Ngày của bố - Chuyện kể cho các gia đình - Sách 19

Thứ hai - 15/05/2023 05:03
Ngày của bố - Chuyện kể cho các gia đình - Sách 19
Ngày của bố - Chuyện kể cho các gia đình - Sách 19
Lm. Phêrô NguyễnVăn Mễn
(sưu tầm)


Ngày của bố

Nguồn:
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/


---------------------------------

*** Đọc các bài của Lm. Mễn:
1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71;

2. Vào Internet: Youtube, Google, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, Cha Mễn kể chuyện, hoặc linh mục Mễn

3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com

5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165

**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)

**** Lạy  Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.

----------------------------

Mục Lục

Bài 1: Chuyện ảo tưởng của ông bà nguyên tổ Ađam và Eva. 2
Bài 2: Cái mù đáng sợ trong cuộc sống. 4
Bài 3: Nỗi lo sợ của Khổng Tử về một học trò. 9
Bài 4: Cho đi có 3 loại 12
Bài 5: Bệnh Vô Cảm Hôm Nay. 13
Bài 6: Ngày của bố. 17
Bài 7: Sự liều lĩnh trong tình yêu. 21
Bài 8: Pho tượng “Vua sám hối”. 23
Bài 9: Vì yêu mến nhiều, nên được tha nhiều. 27
Bài 10: Chuyện con lừa của hai bố con người Ả rập. 29
Bài 11: Chuyện kể về một vị vua Á-rập. 32
Bài 12: Chuyện con khỉ và nắm đậu phộng. 36
Bài 13: Chuyện bác sĩ Viktor Frankl trong trại tập trung Đức Quốc Xã. 38
Bài 14: Một cảm nghiệm khi đến với Chúa. 39
Bài 15: Chuyện một thiền sư tại Nhật Bản. 42
Bài 16: Chuyện về một người bạn của thánh Tôma More. 45
Bài 17: Chuyện bảo vệ manh áo của nhà sư. 47
Bài 18: Niềm an ủi của ta trong mọi cơn gian nan khốn khó. 49
Bài 19: Chuyện Eric Liddell vận động viên nổi tiếng người Anh. 51

----------------------------

 

Bài 1: Chuyện ảo tưởng của ông bà nguyên tổ Ađam và Eva

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 492)

Bạn thân mến,

Tuy chỉ là thụ tạo thôi, mà lại muốn làm Thượng Đế, đó là ảo tưởng muôn đời của con người.

Ngay từ đầu lịch sử của nhân loại, hai ông bà nguyên tổ của loài người, Ađam và Eva, cũng đã trải qua cơn cám dỗ ấy và đã sa ngã, đã làm theo ma quỉ.

Ma quỉ nói với ông bà:

“Các ngươi hãy ăn trái cấm, thì các ngươi sẽ trở thành Thiên Chúa”, (Sáng Thế 3,4-5),

nghĩa là các ngươi hãy chối bỏ Thiên Chúa và tự tôn mình lên thành Thiên Chúa, để sống, mà không cần có Thiên Chúa, và không còn phải lệ thuộc vào Thiên Chúa nữa.

Ðó là cơn cám dỗ triền miên của con người, trải qua mọi thời đại: Sống không cần có Thiên Chúa. Người ta muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, để cho cuộc sống con người được thoải mái, nhẹ nhàng, dễ chịu, không phải bị ràng buộc, và cũng để tự tạo cho mình một bậc thang giá trị, rồi từ đó, trở thành thẩm phán tối cao, cho mọi hành động của mình, cũng như của người khác.

*****

Đọc đoạn Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta thấy Chúa Giêsu dạy:

“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán” (Lc 6,32),

Chúng ta thấy: Lời Chúa nói, không đơn thuần chỉ là một bài học có tính cách luân lý, là chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác.

Mà Ngài còn mời gọi chúng ta hãy tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa:

“Chỉ có Thiên Chúa, là Đấng thấu suốt lòng con người, mới có thể xét xử con người”.

Khi nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi, yếu hèn của mình.

“Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã”,

nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.

Có nhận ra mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan giữa mình với tha nhân.

Thật thế, chối bỏ và cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa, con người sẽ đi đến chỗ chối bỏ tha nhân.

Ngược lại, nhận ra Thiên Chúa là Chủ tể, con người cũng sẽ nhận ra thân phận thụ tạo yếu hèn của mình và nhận ra tình liên đới với tha nhân.

*****

Ngày xưa, nhà hiền triết Hy Lạp là Socrate đã đề ra khẩu hiệu như bài học vỡ lòng cho các môn sinh của mình: “Hỡi người, hãy tự biết mình”.

Còn Chúa Giêsu, thầy chí thánh của chúng ta cũng đề cao sự sám hối:

- “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

“Hãy sám hối”, trước tiên là nhận ra thân phận bất toàn, đầy dẫy những lỗi lầm thiếu xót của mình, để rồi từ đó con người sẽ biết sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác hơn.

Sống như thế, con người mới đạt được cùng đích của mình, đó là trở nên giống Thiên Chúa, Đấng đầy lòng thương xót và bao dung, chứ không phải là trở thành Thiên Chúa, để rồi gạt bỏ, hay loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Lịch sử đời sống tu trì nơi các Đan Viện, ở những thế kỷ đầu của Kitô Giáo, có ghi lại một giai thoại như sau:

Tại một tu viện nọ, có một tu sĩ bị bắt quả tang phạm một lỗi nặng. Mà vì ích chung của cộng đoàn, nên các tu sĩ ở chung nhà, liền mở một phiên xử và mời vị Tu Viện Trưởng đến tham dự, nhưng ngài đã từ chối. Một vài người đại diện các tu sĩ đến nài nỉ:

– Xin cha đến giúp chúng con, vì chỉ có cha mới có thể giúp chúng con biết phải phán xét và sửa trị người anh em này như thế nào.

Cuối cùng, vị Tu Viện Trưởng nhận lời đến dự phiên xử.

Nhưng khi ngài đến thì mọi người rất đỗi ngạc nhiên, vì thấy ngài mang theo trên vai một cái bao đầy cát. Mà vì cái bao có nhiều lỗ thủng, nên các hạt cát chui theo các lỗ hổng chảy dài trên lưng của ngài.

Thấy mọi người ngạc nhiên, ngài giải thích như sau:

– Anh em hẳn đã thấy những hạt cát rơi lã chã trên lưng của tôi, nhưng tôi thì không hề nhìn thấy. Tội lỗi của tôi, cũng giống như những hạt cát này: Nó chảy tràn lan trong tôi, mà tôi không hề nhìn thấy. Tội lỗi đầy tràn, mà tôi không thấy, thì làm sao tôi dám đoán xét người khác ?

Lạy Chúa, xin cho con đủ thành thật, để con can đảm nhận ra những lầm lỗi của con, chứ không phải thấy những lỗi của người khác. Bởi, thấy được lầm lỗi của con thì có lợi cho con, hơn là thấy lầm lỗi kẻ khác. Bởi thấy được những lầm lỗi của con, con sẽ khiêm tốn hơn, và sẽ dễ sống với người khác hơn.

Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.

-----------------------------

 

Bài 2: Cái mù đáng sợ trong cuộc sống

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 493)

Bạn thân mến,

Trong truyện cổ tích dân gian, có kể lại một sâu chuyện thế này:

Một hôm, con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng với con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông.

Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Ðợi đến trưa, lúc anh nông dân nghỉ cày, con trâu cũng được mở cày để nghỉ mệt. Cọp liền đi lại gần Trâu hỏi:

– Này anh bạn, trông anh khỏe thế, mà sao anh lại để cho con người đánh đập khổ sở như vậy?

Trâu trả lời khe khẽ vào tai Cọp:

– Con người tuy nhỏ, nhưng con người có trí khôn, anh ạ!

Cọp không hiểu, tò mò hỏi:

– Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?

Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:

– Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi con người ấy đi!

Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:

– Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?

Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:

– Trí khôn tôi để ở nhà. Ðể tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít.

Cọp nghe nói, mừng lắm. Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì, bèn nói:

– Nhưng mà không được, lỡ khi tôi đi khỏi, anh ăn mất con trâu của tôi thì sao?

Cọp đang băn khoăn, chưa biết trả lời thế nào, thì anh nông dân đã nói tiếp:

– Hay là anh chịu khó để tôi buộc anh tạm vào gốc cây này, để cho tôi được yên tâm.

Cọp vui vẻ ưng thuận,

Anh nông dân bèn lấy dây thừng, trói cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh ta lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:

– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây, ngươi đã thấy chưa ?

Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào. Mãi lúc sau, dây thừng cháy đứt, Cọp mới vùng dậy, ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng, không dám ngoái cổ nhìn lại.

Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy. Còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên.

Câu chuyện này cố ý nói lên: Con người hơn vật ở chỗ có trí khôn, có hiểu biết.

Hiểu biết là điều rất quan trọng. Quan trọng nhất là biết phân định, biết nhận ra cái tốt, cái xấu, biết phải trái, biết đúng sai, biết điều hay điều dở, biết thật giả, biết thiện ác…

*****

Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng theo thánh Luca:

“Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố sao?” (Lc 6,39).

Chúng ta lại hiểu: Mù mà Chúa Giêsu nói ở đây, không phải là mù mắt, nhưng là mù về trí khôn.

Mù trí khôn, là mù về đạo đức, về đạo lý, về tâm linh, về đời sống thiêng liêng.

Những thứ mù này, lại tai hại gấp bội so với mù về thể xác.

Mù về thể xác, chỉ làm khổ người mắc bệnh và những người thân, chuyên chăm sóc nuôi dưỡng bệnh nhân.

Mù về trí thức khoa học, thì cũng chỉ gây chậm tiến, lạc hậu.

Còn mù về đạo đức, đạo lý, đã gây ra bao nhiêu tai họa khủng khiếp cho gia đình, cho đoàn thể, cho xã hội, cho Đất Nước và cho cả thế giới…

- Một ông bố xì ke, nhiễm Sida, lây lan cho vợ con và di truyền cho cả dòng giống, có khi cả làng nước.

- Một Hít-le đã chôn vùi cả thế giới trong chiến tranh tàn khốc.

- Một giáo phái, một lý thuyết vô luân mù quáng, lôi cuốn bao nhiêu thế hệ cuồng nhiệt xuống hố, tiêu diệt lẫn nhau.

Đó là những cây xấu, sinh trái xấu.

Trái lại, một ông bố lành mạnh, sáng suốt, đạo đức, là phúc lành cho con cháu đến bao nhiêu đời.

Một Đức Khổng Tử, một Đức Phật… đã giáo hóa hàng ngàn thế hệ tốt lành. Đó là những cây tốt, sinh trái tốt.

Điều cốt yếu của lời Chúa trong đoạn Tin Mừng này, là đưa ra những bài thuốc chữa bệnh mù tinh thần, đó là làm thế nào để biết nhận rõ những điều tốt xấu, để giúp ta nên tốt và sửa sai những điều xấu.

Qua đoạn Tin Mừng này của thánh Luca, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã đưa ra những bài thuốc chữa bệnh mù tinh thần là:

Thứ nhất: là bài thuốc chữa bệnh kiêu ngạo. Trò tự phụ hơn thầy là thứ trò hỗn láo, kiêu ngạo. Muốn học giỏi, trò phải biết khiêm tốn. Người xưa khiêm tốn đến độ, học được một chữ hay nửa chữ, cũng đáng gọi là thầy của mình: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Cả khi gặp nhau lúc đi đường, cũng nhận ra được người tốt là thầy mình, người xấu là bạn mình: “Ba người đồng hành, người tốt là thầy tôi, người xấu là bạn tôi”.

Thứ hai là bài thuốc chữa bệnh chủ quan, ta thường thấy cái xấu của người khác nhưng lại mù quáng không thấy mình xấu: Không thấy cái xà trong mắt mình, nhưng lại thấy cái rác, hạt bụi, trong mắt người.

Mù quáng là do tính tự ái: Yêu mình quá, nên dù “trăm chỗ lệch, cũng kê cho vừa”, do ích kỷ, lo kiếm tìm tư lợi cho mình, không dám nhận lỗi, bởi sợ làm hại danh dự của mình.

Mù quáng còn là do tính kiêu căng, tự cao tự đại, che đậy trí khôn, không còn nhận ra tội của mình.

Có kẻ, bao nhiêu năm không đi xưng tội, nhưng vợ giục đi xưng tội, thì chồng nói: có tội gì đâu mà xưng.

Trong khi Đức thánh Giáo Hoàng Piô X, ngày nào cũng xưng tội, bởi Ngài thấy rõ hạt bụi bay vô mắt mình.

Thứ ba là bài thuốc xét mình: Phải luôn kiểm tra kết quả lời nói, việc làm của mình, tốt hay xấu:

“Cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh ra trái xấu”.

Nhà buôn phải tính sổ hằng ngày, để biết mình lỗ hay lời. Lỗ thì phải tìm cách chỉnh sửa lại. Còn lời thì phải tìm cách mà duy trì cho lâu dài.

Mạng sống đời đời của chúng ta, còn quý giá gấp triệu triệu lần, so với lời lãi thế gian, như Đức Giêsu đã dạy:

“Được lời lãi cả thế gian mất mạng sống mình nào được ích gì”.

Chỉ lời lãi nhỏ thế gian, nhà buôn còn phải lo tính sổ hằng ngày, huống chi mạng sống đời đời của chúng ta, lớn lao quan trọng vô cùng, sao chúng ta không lo xét mình, không lo kiểm tra đời sống của mình, để biết còn hay mất, lời hay lỗ, mà kịp thời chỉnh sửa.

Lạy Chúa, xin mở mắt con,
- để con biết nhìn ngắm những cảnh đẹp thiên nhiên, những kỳ công do tay Chúa tạo dựng trong vũ trụ, trong trời đất, trong vạn vật…
- để con thấy những anh em nghèo đói, ốm đau, bệnh tật chung quanh con, để con biết yêu thương, nâng đỡ, thông cảm và chia sẻ.
- để con thấy những cái tốt nơi người khác, thấy những việc tốt nơi bao người đã làm cho con, trong cuộc sống hàng ngày.
- để con biết phản chiếu ánh sáng của Chúa nơi xã hội, nơi những người sống bên cạnh con, vì Chúa là Sự Sáng, là Tình Yêu, là Chân Lý và là Sự Sống. Amen.

------------------------------------

 

Bài 3: Nỗi lo sợ của Khổng Tử về một học trò

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 494)

Bạn thân mến,

Chuyện kể rằng: Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Học lực của Mỗ thuộc loại trung bình, song luôn luôn tự cho mình là người giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước, vì tưởng rằng, mình đã học được hết đạo lý của thầy.

Tử Cống thấy vậy mới hỏi thầy:

– Người ấy về nước rồi làm quan có sao không?

Khổng Tử rung đùi đáp:

– Không sao.

Tử Cống hỏi tiếp:

– Làm tướng có được không?

Khổng Tử vuốt râu đáp:

– Được.

Tử Cống lại hỏi:

– Thế nhỡ về làm giặc thì sao?

Khổng Tử vừa ngáp vừa trả lời:

– Cũng không hại gì!

Bấy giờ Tử Cống mới yên tâm, mà thủng thẳng bộc bạch với thầy:

– Con nghe nói Mỗ ấy xin về nước, là để làm thầy!

Vừa nghe xong câu đó, bỗng Khổng Tử giật nẩy mình. Ông vội đứng lên, chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải thắt lưng, vội vàng chạy bắn ra khỏi cổng!

Học trò đuổi theo hỏi:

– Thầy ơi, Thầy chạy đi đâu vậy?

Khổng Tử vừa thở vừa đáp:

– Sang ngay nước Đằng.

Học trò lại hỏi:

– Thầy sang nước Đằng làm gì?

Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa trả lời:

– Sang ngăn, không cho tên Mỗ này làm thầy. Bởi hắn mà có làm quan, thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Còn làm tướng, thì cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc, thì cũng chưa chắc là đã hại nổi ai.

Nhưng nếu hắn mà làm thầy, thì sẽ hại đến muôn người, đến muôn đời. Ngay cả ta, cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ!

*****

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy tầm quan trọng của người làm thầy. Người hướng dẫn người khác, thì phải là người phải sáng suốt và khiêm tốn.

Điều mà chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng của thánh Luca (Lc 6, 39-45), khi Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn người mù, dẫn người mù, để khiển trách những người luật sĩ và biệt phái.

Tại sao Chúa Giêsu lại mượn hình ảnh người mù dắt người mù, để lên án những người luật sĩ và biệt phái?

Thưa, vì họ là những người hướng dẫn và lãnh đạo cộng đoàn, mà lại có một lối sống giả hình: Họ nói, nhưng không làm.

Chúa nói: “Những gì họ nói,  thì anh em hãy làm, hãy giữ, nhưng đừng bắt chước theo hành động của họ, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào….” (Mt 23,3-4).

Và Chúa Giêsu còn lên án họ, vì họ là những người kiêu căng, tự phụ, tự cho mình có quyền giải thích lề luật và bắt người khác phải tuân giữ. Chính họ sẵn sàng bỏ qua giới luật yêu thương rất quan trọng, để chỉ bảo vệ các truyền thống và tập tục của tiền nhân. Họ là những người mù quáng, mù mà lại dẫn đường, chỉ lối cho người khác. Nên họ đã bị Chúa Giêsu quở trách là đồ giả hình.

Nguy hiểm của sự giả hình, đó là chúng ta chỉ thấy được các hành vi bên ngoài và lời nói, chứ nội tâm bên trong thì hoàn toàn khác hẳn.

Đối với Chúa Giêsu thì các hành vi chỉ tốt, khi xuất phát từ nội tâm tốt, còn nội tâm xấu thì xuất phát ra các hành vi xấu:

Chính từ bên trong, từ đáy lòng mà các tư tưởng xấu phát xuất: ngoại tình, trộm cắp, giết người…”

*****

Khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội, là chúng ta được tham dự vào các chức vụ của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được mời gọi để trở nên là người hướng dẫn người khác cách nào đó, trong đời sống đức tin, cũng như trong đời sống hằng ngày.

Do đó, để có thể là người dẫn đường, là người hướng dẫn người khác, chúng ta phải là người thấy đường. Nghĩa là thấy được thân phận yếu đuối tội lỗi của mình, nhờ đó có được thái độ khiêm tốn hơn trong việc hướng dẫn người khác.

Thế nhưng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nhận thấy những sai lầm, khuyết điểm và tội lỗi của người khác, mà ít khi nhận ra những yếu kém, những tội lỗi và những sai trái của mình. Do đó, chúng ta dễ dàng lên án, chỉ trích người khác.

Vì vậy, qua đoạn Tin Mừng này của thánh Luca, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy lấy cái xà trong con mắt mình trước đã, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác trong mắt anh chị em mình.

Là người môn đệ của Chúa, nếu thực sự muốn hướng dẫn người khác trên con đường đi tìm chân lý, thì trước hết người hướng dẫn cần phải học hỏi để thấy, cần phải có một đời sống đạo đức gương mẫu, thì mới có thể chia sẻ cho người khác cái tốt, cái hay, giống như cây tốt thì sẽ sinh trái tốt.

Chúng ta phải sống tốt trước, rồi mới bảo người khác sống tốt được.

Nếu không, chúng ta cũng sẽ bị Chúa lên án là đồ đạo đức giả, là kẻ đui mù.

Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm tốn, để nhận ra con người yếu đuối tội lỗi, những giới hạn của con, để con biết cảm thông với người khác và biết dẫn đưa người khác đến với Chúa, bằng chính đời sống của con, là chứng nhân của Tin Mừng. Amen.

-----------------------------

 

Bài 4: Cho đi có 3 loại

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 495)

Bạn thân mến

Văn sĩ Robert Jordan Mayer đã viết một tập sách có tựa đề “Tạ Ơn Chúa”. Trong đó, ông chia ra ba loại cho đi: cho đi vì tức, cho đi vì bổn phận và cho đi vì lòng biết ơn.

1. Kẻ cho đi vì tức thường nói: “Tôi không thích cho đi, nhưng vì kẹt quá, cho nên tôi đành phải làm như vậy  thôi”.

Cho đi vì tức, thì rõ ràng là cho đi rất ít, bởi vì món quà cho đi, mà không có người cho, cho nên món quà sẽ không có giá trị.

2. Người cho đi vì bổn phận thì nói: “Tôi bị buộc phải cho đi”.

Cho đi chỉ vì bổn phận, thì cho đi sẽ nhiều hơn là cho đi vì tức, nhưng món quà lại không hấp dẫn, bởi không có màu sắc bắt mắt.

3. Người cho đi vì lòng biết ơn thì nói: “Tôi muốn cho đi”.

Cho đi vì lòng biết ơn, thì cho đi mọi sự, bởi sự cho đi này sẽ làm cho mọi người sẽ nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa ở trong món quà đó.

*****

Có lúc nào đó, chúng ta hãy tự kiểm điểm xét mình xem, mình thuộc loại người nào trong ba mẫu người vừa nêu trên: cho đi vì tức, cho vì bổn phận, hay cho đi vì lòng biết ơn.

Trong Tin Mừng thánh Gioan 12,24-24 chúng ta đọc thấy: Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt giống “phải chết đi” thì nó mới trổ sinh nhiều hoa trái, là để nhắc nhở cho mỗi người chúng ta, những môn đệ của Chúa, là phải biết sống hình ảnh cao đẹp nhất của việc cho đi, là biết chấp nhận chết đi nơi bản thân mình, là biết hy sinh chính mạng sống mình, chỉ vì yêu Chúa.

Ðịnh luật chết đi, để trổ sinh hoa trái, đã được Chúa Giêsu, Thầy chí thánh của chúng ta đã thi hành, đã nêu gương trước.

“Không ai, có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”.

Nếu không có mẫu gương đi kèm theo lời dạy đầy cương quyết của Chúa Giêsu, thì có lẽ chúng ta không màng chi đến việc phải chết đi, phải hy sinh chính mạng sống mình để phục vụ, chia sẻ, giúp đỡ những anh chị em sống chung quanh mình .

Ta cũng nên nhớ: Không có hy sinh, thì sẽ không có phục vụ đích thực. Mà trong cuộc sống, không có hy sinh, không có phục vụ đích thực, thì ta chưa phải là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, xin hãy khắc ghi thật sâu vào tâm trí con lời Chúa dạy về sự hy sinh và phục vụ.

Xin ban cho con ơn can đảm và trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi phải hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em, như Chúa đã dạy và đã làm gương cho con. Amen..

--------------------------

 

Bài 5: Bệnh Vô Cảm Hôm Nay

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 496:

Bạn thân mến,

Trong một vụ tai nạn giao thông, một người phụ nữ ôm đứa con nhỏ trên tay, ngồi bên vệ đường, kêu gào thảm thiết đến khàn cả cổ: Bà con ơi, cứu con tôi với! Thế nhưng chẳng thấy có một ai ra tay giúp đỡ.

Khi xem lại camera an ninh ở chung quanh, thì người ta lại thấy có nhiều chiếc xe 2 bánh, 4 bánh, và nhiều người qua lại đi ngang qua đó. Họ thấy nạn nhân ôm đứa con đẫm máu, nhưng họ đã lẳng lặng bỏ đi.

Sau hàng giờ chờ đợi, bỗng có một chiếc xe cứu thương dừng lại, đưa đứa bé tới được bệnh viện, nhưng đã quá muộn.

Trước sự kiện này, nhiều người đặt vấn đề: Phải chăng ngày nay, con người ta ngày càng trở nên vô cảm đối với nhau, họ nhắm mắt làm ngơ khi thấy anh em mình bị nạn ? Có khi nhiều người hiếu kỳ, đứng xem một tai nạn xảy ra, nhưng lại không có mấy người can đảm ra tay cứu giúp người bị nạn.

*****

Đọc Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 7,11-17) chúng ta lại thấy, Chúa Giêsu đã có một thái độ hoàn toàn khác hẳn, trong trường hợp tương tự. Ngài đã không vô cảm, Ngài đã không dửng dưng trước nỗi đau của con người, nhưng Ngài đã đồng cảm, có thể nói là Ngài đã thấu cảm và Ngài đã ra tay:

Thánh Luca kể như sau:

Khi Chúa Giêsu đến gần cửa thành Naim, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà góa. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: Đừng khóc nữa.

Chúa đã không đợi chờ một lời khẩn cầu hay van xin. Ngài cũng không đòi bất cứ một điều kiện nào. Ổ đây, vừa thấy người mẹ đau khổ, Ngài đã tự động ra tay cứu giúp, hoàn toàn do sự thúc đẩy của tình thương, của con tim. Và phép lạ đã xảy ra.

Chúa cảm thông với cảnh mẹ góa con côi. Người mẹ này đã phải đau khổ vì mất người chồng là chỗ dựa, là điểm tựa cho bà. Bà chỉ còn cậy nhờ vào người con trai duy nhất. Người con trai này là tương lai, là hy vọng, là chỗ dựa cho bà trong lúc tuổi già, vậy mà đứa con này lại chết.

Người đàn bà này đau khổ đến tận cùng, bà ta đã hầu như hoàn toàn mất hết niềm tin, mất hết hy vọng vào cuộc sống. Bà thấy cuộc sống của bà đã không còn ý nghĩa gì nữa, khi mà đứa con trai không còn.

Cảm thông cho hoàn cảnh lá vàng đưa tiễn lá xanh, Chúa Giêsu đã bước đến, nói với bà lời an ủi: Thôi, đừng khóc nữa ! Rồi Ngài tiến lại gần, chạm đến quan tài, các người khiêng dừng lại.

Với hành động này, Chúa Giêsu đã đưa tay ra, để ngăn cản tiến trình của sự chết, của sự chôn vùi và của sự phân hủy.

Chúa Giêsu nói như một mệnh lệnh: Hỡi thanh niên, tôi truyền cho anh hãy chỗi dậy ! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.

Điều đó chứng tỏ quyền năng nơi lời của Chúa Giêsu.

Nếu như xưa kia, trong công cuộc tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa phán: Hãy có, thì mọi vật liền có. Hôm nay, cũng bằng một mệnh lệnh: Hãy trỗi dậy, người thanh niên thực sự được phục hồi sự sống.

Chúa Giêsu trao anh ta lại cho bà mẹ.

Điều này cho thấy, sự sống mà người thanh niên này đón nhận, lại hoàn toàn là một quà tặng nhưng không, do lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tiếp đến, Chúa Giêsu tặng người thanh niên này lại cho bà mẹ.

Chắc chắn không có niềm vui nào có thể diễn tả được niềm vui của người mẹ trong trườn hợp này, khi nhận lại người con của mình.

Kinh Thánh không diễn tả cảm xúc và sự vui mừng của bà mẹ, nhưng đã ghi lại cảm xúc và phản ứng của đám đông quần chúng đang chứng kiến phép lạ:

Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: Một vị tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng đến thăm dân Người.

Khi nói đến “giờ của Thiên Chúa”, thì những người Do Thái rất am tường Kinh Thánh, liền hiểu ngay là thời điểm của Đấng Cứu thế xuất hiện. Đó là thời mà các tổ phụ, các tiên tri đã loan báo từ lâu, thời điểm Thiên Chúa hứa sẽ đến để giải thoát dân Người, đây là thời của niềm vui và là thời của ơn cứu độ.

Khi nhìn nhận Đức Giêsu như là một vị tiên tri cao cả đã xuất hiện, thì người Do Thái nhớ ngay đến tiên tri Elia.

Tiên tri Elia là một vị đại tiên tri và còn là thủ lãnh của Isarel.

Elia đã từng chạnh lòng thương, khi thấy đứa con của bà góa thành Sarepta tắt thở. Bà mẹ đau khổ, dằn vặt, không chỉ vì đứa con mới chết, nhưng bà còn dằn vặt vì cho rằng: chính do quá khứ tội lỗi của bà, mà khiến cho con của bà phải chết.

Elia không thể cầm lòng trước cảnh đau thương này, ông cầu xin cùng Thiên Chúa và Chúa đã cho em bé được sống.

Qua việc này, bà góa Sarepta đã tin Elia là người của Thiên Chúa. Truyền thống Israel cho rằng, ông Elia là người của Thiên Chúa nên ông không phải chết. Bởi ông được Thiên Chúa đến đón về trời, bằng chiếc xe ngựa rực lửa bốc cháy.

Dựa vào đó, dân Do Thái hy vọng ông sẽ trở lại vào ngày Chúa viếng thăm dân Người.

Khi thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho con trai bà góa thành Naim sống lại, dân chúng liền liên tưởng ngay đến tiên tri Elia và nhớ đến lời hứa của Chúa, là Ngài sẽ trở lại để viếng thăm dân Người.

Mà quả thật, Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng đến viếng thăm dân Ngài. Ngài không chỉ đến viếng thăm như một vị khách, nhưng Ngài đến để chia sẻ thân phận con người, chia sẻ những nỗi đau với con người, và chia sẻ đến tận cùng, Cây Thánh giá là một bằng chứng cụ thể, rõ ràng nhất.

*****

Chúng ta tin rằng: Con người có thể vô cảm dửng dưng với nhau, nhưng Thiên Chúa không bao giờ dửng dưng với đau khổ của con người. Vì, Thiên Chúa của chúng ta là một vị Thiên Chúa chạnh thương.

Tin như thế, để không bao giờ chúng ta thất vọng khi gặp đau khổ, thử thách.

Tin như thế, để chúng ta thấy Chúa luôn ở bên chúng ta, đang đồng hành với chúng ta, đang đồng cảm với những nỗi đau khổ của chúng ta, cả khi chúng ta gặp thử thách tăm tối nhất.

Chúa cũng đang nói với kẻ đau khổ: Đừng khóc nữa ! Đừng buồn nữa, đừng thất vọng nữa! Có Cha đang chia sẻ với con !

Thiên Chúa cũng đang an ủi, đang nâng đỡ cuộc sống chúng ta, qua biết bao người chung quanh đang cùng ta bước đi trong cuộc sống.

Thiên Chúa đang dùng họ để đồng hành, để chia sẻ với cuộc sống của ta, chỉ có điều là qua đó, chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa hay không mà thôi.

Đồng thời, Thiên Chúa cũng muốn qua chúng ta để Ngài đồng hành và an ủi những anh chị em đang đau khổ khác nữa ở bên cạnh chúng ta. Ngài muốn mượn trái tim của ta để chạnh thương những anh chị em bất hạnh đó. Ngài muốn dùng đôi tay của chúng ta để chạm đến anh chị em đó, dùng môi miệng của ta để nói những lời an ủi, yêu thương, cũng như dùng ánh mắt của ta để khích lệ anh chị em chỗi dậy, những khi bị suy xụp.

Có người cho rằng: Chỉ có loài vật mới có thể đứng trước nỗi đau của đồng loại, mà vẫn thản nhiên chăm sóc cho bộ lông mượt mà, và bộ da xinh xắn của mình.

Điều đó, dường như ngày càng đúng hơn đối với chúng ta trong xã hội hôm nay, một xã hội đang biến con người thành những con vật vô cảm như thế. Nó biến con người chỉ còn biết lo cho bản thân, lo tìm cái danh, lo tìm cái lợi cho mình, cho gia đình bằng mọi giá, kể cả việc chà đạp lên phẩm giá và quyền lợi của người khác, mà không hề nghĩ đến anh em.

Có thể nhiều người Kitô hữu chúng ta cũng đang có cách sống vô cảm như thế: Có những cha mẹ già đang bị bỏ rơi, bị hắt hủi như kẻ ở nhờ, ở đậu, hay như một gánh nặng của gia đình. Chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn đến cha mẹ chúng ta, để cho tuổi già của các ngài khỏi phải tủi nhục vì con cái.

Trong xã hội chung quanh ta, có những bạn trẻ tự ti, mặc cảm, vì khiếm khuyết, vì bệnh tật,… đang sống khép mình trong dằn vặt, buồn tuổi, cơ đơn. Những người này đang cần đến sự chạnh lòng thương, sự động viên và những cử chỉ cảm thông của chúng ta, để giúp họ vượt qua những mặc cảm đó.

Lạy Chúa, con là con Chúa, xin cho con có được một trái tim biết chạnh lòng thương như Chúa, để con có thể trở thành dụng cụ Chúa dùng, mà đem tình yêu, lòng xót thương của Chúa đến cứu giúp mọi người. Xin giúp con. Amen.

-------------------

 

Bài 6: Ngày của bố

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 497)

Bạn thân mến,

Cách đây vài năm, có vị Linh mục tổ chức một buổi nói chuyện với một số thanh niên. Sau cuộc trò chuyện đó, một thanh niên tên là Matt đến chia sẻ với ngài câu chuyện cuộc đời của cậu ta.

Nghe xong, vị Linh mục yêu cầu cậu thanh niên phổ biến câu chuyện ấy, để chia sẻ với những người khác. Matt vui vẻ nhận lời. Sau đây là câu chuyện của Matt, được ghi lại bằng chính những dòng chữ của cậu:

“Khi tôi lên 11 tuổi, bố tôi bỏ nhà ra đi… Cả gia đình hầu như tan nát hết, ai nấy đều khóc lóc, than van, suốt bao nhiêu tuần lễ, trừ mỗi mình tôi…

Tôi bắt đầu căm ghét bố, chủ yếu vì ông đã làm cho bà mẹ thân yêu của tôi đau khổ… Thế là tôi bắt đầu đi vào con đường tội phạm và ma túy vào năm 12 tuổi. Tôi đã từng bị bắt ba lần về tội ăn trộm xe hơi…

Là một Kitô hữu, mẹ tôi đã lôi cổ tôi đến dự cuộc tĩnh tâm ở đây… Tôi chả biết gì về việc này, nhưng cũng ghi tên tham dự, để bà khỏi rầy…

Một lần, trong buổi hội thảo với một nhóm đông người, tôi bỗng mơ màng nghĩ đến Chúa, và thấy mình đang quì gối xuống, trước Chúa Giêsu đang bị treo trên thánh giá. Vô số tội lỗi nặng nề đổ xuống trên tôi… Tôi khóc lóc, tôi van xin Chúa tha thứ.

Trong khi tôi khóc lóc, Chúa đã tha thứ cho tôi… vì Ngài yêu tôi. Ngài yêu tôi bất chấp tất cả tội lỗi xấu xa mà tôi đã phạm… Tôi mở mắt ra, đưa tay lau khô dòng lệ… Cuối cùng, tôi biết rằng Chúa thực sự hiện diện…

Sau khi cuộc tĩnh tâm ấy kết thúc, lần đầu tiên trong đời, tôi quyết sống tử tế: không thuốc lá, không cờ bạc, không uống rượu. Tôi dành luôn một ngày nghỉ tiếp theo đó để suy nghĩ và cầu nguyện.

Trong lúc đọc Thánh Kinh, tôi chợt nghĩ đến bố tôi. Tôi không muốn còn bất điều gì ngăn trở tôi được sống gần gũi với Chúa Giêsu. Vì thế, tôi gọi điện thoại cho bố tôi…

Đêm đó, trong khi vừa đi đến căn hộ của bố, tôi vừa cầu xin Thánh Linh soi đường chỉ lối. Khi tôi đến nơi, cả hai bố con ngồi xuống bên nhau một hồi lâu, mà chẳng ai mở miệng nói một lời nào. Cuối cùng bố tôi lên tiếng hỏi:

- Mục đích con đến đây làm gì?

Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, khi nghe bố hỏi, nhưng tôi chẳng biết vào đề ra sao cả. Và tôi giải thích cho bố, là cuối tuần tĩnh tâm vừa qua, con đã học biết rằng: con không được xét đoán ai, về bất cứ điều gì.

Xong, tôi xin bố tha thứ cho tôi, về cái tội tôi đã căm ghét bố và đã có những lời lẽ rất chua cay kết án ông…

Nghe xong, bố tôi liền đứng lên, đi ra khỏi phòng một lúc, rồi trở lại, trên tay cầm một bọc giấy… đoạn ông rút ra một mảnh giấy, hai cha con cùng đọc. (Đây là một lá thư tôi đã viết gởi cho ông từ mấy năm trước). Lời lẽ của những chữ viết trên mẩu giấy như sau:

“Bill, ông nghĩ ông là ai và ông có biết ông đang làm gì không? Kể từ đây, tôi chẳng cần ông điều gì nữa hết – Ký tên: Matt, kẻ đã từng là con ông”.

Lập tức, tôi nhận ra mọi nỗi đớn đau bố tôi phải chịu đựng trong bao năm qua, khi lưu giữ những mẩu giấy này…

Tôi nhảy đến ôm chầm lấy bố tôi. Dòng lệ yêu thương tha thứ, lập tức tuôn trào trong mắt ông… Lúc đó tôi cảm thấy như vừa bước qua cửa địa ngục… Thế là tôi không còn bị giam hãm trong niềm căm ghét nữa. Hai bố con ngồi chuyện vãn thêm một lúc, đoạn tôi tiến đến hôn vào môi bố, nói lời tạm biệt, rồi ra về…

Đêm đó, tôi gọi taxi về nhà, nhưng khi còn khoảng hai dãy nhà nữa thì tới nơi, tôi đã bảo tài xế dừng lại, để tôi đi bộ.

Nhưng niềm vui chan hòa trong tim, khiến tôi bỗng dưng rảo bước, rồi chạy thật mau. Vừa chạy, hai tay tôi vừa dang ra, miệng hét to: “Nhờ Chúa, tôi đã yêu thương bố!”

Đêm ấy, quả thực Chúa đã ban cho tôi một sự kỳ diệu”.

*****

Đây là một trong những câu chuyện cảm động nhất tôi đã từng được nghe.

Càng đọc bài Phúc Âm chúng ta càng thấy rõ Chúa Giêsu tràn đầy lòng tha thứ, và Ngài cũng dạy chúng phải bắt chước như thế.

Đồng thời, Ngài cho chúng ta thấy rõ rằng: nếu chúng ta tha thứ cho kẻ khác, thì Chúa mới tha thứ cho chúng ta. Ngài nói:

“Nếu các ngươi tha thứ cho kẻ khác… thì Cha trên trời sẽ tha thứ cho các ngươi. Còn nếu các ngươi chẳng tha thứ cho kẻ khác thì Cha trên trời cũng sẽ không tha thứ cho các ngươi” (Mt 6: 14-15)

Từ đó, chúng ta bước sang chủ điểm thứ hai. Câu chuyện của Matt cũng góp phần soi sáng cho tinh thần ngày dành riêng cho các bậc làm cha hôm nay. Nó cho chúng ta thấy điều chúng ta vẫn thường hay quên: đó là chúng ta có thói quen nghĩ rằng những người bố đều là những con người toàn hảo.

Thực ra, các ngài cũng chỉ giống như chúng ta, cũng phạm những lỗi lầm, đôi khi còn trầm trọng nữa là khác. Tuy nhiên bên cạnh những lỗi lầm này, các ngài vẫn là những con người giàu tình thương, giống như ông bố kia: giữ mãi hằng bao năm trời những lá thư gây nhức nhối của một đứa con, cũng tràn đầy đau khổ.

Nếu bố của Matt đã không giữ lại lá thư ấy suốt bao năm trời, thì có thể Matt sẽ không bao giờ có được cơ may để chứng tỏ cho cậu thấy ông yêu cậu biết bao. Và vì thế, câu chuyện của Matt quả là một minh họa tuyệt vời vừa cho tinh thần của ngày dành riêng cho các bậc làm cha, vừa cho tình thần thứ tha thắm đượm trong các bài đọc hôm nay.

Câu chuyện ấy chứng tỏ cho chúng ta thấy năng lực mầu nhiệm của lòng tha thứ có thể làm cho vỡ trở nên lành, bẩn trở thành sạch sẽ.

Đây cũng là tin mừng chúng ta đang trọng thể mừng kính trong ngày dành riêng cho các bậc làm cha này.

Chúng ta hãy kết thúc với những lời nói đầy xúc động của một vị tướng Mỹ lừng danh, đồng thời cũng là một người cha gương mẫu trong gia đình, đó là tướng Douglas Mac Arthur:

“Tôi là một chiến binh chuyên nghiệp. Và tôi rất hãnh diện về điều ấy – nhưng tôi còn vô cùng hãnh diện hơn, vì được làm một ông bố. Tôi hy vọng rằng: một mai khi tôi qua đời, đứa con trai của tôi sẽ không nhớ đến tôi như một chiến binh, lúc nào cũng ở trận địa, mà là một ông bố luôn hiện diện trong nhà, đang cùng nó đọc lời kinh nguyện đơn sơ hằng ngày:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng… Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Amen.

-------------------

 

Bài 7: Sự liều lĩnh trong tình yêu

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 498)

Bạn thân mến,

Một ngày nọ, tôi được báo tin: Một người bạn thân sắp làm đám cưới. Tò mò muốn biết người mà bạn ấy sắp cưới là ai. Té ra, đó là một người phụ nữ quê mùa, lại mắc phải một dị tật bẩm sinh.

Một sự chọn lựa quả là hơi khác thường nơi người bạn của tôi. Nhưng ở đời cái gì cũng có lý do của nó. Tìm dịp thuận tiện, tôi đã đến hỏi thăm bạn ấy: “Sao mà liều thế, dám chọn cô ta, không sợ người khác chê cười sao?”.

Anh bạn chỉ trả lời một câu đơn giản: “Vì tôi yêu cô ta”

Đúng vậy, khi yêu, thì người ta dám làm tất cả, lúc đó người ta dường như chẳng còn sợ gì nữa.

*****

Đoạn Tin mừng theo thánh Luca (7,35-50) cho chúng ta thấy một mẫu gương liều mình vì yêu. Mẫu gương đó là của một phụ nữ tội lỗi.

Chi tiết đầu tiên, là chị ta dám xông pha vào giữa bữa tiệc. Mà bữa tiệc này lại là do chính người Pharisêu, được xã hội coi là người công chính, đạo đức, đứng ra tổ chức. Còn chị lại là một người phụ nữ, bị xã hội đánh giá là hạng người tội lỗi. Thế mà chị ta dám liều mạng hiên ngang bước vào. Chị ta quả là người “điếc không sợ súng”.

Chi tiết thứ hai là quỳ xuống dưới chân Chúa Giêsu, khóc nức nở, rồi xổ tóc mình ra mà lau chân Người.

Theo phong tục người Do thái, người nữ phải giấu kín tóc của mình trước mọi người. Đến nỗi nếu người chồng thấy được vợ mình xổ tóc trước đám đông thì có quyền ly dị với nàng.

Không những thế, chị còn đập vỡ bình bạch ngọc đựng dầu thơm trị giá tới 300 quan tiền, tương đương với thu nhập cả năm, rồi đổ lên chân Chúa Giêsu.

Như thế, tình yêu đã thúc đẩy người phụ nữ này liều mình đến với Chúa Giêsu, bởi chị tin nơi Thầy Giêsu sẽ tha thứ cho những yếu đuối lỗi lầm của mình. Và kết quả chị đã được như lòng mong đợi.

Người đã nói:

“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”.

Chẳng những được tha, mà chị còn được Chúa Giêsu bênh vực, khi người chủ nhà có ý trách móc.

Từ đó, chúng ta thấy: Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Mặc dầu, những gì con người làm chẳng đáng là bao. Nhưng khi con người làm với tất cả tấm lòng, nhất là với lòng mến, thì Thiên Chúa sẽ không để cho ta phải chịu thiệt bao giờ.

Chúng ta nhớ Thánh Phêrô: khi Chúa Giêsu bị bắt, vì chưa có lòng mến, nên ông chưa dám liều mình tuyên xưng mình là môn đệ của Chúa Giêsu. Ông đã vội vàng chối Thầy, chỉ với những người hết sức bình thường.

Ngược lại, sau đó, Chúa Giêsu hỏi ông đến 3 lần: có mến Người không, thì ông đã trả lời:

“Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17).

Lúc này, ông đã trả lời với xác tín mạnh mẽ. Chính lúc ấy Chúa Giêsu đã trao phó sứ mạng đặc biệt cho ông, là chăm sóc đoàn chiên của Chúa. Một sứ mạng phải nói là cam go, có hiều thử thách và đòi hỏi nhiều sự liều lĩnh. Vì lòng mến, nên ông đã hoàn thành sứ mạng Chúa Giêsu trao phó một cách tốt đẹp.

Chúa Giêsu đã nói:

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).

Mỗi người chúng ta hãy nhìn lại xem: lòng mến của ta vào Chúa như thế nào?

Chúng ta có dám liều mình tuân giữ Lời Chúa giữa thế giới này không? Một thế giới, mà người ta xem việc lừa dối, gian xảo là chuyện hết sức bình thường, thì chúng ta có dám liều mình để nói lên sự thật và sống đúng theo sự thật không?

Giữa một thế giới, mà người ta ham mê quyền lực, đến nỗi sẵn sàng chà đạp lẫn nhau, thì chúng ta có dám liều mình để sống khiêm tốn, nhường nhịn và yêu thương nhau không?

Giữa một thế giới có nhiều người đặt Thiên Chúa thành giá trị thứ yếu trong cuộc đời của mình, thì chúng ta có dám liều mình, để đặt Thiên Chúa làm giá trị hàng đầu không?

Lạy Chúa Giêsu, xin thương gia tăng lòng mến cho con vào Chúa, để nhờ đó, con sẽ dám liều mình tuân giữ và thực hiện những điều Chúa dạy, trong mọi giao tế, trong cuộc sống hằng ngày của con. Amen.

-----------------------------

 

Bài 8: Pho tượng “Vua sám hối”

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 499)

Bạn thân mến

Năm 2006, nhân dịp UNESCO công nhận lễ Phật Đản là lễ hội tôn giáo thế giới, nhiều công trình văn hóa Phật Giáo đặc sắc khắp châu Á được nhắc đến, trong đó có pho tượng Vua sám hối độc nhất ở Việt Nam, với tạo hình độc đáo.

Đó là tượng tạc hình nhà vua, đang mặc triều phục và đang quỳ, hai bàn tay vua cung kính mở rộng, để trên một mặt phẳng, tương xứng với thân vua, đang trong tư thế cúi lạy, mà trên lưng mang một pho tượng Phật cao, lớn, ngồi trên tòa sen.

*****

Tương truyền rằng: tượng này do chính vua Lê Hy Tông sai tạc, để tỏ lòng sám hối của mình, sau sự kiện thiền sư Tông Diễn, thuộc phái Tào Động, đời thứ 37, vào kinh dâng ngọc khai thị.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì khoảng năm 1.678, vua Lê Hy Tông có ban hành lệnh: buộc các tăng ni phải lui về chốn núi rừng yên tĩnh, nơi thôn xóm vắng vẻ, để hành đạo, chứ không được ở kinh đô Thăng Long nữa.

Nghe tin này, thiền sư Tông Diễn, bấy giờ đã đắc pháp ở chùa Vọng Lão trên Yên Tử, đã xuống núi, đến kinh thành, xin yết kiến nhà vua, để dâng một hộp ngọc.

Khi được triệu vào cung, để dâng hộp ngọc, mà bên trong chỉ là một tờ biểu, kể rõ lợi ích của việc ứng dụng Phật pháp vào chính sự, nhằm đưa đến thái bình, thịnh trị, cứu đời, an dân, như đã thấy ở đời Lý – Trần.

Lợi ích này rõ ràng và tỏa sáng như một viên ngọc quý. Tuy vô hình, nhưng không bị thời gian và lịch sử hủy hoại.

Vua đọc xong, bèn thỉnh thiền sư đến tham vấn, hỏi đạo.

Được thiền sư giải đáp trôi chảy và nêu lên những báo ứng không tránh khỏi của tội phỉ báng, ngăn cản hoặc bài xích Phật pháp, vua Lê Hy Tông đã tỉnh ngộ, và cho sai tạc tượng sám hối trên.

Hiện pho tượng này, hiện nay vẫn còn được đặt tại chùa Hòe Nhai ( tức Hồng Phúc tự ) là nơi thiền sư Tông Diễn đã về hoằng pháp ở đó vào cuối đời và cho khắc 2 bộ kinh tối thượng là Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, trước khi sư thị tịnh vào năm Kỷ Sửu 1709.

Ngày nay, chùa tọa lạc số 19 Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội…
( Giao Hưởng, Thanh Niên, Tượng vua sám hối độc đáo nhất Việt Nam )

Như thế, vua Lê Hy Tông đã kịp thời sám hối, khi giác ngộ trọng đạo, lấy đời quy theo đạo, thay vì lấy đạo quy theo đời, để phục vụ cho thể chế.

*****

Đọc Tin Mừng theo thánh Luca (7,36-50), chúng ta thấy kể về một người phụ nữ sám hối tội lỗi, tại nhà một người Pharisêu, đang tiếp đãi Chúa Giêsu trong một bữa tiệc.

Người phụ nữ tội lỗi này khép nép, “đứng phía đàng sau bàn tiệc, sát chân Chúa Giêsu mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người, lại lấy dầu thơm mà đổ lên nữa.” ( Lc 7, 38 )

Chị đến với Chúa Giêsu với tất cả tấm lòng hoen ố, đen đúa, chất chồng tội lỗi. Chị chẳng ngần ngại xuất hiện công khai, với thân phận tội nhân, trước các vị chức sắc khả kính, vốn khinh bỉ chị.

Chị tin tưởng Chúa Giêsu đã nhìn thấy hết những lỗi lầm của chị, hiểu biết tường tận về cuộc đời phóng đãng của chị.

Hơn nữa, chị còn mãnh liệt tin cậy rằng: Người sẽ cứu giúp chị, sẽ xoa dịu và chữa lành cho chị. Chị đã âm thầm cầu nguyện trong tiếng khóc nỉ non, ăn năn, dốc lòng quyết tâm cải chừa tội lỗi.

Chị không dám thốt lên một lời kêu xin nào. Nhưng, những hành động âm thầm lặng lẽ của chị, đã nói thay cho lòng thành khẩn thống hối đó.

Những giọt nước mắt nóng bỏng, nói lên sự quyết tâm, dốc lòng ăn năn hối hận.

Những lọn tóc mây xõa ra lau chân Chúa, như công khai thừa nhận những vết nhơ thể xác, lẫn tâm hồn.

Những giọt dầu thơm, như khẩn nài xin Chúa thứ tha, thanh tẩy, tân trang, nâng cấp linh hồn chị, để có thể trở nên lành mạnh, thơm tho và xứng đáng gần gũi bên Chúa.

Phần ông Simon, một người Pharisêu, đã trân trọng mời Chúa Giêsu đến nhà để chiêu đãi. Chúa Giêsu đã không nề hà, đã không từ chối, mặc dù Người thường phản bác lối sống đạo phô trương và giả dối của nhóm này. Người  rộng lượng với bất cứ ai muốn tìm đến, lắng nghe, học hỏi và tuân theo.

Nhưng ông Simon, thì lại khó chấp nhận hạng người phụ nữ tội lỗi này đến với Chúa, vì thành kiến của ông quá nặng nề.

Không riêng gì Simon, mà có lẽ tất cả các thân hữu bạn bé hiện diện tại bàn tiệc khi ấy, cũng có thái độ giống như ông: Bất bình, nhìn thấy người phụ nữ tội lỗi, dám cả gan công khai đến gần vị ngôn sứ, mà họ đang trọng vọng tiếp đãi.

Cái nhìn bất thân thiện của họ, phát xuất từ lòng đố kỵ, ganh ghét, do tính tự cao, tự đại, tự nhận mình xứng đáng, là bậc Thầy trong thiên hạ.

Chính vì thế, mà họ đã quay sang thầm trách Chúa Giêsu, sao không đồng quan điểm với họ, khinh ghét, ruồng bỏ và xa lánh người phụ nữ tội lỗi đó:

“Nếu quả thật ông này là một ngôn sứ, thì hẳn ông phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi” ( Lc 7, 39 ).

Thiên hạ thường vị kỷ, thiển cận, hẹp hòi, thường lấy mình làm tiêu chuẩn, làm mẫu mực, để phê phán, kết án người khác. Họ thường kiêu căng, hợm hĩnh, tự mãn, luôn cho mình đúng đắn, tốt lành, đức độ hơn người.

Hơn nữa, họ còn luôn coi mình là quan trọng, là cái rốn của vũ trụ, để rẻ rúng, để chà đạp, khinh miệt người khác, coi người khác chỉ là bậc thang, để họ leo lên cái đỉnh danh lợi, chức quyền, địa vị.

Cho nên, cái nhìn, quan điểm, khuynh hướng, nhận xét của họ, khó thoát ra ngoài tầm ảnh hưởng cái tôi vĩ đại của họ.

*****

Trong cuộc sống hằng ngày, thiên hạ cũng thường hay xem mặt mà bắt hình dong, hay xét đoán người và việc, theo cái vẻ bề ngoài, theo những khiếm khuyết vốn có, theo quá khứ không hay, để phê phán, dè bỉu, chê bôi, xa lánh, ghét bỏ và lên án.

Nhiều khi chúng ta cũng hèn nhát, cũng nhu nhược, không dám lội ngược dòng đời tràn đầy ô nhiễm, đầy tội ác này. Chúng ta cũng hăm hở toé nước theo mưa, hùa theo bầy đàn, để ném đá những ai đã lầm lỗi trong quá khứ, làm như mình vô tội hoàn toàn.

*****

Nhưng Chúa Giêsu đã không chỉ nhìn bề ngoài, đã không a dua theo quần chúng mê muội, đã không a dua theo cái nhìn thế gian lệch lạc, phiến diện và bất công, mà Chúa nhìn thẳng, nhìn thấu suốt tận trong tâm hồn của từng người, nên đã nhận ra người phụ nữ tội lỗi này đang chân thành ăn năn, sám hối, và Người cũng biết ông Simon Biệt Phái đang thắc mắc về vai trò sứ vụ Người, biết luôn những người đồng bàn cũng đang băn khoăn, đang nghi ngờ về quyền năng của Người.

Còn cái nhìn của Chúa Giêsu thì rất sáng suốt, thấu đáo, bao quát, trọn vẹn và chính xác, không chút hàm hồ, võ đoán, suy diễn hay thiên vị. Người đã không lạnh lùng xét nét như một giám thị, hay một quản đốc.

Trái lại, cái nhìn của Chúa thì bao dung, tràn đầy tình yêu thương. Người nhìn thấu đáo cái thiện căn, thiện chí, thiện tâm của mỗi người. Người thấy rõ tấm lòng ăn năn sám hối của người phụ nữ tội lỗi, để yêu thương và tha thứ.

“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”

 Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ:

“Tội của chị đã được tha rồi” ( Lc 7, 47 – 48 ).

“Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” ( Lc 7, 50 ).

“Sự ăn năn, hối cải của con, không phải là “hát bội,” khóc lóc não nùng, xong rồi thì hết tuồng, hạ màn, và đâu lại vào đó” ( Đường Hy Vọng, số 893 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết noi gương chị phụ nữ sám hối tội lỗi, cho con luôn biết chạy đến với Chúa với tâm tình cầu nguyện, để được thương yêu, thứ tha và được bình an.

Lạy Mẹ Maria, là Trạng Sư của con, xin chỉ dẫn con biết ăn năn sám hối sao cho trọn, để con xứng đáng được hưởng ơn tha thứ, và được ở bên Chúa mãi, đời này và đời sau. Amen.

----------------------------------

 

Bài 9: Vì yêu mến nhiều, nên được tha nhiều

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 500)

Bạn thân mến,

Trong một cuốn sách có tựa đề: "Mặt trận phía đông hoàn toàn yên tĩnh", có thuật lại một câu chuyện thật cảm động, đã xảy ra trong thế chiến lần thứ 2, giữa quân đội Đức và Pháp. Câu chuyện ấy như sau:

Một người lính Đức trẻ, đang nằm yên tĩnh trong một cái hố tránh bom thật an toàn. Bỗng đột nhiên, một anh lính Pháp, lại cũng nhảy tọt xuống hố đó của anh, cũng để tránh đạn.

Nhận ra đây là kẻ địch, nên anh lính Đức đã vội vàng dùng lưỡi lê đâm chết kẻ thù ngay tại chỗ, mà không chút do dự hay suy nghĩ gì.

Nhưng, đây là lần đầu tiên, anh ta đã tự ý, ra tay, trực tiếp, giết chết một người không hề có ý làm hại anh, cho nên lương tâm anh cảm thấy rất áy náy. Sau đó, anh tò mò, muốn biết cho rõ hơn về người lính Pháp, vừa bị anh giết đây là ai, nên đã lục trong túi áo và lấy ra được một cái bóp. Trong đó, anh thấy có hình một người phụ nữ trẻ, đang ôm đứa con thơ bụ bẫm, là vợ con của anh ta.

Bỗng người lính Đức cảm thấy bị sự xúc động mạnh, đã khiến cho anh ta hối hận thật sự. Bởi, nhìn vào tấm hình, anh cảm thấy người vừa bị anh giết kia, thực sự không còn là kẻ thù của anh nữa, nhưng đó là một người cha, một người chồng cũng giống như anh: một con người đang yêu và đang được yêu!

Chính nhờ có cái nhìn mới mẻ này, về kẻ từng là "kẻ thù", đã biến đổi người lính Đức đã trở nên một con người mới, biết cảm thông và tình người thật sự đã trổi dậy trong anh.

*****

Câu chuyện Đức Giê-su đến nhà một người Biệt Phái dùng bữa (Lc 7,36–50), cũng cho chúng ta một bài học về lòng bao dung của Chúa, để mời gọi chúng ta cũng phải sẵn lòng, mở rộng vòng tay nhân ái, cư xử thân thiện với hết mọi người, bất kể họ là ai, dù có khác biệt về mầu da, tiếng nói, môi trường sống và làm việc, về tính tình, sở thích hay về tín ngưỡng tôn giáo... để từ đó, chúng ta sẽ nhận ra mọi người đều là anh em, là con cùng một Cha Chung trên trời, và từ đó, mọi người đầu có bổn phận phải cư xử tốt đối với nhau, trong tình bác ái huynh đệ, như người ta thường nói: "Tứ hải giai huynh đệ", bốn bể đều là anh em.

Đức Giê-su cũng muốn chúng ta hãy mời Người đến thăm và ở lại trong gia đình của chúng ta, bằng việc trưng bày ảnh tượng của Người tại phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ...

Người cũng sẵn sàng đến viếng thăm nhà linh hồn của chúng ta, mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ và rước lễ. Miễn là ta có thiện chí dọn dẹp nhà cửa, loại khỏi ngôi nhà của mình những hình ảnh thiếu đứng đắn, hay những việc làm ăn bất chính, chừa bỏ những thói hư tật xấu, cùng những tội lỗi bất xứng khác.

Đức Giêsu đã để cho người phụ nữ tội lỗi đến gần, vì Người không xét đoán người khác theo hình thức bên ngoài, như người Pha-ri-sêu đã làm. Trái lại Người nhìn thấu tận tâm can của người tội lỗi kia.

Noi gương Chúa, chúng ta cũng phải tránh xét đoán tha nhân qua dáng vẻ bên ngoài. Cần tránh xét đoán ý trái và cư xử bất công, khi hùa theo đám đông, để lên án những người cô thế, cô thân. Vì thực tế đã chứng mình: có nhiều trường hợp người ta đã bị kết án oan sai. Có người đã bị tòa kết án và ở tù nhiều năm, cho đến khi có kẻ thực sự phạm tội bị bắt và đã thú nhận mọi tội lỗi, thì mới được giải oan.

Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống hằng ngày, con thường hay xét đoán người khác một cách bất công, do những định kiến sẵn có trong con, do áp lực của những dư luận xã hội, hay báo đài chung quanh con, hay do ác cảm tự nhiên con có đối với họ.

Nhiều lần con đã có cách cư xử hẹp hòi, đầy thành kiến đối với một số người, do đã có một quá khứ không mấy tốt đẹp. Con đã không đủ dũng cảm, để lội ngược dòng, để chọn cách ứng xử một cách nhân ái, công minh, bao dung như Chúa đã dạy và đã làm gương cho con..

Xin cho con được ơn, can đảm bước từng bước theo Chúa, dám đứng về phía những người bị xã hội khinh dể, dám can đảm bênh vực những kẻ cô thế cô thân và biết đối xử nhân hậu với những tội nhân thực lòng sám hối... Nhờ đó, con xứng đáng mang danh là Ki-tô hữu và xứng đáng là môn đệ của Chúa, đáng được Chúa yêu thương. Amen.

----------------------------------

 

Bài 10: Chuyện con lừa của hai bố con người Ả rập

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 501)

Bạn thân mến,

Ngày kia, có hai bố con người Ả rập đem lừa ra chợ bán. Lừa đi trước, hai bố con theo sau. Một toán đào đất thấy vậy liền bảo:

- Có lừa sao không cưỡi lên, ngu ơi là ngu.

Nghe có lý, ông bố liền bảo con:

- Nào, con hãy ngồi lên.

Được một quãng, gặp một đám thợ cày cấy, họ bảo:

- Rõ là thằng con bất hiếu, con thì ngồi chiểm chệ trên lưng lừa, để bố già phải kủng thửng đi bộ, mà nó coi được.

Nghe có lý, con bèn nhảy xuống, mời bố ngồi lên lưng lừa.

Được một quãng nữa, gặp mấy tên bợm nhậu, họ cười hô hố và bảo:

- Ông già này hay thật, có con mà chẳng biết thương con, ông ngồi trên lưng lứa, lại bắt đứa nhỏ phải đi bộ.

Nghe cũng có lý, bố liền bảo con trèo lên và cùng ngồi chung với mình.

Sau cùng, hai bố con gặp một cụ già, cụ lên tiếng bảo:

- Sao tàn nhẫn vô nhân đạo quá vậy: Thân 2 bố con cùng ngồi như thế, thì cả đến lưng con voi cũng phải gẫy, chứ nói chi đến lưng con lừa gầy yếu như vậy.

Ông bố nghe vậy liền bảo con:

- Không cưỡi cũng bị chê, cưỡi một người hay cưỡi hai người cũng bị chê, chi bằng đường ta, ta cứ đi. Thôi, bố con ta cùng xuống và dắt lừa ra chợ.

Câu chuyện trên muốn nói với chúng ta rằng: Miệng lưỡi con người ta khó mà lường nổi, như tục ngữ đã bảo:

- Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo.

Có khi cũng cùng một sự kiện, nhưng mỗi người lại nhìn theo một góc cạnh riêng theo cá tính của mình, cho nên có khi nảy sinh những suy nghĩ, những phê phán trái ngược nhau, như ca dao đã diễn tả:

- Ở sao cho vừa lòng người,
  Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.

-  Cao chê ngỏng, thấp chê lùn,

-  Béo chê béo trục, béo tròn,
  Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.

Từ những suy nghĩ ấy, chúng ta đi vào câu chuyện của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 9, 18-24), khi Chúa Giêsu quay sang hỏi các môn đệ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”.

*****

Lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã xuất hiện và trở thành một đề tài thời sự nóng bỏng cho xã hội lúc bấy giờ, được nhiều người đề cập tới. 

Dựa vào những lời giảng dạy đầy khôn ngoan và những việc làm kỳ diệu của Ngài, người thì cho Ngài là Gioan tiền hô đã sống lại, người thì cho là Elia hay là một tiên tri nào đó.

Còn thân bằng quyến thuộc thì lại cho Ngài là một kẻ mất trí, là một tên điên khùng.

Riêng những kẻ chống đối, như bọn Biệt phái và luật sĩ, thì cho rằng: Ngài chỉ là con của bác phó mộc tầm thường, lại hay giao du với phường thu thuế và những kẻ tội lỗi. Nhiều lần họ đã định tố cáo Ngài, về tội nọ, tội kia.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, đó là đối với các môn đệ, cho nên Ngài đã đưa ra một câu hỏi cân não, đòi các ông phải xác định lập trường:

- Phần các con, các con bảo Thày là ai ?

Phêrô liền thay mặt cho các anh em tông đồ, mà tuyên xưng đức tin:

- Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Trải dài suốt hơn hai mươi thế kỷ, Đức Kitô đã, đang và sẽ còn là một vấn để thời sự nóng bỏng cho mọi người, khiến cho nhiều người tranh cãi và cũng đã có biết bao nhiêu sách vở đã viết về Ngài.

Kẻ thì bảo Ngài chỉ là một nhân vật thần thoại hoang đường. Kẻ thì nói Ngài chỉ là một kẻ lường gạt, dùng những xảo thuật khéo tay, để che mắt thiên hạ. Tất cả những chủ trương này đều không có bằng chứng, chẳng đáng cho chúng ta quan tâm, để tin tưởng và bàn đến.

Kẻ thì bảo Ngài chỉ là một vị đã sáng lập ra một tôn giáo mới hay là một nhà cách mạng, khởi đầu cho một cuộc giải phóng nô lệ, giải phóng phụ nữ và trẻ em, thiết lập một thế giới hòa bình và yêu thương. Những chủ trương này đều đúng một phần nào đó, nhưng chưa nói lên được điểm chính yếu của sứ mạng Ngài.

Vì thế, có lẽ lúc này Chúa Giêsu cũng đang nhìn mỗi người chúng ta, như ngày xưa Ngài đã nhìn các môn đệ và đưa ra cho mỗi người chúng ta câu hỏi cân não ấy:

- Phần con, con bảo Thày là ai ?

Dĩ nhiên, chúng ta sẵn sàng thưa lên như Phêrô:

- Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Thế nhưng, tuyên xưng ngoài miệng mà thôi thì chưa đủ, điều quan trọng đó là chúng ta phải sống niềm tin ấy thế nào, phải biểu lộ niềm tin ấy bằng hành động, bằng việc làm, bằng chính cuộc sống của mình, qua việc thực thi những điều Ngài truyền dạy.

Trong việc sống đạo, sống đức tin của mình, nhiều lúc chúng ta cũng đã gặp phải những phê bình và chỉ trích, những chê cười và nhạo báng, thậm chí có khi còn gặp phải những bắt bớ và cấm cách. Ở vào những trường hợp như vậy, chúng ta hãy nhớ tới lời khuyên sau đây:

- Con xấu, mà người ta bảo tốt, thì con vẫn xấu. Trái lại, con tốt mà người ta bảo xấu, thì con vẫn tốt, bởi vì ở mọi nơi và trong mọi lúc, con luôn vẫn là con.

Cũng trong chiều hướng ấy, người Pháp vốn thường có lời khuyên rất hay:

- Bien faire et laisser dire, nghĩa là hãy làm tốt, còn mặc cho thiên hạ nói sao tùy họ.

Đối với việc sống đạo, việc sống đức tin, chúng ta cũng phải có một lập trường dứt khoát như tục ngữ đã bảo:

- Mặc cho ai nói ngả nói nghiêng,
Thì  ta đây vẫn vững như kiềng ba chân.

Lạy Chúa, dù trong bất cứ hoàn cảnh của cuộc sống ra sao, xin cho con luôn được can đảm và mạnh dạn sống đức tin, sống phó thác tuyệt đối vào Chúa, như một người con hiếu thảo của Chúa, để đáng được Chúa yêu thương. Amen.

--------------------------------

 

Bài 11: Chuyện kể về một vị vua Á-rập

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 502)

Bạn thân mến,

Truyện cổ Hy Lạp có kể lại một câu chuyện của nhà vua Á-rập, khi lên đường, đi chu du khắp nơi, với đoàn tùy tùng đông đảo và những con lạc đà chở theo nhiều của cải quí giá, để phân phát trong dân chúng. Dĩ nhiên có nhiều đầy tớ theo phục vụ nhà vua.

Khi đi được một ngày đàng, nhà vua Á-rập dừng lại phân phát của cải cho dân nghèo và chỉ giữ lại một phần của cải cho đoàn tùy tùng, rồi tiếp tục lên đường.

Một số những người theo phục dịch nhà vua, đã không tiếp tục cuộc hành trình theo nhà vua qua sa mạc nữa, nhưng đã dừng lại, để nhận những thùng lương thực, những thùng quà, mà nhà vua để lại phân phát cho dân chúng.

Đi qua được nửa sa mạc, nhà vua truyền dừng lại và để lại những thùng đựng vàng, bạc châu báu, mà ban phát cho dân vùng sâu vùng xa ở đây, rồi nhà vua lại tiếp tục lên đường.

Nhưng lần này, thì hầu như tất cả những người theo nhà vua đều ở lại, để chia nhau những thùng vàng bạc, ngọc trai châu báu, ngoại trừ có một người phục vụ duy nhất vẫn tiếp tục đi theo vua, dù nhà vua không còn gì để phân phát nữa.

Lấy làm lạ, nhà vua quay lại hỏi anh ta:

- Sao nhà ngươi vẫn tiếp tục theo ta, mà không ở lại như bao người khác, để chia những thùng của cải quí giá ta để lại đó ? 

- Thưa nhà vua, con theo nhà vua , là vì lòng yêu mến kính phục nhà vua, chứ không phải vì tiền bạc, của cải, giàu sang, bởi được ở bên nhà vua, là con đã mãn nguyện lắm rồi, vua là tất cả của đời con.

*****

Khi đọc qua câu chuyện này, tôi lại liên tưởng đến cuộc đời của mẹ Têrêxa Calcutta:

Trước khi trở thành người sáng lập Dòng truyền giáo mới, gọi là những nhà truyền giáo của Đức Bác Ái, các nữ tu thừa sai Bác Ái, thì mẹ Têrêxa Calcutta đã là một nữ tu khấn trọn của dòng các nữ tu Côlôrentô, ở Albania, và đang sống trên sự an nhàn tiện nghi của một cô giáo trường Trung học tại Calcutta (Ấn Độ), nhưng rồi bỗng cô như cảm thấy sự thôi thúc của Chúa Thánh Thần, muốn từ bỏ nếp sống an lành đang hưởng đó, để ra đi đến một nơi khác, đến một môi trường khác, để dấn thân phục vụ người nghèo nhiều hơn, tích cực hơn.

Trong tập sách có tựa đề là: “Mẹ Têrêxa thành Calcutta” hay “Cây Viết Chì Trong Tay Thiên Chúa”, kể lại giây phút thay đổi tận căn này trong cuộc đời của mẹ Têrêxa.

Đó là ngày 10 tháng 9 năm 1946, cô nhận được từ Chúa Giêsu lời mời gọi từ trong tâm hồn: "Hãy để lại tất cả mọi thứ phía sau, để phục vụ Cha nơi những người nghèo nhất, trong số những người nghèo".

Năm 1948, cô đã nhận được sự cho phép của Giáo Hội, để bắt đầu sứ vụ tông đồ của mình, trong các khu ổ chuột của thành phố Calcutta.

Dòng Thừa Sai Bác Ái đã trở thành một Tu Hội của giáo phận vào ngày 07 tháng 10 năm 1950, và đã được nâng lên thành một Tu Hội giáo hoàng, vào ngày 1 tháng 2 năm 1965.

Ðặc sủng riêng của Tu Hội là để thỏa mãn cơn khát vô hạn của Chúa Giêsu, đối với tình yêu và đối với các linh hồn, bằng cách hoạt động cho sự cứu rỗi và sự thánh thiện của những người nghèo nhất trong những người nghèo.

*****

Phản ứng của mọi người trong cộng đoàn nhà dòng lúc đó là ai nấy cũng đều ngạc nhiên, không biết mình có làm gì gây phiền cho chị Maria Têrêxa hay không, để chị phải ra đi như vậy. Mọi người đều khóc, khi phải chia tay chị Têrêxa, vì thật sự chị được mọi người trong cộng đoàn yêu mến.

Phần chị Têrêxa Maria, sau khi nhận được quyết định của Giáo Hội khi cho phép chuyển hướng ơn gọi, thì chị đã rất bình tĩnh và nói một câu vắn tắt:

Bây giờ tôi có thể tự do đi đến với xóm nghèo”.

Lúc đó, chị Têrêxa Maria Calcutta đã phải cương quyết, dứt khoát lắm, để có thể bỏ lại mọi tiện nghi vật chất đang hưởng và mọi tình cảm thân thương của cộng đoàn.

Sách tiểu sử của chị sau này ghi lại rằng, chị ra đi khỏi cộng đoàn với đôi chân không, hành trang của chị là một xâu chuỗi, một vé xe lửa và năm đồng Rubi trong túi, chị đã dứt khoát từ bỏ mọi sự để theo Chúa trên con đường Chúa muốn.

Mẹ Têrêxa ra đi, bắt đầu công việc phục vụ người nghèo với năm đồng Rubi trong túi, một món tiền không đủ sống cho một ngày bình thường, mẹ đã thực hiện tinh thần theo Chúa, như được nhắc đến trong đoạn Tin Mừng của thánh Luca (Lc 9, 51-62 theo Chúa phải là một lựa chọn dứt khoát).

Sự dứt khoát nhất, là quyết ra đi như mẹ Têrêxa, khi mà trong túi chỉ có năm đồng tiền, là điều mà Chúa muốn những ai theo Ngài phải thực hiện và từ bỏ những cái đang quyến rũ hay níu kéo chúng ta trở lại phía sau, không tiến lên theo Chúa trọn vẹn hơn.

Đến đây, có lẽ ta cũng nên tự hỏi lòng mình: Chúa có phải là người tôi yêu mến nhất hay không ?

*****

Trong cuộc đời mình, có bao giờ chúng ta đã thưa với Chúa:

Lạy Chúa, Chúa là người con yêu mến nhất của đời con, con muốn theo Chúa vì yêu mến Chúa, chứ không phải vì điều gì khác, có Chúa là phần gia nghiệp của đời con, thế là đủ rồi.

Khi dấn bước theo Chúa, trong niềm sốt sắng, chúng ta hân hoan dâng lên Chúa bài ca: “Chúa là gia nghiệp đời con”, lúc đó xem ra như không còn gì có thể phân lìa ta ra khỏi tình yêu của Chúa.

Thế nhưng, tại sao với thời gian, tình yêu đó của ta đối với Chúa lại bị nhạt dần, bị phai mờ đi, vì những thử thách chăng, vì những bám víu, vì những mưu toan lo cho bản thân, mà chối bỏ Chúa, chối bỏ không dấn thân hết mình để sống sứ điệp của Chúa ?

Đoạn Tinh Mừng của thánh Luca đã nhắc chúng ta nhớ lại một số điều kiện căn bản để sống theo Chúa:

“Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, bất cứ nơi nào Thầy đi”.

Đây là một phản ứng nồng nhiệt, tình cảm, nhưng Chúa Giêsu cảnh tỉnh ta về một cuộc sống theo Chúa, là không có sự an toàn, êm ả, trong một căn nhà êm ấm đâu, mà phải chịu thiệt thòi, phải chấp nhận hy sinh, phải chấp nhận từ bỏ, kể cả những gì con người tự nhiên có quyền hưởng lấy cho mình.

Chúa muốn chúng ta phải có một thái độ dứt khoát theo Ngài, hoàn toàn tin tưởng vào Ngài và chỉ vì Ngài mà thôi. Và Chúa sẽ bù lại gấp trăm, nhưng theo cách thức, mà Chúa muốn, theo ý Chúa an bài, chứ không phải là theo ý muốn riêng của chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho con được dứt khoát theo Chúa cho đến cùng.

Xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con.

Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn, và tới mức độ Chúa muốn. Amen.

--------------------------------

 

Bài 12: Chuyện con khỉ và nắm đậu phộng

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 503)

Bạn thân mến,

Trong kho tàng chuyện ngụ ngôn, có một câu chuyện khá dí dỏm như sau:
 
Có một con khỉ, cầm trong 2 tay, mỗi tay 1 nắm đậu phộng khô. Bỗng một trái đậu bị bung ra, 1 hột bị rơi xuống đất. Nó tính lượm hột đậu đó lên, nhưng không ngờ, vừa hé mở 1 ngón tay ra, thì lại rơi thêm 20 hột nữa. Nó định lượm 20 hột đậu đó lên, nhưng ai ngờ vừa hé mở thêm ngón tay nữa, thì cả nắm đậu trong tay bị bung ra hết. Con khỉ hoảng hốt, nhưng vì hoảng hốt, nên nó làm bung hết nắm đậu ở trong tay bên kia nữa. Nó vội vàng dùng cả 2 tay, lẫn 2 chân nữa để đùa, để cào, để gom, để vét các hột đậu lại, nhưng càng khều, càng gom, thì các hột đậu lại càng bị bung ra xa hơn. Cuối cùng cả hai nắm đậu văng vải ra khắp nơi trên mặt đất, mà không cách nào có thể  thu gom các hột đậu lại được nữa.

*****

Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải có những chọn lựa. Và sự chọn lựa nào thì cũng đều phải chấp nhận một số thiệt thòi, mất mát một cách nào đó. Ông bà chúng ta thường nói: Kẻ bắt cá hai tay, vẫn luôn là người thua thiệt nhiều nhất. Con khỉ chỉ vì tiếc một hạt đậu, mà đành phải mất cả hai nắm đậu trên tay.

Câu chuyện Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 9, 51-62: Nhiều người xin theo làm môn đệ Chúa) đã cho ta thấy:

- Người thứ nhất xin đi theo Chúa đến bất cứ nơi đâu, nhưng Chúa bắt anh ta phải chọn lựa một trong hai: hoặc là được an toàn ổn định dưới một mái nhà, có chăn êm, nệm ấm; hoặc là phải chấp nhận bấp bênh, phiêu bạt, nay đây mai đó, không có một mái nhà ổn định, khi theo Ngài: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.

- Người thứ hai xin đi theo Chúa, nhưng với điều kiện cho anh về chôn cất thân sinh trước đã. Chúa trả lời: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Nước Thiên Chúa”. Thế là anh phải đứng trước một chọn lựa giữa người thân và việc loan báo Tin Mừng.

- Người thứ ba xin đi theo Chúa, nhưng xin phép về từ biệt gia đình. Chúa đòi anh phải chọn lựa dứt khoát: “Ai đã tra tay cầm cày, mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”.

Thực ra, Chúa Giêsu rất coi trọng việc hiếu kính cha mẹ.

Người phán: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”. Nhưng Người cũng dạy chúng ta phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, nghĩa là Người muốn chúng ta chọn lựa, đâu là ưu tiên số một, đâu là ưu tiên thứ yếu.

Đối với người tín hữu Kitô, ưu tiên số một chính là việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nó quan trọng hơn cả cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình nữa.

Nếu cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, thì chính những chọn lựa ấy sẽ dệt nên cuộc đời riêng của mỗi người chúng ta.

Nếu cuộc đời người tín hữu Kitô là một chọn lựa dứt khoát cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì đó chính là một chuỗi những lời đáp trả tiếng Chúa vang lên từng phút, giây trong cuộc sống.

*****

Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày, chúng ta bỗng giật mình, vì chúng ta thấy: thường ngày chúng ta hay chọn mình, chọn những ý riêng mình, chọn những sở thích của mình, chọn sự tự do cho mình, chọn hạnh phúc của mình, chọn gia đình của mình… Chứ ít khi chúng ta chọn những gì mà không dính dáng đến lợi ích của ta, hay đến lợi ích của bản thân ta.

Nhưng Chúa Giêsu lại dạy: “Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho sau”.

Lạy Chúa, theo Chúa thì lúc nào con cũng muốn. Nhưng xin Chúa ban cho con ơn khôn ngoan và ơn can đảm, để con có thể lựa chọn và thực hiện một cách trọn vẹn những gì Chúa muốn thực hiện nơi con. Amen.

-------------------------------

 

Bài 13: Chuyện bác sĩ Viktor Frankl trong trại tập trung Đức Quốc Xã

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 504)

Bạn thân mến,

Viktor Frankl bị giam cầm 3 năm trong những trại tập trung Auschwitz và Dachau của Đức Quốc Xã. Ông kể lại câu chuyện sau:

Ông là một bác sĩ, nên được giao cho trách nhiệm chăm sóc các tù nhân bị bệnh. Gần cuối cuộc chiến, ông và một bạn tù nữa, đã tìm được một cách để vượt ngục. Thế nhưng, trước khi trốn đi, thì ông quyết đi một vòng thăm các bệnh nhân lần cuối. Bỗng một bệnh nhân sắp chết hỏi: “Có phải ông sắp trốn trại không ?”

Ông Frankl chối.

Nhưng câu hỏi ấy cứ ám ảnh ông mãi, khiến ông có mặc cảm tội lỗi, là ông đào nhiệm. Ông thấy mình có lỗi với các bệnh nhân.

Cuối cùng ông bảo người bạn kia, hãy trốn đi một mình đi, còn ông thì quyết định ở lại với các bệnh nhân.

Từ lúc đó, ông thấy lòng mình rất thanh thản, nhẹ nhàng. Dù biết rằng, tiếp tục ở lại trong trại tập trung, thì ông sẽ gặp rất nhiều khổ sở, nhiều khó khăn,và có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Nhưng ông chấp nhận và cảm thấy rất bình an trong lòng, về sự lựa chọn này.

*****

Đọc bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 9, 51-62), chúng ta thấy đoạn này bắt đầu bằng câu: “Chúa Giêsu cương quyết lên Giêrusalem”.

Ngài biết rất rõ: có rất nhiều gian khổ đang chờ đón Ngài ở Giêrusalem, như bị từ chối, bị phản bội và bị giết chết một cách nhục nhã đau thương. Nhưng sứ mạng Chúa Cha giao cho Ngài ở Giêrusalem thì Ngài phải hoàn thành, không thể quay lui lại được.

Đáp lại với một người muốn đi theo làm môn đệ, Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ai đã tra tay cầm cày, mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Đã dấn thân theo một lý tưởng, thì phải kiên trì theo cho đến cùng.

Điều này ban đầu thì dễ. Nhưng với tháng năm trôi dần, khó khăn chồng chất tăng thêm, thì sự kiên trì đã trở nên rất khó. Và khi ấy, ta lại dễ bị cám dỗ “ngoái lại đàng sau”.

Lời Chúa Giêsu nói với người muốn theo làm môn đệ Ngài ở đoạn Tin Mừng này, cũng là nói với mỗi người chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta theo Ngài, không phải chỉ theo trong một thời gian nào đó, mà phải kiên quyết theo Ngài cho đến cùng, theo suốt cả cuộc đời của mình, dù khó khăn, hay cực khổ thế nào, thì đừng bao giờ quên là phải kiên trì với quyết tâm đó.

Lạy Chúa, xin nâng đỡ sự yếu đuối của con, để con luôn biết kiên trì bước theo Chúa, cho đến hơi thở cuối cùng, không bao giờ “ngoái lại đàng sau”. Amen.

----------------------------------

 

Bài 14: Một cảm nghiệm khi đến với Chúa

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 505)

Bạn thân mến,

Cha S. Hodden thấy một viên đại úy đến xin học đạo. Khi ngài hỏi lý do, thì được ông trả lời như sau:

“Trong đại đội của con, có anh một binh nhì là Kitô hữu. Đêm nọ, anh ta đi gác về, mình mẩy ướt nhẹp, nhưng trước khi ngủ, anh ta còn quỳ gối đọc kinh. Trông thấy ngứa mắt, con đã đá cho anh ta một cú vào đầu, và anh ta đã ngã lăn ra. Bởi từ lâu, do thành kiến, con đã không có cảm tình với đạo. Nhưng sau đó, anh lại ngồi dậy, anh vẫn điềm nhiên, không nói gì và lại tiếp tục cầu nguyện.

Sáng hôm sau, con thấy đôi giày mà con đá anh ta tối hôm qua, lại được đánh thật bóng láng và xếp ngay ngắn gọn gàng bên giường ngủ của con. Điều đó làm con sững sờ, có nhiều suy nghĩ thật miêng mang, và con cũng cảm thấy hổ thẹn. Cuối cùng, con đã quyết tâm học đạo”.

*****

Câu chuyện thánh Philipphê được thánh Gioan kể lại (x. Ga 1,43-44) thì ai trong chúng ta cũng đã biết:

Thánh Philipphê, cùng quê quán với hai anh em Phêrô và Anrê, ở làng chài Bét-sai-đa, bên bờ biển Ti-bê-ri-át. Ông là một trong những vị tông đồ đầu tiên được gọi theo Chúa, như Tin Mừng Gioan đã ghi nhận ngay ở chương đầu.

Philipphê đi gặp Na-tha-na-en, cũng thường gọi Ba-tô-lô-mê-ô, để giới thiệu cho  ông về thầy của mình, đó là Đức Giêsu:

“Chúng tôi đã gặp thấy Con Người, mà luật Môisê và các tiên tri đã nói đến: Đó chính là Đức Giêsu, con ông Giuse, làng Na-da-rét”.

Bet-sai-đa, Ca-na, Na-da-rét, thực tế lúc bấy giờ cũng chỉ là những thị trấn rất nhỏ, rất tầm thường, ở vùng quê.

Trong Cựu ước không hề thấy có một vị ngôn sứ nào được nhắc đến từ Nadarét. Vì thế, Na-tha-na-en, người Ca-na, mới nghi ngờ thân thế của Thầy Giêsu:

“Từ Na-da-rét làm sao có cái gì hay được”.

Philipphê không cần mất thời giờ để tranh luận, nhưng thuyết phục bạn mình, hãy đến gặp Đức Giêsu, để chính Na-tha-na-en tự mình khám phá ra Ngài:

“Hãy đến mà xem”.

Chỉ kinh nghiệm gặp và sống với Chúa Giêsu, thì mới có thể giúp Na-tha-na-en vượt qua được những giới hạn trần tục, che kín mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể.

“Hãy đến mà xem”, cũng chính là câu trả lời của Chúa Giêsu, khi hai ông An-drê và Gio-an, những môn đệ của ông Gioan Tẩy giả hỏi Ngài:

“Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”

Chúa trả lời:

“Hãy đến mà xem... đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người…” (Ga 1,35-42).

Vừa gặp Chúa Giêsu, Ngài đã nhận định về ông, như một người Israel đích thực:

“Lòng dạ không có gì gian dối”.

Ông đã kinh ngạc trước nhận xét của Đức Giêsu, Đấng thấu suốt lòng dạ con người.

Đức Giêsu biết rõ Na-tha-na-en đang khao khát, muốn hiểu biết về Thiên Chúa, đang muốn gặp Thiên Chúa.

Người nói:

“Trước khi Philipphê gặp anh, Tôi đã thấy anh dưới cây vả”.

Na-tha-na-en đã đến và đã nghe lời Chúa Cứu Thế, và ông đã hết sức cảm phục (x. Ga 1,43-51).

*****

Từ đời đời, Thiên Chúa đã biết ta, trong mọi bí ẩn của tâm hồn. Chúa đã dò thấu ta cách  tường tận. Không có gì kín nhiệm, mà Thiên Chúa không thông suốt. Chúa biết rõ tất cả  mọi sự nơi ta.

Qua cuộc gặp gỡ, Chúa đã biến đổi Na-tha-na-en, và đã gắn bó với ông trong tình Thầy trò thật keo sơn, thật bền vững.

Cũng thế, người đến gặp gỡ Thiên Chúa cũng sẽ được trở nên thân thiết với Ngài, sẽ biết Ngài một cách thâm sâu hơn, và  sẽ “kiểm nghiệm được bằng mắt thấy tai nghe, bằng con người xương thịt, và cái thực tại lịch sử sẽ làm nền tảng cho đức tin”.

Lạy Chúa, hôm nay con vẫn còn nghe tiếng Chúa mời gọi con đến với bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Xin cho con biết cung kính lắng nghe Lời Chúa và sốt sắng lãnh nhận bánh Thánh Thể, với lòng tin yêu chân thành, thực sự, để con có thể thành môn đệ đích thực của Chúa, và con cũng sẽ là một cộng tác viên tích cực trong việc truyền giáo. Xin Chúa giúp con. Amen

------------------------

 

Bài 15: Chuyện một thiền sư tại Nhật Bản

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 506)

Bạn thân mến,

Trong một cuốn sách nói về tu thiền tại Nhật, có thuật lại câu truyện như sau:

“Một sư phụ dạy thiền có rất nhiều đồ đệ. Một lần kia, trong một cuộc tụ tập để an cư, nhập định, có một anh đệ tử bị bắt quả tang về tội ăn cắp. Việc này được trình lên cho sư phụ, với lời yêu cầu trục xuất tên tội phạm. Nhưng vị sư phụ lờ đi, làm như không có chuyện gì xảy ra. Mấy hôm sau, người đệ tử kia lại bị bắt tại trận đang khi giở trò chôm chỉa đồ vật của người khác. Vụ việc lại được trình lên, nhưng dường như sư phụ cũng chẳng bận tâm. Điều nầy làm cho các đệ tử nổi nóng. Họ họp nhau lại, cùng nhau soạn ra một tờ kiến nghị, trình bày hành động xấu của tên ăn cắp, và tuyên bố rằng: nếu sư phụ không xử tội hắn, thì cả bọn họ sẽ rời bỏ thầy, và ra đi theo thầy khác.

Đọc qua tờ kiến nghị, vị sư phụ cho gọi tất cả mọi người đến và nói:

“Các anh là những người khôn ngoan. Các anh biết việc nào nên làm và việc nào không nên làm. Các anh có thể đi học với bất cứ vị thầy nào các anh muốn. Còn người anh em đáng thương này, anh ta u mê, lầm lạc và thiếu can đảm để tránh xa điều xấu. Nếu tôi không dạy, thì ai sẽ là người dạy anh ta đây? Nếu tôi từ chối, thì ai sẽ là người đón nhận anh ấy? Thế cho nên, tôi sẽ giữ người anh em này lại, cho dù tất cá các anh có thể bỏ đi hết.”

Một dòng nước mắt tuôn xuống trên khuôn mặt của người đệ tử ăn cắp. Tất cả lòng tham muốn của cải nơi anh ta, tự dưng biết mất khỏi anh ta.

Nhờ cảm nhận được tấm lòng xót thương, mà dòng nước mắt thống hối đã tuôn trào.

Thế ra, tiến trình hoán đổi con người, không nhất thiết là cứ phải kết án, là khước từ, là trục xuất, hay loại trừ.

Sức mạnh có khả năng tái sinh và thăng tiến tâm hồn nhất, chính là sức mạnh của tình thương. Chỉ có tình thương, với lòng quảng đại bao dung, cùng với sự cảm thông nhân ái, mới có thể tái tạo, tái sinh và phục hồi những nét đẹp cao quí của tâm hồn con người.

*****

Thánh Phaolô nói:

“Tình thương thì hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cây, hết lòng kiên nhẫn” (1 Cor 13:7).

Đây chính là giáo lý của Đức Kitô. Yêu thương là “thứ lửa” Ngài mang xuống từ trời cao, để đốt lên trong tâm hồn mọi người dương thế, chứ không phải thứ lửa của hận thù, trả đũa, phục thù.

Giáo lý thương yêu này được nói nhiều trong Tân Ước, từ dụ ngôn Tình Cha (Lc 15) cho đến Hiến Chương Nước Trời (Mt 5), từ Bài Ca Đức Mến của thánh Phaolô, cho đến lời khuyên muôn thuở của Thánh Gioan. Nhưng nổi bật nhấn vẫn là câu truyện xảy ra nơi một thành dân ngoại Samari (Lc 9, 51-62).

Số là khi biết gần đến ngày rời khỏi thế gian, Đức Giêsu đã quyết định lên đường đi Giêrusalem.

Con đường thẳng từ Galilê đến Giuđêa, phải băng ngang qua thành Samari, nơi những người Do Thái tạp chủng cư ngụ.

Mối bất hoà giữa người Samari và dân Do Thái đã kéo dài từ bao thế kỷ, không chỉ vì lý do đồng chủng và tạp chủng, nhưng còn vì quan niệm về nơi thờ phượng: một bên thì bảo chỉ có đền thờ Giêrusalem mới là nơi phượng thờ chính đáng, còn bên kia lại cho rằng trên núi Samari mới là nơi thờ phượng chân thật. Không có ai chịu thua ai.

Rốt cuộc, người Samari đã tìm mọi cách, kể cả dùng bạo lực, để ngăn cản những người đi hành hương lên Giêruselem, là lại đi ngang qua lãnh thổ của họ.

Thế nên, chẳng lại gì, khi dân thành Samari “không đón tiếp Đức Giêsu, vì Ngài đi hành hương lên Giêrusalem” (Lc 9:53).

Nhưng điều hơi lạ ở đây, là hai môn đệ thân cận của Chúa Giêsu là Giacôbê và Gioan lại nổi nóng, khi gặp phải thái độ “vô lễ, xúc pạm” của dân Samari đối với Thầy của mình, cho nên các ngài đã xin Chúa cho phép khiến lửa từ trời xuống tiên diệt cả thành.

Chắc hẳn là hai ông đã tức giận vì muốn bênh vực Chúa. Có lẽ họ nhớ lại hình ảnh xưa kia của ngôn sứ Êlia, đã từng giết sạch hàng trăm các ngôn sứ giả, Đấng mà các ông vừa gặp lại trong cuộc biến hình trên núi Tabor ít ngày trước đó. Các ông muốn bắt chước ngôn sứ Êlia xưa kia, nên mới dám xin Chúa cho lửa từ trời xuống thiêu sạch những kẻ thù nghịch này.

Nhưng Đức Giêsu đã quở trách các ông:

“Không biết thần khí nào đã xúi giục các ngươi? Vì Con Người đến không phải để hủy diệt, nhưng là để cứu sống” (Lc 9:55-56).

Chúa Giêsu không đến để kết án, để sát phạt, hay để loại bỏ, nhưng là đến để tha thứ, để chữa lành và để giải thoát.

****

Thái độ của Giacôbê và Gioan có lẽ cũng là thái độ của một số Kitô hữu chúng ta, có khi vì “quá sốt sắng, qua nhiệt thành với việc đạo”, mà sẵn sàng bất khoan dung với những kẻ chống đối hay có lập trường trái nghịch. Họ muốn dùng biện pháp mạnh, thậm chí muốn dùng cả bạo lực, để giải quyết những rào cản bước chân.

Nhưng đó không phải là thái độ của Tin mừng.

Thái độ của Tin mừng chính là thái độ cao thượng của Đức Giêsu đối với dân thành Samari, là nhân hậu, là khoan dung.

Ta nên nhớ, đường lên Giêrusalem của Chúa Giêsu là đường tiến đến đỉnh cao của yêu thương cứu độ.

Nhưng yêu là khổ, và cứu độ tất phải bỏ mình.

Từ bỏ mình cách dứt khoát và cách quyết liệt, là điều kiện tất yếu dành cho những ai muốn trở nên đồ đệ chân chính của Đức Kitô. Chấp nhận số phận bị khước từ, đến nỗi không có nơi gối đầu, để hết lòng lo cho Nước Trời, đến nỗi chấp nhận hy sinh những liên hệ tình cảm gia đình, và can đảm từ bỏ mọi sự, để tiến vào con đường thánh giá, con đường mà Thầy Giêsu đã đi, để mang lại ơn tha thứ và ơn giải thoát cho mọi người.

Ngày xưa, khi được ngôn sứ Êlia kêu gọi, thì ông Êlisê đang lúc cày ruộng. Và để đáp lại lời kêu gọi cách dứt khoát, thì ông Êlisê đã lấy những chiếc cày của mình, để đốt thành lửa, thui các con bò, làm bữa tiệc lên đường.

Hành động tiêu hủy tất cả những phương tiện để làm ăn sinh sống, là chứng tỏ một thái độ từ bỏ dứt khoát, quyết không vướng bận điều gì nữa, để từ nay được tự do  hoàn toàn, mà đem toàn tâm, toàn lực, phục vụ cho lý tưởng. Đây phải là mẫu gương cho chúng ta, những môn đệ của Chúa, khi bước theo Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con tích cực sống ơn gọi làm con Chúa và ơn gọi làm tông đồ Chúa, để Danh Chúa luôn được cả sáng, và để Nước Chúa được lan rộng khắp nơi. Amen.

-------------------------------------

 

Bài 16: Chuyện về một người bạn của thánh Tôma More

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 507)

Bạn thân mến,

Thánh Tôma More có người bạn giàu có, sang trọng, nhưng đạo đức thì lơ là. Có lần Ngài đã khuyên ông ta ăn năn trở về với Chúa. Nhưng ông cứ nói: “Khi sắp chết, tôi sẽ nói: “Lạy Chúa, xin tha cho con và tôi sẽ được tha thứ”.

Ngày kia, khi hai người đang cưỡi hai con ngựa đi ngang qua cầu Luân Đôn, thánh Tôma More thấy con ngựa của ông bạn hất ông ta vào thành cầu, làm cho đầu ông bị dập, lúc đó, thánh Tôma More nghe ông bạn thốt ra lời: “Đồ quỷ!”, và rồi ông ta đã chết tươi ngay.

Cái chết thường xảy đến với chúng ta rất thình lình. Ta sẽ không kịp sửa soạn gì đâu. Và nếu ai đã được sửa soạn, thì đó là một ơn Chúa ban rất quý báu.

*****

Ngày của Thiên Chúa đến xét xử chúng ta rất ư là bất ngờ. Cho nên, để được cứu độ, chúng ta cần phải sống trong tinh thần chờ đợi và chuẩn bị thật sẵn sàng, như Ngài dạy:

“Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến” (Mt 24:42).

Ngày Thiên Chúa trở lại bất ngờ như kẻ trộm “viếng thăm”, vì thế hãy tỉnh thức như Chúa Giêsu nhấn mạnh:

“Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến” (Mt 24:44).

Tỉnh thức, là dấn thân như Chúa Giêsu gợi ý để chu toàn bổn phận như người quản gia được giao trách nhiệm phân phát lương thực cho các gia nhân (x. Mt 24:45-51; Lc 12,42-46).

Nếu chủ về mà gặp thấy anh vẫn thức tỉnh và đang siêng năng làm công việc được giao phó thì sẽ được chủ cất nhắc.

Ngược lại, nếu anh mê ngủ, hay anh lạm dụng quyền hành và đang chè chén say sưa (x. Mt 24:49), hay đang bỏ bê trách nhiệm thì sẽ bị luận phạt.

Ngày Thiên Chúa đến để phán xét, những việc làm của con người trên trần gian như thánh Phaolô khẳng định “đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13,12).

Tỉnh thức để được “Đấng sẽ đến” bảo vệ và dẫn dắt trên đường chờ đợi, như thánh Grégoire le Grand nói về một ngôi vị đồng hành và thức tỉnh với những người thức tỉnh:

- “Đấng ấy thức để trông nom ai đang mang con mắt luôn hướng về sự đến của ánh sáng thật;

- Đấng ấy thức tỉnh người trong những công trình của đời mình luôn được gợi hứng với đức tin;

- Đấng ấy thức tỉnh và để ý cho người không ngừng xa lánh những bóng đêm của u mê, và của sự hờ hững (Homélie XIII sur les péricopes évangélique, 3).

Thức tỉnh như lời kêu gọi tỉnh thức của Phaolô:

“Hãy từ bỏ công việc của đêm tối và mặc lấy mã giáp của sự sáng” (Rm 13,12).

Thánh Grégoire le Grand đã gợi ý cho chúng ta thức tỉnh, bằng mọi công trình lớn nhỏ trong đời được xây dựng trên nền tảng đức tin. Vì thế tôi luôn sống trách nhiệm với tất cả những gì tôi có, những gì tôi là, tôi làm trong hôm nay và cả ngày mai: Ngày nào cũng là ngày trông đợi của tôi, ngày nào cũng là ngày sẵn sàng, để dù Chúa đến bất ngờ như kẻ trộm, thì Chúa vẫn thấy tâm hồn tôi thức tỉnh.

Lạy Chúa, xin hãy luôn nhắc nhở con, để con luôn hoàn thành những gì Chúa đã trao phó cho con, như một người quản lý trung tín, để ngày Chúa đến thăm, Chúa sẽ hài lòng về con. Amen.

-------------------------

 

Bài 17: Chuyện bảo vệ manh áo của nhà sư

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 508)

Ban thân mến,

Chuyện nhà Phật có kể một câu chuyện như sau:

Có một tu sĩ theo thầy học đạo đã lâu năm. Thấy anh đã tiến bộ nhiều, nên Thầy cho anh sống tự lập.

Thế là anh tìm cách và đã dựng được một túp lều bé nhỏ, đơn sơ, ở giữa cánh đồng.

Ngày ngày ngoài thời gian khất thực, anh chuyên tâm đọc kinh cầu nguyện.

Với tinh thần khổ tu, anh chỉ có duy nhất một manh áo. Cứ chiều tối, anh giặt áo, phơi khô, để sáng hôm sau có áo mặc đi khất thực.

Cạnh lều anh ở, lại có một con chuột, đêm nọ nó bò ra cắn chiếc áo anh phơi. Buổi sáng hôm đó, anh phải thật vất vả mới có thể tìm được một cây kim để vá áo.

Nhưng buổi tối, chuột lại bò ra cắn tiếp. Sau nhiều lần vá, anh sợ manh áo sẽ nát, nên anh quyết định nuôi một con mèo.

Con mèo ăn khoẻ, nên thức ăn anh xin được không đủ. Anh phải cấy lúa để có thêm thức ăn nuôi mèo. Vì cấy lúa, anh phải nuôi bò để cày ruộng.

Bận rộn với việc đồng áng, anh không còn giờ để đọc kinh cầu nguyện nữa.

Một thiếu nữ trong làng thấy thế, đã xin tình nguyện giúp. Anh vui vẻ nhận lời.

Vì có thêm người, nên anh phải lo làm nhà cửa cho khang trang.

Chẳng bao lâu sau, anh trở thành chủ gia đình, có vợ, có con, có nhà cao cửa rộng, có ruộng đất, có đàn bò.

Ít lâu sau, Thầy của anh trở lại, nhìn nhà cửa, ruộng nương, trâu bò, Thầy quá ngạc nhiên hỏi anh: “Tất cả những thứ này, tại sao thế?”

Anh trả lời: “Tất cả chỉ vì con muốn giữ cho manh áo khỏi bị chuột cắn”.

*****

Câu chuyện trên cho thấy con người muốn vươn lên thật khó:

- Có nhiều thứ vướng mắc ngăn cản bước chân.
- Vướng mắc kéo theo ràng buộc.
- Những vướng mắc ràng buộc đan nhau, thành một tấm lưới khổng lồ vây bọc con người. Muốn tự do bay lên, phải có can đảm phá tung những mắt lưới trói buộc.

Tiên tri Êlisa là người biết phá vỡ những trói buộc đó.

Ông là một nhà nông. Khi Tiên tri Êlia đến tìm, ông đang cày ruộng với 12 cặp bò. Có 12 đôi bò tức là khá giàu có. Thế mà, khi nghe Thầy Êlia kêu gọi, Êlisa đã chẻ cày làm củi, giết bò làm lễ vật, thiêu đốt tất cả để dâng tiến Chúa, rồi lên đường đi theo Thầy (1 Các Vua 19,16b.19-21).

Làm nghề nông thì tài sản là ruộng đất, trâu bò, cày cuốc. Đốt cày cuốc, giết trâu bò có nghĩa là từ bỏ tài sản của mình. Đốt cày cuốc, giết trâu bò cũng có nghĩa là đoạn tuyệt với nghề nghiệp cũ để theo đuổi nghề nghiệp mới. Đốt cày cuốc, giết trâu bò cũng có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ để phóng mình vào tương lai. Đó là một lựa chọn dứt khoát. Ra đi không vướng bận, vì chẳng còn gì để gắn bó, để ràng buộc. Ra đi quyết không trở lại, vì đã đốt cày, giết bò rồi, thì đâu còn chỗ trở về nữa.

Thái độ của tiên tri Êlisa là thái độ, mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 9, 51-62).

Chúa Giêsu mời gọi ta bước theo Người.

Để theo Người, ta phải dứt khoát quyết liệt. Không khoan nhượng. Không lưỡng lự dùng dằng.

Sở dĩ Chúa đòi chúng ta phải dứt khoát, là vì Chúa biết xác thịt chúng ta yếu đuối. Tinh thần muốn vươn cao, nhưng xác thịt cứ muốn kéo ghì chúng ta xuống.

Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy sống theo Thần Khí, chứ đừng theo xác thịt.

Hơn nữa, ma quỷ rất tinh khôn, nó cám dỗ ta từng bước, đưa ra những lý do rất hợp tình, rất hợp lý, để khiến ta nhượng bộ.

Nhượng bộ xác thịt một lần rồi sẽ dẫn đến những nhượng bộ khác.

Những nhượng bộ đó sẽ kéo ta dần dần xa Chúa. Đến khi tỉnh lại thì đã muộn rồi. Như câu chuyện người đệ tử muốn giữ manh áo rách, mà ta đã nói ở trên.

Lạy Chúa, xin ban cho con được có thái độ dứt khoát trên đường theo Chúa, quyết đã cầm cày rồi thì không quay lại sau lưng. Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.

----------------------------------

 

Bài 18: Niềm an ủi của ta trong mọi cơn gian nan khốn khó

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 509)

Bạn thân mến,

Có một chuyện kể về một người đạo đức thật cảm động như  sau:

Trong một cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ còn một phương thế duy nhất có thể hy vọng cứu sống bà, đó là tiến hành cuộc giải phẫu.

Người đàn bà chấp nhận cuộc giải phẫu, và bà yêu cầu cho con trai bà được chứng kiến giờ phút đau khổ của bà.

Vào thời buổi, mà thuốc gây tê, gây mê chưa có, thì bệnh nhân, khi chấp nhận lên bàn mổ, thì thường phải trải qua những cơn đau đớn thật khủng khiếp.

Mặc dù đau đớn vô cùng, nhưng người đàn bà vẫn cứ cắn răng chịu đựng.

Nhưng đến cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim, người đàn bà rùng mình kêu lên: "Lạy Chúa tôi".

Chứng kiến cảnh đau đớn của người mẹ, người con trai không làm chủ được những cảm xúc, nên anh đã buột miệng thốt lên những lời phàn nàn, xúc phạm đến Chúa.

Lúc bấy giờ người mẹ liền nghiêm nghị bảo con:

"Con ơi, con hãy im đi, con đã làm mẹ đau đớn hơn các bác sĩ này nhiều. Con đã làm sỉ nhục Ðấng đã ban sức mạnh và an ủi mẹ".

Nói xong, bà ta mở bàn tay ra, và giơ cho mọi người xem một tượng chuộc tội nhỏ, mà bà đã nắm chặt trong tay suốt giờ mổ. Và đó chính là thứ thuốc gây tê, gây mê, đã xoa dịu cơn đau đớn của bà trong suốt thời gian qua.

Sau mấy tháng quằn quại trong đớn đau, người đàn bà đã yên nghỉ trong Chúa.

Nhưng trước khi lìa đời, bà đã trao lại cho cậu con trai tượng ảnh chuộc tội đó và căn dặn:

"Con hãy giữ lấy tượng chuộc tội này. Ðây sẽ là niềm an ủi của con trong suốt cuộc đời".

*****

Mừng lễ kính 7 sự thương khó của Ðức Mẹ (Đức Mẹ Ðau Khổ, Đức Mẹ Sầu Bi 15/09), chúng ta hãy suy nghĩ đôi chút về cuộc đời của Đức Mẹ.

Suốt cuộc đời trần thế, Mẹ Maria quả thực là một người đàn bà đau khổ.

Nhưng cũng giống như người đàn bà can đảm trong câu chuyện trên đây, Mẹ luôn có Chúa bên cạnh.

Còn nỗi đớn đau nào bằng, khi Đức Mẹ ôm lấy xác Chúa, được tháo gỡ ra từ thập giá?

Nhưng đó cũng là bí quyết của Mẹ. Mẹ luôn có Chúa trong lòng, từ lúc cất giữ mọi sự trong lòng, cho đến lúc ôm lấy xác Chúa lúc này: từng phút, từng giây của cuộc sống, Mẹ luôn đau khổ, nhưng Mẹ lại luôn có Chúa trong lòng. Sự hiện diện của Chúa trong lòng đã giúp Mẹ đi hết cuộc hành trình Ðức Tin.

Là mẫu mực trong cuộc hành trình Ðức Tin, Mẹ cũng muốn trao gởi Ðấng Cứu Thế cho mỗi người chúng ta. Hãy mang lấy Ðức Kitô chịu đóng đinh trong mình, chúng ta sẽ cảm thấy được sự nâng đỡ rất nhiều, trong muôn nghìn thử thách đớn đau trong cuộc sống.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đảm bảo cho chúng con điều đó. Chúng con quyết luôn kết hiệp với thập giá của Ðức Kitô.

Trong mọi đau khổ, con cố gắng ngước nhìn lên thánh giá Chúa và cầu nguyện, như thánh Phaolô đã dạy: "Tôi chỉ biết có mỗi Ðức Kitô chịu đóng đinh" (1Cr 2,2).

Lạy Mẹ Maria, xin giúp, con. Amen.

--------------------------------

 

Bài 19: Chuyện Eric Liddell vận động viên nổi tiếng người Anh

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 510)

Bạn thân mến,

Vào năm 1924, ở nước Anh, Eric Liddell là vận động viên chạy nhanh nhất trong  môn chạy 100 mét. Mọi người đều hy vọng anh sẽ đoạt được huy chương vàng vào đại hội Olympic tổ chức tại Paris cùng năm đó.

Nhưng đùng một cái, xảy ra một chuyện làm mọi người đều ngỡ ngàng tức bực.

Số là lịch thi của đại hội Olympic sắp xếp môn thi chạy 100 mét vào đúng ngày Chủ nhật. Eric nghĩ rằng việc tuân thủ chặt chẽ ngày dành riêng để phụng sự Chúa không cho phép anh thi chạy vào ngày Chủ nhật. Vì thế anh đành từ chối thi môn này.

Vừa nghe tin Eric từ chối thi đấu môn chạy 100 mét, lập tức, khắp nơi, mọi người đều tìm cách gây sức ép trên anh.

Ngay cả hoàng tử xứ Wales cũng cố gắng thuyết phục anh vi phạm tiếng nói của lương tâm.

Đến khi thấy Eric vẫn cứ nhất mực không chịu đổi ý, báo chí Anh Quốc bèn gọi anh là tên phản bội.

Tuy nhiên, Eric vẫn khăng khăng không chịu làm ngược với xác tín của mình.

Thế rồi, Eric đến gặp các huấn luyện viên và đề nghị với họ, để cho một vận động viên trong nhóm thế chàng trong môn chạy 100 mét, và chàng sẽ thế chỗ cho vận động viên đó chạy 400 mét, dù rằng trước đó chàng chưa bao giờ chạy thi ở cự ly này.

Để rút ngắn câu chuyện, chúng ta biết rằng: không chỉ Eric đã đoạt huy chương vàng ở cự ly 400 mét, mà vận động viên chạy thay cho anh  cũng đoạt được huy chương vàng ở cự ly chạy 100 mét.

Vậy là, thay vì chỉ đoạt được một huy chương vàng, các vận động viên Anh Quốc lại đoạt được đến hai huy chương vàng về môn chạy.

Vài năm sau đại hội Olympics đó, Eric lại làm cho cả thế giới sửng sốt hơn, khi anh đến sống ở Trung Hoa, trong vai trò một vị thừa sai.

Về sau, người con gái đã từng yêu anh, cũng đi theo anh. Họ lấy nhau và sinh được ba đứa con kháu khỉnh.

Thế rồi, thế chiến thứ hai đã xảy ra.

Khi Nhật Bổn nhảy vào cuộc chiến, Eric liền gởi vợ con về Gia nã Đại.

Ít lâu sau, quân Nhật xâm lăng Trung Hoa, Eric bị bắt giam vào một trại tập trung của Nhật.

Tại đây, anh tiếp tục công việc mục vụ của mình ở giữa đám tù nhân.

Vài năm sau, Eric đã anh dũng chết tại trại tập trung này.

Sau khi anh qua đời, vợ anh liền thu gom mọi thứ thư từ mô tả hành vi anh hùng của chồng mình lúc còn ở trong trại. Bà đọc thấy có hai lá thư của hai người nọ kể rằng chỉ nhờ Eric mà họ đã không tự sát.

Năm 1980 có người đưa ý kiến dựng một cuốn phim về Eric và đại hội Olympic năm 1924.

Khi nghe thế, vợ của Eric, lúc bấy giờ đang sống tại Toronto lên tiếng có vẻ khá tiêu cực:

“Ai mà còn để ý tới một biến cố xảy ra cách đây đã lâu như thế, về một anh chàng không chịu thi chạy thi vào ngày Chúa nhật, chỉ vì khư khư tuân thủ niềm xác tín Kitô hữu của mình?”.

Và khi cuốn phim ra mắt khán giả, thì có đến hàng triệu khán giả đã chăm chú theo dõi. Cuốn phim mang tựa đề Chariots of Fire (chuyến xe chở lửa) đó, không chỉ phá kỷ lục về bán vé, mà còn đoạt được giải Hàn Lâm năm 1982 nữa.

Câu chuyện về Eric Liddell đã góp phần làm sáng tỏ thái độ dứt khoát, mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ của Ngài, trong Tin Mừng theo thánh Luca:

“Kẻ nào tra tay vào cày rồi mà còn ngoái cổ lại đằng sau thì chẳng xứng đáng với nước Chúa” (Lc 9, 51-62).

Eric Liddell đã không bao giờ ngoái cổ lại đằng sau. Một khi đã quyết định theo Chúa Giêsu là anh cứ nhắm thẳng đằng trước mà bước tới, chứ không hề ngó lại phía sau nữa, dù phải đối diện với áp lực khủng khiếp của quần chúng, dù bị gọi là tên phản bội tổ quốc của mình.

- Bí quyết nào đã giúp Eric đủ can đảm, để không bao giờ nhìn lại phía sau?
- Bí quyết nào đã giúp anh trung thành với Chúa Giêsu, dù phải chịu đương đầu với thử thách nặng nề?

Bí quyết ấy nằm trong lời mô tả sau đây của vợ Eric, khi bà trả lời phỏng vấn của tờ báo Toronto Star (Ngôi sao Toronto):

“Ngày nào anh ấy cũng dành thời giờ đầu tiên trong ngày, thường là rất sớm, để đọc một đoạn Kinh Thánh, rồi cầu nguyện và sắp đặt công việc trong ngày”.

Đó chính là bí quyết giúp Eric có được can đảm, giúp cho anh trung thành với Chúa Giêsu.

Anh là mẫu người luôn biết cầu nguyện. Anh có khả năng tra tay vào cày, mà không bao giờ ngoái cổ lại, vì mỗi sáng anh đều gặp Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện.

*****

Cũng trong năm 1982, khi cuốn phim Chariots of Fire đoạt giải thưởng Hàn Lâm, thì đồng thời trên tập san Reader’s Digest xuất hịên một bài báo viết về một nữ nhân viên điều hành quảng cáo, là người công giáo, rất thành công trong nghề nghiệp, nhưng lại cảm thấy cuộc đời thật trống rỗng.

Một buổi sáng nọ, trong buổi ăn sáng chung với anh bạn cố vấn tiếp thị, chị tâm sự với anh về nỗi trống rỗng của mình.

Anh bạn đồng nghiệp liền nói: “Chị có muốn lấp đầy nỗi trống trải đó không?”

Chị trả lời: “Dĩ nhiên là có”

Anh ta nhìn thẳng vào chị và trả lời: “Vậy chị hãy bắt đầu mỗi ngày bằng một giờ cầu nguyện”.

Lập tức chị nhìn anh ta rồi đáp: “Anh không đùa tôi đấy chứ ! Tôi mà làm nổi điều đó chắc là tôi khùng quá!”

Anh bạn mỉm cười nói tiếp: “Đây chính thực là điều tôi đã từng nói với chị cách đây 20 năm trước.

Đoạn anh còn nói thêm đôi điều, khiến chị ta thực sự phải suy nghĩ, chẳng hạn:

“Chị hãy cố gắng đem Chúa vào trong cuộc sống của chị, nếu không thì cuộc sống của chị sẽ chỉ gần gần Ngài thôi”.

Người phụ nữ  ấy rời khỏi nhà hàng, lòng đầy hoang mang.

- Phải bắt đầu cầu nguyện mỗi buổi sáng à?
- Mà lại phải bắt đầu cầu nguyện những một tiếng đồng hồ à?

Quả là khó quá sức!

Tuy nhiên, vào sáng hôm sau, chị lại thử bắt đầu, và mãi đến hôm nay chị vẫn còn giữ thói quen ấy.

Chị thú nhận: thoạt tiên, điều ấy không dễ dàng, bởi vì có những buổi sáng lòng chị tràn đầy an bình vui vẻ, nhưng cũng có những buổi sáng lòng chị chả cảm thấy gì, ngoại trừ sự uể oải mệt mỏi.

Nhưng vào những ngày cảm thấy mệt mỏi, uể oải này, chị nhớ lại lời anh bạn cố vấn tiếp thị kia:

“Sẽ có những lúc tâm trí chị không vào thẳng được cung điện của Chúa, tức là chị  đang ở trong phòng chờ đợi của Ngài. Tuy nhiên dù cho chị ở ngoài phòng chờ đợi, thì Chúa vẫn đánh giá nỗ lực đợi chờ của chị. Điều quan trọng chính là việc dấn thân kia”.

*****

Câu chuyện về Eric Liddell và chị nhân viên điều hành quảng cáo trên nêu cho mỗi người chúng ta một thách đố.

Chúng ta không thể nào nghe các câu chuyện trên, mà không cảm thấy tự đáy lòng phát ra lời mời gọi: phải thực hành một điều gì tương tự như thế trong cuộc sống của chính mình.

Nếu chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc tập trung đưa mắt nhìn vào Chúa Giêsu, trong việc tra tay vào cày, mà không ngoái nhìn lại đằng sau, nếu chúng ta cảm thấy cuộc đời trống rỗng thì có lẽ chúng ta hãy nghiêm chỉnh xét xem đã đến lúc cần phải thực hiện sự dấn thân hằng ngày cho Chúa Giêsu.

Chúng ta dấn thân như thế nào đây?

Mỗi người tự trả lời lấy câu hỏi này, theo cách thức riêng của mình. Nhưng tựu trung phải thi hành một điều gì đó, như anh bạn cố vấn tiếp thị nọ có nói: “Điều quan trọng chính là sự dấn thân”.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu, mà không sợ thương tích, biết làm việc, mà không tìm an nghỉ, biết xả thân, mà không tìm phần thưởng nào khác, ngoài việc biết mình đang thi hành ý muốn của Chúa. Lạy Chúa, xin giúp con. Amen

---------------------------------

Những sách đã in (45 cuốn):
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/nhung-sach-da-in-1654.html

*** (Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link của sách vào thẻ nhớ hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. Chỉ khoảng 24 tờ A4 trở lại)

I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (5 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/
1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1
2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2
3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3
4. Chuyện gà mái ấp trứng đại bàng – Sách 4
5. Chuyện “Số Con Rệp” – Sách 5

II. – Chuyện đời chuyện đạo: (9 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/
1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1
2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2
3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3
4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4
5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5
6. Phút thánh hoá gia đình đầu năm mới - Sách 6
7. Năm Mão nói chuyện con mèo - Sách 7
8. Một kiểu sống lại không vui - Sách 8
9. Chuyện con gà trống - Sách 9

III. - Chuyện kể cho các gia đình: (19 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/
1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1
2. Đừng bỏ cuộc - sách 2
3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3
4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4
5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5
6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6
7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7
8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8
9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9
10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10
11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11
12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12
13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13
14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14
15. Chuyện cô giáo năm xưa - Sách 15
16. Kinh nghiệm của những người trở về “Từ Cõi Chết” nói với ta - Sách 16
17. Quyển nhật ký của mẹ - Sách 17
18. Phép lạ từ việc sùng kính Đức Mẹ - Sách 18
19. Ngày của bố - Sách 19

IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/
1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1
2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2
3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3
4. Căn hầm bí mật - Sách 4
5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5
6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6
7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7
8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8

V. – Kho sách quý: (4 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/
1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1
2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2
3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3
4. Sách tháng các linh hồn – Sách 4

----------------------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây