Tháng các đẳng linh hồn và những ước nguyện - Chuyện Cha Mễn kể cho các gia đình - Sách 30

Thứ tư - 06/11/2024 04:50
Tháng các đẳng linh hồn và những ước nguyện - Chuyện Cha Mễn kể cho các gia đình - Sách 30
Tháng các đẳng linh hồn và những ước nguyện - Chuyện Cha Mễn kể cho các gia đình - Sách 30
Lm. Phêrô NguyễnVăn Mễn
(sưu tầm

Tháng các đẳng linh hồn và những ước nguyện
Chuyện Cha Mễn kể cho các gia đình - Sách 30

Nguồn:
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/

--------------------------

*** Đọc các bài của Lm. Mễn:
1. Vào Facebook.com; tìm: Nguyễn Mễn;
hoặc https://www.facebook.com/ nguyen.men.71;
2. Vào Internet: Youtube, Google, Cốc Cốc, Safari, hoặc Yahoo.com;
tìm: Cha Mễn, Cha Mễn kể chuyện, hoặc linh mục Mễn
3. https://linhmucmen.com
4. Email: mennguyen296@gmail.com
5. ĐT: 0913 784 998 có zalo; 0394 469 165

**** "Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Galata 6,10)

**** Lạy  Chúa, xin hãy hoàn thành nơi con những ý định của Chúa. Và xin ban cho con ơn: Không làm trở ngại ý định của Chúa do hành vi của con. Lạy Chúa, con muốn điều Chúa muốn, chỉ vì Chúa muốn, như Chúa đã muốn và tới mức độ Chúa muốn. Amen.


---------------------------------

Mục Lục:

Bài 1: Câu chuyện bác tiều phu chạm trán với Tử Thần. 2
Bài 2: Chuyện người vô thần và người đạo mới 5
Bài 3: Hãnh diện vì được chạm vào đôi cánh Thiên Thần. 8
Bài 4: Một loại bệnh thật ngộ nghĩnh. 11
Bài 5: Tướng Mc. Clellan, kẻ trao ban Nhiệt tình, sức mạnh và Hy vọng. 13
Bài 6: Chuyện kể của Mẹ Têrêsa Calcutta về một người phong cùi 18
Bài 7: Những nỗi đớn đau của ông Gióp. 20
Bài 8: Chuyện phim: "Hương hoa giữa đời”. 24
Bài 9: Cha Đa-Miêng vị Tông đồ người phong. 28
Bài 10: Lỗ Kim nói trong Kinh Thánh là thứ gì ?. 32
Bài 11: Đôi giày da đầu tiên của nhân loại ra đời 34
Bài 12: Chuyện về một vị anh hùng Nga, tên là Karmeliuk. 38
Bài 13: “Cái tôi” của người Việt mình. 40
Bài 14: Đức Cha Gioan Cas-sai-gne và trại cùi Di Linh. 45
Bài 15: Tháng các đẳng linh hồn và những ước nguyện. 47
Bài 16: Mừng lễ các thánh và những ước nguyện. 49
Bài 17: Chút suy tư về cuộc sống. 51
Bài 18: Dụ Ngôn Cây Viết Chì 52

---------------------------------

 

Bài 1: Câu chuyện bác tiều phu chạm trán với Tử Thần

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 685


Bạn thân mến,

Trong chuyện ngụ ngôn của Lafontaine có kể lại một câu chuyện như thế này:

Một bác tiều phu vác củi từ trong rừng về nhà. Củi thì nặng, mà sức thì yếu, cho nên ông ta cứ than thở hoài.

Sau hết, vì quá chán nản, nên ông đã kêu thần chết (Tử Thần) đến đem mạng sống mình đi phứt cho rồi.

Vừa kêu dứt tiếng thì thần chết bỗng hiện ra, mặt mày trông thật khủng khiếp, tay thì cầm sẵn một lưỡi hái.

Thần chết lên tiếng hỏi: "Mi gọi ta đến để làm gì?"

Ông tiều phu, mặc dù vừa mới đòi chết, nhưng vừa khi trông thấy thần chết thì hoảng sợ và không muốn chết nữa, bèn nói trớ:

"Xin ông làm ơn đặt bó củi này lên vai hộ tôi".

Thần chết bỏ lưỡi hái xuống và đem bó củi chất lên vai người tiều phu.

Ông này vội vàng cám ơn và nhanh chân rảo bước, mà không còn thấy nặng nhọc gì nữa.

*****

Câu chuyện ngụ ngôn trên đây có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào Lời Chúa, mà chúng ta vừa được nghe.

Tất cả 3 bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay (Giob 7,1-7; 1Cor. 9,16-23; Mc 1,29-39), đều bàn đến những việc lao động nhọc nhằn, trong cuộc sống của chúng ta nơi trần gian này.

Cuộc sống này quả là quá vất vả:

Ai nấy đều phải làm lụng từ sáng tới chiều, quần quật hết ngày này sang ngày khác, hết tháng nọ sang tháng kia, để kiếm lấy miếng cơm manh áo.

Kẻ thì lao động chân tay, người thì lao động trí óc, nhưng tất cả mọi người đều phải làm việc vất vả.

Làm để có cái mà ăn, ăn để có sức mà làm.

Làm-ăn, ăn-làm, như là một cái vòng lẩn quẩn trói buộc con người, cho tới khi con người làm không nỗi, ăn không vô, thì cũng là lúc sắp nằm xuôi tay, chấm dứt một kiếp sống làm người.

Trước cảnh sống cơ cực đó, những kẻ bi quan thì than thở, như trong bài đọc thứ nhất của sách ông Gióp:

"Lao động nhọc nhằn là kiếp sống của tôi. Ngày của tôi giống như ngày của một kẻ làm công, như một người nô lệ. Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối và mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc".

Thái độ đó cũng giống như người tiều phu trong chuyện ngụ ngôn Lafontaine: Làm việc cực nhọc quá, nên bác tiều phu cứ đòi chết cho rồi.

Khi người ta làm việc cực nhọc, mà không hiểu được ý nghĩa và giá trị của việc mình làm, thì người ta dễ có thái độ bi quan như thế.

*****

Bài Tin mừng hôm nay mô tả một ngày làm việc của Chúa:

Chúa vừa giảng dạy trong Hội đường và cứu chữa một người bị quỷ ám xong, vừa mới đi ra thì hay tin bà Nhạc mẫu của Phêrô đang bị sốt nặng. Người liền đến nơi cầm tay nâng bà dậy, bà liền khỏi sốt. Liền sau đó, có cả một đám đông tụ họp trước cửa nhà, đó là những người đau đớn vì đủ thứ bệnh tật. Chúa lại phải cứu giúp họ.

Mãi tới chiều tối, Chúa mới có chút ít giờ nghỉ ngơi.

Nhưng, Người lại tìm một nơi thanh vắng để cầu nguyện.

Vừa tảng sáng hôm sau, thì các môn đệ lại đi tìm Người và cho hay là dân chúng lại tấp nập tuôn đến xin Người cứu chữa.

Chính Đức Giêsu, mặc dù là Con Thiên Chúa, mà Ngài còn phải làm việc vất vả từ sáng tới tối, hết ngày này sang ngày khác, không chỉ làm việc để lo cho bản thân Người, mà làm việc để cứu giúp người khác, không phải chỉ lo phần xác người ta, mà còn lo rao giảng để cứu giúp linh hồn người ta nữa.

Qua tấm gương đó, Đức Giêsu muốn cho chúng ta thấy ý nghĩa và giá trị của việc lao động:

Lao động là bổn phận của mọi người, lao động giúp ích cho bản thân và cho người khác, lao động sinh ích lợi cả phần xác lẫn phần hồn.

Những bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ hôm nay vạch cho ta thấy một phương hướng sống, trước những công việc bề bộn cực nhọc.

- Trước tiên chúng ta hãy dâng lên cho Chúa tất cả những công việc lao động thường ngày của chúng ta.

- Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta sức khoẻ thể xác và tinh thần, để có thể đảm nhận những công việc ấy.

- Chúng ta hãy xin Ngài chúc lành cho mọi việc làm của chúng ta, được sinh ra những kết quả tốt đẹp.

- Xin Chúa giúp chúng ta làm việc, không phải chỉ cầu lợi ích cho bản thân mình, mà còn để giúp ích cho những người khác.

- Và đặc biệt là xin Chúa giúp chúng ta biết dành ra một phần thời giờ, một phần sức lực, để làm việc mở mang Nước Chúa nơi trần gian... Nhất là tìm thời giờ để cầu nguyện sáng và tối như Chúa đã làm gương cho chúng ta, dù là sau một ngày rất mệt nhọc, vất vả.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có được một khối óc biết sáng tạo, một đôi tay biết làm nên những bát cơm đầy, để xoa dịu những cơn đau, do đói khát đem lại, một đôi tay biết xây dựng một mái ấm gia đình nên tươi đẹp.

Xin Chúa chúc lành và nâng đỡ những lao công vất vã của chúng con, và xin Chúa ban cho chúng con những ơn lành cần thiết cho hồn xác. Amen.

-------------------------------
 
 

Bài 2: Chuyện người vô thần và người đạo mới

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 686


Bạn thân mến,

Người cha của một gia đình ở Idaho (một tiểu bang, thuộc miền Tây Bắc Hoa Kỳ), mới trở thành Kitô hữu.

Ông thường nói về Chúa Kitô cho mọi người, mỗi khi có dịp.

Ngày kia, một người láng giềng vô thần đã thử ông với một câu hỏi: “Thực ra, anh có biết gì về Chúa Kitô không ?”.

Người đạo mới trả lời: “Có chứ, tôi có biết”.

Người vô thần liền hỏi: “Thế thì, Đức Kitô đã sinh ra tự bao giờ, ở đâu ?”.

Người đạo mới không biết chắc, nên do dự, không trả lời.

Tới câu hỏi khác: “Người chết lúc nào, bao nhiêu tuổi ?”.

Một lần nữa, người đạo mới của đức Kitô không trả lời được.

Quả thực, sự do dự của ông đạo mới đã chứng tỏ: Những hiểu biết của ông về giáo lý hãy còn quá yếu, nên không đáp ứng được các câu hỏi của người hàng xóm.

Cuối cùng, người vô thần la lên một cách đắc thắng: “Coi, anh đã chẳng biết tí gì về Đức Kitô phải không ?

Nhưng, người đạo mới trả lời một cách quả quyết: “Phải, tuy tôi biết ít lắm về giáo lý. Nhưng, về những điều này thì tôi biết rất rõ:

- Hai năm trước đây, tôi nằm đường, nằm chợ, nằm gầm cầu… tôi say sưa, tôi mắc nợ ngập đầu.

- Hai năm trước đây, vợ tôi ít khi mỉm cười với ai.

- Thấy bóng tôi, là các con tôi luôn sợ hãi, xa tránh.

Nhưng ngày nay, tôi đã là một người đàn ông tiết độ. Tôi sạch nợ và còn đủ tiền để mua được một căn nhà mới.

Ngày nay, vợ tôi thường tươi cười với mọi người.

Còn các con tôi bây giờ, mỗi khi gặp tôi, là chúng đã chạy lại ôm chầm lấy tôi, cha con vui đùa một cách vui vẻ, thoải mái.

Chính Chúa Kitô đã làm cho tôi tất cả những điều ấy. Đó là những điều tôi biết”.

*****

Câu chuyện trên rất giống người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay (Mc 1, 40-45).

Anh không biết nhiều về đức Kitô, nhưng anh biết có một điều, là đức Kitô đã chữa lành bệnh cho anh.

Anh ra đi khắp nơi để loan truyền tin ấy. Mặc dù đức Giêsu đã bảo anh: “Đừng nói gì với ai cả...”

Người phong cùi khỏi bệnh nói với mọi người. Đó là ý tưởng chính của Tin Mừng ngày hôm nay.

Chúng ta cần phải nói cho mọi người biết những gì mà Đức Kitô đã làm cho mỗi người chúng ta.

Cử chỉ Chúa làm cho người phong cùi thật cảm động và đáng chú ý:

“Người đưa tay ra, đụng tới anh... và bỗng nhiên bệnh cùi biến mất”.

Đức Giêsu hôm nay cũng đã và đang đưa tay và đụng tới bạn và tôi bằng nhiều cách.

Ví dụ:

- Đức Kitô đã đụng vào chúng ta bằng bí tích rửa tội, và làm cho chúng ta nên con Chúa và nên anh chị em của Người.

- Người đã đụng vào chúng ta với dầu Thêm sức, để ban cho chúng ta Thánh linh của Người, để soi sáng hướng dẫn chúng ta trên con đường sống đạo.

- Người đã đụng vào chúng ta trong bí tích cáo giải, để chữa lành chúng ta khỏi phong cùi tội lỗi.

- Khi ta rước lễ, phép lạ còn vĩ đại hơn mọi phép lạ, đó là Đức Giêsu không chỉ đụng tới chúng ta, mà Ngài còn đích thân đến, để làm lương thực nuôi sống hồn ta, và hứa ban Nước Trời cho chúng ta.

- Khi xức dầu bệnh nhân, Người đụng tới thân thể kẻ yếu liệt, để ban nghị lực, chữa lành tâm linh.

- Người giang tay cho bạn là cô dâu, là chú rể, để thánh hóa, chúc lành và ban ơn cho sự kết hợp hôn phối của bạn.

- Đức Giêsu đặt tay trên tôi, linh mục của Chúa, trong nghi lễ truyền chức thánh, để ban cho tôi quyền làm cho bạn nhiều việc, mà Người đã làm xưa kia.

Chúng ta, người công giáo, như người phong cùi khỏi bệnh, phải nói cho những người khác biết về những gì mà Đức Kitô đã làm cho chúng ta.

Chúng ta có thể dùng những lời của Đức Trinh Nữ Maria, trong bài ca tán tụng Magnificat: “Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi muôn việc lạ lùng, lớn lao, kỳ diệu”.

- Vậy, việc của tôi, một linh mục, là phải nói lên những gì đức Kitô đã làm cho chúng ta.

- Bạn là cha, là mẹ, phải nói lên cho con em bạn, những gì đức Kitô đã làm cho bạn và cho chúng.

- Bạn là giáo lý viên cũng hãy làm như vậy.

Tất cả chúng ta phải nói cho những người chung quanh, dù tin cũng như không tin, bằng lời nói, bằng cách sống, bằng sách báo công giáo,… những gì mà Thầy chí thánh đã làm cho chúng ta.

Đặc biệt, những gì Người đã làm, trong và qua thánh lễ, đó là: “Người đã đổ máu ra, để cứu độ mọi người”.

Có thể chúng ta không biết nhiều về đức Kitô. Nhưng chúng ta biết Người đã làm muôn vàn thay đổi lớn lao nơi chúng ta, cụ thể là đã làm cho chúng ta được nên tốt hơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra quyền năng và tình yêu của Chúa, trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời, để chúng con cũng biết loan truyền về Chúa cho mọi người, và giúp nhiều người nhận ra Chúa, nhất là giúp đưa họ đến với Chúa, để xin ơn chữa lành những bệnh tật hồn xác. Amen.

------------------------------------------

 

Bài 3: Hãnh diện vì được chạm vào đôi cánh Thiên Thần

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 687


Bạn thân mến,

Có một chuyện kể về một cậu bé luôn bị mặc cảm, vì trên lưng cậu có hai vết thẹo thật lớn, trông rất rõ. Vết thẹo kéo dài từ bả vai, xuống đến eo, với phần da nhăn nhúm trông rất sợ. Vì thế, cậu luôn cảm thấy xấu hổ về bản thân mình.

Ngày ngày đi học, cậu rất sợ bị bạn bè phát hiện...

Và rồi, thời gian dài trôi qua, cái gì đến cũng phải đến... khi đó các bạn chọc cậu:

- "Eo ơi, gớm quá, ghê quá, sợ quá!"
- "A,...quái vật!"
- "Ôi, thật khủng khiếp!"...

Những lời vô tâm ấy đã làm đau lòng người bạn nhỏ của chúng ta. Cậu vừa khóc, vừa chạy vào nấp sau cánh cửa lớp, đế trốn tránh sự trêu chọc của các bạn bè.

Và cũng từ đó, cậu bé quyết bỏ học luôn.

Nhưng sau sự việc này, mẹ cậu bé ra sức động viên, và dịu dàng nắm tay cậu, dẫn đến gặp cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo là một nữ giáo viên rất đôn hậu và rất dễ thương.

Người mẹ kể rằng: khi mới sinh, cậu con trai đã mắc một thứ bệnh lạ, rất nặng, rất hiếm thấy, gần như mất hết hy vọng.

Nhưng gia đình không đành lòng bỏ rơi bé, nên quyết cứu con cho bằng được bằng mọi giá.

Qua một cuộc giải phẫu vô cùng khó khăn, vất vả, và rất tốn kém, bé đã được cứu sống.

Nhưng cuộc giải phẫu đó đã để lại nơi bé hai vết thẹo thật lớn trên lưng, như cô vừa thấy.

Nói đến đây, người mẹ run run bật khóc.

*****

Ngày hôm sau, cậu bé xuất hiện trở lại, và nấp ở một góc cuối lớp.

Các bạn nhỏ khác thấy thế, lại tiếp tục ttêu chọc với những lời lẽ thật vô tâm: "Ôi, thật đáng sợ!". "Ghê quá, trên lưng cậu ấy có 2 con trùn to lắm."…

Chính lúc ấy, cô giáo đi ngang, cô nghe hết những lời trêu chọc của các bạn.

Cô giáo tiến gần đến cậu bé, đặt nhẹ tay lên bờ vai gầy gò của bé, bày tỏ một cử chí thật thân thương, trìu mến, rồi mỉm cười nói với các em học sinh:

"Nào, tất cả chúng ta hãy vào trong lớp đi.

Có một câu chuyện, trước đây cô đã định kể cho các con nghe, nhưng chưa kể. Hôm nay, cô thấy đã đến lúc, cần phải phải kể cho các em câu chuyện này."

Các em im lặng, ngồi tại chỗ của mình dể nghe cô kể.

Cô giáo đến dìu cậu bé bị trêu chọc, bước lên bục cao, nhẹ nhàng kéo chiếc áo của cậu bé lên, làm lộ rõ hai vết thẹo lớn và nói với đám trẻ:

"Đây là một truyền thuyết. Ngày xưa, các thiên thần trên trời đã bay xuống mặt đất này và biến thân thành các bạn nhỏ như chúng ta đây.

Tất nhiên, có thiên thần nhanh nhẹn, đã kịp tháo gỡ đôi cánh của mình. Nhưng cũng có thiên thần hơi chậm, không kịp tháo hết đôi cánh của mình, nên đã để lại hai vết như thế này."

Một em bé tò mò, nhanh hẹn giơ tay lên hỏi: "Vậy đậy là vết của cánh của thiên thần hả cô?"

Cô giáo mỉm cười: "Đúng đó!"

Bỗng một số bạn lên tiếng: "Vậy thưa cô, chúng con có thể sờ chúng không?"

Từ nãy đến giờ, cậu bé vẫn cứ đứng ngẩn người ra, không nói được câu nào, và bây giờ thì cậu bé lại khóc, trong cái nhìn mới, mà cô vừa ban tặng cho bé.

Nhưng cô giáo mỉm cười và dịụ dàng nói:

"Chúng ta phải xin phép vị thiên thần nhỏ của chúng ta trướcđã  chứ?"

Lặng người đi một chút, cậu bé lấy lại bình tĩnh và đáp:

"Dạ, thưa được ạ!"

Thế là các bạn nhỏ vội vàng đi lên, vây quanh lấy cậu bé, lần lượt hết bạn này đến bạn khác, đến sờ vào "đôi cánh" ấy.

"Ôi, tuyệt thật, con đã sờ được cánh của thiên thần rồi!"

Năm tháng dần trôi, người bạn nhỏ của chúng ta đã lớn hơn nhiều, cậu vẫn thầm cảm ơn cô giáo đã đem lại cho cậu một niềm tin mới, một nghị lực mới. Cậu mạnh dạn tham gia giải bơi lội cấp thành phố, và cậu đã đoạt giải.

Cậu thầm cám ơn cô giáo, và cậu luôn tin rằng: vết thẹo trên lưng cậu chính là đôi cánh thiên thần, mà cô giáo năm xưa dành tặng cho cậu, với tất cả sự yêu thương.

*****

Qua câu chuyện trên đây, chúng ta thấy cô giáo đã đổi cách nhìn cho các học sinh của mình, và cô giáo cũng đã đổi đời, cho cậu bé có vết thẹo trên lưng...

Qua bài Phúc âm hôm nay (Mc 1, 16 – 20), chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng đã kêu gọi các môn đệ đổi đời, để đi theo Chúa.

Và hôm nay, chúng ta cũng vậy, Chúa cũng kêu gọi chúng ta, phải thay đổi cuộc đời mình, để thành môn đệ Chúa, để sống theo ý của Chúa...

Nhưng phải thay đổi thế nào đây ?

- khi mà lòng chúng ta còn quá dính bén với tiền bạc, với của cải?
- khi mà lòng chúng ta còn tỏ ra kiêu căng, tự phụ, không cần đến bất cứ ai,
- khi mà chúng ta còn phải quá bận tâm lo cho gia đình, lo cho chồng, cho vợ, cho con cái, lo củng cố nghề nghiệp, lo cho tương lai, ...

Chúng ta không còn thời giờ... Nói chung, là chúng ta không muốn mất gì hết, chúng ta không muốn thay đổi gì hết….

Nghĩa là chúng ta chưa có sẳn sàng, hay nói đúng hơn, là chúng ta chưa đủ tin tưởng phó thác vào Chúa.

Thái độ buông bỏ của các tông đồ tronng bài Phúc âm hôm nay, một lần nữa nhắc chúng ta: “Hãy luôn tin tưởng, cậy trông và phó thác cuộc sống mình cho Chúa, bởi vì chỉ có Chúa mới có thể mang lại cho chúng ta sự sống và hạnh phúc đời đời”.

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con luôn biết chọn Chúa, và quyết tâm bước từng bước hằng ngày theo Chúa, cho đến hơi thở cuối cùng, theo những gì Chúa đã dạy và đã làm gương cho chúng con. Amen.

-------------------------------

 

Bài 4: Một loại bệnh thật ngộ nghĩnh

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 688


Bạn thân mến,

Đầu năm 1996, cả thế giới xôn xao theo dõi một loại bệnh có tên thật ngộ nghĩnh: Bệnh bò điên (Mad-Cow discease).

Nguyên do những người mắc bệnh này là vì họ ăn nhằm thịt những con bò điên. Khi mắc phải, thì bộ não của người bệnh sẽ bị hư hoại dần dần, tay chân run rẩy và đi dần đến cái chết.

Lúc đầu, người ta phát hiện có mười người mắc phải bệnh này là ở Anh quốc, và có tám người trong số đó đã chết.

Ngày 21 tháng 3 năm 1996, Bộ trưởng Y tế của Anh là ông Stephen Dorell đã phải tuyên bố: “Có thể có sự liên quan giữa bệnh bò điên và bệnh Creutzfeldt – Jacob nơi con người”.

Sau đó, Pháp là nước đầu tiên tuyên bố ngưng nhập cảng thịt bò của Anh Quốc. Các nước Âu Châu lần lượt cũng làm theo nước Pháp. Cộng đồng Âu Châu còn khuyến cáo Anh Quốc phải triệt hạ tất cả mọi con bò mắc bệnh này.

Việc này, đã khiến Anh Quốc thiệt hại lên đến hàng tỉ đô la.

***

Bệnh tật theo đuổi con người như hình với bóng. Người ta vừa xóa sổ được bệnh này, thì bệnh khác lại xuất hiện. Càng ngày, các căn bệnh lại càng khó trị hơn, và có khi dường như là bất trị.

Có những bệnh tật tưởng chừng đã biến mất trong lịch sừ, nhưng nay nó lại quay trở về với con người.

Hôm nay (Mc 1, 29-39), Đức Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc gia ông Simon – Phêrô. Bà đang bị cảm sốt liệt giường. Đức Giêsu cầm tay bà nâng dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi lại tiếp đãi các Ngài.

Người Do thái cho rằng cảm sốt là hình phạt của Thiên Chúa, cũng giống như bệnh dịch (x.Ds 5,3).

Sau này, người ta còn gán cho bệnh cảm sốt là do ma quỉ.

Trong cái nhìn đó, bệnh tật được coi như bắt nguồn từ ma quỉ và việc chữa lành bệnh tật được xem như là sự chiến thắng quỉ ma.

Vì thế, việc Đức Giêsu chữa bệnh cảm sốt cho nhạc gia ông Simon biểu lộ ý nghĩa: Thiên Chúa cứu chuộc con người khỏi ách tội lỗi, và nói lên sứ mạng Thiên sai của Người.

Đức Giêsu đi đến đâu, thì chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỉ đến đó.

Người mang đến cho họ niềm vui và nụ cười.

Chúng ta là những tín hữu Kitô, những người môn đệ Chúa, cũng hãy bắt chước Chúa mà đem niềm vui, đem niềm hạnh phúc đến cho tha nhân trong môi trường mình sinh sống.

E. Lamy khẳng định:

“Chính khi chiếu tỏa quanh ta niềm hoan lạc, mà ta sẽ cứu vớt được nhiều linh hồn. Bởi vì niềm vui tự nó là một lời rao giảng”.

Sau khi được chữa lành, bà nhạc ông Simon đã đứng dậy, đi phục vụ mọi người.

Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được xua tan ma quỷ, được chữa lành bệnh tật linh hồn, và được trở nên con cái Chúa, thì chúng ta cũng hãy ra đi phục vụ anh em đồng loại, nhất là những người cô thân cô thế, những kẻ bệnh hoan tật nguyền.

V. Ghika có viết:

“Thiên Chúa cho kẻ biết cho, hiến thân cho kẻ hiến thân. Nếu bạn biết gánh lấy niềm đau của kẻ khác, thì Thiên Chúa sẽ gánh lấy nỗi khổ của bạn và biến nó thành của Người”.

Dường như khi gánh lấy nỗi đau của kẻ khác, thì chúng ta sẽ cảm thấy ý nghĩa ngọt ngào của hy sinh.

Dường như khi hy sinh cho tha nhân, thì bao giờ chúng ta cũng sẽ có hương thơm của hạnh phúc.

Dường như khi sống yêu thương, thì chúng ta sẽ thấy lòng mình thanh thản, cuộc đời mình sẽ nhẹ thênh thang.

Lạy Chúa, thế giới ngày nay vẫn còn các tà thần ám ảnh: thần của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm…;

Vẫn còn các bệnh tật lan tràn: bệnh trong lối nghĩ, lối nhìn và lối sống. Xin chúa thương chữa lành mọi thứ bệnh tật nơi tất cả chúng con.

Nhất là xin cho các tín hữu chúng con cũng biết xoa dịu, băng bó và chăm sóc những vết thương thể xác và tâm hồn của anh chị em xung quanh chúng con. Amen.

------------------------------------------

 

Bài 5: Tướng Mc. Clellan, kẻ trao ban Nhiệt tình, sức mạnh và Hy vọng

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 689


Bạn thân mến,

Tháng chín năm 1.862 cuộc Nam Bắc phân tranh của Hoa Kỳ đã dứt khoát nghiêng thế thuận lợi về cho quân đội phương Nam.

Tinh thần quân đội phương Bắc rơi vào mức thấp nhất của cuộc chiến. Một số rất lớn các toán quân liên bang rút lui về Virginia. Các nhà lãnh đạo địa phương bắt đầu lo sợ điều tệ hại nhất sắp xảy ra. Họ không còn phương cách nào để đảo ngược tình thế và biến những toán quân bị đánh te tua, kiệt sức, trở thành một đạo quân hữu dụng trở lại.

Chỉ có một vị tướng có thể làm nên được phép lạ này, đó là tướng Mc. Clellan.

Ông đã huấn luyện binh lính chiến đấu, họ yêu qúi và khâm phục ông.

Thế nhưng, bộ quốc phòng đã không thấy điều này. Cả đến nội các chính phủ cũng chả nhận thấy, ngoại trừ một mình Tổng Thống Lincoln.

May mắn thay, Lincoln đã phớt lờ những lời phản đối của các cố vấn và đặt Mc. Clellan trở lại vị trí chỉ huy.

Lincoln ra lệnh cho ông xuống Virginia, để tặng cho các binh sĩ ấy, điều mà không người nào khác trên mặt đất có thể trao cho họ, đó là: Nhiệt tình, sức mạnh và Hy vọng.

Mc. Clellan chấp nhận nhiệm vụ chỉ huy. Ông leo lên con ô mã to lớn và phóng xuống, những nẻo đường cát bụi ở vùng Virginia.

Quả là khó giải thích điều xảy ra tiếp sau đó.

Các lãnh tụ phương Bắc chẳng thể giải thích được.

Các binh lính phương Bắc cũng chẳng thể giải thích được.

Ngay cả Mc. Clellan cũng chẳng thể giải thích được.

Mc. Clellan gặp các lực lượng Liên Bang đang rút quân. Ông giơ nón lên cao vẫy chào và hô lên những khẩu hiệu cổ xuý lòng can đảm.

Nhìn thấy chủ tướng quí yêu, đám lính mệt mỏi bắt đầu bình tâm lại: Họ bắt đầu có một cảm giác một cách kỳ lạ rằng: kể từ bây giờ, mọi sự sẽ đổi khác. Và giờ đây mọi sự đều có thể ổn định trở lại.

*****

Bây giờ chúng ta hãy xem Bruce Catton, một sử gia danh tiếng viết về cuộc nội chiến đã mô tả nỗi phấn khích ngày càng gia tăng, khi có tin Mc. Clellan lại trở về vị trí chỉ huy như sau:

“Từ dặm này, đến dặm nọ, suốt con đường vùng Virginia, những toán quân đi đứng chuệnh choạng bắt đầu hồi sinh: Họ ném mũ nón, túi vải lên không trung và hò hét cho đến khi khan cả cổ… bởi vì họ đã nhìn thấy vị anh hùng lanh lợi nhỏ con ấy đang cỡi ngựa xuất hiện dưới ánh sáng sao màu tím.

Một cách nào đó, đây chính là bước ngoặt của cuộc chiến… không ai có thể cắt nghĩa được điều ấy cho đầy đủ…(Trích trong cuốn this Hallowed Ground: vùng đất Thánh này)

Nhưng dẫu sao, đó chính là điều mà Lincoln và phương Bắc đang cần và lịch sử đã mãi mãi thay đổi nhờ điều ấy.

***

Câu chuyện về tứơng Mc.Clellan cho thấy rõ rệt:

Người lãnh đạo ảnh hưởng đến tinh thần người dưới quyền mãnh liệt như thế nào.

Trong một thiên khảo luận, Ralph Waldo Êmrson ghi lại hàng chữ đáng nhớ sau đây:

“Điều cần thiết chính yếu trong cuộc sống, chính là gặp được một ai đó có khả năng giúp ta làm những gì ta có thể làm”.

Và ai làm được điều ấy sẽ là một lãnh tụ vĩ đại.

Bởi chúng ta không thể tự mình làm bừng dậy cái khả năng tiềm tàng vĩ đại ẩn dấu bên trong mỗi người chúng ta.

Hầu hết mọi người chúng ta giống như cái chai Aladdin nhặt được trên bờ biển. Mỗi người chúng ta đều có vị thần vĩ đại đang cư ngụ trong mình. Nhưng ông ta không thể tự mình bước ra ngoài và chúng ta cũng chẳng thả ông ta ra được. Chúng ta cần một anh chàng Aladdin đi đến khui nắp chai và giải phóng vị thần khổng lồ ấy dùm chúng ta.

Và đó cũng chính là những gì Emerson đã cưu mang trong tâm trí ông. Ngay sau khi nói câu; “Điều cần thiết chính yếu trong cuộc sống là gặp được một ai đó có khả năng giúp ta làm những gì ta có thể làm”. Ông liền thêm: “và đây chính là công việc của một người bạn”, còn tôi thì lại muốn thêm vào: “Đấy cũng là công việc của Đức Giêsu Kitô”

*****

Không nơi nào trình bày cho chúng ta điều này rõ hơn trong Phúc Âm.

Và cũng không câu chuyện Phúc Âm nào chỉ cho ta điều này rõ hơn bài đọc hôm nay (Mc 1, 14-20). Nó giúp ta hiểu được điều Napoléon đã từng nói về năng lực của ông, là có thể tạo ra một điều gì đó nơi tâm hồn các thuộc hạ của ông.

Napoléon nói:

“Chỉ cần nhìn ánh sáng nơi mắt tôi, nghe âm giọng tôi và chỉ cần nghe một lời từ miệng tôi, thì lập tức ngọn lửa linh thiêng bừng cháy lên trong lòng họ thực sự. Tôi đã nắm được bí quyết của một năng lực ma thuật có thể lay chuyển tâm hồn kẻ khác”.

Quả thế, Napoléon đã chiếm hữu được quyền năng ấy, và chính ông ta chú thích thêm trong cùng một đoạn văn trên như sau:

“Đức Kitô cũng có được quyền năng này nhưng ở một cấp độ vô cùng to lớn hơn”.

Nơi Chúa Giêsu, có gì khiến Ngài khác biệt với những lãnh tụ khác vậy? câu trả lời thật đơn giản.

Tất cả lãnh tụ khác chỉ có thể ảnh hưởng trên ta, gây cho ta niềm phấn khích. Tuy nhiên, ảnh hưởng họ gây ra trên ta chỉ thuần về mặt tâm lý.

Còn ảnh hưởng Đức Giêsu gây ra trên ta không chỉ mang tính cách tâm lý và còn gồm cả tính mầu nhiệm nữa.

Điều này có nghĩa là gì?

Nghĩa là các lãnh tụ khác có thể hâm nóng nhiệt tình của chúng ta, có thể khích động chúng ta, có thể khơi dậy niềm xúc cảm của ta, kích thích trí tưởng tượng của ta, nhưng họ không thể ban cho ta tinh thần của họ được. Họ không thể chia sẻ cho chúng ta năng lực và sức mạnh riêng của họ được. Nếu có sự thay đổi xảy ra nơi những người theo họ, thì chắc hẳn sự thay đổi đó là do nơi nguồn lực và sự gắng sức của đám người theo họ ấy.

Trong trường hợp Đức Giêsu, tất cả mọi điều này thực khác hẳn:

Đức Giêsu có thể đặt tinh thần Ngài trong chúng ta. Ngài có thể chia sẻ quyền năng riêng của Ngài với chúng ta. Ngài có thể bước vào trong tâm trí ta, để giúp ta làm được điều mà tự sức riêng ta không thể nào làm được một mình.

Chỉ cần ta mở rộng lòng trí cho Ngài thì Đức Kitô sẽ bước vào trong cuộc đời của ta và Ngài sẽ làm tất cả những gì tiếp theo sau đó.

*****

Như thế, chúng ta bước sang điểm cuối cùng và cũng là điểm trọng yếu nhất đối với chúng ta.

Chỉ cần điều duy nhất, mà Chúa Giêsu không thể làm được cho chúng ta đó là Ngài không thể cởi mở tâm hồn chúng ta ra, nếu chúng ta không muốn.

Ngài có thể làm tất cả mọi điều khác, ngoại trừ điều này, bởi vì chúng ta nắm giữ chìa khoá cửa ngõ tâm hồn chúng ta trong cuộc sống mình. Và điều này dẫn chúng ta trở lại với bài Phúc Âm hôm nay.

Bài Phúc Âm hôm nay (Mc 1, 14-20) chỉ cho ta cách thức mở ngỏ lòng ra để Chúa Giêsu bước vào; đồng thời cũng cho chúng ta thấy rõ cái giá chúng ta phải trả nếu chúng ta muốn làm được điều này.

Chúng ta phải thực hành những gì các tông đồ đã làm, chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận cái giá các ngài đã phải trả, chúng ta phải sẵn lòng thiêu huỷ mọi chiếc cầu phía sau chúng ta, để bước theo Chúa Giêsu bất cứ nơi nào Ngài muốn dẫn đi.

Nếu chúng ta quyết định làm điều các tông đồ đã làm, nếu chúng ta quyết định liều bỏ mọi sự vì Chúa Giêsu, thì Ngài cũng sẽ làm cho chúng ta những gì Ngài đã làm cho các vị ấy. Ngài sẽ biến chúng ta nên những thành viên chia sẻ công việc của Ngài, và ban cho đời sống chúng ta một ý nghĩa mới vượt quá mọi niềm ước mơ vĩ đại nhất của chúng ta.

Để kết thúc, chúng ta hãy dùng bài suy niệm thú vị của Edward Farrell trong tập sách của ông nhan đề; “Kinh ngạc bởi Thánh Linh” (Surprised by Spirit).

“Người đang đi dọc bờ biển lung linh sáng. Người là ai? Người là ai – trông sáng ngời kinh khiếp – đang nhìn chúng tôi bằng đôi mắt mòn mỏi, đôi mắt như tìm kiếm chính linh hồn chúng tôi?

“Người là ai, mà thấy được tư tưởng, đọc được tâm hồn sâu kín của chúng tôi bằng ánh mắt yêu thương, thông suốt, như muốn nói rằng: Ta chẳng muốn gì cả ngoài bản thân của bạn”

Lạy Chúa, xin ban cho con một nhận thức lành mạnh, để sám hối tu thân. Xin ban cho con một trái tim rộng mở để hiến thân phục vụ Tin mừng. Xin ban cho con một ý chí cậy trông để củng cố những ai thất vọng lo âu. Amen.

-------------------------------

 

Bài 6: Chuyện kể của Mẹ Têrêsa Calcutta về một người phong cùi

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 690


Bạn thân mến,

Mẹ Têrêsa Calcutta đã kể lại câu chuyện sau đây:

Một người đàn ông phong cùi, sống trơ trọi trong một túp lều tăm tối, xa tránh hết mọi người và hận thù với mọi người, hận thù xã hội. Ông đã không chấp nhận cho một nữ tu đến chăm sóc và nghĩ rằng chị nữ tu sẽ được hưởng một nụ cười mãn nguyện qua sự từ chối của anh.

Mẹ Têrêsa Calcutta nói:

«Ngày tôi đến thăm người đàn ông đã không bao giờ muốn rời khỏi túp lều tăm tối của mình. Tôi tiến lại gần con người ấy và đưa cánh tay ra mời mọc, nâng cánh tay của anh để anh đứng dậy, rồi cùng dìu anh bước ra khỏi túp lều tăm tối.

Vừa đến bên cánh cửa, nơi có ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, người đàn ông đã có một thái độ, mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được:

Ra khỏi căn nhà, đứng giữa ánh sáng, anh hô lên một tiếng kêu lớn: «Tôi thấy!»

Kể từ khi bóng tối của bệnh phong cùi ập phủ xuống trên cuộc đời, thì hôm nay thực sự là lần đầu tiên, anh cảm nhận được có ánh sáng trong cuộc đời. Với tất cả sức lực còn lại, anh muốn thét lên với cây cỏ, với núi non, với thiên nhiên, với tất cả mọi người như sau: «Tôi thấy! Tôi thấy! Tôi thấy!».

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu lại đánh động chúng ta thêm một lần nữa: «Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng » (Mc 1, 14-20).

Tin Mừng của Chúa Giêsu luôn mới mẻ, luôn là ánh sáng chỉ đường cho mỗi người chúng ta.

Nhưng nhiều khi trong cuộc đời, chúng ta không cảm nghiệm được điều đó.

Tin Mừng đã trở thành cũ kỹ, và chính chúng ta là những người phải loan báo Tin Mừng, nhưng lòng chúng ta không còn nhạy cảm nữa. Đôi khi nó đã ra chai đá!

Nhiều lúc, chúng ta giống như anh phong cùi kia, tự giam mình vào bóng tối, tự hãm mình vào bóng tối.

Đôi khi vô tình hay hữu ý, chúng ta cũng lại xô đẩy những người khác vào trong bóng tối: Một cuộc sống không muốn làm chứng tá, một khước từ và tự khép cửa lòng chối từ ánh sáng của Thiên Chúa.

“Các con là ánh sáng thế gian”.

Câu nói đó của Chúa Giêsu vẫn còn vang vọng trong các trang Phúc âm.

Người Kitô hữu, chỉ là Kitô hữu đích thực, khi họ là ánh sáng thế gian.

Nhưng, khi ánh sáng không còn khả năng chiếu sáng, thì ánh sáng ấy trở thành tăm tối và nó sẽ dần tắt ngút trong màn đêm.

Chúng ta là những con người cần ánh sáng để sống, để lớn lên trong tình Chúa và tình người.

Ta cần có ánh sáng Lời Chúa soi sáng, dẫn lối, chỉ đường, trong thế giới đầy lôi cuốn của cám dỗ.

Vậy, hãy nhận lấy ánh sáng của Lời chân lý ấy, hãy chiếu sáng bằng những việc làm của ánh sáng.

Hãy để Lời chân lý đó thấm nhuần lòng trí ta, hãy để chính Đấng là sự đường, là sự thật và là sự sống đó hoạt động trong chúng ta.

Từ đó, chúng ta sẽ trở thành những ngọn đèn đang thắp sáng chung quanh chúng ta:

- bằng một lời nói nâng đỡ an ủi,
- bằng một nụ cười thông cảm,
- bằng một đường hướng, đưa ra, để đồng hành với những ai thất vọng, tràn trề nơi cuộc sống, để giúp đó hồi phục vì những vết thương bất chính trong cuộc sống...

Đó, chính là những việc làm của ánh sáng, đó chính là phương cách đón nhận Tin Mừng và trở thành chứng nhân Tin Mừng cho những người chung quanh đang chờ đợi chúng ta.

Một hành động bác ái, một biểu lộ yêu thương, dù nhỏ mọn đến đâu cũng là một tia sáng, mang hy vọng đến cho những nơi tối tăm và cô đơn, nơi những tâm hồn đau khổ.

Lạy Chúa, xin mở lòng trí con ra, để con biết tiếp nhận ánh sáng của Lời chân lý Ngài, vì con đang chìm ngập trong bóng tối của nhỏ nhoi, của ích kỷ, của hận thù.

Xin Chúa tha thứ cho con, những lần con vô tình hay hữu ý, đã xô đẩy người khác vào bóng tối cô đơn hay tội lỗi.

Xin cho con niềm vui, vì được biết rằng: Mỗi lần con thực thi một cử chỉ đẹp, tuy nhỏ mọn cho người anh em, thì cũng chính là mỗi lần con được lớn lên trong ánh sáng và trong tình yêu Chúa. Amen.

-------------------------------

 

Bài 7: Những nỗi đớn đau của ông Gióp

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 691


Bạn thân mến,

Ông Gióp than thở:

"Cuộc sống con người nơi dương thế, chẳng phải là thời khổ dịch sao?...
Gia tài của tôi là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề." (G 7,1-3).

Vấn nạn đau khổ là vấn nạn muôn thuở của kiếp người.

Không riêng gì các trang của sách Gióp, mà kho tàng văn chương của nhân loại, từ cổ chí kim, vẫn đầy dẫy các hình thái khổ đau của con người được trình bày, mô tả.

Nói đến chuyện đau khổ, bàn đến chuyện đau khổ, qua các trang sách hay phim ảnh, thì như rất dễ thu hút lòng người.

Có nhiều nguyên cớ, nhưng cần chân nhận lý do chung này: người ta thấy có chút đồng cảm nào đó, vì chính họ cũng khổ đau. Đồng bệnh thì tương liên, chuyện đời là vậy.

*****

Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 1, 29-39), tường thuật một ngày làm việc của Chúa Giêsu, là chữa lành nhiều kẻ ốm đau, mắc đủ mọi thứ bệnh tật, về tinh thần, lẫn thể xác.

Sau khi chữa cho bà mẹ vợ ông Phêrô khỏi cơn sốt nặng thì

"chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ." (Mc 1,32-34).

Khó có thể chối cãi sự thật này, là Chúa Giêsu tìm mọi cách xoa dịu khổ đau của con người.

Thế nhưng, tại sao khi người ta kéo nhau đến cùng Người, thì Người lại đi nơi khác?

Phải chăng Chúa Giêsu muốn "nhổ cỏ tận gốc", tức là tìm cách diệt trừ căn nguyên của sự đau khổ?

Vì sao có đau khổ?

Một câu hỏi rất khó tìm được câu trả lời cách rõ ràng và có tính thuyết phục.

Anh em Phật tử, thì chủ trương rằng: Đau khổ có căn nguyên nơi cái "dục" của con người. Vì ước muốn mà không được toại nguyện, nên phải chịu đau khổ. Chính vì thế con đường thoát khỏi khổ đau được đề ra là " diệt dục".

Nếu nhìn cuộc đời con người với vòng đời

 "sinh - lão - bệnh - tử là bể khổ thì làm sao giải thích được việc một người được sinh ra là khổ, cho dù " thoạt sinh ra thì đã khóc choé".

Người ta có thể muốn trẻ mãi không già, muốn mạnh khoẻ, không bệnh tật, muốn trường sinh bất tử, nhưng không một ai trên trần gian có thể tự mình "muốn" được hay không được hoài thai trong dạ mẹ, cũng như tự mình muốn được hay không được chào đời làm người.

Lão tử thì quan niệm đau khổ có ra là vì con người sống không hợp với Đạo, với lẽ trời, với sự vận hành của giới tự nhiên. Khi con người không làm chủ ước vọng của mình, để cho tham muốn của mình đi thái quá cũng gây ra khổ đau. Chính vì thế để diệt khổ đau không gì hơn là tiết chế tham muốn của mình theo kiểu cách của thi nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc.
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn.

Và sống thuận theo lẽ trời tự nhiên như:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá.
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Các triết gia, các nhà đạo đức học phân biệt đau đớn, với đau khổ.

Các loài vật, vì không có lý trí và ý chí tự do, nên chỉ có đau đớn, mà không có đau khổ.

Đau khổ là một phạm trù thuộc lý trí.

Biết được chuyện chẳng may, chẳng lành, mà không tránh được, thì mới có khổ đau.

Người ta thường dí dỏm rằng: Người điên không hề có khổ đau, vì không biết.

Tuy nhiên, ngoại trừ một vài nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh... thì người ta đều chân nhận rằng: Chính tội lỗi con người là nguyên nhân lớn gây ra đau khổ cho đồng loại.

Và Kitô giáo ủng hộ lập trường này, mặc dù vẫn quan niệm đau khổ là một huyền nhiệm.

*****

Để có cái nhìn tương đối khách quan về đau khổ, thiết tưởng chúng ta cần xem xét bản chất đau khổ là gì?

Đau khổ là tâm trạng khó chịu, khi gặp phải sự dữ, hay khi thiếu một điều thiện hảo nào đó.

Rất khó và dường như không thể xem xét đau khổ như là hiện tượng độc lập, tự thân nó.

Đã nói đến đau khổ, là nói đến một ai đó đau khổ. Như thế sự đau khổ luôn gắn liền với nhận thức và ước muốn của con người. Con người cảm thấy đau khổ khi các hiện tượng khách quan, lẫn chủ quan, như cưỡng lại ý muốn của mình.

*****

Đến thế gian, Chúa Kitô không giải thích cặn kẻ về khổ đau, cũng như các nguyên nhân của nó.

Tuy nhiên, qua các hành vi, lời nói và chính cuộc sống của Người, Người dẫn chúng ta đi trên con đường kinh qua đau khổ, để sống yêu thương.

Dù rằng, vẫn cố gắng đến quên ăn, quên ngủ, để làm dịu cơn khổ đau của nhân loại, nhưng Người đã biết rõ cuộc đời con người khó có thể thoát được mọi nổi khổ đau, cả về thể lý lẫn tinh thần.

Người đã tự nguyện chọn con đường đối mặt với với đau khổ, bằng một tình yêu vị tha bao la.

Không phải diệt dục là hết khổ đau, vì chính hành vi diệt dục cũng là một cách muốn, cho dù các bậc minh triết trong Phật giáo diệt dục bằng sự "tri kiến".

Không phải cứ thuận theo lẽ tự nhiên là khổ đau biến mất, vì sự vận hành của giới tự nhiên, lắm khi quá nghiệt ngã.

Biết dừng cái ham muốn của mình trong sự trung dung, vừa đủ thì hết khổ chăng?

Cũng thật cam go vì biết thế nào là đủ, là vừa.

Trong niềm tin, với lời mạc khải, đặc biệt là qua con đường Chúa Kitô đã đi, chúng ta có thể quả quyết rằng: chính khi hướng cái dục là lòng muốn đến tha nhân, với các mục tiêu tốt đẹp, kiểu "hãy thực hiện cho tha nhân những gì ta muốn tha nhân làm cho mình", thì sẽ có cơ may vượt qua đau khổ.

Thánh Augustinô đã từng chỉ dạy: Hãy yêu đi, thì bạn sẽ vơi hết khổ đau. Nếu có đau khổ, thì cái đau khổ ấy cũng đã được yêu rồi".

*****

Cần phải diệt trừ tội lỗi là một nguyên nhân lớn gây ra đau khổ.

Đồng thời, cần phải tránh các khổ đau cho bản thân, cũng như cho tha nhân, và tích cực xoa dịu khổ đau cho đồng loại, hết khả năng có thể, vì đó là điều chính đáng và phải đạo.

Tuy nhiên, nếu gặp phải sự đau khổ không như ý, hay chẳng đặng đừng, thì hãy can đảm đón nhận nó để sống yêu thương.

Tình yêu vị tha, mà kinh qua đau khổ, là tình yêu thật đáng giá và đượm đầy tính vô cầu.

Như thế, không phải là tìm cách diệt dục, hay hạn chế sự dục, mà là hướng cái dục của chúng ta theo thánh ý Cha trên trời, Đấng tốt lành và nhân hậu.

Là Kitô hữu, chúng ta tránh khổ đau, nhưng không lẫn trốn đau khổ.

Lạy Chúa, xin Chúa xức dầu Thánh Thần cho chúng con, chữa lành tâm hồn và thân xác chúng con, để chúng con luôn luôn có đủ khả năng và lòng nhiệt thành phục vụ Chúa và phục vụ anh chị em chúng con, như Chúa mong muốn. Amen.

-------------------------------

 

Bài 8: Chuyện phim: "Hương hoa giữa đời”

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 692


Bạn thân mến,

Báo Tuổi Trẻ ở Saigòn, vào ngày thứ bảy, ngày 4/2/2006, có đăng một tin vui trên trang văn hoá:

Vừa qua, trong liên hoan phim video Tokyo lần thứ 28 ( Tokyo Video Festival, Nhật ), quy tụ 2.291 bộ phim, từ 35 quốc gia và lãnh thổ, và đã chọn ra 30 giải xuất sắc, sẽ trao gải tại Tokyo, ngày 18/2 tới đây.

Trong đó có cuốn phim của Việt Nam: "Hương hoa giữa đời" của đạo diễn Việt Oanh, đã đạt giải thưởng xuất sắc.

Bộ phim "Hương hoa giữa đời" đã gieo một ấn tượng sâu sắc đối với khán giả. Nội dung của phim kể về một nữ tu, đó là Sơ Mậu (Josephine Mai Thị Mậu là một nữ tu dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vinh Sơn, thuộc Giáo hội Công giáo Rôma), mà những người bị bệnh phong ở khu điều trị phong Di Linh (Lâm Đồng), đã trân trọng gọi một cách thân thương là: "Mẹ Mậu".

Mẹ đã tìm được nghị lực bằng tình yêu dành cho người nghèo khổ. Không một lời than phiền, dù tiền Nhà Nước mỗi tháng cấp chỉ vỏn vẹn có 120.000 đồng cho một bệnh nhân, nhưng mẹ Mậu vẫn tìm cách xoay sở, cáng đáng, ổn thòa được cho tất cả.

Mẹ đã tìm gặp được Chúa Kitô qua những bệnh nhân phong.

*****

Phong cùi ! Một căn bệnh trầm kha, một bất hạnh tột cùng, một sự tự huỷ của thân xác, kéo theo một sự ruồng rẫy của cộng đoàn.

Phải chăng đó là một sự giáng phạt của Thiên Chúa ?

Với quan niệm đầy tính "đạo đức quá khích " của người Do Thái, nhận định trên chẳng có gì là mới lạ.

Đối với họ, ai may mắn, giàu có, khoẻ mạnh, đông con... là người được Thiên Chúa chúc phúc.

Còn ai gặp bất hạnh, như bệnh tật, nghèo túng, hoạn nạn, vô sinh... là kẻ phải chịu án phạt của Thiên Chúa giáng xuống, vì tội của chính họ, hay của cha ông họ.

Thế nên bệnh cùi, một căn bệnh dễ lây lan và ghê rợn, không những bào mòn thể xác người mắc bệnh, nhưng còn huỷ hoại tinh thần cách nặng nề, khi mà quan niệm xã hội đã gây nên cho bệnh nhân cái cảm tưởng đang bị Thiên Chúa hất hủi. ruồng rẫy.

Nhưng không phải chỉ có thế:

- không phải chỉ khổ đau khi tận mắt chứng kiến những phần thân thể bị tróc lở, rơi rớt, lần lượt, giã từ xác thân để trở về cát bụi trước thời hạn, và cũng không phải chỉ đau khổ tột cùng, vì quan niệm bị Thiên Chúa giáng phạt.

Song nỗi đau khổ còn bị dày xéo bởi những khinh rẻ, phỉ báng của cộng đồng loài người.

Trong xã hội Do Thái, một khi các thầy tư tế đã thẩm định ai là người mắc bệnh cùi, thì lập tức kẻ đó "phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng, và la to rằng: “mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế”, để mọi người biết mà tránh xa.

Đúng là không có nỗi ô nhục, đau đớn, cô đơn nào khủng khiếp cho bằng của người cùi.

Những mặc cảm bị bỏ rơi cứ ám ảnh triền miên: Thiên Chúa bỏ rơi, cộng đoàn bỏ rơi, và ngay xác thịt trên cơ thể cũng bỏ rơi mình luôn.

Còn bất hạnh và đau khổ nào lớn hơn!

Không lạ gì mà khi nói về "Người Tôi Tớ Đau Khổ của ", Tiên tri Isaia cũng chỉ biết dùng đến hình ảnh của kẻ bị phong cùi để ám chỉ.

Nhưng có một điểm khác biệt, là chính những vết thương nơi thân mình, Thiên Chúa Giavê lại có sức chữa lành và giải thoát.

Việc chữa lành và giải thoát đó là một kết hợp nhiệm mầu giữa tình thương và niềm tin, mà Phúc Âm Thánh Máccô đã phác hoạ qua câu chuyện Chúa chữa người cùi (Mc 1,40-45).

Không ai biết Chúa Giêsu đã đến với người cùi, hay người cùi đã tìm gặp Ngài. Phải chăng đang khi Chúa Giêsu đi tìm một chỗ thanh vắng để cầu nguyện thì người cùi chạy đến với Ngài?

Dẫu sao thì anh ta đã vi phạm luật được ghi chép trong sách Lêvi, là phải hô to, để Chúa tránh xa.

Trái lại anh đã "đến", " quì xuống ", và "van xin" Ngài cứu giúp.

Anh không đến với Chúa Giêsu bằng thái độ cầu may, như những lần ăn xin khách qua đường trước đây.

Nói đúng hơn, anh đã đến với Ngài bằng một niềm tin, thứ niềm tin làm cho anh bất chấp luật pháp, miễn sao gặp được Chúa Giêsu.

Phần Chúa Giêsu, Ngài đã không tránh xa, đã không trốn chạy kẻ phong cùi, theo như sách luật thanh sạch quy định, hay bản năng tự nhiên của con người lôi kéo. Song Ngài đã "chạnh lòng thương".

Tình thương mạnh hơn luật pháp! Chính tình thương đã thúc đẩy Chúa Giêsu phá vỡ sự trói buộc của luật "nhơ uế và tinh sạch trong đạo Do Thái lúc bấy giờ” để đặt tay trên người cùi ", mà chữa lành cho anh.

*****

Thì ra, chính nhờ tin vào tình thương và biết đáp trả tình thương bằng niềm tin, mà phép lạ đã xảy ra.

Nhiều khi, phép lạ không xảy ra được, chỉ vì người ta không có niềm tin, hoặc giả như có, thì đối tượng của niềm tin lại là một thứ gì khác, chứ không phải tình thương.

Lắm khi người ta tin vào tiền bạc, sắc đẹp, vũ khí, sức mạnh, tài năng, uy quyền hơn là tình thương.

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong nhiều bài phát biểu đã nói đến rất nhiều những cuộc khủng hoảng.. . đặc biệt Ngài nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng về tình thương của con người trong thế giới hôm nay. Họ quên rằng: chính tình thương mới vô giá, vô địch và vô cùng.

Chính tình thương vô cùng của Thiên Chúa đã đưa người cùi ra khỏi vũng lầy của mặc cảm, cô đơn. Anh tìm lại được sức sống nơi bản thân, tháp nhập lại với cộng đoàn con người, và điều quan trọng nhất, là gặp gỡ khuôn mặt từ ái của Thiên Chúa, nơi Đức Kitô.

*****

Trong dịp tết Bính Tuất 2006, tôi cùng với đại diện giới trẻ của 3 Giáo xứ: Đồng Trì, Nam Dư, Thịnh Liệt và đại diện các Hội đoàn đã đến thăm các bệnh nhân khu điều trị phong Quốc Oai, Hà Tây một ngày, trong " yêu thương và phục vụ".

Theo bác sĩ Trình cho biết: Đây là một đoàn đông đảo nhất từ trước tới nay, có đầy đủ đại diện, từ các cụ cao tuổi, đến các bạn trẻ, đến với trại phong.

Chương trình của đoàn là dâng lễ, ngay trong nhà nguyện của khu điều trị, để cầu nguyện cho các bệnh nhân, chia sẻ bữa ăn trưa, liên hoan văn nghệ, phục vụ các bệnh nhân, và kết thúc là buổi hội chợ dành cho các bệnh nhân.

Nhiều người bệnh đã cho biết, đã từ rất lâu, chúng tôi mới lại được hưởng một bầu không khí vui mừng của ngày xuân mới ấm áp tình người như thế này.

Nhờ tình thương, con người nối kết được ba mối dây liên hệ căn bản trong cuộc đời: liên hệ với chính mình, liên hệ với tha nhân, liên hệ với Thiên Chúa. Thiếu tình thương con người sẽ rơi vào tình trạng phong cùi, đau khổ, và đơn độc nhất.

Biết bao gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, rơi vào tình cảnh "Phong cùi" tâm hồn, khi đánh mất liên hệ với nhau, vì tình yêu đã nhạt nhoà, rách nát.

Biết bao bạn trẻ đã đánh mất chính mình, trở nên khủng hoảng trong tương giao giữa mình với tha nhân, vì đã đặt niềm tin không đúng chỗ.

Nhiều bạn trẻ đã lao vào vòng xoáy cơn lốc thị trường, với lối sống buông thả, chìm đắm trong đam mê dục vọng và hờ hững trong niềm tin Tôn giáo.

Chỉ có một nẻo đường duy nhất để tái lập tương quan ba chiều, tức là tìm lại những liên hệ chân thực, với chính mình, với tha nhân, và với Thiên Chúa.

Nẻo đường đó chính là Đức Giêsu. Tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay. Xác tín vào tình thương của Thiên Chúa nơi con người Giêsu là ta đang múc lấy cho mình dòng nước tươi mát, có thể rửa sạch mọi vương vấn, khổ đau, bất hạnh, cô đơn, tội lỗi, " cùi hủi " của cuộc đời. Vì Ngài sẽ phán với người tin: "Ta muốn, con hãy nên sạch".

Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần cho chúng con, để nhờ Người soi sáng, chúng con luôn nhận ra Chúa quyền năng và yêu thương, đang hiện diện trong cuộc sống chúng con, và Ngài có thể chữa lành chúng con, cũng như những người anh chị em bệnh nạn đang kêu cầu đến Chúa.

Lạy Chúa xin giúp chúng con. Amen.

-------------------------------

 

Bài 9: Cha Đa-Miêng vị Tông đồ người phong

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 693


Bạn thân mến,

Có một hòn đảo nằm chơi vơi giữa biển Thái Bình Dương mênh mông, mà trên đảo này ai ai cũng đều mắc bệnh phong (cùi): nào là cụt tay, đứt chân, mắt đui, mày lở, răng rụng…

Một hôm, Đức giám mục phụ trách quần đảo này đã gióng lên một lời kêu gọi, mời các linh mục ở Âu Châu tình nguyện hy sinh sang đó phục vụ họ.

Một linh mục trẻ, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh, đã hăng hái đáp lời, đó là cha Đa-Miêng, mà sau này được mọi người tặng cho biệt danh: “Vị Tông đồ người phong”.

*****

Khi đặt chân đến hòn đảo này, cha Đa-Miêng đã được tiếp đón và được giới thiệu cách như thế này:

Chiều hôm đó, trong ngôi nhà thờ rất đông người phong, đức giám mục đứng trước bàn thờ, trên gian cung thánh, mặt quay xuống giáo dân, và long trọng giới thiệu với mọi người:

“Các con thân mến, từ lâu nay, các con hằng mong ước có một linh mục đến ở cùng với các con, để yêu thương và săn sóc các con, thì đây cha Đa-Miêng, một linh mục người Bỉ, sẽ đến sống chung với các con, từ nay cho đến chết, các con có sung sướng không ?”

Cả nhà thờ xôn xao, thì thầm to nhỏ.

Cha Đa-Miêng đứng cạnh đức giám mục, nhìn xuống giáo dân mà chẳng hiểu họ nói gì.

Rồi họ từ từ bước lên cung thánh, dáng điệu chất phác đơn sơ. Cha Đa-Miêng thấy họ đến gần mình thì sởn tóc gáy và nổi da gà, trông họ như những thây ma còn sống, như những quái thai mất hẳn dáng người. Họ làm gì đây ? Họ tiến đến bên cha, người thì sờ vào mặt, người thì sờ vào tay, người thì sờ vào áo cha..

Cha hỏi đức giám mục : “Thưa đưc cha, họ làm gì vậy ?”

Đức cha trả lời : “Họ nói họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng bà con huyết thống gì với họ, trẻ trung, đẹp trai, không bệnh tật như họ, tự nhiên lại đến phục vụ họ, trên mảnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt mình, nên họ đến sờ mó vào người cha, xem cha có bị phong như họ không, và họ nói với nhau: “Không, cha đẹp quá, cha không bệnh tật gì cả, cha thương chúng ta quá”.

Sống với những người phong ở đây được một thời gian, dần dần Cha Đa-Miêng hòa đồng được với họ, nói tiếng của họ, cha không còn cảm thấy tởm gớm họ như những ngày đầu mới đến.

Nói đúng hơn, cha đã quá yêu Chúa Giêsu bị bỏ rơi trong họ, nên chẳng còn thấy ghê sợ, gớm tởm nữa.

Một ngày kia, đến lượt cha cũng mắc bệnh phong, thân mình lở loét, nhức nhối, mặt mày sần sùi, đen đủi, trông rất dễ sợ.

Một số báo ở Bỉ đăng hình cha và kể lại sự hy sinh vĩ đại của cha.

Thân mẫu của cha, mắt mờ không đọc được, nhìn vào bức hình bà cũng chẳng nhận ra nổi đứa con yêu.

Bà hỏi đứa cháu : “Hình ai đây, mà trông ghê sợ vậy ?”

Cô cháu trả lời : “Một người phong bên đảo Môlôkai của cha Đa-Miêng đấy”.

Qua mắt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả đều xót xa rơi lệ.

Cha Đa-Miêng đã sống với người phong trên hòn đảo này cho đến chết. Tình yêu Chúa đã giúp cha hy sinh suốt đời vì họ.

Phong, hủi hay cùi, cũng là một thứ bệnh. Đã có lần nào anh chị em gặp một người phong cỡ nặng chưa ?

Mời anh chị em vào trại phong Di Linh, Quy Hòa, Bến Sắn… anh chị em sẽ thấy một người phong nặng, không còn hình tượng gì là con người nữa, tứ chi rụng hết, mặt mũi sần sùi, thân mình lở loét. Có người đến đây không chịu nổi sự dơ bẩn đã té xỉu vì hôi thối nặng mùi.

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng sợ mắc phải chứng bệnh như thế, chúng ta sẽ tránh xa và gìn giữ vệ sinh cẩn thận kẻo mắc thứ bệnh này.

*****

Cũng vậy, bệnh phong đối với xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, bị kể là dơ bẩn, bị loại trừ, bị cô lập riêng ra một nơi, không được ở chung với dân làng, ngay cả với cha mẹ, thân nhân, cũng không được chứa người đó trong nhà.

Một người phong thời Chúa Giêsu là một nạn nhân thật sự bị ruồng bỏ, đi đâu người đó cũng phải lắc chuông, hoặc kêu to lên “dơ, dơ”, để mọi người biết mà tránh xa…

Đau khổ nhất là bị cộng đồng Do Thái giáo gạt ra ngoài, như một hạng người bị dứt phép thông công. Cho nên, người mắc bệnh phong hết sức đau khổ về tinh thần, cũng như thể xác, về của ăn họ chỉ sống nhờ của bố thí.

*****

Nhưng, trong câu chuyện Tin Mừng kể lại, chúng ta thấy người phong này đã đi vào xóm làng, chạy theo Chúa Giêsu và xin Ngài cứu chữa.

Làm như thế, là người này đã vi phạm luật lệ thời đó và có thể bị ném đá chết.

Nhưng niềm tin vào Chúa nhân từ đã khiến anh không còn sợ hãi, để dám liều mình như thế.

Thực vậy, anh đến với Chúa với một niềm tin tuyệt đối, anh khiêm nhường quỳ xuống van xin:

“Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Chúng ta hãy để ý câu anh nói “Nếu Ngài muốn”, anh nói như thế không phải là anh hồ nghi gì quyền năng của Chúa, mà ngược lại, anh hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa.

Nói rõ hơn, anh biết rằng Chúa có thể và Chúa có quyền làm cho anh khỏi bệnh, nhưng điều đó còn tùy ý Chúa, tùy lòng thương xót của Chúa.

Đây cũng là gương mẫu nhắc nhở chúng ta mỗi khi cầu xin Chúa điều gì: xin vâng, xin tùy ý Chúa, xin tùy lòng thương xót của Chúa.

Đàng khác, người Do Thái hết sức khinh bỉ những người phong, đến nỗi bất cứ ai giao tiếp cách nào với họ, như nói chuyện với họ thôi, cũng bị kể là dơ bẩn và sẽ không bao giờ có thể nên thánh được.

Thế mà Chúa Giêsu đã nói chuyện và đụng chạm đến người phong này để chữa lành anh ta, thì đủ để nói lên lòng thương xót của Chúa đền như thế nào.

Có những phép lạ Chúa chỉ phán một lời hay chỉ làm một cử chỉ nào đó. Còn ở đây, Chúa dùng cả hai : Chúa vừa nói “Tôi muốn, anh sạch đi”, vừa cầm tay bệnh nhân, để nói lên tình thương của Ngài đối với anh ta.

Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta: những người phong là những người đáng thương, chúng ta đừng bao giờ sợ hãi mà xa tránh, nhưng hãy thật lòng thăm hỏi và cố gắng chia sẻ, giúp đỡ tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của chúng ta.

Lạy Chúa, trong cơn đau khổ cùng quẫn, chúng con vẫn luôn tin tưởng nơi Chúa, và chỉ một mình Người thôi. Trong bóng đêm cô đơn trống vắng cuộc đời, chúng con vẫn cậy trông nơi Người; chúng con vẫn phó thác tất cả nơi Người.

Xin cho chúng con nhận ra quyền năng và tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng con.

Xin thương chữa lành mọi bệnh tật xác hồn chúng con. Amen.
 
-------------------------------

 

Bài 10: Lỗ Kim nói trong Kinh Thánh là thứ gì ?

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 694


Bạn thân mến,

Theo một truyền thống giải thích Thánh Kinh:

“Lỗ kim” ám chỉ đến một cổng ở tường thành Giêrusalem. Ban ngày, có một cổng lớn được mở ra, qua đó một con lạc đà có thể dễ dàng đi qua đi lại.

Nhưng vào ban đêm, cổng lớn sẽ bị đóng lại và chỉ còn một lỗ nhỏ ở giữa cổng, chỉ dành cho con người qua lại.

Tuy nhiên, một con lạc cũng có thể chui qua lỗ nhỏ đó, với đều kiện là nó phải quỳ xuống, dỡ bỏ hết những gánh nặng trên lưng và từ từ bò qua.

Khi nhắc đến câu chuyện này, Thánh An-sel-mô nói rằng:

“Người giàu không thể bước đi trên con đường hẹp, dẫn đến sự sống, cho đến khi họ trút bỏ các gánh nặng của tội lỗi và của cải, nghĩa là từ bỏ sự ham mê đối với chúng” (Catena Aurea).

Vậy, liệu có thể để một con lạc đà chui qua “lỗ kim” và một người giàu có thể vào Nước Trời không? Được, khi họ chấp nhận quỳ gối xuống, tự hạ mình và từ bỏ “gánh nặng” của cải.

*****

Đối với những ai thực sự giàu có trong thế gian này, thì đoạn Tin Mừng hôm nay (Mt 19,24) có thể khó đọc và khó suy ngẫm.

Đoạn này được nói đến trong bối cảnh người thanh niên giàu có hỏi Chúa Giêsu cách, để vào sự sống đời đời.

Chúa Giêsu trả lời:

“Hãy đi bán tất cả những gì anh có và phân phát cho người nghèo, và anh sẽ có kho tàng trên trời.”

Khi nghe vậy, người thanh niên giàu có bỏ nơi đó và ra đi trong sự buồn bã, vì rõ ràng: anh ấy gắn bó quá mức với của cải của mình.

Tuy nhiên, lời giải thích của Chúa Giêsu mang lại hy vọng cho bất kỳ ai gặp khó khăn với đòi hỏi cao cả này.

Các môn đệ của Ngài cũng rất lo lắng trước lời nói của Chúa Giêsu, và đó là lý do Chúa nói thêm:

“Đối với loài người điều đó là không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.”

Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể!

Sự thật này cần được suy ngẫm kỹ lưỡng và tin tưởng bởi bất kỳ ai đang gặp khó khăn, vì gắn bó quá mức với của cải vật chất.

Cũng cần lưu ý rằng: Ngay cả những người không có của cải, vẫn có thể gắn bó với chúng. Sự gắn bó không phải nằm ở việc sở hữu của cải, mà ở ham muốn nhiều hơn.

Thực tế, có thể có nhiều của cải, mà không hề gắn bó với chúng. Đó là vẻ đẹp của tinh thần nghèo khó.

Nhưng hãy cẩn thận, đừng vội cho rằng: bạn đã hoàn thiện mối phúc này quá nhanh.

Lời của Chúa Giêsu được nói ra với tình yêu dành cho những ai đang gắn bó quá mức với những thứ thuộc về thế gian.

Vì vậy, nếu bạn nằm trong số đó, hãy nhân từ với chính mình và lắng nghe cẩn thận lời của Chúa Giêsu, cùng với sự đấu tranh nội tâm của bạn.

*****

Hôm nay, chúng  ta hãy suy ngẫm về lời nói rõ ràng và dứt khoát của Chúa Giêsu:

“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời.”

- Bạn có tin điều này không?
- Bạn có thể chấp nhận điều này không?
- Chúa Giêsu đang nói với bạn qua đoạn Tin Mừng này?
- Ngay cả khi bạn nghèo vật chất, liệu khát vọng của bạn đối với của cải có mạnh mẽ không? Nếu có, thì đoạn Tin Mừng này cũng áp dụng cho bạn đó.

Hãy để đoạn Tin Mừng này thấm vào trái tim bạn trong sự cầu nguyện và cố gắng thành thật với chính mình, khi đọc nó.

Đừng ngần ngại chọn kho báu đích thực của Nước Trời, hơn là những thứ phù du của thế gian này.

Cuối cùng, giá trị của của cải thiêng liêng, vượt xa bất cứ thứ gì bạn có trong khoảng thời gian ngắn ngủi trên trần thế này.

Lạy Chúa, kho báu đích thực, Chúa muốn mỗi người chúng con được đầy tràn của cải thiêng liêng, giá trị hơn vô hạn, so với bất cứ thứ gì chúng con có thể có trong thế gian này.

Xin giải thoát con khỏi sự gắn bó với của cải vật chất, để con có thể sống tự do khỏi gánh nặng đó.

Xin giúp con nhận ra giá trị của kho báu ân sủng và lòng thương xót của Chúa, và làm cho kho báu đích thực này trở thành mục tiêu duy nhất trong cuộc đời con.

Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Ngài, xin Ngài giúp con. Amen.

---------------------------------

 

Bài 11: Đôi giày da đầu tiên của nhân loại ra đời

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 695


Bạn thân mến,

Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua cai quản một vương quốc rộng lớn bao la. Ông muốn đích thân đi thăm những miền xa xôi của đất nước. Khi về đến nhà, đôi bàn chân ông sưng tấy lên và rất đau đớn, vì đường xá gập ghềnh sỏi đá.

Ông liền ra lệnh: Tất cả các con đường trong vương quốc phải được trải bằng da lông thú, để nếu ông đi thăm vương quốc, thì chân ông không còn bị đau.

Cả triều đình đều thấy đó là một điều vô lý, nhưng chẳng ai dám lên tiếng.

Sau cùng, có một vị quan dũng cảm đã nói với vua:

“Tâu bệ hạ, tại sao vương quốc của chúng ta lại phải tiêu tốn ngân khố một cách vô ích như vậy?

Tại sao bệ hạ lại không cho cắt những miếng da bò, rồi phủ quanh đôi chân trần của mình?

Như vậy, chân Người sẽ không còn bị đau, khi đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá, mà cả vương quốc sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc?”.

Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị của vị quan, và thế là đôi giày da đầu tiên của nhân loại ra đời.

Có nhiều người muốn bắt cả thế giới theo mình, trong khi nếu mình thay đổi cách sống và quan niệm cá nhân, thì sẽ cảm nhận thế giới hoàn toàn khác.

*****

Thay đổi bản thân, trong ngôn ngữ của Tin Mừng, là thành tâm sám hối. Ngôn sứ Giona được Chúa sai đến thành Ninivê để kêu gọi dân thành sám hối (Mc 1, 14-20).

Vào thời đó, thành phố này nổi tiếng là tội lỗi và hung bạo, đến nỗi khi ông Giona nghe thấy Chúa sai mình đến đó thì đã tìm cách chạy trốn, vì sợ hãi.

Nhưng lạ thay, khi nghe lời Gioan rao giảng, mọi người, từ vua cho tới dân, đã ăn chay sám hối theo lệnh của vua. Nhờ lòng sám hối, mà dân thành đã không bị án phạt giáng xuống.

*****

Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng lời kêu gọi sám hối.

Lời kêu gọi này còn được lặp đi, lặp lại nhiều lần, ở mọi nơi Người đặt chân tới.

Sám hối là một phần quan trọng của giáo huấn Tin Mừng. Lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu đi liền với lời mời gọi tin vào Tin Mừng Người rao giảng.

Tin vào Tin Mừng là nhận biết Chúa Cha, đấng bao dung nhân hậu. Ngài luôn chờ đợi chúng ta trở về để đón nhận sự tha thứ.

Tin Mừng kể lại:

Có những người rất tội lỗi, nhưng đã mở lòng đón nhận giáo huấn của Chúa và được ơn thứ tha.

Lịch sử Giáo Hội cũng làm chứng cho chúng ta, rất nhiều tội nhân đã sám hối và được nên thánh.

Sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những sai sót lỗi lầm của mình, đồng thời hứa với Chúa sẽ thay đổi cuộc sống của mình nên tốt hơn.

Một khi chúng ta thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn của mình đối với những người xung quanh, chúng ta sẽ nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác.

Thay đổi cuộc sống sẽ giúp chúng ta thấy cuộc đời lạc quan, đáng yêu hơn.

Đồng thời, cũng thúc đẩy chúng ta đóng góp phần mình, để nhân lên những điều thiện hảo trong cuộc sống.

Giống như vị vua trong câu chuyện trên đây, khi ông bọc đôi chân bằng miếng da bò, thì đi đâu cũng thấy êm ái và sạch sẽ.

Khi trong tâm trí chúng ta có những tâm tình tốt đẹp, chúng ta sẽ  khám phá những nét đẹp tiềm ẩn nơi mọi người mọi vật xung quanh.

Sám hối còn là đoạn tuyệt với quá khứ, để khởi đầu một hành trình mới theo chân Đức Giêsu.

Thánh Máccô kể với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay (Mc 1, 14-20), về việc Chúa gọi các môn đệ đầu tiên. Anrê và Simon, Giacôbê và Gioan là những người đã can đảm từ bỏ cuộc sống cũ, để khởi đầu một hành trình mới.

Tiếng gọi “Hãy theo tôi” có sức thuyết phục kỳ diệu, khiến các ông sẵn sàng từ bỏ những người thân yêu và nghề nghiệp bao năm gắn bó.

Sau này, nhiều khi phải đối diện với những khó khăn, chống đối và thiếu thốn, nhưng các ông không hề hối tiếc vì sự lựa chọn này:

“Thưa Thày, bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai? Thày mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67)

Cũng như một cỗ máy cần được bảo dưỡng luôn luôn, cũng như những cây nho cần được thường xuyên cắt tỉa, tâm hồn chúng ta cũng cần phải được thanh tẩy mỗi ngày, để nhờ đó, chúng ta được biến đổi, nên giống Chúa hơn.

Lời kêu gọi thay đổi cuộc đời luôn âm vang trong cuộc sống của người tín hữu chúng ta.

Đây không phải là một khẩu hiệu, mà là một lời khuyên rất thiết thực, vì “thời gian chắng còn bao lâu”.

Thánh Phaolô đã dùng cách nói rất cụ thể để nói với chúng ta hãy lựa chọn những điều tốt nhất và lâu bền cho mình, bởi vì bộ mặt thế gian này đang qua đi, nên “những ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả…”.

“Mỗi vị thánh đều có một quá khứ; mỗi tội nhân đều có một tương lai”.

Đừng có ai mặc cảm về đời sống của mình, mà không mạnh dạn thay đổi cuộc đời.

Nếu mạnh dạn tiến bước, chúng ta chẳng còn là tội nhân, mà sẽ là những vị thánh, nhờ lòng bao dung thứ tha và ơn phù trợ của Thiên Chúa.

“Tâm bình, thế giới bình”, cuộc đời này sẽ thay đổi, khởi đi từ sự thay đổi trong chính con người mỗi chúng ta.

Lạy Chúa, xin ban cho con một nhận thức lành mạnh, để biết sám hối, tu thân.

Xin ban cho con một trái tim rộng mở, để hiến thân phục vụ Tin mừng.

Xin ban cho con một ý chí cậy trông, để củng cố những ai thất vọng lo âu. Amen.

-------------------------------

 

Bài 12: Chuyện về một vị anh hùng Nga, tên là Karmeliuk

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 696


Bạn thân mến,

Có một cuốn phim truyền hình, mang tên Karmeliuk, kể chuyện về một vị anh hùng dân tộc Nga:

Khi ấy, nước Nga còn sống trong chế độ nông nô, một số ít phú nông địa chủ chiếm hầu hết đất đai, còn đa số dân chúng không có đất, thì phải đi làm nô lệ cho các phú nông địa chủ trên, đời sống của họ hết sức cơ cực, họ bị bóc lột, đàn áp dã man.

Lúc bấy giờ có một chàng thanh niên có tâm huyết tên là Karmeliuk. Chàng cũng là một nông nô, nhưng không chịu nổi cảnh đàn áp, bất công đó, nên đã trốn vào bưng biền, để cùng với một số bạn tâm huyết khác nổi loạn.

Họ tổ chức đánh cướp nhà các phú nông địa chủ và lấy tài sản của họ đem chia cho các người nghèo.

Danh tiếng Karmeliuk loan truyền khắp nước.

Có những bài thơ, những bài hát được lưu truyền trong dân gian, để ca ngợi, vinh danh chàng.

Chàng Karmeliuk trên những dặm đường gió bụi, cũng đã gặp gỡ nhiều thanh niên.

Lúc đầu, họ không biết chàng. Nhưng khi họ hỏi “Anh là ai ?” và Karmeliuk trả lời “Tôi là Karmeliuk”, thì những thanh niên ấy vô cùng sung sướng, bỏ lại sau lưng tất cả, để theo chàng. Họ hãnh diện vì đã đi theo một vị anh hùng dân tộc.

*****

Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 6, 61-70), nếu được diễn tả bằng ngôn ngữ thời đại, thì cũng tương tự như câu chuyện trên.

Thuở bấy giờ dân chúng đang sống khổ sở, không phải họ chỉ mang một ách nô lệ, mà tới hai cái ách nô lệ: Nô lệ đế quốc Lamã, và nô lệ đế quốc tội lỗi.

Đức Giêsu xuất hiện, Ngài đi đó đi đây khắp nơi để xoa dịu những cực khổ thể xác, và giải phóng khỏi ách tội lỗi.

Có nhiều tiếng đồn, nhiều dư luận về Ngài.

Một ngày kia, trên con đường từ Betsaiđa đến thành phố Xêxarê Philip, Đức Giêsu đột ngột hỏi các môn đệ mình: “Còn anh em, anh em nghĩ Ta là ai ?”

Các môn đệ bối rối trước câu hỏi đột ngột ấy nên không trả lời được, khi ấy, Phêrô lên tiếng: “Thầy là Đức Kitô”.

Đức Kitô, đó là một danh xưng theo tiếng Hy lạp, ý nghĩa của nó, nói theo ngôn ngữ thời nay, chính là “Vị anh hùng giải phóng”.

Lời Phêrô nói: “Thầy là Đức Kitô”, có nghĩa là “Thầy chính là vị anh hùng giải phóng mà toàn dân đã từ lâu mong đợi”.

Chắc hẳn Phêrô và các bạn ông rất hãnh diện vì được đi theo một vị anh hùng như vậy.

Họ dám bỏ lại sau lưng tất cả, nhà cửa, nghề nghiệp, gia đình, vợ con mà không hề tiếc nuối, bởi vì họ đi theo một vị anh hùng, họ vô cùng hãnh diện.

*****

Thế nhưng vấn đề không phải chỉ đơn giản có thế.

Đi theo một vị anh hùng không phải chỉ để được hãnh diện, mà còn phải chia xẻ tất cả những gian truân nguy hiểm trên con đường dài mà vị anh hùng ấy đã vạch ra.

Trong chuyện Karmeliuk, nhiều thanh niên đã hãnh diện khi được đi theo chàng. Thế rồi gian truân nguy hiểm đã phân họ thành hai hạng:

- có một người đã không chịu nổi những gian khổ nên cuối cùng đã phản bội, nghe theo âm mưu của địch để đầu độc Karmeliuk, rất may là chàng không chết;

- hạng thứ hai là những kẻ trung thành với chàng cho đến chết.

Thánh Phêrô và các bạn cũng hãnh diện vì đi theo Đức Kitô. Nhưng Đức Kitô phải nhắc họ: Đi theo Ngài không phải chỉ để hãnh diện, mà còn phải cùng Ngài dấn thân vào con đường thập giá đầy đau khổ.

Rõ ràng là các môn đệ chưa được biết điều đó, cho nên nghe vậy thì họ sợ nguy ngay. Và một lần nữa Phêrô lên tiếng thay các bạn “Thưa Thầy, đừng, không được như vậy đâu ?”

Đức Giêsu nghiêm khắc rầy Phêrô và xác định lại dứt khoát: “Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thập giá mà theo”.

Từ đó trở đi, các môn đệ dần dần hiểu được con đường của Thầy. Nhưng họ cũng phân ra thành hai hạng: một hạng gồm những kẻ trung thành với Thầy cho đến chết, và hạng kia là Giuđa cuối cùng đã phản lại Thầy.

Đoạn kết của câu chuyện Karmeliuk và câu chuyện Đức Giêsu cũng giống nhau:

Cả  2 đều bị giết. Kể như cả 2 đều thất bại.

Nhưng thực ra đó không phải là thất bại, mà là thành công: Karmeliuk đã gây được ý thức giải phóng nơi dân chúng, với ý thức đó, về sau họ đã đứng lên và giành lại được quyền sống cho mình.

Còn Chúa Giêsu thì đã vạch ra một con đường cứu thoát rõ ràng: phải dám vác thập giá, phải dám chết đi, rồi sau đó sẽ sống lại và toàn thắng.

Con đường ấy ngày nay đang được hàng trăm triệu người đi theo.

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý;  xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 21 mùa Thường niên).

------------------------------------------

 

Bài 13: “Cái tôi” của người Việt mình

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 697


Bạn thân mến,

Tôi mới vô tình đọc được một bài ở trên mạng báo điện tử của tác giả có tên là Từ Thức và có tựa đề là “Cái Tôi” của người Việt mình.

Tác giả, nhận định: Người Việt mình có cái tôi quá lớn”.

Chính vì cái tôi lớn, cho nên xảy ra nhiều xung đột, nhiều đỗ vỡ.

Chính vì cái tôi lớn, mà con người sinh ra nhiều bè phái, nhiều chia rẽ, lúc nào cũng ăn thua đủ.

Tác giả nhận mình là một tín đồ phật giáo thuần túy, và đã cho thấy dân tộc Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, đời sống xã hội Việt Nam, đã thấm nhuần 3 tôn giáo lớn: đó là Phật Giáo, là Lão Giáo, là Kitô Giáo.

- Phật Giáo thì hướng tới cái vô ngả, có nghĩa là coi cái “tôi”, chỉ là hư cấu, chỉ là thứ không không.

- Lão Giáo, thì lấy hình ảnh của nước chảy từ nơi cao xuống chỗ thấp, để dạy con người khiêm nhường.

Những ai chịu ảnh hưởng của Lão Giáo, khi nghe người ta khen mình, thì xuống suối rửa tay, bởi sợ rẳng lời khen ấy là quá đáng, và có thể những lời khen ấy sẽ làm cho mình trở nên kiêu ngạo.

- Còn Kitô Giáo thì cho biết: Đức Giêsu là Thiên Chúa cao sang, đã tự hủy mình ra không, đã sống khiêm nhường, nghèo khó. Và Người đã tuyên bố: “Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng mà đến, là để phục vụ và hiến mạng sống vì con người.

Khi tác giả trích dẫn như thế, là đã đặt ra một câu hỏi: Phải chăng người Việt Nam không hiểu tôn giáo mà mình đang theo, cho nên cái tôi của người Việt mình quá lớn:

- Một người viết được một cuốn sách, cứ tưởng mình đã ngang hàng với Victor Hugo.

- Một người làm được một bài thơ, thì đã nghĩ mình như là cụ Nguyễn Du tái thế….

*****

Tắc giả nêu lên những điều ấy, vừa khôi hài, nhưng vừa rất thật, để nói với chúng ta về tâm lý của con người Việt.

Cái tôi lớn quá sẽ sinh ra háo danh, bởi vì người ta muốn khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Chúng ta thấy: Trong xã hội Việt Nam hôm nay quá đặt nặng vấn đề bằng cấp. Và nền giáo dục Việt Nam đôi khi lại chỉ chú ý tới chuyện bằng cấp, mà không nghĩ đến chất lượng giáo dục.

Vào trang báo điện tử online, thì sẽ thấy:

Thống kê của bộ giáo dục & đào tạo là mỗi năm nước Việt Nam đào tạo được 1.500 tiến sĩ và 36.000 thạc sĩ.

1.500 tiến sĩ, mà nếu chia cho 365 ngày, thì tính ra mỗi ngày (24 giờ), Việt Nam chúng ta sẽ có thêm 4,1 tiến sĩ.

Còn nếu 36.000 thạc sĩ, mà nếu chia cho 365 ngày, thì tính ra mỗi ngày (24 giờ), Việt Nam chúng ta sẽ có thêm 98,6 thạc sĩ.

Không biết thông tin này đáng vui hay đáng buồn, bởi vì nếu đó là những tiến sĩ thật, thì tương lai dân tộc của chúng ta sẽ được hưởng nhiều ích lợi.

Nhưng nếu đó chỉ là những tiến sĩ giấy, thì sẽ là đại hoạ trong dân tộc, bởi vì những người ấy, với cái hàm bằng cấp của mình, mà dạy người ta những điều sai lạc, thì nguy hiểm vô chừng.

Cái tôi lớn quá sẽ dẫn tới sự háo danh.
Cái tôi lớn quá sẽ dẫn tới bạo lực, ghen ghét trong gia đình…

Xung quanh chúng ta đều thấy những điều ấy, khi mà người ta coi cái tôi của mình là lớn, là trung tâm điểm, không khiêm tốn để nhận ra những điều sai lầm.

Chính vì thế mà tác giả này cũng đã viết là trong “từ điện cá nhân” của người Việt không có chữ “khiêm nhường”, không có từ “xin lỗi”.

Tất nhiên trong từ điển tiếng Việt thì có, nhưng mà trong “từ điện cá nhân” thì không có.

*****

Những điều chúng ta đang chia sẻ để dẫn tới lời Chúa giáo huấn chúng ta hôm nay:

Chúa Giêsu, các bài đọc, kinh thánh Cựu Ước trích sách Huấn Ca, cũng như bài thư của thánh Phaolô gởi dân Do Thái và bài phúc âm theo thánh Matthêu, cũng đều có chung một chủ đề, dày chúng ta về sự Khiêm Nhường.

Trước hết chúng ta hay lắng nghe lời tắc giả sách Huấn Ca nói với chúng ta:

Sách Huấn Ca trong Cựu Ước là một bộ sách thuộc về thể loại văn chương giống như ca dao tục ngữ của người Việt.

Nhưng đây là Sách Thánh được Chúa linh ứng, soi sáng để viết ra.

Tác giả nói với chúng ta, nhưng như người cha dạy người con, như người thầy dạy môn sinh của mình: Con ơi, càng làm lớn thì con càng phải khiêm nhường, bởi vì khiêm nhường đem lại cho con niềm vui và hạnh phúc.

Những người khôn ngoan thì có cái đôi tai thánh, để nghe lời Chúa.

Và những người khiêm nhường thì luôn luôn tìm cho mình sự bình an trong Chúa.

Tác giả sách Khôn Ngoan mời gọi chúng ta trong cuộc sống hằng ngày hãy trở nên khiêm nhường.

Khiêm nhường là nhận ra mình là ai trước mặt Chúa, và nhận ra mình là ai, trước mặt anh chị em mình.

Chúng ta chỉ là một tạo vật nhỏ bé trong vũ trụ mênh môngbao la này. Chúng ta biết được một số kiến thức trong lãnh vực này, nhưng mà trong những lãnh vực khác, chúng ta lại không biết.

Ở đời này, người ta nói: Núi này cao, thì sẽ có núi khác cao hơn.

Cho nên, cao nhân thì lại có cao nhân chỉ, không có ai tự cho mình là biết hết mọi sự và có quyền thế để làm được mọi việc.

Chúa Giêsu, trong tin mừng thánh Luca hôm nay (Lc 14, 1. 7-14), nhân câu chuyện được mời đến dự tiệc, Ngài đã dạy chúng ta về bài học khiêm nhường, qua những người có mặt lúc bấy giờ.

Cách đây 2.000 năm, phương pháp dạng dạy của Chúa, là khởi đi từ một câu chuyện, từ một sự kiện đời thường, để Chúa gởi gắm vào đó một giáo huấn.

Có thể qua một câu chuyện dụ ngôn, có thể qua một biến cố, một sự kiện đang xảy ra, Chúa dạy chúng ta, qua những người có mặt trong bữa tiệc:

Khi được mời, các bạn hãy cố gắng để ngồi ở ghế khiêm nhường hơn. Và nếu mà bạn xứng đáng ngồi ghế trên, thì người chủ nhà sẽ mời bạn lên.

Còn nếu bạn, chưa chi đã tìm chỗ nhất, nhỡ ra có người khác xứng đáng hơn, người ta sẽ mời bạn xuống, lúc bây giờ, bạn sẽ phải xấu hồ trước mặt các khách dự tiệc.

Với cách trình bày và với hình ảnh ấy, Chúa gởi gắm cho chúng ta một thông điệp về sự khiêm nhường.

Khiêm nhường là một nhân đức quan trọng nhất, trong giáo huấn của Kitô giáo, đến nỗi các nhà tu đức đã gọi là nhân đức khiêm nhường là mẹ của các nhân đức khác.

Khiêm nhường giúp chúng ta sống hài hòa với tha nhân.

Khiêm nhường nhắc bảo chúng ta về thân phận con người mỏng giòn, yếu đuối và còn nhiều tội lỗi.

Chính vì chúng ta là thân phận con người mỏng giòn, yếu đuối, cho nên chúng ta cũng phải nhìn người khác bằng cái nhìn nhân ái hơn, bao dung hơn, bởi vì chính bản thân chúng ta cũng đã có lần sai lỗi, và chính bản thân chúng ta cũng là những con người yếu đuối và mỏng giòn, ngay trong cõi đời này.

Khiêm nhường giúp chúng ta nhìn người khác, với cái nhìn bao dung. Và đồng thời, sự khiêm nhường cũng dẫn chúng ta tới lòng bác ái.

Chúa Giêsu trong phần hai của bài tin mừng nói với người chủ nhà:

Ông, khi thiết đãi tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, những người thiếu thốn, những người bệnh tật, bởi vì họ là những người đón nhận và không có gì trả lại. Và như thế, thì ông sẽ được phần thưởng trên trời, vào ngày, mà những người chết sống lại.

Qua giáo huấn ấy, Chúa  Giêsu nhắc chúng ta: Khiêm nhường đích thực, vừa là hạ mình trước mặt Chúa và trước mặt anh chỉ em, vừa là những nghĩa cử bác ái, để liên kết với tha nhân, để rồi làm cho những người khác nhận ra chúng ta là con của Cha trên Trời.

Đức Giêsu dạy về sự khiêm nhường, nhưng không phải chỉ đơn phần là lý thuyết. Mà chính Đức Giêsu đã thực hiện sự khiêm nhường ấy.

Bởi vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa tối cao. Ngài đã hạ mình xuống trần gian, sống thân phần con người như chúng ta, và người đã chịu chết trên cây thập giá. để tha thứ tội lỗi cho con người,

Và hôm nay, Đức Giêsu vẫn âm thầm, ngự trong bí thích thánh thể, để gặp gỡ chúng ta, để lắng nghe chúng ta, và để thầm nó với con tim chúng ta những điều tốt đẹp.

Đến với bí Thích Thánh Thể, chúng ta sẽ được nghe giáo huấn của Chúa Giêsu, từ cõi thinh lặng của lòng mình.

Bạn thân mến,

Thông điệp mà lời Chúa gởi đến cho chúng ta hôm nay, đó chính là hành trình hoàn thiện của mỗi người trong cuộc sống đời này.

Hành trình hoàn thiện trong cuộc sống đời này, chính là hành trình làm cho cái tôi của mình trở nên nhỏ bé.

Đây là điểm gặp gỡ chung của ba tôn giáo lớn ở Việt Nam, một là đạo phật hay là đạo lão giáo ba là đạo Kitô, tất cả đều nhắm tới sự hoàn thiện con người. Mặc dầu mỗi tôn giáo đều có một con đường khác nhau, để dẫn tới sự hoàn thiện.

Chúa Giêsu dậy chúng ta về sự hoàn thiện, và như thế, là một điều kiện cần thiết để chúng ta được hưởng nhan thánh Chúa và lãnh nhận phần thưởng đời đời.

Lạy Chúa, xin đẩy xa tính ích kỷ, kiêu ngạo xa con, xin dẫn con đi trên đường hoàn thiện là khiêm nhường, để con coi người khác trọng hơn mình, và tìm thấy niềm vui khi phục vụ người khác. Amen.

------------------------------------------

 

Bài 14: Đức Cha Gioan Cas-sai-gne và trại cùi Di Linh

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 698


Bạn thân mến,

Đức Cha Gioan Cas-sai-gne (sinh năm 1895) là Linh Mục thuộc Hội Truyền giáo Hội Ba lê (19-12-1925) đã  được cử sang truyền giáo tại Việt Nam (5-5-1926). Ngài đã lãnh sứ mệnh Cha Sở miền cao nguyên Di Linh (20-10-1926), lúc cha vừa trọn 32 tuổi. Sau mười lăm năm gây dựng công việc truyền giáo trên miền thượng. Từ con số không (không có một người tín hữu nào), nay đã lên đến 400, và biến buôn thượng trở thành một xứ đạo sầm uất. Ngài đã lập nên một làng thượng cùi để đêm ngày săn sóc. Ngài thương những người thượng cùi hơn con đẻ.

Mặc dù Ngài được bề trên Tổng quyền Sàigòn đặt lên chức vụ Giám Mục (4-2-1941), nhưng ngài vẫn tiếc công trình xây dựng làng cùi với 133 người con mà ngài đã và đang săn sóc. Cuối cùng ước vọng của ngài cũng được toại nguyện, vì bệnh cùi đã chơm nở trên thân thể ngài (1943). Biết ngài đã mắc bệnh, nên Bề trên đã cho ngài từ chức Giám Mục Sàigòn, để trở về với làng cùi, nguyện sống chết với họ, cho đến ngày bệnh cùi nơi ngài phát nặng (30 năm).

Với công lao xây dựng và hy sinh cho đồng bào kinh thượng thật lớn lao ấy, ngày 12-4-1972, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa đã đến tận giường bệnh trao tặng ngài "Bảo Quốc Huân Chương", tri ân lòng quảng đại sâu xa của ngài.

Sau 6 tháng chịu đau đớn vì bệnh nạn, ngài nói với người Thượng:

"Tôi hy vọng Chúa nhân lành sẽ đón tôi về. Tôi sẽ ở cùng anh chị em luôn mãi".

Ngài đã để lại lời di chúc:

"Tôi ao ước được đau khổ vì Chúa. Tôi ao ước được chịu khổ lâu dài với anh chị em xấu số của tôi. Tôi ước ao được an nghỉ yên giữa những người anh em đau khổ. Tôi sung sướng được hiến thân cho quê hương Việt Nam muôn đời của tôi (1895-1973)".  Và Ngày (5-11-1973) lễ an táng của người cha yêu thương đã làm trọn được lời di chúc.

Người cùi trong bài Phúc Âm hôm nay (Mc 1, 40-45) cũng vậy.

Anh chẳng biết gì về Chúa Giêsu, nhưng anh đã được Chúa Giêsu thương chữa lành cho, kéo anh ra khỏi cơn bệnh ngặt nghèo, mà người Do Thái đã cho là Chúa phạt.

Tình thương và bác ái của Cha Cas-sai-gne cũng chạm đến lòng trắc ẩn, mà ngài nhận được nơi Thiên Chúa, đã giúp biết bao người khôi phục lại niềm tin, đã giúp họ hiểu được giá trị của con người là hình ảnh của Thiên Chúa.

Thời xưa, không có hình ảnh nào ghê gớm cho bằng hình ảnh người cùi. Nhất là trông người cùi lở loét, mặt mũi sưng phù, tai to, rướm máu, chân tay cụt đi từng ngón. Ai cũng sợ bị lây và muốn tránh xa và chính ngay người cùi cũng cảm thấy mình gớm tởm, thấy mình như đang đi vào cõi chết.

Thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn giơ đôi tay trìu mến của Ngài, để chạm đến họ, để chữa họ, vì thương họ bị bỏ rơi, bị nhục mạ. Tình thương của Ngài đi đến chỗ tuyệt đỉnh, đi đến chỗ dấn thân sâu thẳm.

Là người Công Giáo, chúng ta cũng được mời gọi nên nhân chứng yêu thương và phục vụ cho người khác, theo khả năng và sự dấn thân của mình, để mọi người được tiếp nhận lòng tình thương của Chúa trải dài trên cuộc đời của chúng ta.

Theo gương người cùi trong Phúc Âm, chúng ta cũng hãy kể cho mọi người biết những điều Chúa Kitô đã làm cho chúng ta, đã thương chúng ta, đã săn sóc chúng ta, để quyền năng của Ngài được mọi người ca ngợi và tôn vinh.

Lạy Chúa, trong cơn đau khổ cùng quẫn, chúng con vẫn tin tưởng nơi Người, chỉ một mình Người thôi. Trong bóng đêm cô đơn trống vắng, chúng con vẫn cậy trông nơi Người; tất cả nơi Người.

Xin cho chúng con nhận ra quyền năng và tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin thương chữa lành mọi bệnh tật xác hồn chúng con. Amen.

------------------------------------------

 

Bài 15: Tháng các đẳng linh hồn và những ước nguyện

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 699


Bạn thân mến,

Tháng Các Đẳng Linh Hồn không chỉ là tháng của những người đã chết, mà còn là tháng của những người đang sống, đang trên đường: bước vào ánh sáng vinh quang, bởi vì, khi dâng các việc hy sinh, hãm mình, và cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng ta tuyên xưng niềm tin (1) vào sự sống lại và sự sống đời đời, (2) vào mầu nhiệm các thánh thông công, và (3) vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chúng ta cũng bày tỏ lòng hiếu thảo và lòng bác ái đối với những người đã ra đi trước chúng ta.

Chúng ta cũng ý thức hơn về thân phận chóng qua của mình, để biết ra công tìm kiếm Chúa, là hạnh phúc đích thực của cuộc đời chúng ta.

Ước gì chúng ta luôn ý thức rằng: Mình sẽ chết, để nhắc nhở chúng ta về bản chất thật ngắn ngủi, mong manh của đời người trên dương thế.

Đứng trước định mệnh khắc nghiệt này, chúng ta dễ sầu đau, đôi khi thất vọng chán chường.

Tuy nhiên, sự khôn ngoan đích thực thì vượt xa hơn thế:

- Khi ta nhận biết thân phận mình nằm trong bàn tay Thiên Chúa. Điều đó giúp ta khám phá ra ý nghĩa: sự sống đích thực, qua sự chết.

- Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng ta cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Đó là chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng hơn tất cả, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Ước gì mỗi chúng ta năng nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục qua lời cầu nguyện, qua những việc hy sinh hãm mình.

Và tin chắc chắn rằng: Một khi đã được giải thoát, các ngài cũng sẽ nhớ đến chúng ta trên thiên đàng.

Các linh hồn ở trong luyện ngục là các vị đang ở trong niềm hy vọng. Hy vọng, vì họ biết mình vẫn còn ở trong tình trạng ân sủng của Thiên Chúa, nhất là họ biết rằng: họ sẽ được đảm bảo sự sống thiên đàng bên Thiên Chúa. Đây là một giai đoạn chuẩn bị sau cùng để họ được vào cõi sống đời đời. Chính vì thế, dù có phải trải qua lửa luyện tội đau đớn, họ vẫn không hề bi quan, nhưng, đầy tràn niềm vui và hy vọng.

Ước gì mỗi chúng ta hằng biết tin tưởng, phó thác nơi Lòng Thương Xót của Chúa:

Để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của Thần chết, Đức Kitô đã đến để mang lấy thân phận phải chết của chúng ta. Người thực hiện thánh ý của Chúa Cha là muốn cứu độ tất cả mọi người. Người đã chết vì chúng ta, đã làm hy tế xá tội thay cho chúng ta. Nhờ cái chết của Người, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa, hầu chúng ta có thể lãnh nhận gia nghiệp muôn đời.

Người đã chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh vinh hiển, nên quyền lực của Thần chết đã bị vô hiệu hóa.

Kể từ đó, tương quan của chúng ta với sự chết đã thay đổi, vì Đức Kitô chiến thắng: sẽ luôn chiếu soi cho những ai đang ngồi trong bóng tử thần.

*****

Ước gì chúng ta luôn biết tạ ơn Chúa, vì đã ban cho chúng ta có ông bà, cha mẹ, là những người đã có công sinh thành, dưỡng dục chúng ta.

Những lần đưa tiễn các ngài về với Chúa, là những lần nghẹn ngào, dâng trào nước mắt, cho dẫu, biết rằng: các ngài vẫn luôn tiếp tục ở bên cạnh ta, cùng đồng hành với ta trong cuộc lữ hành đức tin nơi dương thế này.

Các ngài đã cho ta cả một cuộc đời: Gian lao, vất vả, thấm đượm tình Chúa, tình người, với biết bao kinh nghiệm sống quý báu, mà không một trường lớp danh tiếng nào có thể dạy cho chúng ta được.

Chúng ta hãy nhìn ngắm các ngài, như mẫu gương của một đời sống đức tin trung kiên, bất khuất, một niềm trông cậy vững vàng và một lòng mến sắt son không gì lay chuyển.

Các ngài không dạy ta lý thuyết, nhưng, đã dạy ta bằng chính đời sống, qua những thực hành đức tin cụ thể: Nhiệt tâm, tận tụy, gắn bó với Chúa trong các việc đạo đức, và sống chan hòa với những người xung quanh.

Ước gì chúng ta, khi tưởng nhớ đến các tín hữu đã qua đời, chúng ta biết hướng lòng lên Chúa, xin Chúa thứ tha những lầm lỗi thiếu sót, mà họ đã xúc phạm đến Chúa và tha nhân.

Chúng ta cậy vì lòng Chúa nhân từ, và nương nhờ vào lòng bao dung, quảng đại, và cảm thông của tất cả mọi người, xin Chúa thứ tha và đón rước các ngài về bên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn đã qua đời, được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.

---------------------------------

 

Bài 16: Mừng lễ các thánh và những ước nguyện

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 700


Bạn thân mến,

Nếu có ai hỏi: “Chúng ta phải làm gì để trở nên thánh thiện?”, thì câu trả lời thật rõ ràng là: Chúng ta phải làm theo những gì Đức Giêsu dạy trong Bài Giảng Trên Núi. Cũng gọi là Tám Mối Phúc Thật.

Trong một thế giới tục hóa như hiện nay, chính trị, truyền thông, các cơ chế kinh tế, văn hóa và ngay cả tôn giáo đã trở nên quá rối loạn, đến nỗi hóa thành: một trở ngại cho sự phát triển xã hội và nhân văn đích thực.

Ngày nay, chúng ta không dễ dàng sống Các Mối Phúc.

Và mọi cố gắng sống như vậy sẽ bị nghi ngờ và bị chế giễu, nhưng, chúng ta đừng nản lòng, bởi vì, Thập Giá Đức Kitô vẫn là nguồn tăng triển và thánh hóa của chúng ta.

Ước gì qua Các Mối Phúc, chúng ta sẽ gặp thấy Thầy Chí Thánh, và khao khát đáp lại lời mời gọi phản chiếu chân dung của Thầy trong đời sống hằng ngày của chúng ta, cho dẫu, những lời của Đức Giêsu rõ ràng đi ngược với cách người ta sống trong thế giới hôm nay.

Thật vậy, ngay cả, dù chúng ta nhận thấy sứ điệp của Đức Giêsu đầy lôi cuốn, thì thế giới vẫn không ngừng đẩy chúng ta về một lối sống khác.

Ước gì chúng ta ý thức rằng: Các Mối Phúc không bao giờ lỗi thời, hay có tính nhượng bộ và thỏa hiệp.

Ngược lại, chúng vẫn quyết liệt và thách đố sự dấn thân của chúng ta.

Tiến trình nên thánh chỉ có thể được thực hiện bằng Các Mối Phúc, và tiến trình này chỉ có thể được thành toàn, viên mãn, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

Người sẽ đổ đầy trong chúng ta sức mạnh của Người, và giải phóng chúng ta khỏi sự yếu hèn, ích kỷ, tự mãn và kiêu ngạo.

Ước gì chúng ta không chấp nhận tình trạng xoàng xĩnh, vật vờ, mong muốn một đời sống dễ dãi, vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất.

Để sống đúng những giá trị của Tin Mừng, chúng ta không thể kỳ vọng rằng: Mọi sự sẽ dễ dàng, vì sự ham hố quyền lực và những lợi ích thế gian thường cản lối chúng ta.

Chính Đức Giêsu đã cảnh báo rằng: Con đường mà Người đề nghị thì phải đi ngược dòng: Vô số người đã và đang bị bách hại, chỉ vì họ muốn đấu tranh cho công lý, và vì họ nghiêm túc dấn thân cho Thiên Chúa và cho tha nhân.

Ước gì chúng ta biết sống mối phúc kiến tạo hòa bình, để đón nhận ngay cả những người kỳ cục, những người gây phiền hay khó tính, những người khắt khe lập dị, những người chúng ta không ưa không thích.

Xây dựng hòa bình thật là một việc khó, bởi vì, nó đòi chúng ta phải có tâm trí thật cởi mở, vì đây không phải là chuyện tạo ra một sự đồng thuận trên giấy tờ, hay một sự dàn hòa tạm bợ cho một thiểu số hài lòng.

Đây cũng không thể là chuyện cố gắng phớt lờ, hay coi nhẹ sự xung đột; Trái lại, chúng ta phải thẳng thắn đối diện xung đột, giải quyết nó, bằng sự bình tâm, sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo, để biến nó thành một mắt xích của một tiến trình mới.

Ước gì chúng ta biết lắng nghe lời Đức Giêsu dạy về Các Mối Phúc, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.

Ước gì chúng ta biết để cho những lời của Người làm xáo trộn chúng ta, thách đố chúng ta, và đòi hỏi chúng ta có một sự thay đổi thật sự trong lối sống của mình.

Nếu chẳng vậy, thì những gì chúng ta thường hay khuyến khích nhau: “Cố gắng nên thánh mỗi ngày”, sẽ vẫn… không gì khác hơn là… những lời nói sáo rỗng, những cụm từ rỗng không.

Ước gì Chúa Thánh Thần soi sáng, và thêm sức mạnh để chúng ta dám sống theo sự thúc đẩy của Người, trên hành trình lội ngược dòng này. Ước gì được như thế!

Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kính các thánh nam nữ (ngày 1/11), là những bậc đàn anh, đàn chị đã đi trước chúng con và đã chu toàn được ơn gọi Kitô hữu của mình.

Xin cho chúng con biết luôn cố gắng sửa đổi lại những sai lỗi và khuyết điểm, đồng thời ra sức thực thi giới luật yêu thương của Chúa, để chúng ta trở thành những chứng nhân của Chúa giữa lòng cuộc đời.

Xin cho chúng con luôn ghi nhớ lời thánh Augustinô: Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi tại sao lại không ?

Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.

---------------------------------

 

Bài 17: Chút suy tư về cuộc sống

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 701


Bạn thân mến,

1- Khi tôi chết, bạn sẽ đến gặp người thân của tôi, tôi thì chẳng còn biết gì nữa!

* Tại sao không đến thăm tôi ngay, khi tôi còn sống ?

2- Khi tôi mất đi, bạn sẽ tha thứ cho mọi lỗi lầm tôi gây ra, nhưng tôi sẽ chẳng còn biết bạn đã làm điều đó ...

* Vậy tại sao không tha thứ cho tôi luôn, khi tôi còn sống?

3- Khi tôi ra đi rồi, bạn sẽ trân trọng tôi, nói những điều tốt đẹp về tôi, còn tôi chẳng thể nghe được nữa...

* Sao không nói những điều đó cho tôi nghe, khi tôi còn sống?

4- Khi tôi từ biệt cõi đời, bạn ước đã dành nhiều thời gian bên tôi, ...

* Vậy, sao không dành nhiều thời gian hơn bên tôi, bây giờ, khi tôi còn sống?

5- Khi tôi không còn nữa, bạn sẽ ước được làm điều gì đó cùng với tôi, nhưng tôi thì chẳng thể làm được điều gì nữa...

* Tại sao không làm điều gì đó cùng với tôi ngay khi tôi còn sống?

------------------------------------------

 

Bài 18: Dụ Ngôn Cây Viết Chì

Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình - Bài 702

Bạn thân mến,

Sơ Maureen Cahill, dòng Đức Mẹ Mân Côi, làm việc truyền giáo trong một bệnh viện, ở phía bắc Transvaal, Nam Phi, gửi cho tác giả cuốn “Story Power”, linh mục James A. Feehan một dụ ngôn Sơ đặt tên là “Dụ Ngôn Cây Viết Chì”.

Thực sự, chúng ta không biết được ai là người đã làm nên cây bút chì. Nhưng sau khi phát minh ra cây viết chì rồi, người chủ đã ngỏ lời với sản phẩm của mình như sau: Tôi muốn các bạn nhớ đến bốn điểm:

1. Sự tốt lành hay phẩm giá đích thật nằm ở bên trong con người của bạn.
2. Bạn sẽ cần phải được vót cho nhọn, gọt dũa đi, khi bạn sống trong cuộc đời.
3. Bạn sẽ được sử dụng trong tay một người nào đó, nếu không tự bạn, bạn sẽ chẳng làm nên cái tích sự gì cả !
4. Người ta sẽ yêu cầu bạn phải để lại ít nhất là một dấu vết gì đó.

Đời sống con người giống như cây viết chì.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã áp dụng trường hợp thứ ba cho Mẹ khi Mẹ nói:

“Tôi là cây viết chì trong bàn tay của Thiên Chúa”.

Còn tác giả cuốn sách “Story Power”, cha Feehan áp dụng dụ ngôn này trong thánh lễ trên đài phát thanh cho những người ốm đau.

Cha đã áp dụng sự đau khổ của con người vào trường hợp thứ hai của cây viết chì, là phải được thanh tẩy, chuốt nhọn bởi những khổ đau trong cuộc sống. Cây viết chì mà không bị vót, chuốt, gọt, dũa thì không thể nào sinh lợi cho người khác được.

Ngạn ngữ Pháp có lời khuyên như sau:

Con người là kẻ học nghề,
Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau.
Không ai hiểu nổi mình đâu,
Nếu chưa từng bước nhịp sầu mênh mông.

Trong các bài đọc hôm nay (TN 5B): Có đau đớn và cũng có chữa lành. Có hai người chịu đau khổ vì ốm đau bệnh tật và cũng có hai người được chữa lành. Cả hai đều giống nhau.

Một người là ông Gióp (7,1-7) và người kia là bà nhạc mẫu của Phêrô (Mc 1,29-39). Cả hai đều gửi cho chúng ta một cái sứ điệp giống như sứ điệp trong dụ ngôn của cây viết chì.

Nói về đau khổ và phục vụ. Họ tỏ cho chúng ta thấy rằng qua đau khổ họ thông cảm và hiểu biết tha nhân, rồi dẫn tới yêu thương và phục vụ tha nhân.

Bài đọc thứ nhất (7,1-7) đưa ta vào những đau khổ của ông Gióp phải chịu, đến độ hầu như tuyệt vọng:

“Xin Ngài nhớ cho cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”.

Ông tuyệt vọng lắm rồi ! Ông mất tất cả mọi sự: Tài sản, của cải, gia đình, uy tín và sức khoẻ.

Bạn bè nói rằng ông bị thử thách vì ông đã phạm tội.

Vợ ông xúi ông nguyền rủa Thiên Chúa mà chết cho rồi !

Nhưng ông Gióp lại là một ứng viên hy vọng tuyệt vời trong tuyệt vọng. Ông nhấn mạnh rằng ông đã không hề phạm tội, không hề xúc phạm tới Thiên Chúa. Nhưng ông không biết tại sao ông phải đau khổ. Đau khổ là một mầu nhiệm đối với ông.

Ông trở thành con người của hy vọng. Ông vẫn tin tưởng nơi Thiên Chúa, mặc dù đời ông có quá nhiều đau khổ:

“Thiên Chúa ban cho, Ngài lại lấy đi, xin chúc tụng danh Ngài”.

Ông không hiểu, nhưng vẫn tin tưởng, và sau cùng ông đã nhận ra tình yêu thương nhân hậu của Thiên Chúa.

*****

Một mẩu chuyện xứ Phi Châu kể lại rằng: Một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát ở sa mạc. Một người bạn hỏi anh ta: “Bạn làm gì đó ?” Anh trả lời: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được là một khu vườn”.

Không ai thích đau khổ, ngay cả sa mạc cũng mong muốn thoát khỏi khổ đau.

Câu chuyện này làm tôi nghĩ đến cuốn “Đường Hy Vọng” của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận.

Ngài viết cuốn sách nổi tiếng này vào năm 1975, ngay sau khi bị quản thúc, bắt đầu cho 13 năm tù, trong đó 9 năm bị biệt giam.

Sau này ngài viết thêm “Đường Hy Vọng dưới Anh Sáng của Lời Chúa và Công Đồng Vatican II” (1979), “Những Người Lữ Hành trên đường Hy Vọng” (1980), cuốn “Chứng Từ Hy Vọng” đã được nhà xuất bản Pauline Books & Media ở Hoa Kỳ xuất bản.

Ngài được thế giới biết đến như một “Chứng nhân Tình Yêu và Hy Vọng”.

Trong dịp Đại hội Đệ Tam Thiên Niên Kỷ 2.000, ngài kể lại với các linh mục, tu sĩ và giáo dân về những năm tù đày của ngài:

“Trong những năm khốn đốn bị biệt giam, những năm đau buồn nhất trong đời tôi, tôi chỉ nhìn thấy hai người lính canh và họ được lệnh không được nói với tôi một lời nào. Tôi cảm thấy bị mọi người bỏ quên, tôi thấu suốt nỗi đau khổ tuyệt đỉnh của Chúa Giêsu, cô đơn trên thánh giá. Tôi nghĩ đến những giáo dân, những tín hữu, đến các linh mục, tu sĩ, chủng sinh đang ở ngoài kia, họ cũng bị ruồng bỏ, bị đau khổ tù đày và bị bách hại. Trong sâu thẳm của yếu đuối, tinh thần lẫn thể xác, tôi nhận được ân sủng của Đức Mẹ Maria.

Tôi không được phép dâng thánh lễ, nhưng tôi đã đọc hàng trăm kinh Kính Mừng, và Đức Mẹ đã ban cho tôi sức mạnh kết hợp với Chúa Giêsu trên thánh giá.

Tôi cảm thấy Chúa Giêsu đã cứu chuộc nhân loại, khi Ngài cô đơn trên thánh giá, trong sự bất lực hoàn toàn.

Các người lính canh dần dần hiểu biết tôi. Chúng tôi trở thành bạn hữu. Họ đã giúp đỡ tôi. Họ cho phép tôi làm một cây thánh giá bằng gỗ. Tôi đã giấu trong một cục xà bông. Tôi dùng một đoạn dây điện để làm dây đeo và họ đã cho tôi mượn chiếc kềm nhỏ để làm và họ còn làm giúp với tôi nữa.

Chiếc thánh giá mà tôi mang đây làm bằng gỗ và dây điện từ nhà tù. Chiếc thánh giá này luôn luôn nhắc nhở:

“Hãy yêu thương mãi ! Hãy tha thứ mãi ! Sống với hiện tại để truyền bá Tin Mừng ! Mỗi giây phút sống là để yêu mến Thiên Chúa”.

*****

Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, một nhân chứng của tình yêu và hy vọng trong đau khổ, chính là hình ảnh của “Dụ Ngôn Cây Viết Chì”.

Bài Phúc âm đưa ta vào hoàn cảnh của gia đình Phêrô – một gia đình đang có việc lo buồn.

Maccô cho ta biết: “Lúc ấy bà nhạc mẫu của Simon cảm sốt nằm trên giường”.

Theo William Barclay, đối với người Do Thái thời đó, bệnh là do ma quỷ, và họ gọi bệnh cảm sốt này là “talmud”.

Để chữa bệnh này, họ dùng một con dao bằng sắt, cột một nắm tóc vào con dao, rồi đưa vào bụi gai, đang khi đọc một câu bùa chú.

Cách chữa này mang một ý nghĩa khác, hơn là nhiệt độ của cơ thể nóng lên vì bệnh. Nó có nghĩa như trừ quỷ trừ ma.

Do đó, bà nhạc mẫu của Simon bị bệnh, đồng nghĩa với sự hiện diện của sự dữ trong gia đình – sự hiện diện của ma quỷ nơi người đàn bà.

Trong hoàn cảnh bi đát này, Chúa Giêsu đã ra tay cứu chữa: “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”.

Từ ngữ của đoạn Phúc âm này, đã được Máccô chọn lựa rất cẩn thận. Từ “egeiro” có nghĩa là “nâng lên”, diễn tả việc Chúa Giêsu nâng bà lên, giống như sự sống lại của Chúa Giêsu từ cõi chết, được nâng lên, đưa về trời. Sau khi được nâng lên rồi, bà bắt đầu phục vụ các ngài. Từ “diekonei” có nghĩa là “phục vụ”, nguồn gốc của chức phó tế “diaconatus”, mà Tân ước dùng để diễn tả chức vụ phó tế.

Bà đã được Chúa Giêsu gọi, cũng như Ngài đã gọi Phêrô, Anrê, Gioan... và các môn đệ khác. Chỉ trong một giây phút được chữa lành, bà đã tin tưởng và nhận biết Chúa, rồi bà bắt đầu làm việc phục vụ người khác ngay.

Người bệnh được chữa lành, và được gọi trở nên thừa tác viên, đi thoa dịu, an ủi khổ đau, cực nhọc của người khác.

William Barclay đã trích dẫn một câu châm ngôn trong những gia đình người Scottish như sau: “Được cứu để phục vụ”.

Chúa Giêsu đã cứu chữa chúng ta. Vậy chúng ta phải đi giúp đỡ người khác.

*****

Chuyện cổ Trung Hoa kể câu chuyện về một người đàn bà có người con trai duy nhất đã chết.

Trong đau thương buồn khổ, bà đến năn nỉ vị thánh hiền:

“Xin ngài hãy dạy cho con biết những lời cầu khấn, hay những câu thần chú nào làm cho con trai của con được sống lại ?”

Thay vì lý luận dài dòng với bà, vị thánh hiền trả lời: “Bà hãy đi tìm cho tôi một hạt rau cải từ một gia đình chưa từng bao giờ biết buồn khổ là gì. Tôi sẽ dùng nó làm thuốc chữa cho con bà sống lại”.

Người đàn bà bắt đầu đi lang thang khắp nơi, tìm kiếm hạt cải kỳ diệu đó.

Trước hết, bà đến gõ cửa một lâu đài vô cùng sang trọng: “Tôi đang đi tìm kiếm một nhà chưa bao giờ biết buồn khổ là gì. Xin cho hỏi có phải nhà này không ạ ?

Chủ nhà trả lời: “Thưa bà chắc chắn là bà đã đi lộn nhà rồi ! Chồng tôi đang hấp hối nằm trên giường bệnh. Con trai tôi bỏ nhà ra đi. Tôi sợ rằng tôi sẽ sống trong cô đơn góa bụa !”

Nghe xong bà nói: “Ai là người may mắn hơn tôi để có thể giúp đỡ cho những người bất hạnh đáng thương này, cho dù tôi cũng có những rủi ro của riêng mình ?”

Sau đó, bà ở lại để an ủi chủ nhà trước khi lên đường, đi tìm cho ra một nhà chưa bao giờ biết buồn khổ là gì.

Nhưng bất cứ nơi nào bà ghé vào, cho dù là lâu đài sang trọng, dinh thự giàu có đến đâu, bà cũng đều nghe kể về những chuyện buồn bã và bất hạnh.

Cuối cùng, đi tới đâu bà cũng đều khuyên răn, an ủi và khích lệ người khác, cho tới nỗi chính bà đã trở nên một thừa tác viên phục vụ cho những người buồn phiền đau khổ.

Trong công tác mục vụ này bà đã quên việc đi tìm hạt cải kỳ diệu làm thuốc cứu chữa con bà. Bà quên đi nỗi buồn của chính bà.

*****

Khi nào bạn đau khổ, chán nản, tuyệt vọng... hãy nhớ rằng: Chúa Giêsu cùng hiện diện với bạn, cũng như Thiên Chúa ở bên cạnh ông Gióp.

- Hãy nhớ rằng: Chúa Giêsu sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn.
- Hãy nhớ rằng bạn đang được yêu thương.
- Hãy tiếp tục tin tưởng, hy vọng, yêu thương và phục vụ.

Khi nào bạn đau ốm về thể xác, tinh thần hay tình cảm, hãy cởi mở tâm hồn ra, đến với Chúa Giêsu. Ngài sẽ chữa lành bạn, nắm chặt lấy tay bạn và giúp bạn đứng dậy.

Ngài sẽ chữa lành bạn, như Ngài đã chữa bệnh cho bà nhạc mẫu của Phêrô.

Hãy lắng nghe tiếng Ngài mời gọi, bước theo Ngài và phục vụ tha nhân, vì ơn sủng của Ngài sẽ ban xuống đầy đủ cho bạn.

Lạy Chúa, xin cho con có một nhận định sáng suốt trước những đau khổ. Xin cho con đừng tự gây đau khổ cho con, hay cho người khác, do tính ích kỷ của con. Xin cho con biết kiên trì, nhẫn nại, cố gắng hằng ngày, làm giảm những đau khổ cho con và cho người khác. Amen.

----------------------------------




Những sách cha Mễn đã in (70 cuốn):
như lương thực tinh thần hổ trợ bà con qua lại thời Covid
từ khi nhà thờ không có thánh lễ, không có giảng dạy, không có các lớp Giáo Lý và không có các sinh hoạt đoàn thể....

https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/nhung-sach-da-in-1654.html

*** Bạn muốn có những sách này, hãy chép đường link trên của sách vào thẻ nhớ, hoặc vào USB, đưa cho tiệm Photo, họ sẽ in, chỉ khoảng 15 phút là xong, vì mỗi sách đều đã có sẵn bìa, và mỗi sách không quá 100 trang A5. (Chỉ khoảng 24 tờ A4).

*** Bạn cũng có thể đọc trực tiếp các bài này, trên Điện Thoại cảm ứng, khi bạn dùng ngón tay chạm vào đường link trên: https://...

*** Và  bạn cũng có thể chép đường link trên: https://...  gởi qua Zalo, Messenger, Line, Viber,... làm quà tặng cho các bạn bè, nhiều người được đọc, sẽ có nhiều lợi ích.


---------------------------------

I. - Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật: (9 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-minh-hoa-tin-mung/
1. Chuyện người đàn ông say mê quảng cáo - sách 1
2. Chuyện linh mục vào Thiên Đàng - Sách 2
3. Chuyện con két đi khám bác sĩ – Sách 3
4. Chuyện gà mái ấp trứng đại bàng – Sách 4
5. Chuyện “Số Con Rệp” – Sách 5
6. Thiên Chúa là Đấng hay quên  – Sách 6
7. Chuyện một người con chọn mẹ để sinh ra – Sách 7
8. Family, một định nghĩa hay về gia đình – Sách 8
9. Hộ Chiếu Nước Trời – Sách 9


II. – Chuyện đời chuyện đạo: (17 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-doi-chuyen-dao/
1. Hãy vui hưởng hạnh phúc ta đang có - sách 1
2. Chuyện đời to và nhỏ - Sách 2
3. Những lời khuyên hữu ích - Sách 3
4. Những chuyện nhỏ mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống - Sách 4
5. Một phép lạ từ một tình thương cho đi - Sách 5
6. Phút thánh hoá gia đình đầu năm mới - Sách 6
7. Năm Mão nói chuyện con mèo - Sách 7
8. Một kiểu sống lại không vui - Sách 8
9. Chuyện con gà trống - Sách 9
10. Kinh cầu các thánh chẳng hề  được phong - Sách 10
11. Làm phúc giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục - Sách 11
12. Các linh hồn nơi Luyện Ngục sẽ không quên sự giúp đỡ của chúng ta - Sách 12

13. Tình Mẫu Tử trong dịp Lễ Giáng Sinh - Sách 13
14. Năm Thìn, nói chuyện con rồng - Sách 14

15. Nhật ký của một linh hồn sau khi chết - Sách 15
16. Những lời tâm sự của người cận kề cái chết - Sách 16
17. Tội nhân trở thành thánh nhân - Sách 17


III. - Chuyện kể cho các gia đình: (30 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-ke-gia-dinh/
1. Chuyện người thu thuế và Người biệt phái - sách 1
2. Đừng bỏ cuộc - sách 2
3. Bí quyết hạnh phúc - Sách 3
4. Một chuyện không ngờ thê thảm - Sách 4
5. Đi tìm một bảo hiểm -Sách 5
6. Một mẫu người sống đạo đáng khâm phục - sách 6
7. Yêu là yêu cho đến cùng - Sách 7
8. Những chuyện lạ có thật – Sách 8
9. Một niềm vui bất ngờ - Sách 9
10. Chuyện mẹ ghẻ con chồng - Sách 10
11. Chứng nhân giữa đời thường - Sách 11
12. Cho Chúa mượn thuyền - Sách 12
13. Nét đẹp của lòng thương xót - Sách 13
14. Chuyện tôi vào đạo Chúa - Sách 14
15. Chuyện cô giáo năm xưa - Sách 15
16. Kinh nghiệm của những người trở về “Từ Cõi Chết” nói với ta - Sách 16
17. Quyển nhật ký của mẹ - Sách 17
18. Phép lạ từ việc sùng kính Đức Mẹ - Sách 18
19. Ngày của bố - Sách 19
20. Chuyện 2 cha con hoang đàng - Sách 20
21. Chuyện Kẻ “tự bắc thang lên trời” - Sách 21
22. Chuyện Quỷ Ám là có thật - Sách 22
23. Chuyện bán linh hồn cho ma quỉ - Sách 23
24. Thảm họa: Một Thiên Đường không có Thiên Chúa – Sách 24
25. Nếu Thiên Chúa không có, thì tại sao lại chống Ngài ? – Sách 25
26. Ông già Noel không mặc đồ đỏ – Sách 26
27. Tình yêu có sức mạnh biến đổi – Sách 27

28. Chuyện một mối tình thật đẹp – Sách 28
29. Một kinh ngiệm truyền giáo thật dễ thương – Sách 29
30. Tháng các đẳng linh hồn và những ước nguyện – Sách 30


IV.- Chuyện lẽ sống: (8 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/chuyen-le-song/
1. Chuyện Chúa Giêsu đi xem bóng đá - Sách 1
2. Tình yêu là sức mạnh vạn năng - Sách 2
3. Ðời là một chuyến đi - Sách 3
4. Căn hầm bí mật - Sách 4
5. Thất bại, là khởi điểm của thành công - sách 5
6. Lịch sử ngày của mẹ - Sách 6
7. Chuyện tình Romeo và Juliet - Sách 7
8. Một cách trả thù độc đáo - Sách 8

V. – Kho sách quý: (6 cuốn)
https://linhmucmen.com/news/kho-sach-quy/
1. Bí mật đầy kinh ngạc về các linh hồn trong luyện ngục – Sách 1
2. Lần hạt mân côi – Thánh Josémaria Escrivá– Sách 2
3. Tiếng nói từ luyện ngục – Sách 3
4. Sách tháng các linh hồn – Sách 4
5 300 Chuyện ngắn giúp minh họa lời Chúa (Phần I) – Sách 5
6 300 Chuyện ngắn giúp minh họa lời Chúa (Phần II)– Sách 6


----------------------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây