Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 5-A Bài 101-130: Các con là sự Sáng thế gian. ------------------------------------ Phúc Âm: Mt 5, 13-16: "Các con là sự Sáng thế gian".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu. (Mt 5, 13-16)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.
"Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời". Suy niệm
Bước vào tuần lễ thứ 5 mùa thường niên, mỗi người tín hữu Kitô được mời trở nên hạt muối, để ướp mặn đời, trở nên chiếc đèn giữa đời, để soi sáng cho đời và để được tan biến giữa đời vì tha nhân, vì tinh thần phục vụ vô vị lợi, một đặc tính của người môn đệ đích thực của Đức Kitô.
Để dân riêng của Giavê thực sự trở thành một dân tộc lớn, họ phải sống theo những luật lệ do Giavê hướng dẫn, họ không chỉ sống cho mình, nhưng phải sống cho người khác, cho cộng đoàn. Trải dài theo năm tháng, khi các Ngôn sứ xuất hiện là lúc đời sống cộng đoàn bị giảm nhẹ, do đó, các Ngôn sứ đã nhắc cho họ biết họ là dân riêng của Thiên Chúa, họ không chỉ sống cho mình, nhưng là sống cho tha nhân, cho Thiên Chúa. Lời nhắc của Ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 giúp mỗi người hiểu hơn về ơn gọi của một thành viên trong cộng đoàn dân riêng của Thiên Chúa: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý của ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang của Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi”. Sống giữa một thế giới dân ngoại, người Do thái bị ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tôn giáo, mọi nghi thức phượng tự bị lây nhiễm từ các dân ngoại bang, mối tương quan tình người cũng bị đảo lộn và những giá trị tinh thần ảnh hưởng rất lớn, tất cả như đang bào mòn những giá trị thánh thiêng của một dân riêng Thiên Chúa, do đó, Thiên Chúa đã sửa dạy họ qua sự hiện diện của các Ngôn sứ và các sứ điệp họ đem đến, từ đây, họ có thể được sửa dạy và hoàn thiện từng ngày. Thái độ sống của mỗi người sẽ là ánh sáng cho dân ngoại nhận biết Giavê đang hiện diện giữa họ, đó cũng là lời nhắc của các Ngôn sứ: “Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”.
Một tâm tình đầy nghĩa tình được thánh Phaolô chia sẻ với con cái ngài tại cộng đoàn Corintho, tâm tình đó giúp họ nhận ra giá trị người môn đệ của Đức Kitô không dựa trên những vẻ hào nhoáng bên ngoài, những địa vị họ có được hay những kho tàng vật chất, nhưng phải dựa trên những giá trị của mầu nhiệm thập giá, một mầu nhiệm khơi nguồn cho tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa: “Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh”. Chính mầu nhiệm thập giá đã liên kết đôi bên thành một, liên kết thánh nhân với cộng đoàn, với mọi người trong tình huynh đệ đích thực. Và cũng nơi đó, mỗi người môn đệ Đức Kitô phải dựa vào sức mạnh của tình thương đến từ Thiên Chúa, để hoán cải tha nhân và đưa họ về với Thiên Chúa: “lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa”. Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi, để từ đây tôi sống cho mọi người cho các linh hồn và cho tình yêu. Lời tự sự rất chân tình và đầy ý nghĩa của thánh Phaolô thật ấm áp nghĩa tình và rất sâu sắc trong tình yêu thập giá.
Câu chuyện về hạt muối, cây đèn vẫn mãi là một hình ảnh đẹp nói về người môn đệ của Đức Kitô, hạt muối, cây đèn sáng, tự nó không cần phải hiện hữu, nhưng nó hiện hữu là cho người khác, cho hoàn cảnh hiện tại và cho những ai đang ở trong bóng tối cuộc đời. Hạt muối, khi tự nó tồn tại, nó chẳng làm nên tích sự gì, nhưng khi nó hoà mình vào những đồ vật cần thiết, nó sẽ lẵng lặng tan biến đi, để làm cho đồ vật đó tốt hơn, hiệu quả hơn và đậm đà hơn, và chiếc đèn cũng thế, nó hiện hữu không đem lại cho nó ích lợi gì, nhưng khi ai đó đi trong bóng đêm hay sống giữa một thế giới âm u, chiếc đèn đó sẽ giúp đỡ người bên cạnh thấy đường, thấy lối, để khỏi lạc, và hơn nữa chiếc đèn còn sưởi ấm những người có nó trên tay. Hữu hiệu và tiện ích của muối và đèn là thế: “Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.
"Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà”. Có những lúc người môn đệ của Đức Kito vẫn tự hỏi: “Thưa Thầy, chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì ?”. Đó có phải là một chiếc đèn sáng không, có phải là một hạt muối hữu dụng không ?, nếu là một hạt muối hữu dụng, một chiếc đèn sáng, thì người môn đệ đó phải hỏi Thầy mình: “Thưa Thầy, để xứng đáng là người môn đệ của Thầy, chúng con phải làm gì ?”. Thầy Chí Thánh đã trở nên hạt muối mặn của tình thương, đã tan biến trong thế giới này để đem bao nhiêu người trở về với Chúa Cha, cuộc đời của Ngài là chiếc đèn, soi sáng lối nẻo và sưởi ấm cho bao tâm hồn lạnh giá và bao con người lầm lạc biết trở về với Thiên Chúa tình yêu. Một hạt muối tự nó chưa đem lại hiệu quả và giá trị cho cuộc sống, nhưng khi nó hiện diện bên cạnh những đồ vật khác cần đến nó, thì nó sẽ chấp nhận hoà tan và huỷ mình đi, giúp cho các đồ vật thêm phần giá trị và đem lại hiệu quả cho cuộc sống.
Hình ảnh chiếc đèn cũng vậy, nếu đặt nó không đúng chỗ, không phải là trên giá, không phải là nơi con người cần, thì nó là một vật vô dụng, nhưng khi đổ dầu của tinh thần phục vụ vào và thắp lên đó một ngọn lửa của tình thương, nó sẽ chiếu sáng cho bao người lầm lạc và bơ vơ giữa cuộc đời, nó sẽ sưởi ấm cho những tâm hồn băng giá và lạnh cóng tình huynh đệ. Thầy Chí Thánh mượn tính hữu dụng của hai đồ vật đó để gợi lên hình ảnh người môn đệ đích thực của Thầy Chí Thánh trong thế giới hôm nay, nếu người môn đệ không sống tinh thần của Tin mừng, không mặc lấy hình ảnh của Đức Kitô, không sống tinh thần tự huỷ, thì không hơn không kém, họ chỉ là những người Kitô hữu vô thần, vì chất mặn nồng của tình thương không có trong tâm hồn và trái tim họ, lửa tình mến và tinh thần phục vụ không cháy lên trong tương quan và thái độ sống của họ mỗi ngày, làm sao họ xứng đáng được gọi là người môn đệ của Đức Kitô, là chứng nhân của tin mừng tình thương giữa lòng thế giới này được.
Trong mỗi bậc sống của người tín hữu, Thiên Chúa luôn đợi chờ cuộc đời họ là những hạt muối mặn của tình thương, của tình người, và đợi chờ ơn gọi họ là những chiếc đèn sáng, được đặt trên giá và luôn đầy dầu, từ đó, ánh sáng được đốt lên, đem lại ánh sáng của tinh thần phục vụ vô vị lợi, đem lại sức nóng của lòng vị tha và đem lại hơi ấm tình người cho tha nhân. Tiếc rằng, người môn đệ đó hiện hữu giữa một thế giới thực dụng của vật chất và quyền bính, của ích kỷ cá nhân và cái tôi nhỏ mọn, do đó, thay vì đem lại cho tha nhân những giá trị tinh thần đầy nhân văn, họ lại gieo vào đó những hạt giống của nền văn minh sự chết, thay vì ướp cho mặn nồng tình thương, họ lại vùi hạt muối đó trong lòng đất lạnh của sự ghen tị và khinh bỉ, thay vì đổ dầu tình thương vào đèn để thắp lên trong đêm đen, họ lại chôn vùi cây đèn đó trong những tảng băng của sự dửng dưng và vô tâm, thay vì thắp lên một ngọn lửa dù leo lắt trong đêm tối, họ lại dập tắt cả những tia hy vọng nhỏ nhoi giữa cuộc đời bằng sự ích kỷ và hẹp hòi. Thay vì họ phải nói: “chúng con phải làm gì cho Giáo hội, cho Thiên Chúa và cho tha nhân, họ đã nói: “ tha nhân đã làm phiền tôi quá nhiều, Thiên Chúa không cho tôi tự do và Giáo hội đã yêu cầu tôi phải sống trong những điều kiện thiếu thốn mọi thứ”. Người Kitô hữu hôm nay có phải đang bị vong thân bởi thế giới vật chất và tục hoá căn tính của mình bởi sự dửng dưng và vô tâm của con người.
Lạy Chúa, Chúa đợi chờ nơi mỗi chúng con sự quảng đại trong tinh thần hy sinh và phục vụ, nhưng chúng con đã làm cho Chúa thất vọng bởi sự ích kỷ và nông nỗi của một tội nhân, xin Chúa thứ tha và giúp chúng con đừng để cuộc đời mình trở thành một hạt muối nhạt đi nhựa sống của tin mừng, để rồi bị vứt ra ngoài cho người ta chà đạp. Chúa đợi chờ nơi chúng con hơi ấm tình người trong việc phục vụ, Chúa đợi chờ nơi chúng con ánh sáng của sự tha thứ, nhưng Chúa đã thất vọng bởi chúng con chỉ đòi hỏi người khác phục vụ mình, và không dám mạnh dạn tha thứ cho tha nhân. Cuộc đời của chung con là thế, xin Chúa đừng chấp tội chúng con và xin Ngài tha thứ cho mỗi người chúng con hôm nay, ngày mai và mỗi ngày. Amen.
Ánh sáng là đề tài được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Thánh. Thiên Chúa là ánh sáng. Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân ta. Chúa là ánh bình minh người người mong đợi. Chúa Ki-tô xưng mình là ánh sáng thế gian. Nhưng đặc biệt Phụng vụ Lời Chúa hôm nay lại hướng về chúng ta và khẳng định chúng ta là ánh sáng. Lời khẳng định này chúng ta gặp trong đoạn trích sách ngôn sứ I-sai-a nói về người công chính. Nhưng rõ ràng nhất, đó là lời quả quyết của Chúa Giê-su, hoặc nói đúng hơn, là mệnh lệnh Người truyền cho chúng ta phải thi hành: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Một mẫu gương làm ánh sáng cho trần gian là thánh tông đồ Phao-lô, người đem ánh sáng là mầu nhiệm Đức Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá đến cho anh chị em dân ngoại. Vậy chúng ta phải là ánh sáng như thế nào và làm sao chiếu tỏa ánh sáng ấy?
a) Ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông (bài đọc 1). Trong Cựu Ước, ánh sáng thường được nhắc đến như một đặc tính thuộc về Thiên Chúa, tuy nhiên đôi khi ánh sáng cũng được áp dụng cho con người. Không phải chỉ Thiên Chúa mới chiếu sáng cho chúng ta, mà chính chúng ta cũng phải làm cho đời sống mình trở thành một thứ ánh sáng phản ánh những sự tốt lành của Thiên Chúa. Vậy Chúa dạy ta phải làm thế nào để trở thành ánh sáng? Qua ngôn sứ I-sai-a, khi nói với chúng ta về cách ăn chay làm sao để đẹp lòng Thiên Chúa, Chúa đã dạy ta những cách sống thực tế để đối xử với anh chị em. Ăn chay không chỉ là việc riêng tư của chúng ta, nhưng nó phải trải hiệu quả ra bên ngoài tới cuộc sống của anh chị em nữa. Thí dụ lúc ta chia sẻ cơm áo với người đói rét, tiếp đón kẻ không nhà là chúng ta chiếu tỏa ánh sáng của lòng Chúa thương xót. Khi ta loại bỏ mọi áp bức tha nhân, không nói hoặc làm điều gì đe dọa hãm hại người khác, “thì ánh sáng của ta sẽ chiếu tỏa trong bóng tối”. Không chỉ chiếu tỏa trong bóng tối chung quanh ta, mà còn trong bóng tối của chính tâm hồn mình nữa. Nhưng chiếu tỏa ánh sáng của chúng ta có nghĩa là chiếu tỏa sự công chính của ta và vinh quang của Thiên Chúa. Ngôn sứ I-sai-a sử dụng hình ảnh rất sống động: “Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi”. Như thế, người phía trước cũng như phía sau và bên cạnh đều có thể nhìn thấy ánh sáng của chúng ta và nhận biết Thiên Chúa qua chúng ta.
b) Chính anh em là ánh sáng cho trần gian (bài Tin Mừng). Nghe Chúa Giê-su tuyên bố những lời trên, chắc các thính giả của Người phải ngạc nhiên hoặc giật mình: Chúng con là ánh sáng cho trần gian sao? Không được đâu, vì nhìn lại bản thân, chúng con thấy mình chỉ là thứ bóng tối mà thôi! Làm sao chúng con trở thành ánh sáng được? Được chứ. Chúng ta thử giải thích theo quang học nhé. Mắt chúng ta nhận ra được những vật chung quanh là nhờ ánh sáng, nhưng chúng ta không thấy được ánh sáng. Sở dĩ chúng ta biết có ánh sáng vì ánh sáng bị các vật chung quanh chúng ta cản lại, nên nhờ đó chúng ta nhận ra được các vật. Sự tốt lành của chúng ta là thứ ánh sáng người khác không thấy được, nhưng khi nó bị “cản lại” do những công việc tốt đẹp của chúng ta, thì người ta mới nhìn thấy những công việc ấy là tốt đẹp. Như vậy, công dụng của ánh sáng giúp người ta nhìn rõ các vật thế nào, thì ánh sáng của sự tốt lành nơi chúng ta cũng giúp người khác nhận rõ được những công việc tốt lành của chúng ta. Kết quả là nhờ thế, “họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.
c) Thêm vào đề tài ánh sáng, Chúa Giê-su còn dùng một hình ảnh khác để nói lên ảnh hưởng tốt khi chúng ta sống giữa anh chị em, đó là: “Chính anh em là muối cho đời”. Ánh sáng để soi; muối để làm cho đậm đà và bảo trì khỏi hư thối. Một cách gián tiếp, ánh sáng giúp người khác “tôn vinh” Thiên Chúa; còn muối thì trực tiếp giúp thay đổi chính con người và môi trường sống của người khác. Dù là cách nào, Chúa cũng muốn cuộc sống chúng ta phải trở thành một khí cụ Người sử dụng để thay đổi hoặc làm cho cộng đồng chúng ta tốt đẹp hơn. Bản chất và tác dụng của muối chính là ở vị mặn. Tất cả đời sống chúng ta phải mang vị mặn, nhưng có lẽ khó mà xác định được vị mặn ấy là gì. Không thể diễn tả, nhưng chúng ta có thể nhận ra vị mặn trong các hành vi, lời nói và cả những ý nghĩ của chúng ta nữa. Một khi chúng được thấm nhuần Muối Nguyên Thủy là chính Chúa Ki-tô, thì chúng sẽ trở nên mặn và sẽ có tác dụng mạnh. Bởi thế, thánh Phao-lô mới dạy chúng ta phải “mặc lấy những tâm tình của Chúa Ki-tô”, phải “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô”, đó là cách chúng ta làm cho “muối” luôn được duy trì và tăng thêm độ mặn!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Lời Chúa hôm nay lại muốn đem thánh Phao-lô ra làm gương mẫu cho ta. Quả thực Phao-lô đã là muối và ánh sáng của Chúa Ki-tô. Ngài không loan báo Tin Mừng của một Chúa Ki-tô anh hùng bách chiến bách thắng, nhưng một Chúa Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế, ngài không giảng cho tín hữu Cô-rin-tô bằng lời lẽ hùng biện, nhưng bằng khiêm nhường. Ngài chỉ muốn làm một tia sáng và hạt muối, rồi để cho “quyền năng Thiên Chúa” hành động. Bạn có muốn là tia sáng và hạt muối không?
Người môn đệ được Đức Giêsu sai vào giữa đời, ở với mọi người để biến đổi lòng người nên tốt TN 5-A103
TMĐP – Người môn đệ được Đức Giêsu sai vào giữa đời, ở với mọi người để biến đổi lòng người nên tốt hơn, làm cho cuộc đời tươi đẹp, hạnh phúc hơn, và hình ảnh của người môn đệ được Đức Giêsu nêu lên hôm nay, chính là Muối và Ánh Sáng cho muôn dân.
Khi nói với các môn đệ: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng nếu muối mà nhạt đi, thì lấy gì làm cho nó mặn lại được?”, Đức Giêsu công nhận sự cần thiết của muối trong sinh hoạt đời sống, và tầm quan trọng của độ mặn ở muối, vì muối mà không mặn thì không thể giữ được cá thịt tươi tốt, cũng chẳng mang lại hương vị mặn mà cho thức ăn, vì “nó đã thành vô dụng”, và người ta “sẽ quăng ra ngoài cho thiên hạ chà đạp thôi” (Mt 5,13)
Muối đã thế, ánh sáng cũng vậy, nghĩa là ánh sáng phải có công dụng xua đuổi đêm đen, có khả năng phá tan bóng tối, nên ánh sáng không thể trốn tránh bóng tối, không thể sợ hãi đêm đen. Trái lại, ánh sáng phải chiếu sáng, “chiếu giãi trước mặt thiên hạ”, như đèn được “đặt trên đế và soi chiếu cho mọi người trong nhà” (Mt 5,15).
Chọn ánh sáng và muối làm hình ảnh của người môn đệ, Đức Giêsu khẳng định đặc tính chủ động và tích cực dấn thân giữa cuộc đời, bên cạnh mọi người của những ai đi theo Ngài, vì một mục đích rất rõ ràng: để “mọi người thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Vì thế, muối và ánh sáng không mặn, không sáng vì mình; không sáng, không mặn cho lợi ích riêng tư; không sáng, không mặn để bản thân được trọng vọng, ngưỡng mộ, thần tượng, nhưng mặn và sáng để làm chứng Tin Mừng; mặn và sáng để “danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa hiển trị, ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời” như kinh nguyện Đức Giêsu dậy các môn đệ Ngài xin cùng Chúa Cha (x. Mt 6, 9-10).
Nhưng làm thế nào, nói cách khác phải sống thế nào để là muối và ánh sáng trong tay Thiên Chúa, nghĩa là muối làm mặn đời bằng Tin Mừng cứu độ, và ánh sáng chiếu soi đời bằng Lời hằng sống?
Ngôn sứ Isaia cho thấy ánh sáng chúng ta phải trở nên, chính là “chia sẻ cơm bánh cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” và “bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông… Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi” (Is 58,7-8).
Thánh Phaolô thì khẳng định: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,2).
Khi nói lên điều này, thánh tông đồ dân ngoại muốn nói với chúng ta: Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chínhlà ánh sáng, và muối chúng ta phải trở nên, vì qua Thánh Giá,Thiên Chúa đã làm chứng tình yêu vô cùng và đến cùng của Ngài dành cho nhân loại; ở khổ đau, ô nhục của Thánh Giá, Thiên Chúa đã tỏ hết trái tim bao dung, thương xót của Ngài đối với nhân loại tội lỗi, nên những ai muốn đi theo làm môn đệ Ngài đều phải “bỏ mình, vác thập giá mình mà đi theo”, bởi chỉ tình yêu tìm được nơi Thánh Giá Đức Giêsu mới ướp mặn được trần gian nhạt nhẽo; chỉ lòng thương xót của Thánh Giá Đức Giêsu mới mang lại hương vị mặn mà cho đời sống con người; chỉ ơn cứu độ từ Thánh Giá Đức Giêsu mới là ánh sáng xua đuổi bóng tối tử thần, phá tan quyền lực thống trị của hoả ngục, và làm cho tội nhân được biến đổi thành con cái ánh sáng của Thiên Chúa.
Như Đức Giêsu, người môn đệ là ánh sáng và muối cho thế gian cũng phải yêu thương thế gian đến chết cho thế gian; cũng phải hy sinh đóng đinh đời mình vào Thánh Giá Đức Giêsu vì hạnh phúc đời đời của người đời như Ngài, bởi không yêu thương bằng “một tình yêu cao cả là chết cho người mình yêu thương” (x. Ga 15,13), như Chúa dạy, người Kitô hữu không thể trở nên muối mặn “hảo hạng”, đèn sáng “lung linh, rực rỡ” trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của Muối và Ánh sáng là “yêu thương như Thiên Chúa yêu thương”, mà tôn vinh Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, “từ bi và nhân hậu, chậm bất bình, và giàu tình thương” với mọi người (Tv 102,8).
Các nhà thần học có thể đưa ra những định nghĩa về kitô hữu. trong tương quan với Chúa Giê su TN 5-A104
Các nhà thần học có thể đưa ra những định nghĩa về kitô hữu trong tương quan với Chúa Giê su Kitô. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta hình ảnh tươi tắn và lạc quan của một kitô hữu trong tương quan với thế giới. Đây là điều Ngài nghĩ về các môn đệ ngày xưa và về chúng ta ngày nay: Anh chị em là “muối cho trái đất”, là “ánh sáng cho thế giới”. Chỉ trong Tin Mừng Mátthêu, hai định nghĩa này mới được đặt gần nhau, Để các môn đệ của Đức Giêsu biết rõ căn tính của mình. Muối là điều “cần thiết cho cuộc sống con người” (Hc 39,26). Muối bảo quản đồ ăn cho khỏi hư và làm cho thức ăn có vị đậm đà. Nhưng muối cũng được dùng để “bỏ vào mọi lễ phẩm dâng tiến” (Lv 2,13).’ Chính Đức Giêsu cũng ca ngợi: “Muối thì tốt… Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em…” (Mc 9,50). Thánh Phaolô cũng khuyên lời nói của người tín hữu nên dễ thương và mặn mà vì “được nêm bằng muối” (Côlôsê 4,6). Nói chung muối thường được nhìn dưới cái nhìn tích cực. Nhưng muối lại không đứng một mình. Muối đi với một vật, thấm nhập, và biến đổi nó tự bên trong. Cá không ăn muối cá ươn. Đức Giêsu không chỉ nói chúng ta là muối, Ngài nói chúng ta là muối cho trái đất này, nơi loài người đang ở. Những gì muối làm cho đồ ăn, chúng ta cũng phải làm cho nhân loại. Trái đất hôm nay với hơn 7 tỷ con người, Vẫn cần đến muối của các kitô hữu để cuộc sống có ý vị hơn. Ai cũng muốn ra khỏi cái nhạt nhẽo vô vị hàng ngày: Bữa ăn nhạt, câu chuyện nhạt, cuộc tình trở nên phai nhạt… Ai cũng muốn thấy mỗi ngày của đời mình đậm đà ý nghĩa. Rất tiếc vì lý do nào đó mà muối trở nên nhạt. Muối nhạt thì không còn là muối nữa, và chẳng muối được ai. Con người hôm nay chờ các kitô hữu là muối còn vị mặn. Nếu cuộc sống trên trái đất còn nhạt, thì các kitô hữu phải xét lại phẩm chất muối của mình. Anh chị em là “ánh sáng cho thế giới” (Mt 5,14). Tuyên bố này của Đức Giêsu làm chúng ta ngỡ ngàng, Vì trong Tin Mừng thứ tư, ba lần Ngài nhận mình là “ánh sáng cho thế giới” (Ga 8,12; 9,5; 12,46). Vào thời Đức Giêsu, chưa có điện, nên ánh sáng là điều rất cần. Người ta vẫn dùng một ngọn đèn dầu để soi sáng cho cả nhà. Ngọn đèn thật quý, vì là nơi mọi người tụ họp, trò chuyện hay làm việc. Bản chất của ánh sáng là tỏa sáng cho những gì chung quanh. Như muối, ánh sáng cũng hiện hữu cho người khác. Không được che giấu ánh sáng, không được lấy thùng mà úp trên đèn. Đức Giêsu khẳng định chúng ta là “ánh sáng cho thế giới”. Chúng ta cần đón nhận sứ mạng lớn lao đó với lòng khiêm nhu. Chẳng ai dám nhận mình là “ánh sáng cho thế giới” nếu không nhận được ánh sáng từ Nguồn Sáng là Đức Giêsu. Vì là ánh sáng, nên kitô hữu tỏa sáng là một điều tự nhiên, như hoa tự nhiên tỏa hương thơm ngát. Người kitô hữu không phô trương để câu sự chú ý về mình. Nhưng họ lại không giấu diếm bản chất thật của họ. Họ mong mình là muối mặn, là ánh sáng tỏa lan. Họ cố gắng làm những công việc tốt lành cho thế giới, với ước mơ làm cho Cha trên trời được tôn vinh. Người kitô hữu chỉ sợ mình là muối nhạt và đèn đã tắt từ lâu. Cầu Nguyện Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con, bằng Thần khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con, để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Thánh Têrêsa Calcutta
Trong một xã hội nghèo nàn còn đầy khó khăn về kinh tế và bị ảnh hưởng bởi lối sống ích kỷ TN 5-A105
Trong một xã hội nghèo nàn còn đầy khó khăn về kinh tế và bị ảnh hưởng bởi lối sống ích kỷ như xã hội Việt Nam của chúng ta, khái niệm có nguồn gốc từ Thánh Kinh “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35) bị coi là lý thuyết suông, là ảo tưởng. Quả thật, xung quanh chúng ta, có nhiều người quá giàu, phung phí tiền bạc vào các cuộc ăn chơi, trong khi có nhiều người rất nghèo, ăn bữa nay lo bữa mai cũng chật vật. Lời Chúa hôm nay kêu gọi thực thi tình liên đới giữa con người với nhau. Theo Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, tiền bạc tài sản mà chúng ta đang có đều là sở hữu chung, Chúa trao cho chúng ta quản lý và sinh lợi. Vì thế, người giàu mà không biết sử dụng của cải cho hợp lý sẽ mang tội. Nhân ngày môi trường thế giới 5-6-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố: “Lương thực để lãng phí là lương thực ăn cắp của người nghèo” (La nourriture gaspillée est une nourriture volée aux pauvres). Theo Đức Thánh Cha, mỗi người đều phải trân trọng của cải và sử dụng đúng mức, đồng thời phải biết chia sẻ cho những người kém may mắn đang sống xung quanh. Gần đây, một nhóm từ thiện tổ chức quyên góp đồ đã qua sử dụng để tặng cho người có nhu cầu. Họ đã trương khẩu hiệu: “Mọi sự đều là của chung, khác nhau ở chỗ ai dùng mà thôi”. Quả thực, tất cả những gì chúng ta đang sở hữu là do Chúa trao cho chúng ta quản lý. Chúng ta không được phép lãng phí và phải quan tâm đến những người đang có nhu cần, nhất là những người bất hạnh cơ nhỡ.
Chúng ta hãy trở về với Bài đọc I của Chúa nhật hôm nay. Ngôn sứ Isaia đã ca tụng những nghĩa cử chia sẻ liên đới với người nghèo. Đối với những ai biết chia sẻ cảm thông, Chúa sẽ làm cho đời họ bừng lên như ánh sáng lúc rạng đông. Người nào luôn dấn thân phục vụ người nghèo, cởi trói cho người bị gông cùm, nhường miếng ăn cho người đói khát… khi họ kêu cầu với Chúa, Ngài sẽ mau mắn trả lời. Sau này, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta, khi chúng ta giúp đỡ người nghèo là chúng ta giúp đỡ chính Chúa; khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của anh chị em là chúng nhắm mắt làm ngơ với chính Chúa (x. Mt 25, 1-46). Lòng rộng rãi chia sẻ là lý do để được Chúa chúc phúc. Ai cho đi cách quảng đại, sẽ được Thiên Chúa cho lại.
Như vậy, với ánh sáng của Lời Chúa chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của khái niệm được nhắc tới trên đây: cho thì có phúc hơn là nhận. Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã trải nghiệm được niềm vui này. Khi giúp đỡ chia sẻ, chúng ta hy sinh một chút tiền bạc, thời giờ hay sự kiên nhẫn, đổi lại chúng ta sẽ được niềm vui trong tâm hồn vì chúng ta vừa làm một việc tốt. Đó là niềm vui của chia sẻ. Tuy vậy, chúng ta chỉ có được niềm vui khi hành động chia sẻ được thực hiện cách tự nguyện và được thúc đẩy bởi lòng bác ái, chứ không phải vì miễn cưỡng hay vì vụ lợi hoặc nhằm tiếng khen.
Hai chất liệu được Đức Giêsu sử dụng để so sánh với những đức tính của người môn đệ: muối và ánh sáng. Đây là hai yếu tố quan trọng của đời sống con người. Chúa Giêsu mời gọi những ai theo Chúa hãy cố gắng mỗi ngày để đem cho cuộc đời vị mặn của tình thương và ánh sáng của lòng tốt. Trong nghi thức rửa tội trước đây, vị chủ sự đặt một chút muối vào miệng người được rửa tội với lời nguyện xin cho người tín hữu này được sống như muối cho thế gian. Ngày nay, nghi thức chỉ còn giữa lại phần trao cây nến cháy với lời mời gọi người vừa được rửa tội hãy sống như con cái sự sáng.
Cuộc sống này là một cuộc tranh đấu không ngừng giữa sự thiện và sự ác; giữa ánh sáng và tối tăm. Vì thế mà muối có thể bị mất vị mặn, ánh sáng có thể bị che mờ. Vị mặn làm nên giá trị của muối; chiếu soi là vai trò chính của ánh sáng. Mất vị mặn, muối chắng còn là muối; ánh sáng bị che phủ sẽ trở thành vô nghĩa. Đời sống Kitô hữu mà không còn khả năng ướp mặn cuộc đời hay không còn khả năng chiếu soi nhân loại sẽ trở thành hư vô trống rỗng.
Đức Kitô là ánh sáng trần gian. Người đến để soi chiếu nhân loại. Hôm nay Người vẫn hiện diện để tiếp tục soi sáng cho những người đang đi trong tối tăm trên đường lữ hành trần thế. Giáo huấn của Người vẫn là muối ướp cho đời, đem cho cuộc sống này vẻ đẹp và sức sống thần linh. Chúa Giêsu đã đem lại cho con người niềm vui và hạnh phúc bằng cái chết trên thập giá. Điều đó cho thấy, việc thiện chí đem lại niềm vui cho tha nhân bao giờ cũng đòi hỏi sự hy sinh. Có những hy sinh âm thầm, nhưng cũng có những hy sinh đòi hỏi người tín hữu phải cố gắng đến mức anh hùng. Thánh Phaolô đã trải qua kinh nghiệm quý báu này, và ngài quả quyết với chúng ta: “Quả thật, tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (Bài đọc II). Một khi sống tinh thần hy sinh của Đức Giêsu, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được niềm vui của chia sẻ”.
Bạn đã bao giờ cảm nghiệm được niềm vui của chia sẻ chưa? Bạn hãy thử đi, chắc chắn Chúa sẽ cho bạn những điều bạn không ngờ tới.
Toả sáng giữa đời, đó là sứ mạng của mỗi chúng ta. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Đây TN 5-A106
Toả sáng giữa đời, đó là sứ mạng của mỗi chúng ta. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Đây vừa là lời mời gọi, vừa là một mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ.
Sống trên đời, mỗi người chúng ta giống như một ngôi sao trên bầu trời. Triệu triệu ngôi sao trong dải ngân hà, không có hai ngôi sao giống nhau hoàn toàn. Những ngôi sao khác nhau về kích cỡ, về cường độ ánh sáng và về tốc độ vận chuyển. Thiên Chúa là Đấng “ấn định con số các vì sao, và đặt tên cho từng ngôi một” (Tv 147,4). Thiên Chúa cũng biết mỗi người chúng ta, và Ngài khắc tên chúng ta trong bàn tay của Ngài. “Ta đã gọi con bằng chính tên con. Con là của riêng Ta” (Is 43,1).
Chúa Giêsu mời gọi những ai muốn theo Chúa phải toả sáng như những ngôi sao trên bầu trời. Sống trên đời, mỗi người một tên gọi, một khuôn mặt, một cá tính, một nghề nghiệp và một sở thích. Tuy vậy, lý tưởng chung của tất cả đều là sự hoàn thiện, mặc dù khái niệm “hoàn thiện” được hiểu khác nhau.
Toả sáng giữa đời, đó là sứ mạng của mỗi chúng ta. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Đây vừa là lời mời gọi, vừa là một mệnh lệnh mà Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ. Chúa Kitô là ánh sáng thế gian. Những ai đi theo Người cũng phải trở nên ánh sáng, vì tin vào Chúa là cố gắng nỗ lực mỗi ngày để trở nên giống như Người. Lệnh truyền này không phải là lý thuyết, nhưng là những đề nghị thực hành cụ thể. Đó là những việc thiện hảo mà người môn đệ thực hiện đối với những người xung quanh. Những việc tốt lành này sẽ giúp người tín hữu toả sáng giữa đời. Những người chưa tin Chúa sẽ nhận ra Người thông qua những cử chỉ tốt lành mà người môn đệ đang làm.
Một cách cụ thể hơn, ngôn sứ Isaia đã diễn giải những việc làm giúp chúng ta toả sáng giữa đời: đó là cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ những người cô thế cô thân, những người đau khổ bần hàn. Vị ngôn sứ viết: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành…”. Những việc làm nhân ái có tác động thật diệu kỳ: khi giúp đỡ ai, thì vết thương nơi mình được chữa lành. Khi thương người nghèo, thì lời cầu nguyện lên Chúa được Ngài nhận lời. Khi cho đi, là khi nhận lãnh. Khi quên mình, thì gặp lại bản thân. Đó là sự kỳ diệu của sẻ chia và phép lạ của lòng nhân ái. “Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng của người sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ”. Thiên Chúa là Đấng rộng rãi quảng đại. Ngài sẽ ban lại gấp trăm cho những ai từ tâm chia sẻ với tha nhân.
Tác giả Thánh vịnh cùng chung một cảm nhận: Ánh sáng sẽ bừng lên nơi người từ bi nhân hậu và công chính. Ánh sáng ấy vừa là ánh sáng thần thiêng đến từ Thiên Chúa, vừa là ánh sáng toả lan nơi tâm hồn người thánh thiện. Quả vậy, những ai bao dung quảng đại sẽ cảm nhận được sự an bình và niềm vui đến từ Thiên Chúa.
Nhân loại vừa trải qua thời kỳ khó khăn. Con virus Côrôna nhỏ bé đã làm đảo lộn thế giới. Hệ luỵ của đại dịch Covid-19 sẽ còn tồn tại nhiều năm. Trong những thời khắc của đại dịch, người ta được chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp thấm đậm tình người. Cũng trong thời đại dịch, nhiều người lợi dụng để trục lợi trên đau khổ của đồng bào. Họ mượn chức danh của mình để vơ vét không thương tiếc, miễn sao thu lợi thật nhiều. Thế mới thấy, lòng tham của con người là vô đáy, và sự vô cảm của con người thật khủng khiếp. Người ta bất chấp lương tâm, bất chấp sự đau khổ của tha nhân, miễn là thu tích được nhiều tiền cho bản thân và cho gia đình. Những người này, không chỉ bị pháp luật lên án, mà còn bị lương tâm cắn rứt suốt đời vì sự bất công tham lam và ăn chặn của người nghèo.
“Anh em là muối cho đời». Ai trong chúng ta cũng biết tác dụng và ích lợi của muối. Thiếu muối, mọi đồ ăn đều trở nên vô vị. Vào thời Chúa Giêsu, khi chưa có tủ lạnh như hiện nay, muối không chỉ để nêm vào món ăn, mà còn là chất liệu bảo quản thực phẩm. Chúa muốn những ai tin vào Người phải trở nên muối ướp trần gian, tức là làm lan toả xung quanh sự thánh thiện, mặc dù đời còn đầy bóng tối của bất công và ghen ghét hận thù.
Làm sao có thể trở thành muối và ánh sáng giữa một cuộc sống đầy cạnh tranh và mưu mô tính toán. Thánh Phaolô trả lời : nhờ Đức Giêsu Kitô (Bài đọc II). Đối với thánh nhân, Đức Giêsu là lý tưởng duy nhất. Mối bận tâm lớn nhấn của thánh Phaolô là làm sao để trung thành với Đức Giêsu. Trọn cuộc đời của thánh nhân là dành cho Chúa. Dù gông cùm, tù đầy, đòn vọt và sự khi bỉ của người đời, vị Tông đồ dân ngoại vẫn không hề nao núng, vì « chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta » (Rm 8,39). Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy cậy dựa vào lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa, chứ đừng dựa vào người phàm. Nhờ đó, chúng ta có đức tin chân thật và vững chắc.
Chúng ta đang sống trong những ngày đầu xuân Quý Mão. Nắng ấm của mùa xuân làm cho lòng người ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc. Xin cho mỗi chúng ta cũng trở nên như nắng xuân, đem sức sống, sự bình yên và niềm vui cho mọi người. Nguyện xin Chúa Xuân chúc phúc cho mỗi chúng ta. Amen.
Anh em là ánh sáng cho đời. Vì thế, anh em phải sống sao để người ta nhìn thấy việc tốt anh TN 5-A107
Anh em là ánh sáng cho đời. Vì thế, anh em phải sống sao để người ta nhìn thấy việc tốt anh em làm mà ca tụng Cha trên trời.
1. Anh em là muối đất
Đức Yêsu mời mỗi người nghe Ngài là muối đất, là ánh sáng cho đời. Muối là vật giữ cho những điều khác khỏi hư. Chẳng hạn trong một nơi không có tủ lạnh, nếu không được ướp muối thì cá hoặc thịt một con vật không thể để lâu được, nó sẽ bị ươn thối. Kitô hữu là muối đất, hàm chứa ơn gọi Kitô hữu là sống giữa đời, giữa những người khác, nhưng qua đời sống của họ, làm men làm muối cho đời, giúp thế gian này không bị hư đi.
Khi nói đây là ơn gọi, nghĩa là, Chúa muốn và mời gọi Kitô hữu sống như vậy. Ơn gọi giáo dân là ơn gọi sống giữa đời, làm gương sáng cho đời bằng chính cuộc sống của mình chứ không chủ yếu bằng lời nói. Giáo dân là người cùng chia sẻ thân phận với người đời, gặp những khó khăn như họ, có những thao thức như họ, cũng bị gian truân thử thách như họ mọi đàng. Chỉ khác một điều, Kitô hữu là người tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Yêsu Kitô. Niềm tin vào Thiên Chúa và Đức Kitô, đòi buộc và giúp Kitô hữu sống như con cái Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Khó khăn thì giống nhau nhưng Kitô hữu được gọi sống dựa vào Thiên Chúa Tình Yêu. Khi sống như vậy, Kitô hữu sẽ sống an bình hơn. Chính điều này làm Kitô hữu nên men nên muối cho đời. Ở giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Sống hoà với mọi người, nhưng vẫn khác; sống giống như mọi người, nhưng vẫn khác. “Hoà nhi bất đồng, đồng nhi bất hoà”. Ở giữa thế gian, để thành dấu hỏi cho thế gian, để là chứng nhân của bình an và hy vọng.
2. Diễn tả tình yêu cách cụ thể: chia cơm sẻ áo
Lời Chúa trong sách tiên tri Ysaya khuyên người ta hãy chia cơm bánh cho người đói, cho người bị áp bức và không nhà cửa ở nhờ, cho người trần trụi áo mặc. Làm như vậy, khi cầu nguyện Chúa sẽ nghe, khi bị tai hoạ kêu cầu Chúa sẽ cứu.
Chính khi yêu người khác, giúp đỡ người khác trong nhưng cơn cùng quẫn của họ, làm họ bớt khổ, nâng đỡ họ khỏi sa phải cảnh cùng khổ hơn, giúp họ an bình hạnh phúc hơn, thì mình trở nên đẹp hơn, cao thượng hơn, tuyệt hơn và đáng yêu hơn. Chính khi giúp đỡ người khác, thì mình cũng được giúp đỡ hơn. Chính khi giúp người khác hạnh phúc, thì mình được hạnh phúc hơn. Chính khi giúp người khác triển nở, mình sẽ được triển nở hơn và trưởng thành hơn.
Khi yêu, người ta còn hy vọng, còn chờ còn đợi. Tình yêu với niềm hy vọng, có thể biến đổi con người, và có sức biến đổi lòng người. Trong lịch sử Giáo Hội, thánh Augustinô là một thí dụ. Ngài hoang đàng, nhưng người mẹ tốt lành đạo đức luôn cầu nguyện cho Ngài, và Ngài đã trở lại. Ngài đã được rửa tội, làm linh mục, làm giám mục, làm thánh; và mẹ Ngài cũng là thánh Mônica, vì đã là một người mẹ gương mẫu: thương con. Thiên Chúa vẫn yêu và chờ người tội lỗi sám hối trở lại với Ngài; và chúng ta tin rằng tình yêu của Ngài sẽ chiến thắng.
3. Quyền năng Thiên Chúa tỏ lộ qua những gì yếu đuối tầm thường
Thánh Phaolô nói với dân Corintô rằng, khi Ngài tới với họ, Ngài không biết gì hơn họ ngoài Đức Yêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh. Ngài đến với họ như một người ốm yếu, run rẩy sợ sệt, để sức mạnh của Tin Mừng được tỏ hiện.
Một người có thể được ơn trở lại, không phải vì họ nghe một bài giảng hùng hồn hay bài giảng thuyết cao sâu, nhưng có thể đơn sơ được đánh động bởi một hành vi bác ái của ai đó. Đời sống chan chứa tình bác ái của mẹ Têrêxa thành Calcuta có sức thuyết phục hơn những bài giảng hay rất nhiều.
Không nhất thiết phải học thần học và được đào luyện tại trường lớp mới thành người rao giảng Tin Mừng. Nếu mỗi người chúng ta sống yêu thương, chúng ta trở thành người rao giảng Tin Mừng, trở thành chứng nhân tình yêu- người làm chứng tình yêu của Thiên Chúa cho những người sống xung quanh chúng ta. Hãy sống sao, để những người sống với chúng ta thấy rằng Thiên Chúa yêu thương họ qua chúng ta. Có thế, chúng ta là men là muối, là ánh sáng cho đời, là người mang hạnh phúc cho người khác, và chúng ta cũng được hạnh phúc từng ngày.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Bạn có bí quyết sống hạnh phúc không? Xin bạn chia sẻ. 2. Bạn có kinh nghiệm hạnh phúc khi giúp người khác bớt khổ hoặc hạnh phúc không? 3. Bạn bị phiền gì bởi người sống xung quanh nhất? Có ai sống với bạn cần bạn sửa đổi điều gì để họ được thoải mái hơn không? Bạn có sẵn sàng làm điều đó không?
Bài Phúc Âm (Mt 5, 13- 16) hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh rất cụ thể để định nghĩa cho TN 5-A108
Bài Phúc Âm (Mt 5, 13- 16) hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra hai hình ảnh rất cụ thể để định nghĩa cho đời sống Ki-tô-hữu, sống nên ánh sáng và muối ướp cho đời: "Các con là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian". Vậy thì muối và ánh sáng có ý nghĩa gì?
Trong cuộc sống, muối và ánh sáng rất cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Muối là một loại vật chất cần thiết cho nhu cầu con người trong nhiều lãnh vực. Thời xưa, Người HyLạp coi muối như thần linh. Trong một câu ngạn ngữ bằng tiếng La-tinh: "Nil utilius sole et sale" (Không có gì hữu ích hơn là mặt trời và muối). Vào thời Chúa Giêsu, muối được nối kết với ba đức tính cao quý của con người: sự thanh khiết, bảo trì, và khẩu vị. Thật thế, Người La Mã nghĩ rằng muối là vật thanh khiết vì nó đến từ sự thanh khiết nhất đó là mặt trời và biển cả. Do đó muối là của lễ đầu tiên được dâng cúng cho các thần, và khi kết thúc một ngày, những lễ vật của người DoThái được dâng lên với muối. Nếu người Kitô hữu là muối, ắt hẳn phải là một gương mẫu của sự thanh khiết.
Thời cổ xưa, muối là một phương tiện phổ thông nhất để giữ gìn cho đồ ăn khỏi bị hư thối, muối bảo trì và giữ nó tươi. Muối khi dùng để ướp thực phẩm sẽ giúp cho khỏi bị ung thối, làm tăng thêm hương vị, và tẩy sạch mùi hôi. Nếu người Kitô hữu là muối, ắt phải có một ảnh hưởng chống lại những điều độc hại giống như vi trùng trong cuộc sống. Những đặc tính vĩ đại và hiển nhiên nhất của muối là làm cho món ăn đậm đà và ngon miệng, đồ ăn thiếu muối sẽ trở nên nhạt nhẽo. Giống như muối làm cho lương thực trở nên ngon, người Kitô hữu cũng tạo nên khẩu vị thơm ngon cho cuộc đời.
Muối cũng được dùng để đốt lửa cho hiệu quả hơn. Thời đó muối còn dùng để giúp cho sự đốt cháy. Ở vài nơi trên thế giới, các thiếu nữ trộn muối vào phân lừa và phân lạc đà và đóng thành từng bánh tròn, phơi khô và dùng để đun lò. Người ta đun lò đất bằng cách chất những bánh phân khô trên một lớp muối. Khi đốt lò, muối sẽ giúp đốt cháy những bánh phân. Khi muối mất vị mặn sẽ không còn giúp đốt cháy nữa và sẽ bị đổ đi. Hình ảnh của muối đùng để đốt cháy liên kết với hình ảnh của lửa chiếu sáng thế gian... Muối còn được dùng để trị bệnh trong y học dân gian: muối sát trùng, đắp vào chỗ bong gân, ngăn ngừa bệnh tật; muối để giúp tiêu hóa,... Ngoài ra, muối còn có nhiều công dụng khác nữa, kể cả cho các loài động và thực vật.
Về ánh sáng. Là một loại vật chất mà nhờ nó, người nhận thấy các sự vật xung quanh mình. Ở những nơi tối, người ta càng cần đến ánh sáng và càng nhận thức rằng ánh sáng rất cần cho cuộc sống. Có thể nói: không có ánh sáng thì không thể có sự sống.
Sau khi so sánh các muôn đệ của mình với muối, Chúa Giêsu lại dùng một hình ảnh ánh sáng cụ thể để nói về vai trò của họ: "Các con là ánh sáng cho trần gian" (Mt 5,14). Chúa Giêsu nói về chính mình: "Ta là ánh sáng thế gian" (Ga 8, 12). "Bao lâu Chúa Giêsu còn ở thế gian, Ngài là ánh sáng thế gian" (Ga 9, 5). Bao lâu thân xác Ngài còn đang hiện diện nơi trần thế, chính Ngài là ánh sáng thế gian. Nhưng khi cuộc đời trần thế của Ngài không còn nữa, các môn đệ của Ngài phải đóng vài trò ánh sáng thế gian. Vì họ đã được hấp thụ bởi chính nguồn ánh sáng là Đức Kitô, nên phải phản chiếu lại ánh sáng đó (Ga 13,15). Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta, những Ki-tô hữu hãy sống như con cái sự sáng, hãy tỏa ánh sáng Chúa Ki-tô, tỏa hương thơm tốt lành là những việc thiện để người đời nhận biết Chúa Ki-tô, Ánh Sáng của Muôn Dân và Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian.
Ngày chịu phép rửa tội, mỗi người chúngta đã đón nhận cây nến được đốt lên từ ánh sáng Chúa Kitô. Qua lời hứa của cha mẹ đỡ đầu, chúng ta chấp nhậ phản chiếu ánh sáng Đức Kitô đó bằng chính đời sống Kitô hữu của mình. Ánh sáng của cây nến là biểu tượng của Đức Tin trong đời sống Kitô hữu.
Sách giáo lý công giáo số 1216 xác định rằng: Trong phép rửa tội, người được rửa tội nhận lầy Ngôi Lời là "ánh sáng đích thực soi sáng mọi người" (Ga 1, 9) và sau khi được soi sáng như thế họ trở nên "con của sự sáng" (1Tx 5, 5) và chính bản thân họ là "ánh sáng" (Ep 5, 8).
Công Đồng Vatican II khuyên như sau: "Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc Âm và thánh hoá. Chính đời sống Kitô hữu và những việc lành được làm với Thiên Chúa, vì Chúa phán: "Sự sáng của các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời" (Mt 5, 16) (Apostolicam Actuositatem, đoạn 6).
Như vậy, bản chất của muối là mặn. Cũng thế, bản chất của người môn đệ Chúa Ki-tô là rao giảng Tin Mừng, là con cái Thiên Chúa, là giữ gìn cho thế gian khỏi phải hư đi.Tôi là một Ki-tô-hữu, vậy tôi phải có "vị mặn Ki-tô". Nếu tôi không có "vị mặn Ki-tô" thì tôi không giúp gì cho thế gian cả. Như chúng ta đã biết muối được dùng để bảo quản thức ăn và đem lại hương vị đậm đà. Thế nhưng, nếu một khi muối đã lạt, nó sẽ chẳng còn giá trị nữa. Lúc đó nó sẽ bị vứt ra ngoài đường và bị chà đạp dưới chân. Cũng thế, người Kitô hữu sống giữa lòng cuộc đời phải là như muối mặn, đem lại tình thương, niềm vui mừng và hy vọng cho mọi người. Hơn nữa, người Kitô hữu sống giữa lòng cuộc đời phải là như ánh sáng chiếu trong u tối, soi đường dẫn lối cho người khác tìm gặp Đức Kitô. Để thực hiện được điều này, chúng ta xin ơn Chúa trợ giúp để ta có ý chí mà thi hành. Trong giây phút này, mỗi người hãy nhìn vào cuộc sống để xem mình đã thực sự trở thành muối, cũng như đã trở thành ánh sáng của Đức Kitô hay chưa?
Ước gì trong cuộc đời người Kitô hữu, chúng ta ý thức được vai trò làm muối và ánh sáng như lời Chúa dạy trong bài Phúc Âm hôm nay. Để chu toàn trách nhiệm này, xin Chúa cho chúng ta tình yêu của Chúa để chúng ta can đảm làm theo điều Chúa muốn.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết gìn giữ ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong lòng chúng con, để chúng con can đảm sống chứng nhân là muối là ánh sáng cho trần gian trong tình yêu và lời mời gọi của Chúa. Amen.
Lời Chúa hôm nay chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần. Chúng ta cảm thấy như quen thuộc và TN 5-A109
Lời Chúa hôm nay chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần. Chúng ta cảm thấy như quen thuộc và không còn chú ý. Hôm nay, chúng ta hãy dừng lại suy nghĩ vì lời Chúa không bao giờ cũ mà luôn luôn mới, chỉ có chúng ta lơ đảng thôi.
Chúa nói: “Anh em là muối đất”. “Anh em là ánh sáng thế gian”. Chúa không nói: Anh em là cái gì có muối, mặn như muối, anh em là mặt trời, sáng như mặt trời mà nói: “Anh em là muối, là ánh sáng” . Từ Là nầy nói cho chúng ta biết bản chất chúng ta là muối, là ánh sáng. Muối được nhiều tác giả giải thích bằng nhiều cách, nhưng chúng ta hãy hiểu theo nghĩa đen là chất để ướp mặn, là chất để giữ cho thức ăn khỏi hư thối, là một chất thiết yếu cho cuộc sống con người. Ánh sáng cũng thế. Không có ánh sáng, chúng ta không thể sống được.
Chúa Giêsu dùng một hình ảnh cụ thể để giúp chúng ta hiểu vai trò thiết yếu của chúng ta trong thế giới nầy. Chúa Giêsu giao cho chúng ta, những kẻ tin, thế giới nầy, giữ cho nó đừng thối rữa, làm cho nó sáng rực lên.Nhưng hình như chúng ta đã để cho thế giới hôm nay thành một bãi tha ma kinh khiếp, và ánh sáng đã bị bóng tối của tội lỗi và gian ác che khuất mất rồi. Hãy nhìn xem thế giới hôm nay như thế nào! Thật đáng buồn! Một thế giới đã băng hoại gãy đổ, hỗn loạn, không còn gì là tươi sáng mà thê lương ảm đạm. Con người ngày hôm nay mất phẩm chất, đang tiêu diệt lẫn nhau, không thương tiếc. Vậy thì muối ở đâu? Ánh sáng đã chiếu vào đâu?
Chúa Giêsu nói: “Nếu muối lạt đi, thì còn dùng để làm gì?” Thực ra muối không lạt được, vì bản chất của nó không thể mất đi, nhưng nó có thể bị tiêu hao và không còn ảnh hưởng. Muối không thể mất chất, nhưng nó có thể bị loãng đi trong nước. Nếu nước quá nhiều thì muối không còn gì nữa. Lúc ấy muối đã hết công dụng. “Anh em là muối đất”. Chúng ta đã bị pha loãng quá nhiều rồi. Chúng ta bị chìm ngập trong một đại dương vô đạo và vô nhân đạo, thì chúng ta còn ích lợi gì cho ai? Đó là thảm trạng của chúng ta hôm nay.Người Công giáo đã bị tan biến trong thế giới, không còn tác dụng, không còn là muối nữa. Chúng ta bị người đời khinh chê là phải vì chúng ta không còn xứng đáng nữa. Chúa Giêsu không còn hiển hiện trong chúng ta, thì chúng ta còn là gì? Chúng ta có thể làm nhân chứng không?
Chúa nói: “Anh em là ánh sáng thế gian”, cũng như Chúa là ánh sáng thế gian. Chúng ta trở nên như Chúa, chúng ta phải là hiện thân của Chúa. Điều nầy đã dược nhắc đến nhiều lần và sinh ra nhàm chán, nhưng nó không thể hiện bằng thực tế nữa. Chúng ta không là ánh sáng nữa mà chính sự tối tăm đã che khuất ánh sáng. Tội ác như những núi lửa phun khói bao trùm cả thế giới làm ô nhiễm các linh hồn. Thảm trạng của thế giới hôm nay là do lỗi của chúng ta, những Kitô hữu. Người ta không còn thấy ánh sáng của Chúa nữa, người ta đã tạo nên thứ ánh sáng khác. Ban đêm, các thành phố sáng rực ánh đèn, không phải để soi sáng những gì khả ái tốt đẹp mà để phơi bày những sự sang trọng trần thế, sự sang trọng của một số người; để soi sáng những nơi ăn chơi nhảy múa; để phơi bày sự ích kỷ dã man của con người. Đang lúc những người nghèo khổ tàn tật chui rút trong bóng tối vô tâm của người giàu có, đang che khuất nỗi khổ của họ.Chúng ta là ánh sáng thế gian ư?
Đức Bênêđictô 16 đã viết trong Tự Sắc CỬA ĐỨC TIN: “Chúng ta không thể để cho muối lạt đi và ánh sáng bị che phủ”. Vậy phải làm gì? Chúng ta ngồi khoanh tay để cho thủy triều tội ác cuốn trôi tất cả hay sao?
Thứ nhất, phải tìm về bản thân chúng ta. Chúng ta đã là ánh sáng chưa, hay chúng ta đã trở thành bóng tối? Muốn là ánh sáng, theo Đức Bênêđictô, phải trở về với Lời Hằng Sống. Phải nuôi dưỡng chính mình bằng của ăn thiết yếu là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Đức Bênêđictô đã nói: “Chúng ta phải tìm lại sở thích nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa và Bánh Hằng Sống”. Chúng ta đã như dân Do thái trong sa mạc ngày nào đã nói với ông Môsê: “Chúng tôi đã quá nhàm chán thứ của ăn nầy rồi”. Hay chúng ta ăn mà không biết mình ăn gì? Chúng ta không muốn ăn thứ Bánh Hằng Sống mà chỉ muốn lương thực trần gian.
Ăn lấy Ngài chúng ta sẽ là một với Ngài, chúng ta mới có thề là muối và ánh sáng như Ngài. Ngài đã nói rất rõ: “Anh em LÀ muối đất, LÀ ánh sáng trần gian”. Chỉ khi nào chúng ta là một với Ngài, chúng ta mới là muối và là ánh sáng.
Là muối đất?
Chúng ta có chấp nhận tan rã trong cuộc sống như muối tan rã trong đồ ăn không? Có tan ra, muối mới có thể thấm vào đồ ăn. Nơi khác Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: “Hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không thối đi, nó sẽ trơ trọi nằm đó mà không thể nẩy mầm, sinh hạt”. Muối cũng thế, phải tan ra, quên mình để thấm vào cuộc sống tha nhân mới có thể sinh bông hạt, mới giữ được đồ ăn và làm cho nó có vị ngon.
Thân phận chúng ta là muối như Chúa Giêsu. Ngài đã tan nát ra cho chúng ta, chúng ta phải tan ra cho mọi người. Xã hội đang tan rữa vì chúng ta không là muối. Cô Madeleine Delbrel viết: “Một khi chúng ta biết được Lời Chúa, chúng ta không có quyền từ chối không đón nhận. Một khi chúng ta đã đón nhận, chúng ta không có quyền ngăn không cho nó nhập thể trong chúng ta. Một khi nó đã nhập thể vào trong ta rồi, chúng ta không có quyền giữ nó cho riêng mình; khi ấy, chúng ta thuộc về những người đang mong chờ nó”. Theo Chúa và cho không cuộc đời mới có thể là người Công giáo đích thực.
Là ánh sáng?
Khi xưa, Chúa đã dạy dân Do thái qua miệng tiên tri Isaia: “Ngươi hãy chia cơm cho người đói…thấy ai mình trần thì cho áo che thân…làm thỏa lòng người bị hạ nhục… thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ”. Ánh sáng đó không le lói như mặt trời, nhưng sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc. Ánh sáng chính là yêu thương, là chia sẻ, là cảm thông.
Chúng ta đang sống trong một xã hội không có tình thương, không có cảm thông. Bóng tối của hận thù, ích kỷ, dã man đang bao trùm thế giới và che khuất ánh sáng. Ánh sáng của chúng ta ở đâu khi mọi sự chìm ngập trong bóng tối sự chết? “Chúng ta không thể để cho ánh sáng bị che khuất”. Đó là điệp khúc mỗi ngày. Hãy sống như ánh sáng là cho không, là quên mình, không tính toán. Chúng ta đã làm được gì cho người anh em gần bên chúng ta? Chúng ta đừng mơ mộng dù là những mơ mộng lành thánh. Hãy sống hôm nay, trong thực tế hằng ngày, với quyết tâm làm cho mọi sự sáng lên trong yêu thương, trong phục vụ.
Sau khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa, Tấm Bánh Tình Yêu, chúng ta sẽ làm gì hôm nay cho ánh sáng bừng lên trong u tối của cuộc sống hôm nay. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: “Anh em hãy làm việc lành để mọi người thấy việc lành của anh em mà ngợi khen Cha trên trời”.
Vấn đề suy thoái đạo đức nghiêm trọng trên đất nước chúng ta là mối ưu tư, trăn trở lớn nhất của TN 5-A110
Vấn đề suy thoái đạo đức nghiêm trọng trên đất nước chúng ta là mối ưu tư, trăn trở lớn nhất của nhiều người tâm huyết trong xã hội.
Nhận định về vấn đề này, Giáo sư Tiến sĩ Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển cho rằng: “Đạo đức xuống cấp ở mức đáng báo động! [1]”
Còn Tiến sĩ Khoa học Phan Hồng Giang thì nhận định rằng: “Thực trạng xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội đã ở mức độ nguy hiểm [2]”
“Đạo đức xã hội xuống cấp còn thể hiện ở những hành vi bạo lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bạo lực gia đình, bạo lực học đường... đến bạo lực nơi công cộng… Thói tham lam, ích kỷ, thói vô cảm lan rộng gây nhiều tác hại cho cộng đồng… Một số người đã tôn sùng đồng tiền một cách mù quáng, coi “tiền là trên hết” và tìm mọi thủ đoạn để có nhiều tiền… Khi đồng tiền lên ngôi cũng chính là lúc đạo đức xuống cấp.[3]”
Trước nguy cơ đáng lo ngại này, nhiều bậc trí giả lên tiếng kêu gọi phải chấn hưng đạo đức như là một ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, công cuộc chấn hưng đạo đức không chỉ là trách nhiệm riêng của các nhà lãnh đạo, các nhà giáo dục, các tôn giáo, nhưng trước hết, đó là bổn phận của mỗi người chúng ta.
Muốn giữ cho cá khỏi ươn, người ta cần dùng muối để ướp mặn nó. Vậy muốn cho con người khỏi hỏng, cũng cần một thứ muối khác để bảo toàn. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta trở nên thứ muối nầy.
Qua Tin mừng Mát-thêu chương 5, câu 13, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta: “Chính anh em là muối cho đời.”
Vậy chúng ta phải thực hiện sứ mạng làm muối ướp mặn đời như thế nào đây? Bắt đầu với một người
Một ít muối không thể ướp mặn cả thùng cá. Một cá nhân khó có thể cảm hoá được nhiều người. Tuy nhiên, mỗi một người có thể giữ cho một người khác khỏi hư.
Vì thế, để thực hành sứ mạng làm “muối cho đời” mà Chúa truyền dạy, trước tiên, mỗi người chúng ta hãy bắt đầu thực hiện với một người, bằng cách kết thân với một cá nhân trên đà hư hỏng, dành nhiều tình yêu và lòng quý trọng cho người bạn đó - chỉ có tình yêu và lòng quý trọng mới có thể cảm hoá tâm hồn - rồi dần dà giúp cho người đó bỏ đi những thói hư tật xấu.
Rồi sau khi đã thành công với người thứ nhất, ta sẽ “làm muối ướp mặn” thêm một người khác nữa. Cứ thế, hết người nầy đến người khác, dần hồi, chúng ta sẽ giúp cho khá nhiều người khỏi hư hỏng. Đó là một sự nghiệp cao đẹp tuyệt vời, góp phần chấn hưng đạo đức xã hội.
“Ướp mặn” người khác cách nào?
Trước hết là bằng đời sống gương mẫu, nói khác đi, là hãy trở nên đèn sáng. Người ta thường nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Hãy nêu cao gương sáng cho người chung quanh như Chúa Giê-su kêu mời: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… Chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 15-16).
Tiếp theo là bằng những lời khuyên đượm tình yêu thương.
Chỉ làm gương sáng mà thôi không đủ, cần có những lời khuyên nhủ, động viên, nhắc nhở đượm tình yêu thương kèm theo.
Nhắc nhở khuyên can mà không có tình yêu thương sẽ làm người khác xa lánh ta nên không đem lại hiệu quả. Khuyên lơn, động viên trong tình yêu thương và lòng tôn trọng sẽ cảm hóa được lòng người và giúp người khác khỏi sa vào đường hư vong.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa yêu thương trân trọng từng người và Chúa không muốn bất cứ một ai phải hư mất. “Chúa không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói…” (Mt 12, 20).
Xin cho chúng con biết trân trọng yêu quý những anh chị em đang vướng mắc những thói hư tật xấu và cố gắng giúp cho những người nầy đứng vững trước những thử thách, cám dỗ trong cuộc đời.
Có như thế, chúng con mới có thể chu toàn trách nhiệm làm muối và ánh sáng mà Chúa đã trao phó cho chúng con. ----------------- [1] GS. TS. Lê Thị Quý (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển), trả lời phỏng vấn báo Quân đội Nhân dân Cuối tuần, số ra ngày 14-7-2019. [2] Ý kiến của TSKH. Phan Hồng Giang, báo Quân đội Nhân dân Cuối tuần, số ra ngày 14-7-2019. [3] Nguồn: Trương Nguyên Tuệ, http://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/suy-nghi-ve-thuc-trang-dao-duc-xa-hoi-hien-nay-124824)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta, các môn đệ của ngài: Các con là ánh TN 5-A111
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta, các môn đệ của ngài: Các con là ánh sáng cho trần gian, là muối men cho đời.
Chúa Giêsu trao cho chúng ta một sứ vụ cao cả: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên Trời” (Mt 5,16).
Sứ vụ đó thật cao cả vì nâng phẩm giá con người chúng ta lên mức con cái Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu nói Thiên Chúa là “Cha của anh em”.
Chúng ta hãy thử suy nghĩ, làm sao có thể thực hiện được lời mời gọi đón nhận sứ vụ cao cả này, vì chúng ta thấy mình còn yếu đuối, tội lỗi; thấy mình đâu có hơn gì người khác! Nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải nhận ra mình là con cái của Cha trên trời.
Các nhà tu đức khuyên rằng “Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”.
Vậy thì, giữa bóng tối của thế gian, chúng ta hãy thôi lên án tố cáo; thôi tố cáo rằng họ lừa dối, gian tham, giết người cướp của; thôi tố cáo những vụ hối lộ, lường gạt với những con số hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng; thôi tố cáo người làm những miếng thịt ôi thối thành miếng thịt tươi bằng tẩm ướp hóa chất; thôi tố cáo hàng giả, hàng độc hại…
Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ, chứ đừng ngồi đó mà tố cáo thế gian! Hãy như những hạt muối nhỏ, giúp thực phẩm khỏi ôi thối, hay thành một tý muối nhỏ để cho thức ăn được có hương vị ngọt ngào, để thực hiện Lời Chúa Giêsu dạy: Các con là muối men cho đời.
Trên tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (số tháng 9/1997), tác giả Đăng Quang có ghi lại một cảnh đời như sau:
Ghé vào một tiệm bên đường Trần Huy Liệu để sửa chữa chiếc đồng hồ đeo tay, trong khi đứng chờ, tôi thấy có một người đàn ông trạc 50 tuổi, mình trần, bước vào hỏi mượn người thợ sửa đồng hồ chiếc kềm. Trên tay ông cầm một thanh sắt nhỏ bằng hai ngón tay, cổ đeo một dây to, để thòng xuống ngực một Thánh Giá. Khi thấy ông ta cầm chiếc kềm cố bẻ thanh sắt ra ba hướng, tôi tò mò hỏi người thợ sửa đồng hồ: …để làm gì vậy? Người thợ sửa đồng hồ lắc đầu nói: "Để vứt xuống đường cho xe đạp cán, ông ta vá ép mà”. Nhìn thanh sắt trên tay ông, tôi bổng thấy hơi sờ sợ. Bẻ xong thanh sắt, ông bước ra sát lề đường, đi tới một đoạn rồi vứt thanh sắt xuống lòng đường, và điềm nhiên quay trở lại nơi có chiếc thùng sắt, có chiếc bơm hơi, ngồi trên chiếc ghế gỗ ung dung chờ đợi.
Tôi định đến nói với ông ta một điều gì đó, nhưng chưa kịp thì đã nghe tiếng bánh xe xì. Nhìn ra tôi thấy một chiếc xe xích lô đang chở một bà mẹ và hai đứa con nhỏ. Người đạp xích lô xuống xe nhìn vào chiếc bánh xe xẹp lép, những giọt mồ hôi từ mặt nhỏ xuống, anh ta đưa tay gạt lia lịa, lưng áo ướt đẵm, anh tìm quanh bánh xe và phát hiện ra thanh sắt găm vào vỏ xe, anh cố rút thanh sắt ra, anh chưởi lầm bầm trong miệng và rồi vứt thanh sắt ra bên lề đường. Người đàn ông ở trần, ngực đeo Thánh giá vẫn ngồi yên chờ đợi, ông chắc thế nào người đạp xích lô cũng đưa xe vào vá. Nhưng không, anh xích lô vô tình đẩy chiếc xe nặng nhọc đó đi. Khi chiếc xích lô đi khỏi, người đàn ông ở trần đánh tiếng chưởi thề, đưa mắt nhìn thanh sắt chĩa nhọn, có lẽ ông ta muốn nhặt lại và làm lại từ đầu. Nhưng ngay lúc đó tôi thấy một bà cụ chậm rãi đi qua đường, thấy thanh sắt, bà cúi xuống nhặt lấy bỏ vào chiếc túi ni lông bà đang xách trên tay.
Cảnh đời trên không chỉ có người đàn ông vá ép uốn thanh sắt chĩa ba của mình và đặt trên lòng được, gây hại cho người ta để mình được lợi lộc, gây ra cái ác cho cuộc sống. Cảnh đời còn có một bà cụ già với chiếc túi ni lông để nhặt thanh sắt chĩa ba hầu cất đi những cái ác nho nhỏ trong cuộc đời. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ ấy của bà cụ cũng đủ để làm cho cảnh đời thấy như đen tối, được sáng đẹp hẳn lên.
Niềm hy vọng của người Kitô giáo không cho phép chúng ta thua cuộc trong việc đem lại ánh sáng cho thế gian, làm muối men cho đời. Dù chỉ là những việc nho nhỏ, như nhường nhịn người hàng xóm một câu khích bác; như người chồng thay vì chê nấu canh mặn thì khen vợ nấu món cá ngon; như người vợ âm thầm hy sinh phục vụ chồng con… Cuộc sống gia đình sẽ trở nên tươi sáng với những cử chỉ nho nhỏ yêu thương. Cuộc đời sẽ đen tối dường nào nếu không có những việc thiện nhỏ, bác ái, âm thầm từng ngày ấy.
Lệnh truyền phải trở nên ánh sáng và muối men cho đời của Chúa Giêsu làm cho chúng ta tin tưởng vào giá trị của từng công việc tốt nho nhỏ, chứ chưa cần đến những việc lớn lao. Những việc tốt nho nhỏ đó sẽ tháp nhập vào hy sinh thập giá của Đức Kitô.
Bóng tối của thế gian tưởng như đã thắng, nhưng Ngài đã thắng bóng tối thế gian, bằng hy sinh thập giá của Ngài. Ngày nay, đôi khi ta tưởng như cái ác của thế gian đang thắng thế, nhưng Thập giá hy sinh của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hằng ngày để chiến thắng.
Ngài mời gọi chúng ta đóng góp vào cuộc chiến của thập giá đó, bằng những hy sinh phục vụ nho nhỏ, bằng những việc tốt nho nhỏ, như những ngọn đèn nho nhỏ, những hạt muối nho nhỏ, của từng ngày trong cuộc sống. Qua những ngọn đèn, những hạt muối nho nhỏ đó, như Chúa Giêsu dạy: “Thế gian sẽ tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên Trời” (Mt 5,16).
(Giải thích bản văn Tin Mừng của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Đoạn 5,13-16 nằm trong văn mạch diễn từ trên núi của Chúa Giêsu (4,23-7,29). Sau khi nói đến TN 5-A112
Đoạn 5,13-16 nằm trong văn mạch diễn từ trên núi của Chúa Giêsu (4,23-7,29). Sau khi nói đến các mối phúc, hướng về tương lai (5,3-12), Chúa Giêsu chuyển sang nói đến bổn phận của người môn đệ trong hiện tại. Đoạn 5,13-16 liên kết với đoạn trên bởi đại từ “anh em” (ngôi thứ hai số nhiều) được dùng trong mối phúc cuối cùng “Phúc cho anh em khi người ta sỉ nhục anh em và bắt bớ, nói xấu anh em đủ điều vì danh Thầy…” (5,11-12). Từ câu 11 Matthêô không nói một cách tổng quát nữa về các mối phúc “Phúc cho ai…”, mà chỉ rõ đối tượng của mối phúc “Phúc cho anh em…”. Đại danh từ nầy được dùng hoặc ở dạng bổ ngữ “…người ta sỉ nhục anh em”, hoặc ở dạng sở hữu cách “phần thưởng của anh em”. Sang đoạn 13-16, đại danh từ nầy được dùng ở dạng chủ ngữ để chỉ căn tính “Anh em là…” và qua đó nói đến bổn phận. Đại danh từ còn xuất hiện hai lần ở phần kết luận, nhằm xác định tương quan giữa “điều tốt anh em làm” và “vinh danh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Như thế, ý nghĩa của đoạn 5,13-16 sẽ được soi sáng bởi văn mạch của nó trong liên hệ với đoạn trên.
Bố cục của đoạn 5,13-16 được phân chia cách rõ ràng theo sự phân bố của đại từ “anh em” (cc. 13.14.16 [3x]): – “Anh em là muối đất” (c. 13), – “Anh em là ánh sáng thế gian” (14-16a), – Kết luận (c. 16b). Muối nói về căn tính người môn đệ, và ánh sáng nói đến sứ mạng của họ. Cả căn tính lẫn sứ mạng đều phải được làm đúng theo bản chất của chúng. Hai phần nầy tượng tự nhau về cấu trúc và lý luận. Về mặt văn chương, hai phần dài ngắn khác nhau và dạng câu văn không hoàn toàn giống nhau. Tuy thế, chúng có điểm tương đồng: một khẳng định với cấu trúc giống nhau “Anh em là”, tiếp đến một trình bày dưới dạng phủ định: “Nếu muối ra dại/lạt…không làm gì được”, “Cái thành trên núi không thể che khuất được”, và “Không ai thắp đèn đặt dưới đáy thùng”, và một kết luận cho từng phần: tiêu cực “đổ ra ngoài cho người ta chà đạp”, tích cực “chiếu soi mọi người”. Sau cùng là kết luận chung cho cả đoạn (c. 16b). Chủ đề chính của đoạn là nói đến căn tính của người môn đệ và sứ mạng của họ trong tương quan với Thiên Chúa và người đời. Các từ vựng đáng chú ý: “anh em” (cc. 13.14.16 [3x] và các từ vựng liên hệ đến đại danh từ “anh em”; “người ta”, anthropos, (cc. 13.16). Từ “anh em” đóng khung đoạn nầy (cc. 13.16).
“Anh em là muối đất” (c. 13a)
“Anh em là muối đất”: đại danh từ “anh em” đặt đầu câu có tính cách nhấn mạnh. Cụm từ gồm đại danh từ + động từ eimi rất ít dùng cho ai khác ngoài Thiên Chúa và Chúa Giêsu (.x 16,15; 22,32, 24,5, đặc biệt trong tin mừng thánh Gioan). Cấu trúc nầy dùng để chỉ căn tính. “Anh em” ở đâu chỉ những người đến nghe Chúa Giêsu: dân chúng và các môn đệ (c. 5,1), nghĩa là cộng đoàn của Matthêô. Từ “muối”, halas, chỉ được dùng trong câu nầy của tin mừng Matthêô. Xét theo mạch văn có thể thấy rằng Matthêô đưa ra khẳng định các môn đệ là “muối đất”, và thánh sử khuyến cáo ngay là đừng để muối bị biến chất và ra dại đi, hơn là định nghĩa về muối. Đây là hướng giải thích bản văn.
Động từ mōrainō, ở thể thụ động có hai nghĩa: “nên dại, nên khùng” (Rm 1,22; ở thể chủ động 1 Cor 1,20) và “nên nhạt, mất mùi vị”. Động từ nầy trong bản văn thánh Phaolô được dùng chung với từ sophos, “khôn ngoan” (Rm 1,22; 1 Cor 1,20) và hiểu theo cách đối nghịch với nhau: “Tự xưng mình là khôn ngoan, họ trở nên điên dại” (Rm 1,22). Cách đặt vấn đề “nếu muối đã nên dại”, mōranthē, rất có thể hàm ý muối ấy phải là “muối khôn ngoan”. Dĩ nhiên đây không phải là sự khôn ngoan theo kiểu thế gian, mà là sự khôn ngoan của các mối phúc thật, trái nghịch với sự suy nghĩ và tìm kiếm của người đời.
“Muối của đất”: Luca và Marcô nói đến “muối tốt”, kalos (Mc 9,50; Lc 14,34), trong khi Matthêô không có một tính từ nào chỉ phẩm chất của muối. “Đất”, gē, là không gian nơi con người sinh sống (5,18.35; 6,10…) và người sống trên đất nầy (x. 9,26.31; 10,34). Muối không hiện hữu cho chính mình, mà trở nên công dụng tốt cho vật khác, bởi đó “muối của đất” có nghĩa là “muối cho đất”. Matthêô thường dùng cụm từ “đất và trời” để chỉ một toàn thể (5,18; 6,10; 11,25), sự liên hệ chặt giữa trời và đất (16,19; 18,18.19). Sự liên hệ trong đoạn nầy là người môn đệ là muối cho đất để người ta có thể nhận biết Cha của họ ở trên trời (c. 16).
“Nếu muối ra dại”: Matthêô và Luca đều dùng mōranthē, “nên dại”, trong khi Marcô analon genētai, “trở nên nhạt đi”. Trong tiếng Hipri và Aram từ tpl mang cả hai nghĩa “nên điên dại” (Gióp 1,22; 24,12; Giêr 23,13) và “nên nhạt đi” (Gióp 6,6; x. Êzek 13,10). Câu điều kiện ”Nếu muối ra nhạt/dại thì lấy gì muối nói lại?” có thể là cách nói thái quá, như câu trong phần hai “Không ai thắp đèn rồi đặt nó dưới đấu” (c. 14) để chỉ một sự việc khó, thậm chí không thể xảy ra. Muối xét theo phương diện hoá học không thể mất phẩm chất được Trong 6,23 Matthêô cũng có câu nói tương tự: “Nếu ánh sáng của con ra tối tăm, thì sẽ tối tăm chừng nào”. Sự vô ích của “muối đã nhạt” và việc người ta dẵm lên nó chỉ sự vô dụng của nó trong tương quan với con người, tương tự như nếu “đèn đặt dưới đấu” sẽ không soi tỏ cho ai được cả. Vậy đối với Chúa Giêsu, người môn đệ khi đã là muối, phải mãi là muối và là muối tốt.
“Anh em là ánh sáng thế gian”
Sau khi nói về căn tính của người môn đệ, Matthêô nói đến chứng tá của họ. Các từ vựng liên quan đến chủ đề ánh sáng: “ánh sáng”, phos (cc. 14.16), “thắp, đốt”, kaiō, đèn, lychnos, chiếu soi, lampō (cc. 15.16). Từ “ánh sáng” (cc. 14.16a) đóng khung đoạn nầy. Cụm từ “Các con là ánh sáng thế gian” (c. 14a) khởi đầu được diễn tả cách khác ở phần kết luận “ánh sáng của các con trước mặt người ta” (c. 16a).
“Ánh sáng thế gian”, có nghĩa là ánh sáng cho thế gian. “Thế gian”, kosmos, chỉ mặt đất Thiên Chúa tạo dựng cho con người (Mt 13,35.38; 25,34; 26,13; Cv 17,21; Kh 13,8). Từ “ánh sáng”, phos, xuất hiện bảy lần trong Matthêô, trong đó ba lần mô tả ánh sáng nơi của Chúa Giêsu (4,16[2x], 17,2), và 4 lần còn lại dành cho các môn đệ: mắt người môn đệ phải sáng vì đó cũng là sự sáng của toàn thân (6,22-23), và họ phải nói ra ánh sáng điều họ nghe từ Chúa Giêsu trong bóng tối (10,27). Như thế vì là ánh sáng, người môn đệ không được che dấu mình trong bóng tối (5,13.16).
Về việc nầy Matthêô trước tiên dùng hình ảnh so sánh “Cái thành xây trên núi” (c. 14.b). Hình ảnh nầy không mang ý nghĩa ẩn dụ hay tượng trưng nào cả, mà chỉ muốn nói sự hữu hình của nó. Cái thành ở trên núi cao thì ai cũng thấy. Cái thành trở nên điểm qui chiếu và định hướng cho vùng chung quanh. Tiếp đến, Matthêô dùng hình ảnh về cái đèn được thắp sáng. Như cái thành trên núi “không bị che khuất”, thì cái đèn thắp sáng “không thể đặt dưới đấu” được. Như cái thành nằm “trên núi”, cái đèn nầy phải được đặt trên giá. Mục đích của cái đèn thắp sáng khác với cái thành trên núi: nó tỏa ánh sáng ra và chiếu soi mọi người và mọi sự trong nhà (c. 15b); trong khi ở tin mừng Luca là “để ai vào nhà thấy được ánh sáng” (Lc 8,16). Điều nầy phù hợp với bản chất của” ánh sáng” trong Matthêô: ánh sáng là để chiếu soi và đưa ra ánh sáng tất cả những ai hoặc những gì nằm trong bóng tối (5,16; 6,22.23; 10,27).
Để kết luận phần nầy, Matthêô mở rộng sự áp dụng trong một mệnh lệnh: “Hãy chiếu toả ánh sáng các con trước mặt người đời”, hoàn thành cho khẳng định đầu tiên “Các con là ánh sáng trần gian”. Về “trước mặt người đời”, trong khi đó ở câu 6,1, cũng bằng một mệnh lệnh, Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ của Ngài “Coi chừng đừng làm việc công đức trước mặt người ta để làm cho họ chú ý”. “Người đời”, anthropos, là người thuộc về trần gian nầy. Động từ theaomai, trong câu 6,1 nầy ở dạng thụ động và có nghĩa là “được thấy”, “kéo sự chú ý”. Ở câu 16a, người môn đệ phải “chiếu ánh sáng mình trước mặt người đời” không phải để kéo sự chú ý của người đời về phía mình, mà để làm vinh danh Cha trên trời (c. 16b). Điều nầy sẽ giải thích thêm trong phần tiếp theo.
“Họ thấy việc lành của các con mà tôn vinh Cha các con…” (c. 16b)
Mệnh lệnh kết thúc phần hai dùng làm áp dụng cho kết luận cả đoạn, đánh dấu bằng hopōs, “vậy” (c. 16b). Phần đầu của kết luận lập lại ý tưởng của câu kết luận trên bằng từ ngữ khác và theo cấu trúc đối đảo: câu 16 a: A. Ánh sáng các con – B. Chiếu soi trước mặt người ta – và câu 16 b: B’. Người ta thấy – A’ Việc lành các con, và phần mở rộng của kết luận: “Họ sẽ tôn vinh Cha các con, Đấng ngự trên trời” (c. 16c). Vậy, “ánh sáng của các con” được hiểu là “việc lành các con”, và việc lành ấy phải “chiếu soi trước mặt người ta” để “người ta thấy” mà “tôn vinh Cha các con, Đấng ngự trên trời”.
Việc người môn đệ là phải làm “việc tốt”, kata erga. “Việc tốt” là việc liên quan đến Chúa Giêsu (26,10) và Thiên Chúa (c. 16b). Việc tốt nầy phải được thấy trước mặt mọi người. Ở đây, Matthêô dùng động từ horaō, “thấy” thay vì theaomai, “kéo sự chú ý”. Người Pharisêô làm các việc để được người khác thấy/chú ý, theaomai; do đó người môn đệ không làm theo việc, erga, của họ (23,3; 6,1). Động từ horaō là động từ được ưa thích của Matthêô, 76 lần. “Thấy” là nhận thức thiêng liêng và thúc đẩy tìm kiếm Thiên Chúa, như trường hợp các đạo sĩ (2,2.9.10. 11), là kinh nghiệm nhìn thấy Thiên Chúa (4,16; 5,8). Vậy, ánh sáng của người môn đệ chiếu soi trước mặt người đời là để người đời nhìn thấy Thiên Chúa qua việc lành của họ. Người ta không dừng lại nơi người môn đệ mà đến với Thiên Chúa và tôn vinh Ngài. Chúa Giêsu ngăn ngừa các môn đệ của Ngài tìm vinh danh người đời cho bản thân mình (6,2). Trong mọi việc làm, erga, họ phải hành động như Chúa Giêsu là làm để người ta tôn vinh Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời (9,8; 11,2-5,15,31).
Ơn gọi của người môn đệ đòi hỏi họ hai điều: là muối, họ không thể để mất căn tính của mình, mà phải sống tốt lành như Chúa Giêsu, như Cha trên trời, và là ánh sáng, họ không được lẩn trốn, mà phải đứng ở vị trí ai cũng có thể thấy để qua việc họ làm, người ta tôn vinh Cha trên trời.
Trong vòng 3 tuần vừa qua, đại dịch viêm phổi Virus Corana nguy hiểm chết người bùng phát dữ TN 5-A113
Trong vòng 3 tuần vừa qua, đại dịch viêm phổi Virus Corana nguy hiểm chết người bùng phát dữ dội và sự lây truyền của nó rất nhanh khắp cả thế giới, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết tính đến ngày 4-2-2020, có 20.664 ca nhiễm virus corona trên toàn thế giới, trong đó 427 ca tử vong và 664 ca được chữa khỏi. Chính quyền các địa phương khắp các nước đã kích hoạt chế độ phản ứng khẩn cấp về y tế công cộng ở mức độ cao nhất. Nỗi sợ hãi về tình trạng virus lây lan làm gia tăng tư tưởng phẫn nộ và phân biệt đối xử với những người mắc bệnh này. Một số người bị ruồng bỏ trên chính đất nước mình, bị các khách sạn, nhà trọ nhà nghĩ… từ chối, họ hoàn toàn tuyệt vọng không một sự giúp đỡ. Còn chúng ta những người không mắc bệnh này, chúng ta không nên định kiến với họ hoặc đối xử với họ bằng trái tim lạnh… Đối mặt với dịch bệnh, họ đều là nạn nhân và chính họ mong mỏi hơn bất kỳ ai dịch bệnh sớm kết thúc. Họ khao khát an toàn, sự bảo vệ, chăm sóc và cầu nguyện. Vào thời điểm này, điều họ cần là sự thấu hiểu cảm thông chứ không phải ngồi đó mà quyền rủ bóng đêm hay kỵ thị.
Trong một cuộc phỏng vấn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một phóng viên đã hỏi Ngài: “Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những ai và cho điều gì?” Đức Thánh Cha trả lời bằng việc trích dẫn đoạn văn mở đầu trong Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay của Công đồng Vatican II: “Sự vui mừng và hy vọng, đau buồn và lo âu của con người thời đại này, đặc biệt là những người nghèo ốm đau bệnh tật hay những người bị bách hại, cách nào đó là niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo âu của những người theo Chúa Kitô” (Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, số 20). Thật ra Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi không chỉ như Ngài là một Giáo Hoàng mà với tư cách là một người Công giáo, một người theo Chúa Kitô, giống như mọi người chúng ta. Chắc chắn những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha cũng sẽ là của chúng ta nữa. Dĩ nhiên, cầu nguyện phải dẫn tới hành động và hành động tương quan với tha nhân nữa để biến lời cầu nguyện thành hành động là giáo huấn của Lời Chúa trong sách tiên tri Isaia vừa nghe: “hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ”.
Chúng ta là những người Công Giáo đang đứng trước những nhu cầu của người anh chị em đau khổ, ví dụ như những người đói khát, những dân nhập cư, những người không nhà, những người nhận trợ cấp xã hội hay những người đang mắc bệnh hoạn... Chúng ta không vô cảm mà phải có tinh thần thương xót thay cho vô cảm bằng việc cầu nguyện và sẵn sàng ra đi để chăm sóc chữa trị nếu có khả năng vì chưng, Chúa Giêsu dạy: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Vì thế, Thánh Rôcô là thánh giáo dân, năm 20 tuổi, khi song thân qua đời, anh Rôcô bán hết tài sản thừa kế và đem phân phát cho người nghèo rồi lên đường hành hương đến Rôma để viếng mộ các Thánh Tông Đồ. Khi đến vùng bắc nước Ý, biết nơi đây đang có ôn dịch hoành hành, anh tạm dừng chân và noi gương Chúa Giêsu dấn thân ngày đêm chăm sóc các bệnh nhân. Chúa ban thưởng cho lòng bác ái của anh bằng cách cho nhiều người bình phục sau khi được anh ghi dấu thánh giá. Khi đại dịch lui, anh tiếp tục hành trình đi Rôma. Tại Rôma, ôn dịch cũng bùng phát. Anh lại lao mình vào những ngày đêm chăm sóc bệnh nhân và chữa khỏi cho nhiều người cách kỳ diệu, nhưng rồi chính anh cũng bị lây bệnh. Để không trở thành gánh nặng cho người khác, anh chống gậy vào sống sẩn trong rừng. Chúa sai một con chó đem thức ăn đến cho anh. Anh dần dẩn bình phục và trở về quê hương.
Ngày nay, một số người sầu khổ bị nằm nơi góc tối, nơi đó họ bị lãnh quên và không nhìn thấy. Nhưng Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng chúng ta phải chiếu sáng sự tốt lành của chúng ta trên những người có nhu cầu để họ không bị quên lãng. Chúng ta phải có lối sống và hành động theo Đức Kitô, phải quan tâm, cầu nguyện cho những nhu cầu, những lo âu của những người đau thương trong thời đại này. Chúng ta cần Thiên Chúa và ân sủng của Người. Thiên Chúa không hề quay mặt đi khỏi chúng ta. Người hằng nhìn xem chúng ta và đáp trả những lời cầu xin của chúng ta cách quảng đại, đặc biệt là lời cầu nguyện trong Thánh Lễ hay bằng việc đọc Kinh Mân Côi, chầu Thánh Thể hay đọc Kinh Lòng Chúa thương xót... Vậy thế, tại buổi đọc kinh Truyền Tin vào ngày 26 tháng 1, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến dịch bệnh Trung Quốc, và mời các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới cầu nguyện cho Trung Quốc. Con người có thể sai lầm và phạm lỗi, nhưng Chúa thì vĩ đại và nhân hậu. Thiên Chúa không bao giờ bỏ qua một trái tim hối cải và khiêm tốn. Ngày nay, các Kitô hữu phải cầu nguyện chân thành, vì đất nước chúng ta thực sự cần sự giúp đỡ của Chúa. Vậy, là người Công Giáo, chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho:
– Những nhà hữu trách có biện pháp kịp thời và hữu hiệu để bảo vệ người dân trước sức công phá của đại dịch viêm phổi Corana này.
– Cầu nguyện cho những bệnh nhân, những người có dấu hiệu mắc bệnh. Xin Chúa ban cho họ và gia đình được nhiều bình an để vượt qua thời khắc mong manh này.
– Chúng ta cầu nguyện cho những y tá, bác sĩ và những người trực tiếp chữa trị căn bệnh này. Xin Chúa ban cho họ lòng can đảm, sức khỏe và sáng suốt để đón nhận những bệnh nhân.
– Nhất là chúng ta cầu nguyện cho những người đang tìm kiếm phương thuốc chữa trị. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho họ sớm tìm ra câu trả lời cho bài thuốc chữa trị và vác-xin chống lại con virus Corona này.
– Đặc biệt, chúng ta cầu xin Chúa ban cho người hữu trách có tâm hồn cộng tác để cùng với thế giới, đặc biệt là với tổ chức Y Tế Thế Giới, cùng nhau đối phó với căn bệnh này.
– Chúng ta không quên cầu nguyện cho những người đã chết vì căn bệnh này. Xin Chúa đoái thương linh hồn của họ.
– Sau cùng, chúng ta tha thiết cầu xin Chúa ban cho nhân loại được bình an trong năm này. Hy vọng nhờ hồng ân Chúa, virus Corona không trở nên nỗi kinh hoàng cho Trung Quốc và thế giới.
Ước mong những lời cầu xin của chúng ta được Chúa thương đón nhận. Amen.
Có một nhà tu đức nói rằng: Bạn muốn là một người Kitô hữu tốt trước hết bạn hãy là một con TN 5-A114
Có một nhà tu đức nói rằng: Bạn muốn là một người Kitô hữu tốt trước hết bạn hãy là một con người tốt. Bạn muốn là một vị thánh, thì bạn phải là một người Kitô hữu tốt. Nhưng trước khi là Kitô hữu tốt thì phải là một con người biết sống đúng bổn phận của mình. Cho nên, một học sinh muốn trở thành người có tài và trí thức, thì trước hết, em phải là học sinh hiền lành và chăm học. Còn người có tài nhưng không sống đúng bản chất con người là "nhân chi sơ tính bản thiện" thì cũng chỉ là kẻ gieo vãi sự chết chóc nơi nhân thế thay vì dùng tài năng để phục vụ cho đời. Cho nên ông bà ta nói có tài mà không có đức là người vô dụng.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy bản chất của người Kitô hữu không phải là những gì cao xa nhưng chỉ là muối hay ánh sáng. Muối và ánh là những thứ trông vẻ rất bình thường nhưng lại thật hữu ích cho đời sống con người. Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn nhưng muối làm thức ăn thêm thơm ngon và đậm đà. Ánh sáng soi cho người ta thấy rõ đường đi, cho con người nhận ra nhau để quan hệ giữa người với người thêm trong sáng chân thành. Nhưng thân phận của muối và ánh sáng cả hai đều phải chịu hao mòn hy sinh thì mới thực sự có ích cho đời: muối tan dần đi, ngọn đèn ngày càng tàn lụi. Lý do tồn tại của cả hai là có ích cho con người: nếu muối không mặn và đèn không sáng thì không có ích gì nữa, chỉ có vất đi mà thôi.
Thân phận và hoàn cảnh của mỗi kitô hữu khác nhau nhưng có chung một chức năng ánh sáng hay muối, tức là sống tốt, sống hiền và sống thánh nơi môi trường mình sống. Chức năng này chính Thiên Chúa đã phú bẩm ngay từ khi tạo dựng nên ta. Cụ thể, ngược dòng lịch sử 600 năm trước Chúa Giêsu Giáng Sinh, Lời Chúa trong bài đọc một, Ngôn sứ Isaia đã dạy chúng ta chức năng ánh sáng cho đời: chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Đừng bao giờ khinh bỉ người khác, phải loại bỏ những tranh chấp, hăm dọa, đừng nói xấu anh chị em mình đồng thời làm cho người đau khổ được hạnh phúc... Và "Như thế, sự sáng của ngươi sẽ tỏa rạng như hừng đông, ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong đêm tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày". Đó là chức năng của ánh sáng, còn vị mặn của muối Tin Mừng, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng, là tình yêu tha nhân mặn mà, bằng cách sống Tám Mối Phúc Chúa Giêsu dạy: khó nghèo, hiền lành, công chính, thương người, tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình…
Chúa Giêsu xác định chúng ta những người Kitô hữu là muối cho đời, là ánh sáng cho thế gian. Muối và ánh sáng không bao giờ là muối và ánh sáng cho mình mà có liên hệ với người khác, với cuộc đời và môi trường mà mình sống. Vì vậy hiện diện của người kitô hữu không bao giờ hiện diện cho mình mà luôn hiện diện với người khác, với cuộc đời và cho cuộc đời. Hiện diện đó mang giá trị tích cực vì đây là hiện diện của muối và của ánh sáng. Nhiều khi mình liên hệ với người khác bằng cách gây đau khổ cho người ta, mình gieo tăm tối trong cuộc đời bằng sự độc ác và hận thù, đó là sự hiện diện tội lỗi, tiêu cực. Còn hiện diện tích cực đó là có khả năng ướp mặn đời và chiếu sáng vào cuộc đời bằng sự thánh thiện, hiền lành, hy sinh, tha thứ và yêu người. Hiện diện khả năng ướp mặn đời và chiếu sáng này không phải là một đòi hỏi phụ thuộc, thích thì làm không thích thì thôi, nhưng nó nằm trong bản chất của người Kitô hữu chúng ta. Nếu muối là mặn mà mất bản chất mặn không phải là muối, bản chất của ánh sáng là chiếu tỏa, mà mất sáng thì không phải là ánh sáng, vậy thì bản chất Kitô hữu chúng ta cũng vậy. Nếu mình không yêu thương, không tha thứ, không hy sinh hay không hiền lành thì vẫn chưa phải là Kitô hữu thực sự, vẫn còn đi trong bóng tối vì chưng, Thánh Gioan tông đồ khẳng định rằng: “Ai nói rằng mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối” (1Ga 1,4.9).
Ngọn nến trong nhà thờ cháy hoài không tắt vì 4 bức tường kín. Nhưng đem nó ra ngoài đường nhất là lúc trời nỗi gió to thì liệu ánh lửa của ngọn nến còn cháy không. Cũng vậy, khi chúng ta tôn thờ Chúa trong nhà thờ, chúng ta cảm thấy rất đỗi thánh thiện, không phạm tội trong lúc này. Nhưng đến lúc lễ xong trở về với đời với những cơn gió to của cuộc đời: đau khổ, thử thách, cám dỗ cuốn hút dục vọng trần thế… làm cho chúng ta phạm tội: những lọc lừa, phỉnh gạt, cũng ăn gian nói dối, chửa tục, ngoại tình, rượu chè, cờ bạc, gái gú… thay vì thánh hóa cuộc đời nhưng chúng ta để cuộc đời tục hóa mình. Vì vậy, chúng ta phải quay về với tiếng gọi của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy là ánh sáng cho đời ngay khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội. Chính biểu tượng ngọn nến cháy chúng ta cầm trong ngày chịu Phép Rửa dạy ta chân lý: tự thân chúng ta không phải là ánh sáng mà lấy lửa từ nến Phục sinh, từ Chúa Kitô. Tự thân mình không phải là muối mặn mà chất mặn ấy phải lấy từ Tám Mối phúc của Chúa dạy! Vì thế để giữ được chất muối và ánh sáng, chúng ta đến với Chúa Kitô và thi hành Lời của Ngài. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 nói: “Tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa”. Sức mạnh của thánh Phaolô là tiếp cận Chúa Kitô và từ đó Ngài có khả năng loan báo và làm ánh sáng soi chiếu cho người khác. Làm sao để tiếp cận Chúc Kitô chỉ có cách đọc kinh cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, tham dự thánh lễ, đặc biệt sống niềm vui Phúc âm trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Mỗi người chúng ta có một hoàn cảnh sinh sống khác nhau nhưng ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin hãy dùng chính nó để làm chứng cho ánh sáng Tin Mừng cứu độ của Chúa giữa xã hội hôm nay. Xin Chúa hãy cho chúng con tình yêu say mến Chúa và tha nhân để chúng con yêu thương, hy sinh và phục vụ anh chị em như hạt muối đất ướp cho mặn đời và như ánh sáng cho trần gian. Amen.
Vị đắng tình yêu hay vị mặn trong hôn nhân, ít nhiều mỗi người đã trải nghiệm. Ánh sáng soi TN 5-A115
Vị đắng tình yêu hay vị mặn trong hôn nhân, ít nhiều mỗi người đã trải nghiệm. Ánh sáng soi đường, ánh sáng mở ra những ý tưởng mới, hoặc ánh sáng giúp tâm trí sáng suốt, đều mang đến hạnh phúc. Sống ở đời: có vui buồn, có ưu tư vất vả, có phấn đấu vươn lên, bạn sẽ thấy thế nào là quy trình hoàn thiện. Sẽ không ai có được tình yêu như ý, nếu người đó chưa từng khao khát nhận lãnh và sẻ chia. Cũng không có thứ ánh sáng nào soi được vào tâm trí, nếu kẻ đó chưa biết đến tình yêu và ơn ban của Đức Kitô. Theo lý thì trên đời này không có kẻ vô tâm vô tình, chẳng qua là họ chưa nhìn về hướng của ta mà thôi. Theo tình thì tất cả những ai biết yêu, và được yêu, đều có quyền ước muốn hạnh phúc tròn đầy, dẫu rằng: ổ khoá phải có chìa khoá, nồi tròn không thể úp vung méo.
Muối mặn gừng cay, sáng trí sáng lòng, tâm an vạn sự an, tâm rộng thiên địa rộng, từ xa xưa, tiền nhân chúng ta vẫn dạy con cháu: con người quý ở chữ tâm, hơn nhau ở chữ tâm, ý nói sống phải có tâm. Người có tâm ắt có tầm, hoặc nếu có chuyện may lành ở đời, chỉ người có tâm mới đáng hưởng. Cũng từ việc tâm sáng hồn an, Đức Giêsu nhắc nhớ các học trò và các thế hệ nối tiếp, hãy lưu ý mỗi người phải là đèn sáng, phải là muối mặn, không thể để mất đi căn tính của mình. Hoa có hương có sắc, người có chuẩn mực, phải gắn liền với bản tính tốt. Chắc chắn chúng ta từng mơ ước mình phải có tài có đức, sáng trí phải sáng lòng, đẹp người phải đẹp nết. Sống có lý có tình, minh chứng tâm an hồn sáng, cũng là cách lý giải: tôi dễ dàng làm quen với một người xa lạ, do đó làm sao tôi có thể quên một người xa lạ tôi đã từng quen.
Muối mặn, đường ngọt, mỗi hoàn cảnh, mỗi thời điểm, tuy khác nhau, nhưng chất mặn và chất ngọt, vẫn rõ ràng phân biệt, không hề thay đổi, thế mới gọi là nguyên lý. Sớm mai thức dạy phải có bình minh, lao động làm việc, rồi phải có hoàng hôn, con người sử dụng thời gian đúng, đủ, sẽ làm nên ý nghĩa hành trình đẹp và giá trị hơn. Muối và ánh sáng, Đức Giêsu nói tới còn được hiểu là việc bác ái tông đồ, là tính chất đẹp qua cách ứng xử giữa tình người và tình Chúa chan hoà yêu thương. Đâu phải tự nhiên mà cha ông ta nói: đời người lúc thịnh lúc suy, lúc khoẻ lúc yếu lúc đi lúc dừng, bên nhau chua ngọt đã từng, gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau. Đúng là quy luật tự nhiên đang xoay chuyển dần đều đến chân lý đức tin: “các con là muối đất. Các con là sự sáng thế gian”.
Tâm sáng hồn an, là muối là men, là ánh sáng chiếu soi, không khó để chúng ta mường tượng, nhưng sẽ phức tạp khi chưa có tình yêu thương, khi không để tình Chúa thấm nhuần tâm trí và cõi lòng ta. Dù ai đó dồi dào kinh nghiệm trường đời, dù lắm tiền nhiều của, hoặc giầu sang địa vị, nhưng thiếu tình yêu, thiếu chất mặn, tối tăm bao phủ, hẳn cuộc sống quả là vô nghĩa. Xưa nay đều thế, hạnh phúc không ai cân đo bằng vật chất, nhưng hạnh phúc được biết đến là tình yêu, là tâm sáng hồn an. Chất mặn nơi tâm hồn là ơn Chúa, độ mặn trong các tương quan là yêu thương. Ánh sáng chiếu soi không thuần tuý hiểu là ánh sáng đèn điện, mà vẫn được thực tế là gương nhân đức: hoà thuận, yêu thương, biết đón nhận sự khác biệt của nhau. Người kitô hữu không phản ánh được độ mặn của tình yêu Chúa Kitô, có khác gì cây xanh lá mà không sinh hoa trái, có khác gì mùa xuân thiếu vắng niềm vui !
Người xưa có câu: cái lạnh nhất, đắng cay nhất, không phải là mùa đông sang, không phải là ly rượu mạnh hay ly cà phê không đường, mà là sự vô tâm hời hợt từ người mà bạn đã từng xem là tất cả ! Muối phải giữ được độ mặn, ánh sáng phải toả chiếu, câu hỏi được đặt ra, bạn làm gì để tình yêu thương của Chúa không thể bị phai nhạt ? Để giữ mãi được tâm sáng hồn an, để độ mặn có mãi nơi các tương quan của mình, để ánh sáng bừng lên mãi qua lời nói việc làm của mình, mỗi người phải ở trong tình yêu Đức Kitô. Thực tế thì việc bác ái tông đồ ta đã nghe, lời nói thật thà ta đã hiểu, gương sáng đạo đức ta đã từng nghĩ tới, nhưng lời mời gọi làm cho muối mặn phát huy công dụng, ánh sáng đức tin toả chiếu, luôn là sự tự do của mỗi người. Vâng, chỉ những ai chăm chỉ làm việc tận tâm tận lực, mới đủ khả năng để cảm nhận hạnh phúc thật đáng yêu.
Có một người thợ, đốn cây gỗ: ông cưa, đục, đẽo, và tạo cho chúng thành hình, đó là ba cái thùng. Thùng thứ nhất, đựng phân, gọi là thùng phân, mọi người xa lánh. Thùng thứ hai, đựng nước, gọi là thùng nước, mọi người đều dùng. Thùng thứ ba, đựng rượu, gọi là thùng rượu, mọi người đều thưởng thức. Thùng thì như nhau, tác phẩm do một người, nhưng thứ đựng trong thùng khác nhau, nên chúng có tên gọi khác nhau. (sưu tầm trên net). Cuộc đời là như vậy, thời gian, điều kiện, tự do: có người làm việc bác ái. Có người chỉ biết dùng thời gian hưởng thụ. Có người cả một đời người vừa tập luyện, vừa sống nhân đức, họ đáng được gọi là người tốt, người biết giữ độ mặn và phản chiếu được tình yêu của Đức Kitô. Hãy là muối men, là ánh sáng chiếu soi, và cách duy nhất để muối không nhạt, đèn không tắt, đó là tâm hồn luôn có tình yêu Chúa. Amen.
Khi Tin Mừng được loan báo trên quê hương đất nước chúng ta, truyền thống Việt Nam “thương người TN 5-A116
Khi Tin Mừng được loan báo trên quê hương đất nước chúng ta, truyền thống Việt Nam “thương người như thể thương thân” đã gặp gỡ giáo huấn của Tin Mừng “yêu người như mình ta vậy”. Cả hai cùng chung một mục đích là phục vụ con người. Thời Cựu ước, ngôn sứ Isaia đã ca tụng những nghĩa cử chia sẻ liên đới với người nghèo. Người nào luôn dấn thân phục vụ người cơ bần, cởi trói cho người bị gông cùm, nhường miếng ăn cho người đói khát… khi họ kêu cầu với Chúa, Ngài sẽ mau mắn trả lời. Sau này, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta, khi chúng ta giúp đỡ người nghèo là chúng ta giúp đỡ chính Chúa; khi chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của anh chị em là chúng nhắm mắt làm ngơ với chính Chúa (x. Mt 25, 1-46). Ngôn sứ Isaia nói đến một ánh sáng thiêng liêng toát ra từ những nghĩa cử bác ái đối với tha nhân, đồng thời những nghĩa cử ấy cũng giúp chúng ta được ơn tha thứ và chữa lành: “Bấy giờ, ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành” (Bài đọc I). Tình thương của chúng ta đối với người nghèo không bị rơi vào quên lãng, nhưng được Chúa ghi nhận. Những anh chị em lương dân cũng tin rằng, làm việc thiện là tích lũy công phúc cho mình đời này và đời sau, vì “gieo nhân nào, gặt quả nấy – gieo phúc đức, gặp an bình”. Tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, Chúa Giêsu gọi các môn đệ là muối đất và là ánh sáng thế gian. Hai yếu tố này rất thiết thực cho cuộc sống con người. Thiếu chúng, cuộc sống không thể tồn tại và phát triển. Qua hình ảnh muối và ánh sáng, Chúa muốn mời gọi những ai tin vào Người hãy chiếu tỏa sự thánh thiện và lòng bác ái đối với cuộc sống xung quanh. Hãy trở nên muối để ướp mặn cuộc đời. Hãy trở nên ánh sáng để chiếu soi người đang bước trong đêm tối. Cuộc sống hôm nay đang trở nên nhạt thếch vì thiếu tình người. Xã hội hôm nay có những khoảng tối do lòng ích kỷ, gian dối và bạo lực. Những ai theo Chúa hãy cố gắng mỗi ngày để đem cho cuộc đời vị mặn của tình thương và ánh sáng của lòng tốt. Trong nghi thức rửa tội trước Công đồng Vatican II, vị chủ sự đặt một chút muối vào miệng người được rửa tội với lời nguyện xin cho người tín hữu này được sống như muối ướp trần gian. Ngày nay, nghi thức chỉ còn giữ lại phần trao cây nến cháy với lời mời gọi người vừa được rửa tội hãy sống như con cái sự sáng. Thời nào cũng có những người nghèo khó. Khái niệm “nghèo” hôm nay không dừng lại ở nghèo khó vật chất, nhưng còn đói khát về tình người, về tri thức, về thông tin, về văn minh nhân loại. Ngay ở các nước tư bản giàu có, vẫn có những người sống dưới ngưỡng nghèo, thậm chí có những người vô gia cư đã chết trong mùa đông giá lạnh. Giáo Hội trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu, chọn người nghèo làm đối tượng phục vụ ưu tiên. Giáo Hội đứng về phía người nghèo, lên án những chế độ bất công, bảo vệ phẩm giá con người, nhất là những người bị gạt ra bên lề cuộc sống, như người di cư, những nạn nhân của đường dây buôn bán người… Giáo Hội thực hiện lời dạy bác ái của Chúa Giêsu, và coi đó là cốt lõi, là định hướng quan trọng cho tất cả những hoạt động của mình. Chính vì chọn lựa phục vụ người nghèo, mà Giáo Hội trở nên hiện thân của Chúa Giêsu giữa trần gian. Cuộc sống này là một cuộc tranh đấu không ngừng giữa sự thiện và sự ác; giữa ánh sáng và tối tăm. Vì thế mà muối có thể bị mất vị mặn, ánh sáng có thể bị che mờ. Vị mặn làm nên giá trị của muối; chiếu soi là vai trò chính của ánh sáng. Mất vị mặn, muối chẳng còn là muối; ánh sáng bị che phủ sẽ trở thành vô dụng. Đời sống Kitô hữu mà không còn khả năng ướp mặn cuộc đời hay không còn khả năng chiếu soi nhân loại sẽ trở thành hư vô trống rỗng. Đức Kitô là ánh sáng trần gian. Người đến để soi chiếu nhân loại. Hôm nay Người vẫn hiện diện để tiếp tục soi sáng cho những người đang đi trong tối tăm trên đường lữ hành trần thế. Giáo huấn của Người vẫn là muối ướp cho đời, đem cho cuộc sống này vẻ đẹp và sức sống thần linh. Chúa Giêsu đã đem lại cho con người niềm vui và hạnh phúc bằng cái chết trên thập giá. Điều đó cho thấy, việc thiện chí đem lại niềm vui cho tha nhân bao giờ cũng đòi hỏi sự hy sinh. Có những hy sinh âm thầm, nhưng cũng có những hy sinh đòi hỏi người tín hữu phải cố gắng đến mức anh hùng. Thánh Phaolô đã trải qua kinh nghiệm quý báu này, và ngài quả quyết với chúng ta: “Quả thật, tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (Bài đọc II). Một khi sống tinh thần hy sinh của Đức Giêsu, chúng ta sẽ nên giống Người. Khi chịu treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã thực hiện điều Người đã quả quyết: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. (Ga 15,13).
Xin cho chúng ta biết nhân rộng lòng bác ái qua cách sống hằng ngày, để trở nên muối và ánh sáng trong một xã hội rất cần đến những chứng nhân của tình thương Thiên Chúa. Amen.
Có ai đó nói rằng: “Đâu ai nghèo đến nỗi không có tấm lòng dành cho nhau”. Có thể ta nghèo TN 5-A117
tiền, nghèo của nhưng xin đừng bao giờ nghèo tình yêu đến nỗi đóng cửa lòng trước nỗi khổ hay sự bất hạnh của tha nhân.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết “Sống trên đời cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”. Gió sẽ cuốn tấm lòng đầy ắp tình yêu thương để gieo vào khắp muôn nơi, để đi đến mọi ngõ ngách cuộc đời, để mang lại hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh khổ đau.
Con người là họa ảnh Thiên Chúa. Con người cũng phải có tấm lòng biết yêu thương như Thiên Chúa. Tình yêu là lẽ sống của con người. Sống thiếu tình yêu con người tự đánh mất căn tính của mình. Sống thiếu tình yêu thì đâu còn giá trị của một con người là phải sống có ích cho tha nhân.
Có một dụ ngôn kể rằng: Khi những chú cá được sinh ra trên đời, chú thường hỏi mẹ chú rằng: “Nước là gì hả mẹ? Sao con không biết nước là gì cả?”. Mẹ chú không biết giải thích cho chú thế nào, đành nhờ sóng hất chú lên bờ. Khi nằm giãy giụa trên bờ chú cá nhỏ mới hiểu thế nào là nước, nước chính là sự sống của chú, điều tưởng chừng bình thường nhất đó, lại có ảnh hưởng đến sự sống của chính mình.
Đôi khi con người cũng cần phải gặp những bất trắc, những thất bại mới cảm thấy cần tấm lòng chia sẻ, yêu thương của ai đó. Lúc đó con người mới thấy cần lắm một tấm lòng để giúp mình vượt qua khó khăn. Cần lắm một bàn tay nâng đỡ xoa dịu nỗi đau cho mình. Cần lắm một lời an ủi, khích lệ để đứng dạy sau những lần vấp ngã.
Nếu biết mình rất cần một tấm lòng để khích lệ, nâng đỡ mình thì hãy trân trọng tình cảm của những người đang sống bên cạnh chúng ta. Đồng thời, cũng phải để tấm lòng mình cho gió cuốn đi đến với mọi phận người. Hãy để tình yêu cho gió mang tới cho những mảnh đời bất hạnh khổ đau.
Lời Chúa hôm nay, mời gọi người kytô hữu hãy sống cuộc đời hữu ích như những hạt muối hay ngọn đèn sáng cho trần gian. Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn, nhưng muối làm cho người mẹ nội trợ thêm rạng rỡ niềm vui, cho bữa cơm gia đình thơm ngon đậm đà. Ánh sáng thì rực rỡ, huy hoàng. Ánh sáng soi cho người ta thấy rõ đường đi, cho con người nhận ra nhau, cho quan hệ giữa người với người thêm trong sáng chân thành.
Nhưng thân phận cả hai đều phải chịu hao mòn hy sinh thì mới thực sự có ích cho đời: muối tan dần đi, ngọn nến phải chịu tiêu hao. Lý do tồn tại của cả hai là để trở nên hữu ích cho đời. Nếu muối không mặn và đèn không sáng thì đâu có ích chi. Tất cả sẽ vô dụng chỉ nên vất ra đường phố cho người ta chà đạp và khinh bỉ.
Dù là muối hay ánh sáng thì con người cũng phải biết hy sinh, biết quên đi cái tôi của mình để đem tình yêu làm ấm lòng người và thắp sáng niềm tin yêu và hy vọng cho những con người đang chìm ngập trong bể khổ, trong thất bại khổ đau.
Nhưng tiếc thay, vì lười, vì ích kỷ, vì hèn nhát, ngọn đèn của chúng ta lu mờ dần đi và có khi tắt ngấm. Vì thiếu bác ái, thiếu lòng nhân từ nên những ai tiếp xúc với chúng ta đều cảm thấy mặn chát, khô cằn thiếu sức sống mặn nồng. Xin Chúa giúp chúng ta dám hy sinh và từ bỏ mình mỗi ngày để trở nên ánh sáng và muối men cho đời. Amen.
Ướp là ủ vật nọ lên vật kia cho thấm vào nhau, gồm hai yếu tố: chất ướp (chủ động) và chất được TN 5-A118
Ướp là ủ vật nọ lên vật kia cho thấm vào nhau, gồm hai yếu tố: chất ướp (chủ động) và chất được ướp (thụ động). Có nhiều dạng ướp: ướp hương liệu, ướp gia vị, ướp muối, ướp đường, ướp lạnh,… ướp thịt, ướp xác,… Sau khi ướp, các thứ hòa quyện vào nhau, không thể tách rời, giống như một dạng “nhuộm” để nên giống nhau.
Về tâm linh, Thiên Chúa muốn các Kitô hữu phải là “chất ướp”, chủ động đối với thế gian, trở nên “gia vị tâm linh” để thấm vào cuộc sống.
Thiên Chúa đặt vấn đề với chúng ta rất rõ ràng và thực tế: “Chẳng phải là CHIA CƠM cho người đói, RƯỚC VÀO NHÀ những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì CHO ÁO che thân, KHÔNG NGOẢNH MẶT LÀM NGƠ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58:7). Bốn “điểm” cụ thể, không hề mơ hồ.
Đó là cách thức mà Thiên Chúa muốn chúng ta “ướp” cuộc đời này. Đó cũng chính là “men” yêu thương, “men” xót thương mà Thiên Chúa muốn chúng ta tận dụng suốt đời. Có thực sự hữu hiệu chăng? Chắc chắn là kết quả rất cụ thể và kỳ diệu: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi” (Is 58:8). Có Thiên Chúa bao bọc mọi chiều thì an toàn tuyệt đối: “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139:5), Ngài là Mục Tử nhân lành, có Ngài thì chúng ta “chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23:1).
Thiên Chúa biết chúng ta yếu đuối và đa nghi, thế nên Ngài đã hứa: “Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!’. Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58:9-10). Ai tin tưởng mà cứ sống theo Thánh Luật của Ngài thì chắc chắn sẽ được Ngài gìn giữ, không chỉ không phải thất vọng mà còn được nhiều hơn cả sự mong ước, đồng thời còn trở nên ánh sáng chiếu soi người khác.
Đề cập loại ánh sáng “đặc biệt”, tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng chiếu rọi kẻ ngay lành: đó là người từ bi nhân hậu và công chính” (Tv 112:4). Người nào có loại ánh sáng đó sẽ là người diễm phúc. Có cái phúc này sẽ có cái phúc khác, đúng như Chúa Giêsu đã nói rằng “ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa” (Mt 25:29). Tác giả Thánh Vịnh nói: “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn, biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình. Họ sẽ không bao giờ lay chuyển, thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân” (Tv 112:5-6).
Người có lương tâm ngay chính thì không có gì lo sợ, tất cả đều do Thiên Chúa quan phòng và tiền định, thế nên họ an tâm tín thác: “Họ không lo phải nghe tin dữ, hằng an tâm và tin cậy Chúa, luôn vững lòng không sợ hãi chi và rốt cuộc coi khinh lũ địch thù. Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc, đức công chính của họ tồn tại muôn đời, uy thế họ vươn cao rực rỡ” (Tv 112:7-9).
Cuộc sống luôn phức tạp, biết vậy không phải để “rối trí”, mà có muốn gỡ cũng không dễ gì, do đó mà cần nhận biết mình bất lực. Càng nhận biết mình bất lực thì càng tăng lòng tín thác vào Thiên Chúa. Chúng ta có làm được gì là nhờ Thiên Chúa, chứ tự sức chúng ta không thể làm gì cả. Thánh Phaolô bộc bạch: “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2:1-2). Ước gì mỗi chúng ta cũng chỉ cầu mong như vậy!
Thiên Chúa toàn năng, Ngài biến không thành có, biến có thành không. Một Saun (Saolê) hung hãn bất ngờ trở thành một Phaolô hiền lành. Thật vậy, ông dẫn chứng cụ thể về trường hợp của mình: “Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 2:3-5).
Đức tin quan trọng trong cả đời sống thường nhật và tâm linh. Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas nói: “Có ba điều cần để con người được cứu độ: biết mình TIN gì, biết mình MUỐN gì, và biết mình LÀM gì”. Ba động từ đó như chiếc kiềng ba chân giúp cân bằng đời sống, nhờ đó chúng ta có thể quy hướng về Thiên Chúa, Đấng duy nhất là cứu cánh và cùng đích của nhân loại.
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Mt 5:13-16 (tương đương Mc 9:50 và Lc 14:34-35), Chúa Giêsu vừa khuyến cáo vừa truyền lệnh cho những ai theo Ngài là “phải trở nên MUỐI ướp đời và ÁNH SÁNG chiếu soi trần gian”.
Chúa Giêsu xác định và phân tích: “Chính anh em là MUỐI cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng thì chỉ còn việc QUĂNG ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ÁNH SÁNG cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà”.
Cách nói của Chúa Giêsu luôn cụ thể, rạch ròi, đơn giản để ai cũng có thể hiểu rõ ràng và đúng đắn. Cái gì thẳng thắn thì thường chói tai, nghe chói tai thì dễ tự ái, tự ái thì dễ tức giận. Nếu vậy thì bất lợi cho chính mình mà thôi. Thật vậy, “biết đúng mà không theo là DẠI, biết sai mà không sửa là MÊ” (Dục Tử).
Cuối cùng, Chúa Giêsu kết luận: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em PHẢI chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”. Mệnh lệnh của Ngài rõ ràng, dứt khoát. Là mệnh lệnh thì không thể không thi hành.
Thi hành mệnh lệnh vì miễn cưỡng thì không có công trạng, thi hành mệnh lệnh vì yêu mến thì có phúc. Thiên Chúa không ép buộc ai, mà Ngài cho chúng ta hoàn toàn tự do.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết ướp chính mình và ướp đời bằng chính loại muối của con, có thể muối con không mặn bằng các loại muối khác, nhưng con cố gắng ướp bằng chính chất của con; xin giúp con cũng biết tỏa sáng bằng chính loại ánh sáng của con, dù đèn con là loại đèn nhỏ và nến nhỏ mà thôi. Xin Ngài thêm chất mạn và chất sáng cho con để con có thể tôn vinh Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
Nêu gương sống tốt giữa đời, Ví như muối mặn, ướp người trần gian. Cuộc đời ô nhiễm lạm càn, Tanh mùi thế tục, tràn lan bụi trần. Óan ghen thù ghét người thân, Lọc lừa gian ác, nợ nần xấu xa. Trái tim thiếu chất vị tha, Không còn bén nhậy, thiết tha tình người. Rất cần vị mặn ướp đời, Cải tâm sửa tính, gọi mời canh tân. Tông đồ làm chứng thế nhân, Ướp cho mặn lại, tinh thần yêu thương. Con là ánh sáng tựa nương, Soi lòng mở trí, dẫn đường thoát nguy. Chứng ngôn chân lý tư duy, Theo đường chính trực, phát huy cuộc đời. Muối men ánh sáng rạng khơi, Thực hành sống đạo, tuyệt vời phúc ân. Yêu thương nối kết góp phần, Vui thay hạnh phúc, thế nhân mong chờ.
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Các con là muối đất và là ánh sáng thế gian. Muối và ánh sáng là hai hình ảnh sống động và thực tế trong cuộc sống.
Ngày xưa, muối là món rất qúi được dùng để trả lương cho người làm công hay lương cho người lính tại Rôma. Chữ salary (tiền lương) bởi chữ salt (muối). Ánh sáng giúp chúng ta nhìn biết môi trường sống chung quanh. Chúa Giêsu só sánh đời sống của các môn đệ như là ánh sáng. Ánh sáng cần được đặt trên giá đề soi sáng cho mọi người. Ánh sáng soi đường và đẩy lui đêm tối.
Trước khi có tủ lạnh, người ta dùng muối để ướp thức ăn cho khỏi hư thối. Muối có vị mặn giúp ta pha chế vào thức ăn cho ngon miệng. Muối cũng giúp cho cơ thể tránh bị phù thũng. Muối tự nó không giúp ích, nhưng cần được pha chế, hòa tan và ngấm dần trong các chất khác. Muối sẽ có giá trị lớn lao.
Chúa Giêsu nói rằng nếu muối mất vị mặn, muối đó không còn được sử dụng vào việc chi nữa. Các con là muối đất nghĩa là các con như chất xúc tác được trộn lẫn, hòa nhập vào trong hoàn cảnh của cuộc sống và môi trường chung quanh để ướp mặn đời. Muối sẽ đem lại ý nghĩa cho cuộc đời của người tông đồ. Hiện diện nơi trần gian, chúng ta có bổn phận ướp gian trần khỏi hư thối.
Hình ảnh cuộc đời người Kitô Hữu mang danh hiệu là muối đất. Muối của người Kitô hữu sống giữa một xã hội đang bị tha hóa bởi nhũng tệ đoan. Muối đất cần vị mặn nhiệt thành để thanh tẩy và đem lại cho xã hội cuộc sống thêm đậm đà hương vị thánh. Một lời nói, một hành động, một cử chỉ bác ái đó chính là vị mặn. Một chút muối đức tin, đức cậy và đức mến sẽ mang lại cho những người chung quanh niềm vui và hy vọng.
Là ánh sáng thế gian, chúng ta phải chiếu sáng trong tối tăm. Chúng ta hãy giới thiệu Chúa cho người xung quanh qua cách sống đạo của chúng ta. Trước hết những người gần gũi trong gia đình thân thuộc, rồi hướng tới những người chung quanh. Xin Chúa cho chúng ta luôn là muối mặn và là ánh sáng hiện diện trong đời để làm tăng thêm ý nghĩa và giá trị cho cuộc đời.
Sau khi công bố Tám Mối Phúc Thật, Đức Giêsu đòi hỏi các môn và những người đi theo Ngài TN 5-A120
Sau khi công bố Tám Mối Phúc Thật, Đức Giêsu đòi hỏi các môn và những người đi theo Ngài: “ Chính anh em là muối cho đời. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.”Hai hình ảnh muối và ánh sáng cũng là một, và cả đều nói lên vài trò của các môn đệ và của các Kitô hữu hôm nay là truyền bá lý tưởng chân lý mà Ngài đã truyền dạy. Khi nói: “ Chính anh em là muối cho đời. Chính anh em la ánh sáng cho thế gian”, Đức Giêsu không muốn nói lên một niềm mong ước phải làm; nhưng Ngài khẳng định với các môn đệ và những người đi theo Ngài phải trở nên muối cho đời và ánh sáng cho thế gian. Nhưng muối và ánh sáng phải như thế nào để ướp cho đời, để chiếu sáng cho trần gian?
Muối thì phải còn vị mặn; muối mà nhạt đi thì lấy gì làm cho nó mặn lại; nó đã trở thành vô dụng. Ánh sáng thì phải đặt trên cao để có thể chiếu sáng cho cả nhà; đèn thắp sáng mà đặt dưới đáy thùng thì chẳng chiếu sáng được bóng tối chung quanh; vì thế, muối phải còn vị mặn, ánh sáng phải tỏa sáng để xóa tan bóng tối, phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để cho họ thấy những công việc tốt đẹp của các môn đệ và của chúng ta làm để tôn vinh Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.
Muối và ánh sáng mà Đức Giêsu muốn nói đến là những công việc tốt lành, đặc biệt là những công việc bác ái và yêu thương. Khi bảo chúng ta hãy để ánh sáng của chúng ta chiếu soi trước mặt mọi người, Ngài không bảo chúng ta quảng cáo, phô trương những việc tốt chúng ta làm; nhưng qua đó, chúng ta làm chứng cho thế gian về Thiên Chúa. Khi sống đạo mà phân cách đạo khỏi đời sống thì chẳng khác nào muối đã nhạt, ánh sáng đã bị che khuất. Sống và thực hành lý tưởng tôn giáo,người ta đem đến cho đời, cho tha nhân một chứng từ của niềm tin. Khi mối và ánh sáng trở nên chúng từ để tôn vin Thiên Chúa thì tự chúng đã trở thành một lời công bố Tin Mừng
Một ngày nọ, có một vị khách đến thăm ngôi nhà mà Mẹ Têrêsa dành cho người nghèo và người hấp hối ở Calcutta. Khi ông vừa tới thì các nữ tu đưa vào một vài người đang hấp hối từ ống cống về, mình dính đầy bụi đất và đang đau đớn. Một chị đang chăm sóc cho người sắp chết mà không để ý đến người đang quan sát mình. Chị tắm rửa và mỉm cười với người ấy.
Nhìn thấy thế, ông khách quay lại với Mẹ Têrêsa và nói: “ Hôm nay, khi đến đây, tôi đã không tin Thiên Chúa, vì lòng tôi đầy thù hận. Nhưng giờ đây, tôi ra về với lòng tin Thiên Chúa. Tôi đã thấy tình yêu của Thiên Chúa đang hoạt động. Qua đôi bàn tay của chị nữ tu kia, qua sự dịu dàng, qua cử chỉ đầy thương yêu của chị đối với người bất hạnh ấy, tôi đã nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa xuống trên người ấy. Bây giờ thì tôi tin.”
Sau khi truyền cho các môn đệ và những người đi theo phải trở thành muối cho đời và ánh sáng cho trần gian, Đúc Giêsu đã đưa ra một số công việc nhân đức mà những ai tin và theo Ngài phải làm là sống theo những gì Ngài truyền dạy, phải ăn ở theo đức công chính, không giận ghét, không trả thù, phải yêu kẻ thù, bố thí, cầu nuyện, ăn chay cách kín đáo…Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã cho biết cách ăn chay đẹp lòng Ngài nhất là“chia cơm cho người đói, rước vào nhà nhưng người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.”(xem Is 58:7-8) Đó là muối, là ánh sáng cho đời.
Thực thi những nhân đức ấy là thực hành Tám Mối Phúc Thật, là trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian. Đức Giêsu là muối cho đời, là ánh sáng thế gian, thì đến lượt các môn đệ và những ai tin và theo Ngài cũng phải là muối, là ánh sáng cho thế gian. Muối và ánh sáng là đức tin thể hiện qua hành động và cuộc sống.
Bài Tin Mừng hôm nay (CN V/TN-A – Mt 5, 13-16) tiếp tục trình thuật “BÀI GIẢNG TRÊN NÚI TN 5-A121
Bài Tin Mừng hôm nay (CN V/TN-A – Mt 5, 13-16) tiếp tục trình thuật “BÀI GIẢNG TRÊN NÚI”: Sau khi công bố Tám Mối Phúc Thật (Mt 5, 1-12), bằng những lời lẽ rất đơn sơ và những hình ảnh rất dung dị, Đức Giê-su dạy các môn đệ: “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian…” Thử tìm hiểu xem vì sao Đức Ki-tô lại dạy như vậy:
Muối là một vật thể, muối hiện hữu không cho chính nó mà là để làm mặn các vật thể khác, để ướp cho thực phẩm được tươi lâu, hoặc làm cho đồ ăn nấu nướng thêm đậm đà (nước mắm, nước tương đều rất cần muối). Ngoài tác dụng với thực phẩm, ngày xưa người ta thường dùng muối trộn với phân ủ, đem bón cho những nơi đồng ruộng bạc màu (đất không còn màu mỡ, trồng lúa, trồng cây không thể tươi tốt, sinh nhiều hoa trái), vì thế nên mới gọi là muối đất. Ngay trong những thứ phân hoá học ngày nay, cũng phải có muối. Không những thế, muối còn được dùng để trị bệnh: muối sát trùng (đắp vào chỗ trặc gân, bong gân), hoặc để giúp tiêu hóa, để lưu giữ và chuyển tải i-ốt, ngăn ngừa bệnh tật. Đọc trong Cựu Ước thấy tác dụng của muối cũng rất đa dạng và tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Có thể kể:
1- Muối mang ý nghĩa trừng phạt: “Khi mặt trời mọc lên trên mặt đất thì ông Lót vào Xô-a. ĐỨC CHÚA làm mưa diêm sinh và lửa từ ĐỨC CHÚA, từ trời, xuống Xơ-đôm và Gô-mô-ra. Người phá đổ các thành ấy và cả Vùng, cùng với toàn thể dân cư các thành ấy và cây cỏ trên đất. Bà vợ ông Lót ngoái lại đằng sau và hoá thành cột muối.” (St 19, 23-26). “Suốt ngày hôm ấy A-vi-me-léc tấn công thành. Ông đã chiếm được thành và tàn sát tất cả dân cư, rồi triệt hạ và rắc muối lên thành.” (Tl 9, 45); “mưa đá huỷ vườn nho, sương muối diệt cây vả.” (Tv 78, 47). “Gia nghiệp Chúa dành cho chư dân là cơn giận của Người, như xưa Người biến nước thành muối mặn.” (Hc 39, 23). “Cả miền đất chỉ là diêm sinh, muối và lửa, không ai gieo vãi, không chi nảy chồi, không cọng cỏ nào mọc lên, giống như cảnh tàn phá ở Xơ-đôm, Gô-mô-ra, Át-ma và Xơ-vô-gim, những thành mà ĐỨC CHÚA đã phá đổ trong cơn thịnh nộ và lôi đình của Người.” (Đnl 29, 22).
2- Muối tượng trưng sự trung tín trong giao ước: “Tất cả các phần trích dâng trong các của lễ thánh mà con cái Ít-ra-en dâng ĐỨC CHÚA, Ta đều ban cho ngươi cũng như cho con trai con gái ngươi, chiếu theo một quy luật vĩnh viễn. Đó là giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan ĐỨC CHÚA, cho ngươi và dòng dõi ngươi.” (Ds 18, 19). “(Các) ngươi phải bỏ muối vào mọi lễ phẩm (các) ngươi dâng tiến; (các) ngươi không được để lễ phẩm (các) ngươi thiếu muối của giao ước của Thiên Chúa (các) ngươi; (các) ngươi phải dâng muối cùng với mọi lễ tiến của (các) ngươi.” (Lv 2, 13). “Hỏi có ai ăn nhạt mà không cần muối? Liệu nước rau sam có được chút hương vị nào chăng?” (G 6, 6). “Người trong thành nói với ông Ê-li-sa: “Như ngài thấy đó, địa thế của thành thì tốt, nhưng nước thì độc và xứ sở bị nạn vô sinh.” Ông Ê-li-sa bảo: “Lấy cho tôi một cái tô mới và bỏ muối vào đó.” Họ đi lấy cho ông. Ông đi ra suối nước, đổ muối xuống và nói: “ĐỨC CHÚA phán thế này: Ta làm cho nước hoá lành, và nước này sẽ không còn gây chết chóc và nạn vô sinh nữa.” Và nước hoá lành cho đến ngày nay, theo lời ông Ê-li-sa đã nói.” (2V 2, 19-22)
3- Muối là dấu chỉ việc thánh hiến: “Ngươi hãy lấy các thứ hương chất: tô hợp hương, hương loa, phong tử hương, các hương chất và nhũ hương nguyên chất; số lượng mỗi thứ sẽ đồng đều. Ngươi sẽ lấy các thứ hương chất đó chế thành hương để đốt: hợp chất các hương này sẽ là sản phẩm của thợ làm hương; hương đó sẽ là hương pha muối, nguyên chất, và là hương thánh. Đối với các ngươi, đó sẽ là một vật rất thánh. Các ngươi sẽ không được chế hương theo kiểu ấy mà dùng: đối với ngươi, đó sẽ là một vật thánh, dành riêng cho ĐỨC CHÚA.” (Xh 30, 34-37). “Ông đi ra suối nước, đổ muối xuống và nói: “ĐỨC CHÚA phán thế này: Ta làm cho nước hoá lành, và nước này sẽ không còn gây chết chóc và nạn vô sinh nữa.” (2V 2, 21).
Cũng theo ý nghĩa đó, ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói đến việc xát muối cho trẻ sơ sinh Do-thái là một nghi thức nhằm nói lên đứa trẻ được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc (Ed 16, 4). Trong nghi thức làm phép nước thánh của Giáo Hội cũng có việc linh mục bỏ muối vào nước. Vị linh mục đọc lời nguyện: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin đoái thương nhận lời chúng con cầu khẩn mà thánh hóa muối này do chính Chúa dựng nên. Xưa kia Chúa đã truyền cho ngôn sứ Ê-li-a bỏ muối vào nước, để nước nên trong lành. Giờ đây, khi chúng con rảy nước đã pha muối nơi nào, xin Chúa xua đuổi ma quỷ ra khỏi nơi ấy, và sai Thánh Thần đến ngự trị, để Người gìn giữ chúng con luôn mãi.” (Sách Lễ Rô-ma, trang 1053).
Bản chất muối là vị mặn, nên muối không cần làm mặn cho mình, mà chỉ có thể làm mặn cho các vật thể khác. Như vậy, bản tính của muối là chia sẻ những gì mình có để làm cho các vật thể khác được mặn mà, tươi thắm, tốt đẹp hơn. Cũng vậy, ánh sáng tự thân không là một vật thể mà chỉ là sự chiếu toả từ một vật thể bị đốt cháy hoặc bị tác động bởi một va chạm đối kháng nguyên tử, phân tử, và từ đó, ánh sáng phát sinh. Như vậy, ánh sáng cũng không chiếu toả cho chính nó, mà là soi tỏ cho các vật thể khác, cho môi trường. Nói cách khác, bản chất ánh sáng là chiếu toả, soi sáng, giúp cho môi trường, cho các vật thể khác (kể cả con người) thể hiện mình ra, nghĩa là được nhận thấy (hiện hữu). Như vậy bản tính ánh sáng – cũng như muối – là giúp cho, làm cho các vật thể khác trở nên sáng sủa, tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, Đức Ki-tô còn dùng hình ảnh men trong bột (Mt 13, 33) để khuyên dạy các môn đệ. Cũng như muối và ánh sáng, men không hiện hữu cho chính nó, mà để giúp cho bột nở dậy men. Nói cách cụ thể, ở muối, men và ánh sáng, chỉ có CHO, không có NHẬN. mà nói đến cho và nhận là nói đến Tình Yêu. Chính vì thế, nên Đức Giê-su Ki-tô – Vua Tình Yêu – mong muốn các môn đệ của Người hãy trở nên như muối (với bản chất là làm cho đời thêm mặn mà trong Tình Yêu), như men (làm cho bột đời nở ra và thêm ý vị trong Tình Yêu), như ánh sáng (với bản chất là soi chiếu chân lý Tình Yêu cho trần gian đang ngụp lặn trong đêm đen tội lỗi). Người môn đệ muốn trở nên như muối, men và ánh sáng để “cho” kẻ khác, thì chính con người mình phải “có” trước đã, bởi người ta không thể cho cái mà mình không có (không có thì lấy gì mà cho?). Cũng bởi vì “cây mà tốt thì quả cũng tốt” (Mt 12, 33), “lòng có đầy miệng mới nói ra” (Mt 12, 34) được vậy.
Khi muối bị nhạt đi, ánh sáng bị lu mờ và men bị pha trộn tạp chất, thì tác dụng tốt đẹp không còn, thậm chí nhiều khi còn bị phản tác dụng nữa, như trường hợp Đức Ki-tô nói về men Pha-ri-sêu và Xa-đốc (Mt 16, 5-12). Khi Người nói với các môn đệ “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc.” (Mt 16, 6), các môn đệ lại cứ tưởng Người nói về men bột thực sự, cho đến khi bị quở trách, các ông mới hiểu là Người không bảo phải coi chừng men bánh, mà là phải coi chừng giáo lý Pha-ri-sêu và Xa-đốc. Một bằng chứng hiển nhiên là trong thời gian này, Sao-lô đã thấm nhuần men Pha-ri-sêu và men Xa-đốc, đang lùng giết những người theo Giê-su. Chỉ đến khi Chúa đã hoàn tất sứ vụ Cứu Độ (đã chết và chiến thắng sự chết, sống lại hiển vinh); qua biến cố Damas, Người mới làm cho Sao-lô-mù-nội-tâm trở nên một Phao-lô-sáng-mắt-sáng-lòng – một Tông đồ kiệt xuất của dân ngoại. Chính điều này cho thấy khi Đức Giê-su muốn môn đệ trở nên muối, men và ánh sáng, chính là Người muốn các môn đệ phải thấm nhuần chân lý Tin Mừng Cứu Độ từ chính Người Thầy của mình đã truyền dạy và thực hành.
Nói tóm lại, con người sống trong xã hội là sống cùng, sống với, sống cho và sống vì người khác. Không ai có thể tự phụ sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người khác. Bằng lời nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của cá nhân đều gây một ảnh hưởng nào đó với tha nhân. Riêng với người Ki-tô hữu, thì sự ảnh hưởng ấy càng quan trọng hơn. Cuộc sống chứng tá bằng “căn cước của Ki-tô hữu” chính là thực hiện vai trò làm “muối, men và ánh sáng” cho đời. Muốn làm muối, men và ánh sáng thì điều tiên quyết phải biết mình được “sống bởi đâu?”, nhiên hậu mới có thể “sống với ai” và “sống cho ai” được. Vâng, vì Thiên Chúa dựng nên tôi, ban sự sống cho tôi, nên tôi được “sống bởi” Thiên Chúa. Người còn thương “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2, 18), nên cho tôi “sống với” người khác để có thể cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, ngõ hầu làm cho con cái Thiên Chúa được “đông đúc như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển” (St 22, 17). Trong khi đó, Đức Giê-su Thiên Chúa lại dạy tôi làm men, làm muối đất, làm ánh sáng cho trần gian, tức là tôi không thể chỉ “sống cho” riêng mình, mà còn phải “sống cho” người khác nữa. Tắt một lời, tôi phải biết rõ tôi “sống bởi đâu?”, “sống với ai?”, để từ đó tôi phải “sống cho” mọi người.
Lời khuyên chí tình chí nghĩa vẫn là: Hãy noi gương, học theo Thánh Tông đồ dân ngoại Phao-lô để đạt được kết quả: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Tất nhiên, chúng ta không phải là Sao-lô, không được như Sao-lô ở Damas, nên không thể thành Phao-lô được; nhưng nếu chúng ta vững tin vào Người Thầy Chí Thánh, kiên trì cầu nguyện và quyết tâm làm nhân chứng cho Tin Mừng Cứu Độ trong cuộc sống, thì chắc chắn chúng ta sẽ được Đức Giê-su đến và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Hiệp thông vào tâm tình biết ơn của Thánh Phao-lô, ý thức rằng ân sủng của Thiên Chúa chính là những “mưối men và ánh sáng” vẫn hằng chiếu dọi, ấp ủ và hoạt động trong đời chúng ta qua mọi biến cố lớn, nhỏ. Chúng ta cầu mong cho nhau luôn sống trong niềm vui vì đã và vẫn đang được gặp Chúa Ki-tô Phục Sinh mỗi ngày, được soi sáng và biến đổi bởi ánh sáng của Người, để những chọn lựa hằng ngày của chúng ta luôn làm tăng trưởng và kiến tạo sự hợp nhất của toàn thể Hội Thánh. Ước được như vậy. Amen.
Muối và ánh sáng là hai vật thể rất quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày của mọi người. Người ta TN 5-A122
Muối và ánh sáng là hai vật thể rất quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày của mọi người. Người ta dùng muối để ướp cho thịt cá khỏi ươn thối. Cũng vậy, ai nấy đều cần tới ánh sáng. Nếu không có ánh sáng, chúng ta sẽ bị chìm ngập trong bóng tối và gặp nhiều khó khăn trong mọi sinh hoạt. Chúa Giêsu đã dùng hai hình ảnh dung dị này để khải thị sứ mệnh của mọi Kitô hữu. Ngài nói: “Anh em là muối ướp mặn cho đời… Anh em là ánh sáng cho trần gian”. Những học trò của Đức Giêsu được mời gọi hãy thực hiện hai tính năng căn bản này để quảng bá mầu nhiệm Nước Trời cho mọi người chung quanh.
Trở nên muối
Có một câu chuyện ngụ ngôn được kể lại như sau. Muối đến bên bờ biển và cất tiếng hỏi: “Biển ơi, biển là gì ?” Biển trả lời : “Muốn biết ta là ai, ngươi hãy xích lại gần ta”. Muối tiến lại gần biển. Một làn sóng ập đến, đống muối bị cuốn trôi và tan dần giữa biển khơi. Việc trở nên muối luôn hàm ngậm mầu nhiệm tự hủy. Cũng như những hạt muối tan chảy giữa lòng biển mênh mông, người Kitô hữu cũng phải biến tan trong Đức Kitô như lời tâm niệm của Thánh Phaolô : “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi (Gl 3,20).”
Trở nên ánh sáng
Nguồn sáng vĩnh hằng chính là Thiên Chúa. Chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin kính : “Người là Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Ngôn sứ Isaia đã từng tiên báo về kỷ nguyên Thiên Sai : “Dân đi trong bóng tối đã thấy ánh sáng huy hoàng (Is 9,1)”. Chính Đức Giêsu là ánh sáng ơn cứu độ và Ngài cũng đã công bố : “Tôi là sự sáng cho trần gian (Ga 7,12)”. Những học trò của Đức Giêsu cũng phải tiếp nối sứ mệnh cứu thế của Ngài bằng việc trở nên ánh sáng. Thuộc tính này chính là căn tính của mọi Kitô hữu, những người mang danh Kitô.
Công đồng Vatican II đã ban hành Hiến chế ‘Ánh sáng muôn dân’ để nói về bản chất và sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa Giêsu phải trở nên ánh sáng soi chiếu cho muôn dân tộc, bằng chính đời sống cụ thể hằng ngày. Có một lần, Mẹ Têrêsa Calcutta đến thăm một cụ già sống ở ven một khu rừng vắng bên Úc Châu. Nhà của cụ tăm tối và rất bẩn thỉu. Cụ không buồn thắp đèn lên và cũng chẳng quét dọn căn phòng bao giờ. Cụ sống cô đơn một mình và hầu như không có ai đến thăm cụ. Mẹ Têrêsa đã vén tay áo lên quét dọn nhà cửa cho cụ, và mở toang cánh cửa sổ để ánh sáng dọi vào. Cảm nhận được tình yêu ấm ấp từ mẹ Têrêsa, cụ già thốt lên: “Bây giờ tôi đã thấy rồi.” Ánh sáng từ bên ngoài đã lọt vào căn nhà tăm tối của cụ. Nhưng chính ánh sáng từ ngọn lửa yêu thương của tình người đã làm sáng lên những chỗ âm u nơi tâm hồn cụ. Cụ đã thấy, không phải chỉ thấy bằng đôi mắt thân xác, nhưng đã cảm nghiệm những ngọt ngào của tình yêu và sự đồng cảm. Ngạn ngữ phương tây có câu: “Hãy thắp lên một ngọn nến sáng còn hơn ngồi mãi trong bóng tối mà nguyền rủa cuộc đời”. Cho dầu cuộc sống chúng ta có nghiệt ngã hay bầm dập đến mấy, chúng ta vẫn có thể thắp lên một ngọn nến sáng của tia hy vọng cho chính mình cũng như giúp soi chiếu những người khác.
Làm cách nào để trở nên muối và ánh sáng
Nhà văn Leon Tolstoi có viết một câu chuyện ngắn với tựa đề ‘Con người ta sống bằng gì?’. Trong phần kết luận, đại văn hào đã trả lời : “Con người chúng ta sống bằng tình yêu”. Đúng vậy, nếu không có tình yêu, con người chúng ta sẽ chết dần chết mòn trong bóng tối của sợ hãi và thất vọng. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma cũng đã viết : “Yêu mến là chu toàn lề luật (Rm 13,10b).” Luật lệ mà Chúa Giêsu đặt làm khung căn bản cho cuộc sống Kitô hữu chính là luật tình yêu : “Cứ dấu này, người ta nhận biết anh em là môn đệ thầy, là anh em hãy thương yêu nhau’ (Ga 13,35).
Như vậy, để trở nên muối và ánh sáng theo lời khuyến mời của Chúa Giêsu, chúng ta cần phải quảng diễn tình yêu giống như Chúa Giêsu đã nêu gương. “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34b). Chúng ta đã nghe rất nhiều về lời trăn trối này. Đó là bản di chúc thiêng liêng Đức Giêsu đã để lại trước khi Ngài đi thụ nạn. Nhưng chúng ta cần tra vấn lương tâm và xét mình mỗi ngày xem chúng ta đã thực hành giới răn đó như thế nào. Tình yêu chân thật đòi hỏi phải biết quảng đại cho đi. Muối muốn trở nên hữu dụng cần phải tan chảy. Đó chính là mầu nhiệm của sự tự hủy. Ánh sáng muốn được thắp lên, phải tiêu hao nhiên liệu. Định luận đơn giản ấy cũng phải được áp dụng cho mọi Kitô hữu.
Kết luận
Tạp chí Times có thuật lại chứng từ của một cựu quân nhân Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam. Ông ta tên là Avares, một phi công của không lực Hoa Kỳ, bị bắt vào năm 1964, bị giam tại trại tù Hòa lò và được phóng thích trong đợt trao trả tù binh vào năm 1972.
Năm 1990, trong lần trở lại Việt Nam với phái đoàn làm phim tài liệu, ông đã đến thăm Hòa lò, nơi ông bị giam giữ suốt 8 năm trời. Avares đến ngay căn phòng cũ chỗ ông bị giam và lấy tay cạy lớp vôi trên bức tường vừa mới được sơn phết lại. Hình một cây Thánh giá mờ mờ dần lộ ra. Ông chỉ vào cây Thánh giá và nói với mọi người : “Tôi vẫn nhìn lên cây Thánh giá này và cầu nguyện mỗi ngày. Nhờ vậy, tôi có được sức mạnh vượt qua những tháng ngày đen tối nhất. Chung quanh tôi là cả một bóng đêm dày đặc. Nhưng Thánh giá của Chúa Giêsu đã trở nên nguồn sáng vô tận soi dẫn giúp tôi tiến bước giữa bóng tối của tuyệt vọng và chán chường”.
Chúa Giêsu là ánh sáng cho trần gian. Là những học trò của Ngài, chúng ta cũng phải trở nên ngọn đèn sáng soi dẫn cho mọi người.
Nếu sinh ra là một loài hoa, hẳn người ta sẽ ước được là một loài hoa có hương có sắc. Nếu sinh TN 5-A123
Nếu sinh ra là một loài hoa, hẳn người ta sẽ ước được là một loài hoa có hương có sắc. Nếu sinh ra làm người, ai chẳng ước mơ mình sẽ làm người tốt, người có ích cho gia đình xã hội. Sinh ra trong ơn gọi làm con cái Chúa, không những ta khao khát trở nên người tín hữu tốt, chúng ta còn mơ được tỏa ngát hương thơm. Vì đâu ai muốn mình vô dụng, chẳng khi nào ta lại muốn bị mang tiếng là “hữu danh vô thực”. Vẻ đẹp ở đời luôn được xét tới theo hai tiêu chí: hình thức và nội dung ; ý tưởng hay, tầm nhìn phong phú, phải đủ khách quan, chính xác, có tính thuyết phục.
Muối có vị mặn, đèn phải chiếu sáng, hương thơm phải tỏa ngát, đó là những đặc tính căn bản mà người bình thường nhất nơi cuộc sống này đều hiểu. Trong ý tưởng đó, Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta: “chính anh em là muối cho đời, chính anh em là muối cho trần gian”. Bằng cách nào để ta sống bổn phận của mình cách tích cực nhất, làm sao tình yêu Đức Kitô có thể thấm nhuần đến từng gia đình và xã hội hôm nay, nếu ta chưa ý thức mình phải nên giống Đức Kitô. Vì sau khi lãnh nhận bí tích khai tâm Kitô giáo, chất mặn yêu thương, ánh sáng Đức Kitô, đã được đổ ngập tâm hồn chúng ta.
Người xưa có câu: hoa kia thơm lạ thơm lùng, thơm cành thơm rễ, người trồng cũng thơm. Thật là trùng hợp đối với người tín hữu, khi nhớ đến Thiên Chúa là cội nguồn yêu thương được ban cho chúng ta. Chất mặn và sự sáng, được Chúa đặt để vào tâm hồn chúng ta từ khi rửa tội, đức ái và gương sáng niềm tin, mỗi người đã sử dụng, đã cộng tác để tỏa chiếu ra sao tùy tự do của chúng ta. Là con cái Chúa và con Hội Thánh, mỗi người phải đi trong đường lối của Thiên Chúa, trở nên giống Chúa bằng sự kết hiệp cầu nguyện, bằng hành động đức tin Kitô giáo.
Đời sống đức độ, tinh thần yêu mến của người tín hữu sẽ là “gương sáng” hay nhất, đẹp nhất, có sức lôi cuốn mọi người cùng gặp Đấng chúng ta tin thờ. Muối mặn, đèn sáng, người tốt, việc làm tốt, sẽ không thể là lý thuyết suông, vì Đức Kitô hằng hiện diện và biến đổi chúng ta nên khí cụ tình yêu thương của Ngài cách sống động nhất. Muối mặn ngấm vào thức ăn, đèn tỏa sáng giúp ta phân định được vấn đề đúng sai, thật giả. Tình yêu ngấm vào các tương quan, giúp ta biết cư xử, sống có ý nghĩa ; ánh sáng đức tin thấm sâu vào tâm trí, giúp ta phản chiếu đủ ánh quang Đức Kitô nơi cuộc sống này.
Cái khuyết điểm lớn của con người là biết mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh, trở thành giám đốc để mưu cầu việc làm, nhưng chăm chỉ học tập, đào luyện “cái tâm” của mình thì lại ít nghĩ tới. Người Kitô hữu mơ ước có khả năng di chuyển núi đồi, có chuyên môn chữa trị tật bệnh thể xác tâm hồn, nhưng men yêu thương, dầu đức tin thường bị thiếu hụt ! Vì vậy nên “cái tôi” của ta thì dễ lớn lên, còn Đức Kitô trong ta thì bé nhỏ lại. Ước mơ là người tốt, thao thức là ngọn đèn luôn phát sáng, mỗi người đều phải có đủ ơn Chúa, có mãi Đức Kitô ở trong lời nói và việc làm của mình.
Trong khi xã hội rất thực dụng cho rằng: tìm người có đức gởi thân, tìm người có nhân gởi của, thật là chí lý cho ai thấm nhuần được lời dạy của tiền nhân trang bị cho mình ơn khôn ngoan. Nơi Đức Giêsu, Ngài chi tiết rõ ràng khi nhắc chúng ta: “ánh sáng của anh em phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ nhận biết những việc làm của anh em mà ngời khen Cha anh em ở trên trời”. Khôn ngoan để tìm người có đức, khôn ngoan để tìm người có tấm lòng tốt, nhưng trên hết, khôn ngoan trong Chúa, mỗi chúng ta mới phản chiếu được vị mặn, đủ chất sáng tỏa lan đến anh chị em mình.
Kinh nghiệm cho thấy, nếu muối không mặn, và đèn hết dầu, tức là đèn không sáng, thì có ích gì nữa đâu, người Kitô hữu vô dụng không những là người mất niềm tin, mà còn là người bỏ mất cơ hội tận hưởng hạnh phúc. Chúa Giêsu hẳn vẫn đang hy vọng chúng ta phát huy bản chất yêu thương, để qua anh chị em mình, ánh sáng của niềm tin luôn mặn tình mặn nghĩa. Khi đưa ra ví dụ về chất mặn của muối và công dụng của cây đèn tỏa sáng, Chúa Giêsu lưu ý chúng ta phải thực sự là Kitô hữu, là người có đủ dầu đèn cho hành trình đức ái.
Muối mặn và đèn sáng sẽ không phải là khẩu hiệu, mà còn là dấu chỉ chúng ta thuộc về Đức Kitô là ánh sáng, là tình yêu thương được thông ban chia sẻ. Con đường nên thánh mời gọi chúng ta chiếu soi niềm tin và hy vọng mang lại hạnh phúc cho đời, cho chính chúng ta được dự bàn tiệc Nước Trời hôm nay và mai sau. Amen.
Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ Năm thường niên, Chúa muốn trao cho con một sứ mạng :”Chính anh TN 5-A124
Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ Năm thường niên, Chúa muốn trao cho con một sứ mạng :”Chính anh em phải là muối cho đời”. Không ai trong chúng con đây không biết tác dụng của muối. Mà đã nói đến muối, hẳn ai cũng hiểu rằng muối phải có vị mặn để qua đó người ta sử dụng trong cuộc sống . Từ ăn uống như chế biến thức ăn, nêm nếm và cả trong y học , trong khoa học nữa. Hơn thế nữa ,và để cụ thể Chúa còn muốn “ Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Ánh sáng để cho mọi người nhận biết Chúa, nhận biết sự thật, chân lý và còn là nhận ra nhau.
Con tin rằng Chúa muốn con phải sống một cuộc sống có ý nghĩa, có giá trị nơi trần gian. Chúa không muốn cuộc sống Chúa đã trao ban cho con trở nên vô nghĩa, mất tác dụng. Muối cho đời, ánh sáng cho thế gian, đó còn là Chúa muốn con phải can đảm nhân rộng những cách sống tốt, dám làm những việc mà người khác e ngại, hầu mưu ích cho anh em mình, dù phải thiệt thòi, bị phê phán, hầu làm gương cho người khác cùng học theo, làm theo, sống theo.
Làm gương sáng, nhân rộng những điều tốt, không phải là để khoe khoang điều đã làm được, nhưng là để nhiều người hơn nữa cũng cùng làm tốt, vì “Chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới đáy cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt Thiên hạ, để họ thấy những công việc anh em làm, mà tôn vinh cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.
Ngày hôm nay đây, nhiều người trong chúng con sống dường như không biết có ngày mai. Không còn tin vào bất cứ giá trị nào của cuộc sống, sống buông thả, chiều theo ý thích của bản năng, theo đam mê tội lỗi. Nhiều người, trong đó có con vẫn nhận mình là người tin Chúa, người có đạo mà cuộc sống còn thiếu sót, bê bối hơn cả những người chưa biết, chưa tin vào Chúa. Nhiều lần con từ chối làm việc tốt người khác mời gọi, từ chối làm việc bác ái, mượn cớ” tay phải không biết việc tay trái làm” để thóai thác.
Xin cho con qua Lời Chúa dạy hôm nay, nhận ra được điều Chúa muốn, để từ nơi con sống, nơi con học hành, nơi con làm việc, buôn bán, hoạt động, những người sống bên con nhận ra được con là người có lòng tin nơi Chúa. Không chỉ bằng dấu chỉ cây Thánh giá đeo trên ngực, trên đôi tai, hay bằng cử chỉ làm dấu Thánh giá trước khi ăn, ghi trong tờ khai lý lịch, trong thẻ chứng minh nhân dân . . . mà còn chính bằng đời sống gương mẫu, tận tụy trong công việc , trong phục vụ anh em mình. Đó chính là chúng con đang trở thành muối cho đời, là ánh sáng cho nơi con đang sống. AMEN.
Chúa Giêsu minh định cách rõ ràng về “muối “ , Người nói : “ Chính anh em là muối cho đời TN 5-A125
Chúa Giêsu minh định cách rõ ràng về “muối “ , Người nói : “ Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” ( c 13).
Vâng, kính thưa quý vị, “muối “ không ai là không biết, muối là một “tác nhân” chính trong những bữa ăn hằng ngày của chúng ta. Nếu thiếu muối thì cơ thể không phát triển được, nhất là não, mặc nhiên ảnh hưởng đến trí tuệ.
Tuy , muối là gia vị rẻ tiền nhất, nhưng cần thiết nhất, trong tất cả các thực phẩm chế biến, không có loại nào là không có muối, dù là bánh ngọt, kẹo. thuốc men chữa bệnh cũng vậy. Muối rẻ tiền đối với đồng bằng, miền duyên hải, nhưng đắt tiền đối với miền núi. Đối với miền cao nguyên, người dân tộc thiểu số, họ rất quý “ hạt muối”, thường bị thiếu muối, nên họ thường đốt lá cây, lấy tro để ăn, vì có vị mặn như muối.
Vâng, như vậy, muối quý hơn đất bởi vì nó có “vị mặn“, bởi vì , nếu muối nhạt đi thì nó chỉ là đất. nhưng, thật ra chất muối là nhờ nước mặn của biển và ánh sáng mặt trời. Còn có loại muối hầm mỏ, loại muối nầy nằm đưới lòng đất, thì nó chính là “ muối đất”, chất muối nầy nếu nhạt đi, thì nó trở nên như đất.
Vâng, Chúa Giêsu nói rất rõ về muối, Người dùng hình ảnh cụ thể, tính chất cụ thể, có nghĩa là chân lý, để minh định cho chúng ta biết giá trị của việc “sống đạo”.
Vậy, giá trị của việc sống đạo giống như muối vậy. Đạo Công giáo là “ lộ trình” sống Lời Chúa, thực thi Lời Chúa bằng cả một sự nổ lực liên lỉ. Bởi một tình yêu siêu nhiên, không phải những mối lợi bất chính , thấp hèn, mà là một chất “ xúc tác “ như muối. Như, vậy, người bước theo Đức Kitô lấy gì mà làm nổi bật “ nhân cách Kitô” thưa đó là “ Muối “, nhưng chất “ muối “ nầy không phải là muối đất, mà là “muối Lời Chúa”. Muối Lời Chúa chính là tác nhân, là “ chất mặn “ cho cuộc sống và sống viên mãn
Muối Lời Chúa, mà các thánh đã “ướp” cho đời, đó chính là những “ gương sáng”, vì Lời Chúa vừa là “ Chất mặn” của muối, vừa là ánh sáng chiếu soi vào trần gian tối tăm. Vì, chính Chúa Giêsu đã nói : “ Chính anh em là muối cho đời … “, điều nầy cần thiết biết bao ! nếu một người môn đệ mà không thực thi Lời dạy của Thầy mình, thì làm sao trở thành môn đệ được. Rõ ràng, đây là quy chế, là điều kiện tiên quyết để trở nên môn đệ của Đức Kitô.
Muối phải khác với đất, bởi vì nó có vị mặn, vị mặn giữ được thực phẩm khỏi hôi thối, mặc nhiên giá trị của muối là vị mặn. Lời Chúa làm cho chúng ta sống giữa thế gian , nhưng không bị thế gian “ lôi kéo” theo nó., vì “Muối lời Chúa” làm cho người môn đệ có sức cảm hóa, lây sang điều thiện hảo cho tha nhân. Để minh chứng Lời Chúa về muối hôm nay,chúng ta nhớ lại câu ca dao Việt Nam :
“ Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư “
Câu ca dao triết lý của người Việt Nam làm rõ nghĩa câu lời Chúa hôm nay. Nếu cá mà không có muối, thì cá sẽ ươn thối, không làm gì được. Nhưng, nếu cá được ướp muối , thì cá sẽ trở nên mặn và cho ra một thứ nước chấm là nước mắm, một loại gia vị hằng ngày của người Việt Nam.
Cũng vậy, lời khuyên dạy của cha mẹ chẳng khác nào như “ cá với muối “ vậy. Lời Chúa được “ ướp” vào người tín hữu, thì họ sẽ trở nên muối cho đời. Như vậy, sự cần thiết của muối trần gian, muối hữu hình, Chúa Giêsu đưa chúng ta đến cuộc sống siêu nhiên và dạy chúng ta phải trở nên “ người tốt”. Vì, nếu người Kitô hữu không “ sống tốt” thì là sao nói tốt về Thiên Chúa đươc.
Theo đó, muối là vật chất ở đưới đất, chỉ cho thế gian, nhưng người kitô hữu ở giữa thế gian, thì phải trở nên “ muối “, chứ không được trở nên “đất “. Và ánh sáng thì, mặc nhiên, không ở dưới đất, dù hằng ngày ở gần chúng ta, nhưng, ánh sáng khác với muối, ánh sáng không thể “tự do” giữ được, mà phải tùy thuộc vào chất để giữa ánh sáng. Vì, mọi ánh sáng đều quy về một thứ ánh sáng duy nhất, đó là Thiên Chúa. Chúa Giêsu được gọi là “ Ánh Sáng thế gian “, bởi chính Người là “Nguồn Sáng” vĩnh cửu và duy nhất. Không ai cầm giữ được ánh sáng, đó là nguyên lý. Nguyên lý ánh sáng mà nhân loại nghiên cứu, phát hiện, tìm tòi, hầu nhận ra chân lý của ánh sáng là Thiên Chúa, chứ không thể có ánh sáng “ nhân tạo”. Đừng lầm tưởng ánh sáng của bóng đèn, dù là đèn điện hay đèn dầu, ánh sáng của lửa. những, thứ ánh sáng đó không phải là “ ánh sáng thật”, thế gian không bao giờ có thứ ánh sáng thật, vì thế gian mọi thứ đều là giả tạo. Chỉ có một thứ ánh sáng thật hữu hình duy nhất chiếu soi ngày đêm, đó là mặt trời và mặt trăng. Phàm nhân có giả trá cách mấy cũng không thể làm giả được, dù thế chế chính trị giả dối , độc tài, gian ác, lừa lọc dân tộc mình, thì sự thật của ánh sáng không thể nào “che đậy” được, hoặc làm giả được.
Vâng, còn ánh sáng “ nội tâm “ ánh sáng siêu nhiên thì siêu huyền và vô biên biết bao, đó là “Ánh Sáng Thiên Chúa”. Vì vậy, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải trở nên ánh sáng. Thứ ánh sáng ấy không thể nào bị “ dập tắt”. Đó là ánh sáng “chân lý và tình yêu”, là Lời Chúa. Vì , “ Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi “ ( Tv 118).
Tục ngữ Việt Nam cũng có câu : “ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng “. Vâng, ai cũng biết ý nghĩa của câu tục ngữ nầy, cũng có ý nghĩa gần như câu : ” chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở ”. Có nghĩa là, muốn sống tốt thì phải chơi với bạn tốt , người tốt. Tìm bạn tốt mà chơi, vì nếu không thế thì “ chơi dao có ngày đứt tay”. Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn, dân tộc nào, quốc gia nào cũng có những câu tục ngữ, ngạn ngữ để dạy sống cuộc sống trần thế. Nước Trời cũng vậy, Chúa Giêsu đến trần gian, vì tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, Người đã đạy cho chúng ta “ Triết lý Nước Trời”. Chúng ta đừng sợ để thực thi, mà hãy can đảm thực thi Lời Chúa như các thánh đã thực thi. Vì : “ Chính anh em là ánh sáng cho trần gian … Ánh sáng của anh em phải được chiếu giãi trước mặt thiên hạ…” ( c 14 – 16)
Ánh sáng là thứ cần thiết trong cuộc sống tự nhiên cũng như siêu nhiên, tất yếu nó phải được giãi bày ra để chiếu soi chung quanh, vì “muối” phải mặn, thì “ ánh sáng “ phải chiếu soi, như thế , mới biểu lộ giá trị chân lý của nó, hầu biểu dương, và tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ánh sáng chiếu soi trần gian, là chân lý và tình yêu bởi Thiên Chúa, xìn thương ban cho những ai bước theo Chúa biết trung tín và can đảm, hầu mang ánh sáng Tin Mừng gieo vào trần gian, để ánh sáng chân lý chiếu giãi muôn phương, soi đường cho nhân loại , để thế gian nhân biết mà tôn vinh Thiên Chúa là Cha trên trời./. Amen.
Kể từ Hiến Chế Lumen Gentium lừng danh của Công Đồng Va-ti-can II người ta dần trở nên TN 5-A126
Kể từ Hiến Chế Lumen Gentium lừng danh của Công Đồng Va-ti-can II người ta dần trở nên quen thuộc với khái niệm Hội Thánh phải là ánh sáng, ánh sáng soi chiếu muôn dân. Phụng vụ cũng liên tục dùng biểu tượng ánh sáng để chỉ Đức Ki-tô, sứ điệp Tin Mừng của Người, đồng thời cũng chỉ toàn bộ đời sống của các Ki-tô hữu. Vì thế câu định nghĩa Đức Giê-su dùng để nói về các kẻ tin theo Người: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” quả có một tầm quan trọng rất đặc biệt.
Kiểu nói ‘nêu gương sáng’ của người Việt dễ làm chúng ta hiểu câu nói “chính anh em là ánh sáng cho trần gian” theo ý nghĩa biểu tượng: tức là các Ki-tô hữu phải trở nên gương mẫu về đời sống đạo hạnh, có nền luân lý lành mạnh… Cũng vậy, cách nói Ki-tô hữu là ‘con cái ánh sáng’ được thư Ê-phê-sô (5:8-14), 1 Thê-xa-lô-ni-ca (5:5-6), 1 Phê-rô (2:11-12) sử dụng cũng dễ làm chúng ta liên tưởng đến nội dung luân lý tương tự: “Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa” (Ep 5:8-10).
Đức Giê-su dùng hai hình ảnh: “Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” để nói với các môn đệ. Hình ảnh ‘muối’ được đặt trước, vì chính nó mới gây ấn tượng mạnh hơn trên các thính giả Đo Thái.
Đối với người Do Thái, công dụng trước nhất của muối là: ướp thực phẩm để bảo quản lâu dài; muối dùng như gia vị làm cho thức ăn thêm đậm đà, như cách hiểu phổ thông của chúng ta ngày nay, chỉ là thứ yếu. Sách Dân Số viết: các tư tế được trao cho ‘một giao ước muối muôn đời tồn tại, cho ngươi và dòng dõi ngươi’ (Ds 18:19). Điều đó có nghĩa là: nhờ việc cử hành cặn kẽ các bổn phận tế tự, họ sẽ làm cho giao ước đã được ký kết với Đức Chúa tồn tại mãi mãi trong dân Ít-ra-en. Người Do Thái sau này hiểu rộng ra là: nhờ việc trung thành nắm giữ luật Mô-sê, họ sẽ làm cho Giao Ước Si-nai tồn tại mãi mãi qua muôn thế hệ. Trong ý nghĩa đó, thì họ chính là ‘muối, là ánh sáng’ giữa các chư dân.
Khi dùng cùng một kiểu nói rất Do Thái này, Đức Giê-su đã muốn các môn đệ Người hãy là ‘muối cho đời’, vì nhờ họ mà Tin Mừng – Giao Ước Mới sẽ được bảo quản lâu dài cho trần gian. Tuy nhiên ta cần xác định, giá trị nòng cốt nhất của Tin Mừng cần được bảo quản giữ gìn là gì, và đâu là giá trị độc đáo nhất mà Người Con Chí Ái của Thiên Chúa cất công mang đến cho trần gian, điều cần được lưu giữ qua các thế hệ? Phải chăng đó là một nếp sống đạo hạnh, một nền luân lý lành mạnh, hay một học thuyết cao thượng? Trước cả khi Đức Giê-su xuất hiện, các đức Phật Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử v.v… cũng đã từng phổ biến những nền đạo đức luân lý cao đẹp không kém. Từ nhiều niên kỷ qua, các môn sinh Phật, Khổng, Lão cũng đã tìm đủ mọi cách duy trì bảo tồn Phật Pháp và triết lý Khổng Mạnh cho khỏi bị mai một. Về phần Hội Thánh, tôi thiết nghĩ, cho dầu luôn nỗ lực hoàn chỉnh giáo lý để tiến dần tới một nền luân lý ngày càng hoàn hảo hơn, Hội Thánh không thể coi đó là trách nhiệm chính mà mình phải chu toàn. Hội Thánh là một tập thể các môn đệ đặt niềm tin vào Đức Ki-tô Giê-su, cho nên Hội Thánh có sứ mạng duy trì một điều độc đáo hơn rất nhiều, điều mà không một ai khác ngoài Đức Giê-su có thể mang đến cho trần gian đó là: cảm nhận và đón nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa là Cha. Đây mới là chất liệu thực sự cần được bảo quản cho tới muôn đời để Tin Mừng được quảng bá; và đây mới là trách nhiệm đích thực của Hội Thánh nói chung, và của mỗi Ki-tô hữu nói riêng. Những ai đã có ‘phúc’ được đón nhận lòng từ ái của Thiên Chúa nhờ tin vào Đức Ki-tô Giê-su, thì cũng có bổn phận làm cho ‘cái phúc’ này hiển thị trong cuộc sống mình, để rồi cũng tiếp tục hiển thị giữa lòng nhân loại cho đến muôn đời. Họ có trách nhiệm ‘ướp’ đời bằng chính cuộc sống đầy yêu thương nhân ái của mình, để giao ước tình yêu cứu độ của Thập Giá được tiếp tục tỏ hiện; đây là công tác mà không một ai khác ngoài các Ki-tô hữu có thể cống hiến cho nhân loại. Xây dựng một nếp sống đạo hạnh, một nền luân lý lành mạnh, thì họ luôn có thể và có bổn phận phát huy, chung vai sát cánh với các Phật Tử, Nho sĩ Khổng Lão, cũng như với các người thiện tâm thiện chí ở mọi nơi, vào mọi thời. Yêu thương tha thứ để bộc lộ tình yêu nhân ái của Chúa Cha thì duy chỉ có họ – các Ki-tô hữu – mới chu toàn được. Chính vì thế mà Đức Giê-su đã từng tuyên bố: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con yêu thương nhau” (Ga 15:9-17).
Ki-tô hữu quả là ‘muối cho đời’ và là ‘ánh sáng cho trần gian’ trong nội dung này; qua cuộc sống, họ làm cho mọi người nhận biết rằng: loài người chúng ta với tất cả sự gian tà và khiếm khuyết đã được, đang được, và sẽ còn mãi mãi được Thiên Chúa yêu thương với trọn cả cuộc sống Người. Vì thế gìn giữ và loan truyền Tin Mừng đầy an ủi này phải là trách nhiệm chính của Hội Thánh Chúa Ki-tô vậy!
Lạy Chúa, xin cho mỗi lần đọc lời truyền phép: “Này là chén máu Thầy, máu giao ước mởi và vĩnh cửu sẽ đổ ra…” con đều ý thức rằng: cùng với Thánh Thể, con có bổn phận làm cho tình yêu cứu độ của Chúa được thể hiện mọi nơi và mọi lúc. Xin cho con, trong tư cách linh mục của Đức Ki-tô, luôn là muối ướp mặn các tín hữu để, tới phiên mình, họ sẽ trở thành muối bảo quản giao ước tình yêu cứu độ cho trần gian. Và để làm được điều đó, xin cho con luôn duy trì được nơi mình xác tín: chính con phải là người trước hết hưởng nhờ tình Chúa thương yêu và tha thứ. A-men.
Người ta kể câu chuyện: Có một anh mù đến nhà người bạn chơi. Trời tối, anh ra về, người bạn TN 5-A127
Người ta kể câu chuyện: Có một anh mù đến nhà người bạn chơi. Trời tối, anh ra về, người bạn liền thắp một chiếc đèn lồng, đưa cho anh rồi bảo: “Ngoài trời tối rồi, anh cầm cái đèn này đi cho sáng nhé!”. Anh mù nghe vậy tức giận nói: “Sao cậu lại nói vậy. Rõ ràng ai cũng biết tôi bị mù. Tôi cầm đèn soi đường không phải để người đời cười nhạo sao?”. Người bạn giải thích: “Anh hiểu lầm ý của tôi, vì tôi nghĩ giờ này rất nhiều người cũng đi trên đường. Anh cầm đèn, người khác có thể nhìn thấy anh, vì vậy sẽ không thể đụng vào anh được”. Anh mù nghĩ một lát rồi nói: “Ừ, cậu nói có lý. Cảm ơn bạn! Tôi về nhé”.
Trở nên ánh sáng không chỉ soi đường cho chính mình mà còn cho người khác. Ở đâu có ánh đèn sáng, nơi đó khách bộ hành cảm thấy an tâm. Ở đâu có ngọn hải đăng, nơi đó sẽ làm cho người đi biển biết hướng về bình an. Ở đâu có ánh sáng, nơi đó người ta sẽ không phải sống trong tối tăm, sợ hãi.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc cho mỗi chúng ta: Chính anh em là muối cho đời, chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Trở nên muối, trở nên ánh sáng vừa là lời mời gọi vừa là trách nhiệm của mỗi người tín hữu. Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Trong cuộc sống thường ngày, muối có nhiều công dụng: Muối dùng để ướp thức ăn cho khỏi hư thối, dùng để sát trùng và lau rửa vết thương, muối còn làm cho bữa cơm hàng ngày thêm đậm đà ngon miệng. Khi nói: Các con là muối cho đời, Chúa Giêsu muốn mỗi tín hữu phải mang những phẩm tính của muối cho xã hội và gia đình hôm nay.
Trong một xã hội mà đời sống đạo đức bị suy thoái trầm trọng, nếp sống và tương quan tốt đẹp giữa con người với nhau đang bị hủy hoại, biến thành sự nghi ngờ thì mỗi chúng ta sẽ phải là những người dám sống những giá trị cao đẹp, sống đạo đức theo chuẩn mực của Tin Mừng để giữ cho cuộc sống xã hội khỏi hư hại. Trong thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh, mạnh được yếu thua, vô cảm vô tâm với nhau, chúng ta sẽ phải trở thành muối của lòng xót thương, muối của lòng nhân ái để chữa lành những vết thương thể xác và tâm hồn con người. Đặc biệt, tương quan giữa con người ngày nay bị đặt theo tiêu chuẩn tiền bạc, đẳng cấp xã hội; trong gia đình, tình yêu đã vơi cạn, sự mặn mà, nồng ấm đã bị hủy hoại, chúng ta sẽ phải là muối để làm cho cuộc sống xã hội và gia đình thêm nồng ấm, mặn mà tình yêu thương, tha thứ, cảm thông.
Cũng cùng một ý tưởng đó, Chúa Giêsu mời gọi: Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Chính mỗi chúng ta, chứ không phải ai khác, sẽ trở nên ánh sáng của sự thật và chân lý trong xã hội gian dối lừa lọc này. Chính chúng ta sẽ phải là ánh sáng để sưởi ấm những tâm hồn băng giá, xua tan những bóng tối của gian ác bất công. Con người ngày nay bị bóng tối của dối trá che phủ, bị những thông tin sai lạc làm cho trật hướng; bóng tối của ma quỷ và tội lỗi đang đè nặng trong tâm hồn, khiến cho cuộc sống và hành động của nhiều người chìm trong tăm tối của sự tội, sự ác. Chúng ta phải can đảm để chiếu những luồng sáng của Tin Mừng vào những góc khuất của buồn chán thất vọng, trở thành ánh sáng, giúp những người chung quanh khỏi vấp té và dẫn họ đến hạnh phúc đích thật là Thiên Chúa.
Chúa Giêsu cũng cảnh báo về tình trạng suy thoái, đánh mất căn tính, bản chất của người Kitô hữu nơi nhiều người, như muối mất vị mặn, như ánh sáng bị che đậy. Nếu chúng ta không thường xuyên đặt mình trước nguồn sáng là Tin Mừng của Chúa, ánh sáng của chúng ta sẽ bị lu mờ, cũng vậy, không đặt cuộc đời mình trong tình yêu của Chúa, vị mặn trong chúng ta sẽ bị phai nhạt.
Muối mất vị mặn thì sẽ không còn là muối nữa, chỉ còn đổ ra đường cho người khác chà đạp lên. Người tín hữu xưng mình là có đạo, mà chỉ tin Chúa và thực hành đạo một cách hời hợt, nhạt nhẽo thì không khác gì muối mất vị mặn. Người Công giáo khi để mất khả năng yêu thương và tấm lòng trắc ẩn, khi không biết chạnh thương với những người đau khổ, thì không còn phải là người có đạo nữa. Cũng vậy, được mang ánh sáng của Tin Mừng, nhưng vì địa vị, bổng lộc trong xã hội, nhiều người lại che giấu niềm tin của mình, không dám thể hiện đức tin, nhiều người sống bê tha ngược với Tin Mừng của Chúa thì giống như ánh sáng bị úp thùng lên. Chúa Giêsu muốn mỗi môn đệ của Ngài phải sống đúng với bản chất là Kitô hữu, tức là những người có Chúa Kitô, mang Chúa Kitô trên mình. Giống như chiếc đèn phải được đặt trên đế cao để tỏa sáng, mỗi tín hữu cũng phải chiếu tỏa đức Kitô cho mọi người qua chính đời sống, lời nói và cách cư xử của chúng ta.
Là đèn đặt trên giá cao, chúng ta sẽ tỏa sáng như thế nào? Thiên Chúa muốn chúng ta tỏa sáng qua việc làm, như Isaia nói trong bài đọc một, đó là sống bác ái yêu thương, quan tâm chia sẻ cụ thể với những người đau khổ, khó khăn thiếu thốn: Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những kẻ không nơi trú ngụ, cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống. Bấy giờ, ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương của người sẽ mau lành. Hơn thế nữa, khi mỗi người dám chiếu tỏa ánh sáng của Chúa cho anh chị em chung quanh, thì chính Thiên Chúa sẽ luôn ở bên và bảo vệ người đó. Khi người đó kêu lên, Chúa sẽ nhận lời; người đó cầu cứu, Chúa sẽ đáp: Có ta đây.
Trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mỗi chúng ta được nhận ánh sáng được lấy từ cây nến phục sinh với lời căn dặn: Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô và làm cho ánh sáng này trở nên ánh sáng dẫn đường cho chính mình và cho anh chị em. Tuy nhiên, nhiều người đã để cho ánh sáng đức tin của mình trở nên yếu ớt, vàng vọt, bởi vì không được châm thêm dầu là lòng yêu mến và không được khơi bấc, bởi sự lười biếng học hỏi Lời Chúa và giáo lý. Ánh sáng đức tin của nhiều người đã mờ đến độ chỉ còn hình thức hoặc còn cái tên là người tín hữu, nhưng trong đời sống và thực hành đạo, đức tin dường như đã bị tắt. Có nhiều người không những không còn ánh sáng đức tin trong cuộc sống, mà họ còn để mình bị chìm ngập trong bóng tối của sự xấu, sự dữ. Nhiều người đã để cho ma quỷ và sự ác thống trị trong tâm hồn, chi phối hành động, nên họ đối xử với nhau bằng bạo lực, bằng thù oán.
Trái lại, nhiều người, cách riêng các bạn trẻ, không chăm lo cho ngọn đèn đức tin của mình, nhưng lại rất thích chạy theo những ánh sáng hào nhoáng của thế gian. Họ tìm cách tô vẽ cho mình trở thành như những người nổi tiếng, phủ lên mình sự đạo đức giả dối, hành động vì hình thức hơn là vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Nhiều người trẻ đã để mình rơi vào tình trạng sống ảo, thích hình thức bên ngoài mà không có chiều sâu nội tâm.
Trở nên muối và trở nên ánh sáng luôn là sứ mạng và cũng là thách thức cho mỗi chúng ta. Chúng ta phải trở thành muối trong xã hội hôm nay. Qua sự kiên trì sống tình yêu thương, gieo rắc nhiều hạt muối của lòng thương xót, chúng ta làm cho cuộc sống chung trong xã hội và nơi gia đình thêm hương vị đậm đà yêu thương. Tuy nhiên, sống trong xã hội đang bị suy thoái đạo đức, chúng ta dễ bị cuốn theo lối sống của nó, bị nhạt nhòa, hoặc mất vị mặn của muối tình yêu. Chúng ta dễ dàng cư xử với nhau theo kiểu của xã hội, chứ không theo kiểu của Tin Mừng. Do đó, khiến cho anh em lương dân không nhận ra ánh sáng của Chúa, không cảm nếm được vị mặn của tình yêu Tin Mừng nơi mỗi chúng ta.
Nhờ Lời Chúa nhắc bảo, xin cho chúng ta luôn gắn bó với Chúa Giêu là nguồn ánh sáng, để Ngài xua tan những tăm tối trong ta và làm cho chúng ta trở nên trong suốt để ánh sáng của Chúa có thể chiếu qua chúng ta mà đến với anh chị em. Xin Chúa ướp chúng ta bằng muối tình yêu của Ngài để chúng ta có đủ vị mặn mà ướp gia đình và xã hội khỏi hư thối và làm cho cuộc sống thêm đậm đà yêu thương. Amen.
Trong bài “Ánh sáng Tin mừng từ các gia đình Kitô hữu” được đăng trên Truyền Thông Công Giáo TN 5-A128
Trong bài “Ánh sáng Tin mừng từ các gia đình Kitô hữu” được đăng trên Truyền Thông Công Giáo Tin Vui, Cha Augustinô Trần Cao Khải đã viết: “Khi các gia đình Kitô hữu đã “phấn đấu trong mọi khó khăn của cuộc sống để gìn giữ nét đẹp gia đình Kitô giáo, theo khuôn mẫu đời sống hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa” (x.Thư MV HĐGMVN 2002, số 7) thì họ đang trở thành men, muối, ánh sáng cho đời. Họ chẳng những phải hoàn thiện chính bản thân mình mà còn được kêu gọi tỏa gương sáng ra bên ngoài, như ánh sáng lung linh, như hương thơm dịu êm, như hơi ấm nồng nàn…”.
Trong năm Gia Đình 2017 này, lời chia sẻ trên nhắc cho tôi vai trò trở thành ánh sáng của các gia đình.
Trong ngày rửa tội cho con trẻ, cha mẹ và người đỡ đầu đã được trao nhiệm vụ: “Ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm nom, tức là lo lắng cho trẻ nhỏ này đã được Chúa Kitô soi sáng, luôn luôn sống như con cái sự sáng, và bền vững trong đức tin” (Sách nghi thức rửa tội).
Ngày thành hôn, hai người đã thề hứa với Chúa trước mặt Hội thánh: “Sẵn sàng yêu thương và đón nhận con cái Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Đức Kitô và Hội Thánh” (Sách nghi thức Hôn phối). Nghĩa là thề hứa về sứ mạng trở thành ánh sáng dẫn đường cho con cái.
Trong thư Mục vụ 2016 của Hội đồng Giám mục Việt Nam có đoạn: “Đừng quên rằng những người được chuẩn bị tốt nhất cho đời sống hôn nhân (người trẻ) là những người đã học được từ chính cha mẹ của họ thế nào là hôn nhân Kitô giáo. Vì thế, chính đời sống gia đình hiện nay là môi trường giáo duc tốt nhất cho cuộc sống hôn nhân mai sau của con cái trong gia đình”.
Làm chứng cho những giá trị linh thánh Phần đầu của đoạn Tin Mừng hôm nay là sứ mạng: “Chính anh em là muối cho đời.” (Mt 5, 13a). Muối có hai công dụng chính là ướp cho khỏi hư và làm gia vị. Người môn đệ của Đức Kitô phải giữ cho xã hội khỏi suy thoái, đồng thời giúp cho thăng tiến.
Suy thoái là tình trạng yếu kém, sụt lùi do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân già nua, cũ kỹ. Có nhiều thứ suy thoái: suy thoái liên quan đến sức khỏe, suy thoái kinh tế, suy thoái chính trị…, nhưng đáng sợ nhất là suy thoái đạo đức. Tâm thư của Hội đồng Giám mục Việt nam gởi các gia đình trong năm nay có đoạn nói về tình trạng suy thoái đạo đức như sau: “Chúng ta không thể phủ nhận thực tế này là tình trạng vợ chồng Công giáo ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ; bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; một số bạn trẻ sa đà vào lối sống buông thả về mặt tình dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân; tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường…”. Trong thư chung gửi cộng đồng dân Chúa 2016, cũng với những băn khoăn lo lắng đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam còn thao thức với tình trạng: “Đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng về số lượng và cả mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan…”. Môn đệ của Đức Kitô lẽ ra phải gìn giữ cho xã hội khỏi suy thoái, nhưng một số đã góp phần làm cho xã hội suy thoái, nhất là về mặt đạo đức như những điều vừa nêu.
Làm thế nào để người Công giáo góp phần gìn giữ cho xã hội khỏi suy thoái, nhất là về mặt đạo đức? Nguyên nhân chính yếu của những suy thoái đạo đức là vì người ta chỉ thấy và tìm kiếm những giá trị phàm tục, những giá trị trước mắt. Người Công giáo phải sống và làm chứng cho những giá trị linh thánh.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Lời Chúa trong những ngày đầu năm mới này thực sự là ánh sáng soi đường cho mỗi người và mỗi gia đình trong suốt năm nay, để nếu mỗi người và mỗi gia đình ý thức bổn phận phải trở thành ánh sáng cho chính họ và những người xung quanh được bước vào vùng ánh sáng thật, thì phải quyết tâm để hướng đến những giá trị linh thánh và sống bác ái yêu thương một cách cụ thể.
Mỗi gia đình hãy nhắc nhở nhau để sắp xếp thời gian đi lễ ngày Chúa Nhật. Những người lớn trong gia đình hãy mạnh dạn để khởi động giờ kinh hôm chung với nhau. Khi có những xung đột xảy ra, hãy giải quyết dưới cái nhìn của Chúa. Hãy sẵn lòng giúp đỡ những người nghèo khổ trong khả năng của mình… Khi các gia đình làm được những điều đó, thì quả thật ánh sáng của họ đang tỏa rạng.
Lạy Chúa, xin hãy thắp sáng lên trong trái tim con ngọn lửa thánh thiện và yêu thương của Chúa, để con cũng biết sống thánh thiện và yêu thương.
Trong năm qua, môi trường biển ở một vài vùng duyên hải Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng, giết TN 5-A129
Trong năm qua, môi trường biển ở một vài vùng duyên hải Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng, giết hại hàng loạt các loài hải sản đủ loại, gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân, gây hoang mang lo lắng cho rất nhiều người, làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân. Ngoài ra, môi trường nước trong nhiều sông suối ao hồ cũng bị ô nhiễm ở những mức độ khác nhau, gây tổn thất lớn lao cho nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản.
Bên cạnh sự ô nhiễm của môi trường nước, sự ô nhiễm của không khí tại một số thành phố lớn trên thế giới cũng lên đến mức báo động, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của nhiều người.
Ngoài sự ô nhiễm của nước, của khí trời… sự ô nhiễm của môi trường xã hội, đạo đức và văn hoá cũng đến mức báo động: Trào lưu ăn chơi, nhậu nhẹt, ma tuý, mại dâm… lan tràn khắp các phố phường đông đúc cũng như đến tận hang cùng ngõ hẻm; đủ mọi hình thức phim ảnh, ca nhạc, văn hoá đồi truỵ và độc hại được phổ biến khắp nơi; đạo đức xuống cấp, văn hoá suy đồi, lòng người đổi trắng thay đen; giá trị đời sống con người bị đảo ngược: Tiền bạc lên ngôi, lòng gian tham thắng thế… Lương tâm mất giá, lòng đạo đức và phẩm chất cao đẹp của con người bị coi rẻ và xem thường…
Nước ô nhiễm làm cho cá chết hàng loạt. Không khí ô nhiễm gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp, đe doạ mạng sống con người. Theo chiều hướng đó, văn hoá và đạo đức bị ô nhiễm cũng nhận chìm nhiều tâm hồn trong sáng xuống vũng lầy tội lỗi.
Đứng trước nguy cơ đời sống đạo đức đang bị nhiều thứ ung nhọt làm cho ung thối, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hãy làm muối để “khử trùng” và ngăn ngừa ung nhọt. Ngài phán: “Anh em là muối cho đời…”
Đứng trước nguy cơ bóng tối tội lỗi đang bao trùm xã hội, Chúa Giê-su thúc giục chúng ta hãy toả sáng bằng các việc lành: “Anh em là ánh sáng cho trần gian…”
Xã hội hôm nay cần có nhiều “muối” để khỏi bị hư thối. Thế giới này cần có nhiều ánh sáng để xua tan bóng tối tội lỗi lan tràn. Sứ mạng của ki-tô hữu là muối ướp mặn đời, là ánh sáng soi chiếu cho thế gian. Vậy thì chúng ta phải xét lại mình và tự hỏi:
Tôi đã là muối chưa? Tôi đã toả sáng bao giờ chưa?
Tôi đã dùng lời nói, dùng việc lành, đã làm việc thiện, việc tốt để cảm hoá những người lầm lỗi chưa?
Nếu chưa, thì số phận của tôi sẽ ra sao?
Một bóng đèn điện đã hư hỏng rồi không còn sáng nữa, thì sẽ bị cho vào thùng rác. Một nhúm muối không còn mặn nữa sẽ trở nên vô dụng và bị vứt ra ngoài như lời Chúa cảnh báo hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con cải thiện bản thân mình trước để có thể cảm hoá những người lầm lỗi chung quanh.
Xin giúp chúng con làm tròn sứ mạng làm muối cho đời, làm ánh sáng cho gia đình và những người chung quanh, bằng nhiều gương lành và việc tốt, để khỏi bị Chúa ném ra ngoài như thứ muối nhạt, để khỏi bị quẳng vào thùng rác như bóng đèn đã hư đi.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi mọi người Ki-tô hữu chúng ta phải trở nên TN 5-A130
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi mọi người Ki-tô hữu chúng ta phải trở nên muối ướp và đèn soi. Chúa dùng hai hình ảnh cụ thể này để đưa ra một luật sống mà tất cả chúng ta phải tuân theo trong cuộc đời, nhất là trong xã hội hôm nay còn có nhiều người đang sống trong lạnh nhạt và trong bóng tối lầm lạc và tội lỗi.
Hình ảnh thứ nhất: “Các con là muối.” Chúng ta biết muối là vật dụng thường dùng trong việc nấu nướng thức ăn, và trong bất cứ một nhà bếp nào cũng có một hộp hay lọ muối, thậm chí trên các bàn ăn trong nhà hàng không thể thiếu một lọ muối. Không có muối thức ăn lạt lẽo, thiếu hương vị đậm đà. Ngày xưa không có muối ướp, đồ ăn nên hư thối. Chúng ta thường nghe nói: “Cá không ăn muối cá ươn.” Người Do Thái ngày xưa còn dùng muối làm phân bón. Vì vậy mà Chúa Giê-su nói: “Các con là muối đất.”
Chúa nói “các con là muối”, nghĩa là Chúa bảo chúng ta hãy sống những điều Ngài dạy để thứ nhất chúng ta thánh hoá bản thân, và thứ hai là giúp, hướng dẫn những người chung quanh sống tốt lành, thánh thiện và đạo đức. Nếu không thì chúng ta chỉ còn là cục muối đã nhạt, không còn ích lợi gì.
Một ngày nọ, người ta hỏi ông Gan-di, nhà ái quốc Ấn Độ, rằng: – Trước thảm hoạ nguyên tử, ông sẽ làm gì? Ông Gan-di trả lời: – Tôi sẽ cầu nguyện. Và được hỏi thêm: – Vì sao ông không theo đạo Công giáo? Ông trả lời: – Phúc Âm của Chúa Giê-su thì rất tốt lành, thánh thiện nhưng người Công giáo đã không sống Phúc Âm, nên không hơn gì chúng tôi. Câu trả lời này đúng như lời Chúa nói: Các con là muối đất, nếu muối đã nhạt đi, thì biết lấy gì mà ướp cho mặn lại. Chỉ còn ném ra ngoài đường cho người ta chà đạp.
Hình ảnh rất quen thuộc thứ hai mà Chúa Giê-su dùng để diễn tả người môn đệ, người Ki-tô chân chính là ánh sáng. Chúng ta biết có lần Chúa Giêsu đã xác quyết: “Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong đêm tối, nhưng sẽ có ánh sáng đời đời.” Và hôm nay Chúa dạy các môn đệ phải là những cây đèn chiếu tỏa ánh sáng của Ngài ra thế gian, ra những người chung quanh. Chúa còn dạy chúng ta: người ta không thắp đèn rồi dấu dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn hầu soi sáng cho mọi người trong nhà.
Một người phụ nữ Việt Nam làm việc thu dọn phòng trong một khách sạn nổi tiếng ở Las Vegas đã kể lại một câu chuyện như sau. Vào một đầu tuần, một người đến thuê phòng tại khách sạn và mang theo một bao hành lý nhỏ. Khi chị đến dọn phòng sáng hôm sau, ông thò đầu ra ngoài và nói với chị là hôm nay ông không cần dọn phòng, chỉ đưa cho ông vài khăn lau mà thôi. Và mấy ngày hôm sau cũng vậy, cho đến cuối tuần, ông mới cho chị vào phòng để dọn sạch sẽ. Sau khi đã xong công việc, chị đi bộ qua nhà thờ chính tòa gần đó để tham dự Thánh lễ 5 giờ 30 chiều. Thình lình một chiếc xe phóng tới và đậu lại ngay bên chị làm chị giật mình. Người tài xế ngó đầu ra, chính là ông thuê phòng. Ông hỏi chị có cần ông đưa về nhà không. Chị nói với ông là chị đi tham dự Thánh lễ và nếu ông có thời giờ thì xin quá giang tới nhà thờ. Trên đường đến nhà thờ, ông hỏi chị dồn dập một số câu hỏi làm chị không kịp trả lời: “Cô có thường tham dự Thánh lễ không?” “Tại sao phải tham dự Thánh lễ mất thời giờ, trong khi nhiều người không đi?” “Bài giảng có hay không?” “Chị có chịu lễ không?”
Đến trước cổng nhà thờ, ông xin tham dự Thánh lễ cùng với chị. Chị cảm thấy hơi ngạc nhiên về ý định muốn tham dự Thánh lễ và những câu hỏi trên xe của ông. Chị càng ngạc nhiên hơn khi thấy ông quì chắp tay và nhắm mắt cầu nguyện suốt Thánh lễ. Sau Thánh lễ, ông đứng lên và đi nhanh ra ngoài, không nói một lời từ giã.
Ngày hôm sau, chị đi làm như thường lệ và khi đến phòng ông khách thì thấy giỏ hành lý đã biến mất, thay thế vào đó là một cái giỏ xách tay nhỏ và một lá thư. Chị mở ra đọc và có nội dung như sau: “Chào cô. Cái hộp trong giỏ này là món quà tặng cô vì một nghĩa cử thật tốt đẹp cô đã làm cho tôi mà cô không biết. Cuộc sống hôn nhân vợ chồng của tôi không được tốt đẹp. Tôi muốn ở khách sạn mấy ngày để tìm sự giải thoát, nhưng càng rối và xáo trộn hơn. Sau đó tôi đã gặp cô. Đức tin của cô vào Chúa đã làm cho tôi xúc động. Khi tham dự Thánh lễ với cô, đó là lần đầu tiên sau 10 năm bỏ xem lễ. Trong Thánh lễ, Chúa đã ban cho tôi một ơn sủng là biết thánh ý của Ngài cho tôi. Do đó, tôi quyết định trở về với vợ và gia đình của tôi. Tôi trở về với gia đình trong niềm tạ ơn Chúa, và tạ ơn cô đã là ánh sáng chiếu soi vào cuộc sống tăm tối tội lỗi của tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên ơn cô đã giúp tôi tái khám phá ra đức tin của tôi. Ký tên: Người khách.” Và trong túi nhỏ là một vòng đeo tay bằng vàng với cây Thánh giá cũng bằng vàng.
Ông bà anh chị em thân mến. Câu chuyện trên đây là một hình ảnh tuyệt đẹp minh họa, phản ảnh cho điều Chúa dạy chúng ta “Các con là sự sáng thế gian. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời.”
Chúng ta đừng quên là bài Tin mừng hôm nay tiếp theo ngay sau bài Tin mừng tuần vừa qua về tám mối phúc thật. Điều đó có nghĩa là nếu chúng ta sống tám mối phúc, sống tốt lành, công bằng, ngay thẳng, sống bác ái, hy sinh và quảng đại, chúng ta sẽ trở nên muối và ánh sáng của Chúa. Chỉ có những hành động bác ái cụ thể như thế mới làm cho chúng ta trở thành muối và ánh sáng như Chúa muốn. Nếu không sống hy sinh, ngay thẳng, bác ái, quảng đại, thì dù có lãnh Bí tích Rửa tội, dù có đi lễ hay đọc kinh suốt ngày, thì đời sống chúng ta cũng chỉ là muối đã lạt, đèn chỉ còn leo lét hay đã tắt từ bao giờ, đâu còn ướp cho ai, đâu còn chiếu sáng cho ai!
Xin Chúa giúp chúng ta biết thẩm định rõ xem độ mặn và độ ánh sáng trong cuộc sống của mỗi người đang ở mức độ nào. Và cầu xin Chúa giúp chúng ta thành tâm lắng nghe và can đảm sống lời Chúa dạy để trở nên muối mặn và ánh sáng, giúp ích và chiếu soi vào cuộc đời những người sống chung quanh chúng ta.