Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 2-A Bài 101-150: Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian

Thứ sáu - 17/01/2020 09:15
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 2-A Bài 101-150: Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 2-A Bài 101-150: Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 2-A Bài 101-150: Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian
-----------------------------------
Phúc Âm: Ga 1, 29-34: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước". Và Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Ðấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần". Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa". - Ðó là lời Chúa.
-----------------------------------
TN 2-A101: Giới thiệu. 2
TN 2-A102: Chiên Thiên Chúa - Lm. GB. Trần Văn Hào. 4
TN 2-A103: Con Chiên của Chúa. 6
TN 2-A104: Ta đặt ngươi làm ánh sáng cho muôn dân. 9
TN 2-A105: Con Chiên của Thiên Chúa. 12
TN 2-A106: Chính Ngài là Con Thiên Chúa. 15
TN 2-A107: Phúc âm hóa môi trường. 16
TN 2-A108: Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành. 18
TN 2-A109: NHẬN RA ĐỨC GIÊSU LÀ THIÊN CHÚA.. 22
TN 2-A110: Suy niệm của Lm. Phaolô Lê Văn Nhơn. 23
TN 2-A111: Các môn đệ đầu tiên. 27
TN 2-A112: Tất cả để vinh danh Chúa hơn. 38
TN 2-A113: CHIÊN THIÊN CHÚA.. 40
TN 2-A114: CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN.. 41
TN 2-A115: CHÂN DUNG NGÔN SỨ.. 43
TN 2-A116: Thấy và làm chứng - Dã Quỳ. 46
TN 2-A117: Đây Chiên Thiên Chúa – ViKiNi 48
TN 2-A118: Làm chứng cho Chúa như Gioan - Huệ Minh. 50
TN 2-A119: Tôi đã không biết Người…... 53
TN 2-A120: Nhân chứng về Đức Kitô. 55
TN 2-A121: Làm chứng cho Chúa Giêsu. 59
TN 2-A122: CHÚA GIÊSU LÀ AI ?. 60
TN 2-A123: BÀI GIẢNG LỄ THIẾU NHI CN 2 TN A.. 67
TN 2-A124: Chiên Thiên Chúa - Lm. Inhaxiô Trần Ngà. 70
TN 2-A125: Suy niệm chú giải Lời Chúa CN II TN A.. 72
TN 2-A126: SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II - TN A.. 80
TN 2-A127: ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA! ĐÂY ĐẤNG XOÁ BỎ TỘI TRẦN GIAN! 81
TN 2-A128: Chứng nhân của ánh sáng. 83
TN 2-A129: Này Con đến để thi hành ý Cha. 85
TN 2-A130: Lời giới thiệu ngắn gọn. 88
TN 2-A131: Chiên Thiên Chúa. 90
TN 2-A132: Đấng “gánh” tội trần gian. 93
TN 2-A133: Suy niệm của Lm. Antôn Hà Văn Minh. 96
TN 2-A134: Phục hồi sự đổ vỡ. 97
TN 2-A135: Con chiên ngoan đạo. 99
TN 2-A136: Đây là Chiên Thiên Chúa. 102
TN 2-A137: Đây là Chiên Thiên Chúa. 103
TN 2-A138: CHIÊN THIÊN CHÚA.. 105
TN 2-A139: DẠ, CON ĐÂY.. 107
TN 2-A140: CHIÊN XÓA TỘI TRẦN GIAN.. 108
TN 2-A141: BIẾT CHÚA HƠN ĐỂ YÊU MẾN HƠN.. 110
TN 2-A142: LỜI GIỚI THIỆU.. 111
TN 2-A143: CHIÊN THIÊN CHÚA.. 113
TN 2-A144: CON CHIÊN NGOAN ĐẠO.. 114
TN 2-A145: CHÚA GIÊ-SU LÀ AI?. 116
TN 2-A146: LỜI GIỚI THIỆU NGẮN GỌN.. 118
TN 2-A147: GIỚI THIỆU.. 120
TN 2-A148: KHÔNG THỂ LÀM THINH.. 122
TN 2-A149: ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI MANG ÁNG SÁNG.. 126
TN 2-A150: XÓA MÌNH ĐI 131

--------------------

 

TN 2-A101: Giới thiệu

 

Một thủ tục đầu tiên, hay đúng hơn, một nghi thức đầu tiên mà trong bất cứ một buổi hội họp hay TN 2-A101 Lượng


Một thủ tục đầu tiên, hay đúng hơn, một nghi thức đầu tiên mà trong bất cứ một buổi hội họp hay bữa tiệc lớn nhỏ nào, người ta vẫn thường làm, đó là giới thiệu những chức sắc, những nhân vật quan trọng. Trong cuộc sống xã giao hằng ngày cũng vậy, mỗi khi gặp những người mới lạ, người ta cũng thường giới thiệu nhau. Như vậy, giới thiệu nhau là một điều rất bình thường, và tất cả chúng ta đều biết mục đích của việc giới thiệu là để biết nhau.

Trong các sách Tin mừng, chúng ta thấy kể lại một số trường hợp giới thiệu. Chẳng hạn Chúa Cha giới thiệu Chúa Giêsu. Đó là trường hợp bên bờ sông Giocđan, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, cũng như trên đỉnh Tabôrê, có tiếng nói từ trời:”Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Đó là Chúa Cha giới thiệu cho mọi người biết Chúa Giêsu chính là Chúa Con, rất đẹp lòng Chúa Cha, một lời giới thiệu ngắn gọn, nhưng rất đầy đủ.

Rồi chúng ta thấy Chúa Giêsu giới thiệu Chúa Cha. Đó là khi người Do thái thắc mắc muốn biết về Chúa Cha, họ đã hỏi Chúa: “Cha ông là ai?” Chúa đáp lại: “Nếu các ngươi biết Ta, là các ngươi biết Cha Ta”. Tông đồ Philípphê cũng hỏi Chúa tương tự như vậy: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, thế là đủ cho chúng con”. Chúa trả lời: “Đã bao lâu rồi Thầy ở với các con, thế mà các con không biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Như vậy, Chúa Giêsu giới thiệu Chúa Cha bằng cách nói đến chính mình. Xác định mình là hình ảnh của Chúa Cha.

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Chúa Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Lời giới thiệu này chứng tỏ thánh Gioan là một người ý thức sứ mệnh tiền hô của mình, ngài đã nói cho các môn đệ của mình và mọi người biết Chúa Giêsu là Đấng thiên sai, là Đấng cứu thế, là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc mọi người và sau đó Ngài còn khẳng định: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, tôi thấy và tôi làm chứng, chính Ngài là Con Thiên Chúa”.

Như chúng ta đã nói: mục đích của sự giới thiệu là để biết nhau. Muốn giới thiệu ai, thì phải biết người đó. Tùy theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết về nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một người, thì có thể giới thiệu sai về người ấy. Chẳng ai muốn người khác giới thiệu sai về mình. Giới thiệu sai về một người là xúc phạm đến người đó, và cũng mắc lỗi với người mình giới thiệu. Vì thế, muốn giới thiệu ai thì phải biết rõ về người ấy, cũng vậy, để giới thiệu Chúa, chúng ta phải biết Chúa.

Vậy đâu là khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu để chúng ta giới thiệu? Tin mừng Gioan đã cho chúng ta biết: “Chúa là tình yêu”. Bởi vậy, bất cứ lời giới thiệu nào về Chúa Giêsu mà không diễn tả tình yêu thương của Người, đó là dấu chỉ cho chúng ta biết chúng ta đang giới thiệu sai khuôn mặt của Chúa. Vì thế, lời giới thiệu trung thực về Chúa Giêsu phải là lời ca ngợi về Chúa của tình thương. Để nói về tình thương, chúng ta phải có kinh nghiệm về tình thương, như chúng ta vẫn nói:”Không ai cho cái mình không có”. Không có thì làm sao cho được? Chúng ta không có tình yêu thương thì làm sao chúng ta chia sẻ tình yêu thương được? Do đó, cách chúng ta có thể làm được để giới thiệu tình thương của Chúa là chúng ta chuyển thông cho người khác kinh nghiệm tình thương của Chúa đối với chúng ta, và cách chuyển thông chính xác nhất, đó là chúng ta yêu thương người khác với lòng chân thành của mình.

-----------------------------------

 

TN 2-A102: Chiên Thiên Chúa - Lm. GB. Trần Văn Hào

 

Phụng vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu Đấng Cứu Thế. Ngài là Chiên Thiên Chúa, TN 2-A102


Phụng vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu Đấng Cứu Thế. Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng đã bị sát tế trên Thập giá, và cũng là đối tượng đức tin của mọi Kitô hữu. Cái chết của ‘Chiên Con khải hoàn’ đã khai mở cho chúng ta kỷ nguyên ơn cứu độ.

Hình ảnh Con Chiên trong Thánh kinh

Thánh Kinh nói khá nhiều về con chiên. Bên bờ sông Giordan, Thánh Gioan tiền hô đã giới thiệu Đức Giêsu cho đám đông: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Mỗi lần tham dự Thánh lễ, vị chủ tế cũng nhân danh Giáo hội đọc lại văn thức này trước lúc mọi người tiến lên hiệp lễ. Khi chúng ta rước Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta được ngồi vào bàn tiệc cưới Con Chiên, Đấng đã bị hiến tế, và máu của Ngài thanh tẩy mọi tội lỗi nơi chúng ta.

Trong xã hội Do Thái ngày xưa, hình ảnh con chiên đã trở nên rất quen thuộc trong sinh hoạt thường ngày của người dân, vốn sống đời du mục. Trong đêm xuất hành khỏi đất Ai Cập, người Do Thái cũng ăn bữa tiệc vượt qua với thịt chiên. Máu chiên được bôi lên cửa như dấu chỉ sự can thiệp nhiệm mầu của Thiên Chúa, Đấng cứu dân Ngài khỏi ách nô lệ. Bữa ăn vượt qua năm xưa là hình ảnh tiên báo bàn tiệc cánh chung mà sách Khải Hoàn gọi là ‘Tiệc Cưới Chiên Con’. Những ai tham dự bàn tiệc này, đều mặc áo trắng tinh, tấm áo đã được giặt trong máu con chiên vô tội, dấu chỉ của sự trinh trong và vinh thắng khải hoàn. Sách khải hoàn đã lập đi lập lại tất cả 27 lần hình ảnh con chiên sát tế này.
Bài học của Thánh Gioan Tiền Hô.

Gioan đã giới thiệu và làm chứng về Đức Giêsu cho mọi người. Ngài là một ngôn sứ lỗi lạc, nhưng đã ẩn mình để Đức Giêsu được lớn lên. Thánh Gioan công bố: “Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi không đáng cúi xuống xách dép cho Ngài”. Được Thần Khí thúc đẩy, vừa thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, Gioan đã giới thiệu Đấng Messia cho mọi người.”

Cũng như Gioan, chúng ta đã biết về Đức Giêsu và trở nên môn đệ Ngài. Nhưng sự hiểu biết về Đức Giêsu không phải chỉ dừng lại trên bình diện tri thức, song còn phải biến trở thành hành động, bằng một lối sống cụ thể. Mỗi lần chúng ta đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, chúng ta có thực sự đến để tiếp cận Đức Giêsu - Chiên Thiên Chúa, hay chúng ta đi tham dự Thánh lễ chỉ vì bổn phận hoặc theo thói quen. Khi lên rước lễ, chúng ta có thực sự ý thức ‘đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian’, hay chúng ta chỉ tiến lên một cách máy móc như một cái xác vô hồn. Chúng ta cần phải đi sâu vào cảm thức đức tin để trong cuộc sống, chúng ta luôn sống xứng đáng là những môn đệ của Đức Giêsu một cách đích thực.

Thánh Gioan đã cảm nhận ra Đấng Cứu Thế nơi nhân vật đang tiến về phía mình. Ngài liền lên tiếng giới thiệu Chúa cho mọi người. Giáo hội mời gọi chúng ta cũng hãy học lấy thái độ của Thánh Gioan, không chỉ đào sâu niềm tin vào Đấng Cứu Thế, song còn phải giới thiệu Chúa cho những người khác, qua chính cuộc sống của chúng ta mỗi ngày.

Sứ điệp của Đức Giêsu, Chiên Thiên Chúa.

Trong bài đọc một, tiên tri Isaia cũng phác vẽ hình ảnh Đấng Messia, như một người tôi tớ của Giavê. Người tôi tớ đó đã được Đức Chúa đặt làm ‘Ánh sáng muôn dân’ để đem ơn cứu độ đến tận cùng thế giới. Cũng vậy, khi Gioan giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Ngài cũng gợi nhắc về hình ảnh con chiên bị sát tế rất hiền lành và khiêm tốn, một con chiên bị đem đi xén lông mà không kêu ca mở miệng. Chúa Giêsu cũng đã từng mời gọi các học trò: “Các con hãy học với Ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Đây là bài học căn bản nơi Đức Giêsu, con chiên bị sát tế trên Thập giá, mà chúng ta phải học hỏi, phải học mãi, và học cho đến suốt đời.”

Đức Cha Roncali, khi còn làm Sứ thần Tòa thánh ở Bungari đã nhận được một bức thư mà một linh mục nọ đã viết để bêu xấu Ngài. Vị linh mục chỉ trích Ngài một cách thậm tệ, nhưng Đức Cha không hề buồn giận chút nào. Ngài vẫn cầu nguyện cho người anh em linh mục đó. Hai mươi năm sau, Ngài được bầu chọn làm Giáo hoàng với tước hiệu Gioan 23. Trong một lần về Rôma để yết kiến Đức Thánh Cha, vị linh mục kia cũng ghi danh vào trong phái đoàn để gặp gỡ vị chủ chăn đáng kính. Vị linh mục này hy vọng rằng thời gian đã lâu, vả lại với bao công việc bề bộn, có lẽ Đức Thánh Cha chẳng còn nhớđến bức thư năm xưa. Nhưng khi vào triều yết, vị linh mục này rất ngạc nhiên khi được Đức Thánh Cha chào đón niềm nở và hỏi thăm công việc mục vụ của Ngài rất chân tình. Sau đó vị chủ chăn tiến đến bàn làm việc lấy ra cuốn sách nguyện, trong đó có kẹp lá thư  mà vị linh mục kia đã gửi cho Ngài trước đây. Đức Thánh Cha nói: “Con yên tâm, Cha cảm ơn con nhiều lắm. Cha vẫn giữ món quà quý giá này và để nó trong sách nguyện của Cha. Cha vẫn thường đọc lại bức thư đó để xét mình hằng ngày”. Sau đó, Đức Thánh Cha ôm hôn vị linh mục một cách thắm thiết”. Đây là hình ảnh rõ nét về một vị mục tử chân chính, luôn diễn bày sự khiêm tốn và hiền lành đối với hết mọi người, nhất là đối với các anh em linh mục.

Kết luận

Trên nóc nhà thờ Werden ở một ngôi làng nhỏ bên Đức, thay vì  đặt một cây Thánh gía, người ta cho đúc tượng một con chiên. Truyền thuyết kể lại rằng khi xây dựng nhà thờ, một anh công nhân từ trên tháp chuông đã bị rơi xuống đất, ở dưới có mấy con chiên đang gặm cỏ. Người công nhân rơi trúng một con chiên ở dưới. Con chiên đã chết, còn anh công nhân vẫn không hề hấn gì. Truyền thuyết đó gợi nhắc về Đức Giêsu, là Con Chiên vượt qua, Đấng đã chết để cho chúng ta được sống và sống dồi dào.

Mỗi lần tham dự Thánh lễ, chúng ta giặt chiếc áo linh hồn mình trắng tinh trong máu Con Chiên vô tội và được tham phần vào bàn tiệc Nước Trời. Đây là món quà lớn nhất mà Thiên Chúa ban trao. Chúng ta hãy tham đự Thánh lễ với cảm thức đức tin sâu xa này, để đến lượt mình, chúng ta cũng biết quảng diễn tình yêu cứu thế của Chúa Giêsu cho mọi người.

-----------------------------------

 

TN 2-A103: Con Chiên của Chúa


(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

 

Trong mỗi Thánh lễ, vị chủ tế nâng cao Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và giới thiệu với cộng đoàn: TN 2-A103


Trong mỗi Thánh lễ, vị chủ tế nâng cao Mình Máu Thánh Chúa Giêsu và giới thiệu với cộng đoàn: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian", ngài lặp lại lời Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu với môn đệ: Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng mà thầy vẫn nói với các con đó (x.Ga 1,29-34).

Tại sao gọi Chúa Giêsu là "Chiên Thiên Chúa"?

1. Chiên bị sát tế để hy sinh đền tội thay cho con người

Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam. "Aben làm nghề chăn chiên" (St 4,2) nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, "Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng" lên Ngài (St 4,4).

Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (x.Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên nơi khung cửa đều bị chết đứa con trai đầu lòng (x.Xh12,29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó, việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người.

Về sau, tại đền thờ, các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho dân (Xh 29,38-46). Đúng ra ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt, mà phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa nhân lành không muốn con người phải chết: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống" (Ed 18,23). Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Thiên Chúa chấp nhận cho con người lấy chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để chết thay cho con người lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.

Các tiên tri trước Gioan đã nói về người tôi tớ kỳ diệu của Thiên Chúa một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên. Isaia mô tả: "Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng đã khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh. Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án, và vị dẫn tới chỗ chết... Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta"(Is 53,7-8); "Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi"(Is 53,6-7.12).Những lời của tiên tri Giêrêmia cũng rất phù hợp với con người Chúa Giêsu: "Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi"(Gr 11,19).

2. Chúa Giêsu là "Chiên Thiên Chúa" bị sát tế để cứu nhân loại

Theo lẽ thường, gọi Đức Giêsu là chiên thì quả là xúc phạm. Nhưng để cứu chuộc nhân loại, theo kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, Đức Giêsu phải bị giết chết để đền tội thay cho con người, tương tự như những con chiên bị sát tế trong đền thờ để chết thay cho người tội lỗi. Gioan đã thấy trước số phận tương lai của Đức Giêsu như thế nên giới thiệu cho mọi người: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian". Đức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh: "Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta"(1Cr 5,7). Sách Khải Huyền cũng dùng đến 27 lần từ "Con Chiên" để chỉ về Đức Giêsu, thánh Gioan còn xác quyết: Đức Kitô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta.

Thánh Phaolô viết: "Nếu máu các con dê, con bò còn thánh hóa được con người, làm cho họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy" (Dt 9,13-14). Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần chết một lần là đủ xóa được tội lỗi toàn nhân loại: "Chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ' (Dt 10,10), vì Ngài là "Con Chiên vẹn toàn, không tỳ vết" (1Pr 1,19), nhất là vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, nên giá trị cứu chuộc của Ngài là vô cùng. "Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben" (Dt 12,24). "Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời" (Cl 1,20). Đặc tính của con chiên là sự ngây thơ, hiền lành, nhẫn nhục, trong sạch. Đó là những đức tính quý báu của Đức Giêsu Kitô, con chiên không tì vết.

3. Đấng xóa tội trần gian.

Khi Đức Giêsu đang đến, Gioan Tẩy Giả đã chỉ vào Đức Giêsu và nói: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian" (Ga 1,29). Giới thiệu như thế, Gioan đã cùng một lúc chỉ ra hai thực tại lớn lao về Đức Giêsu: Ngài là Chiên của Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là Đấng xóa tội trần gian.

Khi gọi Đức Giêsu là "Chiên của Thiên Chúa", Gioan xác nhận Đức Giêsu là Đấng vô tội và thánh thiện. Khi nói Đức Giêsu là "Đấng xóa tội trần gian", Gioan chỉ cho mọi người thấy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, là "tôi tớ đau khổ của Giavê" như tiên tri Isaia đã từng nói đến trong Cựu ước.

Hai thực tại này gắn liền với nhau nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Chính vì là con chiên vô tội của Thiên Chúa nên Đức Giêsu mới có thể xóa tội của thế gian. Như con chiên được dùng làm của lễ đền tội trong Cựu ước phải chịu sát tế, Đức Giêsu cũng phải chịu đau khổ và chịu chết để trở nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân lọai. Con chiên hiến tế của Cựu ước chỉ là hình bóng và dấu hiệu của Đức Giêsu là "Chiên Thiên Chúa", Đấng duy nhất thực sự xóa tội cho con người, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ cho hân loại.Chỉ có Con Chiên thanh sạch và hiền lành, Con Chiên bị sát tế mà không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi. Chỉ có Đấng vô tội, mới có thể chết thay cho các tội nhân.

Đức Giêsu xóa tội của thế gian bằng cách gánh vào mình Ngài tội lỗi của tất cả nhân lọai, từ tội của nguyên tổ Ađam cho đến tội của người sau hết của nhân lọai. Với cuộc khổ nạn và cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, Ngài đã đền thay tội lỗi của tất cả nhân loại. Từ nay nhân loại đã được giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong ân tình của Ngài và cửa thiên đàng đã được mở lại cho tất cả mọi người.

Mặc dù chúng ta là người tội lỗi, nhưng đã được rửa bằng Máu của Con Chiên Thiên Chúa, và được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.

Người tín hữu thường được gọi là "con chiên của Chúa". Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại "chiên" trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa. Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Uớc mong những chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.

-----------------------------------

 

TN 2-A104: Ta đặt ngươi làm ánh sáng cho muôn dân


(Trích trong ‘Tin Vui Xuân Lộc’)

Thưa quý OBACE

 

Trong lịch sử chúng ta thấy có những con người, sự xuất hiện của họ đã làm thay đổi cục diện thế TN 2-A104


Trong lịch sử chúng ta thấy có những con người, sự xuất hiện của họ đã làm thay đổi cục diện thế giới, có người đưa thế giới đến sự thay đổi tích cực, nhưng cũng có những con người lại hoàn toàn gây ảnh hưởng tiêu cực cho nhân loại. Ví dụ: Với sự xuất hiện của Napoleon hoặc Hitler đã đưa thế giới vào cảnh chiến tranh giết chóc tàn khốc, song cũng có những con người như Louis Pasteur và các nhà khoa học chân chính khác đã cứu nhân loại khỏi những căn bênh hiểm nghèo. Người ta cũng không thể phủ nhận được, với sự xuất hiện của những người như Bill Gate và Steve Jobs đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và phương thức cũng như công nghệ thông tin ngày nay; Đức giáo Hoàng Fancis vừa mới được báo time bình chọn là nhân vật của năm 2013, mặc dù ngài mới chỉ xuất hiện với thế giới trong cương vị Giáo hoàng được 10 tháng, song Ngài đã và đang có một ảnh hưởng lới trên thế giới về lối sống và luồng gió mới Ngài đang đem vào Giáo Hội.

Cũng vậy với sự xuất hiện công khai của Chúa Giêsu ở vùng Galilea- sông Jodan quả thật là một sự kiện hết sức quan trọng và gây sự chú ý cho nhiều người. Tuy nhiên, cho đến ngày nay nhiều người vẫn chỉ nhìn Đức Giêsu như bao các ngôn sứ khác trong Cựu ước, mà không tin Ngài là Thiên Chúa.

Vì thế các tác giả tin Mừng đã muốn khẳng định cho chúng ta rằng Đức Giêsu Nazareth là chính Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, Đấng đã đến từ nơi Thiên Chúa Cha, Ngài chính là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật. Biến cố xuất hiện công khai của Chúa Giêsu như mở đầu cho một thời đại mới và đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nhân loại và cả thế giới này. Gioan Tẩy giả cho thấy, lúc đó mặc dù ông đang là tâm điểm thu hút nhiều người tuốn đến với ông, nhưng khi nhìn thấy Chúa Giêsu xuất hiện, thì Gioan  nhận ra rằng nhiệm vụ của ông đã vào hồi kết. Ông nhường bước và long trọng giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người: Đây là chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian. Với lời giới thiệu này thì người Do Thái nào cũng nghĩ ngay đến hình ảnh ngày lễ xá tội hàng năm, vị Thượng tế phải đại diện cho dân chúng đặt tay trên đầu một con chiên trước đền thờ Chúa để xưng thú tất cả tội lỗi của dân, và con chiên ấy trở thành con chiên gánh tội cho dân.

Khác với các tiên tri khác là những người chỉ tiên báo về Đấng Cứu Thế, thì Gioan đã chỉ đích danh Đấng Cứu thế cho mọi người. Ông còn giải thích thêm: Chính Người là Đấng tôi đã nói đến: Người đến sau tôi nhưng trổi vượt hơn tôi và Ngài có trước tôi. Như thế có nghĩa là Gioan đã giới thiệu cho mọi người biết địa vị trổi vượt cua Đức Giêsu và thời đại của Đấng Mesia đã bắt đầu, thời đại của ánh sáng cứu độ đã đến. Gioan đã tuyên xưng niềm tin của mình khi tin nhận Ngài là Đấng có trước ông, là Đấng hiện hữu từ muôn đời, nay xuất hiện giữa loài người và mang lấy tất cả sự giới hạn của con người. Gioan đã nhớ lại mấy ngày trước đây Ngài đến xin ông làm phép rửa, và khi  vừa ra khỏi nước thì trời mở ra và Thần Khí của Thiên Chúa như chim bồ câu đậu xuống trên Người. Gioan cũng cho biết chính Đấng sai ông làm phép rửa đã cho ông một dấu chỉ: Ngươi thấy Thần Khí ngự xuống trên ai thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần và Đức Giêsu chính là Đấng ấy và những ai tin và lãnh nhận phép rửa bởi Đức Giêsu cũng sẽ đón nhận được Thần Khí của Ngài.

Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa đã được sai sai đến trần gian với sứ vụ đem ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất. Lời của Isaia trong bài đọc một đã ứng nghiệm hoàn toàn nơi Đức Giêsu, Ngài trở thành Đấng quy tụ muôn dân nên một, đem nhà Jacop trở về, chiếu tòa vinh quang Thiên Chúa cho mọi người mọi dân. Thiên Chúa còn nói với Người rằng: Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đên tận cùng trái đất.

Do bởi tội lỗi và sư bất tuân của Adam Eva đã làm cho bóng tối của sự chết bao trùm nhân loại, với sự bắt tay thỏa hiệp với Satan, tổ tông loài người đã đưa cả nhân loại rơi vào sư trói buộc của ma quỷ và dục vọng, thế giới và con người như chìm ngập trong tăm tối không còn biết đường đi. Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài là ánh sáng đã xua tan bóng tối của tội lỗi và sự chết, Ngài đã chỉ cho nhân loại con đường ánh sáng và hy vọng con đường giải thoát.

Sứ mạng trở thành ánh sáng và đem ơn cứu độ đến cho muôn dân của Chúa Giêsu vẫn còn liên tục được thực hiện qua những con người mà Chúa đã tuyển chọn, trước hết đó là các tông đồ kế đến là mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô rất ý thức điều đó khi nói với cộng đoàn Corintô rằng: Tôi là Phaolô, bởi ý của Thiên Chúa đã được gọi là tông đồ của Chúa Giêsu Kitô và ông Xôthênê là anh em của chúng tôi. Vì ý thúc mình là người được chọn để đem ánh sáng cứu độ đến với muôn dân, nên Phaolô và các tông đồ đã chấp nhận nên như ngọn đuốc đốt cháy cả cuộc đời mình để chiếu tỏa ánh sáng cho thế giới hôm nay. Từ những con người đầu tiên này, mà chúng ta hôm nay biết Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

Cũng thế, mỗi chúng ta trong ngày lãnh Bí tích rửa tội, qua cha mẹ đỡ đầu Giáo Hội đã trao cho ta ngọn nến sáng với lời căn dặn rằng: Các con hãy sống như con cái sự sáng và chiếu tỏa ánh sáng cho muôn người cho đến ngày được gia nhập đoàn rước nước trời. Như thế giữ cho ngọn đèn đức tin luôn cháy sáng, và chiếu tỏa ánh sáng cho mọi người là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Thưa quý OBACE lời Chúa hôm nay cũng đang nói với chúng ta: Ta đặt ngươi làm ánh sáng cho muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của ta đến tận cùng trái đất. Trong năm Sống và Loan báo Tin Mừng này, trước hết để có thể trở thành ánh sáng muôn dân, thì mỗi người cần phải kiểm tra lại ngọn lửa đức tin của mình đang trong tình trạng nào? Nó còn cháy sáng bừng bừng hay đã bị tàn lụi và trở nên leo lét yếu ớt ? Để cho ngọn lửa đức tin có thể cháy sáng, thì nó cần phải đốt bằng những thứ dầu nguyên chất đó là đời sống cầu nguyện, là việc lãnh nhận các bí tích thường xuyên, để nuôi dưỡng cho đức tin của mình. Kế đến ngọn đuốc này cần phải được che chắn bằng lời của Chúa qua việc đọc, lắng nghe và thực hành thì mới có thể chống chọi được với những cơn gió bão của các tư tưởng sai lạc, khuynh hướng, trào lưu chống phá đức tin ngày nay. Chúng ta không thể giữ riêng ánh sáng này cho mình mà phải soi chiếu cho anh em.

Để có thể chiếu tỏa ánh sánh cho mọi người, thì đòi chúng ta phải chấp nhận sự hy sinh và hao mòn cuộc đời của mình. Các bậc làm cha mẹ hãy chiếu tỏa cho gia đình mình ánh sáng ấm áp của mùa xuân, xua tan đi những bóng tối của gian dối quanh co, đẩy lui những nỏng nảy giận hờn cãi vã; hãy đem về cho gia đình mình nhiều hơi ấm và ánh sáng của niềm vui thay cho sự lạnh lùng băng giá. Nhất là cha mẹ hãy đem ánh sáng của Chúa và Tin Mừng của Ngài vào gia đình mình, qua đời sống đạo đức qua các giờ kinh tối sớm, qua những phút cầu nguyện trước và sau bữa ăn mỗi ngày.

Các gia đình Công Giáo hãy trở nên ánh sáng cho các gia đình chung quanh bằng cuộc sống chan hòa tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, sống với nhau thuận hòa, chân tình, yêu thương giúp đỡ, biết quan tâm đến nhau và làm những điều tốt đẹp cho nhau. Mỗi gia đình cùng sống và làm như thế, thì ánh sáng của Chúa sẽ chạm đến tâm hồn các anh chị em khác bên cạnh.

Trở nên ánh sáng cho muôn dân cũng là sứ mạng được trao cho các bạn trẻ. Cuộc sống xã hội ngày nay, trong mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình,… vẫn còn có quá nhiều mảng tối. Mỗi người trẻ sẽ phải là ngọn đuốc cho xã hội hôm nay. Hãy trở thành những con người ngay thẳng trong xã hội gian dối này, hãy có một trái tim nhân ái trong một xã hội bàng quan lạnh lùng, hãy đem ánh sáng và giới răn của Tin Mừng vào trong công ty xí nghiệp, trường học nơi chúng ta đang làm việc, học tập, hãy mang theo Đức Kitô vào trong mọi sinh hoạt, vui chơi, mọi lãnh vực, vào các cuộc tụ họp gặp gỡ. Khi mỗi người trẻ công giáo cùng thắp lên một ngọn lửa như thế, các bạn sẽ làm cho xã hội này bừng sáng Tin Mừng của Đức Kitô.

Cầu chúc cho mọi người luôn giữ cho ngọn lửa của Đức Kitô luôn cháy sáng trong cuộc đời của mình và trở nên ánh sáng giúp anh em mình khỏi vấp ngã. Amen.

-----------------------------------

 

TN 2-A105: Con Chiên của Thiên Chúa


(Suy niệm của Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh)

 

Trong thường nhật cuộc sống có khi chúng ta nhìn mà không thấy, biết mà không hiểu.  Chúa TN 2-A105


Trong thường nhật cuộc sống có khi chúng ta nhìn mà không thấy, biết mà không hiểu.  Chúa Nhật thứ 2 mùa Thường Niên nêu cho chúng ta chứng cứ nầy, đây là kinh nghiệm của ông Gioan Tẩy Giả khi nói về Đức Giêsu, là người họ hàng của ông.  Chắc hẳn cả hai đã có thời kỳ niên thiếu bên nhau, biết nhau trong sinh hoạt, thế mà ông Gioan đã hai lần phát biểu trong bài Tin mừng, làm chúng ta sửng sốt: “Tôi đã không biết Người” (Bài Tin Mừng Ga 1, 29-34).  Nhất thiết phải có biến cố nào đó khiến ông Gioan Tẩy Giả thay đổi cái nhìn và sự phỏng đoán của ông về đấng Mêsia.  Lời khẳng định: “Tôi đã không biết Người” khác hẳn với nội dung trước đây ông nói về đấng Mêsia, như Người cầm nia để sàng trấu lép bỏ vào lửa, như rìu đã đặt ở gốc sẵn sàng đốn ngã cây không sinh trái … Ông loan báo Đấng Mêsia như một quan toà nghiêm khắc, không khoan nhượng, quét sạch sân lúa là dân tộc mình!

Một thời gian sau, ông Gioan tỏ ra cẩn trọng hơn, nhất là khi ông ở trong tù, ông nghe ngóng những lời đồn thổi về đấng Mêsia cư xử nhân từ mà ông đã mường tượng là nghiêm khắc từ ban đầu.  Để cân bằng chênh lệch giữa quan niệm và thực tế về đấng Mêsia, ông đã sai môn đệ tới phỏng vấn Đức Giêsu: “Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng khác?”  Đức Giêsu đã dùng lời sấm của tiên tri Isaia để trả lời cuộc phỏng vấn: “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ điếc nghe được, người què đi được, bệnh nhân được chữa lành và người chết sống lại”.  Những việc làm nầy chứng tỏ Người là đấng Mêsia phải đến, như Sách Thánh đã tiên báo, bởi vì việc làm định nghĩa con người.

Biến cố nơi sông Giođan, khi Đức Giêsu hoà mình vào dòng người sám hối xin chịu thanh tẩy, phản ứng của Gioan là nhận thấy mình bất xứng để ban phép rửa thống hối cho Đức Giêsu, ngay cả việc cởi quai dép cho Người, ông cũng không xứng đáng.  Chính Đức Giêsu dấn tới, ông Gioan mới xối nước trên Người.  Xảy ra khi Đức Giêsu lên khỏi nước, ông Gioan xác nhận: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.   Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’” (câu 32-33).  Cách sống của Đức Giêsu và sự việc xảy ra ở  Giođan làm cho Gioan thay đổi định nghĩa về đấng Mêsia.

Từ đó, ông Gioan đã thay đổi quan niệm về đấng Mêsia, ông thoáng thấy Đức Giêsu là con chiên bị đem đi giết, là Người Tôi Tớ của Giavê, là  đấng Mêsia mang thân phận con Chiên của Thiên Chúa gánh lấy tội trần gian để xoá bỏ tội lỗi.  Những cảm nhận nầy nhắc nhớ con chiên vượt qua bị sát tế trong đêm Xuất Ai cập, máu chiên đổ ra, ghi trên cửa nhà đã cứu người con đầu lòng của mỗi gia đình Do thái.  Ông Gioan Tẩy Giả đã không biết đến Đấng Mêsia nhân từ đó! “Tôi đã không biết Người”.  Ông nhầm lẫn về sứ mệnh của Đấng Mêsia, ông cứ tưởng sẽ có một đấng Mêsia đầy quyền lực, để trừng phạt theo kiểu quan tòa nghiêm khắc bất bao dung không biết khoan nhượng, luôn có bộ mặt hình sự cáo tội hơn là bào chữa cho bị can.

Cho đến ngày hôm nay, người ta cũng còn nhầm lẫn về Thiên Chúa, người ta muốn biến Thiên Chúa thành thế lực chính trị, kéo lôi Người về phe mình để trị tội kẻ khác.  Thiên Chúa không liên minh quân sự với phe nhóm nào cả, Người liên đới với con người cần được cứu độ khỏi vòng nô lệ tội lỗi.  Thật ra trong cuộc sống, có lần Người đồng bàn với hạng tội lỗi cần được yêu thương và tha thứ, Người mang lấy tội lỗi nhân loại.  Trong nhãn quan đó chúng ta hiểu được lời giới thiệu của Gioan: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (câu 29).

Gương mặt hiền hậu và nhân từ nầy phản ánh phần nào trong các diễn văn, trong các bài huấn đức, trong cử chỉ cúi xuống ôm hôn người khuyết tật, những hành động đầy cảm thông và yêu thương của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đương nhiệm đối với người bất hạnh như muốn xóa đi một quan niệm Giáo Hội quyền bính, triều đại xa cách dân đen, như muốn xích lại gần với giới nghèo theo truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội từ ban đầu, như muốn mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu trong cách cứu thế.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hiến thân làm Con Chiên cứu chuộc trần gian.  Nhờ đó chúng con đã được rửa sạch tội lỗi và được làm hoà với Thiên Chúa.  Chúng con xin cảm tạ Chúa và cố gắng bắt chước sống thân phận của Con Chiên Thiên Chúa biết cảm thông và liên đới với tha nhân. Amen.
 
 

-----------------------------------

 

TN 2-A106: Chính Ngài là Con Thiên Chúa


(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

 

Bước vào Chúa nhật II thường niên A, thánh sử Gioan thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ sinh động TN 2-A106


Bước vào Chúa nhật II thường niên A, thánh sử Gioan thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ sinh động và đầy ấn tượng mà ông chứng kiến tận mắt giữa thầy mình là Gioan Tẩy Giả với Chúa Giêsu, ông viết: "Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình" (Ga 1, 29). "Thấy Chúa Giêsu tiến về mình", đây là một hành động tương lai, tiếng Hy bá còn diễn tả ‘ngày mai’. Nhưng tương lai này có sự liên tục với Giao Ước cũ, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm. Bằng từ ‘ngày mai’, chúng ta bắt đầu một ngày mới, Năm Phụng vụ mới khai mào. Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới tiến lên thì nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian." (Ga 1, 29)

Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa

Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu đến trần gian với một sứ vụ đặc biệt là giải thoát con người khỏi tội lỗi. Nhưng người ta tự hỏi: Người giải thoát con người bằng cách nào? Thưa, bằng tình yêu. Bởi tình yêu là khí cụ duy nhất để chiến thắng sự dữ và sự tội. Chúa Giêsu yêu chúng ta bằng một tình yêu thế mạng. Người là Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là chúng ta. Không những thế, Người còn phục hồi tất cả những ai sống trên trần gian này và cứu chuộc mang về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục Thiên Chúa; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người… Thật thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi là lý do tại sao Chúa Cha đã cho Con mình tới làm giá chuộc muôn người (x. Ga 3,16; Mc 10, 45), Chúa Giêsu đã trở nên Con Chiên thật xóa bỏ tội trần gian.

Là Đấng xóa tội trần gian

Tội lỗi là nguồn gốc và là căn nguyên của sự chết, làm thế nào thoát khỏi cái chết đời đời? Chắc chắn phải hủy diệt sự chết. Chúa Giêsu là Đấng vô tội đã gánh chịu những đau khổ và mang lấy tật nguyền của chúng ta (x. Is 53,4) Người đã vui lòng chịu chết trên thập giá và hiến tế vì chúng ta, đúng thật Người là Con Chiên đã chịu chết và sống lại để tiêu diệt sự chết và tẩy xóa tội khiên. Khi cử hành lễ hy sinh của Con Chiên trong niềm vui, thánh Phaolô nói rằng: "Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi sự chết, nọc đâu của người ở đâu? "(1 Cr 15,55;  Os 13,14...) " Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật " (Gal 3, 13), để chúng ta có thể thoát khỏi lời nguyền của tội lỗi. Người đích thực là Con Chiên vượt qua, bị nhấn chìm trong dòng sống tội lỗi để thánh tẩy chúng ta.

Sống đời nhân chứng

Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa Giêsu không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả đời sống mình. Ngài đã chỉ vào Chúa và nói với dân chúng: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh hết mọi tội trần gian". Ngài bước đi trên con đường khổ giá và làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng hiến mình chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ngày hôm nay chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng cần phải noi gương thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa để qua đời sống thánh thiện của mình khiến nhiều người nhận biết Chúa.

Có người đặt vấn nạn: Giữa một xã hội gian dối lọc lừa, ích kỷ, hưởng thụ, ghen ghét, hận thù và coi nhẹ sự thủy chung, chúng ta làm chứng cho Chúa thế nào được?

Đức Thánh Cha Phanxicô gợi lên cho chúng ta câu trả lời: làm chứng cho Chúa có nghĩa là gì nếu không phải là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một "thành trì bị vây hãm", nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta rằng bước theo Đức Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn" (Kinh truyền tin Chúa nhật 19/01/2014).

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin giúp chúng con biết dùng lời nói và việc làm để loan báo Tin Mừng của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.

-----------------------------------

 

TN 2-A107: Phúc âm hóa môi trường


(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

 

Hiện nay, có một nghề rất dễ làm, rất dễ hái ra tiền mà chẳng cần qua trường lớp đó là “nghề MC”. TN 2-A107


Hiện nay, có một nghề rất dễ làm, rất dễ hái ra tiền mà chẳng cần qua trường lớp đó là “nghề MC”. Thế nhưng, nghề MC cũng lắm trái ngang. Cũng có những sự cố nghề nghiệp mà danh chẳng còn, hay phải ôm hận cả đời vì  một lời nói lỡ lời. Như trường hợp của MC Lê Minh Ngọc đài HTV sau khi kết thúc bản tin về an toàn giao thông, nam MC này đã nói: "Và như quý vị cũng đã biết, ngày hôm nay là ngày Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chắc chắn rằng nhu cầu quý vị chúng ta đến viếng Đại tướng chắc cũng sẽ có rất nhiều. Vì vậy mà chúng ta cũng nên nhớ chấp hành đúng tín hiệu giao thông cũng như là sự điều tiết của lực lượng cảnh sát chức năng để chúng ta có được một ngày quốc tang thật nhiều niềm vui và thật an toàn". Quốc tang mà tràn ngập niềm vui thì thật là ngớ ngẩn!

Rồi mới đây, MC Yumi Dương dẫn chương trình Giọng hát Việt (The Voice 2013) cũng khiến dư luận phẫn nộ. Sau một tràng dài giới thiệu về hoạt động từ thiện của các thí sinh Giọng hát Việt, Yumi Dương dẫn tiếp: “Xin khán giả một tràng pháo tay cho các thí sinh trong chương trình cũng như đồng bào miền Trung đang chịu bão lũ…”. Lỗi dẫn chương trình này lập tức trở thành “lỗi kinh điển” gây bão dư luận trong năm 2013.

MC viết tắt bởi chữ Master of Ceremonies. MC được hiểu là người có tính hoạt bát, tự tin trước công chúng, có kiến thức rộng, khôi hài, thanh lịch, duyên dáng, có uy tín với công chúng. MC có khả năng dẫn dắt chương trình như một cầu nối với khán giả, làm cho khán giả không chỉ say mê thích thú mà còn là một bộ phận không thể thiếu trong kết cấu chương trình. Chương trình có thành công hay không, phần nhiều là do tài năng của MC.

Như vậy, MC thật cần thiết cho một hoạt động tập thể. Nhờ MC mà tập thể gắn kết với nhau trong một niềm vui chung. MC được ví như một người lái đò đưa khách qua sông. MC dẫn khán giả đến với niềm vui còn mình thì chỉ vui vì niềm vui của người khác. MC hoàn toàn quên mình để làm cho người khác được nổi bật lên còn mình thì như người lái đò tiếp tục lặng lẽ đưa khách qua sông.

Gioan là một MC. Ông giới thiệu Chúa cho người khác. Ông là người dẫn chương trình cho Đấng Thiên Sai thực hiện lời hứa. Ông đã hoàn thành xuất sắc bổn phận của mình là dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông đã làm cho Chúa được lớn lên còn mình nhỏ bé lại.

Nét đẹp của Gioan không phải ở sự duyên dáng bên ngoài hay ăn nói văn chương mà nét đẹp của Gioan hệ tại ở đời sống giản dị, khiêm nhường. Ông không dùng từ hoa mỹ. Ông nói rất dõng dạc “cái rìu đã liền gốc cây, nếu không sinh trái sẽ đốn đi”. Ông mời gọi mọi người hãy làm một việc gì đó để làm đẹp lòng Đấng Cứu Thế. Việc mà ông Gioan mời mọi người cùng tham gia chính là “hãy sám hối để dọn đường Chúa đến”. Ông không sống xa hoa ở đô hội. Ông vào hoang địa sống nghèo khó ăn trâu trấu và mật ong. Ông dành thời giờ sống cho Chúa và với Chúa để nhờ đó mà ông có thể giới thiệu Chúa cho thế gian.

Người ky-tô hữu cũng được mời gọi trở thành MC của Nước Trời. Một MC dẫn người ta đến với Chúa. Một MC dẫn dắt người ta cùng sống lời Chúa. Một MC để Chúa lớn lên còn mình luôn nhỏ bé lại. Một người MC tài năng không chỉ giỏi chuyên môn, kiến thức rộng mà biết linh động sáng tạo trong những trường hợp cụ thể. Một MC ky-tô cũng không chỉ dừng lại ở việc giỏi Kinh Thánh mà còn biết áp dụng từng lời Kinh Thánh trong những biến cố cụ thể hằng ngày.

Cuộc sống tốt đẹp biết bao nếu có những con người biết làm cho môi trường được phúc âm hóa. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao nếu có những người biết dẫn người khác cùng sống lời Chúa, cùng thực thi Lời Chúa. Xin cho chúng ta biết sống lời Chúa trong chính cuộc sống của mình, dám làm chứng cho Tin mừng bằng cả cuộc sống là những trang tin mừng được mở ra. Ước gì chúng ta mãi mãi là những MC dẫn người khác đến với niềm vui của Phúc âm, của Nước Trời. Amen.

-----------------------------------

 

TN 2-A108: Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành

 

Tin mừng Chúa Nhật hôm nay nói về sứ mạng của Thánh Gioan Tẩy Giả là giới thiệu và làm chứng TN 2-A108


Tin mừng Chúa Nhật hôm nay nói về sứ mạng của Thánh Gioan Tẩy Giả là giới thiệu và làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Qua đó, mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta phải là những Gioan Tẩy Giả của thời đại, đó là luôn biết giới thiệu và làm chứng cho Đức Giêsu ở mọi nơi mọi lúc.

1. Thánh Gioan Tẩy Giả có biết Đức Giêsu không?

Thánh Gioan Tẩy Giả còn được gọi là Thánh Gioan Tiền Hô vì Ngài có sứ mạng đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ngài là con ông Gioakim và Bà Isave, có họ hàng với Đức Giêsu. Vì những liên hệ đó, nên trước khi Đức Giêsu chịu phép rửa, chắc chắn Gioan đã biết về Người nhưng có lẽ Ngài chỉ biết về con người của Đức Giêsu chứ chưa biết về Thần tính của Người, nghĩa là Ngài biết chưa đầy đủ. Vì thế, Ngài không dám nhận bừa là đã biết, cho nên Ngài mới nói rằng “Tôi không biết Người.”(x. Ga 1,31).

Nhưng sau khi Thánh Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu, thì Thánh Nhân đã biết Người một cách đầy đủ, tường tận: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.”(x. Ga 1,33). Vì thế, Ngài đã khẳng định rằng: “Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa.” (x. Ga 1,34).

2. Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng về Đức Giêsu như thế nào?

Với nhiệm vụ dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, Thánh Gioan Tẩy Giả đã dùng lời nói và việc làm của mình để làm chứng cho Đức Kitô. Nhưng đáng kể nhất là những lời chứng sau đây:

Lời chứng thứ nhất: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” (x. Ga 1,29).

Theo lẽ thường tình, ai phạm tội, kẻ đó cần phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình, nhưng vì tình thương nên Thiên Chúa đã chấp nhận để cho con chiên đền tội thay cho con người. Vì thế, theo sách Xuất Hành, vào sáng sớm và chiều tối mỗi ngày, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên làm của lễ toàn thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy, tội lỗi của cả dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước mặt Thiên Chúa (x. Xh 29,38-42).

Khi Gioan giới thiệu Đức Giêsu “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian,” thì Ngài muốn nói rằng Đức Giêsu đã trở thành Chiên Hy Sinh để xóa bỏ tội trần gian. Sau này, chính Thánh Phaolô cũng khẳng định điều đó khi nói rằng: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (x. 1Cr 5,7)

Lời chứng thứ hai: “Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi.” (x. Ga 1,30).

Uy tín của Gioan Tẩy Giả càng ngày càng nâng cao nhờ vào đời sống và lời giảng dạy của Ngài. Vì vậy, người đương thời tưởng Ngài là Đấng Cứu Thế. Nhưng Ngài phủ nhận điều đó và khiêm nhường nhận mình “chỉ là tiếng kêu trong hoang địa.” Rồi Ngài khẳng định: “Người đến sau tôi, cao trọng hơn tôi, tôi không đáng để cởi quai dép cho Người.” (x. Ga 1, 19-28).

Lời chứng thứ ba: “Tôi làm phép rửa trong nước còn Người đến sau tôi làm phép rửa trong Thánh Thần.” (x. Ga 1, 26.33).

Đây là sự khác nhau giữa Phép Rửa của Thánh Gioan và Phép Rửa của Đức Giêsu. Phép Rửa của Gioan bằng nước, còn Phép Rửa của Đức Giêsu bằng Thánh Thần. Phép Rửa của Thánh Gioan chỉ kêu gọi người ta thống hối ăn năn tội chứ không tha tội, còn Phép Rửa của Đức Giêsu tha thứ tội lỗi: tội Tổ Tông và tội riêng (nếu có). Phép Rửa của Gioan chỉ dừng lại ở lòng thống hối, Phép Rửa của Đức Giêsu là cửa ngõ để dẫn vào các Bí tích khác, nhất là cửa ngõ để dẫn con người vào Nước trời “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”(x. Ga 3,5).

Lời Chứng thứ tư: “Chính Ngài là Con Thiên Chúa.” (x. Ga 1,34). 

Chúng ta biết được Đức Giêsu là Thiên Chúa nhờ chính mạc khải của Kinh Thánh: Khi Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, chính sứ thần Chúa đã hiện ra báo tin cho các mục đồng biết rằng: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.” (x. Lc 2, 8-14); khi Hài Nhi được tiến dâng cho Thiên Chúa trong Đền Thờ, ông Simêon và bà Anna nhận ra Hài Nhi là Đấng Cứu Thế và cả hai nói tiên tri về Người (x. Lc 2,33-38); chính bà Isave cũng nhận ra Đức Maria đang cưu mang Đấng Cứu Thế (x. Lc 1,43); và hôm nay Thánh Gioan nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa nhờ có tiếng Chúa Cha phán từ trời và nhờ Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu trên đầu Đức Giêsu: "Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.” (Ga 1,33).

3. Để làm chứng cho Đức Giêsu, chúng ta phải làm gì?

Cũng như Gioan, để làm chứng cho Đức Giêsu, chúng ta cũng phải biết về Người.

Trước hết, đó là cái biết vì tri thức. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô.” Vì vậy, để biết Đức Kitô chúng ta cần phải đọc, học hỏi Kinh Thánh, học hỏi giáo lý của Người. Điều này, nhắc nhở sự quan tâm của những người có trách nhiệm trong việc dạy giáo lý: Cha xứ đối với giáo dân; thầy cô giáo lý viên đối với học sinh; cha mẹ đối với con cái; người có đạo đối với những người lương dân, nhất là những người có trách nhiệm dạy đạo cho các dự tòng và tân tòng.

Thứ đến, đó là cái biết về tương quan thần linh với Thiên Chúa. Hay nói như Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20) Điều này được thể hiện qua đời sống đạo. Người biết Thiên Chúa về điểm này thường có đời sống đạo tốt, siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích. Lời nói và đời sống đạo của họ đi đôi với nhau. Nghĩa là họ đã xác tín điều họ nói. Cho nên, lời nói của họ rất có tính thuyết phục. Vì “con người thời đại thích chứng nhân hơn thầy dạy.” (Đức Phaolô VI). Đó là những con người “mang Tin Mừng, mang sức mạnh của Thiên Chúa.”

Cuối cùng, để làm chứng về Đức Giêsu, chúng ta phải “nên thánh”, trở nên Con Chiên của Ngài. Con chiên thì hiền lành. Con chiên thì khiêm nhường. Con chiên thì chấp nhận ghánh tội thay cho người khác. Tin mừng Thánh Mathêu cho chúng ta biết những ai thuộc thành phần Chiên, đó là những người: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.” (x. Mt 25,35-36).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết chăm chỉ học hỏi giáo lý và thực hành những gì giáo lý đòi hỏi để khi chúng con làm chứng cho Chúa thì lời chứng của chúng con có sức thuyết phục đối với mọi người. Amen.
 
 

-----------------------------------

 

TN 2-A109: NHẬN RA ĐỨC GIÊSU LÀ THIÊN CHÚA

 

Khởi đầu mùa thường niên, phụng vụ Lời Chúa mở cho chúng ta con đường trở nên người môn đệ TN 2-A109


TMĐP- Khởi đầu mùa thường niên, phụng vụ Lời Chúa mở cho chúng ta con đường trở nên người môn đệ đích thực của Đức Giêsu bằng chiêm ngưỡng Ngài để biết Ngài.

Như Gioan Tẩy Giả đã thấy Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”; đã thấy “Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người ”, và như Gioan, người môn đệ của Đức Giêsu sẽ lên tiếng trước muôn dân: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng  Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1, 29.32.34).

Trước hết, ngôn sứ Isaia từ thời Cựu Ước đã loan báo Đức Giêsu là người tôi trung của Thiên Chúa, Đấng sẽ biểu lộ vinh quang của  Chúa Cha, khi quy tụ dân Ítraen bị lưu đầy từ khắp nơi  chung quanh Ngài (x. Is 49,3.5).

Không chỉ là người tôi tớ trung tín của Giavê Thiên Chúa, Đức Giêsu còn là Ánh Sáng cho dân ngoại như sấm ngôn của Isaia: “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6).

Thực vậy, Đức Giêsu đã thực hiện sứ vụ quy tụ nhà Ítraen và  là ánh sáng  cứu độ  muôn dân, bằng trở nên Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, nghĩa là trở nên Của Lễ đền tội cho toàn thể nhân loại.

Sở dĩ Đức Giêsu đã tự nguyện trở nên Chiên gánh tội thiên hạ, Chiên xóa tội trần gian, vì đây là chương trình của Thiên Chúa, Cha Ngài, Đấng đã “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16), và để con người được sống, thì chính Con Thiên Chúa phải chết để chuộc lại sự sống đã mất vì tội lỗi ở loài người.

Thánh vịnh 39 đã lột tả tâm tình của người con một lòng  yêu mến  và tuyêt đối vâng phục Cha mình là Thiên Chúa: “Lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: “Này con xin đến!” vì “trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lậy Thiên Chúa của con” (Tv 39, 7-8).

Tuy cùng được nghe các ngôn sứ loan báo về  Đức Giêsu, và được tận mắt  thấy Ngài yêu thương, chữa lành, cứu sống; được nghe Ngài giảng dậy; được ở gần và  chạm vào Ngài, nhưng không phải ai cũng thấy và nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa; không phải người nào cũng chân thành đón nhận lời Ngài dạy và quảng đại đi theo làm môn đệ Ngài.

Rất nhiều người đồng thời với Đức Giêsu đã không thấy Đức Giêsu ở giữa họ và tiến về phía mình, như Gioan Tẩy Giả đã thấy; và nhiều hơn nữa những người tuy thấy những phép la Ngài làm, và nhận được lòng thương xót  của Ngài, nhưng lại không đủ khiêm tốn nhận mình là kẻ chịu ơn, khác với Gioan ngay cao điểm của thời “hoàng kim” được mọi người suy tôn, thần tượng  cũng vẫn một mực  công khai nhận mình “chỉ là tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,23), và khiêm hạ qủa quyết: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27), vì “Người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,30), và “chính Người là Con Thiên Chúa” (Ga 1,34).

Vâng, là môn đệ của Đức Giêsu, người Kitô hữu phải liên lỷ chiêm ngưỡng Đức Giêsu trong đời sống để nhận ra Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa tuyển chọn, hầu có thể sống ơn gọi làm chứng nhân của mình.

Ơn gọi chứng nhân là ơn gọi nên thánh, và là ơn gọi phổ quát cho hết mọi người, không phân biệt màu da, tiếng nói, trình độ, hoàn cảnh… như thánh Phaolô khẳng định:  Đó là “những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô,  là Chúa của họ và của chúng ta” (1 Cr 1,2).

Jorathe Nắng Tím

-----------------------------------

 

 TN 2-A110: Suy niệm của Lm. Phaolô Lê Văn Nhơn


Một hành trình sống đạo

 

Tôi muốn nói gì? Thưa: sẽ là chán ngấy, nếu chỉ như một kịch bản diễn đi diễn lại hằng năm. Chúa TN 2-A110


Tôi muốn nói gì? Thưa: sẽ là chán ngấy, nếu chỉ như một kịch bản diễn đi diễn lại hằng năm. Chúa Giêsu giáng sinh với hình hài bé thơ trong ánh đèn màu. Một thoáng mây trắng bay trên bầu trời trong xanh của dòng Jordan thơ mộng, đã là một người lớn “trạc độ 30 tuổi”. Không phải thế, mùa Phụng vụ là hành trình sống đạo của Hội thánh và của mổi người Ki-tô hữu chúng ta. Bằng vào sự biến chuyển của thời tiết, loài người trên hành tinh nầy gọi bốn mùa: Xuân Hạ Thu Đông, cứ tưởng chẳng ảnh hưởng gì, nào ngờ….” Một phen xuân đến một phen già”. Không nghi ngờ gì, tạo Hóa đã an bài trong mỗi mùa những chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự sinh tồn và phát triển của muôn loài. Mùa Phụng Vụ, Thiên Chúa toàn năng giàu lòng yêu thương đã tiên liệu những hồng ân đầy đủ để mổi người chúng ta theo đuổi sự nghiệp thánh hóa đời mình. Mùa Giáng Sinh chúng ta đem tất cả niềm tin đón mừng Con Thiên Chúa làm người ,giành cho Ngài một miền đất sống trong tâm hồn chúng ta. Mùa Quanh năm chúng ta đón nhận hồng ân củng cố sự lựa chọn mang tính hiện sinh ấy, và triển nở đến đỉnh cao trưởng thành và viên mãn của Thân Thể nhiệm mầu Chúa Giêsu Ki-tô.

Lời chứng của Gioan Tẩy Giả

Trong tầm nhìn vỹ mô ấy, Lời Chúa hôm nay muốn xây dựng niềm tin vào Con Thiên Chúa trên chứng từ của thánh Gioan Tẩy Giả ,một cửa sổ đặc biệt có thể mở ra đón ánh sáng Thần Khí ngay từ trong lòng mẹ. Không một con cái người nữ nào trên mặt đất nầy có thể nói như trong mơ rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng Đấng sai tôi làm Phép Rửa trong nước phán bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm Phép Rửa trong Chúa Thánh Thần. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: Chính Ngài là Con Thiên Chúa.” Chuyện kể rằng hồi kết của Lời chứng ấy thấm nhuộm máu đào. “ Các môn đệ đem xác Ngài về an táng trong phần mộ”. Tôi không nghi ngờ gì, nhưng quả thật Ngài làm tôi choáng váng vì

Một điều kỳ diệu quá lớn lao!

Đấng Mê-xi-a, cũng gọi là Đấng Ki-tô, người muôn dân trông đợi,chính là Con Thiên Chúa sao?

Suốt dòng Kinh thánh cựu ước, ngay cả cụm từ Con Thiên Chúa cũng như ngọn đèn khi tỏ khi mờ.Không phải ánh sáng Thần Khí không đủ sáng, nhưng vì tầm trí năng của các ngôn sứ không đủ kích cở để có thể đón nhận và phản chiếu ánh sáng chói chan của Thần Khí. "Cho đến thời Ông Gioan” Tẩy giả, Thiên Chúa toàn năng sáng tạo một cửa sổ đặc biệt ngay từ trong lòng mẹ. Lần gặp gở đầu tiên Đấng Mê-xi-a, Gioan đã nhảy mừng. Bằng một tác động bình thường của thai nhi, em bé thông truyền ánh sáng Thần Khí cho mẹ mình khiến “bà đầy Thánh Thần và thốt lên ôi Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Còn hơn một ngôn sứ nữa, ông Gioan là người cao cả, Chúa Giêsu đã nói về thánh Gioan tẩy giả như thế. Trong Phúc Âm của mình thánh Gioan tông đồ cho biết “Gioan không phải là Sự Sáng nhưng Ông đến để chứng minh Sự Sáng”

Lời Chứng của Đức Maria

Thánh Am-brô-xi-ô tập chú vào sự kiện Đức Maria thăm viếng bà Ê-li-za-bết nơi Tin mừng thánh Luca: “Bà mẹ đón nhận Đức Maria đến thăm,còn người con lại cảm thấy Chúa ngự đến…Con trẻ nhảy mừng, bà mẹ đầy tràn ơn thánh. Không phải bà mẹ được đầy ơn trước, nhưng vì con được đầy tràn Thánh Thần nên cũng làm cho mẹ được đầy tràn”. Được thúc đẩy bởi Thánh Thần Đức Maria vội vã ra đi lên miền rừng núi xứ Giu-đê-a viếng thăm bà chị họ Ê-li-za-bết. Vì lòng bác ái chăng? Đúng vậy, nhưng trước hết để chu toàn sứ mệnh cao cả Thiên Chúa ủy thác. Đức Maria phải có mặt trong biến cố nầy để xác nhận Lời loan báo của Thánh Thần qua vị ngôn sứ của Ngài:”Mẹ Thiên Chúa” đến viếng thăm. Đúng vậy, Thiên Chúa đã ký gởi cho Mẹ Điều kỳ diệu quá lớn lao ấy.

Lời chứng cho chính mình

“Ta có chứng cao trọng hơn chứng của Gioan: đó là những việc Cha Ta đã giao cho Ta thực hiện, chính các việc mà Ta đang làm minh chứng rằng Cha đã sai Ta”. Thánh Gioan tông đồ đã cẩn thận ghi lại những lời vàng ngọc ấy là vì “để anh em tin mà được sống đời đời”. Con chim Phượng hoàng bay vút thinh không ấy thật diểm phúc: vì “Không ai biết Cha trừ ra Con, cũng không ai biết Con trừ ra Cha, và kẻ Con muốn mạc khải cho”. Lần khởi đi từ Lời Chứng nầy, hồi nhớ về biến cố năm 12 tuổi: Người ở lại trong đền thờ Giê-ru-sa-lem(nơi mà sau nầy Người gọi là Nhà Cha Ta) giữa các nhà thông thái đang nghiên cứu Thánh Kinh, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc mang tính hàn lâm cao khiến các ông vô cùng kinh ngạc - Là vì Lời đã làm người mà các ông không hay biết - Điểm sáng bỏ qua cảnh ấy, hội tụ đến một nơi rất quan trọng. Trước sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Giuse (chính xác là dựa vào tình phụ tử trần gian) Lời chính thức loan báo về chính mình:

- “Thầy Mẹ tìm con làm gì? Thầy Mẹ không biết rằng CON phải thu xếp các công việc cho CHA con ư?”(lời dịch của Đức Hồng y Trịnh văn Căn từ Bản Phổ Thông)

- “Thì tại sao tìm con? Lại còn không biết là CON phải ở nơi nhà CHA con sao?”

(Lời dịch của cha Nguyễn thế Thuấn từ bản văn Hy Lạp)

Cơ hồ là một huyền nhiệm ẩn dấu từ muôn thuở. Phải chính Lời tỏ ra khi đến thời gian viên mãn.

Thiên Chúa Cha đích thân Xác nhận

Bước lên từ dòng sông Jordan lửng lờ trôi như dòng lệ sám hối của sứ điệp thánh Gioan tẩy giả, Chúa Giêsu đang cầu nguyện. Bỏ qua lời thoại giải thích của thánh Matthêô, thánh Luca đi ngay vào quang cảnh Thần hiện:”Trời mở ra và Thánh Thần lấy hình dáng thể xác như chim câu, đáp xuống trên Ngài, và từ trời một tiếng phát ra:

Con là Con chí ái Ta, Kẻ Ta đã sủng mộ

Một nơi khác, Chính Chúa Giêsu xác nhận, Lời ấy phán ra  vì anh em có nghĩa là vì sự cứu độ của muôn người, hay diển tả như thánh Gioan tông đồ “Là để anh em tin mà được sống muôn đời”.

Lời Chứng của Hội Thánh

Chính Chúa Giêsu đã tiên liệu Lời chứng mang tính pháp lý nầy,khi dẫn Phê-rô, Giacôbê, và Gioan lên núi Taborê cầu nguyện. Nơi quang cảnh Thần hiện ấy, từ trong đám mây có tiếng phán ra: “Nầy là CON rất yêu dấu của TA, các ngươi hãy nghe lời Người”. Lời Chứng nầy mang tính pháp lý, vì khi thánh Phê-rô làm chứng điều nầy Ngài đã cố ý dùng từ chúng tôi có nghĩa là Lời chứng có giá trị trước tòa án theo như luật pháp lúc bấy giờ quy định. Lời chứng của ba nhân chứng.

Niềm tin vào CON THIÊN CHÚA

Những Lời chứng trên đây rốt cuộc cũng chỉ là dấu chỉ của đức tin,là lời mời gọi Hãy tin vào Con Thiên Chúa. Thật vậy,có lẽ ai đó còn có nhiều Lời chứng sâu sắc rộng rãi hơn, nhưng khi đối diện với lòng mình tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng sợ hãi. Một sự sợ hãi kinh hoàng bao phủ tôi giống như sự sợ hãi của dân Do-thái khi đứng trước ngỏ cụt, trước là biển cả,phía sau quân thù  đuổi bắt!

Trước mặt tôi là vực thẳm tăm tối,nhưng trong tôi vang lên lời thôi thúc: hay tín thác vào bàn tay uy quyền toàn năng như một bàn tay nhiệm mầu đủ sức đưa tôi từ nơi tối tăm kinh hoàng đến nơi ánh sáng kỳ diệu. Tôi đã nhảy vào vực thẳm ấy: Niềm tin vào CON THIÊN CHÚA.
 
 

-----------------------------------

 

TN 2-A111: Các môn đệ đầu tiên


(Chú giải và gợi ý suy niệm của Lm FX Vũ Phan Long)

1/ Ngữ cảnh

 

Trong Tin Mừng IV, bài tường thuât ơn gọi các môn đệ được ghép vào bên trong cái khung gọi là TN 2-A111


Trong Tin Mừng IV, bài tường thuât ơn gọi các môn đệ được ghép vào bên trong cái khung gọi là “Tuần lễ khai mạc sứ vụ của Đức Giêsu”.

- hai ngày đầu: Gioan làm chứng (phủ định – khẳng định);

- ngày thứ ba (“hôm sau”, Ga 1,35): lần này Gioan giới thiệu Đức Giêsu cho hai môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (cc. 35-36);

- đoạn văn của chúng ta (1,35-42) nằm ở vị trí này;

- ngày thứ tư (“hôm sau”, 1,43): Đức Giêsu gọi Philípphê và Nathanaen;

- “ngày thứ ba” (2,1): Đức Giêsu “bày tỏ vinh quang” (2,11) tại Cana miền Galilê.

Các mốc về thời gian này có một ý nghĩa mà chúng ta cần nắm vững, để hiểu được bản văn. Chúng ta sẽ phân tích các nghĩa này trong truyện Tiệc cưới Cana (2,1-12).

2/ Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba phần:

1/ Hai môn đệ đầu tiên (1,35-39);
2/ Anrê (1,40-42a);
3/ Simôn (1,42b).
3/ Vài ghi chú về chú giải

- Ông Gioan đang đứng… (35): Có một nhóm môn đệ thường xuyên ở quanh Vị Tiền Hô (x. Mc2,18t; Mt 11,2; 14,12; Lc 11,1; Ga 3,25). Bản văn xác định tiếp rằng một trong hai môn đệ là Anrê, em của Simôn (c. 41); còn người thứ hai thì vô danh.
Tìm cách dung hòa bài tường thuật của TM IV với bài của các TMNL nói về ơn gọi của các môn đệ (x. Mc 1,16-20) là chuyện vô ích. Chỉ có một điểm gặp nhau: hai anh em Simôn và Anrê ở trong số những người được gọi đầu tiên. Còn các khác biệt quá lớn:

* Theo Mc 1,29: Simôn ở Caphácnaum; theo Ga 1,44: hai anh em gốc Bétxaiđa.

* TM IV không nói gì tới các con ông Dêbêđê, trong khi theo Mc 1,18-20, họ là cặp môn đệ thứ hai; Mc lại không hề nói đến Philípphê và Nathanaen.

* Bối cảnh cũng khác nhau: theo TM IV, các môn đệ đầu tiên thuộc nhóm của Vị Tiền Hô, đã được ông hướng dẫn tới với Đức Giêsu; theo Mc, Đức Giêsu chỉ kêu gọi các môn đệ sau khi Gioan bị bắt, và kêu gọi tại bờ hồ Ghennêsarét, chứ không tại bờ sông Giođan, lúc đó họ đang làm nghề chài lưới.

* Ý hướng tổng quát khác nhau: Theo Mc, đây là một biến cố bất ngờ lôi kéo người ta ra khỏi cuộc sống hằng ngày để thi hành sứ mạng tông đồ; thật ra bản văn Mc là một bản tóm về thần học ơn gọi. Dường như bản văn Ga còn ghi giữ lại kỷ niệm lịch sử, đó là các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu, và có thể chính tác giả, đã có lúc thuộc về nhóm Gioan Tiền Hô.

- thấy Đức Giêsu đi ngang qua (36): Hôm sau ngày làm chứng (cc. 29-34), trong khi Gioan còn đứng đó, Đức Giêsu đã bắt đầu tiến đi: thái độ của Gioan tượng trưng rằng sự nghiệp của ông đã đến lúc chấm dứt; thái độ của Đức Giêsu đánh dấu khởi đầu cuộc đời của Người là một cuộc tiến bước thiêng liêng, sẽ đưa Người về với Chúa Cha (x. Ga 14,28). Còn Gioan thì tức khắc nói với hai người trong nhóm môn đệ đã đến để tìm ơn cứu độ nơi ông, rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”.

- Các anh tìm gì thế? (38): “Tìm” (zeteô: 34 lần trong TM IV) có nghĩa là “tìm cách có lại những đồ vật đã bị mất hoặc để lạc”. Trong ngôn ngữ Hy Lạp của Bản LXX, đây là từ ngữ chuyên môn để nói về việc đi tìm Thiên Chúa, đặc biệt tìm sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (x. Kn 1,1-2a; 8,2.18 …). Trong tiếng Hípri, “tìm” là darash; darash hattorah, “tìm Torah”, có nghĩa là giải thích Kinh Thánh.

- Thưa Rabbi, Thầy ở đâu? (38): Rabbi là danh xưng tôn kính để gọi các kinh sư.

- Thầy ở đâu? (38): Trên môi các môn đệ, câu hỏi chỉ nhắm nơi Đức Giêsu đang sống, để họ đến gặp, nhưng tác giả là người đã quen sử dụng các từ ngữ theo hai ý, có lẽ cũng hiểu câu hỏi theo một nghĩa sâu hơn: “Thầy ở đâu về phương diện thiêng liêng?”. Đối với ông, các môn đệ đã mặc nhiên thưa với Đức Giêsu lời thỉnh cầu của Philípphê và của bất cứ người nào: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha (nơi Chúa Cha, Thầy đang cư ngụ), như thế là chúng con mãn nguyện” (14,8).

- Đến mà xem (39): Dịch sát là “Hãy đến và các anh sẽ xem thấy, erchesthe kai opsesthe. Mệnh lệnh cách erchesthe có thể hiểu theo nghĩa điều kiện là “nếu như, với điều kiện”. Còn opsesthe là thì tương lai của động từ horaô, có thể hiểu như một lời hứa của Đức Giêsu: TM IV có bốn động từ để diễn tả cái nhìn, từ cái nhìn thể lý nhất đến cái nhìn chiêm ngưỡng sâu sắc nhất, đó là:blepein, theasthai, theôrein, horan [idein]. Động từ sau cùng thuộc về lãnh vực đức tin. TrongGa 1,39, Đức Giêsu mời các ông di chuyển về phía Người và có cái nhìn đức tin.

Câu trả lời của Đức Giêsu ở đây cũng có một mức độ sâu hơn: việc khám phá ra nơi ở trần thế của Người tượng trưng và chuẩn bị cho việc khám phá ra nơi ở thiêng liêng của Người. Bước đi theo Người theo cách thể lý, các môn đệ thấy nơi trú ngụ của Người; hơn nữa, đã bước đi theo Người cách thiêng liêng bằng lòng tin, họ cũng bắt đầu thấy được nơi ở thiêng liêng của Người, tức Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (14,9).

- Họ ở lại với Người (39): Đây là chặng đầu của một cuộc chung sống đưa tới sự hiệp thông sâu xa nhất (x. 15,4). Trọn buổi chiều, kể từ 4g, họ xem và ở lại với Đức Giêsu, về thiêng liêng cũng như về thể lý. Buổi chiều hoặc đêm đáng ghi nhớ ấy mở đầu cho đời sống đức tin tròn đầy, đã đưa Anrê và người môn đệ vô danh kia vào trong mầu nhiệm của đời sống Đức Kitô và làm cho họ rất phấn khởi: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”, Anrê reo lên như thế khi gặp Simôn. Một niềm vui thiêng liêng bùng ra: theo các TMNL, đây là niềm vui được ban cho những tâm hồn khám phá ra viên ngọc quý và kho tàng trên trời (x. Mt 13,44).

- Khoảng giờ thứ mười (39): tức khoảng 4g chiều. TM IV quen ghi chú về thời gian chính xác (x. 4,52; 18,28; 19,14; 20,19), nhưng hẳn là có một ý hướng biểu tượng. Trong một số bản văn củaCựu Ước hoặc của Do Thái giáo đương thời, số 10 là con số hoàn hảo; vậy “giờ thứ 10” hẳn là giờ hoàn tất và đánh dấu khởi đầu công trình của Đức Giêsu. Quả thế, ở 11,9, “ngày” là một hình ảnh được dùng để gọi thời gian Đức Giêsu hoạt động ở trần gian (x. thêm 9,4-5; 12,35). “Mười” là một con số hoàn hảo đối với các triết gia phái Pythagore và triết gia Philô khiến Bultmann gợi ý rằng đây là giờ của sự hoàn tất. Cũng có những tác giả cho rằng ngay hôm sau, bắt đầu vào lúc mặt trời lặn, là một ngày sa-bát; do đó hai môn đệ đã phải ở lại với Đức Giêsu để tránh di chuyển vào ngày ấy.

- Trước hết (prôton) (41): Cuộc trò chuyện đã kéo dài trong đêm. Do đó, chúng ta hiểu là sáng hôm sau, Anrê trước hết vội vã đi tìm anh trước khi làm bất cứ việc gì.

- Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia (41): Dịch sát là “Chúng tôi đã tìm thấy/tìm ra Đấng Mêsia”Heuriskein, tìm thấy, được dùng thường xuyên trong phân đoạn này và phân đoạn sau. Anrê “tìm thấy/ra” Simôn, báo rằng họ đã “tìm thấy/ra” Đấng Mêsia. Sau được Đức Giêsu “tìm thấy/ra”, Philípphê “tìm thấy/ra” Nathanaen và bảo rằng đã “tìm thấy/ra” Đấng Mêsia.

- Anh sẽ được gọi là Kêpha, tức là Phêrô (42): Kêphas là từ Aram kêpha được hy-hóa, có nghĩa là “tảng đá”. Cũng như từ rabbi (c. 38) và Mêsia (c. 41), kêpha là từ Aram; điều này khiến chúng ta lưu ý là có ba từ Aram trong cùng một đoạn văn. Hẳn là tác giả suy tư trong ngôn ngữ này, hay ít ra ngài cũng rất quen thuộc các thuật ngữ Aram. Bản RSVdịch thành một câu hỏi: “So you are Simon the son of John? Vậy anh là Simôn con ông Gioan à?”. Thật ra, bản văn không gợi ý một câu hỏi. Còn việc Đức Giêsu đặt tên cho Simôn thì chúng ta hiểu: Người ta đặt tên cho những người hoặc những vật thuộc quyền kiểm soát của mình (x. St 2,20; Dn 1,7); các người cha đặt tên cho con cái (Mt 1,25; Lc1,63).

4/ Ý nghĩa của bản văn

* Hai môn đệ đầu tiên (35-39)

Truyện hai môn đệ này chắc chắn có dấu vết những hoài niệm về một vài môn đệ. Nhưng dưới ngòi bút của tác giả, truyện mang tính điển hình để chia sẻ với độc giả cái nhìn về đời môn đệ. Các biến cố xảy ra rất nhanh, trong cái khung giả tạo bảy ngày: các môn đệ đầu tiên đến gặp Đức Giêsu, rồi Đức Giêsu gọi Phêrô, Philípphê, Nathanaen. Cuối cùng toàn chương kết thúc với lời Đức Giêsu long trọng mạc khải về chính mình: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên sứ của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51).

Trước khi truyện đạt tới đỉnh cao này, tác giả ghi lại lời chứng của Gioan. “Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’” (Ga 1,36). Lời này nhắc lại lời nói trong hoạt cảnh ở c. 29, chỉ khác là thuộc về ngày hôm sau. Đây là “cấu trúc trôn ốc” quen thuộc của tác giả. Người thường xuyên trở lại với những đề tài cũ, cứu xét chúng từ những viễn tượng khác, thăm dò, và chia sẻ với các độc giả sự phong phú đặc biệt của những thực tại Người đề cập đến (x. Ga 20,19-23).

Lúc đó Gioan [và hai môn đệ] được mô tả là “đang đứng” (heistêkei). Có vẻ như thể ông đang chờ chuyện gì đó xảy ra. Trong TM IV, hành động duy nhất có ý nghĩa mà Gioan làm, đó là làm chứng. Vì lúc này Đức Giêsu chưa xuất hiện, hành động đó chưa xảy ra được. Như ngày hôm trước, Gioan thấy Đức Giêsu bước đi và đã giới thiệu Người (Ga1,29), sang ngày hôm sau, một lần nữa, Gioan lại công bố Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Hoạt cảnh của ngày hôm qua cho biết ý nghĩa của tên gọi bí ẩn này; hoạt cảnh hôm nay cho thấy hậu quả của lời loan báo ấy. Ông mời họ rời xa ông để gắn bó với Đấng Cứu thế duy nhất chân thật.

Do được thầy giới thiệu, hai môn đệ đã quyết định đi theo Đức Giêsu. Ơn gọi của họ, cũng như của Samuen, được đánh thức bởi một người khác, không phải bởi “ánh sáng” nhưng bởi “chứng nhân của ánh sáng” (1,8; 3,3). Tác giả không nói gì đến hoàn cảnh thời gian, không gian, tâm lý của các nhân vật: đây cũng là một lược đồ. Ý thức về sự khác biệt giữa tiếng nói và Đấng được tiếng nói làm chứng cho, hai môn đệ bước theo Đức Giêsu.

Hẳn là vì nghe tiếng bước chân, Đức Giêsu quay lại, và thấy các ông đi theo mình. Người hỏi thẳng: “Các anh tìm gì thế?” (Ga 1,38). Những người đi theo thưa với Người làrabbi, không trả lời câu hỏi của Người, mà lại hỏi Người ở đâu. Thay vì cung cấp một câu trả lời trực tiếp, Đức Giêsu mời hai người đến và xem nơi Người ở. Hai ông đã nhận lời mời và đi với Người đến nơi Người ở, nơi này là nơi nào chúng ta không biết. Lúc đó vào khoảng giờ thứ 10 (= 4g chiều, hay là 5/6 ngày đã trôi qua), tức đã muộn. Có lẽ họ đã qua đêm với Người. Chi tiết về thời gian này có ý nghĩa gì với tác giả không? Rất có thể chi tiết này gợi ý rằng đây là giờ của sự hoàn tất. Điều đánh động trong mẩu đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên của Gioan, đó là họ xưng hô với Đức Giêsu là rabbi. “Thưa rabbi”. Rabbi là từ ngữ thường được dùng để bày tỏ lòng tôn kính; TM IV thường dùng từ ngữ này vào những dịp tường thuật các cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người khác. Những người được hưởng nhờ quyền lực siêu phàm của Đức Giêsu cũng gọi Người là Rabbi.Rabbi có nghĩa chữ là “thầy tôi” (didaskalos), thường được các môn sinh dùng để gọi vị thầy họ trân trọng, nhưng sau này chỉ còn nghĩa là “thầy”.

Trong TM IV từ đầu cho đến đây, không chi tiết nào cho thấy Đức Giêsu là một thầy giáo. Không một điều gì gợi ý là dân chúng mong ước Đấng đang đến là một thầy dạy. Trong TM này, từ ngữrabbi cũng không được sử dụng nhiều: 7 trên 8 lần được các môn đệ Đức Giêsu sử dụng (1,38.49; 3,2; 4,31; 6,25; 9,2; 11,8); lần còn lại được đặt trên môi của các môn đệ nhìn nhận Gioan là thầy họ (3,26).

Hai môn đệ vô danh “bước theo” Đức Giêsu. Trong hy-ngữ, “bước theo” (akoloutheô) có nghĩa là “đi đàng sau một người”; “trở thành môn đệ” (nghĩa ẩn dụ). Thay vì theo Gioan, bây giờ họ bước theo Đức Giêsu. Họ đã học với Gioan; nay họ phải học với Đức Giêsu. Chính vì thế, họ gọi Người là rabbi. Đây là cách tác giả diễn tả đòi hỏi từ bỏ tận căn được nói đến trong các TMNL(x. Mt 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22): hoặc họ là môn đệ của Đức Giêsu hoặc họ là môn đệ của Gioan. Không thể có thỏa hiệp. Đây không còn phải là quyết định triệt để trở thành môn đệ bằng cách từ bỏ những của cải vật chất nữa để đi theo một vị thầy du thuyết; đúng hơn, đây là từ bỏ một dấn thân đầu tiên trong đức tin của mình.

Nhưng ở đây không chỉ có vấn đề một dấn thân tận căn. Tác giả diễn tả xác tín của mình là những ai đã thật sự học nơi Gioan, những ai đã thật sự hiểu ý nghĩa của lời chứng của Gioan, thì trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Các môn đệ của Gioan tìm được vị trí đúng đắn của họ trong cuộc đời khi họ trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Những ai đã chú ý thật sự đến lời chứng của Gioan thì phải đi vào nhóm môn đệ của Đức Giêsu. Đây là ý nghĩa biểu tượng và cũng là ý nghĩa đích thật của bài tường thuật.

Câu hỏi mở đầu của Đức Giêsu cũng lạ: “Các anh tìm gì thế?”, một câu hỏi trên bình diện tường thuật thuần túy chỉ có nghĩa là “Các anh muốn gì?”. Họ không đáp lại bằng một câu trả lời, nhưng bằng một câu hỏi: “Thầy ở đâu?”. Nếu so sánh với ba TMNL, ta thấy những lời đầu tiên Đức Giêsu nói công khai được các TM ấy ghi lại đều có chất chứa một chương trình cho toàn thể TM(Mt 3,15; Mc 1,15; Lc 4,21), còn TM IV thì thế nào?

Có thể cho rằng tác giả trình bày các môn đệ đầu tiên của Gioan như là những cá nhân đang theo đuổi sự Khôn Ngoan thần linh. Tuy nhiên, Đức Giêsu chính là hiện thân của sự Khôn Ngoan thần linh. Thật khôi hài, những người đi tìm sự Khôn Ngoan thần linh lại tìm thấy sự Khôn Ngoan hiện thân khi họ bước theo Đức Giêsu. Rồi tác giả cũng cho thấy Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh, và thường quy chiếu về bản thân Người. Chẳng hạn, Người thực hiện một midrash[1] về Tv 78,24 trong Diễn từ về bánh ban sự sống (Ga 6,26-51). Từ cách hiểu tổng quát về Đức Giêsu như thế, rất có thể tác giả mô tả hai môn đệ đi đến với Đức Giêsu như đến với người có thể giải thích Kinh Thánh. Nếu vậy, hẳn là họ đã có lý khi thưa rabbi (Ga 1,38), nhưng danh hiệu này cũng phản ánh cách các thành viên của cộng đoàn tác giả hiểu về Đức Giêsu. Do đó, câu hỏi của hai ông “Thầy ở đâu?” đã được Đức Giêsu nâng lên một bình diện ý nghĩa khác (x. phản ứng của Đức Giêsu đối với câu nói của Đức Maria tại tiệc cưới Cana: Ga 2,3-4), khi Người bảo các ông bằng một câu nặng chất đức tin: “Hãy đến và các anh sẽ xem thấy”.

Hai môn đệ hỏi: “Thầy ở đâu?”. Câu hỏi này không đơn giản như thoạt nhìn. “Ở/ở lại”, menô, là một động từ tác giả rất ưa chuộng (Ga: 40 lần; truyền thống Gioan 28 lần (1 Ga: 24x; 2 Ga: 3x;Kh: 1x)[2].

Động từ này được TM Ga dùng theo các nghĩa sau[3]: (1) Nghĩa thông thường: “Ở lại” hoặc “sống” tại một nơi nào đó (1,39; 2,12; 4,40; 12,24). Thường, ý nghĩa địa dư này chuyển sang nghĩa thần học; (2) Nghĩa thần học: “Ở lại” thường gợi lên một khoảnh khắc đặc biệt quan trọng trong lịch sử cứu độ. Đức Giêsu “ở lại” với các môn đệ đang tin vào Người (Ga 2,12; 4,40; 7,9; 10,40; 11,6.54; 14,25). Đám đông nói rằng Đấng Kitô “ở lại” (tồn tại) mãi mãi (Ga 12,34), nhưng tác giả gợi ý rằng Đức Giêsu ở lại Nhà của Cha Người (Ga 8,35). Trong các bài diễn từ cáo biệt (Ga ch. 13–17), tác giả trình bày rộng rãi ý nghĩa đích thực của “ở lại”. Đức Giêsu trở về với Chúa Cha để chuẩn bị một chỗ cho các môn đệ để họ được ở với Người (Ga 14,2-3). Chúa Cha ở lại trong Đức Giêsu (Ga 14,10) và Thánh Thần ở lại trong các môn đệ của Đức Giêsu (Ga14,17). “Ở lại” không chỉ là “ở với”, mà còn có nghĩa là “ở trong”. Trong thực tế, có một sự “ở lại trong nhau” giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Họ ở lại trong Người và Người ở lại trong họ (Ga15,4.5.7). Ý nghĩa tối hậu của bí tích Thánh Thể là: đây là một phương tiện để ở trong nhau và hiến mạng sống cho nhau (Ga 6,56). Đây là một tình trạng cánh chung mà mọi tín hữu có thể sống ngay lúc này, nếu tuân giữ giới răn yêu thương (Ga 15,10; x. 1 Ga 4,12.16).

Tất cả những điều này đã được tiên báo khi Đức Giêsu mời hai môn đệ vô danh đến và xem Người ở đâu. Không phải là Người muốn họ đến mà thăm cái lều người Ả Rập du cư (bedouin) hoặc một nhà trọ nào bên đường. Người mời họ đến mà nhận thấy rằng Người đang ở với Chúa Cha và Chúa Cha đang ở với Người. Họ đến mà trải nghiệm rằng sống chung với Người chính là điều duy nhất quan trọng của đời sống Kitô hữu.

Cũng như Gioan đã thấy (horaô) Thần Khí ở lại (menơ) trên Đức Giêsu, các môn đệ được mời xem/thấy (horaô) nơi Đức Giêsu ở (menô). Đây không phải là một vấn đề nhìn xem bằng cặp mắt thể lý, mà là một nhận thức nhờ đức tin. Như Gioan đã trải nghiệm cái nhìn mà Thiên Chúa đã hứa (cc. 32.34), các môn đệ cũng chấp nhận lời mời của Đức Giêsu: “Hãy đến và các anh sẽ xem thấy, erchesthe kai opsesthe” (1,39). Một lời mời gọi (các anh hãy đến) và một lời hứa (các anh sẽ thấy). Họ đã đến, tức là rời bỏ vị trí, quan điểm, lập trường của họ, để đi vào vị trí, quan điểm, lập trường của Đức Giêsu, và họ đã “xem thấy”. Họ đã nhận ra nơi Đức Giêsu đang ở thật sự.

* Anrê (40-42a)

Đến đây, tác giả cho biết một trong hai môn đệ ấy là Anrê, em của Simôn Phêrô. Truyền thống và nhiều nhà chú giải hiện đại nghĩ rằng người môn đệ vô danh kia chính là người môn đệ Chúa thương mến. Truyền thống cũng đã đồng hóa tác giả TM IV với người môn đệ Chúa thương mến và đồng hóa người môn đệ Chúa thương mến với Gioan, con ông Dêbêđê. Các học giả Kinh Thánh hiện đại khá dè dặt đối với các kiểu đồng hóa này. Dù sao, không có gì chắc chắn để chúng ta có thể đồng hóa người môn đệ vô danh trongGa 1,35-39 với con ông Dêbêđê (Giáo sư Boismard nghĩ là Philípphê). Quả thế, nếu con ông Dêbêđê là bạn của Anrê vào dịp họ được gọi làm môn đệ, thì đây hẳn là lần duy nhất trong toàn bộ Tân Ước, Gioan con ông Dêbêđê đi đôi với Anrê. Thông thường Gioan đi đôi với anh là Giacôbê (x. chẳng hạn Mt 4,21; Mc 3,17; Lc5,10…), còn Anrê thì đi đôi với anh là Phêrô (x. Ga 1,40-42). Simôn Phêrô chưa xuất hiện, nhưng vì ông được biết nhiều, nên chỉ cần nêu tên ông ra là có thể xác định được Anrê. Trong truyền thống của Hội Thánh sơ khai, Anrê chỉ là em của Phêrô thôi (Mt 4,18; 10,2; Mc 1,16 (29);Lc 6,14). Tuy nhiên tác giả TM IV có cách phác họa riêng Anrê.

Trong các TMNL, tên Anrê luôn xuất hiện trong một danh sách. Danh sách này có khi chỉ có hai tên (Mt 4,18; Mc 1,16.29), có khi bốn tên (Mc 3,18; Cv 1,13), có khi mười hai tên (Mt 10,2;Mc 3,13; Lc 6,14), nhưng không cho thấy Anrê có phận vụ gì cả. Anrê chỉ là em và bạn đồng hành của Phêrô hoặc là một trong Nhóm Mười Hai. Nhưng với TM IV, Anrê được phác họa ra như một người môn đệ đích thực của Đức Giêsu. Thậm chí ông còn là một môn đệ có điều gì đó mà nói ra. Ông nói với anh mình (Ga 1,41), và ông nói với Đức Giêsu (Ga 6,9; x. 12,22). Rõ ràng là tác giả có một “luận đề về đời môn đệ” (Ga 1,35-39) và ngài tìm cách minh họa luận đề này bằng “ví dụ Anrê”.

Đối với ngài, Anrê là một con người bằng xương bằng thịt, xuất thân từ một thành phố có thật: Bétxaiđa (Ga 1,44), một thành của miền Galilê (Ga 12,21). Anrê là một môn đệ đã đi theo trọn chương trình về đời môn đệ. Ông đã nghe lời chứng về Đức Giêsu. Ông đã bước theo Đức Giêsu. Ông đã nêu chứng từ về Đức Giêsu cho những người khác. Nhận lời chứng về Đức Giêsu, trở thành một môn đệ, và cống hiến chứng từ về Đức Giêsu cho những người khác như một cách diễn tả đời môn đệ của mình, đây là cái mô hình đơn giản (pattern) thông thường về đời môn đệ theo cái nhìn của TM IV. Cũng như Anrê có điều gì đó mà nói về Đức Giêsu cho anh mình (Ga 1,41), Philípphê cũng có điều gì đó mà nói về Đức Giêsu cho Nathanaen (1,45), và người phụ nữ Samari cũng có điều gì đó mà nói về Đức Giêsu cho các dân trong thành của bà (4,29.39). Trong cái chuỗi phản ứng từ chứng từ đến chứng từ này, Tin Mừng tiếp tục được loan báo và người ta có thể tin.

Tác giả ghi nhận là “trước hết (prôton), ông đi tìm gặp (heuriskei) anh mình” (Ga 1,41). Điều đầu tiên mà người môn đệ mới này đã làm là đi tìm anh mình và nói về Đức Giêsu cho anh. Đã được đưa vào trong “phong trào” của các môn đệ Đức Giêsu, Anrê phải kể cho ai đó về Đức Giêsu, và anh ông là Simôn là người may mắn hưởng nhờ chứng từ của ông đầu tiên. “Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Mêsia (messian)”. Một lần nữa, tác giả dịch một công thức Hípri (mashiah) ra tiếng Hy Lạp: “nghĩa là Đấng Kitô (christos)”. Vì tác giả cho thấy Anrê làm chứng cho Đức Giêsu là Đấng Mêsia (Kitô), ta có một sự xác nhận là lời chứng của Gioan nói rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Ga 1,34) là chứng từ về tư cách Mêsia của Người. Qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, Anrê đã nhận ra sự thật của lời chứng của Gioan. Trước đây, Anrê đã được mô tả như là một người đang đi tìm (1,38); bây giờ ông được giới thiệu như là người đã tìm thấy. Kẻ đi tìm đã tìm thấy nơi Đức Giêsu điều ông vẫn đang đi tìm lâu nay.

Lúc đầu Anrê đã gọi Đức Giêsu là Rabbi, “thầy của con”, bây giờ ông gọi Người là Mêsia, “Đấng được xức dầu”. Khi tác giả phác họa các môn đệ thưa với Đức Giêsu như mộtrabbi, thường ngài mô tả cho thấy các môn đệ này đến với Đức Giêsu và đặt một câu hỏi (Ga 1,38; 6,25; 9,2;11,8) để được chỉ giáo thêm. Đấy là thói quen của các học trò Do Thái. Các môn đệ ra khỏi cuộc gặp gỡ, đã học thêm được điều gì từ nơi thầy. Đây là trường hợp của Anrê, cũng như sau này là trong của Nathanaen (1,49) và Maria Mácđala (20,16.18).

Nói rằng tác giả coi Anrê là một môn đệ đích thực của Đức Giêsu, điều này được nêu rõ qua lời tuyên xưng đức tin của ông vào Đức Giêsu. Ông công bố: “Chúng tôi đã đã tìm thấy (heurêkamen) Đấng Mêsia” (Ga 1,41). Ở bình diện tường thuật, “chúng tôi” đây là Anrê và người môn đệ vô danh. Ở một bình diện sâu hơn, “chúng tôi” đây, theo truyền thống Gioan, là toàn thể nhóm của tác giả đang tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Mêsia qua môi miệng Anrê.

Như thế, trong bài tường thuật rất ngắn về vai trò của Anrê (Ga 1,[35-39].40-41), tác giả phác họa Anrê như là người môn đệ đích thật. Điều đáng lưu ý, đó là Anrê được thúc đẩy mạnh mẽ bởi lý tưởng dấn thân làm môn đệ đến nỗi ông đi tìm anh để kể về Đức Giêsu và đưa anh tới với Đức Giêsu. Nếu có một nét căn bản, không thay đổi, mà TM IVrút ra được từ dung mạo Anrê, đó là Anrê đưa người ta đến với Đức Giêsu.

* Simôn (42b)

Simôn Phêrô là một dung mạo quen thuộc với độc giả, vì ông được nêu tên như thế (Ga 1,40), dù sau đó hai câu, tác giả xác định là tên thật của ông là Simôn (1,42), còn Phêrô là biệt danh Đức Giêsu ban cho ông.

Simôn được em là Anrê giới thiệu về Đức Giêsu là Đấng Mêsia rồi cũng được em giới thiệu với Đức Giêsu. Như thế, con đường Simôn Phêrô theo để đến với Đức Giêsu là con đường thông thường: ông được một người đã tin làm chứng và đưa đến với Đức Giêsu; ông chấp nhận chứng từ đó và đích thân đến gặp Đức Giêsu và khám phá ra quan hệ duy nhất giữa ông với Người.

Vậy Simôn Phêrô là một môn đệ khác của Đức Giêsu. Nhưng có điều gì đó chỉ có nơi người môn đệ này. Được đưa đến với Đức Giêsu nhờ lời tuyên xưng của em vào Đấng Mêsia, Phêrô được Đức Giêsu ngỏ lời với theo cách huyền bí: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (Ga 1,42). Công thức này, được Đức Giêsu nói ra trong khi Người nhìn ông, tương tự công thức mạc khải có ở Ga 1,29.36.47; 19,26-27.

Đức Giêsu đặt cho Simôn một tên mới, tác giả ghi nhận điểm này để nêu bật quan hệ có một không hai giữa Simôn Phêrô và Đức Giêsu, nhưng cũng để cho thấy Đức Giêsu có một uy quyền. Khi đặt tên cho Phêrô, Đức Giêsu cũng còn muốn xác định cho ông một căn tính mới, một vai trò mới trong cuộc sống, thậm chí một định mệnh mới (x. Abram và Giacóp: St 32,38; 35,10). Nói đến tầm quan trọng của tên mới của Simôn, chúng ta đều nhớ đến đoạn văn Mt 16,15-19. So với hoạt cảnh tương đối dài đó được Mt mô tả, bản văn của TM IV thật quá ngắn; nó chỉ tương tự với những câu ngắn nói về việc đổi tên ở Mt 10,2; Mc 3,16 và Lc 6,14, chứ không sánh được với bản văn Mt 16. Có thể nói kịch bản này là do tác giả TM IV sáng tác ra cho phù hợp với phần tường thuật của chương 1 của TM. Tuy nhiên, tác giả không suy diễn gì về việc đổi tên hay về ý nghĩa của tên mới cả. Ngài chỉ dịch tên Aram mới Kepha’ thành một tên Hy Lạp mới tương đương là “Phêrô” (Petros) thôi. Ngài cũng chẳng nói gì đến tảng đá, và càng không nói đến Hội Thánh xây trên một tảng đá. Ngài cũng không có một suy tư gì về vai trò của Phêrô như người giữ cửa với quyền chìa khóa. Dù sao, đối với tác giả, tên mới này quan trọng, bởi vì ngài thường xuyên gắn nó vào tên Simôn (trừ hai lần chỉ có tên Simôn, tất nhiên: Ga 1,41.42, và vài lần chỉ có tên Phêrô: 1,44; 13,37; 18,11.16.17.18.26.27; 20,3.4; 21,7.17.20.21). Chúng ta sẽ có một dung mạo Simôn rõ ràng hơn khi đọc trọn TM IV.

+ Kết luận

Trong bài tường thuật này, có những yếu tố chính của một ơn gọi làm môn đệ: 1) gặp gỡ đích thân Đức Giêsu; 2) khám phá ra Đức Giêsu là một con người siêu phàm; 3) cuối cùng, thay đổi định mệnh. Cuộc đời mỗi người là một chuyến “đi tìm” Đức Giêsu, được Người dẫn dắt, rồi sau khi đã thực sự “tìm ra, tìm thấy” Người, thì đi giới thiệu cho người khác. Đấy là một chu kỳ giúp mọi người tin Đức Giêsu và được cứu độ.

5/ Gợi ý suy niệm

1/ Chúng ta nghĩ đến sự thẳng thắn và cương trực của Gioan Tiền Hô. Ông đã làm chứng về Đức Giêsu, đã giới thiệu Người là Đấng Mêsia. Sau đó, ông đã chứng kiến các môn đệ rời bỏ ông mà đi theo Đức Giêsu: điều ông nói đang được thể hiện, “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30). Báo trước những thất thế của mình đã là khó, nhưng vẫn còn dễ hơn là bình thản sống những thất thế đó khi chúng xảy đến. Gioan biết mình là ai và đã can đảm sống sứ mạng cho đến cùng.

2/ Lời mời gọi và lời hứa của Đức Giêsu hết sức quan trọng: “Hãy đến và các anh sẽ thấy!”. Tất cả mọi chuyện đều nhắm đến cuộc gặp gỡ sống động và riêng tư. Đức Giêsu không giao cho những kẻ đi theo Người một quyển sách chứa đựng các giáo thuyết và điều luật phải học và phải tuân giữ, nhưng Người kêu gọi họ đi vào một tương quan riêng tư với Người, đi vào hiệp thông với Người. Phần họ, họ không được giữ một khoảng cách an toàn với Người để mà chỉ việc quan sát, nhưng phải dấn thân vào, phải đi với Người, phải đưa bước trên nẻo đường Người đi.

3/ Có những thành kiến nào có thể ngăn cản người ta nhận biết Đức Giêsu? Có điều gì đang ngăn cản tôi, về phương diện trí thức hoặc tình cảm, khiến tôi không nhận ra Người là Con Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa? Lâu nay tôi tự hào là mình đi theo Đức Giêsu, mình là môn đệ của Người, thật ra quan hệ của tôi với Người có thật sự sống động không? Nếu không, vì sao? Dường như tôi chưa thật sự “đến” với Người, nên cũng chưa thật sự “thấy” được điều Người muốn mạc khải cho?

4/ Anrê không gặp Simôn Phêrô tình cờ, nhưng đã chủ ý đi tìm ông này, để đưa ông tham dự vào kinh nghiệm mới mẻ và lạ lùng của ông: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia”. Anrê không chỉ giới hạn vào việc làm chứng, ông còn dẫn Simôn đến gặp Đức Giêsu. Có vô số nẻo đường cụ thể đưa người ta đến với Đức Giêsu: tôi nghĩ đến những nẻo đường đã đưa tôi đến với Người. Trên các nẻo đường này, có lời chứng và gương sáng của những người khác góp vào. Nhưng chắc chắn phần quan trọng vẫn là kinh nghiệm thiết thân tôi có về Đức Giêsu. Hôm nay, phải chăng tôi là một Anrê đưa được người khác đến với Đức Giêsu, không phải chỉ bằng lời nói suông, mà bằng chính kinh nghiệm sống tôi đã và vẫn đang có?

[1] Midrash: Một cách chú giải Kinh Thánh theo kiểu các kinh sư. Thường các kinh sư lấy các câu văn Cựu Ước rồi diễn dịch, và ghép vào bản dịch của mình những chi tiết mang tính huyền thoại hoặc tưởng tượng, để giáo dục dân chúng.

[2] X. MORGENTHALER, Statistik, 119, và R. E. BROWN, John I, 510. Các tác phẩm Tân Ước khác: TMNL: 12x [Mt 3x; Mc 2x; Lc 7x]; Cv: 13x; Phaolô: 17x (Rm 1x; 1 Cr 8x; 2 Cr 3x;Pl 1x; 1 Tm 1x; 2 Tm 3x); Dt: 6x; 1 Pr: 2x.

[3] Có thể đọc những gợi ý phong phú về ý nghĩa của menô trong LÊ MINH THÔNG, Tình yêu và tình bạn, 65-78.

-----------------------------------

 

TN 2-A112: Tất cả để vinh danh Chúa hơn


(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)

 

Có một câu chuyện kể về bản di chúc của một người sắp quá cố, trong đó có đoạn viết: “Khi tôi chết, TN 2-A112


Có một câu chuyện kể về bản di chúc của một người sắp quá cố, trong đó có đoạn viết: “Khi tôi chết, xin đừng ghi tên tuổi, chức nghiệp của tôi qua tấm bia nơi phần mộ, nhưng hãy ghi rằng: ‘Những gì tôi đang có, xin trả lại cho đời. Những gì thuộc về tôi nay không còn nữa. Những gì tôi cho đi, từ nay thuộc về tôi’”. Thật tuyệt vời khi không nghĩ gì cho mình, mà chỉ còn nghĩ đến người khác, ngay cả lúc chết!

Hôm nay, thánh Gioan Tẩy Giả sau khi đã trả lời cho các Tư tế và thầy Lêvi về thân thế, vai trò của mình, ông đã lợi dụng cơ hội này để giới thiệu cho họ biết về Đấng Kitô mà muôn dân đang mong đợi.

Thật vậy, Gioan Tẩy Giả đã không ham hố quyền lợi, uy tín, công danh, vì thế, khi ông thấy Đức Giêsu tiến về phía mình thì đã hô lên và chỉ cho mọi người biết về con người và sứ vụ của Đức Giêsu, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29).

Khi nói như thế, Gioan đã thực sự khiêm nhường khi nhận mình chỉ là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, nay Đấng ấy đến, ông không ngần ngại reo lên để mọi người biết và tin theo Ngài! Đồng thời ông cũng trao lại cho Đức Giêsu tất cả mọi sự từ uy tín, đến sứ vụ...

Chính sự khiêm tốn đó, Gioan đã để lại cho muôn thế hệ tấm gương sáng ngời về sự khiêm tốn.

Noi gương thánh Gioan, mỗi người chúng ta hãy sống chân thành, khiêm tốn, không quá coi trọng những lời khen ngợi, không nên tự mãn lúc thành công khi được người đời ca tụng, lại càng loại trừ thói kiêu ngạo, tính bề trên kẻ cả ra khỏi đời sống đạo của mình.

Mặt khác, hãy biết trả lại cho anh chị em chúng ta những nét đẹp mà họ đang có, tránh sự hiềm khích mà trù dập uy tín, danh dự của họ.

Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất chính là quy chiếu về Thiên Chúa mọi sự thành công của chúng ta và không ngừng tri ân, cảm tạ Ngài.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, sự khiêm nhường, đơn sơ của Chúa mời gọi chúng con thay đổi nếp sống cũ là nếp sống kiêu ngạo, khoe khoang, để thay vào đó là một nếp sống Tin Mừng mà chính thánh Gioan là người đã sống và loan báo.

Ước gì Lời Chúa hôm nay đem lại cho chúng con hạnh phúc khi mỗi người luôn tìm vinh danh Chúa trong mọi sự. Amen.
 
 

-----------------------------------

 

TN 2-A113: CHIÊN THIÊN CHÚA


Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN, năm A

Is 49, 3.5-6     I Co 1, 1-3    Ga 1, 29-34

 

 Dân Do Thái là dân được Thiên Chúa chọn, nhưng họ luôn bất trung và phản nghịch lại Thiên Chúa. TN 2-A113 Dalat


Dân Do Thái là dân được Thiên Chúa chọn, nhưng họ luôn bất trung và phản nghịch lại Thiên Chúa. Tội của họ thật đáng chết. Thế nhưng, Thiên Chúa nhân lành, từ bi thương xót, Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. Thiên Chúa nhân hậu đã cho dân lấy chiên làm của lễ dâng lên Ngài để Ngài tha mạng sống cho dân…

Hôm nay, khi thánh Gioan Tẩy Giả chỉ vào Chúa Giêsu, giới thiệu với các môn đệ và với mọi người:” Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian “. Thánh Gioan Tẩy Giả chính thức khai mạc sứ mạng tiền hô của Ngài. Bởi vì để khai mạc sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã đến với Gioan và xin Ông làm phép rửa cho Ngài ở dòng sông Giođăng. Thánh Gioan đã cho mọi người thấy Đấng Cứu Thế đã xuất hiện bằng xương bằng thịt giữa mọi người. Từ ‘ Con Chiên ‘ đối với nhiều tôn giáo, có một ý nghĩa thiêng liêng vì Con Chiên là con vật hiền lành, dễ thương, thường được các tôn giáo dùng làm lễ vật hiến tế. Đồng thời, người ta cho rằng Con Chiên có năng lực hòa giải tội nhân với Thượng Đế.

Đối với dân Do Thái, Con Chiên ngoài ý nghĩa chung như vừa nói, nó còn là lễ vật giao ước, được sát tế để dâng cho Thiên Chúa, xin Thiên Chúa cứu chuộc dân.Chúng ta hãy đọc lại Cựu Ước để thấy ý nghĩa ‘ Con Chiên ‘ thật rõ và thật ấn tượng như thế nào ! Khi Chúa quyết định giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ của Ai Cập, Ngài đã nói với Ông Môsê:” Truyền cho mỗi gia đình hãy bắt một Con Chiên đực một tuổi, còn tinh tuyền, không tì vết,sát tế nó để làm của lễ đền tội dâng lên Thiên Chúa. Ngài truyền nướng Con Chiên đó, máu bôi lên thành cửa, còn thịt thì gia đình phải ăn hết. Thiên thần đi qua nhà nào thấy máu chiên được bôi trên cửa làm dấu, ngài không giết con trai đầu lòng. Chính nhờ máu Con Chiên được bôi lên cửa làm dấu, dân Do Thái được thoát khỏi vòng nô lệ Ai Cập và tất cả con trai đầu lòng của họ được cứu sống. Do đó, khi thánh Gioan Tẩy Giả nói Chúa Giêsu  là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội lỗi trần gian, Ngài đã gợi lên trong tâm trí mọi người Do Thái hình ảnh Con Chiên chịu chết để đền thay tội lỗi cho mọi người.Con Chiên hiền lành, dễ thương, vô tì tích đã đổ máu ra chuộc tội cho dân Do Thái từ khi họ bị đưa đi làm nô lệ cho Ai Cập và từ thời Ông Môsê dẫn họ vào Đất Hứa.

Việc thánh Gioan gọi Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian cho chúng ta hay Chúa Giêsu chính là Con Chiên vô tội, đáng thương, nhưng phải kê vai gánh tội trần gian, gánh tội cho con người, cho mỗi người, cho chúng ta để cứu độ tất cả nhân loại này.  Con Chiên chính là Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt mặc dầu vô tội, nhưng Ngài đã chấp nhận ý Chúa Cha, chịu chết, không một lời than vãn, luôn im lặng như một Con Chiên hiến tế để cứu chuộc loài người.

 Ngày nay, Chính Chúa Giêsu là Con Chiên vô tội, là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế vẫn tiếp tục chịu hiến tế trên bàn thờ hằng ngày để cứu chuộc nhân loại. Nên, mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đang hiến tế vì tội nhân loại, vì tội chúng ta. Mỗi lần, Chủ tế giơ cao Bánh Thánh và đọc “ Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.Phúc cho ai được mời tới dự tiệc Thiên Chúa “. Chúng ta hiểu ngay, Chúa đang chịu chết, đổ máu mình để cứu chuộc chúng ta.Chúng ta hãy hết lòng cung kính, dọn lòng trong sạch để rước Chúa vào lòng chúng ta. Nhờ đó, ơn cứu rỗi và phước lành từ Thiên Chúa sẽ đổ tràn vào lòng chúng ta.Chúa cứu chuộc dân Do Thái nói riêng và cứu độ tất cả nhân loại nhờ cái chết tự nguyện trên Thập giá của Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con càng lúc càng hiểu rõ lời của Chúa:” Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì Tôi ở trong kẻ ấy, kẻ ấy ở trong Tôi và sẽ được sống đời đời “ . Lạy Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, xin ban bình an cho chúng con. Amen.
 
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

 1.Con Chiên đối với các tôn giáo có nghĩa gì ?
2.Đối với dân Do Thái, Con Chiên có nghĩa gì ?
3.Tại sao lại gọi Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa ?
4.Mỗi lần rước Chúa chúng ta phải có thái độ nào ?

-----------------------------------

 

TN 2-A114: CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN


Giới thiệu con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su

 Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 49:3, 5-6;  1 Cr 1:1-3;  Ga 1:29-34)

 

Như chúng ta biết, Phụng vụ Lời Chúa trong mùa Thường niên khai triển các lời giảng và việc làm TN 2-A114


Như chúng ta biết, Phụng vụ Lời Chúa trong mùa Thường niên khai triển các lời giảng và việc làm của Chúa Giê-su khi Người thi hành sứ vụ.  Hôm nay chúng ta có ba lời giới thiệu Chúa Giê-su.  Lời giới thiệu thứ nhất trích sách ngôn sứ I-sai-a nói đến vai trò làm tôi trung của Ít-ra-en trước mặt Thiên Chúa và đối với mọi dân nước.  Chúa Giê-su, vị Tôi Trung của Thiên Chúa, đã đi vào lịch sử Ít-ra-en, cái nôi của ơn cứu độ.  Người đã được sai đến trần gian trong cái nôi ấy để đem ơn cứu độ cho nhân loại.  Lời giới thiệu thứ hai là lời chào thăm của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô đề cao Chúa Giê-su Ki-tô là nguồn ân sủng và bình an.  Lời giới thiệu thứ ba của thánh Gio-an Tiền Hô tuy đơn sơ nhưng rất trịnh trọng:  “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.  Tất cả những lời giới thiệu trên mời gọi chúng ta hãy lắng nghe giáo huấn của Chúa Giê-su, suy gẫm những việc Người làm và sẵn sàng làm chứng cho Người.        Trước hết, Ít-ra-en đã được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn dân với mục đích rõ rệt.  Người phán: “Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang”, và “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”. 

Nói đến vai trò của Ít-ra-en, ngôn sứ I-sai-a ám chỉ đó chính là vai trò tương lai của Chúa Giê-su.  Thực vậy, Chúa Giê-su sinh xuống làm người phàm, được Thiên Chúa “nhào nặn khi còn trong lòng mẹ” để “trở thành người tôi trung”.  Nếu A-đam đã bất trung với Thiên Chúa, thì giờ đây A-đam Mới là Chúa Giê-su, sẽ tuyệt đối trung thành với sứ mệnh, “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phi-líp-phê 2:8).  Các sách Tin Mừng đã cho chúng ta thấy rõ khuôn mặt Vị Tôi Trung của Thiên Chúa và đức trung tín của Người khi Người thi hành sứ mệnh Chúa Cha trao phó.  Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh “biểu lộ vinh quang Thiên Chúa” qua lời giảng đầy khôn ngoan và những phép lạ nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa.  Tuy nhiên, sứ mệnh của Người không giới hạn chỉ trong Ít-ra-en, vì Người còn được “đặt làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất”.  Khi chết trên thập giá, Chúa Giê-su đã chuộc tội cho tất cả nhân loại, để “những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Gio-an 1:12).  Đó là bước đầu tiên của sứ mệnh đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.

          Lời thư của thánh Phao-lô giới thiệu Chúa Giê-su là Chúa của những người được kêu gọi làm dân thánh.  Là Chúa, Chúa Giê-su có sứ mệnh “ban cho anh em ân sủng và bình an”.  Ân sủng này là gì nếu không phải là chính ơn cứu độ?  Còn bình an là sự hòa giải giữa chúng ta với Thiên Chúa.  Nếu chúng ta tin vào “Chúa” của chúng ta, thì chúng ta sẽ được Thần Khí của Người ban sức mạnh giúp chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha.  Như thế, chúng ta nhận thấy thánh Gio-an và thánh Phao-lô đồng quan điểm khi diễn tả chúng ta là con Thiên Chúa!

Sống sứ điệp Lời Chúa        

          Chúng ta có thể lấy lời thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giê-su làm kết luận suy tư về con người và sứ mệnh của Chúa:  “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.  Trong lễ xá tội của dân Ít-ra-en, con chiên bị sát tế để máu chiên hòa giải con người với Thiên Chúa.  Giờ đây, Chúa Giê-su đóng vai trò làm “Chiên Thiên Chúa” bị giết trên thập giá, để máu Người đổ ra sẽ chuộc tội cho mọi người.  Khi giới thiệu Chúa Giê-su, ban đầu thánh Gio-an Tẩy Giả thú nhận là không biết về Người.  Nhưng sau khi thấy “Thần Khí tựa chim câu từ trời xuống và ngự trên Chúa Giê-su”, thì ngài đã nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn, tức Đấng Mê-si-a.  Trong Thánh lễ, lời giới thiệu của thánh Gio-an hằng nhắc nhớ chúng ta về con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Người không chỉ là “Chúa” của muôn vật muôn loài, nhưng Người còn là Chúa “của chúng ta”.  Trong lịch Phụng vụ, ngoài hai biến cố chính là Giáng Sinh và Phục Sinh, chúng ta có ba mươi bốn tuần lễ để suy niệm Chúa Giê-su là Đấng nào và Người đã làm gì cho chúng ta.  Với thời gian dài như vậy trong năm Phụng vụ, với các bài đọc nhằm giúp chúng ta được đào luyện bằng những lời giảng và chiêm ngưỡng cuộc đời, lối sống cũng như những phép lạ của Chúa Giê-su, chúng ta có một cơ hội tuyệt vời để học biết Chúa, tăng thêm lòng yêu mến Người và mở lòng đón nhận ơn cứu độ.              
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

-----------------------------------

 

TN 2-A115: CHÂN DUNG NGÔN SỨ

 

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther làm chứng tá chung TN 2-A115 Ephata


Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther làm chứng tá chung và ngài khích lệ giới trẻ trở thành chứng nhân về lòng thương xót của Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 13.10.2016, dành cho đoàn một ngàn người gồm các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther từ miền Đông Đức, quê hương của Luther về Roma hành hương trong một tuần lễ nhân dịp kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther.   

Cuộc hành hương mang tựa đề ”Với Luther, đến gặp Đức Giáo Hoàng”. Đây là một dự án đại kết lớn nhất trong khuôn khổ năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Tin Lành. 50% những người trẻ tham dự đoàn hành hương này dưới 30 tuổi.

Đồng hành với họ về phía Công Giáo có Đức Cha Gerhard Feige, Giám Mục Giáo Phận Magdeburg, và về phía Tin Lành Luther có nữ Giám Mục Ilse Junkermann.  

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha "dâng lời cảm tạ Chúa vì ngày nay các tín hữu Luther và Công Giáo đang tiến bước trên con đường từ xung đột đến hiệp thông. Chúng ta đã cùng nhau đi qua một đoạn đường quan trọng. Dọc đường chúng ta cảm thấy những tâm tình trái ngược: đau khổ vì còn chia rẽ giữa chúng ta, nhưng vui mừng vì tình huynh đệ đã tìm lại được.”

Đức Thánh Cha nhắc đến giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Đồ, theo đó "do Bí Tích Rửa Tội, tất cả chúng ta họp thành Thân Mình duy nhất của Chúa Kitô. Các chi thể khác nhau họp thành một thân mình duy nhất, vì thế chúng ta thuôc về nhau và khi một chi thể đau khổ, thì tất cả cùng đau khổ, khi một chi thể vui mừng thì tất cả đều vui mừng ( 1Cr 12, 12-26 ).

Chúng ta có thể tiến bước trong tin tưởng trên con đường đại kết, vì chúng ta biết rằng ngoài những vấn đề còn bỏ ngỏ chia rẽ chúng ta, chúng ta đã hiệp nhất với nhau. Điều liên kết chúng ta thì nhiều hơn là những điều chia rẽ chúng ta” ( G. Trần Đức Anh. Đức Thánh Cha kêu gọi Công Giáo và Luther làm chứng tá chung, Radio Vatican ).

Trong tinh thần đại kết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tha thiết kêu gọi tất cả tín hữu Kitô giáo trên hoàn cầu, nhất là giới trẻ, hăng hái làm chứng nhân Lòng Thương Xót. Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, thánh Gioan đã phác họa thật sắc sảo chân dung ngôn sứ Gioan Tiền Hô qua ba nét chính: Khiêm hạ, phục vụ và chứng tá.

Khiêm hạ

“Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi.” Ngôn Sứ Gioan khiêm tốn công khai vai trò “tiền hô”, sẵn sàng dọn đường Chúa ngự đến. Ngài minh định rõ ràng vị thế thấp kém trước Đấng Cứu Thế cao sang, uy lực. Thậm chí ngài còn tự nhận “không xứng đáng cởi dây giày cho Người" ( Ga 1, 27 ).

Không chỉ ý thức thân phận hèn mọn, Ngôn Sứ Gioan còn quyết tâm dồn tất cả khả năng, nỗ lực làm sáng danh Đức Giêsu với danh ngôn tuyệt diệu, xứng đáng muôn đời làm kim chỉ nam cho tất cả Kitô hữu:“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” ( Ga 3, 30 ). Không lợi dụng chức vụ được trao phó, không kiêu hãnh, không quan trọng hoá chức năng, địa vị, cũng chẳng tơ tưởng cậy quyền, ỷ thế gần gũi Đức Giêsu, hầu vụ lợi tinh thần hay vật chất.

Khi Đức Giêsu từ Galilê đến sông Giođan, xin ông Gioan làm phép rửa. Nhưng ngài một mực can Người: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !" Nhưng Đức Giêsu trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người ( Mt 3, 13-15 ). Vâng lời trọng hơn của lễ là như thế.

Phục vụ

“Và tôi, tôi đã không biết Ngài” Ngôn Sứ Gioan thực sự chẳng hề giấu diếm trình độ kém cỏi, hiểu biết hạn hẹp, nhận thức khiếm khuyết về Con Người vĩ đại đến sau. Đơn giản, Ngài chỉ được mạc khải một dấu chỉ duy nhất, để nhận ra Đấng Cứu Thế và giới thiệu rộng rãi cho muôn dân. “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.”

Hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Chúa, Ngôn Sứ Gioan đã chẳng hề ngần ngại công khai hoá ý nghĩa công việc, mà ngài đang phục vụ đắc lực cho công cuộc cứu độ của Đức Giêsu. “Nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước."

Ngôn Sứ Gioan không chỉ chuyên làm phép rửa thống hối, mà còn đanh thép lớn tiếng cảnh báo thói giả hình với nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối” (Mt 3, 7-8 ).

Chứng tá

Một khi đã được soi sáng để nhận diện Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai là ai, Ngôn Sứ Gioan hoan hỉ, sốt sắng, trân trọng giới thiệu Người cho các môn đệ: “Đây là Chiên Thiên Chúa” ( Ga 1, 29 ).

“Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa." Ngôn sứ không những làm chứng nhân cho Đấng Cứu Thế bằng lời nói, giảng dạy, khuyên nhủ, mà còn bằng chính mạng sống của mình. Cuộc đời của ngôn sứ Gioan kết thúc bằng hình phạt xử trảm trong chốn lao tù, vì ngài can đảm bênh vực cho công lý, đạo lý và sự thật, dám lên tiếng can ngăn vua Hêrôđê không được loạn luân, lấy bà chị dâu Hêrôđiađê làm vợ. ( Mt 14, 3-12 ).

“Khó nghèo, vâng phục, hãm mình, nhịn nhục, bác ái, tha thứ, khiêm tốn đều là dại trước mặt người đời, nhưng cao trọng trước mặt Chúa. Thế gian cho là xui, Chúa cho là phúc thật.” ( Đường Hy Vọng, số 110 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con noi gương Ngôn Sứ Gioan Tẩy Giả, trở nên muối men, ánh sáng, sống khiêm hạ, vâng phục, dấn thân phục vụ và làm chứng tá cho người đời nhận biết Chúa.

Khấn xin Mẹ Maria, an ủi che chở chúng con đang chịu đau khổ, gian nan, thử thách, trên cuộc lữ hành theo Chúa. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con trung kiên bền đỗ đến cùng, như thánh Gioan Tiền Hô. Amen.

AM. TRẦN BÌNH AN

-----------------------------------

 

TN 2-A116: Thấy và làm chứng - Dã Quỳ

 

Giữa một xã hội đang phát triển về mọi mặt, con người như bị cuốn hút vào vòng xoáy của cuộc TN 2-A116


Giữa một xã hội đang phát triển về mọi mặt, con người như bị cuốn hút vào vòng xoáy của cuộc sống. Thật khó để dừng lại, suy nghĩ và nhận định chính xác về một người hay một sự vật, mà lại dễ chỉ thấy, biết và mê những vẻ hào nhoáng bên ngoài. Vì vậy, ngành quảng cáo ngày càng thịnh hành cho tất cả mọi ngành nghề, đồ vật hay cả con người. Thế nhưng với đời sống tâm linh, vẻ bên ngoài lại chẳng có giá trị. Người ta có thể giả hình hoặc tô điểm cho dáng dấp bên ngoài, nhưng cái thâm sâu và giá trị của một người sẽ là bản chất bên trong trái tim và tâm hồn. Chính vì thế, Gioan Tiền Hô đã là mẫu gương cho hành trình đời người Kitô hữu của chúng ta khi ông Thấy Chúa, Biết Chúa và Làm Chứng cho Chúa bằng cả cuộc sống và mạng sống mình.

Thấy... "Khi Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, ông liền nói:" Trong cuộc sống, rất nhiều lần chúng ta đã không biết nhìn những anh chị em đang sống cùng và sống xung quanh ta. Chúng ta thường hay dừng lại ở những gì ta nhìn thấy bên ngoài như chị ấy không đẹp, chẳng giỏi cũng không giàu. Anh kia nói năng không lưu loát, tướng tá chẳng sang... mà quên đi hoặc chẳng nhìn thấu được vẻ đẹp và giá trị bên trong của anh chị em. Những người cùng thời Chúa Giêsu cũng thế, họ đã không thể nhìn thấy và biết Chúa Giêsu là ai! Chúng ta cần xin Chúa dạy chúng ta biết nhìn, biết vượt qua những dáng vẻ bề ngoài nơi con người và trong mọi sự việc. Để như Gioan, ta có thể thấy được giá trị thật nơi một con người mà ta gặp gỡ.

"Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian." Với những người Do thái, khi nghe từ Chiên Thiên Chúa, chắc chắn họ biết rõ và hiểu vì họ thường dâng hiến lễ lên Thiên Chúa bằng những con chiên theo luật Môisen, để tẩy xóa tội lỗi. Vì ngày lễ Vượt qua, họ thường sát tế nhiều chiên con để dâng hy lễ. Còn đối với chúng ta, có lẽ ta không cảm nhận và hiểu nhiều. Ở đây, Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu như một Đấng Cứu Độ, Đấng gánh mọi tội lỗi của nhân loại trên mình. Người đã hiến thân, đã đổ đến giọt máu cuối cùng để mang tất cả tội lỗi cho nhân loại và làm cho nhân loại được xóa khỏi trọn vẹn mọi tội lỗi.

 Chắc hẳn Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta cộng tác với Chúa và giúp Người trong công trình lớn lao này. Người mong ta biết chiến đấu chống lại những điều xấu và tội lỗi ngay trong chính chúng ta, và ta cũng biết chống lại, diệt trừ những điều dữ khắp nơi chúng ta hiện diện. Dù cho ta vẫn cảm nhận sự yếu đuối và nghèo hèn, nhưng "Ơn Chúa đủ cho ta" nếu ta biết ý thức trách nhiệm cùng Chúa lo cho ơn cứu độ của anh chị em, của những người thân trong gia đình ta và của chính ta. Để rồi ta biết Chúa luôn đồng hành với ta, biết Người là Đấng Cứu Độ ta.

Biết... "Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người..." Gioan được thụ thai và sinh ra trước Chúa Giêsu. Ngay từ trong lòng mẹ, Gioan đã nhảy lên vui sướng vì được thân mẫu Chúa và chính Chúa viếng thăm. Thế nên chắc chắn Gioan biết Chúa Giêsu là em họ của mình. Nhưng ông không ngờ em họ ông lại cũng là Chúa của ông, bởi"Người cao trọng hơn tôi, vì vốn có trước tôi". Cái biết của ông cũng vẫn còn bị hạn hẹp vì dáng vẻ bề ngoài và gia thế của Chúa. Thế nên, cần có sự mạc khải của Đấng đã sai ông đi làm phép rửa, ông mới nhận ra gốc gác và căn tính thần linh nơi Chúa Giêsu.

Sự sinh hạ của Chúa nơi máng cỏ Bêlem đã công bố cho chúng ta về Đấng Mêsia mà Kinh Thánh đã tiên báo và chúng ta tuyên xưng "Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời." Như những mục đồng, ba nhà chiêm tinh và Gioan tiền hô, chúng ta hãy chiêm ngắm Con Người Chúa Giêsu, để biết Người là Thiên Chúa thật, có từ trước đời đời, là Ngôi Lời của Thiên Chúa, được sinh ra mà không phải được tạo thành.

Chúa Giêsu- Đấng Vĩnh Cửu từ nay đã nhập thể, nhập thế, ở cùng chúng ta. Bước chân Người rảo khắp nẻo đường Palestin để rao giảng, chữa lành. Người đã thiết lập Hội Thánh, để trong mọi thời đại và mọi nơi, Hội Thánh tiếp nối cuộc Nhập Thể của Người và giới thiệu về Người cho nhân loại. Chúng ta, mỗi Kitô hữu hãy làm mới lại tương quan của ta với Chúa. Chúng ta không chỉ Biết Người qua kiến thức, những gì là bên ngoài, nhưng cần sống thân mật với Chúa, gặp gỡ Chúa trong kinh nguyện, qua Lời Chúa và hiệp thông với Người nơi các Bí Tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Để rồi ta có thể sống trong Chúa và Chúa sống trong ta, chia sẻ chính cuộc sống và sứ mệnh với Chúa. Có như thế, chúng ta mới có thể làm chứng cho Chúa như Gioan.

Làm Chứng... "Tôi thấy Thần Khí từ trời xuống và ngự trên Người." Gioan đã công bố cho dân chúng biết về Đấng mà họ đang mong đợi. Đấng được Thần Khí ngự xuống, bao phủ và đầy tràn ân sủng. Thế nhưng, đàng sau cái lý lịch bình thường của Chúa Giêsu là một người làng quê Nadarét, là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, có một mầu nhiệm được ẩn giấu. Nhân tính của Người chìm sâu trong Thiên Chúa "Có một Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết."(Ga 1, 26b) Thế nên, để làm chứng cho Chúa, ta không chỉ nói về Chúa bằng những gì ta thấy và biết qua dáng vẻ bề ngoài, nhưng cần cảm nghiệm bằng chính cuộc sống của ta đã gặp gỡ, đụng chạm đến Chúa. Như thế, chân dung của Chúa Giêsu, Đấng xóa tội trần gian mà ta trình bày và sống mới có thể đáp ứng được những khát vọng sâu thẳm của anh chị em trong thế giới hôm nay.

Nhân vật chính trong Hội Thánh là Chúa Thánh Thần. Mọi sứ mệnh và tất cả những hoạt động của Hội Thánh cần phải được dìm sâu trong Thần Khí và được Người hướng dẫn. Vậy mỗi Kitô hữu qua Phép Rửa, ta cũng được chính "Đấng làm Phép Rửa trong Thánh Thần" dìm chúng ta vào trong Thần Khí của Người. Thế nên, ta đừng quên sứ mạng làm chứng về Chúa Kitô của chúng ta. Như Gioan, nhờ ân sủng, ta cũng nỗ lực để Thấy Chúa bằng cái nhìn chân thành, qua con mắt đức tin, để ta có thể Biết Chúa là Thiên Chúa của ta; là Đấng Cứu Độ Mình bị nộp, Máu đổ ra xóa tội cho ta và để giao hòa ta với Chúa Cha. Và rồi ta có thể nhiệt thành làm chứng cho Chúa bằng trọn cả đời sống Kitô hữu của ta. Hãy là chứng nhân của Tình Yêu Chúa qua đời sống yêu thương cụ thể, bác ái sẻ chia tình thương và cơm áo với anh em nghèo đói, thiên tai lũ lụt; an ủi anh chị em đau khổ bệnh tật, giúp đỡ những anh em nhỏ bé yếu đuối bị gạt ra lề xã hội; can đảm lên tiếng bảo vệ phẩm giá con người và chống lại những bất công. Như vậy, ta mới có thể thực thi sứ mệnh mà Người Tôi Trung của Đức Chúa đã làm là "Ánh sáng muôn dân, đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất." (x. Is 49,6)

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy dìm chúng con vào trong Ngài và hãy biến đổi chúng con trở nên Khí cụ của Chúa cho Hội Thánh và Thế Giới hôm nay. Amen.

-----------------------------------

 

TN 2-A117: Đây Chiên Thiên Chúa – ViKiNi


(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

 

Khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, Gioan đã cam đoan với những người chung quanh rằng: "Đây TN 2-A117


Khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, Gioan đã cam đoan với những người chung quanh rằng: "Đây chiên Thiên Chúa chính Ngài là con Thiên Chúa"

1- “Đây chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” câu nói đó nhắc cho người Do Thái nhớ đến hy lễ con chiên được cử hành trong đền thờ Giêrusalem hằng ngày và nhất là trong đại lễ Vượt qua. Con chiên trong sạch được dẫn tới bàn thờ, mọi người giơ cao tay đổ hết mọi tội mình lên đầu con chiên, rồi nhổ lông, xé thịt nó. Nó không mở miệng kêu một tiếng. Người ta thiêu sinh nó làm lễ dâng lên Thiên Chúa, xin Thiên Chúa xóa hết tội mình (Lêvi 1, 4) Con chiên đó chính là chiên lễ Vượt qua, máu nó đã cứu sống con trai Do Thái, thịt nó làm của ăn cho toàn dân được mạnh sức vượt qua khỏi ách nô lệ Ai Cập (Xh. 12, 7)

Đối với dân Do Thái, Con chiên Vượt qua là hình bóng Đấng Cứu thế như ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền tÿn Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như chiên con dẫn đến lò sát sinh à Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử” (Is. 53, 4-5. 7. 10). Đấng trường sinh bất tử đó, Gioan đã cam đoan thêm rằng: “Chính Ngài là Con Thiên Chúa”

2- “Chính Ngài là con Thiên Chúa vì Ngài có trước tôi từ đời đời, dù Ngài sinh ra ở trần gian sau tôi. Hơn nữa tôi đã thấy Thánh Linh ngự trên Ngài”, Gioan đã làm chứng những lời cam đoan đó, không chỉ bằng lời nói suông, mà còn bằng việc làm, bằng cuộc sống và bằng hy sinh cả mạng sống mình.

+ Bằng cuộc sống: Gioan đã sống ẩn dật khổ hạnh suốt đời trong sa mạc để chuẩn bị chu toàn nhiệm vụ dọn đường Đấng Cứu thế.

+ Bằng việc làm: Gioan đã rảo khắp miền sông Gióc-dan rao giảng kêu mọi người hối cải dọn đường đón Đấng Cứu thế. Nhiều hạng người đã đến xin ông chỉ dẫn. Đám đông hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?”. Ông trả lời: “Ai có thừa thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?”. Ông bảo họ: “đừng đòi gì quá mức ấn định cho mình”. Binh lính cũng hỏi ông: “còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?”. Ông bảo họ: “chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền ai, hãy an phận với số lương của mình”. (Lc. 3, 10-14). Tất cả đã được Gioan thanh tẩy để đón Đấng Cứu thế.

+ Bằng hy sinh mạng sống: Gioan đã hiến chiếc đầu mình cho Vua Hêrôđê đặt trên đĩa biếu nàng Hêrôdia độc ác. Ông đã trung thành với sứ mệnh làm chứng về Đấng Cứu thế.

Thánh Gioan tiền hô đã trả giá đắt nhất cho lời cam đoan của mình. Chúng ta nghĩ sao về bao nhiêu lời cam đoan, lời xin thề khác? Biết bao lời thề trước tổ quốc, trước nhân dân, trước hiến pháp để phục vụ đất nước và đồng bào đã bị phản bội chỉ vì vinh thân phì gia ! Biết bao lời thề cam kết hôn nhân long trọng trước bàn thờ, nhưng chẳng được mấy tháng, mấy năm đã quay mặt trở lòng, thật đau xót ! Biết bao nhiêu lời quyết tâm, cải thiện đời sống, dứt bỏ tính mê khi xưng tội, nhưng chẳng được mấy ngày đã quên luôn ! Biết bao nhiêu lời thề từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những việc ma quỷ, tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, nhưng lại coi thường, bỏ bê vì chạy theo những đam mê của cải, ăn chơi, tội lỗi !

Nguyện xin thánh Gioan đến thanh tẩy tâm hồn chúng con, chúng con biết noi gương Ngài, làm chứng về Đấng Cứu thế bằng lời nói, việc làm dù phải trả giá bằng cả mạng sống, vẫn trung kiên với lời thề tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô.

-----------------------------------

 

TN 2-A118: Làm chứng cho Chúa như Gioan - Huệ Minh

 

Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả được xem là nhân vật lớn cuối cùng của thời Cựu Ước và là nhân vật TN 2-A118


Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả được xem là nhân vật lớn cuối cùng của thời Cựu Ước và là nhân vật đầu tiên của Tân Ước. Ông là nhịp cầu nối giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, ông có sứ mệnh rất quan trọng là giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng.

Lần thứ nhất, lúc còn là một bào thai trong lòng mẹ là bà Êlisabét, thế nhưng Gioan đã biết nhảy mừng khi Đức Maria đến viếng thăm. Cử động của thai nhi khiến bà Êlisabét nhận ra sự viếng thăm của Thiên Chúa, bà kêu lớn tiếng và nói với Đức Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1, 42-44).

Và lần hai, Gioan Tẩy Giả nói về Đức Giêsu là lời này. Ông xác nhận Đức Giêsu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian. Người là Đấng mà ông có sứ mệnh đi trước dọn đường. Gio-an nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai nhờ dấu chỉ mà Thiên Chúa đã cho biết như sau: “Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần”. Ông đã thấy điều ấy nơi Đức Giêsu khi làm phép rửa cho Người tại sông Giođan, và ông đã làm chứng rằng: “Người thực là Con Thiên Chúa”.

Con Thiên Chúa đã làm người, Ngài đón nhận trọn vẹn thân phận con người tội lỗi. Đến với Gioan Tẩy Giả để chịu phép rửa là Chúa Giêsu đến gánh vác lấy tất cả tội lỗi của nhân loại làm tội lỗi của mình. Và Ngài lấy chính bản thân Ngài, gồm cả cuộc sống, cái chết trên thập giá và sự sống lại của Ngài để đền bù tất cả tội lỗi đó thay cho chúng ta. Là Con Chiên vô tì tích, Ngài chấp nhận trở thành “con chiên gánh tội trần gian.”

“Chiên Thiên Chúa" gợi lên trong tâm trí ta toàn bộ giáo lý đức tin của dân riêng Thiên Chúa. Ngay lập tức, ta có thể nghĩ rằng không phải là một con chiên nhỏ bé nhưng là sự lớn lao của quyền năng và lòng thương xót Chúa hướng đến dân Do Thái qua dấu máu của con chiên, nhờ đó dân Do Thái được cứu thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và được mang đến sự tự do và đời sống mới nơi đất Hứa. Mỗi năm và dịp lễ Vượt Qua, dân Do Thái tưởng nhớ và mừng lễ Cứu Độ bằng việc tham dự vào bữa ăn tối Vượt Qua.

Con chiên vượt qua là hình bóng Đấng cứu thế như ngôn sứ Isaia đã loan báo: “...chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền nát...Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như con chiên dẫn đến lò sát sinh...Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử” (Is 53, 4-5.7).

Tác giả sách Lêvi diễn tả rất chi tiết về cảnh sát tế chiên trong đền thờ Giêrusalem trong dịp lễ Vượt qua như sau: “con chiên trong sạch được dẫn tới bàn thờ, mọi người giơ cao tay đổ hết mọi tội mình lên đầu con chiên, rồi nhổ lông, xé thịt nó. Nó không mở miệng kêu một tiếng. Người ta thiêu sinh nó làm lễ dâng lên Thiên Chúa, xin Thiên Chúa xoá tội cho dân mình” (Lv 1,4).

Theo truyền thống Do Thái trong sách Xuất Hành (Xh 29,38-42), thì mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên nhỏ cỡ một tuổi làm của lễ toàn thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy tội lỗi của cả dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước Thiên Chúa. Tội lỗi của dân chúng đối với Thiên Chúa đáng lẽ phải trả giá bằng sinh mạng của chính con người, nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận để con chiên chết thay con người. Đức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh như thế: "Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta" (1Cr 5,7)

Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.

Theo lời chứng của ông Gioan, Chiên Thiên Chúa là Đấng đầy Thần Khí, được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện một sứ mạng cao cả, đến để gánh lấy mọi tội lỗi của trần gianvà ban ơn Cứu Độ cho muôn loài. Chiên Thiên Chúa không là một danh hiệu nhưng là một sứ mạng. Đó là Con Chiên hiền lành vô tì tích để cho người ta dẫn đi đánh đòn và chịu sát tế trong lễ Vượt Qua. Đó là vị tôi trung khiêm tốn cúi mình xuống phục vụ con người. Là Con Chiên vô tội, nhưng Chúa Giêsu đã hòa mình vào đám tội nhân. Con Chiên không đi tìm quyền bính hay sự giàu sang nhưng chịu hủy mình ra không để trở thành tất cả cho mọi người.

Chúa Giêsu chính là Đấng cứu thế dẫn đưa đoàn dân sống trong bóng tối lầm than đến với ánh sáng cứu độ. Hài Nhi Giêsu chính là Ánh Sáng xua tan bóng tối của đau khổ, đưa nhân loại thoát khỏi chốn u mê lầm lạc của tội lỗi và sự chết. Người cất đi cái ách nặng và gông cùm đang đè lên cổ loài người. Người chính là món quà tình yêu cao quý được Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, tên Người là Cố vấn Kỳ Diệu, là Thần Linh dũng mãnh, là Người Cha muôn thưở và là vị Vua Thái Bình. Người đến khai mở một triều đại mới, đưa muôn dân nước trở về hưởng phần gia nghiệp của con cái Thiên Chúa.

Thánh Gioan làm chứng cho Chúa Kitô và muốn cho mọi người đến với Chúa: "Tôi đến làm phép rửa để mạc khải Người cho dân Israel". Sứ mạng của người làm chứng có mục đích hướng dẫn người ta đến gặp Chúa, và khi người nghe đã gặp được Chúa rồi thì người làm chứng phải rút đi, vai trò của mình đã xong, hãy để cho Chúa Kitô trực tiếp hướng dẫn các linh hồn trên con đường mà Ngài muốn. Người làm chứng biết là Chúa Kitô trọng tự do lương tâm của người nghe. Hai người môn đệ của Gioan đã theo Chúa và ở lại với Chúa, họ đã quên đi Gioan để rồi đến phiên họ, họ cũng làm chứng cho Chúa: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian".

Trong thánh lễ, chúng ta cùng tuyên xưng niềm tin vào Đấng là Chiên Thiên Chúa “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Với tất cả lòng biết ơn Thiên Chúa về những gì đã lãnh nhận, chúng ta hãy thể hiện niềm tin ấy bằng đời sống bác ái yêu thương, bằng thái độ phục vụ quảng đại khiêm tốn.

Khi nhận ra những ân huệ cao quý của Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ cho tha nhân. Bởi lẽ chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Chia sẻ không làm cho chúng ta nghèo đi nhưng là trở nên giàu có trong ân sủng và tình yêu.Thánh Gioan đã dành cả cuộc đời để giới thiệu và làm chứng cho Đấng là Chiên Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi can đảm đón nhận tất cả những khó khăn hy sinh vất vả vì danh Chúa Giêsu. Chúng ta hãy ý thức thân phận yếu đuối tội lỗi của mình mà vững lòng trông cậy vào ơn Chúa.

Ta cùng nguyện xin Chúa cho ta ở trong quyền năng của ơn thánh, để được lãnh nhận sức mạnh giải thoát từ Chiên Thiên Chúa, để chúng ta có thể sống xứng đáng phẩm giá con người như Thiên Chúa đã tạo dựng. Chúng ta cũng cầu xin Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại luôn tỏ quyền năng của Người, để giúp chúng ta luôn sống trong tình yêu Người.

-----------------------------------

 

TN 2-A119: Tôi đã không biết Người…


(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

 

Về mặt họ hàng máu mủ thì Gio-an phải biết rất rõ về người em họ Giêsu của mình, thậm chí có TN 2-A119


Về mặt họ hàng máu mủ thì Gio-an phải biết rất rõ về người em họ Giêsu của mình, thậm chí có thể ngay từ khi còn trong bụng mẹ (Lc 1:44); còn nếu xét về vai trò tiền hô giới thiệu đấng Thiên Sai cho mọi người thì hơn ai hết ông lại càng phải biết rõ người ông giới thiệu là ai. Thế mà trong đoạn Phúc âm ngắn hôm nay, đã có tới hai lần Gio-an bộc bạch: “Tôi đã không biết Người” (Ga 1:31.33). Ông còn xác minh thêm rằng: ông tới kêu gọi dân chúng sám hối và nhận lãnh phép rửa trong nước là để “Người được tỏ cho dân Ít-ra-en”, chứ không chỉ nhằm mục đích muốn họ cải thiện đời sống; tại sao vậy?

Khi giới thiệu cho dân chúng và các môn đệ mình về Thầy Giêsu – vị Thiên Sai phải đến, Gio-an đã sử dụng một điển ngữ khá phổ thông của Cựu Ước, ‘Chiên Thiên Chúa’. Đối với người Do Thái, hầu như ai cũng hiểu nó ám chỉ ‘người tôi tớ Gia-vê’, mang nội dung tự hiến và phục vụ, đấng sẽ giải thoát hay cứu chuộc dân theo hình ảnh Chiên Vượt Qua (xem Xh 12:1-14 và Mc 14:12). Điển ngữ này rất phổ thông trong thời các ngôn sứ, nhưng dần bị lu mờ vào thời điểm La Mã thống trị do các khuynh hướng chính trị. Chắc hẳn Gioan đã muốn khơi lại truyền thống ngôn sứ, thay vì ngả theo quan điểm của giới lãnh đạo đương thời. Thế nhưng cái diện mạo Thiên Sai mà Gio-an mới phát hiện ra nơi nhân vật Giêsu thì lại chưa có gì là rõ ràng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”. Ông đã chứng kiến quang cảnh Thần Khí ngự xuống trên Giêsu sau khi lãnh phép rửa của ông, và vì đã được báo trước cho biết đó là dấu hiệu của đấng Thiên Sai, ông nhận ra Ngài.

Thế nhưng bản chất thực của Thần Khí đó là gì thì ngay cả ông cũng chưa nắm bắt vững; quan niệm Cựu Ước về một thần khí như uy quyền thông trị của Đức Chúa vẫn chi phối ông cho tới giờ phút này, và ông không hề tìm thấy những nét đó nơi nhân vật Giêsu. Về điều này Gio-an sẽ còn tiếp tục khắc khoải tìm hiểu một thời gian dài: “Thầy có phải là đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:19) Trong nội dung này ông hiểu ra rằng, giữa việc hối nhân dìm mình xuống dòng sông ông thực hiện và việc thanh rửa trong Thánh Thần do Đấng Thiên Chúa tuyển chọn sẽ thực hiện có khác biệt một trời một vực. Rửa trong nước do ông thực hiện để sám hội và hướng thiện (cụ thể hơn là để giữ trọn lề luật) thì đã rõ… nhưng còn rửa trong Thánh Thần để có sức mạnh thần khí thì chưa có gì là rõ ràng. Hiểu được điều này cũng có nghĩa là tiến từ Cựu ước qua Tân ước, hiểu được Đức Kitô và đã nắm được mấu chốt của niềm tin Kitô hữu.

Đức Giêsu, khi gặp lại các đồng hương Na-da-rét đã quá quen biết nhau, đã dùng lời ngôn sứ I-sai-a để tự giới thiệu mình: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi” (Lc 4:18), tuy nhiên, diện mạo của ‘Thần Khí’ Người áp dụng cho mình lại rất khác lạ với hình ảnh ‘thần khí’ đang phổ biến. Ngôn sứ I-sai-a đã phác họa một đấng Mê-si-a không quyền lực, không khổ hạnh nhưng chuyên phục vụ; hình ảnh này đã bị các Biệt Phái luật sĩ lãng quên từ lâu. Sau này cuộc sống và lời rao giảng của Người sẽ không nặng mùi luân lý khổ hạnh, nhưng hiện rõ nét tự do trong yêu thương, khác xa đời sống và lời giảng dạy của Gio-an - vị ngôn sứ tiền hô luôn đậm nét luân lý nghiêm khắc và cương trực (xem Mt 3,1-12). Nhưng cũng chính Gio-an tiền hô đã đưa ra những lời chứng quan trọng, đó là ‘Đấng Thiên Chủa tuyển chọn’ phải là con người của Thần Khí, và phép rửa do đấng ấy thực hiện phải là phép rửa trong Thánh Thần.

Vì đã lãnh nhận bí tích rửa tội của Đức Kitô chứ không phải của Gio-an (xem Cv 19:1-7), Kitô hữu chúng ta không thể tự cho phép mình xây dựng một cuộc sống đức tin nặng về luân lý đạo đức, nhưng phải triển khai sức sống mãnh liệt của Thần Khí yêu thương và phục vụ. Luân lý đạo đức là điều tốt và cần thiết chung cho hết mọi người, có đạo hay không có đạo, nhưng nó không bộc lộ được cái sức Tin Mừng của Thần Khí. Để cho cuộc sống đức tin được phong phú, ăn ngay ở lành hoặc sống lương thiện tự bản chất là chưa đủ. Bao lâu những người sống quanh ta còn chưa nhận ra ‘Thần Khí Chúa xuống trên tôi’ như đã xuống trên Đức Kitô, thì họ chưa thể nhận biết Kitô hữu là những ‘người được Thiên Chúa tuyển chọn’. Và họ vẫn có thể nói về niềm tin Kitô hữu của chúng ta: ‘chúng tôi không hề biết các người’. Vì hoặc là Kitô hữu sống mãnh liệt Thần Khí, hoặc tôi sẽ chẳng khác chi người thường, dầu có sống ngay chính và lương thiện tới mấy đi nữa!

Lạy Chúa, trong tư cách linh mục của Đức Kitô Giêsu, con có bổn phận giúp cho các tín hữu sống ơn bí tích rửa tội mà họ đã lãnh nhận. Xin cho con biết nhận thức rõ rằng, họ đã được rửa trong Thánh Thần của Đức Kitô, chứ không phải trong nước của Gio-an. Chỉ như thế việc mục vụ của con mới không chỉ giới hạn trong việc giữ họ sống lương thiện, nhưng là nỗ lực giúp họ triển khai sức sống phong phú của Thánh Thần tình yêu, nhờ thế họ được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Amen.

-----------------------------------

 

TN 2-A120: Nhân chứng về Đức Kitô


(Suy niệm của Trịnh Ngọc Danh)

 

Khi thấy ông Gioan làm phép rửa và kêu gọi ăn năn sám hối, người Do thái từ Giêrusalem đã TN 2-A120


Khi thấy ông Gioan làm phép rửa và kêu gọi ăn năn sám hối, người Do thái từ Giêrusalem đã cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông tuyên bố thẳng thắn: "Tôi không phải là Đấng Kitô". Họ lại hỏi: "Vậy ông có phải là Êlia hay là một vị ngôn sứ nào chăng?" Ông cũng từ chối. Và họ hỏi tiếp: "Thế ông là ai?" Ông trả lời: "Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi." Họ lại hỏi: "Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay một vị ngôn sứ?" Ông Gioan trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người".

Hôm sau, thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, ông Gioan liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian...Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: " Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần". Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn".(xem Ga. 1: 19-34)

Trước khi bước vào cuộc sống công khai, Đức Giêsu không muốn tự mình giới thiệu về mình, nhưng Ngài muốn nhờ một người khác làm thay công việc ấy.Người ấy chính là ông Gioan.Ông có đủ uy tín, thánh thiện để làm việc ấy. Việc Đức Giêsu chịu phép rửa của ông Gioan trước khi đi vào cuộc sống công khai là để qua ông, Thiên Chúa mặc khải cho con người biết Thiên Chúa là Đấng nào và Đấng Mêsia là ai. Ông là người được tiên báo cho biết dấu hiệu nào để nhận ra Đấng Thiên Chúa tuyển chọn, và ông đã giới thiệu với dân chúng Đấng ấy là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Đấng ấy đến sau ông, nhưng có trước ông và cao trọng hơn ông; phần ông, ông tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa.Dù ông được nhiều người biết đến và ca tụng, nhưng ông một mực từ chối tất cả những danh hiệu nào người ta gán cho ông.Ông chỉ có một mục đích là làm chứng và giới thiệu Đấng Thiên Chúa tuyển chọn, kêu gọi người ta ăn năn sám hối, dọn đường cho Đấng ấy đến.

Trong cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã tự giới thiệu mình với dân chúng.Và sau khi chịu chết, phục sinh và lên trời, Ngài lại muốn chúng ta, những người Kitô hữu, những môn đệ của Ngài tiếp tục công việc làm chứng và giới thiệu Ngài với muôn dân để tất cả cũng được đón nhận ơn cứu độ.Nhưng chúng ta đã làm chứng và giới thiệu Ngài với người khác như thế nào qua hai câu chuyện sau đây?

Có một câu chuyện kể rằng:

Một Rabbi già nằm trên giường bệnh. Bên giường ông, các môn đệ đang xầm xì với nhau.

Một người trong họ nói:

- Từ thời Salomon đến giờ, chưa có ai khôn ngoan như thầy.

Một người khác nói:

- Và cả đức tin của thầy nữa, nó mạnh mẽ không kém đức tin của tổ phụ chúng ta là Abraham.

Người thứ ba nói:

- Sự kiên nhẫn của thầy cũng không thua gì của ông Gióp.

Người thứ tư tiếp lời:

- Chỉ có ông Môisê mới có thể so sánh với thầy về mức độ hoán cải sâu xa với Chúa như vậy.

Vị Rabbi có vẻ trằn trọc. Khi những môn đệ đi rồi, vợ ông hỏi:

Anh có nghe họ ca tụng anh không?

Rabbi trả lời:

- Có chứ!

Người vợ thắc mắc:

- Vậy sao trông anh có vẻ khó chịu thế?

Người chồng trả lời:

- Vì chẳng ai đề cập đến tính khiêm nhường của anh cả!

Lại một cậu chuyện khác:

Một người nọ sống đạo đức đến nỗi các thiên thần phải nhảy mừng khi trông thấy anh.Nhưng anh thì lại chẳng bao giờ nghĩ mình là người thánh thiện.Anh sống vô tư, làm những công việc thường ngày, tỏa hương đạo đức cách tự nhiên.Anh không bao giờ nghĩ đến quá khứ của người khác.Anh nhìn người khác bằng chính thực tại của họ.Anh nhìn vào tận vẻ đẹp thâm sâu của người khác như hồn nhiên, đơn sơ, chất phát không biết gì về điều họ đang làm.Vì thế, anh yêu thương tha thứ cho tất cả những ai anh gặp, và anh chẳng cảm thấy gì là phi thường trong những chuyện ấy. Đó là cách anh nhìn con người.

Ngày nọ, một thiên thần đến nói với anh:

- Tôi được Thiên Chúa sai đến với anh. Anh hãy xin bất cứ điều gì anh muốn, anh sẽ được toại nguyện.Anh có muốn xin được ơn chữa bệnh không?

Anh trả lời:

- Không. Việc ấy để Thiên Chúa làm.

Thiên thần lại hỏi:

- Thế anh có muốn được ơn đưa các tội nhân trở về đường ngay chính không?
Anh trả lời:

- Không. Đánh động con tim của người ta không phải là việc của tôi. Đó là việc của các thiên thần.

- Có phải anh muốn trở thành một tấm gương nhân đức để mọi người bắt chước anh không?

- Không. Làm như thế, tôi sẽ trở thành tiêu điểm chú ý của người khác.

-Vậy anh muốn gì? Thiên thần hỏi.

- Tôi muốn ân sủng của Thiên Chúa. Có ân sủng là tôi có tất cả.

Thiên Thần bảo anh:

- Không được. Anh phải xin một phép lạ nào đó cơ! Nếu anh không xin, anh sẽ bị ép phải nhận đấy.

- Vậy thì tôi xin điều này: Xin cho tất cả những điều tốt lành được thực hiện qua tôi sao cho tôi không hề biết về những điều ấy.

Thế là Thiên Chúa quyết định rằng chiếc bóng thánh thiện của con người này sẽ có năng lực chữa bệnh bất cứ khi nào nó đổ về phía sau lưng anh. Từ đó, bất cứ nơi nào bóng anh đổ xuống, miễn là lưng anh quay về phía đó, thì những bệnh nhân được chữa lành, đất trở nên màu mỡ, các dòng suối làm nảy sinh sự sống, và vẻ sinh động trở về với những nét mặt vốn rầu rĩ do những gánh nặng cuộc đời.
Nhưng con người thánh thiện ấy không hề biết gì về điều này, bởi vì người ta quá tập trung chú ý đến chiếc bóng của anh đến nỗi họ không chú ý gì đến anh.

Thế là ước mơ của anh đã trở thành hiện thực: những điều tốt lành được làm qua anh, còn chính anh thì được lãng quên.

Mang danh Kitô hữu, chúng ta được đồng hóa với Đức Kitô trong cùng một thân thể, cùng đồng hành với Ngài trong suốt cuộc sống. Chúng ta được kêu gọi trở thành ánh sáng và muối ướp thế gian, được kêu gọi trở thành môn đệ của Ngài, được giao nhiệm vụ đi rao giảng tin vui cứu độ cho hết mọi người trong yêu thương và phục vụ.Thế nhưng trong thực tế, đôi khi chúng ta lại quên nhiệm vụ làm chứng và giới thiệu Đấng đang đồng hành với chúng ta. Chúng ta tự mãn mang danh Kitô hữu so với người khác, tìm vinh danh mình hơn là làm chứng và giới thiệu Đấng đang đồng hành với chúng ta.Sống kép kín và tự mãn với ơn cứu độ đã được đón nhận là sống thiếu yêu thương và phục vụ.Chúng ta làm cho mình lớn lên bằng tự phụ tự mãn với chính mình hơn là làm cho Đức Kitô vượt lên trên chúng ta.Chúng ta giới thiệu cái tôi của mình, cái nhãn Kitô hữu của mình thay vì giới thiệu, làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Bài học khiêm nhu của thánh Gioan: "Tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài" cũng là tinh thần, thái độ chúng ta phải có khi giới thiệu và làm chứng về Đức Kitô vậy!

 

TN 2-A121: Làm chứng cho Chúa Giêsu

(Suy niệm của Lm Giacôbê Tạ Chúc)

 

Trong các phiên tòa luôn có những nhân chứng, người ta cần nhân chứng để làm chứng nhân cho TN 2-A121


Trong các phiên tòa luôn có những nhân chứng, người ta cần nhân chứng để làm chứng nhân cho các cuộc điều tra xét xử. Thế nhưng, độ đáng tin của những người làm chứng ở mức độ nào mới là điều cần quan tâm. Có nhiều chứng giả dối, có những người làm chứng vì lợi ích của mình hoặc phe nhóm mình. Có những người không dám làm chứng dù biết đó là sự thật. Chứng của Gioan hoàn toàn khác với con người. Ông là người chính trực, uy tín, không luồn cúi, không xu nịnh. Thế nên dân Do Thái kính phục ông, họ tin ông và ông đã minh chứng cho họ: Đức Giê-su mới là Đấng Thiên sai muôn dân hằng mong đợi.

Đây chiên Thiên Chúa…

Hình ảnh con chiên bị sát tế mà Isaia đã nói đến trong cựu ước: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7). Tiên tri Giê-rê-mi-a cũng nói về Đấng cứu thế như sau: “Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con. Chúng bảo nhau: "Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!” (Gr 11,19). Máu chiên bò đổ ra để chuộc tội thay cho con người. Người ta bắt chiên sát tế rồi rảy máu lên mình để rửa sạch tội lỗi. Con chiên chết thay cho con người. Con vật vô tội đã gánh tội cho toàn dân. Hình bóng của con chiên mà dọc dài trong cựu ước đã được các tác giả kinh thánh ghi nhận thì đây, trong giáo ước mới là Tân ước, Thánh Gioan đã chỉ cho dân Do Thái, con chiên bị sát tế chính là Đức Giê-su Ki-tô: “ Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29).Ngài là chiên vô tội đã bị hiến tế vì anh em, Ngài là Đấng mà Gioan Tẩy giả đã chỉ cho thấy khi xuất hiện, và dù có được làm phép rửa cho Chúa Giê-su thì Gioan cũng đã khẳng định: Ngài đến sau tôi, nhưng trỗi hơn tôi, vì có trước tôi. Chiên Thiên Chúa, một cụm từ nối kết giữa hai quan niệm của: Cựu ước và Tân ước, những gì trong Giao ước củ chưa thành toàn thì nay Giao ước mới đã kiện toàn trong Ngôi Hai Thiên Chúa: Đấng Messia mà muôn dân đợi mong.

Đấng xóa tội trần gian…

Con người bất tuân, tội lỗi xâm vào và đã làm cho con người vấp ngã. Trước mỗi tòa án, những tội nhân đều có luật sư bầu chữa. Con người lấy ai đây để làm trạng sư trước tòa phán xét của Đấng ngàn trùng chí Thánh. Máu chiên bò là không thể, một ai đó trong dân đứng lên để biện hộ, cũng không xong. Chỉ có Đấng từ trời, và Đấng ấy không ai xa lạ mà chính là từ cung lòng của Cha là Đức Giê-su Ki-tô. Ngài đền thay tội lỗi cho muôn dân. Đấng mà Cai-pha đã nói tiên tri: “ Thà một người phải chết cho toàn dân được nhờ” (Ga 18, 14). Hình ảnh con chiên hiền lành đã được cô đọng lại trong cái chết của Chúa Giê-su, Ngài vô tội mà đã gánh tội lỗi nhân gian.

Cùng với Gioan, mỗi người cũng được mời gọi tham dự vào ba chức vụ: tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Giê-su trong ơn gọi của của mình. Như là một điều kiện ắt phải có khi giới thiệu Chúa cho anh chị em xung quanh, thánh Gioan Tẩy giả làm chứng và giới thiệu Chúa cho hết thảy mọi người. Người Ki-tô hữu cũng can đảm làm chứng và chỉ Chúa Giê-su đang đi đến với nhân loại trong từng ngõ ngách của đời mình.

-----------------------------------

 

TN 2-A122: CHÚA GIÊSU LÀ AI ?


"Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian"

(Ga 1,29)

Sợi chỉ đỏ:

 

Đấng Messia là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. - Đáp ca: Đấng Messia đến để thực thi ý Thiên Chúa. TN 2-A122


- Bài đọc I: Đấng Messia là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa.
- Đáp ca: Đấng Messia đến để thực thi ý Thiên Chúa.
- Tin Mừng: Bắt đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả giới thiệu: "Chính Ngài là Con Thiên Chúa."

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Từ hôm nay bắt đầu mùa thường niên: Phụng vụ muốn dẫn chúng ta từng bước đồng hành với Chúa Giêsu. Việc đầu tiên là phải biết Đấng mà mình đồng hành là ai.

Xin Chúa cho chúng ta biết Ngài, yêu mến Ngài và gắn bó đi theo Ngài trọn cuộc hành trình dương thế của chúng ta.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Tuy là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng chúng ta chưa cố gắng tìm hiểu để biết rõ Ngài.

- Chúng ta chưa "yêu mến Chúa trên hết mọi sự."

- Chúng ta thường đi theo đường lối của riêng mình chứ không đồng hành với Chúa trên con đường của Chúa.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc 1: Is 49,3.5-6

Ngôn sứ Isaia hình dung Đấng Messia là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Đoạn trích này thuộc bài thứ hai trong 4 bài ca về Người Tôi Tớ:

- Người Tôi Tớ của Thiên Chúa được giao sứ mạng "quy tụ dân Israel trước mắt Thiên Chúa".

- Người Tôi Tớ của Thiên Chúa còn là "ánh sáng của các dân tộc", làm cho "ơn cứu độ của Thiên Chúa tràn lan khắp địa cầu".

Tất cả những nét Isaia mô tả Người Tôi Tớ đều được thực hiện nơi Chúa Giêsu.

2. Đáp ca: Tv 39

Tv này bày tỏ tâm tình của người tín hữu đối với Thiên Chúa: cậy trông nơi Thiên Chúa, hân hoan hát mừng ca tụng Ngài, và nhất là luôn thực thi thánh ý của Ngài.

Không ai ngoài Chúa Giêsu có những tâm tình hoàn hảo ấy.

3. Tin Mừng: Ga 1,29-34

Theo bố cục của Tin Mừng thứ tư, đây là lần đầu tiên Đức Giêsu xuất hiện trước dân chúng. Vì dân chúng chưa biết Đức Giêsu, nên Gioan Tẩy giả giới thiệu Ngài, bằng hai kiểu nói:

- Đức Giêsu là "Con Chiên Thiên Chúa": Trong lễ nghi Đền tội của Do thái giáo, tội nhân đem một con chiên lên Đền thờ, úp tay mình xuống con chiên tỏ ý trút hết tội mình lên nó ; tiếp theo, tư tế sẽ giết con chiên. Nó chịu chết để đền tội thay cho tội nhân. Bao nhiêu tội lỗi của tội nhân đều được tẩy xóa. Ngay từ buổi đầu gặp Chúa Giêsu, Gioan Tẩy giả đã biết Ngài sẽ chịu chết để chuộc tội cho nhân loại, nên ông giới thiệu "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian".

- Đức Giêsu là "Con Thiên Chúa": Nhờ ơn soi sáng đặc biệt của Chúa Thánh Thần trong biến cố làm phép rửa cho Đức Giêsu, Gioan Tẩy giả còn được biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Thực ra, trong lịch sử, các vua Israel cũng xưng mình là con của Thiên Chúa. Nhưng đó chỉ là một cách nói, ngụ ý họ được Thiên Chúa nhận làm con nuôi, nghĩa tử. Riêng đối với Đức Giêsu, Gioan Tẩy giả giới thiệu Ngài là con ruột của Thiên Chúa và cũng chính vì thế cho nên Đức Giêsu sẽ làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.

4. Bài đọc 2 (chủ đề phụ): 1 Cr 1,1-3

* Từ Chúa nhựt II đến Chúa nhựt VIII, bài đọc II đều trích từ thư 1 Côrintô. (Xin hãy đọc bài giới thiệu tổng quát về Thư 1 Côrintô ngay sau bài này)

Côrintô là một thành phố cảng với những nét đặc trưng là: dân cư hỗn tạp (nhiều sắc dân khắp nơi đến làm ăn), đời sống kinh tế và trí thức tương đối khá, nhưng không đoàn kết, xã hội có nhiều tệ đoan. Chính dân Côrintô đã đuổi Phaolô ra khỏi thành phố này.

Khi ở Êphêxô, Phaolô nghe nhiều tin tức không tốt về giáo đoàn này, nên ông viết bức thư này cho họ nhằm củng cố một số điểm giáo lý và sửa sai một số tệ nạn.

Đoạn này chỉ là những lời chào đầu thư Thánh Phaolô gởi đến các tín hữu Côrintô. Tuy vậy nó cũng xác định rõ tư cách của người viết thư và những người nhận thư:

- Người viết thư (Phaolô) là kẻ được Thiên Chúa kêu gọi làm tông đồ của Đức Giêsu Kitô.

- Những người nhận thư (tín hữu Côrintô) là những kẻ được kêu gọi nên thánh và được thánh hóa trong Chúa Giêsu Kitô.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Độc hành hay đồng hành

Khi phải làm một chuyến hành trình dài, người ta cần có bạn đồng hành, để có bạn đường mà chia vui xẻ buồn, nói chuyện với nhau, và giúp đỡ nhau. Hai môn đệ hành trình Emmau nhờ đi chung với nhau nên đã san sẻ cho nhau nỗi buồn nặng trĩu sau những biến cố đau thương xảy ra tại Giêrusalem. Họ lại có được một bạn đồng hành nữa là Đức Giêsu phục sinh. Chính Người Bạn đồng hành này đã xóa tan mọi sầu lo của họ và làm cho niềm tin của họ sống lại.

Đời người trên dương thế là một cuộc hành trình dài thăm thẳm, không biết bao giờ mới xong, cũng không chắc sẽ đi đến đích hay không. Vậy mà có nhiều người cứ mãi độc hành: một mình tìm đường, một mình đi, một mình xoay trở trước những khó khăn… Thật là phiêu lưu !

Mùa thường niên của năm Phụng vụ cũng là một cuộc hành trình, nhưng không phải độc hành, mà là đồng hành với Chúa Giêsu: chúng ta cùng với Ngài đi qua những chặng đường từ Nadarét đến Galilê để tới Giêrusalem ; từ gian khổ đến vinh quang ; từ chết đến sống lại. Có Ngài cùng đi với chúng ta, chúng ta không sợ lạc đường. Cùng đi với Ngài, cho dù nhiều lúc gặp khó khăn, chắc chắn chúng ta sẽ tới đích. Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta nghĩa là Ngài sẽ vui khi chúng ta vui, Ngài sẽ buồn khi chúng ta buồn ; chúng ta đồng hành với Chúa Giêsu cũng có nghĩa là ta sẽ được vui niềm vui của Ngài và buồn với nỗi buồn của Ngài. Đời ta không cô độc, buồn tẻ…

Tuy chỉ là "mùa thường niên" không có những lễ trọng, nhưng nếu chúng ta sống mùa này như một người đồng hành với Chúa, cuộc đời chúng ta chắc chắn sẽ rất có ý nghĩa.

2. Người Con và Người Tôi Tớ

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu với hai nét tương phản nhau: Ngài là Người Con yêu quý của Thiên Chúa cao sang, và Ngài là Người Tôi Tớ khiêm tốn thấp hèn.

Thực ra hai nét trên không đối chọi nhau mà làm nổi bật nhau và soi sáng cho nhau: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa cao sang do cách Ngài sống như một Người Tôi Tớ; và Ngài là Người Tôi Tớ tuyệt hảo bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa cao sang.

Nhìn Chúa Giêsu, chúng ta rút ra được một triết lý sống: sống cao thượng trong hoàn cảnh tầm thường ; và sống hoàn cảnh tầm thường với tâm hồn cao thượng.

Cùng sống với Chúa Giêsu qua những biến cố mỗi tuần trong Mùa thường niên này, chúng ta có thể thực hiện được triết lý sống tuyệt vời ấy.

3. Con Chiên gánh tội trần gian

Thời Cựu Ước, trong ngày lễ Đền tội, người do thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị Tư Tế đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó Tư Tế đặt tay trên đầu con dê, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là con chiên gánh tội.

Khi Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu là "Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian", phải chăng Thánh Gioan cũng có ý rằng Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi chúng ta nên từ nay loài người không còn tội gì nữa ? Đơn giản và dễ dàng thế sao ?

Quả thực Đức Giêsu đã gánh lấy tội trần gian. Việc này có nghĩa là nhờ Ngài mà tội lỗi chúng ta được tha thứ. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không phải làm gì cả.

Cần phân biệt rõ giữa tội lỗi và thân phận tội lỗi. Đức Giêsu gánh lấy và tha thứ tội lỗi chúng ta, như con chiên đã mang tội lỗi dân do thái vào sa mạc. Nhưng thân phận tội lỗi của chúng ta vẫn còn. Và Đức Giêsu muốn giúp chúng ta cải thiện thân phận ấy, dĩ nhiên là với sự hợp tác của chúng ta.

- Ngài giúp chúng ta thế nào ? Bằng cách đến với chúng ta, sống gần chúng ta, gieo vào mảnh đất tâm hồn chúng ta hạt giống sự tốt lành và thánh thiện của Ngài.

- Chúng ta hợp tác thế nào ? Bằng cách tiếp nhận Ngài, sống với Ngài và để cho những hạt giống ấy lớn lên trong lòng mình.

Sự tha thứ của Chúa và bí tích Giải tội không phải là một thứ phù phép, mà là một trợ lực, một hạt giống.

4. "Ngài cao trọng hơn tôi"

Ngày xưa một vì vua bảo một ông quan: "Khanh hãy đi khắp đất nước tìm về cho trẫm một người tốt". Ông quan này tính tình hung dữ, gian dối và không có bạn. Sau một thời gian đi tìm, ông trở về triều, tâu: "Thần đã đi khắp nơi, gặp hết mọi người. Nhưng chẳng tìm được người nào tốt cả. Ai cũng hung dữ, gian dối và không có bạn".

Nhà vua sai một quan khác: "Khanh hãy đi khắp đất nước tìm về cho trẫm một người xấu". Ông này có lòng nhân từ, quảng đại và được mọi người thương mến. Sau một thời gian đi tìm, ông cũng trở về triều và tâu: "Hạ thần không thể chu toàn sứ mạng mà Bệ Hạ giao phó. Hạ thần đã gặp nhiều người gian lận, trộm cắp, tham lam… Nhưng chẳng có người nào thực sự xấu cả. Dù họ đã làm những điều ấy, nhưng trong thâm tâm ai cũng tốt"

Câu chuyện trên muốn nói rằng ta có khuynh hướng nhìn người khác không theo lòng họ mà theo lòng ta.

Thánh Gioan Tẩy giả thì không thế. Nếu như mọi người thì Gioan sẽ coi thường Đức Giêsu, bởi Ngài đến sau ông ; chẳng những thế ông còn coi Ngài là đối thủ của ông, bởi Ngài đang lấn dần ảnh hưởng của ông. Nhưng Gioan đã nghe theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần nên đã hiểu đúng về Đức Giêsu và đã nhiệt tình giới thiệu Ngài cho mọi người: "Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi vì Ngài cao trọng hơn tôi".

5. Được kêu gọi nên thánh

Trong thư gởi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô định nghĩa tín hữu là "những người được kêu gọi nên thánh".

Nhưng "thánh" là gì ? Theo thần học, chỉ có một mình Thiên Chúa là "thánh" (Kinh Sáng Danh: "Chỉ có Chúa là Đấng Thánh"). Theo Thánh Kinh, những ai và những gì thuộc về Thiên Chúa cũng được gọi là "thánh", chẳng hạn Đền thánh, Luật thánh, thánh nhân… ; việc dâng hiến một người hoặc một vật cho Chúa được gọi là thánh hiến.

Vậy tín hữu là những người được kêu gọi nên thánh có nghĩa là tín hữu được mời gọi ngày càng thuộc về Chúa hơn, ngày càng giống Chúa hơn.

Nhưng làm thế nào để được như vậy ? Cách tốt nhất là thường xuyên ở bên Chúa, nhìn vào Chúa và noi gương Chúa. Đó là điều mà phụng vụ các ngày chúa nhựt quanh năm muốn giúp chúng ta.

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT: Anh chị em thân mến

Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người là Đức Giêsu Kitô nhập thế làm người, chịu chết trên Thập giá để xóa tội lỗi trần gian. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.

1- Chúa đã đặt Hội Thánh làm dấu chỉ ơn cứu độ cho muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh luôn trung thành với sứ mạng của mình.

2- Cánh đồng truyền giáo này nay thật bát ngát bao la / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phấn dân Chúa / ý thức được trách nhiệm rao giảng Tin Mừng của mình / và dùng chính đời sống theo Tám mối phúc thật / để giới thiệu Chúa cho những ai chưa nhận biết Người.

3- Sống an bình và hạnh phúc / là ước mơ tha thiết của mỗi người đang hiện diện trên trái đất này / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho thế giới hôm nay được hòa bình và thịnh vượng / để điều mà môi người chân thành ước mơ / có thể sớm trở thành hiện thực.

4- Như Thánh Gioan tẩy giả / mỗi kitô hữu đều có bổn phận phải giới thiệu Chúa cho người khác / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta hiểu rằng / giới thiệu Chúa bằng đời sống bác ái yêu thương và phục vụ hết lòng / là cách tốt nhất để giúp người khác nhận biết Chúa.

CT: Lạy Chúa là Cha nhân hậu, chúng con cảm tạ Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã thương ban cho chúng con trong cuộc sống. Xin cho chúng con chỉ tin tưởng cậy trông và phó thác cuộc đời chúng con trong bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa mà thôi. Chúng con cầu xin…

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Trước kinh Lạy Cha: Chúa Giêsu là Con duy nhất của Thiên Chúa. Nhưng Ngài đã thương chia sẻ quyền làm con ấy cho chúng ta nữa. Giờ đây, chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa là Cha những tâm tình con thảo của chúng ta.

- Trước Rước lễ: Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một. Ngày xưa Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu thế nào, thì hôm nay Giáo Hội cũng giới thiệu Đức Giêsu cho chúng ta như thế: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…"

VII. GIẢI TÁN

Trong Thánh Lễ này, anh chị em đã biết Chúa Giêsu là ai, đã được cảm nghiệm tình yêu thương của Ngài. Lễ đã xong, giờ đây anh chị em hãy đồng hành với Ngài trên những bước đường của cuộc sống.

-----------------------------------

 

TN 2-A123: BÀI GIẢNG LỄ THIẾU NHI CN 2 TN A


Chúng con thân mến,

 

Trong suốt mấy tuần lễ qua, chúng con đã được nghe nói nhiều về Chúa Giêsu. Nào là việc Chúa TN 2-A123


Trong suốt mấy tuần lễ qua, chúng con đã được nghe nói nhiều về Chúa Giêsu. Nào là việc Chúa Giáng sinh làm người, các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa, nào là việc Chúa sống ở Nazareth. Hôm nay khi xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc đời loan báo Tin Mừng thì Chúa Giêsu được thánh Gioan Tẩy Giả long trọng giới thiệu Chúa cho mọi người bằng những lời hết sức cao đẹp và trang trọng sau đây “Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Ðấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel, tôi đến làm phép rửa trong nước”. Và ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Ðấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Ðấng Thiên Chúa tuyển chọn”.(Ga 1,29-33)

Thế chúng ta tự hỏi: Chúa Giêsu, được giới thiệu một cách trân trọng như thế để làm gì ? thì câu trả lời chúng con đã được nghe trong bài sách thánh thứ I trích từ sách Ngôn sứ Isaia: “Này Ta đặt Ngươi làm ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu”.
Như vậy chúng con thấy, Chúa Giêsu đã không tự mình xuống thế ... mà là được Thiên Chúa Cha sai Ngài xuống thế.

Vậy thì cha hỏi: Người được sai đi, cử đi là người làm theo ý muốn của ai ?

Chắc không phải của mình mà là của Người sai mình đi.

Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy rõ Chúa làm theo ý của Chúa Cha là Đấng sai Ngài mà ý của Đấng sai đã Ngài thì thật rõ ràng đó là đem Ơn Cứu độ xuống cho trần gian như lời Ngôn sứ cha đã nói trên.

Cha lấy một ví dụ, Dandolo là một chàng trai tuấn tú của thành Venise. Vì yếu thế thành Venise phải chịu lệ thuộc hoàng đế Bysance. Dandolo được cử tới Byzance để ký một hiệp ước. Hoàng đế Byzance trao cho chàng một bài luận mới đã được dọn sẵn để chàng ký. Dandolo đọc kỹ và người ta thấy nét mặt chàng có vẻ giận dữ và tái lại. Chàng nghĩ ký như thế này sẽ là nhục cho quê hương và mất hết danh dự của mình, cho nên chàng trẻ liền nói với Byzance

- Tôi không ký.

Hoàng đế bất mãn... nhưng sau cũng ôn tồn đưa ra những báu vật để dụ dỗ. Thấy báu vật, Dandolo bỉu môi khinh bỉ .

Hoàng đế tức giận liền đe dọa.

Dandolo chỉ cười.

Tức quá Hoàng đế la lên:

- Tên khốn nạn, nếu ngươi không làm theo ý ta, ta sẽ cho trói ngươi.
Dandolo làm thinh

Người ta đem sắt nung đỏ ép sát vào mi mắt chàng

Chàng làm thinh.
Thịt cháy khét
Chàng làm thinh

Sau khi bị hành quyết, Dandolo dõng dạc tuyên bố:

- Quê hương đã được giải cứu.

Tại sao Dandolo can đảm như thế. Tại vì chàng biết quê hương sai ông đi để làm vinh dự cho quê hương chứ không nhục mạ quê hương và quả thực ông đã thỏa mãn được mong mỏi của quê hương

Còn Chúa Giêsu thì như thế nào chúng con ?

Còn hơn thế nữa. Kinh Thánh đã nói về Ngài: “Này là Con Ta, Ta hài lòng vì con”.

Thiên Chúa Cha sai Chúa Giêsu xuống trần gian để đem ơn cứu độ cho trần gian. Ngặt một nỗi là Thiên Chúa Cha lại không muốn cho con của Người làm công việc đó trong dễ dãi... mà là trong đau khổ. Chúng con nhớ lại cảnh nơi vườn cây dầu: Khi phải đứng trước một thử thách quá lớn lao. Phải chết đau khổ để chuộc tội mang ơn cứu độ cho loài người – Sức yếu đuối của con người làm cho Chúa Giêsu cảm thấy sợ. Nhưng ý của Thiên Chúa Cha bao giờ cũng phải được tôn trọng.

- “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cất cho con chén này nhưng xin đừng theo ý con mà là ý của Cha”

ý của Chúa Cha không muốn mà muốn cho sẵn sàng đón nhận ... trong cả một cái chết đau thương ... còn hơn cái chết của Dandolo nhiều.

2. Nhưng Chúa Giêsu chết như vậy để làm gì chúng con ?

Đây chúng con nghe lời thánh Gioan tẩy giả (Ga 1,29- 34): Để xóa tội trần gian

Trong một Nhà thờ ở Tây Ban Nha, người ta tôn kính một cây Thánh Giá cổ xưa mà cánh tay phải của Chúa tách rời khỏi đinh. Cây Thánh Giá này có lịch sử như sau:

Ngày nọ, một tù nhân “gạo cội” đến xưng thú tội mình dưới chân Thánh Giá này với tất cả dấu hiệu của một sự thống hối chân thật, Cha giải tội do dự ban phép Giải Tội cho ông ta vì các tội của ông nhiều và nặng. Tội nhân cầu xin sự tha thứ.

- Tôi ban phép Giải Tội cho ông. -vị Linh mục nói-. Tuy nhiên ông không được tái phạm nữa nhé!

Tội nhân xin hứa và giữ lời hứa trong một thời gian. Nhưng rồi ông yếu đuối và sa ngã lại. Lòng thống hối thúc đẩy ông đến tòa Giải Tội. Vị Linh mục bảo ông:

- Lần này thì tôi không ban phép Giải Tội cho ông đâu!

- Con thống hối -Tội nhân đáp lời vị Linh mục- con rất chân thành xin đoan hứa với Cha, nhưng con yếu đuối. Xin hãy tha thứ, xin tha thứ cho con!

Cha Giải Tội tha thứ và nói thêm:

- Đây là lần cuối cùng đó nhé!

Một thời gian khá lâu sau đó, một phần do thói quen, một phần vì yếu đuối, ông ta lại rơi vào vòng tội lỗi.

- Bây giời thì dứt khoát -vị Linh mục bảo ông- Ông luôn rơi lại trong cùng một lỗi. Sự thống hối của ông không chân thành.

- Thưa Cha, con rất chân thành thống hối. Con sa ngã vì con yếu đuối. Con thẳng thắn, chân thực, nhưng con yếu đuối.

Vào chính lúc đó người ta nghe như có tiếng ai khóc. Tiếng động phát xuất từ cây Thánh Giá: Một cánh tay rời khỏi đinh, giơ lên và vạch trên đầu tội nhân dấu hiệu sự tha thứ, đồng thời có một tiếng nói: “Ngươi, ngươi không đổ máu ngươi cho nó!”

Con Thiên Chúa xuống trần gian. Con Thiên Chúa đã chết đề đền tội thay cho con người. Đấng tạo hóa chết để đền tội cho tạo vật. Việc này có cao cả và kỳ diệu không chúng con. Cha tưởng đây là một sự hy sinh quá cao cả loài người chẳng ai dám nghĩ tới thế mà Thiên Chúa vì yêu thương con người đã làm như thế.

Chúng ta phải cám ơn Chúa. Chúng ta xin Chúa cho chúng ta được sống trung tín với tình yêu của Ngài.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý

-----------------------------------

 

TN 2-A124: Chiên Thiên Chúa - Lm. Inhaxiô Trần Ngà


 (Suy niệm Tin mừng Gioan (1, 29-34) trích đọc vào Chúa nhật 2 thường niên)

 

Khi giới thiệu một vị khách quý cho quần chúng, người ta thường nêu lên chức vị cao nhất cũng TN 2-A124


Khi giới thiệu một vị khách quý cho quần chúng, người ta thường nêu lên chức vị cao nhất cũng như tài năng nổi bật nhất của nhân vật đó, trước là để mang lại vinh dự cho khách, sau là làm tăng thêm lòng kính phục, mộ mến của những người hiện diện.

Ví dụ: Đây là ngài tổng thống của Hoa Kỳ cùng với đệ nhất phu nhân…. Đây là nghệ sĩ ưu tú… Đây là nhà kinh tế học thiên tài đã nhận được giải Nô-ben… Đây là ngôi sao ca nhạc lừng danh thế giới…

Thế mà khi Chúa Giê-su là vua trời đến với nhân loại, thánh Gioan không lấy những tước vị cao cả hay quyền năng xuất chúng của Ngài mà giới thiệu, trái lại, Gioan giới thiệu về Chúa Giê-su cho các môn đệ của mình như sau: “Đây là con Chiên Thiên Chúa,” mà chiên chỉ là một thứ cừu non.

Đức Giê-su là Chúa tể trời đất mà được giới thiệu như một con cừu, con chiên, nghe ra xúc phạm quá! Nếu có ai đó giới thiệu chúng ta trước đám đông là cừu, là bò, là chiên... chắc chúng ta cảm thấy bị tổn thương nặng nề.

Vậy mà Chúa Giê-su lại vui lòng chấp nhận danh hiệu này. Ngài chấp nhận làm thân phận con chiên, con cừu gánh tội trần gian.

Chiên đền tội thời Cựu ước

Sách Lê-vi dạy rằng nếu có người phạm tội và muốn xin được ơn tha thứ, người đó sẽ đem một con chiên hay con dê đến nơi tế lễ làm lễ vật tạ tội, rồi đặt hai bàn tay lên đầu con vật này để trút hết tội lỗi lên đầu nó và giết nó đi. Vị tư tế sẽ lấy máu con vật bôi lên bàn thờ và đổ xuống chân bàn thờ… Nhờ đó, mọi tội lỗi của người đó sẽ được tha (Lv 4, 27-31).

Con Chiên Thiên Chúa

Tuy nhiên, Thiên Chúa dạy rằng: "Máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi” (Dt 10,4), vì thế, Ngôi Hai Thiên Chúa đành hoá thân làm người, trở thành Con Chiên mới, thay thế cho những con chiên chịu sát tế trong thời Cựu ước để rửa sạch tội lỗi thế gian.

Ngay từ đầu, ông Gioan tẩy giả đã nhận ra vai trò làm Chiên đền tội của Chúa Giê-su nên "khi thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian" (Gioan 1, 29-30).

Thế là Chúa Giê-su cam phận làm Chiên mới để hiến thân chịu chết và đổ máu mình xoá bỏ tội lỗi thế gian, vì chỉ có máu châu báu của Thiên Chúa mới có thể rửa sạch tội lỗi loài người.

     Hôm nay, tội lỗi của chúng ta cũng như của nhân loại còn đang chất ngất. Thế nên, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục sứ mạng làm con Chiên, hiến tế chính mình để xoá tội trần gian. Ngài đã dâng hiến thân mình trên thập giá trên đồi Can-vê năm xưa, đổ máu thánh mình ra rửa sạch tội lỗi muôn người. Và hôm nay, Ngài tiếp tục hy tế cao trọng ấy trong các Thánh lễ hằng ngày, tiếp tục dâng mình làm Chiên, hiến tế cho Thiên Chúa Cha để đền tội cho nhân loại. Thế nên, trước khi cho các tín hữu rước lễ, linh mục nâng cao Mình thánh Chúa và giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên mới đang tiếp tục dâng mình, hiến máu để cứu độ thế gian: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian".

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đã dùng bí tích Thánh tẩy để biến chúng con thành chi thể của Chúa và cho chúng con được thông dự vào vai trò Tư tế của Ngài và từ đó, chúng con được mời gọi làm chiên đền tội với Chúa.

Xin cho chúng con hiệp thông với Chúa trong từng phút sống, cùng vác thập giá với Chúa bằng cách làm tốt các việc bổn phận hằng ngày, cùng dâng trọn vẹn cuộc sống chúng con làm hiến lễ cho Thiên Chúa Cha, để xin Ngài ban ơn cứu độ cho bao người tội lỗi.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

-----------------------------------

 

TN 2-A125: Suy niệm chú giải Lời Chúa CN II TN A


 - Lm. Inhaxiô Hồ Thông

 

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay đều xoay quanh một chủ đề: Người Tôi Trung của Thiên TN 2-A125


Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay đều xoay quanh một chủ đề: Người Tôi Trung của Thiên Chúa có sứ mạng cứu độ muôn người.

Is 49: 3, 5-6

Ngôn sứ I-sai-a đệ nhị loan báo rằng Người Tôi Trung mà Thiên Chúa ủy thác sứ mạng không chỉ dẫn đưa dân Ngài trở về với Ngài, nhưng còn là ánh sáng cho muôn dân.

1Cr 1: 1-3

Thánh Phao-lô tự giới thiệu mình với các tín hữu Cô-rin-tô rằng Thiên Chúa đã gọi thánh nhân làm Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô.

Ga 1: 29-34

Sau cùng, Gioan Tẩy Giả là người tôi tớ tự xóa mình trước Đấng mà ông có sứ mạng chuẩn bị và làm chứng cho Ngài.

BÀI ĐỌC I (Is 49: 3, 5-6)

Trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (Is 40-55), có bốn bài thơ về “Người Tôi Trung”. Chân dung “Người Tôi Trung” được phác họa trong bốn bài thơ xem ra liên quan đến lúc thì toàn thể dân Ít-ra-en, lúc thì một nhân vật biệt phân lãnh nhận một sứ mạng đặc thù. Vào Chúa Nhật II Thường Niên này, chúng ta sẽ đọc bài thơ thứ hai trong bốn bài thơ này. Khía cạnh tập thể và khía cạnh cá nhân đan quyện vào nhau rất rõ nét ở nơi bài thơ thứ hai này.

Trước hết, điểm nhấn được đặt trên khía cạnh tập thể, vì trong bài thơ này cốt là ơn gọi của dân Ít-ra-en: là vinh quang của Đức Chúa, quy tụ cho Thiên Chúa một dân tín trung, và là ánh sáng muôn dân.

1.Vinh quang của Đức Chúa:

Như ở bài ca thứ nhất, hoàn cảnh lịch sử của bài thơ thứ hai là cảnh giam cầm ở Ba-by-lon. Dân Ít-ra-en mà vị ngôn sứ ngỏ lời, qua giọng nói của Người Tôi Trung mầu nhiệm, là cộng đoàn của những người lưu đày, cộng đoàn trong cơn thử thách, bị thương tổn và ê chề nhục nhã. Nhưng Thiên Chúa sẽ can thiệp (tất cả mạch văn của chương này đều theo chiều hướng này); Ngài sẽ giải thoát dân Ngài. Các quốc gia ngoại giáo nghĩ rằng Thiên Chúa của dân Ít-ra-en không còn nhớ đến dân Ngài, nhưng rồi họ sẽ thấy rằng bằng quyền năng, Thiên Chúa này sẽ tiêu diệt những kẻ áp bức. Dân Ít-ra-en sẽ là vinh quang của Ngài.

2. “Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng”:

Sau một thời gian dài Thiên Chúa thinh lặng, nay Thiên Chúa lại lên tiếng; Thiên Chúa quan tâm đến dân Ngài, dân mà Ngài để ý đến ngay từ khi còn trong trứng nước:

“Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ
lúc tôi chào đời, Người đã nhắc tên tôi” (49: 1)

Diễn ngữ “từ khi tôi còn trong lòng mẹ” trở thành kinh điển để nhấn mạnh tính tiền định của ơn gọi. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a là vị ngôn sứ đầu tiên đã sử dụng diễn ngữ này (Gr 1: 5) và thánh Phao-lô lấy lại diễn ngữ này mà áp dụng vào ơn gọi của mình: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1: 15-16). Chính ở đây vấn đề được đặt ra: phải chăng Người Tôi Trung biểu thị cộng đoàn của những người lưu đày hay một nhân vật được tác riêng ra để trở thành vị lãnh đạo hay người hướng dẫn của dân?

3.Sứ mạng kép của Người Tôi Trung:

Dù Người Tôi Trung này là cộng đoàn của những người lưu đày – quả thật, trong lịch sử cứu độ, cộng đoàn này đóng vai trò của “một nhóm nhỏ còn sót lại” – hay đây là một nhân vật biệt phân đi nữa, thì sứ mạng hàng đầu của Người Tôi Trung này là:

 “Đem nhà Gia-cóp về cho Người

và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người” (49: 5)

Chắc chắn phải hiểu “đem về” theo nghĩa kép, vừa địa lý vừa luân lý: đem những người lưu đày về quê cha đất tổ của họ và đem một dân bất trung và bị trừng phạt về với Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn làm cho dân này thành hạt nhân vững chắc, qua đó Ngài sẽ tái lập dân tộc thánh.

4. “Quy tụ dân Ít-ra-en”:

Một trong những bận lòng lớn lao của những người lưu đày, đó là quy tụ tất cả các chi tộc bị tản mắc khắp nơi. Vai trò của Người Tôi Trung sẽ là tái lập sự hiệp nhất. Đây là sứ mạng tràn đầy niềm tin tưởng, công việc đầy phấn khởi. Người Tôi Trung thẩm định vinh dự được dành cho mình: “Thế nên tôi được Thiên Chúa trân trọng”. Nhưng công việc này thật khó khăn, phải nương tựa vào ơn trên: “Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi”.

5.Ánh sáng muôn dân:

Đức Chúa cho rằng công việc tái lập dân Ngài này là chưa đủ:

“Người phán: ‘Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta
để tái lập các chi tộc Gia-cóp,
để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (49: 6).

Bài thơ này nối kết và làm sáng tỏ bài thơ thứ nhất qua diễn ngữ: “ánh sáng muôn dân”. Rõ ràng sứ mạng của dân Ít-ra-en – hay ở đây có thể sứ mạng của “nhóm nhỏ còn sót lại”, tức là những người lưu đày được cứu thoát – chính là làm cho ánh sáng cứu độ được bừng sáng, đó không gì khác hơn chính là công việc của Đức Chúa.

Thánh Phao-lô đã cảm thấy một cách sống động những điểm tương đồng của ơn gọi Người Tôi Trung, được tuyển chọn cách đặc biệt để là “ánh sáng muôn dân”, với ơn gọi của chính mình. Thánh nhân áp dụng vào chính mình những lời của vị ngôn sứ, với cung giọng thống thiết, trong hội đường An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a khi mạnh dạn nói với những người Do thái cứng lòng tin rằng, từ nay, thánh nhân quay về phía dân ngoại, vì họ mở rộng lòng mình đón tiếp lời Chúa hơn (Cv 13: 46-47).
6.Khía cạnh Mê-si-a:

Trong viễn cảnh xa, ẩn hiện dung mạo Người Tôi Trung thập toàn, tức Chúa Ki-tô, ở nơi Ngài Chúa Cha sẽ được tôn vinh. Chính Ngài sẽ quy tụ dân Do thái và lương dân thành một dân duy nhất, Ngài sẽ là “ánh sáng thế gian” và nguồn ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Đó cũng là những ngôn từ của bài ca “An Bình Ra Đi” của cụ già Si-mê-on:

“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
và vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (Lc 2: 29-32).

BÀI ĐỌC II (1Cr 1: 1-3)

Thánh Phao-lô đã thiết lập Giáo Đoàn Cô-rin-tô vào những năm 50-52. Đây là thành phố thương mại, có một vị thế địa lý đặc biệt với hai hải cảng. Thành phố này đang trên đà phát triển, với những tương phản xã hội: những nhà tài chính và thương mại giàu có bên cạnh những phu khuân vác và nô lệ. Thủ phủ xa hoa tráng lệ với đền thờ tôn kính nữ thần Aphrodite được hàng ngàn nữ tư tế phụng thờ, tức là những cô điếm thánh. Sau cùng, với tư cách là cái nôi văn hóa, thành phố Cô-rin-tô được mệnh danh là nơi có nhiều trường phái triết học trăm hoa đua nở.

1.Một cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi:

Thánh Phao-lô đã trải qua mười tám tháng ở Cô-rin-tô và đã để lại ờ đây một Giáo Đoàn sống động. Nhưng ngay sau khi thánh nhân ra đi, Giáo Đoàn đã gặp phải biết bao những khó khăn nghiêm trọng khiến thánh nhân phải bận lòng: buông thả luân lý, bất đồng nội bộ, ngờ vực đạo lý, lạm dụng phụng vụ. Thánh nhân viết thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô để can thiệp, nhưng thư này bị thất lạc không được lưu truyền đến chúng ta.

Cuộc khủng hoảng càng trở nên trầm trọng, thánh nhân sai cộng tác viên của mình viếng thăm cộng đoàn này. Khi trở về, ông Ti-mô-thê đem theo một loạt câu hỏi mà thánh Phao-lô trả lời trong thư được gọi là “thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô” này, nhưng thực ra đây là thư thứ hai. Quả thật, thánh Phao-lô đã viết bốn bức thư gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, trong số đó, bức thư thứ nhất và bức thư thứ ba bị thất lạc. Bức thư mà chúng ta gọi thư thứ nhất, thực ra là thư thứ hai; và bức thư mà chúng ta gọi thư thứ hai, thực ra là thư thứ tư.

Thánh nhân viết thư thứ nhất này từ Ê-phê-xô vào mùa xuân năm 55.Những chia rẻ xé nát cộng đoàn non trẻ này và sẽ là đối tượng phần thứ nhất của bức thư này. Đây là những lời khuyên bảo phải nên “một lòng một ý” với nhau mà chúng ta khởi sự đọc vào Chúa Nhật hôm nay và tiếp tục đọc vào những Chúa Nhật kế tiếp.

2.Khủng hoảng nghiêm trọng:

Chúng ta không thể đọc thư này mà không xúc động, và đồng thời thán phục những lập luận thần học của thánh Phao-lô hay phương pháp huấn giáo của thánh nhân. Đối với thánh nhân, cuộc khủng hoảng xảy ra ở Giáo Đoàn Cô-rin-tô là một sự thử thách nghiêm trọng, vì thánh nhân không chỉ thấy công trình của mình bị đe dọa, nhưng ngài còn phải chịu những lời lăng mạ liên quan đến cá nhân mình. Thánh nhân quyết định viết một bức thư nghiêm khắc “Thật thế, tôi đã vô cùng đau khổ, con tim se thắt, nước mắt chan hòa khi viết cho anh em” (2Cr 2: 4).

Tấn thảm kịch này giúp cho chúng ta nhận ra biết bao khó khăn trong việc cấy Ki-tô giáo vào môi trường ngoại giáo, môi trường này vốn đã được đào luyện bởi một nền văn hóa hoàn toàn khác với Do thái giáo và Giáo Hội vào lúc đó chỉ vừa mới hình thành nên chưa có đủ những quy định chặc chẻ.

3.Lời mào đầu:

Đoạn trích thư hôm nay là lời mào đầu, phù hợp với tập quán thư tín của thời ấy, bao gồm: tên và phẩm chất của người gởi, cũng như tên và phẩm chất của người nhận.

Ngay từ đầu thư, thánh Phao-lô giới thiệu mình: “Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô”. Thánh Phao-lô tự ý kể ra rằng thánh nhân đã lãnh nhận ơn gọi của mình trực tiếp từ Thiên Chúa: thánh nhân là Tông Đồ với cùng tước hiệu như nhóm Mười Hai. Tiếp liền sau đó, thánh Phao-lô nêu tên “ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi”: “người anh em” là danh xưng mà những người Ki-tô hữu xưng hô với nhau.

Người nhận là những Ki-tô hữu, họ hình thành nên “Hội Thánh của Thiên Chúa” ở Cô-rin-tô (đây là diễn ngữ ưa chuộng của thánh Phao-lô). Họ cũng đã được kêu gọi làm “dân thánh”, nhưng ngay tức khắc, thánh nhân mời gọi họ hãy khiêm tốn khi đặt mình trên cùng một bình diện với anh chị em của họ trong đức tin: thánh nhân cho họ thấy rằng phẩm chất đích thật của các Ki-tô hữu là hiệp nhất với nhau, vì thế mọi sự chia rẻ đều biểu lộ tình trạng kém phẩm chất của Ki-tô giáo.

Trong lời nguyện chúc sau cùng: “Xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an”, thánh Phao-lô hiệp nhất lời chào Hy lạp “ân sủng” và lời chào Do thái “bình an”, ngầm ủy thác cho họ những nguồn phong phú mới trong Đức Giê-su Ki-tô.

TIN MỪNG (Ga 1: 29-34)

Đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật II Thường Niên Năm A này được trích dẫn từ Tin Mừng Gioan chứ không Tin Mừng Mát-thêu như theo lẽ thường của Phụng Vụ năm A. Một cách nào đó, đoạn Tin Mừng này tiếp nối với đoạn Tin Mừng của ngày lễ Chúa Giê-su chịu phép rữa. Tuy nhiên, đây không là đọc lại câu chuyện Chúa Giê-su chịu phép rửa, nhưng là lời chứng của thánh Gioan Tẩy Giả. Quả thật, tất cả phần mở đầu của Tin Mừng Gioan được xoay chung quanh vai trò quan trọng của Gioan Tẩy Giả với tư cách nhân chứng.

Tựa Ngôn bị gián đoạn hai lần để đưa nhân vật Gioan Tẩy Giả vào nhằm nhấn mạnh vai trò chứng nhân của thánh nhân: lần thứ nhất, Gioan Tẩy Giả làm chứng Đức Giê-su là ánh sáng (1: 6-8); và lần thứ hai, Gioan Tẩy Giả làm chứng Đức Giê-su cao trọng hơn ông (1: 15). Đoạn Tin Mừng hôm nay lập lại cùng những ngôn từ với lời chứng của Gioan Tẩy Giả về sự cao trọng của Chúa Giê-su. Đây là điểm nhấn của Tin Mừng Gioan.

Tình tiết xảy ra vào những ngày Chúa Giê-su, sau khi trở về từ hoang địa, sắp bắt tay vào sứ mạng công khai của Ngài. Thánh Gioan Tẩy Giả đã nhận ra sự cao trọng của Đấng mà ông đã làm phép rửa; vì thế, thánh nhân lên tiếng làm chứng cho Ngài:

-Thánh nhân đồng hóa Đức Giê-su với Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian,

-Thánh nhân khẳng định cuộc sống tiền hữu của Đức Giê-su và tính ưu việt của Ngài,

-Thánh nhân chứng thực điều mà thánh nhân đã thấy và đã nghe: Đức Giê-su, được Chúa Thánh Thần tấn phong, đích thật là Con Thiên Chúa.

1.Chiên Thiên Chúa:

Lời chứng thứ nhất của Gioan Tẩy Giả về Đức Giê-su:“Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Đây là tước hiệu mầu nhiệm, nhưng được đặt trên môi miệng của Gioan Tẩy Giả, chắc chắn đây là tước hiệu Mê-si-a. Đối với những người Ki-tô hữu mà Tin Mừng Gioan ngỏ lời, tước hiệu này gợi lên việc Chúa Ki-tô bị sát tế, Ngài sẽ nhận án tử thập giá vào giờ mà các con chiên lễ Vượt Qua bị sát tế. Một quan điểm như thế không thể nào là quan điểm của vị Tiền Hô được.

Quả thật, Cựu Ước đã mô tả Người Tôi Trung “bị ngược đãi, cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt” (Is 53: 7). Đối với Gioan Tẩy Giả, xem ra còn hơn thế nữa, chiên là hình ảnh của sự vô tội và tinh tuyền. Đấng mà vị Tiền Hô đã không muốn làm phép rửa vì ông nhận ra Ngài là một con người vô tội, chính Đức Giê-su này hiện có mặt ở đó và đang tiến về phía mình: Ngài như con chiên không tì vết mà Lề Luật truyền lệnh dâng hiến thành hy lễ.

Mặt khác, văn chương khải huyền, vẫn còn nở rộ vào thời Chúa Giê-su, hình dung Đấng Mê-si-a đến dưới hình dạng của một con chiên yếu ớt, nhưng Thiên Chúa ban cho Ngài sức mạnh và quyền năng, và làm cho Ngài thành một con chiên khải hoàn. Chính xác, tác giả Tin Mừng Gioan sẽ lấy lại trong sách Khải Huyền của mình hình ảnh Con Chiên khải hoàn mà thánh nhân sẽ đồng hóa với hình ảnh Con Chiên bị sát tế.

Đây là kiểu nói độc nhất trong toàn bộ Tân Ước và được lập lại mỗi lần cử hành Thánh Thể: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến tham dự bàn tiệc Thiên Chúa”. Tin Mừng Gioan nói về tội lỗi ở số ít. Khi đặt tội lỗi ở số ít, thánh sử hiệp nhất trong cùng một viễn cảnh tội lỗi của người Do thái và tội lỗi của lương dân, vì diễn ngữ “trần gian” chỉ tất cả nhân loại.

2.Cuộc sống tiền hữu và tính ưu việt của Chúa Giê-su:

Lời chứng thứ hai của thánh Gioan Tẩy Giả: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi”, đã được đưa vào trong Tựa Ngôn rồi, được lập lại ở đây vừa khẳng định cuộc sống tiền hữu của Chúa Giê-su vừa tính ưu việt của Ngài.

Quả thật, trong khi các Tin Mừng Nhất Lãm đưa gia phả của Chúa Ki-tô lên đến tổ phụ Áp-ra-ham (Tin Mừng Mát-thêu) hoặc lên đến nguyên tổ A-đam (Tin Mừng Lu-ca), thì Tin Mừng Gioan lại đưa gia phả của Đức Giê-su lên cho đến lúc khởi đầu tuyệt đối:

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (1: 1).

Như vậy, ở nơi lời chứng của thánh Gioan Tẩy Giả, cuộc sống tiền hữu của Chúa Giê-su được nêu bật rất rõ nét bởi một sự đối lập rất mạnh giữa “có người đến sau tôi” ở phần đầu và “có trước tôi” ở phần sau cùng: về phương diện con người, Đức Giê-su chào đời sau Gioan Tẩy Giả, nhưng về phương diện Thiên Chúa, Ngài có trước Gioan Tẩy Giả.

3.Con Thiên Chúa:

Lời chứng thứ ba của Gioan Tẩy Giả nhắm đến tước vị làm Con Thiên Chúa của Đức Giê-su được công bố vào lúc Ngài chịu phép rửa. Trong khi ba Tin Mừng Nhất Lãm gán lời khẳng định này cho tiếng phán từ trời, thì Tin Mừng Gioan đặt tiếng phán này trên môi miệng của Gioan Tẩy Giả. Chính thánh nhân là người công bố: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Con Thiên Chúa”.

Đồng thời thánh Gioan Tẩy Giả xác định sứ mạng tiền hô của mình: sứ mạng của thánh nhân chính là bày tỏ Đức Giê-su cho dân Ít-ra-en. Tự bản thân mình, thánh nhân đã không biết chân tính của Đức Giê-su: “Tôi đã không biết Người” (động từ “biết” có một nghĩa rất sâu xa trong Tin Mừng Gioan); nhưng nhờ cuộc Thần Hiển vào lúc Đức Giê-su chịu phép rửa mà thánh nhân xác nhận tính siêu việt của Đấng mà thánh nhân loan báo. Hơn nữa, Thánh Thần đã báo trước cho thánh nhân rồi.

Mặt khác, Tin Mừng Gioan là Tin Mừng duy nhất nhấn mạnh Chúa Giê-su được Chúa Thánh Thần tấn phong khi nói rằng Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su. Chúa Thánh Thần, Đấng hằng ở trong Chúa Giê-su, chiếm đoạt lấy Ngài. Quả thật, Chúa Giê-su, sinh hạ bởi quyền năng của Thánh Thần, được Thánh Thần hằng ở cùng ngay từ khi thụ thai.

Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê-su ở đây loan báo ngày lễ Ngũ Tuần: các Tông Đồ cũng được Chúa Thánh Thần tấn phong trước khi các ngài bắt tay vào việc loan báo Tin Mừng. Cũng vậy, người Ki-tô hữu vào lúc chịu phép Rửa lãnh nhận sức sống của Chúa Thánh Thần, Đấng ở trong họ.

4.Khía cạnh lịch sử:

Cuối cùng, chúng ta không thể loại trừ rằng Tin Mừng Gioan đã có một hậu ý biện giáo, hay đúng hơn truyền giáo, khi nhấn rất mạnh tính trổi vượt của Chúa Giê-su trên Gioan Tẩy Giả. Quả thật, một thời gian dài sau khi vị Tiền Hô qua đời, vẫn còn có những cộng đoàn xem thánh nhân là Đấng Mê-si-a và họ tiếp tục thực hành phép rửa sám hối. Sách Công Vụ nói cho chúng ta biết có một nhóm như thế ở Ê-phê-xô (Cv 19: 1-7). Vì thế, Tin Mừng Gioan muốn xóa tan mọi ngộ nhận như vậy bằng cách khẳng định rằng Gioan Tẩy Giả không phải là Đấng Mê-si-a.

-----------------------------------

 

TN 2-A126: SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II - TN A


“Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội lỗi trần gian”

 

Bài Tin Mừng này như tiếp tục bài Tin Mừng tuần trước, và chắc chắn chúng ta chưa quên hình TN 2-A126


Bài Tin Mừng này như tiếp tục bài Tin Mừng tuần trước, và chắc chắn chúng ta chưa quên hình ảnh Đức Giêsu hòa mình với đám người xếp hàng bước tới ông Gioan Tẩy Giả để chịu phép rửa. Thật rõ ràng là Con Chiên của Đấng Tối Cao, đang bước đi những bước đầu tiên vào cuộc sống mới của một sứ mạng mới, hoàn toàn trong đức vâng phục, khiêm hạ và tràn ngập yêu thương , yêu và thương cho đàn con cái còn vô tri, vô ngộ, còn xa sự thật, còn chỉm đắm trong biết bao ngộ nhận…

Và chính Người cũng đang chìm đắm miên man trong sự hạ mình như một tội nhân, muốn vác lấy tất cả muôn vàn tội lỗi nhân trần, và biến mình nên như chính tội nhân. Và như thế, Người rắp tâm bước vào cuộc đời mới, đầy gian truân đang đón chờ Người. Người cũng rắp tâm cứu vớt đàn con u mê tội lỗi, và cho mình cái bổn phận phải giúp đỡ, an ủi, chữa lành và chịu khổ vì chúng, tuy Người đã phải rùng mình vì những cố chấp, những xua đuổi, những cố tình tìm cách khử trừ Người. Và Người càng rắp tâm chiến đấu với Kẻ Thù đã cướp đi của Người biết bao tâm hồn ngây thơ khờ dại…  Và Người lại ngước mắt lên Chúa Cha để xin ơn mạnh sức. Và Chúa Cha, quá thấu hiểu tâm hồn Người, đã thốt lên, khi Người đã cúi mình đón nhận những dòng nước ông Gioan đổ trên đầu Người mà “Rửa Tội” cho Người, Đấng vô tỳ tích: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội lỗi trần gian”… Chúng ta thường nghe câu này trong Thánh Lễ, nhưng đã có lần nào chúng ta nghĩ tới một “Đấng xóa tội trần gian” đang mang hình bóng một Con Chiên hiền từ, được dẫn đi vào lò sát sinh, sau khi đã hiền lành để  cho con người xén lông trơ trụi. Máu Con Chiên đó đã được bôi lên cửa của những kẻ tin vào Người và được cứu. Và Máu đó vẫn được bôi lên cửa tâm hồn chúng ta để dánh dấu sự cứu chuộc đó. Và “Đấng Cứu” vẫn hằng cứu, nhưng nếu con người không muốn được cứu, thì nó là một đối tượng đau buồn khôn lường của “Đấng hằng muốn cứu”. Tự do của con người đã đánh bại lòng Thương Xót của Người, và làm cho những giọt Máu của Người trở nên vô dụng.  Ôi ! Nước Mắt của Đức Kitô đã từng tuôn chảy, cũng như nước mắt của Mẹ Người, đến mức có lần đã thành nước mắt máu…

Nỗi đau khôn tá đó có gây cho chúng ta được một lòng sám hối chân thành để chừa bỏ những tham sân si của chúng ta mà hướng lên những sự Thật chân chính bất diệt, mà chúng ta thường nhắm mắt làm ngơ, để tâm hồn chúng ta cứ mãi băn khoăn khắc khoải trong vùng lân quẩn của những phù vân giả dối ?… Như Thánh Phaolô đã phải thốt lên: “Tôi coi mọi sự là thiệt thòi , ngoài Đức Kitô đã chết và sống lại để cứu chúng ta khỏi chết…”

Như Con Chiên hiền lành được dẫn đến lò sát sinh để làm Giá cứu chuộc nhân loại. Con Chiên ấy, mang dáng vẻ một Đấng Cứu Tinh sẵn sàng hy sinh mạng sống bằng một cuộc đời đầy gian truân vất vả, lang thang đó đây với nhóm tông đồ hèn mọn, trên các nẻo đường rao giảng Tin Mừng cứu độ. Tôi cũng hình dung mình được hợp tác với Người trong Sứ Vụ Thần Linh của Người, nhưng tôi phải nên giống như Người, vâng phục, khiêm hạ, kiên cường và dũng mãnh, bước đi với Người lên đến tận đỉnh đồi Canvê, để cùng sát cánh bên Người, trong công trình Cứu Độ của Người, bằng cuộc sống thánh hiến thường ngày của tôi…
Nữ tu Marie Paulina Rndm

-----------------------------------

 

TN 2-A127: ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA! ĐÂY ĐẤNG XOÁ BỎ TỘI TRẦN GIAN!


(Ga 1,29-34)

 

Tuần trước với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, ta đã được nghe Chúa Cha giới thiệu Đức Giêsu: "Đây TN 2-A127


Tuần trước với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, ta đã được nghe Chúa Cha giới thiệu Đức Giêsu: "Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Con".

Chủ nhật hôm nay, ta lại được nghe thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu: "Đây là Chiên Thiên Chúa! Đây Đấng xoá tội trần gian."

Lời giới thiệu của Gioan làm cho người Dothái nói riêng và cho người Kitô hữu nói chung hiểu rằng:

Như máu con chiên bôi lên cửa nhà vào đêm Vượt qua cứu dân Israel khỏi chết như thế nào, thì máu thánh Đức Giêsu đổ ra trên thập giá cũng cứu nhân loại khỏi chết như vậy.

Như con chiên vô tội gánh lấy tội lỗi của dân Dothái trong ngày lễ Xá Tội hàng năm như thế nào, thì Đức Giêsu là Đấng vô tội chịu thương khó cũng gánh lấy tội lỗi nhân loại như vậy.

Như con chiên hiền hành vô tội bị dẫn đến lò sát sinh mà không hề mở miệng kêu ca như thế nào, thì Đức Giêsu vô tội cũng vui lòng chịu đóng đinh và chịu chết trên cây thập giá như vậy.

Như Con Chiên đã bị giết, nhưng đã chiến thắng khải hoàn như thế nào, thì Đức Giêsu chịu nạn chịu chết cũng Phục sinh sáng láng như vậy.

Nhìn vào cuộc đời Đức Giêsu, ta thấy: Người quả thật là Đấng gánh tội trần gian và xoá tội trần gian.

Người gánh tội trần gian khi Người nhập vào dòng người tội lỗi đến xin Gioan làm phép rửa. Người xoá tội trần gian khi Người tuyên bố: "Tôi đến không phải để kết tội, nhưng là để cứu độ."

Người gánh tội trần gian khi Người giao du, ăn uống với những người tội lỗi đĩ điếm. Người xoá tội trần gian khi Người nói với chị phụ nữ ngoại tình: "Ta không kết tội chị đâu. Chị hãy về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa."

Người gánh lấy tội trần gian khi Người chịu đóng đanh và chịu chết cùng với hai tên trôm cướp trên thập giá. Người xoá tội trần gian khi Người cầu nguyện trên thập giá: "Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết."

Tóm lại, từ Belem cho đến Calvario, Đức Giêsu đã luôn luôn gánh tội trần gian và xoá tội trần gian.

Ngày hôm nay và cho đến mãi tận thế, Đức Giêsu vẫn luôn luôn gánh tội và xoá tội trần gian.

Người gánh tội trần gian và xoá tội trần gian khi Người yêu thương và tha thứ cho tôi, cho Giáo Hội và cho từng người một trong chúng ta.

Người gánh tội trần gian và xoá tội trần gian khi tôi và hết thảy mọi người chúng ta biết yêu thương và tha thứ những lỗi lầm cho anh chị em minh.

Người gánh tội trần gian và xoá tội trần gian khi Giáo Hội cử hành các bí tích.

Nơi bí tích rửa tội, thụ nhân được tha tội tổ tông và tội riêng.

Nơi bí tích Hoà giải, hối nhân gặp được tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Nơi bí tích Xức Dầu, bệnh nhân được Thiên Chúa nâng đỡ và ủi an.

Nơi bí tích Thánh Thể, ta được nghe lời linh mục giới thiệu giống như lời Gioan Tẩy Giả giới thiệu: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian! Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hữu

-----------------------------------

 

TN 2-A128: Chứng nhân của ánh sáng


(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

 

Chúng ta vừa mừng lễ Giáng Sinh. Một trong những thông điệp chính mà Phụng vụ mùa Giáng Sinh TN 2-A128


Chúng ta vừa mừng lễ Giáng Sinh. Một trong những thông điệp chính mà Phụng vụ mùa Giáng Sinh muốn gửi đến chúng ta, đó là: Chúa Giêsu là Ánh Sáng thế gian. Sự kiện Chúa Giáng sinh được so sánh như một ánh sáng bừng lên trong đêm tối, để soi sáng những ai đang đi trong lầm lạc và tội lỗi, giúp họ nhận ra Chân Lý và nhờ đó họ được cứu rỗi. Phụng vụ lễ Hiển Linh cũng nhấn mạnh đến chủ đề ánh sáng, đồng thời tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng cứu độ muôn dân.

Hôm nay, Chúa nhật thứ hai của Mùa Thường niên, một lần nữa, Lời Chúa lại nói với chúng ta về chủ đề này.

Bài trích sách ngôn sứ Isaia được gọi là “Bài ca về người Tôi Trung của Thiên Chúa”. Nhãn quan Kitô giáo nhận ra đây là những điều ngôn sứ diễn tả Đấng Thiên Sai, tức là Đức Giêsu. Qua Người Tôi Trung này, Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài. Thiên Chúa đã đặt Người làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất. Sau này, Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là Ánh Sáng thế gian, ai theo Tôi không còn đi trong tối tăm”. Trong lời mở đầu của Tin Mừng thứ bốn, tác giả cũng khẳng định Ngôi Lời là Ánh Sáng đã đến chiếu soi nhân loại (x. Ga 1,5). Trong khi thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã chứng tỏ sứ mạng của Người là đem ánh sáng thiên linh đến cho nhân loại. Giáo huấn của Người đã soi sáng cho nhân loại nhận biết Thiên Chúa, đồng thời mở con mắt đức tin và đức ái để nhận ra mọi người đều là anh chị em với nhau trong cùng một gia đình có Thiên Chúa là Cha. Người đi đến đâu là xua trừ tội lỗi, đẩy lui quyền lực của bóng tối, tức là ma quỷ, để giải phóng con người. Câu chuyện Chúa Giêsu chữa người mù từ khi mới sinh trong Tin Mừng Thánh Gioan cũng hàm chứa giáo huấn: Đức Giêsu là ánh sáng thế gian. Người đến để mở mắt người mù, cho họ thấy Chân Lý. Không chỉ là con mắt thể lý, mà là con mắt trí tuệ để đón nhận và tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa Cha sai đến trần gian (x. Ga 9).

“Các con là ánh sáng thế gian”. Đó là lời mời gọi của Đức Giêsu. Tin vào Người là bước theo ánh sáng, đồng thời trở nên ánh sáng trong đời sống và trong cách ứng xử hằng ngày. Thánh Gioan tông đồ khẳng định với chúng ta: “Nếu chúng ta đi trong ánh sáng, cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1 Ga1,7). Người tin Chúa vừa được mời gọi trở nên ánh sáng giữa đời, đồng thời phải làm chứng nhân cho Ánh Sáng. Hình ảnh ông Gioan Tẩy giả một lần nữa lại xuất hiện, được Phụng vụ giới thiệu như chứng nhân của Ánh Sáng. Lời chứng của ông không phải là lời chứng của loài người, mà được Chúa soi sáng. Ông khẳng định: Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xoá tội trần gian. Lời chứng của ông là những cảm nhận thực tế, được soi sáng bởi ơn trên. Ông là người đã bước theo Ánh Sáng và làm chứng nhân của Ánh Sáng cho dù phải hy sinh mạng sống của mình.

Sứ mạng của Giáo Hội và của các Kitô hữu là tiếp tục công cuộc loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu. Như vị Ngôn sứ thành Nagiarét năm xưa, Giáo Hội đem Chân Lý đến cho mọi dân tộc, mọi nền văn hoá và mọi quốc gia. “Ánh Sáng Muôn Dân”, đó là tựa đề của hiến chế tín lý quan trọng của Công đồng Vaticanô thứ hai, là kim chỉ nam cho Giáo Hội trong thời hiện đại này. Khi khẳng định: Giáo Hội là Ánh Sáng, cộng đoàn Kitô hữu trên toàn thế giới ý thức mỗi người phải thể hiện ánh sáng qua chính đời sống của mình, để rồi ánh sáng thánh thiện ấy có sức lan toả và chiếu soi mọi môi trường cuộc sống. Nói cách khác, đâu có người tín hữu Kitô, ở đó có ánh sáng của sự thánh thiện, bao dung, hài hoà, nhân ái và yêu thương.

Bài đọc II vừa là lời nhắn nhủ, vừa là lời cầu chúc mà thánh Phaolô dành cho các tín hữu ở Cô-rinh-tô. Thánh nhân nhắc các tín hữu đừng quên mình được kêu gọi làm thành một Dân thánh, trong sự hiệp thông với tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu ở bất cứ nơi nào.

Đức Giêsu Kitô là Ánh Sáng soi chiếu trần gian, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Ánh Sáng ấy, để rồi mỗi chúng ta trở nên chứng nhân của Ánh Sáng trong cuộc đời.

“Nếu bạn luôn hướng về phía ánh sáng Mặt Trời thì cái bóng của bạn sẽ bị đổ lại ở đằng sau. Mọi điều phiền muộn và đen tối cũng đều nên được chúng ta bỏ lại sau lưng, việc của ta là phải luôn hướng về phía trước với sự lạc quan, niềm tin vào một tương lai rực rỡ” (Sưu tầm).

---------------------------------------

 

TN 2-A129: Này Con đến để thi hành ý Cha


(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.)

 

Khởi đầu các thư, Phaolô thường gọi các Kitô hữu là thánh. Kitô hữu là người sống theo gương Đức TN 2-A129


Khởi đầu các thư, Phaolô thường gọi các Kitô hữu là thánh. Kitô hữu là người sống theo gương Đức Yêsu, sống giữa trần gian nhưng thuộc về Thiên Chúa, là men là muối cho trần gian, để đưa trần gian về với Thiên Chúa.

1. Nói nhân danh Thiên Chúa

Ngày xưa các tư tế, vua, và tiên tri được xức dầu. Các vị này được gọi là Đấng Thiên Sai (Đấng Massiah, Đấng Thiên Chúa sai đến với con người), được xức dầu để thi hành một sứ mạng rõ ràng. Tiên tri, người của Thiên Chúa, người nói nhân danh Thiên Chúa. Người được Thiên Chúa chọn từ khi còn trong lòng mẹ, để trở thành người đại diện Thiên Chúa dạy dỗ dân Ngài.

Sứ mạng của tiên tri không dễ dàng. Tiên tri thường xuất hiện trong hoàn cảnh đặc biệt, như trường hợp tiên tri Yêrêmia xuất hiện khi dân Do Thái sắp sửa phải đi lưu đày. Yêrêmia đã nhân danh Chúa nói tiên tri, nói những lời không hợp với mong ước của người thời đó. Người ta mong ước an bình, mà tiên tri lại nói chiến tranh sẽ xảy ra. Người ta mong ước yên hàn, mà tiên tri lại nói tới chuyện lưu đày. Chính vì vậy Yêrêmia bị người ta ghét; và người ta ghét tới độ muốn giết tiên tri. Có lúc Yêrêmia muốn bỏ cuộc, nhưng sau đó hối hận, và Thiên Chúa đã tha thứ, lại tiếp tục dùng Yêrêmia để nói với dân Ngài.

Kitô hữu khi chịu phép rửa tội, đã được xức dầu như dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa. Kitô hữu cũng là người được Thiên Chúa sai đến trần gian. Giữa một xã hội luôn đặt tiền bạc như tiêu chuẩn đánh giá con người, giữa một xã hội luôn đi tìm lạc thú xác thịt, Kitô hữu là người được Thiên Chúa mời gọi để làm chứng cho một giá trị cao quý hơn. Thiên Chúa đang dùng các Kitô hữu để nói với con người ngày nay rằng, chỉ với tiền bạc và lạc thú xác thịt, con người không thể hạnh phúc trọn vẹn và lâu dài. Con người cần sống theo lời Thiên Chúa để hạnh phúc đời này và đời sau.

Cũng như các tiên tri, sứ mạng của Kitô hữu không dễ dàng. Kitô hữu sống giữa trần gian, cũng bị cám dỗ như bao người khác, cũng vất vả gian nan lam lũ như bao người, và đôi khi cũng sa ngã như bao người khác. Nhưng Thiên Chúa vẫn tha thứ, vẫn mời gọi Kitô hữu trở lại với Ngài, để tiếp tục là tiếng nói của Thiên Chúa cho con người hôm nay, ít là bằng chứng từ cuộc sống của mình trong thế giới này.

Như ngày xưa, Thiên Chúa luôn hiện diện với các tiên tri, để tiên tri có đủ sức mạnh, có đủ can đảm để nói nhân danh Ngài, thì hôm nay Thiên Chúa cũng vẫn hiện diện với các Kitô hữu, trong tâm hồn mỗi người, và cả cụ thể qua những người đại diện của Ngài nữa. Thiên Chúa cần con người, để nói lời của Ngài cho con người hôm nay. Ước gì Kitô hữu quảng đại sống Tin Mừng, để trở thành chứng nhân, để trở thành lời nói sống động cho con người hôm nay, để con người hôm nay nhận ra sự thật và trở về với Thiên Chúa, để họ được hạnh phúc không chỉ ở đời sau mà ngay cả ở đời này nữa.

2. Kitô hữu- người được gọi để nên thánh

“Phaolô, được gọi làm tông đồ, kính gởi Hội Thánh Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Yêsu, được gọi để nên thánh…” Tất cả những ai tin vào Đức Yêsu Kitô, đều là những người được hiến thánh, và được gọi để nên thánh.

Mỗi Kitô hữu đã là thánh, vì đã được hiến thánh cho Thiên Chúa. Mỗi Kitô hữu cũng đang được gọi để nên thánh, vì nên thánh không chỉ là cái gì “đã là”, nhưng còn là điều “đang là” nữa. Mỗi người nên thánh trong từng hành vi sống của mình. Sống, là nên thánh hay không. Nếu một người sống theo Tin Mừng, theo gương Đức Yêsu, theo lời mời gọi của Đức Yêsu lúc này, ở đây, trong hoàn cảnh cụ thể này, thì họ đang là thánh, đang trở nên thánh. Nếu họ từ chối, họ không là thánh vào thời điểm hiện tại này. Ơn gọi nên thánh, là ơn gọi của giây phút hiện tại.

Thiên Chúa mời gọi mỗi người nên thánh, mời gọi mỗi người thuộc về Ngài lúc này. Tôi có sẵn sàng thuộc về Ngài ngay giây phút này không? Tôi có sẵn sàng để thành “tiếng nói” của Thiên Chúa cho những người đang sống chung quanh tôi lúc này không?

3. Đấng gánh tội trần gian

Đức Yêsu là một người như chúng ta. Chúng ta như thế nào, Ngài như vậy. Ngài được sinh ra như chúng ta, và còn được sinh ra trong hoàn cảnh nghèo hơn chúng ta nữa. Ngài sinh trong chuồng chiên cừu. Có lẽ không ai trong chúng ta sinh ra trong cảnh nghèo như vậy. Ngài không được đi học đến nơi đến chốn, vì Ngài thuộc nhà nghèo. Ngài phải giúp đỡ cha mẹ kiếm sống, Ngài học nghề thợ mộc và hành nghề này trước khi Ngài rao giảng. Khi rao giảng, Ngài cũng gặp những thất bại, những lời dèm pha gọi Ngài là người nhờ tướng quỷ mà trừ qủy. Ngài bị gọi là kẻ mất trí, kẻ phạm tội “phạm thượng”.

Tuy vậy, Đức Yêsu là người yêu tha nhân vô cùng. Ngài yêu cả những người thù ghét Ngài. Ngài không bao giờ làm hại ai, Ngài luôn cầu nguyện cho họ, Ngài dạy họ làm sao để sống hạnh phúc. Điều rất quan trọng đối với Ngài, là yêu thương. Ngài yêu Thiên Chúa và yêu con người đến độ hiến cả mạng Ngài cho Thiên Chúa và cho con người. Ngài đi đến cùng đường, không trốn chạy cái chết, và khi sắp chết trên thập giá, vẫn còn nói lời yêu thương.

Đức Yêsu là người hoàn toàn như chúng ta, nhưng Ngài thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn đến độ các nhà thần học sau này diễn tả Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể, Thiên Chúa làm người. Là người, Ngài cũng sống trọn vẹn thân phận con người, cũng bị cám dỗ như chúng ta, và Ngài cũng thuộc về Thiên Chúa từng giây phút sống. Ngài không dạy chúng ta xin cho khỏi bị cám dỗ, nhưng Ngài dạy chúng ta xin Thiên Chúa giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ từng ngày từng giây phút.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Theo bạn, cám dỗ nào khó vượt qua nhất đối với con người hôm nay?
2. Theo kinh nghiệm của bạn, làm sao để dễ vượt qua những cám dỗ?
3. Bạn được lợi gì khi là Kitô hữu? Khi sống theo Tin Mừng?

-------------------------------------

 

TN 2-A130: Lời giới thiệu ngắn gọn


(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

 

Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa Kitô rất ngắn. Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu TN 2-A130


Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa Kitô rất ngắn. Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu về Chúa, chưa chắc đã cần nói nhiều.

Để giới thiệu về Chúa cần nói đúng và sống điều mình rao giảng.

Trên các chương trình tivi đều có mục quảng cáo. Người ta giới thiệu sản phẩm, cái gì cũng nhất, cái gì cũng đẹp cũng bền. Thông tin quảng cáo đã tác động mỗi ngày nhiều lần vào người xem tạo nên một ấn tượng mạnh. Từ đó trong tiềm thức, khách hàng sẽ tìm mua sản phẩm ấy. Quảng cáo là giới thiệu những gì là độc đáo nhất.

Mục đích của giới thiệu là để biết nhau. Muốn giới thiệu một người thì phải biết về người đó, tuỳ theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một người thì có thể giới thiệu sai về người ấy.

Trong Phúc Âm có đề cập đến việc giới thiệu. Có ba lời giới thiệu tiêu biểu:

- Chúa Cha giới thiệu Chúa Kitô: "Đây là con Ta yêu dấu, làm đẹp lòng Ta mọi đàng" (Mt 4,17).

- Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha: "Ai thấy Thầy là thấy Cha" (Ga 14,9).

- Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô: "Đây là Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xoá tội trần gian... Người đến sau tôi nhưng quyền thế hơn tôi vì có trước tôi... Ngài làm phép rửa trong Thánh Thần" (x. Ga 1,29–34).

Trong khi toàn miền Giêrusalem và Giuđê đang coi Gioan như thần tượng, thì chỉ vì để giới thiệu Chúa Kitô, Gioan đã từ giã sự nổi danh của mình lặng lẽ rút lui. Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha bằng cách nói cho người nghe hãy nhìn vào chính Ngài. Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Kitô bằng cách nói cho người nghe đừng nhìn vào mình, nhưng nhìn thẳng vào Chúa. Đây là cách giới thiệu chính xác nhất khi một người muốn giới thiệu cho người khác về Thiên Chúa.

Khi Đức Giêsu đang đến, Gioan Tẩy Giả đã chỉ vào Đức Giêsu và nói : "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian" (Ga 1,29). Giới thiệu như thế, Gioan đã cùng một lúc chỉ ra hai thực tại lớn lao về Đức Giêsu: Ngài là Chiên của Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là Đấng xóa tội trần gian.

Khi gọi Đức Giêsu là "Chiên của Thiên Chúa", Gioan xác nhận Đức Giêsu là Đấng vô tội và thánh thiện. Khi nói Đức Giêsu là "Đấng xóa tội trần gian", Gioan chỉ cho mọi người thấy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, là “tôi tớ đau khổ của Giavê” như tiên tri Isaia đã từng nói đến trong Cựu ước.

Hai thực tại này gắn liền với nhau nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Chính vì là con chiên vô tội của Thiên Chúa nên Đức Giêsu mới có thể xóa tội của thế gian. Như con chiên được dùng làm của lễ đền tội trong Cựu ước phải chịu sát tế, Đức Giêsu cũng phải chịu đau khổ và chịu chết để trở nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân loại. Con chiên hiến tế của Cựu ước chỉ là hình bóng và dấu hiệu của Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, Đấng duy nhất thực sự xóa tội cho con người, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Chỉ có Con Chiên thanh sạch và hiền lành, Con Chiên bị sát tế mà không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi. Chỉ có Đấng vô tội, mới có thể chết thay cho các tội nhân.

Đức Giêsu xóa tội của thế gian bằng cách gánh vào mình Ngài tội lỗi của tất cả nhân loại, từ tội của nguyên tổ Ađam cho đến tội của người sau hết của nhân loại. Với cuộc khổ nạn và cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, Ngài đã đền thay tội lỗi của tất cả nhân loại. Từ nay nhân loại đã được giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong ân tình của Ngài và cửa thiên đàng đã được mở lại cho tất cả mọi người.

Mặc dù chúng ta là người tội lỗi, nhưng đã được rửa bằng Máu của Con Chiên Thiên Chúa, và được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.

Trong mỗi Thánh lễ, trước khi hiệp lễ, chúng ta cầu xin với Chúa Giêsu bằng lời nguyện "Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con". Liền sau lời nguyện đó, linh mục chủ tế cũng giới thiệu Chúa Giêsu Thánh Thể cho cộng đoàn bằng những lời như Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với dân chúng năm xưa : "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian...". Chúng ta cầu xin cùng Ðức Kitô, Chiên Thiên Chúa, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhất là "tội trần gian".

Người tín hữu thường được gọi là "con chiên của Chúa". Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại "chiên" trong ngày phán xét. Ðược đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Ðược vào hưởng vinh quang trong nước Chúa. Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Ước mong những chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.

Thiên Chúa là tình yêu. Vậy lời giới thiệu trung thực nhất phải là lời ca ngợi về một Thiên Chúa tình thương. Để nói về tình thương, chúng ta phải có kinh nghiệm về tình thương. Cách chuyển thông chính xác nhất tình thương của Thiên Chúa là bản thân mỗi người yêu tha nhân với tấm lòng chân thành của mình.

Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa Kitô rất ngắn. Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu về Chúa, chưa chắc đã cần nói nhiều. Vì nói nhiều chưa chắc đã là nói hay. Nói hay mà không đúng thì chỉ làm người nghe lạc lối. Để giới thiệu về Chúa cần nói đúng và sống điều mình rao giảng. Khuôn mặt đúng nhất của Chúa là tình yêu thương "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi ban Con Một của Ngài" (Ga 3,16) và tình yêu thương ấy là: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).

-------------------------------

 

TN 2-A131: Chiên Thiên Chúa


(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

 

Thánh Gioan Tẩy Giả thấy Chúa Giêsu đi đến với mình, liền giới thiệu với những người chung quanh TN 2-A131


Thánh Gioan Tẩy Giả thấy Chúa Giêsu đi đến với mình, liền giới thiệu với những người chung quanh trong đó có các môn đệ của ông: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”. Đối với người Do Thái được nuôi dưỡng từ nhỏ bằng lời Kinh Thánh, họ hiểu ngay Con Chiên Thiên Chúa là ai. Họ nghĩ ngay đến con chiên vượt qua thời Môsê.

Thời bấy giờ, khi còn ở Ai Cập, Chúa ra lệnh cho Môsê truyền cho mỗi gia đình phải mua một con chiên hay dê, một tuổi, chiên đực, không tì vết tật nguyền và khi có lệnh sẽ giết con chiên và lấy máu chiên bôi lên khuôn cửa nhà mình, nhờ dấu hiệu đó, thần sát phạt khi đi ngang qua xứ Ai Cập sẽ không tiêu diệt con trai đầu lòng trong nhà đó. Cuộc Vượt Qua này luôn được nhắc lại mỗi năm trong lễ Vượt Qua. Vì thế, khi Gioan giới thiệu: “Đây là con chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”, người ta nghĩ ngay đây là Đấng Thiên Sai. Đấng sẽ cứu Israel.

Con Chiên Thiên Chúa cũng nhắc nhớ đến hình ảnh con chiên mà tiên tri Isaia đã nói đến: “Như chiên con được đưa đến lò sát sinh, như con chiên mẹ im lặng trước những thợ xén lông, Người Tôi Tớ của Thiên Chúa không hở môi”.

Gioan giới thiệu Chúa Giêsu không là một nhân vật nào trong xã hội mà là Đấng xóa tội trần gian. Xóa tội trần gian, không phải ai cũng làm được mà chỉ có một người thôi, đó là Người Đầy Tớ của Thiên Chúa mà tiên tri Isaia đã nói đến. Gioan giới thiệu: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi vì có trước tôi”. Có trước ở đây không phải chỉ là thời gian mà là nguồn gốc. Gioan muốn chỉ rằng Chúa Giêsu là Đấng hằng hữu khi dùng cách nói của thời gian: đến trước hay đến sau. Ông nhìn Chúa Giêsu không phải như một người nhưng là nhìn như Đấng Thiên Sai.

Hơn thế nữa, Gioan nhìn Chúa Giêsu như Đấng đầy tràn Thánh Thần. Ngài sẽ “làm phép rửa trong Thánh Thần”, chứ không rửa trong nước như Gioan. Như thế Gioan cho thấy Chúa Giêsu trổi vượt hơn ông và là Con Thiên Chúa hay là Người Chúa Tuyển Chọn. Mang xác thịt như con người, nhưng Chúa Giêsu không phải như mọi người. Ngài là Đấng xóa tội trần gian. Nhưng tại sao Ngài có thể làm được việc đó? Vì Ngài chính là Con Chiên Thiên Chúa. Ngài là Đấng từ cung lòng Chúa Cha mà đến. Ngài đến với chúng ta theo ý Chúa Cha để tái tạo mọi sự, mang lại cho nhân loại sự sống thần linh mà con người đã đánh mất.

Giáo hội dạy chúng ta nhìn về Chúa Giêsu trong vẻ đẹp thần linh của Ngài, vượt lên trên những nét nhân loại tầm thường Ngài mặc lấy. Ngài đến xóa tội chúng ta, thì chúng ta, những kẻ tin, sẽ trở thành Con Chúa Cha như Ngài, đồng thừa tự như Ngài, thừa tự sự sống vinh quang. Chúng ta không thể hiểu được giá trị cao quí Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Con Yêu Dấu của Ngài. Chúng ta sống giữa những thực tại thần linh tuyệt vời nhưng chúng ta không nhận ra.

Ai sẽ giúp chúng ta nhận ra những giá trị thần linh ấy? Phải chăng là Thánh Thần Chúa đã được tuôn đổ trên chúng ta qua Chúa Giêsu như thánh Phaolô thường nói. Phải tràn đầy Thánh Thần mới có thể hiểu được những hồng ân đang tuôn tràn trên sự nhỏ hèn của chúng ta. Chúng ta chỉ là những tạo vật hèn yếu và tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu đã đến. Ngài không đến với bàn tay không, Ngài đến tràn đầy ân sủng và chân lý, Ngài đến xóa tội chúng ta và nhờ đó, chúng ta cũng được thông phần vào sự sống thần linh của Ngài nhờ được rửa trong Thánh Thần. Thánh Lêô Cả đã nói: “Hỡi Kitô hữu, hãy ý thức sự cao cả của mình”. Hãy hãnh diện vì chúng ta đã được cứu thoát khỏi tội lỗi và đưa vào ánh sáng huyền diệu của Chúa. Chúng ta không còn ngồi trong bóng tối sự chết nữa mà đã được cứu chuộc, được Thiên Chúa nhận làm con.

Con Thiên Chúa không phải chỉ là một tước hiệu mà là một sự thật. Thiên Chúa không thể lừa dối chúng ta. Chúng ta mới là những kẻ đui mù không nhìn thấy tình thương của Ngài thôi.Thánh Gioan tông đồ đã nhiều lần nhắc đến tước hiệu làm con Thiên Chúa của chúng ta: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”. Cũng theo thánh Gioan Tông đồ, cuộc sống của chúng ta không còn chìm trong tội nữa mà được đổi mới, chúng ta không thể sống như thế gian nữa mà phải sống như Chúa Giêsu. Ngài là mẫu gương tuyệt đối cho chúng ta. Nhìn vào Ngài để sống theo Ngài.

Tin vào Chúa Giêsu, cuộc sống chúng ta phải là một cuộc tiến lên, hướng thẳng về Chúa. Tuy chúng ta yếu hèn nhưng điều đó không ngăn trở chúng ta bước theo Con Chiên Thiên Chúa, vì chính Ngài luôn ở cùng chúng ta. Sống, đối với Kitô hữu là sống trong Chúa, sống với Chúa. Chúng ta không thể tách rời ra khỏi Chúa mà có thể sống hạnh phúc. Thánh Phaolô nói với một giọng xác tín mãnh liệt: “Ai có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Chúa Giêsu?... Không, không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Kitô!” Chúng ta dám nói như thế không? Cái gì làm chúng ta ngại ngùng không dám xác quyết mạnh mẽ như thế? Phải chăng vì chúng ta chưa xác tín rằng Chúa là hạnh phúc thật của chúng ta. Chúng ta còn quá mê say trần thế với những tiện nghi, những thú vui nó đem lại. Chúng ta không dám tin rằng Chúa là hạnh phúc duy nhất. Chỉ thiếu niềm tin.

Chúa Giêsu luôn mời gọi: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ bổ sức cho”. Chúng ta có muốn đến với Ngài không? Ngài đã cứu chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và vẫn tiếp tục nâng đỡ chúng ta, nhưng hình như chúng ta vẫn chưa cảm thấy cần đến Ngài.

Hãy đến, Ngài đang chờ đợi chúng ta. Ngài đã hứa ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài là tình yêu luôn rộng mở. “Ngài không lớn tiếng, không bẻ gãy cây lau đã giập, Ngài không tắt ngọn đèn còn leo lét”, tại sao chúng ta không vui mừng đến với Ngài. Cái gì cản trở chúng ta?

Đến với Ngài đâu cần phải nhiều thủ tục, không cần điều kiện gì khác, chỉ cần thành tâm. Ngài đã đến gần và thật gần sao chúng ta cứ tưởng Ngài còn xa? Sao chúng ta ngại ngùng?

Bàn tiệc Ngài dọn sẵn cho chúng ta hằng ngày. Mình Thánh Ngài vẫn là của ăn mang lại sự sống. Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian vẫn luôn sẵn sàng tiếp đón, chúng ta đừng bỏ qua hồng ân đang tuôn tràn cho chúng ta. Ăn lấy Ngài, sống trong Ngài, cuộc sống chúng ta sẽ không còn là những ngày sống vô vị mà là tình yêu tràn đầy.

------------------------------

 

TN 2-A132: Đấng “gánh” tội trần gian


(Suy niệm của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy)

Tin mừng Ga 1: 29-34: Hôm nay, thánh Gioan giới thiệu Đức Giêsu với dân chúng: ”Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Muốn hiểu ý nghĩa lời giới thiệu này, ta phải biết tập tục của người Do Thái...

 

Một nghi thức mà trong bất cứ một buổi hội họp hoặc gặp gỡ nào, người ta vẫn thường làm, đó TN 2-A132


Một nghi thức mà trong bất cứ một buổi hội họp hoặc gặp gỡ nào, người ta vẫn thường làm, đó là giới thiệu những nhân vật quan trọng.

Trong cuộc sống thường ngày cũng vậy, mỗi khi gặp người lạ, người ta cũng thường giới thiệu nhau.

Như vậy, giới thiệu là một điều rất bình thường, và mục đích của giới thiệu là để người ta biết nhau.

Muốn giới thiệu ai thì phải biết người đó. Tùy theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết về nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một người, thì có thể giới thiệu sai về người ấy. Chẳng ai muốn người khác giới thiệu sai về mình.

Hôm nay, thánh Gioan giới thiệu Đức Giêsu với dân chúng:

”Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.

Muốn hiểu ý nghĩa lời giới thiệu này, ta phải biết tập tục của người Do Thái.

Theo truyền thống Do Thái trong sách Xuất Hành (Xh 29,38-42), thì mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên cỡ một tuổi làm của lễ tòan thiêu để đền tội cho dân chúng.

Như vậy, tội lỗi của dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước mặt Thiên Chúa.

Nhất là trong lễ Vượt Qua, Giavê Thiên Chúa truyền cho mỗi gia đình người Do Thái phải giết một con chiên đực một tuổi, không tì vết (Xh 12,5). Họ sẽ ăn thịt chiên đó ban chiều rồi lấy máu chiên bôi lên khung cửa. Chính nhờ dấu chỉ đó, người của gia đình Do Thái được thiên thần đến sát phạt các con đầu lòng Ai cập, sẽ không sát hại họ. Để kỷ niệm biến cố này, hàng năm người Do Thái phải mừng lễ Vượt Qua với thịt chiên và bánh không men.

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian".

Hình ảnh con chiên là như thế, còn đây Đấng xóa tội trần gian, chúng ta phải hiểu như thế nào?

Bản tiếng Việt dịch là đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.

Từ ngữ “xóa” là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ.

Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy.

Có lẽ nên dịch là đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng ‘gánh’ tội trần gian,

Bởi vì xóa là đứng ngoài cuộc.

Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người.

Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan làm phép rửa.

Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ.

Nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết thay cho chúng ta để chúng ta được sống.

Có câu chuyện kể rằng, một đệ tử kia, sau nhiều năm tu học với một đạo sư danh tiếng, và giờ đây anh muốn vĩnh biệt vợ con để vào nơi thâm sơn cùng cốc, nhưng anh lại chưa dứt bỏ vợ con được, nên mới nhờ đạo sư hiến kế.

Vị đạo sư dạy cho anh một phương pháp Yoga bí truyền, giúp anh có thể chết giả trong vòng cả hàng mười tiếng đồng hồ.

Thế là hôm ấy, người đệ tử đột nhiên lăn ra chết. Vợ con kêu gào thảm thiết.

Hay tin, vị đạo sư đến thăm. Chứng kiến cảnh vợ góa con côi, vị đạo sư hé mở cho gia đình biết là mình có thể làm cho người chết sống lại được, với điều kiện là có một người trong gia đình chấp nhận chết thay cho người xấu số.

Khi đề nghị người vợ, thì người vợ nức nở than rằng: “Tôi còn cả một gánh nặng gia đình. Nếu tôi chết đi thì lấy ai nuôi đàn con thơ dại …”

Nói tóm lại, chị cần phải sống, không thể chết thay cho anh được.

Đến phiên người con cả thì anh cũng vịn đủ mọi lý do để chứng minh rằng anh cần cho gia đình, cần giúp mẹ để lo cho đàn em. Gia đình không thể thiếu anh.

Rồi đến người con thứ hai, thứ ba… cũng vậy.

Người cha nằm nghe hết sự tình.

Anh chợt nhận ra rằng trên đời ít có ai dám chết thay cho người khác.

Dù là người vợ mà mình hết mực yêu thương,

dù là người con mà mình đã từng hy sinh tất cả cho chúng.

Anh giác ngộ và anh đã thóat ly gia đình không thương tiếc.

Hôm nay thánh Gioan giới thiệu với chúng ta:

“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian”.

Tội trần gian đã làm chúng ta phải chết. Chính Chúa Giêsu đến gánh cái chết của chúng ta để chúng ta được sống.

Chúng ta hãy đi vào thánh lễ mỗi ngày để cùng với Chúa Giêsu dâng của lễ là chính mình Ngài lên Thiên Chúa Cha. Amen.

---------------------------------

 

TN 2-A133: Suy niệm của Lm. Antôn Hà Văn Minh


Tin mừng Ga 1: 29-34 Thánh Gioan, cũng như các Tông đồ có cảm nghiệm về đặc tính thần linh nới Đức Kitô...

SUY NIỆM

 

Gioan đã không có một kinh nghiệm cụ thể nào về Chúa Giêsu, chính ông đã công nhận: “Tôi đã TN 2-A133


Gioan đã không có một kinh nghiệm cụ thể nào về Chúa Giêsu, chính ông đã công nhận: “Tôi đã không biết Người”, nhưng ông đã làm chứng về Chúa Kitô từ một cảm nghiệm thần linh, một cảm nghiệm được linh ứng bởi Thần Khí Chúa. Chính cảm nghiệm này là nền tảng của công cuộc làm chứng cho Tin Mừng.

Phêrô và các Tông đồ đã mạnh dạn làm chứng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, mặc dầu xét về mặt thân thế, Chúa Giêsu chỉ là con bác thợ mộc, Mẹ Ngài chỉ là bà Maria nội trợ bình thường, bởi các ngài đã được Thần khí linh ứng cho thấy, trong dáng vẻ tầm thường của con người Giêsu, lại ẩn Chúa cả một huyền nhiệm cao cả. Các ngài đã cảm nhận được bản tính Thiên Chúa nơi con người Giêsu qua cách hành xử của Người đối với tội nhân: đầy sự bao dung và nhân thứ. Các Tông đồ đã nhìn thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với người cùng khốn thật gần gũi và cảm động: Người “chạm” đến những người cùi, đưa kẻ bị tàn tật ra ngay giữa hội đường, Người kéo riêng kẻ điếc câm “ra khỏi đám đông”, rồi “ đặt ngón tay vào lỗ tai của anh”, bôi “nước miếng vào lưỡi anh” đặt tay trên lưng của người đàn bà bị còng lưng. Những bữa ăn thân mật của Chúa Giêsu, đặc biệt với những người thu thuế và tội lỗi, được hiểu như là dấu chỉ của sự cảm thông liên đới.  Tất cả là dấu chỉ về một Thiên Chúa mà các ông đã nghe nói qua miệng cha ông, một vị Thiên Chúa đầy lòng thương xót và nhân hậu. Các ông đã nhận ra rằng, Đấng mà các ông chọn làm Thầy, không ai khác chính đó là Đấng Mesia. Bời vì chỉ có Đấng đến từ Thiên Chúa mới có thể hành động như thế, nhân hậu như thế, yêu thương như thế.

Thánh Gioan, cũng như các Tông đồ có cảm nghiệm về đặc tính thần linh nới Đức Kitô, chính là vì các ngài đã để cho mình được Thần Khí Chúa hướng dẫn, các ngài đã đi ra khỏi sự tự cao tự đại. Các ngài hiểu được sự giới hạn của thân phận làm người, nhận ra sự khiếm khuyết của trí khôn con người và các ngài nhận ra rằng, nếu không có sự hướng dẫn của Thần khí Thiên Chúa, con người không thể đạt tới chân lý vẹn toàn, và các ngài khiêm cung tín thác vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa hơn là sự hiểu biết của con ngừoi.

Lạy Chúa, người thời đại hôm nay chỉ cậy dựa vào khoa học thực nghiệm và chối bỏ những chân lý mạc khải. Đó là một sai lầm lớn lao để rồi nhân loại chúng con hôm nay bước vào một thời đại hỗn loạn về trong các mối tương giao. Chỉ vì chỉ cậy dựa vào khoa học chúng con chối bỏ những giá trị luân lý, chối bỏ sự cao trọng của ơn gọi làm người, và con người chỉ còn là những sinh vật tầm thường như bao làoi thụ tạo. Sự cao ngạo của con ngừoi đã đưa nhân loại đến chỗ hư vong. Ôi lạy Chúa, xin cho chúng con biết hoán cải trở về, nhận ra sự giới hạn của con người, để chúng con khiêm cung đón nhận chân lý mạc khải, bước theo và tuân giữ những gì Chúa đã tỏ bày cho chúng con, nhờ đó mà chúng con nhận được ơn cứu sống. Amen.

------------------------------

 

TN 2-A134: Phục hồi sự đổ vỡ


(Suy niệm của JB. Lê Ngọc Dũng)

 

Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu: ”Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xoá tội TN 2-A134


Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu: ”Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xoá tội trần gian”. Nhưng đâu là ý nghĩa của chữ “tội”? Có lẽ không có tôn giáo nào, như Phật giáo, Khổng giáo... lại nói nhiều về tội như Kitô giáo.

Mới sinh ra liền lo liệu để được Rửa tội. Khi bắt đầu có trí khôn thì phải học Giáo lý để có thể xưng tội; và suốt cuộc đời phải thường xuyên xưng tội. Giáo lý dạy rằng: con người là tội lỗi; phải ăn năn đền tội, phải rửa tội, xưng tội, đền tội, rồi nhìn lên Thánh Giá tuyên xưng Ngài là Đấng Cứu Chuộc, Đấng Chuộc Tội, và cũng nhiều phen tuyên xưng rằng Ngài đã đền tội lỗi chúng ta.

Ý tưởng về tội lỗi nơi Kitô giáo chúng ta quả là đầy dẫy, khó mà hiểu thấu được. Người ngoại giáo lại càng thấy khó mà hiểu hay chấp nhận.

Một người lương sống tương đối tốt, có cảm tình với đạo. Người bạn đề nghị với ông ấy rằng: “Ông bạn ạ, ông hãy theo đạo và chịu phép rửa tội đi”. Người lương này liền thấy khó chịu, nói: “Tôi có tội gì mà phải rửa tội”.

Xét dưới một khía cạnh nào đó thì người lương ấy cũng có lý, vì ông ta không trộm cắp, không giết người, không cướp của, không lừa dối ai. Ngược lại, ông còn được coi là người sống lương thiện. Vậy mà làm sao có thể bảo ông ấy là hãy chịu rửa tội đi!

Chữ “tội” mà Tin Mừng hôm nay, trong Kitô giáo quả là không dễ hiểu thấu. Tôi xin bỏ qua phần thần học sâu sắc, chỉ nêu ra một hình ảnh để có thể hiểu phần nào sau đây.

Một ngày kia có một bình trà bằng sứ cổ rất đẹp và qúy giá. Người ta yêu thích, và thán phục tác phẩm tuyệt diệu đó. Nhưng không may một ngày nọ, người giúp việc vô ý đánh rơi. Nó vỡ ra. Vỡ cả nắp lẫn vòi. Bình trà sứ đẹp đó coi như vô dụng và bị ném vào đống đồ phế thải.

Nó nằm trong đống phế thải, bụi bặm bám vào nó, rêu mốc mọc lên, bao phủ cái đẹp của nó. Thỉnh thoảng có người đi ngang qua đống phế thải đó tìm kiếm, mong tìm được một cái gì đó có thể sửa chửa và sử dụng lại được chăng. Tuy nhiên ít có người muốn cầm nó lên làm gì cho bẩn tay. Họ chỉ thường liếc qua rồi vội vã đi tìm thứ khác. Cái bình trà đáng thương kia chỉ còn có mơ. Mơ rằng có một ngày nào đó mình sẽ được nguyên ven trở lại.

Rồi một ngày, một người trồng hoa nổi tiếng, ông đến đống phế thải, mắt ông bổng chú ý đến bình trà vỡ. Ông nhận ra một cái gì đó xuyên qua lớp bụi bặm rêu phong. Một ý tưởng chợt đến. Ông sẽ dùng nó làm một bình hoa.

Cho vào một ít đất, ông gieo hạt giống vào, và đặt trên cửa sổ trước nhà. Thời gian trôi qua, hạt giống mọc lên một cây hoa xinh đẹp. Nó xinh đẹp đến nỗi người qua đường phải dừng lại để ngắm nghía nó. Những cánh hoa tuyệt đẹp, nhưng chính cái bình mà cây hoa đang mọc lên lại còn đẹp hơn. Họ hỏi: “Ông tìm ở đâu ra cái bình dễ thương này?”; Người trồng hoa trả lời: “ Ở trong đống đồ phế thải.”

Tội ở đây không chỉ là những lỗi phạm, những điều xấu xa chúng ta đã làm, như là khi chúng ta đi xưng tội và được tha. Tội ở đây còn là một hoàn cảnh, một tình trạng mà chúng ta đang sống trong đó. Nó như là một giới hạn của một loài thụ tạo, có hồn xác. Nó như là một khiếm khuyết, như một bệnh, một tật nguyền mà chúng ta phải chịu.

Nó là một tình trạng mà ta được sinh ra, bao phủ lấy ta. Ta sống trong đó, sống trong tình trạng tội của cả thế gian. Bởi thế. chúng ta không thể mang nó đi nơi khác, không thể hủy bỏ nó được. Nó càng ngày càng đi sâu hơn. Chúng ta đã sinh ra trong tội.

Nó là một phần của chúng ta. Nó là một tình trạng bị vỡ và chia lìa trong chính bản thân mình; chia lìa với những người khác; chia lìa với Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta đã bị đỗ vỡ; đã bị tổn thương; đã bị phá hủy. Chúng ta có mắt mà chẳng thấy; có tai mà chẳng nghe; có lưỡi mà không nói được, có ý chí mà không quyết định được. Và hơn hết, chúng ta có trái tim mà không thể yêu thương. Bởi vậy, một lần tắm rửa thì không đủ để là cho chúng ta tốt đẹp được. Chúng ta cần được sửa chữa những đổ vỡ. Những vết thương chúng ta cần được chửa lành.

Tiến trình chữa lành cần đến liên hệ yêu thương với những người khác. Đây chính là điều Đức Giêsu đã làm. Ngài đã đến ở giữa những người tội lỗi. Ngài liên đới với họ, liên đới đến nỗi Ngài như một phần tử của họ, ngoại trừ tội lỗi. Ngài tìm kiếm những người bị mất mát, bị bỏ rơi. Ngài cho họ nhận ra giá trị của mình, phục hồi họ trong tình nghĩa thân hữu và yêu mến với Thiên Chúa. Đây chính là Tin Mừng, là Tin Vui. Tuy nhiên nó chỉ là Tin Mừng cho những ai nhận ra mình bị đỗ vỡ và mong mỏi được bình phục trở lại nguyên vẹn. Được ơn cứu độ, vì thế, có nghĩa là được phục hồi nguyên vẹn, được phục hồi vào trong ánh sáng ban đầu nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Dù sao, đây là một tiến trình của cả cuộc sống.

Xin Chúa cho chúng ta ý thức được tình trạng tội lỗi của mình. Đó là một tình trạng suy yếu, bị đỗ vở, bị thương tích, một tình trang không còn tự chữa lành. Xin Chúa cho chúng ta tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu, Đấng xoá tội trần gian và sống yêu thương như lời Ngài dạy bảo. Xin cho chúng ta được kết hiệp với hiến lễ mà ĐGS đã dâng hiến và đang tiếp tục dâng hiến trong Thánh lễ này, để chúng ta được phục hồi, được sửa chửa, được hoàn thiện trong chức vị làm con Thiên Chúa.

---------------------------------

 

TN 2-A135: Con chiên ngoan đạo


(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

 

Người Việt Nam có thói quen lần đầu gặp nhau thường hỏi tên gì, tuổi con gì? Tại sao không hỏi TN 2-A135


Người Việt Nam có thói quen lần đầu gặp nhau thường hỏi tên gì, tuổi con gì? Tại sao không hỏi sinh năm mấy mà hỏi tuổi con gì? Bởi vì khi trả lời tuổi con gì, thì người hỏi vừa biết tuổi vừa biết tính tình của người đó dựa vào tính khí của 12 con giáp. Chẳng hạn, người tuổi Tý thì rất duyên dáng và năng động. Người tuổi Sửu thì siêng năng và kiên nhẫn. Người tuổi Hổ thường rất dễ nổi giận, mạnh mẽ. Người tuổi Mẹo thì ăn nói nhẹ nhàng, nhiều tài năng, có tinh thần mềm dẻo và kiên nhẫn. Người tuổi Thìn thì rất trung thực, năng nỗ nhưng rất nóng tính và bướng bỉnh. Người tuổi Tỵ thường nói ít nhưng rất thông thái, rất điềm tĩnh, hiền lành, sâu sắc và cảm thông nhưng thỉnh thoảng cũng hay nổi giận. Người tuổi Ngọ thường ăn nói dịu dàng, thoải mái và rộng lượng, có tính thanh sạch, cao quý, thông thái và đầy thân ái tình người. Người tuổi Mùi thường rất điềm tĩnh nhưng nhút nhát, rất khiêm tốn, rất cảm thương người hoạn nạn và thường hay giúp đỡ mọi người. Người tuổi Thân thường là một nhân tài, có tính cách thất thường, nhưng rất vui vẻ, khéo tay, tò mò và nhiều sáng kiến, nói nhiều nên dễ bị người khác xem thường và khinh ghét. Người tuổi Dậu là người có tư duy sâu sắc, làm ăn cần cù. Người tuổi Tuất quan tâm đến những người khác nhiều hơn chính bản thân mình. Người tuổi Hợi rất hào hiệp, galăng, tốt bụng và dũng cảm nhưng thường rất bướng bỉnh, nóng tính nhưng siêng năng và chịu lắng nghe.

Trong Thánh Kinh có nó đến hai con: con dê và con chiên. Thứ nhất con dê,  sách Lêvi, Chương 16 kể rằng Ngày 10 tháng 7, dân Israen cử hành đại lễ Đền tội. Họ phải hãm mình và ăn chay chung. Đây là ngày duy nhất trong năm, vị Thượng Tế được phép vào tận trong Cung Cực Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, và ông vào đó chỉ cốt để xin ơn xá tội, tội của mình, tội của gia đình ông, tội của toàn dân. Ông lại ra ngoài và người ta đưa đến cho ông hai con dê: ông sẽ bắt thăm, trúng con nào, ông tế sát con ấy và đem máu vào trong Cung Cực Thánh rẩy lên Bàn Xá tội, lần này để xin tha tội cho dân. Còn con dê kia, ông cho dẫn lại đặt hai tay trên đầu dê còn sống, ông lớn tiếng xưng thú mọi tội lỗi dân đã phạm cùng mọi điều ngỗ nghịch họ đã làm, ông trút lên đầu nó mọi tội lỗi của dân, rồi ông sai một người đem thả con dê ấy vào sa mạc đồng hoang cỏ cháy, con dê sẽ mang lấy trên nó các lỗi lầm của dân chúng vào đất khô khan... Có lẽ ông bà ta lấy ý nghĩa này mà đặt vào vận mệnh của con dê là thương người họan nạn và giúp đỡ mọi người nên mang hết tội mọi người vào thân.

Hôm nay, trong Tin Mừng, Gioan Tẩy giả giới thiệu cho chúng ta con chiên, không phải là con chiên bình thường mà là Chiên Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho người hiền lành, khiêm nhường, yêu thương, hy sinh và phục vụ. Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt chiên Vượt Qua, kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhờ con chiên đã chết thay cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi chết, khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do. Rồi, đến thời Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là Con Chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại. Chúa Giêsu là Con Chiên hiền lành, khiêm nhường, yêu thương và phục vụ nhân loại bằng cách gánh lấy tội lỗi nhân loại. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Và nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp. Người gánh lấy tội của chúng ta để chúng ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống cho chúng ta.

Vậy, nếu người đời có tuổi con này con kia và mang tính khí của con đó, chúng ta là Kitô hữu khi chịu Phép Rửa Tội, không những có tuổi con chiên mà mang trong mình Chiên Thiên Chúa, đồng hình đồng dạng với Chiên Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Cho nên, nói đến người Công Giáo, người ta thường gọi chúng ta là con chiên của Chúa, là con chiên của Chúa tức là người biết “nghe tiếng Chúa”, dám “bước theo Chúa” để không bao giờ phải hư mất, nhưng “được sống đời đời”. Là con chiên của Chúa Giêsu thì phải có tính tình như Chiên Thiên Chúa: hiền lành, khiêm nhường, vị tha, yêu thương, phục vụ và hy sinh. Cho nên, trong bài giảng Thánh Lễ Làm Phép Dầu, ngày Thứ Năm Tuần Thánh, 2013, tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thế giới hôm nay đang rất cần những tín hữu nói chúng và các giáo sĩ nói riêng mang mùi con chiên. Tại sao lại như thế? Thưa là bởi vì chính sự phục vụ hết mình của tín hữu là nét đẹp của Tin mừng, là dấu chỉ của tình yêu thương dành cho những mảnh đời bất hạnh giữa lòng thế giới hôm nay. Thế giới hôm nay đang chạy theo chạy theo tiền tài, dục vọng, chạy theo tiếng gọi của sự giả dối và ích kỷ của lòng người. Vì vậy, sự hiện diện của các tín hữu giữa lòng xã hội là một hình ảnh nói lên nét đẹp của tình yêu thương và phục vụ chân chính.

Ước mong người tín hữu chúng ta hôm nay sống theo gương của Chiên Thiên Chúa bằng cách nối gót theo Chúa Giêsu, Chúa chiên lành đi con đường hiền lành khiêm nhường, tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa đồng thời cũng biết gánh lấy số phận của người khác bằng cách yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh chị em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ, đó mới thật xứng đáng là con chiên ngoan đạo. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót và giúp chúng con sống như Chúa. Amen.

----------------------------------

 

TN 2-A136: Đây là Chiên Thiên Chúa


 - Lm JP. Vũ Minh

 

Xin đừng chú ý đến tôi - tôi chỉ là một chứng nhân mà thôi! Khi Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về TN 2-A136


Xin đừng chú ý đến tôi - tôi chỉ là một chứng nhân mà thôi!
Khi Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình ông liền nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1:29). Chiên Thiên Chúa có ba ý nghĩa chính trong Thánh Kinh: một là con Chiên Vượt Qua cho dân chúng ăn thịt và lấy máu để cứu dân Chúa khỏi cảnh nô lệ cùm gông ở Ai Cập (XH 12); hai là Người Đầy Tớ Đau Khổ bị đem đi giết để làm lễ đền tội (Is 53:7, 10); và ba là Con Chiên Toàn Thắng - người sẽ đập tan Satan và mọi gian tà trên trần thế (KH 5; 7; 17:14).

Con chiên được sát tế trên bàn thờ là một chỗ đặt ở trên cao (ST 8:20; 13:8; 26:25; 33:20). Chúa Giêsu là con Chiên Thiên Chúa đã được sát tế trên bàn thờ Thánh Giá được cũng được dựng lên ở trên cao. Con chiên này phải là con chiên không tỳ ố, hay là con chiên hoàn hảo (ST 7:23; LV 11:47; 14:4; 20:25; NL 14:11, 20); vậy, khi Chúa Giêsu được Gioan chỉ điểm: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian” có nghiã rằng Ngài là con chiên không tỳ ố đó. Hơn nữa, con chiên là con vật hiền lành, nó thường bị thương tổn và nó không tấn công hay làm hại ai... con chiên là một biểu tượng chung cho sự vô tội. Chúa Giêsu chính là con chiên vô tội và hoàn hảo đến từ trời và sẽ chịu sát tế để chuộc tội cho toàn thể nhân loại.

Gioan đã không bao giờ muốn người ta chú ý về ông: khi bị chất vần về nguồn gốc và thân thế của mình, ông đã thẳng thắn tuyên bố rằng - “Tôi không phải là Đức Kitô hay một ngôn sứ… tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc ‘Hãy chuẩn bị đường Đức Chúa cho thẳng ngay’” (Ga 1:19-23). Ông còn nói thêm là ông không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài (Ga 1:26-28); ông chỉ muốn người ta chú ý về Chúa Giêsu khi chỉ cho họ về Chúa - “Đây Chiên Thiên Chúa”; và ông còn muốn các môn đệ của cũng hướng về Ngài (Ga 1:29, 36)… Thậm chí, khi các môn đệ của ông phàn nàn rằng Người được ông làm chứng bây giờ đang trở thành nổi tiếng, Gioan đã trả lời như sau: “Người phải được nổi bật lên và ta phải lu mờ đi” (Ga 3:25-30).

Tôi chỉ là một nhân chứng mà thôi (Ga 1:7, 15, 19, 32): Gioan đã trung thành tới cùng trong sứ mạng làm nhân chứng cho Chúa Giêsu. Người làm chứng nhân nhiều khi phải chấp nhận khổ đau, hy sinh và thánh giá, và có thể phải chấp nhận hậu quả tang thương là cái chết… chữ “tử vì đạo” được dịch ra từ chữ “μαρτυρos” có nghĩa là “chứng nhân”. Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu là đấng được xức dầu trong Chúa Thánh Thần và được soi sáng là Ngài sẽ làm phép rửa bằng lửa và Chúa Thánh Thần chứ không bằng nước như ông. Ông đã sống khiêm nhường với sứ mạng của mình trong khi nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu và Tin Mừng phải là trọng tâm cốt yếu của sứ điệp mà những ai muốn làm chứng nhân phải ghi nhớ… Bạn có sẵn sàng chịu tử vì đạo hay không? Hãy noi gương ông khi chúng ta thi hành sứ mạng và truyền rao sứ điệp của Chúa!

----------------------------

 

TN 2-A137: Đây là Chiên Thiên Chúa


(Suy niệm của Huệ Minh)

 

Ta bước vào Chúa nhật Chúa nhật II thường niên A. Ở Chúa nhật này, ta thấy thánh sử Gioan thuật TN 2-A137


Ta bước vào Chúa nhật Chúa nhật II thường niên A. Ở Chúa nhật này, ta thấy thánh sử Gioan thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ sinh động và đầy ấn tượng mà ông chứng kiến tận mắt giữa thầy mình là Gioan Tẩy Giả với Chúa Giêsu, ông viết: "Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình" (Ga 1, 29).

"Thấy Chúa Giêsu tiến về mình", đây là một hành động tương lai, tiếng Hy bá còn diễn tả “ngày mai”. Nhưng tương lai này có sự liên tục với Giao Ước cũ, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm.

Bằng từ “ngày mai”, chúng ta bắt đầu một ngày mới, Năm Phụng vụ mới khai mào. Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới tiến lên thì nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian." (Ga 1, 29)

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Cơ cấu áp bức bên ngoài chỉ là sự biểu hiện một sức mạnh khác ở nội tâm: cái xấu, ác ở bên trong; trong tôi, trong bạn, trong họ. Tôi ở đây là danh từ dùng ở số ít, không phải là chuyện nhỏ mà phải hiểu là toàn thể! Chúa Giêsu sẽ gánh lấy, và làm biến mất toàn thể tội lỗi của thế gian trong một cuộc chiến đấu đẫm máu, Người sẽ đổ hết máu mình làm vật hiến tế trước những tay đao phủ. Chúa Giêsu, Cứu Chúa của chúng ta! Đấng cất bỏ tội lỗi.

Ơ đây Thánh Gioan dùng một từ ngữ Hy Lạp có nghĩa kép mà thánh sử thích dùng cả hai: “airein”, vừa có nghĩa “gánh vác, lãnh nhận” vừa có nghĩa “cất đi, lấy đi làm biến mất” Chúa Giêsu không phát triển công cuộc giải phóng bằng cuộc chiến đấu bên ngoài theo kiểu “đội đặc công” trả đũa áp bức bằng bạo lực; nhưng bằng cách lãnh nhận trên chính người, bằng cách chịu đựng trong sự liên đới với mọi người bị áp bức của thế giới.

Lời giới thiệu của Gioan làm cho người Do Thái nói riêng và cho người Kitô hữu nói chung hiểu rằng:

Như máu con chiên bôi lên cửa nhà vào đêm Vượt qua cứu dân Israel khỏi chết như thế nào, thì máu thánh Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá cũng cứu nhân loại khỏi chết như vậy.

Như con chiên vô tội gánh lấy tội lỗi của dân Do Thái trong ngày lễ Xá Tội hàng năm như thế nào, thì Chúa Giêsu là Đấng vô tội chịu thương khó cũng gánh lấy tội lỗi nhân loại như vậy.

Như con chiên hiền hành vô tội bị dẫn đến lò sát sinh mà không hề mở miệng kêu ca như thế nào, thì Chúa Giêsu vô tội cũng vui lòng chịu đóng đinh và chịu chết trên cây thập giá như vậy.

Như Con Chiên đã bị giết, nhưng đã chiến thắng khải hoàn như thế nào, thì Chúa Đức Giêsu chịu nạn chịu chết cũng Phục sinh sáng láng như vậy.

Nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu, ta thấy: Người quả thật là Đấng gánh tội trần gian và xoá tội trần gian.

Người gánh tội trần gian khi Người nhập vào dòng người tội lỗi đến xin Gioan làm phép rửa. Người xoá tội trần gian khi Người tuyên bố: "Tôi đến không phải để kết tội, nhưng là để cứu độ."

Người tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa.

Trước khi lên rước lễ, chúng ta nhắc lại câu nói của Gioan: “Đây Chiên Thiên Chúa”. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Phải chăng đây chỉ là một hình ảnh thi vị, lãng mạn, nhưng xa lạ với dân Á-đông (con chiên) khiến chúng ta phải nghĩ đến việc tìm một hình ảnh thay thế (hội nhập văn hóa!)? Hay là đây là một hình ảnh đầy ắp những ý nghĩa thuộc Cựu Ước, những ý nghĩa liên quan đến việc cứu độ chúng ta? Có nhận thức rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, chúng ta mới khiêm tốn thưa, như viên sĩ quan (Mt 8,8): “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”.

Ta cũng suy nghĩ về cung cách làm chứng của Gioan. Ông biết tư cách của mình và biết công việc phải chu toàn. Được Thiên Chúa hướng dẫn qua các dấu chỉ, ông đã nêu lên một chứng từ đơn giản và rõ ràng về Chúa Giêsu. Người tín hữu bắt chước vị Tiền Hô, cứ làm chứng trong mức độ hiểu biết lúc này. Qua dòng thời gian, Thiên Chúa sẽ tiếp tục dạy dỗ để người ấy có thể nêu lên một chứng từ rõ nét và sắc bén hơn về Chúa Giêsu.

Làm chứng cho Chúa có nghĩa là gì nếu không phải là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một “thành trì bị vây hãm”, nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta rằng bước theo Chúa Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn

“Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh hết mọi tội trần gian”. Ngài bước đi trên con đường khổ giá và làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng hiến mình chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ngày hôm nay chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng cần phải noi gương thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa để qua đời sống thánh thiện của mình khiến nhiều người nhận biết Chúa.

-----------------------------------------

 

TN 2-A138: CHIÊN THIÊN CHÚA


Lm Giuse Hoàng Kim Toan

 

Chiên con đầu lòng mang một biểu tượng của mùa Xuân mới, sau Đông tàn. Con chiên con đầu TN 2-A138


Chiên con đầu lòng mang một biểu tượng của mùa Xuân mới, sau Đông tàn. Con chiên con đầu lòng được sát tế để cầu ơn phúc cho dân và cũng là chính họ được phần cứu rỗi. Khi Thánh Gioan tẩy giả giới thiệu: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29) mang đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa chúc phúc và cứu rỗi như truyền thống lễ hiến sinh.

Mùa Xuân mới.

Chiên con đầu lòng trong truyền thống người du mục mang ý nghĩa đặc biệt của mùa sinh sản mới. Sự mạnh mẽ vươn lên sau những ngày tháng chờ đợi của suốt thời gian thơ ấu đế trưởng thành. Chiên con đầu lòng đánh dấu một thế hệ tiếp nối được bắt đầu khởi sắc, sánh ví như mùa Xuân.

Chiên con trắng tinh, chưa vướng bụi trần, màu trắng tinh khôi của ngày mới. Sự hân hoan chào đón như một bước đạt đến giác ngộ tuyệt diệu của cõi trời vinh quang. Ánh sáng trắng tựa như mặt trời chiếu sáng, xua tan những bóng tối. Phúc âm thánh Gioan trình thuật Chúa Giêsu là Ánh Sáng là Chiên Con làm tròn đầy ý nghĩa nền văn hóa và các truyền thống về chiên con đầu lòng.

Chiên sát tế

Thư Do Thái trình thuật về lễ đền tội chỉ nhắc đến ông Moisê lấy máu bê và dê sát tế hòa với nước rảy trên dân để nhắc lại Giao Ước Chúa đã ký kết với dân (Dt 9, 20 -21). Theo chú giải của cha Nguyễn Thế Thuấn, Chiên Thiên Chúa mà thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu là con chiên vượt qua. Chiên vượt qua chỉ về cuộc xuất hành mới, mọi người sẽ vượt qua cuộc xuất hành lớn lao sau cùng, vượt qua cái chết để đi đến sự sống.

Chiên vượt qua chỉ về Chúa Giêsu là Chiên đích thực trở nên của ăn dưỡng nuôi là lương thực đi đường cho chặng đường rất xa trong sa mạc. Nơi sa mạc ấy, con người đối diện với sự dữ mọi bề. Từ thiên nhiên, từ những con thú hoang, rắn sa mạc… Lương thực giúp con người mạnh sức đi đường và mạnh sức trong cuộc chiến với thú dữ. Ngày nay, lương thực đi đường Chúa ban chính là bí tích Thánh Thể, khi linh mục đưa Thánh thể lên và tuyên xưng: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Chiên sát tế chính là Chúa Giêsu, từ lời loan báo xưa kia của Isaia về người tôi trung của Chúa: “Bị tra tấn, ngài đã chịu đựng, và không mở miệng, như cừu bị dẫn đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm, không hề mở miệng.” (Is 53, 7). Tâm điểm không dừng lại ở cuộc khổ nạn mà tiếp đến là sự Phục Sinh của Chúa. Đấng khải hoàn đã chiến thắng sự dữ cuối cùng là sự chết.

Chúa Giêsu là Chiên Con chịu sát tế, chính Người cũng là bàn thờ là chủ tế trên bàn thờ hiến dâng. Khi tham dự Bí Tích Thánh Thể, con người cũng được mời gọi đến cùng Chúa để được xót thương và tha thứ tội lỗi, được nuôi dưỡng bằng Thánh thể trên hành trình trần thế và sau cùng cũng được tham dự vào cuộc khải hoàn vinh quang của Chúa.

Lạy Chúa! Chúng con thờ lạy Chúa!

-------------------------------

 

TN 2-A139: DẠ, CON ĐÂY


Lm Vũđình Tường

 

Nhìn thấy Đức Kitô đang tiến về hướng mình, Gioan Tẩy Giả nói với các môn đệ ông. Xem kìa TN 2-A139


Nhìn thấy Đức Kitô đang tiến về hướng mình, Gioan Tẩy Giả nói với các môn đệ ông. Xem kìa, Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian…. c.29. Ngày nay chúng ta hiểu í nghĩa câu ‘Chiên Thiên Chúa’ là nói về Đức Kitô. Đấng tự nguyện vác thập giá, chịu đóng đanh, chết và sống lại vinh quang để cứu độ nhân loại. Đức Kitô trong thời gian rao giảng, nhiều lần công khai nói về phép thanh tẩy Ngài sẽ lãnh nhận. Ngày nay chúng ta biết là Đức Kitô ngụ í nói đến cuộc tử nạn và Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Lúc đó các tông đồ không hiểu Thầy mình nói gì, phải đợi mãi đến sau khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết, ra khỏi mộ, lúc đó các ông mới vỡ lẽ điều Đức Kitô nói về phép rửa Ngài lãnh nhận là cuộc khổ nạn, thập giá, chết và sống lại. Khi bà mẹ Zebedee xin Đức Kitô cho hai con bà, một ngồi bên phải và một ngồi bên trái Ngài trong nước trời. Đức Kitô hỏi các ông có thể lãnh nhận ‘Chén Đắng’ Ngài lãnh nhận không và các ông chấp thuận. Mat 20:20-23. Có lẽ cả ba mẹ con đều không thể mường tượng ra chén đắng bao gồm những vị đắng nào. Đức Kitô ngụ í nói đến những đau khổ xảy đến trong đời các môn đệ trung tín.

Danh thánh ‘Đây Chiên Thiên Chúa’ trở thành câu tuyên xưng đức tin, chúc tụng Thiên Chúa trong thánh lễ. Linh mục chủ tế dâng cao Bánh Thánh và Rượu Thánh tung hô ‘Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa’. Cộng đoàn đáp chúng con không xứng đáng Chúa ngự vào nhà con nhưng chúng con dâng lời chúc tụng, tạ ơn Chúa chọn ngự đến tâm hồn con. Khi chúng ta tham dự bàn tiệc thánh, chúng ta nhớ lại món quà cứu độ từ trời cao ban tặng nhân loại. Món quà hiến tế, món quà thể hiện tình yêu không bến bờ, không điều kiện, Thiên Chúa trao ban cho nhân loại. Khi tham dự thánh thể, chúng ta hợp lời cùng thánh Gioan Tẩy Giả chúc tụng, tung hô Thiên Chúa. Chúng ta xin ơn giúp chúng ta sống thực hiện điều hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy là yêu mến Chúa hết lòng, và thương tha nhân như chính mình. Bí tích thánh tẩy là món quà Chúa trao ban và qua đó chúng ta từ người xa lạ trở thành phần tử của cộng đoàn dân Chúa, trở thành anh chị em trong đại gia đình Chúa nơi trần gian, và hy vọng ngày sau gặp nhau trên Thiên Quốc. Bí tích thánh tẩy giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, tháo gỡ ràng buộc xiềng xích ma quỉ kiềm chế, mang lại ơn tự do làm con cái Chúa và làm chủ cuộc sống mình. Điều này được thực hiện, không phải do sức mạnh của chính ta, mà chính là qua sức mạnh Thánh Thần Chúa ban. Thánh Thần Chúa ban sức mạnh, giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi. Mỗi lần chúng ta làm dấu chính là chúng ta nhắc lại công thức rửa tội ta lãnh nhận lần đầu trong đời khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy. Thánh Thần biến đổi chúng ta trở thành con cái Chúa, anh chị em trong đại gia đình Chúa. Làm dấu được hiểu là ngụ í tái xác nhận bí tích thanh tẩy, canh tân bí tích đó và giúp chúng ta tích cực hơn trong việc yêu Thiên Chúa, mến tha nhân. Tích cực tham gia cộng tác vào công việc nơi xứ đạo là một trong những cách làm chứng nhân sống động cho Đức Kitô nơi trần gian. Đời sống Thánh Thể không phải chỉ giới hạn nơi thánh đường mà còn cần phải lan toả ra nơi làm việc, phố chợ. Đời sống Thánh Thể cần phải khởi đầu từ gia đình, giúp thế hệ mai sau tiếp tục tin, tôn thờ Chúa. Biến gia đình bé nhỏ thành giáo đường tại gia, Thánh Thần Chúa sẽ ngự nơi tâm hồn và gia đình ta, giúp ta trở nên giống Đức Kitô hơn. Theo í nghĩa đó, Thiên Chúa không còn phải xa thẳm nơi trời cao mà chính là cùng đồng hành với ta trong cuộc sống.

----------------------------------

 

TN 2-A140: CHIÊN XÓA TỘI TRẦN GIAN


Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật II thường niên năm A, chúng ta nghe thánh Gioan Tẩy Giả giới TN 2-A140


Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật II thường niên năm A, chúng ta nghe thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu khi nói rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Khi nghe những lời giới thiệu này, những người Do Thái nghĩ gì? Và cả chúng ta nữa, những lời này có nghĩa là gì?

1- Chiên đối với người Do Thái

Chúng ta biết chiên là một loài động vật, tự bản chất, rất hiền lành, hơi nhút nhát nhưng lại dễ gần. Nó khác với con hổ và con chó vì con hổ thường dữ tợn, hay gây hấn, làm người ta sợ; còn con chó thường hay sủa, hay cắn. Con chiên thì hiền lành và yên tĩnh. Chiên chính là con cừu con. Ở Châu Đại Dương , người ta nuôi cừu rất nhiều để lấy lông và làm thịt. Lông cừu được dùng để sản xuất nhiều sản phẩm quý như áo quần. Còn thịt cừu là một món thịt rất béo và ngon. Chăn nuôi chiên và cừu mang lại những lợi nhuận kinh tế đáng kể.

Theo Kinh Thánh, con chiên là biểu tượng của sự vô tội, hay nói cách khác, con chiên tượng trưng cho của lễ và sự hy sinh. Vì thế, người Do Thái dùng chiên làm lễ tế để cử hành lễ Vượt Qua của họ. Trước khi lên đường, trong bữa ăn tối lễ Vượt Qua, Môsê đã truyền cho người Do Thái phải giết chiên để ăn lễ Vượt Qua. Chiên phải là chiên đực, dưới một tuổi, không tì vết, thịt thì ăn, còn máu thì bôi trên cửa nhà mình. Chiên là của lễ dâng lên Chúa. Hằng năm, người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua để nhớ lại biến cố Thiên Chúa giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập trở về đất hứa (x. Xh 12,3-14).

2- Chiên xóa tội trần gian

Tân Ước áp dụng hình ảnh con chiên cho Chúa Kitô. Nên khi Đức Giêsu đi qua, thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu với dân chúng rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Khi thánh Gioan Tẩy Giả dùng hình ảnh con chiên để giới thiệu về Chúa Giêsu, người Do Thái hiểu ngay ý nghĩa của nó vì họ rất quen thuộc với hình ảnh và ý nghĩa của con chiên. Họ hiểu rằng: Chiên là hình ảnh ám chỉ Đấng Mêsia mà các tiên tri trong Cựu Ước đã dùng, đặc biệt tiên tri Isaia. Trong bài ca về người Tôi Tớ đau khổ, tiên tri đã ví người tôi tớ đó như “con chiên hiền lành bị đem đi giết” (x. Is 53,7). Chiên được dùng để làm của lễ dâng lên Thiên Chúa và gánh lấy những lỗi lầm của con người.

Bởi thế, khi nghe nói về chiên, các Tông Đồ và các Giáo Phụ của Giáo Hội giải thích: Con chiên là biểu tượng của sự trong sạch, đơn sơ, hiền lành, ôn hòa, vô tội v.v… Những đặc tính này được áp dụng cho Chúa Giêsu, Người là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai xuống trần gian, như Con Chiên trong sạch, hiền lành và vô tội. Người chính là Chiên Thiên Chúa đến để xóa bỏ tội trần gian và mang lại ơn cứu độ cho chúng ta nhờ cái chết và phục sinh của Người. Bởi thế, thánh Phêrô quả quyết rằng: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô” (1 Pr 1,18-19). Và thánh Gioan trong sách Khải Huyền ba lần dùng từ “con chiên” để nói về Chúa Kitô và mô tả bữa tiệc cánh chung của Thiên Chúa với loài người như là tiệc cưới Con Chiên. Đó là ngày vui vì ơn cứu độ của toàn thể nhân loại được thành toàn (x. Kh 19,8-9).

3- Chúa Giêsu xóa tội qua các bí tích

Qua các bí tích, Chúa Giêsu tiếp tục tha thứ và xóa bỏ tội lỗi của chúng ta khi chúng ta đón nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Rửa Tội và bí tích Hòa Giải. Bí tích Rửa Tội xóa bỏ tội nguyên tổ và các tội riêng chúng ta phạm. Phép Rửa là “cửa dẫn vào các bí tích.” Chúa Giêsu xóa bỏ tội lỗi của chúng ta trong bí tích Hòa Giải khi chúng ta đến xưng thú tội lỗi với các linh mục.

Đó là lý do tại sao Giáo Hội lấy lại những lời tuyên xưng của Gioan làm lời cầu nguyện trong thánh lễ. Trong Kinh Vinh Danh, khi thưa với Chúa Con, chúng ta cầu xin rằng: “Lạy Con Một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô. Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa, là Con Ðức Chúa Cha, Chúa xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con, Chúa xóa tội trần gian, xin nhậm lời chúng con cầu khẩn.” Đặc biệt, trước khi rước lễ, linh mục công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”

Như thế, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta rằng tội lỗi là một thế lực thống trị chúng ta. Tự sức mình, chúng ta không thể tự giải thoát khỏi tội lỗi. Chỉ nhờ Chúa Kitô, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, mới có thể giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi, trở thành con cái của Nước Trời, và sống sự công chính của Người trên trần gian.

Bởi vậy, chúng ta hãy siêng năng lãnh nhận bí tích Hòa Giải, tham dự thánh lễ và năng rước Chúa Giêsu Thánh Thể, để nhờ Người, chúng ta có sức mạnh chống trả các chước cám dỗ và sống thánh thiện trước nhan Thiên Chúa. Amen!

-------------------------------

 

TN 2-A141: BIẾT CHÚA HƠN ĐỂ YÊU MẾN HƠN


Bông hồng nhỏ

 

Cuộc sống luôn có những tương quan. Ta có thể quen nhiều người, giao tiếp với họ vì công việc TN 2-A141


Cuộc sống luôn có những tương quan. Ta có thể quen nhiều người, giao tiếp với họ vì công việc hay vui chơi, nhưng những người mà ta biết và hiểu họ thì không nhiều. Tuy là họ hàng với Đức Giêsu, ông Gioan cũng đã phải trải qua những kinh nghiệm rất riêng tư với Ngài và nhờ Thiên Chúa mặc khải, ông mới biết được Ngài ai. Còn ta thì sao?

Quả thật, Thầy Giêsu đã chủ động tìm đến để xin ông Gioan làm phép rửa. Nhờ sự gặp gỡ này, ông nhận ra Người là Đấng Thiên Chúa đã tuyển chọn. Ông bày tỏ: “Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa trong nước (Ga 1,31). Chính Thầy Giêsu đã khiêm tốn đến xin ông Gioan làm phép rửa cho mình để “giữ trọn đức công chính”, để qua đó, Thiên Chúa giới thiệu Đấng Ngài đã tuyển chọn cho dân. Ông Gioan đã sẵn sàng để làm trung gian cho Thiên Chúa, để qua việc ông làm, Thiên Chúa tỏ mình cho muôn dân. Ta có sẵn sàng trở nên cánh tay hữu hình của Chúa không?

Thầy Giêsu đã khiêm nhường để vâng phục thánh ý Thiên Chúa và dạy ta biết tìm đến với những ngôn sứ của Chúa, để tìm biết Thiên Chúa, hiểu biết Chúa hơn để yêu mến Chúa hơn. Khi sống giữa những anh chị em mình, ta có nhận thấy chân dung của Chúa nơi họ không? Làm sao ta có thể nhận ra Chúa nơi những người ta gặp gỡ và yêu họ như yêu mến Chúa? Chỉ khi ta tìm biết Thiên Chúa là ai, ta mới có thể yêu mến Chúa hết lòng. Cũng vậy, khi ta muốn hiểu người anh chị em mình, ta phải đến và gặp gỡ họ đã và sau đó ta tương quan với họ bằng chính con người thật của ta, một con tim chân thành và yêu mến. Ông Gioan đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người, ông đã thấy và chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (x.Ga 1,32-34). Chỉ khi đọc lại kinh nghiệm ở với Chúa, lắng nghe lời mời gọi và sự hướng dẫn của Chúa, ta mới có thể làm chứng cách mạnh mẽ về sự hiểu biết và tình yêu của Chúa nơi tâm hồn và trái tim ta. Thái độ bày tỏ qua hành vi và hành vi bộc lộ thái độ và tâm tình của ta, nếu ta yêu mến Chúa thật lòng, ta sẽ dùng cả cuộc đời của mình để bày tỏ và làm chứng về Đấng đã yêu ta và hiến mạng vì ta.

Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã không ngừng đi bước trước để bày tỏ  tình yêu của Ngài cho con. Xin giúp con mỗi ngày biết ra khỏi con người con để tìm đến với Chúa, đến với anh chị em bằng một con tim chân thành và yêu mến. Con tin Chúa sẽ tỏ mình cho con và hướng dẫn con đáp trả lại tình yêu của Chúa bằng một cuộc sống chứng tá cụ thể và một mối tình trầm lắng bên Chúa. Amen.

------------------------------

 

TN 2-A142: LỜI GIỚI THIỆU


Anna Cỏ May

 

Con người thời này thường thích đi “shopping”. Và để thu hút nhiều khách hàng, các nhà sản TN 2-A142


Con người thời này thường thích đi “shopping”. Và để thu hút nhiều khách hàng, các nhà sản xuất, các nhà buôn bán kinh doanh giới thiệu các sản phẩm về nguồn gốc, xuất xứ và chất liệu làm sao cho hợp với thị hiếu của khách hàng. Trong các cuộc gặp gỡ làm ăn, chúng ta cũng thường chào hỏi nhau và giới thiệu về nghề nghiệp, tuổi tác, chức vụ. Những người Kitô hữu cũng luôn có nhiệm vụ giới thiệu Chúa cho mọi người, trở thành người loan báo Tin Mừng cho mọi người. Vậy, chúng ta giới thiệu Chúa như thế nào?

Ông Gioan đang làm phép rửa tại sông Giođan, trông thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,39). Ông đã tận dụng thời điểm thích hợp, lúc mọi người đang kéo nhau tới và cũng vừa lúc Chúa Giêsu tiến đến để giới thiệu Chúa. Ông giới thiệu Chúa bằng những gì ông đã lãnh nhận từ Chúa Cha và những điều ông đã trông thấy. Ông bày tỏ sự thật rằng “Tôi đã không biết người” (Ga 1,33). Tuy nhiên, chính Đấng đã chọn ông và trao ban sứ mạng cho ông đã hướng dẫn ông, giúp ông nhận ra Đấng Người sai đến. Khi đã được mặc khải, ông khẳng định rằng: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1,34). Ông có một thái độ khiêm tốn, luôn tìm kiếm và vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Ông là người được Thiên Chúa tuyển chọn để làm chứng cho ánh sáng, ông tự nguyện trở nên nhỏ đi để Chúa Giêsu lớn lên trong tâm hồn ông và tâm hồn người khác. Ông đã ẩn mình đi để mọi người nhìn thấy và theo Chúa Giêsu. Ông nói: “Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,30). Khi mọi người nhìn thấy và theo Chúa Giêsu, ông Gioan đã dần dần rút lui. Mọi người đã nghe lời giới thiệu của ông, vì ông là người được Thiên Chúa sai đến và là người được Thiên Chúa chúc phúc. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và được Thiên Chúa trao sứ mạng loan báo Tin Mừng, chúng ta đã làm gì để giới thiệu Thiên Chúa?

Chúng ta sẽ giới thiệu Chúa bằng cách nào đang khi chúng ta còn mang trong mình lỗi lầm? Làm sao chúng có thể giới thiệu Chúa cho người khác khi sống trong một xã hội quá ồn ào? Quả thật, để giới thiệu Chúa cho mọi người, điều đó không hề dễ. Tuy nhiên, Chúa không đòi hỏi những gì vượt quá tầm tay của chúng ta. Chúa muốn chúng ta giới thiệu Chúa bằng những nén bạc, bằng khả năng và bằng chính cuộc sống của mình. Nếu chúng ta đang sống trong cảnh nghèo thì hãy sống mối phúc nghèo khó và sống bác ái. Nếu là một người tội lỗi thì hãy quay về với Chúa, biến đổi đời sống bằng những việc làm bác ái. Khi chúng ta đón nhận anh chị em của mình và giới thiệu Chúa bằng cách khước từ những gì làm ta xa rời mái ấm gia đình của mình, chu toàn các nhiệm vụ của mình. Khi có lòng khao khát muốn giới thiệu Chúa cho mọi người, chính lúc đó, Chúa sẽ ban cho chúng ta có cách để thực hiện.

Lạy Chúa Giêsu! Xin giúp con mỗi ngày nên gắn chặt với Chúa, để lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, can đảm giới thiệu Chúa, biết nhường chỗ cho Chúa, để Người lớn lên trong tâm hồn những người con gặp gỡ. Amen.

------------------------------

 

TN 2-A143: CHIÊN THIÊN CHÚA


Lm. Giuse Trần Việt Hùng

 

Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng TN 2-A143


Thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho dân chúng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Có nhiều người thắc mắc hỏi rằng tại sao Gioan giới thiệu Chúa là Chiên Thiên Chúa, sao không giới thiệu đây là Con Thiên Chúa, đây là Đấng Cứu Thế. Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả mang một ý nghĩa thần học và sự kiện của lịch sử cứu độ.

Thánh Gioan là con của một thầy tư tế, quá quen thuộc với công việc sát tế chiên dâng cúng trong đền thờ mỗi ngày. Trong lịch sử dân Do-Thái xưa, vào ngày Lễ Đền Tội, người ta bắt một con chiên không tì vết và đem đến cho vị tư tế. Vị tư tế đọc danh sách các thứ tội của dân chúng. Kêu gọi mọi người hãy sám hối. Sau đó, tư tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết các thứ tội trên đầu nó, rồi đánh đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là con chiên gánh tội.

Trong sách Xuất Hành ghi rằng tại đền thờ, các tư tế mỗi ngày sát tế hai con chiên làm của lễ toàn thiêu dâng Thiên Chúa để đền tội. Tiên tri Isaia trong bài ca về người tôi tớ đã nhắc đến con chiên hy sinh. Con chiên hiền lành bị đem đi xén lông và bị giết làm của lễ để gánh tội cho mọi người.

Khi dân Do-Thái đã định cư và có đền thờ, hằng năm vào dịp Lễ Vượt Qua, để tưởng nhớ Thiên Chúa cứu dân khỏi nô lệ người Ai-cập. Họ đã giết chiên tế lễ và dự tiệc ăn thịt chiên cùng rau đắng để tưởng nhớ những khổ đau mà dân chúng phải lao lực và làm nô lệ cho người Ai-cập.

Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Ngài đã hy sinh chết thay cho đoàn chiên. Ngài chết để gánh tội gian trần. Ngài hy sinh dâng mình làm của lễ đền tội và hiến dâng thịt máu mình làm của ăn dưỡng nuôi hồn xác chúng ta.

Trong thánh lễ, chúng ta lập lại ba lần, lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lập lại lần thứ tư lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Chúa Kitô đã hiến thân trên khổ giá để cứu độ chúng ta. Thánh Gioan là người đầu tiên làm chứng và ngài đã hy sinh cho sự thật này. Các tông đồ đã chứng kiến cảnh Chúa Chiên bị khổ hình, bị chết treo nhục nhã và đã sống lại vinh quang. Các ngài cũng đã xả thân làm nhân chứng cho Chúa đến giọt máu cuối cùng.

Mỗi người chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta là nhân chứng. Chúng ta có bổn phận giới thiệu Chúa cho những ai còn ngồi trong bóng tối u mê sự chết. Xin Chúa cho chúng ta là những con chiên bổn đạo tốt lành và hăng hái trong việc sống và truyền đạo.

------------------------------------

 

TN 2-A144: CON CHIÊN NGOAN ĐẠO


Lm.Jos Tạ duy Tuyền

 

Mỗi một dân tộc đều dùng những linh vật tượng trưng cho dân tộc mình. Người Việt đó là TN 2-A144


Mỗi một dân tộc đều dùng những linh vật tượng trưng cho dân tộc mình. Người Việt đó là “con Rồng cháu tiên”, người Pháp là hình ảnh “Con Gà”, người Úc là con Kangaroo, người Singapor là sư tử, Người Do Thái là con chiên .. .

Đạo Công giáo xuất phát từ Do Thái giáo nên cũng được gọi là con chiên của Chúa. Đây chỉ là hình ảnh tượng trưng nhưng có một số DLV thiếu hiểu biết hay đưa ra luận điệu đầy ác ý khi nói những ai theo đạo Công giáo đều bị hạ thấp thành con chiên .  . .

Thực ra người Công giáo rất tự hào vì mình là con chiên của Chúa. Khi được hỏi người Công giáo bạn ở xứ nào thì sẽ được nghe rằng: mình là con chiên xứ A . ..hay mình là con chiên của cha B . . . Con chiên trong Kinh Thánh được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo đức. Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê. Chiên ở bên phải, dê ở bên trái.

Chúa Giêsu đã chịu hiến tế vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Hình ảnh con chiến chịu sát tế trong ngày lễ vượt qua là hình ảnh tiên báo về Đức Ky-tô là Chiên Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại.

Chúa Giêsu là Con Chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông. Người khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại. Thế nên, những ai là môn đệ của Chúa cũng được ví như con chiên hiền lành, vì người môn đệ luôn được mời gọi bước theo Thầy Chí Thánh Giê-su phải trở nên hiền lành và khiêm nhường, đồng thời biết sẵn lòng hy sinh bản thân vì hạnh phúc tha nhân.

Vì vậy, danh từ “Con chiên” không chỉ dùng cho các tín hữu Công giáo mà còn cho mọi thành phần của Giáo Hội. Ngay Đức Ky-tô cũng là Con Chiên chịu sát tế. Đức Giáo Hoàng , các Đức Giám mục, và các linh mục đang cố gắng hoàn thiện mình theo như khuôn mẫu Thầy Chí Thánh Giê-su qua sự  hiền lành và khiêm nhường  thì đều là hình ảnh con chiên và là “con chiên ngoan đạo” như lời bài hát “Giọt lệ ăn năn” đã diễn tả:

“Con van xin yêu Ngài làm con chiên ngoan đạo,
Con van xin yêu Ngài dù năm tháng phôi pha,
Con van xin yêu Ngài dù đời bao giông tố,
Thương tin yêu nguyện cầu, nguyện dâng Cha đời con.”

Ước mơ được trở thành“con chiên ngoan đạo.” Một con chiên biết yêu thương, một con chiên biết vâng lời, một con chiên biết dâng hiến đời mình để phục vụ là ước mơ trở nên giống như Đức Ky-tô là Chiên Thiên Chúa Đấng gánh tội trần gian.

Lời Chúa hôm nay, thánh Gioan đã xác định Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa. Vì cuộc đời Chúa Giê-su luôn hiền lành và khiêm nhường như những con chiên vùng Palestina. Cuộc đời Chúa Giê-su còn chịu sát tế trong đêm Vượt qua để cứu chuộc nhân loại như con chiên được người Do Thái ăn trong đêm vượt qua.

Cuộc đời Chúa Giêsu là cuộc đời đẹp vì ngài đã dám mang lấy tội nhân gian. Ngài đi vào kiếp người để chia sẻ những đắng cay ngọt bùi cũng chỉ vì yêu thương nên muốn nên một với chúng ta.

Đó cũng là cách sống mà Chúa đang mời gọi chúng ta hãy sống cho thế giới hôm nay. Một thế giới có quá nhiều kẻ ham danh, ham lợi mà lại quá ít kẻ dám gánh lấy trách nhiệm. Một thế giới có quá nhiều kẻ kiêu hãnh, thích ăn trên ngồi chốc thiên hạ nhưng lại quá ít người khiêm tốn để phục vụ tận tụy và hy sinh. Một thế giới có quá nhiều kẻ tham lam ích kỷ, chỉ lo vun quén cho bản thân mà lại quá ít người rộng lượng đế cứu nhân độ thế.

Ước gì là người kytô hữu chúng ta dám sống như một Giêsu, dám hy sinh cả mạng sống mình vì hạnh phúc của anh em. Ước gì lời mời gọi của Thầy Giêsu “hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” luôn là kim chỉ nam cho đời kytô hữu sẵn lòng hiến dâng để phục vụ tha nhân. Amen.

---------------------------------

 

TN 2-A145: CHÚA GIÊ-SU LÀ AI?


Lm. Đa-minh Trần đình Nhi 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 49:3, 5-6; 1 Cr 1:1-3;  Ga 1:29-34)

 

Chúng ta đã bước vào mùa Thường niên của năm phụng vụ từ tuần trước với lễ Chúa Giê-su TN 2-A145


Chúng ta đã bước vào mùa Thường niên của năm phụng vụ từ tuần trước với lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa.  Mùa Thường niên là thời gian chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ki-tô, thể hiện qua sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Trời và các phép lạ Người làm.  Trước khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm ấy mỗi ngày trong mùa Thường niên (34 tuần lễ), chúng ta phải biết Chúa Giê-su là ai.  Mặc dù Chúa Cha đã giới thiệu Con Yêu Dấu của Người với chúng ta, nhưng đó cũng là lời mời gọi chúng ta hãy biết Chúa Giê-su rõ hơn, để yêu mến Người nồng nàn hơn và phụng sự Người tích cực hơn.  Với ba bài đọc, chúng ta có ba bức chân dung về Chúa Giê-su.

1– Chúa Giê-su là người Tôi Trung được Thiên Chúa đặt làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất (bài đọc 1).  Có một điều thật thích thú là hình ảnh người Tôi Trung của Thiên Chúa được lập đi lập lại nhiều lần, không chỉ trong mấy Chúa Nhật mùa Chay trước cuộc Thương khó của Chúa Giê-su, mà ngay trong mùa Vọng, hình ảnh ấy cũng được ám chỉ về Người nữa.  Vậy nhắc lại như thế, Phụng vụ Lời Chúa muốn nhấn mạnh đến điều gì nơi Chúa Giê-su?  Đức tính nổi bật của người Tôi Trung là nhân từ và trung thành.  Đúng vậy, Chúa Giê-su vốn dĩ đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã vâng lời xuống thế làm người phàm để thực hiện kế hoạch cứu độ như Thiên Chúa muốn.  Người đã biểu lộ lòng nhân từ của Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Người đã hằng trung thành với sứ mệnh, không làm theo ý riêng, nhưng luôn theo ý Chúa Cha, “vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá”.  Chính sự khiêm nhường, vâng lời và trung thành của Chúa Giê-su đã trở thành “ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng cõi đất”.  Sự khiêm nhường và vâng lời của Chúa Giê-su đã chuộc lại sự kiêu căng và bất tuân của A-dong và E-va.  Sự trung thành làm theo ý Chúa Cha của Chúa Giê-su đã chuộc lại việc A-đam không nghiêm túc tuân giữ  điều Thiên Chúa đã giao ước với ông.  Đó là cách Chúa Giê-su đem ơn cứu độ đến mọi người mọi nơi và mọi thời, vì Người không chỉ cứu độ dân riêng là Do-thái, mà còn cứu độ “muôn dân đến tận cùng cõi đất” nữa.

2– Bức chân dung thứ hai của Chúa Giê-su được thánh Phao-lô trình bày dưới hình thức suy tư thần học:  Đức Giê-su Ki-tô là Chúa (bài đọc 2).  Vậy đâu là điểm cốt lõi bức chân dung này muốn nói lên?  Phao-lô trả lời:  trong Đức Ki-tô là Chúa, hết mọi người được kêu gọi làm dân thánh.  Nói khác đi, Chúa Ki-tô là điều kiện để Thiên Chúa đón nhận tất cả những ai kêu cầu danh Chúa Ki-tô thì sẽ được làm con cái Người.  Mà “kêu cầu danh Chúa” là gì, nếu không phải là đón nhận Tin Mừng Người rao giảng và sống những giá trị Tin Mừng của Người?  Cho nên Chúa Ki-tô là chính ơn cứu độ, hoặc theo cách hiểu của thánh Phao-lô, Người là “ân sủng và bình an” Thiên Chúa ban cho ta:  Ân sủng là được Người cứu độ và bình an là được hòa giải với Người.

3– Tuy nhiên bức chân dung sống động nhất về Chúa Giê-su là bức chân dung được thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu:  “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.  Trong lịch sử dân Chúa, chiên là con vật dân Do-thái đem giết xế chiều trước ngày Vượt qua và theo lệnh Thiên Chúa họ phải lấy máu bôi trên cửa nhà, để đêm ấy thấy máu chiên Người sẽ vượt qua và không sát hại các con đầu lòng người Do-thái.  Máu ấy không những cứu mạng dân Do-thái, mà còn giúp họ được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai-cập.  Giờ đây, giới thiệu Chúa Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”, thánh Gio-an ám chỉ đến cuộc Vượt qua vĩ đại Chúa Giê-su thực hiện để giải thoát toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi.  Sứ mệnh của Chiên Thiên Chúa là “xóa bỏ tội trần gian” trước hết bằng cách kêu gọi người ta sám hối và tin vào Tin Mừng khi Người thi hành sứ vụ.  Cuối cùng là Người bằng lòng chịu chết trên thập giá để đền bù tội lỗi nhân loại và giải hòa nhân loại với Thiên Chúa.  Có nhiều người vẫn chưa tin lời giới thiệu của ông Gio-an và muốn coi ông mới là người giúp họ xóa bỏ tội lỗi mình.  Nhưng ông Gio-an đã khiêm nhường nhìn nhận địa vị của Chúa Giê-su.  Hơn thế nữa, ông còn làm chứng:  “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”.  Thực ra Thánh Thần làm chứng cho con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su, còn Gio-an chỉ có thể làm chứng rằng chính mắt ông “đã thấy” Chúa Thánh Thần ngự trên Chúa Giê-su, để ông có thể xác tín “Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta đã biết được Chúa Giê-su là Đấng nào và sứ mệnh của Người là gì.  Tuy nhiên chúng ta không nên dừng lại ở cái biết nông cạn qua những thông tin trí óc, mà phải đi vào cái biết của trái tim.  Nói khác đi, chúng ta cần phải “kêu cầu danh Chúa”, nghĩa là phải tin vào Người, đón nhận lời giảng Tin Mừng của Người và phát huy một mối tương quan mật thiết với Người.  Sống trong mối tương quan ấy, chúng ta sẽ để cho mọi sự thuộc về Chúa Giê-su ảnh hưởng trên đời sống chúng ta.  Chúng ta sẽ suy nghĩ theo lối suy nghĩ của Người, sẽ hành động theo cách Người hành động.  Đặc biệt chúng ta sẽ trả lời câu hỏi của Chúa:  “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  Ước gì chúng ta cùng thánh Phê-rô thưa với Chúa rằng:  “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16)!

--------------------------------

 

TN 2-A146: LỜI GIỚI THIỆU NGẮN GỌN


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Trên các chương trình tivi đều có mục quảng cáo. Người ta giới thiệu sản phẩm, cái gì cũng nhất TN 2-A146


Trên các chương trình tivi đều có mục quảng cáo. Người ta giới thiệu sản phẩm, cái gì cũng nhất, cái gì cũng đẹp cũng bền. Thông tin quảng cáo đã tác động mỗi ngày nhiều lần vào người xem tạo nên một ấn tượng mạnh. Từ đó trong tiềm thức, khách hàng sẽ tìm mua sản phẩm ấy. Quảng cáo là giới thiệu những gì là độc đáo nhất.

Mục đích của giới thiệu là để biết nhau. Muốn giơí thiệu một người thì phải biết về người đó, tuỳ theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một người thì có thể giới thiệu sai về người ấy.

Trong Phúc Âm có đề cập đến việc giới thiệu. Có ba lời giới thiệu tiêu biểu:

– Chúa Cha giới thiệu Chúa Kitô: “Đây là con Ta yêu dấu, làm đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mt 4,17).

– Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha: ”Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).

– Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô: “Đây là Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xoá tội trần gian… Người đến sau tôi nhưng quyền thế hơn tôi vì có trươc tôi… Ngài làm phép rửa trong Thánh Thần” (x. Ga 1,29–34).

Trong khi toàn miền Giêrusalem và Giuđê đang coi Gioan như thần tượng, thì chỉ vì để giới thiệu Chúa Kitô, Gioan đã từ giã sự nổi danh của mình lặng lẽ rút lui. Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha bằng cách nói cho người nghe hãy nhìn vào chính Ngài. Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Kitô bằng cách nói cho người nghe đừng nhìn vào mình, nhưng nhìn thẳng vào Chúa. Đây là cách giới thiệu chính xác nhất khi một người muốn giới thiệu cho người khác về Thiên Chúa.

Khi Đức Giêsu đang đến, Gioan Tẩy Giả đã chỉ vào Đức Giêsu và nói : “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Giới thiệu như thế, Gioan đã cùng một lúc chỉ ra hai thực tại lớn lao về Đức Giêsu: Ngài là Chiên của Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng là Đấng xóa tội trần gian.

Khi gọi Đức Giêsu là “Chiên của Thiên Chúa”, Gioan xác nhận Đức Giêsu là Đấng vô tội và thánh thiện. Khi nói Đức Giêsu là “Đấng xóa tội trần gian”, Gioan chỉ cho mọi người thấy Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Đấng Messia, là “tôi tớ đau khổ của Giavê” như tiên tri Isaia đã từng nói đến trong Cựu ước.

Hai thực tại này gắn liền với nhau nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu. Chính vì là con chiên vô tội của Thiên Chúa nên Đức Giêsu mới có thể xóa tội của thế gian. Như con chiên được dùng làm của lễ đền tội trong Cựu ước phải chịu sát tế, Đức Giêsu cũng phải chịu đau khổ và chịu chết để trở nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân loại. Con chiên hiến tế của Cựu ước chỉ là hình bóng và dấu hiệu của Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, Đấng duy nhất thực sự xóa tội cho con người, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ cho hân loại.Chỉ có Con Chiên thanh sạch và hiền lành, Con Chiên bị sát tế mà không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi. Chỉ có Đấng vô tội, mới có thể chết thay cho các tội nhân.

Đức Giêsu xóa tội của thế gian bằng cách gánh vào mình Ngài tội lỗi của tất cả nhân lọai, từ tội của nguyên tổ Ađam cho đến tội của người sau hết của nhân lọai. Với cuộc khổ nạn và cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, Ngài đã đền thay tội lỗi của tất cả nhân loại. Từ nay nhân loại đã được giao hòa với Thiên Chúa, được sống trong ân tình của Ngài và cửa thiên đàng đã được mở lại cho tất cả mọi người.

Mặc dù chúng ta là người tội lỗi, nhưng đã được rửa bằng Máu của Con Chiên Thiên Chúa, và được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể.

Trong mỗi Thánh lễ, trước khi hiệp lễ, chúng ta cầu xin với Chúa Giêsu bằng lời nguyện “Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con“. Liền sau lời nguyện đó, linh mục chủ tế cũng giới thiệu Chúa Giêsu Thánh Thể cho cộng đoàn bằng những lời như Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với dân chúng năm xưa : “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian…”. Chúng ta cầu xin cùng Ðức Kitô, Chiên Thiên Chúa, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhất là “tội trần gian”.

Người tín hữu thường được gọi là “con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại “chiên” trong ngày phán xét. Ðược đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Ðược vào hưởng vinh quang trong nước Chúa. Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Uớc mong những chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.

Thiên Chúa là tình yêu. Vậy lời giới thiệu trung thực nhất phải là lời ca ngợi về một Thiên Chúa tình thương. Để nói về tình thương, chúng ta phải có kinh nghiệm về tình thương. Cách chuyển thông chính xác nhất tình thương của Thiên Chúa là bản thân mỗi người yêu tha nhân với tấm lòng chân thành của mình.

Lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa Kitô rất ngắn. Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu về Chúa, chưa chắc đã cần nói nhiều. Vì nói nhiều chưa chắc đã là nói hay. Nói hay mà không đúng thì chỉ làm người nghe lạc lối. Để giới thiệu về Chúa cần nói đúng và sống điều mình rao giảng. Khuôn mặt đúng nhất của Chúa là tình yêu thương “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16) và tình yêu thương ấy là: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

---------------------------------------

 

TN 2-A147: GIỚI THIỆU


Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải

Thưa anh chị em,

 

Trong đời sống tương quan với xã hội, mỗi khi gặp người mới lạ, người ta thường giới thiệu nhau TN 2-A147


Trong đời sống tương quan với xã hội, mỗi khi gặp người mới lạ, người ta thường giới thiệu nhau, để biết người đó là ai.

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy kể lại một số trường hợp giới thiệu. Chẳng hạn như: Khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, và khi vừa bước lên khỏi nước thì có tiếng từ trời vọng xuống: “Đây là con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”. Đó là lời giới thiệu của Thiên Chúa Cha.

Thánh Anrê tông đồ, sau khi gặp gỡ Đức Giêsu, thì lại giới thiệu cho anh em mình rằng:”Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia…” rồi ông đưa Phêrô đến gặp Đức Giêsu.

Tin Mừng hôm nay kể lại Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Đức Giêsu cho các môn đệ của mình: “Đây là chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.

Thật vậy, Đức Giêsu được Thiên Chúa Cha sai đến để gánh lấy tội lỗi nhân loại. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Ngài hòa mình vào dòng người tội lỗi nơi bờ sông Giođan, để xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Vì gánh lấy tội  trần gian mà Ngài đồng bàn với những người tội lỗi. Vì gánh lấy tội trần nên Đức Giêsu hiến thân mình chịu chết để tái sinh chúng ta trong ơn làm con Chúa.

Nhưng thưa anh chị em, muốn giới thiệu ai thì phải biết rõ thân thế sự nghiệp người đó. Càng biết rõ người đó bao nhiêu thì việc giới thiệu càng chính xác bấy nhiêu.

Như vậy, để giới thiệu chính xác về Đức Giêsu, Gioan tẩy giả đã phải dành rất nhiều thời gian sống trong hoang địa thanh vắng. Chính nơi đây Gioan đã lớn lên trong đời sống gắn bó mật thiết với Chúa, nhờ đó đã giúp ông biết rõ về Đức Giêsu, để rồi khi đến thời đến buổi, ông ra đi rao giảng và giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng, cách riêng những môn sinh của mình, để rồi những người này sau này họ đi theo Chúa và trở thành những tông đồ của Chúa.

Đối với chúng ta cũng vậy, khi lãnh nhận Bí tích rửa tội được gắn liền với việc sai đi. Cho nên Chúa sai chúng ta đi là để giới thiệu Chúa cho người khác bằng đời sống cầu nguyện, bằng đời sống bác ái yêu thương phục vụ, đó là bổn phận của mọi người Kitô hữu chúng ta.

Thế nhưng, để giới thiệu Chúa cho hiệu có hiệu quả, thì việc đầu tiên chúng ta phải nói với Chúa trước khi nói về Chúa cho người khác. Có nghĩa là chúng ta phải có kinh nghiệm sống gắn bó với Chúa như Gioan Tẩy, hay như các môn đệ đầu tiên, thì mới có khả năng giới thiệu Chúa cho người khác được.

 Thế thì, khi giới thiệu là chúng ta giới thiệu về Chúa những gì?

Thưa có nhiều cách thế, nhưng có thể chúng ta giới thiệu về một Thiên Chúa là  Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Một Thiên Chúa Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót yêu thương con cái mình. Và tất cả mọi người đều là anh em với nhau con cùng một Cha trên trời. Thế nhưng mà trong thực tế, mỗi người chúng ta phải đấm ngực và nhìn nhận rằng: nhiều khi chúng ta chưa sống đúng với vai trò giới thiệu của mình.

Bởi vì, tất cả chúng ta là con cùng một Cha trên trời, ấy thế mà lòng vẫn còn đố kỵ chia rẽ, vẫn còn sống không chân thành với nhau, có khi ngay trong mái ấm gia đình, trong làng xóm ngõ, họ hàng ruột thịt của mình. Đời sống đạo của chúng ta nhiều khi chẳng tốt lành hơn những người ngoại giáo. Thì lúc đó thay vì giới thiệu Chúa, thì lại làm méo mó, làm lem luốc gương mặt của Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương và đạo yêu thương của mình.

Anh chị em thân mến,

Lời giới thiệu của Gioan tẩy giả năm xưa, nay vẫn còn nhắc lại trong phụng vụ trước khi chúng ta rước lễ “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian…”. Qua đó mẹ Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta hãy ý thức rằng: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài. Và Đức Giêsu cũng vì yêu thương mà xuống thế làm người để rồi gánh lấy tội lỗi chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta ý thức trong đời sống người Kitô hữu, là có nhiệm vụ giới thiệu Chúa cho người khác như Gioan tẩy giả, sống gắn bó với Chúa và sống yêu thương nhau. Vì như lời Chúa nói: “Sự sáng của các con cũng phải chiếu giải ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc làm của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời”. Amen.

-----------------------------

 

TN 2-A148: KHÔNG THỂ LÀM THINH


Trầm Thiên Thu

 

Mọi nơi và mọi lúc, ở đâu cũng có những điều CẤM làm, có những điều NÊN làm, có những điều TN 2-A148


Mọi nơi và mọi lúc, ở đâu cũng có những điều CẤM làm, có những điều NÊN làm, có những điều PHẢI làm. Các mức độ hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, nói một điều gì đó – có thể nên hoặc không nên nói, cấm nói hoặc phải nói. Theo truyền thống hội đường Do Thái, luật gồm 613 điều – 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Điều CẤM LÀM nhiều hơn điều PHẢI LÀM. Nếu chia đều một năm, mỗi ngày có một điều cấm. Kinh khủng thật!

Trong cuộc sống, người ta có câu tục ngữ: “Im lặng là vàng.” Kinh Thánh xác định: “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn.” (Cn 10:19) Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng nên im lặng, có những lúc không thể không nói, không thể im lặng, nghĩa là không chỉ NÊN nói mà còn PHẢI nói – thậm chí là cần nói nhiều. Và lúc đó, “lời nói còn quý hơn quà tặng.” (Hc 18:16)

Lời nói thực sự quan trọng, tại sao vậy? Kinh Thánh cho biết: “Nhờ lời nói mà người ta biết được ai khôn ngoan, do phát biểu mà biết được trình độ học vấn.” (Hc 4:24) Và còn hơn thế nữa: “Vinh hay nhục đều ở lời nói cả, và cái lưỡi chính là mối họa cho con người.” (Hc 5:13) Vì lý do đặc biệt là “ai cũng lầm lỗi trong lời nói của mình.” (Hc 19:16) Thật đáng quan ngại!

Lời liên quan Lưỡi (2 L), và Lưỡi liên quan Lời. Nếu không có lưỡi, người ta không thể nói, có lưỡi mà chỉ ngắn một chút thôi cũng không thể phát âm rõ, nghĩa là nói không chuẩn lời. Và lời nói liên quan các hệ lụy khác nữa.

Lời nói liên quan việc làm chứng. Chứng nhân là người kiên trì và trung tín làm chứng về một điều gì đó để bảo vệ Chân Lý và Công Lý, đặc biệt là làm chứng về Đức Kitô, Đấng-nhập-thể-và-nhập-thế. Chúa Giêsu ra lệnh: “KHÔNG ĐƯỢC LÀM CHỨNG GIAN.” (Mt 19:18) Chính Ngài đã xác định với chúng ta: “Việc Thiên Chúa muốn quý vị làm là tin vào Đấng mà Người đã sai đến.” (Ga 6:29) Tin nhận Chúa Giêsu là tin nhận và tôn vinh Chúa Cha.

Lời nói liên quan hành động, việc làm. Làm chứng là công việc cần thiết, nhưng hành động đó dễ khiến người ta đề cao cái tôi của mình, thế nên cần lưu ý: Cứ cố gắng làm theo khả năng Chúa ban, (1 Cr 3:5) đừng quá chú trọng kết quả, vì kết quả thế nào là tùy vào Chúa. Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” (1 Cr 3:6) Và ông xác định: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.” (Ep 2:10) Đó là bổn phận và trách nhiệm của mọi người.

Ngôn sứ Isaia cho biết Thiên Chúa tiếp tục nói về Đức Kitô qua “Bài Ca Thứ Nhì” của Người Tôi Trung: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.” (Is 49:3) Là Kitô hữu, mỗi chúng ta cũng phải luôn cố gắng trở thành người tôi trung của Thiên Chúa, noi gương Đức Kitô. Ngôn sứ Isaia nói thêm: “Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.” (Is 49:5)

Để nhấn mạnh và nhắc nhở, Thiên Chúa tiếp tục lên tiếng: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.” (Is 49:6)

Ai cũng phải trở thành nhân chứng – nhân chứng của Tin Mừng, của Tình Yêu Thương, của Lòng Chúa Thương Xót, của Chân Lý, của Công Lý, của Ơn Cứu Độ, của Ngôi-Hai-Làm-Người. Thật vậy, Chúa Giêsu đã trao nhiệm vụ cho mọi người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16:15) Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người mỗi cách, mức độ khác nhau, nhưng ai cũng phải thực hiện tích cực theo khả năng riêng, không thể đùn đẩy theo kiểu “không mợ thì chợ cũng đông.” Chúa Giêsu đã nói thêm cho rõ ràng: “Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết.” (Mt 24:14)

Về mọi thứ, cách riêng đối với việc làm, chắc chắn rằng nếu không có ơn Chúa thì chúng ta chẳng làm được gì. (x. Ga 15:5) Đó là sự thật vừa mặc nhiên vừa minh nhiên. Vì thế, luôn phải tin tưởng và trông cậy nơi Chúa, như Thánh Vịnh gia đã tâm sự: “Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu. Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa.” (Tv 40:2 & 4) Đó là cách sống tín thác và khôn ngoan.

Thiên Chúa tạo nên mọi sự, nghĩa là Ngài có tất cả, Ngài không cần gì nữa. Thánh Vịnh gia xác định: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi.” (Tv 40:7) Những gì chúng ta làm, gọi là làm cho Chúa nhưng thực ra cũng chẳng thêm gì cho Ngài, mà lại chỉ thêm ích lợi cho chính chúng ta. Mặc dù Ngài không đòi hỏi, nhưng Thánh Vịnh gia vẫn thân thưa: “Này con xin đến! Trong sách có lời chép về con rằng: Con thích làm theo Thánh Ý, và ấp ủ Luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.” (Tv 40:8-9) Tự nguyện (tình nguyện) luôn đáng giá hơn miễn cưỡng. Thiên Chúa cũng quý trọng động thái đó. Tinh thần tự nguyện liên quan sự tự do, chọn lựa và quyết định.

Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, không ai giấu được bất cứ điều gì đối với Ngài. Nếu chúng ta yêu sự thật thì cũng dám chân thật và thẳng thắn với chính mình. Nếu như vậy, chúng ta sẽ không xấu hổ mà thân thưa với Chúa: “Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.” (Tv 40:10) Không ngậm miệng làm thinh trước bất kỳ ai để bảo vệ chân lý và công lý, không luồn cúi kẻ khác, như vậy mới can đảm và xứng đáng, nếu không thì chỉ là yêu mình, là hèn nhát, bợ đỡ, tâng bốc kẻ “vai vế” hơn mình. Hèn nhát liên quan nhục nhã. Chắc chắn như vậy.

Đã là Kitô hữu thì ai cũng là chứng nhân, phải làm chứng về Đức Kitô – Đấng là con đường, là sự thật và sự sống. (Ga 14:6) Thánh Phaolô nhận thức và xác nhận: “Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Kitô Giêsu, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta.” (1 Cr 1:1-2) Chúng ta là những người kêu cầu danh thánh Giêsu Kitô, nghĩa là chúng ta cũng thuộc về dân thánh của Ngài.

Trở nên chứng nhân là một ơn gọi. Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã có ơn gọi đó, nhưng Thiên Chúa không ép buộc ai, mà hoàn toàn cho tự do hành động theo ý riêng. Muốn làm chứng thì không chỉ cần tự nguyện mà còn phải có lòng can đảm. Nghe chừng đơn giản và dễ dàng, nhưng lại phức tạp và khó khăn. Có lẽ vì vậy mà Thánh Phaolô chân thành cầu chúc: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.” (1 Cr 1:3) Có Ân Sủng và Bình An thì chúng ta hoàn toàn an tâm, có thể đủ can đảm làm chứng về Thiên Chúa – mọi nơi và mọi lúc.

Ngay ngày hôm sau khi ông Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu, có một số người đã đến chất vấn ông, và ông trả lời thẳng thắn: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1:26-27) Kinh Thánh cho biết rõ ràng rằng sự kiện đó xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi chính ông Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu.

Ông Gioan rất thẳng thắn nhưng luôn khiêm nhường. Ông sống giản dị tới mức như “dân bụi đời”, thế nhưng ông rất nghiêm túc. Bề ngoài của ông xem chừng rất “thô”, nhưng tâm hồn ông lại rất mạnh mẽ, cứng rắn, không sợ bất cứ một thế lực nào trên thế gian này. Nói như chơi mà làm thật, chứ không lẻo mép, bép xép, ba hoa, lắm chuyện. Thế mới thực sự có thể gọi là “chịu chơi” đấy. Chắc gì mấy ai dám hành động như ông? Bọn “giá áo túi cơm” chỉ ưa tâng bốc và hèn nhát, hằng ngày chúng ta vẫn thấy họ ở mọi ngõ ngách cuộc đời này. Rất cần nỗ lực tránh “phong cách” của bọn giả hình di truyền “máu” Pha-ri-sêu, vì ở gần loại người đó thì chỉ nguy hiểm mà thôi. Yếu sức thì không nên hóng gió!

Khi thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, ông Gioan liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1:29-30) Một lời chứng giản dị nhưng tuyệt vời lắm. Đó là sự thật, ông Gioan không thể không giới thiệu cho người khác biết.

Thật thâm thúy với câu tục ngữ Việt Nam: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.” Nghĩa là đừng khoe khoang, đừng khoác lác, đừng háo danh, đừng mạo nhận, và đừng tưởng mình là bách khoa tự điển. Ông Gioan thật tuyệt vời vì ông đã không ngần ngại thú thật: “Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.” (Ga 1:31) Và rồi ông còn chứng minh: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” (Ga 1:32-33) Chính ông thấy rõ ràng, nhãn tiền chứ không nghe đồn hoặc nghe người khác kể lại. Không thể sai được!

Ông Gioan là một con người đầy bản lĩnh, một chứng nhân bất khuất, đồng thời cũng chân thật, thẳng thắn và dứt khoát, ông xác nhận: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (Ga 1:34) Sự thật minh nhiên, ai tin thì diễm phúc, ai không tin thì vô phúc. Đó là lẽ tất nhiên.

Đức tin là một hồng ân, và cũng là dạng thông minh tâm linh cần thiết để có thể được hưởng phúc trường sinh. Đức tin thực sự rất quan trọng, đến nỗi Thánh LM Gioan Eudes đã so sánh: “Không khí chúng ta thở, cơm bánh chúng ta ăn, trái tim đập trong lồng ngực chúng ta cũng không cần thiết để giúp chúng ta có thể sống đúng là một con người cho bằng lời cầu nguyện giúp cho chúng ta có thể sống đúng là một tín hữu.”

Lạy Thiên Chúa, chúng con chỉ là hư vô, nhưng lại diễm phúc được Ngài tạo nên giống hình ảnh Ngài, và dù chỉ là cát bụi bất xứng mà vẫn được gọi Ngài là Cha, xin sức mạnh và trí tuệ để chúng con chứng tỏ cho thế gian biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, và Người Con Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Xin thêm tin yêu để chúng con sẵn sàng bảo vệ chân lý, công lý, và kiến tạo hòa bình đích thực. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

-----------------------------

 

TN 2-A149: ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI MANG ÁNG SÁNG


Lm. Giuse Trương Đình Hiền

 

Trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi (2019), bỗng dưng thế giới gợn lên những “đám mây buồn TN 2-A149


Trong những ngày cuối năm Kỷ Hợi (2019), bỗng dưng thế giới gợn lên những “đám mây buồn” làm cho bầu trời thế giới như sầm tối lại:

– Máy bay không người lái của Mỹ sát hại tướng quân cao cấp Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng như Abu Mahdi Muhandis, phó chỉ huy một nhóm dân quân người Shiite của Iraq gần sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1.

– Chưa đầy một tuần lễ sau (8/01), các tên lửa của Iran đã tới tấp nã vào các căn cứ của Mỹ tại Iraq như một “đòn thù” để rửa hận.

– Cũng trong thời gian đó, chuyến bay số hiệu PS752 của hãng Ukraine International Airlines đã rơi ngay sau khi cất cánh từ Tehran trên đường tới Kiev sớm 8/1, bị chính hoả tiển của quân đội Iran tấn công, cướp mạng sống của toàn bộ 176 hành khách và thành viên phi hành đoàn…

– Trong khi đó, tại “quê hương chuột túi”, hàng triệu hecta rừng, với hàng tỷ sinh vật đã bị thiêu cháy trong cuộc “đại hoả hoạn” kinh thiên động địa.

Bầu trời thế giới là thế. Còn Việt Nam chúng ta thì sao?

Lại một chuyện đáng buồn của những ngày cuối năm, những ngày mà đáng lẽ, đồng bào Việt Nam, từ thành thị đến thôn quê, đang nô nức chuẩn bị đón xuân sang, thì một câu chuyện thương tâm lại được ghi thêm vào trang sử đen của chế độ: Đêm 9/01, thôn Hoành, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, cách thủ đô Hà Nội chẳng bao xa, đã bị lực lượng Công An tấn công lúc trời chưa kịp sáng. Nguyên do đến từ những mâu thuẩn tranh chấp đất đai giữa đồng bào địa phương và chính quyền. Cụ lão Kình, nhân vật được cho là “cây cao bóng cả” bị giết chết cùng với một số người khác mà cho đến nay nghi an về cái chết của cụ vẫn còn nằm trong “vũng tối” đầy âm u bí mật!…

Thì ra, cái vũ trụ đáng lẽ ngập tràn ánh sáng của ngày sáng tạo kể từ khi Lời Thiên Chúa phát lệnh đầu tiên: “Phải có ánh sáng.” (St 1,1-5), thì sau biến cố sa ngã của Tổ Tông Ađam-Eva, oái ăm thay, bóng tối lại “lên ngôi”.

– Bóng tối của huynh đệ tương tàn (Cain giết Aben)
– Bóng tối của hận thù chia rẽ (Tháp Ba ben)
– Bóng tối của thiên tai địch họa (Đại hồng thủy)
– Bóng tối của nô lệ lưu đầy (Nô lệ Ai cập, lưu đầy Babylon)
– Bóng tối của tội lỗi và sự trừng phạt (Sô đô ma)
– Bóng tối bịnh hoạn tật nguyền (Gióp)
– Bóng tối của sự chết, mất mát đau thương (Người mẹ trước cuộc tử đạo của 7 người con)…

Thế nhưng, như ngạn ngữ của người Anh: “Every dark cloud has a silver lining” (Đám mây đen nào cũng có viền ánh bạc).

Trong bối cảnh tăm tối lầm than đó, Thiên Chúa đã liên tiếp gióng lên hồi chuông hy vọng qua miệng các sứ ngôn mà nội dung cốt yếu chính là một Tin Vui ngập tràn ánh sáng: Sẽ tới ngày bóng tối lùi xa để nhường chỗ cho một thế giới mới ngập tràn ánh sáng: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Is 9,1).

Và đó chính là:

– Ánh sáng cứu độ” gắn liền với một Đấng Thiên sai đến từ trời: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi mang ơn cứu độ đến toàn thế giới”.(BĐ 1).

– Ánh sáng giải thoát: “Ta đã thấy nổi khổ của dân ta bên Ai Cập và ta muốn giải thoát chúng”;

– Ánh sáng của hoà bình công lý ngự trị: “gươm đao thành cuốc thành cày, giáo mác nên liềm hái”.

– Ánh sáng của phục hồi và chữa lành: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt và cất đi mọi vành khăn tang chế”…

– Ánh sáng bao dung và lòng thương xót: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”…

Và rồi, sau bao ngàn năm mong đợi, ánh sáng đã bừng lên giữa cánh đồng Bêlem, ánh sáng dẫn đưa các mục đồng, các nhà đạo sĩ Phương Đông đến chiêm bái Hài Nhi mang tên Giêsu và là Đấng Emmanuel mà ngôn sứ Isaia đã từng loan báo.

Tuy nhiên, phải đợi đến 30 năm sau, khi chàng thợ mộc đến từ Nadarét lội xuống dòng sông Gio-đan cho ông Gioan làm phép rửa, và sau đó bước lên bờ, thì lời tiên báo thuở nào của Isaia “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi mang ơn cứu độ đến toàn thế giới”, mới trở thành hiện thực cách dứt khoát.

Thật vậy, đó là ngày mà Gioan Tẩy Giả, chứng nhân trực tiếp của cuộc “Hiển Linh” đặc biệt bên bờ sông Gio-đan đã long trọng đoan quyết, như trích đoạn Tin Mừng thứ 4 vừa được công bố: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần’. Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa”.

Và khởi sự từ buổi sáng lung linh diệu kỳ với sự xuất hiện của cả “Ba Ngôi Thiên Chúa” bên bờ sông Gio-đan đó, ánh sáng cứu độ đã bắt đầu đẩy lùi bóng tối của sự chết, của tội lỗi, của đau buồn thất vọng, của thần dữ và nền văn hoá bị thần dữ khống chế…

– Đó là ánh sáng phục sinh đem con người trong âm u cõi chết bước vào cõi sống (La-gia-rô chết 4 ngày năm trong mộ tối, con trai bà góa Naim đang nằm trong quan tài trên đường ra nghĩa địa…)

-Đó là ánh sáng của tình yêu tha thứ để tội nhân từ bỏ con đường tối tăm tội lỗi để quay gót trở về và bước đi trong lộ trình của ánh sáng ân sủng (Gia-kê, Lê vi, Người đàn bà ngoại tình, tên trộm bên phải thánh giá, “Người cha nhân hậu đón đợi con về…”)

– Đó là ánh sáng chân thiện mỹ chữa lành sự cùi hũi, đui mù, què quặt, điếc lác của tâm hồn và thân xác, để con người ngẫng cao đầu làm lại cuộc đời trong hy vọng tin yêu…

– Đó là ánh sáng của niềm hy vọng và hạnh phúc vĩnh hằng chiếu dọi vào những nỗi đau ngút ngàn của thập giá bách hại, trù dập, hận thù, phản bội và muôn ngàn gánh nặng đau thương…(Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính…)

Nhờ ánh sáng của Đấng Phục Sinh bước ra từ mồ trống, đêm tối của những “Ngày Thứ Sáu” loang máu” khắp nơi trên địa cầu, những ngày thứ sáu của chiến tranh tàn khốc, của huynh đệ tương tàn, của đau thương bách hại…, đã bừng lên ánh sáng của niềm vui cứu độ, ánh sáng của sự sống, của niềm hy vọng:

Mừng vui lên hỡi khắp miền dương thế,
Bốn bề đang rực rỡ ánh hào quang.
Vua vĩnh cửu nay rạng ngời chiếu sáng,
Đẩy lùi xa bóng tối của trần gian… (Bài ca Exultet, Mừng vui lên trong lễ Vọng Phục Sinh).

Thế nhưng, công cuộc đẩy lùi bóng tối và “mang ánh sáng cứu độ” đến cho thế giới không là chuyện của một sớm một chiều; và Thiên Chúa cũng không muốn “Con Một” độc quyền làm thay nhân loại. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra Chân lý nầy trong những lời tự sự của Thánh Tông đồ Phaolô nhắn gởi cộng đoàn Côrintô mà chúng ta vừa được nghe lại trong Bài đọc 2: “Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Đức Giêsu Kitô”.

Và tiếp bước Phaolô, Sôtênê…, Hội Thánh trong cuộc lữ hành về vĩnh cửu, đã có hàng hàng lớp lớp những người con trai con gái mang ánh sáng Tin Mừng của Đấng phục sinh thắp sáng mọi miền thế giới: từ những hoang mạc khô cằn châu Phi, Ấn Độ, đến những vùng rừng rậm của thổ dân của Nam Mỹ, Úc Châu, hay tới những cánh đồng, những thảo nguyên bao la của Á Châu…cùng với bao thị thành thôn ấp, đâu đâu cũng rực sáng lên những ngọn đuốc của Tin Mừng, ánh sáng của khai hoá, văn minh, xây dựng và kiến tạo những con người và xã hội mang ảnh hình của Thiên Chúa, mang ánh sáng Chúa Kitô.

Những “người mang ánh sáng” đó phải chăng là những bác học lừng danh luôn trung thành với căn cước và thực hành niềm tin Kitô như Blaise Pascal (1623-1662), Isaac Newton (1642-1727), Rene Descartes (1595-1650), Johanner Kepler (1571-1630), Galileo Galilei (1564-1642), Antoine Lavoisier (1743-1794), Alessadro Volta (1745-1827), Michael Faraday (1791-1867), Andre Marie Ampere (1775-1836), Louis Pasteur (1822-1895)…; đó cũng là những vị thánh Giáo hoàng như Gioan 23, Gioan-Phaolô 2, những nữ tu như mẹ thánh Têrêsa Calcutta, những linh mục, Giám mục như thánh Maximilien Kolbe, Thánh Óscar Romero…

Nếu dân Việt chúng ta không có những nhà thừa sai như Buzomi, Cristoforo Borri, Pina, Alexandre De Rhodes… mang ánh sáng Tin Mừng cho vùng đất nầy, thì làm gì có được chữ quốc ngữ như hôm nay.

Dĩ nhiên, một người, để trở thành “chứng nhân của ánh sáng”, ngoài sự tác động, chọn gọi của Thiên Chúa, phải thấm nhuần và thể hiện hai nhân tố cơ bản của Thánh Gioan Tẩy Giả, là chứng nhân ánh sáng đích thực, khi giới thiệu Đức Kitô cho dân Do Thái: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian.”. Hai nhân tố đó chính là: “đã nghe” và “đã thấy”.

– Nghe Thiên Chúa phán, nghe Lời Chúa: “Đấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép Rửa trong Chúa Thánh Thần”.

– Thấy Thiên Chúa, gặp gỡ đích thân với Thiên Chúa: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài”.

Thật vậy, muốn đạt hiệu quả, lời chứng của người Kitô hữu luôn phải là lời chứng phát sinh từ kinh nghiệm đức tin sống động về Đức Giêsu, một đức tin để “Đức Kitô xuyên thấu cuộc đời mình”, một đức tin luôn “thấp thoáng bóng hình Đức Kitô” qua cách ăn nết ở…

Chút nữa đây, trước khi cho rước lễ, linh mục nâng cao Mình Thánh Chúa và mời gọi cộng đoàn bằn chính những lời của Gioan Tẩy Giả ngày xưa: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”. Khi chúng ta rước lễ, phải chăng đó chính là ăn Thịt Chiên Thiên Chúa, một tác động cụ thể diễn tả niềm tin đón nhận Đức Giêsu, nguồn sống và sự sáng, đồng thời đón lấy ơn cứu độ Ngài ban. Và như thế, chúng ta lại tiếp bước lên đường theo dấu chân của những người mang thân phận “ngôn sứ”, những người mang ánh sáng Đức Kitô, mang Tin Mừng cứu độ cho thế giới…; thân phận của những Gioan Tiền Hô, Phaolô, Phêrô, Sôtênê…sẵn sàng khép mình “nhỏ lại để Chúa Giêsu được lớn lên”, như hạt lúa mì mục nát trong tối tăm lòng đất để bừng lên cánh đồng rực sáng tin yêu; hay, như cái nhìn đầy lạc quan hy vọng của người Anh: làm viền sáng bạc (silver lining) bao quanh những đám mây đen (Every dark cloud has a silver lining). Amen.

-----------------------------

 

TN 2-A150: XÓA MÌNH ĐI


Lm. Giuse Nguyễn

 

Trong sự kiện công bố tên các vị Hồng y đầu tiên trong triều đại Giáo hoàng của mình vào 13.01 TN 2-A150


Trong sự kiện công bố tên các vị Hồng y đầu tiên trong triều đại Giáo hoàng của mình vào 13.01.2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết một lá thư gởi cho các tân Hồng y. Nội dung chính của bức thư như sau: “Trở thành Hồng y không phải là được thăng quan tiến chức, cũng không phải là nhận một vinh dự hay huân chương, nhưng chỉ đơn giản là để phục vụ, điều này đòi hỏi anh em phải mở rộng tầm nhìn và mở rộng con tim. Và, dù có vẻ là nghịch lý, khả năng nhìn xa hơn và yêu thương chan hoà mãnh liệt hơn lại chỉ có thể đạt được bằng cách đi theo con đường Chúa đã đi: con đường xoá mình đi và khiêm nhu, nhận lấy vai trò của người tôi tớ. Vì thế tôi xin anh em hãy đón nhận tước hiệu này với quả tim đơn sơ và khiêm tốn. Và, nếu anh em có vui mừng, thì hãy chắc chắn rằng tình cảm vui mừng ấy rất khác với mọi nét bày tỏ của thế gian hay mọi hình thức ăn mừng trái với tinh thần đơn sơ, chừng mực và khó nghèo của Phúc Âm”.

Từ lá thư đó, và nhất là khi đọc phụng vụ lời Chúa hôm nay, tôi nhận thấy con đường để hiệp nhất, con đường để nên thánh, con đường để về trời phải là con đường xóa mình đi.

Bài đọc thứ nhất (Is 49, 3.5-6) là bài ca về người tôi tớ của Thiên Chúa. Nét chính yếu nơi người tôi tớ này là: “Tôi trung của Ta” (Is 49, 3). Chính nhờ là tôi trung của Thiên Chúa mà Thiên Chúa đã cất nhắc Ngài lên một tầm mức cao trọng hơn: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta… thì Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân” (Is 3, 6). Chính trong lúc người tôi trung của Thiên Chúa lui vào bóng tối, thì Thiên Chúa lại chọn Ngài làm ánh sáng muôn dân. Hình ảnh người tôi trung này được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Ngài đến để trao ban chứ không phải lãnh nhận. Ngài đã xóa mình đi để hình ảnh một Thiên Chúa được rạng rỡ nơi Ngài vì Ngài là mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa Cha.

Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 1, 29-34) là những trang đầu tiên của Tin Mừng Gioan, những trang này nhằm giới thiệu Đức Giêsu cho chúng ta qua trung gian của Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên điều chúng ta cần lưu ý là lúc đó dân chúng chưa biết Đức Giêsu là ai, trong khi danh tiếng của Gioan đã được nhiều người biết đến, đã có đám đông hâm mộ, đã có đồ đệ riêng. Nếu ông ta muốn mình nổi bật thì chỉ cần ông tuyên bố mình là đấng được Thiên Chúa sai đến; hoặc ông nói về Đức Giêsu một cách méo mó, lệch lạc; còn nếu không ông chỉ cần nín lặng, đừng nói gì hết… thì tất cả mọi vinh quang danh dự đều quy về ông.

Nhưng không, khi thấy Đức Giêsu, Gioan liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga1, 29). Làm như thể Gioan không thể chần chừ được, ông đã đợi giây phút này từ lâu rồi để được làm tròn sứ mạng của mình.

Thấy dân chúng còn bán tín bán nghi vì họ chưa biết người mình giới thiệu là ai, Gioan nói mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn: người mà tôi đã từng nói với anh chị em đó! Chẳng những nói mạnh dạn để đánh vào tâm lý của người khác, Gioan còn làm chứng, nghĩa là lấy hết uy tín của bản thân mình để xác quyết điều mình nói: “Tôi xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1, 34).

Gioan chấp nhận trở nên nhỏ bé để Đức Giêsu được lớn lên. Gioan chịu lùi vào bóng tối để Đấng đến sau ông được tỏa sáng: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đây không phải là thái độ nhân bản, mà là tư cách của những ai thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Là sự hiếu thảo của những ai nhìn nhận Thiên Chúa là Cha: Để cho Thiên Chúa được nổi bật trong đời sống của mình. Đường hướng đó được tóm gọn lại trong 3 chữ: Xóa Mình Đi.

Đời sống đức tin là một cuộc hành trình bước theo Đức Giêsu Kitô, học với Ngài để trở nên giống Ngài. Vì vậy chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Kitô “xóa mình đi” để chúng ta cũng có thể bắt chước Ngài sống tinh thần khiêm tốn, phục vụ, không tìm nổi nang, để khuôn mặt Thiên Chúa được tỏ rạng trong cuộc đời chúng ta.

Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu thành Philipphê như sau: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nộ lê, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6). Ngài nhắc cho họ thấy tinh thần tự hủy đến tột cùng của Đức Giêsu. Quả thật, không có hình ảnh và khuôn mẫu của sự hy sinh quên mình nào sánh được với Ngài. Dù con người có hy sinh mạng sống của mình, có quên mình đến chẳng nghĩ gì cho mình thì cũng không thể sánh được với một vì Thiên Chúa hy sinh mạng sống cho con người, khước từ vinh quang của Thiên Chúa để cứu độ con người.

Khi đến trần gian này, Chúa Giêsu đã nói rất rõ ràng: “Lương thực của tôi là thi hành ý muốn của Cha tôi”. Nghĩa là Ngài hoàn toàn quên mình đi để làm cho ý Chúa Cha được thể hiện nơi Ngài. Cũng có những lúc Ngài bị cám dỗ để mình được nổi bật, cụ thể là 3 cơn cám dỗ của ma quỷ. Điểm chính yếu là ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu đừng làm theo ý Chúa Cha, nhưng làm theo những gì Ngài muốn, Ngài dư khả năng để có thể làm được tất cả mọi sự, nhưng Ngài muốn làm theo ý Chúa Cha chứ không phải ý Ngài. Khi người ta bị cám dỗ để khẳng định mình, là người ta đang bị cám dỗ để khước từ Thiên Chúa. Khi người ta để mình nỗi bật là người ta đang để cho Thiên Chúa bị quên lãng trong cuộc đời.

Sau khi đã chiêm ngắm Đức Giêsu, Đấng tự hủy để Thiên Chúa được lớn lên, chúng ta hãy biết xóa mình đi trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời.

Việc xóa mình đi ở đây không phải là cố tình để mình mờ nhạt giữa đám đông, là việc phủ nhận tất cả mọi giá trị của mình, thậm chí là trốn tránh không xuất hiện, hoặc nguy hiểm hơn là tự kết liễu cuộc đời mình. Nhưng việc xóa mình đi là con đường tu đức giúp chúng ta nên giống Đức Giêsu Kitô, sống tích cực trong môi trường của mình, nhưng với ý hướng để Thiên Chúa được lớn lên trong tôi.

Trước hết phải để Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình. Phải nhớ rằng chúng ta chỉ là một loài thụ tạo của Thiên Chúa. Chúng ta được dựng nên bằng tình yêu thương của Ngài, nên phải đáp trả lại tình yêu đó bằng cách để cho Thiên Chúa lớn lên trong cuộc đời chúng ta, để cho chúng ta lệ thuộc vào Ngài.

Một người tri thức thuộc hàng khoa bảng trước khi trở lại đạo công giáo đã nhận xét: “Người Công Giáo lại “cứ quây quần trong mấy xứ đạo như tách rời khỏi cộng đồng dân tộc, do mấy cố đạo chỉ huy, gây ấn tượng làm sao ấy! Thấy người Công Giáo ra vào lui lủi nơi các toà giải tội, lên “lè lưỡi” rước lễ, rồi trở về mắt nhắm, tay chắp gối quỳ – thật là không tài nào chịu nổi! Và nhìn người Công Giáo nào cũng có vẻ như bị “bùa mê”, như “mê” một cái gì đó, bị một ma lực nào quyến rũ, ám ảnh, mê hoặc. Cho nên, chúng tôi – con nhà khoa bảng, học thức – hơi có vẻ khinh đạo Công Giáo, cho như là một hình thức quyến rũ, mua chuộc, mê lú, mà các cố đạo đã đánh bả cho một lớp người hạ lưu trong xã hội! Trong họ vừa có cái gì dễ ghét, vừa có cái gì đáng tội nghiệp như là những người bị mê hoặc”.

Thế nhưng sau khi trở lại đạo Công Giáo, chính người này đã nhận xét: “Sau này tôi mới hiểu rằng cái ấn tượng người Công Giáo như bị “bùa mê thuốc lú”, bị “thần ám”, bị “huyễn hoặc” không phải là không có lý do! Bởi vì trong căn bản, người Công Giáo là kẻ có cảm thức được yêu bởi Thiên Chúa, được yêu một cách khủng khiếp (được yêu mà cũng có thể nói là bị yêu, vì tình yêu nào cũng có tính cách ràng buộc: nợ tình) và được mời gọi đáp lại tình yêu như vậy”. (Nguyễn Khắc Dương, “Vì Người Thích Sự Khiêm Nhường Của Tôi”)

Khi chúng ta yêu Chúa đến si mê, nghĩa là cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho chúng ta quá lớn lao, chúng ta như bị “ám” bởi tình yêu của Ngài, là chúng ta đang để cho Thiên Chúa lôi kéo, đang để cho Thiên Chúa lớn lên trong cuộc đời mình. Chúng ta sẵn sàng thực hành những gì Chúa chỉ dạy mà không thấy nặng nề, khó khăn; ngược lại còn cảm thấy quá ít ỏi vì mình đang sống cho người mình yêu.

Kế đến là xóa mình trước người khác. Đây là hành vi nhân bản, nhưng sâu xa là một hành vi linh thánh. Nghĩa là trong cách cư xử của chúng ta phải biết quên mình, cho đi, đem đến tình yêu thương cho người khác, để Đức Kitô được nổi bật trong nhân cách của chúng ta. Đừng sống, đừng phục vụ vì mình, có cho đi nhưng cứ mong được nhận lại… Như vậy trong cách sống của chúng ta còn tìm khẳng định mình, chưa muốn để mình nhỏ bé.

Phục vụ vì những điều này tôi thích. Cho đi vì những thứ này tôi dư thừa. Làm cho họ, nhưng họ phải làm gì lại cho tôi… Tất cả phải xóa mình đi để Chúa được lớn lên trong tôi.

Xin Chúa cho chúng con biết nhìn nhận Chúa là chủ tể của cuộc đời mình, để quy hướng mọi sự về Chúa. Xin cho chúng con biết bắt chước Chúa để âm thầm phục vụ Giáo hội và những người Chúa đã trao phó cho chúng con, để tất cả đều được lớn lên trong tình yêu của Chúa.

-------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây