phúc cho ta, nên đã truyền cho ta phải dứt khoát với tội lỗi để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết nghe lời Chúa dạy, biết dứt khoát với tội lỗi, để được sống đời đời với Chúa. Amen.

--------------------------

 

TN 26-B32. SNLC/825 - Nhân danh

 

Trong trận thế chiến II, ba vị tuyên úy Công giáo, Tin lành và Do thái trở thành những người: TN 26-B32


Trong trận thế chiến II, ba vị tuyên úy Công giáo, Tin lành và Do thái trở thành những người bạn thân của nhau. Họ thề hứa với nhau nếu một người trong nhóm bị giết chết, thì những người còn sống sót phải báo tin cho gia đình của người qua đời và lo việc chôn cất.

Thế rồi, vị tuyên úy Do thái bị giết chết. Hai người còn lại không thể tìm thấy một Rabbi hay một hội đường Do thái nào. Cuối cùng, trong một làng ở nước Pháp, họ tìm thấy một nhà thờ Công giáo xinh đẹp với một nghĩa trang được chăm sóc cẩn thận. Vị tuyên úy Công giáo đề nghị: “Chúng ta hãy đi gặp vị linh mục chánh xứ, may ra ông ấy có thể giúp chúng ta”.

Cha xứ muốn giúp họ. Nhưng ngài lại không bảo đảm chắc chắn được nên mới nói: “Ngày mai, xin các ông trở lại đây. Tôi sẽ tìm kiếm trong các sách vở để xem có luật nào cho phép chôn một người không phải Kitô hữu trong một nghĩa trang Công giáo hay không “.

Cha xứ đã tìm kiếm suốt đêm đó, nhưng không có kết quả. Ngài bảo họ: “Hãy chôn ông ấy ngay sát hàng rào của nghĩa trang. Chính tôi sẽ chăm sóc ngôi mộ của ông ấy”.

Khi chiến tranh kết thúc, họ quay lại để viếng ngôi mộ của người bạn. Nhưng họ không thấy dấu vết gì ở sát bên hàng rào của nghĩa trang. Họ tìm cha xứ và yêu cầu ông giải thích. Cha xứ mỉm cười và nói: “Tôi thấy ngôi mộ nằm bên ngoài nghĩa trang trông cô độc quá. Do đó, tôi tiếp tục tìm kiếm”. Họ liền hỏi: “Cha đã tìm thấy một luật cho phép dời ngôi mộ vào bên trong hàng rào?” Cha xứ trả lời: “Tôi không thấy một luật nào cho phép như thế. Nhưng không có luật nào cấm tôi dời hàng rào ra bên ngoài”.

Thái độ loại trừ đang phổ biến khắp nơi. Không chỉ trong lãnh vực tôn giáo, nhưng còn trong các tổ chức, các hiệp hội và mọi nơi khác trong xã hội. Ngay cả trong các gia đình nữa, khi cha mẹ thương đứa con này hơn đứa khác.

Chúa Giêsu không có quan niệm loại trừ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Không có độc quyền trong sự thánh thiện. Chúa Giêsu Kitô không chỉ thuộc về những người Công giáo, Tin lành, Chính thống… và những Kitô hữu khác. Người thuộc về tất cả những ai có thiện chí, có thiện tâm. Tất cả mọi người chúng ta đều thuộc về Chúa Giêsu Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, con tin, nhưng xin trợ giúp đức tin yếu kém của con.

--------------------------

 

TN 26-B33. CSTM/220 - Gương mù

 

Bài Tin Mừng hôm nay có bốn lời khuyên của Chúa Giêsu được thánh Marcô ráp lại với nhau: TN 26-B33


Bài Tin Mừng hôm nay có bốn lời khuyên của Chúa Giêsu được thánh Marcô ráp lại với nhau: Thứ nhất, hãy loại bỏ thái độ thống trị, ngay cả với người ngoài cộng đồng Giáo hội. Thứ hai, giá trị của mỗi người môn đệ là do liên đới với Đức Kitô. Thứ ba, đừng làm cớ cho người khác vấp ngã, dù là người nhỏ bé nhất. Thứ tư, hãy loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho mình vấp ngã, vì giá trị tuyệt đối của nước trời. Sau đây chúng ta chỉ tìm hiểu hai điều sau thôi, tức là gương mù gương xấu.

Chúng ta biết: điều răn của Chúa đặt cơ sở trong cõi lòng, trong tư tưởng, trong lương tâm, một khi con người có tư tưởng thế nào thì hành động ắt sẽ xảy ra như vậy. Nhưng có một điều trớ trêu là từ tư tưởng tốt đến hành động tốt có vẻ hơi xa, ngược lại, từ tư tưởng xấu đến hành động xấu thì rất gần. Những hành động xấu lại là dịp tội, là gương mù gương xấu kéo theo bao nhiêu thứ tội khác và kéo theo bao nhiêu người khác nữa sa ngã: “Mù dắt mù cả hai ngã xuống hố”. Một ngọn đèn hết sáng thì bóng tối ùa vào, bao nhiêu ngọn đèn khác cần được thắp sáng nhờ ngọn lửa của ngọn đèn đó thì nay không còn. Một ngọn đèn tắt đi là không những tối cho mình mà nhiều người khác dễ vấp ngã.

Gương mù gương xấu là lời nói hay việc làm gây nên sự thiệt hại cho linh hồn người ta. Gương mù gương xấu ví như hòn đá đặt giữa lối đi làm cho người ta vấp ngã, nên dịp cho người ta phạm tội. Tai hại như vậy nên Chúa Giêsu gắt gao lên án hết mọi kẻ làm gương mù gương xấu. Chúa lên án gắt gao vì họ là kẻ giết người vô tội, tiêu hủy đức tin. Làm tăng thêm số người tội lỗi và khô khan, nói chung là làm hại các linh hồn. KInh Thánh cho biết bà Dê-da-ben ăn ở lẳng lơ làm gương mù gương xấu cho dân, số người bắt chước đời sống xấu xa của bà trong mấy năm thôi đã trở nên gấp mười lần số người các ngôn sứ đã khuyên được sau bao nhiêu năm khó nhọc vất vả. Tai hại và nguy hiểm như vậy nên Chúa Giêsu nói: họ đáng buộc thớt đá cối xay vào cổ và quăng xuống biển, vì họ phải chịu trách nhiệm về những tội họ làm cho người ta phạm và những tội chính họ phạm nữa. Chúng ta cũng nên biết thêm một chút về câu nói trên đây của Chúa Giêsu.

Ở Do Thái có hai loại thớt cối đá: một loại thớt cối xay bột do các bà làm bánh quay tay, một loại rất nặng do đôi bò kéo để chà ngũ cốc. Ở Palestine có hai hình phạt nặng nhất cho tử tội là thập giá và buộc thớt cối đá ném xuống biển. Loại hình phạt thứ hai do người Rôma mang vào Do Thái, và rất kính sợ vì chết chìm nghỉm, mất xác, làm mồi cho hà bá. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói lên một chân lý đáng sợ của Ngài là nếu gây gương mù dịp tội thì đáng lãnh án phạt nặng nề kinh khiếp không phải là ở trần gian mà là trong hỏa ngục của đời sau. Thật vậy, một người phạm tội một mình đã là tội rồi, lại còn lôi cuốn người khác phạm tội nữa, thì tội đó còn nặng hơn là tội giết người, vì giết người là cất một sự sống trăm năm, còn gương mù làm mất sự sống vĩnh cửu. Và chúng ta nên nhớ: tội gương mù không phải là hễ nhiều người thấy mới là gương mù, mà chỉ một người thấy thôi cũng đủ là gương mù rồi.

Vì thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải hết sức tránh dịp tội, Chúa bảo phải “móc mắt, chặt tay, chặt chân”, không phải là móc mắt, chặt tay, chặt chân thật mà Chúa chỉ muốn so sánh việc mất mắt, mất tay, mất chân với việc cả toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Chúa bảo chúng ta phải lựa chọn một trong hai điều: hoặc là phải hy sinh một vài điều có thể gọi là quý báu tạm thời trên đời đổi lấy sự sống vĩnh cửu, hoặc là cứ khư khư giữ lấy cái quý giá tạm bợ kia để rồi lãnh án phạt đời đời. Vậy móc mắt, chặt tay, chặt chân là Chúa muốn chúng ta đặt ra một kỷ luật nghiêm minh cho chính mình. Chẳng hạn nếu hình ảnh nào làm cho chúng ta phạm tội, chúng ta phải can đảm ngoảnh mặt đi, cũng như không thể để gói thuốc nổ gần lửa rồi mong rằng không có tai nạn xảy ra. Cũng tương tự như thế cho những ai trong dịp tội, đừng có liều mình. Các thánh nhân đã kinh nghiệm dạy: “thà phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “đào vi thượng sách”. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta đọc “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, mà một đàng mình cứ quanh quẩn ở trong dịp tội, cứ đứng ở chỗ trơn trượt thì sao đây? Cuộc đời có thể có những cái nếu chúng ta không làm thì bị anh em cười chê, nhưng nhớ rằng: bị Chúa cười chê đời đời mới đáng sợ và phải sợ, chứ còn trần gian cười ba tháng là tối đa. Chúa muốn chúng ta nghĩ tới hình khổ hỏa ngục trầm luân mà giữ mình cẩn thận.

Vậy chúng ta phải tránh xa dịp tội, gương mù gương xấu để chính mình khỏi vấp ngã, và chúng ta cũng đừng bao giờ làm dịp tội hay gương mù gương xấu cho người khác. Cả hai đều đáng khinh đáng ghét ở đời này và lãnh án phạt nặng nề đời sau.

--------------------------

 

TN 26-B34. NẾU CHÂN ANH LÀM CỚ CHO ANH SA NGÃ


 - Chiara Lubich

"NẾU CHÂN ANH LÀM CỚ CHO ANH SA NGÃ, THÌ CHẶT NÓ ĐI; THÀ CỤT MỘTCHÂN MÀ ĐƯỢC VÀO CÕI SỐNG CÒN HƠN LÀ CÓ ĐỦ HAI CHÂN MÀ BỊ NÉM VÀO HỎA NGỤC"

 

Đây là những lời làm ta sững cả người. Đức Giê-su bảo ta hãy chặt chân, chặt tay và móc mắt: TN 26-B34


Đây là những lời làm ta sững cả người. Đức Giê-su bảo ta hãy chặt chân, chặt tay và móc mắt nếu chân ta, tay ta, mắt ta khiến ta phạm tội. Hẳn rằng những lời này có đầy đủ sức mạnh của một thanh gươm hai lưỡi (xem Dt 4,12), nhưng ta biết rằng không được hiểu theo nghĩa đen. Ý nghĩa muốn nói ở đây là trước bất kỳ dịp tội nào, ta phải sẵn sàng khước từ tất cả, kể cả những gì và những người mà ta rất yêu dấu, còn hơn để mất đi điều thực sự quý giá: "được vào cõi sống", nghĩa là được hiệp thông với Thiên Chúa và được cứu độ.

Cụm từ "cớ sa ngã" trong Phúc Âm chỉ tất cả những gì ngăn trở giữa ta và Thiên Chúa, ngăn cản ta thi hành ý của Người; bất kỳ điều gì thọc gậy bánh xe chặn ta đi theo Đức Giê-su, như một cái bẫy làm ta sa ngã, phạm tội. Có những lúc con mắt, bàn tay, bàn chân "làm ta sa ngã", nghĩa là chúng dường như dẫn ta đến chỗ chối bỏ Đức Giê-su, phản bội Người, yêu chuộng những cái khác hơn Người.

Santa Scorese, một thiếu nữ hai mươi ba tuổi, người thành phố Bari, miền nam nước Ý, đã hiểu rõ điều đó. Năm 1991, khi bị một thanh niên trạc bằng tuổi mình đe dọa, cô thà chết còn hơn mất sự trinh khiết. Đối với cô, Thiên Chúa đáng quý hơn chính mạng sống của mình.

"Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục".

Lời Sống này lột mặt nạ "con người cũ" (xem Ep 4,22) trong ta. Thực vậy tội lỗi không đến từ sự vật, từ bên ngoài mà xuất phát từ thâm tâm, từ trong lòng ta. "Con người cũ" sống trong ta khi ta chiều theo những lôi cuốn của tội lỗi và khi ta tìm cách thỏa mãn những xu hướng thấp hèn nhất của ta: thói ích kỷ, thèm khát quyền lực, vinh quang, tiền bạc….

"Con người cũ" phải nhường chỗ cho "con người mới" (xem Ep 4,24): Đức Giê-su ở trong ta.

Tự sức ta, liệu ta có thể nhổ tận gốc các đam mê thác loạn ra khỏi tâm hồn và làm trổ sinh trong ta sự sống thần linh không? Chỉ có Đức Giê-su, bằng cái chết của Người, mới có thể làm chết đi "con người cũ" của ta, và với sự phục sinh, Người biến đổi ta trở nên những con người mới. Người có thể ban cho ta lòng can đảm và quyết tâm trong cuộc chiến chống lại sự dữ, và một lòng mến sắt son, nồng nàn những gì là thiện hảo. Từ nơi Người xuất phát tự do nội tâm, bình an và niềm vui khôn tả, nâng ta lên khỏi tất cả những xấu xa của thế gian và cho ta được nếm trước niềm vui thiên đàng.

"Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hỏa ngục".

"Con người mới" trong ta phải lớn lên và phải được gìn giữ khỏi các cám dỗ của "con người cũ". Về phần ta, ta phải làm gì? Năm 1949, tôi đã viết như sau: "Có rất nhiều cách để dọn dẹp một căn phòng - lượm lên từng cọng rác một; dùng chổi nhỏ, chổi chà, hoặc máy hút bụi. Hoặc ta có thể dọn sang một phòng khác, mọi thứ đều sạch sẽ, ngăn nắp. Hành trình nên thánh của ta cũng giống như thế. Thay vì khó nhọc bứng đi hết khuyết điểm này đến tật xấu kia, thì ngay lập tức ta có thể tránh sang một bên và để cho Đức Giê-su sống trong ta. Nghĩa là ta "chuyển hộ khẩu" để sống trong người khác, chẳng hạn như trong những người chung quanh ta. Đúng vậy, ta sống viên mãn cuộc sống của người đó".

Hãy yêu mến! Đó là toàn bộ giáo lý của Đức Giê-su. Hãy tinh luyện tâm hồn để ta có khả năng lắng nghe tha nhân, biết đón nhận các vấn đề và các ưu tư của người bên cạnh làm của mình, và chia vui sẻ buồn với họ, phá bỏ những hàng rào vẫn còn gây chia rẽ giữa chúng ta, vượt qua những thành kiến và thói chỉ trích phê bình, ra khỏi thế cô lập của ta và đặt mình phục vụ những người túng thiếu, cô đơn, và xây dựng ở khắp nơi sự hiệp nhất mà Đức Giê-su đã muốn.

Nếu ta sống như thế, Thiên Chúa sẽ lôi kéo ta sống kết hợp với Người ngày càng thân mật hơn và sẽ làm cho ta kiên vững và hầu như không thể bị tấn công trước những sai lầm và lôi cuốn của thế gian.

"Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục".

Đức Giê-su còn bảo ta hãy dứt khoát "chặt đi" bất kỳ sự vật, người hoặc hoàn cảnh nào có thể là dịp tội cho ta. Đó là ý nghĩa của điều mà Phúc Âm gọi là "từ bỏ chính mình" (xem Mc 8,34). Ki-tô hữu là người có được lòng can đảm cần thiết để chống trả các xu hướng ích kỷ, không để cho chúng trở thành lối sống của mình.

Ta hãy ra khỏi con người mình bằng cách yêu mến những người bên cạnh và chặt đứt mọi dính bén với bất kỳ điều gì không đáng để ta yêu mến. Ta hãy quét sạch tất cả những gì cần được đưa ra khỏi tâm hồn của ta. Không có hi sinh nào gọi là quá lớn nếu hi sinh aáy duy trì được sự hiệp thông của ta với Thiên Chúa. Mỗi xén tỉa sẽ làm nảy sinh trong tâm hồn ta hoa trái mừng vui, một niềm vui đích thực, niềm vui mà thế gian không biết đến.

--------------------------

 

TN 26-B35. Thời đại chúng ta có đáng bị tròng cối đá vào cổ không?

 

Các thánh chép sử không chủ tâm làm những bản tường thuật chính xác, đầy đủ về những lời: TN 26-B35


Các thánh chép sử không chủ tâm làm những bản tường thuật chính xác, đầy đủ về những lời Chúa Giêsu giảng dạy. Các ông truyền lại cách chính xác cho chúng ta giáo huấn của Thày tùy theo những điều nhớ được và tùy những lúc lưu tâm ghi – chép, nhưng theo thứ tự và cách sắp đặt không tuyệt đối đúng sự thật. Dường như thánh Marcô thuật lại trong bài đọchôm nay những đoạn rời rạc của một bài giảng của Chúa, chúng ta không sao hiểu được toàn bài như thế nào. Những đề mục gợi ra rất khác biệt, có thể là đề tài cho những công trình bình giải đi vào chi tiết. Về phần chúng ta, chỉ cần giữ lấy 2 chủ đề suy niệm gợi ý chúng ta về hai cung cách trong số nhiều cung cách khác, để biểu lộ niềm tin vào Chúa Giêsu trong đức ái thực tế.

1) Chúa không muốn các môn đệ đối lập với một người tuy không gia nhập nhóm các ông, nhưng nói và hành động nhân danh Ngài.

Ta thấy rằng Chúa phân biệt giữa sứ mệnh đặc biệt của nhóm Tông đồ và hiệu năng tỏa rộng của đức tin. Tông đồ Gioan bất bình thấy một người lấy tên Chúa mà hành động tuy không được chính thức nhìn nhận là 1 trong nhóm 12. Thày phản ứng, cho họ biết rằng muốn làm môn đệ hoạt động thì không bắt buộc phải ở trong tập đoàn Tông đồ Diễn giải Lời Chúa, ta thấy điều này có nghĩa tương tự như sau: hàng Giáo phẩm mà sứ mạng đặc biệt là bảo đảm đức tin, có bổn phận tôn trọng tính tự phát của Chúa Thánh Thần trong mỗi người đã chịu Phép Rửa. Hàng Giáo phẩm có thể và có bổn phận xem xét tính chất đích thật của sự tự phát này và phải vui mừng về tính sinh động của đức tin xuyên qua mọi tín hữu.

Mở rộng viễn tượng ra, người ta có thể dẫn chứng tư tưởng sau đây được Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh: Giáo hội vui mừng được nhìn thấy bất cứ hoạt động nào trong thế giới phù hợp với Phúc âm, dù cho hoạt động ấy không xuất phát từ thiên chức của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI không quân phát biểu tư tưởng đó mỗi lần. Ngài tiếp kiến đại sứ một nước không theo Kitô giáo.

Liệu chúng ta có chấp nhận không giữ độc quyền tuyệt đối về Phúc âm không? Có những người gần gũi Phúc âm tuy không biết Phúc âm – trong khi có những Kitô hữu bất trung biết rõ Phúc âm mà lại xa cách Phúc âm.

2) Kẻ nào nên cớ vấp phạm cho một trẻ trong các trẻ nhỏ này...

Những ai là ‘trẻ nhỏ’ Chúa nói đến ở đây? Chúa nghĩ đến em bé mà Cháu đem ra làm tấm gương thiêng liêng. Người cũng nghĩ đến nhóm môn đệ thiếu sáng suốt, khiêm nhường, quảng đại nhưng ít học, có xu hướng tự nhiên theo gương các lãnh đạo. Cấp lãnh đạo phải giữ mình sao cho đừng nên cớ cho họ vấp phạm, tức là đừng có trở thành dịp cho họ lầm lạc hay phạm tội.

Vấn đề trên đang rất hợp thời.

Nói chung, rất nhiều nhà ‘chế tạo dư luận’dẫn dắt chúng xa lìa chân lý và sự thanh khiết của Phúc âm.

Nói riêng, trong Giáo hội có những nhà viết sách báo và đôi khi cả những nhà tìm tòi nghiên cứu không cư xử như người có ý thức trách nhiệm. Cách khinh xuất, họ gieo rắc những nghi ngờ vào những tâm trí thiếu chuẩn bị, do đó làm suy yếu đức tin và quá nhiều phen giết chết đức ái. Vì họ thiếu một tình thương tạm đủ, cái cối đá Chúa gợi ý, đáng lẽ khiến họ phải hồi tâm.

--------------------------

 

TN 26-B36. Mẹ của sự khám phá


(Trích trong ‘Mở ra những kho tàng’ - Charles E. Miller)

 

Phải nói rằng nhu cầu là mẹ của sự phát minh. Khi kỷ nguyên kỹ nghệ hóa bắt đầu làm cho nhu: TN 26-B36


Phải nói rằng nhu cầu là mẹ của sự phát minh. Khi kỷ nguyên kỹ nghệ hóa bắt đầu làm cho nhu cầu ánh sáng trở nên tốt hơn là những cây nến hoặc cây đèn dầu và Thomas Edison đã phát minh ra bóng đèn điện. Nhu cầu là mẹ của sự phát minh. Trong Giáo Hội nhu cầu là mẹ của sự khám phá, đó là một sự khác nhau. Chúng ta có thí dụ trong bài đọc một.

Khi Môisê nhận thấy dân Israel ở nơi hoang địa đã trở thành quá đông số, quá sức chăm sóc của ông, ông đã phàn nàn với Chúa về gánh nặng của mình. Chúa đã nói với ông hãy thành lập một hội đồng bô lão gồm có bảy mươi bô lão để giúp vào việc cai trị. Trên họ, Thiên Chúa sẽ gởi xuống tinh thần của Môisê, điều có nghĩa là Thiên Chúa muốn chia sẻ quyền lực và sức mạnh của Môisê cho họ. Bởi nhu cầu, Môisê đã khám phá ra mình không thể làm tất cả mọi chuyện tự sức mình. Thiên Chúa muốn cho những người khác chia sẻ sứ vụ của ông trong việc hướng dẫn và chăm lo cho dân.

Khổ thay, Giosuê đã không hiểu kế hoạch của Thiên Chúa và có một lúc ông đã không lớn đủ để sẵn lòng chia sẻ tinh thần của Môisê với Eldad và Medad, là những người đã không hiện diện khi tinh thần ấy ngự xuống trên những người khác. Một điều gì đó quen thuộc đã xảy ra với Chúa Giêsu và các tông đồ. Chúa Giêsu đã chia sẻ sứ vụ của Ngài với các tông đồ nhưng khi Gioan thấy một người đàn ông không phải là một trong nhóm Mười Hai mà lại dùng danh Giêsu để xua đuổi quỷ, nên oán hận giống như Giosuê đã làm. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã không bị điều khiển bởi ganh tỵ. Ngài đã vui mừng vì sứ vụ của Ngài đã được lan rộng.

Trong Giáo Hội ngày hôm nay, nguyên tắc của nhu cầu là mẹ của sự khám phá vẫn được tiếp tục. Bởi vì các phong trào bên trong Công Đồng Vatican II, các Giáo hoàng và các giám mục đã luôn luôn nhớ rằng, Thiên Chúa ngay từ kỷ nguyên đầu đã ban cho Giáo Hội một thừa tác vụ, được biết như là phó tế. Đó cũng là một hình thức khám phá, bởi nhu cầu của cộng đoàn. Trước Công Đồng Vatican II chỉ một mình vị linh mục mới được cho rước lễ, (ngay cả thầy sáu chủng viện cũng cần có phép đặc biệt). Sau Công Đồng, số những người Công giáo rước lễ tăng lên rất nhiều, Giáo Hội khám phá ra rằng những giáo dân có thể trở thành những thừa tác viên đặc biệt cho rước lễ và một chức thừa tác đã được cho phép bởi Thiên Chúa và làm hài lòng Ngài. Trước Công Đồng Vatican II linh mục đã làm mọi chuyện trong Thánh Lễ, gồm cả việc đọc Thánh Kinh, nhưng sau khi trở lại với truyền thống, Giáo Hội mới khám phá ra rằng, từ xa xưa những thừa tác giáo dân cũng được biết như là những người đọc sách thánh.

Khổ thay, một số người trong chúng ta giống Giosuê và Gioan, chúng ta kháng cự lại sự khám phá. Chúng ta có thể oán hận bởi vì người đàn ông có vợ rồi vẫn có thể được truyền chức phó tế. Chúng ta cũng bực bội bác bỏ ý kiến về những thừa tác đặc biệt cho rước lễ và nhấn mạnh rằng họ chỉ được quyền trao Thánh Thể cho những trường hợp đặc biệt. Một số người khác trong chúng ta lại không thể chịu được những sự kiện, như là phụ nữ đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ.

Bởi vì nhu cầu mang ánh sáng lan tỏa trong Giáo Hội ngày hôm nay, ánh sáng đã được chiếu sáng hơn phát minh của Thomas Edison. Đó cùng là ánh sáng của Thánh Thể chiếu sáng trên chân lý để cho Giáo Hội thấy sáng tỏ hơn. Trong Thánh Vịnh nơi bài đáp ca, chúng ta đón nhận Thiên Chúa đã ban niềm vui cho trái tim. Đó là sự thật trao ban cho trái tim của chúng ta, để chúng ta mở rộng cho sự thúc đẩy của Thánh Thể trong Giáo Hội ngày hôm nay. Không nên phàn nàn về những thừa tác viên trong phụng vụ, chúng ta phải cám ơn Chúa và cầu xin cho ân sủng tuôn trào nơi Thánh Thần của Người sẽ tiếp tục ban xuống trên Giáo Hội.

--------------------------

 

TN 26-B37. Tinh thần đại kết


(Trích trong ‘Niềm vui chia sẻ’)

 

Cha Anthony De Mello, một linh mục Ấn Độ, Dòng Tên, chuyên về huấn luyện tu đức, đã tưởng: TN 26-B37


Cha Anthony De Mello, một linh mục Ấn Độ, Dòng Tên, chuyên về huấn luyện tu đức, đã tưởng tượng câu chuyện “Chúa Giêsu đi xem bóng đá” (trong tập truyện “Bài ca của loài chim” The Song of Bird) như sau: “Nghe Đức Giêsu than phiền là Ngài chưa một lần nào được xem một trận bóng đá, chúng tôi liền đưa Ngài đến xem một trân đấu rất gay go giữa hai đội tuyển Tin Lành và Công Giáo. Khi đội Công Giáo làm bàn trước 1- 0, Đức Giêsu hoan hô vang dội và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, trong một đợt phản công đẹp mắt, đội Tin Lành đã gỡ một đều (1-1), Đức Giêsu cũng reo hò và tung mũ lên trời. Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, ông ta hỏi Ngài:

-Này ông bạn, ông ủng hộ bên nào? Chúa Giêsu trả lời trong khi mãi mê theo dõi trận đấu: “Tôi à? Ồ, tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là để thưởng thức trận đấu mà thôi”. Người khán giả tỏ vẻ khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu lại bực hội hơn, ông quay sang người bên cạnh và nói nhỏ: “Hắn ta là một tên vô thần!”

Trên đường về nhà, chúng tôi nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, những người có tôn giáo thật là buồn cười, họ tưởng rằng Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại tất cả nhưng ai không thuộc về tôn giáo của họ”. Chúa Giêsu gật đầu tỏ ý đồng tình. Ngài bảo: “Đó là lý do tại sao tôi không ủng hộ đội tuyển Tin Lành hay đội tuyển Công Giáo, mà chỉ ủng họ các cầu thủ thôi, dù họ thuộc bất cứ đội tuyển nào”.

Anh chị em thân mến,

Câu chuyện này tuy là tưởng tượng, nhưng nó mang sứ điệp của Tin Mừng hôm nay. Số là có người không thuộc về Nhóm Mười Hai Tông Đồ đã nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ. Thấy thế, ông Gioan đã ngăn cản người ấy. Tưởng là có công lớn, ông đem khoe với Chúa Giêsu. Nhưng ông không ngờ trước phán quyết của Chúa: “Đừng ngăn cản người ta làm gì! Vì không có ai nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”.

Vào thời ông Môisê cũng thế. Khi ông Giôsuê muốn dành độc quyền nói tiên tri cho nhóm bẩy mươi vị Kỳ Mục, đã xin Môisê ngăn cản hai ông Elđát và Mêđát nói tiên tri. Nhưng ông Môisê đã trả lời: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều làm ngôn sứ!”(Bđ. 1).

Cả hai câu trả lời thật đáng giá, vì chính thức lên án một tấm lòng hẹp hòi, một khối óc cục bộ. Làm sao người ta có thể nói tiên tri, có thể trừ quỷ, nếu không thuộc về Chúa, không do Chúa ban. Thái độ khép kín, phe nhóm như thế không đúng tinh thần cởi mở của Chúa Giêsu. “Thần Khí muốn thổi đâu thì thổi”, “đừng dập tắt Thánh Thần”. Không phải chỉ có Giôsuê của thời Môisê hay Gioan của thời Chúa Giêsu, mà Giáo Hội cũng đã nhiều lần muốn bảo vệ cái độc quyền nhân danh Đức Chúa của mình. Lịch sử Giáo Hội cũng là một chuỗi biến cố đau thương làm cho những trang sử của Giáo Hội mất đi vể trong sáng. Con người luôn bị cám dỗ áp đặt cho chính Thiên Chúa cái suy nghĩ hẹp hòi của chính mình, Công Đồng Vatican II đã đánh dấu một trang sử mới của Giáo Hội về chính mình, về thế giới, về những tôn giáo khác, về những người không tin. Không còn là thái độ lên án, khinh thường miệt thị nữa, mà là một thái độ trân trọng thực sự và đối thoại chân thành. Từ thái độ tự cao tự đại, tưởng mình độc quyền chân lý chuyển sang thái độ khiêm tốn biết giới hạn của mình, đồng thời nhìn ra cái chân, cái thiện, cái mỹ nơi người khác, nơi các dân tộc khác, trong các nền văn hoá khác.

Cuộc “hoán cải” lịch sử ấy vẫn đang tiếp diễn trong lòng Giáo Hội, đặc biệt trong những năm chuẩn bị bước sang Thiên Niên Kỷ Thứ Ba. Trong Tông thư “Tiến Tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba” (10/11/1994). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi “Giáo Hội phải ý thức sâu sắc trách nhiệm về tội lỗi của con cái mình, khi hồi tưởng lại trong lịch sử những lạc xa Thánh Thần của Đức Kitô và Tin Mừng… Giáo Hội không thể bước qua ngưỡng cửa của Thiên Niên Kỷ mới mà không thối thúc con cái mình thanh luyện trong sự sám hối về những lỗi lầm, bất trung, chia rẽ, trì trệ… (số 34). “Trong số những tội lỗi đòi hỏi phải có một nỗ lực sám hối và hoán cải đặc biệt hơn, hiển nhiên phải kể đến những tội phá hỏng sự hiệp nhất mà Thiên Chúa muốn có nơi dân của Ngài. Qua những ngàn năm đã qua, kể cả ở ngàn năm thứ nhất, mối hiệp thông Giáo Hội “đôi khi bởi lỗi lầm của thành phần này hay thành phần khác” đã bị xé rách một cách đau đớn, điều đó rõ ràng đi ngược lại với ý muốn của Đức Kitô và là một cớ vấp phạm cho thế giới” (số 34).

Thưa anh chị em,

Người môn đệ Đức Kitô phải có trái tim rộng lớn, cởi mở như Thầy, sẵn sàng bắt tay hợp tác với mọi người và mời gọi mọi người cộng tác vào những việc tốt, việc hữu ích cho con người, cho xã hội, không hạn chế, không loại trừ hay cấm cản ai, nhất là những người thành tâm thiện chí. Tinh thần quảng đại của Đức Kitô không cần biên giới, không chấp nhận bị ràng buộc trong một phe nhóm, một tổ chức nào. Tinh thần đó phải vượt lên trên mọi khác biệt, vì “Thần Khí Chúa được ban cho mọi người không phân biệt ai”. Ở đất nước ta đã không thiếu những hình ảnh của các tăng ni phật tử bên cạnh các linh mục, tu sĩ nam nữ, các Kitô hữu để làm công tác từ thiện bác ái, thăm viếng bệnh nhân, chăm sóc các cô nhi quả phụ, xóa đói giảm nghèo…

Có gì tuyệt cho bằng chân lý yêu thương của Đức Kitô được mọi người anh em Phật Giáo, Khổng Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Công Giáo cùng nhau chia sẻ và phấn đấu thực hiện cho bằng được: “Phàm ai hoạt động trong đức ái là đã thuộc về Đức Kitô” (x.Mc 9,41). Bởi vì bất cứ người tốt việc tốt từ đâu, ở phía nào, cũng đều được Chúa chấp nhận. Bất cứ hành động công bằng nào, công việc bác ái thương người nào, đều sẽ được Chúa thưởng công, dù chỉ một ly nước mát, một nụ cười tươi: “Ai cho anh em uống một ly nước vì lẽ anh em là người của Đức Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Ngược lại, Chúa cũng không làm ngơ trước một hành động xấu, gây cớ cho người nào vấp phạm sa ngã phạm tội, làm điều gian ác. Hơn nữa, chính bản thân mình cũng phải cương quyết dứt khoát từ chối đi theo con đường tội ác, tránh xa dịp tội. Chúa bảo ai làm gương xấu cho kẻ khác vấp phạm thì “thà buộc cối đá lớn vào cổ mà quăng xuống biển còn hơn”. Chúa còn dùng kiểu nói cường điệu: “chặt tay, cưa chân, móc mắt”, nếu những chi thể quý báu ấy nên cớ cho mình vấp phạm để mất sự sống đời đời, vì “thà cụt tay, què chân, mù mắt còn hơn là phải vào hỏa ngục đời đời”. Lý do là giá trị tuyệt đối của sự sống đời đời.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đừng lo giữ lấy độc quyền ơn cứu độ cho mình, nhưng hãy sống cái hạnh phúc được thuộc về Chúa Kitô và chia sẽ cho anh em hạnh phúc ấy. Mỗi người cần phải nghĩ đến người khác trong khi nói năng, cư xử, hành động, để trở nên gương sáng cho người khác. Hãy thay đổi cách suy nghĩ và hành động phản chứng và gây gương mù. “Tiến đến Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, hết thảy chúng ta được mời gọi tự vấn lương tâm và có những sáng kiến đại kết bổ ích để có thể giới thiệu cho thế giới thấy mình vào Năm Đại Toàn Xá 2000, nếu chưa hoàn toàn hiệp nhất thì ít ra cũng vượt qua được nhiều chia rẽ của Thiên Niên Kỷ Thứ Hai. Muốn thế, cần phải nỗ lực rất nhiều. Phải tiếp tục tiến hành đối thoại về giáo lý, nhưng nhất là cầu xin ơn hiệp nhất. Lời cầu nguyện mà chính Đức Kitô tha thiết kêu gọi trước khi chịu nạn: “Lạy Cha, xin cho mọi người hiệp nhất nên một trong chúng ta” (Ga 17,21) (số 43).

--------------------------

 

TN 26-B38. Chú giải mục vụ của William Barclay


MỘT BÀI HỌC VỀ KHOAN DUNG (9,38-40)

 

Như chúng ta được biết nhiều lần, vào thời Chúa Giêsu, ai nấy đều tin có ma quỷ. Mọi người: TN 26-B38


Như chúng ta được biết nhiều lần, vào thời Chúa Giêsu, ai nấy đều tin có ma quỷ. Mọi người đều tin rằng các thứ bệnh tật của thân thể lẫn tâm thần, đều do ma quỷ tà linh ám ảnh. Có một phương pháp hết sức thông thường để trục xuất ma quỷ. Nếu ai biết được tên của một tà linh nào mạnh hơn, thì có thể nhân danh tà linh ấy truyền lệnh cho tà linh đang ám ảnh nạn nhân đó ra khỏi người đó và con quỷ đó phải nhượng bộ. Nó không dám chống lại danh của một tà linh khác có thế lực hơn nó. Đó là loại sự việc đang xảy ra ở đây. Gioan thấy có người nhân danh uy quyền của Chúa Giêsu để đuổi quỷ, ông đã ngăn cấm vì người ấy không phải là một trong số thân cận với Chúa Giêsu như các tông đồ. Nhưng Chúa Giêsu tuyên bố rằng chẳng hề có ai hoàn toàn thù địch với Ngài mà có thể nhân danh Ngài mà làm được việc quyền năng nào. Rồi Ngài quy định một đại nguyên tắc là “hễ ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Đây là một bài học về khoan dung mà mọi người cần học tập:

1/ Mỗi người đều có quyền tự do tư tưởng. Mỗi người đều có quyền suy nghĩ về mọi sự việc cho đến khi nào tìm ra kết luận cho những điều mình tin. Đây là một nguyên tắc mà chúng ta phải tôn trọng. Chúng ta thường vội vàng lên án những điều mình không hiểu. Penn có nói “Đừng bao giờ khinh dể hoặc chống lại những gì bạn không hiểu”. Trong bản dịch Tân Ước của Kinsley Williams.

Giuđa 10 được dịch là “số người này phát ngôn bừa bãi về mọi điều họ không biết”. Chúng ta phải nhớ hai điều:

(a) Có nhiều cách thức để người ta đến được với Chúa như Tennyson nói “Chúa tự bày tỏ mình theo nhiều cách”. Cervantes cũng bảo “Chúa có nhiều đường lối để đưa những người thuộc về Ngài vào thiên đàng”. Trái đất vốn tròn, hai người bắt đầu đi về hai hướng ngước nhau, cuối cùng vẫn gặp nhau tại một điểm. Tất cả mọi con đường đều dẫn đến Chúa, nếu chúng ta theo đuổi chúng lâu đủ và dài đủ. Thật là điều đáng sợ nếu có ai nghĩ chỉ có họ độc quyền về ơn cứu rỗi.

(b) Điều cần nhớ là chân lý luôn luôn lớn hơn điều mà bất cứ người nào có thể lãnh hội được. Chẳng hề có ai thâu tóm được toàn thể chân lý. Nền tảng của khoan dung không phải là thái độ lười biếng chấp nhận bất cứ điều gì. Đó không phải là cảm nghĩ cho rằng không thể có được sự bảo đảm ở bất kỳ nơi nào. Nền tảng của thái độ khoan dung chỉ đơn giản là nhận thức được tính cách bao la của quỹ đạo chân lý. John Morley viết “khoan dung là tôn trọng khả năng của chân lý, có nghĩa là thừa nhận chân lý có thể cư trú trong mọi nhà, mặc lấy mọi màu sắc và nói bằng đủ các thứ tiếng lạ. Nó có nghĩa là phải thật lòng tôn trọng quyền tự do của lương tâm ngự trị bên trong, chống lại mọi hình thức máy móc. Nó có nghĩa là tình yêu lớn hơn cả đức tin lẫn hy vọng”. Sự không khoan dung là dấu hiệu của cả kiêu ngạo lẫn dốt nát, nó là dấu hiệu của kẻ tin là không hề có chân lý nào khác ngoài chân lý mình thấy.

2/ Chẳng những phải nhường lại cho mọi người quyền làm theo những gì họ nghĩ, mà chúng ta phải nhường quyền để họ tự phát biểu những điều riêng của họ. Trong tất cả các quyền tự do dân chủ, quyền quan trọng nhất là quyền tự do phát biểu ý kiến. Dĩ nhiên là phải có giới hạn. Nếu có đưa ra những giáo lý được tính toán trước nhằm phá hoại luân lý, lật đổ mọi nền tảng của xã hội văn minh và Kitô giáo, thì kẻ ấy bị chống lại. Nhưng phương pháp để chống lại người ấy chắc chắn không phải là một loại trừ người ấy bằng vũ lực, nhưng bằng cách chứng minh cho người ấy thấy họ đã sai lầm. Voltaire từng quy định quan niệm về tự do ngôn ngữ bằng một câu sống động “tôi ghét điều anh nói, nhưng tôi sẵn sàng chịu chết để anh có quyền được nói ra nó”.

3/ Cuối cùng, chúng ta phải nhớ, mọi giáo lý và mọi quan niệm đức tin đều phải được xét đoán căn cứ vào các hạng người mà nó đã sản sinh ra. Câu hỏi tối hậu phải luôn luôn được nêu lên, không phải là “Giáo Hội được điều hành như thế nào?” nhưng là “Giáo Hội đã sản sinh loại người như thế nào?”. Ngụ ngôn phương Đông có câu chuyện như sau: Người kia có một chiếc nhẫn bích ngọc rất lạ. Hễ ai đeo nhẫn ấy vào thì tính tình trở nên hiền hậu, chân thực khiến mọi người đều yêu mến. Chiếc nhẫn là một thứ phép màu. Nó được truyền từ đời cha sang đời con luôn luôn linh nghiệm. Thời gian trôi qua, chiếc nhẫn được truyền đến một người có ba con trai, mà đứa nào ông cũng yêu quý cả. Khi biết mình sắp chết, ông ta băn khoăn sẽ để lại chiếc nhẫn lại cho đứa nào đây? Ông đã liều thuê thợ bạc làm thêm hai chiếc khác, y hệt như chiếc nhẫn thật, đến nỗi chẳng ai phân biệt được chiếc nào là chiếc thật, chiếc nào là giả. Lúc hấp hối, ông gọi riêng từng đứa con trối trăn riêng với từng người, sau đó ông cho riêng mỗi người một chiếc nhẫn mà người kia không biết.

Nhưng về sau, cả ba người đều khám phá ra rằng mỗi người đều được nhẫn, thế là một cuộc tranh cãi dữ dội đã bùng nổ xem ai được chiếc nhẫn có thể đem lại nhiều điều có lợi cho chủ nó. Nội vụ được đưa đến một quan tòa khôn ngoan xét xử. Quan tòa xem xét thật kỹ các chiếc nhẫn rồi nói “ta không biếc chiếc nhẫn nào là chiếc nhẫn thật, nhưng chính các người có thể chứng nghiệm điều đó”. Ba người con ngạc nhiên hỏi “chúng tôi à?”. Quan tòa bảo “phải, và nếu chiếc nhẫn thật tạo cho người đeo nó một bản chất dịu hiền thật bởi đời sống thiện hảo của người ấy. Cho nên, các anh hãy về đi, sống cho tử tế, trung thực, dũng cảm ngay thẳng trong mối liên hệ với mọi người, và ai làm như thế chính là người được chiếc nhẫn thật”. Vấn đề phải chứng nghiệm bằng đời sống. Không ai lên án được một giáo lý đã khiến một người xấu trở nên tốt. Nếu chúng ta nhớ được điều ấy, có thể giảm bớt sự thiếu khoan dung.

4/ Chúng ta có thể ghen ghét niềm tin của một người nhưng đừng bao giờ ghét người ấy. Chúng ta có thể muốn loại bỏ những gì người ấy giảng dạy nhưng đừng bao giờ có ước muốn loại trừ chính người ấy.

THƯỞNG VÀ PHẠT (9,41-42)

Lời giáo huấn trong đoạn này thật đơn sơ, không thể lầm lẫn được, rất bổ ích.

1/ Bất kỳ một việc tốt nào, một sự giúp đỡ nào làm cho người của Chúa, đều không bị mất phần thưởng. Lý do để giúp đỡ là vì người ấy cần được giúp đỡ thuộc về Chúa Giêsu. Mỗi người có nhu cầu đều có thể đòi hỏi chúng ta giúp đỡ, người ấy được Chúa Kitô yêu thương. Nếu Chúa Giêsu còn tại thế, chắc Ngài cũng đã giúp đờ họ cách thực tiễn và bổn phận cứu trợ, giúp đỡ, đã được giao lại cho chúng ta. Cần chú ý là sự trợ giúp rất đơn giản. Của cho có thể chỉ là một ly nước. Không đòi hỏi ta làm những chuyện lớn lao, những việc vượt quá khả năng của ta. Chỉ đòi hỏi ta phải làm những việc mà bất cứ ai cũng có thể làm, cũng có thể cho.

Một giáo sĩ kể lại một câu chuyện sau đây: Bà giáo vừa dậy các học sinh cấp 1 người Phi châu về việc nhân danh Chúa Giêsu cho người ta một chén nước lạnh. Hôm ấy, bà đang ngồi trước nhà, thấy một đám phu khuân vác người bản xứ đi vào làng. Họ vác những kiện hàng thật nặng. Ai nấy đều mỏi mệt, khát nước và ngồi bệt xuống đất để nghỉ ngơi. Họ là người thuộc bộ tộc khác và nếu họ xin nước nơi những thường dân không theo Kitô giáo, sẽ được bảo: hãy tự đi tìm lấy mà uống, vì có một bức tường ngăn cách ở giữa họ. Nhưng đang khi số người mệt mỏi kia ngồi đó và bà đang nhìn họ thì một đám trẻ gái người Phi Châu từ trường học đi ra, mỗi em đội trên đầu một vò nước. Cả bọn rụt rè, sợ sệt tiến đến gần những người khuân vác đang mỏi mệt và quỳ xuống, đưa các vò nước cho họ. Những người khuân vác ngạc nhiên, tiếp lấy rồi uống ngon lành và trả vò lại. Các bé gái vội vàng chạy nhanh đến với bà giáo, và nói “chúng cháu vừa nhân danh Chúa Giêsu cho những người khát uống nước”. Các bé gái đã tiếp nhận lời dạy dỗ ấy theo nghĩa đen của nó. Ước gì cũng có nhiều người làm vậy. Chính những việc làm đơn sơ với tấm lòng tử tế là những việc hết sức cần thiết. Mahomet đã nói “Đặt người lạc lối vào đúng con đường, cho một nguơì khát uống nước, mỉm cười với anh em mình, đó là đức ái”.

2/ Nhưng việc trái lại cũng được nghiệm đúng. Giúp người thì sẽ được phần thưởng đời đời, còn làm cho một anh em yếu đuối hơn vấp phạm là tự chuộc lấy hình phạt đời đời. Phần thưởng rất nghiêm khắc. Tại Palestine có hai loại cối: cối đá xay bằng tay mà phụ nữ dùng trong nhà và loại cối đá lớn đến nỗi phải cột một con lừa mới kéo nổi. Loại cối đá nói ở đây là loại lớn. Bị ném xuống biển với một thớt cối như thế cột vào người, chắc chắn không hy vọng trở về. Thật ra, đây là cách xử tử cả tai Roma lẫn tại Palestine. Sử gia Josephus kể rằng, lúc một số người Galilê thành công trong một cuộc nổi dậy, “họ bắt được những người thuộc đảng Hêrôđê và ném xuống biển hồ”. Suetonius, sử gia Roma kể lại về Augustus rằng “vì ông thầy dạy học và bọn người hầu hạ hoàng tử là Gaius lợi dụng căn bệnh của chủ để lạm quyền và tham nhũng trong tỉnh, nên hoàng đế truyền cột vật nặng vào cổ và ném họ xuống sông”.

Tự mình phạm tội đã là chuyện khủng khiếp rồi, nhưng dạy kẻ khác phạm tội, lại càng tệ hại. O. Henry, nhà văn Mỹ lừng danh về truyện ngắn đã sáng tác câu chuyện về một bé gái mồ côi mẹ. Cha cô bé có thói quen hễ đi làm về là ngồi ngay xuống ghế mở cặp lôi giấy tờ ra, đốt ống điếu và gác chân lên ngăn kệ đặt gần lò sưởi. Cô bé vào, xin cha chơi đùa với mình một lát vì em rất cô đơn. Nhưng người cha bảo ông mệt lắm, hãy để cho ông yên. Ông bảo cô bé hãy ra đường mà chơi. Thế là cô đi chơi ngoài đường, và chuyện không tránh được đã xảy ra, cô trở thành người sống ngoài đường phố. Thời gian trôi qua, cô gái chết. Linh hồn cô gái đến thiên đàng. Phêrô trông thấy cô ta liền thưa với Chúa Giêsu “Thưa Thầy, đây là một bé gái gặp số phận xấu. Con nghĩ chúng ta phải đưa thẳng nó xuống hỏa ngục”. Nhưng Chúa Giêsu ôn tồn đáp “Không, hãy cho nó vào”. Rồi đôi mắt Ngài trở nên nghiêm nghị “Nhưng hãy tìm con người đã từ chối không chịu chơi đùa với con gái nhỏ của mình, đuổi con ra đường, và đưa hắn xuống hỏa ngục”. Chúa không nghiêm khắc đối với tội nhân, nhưng Ngài hết sức nghiêm khắc đối với kẻ đã làm cho người khác sa vào tội lỗi, kẻ mà vô tình hay cố ý, đã đặt một tảng đá vấp chân trên lối đi của một người anh em yếu đuối hơn mình.

MỘT MỤC TIÊU ĐÁNG CHO CHÚNG TA HY SINH (9,43-48)

Bằng ngôn ngữ sinh động kiểu phương Đông, đoạn này nêu lên một chân lý căn bản, có một mục tiêu trong cuộc sống đáng cho chúng ta hy sinh bất cứ điều nào để đạt đến. Về phương diện thuộc thể, có lẽ người ta sẵn sàng chịu mất chân, tay hay một phần thân thể nào đó, để được sự sống cho toàn thân. Có những truờng hợp mà phương thế duy nhất để bảo tồn đuợc sự sống cho toàn thể là phải cưa tay, chân, hoặc phải chịu giải phẫu cắt bỏ một phần nào đó trong cơ thể. Về phương diện thuộc linh trường hợp như trên cũng có thể xảy ra.

Các Rabbi người Do Thái cũng có một câu cách ngôn đại ý một vài phần trong thân thể người ta có thể đưa họ đến chỗ phạm tội. “Con mắt và tấm lòng là hai tên mai mối cho người ta phạm tội”. “Con mắt và tấm lòng là hai đứa đầy tớ cho tội lỗi”. Đam mê chỉ ở trọ nơi kẻ có mắt để trông thấy. “Khốn thay cho kẻ nào chạy theo con mắt, vì con mắt vốn dâm tà”. Trong con người, có một số bản năng, một số các chi thể bẩm sinh dễ xui khiến người ta phạm tội. Chúng ta không nên hiểu câu nói này của Chúa Giêsu theo nghĩa đen, nhưng đây là một cách nói hết sức gợi hình theo lối người phương Đông, ngụ ý ở đời, người ta có một mục đích để sẵn sàng vì đó mà hy sinh bất cứ điều gì để đạt được.

Đoạn này nhắc đi nhắc lại nhiều lần về đia ngục. Tân Ước đề cập đến địa ngục trong Matthêu 5,22.29.30; 10,28; 18,9; 23,15.33; Luca 12,5; Giacôbê 3,6, đây là những chữ được dùng để dịch từ Gehenna. Từ này có một lịch sử. Nó là một dạng từ của của từ Hinnom. Hinnom là một thung lũng ở bên ngoài thành Giêrusalem. Nó có một lịch sử xấu xa. Đó là thung lũng mà xưa kia Acha đã lập đền thờ thần lửa và dâng trẻ con làm sinh tế trong lửa. “Người đốt hương trong thung lũng Hinnom và thiêu con cái mình trong lửa” (2Sk 28,3). Manase cũng tiếp tục việc thờ phượng ngoại giáo khủng khiếp này (2Sk 33,6). Do đó, Hinnom, Gehenna, là một cảnh tượng về một trong những lần Israel sa vào các phong tục tập quán khủng khiếp nhất của ngoại giáo. Vào thời phục hưng của Giôsia, nhà vua đã tuyên bố Hinnom là chỗ ô uế. “Người cũng làm ô uế Tôphết tại thung lũng con cái Hinnom hầu cho từ rày về sau, không ai được đưa con trai hay con gái mình qua lửa cho Môlóc” (2V 23,10). Một khi thung lũng ấy đã bị công bố là ô uế, nó bị đặt riêng ra làm nơi đổ rác và đốt rác của thành phố Giêrusalem. Kết quả là nó trở thành một nơi dơ dáy đáng ghê tởm, đầy rác rến giòi bọ, khói và lửa cháy âm ỉ không ngừng giống như một lò thiêu vĩ đại. Câu nói về nơi giòi bọ chẳng hề chết và lửa chẳng hề tắt có xuất xứ từ Israel 66,24, mô tả về số phận kẻ thù gian ác của dân Israel, vì tất cả các lý do trên đây, thung lũng Hinnom, Gehenna, trở thành một loại biểu tượng cho địa ngục, là nơi linh hồn kẻ ác sẽ bị hành hạ, hủy diệt. Nó được dùng như thế trong kinh Talmud “Tội nhân không tuân hành luật lệ, cuối cùng phải xuống địa ngục (gehenna)”. Vậy, địa ngục tượng trưng cho nơi giam phạt, và từ này gợi lên trong tâm trí người Israel những hình ảnh ảm đạm và khủng khiếp nhất.

Nhưng vì mục đích gì mà chúng ta có thể hy sinh mọi sự? Có lần nói về sự sống và một lần vì Nước Trời. Có thể định nghĩa Nước Trời như thế nào? Chúng ta lấy câu định nghĩa cho chúng ta trong Kinh Cầu Nguyện Chung. Kinh cầu nguyện ấy, có hai lời cầu xin đã được đặt bên cạnh nhau “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Một đặc điểm trong ngữ pháp Do Thái, là thể loại song hành. Trong thể loại song hành người ta viết hai câu cạnh nhau, mà câu này nhấn mạnh, bàn rộng, giải thích hoặc khai triển câu kia. Ta có thể lấy bất cứ bài nào trong Thánh Vịnh để minh họa cho phương pháp đó. Vậy, trong Kinh Cầu Nguyện Chung, chúng ta có thể hiểu là lời cầu xin này đã giải thích và bàn rộng, triển khai lời cầu xin kia. Khi xếp hai câu chung với nhau, chúng ta có câu định nghĩa là “Nước Thiên Đàng là một xã hội trần gian, trong đó, ý Chúa được thực hiện trọn vẹn dưới đất cũng như trên trời”. Có thể nói thật đơn giản, người nào hoàn toàn vâng theo ý Chúa là công dân Nước Chúa. Nếu lấy câu đó làm ứng dụng cho đoạn sách chúng ta đang nghiên cứu, nó sẽ có nghĩa là “làm theo ý Cha là điều xứng đáng cho mọi hy sinh, mọi trường hợp khép mình vào kỷ luật, mọi trường hợp từ chối mình”. Chỉ có việc làm theo ý Chúa chúng ta mới có được sự sống đích thực, có được bình an tối hậu, hoàn toàn và mãn nguyện.

Origen đã hiểu ý này theo nghĩa biểu tượng. Ông bảo có lẽ cần phải khai trừ vài kẻ theo tà giáo hoặc vài kẻ gian ác nào đó, không được hiệp thông trong Hội Thánh để giữ thân thể Chúa Kitô được thuần khiết. Nhưng câu này ngụ ý dạy chúng ta phải ứng dụng nó cho chính mình trước nhất. Nó ngụ ý dạy chúng ta cần từ bỏ, khai trừ một thứ xấu, từ bỏ một thú vui, tuyệt giao với một số bạn bè, cắt đứt một điều nào đó vốn rất thiết thân với chúng ta để vâng phục trọn vẹn ý Chúa. Đây không phải là một điều mà bất cứ ai cũng có thể làm đối với người khác. Nó là vấn đề lương tâm mỗi cá nhân, và nó có nghĩa là nếu có bất cứ việc gì ngăn trở chúng ta vâng phục hoàn toàn ý Chúa, thì dù vật hay người ấy vốn rất thân thiết với chúng ta, dù thói quen phong tục tập quán đó đã trở thành một phần của chính đời sống. Thì chúng ta cũng phải nhổ bỏ tận gốc. Việc dứt bỏ đó có thể gây đau đớn như một cuộc giải phẫu, có thể giống như phải chặt bỏ đi một chi thể. Nhưng nếu muốn được sự sống đích thực, hạnh phúc đích thực và bình an đích thực, chúng ta phải quyết tâm thi hành. Câu nói nghe có vẻ lạnh lùng, nghiêm khắc, nhưng thật ra, đó là thái độ phải đối diện với các sự kiện của đời sống.

--------------------------

 

TN 26-B39. Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux


HUẤN DỤ TRUYỀN CHO CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU (9,38-50)

 

Những gì chúng ta đang đọc xem ra không có liên hệ rõ ràng với diễn tiến trước đó (9,33-37): TN 26-B39


Những gì chúng ta đang đọc xem ra không có liên hệ rõ ràng với diễn tiến trước đó (9,33-37). Người ta vẫn có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đang ngồi dạy dỗ các môn đệ. Tuy nhiên rõ ràng các vấn đề đang được bàn đến vượt quá giới hạn của vấn đề trước đó. Với tư cách một giáo lý viên giàu kinh nghiệm, Maccô đã gom góp ở đây nhiều huấn lệnh Chúa Giêsu nói với cộng đoàn Kitô hữu. Sự thu gom này được xác định bởi cách dùng một phương thức cổ xưa của các nền văn minh truyền khẩu để giúp cho dễ nhớ: đó là kỹ thuật dùng các “từ móc”. Các lời nói của Chúa Giêsu thoạt đầu không liên hệ với nhau đã được ghép lại với nhau bằng một từ, một lối diễn tả. Việc này được khởi đầu bằng lối nói: “Vì danh Thầy”. Lối nói này kết bốn câu lại với nhau: 37,38,39 và 41. Tiếp đó, một chuỗi lời nói được dệt chung quanh các từ “làm cớ cho sa ngã” mà người ta gặp bốn lần ở các câu 42,43,45 và 47. Cuối cùng hai đơn ngữ “lửa” và “muối” được dùng để làm cho ba câu 48,49 và 50 ăn khớp với nhau.

Lời giáo huấn đầu tiên của Chúa Giêsu được nói lên nhân việc can thiệp của Gioan, một trong nhóm Muời Hai (c. 38). Lời đề nghị của một trong hai anh em vừa mới được phong biệt danh “Con của Sấm Sét” (3,17) quả đáng ngạc nhiên. Nó bộc lộ cho thấy một tính cách bất bao dung nào đó nói nhóm các tông đồ. Nhóm này có khuynh hướng khai trừ những kẻ đang đứng ngoài lề, dù họ không hoàn toàn bộc lộ ra điều này. Chúa Giêsu không cổ vũ “anh thần pháo đài” (khép kín) trong Giáo Hội Ngài. Ngài nhắc nhở các môn đệ phải biết cởi mở với người anh em lân cận (c. 39). Ngài truyền họ phải rộng mở tiếp đón tối đa mọi kẻ công khai thù nghịch với họ. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c. 40). Ta hãy nghĩ đến tầm quan trọng của những lời này đối với một Giáo Hội như Giáo Hội của Maccô hiện đang vị sự bách hại dồn vào thế co cụm, khép kín. Chúa Giêsu còn đi xa hơn với thí dụ về ly nước, dùng để giải khát và tăng sinh lực theo quan niệm Đông phương. Hành vi bác ái nhỏ nhặt nhất mà một kẻ đối nghịch làm cho một Kitô hữu trong một khu vực hết sức thú hằn với nhau, mang rất nhiều giá trị. Chúa Kitô sẽ nhớ đến hành vi ấy trong ngày chung thẩm (x. Mt 25, 31-46).

Trong các câu tiếp theo (42-47) cung giọng thay đổi và trở nên nặng nề nghiêm trọng hơn. Một chuỗi lời nói tác động vào nhau nhờ động từ tiếng Hy Lạp “làm cớ cho sa ngã” (c. 42a). Lời cảnh giác rất nghiêm trọng. Dứt khoát không được “dựng lên chướng ngại” trên con đường của những kẻ tin Chúa. “Những tín hữu bé mọn này” chính là các Kitô hữu mà đức tin phôi thai của họ vẫn còn mỏng manh. Mọi “gương xấu”, theo nghĩa mạnh có thể ví như bẫy gài dưới chân họ, đều sẽ gây tai hại trầm trọng cho lòng trung thành của họ. Phải tuyệt đối đề phòng mọi việc làm gương xấu. Vì thế mỗi anh em trong cộng đoàn phải chú tâm đến tương giao giữa mình và kẻ khác. Chúa Giêsu ra lệnh tới ba lần: “Nếu tay con... nếu chân con... nếu mắt con làm cớ cho con sa ngã”, thì hãy cắt, chặt, móc nó đi! (c. 43a; 45a; 47a). Tay, chân, mắt là những bộ phận chính của cơ thể dùng để liên lạc. Mỗi bộ phận này đều tác động đến cả thân thể. Nếu chúng là cớ gây thương tổn cho kẻ khác thì thà quẳng chúng đi. Đã có trường hợp cắt một phần chi thể bệnh hoạn có thể cứu sống toàn bộ cơ thể. Về mặt thiêng liêng, vấn đề này rất trọng yếu. Thà cụt tay, thọt cẳng, chột mắt mà được vào chốn trường sinh còn hơn là nguyên vẹn mà bị quẳng vào “hỏa ngục là nơi sâu bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (c. 43b; 45b; 47b-49).

Các lời nói này xem ra quá cứng cỏi nếu không muốn nói là tàn bạo! Ở đây người ta gợi lên số phận của kẻ tội lỗi bằng những hình ảnh về cái chết vĩnh cửu kèm theo các nhục hình gớm ghiếc (sâu bọ và lửa). Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn vấn đề này. Trước hết chúng ta hãy bỏ đi lối đọc theo nghĩa đen các hình ảnh được sử dụng. Không bao giờ Giáo Hội đọc thấy nơi trong Phúc Âm này lời kêu gọi hủy hoại thân thể. Đối với mỗi Kitô hữu, đây chính là lời mời gọi thúc bách họ tự thoát khỏi những gì xấu xa nơi bản thân để đảm bảo phần rỗi cho mình. Quả thế, điều này có liên quan đến sự thành công hay thất bại của cuộc sống loài người. Một bên là cuộc sống đời đời vô tận với Chúa Kitô Phục Sinh, còn một bên là “địa ngục”, từ này muốn nói lên điều gì? Đây là hình ảnh bắt nguồn từ thụ kiến bi đát về hỏa ngục xét như một tình trạng hủy diệt đớn đau những kẻ tội lỗi cứng lòng! “Địa ngục” ở đây là một thung lũng sỏi đá nằm ở mạn nam ngọn đồi của thành Giêrusalem. Vào thời Chúa Giêsu, kể từ các cuộc điều tra dân số, chốn hoang dã ấy được dùng làm chỗ xả rác công cộng của thành đô. Ở đây người ta có thể thấy hàng đống rác rưởi, thú vật hoặc cây cối bị dòi bọ đục khoét; thường xuyên người ta thiêu cả những xác người. Tóm lại, đối với những kẻ do Thầy với Chúa Giêsu, địa ngục gợi lên số phận thích đáng dành cho những kẻ khép lòng lại trước lời kêu gọi của Thiên Chúa. Thị kiến kinh khiếp này đã từng được tiên tri Isaia mô tả: “Trong khi bước ra (khỏi thành phố), người ta có thể trông thấy các thây người từng nổi dậy chống đối ta (Chúa phán). Dòi bọ rúc rỉa chúng sẽ không chết, lửa thiêu đốt chúng sẽ không tắt. Mọi xác thịt sẽ nhờm tởm chúng (Is 66,24).

Quang cảnh được hình dung ở đây tác động mạnh đến các trí tưởng tượng, nhất là từ thời Dantê (thi sĩ nổi tiếng người Ý thể kỷ XIV) đối với nhiều người hỏa ngục và lửa thiêu kinh khiếp nơi đó từ một hình ảnh tượng trưng đơn sơ đã biến thành một thực tế không thể nào chịu nổi. Vì vậy cần phải tái lập lại chân lý. Dù cho lối dùng khoáng đại của nó, Kinh Thánh cũng chỉ muốn diễn đạt một ý tưởng đơn giản đó là Thiên Chúa công bình sẽ trừng phạt tất cả những kẻ hoàn toàn khép lòng lại trước Tình yêu Ngài. Họ sẽ không được hiệp thông với Chúa, bị xa cách Chúa Kitô và các thánh. Mặc dù được Kinh Thánh xác nhận, hỏa ngục vẫn còn là một thực tại mầu nhiệm, khó dung hòa được với hình ảnh một vị Thiên Chúa Tình yêu!

--------------------------

 

TN 26-B40. Chú giải của Noel Quesson

 

Trên con đường đi Xêdarê - Philípphê, nơi Phêrô đã tuyên xưng đức tin, xuyên qua xứ Galilê: TN 26-B40


Trên con đường đi Xêdarê - Philípphê, nơi Phêrô đã tuyên xưng đức tin, xuyên qua xứ Galilê chỗ Người đã rao giảng Tin Mừng, cho đến Giêrusalem, tới nơi đó Người sẽ chết và Phục sinh, Đức Giêsu không đi một mình. Con đường của "Con Người" cũng là con đường của các môn đệ. Chính, chúng ta cũng đi trên con đường đó theo chân Đức Kitô:

- Tuyên xưng đức tin của phép rửa tội, bằng cách sống Tin Mừng cho đến cuộc vượt qua riêng của chúng ta, đó là sự chết và Phục sinh của mọi người. Trong trình thuật này, Maccô góp nhặt những lời giáo huấn của Đức Giêsu đã giảng dạy trong nhiều dịp khác nhau và bàn về nhiều vấn đề khác nhau. Phần lớn những lời giảng dạy của Đức Giêsu xoay quanh một chủ đề duy nhất: Đó là những đòi hỏi phải có khi chúng ta tin nơi Người. Tin nơi Đức Giêsu, đó là đi theo Người đến những nơi mà Người đã đi qua. Cuộc sống thực tế của các môn đệ, luân lý Kitô giáo không phải là một "luật lệ" được phép hay bị cấm đoán, mà là một sự tham dự vào cách sống của Đức Giêsu.

Ông Gioan nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy: Chúng con thấy có người lấy danh nghĩa Thầy mà trừ quỷ”.

Chính Gioan đã tự nhận là Người môn đệ được Đức Giêsu thương yêu (Ga 21,20). Trong số 12 môn đệ, ông có vẻ hiểu Đức Giêsu nhiều nhất, và là người thân cận nhất của Đức Giêsu.

Trên đường đi, đây là một sự kiện sống động, một “biến cố" nhỏ gây ra một phản ứng. Trong cuộc sống hằng ngày, đức tin đích thực phải được sống động qua những tình tiết ngẫu nhiên. Hôm đó, đã có gì xảy ra trên đường đi của các Ngài?

Gioan đã thấy một "người trừ quỷ" mà không thuộc nhóm của các ông. Tin Mừng ghi lại việc các môn đệ của Chúa đã thử trừ quỷ vài hôm trước, khi vắng Đức Giêsu (Mc 9,18).

Nhưng các ông đã thất bại. Và vì tiếng tăm của Đức Giêsu đã lan rộng, nên người ta cũng dễ hiểu tại sao một người trừ quỷ lạ mặt đến lượt mình cũng có thể tập trừ quỷ. Qua văn chương cổ, chúng ta cũng biết rằng, người Do Thái và ngoại đạo đã trừ quỷ cũng như những nhà phù thủy ngày nay, nhờ pháp thuật rất phổ biến vào thời Đức Giêsu (Cv 8,18).

Dĩ nhiên, ngày nay, câu hỏi của Gioan về việc trừ quỷ sẽ được đặt ra một cách khác, nhưng câu hỏi này vẫn mang tính thời sự, dù bên ngoài có vẻ trái ngược. Ngày nay, cũng như vào thời Đức Giêsu và Gioan vẫn có "những người trừ quỷ”. Những con quỷ thời nay như chúng ta biết rõ, chúng rất đông.

Thí dụ, việc đánh mất ý thức luân lý, khinh thường sự sống, khai thác những người yếu kém và nhỏ bé không tự vệ được nhưng cách đối xử phân biệt chủng tộc, sự phân chia của cải không đồng đều, những đồng lương chết đói, mất cảm thức đích thực về Thiên Chúa, tôn thờ các thần tượng. Đứng trước những "con quỷ" này, chúng ta cũng biết như Giao thời ấy, dù trẻ, già, lớn, bé... tất cả đều phải "khử trừ" sự dữ này và cố tiêu diệt nó, bằng cách làm việc theo nghề nghiệp của mình, bằng các tự nguyện dấn thân vào một phong trào.

Chúng con thấy có người lấy danh nghĩa Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.

Những người đó không phải là Kitô hữu. Họ không thuộc nhóm chúng ta, phe phái của ta. Hãy cho xem giấy tờ? Bạn không phải là người Việt, không phải Công giáo, không phải là người sống đạo... hay bạn không thuộc nghiệp đoàn của tôi, tông phái của tôi, bạn là phe tả phe hữu, bạn là người bảo thủ, cấp tiến... Vậy thì tôi không nghe bạn nói. Nếu có thể, tôi sẽ làm bạn phải im tiếng, tôi sẽ ngăn cản không cho bạn hành động.

Quả thực, óc biệt phái vẫn chưa chết. Thái độ chia rẽ vẫn tồn tại trong Giáo Hội, cũng như đã có trong đầu óc các tông đồ. Thời đó, Nhóm Mười Hai cứ mải mê ghen tương tranh cãi nhau cách nhỏ nhen về ngôi thứ địa vị.

Đức Giêsu vừa loan báo về sự thương khó của Người. Người sẽ trở nên "kẻ sau rốt, làm đầy tớ mọi người". Người vừa khuyên các môn đệ phải sẵn sàng phục vụ và đừng tìm kiếm chỗ nhất. Thế mà Gioan, một môn đệ được coi là thân cận nhất, bây giờ lại tỏ vẻ phản ứng. Phản ứng của ông là phản ứng muốn thống trị, muốn quyền lực, muốn nắm độc quyền. Ông muốn giữ cho riêng minh "Quyền lực của Đức Kitô". Chúng ta không nên xét đoán các tông đồ, cũng đừng xét đoán ai cả. Chúng ta hãy nhìn vào chính bản thân mình.

Trình thuật ngắn gọn này, bề ngoài tầm thường, nhưng nội dung đề cập đến một trong những vấn đề nóng bỏng thời sự nhất: Hồng ân cứu rỗi của Đức Kitô chỉ có hiệu lực bên trong những biên giới "thấy được" của Giáo Hội hay sao?

Trước câu hỏi mang tính thời sự đó, câu trả lời của Đức Giêsu sẽ ra sao?

Đức Giêsu bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".

Thưa không! Nhóm Mười Hai không phải là nhóm duy nhất nhận lãnh Thần Khí của Thiên Chúa:

“Bên ngoài phòng hội của các bạn, Thần khí thổi qua, bất ngờ và tự do như gió" (Ga 3,8).

Từ thời Môsê, tinh thần ngôn sứ đã được phổ biến rộng rãi, và người ta không thể ngăn cản sự tỏ hiện này, kể cả bên ngoài "nhóm" (Ds 11,25-29). Và cả bên ngoài những kẻ "đang ở trong lều”. Và Môsê đã ước mong ân huệ của thần khí cần được ban cho tất cả. Ong đã nói: "ôi ước gì Thiên Chúa có thể đặt Thần Khí của Người trên họ, để làm cho toàn thể dân Người trở thành một dân tộc ngôn sứ. Xin Chúa cho những "người của ‘Thần Khí’ xuất hiện trên măt đất chúng con".

Không! Người ta không thể xiềng xích Thần Khí được. Thần Khí là tự do. Thần Khí không bị ràng buộc bởi một nghi lễ nào cả. Thần Khí hành động ở bên ngoài những cấu trúc của chúng ta. “Người linh ứng cho cả những ngôn sứ ở bên ngoài" nhóm, bên ngoài Giáo Hội. Câu nói của Đức Giêsu "các con đừng ngăn cản người ấy" đã nói rõ ràng phẩm chất Giáo Hội mà sứ vụ là bảo đảm đức tin chân chính, phải tôn trọng sự bộc phát của Thánh Thần nơi mỗi người được rửa tội, và cả nơi mỗi người không nằm trong những cơ cấu hữu hình của Giáo Hội.

Chúng ta thán phục quan điểm quảng đại của Đức Giêsu, đối nghịch với óc bè phái và bất khoan dung. Thần Khí nào đang ngự trị trong chúng ta? Có phải Thần Khí của Đức Giêsu không?

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một Thần Khí cao cả quảng đại, thông sáng, bao la như Thần Khí của Thiên Chúa, rộng mở như Thần Khí của Chúa... Thần Khí đó thổi từ bên này qua bên kia thế giới, làm vỡ đổ tinh thần cục bộ của chúng con. Xin Chúa hãy làm chúng con trở nên Công giáo đích thực, nghĩa là "những con người phổ quát", "nhưng con người biết thông cảm những khác biệt" như Công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở chúng con: "Chúng ta cần cổ vũ ngay trong lòng Giáo Hội sự trìu mến, tôn trọng và hãy hòa thuận với nhau, bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng. Chúng ta cởi mở với những người anh em tuy chưa sống hiệp thông trọn vẹn với chúng ta. Chúng ta mở rộng tới những ai đang bảo tồn các yếu tố tôn giáo và nhân bản quý giá trong truyền thống riêng của họ" (GS 9,2).

Các bạn có nhớ không? Đây là sứ điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào ngày ngài được tấn phong Giáo Hoàng. "Các bạn đừng sợ! Hãy mở rộng biên giới của các bạn". Phải chăng chúng ta tự nhiên dễ lên án những ai không thuộc phe chúng ta, những ai không suy nghĩ như chúng ta? Chúng ta có thưởng thức được phần chân lý mà đối thủ chúng ta nắm giữ, nhũng điều tốt mà họ làm được, những thành công nhân bản và xã hội mà họ đã thực hiện không?

Đừng dập tắt ngọn lửa đang cháy, nó phải thiêu đốt thế gian (Lc 12,49).

Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

'Một chén nước’, không có gì đáng kể. Đó là biểu tượng cho một việc phục vụ nhỏ nhất mà không có thể giúp người khác: Chỉ có một chén nước. Đó là “phàm tước" lạ thường của người môn đệ: "Người ấy thuộc về Đức Kitô". Người tín hữu bé nhỏ nhất cũng đại diện cho Đức Kitô. Người đồng hóa mình với người Kitô hữu nhỏ bé nhất.

Thánh Matthêu sẽ lấy lại đề tài này trong diễn từ nói về ngày thẩm phán (Mt 25,31-45). "Những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy". Đó là sự lớn lao của mỗi hành vi nhỏ bé của ta, không có gì là nhỏ bé cả. Tôi đã bỏ biết bao cơ hội?

Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ mà quẳng xuống biển còn hơn.

Sau những lời khuyên luận lý tích cực ("cho một chén nước"), giờ đây là sự cảnh giác tiêu cực ("không được làm cớ cho kẻ khác sa ngã"). Nhưng thực ra, đây chỉ là một cách đối xử căn bản: Quan tâm đến kẻ khác.

Ở đây chúng ta khám phá ra một khía cạnh mới của Đức Giêsu: Ngoài tinh thần rộng mở, chúng ta cũng gặp được một sức mạnh bên trong, và khả năng sử dụng mãnh lực đó của Chúa. Thực vậy, sự khoan dung của Đức Giêsu không phải là sự lãnh đạm đối với điều ác. Nếu người khuyên chúng ta phải khoan dung đối với điều thiện được thực hiện bên ngoài nhóm của chúng ta, Người cũng lấy làm bất bình khi thấy người ta có thể lôi kéo một người khác vào sự ác.

Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi còn hơn. Thà cụt tay mà được vào cõi trường sinh, còn hơn là có đủ cả hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt.

Chỉ mình Đức Giêsu mới có quyền nói những lời phi thường này. Chỉ mình Người mới thực sự biết tội lỗi là gì. Vấn đề này thật là nghiêm trọng và bi thảm đối với Người. Cuộc sống đời đời đáng cho chúng ta dành mọi hy sinh. Chúng ta có thể chọn lựa, dứt khoát và tuyệt đối như thê không? Dù là những kiểu nói vùng Sê-mít có vẻ quá mạnh, nhưng chúng ta cũng không nên làm nhẹ bớt đi ý nghĩa của những câu đó.

--------------------------

 

TN 26-B41. Chú giải của Fiches Dominicales


“Ở NHÀ”, VÀI LỜI NHẮN NHỦ ĐỨC GIÊSU GỞI ĐẾN CỘNG ĐOÀN CÁC MÔN ĐỆ

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Đi theo Con Người

 

Chúng ta vẫn "ở nhà" tức tại Caphácnaum, nơi đây mang một ý nghĩa tượng trưng, nghĩa: TN 26-B41


Chúng ta vẫn "ở nhà" tức tại Caphácnaum, nơi đây mang một ý nghĩa tượng trưng, nghĩa là nơi Đức Giêsu dạy dỗ riêng cho các môn đệ. Đức Giêsu dừng chân ở đây trên đường lên Giêrusalem. Người sẽ chịu cuộc tử nạn mà trước đây Người loan báo hai lần tại thành này.

- Đặt trong bối cảnh trên đường lên Giêrusalem, chúng ta sẽ rất dễ hiểu những lời Đức Giêsu. Trong "Tin Mừng theo thánh Maccô, B. Standaert nhận xét như sau: "Việc Maccô ghép giáo huấn luân lý của ông vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô thật đáng suy nghĩ. Thay vì lên lớp dạy luân lý, hoặc trích dẫn luật lệ trong Kinh Thánh này nọ, ông không nhìn nhận nền tảng đời sống luân lý Kitô giáo nào khác ngoài việc noi gương bắt chước Đức Kitô. Những trình thuật lớn loan báo số phận của Con Người thật ra không phải là những lời khuyến khích, nhưng khởi đi từ thân phận Đức Kitô, ta có thể hiểu ra những việc làm cần thiết mà người Kitô hữu phải tuân giữ. Ta sẽ không còn ngạc nhiên thấy đời sống thực hành này là quyết liệt, không khoan nhượng. Thập giá hiện diện không những trong việc đảo lộn thân phận, làm cho người lớn nhất trở nên kẻ phục vụ mọi người, mà còn trong khả năng dám chặt tay, chặt chân, móc mắt bỏ đi, nếu những chi thể này làm cớ sa ngã”. (Cerf, tr. 78-79)

Những lời Chúa nói được Maccô thuật lại còn vượt ra ngoài phạm vi các môn đệ, để nhắm đến các cộng đoàn Kitô hữu. Điều này có thể làm cho óc suy luận kiểu Tây phương của ta kinh ngạc và lạc hướng. Điều quan trọng trong các những lời Đức Giêsu nói, không phải là những đề tài, mà là những từ đặt trong ngoặc kép, “nhân danh" Đức Giêsu, trong phần đầu đoạn Tin Mừng này, “kẻ bé mọn"và "làm cớ sa ngã" trong phần cuối.

2. Dẹp bỏ tinh thần bè phái.

Giáo huấn đầu tiên của Đức Giêsu phát xuất từ phản ứng bè phái của Gioan, con ông Giêbêđê, có biệt danh là "con của sấm sét" (3,17). "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy, mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Đức Giêsu không đồng ý, Người cảnh giác các môn đệ về nguy cơ muốn chiếm độc quyền về đức tin và Thánh Linh J. Hervieux cắt nghĩa: “Đức Giêsu không chấp thuận cho Hội Thánh của Người có "tinh thần kín cổng cao tường" "tinh thần pháo đài”. Lệnh của Chúa là phải mở rộng vòng tay đón tiếp hết thảy những ai không ló ra thù nghịch với mình. "Ai không chống lại chúng ta, ủng hộ chúng ta”. Chắc hẳn những lời này rất quan trọng đối với một Hội Thánh như cộng đoàn của Maccô, vì lú c đó cuộc bách hại thúc đẩy họ co cụm lại, sống kín cổng cao tường" (Lvangile de Marc", Centurion, trang 137-138).

Chúa còn đẩy ý tưởng đó đi xa hơn, nên nêu thí dụ "ly nước lã" Một cử chỉ nhỏ bé nhất được thi hành giúp các môn đệ Người "vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô" có giá trị trước mặt Chúa: "người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.

3. Dám liều chọn lựa hy sinh.

Giọng điệu còn trở nên nghiêm trọng hơn với một chuỗi dài câu được liên kết bằng ‘từ mấu chốt’: "làm cớ sa ngã”.

Trước hết, một lời cảnh cáo nghiêm khắc cho những người dựng lên chướng ngại vật, làm cho những “kẻ bé mọn" (tức là những tín hữu mà đức tin còn non yếu) bị vấp ngã. Ta còn nhờ thánh Phaolô đã cống hiến một phần lớn thư của Người bàn về nguy cơ làm cớ sa ngã. Khi giải thích cho những Kitô hữu đang hoang mang ở Côrintô rằng họ đã được giải phóng khỏi những luật lệ Do thái giáo, thánh tông đồ liền dặn thêm: "Nhưng hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho những người yếu đuối sa ngã... Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu chuộc" (1 Cor 8, 9-12).

Hôm nay từ miệng Đức Giêsu, chúng ta cũng đón nhận giáo huấn đó. Vào lúc, Đấng Mêsia-Tôi Tớ, đi lên Giêrusalem để trao nộp mạng sống vì yêu thương, Người long trọng tuyên bố: Trong cộng đoàn các môn đệ, phải hết sức tôn trọng người nhỏ bé nhất trong số các anh em của Người.

Kế đó là ba lời cảnh giác đối với ba chi thể của ta, vì chúng có thể lôi kéo người môn đệ sa ngã: "Nếu tay anh... Nếu chân anh... Nếu mắt anh...”

M. Quesnel tự hỏi: "Sao chỉ có ba chi thể đó? Chắc hẳn vì chúng tiêu biểu cho những gì loài người thường vi phạm, đó là trộm cướp, bạo lực, ước muốn xấu" (Mc 7, 21-22).

Ngoài ra, tay mắt và chân là thứ mà ta có từng đôi, mà nếu mất đi một thì cũng không đến nỗi tàn phế. Việc hài tên chúng lần lượt từng cái một là một kiểu nói hùng biện có tác dụng mạnh đối với người nghe.

Thật ra cách nói khoa trương cũng không phải là không có trong những câu có hình thức mâu thuẫn này. Hội Thánh không bao giờ giải thích theo nghĩa đen; ngôn ngữ thì đầy hình ảnh và có tác dụng là nhờ những câu đối lập nhau.Géhenne là thung lũng sâu khó xuống được, nằm ở phía dưới thành Giêrusalem, là nơi người ta đốt những rác rưởi, đồ phế thải, nên ở đó luôn xông lên mùi nồng nặc kinh khủng, như vậy, Géhenne đối lập với sự sống hay Nước Thiên Chúa. Mọi người cần tránh xa nó, vì đó là nơi tiêu huỷ tận diệt. Trái lại, sự sống và Nước Thiên Chúa là một thách thức đáng cho ta tận dụng mọi nỗ lực để đạt tới. Tất cả những gì làm ta tách xa sự sống và Nước Thiên Chúa đều xấu xa. Sự sống và Nước Thiên Chúa ấy đáng cho ta quyết tâm lựa chọn, dù có phải thiệt mất một phần thân thể. (Comment lire un évanglie Marc, Seuil, trang 170).

BÀI ĐỌC THÊM

1. Rừng cấm

Mọi câu lạc bộ ưu tuyển, dòng tộc, giáo phái hoặc ghettô, dù chúng thuộc dòng tu hay triều, thường gây ra và nuôi dưỡng những cơn ganh tị. Mọi cộng đoàn hoặc nhóm khép kín, co cụm, đều ra sức bám víu vào những đặc quyền, đặc lợi đã có.

Sách Dân số cung cấp cho ta một thí dụ điển hình. Khi Giosuê ganh tị, bực tức thấy có hai người nói tiên tri, mặc dầu họ không được uỷ quyền, cũng không được "thụ phong". Họ là những tay săn trộm trong rừng cấm.

Đây cũng là một cơn ghen thực sự mà Gioan, đại diện cho Nhóm Mười Hai, mắc phải. Hãnh diện vì thuộc về nhóm tông đồ tuyển chọn và được quyền xua trừ các thần dữ nhân danh Giêsu, các ông thấy đặc quyền của mình bị đe dọa bởi ‘một người không đi theo Đức Giêsu mà làm được các phép lạ’. Các ông giận dữ, chống đối, tố cáo, đòi lên án. Khốn cho tên cạnh tranh bất lương!

Phản ứng và câu trả lời của Môsê cũng như của Đức Glêsu, tuy rất vắn gọn, nhưng mang cùng một ý nghĩa và một giáo huấn trong sáng có thể đưa đến những kết quả khôn lường. Các anh la lối tức giận vì thấy một điều thiện, một điều tốt được thực hiện bởi một người không công khai, chính thức thuộc về nhóm "ưu tuyển”, hoặc thuộc về cộng đoàn của Đức Kitô sao? Trái lại, nào các anh không nên vui mừng vì thấy Thần Khí Chúa tỏ mình, và thấy thần dữ bị xua trừ sao? Các anh lấy quyền gì để hạn chế Thiên Chúa can thiệp; tự mình đặt ra những biên giới, những điều kiện bắt Thiên Chúa phải tuân theo? Các anh nghĩ rằng Thiên Chúa của Apraham, của Isaac, của Giacóp và của Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai, là tư hữu độc quyền của một dân tộc, một Giáo Hội, một đường lối tu đức, hoặc một đường lối mục vụ sao?

Trong lúc họp nhau cử hành Thánh Thể, ta ý tứ đừng tạo ra một "nhóm người sạch”, và hãy áp dụng cho ta lời Thánh Vịnh: sai có thể nhận ra những lầm lỗi của mình? Lạy Chúa, xin thanh tẩy con khỏi những tội con không hay biết. Xin gìn giữ tôi tớ Người khỏi tính kiêu căng: xin cho nó đừng bao giờ chiếm giữ lòng con”.

2. Cạm bẫy của ngôn từ "xin" và "cho"

(Points de repère en pastorale sacramentelle", Document - Episcopat, số 10-11, juin 94, introduction, trang 2-3).

Chúng ta thường bị mắc kẹt bởi cách dùng ngôn từ: cho và xin. Ta tự nghĩ mình, và chỉ có mình, là những người cho, vì mình có các bí tích, như thể chúng ta tạo ra và phân phát các ơn lành do bí tích ban. Nhưng phải nhìn nhận rằng cả chúng ta cũng chỉ là những người xin khi lãnh nhân hoặc ban các bí tích. Vì lý do thần học, có một điều ta không dám nêu lên trong lãnh vực mục vụ bí tích, đó là Chúa Thánh Linh đã hoạt động trong tâm hồn con người trước chúng ta, và rằng Nước Thiên Chúa luôn vượt ra ngoài ranh giới của Giáo Hội hữu hình. Nhờ hoạt động của mình, Thánh Linh thực hiện tác vụ ngôn sứ nơi những người nhận lãnh, để mạc khải cho ta công trình Thiên Chúa thực hiện nơi họ.

(..) Nói cách khác, chúng ta cần học hỏi nơi những người đến với ta hoặc ta đến gặp họ: đó là học để biết nhìn họ với con mắt khác, để tìm ra một điểm gặp gỡ khác, chứ không chỉ qua các bí tích. Phải chấp nhận để Thánh Linh được tự do nói với ta qua họ, về Thiên Chúa và về cách khám phá ra Người.

Vì những lý do này, mục vụ bí tích không chỉ là mục vụ đức tin hoặc khai mở đức tin. Nó còn là mục vụ tình thương vô vị lợi, biết đón tiếp và biết lắng nghe. Chúng ta có thể cải hoá bản thân mình nhờ điều mà những người này nói với ta về cuộc sống của họ, hoặc nhờ những câu họ hỏi về Thiên Chúa, về Hội Thánh, nhất là khi lòng họ bị tổn thương, oán giận hoặc những ước muốn mơ hồ.

Đón tiếp luôn đi đôi với cố gắng để nhận định những mong muốn thầm kín thường được che giấu bởi một đòi hỏi trực tiếp.

3. Tự do của Thiên Chúa

(Các Giám mục Pháp, trong "Lettre aux catholiques de France", Cerf, trang 76-77).

Kinh nghiệm về việc Phúc âm hoá ngày nay giúp ta có nhận xét sơ khởi này: ngày nay trong xã hội chúng ta, có một số nơi đang mong đợi điều gì đó từ Hội Thánh, và họ có thể bày sự mong đợi đó khi tiếp xúc với Hội Thánh bằng cách này hay cách khác: hoặc đến xin lãnh bí tích rửa tội, hôn phối; hoặc vào lúc, những biến cố vui mừng hay thử thách xảy ra trong đời họ; hoặc do tình cờ họ gặp một cộng đoàn Kitô hữu, một nhóm nào hoặc cũng có thể họ gặp một phong trào có tổ chức, giới thiệu cho họ con đường khai tâm dẫn tới Tin Mừng, tuỳ theo hoàn cảnh sinh sống của họ.

Ta không công nhận rằng: những gặp gỡ như vậy thường chất vấn ta và đẩy lùi kiểu lô-gíc truyền giáo đã in sâu trong tâm trí ta đó sao? Bởi vì theo lô-gíc thương mại, hoặc lô-gíc chức năng, chúng ta tưởng rằng muốn truyền giáo, Giáo hội cần phải giữ một thứ luật cung cầu, nghĩa là Giáo Hội ở phía người cung, còn những kẻ khác, những người mong đợi, ở phía người cầu.

Trong hoàn cảnh thực tế cũng như trong kinh nghiệm thực tiễn mà Giáo Hội có qua sự gặp gở những người này, điều gì đã thực sự xảy ra và con đường dẫn tới đức tin đã diễn tiến như thế nào?

Không được phép coi những người mong đợi này như những khách hàng của Giáo Hội luôn sẵn sàng tiêu thụ điều mà chúng ta bày ra, theo kiểu lô-gíc thương mại. Trước hết, ta nên nhở, họ là những người nam hoặc nữ, do lòng mong đợi và sự tìm kiếm, họ làm chứng cho sự tự do của Thiên Chúa và công việc của Chúa Thánh Linh, Đấng có thể khơi dậy nơi mọi người ước muốn vượt lên trên những gì họ đang sống. Bằng cách thế, đôi khi gây sửng sốt, họ nhắc nhở ta rằng địa chỉ hàng đầu cho Phúc âm hoá chính là cuộc sống con người, rằng sẽ không có Phúc âm hoá nếu không có đối mặt thực sự giữa Tin Mừng Đức Kitô, mạc khải của Thiên Chúa và sự mong đọi thẳm sâu nơi mỗi người.

Nhưng đối lại, khi hiểu được mong đợi của con người và đáp lại lòng mong đợi ấy, Giáo Hội có trách nhiệm phải bày tỏ cho thấy, Giáo Hội không chỉ muốn đáp lại những mong đợi tức thời của họ, mà còn có sứ mạng đã lãnh nhận từ Đức Giêsu, sứ mạng đó là trình bày và mở đường dẫn họ đến với Người.

Trong nhiều cộng đoàn và các nhóm khác nhau, Giáo Hội được mời gọi không những phải đón tiếp rộng rãi và vô vị lợi rnà còn phải tỉnh thức tích cực, để nhận ra những dấu chỉ bất ngờ của Chúa qua vô số những đòi hỏi của con người thời nay, đồng thời cũng hiểu rằng những đòi hỏi này kêu gọi có một cuộc khai tâm kéo dài dẫn đến mầu nhiệm Đức Kitô, Lời Người, các bí tích và sự sống mới mà Người là nguồn mạch”.

--------------------------

 

TN 26-B42. Gợi ý bài giảng của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt


CHÚA GIÊSU DẠY DỖ CÁC MÔN ĐỒ

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

 

Vấn đề mà Tin Mừng nói hôm nay (cc.38-40) vẫn còn đang nóng bỏng. Trong Giáo Hội, cần có: TN 26-B42


1. Vấn đề mà Tin Mừng nói hôm nay (cc.38-40) vẫn còn đang nóng bỏng. Trong Giáo Hội, cần có một nhóm nào đó xem mình như có độc quyền sử dụng Tin Mừng để rồi lên án mọi việc làm của các Kitô hữu khác không. Chắc chắn một nhóm như thế không cần phải có. Như trong thực tế, đây đó vẫn có những nhóm quá khích tự xem mình như những nhà chú giải Tin Mừng đúng với ý Chúa mà thôi. Nhóm người này không thể dùng chiêu bài được ở gần Chúa Giêsu như thánh Gioan và các sứ đồ thuở xưa để mà biện hộ. Chung chung họ chỉ lập luận dựa trên cát nhìn một chiều của họ về Giáo Hội, khi thì (dựa trên thái độ tiêu cực đối với mọi trào lưu biến hoá, khi thì trên cách thế diễn giảng Tin Mừng theo chiều hướng chính trị. Tất cả đều có điểm chung là không muốn đi vào chiều sâu của Giáo Hội. Thần ác đã xui khiến các loại nhóm này “dứt phép thông công" lẫn nhau, đến độ một phần tử quá khích của một "trào lưu” mệnh danh là mới mẻ không muốn cùng chung bàn tiệc thánh với một phần tử của trào lưu khác.

2. Thời đại chúng ta, vì phải chịu nhiều ảnh hường tệ hại khoa thần học có khi đã bị sa lầy trong những cuộc tranh luận có tính cách ý thức hệ hoặc trong những cuộc tranh chấp chính trị; do đó, người Kitô hữu cần phải khôn ngoan nhận ra thế nào là trung thành đích thực với Tin mừng, thế nào là không. Thực tế, vẫn có nhiều cách trung thành đích thực đã được các vị trọng trách trong Giáo Hội đảm bảo, do đó họ cũng cần phải chấp nhận có sự khác biệt trong cách trung thành. Một trong nhũng tiêu chuẩn căn bản giúp ta nhận ra tính cách đích thực, đó là dấu cổ võ sự hiệp thông.

3. Sau khi công bố phẩm cách cao quí của những kẻ bé mọn (Mc 9,37), giờ đây Chúa Giêsu mặc khải phẩm cách cao quí của môn đồ. Người môn đồ nhỏ bé nhất vẫn tượng trưng Chúa Kitô (xem cuộc Chung thẩm trong Mt). Kitô hữu là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa trần thế. Đây là một danh dự và một trách nhiệm nặng nề. Có bao giờ ta ý thức như thế để sống xứng đáng không? "Nếu các Kitô hữu sống đạo thật thì dân An chúng tôi đã theo Chúa Kitô cả rồi" (lời thánh Gandhi).

4. Hãy nghĩ đến những người mà ta có thể gây cớ vấp phạm bằng những thay đổi hiện thời trong Giáo Hội, những thay đổi quá táo bạo, không tôn trọng các truyền thống cũng như hãy nghĩ đến bao người thất vọng, bị cám dỗ rời bỏ Hội Thánh hay cảm thấy không muốn vào vì sự thụ động của ta, vì thái độ của nhiều Kitô hữu không chịu cải cách, đổi mới.

5. Lời Chúa bảo phải tróc nã, tiêu diệt sụ ác tận gốc của nó, tiêu diệt dịp tội trong chúng ta và ngoài chúng ta. Đời sống Kitô hữu không thể hiện bằng sự cắt xén hủy bỏ, nhưng bằng sự lớn lên. Để có thể lớn lên, tăng trưởng, mang hoa trái, phải cắt tỉa, gột rửa, từ bỏ... vì danh Chúa Giêsu, vì vương quốc Thiên Chúa. Xem của 15,1-2: Nhánh nào không sinh quả thì Thiên Chúa chặt vứt bỏ: còn nhánh nào sinh quả thì Ngài tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn.

--------------------------

 

TN 26-B43. ĐỨC GIÊSU GIÁO HUẤN CÁC MÔN ĐỆ


Mc 9,38-48

Lm  PX  Vũ  Phan Long, ofm  

I. NgỮ cẢnh

 

Bản văn này dường như là một tổng hợp những chất liệu khác biệt. Ở cc. 38-41: Ta thấy điều đó: TN 26-B43


Bản văn này dường như là một tổng hợp những chất liệu khác biệt.

Ở cc. 38-41: Ta thấy điều đó ngay khi nhìn bề ngoài nơi việc thay đôi thường xuyên các nhân vật: Gioan nói ở ngôi thứ nhất số nhiều, Đức Giêsu trả lời ngay bằng một câu ở ngôi thứ nhất số ít, rồi bằng một câu khác ở ngôi thứ nhất số nhiều và cuối cùng, ở c. 41 thì ngỏ lời với các môn đệ (hymas, “anh em”). Rồi, c. 41 nối với c. 37 thì khớp hơn là nối với cc. 38-40. Khối cc. 38-40 dường như là một đơn vị độc lập được viết nhằm giải quyết một một vấn đề cụ thể của cộng đoàn, với nội dung và cấu trúc Sê-mít: c. 39 là một mệnh đề điều kiện theo kiểu Sê-mít; c. 10 có giọng văn một cách ngôn. Dường như c. 41 được ghi giữ lại trong Mt 10,42, ở dạng cổ hơn: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi…”; bản văn nói về đề tài “những kẻ bé nhỏ” đã được tác giả Mc chuyển thành đề tài “các môn đệ”.

Đến cc. 42-48, chúng ta cũng nhận thấy có những câu nói thuộc các thể văn khác nhau. Dường như c. 42 tiếp nối đề tài những kẻ bé mọn của cc. 37 và 41. Các câu 43, 45 và 47 có cùng một cấu trúc và lặp lại nhịp nhàng đề tài cớ làm sa ngã. Có thể nói, các tư tưởng được liên kết với nhau chỉ về mặt từ ngữ, bằng những “từ móc nối”. Điều đó đặc biệt rõ ràng trong cc. 48-50: “lửa” ở c. 48 đưa đến “lửa” ở c. 49; tại đây  “(ướp bằng) muối” đưa tới “muối” ở c. 50. Nhưng trước đó, động từ “làm cớ sa ngã” làm cho cc. 42-48 được thống nhất. Và thuật ngữ “vì danh” móc nối cc. 37 (“vì danh Thầy”), 38-39 (“vì danh Thầy, “vì danh Ta [Thầy]”) và 41 (“vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô” diễn tả trong hy ngữ là en onomati hoti, là một kiểu nói Sê-mít). Ngoài ra “một em nhỏ như em này” ở c. 37 móc nối với “một trong những kẻ bé mọn đang tin đây” ở c. 42 (cho dù trong hai câu ấy có hai từ khác nhau: paidion / micro).

Tuy đây là một bản văn gồm những tư tưởng được liên kết với nhau bằng những “từ móc nối”, nhưng khi đã thành một đơn vị văn chương, và đưa vào trong tác phẩm, hẳn tác giả phải có một chủ ý khi đặt nó vào một chỗ nhất định.

Đây là một cuộc chuyện trò giữa Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai: Đức Giêsu ngồi (tư thế của vị thầy). Truyện diễn ra “ở nhà” (c. 33), một ngôi nhà ta không biết rõ ai là chủ và toạ lạc ở đâu. Ở đây, ngôi nhà được xác định là tại Caphácnaum, nhưng ta vẫn có thể gặp ở nơi khác, mỗi khi Mc cần có để diễn tả sự kín đáo thân mật trong những giáo huấn Đức Giêsu ban riêng cho các môn đệ, tách khỏi đám đông (7,17; 9,28; 10,10). Trong cuộc trò chuyện, Đức Giêsu nhấn mạnh rõ ràng đến mối nguy đe doạ cộng đoàn khi các môn đệ còn tìm cho được ăn trên ngồi trước.

Cuối cùng, Mc 9,35-50 đến sau lời loan báo Thương Khó lần thứ hai. Từ 8,31 đến 10,45, có ba lời loan báo Thương Khó, mỗi lời đều có kèm theo những mẩu chuyện minh họa tình trạng tăm tối không hiểu của các môn đệ, khiến Đức Giêsu lại có cơ hội ban một giáo huấn về tình trạng cộng đồng sinh mệnh giữa Người và các môn đệ. Riêng ở đây, sau lời loan báo lần hai, vì các môn đệ còn quan tâm đến việc “trên trước”, Đức Giêsu dạy cho họ biết đâu là đường lối của Thiên Chúa. 

II. BỐ  cỤc

Tuy bản văn rất tản mạn, chúng ta có thể chia thành hai đơn vị:

     1) Người ở ngoài nhóm (cc. 38-41);

     2) Các cớ làm sa ngã (cc. 42-48). 

III. Vài  điỂm chú giẢi

- Người lấy danh thầy mà trừ quỷ... không theo chúng ta (38-40): Trong Cựu Ước, có một đoạn song song với câu truyện này, đó là câu truyện Enđa và Mêđa không đến họp mà cũng tuyên sấm (Ds 11,26-30; x. Cv 8,18; 19,13-14). Môsê đã tỏ thái độ khoan dung. Trong bài tường thuật Mc, người trừ quỉ đã sử dụng danh Đức Giêsu như một thứ khí cụ đầy sức mạnh (x. Mc 1,24; 5,7). Đức Giêsu dạy các môn đệ tỏ ra khoan dung với người ấy. Thái độ của Người dựa trên ý tưởng này là bất cứ ai đã trừ quỷ nhân danh Người, không thể ngay sau đó lại đi nói xấu Người. Hẳn là Mc đang muốn nêu ví dụ này để phê bình những khuynh hướng độc quyền trong Giáo Hội tiên khởi. Câu 9,40 là một câu  tổng- quát-hoá giáo huấn trong c. 39 thành dạng châm ngôn.

Công thức “vì người ấy không theo chúng ta”, chứ không phải là “vì người ấy không theo Thầy” khiến hiểu rằng nhóm các môn đệ là một thực thể khép kín và có thể lời báo cáo của Gioan phản ánh một vấn đề của cộng đoàn.

- Cho anh em uống một chén nước (41): Nên nối kết lời khẳng định này với c. 37: Hai câu này soi sáng cho nhau vì ta thấy Đức Giêsu nói về em nhỏ bằng những từ ngữ thích hợp với một sứ giả, một vị thừa sai hơn. Chính truyền thống Tin Mừng đã áp dụng cho các môn đệ những lời và những cử chỉ của Đức Giêsu liên hệ đến các em nhỏ: người ta dễ dàng chuyển đi từ em nhỏ sang người môn đệ được mời trở nên bé mọn (Mt 18,2-5; Mc 9,33-37) hoặc sang “kẻ bé mọn đang tin”, nghĩa là người môn đệ yếu đuối nhất hoặc tầm thường nhất (Mc 9,42; Mt 18,6). Câu 37 liên hệ đến việc tiếp đón em nhỏ nhân danh Đức Giêsu, nghĩa là phù hợp với tinh thần và điều răn của Người, dường như nối kết hai câu được nói trong hai hoàn cảnh khác nhau, một câu (c. 37a) nói về các em nhỏ, câu kia (c. 37b) nói về những sứ giả của Đức Giêsu (x. Mt 10,40; Lc 10,16; Ga 13,20). Được diễn tả trong TM II, c. 37 này hoàn toàn phù hợp với người môn đệ được tiếp đón trong tư cách môn đệ. Nếu chén nước cho người ấy có giá trị đến thế, chính là vì Đức Giêsu tự đồng hoá với người ấy (x. Mt 25,35-45).

Nhờ những lời ấy, các ki-tô hữu đầu tiên ý  thức rằng họ thuộc về Đức Kitô và  do đó, có những trách nhiệm: nhờ các môn  đệ, Đức Giêsu tiếp tục hiện diện nơi thế  gian này.

- Làm cớ cho những kẻ bé mọn đang tin phải sa ngã (42): “Những kẻ bé mọn” đây chính là những Kitô hữu yếu đuối hơn hoặc ít sáng suốt hơn những người khác. Phaolô có lưu ý rằng những người hiểu biết hơn cũng có thể trở thành cớ khiến người yếu phải sa ngã (x. 1 Cr 8,7-13; 9,22; 10,24- 29; Rm 14,1-23). Giọng nghiêm khắc của Đức Giêsu khiến ta hiểu phải tôn trọng phẩm giá của những kẻ ấy và phải ân cần săn sóc họ.

- Ai làm cớ cho… sa ngã (43-48): Phân đoạn này có cấu trúc giống nhau (“Nếu tay … nếu chân … nếu mắt…”; x. cc. 43.45.47): nếu một chi thể nào là cớ đưa anh em đến chỗ phạm tội, thì loại nó đi để tránh được geenna (hoả ngục) và được vào Nước Thiên Chúa. Không cần phải tìm hiểu xem những tội của tay, của chân, của mắt là những tội nào. Vả lại, loại bỏ những chi thể này đâu hẳn là loại trừ  được mối nguy? Chúng tượng trưng cho tất cả các dịp tội mà một Kitô hữu có thể khám phá nơi bản thân hoặc trong các quan hệ bên ngoài. Đức Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến giá trị tuyệt đối của “sự sống”, của “Nước Thiên Chúa”, tiêu chuẩn tối hậu của mọi chọn lựa của con người (x. Mc 8,35-37 // 10,23-27 // Mt 13,44-45; …).

“Sự sống” thì đối lại với “hoả ngục”, được coi như nơi có những khổ hình dành cho những kẻ tội lỗi bị loại khỏi “sự sống”. Câu trích khá thoáng ở c. 48 gửi chúng ta về với bản văn Is 66,22-24 trong đó vị ngôn sứ gợi lên vinh quang của Giêrusalem, kinh đô tôn giáo của thế giới, trong khi đó ở bên ngoài thành, tử thi của những kẻ phản loạn chống lại Thiên Chúa đang bị giòi bọ rúc rỉa và lửa thiêu đốt. Đây là thung lũng (Híp-ri ghê) Hinnôm (hoặc “con cái Hinnôm”: ghê- Hinnôm hoặc ghê ben-Hinnôm; Hy-lạp: ghêenna) gần các cổng thành ở phía nam. Ngôn sứ Giêrêmia đã tuyên sấm rằng đây là nơi mà dân Giuđa sẽ bị trừng phạt nặng nề, vì tội lỗi của họ (sát tế con cho thần Môlốc) đã lên tới cực độ (Gr 7,30-8,3; 19,7; 32,35). Lúc đầu, lửa và giòi bọ là những cách thế xử  lý các tử thi, nay đi với nhau (Gđt 16,17; Hc 7,17) hoặc riêng rẽ (giòi bọ: G 25,5; Hc (Híp-ri) 7,17; lửa: Mt 13,42.50…), trở thành biểu tượng của số phận khủng khiếp của những kẻ không chịu đáp lại lời Thiên Chúa kêu gọi hoán cải. Viễn tượng của Mc 9,43-48 là viễn tượng cuộc phán xét chung. Không nên dựa vào những bản văn này mà suy đoán về thế giới bên kia, nhưng mà soi sáng và hỗ trợ sự chọn lựa con đường đưa đến sự sống (x. Mt 7,13-14 so sánh với cc. 24-27).

Một ghi chú: C.S. Mann giữ lại một gợi ý thú vị của J.R. Harris: tác giả TM II đã lấy từ  La-tinh salis (muối) ở thể đối- cách (accusative) (salem) rồi liên kết từ ấy với Híp-ri salem nghĩa là “bình an, hoà bình” (x. Dt 7,2). Kết quả là chúng ta có một lời khuyến khích các môn đệ giữ cho được sự bình an nơi chính mình và duy trì sự bình an giữa họ với nhau (Mc 9,50). 

IV. Ý  nghĩa cỦa bẢn văn

* Người  ở ngoài nhóm (38-41)

Khi viết đoạn văn này, tác giả có hai mục tiêu. Trước tiên, sau 8,33-37, cách xử sự của Gioan lại cung cấp một ví dụ khác về tình trạng thiếu hiểu biết của các môn đệ và sự cần thiết phải sửa chữa. Các môn đệ không những tranh nhau về chỗ trên trước, các ông còn khoe khoang về những đặc quyền. Đó là một điểm tiêu cực cần điều chỉnh. Kế đó, cách Đức Giêsu đánh giá hoạt động trừ quỉ cho hiểu rằng Người không nhắm thành lập một nhóm khép kín để hưởng các đặc quyền đặc lợi, nhưng là một nhóm biết phục vụ bất cứ ai, trong âm thầm, khiêm tốn. 

* Các cớ làm sa ngã (42-48)

Trong khi đi theo Đức Giêsu trong cuộc chiến đấu chống lại sự dữ, các môn đệ phải sẵn sàng tránh làm cớ sa ngã trong mọi trường hợp và phải sẵn sáng chấp nhận những hy sinh. Khi làm như thế, họ không nhắm đạt tới sự hoàn thiện cá nhân nhờ một việc khổ chế, hãm mình, nhưng là để củng cố sự hiệp thông giữa các thành viên. Sự hiệp thông này bị đe dọa bởi sự tranh cãi vê quyền trên trước, bởi việc tìm kiếm các đăïc quyền đặc lợi, bởi các cớ làm sa ngã, bởi thái độ khinh bỉ những người thấp kém. Do đó, lệnh truyền cuối cùng là duy trì sự bình an có nghĩa là góp phần giúp người ta vượt lên trên tất cả các mối đe dọa trên (x. Dt 12,14-17). 

+ Kết luận

Cho dù là tản mạn, các lời nói trên đây của Đức Giêsu luôn luôn có thể giáo huấn các Kitô hữu. Mc đã trình bày các lời này như những chỉ thị ban cho các môn đệ dấn thân trên nẻo đường đã từng đưa Đức Kitô đến những đau khổ thập giá. Toàn bộ những giáo huấn này nhắm tới lý tưởng một cộng đoàn trong đó mọi người sống hoà thuận với nhau (c. 50b) bởi vì sẵn sàng phục vụ lẫn nhau (cc. 33-35). 

V. GỢi ý  suy niỆm

1. Đức Giêsu như đang nói: Cứ để cho những người ở ngoài nhóm trừ quỷ! Người đang khuyến khích người ta làm những việc phục vụ ít lộ liễu. Quan trọng không phải là làm những việc ngoạn mục, tạo cảm giác mạnh, nhưng là tình yêu diễn tả cách âm thầm, như đơn giản trao một ly nước cho người đang khát.

2. Lời kết án nặng nề của Đức Giêsu đối với kẻ làm cớ cho người khác sa ngã có thể hiểu như là một lời an ủi khích lệ hay một lời răn đe tùy người được nhận lời nói này. Là lời an ủi khích lệ cho những người đạo đức, để họ cứ vững vàng sống đúng tư cách dù có bị thế gian khinh bỉ. Là lời răn đe đối với những người lãnh đạo cộng đoàn: coi chừng kẻo lối ăn nói, cư xử của các ngài lại thành cớ cho những kẻ mà các ngài đã đưa vào đức tin phải mất tinh thần và buông xuôi, hoặc học lấy một cách sống không phù hợp với người môn đệ của Đức Kitô.  

3. Những ai có  tinh thần của Đức Giêsu thì phải phục vụ như Người: quan tâm đến những kẻ thấp cổ bé miệng, những người cô thế cô thân, và cứ phục vụ họ trong thái độ kín đáo, khiêm tốn. Chỉ những người đó, vì kiến tạo được sự hiệp nhất trong các cộng đoàn, mới có thể làm chứng cho thế giới thấy rằng Nước Thiên Chúa đã ở giữa loài người.

Lm  PX  Vũ  Phan Long, ofm  

--------------------------

 

TN 26-B44. AI KHÔNG CHỐNG LẠI CHÚNG TA LÀ ỦNG HỘ CHÚNG TA


Mrs. Chiara Lubich

 

Một ngày kia một số tông đồ thấy một người trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu, mặc dù người đó không TN 26-B44


Một ngày kia một số tông đồ thấy một người trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu, mặc dù người đó không thuộc nhóm của họ.  Họ cố gắng ngưng người đó lại bởi vì họ nghĩ rằng người đó đang làm một điều gì đó mà chỉ có các môn đệ của Đức Giêsu mới có quyền làm. Khi biết được điều này, Đức Giêsu khiển trách họ và chỉ rõ cho họ thấy rằng làm phép lạ nhân danh Người đã là đứng về phía Người rồi. Thật vậy, nguyên sự kiện không chống lại Đức Giêsu  thì đã là ủng hộ Người rồi.

Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta (Mc 9,35).

Đằng sau hành động của các tông đồ ở đây dễ thấy điều gì đó xuất hiện rất thường xuyên trên thế gian, một tinh thần đảng phái, nhỏ nhặt, bất bao dung với bất kỳ ai không suy nghĩ như ta, các hành vi ganh đua với các nhóm khác. Đó là thái độ thường ngụy trang thành tình mến yêu sự nghiệp Thiên Chúa và vì sự vẹn toàn của đức tin. Nhưng trong thực tế, lòng nhiệt thành bề ngoài này che giấu một sự hoàn toàn thiếu vắng việc bỏ ngỏ, mở ra đón nhận các kế đồ của Thiên Chúa, một hành vi bao hàm việc độc quyền sở hữu các ơn của Người, sự kiêu hãnh và ngạo mạn tinh thần, tất cả đem lại cho đức tin Kitô giáo một hình ảnh xấu và bao gồm quyền sở hữu độc quyền điều tốt mà Thiên Chúa muốn làm thông qua chúng tôi .

Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

Thái độ của Đức Giêsu mới khác làm sao! Người vui mừng trước tự do và lòng quảng đại lớn mà Cha trên trời, trong tình yêu của Người, phân phối quà tặng trên trái đất và đem lại ơn cứu độ. Người thấy Chúa Cha làm việc trong tất cả những gì được thực hiện vì lợi ích của tha nhân thực hiện bởi những con người thiện chí. Thật vậy, Người xem như các đồng minh và bầu bạn tất cả những ai chiến đấu chống sự dữ và những ai, thường không ý thức được, làm việc để thiết lập Nước Thiên Chúa.

Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

Làm thế nào sống Lời Sống này? Ta cũng tìm cách có được thái độ mở trí mở lòng này. Chắc chắn, ta không bao giờ có thể biết ơn cho đủ đối với Cha trên Trời về các kho tàng vô giá về ánh sáng và ân sủng mà Người đã trao cho ta thông qua Đức Giêsu. Tuy nhiên, ý thức được về các kho tàng này và làm chứng với sự thán phục ngưỡng mộ lớn, biết rằng đồng thời làm thế nào nhận ra hành động của Thiên Chúa và các quà tặng trong tất cả những gì là tốt và tích cực quanh ta.

Ở đây Đức Giêsu yêu cầu ta về một tình yêu có khả năng đối thoại. Người đòi hỏi một tình yêu thay vì tự đóng kín một cách kiêu hãnh trong nhóm riêng của mình, biết làm thế nào cởi mở ra cho tha nhân và cùng nhau cộng tác với mọi người thiện chí để xây dựng hoà bình và sự thống nhất trên thế giới.

Vậy, ta hãy cố gắng nhìm xem người gần bên mà ta gặp theo một phong cách mới, nhằm nhận ra và tán thưởng điều tốt mà họ làm, cho dù họ thuộc niềm tin nào. Ta sẽ cảm nghiệm tình liên đới với họ và khích lệ nhau đi con đường công lý và tình yêu.

Mrs. Chiara Lubich

--------------------------

 

TN 26-B45. CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN


Lm. Augustine, SJ

Khi ai đó thắp lên ánh sáng trong tăm tối thì không cần hỏi người đó là nam hay nữ

 

Hôm ấy là ngày chót của năm dương lịch 1996, bà Lưu Bích (Chiara Lubich) khởi sự cuộc viếng: TN 26-B45


Hôm ấy là ngày chót của năm dương lịch 1996, bà Lưu Bích (Chiara Lubich) khởi sự cuộc viếng thăm Thái Lan bằng cuộc viếng thăm Ðức Hồng Y Kim Bành Chữ (Michai Kitbunchu), Tổng Giám Mục Băng Cốc.

Bà được hai nơi quan trọng của Thái Lan mời. Một là Ðại Học Thánh Gioan, là Ðại Học Công Giáo tại Băng Cốc, muốn trao tặng bà bằng tiến sĩ danh dự về Truyền Thông Xã Hội. Thứ đến là lời mời của Ðại Ðức Hoành Gia Thống (Ajahn Thong) của Thái Lan. Ðại Ðức Thống là nhà sư nổi tiếng trên thế giới về Phật học. Ðại Ðức Thống cùng nhà sư Thành Vinh (Thongrattana Thavorn) là người từng tháp tùng một số đồ đệ tới tham dự cuộc liên hoan giới trẻ 1955 do Phong Trào Tổ Ấm tổ chức, đã có thời gian sống tại Trung Tâm Lỗ Phúc Nhân của Tổ Ấm. Hai vị đã có dịp gặp gỡ bà Lưu Bích khá lâu và còn tới thăm Hội Ðồng Giáo Hoàng về đối thoại liên tôn cũng như có dịp yết kiến Ðức Gioan Phaolô II. Nhà sư Thành Vinh từng nói cho mọi người ở Thái Lan biết ông đã khám phá ra Kitô giáo qua kinh nghiệm của ông như thế nào. Ðược biết Thượng Toạ Xuân Vinh (Somdet Phra Niana Samvara) của Thái Lan được nghe nhà sư Thành Vinh kể lại thì đã khuyến khích cuộc đối thoại giữa bà Lưu Bích và các đồ đệ dưới quyền Thượng Toạ. Chính Thượng Toạ Xuân Vinh tỏ ra rất thiết tha với việc khơi dậy một bầu khí hoà hiệp và bình an giữa các tôn giáo. Thượng Toạ còn tỏ ra rất quí mến Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Cuộc viếng thăm Thái Lan của bà Lưu Bích có bao gồm cuộc đi viếng thành phố Chiang Mai cách Băng Cốc 300 dặm về phía Bắc. Chính Ðại Ðức Hoành Gia Thống ra đón bà Lưu Bích tại phi trường. Tại hội trường của Ðại Học Phật Giáo Chiang Mai, bà Lưu Bích đã gặp gỡ chừng 800 người, hầu hết là các tu sĩ trẻ của Phật giáo. Bà được Ðại Ðức họ Hoành giới thiệu là một nhân vật quốc tế được thế giới nhìn nhận là một nhà lãnh đạo về đối thoại liên tôn. Ðại Ðức mời bà Lưu Bích chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng hầu góp phần cho nguồn suối kiến thức được phong phú hơn.

Ðó là lúc bà Lưu Bích đặt bài nói bà đã soạn sang một bên, để chia sẻ với thính giả về khởi đầu của Phong Trào Tổ Ấm cuối thế chiến thứ II tại Tân Ðô (Trento). Bà cắt nghĩa cho thính giả nghe về luật yêu thương theo Tin Mừng chính là bí quyết thành công của phong trào. Bà nói về thực tại đau khổ gắn liền với đời sống người Kitô; đó là thập giá, cùng với hoa trái phát sinh do nghệ thuật yêu thương. Bốn điểm được bà Lưu Bích nêu lên là: phải yêu thương tất cả mọi người, phải đi bước trước để thể hiện tình yêu, phải nên một với tha nhân, và phải yêu tha nhân như chính mình. Thính giả tỏ ra hết sức chú ý lắng nghe, đồng thời họ cũng rất cởi mở và cho thấy bề sâu và sự trong suốt về con tim.

Quả thật đã mở ra một cuộc đối thoại do thính giả muốn biết nhiều hơn về nền linh đạo mới được trình bày và về Kitô giáo nói chung. Thính giả cũng ước ao xây dựng tình liên đới tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Ðáp lại bà Lưu Bích kết luận bằng cách mời gọi các tu sĩ trẻ luôn duy trì một cuộc sống hướng thượng (to aim high in life).

Ngày hôm sau bà Lưu Bích tới tu viện của Ðại Ðức họ Hoành cũng là một giáo sư lừng danh, nơi bà gặp gỡ 100 nữ tu cùng với chừng 70 Nam tu và Phật tử. Bà Lưu Bích là phụ nữ Kitô hữu đầu tiên ngỏ lời với lới thính giả này. Ðại Ðức họ Hoành trong lời giới thiệu đã nói: Người khôn ngoan đâu phải là nam hay nữ, là vị thành niên hay trưởng thành. Khi ai đó thắp lên ánh sáng trong tăm tối, không cần hỏi đó là người nam hay người nữ. Bà Lưu Bích đến đây là để thắp lên cho chúng ta ánh sáng.

Vậy bà Lưu Bích lại có dịp nói về khởi đầu của Phong Trào Tổ Ấm và cắt nghĩa để thính giả thấy khuôn vàng thước ngọc được khám phá ra trong sách Tin Mừng, tức Kinh Thánh, là gì.

Kế đó là một loạt những câu hỏi và trả lời về những vấn đề khác nhau, kể cả về Trung Tâm Tổ Ấm Lỗ Phúc Nhân và Phong Trào Tổ Ấm nói chung. Nhà sư trẻ Thành Vinh (Thongrattana) đã từng sống tại Lỗ Phúc Nhân cũng đứng lên chia sẻ kinh nghiệm bản thân về mấy năm sống ở đó.

Tiễn đưa bà Lưu Bích lên đường là Ðức Hoành Gia Thống cùng với một số tu sĩ, đặc biệt có một tu sĩ trẻ lên đường đi Italia để có kinh nghiệm Tổ Ấm tại trung tâm Lỗ Phúc Nhân. Sự kiện đó cho thấy đây là cuộc đối thoại trogn cuộc sống hơn là trên bình diện kiến thức hoặc tư tưởng.

Nhưng đối thoại với tín đồ Phật giáo trong tư tưởng hay trong cuộc sống là để nhằm mục tiêu nào? Bà Lưu Bích sẽ trả lời: là để giúp người ta biết Ðấng Thiên Chúa của Ðức Giêsu và để sống làm chứng về Ngài, ngang qua sự hiểu biết và quí chuộng các tôn giáo của nhau.

Hãy khởi đi từ bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Nếu tờ chia sẻ này đến tay một người bạn Phật tử cũng là nhân viên xí nghiệp với bạn, bạn sẽ nói gì với người ấy khi người ấy yêu cầu bạn cắt nghĩa? Dĩ nhiên phải khởi đi từ những điều hai bên cùng hiểu và chấp nhận. Chắc chuyến viếng thăm Thái Lan của bà Lưu Bích sẽ được người bạn Phật tử kia dễ dàng chấp nhận. Ðiều mà người đó chưa chắc đã hiểu và chấp nhận chính là bốn điểm về yêu thương mà bà Lưu Bích nêu lên. Nhưng yêu thương chính là đường mòn đối với mọi người. Bạn có thể dựa vào thiện chí trong đối thoại để nói về yêu thương, cả về những khó khăn gặp phải để yêu thương hết mọi người. Quả thật ai dám nói mình tự nhiên có thể yêu thương tất cả mọi người, kể cả những kẻ ghét mình? Ði bước trước để yêu thương những kẻ ghét mình đâu phải là chuyện dễ? V.v? Chính ở đây bạn có cơ hội nói về Thiên Chúa là Tình Yêu như bạn được biết. Ðấng Thiên Chúa ấy yêu thương mọi người đến nỗi ban Con Một Ngài. Con Một ấy đã xuống thế làm người để dạy người ta biết trở về cùng Chúa bằng con đường yêu thương. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một phần của cuộc hành trình lên Giêrusalem của Ðức Giêsu. Ðức Giêsu không những dạy các môn đệ về yêu thương, chính Ngài đi bước trước để nêu gương cho họ thấy thế nào là tuyệt đỉnh của yêu thương: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu" (xem Ga 15,13).

Rất sớm trong đời công khai của Ðức Giêsu, Người đã bị giới lãnh đạo, đạo cũng như đời, tìm cách thủ tiêu (xem Mc3,6). Cách Người tự do vượt mọi rào cản để đến với những người cùi, người tàn tật, người bị xã hội khinh chê là điều họ không thể chấp nhận. Người càng được dân chúng nô nức tuôn đến, càng bị giới lãnh đạo Do thái ghen ghét.

Ánh Sáng từ cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu

 Linh tính cho Người thấy trước, đau khổ và chết chóc đang chờ đợi Người tại Giêrusalem. Ðể huấn luyện các môn đệ hiệp nhất với Người trên con đường cứu nhân độ thế, Người liên tiếp loan báo cho họ biết trước về cuộc Thương Khó Người sẽ phải chịu. Bài Tin Mừng hôm nay gắn liền với lần loan báo thứ II về cuộc Thương Khó. Lần loan báo nào cũng kèm theo một số huấn dụ. Những huấn dụ đi đôi với lần loan báo thứ II gồm: (1)Ðừng ham hố được nổi nang trong cộng đoàn (cc.33-37); (2) phải có tinh thần rộng mở đối với tha nhân (cc.38-41); (3) phải biết hy sinh hầu nêu gương sáng thay vì gây xì căng đan, nhất là đối với những kẻ bé mọn (cc.42-50).

Về tinh thần rộng mở, bài Tin Mừng hôm nay nêu trường hợp môn đệ Gioan vận động cấm ai đó phục vụ nhân danh Ðức Giêsu chỉ vì người ấy không thuộc "phe ta" (c.38). Ðức Giêsu muốn các môn đệ từ bỏ tính hẹp hòi đi để rộng mở đối với mọi người khi nói: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta (c.40).

Chính tinh thần rộng mở này đưa các Kitô hữu vào cuộc đối thoại với các tôn giáo bạn. Cuộc đối thoại này gồm bốn phương diện: (1) đối thoại trong cuộc sống theo đó ta sống cởi mở trong tinh thần xóm ngõ, chân thành chia vui xẻû buồn giúp nhau đáp ứng những vấn đề được đặt ra trong đời sống con người; (2) đối thoại trong hành động theo đó ta cộng tác với các tín đồ tôn giáo bạn để phát triển cũng như giải phóng con người toàn diện; (3) đối thoại về kinh nghiệm tôn giáo như bà Lưu Bích trình bày cho các nhà sư và Phật tử hiểu phần nào những kinh nghiệm thiêng liêng của bà với Chúa; (4) đối thoại về suy tư thần học dành cho những chuyên viên thần học.

Vậy cuộc đối thoại liên tôn như bà Lưu Bích thực hiện với các tín đồ Phật giáo ở Thái Lan thật là điều đáng khen và đáng khuyến khích, nhất là trong năm Thánh 2000 mừng kính Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Ðộ Trần Gian.

Một số câu hỏi gợi ý

Bạn tâm đắc gì về cuộc đối thoại giữa bà Lưu Bích và các nhà sư và các Phật tử Thái Lan: một nhà sư trẻ được gởi đi sống một thời gian tại Trung Tâm Tổ Aám Lỗ Phúc Nhân, Bắc Italia? Yêu thương hết mọi người không trừ ai? Yêu thương thì phải đi bước trước? Yêu thương thì phải chung vui xẻ buồn? Phải yêu tha nhân như chính mình?

Bạn hiểu như thế nào về ba lời huấn dụ tiếp theo lần loan báo thứ II về cuộc thương khó nói trên? Bạn tâm đắc được gì về ba lời dạy dỗ đó của Chúa Giêsu?

Lm. Augustine, SJ

--------------------------

 

TN 26-B46. CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN


Lm. Ignatiô Hồ Thông

Ý lực sống của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay có thể  được gọi là “chia sẻ”. 

 Ds 11: 25-29 

Chia sẻ những ân ban của Thần Khí hướng đến chia sẻ những trách nhiệm, mà không bất kỳ áp lực phàm nhân nào có thể giới hạn tác động của Thần Khí Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa của chuyện tích trong sách Dân số về việc tấn phong các Kỳ Mục Ít-ra-en để là những công tác viên của ông Mô-sê. 

 Gc 5: 1-6 

Chia sẻ những của cải trong các cộng đoàn Ki tô hữu hướng đến cùng một lý tưởng của đức khó nghèo Tin Mừng, đó là lời khuyên của thánh Gia-cô-bê. 

 Mc 9: 38-43, 45, 47-48 

Chia sẻ những ân ban Thần Khí, thậm chí bên ngoài cộng đoàn Ki tô hữu, đó là giáo huấn của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô.

BÀI  ĐỌC I Ds 11: 25-29 

 

Sách Dân Số là sách thứ tư trong số năm cuốn sách của bộ Ngũ Thư; sách nầy được đặt ở giữa sách: TN 26-B46


Sách Dân Số là sách thứ tư trong số năm cuốn sách của bộ Ngũ Thư; sách nầy được đặt ở giữa sách Lê-vi và sách Đệ Nhị Luật; tên sách do từ việc điều tra dân số của dân Do thái mà ông Mô-sê tiến hành trước khi rời bỏ miền Si-nai. Việc điều tra dân số chiếm trọn những trang đầu tiên. 

 Tiếp đó, sách tiếp tục chuyện tích về cuộc hành trình của dân Do thái qua sa mạc. Vài tình tiết, đã được tường thuật rồi trong sách Xuất Hành, được lập lại, thường với những biến thể hay những viễn cách khác. Như vậy chúng ta có hai bản văn về việc ông Mô-sê chọn những cộng tác viên để giúp đỡ ông trong công việc của mình: một bản văn “phàm trần” và một bản văn “đặc sủng”; chính bản văn thứ hai, mà chúng ta đọc ở chương 11 của sách Dân số. 

 1. Bản văn phàm trần: 

Trong bản văn phàm trần (Xh 18: 13-26), chính bố vợ của ông Mô-sê đến gặp con rể của mình. Ông Gít-rô lo lắng khi nhận thấy ông Mô-sê đảm nhận công việc quá nặng nhọc và kiệt sức, vì thế, ông khuyên ông Mô-sê chọn “những ai là người có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không ham của bất chính, thì đặt họ làm những người chỉ huy…Họ sẽ thường trực xử kiện cho dân” (Xh 18: 21-22). Ông Mô-sê vâng theo lời khuyên nầy. 

 2. Bản văn đặc sủng: 

Bản văn đặc sủng của sách Dân Số thuộc một nhà biên soạn khác. Ông Mô-sê phàn nàn với Thiên Chúa về công việc vất vả khó khăn mà ông đảm nhận. Việc dẫn dắt dân nầy, một dân không ngừng kêu ca ta thán, là một công việc quá nặng nề khó mà gánh vác nổi. Đức Chúa khuyên ông Mô-sê chọn cho mình những cộng tác viên ở giữa các Kỳ Mục của dân Ít-ra-en. 

Những Kỳ Mục nầy là ai? Chắc chắn những tộc trưởng mà chức vụ của họ có nhiều điểm song song trong nhiều tổ chức bộ lạc của các xứ sở khác (Phi Châu, Á Châu). Ở Ít-ra-en, chúng ta mất dấu vết của định chế nầy khởi đi từ thế kỷ thứ mười hai trước Công Nguyên. Tước vị Kỳ Mục tái xuất hiện chỉ vào thời đại Ba tư, nhất là trong việc thiết lập Thượng Hội Đồng. Ông Mô-sê chọn, nhưng chính Thiên Chúa tấn phong. 

3. Việc Tấn Phong: 

Cách thức Thiên Chúa tấn phong bảy mươi Kỳ Mục thật lạ lùng nhưng có ý nghĩa. Đức Chúa lấy một phần thần khí đang ngự trên ông Mô-sê mà đặt trên bảy mươi vị Kỳ Mục, cách thức nầy nhấn mạnh rằng các Kỳ Mục nầy lãnh nhận cùng một sứ mạng như ông Mô-sê và chia sẻ những trọng trách của ông, trong khi vẫn lệ thuộc ông và đường lối của ông. 

 “Khi thần khí ngự xuống trên các ông, các ông xuất thần như ngôn sứ”, nghĩa là cuộc tấn phong của các ông được bày tỏ bằng những dấu chỉ bên ngoài. Được thần khí chiếm đoạt, các Kỳ Mục phát ngôn, nghĩa là có những hành động như các ngôn sứ thời xưa: “xuất thần nhập định” (1Sm 10: 10-13; 19: 20-24). Hiện tượng ấy chỉ ngắn ngũi. Những cách bày tỏ theo loại nầy sẽ biến mất với truyền thống ngôn sứ lớn sau nầy. Chúng hãy ghi nhận ở đoạn văn nầy rằng những tình trạng nầy chỉ là phụ, không bao giờ do những nghi thức chè chén say sưa hay theo những phương thức đồng bóng của dân ngoại. Trường hợp Ê-li-sê cần đến âm nhạc để xuất thần ngôn sứ, vẫn cá biệt (2V 3: 15). Các ngôn sứ Ít-ra-en vẫn luôn luôn ý thức về nguồn gốc thần hứng của mình.  

4. Sự tự do của thần khí: 

Hai thành viên của nhóm Kỳ Mục, được ghi trong danh sách các Kỳ Mục, nhưng đã không thuộc nhóm bảy mươi có mặt tại Lều Thánh, lý do không được nêu lên. Do hờn dỗi? hay sợ trách nhiệm? Dù sao đi nữa, thần khí không quên họ, mặc dầu họ vẫn ở trong trại; các ông cũng được lãnh nhận ơn xuất thần ngôn sứ. 

 Một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Mô-sê. Ông Giô-suê, từng hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lo lắng. Những người được Đức Chúa tuyển chọn nầy đã không tham dự buỗi nhóm họp chính thức của Lều Hội Ngộ, liệu họ sẽ hành xử ơn gọi ngôn sứ mà không vâng phục ông Mô-sê chứ? Ông Mô-sê trả lời: “Phải chi Chúa ban thần khí trên toàn dân của Người để họ đều làm ngôn sứ!”. 

 Qua câu trả lời nầy, chúng ta hiểu ông Mô-sê, ông ước mong rằng dân nầy quá khó khăn để hướng dẫn, cần phải được thần khí thực sự ở cùng. Nếu dân để cho mình được sự khôn ngoan của Thiên Chúa hướng dẫn, họ sẽ thay đổi biết mấy! 

 Lời cầu chúc của ông Mô-sê đi xa hơn ước muốn tức thời của ông nhiều; lời cầu chúc nầy sẽ được lập lại trong những viễn cảnh ngôn sứ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a và ngôn sứ Ê-dê-ki-en và sẽ được ứng nghiệm một cách viên mãn vào ngày lễ Hiện Xuống (Cv 2: 16-21) và trong Giáo Hội (Ep 4: 3-4; 1Cr 12: 4-11). Tác động của Thần Khí thì không bị giới hạn vào bất cứ ranh giới nào được xem là chính thức, vì Thần Khí hoàn toàn tự do trong việc ban phát Thiên Ân của Ngài. Đây là bài học vĩ đại của đoạn văn sách Dân Số nầy; bài học nầy được Tin Mừng hôm nay xác nhận. 

BÀI ĐỌC II  Gc 5: 1-6 

Đoạn trích thư của thánh Gia-cô-bê hôm nay trình bày một trong những đề tài chủ đạo: bênh vực những người nghèo và nhắc nhở lý tưởng Tin Mừng về sự nghèo khó.  

 Thánh Gia-cô-bê vừa mới chê bai sự khôn ngoan của thế gian (4: 13-17); bây giờ thánh nhân buộc tội những người giàu tích trữ của cải và những kẻ áp bức bốc lột những người nghèo. Thánh nhân định vị những cảnh báo của mình vào trong viễn cảnh của cuộc phán xét chung cuộc. Những lời kêu trách của ngài thì dữ dội: “Hỡi những người giàu có, các ông hãy khóc lóc than van”, những lời nầy nhắc nhớ ngôn từ của các ngôn sứ, như ngôn từ của ngôn sứ I-sai-a gởi đến cư dân Ba-by-lon: “Hãy khóc lóc than van! Vì ngày của Đức Chúa sắp đến gần”. Ý tưởng thì cũng như nhau ở đây, viễn cảnh cũng là cánh chung. Những bất hạnh đang chờ đợi những người giàu có là những bất hạnh họ phải chịu vào ngày xử án. 

 1. Sự phù du của nhũng giàu có.  

Chất đống của cải có ích gì? Được nhìn ở trong ánh sáng của vương quốc Thiên Chúa, của cải được chất đống, được giữ cho riêng mình, tiền bạc tích trử này, là gì ? Đó là “tài sản của các ông đã hư nát, quần áo của các ông đã bị mối ăn”. Hình ảnh kinh thánh nầy rất kinh điển. Đức Giê-su đã dùng cũng những hình ảnh như vậy: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.” (Mt 6: 19-20). 

 Thánh Gia-cô-bê thêm vào ở đây một sự gợi ý “vàng bạc của các ông bị rĩ sét”. Thật ra, vàng không bị oxi hóa và tiền bạc thì khá bền vững, nhưng hình ảnh thì rất mạnh: việc bị rĩ sét làm chứng, trước tòa án Thiên Chúa, về sự không chia sẻ của những giàu có.  

 “Các ông đã lo tích trữ làm giàu trong những ngày sau hết”, nghĩa là trong thời kỳ nầy được khai mạc bởi kỷ nguyên Thiên Sai và sẽ hoàn tất bởi ngày Quang Lâm của Chúa. Xưa kia, trong thời Cựu Ước, sự giàu có của cải có thể xem ra như lời chúc của Đức Chúa thưởng cho sự trung thành tuân giữ Lề Luật. Một phán đoán như vậy không còn có thể nữa. Vương quốc Thiên Chúa đã đến: những của cải tinh thần được dâng hiến cho con người thì khôn sánh và đòi hỏi một sự siêu thoát khỏi những của cải trần thế. Từ đó, thái độ ích kỷ của những người giàu có không chỉ là có tội, nhưng cũng là ngu xuẩn. 

 2. Người nghèo: 

Còn thậm tệ hơn! “Các ông trở nên giàu do từ mồ hôi nước mắt của những kẻ nghèo”. Ở đây, thánh Gia-cô-bê không còn nhắm đến những nhà tài chánh hay những thương nhân, nhưng những điền chủ. 

 Luật đòi buộc rằng tiền lương của người thợ được trả ngày nào theo ngày đó. Vì người nghèo sống theo tiền công nhật của mình. “Chính ngày hôm ấy, anh em phải trả công cho họ, đừng để mặt trời lặn mà không trả công, vì họ nghèo khổ và nóng lòng mong đợi được trả công; như vậy họ sẽ không kêu lên Đức Chúa tố cáo anh em, và anh em sẽ không mang tội” (Đnl 24: 15). 

 Người giàu giữ lại tiền lương của người thợ, dù chỉ một thời gian, là phạm đến sự bất công. Hiền nhân Si-rác đã diễn tả nổi công phẩn tương tự: “Người túng nghèo còn chút bánh độ thân, ai lấy đi là kẻ hút máu. Cướp phương tiện sống của kẻ khác là giết người; đoạt lương của người làm thuê là gây đổ máu” (Hc 34: 21-22). 

 3. Thiên Chúa của những người nghèo khổ: 

Đức Chúa, Chúa Tể hoàn vũ, là Đấng bênh vực những người cùng khổ. Thánh Gia-cô-bê đối lập thái độ của những kẻ giàu có “trên cõi đất” nầy, những kẻ khinh bĩ người nghèo và sống xa hoa vô độ với thái độ của Thiên Chúa, vua của trời đất. Giờ phán xét sẽ bất ngờ ập xuống trên họ trong khi họ “đã ăn uống linh đình, đã buông theo khoái lạc, lòng họ đã được thỏa thuê vui thú trong ngày sát sinh”. Quả thật, hình ảnh về ngày của Chúa đôi khi được diễn tả bằng hình ảnh về “ngày sát sinh”, vì Đức Chúa sẽ hủy diệt vào ngày đó mọi kẻ thù của Ngài. 

 Câu kết thúc của đoạn văn nầy quả thật khó hiểu. Ai là người ông chính đã bị kết án và bị giết hại bởi những người giàu có mà đã không thể cưỡng kháng lại? Người ta có thể nghĩ rằng thánh Gia-cô-bê trở lại hình ảnh của người nghèo bị tước đoạt tiền lương của mình, mà người giàu là kẻ sát nhân của họ, theo cách diễn tả của hiền nhân Si-rác. Vài người gợi ra rằng đây cốt là Đức Ki tô, những người khác cho rằng Người Công Chính nầy là Người Công Chính theo cách chung chung đối lập với những kẻ gian ác như các sách minh triết thường hay gợi lên. 

 Ý tưởng căn bản vẫn là vào ngày phán xét người nghèo và người công chính sẽ được Thiên Chúa báo oán. 

 TIN MỪNG  Mc 9: 38-43, 45, 47-48 

Trong phân đoạn Tin Mừng nầy, thánh Mác-cô tường thuật những giáo huấn khác nhau của Chúa Giê-su, ở giữa chúng chỉ có những liên hệ khá lỏng lẽo. Tuy nhiên, Đức Giê-su không đánh mất mục đích của mình: huấn luyện các môn đệ của Ngài, tức Giáo Hội tương lai của Ngài. Nỗi bận lòng đối với Giáo Hội nầy là tuyến phát triển nối kết các yếu tố xem ra rời rạc. 

 1. Tinh thần khoan dung rộng mở của người môn đệ Chúa Ki tô.

Giáo huấn đầu tiên trong các giáo huấn nầy được khơi lên bởi câu chuyện về một sự cố: một người trừ quỷ, không thuộc nhóm các ông, đã nhân danh Đức Giê-su mà trừ quỷ.   

Thánh Gioan và các môn đệ khác đã cố ngăn cản, vì người đó không theo chúng ta. Thái độ bất khoan dung nầy của thánh Gioan, một trong hai anh em vừa mới được phong biệt danh là “Con của Sấm Sét” (3: 17), sau nầy chính ông là người hỏi Chúa Giê-su có muốn các ông sai lửa từ trời xuống thiêu hủy những người Sa-ma-ri, vì họ không đón tiếp Ngài cũng như nhóm Mười Hai (Lc 9: 54). Đối mặt với người trừ quỷ, thánh Gioan có cùng một phản ứng như ông Giô-suê của sách Dân Số: phải chận đứng kẻ trừ quỷ nhân danh Đức Giê-su mà không thuộc nhóm môn đệ của Ngài. 

 Chúa Giê-su giữ thái độ thanh thản của một bậc thầy khôn ngoan và trả lời với một lương tâm ngay lành: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Nếu người nầy nhận ra quyền năng siêu nhiên của Đức Giê-su, chính rằng có nơi người ấy rồi một bước khởi đầu chấp nhận sứ điệp. Ngài truyền cho họ phải trải lòng ra tối đa với mọi kẻ không công khai thù địch họ: “Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”. 

Lời chú giải tốt nhất của những lời nầy chắc chắn được gặp thấy trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Cô-rin-tô: “Chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: ‘Giê-su là đồ khốn kiếp!’; cũng không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giê-su là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12: 3). 

 Chúa Giê-su còn đi xa hơn khi cho họ một ví dụ: “Ai cho anh em uống một ly nước vì lẽ anh em là người của Đức Ki tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Cử chỉ của người ấy là một cử chỉ tiếp đón; người ấy bày tỏ thái độ thiện cảm rồi.  

 2. Thần Khí hoàn toàn tự do trong hành động: 

Như vậy bài học thì rõ ràng; bài học móc nối với bài học về tình tiết của sách Dân Số. Giáo Hội không được tin rằng mình giữ độc quyền những ân ban của Thần Khí; vì Thần Khí hoàn toàn tự do trong hoạt động của Ngài.  

 Quả thật, ơn gọi của các ngôn sứ Cựu Ước cho chúng ta thấy điều đó. Trong Cựu Ước, ơn gọi ngôn sứ không là một định chế cha truyền con nối như định chế tư tế, nhưng là đặc sủng. Vì thế, không phải tất cả các ngôn sứ đều là các tư tế. Trong số những vị ngôn sứ bút ký thời danh, chỉ có hai người: Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en là tư tế trước khi lãnh nhận sứ vụ ngôn sứ, còn đa số còn lại đều là những con người bình thường với những nghề nghiệp khác nhau trước khi được gọi làm ngôn sứ. Trong những hoàn cảnh Thiên Chúa thấy cần lên tiếng, Ngài chọn những ngôn sứ của Ngài để thay Ngài chuyển giao sứ điệp của Ngài đến những đối tượng mà Ngài muốn. Câu trả lời của ngôn sứ A-mốt với ông A-mát-gia, tư tế đền thánh Bết-Ên cũng đủ nói lên điều đó: “Tôi không phải ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Thiên Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn súc vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en, dân Ta” (Am 7: 14-15).  

 Một trong những nét đặc trưng của các ngôn sứ Cựu Ước đó là, họ ý thức rất rõ họ được Chúa sai đi để chỉ nói lời Thiên Chúa không được nói lời của mình hay bất kỳ lời của ai khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà các ngôn sứ giả cũng tự cho mình là phát ngôn viên của Thiên Chúa, một trong những tiêu chuẩn để phân biệt giữa ngôn sứ giả và ngôn sứ thật khiến chúng ta phải suy nghĩ: ngôn sứ thật nhân danh Thiên Chúa lên án những bất công xã hội, bênh vực những kẻ nghèo khổ, những người bị áp bức; trong khi các ngôn sứ giả lại tâng bốc bợ đỡ những kẻ có quyền có thế, những kẻ áp bức và bốc lột những người nghèo hèn cô thế. Cuộc tranh cãi giữa ông Kha-nan-gia, vị ngôn sứ giả, và ông Giê-rê-mi-a, vị ngôn sứ thật, cho thấy điều đó (Gr 28: 1-17). Chính nhờ truyền thống ngôn sứ nầy mà Do thái giáo không chỉ đóng khung trong việc tôn kính Thiên Chúa nhưng còn trong mối liên đới với anh em đồng loại của mình. Chúng ta có thể nói họ chuẩn bị con đường mặc khải viên mãn nơi giáo huấn của Đức Ki tô: “mến Chúa và yêu người là một”. 

 Thêm nữa, ân ban ngôn sứ đôi khi không chỉ giới hạn trong dân Chúa chọn nhưng tràn ra bên ngoài nữa như câu chuyện của ông Bi-lơ-am trong Ds 22-24. Quả thật, ngày hôm nay, chúng ta cũng gặp thấy những người, đôi khi họ không phải là những người Ki tô hữu, nhưng vì lương tâm ngay thẳng, lại xả thân bênh vực những người nghèo, lên án những bất công trong xã hội. Một cách nào đó, họ cũng đang thi hành ơn gọi ngôn sứ mà Thần Khí Chúa thúc đẩy. Nói cho cùng, Thần Khí hoàn toàn tự do trong hoạt động của Ngài như lời khẳng định của Đức Giê-su trong cuộc nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (Ga 3: 8).  

 3. Kinh trọng những kẻ bé mọn. Nghiêm túc đối với chính mình. 

Trong tất cả mọi cộng đoàn, đều có những người vững mạnh và những những người yếu nhược. “Những kẻ bé mọn đang tin đây” chắc chắn là những người mà đức tin của họ cần được soi sáng và được nâng đỡ bởi mẫu gương của những người vững mạnh trong đức tin nhất và được giáo dục nhất. Thánh Lu-ca, trong một đoạn văn sóng đôi, nói một cách giản dị: “những kẻ bé nhỏ”; qua diễn ngữ nầy, thánh ký nhấn mạnh đức khiêm tốn, tự xóa nhòa của những người khiêm hạ nầy. Dù thế nào, Đức Giê-su nhấn mạnh trách nhiệm nghiêm trọng của những người mà qua cách hành xử của mình, khiến những kẻ bé mọn đang tin đây có nguy cơ lầm đường lạc lối. Thái độ đòi buộc là một sự nghiêm túc đối với chính mình. Trong một bút pháp mãnh liệt với lối nói ngoa dụ nhắc nhớ ngôn từ của các ngôn sứ, Đức Giê-su khuyên chặt tay, chặt chân, móc mắt nếu chúng gây cớ vấp ngã của những người bé mọn đang tin nầy. 

 Bởi vì có gì quý giá hơn sự sống đời đời. Nếu không, giòi bọ và lửa hỏa ngục sẽ là hình phạt cho kẻ gây cớ vấp ngã; đây là hình ảnh truyền thống được dành cho cái chết tinh thần của quân vô đạo.

 Việc bảo vệ những kẻ bé mọn và những người khiêm hạ cho đến tận trong đức tin mõng dòn của họ, thì rõ ràng ở trong hàng của sứ điệp Tin Mừng. Đức Giê-su phối hợp sứ điệp nầy với những yêu sách cứng rắn mà một môn đệ chân chính và đặc biệt những người hướng dẫn cộng đoàn trên con đường của Nước Trời phải bị đòi buộc. 

Lm. Ignatiô Hồ Thông

--------------------------

 

TN 26-B47. DIỆT TRỪ GƯƠNG XẤU


Mác cô 9, 38-48

Lm. Ignatio Trần Ngà

 

Gương xấu lây lan nhanh như đại dịch, bùng phát mạnh như cháy rừng. Nguy cơ lây nhiễm cao đến: TN 26-B47


Gương xấu lây lan nhanh như đại dịch, bùng phát mạnh như cháy rừng. Nguy cơ lây nhiễm cao đến nỗi người ta thường nói: gần mực ắt phải đen cũng như gần đèn tất phải sáng. Biết bao nhiêu thói xấu của thế hệ trước ảnh hưởng đến những thế hệ tiếp theo đang làm cho xã hội chúng ta điêu đứng.

Chúa Giê-su ví tác động của gương xấu ảnh hưởng lên những người chung quanh y như men trong bột. Chỉ cần một nhúm men nhỏ cũng đủ sức làm dậy lên cả một thúng bột lớn. Một ít men rượu làm cho cả nồi cơm nên rượu; chút ít men dấm làm cho cả hũ nước nên dấm chua; men thối thì làm cho lương thực nên thối; men độc thì làm cho đồ ăn nên độc...

Chúa Giê-su xem thái độ giả dối của những người biệt phái cũng như tâm địa độc ác của vua Hê-rô-đê là những thứ men độc hại có thể khiến cho những người chung quanh bị tiêm nhiễm y như men ảnh hưởng lên bột nên Người cảnh báo các môn đệ phải đề phòng: “Anh em phải coi chừng men biệt phái và men Hê-rô-đê” (Mc 8, 15).

Chính vì gương xấu của người nầy gây ảnh hưởng tai hại lên nhiều người khác nên Chúa Giê-su kịch liệt bài trừ. Người muốn nhổ bỏ thói xấu tận gốc rễ, muốn tẩy trừ gương xấu bằng mọi giá.

Trước hết, Người răn đe những người gây ra gương xấu bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc: "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9, 42)

Và Người muốn diệt trừ các duyên cớ gây ra tội lỗi cách rất quyết liệt: "Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” (Mc 9, 43-48)

Khi phán dạy như thế, Chúa Giê-su không có ý nói là chúng ta phải huỷ hoại thân mình để loại trừ thói xấu, nhưng Người có ý nói phải diệt trừ thói xấu cách quyết liệt, bằng bất cứ giá nào. Tuy nhiên, trong thực tế, việc nhổ bỏ tội lỗi và thói xấu là điều thật khó khăn, vì việc xấu ta vừa dứt bỏ hôm nay, ngày mai lại quay về.

Tẩy trừ thói xấu cũng như xua đuổi một con chó ghẻ trung thành. Khi con chó trong nhà bị ghẻ lở trông thật ghê tởm và hôi hám, người nhà quyết xua đuổi nó đi, nhưng lát sau nó cũng quay về. Dù người nhà tiếp tục đánh đập và xua đuổi nó đi xa … nó cũng lại trở về!

Tẩy trừ thói xấu cũng y như nhổ cỏ cú (một thứ cỏ có nhiều rễ củ ăn sâu xuống lòng đất, rất khó diệt) trên mảnh đất tốt. Hôm nay nhổ sạch cỏ rồi, mai gặp một trận mưa to, cỏ lại mọc lên phơi phới. Như vậy, không lẽ con người đành bó tay trước thói hư tật xấu?

Bệnh nào cũng có thuốc chữa. Sâu nào cũng có thuốc trừ.

Đối với những đám đất nhiều cỏ cú diệt hoài không được, người nông dân kinh nghiệm có thể diệt hết cỏ bằng cách biến nó thành thửa ruộng lúa nước. Người ta bơm nước vào đám đất có nhiều cỏ, ngâm nước một thời gian cho cỏ thối đi, rồi cày và trục chôn cỏ mục xuống bùn. Sau đó, người ta sạ lúa xuống. Chờ lúa mọc lên chừng mươi phân, người nông dân lại cho nước vào phủ hết mặt ruộng, rồi bung phân cho lúa bốc lên nhanh; lá lúa vươn ra um tùm che phủ mặt ruộng khiến cỏ dại không thể nào mọc lên được.

Có người diệt cỏ bằng cách trồng mía. Mía con vừa mới lên liền được bón thúc phân thật sớm khiến bụi mía phát triển sum suê. Thế là cỏ dại dưới đất bị chết ngộp vì thiếu ánh sáng.

Thế là nhà nông thắng lớn vì không cần tốn công làm cỏ mà lại thu hoạch được lúa hoặc mía dồi dào.

Vậy thì một trong những phương pháp kiến hiệu để loại trừ gương xấu, thói hư là áp dụng phương thức lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu: quyết tâm tạo cho mình những việc làm tốt để đẩy lui những việc làm xấu; tập thói quen tốt để đẩy lùi thói quen xấu; lấy sách báo lành mạnh thay thế cho sách báo đồi truỵ; lấy phim giáo dục đẩy lùi phim vô luân; chọn bạn tốt lành thay cho bạn bè xấu tính…

Hy vọng nhờ đó, cuộc đời chúng ta ngày càng được cải thiện; tâm hồn chúng ta ngày thêm trong sáng; bản thân chúng ta ngày càng trở nên người có phẩm chất cao.

Lm. Ignatio Trần Ngà

--------------------------

 

TN 26-B48. LÀM CỚ VẤP NGÃ


Mc 9, 38-43.45.47-48

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi,CSsR

 

Sống trong thế giới, con người không thể nào tránh được những gương xấu bởi vì không phải là không TN 26-B48


Sống trong thế giới, con người không thể nào tránh được những gương xấu bởi vì không phải là không có gương tốt nhưng gương xấu có lẽ nhiều hơn những gương tốt, những gương mẫu mực. Ngày nay, phương tiện truyền thông là con dao hai lưỡi khiến những gương mù, gương xấu dễ lan tràn nhanh chóng khắp nơi, gây nên một sự ô nhiễm thật khó chịu cho nhiều người. Giáo Hội là một tập thể thánh thiện nhưng trong đó lại có những con người tội lỗi, nên cũng có những gương xấu khiến nhiều người bị lung lạc đức tin. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy thái độ dứt khoát, không khoan nhượng, không thỏa hiệp của Ngài: ” Ai làm cho một trong những tín hữu bé mọn này phạm tội, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển thì hơn ( Mc 9, 42 ).

Bài đọc I cho thấy rõ thần khí của Thiên Chúa luôn rất tự do và lan tràn khắp nơi. Thiên Chúa không chỉ ban thần khí cho ông Môisen, nhưng thần khí của Thiên Chúa còn đổ trên 70 vị kỳ mục và cho cả hai người không vào Lều thánh. Điều này chỉ ra rằng thần khí được ban cho mọi người, mọi dân tộc, bất kỳ ở đâu hay bất cứ ở chỗ nào.Thiên Chúa đã chọn ông Môisen lãnh đạo dân Chúa, đã ban thần khí cho ông, nhưng ông không ích kỷ, không co cụm thiển cận, nhưng ông rất quảng đại, bao dung,với cái nhìn đúng đắn Môisen cầu xin Chúa ban thần khí cho toàn dân để họ có thể trở thành ngôn sứ. Con người luôn có cái tốt và cái xấu. Thế giới không phải luôn chỉ có cái xấu, chỉ có gương mù. Mỗi người là một khác biệt, khác biệt về tính tình, về cách sống nhưng thần khí của Chúa qui tụ mọi người trong cả những cái khác biệt của nhau. Vậy làm sao chúng ta có thể nhận ra được những biểu hiện của Thần khí Chúa đang tác động trong thế giới, trong các biến cố cuộc đời, trong con người, kể cả những người chưa có niềm tin vào chúa.

Ngay trong đoạn Tin mừng của thánh Marcô hôm nay cũng bầy tỏ sự ích kỷ, quan niệm sai lầm của các môn đệ khi ngăn cản những người không thuộc nhóm mười hai nhân danh Chúa mà trừ quỉ. Đây cũng là gương xấu cần phải tránh. Cần phải sống cởi mở, chứ không được sống khép kín và ích kỷ đèn nhà ai nấy sáng. Các môn đệ cũng rơi vào tình trạng độc quyền chân lý, bao thầu tất cả mọi sự, độc quyền chiếm đoạt Thiên Chúa. Ở đây Tin mừng nhắc nhở chúng ta và mọi người chỉ có thái độ cởi mở, chân thành và hướng tới kẻ khác ngay trong những sự khác biệt của họ, mới giúp chúng ta ra khỏi óc bè phái và độc quyền, đặc biệt muốn chiếm hữu cả Thiên Chúa cho riêng mình.

Chúa Giêsu tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc đối với những người gây cớ làm cho người khác phạm tội, đặc biệt là ngăn cản người khác đến với Thiên Chúa. Chúa nghiêm khắc răn đe và chống lại những thái độ độc quyền, ích kỷ, hẹp hòi, nhưng lại đánh giá cao những hành động, thái độ, việc làm quảng đại, cởi mở, bác ái. Chúa đánh giá rất cao ngay cả việc làm nhỏ bé như cho người khát uống ly nước lã vv…Chúa nghiêm khắc cảnh cáo những ai làm cho một kẻ nhỏ bé tin vào Chúa vấp ngã. Chúa răn đe cương quyết kẻ làm người khác sa ngã thà chặt tay, chặt chân, móc mắt vv…thà còn một tay, một chân, một mắt mà giữ được tâm hồn toàn vẹn cho Chúa còn hơn còn đầy đủ tay, chân, hai mắt mà xa Chúa, tiếp tay với ma quỉ, làm gương xấu cho anh em, cho người khác.Thực tế qua những lời hết sức khắt khe ấy, Chúa kêu mời mọi người hãy mau quay về với Chúa, cắt đứt tận căn những dính bén, tiếp tay với ma quỉ để sống cho Chúa:” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Hãy cởi bỏ con người cũ, con người tội lỗi mà mặc lấy Đức Kitô. Chúa Giêsu không thuộc riêng ai. Chân lý không là của một người nào. Thánh Thần Chúa được ban cho mọi người để con người tôn vinh danh Chúa. Của cải, vật chất là những thực tế cần có để sống, nhưng biết dùng của cải, tiền bạc cho đúng mục đích.Dùng của cải, tiền bạc mà không dính bén, luôn có tâm hồn nghèo khó.Đó là điều Chúa chúc phúc, là lời khuyên của Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một lòng tin vững bền để chung con biết ra khỏi chính mình mà sống quảng đại, chia sẻ với anh chị em chúng con. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi,CSsR

--------------------------

 

TN 26-B49. PHE NÀY, CÁNH NỌ


Mc 9, 38-43.45.47-48

Lm. Anmai, CSsR

 

Con người, tự lâu lắm rồi, đã mang trong mình cái đầu óc bè phái. Thấy người khác, nhóm: TN 26-B49


Con người, tự lâu lắm rồi, đã mang trong mình cái đầu óc bè phái. Thấy người khác, nhóm khác thành công hơn mình, làm được việc hơn mình thì không chịu cố gắng, nỗ lực để được như người khác, nhóm khác. Hành động của những người ấy hết sức buồn cười là họ dèm pha, chỉ trích, nói hành, nói xấu.

Một kinh nghiệm hết sức thực tế ngay ở dân tộc Do Thái. Thuở xa xưa, khi đưa dân Do Thái ra khỏi nô lệ của Ai Cập thì Thiên Chúa đã nhờ đến bàn tay của Môsê. Ông quá vất vả với đám đông ô hợp. Mệt mỏi quá nên ông than thân trách phận với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe lời than vãn ấy, Thiên Chúa sợ ông phải cán đáng công việc một mình mệt nhọc nên Thiên Chúa đã gọi Môsê và truyền cho Môsê quy tụ 70 kỳ mục lại để cộng tác với Môsê.

Khi Thần Khí của Thiên Chúa xuống trên 70 người thì có 2 người trong nhóm họ tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều như sách Dân Số vừa thuật lại. Vì lý do nào đó không đến lều nhưng Thần Khí của Thiên Chúa vẫn đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại. Thấy sự kiện như vậy, Ông Giô-suê con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: "Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ !" Nhưng ông Mô-sê trả lời: "Anh ghen dùm tôi à ?”

Thế đấy, ông Giô-suê đã ghen tương khi thấy Thần Khí đậu trên 2 người kia khi họ còn ở trong trại và xin Mosê ngăn cản 2 người ấy. Với Môsê thì khác, Môsê đã mắng rằng họ đã ghen tuông với 2 người ấy.

Trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe thánh Máccô thuật lại hình như cũng mang âm hưởng của sự ghen tuông. Các môn đệ đã ghen tuông khi những người không thuộc nhóm với Chúa Giêsu, không thuộc nhóm các môn đệ mà trừ được quỷ.

Nếu để ý trình thuật trước trình thuật này bối cảnh là "ở nhà", nơi đó Chúa Giêsu "ngồi" giảng dạy cho các môn đệ. Thánh ký Máccô tiếp nối khung cảnh bằng cách chuyển mạch từ câu hỏi của môn đệ Gioan nhằm trình bày những giáo huấn mới của Chúa Giêsu.

Phải chăng việc gợi nhắc Gioan ở đây nằm trong dụng ý của thánh ký liên hệ đến một vấn nạn dù nhiệt tình song cũng không ít phần cục bộ: "lấy danh Thầy mà trừ quỉ, nhưng hắn lại không theo chúng tôi, và chúng tôi đã cố ngăn cản vì hắn không theo chúng tôi". Vì chưng, trong một truyền thống khác chỉ có trong Tin Mừng Luca (Lc 9,54), chính Gioan và anh mình là Giacôbê đã đòi khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt dân Samaria không đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ.

Trong thời đại của Chúa Giêsu việc chữa bệnh bằng cách trừ quỉ cũng được một số người Do Thái thực hành. Sử gia Flaviô Giôsêphê (Antiquités VIII, 46t) có kể lại trường hợp một người Do Thái tên là Elêazar chuyên chữa bệnh bằng một việc trừ quỉ rất mê tín và phù phép nhân danh vua Salômon.

Ở đây, thánh ký đề cập tới việc trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu, gợi nhắc đến bối cảnh thời Giáo hội sơ khai, ở đó việc trừ quỉ được coi là khá thịnh hành.

Sách công vụ tông đồ 8,19-24 có kể lại trường hợp Simon phù thủy muốn mua ở Phêrô quyền làm các phép lạ. Sách Cv 19,13t cũng trình thuật câu chuyện một số người Do Thái trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu: "Có ít người trừ tà rong đường, gốc Do Thái, cũng đã thử kêu danh Chúa Giêsu trên những người có quỉ ám" (Cv 19,13).

Cách miêu tả: không theo chúng tôi là một chi tiết biên soạn đậm nét thời Giáo hội sơ khai ở đó công đoàn các Kitô hữu tiếp tục quanh quẩn bên nhóm môn đệ, những kẻ đã từng theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nói: "chớ ngăn cản người ấy, vì không có ai nhân danh Ta làm phép lạ, rồi lại có thể vội nói xấu Ta. Vì ai không chống cự chúng ta là ủng hộ chúng ta, Kẻ nào cho các ngươi uống một bát nước, vì danh nghĩa các ngươi thuộc về Đức Kitô... nó sẽ không mất phần thưởng đâu" (Câu 39-41).

Sự kiện các môn đệ muốn ngăn cản những kẻ không theo họ, gợi nhắc tinh thần hẹp hòi của họ sánh với cái nhìn của Thầy họ. Từ đó, Chúa Giêsu đã dựa vào suy tư của các môn đệ để đưa ra những lời dạy nhằm khơi mở tâm hồn họ. Trong bối cảnh Chúa Giêsu đang tiến về cuộc khổ nạn cũng như đang đối diện với phe Biệt phái ký lục tìm cách hãm hại Người, câu trả lời của Chúa Giêsu (câu 39) có thể được hiểu như sau: một kẻ nại đến Ta, nhân danh Ta, dựa vào sức mạnh của Ta để làm phép lạ, thử hỏi Người đó có thuộc về phe Biệt phái ký lục không? Thử hỏi kẻ ấy có chủ ý tìm cách hãm hại Ta không?

Cách miêu tả: vội nói xấu ta Gợi nhắc rằng việc làm các phép lạ và trừ quỉ... chưa hẳn diễn tả được một cách dứt khoát đức tin bền vững vào Chúa Giêsu.

Dầu sao, trong nhãn quan thần học của Maccô, câu trả lời trên của Chúa Giêsu nói lên chủ đích của Người muốn các môn đệ hiểu thái độ thiếu nền tảng của họ. Vì chưng, "ai không chống đối chúng ta, là ủng hộ chúng ta" (câu 40).

Làm sao dung hợp được kiểu này và câu nói được trình bày ở Tin Mừng Matthêu cũng như ở Luca: Bản Mt 12,30 viết: "Ai không đi với Ta, tức là chống lại Ta. Kẻ không cùng Ta thu họp tức là làm tan nát" (x. Lc 11,23). Phải chăng đây là bằng chứng của các truyền thống mâu thuẫn nhau?

Một lần nữa, độc giả Tin Mừng được mời gọi để hiểu những lời của Chúa Giêsu trong mạch văn biên soạn tùy theo nhãn quan thần học của thánh ký.

Như vậy, mạch văn ở đây của Máccô là gì ? Đó là sự mời gọi của Chúa Giêsu ngỏ cho các môn đệ biết theo chân Người làm tôi tớ mọi người (câu 35c), nhất là những ai thấp hèn hơn. Nếu Người đã từng nặng lời kết án phe Biệt phái ký lục và Hêrôđê như những kẻ mù quáng đối nghịch lại với Người, thì ngược lại, Người cũng luôn tỏ bày khuôn mặt của Đấng Thiên sai mang ơn cứu độ cho hết mọi người, Do Thái hay dân ngoại. Thế nên, chỉ có những kẻ chủ ý chống lại Người, phủ nhận quyền năng của Người, sẽ phải hụt mất cơ may cứu độ. Còn bất cứ ai không chống lại quyền năng của Người, cũng như muốn làm những sự thiện nào đó, đều được mời gọi để tin theo Người...

Lồng kết vào trong bối cảnh thời Giáo hội sơ khai ở đó Tin Mừng Maccô được biên soạn, kiểu này ngỏ cho các môn đệ và qua đó cho cộng đoàn Kitô hữu của sơ thời cũng như của mọi thời, như là lời mời gọi họ biết vượt qua tinh thần ích kỷ hẹp hòi phe phái. Vì chưng những ai theo Chúa không được phép trở thành những nhóm đóng kín, kẻo có nguy cơ sống trái ngược với tinh thần của Thầy họ. Ai tự cho mình là môn đệ đích thực của Đức Kitô và ai dám kết án người khác không phải là môn đệ của Người ? Ai dám xác quyết rằng quyền lực cứu độ của Người chỉ tỏ bày cho họ chứ không cho kẻ khác ? Ai có thể biết được quyền lực đó hoạt động như thế nào nơi người khác không ?

Đang khi đó về bản văn của Matthêu và Luca: Nếu các Tin Mừng này trình bày một kiểu với ý nghĩa đối chọi, chính vì mạch văn đổi khác. Nơi Matthêu chẳng hạn, mạch văn nói về ý nghĩa vẫn đục của nhiều kẻ gán quyền lực trừ quỉ của Chúa Giêsu như xuất phát từ Satan. Hơn nữa trong bối cảnh của cộng đoàn mà Tin Mừng Mathêu được biên soạn, mối bận tâm nằm ở tầm vóc nội bộ cộng đoàn: "không phải mọi kẻ nói với Ta, Lạy Chúa, là sẽ vào được nước Trời”(Mt 7,21).

Trở lại với mạch văn Máccô người môn đệ của Chúa Giêsu được kêu mời ý thức sâu sắc về tâm nhìn cứu độ phổ quát của Người. Họ cần biết vượt thoát tinh thần phe nhóm để thấy được nơi mỗi sự thiện, mỗi sự góp phần tích cực nào đó như là khởi điểm cho ơn cứu độ, cho sự đón nhận Tin Mừng. Vì chưng, như đã được gợi nhắc ở trước trong Tin Mừng, sự thiện thuộc về Thiên Chúa, Đấng đã nhìn thấy mọi sự Ngài sáng tạo đều tốt lành quá đỗi.

Nhìn vào cuộc sống của chúng ta, cái máu phe nhóm, cái máu cục bộ nó len lỏi vào trong đầu của con người chúng ta lúc nào không hay.

Tâm trạng phe nhóm rất dễ thấy nơi các công sở, xí nghiệp và ngay cả trong gia đình. Chẳng hiểu vì sao và lúc nào mà tinh thần cục bộ, phe nhóm, bè phái nó đã len vào trong gia đình, trong công sở, trong xí nghiệp. Nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa thì tinh thần cục bộ, óc bè phái và phe nhóm vẫn mang yếu tố tiêu cực hơn là tích cực dẫu rằng có chuyện thi đua để cho mọi sự nên tốt. Con người vẫn mang trong mình những giới hạn để rồi nhóm này thành công thì nhóm kia sẽ thất bại và rồi hai bên cứ kình địch nhau mãi. Tốt hơn hết là ta nên dung hoà và ta nên cùng làm việc chung với nhau chứ đừng vì hư danh mà ganh tỵ.

Anh em vẫn dùng cơm chung với nhau, thi thoảng Cha Sở đã nhắc nhở anh em nên sống công bằng, sống cư xử mọi người như nhau chứ đừng tạo phe nhóm, đừng tạo nên não trạng cục bộ. Chắc có lẽ kinh nghiệm với biết bao nhiêu năm sống cộng đoàn, giúp mục vụ nên Cha Sở đã thấy được những tổn thương, những thiệt hại của tinh thần bè phái, phe nhóm và cục bộ.

Mỗi thành viên góp phần cho sự phát triển của gia đình và cộng đoàn. Nếu từng thành viên ấy chung tay góp sức lại thì gia đình, cộng đoàn ấy vững mạnh và hạnh phúc. Nếu như gia đình, cộng đoàn nào gặp phải tình trạng phe nhóm thì buồn thật vì khi ấy, căn nhà, cộng đoàn ấy cứ mãi bị khập khiễng do sự ganh ghét, hơn thua của phe này nhóm nọ.

Thiệt hại về phe này cánh nọ chúng ta thấy hết sức bi đát. Dẫu bên ngoài họ có che lấp bằng những vẻ đẹp hào nhoáng đi chăng nữa nhưng bên trong nội bộ vẫn là sự bất an. Bất an là vì một bên thì cố gắng hết sức thủ cho mình hết chiêu này đến thức nọ để bảo vệ cho phe của họ còn phe kia thì cứ rình rập xem phe kia có sơ hở gì không và nếu có sơ hở là họ bắt đầu chỉ trích, bắt đầu lên án, bắt đầu dèm pha như các môn đệ hôm nay trong Tin mừng.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Vua của Bình An, Vua của Hiệp Nhất đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta dẹp bớt đi cái tôi của mình, dẹp bớt đi cái não trạng bè cánh để cộng đoàn, gia đình chúng ta được bình an và hạnh phúc hơn.
Lm. Anmai, CSsR

--------------------------

 

TN 26-B50. ỦNG HỘ VÀ CHỐNG ĐỐI


Lm. Anphong Trần Đức Phương

 

Thiên Chúa ‘dựng nên con người theo hình ảnh Chúa (Sách Sáng Thế 1: 26-27) và ban cho con người: TN 26-B50


Thiên Chúa ‘dựng nên con người theo hình ảnh Chúa (Sách Sáng Thế 1: 26-27) và ban cho con người sự tự do, và Thiên Chúa luôn tôn trong ‘tự do’ của con người. Vì có ‘tự do’ mà con người có trách nhiệm về cuộc sống của mình; và tự đó mới có ‘tội’ và ‘phúc’.

Vì tự do tư tưởng mà có nhiều thái độ sống khác nhau trong xã hội và luôn luôn có những ‘ủng hộ’ và ‘chống đối’. Như ở Hoa Kỳ, có hai đảng lớn là “Đảng Cộng Hòa” và “Đảng Dân Chủ”. Nhưng những đối lập giữa các đảng phái chính trị không phải để đưa đến sự phá hoại sự đoàn kết quốc gia, mà để dung hòa tư tưởng, tránh được sự ‘độc tài’ do độc đảng gây nên.

Trong Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Mátcô 9: 38-43, 45, 47-48), khi ông Gioan thấy “có người nhân danh Chúa mà trừ qủy, nhưng lại không theo ‘nhóm chúng ta’ đã cùng các Tông đồ khác ngăn cản anh ta”. Khi nghe biết như vậy, Chúa Giêsu bảo các ông: “Đừng ngăn cản anh ta…”

Trong Bài Đọc I (Sách Dân Số 11: 25-29) khi ông Giosuê là người tùy tùng của ông Moisê và là một trong nhóm Bẩy Mươi Bô Lão được chọn để được thánh hóa và nói tiên tri, thưa với ông Moisê về trường hợp hai ông Eldad và Medad, và xin ông Moisê cấm hai ông này không được nói tiên tri. Ông Moisê đã bảo ông Giosuê đừng ngăn cản người khác nói tiên tri!

Qua hai bài đọc trên, chúng ta học được thái độ ‘cởi mở’ và ‘bao dung’ đối với mọi người. Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn có thái độ cởi mở, đón nhận mọi người, và đến với mọi người, và kêu gọi mọi người đi theo Ngài “là Đường, là Sự Thật và Sự Sống.” Chúa không ép buộc ai, nhưng Ngài mời gọi, và sẵn sàng đón nhận những ai đến với Ngài. Chính Ngài đã chào đón ông Da-kêu ‘thủ lãnh những người thu thuế’ và đến ở nhà ông, dù vì thế mà Ngài bị kết án là đến ở nhà người tội lỗi (Luca 19: 1-10). Ngài gọi Mátthêu ‘người thu thuế’ vào số 12 Tông đồ và đến nhà ông ‘dùng bữa’ cùng với nhiều người thu thuế khác, dù vì thế mà bị kết án là ‘ăn uống với bọn thu thuế và phường tội lỗi’ (Mátcô 2: 14-17). Tuy hay bị những người Biệt Phái phê bình, chỉ trích, nhưng Ngài cũng đến gia đình người Pharisiêu để ‘dùng bữa’ (Luca 7: 36), và tại đó, Ngài đã tha thứ cho người đàn bà tội lỗi và để bà “lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc mà lau rồi đổ dầu thơm mà xức và hôn chân Ngài…” (Luca 7: 37-38). Ngài đến với ‘dân ngoại’ Samaria và nói chuyện với người phụ nữ đã có năm đời chồng ở giếng nước Giacóp, làm các Tông đồ cũng phải ngạc nhiên (Gioan 4: 5-30). Chúa Giêsu yêu thương, mời gọi người tội lỗi trở về ‘đường ngay nẻo chính’. Chúa Giêsu đã nói nhiều dụ ngôn rất cảm động để mời gọi người tội lỗi tin tưởng trở về, như dụ ngôn “Con chiên đi lạc” (Mátthêu 18: 12-14), “Đồng tiền bị đánh mất” (Luca 15: 8-10), “Người Cha nhân hậu” (Luca 15: 11-31). Ngài cũng nói thẳng: “Ta đến không phải để tìm người công chính, nhưng để tìm người tội lỗi, lầm lạc ăn năn trở về.”( Matthêu 9:13).

Noi gương Chúa Giêsu, Giáo hội cũng luôn cởi mở, đến với mọi người thuộc mọi mầu da, sắc tộc, tôn giáo khác nhau. Giáo hội cũng mời gọi và sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhất là những người bần hàn cơ cực. Qua các thời đại, đã có biết bao linh mục, tu sĩ, giáo dân đã hy sinh cả cuộc đời đến giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, mở mang văn hóa ở các vùng xa xôi như Phi Châu, Á Châu, Nam Mỹ. Trong các giáo xứ, cũng có các Hội đoàn như Hội Đạo Binh Đức Mẹ, Hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn, nhóm “Hoạt Động Xã Hội” (Social Outreach) v.v…đi đến với mọi người cần giúp đỡ, không phân biệt mầu da, chủng tộc, tôn giáo…

Một điều chúng ta cũng cần lưu ý là trong Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề ‘tránh làm gương xấu cho người khác phạm tội…’ và ‘phải can đảm xa tránh các dịp tội’ dù phải hy sinh như “chặt tay, chặt chân, móc mắt!”. Ngoài ra, Thánh Giacôbê trong Bài Đọc II (Giacôbê 5: 1-6) cũng nhắc nhở chúng ta (nhất là những người giầu có), về đời sống Bác ái và tôn trọng công bằng xã hội: “Đừng làm giầu một cách bất công bằng việc gian lận, bóc lột người khác; đừng chè chén, say sưa; đừng sống thác loạn theo khoái lạc xác thịt; đừng chạy theo những thói hư, tật xấu của thế gian…”

Xin cùng hiệp lời cầu nguyện chung: Xin Chúa thương tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta, giúp chúng ta biết sám hối ăn năn và chừa bỏ tội lỗi, tránh xa dịp tội; mỗi ngày cố gắng sống tốt lành hơn để làm gương sáng cho mọi người. Trong “Năm Linh Mục”, chúng ta cũng tiếp tục cầu nguyện cho các Chủ Chăn, các Linh Mục, nhất là những vị đang gặp nhiều khó khăn thử thách. Xin cầu nguyện cách riêng cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt cho Giáo Xứ Tam Tòa, Thái Hà và những nơi đang bị bách hại.

Lm. Anphong Trần Đức Phương

--------------------------

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây