Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 5-C Bài 151-158 Một mẻ cá lạ lùng
--------------------- Phúc Âm: Lc 5, 1-11: "Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Ðức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá". Ông Simon thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới". Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm. Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: "Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người. - Ðó là lời Chúa. --------------------------------- TN 5-C151: VÂNG LỜI THẦY CON XIN THẢ LƯỚI 1 TN 5-C152: RA KHƠI 5 TN 5-C153: LẮNG NGHE LỜI CHÚA.. 6 TN 5-C154: CĂN CƯỚC TÍN NHÂN.. 8 TN 5-C155: SỨ MỆNH TÔNG ĐỒ.. 13 TN 5-C156: HÃY THẢ LƯỚI Ở CHỖ NƯỚC SÂU.. 16 TN 5-C157: VÂNG LỜI THẦY CON THẢ LƯỚI 21 TN 5-C158: LỜI MỜI GỌI CỦA CHÚA GIÊSU DÀNH CHO KẺ TỘI LỖI 24
Mỗi Chúa Nhật có một chủ đề làm nổi bật lên ý nghĩa của Phụng Vụ được cử hành. Chúa Nhật hôm TN 5-C151
Mỗi Chúa Nhật có một chủ đề làm nổi bật lên ý nghĩa của Phụng Vụ được cử hành. Chúa Nhật hôm nay (CN V/TN-C), chủ đề chính là nói về ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Để đón nhận ơn gọi, cần phải có tương quan hai chiều, đó là: Chúa gọi và sự đáp trả của mỗi người. Nhưng để một ơn gọi có giá trị trước mặt Chúa, con người cần phải có một sự cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu giữa Thiên Chúa và bản thân. Các bài đọc trong thánh lễ Chúa Nhật hôm nay trình thuật 3 trường hợp Chúa gọi: Chúa gọi Isaia (Is 6, 1-2a.3, 8), Chúa gọi Phao-lô (1Cr 15, 1-11) và Phê-rô (Lc 5, 1-11). Cả ba đều thú nhận mình bất xứng, nhưng họ đã tin tưởng vào lòng thương xót và tha thứ, nhất là quyền năng của ơn thánh Chúa và sự đáp trả của con người. Quả là lòng thương xót của Thiên Chúa đã biến đổi con người.
1- Chúa gọi Isaia (Is 6, 1-2a.3-8): Trong một thị kiến, Isaia cảm thấy mình hiện diện trước Thánh nhan Thiên Chúa ba lần, khiến ông hoảng sợ và nhận ra sự bất xứng của chính mình. Nhưng một Thiên Thần đã cầm cục than cháy đỏ thanh tẩy môi miệng ông, đồng thời xóa bỏ tội lỗi của ông: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha.” (Is 6, 7). Thế rồi ông cảm thấy sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi, và thưa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con” (Is 6, 8). Lòng quảng đại của Thiên Chúa đã biến đổi Isaia thành ngôn sứ rao giảng Tin Mừng.
2- Chúa gọi Phao–lô (1Cr 15, 1-11): Phao-lô, khi nhớ lại rằng mình đã từng là một kẻ bách hại Đạo Chúa, ông thú nhận mình không xứng đáng được gọi làm tông đồ, nhưng vẫn nhìn nhận Chúa Giê-su Phục Sinh đã thương xót và thực hiện nơi ông những điều kỳ diệu. Bất chấp con người có giới hạn của Phao-lô, Chúa không những tha tội cho ông mà còn trao cho ông sứ vụ rao giảng Tin Mừng (1Cr 15, 8-10). Chính lòng thương xót Chúa đã biến đổi con người Phao-lô trở thành một Tông đồ dân ngoại.
3- Chúa gọi Phê–rô (Lc 5, 1-11): Tâm trạng trên cũng xảy ra trong câu chuyện mẻ cá lạ lùng được thánh sử Lu-ca thuật lại. Bài Tin Mừng hôm nay (CN.V/TN.C – Lc 5, 1-11) trình thuật Đức Giê-su làm phép lạ tại hồ Ghen-nê-xa-rét: Những người đánh cá (trong đó có Si-môn và hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an) bằng những dụng cụ chài lưới thường dùng và những kinh nghiệm từng trải, đã “vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”; nhưng khi “vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”, cũng vẫn những dụng cụ và cách thức ấy, thì kết quả đã vượt quá sức tưởng tượng (“họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm”). Đứng trước mẻ cá vừa bắt được, không chỉ có ông Si-môn mà “tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy.”
Sự kiện đó xảy ra đã làm thay đổi hẳn cách nhìn (quan điểm) của thánh Phê-rô và đám đông về Đức Giê-su Ki-tô, đến nỗi mà thánh nhân phải “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Hơn thế nữa, qua biến cố này, Đức Giê-su còn muốn biến những kẻ chài lưới bình thường ấy thành những người không còn phải lưới cá nữa, mà là “lưới người” (“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” – Mt 4, 19). Và “Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.” (Lc 5, 11). Như vậy thì phải nói là Đức Giê-su đã làm phép lạ lưới người ngay khi Người khai mạc sứ vụ, và mẻ lưới đầu tiên đã lưới được 3 môn đệ: Si-môn Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Không những thế, còn “thu phục được nhân tâm” (Lc 5, 11) của cả đám đông người hiện diện. Há chẳng phải “thu phục nhân tâm” là cách “lưới người” đó sao?
Rõ ràng Đức Ki-tô đã dùng hình ảnh sống động “lưới cá” trong cuộc mưu sinh hàng ngày của các môn đệ, để nói về một công việc nghe có vẻ trừu tượng: “lưới người”. Đức Giê-su muốn các môn đệ hiểu được Người muốn nói về chính sứ vụ của Người – sứ vụ mà Người muốn trao cho các môn đệ thực thi: “rao giảng Tin Mừng, mở mang Nước Chúa”. Công việc nghe có vẻ rất trừu tượng ấy lại được thực thi bằng những hành vi cụ thể: lời nói, việc làm, thậm chí bằng cả cuộc sống. Các môn đệ đã quá rõ về nghề chài lưới không chỉ cần đến các công cụ (ghe thuyền, chài lưới) cho thật tốt, mà còn cần – rất cần – phải biết chọn đúng thời điểm theo thời vụ ở mỗi địa điểm (vd: sáng thì nên thả lưới chỗ nào, trưa, chiều, tối thì nên thả lưới chỗ nào có nhiều cá; rồi còn phải biết tính vào mùa nào trong năm, vào thời điểm nào trong tháng … thì nên thả lưới ở đâu). Ngoài ra, còn cần đến những phương pháp, kỹ năng chài lưới sao cho có hiệu quả tối ưu nữa. Qua một phép lạ và chỉ trong một câu ngắn gọn, Đức Ki-tô đã làm cho người nghe hiểu và tin vào Người Thầy của mình sẽ giúp mình trở nên một người tinh thông và đủ năng lực thực hiện một hành vi trừu tượng: “lưới người”.
Chứng kiến phép lạ, tất cả những người hiện diện đều kinh ngạc. Tuy nhiên, trong số đó, người bộc lộ cá tính rõ nét nhất phải kể là ông Si-môn Phê-rô, vì ngài là người có gì, nghĩ gì, là nói thẳng ra, không quanh co, lắt léo. Chính cái cá tính bộc trực đó của thánh Phê-rô đã khiến thánh nhân gặp nhiều biến cố – tích cực có, tiêu cực có – khi đi theo Thầy chí thánh Giê-su. Về mặt tích cực, thì ngay biến cố đầu tiên này đã làm cho thánh Phê-rô thức tỉnh, nhận ra Người Thầy của mình chính là Thiên Chúa, khiến ngài đã đổi cả cách xưng hô và thể hiện một động tác quy phục tột đỉnh (từ “Nhưng, vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”, đến “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”).
Về mặt tiêu cực thì có thể kể 2 biến cố nổi bật: đó là biến cố “Đức Ki-tô đi trên mặt biển” và biến cố “Phê-rô chối Chúa”. Nơi biến cố “Đức Ki-tô đi trên mặt biển”, xét về mặt chủ quan của chính chủ thể Phê-rô, thì thấy rõ ràng ngài đã thể hiện sự tiêu cực: vẫn chưa thật sự tin rằng Thầy mình là Thiên Chúa (thánh nhân thấy Người Thầy bằng xương bằng thịt của minh đi trên mặt biển lại nghĩ là ma, vì cho chỉ có ma mới đi được như thế). Đến như biến cố “chối Chúa 3 lần trong một đêm” thì rõ ràng đức tin của Phê-rô vẫn bị chao đảo (sợ cả đứa tớ gái nhà Cai-pha). Tuy nhiên, sau cái hành động tiêu cực ấy, thì “Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Mt 26, 74-75). Và kể từ biến cố ấy, đặc biệt nhất là ở biến cố “Ngày lễ Ngũ Tuần” (Cv 2, 1-13) sau Phục Sinh, được ơn Thánh Thần soi sáng và tác động mãnh liệt, thánh Phê-rô đã trở nên một Tông đồ trung kiên tuyệt đối, dám đem cả sinh mạng của mình ra để làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giê-su Ki-tô.
Đến ngày nay, thì không chỉ có Thánh Phê-rô, Thánh Phao-lô và các vị Tông Đồ tiên khởi của Giáo hội sơ khai, mà là toàn thể Giáo hội, tất cả mọi Ki-tô hữu đều được Đức Ki-tô trao phó sứ vụ “lưới người”, tức là sứ vụ “từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5, 10). Thu phục người ta, thu phục nhân tâm thì đúng là một công việc trừu tượng (“lưới người”), nhưng chính công việc trừu tượng ấy lại được thực thi, thể hiện bằng lời nói, hành động, việc làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày (“như lưới cá”). Tất nhiên, với một con người phàm phu tục tử có đầy đủ “thất tình lục dục” (1), thì không thể “tự lực cánh sinh, tự lực hành động” được, mà phải cậy nhờ vào những hồng ân, những đặc sủng Thiên Chúa ban tặng thông qua Đức Thánh Linh.
Vâng, nếu đã tin có Đấng Toàn Năng chí công vô tư hằng luôn quan tâm đến bạn, hằng thương xót bạn, thì xin bạn hãy hành động. Ấy cũng bởi vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26). Hãy sẵn sàng đón nhận sứ vụ “lưới người”, với một tư thế chuẩn bị kỹ càng ghe thuyền, chài lưới, trau giồi kỹ năng săn bắt, cùng với sự tỉnh thức học tập rút đúc kinh nghiệm, và cuối cùng, HÃY HÀNH ĐỘNG (ra khơi, thả lưới)! Vâng, chính những “dân chài”, những “người thợ làm vườn nho” chỉ có thể gặt hái được kết quả mỹ mãn, khi biết “công dục thiện kỳ sự, tất tiên lợi kỳ khí” (người thợ muốn hoàn thành tốt công việc, trước hết phải biết trau giồi khí cụ cho thật tốt – Khổng Tử – “Luận Ngữ”). Hãy tin vào chính mình (TỰ TIN) và xắn tay áo lên (HÀNH ĐỘNG): “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới”.
Ôi! Lạy Chúa! Năm xưa Chúa đã ban hồng ân cho Thánh Phê-rô và các Tông đồ tiên khởi “trở nên những kẻ lưới người như lưới cá”, làm cho làng chài lưới Hội Thánh nhỏ bé Giê-ru-sa-lem được bội thu cá đến độ mở rộng ra khắp năm châu bốn biển. Ngày nay, chúng con cũng được Chúa mời gọi – thông qua bí tich Thánh Tẩy và Thêm Sức – để “trở nên những kẻ lưới người như lưới cá”. Chúng con tự biết sức mình không thể chu toàn được sứ vụ Chúa trao, cúi xin Chúa ban Thánh Linh soi sáng và thêm sức cho chúng con để chúng con có thể tiếp bước các thánh Tông đồ “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.
Lạy Mẹ Maria! Chỉ với 2 tiếng “xin vâng”, Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội và trong suốt cuộc đời trần thế, Mẹ luôn dạy chúng con: “Người bảo gì, các con cứ việc làm theo”. Noi gương Mẹ, chúng con cũng sẵn sàng thưa với Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ: “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới”. Tuy nhiên, trong thân phận bất toàn đang trên đường lữ thứ trần gian với biết bao khó khăn nguy hiểm, chúng con khó lòng mà “thả lưới” được như lời hứa. Xin Mẹ luôn che chở, phù trì và nhất là cầu bầu cùng Chúa cho chúng con để chúng con có thể “Lưới người như lưới cá”. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
————————– Chú thích: (1) “Thất tình lục dục”: Theo từ nguyên, “Thất tình” là 7 thứ tình cảm biểu lộ ra bên ngoài và “lục dục” là sáu điều ham muốn trong lòng của con người.
1- Thất tình: bao gồm 7 thứ tình cảm mà mỗi con người đều có như: “hỉ” (vui mừng), “nộ” (giận dữ), “ai” (buồn bã), “lạc” (sung sướng), “ái” (yêu thương), “ố” (căm ghét), “dục” (ham muốn).
2- Lục dục là sáu điều ham muốn đã trở thành thói quen khó sửa đổi: – Sắc dục: Ham muốn sắc đẹp. – Dung mạo dục: Ưa thích diện mạo đẹp đẽ. – Tư thái dục: Ham muốn có dáng chững chạc, dịu dàng. – Tế hoạt dục: Muốn đụng chạm vào thân xác giữa nam nữ. – Ngữ ngôn âm thanh dục: Say đắm lời ngọt ngào êm dịu. – Nhân tượng dục: Thích người cao lớn đẫy đà, phương phi, gọn gàng.
Có lẽ, trong đám trẻ choai choai xồn xồn, không ai xa lạ với ca khúc “Ra Khơi Cùng Đức Kitô TN 5-C152
Có lẽ, trong đám trẻ choai choai xồn xồn, không ai xa lạ với ca khúc “Ra Khơi Cùng Đức Kitô” của tác giả Uyên Nguyên, vừa vui lại vừa nhộn, vừa múa lại vừa nhảy thì tuyệt cú mèo:
Nào anh em ta ơi mau giăng buồm ra khơi Thuyền ta lướt lướt lướt qua ngàn sóng to Nào có gì lo Đức Kitô đang cùng ta Cùng ta lướt qua, qua muôn ngàn muôn ngàn sóng gió.
Bạn ơi mau ra khơi đem tin mừng muôn nơi Cùng chia sớt với hết bao người bốn phương Phủ lắp tình thương, trái tim ai đang sầu vương Đại dương bốn phương có Đức Kitô là đường.
Nào anh em ơi mau ra khơi cùng Đức Kitô Làm cho muôn dân luôn tin yêu vào một Thiên Chúa Cùng nhau ra khơi mang yêu thương về khắp muôn nơi Và luôn hăng say ta chung tay xây dựng nước trời.
Thưa các bạn!
Phải chăng, cuộc đời là một hành trình ra khơi, ra ngoài xã hội, ra ngoài gia đình, ra khỏi anh em bà con thân yêu… để sống với lý tưởng hay mục tiêu của chính mình?
Thiết tưởng, hành trình nào cũng có khó khăn hay phức tạp. Hành trình ra khơi “thả lưới đánh cá” thì lắm truân chuyên và vất vả, nhiều khi thất vọng và chán chường…
Tin Mừng Chúa Nhật 5 Thường Niên C, thánh Luca mô tả các môn đệ của Thầy Giêsu đã vất vả suốt đêm đánh cá mà không bắt được gì cả, nhưng vâng lời Thầy họ thả lưới (Lc 5,5).
Các môn đệ là những người sống bằng nghề biển quanh năm, có kinh nghiệm đánh cá, còn Đức Giêsu làm nghề mộc lại bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4).
Thiết nghĩ Đức Giêsu không “múa rìu qua mắt thợ”, nhưng qua đó, các môn đệ học được bài học: Muốn bắt được nhiều tôm cá, thì hãy vâng lệnh Chúa chèo thuyền ra chỗ nước sâu.
Thưa các bạn!
Mặc dù mệt mỏi và chán chường với bao nhọc nhằn suốt đêm mà chẳng được tích sự gì, các ông vẫn vâng lời Đức Giêsu để ra khơi, để chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới. Nhờ đó, các ông đã trúng mẻ cá tuyệt vời.
Năm thánh 2000, thánh Giáo hoàng Phaolô II kêu gọi Dân Chúa trên khắp thế giới hãy “ra khơi” để thả lưới, vì một thiên niên kỷ mới đang mở ra như một biển cả, ta sẽ mạo hiểm và cậy dựa vào Đức Giêsu.
Ước gì, “bạn & tôi” biết ra khơi, ra khơi cùng Đức Kitô, ra khỏi cái tôi ích kỷ để “lưới người” dù sóng to gió lớn, vẫn luôn tin tưởng và vâng lời thuyền trưởng Giêsu, hầu có thể bắt được nhiều cá, nhiều linh hồn trở về với Chúa. Amen
Đọc Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, tôi thấy có hai chi tiết rất đặc biệt. * Chi tiết thứ TN 5-C153
Đọc Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, tôi thấy có hai chi tiết rất đặc biệt.
* Chi tiết thứ nhất, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa (Lc 5:1).
* Chi tiết thứ hai, là Si-môn đã vâng lời Chúa Giê-su một cách tuyệt đối: Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5:5).
Tại sao dân chúng lại háo hức đến để nghe lời giảng dạy của Chúa Giê-su, và tại sao ông Si-môn, một ngư phủ chuyên nghiệp lại vâng lời Chúa Giê-su, người thợ mộc làng Nazareth như vậy? Tôi nghĩ là bởi vì đám đông dân chúng và chính ông Si-môn đã cảm nghiệm rằng:
• Lời của Chúa là lời chữa lành: “Tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!” (Lc 5:24)
• Lời của Chúa là lời tha thứ, là lời đem lại niềm vui và an bình: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8:11)
• Lời của Chúa là lời có uy quyền trên thế lực của ma quỷ: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! " Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta” (Lc 4:35).
• Lời của Chúa là Lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6:68). Lời của Chúa Giê-su Kitô hôm qua cũng như hôm nay, vẫn mang lại cho nhân loại biết bao nhiêu là phúc lộc, Ngài đã và đang không ngừng phán dạy chúng ta qua những vị đại diện của Ngài ở trên trần gian này, bởi chính Ngài đã phán với các Tông Đồ: "Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy." (Lc 10:16)
Bạn thân mến, nếu bạn tin rằng Lời Chúa có một sức mạnh vô biên, có khả năng chữa lành, tha thứ, ban bình an, giúp ta thoát khỏi những thế lực của ma quỷ, và nhất là ban cho ta sự sống đời đời, thì chúng mình hãy cố gắng đọc, học hỏi, suy niệm và lắng nghe Lời Chúa qua những vị đại diện của Chúa trên trần gian, nhất là khi các ngài dạy dỗ và khuyên bảo chúng ta về mặt tín lý và về mặt luân lý. Ví dụ:
Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, chăm sóc và phụng dưỡng khi các ngài đau yếu, và những lúc bệnh tật.
• Tránh xa những cám dỗ của xì ke, ma tuý, của cờ bạc rượu chè, của phim ảnh xấu xa trên internet…
• Không được quan hệ, hay ăn ở với nhau trước khi làm đám cưới, không được ly dị…
• Không được thực hiện hay ủng hộ cho những việc như ngừa thai, phá thai, trợ tử…Trái lại mọi người phải tôn trọng và nỗ lực bảo vệ sự sống, dù đó chỉ là một phôi thai hay là một thân xác già yếu bệnh tật, đang nằm hấp hối trên giường bệnh, bởi vì chỉ có Thiên Chúa là chủ sự sống [và] quyền được sống là quyền bất khả xâm phạm của mọi người vô tội. (GLGHCG # 2258 & 2270).
• Phải đối xử công bằng và bác ái đối với tất cả mọi người, không được kỳ thị hay xem thường bất cứ ai bởi vì làm như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa" (GLGHCG # 1935).
• Phải có trách nhiệm, phải có tinh thần liên đới, và phải quan tâm đến những người nghèo khó, đến những người đang lâm vào những cảnh khó khăn, hoạn nạn… Tình liên đới là một đức tính nổi bật của Ki-tô giáo. Tình liên đới thúc bách chúng ta chia sẻ của cải vật chất và hơn nữa, cả của cải tinh thần (GLGHCG # 1948).
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119:105), khi vâng nghe Lời Chúa phán dạy qua Mẹ Giáo Hội, qua những người đại diện của Chúa ở trần gian này, là khi đó chúng mình sẽ đi trong ánh sáng của vui mừng, của hoan lạc và bình an. Còn nếu chúng mình bất tuân, bướng bỉnh, hay tệ hơn nữa, còn chống báng và bất tuân những lời răn dạy của ông bà, cha mẹ, của Giáo Hội & của các đấng Bản Quyền, thì khi đó bạn & tôi đang bước đi trong bóng tối của lo âu & sợ hãi. Mà ai bước đi trong bóng đêm & tối tăm thì chắc chắn sẽ bị vấp ngã, sẽ bị rơi vào những hố diệt vong do ma quỷ bày ra.
Chúng ta cầu nguyện cho nhau, để với ơn Chúa giúp, chúng mình sẽ mỗi ngày yêu mến Lời Chúa, nhờ vậy, chúng mình sẽ dễ dàng vâng lời và tuân phục những vị đại diện của Chúa ở trần gian này hơn. Trong năm mới này, xin Chúa chúc lành, gìn giữ, và bảo vệ bạn cùng những người thân yêu của bạn khỏi những nguy hiểm của dịch bệnh.
Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, mỗi Kitô hữu được tái sinh và được cấp thẻ căn cước tín nhân TN 5-C154
Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, mỗi Kitô hữu được tái sinh và được cấp thẻ căn cước tín nhân, cùng với ba thiên chức: Vương Giả – Tư Tế – Tiên Tri, đồng thời cũng có ơn gọi Chúa dành riêng cho mỗi người. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa.” (1 Cr 7:24)
Có căn cước tín nhân với trách nhiệm qua ba thiên chức, vẫn phải nỗ lực tìm hiểu để khả dĩ nhận ra ơn gọi Chúa dành cho mình. Thánh nữ Teresa Hài Đồng Giêsu xác định: “Ơn gọi của tôi là yêu thương.” Biết sống yêu thương nhờ có đức tin sâu sắc. Đó là hệ lụy tất yếu. Suốt đời Chị Thánh Teresa đã sống trọn vẹn ơn gọi, hoàn tất bằng những động thái nhỏ nhất.
Những cái nhỏ bé mà lại thực sự rất quan trọng. Chiếc áo có giá trị nhờ có những đường kim mũi chỉ li ti. Ơn gọi yêu thương là ơn gọi thứ nhất của mọi Kitô hữu, những người tin Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế – sau đó mới có các ơn gọi khác, người thì được ơn này, kẻ thì được ơn kia, không ai hơn hoặc kém. Tất cả là để vinh danh Thiên Chúa.
Chính Chúa Giêsu đưa ra “điều răn mới” – mệnh lệnh “yêu thương nhau.” (Ga 13:34-35; Ga 15:12; Ga 15:17) Thánh Vịnh gia đã hân hoan ca tụng: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.” (Tv 133:1) Yêu thương nhau là sống hòa thuận, quan tâm lẫn nhau.
Bất cứ ai cũng có ít nhất một tặng phẩm thúc đẩy, như Kinh Thánh cho biết: [1] 1 Pr 4:10 – “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, Mỗi Người trong anh em PHẢI DÙNG mà PHỤC VỤ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” [2] Rm 12:6-8 – “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm NGÔN SỨ thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn PHỤC VỤ thì phải phục vụ. Ai DẠY BẢO thì cứ dạy bảo. Ai KHUYÊN RĂN thì cứ khuyên răn. Ai PHÂN PHÁT thì phải chân thành. Ai CHỦ TỌA thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc BÁC ÁI thì vui vẻ mà làm.” Đó là bảy loại tặng phẩm thúc đẩy. Mỗi chúng ta đều nhận được một hoặc vài tặng phẩm.
Có tặng phẩm không phải để khoe khoang, tự đắc, mà để vinh danh Chúa và phục vụ người khác. Từ đời đời Thiên Chúa đã tiền định: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con. Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.” (Tv 139:13-16) Và còn hơn thế nữa, mỗi người là của riêng Chúa. (Is 43:1)
Kinh Thánh cho biết: Năm vua Útdigiahu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Sêraphim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các vị ấy đối đáp tung hô: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6:1-2) Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh, được Ngài kêu gọi là đại phúc cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều hoàn toàn bất xứng.
Ngôn sứ Isaia cho biết thêm về sức mạnh kỳ lạ của lời chúc tụng: “Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù. Bấy giờ tôi thốt lên: Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” (Is 6:4-5) Đối diện với Thiên Chúa, phàm nhân phải run rợ vì thấy mình quá xấu xa. Con mắt trần gian không thể chịu nổi ánh sáng của Thiên Chúa. Môsê đã phải che mặt trước ánh sáng của Thiên Chúa, Saolê (Phaolô) đã hóa mù khi ánh sáng của Thiên Chúa chiếu vào.
Là Đấng nhân từ và thương xót, Thiên Chúa biết chúng ta như thế nào nên Ngài không hề chấp lách, vẫn sẵn sàng cứu chữa chúng ta. Ngôn sứ Isaia dẫn chứng cụ thể: “Một trong các thần Sêraphim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói: Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội. Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa: Dạ, con đây, xin sai con đi.” (Is 6:6-8)
Được Thiên Chúa kêu gọi, ngôn sứ Isaia đã mau mắn đáp lại. Đó là vâng lời tuyệt đối, không so đo, không toan tính – nhưng không hề mù quáng. Thiên Chúa cũng kêu gọi mỗi chúng ta làm chứng nhân cho Ngài ở đời này, nhất là trong những lúc khó khăn nhất. Ước gì chúng ta cũng sẵn sàng đáp lại Ngài với niềm vui thực sự. Mỗi người được Ngài gọi cách khác nhau, để vinh danh Ngài và để Nước Trời đến với mọi người, mọi nơi.
Với tâm tư tốt lành và mục đích rõ ràng như vậy, Thánh Vịnh gia đã tâm nguyện và tán tụng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài trên tất cả mọi sự. Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn. Lạy Chúa, mọi đế vương dưới trần đều cảm tạ khi nghe những lời miệng Ngài phán ra. Họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: Vinh quang Chúa vĩ đại dường bao!” (Tv 138:1-5)
Không đáng quan ngại và dễ dàng sống đức tin khi thanh thản và bình an, nhưng khi gặp hoạn nạn mới thực sự đáng quan ngại. Các thánh là những anh hùng đức tin vì đã sống trọn đức tin trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, và đã sống đức tin đó tới hơi thở cuối cùng. Sống đức tin là điều không dễ, sống đức tin trong nghịch cảnh lại càng khó gấp bội. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được!
Chắc chắn Thiên Chúa không thử thách chúng ta bởi vì Ngài thấu suốt mọi sự, biết cả những gì chúng ta chưa nghĩ tới, nhưng Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Vì thế, cần tâm nguyện như Thánh Vịnh gia: “Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con. Địch thù đang hằm hằm giận dữ, Ngài ra tay chận đứng, lấy tay uy quyền giải thoát con. Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất; lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.” (Tv 138:7-8) Nếu đã từng giữ vững đức tin trong những lúc khó khăn thì người ta khả dĩ nhận ra “sức mạnh của sự yếu đuối nơi con người.” (x. 2 Cr 12:10) Quả thật, đó chính là “phép lạ” giữa đời, không phải tìm đâu xa như nhiều người vẫn đua nhau tin theo các “sự lạ” ở chỗ này, chỗ nọ.
Chính sự chết đi và sự sống lại cũng là “ơn gọi” đối với phàm nhân: chết đời này để sống đời sau, bỏ cõi tạm để vào cõi vĩnh hằng. Chúa Giêsu đã trải qua “ngưỡng” này để làm cho chúng ta nhận thức đúng đắn về cuộc đời. Chết không phải là chấm hết, mà là chấm xuống dòng để sang đoạn mới và trang mới.
Để xác định, Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, Bằng Không Thì Anh Em Có Tin Cũng Vô Ích.” (1 Cr 15:1-2) Sống đức tin là sống ơn gọi – ơn gọi chứng nhân, ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi yêu thương, ơn gọi nhân từ và thương xót.
Thánh Phaolô trút bầu tâm sự: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.” (1 Cr 15:3-8)
Hành trình ơn gọi như vậy cũng là hành trình sinh – tử, chết đi và sống lại. Một hành trình vô cùng kỳ diệu, và chỉ một hành trình duy nhất chứ không là vòng luân hồi như người ta “suy diễn” theo ý mình. Vòng luân hồi là ảo tưởng, tư duy lệch lạc, thậm chí là tự biện hộ cho những sai lầm của mình mà thôi!
Thánh Phaolô tâm sự chân thành: “Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng TÔI CÓ LÀ GÌ CŨNG LÀ NHỜ ƠN THIÊN CHÚA, và ơn Người ban cho tôi đã KHÔNG VÔ HIỆU; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi. Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy.” (1 Cr 15:9-11) Hồng Ân đó tuôn trào từ chính Nguồn Mạch Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vô cùng kỳ diệu!
Đề cập việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên tại bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, trình thuật Lc 5:1-11 (≈ Mt 4:18-22 và Mc 1:16-20) cho biết: Khi đó, dân chúng chen lấn nhau đến gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa. Ngài thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Ngài xuống chiếc thuyền của ông Simôn và bảo ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Ngài ngồi xuống và giảng dạy đám đông.
Sau đó Ngài bảo ông Simôn chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Ông Simôn gãi đầu: “Thầy ơi, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng VÂNG LỜI THẦY, tôi sẽ thả lưới.” Là một ngư phủ nhiều năm kinh nghiệm, Phêrô biết nước lớn, nước ròng, con nước nào có cá hay không, thế nhưng ông hành động vì “vâng lời” mà thôi. Đó là điểm tuyệt vời ở ngư phủ Phêrô.
Và quả thật, điều kỳ diệu đã xảy ra khi họ làm theo lệnh Chúa. Họ bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới, họ phải làm hiệu cho các bạn chài đến giúp. Cá đầy hai thuyền, đến nỗi thuyền gần chìm. Họ chưa bao giờ đánh được nhiều cá như vậy. Thấy vậy, vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”
Đứng trước Thiên Chúa, người ta sợ hãi vì thấy mình quá bé nhỏ và ô uế với nhiều tội lỗi. Rất có thể lúc đó Chúa Giêsu cười rất hiền, rồi vỗ vai Phêrô và nói: “Đừng sợ, không có gì đâu. Anh đứng dậy đi!” Thật hạnh phúc cho chúng ta vì Thiên Chúa luôn nhân từ và giàu lòng thương xót.
Lúc đó, mọi người đều kinh ngạc, kinh ngạc vì mẻ cá lạ và vì Chúa Giêsu quyền phép khôn lường. Và Ngài nói với ngư phủ Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Chài cá là “chuyện nhỏ,” dễ ẹc, thế mà phàm nhân vẫn không thể muốn theo ý mình. Việc “chài người” mới là chuyện quan trọng, khó vô cùng. Thế nhưng có Thiên Chúa hướng dẫn thì không phải lo chi. Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài suốt quãng đời còn lại.
Cuộc đời các ngư phủ hoàn toàn sang chương mới và trang mới. Thẻ căn cước của họ không còn ghi là “ngư phủ” (chài lưới cá) mà ghi là “nhân phủ” (chài lưới người). Loại thẻ căn cước này không xã hội nào có thể cấp phát, độc nhất chỉ có Chúa Giêsu cấp phát mà thôi.
Cuối cùng, điều quan trọng phải ghi nhớ liên quan việc truyền giáo: “Không có đức ái mà đi truyền giáo thì giống như người hái quả trên cây rồi lại tự đốn ngã cây.” (Thánh Inhaxiô Loyola) Đức ái luôn mang tính thời sự nóng bỏng mọi nơi và mọi lúc.
Lạy Thiên Chúa, chúng con cảm tạ Ngài đã soi sáng cho chúng con tin nhận Ngài là Thiên Chúa duy nhất, xin giúp chúng con trung thành với ơn gọi Kitô hữu và can đảm làm chứng về Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Cha Anthony de Mello (1931-1987) là một linh mục Dòng Tên người Ấn-độ, nổi tiếng thế giới TN 5-C155
Cha Anthony de Mello (1931-1987) là một linh mục Dòng Tên người Ấn-độ, nổi tiếng thế giới vì đã viết nhiều tác phẩm tu đức độc đáo, thấm đẫm tinh thần Đông phương (cuốn “Một phút khôn ngoan”, “Bài ca của loài chim” chẳng hạn). Trong các tác phẩm nầy, cha luôn đề cao việc chiêm niệm, hết hợp với Thiên Chúa, điều kiện để việc tông đồ có kết quả. Cha còn thực hiện một chương trình truyền giáo trên Ti-vi, phát tới 76 đại học Mỹ và Ca-na-đa, lôi kéo hơn 3000 sinh viên vào cuộc đối thoại. Anthony lớn lên tại Bombay, Ấn-độ. Một ngày kia, khi từ trường trở về, anh hỏi cha là mình có thể đi tu làm linh mục được không. Cha anh đáp: “Không, con là con một. Cha muốn con nối dõi tông đường”. Thế rồi, sau 14 năm không con, mẹ của Anthony mang thai lại. Khi bà được chở tới bệnh viện để sinh nở, anh cũng hối hả chạy bộ theo, vượt quãng đường hơn 6 km. Trong hơi thở hổn hển, Anthony hỏi cha: “Mẹ sinh con trai hay con gái?” - “Con có một em trai”, cha anh trả lời. “Tuyệt quá, thế là bây giờ con có thể trở thành linh mục!”
1. Nói nhân danh Đức Ki-tô
Cuộc đời cha Anthony de Mello trên đây là một minh họa lý thú cho câu chuyện Tin Mừng ta đang đọc. Như nhiều trang khác, dẫu có dáng vẻ một giai thoại trong đời Đức Giê-su, đoạn Tin Mừng này thật ra là một trang thần học về sứ mệnh tông đồ và về Giáo Hội. Trước hết, ta thấy Đức Giê-su đang đứng giữa một đám đông bên bờ hồ. Người nói. Thiên hạ nghe. Người chẳng nói bất cứ điều gì mà chỉ giảng Lời Thiên Chúa. Thần học gia Lu-ca bảo với ta đây là sứ mạng đầu tiên của Giáo Hội! Điều Giáo Hội cố gắng làm thì chính Đức Giê-su đã khởi sự. Lời rao giảng của Giáo Hội nối dài lời rao giảng của Đức Giê-su và có cùng một nội dung. Tiếp đến cũng là một quang cảnh cụ thể, hiện thực, nhưng lại mang ý nghĩa biểu tượng sâu xa: “Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông”. Chiếc thuyền tạo một khoảng cách giữa Đức Giê-su với đám đông, như thế càng làm nổi bật vẻ uy nghiêm của Đức Giê-su đang ngồi giảng. Và Người nói từ chính “chiếc thuyền của Phê-rô”!
Chẳng phải tình cờ mà Lu-ca ghi nhận chi tiết đó. Ông cố ý phân biệt trong đám đông môn đệ, có một số sẽ trở thành “nhóm Mười Hai, mà Đức Giê-su gọi là Tông đồ” (Lc 6,13)… và trong số Tông đồ, Lu-ca còn nêu bật Si-môn, cho ông ta đứng giữa trình thuật, nêu tên ông 6 bận trong trang này. Thành thử đây là cơ cấu chủ yếu của Giáo Hội, đã được Đức Giê-su muốn có.
Cơ cấu tổ chức ấy có thể làm chúng ta hài lòng hay khó chịu. Suốt giòng lịch sử, các Giáo hoàng và các Giám mục có thể đã đóng những vai trò trần tục theo hình ảnh vua chúa thế gian! Điều đó thật đáng tiếc. Nhưng trên phương diện thần học, cơ cấu tông truyền của Giáo Hội quả đã xuất phát từ Đức Giê-su. Thừa tác viên trong Giáo Hội trước hết không phải là một thủ lãnh, một cấp trên hay một tổng giám đốc nhưng là một tôi tớ đại diện Đức Ki-tô Tôi tớ. Chức tư tế là một dấu chỉ, một bí tích của Đức Giê-su Ki-tô. Sự có mặt của linh mục giữa đám đông môn đồ Người muốn nói : chúng ta không chiếm được ân sủng hay lời thiêng nhưng là đón nhận nó từ một Đấng khác.
Nhưng ngày nay, xem ra chúng ta có khuynh hướng nguy hiểm là giảm giá “lời rao giảng” của Giáo Hội, tước khỏi lời đó khía cạnh bí tích, nhiệm mầu, linh thánh, chỉ thấy con người nói mà quên Đấng được đại diện và làm dấu chỉ. Công đồng Vatican II thành thử đã mạnh dạn quả quyết: “Đức Giê-su hằng hiện diện trong các hoạt động phụng vụ, trong bản thân thừa tác viên… Chính Người nói khi ta đọc Thánh Kinh… Chính Người rửa tội khi một thừa tác viên rửa tội… Phụng vụ là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Đức Giê-su, được biểu tượng nhờ nhiều dấu chỉ khả giác…” (Hiến chế Phụng Vụ số 7).
Phần con thuyền của Si-môn neo trong vũng nhỏ ấy, ta có thể hình dung như một chiếc thuyền tồi, vá víu lung tung với những tấm ván bị đóng đinh mọi phía để bít những lỗ rò rỉ… một chiếc thuyền rất bình thường, rất nghèo khổ, rất nhân loại! Nhưng Đức Giê-su đã vào bên trong và giảng dạy từ đó! Ôi, Giáo Hội của Chúa, chiếc thuyền mầu nhiệm, vừa hết sức nhân loại vừa hết sức thần linh…
2. Làm cùng với Đức Ki-tô
“Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Câu này dịch sát chữ sẽ là: “Hãy tiến ra trên vực thẳm”. Đối với người Sê-mít, dân ở cạn, biển là nơi đáng sợ nhất, biểu tượng của các vực thẳm bên dưới, lãnh thổ của các quái vật địa ngục (x. St 7,17; Tv 24,2; 74,13; G 38,16; Kh 9,1-3). Nghề đi biển là một nghề nguy hiểm. Biết bao thuyền trưởng, biết bao thủy thủ đắm tàu, đã bị nuốt chửng bởi cái mồm há hốc của đại dương! Như vậy, Đức Giê-su muốn nói cách biểu tượng thế này: “Hỡi thuyền của Si-môn, Giáo Hội của Ta, hãy tiến lên bất chấp nguy hiểm của biển cả, của thế giới. Hãy rời bỏ bến bờ bình an, đi ra trên vực thẳm”.
Nhưng ông rab-bi trẻ tuổi làm nghề thợ mộc này lại dám lên mặt dạy Phê-rô cùng các bạn chài về chuyên môn của họ sao? Ai hơn họ trong chuyện đánh cá này được? Họ có vẻ lầu bầu: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”. Nhưng “vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Và thái độ vâng lời đã được ân thưởng.
Lu-ca nêu bật tính cách ngoại lệ của mẻ cá siêu phàm này: lưới hầu như rách, phải có người giúp đỡ, hai thuyền đầy mặp đến gần chìm! Giáo Hội chỉ có thể thành công nếu biết tin vào Lời Đức Giê-su. Si-môn hẳn nhớ mãi điều đó! Đức Giê-su đã hạ ông, đã cho ông thấy các giới hạn của ông ngay trên lãnh vực nghề nghiệp của ông, nơi ông nghĩ mình giỏi giang thành thạo. Không có Người, ông đã chẳng là gì hết; không có Thiên Chúa, các mẻ lưới của tông đồ sẽ thành trống rỗng. Khi khai mạc cuộc đánh bắt linh hồn vĩ đại hôm nay, Đức Giê-su đã đưa ra lời cảnh báo chớ bao giờ được quên đó. Chân lý căn bản này, người ta không luôn luôn thấy rõ lúc còn trẻ. Một khi dấn thân vào sứ mệnh tông đồ, ta khó nhọc ngày đêm nhưng không làm việc với Đức Giê-su cho đủ. Ta buông thả việc cầu nguyện, lơ là đời sống bí tích; ta hành động, ta vùng vẫy, và một ngày kia cảm thấy nản lòng: mình đã mệt lử vô ích. Lúc đó, hãy nhớ lại câu chuyện này để giải thoát mình khỏi những ảo tưởng vốn đã làm ta tin vào giá trị riêng của ta, để tái phó thác vào Đức Giê-su, nghĩa là vào việc cầu nguyện, để hoàn tất các bổn phận nghề nghiệp trong niềm thông hiệp triền miên với Thiên Chúa, để lại ý thức mình là hư vô, còn Người là tất cả.
Và đó chính là thái độ của Phê-rô lúc bấy giờ: “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su, ông nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Trước sự hiện diện của Thần linh, phàm nhân luôn cảm thấy kinh hãi lạ lùng, một tình cảm gần như phổ quát trong mọi tôn giáo. “Khốn thân tôi là người môi miệng ô uế”, I-sai-a từng nói thế khi nghe các Xê-ra-phim tung hô Thiên Chúa trong đền thờ Giê-ru-sa-lem (x. Is 6,1-8). Ngày nay, nỗi hoảng sợ do cái linh thánh gây ra hình như biến mất. Thật ra không biến mất song là chuyển dịch. Khi chẳng còn niềm kính sợ Thiên Chúa, người ta vấp đủ thứ lo âu kinh hãi: lo bom nguyên tử, lo ô nhiễm môi sinh, lo dịch bệnh hoành hành, lo tương lai vô định, lo kẻ nghĩ khác và làm khác mình…
Phê-rô lúc này cũng hãi sợ và khẩn xin Đức Giê-su xa mình là một tội nhân. Về sau, nghe tiếng gà gáy, ông sẽ còn khám phá tình trạng tội lỗi của mình hơn nữa! A! Chớ chi đừng có nạn sùng bái cá nhân trong Giáo Hội, ngay cả “sùng bái giáo hoàng”. Kẻ được Đức Giê-su yêu cầu đại diện, vị giáo hoàng tiên khởi, là một “tội nhân”. Trước đó Phê-rô là một “trưởng nhóm”, luôn tin tưởng vào kiến thức, kinh nghiệm của mình. Nhưng cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su đã giúp ông thấy mình thật bé nhỏ. Và chính nhờ làm cho ông ý thức sự vô nghĩa của ông như thế mà Đức Giê-su đã chuẩn bị ông lãnh nhận sứ mệnh Người trao.
Sứ mệnh đó là: “Từ nay anh là người thu phục người ta” (dịch sát: sẽ đi lưới người). Theo ý nghĩa biểu tượng về biển đã khai triển trên kia, đây đúng là “cứu người khỏi vực thẳm địa ngục”. Nhân loại là mồi ngon của những quyền lực khủng khiếp vốn có thể nuốt chửng, nhận chìm nó. Hãy nên “kẻ lưới người”, hãy cứu họ! Và rốt cục là Phê-rô cùng bạn hữu cũng như Anthony trên đây đã “bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giê-su”. Phép lạ đích thực chẳng phải là mẻ cá ngoài khơi nhưng là cuộc chinh phục trong tâm hồn, là sự liều lĩnh lớn lao vì đức tin mà các môn đệ tiên khởi chấp nhận để theo Đức Giê-su, bỏ hết những gì còn lại.
Sóng nước, gió bão, biển cả, tàu thuyền, cá, núi đồi, lửa…là những hình ảnh và biểu tượng có TN 5-C156
Sóng nước, gió bão, biển cả, tàu thuyền, cá, núi đồi, lửa…là những hình ảnh và biểu tượng có nhiều ý nghĩa rất phong phú trong Kitô giáo. Bài Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta khá nhiều hình ảnh với ý nghĩa tượng hình phong phú ấy. Chúa Giêsu đi trên mặt nước, khiến cho gió bão biển phải yên lặng, giúp cho ông Simon Phêrô lưới được nhiều cá một cách lạ thường ngoài sức tưởng tượng của con người, đã là những hình ảnh và biểu tượng mang nhiều ý nghĩa mà chúng ta cần phải suy nghĩ.
ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA GIÊSU
Biển Galilee là một hồ nước ngọt dài khoảng 12 dặm, rộng khoảng 6 dậm. Mặt hồ thấp hơn mực biển chừng 685 bộ và sâu khoảng 200 bộ. Đánh cá vẫn là một kỹ nghệ quan trọng ở hồ này. Biển có nhiều đồi núi bao quanh tứ phía. Khí hậu rất khác biệt giữa những đỉnh đồi cao và mực nước thấp nên thường xẩy ra những trận bão bất ngờ và dữ dội. Khối nước này được ám chỉ ở câu 11 đoạn 34 trong sách Dân Số nói vể biển Kinnereth mà tiếng Do Thái/Hebrew là “kinnor” nghĩa là cây đàn thụ cầm nhỏ. “Từ Shepham, biên giới chạy xuống Riblah, phiá Đông của Ain, rồi lại chảy xuống nữa và chạm vào bờ biển Kinnereth, ở hướng Đông” (Ds 34:11). Trong Tân Ước khi nói biển Kinnereth là ám chỉ cả hồ Genesereth, hồ Tiberias và biển Galilee. Chúa Giêsu thường thuyết giảng quanh vùng bờ biển này.
Theo thánh Mátthêu, Máccô và Luca thì Chúa Giêsu đã kêu gọi những đệ tử đầu tiên từ những thuyền đánh cá ở trên biển Galilee. Địa danh này có một đường ngăn cách tự nhiên giữa Do Thái ở phía Tây và dân ngoại ở phía Đông. Thánh Máccô trong Tin Mừng đã đặc biệt kể sự việc Chúa Giêsu qua lại biển Gallilee này thường xuyên nhiều lần bằng thuyền nên biển này được coi như nhịp cầu duyên nghĩa giữa Do Thái và dân ngoại qua những giảng huấn và phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu.
Trong Tân Ước, biển là biểu tượng của hoán cải, của trở lại, của cải tà qui chính. Mặt biển thì không bình thường mà luôn luôn có những bất ngờ, kỳ diệu hoặc khó khăn nguy hiểm. Một vài phép lạ rất cảm động, có khi rất bi hùng đã được Chúa Giêsu làm trên biển Galilee. Thánh Máccô kể chuyện Chúa Giêsu khiến sóng gió, bão biển đang quay cuồng dữ tợn phải yên lặng (Mc 4:35-39). Có lần Chúa Giêsu đi trên mặt biển này để cho các môn đệ biết Người là ai. “…Chính Ta đây…” (Mc 6:45-50). Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy ông Phêrô biến chuyển tâm thức khi ông tuyên xưng niềm tin của ông với Chúa sau bữa ăn sáng trên bờ hồ Tiberias. Và Chúa đã đặt niềm tin của Chúa nơi ông là kẻ tội lỗi nhưng có lòng sám hối (Ga 21). Lúc này Chúa cũng làm một phép lạ phi thường trước mặt rất nhiểu môn đệ.
CHẤP NHẬN VÀ ĐI THEO CHÚA CHÚA GIÊSU
Câu chuyện chọn các môn đệ mà thánh Luca kể trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 5: 1-11) xảy ra trên biển đã được lấy ra từ Máccô (Mc 1:16-20) và được kể ra sau khi Chúa xuất hiện ở Galilee. Qua sự biến đổi của Simon, thánh Luca đã làm nổi bật sự tương phản giữa việc Simon chấp nhận Chúa Giêsu và thái độ từ chối Chúa của dân tỉnh nhà Nazareth.
Vì nhiều biến cố liên quan đến quyền uy của Chúa Giêsu đã được kể trước rồi nên thánh Luca đã đưa thêm câu chuyện này để cho thích hợp với việc ông Simon và bạn bè ông chấp nhận đi theo Chúa. Chúng ta cũng dễ dàng thấy có cái gì na ná giống nhau giữa câu chuyện lưới được nhiều cá một cách kỳ diệu-do Luca kể lại trong đoạn 5 và một phần của đoạn 4- và chuyện Chúa hiện ra sau khi sống lại do Gioan kể trong đoạn 21:1-11.
Có những dấu vết trong chuyện của Luca cho thấy bản văn nói về Chúa hiện ra sau khi sống lại là bản gốc như trong Luca 4:8, Simon tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa [*] và tự nhận mình là kẻ tội lỗi. Vì được dùng bởi Luca nên biến cố đó ám chỉ Phêrô sẽ là người lãnh đạo trong tương lai như trong Công vụ Tông Đồ (Lc 6:14; 9:20; 22:31-32; 24:34; Cv1:15; 2:14-40;10:11-18;15:7-12) và là biểu tượng thành công của Phêro trong nhiệm vụ người đánh cá (Cv 2:41).
HÃY RA CHỖ NƯỚC SÂU MÀ THẢ LƯỚI
Theo quang cảnh bài Tin Mừng hôm nay, thì Chúa Giêsu đã phải rao giảng gấn bờ biển vì dân chúng đến nghe Chúa quá đông, họ phải chen lấn nhau để được gần Chúa để nghe cho rõ. Chúa đã bước lên thuyền của Phêrô và biểu ông chèo thuyền ra xa bờ một chút để người giảng cho họ. Giảng xong, Người nói với Phêrô đưa thuyền ra xa chỗ nước sâu và thả lưới. Simon ái ngại: “Thưa Thầy, chúng tôi cực nhọc suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào” (5:5). Vì là tay đánh cá biển lành nghề nên tỏ ra hơi chán nản. Nhưng Simon-lúc đó lại tự nhiên cảm thấy nơi con người Galilee này có một cái gì đặc biệt thôi thúc- nên đã làm theo lời Chúa và thả lưới.
Phải chăng, dù đã cực nhọc suốt đêm dài chẳng bắt được cá, nhưng Simon đã chiều theo ý Chúa với ý định được Chúa làm phép lạ. Quả vậy, Simon đã đưọc Đức Giêsu đích danh kêu gọi cho tham gia vào quyền bính của Chúa. Và thử thách đó đã trở thành nền tảng cho lời Chúa hứa với ông. Simon ý thức mình tội lỗi và bất xứng với nhiệm vụ phụ tá cho Chúa Giêsu nên đã có phản ứng phủ phục quì gối trước mặt Chúa. Nhưng Chúa đã xác quyết lại với ông là ông sẽ giữ trọng trách thu góp muôn dân vào một vương quốc như Chúa Giêsu đã nói, giống như người đánh cá, Simon sẽ thu góp mọi loại cá vào một lưới của mình.
Tiếp theo là chuyện “bắt được cá một cách lạ lùng”. Cả một đàn cá vĩ đại lọt lưới khiến lưới muốn rách thuyền muốn chìm. Phêrô kinh hãi quì gối trước cảnh tượng kỳ diệu ấy: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa tôi, vì tôi là kẻ có tội” (Lc 5:8).
Nhưng Chúa Giêsu đã xác quyết với người môn đệ tỏ vẻ kinh hãi ấy là: “Simon, đừng sợ, từ nay về sau ngươi sẽ là kẻ bắt cá người”(5:10). Chúa cũng nói với người đánh cá nản chí xứ Galilee đó là: “Ta sẽ không đi xa cách ngươi đâu. Ta biết quá khứ của ngươi, nhưng cái đó không quan hệ đối với ta. Ta cần bàn tay, bàn chân của ngươi, trái tim ngươi và cả mạng sống của ngươi nữa. Ta ban HY VỌNG cho ngươi! Ta tung lưới của ta thật rộng, và ngươi chính là con cá lớn nhất mà ta bắt được. Hãy coi, lưới muốn rách, thuyền muốn chìm như thế nào. Ngươi đã từng làm việc cực nhọc nhiều năm mà không hy vọng. Bây giờ hãy đến làm việc với ta, hãy chia sẻ bản thân ngươi với ta. Ta sẽ chỉ dạy cho ngươi cách đi trên mặt nước, tung lưới Ánh Sáng vào Nước bên trên vực sâu. Đừng sợ, bởi vì có ta ở bên cạnh ngươi.”
TIẾNG GỌI THÔI THÚC LÊN ĐƯỜNG
Máccô (Mc 1:16-20), Mátthêu (Mt 4:18-22) diễn tả quang cảnh các ông ngư phủ bỏ lưới, bỏ thuyền, bỏ cả cha mẹ để theo Chúa Giêsu. Luca thì nói rõ là họ bỏ lại tất cả mọi sự (Lc 5:28; 12::33; 14:33; 18:22), nghĩa là hoàn toàn thoát ly khỏi mọi của cải, tư hữu vật chất. Là môn đệ đòi hỏi phải có ơn gọi, một ơn gọi đầy quyền lực luôn luôn thôi thúc mình đi theo cuộc sống mới, xa cách khỏi những gì là tầm thường của công việc hay tập tục đều đặn buồn tẻ hằng ngày, bỏ đi tất cả những gì là chán nản, thối chí, thất bại và vô vọng để nhắm vào một chủ đích, một cứu cánh mới.
Chính Chúa Giêsu lúc đó đã kêu gọi các ông ngư phủ cho họ trở nên những kẻ đánh cá người, để họ tham gia vào những cuộc tranh đấu, vật lộn với sóng nước biển cả. Biển đây chính là suối nguồn cuộc sống, là thức ăn của họ nhưng cũng là một mầu nhiệm, một đe dọa, một nguy hiểm và xáo trộn. Biển này có thể lấy đi mạng sống của họ một cách dễ dàng, nhưng cũng nuôi dưỡng họ một cách phong phú và làm cho cuộc sống của họ hưng phấn.
HÌNH ẢNH “MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA”
Chúa Giêsu bước lên thuyền của ông Simon để rao giảng cho đám đông. Con thuyền thánh Phêrô này là biểu tượng của Giáo Hội. Từ đó Chúa tiếp tục rao giảng cho toàn thể thế giới. Nhưng có những thời đại trong lịch sử của Giáo Hội, và có lẽ trong lịch sử hiện đại của chúng ta ngày nay, hình như ánh sáng Chúa Thánh Thần -từng ở khắp mọi nơi- nhưng đã bị tắt và Chúa Giêsu cũng không còn ở trên thuyền với chúng ta nữa.
Nhưng hãy bình tâm nhận thức, ngọn lửa ấy thực sự không bao giờ tắt. Sự hiện diện của Chúa cũng không bao giờ mất. Giáo Hội vẫn tiếp tục đi, tiếp tục cứu các linh hồn và hành trình đi về bến cuối cùng. Trong cái hào quang diễm phúc đó, ở bên kia biển cả của cuộc sống, tất cả những gì ở thế giới này hiện đang đe dọa Giáo Hội của Chúa rồi cũng sẽ qua đi mà thôi.
Tất cả chúng ta cùng ở trên con thuyền đó với Chúa. Hãy tin tưởng là Chúa đang chỉ đường cho chúng ta đi tới đích bằng an, và nuôi dưỡng hồn ta trên suốt đoạn đường dương thế này. Dĩ nhiên chúng ta sẽ gặp những trở ngại, thả lưới suốt ngày đêm mà chẳng bắt được con cá nào.
Trong những lúc như vậy, hãy lắng nghe tiếng Chúa, như Phêrô đã vâng lời Chúa thả lưới xuống vùng nước sâu. Để cho niềm tin của chúng ta được tôi luyện, vấn đề không phải là tuyên xưng có hay không, mà phải chứng tỏ có sẵn sàng làm một cái gì đó hay không. Nghĩa là không chỉ nói mà còn phải làm.
Chúng ta dương buồn ra khơi không phải kiểu tầu ông Noah hay tầu Titanic. Chúng ta ở trên mặt nước với Chúa Giêsu. Thầy Luis de León, một văn sĩ người Y Pha Nho ở thế kỷ 16 đã viết: “Bạn càng lái thuyền đi theo Chúa, bạn càng khám phá ra nhiều biển lạ”. Thiên Chúa không từ bỏ những ai thèm khát lòng thương sót và sự tha thứ của Chúa. Người bước đi trên mặt nước. Người khiến cho gió bão phải yên lặng. Người hướng dẫn tàu bè đi về bến an bình và mang theo với Người những con cá lớn, làm bữa tiệc linh đình và mời gọi tất cả chúng ta đến dự. Bữa tiệc hàng ngày Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu chính là bữa tiệc của ăn đời đời.
ĐÔI LỜI KẾT: ÍT CÂU HỎI TỰ VẤN ĐỂ SUY NIỆM
* Những giây phút hoán cải của bạn là những giây phút nào?
* Bạn có nghĩ là đã có lúc bạn được Chúa gọi làm môn đệ của Chúa không?
* Những kinh nghiệm nào hay cá nhân nào đã là khí cụ giúp cho niềm tin của bạn trở nên mạnh mẽ?
* Bạn có thể tự nhìn thấy bạn qua hình ảnh của các môn đệ trên mặt biển không?
* Có thể là môn đệ Chúa Giêsu mà vẫn có những yếu đuối và thất bại không?
Lời Nguyện
Tôi khẩn cầu Thiên Chúa của đời tôi… Ban cho tôi thả lưới đến cuối cuộc đời. Và khi mẻ lưới chót cùng tới, Tôi thành khẩn cầu xin Chúa, Trong mẻ lưới lớn Người ban, Cho tôi yên ngủ trong bình an. Với tình yêu Chúa hải hà, Xin Người phán xét tôi, … nặng đủ cho tôi vào nước Chúa. Amen.
Xã hội mà chúng ta đang sống là một xã hội trọng nhân tài. Ai có tài thì được trọng dụng. Lẽ đương TN 5-C157
Xã hội mà chúng ta đang sống là một xã hội trọng nhân tài. Ai có tài thì được trọng dụng. Lẽ đương nhiên ở đây chúng ta cũng phải kể đến yêú tố đức độ của người có tài nữa. Tài năng và đức độ là hai tiêu chuẩn mà chúng ta thường hay áp dụng để được đề bạt hay tuyển dụng. Đó là chưa kể đến yếu tố quen biết, bởi vì nhờ vào sự quen biết, chúng ta dễ kết thân và thuận tiện hơn trong công việc. Có lẽ anh chị em đã từng được nghe nói ‘nhất thân nhì thế’ là như thế. Và chúng ta cũng nên thành thật mà nhận ra rằng lối hành xử như thế vẫn đuợc áp dụng trong các tổ chức tôn giáo; vì thế mới nẩy sinh ra tinh thần phe phái và che giấu sự thật; đó là những nguyên nhân đang làm hoen ố bản chất đích thật của Đấng đã chọn và sai chúng ta ra đi.
Từ trong lề thói cư xử như thế, chúng ta có thể ngộ nhận và cho rằng Thiên Chúa cũng chọn những người tốt và thiện hảo nhất để làm những người lãnh đạo chúng ta. Đuờng lối của Thiên Chúa khác hẳn cách cư xử của con người. Trước khi tổ phụ Mai-sen đuợc gọi và chọn để lãnh đạo dân tiến về Đất hứa thì ông đã phạm tội sát nhân. Vua David đã đuợc chọn và gọi trong sứ mạng lãnh đạo, triều đại của Đa-vít là một triều đại huy hoàng và thịnh vượng nhất trong lịch sử Do Thái. Thế mà, khi còn thiếu thời ông đã được cưng chiều quá độ, sau này đã lạm dụng chức vụ, chiếm đoạt vợ thuộc hạ và tìm cách giết hại trung thần để công khai ruớc vợ của trung thần là giai nhân Bét-sai-ba về làm vợ của Vua.
Các bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều mang chung một chủ đề là ơn gọi, hay nói một cách khác là sự tuyển chọn của Thiên Chúa. Chúa là người gọi phần đáp trả vẫn thuộc về con người. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng thì việc đáp trả cũng là hồng ân đuợc ban tặng. Bởi vì nếu không có tiếng gọi thì tai chúng ta nghe đuợc những gì. Cuối cùng tất cả đều tùy thuộc vào Thiên Chúa.
Riêng trong bài Tin Mừng, tác giả đã thuật lại việc Đức Giê-su gọi và chọn các môn đệ đầu tiên trong bối cảnh mẻ cá kỳ diệu nơi bờ biển. Bắt đầu là sáng kiến của Đức Giê-su. Người đang giảng dậy trên bờ bỗng nhiên lại muốn ra khơi; có lẽ vì thấy dân chúng tuôn đến quá đông nên Người đã chọn một không gian rộng lớn hơn để mọi người đều có thể nghe được lời giảng dậy của Người.
Nhưng việc ở trên thuyền cũng là một sự sắp xếp thật lý thú của Thánh Sử Lu-ca. Không ở trên thuyền làm sao bắt được cá. Phải chăng thuyền là hình ảnh của Hội Thánh!
Sau khi giảng cho dân chúng nghe xong, Người lập tức yêu cầu Si-mon chèo thuyền ra xa để thả luới bắt cá và kết quả là một mẻ luới lạ lùng!
Có một chi tiết khá lý thú mà chúng ta nên lưu tâm. Si-mon là người đánh cá chuyên nghiệp, dựa vào năm tháng đầy kinh nghiệm, Si-mon biết là muốn bắt được cá thì cần phải thả luới ban đêm nên đã thưa với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết” Qua lời phân trần này, Si-mon có ý ám chỉ là cả đêm đã vất vả mà không bắt được con nào, thì trời sáng rồi thì làm sao bắt được cá đây!
Nhưng với kết quả của mẻ cá hôm nay đã khiến Si-mon và những ai hay dựa vào kinh nghiệm và tài năng của bản thân phải xấu hổ. Một cách thật nhẹ nhàng, Đức Giê-su đã khiến các ông nhận ra lối suy nghĩ và kinh nghiệm của Phê-rô hôm nay chỉ làm trò cuời cho ông mà thôi. Tuy nhiên, một điều đáng quí nơi Phê-rô, đó chính là thái độ vâng lời của ông, nên ông đã thưa với Chúa “nhưng vì Lời Thầy phán, con sẽ thả lưới”; kết quả là một mẻ lưới kỳ diệu.
Đứng trước việc kỳ diệu vừa xẩy ra trước mắt các ông. Si-mon, nhanh nhẩu và mau mắn nhận ra thân phận của mình. Ông biết rằng dựa vào kinh nghiệm và sức riêng chỉ làm cho ông thấy mình tội lỗi, nên ông đã sụp lạy dưới chân Đức Giê-su và thưa: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Cả ông Giacôbê và Gioan cũng kinh ngạc như ông.
Lại một lần nữa, Đức Giê-su làm cho Si-mon thấy điều ông đang nghĩ lại sai nữa. Mẻ luới lạ lùng đã xẩy ra ngay lúc Simon Phê-rô nghĩ mình là người có tội. Tội không cản trở ơn phúc. Đức Giê-su đã thực hiện việc kỳ diệu ngay trong thân phận bất toàn của ông và các môn đệ. Đây quả thật là Tin Mừng.
Thật vậy, như các kinh sư và các người thuộc nhóm Biệt phái khi xưa, chúng ta luống cuống khi tiếp xúc và cư xử với những ai có tội. Trong khi những người thuộc nhóm Biệt phái hay các kinh sư coi thường và cả chúng ta nữa, xếp tội nhân vào loại người không xứng đáng thì Chúa lại có thái độ khác. Người luôn tạo cơ hội cho họ bắt đầu lại.
Thái độ của Đức Giê-su dành cho Si-mon Phê-rô trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thế. Trong lúc Phê-sô đang bị mặc cảm tội lỗi dầy vò và dằn vặt khiến ông bất an và nhận ra mình thật bất xứng thì Chúa lại tìm cách lôi ông thoát khỏi những ý nghĩ đó. Người nói: “Đừng sợ! từ nay con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Và các ông đã đưa thuyền vào bờ, từ bỏ mọi sự, nhất là những suy tính dựa trên ý mình, quên đi quá khứ tội lỗi, mà đi theo Người.
Làm sao có thể từ bỏ tất cả để đi theo Người? Đây là việc làm đòi hỏi nhiều quyết tâm và cần thời gian. Không dễ dàng gì để từ bỏ. Điều khó nhất là có thể chúng ta từ bỏ đuợc nhiều điều lệ thuộc của cuộc sống mà lại không từ bỏ được mình, từ bỏ cách suy nghĩ cho mình là trung tâm và ngoài mình ra thì chẳng có ai làm đuợc gì hết!
Ta vẫn là ta, dù có hăng say hay thành công đến đâu đi chăng nữa thì chúng ta muôn đời vẫn chỉ là môn đệ. Môn đệ không thể hơn chủ. Muốn sống, người môn đệ phải biết sống và nương tựa vào Chủ. Muốn đuợc như thế, cần tập sống từ bỏ và trở thành những kẻ nghèo nhất. Và với nếp sống nghèo thì việc tựa nương vào Chúa sẽ dễ dàng hơn. Thiên Chúa là nguồn năng lực duy nhất của người môn đệ. Hãy trông cậy, tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào Đấng đã kêu mời ta.
Thưa anh chị em,
Qua trình thuật kêu gọi và làm cho Simon Phê-rô trở thành kẻ chài luới người hôm nay. Chúa cho chúng ta biết rằng Phê-rô đã được gọi ngay trong hoàn cảnh sống của riêng ông. Sau này Chúa sẽ ban thêm ơn cho ông. Nhưng ngay lúc này, Chúa dùng khả năng sẵn có của Phê-rô. Nghề của ông là nghề đánh cá chuyên nghiệp thì cá ông bắt lên sẽ là cá chết để nuôi sống bản thân; thì giờ đây Chúa mời gọi ông trở thành kẻ chài luới người. Phê-rô không còn bắt cá rồi để chết nữa nhưng sứ mạng của ông bây giờ là ra khơi, tìm chỗ sâu, thả luới, bắt cá rồi đưa vào đàn mà nuôi sống.
Như vậy, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trao ban cho chúng ta một sứ điệp, đó là: Chúa gọi và chọn những người Chúa muốn. Mọi ơn gọi đều phát xuất từ tình thương của Người. Điều quan trọng, con người phải ý thức rằng: mình chẳng là gì trước mặt Chúa, nhưng lại được Chúa yêu thương và tuyển chọn. Phần còn lại, đó là sự đáp trả bằng cách đón nhận và làm giầu có tình thương của Thiên Chúa qua cuộc sống mình.
Thiết nghĩ, với ơn Chúa, chúng ta sẽ làm được tất cả. Hẳn anh chị em còn tin là những ai biết nương tựa vào Chúa thì Ngài sẽ chẳng bỏ rơi họ bao giờ. Vì thế, hãy sống nhờ Người, làm việc với Người và ở trong Người thì cuộc đời của chúng ta sẽ là mẻ cá lạ lùng của Thiên Chúa. Bởi vì, Chúa có thể không nhận lời mà ban cho chúng ta điều mà chúng ta nguyện xin. Nhưng Người luôn có mặt khi chúng ta cần đến Người. Amen!
Việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng theo thánh Luca mang một màu sắc rất riêng TN 5-C158
Việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng theo thánh Luca mang một màu sắc rất riêng. Trong khi Máccô và Mátthêu nhấn mạnh đến tính tức thời của việc đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu trong một bản trình thuật ngắn gọn gồm năm câu thì Luca chèn lời kêu gọi này trong một đoạn văn bao gồm một lời giảng dạy của Chúa Giêsu và một mẻ cá kỳ diệu.
Pierre Henri Picou, La pêche miraculeuse, 1850
Trong khi Anrê biến mất khỏi hiện trường, nhân vật của Simon-Phêrô đã có được một vị trí quan trọng. Chúa Giêsu xuống thuyền và Simon thú nhận với ngài về tình trạng tội lỗi của mình. Trong các câu chuyện song song, thánh sử Matthêu (Mt 4,18-22) và Marcô (Mc 1,16-20) không ghi nhận lời nào của các môn đệ và cử chỉ duy nhất của họ là thả lưới.
1/ Con thuyền của Lời Ngài
“Một hôm, Chúa Giêsu đang đứng ở bờ hồ Giêdarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Ngài để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Chúa Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Ngài xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Ngài ngồi xuống, và từ trên thuyền Ngài giảng dạy đám đông.” (Luca 5,1-3)
Điều có thể làm chúng ta ngạc nhiên ngay lập tức là mối liên hệ, thậm chí là sự đồng nhất, giữa Chúa Giêsu và Lời của Thiên Chúa. Sự háo hức của đám đông không phải do những dấu hiệu và điều kỳ diệu Chúa Giêsu đã làm trước đó mà là do lời của Thiên Chúa đến từ Chúa Giêsu. Chúng ta đã đoán được điều đó: Cái ông quê ở Nadarét là người của ngày hôm nay (4,14-21), và sự ứng nghiệm của Lời thần linh này là Tin mừng cho một thời kỳ ân sủng.
Trong đoạn văn này, con thuyền được làm nổi rõ: từ con thuyền được lặp lại ba lần. Việc chọn con thuyền của Simon nhắc nhở chúng ta rằng ông không phải là người chúng ta không biết đến kể từ khi mẹ vợ của ông được chữa lành “Chúa Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Ngài chữa bà. Chúa Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài” (Luca 4,38). Trong Phúc âm Luca, Chúa Giêsu là Đấng đến để can dự vào cuộc sống của những người tin Chúa. Chúng ta sẽ gặp lại Ngài trong dịp gặp gỡ Giakêu, là người mà Ngài mong muốn ở lại nhà ông “Khi Chúa Giêsu tới chỗ ấy, thì Ngài nhìn lên và nói với ông: "Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Luca 19.5). Chúa Giêsu thường là người ở lại nhà của người này và người kia, để thúc đẩy họ trở nên tốt lành hơn. Và đó thực sự là một sự thay thổi, một sự hoán cải mà Simon sẽ được kêu gọi, trong một chiếc thuyền, một chiếc thuyền của cuộc sống hàng ngày, đòi hỏi sự gần gũi của Chúa Giêsu.
2/ Hãy ra khơi
“Giảng xong, Ngài bảo ông Simon: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Simon đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.” (Luca 5:4-7)
Hai chiếc thuyền đã vào bờ, và họ đang thu dọn lưới của họ trong vô vọng. Chuyến đánh cá đã kết thúc. Nhưng không có cá. Rất nhiều công sức mà vẫn công toi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu yêu cầu họ sửa chữa. Chỉ vậy thôi. Hơn thế nữa, là một người nhà quê không biết gì về nghề đi biển, thế mà Ngài lại yêu cầu họ, với một sự mơ hồ nhất định, ra khơi xa hơn vào ban ngày, vốn dĩ là lúc cá lặn xuống tìm chỗ mát mẻ nghỉ ngơi, để đánh bắt ở một nơi còn sâu hơn…
Đáng ngạc nhiên, Simon- Phêrô chấp nhận. Ở đây một lần nữa lời của Chúa Giêsu là trọng tâm của câu chuyện. Đó là lời của Ngài, một lời ân sủng, đầy điên rồ và vô lý trong mắt loài người, một lời của Chúa, mà Simon, một người đánh cá chuyên nghiệp lại để Người Khác dẫn dắt mình lên thuyền, và để cho bản thân mình được dẫn dắt.
Nếu việc đánh cá của Simon và những người bạn chài đồng nghiệp của ông thất bại, bất chấp bí quyết của họ, thì việc đánh cá của Chúa Giêsu là thừa thãi và vô lý, và Lời của Ngài cũng vậy. Lời Cứu Độ của Ngài không chỉ cho phép có rất nhiều cá ở trong lưới, mà nó còn buộc cả hai con thuyền phải tập hợp lại. Chúa Giêsu đã khiến những người đánh cá trong biển hồ này từ “biết làm nghề cho mình” chuyển thành các sứ đồ tương lai “làm cho người ta biết”, tức là biết nhận ra dấu chỉ và biết làm chứng tá.
3/ Câu chuyện về cuộc đánh cá này lặp lại sách tiên tri Êdêkiel
Êdêkiel 47, 9 “Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. Sẽ có nhiều ngư phủ sinh sốngở trên bờ. Từ Ên Gheđi cho tới Ên Éclagim sẽ toàn là bãi phơi lưới. Cá ở đây cũng nhiều và đủ loại như cá ở Biển Lớn.”
Tại hồ Giênêdarét, đây là những người đánh cá trên bờ, những tấm lưới để phơi khô, và vô số cá này. Mẻ cá kỳ diệu phản ánh sự phong phú được mong đợi nhưng cũng là cuộc phán xét, như phản ứng của Simon Phêrô làm rõ.
4/ Lời kêu gọi ra khơi xa.
“Thấy vậy, ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Chúa Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! " Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo ông Simon: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài.”
5/ Xin hãy tránh xa tôi.
Người ta có thể mong đợi những tiếng reo vui, những bài ca ngợi sau một điều kỳ diệu như vậy. Nhưng câu chuyện cho thấy một phản ứng đáng sợ và một bức tranh khá u ám tương phản với một mẻ cá hào phóng. Chúng ta phải hiểu nỗi sợ hãi lớn lao của Simon theo nghĩa kinh thánh của nó. Sự sợ hãi thể hiện cảm giác của một người có lòng tin đang đứng trước mặt Thiên Chúa, là đấng xét xử thánh thiêng. Phản ứng của Simon rất có ý nghĩa về việc nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa mà khi đứng trước Ngài người ta cảm thấy không xứng đáng vì tội lỗi của mình.
Như vậy, trong một câu, Simon thú nhận sự yếu đuối của mình, tình trạng tội lỗi của mình, đồng thời, ông nhận ra nơi Chúa Giêsu sự hiện diện của chính Thiên Chúa và của một vị thẩm phán cánh chung.
Phản ứng của Simon gần như là buồn cười. Trên chiếc thuyền nhỏ này, trên biển hồ này, ngoài khơi xa, không lối thoát, thế mà Simon-Phêrô lại cầu xin Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin tránh xa con.” Trong thực tế, không cần phải tránh đi đâu cả. Nước trởi đã đến gần, Chúa Giêsu loan báo như thế, và Nước trời chưa bao giờ ở gần Simon-Phêrô đến thế. Chúa Giêsu tự xuống thuyền với ông, hay đúng hơn là Chúa Giêsu bắt người ngư phủ Galilê này xuống thuyền với Ngài, để ông được ở gần Ngài hơn. Vì vậy, Chúa Giêsu gọi ông Simon không phải vì khả năng đánh cá của ông mà vì ông Simon nhận mình là một ngư dân khiêm hạ, đã để cho Lời của Chúa Giêsu chiếm lấy mình.
6/ Hướng tới cuộc sống
Không lên án, không trấn áp Simon, Chúa Giêsu mời gọi ông đến với sứ mệnh. Đây là những người mà ngươi phải chiếm lấy, hoặc theo đúng nghĩa đen hơn, mà ngươi sẽ phải đem về còn sống. Lời kêu gọi này lặp lại sách Tiên tri Giêrêmia loan báo việc giải cứu những người dân của ông bị lưu đày và bạc đãi:
“Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã đưa con cái Israel lên khỏi đất phương Bắc và khỏi mọi miền đất Ngài đã xua họ đến. Quả thật, Ta sẽ cho chúng trở về đất chúng sở hữu, đất mà xưa kia Ta đã ban cho cha ông chúng” (Gr 16,15).
Vì ở đây, Chúa Giêsu bày tỏ chính mình như một người đem đến Ơn Cứu Độ, một người đem tới một mẻ cá cần được chia sẻ, một người đem đến một sự sống dồi dào. Hơn cả mẻ cá kỳ diệu, ở đây Simon là dấu chỉ chính của sứ mệnh Tin Mừng: kêu gọi tội nhân, lôi kéo họ ra khỏi sự dữ để làm cho họ sống lại. Chúa Giêsu mở ra cho Simon và những bạn chài của ông không phải một hồ nước đóng kín mà là một thế giới rộng mở, nơi lời Thiên Chúa sẽ vang lên trong Người Con của Ngài. Để lại tất cả mọi thứ ở đó, kể cả một mẻ cá dồi dào và béo bở, họ đi theo Chúa Giêsu.
Sách Tin Mừng của Luca kể về nhiều cuộc gặp gỡ cứu độ với tội nhân từ mọi bờ biển và mọi con thuyền: một phụ nữ tội lỗi tới nhà ông Pharisêu tên là Simon, với bình bạch ngọc đựng dầu thơm (7,36-50), hai người con trai trong dụ ngôn về người cha nhân từ (15,11-32), Giakêu (19,1-10) , tên trộm cướp trên thập giá (23,26-43), nhưng trước nhất là Lêvi, người thu thuế (5,27-32).