Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 30 TN-A Bài 1-50: Điều răn trọng nhất
------------------------------------------
Tin mừng: Mt 22,34-40
34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. - 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?” 37 Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: “ Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”
------------------------------------------
Mục Lục:
TN30-A1. VẤN ĐỀ GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT.. 2
TN30-A2. LUẬT TRỌNG ĐẠI NHẤT.. 7
TN30-A3. CHÂN TRỜI ĐỨC BÁC ÁI 9
TN30-A4. LẠY CHÚA, XIN GIÚP CON YÊU MẾN CHÚA.. 11
TN30-A5. Hai Điều Răn. 12
TN30-A6. MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI - Lm. VIKINI 14
TN30-A7. SỐNG LỜI CHÚA- MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI 17
TN30-A8. NTĐY / 153- YÊU THƯƠNG.. 19
TN30-A9. CS / 146- YÊU GIẢ.. 21
TN30-A10. CSTM/ 250- MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI 22
TN30-A11. PV / 612- TIN MỪNG.. 24
TN30-A12. PV / 614- YÊU MẾN.. 25
TN30-A13. SCĐ / 528- YÊU MẾN.. 27
TN30-A14. SCĐ / 530- YÊU MẾN.. 28
TN30-A15. Điều Răn Trọng Nhất – JKN.. 29
TN30-A16. Giới Răn Mến Chúa và Yêu Người 33
TN30-A17. Suy Niệm của Lm Augustine S.J. 34
TN30-A18. Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hưng Lợi DCCT.. 38
TN30-A19. Giới Răn Cao Trọng Nhất - Lm John Trần Khả. 40
TN30-A20. Suy niệm của Nguyễn Văn Nội 45
TN30-A21. Suy niêm Lm. Đan Vinh. 48
TN30-A22. Yêu Mến Chúa Và Anh Em - Huyền Đồng. 57
TN30-A23. Mến Chúa - Yêu Người - Lm Vũ Nghi, CMC.. 59
TN30-A24. Giới Luật Yêu Thương - Sr M. Catherine Lê Trang, OP. 60
TN30-A25. Tình Yêu Cao Đẹp - Lm Nguyễn Bình An. 63
TN30-A26. Yêu Thương Là Truyền Giáo - Lm JB. Nguyễn Minh Hùng. 64
TN30-A27. Mến Chúa Yêu Tha Nhân. 66
TN30-A28. Giới răn nào trọng nhất ?. 68
TN30-A29. Mến Chúa yêu người 69
TN30-A30. Yêu thương. 71
TN30-A31. CẢ HAI ĐIỀU RĂN ĐỀU RẤT QUAN TRỌNG! 73
TN30-A32. VẤN ĐỀ GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT.. 77
TN30-A33. Yêu thương là điều răn quan trọng nhất 78
TN30-A34. CHỈ HAI GIỚI RĂN THÔI - Lm Nguyễn Khoa Toàn. 86
TN30-A35. YÊU MẾN + Đức Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt 89
TN30-A36. NHỮNG ANH HÙNG CỨU ĐỘ - Lm Mark Link S.J. 91
TN30-A37. YÊU NHAU THÌ LẠI BẰNG MƯỜI PHỤ NHAU.. 94
TN30-A38. THIÊN CHÚA TRONG ÁNH MẮT/ Chuyện. 96
TN30-A39. Mến Thiên Chúa và yêu thương người 97
TN30-A40. YÊU MẾN CHÚA HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN.. 99
TN30-A41. ĐỂ YÊU CHÚA VÀ THA NHÂN, PHẢI BIẾT YÊU MÌNH.. 101
TN30-A42. Tình yêu tha nhân. - Cha Cantalmessa. 104
TN30-A43. BÌNH AN VÀ YÊN HÀN CHO KHÁCH LẠ NHẬP CƯ.. 106
TN30-A44. Mến Chúa. 109
TN30-A45. Luật yêu mến. 110
TN30-A46. Tại sao Thiên Chúa làm người 112
TN30-A47. Khi hai mặt của đồng tiền bằng nhau. 113
TN30-A48. Hàng ngàn giới răn?. 115
TN30-A49. Điều cốt yếu. 116
TN30-A50. Giới răn trọng nhất 117
------------------------------------------
I. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1. Vấn đề cạm bẫy về “điều răn lớn nhất”...
Ba dụ ngôn về xét xử mà chúng ta đã suy niệm trong các Chúa nhật 26,27 và 28 đã chẳng: TN30-A1
Ba dụ ngôn về xét xử mà chúng ta đã suy niệm trong các Chúa nhật 26,27 và 28 đã chẳng làm cho các kẻ thù địch Chúa phải câm miệng, mà con châm ngòi một loạt các cuộc tranh cãi khác. Họ liên minh với nhau và lần lượt thử Chúa cốt làm cho Người phải rơi vào bẫy của vấn đề họ đặt ra.
- Trước hết - Phúc Âm tuần rồi - là sự xoay sở của đám “môn đệ những người Pharisiêu cùng đi với những người phe Hêrôđê”. Họ tới hỏi Chúa một câu, bấm bụng rằng bẫy đặt ra như vậy là không tài nào tránh thoát: “Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho César hay không?”.
Nhưng Đức Giêsu chẳng để mình bị kẹt chút nào trong thế lưỡng đao của họ, mà đã chuyển hướng vấn đề, và, nhìn vào hình tượng in trên đồng tiền mà họ đưa cho coi, Người đã tuyên bố: “Của César, trả về César; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Một câu trả lời đã khiến cho đối phương của Người không nói thêm được câu nào nữa: “Họ ngạc nhiên, và để Người lại đó mà đi”.
Tiếp đến - đoạn chuyển tiếp không có trong sách Bài đọc năm A - là ngón xoay sở của những người “phe Sadducée” nhóm này chủ trương “không có sự sống lại”. Họ đem câu chuyện kỳ cục về một phụ nữ, có bảy đời chồng, hy vọng chế giễu chính Đức Giêsu, và lòng tin vào sự sống lại. Nhưng Đức Giêsu đã nhắc lại cho họ điều Thiên Chúa mạc khải trong câu chuy
ện về bụi gai rực cháy ở sách Xuất Hành 3,6: Đấng đã tỏ mình ra với ông Môsê như là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống”.
- Khi nghe tin Đức Giêsu “đã làm cho nhóm Sadducée phải câm miệng”, thì đến lượt những người Pharisiêu trở lại vào cuộc. Nhưng lần này là một nhóm; một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để “thử Người” rằng: “Thưa Thầy, trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?”.
Nên biết rằng, thời đó, sách Luật gồm, không hơn kém 613 điều răn; các kinh sư phân ra 365 điều cấm (bằng với số ngày trong năm) và 248 điều truyền (bằng với số bộ phận trong cơ thể con người). J.Potin giải thích: “Cuộc tranh luận về điều răn nào lớn nhất tạo nên mối xung khắc giữa những người Pharisiêu chủ trương 613 điều răn đều quan trọng như nhau, với những ai ước mong phải có tôn ti đẳng cấp, ngõ hầu có thể giải thích cho người ngoài biết đâu là điều cốt yếu, là bản chất của đạo” ("Đức Giêsu, lịch sử đích thực”, NXB Centurion, 1994, trang 376).
2. ... Dẫn vào điểm cốt lõi của Tân Ước:
Đức Giêsu đã trả lời thật khôn khéo vấn đề của những người Pharisiêu về việc nộp thuế cho César - Người đã trích dẫn Lời Chúa để phá vỡ mưu đồ của những người phe Sadducée. Còn về giới răn lớn nhất, thì câu trả lời Người là thẳng thắn, không do dự, nhắm thẳng đích.
Đức Giêsu không nhắc nhớ họ về lời ban bố của sách Xuất Hành, đoạn 20: Mười Điều răn Đức Chúa Trời. Người trích dẫn hay đúng hơn, Người đọc thuộc lòng lời tuyên xưng lòng tin của sách Đệ Nhị Luật 6,4-5 mà mọi người Do Thái vẫn đọc khi đi ngủ cũng như khi thức dậy; lời này được ghi trên các thẻ kinh mà những người Pharisiêu vốn đeo trên trán và trên cánh tay; một lời khẳng định tính cách duy nhất của Thiên Chúa mà theo sau là giới răn yêu mến Thiên Chúa, một tình yêu phải thấm nhập vào tận đáy lòng, sức lực và ý nghĩ: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em...”.
Nhưng điểm độc đáo của Đức Giêsu là Người gắn liền “điều răn thứ nhất” này với “điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy": “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Lv 16,18). Làm như vậy không những Người diễn tả được “tất cả Luật Môsê và các sách Ngôn sứ”, nghĩa là tập trung tất cả vào hai giới răn đứng đầu này, không có vậy thì mọi điều răn khác đều mất hết ý nghĩa, nhưng Người còn tỏ cho thấy bí quyết của chính cuộc đời Người, một cuộc đời tự hiến vì yêu mến Cha và yêu thương các anh em của Người.
Cl. Tassin chú giải: “Hai điều răn này chi phối toàn bộ Kinh Thánh (Luật Môsê và sách Ngôn sứ) không phải để bãi bỏ Kinh Thánh, nhưng là để đọc Kinh Thánh mà thấy rõ hơn. Và, trong Kinh Thánh, lòng yêu mến không dính dáng gì với thứ tình cảm bồng bột, đổi thay tuỳ cảm xúc; lòng yêu mến đây chính là sự quyết định gắn bó với một ai đó mà mình cho người ấy có quyền trên mình và là những hành động cụ thể nuôi dưỡng quyết định này... Không bao lâu nữa Đức Giêsu sẽ dùng cuộc khổ nạn của Người mà chứng tỏ rằng Người là hiện thân chính lòng yêu mến Thiên Chúa và lòng yêu thương mọi người này” ("Phúc Âm thánh Matthêu”, NXB Centurion, trang 236).
II. BÀI ĐỌC THÊM:
1. “Một lời để ghi nhớ: Ngươi phải yêu mến” (Giám mục L. Daloz, “Le Règne des Cieux s'est approché”. Desclée de Brouwer, trang 309-311).
Đúng là hai điều răn: điều răn thứ nhất là điều răn lớn. Điều răn thứ hai cũng quan trọng không kém. Có nghĩa là những giới răn ấy không cho phép ta tuỳ thích. Tình yêu mà những giới răn ấy nói tới, đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân không phải là một thứ tình cảm trôi nổi tuỳ theo tính khí của ta. Tình yêu là một sự cam kết lớn lao, một sự dâng hiến chính mình, hiến mạng sống mình. Tình yêu không dừng lại ở nửa đường, mà đi cho tới cùng giống như đám lửa cháy. Giới răn ấy khơi dậy tình yêu khi mà thường tình và một cách tự nhiên tính lãnh đạm hay chối từ có nguy cơ thống trị. Giới răn ấy là như tia lửa làm bùng lên đám cháy. Giới răn ấy nâng đỡ tình yêu khi nỗi chán chường hay thói quen sẽ làm cho tình yêu ra nguội lạnh hoặc tàn lụi. Giới răn ấy làm bừng lên nhuệ khí khi tình yêu chân thực đòi hỏi nhiều hy sinh, quên mình... Nhờ tương phản và hỗ trợ giữa tình yêu và giới răn này mà đời sống ta được thăng tiến!
Giới răn yêu thương có hai mặt, hai mặt mà không tách biệt nhau như mu và lòng bàn tay: Điều răn thứ hai cũng giống, cũng quan trọng như điều răn thứ nhất, là: “ngươi phải yêu người thân cận, như chính mình”. Chỉ có một mình Chúa là Đấng ta phải yêu mến cách tuyệt đối, hơn cả chính mình ta, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ta. Khi yêu mến Chúa hết mình, vượt khỏi chính mình, ta được vào trong tình yêu Chúa ban tặng, được sống trong tình yêu của Người, lòng ta mở ra hướng về vô biên, và con người được tạo nên cho cõi vô biên, bởi lẽ Thiên Chúa muốn thông phần sự sống của Người cho con người, muốn thần hoá con người! Còn về người thân cận, Đức Giêsu truyền phải yêu người thân cận, như chính mình. Đây không phải là một sự so sánh bình thường, mà còn hơn thế nữa. Không chỉ đơn giản là muốn và làm cho người thân cận điều ta muốn cho ta. Đức Giêsu đã đưa ra một điểm son, một khuôn vàng thước ngọc: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các Ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Giới răn thứ hai thật minh bạch và đi xa hơn. Giới răn ấy đòi ta yêu mến người thân cận như người ấy là chính ta, là ta đồng hoá với người ấy. Nó diễn tả một sự hiệp thông giữa hai hữu thể, giữa hai cuộc sống, giữa anh em trong một nhà, trong một gia đình Thiên Chúa. Nếu tôi không yêu mến người thân cận của tôi, nếu tôi khinh chê người ấy, chính là tôi gây thiệt hại cho bản thân tôi. Yêu người thân cận như chính mình, chính là tôi dành cho tôi một tình yêu tuyệt vời... Thế nên, và nhất là có điều răn ấy, thật là điều hạnh phúc! Bởi lẽ khi tôi yêu mến người giống như tôi, người mà tôi nhận ra tôi nơi con người ấy, thì tôi cũng được người ấy đáp lại bằng lòng yêu mến tự nhiên, bằng mối thịnh tình theo nghĩa mạnh nhất, còn nếu theo bản năng tôi ngờ vực một người, thì người ấy có thể trở thành một đối thủ, một người cạnh tranh, một kẻ thù của tôi. Lịch sử từng minh chứng những biến cố thật lớn lao đượm tình huynh đệ, cũng như những cuộc bùng nổ dữ dội nhất từng châm ngòi cho thù hận giữa con người.... Điều răn thứ hai quả là cần thiết, và rất cần thiết nên Đức Giêsu mới dùng tất cả những lời lẽ trang trọng mà tuyên bố là điều răn ấy cũng giống như điều răn kia, cũng quan trọng không kém. Người đã đặt con người vào đúng tước vị của nó là hình ảnh và là con Thiên Chúa!
Quả thực, đây cũng là điều đơn giản và chắc chắn Chúa muốn ta tham khảo...
Yêu mến thế nào, thường là điều phức tạp; bạn phải tìm kiến, nhận thức rõ, kiểm soát những tình cảm tốt, xấu của bạn, chứ không được miễn trừ. Bạn hãy luôn luôn phải tìm xem để yêu mến thế nào cho đúng sự thật; cần được học hỏi về điều này. Nhưng nếu bạn có một ý chí muốn yêu thương, nếu để cho ngọn lửa của Thánh Linh điều động cuộc đời bạn, thì bạn sẽ thấy con đường phải đi và phương cách để làm. Bạn hãy tìm kiếm hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn bạn. Bạn hãy tìm kiếm như cho chính mình. Thì bạn sẽ gặp...!
2. “một từ tóm tắt tất cả Phúc Âm: Yêu mến” (H. Denis “100 mots pour dire la foi” Desclée de Brouwer, trang 31-32).
Khi nói đến yêu, tôi vốn thích dùng động từ Yêu mến, nó có tính cách chủ động và tích cực, hơn là dùng từ Tình yêu một từ rất đẹp nhưng cũng rất dễ bị phê phán.
Làm sao có thể là tín hữu mà lại không yêu mến? Làm sao có thể nhận biết Thiên Chúa của chúng ta nếu Người không phải là Đấng yêu mến chúng ta?
Nhưng vậy thì có nhiều cách yêu mến không? Chắc hẳn là có rồi, nên trong vấn đề này, tôi vẫn cứ theo gót nhà sư phạm trứ danh là thánh Augustino. Ngài phân biệt ba trình độ trong hành vi yêu mến.
Trình độ thứ nhất, thấp nhất, không có ý nói là xấu nhất: Thích được yêu (aimer être aimé). Bạn hãy nói cho tôi hay, có ai mà lại không thích điều đó không? Phải là con người hư hỏng mới dám nói ngược lại. Mọi người đều như vậy thôi... nhưng cuộc sống cũng đã dạy cho ta rằng tình yêu còn phải là cái gì khác hơn là niềm khoái chí (tự tôn kia).
Trình độ thứ hai: Thích yêu (aimer aimer). Ta hãy tạm dịch ở đây là: lấy làm vui khi yêu mến người khác. Ở bậc này, người ta có ra khỏi mình một chút, có quảng đại, có vị tha.
Chúa ơi, thật vui và đẹp biết bao khi làm được một việc thêm khi xả thân, và đôi khi đi tới chỗ đóng vai con chim bồ nông tự để cho con rỉa thịt mình.
Ngay ở điểm này, ai lại không muốn nhận khen thưởng chứ? Bạn hãy nói cho tôi hay bạn có đủ can đảm để đi thăm một bệnh nhân nào đó, đi uỷ lạo một cảnh khốn này, chẳng tìm thấy được ở đó một điều gì khích lệ chăng? Nhưng bạn hãy coi chừng! Tất cả thái quá trong lãnh vực này - quảng đại thái quá - có lẽ là một hình thức tự tôn tự đại của lòng yêu mến chính mình đó thôi.
Còn trình độ thứ ba: Yêu (aimer). Có thế thôi! Yêu mến người khác vì chính họ, không phải vì ta làm điều tốt cho họ, không phải vì làm cho nhân đức của ta lớn lên. Không phải thế, bởi lẽ xét cho cùng, người ta không yêu mến vì... Ta yêu là yêu thôi. Đó mới là đỉnh cao của “tình cho không, biếu không”.
Hãy nhìn nhận điều này: Ta chẳng mấy khi đạt tới trình độ đó. Chỉ có một vị đã hiến thân chỉ vì yêu mà thôi, một Đức Giêsu ấy muốn lấy bản tính nhân loại của ta, một Đức Giêsu ấy mới ban cho ta Thần Linh tình yêu, khi Người tắt thở, một Đức Giêsu ấy mới có thể sáng nghĩ ra nhân vật Samaritano nhân lành yêu thương mà không đòi đáp trả và hình dung ra một người Cha đang mở rộng vòng tay đón nhận đứa con đi hoang trở về.
Nếu phải cần đến một từ để tóm tắt cả Phúc Âm, đó là: Yêu mến.
--------------------------------
Hôm nay Chúa Nhật XXX Thường Niên, Chúa Giêsu và Mẹ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng: TN30-A2
Hôm nay Chúa Nhật XXX Thường Niên, Chúa Giêsu và Mẹ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta một giới luật quan trọng nhất của người tín hữu Kitô, đó là giới răn "Mến Chúa và Yêu Người". Đây là một giới răn được gồm tóm tất cả các giới răn trong đạo. Vì thế, khi đến trần gian, Chúa Giêsu không chỉ đến để giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi mà thôi, nhưng Ngài muốn giải thoát con người một cách toàn diện, tức là khỏi mọi áp bức bất công, khỏi mọi độc tài kìm kẹp, cốt để đem lại cho con người được tự do, hầu sống đúng với phẩm giá của mình là người Kitô hữu. Vào thời Chúa Giêsu, trong xã hội Do Thái bấy giờ, con người lúc nào cũng bị trói buộc bởi những lề luật. Bởi thế, người ta đếm được 248 điều dạy phải làm và 365 điều buộc phải tránh. "Nhất Cử Nhất Động", con người đều nằm trong mạng lưới chằng chịt của lề luật. Đó là điều làm cho con người lúc nào cũng mang tâm trạng lo âu, sợ sệt. Không biết tôi làm điều kia việc nọ có đúng luật không? Và nếu tôi sai luật thì tôi không phải là người công chính.
Thật vậy, nếu con người chỉ căn cứ vào những luật lệ bó buộc như vậy thì đó là một sai lầm, vì lấy lề luật làm nền tảng cho đời sống luân lý để đo mức độ công chính của đời sống con người. Bởi vậy, chúng ta không lạ gì thế giới có học của thời đại Do Thái bấy giờ, như các luật sĩ và biệt phái nhờ học biết luật và giữ luật nên họ cho là công chính, là thánh thiện, là hoàn hảo hơn người, đến độ trở nên kiêu căng, hách dịch với đại đa số dân chúng là những người không am tường lề luật để tuân giữ.
Nhưng Chúa Giêsu đến, Ngài đã đặt lại nền tảng sự công chính, đem đến sự sống đời đời trên tình yêu thương. Ngài đã phản đối những lề luật chẻ cọng tóc ra làm tư đó. Lề luật đặt ra để giúp cho con người, chứ không phải con người sinh ra để giữ lề luật. Vì thế, Chúa Giêsu đã đưa ra một giới luật yêu thương hết sức quan trọng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi". Đó là điều răn thứ nhất, và điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất là "ngươi hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi". Thật ra, Chúa Giêsu không dạy làm điều chi mới lạ, vì hai điều răn đó đã có trong Cựu ước, trong sách Đệ Nhị Luật và Lêvi. Ngài chỉ lấy hai điều đó nhập lại làm một và đặt nó làm nền tảng cho đời sống con người chúng ta.
Chúa Giêsu đã dạy cho con người biết Thiên Chúa là người Cha nhân từ. Trong lịch sử nhân loại, đây là lần đầu tiên qua lời dạy của Chúa Giêsu, con người gọi Thiên Chúa là Cha: "Lạy Cha chúng con ở trên trời". Một người con ngoan biết thương cha mến mẹ, khi làm một việc gì không cần phải coi cha mẹ tôi có cấm cái này không? Có cho phép cái kia không?
Nếu có cấm thì cố tìm xem trong các lời cấm đó có câu nào, tiếng nào để có thể tìm ra một kẽ hở để lánh qua không? Nhưng một người con ngoan bao giờ cũng tự hỏi: "Tôi làm cái này, cha mẹ tôi có vui không? Và tôi chỉ thích làm cho cha mẹ tôi hài lòng mà thôi ".
Thánh Augustinô sau khi hiểu rõ lời dạy của Chúa Giêsu, ngài đã đưa ra một định luật táo bạo: "Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm". Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta đâu dám cả lòng cố tình làm mất lòng Thiên Chúa được. Khi chúng ta yêu mến anh chị em mình thật lòng, thì làm sao chúng ta dám nói xấu người khác được, làm sao chúng ta thấy người hoạn nạn mà mình vui được, làm sao chúng ta cố tình làm hại người khác được.
Để dễ thấy tầm quan trọng của hai điều răn "Mến Chúa và Yêu Người" trong đời sống, chúng ta hãy hình dung đó là hai chiều kích trong cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta: Chiều dọc nối liên hệ với Thiên Chúa và chiều ngang nối liên hệ với tha nhân. Hai chiều kích đó hợp lại thành cây Thánh giá, đó là dấu hiệu của người Công giáo chúng ta. Hằng ngày chúng ta thấy hình ảnh của cây Thánh giá khắp nơi, trong nhà thờ, nơi nhà ở và chúng ta còn có những người luôn mang Thánh giá trong mình, bởi thế không ai có thể hình dung cây Thánh giá mà chỉ có một chiều hoặc dọc hoặc ngang mà thôi.
Tôi còn nhớ trong những năm chiến tranh ở Việt Nam, một đêm nọ họ đạo tôi bị pháo kích, sáng ra tôi đi thăm hỏi và an ủi kẻ đau khổ và thăm những người lớn tuổi để củng cố tinh thần của họ trong cảnh lo âu sợ hãi. Tôi ghé thăm một bà đạo đức nọ, bà đi lễ hằng ngày không bỏ sót một ngày nào hết; Chúa Nhật có hai lễ bà cũng đi dự cả hai Thánh lễ luôn. Nhưng khi tôi ghé vào thăm bà, bà nói với tôi rằng: "Thưa cha, thật Chúa thương con vô cùng, vì đêm rồi khi họ pháo kích vào làng, con cầu xin Chúa hết lòng hết sức và Chúa đã nhận lời con rõ ràng cha ơi. Bằng chứng là bao nhiêu bom đạn, pháo kích đều rơi ở xóm trên hết". Bấy giờ tôi nghĩ thầm trong lòng: "Chúa mà nhận lời bà kiểu đó, thì chết mẹ người ta hết rồi".
Vậy khi chúng ta chỉ mến Chúa mà quên yêu người thì cũng lố bịch và buồn cười như câu chuyện của bà già trên vậy thôi. Tình yêu đối với tha nhân phải là sự biểu lộ ra bên ngoài của tình yêu đối với Thiên Chúa. Tình yêu đối với Thiên Chúa hoàn thiện hoá đối với tha nhân, không thể tách rời hai tình yêu đó ra khỏi đời sống đạo của mình được.
Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa thật sự, tự nhiên chúng ta cảm thấy yêu mến tất cả anh em đồng loại của mình, và khi chúng ta yêu mến anh em đồng loại của mình đến nơi, đến chốn với tất cả lòng bác ái vị tha, tự nhiên tâm hồn chúng ta hướng về Thiên Chúa. Chúng ta nên nhớ kỹ hai điều này: "Ai bảo mình mến Chúa mà không yêu thương anh em thì là kẻ nói dối. Còn ai bảo mình yêu người mà không mến Chúa thì là sai lầm".
Xin Chúa cho tất cả chúng ta được mến Chúa hết tâm hồn, biết yêu thương anh em mình như chính mình vậy, để cho danh Chúa được cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
--------------------------------
“Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi”
Xưa nay, Chúa Giêsu là một câu hỏi cho người. Chúa có phải là một nhân vật có thật hay: TN30-A3
Xưa nay, Chúa Giêsu là một câu hỏi cho người. Chúa có phải là một nhân vật có thật hay chỉ là sản phẩm do trí óc loài người bày vẽ ra?
Một văn hào. Cha Pouget cũng đặt ra câu hỏi ấy và Ngài trả lời như sau: “Một trong những lý do khiến tôi tin chắc rằng Chúa Giêsu có thật, không phải do trí tưởng tượng loài người bày ra, vì Ngài đòi hỏi quá nhiều!”
Thật vậy, nếu loài người có bày ra thì hẳn đã bày ra một con người vừa tầm thức, vừa lý luận của mình, một con người dễ dãi, hợp lý, không quá đòi hỏi, như trong nhiều đạo giáo khác. Đàng này, Chúa Giêsu đòi hỏi quá nhiều, đòi hỏi đến mức độ mà Thánh Phaolô gọi là sự điền rồ của Thập giá. Theo Ngài, phải từ bỏ bỏ sự, vác Thập giá, phải yêu thương anh em, phải tha thứ cho kẻ khác, không phải 7 lần mà 77 lần. Vì bao nhiêu đòi hỏi khác khắc khé!
Hôm nay, Chúa nói về Đức Bác Ái yêu thương và các đòi hỏi của nhân đức ấy. Các kỳ mục Do Thái đến hỏi thử Chúa: “Thưa Thầy, trong lề luật giới răn nào trọng nhất?” Chúa trả lời: “Đó là hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hất trí khôn. Đó là giới răn thứ nhất. Nhưng điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là ngươi hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi” (Lev 5,5). Toàn thể lề luật và các Tiên tri gốm tóm trong hai giới răn ấy?
Đối với người Do Thái, họ chỉ chú trọng đến điều răn thứ nhất là kính sợ Thiên Chúa. Yêu là giới răn sợ. Và họ chia lề luật ra thành 610 giới răn, trong số ấy 365 luật cấm làm, nhiều đến nỗi các nhà thông thái cũng không làm sao tìm ra luật duy nhất. Họ tưởng giữ các giới răn đó là đủ, là hết nợ với Thiên Chúa, là đi đầu tuột về Thiên đàng.
Câu trả lời của Chúa đi ngược lại cảm quan của Do Thái, như được mô tả trong cả Phúc Âm của Matthêô. Và cái mới là việc Chúa hiệp nhất hóa một cách chặt chẽ hai giới răn: ngươi hãy yêu thương. Chúa đặt cho giới răn yêu thương tha nhân một nền tảng cao siêu: ấy là chính Tình yêu Thiên Chúa đối với con người.
Trong bài giảng trên núi, Chúa đã mở rộc chân trời đức Bác ái yêu thương đến mút cùng, đến tình thương của Đức Chúa Cha dành cho nhân loại. Từ đây, trong Nước Trời, tình thương của chúng ta, như tình thương của Chúa đối với chúng ta, sẽ vô cõi, vô giới hạn. Ta tha thức cho anh em vô điều kiện như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Trong bài giảng về ngày phán xét chung (Mt 25), Chúa đồng hóa với anh em ta, làm cho anh em ta là làm cho Chúa. Trong khi nhà hiện sinh vô thần Jean Paul Sartres tuyên bố: Hỏa ngục chính là người khác, thì Chúa lại nói: Người khác, anh em người chính là Ta. “Con người đến để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28)
Câu hỏi của nhà thông luật Do Thái là một cạm bẫy để được đặt Chúa vào tư thế phải lựa chọn: Thiên Chúa hay con người. Câu trả lời của Chúa thật là huyền diệu vượt lên trên hết mọi cảm nghĩ trần thế. Ngài là Thiên Chúa làm người. Ngài hoàn toàn tuận phục Đức Chúa Cha nhưng Ngài cũng liên hệ mật thiết với nhân loại, với mỗi người. Cây Thánh giá chính là biểu tượng của hai mối tình chí thiết ấy. Thanh dọc là bàn tay giơ lên Thiên Chúa, thanh ngang là vòng tay ôm lấy anh em. Thiên Chúa và anh em chỉ là một mối tình duy nhất đi về hai hướng. Đây chính là cốt lõi của mặc khải vậy. Người hành khất ngồi bên vệ đường run lập vì lạnh giá, được Thánh Matthêô thành Tour chia cho một nửa chiếc áo choàng phủ thân, chính là Ngài: “Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày các ngươi đã đến với Ta… Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,36).
Lạy Chúa:
…Khi con chán nản, xin Chúa gởi đến cho một con người cần được khích lệ. Khi con cần sự cảm thông của kẻ khác, xin Chúa gửi đến cho con một người cần sự cảm thông của con. Khi con cần sự chăm nom, xin gửi đến cho con một người cần sự săn sóc.
Khi con chỉ nghĩ về con, xin hướng lòng trí con về người khác.
* Lời kinh của một người Nhật thuộc nhóm trợ tá Mẹ Têrêsa.
(De la soujfance à la joie- Kathryn Sprink)
-------------------------------
Có lẽ các bạn đã nghe bài thơ “Cây cối” kết thúc với những lời “Những bài thơ được làm do: TN30-A4
Có lẽ các bạn đã nghe bài thơ “Cây cối” kết thúc với những lời “Những bài thơ được làm do những người ngốc như tôi, nhưng chỉ Thiên Chúa có thể tạo dựng được một cây”. Tác giả của bài thơ đó theo đạo công giáo lúc 27 tuổi. Ông là một văn sĩ nhạy cảm, cởi mở và đơn sơ, lấy những vật thông thường như thảo mộc và nói lên vẻ đẹp của chúng. Ong tòng quân vào thời thế chiến thứ nhất và đã bị giết đi khi thi hành nghĩa vụ vào tuổi 32, để lại người vợ và gia đình.
Tinh thần tôn giáo sâu sắc của Klmer đạt tới sung mãn trong đức tin công giáo. Ông yêu mến và sống đức tin ấy. Những bức thư ông gửi cho vợ, cũng là một thi sĩ, cho các con và bạn hữu đầy tràn những hiểu biết thiêng liêng. Trong một bức thư ông viết có một cái gì rất gần với Tin Mừng hôm nay: “Hãy cầu nguyện cho tôi được yêu mến Chúa hơn. Đối với tôi, nếu tôi có thể yêu mến Chúa mãnh liệt hơn, kiên trì hơn mà không sao nhãng thì thật không có gì khác đáng kể... Tôi đạt được niềm tin do cầu xin ơn ấy. Tôi hy vọng đạt được lòng yêu mến cũng bằng cách đó”.
Bao nhiêu người trong chúng ta đã xin Chúa giúp chúng ta yêu mến Ngài ? Yêu mến là một hồng ân do chính Thiên Chúa. Có nhiều người nghĩ lầm rằng chúng ta có thể tiến triển trong lòng yêu mến Chúa do những nỗ lực của chính mình, rằng hoàn toàn tùy thuộc ở cách chúng ta học biết yêu mến Thiên Chúa. Chắc chắn là chúng ta cần làm mọi sự có thể để thực thi lệnh truyền Chúa Kitô: “Hãy kính mến Thiên Chúa là Chúa con”. Nhưng trên hết và vượt mọi nỗ lực của chúng ta, hồng ân này sẽ được ban cho chúng ta khi chúng ta cầu xin cùng cha chúng ta trên trời.
Chúng ta muốn ám chỉ điều gì khi nói “Yêu mến Chúa ?” Đây là định nghĩa có giá trị giúp ta hiểu. Yêu mến Chúa nghĩa là ao ước làm vui lòng Chúa. Lệnh truyền của Chúa Kitô có thể đọc là: “Con hãy ao ước làm vui lòng Chúa”. Yêu mến tha nhân có nghĩa là ao ước làm điều thiện hảo cho họ. Chúng ta không thể “làm điều thiện hảo” cho Chúa, nhưng chúng ta có thể ao ước làm vui lòng Ngài. Chúng ta có thể và phải làm điều thiện hảo cho tha nhân. Một trong những cách tốt nhất để làm vui lòng Chúa là làm điều thiện hảo cho tha nhân. Đã có những lần Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: ai yêu mến Chúa thì tuân giữ giới răn của Ngài. Cách đây vài Chúa nhật, chúng ta đã thấy rằng giới răn của Chúa là bằng chứng tình yêu của chúng ta đối với Ngài.
Bạn đến tham dự Thánh lễ bởi vì Thiên Chúa được vui lòng khi bạn tôn thờ Ngài. Bạn năng rước lễ bởi vì Thiên Chúa muốn ở với bạn. Bạn cầu nguyện bởi vì Thiên Chúa được vui lòng khi bạn thưa chuyện với Ngài. Bạn tôn kính danh thánh Chúa bởi vì điều đó làm viu lòng Ngài. Bạn thảo kính cha mẹ bởi điều đó là vui lòng Chúa. Bạn tôn trọng sức khỏe và đời sống của tha nhân bởi vì điều đó làm vui lòng Chúa. Bạn tôn trọng năng lực của phái tính vì điều đó làm vui lòng Chúa. Bạn tôn trọng quyền lợi của tha nhân đối với của cải của họ, danh thơm tiếng tốt, vợ con họ, bởi vì điều đó làm vui lòng Chúa.
Thưc hiện những điều này là yêu mến Thiên Chúa. Và để thực hành những điều này, chúng ta cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta phải xin Ngài giúp đỡ như Kilmer đã làm, như các thánh đã làm.
Bạn hãy cầu xin như trong lời nguyện nhập lễ: “Xin cho chúng con được thêm lòng tin cậy mến, và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy”.
Lạy Chúa, con muốn làm vui lòng Chúa. Xin Chúa giúp con làm vui lòng Chúa
Xin Chúa chúc lành cho các bạn.
-------------------------------
Suy Niệm
Chúng ta thường ngại xét mình trước khi xưng tội.Nếu xét mình sơ sài dựa trên Mười Điều TN30-A5
Chúng ta thường ngại xét mình trước khi xưng tội.
Nếu xét mình sơ sài dựa trên Mười Điều Răn, có khi ta thấy mình chẳng có tội gì nghiêm trọng: không trộm cắp, không tham lam, không giết người...
Thật ra xét mình không phải là làm bản tự kiểm trước một danh sách những luật cấm và luật buộc, cho bằng là đặt mình trước Thiên Chúa và tha nhân.
Tôi phải thành thật tự hỏi: Tôi có thực sự yêu mến Thiên Chúa không? Tôi có thực sự yêu mến anh chị em tôi không?
Tất cả điều răn được tóm trong một động từ: yêu.
Tình yêu là cốt lõi của đời sống Kitô hữu, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8). Yêu là bước vào một đại dương mênh mông, là dấn thân trên một con đường dài hun hút. Chúng ta chẳng bao giờ thấy mình yêu đủ. Tình yêu cứ vẫy gọi ở phía trước, và mở ra những cánh cửa không ngờ. Giới hạn tình yêu là bóp chết tình yêu.
Chẳng có động từ nào bị hiểu sai cho bằng động từ yêu.
Báo chí phim ảnh làm cho ta nghĩ rằng yêu chỉ là chuyện quan hệ giữa hai cô cậu. Hành vi chiếm đoạt theo bản năng lại được gọi là yêu.
Chúng ta cần trả lại ý nghĩa cao đẹp cho động từ này.
Yêu mến Thiên Chúa là điều răn số một.
Không phải chỉ dành cho Ngài phần lớn trái tim, Ngài đòi tất cả trái tim của tôi, tất cả con người của tôi. Hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.
Ai trong chúng ta dám tự hào mình đã sống trọn vẹn điều răn thứ nhất? Càng lúc tôi càng thấy Chúa bị mất chỗ trong tim tôi. Tôi không có giờ cầu nguyện và tĩnh tâm. Chúa Nhật là ngày tranh thủ làm thêm. Mối lo toan quá mức về cuộc sống vật chất làm đời sống thiêng liêng bị sa sút.
Điều răn thứ hai cũng quan trọng không kém: yêu người thân cận như chính mình. Chúng ta yêu bản thân mình biết chừng nào! Chúng ta chỉ muốn điều tốt cho mình đến nỗi lắm khi làm điều xấu cho người khác. Cần coi tha nhân như một cái tôi khác của mình. Họ cũng cần được tôn trọng, cảm thông và yêu mến. Có biết bao thiệt hại tôi đã gây cho anh em tôi. Thái độ sống của tôi đã làm khổ bao người khác.
Hai điều răn trên không thể tách rời nhau.
Yêu Thiên Chúa chắc chắn dẫn đến yêu tha nhân. Tình yêu tha nhân cần đặt nền trên Thiên Chúa.
Người Kitô đi từ nhà thờ ra chợ rồi lại từ chợ vào nhà thờ. Ngoài chợ, họ gặp Chúa nơi anh em. Trong nhà thờ, họ gặp anh em nơi Chúa.
Gợi Ý Chia Sẻ
Hai từ "Tình Yêu" đã bị lạm dụng. Theo ý bạn, một tình yêu thực sự phải có những nét gì?
Trong kinh nghiệm sống đức tin của bạn, có khi nào bạn thấy mình bị giằng co giữa tình yêu đối với Chúa và tình yêu đối với tha nhân không? Bạn đã giải quyết ra sao?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa, lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau để làm thành một vòng tròn khép kín. Sau đó chúng con hiểu rằng cần phải buông tay nhau để nhận những người bạn mới, để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng và trái tim được lớn lên mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng cần phải nối vòng tay lớn xuyên qua các đại dương và lục địa. vòng tay người nối với người, vòng tay con người nối với Tạo Hoá.
Chúng con thích Chúa đứng chung một vòng tròn với tất cả loài người chúng con, nắm lấy tay chúng con và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá giúp chúng con biết nắm lấy tay nhau và nhận nhau là anh em.
-------------------------------
Mẹ Têrêxa Calcutta kể: “Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa: TN30-A6
Mẹ Têrêxa Calcutta kể: “Hôm ấy, một người lạ mặt đến nhà dòng, ông thấy một Sơ vừa đem về một người hấp hối, nằm bên ống cống, mình đầy giòi bọ rất hôi thối. Thế mà, Sơ rất nương nhẹ nhặt từng con bọ với vẻ mặt vui tươi, thanh thản đầy thương mến... Rồi người lạ đến gặp tôi nói: Thưa mẹ, khi con đến đây với lòng đầy căm hờn của một người vô tín ngưỡng. Nhưng bây giờ con ra về với một tâm hồn hoàn toàn đổi mới. Con bắt đầu tin Chúa, bởi vì con đã chứng kiến tình yêu của Chúa được diễn tả một cách cụ thể qua hành động và qua cách Sơ ấy đã đối xử với người hấp hối bẩn thỉu kia. Bây giờ con tin thật Chúa là tình yêu. Không có tình yêu Chúa trong tâm hồn, không thể nào có đủ nghị lực để yêu tha nhân được”.
Thực vậy, không mến Chúa, không thể yêu người vô vị lợi được. Vì thế Chúa Giêsu đã nhấn mạnh cho mọi người nhận biết hai giới răn quan trọng nhất là: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi... và điều thứ hai giống điều răn ấy: ngươi phải yêu người đồng loại như chính mình”
Lời tuyên bố đó, chấm dứt sự tranh luận của các phe phái Do thái về luật nào quan trọng nhất, giống như lời của bậc thầy chấm dứt cuộc tranh cãi của các học trò.
Tuy nhiên Chúa Giêsu không nói rõ lý do tại sao phải mến Chúa trên hết và thương người như chính mình. Thực ra lý do đã nằm sẵn trong lời tuyên bố của Chúa rồi.
Trước nhất tại sao phải mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn, thánh Marcô còn thêm: hết sức, vì tất cả sức lực thể xác, lòng muốn, trí khôn, linh hồn đều là của Thiên Chúa ban. Tất cả những khả năng ấy được có, được sinh hoạt, được phát triển và thăng tiến đều do bàn tay Chúa. Nếu chúng biết nhận ra Thiên Chúa là chủ của chúng, để nương tựa vào chủ, hướng về chủ, hoạt động theo chủ, thì chúng sẽ được chủ quý chuộng, tô điểm xinh đẹp và cho chúng sống muôn đời. Khi hoàn thành bức điêu khắc tượng Môisê, một kiệt tác thể hiện được hết tinh thần sống động của mình đến nỗi thiên tài Michel-Ange đã hét lớn vào tai tượng: Hãy nói đi. Thiên Chúa cũng đang hét lớn vào lòng trí, linh hồn của mỗi người chúng ta: Hãy yêu mến đi để ngươi nên giống Ta ! Vì Ngài đã dựng nên ta, kiệt tác hơn muôn loài trong vũ trụ. Nhận biết mình được Thiên Chúa dựng nên lạ lùng như thế, Salomon đã cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa, con sinh ra cốt cách tinh anh, được một hồn lương hảo, tốt lành, được vào một thân xác không tì ố, nhưng Thiên Chúa không ban, con không thể có được khôn ngoan... nên con thưa với Chúa và cầu xin Người hết lòng con” (Kn. 8, 19-21). “Như vậy, lạy Chúa, những đứa con mà Ngài yêu mến sẽ học biết rằng không phải các thứ hoa quả nuôi sống con người. Nhưng là lời Người bảo tồn những ai tin cậy vào Người” (Kn. 16, 26).
Thứ đến, tại sao phải yêu đồng loại như chính mình ? Thưa vì đồng loại là những người có ruột thịt, máu mủ giống mình, là những người gần gũi mình, sống chung với mình, cùng loại với mình, cùng bản chất tinh thần và thân xác như mình. Cho nên, đã cùng loại với mình thì dù đó là người Samari hay Israel, Hy Lạp hay Do Thái, nô lệ hay tự do, chủ hay thợ, người sang hay hèn, mình phải yêu họ như chính mình. Tại sao khi thấy họ bị đánh nhừ tử nửa sống nửa chết lại bỏ tránh đi ? Tại sao không biết lấy dầu, lấy rượu xoa bóp băng bó vết thương cho họ như người Samari nhân hậu. Chỉ những ai như người Samari biết thương xót người, thấy người khổ như mình khổ, cứu người đau như mình đau, mới được Chúa Giêsu đánh giá là yêu người như chính mình. Từ trên núi Sinai, Chúa đã truyền cho dân Israel phải thương mến giúp đỡ những người bị khinh bỉ, như mẹ góa con côi, những người nghèo đói, ngoại kiều, thì mới thật sự xứng đáng là dân riêng của Chúa (Bài đọc I – Xh. 22, 21-22)
Biết được những lý do tại sao phải mến Chúa và yêu người, ta còn phải biết mến Chúa và yêu người đến mức độ nào, mới thật là mến Chúa yêu người.
Mức độ Chúa Giêsu kêu gọi là: hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Đó là mức độ mến Chúa, còn yêu người đến mức độ như yêu chính mình. Nói khác đi, mến Chúa và yêu người phải tới độ tuyệt đối. Sau đây chúng ta thử xét xem lòng mến Chúa và yêu người của chúng ta đến mức độ nào ?
Phần đông mến Chúa bằng làm những việc đạo như giữ mười điều răn, đi lễ Chủ nhật, xưng tội, rước lễ v.v… ở mức độ sợ tội, sợ mất linh hồn, sa hỏa ngục, nên chỉ cố gắng tránh những tội nặng, còn chửi tục, chửi nhau, bỏ học lời Chúa, bỏ lễ thường, lỗi bổn phận hàng ngày, phạm tội nhẹ như uống nước. Họ giống như đứa con sợ bố đánh mới nghe lời. Khi khuất mặt bố, nó không sợ nữa, nó đánh nhau, phá phách nghịch quấy, trộm vụng bất kể. Người mến Chúa chỉ lo sợ phạt chết đời đời cũng vậy. Họ chỉ yêu ai thân mình, chào kẻ chào mình, làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình “thì anh em còn được công chi ?” (Mt. 5, 46).
Đó là hạng người mến Chúa yêu người vì lợi cho mình. Họ là những kẻ ích kỷ.
Một số mến Chúa vì thấy Chúa tốt lành, nhận ra những công ơn vô cùng của Chúa ban, nên họ cố gắng đền đáp ; nhận ra lời Chúa là lời hằng sống, chân thật, thánh thiện, nên họ cố gắng thực thi. Họ như đứa con hiếu thảo thấy công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra vô tận, nên lo sống xứng đáng đẹp lòng cha mẹ. Vì thế họ cũng cố gắng noi gương nhân hậu của Chúa phần nào đó. Họ là những người tốt lành, cũng biết làm ơn giúp đỡ người khác, hy sinh chịu đựng tha thứ kẻ làm khổ mình. Lúc bình thường họ giống như các môn đệ Chúa, rất chịu khó đi công tác, làm việc tông đồ. Khi gặp thử thách nguy khốn như lúc Thầy bị bắt ... thì bỏ trốn. Họ trốn tránh những việc khó khăn, gian lao, nguy hiểm. Họ mến Chúa và yêu người ở mức bình thường.
Một số rất ít họ là những người lành mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn nghĩa là mến Chúa trọn vẹn, sẵn sàng hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống mình vì mến Chúa. Ở mức độ mến Chúa tuyệt vời này, họ thương yêu hết mọi người dù xa lạ, dù hèn mọn, dù là kẻ thù, họ thấy tất cả là chi thể của Đức Kitô, lúc sáng láng trên núi Tabo cũng như lúc ô nhục khốn cùng trên núi Sọ. Chỉ có các thánh đã mến Chúa và thương người được thế thôi, như thánh Phaolô nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo ? như có lời chép: chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng, nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm. 8, 35-37).
Lạy Chúa Giêsu, xin thêm lòng mến cho con. Xin đốt lửa kính mến Chúa và yêu người trong trái tim con. Amen.
-------------------------------
Luật đạo của dân Do Thái gồm tất cả 613 điều. Trong đó có 365 điều cần làm và 248 điều: TN30-A7
Luật đạo của dân Do Thái gồm tất cả 613 điều. Trong đó có 365 điều cần làm và 248 điều phải làm, vì thế người ta không dễ thấy được đâu là điểm cốt yếu của lề luật.
Bởi đó, ông tiến sĩ luật đã lên tiếng hỏi Chúa Giêsu:
- Thưa Thày, điều răn nào là điều răn quan trọng nhất.
Và Chúa Giêsu đã xác quyết:
- Kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình.
Quả thật Chúa Giêsu đã không đưa ra một sự gì mới mẻ. Nhưng điều độc đáo của Ngài đó là đã cho thấy đâu là điều cốt yếu. Đâu là điều quan trọng nhất của luật Maisen. Mến Chúa và yêu người, cả hai đều cốt yếu, cả hai đều quan trọng như nhau. Điểm chung cả hai điều răn trên là tình yêu. Mọi điều cấm và mọi điều buộc, tất cả cũng chỉ vì tình yêu, bởi yêu thương là chu toàn lề luật. Vậy chúng ta phải kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em như thế nào ?
Trước hết, chúng ta phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, có nghĩa là tình mến đối với Thiên Chúa phải thấm nhiễm vào toàn bộ cuộc đời chúng ta, đến nỗi mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi việc làm đều phải qui hướng về Ngài. Thiên Chúa phải là trọng tâm của đời sống chúng ta. Như trái đất xoay quanh mặt trời thế nào thì đời sống chúng ta cũng phải xoay quanh Thiên Chúa như vậy.
Riêng với chúng ta hôm nay,Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta qua con người Đức Kitô, chính vì thế chúng ta cũng phải kínnh mến Đức Kitô như kính mến Thiên Chúa Cha.Thực vậy, chúng ta hãy ở lại trong tình yêu của Ngài, hay nói một cách mạnh mẽ hơn, đó là hãy ở lại trong chính Ngài, nhờ đó tiếp nhận nhựa sống để đâm bông kết trái. Rồi hãy tuân giữ những điều Ngài truyền dạy, như lời Ngài đã phán:
- Ai yêu mến Thày, thì hãy giữ lời Thày.
Tiếp đến là hãy yêu thương anh em như chính mình. Chúa Giêsu đã đưa ra cái mức độ của tình yêu, đó là:
- Hãy yêu thương nhau như chính Thày đã yêu thương các con.
Đây là một điều răn mới vì chúng ta được mời gọi yêu như Ngài đã yêu. Một tình yêu phổ quát, vượt trên mọi ngăn cách, kể cả tội lỗi và sự thù hận. Một tình yêu tha thứ đến vô biên, một tình yêu chấp nhận phục vụ như người tôi tớ.
Tình yêu thương anh em trở nên thước đo lòng kính mến đối với Thiên Chúa, nhưng đồng thời nó phải được đặt nền tảng trên lòng kính mến ấy. Khi trái tim chúng ta thuộc trọn về Thiên Chúa thì ngay lúc ấy nó cũng thuộc trọn về anh em. Chúng ta chỉ có khả năng yêu thương anh em đến vô biên nếu được tình yêu Chúa chiếm hữu, như lời thánh Phaolô đã xác quyết:
- Tình yêu Thiên Chúa được tuôn đổ vào trái tim chúng ta.
Trong Thiên Chúa tôi thấy được tha nhân là anh em của tôi, tôi cảm nhận được giá trị của một con người. Trong Thiên Chúa, tôi yêu thương họ và nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô đang đói khát, trần trụi, yếu đau và tù đày. Tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa sẽ đưa tôi đến với anh em và tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa, nguồn mạch của mọi tình yêu, để múc lấy ở đó sức mạnh hầu tiếp tục trao ban, tiếp tục dâng hiến, đó là nhịp sống bình thường của người Kitô hữu, đong đưa giữa hai tình yêu: Mến Chúa và yêu người.
Để kết luận, tôi xin kể lại một mẩu chuyện như sau: Có một thày tư tế người Do thái thường hay biến mất vào buổi chiều trước ngày hưu lễ. Cộng đoàn nghĩ rằng thày lén đi cầu nguyện để gặp gỡ Thiên Chúa trong thinh lặng. Vì thế, họ cử ra một người để theo dõi và tìm hiểu sự việc.
Đây là điều mà người đó đã thấy: Thày cải trang làm một nông dân, đến một túp lều xiêu vẹo ngoài đồng vắng, để phục vụ cho một bà cụ ngoại giáo bị bất toại, quét dọn nhà cửa và chuẩn bị bữa ăn cho bà cụ. Khi người đó trở về, cộng đoàn đã hỏi:
- Thày tư tế đi đâu, có phải là đi lên núi để cầu nguyện hay không?
Người đó đáp lại:
- Không, thày không phải chỉ cầu nguyện mà hơn thế nữa, thày đã gặp được chính Thiên Chúa.
Bởi vì, khi yêu thương phục vụ tha nhân là chúng ta yêu thương, gặp gỡ và phục vụ cho chính Chúa vậy.
-------------------------------
Báo Tuổi Trẻ có đăng bài “Phở nóng chiều mưa” của tác giả Bút Bi. Câu chuyện sư sau: “Tiệm: TN30-A8
Báo Tuổi Trẻ có đăng bài “Phở nóng chiều mưa” của tác giả Bút Bi. Câu chuyện sư sau: “Tiệm phở A đường Kỳ Đồng
” chiều hôm kia mưa như trút nước. Một ông già khoảng 70 tuổi, tay lần dò chiếc gậy, tay xách chiếc gà men cũ kỹ lập cập bước vào quán, mua phở mang về. Lúc ông đang lóng ngóng lấy tiền – gói trong hai ba lớp bịch ni lông – ra để trả, một trong hai thanh niên đang ngồi ăn phở ở chiếc bàn ngoài cùng, bảo là đã trả tiền phở cho ông rồi. Ông già lãng tai ngớ ra không hiểu, người thanh niên vừa nói câu trên chỉ người bạn đang cắm cúi ăn: “Thằng nảy trả chứ không phải cháu đâu”. Rồi anh nói thêm có lẽ để câu chuyện được tự nhiên hơn: “Nó hỏi bác có con gái không?” Ông già dường như vẫn còn chưa hết ngạc nhiên thật thà nói có. Người thanh niên kia bật cười, bảo nói chơi đó bác ơi. Bút Bi tình cờ có mặt ở đó cũng bật cười. Mấy cô phục vụ trong quán cũng cười ầm lên. Ông già hiểu ra, hoạt bát hẳn lên, nói vài câu vui vẻ rồi chống gậy đi về.
Tò mò, Bút Bi nhìn hai người thanh niên. Họ ăn mặc giản dị, mang dép, đi chiếc Cub đời cũ, trông có lẽ là những người lao động lam lũ, và cử chỉ của họ thật dễ thương. Người già thường có cảm giác bị bỏ rơi, thèm sự hỏi han, chăm sóc. (Ông già phải tự chống gậy đi mua phở dù có con cái?). Chắc tối hôm ấy ông sẽ thấy vui lắm, chẳng những vậy có khi nó còn trở thành một kỷ niệm của ông, để ông đi kể lại với bà con, chòm xóm. Còn Bút Bi cũng thấy vui quá, bèn quyết định ăn luôn… hai tô phở!
Nghe xong câu chuyện “Phở nóng chiều mưa” trên đây, chúng ta cảm thấy ấp áp lên tình con người. Một sự quan tâm tế nhị, một lời thăm hỏi chân thành, một nghĩa cử yêu thương thầm kín, đã làm cho mối quan hệ giữa người với người thân gần gũi hơn, thông cảm nhau hơn, và quí mến nhau hơn.
Điều cốt lõi của Kitô giáo chính là yêu thương. Giới răn lớn nhất của đạo cũng chỉ là Mến Chúa, yêu người. Đó là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay muốn loan báo. Đức Giêsu trả lời cho người thông luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.
Người Kitô hữu, luôn mang trên mình cây thập giá. Cây thập giá ấy có một ý nghĩa rất cao đẹp: Thanh dọc của cây thập giá muốn nói rằng, người tín hữu phải vươn lên cao tới Thiên Chúa, để yêu mến Người với tất cả trái tim, với trọn vẹn con người. Thanh ngang của cây thập giá muốn nói với người tín hữu, phải vươn đến với tất cả mọi người, để yêu thương họ như chính mình, không loại trừ một ai, kể cả kẻ thù. Nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, thì đâu phải là cây thập giá. Nếu có mến Chúa mà không có yêu người, thì chưa phải là Kitô hữu. Cũng như đồng tiền luôn có hai mặt, thì người Kitô hữu luôn phải sống trọn vẹn hai giới răn mến Chúa và yêu người mới đích danh là Kitô hữu.
Có nhiều người nghĩ rằng Mến Chúa thì dễ quá. Tôi vẫn đọc kinh sáng tối, đi lễ cầu nguyện hàng ngày, năng tham dự các bí tích. Và họ bằng lòng với mức độ ấy. Thực ra, Chúa đâu chỉ đòi hỏi có thế! Hãy nghe lại điều răn lớn nhất này: “Phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Trong điều răn có ba chữ hết, chúng ta đã yêu được mấy chữ hết đó. Thường chúng ta chỉ yêu Chúa nửa vời, yêu tùy hứng, yêu đại khái, yêu theo vụ mùa.
Chúng ta chỉ yêu mến Chúa hết lòng khi chúng ta dám hy sinh thì giờ, công việc, lợi nhuận, để đi tham dự thánh lễ, các giờ cầu nguyện, các buổi tĩnh tâm, hầu nâng cao đời sống thiêng liêng.
Chúng ta chỉ yêu mến Chúa hết linh hồn khi chúng ta dám từ bỏ danh vọng, lợi lộc, chức quyền để trung thành với Chúa và các giới răn của Người.
Chúng ta chỉ yêu mến Chúa hết trí khôn khi chúng ta dám làm nhân chứng cho Người trước lương tâm, trước kẻ bách hại, cho dù phải đe dọa đến cuộc sống và tính mạng.
Mến Chúa đã khó, yêu người lại càng khó hơn. Vì người ta đâu phải ai cũng dễ mến, dễ thương. Với cái nhìn không thân thiện của chúng ta sẽ có rất nhiều người dễ ghét và đáng ghét. Yêu người như Chúa dạy là yêu như chính mình. Có ai lại ghét mình bao giờ. Trái lại, người ta thường yêu mình quá độ.
Chúng ta chỉ có thể yêu người thân cận như chính mình khi chúng ta tránh hết sức không làm tổn thương đến nhân phẩm và quyền lợi của người khác.
Chúng ta chỉ có thể yêu người thân cận như chính mình khi chúng ta biết kính trọng người già yếu, an ủi người khổ đau, giúp đỡ những ai nghèo đói, bênh vực những kẻ cô thế, cô thân.
Chúng ta chỉ có thể yêu người thân cận như chính mình khi chúng ta biết quảng đại trao ban và xả thân phục vụ những ai đang cần sự trợ giúp.
Mauriac viết: “Ngày nào bạn không còn thắp sáng tình yêu, ngày đó nhiều người sẽ chết vì giá lạnh”.
-------------------------------
Không ai trong chúng ta xa lạ với giới luật yêu thương. Mến Chúa yêu người là giới răn căn bản: TN30-A9
Không ai trong chúng ta xa lạ với giới luật yêu thương. Mến Chúa yêu người là giới răn căn bản và quan trọng nhất của đạo Công giáo. Và có lẽ không ngày nào mà chúng ta không lặp lại giới răn này qua kinh Kính mến: Lạy Chúa con, con kính mến chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa thì con yêu thương người ta như mình con vậy.
- Kính mến Chúa hết lòng, hết sức nghĩa là kính mến Chúa với trọn cả con người mình. Kính mến bằng khối óc, bằng con tim, bằng lời nói, bằng việc làm. Kính mến Chúa trên hết mọi sự nghĩa là đặt Thiên Chúa ở vị trí ưu tiên số một trong những suy tư, trong những tình cảm, trong trót cuộc đời ta.
- Thương yêu người ta như mình, nghĩa là mình yêu mình thế nào, mình chăm lo đời sống mình thế nào, mình muốn điều hay điều tốt cho mình thế nào thì mình cũng yêu thương, cũng chăm lo, cũng muốn điều hay điều tốt cho tha nhân như vậy. Đó là những điều Chúa muốn. Đó là những điều chúng ta đã quá biết. Đó cũng là những điều chúng ta từng thưa lên Chúa như một xác định và như một quyết tâm của chúng ta.
Nhưng nếu chân thành và khiêm tốn nhìn sâu vào cõi lòng và vào cuộc sống của mình, chúng ta sẽ thấy điều mình thưa với Chúa nhiều khi chỉ là sự giả dối, là những lời đầu môi chót lưỡi đúng như Chúa Giêsu đã nói: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”.
+ Chúng ta giả dối bởi chúng ta nói mình yêu Chúa trên hết mọi sự, vậy mà ngày này qua ngày khác, hết ngày lại đến đêm, chẳng mấy khi thực sự chúng ta nghĩ đến Chúa, chẳng mấy khi chúng ta mở lời ra để cảm tạ Chúa vì tình thương và những ơn lành Người ban xuống cho đời mình. Cũng chẳng mấy khi chúng ta nói lên lời tạ tội vì những xúc phạm của chúng ta đối với Người.
+ Chúng ta bảo mình yêu Chúa trên hết mọi sự, nhưng những điều Chúa dạy, những giới luật của Chúa chẳng mấy khi chúng ta thực hiện.
+ Chúng ta bảo mình yêu Chúa trên hết mọi sự, nhưng khi gặp những rủi ro trong đời, những rủi ro do chính chúng ta gây ra thì chúng ta lại đổ lỗi cho Chúa. Chúng ta trách móc Chúa và bỏ hẳn những việc bổn phận của một người con của Chúa.
+ Chúng ta bảo mình yêu Chúa trên hết mọi sự, nhưng nhiều khi chúng ta giữ đạo chỉ như giữ một tập tục ông bà để lại. Chúng ta sống đạo như một sự cầu may để khỏi phải sa hỏa ngục. Chúng ta thi hành bổn phận của một Kitô hữu chỉ vì bị bắt buộc hoặc chỉ vì trục lợi chứ không có một chút tình yêu mến nào trong đó.
+ Chúng ta bảo mình yêu Chúa trên hết mọi sự, nhưng chúng ta lại sẵn sàng bỏ Chúa để chạy theo những lôi cuốn của danh, lợi, thú…
+ Rồi chúng ta bảo mình yêu anh em như chính mình, nhưng chúng ta lại buồn khi anh em gặp may mắn và vui thích trong lòng khi anh em gặp rủi ro.
+ Chúng ta bảo mình yêu anh em như chính mình, nhưng chúng ta chỉ nghĩ đến cái lợi ích riêng tư cho bản thân mình mà quên đi sự công bình phải có đối với anh em.
+ Chúng ta bảo mình yêu anh em như chính mình, nhưng chúng ta lại đang tâm giết chết anh em mình bằng những lời vu khống, những lời phê bình chỉ trích, những lời nói hành nói xấu…
Còn nữa và còn rất nhiều điều chúng ta có thể nhận ra được khi tự vấn lương tâm mình. Nếu cứ duy trì một cách sống như vậy, liệu chúng ta có thực sự là người tin Chúa nữa không ?
-------------------------------
Nếu ai hỏi chúng ta: “Bạn có yêu mến Thiên Chúa không?” Có lẽ chúng ta sẽ cho là hỏi một: TN30-A10
Nếu ai hỏi chúng ta: “Bạn có yêu mến Thiên Chúa không?” Có lẽ chúng ta sẽ cho là hỏi một câu dư thừa, và có thể trả lời dễ dàng và không cần phải suy nghĩ gì. Nhưng nếu người ấy hỏi thêm: “ Bạn có yêu thương anh em không?”. Chắc chắn không ai cho là câu hỏi dư thừa và có thể chúng ta không trả lời ngay được hoặc không thể trả lời dễ dàng phải không? Chắc nhiều người chúng ta cũng có tâm trạng ngượng nghịu, ngập ngừng của ông kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta nghe Chúa phán: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Chúng ta dễ dàng thưa lại với Chúa: “Lạy Chúa, con xin vâng”. Nhưng “Ngươi phải yêu thương anh em như chính mình ngươi”. Lạy Chúa thương ai? Thương cả bè bạn hàng xóm lắm chuyện kia ư? Thương cả con người phụ bạc, ăn cháo đá bát kia ư? Thương cả thằng con rể trời đánh ấy ư? Thương cả đứa con dâu hỗn xược ấy ư? Thương cả bà mẹ chồng cay nghiệt ấy ư? Thương cả người nói xấu, nói hành tôi ư? Thương cả người chống đối, phá hoại cộng đồng tôi ư? v.v… Thay vì hai chữ xin vâng dễ dàng, có lẽ chúng ta sẽ nói thầm với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con xét lại đã”.
Trong cuốn phim châm biếm “Don Camillo” của Ý có một câu chuyện như sau: Trong một vùng kia ở Ý, về mặt đạo có cha Đông Ca-mi-lô làm cha sở. Cha là một linh mục đặc biệt, vừa có óc khôi hài, vừa là một học sĩ. Về mặt hành chánh, có một ông làm xã trưởng. Ông là một người có đạo, nhưng hiện tại ông chẳng còn đạo nghĩa gì cả, tên ông là Pêpôn. Một hôm, ông xã trưởng này làm việc gì đó có vẻ để khiêu khích đạo, nhắm vào cha sở. Cha Đông Ca-mi-lô tức mình lắm. Vốn có tinh thần đạo đức, ngài đi vào nhà thờ, đến trước tượng chuộc tội và đàm đạo với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con được đánh cái thằng chiên ghẻ ấy một trận. Chúa dạy phải yêu tha nhân như chính mình, nhưng đối với con người ấy, xin cho con xét lại. Nó không thương được”. Đột nhiên, bất ngờ, từ tượng chuộc tội có tiếng vọng ra: “Bàn tay con là bàn tay của linh mục, bàn tay con đã được xức dầu làm phép, để ban ơn tha thứ”. Cha Đông Ca-mi-lô cúi xuống, nhưng rồi ngài lại ngẩng đầu lên và nói với Chúa: “Thưa Chúa, bàn tay con có được làm phép nhưng bàn chân con đâu có làm phép. Xin cho con đá nó một cái”.
Câu chuyện trên đây chỉ là một chuyện vui, nhưng cũng muốn nói cho chúng ta biết: Luật bác ái yêu thương là luật đặc biệt của Chúa, không còn được xét lại nữa. Vấn đề yêu mến Chúa đối với chúng ta thì rõ ràng dứt khoát rồi, chúng ta không cần kiểm điểm gì nữa. Vấn đề cần suy nghĩ và kiểm điểm, đó là chúng ta đã yêu thương người thế nào?
Hôm nay, chúng ta hãy kiểm điểm một điều thôi, điều này là bước đầu của tình yêu thương trọn hảo, đó là điều “Ngươi đừng làm cho kẻ khác điều ngươi không muốn kẻ khác làm cho ngươi”. Tuy mang tính tiêu cực, thụ động, nhưng nếu muốn giữ được điều ấy chúng ta lại phải thực hành những đức tính tích cực như: Không nói xấu, không hận thù, không biển thủ, không ganh tỵ, không gian dối, không lường gạt, không trộm cắp… và hàng tá những cái không khác, mà nếu không xảy ra thì bản thân chúng ta sẽ tránh được biết bao nhiêu tội lỗi, và bộ mặt xã hội chúng ta đang sống, có lẽ sẽ thoải mái, tốt đẹp và an vui hơn biết bao.
Xin Chúa cho chúng ta trước khi đạt được nhân đức trọn hảo để có thể yêu thương anh chị em như chính mình. Chúng ta xin cho chúng ta sự quyết tâm: không làm cho ai phải đau khổ, buồn phiền, bất hạnh vì những cử chỉ, lời nói hay hành động của chúng ta.
-------------------------------
Người ta yêu cầu Đức Giêsu nêu ra một giới răn, nhưng Người đã trả lời bằng cách nêu ra hai: TN30-A11
Người ta yêu cầu Đức Giêsu nêu ra một giới răn, nhưng Người đã trả lời bằng cách nêu ra hai giới răn, cả hai đều có trong Cựu ước. Đức Giêsu đưa hai giới răn này ra cùng lúc, và cho rằng hai giới răn này đều có tầm quan trọng như nhau. Do đó, chúng ta không được tách biệt hai giới răn này. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta thường hay làm như vậy.
Trong thời các tu sĩ ẩn tu ở sa mạc, có một tu viện trưởng tên là Moses, nổi danh là thánh thiện. Lễ Phục sinh gần đến, vì thế, các tu sĩ gặp gỡ nhau để xem họ nên chuẩn bị gì cho ngày lễ. Họ quyết định ăn chay trong suốt Tuần Thánh. Sau khi quyết định như vậy, mỗi tu sĩ đều trở về tu phòng của mình, ở đó họ ăn chay và cầu nguyện.
Tuy nhiên, đến khoảng giữa tuần, có hai tu sĩ đến tận tu phòng thăm vị tu viện trưởng Moses. Khi thấy họ sắp đói lả, ngài đã nấu một chút rau hầm cho họ ăn. Để làm cho họ cảm thấy yên tâm, chính ngài cũng ăn đôi chút.
Trong khi chờ đợi, các tu sĩ khác nhìn thấy khói bốc lên từ phòng của tu viện trưởng. Điều đó chỉ có nghĩa là ngài đã nhóm lửa lên để nấu thức ăn. Nói cách khác, ngài đã vi phạm tuần chay quan trọng. Họ đều bị sốc, và trong con mắt của nhiều người, ngài đã bị rơi xuống từ đỉnh cao nhất của sự thánh thiện. Trong một phiên họp hội đồng, họ xem xét đến việc đối chất với ngài.
Khi nhận thấy cái nhìn phê phán trong con mắt của họ, ngài nói “Tôi đã phạm tội gì nặng, khiến cho anh em nhìn tôi như vậy?”
Họ trả lời “Cha đã vi phạm tuần chay quan trọng”.
Ngài đáp “Đúng như vậy. Tôi đã vi phạm vào giới răn của con người, nhưng trong việc chia sẻ thức ăn của tôi cho những người anh em này của chúng ta, là tôi đã giữ giới răn của Thiên Chúa, đó là chúng ta phải yêu thương nhau”.
Khi nghe những lời này, các tu sĩ đều im lặng, và không còn cái nhìn hạn hẹp nữa, mà trở nên khôn ngoan hơn.
Đối với những người tuyên bố rằng họ yêu mến tc, nhưng trên thực tế, họ lại không cần biết đến tất cả những điều bắt buộc phải yêu thương người khác, thì cuộc sống của họ trở nên cằn cỗi khủng khiếp. Những người này chỉ mới có được phân nửa Tin Mừng.
Có những người khác trái ngược hẳn. Họ tận tụy hết mình làm việc để có được một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng họ không bao giờ nghĩ đến hoặc cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Mặc dù đây là những người có tư thế vững vàng trong xã hội, nhưng họ cũng chỉ mới có được phân nửa Tin Mừng. Có đến phân nửa số tín hữu đôi khi lại bỏ phí cuộc đời mình như vậy.
Đức Kitô hướng dẫn chúng ta cách thế sống trọn vẹn Tin Mừng, nghĩa là vừa yêu mến Thiên Chúa, vừa yêu mến đồng loại. Người không nói rằng hai điều này là một, nhưng chúng ta không thể nào yêu mến Thiên Chúa, mà lại không yêu mến người khác.
-------------------------------
Đức Giêsu nói “Các ngươi phải yêu mến người khác như chính mình”. Chỉ khi chúng ta biết tự: TN30-A12
Đức Giêsu nói “Các ngươi phải yêu mến người khác như chính mình”. Chỉ khi chúng ta biết tự chấp nhận con người mình như là người tốt về căn bản, và bắt đầu yêu mến chính mình, thì chúng ta mới có khả năng bắt đầu biết yêu mến người khác, như Chúa đã truyền dạy.
Những người nào lòng đầy sự miễn cưỡng và căm thù đối với bản thân mình, thì không có khả năng yêu mến người khác. Họ sẽ phản ánh lại những cảm giác này trên người khác. Họ đổ lỗi và khiển trách người khác, vì những điều làm cho họ cảm thấy không ưa thích đối với bản thân mình.
Một ông già đang ngồi trên một cái ghế dài ở bên lề đường, thì có một người xa lạ đến gần. Người xa lạ hỏi “Cụ cho rằng những người dân thành phố này như thế nào?”.
Ông già trả lời “Thế những người sống trong thành phố cũ của ông như thế nào?”.
“Họ tử tế, rộng lượng, và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho cụ, nếu cụ gặp chuyện rắc rối”.
“À, tôi nghĩ rằng ông sẽ nhận thấy những người dân ở thành phố này cũng như thế.
Một lúc sau, một người xa lạ thứ hai đến gần ông già, và cũng hỏi một câu tương tự “Cụ cho rằng những người dân thành phố này như thế nào?”.
Ông già trả lời “Thế những người sống trong thành phố cũ của ông như thế nào?”.
Người kia trả lời “Đó là một nơi khủng khiếp. Nói thật với cụ, tôi vui mừng được thoát khỏi chỗ đó. Người dân ở đó thật dữ tợn, không hề tử tế gì cả, và không một người nào chịu thò ngón tay ra giúp đỡ bạn, nếu bạn gặp chuyện rắc rối” Ông già nói “Tôi e rằng ông sẽ nhận thấy những người dân ở thành phố này cũng như thế”.
Điểm chính trong câu chuyện này là: Cách chúng ta nhận thấy người khác không theo như con người của họ, nhưng theo như con người của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn mọi người dưới cái nhìn xấu, thì đó là dấu hiệu chính chúng ta đang bất ổn. Một người có tâm hồn không an bình, sẽ lan truyền sự xung đột ra chung quanh mình.
Chúng ta không thể thực sự yêu mến người khác, trừ phi chúng ta yêu mến bản thân mình. Như vậy, để bắt đầu yêu mến mọi người, chúng ta phải biết yêu mến chính mình. Nếu chúng ta yêu mến mình không đúng cách, thì chúng ta sẽ không có khả năng để yêu mến bất cứ ai. Có rất ít người nào yêu mến bản thân mình theo cách đó, mà lại có khả năng yêu mến người khác một cách đúng đắn.
Có ý kiến cho rằng yêu bản thân mình là sai trái, thậm chí là tội lỗi nữa. Tất nhiên một hình thức tự ái là không đúng. Chúng ta gọi đó là thói ích kỷ hoặc vị kỷ. Nhưng có một hình thức tự ái lành mạnh và tốt đẹp, và nếu không có sự tự ái này, thì chúng ta không thể thực sự yêu mến người khác một cách đúng đắn được.
Bạn không thể nào bay được nếu không có đôi cánh. Bạn không thể phát triển được nếu không có gốc rễ. Bạn cũng không thể sưởi ấm người khác, nếu lò sưởi của bạn lạnh lẽo hoặc trống rỗng. Chúng ta chỉ có thể yêu mến bằng trọn vẹn tình yêu có trong con người mình mà thôi. Mặc dù chúng ta có ý thức về điều đó hoặc không, thì nói một cách chính xác, chúng ta sẽ không yêu mến người khác, bằng chúng ta yêu mến chính bản thân mình.
Vậy điều quan trọng là phải có một tình yêu lành mạnh và biết tôn trọng chính mình. Từ đây, tình yêu sẽ bắt đầu, nhưng tất nhiên điều đó không có nghĩa là tình yêu chấm dứt ở đây. Tất cả tình yêu chân chính đối với bản thân mình đều lan tỏa ra dưới hình thức tình yêu đối với người khác và đối với Thiên Chúa.
Thật dễ dàng khi yêu mến người nào đó đáng yêu, Nhưng không hề dễ dàng khi yêu mến người nào đó mà rõ ràng là người không tốt. Nhưng đó là một thử thách thực sư của tình yêu. Bạn hãy đi gieo rắc tình yêu thương ở nơi nào không có tình yêu, thì bạn sẽ gặt hái được tình yêu thương. Bạn hãy đem tình yêu đến nơi nào không có tình yêu, thì bạn sẽ tìm được tình yêu.
-------------------------------
Đúng là hai điều răn: Điều răn thứ nhất là điều răn lớn. Điều răn thứ hai cũng quan trọng không: TN30-A13
Đúng là hai điều răn: Điều răn thứ nhất là điều răn lớn. Điều răn thứ hai cũng quan trọng không kém. Có nghĩa là hai giới răn ấy không cho phép ta tùy thích. Tình yêu mà những giới răn ấy nói tới, đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân, không phải là một thứ tình cảm trôi nổi tùy theo tính khí của ta. Tình yêu là một sự cam kết lớn lao, một sự dâng hiến chính mình, hiến mạng sống mình. Tình yêu không dừng lại ở nửa đường, mà đi cho tới cùng giống như đám lửa cháy. Giới răn ấy khơi dậy tình yêu khi mà thường tình và một cách tự nhiên lãnh đạm hay chối từ có nguy cơ thống trị. Giới răn ấy là như tia lửa làm bùng lên đám cháy. Giới răn ấy nâng đỡ tình yêu khi nỗi chán chường hay thói quen sẽ làm cho tình yêu ra nguội lạnh hoặc tàn lụi. Giới răn ấy làm bùng lên nhuệ khí khi tình yêu chân thực đòi hỏi nhiều hy sinh, quên mình… Nhờ tương phản và hỗ trợ giữa tình yêu và giới răn này mà đời sống ta được thăng tiến.
Giới răn yêu thương có hai mặt, hai mặt mà không tách biệt nhau như mu và lòng bàn tay. Điều răn thứ hai cũng giống, cũng quan trọng như điều răn thứ nhất, là “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Chỉ có một mình Chúa là Đấng ta phải yêu mến cách tuyệt đối, hơn cả chính mình ta, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ta. Khi yêu mến Chúa hết mình, vượt khỏi chính mình, ta được vào trong tình yêu Chúa ban tặng, được sống trong tình yêu của Người, lòng ta mở ra hướng về vô biên, bởi lẽ Thiên Chúa muốn thông phần sự sống của Người cho con người, muốn thần hóa con người! Còn về người thân cận, Đức Giêsu truyền phải yêu người thân cận như chính mình. Đây không phải là một sự so sánh bình thường, mà còn hơn thế nữa. Không phải chỉ đơn giản là muốn và làm cho người thân cận điều ta muốn cho ta. Đức Giêsu đã đưa ra một điểm son, một khuôn vàng thước ngọc: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó”. Giới răn thứ hai thật minh bạch và đi xa hơn. Giới răn ấy đòi ta yêu mến người thân cận như người ấy là chính ta, là ta đồng hóa với người ấy. Nó diễn tả một sự hiệp thông giữa hai hữu thể, giữa hai cuộc sống, giữa anh em trong một nhà, trong một gia đình Thiên Chúa. Nếu tôi không yêu mến người thân cận của tôi. Nếu tôi khinh chê người ấy, chính là tôi gây thiệt hại cho bản thân tôi. Yêu người thân cận như chính mình, chính là tôi dành cho tôi một tình yêu tuyệt vời… Thế nên, và nhất là có điều răn ấy, thật là điều hạnh phúc nhất! Bởi lẽ khi tôi yêu mến người giống như tôi, người mà tôi nhận ra tôi nơi con người ấy, thì tôi cũng được người ấy đáp lại bằng lòng yêu mến tự nhiên, bằng mối thịnh tình theo nghĩa mạnh nhất; còn nếu theo bản năng tôi ngờ vực một người, thì người ấy có thể trở thành một đối thủ, một người cạnh tranh, một kẻ thù của tôi. Lịch sử từng minh chứng những biến cố thật lớn lao đượm tình huynh đệ, cũng như những cuộc bùng nổ dữ dội nhất từng châm ngòi cho thù hận giữa con người… Điều răn thứ hai quả là cần thiết, và rất cần thiết nên Đức Giêsu mới dùng tất cả những lời lẽ trang trọng mà tuyên bố là điều răn ấy cũng giống như điều răn kia, cũng quan trọng không kém. Người đã đặt con người vào đúng tước vị của nó là hình ảnh và là con Thiên Chúa.
Quả thực đây cũng là điều đơn giản và chắc chắn Chúa muốn ta tham khảo…
Yêu mến thế nào, thường là điều phức tạp; bạn phải tìm kiếm, nhận thức rõ, kiểm soát những tình cảm tốt xấu của bạn, chứ không được miễn trừ. Bạn hãy luôn luôn phải tìm xem để yêu mến thế nào cho đúng sự thật; cần được học hỏi về điều này. Nhưng nếu bạn có một ý chí muốn yêu thương, nếu để cho ngọn lửa của Thánh Thần điều động cuộc đời bạn, thì bạn sẽ thấy con đường phải đi và phương cách để làm. Bạn hãy tìm kiếm hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn bạn. Bạn hãy tìm kiếm như cho chính mình. Thì bạn sẽ gặp…!
-------------------------------
Khi nói đến yêu, tôi vốn thích dùng động từ yêu mến, nó có tính cách chủ động và tích cực, hơn: TN30-A14
Khi nói đến yêu, tôi vốn thích dùng động từ yêu mến, nó có tính cách chủ động và tích cực, hơn là dùng từ tình yêu, một từ rất đẹp nhưng cũng rất dễ bị phê phán.
Làm sao có thể là tín hữu mà lại không yêu mến? Làm sao có thể nhận biết Thiên Chúa của chúng ta nếu Người không phải là Đấng yêu mến chúng ta?
Như vậy thì có nhiều cách yêu mến không? Chắc hẳn là có rồi. Nên trong vấn đề này, tôi vẫn theo gót nhà sư phạm trứ danh là thánh Augustinô. Ngài phân biệt ba trình độ trong hành vi yêu mến:
Trình độ thứ nhất, thấp nhất, không có ý nói là xấu nhất: thích được yêu (aimer être aimé). Bạn hãy nói cho tôi hay có ai mà không thích điều đó không? Phải là con người hư hỏng mới dám nói ngược lại. Mọi người đều như vậy thôi… Nhưng cuộc sống cũng đã dạy cho ta rằng tình yêu còn phải là cái gì khác hơn là niềm khoái chí (tự tôn kia).
Trình độ thứ hai: thích yêu (aimer aimer). Ta hãy tạm dịch ở đây là: lấy làm vui khi yêu mến người khác. Ở bậc này người ta có ra khỏi mình một chút, có quảng đại, có vị tha.
Chúa ơi, thật vui và đẹp biết bao khi làm được một việc thiện, khi xả thân, và đôi khi đi tới chỗ đóng vai con chim bồ nông tự để cho con rỉa thịt mình.
Ngày ở điểm này, ai lại không muốn nhận khen thưởng chứ? Bạn hãy nói cho tôi hay bạn có đủ can đảm để đi thăm một bệnh nhân nào đó, đi ủy lạo một cảnh khốn này, chẳng tìm thấy được ở đó một điều gì khích lệ chăng? Nhưng bạn hãy coi chừng! Tất cả thái quá trong lãnh vực này – quảng đại thái quá – có lẽ là một hình thức tự tôn tự đại của lòng yêu mến chính mình đó thôi.
Còn trình độ thứ ba: Yêu (aimer), có thế thôi! Yêu mến người khác vì chính họ, không phải vì ta làm điều tốt cho họ, không phải vì làm cho nhân đức của ta lớn lên. Không phải thế, bởi lẽ xét cho cùng, người ta không yêu mến vì… Ta yêu là yêu thôi. Đó mới là đỉnh cao của “tình cho không biếu không”.
Hãy nhìn nhận điều này: ta chẳng mấy khi đạt tới trình độ đó. Chỉ có một vị đã hiến thân chỉ vì yêu mà thôi, một Đức Giêsu ấy mới ban cho ta thần linh tình yêu khi Người tắt thở, một Đức Giêsu ấy mới có thể sáng kiến nghĩ ra nhân vật Samaritanô nhân lành yêu thương mà không đòi đáp trả và hình dung ra một người cha đang mở rộng vòng tay đón nhận đứa con đi hoang trở về.
Nếu phải cần đến một từ để tóm tắt cả Phúc âm, đó là: Yêu mến.
-------------------------------
Theo tinh thần của Đức Giê-su, thì trong hai điều răn quan trọng nhất ấy, điều răn nào: TN30-A15
Câu hỏi gợi ý:
1. Theo tinh thần của Đức Giê-su, thì trong hai điều răn quan trọng nhất ấy, điều răn nào quan trọng hơn? Phải ưu tiên sống điều răn nào?
2. Tại sao thánh Phao-lô tóm toàn bộ lề luật vào một điều răn duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8)? Ngài bỏ điều răn yêu Chúa sao?
3. Nếu bạn là một người cha đông con, đồng thời là người cha tốt lành không chút vị kỷ, bạn muốn con cái yêu thương mình bằng cách nào?
CHIA SẺ
1. Hai điều răn trọng nhất của Do Thái giáo và Ki-tô giáo
Người khôn ngoan thì trong mọi lãnh vực luôn luôn phân biệt điều chính và điều phụ, điều cốt lõi và điều «bì phu», điều cần thiết và điều ích lợi, điều quan trọng và điều không quan trọng. Phân biệt như thế không phải để chỉ làm điều chính và bỏ điều phụ, mà để khi không thể làm được cả hai, thì phải ưu tiên cho điều chính. Vì điều chính là yếu tố quyết định thành công, không thực hiện nó thì chắc chắn sẽ thất bại. Còn điều phụ, nếu làm được thì rất tốt, rất ích lợi, có thể làm cho sự thành công rực rỡ hơn, nhưng không làm được thì cũng vẫn có thể thành công.
Trong việc giữ đạo và nên thánh, chúng ta cũng cần biết điều nào là cốt tủy, là quan trọng nhất; nếu không giữ điều này thì coi như chưa phải là giữ đạo, và không thể nên thánh, cho dù có giữ những điều phụ thuộc một cách thật hoàn hảo. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết, giữa biết bao giới răn, thì giới răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Đó là cốt tủy của lề luật: «Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy». Nếu giữ đạo mà không phân biệt điều nào chính điều nào phụ, thì chúng ta dễ giữ đạo theo «kiểu Pha-ri-siêu» đã bị Đức Giê-su tố cáo: «Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và lòng chân thành» (Mt 23,23); «Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà» (23,24). Hướng dẫn người khác giữ đạo và nên thánh mà không phân biệt chính phụ, thì dễ trở thành «những kẻ dẫn đường mù quáng» (23,16). Do đó, bài Tin Mừng hôm nay có tầm quan trọng đặc biệt cho mọi Ki-tô hữu muốn giữ đạo và nên thánh.
2. Hai điều răn tóm lại thành một điều răn: «yêu thương»
Cũng trong chiều hướng tìm cái chính yếu, ta có thể tiếp tục đặt vấn đề: trong hai điều răn ấy, điều răn nào quan trọng, chính yếu hơn?
Phải nói đây là hai giới răn rất đặc biệt, có vẻ là hai giới răn khác nhau, nhưng thật ra chỉ là hai cách diễn tả khác nhau của một giới răn duy nhất. Cả hai giới răn chỉ có một động từ duy nhất là «yêu», đối tượng của động từ «yêu» này có vẻ là hai đối tượng khác biệt nhau: tuy có thể phân biệt rõ rệt trên lý thuyết, nhưng trên thực tế và thực hành thì dường như không thể phân biệt, và không nên phân biệt. Vì thế, hai điều răn ấy «tuy hai mà một», tương tự như hai trang của cùng một tờ giấy: tuy là hai mặt khác nhau, nhưng chỉ là một tờ giấy duy nhất.
Thật vậy, rất nhiều lời trong Thánh Kinh cố tình đồng hóa Thiên Chúa với tha-nhân-của-chúng-ta. Cụ thể nhất là trong đoạn nói về cuộc phán xét cuối cùng (x. Mt 25,31-46), Đức Giê-su đồng hóa chính Ngài với tha nhân, đặc biệt những người đau khổ, nhỏ bé, bị khinh thường, áp bức: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta», và «mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta».
Tại sao thế? Vì con người là «hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26-27; 9,6). Có ai yêu một người mà lại không yêu bức ảnh của người ấy không? Ta thấy những cặp tình nhân, khi không có mặt nhau, thường hôn lên ảnh của nhau. Hơn thế nữa, con người là con cái của Thiên Chúa: ngay khi được tạo dựng, con người đã được Thiên Chúa yêu thương và nâng lên hàng con cái Ngài (x. Kn 5,5; Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,16). Và Ngài yêu quí con người đến mức, sau khi họ sa ngã, Ngài đã cho Con Độc Nhất của Ngài xuống trần, chịu đau khổ và chết để cứu chuộc họ (x. Ga 13,1; Rm 5,6-8; 14,15b; 1Cr 15,3; 2Cr 5,15; 1Tx 5,10; 1Pr 3,18). Do đó, ai yêu Thiên Chúa, tất nhiên cũng phải yêu con cái của Ngài, những người mà Ngài hết mực yêu thương: «ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra» (1Ga 5,1).
Như vậy, tha nhân bên cạnh và chung quanh chúng ta chính là hiện thân cụ thể và gần gũi chúng ta nhất của chính Thiên Chúa. Vì thế, yêu những người ấy là yêu chính Thiên Chúa, và không yêu họ chính là không yêu Ngài. Người Ki-tô hữu có đức tin đích thực phải nhìn thấy chính Thiên Chúa ở nơi những người mình gặp hằng ngày, và yêu Ngài ở nơi họ. Không thể yêu Ngài ở nơi một ai khác chính đáng hơn nơi tha nhân. Chính vì thế, thánh Gio-an mới nói: «Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20). Do đó, «ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình» (4,21).
Quả thật, không phải là phi lý mà thánh Phao-lô và Gia-cô-bê đã tóm lại toàn bộ lề luật không còn vào hai giới răn, mà vào một giới răn duy nhất: «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô» (Gl 6,2); «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8); «Các điều răn đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (...) Yêu thương là chu toàn Lề Luật» (13,9-10); «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu là "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình"» (Gc 2,8). Không những ta phải yêu thương những người chung quanh mình, hy sinh cho họ, mà còn phải làm sao để họ cũng sống yêu thương và thúc đẩy nhau sống yêu thương nữa: «Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt» (Dt 10,24).
3. Thực hiện việc yêu Thiên Chúa bằng việc yêu tha nhân
Để dễ hiểu những điều trên, ta hãy xét trường hợp của một người cha rất giàu có, rất khỏe mạnh, không thiếu thứ gì, cũng không cần thứ gì cả. Người cha ấy có một đàn con đông đảo, nhưng vì lỗi của chúng nên chúng trở nên nghèo nàn, đau khổ, thiếu thốn. Nguyên nhân gây nên tình trạng đau khổ ấy là chúng không biết yêu thương. Người cha ấy đã tìm đủ cách để đàn con hạnh phúc hơn, bằng cách giáo dục để chúng có nhiều tình thương hơn, vì một khi chúng biết yêu thương thì tất nhiên và tự nhiên hạnh phúc sẽ đến với chúng. Thử hỏi người cha ấy mong mỏi gì nơi đàn con? Chắc chắn là mong chúng yêu thương nhau (x. Ga 13,34-35).
Có một đứa con kia mong cha ban cho mình của này vật nọ, nên chỉ biết nghĩ đến cha, mong hầu hạ cha, lo cho cha từng chút, đang khi cha đã quá đầy đủ, chẳng cần ai lo cho mình một thứ gì. Ngược lại, đối với những anh em ruột thịt bên cạnh mình đang đau khổ và thiếu thốn, đang cần được chăm nom săn sóc, thì người ấy chẳng thèm đoái hoài đến. Thử hỏi người cha ấy có hài lòng về cách xử sự của người con ấy không? Cách xử sự như thế có hợp lý không? Nếu ta là người cha ấy, ta sẽ nghĩ gì về đứa con ấy, ta muốn nó xử sự thế nào?
Nếu ta là người cha ấy, chắc chắn điều ta mong mỏi nhất là thấy con cái mình yêu thương nhau, lo cho nhau, hy sinh cho nhau, và hễ chúng làm được điều ấy, thì ta sẽ hài lòng vô cùng, vì tình thương của chúng đối với nhau sẽ làm cho chúng hạnh phúc, là điều ta mong muốn nhất. Ta nghĩ rằng chính những đứa biết yêu thương anh em mình một cách vô vị lợi mới là những đứa con hiếu thảo, vì chúng có tình thương đích thực. Vì nếu anh em chúng nghèo khó và khó thương mà chúng còn thương được, ắt chúng phải thương yêu cha chúng hơn nhiều. Còn những đứa chỉ nghĩ tới cha mình giàu có, nên lo chăm chút cho cha đang khi cha chẳng cần điều đó, mà chẳng hề nghĩ đến anh em mình, thì tình thương của chúng đối với cha rất đáng nghi ngờ. Có thể chúng chỉ yêu bản thân chúng mà thôi, còn việc chúng chăm chút đến cha có thể chỉ là một chiến thuật cầu lợi theo sự khôn ngoan ích kỷ của chúng.
Minh họa trên cho thấy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa bằng cách nào. Có thể nói điều răn quan trọng nhất chính là «yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn». Nhưng phải thể hiện tình yêu ấy thế nào cho phù hợp với ý của Thiên Chúa? Qua giáo huấn của Đức Giê-su, ta thấy cách tốt nhất để thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa chính là thực hiện điều răn thứ hai: «yêu người thân cận như chính mình». Đức Giê-su đã làm gương về điều ấy. Ngài chết trên thập giá vì yêu thương con người, đồng loại của Ngài (với tư cách Ngài là một con người), nhưng cái chết ấy chính là lễ hy sinh để thờ phượng Thiên Chúa được Thiên Chúa đánh giá cao nhất. Vậy cách thờ phượng Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa tốt nhất chính là yêu thương những người người chung quanh mình, những người mình gặp hằng ngày, và hy sinh bản thân mình cho họ.
Cầu nguyện
Tôi nghe Thiên Chúa nói với tôi: «Cha là Thiên Chúa, Cha không cần và không thiếu một thứ gì. Vậy thì con yêu Cha cách nào đây? Nếu con muốn yêu Cha cách thực tế, con hãy yêu Cha nơi những người sống chung quanh con, họ chính là hiện thân của Cha ở bên cạnh con. Con yêu họ, chính là con yêu Cha, và đó là cách tốt nhất để con tỏ lòng hiếu thảo đối với Cha».
-------------------------------
Lm Giuse Nguyễn Trung Điểm
Được một luật sĩ hỏi đâu là giới răn trọng nhất trong lề luật, Đức Giêsu trả lời: "Ngươi phải yêu: TN30-A16
Được một luật sĩ hỏi đâu là giới răn trọng nhất trong lề luật, Đức Giêsu trả lời: "Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình". Những lời nầy chúng ta đã biết đến từ nhỏ và được trích ra ở đầu bản luật Thiên Chúa đã ban cho toàn thể dân Do Thái (xem Đnl 6,5).
Đức Giêsu nói đến "lòng" theo nghĩa của Sách Thánh, như từ ngữ diễn tả thực tại sâu xa nhất của con người. "Yêu mến Chúa hết lòng" nghĩa là hướng toàn thể con người mình và hành động của mình về Thiên Chúa trong thái độ mến yêu.. Để giải thích rõ ràng hơn, Tin Mừng nhắc đến "hết linh hồn", nghĩa là với tất cả sự sống; "hết trí khôn" bao gồm tư tưởng và trí tuệ. Với những lời nầy, Tin Mừng không để ý đến những khả năng khác nhau của con người, cho bằng nhấn mạnh điều quan trọng duy nhất là yêu mến Chúa với toàn thể con người mình. Trong Sách Thánh, yêu mến Thiên Chúa không bao giờ được coi chỉ là một tình cảm hay một thực tại trừu tượng, mà có nghĩa là lắng nghe Chúa và đem thực hành lời Người dạy.
Khi trả lời cho vị kinh sư, Đức Giêsu tiếp tục nói là điều răn thứ hai là: "yêu mến người thân cận như chính mình". Điều răn ấy tóm tắt tất cả mọi điều răn khác. Như vậy, lòng yêu mến Chúa không kéo ta ra khỏi thế gian nầy, không cô lập ta trong sự sùng bái riêng tư. Hơn thế, lòng mến yêu ấy là nguồn liên tục và sức thúc đẩy ta yêu mến tất cả mọi người không trừ ai.
Chúng ta có khả năng yêu thương người khác như thế, chính vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương trước: "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5). Do đó, lòng mến Chúa và yêu người ấy là bảo đảm duy nhất để tạo nên một xã hội trong đó con người được tôn trọng thực sự. Thực thế, Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta, và chúng ta là anh em với nhau. Người là nền tảng cho sự bình đẳng và phẩm giá của mỗi con người. Lấy đi nền tảng đó, nhân loại sẽ trở thành kỳ thị chủng tộc, con người sẽ bị chà đạp, cách nầy hay cách khác, nơi bản tính của mình; sẽ nẩy sinh sự oán ghét và chia rẽ thành người trên kẻ dưới, kẻ giàu kẻ nghèo, da trắng da đen, đàn ông đàn bà, người tự do người nô lệ, v.v... Trái lại, khi yêu mến Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ yêu mến cha mẹ mình, vì Chúa muốn như vậy. Nếu yêu mến Chúa, chúng ta sẽ yêu mến bè bạn hay những người cộng sự, bởi vì họ là những anh chị em Chúa đã đặt bên cạnh chúng ta.
Nếu yêu mến Chúa, chúng ta sẽ yêu mến nghề nghiệp, công ăn việc làm của mình, bởi vì chúng là con đường mà Thiên Chúa vì yêu thương đã chuẩn bị cho chúng ta. Nếu yêu mến Chúa, chúng ta cũng sẽ yêu mến việc học hành của mình, bởi vì chúng ta muốn chuẩn bị chu toàn dự định Chúa dành cho đời ta. Nếu yêu mến Chúa, chúng ta sẽ yêu mến thể thao hoặc những lúc nghỉ ngơi giải trí, bởi vì biết rằng Chúa muốn chúng ta chăm lo cho sức khỏe của mình... Chỉ khi nào yêu mến như vậy, tâm hồn chúng ta mới không bị chia sẻ và lòng yêu mến của chúng ta sẽ không nửa vời.
Qua bí tích Rửa Tội chúng ta được đón nhận vào tình yêu Thiên Chúa. Mỗi lần tham dự Thánh lễ, chúng ta lại được tham dự vào Mình Máu Thánh Đức Giêsu, tham dự vào tình yêu dâng hiến của Người. Được Thánh Thể nuôi dưỡng, chúng ta có khả năng sống yêu thương như Chúa Giêsu dạy.
-------------------------------
Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Gương mến Chúa và yêu người sống động nơi trại tập trung Đức Quốc Xã
Nhật báo Kitô hữu Chứng Nhân (Témoignage Chrétien) kể lại một câu chuyện thật cảm động: TN30-A17
Nhật báo Kitô hữu Chứng Nhân (Témoignage Chrétien) kể lại một câu chuyện thật cảm động xảy ra năm 1941 trong thế chiến thứ hai.
Có một vị linh mục bị Đức Quốc Xã giam trong trại tập trung dành cho người gốc Do thái. Như bao người khác, cha bị hành hạ và ngược đãi tàn tệ, còn hơn cả súc vật. Thế nhưng vị linh mục này vẫn vui vẻ tìm cách giúp đỡ anh em đồng cảnh ngộ đang bị khủng hoảng và tuyệt vọng.
Chính cha xin với viên cai tù cho đi lao động thay thế những người đau yếu. Phần bánh mì ít ỏi của cha có khi được dành cho những người có nhu cầu hơn. Đối với người vận đồ rách rưới, cha cũng chia sẻ những chiếc áo cũ tương đối còn lành lặn.
Trong hoàn cảnh đầy nguy hiểm, cha vẫn lặng lẽ giấu kín lý lịch bản thân là người Công Giáo, hơn nữa còn là một linh mục! Chỉ có một vài người rất thân thiết mới biết rõ ngài là ai.
Trong số những người được vị linh mục này giúp đỡ, có một cậu thiếu niên vốn là một kẻ bụi đời, lớn lên nơi đầu đường xó chợ, không tin bất cứ ai, lại còn ngang tàng trộm cắp để kiếm sống. Cả ở trong trại tập trung, cậu cũng luôn cướp giật, quấy nhiễu mọi người.
Vị linh mục khả ái đã từng bước, tìm cách tiếp cận, trò chuyện, giúp đỡ, khuyên răn, và cuối cùng đã hoán cải được con người tưởng đã trở nên chai lì và vô phương cứu chữa. Dẫu vậy, ngài thấy vẫn chưa đến lúc nói với kẻ mới hoán cải về Thiên Chúa.
Thế rồi, một hôm, cha được tin bản thân sẽ bị chuyển gấp tới trại Ao-sơ-vích (Auschwitz), một trại tập trung mà chỉ nghe danh xưng, trại viên cũng phải kinh hoàng khiếp sợ, vì đó là nơi hủy diệt con người bằng những hầm hơi ngạt và lò thiêu xác. Ngài cố giữ bình tĩnh khi vội vã chia tay mọi người. Đứng trước mặt cậu thiếu niên vừa mới quyết định hoàn lương, ngài rất muốn giúp cậu hiểu biết về Chúa, tin Chúa và theo Chúa.
Cha nhìn thẳng vào mặt cậu, nhỏ nhẹ hỏi "Này, cháu yêu của bác, cháu có muốn tin vào một người tên là Giêsu không?" Cậu thiếu niên đứng thẳng người lên, trả lời cha bằng một câu hỏi chân thành: "Nhưng thưa bác, ông Giêsu là ai, để cháu có thể tin?" Biết mình không còn thời gian để cắt nghĩa Kinh Thánh và giới thiệu chi tiết về Đức Giêsu, cha yên lặng một chút, ngẫm nghĩ rồi buột miệng nói với cậu: "Người đó giống như bác!" Cậu thiếu niên đăm đăm nhìn ngài rồi khẳng khái tuyên xưng: "Vâng, nếu ông Giêsu ấy là một người giống như bác, thì cháu tin!"
Sau thế chiến, người ta không còn gặp lại vị linh mục ấy nữa, nhưng chắc chắn một điều là câu chuyện này được một người sống sót, qua các trại tập trung thuật lại như một chứng từ sống động, người ấy chính là cậu thiếu niên năm xưa, giờ đã là một người tân tòng Công giáo.
Chúa Giêsu đưa hai điều răn ấy sống động nơi con tim con người
Câu chuyện có thực vừa kể giúp ta lãnh hội ý của Đức Giêsu muốn nói với người thông luật là kẻ đã nêu vấn đề "Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?" (Mt 22,35). Ý của người thông luật này là muốn biết điều răn nào là điều răn lớn nhất trong toàn bộ Cựu Ước. Đức Giêsu trả lời cho thấy không những điều răn lớn nhất là "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi" (Đnl 6,5), nhưng còn cho thấy điều răn cũng giống điều răn ấy là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Lv 19,18). Điều khiến cho hai điều răn này giống nhau là ở tình yêu được thể hiện nơi con tim con người. Ngang qua con tim, người tin vào Giavê Thiên Chúa mà yêu mến Ngài "hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn người đó, thì cũng ngang qua con tim, người đó phải phải yêu người thân cận như chính mình".
Như vậy, Đức Giêsu đưa người thông luật từ ý niệm trừu tượng về điều răn lớn nhất tới hành động cụ thể nơi con tim người tín hữu. Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, thì trong cụ thể, cũng phải yêu thương người bên cạnh như chính mình. Sau này thư thứ nhất của Gioan sẽ nói: "Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (4,20).
Nhưng cần phải trở về với Cựu Ước là bối cảnh nơi người thông luật nêu vấn đề, trước khi bàn tới Tân Ước.
Mười điều răn được công bố trên núi Sinai, tóm tắt các trách nhiệm dân Thiên Chúa. Giavê Thiên Chúa ban mười điều răn này cho dân Giao Ước khoảng năm 1450 trước Công Nguyên. Mười điều răn này được ghi khắc trên hai bia đá sau được lưu giữ trong một chiếc hòm, gọi là hòm bia, như là những vật thánh thiêng nhất trong đạo của Cựu Ước.
Mười điều răn xuất hiện ở hai bản văn Cựu Ước (xh 20,2-17 và Đnl 5,6-21). Mười điều răn này diễn tả cốt lõi của mối tương quan mà Giavê Thiên Chúa đòi hỏi dân Ngài phải duy trì đối với Ngài. Theo những điều Ngài đòi hỏi dân phải giữ, ta cũng biết được về chính bản thân Ngài. Vậy Mười điều răn không chỉ nói với dân Ítraen nhưng còn nói với cả loài người qua mọi thời về Thiên Chúa, Đấng tạo thành nên mọi người và mọi sự. Các điều răn đều được lập lại dưới hình thức nào đó trong Tân Ước, với điều răn "giữ ngày sabát" trở thành điều răn "giữ ngày Chúa Nhật".
Có thể tóm tắt mười điều răn như sau:
Tấm bia thứ nhất dạy ta về tương quan đối với Thiên Chúa qua 4 điều răn là:
1. Không được thờ Thiên Chúa nào khác
2. Không được thờ ngẫu tượng.
3. Không được kêu tên Thiên Chúa vô cớ.
4. Phải giữ luật ngày Sabát.
Tấm bia thứ hai dạy ta về tương quan đối với đồng loại với 6 điều răn là:
5. Hiếu thảo đối với mẹ cha.
6. Không được giết người.
7. Không được phạm tội ngoại tình.
8. Không được lấy của người khác.
9. Không được làm chứng gian.
10. Không được ước ao của người khác.
Mười điều răn đều nhắm mục đích tích cực là hướng dân Thiên Chúa tới cuộc sống tròn đầy như được Thiên Chúa dựng nên, theo lời ông Môsê tuyên bố với dân: "Anh em hãy đi đúng con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, để anh em được sống, được hạnh phúc và được sống lâu trên mảnh đất mà anh em sẽ chiếm hữu" (Đnl 5,33). Ai cũng cần được Thiên Chúa hướng dẫn hầu tránh những chọn lựa có hại cho bản thân và người khác, đồng thời hưởng được tình thương của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đến công bố Nước Thiên Chúa nhằm giúp người ta đạt tới các mối phúc thật (Mt 5,1-12). Các mối phúc thật này không dựa trên cơ sở một thứ tình yêu siêu việt trừu tượng. Con người hạnh phúc thật phải nghiệm thấy nơi con tim của mình sự tràn ngập do tình yêu Thiên Chúa, nhờ đó có sức mạnh để yêu tha nhân như chính mình.
Con đường của các mối phúc
Vậy mối phúc đích thực số một phải là sở hữu Nước Thiên Chúa. Con người nghèo tận căn sẽ "yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn "(Mt 22,37). Người đó không còn bị vướng mắc do đam mê nào, cho nên dễ dàng nhận ra mọi sự và cả tạo thành, đều do Thiên Chúa ban. Cho nên người đó, có thể nói, sở hữu được Nước Thiên Chúa như lời Chúa Giêsu dạy: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5,3). Đúng như lời người cha nhân hậu nói với con cả trong Tin Mừng Luca: "Con à, lúc nào cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con" (Lc 15,31).
Điều mà mối phúc thứ hai nhắm là "được đất Thiên Chúa hứa làm gia nghiệp" (Mt 5,4). Đất hứa nói đây chính là Nước Thiên Chúa. Người thụ hưởng sẽ chẳng còn phải bon chen để tranh dành ảnh hưởng. Ngược lại, người đó chỉ còn sung sướng làm cho Nước đó được chan hoà dưới sự lãnh đạo của Đấng kêu gọi mọi người học với Người để sống hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11,29). Đó là con đường tốt nhất để yêu tha nhân như chính mình.
Điều mà mối phúc thật thứ ba nhắm là được chính Thiên Chúa ủi an (Mt 5,5). Để được phúc lành đó, người thụ hưởng cần dựa vào sức mạnh của tình yêu của chính Thiên Chúa, để gánh vác trên vai biết bao hậu quả của tội đang hoành hành trên thế giới. Đó thực sự là con đường thánh giá đưa tới vinh quang. Người đi trên con đường này, sẽ có thể yêu tha nhân như chính mình dưới sự lãnh đạo của Chúa Giêsu.
Đó chính là con đường mà vị linh mục của trại tập trung Đức Quốc Xã trong câu chuyện nói trên, đã đi và đã được chính Thiên Chúa ủi an trong Nước của Ngài.
Một số câu hỏi gợi ý
1. Bạn tâm đắc được gì về câu chuyện nói trên: liên quan tới vị linh mục ẩn danh? Liên quan tới cậu thiếu niên bụi đời nay là người Công giáo tân tòng?
2. Bạn hiểu gì về các mối phúc liên quan tới giới răn mến Chúa và yêu người?
-------------------------------
Giới Luật Yêu Thương
Con người có thể làm được nhiều điều vượt quá sự tưởng tượng của người khác. Con người có: TN30-A18
Con người có thể làm được nhiều điều vượt quá sự tưởng tượng của người khác. Con người có thể phát minh, làm ra những người máy, những robot máy làm được rất nhiều việc như mời khách, canh gác và có thể xếp hàng vào giỏ, vào xách tay. Người máy Robot có thể làm được mọi sự. Nhưng chỉ có một điều và điều này cực kỳ quan trọng: đó là người máy Robot không biết yêu thương, không có cảm giác như con người. Đây là một thất bại vì con người không thể phát minh ra được tình thương. Nên, Robot không biết yêu và cũng chẳng bao giờ có thể làm được sự yêu thương như con người. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn khẳng định cho nhân loại hay rằng Đạo do Chúa thiết lập là Đạo tình thương. Con người chỉ có thể sống trọn Đạo khi họ biết kính mến Chúa và yêu thương đồng loại.
LUẬT BÁC ÁI CỦA CHÚA GIÊSU
Tin Mừng Matthêu 22,34-40 chỉ ra rằng luật tối thượng vẫn là kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và giới răn thứ hai cũng không kém phần quan trọng là phải yêu mến đồng loại. Đây là cuộc tranh luận, đối chất quan trọng nhất của Tân ước giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisiêu. Chúa Giêsu và mọi người thời đó đều hiểu rõ về luật của Maisen.Tuy nhiên, giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisiêu lại có một cái nhìn rất khác nhau về Thiên Chúa, về con người. Luật cũ nặng nề về hình thức, thiên về bề ngoài, tỉ mỉ trưng ra các khoản luật lệ rườm rà, nhưng quên mất tâm tình bên trong. Luật sĩ và Biệt phái lại làm cho lề luật trở nên lệch lạc, lấy cái phụ làm cái chính và lấy cái chính làm cái phụ. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến cái trọng tâm của Đạo Kitô là bác ái: Mến Chúa yêu người. Luật bác ái của Chúa Giêsu không thu hẹp nơi bà con, thân thích, láng giềng, đồng hương như những người Do Thái quan niệm xưa, Chúa Giêsu đưa ra cái hướng phải mở rộng, phải thu góp mọi người, kể cả dân ngoại và cả kẻ thù. Vì thế, Chúa Giêsu đã đánh đổ quan niệm của dân Do Thái và đặc biệt của nhóm Pharisiêu. Chúa đưa ra hai luật không thể lìa nhau ( Mt 12,9-14; Mc 2,27-3,6 ).. Đối với Chúa Giêsu giới luật yêu thương: kính Chúa và yêu người không thể tách rời nhau được. Vì nói kính Chúa mà không yêu người là nói láo. Chúa nói: "Điều Ta truyền là các con hãy yêu thương nhau" ( Ga 15,17 ). Hoặc " Các con nhỏ bé của Ta, đừng yêu thương ngoài môi miệng, nhưng bằng việc làm và sự thật" ( 1Ga 3, 18 ) hay " Ích gì, thưa anh em, tôi có đức tin mà không có việc làm"( Giacôbê 2,14-27 ). Chúa Giêsu đã trả lời cho người luật sĩ tới hỏi Ngài về giới luật trọng nhất và Chúa đã trả lời một câu duy nhất gồm tóm hai điều nhưng thực tế chỉ là một. Đây là cuộc cách mạng của Chúa Giêsu. Một cuộc cách mạng lớn nhất làm đảo lộn quan niệm của người Do Thái và các phe nhóm chống Chúa Giêsu.
VẪN SỰ ĐÒI HỎI CỦA CHÚA LÀ PHẢI YÊU THƯƠNG NHAU
Con người thường yêu thương kẻ mến, kẻ chiều mình và ghen ghét kẻ thù, kẻ ghen ghét mình. Đó là sự thường tình của con người ở trần thế này. Luật Cựu ước có đoạn đã viết: "Mắt thế mắt,răng đền răng". Còn Chúa Giêsu lại nói khác: " Ai vả má phải, giơ má trái..." Đây là sự nghịch lý của Tin Mừng Đức Giêsu. Các luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giêsu là những con người đạo đức, nhưng họ đạo đức giả hình, nên không có cốt lõi yêu thương. Họ giống như những người máy, làm được nhiều chuyện, nhiều việc, nhưng không có tâm hồn để yêu thương thực sự. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến điểm: "Mến Chúa yêu người" ( Ga 13,34;13,35 ). Chúa Giêsu không chỉ nói xuông cho qua chuyện, chính Ngài đã làm gương cho mọi người, cho nhân loại về yêu thương. Cái chết của Chúa đã nói lên lòng yêu thương và tha thứ cao vời của Ngài đối với mọi người không phân biệt ai. Trên thập giá, quân dữ xỉ nhục Chúa Giêsu, nhưng Ngài vẫn tha thứ cho họ(Lc 23,34 ). Yêu người sẽ gặp Chúa và ngược lại. Yêu thương chính là cái hồn, cái cốt lõi của Đạo Đức Kitô. Hồn của Đạo Kitô là yêu thương, không yêu thương, không nhạy cảm, không có trái tim, con người chỉ là cái máy, chỉ là Robot không hồn. Thế giới như một sa mạc khô nước, sống yêu thương, sống lành, sống tốt, sống cảm thông,tha thứ cho nhau là đã làm cho sa mạc trở nên mát rượi. Một cử chỉ chia sẻ, cảm thông, quảng đại, một nụ cười, một ánh mắt thương yêu sẽ làm vơi đi biết bao nhiêu nhọc nhằn. Chúa Giêsu chính là Tình Yêu. Nên, thánh Gioan đã giải thích: " Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghen ghét anh em là kẻ nói dối...". Thiên Chúa là Đấng vô hình, còn anh em là người đang sống chung quanh ta.. Không yêu mến anh em làm sao dám nói yêu mến Thiên Chúa là Đấng vô hình, ở xa ta muôn trùng, muôn dặm, ta nào có thấy.
Xin Chúa giúp mọi người biết sống cái cốt lõi của Đạo Kitô là Yêu Thương.
-------------------------------
Bài Đọc 1: Xuất Hành 22,21- 27
Thiên Chúa là Đấng đầy tình thương và Ngài đòi dân của Ngài cũng phải biết đối xử giống như: TN30-A19
Thiên Chúa là Đấng đầy tình thương và Ngài đòi dân của Ngài cũng phải biết đối xử giống như Ngài. Tình yêu thương của họ phải được thể hiện thực tế và cụ thể. Ngài truyền cho Môse răn dạy dân chúng rằng họ phải biết đối xử tử tế với khách ngoại kiều, và với các cô nhi quả phụ. Khách ngoại kiều, cô nhi quả phụ là người người yếu thế dễ bị hà hiếp. Thiên Chúa cảnh cáo dân chúng rằng nếu họ hà hiếp các cô nhi quả phụ thì Ngài sẽ nổi cơn thịnh nộ. Nếu họ cho người thiếu thốn vay mượn thì đừng hối thúc người ta trả và cũng đừng đòi lãi cao. Nếu cầm đồ của người nghèo thì hãy trả lại cho họ trước khi trời tối, vì họ chỉ có một áo che thân.
- Bạn có thể kể tên và đan cử vài người mà bạn biết họ là những người giầu tình thương?
- Ai là những "khách ngoại kiều, cô nhi và quả phụ" trong xã hội ngày nay?
Bài Đọc 2: 1 Thess 1,5- 10
Thánh Phaolô khen các Kitô hữu Thessalonica vì họ đã bỏ tà thần để trở về với Thiên Chúa. Noi gương các tông đồ và noi gương Chúa; họ đón nhận lời rao giảng giữa bao gian truân; họ sống hân hoan trong Thánh Thần, và họ đã nên mẫu mực cho các Kitô hữu khác.
- Bạn có biết một giáo xứ hay cộng đoàn Công Giáo nào đã và đang sống nêu gương mẫu khiến bạn ngưỡng mộ tinh thần sống đạo và tình bác ái của họ không?
- Sống thế nào để chúng ta trở nên mẫu mực cho những người khác noi theo? Như thế có phải là kiêu ngạo quá hay không?
- Cái gì là những "tà thần" thời đại mà bạn và tôi, chúng ta cần phải từ bỏ để trở nên những Kitô hữu gương mẫu?
Bài Phúc Âm: Mt 22,34- 40
Những người Biệt phái cử một người thông luật nhất trong nhóm đến hỏi Chúa Giêsu về giới răn nào trọng nhất. Người Do thái có tất cả 613 khoản luật thì làm sao một người khôn ngoan thông thái đủ để quyết đoán luật nào là luật quan trọng nhất? Chúa Giêsu đã tỏ ra có uy quyền và đủ uy tín để trả lời. Ngài dùng sách Đệ Nhị Luật nói, "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi." Và sách Lêvi 19:18, "Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi." Và Ngài kết luận: "Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó."
- Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn là yêu như thế nào?
- Khi Giáo xứ và cộng đoàn của bạn có vị linh mục hay một nữ tu từ Việt Nam đến thăm và xin giúp đỡ những người nghèo hay công việc truyền giáo ở quê nhà thì bạn và những người trong giáo xứ cảm thấy thế nào? Các bạn đã tiếp đón những vị ấy ra sao?
Bài Giảng Gợi Ý
Một người phụ nữ người trẻ tuổi đến văn phòng giáo xứ xin gặp tôi để nói chuyện. Chị kể, "Thưa cha đã từ lâu con không biết nhà thờ là gì. Hồi còn nhỏ con cũng đã được rửa tội và con còn nhớ là mình có đi tham dự các lớp học về đạo và Kinh thánh ở nhà thờ ngày Chúa nhật. Nhưng con chỉ nhớ được có nhiêu đó thôi."
Sau khi nghe chị nói được một lúc thì chị nhìn tôi và hỏi, "Thưa cha, bây giờ con phải làm gì nếu con muốn trở nên một phần tử trong giáo xứ của cha?"
Điều tôi nghĩ đầu tiên trong đầu là, "Cô ta muốn gia nhập giáo xứ để làm gì?" "Để làm đám cưới chăng?" "Cô đã rửa tội ở nhà thờ hay giáo phái nào?" "Cô đã xưng tội rước lễ và chịu phép thêm sức chưa?" "Cô có sống trong địa hạt của giáo xứ không?" "Cô phải ghi danh gia nhập giáo xứ!" "Cô phải thường xuyên đi lễ và đóng góp mỗi Chúa Nhật..." Nhưng rồi tôi cảm thấy những điều này không phải là câu trả lời thỏa đáng. Như vậy thì cái gì là điều kiện để cho một người trở thành phần tử của gia đình Kitô giáo?
Giả như có người đến hỏi bạn về điều kiện để gia nhập giáo xứ và trở nên một phần tử trong giáo xứ của bạn thì bạn trả lời cho họ như thế nào? Các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta dùng tiêu chuẩn nào và đòi hỏi các phần tử phải có những điều kiện gì để họ được coi là thành phần của giáo xứ hay của cộng đoàn? Thiết tưởng chúng ta có thể tìm được giải đáp qua lời Chúa Giêsu nói với những người Biệt phái.
Giới Răn Cao Trọng Nhất
Những người Biệt phái cử một nhà thông luật đến hỏi Chúa Giêsu, "Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?" Vì luật Do thái có tới những 613 khoản; 365 khoản luật cấm và 248 khoản luật dạy những điều phải thực hành. Do đó những người Biệt phái đã nghĩ rằng đây là câu hỏi khó khăn và phức tạp không ai có thể trả lời được. Chính họ cũng bối rối không phân biệt rõ ràng luật nào là quan trọng hơn và luật nào là quan trọng nhất. Và như thế họ nghĩ rằng nếu hỏi chúa Giêsu thì Ngài cũng sẽ bị bí và mất uy tín trước đám đông. Nhưng họ lầm vì họ không biết rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Chúa của lề luật. Ngài đã trả lời thật chính xác, "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. . . Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó."
Đây là đoạn Phúc âm rất quen thuộc với chúng ta. Quá quen thuộc đến độ chúng ta cảm thấy nhàm chán chẳng có gì mới lạ để mà suy nghĩ. Chúng ta nói, biết rồi khỏi cần phải suy. Suy nghĩ như thế là chúng ta lầm to. Chúng ta không thể đồng hóa sự quen thuộc với hiểu biết. Nghe nhiều và rất quen thuộc không có nghĩa là chúng ta đã hiểu thấu đáo, đã sống và thực hành điều Chúa Giêsu dạy. Chúng ta cần chú tâm nghe kỹ và xét mình xem chúng ta đã hiểu và sống được như thế nào đối với lời của Chúa Giêsu:
Kitô hữu phải làm gì? Kitô hữu phải yêu.
Kitô hữu phải yêu ai? Kitô hữu yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân.
Kitô hữu phải Yêu như thế nào? Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.
Yêu tha nhân như yêu chính mình.
Vấn đề nguy hiểm trong việc sống đạo là chúng ta có thể dễ bị lầm lẫn và quên đi đối tượng chính yếu của tôn giáo.
Các thần học gia có thể quá chú trọng đến việc phân tích và định nghĩa giáo thuyết và tín lý. Những chuyên gia về Kinh Thánh có thể quá chú trọng đến việc chú giải và diễn giải ý nghĩa các câu thánh kinh. Đời sống giáo xứ có thể quá lưu tâm đến các sinh hoạt hội đoàn, các chương trình và các cuộc hội hè thảo luận. Chúng ta có thể dành nhiều nỗ lực và thời giờ vào việc quảng cáo, cổ động và khuếch trương nhiều hoạt động thuộc về tôn giáo. Chúng ta nhiệt thành và sốt sắng cử hành những nghi thức tôn giáo, nhưng lại quên đi không chú tâm đến đối tượng và phẩm tính thiết yếu của việc sống tinh thần tôn giáo.
Chính vì những lý do đó mà có hiện tượng phân cách giữa tôn giáo và đời sống hàng ngày. Việc ghi danh gia nhập hay đóng góp tiền hàng tuần hay hàng tháng, tham gia các tổ chức sinh hoạt giáo xứ, tuân giữ những khoản luật này hay điều lệ kia đều không phải là những điều kiện thiết yếu và quan trọng nhất để làm cho một người trở nên phần tử trong gia đình Kitô hữu. Có tất cả những điều kiện này mà không có tình yêu Thiên Chúa và tha nhân thì những việc làm tôn giáo của chúng ta chỉ là những tư cách giả dối, những cử chỉ dị đoan bụt thần.
Phẩm Tính Thiết Yếu
Khi Chúa Giêsu tóm lược hai giới răn quan trọng nhất của lề luật có nghĩa là Ngài nói cho chúng ta biết rằng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân là một phẩm tính thiết yếu và quan trọng nhất không thể thiếu nơi mỗi người Kitô hữu. Chính phẩm tính này làm cho chúng ta trở nên Kitô Hữu chân thực. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn có nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa trên hết và trước hết mọi sự. Mỗi người chúng ta có trách nhiệm phải dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa không giới hạn và không giữ lại bất cứ cái gì. Yêu Thiên Chúa như thế nói lên rằng chúng ta muốn làm trọn bổn phận của một thụ tạo tôn thờ Đấng Tạo Dựng nên mình. Chúng ta muốn dấn thân hoàn toàn cho Ngài, và không cho phép bất cứ một thụ tạo nào ngồi vào chỗ ưu tiên đó. Yêu Thiên Chúa như thế là chúng ta thiết lập cho đời sống chúng ta một hệ thống giá trị đúng thứ tự ưu tiên. Nếu chúng ta dành sự ưu tiên này cho Thiên Chúa thì đời sống chúng ta sẽ có hiệu quả khác thường.
Kinh nghiệm thấy rằng chúng ta xác định giá trị đời sống của chúng ta bởi những gì chúng ta quý yêu. Chúng ta được phong phú hóa hay bị hủ hóa băng hoại cũng tùy thuộc ở đối tượng chúng ta yêu thương. Nếu chúng ta lấy Thiên Chúa làm đối tượng tình yêu tuyệt đối, hàng đầu và vững bền thì tình yêu Thiên Chúa sẽ trở nên sức mạnh ảnh hưởng, chi phối và hướng dẫn tất cả các thứ tình yêu khác nơi chúng ta: Tình yêu đối với vợ hay chồng, đối với con cái, cha mẹ, anh chị em, bạn bè và tất cả những người khác chung quanh chúng ta. Tình yêu ưu tiên của chúng ta dành cho Thiên Chúa sẽ làm tăng chất lượng và thêm sâu đậm cho các thứ tình yêu khác nơi chúng ta. Và khi đó chúng ta mới có thể yêu tha nhân như chính mình.
Yêu Thiên Chúa mà không yêu tha nhân thì đó là một tình yêu điên cuồng mê tín không bảo chứng. Yêu tha nhân mà không yêu Thiên Chúa thì đó chỉ là một tình yêu nhân bản vô thần. Thánh Gioan Tông Đồ đã nói cách thâm tín rằng, "Người nào nói yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình thì là kẻ nói xạo. Vì người nào không yêu thương anh chị em mình là những người họ trông thấy thì làm sao họ có thể yêu mến Thiên Chúa Đấng họ không trông thấy. Những ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu mến cả tha nhân" (1 Gio 4:20- 21).
Nhận Định - Suy Tư
Trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa truyền cho Môsê phải dạy dân chúng biết thương yêu những khách ngoại kiều và các cô nhi quả phụ là những người yếu thế. Bài đọc thứ hai, thánh Phaolô đã khen ngợi các Kitô hữu Thessalonica vì tinh thần sống đạo của họ đã trở nên gương mẫu cho những cộng đoàn Kitô hữu khác. Như vậy chúng ta và các cộng đoàn Kitô hữu Công Giáo Việt Nam thì sao?
Các cộng đoàn Kitô hữu Công Giáo Việt Nam chúng ta thường nhấn mạnh rất nhiều đến các nghi lễ phụng vụ, đến các tổ chức hội đoàn, sinh hoạt, rước kiệu, đại hội, dâng hoa, ngắm đứng, học kinh bổn, giáo lý, đọc kinh, đền tạ, hành hương, xin lễ, xin khấn v. v... Đây là những phương diện chúng ta bày tỏ niềm tin của chúng ta đối với Thiên Chúa trong việc thờ phượng rất tốt đẹp không chê được. Chúng ta đã và đang biểu diển niềm tin đến nỗi hàng Giáo Phẩm Hoa Kỳ cũng phải khen ngợi. Nhưng chúng ta cũng cần phải xét mình xem các giáo xứ, các cộng đoàn Kitô hữu Công Giáo Việt Nam, cũng như mỗi cá nhân người Công Giáo Việt Nam chúng ta đã và đang làm được những gì để chứng tỏ lòng yêu thương tha nhân của chúng ta? Nhiều người trong chúng ta rộng rãi đóng góp và chia sẻ khi có những dịp lạc quyên đặc biệt như giúp nạn nhân bão lụt, giúp trại cùi, hay thỉnh thoảng nếu có người đến xin giúp đỡ. Nhưng nếu không ai đến xin, hay lạc quyên thì chúng ta có thường xuyên quan tâm đến người nghèo, và những người kém may mắn không? Chúng ta có được bao nhiêu hội từ thiện? Được mấy giáo xứ có những chương trình tương tế xã hội? Được mấy giáo xứ chính thức dành riêng một ngân quỹ hàng năm để lo việc tương tế xã hội giúp đỡ người nghèo? Nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến việc xây dựng sửa sang "nhà thờ" mà quên đi khía cạnh chia sẻ trong yêu thương với những người nghèo, những người yếu thế, và kém may mắn hơn trong xã hội thì e rằng chúng ta chưa biểu dương được phẩm giá của người Kitô hữu Công Giáo Việt Nam.
Một Câu Truyện
Mỗi lần có người ra hay vào là gió lạnh lại thổi tạt qua cái cửa kiếng tự động ở bệnh viện. Một bà cụ già đứng dựa vào chiếc gậy bằng sắt bạc phía bên trong cửa, đưa mắt nhìn ngong ngóng ra lối xe chạy ở ngoài.
Tôi đứng phía sau bà cụ để chờ cô con gái ra ngoài bãi đậu để lấy xe đi về. Chúng tôi đến thăm người dì bị đau nặng. Lúc đó tôi thấy chiếc xe taxi mầu vàng trườn tới cổng. Mặt bà cụ sáng lên và bà bắt đầu bước ra cửa miệng mừng rỡ, "May quá! Tôi đã chờ đợi khá lâu rồi!" Chiếc xe taxi đậu trước cửa, và vừa lúc đó thì một cặp vợ chồng trẻ hơn, chạy nhanh qua mặt tôi và bà cụ đang đi ra phía xe taxi. Đôi vợ chồng đó đã tới trước, mở cửa xe taxi và nhảy vội vô ngồi vào trong xe, rồi chiếc xe phóng đi khỏi cửa bệnh viện.
Cô con gái của tôi ngồi trong xe đã nhìn thấy cảnh đó. Con tôi liền quay cửa xe xuống và hỏi tôi, "Má ơi, hỏi xem nhà bà ấy ở đâu?" Bà cụ không ở xa chúng tôi lắm. Và bà đã vui mừng nhận lời lên xe của chúng tôi. Bà nói là bà đến thăm người em của bà bị ung thư. Bà đã ở bệnh viện suốt cả ngày. Khi chúng tôi bỏ bà xuống trước cửa nhà của bà, con gái tôi đã xuống xe để đỡ bà cụ, mở cửa nhà cho bà, và còn mang cả mấy cái thùng rác rỗng đang nằm chắn lối đi để đem đặt chúng về đúng chỗ. Không gì làm cho cha mẹ sung sướng hơn khi nhìn thấy con cái của mình làm được những nghĩa cử tốt lành như vậy. Cả ngày hôm đó lòng tôi đã ca vui.
(Medard Laz. Love Adds a Little Chocolate. "A Heart That Sings"" p. 57)
Thiên Chúa cũng vui mừng sung sướng khi thấy chúng ta là những con cái của Ngài biết kính tôn yêu mến Ngài và có những nghĩa cử nhân ái yêu thương với người khác như thế.
----------------------------------
* Câu hỏi gợi ý
Kinh nghiệm đức tin hay tâm linh của người Do Thái xưa và kinh nghiệm của các tín: TN30-A20.
1. Kinh nghiệm đức tin hay tâm linh của người Do Thái xưa và kinh nghiệm của các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca thời Giáo hội sơ khai.
2. Đức Giêsu đã liên kết hai giới răn “mến Chúa yêu người” thành một.
3. Thời đại và con người ngày nay đòi chúng ta sống Phúc Am một cách triệt để.
* Suy tư gợi ý
1. Kinh nghiệm đức tin hay tâm linh của người Do Thái xưa và kinh nghiệm của các tín hữu Thê-xa lô-ni-ca thời Giáo hội sơ khai.
1.1 Đọc Cựu ước, chúng ta sẽ khám phá ra kinh nghiệm đức tin hay tâm linh của người Do Thái xưa. Kinh nghiệm ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử và được tóm tắt cách vắn gọn như sau: Hễ người Do Thái trung thành tuân giữ lề luật của Thiên Chúa thì được an toàn và sung túc. Hễ họ lãng quên hay phản bội Thiên Chúa thì tai ương (mất mùa, chiến tranh, làm nô lệ) sẽ ập tới. Nhưng một thì họ sám hối ăn năn, quay về với Thiên Chúa thì họ lại được Thiên Chúa thứ tha và cứu vớt.
Đoạn Sách Xuất hành 22,20-25 mà Phụng vụ cho đọc hôm nay là một trong những đoạn văn nói về kinh nghiệm đức tin ngàn năm ấy. Trọng điểm của đoạn văn là dân Do Thái được chỉ bảo “chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.” Điều đó đã trở thành luật, thành giới răn mà bất cứ người Do Thái nào cũng thuộc nằm lòng.
1.2 Trong bài đọc 2, Thánh Phao-lô cho chúng ta thấy một kinh nghiệm sống đức tin của các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca thời Giáo hội sơ khai. Rõ ràng họ không chỉ từ bỏ ngẫu tượng và quay về với Thiên Chúa, mà đời sống bác ái, yêu thương của họ đã tạo nên một vang tốt lành cho Danh Thánh Chúa, một sức lôi cuốn mãnh liệt đối với những người tín hữu và lương dân trong một vùng khá rộng lớn.
Các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cũng như bao Ki-tô hữu ngày nay đã trưởng thành và văn minh hơn dân Do Thái xưa bội phần. Họ không thờ phượng Thiên Chúa để được phần thưởng là các ân huệ vật chất, mà chủ yếu là vì Thiên Chúa là Đấng tốt lành, là Cha nhân hậu đáng mọi người kính yêu, tôn thờ.
2. Đức Giêsu đã liên kết hai giới răn “mến Chúa yêu người” thành một.
2.1 Tại sao những người Pha-si-sêu lại hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thày trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?” Có phải vì họ cho rằng Đức Giê-su xuất thân từ một thôn xóm nhỏ bé vô danh Na-da-rét và là một thanh niên ít học nên họ thử Người chơi? Hay vì họ muốn tỏ ra ta đây là những người thông luật, là hạng trí trức trong cộng đồng tôn giáo và xã hội để “dằn mặt” Người? Phúc Am không nêu lý do mà chỉ nêu mục đích của việc đặt câu hỏi “để thử Người”. Nếu chúng ta liên kết sự kiện này với các kiện trước đó, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn. Liền trước trình thuật giới răn trọng nhất này, chúng ta thấy nhóm Xa đốc đã thử Giê-su khi nêu vấn đề kẻ chết sống lại với câu chuyện một phụ nữ lần lượt lấy bảy anh em làm chồng: “trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ ai trong số bẩy người đã lấy bà làm vợ?” (Mt 23-33). Xa hơn nữa những người Pha-ri-sêu và phe Hê-rô-đê đã đặt ra cho Người một vấn đề hết sức tế nhị có tính chất vừa tôn giáo vừa chính trị: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da không?” (Mt 22,17). Có lẽ chúng ta phải hiểu đây là cuộc đấu trí “một mất một còn” giữa hai kỳ phùng địch thù: Một bên là những người thuộc giới cầm quyền xã hội và tôn giáo Do Thái và một bên là Đức Giê-su. Bên trước thì thua keo này bày keo khác; còn bên sau thì kiên trì đối phó và khôn ngoan tận dụng thời cơ để thực hiện sứ mệnh của mình. Và cuối cùng thì bên kia phải dùng đến biện pháp cuối cùng để khử trừ bên này. Nhưng bên này chẳng hề hấn gì vì Người là Đấng hằng sống và là Đấng Phục sinh.
2.2 Cũng như trước hai thử thách kia, Đức Giê-su đã chẳng hề bị “bắt bí” mà Người còn hoàn toàn làm chủ trận địa và tung ra những đòn “độc chiêu” mà kẻ thủ phải “tâm phục khẩu phục.” Thật vậy Đức Giê-su đã trích dẫn Thánh Kinh một cách rành rọt: “Điều răn lớn nhất là ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.” Đức Giê-su còn khiến họ ngạc nhiên khi Người liên kết “giới răn trọng nhất” với “giới răn mới nhất” thành một. “Giới răn trọng nhất” là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. “Giới răn mới nhất” là yêu thương tha nhân, nhất là người lân cận, như chính mình! Hai giới răn ấy chỉ là một mà thôi. Từ nay để kiểm chứng lòng yêu mến Thiên Chúa, người theo đạo Ki-tô chỉ cần xem xét lòng yêu thương tha nhân của mình. Nếu không có lòng yêu thương tha nhân, thì chắc chắn là cũng không có lòng yêu mến Thiên Chúa! Quá đơn giản và rõ ràng!
3. Thời đại và con người ngày nay đòi chúng ta sống Phúc Am một cách triệt để.
3.1 Đức Gioan Phaolô II đã nhiều lần lặp đi lặp lại rằng: ngày nay người ta cần chứng chân hơn là thày dạy. Trong lãnh vực Bác Ai thì điều đó càng đúng. Giảng dạy yêu thương thì chẳng khó gì, nhưng có những hành động yêu thương giúp đỡ tha nhân mới là chuyện đáng kể. Giảng dạy yêu thương phục vụ thì đã có quá nhiều rồi, còn những hành động yêu thương cụ thể, thì lúc nào cũng thiếu, vì lúc nào cũng có người cũng cần đến. Xã hội và con người ngày nay rất dị ứng với những người chỉ nói mà không có làm. Thà nói ít hay không nói gì hết mà làm thì tốt hơn!
3.2 Như thế có nghĩa là thời đại và con người ngày nay đòi chúng ta sống Phúc Am một cách triệt để. Nếu Đạo Công giáo là Đạo Yêu Thương thì các Ki-tô hữu hãy sống yêu thương, hãy hy sinh phục vụ, hãy bỏ thời giờ, tiền bạc, công sức …. cho đồng bào, cho những người kém may mắn trong xã hội! Năm 1970 tại Ma-ni-la các Giám mục Á châu (trong đó có các Giám mục VN chúng ta) đã long trọng tuyên bố các Giáo hội Á châu là Giáo hội của người nghèo. Chúng ta hãy biến chọn lựa ấy thành hiện thực đi! Đừng nói nữa mà hãy làm!
NGUYỆN
* Lạy Thiên Chúa là Tình Yêu, chúng con cảm tạ Tình Yêu cứu độ của Chúa! Chúng con quyết tâm chỉ tôn thờ một mình Chúa mà thôi vì Chúa là Chúa Tể vạn vật vô cùng quyền năng và nhân hậu, vì Chúa đã cứu chúng con. Chúng con cũng quyết tâm yêu thương mọi người là tạo vật được dựng nên theo hình ảnh Chúa như chúng con và là con cái của Chúa, anh em của chúng con. * Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa giúp chúng con biết cống hiến và chia sẻ với những người túng thiếu: tài trí, thời gian, tiền của mà Chúa đã ban cho chúng con, để tất cả chúng con được sống trong Tình Yêu của Chúa. A men!
(Giê-rô-ni-mô Nguyễn Văn Nội).
----------------------------------
Mt 22,34-40
I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
Câu hỏi của người thông luật trong nhóm Pha-ri-sêu nêu ra với Đức Giê-su để thử Người: TN30-A21
1) Ý CHÍNH: Câu hỏi của người thông luật trong nhóm Pha-ri-sêu nêu ra với Đức Giê-su để thử Người vốn là một trong những vấn đề mà các thầy Ráp-bi Do thái luôn bất đồng ý kiến với nhau và không ngừng tranh cãi nhau: ''Trong sách luật Mô-sê thì điều răn nào là điều răn lớn nhất ?" Nhưng điều họ cho là khó thì Đức Giê-su đã giải đáp dễ dàng. Theo Người thì toàn bộ Lề Luật và sách các Ngôn Sứ đều chỉ tóm gọn trong hai điều răn lớn nhất là mến Chúa và yêu người.
2) CHÚ THÍCH:
* (c 34) Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại:
+ Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng: Trong dân Do thái có nhiều phe nhóm khác nhau. Phái Xa-đốc vì chỉ dựa trên luật thành văn là bộ sách Ngũ Thư, nên cho rằng Thánh Kinh không cho biết gì về sự kẻ chết sống lại (x Mt 22,23). Họ đã dựa trên luật "thế huynh" (x Đnl 25,5-10) để đặt vấn đề. Đức Giê-su đã trả lời bằng hai điểm: Một là khi sống lại, người ta sẽ sống như các thiên thần ( x Mt 22,30). Hai là nhắc lại lời Thiên Chúa phán với Mô-sê rằng người là Thiên Chúa của các tổ phụ, ngầm ám chỉ các tổ phụ ấy vẫn đang sống với Người ( x Xh 3,6. Trước những bằng chứng rút từ Thánh Kinh ấy, họ đuối lý và đành phải câm miệng. + Thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại: Họp nhau ở đây là nhằm để đối phó với Đức Giê-su. Sau này các đầu mục Do thái cũng họp nhau để tìm cách giết Người ( x Mt 26,3-4).
* (c 35) Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử người rằng:
+ Một người thông luật trong nhóm: Đây là một kinh sư trong nhóm Pha-ri-sêu. Thời Đức Giê-su có khoảng sáu ngàn người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hay Biệt phái . Cũng như nhóm Et-sê-ni, nhóm Pha-ri-sêu thường kết nạp những người có lòng đạo đức và quyết tâm chống ảnh hưởng của ngoại giáo. Nhóm gồm có các kinh sư, các tiến sĩ Luật và cả một số tư tế nữa. Họ tổ chức thành hội, nhằm giúp nhau giữ đạo của cha ông và tuyệt đối trung thành với luật Mô-sê. + Thái độ của Nhóm Pha-ri-sêu đối với Đức Giê-su: Trong nhóm Pha-ri-sêu, một số người có thiện cảm với Đức Giê-su, nên đã mời Người đến nhà (x Lc 7,36; 11,37), trong số đó cũng có người thuộc hàng thủ lãnh (x Lc 14,1). Có người đã bảo vệ Người tránh bị Hê-rô-đê đến bắt (x Lc 13,31) . Ong Ni-cô-đê-mô một thành viên của nhóm Pha-ri-sêu cũng đã bí mật gặp Đức Giê-su vào ban đêm (x Ga 3,1-2), và sau đó đã công khai bênh vực Người (x Ga 7,50), và góp phần vào việc mai táng Người như một môn đệ ( x Ga 19,39-40). Ong Ga-ma-li-ên, một kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu trong Thượng Hội Đồng có lần đã lên tiếng bênh vực các Tông Đồ (x Cv 5,34-39). Thánh Phao-lô trước khi theo Chúa đã từng là một thành viên nhiệt thành nhất trong nhóm Pha-ri-sêu 9x CV 26,4-5). Tuy nhiên, đại đa số người Pha-ri-sêu không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nên kịch liệt chống lại con người và giáo lý của Người. + Thái độ của Đức Giê-su đối với nhóm Pha-ri-sêu: Về phần Đức Giê-su, tuy nhiều lần nặng lời quở trách nhóm này về lối sống vụ lề luật, giả đạo đức, vụ lợi, nói mà không làm, kiêu căng, ưa xu nịnh, khinh thường các tội nhân và dạy giáo lý sai lạc (x Mt 9,10-11; 23,1-7; 16,5.12)” Nhưng Người công nhận họ siêng năng cầu nguyện, bố thí và ăn chay (x Mt 6,1-18), nhiệt tâm truyền giáo ( x Mt 23,15), phần nào ăn ở công chính (x Mt 5,20), gắn bó với truyền thống của cha ông (x Mt 6,16), giữ Luật cách nghiêm nhặt (x Mt 23,23), đặt biệt luật thanh tẩy, luật hưu lễ Sa-bát (x Mt 12,2) và luật về nhơ uế (x Mt 15,1-2). Người đến không phải nhằm bãi bỏ Luật Mô-sê hay lời các Ngôn Sứ, nhưng để kiện toàn (x Mt 5,17-19). + để thử Người: Ở đây nhóm Pha-ri-sêu nêu câu hỏi để đưa Đức Giê-su vào thế bí, thử xem Người sẽ giải quyết thế nào đối với một vấn đề nan giải, thường gây ra tranh cãi giữa các ráp-bi với nhau.
* (c 36) "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất ?":
+ Luật Mô-sê: Luật hay "Tô-ra" trong tiếng Do thái, ám chỉ giáo huấn mặc khải của Thiên Chúa để hướng dẫn nếp sống của con người về nhiều lãnh vực như: Luân lý, tổ chức gia đình và xã hội, nghi thức phụng tự, các thừa tác viên và các điều kiện cử hành... Đây là toàn bộ những điều luật ghi trong Ngũ Thư và chi phối đời sống tôn giáo và trần thế của dân Ít-ra-en. Luật Mô-sê gồm 613 điều khác nhau, trong đó có 246 điều luật truyền và 365 điều luật cấm. + Điều răn nào là điều răn lớn nhất: Lớn nhất tức là quan trọng nhất. Sở dĩ họ đặt câu hỏi này với Đức Giê-su, phần vì không nhất trí được với nhau, phần vì muốn thử Đức Giê-su để mong đặt Người vào thế bí không thể giải quyết được.
*(c 37) Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu: + Ngươi phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi: Lòng mến Chúa phải toàn diện, liên quan đến trái tim, linh hồn và cả khối óc của con người. Tình yêu ấy phải là động lực thúc đẩy tất cả mọi hoạt động tinh thần cũng như thể xác. + Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu: Đây là điều răn thứ nhất trong Thập Giới (x Đnl 6,5). Tầm mức quan trọng của điều luật này không phải vì được xếp đầu tiên, nhưng vì việc mến Chúa là điều quan trọng bậc nhất. Vì thế mỗi người Ít-ra-en đều phải đọc đi đọc lại luật này mỗi ngày hai lần: lúc vừa thức giấc cũng như trước khi nghĩ đêm.
*(c 39) Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình: + Điều răn thứ hai cũng giống điều thứ nhất: Điều răn thứ hai tuy về lòng yêu người, nhưng cũng quan trọng ngang với điều răn thứ nhất về lòng mến Chúa. Vì lòng yêu người phát xuất từ lòng mến Chúa và cũng cần thiết như lòng yêu mến Chúa vậy. + Yêu người thân cận: Đối với dân Ít-ra-en: người thân cận là những người đồng chủng tộc, cùng huyết thống. Nhưng Đức Giê-su đã mở rộng lòng yêu tha nhân đến hết mọi người: Dù là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do” và yêu cả kẻ thù của mình nữa (x Mt 5,43-48). + như chính mình: Yêu kẻ khác giống như yêu bản thân mình, hay coi người khác như bản thân, là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Nói cách khác yêu người bằng mình là: "Muốn người ta làm gì cho mình, thì hãy làm cho người ta như vậy" (x Mt 7,12), và ngươc lại "Điều gì không thích thì đừng làm cho ai" (Tb 4,15).
*(c 40) Tất cả luật Mô-sê và các sách Ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy": + Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn Sứ: Luật Mô-sê và các sách Ngôn Sứ là cách nói chỉ toàn bộ Cựu Ước. Luật Mô-sê gồm có năm cuốn sách trong bộ Ngũ Thư, và sách các Ngôn Sứ gồm có hai loại: Sách các Ngôn Sứ lớn như: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en và sách các ngôn Sứ nhỏ như: Ba-rúc, Hô-sê, Giô-en, A-mốt, Giô-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai,Da-ca-ri-a, Ma-la-khi. + đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy: Thánh ý của Thiên Chúa biểu lộ qua các giới răn, và qui về hai giới răn này là "mến Chúa" và "yêu Người". Như vậy, Đức Giê-su đã gắn liền điều răn yêu người với điều răn mến Chúa, bằng cách cho cả hai cùng quan trọng như nhau, và tập trung tất cả Lề Luật vào hai điều răn hàng đầu này. Từ nay, người ta không cần phải lo lắng chu toàn tất cả 613 điều khoản, với các chi tiết khó nhớ và khó áp dụng. Nhưng họ chỉ cần giữ hai điều then chốt là "mến Chúa hết lòng hết sức" và "yêu thương tha nhân như chính mình". Giữ hai điều này là đã giữ trọn lề Luật và đã làm theo thánh ý Thiên Chúa rồi. Sau này, Đức Giê-su còn thêm một điều răn mới là: "Anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34).
II. HỌC SỐNG LỜI CHÚA.
1) LỜI CHÚA: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Mt 22,37-39).
2) CÂU CHUYỆN:
TÌNH YÊU CÓ SỨC MẠNH CẢI HÓA TÂM HỒN CON NGƯỜI.
Có một cậu bé 7 tuổi bị mồ côi cha mẹ, nên được ông nội đón về nhà nuôi. Ong này là chủ một xí nghiệp sản xuất dây chuyền lớn, có hàng trăm công nhân. Ong vốn là một người tham lam và độc ác, thường tỏ ra hóng hách và bớt xén tiền lương ít oi của công nhân. Nhưng mỗi khi có mặt cậu bé, ông lại tỏ ra nhân hậu và quan tâm đến những người nghèo khổ. Nhất là ông tận tình yêu thương chăm sóc cho cậu bé, khiến cậu coi ông như thần tượng. Cậu luôn miệng khen những việc tốt ông đã làm, và cả những việc xấu nhưng đã được cậu cắt nghĩa là do động cơ tốt. Cậu thường nói với ông: "Nội ơi, nội được nhiều người yêu qúy lắm phải không ? Cháu dám cá là họ phải yêu nội thật nhiều, giống như cháu yêu nội vậy!". Chính tình yêu thương của cậu bé khiến trái tim sơ cứng của ông dần dần trở nên mềm mãi, và cuối cùng đã biến đổi ông trở nên một con người tốt lúc nào không hay. Đúng như những đức tính mà cậu bé vẫn thường ca ngợi ông.
"THÀ CHỊU LỬA THIÊU ĐỐT HƠN LÀ PHẢI LÀM MỘT ĐỒ VẬT BỊ PHẾ THẢI".
Người ta đọc được trên tấm biển treo nơi phòng làm việc của Gót-phây (Godfrey) hàng chữ này: "Lạy Chúa, con thà chịu lửa thiêu đốt, còn hơn là con phải thành một vật bị phế thải". Khi được hỏi tại sao lại treo câu này, thì Gót-phây đã kể lại câu chuyện về một người thợ rèn có lòng đạo đức, dù phải chịu nhiều tai ương nhưng vẫn vững lòng tin vào Chúa. Khi có người hỏi làm sao ông có thể giữ vững đức tin, khi phải chịu đựng biết bao tai ương hoạn nạn liên tiếp xảy đến như thế? Thì ông ta đã trả lời như sau: "Khi tôi chế tạo một dụng cụ nào đó, thì trước hết tôi lấy ra một thanh sắt thô và đặt nó trong lò nung. Khi cháy đỏ hồng lên, thì tôi lấy ra khỏi lò và đặt nó trên một chiếc đe. Tôi dùng búa tạ đập trên thanh sắt cháy đỏ kia để xem độ cứng của nó ra sao. Nếu nó vẫn cứng, thì tôi sẽ dùng để chế ra một dụng cụ hữu ích như dao, kéo, búa, xẻng... Còn nếu nó mềm ra, thì tôi sẽ quẳng vào đống sắt vụn và coi nó như đồ phế thải".
Khi chúng ta có khả năng chịu đựng được sự đau khổ do các tai ương hoạn nạn gây ra, mà chúng ta vẫn yêu mến Thiên Chúa và kiên vững tin tưởng nơi Người, thì chúng ta hãy hân hoan vui mừng vì biết rằng mình vẫn còn hữu ích, vẫn đang được Chúa xử dụng như một khí cụ hữu hiệu dưới bàn tay quan phòng của Người.
YÊU THƯƠNG LÀ NHẪN NHỊN CHỊU ĐỰNG VÀ KHOAN DUNG THA THỨ.
Một người đã kể lại một câu chuyện tưởng tượng như sau:
Trên đường đi về hứa địa, tổ phụ ÁP-RA-HAM (Abraham) dựng một chiếc lều bạt nghỉ chân ở giữa sa mạc. Vừa ra khỏi lều, ngài thấy một người hành khất đến xin giúp đỡ. Động lòng thương, ngài mời người hành khất đó vào trong lều và làm cơm khoản đãi . Trước khi ăn, ngài mời người hành khất cùng dâng lời tạ ơn Chúa. Nhưng vừa nghe nói đến "Chúa", người ăn mày liền nói nhiều câu lộng ngôn xúc phạm đến Chúa. Tổ phụ Ap-ra-ham liền nổi giận đuổi người đó ra khỏi lều. Đêm hôm đó, khi đang quỳ cầu nguyện, ngài nghe thấy tiếng Chúa phán như sau: "Này Ap-ra-ham, ngươi có biết người ăn xin đó đã nhục mạ chửi bới Ta suốt 50 năm qua, vì Ta đã không ban ơn theo ý hắn ta không? Thế mà hằng ngày Ta vẫn tiếp tục ban lương thực cho hắn. Còn ngươi, ngươi lại không có lòng khoan dung tha thứ, mà cho hắn ta chỉ một bữa ăn thôi sao?"
Thiên Chúa mà Đức Giê-su mặc khải cho chúng ta chính là người Cha có lòng thương yêu con cái, ngay cả với đứa con bất hiếu ngỗ nghịch chống lại Người. Đồng thời, Đức Giê-su cũng mời gọi chúng tahãy nên trọn lành giống như Chúa Cha trên trời (x Mt 5,48), nghĩa là yêu thương hết mọi người không trừ một ai, như thế chúng ta mới xứng đáng nên con cái của Cha, là Đấng "cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính"(Mt 5,45). Sứ mệnh của Đức Giê-su là mặc khải tình thương của Chúa Cha, để nói với loài người chúng ta rằng: Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương chúng ta và chúng ta cũng yêu thương nhau noi gương Người.
YÊU LÀ "THA THỨ TẤT CẢ, TIN TƯỞNG TẤT CẢ, CHỊU ĐỰNG TẤT CẢ" (1 Cr 13, 7).
Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su được trao nhiệm vụ săn sóc một chị nữ tu lớn tuổi đau yếu. Chị này nổi tiếng là khó tính khó nết trong tu viện. Đến giờ ăn, Tê-rê-sa phải dìu chị xuống nhà ăn. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng đủ cho chị nặng lời phàn nàn trách móc. Cho dù bị chị kialuôn cau có bực bội cách vô vớ, nhưng Tê-rê-sa vẫn hồn nhiên vui vẻ và chịu đựng tất cả vì lòng yêu mến Chúa. Sau một thời gian, một hôm chị tâm sự với Tê-rê-sa rằng: "Em không hiểu tại sao các chị khác đều muốn xa lánh em. Riêng chị thì lại luôn vui vẻ và ân cần giúp đỡ em như vậy. Vậy theo chị nghĩ em có điểm nào dễ thương hay không?"
Lòng yêu mến Chúa phải được biểu lộ bằng những dấu hiệu là yêu tha nhân. Chúng ta phải bày tỏ tình thương không những bằng lời nói, mà còn bằng hành động, bằng sự nhẫn nhịn, tha thứ và cảm thông chia sẻ như chị thánh Tê-rê-sa trong câu chuyện trên.
THÁNH KINH LÀ BẢN TÓM CỦA MỌI LOẠI SÁCH THÁNH HIỀN.
Một ông vua kia có một thư viện rất lớn, trong đó lưu trữ rất nhiều sách vở quý giá như một kho tàng trí thức của nhân loại. Nhà vua muốn đọc tất cả các sách, nhưng không sao đọc được như ý muốn. Một hôm vua cho triệu tập các nhà bác học, các thầy dạy đạo lại để yêu cầu họ tóm gọn lại tất cả các sách thánh hiền thành một ngàn quyển thôi. Nhưng sau đó, vua vẫn thấy số đó là nhiều, nên yêu cầu họ tóm lại thành một trăm. Nhưng rồi vẫn thấy còn nhiều, vua yêu cầu họ tóm lại các tư tưởng thánh hiền trong một quyển mà thôi. Các nhà thông thái đều bối rối, không biết phải tóm ra sao, vì tất cả các sách thánh hiền đều đã được thu gọn vào nhiều chủ điểm tinh hoa nhất trong một trăm cuốn, không thể tóm gọn hơn được nữa. Trong lúc đang bế tắc, thì một cụ già thông thái đã đứng lên phát biểu: "Thưa quý vị, phàm ở đời thì hai điều quan trọng nhất là tín và nghĩa. Đây là mục đích của tất cả các sách thánh hiền xưa cũng như nay. Tín là sự tin tưởng dành cho Ong Trời và nghĩa là cách ăn ở có trước có sau dành cho người đời. Nói cách khác, đó là lòng mến Chúa và đức yêu người. Hai điều này là bản tóm lược toàn bộ Thánh Kinh. Như vậy Thánh Kinh là cuốn sách hay nhất và là bản tóm của tất cả các sách thánh hiền xưa nay". Nghe vậy, toàn thể những người hiện diện đều đồng ý.
Còn bạn, bạn có thấy Thánh Kinh là sách dạy chúng ta về lòng mến Chúa và yêu người đầy đủ và có giá trị nhất hay không ? Bạn nên có thái độ nào đối với Lời Chúa trong Thánh Kinh, để nhờ đó, chúng ta có thể sống được tình mến Chúa yêu người ?
LỜI NÓI HƯƠNG BAY, GƯƠNG BÀY LÔI KÉO.
Một hôm một người khách đến thăm một tu viện thuộc dòng Thừa Sai Bác Ai do Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta sáng lập. Ong ta nhìn thấy các sơ vừa đem về tu viện một bệnh nhân sắp chết, được tìm thấy đang nằm trên vỉa hè bên một lỗ cống hôi thối và trên mình đầy những chí rận. Ong khách thấy các sơ vui vẻ giúp ông tắm rửa, diệt trừ chí rận với sự ân cần và đầy thông cảm. Sau đó ông đến gặp Mẹ Tê-rê-sa và nói: "Thưa Mẹ, khi đến đây con vẫn đang ác cảm và thù ghét đối với Hội Thánh. Con nghĩ rằng các linh mục và nữ tu chỉ là những người đạo đức giả !Nhưng giờ đây, con đã loại bỏ tất cả những hiểu lầm và thành kiến lâu nay. Vì tại tu viện này, con đã được chứng kiến tình yêu Chúa được diễn tả cụ thể qua hành động và thái độ của các sơ, khi các chi săn sóc cho một bệnh nhân sắp chết kia. Bây giờ thì con đã xác tín "Thiên Chúa là Tình Yêu". Vì nếu không có Thiên Chúa trong tâm hồn, thì chắc các sơ đã không thể có đủ nghị lực để quên mình và xả thân phục vụ cách vô vụ lợi những người bệnh tật bất hạnh như vậy!"
3) SUY NIỆM: MẾN CHÚA PHẢI ĐƯỢC CHỨNG TỎ BẰNG TÌNH YÊU NGƯỜI.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã trả lời cho một kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu biết hai giới răn trọng nhất là: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách Ngôn Sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy" (Mt 22,37-40). Lời tuyên bố này giống như lời của một ông thầy tối cao, đã chấm dứt được sự tranh luận lâu nay của các phe phái Do thái về điều răn nào là quan trọng nhất.
I. LÝ DO PHẢI MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI:
1) Tại sao chúng ta phải mến Chúa hết lòng hết trí khôn và hết linh hồn ?: Vì tất cả các tài năng của chúng ta đều phát xuất từ tình thương của Thiên Chúa và do Người ban cho chúng ta. Chính Người đã tạo thành chúng ta có một linh hồn thiêng liêng bất tử, và có tình yêu thương giống như hình ảnh của Người. Do đó, khi đã nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, chúng ta phải tỏ lòng hiếu thảo biết ơn đối với Người để đáp lại công ơn to lớn của Người, bằng việc yêu mến người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực của mình.
2) Tại sao phải Yêu người thân cận như chính mình ?: Tha nhân dù Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do ...đều là ruột thịt của chúng ta, đều do Thiên Chúa tạo thành giống như chúng ta, Họ chính là anh em cùng một Cha trên trời là Thiên Chúa. Vì thế chúng ta phải yêu họ như yêu chính bản thân mình, như lời Thiên Chúa đã phán với dân Ít-ra-en xưa: "Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai cập. Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu" (Xh 22,21-22).
Biết được lý do phải mến Chúa yêu người chưa đủ, chúng ta còn phải mến Chúa yêu người như thế nào nữa ?
II. MỨC ĐỘ MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI:
Đức Giê-su dạy phải "Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn", nghĩa là phải yêu mến Thiên Chúa đến mức độ tuyệt đối, yêu hơn mọi người mọi vật khác trên trần gian, giống như Đức Giê-su đòi môn đệ phải yêu Người hơn tất cả mọi người thân ruột thịt là cha mẹ, con cái (Mt 10,37.39), và nếu cần cũng phải sẵn sàng hy sinh mạng sống vì tha nhân, như một Mục Tử tốt lành (x Ga 10,11) để chứng tỏ một tình yêu tột đỉnh (x Ga 15,13).
Còn chúng ta thì sao ?
Một số làm những việc đạo như giữ mười điều răn, đi lễ Chúa Nhật , xưng tội rước lễ... chỉ ở mức sợ bị mắc tội, sợ phải sa hỏa ngục, nên chỉ cố tránh những tội nặng. Còn những tội nhẹ như: chửi tục , bỏ lễ ngày thường, bỏ học giáo lý hay lời Chúa, lỗi việc bổn phận, đánh lộn, tục tĩu, ăn cắp vặt, gian dối, tham lam...thì không để tâm. Những người này giống như những đứa trẻ chỉ học hành hay làm các việc nhà vì sợ bị cha mẹ la rầy đánh đòn, nên dể dàng làm bậy hay bỏ qua không làm việc bổn phận khi vắng bóng cha mẹ. Đó là những người "mến Chúa ngoài môi miệng, còn lòng họ thì ở xa Chúa".
Một số khác tuy nhận Chúa là Đấng tốt lành và yêu thương mình, nên cố gắng sống tốt để làm vui lòng Chúa. Họ nhận ra lời Chúa đem lại hạnh phúc đời đời, nên cũng cố gắng thực hành. Họ như những đứa con hiếu thảo, ý thức công ơn của cha mẹ và sống ngoan ngoãn để làm vui lòng cha mẹ. Họ tránh làm những việc đòi nhiều hy sinh và nguy hiểm như các môn đệ xưa, lúc bình thường thì nghe lời và chịu khó làm theo ý Chúa. Nhưng khi gặp hoàn cảnh nguy khốn như khi Thầy sắp bị bắt, thì các ông đã bỏ Thầy chạy trốn hoặc hèn nhát chối Thầy. Đây là những người "mến Chúa thường thường".
Chúng ta phải mến Chúa "hết lòng hết linh hồn hết trí khôn", nghĩa là mến Chúa cách trọn hảo, sẵn sàng hy sinh mọi sự, kễ cả mạng sống mình như thánh Phao-lô đã nói: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?" (Rm 8,35). Ngoài ra còn phải yêu thương hết mọi người, dù là người thân hay người xa lạ, dù là bạn hay thù của mình, như lời Thánh Phao-lô dạy: " Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất ca"Ể (1 Cr 13,7).
4. THẢO LUẬN:
1.- Khi hai người con trai con gái yêu nhau, làm thế nào để biết được người kia yêu mình thật hay chỉ là tình yêu giả dối ngoài môi miệng?
2.-Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su đã dạy "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Mt 22,39) và nơi khác Người lại dạy: "Anh em hãy thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34). Vậy hai câu nói trên giống và khác nhau ra sao?
3.- Lời Chúa: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12) được biểu lộ cụ thể bằng những hành động nào trong đời sống thường ngày của chúng ta ?
III. HIỆP SỐNG NGUYỆN CẦU
1) LẠY CHÚA GIÊ-SU. Sau khi Chúa về trời, lúc đầu các môn đệ chỉ muốn liên kết với người đồng chủng để làm thành một Hội Thánh khép kín trong nội bộ dân Do thái. Nhưng dần dần với thời gian, nhờ kinh nghiệm thực tế và nhờ ơn Thánh Thần soi sáng hướng dẫn, Hội Thánh mới thấu hiểu được lệnh Chúa truyền: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28,19), phải rời tay nhau ra để đi khắp thế gian làm chứng cho Chúa, làm cho vòng tròn được mở rộng đến tận cùng thế giới.
LẠY CHÚA. Ngày nay Chúa cũng muốn chúng con mở rộng vòng tay để đi đến với mọi người và trải rộng tình thương đến hết mọi người. Chúng con chỉ có thể nối vòng tay lớn nếu chúng con gắn bó với Chúa. Ước gì khi nhìn lên cây thập giá, chúng con nhìn thấy biểu tượng của tình thương: Tình thương hy sinh chịu chết để cứu nhân loại được sống. Tình thương của Chúa mời gọi chúng con cũng biết giang tay ra cầu nguyện với Chúa, rồi cùng nắm tay nhau xây dựng một thế giới công bình, yêu thương và hoà bình thịnh vượng. X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
2. LẠY MẸ MA-RI-A. Xin hãy cùng chúng con cầu nguyện như Mẹ đã cùng cầu nguyện với Hội Thánh thời sơ khai để xin Chúa Thánh Thần ngự đến (x Cv 1,14). Xin cho chúng con luôn kết hiệp với Mẹ khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại. Xin Mẹ hãy luôn ở bên chúng con và trở thành mẫu gương sống đức tin biểu lộ qua một đời sống vâng phục và yêu thương để chúng con học tập bắt chước .
LẠY MẸ. Ước chi chúng con biết noi gương Mẹ: luôn làm mọi việc do "Tình yêu Chúa Ki-tô thôi thúc chúng tôi" (2 Cr 5,14). Ước chi chúng con luôn nhìn ngắm Chúa Giê-su là lẽ sống cuộc đời chúng con như thánh Phao-lô xưa đã nói: "Đối với tôi sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi"(Pl 1,21); Từ nay "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2,20); Tôi "không còn được sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì tôi" (2 Cr 5,15) X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
Lm. Đan Vinh
------------------------------
Chúa nhật 30 Thường Niên 30th Sunday in Ordinary Time
YÊU MẾN CHÚA VÀ ANH EM * LOVE OF GOD AND NEIGHBOR *
Ở nhân từ với người khác. Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp./ Kindness to Others: TN30-A22
Bài đọc 1/1st Reading: Xh. 22,20- 26= Ở nhân từ với người khác. Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp./ Kindness to Others. You shall not wrong any widow or orphan...I will surely hear their cry.
Bài đọc 2/2nd Reading: 1Thess.1, 5- 10= Hãy bắt chước Đức Kitô . Thánh Phaolô đã có lý để ca ngợi giáo đoàn Thêxalonica: " Các anh là gương mẫu cho tất cả... những người tin Chúa". / Imitating Christ ,Paul has reason to praise the congregation of Thessalonica:" You became a model for all... believers".
Tin Mừng (Gospel): Math. 22, 34- 40= Điều răn lớn nhất. Những người Phairisêu họp lai rồi hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, trong sách luật Mô-sê thì điều nào trọng nhất?" / The Greatest Commandment. The Pharisees hear that, assembled and ask Jesus: "Teacher, which commandment of the Law is the greatest?"
A. Bây giờ tôi Cảm nghiệm, Sống và chia sẻ ba bài đọc trên: ( Reflections, live out and share )
1/ Đức Giêsu trả lời câu hỏi thử của người Pharisêu: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi." Người tín hữu Kitô đã nghe lới này nhiều lần lắm, nhưng mấy ai dám thực hiện và dồn mọi nỗ lực cho Chúa. Tôi đã dành những gì đang có để phục vụ hết cho anh em ? "You shall love the the Lord your God with your whole heart, whole soul and whole your mind." (Mat. 22, 37)
2/ Tiếp theo đó, Ngài nói tiếp: Còn điều răn thứ hai cũng giống điêù răn ấy là: "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình." Việc đặt bom nổ chết và bị thương hàng trăm người ở Bali, Indonechia thứ bẩy tùân qua đang nói gì với anh chị và tôi hôm nay? Bạn đã thực hiện yêu thương trong gia dình và xã hội thế nào? The second is like it: "You shall love your neighbor as yourself: ...the whole law is based. " (Mat. 22, 39)
3/ Thánh Phaolô nói về đức tin sống động của anh em Thê-xê-nô-lica: "Từ nơi anh em Lời Chúa đã vang ra...đâu đâu người ta cũng biết lòng tin anh em...." Nhiều tín hữu tại hải ngoại cũng như ở quê nhà đã chiến đấu không ngừng với giầu sang và nghèo khổ . Tôi đã biểu lộ đức tin bằng hành động trong môi trường nào? The Word of the Lord has echoed forth from you... every region your faith is celebrated.... (1Thes.1, 5- 10)
4/ Sách Xuất hành nhắc bảo tôi: "Mẹ góa con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ức hiếp...cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém các ngươi..." Những cảnh người bóc lột người, ngược đãi, hăm dọa, tống tiền,cướp bóc...đầy rẫy trong mọi xã hội hiện nay. Bạn đã dám làm gì để giảm bớt những tệ trạng trên? You shall not wrong any widow or orphan ...My wrath will flare up, I will kill you with the sword. (Xh. 22, 21- 23)
B. Câu Kinh Thánh kêu gọi tôi để Sống yêu mến Chúa và tha nhân: ( The Best God's Word) NGƯƠI PHẢI YÊU NGƯỜI THÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH. ( Math. 22, 39 ) You shall love your neighbor as yourself
C. Ngay bây giờ tôi phải làm gì để thực hiện Lời Chúa dạy: ( So what am I doing / For Action )
a/ Tôi chọn 1 trong 4 Gợi ý Cảm nghiệm Sống và chia sẻ ở phần A để thực hành vào đời sống. b/ Bạn cần làm một việc cụ thể để gây tình yêu thương, đoàn kết trong gia đình và giáo xứ hiện tại.
D. Tôi cần Câù nguyện nhiều và thực hành lời tôi cầu xin: ( I pray and practice / Pray in Action )
* Lay Cha, Đức Kitô đã dạy con phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, nhưng con đã nghe mà không hết tâm thi hành. Xin cho con dùng hết tầm hồn để yêu Chúa bằng hành động.
* Thánh Phaolô đã thấy: Từ nơi anh em Lời Chúa đã được vang ra..., đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Chúa. Xin cho mọi tin hữu biết Sống trung thành với điều đã học hỏi và hiểu biết.
Huyền Đồng
----------------------------------
Mt 22,34-40
Vào thời Đệ Nhị Thế Chiến, tại San Francisco, có hai gia đình di dân sống gần nhau và thuộc cùng: TN30-A23
Vào thời Đệ Nhị Thế Chiến, tại San Francisco, có hai gia đình di dân sống gần nhau và thuộc cùng một xứ đạo: một gia đình người Nhật và một gia đình người Thụy sĩ. Sau nhiều năm làm việc khó nhọc, cả hai gia đình đã thành công trong nghề trồng hoa hồng. Đột nhiên, ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật tấn công Trân Chân Cảng, và họ nghe đồn rằng những người Mỹ gốc Nhật sẽ bị bắt vào trại tập trung. Gia đình người Thụy Sĩ hứa sẽ tiếp tục săn sóc vườn hoa cho gia đình người Nhật, nếu thực sự họ bị bắt, vì đây là điều họ đã được Chúa dạy: “Các con hãy thương yêu nhau.” (Ga 15,17). Và quả thật, gia đình người Nhật đã bị bắt. Một năm. Hai năm. Rồi ba năm qua đi, gia đình người Thụy Sĩ đã hy sinh thời giờ và sức lực để trồng cấy và đem hoa ra chợ bán thay cho gia đình người hàng xóm của mình. Khi chiến tranh chấm dứt, gia đình người Nhật được trả tự do, và họ đã được gia đình người Thụy Sĩ ra tận bến xe để đón về. Về đến nhà, họ thấy một vườn hoa xanh tươi, một căn nhà sạch sẽ tươm tất, và một món tiền , sinh lời được trong ba năm họ xa nhà.
Được lòng yêu mến Thiên Chúa thúc đẩy, gia đình người Thụy sĩ trên đây đã thực hành đúng lời Chúa đã truyền dạy: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn... và hãy yêu thường anh em như chính mình.”
Mến Chúa và yêu người, đó là hai khoản luật Thiên Chúa quan tâm chú trọng ngay từ những ngày đầu tiên con người xuất hiện trên trái đất, và cũng là hai khoản luật con người đã lỗi phạm ngay từ những trang sử đầu tiên của nhân loại.
Vì nguyên tổ đã không hết lòng tin tưởng ở Thiên Chúa, nên đã tin lời của ma quỉ; vì ghen tương, Cain đã giết chết em mình. Đến thời Xuất Hành, khi Thiên Chúa ban bộ luật cho dân Do thái, một lần nữa, hai khoản luật quan trọng vẫn là hết lòng tôn thờ một mình Thiên Chúa Giavê (Đnl 6,5), và yêu thương anh em đồng loại như chính mình, cách riêng những người nghèo hèn yếu thế ( x Lv 19,18.33-34)
Dẫu vậy, khi Chúa Giêsu liên kết hai giới luật này, và coi hai điều này là giới luật cao trọng nhất trong toàn bộ lề luật, Chúa đã làm một điều mới lạ. Nhưng vấn đề ở đây là sao Chúa Giêsu lại làm như vậy.
Khi truyền dạy chúng ta “yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn,” đó là Chúa dạy chúng ta hãy yêu mến Chúa với toàn diện con người của mình. Điều này có nghĩa là mọi việc chúng ta làm đều phải qui hướng về Chúa. Thiên Chúa có quyền đòi buộc điều này là vì chúng ta là thụ tạo của Ngườ, và mọi cái chúng ta có đều là do Chúa ban cho. Chúng ta có thể tự tình phụng sự mến yêu Chúa và được hưởng hạnh phúc với Người; hay với sự tự do Chúa ban, chúng ta có thể từ chối phụng sự Chúa, và rồi sẽ phải lãnh chịu hiệu quả của quyết định đó.
Một khi chúng ta quyết định sống với Chúa trong tâm tình thờ kính mến yêu, chúng ta sẽ biết phải có tâm tình nào, hành động làm sao, nói năng thế nào, trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống. Các giới luật khác lúc đó không còn là gánh nặng, nhưng là những nhắc nhở cho chúng ta về bổn phận và trách nhiệm của mình đối với Chúa. Nhưng vì đối với Chúa, chúng ta không thấy, và cũng không cảm nghiệm được bằng giác quan, nên Chúa đã muốn chúng ta yêu mến Người qua các thụ tạo của Người. Theo lời Thánh Augustinô, “Vì chúng ta không nhìn thấy Chúa, nên Chúa đã muốn chúng ta thấy Chúa qua tha nhân. Vì khi yêu mến tha nhân, ánh nhìn của chúng ta được thanh tẩy nên trong sáng hơn để có thể nhìn thấy Thiên Chúa.” Dĩ nhiên lòng mến yêu này không phải là tình yêu tự nhiên, hay yêu tha nhân là vì một lợi lộc cá nhân nào đó, nhưng phải là tình yêu được bắt nguồn và phản ảnh chính tình yêu thương của Chúa Kitô: Một tình yêu rộng mở đến mọi người không kể giai cấp, mầu da, chủng tộc; một tình yêu quảng đại quên mình; một tình yêu nhạy cảm, cách riêng đối với những nghèo khổ, bệnh tật, những người bị gạt ra ngoài lề của xã hội.
Chắc rằng cho dù gia đình người Thụy sĩ có yêu mến gia đình người hàng xóm đến đâu đi nữa. họ cũng không đủ sụ quảng đại và kiên nhẫn để tiếp tục công việc bác ái đó trong suốt 3 năm trường, nếu lòng yêu mến đó không được nâng đỡ và thúc đẩy bởi lòng yêu mến Thiên Chúa. Mến Chúa và yêu người do đó có một mối liên hệ thật mật thiết với nhau. Lòng mến Chúa cần được bày tỏ qua tình thương mến đối với tha nhân, và lòng yêu thương tha nhân chỉ bền vững và chân thành khi nó được nuôi dưỡng và nâng đỡ bởi tình yêu mến Thiên Chúa.
NS Trái Tim Đức Mẹ Lm Vũ Nghi, CMC
----------------------------------
Mt 22,34-40
Phim “The Beauty and the Beast”, tạm dịch là “Mỹ Nhân và Người Thú”, rất được ưa chuộng cách: TN30-A24
Phim “The Beauty and the Beast”, tạm dịch là “Mỹ Nhân và Người Thú”, rất được ưa chuộng cách đây mấy năm. Truyện phim nói về mối liên hệ giữa con người cũng như đề cao những giá trị tinh thần mà chỉ có tình thương mới thực hiện được.
Phim kể truyện một hoàng tử giàu có, trẻ tuổi tài cao nhưng tính tình kiêu căng, ngạo mạn. Lần kia có một bà lão đến trao tặng hoàng tử một đóa hồng thật đẹp. Chẳng những không thèm nhận bông, hoàng tử lại còn xua đuổi bà lão ấy nữa. Trước thái độ đầy khiếm nhã đó, bà lão kia đã làm phép tiên biến chàng hoàng tử trẻ thành một người thú trông thật xấu xí. Tội nghiệp cho hoàng tử bởi vì nếu như cho đến ngày chiếc cánh cuối cùng của đóa hồng bùa phép kia rụng xuống mà hoàng tử vẫn không được ai yêu thương thì chàng sẽ phải mang hình dạng xấu xí của một người thú suốt đời. Từ đó người thú sống xa cách mọi người; hắn tự đóng kìn đời mình trong lâu đài và cảm thấy được an toàn ở đó. Vì thế mà người thú không muốn bất cứ ai xâm nhập vào toà lâu đài của mình. Bỗng nhiên một hôm có người khách lạ tìm đến lâu đài của người thú, khiến hắn giận dữ ra lệnh tống giam kẻ lạ mặt. Khi hay tin cha bị bắt giữ, cô Belle đã tự nộp mình thế mạng cho cha. Thoạt đầu, Belle rất khó chịu với người thú bởi vì tính cộc cằn của hắn. Nhưng rồi vì lòng trắc ẩn, Belle đã quyết tâm giúp người thú sửa mình. Nhờ vào tình thương, sự dịu dàng, nhẫn nại, lòng tha thứ và cảm thông của Bell, người thú dần dần biến đổi. Hắn trở nên dễ thương hơn mỗi ngày và sau cùng đã được trở lại làm người như xưa.
Truyện phim trên đây tuy chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng, nhưng chứa những bài học thật quý. Đó là bài học về sự khiêm nhường, về lòng quảng đại hy sinh vì tha nhân, bài học tha thứ, chấp nhận, chân thành, cảm thông và nhất là bài học yêu thương. Đức Kitô đã minh định tầm quan trọng của giới luật yêu thương trong bài Phúc Âm hôm nay khi Người trả lời các luật sĩ rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi...(và) yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”. Qua câu trả lời ấy, Đức Kitô đã đặt ra ba đối tượng để dạy chúng ta sống yêu thương, đó là Thiên Chúa, chính mình và tha nhân.
1) Thiên Chúa: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”. Chúng ta không nên hiêu câu nói này như một sự xác định giới luật của tình yêu. Ngược lại đó là lối diễn tả để nói lên tích cách toàn diện giữa tình yêu của ta đối với Thiên Chúa. Nghĩa là trong mọi sự, mọi việc chúng ta làm đều phải qui hướng về tình yêu Thiên Chúa mà thôi.
2) Chính mình: “Như chính mình ngươi”. Yêu mình là một yếu tố rất quan trọng và cần thiết. Bởi vì đó chính là khuôn mẫu mà Đức Kitô muốn chúng ta rập theo khi thực hành yêu tha nhân. Như vậy có nghĩa là nếu không yêu mình thì chúng ta cũng không thể nào yêu tha nhân và chu toàn giới răn yêu người của Chúa được. Có nhiều thái độ yêu mình. Có nhưng thái độ yêu mình đúng và cũng có những cách yêu mình sai. Yêu mình theo quan niệm của Phúc Âm chẳng những sẽ làm tăng trưởng toàn diện con người ta mà còn dẫn đưa chúng ta đạt tới hạnh phúc đời đời nữa. Yêu mình theo tinh thần Đức Kitô là tin và chấp nhận sự thật về mình cũng như về người khác. Sự thật đó là chúng ta đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, hằng được Thiên Chúa yêu thương và tặng ban những ơn lành, tài năng để chúng ta cùng được cộng tác vào công cuộc tạo dựng và cứu độ của Ngài. Sự thật này đòi buộc chúng ta phải nhìn nhận, yêu thương, kính trọng phẩm giá cùng nhân vị của mình và của tha nhân. Những đức tính như khiêm nhường, bao dung, công bình, trung liêm, chính trực là những đặc tính tiêu biểu cho thái độ yêu mình thật. Trái lại tự tôn hay tự ti mặc cảm đều mang tính cách yêu mình sai lạc. Hoàng tử trẻ trong truyện phim kể trên đã yêu mình bằng những thái độ ấy và hậu quả là bị biến trở nên một người thú, sống lìa xa mọi người. Guston, một nhân vật khác trong truyện phim, cũng đã yêu mình qua những hành vi kiêu căng, hách dịch, tham lam, chỉ trích và tiêu diệt người khác để rồi đáp lại, mọi người đều sợ hãi và xa lánh hắn. Còn chúng ta thì sao, chúng ta đã yêu thương mình bằng thái độ nào? Đã có lần nào chúng ta biết mở lòng để Đức Kitô đến và dạy chúng ta bài học sống yêu thương chưa? Hay là chúng ta vẫn sống khép kín và hài lòng với tính ích kỷ, tự mãn, bất công... trong lâu đài “cái tôi” của chúng ta?
3) Tha nhân: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác...” Thử hỏi đã có lần nào chúng ta thưa với Chúa rằng: “Vâng, con yêu Chúa nhiều lắm! Nhưng còn tha nhân thì... lạy Chúa, con xin chỉ yêu ti tí thôi” chưa? Có lẽ không ai trong chúng ta lại chẳng muốn được người khác yêu thương và chấp nhận như ý ta. Nhưng trong thực tế chắc chúng ta chưa yêu thương và chấp nhận tha nhân như ý Chúa muốn. Chúng ta thường dễ dàng yêu thích những người hợp với mình, kẻ nào không hợp thì chúng ta nghỉ chơi hay có khi còn... “cho biết tay” nữa. Một cách nào đó lối sống đức tin như thế chưa đúng với tinh thần Đức Kitô. Đức tin ấy còn hời hợt, hạn hẹp và nghèo nàn lắm. Đức tin ấy vận còn quanh quẩn trong hình thức, trong câu kinh, nơi nhà thờ và tượng ảnh. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để sống một đức tin vượt trên mọi hình thức, mọi biểu tượng, đó là sẳn sàng tha thứ lỗi lầm của tha nhân, tìm cách giúp họ trở nên tốt hơn cùng chấp nhận tha nhân như họ đang là. Đấy là yêu thương như ý Chúa muốn rồi đó.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn can đảm để dám dứt bỏ những sai lầm và quyết tâm thực thi giới luật của Chúa mỗi ngày. Amen.
Sr M. Catherine Lê Trang, OP.
----------------------------------
Mt 22,34-40
Vì yêu bà goá Simpson, Vua nước Anh Edward Đệ Bát đã bằng lòng bỏ ngai vàng để sống đời dân: TN30-A25
Vì yêu bà goá Simpson, Vua nước Anh Edward Đệ Bát đã bằng lòng bỏ ngai vàng để sống đời dân giả hạnh phúc với người yêu. Đây là cuộc tình lý tưởng và chân thật. Kẻ cho, người nhận thấu hiểu và thực thi lời Chúa Kitô dạy “tình cao thượng nhất là tình dám thí mạng cho người yêu” (Ga 15,13). Thế nào là thí mạng? Edward hy sinh và can đảm cởi bỏ vương miện và hoàng bào. Ông trả đời tiện nghi, rời cung điện, bằng lòng sống đơn giản và đạm bạc với người yêu. Nhiều người lắc đầu tắc lưỡi: “thằng khùng!” vì nhà cao bát vàng không hưởng. Nhưng Edward và Simpson đã hân hoan và sung sướng rũ sạch công danh và đời đời có nhau.
Chúa Kitô đã lấy thánh giá làm bằng chứng độc đáo nhất diễn tả tình của Ngài. Chúng ta sống trong hiểm họa và đang lao đầu vào cõi chết. Chúng ta thích thành công với danh, chức và tiên của. Chúng ta chen lấn, tranh giành, lật lọng, mưu mô và chà đạp trên mạng người. Chúng ta đánh giá tình bằng vẻ hào nhoáng và giả tạo bên ngoài. Chúng ta đang hôn mê trong bả phủ vân dẫn đến hư vô và tuyệt vọng. Các hình thức trên bộc lộ cái tình nhỏ bé, hạn hẹp, nông cạn một chiều và ích kỷ của nhân loại.
Chúa lấy thánh giá bắc qua miệng lửa, che đậy hố sâu nguy hiểm và thân thương dìu chúng ta bước qua hố an toàn. Chúa lấy máu và tình thương giập tắt ngọn lửa vô tình và bất nhân. Chúa dùng khổ đau đem lại sự thanh thản, an vui cho nhân loại. Một lần Chúa chết đi cho ức triệu người thoát vòng liên lụy và được giải thoát. Tình yêu cao vời này đã là nguyên nhân cảm hóa và dụ dẫn nhiều tâm hồn can đảm dấn thân theo Chúa. Họ kê vai san sớt gánh nặng và vui bước với Chúa. Họ là những chứng nhân sống, là hiện thân của Giêsu giữa đời. Họ đang nằm rên siết bên đường, đang hấp hối trong rừng sâu, đang thành công giữa đời và nhân ái trong mọi lãnh vực. Họ là những vị tử đạo vô tên tuổi và âm thầm hiến dâng. Nhờ họ mà đức tin được trưởng thành, tình yêu được thăng hoa và Lời Chúa được loan truyền.
Nhìn những người lính thủy quân lục chiến Hoa kỳ thực tập tại căn cứ 29 cây dừa (29 Palm), California: ngày ăn lương khô, uống nước lạnh, mặt mũi và áo quần dính đầy bụi, tay chân nứt nẻ, đêm nằm co ro trong túi ngủ trên bãi cát trong góc đá, và dưới đụm cây làm tôi cảm phục sự hy sinh cao độ của họ và chợt xót xa khi nghĩ đến cả trăm triệu người vô tình quên họ. Vì họ mà quốc gia này thành cường quốc. Vì họ mà dân chúng sống an ninh, tự do và độc lập. Vì họ mà trật tự thế giới được ổn định. Vì họ mà điện Capitol và Nhà Trắng tại Hoa thịnh Đốn thời danh và có thế giá trước Liên Hiệp Quốc và cộng đồng thế giới.
Người không có thánh giá là người chết. Người trốn chạy thánh giá là thiếu tài cao, đức trọng. Người rủa thánh giá là chưa hiểu ý nghĩa và mầu nhiệm thâm sâu của tình yêu. Người lợi dụng thánh giá là kẻ “đục nước béo cò” và “mượn đầu heo nấu cháo”. Họ giỏi khích lệ ai đó vác và vui chịu. Bản thân họ thì đong đưa ăn trên ngồi chốc. Tình chính chuyên và lý tưởng phải là tình như Đức Kitô, bằng lòng chết đi cho người mình yêu và trước khi vĩnh biệt còn gắng rán sức “tha cho họ, vì họ không ý thức việc họ làm.”
Phim “Người chết đang đi” (Dead-man walking) giới thiệu một nghĩa cử cao thương của chị dòng. Chị nhận diện Chúa trong tên tử tội. Chị chối bỏ thù oán của Cựu Ước và loan báo ơn tha thứ của Tân Ước. Chị cảm hóa được tù nhân và yêu cầu tử tội trước giờ thứ 24, nhìn vào chị, hiện thân của tình Chúa hầu an bình ra đi. Chị lên án chính sách giết người man rợ bằng ghế điện, hơi ngạt, thuốc độc và xử bắn. Theo chị, tình chân thật phải là tình tái sinh bằng mọi giá, như Chúa trên thập tự, đã thăng tiến và công chính hóa nhân loại thay vì kết án và nguyền rủa.
Như vậy tình “ông ăn chả, bà ăn nem” là tình ích kỷ. Tình “ong bướm” là tình tắc trách và trốn chạy. Tình “ly dị” là tình hèn nhát và thiếu thủy chung. Những mẫu tình này hình thành do sự bất toàn, đam mê, ích kỷ và hưởng thụ của con người. Đồng thời nó đang phá hủy tận gốc tình yêu cao đẹp Chúa đã khắc ghi trong tâm hồn. Bài học sống và chết cho tình yêu cần được mổ xẻ, phân tích, suy tư và thực hiện trong đời mỗi tín hữu. Nhờ đó mà tình của “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy” sẽ “ngàn năm chưa dễ mấy ai quên”.
Lm Nguyễn Bình An
----------------------------------
Mt 22,34-40
Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi ........”. Có bao giờ bạn tự hỏi xem, vì sao Chúa lại: TN30-A26
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi. Và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi". Có bao giờ bạn tự hỏi xem, vì sao Chúa lại dạy phải yêu Chúa và yêu người? Lấy ví dụ: bạn có con đi học. Khi thấy nó lười học, thì nói với nó: "Con học bài đi, con phãi siêng học". Sở dĩ bạn bảo con mình chịu khó học là vì nó chưa chăm học. Chúa dạy loài người phải yêu Chúa yêu người vì loài người chưa yêu Chúa và cũng chưa yêu người. Hoặc chưa yêu một cách trọn vẹn như Chúa muốn. Yêu như Chúa muốn đó là: "Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khốn. Và yêu kẻ khác như yêu chính mình".
Yêu Chúa là phải yêu bằng cả tấm lòng, cả linh hồn, cả trí khôn. Tấm lòng, linh hồn, trí khôn là thành phần trọng yếu nhất của con người. Nếu thiếu tấm lòng, nghĩa là thiếu trái tim, con người chỉ là một cái xác. Nếu không có linh hồn, không phải là người nữa. Nếu thiếu trí khôn, dù mang hình dáng con người, người đó cũng trở nên ngu đầng. Yêu Chúa bằng tất cả tấm lòng, cả linh hồn và trí khôn, yêu bằng tất cả thành phần chủ yếu của một con người là yêu vô cùng, yêu không tính toán, yêu Chúa một cách mạnh mẽ. Nhưng chỉ có lòng mến Chúa thôi, chưa đủ. Lòng yêu mến Chúa đòi phải có một giới răn khác bổ túc. Đó là yêu người. Yêu người cũng quan trọng không kém giới răn yêu Chúa. Chính Chúa Giêsu nói: "Giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất là: ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi". Yêu Chúa và yêu người luôn đi đôi với nhau. Nếu nói rằng yêu Chúa mà trong thực tế không yêu tha nhân, không giúp đỡ người khác, là nói dối. Ngược lại, chính khi yêu thương và giúp đỡ người khác là bằng chứng chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa.
Tuần trước chúng ta cử hành ngày thế giới truyền giáo. Nhưng tôi nghĩ, sẽ không có truyền giáo đúng nghĩa nếu không biết yêu thương. Lòng yêu thương anh em là phương thế truyền giáo hữu hiệu, vì nhân loại luôn luôn cần đến tình yêu. Chính vì đặt tình yêu lên trên mọi chuẩn mực của một hành vi đạo đức nào đó, nên đạo Công giáo cũng là đạo của tình yêu. Không thể nói với ai, rao giảng cho ai về tình yêu mà bản thân ta không hề biết yêu thương. Đó là sự mâu thuẫn lớn mà ta phải trút bỏ đi. Nếu ta không biết yêu thương thì cũng không thể truyền giáo. Ngược lại, ta có một đời sống yêu thương thật sự, tử tế, vui vẻ với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác, những việc làm tốt đó, tự bản thân nó đã chứng minh ta là người có đạo, đã là truyền giáo rồi.
Nhưng không thể lúc nào cũng có thể nói về Chúa được. Lấy ví dụ: một thầy cô giáo có đạo, đi dạy ở một trường học nào đó, chắc chắn thầy cô đó không thể vào lớp học để nói về đạo, về Chúa được. Nhưng điều mà người thầy hay cô đó có thể làm được là chứng minh đời sống đạo của mình như: vui vẻ với đồng nghiệp, yêu thương, độ lượng với học trò... Trong đời sống hằng ngày, mọi người có thể làm được những chuyện rất bình thường như: lượm một cục đá trên đường bỏ vào một nơi nào đó để các em nhỏ đi không bị vấp, các cụ già không bị té. Hoặc là ta biết giữ vệ sinh chung, đừng ném mọi thứ rác rưởi ra đường, ở nơi công cộng... tất cả những việc làm đó đều là những việc làm cụ thể, ai cũng làm được.
Với tất cả những phương thế thực hành vừa đề nghị bên trên, không phải là thể hiện lòng yêu Chúa, yêu tha nhân hay sao? Đó cũng không là phương thế truyền giáo hay sao? tin rằng bạn và tôi đều luôn là những người cố gắng sống tốt, để người ngoài nhìn vào có thể nói rằng: anh hay chị ấy sống tốt vì họ là người Công giáo.
Lm JB. Nguyễn Minh Hùng
----------------------------------
Mt 22, 34-40
Một em bé tuyên bố em yêu mẹ em hết sức của em. Người bác hỏi xem em nói điều đó có ý nghĩa gì: TN30-A27
Một em bé tuyên bố em yêu mẹ em hết sức của em. Người bác hỏi xem em nói điều đó có ý nghĩa gì. Em trả lời: “Thưa Bác, cháu và mẹ cháu sống ở tầng lầu thứ ba trong khu nhà thuê. Nhà này không có thang máy, và củi đốg thì để ở dưới hầm nhà, dưới basement. Mẹ cháu bận rộn suốg ngày và người cũng không được khoẻ cho lắm. Vì thể bổn phận và trách nhiệm của cháu là đem củi tử dưới hầm lên lò sưởi trên nhà. Cháu đã phải dùng hết sức của cháu để có thể bê củi lên đến tầng lầu thứ ba. Như vậy chẳng phải là cháu yêu mẹ cháu hết sức đó sao?"
Là Kitô hữu, chúng ta thường tự hỏi: Đâu là mức độ chúng ta phải yêu Thiên Chúa và thân Nhân? Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay bảo chúng ta rằng, trước hết chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và thứ hai là thương yêu tha nhân như chính mình.
Chúa Giêsu trích hai điều luật này trong sách thánh Cựu ước. Điều luật thứ nhất về yêu mến Thiên Chúa trích ở sách Đệ Nhị Luật (Đnl 6,5) và điều luật thứ hai về yêu thương tha nhân trích sách Lêvi (Lv 19,18).
Như chúng ta đã biết căn bản của đạo Do thái gồm tóm trong 10 giới răn Chúa trao cho ông Maisen. Từ những giới răn này, các thầy thông giáo đã thêm thắt thành 613 luật riêng rẽ, chia ra 248 luật phải giữ và 365 luật cấm. Vì vậy thật khó mà nhớ hết tất cả các luật đó để giữ và chu toàn một cách tỉ mỉ trong cuộc sống hằng ngày. Do đó việc nhận biết khoản luật nào quan trọng hơn mà giữ là điều cần thiết.
Khi Chúa Giêsu nối kết hai khoản luật thành một, Ngài có ý cho chúng ta hiểu rằng mến Chúa yêu người đó là hai mặt của một đồng tiền.
Trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, nhiều người đã bỏ thế gian, trở thành những thầy dòng khổ tu, sống hãm mình khắc khổ trong sa mạc. Một dịp mùa chay nọ, một nhóm thầy dòng cùng với Đức Viện phụ Maisen quyết định ăn chay tuần lễ thánh. Tuy nhiên, vào khoảng giữa tuần, một vài thầy dòng ở một tu viện khác đến thăm chòi của Đức Viện phụ Maisen. Thấy họ đói, Đức Viện phụ thương hại và nấu cho họ chút đồ ăn, và để cho họ khỏi nghĩ ngợi, Đức Viện phụ cũng dùng chút ít.
Trong khi đó, các thầy dòng khác thấy khói bốc lên từ chòi của Đức Viện phụ. Điều đó chỉ có nghĩa là Đức Viện phụ đã nấu đồ ăn. Nói một cách khác, ngài đã vi phạm luật giữ chay. Họ sửng sốt và thương hại cho sự yếu đuối của Đức Viện phụ.
Họ đến chất vấn ngài. Đức Viện phụ bước ra khỏi chòi và hỏi: “Tôi đã phạm tội gì mà các thầy nhìn tôi một cách khủng khiếp quá như vậy?”. Họ trả lời: “Đức Viện phụ đã vi phạm luật chay mà chúng ta tình nguyện giữ vì yêu Chúa Kitô tử giá”. Đức Viện phụ đáp: “Phải, tôi đã vi phạm luật giữ chay. Tôi đã không giữ luật của con người, nhưng trong khi chia sẻ đồ ăn với những thầy dòng nầy, tôi đã giữ luật của Thiên Chúa. Các thầy không nghĩ là Chúa Giêsu cũng làm như vậy sao? Các thầy ạ, các thầy đã xé tin mừng của Chúa ra làm hai. Có hai giới răn trọng, chứ không phải chỉ có một. Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, và yêu tha nhân như chính mình. Chúng ta không vào sa mạc để xa tránh nhân loại và để sống một mình với Chúa. Chúng ta đến đây để tìm kiếm tha nhân và yêu thương họ trong Thiên Chúa”. Các thầy dòng ra về khiêm nhường và khôn ngoan hơn.
Có lẽ nếu không để ý chúng ta cũng đã phạm cùng một lầm lỗi các thầy dòng, các luật sĩ và biệt phái đã phạm, đó là nghĩ chỉ có một giới luật yêu mến Chúa. Chúng ta có thể chu toàn lề luật siêng năng đi lễ, ăn chay, đọc kinh cầu nguyện, đi hành hương Đất Thánh, hoặc nơi này nơi kia... mà quên đi giới luật yêu thương tha nhân.
Ngược lại, số người khác theo chủ thuyết duy nhân nhân bản, chú trọng giúp đỡ con người, nhưng lại không bao giờ nghĩ đến Thiên Chúa hay cầu nguyện với Ngài.
Thiên Chúa truyền dạy chúng ta yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Yêu Chúa nhiều thì không dễ, và yêu tha nhân - những con người với nhiều khuyết điểm thiếu sót - lại càng không dễ hơn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm: Đạo chúng ta là đạo của tình thương, và phải chăng thước đo lòng đạo của chúng ta là những kinh kệ dài dòng và biểu dương tôn giáo, hay chính là tình yêu mà chúng ta thể hiện với tha nhân?
Lm Louis Minh Nhiên, CMC
--------------------------------
Mt 22,34-40
A. Hạt giống...
Trả lời cho một luật sĩ hỏi “Giới răn nào trọng nhất ?”, Chúa Giêsu đưa ra hai giới răn mến Chúa: TN30-A28
Trả lời cho một luật sĩ hỏi “Giới răn nào trọng nhất ?”, Chúa Giêsu đưa ra hai giới răn mến Chúa và yêu người.
Đặc biệt, Ngài nói “Giới răn thứ hai cũng giống giới răn thứ nhất”, và “Toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.
B.... nẩy mầm.
1. Những luật sĩ do thái rất thuộc luật và giữ luật rất kỹ, nhưng họ không biết đến cốt lõi của mọi khoản luật là yêu thương. Có thể chúng ta cũng thế: hằng ngày chăm chỉ giữ luật Giáo Hội và luật cộng đoàn, nhưng không có tình mến Chúa và yêu người. Nếu thế thì tất cả đều vô ích.
2. Có người nói yêu người khó hơn mến Chúa. Dĩ nhiên, vì con người không dễ thương bằng Chúa. Thế nhưng Chúa Giêsu đã coi giới răn thứ hai cũng bằng giới răn thứ nhất.
3. “Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không tể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Ngài: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,20-21)
4. Có một tác giả tưởng tượng câu chuyện sau:
Trên đường đi đến miền đất Chúa hứa, Abraham dựng một cái lều để nghỉ chân. Vừa ra khỏi lều, ngài thấy một người hành khất xin giúp đỡ. Động lòng thương, ngài mời người đó vào và làm tiệc thiết đãi. Trước khi ăn tiệc, ngài mời người hành khất cùng dâng lời chúc tụng cảm tạ Chúa. Nhưng vừa nghe thấy tiếng “Chúa”, người ăn mày liền nói lộng ngôn xúc phạm đến Chúa. Abraham nổi giận đuổi người đó ra khỏi lều. Đêm đó, khi Abraham quỳ cầu nguyện, ngài nghe có tiếng Chúa nói như sau: “Này Abraham, ngươi có biết người ăn mày đó đã nhục mạ Ta 50 năm qua không ? Thế mà mỗi ngày Ta vẫn ban lương thực cho nó. Ngươi không yêu thương cho nó một bữa ăn sao ?”.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mặc khải là một người cha yêu thương mọi con cái, ngay cả những đứa con bất hiếu ngỗ nghịch. Đồng thời Ngài mời gọi chúng ta hãy nên trọn lành như Cha trên trời, nghĩa là yêu thương mọi người không loại trừ người nào. Đó là tất cả giáo huấn của Chúa Giêsu: Ngài đến để nói với con người rằng Thiên Chúa yêu thương con người và con người cũng hãy yêu thương nhau. ("Mỗi ngày một tin vui")
5. “Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu thương lân cận như chính mình” (Mt 22,39)
Thánh nữ Têrêxa hài đồng Giêsu được giao phó trông coi một chị nữ tu lớn tuổi. Chị này nổi tiếng là khó tính trong nhà dòng. Đến giờ ăn, Têrêxa phải dìu chị đi xuống nhà ăn. Một thiếu sót nhỏ cũng đủ cho Têrêxa bị trách móc. Chị ấy bực bội, không bằng lòng, nhưng Têrêxa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì thánh nữ yêu mến Chúa ; và vì tình yêu Chúa, thánh nữ yêu mến người nữ tu đáng thương này.
Tình yêu đối với Chúa phải được tỏ hiện qua dấu hiệu bên ngoài là tình yêu đối với tha nhân. Và chúng ta phải chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không những bằng lời nói nhưng còn bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết yêu thương tha nhân, nhất là những người thân, sống trong gia đình chúng con. (Hosanna)
6. Mầm khác:
--------------------------------
Mến Chúa yêu người là giới răn trọn nhất trong đạo. Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh đã đặt biệt: TN30-A29
Mến Chúa yêu người là giới răn trọn nhất trong đạo. Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh đã đặt biệt nêu gương cho chúng ta trong việc tuân giữ giới răn “Mến Chúa, yêu người”.
Đối với ông Quỳnh, tài sản, trí năng Chúa ban cho là để phục vụ mọi người, nên thay vì thu tích cho bản thân, ông quan tâm phục vụ dân nghèo cách tận tình. Đối với họ, ông chữa bệnh miễn phí, săn sóc và đôi khi còn tặng cho họ tiền. Khi vợ con lên tiếng kỳ kèo, ông trả lờ:
“Tôi chưa thấy ai hay giúp đỡ kẻ nghèo khó lại túng bấn bào giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa sao? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng.”
Ông khuyên các con: “Cha đã sinh dưỡng các con từ nhỏ, nay đã khôn lớn, các con sẽ lo tất cả cho gia đình. Cha muốn dành tiền bán thuốc để chia sẻ với bà con nghèo khổ.”
Lòng thương người của ông Cha biểu lộ rõ rệt hơn khi làng ông gặp thời ôn dịch. Ông bỏ ra hàng trăm quan tiền để phát thuốc, nuôi dưỡng và chăm sóc bệnh nhân.
Tại nhà giam Đồng Hới, ông Quỳnh được gặp Linh mục Cao, Linh mục Điểm và Linh mục Khoa cùng thầy Tự. Nhiều lần ông bị tra tấn chung với các vị ấy. Nhưng lần nào ông vẫn cứ một mực giữ vững đức Tin: thà chết chứ không chối Chúa dù chỉ trong giây lát. Có lần quan cho lính lôi ông qua Thập giá, ông lớn tiếng thanh minh rằng:
Việc này quan làm, nếu tôi có tội là quan phạm tội, chớ không phải tôi.” Câu nói đó làm quan bực mình truyền đóng gông giải về ngục. Mấy bữa sau quan hỏi Cha Cao: Tại sao ông Năm cứng đầu cứng cổ đến thế. Vị thừa sai trả lời: “Những người bước qua Thánh giá là vì họ không hiểu rõ Giáo lý và nhát gan, chứ ông Năm an tường lẽ đạo, lại vững đức Tin, quan lớn cưỡng bách mấy cũng vô ích, chẳng có lợi gì đâu.”
Thầy Tự và ông trùm Năm bị xử giảo giam hậu.
Trong một bức thư gởi về các bề trên hội thừa sai Paris, Cha Miche Mịch gỉai thích lý do nhà vua trì hoãn việc xử ông Quỳnh như sau: “Ông Antôn quen biết hầu hết các quan lại, lại đã từng chữa bệnh cho nhiều ông. Rất nhiều người biết đến nhân đức và tài năng của ông nên trọng nể. Do đó ông có ảnh hưởng lớn trong dân. Đối với vua, cướp được con mồi lớn như vậy khỏi tay Đức Giêsu là một chiến thắng lớn. Thế nên chẳng lạ gì hỏa ngục phải tìm trăm phương ngìn cách để dành lại phần thắng sắp mất.”
Phần ông Quỳnh, dầu đã 72 tuổi, vẫn can đảm và nhẫn nại. Suốt ngày ông đọc kinh cầu nguyện, giữ chay, và thương giúp mọi người. Nghề lang y của ông vẫn có cơ hội dùng đến, có lần ông chữa cho một viên quan ở Đồng Hới nhất là chữa trị cho các bạn tù.
Đã qua đi 2 năm, thời gian không làm nản chí được ông Quỳnh, vua Minh Mạng chấp thuận cho quan tỉnh Quảng Bình xử giảo ông ngày 10-7-1840.
Một trăm lính dẫn ông ra pháp trường cùng với thầ Tự. Đến nơi, hai vị hỏi chỗ xử Đức Cha Cao và hai Linh mục Khoa và Điểm năm trước, rồi dừng lại đúng chỗ đó mà cầu nguyện.
“Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa cho con được ơn phúc như các ngài…” Nguyện cầu xong ngồi xuống, ông Quỳnh bình tĩnh hút hết điếu thuốc lào được quan trao cho.
Hai người còn đần từ giã, ông Quỳnh nhắc chúng qua chào thầy Tự, xin thầy về bên Chúa nhớ cầu cho các con. Thế rồi ông nói:
“Cha gửi lời chào các viên chức và anh em giáo hữu Mỹ Hương. Cầu chúc mọi người bình an, trung thành giữ đạo. Hãy thương yêu nhau và sống đạo đức, các con sẽ gặp lại Cha trên Thiên đàng.”
Nói xong ông nằm xuống trên chiếu giải sẵn, giang tay ra nói: “Xưa Chúa đã phải giang tay thế này để chịu đóng đinh.”
Thầy Tự cũng nằm xuống, lính tròng dây qua cổ hai chứng nhân. Giữa tiếng thanh la ngân vang, họ xiết chặt hai đầu dây. Thi hài hai đấng tử đạo được đưa về Nghệ An chôn cất.
Ít lâu sau con cháu đưa hài cốt ông Quỳnh về họ Kim Sen.
“Nghĩa khí nêu cao trên đất nước,
Oai linh phù hộ khắp non sông.”
Đó là hai câu thơ ghi khắc trên mộ ông Antôn Quỳnh Năm ở Kim Sen, nơi ông được chôn cất với tổ tiên dòng họ.
--------------------------------
Có một bản tin “Phở nóng chiều mưa” của tác giả Bút Bi. Câu chuyện sư sau: “Tiệm phở: TN30-A30
Có một bản tin “Phở nóng chiều mưa” của tác giả Bút Bi. Câu chuyện sư sau: “Tiệm phở A đường Kỳ Đồng” chiều hôm kia mưa như trút nước. Một ông già khoảng 70 tuổi, tay lần dò chiếc gậy, tay xách chiếc gà men cũ kỹ lập cập bước vào quán, mua phở mang về. Lúc ông đang lóng ngóng lấy tiền – gói trong hai ba lớp bịch ni lông – ra để trả, một trong hai thanh niên đang ngồi ăn phở ở chiếc bàn ngoài cùng bảo là đã trả tiền phở cho ông rồi. Ông già lãng tai ngớ ra không hiểu, người thanh niên vừa nói câu trên chỉ người bạn đang cắm cúi ăn: “Thằng này trả chứ không phải cháu đâu”. Rồi anh nói thêm có lẽ để câu chuyện được tự nhiên hơn: “Nó hỏi bác có con gái không?” Ông già dường như vẫn còn chưa hết ngạc nhiên thật thà nói có. Người thanh niên kia bật cười, bảo nói chơi đó bác ơi. Bút Bi tình cờ có mặt ở đó cũng bật cười. Mấy cô phục vụ trong quán cũng cười ầm lên. Ông già hiểu ra, hoạt bát hẳn lên, nói vài câu vui vẻ rồi chống gậy đi về.
Tò mò, Bút Bi nhìn hai người thanh niên. Họ ăn mặc giản dị, mang dép, đi chiếc Cub đời cũ, trông có lẽ là những người lao động lam lũ, và cử chỉ của họ thật dễ thương. Người già thường có cảm giác bị bỏ rơi, thèm sự hỏi han, chăm sóc. (Ông già phải tự chống gậy đi mua phở dù có con cái?). Chắc tối hôm ấy ông sẽ thấy vui lắm, chẳng những vậy có khi nó còn trở thành một kỷ niệm của ông, để ông đi kể lại với bà con, chòm xóm. Còn Bút Bi cũng thấy vui quá, bèn quyết định ăn luôn… hai tô phở!
Nghe xong câu chuyện “Phở nóng chiều mưa” trên đây, chúng ta cảm thấy ấp áp lên tình con người. Một sự quan tâm tế nhị, một lời thăm hỏi chân thành, một nghĩa cử yêu thương thầm kín, đã làm cho mối quan hệ giữa người với người thân gần gũi hơn, thông cảm nhau hơn, và quí mến nhau hơn.
Điều cốt lõi của Kitô giáo chính là yêu thương. Giới răn lớn nhất của đạo cũng chỉ là Mến Chúa, yêu người. Đó là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay muốn loan báo. Đức Giêsu trả lời cho người thông luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.
Người Kitô hữu, luôn mang trên mình cây thập giá. Cây thập giá ấy có một ý nghĩa rất cao đẹp: Thanh dọc của cây thập giá muốn nói rằng, người tín hữu phải vươn lên cao tới Thiên Chúa, để yêu mến Người với tất cả trái tim, với trọn vẹn con người. Thanh ngang của cây thập giá muốn nói với người tín hữu, phải vươn đến với tất cả mọi người, để yêu thương họ như chính mình, không loại trừ một ai, kể cả kẻ thù. Nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, thì đâu phải là cây thập giá. Nếu có mến Chúa mà không có yêu người, thì chưa phải là Kitô hữu. Cũng như đồng tiền luôn có hai mặt, thì người Kitô hữu luôn phải sống trọn vẹn hai giới răn mến Chúa và yêu người mới đích danh là Kitô hữu.
Có nhiều người nghĩ rằng Mến Chúa thì dễ quá. Tôi vẫn đọc kinh sáng tối, đi lễ cầu nguyện hàng ngày, năng tham dự các bí tích. Và họ bằng lòng với mức độ ấy. Thực ra, Chúa đâu chỉ đòi hỏi có thế! Hãy nghe lại điều răn lớn nhất này: “Phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Trong điều răn có ba chữ hết, chúng ta đã yêu được mấy chữ hết đó. Thường chúng ta chỉ yêu Chúa nửa vời, yêu tùy hứng, yêu đại khái, yêu theo vụ mùa.
Chúng ta chỉ yêu mến Chúa hết lòng khi chúng ta dám hy sinh thì giờ, công việc, lợi nhuận, để đi tham dự thánh lễ, các giờ cầu nguyện, các buổi tĩnh tâm, hầu nâng cao đời sống thiêng liêng.
Chúng ta chỉ yêu mến Chúa hết linh hồn khi chúng ta dám từ bỏ danh vọng, lợi lộc, chức quyền để trung thành với Chúa và các giới răn của Người.
Chúng ta chỉ yêu mến Chúa hết trí khôn khi chúng ta dám làm nhân chứng cho Người trước lương tâm, trước kẻ bách hại, cho dù phải đe dọa đến cuộc sống và tính mạng.
Mến Chúa đã khó, yêu người lại càng khó hơn. Vì người ta đâu phải ai cũng dễ mến, dễ thương. Với cái nhìn không thân thiện của chúng ta sẽ có rất nhiều người dễ ghét và đáng ghét. Yêu người như Chúa dạy là yêu như chính mình. Có ai lại ghét mình bao giờ. Trái lại, người ta thường yêu mình quá độ.
Chúng ta chỉ có thể yêu người thân cận như chính mình khi chúng ta tránh hết sức không làm tổn thương đến nhân phẩm và quyền lợi của người khác.
Chúng ta chỉ có thể yêu người thân cận như chính mình khi chúng ta biết kính trọng người già yếu, an ủi người khổ đau, giúp đỡ những ai nghèo đói, bênh vực những kẻ cô thế, cô thân.
Chúng ta chỉ có thể yêu người thân cận như chính mình khi chúng ta biết quảng đại trao ban và xả thân phục vụ những ai đang cần sự trợ giúp.
Mauriac viết: “Ngày nào bạn không còn thắp sáng tình yêu, ngày đó nhiều người sẽ chết vì giá lạnh”.
--------------------------------
I. DẪN VO PHỤNG VỤ
Đối với những người không Công giáo và thậm chí đối với một số đông người có đạo thì Công giáo: TN30-A31
Đối với những người không Công giáo và thậm chí đối với một số đông người có đạo thì Công giáo chỉ là một tôn giáo với nhiều ràng buộc, cấm cản, hạn chế, không cho con người được tự do hành xử theo sở thích của mình, đụng chuyện gì cũng là tội. Sự thật có phải là như vậy không? Cốt yếu nhất của Đạo là ở điểm nào? Thời Chúa Giê-su người ta cũng đã rơi vào tình trạng lúng túng tương tự. Giữa 613 điều luật của sách Torah, gồm 248 điều phải làm và 365 điều phải tránh (1) người tín hữu Do Thái không biết đâu là điểm chính, đâu là điểm phụ. Vì thế mà một người thông luật mới đem vấn đề ra thử Chúa Giê-su, xem Ngài tài cán, thông minh, sáng suốt đến mức nào? Chúng ta hãy đọc kỹ câu chuyện và suy nghĩ về những lời công bố của Chúa Giê-su trong bài Phúc âm hôm nay để vạch cho mình một cách sống thích hợp với giáo lý của Chúa.
II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM
2.1 Lắng nghe Lời Chúa: Mt 22, 34-40: Điều răn trọng nhất.
(34) Khi nghe tin Đức Giê-su vừa làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. (35) Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: (36) "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" (37) Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. (38) Đó là điều răn trọng nhất. (39) Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (40) Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy."
2.2 Trong đoạn Tin Mừng Mt 22, 34-40 trên, chúng ta khám phá Chúa Giê-su là Ai?
a) Mt 22, 34-40 cho ta thấy Chúa Giê-su là Đấng rất thông minh, tỉnh táo, không dễ gì bị gài bẫy hay bắt bẻ. Đây không phải là lần đầu tiên kẻ thù gài bẫy để bắt bẻ Chúa. ‘Điều răn nào trọng nhất’ cũng không phải là vấn đề duy nhất mà người ta đưa ra để thử Chúa. Sau khi không bắt bẻ được Chúa trong lãnh vực chính trị hết sức tế nhị và phức tạp (Mt 22,15-21) cũng như trong vấn đề kẻ chết sống lại (Mt 22,23-33), kẻ thù đã tìm cách thử thách Người trong vấn đề cốt yếu của đạo. Nếu Người không tỏ ra rành rẽ về giới luật của đạo thì làm sao người ta tin theo Người? Nếu Người không phân biệt được chính/phụ trong hơn 600 điều luật của Do Thái giáo thì làm sao Người xứng danh là ngôn sứ, là ráp-bi?
(b) Mt 22,34-40 cho ta thấy Chúa Giê-su là Đấng thông thạo Lề Luật Do Thái giáo, chẳng kém gì các luật sĩ và kinh sư. Chúa Giê-su trưng dẫn cả hai điều răn là những điều răn được ghi trong Cựu ước: điều răn trước ở trong sách Đệ nhị luật (6,5) và điều răn sau ở trong sách Lê-vi (19,18). Những người Do Thái mộ đạo và nhất là các luật sĩ, kinh sư đều thuộc nằm lòng hai điều răn ấy. Nên họ cũng chẳng ngạc nhiên gì mấy khi thấy Chúa Giê-su trích dẫn một cách thành thạo sách Đệ nhị luật và sách Lê vi.
(c) Mt 22,34-40 còn cho ta thấy Chúa Giê-su có tài và có thẩm quyền đem lại một tầm quan trọng mới cho hai điều răn quan trọng nhất của Cựu Ước. Chúng ta hãy đọc lại toàn bộ câu trả lời của Chúa Giê-su. Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy."
Người Do Thái không ngạc nhiên và thắc mắc gì khi nghe Chúa Giê-su khẳng định hai điều răn ‘mến Chúa’ và ‘yêu người’. Nhưng họ đã hết sức ngạc nhiên khi nghe Chúa Giê-su nói lên mối liên hệ của điều răn thứ hai với điều rằn thứ nhất (điều răn thứ hai giống như điều rằn thứ nhất) và mối liên hệ của hai điều răn này với toàn bộ giáo huấn của Cựu Ước (tất cả luật Mô-sê và sách các ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy). Đối với người Do Thái thì luật Mô-sê và sách các ngôn sứ là luật tối cao mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong quá trình lập quốc và lập đạo để họ tuân giữ. Và nay thì ‘mến Chúa yêu người’ đã trở thành luật tối cao mà mọi Ki-tô hữu phải thực thi để được sống.
(d) Giáo huấn của Chúa Giê-su trong Mt 22,34-40 còn mang ‘tính thời sự’ (actual) nếu chúng ta áp dụng vào thời hiện đại. Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-xít, một số người Công giáo nhẹ dạ tưởng lầm rằng: Chúa Giê-su đã đồng hóa điều răn thứ nhất với điều răn thứ hai, nên họ lớn tiếng hô hào chỉ cần thể hiện tình yêu thương đồng loại là đủ. Làm vậy là họ vô tình hay hữu ý quên đi điều răn thứ nhất là phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn và hết trí khôn. Chúa Giê-su chỉ khẳng định là “điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất” chứ không nói hai điều răn ấy là một. “Giống như” có nghĩa là có cùng một tầm quan trọng. Thế có nghĩa là con người phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn và hết trí khôn thì cùng lúc cũng phải yêu tha nhân như yêu chính bản thân mình. Cả hai điều răn ấy đều hết sức quan trọng đối với những người tin theo Chúa.
2.3 Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng Mt 22, 34-40 dạy chúng ta điều gì?
(a) Lời Chúa trong Mt 22,34-40 dạy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” tức là yêu mến Thiên Chúa hết sức mình và trên hết mọi sự. Chỉ một mình Thiên Chúa mới đáng được con người ta yêu mến đến mức độ ấy mà thôi, vì Thiên Chúa vừa là Đấng Tạo Dựng và Cứu Độ, vừa là Cha của loài người nói chung và của mỗi chúng ta nói riêng.
(b) Lời Chúa trong Mt 22,34-40 còn dậy chúng ta phải yêu thương người thân cận như chính bản thân mình. Đã là người thì không ai không yêu chính mình và không muốn cho mình mọi điều tốt lành. Vì thế mà yêu tha nhân như chính mình là đòi hỏi rất cao mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ của Người. Đòi hỏi này cũng rất khó thực hiện vì ngày nay rất nhiều người sống theo ‘cá nhân chủ nghĩa’, chỉ biết có mình và dửng dưng với số phận và cảnh sống của người khác. Trong dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành (Lc 10,29-37), Chúa Giê-su đã dậy chúng ta phải biết biến mình thành người thân cận của người khác, bằng cách làm thân và cứu giúp những người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
III. SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
(1) Mỗi người hãy kiểm điểm xem mình đã thực thi giới răn thứ nhất như thế nào? Cụ thể, hãy tự hỏi: Tôi đã yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn tôi chưa? Bằng chứng đâu để chứng tỏ rằng tôi đã yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn?
(2) Mỗi người cũng hãy kiểm điểm xem mình đã thực thi giới răn thứ hai như thế nào? Cụ thể, hãy tự hỏi: Tôi đã yêu người thân cận như chính mình tôi chưa? Bằng chứng đâu để chứng tỏ rằng tôi đã yêu người thân cận như chính mình? Đối với các nạn nhân của bão Katrina và Rita vừa xẩy ra ở Mỹ hay các nạn nhân của bão số 6 và số 7 mới xẩy ra ở Việt Nam, tôi đã tích cực và quảng đại cứu trợ họ như thế nào?
IV. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa là Thiên Chúa và là Cha của chúng con, giáo huấn của Lời Chúa hôm nay đòi chúng con phải toàn tâm, toàn ý phụng sự Thiên Chúa và cùng một lúc toàn tâm, toàn ý thương yêu đồng loại.
Nhưng lạy Chúa là Thiên Chúa và là Cha của chúng con, chằng một ai trong chúng con dám khẳng định là mình đã chu toàn được hai điều răn ấy. Chúng con còn xúc phạm đến Chúa và thiếu sót với tha nhân rất nhiều! Chúng con vô ơn bội nghĩa đối với Chúa. Chúng con chiếm đoạt danh dự thuộc về Chúa. Chúng con tự cho mình là chủ cuộc sống và của cải mà Chúa đã ban cho chúng con. Chúng con thờ ơ và coi rẻ tha nhân. Chúng con thành kiến và khinh ghét những người khác ý, khác phe với chúng con. Chúng con chụp mũ, vu khống hết người này đến người nọ. Chúng con ghen tỵ với những người hơn chúng con. Chúng con bán mình làm tôi mọi cho những kẻ quyền thế và giầu có hơn chúng con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa và là Cha của chúng con, Đạo Thánh Chúa chỉ vỏn vẹn có hai điều răn mà chúng con chưa thi hành được một điều nào. Thế mà chúng con không biết hổ ngươi, lại còn huênh hoang tự đắc và vênh vang trước mặt anh chị em lương dân. Chúng con thật có lỗi với Chúa và với mọi người. Chúng con thật đáng chết muôn đời! Xin Thiên Chúa là Cha giầu lòng xót thương thứ tha cho chúng con và cứu vớt chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
Sàigòn ngày 08.10.2005.
-------------
Chú thích:
(1) Daniel J. Harrington, S.J., The Gospel of Matthew (Collegeville, MN, USA: The Liturgical Press, 1991, trang 315).
----------------------------------
Mt 22, 34-40
Người Biệt phái và Pharisiêu luôn tìm cách ám hại Chúa Giêsu. Họ tìm đủ mọi cách, mọi lý do, mọi cơ: TN30-A32
Người Biệt phái và Pharisiêu luôn tìm cách ám hại Chúa Giêsu. Họ tìm đủ mọi cách, mọi lý do, mọi cơ hội để gây hấn với Chúa Giêsu. Họ tranh luận với Chúa Giêsu không phải để tìm hiểu học hỏi, nhưng để tìm cách gày bẫy Ngài, đưa Ngài vào chỗ bí với âm mưu giết Ngài. Họ đặt cho Ngài câu hỏi mà các Rabbi đem ra để tranh cãi: “Điều răn nào là điều răn lớn nhất ? “.
GIỚI RĂN NÀO LỚN NHẤT?:Trước mọi vấn đề người Do Thái, đặc biệt là những người Pharisiêu, luật sĩ, biệt phái đặt ra cho Chúa Giêsu.Chúa Giêsu không bao giờ chịu lùi bước bất cứ một câu hỏi hóc búa nào.” Của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa”. Một câu trả lời đã khiến cho đối phương hết sức ngạc nhiên:” Họ ngạc nhiên, và để Người lại đó mà đi “. Phái Sadducée, nhóm không tin có sự sống lại. Đã đem ra một câu chuyện hết sức ấm ớ, muốn lập lòe Chúa Giêsu về kẻ chết sống lại. Nhưng Chúa Giêsu đã làm họ câm miệng, khi Ngài trưng câu Xh 3, 6:” Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống “. Nghe tin những người Sadducée đã câm miệng, những người Pharisiêu lại tiếp tục vào cuộc, tranh luận với Chúa Giêsu. Lần này, một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người: ”Thưa Thầy, trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất ? “. Vào thời Chúa Giêsu, sách luật gồm, không hơn không kém 613 điều răn, các kinh sư phân ra 365 điều cấm tương đương với mỗi ngày trong năm và 248 điều truyền.
Đối với Chúa Giêsu câu trả lời của Người rất thẳng thắn. Người đi thẳng vào điểm chính. Người trưng ra câu sách Đệ nhị luật 6, 4-5: “ Nghe đây, hỡi Israen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em…” . Điểm độc đáo của Đức Giêsu là Người liên kết: “ giữa điều răn thứ nhất: yêu mến Đức Chúa, với điều răn thứ hai: yêu mến người lân cận thành một giới răn”. Chúa Giêsu đã gồm tóm được luật của Môsê và các ngôn sứ. Như thế, Chúa Giêsu đã qui các giới răn khác vào hai giới răn thành một: yêu mến Chúa và yêu tha nhân.Chúa Giêsu cho nhân loại thấy cái mầu nhiệm thẩm sâu trong cuộc đời Người, một cuộc đời tự hiến vì ý Chúa Cha, yêu mến Chúa Cha và yêu thương đồng loại.
CHÚA GIÊSU ĐÃ GÂY CHO ĐỐI PHƯƠNG SỰ NGẠC NHIÊN, SỬNG SỐT:Trước Câu hỏi xem ra hốc búa, một lần nữa Chúa Giêsu đã gây cho họ sự ngạc nhiên lớn lao. Chúa không trả lời họ trên bình diện thông thường, trên bình diện người ta hỏi Người, nhưng Người đã đi vào chiều sâu và khái quát: hai lề luật nhưng tựu trung chỉ là một lề luật mà thôi. Người Do Thái lúc đó vì bị ảnh hưởng của các nhóm: Pharisiêu, biệt phái, luật sĩ, Sadducée vv…họ tưởng giữ luật vì đó là lề luật mà thôi. Thánh sử Matthêu đã nhắc nhớ cho họ rằng cốt lõi của lề luật mới là tình yêu. Yêu Chúa sẽ gặp người và yêu người sẽ gặp Chúa. Đối với Chúa giữ luật mà thiếu hồn, chỉ dựa trên những điều luật chết mà giữ thì không hề có giá trị gì. Người ta không chỉ đi lễ, giữ vài ngày chúa nhật, đọc kinh cho có lệ là xong đâu, nhưng Matthêu vạch rõ con đường phải đi, cốt lõi đạo phải giữ: đạo tình thương và con đường tình yêu.
Trong muôn thời vẫn còn hai loại người: một loại người cứ tưởng giữ tỉ mỉ mọi khoản luật một cách máy móc, một cách không hồn là nắm chắc phần rỗi. Loại thứ hai đã đi đúng đường, đã giữ đạo tình thương một cách sâu xa, làm mọi sự vì tình yêu mến. Họ đã gặp Chúa trong những người nghèo, người cô đơn, bệnh hoạn, người đói ăn, kẻ rách rưới, trần truồng. Tất cả những hạng người này là hình ảnh của Chúa cứu thế như Tin Mừng Matthêu chương 25 đã mô tả.
Xin Chúa ban cho chúng con tâm hồn nhiệt thành để chúng con tìm thấy Chúa nơi mọi người.
----------------------------------
Lm Carôlô Hồ Bạc Xái
Sợi chỉ đỏ:
- Bài đọc I: Những khoản luật dạy đối xử yêu thương đối với những thành phần nghèo khổ trong xã hội.
- Ðáp ca: Bày tỏ lòng yêu mến Chúa.
- Tin Mừng: Hai giới luật quan trọng nhất và giống nhau, đó là mến Chúa và yêu người.
Minh họa
- Mille images 115 C
- "Thưa Thầy, điều răn nào lớn nhất ?" (Mt 22,36)
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến ,
Thiên Chúa là tình yêu. Trong Thánh lễ này chúng ta hãy đến với Ngài để được Ngài châm thêm tình: TN30-A33
Thiên Chúa là tình yêu. Trong Thánh lễ này chúng ta hãy đến với Ngài để được Ngài châm thêm tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ đó từ nay chúng ta sẽ mến Chúa và yêu người hơn.
II. Gợi ý sám hối
- Xin Chúa tha thứ vì chúng con chưa mến Chúa đủ.
- Xin Chúa tha thứ vì chúng con chưa yêu người đủ.
- Xin Chúa tha thứ vì những lần chúng con hành động không theo sự hướng dẫn của tình yêu mà lại theo sự thúc đẩy của lòng giận ghét.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Xh 22,21-27)
Cựu Ước có nhiều khoản luật dạy người do thái phải yêu thương đồng bào mình. Tình yêu đó có tính cách cục bộ.
Ðoạn sách Xuất hành này cũng theo chiều hướng đó, nhấn mạnh đến việc phải yêu thương những người nghèo khó và góa bụa. Ngoài ra, điểm đặc biệt của đoạn sách này là dạy yêu thương cả những ngoại kiều đang sống trên đất nước mình nữa. Biên giới Tình yêu đã được nới rộng hơn.
2. Ðáp ca (Tv 17)
Ðây là lời cầu nguyện bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Tác giả cũng coi Chúa là Ðá Tảng che chở mình, vì thế tác giả tin rằng khi mình bị áp bức mà biết kêu cầu Chúa thì sẽ được Ngài cứu giúp.
Một cách gián tiếp, Tv này tuyên xưng rằng Thiên Chúa đặc biệt yêu thương những người lâm cảnh khổ sở.
3. Tin Mừng (Mt 22,34-40)
Trong bài Tin Mừng tuần trước, những người thuộc hai nhóm Pharisêu và Hêrôđê liên minh nhau để gài bẫy Ðức Giêsu về vấn đề nộp thuế cho Xêda. Họ đã thất bại. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, nhóm Pharisêu chưa chịu thua, họ chọn trong nhóm ra một người thông luật để tranh luận với Ngài.
Câu hỏi là: "Trong lề luật, giới răn nào trọng nhất". Ðây là một câu hỏi hóc búa, bởi vì đạo do thái có rất nhiều khoản luật (365 luật buộc và 248 luật cấm), mà luật nào cũng đều quan trọng cả.
Câu trả lời của Ðức Giêsu rất xuất sắc: một là Ngài đã lọc ra được hai điều luật quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người; hai là Ngài liên kết hai điều đó lại: mến Chúa thì phải yêu người, và yêu người thì phải mến Chúa; ba là Ngài chỉ cho thấy hai điều ấy mà thực ra còn có thể tóm lại thành một điều duy nhất là Yêu Thương là cốt lỏi của tất cả mọi khoản luật khác.
4. Bài đọc II (1 Tx 1,5c-10) (Chủ đề phụ)
Giáo đoàn Thêxalônikê đã được Thánh Phaolô hết lời khen ngợi. Ðoạn thư này cho chúng ta thấy lý do họ được khen ngợi là vì họ đã nhận lãnh lời rao giảng Tin Mừng giữa bao gian truân khốn khó, và họ đã sống Tin Mừng ấy đến nỗi họ trở thành gương mẫu cho nhiều nơi khác noi theo.
IV. Gợi ý giảng
1. Một lời để ghi nhớ: ngươi phải yêu mến
Ðúng là hai điều răn: điều răn thứ nhất là điều răn lớn. Ðiều răn thứ hai cũng quan trọng không kém. Có nghĩa là hai giới răn ấy không cho phép ta tuỳ thích. Tình yêu mà những giới răn ấy nói tới, đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân, không phải là một thứ tình cảm trôi nổi tuỳ theo tính khí của ta. Tình yêu là một sự cam kết lớn lao, một sự dâng hiến chính mình, hiến mạng sống mình. Tình yêu không dừng lại ở nửa đường, mà đi cho tới cùng giống như đám lửa cháy. Giới răn ấy khơi dậy tình yêu khi mà thường tình và một cách tự nhiên lãnh đạm hay chối từ có nguy cơ thống trị. Giới răn ấy là như tia lửa làm bùng lên đám cháy. Giới răn ấy nâng đỡ tình yêu khi nỗi chán chường hay thói quen sẽ làm cho tình yêu ra nguội lạnh hoặc tàn lụi. Giới răn ấy làm bùng lên nhuệ khí khi tình yêu chân thực đòi hỏi nhiều hy sinh, quên mình. Nhờ tương phản và hỗ trợ giữa tình yêu và giới răn này mà đời sống ta được thăng tiến.
Giới răn yêu thương có hai mặt, hai mặt mà không tách biệt nhau như mu và lòng bàn tay. Ðiều răn thứ hai cũng giống, cũng quan trọng như điều răn thứ nhất, là "ngươi phải yêu người thân cận như chính mình". Chỉ có một mình Chúa là Ðấng ta phải yêu mến cách tuyệt đối, hơn cả chính mình ta, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ta. Khi yêu mến Chúa hết mình, vượt khỏi chính mình, ta được vào trong tình yêu Chúa ban tặng, được sống trong tình yêu của Người, lòng ta mở ra hướng về vô biên, bởi lẽ Thiên Chúa muốn thông phần sự sống của Người cho con người, muốn thần hóa con người ! Còn về người thân cận, Ðức Giêsu truyền phải yêu người thân cận như chính mình. Ðây không phải là một sự so sánh bình thường, mà còn hơn thế nữa. Không phải chỉ đơn giản là muốn và làm cho người thân cận điều ta muốn cho ta. Ðức Giêsu đã đưa ra một điểm son, một khuôn vàng thước ngọc: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó" (Mt 7,12).
Giới răn thứ hai thật minh bạch và đi xa hơn. Giới răn ấy đòi ta yêu mến người thân cận như người ấy là chính ta, là ta đồng hóa với người ấy. Nó diễn tả một sự hiệp thông giữa hai hữu thể, giữa hai cuộc sống, giữa anh em trong một nhà, trong một gia đình Thiên Chúa. Nếu tôi không yêu mến người thân cận của tôi, Nếu tôi khinh chê người ấy, chính là tôi gây thiệt hại cho bản thân tôi. Yêu người thân cận như chính mình, chính là tôi dành cho tôi một tình yêu tuyệt vời. Thế nên, và nhất là có điều răn ấy, thật là điều hạnh phúc ! Bởi lẽ khi tôi yêu mến người giống như tôi, người mà tôi nhận ra tôi nơi con người ấy, thì tôi cũng được người ấy đáp lại bằng lòng yêu mến tự nhiên, bằng mối thịnh tình theo nghĩa mạnh nhất; còn nếu theo bản năng tôi ngờ vực một người, thì người ấy có thể trở thành một đối thủ, một người cạnh tranh, một kẻ thù của tôi. Lịch sử từng minh chứng những biến cố thật lớn lao đượm tình huynh đệ, cũng như những cuộc bùng nổ dữ đội nhất từng châm ngòi cho thù hận giữa con người. Ðiều răn thứ hai quả là cần thiết, và rất cần thiết nên Ðức Giêsu mới dùng tất cả những lời lẽ trang trọng mà tuyên bố là điều răn ấy cũng giống như điều răn kia, cũng quan trọng không kém. Người đã đặt con người vào đúng tước vị của nó là hình ảnh và là con Thiên Chúa.
Quả thực đây cũng là điều đơn giản và chắc chắn Chúa muốn ta tham khảo.
Yêu mến thế nào, thường là điều phức tạp; bạn phải tìm kiếm, nhận thức rõ, kiểm soát những tình cảm tốt xấu của bạn, chứ không được miễn trừ. Bạn hãy luôn luôn phải tìm xem để yêu mến thế nào cho đúng sự thật; cần được học hỏi về điều này. Nhưng nếu bạn có một ý chí muốn yêu thương, nếu để cho ngọn lửa của Thánh Thần điều động cuộc đời bạn, thì bạn sẽ thấy con đường phải đi và phương cách để làm. Bạn hãy tìm kiếm hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn bạn. Bạn hãy tìm kiếm như cho chính mình. Thì bạn sẽ gặp ! (Giám mục L. Daloz. Trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 332-334)
2. Một từ tóm tắt tất cả Phúc âm: Yêu mến
Khi nói đến yêu, tôi vốn thích dùng động từ Yêu mến, nó có tính cách chủ động và tích cực, hơn là dùng từ tình yêu, một từ rất đẹp nhưng cũng rất dễ bị phê phán.
Làm sao có thể là tín hữu mà lại không yêu mến ? Làm sao có thể nhận biết Thiên Chúa của chúng ta nếu Người không phải là Ðấng yêu mến chúng ta ?
Như vậy thì có nhiều cách yêu mến không ? Chắc hẳn là có rồi. Nên trong vấn đề này, tôi vẫn theo gót nhà sư phạm trứ danh là thánh Augustinô. Ngài phân biệt ba trình độ trong hành vi yêu mến:
Trình độ thứ nhất, thấp nhất, không có ý nói là xấu nhất: thích được yêu (aimer être aimé). Bạn hãy nói cho tôi hay có ai mà không thích điều đó không ? Phải là con người hư hỏng mới dám nói ngược lại. Mọi người đều như vậy thôi. Nhưng cuộc sống cũng đã dạy cho ta rằng tình yêu còn phải là cái gì khác hơn là niềm khoái chí (tự tôn kia).
Trình độ thứ hai: thích yêu (aimer aimer). Ta hãy tạm dịch ở đây là: lấy làm vui khi yêu mến người khác. Ở bậc này người ta có ra khỏi mình một chút, có quảng đại, có vị tha.
Chúa ơi, thật vui và đẹp biết bao khi làm được một việc thiện, khi xả thân, và đôi khi đi tới chỗ đóng vai con chim bồ nông tự để cho con rỉa thịt mình.
Ngày ở điểm này, ai lại không muốn nhận khen thưởng chứ ? Bạn hãy nói cho tôi hay bạn có đủ can đảm để đi thăm một bệnh nhân nào đó, đi uỷ lạo một cảnh khốn này, chẳng tìm thấy được ở đó một điều gì khích lệ chăng ? Nhưng bạn hãy coi chừng ! Tất cả thái quá trong lãnh vực này, quảng đại thái quá có lẽ là một hình thức tự tôn tự đại của lòng yêu mến chính mình đó thôi.
Còn trình độ thứ ba: Yêu (aimer), có thế thôi ! Yêu mến người khác vì chính họ, không phải vì ta làm điều tốt cho họ, không phải vì làm cho nhân đức của ta lớn lên. Không phải thế, bởi lẽ xét cho cùng, người ta không yêu mến vì. Ta yêu là yêu thôi. Ðó mới là đỉnh cao của "tình cho không biếu không".
Hãy nhìn nhận điều này: ta chẳng mấy khi đạt tới trình độ đó. Chỉ có một Vị đã hiến thân chỉ vì yêu mà thôi, một Ðức Giêsu ấy muốn lấy bản tính nhân loại của ta, một Ðức Giêsu ấy mới ban cho ta Thần linh tình yêu khi Người tắt thở, một Ðức Giêsu ấy mới có thể sáng nghĩ ra nhân vật Samaritanô nhân lành yêu thương mà không đòi đáp trả và hình dung ra một người cha đang mở rộng vòng tay đón nhận đứa con đi hoang trở về.
Nếu phải cần đến một từ để tóm tắt cả Phúc âm, đó là: Yêu mến.
(H. Denis. trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 334-336)
3. Những chữ đi sau chữ "yêu"
Xem kỹ bản văn Tin Mừng, theo sau động từ yêu mến Chúa là những chữ "hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn"; đi sau động từ yêu thương kẻ khác là những chữ "như chính mình ngươi".
"Hết" là tất cả. Ngoài ra, trong ngôn ngữ do thái, người ta thường dùng một từ chỉ một phần để nói đến toàn thể: "lòng" cũng có nghĩa là cả con người, "linh hồn" và "trí khôn" cũng thế. Do đó câu nói trên có nghĩa là: "Hãy yêu mến Chúa với tất cả con người của mình, tất cả con người của mình, tất cả con người của mình." Một kiểu nói mạnh lặp lại tới ba lần. Cũng có thể hiểu là: "Hãy yêu mến Chúa với tất cả mọi chiều kích, mọi lãnh vực, mọi khả năng của mình".
"Như chính mình" nghĩa là không còn phân biệt chủ thể và đối tượng gì nữa. Hay nói cách khác cho dễ hiểu, không phân biệt tôi và anh, tôi và chị hoặc tôi và nó gì nữa. Chỉ còn là một thôi.
Tóm lại, những chữ đi sau động từ "yêu" nhằm diễn tả một tình yêu không biên giới, cả biên giới với Chúa lẫn biên giới với người khác. Tất cả đều yêu nhau. Cuộc sống chỉ là yêu.
4. Bắt đầu yêu mình trước
Trong bài Tin Mừng này, Ðức Giêsu bảo "Ngươi hãy yêu kẻ khác như chính mình ngươi". Có thể hiểu là: hãy biết yêu mình trước rồi mới có thể yêu kẻ khác.
Một cụ già đang ngồi trước cổng thành. Một người khách lạ đến hỏi:
- Dân trong thành này là người thế nào ?
- Thế anh thấy dân của thành trước đây anh vừa ghé như thế nào ?
- Họ rất tử tế và sẵn sàng giúp đỡ khi mình nhờ tới.
- Thế thì anh cũng sẽ gặp những người như vậy trong thành này.
Một lúc sau, một người khách khác tới và cũng hỏi:
- Dân trong thành này là người thế nào ?
- Thế anh thấy dân của thành trước đây anh vừa ghé như thế nào ?
- Họ rất khó ưa, ích kỷ và chẳng chịu giúp mình gì cả khi mình nhờ tới.
- Thế thì anh cũng sẽ gặp những người như vậy trong thành này.
Ý nghĩa câu chuyện này là tôi thường đánh giá người khác không theo lòng họ mà theo lòng mình. Nếu ta thấy người ta khó chịu, đó là dấu trong lòng ta đang khó chịu. Người nào bình an trong lòng thì lan tỏa bình an ấy ra ngoài và cảm thấy mọi người đều hiền hòa.
Bởi thế, ta phải học yêu bản thân mình trước rồi mới có thể yêu người khác. Nhưng thế nào là yêu mình ? Là hãy ban cho lòng mình những tình cảm cao thượng, bình an, độ lượng.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý: Yêu mình một cách sai lạc thì không thể yêu người khác. Yêu mình sai lạc là thế nào ? Là ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, chỉ lo cho mình và dành hết mọi sự tốt cho mình. (Flor McCarthy, Love your neighbor as yourself)
5. Chuyện minh họa: Tin Mừng trọn vẹn
Vào thời có nhiều người thích ẩn tu trong sa mạc, có một Tu Sĩ nổi tiếng đạo đức tên là Môsê. Sắp đến lễ Phục sinh, tất cả các tu sĩ đều nhất trí sẽ không ăn gì cả suốt Tuần Thánh, mỗi người ở luôn trong phòng mình và chuyên chăm cầu nguyện.
Ðến giữa tuần, có hai khách lữ hành ghé thăm Thầy Môsê. Thấy họ đói quá, Thầy nấu cho họ một nồi súp. Và để họ không ngại, Thầy cũng ăn một ít trước mặt họ. Ðang lúc đó, các thầy khác thấy khói và mùi thức ăn từ phòng Thầy Môsê bay ra thì bực tức tới bắt lỗi:
- Thầy đã phạm luật !
Thầy Môsê khiêm tốn trả lời:
- Ðúng là tôi đã phạm luật của loài người. Nhưng đó là vì tôi giữ luật Chúa dạy phải yêu thương người khác.
Nghe thế, những thầy kia xấu hổ bỏ đi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu được yêu cầu nêu ra hai điều luật quan trọng nhất. Ngài đã nêu ra luật mến Chúa và luật yêu người. Ngài đã nối kết cả hai lại với nhau và xem chúng đều trọng như nhau. Thế nhưng loài người chúng ta thường tách hai điều đó khỏi nhau.
6. Mảnh suy tư
Tách rời hai khoản luật lớn của Chúa là một thảm kịch và rõ ràng đi ngược ý Chúa.
Thế nhưng việc này lại thường xảy ra.
Những kẻ lo mến Chúa thì thường không yêu người, và những kẻ lo yêu người lại không mến Chúa. Thế là Tin Mừng bị xé ra làm hai. (Flor McCarthy)
V. Lời nguyện cho mọi người
CT: Anh chị em thân mến ,
Trong bữa Tiệc ly Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta một điều răn mới: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Với quyết tâm sống bác ái như Chúa đã dạy, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1- Hội Thánh là dấu chỉ tình thương của Chúa đối với nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho tất cả mọi người trong đại gia đình Hội Thánh / luôn sống hòa thuận thương yêu nhau / và cư xử bác ái với những ai chưa nhận biết Chúa.
2- Lòng bác ái yêu thương không hề có biên giới / chủng tộc /; ngôn ngữ / địa vị xã hội / giầu nghèo / thông thái hay dốt nát / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các kitô hữu / biết cố gắng sống tinh thần quảng đại ấy.
3- Ngày nay / hận thù / bạo lực / khủng bố vẫn còn đang hoành hành dữ dội tại nhiều nơi trên thế giới / gây kinh hoàng cho biết bao người / đem tang tóc và đau khổ cho biết bao gia đình lương thiện / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho lòng bác ái yêu thương / ngự trị trong mọi sinh hoạt trên khắp hoàn cầu.
4- Chân thành yêu thương nhau / hết lòng tôn trọng nhau / và quảng đại giúp đỡ những ai thực sự đói nghèo / là bổn phận của mỗi kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng yêu thương nhau như Chúa đã dạy.
CT: Lạy Chúa, thánh Phaolô quả quyết "Sống bác ái yêu thương là chu toàn lề luật của Chúa". Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể hết lòng mến Chúa và tha thiết yêu người như Chúa đã dạy. Chúng con cầu xin.....
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha: Trong kinh Lạy Cha, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta yêu mến Chúa là Cha chúng ta "hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn" ta, cũng như yêu thương tha nhân là anh em chúng ta "như chính mình" ta vậy.
- Sau kinh Lạy Cha: "... xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin giúp chúng con luôn cố gắng thực thi điều răn quan trọng nhất là Yêu thương. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp..."
VII. Giải tán
Chúc anh em ra về và sống yêu thương trọn vẹn đối với Chúa cũng như đối với tất cả mọi người.
----------------------------------
Mến Chúa. Yêu Người. Có ai đó đăt giả thuyết rằng Do Thái và Palestine đã tiềm ẩn trong: TN30-A34
Mến Chúa. Yêu Người. Có ai đó đăt giả thuyết rằng Do Thái và Palestine đã tiềm ẩn trong tâm trí Chúa Giêsu khi một nhóm Pharisêu đến cật vấn Nguời: “Trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” Câu hỏi mang chút hơi huớng như nên hay không nên nộp thuế cho Cêsarê. Một câu hỏi bủa vây giăng đầy cạm bẫy…
Với những người tuân giữ lề luât một cách máy móc cứng nhắc kia, hình như không có một lề luật nào trọng hơn lề luật nào. Không rửa tay trước khi ăn; làm việc ngày Sabath; ngồi cùng mâm với những người thu thuế v.vv… cũng có thể là những tội lỗi tày trời. Họ tính toán chi li so đo từng li từng tí! Họ giữ trọn lề luật từng chấm từng câu! Có thể họ đã Mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.” Còn Yêu Người thì sao?
Nhưng đó là giới răn thứ hai “cũng giống” có nghĩa là cũng “trọng” như giới răn đầu. Và câu kết luận hẳn đã làm họ chưng hửng ngẩn ngơ: “Toàn thể lề luật và tiên tri đều tóm gọn trong hai giới răn đó.” “Toàn thể; tóm gọn” có nghĩa là hai giới răn trọng kia là điều kiện ắt có và đủ cho sự cứu rỗi đời người.
Với những người luôn vỗ ngực tự xưng mình là con cháu Abraham và là giống nòi đuợc Thiên Chúa tuyển chọn, giới răn thứ hai thật quả là một vấn đề! Họ khinh miệt cùng cực thậm tệ những sắc dân khác nhất là những láng giềng hàng xóm chung quanh. Và chắc hẳn họ đã không ngờ Chúa Giêsu đòi buộc họ tuân giữ một giới răn cũng như giới răn mà họ đã bề ngoài tuân giữ: Yêu Người!
Có ai đó nói rằng tìm đuợc một đáp số thích đáng cho bài toán hóc búa Trung Đông, hoà bình trên thế giới sẽ có cơ may đuợc vãn hồi. Thực thế, có thể nói không ngoa, sự hoà giải giữa Do Thái và các quôc gia láng giềng Ả Rập là điều kiện tiên quyết để ngăn ngừa hiểm họa thánh chiến, chiến tranh nguyên tử, và chấm dứt phần nào nạn khủng bố đang hoành hoành trên mọi miền thế giới.
Hầu như tất cả xáo trộn cổ kim đã bắt đầu từ ‘lò thuốc súng’ luôn âm ỉ cháy kia! Đã hơn hai ngàn năm qua, chuyện hoà giải giữa những quốc gia này đã là một ước mơ gần như vô vọng. Một chuyên gia về Trung Đông đã chua chát nhưng khá khôi hài nhận xét rằng “xây dựng một cây cầu từ California đến Honolulu còn dễ hơn từ Do Thái đến Palestine.”
Mẹ Thánh Têrêsa đã nói là “Chúa Giêsu không nói hãy yêu toàn thế giới nhưng hãy yêu những láng giềng mình.” Tìm một giải pháp chính trị cho hai quốc gia láng giềng môi hở răng lạnh -một miền đất luôn sống trong nỗi phập phồng lo sợ này- quả là một điều nan giải, không chỉ phải từ hai phía tử thù, mà oái ăm thay, từ những người cùng bên chiến tuyến.
Như khi một phóng viên vặn hỏi cố Thủ Tướng Do Thái Yitzhak Rabin trong buổi lễ ký kết Thoả Ước Hoà Bình tại Oslo một vài năm trước: “Ngài nghĩ sao khi hai nhóm khủng bố Do Thái và Ả Rập thề không đội trời chung, nhưng cả hai đều đứng cùng về một phía vì cả hai đều muốn chung một điều là làm sao tiêu diêt đuợc lẫn nhau?” Nghe thế, Yitzhak Rabin liền phản pháo: “Ông đã lầm lớn, chỉ có bọn khủng bố Ả Rập thôi vì người Do thái không bao giờ giết ngươi Do Thái.” Chỉ vọn vẹn năm tuần sau, Yitzhak Rabin đã bị một thanh niên cuồng tín Do Thái ám sát ngay trên chính quê hương mình!!!
Và nếu quốc gia Do Thái thề không đội trời chung với thế giới Ả Rập, thì Do Thái Giáo và Hồi Giáo lại càng khó có thể tìm một mẫu số dung hoà. Có lần trong bữa cơm tối với một đạo sĩ Do Thái, tôi buột miệng hỏi: “Có thể nào có một quốc gia Palestine không?” Đang vui, tự dưng vị đạo sĩ đứng phắt dậy, mặt mày đỏ như Truơng Phi, chỉ vào mặt tôi gay gắt nói: “Này Linh Mục! Đừng bao giờ nhắc chữ ấy truớc mặt tôi!!!”
Không thể đạt đến một nền hoà bình trường cửu giữa các quốc gia nếu các tôn giáo vẫn bám theo những lề luật và chủ thuyết cục bộ nhất thời. Và Thiên Chúa phải là mẫu số chung cho bất kỳ chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá, truyền thống nào. Nói một cách khác, Thiên Chúa phải vuợt thời gian, phi biên giới và bất cứ tôn giáo nào manh tâm gò buộc đóng khung độc quyền sở hữu Thiên Chúa vào những hạn hẹp nhất định của con nguời, tôn giáo ấy chỉ là trống rỗng bên ngoài và không chóng thì chày sẽ tự hủy biến theo luật đào thải tự nhiên.
Mến Chúa! Không và sẽ chẳng bao giờ có lề luật nào cao trọng hơn. Nhưng giới răn quan trọng nhất này phải đi đôi như hình với bóng với giới răn cũng rất trọng không kém thứ hai: Yêu Nguời. Ta không thể mến Chúa khi không thể yêu những anh chị em mình đồng loại. Ta không thể mến Chúa khi ta không dám trải rộng trái tim chấp nhận đối thoại ngồi cùng với những nguời bất đồng chính kiến.
Mến Chúa Yêu Nguời, vì thế, không đuợc tách rời nhau. Và nếu cố tình tách rời nhau, ta sẽ trở thành một chủ thể không toàn vẹn. Không thể trọn vẹn là con nguời khi ta chỉ có yêu con nguời và tách Thiên Chúa ra khỏi đời sống mình. Và lại càng không trọn vẹn con nguời khi yêu Chúa nhưng không thể nhận ra Chúa trên khuôn mặt của mỗi từng người đang sống cùng sống với chung quanh.
Và lịch sử đã xác chứng rằng con nguời có khuynh hướng nghi hoặc, đố kỵ, ghen ghét và thậm chí tiêu diệt nhau khi không nói cùng ngôn ngữ, hoặc khi không theo cùng một truyền thống. Và điều oái ăm là những suy nghĩ cục bộ chật hẹp ích kỷ hèn kém nhỏ nhoi kia tặng theo cấp số nhân với những nguời cực đoan tôn giáo. Nói một cách khác, càng có vẻ đạo đức tôn giáo bao nhiêu, họ lại càng lạnh nhạt tình đồng bào nhân loại bấy nhiêu.
Và lịch sử cũng đã xác chứng rằng tất cả những xung đột chiến tranh từ cổ chí kim đều ít nhiều bắt nguồn từ tôn giáo. Không thể có hoà bình giữa các quốc gia khi chưa có hoà bình hiệp nhất giữa các tôn giáo, nhất là giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.
Sri Sathya Sai Baba đã đau đớn thở than: “Con nguời đã có thể bay vào vũ trụ nhưng lại không thể sống với những láng giềng hàng xóm mình.” Đông và Tây đều thuộc về Chúa và nếu phương Tây không tìm đuợc khuôn mặt Chúa ở phương Đông và ngược lại thì cả hai phuơng chắc chắn sẽ không tìm đuợc Chúa ở bất cứ phương nào khác trên lục địa này. Và sự tìm kiếm ấy lại càng vô vọng hơn nếu chỉ đóng khung trong những luật lệ và giáo điều cứng nhắc.
“Tin vào Chúa là yêu mến con nguời,” Abdul Ghaffar Khan đã khẳng định lời Chúa Giêsu truyền dạy. Không có con đuờng nào khác bởi vì chẳng có sự cứu rỗi nào khác. Cũng không thể bấu víu vào một niềm tin nếu niềm tin ấy gậm nhấm tình nhân loại con nguời. Anon đã viết là “không thể cùng một lúc chuẩn bị chiến tranh và kiến tạo hoà bình.” Thực thế, không thể cùng một lúc tin vào Chúa mà không dám yêu đồng loại tha nhân.
Lm Nguyễn Khoa Toàn.
----------------------------------
Mt 22, 34-40
Ngày nay, không từ nào được nói đến nhiều bằng từ "tình yêu". Có thể nói, có bao nhiêu: TN30-A35
Ngày nay, không từ nào được nói đến nhiều bằng từ "tình yêu". Có thể nói, có bao nhiêu quyển tiểu thuyết là có bấy nhiêu truyện tình. Có bao nhiêu bài thơ là có bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Có bao nhiêu phim truyện là có bấy nhiêu hình ảnh về tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trong mọi lãnh vực: tuyên truyền, quảng cáo, thương mại...
Nhưng không có từ nào gây hiểu lầm cho bằng từ "tình yêu". Nói đến tình yêu, người ta dễ nghĩ đến những khoái lạc thể lý, những hưởng thụ ích kỷ, đến tình yêu nam - nữ.
Hôm nay, Đức Giêsu cho biết: "Yêu mến" chính là giới răn quan trọng nhất trong đạo. Tuy nhiên tình yêu Chúa nói ở đây rất khác với nội dung tình yêu mà ta thường hiểu.
Yêu mến không phải là vấn đề cảm tính mà là vấn đề lý trí. Theo cảm tính, ta chỉ yêu những người dễ yêu và những người yêu ta. Giới răn Chúa dạy ta phải yêu cả những người khó yêu và những người không những không yêu ta mà còn ghen ghét, làm hại ta nữa.
"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em...Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ?" (Mt 6, 43-44; 46-48).
Yêu mến không phải bằng lời nói mà bằng việc làm cụ thể. Việc làm minh chứng tình yêu. Chính Chúa đã xác định điều này: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời đâu ! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi" (Mt 7, 21).
Không phải chỉ là việc làm cho Chúa mà cả việc làm cho tha nhân cũng được kể là yêu mến Chúa. Ở đây, Chúa đã đồng hoá hai điều răn "Mến Chúa yêu người", khi Người tự đồng hoá với người nghèo khổ. Như thế, yêu người chính là mến Chúa. Mến Chúa thì phải yêu người.
"Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy", và "mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho Ta vậy" (Mt 25, 40; 45).
Yêu mến không phải là tìm thoả mãn bản thân nhưng là cho đi, là quên mình.
Vì yêu thương, Chúa Cha đã trao tặng Chúa Con tất cả (x. Ga 3, 35) để "mọi sự của Cha đều là của Con"(Ga 16, 15).
Vì yêu thương, Chúa Cha đã ban cho thế gian chính người "Con Một" yêu quí (Ga 3, 16).
Vì yêu thương, Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha "cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" (Pl 2, 8)
Vì yêu thương, Đức Giêsu đã "hi sinh mạng sống cho đoàn chiên"(Ga 10, 15). Cái chết trên thập giá là bằng chứng tình yêu lớn lao Người dành cho nhân loại như Người đã nói trước: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15, 13).
Ngày nay, văn minh khoa học kỹ thuật của nhân loại đã tiến đến một mức độ siêu tuyệt, nhưng loài người vẫn chưa hạnh phúc. Chiến tranh khủng bố vẫn đe doạ an ninh thế giới. Đói nghèo vẫn hằng năm giết đi hằng triệu người. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng thêm rộng. Con người vẫn chìm trong cô đơn, lo sợ, mệt mỏi. Con người vẫn còn thiếu tình yêu thương.
Cần phải phát triển trái tim cho ngang tầm với phát triển khoa học mới mong thế giới an bình hạnh phúc.
Con cái Chúa có thể góp phần xây dựng thế giới tươi đẹp, nếu tuân giữ giới luật yêu thương Chúa truyền. Chính giới luật yêu thương sẽ tạo nên một nền văn minh mới: nền văn minh của tình thương. Chỉ với yêu thương, thế giới mới thực sự hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và thực thi giới luật yêu thương Chúa truyền. Amen
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Theo bạn, tình yêu thực sự là gì ?
2- Bạn đã thực sự yêu thương hơn những người ngoài công giáo chưa ?
----------------------------------
Chủ đề: “Thập giá là dấu chỉ của Tình Yêu, là lời mời gọi đến Tình Yêu và là sự mặc khải về Tình Yêu.”
Cách đây nhiều năm các rạp hát có chiếu một cuốn phim nhan đề Little Lord Fauntlroy (Tiểu: TN30-A36
Cách đây nhiều năm các rạp hát có chiếu một cuốn phim nhan đề Little Lord Fauntlroy (Tiểu chủ Fannilleroy) nói về một cậu bé 7 tuổi đến sống với ông nội là một người giàu có đang quản lý nhiều công nhân dưới quyền. Ông lão bản chất là con người ích kỷ và độc ác, nhưng cậu nhỏ quá thần tượng ông mình, nên không thể nhận ra điều đó. Cậu lại nghĩ ông mình quảng đại và tốt bụng. Cậu bé thường nói với người ông: "Nội ơi! Thiên hạ chắc hẳn yêu ông biết dường nào! Cháu dám cá là họ yêu nội hầu như cũng nhiều bằng cháu yêu nội vậy !".
Ðể rút ngắn câu chuyện, tình yêu của cậu bé dần dà làm mềm mại trái tim ông già, và ông đã trở nên loại người tốt mà đứa cháu vẫn nghĩ cho ông.
Câu chuyện này giống như một dụ ngôn của Chúa Giêsu cho thấy tình yêu Ngài dành cho chúng ta có thể thay đổi chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để trở nên loại người giầu yêu thương như Ngài vẫn thấy nơi tiềm năng chúng ta.
Tình yêu nằm nơi trọng tâm lời dạy và cuộc đời Chúa Giêsu. Và trong tất cả hành vi của Chúa Giêsu, không hành vi nào biểu lộ tình yêu Ngài rõ rệt hơn việc Ngài bị đóng đinh trên thập tự.
Và điều gì khiến cho việc chịu đóng đinh thập tự là bằng chứng hùng hồn về tình yêu của Chúa Giêsu như thế?
Trước hết, việc chịu đóng đinh thập tự là DẤU CHỈ gây ấn tượng sâu sắc về tình yêu vĩ đại Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: "Không tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga 15,13). Tôi rất vui mừng vì Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta dấu chỉ vĩ đại ấy, chúng ta cần biết rằng mình đáng yêu vì nếu chúng ta không thấy mình đáng yêu, chúng ta không thể yêu mến kẻ khác được. Tại sao chúng ta không thể yêu nếu không thấy mình đáng yêu? Lý do đơn giản Tình yêu là một món quà tự hiến. Và nếu chúng ta không thấy mình là đáng yêu và vì thế đáng giá, thì chúng ta sẽ không trao tặng chính mình cho kẻ khác đựơc. Nói tóm lại, chẳng ai đem đồ rác rưởi cho kẻ mình khâm phục sâu xa. Vì thế điều đầu tiên mà sự đóng đinh thập giá đem lại chính là dấu chỉ tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Chúng ta đáng giá và đáng yêu đến mức Ðức Giêsu tự hiến mạng vì chúng ta.
Thứ đến, bên cạnh dấu hiệu của tình yêu, việc chịu đóng đinh cũng là lời mời gọi đến với tình yêu. Ðây là một cách diễn tả bằng hình ảnh điều mà Chúa Giêsu đã thường dùng ngôn từ để nói: "Các con hãy thương yêu nhau như Ta đã yêu thương các con"(Ga 15,12).
Tôi rất vui mừng vì Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta như thế chứng tỏ Ngài nghĩ rằng tình yêu của chúng ta là quí giá. Ngài dạy chúng ta rằng chúng ta có thể giúp đỡ kẻ khác bằng tình yêu của mình giống như Ngài đã dùng tình yêu của Ngài để giúp đỡ chúng ta.
Các bậc tôn sư cho chúng ta thấy rằng lòng tự trọng của tuổi trẻ sẽ tiến bộ rất nhiều khi họ khám phá ra tình yêu của họ là đáng giá. Chúng ta có thể thấy đựơc sự đổi thay sâu xa khi một sinh viên dấn thân vào một chương trình phụng sự chẳng hạn: dạy kèm thêm cho các sinh viên lớp nhỏ hơn, đọc sách cho người mù nghe, hoặc thăm viếng người già cả. Thường đây là lần đầu tiên họ khám phá ra mình có giá trị, mình có khả năng giúp đỡ tha nhân.
Như thế, điều thứ hai mà thập giá chúng ta đem lại là lời mời gọi chúng ta yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Nó giúp chúng ta khám phá được tình yêu chúng ta là đáng giá, chúng ta có thể dùng tình yêu của mình để giúp đỡ tha nhân.
Thứ ba, ngoài dấu chỉ tình yêu chúng ta như lời mời gọi đến với tình yêu, thập giá Chúa Giêsu còn là sự mặc khải cho chúng ta về tình yêu rằng tình yêu thương kéo theo đau khổ.
Tôi rất vui mừng vì Chúa Giêsu đã mặc khải điều ấy cho chúng ta, vì điều ấy chống lại sự dối trá đang liên tục xẩy ra hằng ngày trên màn ảnh truyền hình cho rằng người ta có thể gíup kẻ khác mà mình chẳng phải mất mát gì hết. Vị bác sĩ trên truyền hình cứu chữa bệnh nhân mà bản thân chẳng hề đau khổ gì cả. Vị luật sự trên truyền hình bảo vệ cho kẻ bị áp bức bóc lột mà bản thân ông chẳng bị đau thương gì hết. Viên sĩ quan cảnh sát cứu đứa bé bị đối xử tàn nhẫn mà chính ông không hề bị đối xử tệ như vậy bao giờ. Giáp bào sáng loáng của những anh hùng cứu độ trên truyền hình này chỉ dơ bẩn thôi chứ chẳng bao giờ bị mẻ hay bị hư. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy yêu thương và giúp đỡ kẻ khác bao giờ cũng kéo theo đau khổ cho chính mình.
Không đau khổ sao được khi phải nhẫn nại với một kẻ thân yêu quát mắng chúng ta.
Không đau khổ sao được khi phải thứ tha giống như ông bố của đứa con hoang đàng và phải đón đứa con ương ngạnh trở về nhà.
Không đau sao được khi phải khiêm tốn nhìn nhận giống cậu con trai hoang trong câu chuyện ấy rằng mình đã sai lầm.
Ðôi khi tôi nghĩ: nếu chúng ta có luật bắt buộc phải ghi trên bao bì những thực phẩm có hai dòng chữ: "thực phẩm này có thể hại cho sức khoẻ bạn" thì chúng ta cũng nên có luật là các chứng thư hôn thú phải được ghi thêm dòng chữ sau: "Tình yêu chắc chắn kéo theo đau khổ".
Ðiều này dẫn chúng ta tới chủ điểm sau cùng là: chúng ta nên vui mừng khi cảm thấy đau khổ vì đã dấn thân vào tình yêu. Chúng ta nên vui mừng khi phải đau khổ với cùng một người về cùng một việc hết ngày này qua ngày nọ. Chúng ta nên vui mừng khi cảm thấy đau khổ vì bị mất đi một cơ hội để hãnh diện, hoặc mất đi một vinh dự hay một dịp thăng quan tiến chức.
Tại sao chúng ta lại nói lên một điều khó tin như thế? Arthur Godfrey ngôi sao truyền hình trước đây có cho chúng ta lời giải thích tuyệt vời trong bài viết đăng trong cuốn "The Guideposts Treasury of Faith "(1970) (Cẩm nang hướng đạo đức tin). Trên bức tường nơi văn phòng làm việc của mình, Godfrey thường treo một tấm biển ghi: "Lạy Chúa, con thà chịu lửa đốt hơn là phải làm vật phế thải".
Godfryey nói rằng tấm biển đề nhắc ông câu chuyện về bác thợ rèn nọ, dù phải chịu nhiều tai ương mà vẫn vững tin nơi Chúa. Khi một kẻ vô đạo hỏi bác ta làm thế nào bác có thể vẫn giữ niềm tin vào Chúa dù chịu biết bao tai ương, bác liền trả lời: "Khi tôi chế tạo một dụng cụ, tôi thường lấy một thanh sắt và nung lửa. Ðoạn tôi đập nó trên đe để xem nó có độ cứng không. Nếu có, tôi sẽ chế ra một dụng cụ hữu ích, nếu không tôi quẳng nó vào đống sắt vụn hết xài".
Câu chuyện trên dẫn chúng ta trở lại chủ điểm của mình. khi chúng ta chịu đau khổ vì tình yêu, chúng ta có thể hoan hỉ vì biết rằng Chúa đang sử dụng chúng ta.
Tóm lại, sự kiện Chúa Giêsu bị đóng đinh thập tự là Dấu chỉ Tình yêu Ngài dành cho chúng ta, là lời mời gọi chúng ta yêu mến tha nhân, đồng thời cũng là sự mặc khải về tình yêu tức là tình yêu luôn kéo theo đau khổ.
Ðể kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu mến Ngài cho xứng đáng, xin dạy chúng con yêu tha nhân như Ngài yêu chúng con.
Xin dạy chúng con yêu cho dù yêu là đau khổ,
Bởi vì qua tình yêu chúng con tôn vinh Chúa,
Qua tình yêu chúng con mang hạnh phúc cho tha nhân,
Và qua tình yêu chúng con tìm đựơc ý nghĩa của cuộc sống mình.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
----------------------------------
Hài hước là một câu truyện, một câu nói, một cử chỉ khiến người nghe thoạt tiên cười, rồi sau đó: TN30-A37
Hài hước là một câu truyện, một câu nói, một cử chỉ khiến người nghe thoạt tiên cười, rồi sau đó mới thấy “đau” và thấm thía ý nghĩa hiện sinh, mà thường khi là bi kịch. Vừa mới đây, theo thông lệ hằng năm xảy ra gần đồng thời với giải Nobel danh giá, những người thích đùa đã tiến hành trao giải Ig Nobel cho những phát minh “không giống ai”, như chính cái tên IgNobel ( từ chữ IgNoble = nhục nhã, thấp hèn ). Không ít nhà “khoa học” vui vẻ thoải mái tới nhận giải, bởi họ ý thức được điều mình “nghiên cứu” và hẳn không xuẩn ngốc đến độ đem danh dự của họ ra làm trò cười cho thiên hạ.
Chữ “yêu” cũng có vô vàn cách nhìn nhận, đánh giá: nó vô ích – thậm chí còn có hại – đối với người thực dụng, trong khi được ca tụng và là nguồn cảm hứng cho văn chương, thi ca. Hôm nay, nhóm Pha-ri-sêu hồ hởi trong lòng, trút bỏ được gánh nặng ngàn cân khốn đốn mà nhóm Sa-đu-xê-ô gây cho họ. Bây giờ, họ rảnh tay để trở về với vấn nạn căn bản và cũng để xem “trình độ” của Chúa Giê-su: điều răn nào trong nhất ?
Trong mớ bòng bong 613 điều luật đạo Do Thái, mà đa số khởi đầu bằng từ “phải”, thì dường như không có chổ cho lòng yêu mến, thân mật thật sự, mà chỉ có sự úy kính, phục tùng. Thân phận con người quá nhỏ nhoi, hư không, chỉ có thể trông chờ nơi lòng Thiên Chúa xót thương, không phải do công lênh cá nhân, không phải do sự chiếu cố đối với cá thể, mà “vì lòng nhân hậu đối với nhà It-ra-en” và chủ yếu là “vì tình thương đối với tổ phụ Áp-ra-ham”, cũng là đại diện tập thể những kẻ tin. Úy kính cá nhân, thờ lạy cá thể, nhưng YÊU THƯƠNG lại phải nại đến tập thể, ở cả hai chiều: đối với Thiên Chúa và ngược lại.
Từ đó, luật yêu người cũng bị hiểu như là quan hệ phát sinh từ tập thể Ít-ra-en, chỉ có giữa những người cùng thờ phượng Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem ( thờ Chúa nơi khác ngoài Giê-ru-sa-lem, không được kể là anh em; trái lại còn bị coi là dân ngoại, lạc giáo... ).
Tình yêu đồng loại ấy lại bị quy chiếu theo luật mà hành xử những khi có bất đồng hoặc hiềm khích xảy ra. Luật Talion ( mắt thế mắt, răn đền răng ), nghiễm nhiên trở thành trọng tài phân định mọi tương quan. Con người ấn định nội dung và hình thức cho tình yêu và tình yêu được đóng khung, phụ thuộc vào tâm tính của con người. Những tay thông luật nhất của nhóm Pha-ri-sêu đau đầu không ít về bản chất và biểu hiện của tình yêu, giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau. Họ lờ mờ nhận thức được, nhưng không dám bứt phá. Không phải do không đủ tri thức, mà vì họ không đủ dũng khí để nói ra và nhất là để sống điều mình hiểu.
Nhiều khi chúng ta cũng chẳng khác gì nhóm Pha-ri-sêu: điều cần biết, cần làm, thì chúng ta đã rõ. Nhưng rồi những so đo tính tóan làm chúng ta nhụt chí và nhụt cả con tim, cả khối óc và bàn tay. Chúng ta nhìn nhau, không phải để đồng thanh, không phải để tiếp thêm sức mạnh hành động, mà để xem người khác có thực hiện chăng. Nếu không, chúng ta cũng sẽ xuôi tay và lương tâm được trấn an.
Một thái độ cực đoan khác, ấy là lợi dụng Lời Chúa nói hôm nay, để cho rằng mọi hành động vì lợi ích con người, đều nằm trong đôi vế không thể phân ly “yêu Chúa – yêu người”. Mọi bổn phận đối với Thiên Chúa bị bỏ qua, lãng quên hoặc cho xuống hàng thứ yếu, miễn là người ta say mê đấu tranh, bênh vực, phục vụ và hành động vì lợi ích con người. Thiên Chúa chỉ còn là cái bung xung để người ta dựa vào mà hô hào, vận động, chỉ trích, phê phán.
Chẳng bao lâu, đến lượt “con người” cũng trở thành cái nê cho mọi hoạt động có khi rất phi nhân bản – và dĩ nhiên là “vô thần” – của họ, vì danh lợi cá nhân họ, cho dù họ không muốn thừa nhận. Ranh giới giữa “philanthropy” ( yêu người ) và “misanthropy” ( ghét người ) thật mong manh !
Hai điều răn “mến Chúa – yêu người” giống như đôi chân, giúp ta bước đi trên con đường. Trong hành trình về Thiên quốc ấy, đôi chân giúp ta định hướng mọi hành vi, mọi ứng xử và cả cuộc đời. Để cho một chân trệch ra khỏi đường đi, là chúng ta làm lệch hướng đi. Nếu chân ngoài – yêu người – dài hơn chân trong – mến Chúa, thì nguy cơ rời qũy đạo, xa dần chính hướng, về lại điểm xuất phát hoặc thậm chí mất phương hướng, lạc đường lạc nẻo, là điều có thể thấy trước.
“Yêu Chúa” không phải là động lực để chúng ta “yêu người” và “yêu người”cũng không phải là điều kiện để chu tòan “yêu Chúa”. Tình yêu chỉ có thể gắn kết, chứ không là điều kiện. Con người – tha nhân – chỉ là cơ hội để chứng ta chứng tỏ tình yêu đối với Chúa và thẩm định mức độ chúng ta yêu Chúa thế nào, bởi chính Chúa Giêsu đã ra đề cho cuộc thi nầy ( không ai yêu hơn kẻ thí mạng sống vì bạn hữu ) và chính Người đã cho đáp số ( Người đã yêu thương đến cùng ).
Còn lại là chúng ta có biết nhìn vào mà cho lời giải đúng như thế chăng ! Hay rồi cái căn bản nhất của Ki-tô Giáo, – yêu Chúa, yêu người – chẳng những không đem lại dịu ngọt cho đời sống Đức Tin, mà lại trở thành dấm chua làm hỏng cả cuộc đời. Khi ấy, ”yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”.
CVK NGUYỄN THẾ BÀI, Đi Tìm Đáp Số Tình Yêu 123
----------------------------------
Theo một câu chuyện cổ tích Nhật Bản, ngày xưa, có một đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc bên: TN30-A38
Theo một câu chuyện cổ tích Nhật Bản, ngày xưa, có một đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc bên cạnh một đứa con gái nhỏ. Người chồng là một hiệp sĩ Samourai, nhưng anh chỉ sống khiêm tốn trong một khu vườn nhỏ ở đồng quê. Người vợ là một người trầm lặng đến độ nhút nhát. Chị không bao giờ muốn ra khỏi nhà.
Một hôm, nhân dịp lễ đăng quang của Nhật Hoàng, với tư cách là một hiệp sĩ, người chồng cảm thấy có bổn phận phải về kinh đô để bái lạy quân vương. Sau khi đã làm xong nghĩa vụ của một hiệp sĩ, anh ghé ra chợ mua quà cho vợ con. Riêng cho người vợ, anh mua một tấm gương soi mặt bằng bạc...
Đón nhận món quà, người đàn bà bỡ ngỡ vô cùng: chị chưa bao giờ trông thấy một tấm gương, chị chưa một lần nhìn thấy mặt mình. Do đó, vừa nhìn thấy mặt mình trong gương, người vợ mới ngạc nhiên hỏi chồng: "Người đàn bà này là ai ?" Người đàn ông mỉm cười đáp: "Mình không đoán được đó là gương mặt kiều diễm của mình sao ?"
Một thời gian sau, người đàn bà lâm bệnh nặng. Trước khi chết, bà cầm tay đứa con gái và nói nhỏ: "Mẹ không còn sống trên mặt đất này nữa. Sáng chiều, con hãy nhìn vào tấm gương này và sẽ thấy mẹ".
Sau khi người mẹ qua đời, sớm tối, lúc nào đứa con gái ngây ngô cũng nhìn vào tấm gương và nói chuyện với chính hình ảnh của nó. Nó nói chuyện với hình trong tấm gương như với chính mẹ nó. Ngày kia, bắt gặp đứa con gái đáng nói chuyện với chính mình nó trong tấm gương, người cha tra hỏi, đứa con gái mới trả lời: "Ba nhìn kìa, mẹ con không có vẻ mệt mỏi và xanh xao như lúc bị bệnh. Mẹ lúc nào cũng trẻ và cũng mỉm cười với con".
Nghe thế, người đàn ông không cầm nổi nước mắt, nhưng không muốn cho nó biết sự thật, ông nói với nó: "Nếu con nhìn vào gương để thấy mẹ con, thì ba cũng nhìn vào con để thấy mẹ con".
Tha nhân chính là tấm gương phản chiếu gương mặt của chúng ta. Khi chúng ta lạc quan, khi chúng ta vui tươi, khi chúng ta yêu đời, khi chúng ta hòa nhã chúng ta sẽ nhận ra nét đó trên khuôn mặt của những người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta cau có, khi chúng ta giận dữ, khi chúng ta buồn phiền, khi chúng ta thất vọng, chúng ta cũng sẽ thấy được những nét ấy trên gương mặt của người khác...
Tha nhân cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu đứa con có thể nhìn thấy gương mặt khỏe mạnh, vui tươi của người mẹ trong tấm gương, nếu người cha nhìn thấy hình ảnh của người vợ trong đứa con, thì với ánh mắt của tin yêu chúng ta cũng có thể nhìn thấy gương mặt Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.
Có Thiên Chúa trong ánh mắt, nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi người, chúng ta sẽ thấy rằng đời có ý nghĩa, tha nhân không phải là hỏa ngục đáng xa lánh... Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương của tha nhân với nụ cười của trẻ thơ để luôn luôn nhận ra được bộ mặt Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.
Trích sách LẼ SỐNG
----------------------------------
CHỦ NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN
Tin mừng: Mt 22, 34-40.
Anh chị em thân mến,
Đạo công giáo chúng ta được gọi là đạo Yêu Thương, đạo Bác Ái, bởi vì Chúa Giêsu xuống thế làm TN30-A39
Đạo công giáo chúng ta được gọi là đạo Yêu Thương, đạo Bác Ái, bởi vì Chúa Giêsu xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại cũng chỉ thực hành điều ấy mà thôi: mục đích yêu thương, và chính Ngài cũng đã dạy chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta vậy.
Kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận là hai giới luật lớn nhất của người Kitô hữu, cho nên không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, cũng như không thể nói yêu mến tha nhân nhưng lại chối từ Thiên Chúa, thánh Gioan tông đồ cho như thế là kẻ gian dối (Ga 4, 20-21), tuy là hai nhưng chỉ là một.
Nhưng trong thực tế, có rất nhiều lần chúng ta tách hai giới răn này làm đôi để đối xử với tha nhân, nghĩa là chúng ta chăm chăm chú chú coi ngày coi giờ để đi lễ nhà thờ, nhưng chúng ta chưa bày tỏ được nội dung thánh lễ sau khi trở về nhà đó là yêu thương, nghĩa là chúng ta vẫn cứ hằng ngày đi lễ thờ phượng kính mến Thiên Chúa, nhưng hằng ngày vẫn cứ chửi rủa, ghen ghét, kiêu căng hợm hĩnh với người hàng xóm, vẫn lăm le cái chức vụ quyền cao để đè đầu đè cổ anh em chị em trong cộng đoàn.
Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta không thấy, nhưng nhờ đức tin mà chúng ta thấy Ngài trong vũ trụ vạn vật nên yêu mến Ngài; còn người anh em chị em thì mỗi ngày chúng ta đều thấy, nhưng chúng ta lại không dùng đức tin để nhìn thấy Thiên Chúa trong họ, đó là một thiếu sót lớn lao của chúng ta, là bức tranh không thuận mắt nơi người Kitô hữu khi người khác nhìn vào.
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu đã kéo giới răn trọng nhất là kính mến Thiên Chúa xuống và đưa giới răn thứ hai là yêu người lên cho cả hai giới răn bằng nhau, là để cho chúng ta thấy tình liên đới giữa con người với nhau cũng quan trọng như liên kết với Thiên Chúa vậy, cho nên có thể nói rằng, bác ái, yêu thương là cái hồn sống của người Kitô hữu, bởi vì sống mà không biết xúc động trước cảnh nghèo khó của tha nhân, thì cũng không thể biết được Thiên Chúa là tình yêu để mà kính mến.
Xin Thiên Chúa chúc lành và ban ơn cho chúng ta, để mỗi người trong chúng ta hiểu rằng, khi làm việc thờ phượng để kính mến Thiên Chúa, thì đồng thời cũng biết yêu thương và phục vụ tha nhân như chính mình vậy, để như lời thánh Phalô đã nói, chúng ta là con cái của sự sáng, là những người đi trong ánh sáng, cho nên chúng ta phải trở nên gương sáng cho mọi người bằng cách sống chân thành yêu thương và phục vụ khiêm tốn của chúng ta.
Bài giảng chủ nhật 30 tại nhà thờ Thánh Tâm-Taiwan.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
----------------------------------
GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT: “YÊU MẾN CHÚA HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN VÀ HẾT TRÍ KHÔN”
Chiều Chúa Nhật đã đến giờ đi lễ, John biết vợ và các con đang ngồi chờ ngoài xe, nhưng trận đấu: TN30-A40
Chiều Chúa Nhật đã đến giờ đi lễ, John biết vợ và các con đang ngồi chờ ngoài xe, nhưng trận đấu football trên TV đang gay cấn, quá hấp dẫn, John liền bấm cell phone nói với vợ: “Anh đang bận, em và các con đi trước đi, anh sẽ đi sau!” Thánh Lễ vừa kết thúc, thằng An hỏi mẹ nó: “Bố đâu rồi hả mẹ?” Jinny làm lơ đánh trống lảng bởi vì chị không muốn con của chị biết rằng: “Bố nó yêu football hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn và đặt football lên trên cả Thiên Chúa.”
Vợ chồng Hellen mở một nhà hàng, ngày khai trương thật là tưng bừng, vui như hội, có cha sở tới làm phép đàng hoàng, bức ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu rất đẹp được treo ngay nơi trang trọng và lịch sự, dễ nhìn thấy nhất. Một vài tháng sau, bức ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu được rước về nhà, theo như lời của Hellen “Để khỏi bị … ám mùi đồ ăn!” Mấy ngày sau, người ta thấy có tượng … thần tài ngồi ở góc nhà lúc nào cũng mỉm cười, có lẽ tại ông có ly café sữa thơm phức và vài cây nhang nghi ngút khói bên cạnh. Có người nói rằng vợ chồng Hellen yêu thần tài hơn yêu Chúa, đặt của cải vật chất lên trên cả Chúa! Bạn nghĩ sao?
Giới răn quan trọng nhất mà bạn và tôi phải tuân giữ là: “Phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn [của chúng mình]” (Mt. 22:37).
Bạn và tôi đã yêu mến Thiên Chúa hết lòng chưa hay chúng mình chỉ yêu mến Chúa vì lề luật bắt buộc? Vì lỡ theo đạo rồi nên phải giữ cho khỏi bị … phạt xuống hỏa ngục???
· Tôi giữ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc đúng như luật dạy. Cha ra tôi vào, cha vào tôi ra! Một tiếng đồng hồ nghiêm chỉnh, không hơn không kém.
· Một năm tôi đi xưng tội và rước lễ một lần. Đúng như lời Giáo Hội dạy! Đỡ phiền các cha!
· Giữ luật ăn chay nghiêm chỉnh, từ sáng cho đến đúng 12 giờ đêm thì … ăn bù, ăn trả bữa.
Tôi và bạn đã yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn hay chưa? Hay là …
· Chúng mình yêu mến … thần tài, thần nhà, thần xe … hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn?
· Chúng mình yêu mến … thần bài, thần men, tiên nâu, thần cá … độ với hết linh hồn và hết cả trí khôn?
· Chúng mình yêu mến … thần đa danh: TV, internet, phim ảnh, sex … với hết linh hồn, hết trí khôn và hết cả sức lực?
Nếu bạn hiểu và nhận ra rằng Thiên Chúa là cùng đích và là cứu cánh duy nhất của chúng ta (Rv 1:8; 1 Cor. 15: 22-24) thì xin bạn ghi tâm rằng Thiên Chúa phải được thờ phượng và kính mến trên tất cả mọi sự:
· Trên những lợi lộc thấp hèn, những chuyện làm ăn bất chính, những mánh khoé, lừa đảo …
· Trên những thú vui xác thịt, phim ảnh dâm đãng, internet, pornography …
· Trên những quan hệ bất chính: vợ nhỏ, kép nhí, ăn ở với nhau không có giá thú …
· Trên những cuốn hút và cám dỗ của xì ke, ma tuý, bài bạc, rượu bia, cá độ …
“Yêu Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức” là chuyện không dễ dàng một chút nào cả! Thế nhưng bạn và tôi không ít thì nhiều, cũng đã từng có những kinh nghiệm về chuyện yêu đương rồi mà. “Yêu cho đến khi con tim ngừng đập, khi thiên thu là một giây, yêu cho đến khi ong thôi làm mật, đến khi loài chim quên lối bay...” kia mà! Bạn và tôi hãy thử dùng những kinh nghiệm yêu đương lứa đôi ấy để tập yêu Chúa thử xem!
Khi yêu thì bạn chỉ muốn tâm sự với người ấy, nói hàng giờ đồng hồ, nói đủ thứ chuyện linh tinh lang tang, nói quên ăn luôn và không bao giờ cảm thấy mệt phải không? Bạn hãy tập nói với Chúa như vậy đi.
· Mỗi sáng khi thức giấc hãy NÓI với Chúa: “Cám ơn Chúa đã cho con một giấc ngủ bình an, con xin dâng trọn ngày hôm nay lên cho Chúa, xin thánh hóa và gìn giữ con trong tình yêu của Chúa.” Còn nữa!
· Trong những lúc tôi và bạn hoang mang, lúc bối rối, lúc buồn phiền, lúc thất vọng, chúng mình hãy NÓI với Ngài, xin Ngài an ủi, nâng đỡ.
· Lúc cần phải quyết định một việc hệ trọng, trong lúc cần phải có sự cố vấn sáng suốt, tôi và bạn hãy chạy đến qùy trước Nhà Tạm để HỎI ý kiến của Ngài.
· Những lúc lầm đường lạc lối, những lúc sống trong đêm đen, cùng đường, bí lối, chúng mình hãy THƯA với Chúa, xin Ngài soi sáng và chỉ lối cho chúng mình đi.
Chúng mình hãy yêu Chúa đi, Ngài là một người tình rất xộp và rất hào phóng. Ngài sẽ tặng cho bạn và cho tôi những món quà thật đặc biệt và rất giá trị! Thật đấy!
1. “Kẻ YÊU Ta sẽ được Ta yêu lại …. Bên cạnh Ta là giàu sang, danh giá, là phú quý bền lâu và thịnh vượng … [Ta] làm giàu cho những kẻ yêu Ta, khiến kho tàng của họ thêm phong phú …. Ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời” (Cn 8:17-21; Xh 20:6) Chúng mình không bị thua lỗ đâu! Khi yêu mến Thiên Chúa với hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức và trên hết mọi sự, Ngài sẽ ban cho chúng mình và cho con cháu của chúng mình sự hạnh phúc, bình an, hoan lạc, và vinh quang ngay ở đời này.
2. Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, thờ phượng Ngài với hết linh hồn và hết trí khôn, yêu Ngài hết … cót đi! Ngài sẽ tha thứ mọi lỗi lầm của chúng mình và sẽ nói với chúng mình trong ngày phán xét rằng! “Tội của [các con] rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là [các con] đã YÊU MẾN [Ta] nhiều … Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các [con]” (Lc 7:47; Mt 25:34).
Nếu bạn yêu mến thế gian này hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu nó với hết tâm trí, hết linh hồn và hết sức lực thì xin lỗi … bạn … dại dột quá!
phamtinh@yahoo.com
LM. Ansgar Phạm Tĩnh
----------------------------------
LM. Trần Bình Trọng
ÐỂ YÊU CHÚA VÀ THA NHÂN, PHẢI BIẾT YÊU MÌNH
Ed 22:21-27; 1Tx1:5-10; Mt 22:34-40
Giới răn yêu thương của Chúa là một giới răn mà ta thường nghe và đọc đi đọc lại nhiều lần trong Thánh: TN30-A41
Giới răn yêu thương của Chúa là một giới răn mà ta thường nghe và đọc đi đọc lại nhiều lần trong Thánh kinh, trong sách tu đức và trong các bài giảng giải. Ðồng thời ta cũng nghe nói đến những câu chuyện về tình yêu trong tiểu thuyết, những loại phim ảnh về tình yêu và những mối tình lãng mạn của những cặp trai gái mới lớn lên. Do đó mà quan niệm về tình yêu trong Thánh kinh nơi loài người đã bị nhiễm độc bởi những quan niệm về tình yêu trong sách vở, báo chí và phim ảnh. Vì thế nhiều khi chữ yêu vọng lên như một lời nói trống rỗng bởi vì người ta nói về mà không thực hành.
Tuy nhiên tình yêu trong Thánh kinh không phải là trống rỗng. Ðức Kitô đến diễn tả tình yêu bằng cách chết cho người yêu là nhân loại tội lỗi. Và tình yêu theo nghĩa Phúc âm đã trở thành một biến cố tử nạn trên thập giá. Trong Phúc âm hôm nay Chúa trích sách Ðệ nhị Luật (Ðnl 6:5) để trả lời người thông luật trong nhóm Pharisêu: Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi (Mt 22:37). Vậy thế nào là yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn? Ðây là kiểu nói của người Do thái nói lên tính cách toàn diện và trọn vẹn của tình yêu và có nghĩa là yêu bằng toàn diện con người. Vì thế cho nên trong Phúc âm thánh sử Marcô có thêm hết sức (Mc 12:30) vào từ yêu, thì tình yêu mà Chúa đòi nơi loài người phải dành cho Chúa cũng vẫn như vậy, không hơn không kém.
Còn giới răn thứ hai được trích từ sách Lêvi (Lv 19:18) cũng giống giới răn trước là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Mt 22:39). Mười Giới luật Thiên Chúa truyền cho Môsê trên núi Sinai (Xh 20) là những đòi hỏi tối thiểu đối với những người tin yêu và kính sợ Chúa. Những Giới luật này được các nhà lãnh đạo Do thái phân chia ra thành 613 khoản khác nhau gồm 248 khoản truyền dạy và 365 khoản cấm đoán. Bây giờ Ðức Kitô tóm tắt lại chỉ trong Hai Giới răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Câu trả lời của Chúa chỉ cho thấy Chúa trung thành với truyền thống và gia sản Do thái giáo. Ðã yêu mến Chúa thì cũng phải yêu mến người thân cận, nhìn nhận người thân cận như chính mình. Yêu mến Chúa và yêu mến thân cận là hai điều răn quan trọng nhất, gắn liền với nhau, không thể tách biệt như lời Chúa phán: Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy (Mt 22:40). Thánh Gioan, người môn đệ Chúa yêu nhắc nhở cho ta: Nếu ai nói họ yêu mến Chúa mà ghét tha nhân là người nói dối (1Ga 4:20-21).
Lý do ta phải yêu mến tha nhân vì tha nhân được tạo thành theo hình ảnh Chúa và được máu Con Thiên Chúa đổ ra để cứu chuộc. Yêu mến tha nhân có thể đi kèm với cảm giác, nhưng không phải là cảm giác. Yêu phải là việc đoan hứa và quyết định. Ta có thể không có cảm tình với người nọ người kia vì tính tình, tập quán, cách nhìn đời cũng như cách nói năng hành động của họ khác biệt với ta. Ðó là cảm giác, cảm tình của ta. Tuy nhiên ta phải làm quyết định không ngược đãi và áp bức người tha nhân, nhưng phải giúp đỡ tiền của cho người nghèo đói và áo che thân cho người rách rưới như lời Chúa dạy trong sách Xuất hành hôm nay (Xh 22:20-25).
Chúa dạy ta phải yêu người thân cận như chính mình. Yêu mình đây không hiểu theo nghĩa tự ái quá đáng. Yêu mình là bằng lòng với thân phận và số phận, chấp nhận mình, thoả mãn với những gì mình có: tài năng, sức khoẻ, của cải, nhan sắc. Yêu mình có nghĩa là biết đánh giá những gì Chúa ban. Yêu mình còn có nghĩa là biết tha thứ cho mình, sau khi mình đã làm lỗi và đã được tha thứ. Người ta thường chỉ nghĩ đến việc tha thứ cho người khác, nhưng ít ai nghĩ đến chuyện phải tha thứ cho mình. Sở dĩ người ta không nghĩ đến việc tha thứ cho mình, vì không mấy ai muốn nhận lỗi.
Khi người ta không yêu mình, người ta cũng khó có thể thực sự yêu ai. Khi người ta không thoả hiệp với chính mình, với tài năng, của cải mình có, với tầm thước, vóc dáng, diện mạo và điệu bộ của mình, thì người ta khó có thể dành thời giờ lưu ý đến tha nhân, vì người ta thường đóng khung trong cái cảm tình bất mãn và ghen tuông. Khi người ta không bằng lòng với số phận, người ta sẽ bận tâm, áy náy và lo ngại về mình, tìm cách biện hộ cho mình và phê bình chỉ trích người khác hầu che đậy những khuyết điểm của mình. Ðọc văn chương Việt Nam ta thấy có những nhân vật không bằng lòng với số phận. Người có nhan sắc như Thúy Kiều nhưng lại gặp mệnh bạc. Người có tài như Hồ Xuân Hương nhưng lại gặp số phận hẩm hiu, không kiếm được chồng. Người mơ ước được vào hoàng cung mà bị cho ở ngoài chầu rià, như chuyện Cung oán Ngâm khúc. Khi người ta phải mang những bệnh tật về thể xác và tinh thần lâu dài, người ta có thể phàn nàn, kêu trách và hận Chúa. Mà trách móc và oán hận Chúa thì không thể nói rằng người ta yêu mến Chúa bằng một tình yêu thanh thản.
Vậy thì bao lâu ta còn mang những bệnh tật, khổ đau trong thân xác và tâm hồn, ta cầu xin Chúa cho được biết chịu đựng, vác thánh giá của bệnh tật và đau khổ vì lòng yêu mến Chúa. Ta dâng lên cho Chúa bệnh tật đau khổ ta đang mang vác để được hoà lẫn với những hi sinh thánh giá của Chúa. Ta xin Chúa giúp để biết tìm ra ý nghĩa của hi sinh thánh giá. Châp nhận vì yêu, thánh giá mới biến đổi tâm hồn và đời sống. Ta cũng xin Chúa dạy cho biết cảm tạ Chúa là Cha đã ban phát cho ta mọi sự và là Ðấng quan phòng cho đời sống. Ðến với Chúa rồi, ta cầu xin cho được nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân, nhất là những người nghèo đói, khổ đau và xấu số.
Lời cầu nguyện xin Chúa dạy cho biết yêu ba chiều:
Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa đã đến
dạy bảo loài người về hai giới răn quan trọng nhất
phải yêu mến Chúa và đồng loại.
Xin dạy con biết sống trong tâm tình biết ơn
về những hồng ân Chúa ban: lớn hoặc nhỏ, ít hay nhiều.
Cũng xin dạy con nhận ra hình ảnh Chúa nơi tha nhân.
Và xin cho con biết chấp nhận bản thân và hoàn cảnh,
biết bằng lòng với số phận và thoả hiệp với đời sống,
để con có thể yêu Chúa và tha nhân với tâm hồn rộng mở. Amen.
LM. Trần Bình Trọng
----------------------------------
VietCatholic News (22/10/2005)
ROME (Zenit, org).- Trong bài suy niệm của ngài về các bài đọc phụng vụ, Cha Capuchin Raniero Cantalamessa, người Giảng Phủ Giáo Hoàng, noi về mệnh lệnh của Chúa phải yêu thương người lân cận của mình.
* * *
Matthêu 22:34-40
Ngươi phải yêu mến anh em ngươi
Ngươi phải thương tha nhân như chính mình ngươi." Khi thêm những lời "như chính mình ngươi," Chúa: TN30-A42
"Ngươi phải thương tha nhân như chính mình ngươi." Khi thêm những lời "như chính mình ngươi," Chúa Giêsu đã đặt một kính soi trước mặt chúng ta mà chúng ta không thể đánh lừa, Người đã cho chúng ta một biện pháp không thể sai được để khám phá nếu chúng ta có yêu hay không yêu tha nhân. Chúng ta biết rất rõ, trong mọi hoàn cảnh, yêu chính mình ra sao, và chúng ta muốn những kẻ khác làm gì cho chúng ta.
Nếu chúng ta chăm chú kỹ lưỡng, chúng ta nhận thấy rằng Chúa Giêsu không nói: "Điều kẻ khác làm cho ngươi, ngươi hãy làm cho họ." Điều này vẫn còn là "Lex talionis-ăn miếng trả miếng": "Mắt đền mắt, và răng đền răng."
Điều Người nói--điều ngươi muốn kẻ khác làm cho ngươi, thì ngươi hãy làm cho họ rất khác biệt. (x. Mt 7:12)
Chúa Giêsu xem tình yêu tha nhân như "mệnh lệnh của Người," mệnh lệnh tóm tắt toàn thể lề luật. "Đây là mệnh lệnh của Thầy, là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em" (Ga 15:12). Nhiều người đồng hóa toàn thể Kitô giáo với luật yêu người, và họ không sai.
Nhưng chúng ta phải cố gắng đi xa hơn một chút hơn bề mặt của những sự việc. Khi nguời ta nói về tình yêu tha nhân, người ta nghĩ ngay tới những "việc làm" bác ái, tới những sự phải làm cho tha nhân: cho họ ăn, uống, thăm viếng họ, nói tóm tắt là giúp đỡ tha nhân. Nhưng đó là hậu quả của tình yêu, chớ chưa phải là tình yêu. Lòng từ tâm tới trước sự làm phúc. Trước khi làm phúc, người ta phải muốn làm phúc.
Đức bác ái phải là "không giả vờ," tức là, phải chân thật (nghĩa đen, "không giả hình," Rm 12:9); người ta phải yêu "với một con tim trong sạch" ( 1 Pt 1:22). Trên thực tế, người ta có thể làm việc bác ái và bố thí vì nhiều lý do không dính dáp gì với tình yêu: tô điểm chính mình, để ra vẽ là một người làm điều thiện, được lên thiên đàng, và có khi để trấn an một lương tâm xấu.
Nhiều việc bác ái của chúng ta cho những nước Thế Giới Thứ Ba không phải do tình yêu sai khiến, nhưng do một lương tâm xấu. Chúng ta thừa nhận sự khác biệt gây gương xấu hiện hữu giữa chúng ta với họ, và chúng ta cảm thấy trách nhiệm phần nào về sự khốn khổ của họ. Người ta có thể thiếu lòng bác ái dầu khi "làm việc bác ái!"
Đó là một lầm lẫn tai hại nếu so sánh tình yêu chân tình và những việc làm bác ái, hoặc tìm nơi ẩn náu trong những khuynh hướng nội tại tốt đối với những kẻ khác hầu tìm trong đó một lý do biện minh cho sự thiếu đức bác ái tích cực và cụ thể của chúng ta.
Thánh Giacôbê nói, nếu bạn đi ngang qua một người đói nghèo bị lạnh cóng xương, thật có ích gì nếu bạn nói với họ: "Anh nghèo kia ơi, hãy đi sưởi
ấm và ăn một chút gì," nhưng lại không cho họ điều gì họ cần?
Thánh Gioan nói thêm, "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm" ( 1 Ga 3:18). Do đó, không nên chê bai những việc làm bác ái bên ngoài, nhưng phải bảo đảm rằng những việc làm đó dựa trên một cảm giác chân thật của tình yêu và lòng từ tâm.
Sự bác ái chân tình hay nội tâm là một sự bác ái mà tất cả chúng ta có thể thực hiện, nó có tính phổ quát. Đó không phải là một sự bác ái mà một số người--giàu có và khỏe manh- có thể cung cấp và những người khác là những người nghèo và bịnh hoạn chỉ có thể nhận lãnh. Tất cả có thể cho và nhận lấy sự bác ái. Hơn nữa, đó là hoàn toàn cụ thể. Đó là một vấn đề khởi sự nhìn với những cặp mắt mới về những tình huống và những người chúng ta đang sống với. Cặp mắt gì? Đơn giản: với những cặp mắt mà chúng ta muốn Chúa nhìn đến chúng ta--cặp mắt tha thứ, từ tâm, thông cảm, thứ lỗi!
Khi điều đó xảy ra, tất cả những tương quan thay đổi. Tất cả những lý do để phòng xa và đối nghịch đã ngăn trở yêu một người náo đó, tiêu tan dường như bởi một phép lạ, Và con người đó bắt đầu xem ra cho chúng ta điều họ thật sự là: một tạo vật nghèo chịu đau khổ vì sự yếu kém và những hạn chế của họ, như bạn, như mọi người.
Dường như cái mặt nạ mà những con người đang mang rớt xuống, và dường như mới cho chúng ta thấy thực sự khuôn mặt của con người ấy.
Đức Ông Nguyễn Quang Sách
----------------------------------
Sống trăm năm một cuộc đời - đời người đi Đạo - dân con Đức Chúa Trời vẫn thường nghe lời: TN30-A43
Sống trăm năm một cuộc đời – đời người đi Đạo – dân con Đức Chúa Trời vẫn thường nghe lời cầu chúc rất cao sang như:
“Nó lại chúc nhau cái sự sang,
Người thì bán tước, kẻ mua quan”. ( Trần Tế Xương )
Về với sáu mươi năm hành Đạo – Đạo của con dân sống ở đời – người Giáo Dân bậc thứ lại được biết các nhận định rất hiền và rất từ như: “Anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa khi đón nhận Lời Ngài giữa bao gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban cho” ( 1 Tx 1, 6 )
Có một Giáo Dân người Việt kể cho tôi nghe về nỗi gian truân anh chịu đựng trên bước đường lưu lạc, tạm dung nơi xứ người. Tên anh là Nguyễn Văn Mạnh, con trai của một gia đình đông con gồm 8 trai, 4 gái. Năm 1978, ba mẹ anh, tuy là nông gia chất phác chẳng biết nhìn xa trông rộng, nhưng cũng thấy được tình hình nguy cập không thể chăm nổi đàn con 12 đứa, nên đã quyết định cho một cháu gửi nó lên tàu theo đám người vượt biển, vượt biên. Và, hành trình của những người này đầy hãi hùng, kinh khiếp, đầy những nguy cơ bỏ xác nơi biển Đông.
Bốn giờ sáng hôm ấy, có tiếng gõ nhẹ nơi cửa, người ta đến đón, Mạnh chào ba mẹ lần cuối để từ biệt. Và đó cũng đích thực là lần cuối cùng trong đời anh còn thấy mặt mẹ cha. Vừa bước chân ra khỏi nhà, anh được bịt mắt dắt lên xe tải đưa đi theo đường dây, được giữ kín. Hành trình kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ, ngang qua nhiều khu rừng rậm. Cuối cùng, anh cũng ra tới bãi đáp vắng lạ. Đến đây, vừa cởi băng bịt mắt, anh mới biết là mình còn sống. Mạnh kể lại: Nếu chẳng may gặp phải những người thất đức, chỉ biết tính toán tiền bạc, thì chắc anh đã bỏ xác ở đâu đó, giống nhiều gia đình có con ra đi biệt tăm, vô âm tín.
Mạnh còn kể: chúng con rất may là được đưa lên “tắc-xi” ra gặp “cá lớn”. Ghe bầu được gọi là “cá lớn” chỉ có sức chứa tối đa 10 người, thế mà họ cũng chất nêm đến 29 mạng người. Thực phẩm, xăng dầu, nước uống không được trang bị chu đáo cho chuyến đi dài ngày, những hai tuần. Mọi người trên chiếc xuồng câu ọp ẹp đều mệt lả, đói khát và bệnh tật vì phơi nắng suốt tuần đến khô miệng. Cướp biển người Thái bắt gặp đã không hề nương tay. Họ nhẫn tâm hãm hiếp tất cả phụ nữ trên ghe, vứt xác 6 người xuống biển vì mấy người này không còn đủ sức chịu đựng được nữa.
Vừa thấy đất liền, 20 người còn lại tưởng chừng hy vọng sống sót đã gần kề, ai ngờ Hải Quân Mã Lai, tuân lệnh trên, lại dùng súng đuổi thuyền nhân người Việt trở ra Hải Phận Quốc Tế, không thương tiếc. Mạnh nói: “Vào giờ phút đen tối ấy, con như mất hết niềm tin vào Chúa Mẹ lẫn tình nguời. Chỉ biết chờ chết, mà thôi.”
May cho Mạnh gặp được tàu buôn người Hà Lan cứu vớt cho nước, tặng thực phẩm, xăng dầu và cặp mạn đưa về đất liền Phi Luật Tân chờ một đệ tam quốc gia tiếp vớt. Cuối cùng, Mạnh đã được nước Úc chấp thuận cho tạm dung. Và, một năm sau đó, anh đặt chân lên Sydney, ổn định cuộc sống. Nay, sau nhiều năm cố gắng cần cù, anh đã ra bác sĩ , quyết định quay lại giúp đỡ cộng đồng vùng thôn quê suốt 2 năm liền, không lấy một đồng thù lao.
Trong sách Xuất Hành hôm nay, Đức Chúa nói với Mô-sê: “Ngươi không được ngược đãi, áp bức các ngoại kiều vì chính ngươi cũng từng là ngoại kiều trên đất Ai Cập.” Ở Tin Mừng Mát-thêu, Đức Ki-tô cũng khẳng định: “Các con hãy yêu mến Đức Chúa và thương yêu người thân cận hết lòng trí và tâm hồn, cho phải phép”.
Riêng tôi, tôi nghĩ: với thế giới Tây Phương, hiện nay chẳng có vấn đề nào cấp bách mời gọi chúng ta thi hành triệt để như vấn đề đối xử với các di dân, tị nạn. Dạo gần đây, nhiều nước trên thế giới đã có lòng tốt đón tiếp những người chọn rời bỏ hoặc trốn khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình. Vốn sẵn giàu sang có đủ tiền của Trời cho như nước Úc, thì việc đón tiếp những người mang phận hẩm hiu cũng là chuyện đương nhiên, dễ hiểu. Càng dễ hiểu hơn nữa, khi các nước phương Tây của chúng ta nay cũng đã định ra số lượng người mỗi năm để thâu nhận vào cửa ngõ mình tạm dung vì những lợi ích chung.
Tin Mừng hôm nay, Đức Ki-tô không hứa trước với ta rằng: việc chứng tỏ mình mến Chúa và yêu người thân cận không phải là không gây cho chúng ta tốn kém tiền bạc. Nhưng luật thương người mà Đức Chúa dạy ta phải làm, luôn kéo theo những đòi hỏi hy sinh cao độ. Đòi hỏi ấy gửi đến cho chúng ta với tư cách cá nhân hay đòan thể, đất nước. Nếu công nhận lời dạy như thế ấy, thì ta cũng phải có quyết tâm đùm bọc người thân cận của mình nữa. Ở một đoạn khác trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Ki-tô còn nhắc nhở: “Ai nhận nhiều, sẽ phải cho nhiều”.
Điều đáng buồn là: nhiều người trong chúng ta đều muốn có đời sống tốt đẹp, nhưng lại ít ra tay nghĩa hiệp giúp cho than nhân từ nơi khác hoặc từ các nước khác đến, có thể kiến tạo được đất lành dễ sống. Rốt cuộc, chúng ta có khi cũng đã chối từ san sẻ mọi tốt lành ta đã thừa hưởng hoặc đã tạo được do cần cù lao động mới có.
Thánh Mát-thêu còn kể cho ta nghe câu chuyện Đức Ma-ri-a, Thánh Giu-se và Chúa Giê-su đã phải rời It-ra-en để tá túc bên đất Ai Cập, sống kinh nghiệm của “người di tản buồn”. Ngày nay, nếu Gia Đình rất Thánh của Chúa Giê-su cũng lại đến với ta, xin định cư giống như những người tị nạn hôm nay, thì chắc cũng sẽ bị tống khứ gửi về cho bạo chúa Hê-rô-đê xử lý, mà thôi.
Cầu mong cho Tiệc Thánh hôm nay giúp ta có được sự đổi thay tận đáy lòng để ta biết hành xử cho đúng với mọi người, ở mọi nơi. Mọi người có nghĩa là và có thể là chính người cận thân hoặc cận lân. Họ có thể là khách lạ tị nạn hoặc bạn bè thân quen đang túng quẫn. Túng và quẫn không chỉ về thể xác. Túng và quẫn cả về mặt tinh thần và trí tuệ nữa. Họ là những người không cần được chúc “cái sự sang” hoặc “có quan có tước” đầy mình. Nhưng, vẫn chỉ muốn làm một Giáo Dân hạng thứ, hoặc dân thường ở huyện. Cũng chỉ muốn xin hai chữ bình an và yên hàn...
Lm. DÃ SƠN MINH CÁT ( Úc ), bản dịch của Mai Tá
----------------------------------
Có một chứng bệnh mỗi ngày một trở nên trầm trọng trong xã hội ngày nay, đó là chứng bệnh: TN30-A44
Có một chứng bệnh mỗi ngày một trở nên trầm trọng trong xã hội ngày nay, đó là chứng bệnh cô đơn. Thực vậy, giữa thời buổi kinh tế thị trường, người ta đổ xô về thành phố. Thế nhưng, dân số thành phố càng gia tăng thì chứng bệnh cô đơn lại càng trầm trọng. Người ta sống cách nhau chỉ một bức tường mà không hề biết đến tên tuổi của nhau. Trong một chung cư, kẻ ở lầu trên, ra vào cùng một lối mà chẳng biết đến kẻ ở lầu dưới. Mỗi người trở thành như một hòn đảo, một pháo đài biệt lập. Đời sống càng xô bồ chen chúc, thì con người lài càng cảm thấy cô đơn. Mặt trời dường như mỗi ngày một thêm nóng bức và oi ả, mà lòng người thì mỗi ngày một thêm lạnh lùng và băng giá. Thiên hạ đối xử với nhau ngày càng thêm hờ hững và xa lạ. Vậy đâu là phương thuốc trị liệu cho chứng bệnh cô đơn này?
Theo tôi nghĩ chúng ta không có một phương thuốc nào hiệu nghiệm cho bằng hãy mến Chúa và yêu người. Hay như Chúa Giêsu đã phán qua đoạn Tin Mừng hôm nay: Giới răn thứ nhất là hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng, còn giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất, đó là hãy yêu thương tha nhân như chính mình. Tuy nhiên, đây không phải là hai giới răn riêng biệt, nhưng chỉ là một giới răn duy nhất. Yêu người chỉ là sự biểu lộ và hậu quả tất nhiên của lòng mến Chúa. Có yêu người thì mới có thể mến Chúa. Và ngược lại, có mến Chúa thì mới có thể yêu người.
Từ đó chúng ta suy ra: nguyên nhân sâu xa nhất tạo nên chứng bệnh cô đơn, chínhy là vì con người đã xa lìa Thiên Chúa. Thực vậy, cùng với những thành quả của khoa học, con người đã muốn truất phế Thiên Chúa, họ muốn nói lên như dân Do Thái ngày xưa: Chúng tôi không muốn nó cai trị trên chúng tôi. Hẳn chúng ta còn nhớ khi phi thuyền Spoutnick được phóng lên không gian và trở về địa cầu, phi hành gia Gargarine đã tuyên bố với báo chí: Từ nay sẽ không còn ai dám nói rằng có một Thiên Chúa điều khiển trăng sao nữa. Thế nhưng, nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy dăm ba chiếc phi thuyền nhỏ xíu di chuyện trong một khoảng thời gian nào đó trên không trung, làm sao có thể sánh ví với hàng triệu triệu vì sao quay cuồng trên bầu trời, không bằng một hạt cát trong sa mạc, không bằng một giọt nữa giữa biển khơi. Chính vì thế, Carnégie đã nói: Về phương diện khoa học kỹ thuật, loài người đã tiến được những bước khá cao, nhưng về phương diện tinh thần và tôn giáo, họ vẫn còn dậm chân trong một tình trạng ấu trĩ. Chúng ta có tiền nhiều, có áo tốt, có nhà cao, có xe xịn…nhưng lại thiếu bồi dưỡng về tình thần vì con người thời nay đã mất niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin sẽ là như khí trời, thiếu nó chúng ta sẽ bị ngột ngạt và căng thẳng. Không tin vào Thiên Chúa là nguồn mạch mọi tình thương, chúng ta cũng không thể nào tin vào tình người một cách chân thành và bền bỉ. Vì lòng yêu người chỉ là hoa trái của tình mến Chúa mà thôi.
Bởi đó, ngày nay hơn bao giờ hết, con người phải quay trở về cùng Thiên Chúa, như lời bác học Von Braun đã tuyên bố: Nhờ những hiểu biết về không gian, nhiều người ngày nay cho rằng chúng ta cần phải tin có Thiên Chúa hơn cả những người sống trong thời trung cổ. Bởi đó, những kẻ coi khoa học là chủ tể của con người, thì chỉ biểu lộ sự nông cạn, hẹp hòi của mình mà thôi. Chính vì thế, Pascal đã nói: Khoa học nông cạn làm cho con người xa lìa Thiên Chúa, nhưng khoa học khôn ngoan sẽ dẫn đưa con người tới gần Ngài.
Một khi đã trở về cùng Thiên Chúa, một khi đã tới gần Ngài, chúng ta sẽ không còn cô đơn và tuyệt vọng, nhưng sẽ tràn đầy niềm hy vọng như lời Thánh Vịnh 17 đã diễn tả: Dù có đi giữa bóng tối hãi hùng của sự chết, tôi không còn lo sợ, vì Chúa ở cùng tôi. Hơn thế nữa, một khi đã trở về cùng Thiên Chúa, một khi đã tới gần Ngài, chúng ta mới tìm thấy được cái nền tảng vững chắc, cũng như những giá trị siêu nhiên cho vệc yêu người. Thực vậy, tại sao chúng ta lại phải yêu thương người khác? Vì có chung một Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta là anh em. Bởi đó phải yêu thương nhau. Ngoài ra những hành động bác ái và yêu thương còn có một giá trị vĩnh cửu, bởi vì khi giúp đỡ người khác là chúng ta đã giúp đỡ cho chính Chúa vậy. Trong ngày phán xét, Ngài sẽ tra hỏi chúng ta về vấn đề này, và rồi dựa vào đó mà ấn định số phận đời đời của mỗi người chúng ta.
----------------------------------
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt 22,34-40
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ.
Người Do Thái có quá nhiều luật lệ. Họ lại có thái độ duy Lề Luật. Nên tỉ mỉ tuân giữ tất cả mọi: TN30-A45
Người Do Thái có quá nhiều luật lệ. Họ lại có thái độ duy Lề Luật. Nên tỉ mỉ tuân giữ tất cả mọi điều. Không còn biết điều nào là chính điều nào là phụ nữa. Hôm nay, nhân một câu hỏi. Chúa Giêsu đã cho ta biết chỉ có một điều luật quan trọng: LUẬT YÊU MẾN. Luật này có 2 khía cạnh.
1) Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Nghĩa là yêu mến hết khả năng, hết sức lực. Ta phải yêu mến Chúa như thế thật hợp tình hợp lý.
Vì Chúa đáng yêu đáng mến vô cùng. Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện hảo. Ngài là toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ. Nơi Ngài không có một tì vết, khuyết điểm nào. Trong đời sống ai cũng yêu thích những gì tốt đẹp. Chúa là Đấng vô cùng tốt đẹp. Yêu mến Ngài là điều tự nhiên. Ai hiểu biết cũng đều yêu mến Chúa.
Hơn nữa Chúa còn là Đấng sinh thành ra ta. Chính Chúa ban cho ta tất cả. Ta có mặt ở đời này là do ý định của Chúa. Tất cả nhừng gì chúng ta có và chúng ta là đều bởi Chúa. Chúa là vị ân nhân lớn nhất của ta. Yêu mến Chúa là việc làm không những tự nhiên mà còn là bổn phận nữa.
2) Yêu người thân cận như chính mình. Đó là điều răn thứ hai mà Chúa Giêsu nói cũng giống như điều răn thứ nhất. Thực ra đó chỉ là một điều răn vì những lý do sau:
Yêu Chúa và yêu người là hai khía cạnh của một tình yêu. Tình yêu chân thật là tình yêu không có giới hạn, không có loại trừ. Vì thế đã yêu Chúa thì phải yêu người. Nếu tình yêu bị giới hạn, có loại trừ thì sẽ trở thành giả tạo.
Tình yêu đối với tha nhân kiểm chứng tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ nơi Người: Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).
Còn hơn thế nữa. Ai yêu anh em là yêu chính Chúa. Vì Chúa ở trong anh em. Hơn thế nữa, Chúa ẩn thân trong những anh em bé mọn nhất. Vì thế trong ngày phán xét Chúa nói với ta rằng: “Ta bảo thật cho các người: mỗi lần các người làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các người đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25-40).
Tất cả mọi điều răn khác đều quy về hai điều răn này. Nếu ta giữ trọn vẹn giới răn này, không những ta chu toàn Lề Luật mà còn góp phần xây dựng một thế giới mới, thế giới chan hòa yêu thương, chan hòa tình người. Và đó chính là khởi điểm của thiên đàng mai sau.
III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU.
1) Yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn. Bạn thấy điều này có hợp tình hợp lý không?
2) Tại sao ta phải yêu tha nhân?
3) Bạn có cảm nghiệm được niềm vui khi ta yêu thương không?
4) Bạn nghĩ thế nào về một thế giới trong đó chỉ có những người yêu thương nhau.
----------------------------------
Vào thời Chúa Giêsu có 2 phong trào đối địch cố gắng nắm lấy uy thế lãnh đạo dân Do thái: TN30-A46
Vào thời Chúa Giêsu có 2 phong trào đối địch cố gắng nắm lấy uy thế lãnh đạo dân Do thái, đó là phái sa-đốc và biệt phái. Những người sa-đốc đã bị Thày chí thánh khóa miệng, đến lượt những người Biệt phái tìm cách gây khó cho Ngài; nếu thành công họ sẽ được hai cái lợi: qua mặt người sa-đốc và tiêu hủy uy tín của Chúa Giêsu. Họ hội họp nhau trong ý định ấy và thỏa thuận gởi một người trong bọn họ, chuyên gia về Lề luật, đến gặp Chúa Giêsu để hỏi Người về vấn đề tranh luận bất tận trong giới ký lục và luật sĩ. Thực vậy họ đã mổ xẻ lề luật và đã chia lề luật làm 613 huấn giới, 365 điều cấm, 48 chỉ thị. Trước một toàn bộ như thế, một số người Do thái bỏ hết thời giờ xem xét cách sống của mình để sao cho phù hợp với lề luật, một số thì chịu. Do đó một số mới tự hào xem mình là công chính và một số khác sinh lo âu thấy mình là kẻ phạm luật. Cả 2 đều không biết đến sự tự do tinh thần của tình yêu. Vì thế hiểu được có nhu cầu tổng hợp và đơn giản hóa lề luật. Các người Biệt phái chất vấn Chúa Giêsu về vấn đề tế nhị này. Ngài tổng hợp ra sao, Ngài đơn giản theo nguyên tắc nào? Câu trả lời của Chúa Giêsu không muốn mới mẻ và đề ra cái độc đáo. Chỉ có thể nằm trong đường hướng nguyên thủy của một bản luật do Thiên Chúa ban truyền. Câu trả lời chỉ nhắc lại. Thái độ vụ luật tỉ mỉ chi li của người Biệt phái hay khiến họ quên điều chính yếu của lề luật: do Thiên Chúa ban truyền. Luật thánh nhằm nối kết con người với Thiên Chúa. Chúa Giêsu nhắc lại ngọn nguồn và ý nghĩa của lề luật là gì. Lề luật nhằm tạo tương quan yêu thương với Thiên Chúa là Tình thương; bởi đó tình yêu đồng đều Thiên Chúa ban phát cho mỗi người phải liên kết người ta lại với nhau bằng một phản ảnh của tình yêu ấy. Giới răn thứ nhất là kính mến Thiên Chúa và giới răn thứ hai giống như vậy yêu mến người lân cận.
1) Người ta có thể yêu mến Tuyệt đối được không? Có thể yêu mến Đấng xưng mình bằng danh “Ta có” không? Thờ phượng Ngài thì được, nhưng yêu mến Ngài? Thế nhưng tôn giáo Israel và Kinh thánh không ngừng diễn tả một tác động của tâm hồn phải gọi là tình yêu mến. Như vậy có nghĩa là mạc khải ban cho dân Thiên Chúa, khác hẳn các tôn giáo khác. Thông thường các dân chọn và tạo lấy cho mình các huyền thoại, các thần thánh. Trong trường hợp Israel, chúng ta thấy chính Thiên Chúa đã chọn lấy một dân, hành động khởi đầu do từ Thiên Chúa đến và là một hành động yêu mến. Israel được kêu mời yêu mến một Thiên Chúa không phải trừu tượng xa vời, nhưng là sống động và có mặt điều khiển lịch sử của dân. Hiểu cho đúng, lề luật đã khơi động tiềm lực của trái tim. Ta sẽ đặt Luật Ta vào đáy lòng chúng và sẽ viết lên trái tim chúng (Gr 31,33). Phải, người ta có thể yêu mến Tuyệt đối khi Tuyệt đối mang tên Thiên Chúa Israel. Do đó Chúa Giêsu quả quyết rằng giới răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa.
2) Nhưng Thiên Chúa Israel đã có mặt và tích cực hoạt động trong lịch sử một dân tộc và trong tâm hồn các tín hữu, còn muốn hơn nữa, Con Thiên Chúa khi làm người ước ao được người ta yêu mến bằng tất cả tiềm năng của trái tim loài người. Yêu mến Đấng “Hằng có” được mạc khải cho Môi-sê là một giai đoạn đáng kể của quá trình nhân loại vươn lên tới Thiên Chúa, nhưng chưa phải là trình độ của Phúc âm. Từ Nhập thể Thiên Chúa đã làm người. Ngài có thể làm đối tượng cho toàn thể tác động thâm sâu bao gồm trí khôn, ý chí, cảm xúc, tóm gọn trong chữ “yêu mến” và tác động ấy đặt vào một ai có thể đến gần. Con Thiên Chúa đã đích thân đặt mình vào chỗ khả năng yêu mến của con người có thể tới. Một sự kiện đầy ý nghĩa. Chúng ta đều biết tầm quan trọng của tên người mà mình yêu trong khi yêu. Vậy mà Israel có lề luật tóm tắt trong việc yêu mến đã đánh mất cách đọc chân thật tên Thiên Chúa mình. Người ta không biết danh hiệu “Giavê” có phù hợp với cách đọc nguyên thủy của tên Thiên Chúa hay không. Từ Phúc âm thì không còn như thế nữa. Giáo hội (nghĩa là những người con ưu tú nhất của Giáo Hội) yêu mến Chúa mình là Đức Kitô đến nỗi sẽ không bao giờ quên Tên mà chỉ đọc lên đã làm vui thỏa các thánh. Tên cực trọng Giêsu.
----------------------------------
Nếu một cuộc trung cầu dân ý được hỏi ý kiến của mọi người xem ai là người đá banh hay: TN30-A47
Nếu một cuộc trung cầu dân ý được hỏi ý kiến của mọi người xem ai là người đá banh hay nhất trong mọi thời, hoặc ai là diễn viên giỏi nhất, hoặc ai là nhà soạn nhạc giỏi nhất, thì sẽ có rất nhiều ý kiến. Vì hôm nay những người đương thời với Chúa Giêsu đặt ra câu hỏi: điều nào trong lề luật là cao trọng nhất? Điều đó có một câu trả lời đơn giản hiển nhiên cho bất cứ một ngươi Do thái sốt sắng nào. Dù cho lề luật của người Do thái rất nhiều những không có gì ngạc nhiên khi Chúa Giêsu trả lời: “Các người hãy yêu mến Thiên Chúa là Thiên Chúa của các ngươi với hết tâm hồn, hết trái tim, hết trí khôn ngươi”. Những điều đáng ngạc nhiên là Chúa Giêsu đã nhấn mạnh thêm: “Các người sẽ yêu mến người láng giềng của các người như chính mình”. Câu hỏi: “Lề luật nào là cao trọng nhất?” chỉ có một câu trả lời:
Chúa Giêsu đã cho hai câu:
- Câu trả lời đầu tiên được trích từ sách Đệ Nhị Luật đoạn 6 câu 2
- Câu trả lời thứ hai từ sách Lêvi đoạn 19 câu 18.
Chúa Giêsu không nói một điều gì mới. Sự góp phần độc nhất của Người là nối kết hai điều luật, trong hai sách tách biệt của Thánh Kinh và làm chúng nên một. Sự nhấn mạnh của người là không thể có tình yêu thật, tình yêu Thiên Chúa thật, nếu không có tình yêu người láng giềng, tình yêu tha nhân, và không có tình yêu tha nhân nếu không có tình yêu Thiên Chúa.
Hầu hết mọi người có ý ngay lành đều thường nghĩ dễ dàng hơn hoặc ít đòi hỏi hơn, để yêu mến Thiên Chúa thì dễ hơn yêu mến con người. Sau hết chúng ta biết rằng Thiên Chúa là hoàn hảo. Nếu như chúng ta cảm thấy rằng Thiên Chúa không làm đúng bằng chúng ta, thì những lỗi nằm trong sự thất bại của chúng ta, chúng ta dễ hiễu vì chúng ta không phải là Thiên Chúa. Không thể nói về sự liên hệ của chúng ta với con người cách tương tự. Ngay cả những người mà chúng ta yêu mến cũng có thể làm phiền chúng ta lúc chúng ta đang tìm kiếm một chút bình an và thinh lặng, cản trở chúng ta khi chúng ta đang nói chuyện, hoặc khi chúng ta đang dò các kênh của TV, để tìm một chương trình đặc biệt, lời lẽ hùng biện của chính trị có thể khiến chúng ta chống lại những người mẹ không kết hôn đang phải nhờ vào trợ cấp an ninh xã hội, hay là những người tự mãn có thể ảnh hưởng chúng ta trong việc coi rẽ, khinh thường, những người không có việc làm và những người vô gia cư, và ý kiến chung có thể chuyển chúng ta tới một sự coi thường nền tảng sự sống con người qua việc phá thai, chết êm dịu, án tử hình.
Nếu tôn giáo của chúng ta nhấn mạnh không gì hơn là đến nhà thờ cám ơn Chúa vì những đặc ân Ngài ban và để cầu nguyện xin Ngài trợ giúp, điều đó sẽ hầu như luôn luôn là một sự thích thú và một kinh nghiệm dễ dàng. Nhưng ngay trong thánh lễ, chúng ta được kêu gọi để diễn tả tình yêu của chúng ta cho anh em đồng loại thấp kém hơn.
Sau bài giảng chúng ta cất tiếng nài xin cho những dự định quảng đại được thực hiện. Chúng ta thường cầu nguyện cho những nhu cầu của Giáo hội, cho nhà cầm quyền, cho sự cứu độ của thế giới, cho những người bị bất công, bị cướp mất những nhu cầu, cho cộng đoàn địa phương của chúng ta. Lời cầu nguyện này là một phần hợp pháp trong sự thờ lạy Thiên Chúa giúp chúng ta làm viên mãn lề luật yêu thương tha nhân, chúng ta trao cho nhau những dấu chỉ chúc bình an, và điều này thật sự là một lời cầu nguyện khiến chúng ta có thể hoàn tất sự hợp nhất và bình an với những người khác mà Chúa Giêsu trong Thánh Thể đã dự định dành cho chúng ta.
Sự cám dỗ là tách biệt tình yêu Thiên Chúa ra khỏi tình yêu tha nhân. Chúa Giêsu sẽ không nghe những lời nguyện ấy. Lề luật yêu mến Thiên Chúa và lề luật yêu mến tha nhân tuy đã được giới thiệu trong hai sách riêng biệt của Thánh Kinh, nhưng chúng không được tách riêng trong trái tim của chúng ta, trong hành động của chúng ta.
----------------------------------
Một lần nữa những người Pharisêu muốn giăng bẫy Chúa Giêsu, kiểm tra giáo lý của Ngài, dồn: TN30-A48
Một lần nữa những người Pharisêu muốn giăng bẫy Chúa Giêsu, kiểm tra giáo lý của Ngài, dồn Ngài vào chân tường, dẫn Ngài vào trong sự rắc rối của hàng ngàn luật lệ. Người ta sắp thấy điều Ngài biết, sắp thấy Ngài có dạy dỗ tốt điều cần phải dạy dỗ hay không.
Chúa Giêsu thoát ra khỏi cái bẫy với một sự tự do, một sự trong sáng và một sức mạnh sáng tạo làm cho những người Pharisêu không nói được một lời nào. Ngài trích dẫn hai câu cổ điển: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa... Ngươi phải yêu thương anh em ngươi...”. Đây là câu trả lời đơn giản của học trò giỏi, nhưng Ngài rút ra từ đó hai điều mới lạ.
Điều thứ nhất, Ngài đưa hai điều luật tới gần nhau bằng cách cho hai điều luật đó có tầm quan trọng như nhau. Kể từ giây phút này tình yêu thương anh em được nâng lên gần với tình yêu thương Thiên Chúa và sẽ không rời ra nữa.
Điều thứ hai, Ngài làm cho viên ngọc duy nhất nay sáng lên bằng cách để cho nó ngự trị trên toàn bộ những điều chúng ta nghĩ và làm: tất cả đều tuỳ thuộc vào tình yêu. Việc kể ra nhiều những điều phải làm hoặc không được làm, làm phát sinh hàng ngàn câu trả lời cho một câu hỏi: tôi có thể yêu thương như thế nào?
Chúa Giêsu nói tất cả những gì chứa đựng trong Kinh Thánh, lề luật và các tiên tri, và do đó tất cả những gì Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta, phát xuất từ hai điều răn gắn với nhau này. Những người chẻ sợi tóc làm tư đã hỏi Ngài nay bị buộc quay về điều cốt lõi: “Hãy yêu thương”.
Chúng ta cũng thế, chúng ta cảm thấy rằng tuân giữ hoàn toàn hai giới răn lớn này là một cách thức triệt để, nhưng có tính cách bó buộc đến nỗi chúng ta thích đi quanh co ở giữa hàng ngàn điều qui định. Đàng khác, những qui định này là cần thiết, “yêu thương” thì quá mơ hồ, phải hun đúc yêu thương bằng những bó buộc khác nhau. Tôi phải biết rằng tôi thật sự yêu mến Thiên Chúa và anh em của tôi nếu tôi làm điều này điều kia.
Nhưng thế rồi nổi lên một nguy cơ muôn đời: làm mất tác dụng sự bó buộc yêu thương bằng việc cứ nhắm mắt tuân thủ bó buộc đó. Với ít nhiều ý thức chúng ta lý luận theo cách này: nếu tôi làm tất cả những gì được yêu cầu thì đã yêu thương rồi đó. Không đâu. Điều đó chưa đúng, bởi vì điểm xuất phát thì xấu. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng tất cả trước tiên tùy thuộc vào dự kiến triệt để đó là yêu thương. Chúng ta đừng bao giờ bắt đầu bằng hàng ngàn điều phải làm nhưng là bằng xác tín mà tất cả đều tuỳ thuộc vào đó: tôi phải yêu thương.
Theo Tin Mừng, bí mật của cuộc sống là: trước hết phải thực hành yêu thương điều gì đó một cách hoàn toàn vô điều kiện. Thế rồi ý thức muốn yêu thương này sẽ dần dần hóa thân vào trong tất cả các biến cố, các cuộc gặp gỡ và các sự tuân phục –nhưng không đắm chìm vào trong đó. Sẽ là bất hạnh nếu lại rơi vào trong sự âu lo và sự nô lệ hàng ngàn giới răn, sau khi đã nhận được từ Chúa điều răn ngắn nhất và tự do nhất trong số các điều răn của cuộc sống: Tôi có yêu thương hay không?
----------------------------------
Các cuộc tranh luận giữa bọn Biệt Phái về phương diện Giáo lý, đã đi tới chỗ quyết liệt nhất: TN30-A49
Các cuộc tranh luận giữa bọn Biệt Phái về phương diện Giáo lý, đã đi tới chỗ quyết liệt nhất là khi tìm xem điều gì cốt yếu.
“Giới luật nào quan trọng nhất?”. Bọn Biệt Phái hỏi Chúa như thế. Họ mong muốn Chúa sẽ trình bày luật pháp là tạm thời, rồi mưu mô đề cao lời của Ngài để nhờ đó, họ có thể công kích hoặc nói rằng Ngài chỉ nêu lên một điểm trong toàn bộ luật pháp, và vì thế họ cũng có thể làm Ngài thua cuộc. Nhưng Đức Kitô thấu triệt được thâm ý của họ. Ngài đi thẳng vào vấn đề: nghĩa là Ngài nêu lên điểm gì là quyết định, chủ yếu, đúng như lời Thiên Chúa đã dạy, tức là nêu lên một phương diện chung duy nhất đó là đức ái.
Mến Chúa là điều cốt yếu. Điều cốt yếu không phải chỉ là khúm núm sụp lạy Thiên Chúa tạo hóa, cũng không phải là lời tuyên xưng tội lỗi của tội nhân, cũng không là cách chiêm niệm siêu thoát của một người đặc biệt, cũng không là ơn xuất thần của một tâm hồn huyền bí. Nhưng điều cốt yếu là đức ái, tức là dòng nước tình ái giữa Chúa và ta. Đó là tình trạng hiệp nhất thâm sâu và nồng thắm, là ngọn lửa thánh thiện bừng cháy trong tâm hồn, là thái độ hiến thân trọn vẹn để được tan biến trong đấng duy nhất và oai nghiêm là Thiên Chúa. Yêu và được yêu là mầu nhiệm thâm sâu nhất của Tôn Giáo Chúa Giêsu. Ở đây không có vẻ rườm ra như một tôn giáo vị luật, nhưng Ngài chỉ quyết đáp một điểm về bản tính đích thực của luật. Tất cả những giới luật chi tiết khác phải hỗ trợ cho điểm trung tâm này. 10 giới răn chỉ là những đường hướng hoạt động khác biệt. Muốn tuân giữ các giới răn ấy, phải có một lòng mến trung thực thấm nhuần tâm hồn và cảm năng, nghĩa là tâm hồn được chìm đắm sâu xa trong vẻ cao trọng huyền nhiệm của Thiên Chúa.
------------------------------------------
- Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
Biệt phái tụ họp lại một chỗ": Kiểu nói được dùng ở đây (“sunôthêsan epi to auto") là một trích: TN30-A50
"Biệt phái tụ họp lại một chỗ": Kiểu nói được dùng ở đây (“sunôthêsan epi to auto") là một trích dẫn nguyên văn từ Thánh vịnh 2,2: "Vua chúa trần gian dấy binh khởi nghĩa, vương hầu liên minh một khối (dịch sát chữ: "tụ họp lại một chỗ" (sunêthôsan opi to auto) chống lại Giavê và Chúa Kitô của Ngài". Thế mà, trong 26, 3 Mt sẽ còn dùng lại cùng động từ ấy (ở cùng một cách, một thì, một ngôi) để diễn tả âm mưu tại nhà Caipha giữa các thượng tế và các kỳ lão nhằm giết Chúa Giêsu. Qua sự tương đồng ấy, Matthêu ngụ ý là những cuộc tranh chấp trong chương trình này chỉ là mào đầu cho cuộc đối đầu quyết liệt sẽ đưa Chúa Giêsu đến thập giá. Những cuộc tụ họp như vậy của các đầu mục trong dân hay được Matthêu nhắc lới (2, 4; 22, 41; 26, 3. 57; 27, 62; 28,12) và thường là điềm dữ.
"Để làm Người lúng túng": dịch sát chữ: "Để thử Người" Matthêu cũng dùng động từ này (pelrazein) ở 22, 18 nơi kể lại chuyện người ta "thử" Chúa Giêsu về vấn đề nộp thuế cho hoàng đế. Rõ ràng luôn luôn là dùng cạm bẫy trong cả đoạn.
"Giới răn nào lớn nhất trong Lề luật": Lời giải thích được yêu cầu thật đặc biệt quan trọng, vì đây không phải là giải thích một trường hợp cụ thể, đặc thù nhưng là làm sáng tỏ một đòi hỏi luân lý trong chính bản chất của nó. Bản văn hy ngữ dịch sát chữ như sau: Đâu là giới lăn lớn trong Lề luật. Nhưng hình thức nguyên cấp (positio của tĩnh từ lớn (megalê) có giá trị tuyệt đối cấp (superlatio, như thường thấy trong Hy ngữ bình dân (Koinè) và trong bản 70 chịu ảnh hưởng của Hy bá, nhất là nếu sau nó có một danh từ tập hợp, ở đây là Lề luật, hiểu theo nghĩa toàn bộ các giới răn.
"Ngươi phải yêu mến ...". Trong việc triệt để hóa Lề luật này, không có vấn đề đơn giản hóa bằng cách loại bỏ những điều lệ phụ tùy (mà Chúa Giêsu lẫn môn đồ đều tuân giữ) cho bằng là nhắc lại ý nghĩa của các giới răn, và cho thấy chúng bắt nguồn từ trong ý định tối cao của Thiên Chúa. Còn về hình thức phát biểu của giới răn này, đừng tìm cách phân tích đâu là những phạm vi tương ứng của lòng, của linh hồn, của trí khôn: ý nghĩa trùng tích của các thành ngữ là: tình yêu phải có tính cách toàn diện, nghĩa là phải động viên tất cả con người; dầu sao, chỉ cần một từ ngữ thôi, như "lòng" chẳng hạn, cũng đủ để ám chỉ toàn thể con người; các tiếng khác thuộc về kiểu nói hùng biện; lòng và tư tưởng (hy lạp: dianoia) là tiếng dịch chữ lòng (hy bá: leb) của Cựu ước; không nên nghĩ đến một chức năng đặc biệt nào đó của trí tuệ suy luận; trí tuệ được vận dụng vì toàn thể con người dấn thân.
"Đó là giới răn lớn, giới răn đệ nhất": Chữ "và" nối liền hai tĩnh từ lớn và đệ nhất chắc có nghĩa giải thích hơn là có nghĩa cộng thêm: giới răn này đứng đầu hết vì nó quan trọng nhất xét về nội dung và ngược lại; tĩnh từ đệ nhất không muốn nói là giới răn đứng đầu nhiều giới răn khác nhưng là đứng đầu tất cả xét về phương diện ý nghĩa, vì chính nó đem lại ý nghĩa đích thực cho mọi giới răn. Bởi vậy kiểu nói thứ đến cũng giống như điều ấy chẳng có nghĩa là: ở hàng thứ hai xét về bậc quan trọng, nhưng là: cũng quan trọng như giới răn thứ nhất; giới răn thứ hai không thể so sánh, hay tương tự như giới răn thứ nhất, song là ngang hàng xét về tầm quan trọng cửa cái mà nó dạy truyền; tuy nhiên nó không đồng nhất theo nghĩa có thể chuyển hoán: tình yêu tha nhân chẳng được đồng hóa với lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng yêu mến tha nhân cũng khẩn thiết như mến yêu Thiên Chúa.
“Toàn thể Lề luật cùng các sứ ngôn": Chúa Giêsu hoàn toàn đứng trên lãnh vực các Sách thánh đã được ban cho tổ tiên dân Do thái. Người không phát minh điều gì; tầm quan trọng của hai giới răn này dựa trên sự kiện chúng tóm kết tất cả các Sách Thánh; nhưng đàng khác, Chúa Giêsu đã tái giải thích các Sách Thánh ấy khi mặc khải ý nghĩa thâm sâu của chúng ra (x Rm 13, 9).
KẾT LUẬN
Cái mang lại cho giới răn này uy tín và sự cao cả, chính là vì Chúa Giêsu đã phát biểu nó lên và cho nó là lớn lao, quan trọng. Người không mang đến (hay chưa mang đến) một giới răn mới mẻ, nhưng Người mặc cho giới răn cũ giá trị đích thực củ a nó. Câu trả lời của Chúa Giêsu không phải là câu trả lời của một ký lục, song là của Chủ lề luật. Chính người công bố nó và hoàn thành nó (5,17). Và chính việc người hoàn thành Lề luật đã đem lại cho Lề luật một tính cách mới mẻ thực sự. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân không phải chỉ là hai thái độ nhân loại được truyền làm; chúng được hiện thân trong con người của Chúa Giêsu. Chính vì đến để hoàn tất Lề luật và các ngôn sứ qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh, mà Người có thể tuyên bố với uy quyền rằng tất cả nội dung của Cựu ước đều được “quy về" giới răn mến Chúa và yêu người. Chính trong Người mà không những Lề luật dưới hình thức giới răn, nhưng cả lời hứa về ân sủng đã do các ngôn sứ loan báo, đều tìm được sự thành tựu.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Yêu tha nhân không có nghĩa là yêu họ chỉ vì Thiên Chúa đòi buộc, chỉ vì để vâng lời Ngài. Mối dây Chúa Giêsu thiết lập giữa hai giới răn chẳng phải là một mối dây ngoại tại, pháp lý, tự ý người bày ra, song là nằm trong lý luận của Thiên Chúa, trong chính bản chất của sự vật mà Ngài đã tạo dựng, rằng là ta không thể yêu Ngài mà yêu anh em. Và không phải làm như thể là vì anh em, mà trong thâm tâm lại làm vì Thiên Chúa. Thiên Chúa đích thực chẳng phải là sản phẩm của những ước vọng và những tưởng tượng đạo đức của con ngươi. Ngài đã đi vào trong lịch sử của chúng ta đã can thiệp vào đó bằng cách trở nên liên đối với con người. Ngài đồng hóa với con người (Cv 9, 5: "Ta là Giêsu người đang bắt bớ") đến nói từ đây ta không thể phân biệt Ngài khỏi con người nữa. Thành thử khi thực sự yêu tha nhân vì họ (như Thiên Chúa yêu họ vì họ chứ chẳng phải vì Ngài, vì tình yêu này không đem lại cho Ngài gì cả) ta sẽ yêu Thiên Chúa vì Ngài. Chỉ có một tình yêu, cũng như con người chỉ có một quả tim, một tấm lòng.
2. Một cách cụ thể, phải yêu tha nhân thế nào? Chẳng phải bằng tình cảm (vì có một vài thứ ác cảm tự nhiên hầu như không thể vượt qua) cho bằng là qua thái độ và hành động. Thánh Phaolô đã mô tả cho chúng ta lòng bác ái đích thực như sau: "Đức ái thì khoan dung, nhân hậu; đức ái không ghen tương; ba hoa, tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ; không cáu kỉnh, không chấp nhất sự ác, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lẽ phải. Trong muôn sự, đức ái hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn" (1Cr 13, 4-6). Khi tìm cách tha thứ lỗi lầm của tha nhân, khi luôn hy vọng họ trở nên tốt hơn cho dù bề ngoài thế nào chăng nữa, khi chấp nhận họ như họ đang là, lúc đó chúng ta mới thương yêu thực sự, lúc đó chúng ta mới thật là con cái của Thiên Chúa.
------------------------------------------