MỘT MẪU GƯƠNG HIẾU THẢO HIẾM CÓ (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 177) -------------------------------------
Trong một lần đi viếng mộ, tôi thấy có một ngôi mộ bên cạnh mộ của ba mẹ tôi, tuy đơn sơ thôi, nhưng đã làm cho tôi chú ý rất nhiều.
Bởi ngôi mộ này, lúc nào cũng phủ đầy hoa trường xuân.
Phía đầu mộ, có dựng một cây Thánh Giá bằng gỗ, đẽo bằng tay, trên đó có khắc tên người chết.
Được biết đó là một cô gái, chết lúc chỉ mới 22 tuổi.
Điều tôi chú ý nhất, đó là: Mỗi lần đến đây, tôi đều thấy ngôi mộ này, lúc cũng nào được chăm sóc rất cẩn thận, rất chu đáo, rất sạch sẽ, có nhiều bông hoa tươi, và hương nhan rất tươm tất.
Thế là trí tưởng tượng của tôi đã thêu dệt nên đủ thứ chuyện, về người con gái yểu mệnh, đang nằm dưới lòng đất này.
Thế rồi, sau nhiều lần ra nghĩa trang, thì có một lần tôi bắt gặp được một người đàn ông, vừa viếng mộ này đi ra. Tôi thấy rõ, ông ta là một cụ già, nên tôi đoán già đoán non rằng:
Người nằm dưới ngôi mộ này chắc là người vợ của ông, đã chết khi còn trẻ.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, mỗi khi ra thăm mộ, tôi thấy ngôi mộ không còn được chăm sóc chu đáo như trước.
Tôi cứ nghĩ:
Chắc là những người nhà của họ đã di chuyển đi xa, không còn có ai ở gần nữa, để chăm sóc mộ như trước.
Hay là ông cụ già đã chết rồi, nên con cháu đã không còn quan tâm đến ngôi mộ này nữa.
Rồi bỗng một hôm, tôi ra nghĩa trang thăm viếng mộ của ba mẹ tôi, và cũng để sơn phết lại ngôi mộ của ba mẹ tôi, để chuẩn bị mừng Xuân mới, tôi lại thấy ông cụ già năm xưa cũng ra viếng mộ.
Chúng tôi chào nhau, rồi tiếp tục việc ai nấy làm.
Bởi các mộ của người mthân chúng tôi cũng gần kề nhau thôi, mà thời gan chăm sóc mộ thì cũng khá lâu, cho nên tôi có dịp làm quen với cụ già, và được ông cụ tâm sự như sau:
“Đây là ngôi mộ của mẹ tôi. Bà chết khi tôi hãy còn rất nhỏ. Lúc đó, tôi chỉ mới được một tuổi rưỡi thôi. Bà chết, vì chứng bệnh xưng phổi. Và thật sự, tôi chả nhớ tí gì về mẹ tôi. Tôi cũng chẳng biết chút nào về mẹ tôi.
Còn cây Thánh Giá bằng gỗ này, là do chính tay tôi đã làm cho mẹ tôi.
Tôi là người duy nhất đến thăm mộ mẹ, vì bà không có đứa con nào khác ngoài tôi.
Sau khi mẹ tôi mất, ba tôi đã đi một bước nữa. Và bà mẹ kế, chỉ quan tâm đến các em tôi thôi, những đứa em cùng cha khác mẹ với tôi.
Do đó, tôi rất cô đơn. Và trong những nỗi nhớ mẹ, tôi thường hay chạy ra mộ để tâm sự, để giải bày cho mẹ tôi nghe. Và ngày nào hình như tôi cũng ra thăm mộ mẹ tôi.
Việc tôi ra mộ mẹ tôi hằng ngày, hình như đã trở thành một thói quen, ngay từ khi trí khôn tôi mới chớm có.
Và thói quen này, dần dần đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của tôi.
Bởi, tôi cần mẹ tôi, để tôi trút bầu tâm sự, để tôi thưa chuyện với mẹ, về những chuyện vui buồn trong cuộc sống, để mẹ tôi bảo ban dạy dỗ thêm cho tôi, để mẹ tôi chỉ cho tôi những việc cần phải làm.
Bởi trên đời này, ngoài mẹ tôi, tôi không biết phải hỏi ai.
Bởi, người mà tôi trân trọng nhất trần gian này, chính là mẹ tôi. Người mà tôi yêu quí nhất trần gian này, cũng chỉ có mẹ tôi thôi. Ngoài mẹ tôi ra, tôi không còn thấy có ai khác.
Hiện nay, vì hoàn cảnh cuộc sống, tôi không còn ở gần mộ mẹ tôi được nữa, nên tôi không có dịp thường xuyên ra viếng mộ mẹ tôi. Và tôi cũng không còn có dịp chăm sóc mộ mẹ tôi như trước kia. Nhưng không bao giờ tôi quên được mẹ tôi.
Đối với tôi, ngôi mộ, chính là ngôi nhà thân thương nhất của tôi. Mỗi khi đến đây, tôi có cảm tường như mình trở về nhà của mình.
Giờ đây, với cái tuổi 80, việc đi lại của tôi ngày càng khó khăn hơn. Nhưng tôi quyết tâm: Bao lâu, chân tôi còn đi lại được, tôi gắng sức trở về thăm mộ mẹ tôi, mỗi năm ít là 2 lần: Vào dịp lễ giỗ và vào dịp lễ Tết.
Quyết tâm là như vậy, nhưng không biết: Tôi còn có thể đến đây được mấy lần nữa. Bởi ở cái tuổi 80 này, tôi mang trong mình đủ mọi thứ bệnh tật. Và cái chết đối với tôi, chắc cũng không còn xa nữa”.
Tôi im lặng, và hết sức chú ý lắng nghe từng lời cụ nói. Nước mắt tôi bỗng tràn dâng. Tôi thật sự xúc động, bởi tôi rất may mắn và cũng rất vinh dự, gặp được một con người thật vĩ đại, một con người hiếu thảo thật tuyệt vời, và cái cách hiếu thảo như cụ già. chưa chắc gì có thể gặp thấy được ở bất cứ nơi nào khác.
Đây, đúng là lần đầu tiên tôi gặp được một tình yêu tuyệt vời đến như thế, một tình yêu của một người con hiếu thảo, trọn vẹn dành cho mẹ.
Tôi nghĩ: Tôi còn may mắn hơn ông cụ già này rất nhiều, bởi tôi tuy mất ba mất mẹ, nhưng tôi hãy còn giữ lại được biết bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui về ba mẹ của tôi.
Còn cụ già đáng thương này, thì chẳng có được một chút kỷ niệm gì về mẹ của ông.
Có chăng thì cũng chỉ có một tấm ảnh nhỏ, mà cụ vừa đem ra khoe, một tấm ảnh đã chụp từ rất xa xưa, đã rất mờ nhạt và đã ố vàng, mà người ta bảo đó là mẹ của ông. Chỉ có thế thôi! Vậy mà ông đã gắn bó với mẹ một cách mật thiết đến mức như vậy, gắn bó từ khi ông chưa có đủ trí khôn để hiểu, và cũng chưa có ý thức để đón nhận tình mẫu tử của bà!
Tôi chào tạm biệt cụ già, và lòng vẫn nao nao lâng lâng khó tả.
Tôi hết sức cám ơn ông, bởi ông đã cho tôi một món quà thật đặc biệt, thật tuyệt vời. Ông đã dạy cho tôi biết: Thế nào là một tấm lòng chân thành, một tình yêu thương trọn vẹn dành cho mẹ.
Tôi vẫn thầm thán phục ông: Tuy bên ngoài, ông là một con người hết sức bình thường, nhưng tấm lòng của ông lại hết sức cao thượng, thật tuyệt vời.
Trên đường trở về nhà, tôi vẫn cứ tiếp tục miên mang suy nghĩ về mẫu gương hiếu thảo đặc biệt này.
Tôi quyết định: Từ nay trở đi, mỗi khi ra viếng mộ ba mẹ tôi, tôi sẽ tiếp tục chăm sóc ngôi mộ bên cạnh này, thay thế cụ già hiếu thảo đó, như là chăm sóc chính ngôi mộ của mẹ tôi.
Lạy Chúa, trên đời này vẫn còn có biết bao những mẫu gương hiếu kính cha mẹ cách thật tuyệt vời như vậy.
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con hôm nay, cũng biết học hỏi nơi những tấm gương tuyệt vời đó, để noi theo, để bắt chước, để biết có những sáng kiến, mà sống luật “Hiếu thảo đối với mẹ Cha”, như Chúa đã từng dạy chúng con, để chúng con xứng đáng được Chúa chúc phúc. Amen.