Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 21-C Bài 1-50 Hãy đi vào cửa hẹp:
----------------------------------------- Phúc Âm: Lc 13, 22-30: "Người ta sẽ từ đông chí tây đến dự tiệc trong nước Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca. Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi'. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ nên sau hết". - Ðó là lời Chúa. -------------------------------
Trong một buổi chia sẻ lời Chúa,bác công nhân đã phát biểu như sau: Đã ba mươi hai năm: TN 21-C1
Trong một buổi chia sẻ lời Chúa,bác công nhân đã phát biểu như sau:
Đã ba mươi hai năm nay, tôi làm việc cho một công ty. Nhiều lần tôi được đề bạt thăng chức, nhưng tôi đều từ chối, bởi vì nếu chấp nhận, thì tôi sẽ không có đủ thời giờ để chăm sóc cho vợ và bốn đứa con trai của tôi. Tình yêu tôi dành cho vợ con thì quí giá hơn số tiền lương được tăng thêm.
Cách đây hai năm, tôi lại được đề bạt một lần nữa. Và lần này thì tôi chấp nhận, bởi vì các con tôi đều đã khôn lớn và vợ tôi thì lại không thể đi làm được.
Và thế là tôi phải theo một khóa bồi dưỡng. Rất tiếc là trong thời gian này, bà chị ruột của tôi qua đời, nên tôi không thể chú tâm vào học hành. Vì thế, tôi bị rớt trong kỳ thi cuối khóa.
Trở về công ty, tôi đã bị ông giám đốc mạt sát một cách thậm tệ. Tôi cảm thấy ê chề và nhục nhã. Mọi sự bỗng trở nên vô nghĩa, ngay cả quyết tâm phụng sự Chúa cũng tiêu tan như mây khói. Tại sao lại xảy ra như thế ? Hay là Chúa đã bỏ rơi tôi ? Tất cả dường như đã sụp đổ.
Ngày kia, tôi đã phải thú thực với vợ tôi:
- Anh không thể sống nhục nhã như thế này.
Vợ tôi khuyên tôi cầu nguyện và rồi sự cầu nguyện đã gíup tôi nhận biết phải chọn lựa bước theo Đức Kitô bị đóng đinh và bị bỏ rơi. Từ đó, tôi tìm lại sự bình an. Tôi xin lỗi ông giám đốc. Và cũng từ đó, công việc làm ăn của tôi mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Câu chuyện vừa nghe, quả thật đã gợi lên trong chúng ta hình ảnh về khung cửa hẹp mà đoạn Tin mừng hôm nay đề cập đến. Thực vậy, Chúa Giêsu đã khuyên nhủ chúng ta:
- Hãy chiến đấu để vào qua khung cửa hẹp.
Vậy khung cửa hẹp ấy là gì ?
Tôi xin thưa:
- Khung cửa hẹp ấy không gì khác hơn là chính bản thân của Ngài.
Có nghĩa là Ngài đòi hỏi chúng ta phải nhìn thẳng vào con người của Ngài để nhận biết Ngài. Không gì có thể thay thế được cái biết nội tâm ấy. Cho nên, ngay cả những người sống gắn bó với Ngài, ăn uống trước mặt Ngài, được nhe những lời giảng dạy đầy khôn ngoan của Ngài, cũng như được chứng kiến những việc làm đầy kỳ diệu của Ngài, nếu thực sự họ không nhận biết Ngài, thì rồi họ cũng sẽ bị khai trừ, bị loại bỏ ra ngoài.
Và như vậy, Ngài chính là cửa, như lời Ngài đã nói với dân Do Thái:
- Ta là cửa. Ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi.
Khung cửa được thánh Luca đề cập tới chỉ có thể là chính bản thân Ngài, chứ không thể là bất kỳ một ai khác. Đây cũng là điều Ngài đã từng xác quyết trong Tin mừng của thánh Gioan:
- Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.
Hay như thánh Phêrô đã công bố trong bài giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ Tuần, tức là lễ Hiện Xuống:
- Chúa Giêsu bị anh em treo lên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Chúa và làm Đức Kitô. Dưới bầu trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ.
Hãy bước theo Đức Kitô. Hãy trở nên giống Ngài bằng cách chấp nhận những khổ đau, những thập giá. Vì đó chính là khung cửa hẹp, chúng ta cần phải bước qua để tiến vào cõi sống vĩnh cửu, để chiếm lấy vinh quang phục sinh.
Chúng ta vừa đọc lại bài Phúc âm của Chúa nhật XXI Mùa thường năm C ; không những chỉ: TN 21-C2
Chúng ta vừa đọc lại bài Phúc âm của Chúa nhật XXI Mùa thường năm C ; không những chỉ trong bài Phúc âm mà cả ba bài đọc đều như muốn nhắc chúng ta nhớ lại hai chiều kích của ơn cứu rỗi.
Chiều kích thứ nhất là chiều kích phổ quát, đó là ơn cứu rỗi của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, mọi dân tộc. Chiều kích phổ quát này được loan báo nơi sách tiên tri Isaia mà chúng ta đọc trong bài đọc I, và được nhắc lại nơi đoạn Phúc âm hôm nay là thiên hạ sẽ từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Chiều kích phổ quát này dường như nhấn mạnh đến số lượng nhiều hơn, và có thể làm chúng ta hiểu lầm là mọi người tự động được vào Nước Thiên Chúa, nhưng không phải như vậy.
Chiều kích thứ hai của ơn cứu rỗi là chiều kích cá nhân, nhấn mạnh đến phẩm chất, đến mối tương quan giữa mỗi tín hữu với Chúa Kitô, với Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi. Chiều kích thứ hai này nhắm đến phẩm chất của mối tương quan giữa mỗi người với Thiên Chúa và được thể hiện nơi bài đọc II trong thơ Do thái: “Thiên Chúa yêu thương ai thì Ngài càng thanh luyện, càng uốn nắn người đó nhiều hơn nữa qua những thử thách để người đó mang lại nhiều hoa trái”.
Thiên Chúa thanh luyện để làm cho con người được lớn lên trong tình yêu của Ngài. Chúng ta nhớ lại dụ ngôn về cây nho, ngành nho được nhắc lại nơi Phúc âm thánh Gioan: “Thầy là cây nho thật, Cha Thầy là người trồng nho. Hễ ngành nào thuộc về Thầy mà không sinh quả thì Cha Thầy sẽ chặt đi. Còn nếu ngành nào sinh quả thì Cha Thầy sẽ cắt tỉa để nó sinh nhiều hoa quả hơn”.
Việc Thiên Chúa cắt tỉa con người được hiểu như là việc Thiên Chúa thanh luyện con người. Nơi bài đọc II của Chúa nhật XXI Mùa thường năm C nói là: “Thiên Chúa sửa dạy con người như người cha sửa dạy con cái trong nhà. Thiên Chúa yêu thương ai thì Người muốn thanh luyện người đó nhiều hơn nữa để mang lại nhiều hoa trái”. Đây là điều mà bài Phúc âm hôm nay thường gọi là bước vào qua cửa hẹp.
Hai chiều kích phổ quát nhắc về số lượng và cá nhân, nhắm về phẩm chất của mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa luôn luôn đi đôi với nhau được nhắc lại trong bài Phúc âm chúng ta vừa đọc lại ở phần đầu, khi Chúa Giêsu phán: “Bất cứ ai muốn vào Nước Chúa thì phải đi qua con đường hẹp, phải cố gắng và từ bỏ những gì cản trở con người bước vào Nước Trời”. Thiên Chúa cảnh tỉnh các đồ đệ của Ngài đừng ỷ lại vào những công việc giả tạo của mình.
Trong hai chiều kích này của ơn cứu rỗi, dĩ nhiên chiều kích phẩm chất nhắc đến mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa là điều quan trọng. Càng yêu mến Chúa thì ta càng làm cho nhiều người nhận biết Chúa. Trường hợp các vị thánh là một thí dụ điển hình, các ngài càng yêu mến Chúa thì càng được thanh luyện chính mình, hay đúng hơn càng được Thiên Chúa thanh luyện để có sức ảnh hưởng mạnh và dẫn đưa nhiều người đến với Chúa. Các thánh càng đào sâu chiều kích cá nhân thì càng đến gần Chúa, do đó tâm hồn của các ngài càng mở rộng đến mức độ đại đồng để đón nhận tất cả mọi anh chị em và đưa anh chị em đến với Chúa. Ap dụng cho đời sống mình, càng kết hiệp với Chúa thì ta càng quảng đại với anh chị em ; nếu xa lìa Chúa thì ta càng hẹp hòi với anh chị em.
Có nhiều hay ít người được cứu độ ? Những ai được cứu độ ? Phải làm gì để được cứu độ ? Đây: TN 21-C3
Có nhiều hay ít người được cứu độ ? Những ai được cứu độ ? Phải làm gì để được cứu độ ? Đây là những câu hỏi rất quan trọng. Sở dĩ người Do thái đặt câu hỏi nhiều hay ít người được cứu độ, vì họ tin là chỉ có người Do thái, chỉ có dân tộc Do thái là dân riêng mới được cứu, còn dân ngoại thì Thiên Chúa tiêu diệt hết. Nơi Cựu ước chúng ta cũng có thể thấy quan niệm này nơi tiên tri Giona, ông không vâng lời Chúa, trốn đi để khỏi phải rao giảng lời Chúa cho Israel và dân ngoại, mà dân ngoại thì Chúa đâu có cứu cho nên giảng làm gì. Người biệt phái thì họ càng tin chắc hơn quan điểm này. Quan điểm này sau đó nhiễm luôn cả giám mục Jancénius, có muốn nên thánh mà Chúa không cho thì cũng hư đi thôi, hậu quả là người ta sống buông thả, hưởng thụ, không được đời sau thì phải bám lấy cái đời này thôi.
Thật sự tìm hiểu kỹ Thánh Kinh thì không phải như thế, mà Chúa cứu cả dân ngoại. Lịch sử cứu độ Cựu ước, sau thời kỳ Babylon Chúa đã làm cho dân ngoại qui về Thiên Chúa, đến nỗi cả đế quốc Ba Tư là dân ngoại cũng yểm trợ cho dân Israel trở về tái thiết quê hương.
Isaia nơi bài đọc I cho thấy Chúa tập họp các dân nước đến và cho thấy vinh quang Chúa. Isaia trình bày cho chúng ta rất rõ ý muốn và tình yêu của Giavê Thiên Chúa qui tụ mọi dân tộc, biến họ thành một dân duy nhất. Dân Israel trở về quê hương đầy phấn khởi và hy vọng sau một thời kỳ dài làm nô lệ bi đát, ghê tởm. Khi trở về rồi thì họ phải đương đầu với thực tế khó khăn ghê gớm. Vì tế, Isaia cố gắng đem lại cho họ nghị lực đã bị suy giảm và có thể rơi vào tuyệt vọng bằng cách là diễn tả một tương lai sáng chói cho một dân được tuyển chọn, dân đó chính Chúa chọn lựa làm dấu chỉ cho sự hiệp nhất mọi dân nước, mà dân nước này cũng được tiếp nhận cùng với dân riêng thuộc về Thiên Chúa, tôn thờ Thiên Chúa. Đó chính là sự hướng dẫn tuyệt diệu trong Hội thánh do Đức Kitô thiết lập cho cả nhân loại, cho cả thế giới ở mọi thời và mọi nơi.
Với ý chí ham hiểu biết, với tính tò mò, chúng ta muốn hỏi nhiều hoặc ít người được cứu độ như người Do thái đã hỏi Chúa Giêsu. Nơi đoạn Tin Mừng chúng ta đọc lại hôm nay, Chúa Giêsu đã không trả lời thẳng câu hỏi nhiều hay ít. Nếu Ngài trả lời nhiều người được cứu độ thì người ta sẽ sống buông thả. Nếu Ngài trả lời ít người được cứu độ thì người ta sẽ thất vọng buông xuôi, hoặc sẽ rơi vào tâm trạng của người Do thái bấy giờ là tự đắc, tự mãn, vênh váo là chỉ có Chúa cứu dân tộc Do thái thôi.
Tuy nhiên, trong Phúc âm có lời Chúa châm biếm họ: “Không phải những kẻ nói lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành thánh ý Chúa. Trong ngày phán xét nhiều kẻ nói chính tôi nhân danh Chúa làm được cái này, làm cái kia, nhân danh Chúa trừ quỉ, nói tiên tri, làm phép lạ… Bấy giờ chủ tuyên bố: Ta không biết các ngươi là ai, hãy xéo đi khỏi mặt Ta hỡi những phường tác quái”.
Vì thế, lẽ ra người ta phải đặt câu hỏi: Làm sao để được cứu độ ? Làm gì để được cứu độ ? Cho nên Chúa trả lời các người hỏi là: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời”, chứ Ngài không trả lời là nhiều hay ít người được cứu. Như thế, đường vào Nước Trời hẳn không phải là thênh thang mà là cửa hẹp, cho nên phải chiến đấu. Mà nói đến chiến đấu thì chúng ta còn nhớ bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước và được tiếp nối qua bài Tin Mừng hôm nay thì cuộc đời Giáo Hội lữ hành là một cuộc đời dân Chúa chiến đấu. Có nhiều lãnh vực phải chiến đấu quá đi, nhưng chiến đấu với chính mình là quan trọng. Chiến đấu với cái tôi rất là khó, vì cái tôi cồng kềnh của tự kiêu, phô trương ; cái tôi nặng nề của vun vén cá nhân ; cái tôi phình to vì tự hào, tham danh vọng… Có lẽ cửa trời là một cửa không hẹp, nhưng chỉ có cái tôi cồng kềnh, cái tôi nặng nề, cái tôi phình to, to quá mức cái cửa cho nên không vào được.
Lucife đã phình to, Ađam Eva đã phình to, vì thế Chúa nói hãy chiến đấu, chiến đấu cho cái tôi nhỏ lại trước anh em, chiến đấu cho cái tôi khiêm hạ trước Thiên Chúa rất cần thiết. Ai trong chúng ta cũng cảm thấy rằng, có những lúc trong mình cái tôi có khuynh hướng muốn bành trướng để thu tích. Thu tích trí thức, thu tích đạo đức, thu tích chức vụ, thu tích sự tín nhiệm và có khuynh hướng muốn vượt lên trên người khác. Do đó nó làm cho lòng chúng ta sơ cứng, khép lại trong mức độ khác nhau tùy mỗi người. Vì thế, Chúa muốn chúng ta chiến đấu vào của hẹp, một cuộc chiến đấu vào của hẹp là không phải tự mình đặt vào mà chính Chúa dẫn đem chúng ta vào.
Thánh Phaolô trong thơ gởi tín hữu Do thái hôm nay trình bày cho chúng ta thấy chiến đấu là phải trải qua những đau khổ thử thách. Tất nhiên chiến đấu là phải can trường ; tất nhiên chiến đấu là gặp những thử thách, gặp những thương tích, gặp những đau khổ. Nhưng Thiên Chúa như một người Cha vừa nhân hậu xót thương, vừa tài trí khôn ngoan, Ngài quan tâm, Ngài sửa dạy, Ngài bổ sức, nâng đỡ, vì thế thánh Phaolô khích lệ chúng ta nơi bài đọc II: “Đừng để mình vấp phạm trước nghịch cảnh, nhưng hãy can đảm và kiên trì”.
Bước đường xem ra càng khó khăn, chúng ta càng cần phải hy vọng, tin tưởng để chiến đấu. Chúng ta cần tin Thiên Chúa là Cha, Ngài luôn lấy tình phụ tử chăm sóc và nâng đỡ. Ngài chỉ muốn chúng ta được hạnh phúc, được sự lành, dù Ngài có sửa dạy, có quở trách, có đánh đòn là chỉ vì Ngài đã chọn chúng ta làm con riêng của Ngài. Chúng ta cần tin vào Ngài để chiến đấu và chắc chắn chúng ta sẽ vào được cửa trời, cửa xem ra rất hẹp.
Qua kinh tin kính mà chúng ta sẽ tuyên xưng, cậy nhờ Mẹ Maria giúp chúng ta tin mạnh mẽ hơn, đồng thời cũng xin Mẹ giúp chúng ta quảng đại, can đảm để chiến đấu thật lực.
Nếu một người nào đó hỏi chúng ta: “Phải chăng chỉ có những người theo đạo Chúa mới được: TN 21-C4
Nếu một người nào đó hỏi chúng ta: “Phải chăng chỉ có những người theo đạo Chúa mới được cứu độ ?” hay “Có phải chỉ có một số ít người được vào nước trời ?”. Chúng ta sẽ trả lời thế nào ? Câu hỏi này xưa kia có người đã hỏi Chúa Giêsu. Sở dĩ ông ta hỏi như vậy vì hồi đó có nhiều quan niệm và chủ trương khác nhau. Giáo lý của nhóm Pharisêu thịnh hành lúc ấy cho rằng: thế giới hạnh phúc mai hậu chỉ dành cho một số ít thôi, còn đa số sẽ phải khốn khổ. Còn những người phái khắc khổ Et-sê-niên thì khẳng định ngon lành rằng: chỉ những thành viên của họ mới được cứu độ. Có lẽ vì có những chủ trương khác nhau như vậy, nên người này đến hỏi Chúa Giêsu cho biết rõ sự thực như thế nào.
Chúa Giêsu đã trả lời. Câu trả lời của Chúa vừa là bài học cho chúng ta vừa là giải đáp để chúng ta có thể trả lời cho những người khác. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: tất cả mọi người đều được cứu độ. Đó là giáo lý trước sau như một của Chúa. Bởi vì “Thiên Chúa là Cha, Đấng mong muốn mọi người được cứu thoát”, “Đấng không muốn bất cứ ai phải hư đi”, “Đấng không muốn một trong những kẻ bé mọn phải hư mất”. Bàn tiệc của Thiên Chúa là bàn tiệc mở ra cho muôn dân, nghĩa là nước trời được mở ra đón nhận mọi người. Chúa đến trần gian, chịu nạn chịu chết cho mọi người, cứu chuộc mọi người, chứ không phải chỉ một số người nào thôi.
Như vậy, Chúa cứu chuộc mọi người là một điều rõ ràng và dứt khoát rồi. Nhưng được cứu độ hay không là hoàn toàn do mỗi người. Vì thế, Chúa Giêsu muốn mọi người đừng bao giờ còn đặt vấn đề một cách sai lầm và tiêu cực rằng: phải chăng chỉ có ít người được cứu độ ? Hay tôi có được cứu độ không ? Trái lại, phải nói rằng: tôi có muốn được cứu độ không ? Bởi vì ơn cứu độ Chúa Giêsu đã lập là phổ quát chung cho mọi người, ơn cứu độ luôn chờ sẵn ngoài cửa mỗi tâm hồn. Và muốn được cứu độ thì phải áp dụng các phương pháp và phương thế đó chính Chúa Giêsu cũng đã đề nghị và chỉ dạy cho chúng ta, đó là cố gắng vào cửa hẹp.
Cửa hẹp không phải vì Thiên Chúa hà tiện, hẹp hòi, khắt khe mà vì con người chúng ta không đủ nhỏ để dễ dàng đi vào. Nói khác đi, cửa nước trời không hẹp mà chính vì chúng ta quá cồng kềnh. Đó là sự cồng kềnh của những hành lý chúng ta đang mang nặng trên vai như tiền bạc, của cải, tình duyên, danh vọng, thú vui, hưởng thụ… Khiến chúng ta bị vướng ngoài cửa. Đó là sự cồng kềnh của cái tôi: cái tôi nặng nề của đam mê, xác thịt. Cái tôi cứng cỏi vì lòng ích kỷ. Cái tôi hèn nhát vì sợ hãi không dám dấn thân… Như thế đó, cánh cửa nước trời mà nhiều người thiện chí đã vào được dễ dàng, thì đã trở thành khung cửa hẹp đối với những người khác, vì cái tôi, vì hành lý của họ quá cồng kềnh. Cho nên, chúng ta vào được nước trời hay không là do chúng ta chứ không phải do Chúa. Thánh Âu Tinh đã nói: “Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta. Nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần có sự cộng tác của chúng ta”. Do đó, vấn đề không phải là đòi Thiên Chúa nới rộng cửa, nhưng là chính chúng ta phải biết trở thành bé nhỏ. Nói theo ngôn ngữ đạo đức quen thuộc, là chúng ta phải từ bỏ chính mình, tức là phải từ bỏ những gì chúng ta thích, chúng ta muốn, nhưng không đẹp lòng Chúa.
Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy xét lại đời sống của mình, kiểm điểm lại thái độ sống của mình xem: những gì đang là những cái cồng kềnh cản trở chúng ta vào nước trời. Chúng ta hãy lục soát kỹ lương tâm xem: có phải chúng ta đang là nô lệ của rất nhiều ông chủ không ? Có những ông chủ rõ ràng như tiền bạc, danh vọng, bia ôm, cà phê đèn mờ, đua đòi, chưng diện, thú vui không lành mạnh… Có những ông chủ khác như ích kỷ, thói quen xấu, giữ đạo vụ hình thức, định kiến, thành kiến đối với người này người khác… Nhiều lắm, mỗi người đều có những ông chủ khác nhau. Đó chính là những cái cồng kềnh khiến chúng ta bị vướng ngoài cửa hẹp, và giả như Chúa gọi chúng ta hôm nay, chúng ta có chắc mình được cứu độ không ? Hơn nữa, bản tính con người hay thay đổi, thích mới nới cũ, ưa chuộng hào nhoáng, chạy theo thị hiếu, mà dễ quên mục đích tối hậu của mình: Một đàng thì bị thế gian cám dỗ, luôn luôn đánh bóng lên những thứ trái cấm như tranh ảnh, sách vở, báo chí, thời trang, hình tượng, phim ảnh, nghệ thuật… càng là trái cấm càng quyến rũ mãnh liệt. Đàng khác, con người lại có tật xấu là mau nản, dễ đầu hàng: một lần thất bại là chúng ta mang mặc cảm và không muốn chỗi dậy nữa, buông xuôi.
Tóm lại, thật nhiều và rất nhiều hình thức lôi kéo, thúc đẩy, xúi giục chúng ta tìm con đường thênh thang, dễ dãi, ngại khó, sợ khổ, tránh con đường hẹp. Vì thế, chúng ta phải luôn nhớ bài học của Tin Mừng hôm nay: phải đi vào con đường hẹp, phải phấn đấu hết mình để vào cửa hẹp. Cũng như tất cả chúng ta đều biết bài học: “Nước chảy đá mòn”, “Kiến tha lâu đầy tổ”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, thì trên phạm vi siêu nhiên cũng thế, Chúa đã nói: “Ai muốn theo Tôi, hãy vác thập giá mình hàng ngày mà theo”. “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”. Cũng vậy, nếu ở đời “Có khó mới có miếng ăn”. “Không có hạnh phúc nào có thể đạt được một cách dễ dàng”, thì hạnh phúc nước trời đòi hỏi chúng ta phải chịu khó gấp bội mới chiếm được. Xin Chúa cho chúng ta nhớ bài học hôm nay và thực hiện mỗi ngày suốt đời chúng ta.
Ngày 15.9.2000 vừa qua, một lần nữa thế vận hội Olympic lần thứ 27 lại diễn ra tại nước Uc: TN 21-C5
Ngày 15.9.2000 vừa qua, một lần nữa thế vận hội Olympic lần thứ 27 lại diễn ra tại nước Uc. Một lá cờ có nền trắng làm nổi bật năm vòng tròn ngũ sắc: xanh dương, vàng, đen, xanh lá cây và đỏ lại được tung bay phất phới. Năm vòng tròn khác nhau nhưng lại được nối kết chặt chẽ với nhau biểu tượng cho sự kết hợp mật thiết của năm châu xây dựng trên tinh thần thể thao bằng hữu và huynh đệ. Ban tổ chức đã ráo riết vận động và thành công trong việc tạo điều kiện cho 199 quốc gia và lãnh thổ về tranh tài thể thao quốc tế. 12.500 vận động viên thay mặt quốc gia đến để tranh nhau từng tấm huy chương mà không có một sự chống đối nào.
Tứ hải giai huynh đệ, có thể nói được là giấc mơ của con người. Vì thế, con người đã chứng kiến bầu khí hân hoan tưng bừng của một ngày khai mạc đại hội khi các đoàn vận động viên đại diện cho các quốc gia diễn hành vào vận động trường, cũng như khung cảnh vui tươi nhộn nhịp khi các vận động viên chung vui nhảy múa trong những giờ phút cuối cùng của nghi thức bế mạc.
Thật ra từ ngàn xưa, giấc mơ tứ hải giai huynh đệ đã được các tiên tri loan báo trong thời Cựu ước, như tiên tri Isaia đã diễn tả trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Thiên Chúa phán: “Ta đến để qui tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta, chúng sẽ rao giảng và dẫn dắt anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến”. Rồi Đức Giêsu đã đến trong lịch sử nhân loại để biến giấc mơ muôn thuở của con người thành hiện thực. Ngài đã loan báo Thiên Chúa là Cha chung của mọi người và vì thế bàn tiệc Chúa dọn ra đã mời gọi con cái của Người không phân biệt dòng máu, dân tộc, màu da, tiếng nói, nam nữ già trẻ. Vì mọi dân nước đều được mời gọi tham dự bàn tiệc của Chúa như Chúa Giêsu đã xác tín trong bài Phúc âm hôm nay: “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.
Tuy nhiên cũng giống như các vận động viên đã đến tranh tài thể thao tại cuộc thi Olympic Sydney, chỉ có một số người đạt được huy chương. Trong bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu lưu ý chúng ta: phòng tiệc Nước Thiên Chúa tuy rộng rãi thênh thang có đủ chỗ cho mọi dân nước, nhưng cửa vào phòng tiệc lại vừa hẹp, lại vừa được mở ra trong khoảng thời gian nhất định. Vì thế, cần phải tỉnh thức và phấn đấu mới lê chân tiến vào được. Một khi cửa phòng tiệc đã đóng không ai còn có thể tranh luận hay van nài để chủ nhà ra mở cửa một lần nữa.
Vậy phải chăng chỉ có một số người được cứu độ ?
Đâu phải cứ ai thuộc giống nòi Abraham, “từng được ăn uống trước mặt Ngài”, từng được nghe Ngài giảng dạy trên các đường phố của mình, là đương nhiên được Đức Giêsu, vị chủ nhà, mở cho vào khi gõ cửa. Nhưng phải biết đón nhận lời loan báo Nước Trời và mau mắn hoán cải, ngoài ra còn phải biết phấn đấu để bước chân vào phòng tiệc. Cũng như các vận động viên trong các cuộc tranh tài thể thao phải tranh đấu cam go, phải phấn đấu cao độ để tranh nhau từng ly tại mức đến. Nhưng những thành tích mà họ đã đạt được trong những ngày tranh tài là kết quả của những năm tháng tập luyện gian khổ, của những cuộc đấu sức cam go để được chọn đại diện cho quốc gia mình.
Bàn tiệc cánh chung trong Nước Chúa cũng thế, đây là bàn tiệc của những người thắng trận. Những người đã từng chịu thử thách để chia sẻ cuộc chiến và những khổ đau của Đức Giêsu ở trên bàn thờ thập giá và được tái diễn trên bàn tiệc Thánh Thể.
Trong bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh khung cửa hẹp để chỉ những ai muốn vào tham dự phải biết lách mình qua. Nhiều lúc phải biết hy sinh, đổ máu để đi vào. Nhưng hình ảnh khung cửa hẹp này không làm mất đi vẻ hùng tráng huy hoàng, vui tươi qua lời tiên tri Isaia ở bài đọc một, vì đó là điều kiện cần thiết để được vui tươi. Ai không qua khung cửa hẹp để tiến lên thì không thể tham dự vào cuộc hân hoan trở về được. Muốn vui tươi thật sự tận trong lòng phải thanh tẩy, phải lách mình qua khung cửa hẹp. Nếu không sẽ bị loại ra ngoài, chỗ khóc lóc nghiến răng, nơi đó không còn là hân hoan, vui tươi, hạnh phúc nữa.
Thiên Chúa luôn là Chúa của Tình yêu. Người luôn mở rộng cửa, luôn rộng tay để đón mời nhưng chúng ta phải tự hỏi mình có dám, có xứng đáng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào vòng tay của Thiên Chúa hay không ? Thiên Chúa không xua đuổi ai nhưng chính chúng ta phải biết dùng tự do và những khả năng Chúa ban cũng như những ơn thánh của Chúa trong đời sống hằng ngày mà về cùng Chúa. Sống như thế, bàn tiệc cánh chung không phải tìm đâu xa mà chính tại nơi mình đang sống trong hiện tại, lúc bấy giờ. Hãy sống niềm vui thiên đàng và hãy bắt đầu ngay từ trần gian này. Nhưng niềm vui đó tùy thuộc ở cách sống của chúng ta, của gia đình chúng ta và xã hội chúng ta đang sống. Khi mỗi người biết sống thật với lòng trời và hợp với lòng người, đó là hạnh phúc. Hạnh phúc đó là chúng ta được tham dự vào bàn tiệc của Thiên Chúa và bàn tiệc đó sẽ kéo dài mãi mãi trong cả đời này lẫn đời sau.
Vừa lọt vào bảng xếp hạng tóp ten của làn sóng xanh, bài hát “bạn tôi” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã mau chóng chiếm được tình cảm của khán thính giả. Bài hát đi vào lòng người đặc biệt nơi người trẻ, qua những hình ảnh thật xúc động về người sinh viên trước ngưỡng cửa vào đời với muôn vàn khó khăn: “Bạn tôi sáng nhịn ăn lên giảng đường, bạn tôi sáng đạp xe 20 cây số, thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị, thằng làm quán cơm, tối về một gói mì tôm”.
Đúng vậy, cửa vào đại học đã khó, để sống hoài bão của mình, lại càng khó hơn. Vâng ! Để được bước chân vào ngưỡng cửa đại học các bạn sinh viên nghèo đã tốn biết bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử”, bỏ hết những cuộc vui chơi, tất bật trên mọi nẻo đường mưu sinh với không thiếu những giọt mồ hôi, nước mắt để thực hiện hoài bão. Và đích điểm sự thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu.
Con đường vào quê trời cũng vậy, đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.
Vậy thì mỗi người trong chúng ta hãy chọn cho mình một con đường. Đường cao, đường lưng chừng, hay đường thấp ? Tôi xin mượn lời thơ của thi sĩ người Anh, John Oxenham tạm kết cho chủ đề chia sẻ hôm nay:
“Trước mặt mỗi người đều chỉ mở ra một con đường Đường cao, đường lưng chừng hoặc đường thấp, Linh hồn cao thượng chọn lấy nẻo cao Linh hồn thấp kém bước vào ngõ thấp Và ở giữa hai nẻo đường mù sương ấy, Số còn lại cứ ngập ngừng qua lại, Nhưng mỗi người chỉ có Một con đường mở ra trước mặt: Đường cao, đường lưng chừng hoặc đường thấp, Mỗi người đều phải quyết định xem: Linh hồn mình sẽ tiến theo lối nào”.
Đọc Tin Mừng và Giáo huấn của Đức Giêsu, chắc chắn ai cũng phải suy nghĩ, chắc hẳn ai cũng: TN 21-C6
Đọc Tin Mừng và Giáo huấn của Đức Giêsu, chắc chắn ai cũng phải suy nghĩ, chắc hẳn ai cũng phải ngạc nhiên bởi Chúa luôn nói những điều trái ngược với những người Pharisêu và những người chống đối Chúa. Tuy nhiên, khi ngẫm nghĩ và đọc lời Chúa dưới ánh sáng của đức tin, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ cảm nghiệm sâu xa Giáo huấn và những lời vàng ngọc của Chúa Giêsu. Đoạn Tin Mừng của thánh Luca 13, 22-30, Giáo Hội trích đọc trong phụng vụ Chúa nhật XXI thường niên, năm C là một ví dụ điển hình:” Có những kẻ chót hết sẽ lên trước hết, và có những kẻ hàng đầu sẽ xuống đứng chót “ ( Lc 13, 30 ) và “ Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào “ ( Lc 13, 24 ).
Những kẻ trước hết tức là những người được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, được Chúa ban cho có lắm vật chất, của cải, giầu sang, phú quí, nhưng họ lại sống keo kiệt, ích kỷ, đã giầu lại chỉ muốn giầu thêm như người phú hộ giầu có, như bác nhà giầu có lắm ruộng nhiều đất, chỉ biết nhìn vào kho lẫm của mình, không biết nhìn xa, thấy rộng, không biết chia sẻ, trao ban như luật yêu thương Chúa dạy. Của cải, vật chất, bả vinh hoa, phú quí đã níu kéo những người này không cho họ qua cửa hẹp để vào được nước trời, không vượt qua cửa hẹp để gặp được Đức Giêsu. Những kẻ trước hết có thể là những người cầm đầu, được Chúa ban cho danh vọng, nhưng lại đè đầu bóp cổ anh chị em, đàn áp, sống ác độc với anh chị em để hưởng thụ một mình, nuôi dưỡng ý đồ phục vụ cá nhân riêng. Những người này cũng sẽ không thể đi qua được cửa hẹp để vào được nước trời.
Chúa nói:” Hãy cố gắng vào cửa hẹp”. Cửa hẹp không phải vì Chúa hẹp hòi
khó khăn, khắt khe nhưng vì con người cồng kềnh ích kỷ, tham lam. Con người vơ vét, vun khoén nhiều của cải, tiền bạc, giầu sang khiến họ mập quá, to quá không thể đi qua cửa hẹp mà vào nước trời. Thánh Phaolô cũng đã có những tư tưởng thật rõ ràng để con người phấn đấu:” Tôi chiến đấu với sức mạnh của Chúa Kitô vốn tác động mạnh mẽ nơi tôi “ ( Col 1, 29 ) hoặc “ Hãy chiến đấu lành mạnh cho đức tin, giật lấy sự sống vĩnh cửu “ ( 1 Tm 6, 12 ). Do đó, con người hat người môn đệ Chúa không chỉ học xuông, đọc xuông lời Chúa mà được cứu rỗi đâu, nhưng phải thực hành bởi vì có lần Chúa đã phán:” Ta chẳng hiểu các ngươi nói gì và từ đâu đến “. Cho nên, việc được cứu hay được vô nước trời hay không là do con người chứ không do tự Chúa. Thánh Augustinô đã nói một câu thật chí lý: “ Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài không cần phải hỏi ý kiến con người. Nhưng để cứu chuộc con người, Ngài cần có sự cộng tác của con người “. Sách Khải Huyền cũng đã viết:” Tôi một đám đông không thể đếm được…”( Kh 7, 9 ). Như thế, chúng ta hiểu rõ lời cảnh báo của Chúa Giêsu:” Có những người rốt hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ trở nên rốt hết “. Con người phải biết từ bỏ chính mình, dẹp bỏ con người cũ mà mặc lấy Đức Kitô. Làm được điều đó, chắc chắn con người sẽ vào được nước trời vì theo Chúa là vác Thập Giá mà đi theo Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết dẹp bỏ con người cũ tức con người xấu xa,m tội lỗi mà mặc lấy Đức Kitô. Amen. Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Thời Chúa Giêsu nhiều người Do thái tưởng rằng ơn cứu rỗi chỉ dành riêng cho dân tộc họ: TN 21-C7
Thời Chúa Giêsu nhiều người Do thái tưởng rằng ơn cứu rỗi chỉ dành riêng cho dân tộc họ mà thôi. Vì thế khi họ hỏi Chúa Giêsu “Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số ít người sẽ được cứu rỗi ?” thì họ thầm mong Chúa Giêsu sẽ trả lời “phải” để xác nhận quan điểm của họ.
Nhưng Chúa Giêsu đâu có muốn xác nhận một quan điểm hẹp hòi như vậy, và Chúa Giêsu cũng không muốn trả lời thẳng câu hỏi của họ. Nếu Chúa đáp “phải” chỉ có một số ít người sẽ được cứu rỗi thì sẽ sinh hậu quả là những người Do thái thành ra kiêu căng tự mãn vì nắm chắc phần rỗi: vì tự mãn như thế họ không cần cố gắng gì thêm nữa. Và những người khác không phải là Do thái thì sẽ nản lòng, tự nhủ “Ơn cứu rỗi không thuộc về mình, thôi thì cố gắng làm chi cũng vô ích”. Ngược lại nếu Chúa Giêsu đáp “Ơn cứu rỗi được ban cho số đông” thì cũng làm cho mọi người ỷ lại, không cố gắng, bởi vì cố gắng làm chi vì mình chắc chắn sẽ được rỗi mà.
Chính vì những lý do nêu trên mà Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi dựa trên số lượng, Chúa nhắm đến phẩm chất: Ơn cứu rỗi không phải là đặc quyền của một số người nào, của một dân tộc nào, của một phe nhóm nào cả, mà thuộc về bất cứ ai biết sống theo lời Chúa dạy. Vì thế mà sẽ có những cảnh trớ trêu:
- Những kẻ trước hết sẽ có thể nên sau hết ; ngược lại những kẻ sau hết có thể thành trước hết. Dân tộc Do thái dù được biết Chúa sớm hơn hết nhưng nếu không sống theo lời Chúa thì có thể đi sau các dân khác tuy biết Chúa muộn hơn nhưng đã biết sống theo lời Chúa.
- Chúa còn nói: “Nhiều người từ đông sang tây nam bắc sẽ được mời vào nước Chúa đang khi con cái trong nhà bị đuổi ra”, nghĩa là có thể các dân tộc khác sẽ vào chiếm chỗ dân Do thái vì các dân tộc ấy đã biết sống theo lời Chúa.
Trên đây ý nghĩa trực tiếp của đoạn Tin Mừng, áp dụng cho dân Do thái và các dân tộc khác thời Chúa Giêsu. Còn ý nghĩa hiện thực áp dụng cho thời đại chúng ta ngày nay là: không phải hễ có rửa tội, có đạo, có dự lễ, rước lễ, xưng tội, đọc kinh, nghe giảng… thì đương nhiên sẽ được cứu rỗi đâu. Nhưng ơn cứu rỗi được ban cho bất cứ kẻ nào sống theo lời Chúa, cho dù người đó có đạo hay là không có đạo. Thực vậy, có đạo mà không sống theo lời Chúa thì không bằng người tuy không có đạo, không biết Chúa nhưng cuộc sống của họ lại theo đúng những điều Chúa dạy. Giáo thuyết này đưa đến hai quan niệm mới trong nền thần học ngày nay: (1) thứ nhất là quan niệm về những người Kitô hữu vô danh: đó là những người tuy không có đạo, nhưng vì cuộc sống của họ phù hợp với tinh thần Tin Mừng nên vẫn được coi là Kitô hữu mặc dù họ không có danh hiệu Kitô hữu. (2) Còn quan niệm thứ hai là về những người “Kitô hữu ngoại đạo”, nghĩa là những người tuy có đạo nhưng lại không sống theo tinh thần Tin Mừng nên bị coi là ngoại đạo mặc dù họ có danh hiệu Kitô hữu.
Nếu danh hiệu không làm nên thực chất của người Kitô hữu, thì là cái gì ? Thưa là cuộc sống được thể hiện qua những phản ứng của mình trước mọi tình huống trong đời.
Một nữ tu già ngồi sau một chiếc xe đạp, rồi có một chiếc xe hơi trên đó có một số cán bộ chạy lướt qua. Chiếc xe hơi lái hơi ẩu nên chạm chiếc xe đạp làm cho bà sơ già té ngửa xuống, dập đầu xuống đường. Những cán bộ trên xe hơi vội vã xuống đỡ bà dậy. Mặc dầu đau lắm nhưng bà cố gắng nói “Không sao đâu các con, xin Chúa chúc lành cho các con”. Câu nói đột ngột đó làm cho các ông cán bộ kia vừa tức cười vừa nghĩ ngợi: tức cười vì các ông ấy đâu có tin Chúa mà cần tới phúc lành của Chúa, nhưng các ông phải nghĩ ngợi vì phản ứng đầy bác ái và đầy đức tin của bà sơ: chỉ có kẻ nào quá quen với tha thứ và lúc nào cũng luôn nhớ tới Chúa mới có thể thốt ra một câu như vậy”. Và sau đó những ông cán bộ ấy hay tới lui chăm sóc và thăm viếng vị nữ tu ấy, lòng rất mến phục.
Đó là những phản ứng, phản ứng thì lẹ làng, bất ngờ nhưng rất trung thực. Trước một tình huống xảy ra, trong lòng mình thế nào thì mình sẽ phản ứng đúng như vậy. Người nào chỉ có đạo trên danh nghĩa nhưng không quen sống theo lời Chúa thì không thể nào có được phản ứng mang tính chất Kitô giáo đích thực. Như thế, thước đo của lòng đạo chúng ta chính là những phản ứng của chúng ta.
Thí dụ như khi bị trộm mất đồ, không ít người có đạo đã đi coi thầy bói để đoán xem ai đã lấy đồ của mình. Đây rõ ràng là phản ứng của người không đạo. Còn ông Gióp khi dồn dập nhà cửa bị cháy rụi, các vật bị cướp đi, con cháu bị chết hết, bản thân mang chứng phong cùi gớm ghiếc đã biết nói “Xưa Chúa đã ban, nay Chúa lấy lại, xin ngợi khen Chúa”. Ông còn khuyên người khác “Mình biết lãnh nhận những ơn lành của Chúa thì sao không biết chịu đựng những thử thách của Chúa. Đó mới là phản ứng của người có lòng đạo thực.
Thế nhưng không thiếu người cho rằng: sống giữa một xã hội đầy tráo trở mà phản ứng theo tinh thần Tin Mừng thì là khờ dại quá. Xin hỏi lại: Thế thì đạo không có ăn nhập gì với cuộc đời sao ? Con người chúng ta phải chia ra làm hai sao: một con người hiền lành lúc ở nhà thờ đọc kinh dự lễ và một con người tráo trở gian manh khi cư xử với người đời sao ! Không được, con người chúng ta phải là một ở nhà thờ cũng vậy mà ở giữa chợ đời cũng vậy. Đạo chúng ta là đạo nhập thể vào đời chứ không phải chỉ là đạo ở nhà thờ.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói rằng không phải hễ mang danh nghĩa là người Do thái ngày xưa, hay người Công giáo ngày nay là đương nhiên được ơn cứu rỗi ; không phải hễ có rửa tội, hễ có thường xuyên đọc kinh rước lễ là đương nhiên được ơn cứu rỗi. Nhưng ơn cứu rỗi là dành cho bất cứ ai biết sống theo lời Chúa và có những phản ứng hợp với tinh thần Tin Mừng trong mọi tình huống cuộc đời.
Một buổi sáng náo nhiệt, người đàn bà sang trọng đi chiếc xe hơi bóng láng, lóng lánh như: TN 21-C8
Một buổi sáng náo nhiệt, người đàn bà sang trọng đi chiếc xe hơi bóng láng, lóng lánh như kim cương tới cửa thiên đàng. Nghe tiếng còi điện lừng vang, thánh Phêrô vội vã mở cửa dẫn vào. Khi vị thánh giữ cửa thiên đàng chỉ cho bác tài xế của bà một tòa nhà đồ sộ, thì bà sung sướng nghĩ thầm: “Bác tài mà còn được ở một tòa nhà nguy nga tốt đẹp như thế ! Còn tôi chắc phải được một dinh thự sang trọng lộng lẫy đến chừng nào !” Và bà ta xoa tay vui sướng.
Ngờ đâu khi bác tài đi rồi, thánh Phêrô lại chỉ vào một túp lều lụp xụp ở góc vườn và nói:
- Đó là nhà của bà.
Người nhà giàu hốt hoảng, choáng váng đầu óc:
- Nhà của tôi đó thật sao ? Không, tôi không thể nào sống trong một căn lều tồi tàn xấu xí như thế được ?
Thánh Phêrô vân vê chòm râu bạc, trả lời giữa hai cái nháy mắt:
- Thưa bà, với vật liệu bà đã gởi lên cho tôi xưa nay, tôi chỉ làm được có ngần ấy thôi !
“Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. Đó là bất ngờ đau đớn cho “những kẻ đứng đầu”. Họ là những người được Chúa ban cho giàu có nhưng lại sống trong ích kỷ, chỉ biết thu vén cho mình những của cải đời này, mà không biết chia sẻ trao ban như luật yêu thương Chúa dạy. Chính tài sản đã làm họ vướng víu nên không thể qua “cửa hẹp” mà vào được Nước Trời.
“Những kẻ đứng đầu” có thể là những ai được Chúa ban cho địa vị, chức quyền, khôn ngoan, nhưng lại sống trong huênh hoang tự đắc. Thay vì dùng ơn lành Chúa ban để nâng đỡ anh em, phục vụ cộng đoàn, họ lại nuôi dưỡng tham vọng cá nhân. Chính cái tôi cồng kềnh đã làm họ vướng víu nên không thể qua “cửa hẹp” mà vào được Nước Trời.
“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Nếu Chúa đã bảo hãy “chiến đấu” tức là phải nỗ lực cố gắng thật nhiều, phải vất vả gian nan thật lâu, thì mới vượt qua được “cửa hẹp”. Nếu Chúa đã nhắc đến “cửa hẹp” thì phải hiểu là chỉ có những người bé nhỏ mới lách qua được, chỉ có những trẻ thơ mới vào được dễ dàng. Chúa phán: “Ai không tiếp nhận Nước Trời như một trẻ nhỏ thì không được vào”.
“Cửa hẹp dẫn đến sự sống”, cửa hẹp đưa vào bàn tiệc Nước Trời, nhưng không phải lúc nào cửa cũng mở: Sẽ đến giờ “chủ nhà đứng dậy và khóa cửa lại” thì không cách gì, không lý lẽ chi để cửa mở ra lại. Đó chính là lúc vô cùng bất hạnh cho những kẻ đến trễ: những kẻ mải mê tìm của cải danh vọng, thú vui phù du mà quên đi hạnh phúc vĩnh hằng ; những kẻ cậy dựa vào đạo dòng, vào các việc lành đã làm, vào tài đức đã đắc thủ mà quên đi Đấng mà họ phải kiếm tìm, để sống thân mật, để dâng hiến và để yêu mến Người với tất cả trái tim.
Ước gì chúng ta đừng đến lầm cửa, đó là cửa rộng thênh thang ; cửa tiền tài, sắc dục, hư danh ; cửa dẫn vào cái chết muôn đời. Cũng đừng đến mà cửa đã đóng kín để không phải nghe Chúa nói: “Ta không biết các anh từ đâu đến”.
Có thời người ta tưởng rằng Thiên Chúa chỉ cứu độ những người Do Thái và những ki-tô hữu: TN 21-C9
Có thời người ta tưởng rằng Thiên Chúa chỉ cứu độ những người Do Thái và những ki-tô hữu. Với thời gian và mặc khải, người ta hiểu hơn về Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương và cứu độ tất cả mọi người.
Thiên Chúa đâu của riêng ai
Lời Chúa trong bài đọc thứ nhất trích sách tiên tri Isaya cho thấy hình ảnh mọi dân tộc thuộc mọi ngôn ngữ được thấy vinh quang của Thiên Chúa. Không chỉ vậy, Thiên Chúa còn sai một số người thuộc những dân tộc này tới những dân tộc xa hơn để rao giảng loan truyền về Thiên Chúa. Ngài còn chọn những người thuộc những dân tộc này làm tư tế cho Ngài.
Dân Do Thái không là dân tộc duy nhất được Thiên Chúa thương yêu. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi dân tộc thuộc mọi ngôn ngữ ở mọi thời đại. Tư tưởng trong sách tiên tri Isaya tuy dù có từ thời xa xưa, nhưng rất tiến bộ và vượt xa nhiều tư tưởng của thời gần đây. Ngay ngày nay, vẫn còn nhiều người tưởng rằng Thiên Chúa chỉ yêu thương và cứu độ những người Công Giáo hoặc ki-tô hữu. Đúng là nếu ai cố tình từ chối Thiên Chúa và Đức Yêsu khi họ biết rõ, thì người đó bị loại khỏi Nước Thiên Chúa; còn những ai vì không biết hay lầm lẫn mà không trở thành người Công giáo hoặc ki-tô hữu, thì vẫn được cứu độ cho dù họ không theo một tôn giáo nào (Hiến chế Giáo Hội, số 16). Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả mọi người, cho dù người đó chưa nhận biết Ngài.
Hãy đọc ý nghĩa những gì xảy ra cho mình
Thiên Chúa yêu thương con người. Tuy nhiên không vì thế mà Thiên Chúa làm tất cả những gì con người ao ước. Những gì không tốt cho con người, Thiên Chúa sẽ không làm cho họ. Tuy nhiên, nếu có gì tốt mà thậm chí trái ý con người, Thiên Chúa vẫn làm cho con người.
Những trái ý và thập giá xảy tới cho con người, có thể được coi như những thử thách và bài học Thiên Chúa dạy dỗ con người. Hãy cố gắng để nhận ra điều Ngài muốn nói với mỗi người qua những gì xảy tới cho mình trong cuộc đời. Thử thách và trái ý, có giá trị riêng của nó. Hãy cố gắng tận dụng, để triển nở và hạnh phúc hơn.
Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp
Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ mọi người (1Tm.2, 4). Tuy vậy, được cứu độ hay không, cũng tuỳ thuộc con người. Hãy vào qua cửa hẹp. Nếu một người chọn thế gian và những xa hoa, không thể vào Nước Trời được.
Nếu không sống theo đường lối của Thiên Chúa hôm nay, lấy gì bảo đảm sẽ sống theo Chúa vào những giây phút cuối đời mình? Hiện tại là quan trọng. Thời gian của đời dương thế này rất quan trọng và không gì có thể thay thế được. Qua hành vi của con người trên dương thế này, người ta có thể giúp những người khác khi họ không còn làm gì được cho họ, như trường hợp những người bị thiểu năng, hoặc các linh hồn nơi luyện tội. Qua hành vi tại dương thế này, con người làm mình trở thành vĩnh cửu, làm mình trở thành thần, trở thành thánh.
Hãy vào qua cửa hẹp, là cách nói khuyến khích con người hãy sống theo lý trí, lương tâm, luật Chúa cũng như những gì là tốt lành. Đừng sống chỉ theo bản năng hoặc xúc cảm của mình. Hãy vào qua cửa hẹp, đòi người ta phải hy sinh và sống cho tha nhân, yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương con người.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Nếu không theo Công giáo cũng được cứu độ, vậy tại sao còn cần phải là người Công giáo? 2. Trở thành ki-tô hữu, có gì hơn người không theo một tôn giáo nào? 3. Đâu là lý chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người?
Đứng ở trước một căn biệt thự là hai người ăn xin. Họ đang tìm cách để đi vào xin ăn. Lý do: TN 21-C10
Đứng ở trước một căn biệt thự là hai người ăn xin. Họ đang tìm cách để đi vào xin ăn. Lý do mà họ còn do dự là bởi vì ở đằng trước cửa là một con chó to và dữ tợn đang gầm gừ. Một người nói với người kia, "Anh vô đi. Anh thấy không cái con chó đó nó đang sủa nhưng nó cũng đang vẫy đuôi." Người kia trả lời, "Đó là vấn đề. Tôi không biết nên tin cái nào!"
Trong cuộc sống, chúng ta phải đương đầu với nhiều khuynh hướng mẫu thuẫn nhau: loại bỏ hay chấp nhận, phá hủy hay xây dựng, chiến tranh hay hòa bình. Chúng ta đang suy nghĩ không biết nên tin vào điều gì. Chúng ta lưỡng lự! Chúng ta hỏi mình, "Làm sao tôi có thể thăng tiến cuộc sống của tôi trong cái thế giới đầy dẫy tội lỗi như thế này?" Chúng ta than phiền tại sao không có người nào làm cho thế giới nên tốt hơn. Thế nhưng các bạn có thấy không, 'người nào' đó chính là các bạn đấy. Các bạn chính là người hòa giải và người củng cố. Các bạn được gọi để làm công việc của Đấng Cứu Độ. Anh hùng được sai đi để làm công việc anh hùng. Con voi được sai đi để làm công việc của con voi. Con người được sai đi để làm công việc siêu nhiên.
C.B. Eavery, trong bài "Cấp Bậc của Sự Sống," viết, "Con người có ba cấp bậc sống: bậc con vật, bậc con người, và bậc siêu nhiên." Nếu bạn chọn sống bậc con vật thì bạn sẽ chỉ tìm thỏa mãn của thân xác và bạn sẽ không bao giờ được thỏa mãn với cuộc sống của bạn. Có lẽ một lúc nào đó thì bạn thích, thế nhưng bạn là một con người có lương tâm và linh hồn, và như thế các bạn không thể nào được thỏa mãn trong xác thể.
Nếu bạn chọn sống bậc con người, dựa trên những vật liệu để làm cho bạn được thỏa mãn, nhiều người sẽ giúp đỡ bạn. Bạn sẽ dùng sức mạnh của mình để giúp chính mình. Các hãng và công xưởng sẽ giúp bạn, thế nhưng khả năng của con người rất hạn hữu.
Nếu bạn chọn sống bậc siêu nhiên, dựa trên nền tảng thánh thiện để làm cho mình được no thỏa, thì bạn sẽ được Thiên Chúa giúp bạn... Thiên Chúa luôn luôn lúc nào cũng sẵn lòng giúp đỡ bạn, không phải chỉ có từng lúc, nhưng mọi lúc.
Bản tính của con người thường được người Mỹ ví như chiếc ghế ba chân. Chúng ta có thể tưởng tượng ra được khi một trong ba chân bị gẫy hoặc là ngắn hơn thì chiếc ghế sẽ ra sao rồi. Cũng giống như thế, nếu chúng ta chỉ lo chăm chuốt về thể xác mà quên đi tinh thần, hoặc quá lo về mặt tinh thần mà quên đi thể xác thì con người của chúng ta sẽ bị mất thăng bằng.
Bác sĩ Paul Tournier đã chia sẻ một câu truyện về một người đàn ông bị bệnh rất nặng sau cái chết của người con của ông: Khi tôi đến thăm người đàn ông đó, ông đang nằm ở trên giường. "Chào bạn, tôi đến đây để nói cho bạn biết bạn đang mắc phải cái chứng gì. Nguyên nhân làm cho bạn ra nông nỗi này là bởi vì cái chết của người con bạn. Bạn cảm thấy rằng chính mình là nguyên nhân. Vì thế, bạn đã tự trách mình và chạy trốn cuộc sống hiện tại. Bạn chạy trốn khỏi cuộc sống mà bạn không can đảm để đối diện. Bây giờ bạn đang đứng ở trước một con đường mà nó chia ra làm hai ngả. Một ngả là con đường buông xuôi mà các bác sĩ chúng tôi chẳng làm được gì để giúp đỡ bạn. Con đuờng thứ hai thì khó hơn bởi vì đó là con đường của Chúa Giêsu Kitô. Nếu bạn chọn con đường này thì bạn phải biết vác thánh giá mình mà đi theo Ngài. Con đường này đòi hỏi bạn phải biến đổi. Thế nhưng bạn sẽ không đi một mình, Chúa Giêsu sẽ luôn ở bên cạnh bạn." Sau khi bác sĩ ngừng lại thì người đàn ông liền đáp lại lời của bác sĩ, "Tôi chọn con đường Chúa Giêsu Kitô. Nhưng tôi cần giúp đỡ bởi vì tôi không biết phải làm gì" (Paul Tournier, "The Healing of Persons").
Nếu xét về bậc con vật và con người thì người đàn ông đó không thể nào có thể lấy lại tinh thần để sống bởi vì cả thể xác và tâm thần của ông đều bị kiệt quệ. Vấn đề của ông thuộc về mặt thiêng liêng. Ông đang cố gắng để đối diện với cái tai kiếp xảy ra cho người con yêu quí của ông.
"Lạy Chúa, có phải chỉ có một số người mới được cứu độ?" Ai có thể trả lời cho chúng ta câu hỏi này nếu không phải là Thiên Chúa. Thế nhưng điều mà chúng ta biết là Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và lúc nào cũng sẵn lòng để nâng đỡ để chúng ta sống một cuộc sống mới.
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp. Cửa hẹp khi thi vào đại học. Cửa hẹp khi đi xin việc làm: TN 21-C11
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp. Cửa hẹp khi thi vào đại học. Cửa hẹp khi đi xin việc làm. Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều. Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa, thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.
"Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp" (Lc 13,24), vì "cửa hẹp dẫn đến sự sống" (Mt 7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, với cái tôi cồng kềnh của mình, nặng nề vì những vun vén cá nhân, phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá. Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại, khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng. Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ, cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Để "người lớn" trở nên hồn hậu như trẻ thơ, cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Đây thật là một cuộc chiến với chính mình. Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng. Họ gõ cửa và đòi vào. Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc, bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Đức Giêsu, và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy. Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ: "Ta không biết các anh từ đâu đến!"
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy, dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm... Chúa vẫn không quen biết chúng ta vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình. Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục. Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ. Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban, nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa, nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên: "Đây là đầy tớ tốt lành và trung tín."
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn thấy để sống đời Kitô hữu xứng đáng, dễ hay khó? Có khi nào bạn thấy khó đến độ không thực hiện nổi không? Nước Thiên Chúa được ví như một bữa tiệc vui, trong đó có muôn người từ khắp nơi trên thế giới đến dự. Bạn có hình ảnh nào khác để gợi mở về Thiên Đàng không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá, xin cho con dám liều theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm cho tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa.
Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên hôm nay vẫn theo Phúc Âm Thánh Luca: TN 21-C12
Bài Phúc Âm Chúa Nhật
XXI Mùa Thường Niên hôm nay vẫn theo Phúc Âm Thánh Luca, đúng như chu kỳ Năm C của mình, chứ không như chu kỳ Năm B theo Phúc Âm Thánh Marcô đã được Giáo Hội thay bằng Phúc Âm Thánh Gioan, từ Chúa Nhật 17 đến Chúa Nhật 21 tuần này, với chủ đề về Bánh Hằng Sống bởi trời xuống, trích nguyên đoạn thứ sáu của Phúc Âm thứ bốn này. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng bỏ phần cuối của đoạn 12 về những dấu chỉ thời đại, và nhẩy sang đoạn 13, và chỉ lấy ở đoạn 13 này có tám câu, từ cầu 22 đến 30, sau đó lại bỏ 4 câu cuối của đoạn này để nhẩy sang đầu đoạn 14 vào Chúa Nhật XXII tuần tới. Đó là dấu chứng tỏ cho chúng ta thấy bài Phúc Âm bao giờ cũng phải phản ảnh ý hướng của Mùa Phụng Vụ. Vậy để tiếp theo ý nghĩa về “Lửa” Thánh Linh của bài Phúc Âm Chúa Nhật XX tuần trước, bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C tuần này muốn nói gì, phải chăng đến việc “hãy gắng mà vào qua cửa hẹp”? Thật ra, nếu đối chiếu với hai bài đọc một và hai trong phần Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C hôm nay, chúng ta thấy bài đọc một theo Sách Tiên Tri Isaia chỉ hợp với phần cuối của bài Phúc Âm và bài đọc hai theo Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Do Thái lại chỉ hợp với phần đầu của bài Phúc Âm. Trước hết, bài đọc một theo Sách Tiên Tri Isaia chỉ hợp với phần cuối của bài Phúc Âm ở chỗ, cả hai đều nói đến ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Theo Sách Tiên Tri Isaia trong bài đọc một thì ý định cứu độ phổ quát này được bộc lộ qua lời Chúa phán: “Ta đến để qui tụ các dân tộc của đủ mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta… Ta sẽ sai những kẻ đào thoát … đến với các dân nước… đến các bờ cõi xa xăm chưa hề nghe nói về Ta hay chưa thấy vinh quang của Ta…”, và ý định cứu độ phổ quát này cũng được Chúa Giêsu xác nhận trong bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay: “Người ta sẽ từ đông sang tây, từ bắc chí nam đến ngồi vào chỗ của mình trong bữa tiệc vương quốc Thiên Chúa”. Nếu bài đọc một hợp với phần cuối của bài Phúc Âm thì bài đọc hai theo Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Do Thái lại chỉ hợp với phần đầu của bài Phúc Âm, liên quan đến nỗ lực con người cần phải đáp ứng ý định cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa. Nếu Chúa Kitô khuyên dạy người Do Thái trong bài Phúc Âm hôm nay là “hãy gắng qua cửa hẹp mà vào”, thì Thánh Phaolô cũng kêu gọi Giáo Đoàn Do Thái thế này: “Anh em hãy chịu đựng những gian nan thử thách như người môn đệ của Thiên Chúa, Đấng đối xử với anh em như con cái… Vậy anh em hãy kiên cường lên bàn tay rụng rời của mình và đầu gối bại nhược của anh em”.
Như thế, căn cứ vào cả ba bài đọc trong Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C hôm nay, chúng ta thấy có hai vấn đề chính yếu, đó là vấn đề ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa và vấn đề nỗ lực con người cần phải đáp ứng ý định cứu độ phổ quát này của Ngài. Tuy nhiên, theo Lời Chúa Giêsu mạc khải trong bài Phúc Âm hôm nay thì hình như vấn đề cứu độ không phải chỉ vỏn vẹn và đơn giản có thế, nghĩa là chỉ cần Thiên Chúa muốn cứu độ con người và chỉ cần con người nỗ lực đáp ứng là xong, là đủ. Đó là lý do, để trả lời cho vấn nạn của một người đặt ra trên đường Người lên Giêrusalem, về vấn đề: “Phải chăng có ít người được cứu độ?”, Chúa Giêsu chẳng những đã nhấn mạnh đến việc con người cần phải đáp ứng ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, khi Người phán: “Quí vị hãy gắng qua cửa hẹp mà vào”, mà còn nhấn mạnh đến cả yếu tố đặc biệt khác nữa, qua lời khẳng định: “Tôi bảo cho quí vị biết: nhiều người sẽ cố vào mà không được”. Ở đây, Chúa Giêsu không nói “ít người” mà là “nhiều người”, và Người cũng không nói “nhiều người” ấy “muốn vào” mà là “cố vào”, tức là không phải “nhiều người” ấy chỉ muốn xuông mà còn hết sức thực hiện ý muốn được cứu độ của mình nữa.
Vậy “nhiều người” ấy đã tỏ ra “cố vào” bằng cách nào, nếu không phải, như Chúa Giêsu cho biết tiếp trong bài Phúc Âm qua lời họ tự biện hộ cho mình trước tòa phán xét chí công khi thấy mình hoàn toàn bị xua đuổi loại trừ: “Chúng tôi đã ăn uống chung với Ngài. Ngài đã dạy dỗ chúng tôi nơi phố xá”. Vậy, yếu tố vô cùng thiết yếu để được cứu độ đây không phải chỉ là “ăn uống với Ngài”, như kiểu Kitô hữu Công Giáo chúng ta năng xưng tội rước lễ, cũng không phải như anh em Kitô hữu Tin Lành chỉ nghe “Ngài đã dạy dỗ chúng tôi nơi phố xá”, những lời đã được ghi chép lại trong Thánh Kinh, mà còn là và chính là ở tại việc nhận biết Đấng mà họ “đã ăn uống chung với Ngài” và đã nghe “Ngài dạy dỗ nơi phố xá”. Thật thế, còn ai hơn các vị tông đồ là những người được diễm phúc “ăn uống chung với Ngài” và nghe “Ngài dạy dỗ”, chẳng những nghe “Ngài dạy dỗ nơi phố xá”, nghĩa là chung với dân chúng, mà còn “dạy dỗ” riêng tư nữa, và chẳng những một năm mà là ba năm liền. Ấy thế mà cuối cùng, các Phúc Âm cho chúng ta biết, một vị quay ra phản nộp Thày, tất cả mọi người đào tẩu khi thấy Thày bị bắt, nhất là vị đầu đàn công khai trắng trợn chối bỏ Thày.
Bởi thế, dù có “ăn uống chung với Ngài” và có được nghe “Ngài dạy dỗ”, nếu tận thâm tâm không thực sự nhận biết Ngài như Ngài mạc khải cho biết, thì cuối cùng chúng ta vẫn bị Ngài tuyên bố vĩnh viễn ruồng bỏ: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”. Chưa hết, để thành phần hư đi này thấy được lý do chính đáng tại sao Ngài ruồng bỏ họ, dù họ đã “ăn uống chung với Ngài” và đã nghe “Ngài dạy dỗ”, ngay sau khi tuyên phạt họ, Ngài liền cho họ biết thành phần được cứu độ như sau: “Ở đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng khi thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả mọi tiên tri an lành trong vương quốc của Thiên Chúa…”. Qua việc điểm mặt chỉ tên thành phần được cứu độ như thế, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho riêng dân Do Thái và chung Kitô hữu chúng ta biết yếu tố cứu độ quyết liệt, đó là con người cần phải có Đức Tin Thần Linh, vì thành phần được Chúa Giêsu điểm mặt chỉ tên quả đã sống đức tin, như Thánh Phaolô nhắc lại để làm gương trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái đoạn 12 từ câu 8 đến 19 về Abraham, câu 20 về Isaac, câu 21 về Giacóp, và từ câu 35 đến 37 về các tiên tri. Vậy “hãy gắng mà vào qua cửa hẹp” đây có thể được chuyển dịch là “hãy gắng sống đức tin”.
Nếu thành phần được cứu độ chỉ có thế, chỉ đếm được trên đầu ngón tay như thế, thì quả thực những kẻ được cứu rỗi thật là hiếm hoi ít ỏi. Tuy nhiên, ngoài những thành phần tiêu biểu được cứu rỗi trong Dân Chúa thuộc về Cựu Ước này, Chúa Giêsu, ngay sau đó, còn thêm trong bài Phúc Âm hôm nay là: “Người ta sẽ từ đông sang tây, từ bắc chí nam đến ngồi vào chỗ của mình trong bữa tiệc vương quốc Thiên Chúa”. Như thế thì thành phần được cứu độ cũng nhiều chứ không ít. Thế nhưng, thành phần Dân Ngoại thuộc Tân Ước này sẽ được cứu độ như thế nào, nếu không phải, trước hết, chẳng những bởi ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa mà còn bởi ý muốn tự do chọn lựa của Thiên Chúa nữa. Đó là lý do hiện hữu và là tất cả ý nghĩa của lời Chúa Giêsu kết thúc bài Phúc Âm hôm nay: “Có những người sau hết sẽ lên trước hết và có những người trước hết sẽ thành sau hết”. Thành phần “sau hết sẽ nên trước hết” này không phải là thành phần Dân Ngoại hay sao? Điển hình nhất là trường hợp của ba chiêm gia Đông phương, những người chưa hề “ăn uống chung với Ngài” hay nghe “Ngài dạy dỗ” như dân Do Thái trong Mạc Khải Cựu Ước, thế mà họ cũng từ xa đến để triều bái “vua Do Thái mới sinh”, như Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại ở đoạn 2 từ câu 1 đến 12; trong khi đó, cũng Phúc Âm này cho biết, chính dân Do Thái, nhờ Mạc Khải Cựu Ước của mình, biết được nơi “vua Do Thái mới sinh” là “ở Bêlem xứ Giuđa”, song họ chỉ thông báo cho dân ngoại biết thôi, chứ họ không tin, nên không đến, thậm chí có đến không phải để triều bái Ngài như ba nhà chiêm gia Đông phương, mà là để tiêu diệt vị hài vương này. Phải chăng chính vì thế Chúa Giêsu đã ám chỉ họ là thành phần “trước hết sẽ thành sau hết”?
Vậy nếu bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C hôm nay chính yếu nói về thành phần được cứu độ và lý do hay yếu tố khiến họ được cứu độ, thì ý ngghĩa của bài Phúc Âm hôm nay liên hệ với ý nghĩa của bài Phúc Âm về “Lửa” Thánh Linh tuần trước ra sao? Theo tôi, ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI tuần này tiếp tục ý nghĩa của bài Phúc Âm Chúa Nhật XX tuần trước trong việc phản ảnh chủ đề phụng vụ trong Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh. Ở chỗ, nếu “không ai có thể tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa nếu không có Thánh Thần”, như Thánh Phaolô xác tín trong Thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô, được Giáo Hội lập lại trong bài đọc hai của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, mà yếu tố tối khẩn để được cứu độ là Đức Tin Thần Linh, bởi thế, dù là dân Do Thái hay Dân Ngoại, muốn được cứu độ, ai cũng phải có “Lửa” Thánh Linh do Chúa Kitô mang xuống từ trời, và là một thứ “Lửa” đã được Người chính thực thắp lên bằng Cuộc Vượt Qua của Người, trước hết, nơi các tông đồ khi Người sống lại từ trong cõi chết, rồi sau đó, qua các Vị Tông Đồ Chứng Nhân Tiên Khởi này, cũng như các Vị Chứng Nhân Đức Tin Tông Truyền, Người vẫn tiếp tục thắp lên trong lòng người trên khắp thế gian, cho đến khi Người lại đến trong vinh quang.
Vấn đề thực hành sống đạo: Lời Chúa Giêsu khuyên dạy “hãy gắng mà vào qua cửa hẹp” trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXI Mùa Thường Niên Năm C Hậu Phục Sinh hôm nay có thể được chuyển dịch là “hãy gắng sống đức tin”, bằng không tất cả mọi việc chúng ta làm, như “ăn uống chung với Người” qua việc xưng tội rước lễ, hay như tác động nghe “Người giảng dạy”, qua việc đọc Thánh Kinh chẳng hạn, tự chúng cũng không thể cứu độ chúng ta. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu không có đức tin, chúng ta đã không xưng tội rước lễ hay đọc Thánh Kinh là những gì siêu nhiên và thiêng liêng giúp chúng ta có thể giao tiếp với “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24). Vậy làm thế nào để biết mình lúc nào đang thực sự sống đức tin, bằng những việc tỏ ra bề ngoài , và lúc nào thực hiện những việc làm đức tin bề ngoài ấy mà lại phi đức tin, để có thể tránh khỏi số phận: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt Ta”.
Giáo trưởng Meir của người Do thái có viết: "Để được cứu rỗi, người ta phải cư ngụ trên đất: TN 21-C13
Giáo trưởng Meir của người Do thái có viết: "Để được cứu rỗi, người ta phải cư ngụ trên đất nước Israel, nói tiếng Do thái là ngôn ngữ thánh, và sáng chiều đọc kinh Shema". Có lẽ ý tưởng này xuất phát từ quan niệm "tự tôn chủng tộc" của một số trường phái vốn từng hiện diện trong thời Chúa Giêsu. Theo họ, ai có gốc Do thái đều được cứu độ hết.
Riêng những thành phần bị ảnh hưởng của cuốn mạo thư Esdra thì tin tưởng rằng số người được cứu thoát sẽ không nhiều lắm.
Nhưng dù với quan niệm nào đi nữa, người Do thái vẫn không thể hình dung hay chấp nhận được việc dân ngoại bước vào trong Nước Thiên Chúa. Thế nên, trên con đường tiến lên Giêrusalem, đang khi Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng và môn đệ về Tin mừng Nước Trời, một người Do thái, không rõ thuộc thành phần nào, đã đến xin Ngài giải đáp thắc mắc: "Phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?"
Theo nhận xét của nhà chú giải Kinh thánh Noel Quesson, thì đây là một câu hỏi nóng bỏng và luôn hiện thực. Ông viết: "Một câu hỏi rất nhân bản, căng phồng giòng máu của những quan hệ tình cảm con người. Bởi vì làm sao tôi có thể hưởng hạnh phúc trên trời nếu những người thân yêu không có ở đó? Một câu hỏi rất tự nhiên! Bạn chớ đến dự tiệc Nước Trời một mình; trên những nẻo đường bạn đi, hãy cao rao Tin mừng, vì Lời Chúa hứa là bánh được ban để ta chia sẻ với mọi người. Bất kỳ ai không ước ao "tất cả" đều được cứu, chính người ấy không hoàn thành luật của Nước Thiên Chúa là tình yêu phổ quát".
Thế nhưng thay vì trả lời trực tiếp cho câu hỏi rất tự nhiên và chân thành đó, Đức Giêsu lại đưa con người vào một sự chọn lựa đầy tính chiến đấu: "Hãy cố gắng đi qua cửa hẹp". Đức Giêsu không bảo số người được cứu sẽ ít hay nhiều như một sự sắp sẵn hoặc tiền định của Thiên Chúa, nhưng Ngài mời gọi nơi con người một cuộc phấn đấu quyết liệt để đạt đến sự sống muôn đời.
Không phải vì Đấng Cứu Thế không thể xác định con số những ai được cứu thoát, nhưng vì Ngài không muốn đặt người ta vào tình trạng dửng dưng hoặc kinh hoàng. Bởi vì nếu câu trả lời là "mọi người đều lên trời" thì coi chừng một sự buông thả, không còn gì phải lo lắng bị mất phúc đời đời. Còn nếu câu trả lời là "rất ít người được cứu độ" thì liệu mình nhọc công tổn sức mà có chắc được gì hay không?
Tuy nhiên, như Thánh Phaolô xác quyết, "Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta muốn cho mọi người được cứu rỗi" (1 Tim 2:4). Và Đức Giêsu thì nói: "Cha các ngươi Đấng ngự trên trời, không hề có ý để hư đi một người nào trong những kẻ bé mọn này" (Mt 18:14). Như thế, ơn Chúa không hề giới hạn theo khu vực, chủng tộc, số lượng, song là tuôn trào đến khắp mọi nơi và cho hết mọi người. Nhưng như thế không có nghĩa là người ta "bị" cứu độ. Trái lại họ luôn có tự do để đón nhận hay từ khước. Một chiếc ly không thể chứa được những giọt nước tươi mát của trời cao nếu như chẳng bao giờ ngữa miệng ly lên để hứng. Cũng thế, để hưởng được thành quả của ơn thiêng, người ta phải mở rộng tấm lòng và hướng về cùng Thiên Chúa.
Mặc dầu Máu Đức Kitô có khả năng đem lại sự tha thứ cho mọi người, nhưng nếu tôi không tiếp nhận thì ơn giải thoát cũng không thể thấm đượm tâm hồn. Thế nên, khả năng cứu độ thì bao trùm tất cả, nhưng hiệu năng thì tuỳ thuộc vào nhiệt tâm đáp trả của mỗi người.
Câu trả lời của Đức Giêsu đã chuyển cái nhìn từ số lượng qua chất lượng. Không phải là chuyện ít hay nhiều, nhưng là có năng nổ chiến đấu để giành cho được hạnh phúc Nước Trời hay không.
Không thể mang ảo tưởng: có đạo là tự động vào thẳng thiên đàng. Cũng không phải cứ "lạy Chúa, lạy Chúa" mà đã trở thành người Kitô hữu chính danh, song tôi phải anh dũng như các chiến binh chống lại kẻ thù ma quỉ, thế gian, và xác thịt.
Cuộc đời có biết bao lôi cuốn cam go, nhưng chỉ khi can đảm, không thoả hiệp hay nhân nhượng với kẻ thù, người ta mới có thể nói được như Phaolô: "Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; đã chạy đến cùng đường; kiên vững trong lòng tin. Giờ đây, triều thiên công chính được dành sẵn cho tôi, và Thiên Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi Ngài xuất hiện" (2 Tim 4:6-8).
Lắm khi để huấn luyện tôi nên người chiến binh dũng mạnh hầu chiến đấu đến cùng đường, Thiên Chúa cũng phải "quở trách… sửa dạy…và đánh đòn" (Dt 12:5-6). Âu cũng "vì thương con nên cho roi cho vọt" và "có gian nan mới tạo chí anh hùng".
Trong nhiều bộ lạc Da đỏ Mỹ Châu hay có nghi thức huấn luyện và thu nhận thiếu niên vào hàng ngũ trai tráng trong làng như sau: khi mặt trời sắp lặn, người bố sẽ dắt đứa con của mình vào sâu trong một cánh rừng. Đứa bé được trao cho một cây lao với lời nhắn nhủ: "Con sẽ ở một mình trong rừng đêm nay". Sau đó người bố rút lui.
Màn đêm buông xuống rất nhanh. Không gian chập chờn với bao tiếng gầm rú rùng rợn. Người ta dễ có cảm tưởng đang bị thú dữ rình chờ tấn công. Thỉnh thoảng, vài tiếng vỗ cánh của chim ăn đêm cũng có thể làm cho người yếu vía giật mình. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mỗi giây phút là cả một khoảng dài vô định.
Nhưng cuối cùng, màn đêm cũng rút đi. Bầu trời từ từ hừng sáng. Nỗi sợ hãi trong đứa bé cũng phai mờ theo. Từ trong một lùm cây, một bóng người xuất hiện: cha của đứa bé. Đứa bé nhận ra và vui mừng chạy đến ôm chầm lấy bố, reo lên: "Bố đã trở lại". Người cha hãnh diện khi thấy con mình trải qua đêm đen như một người trưởng thành. Đứa bé không hề biết rằng suốt đêm qua cha nó không ngừng trông chừng nó.
Để trở thành chiến binh anh dũng trên mặt trận đức tin, lắm khi tôi cũng phải chấp nhận bao thách đố trong bóng đêm cuộc đời. Những đe doạ của sự dữ, gầm rú của khổ đau, rình chờ của xác thịt như những phương thế giúp tinh luyện lòng tôi thêm can trường dũng mạnh. Và trong suốt chiều dài của những bóng đêm đó, dù tôi có ý thức hay không, Thiên Chúa vẫn luôn bên cạnh dõi mắt trông nhìn.
Có lẽ những khi "bóng đêm" buông xuống lại chính là những lúc tôi được gần Thiên Chúa hơn hết. Nhưng liệu tôi có biết lợi dụng nó như một dịp đi qua cửa hẹp để bước vào cung lòng yêu thương của Thiên Chúa hay không?
Tôi không thể nào quên những ấn tượng đầu tiên trong những ngày mới tới nước Đức. Khi đi lễ: TN 21-C14
Tôi không thể nào quên những ấn tượng đầu tiên trong những ngày mới tới nước Đức. Khi đi lễ tôi chỉ thấy những ông bà cụ già trong nhà thờ. Trẻ con và thanh niên không biết đi đâu? Ít lâu sau tôi được biết: Đại đa số không còn thường xuyên đi lễ ngày chúa nhật. Nhưng mỗi lần đi lễ họ lên rước lễ. Đời sống đạo ở tây phương không thể nào so sánh với những nơi khác! Tuy vậy, tôi vẫn tự hỏi trong thâm tâm giống như xưa có kẻ đã hỏi Đức Giêsu: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? "
Nếu như chúng ta đọc đi đọc lại, quan sát một cách tỉ mỉ bài Phúc âm hôm nay, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên trước những giải đáp của Đức Giêsu. Ngài không trực tiếp trả lời, cũng không thỏa mãn những hiếu kỳ của chúng ta về số phận của những người sống chung quanh chúng ta sau khi chết, cũng không đưa ra những tiên đoán vu vơ về ngày tận thế. Điều quan trọng đối với
Đức Giêsu chính là giây phút hiện tại, số phận của mỗi người trong chúng ta.
Câu trả lời của Đức Giêsu đòi hỏi các tông đồ năm xưa cũng như chúng ta ngày nay phải ra công gắng sức nhiều hơn. Ngài nói rằng: Nếu như chúng ta nghĩ rằng, chúng ta thuộc về phần thiểu số được cứu vớt, thì chúng ta phải dùng toàn bộ khả năng và sức lực của mình để có thể đi qua cửa hẹp. Đừng tốn phí thời giờ để ngồi đoán xét dông dài người này người kia, chuyện này chuyện nọ. Ích lợi gì khi chính mình bị luận phạt, bị khổ ải trầm luân! ...
Đức Giêsu biết rằng, Thiên Chúa nhân hậu từ bi khôn lường. Ai hoàn toàn phó thác mình trong bàn tay đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, kẻ đó sẽ biết rõ hơn ai hết. Đức Giêsu nhìn thấy cửa trời mở ra, Thiên Chúa sẵn sàng đón tiếp chúng ta vào chung hưởng phúc thiên đàng, nhưng cửa rất hẹp. Ai đi đường rộng thênh thang, sống tự do phóng túng sẽ không thể nào đạt đến đích.
Rabbi Baruka, một người thông thạo Kinh thánh, đã kể một ngụ ngôn do thái như sau: Ông thường ra ngoài công trường. Một hôm tiên tri Êlia hiện ra trước mặt ông. Ông hỏi ngài: Trong đám đông này có người nào được chung hưởng hạnh phúc nước trời không? Êlia trả lời: Không có ai cả! Một lúc sau xuất hiện hai người tại công trường. Êlia nói với ông: Hai người này sẽ được vào thiên đàng. Rabbi Baruka liền hỏi hai người mới tới: Các anh làm nghề gì? Họ trả lời: Chúng tôi là vua hề. Khi chúng tôi thấy ai đó có vẻ buồn bã, chán đời thì chúng tôi tìm cách làm cho kẻ ấy vui vẻ trở lại. Khi chúng tôi thấy hai người tranh chấp cãi cọ, thì chúng tôi giúp họ làm hoà với nhau.
Tôi thiết tưởng câu chuyện này có phần giống như lời của Đức Giêsu. Ngài đòi hỏi chúng ta phải tận sức để có thể đi qua cửa hẹp. Có lẽ đến một lúc nào đó thì cánh cửa chật hẹp này sẽ bị khoá lại. Không phải chỉ có dân gian ác, trộm cướp không được vào, mà cả những kẻ tự cho rằng mình thuộc thành phần gia giáo, chẳng cần cố gắng cũng được vào. Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy một viễn tượng mới: Có nhiều người từ bắc chí nam, từ đông sang tây sẽ được vào chung hưởng hạnh phúc nước trời. Khổ một điều là: liệu chúng ta có ở trong số đó không? Tuy cánh cửa chật hẹp, nhưng Thiên Chúa không chịu thua lòng quảng đại của chúng ta. Ngài luôn luôn rộng tay chúc phúc và đón chờ chúng ta. Một khi chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức, sẵn sàng yêu mến và tôn trọng người khác như chính mình thì chúng ta tin rằng, hạnh phúc lớn lao đang chờ đợi chúng ta ở cuối chân trời bên kia.
Câu Kinh Thánh «Hãy đi đường hẹp… Đừng đi đường rộng» có thể áp dụng cho «những con: TN 21-C15
1. Câu Kinh Thánh «Hãy đi đường hẹp… Đừng đi đường rộng» có thể áp dụng cho «những con đường nên thánh» không? Áp dụng thế nào?
2. Nên thánh bằng con đường rộng, và bằng con đường hẹp là gì? Suy tư gợi ý:
1. «Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào»
Thông thường, ai cũng thích đi vào những con đường rộng rãi, cao cấp, vì tại đó có thể đi bằng những loại xe lớn, mắc tiền, tốc độ cao, có thể phóng xe thoải mái, đỡ mệt trí. Không mấy ai thích đi đường hẹp, nhỏ, vì chỉ có thể đi bằng xe nhỏ hay đi bộ, vừa mệt lại vừa chậm chạp.
Cũng vậy, để đạt tới sự thánh thiện, theo tâm lý tự nhiên, ai cũng thích đi con đường rộng, vừa làm những việc lớn lao, tiếng tăm lừng lẫy, được mọi người coi là vĩ đại, tôn là thần thánh, vừa đỡ phải hy sinh, đỡ chịu thiệt thòi, vừa có danh, lợi, quyền, nhờ đó được hưởng biết bao ưu đãi, đặc quyền đặc lợi mà thế gian dành cho… Biết bao người muốn nên thánh bằng con đường «siêu xa lộ» này. Người chủ trương nên thánh kiểu này chủ trương rằng phải nên thánh làm sao để được hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Quả là một tính toán hết sức khôn ngoan… kiểu trần gian! Chẳng mấy ai muốn nên thánh bằng con đường hẹp, nhỏ, là con đường làm những việc nhỏ bé, tầm thường, âm thầm, vừa phải hy sinh nhiều mà chẳng được ai biết đến, lại chẳng được chút ưu đãi gì của trần gian. Quả là thiệt thòi nhiều chuyện!
Nhưng Đức Giê-su dạy chúng ta, đương nhiên ngay cả trong việc nên thánh, rằng hãy đi con đường nhỏ hẹp, khiêm nhu, ít người thích đi. Điều hết sức nghịch lý nhưng lại rất chí lý là con đường nhỏ hẹp ấy đem lại nhiều kết quả cho việc nên thánh đích thực hơn là con đường rộng rãi thênh thang. Vì đặc trưng của việc nên thánh là như vậy. Muốn nên thánh mà lại muốn đi vào đường lớn, muốn làm những việc to tát để ai cũng biết tiếng, để có được những thứ mà người trần gian thường ao ước! Coi chừng kẻo mình đang làm mọi sự vì mình, vì vinh danh mình, vì lòng kiêu ngạo, để làm phình to bản ngã, chứ không phải vì vinh danh Chúa hay vì yêu mến Chúa và vì lợi ích của tha nhân. Mang tiếng là vì Chúa, cho Chúa, nhưng thực ra là vì mình tất cả! Chúa chỉ là phương tiện phục vụ cho những mục đích của mình! Chính vì thế, con đường thênh thang rộng rãi đầy «mầu mè thánh thiện» này nhiều khi lại dẫn đến đổ vỡ trước mặt Thiên Chúa. Sự đổ vỡ ấy được đề cập đến ngay trong bài Tin Mừng này.
2. Một sự đảo ngược không ngờ
Những người muốn nên thánh kiểu «khôn ngoan» kia thường nghĩ rằng: đời này mình được thần thánh hóa, được mọi người tôn vinh, nể trọng, kính phục, ắt đời sau mình cũng là một nhân vật đáng kể ở trên trời. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho thấy vào «ngày ấy», có một sự đảo lộn không ngờ được: «Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót». Đứng chót cũng còn đỡ, bài Tin Mừng còn cho thấy một viễn ảnh đen tối hơn: «Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài». Đương nhiên sẽ có biết bao người lấy làm lạ, vì thấy mình đã làm cho Chúa biết bao nhiêu điều to tát ở trần gian. Họ hỏi Chúa: «Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi». Hoặc «Nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?» (Mt 7,22). Nhưng câu trả lời của Chúa thật như tát vào mặt họ một cách bất ngờ: «Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!» Thật ít ai hiểu được tại sao những người mà trần gian tưởng rằng đầy công nghiệp trước mặt Chúa lại bị Chúa trả lời phũ phàng và «vô ơn» đến như vậy!
3. Muốn nên thánh, hãy chọn con đường nhỏ hẹp mà đi
Bài Tin Mừng trên quả thật đáng làm cho chúng ta ngạc nhiên và suy nghĩ, nhất là những người Ki-tô hữu đang theo lý tưởng nên thánh. Liệu sự đảo lộn ấy có áp dụng ngay trên chính bản thân ta không? Điều quan trọng là chúng ta cần xác định xem mình đang đi trên con đường loại nào để nên thánh? Đường nhỏ hay đường lớn? Đường mòn hay xa lộ? Nếu chúng ta thật sự muốn thành công trong việc nên thánh, hãy cẩn thận, đừng ham con đường rộng rãi, «vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó» (Mt 7,13). Hãy chọn con đường nhỏ hẹp, vì «cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy» (Mt 7,14). Nhưng thế nào là nên thánh bằng con đường rộng? Và thế nào là nên thánh bằng con đường hẹp?
Ta đang đi trên đường rộng, nếu ta vừa muốn nên thánh, mà lại vừa muốn và tìm cách dùng sự nên thánh ấy để hưởng được ít nhiều những thứ mà mọi người thế tục mong ước: quyền lực, tiếng tăm, địa vị, tiền bạc, được ca tụng, tôn vinh, quí trọng, được thần thánh hóa, được mọi người coi là đạo đức thánh thiện, được ưu đãi trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội bất chấp tài đức hèn mọn của mình, được ăn ngon mặc đẹp, và những thú vui trần tục khác. Những người nên thánh kiểu này có thể làm rất nhiều việc được coi là đạo đức, tốt đẹp, thậm chí dạy mọi người nên thánh nữa. Họ thường có vẻ bên ngoài rất thánh thiện, đạo mạo. Đức Giê-su nói về họ: «Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có (…) những kẻ bây giờ đang được no nê (…) những kẻ bây giờ đang được vui cười (…) được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế» (Lc 6,24-26). Các nhà tu đức thường nói về họ: «sanctus videtur sed non est» (có vẻ thánh mà thực ra không phải). Vì họ phải như thế thì mới được mọi người nghĩ họ là thánh! Đặc tính không dấu được của những người này là để lộ ra «cái tôi» rất lớn của mình! Họ khó có thể chấp nhận có ai xúc phạm đến họ. Và họ không bao giờ dám dấn thân vào những gì nguy hiểm đến sự sống còn, đến địa vị hay nồi cơm của họ, khi lý tưởng «vì Chúa vì tha nhân» và tư cách «thánh thiện» của họ đòi hỏi!
Ta đang đi trên đường hẹp, nếu ta muốn nên thánh mà không ham được ai biết đến, cũng không tìm cách dùng cái «vẻ thánh thiện» của mình để hưởng được những thứ «hấp dẫn» trần tục ấy. Đặc tính dễ nhận ra của những người này là họ coi «cái tôi» của họ rất nhỏ! Không cảm thấy có vấn đề gì lớn khi bị ai xúc phạm, hiểu lầm. Họ không thích làm ra vẻ thánh thiện, đạo mạo. Và họ cũng sẵn sàng hy sinh khi lý tưởng vì Chúa vì tha nhân đòi hỏi. Các nhà tu đức thường nói về họ: «sanctus non videtur sed est» (không có vẻ thánh nhưng lại là thánh).
4. Hãy tự xét mình để đừng ảo tưởng về mình
Quả thật, nhiều khi chúng ta tưởng mình rất tốt lành trước mặt Thiên Chúa, chỉ vì ta đã làm được biết bao việc tốt lành, nhiều hơn biết bao người khác! Vì những việc tốt đẹp ấy, biết bao người đã nể phục, kính trọng ta, khen ta là thánh thiện, tốt lành, đạo đức. Nhưng có bao giờ ta tự hỏi: trước con mắt của Thiên Chúa, ta cũng được đánh giá tốt lành như người chung quanh ta đánh giá không? Ta làm được biết bao việc tốt lành, nhưng động lực gì thúc đẩy ta làm những việc ấy? Vì yêu Chúa thương người khác được bao nhiêu phần trăm? Hoặc làm để được tiếng khen, để tạo uy tín, để được kính nể, để nhờ đó ta được bề trên và nhiều người tín nhiệm hơn, được lên chức, được nắm nhiều quyền hơn, vì sự khôn ngoan trần gian đòi buộc như thế… bao nhiêu phần trăm? Nếu thành thực với lòng mình, nhiều khi ta thấy mình vì Chúa, vì người khác rất ít, mà vì mình thì rất nhiều. Hãy coi chừng kẻo ta đang muốn nên thánh bằng con đường rộng rãi thêng thang, tuy được người trần gian ca tụng là thánh thiện, được thế gian tôn trọng ưu đãi, nhưng trước mặt Chúa lại là con số không to tướng! Cần luôn tỉnh thức và hồi tâm xét lại những động cơ của mình!
Cầu nguyện
Lạy Cha, thế lực xấu ở ngay trong bản thân con thật tài tình! Nó có thể đánh lừa chính con ngay cả trong việc cao cả nhất là việc nên thánh. Nó làm con tưởng rằng mình đang tiến bộ rất nhanh trên con đường nên thánh, vì làm được biết bao việc tốt lành cho Chúa và tha nhân! Nhưng thực ra con đang xây dựng cho vinh quang của con trước mặt người đời. Con đã ăn cắp vinh quang của Cha để hưởng cho con. Xin cho con biết phản tỉnh sâu xa để nhận ra tình trạng tệ hại ấy, và trở lại với con đường nên thánh nhỏ bé mà Cha muốn con đi. Amen.
Thông thường, ai cũng thích đi vào những con đường rộng rãi, cao cấp, vì tại đó có thể đi bằng: TN 21-C16
Thông thường, ai cũng thích đi vào những con đường rộng rãi, cao cấp, vì tại đó có thể đi bằng những loại xe lớn, mắc tiền, tốc độ cao, có thể phóng xe thoải mái, đỡ mệt trí. Không mấy ai thích đi đường hẹp, nhỏ, vì chỉ có thể đi bằng xe nhỏ hay đi bộ, vừa mệt lại vừa chậm chạp.
Cũng vậy, để đạt tới sự thánh thiện, theo tâm lý tự nhiên, ai cũng thích đi con đường rộng, vừa làm những việc lớn lao, tiếng tăm lừng lẫy, được mọi người coi là vĩ đại, tôn là thần thánh, vừa đỡ phải hy sinh, đỡ chịu thiệt thòi, vừa có danh, lợi, quyền, nhờ đó được hưởng biết bao ưu đãi, đặc quyền đặc lợi mà thế gian dành cho... Biết bao người muốn nên thánh bằng con đường “siêu xa lộ” này. Người chủ trương nên thánh kiểu này chủ trương rằng phải nên thánh làm sao để được hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Quả là một tính toán hết sức khôn ngoan… kiểu trần gian ! Chẳng mấy ai muốn nên thánh bằng con đường hẹp, nhỏ, là con đường làm những việc nhỏ bé, tầm thường, âm thầm, vừa phải hy sinh nhiều mà chẳng được ai biết đến, lại chẳng được chút ưu đãi gì của trần gian. Quả là thiệt thòi nhiều chuyện !
Nhưng Đức Giê-su dạy chúng ta, đương nhiên ngay cả trong việc nên thánh, rằng hãy đi con đường nhỏ hẹp, khiêm nhu, ít người thích đi. Điều hết sức nghịch lý nhưng lại rất chí lý là con đường nhỏ hẹp ấy đem lại nhiều kết quả cho việc nên thánh đích thực hơn là con đường rộng rãi thênh thang. Vì đặc trưng của việc nên thánh là như vậy. Muốn nên thánh mà lại muốn đi vào đường lớn, muốn làm những việc to tát để ai cũng biết tiếng, để có được những thứ mà người trần gian thường ao ước !
Coi chừng kẻo mình đang làm mọi sự vì mình, vì vinh danh mình, vì lòng kiêu ngạo, để làm phình to bản ngã, chứ không phải vì vinh danh Chúa hay vì yêu mến Chúa và vì lợi ích của tha nhân. Mang tiếng là vì Chúa, cho Chúa, nhưng thực ra là vì mình tất cả ! Chúa chỉ là phương tiện phục vụ cho những mục đích của mình ! Chính vì thế, con đường thênh thang rộng rãi đầy “mầu mè thánh thiện” này nhiều khi lại dẫn đến đổ vỡ trước mặt Thiên Chúa. Sự đổ vỡ ấy được đề cập đến ngay trong bài Tin Mừng này.
2. Một sự đảo ngược không ngờ
Những người muốn nên thánh kiểu “khôn ngoan” kia thường nghĩ rằng: đời này mình được thần thánh hóa, được mọi người tôn vinh, nể trọng, kính phục, ắt đời sau mình cũng là một nhân vật đáng kể ở trên trời. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho thấy vào “ngày ấy”, có một sự đảo lộn không ngờ được: “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. Đứng chót cũng còn đỡ, bài Tin Mừng còn cho thấy một viễn ảnh đen tối hơn: “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài”.
Đương nhiên sẽ có biết bao người lấy làm lạ, vì thấy mình đã làm cho Chúa biết bao nhiêu điều to tát ở trần gian. Họ hỏi Chúa: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Hoặc “Nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?” ( Mt 7, 22 ).
Nhưng câu trả lời của Chúa thật như tát vào mặt họ một cách bất ngờ: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !” Thật ít ai hiểu được tại sao những người mà trần gian tưởng rằng đầy công nghiệp trước mặt Chúa lại bị Chúa trả lời phũ phàng và «vô ơn» đến như vậy !
3. Muốn nên thánh, hãy chọn con đường nhỏ hẹp mà đi
Bài Tin Mừng trên quả thật đáng làm cho chúng ta ngạc nhiên và suy nghĩ, nhất là những người Ki-tô hữu đang theo lý tưởng nên thánh. Liệu sự đảo lộn ấy có áp dụng ngay trên chính bản thân ta không ? Điều quan trọng là chúng ta cần xác định xem mình đang đi trên con đường loại nào để nên thánh ? Đường nhỏ hay đường lớn ? Đường mòn hay xa lộ ?
Nếu chúng ta thật sự muốn thành công trong việc nên thánh, hãy cẩn thận, đừng ham con đường rộng rãi, “vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó” ( Mt 7, 13 ). Hãy chọn con đường nhỏ hẹp, vì “cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” ( Mt 7, 14 ). Nhưng thế nào là nên thánh bằng con đường rộng ? Và thế nào là nên thánh bằng con đường hẹp ?
Ta đang đi trên đường rộng, nếu ta vừa muốn nên thánh, mà lại vừa muốn và tìm cách dùng sự nên thánh ấy để hưởng được ít nhiều những thứ mà mọi người thế tục mong ước: quyền lực, tiếng tăm, địa vị, tiền bạc, được ca tụng, tôn vinh, quí trọng, được thần thánh hóa, được mọi người coi là đạo đức thánh thiện, được ưu đãi trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội bất chấp tài đức hèn mọn của mình, được ăn ngon mặc đẹp, và những thú vui trần tục khác. Những người nên thánh kiểu này có thể làm rất nhiều việc được coi là đạo đức, tốt đẹp, thậm chí dạy mọi người nên thánh nữa. Họ thường có vẻ bên ngoài rất thánh thiện, đạo mạo. Đức Giê-su nói về họ: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có ( ... ) những kẻ bây giờ đang được no nê ( … ) những kẻ bây giờ đang được vui cười ( ... ) được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế” ( Lc 6, 24 – 26 ).
Các nhà tu đức thường nói về họ: “sanctus videtur sed non est” ( có vẻ thánh mà thực ra không phải ). Vì họ phải như thế thì mới được mọi người nghĩ họ là thánh ! Đặc tính không dấu được của những người này là để lộ ra “cái tôi” rất lớn của mình ! Họ khó có thể chấp nhận có ai xúc phạm đến họ. Và họ không bao giờ dám dấn thân vào những gì nguy hiểm đến sự sống còn, đến địa vị hay nồi cơm của họ, khi lý tưởng “vì Chúa vì tha nhân” và tư cách “thánh thiện” của họ đòi hỏi !
Ta đang đi trên đường hẹp, nếu ta muốn nên thánh mà không ham được ai biết đến, cũng không tìm cách dùng cái “vẻ thánh thiện” của mình để hưởng được những thứ “hấp dẫn” trần tục ấy. Đặc tính dễ nhận ra của những người này là họ coi “cái tôi” của họ rất nhỏ ! Không cảm thấy có vấn đề gì lớn khi bị ai xúc phạm, hiểu lầm. Họ không thích làm ra vẻ thánh thiện, đạo mạo. Và họ cũng sẵn sàng hy sinh khi lý tưởng vì Chúa vì tha nhân đòi hỏi. Các nhà tu đức thường nói về họ: “sanctus non videtur sed est” ( không có vẻ thánh nhưng lại là thánh ).
4. Hãy tự xét mình để đừng ảo tưởng về mình
Quả thật, nhiều khi chúng ta tưởng mình rất tốt lành trước mặt Thiên Chúa, chỉ vì ta đã làm được biết bao việc tốt lành, nhiều hơn biết bao người khác ! Vì những việc tốt đẹp ấy, biết bao người đã nể phục, kính trọng ta, khen ta là thánh thiện, tốt lành, đạo đức. Nhưng có bao giờ ta tự hỏi: trước con mắt của Thiên Chúa, ta cũng được đánh giá tốt lành như người chung quanh ta đánh giá không ? Ta làm được biết bao việc tốt lành, nhưng động lực gì thúc đẩy ta làm những việc ấy ? Vì yêu Chúa thương người khác được bao nhiêu phần trăm ? Hoặc làm để được tiếng khen, để tạo uy tín, để được kính nể, để nhờ đó ta được bề trên và nhiều người tín nhiệm hơn, được lên chức, được nắm nhiều quyền hơn, vì sự khôn ngoan trần gian đòi buộc như thế… bao nhiêu phần trăm ?
Nếu thành thực với lòng mình, nhiều khi ta thấy mình vì Chúa, vì người khác rất ít, mà vì mình thì rất nhiều. Hãy coi chừng kẻo ta đang muốn nên thánh bằng con đường rộng rãi thêng thang, tuy được người trần gian ca tụng là thánh thiện, được thế gian tôn trọng ưu đãi, nhưng trước mặt Chúa lại là con số không to tướng ! Cần luôn tỉnh thức và hồi tâm xét lại những động cơ của mình !
CẦU NGUYỆN:
Lạy Cha, thế lực xấu ở ngay trong bản thân con thật tài tình ! Nó có thể đánh lừa chính con ngay cả trong việc cao cả nhất là việc nên thánh. Nó làm con tưởng rằng mình đang tiến bộ rất nhanh trên con đường nên thánh, vì làm được biết bao việc tốt lành cho Chúa và tha nhân ! Nhưng thực ra con đang xây dựng cho vinh quang của con trước mặt người đời. Con đã ăn cắp vinh quang của Cha để hưởng cho con. Xin cho con biết phản tỉnh sâu xa để nhận ra tình trạng tệ hại ấy, và trở lại với con đường nên thánh nhỏ bé mà Cha muốn con đi. Amen.
CHỨNG TỪ:
NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA CHỊ TÊ-RÊ-XA
Năm Tê-rê-xa 23 tuổi, chị đã thổ huyết lần đầu tiên vào ngày thứ 6 Tuần Thánh, nhưng sau đó, sức khỏe của chị lại phục hồi. Năm sau, hết Mùa Chay, bệnh lao phổi tái phát quyết liệt. Từ tháng 7, các đồ khâm liệm chôn cất đã được Nhà Dòng chuẩn bị trước...
Những ngày cuối cùng ấy, chị Tê-rê-xa thật sự không còn gì để nương tựa, sức cùng lực kiệt. Chị lại vừa được tin thân phụ là ông Martin được đưa vào điều trị chung với những người điên, và trở thành mục tiêu cho người đời thương hại và khinh miệt. Chị viết trong nhật ký: “Nếu không có Đức Tin thì tôi đã tự sát, không do dự một phút nào !”
Và chính khi cận kề cái chết, chị đột nhiên để cho ngòi bút của mình reo lên như một tiếng reo chiến thắng: “Hỡi hải đăng sáng chói của Tình Yêu, ta đã tìm được bí quyết để chiếm lấy ngọn lửa của ngươi !”
Ngày 30 tháng 7 năm 1897, người ta tưởng chị không sống nổi qua đêm hôm ấy. Nhưng mãi đến 2 tháng sau, ngày 30 tháng 9, chị mới qua đời trong cơn khát nước và ngạt thở cùng cực của chứng lao phổi và loét ruột trầm trọng. Giờ phút hấp hối, chị thốt lên một cách mệt nhọc: “Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa nỡ bỏ con ?” Không, Thiên Chúa đã không bỏ rơi chị, một tâm hồn bé nhỏ nhưng thánh thiện đến tuyệt vời, một tâm hồn quả cảm trong lòng tin phó thác, vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc đời. Bởi vì, như chị nói: “Sự điên khùng của tôi chính là hy vọng !”
Chị Tê-rê-xa sinh quán tại thành Lisieux nước Pháp, nữ tu Dòng Kín Cát-minh ( Carmen ), còn được gọi là Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, đã được Giáo Hội tôn phong hiển thánh ngày 3 tháng 10 năm 1925.
Theo cha BERNARD BRO, OP, trích từ CONTRE TOUTE ESPÉRANCE
Anh Hướng đã chia sẻ kinh nghiệm anh sống liên quan tới "cửa hẹp" (c.24) trong bài Tin Mừng hôm: TN 21-C17
Anh Hướng đã chia sẻ kinh nghiệm anh sống liên quan tới "cửa hẹp" (c.24) trong bài Tin Mừng hôm nay như sau.
Hy sinh mười ngàn đô
Đã 32 năm nay anh vẫn làm cho một công ty. Trong những năm ấy, 5 lần anh được đề cử thăng chức. Nếu nhận, anh sẽ không có đủ thời giờ cho vợ và 4 con trai của anh vì anh sẽ phải làm các ngày cuối tuần nữa. Bù vào đó lương anh sẽ được tăng thêm mười ngàn đô. Nhưng anh Hướng đã khước từ vì tin rằng "tình yêu" mà anh dành cho vợ con quí giá hơn nhiều.
Cách đây hai năm ban điều hành của công ty một lần nữa, đề cử để anh được thăng chức. Lần này anh nhận, lý do vì các con anh đã khôn lớn mà vợ anh lại không thể đi làm được. Không may cho anh là vào đúng thời gian ấy, người chị ruột của anh qua đời khiến anh không chú tâm học hành được nên về cuối khóa anh đã thi rớt. Trở về công ty anh bị ông giám đốc quăng hồ sơ lên bàn rồi giận dữ nói: "Đáng lý tôi không cho anh đi học. Đáng lý ra tôi không nghe lời ai hết. Anh đánh mất cơ hội cuối cùng này của anh rồi, biết chưa!"
Thật là ê chề nhục nhã cho anh Hướng. Anh chia sẻ nguyên văn như sau: "Lòng tôi tan nát. Điều đáng buồn là tôi đã để cho lời lẽ ông giám đốc hủy diệt tôi. Mọi sự đều trở nên vô nghĩa. Ý chí quyết tâm phụng sự Chúa bấy lâu nay bỗng trở nên vô dụng. Tôi thấy tôi không thể nào bước theo Chúa trong tình trạng này. Tôi tự hỏi "Tại sao lại xảy ra việc này?" Có vẻ như tôi không còn có thể yêu thương được nữa. Tệ hơn nữa là tôi cảm thấy như Chúa đã bỏ rơi tôi. Cái chết của người chị làm tôi đau khổ nay lại đưa đến việc ông chủ hạ nhục tôi."
"Mọi sự như sụp đổ quanh tôi. Tôi thấy tôi không còn đối diện được với việc làm ở sở cũng như với gia đình và cuộc sống. Tôi ngại ra khỏi giường mỗi sáng và chỉ muốn thu mình để tránh né thế giới bên ngoài. Mỗi khi gặp mặt ông giám đốc, tôi càng thấy thêm phẫn uất tức giận. Tôi trở nên cay đắng thù hằn. Suốt đời tôi chưa bao giờ cảm thấy như thế đối với ai cả. Tôi thấy tôi có bổn phận yêu thương nhưng vẫn bướng bỉnh cãi lại."
Chọn theo một con người bị bỏ rơi
"Ngày kia tôi phải thú thực với vợ tôi: Anh không thể sống nổi mãi thế này. Vợ tôi chú ý lắng nghe và đề nghị cùng nhau cầu nguyện để xin Chúa giúp sức. Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện và khi ấy tôi biết mình phải chọn theo Chúa Giêsu, chịu đóng đinh và bị bỏ rơi. Tôi cảm thấy được bình an và mạnh mẽ hơn."
"Ngày kia khi rời khỏi văn phòng ông giám đốc, tôi cảm thấy có sức thôi thúc tôi quay lại nói với ông: "Tôi xin thưa là không phải tôi muốn lên án ai hoặc xin xỏ điều gì. Sau khóa huấn luyện khi ông nói chuyện với tôi, tôi bị mất tinh thần đối với công ty. Tôi trở nên oán hờn và nhiều lần tôi đã có những thái độ không tốt đối với ông."
"Ông giám đốc ngắt lời anh Hướng khi nói: "Tôi chẳng bao giờ cố y làm cho anh buồn. Anh biết tôi giận thì la lối rồi sau lại quên ngay." Khi anh Hướng xin ông giám đốc tha cho anh về cách anh đối xử với ông ta thì người đàn ông thường có vẻ lạnh nhạt ấy đã ứa đầy nước mắt. Ông thinh lặng một lúc rồi cất tiếng: "Tôi xin lỗi ông, tôi thật không ngờ việc tôi làm khiến ông phải buồn phiền." Rồi ông bắt đầu thăm hỏi về tôi và gia đình tôi một cách thân mật. Tôi thấy chúng tôi đã nối lại được nhịp cầu đã đứt đoạn."
Điều bất ngờ xảy ra là khi ông giám đốc về hưu, một người đàn ông trẻ hơn nhiều, đứng đầu công ty. Anh chỉ mới có 32 tuồi. Vì thiếu kinh nghiệm, anh gặp khó khăn. Anh đã xin gặp riêng tất cả các nhân viên trong công ty, mỗi lần bốn người. Chỉ có anh Hướng một mình được ông giám đốc mới mời riêng tới văn phòng để gặp. Kết quả là anh đã được gởi đi học một khóa huấn luyện rồi được thăng chức một cách ngon lành.
Câu chuyện kể trên gợi ý để ta suy nghĩ về cửa hẹp trong bài Tin Mừng. Chúa Giêsu khuyến cáo ta "Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào" (c.24). Nhưng lời dạy đó được nêu trong bối cảnh nào? Làm thế nào hiểu và áp dụng lời khuyên đó một cách chính xác? Nhất là ta được Chúa Giêsu khuyến cáo phải chiến đấu để qua cửa hẹp nhằm đạt tới điều gì đáng kể?
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy đây là lần thứ hai tác giả Luca nhắc nhớ ta về cuộc hành trình của Đức Giêsu nhắm tới đích điểm là Giêrusalem (c.27).
Luca cho thấy khó khăn và thử thách
Lần thứ nhất Luca gắn liền Giêrusalem dưới đất với Giêrusalem trên trời, dĩ nhiên ngang qua sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu. Đó là lúc Luca trịnh trọng loan báo: "Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem" (9,51). Ngay ở lần loan báo đầu tiên về cuộc hành trình đi Giêrusalem, Luca đã cho thấy khó khăn và thử thách. Thoạt tiên Đức Giêsu và các môn đệ bị một làng Samari từ khước (cc. 53-54). Kế đến chính Đức Giêsu muốn thách đố những ai muốn bước theo Người. Người thứ nhất xin theo liền được cho biết rằng "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." Người thứ hai xin về chôn táng cha già trước đã, thì đã không được phép vì "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa." Người thứ ba cũng được yêu cầu phải có thái độ dứt khoát vì "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." (cc. 57-62).
Bây giờ là lần thứ hai, Luca cho biết Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem (c. 22). Vấn đề được nêu trầm trọng hơn lần thứ nhất nhiều với câu hỏi "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?" (c.23). Bởi lẽ ơn cứu thoát nói đây là chính sự sống còn của con người, tức là ơn cứu độ, chứ không phải chỉ là vấn đề từ bỏ mọi sự hoặc phải từ bỏ ngay như nói ở trên (Lc 9,56-62).
Chính Đức Giêsu là cửa hẹp
Và để trả lời, Đức Giêsu đòi hỏi một sự chính xác. Người muốn người ta nhắm thẳng bản thân Người theo bề sâu, tức là biết Người. Không có gì có thể thay thế được cái biết nội tâm đó. Cho nên cả những kẻ sống sát bên Người, "ăn uống trước mặt Người, và Người cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố" của họ (c.26), họ cũng vẫn bị loại ra ngoài nếu họ thực sự không biết Người.
Như vậy, chính Đức Giêsu là cửa như Người tuyên bố trong Tin Mừng của Gioan: "Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu." (Ga 10,9). Cửa hẹp trong Luca còn có ý nói về chính bản thân Đức Giêsu chứ không thể là ai khác. Điều này Tin Mừng của Gioan cũng nói rõ với lời tuyên bố của Đức Giêsu là "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy" (Ga 14,6). Đức Giêsu còn là cửa hẹp theo nghĩa Tân Ước như lời tông đồ Phêrô lớn tiếng công bố trong ngày lễ Ngũ Tuần rằng: "Toàn thể nhà Israen phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô" (Cv 2,36) và "Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ." (4,16).
Biết Đức Giêsu nơi con tim
Nhưng như vậy thì phải cắt nghĩa thế nào về Tin Mừng của Matthêu về cuộc phán xét chung? Nếu biết Đức Giêsu là điều kiện tiên quyết để vào hưởng Nước Thiên Chúa, theo bài Tin Mừng hôm nay, thì phải hiểu như thế nào về tình trạng hết sức sửng sốt của những người công chính chưa hề nhận biết Chúa khi họ thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, v.v… (Mt 25,37tt)? Thưa, những người công chính ấy đã được biết Đức Giêsu tận gốc do họ được đánh động bởi chính Thần Trí của Đức Giêsu phục sinh là Thần Trí luôn được ban cho họ để giúp họ làm việc lành. Họ không chỉ biết Đức Giêsu theo cái biết hời hợt nông cạn theo ý nghĩ mà thôi, nhưng còn biết Người thâm sâu nơi con tim mình.
Quả thật, cũng chính cái biết nội tâm ấy đã giúp anh Hướng sống tinh thần chiến đấu để vào cửa hẹp. Anh và vợ anh đã cùng nhau cầu nguyện xin Chúa giúp sức để lướt thắng cơn khủng hoảng. Nhờ vậy anh nhận ra mình phải chọn theo Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi. Đó là lúc anh được bình an và có sức mạnh để giải quyết trực diện vấn đề khó khăn với ông giám đốc nơi sở làm việc của anh.
Một số câu hỏi gợi ý
1. Trong câu chuyện anh Hướng chia sẻ, anh đã chọn dành thì giờ mỗi cuối tuần cho vợ con thay vì nhận làm việc thêm cuối tuần để lương được thêm 10 ngàn đô. Bạn nghĩ chọn lựa như anh Hướng, theo cái nhìn của bạn, có lợi hay có hại? Theo cái nhìn của những người cùng xóm ngõ của bạn thì chọn lựa ấy đúng hay sai?
2. Dưới ánh sáng của bài Tin Mừng hôm nay, bạn thấy anh Hướng đã phấn đấu để sống tinh thần "cửa hẹp" như thế nào?
Chủ đề: Mỗi người chúng ta phải quyết định xem mình sẽ là một Kitô hữu “dạng tàu trục”, “dạng tàu buồm” hay chỉ là “dạng bè mảng”
Có chàng thanh niên nọ viết thư cho một linh mục. Anh cho phép vị linh mục tùy ý sử dụng lá thư: TN 21-C18
Có chàng thanh niên nọ viết thư cho một linh mục. Anh cho phép vị linh mục tùy ý sử dụng lá thư này. Ngoại trừ vài thay đổi không đáng kể thì đây là nguyên văn bức thư:
“Con đã từng là tay bơi lội hàng đầu trong bảng xếp loại của con ở Gia Nã Đại. Một ngày nọ con đã để cho lũ bạn dụ dỗ con thử dùng ma tuý. Thế là con bị cắn câu và chẳng bao lâu sức khoẻ, tâm thần, thể lý và thiêng liêng của con bị sa sút tồi tệ… Con biết con ngày càng lún sâu. Con trở nên cô đơn và kinh hãi nhưng không biết ngỏ lời cùng ai. Sự việc càng thêm tồi tệ khi con thiếu nợ các tay buôn ma tuý hơn 3.000 đô. Con tính rằng chỉ còn một lối thoát duy nhất là tự tử, vì thế con đi về nhà và viết mẩu giấy sau: Bố mẹ kính mến, Con rất tiếc phải gây cho bố mẹ nỗi đau đớn này… Xin bố mẹ đừng quá đau lòng. Nếu con cứ tiếp tục sống như thế này thì chắc hẳn con còn gây cho bố mẹ muộn phiền hơn là hành động con vừa gây ra cho mình. Con vẫn yêu quí bố mẹ và toàn thể gia đình mình” Ký tên. Christopher.
Thế là con bắt đầu nốc rượu vào để cố gắng thắng lướt nỗi sợ hãi khi con đang chuẩn bị lìa đời. Nhưng rồi, vào phút cuối cùng thì một điều gì đó đã ngăn cản con lại. Con bấu tay nhắc địên thoại lên và gọi đến trung tâm cấp cứu. Con không hề hay biết là vào lúc đó mẹ con đang cầu nguyện điên cuồng cho con. Vài ngày sau, con được đưa vào trung tâm cai nghiện ma tuý và chẳng bao lâu con được hồi phục cả sức khoẻ, thể lý lẫn tâm lý. Thể rồi con bắt đầu đọc Kinh Thánh. Càng đọc con càng cảm thấy bình an vui vẻ. Kinh Thánh đã dẫn con đến niềm tín thác trọn vẹn vào Chúa, đồng thời trong lúc đó bừng dậy nơi con lòng ao ước học hỏi về Chúa Giêsu để được hiểu biết Ngài hơn. Cũng thực khôi hài, con đã phải quì gối xuống ít nhất tới mười lần để cầu xin Chúa đến trong đời con trước khi con nhận ra được rằng Ngài đã hiện dịên ở đó rồi…..
Sự việc này xảy ra cách đây 5 năm. Từ đó đến nay, Chúa đã ban phước cho con rất nhiều. Hiện con đang dạy trong một trường trung học Công Giáo và đang hoạt động trong cộng đoàn giáo xứ của con… Con cũng vẫn luôn cố gắng học cách mở rộng lòng mình càng ngày càng nhiều cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa là Cha chúng ta.
Kính thư.
Christopher.
Lá thư trên minh hoạn cho một trong những chủ điểm của bài Phúc Âm hôm nay: Cánh cửa nước Trời quả thực là hẹp. Trong trường hợp cậu thanh niên Christopher thì hình như cực kỳ chật hẹp. Tuy nhiên, điều đó vẫn không cản chàng ta cố gắng bước vào. Chàng ta đã đấu tranh, tranh đấu cho đến khi đạt được. Tôi tự hỏi có được bao nhiêu người dám can đảm đấu tranh gian khổ như chàng ta?
Có người cho rằng có tới 3 loại Kitô hữu: Loại Kitô hữu “tàu trục”, loại Kitô hữu “tàu buồm” và loại kitô hữu “bè mảng”.
Loại Kitô hữu “tàu trục” gồm những người bước theo Chúa Giêsu không chỉ khi trời nắng đẹp mà cả trong lúc bão tố, không chỉ có sóng gío thuận chiều mà cả khi sóng gió ngược chiều nữa. Họ là những kẻ đi dự lễ không phải vì bó buộc mà chỉ vì Chúa Giêsu đã truyền trong bữa tiệc ly: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 22:19). Họ giúp đỡ kẻ khác không phải vì họ cảm thấy thích thú mà chỉ vì do lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Các con hãy yêu mến nhau như Ta yêu mến các con” (Ga 15:12). Tóm lại, đây là loại người mà các bài đọc hôm nay khuyên ta phải noi gương bắt chước.
Ngược lại, loại Kitô hữu “tàu buồm” là những kẻ theo Chúa Giêsu chỉ khi sóng gío thụân chiều, còn khi sóng gío thổi nghịch thì họ liền xuôi theo chiều nào mà họ bị cuốn đi. Họ là những kẻ đi lễ khi gia đình và bè bạn cùng đi. Còn nếu chỉ riêng mình họ, họ thường hay bỏ xem lễ. Họ là những người thường hỏi: “Tôi còn làm được gì nữa thì mới bị coi là có tội?”, thay vì phải nói: “Tôi có thể làm thêm được bao nhiêu nữa vì tình yêu?” Tóm lại, họ là những kẻ theo Chúa Giêsu khi nào cánh cửa mở rộng, còn khi gặp cửa hẹp thì họ lưỡng lự ái ngại. Họ là những kẻ hùa theo đám đông hơn là bước theo Phúc Âm.
Cuối cùng là loại Kitô hữu “bè mảng”. Đây là những Kitô hữu chỉ có trên danh nghĩa mà thôi. Họ không thực sự theo Chúa Giêsu ngay cả khi sóng gió thuận chiều, và nếu có theo đi chăng nữa thì cũng chỉ là do có người đưa đẩy mà thôi. Họ là những người thực hành Kitô giáo không phải vì họ muốn mà là vì họ bị bó buộc.
Tóm lại, họ chỉ là những Kitô hưũ “HỮU DANH VÔ THỰC”
Từ đó chúng ta trở lại với các bài đọc hôm nay. Câu hỏi đặt ra trước mắt chúng ta là:
Chúng ta là một Kitô hữu loại “tàu trục”, “tàu buồm” hay “bè mảng”?
Chúng ta có phải là loại kitô hữu “tàu trục” không? Chúng ta có theo Chúa Giêsu lúc thuận lợi cũng như lúc trắc trở không? Chúng ta có theo Ngài không chỉ qua cánh cửa mở rộng mà còn qua khung cửa hẹp nữa không? Hay chúng ta chỉ là Kitô hũư loại “tàu buồm”? Chúng ta chỉ theo Chúa những khi thuận buồm xuôi gió? Chúng ta chỉ theo Ngài qua khung cửa rộng? Hoặc tệ hơn nữa, chúng ta chỉ là kitô hữu loại “bè mảng” nghĩa là những kitô hữu “hữu danh vô thực?” Đây là những câu hỏi đặt ra cho chúng ta trong các bài đọc hôm nay. Không ai có thể trả lời dùm chúng ta hết, chúng ta phải tự trả lời lấy. Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn thẳng vào những câu hỏi này với lòng can đảm của Christopher khi cậu ta phải đương đầu với những vấn đề của riêng cậu. Nếu chúng ta biết đương đầu với lòng can đảm như cậu ta thì chắc chắn chúng ta sẽ nhận được ơn Chúa trợ giúp giống như trường hợp cậu ấy
Chúng ta hãy kết thúc với bài thơ của thi sĩ người Anh, John Oxenham:
“Trước mặt mỗi người đều chỉ mở ra một con đường. Đường cao, đường lưng chừng hoặc đường thấp. “linh hồn cao thượng chọn lấy nẻo cao “Linh hồn thấp kém bước vào ngõ thấp “và ở giữa hai nẻo đường mù sương ấy, “Số còn lại cứ ngập ngừng qua lại, “Nhưng mỗi người chỉ có một con đường mở ra trước mặt: Đường cao, đường lưng chừng hoặc đường thấp, Mỗi người đều phải quyết định xem: Linh hồn mình sẽ tiến bước theo lối nào”.
Có ai trong chúng ta đã thấy bức ảnh chụp một người lính thuỷ quân Mỹ cắm cờ trên đảo Iwo: TN 21-C19
Có ai trong chúng ta đã thấy bức ảnh chụp một người lính thuỷ quân Mỹ cắm cờ trên đảo Iwo Jima trong thế chiến thứ hai. Bức ảnh do Joe Rosenthal, một phóng viên nhiếp ảnh liên hợp báo chí chụp được, anh là một tín đồ Do Thái giáo, sau này gia nhập Công Giáo, anh đã bất chấp bãi mìn, trọng pháo, đại liên và súng cối, để ghi lại cái cảnh huy hoàng đó.
Anh cũng tỏ ra cùng một can đảm ấy khi anh trở nên một người Công Giáo. Gia đình, bạn bè tố cáo anh là phản bội niềm tin của cha ông, của tổ phụ. Tuy nhiên Joe Rosenthal đã sống niềm tin mới trọn vẹn, anh xác nhận: “Ngày hôm trước khi tới bờ biển Iwo Jima, tôi đã đi dự Thánh Lễ và Rước lễ. Nếu một người hoàn toàn xác tin rằng mình có niềm tin mà còn sao lãng, thì họ là kẻ phản bội. Điều đó không chỉ xảy đến với các bạn Do Thái của tôi khi họ không tới hội trường mỗi ngày thứ bảy mà còn cả các bạn của tôi khi họ bỏ lễ Ngày Chúa Nhật.
Như Rosenthal, nhiều tâm hồn can đảm dám trở thành người Công Giáo. Trong khi đó, nhiều người lại bỏ mất niềm tin. Đó là điều Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay; có người gia nhập Giáo Hội, có người lìa bỏ Giáo Hội, phần lớn những người nghe và gặp Chúa Giêsu là người Do Thái, họ là dân riêng của Chúa, Đấng mong ước họ theo Chúa Kitô, Đấng Thiên Chúa đã hứa và họ đã mong đợi. Nhưng chỉ có ít người theo Chúa Kitô.
Trong khi đó, nhiều người dân ngoại, không phải Do Thái đã theo Chúa Kitô. Người Do Thái từ bỏ Chúa Kitô là những người Công Giáo hôm nay, họ tử bỏ Chúa Kitô bằng cách xa lìa Giáo Hội. Dân ngoại, họ theo Chúa Kitô là những người mới trở lại cùng Chúa Kitô.
Hàng ngàn người gia nhập Giáo Hội Công Giáo mỗi năm, trong số đó có Bác sỹ, Giáo sư đại học, Luật sư, Dân biểu quốc hội… Họ không phải là những người khờ dại. Vậy tại sao họ lại gia nhập Giáo Hội của chúng ta”? bởi vì họ muốn chắn chắn về những gì họ làm và họ tin tưởng. Bởi vì họ ý thức rằng đó là Giáo Hội Chúa Kitô thành lập. Bởi vì họ thật sự muốn được rước Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Bởi vẻ đẹp và hiệu năng của việc thờ phượng cộng đoàn của chúng ta.
Vậy tại sao có người Công Giáo kể cả linh mục Tu sỹ lại lìa bỏ Giáo Hội? Thưa vì tự phụ. Họ coi trọng ý riêng hơn chân lý của gia đình thiêng liêng được Chúa hướng dẫn. Vì đam mê, vì Tiên kiến họ quá vội vàng quyết định trước khi biết rõ mọi sự kiện, vì thiếu hiểu biết, họ không hiểu được ý nghĩa thật sự của người môn đệ Chúa Kitô. Những người xa lìa Giáo Hội cần sự thông cảm và lời cầu nguyện của chúng ta.
Như Thiên Chúa đã phán qua Sứ ngôn trong bài đọc thứ nhất: “Ta đến để qui tụ mọi dân tộc, mọi tiếng nói”. Ngược lại, những kẻ không nuôi dưỡng đức tin, không củng cố đức tin, không sống đức tin, Thiên Chúa sẽ để cho họ mất đức tin.
Chúng ta chúc mừng mọi anh em tân tòng trong họ đạo chúng ta, chúng tôi hãnh diện vì anh em. Đồng thời chúng ta cũng kêu xin Chúa giúp mọi người mất đức tin hay đang mất đức tin được củng cố và lấy lại niềm tin.
Chúa Giêsu đã đổ máu cho mọi người – Trên thập giá và trong thánh lễ này, ước chi có nhiều người như Joe Rosenthal trở nên phần tử của gia đình Thiên Chúa, ước gì tất cả chúng ta giữ được trung thành và mến yêu trong gia đình Chúa. Xin Chúa chúc lành bạn. Amen.
Đi vào cửa hẹp để được vào Nước Trời không như đi vào cửa rộng để chết đời đời, bởi vì đi vào cửa: TN 21-C20
Đi vào cửa hẹp để được vào Nước Trời không như đi vào cửa rộng để chết đời đời, bởi vì đi vào cửa rộng là hành động của những người ngu xuẩn.
Con người ta sống thì thích ở nhà to cửa lớn, ăn thì thích ăn no đến cành bụng, uống thì thích uống xả giàn thả cửa, chơi thì thích chơi mút mùa lệ thủy, đi thì thích đi đường rộng thênh thang.v.v…đó chính là vì con người ta sống hưởng thụ thái quá, và hãy coi chừng, sự hưởng thụ chính là con đường rộng để chúng ta đi vào chổ trầm luân đời đời.
Đã có lúc chúng ta coi lời Chúa Giêsu dạy hãy chiến đấu để qua cửa hẹp (Lc 13, 24) là lời chói tai và không hợp lý, khi mà cửa hẹp rất ít người đi thì chiến đấu để làm gì, mà đã ít người đi thì chúng ta đi vào con đường hẹp để làm gì chứ ?
Chiến đấu để đi vào đường hẹp là con đường dẫn chúng ta đến sự sống đời đời, đường hẹp này Chúa Giêsu đã đi qua, đó là con đường yêu thương đến chết trên thập giá, đó là con đường bị sỉ nhục, đó là con đường bị hiểu lầm, là con đường khó nghèo và hy sinh. Tất cả những con đường ấy giống như con đường nhỏ hẹp gồ ghề lên núi Calvê mà Chúa Giêsu đã đi qua.
Xã hội văn minh và khoa học thì phát triển nên những con đường hẹp không còn nữa trong thành phố hay các khu đống dân cư, cũng như “con đường hẹp” trong lòng chúng ta từ từ rồi không còn nữa, bởi vì sự hưởng thụ là những công trình kiến trúc của ma quỷ như những chiếc xe lô ủi đường nghiền nát “con đường hẹp” hy sinh, yêu thương và bác ái trong tâm hồn chúng ta, để thêm vào đó, nó mở ra những con đường mới rộng thênh thang kiêu ngạo, ích kỷ, ghét ghen, dâm đãng, thù hận.v.v… và cuối con đường rộng thênh thang này là hỏa ngục với những cực hình đời đời đang chờ đón chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Chiến đấu để đi trên con đường hẹp là bổn phận và quyết tâm của người Kitô hữu, nếu không, con đường rộng sẽ nuốt chửng chúng ta vào trong lửa hỏa ngục đời đời.
Chiến đấu để đi được trên con đường hẹp là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho chúng ta, mệnh lệnh này đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt nhận ra đâu là con đường hẹp và đâu là con đường rộng trong cuộc sống của mình, bởi vì có những lúc chúng ta không phân biệt được đâu là con đường hẹp phải đi và con đường rộng phải tránh, bởi vì đường hẹp và đường rộng đều có người đi, mà những người đang đi trên hai con đường rộng hẹp ấy có những người là tu sĩ, là linh mục, là giáo dân và những người đạo hạnh trổi vượt hơn mình !
Chiến đấu với kẻ thù trên chiến trường thì không cần phải coi người này là ai và người nọ là ai, nhưng phải nhắm thẳng vào lý tưởng nên thánh mà chiến đấu, người mà chúng ta cho là đạo đức thánh thiện họ đi đường nào thì kệ họ, riêng chúng ta có Lời Chúa soi sáng và cứ thế mà chiến đấu để đi cho vào đường hẹp, mặc dù đôi lúc phải đổ máu và hy sinh đến mạng sống của mình.
Đường hẹp thì ít người đi, nhưng trong số ít đó có chúng ta thì thật hạnh phúc biết bao nhiêu, bởi vì Chúa Giêsu đã nói: “Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể” (LC 13, 24b).
Con đường hẹp là hy sinh
Con đường hẹp là bác ái
Con đường hẹp là khiêm tốn
Con đường hẹp là yêu thương
Con đường hẹp là phục vụ…
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
Bài giảng chủ nhật 21 thường niên tại nhà thờ Phục Sinh-Taiwan. Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Một nhà lãnh đạo, một ông giám đốc, một cô ca sĩ..., sau khi phát biểu, hay biểu diễn, thường muốn lấy: TN 21-C21
Một nhà lãnh đạo, một ông giám đốc, một cô ca sĩ..., sau khi phát biểu, hay biểu diễn, thường muốn lấy ý kiến dân chúng thử xem họ nghĩ gì về bài phát biểu, về cách biểu diễn của mình. Mặc dù hỏi ý kiến, nhưng trong lòng họ, biết đâu đang mong đợi một câu trả lời khen ngợi. Ai đó thẳng thắn nói thật về một khuyết điểm nào đó, chắc chắn sẽ làm họ buồn, bực bội...
Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái vẫn mang nặng tâm lý ảo tưởng rằng, ơn cứu độ chỉ dành riêng cho dân tộc của họ mà thôi. Chính vì tâm lý này, không ít lần Thánh Kinh cho thấy, có lúc họ hãnh diện thái quá, đến nỗi sinh ra khinh thường những anh chị em không cùng lý tưởng với mình. Giống như trường hợp của một nhà lãnh đạo, một cô ca sĩ bên trên, đã có sẵn trong đầu suy nghĩ vụ lợi cho riêng mình như thế, câu hỏi mà một người Do thái nào đó đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, những kẻ được cứu thoát thì ít có phải không?”, chắc là muốn Chúa xác định lại quan điểm của chính mình: chỉ có người Do thái được cứu rỗi. Có lẽ người ta cũng sẽ lấy làm bực bội nếu Chúa trả lời ngược lại quan điểm ấy.
Điều lạ là Chúa Giêsu đã không trực tiếp trả lời có hoặc không. Chúa lại dẫn người đối thoại đi sâu hơn vào vấn đề khi đưa ra hình ảnh một cánh cửa hẹp. Để qua được cánh cửa hẹp ấy đòi hỏi sự cố gắng: “Các ngươi hãy cố gắng vào, qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được...”.
Chúng ta hiểu được thái độ cẩn trọng và khôn ngoan của Chúa Giêsu. Vì nếu xác nhận quan điểm của người Do thái, sẽ càng làm cho họ kiêu căng, tự mãn: Chắc chắn được rỗi linh hồn thì sẽ chẳng có ai cố gắng sống tốt làm gì, vì bất cứ thái độ sống nào, đều không cần thiết, bởi ơn cứu rỗi đã nắm chắc trong tay. Ngược lại, nếu Chúa trả lời rằng, ơn cứu độ mang tính phổ quát, là gia sản của mọi người, không trừ ai, dù là Do thái hoặc bất cứ dân tộc nào, sẽ càng làm cho nhiều người ỷ lại, không cố gắng đã vậy, có khi do sự ỷ lại ấy, con người càng phóng túng, xã hội càng rối ren...
Ơn cứu độ không là đặc quyền của bất cứ ai, của một dân tộc, một giai cấp nào, nhưng là của mọi người. Nhưng dù là của mọi người, ơn cứu độ đòi hỏi một điều kiện tương xứng: Nỗ lực sống Lời Chúa cách trọn hảo suốt cả cuộc đời của mình. Vì Chúa không thể cứu độ mà không cần đến sự cộng tác của ta. Điều mà thánh Augustinô đã từng nói: “Lạy Chúa, sinh con ra Chúa không cần có con. Nhưng để cứu độ con, Chúa cần có con”.
Hình ảnh “cửa hẹp” mà ta phải tìm cách để đi qua mới có thể vào được bên trong nói lên nỗ lực lớn lao của bản thân cộng tác với ơn Chúa, nhằm đạt tới sự thánh thiện mà Chúa muốn. Cộng tác với ơn Chúa và nỗ lực sống Lời Chúa cách trọn hảo trong từng ngày sống của mình là một chọn lựa nghiêm chỉnh và cấp thiết. Chọn lựa này là cả một sự trả giá đớn đau, một ý chí ngoan cường, một đời chiến đấu cam go.
Bởi lẽ giữa một thế giới mênh mông, mà tự do và bản tính tự nhiên của con người đòi vẫy vùng, đòi vương ra khỏi khuôn phép của lề luật, của đạo đức, thì Tin Mừng lại mời gọi “Hãy vào qua cửa hẹp”!
Hơn nữa, giữa một thế giới mà nhân loại và sự phát triển của khoa học loại trừ ảnh hưởng của Thiên Chúa, của lòng tin. Một thế giới mang nặng thèm khát sở hữu cho dẫu bán đứng lương tâm, bán rẻ nhân phẩm, ngay cả chà đạp mạng sống của đồng loại, hủy hoại lương tâm con người, vẫn cứ đan tâm thực hiện, miễn sở hữu thật nhiều. Đó cũng là một thế giới vấy bẩn cách tàn nhẫn không chỉ hôm nay, mà còn tương lai của nhân loại bằng đủ mọi thứ kỹ nghệ tình dục, ma túy, buôn bán cơ phận người, sống thác loạn, ngừa thai, phá thai, tước đoạt mạng sống các phôi thai để lấy tế bào gốc, gây hiểm họa chiến tranh, buôn bán vũ khí, tàn phá tự nhiên..., Và biết bao nhiêu lối sống hưởng thụ, thực dụng và duy vật khác đã làm mê hoặc lòng người bởi khao khát chiếm hữu, bởi sự quyến rũ của quyền hành, danh vọng, lợi lộc...
Giữa một thế giới, không phải ở đâu xa xôi, nhưng là xung quanh ta, có quá nhiều người buông mình vào cám dỗ như thế, Kitô hữu phải đặt giá trị của Tin Mừng lên trên hết, đúng là lội ngược dòng. Sống giá trị của Tin Mừng nghĩa là phải biết yêu thương, tha thứ, sống khoan dung, hiền từ, nhường nhịn, đón nhận anh chị em... Sống như thế chính là “đi vào qua cửa hẹp” theo Lời Chúa Giêsu dạy. Sống như thế, Kitô hữu chính là người chấp nhận thương tích, chấp nhận bị coi khinh. Bởi vậy, để tách mình khỏi những phù hoa cuộc đời ấy, Kitô hữu cần có nghị lực lớn lao và biết kiên trung chiến đấu cả một đời để sống theo lời dạy của Chúa Kitô: đi vào cửa hẹp. Cánh cửa mà nhiều người muốn vào bằng cuộc sống dễ dãi, sẽ không được vào. Một điểm khác còn quan trọng hơn: Sống tách mình khỏi mọi phù hoa và cám dỗ, người tín hữu trở nên giống Chúa Kitô vác thập giá, tử nạn và phục sinh.
Bạn thân mến, hiểu giá trị của đời người Kitô hữu là biết soi rọi tâm hồn mình, soi rọi từng hành vi, tư tưởng, lời nói vào Lời Chúa, bạn và tôi hãy để cho Lời Chúa thẩm thấu từng ngày, để nhờ ánh sáng Lời Chúa dẫn lối, ta sẽ hoàn hảo hóa chính mình trong từng ngày sống. Hiểu rằng giá trị tuyệt đối của một kiếp làm người là đi vào cửa hẹp để đạt tới vinh quang của chính Thiên Chúa, bạn và tôi kiên quyết chối từ một cuộc sống dễ dãi, chối từ những sa hoa phù phiếm, biết tránh xa những nguy cơ đưa tới cạm bẫy là sự hào nhoáng của vật chất, danh vọng, quyền lực...
Hãy nhớ rằng, ơn cứu độ, dù là của mọi người, không bao giờ là đặc quyền của bất cứ ai, nhưng bất cứ ai biết đón nhận ơn cứu độ ấy bằng một lối vào qua cửa hẹp, đều đạt tới một cách toàn vẹn. Vì ngay từ hôm nay, nếu mỗi người, qua thai độ sống, qua cách thể hiện chính mình hằng ngày, là sự chuẩn bị cho số phận đời đời của bản thân. Vậy ngay từ hôm nay hãy quyết định dứt khoát, đừng trì hoãn, nhưng bắt đầu tức khắc, chọn cho mình một lối sống phù hợp với ơn cứu độ Chúa ban. Vì quyết định như thế chính là sự chọn lựa khôn ngoan. Chọn lựa ấy đưa ta tiến vào vinh quang đời đời của Thiên Chúa.
Một ý tưởng xuyên suốt qua bài đọc I, đáp ca và Bài Tin Mừng hôm nay là Thiên Chúa ban ơn cứu: TN 21-C22
Một ý tưởng xuyên suốt qua bài đọc I, đáp ca và Bài Tin Mừng hôm nay là Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho muôn dân.
- Bài đọc I: "Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến va được thấy vinh quang của Ta”.
- Đáp ca: "Muôn nước hỡi nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi hãy chúc tụng Người"
- Tin Mừng: "Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa"
Như vậy sứ điệp chính của Lời Chúa hôm nay là: Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người.
B. Tìm hiểu sứ điệp
1. Bài đọc I (Is 66,18-21)
Đây là đoạn kết của sách Isaia, qua đó Thiên Chúa tỏ cho biết giai đoạn cuối của chương trình cứu độ của Ngài là tất cả mọi dân tộc (chứ không riêng gì dân do thái) sẽ tin vào Ngài, đến với Ngài và hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài.
2. Đáp ca (Tv 116)
Thánh vịnh này nhấn mạnh lại ý tưởng của bài đọc I: kêu mời mọi nước mọi dân hãy ca ngợi và chúc tụng Chúa.
3. Tin Mừng (Lc 13,22-30)
Hai câu trong đoạn Tin Mừng này đáng chú ý nhất:
c.23: Câu hỏi mà một người kia đặt ra cho Chúa Giêsu phản ánh quan tâm của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.
Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp: nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.
c.24: Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải cố gắng, diễn tả bằng hình ảnh "đi qua cửa hẹp".
- "Đi qua": Động từ "qua" diễn ta sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái cửa hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết "đi qua" (thay đổi cách sống) thì mới vào nhà được.
- "Cửa hẹp" diễn ta sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khăn như lạc đà chui qua lỗ kim: xem Mt 19,24, Mc 10,25, Lc 18,25).
Như thế, số lượng những kẻ vào Nước Trời (nhiều hay ít), và lý lịch của những người ấy (do thái hay dân ngoại) đều không quan trọng. Vấn đề quan trọng là phải cố gắng đi qua cửa hẹp mà vào.
4. Bài đọc II (Dt 12,5-7.11-13)
Đoạn thư Do thái này bàn đến những gian truân khốn khó.
Như chúng ta đã biết, các kitô hữu gốc do thái phải chịu nhiều khốn khó từ phía đế quốc Rôma lẫn phía Do thái giáo.
Tác giả cho họ biết rằng những gian nan khốn khó đó là những việc Chúa cho phép xảy ra để thử thách và sửa dạy họ. Mà Chúa thương ai thì mới thử thách và sửa dạy người ấy. Vì thế, họ đừng ngã lòng, trái lại hãy vui mừng vì biết mình được Chúa thương, và kiên trì chịu đựng.
C. Rao giảng sứ điệp
I. GỢI Ý GIẢNG
1. Số lượng và phẩm chất
Thời Chúa Giêsu nhiều người Do thái tưởng rằng ơn cứu rỗi chỉ dành riêng cho dân tộc họ mà thôi. Vì thế khi họ hỏi Chúa Giêsu "Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số ít người sẽ được cứu rỗi ?" thì họ thầm mong Chúa Giêsu sẽ trả lời "Phải" để xác nhận quan điểm của họ.
Nhưng Chúa Giêsu đâu có muốn xác nhận một quan điểm hẹp hòi như vậy, và Chúa Giêsu cũng không muốn trả lời thẳng câu hỏi của họ. Nếu Chúa đáp "Phải" chỉ có một ít người sẽ được cứu rỗi" thì sẽ sinh hậu quả là những người Do thái thành ra kiêu căng tự mãn vì nắm chắc phần rỗi: vì tự mãn như thế họ không cần cố gắng gì thêm nữa. Và những người khác không phải là Do thái thì sẽ nản lòng, tự nhủ "Ơn cứu rỗi không thuộc về mình, thôi thì cố gắng làm chi cũng vô ích". Ngược lại nếu Chúa Giêsu đáp "Ơn cứu rỗi được ban cho số đông" thì cũng làm cho mọi người ỷ lại, không cố gắng, bởi vì cố gắng làm chi vì mình chắc chắn sẽ được rồi mà.
Chính vì những lý do nêu trên mà Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi dựa trên số lượng, Chúa nhắm đến phẩm chất: Ơn cứu rỗi không phải là đặc quyền của một số người nào, của một dân tộc nào, của một phe nhóm nào cả, mà thuộc về bất cứ ai biết sống theo Lời Chúa dạy. Vì thế mà sẽ có những cảnh trớ trêu:
- Những kẻ trước hết sẽ có thể nên sau hết; ngược lại những kẻ sau hết có thể thành trước hết. Dân tộc Do thái dù được biết Chúa sớm hơn hết nhưng nếu không sống theo Lời Chúa thì có thể đi sau các dân khác tuy biết Chúa muộn hơn nhưng đã biết sống theo Lời Chúa.
- Chúa còn nói:"Nhiều người từ đông sang tây nam bắc sẽ được mời vào nước Chúa đang khi con cái trong nhà bị đuổi ra", nghĩa là có thể các dân tộc khác sẽ vào chiếm chỗ dân Do thái vì các dân tộc ấy đã biết sống theo Lời Chúa.
Trên đây là ý nghĩa trực tiếp của đoạn Tin mừng, áp dụng cho dân Do thái và các dân khác thời Chúa Giêsu. Còn ý nghĩa hiện thực áp dụng cho thời đại chúng ta ngày nay là: không phải hễ có rửa tội, có đạo, có dự lễ, rước lễ, xưng tội, đọc kinh, nghe giảng v.v. thì đương nhiên sẽ được cứu rỗi đâu. Nhưng ơn cứu rỗi được ban cho bất cứ kẻ nào sống theo Lời Chúa, cho dù người đó có đạo hay là không có đạo. Thực vậy, có đạo mà không sống theo Lời Chúa thì không bằng người tuy không có đạo, không biết Chúa nhưng cuộc sống của họ lại theo đúng những điều Chúa dạy. Giáo thuyết này đưa đến hai quan niệm mới trong nền thần học ngày nay: (1) Thứ nhất là quan niệm về những người Kitô hữu vô danh: đó là những người tuy không có đạo, nhưng vì cuộc sống của họ phù hợp với tinh thần Tin mừng nên vẫn được coi là Kitô hữu mặc dù họ không có danh hiệu Kitô hữu. (2) Còn quan niệm thứ hai là về những người "Kitô hữu ngoại đạo", nghĩa là những người tuy có đạo nhưng lại không sống theo tinh thần Tin mừng nên bị coi là ngoại đạo mặc dù họ có danh hiệu Kitô hữu.
Nếu danh hiệu không làm nên thực chất của người Kitô hữu, thì là cái gì ? Thưa là cuộc sống được thể hiện qua những phản ứng của mình trước mọi tình huống trong đời.
Một nữ tu già ngồi sau một chiếc xe đạp, rồi có một chiếc xe hơi trên đó có một số cán bộ chạy lướt qua. Chiếc he hơi lái hơi ẩu nên chạm chiếc xe đạp làm cho bà sơ già té ngửa xuống, dập đầu xuống đường. Những cán bộ trên xe hơi vội vã xuống đỡ bà dậy. Mặc dầu đau lắm nhưng bà cố gắng nói "Không sao đâu các con, xin Chúa chúc lành cho các con". Câu nói đột ngột đó làm cho các ông cán bộ kia vừa tức cười vừa nghĩ ngợi: tức cười vì các ông ấy đâu có tin Chúa mà cần tới phúc lành của Chúa, nhưng các ông phải nghĩ ngợi vì phản ứng đầy bác ái và đầy đức tin của bà sơ: chỉ có kẻ nào quá quen với tha thứ và lúc nào cũng luôn nhớ tới Chúa mới có thể thốt ra một câu như vậy". Và sau đó những ông cán bộ ấy hay tới lui chăm sóc và thăm viếng vị nữ tu ấy, lòng rất mến phục.
Đó là phản ứng. Phản ứng thì lẹ làng, bất ngờ nhưng rất trung thực. Trước một tình huống xảy ra, trong lòng mình thế nào thì mình sẽ phản ứng đúng như vậy. Người nào chỉ có đạo trên danh nghĩa nhưng không quen sống theo Lời Chúa thì không thể nào có được phản ứng mang tính chất Kitô giáo đích thực. Như thế, thước đo của lòng đạo chúng ta chính là những phản ứng của chúng ta.
Thí dụ như khi bị trộm mất đồ, không ít người có đạo đã đi coi thầy bói để đoán xem ai đã lấy đồ của mình. Đây rõ ràng là phản ứng của người không đạo.
Ông Gióp bị tai ương dồn dập: nhà cửa bị cháy rụi, các đoàn vật bị cướp đi, con cháu bị chết hết, bản thân mang chứng phong cùi gớm ghiếc… Gióp đã biết nói "Xưa Chúa đã ban, nay Chúa lấy lại, xin ngợi khen Chúa". Ông còn khuyên người khác "Mình biết lãnh nhận những ơn lành của Chúa thì sao không biết chịu đựng những thử thách của Chúa,. Đó mới là phản ứng của người có lòng đạo thực.
Thế nhưng không thiếu người cho rằng: sống giữa một xã hội đầy tráo trở mà phản ứng theo tinh thần Tin mừng thì là khờ dại quá. Xin hỏi lại: Thế thì đạo không có ăn nhập gì với cuộc đời sao ? Con người chúng ta phải chia ra làm hai sao: một con người hiền lành lúc ở nhà thờ đọc kinh dự lễ và một con người tráo trở gian manh khi cư xử với người đời sao ! Không được, con người chúng ta phải là một ở nhà thờ cũng vậy mà ở giữa chợ đời cũng vậy. Đạo chúng ta là đạo nhập thể vào đời chứ không phải chỉ là đạo ở nhà thờ.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói rằng không phải hễ mang danh nghĩa là người Do thái ngày xưa, hay người Công giáo ngày nay là đương nhiên được ơn cứu rỗi; không phải hễ có rửa tội, hễ có thường xuyên đọc kinh rước lễ là đương nhiên được ơn cứu rỗi. Nhưng ơn cứu rỗi là dành cho bất cứ ai biết sống theo Lời Chúa và có những phản ứng hợp với tinh thần Tin mừng trong mọi tình huống cuộc đời.
Xin Chúa giúp chúng ta không chỉ là những người Kitô hữu trên danh nghĩa nhưng thấm nhuần tinh thần Kitô hữu trong cả cuộc sống, trong mọi cách suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình.
2. Qua cửa hẹp
Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa như một phòng tiệc. Phòng tiệc thì vui, được ở trong phòng tiệc thì hạnh phúc. Nhưng muốn vào phòng tiệc thì phải qua một cửa hẹp.
- Động từ “qua” chỉ một sự thay đổi: từ cuộc sống cũ đổi sang cuộc sống mới.
- Hình ảnh “qua cửa hẹp” chỉ một sự cố gắng, chịu cực chịu khó. Thay đổi cách sống không phải là chuyện dễ dàng nhưng rất khó khăn, không phải là chuyện mau chóng nhưng rất lâu dài.
Có một câu chữ nho mang ý nghĩa tương tự: “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”, nghĩa là mỗi ngày mỗi đổi mới, đổi mới và lại đổi mới.
Lời Chúa dạy hôm nay khiến chúng ta phải bỏ đi những ảo tưởng về những giải pháp nhanh chóng và dễ dàng:
- Đừng cho rằng cứ sống đều đều theo một thời khóa biểu đọc kinh, dự lễ, xưng tội… thì chắc mẩm sẽ vào được nước thiên đàng.
- Đừng nghĩ rằng miễn là không phạm phải tội nào được liệt kê trong bảng 10 điều răn Chúa và 6 điều răn Hội Thánh thì không thể nào sa hỏa ngục.
Bạn hãy trung thành với thời khóa biểu ấy và hãy nghiêm túc tuân thủ các điều răn, nhưng đừng để cho những việc ấy ru ngủ bạn. Điều quan trọng nhất là hằng ngày phải luôn cố gắng đổi mới cuộc sống mình: mỗi ngày một gần Chúa hơn, mỗi ngày một giống Chúa hơn.
II. ĐỂ THAM KHẢO THÊM
1. Thử thách giúp nên người (Dựa trên Bài đọc II, trích thư Do thái)
Ở một số bộ lạc da đỏ, có tục lệ sau đây: khi một trẻ trai đến tuổi thành niên, người cha của nó sẽ dẫn nó vào rừng, giao cho nó một cây giáo, sau đó người cha rút lui để lại nó một mình trong rừng suốt đêm hôm ấy. Trong đêm đó, nó sẽ phải một mình ở trong rừng, đối diện với nhiều nỗi sợ hãi: sợ cô đơn, sợ bóng tối, sợ thú dữ… Nếu nó hèn nhát đòi theo cha về nhà thì nó vẫn bị coi là trẻ con. Nhưng nếu nó chịu đựng được tất cả và sáng hôm sau rời khỏi khu rừng trở về với gia đình thì nó được chính thức công nhận là người một trưởng thành.
Nếu nói theo bài Tin Mừng hôm nay thì cái đêm khó khăn trong rừng ấy là cái "cửa hẹp"; còn nếu nói theo bài đọc II thì đó là "thử thách". Có qua thử thách hay cửa hẹp đó thì chàng thiếu niên mới trở thành người.
Tại sao gian nan cực khổ giúp ta nên người ?
- Vì nó thanh luyện tâm hồn
- Vì nó rèn luyện đức tính
- Và vì nó sinh nhiều hoa trái tốt
Chẳng những giúp ra nên người, gian nan cực khổ còn giúp ta nên người kitô hữu tốt:
- Sở dĩ Chúa cho phép gian nan cực khổ xảy đến với ta là vì Chúa biết nó có thể làm ích cho chúng ta. Nói ngược lại, nếu nó chỉ có hại thì Chúa đã không cho nó xảy đến với ta.
- Nó khiến ta tìm đến Chúa
- Nó giúp ta cảm nghiệm được quyền phép Chúa
- Nó giúp ta cảm nhận được tình thương của Chúa
- Và nó khiến ta biết thương xót những người gặp hoàn cảnh gian nan cực khổ như ta.
2. Chuyện minh họa
a/ Cửa hẹp
Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ (...) Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài (Sưu tầm).
b/ Tiếng Chúa
Thiên Chúa nói thì thầm trong cơn vui sướng của chúng ta; Ngài nói đủ nghe trong lương tâm của chúng ta; nhưng Ngài hô lớn trong những cơn đau của chúng ta (C.S. Lewis).
Với đà tăng dân số như hiện nay, thì “người khôn, của khó”. Cánh cửa tìm kiếm công ăn việc: TN 21-C23
Với đà tăng dân số như hiện nay, thì “người khôn, của khó”. Cánh cửa tìm kiếm công ăn việc làm, cánh cửa vào đại học... tất cả hình như ngày càng hẹp đi. Những công việc làm tốt, và những dãy ghế ở giảng đường đại học ngày nay chỉ dành cho những người nào biết cố gắng ở mức cao nhất. Tương tự như thế, Lời Chúa hôm nay cũng cho chúng ta thấy rằng: để vào được Nước Trời, muốn chiếm hữu được một chỗ ở vĩnh cửu, mỗi người chúng ta cũng phải vào qua cửa hẹp, nghĩa là phải cố gắng phấn đấu hết sức của chúng ta.
1. CON ĐƯỜNG HẸP:
Thông thường, khi phải chọn lựa, ai trong chúng ta cũng muốn chọn lựa một con đường thật bằng phẳng, rộng rãi để đi. Đây cũng là điều tốt, vì đường rộng, đi được nhanh và ít gặp nguy hiểm. Thế nhưng, với kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy rằng: nếu chúng ta chỉ muốn chọn một con đường rộng, nghĩa là chọn sự dễ dãi, ngại cố gắng, hy sinh thì chắc chắn, chúng ta sẽ không thu được một kết quả tốt. Chỉ có những ai dám “thức khuya, dậy sớm”, chịu khó làm việc mới có thể thu lượm được thành quả tốt. Bởi đó, khi có người hỏi Chúa về số người được cứu độ, Đức Giê-su đã không trả lời trực tiếp, nhưng Ngài lại chỉ cho thấy con đường để đạt đến Ơn Cứu Độ, đó là con đường hẹp, Ngài nói: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được”. Khi trả lời như thế, Đức Giê-su muốn nói rằng: số người được cứu độ tuỳ thuộc vào sự chọn lựa và cố gắng của chúng ta.
Con đường dẫn đến ơn cứu độ vẫn có sẵn đó. Thiên Chúa cũng không giới hạn số người vào, nhưng điều quan trọng là có được mấy người chịu đi vào con đường đó để nhận được ơn cứu độ. Cha ông chúng ta cũng thường nói: “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”, nghĩa là muốn thu được một kết quả, thì chúng ta phải cố gắng, chuyên chăm làm việc. Cũng giống như cá, tôm, cua... vốn vẫn có sẵn dưới sông biển, nhưng nếu muốn bắt được chúng, thì chúng ta phải thả lưới, giăng câu, còn như chúng ta chỉ nằm ở nhà, thì cho dù cá có nhiều đến mấy đi chăng nữa, thì nó cũng chẳng tự bơi vào nhà chúng ta.
Mặt khác, con đường hẹp mà Đức Giê-su đề cập đến thực ra nó cũng chẳng hẹp, nhưng đúng hơn có lẽ chỉ vì chúng ta quá lớn nên không đi lọt mà thôi. Do đó, để có thể vào qua cửa của Đức Giê-su để đón nhận Ơn Cứu Độ, mỗi người chúng ta cần có một chế độ “ăn kiêng” phù hợp, nghĩa là mỗi người chúng ta cần biết từ bỏ đi những gì là cồng kềnh, không phù hợp với Nước Chúa. Hay nói một cách khác, chúng ta cần sống những gì Chúa dạy, chứ không chỉ là nghe xuông. Nếu chúng ta chỉ tham dự các nghi lễ Phụng Vụ, hay là có là người đứng ra giảng giải Lời Chúa thật hay đi chăng nữa, mà không hề đem Lời Chúa ra thực hiện trong đời sống thường ngày, thì chúng ta vẫn là những người xa lạ với Nước Thiên Chúa, Ngài vẫn “không biết chúng ta từ đâu tới”. Còn Thánh Gia-cô-bê thì coi những người nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì chỉ là những kẻ tự lừa dối chính mình ( x. Gc 1, 22 ).
Đây là điều rất khó đối với mỗi người chúng ta, bởi lẽ chúng ta rất dễ yên tâm với việc tham dự một vài nghi lễ Phụng vụ, tuân giữ một số lề luật, hay dâng cúng một tiền nào đó rồi tự cho là đủ rồi. Trong khi đó, lời Chúa đòi chúng ta phải đem Lời Chúa mà chúng ta nghe trong nhà thờ này ra thực hiện trong đời sống thường ngày: Đó là việc từ chối một bữa nhậu, một ván bài, kềm hãm một cơn nóng giận trong tự ái, sẵn sàng đi bước trước để tha thứ và làm hoà với anh chị em. Can đảm nói sự thật, cho dù sự thật có làm mất lòng và làm cho chúng ta thua thiệt về vật chất. Khiêm tốn đón nhận những lời góp ý, sửa sai... Tất cả những điều đó là con đường hẹp mà Chúa muốn chúng ta đi qua để vào Nước Trời.
2. CON ĐƯỜNG CỦA SỰ SỐNG:
Con đường hẹp còn là con đường của sự khiêm tốn, sẵn sàng đón nhận sự sửa dạy của Thiên Chúa. Cũng giống như một cây kiểng nếu muốn đẹp, chúng ta cần phải uốn nắn, có khi phải cắt tỉa cả những cành sâu, hoặc là không thích hợp. Chắc hẳn khi bị cắt tỉa như thế, cây cũng đau đớn, vì bị mất đi một phần của mình, nhưng chỉ khi chấp nhận điều đó, nó mới trở nên có giá trị. Tương tự như vậy, việc sửa dạy, có thể gây cho chúng ta đau đớn, thậm chí cả đổ máu, nhưng đó lại là điều cần thiết cho những ai muốn được hoàn thiện.
Mặt khác, khi chấp nhận sửa dạy như thế, đó là lúc chúng ta đang thực sự ở trong tình yêu của Thiên Chúa, đang được ở trong vị thế của một người con, như lời tác giả thư Do Thái mà chúng ta vừa nghe trong Bài Đọc Một: “Hỡi con, con chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, và đừng nản chí khi Người quở trách con; vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con”. Và nếu là con, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được phần gia nghiệp của mình trong Nước của Thiên Chúa.
Như thế, con đường mà Chúa đòi chúng ta đi tuy hẹp nhưng lại là con đường tốt nhất và ngắn nhất, để chúng ta đạt được bình an trong hiện tại và sự sống đời đời trong tương lai. Và cho dù là con đường hẹp, nhưng nó lại được mở ra cho tất cả mọi người không phân biệt là nam hay nữ, già hay trẻ, giàu sang hay nghèo hèn, cũng không phân biệt màu da, hay chủng tộc. Chỉ cần một thiện chí, muốn và cố gắng hết sức mình sống theo Lời Chúa, tất cả mọi người từ khắp mọi nơi trên địa cầu này nếu muốn đều có thể bước đi trên con đường ấy. Trong cuộc đối thoại hôm nay, Đức Giê-su đã báo trước: “Người ta sẽ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa”.
Viễn cảnh huy hoàng, ngựa xe tấp nập từ khắp nơi tuôn đến “con đường hẹp” mà Đức Giê-su đã vạch ra này cũng đã được báo trước trong đoạn cuối của sách Ngôn Sứ I-sai-a như chúng ta vừa nghe trong bài đọc một: “Chúng sẽ rao giảng cho các dân biết vinh quang của Ta, sẽ dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến như của lễ dâng cho Chúa, họ cỡi ngựa, đi xe, đi võng, cỡi la, cỡi lạc đà, đến núi thánh của Ta là Giê-ru-sa-lem, khác nào con cái Ít-ra-en”.
Cha ông chúng ta cũng đã từng nói: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Và Lời Chúa hôm nay như muốn làm sáng tỏ thêm điều này khi mời gọi mỗi người chúng ta can đảm dấn bước chân mình trên con đường hẹp: con đường của sự cố gắng hy sinh liên lỷ mỗi ngày, con đường của sự khiêm tốn, dẹp bỏ cái tôi ích kỷ, tự ái sẵn sàng lắng nghe và sống theo sự hướng dẫn của Lời Chúa, cho dù có phải mất mát, thua thiệt vật chất trước mắt, nhưng chắc chắn đó là con đường đưa chúng ta tới hạnh phúc thật. Và để đi trong con đường này, mỗi người chúng ta chắc chắn phải cậy dựa thật nhiều vào ơn Chúa.
Sứ điệp phụng vụ hôm nay, Chúa nhật 21 quanh năm C, như một lời vẫy gọi chúng ta cùng tiến: TN 21-C24
Sứ điệp phụng vụ hôm nay, Chúa nhật 21 quanh năm C, như một lời vẫy gọi chúng ta cùng tiến bước trên “Con đường của Đức Kitô” để hướng về một ngay mai tươi sáng rạng ngời, ngày thành tựu viên mãn của chương trình cứu chuộc, ngày mà ở đó một “Trời mới Đất mới” sẽ hình thành và toàn thể chúng sinh sẽ qui tụ trong một bàn tiệc hạnh phúc vĩnh hằng. Niềm xác tín cánh chung nầy lại là một gọi mời để từng ngày hôm nay chúng ta nỗ lực lựa chọn và bước đi trên “Con đường hẹp” của Đức Kitô.
Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau thú nhận tội lỗi để xứng đáng cử hành Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, vừa là dấu chỉ vừa là chuẩn bị cho Bàn tiệc trường sinh mà chúng ta tin tuởng sẽ được dự phần.
Giảng Lời Chúa:
Dẫn nhập:
Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng hình như khi ông tổng thống Mỹ Nixon sang thăm Trung Quốc, thi ông Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc đã mở một đại tiệc đãi Nixon. Trong bữa tiệc ấy người ta nói rằng có cả thảy 300 món ăn cao sang mỹ vị. Những người dự bữa tiệc ngoại giao hôm ấy, giờ đây hầu hết đã tan thành tro bụi. Xa hơn nữa, cách đây 2000 năm, trong Tin Mừng cũng thuật lại bữa tiệc của vua Hêrôđê, có cô vũ nữ con của nàng Herôdiađê, một phụ nữ lăng loàng, ra nhảy múa. Kết quả bữa tiệc có thêm một món là “cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên dĩa”. Những bữa tiệc đời là như thế! Huy hoàng đó, sang trọng đó, cao sang mỹ vị đó… rồi thoáng chốc cũng chỉ còn trơ lại một kỷ niệm nhạt nhòa, một dư âm có khi não nề cay đắng. Và rồi trong cuộc sống đời thường quanh ta, cũng đã có bao nhiêu tiệc cưới, bao nhiêu tiệc mừng thành công chiến thắng, bao nhiêu tiệc vui đoàn tụ, sum vầy…Nhưng rồi sau tiệc cưới là đổ bể ly dị, sau tiệc vui đoàn tụ là chia rẽ hận thù, sau tiệc mừng chiến thắng là thất bại đảo điên…Những bữa tiệc đời là như thế !
Thế nhưng, ước mơ bao đời của kiếp người vẫn là được ăn tiệc, vẫn là được có một lần tham dự đại tiệc. Phải chăng đó chính là ước mơ một thiên đàng mà con người đã lỡ đánh mất vào thời “Nguyên Tổ” ? Bởi vì, khi cánh cửa địa đàng khép lại, có thiên thần cầm gươm lửa giữ chặt đường đẫn đến vườn diệu quang, mãi mãi con người chẳng còn có được bữa tiệc nào cho nên dáng !
1. Thiên Chúa hứa ban tặng một Bàn tiệc mới:
Cái lỗi lầm tai quái của con người cho dù lớn mấy lớn, to mấy to, cũng không thể dập tắt lòng yêu thương của Thiên Chúa. Đó chính là mặc khải cốt lỏi của Lời Chúa, của Thánh Kinh. Và mục đích của chương trình cứu rỗi nói một cách nôm na đó chính là “cuộc đại tiệc của Thiên Chúa mở ra để khoản đãi toàn nhân loại”, một đại tiệc để qui tụ lại những gì tội lỗi phân tán, một đại tiệc hàn gắn lại những rạn nứt đau thương, một đại tiệc đem lại gần nhau những hận thù xa cách, một đại tiệc của bình đẳng, huynh đệ để phá tan mọi biên giới của phân biệt gia cấp, mau da, chủng tộc…Cuộc tập họp đó, sự qui tụ đó Sứ Ngôn Isaia hôm nay trong bài đọc 1 đã diễn tả một phần nào nội dung và ý nghĩa: “Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của ta..” Cuộc tập họp đó nếu đã khởi đầu cho dù một cách mộc mạc thô sơ nơi ông cụ có niêm tin sắt đá là Abraham để bắt đầu một nhóm nhỏ, một bộ lạc tầm thường dẫn datứ nhau theo tiếng gọi của “Một Đấng Vô hình”; thì lại lớn dần lên, xum xuê với cây cao bóng cả Môsê để không còn là một bộ tộc rày đây mai đó trên những thảo nguyên trơ trọi, mà là một dân ưu tuyển với “bờ xôi ruộng mật”, quây quần, xúm xít bên Hòm Bia Giao ước thánh Sinai. Và rồi, Thánh Vương Đa-vít xuất hiện, như một “Mục tử” chăn dắt Dân riêng lại là điềm tiên báo chắc chắn về một “Chồi Non” sắp xuất hiện để khai mạc một triều đại Nước Chúa huy hoàng…
2. Ngày của Đức Kitô:
Nhưng con đường cựu ước vẫn là con đường của hy vọng đợi chờ, ước giao và hứa hẹn. Phải đợi đến một ngày, một ngày có tiệc cưới Cana với “hàng trăm lít nước lã hóa thành rượu ngon, một ngày trong hoang địa Galilê, cả 5000 người no nê với chỉ vài con cá và mấy tấm bánh nhỏ, một ngày có bao nhiêu người cùi hủi khóc lên hân hoan vui sướng vì được chữa lành, một ngày mà cô gái làng chơi Maria Mađalêna nhỏ những giọt nước mắt sám hối để hoàn lương và tên trưởng ty thuế vụ Giakê mở tiệc ăn mừng quyêt tâm đổi đời để trở thành người công chính…và một ngày mà Bánh Và Rượu đã trở thành Máu Thịt để Giao Uớc tình yêu của Thiên Chúa cô đọng lại cụ thể nơi một Con Người, Con của Bác Thợ Mộc Giuse, Con của Cô Trinh Nữ Maria người Nadarét, Con của Đấng Toàn Năng, Đức Giêsu Kitô, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Đường vào “Cây sự sống” đã bị chặn lại sau biến cố phản bội của Tổ Tông loài ngươi; thì “vào Ngày Thứ Nhất trong tuần”, khi hòn đá che mộ lăn ra, cánh cửa của vương quốc sự sống đã mở rộng thênh thang để con người lên đường tiến về nguồn hạnh phúc, Đức Kitô phục sinh. “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự sống”. Với Đức Kitô Tử nạn-Phục sinh, không còn chỉ một dòng tộc Abraham, một dân Ít-ra-en, mà mọi dân mọi nước được đưa lên, được qui tụ về: “Khi Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12,32); “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13, 29).
3. Đường của Đức Kitô, con đường hẹp.
Thế nhưng Thiên Chúa hình như ít thích chuyện dễ dãi. Khi đưa dân Ít-ra-en về hứa địa, Ngài “chơi luôn” 40 năm đi lòng vòng trong hoang mạc; và để chuẩn bị chỉ cho một cuộc “Giáng Sinh” của Con Một Ngài, Thiên Chúa đã dựng lên cả một trường thiên lịch sử đợi chờ và ước hẹn, lại sai các Sứ Ngôn tiên báo hoài đến độ làm cho không ít dân Do Thái nản lòng, bất mãn. Quả thật, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã diễn tả điều đó một cách ví von: “Thiên Chúa luôn viết thẳng trên một đường cong”. Mà quả thật tới “phiên” Đức Kitô cũng thế ! Sẵn sàng chịu đói khát rách nát đau thương trong khi có thể đễ dàng biến hòn đá kia thành bánh mì ngon ơ ngọt xớt ! Sẵn sàng chịu tủi nhục thương đau, đọa đầy nhục mạ, trong khi có thể nắm gọn trong tay mọi vương quốc và quyền lực thế gian; Sẵn sàng vác lấy thập giá lê những bước nhọc mệt đắng cay lên đồi Canvê để chịu đóng đinh tan nát, trong khi có thể mở tay thực hành muôn phép lạ cả thể uy quyền… Và Ngài gọi đó chính là con đường “Phúc thật”, “Con đường hẹp”. Con đường thích hợp với chúng ta và cho chúng ta, vì chúng ta chỉ là tạo vật đớn hèn, chỉ là loài tro bụi. Chúng ta có gì đâu để dứng lên làm trời, làm chúa; chúng ta có gì đâu để hợm hĩnh kiêu căng !
- Con đường hẹp đó chính là sự vâng nghe Lời thiên Chúa hơn nghe lời người phàm của Phêrô để sau này Phêrô chấp nhận bị đóng đinh ngược đầu xuống đất
- Con đường hẹp đó là sự lựa chọn của Phaolô chấp nhận Thập Giá là sự khôn ngoan và phương thế cứu rỗi để sẵn sàng ngữa cổ bị chém đầu
- Con đường hẹp đó chính là hàng vạn cuộc tử đạo oai hùng của bao thế hệ chứng nhân.
- Con đường hẹp đó chính là tình yêu thanh khiết trọn vẹn của những người nam nữ dâng trọn cuộc đời để phục vụ.
- Con đường hẹp đó cũng là những hy sinh âm thầm của những người mẹ người cha sắn sàng đón nhận vất vả nhọc mệt để nuôi dạy con cái trong đường ngay lẽ phải.
-Con đường hẹp đó là những an vui của những bệnh nhân biết chấp nhận bệnh hoạn tật nguyền trong tin yêu phó thác,..
- Con đường hẹp đó vẫn còn nối dài nối dài đến thiên thu bất tận những cố gắng, yêu thương, khoan dung tha thứ, để dẫn loài người đến Bàn Tiệc Nước Trời.
- Con đường hẹp đó chính là giải pháp, chính là phương thế để cộng đoàn Dân Mới hôm nay lên đường tiến về quê hương vĩnh hằng.
Kết: Mỗi người có mỗi con đường hẹp riêng cho riêng mình. Nhưng cho dù chọn “mẫu mã” nào, vóc dáng nào, con đường hẹp của mọi kitô hữu vẫn phải căn cứ trên kích cở “con đường từ Máng cỏ tới Can-vê”, con đường của “Bài Giảng Trên núi”, con đường của “người Samari nhân hậu”, con đường của “chiều Thứ Năm quì xuống rửa chân cho anh em”, con đường của “hai ngàn năm Vui Mừng và Hy vọng” sát cánh, sẻ chia và phục vụ những người nghèo trên mọi nẻo đường trần thế. Con đường đó hôm nay, giờ này đang dẫn lối chúng ta cùng ngồi lại ở đây, trong Thánh lễ nầy, như một cuộc dừng chân cần thiết tuyệt vời để “lấy trớn và đong đầy sức sống, niềm tin” hầu tiếp tục tiến về phía trước…
Câu hỏi mà một người kia đặt ra cho Chúa Giêsu phản ánh quan tâm của người Do Thái đương thời: TN 21-C25
1. c.23: Câu hỏi mà một người kia đặt ra cho Chúa Giêsu phản ánh quan tâm của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.
Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp: nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại ; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.
2. c.24: Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải cố gắng, diễn tả bằng hình ảnh “đi qua cửa hẹp”.
- “Đi qua”: Động từ “qua” diễn ta sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái của hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết “đi qua” (thay đồi cách sống) thì mới vào nhà được.
- “Cửa hẹp” diễn ta sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khăn như lạc đà chui qua lỗ kim: xem Mt 19,24, Mc 10,25, Lc 18,25).
B.... nẩy mầm.
1. “Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh. ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ (...) Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
2. Chịu ảnh hưởng của nền văn minh hưởng thụ, người thời nay có khuynh hướng làm cho mọi việc thành thoải mái dễ chịu, kể cả việc sống đạo. Thí dụ: trong nhà thờ ghế phải rộng và êm, phải có quạt máy, cha phải giảng ngắn... Những lời nhắc nhở của ĐGH về hôn nhân bất khả li, về luật cấm phá thai, về độc thân Linh mục v.v. bị coi là chói tai nên không được đáp ứng v.v. Cách sống đạo như thế không phải là đi qua cửa hẹp. Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống tín hữu như một cuộc chạy đua: để đạt huy chương, người lực sĩ nào cũng phải dày công khổ luyện.
3. Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào...” (Lc 13,24)
Đậu tốt nghiệp hạng ưu, thằng nhóc nó vui mừng hớn hở về báo tin cho tôi. Tôi đã đọc được niềm vui trong lòng nó, tôi tự nhủ rằng: “Cậu tú nhà tôi đậu được thủ khoa cũng đáng”, bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử” nó còn phải dã từ cả sân cỏ: không đá banh, không patin, cũng không bén mảng đến hồ bơi, nó bỏ hết những cuộc chơi.
Từ đó tôi nghiệm ra rằng thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu. Con đường tiến về quê trời cũng vậy, đòi hỏi tôi lực chọn đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.
Lạy Chúa ! Mỗi ngày trong cuộc sống của con, xin cho biết chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. (Hosanna)
Khung cửa hẹp, con đường hẹp là con đường tu đức Chúa Giêsu dạy cho chúng ta.
Tin Mừng hôm nay nói đến hình ảnh cửa hẹp. Cửa hẹp là cửa khó đi qua, chỉ dành cho ít người: TN 21-C26
Tin Mừng hôm nay nói đến hình ảnh cửa hẹp. Cửa hẹp là cửa khó đi qua, chỉ dành cho ít người. Kinh Thánh dùng hình ảnh cửa hẹp để chỉ những đòi hỏi của Nước Trời.
Hẹp ở đây không có nghĩa là hẹp hòi hay kém giá trị. Tính từ hẹp chỉ sự thách đố, chông gai, đòi hỏi nổ lực để kiên vững bước đi. Hẹp chỉ sự khó khăn, vất vả, từ bỏ, cần phải “chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”.
Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay nói về cửa vào Nước Trời tuy hẹp nhưng không chật mà vẫn rộng thênh thang. 1. Cửa hẹp mà không chật
Trong bài đọc 1, Tiên tri Isaia trình bày ý định của Thiên Chúa là muốn qui tụ mọi dân tộc, mọi quốc gia thành một dân duy nhất tin vào Ngài, đến với Ngài và hưởng hạnh phúc muôn đời với Ngài. Điều kiện phải có là lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa.
Tác giả thư Do thái trong bài đọc 2 viết rằng: vì những ai được Chúa thương thì Ngài sẽ nhận làm con. Chúa thương ai thì mới sữa dạy người ấy và có nhận ai làm con mới cho roi cho vọt. Điều kiện là vâng nghe Lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Ngài khiển trách.
Bài Tin Mừng nói đến sự nổ lực suốt hành trình đức tin. Vì tất cả mọi người đều được mời gọi vào nhà Chúa Cha và được tham dự Bàn tiệc Thiên quốc. Không phải ai muốn vào cũng được. Cửa hẹp, muốn vào cần phải nỗ lực. Nổ lực sống thực thi ý Chúa, nổ lực trung thành với niềm tin của mình, nổ lực sống tình bác ái yêu thương.
Bất luận là ai cũng có thể được vào Nước Trời, miễn là phải cố gắng. Người ta sẽ từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam vào dự tiệc Nước Trời. Tất cả là do nổ lực và thành tâm thiện chí của mỗi cá nhân; không do định mệnh, không do đặc quyền đặc lợi, cũng không có chế độ ưu tiên nào, chỉ có sự tự do và quyết tâm đi vào của mỗi người trong đức tin mà thôi.
2. Nước Trời rộng, muốn vào phải có điều kiện
Người Do thái thắc mắc muốn hỏi Đức Giêsu số lượng những người được vào Nước Trời. Số lượng và lý lịch của những người được vào Nước Trời thì không quan trọng, vấn đề chủ yếu là phải cố gắng đi qua cửa hẹp mà vào.
Chúa Giêsu đã từng nói: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”. Nước Trời rộng bao la, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi buộc phải có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu.
- Phấn đấu hạ mình xuống.
Ở đời người ta thường phấn đấu để vươn lên, nhưng trong Nước Trời thì ngược lại. Phải phấn đấu để hạ mình xuống. Sống tinh thần yêu thương phục vụ anh em. Chúa dạy rằng: "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên" (Lc 14, 11); "Khi anh được mời, hãy ngồi vào chỗ cuối" (Lc 14, 10); "Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ" (Lc 22, 26); "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào" (Mc 10, 15). Cần phải biến đổi và tự hạ để có thể vào được Nước Thiên Chúa (Mt 18,3-4).
- Phấn đấu để bé nhỏ lại.
Thông thường ở đời người ta phấn đấu để to ra, trái lại người muốn vào Nước Trời phải phấn đấu để trở nên bé nhỏ đi: "Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi" (Mt 19, 21); "Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5, 3). Phải trở nên nhỏ bé như trẻ thơ thì mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
3. Cửa hẹp dẫn vào Nước Trời mênh mông
Thiên Chúa đến với con người qua khung cửa hẹp.Thiên Chúa sai Con Một xuống thế làm người hiến thân chịu chết khổ đau trên thập giá vì loài người và để cứu rỗi muôn người. Thiên Chúa chọn con đường hẹp để mở lối vào khung trời bao la của tình thương. Tình thương cao cả cúi xuống với thân phận thấp hèn của con người. Sau cửa hẹp là tình thương rộng lớn của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Ðức Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Ðức Giêsu đã qua. Con người đến với Thiên Chúa cũng phải qua khung cửa hẹp. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Ðức Giêsu hạ mình xuống và bé nhỏ đi. Chỉ những ai hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.
Vấn đề không phải là khung cửa hẹp mà chính là bản thân mình quá cồng kềnh với những thứ danh vọng chức quyền tiền bạc. Chấp nhận thanh tẩy cần thiết, trút bỏ vướng víu để nhẹ nhàng qua khung cửa hẹp mà đến với sự sống đời đời. Sau khung cửa hẹp là tình thương đẹp ngời Thiên Chúa mở ra cho vận mệnh con người.
Cửa Nước Trời không làm bằng vật chất, nhưng là Lề Luật và các phương tiện nên thánh. Nước Trời vừa mang tính hữu hình, vừa mang tính thần thiêng. Sự khó khăn chật hẹp khi đi qua cửa là đời sống kỷ luật.Vào cửa hẹp phải đi qua một mình, từng người một.Bước qua cửa hẹp là giữ và sống lời Đức Giêsu và giáo huấn của Giáo hội một cách nghiêm chỉnh suốt cuộc hành trình trần gian.Cửa hẹp nên để qua phải hy sinh, vất vả. Đứng trước cửa hẹp, ai lại không ngần ngại, ai dám khẳng định con đường cứu độ thật dễ dàng, ai dám tự hào về thành công bản thân? “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Lối vào dẫn tới nguồn vui vẻ và hạnh phúc đời đời.
Khung cửa hẹp, con đường hẹp là con đường tu đức Chúa Giêsu dạy cho chúng ta, nhưng đó không phải là mục tiêu. Mục tiêu là ơn cứu độ, là hạnh phúc, là niềm vui, là Nước Trời, là tình yêu và sự sống mà Chúa dành cho con người. Mục tiêu ấy chúng ta chưa đạt được cách trọn vẹn ở đời này, nhưng cũng đã đạt được một phần nào ngay trong hành trình của cuộc sống đời thường.
Hãy bước theo Đức Kitô. Hãy trở nên giống Ngài bằng cách chấp nhận những thử thách, những thập giá. Vì đó là khung cửa hẹp, chúng ta cần phải bước qua để tiến vào cõi sống vĩnh cửu, đón nhận vinh quang phục sinh. Một cuộc “chiến đấu” để cuối cùng có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi đã chiến đấu trong cuộc sống chính nghĩa; đã chạy đến cùng đường; kiên vững trong lòng tin. Giờ đây, triều thiên công chính được dành sẵn cho tôi, và Thiên Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi Ngài xuất hiện”(2Tm 4,6-8).
“Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?" Người bảo họ: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.
Một khi chủ nhà đã dứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: 'Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào !', thì ông sẽ bảo anh em: 'Các anh đấy ư ? Ta không biết các anh từ đâu đến !' Bấy giờ anh em mới nói: 'Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.' Nhưng ông sẽ đáp với anh em: 'Ta không biết các anh từ đâu đến, cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !'
"Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa."
"Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng hàng đầu sẽ xuống hàng chót."
***
Đây là biến cố đầu tiên trong một loạt các biến cố mới trong chặng hành trình cuối cùng của: TN 21-C27
Đây là biến cố đầu tiên trong một loạt các biến cố mới trong chặng hành trình cuối cùng của chúa hướng về Giê-ru-sa-lem. Ngài biết tình hình đã đến lúc nghiêm trọng. Ngài biết đây là lần cuối cùng Ngài đi rao giảng sự cứu rỗi cho dân tộc, nên Ngài cố gắng để có thể thông đạt sứ điệp của Ngài đến cho mỗi thành mỗi làng.
Trong đám thính giả có người hỏi: "Thưa Ngài, phải chăng những người được cứu thoát thì ít ?" Chúa không trả lời trực tiếp, nhưng câu Ngài trả lời ngụ ý nhiều người Do-thái nghĩ mình được cứu thì lại bị hư mất, còn nhiều người ngoại bang mà người Do-thái cho là hư mất thì lại được cứu. Chúa Giê-su ví sánh những phước hạnh của Nước Ngài như một tiệc cưới dọn trong tòa lâu đài. Cửa vào lâu đài này hẹp nên nhiều người được mời từ chối không chịu đi qua. Sau một thời gian cửa này đóng lại, rồi những người không chịu vào kia lại năn nỉ chủ nhà mở lại, nhưng vô hiệu, họ đã bị loại trừ vĩnh viễn, lòng tràn ngập hối hận buồn khổ. Cửa hẹp là cánh cửa của lòng ăn năn sám hối và đặt niềm tin cậy nơi Chúa Giê-su, cơ hội vào rất sẵn sàng, nhưng không phải là vô thời hạn, những kẻ chối bỏ Đức Ki-tô sẽ bị loại ra khỏi Nước của Ngài, rồi bấy giờ những người này mới thấy mình dại dột.
Trong câu chuyện, họ khẩn khoản nài xin được vào, chính điều này là lý do buộc tội họ. Đây là hạng người đã biết Chúa rồi, họ đã từng ăn với Ngài, từng được Ngài dậy dỗ. Thế thì tại sao họ lại không nhận Ngài ? Những đặc ân ấy chỉ làm tăng thêm tội trạng của họ. Chúa đã từ chối không nhận họ thuộc về Ngài. như vậy Chúa mô tả nhiều người Do-thái bị loại bỏ, rồi thêm một câu không kém kích động về việc tiếp nhận dân ngoại: "Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa."
Như vậy Chúa Giê-su đã ứng dụng cách thực tế câu hỏi mà người ta chỉ đặt ra vì tò mò. Chúa dạy chúng ta nhiều điều:
Chúa tuyên bố rằng sự gia nhập Nước Trời không bao giờ là việc đương nhiên, nhưng đó là kết quả và là phần thưởng của một cuộc tranh đấu. Chúa Giê-su phán: "Hãy chiến đấu mà vào" Từ ngữ dịch chiến đấu hay gắng sức trong nguyên ngữ có nghĩa là sự "thống khổ". Sự chiến đấu để vào Nước Trời phải gay go đến nỗi có thể diễn tả như một sự thống khổ của tâm hồn và tinh thần.
Chúng ta dễ sa vào cơ nguy: sinh ra trong gia đình có đạo, sống trong cộng đoàn tin Chúa, hay một khi đã chính thức tin nhận Chúa là đã đi đến cuối đường và bấy giờ có thể ngồi chơi như thể đã đi tới nơi, đã hoàn thành mục đích. Đời sống ki-tô hữu không bao giờ có cái gọi là chung cuộc. Ki-tô hữu luôn luôn tiến tới, còn không thì sẽ lùi lại.
Con đường đạo khác nào một cuộc leo núi mà đỉnh chót không bao giờ đạt được ở thế gian này. Người ta nói về hai nhà leo núi nổi tiếng đã chết trên ngọn Everest rằng: "Khi người ta thấy họ lần cuối cùng thì họ vẫn hăng hái tiến lên đỉnh núi." Người ta đã ghi khắc vào bia mộ một hướng dẫn viên leo núi Alpe chết ở sườn núi rằng: "Chàng chết lúc đang lên." Con đường ki-tô hữu luôn luôn là con đường đi lên, tiến mãi.
Những người đó đã mượn lý do rằng: chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng từng dạy dỗ trên đường phố của chúng tôi." Có những người nghĩ rằng họ đã ở trong đạo Chúa thế là đã đủ rồi. Họ có ý phân biệt họ với đám dân ngoại. Nhưng con người sống trong Giáo Hội của Chúa Ki-tô chưa chắc chắn đã phải là ki-tô hữu, những người đó đang hưởng thụ các lợi ích, các tiện nghi mà những người đi trước đã xây dựng nên. Nhưng đó không phải là lý do đẩ ngồi chơi, thỏa lòng và yên trí rằng mọi sự đều tốt đẹp cả. Ngược lại, chúng ta phải tự vấn: "Ta đã góp phần được gì và di sản của người trước ?" Chúng ta không thể sống bằng cái tất vay mượn của tiền nhân.
Sẽ có những bất ngờ trong Nước Chúa. Những người nổi danh ở thế gian này có thể sẽ rất thấp kém trong đời sau. Những người chẳng ai biết đến trong đời này có thể sẽ là những vương tử ở đời sau. Có câu chuyện về một người đàn bà giàu sang được thế gian này rất mực tôn trọng. Bà ta chết và khi tới thiên đàng thì có một thiên sứ đưa bà đến nhà bà sẽ ở. Bà ta thấy nhiều ngôi nhà xinh đẹp và mỗi lần đi qua bà cứ tưởng nhà đó dành cho bà. Khi đi qua các dãy phố chính ở trên trời, tới khu ngoại ô, tại đó các nhà nhỏ hơn nhiều, và đến cuối phố, gặp một cái nhà chỉ hơn cái lều một chút. Thiên sứ bảo: "Đây là nhà của bà." Bà nói: "Cái gì vậy ? Tôi không thể nào sống trong đó." Thiên sứ đáp: "Tôi rất tiếc, nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi có thể kiến thiết với những vật liệu bà đã gửi lên đây !" Các tiêu chuẩn trên trời không giống các tiêu chuẩn dưới đất. Hạng nhất của thế gian thường sẽ là hạng bét và hạng bét của thế gian là hạng nhất ở trên trời.
BỎ CÁC NGƯỜI DO THÁI BẤT TRUNG VÀ KÊU GỌI LƯƠNG DÂN: Lc 13,22-30
So sánh với các phúc âm nhất lãm, đoản văn Lc hôm nay cũng có trong Mt, nhưng bị tách thành: TN 21-C28
1. So sánh với các phúc âm nhất lãm, đoản văn Lc hôm nay cũng có trong Mt, nhưng bị tách thành nhiều đoạn rời rạc, trong nhiều bối cảnh khác nhau. Cửa hẹp (Lc 13,24) song song với Mt 7,13-14. Cửa đóng (Lc 13,25) chấm dứt dụ ngôn về các trinh nữ khôn ngoan và khờ dại trong Mt 25,10-12. Câu trả lời của những người bị loại ra ngoài (Lc 13,26-27) tương ứng với Mt 7,22-23. Về bữa tiệc hội tụ các người được chọn từ bốn phương (Lc 13,28-29), Mt để ở cuối trình thuật chữa lành tên đày tớ của viên sĩ quan (Mt 8,11-12), là người ngoại giáo có lòng tin sâu xa mà dân Israel không có.
Từ đó ta thấy: đoản văn hôm nay thật hỗn hợp và gồm tóm nhiều mảnh vụn rời rạc. Tuy nhiên đây không chỉ là một gom góp đơn giản, nhưng là một toàn thể, một “nhóm” mà thực thể không thể không định nghĩa được bằng việc tổng hợp các phần tử của nó. Đây là một dụ ngôn mới, dụ ngôn cửa đóng, mà ý nghĩa tổng quát đồng nghĩa với các lời nói (logia) được gom góp lại. Ta có thể gọi việc gom góp này là chủ đề về các yêu sách cần hoàn tất để được cứu rỗi.
2. Thực vậy, dụ ngôn bắt đầu từ việc một thính giả hỏi về con số các người được chọn. Trước tiên Lc nhắc lại cuộc hành trình lên Giêrusalem. “Trên đường tiến lên Giêrusalem, CGS rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa đi vừa giảng dạy”. Thỉnh thoảng ta lại thấy câu chỉ dẫn đó (9,51; 17,11; 19,18). Đây chính là cái mốc để Lc thu góp và tổng hợp cách giả tạo một loạt chỉ dẫn không có khung cảnh và văn mạch rõ rệt.
Có người đến hỏi: “Lạy thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ ?”. Vấn nạn này cơ hội cụ thể để CGS giảng dạy (trực tiếp đối với câu 24, gián tiếp đối với các câu sau), vấn nạn cũng là nỗi thắc mắc thường xuyên của các người đồng thời với CGS. Phúc âm đã hơn một lần ghi lại các vấn nạn về ơn cứu rỗi và phương thế để được cứu độ: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời ?” (Mt 19,16 và song song), ” Khi nào Nước TC đến” (Lc 17,20. Đây là học thuyết thịnh hành của các người biệt phái thời CGS: “Toàn dân Israel sẽ được dự phần trong thế giới mai hậu” (Sanh.10,1). Có người bi quan hơn: “thế giới mai hậu chỉ an ủi một số ít còn đa số phải đau khổ cùng cực” (1V Esdr.5,47). Các người Esséniens thuộc cộng đoàn Qumrân cho rằng chỉ các thành viên của họ mới được cứu rỗi. Ai có lý ?. CGS không muốn giải quyết vấn nạn. Tại sao con người lại thắc mắc về số người được cứu rỗi ? Phải chăng vì muốn được an tâm nhờ biết con số đó ? Nếu toàn thể Israel được cứu rỗi, họ mới có thể sống bình thản. Nếu chỉ số ít được chọn, thôi thì cần gì cố gắng ? CGS lợi dụng mối bận tâm này và lối sư phạm đặc biệt. Ngài nhân cách hóa vấn nạn, để có cái nhìn khách quan hơn. Các nhà thần học có thể lý luận suốt đời về con số người được chọn: còn CGS không muốn thế, Ngài mời gọi mọi người chất vấn, cũng như mời gọi tất cả chúng ta, sôi nổi phấn đấu để được đăng ký vào số người được cứu rỗi.
Thật hữu ích khi có thể nghiên cứu cách thức Đức Kitô đương đầu với các vấn nạn thính giả, cũng như chúng ta đặt ra. Hình như CGS rất ít trả lời câu người ta thường hỏi; Ngài thường trả lời “bên lề”. Lối trả lời “bắt râu ông nọ cắm cằm bà kia” là lối CGS thường dùng, nhất là trong phúc âm thứ tư. Nhưng không phải Đức Kitô đổi câu trả lời cho bằng đổi câu hỏi và đưa chúng ta đến vấn nạn đích thực ẩn dấu dưới một câu trả hỏi nào đó đã được đặt ra. Đức Kitô phá vỡ chân lý mà chúng ta muốn giới hạn (số người được chọn...), muốn cầm chắc trong tay, muốn chiếm hữu như một đối tượng, bên ngoài con người chúng ta. Ngài biến vấn nạn của chúng ta thành sống động; và khi phân tích vấn nạn, Ngài bật mí cái ẩn dấu và đưa chúng ta về lại cuộc sống hiện sinh của chúng ta.
3. “Hãy cố gắng đi vào bằng cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi, nhiều kẻ tìm cách vào, nhưng không thể vào được”. Như thế CGS khuyên bảo thính giả Ngài cố gắng phấn đấu để đi vào bằng cửa hẹp, là hình ảnh Ngài thường dùng cùng lúc với hình ảnh lỗ kim (Mt 19,24; Mc 10,25; Lc 18,25). Cách tổng quát Lc nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc làm, chúng ta sẽ bàn lại sau này. Dù sao, ở đây câu nói có nghĩa cánh chung, còn ở Mt câu nói có nghĩa luân lý nhiều hơn, do các yêu cầu hiện thực của đời Kitô hữu đòi hỏi. “Các ngươi hãy vào qua của hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy. Cửa và đường đưa đến sự sống thì hẹp và ít kẻ tìm thấy” (Mt 7,13-14). Phải cố gắng vào qua cửa hẹp đúng lúc, vì cửa sắp đóng. Giọng nói có vẻ đe dọa, tiên báo câu chủ nhà nghiêm khắc trả lời: “Ta không biết các ngươi từ đâu đến”.
4. Khi người đồng minh không muốn tiếp xúc thân mật hay đòi hỏi nhiều yêu sách, người ta thường nại đến mối bang giao tốt đẹp đã có từ trước đến nay. Ở đây người đồng minh là TC. Những người đối thoại có TC, trong Đức Kitô, như là người đồng bàn, đòng tâm; họ là thính giả trực tiếp nghe Ngài giảng dạy. “Chúng tôi đã ăn uống với Ngài, và Ngài đã giảng dạy giữa quảng trường chúng tôi”. Chúng tôi thuộc nhóm người ưu đãi, được Ngài tâm sự như bạn chí tình. Đó không phải là điều sai lỗi. Điều sai lỗi không phải là rước TC vào nhà mình, đã ân cần tiếp đón phục dịch Ngài, đã chuyên cần nghe Ngài giảng dạy. Điều sai lỗi ở chỗ là muốn biến sự kiện mình là người đồng thời với CGS trong tình trạng đắc thủ, thành quyền quyền đòi hỏi được thụ hưởng, thi ân. Nhưng vấn đề là phải qua cửa hẹp, được đăng ký trong số người được chọn, còn việc theo Đức Kitô trên vạn nẻo ưởng Palestine không quan trọng: chỉ có hành động mới đáng kể. Các mối liên hệ của tôi, kể cả mối liên hệ đối với TC, kể cả việc tôi chăm chú nghe Ngài giảng dạy, không thể mở cửa cho tôi vào. Nếu tôi sống bất công, tôi không thể thấy ứng nghiệm câu này: “ai nghe và thi hành lời TC thì có phúc hơn” (Lc 11,28).
Chỉ mới xét trên bình diện biên soạn của Lc, chúng ta đã thấy ông muốn nhấn mạnh đến việc thực hiện hóa (actualisation). Trong lúc ở Mt, CGS chỉ nói đến các người bị luận phạt ở ngôi thứ ba, ở Lc, CGS trực tiếp nói với họ: “Bấy giờ các ngươi mới nói rằng...”; ở Mt, những lời phản kháng là do các người có địa vị quan trọng trong cộng đoàn Kitô hữu nói: “chúng tôi đã nhân danh Ngài mà nói tiên tri...”, ở Lc trái lại bài giáo huấn trực tiếp nhắm đến đám thính giả của Đức Kitô. Lối trình bày của Lc về sứ vụ CGS do đó sát lịch sử hơn và hiện thực hơn: như thế các lời đó đang nhắm đến chúng ta. Khi giảng, nên lưu ý điểm này.
5. Lời tuyên bố gạt bỏ được lặp lại hai lần. Lc còn tả thêm số phận của các kẻ bị gạt bỏ: họ sẽ bị các thực khách từ bốn phương đến thay thế. Nhưng trước tiên kẻ bị luận phạt mục kích tận mắt mối phúc thật của người công chính và chính việc chứng kiến cảnh tượng đó đã là hình phạt đối với họ. “Khi đến ngày thấy kẻ xưa kia họ coi thường được nâng lên và được vinh hiển..., họ sẽ vô cùng mất mặt; họ sẽ chứng kiến cảnh tượng đó trước, rồi mới chịu hành xử !” (Apocalypse syriaque de Baruch, bản dịch của P.Bogaert, Sources chrétiennes 144,1969,p.498).
Phúc âm không đưa ra cảnh tượng vinh quang của các người được chọn và nhục hình của kẻ bị luận phạt. Có lẽ đây là điểm giúp chúng ta thanh luyện quan niệm chúng ta về hỏa ngục và các huyền thoại của nó. Hình như Newman đã có trực giác khi viết: “chúng ta tưởng trời sẽ là nơi hạnh phúc cho chúng ta khi chúng ta được lên đó; nhưng nếu chúng ta biết xét đoán gì xảy ra ở địa cầu này - một người tàn bạo dù được đưa lên trời, cũng không biết y đang ở trên trời. Trái lại tối thiết nghĩ, chính sự kiện ở trên trời với gánh nặng tội lỗi của y, đối với y đã là một nhục hình và đã đốt lên trong y ngọn lửa thiêu đốt nóng bừng của hỏa ngục” (J.H.Newman, douze sermons sur le Christ, bản dịch P.Leyris, 1943; trang 184-185).
6. So sánh với Mt, bản văn Lc với hai chi tiết được thêm vào (c. 28: “Các tiên tri”; c.29: “từ bắc chí nam") khuếch đại lời mô tả các người được phép tham dự bữa tiệc Nước Trời. Rõ ràng ở đây Lc muốn xác định cộng đoàn các người được chọn. Một dư âm của sách Didachè: “Hãy hội nhập giáo hội của ngươi từ khắp năm châu bốn bể, vào trong nước Trời”.
Nhưng điều chúng ta ghi nhận trên bình diện thể văn, lại là dấu chỉ việc khuếch đại các viễn ảnh đặc biệt hơn, trong Lc, phép đối ngẫu giữa người được chọn và các kẻ bị gạt bỏ không còn nói lên việc đối nghịch giữa số đông lương dân được nhận vào bữa tiệc cánh chung cùng các tổ phụ, với “các con cái nước trời”, công dân nước Israel: đó là phép đối ngẫu Mt 8,11-12 khai triển. Theo Lc, người bị loại ra khỏi nước trời không phải là vì họ Do thái, con cái nước trời, nhưng vì họ là người bất lương, sống bất chính (Lc 13,27). Khi nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc làm, Lc đã không xét đến việc từ bỏ trên bình diện quốc tịch, quốc tính nhưng đã mở rộng cửa cho tất cả người Do thái hay lương dân biết phấn đấu để vào cửa hẹp. Mối bận tâm luân lý của Lc khi soạn thảo bản văn này là đáng đổ việc đối ngẫu chủng tộc đối nghịch Israel với lương dân “TC không tây vị ai, nhưng ở bất cứ dân tộc nào, hễ ai kính sợ Ngài và thực thi công bình đều được Ngài vui lòng chiếu cố” (Cvsđ 10,34-35).
7. “Có người sau hết sẽ nên trước hết và người trước hết sẽ nên sau hết”. Lời này không được áp dụng cho tất cả mọi cá nhân, như thể ai được TC gọi trước, đều phải ngồi chỗ rốt hết trong nước trời hay phải ngồi ngoài cửa phòng tiệc. Các tổ phụ và tiên tri đã đi ngược lại lối chú giải đó: được TC tuyển chọn trước, các Ngài sẽ được tưởng thưởng và ngồi ghế danh dự. CGS so sánh toàn thể dân Do thái, từ khi Ngài xuất hiện, với toàn thể lương dân. Khi đề cập đến 2 nhóm đó, Ngài công bố có nhiều lương dân sẽ được cứu rỗi trước người Do thái và ngay cả cộng đoàn toàn thể lương dân sẽ được vào Nước TC trước cộng đoàn Israel, như thánh Phaolô sau này sẽ nói (Rm 11,25-26). Qua các lời tiên tri đó (sách Cvsđ sẽ cho thấy các sự ứng nghiệm lời tiên tri đó trong giáo hội sơ khai: Cvsđ 13,46-48; 28,25-28), CGS nghiêm nghị tiên báo cho kẻ chất vấn Ngài: các ngươi tưởng mình chắc chắn sẽ được dự tiệc thiên quốc, vì mình là người Do thái; hãy đề phòng để khỏi nghe chủ nhà, sau này sẽ trở nên quan tòa xét xử các ngươi, nói với các ngươi rằng “Ta không biết các ngươi”.
Với ý niệm “từ đông sang tây, từ bắc chí nam”, Lc theo tư tưởng của Is khi nói đến hình ảnh các dân tuôn về Gierusalem để quan chiêm vinh quang của Giave, ngang hàng với con cái Israel được các dân ngoại dẫn về thành thánh. Đây là toàn bộ chủ đề của Isaia-đệ-nhị mà đoản văn hôm nay chỉ trích dẫn các câu cuối cùng.
KẾT LUẬN
Điều quan trọng, chính là niềm ao ước sống thao tiếng gọi và giáo huấn của CGS, là chấp nhận lời đề nghị TC gởi qua trung gian của Ngài. Nếu không dùng hành động mình để thể hiện điều sứ điệp Ngài công bố, thì việc làm môn đệ Ngài hay cùng chung dân tộc với Ngài chẳng ăn thua gì. Không phải ai nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa” mà sẽ vào được nước trời, nhưng là người thực hiện ý Cha Ta trên trời (Mt 7,21).
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. CGS không đến thỏa mãn tính tò mò của chúng ta. Ngài đến dạy cho chúng ta đường hạnh phúc, hạnh phúc trần thế nhất là hạnh phúc trên trời. Vì thế Ngài từ chối trả lời các câu hỏi phụ thuộc, ví dụ như hỏi về số người được chọn, ngày giờ thế mạt, địa vị mỗi người trên trời (x. lời van xin của Giacobe và Gioan trong Mc 10,35-45). Những câu hỏi như thế thật nguy hiểm cho chúng ta. Ví dụ về số người được chọn: nếu CGS cho biết rất nhiều người sẽ được cứu rỗi, chúng ta dễ bị cám dỗ sống buông xuôi vì hầu như chắc mình đã được cứu rỗi. Trái lại, nếu CGS cho biết rất ít người sẽ được cứu rỗi, chúng ta sẽ thất vọng và đâm ra chán nản không muốn sống tốt đời Kitô hữu. Vì thế, nếu từ chối trả lời là vì mưu ích cho chúng ta hơn. Vì không chắc chắn được cứu rỗi, nên chúng ta sẽ cố gắng xử dụng tốt tự do chúng ta và cố gắng làm mọi sự hết sức mình để một ngày kia có thể qua cửa hẹp mà vào Nước Trời.
2. Thời CGS, người ta tưởng rằng chỉ cần làm người Do thái là đủ để được cứu rỗi. Một số tiến sị luật còn dạy: “Mọi người Do thái sẽ được cứu thoát”. CGS loại bỏ quan niệm đó: không phải mọi người Do thái đều được cứu rỗi, cũng không phải mọi thính giả CGS, mọi người đồng thời với CGS được biệt đãi xem thấy sờ chạm đến Ngôi lời TC, ăn uống với Ngài nghe Ngài giảng dạy, sẽ được cứu rỗi. Không có dân tộc, quốc tịch hay tôn giáo nào tự quyền hưởng ơn cứu rỗi. Việc duy nhất quyết định số phận đời của một cá nhân là lòng trung thành thực hiện giáo huấn của Đức Kitô (giáo huấn mà họ biết được cách rõ ràng và hoàn toàn do giáo hội dạy hay biết cách mù mờ và phiến diện nhờ tôn giáo hay lương tâm của họ). Điều này cũng áp dụng cho chúng ta là người Kitô hữu: nếu chúng ta đã được rửa tội, đã từng nghe phúc âm trong phụng vụ, đã từng ăn Mình Đức Kitô chúng ta thánh lễ - tất cả điều đó không đủ sức cứu rỗi chúng ta, nếu chúng ta không vâng lời Ngài, không thực hiện thánh ý TC mà Ngài đã loan báo, nếu chúng ta không dứt khoát quyết định chọn lựa và sống theo Ngài.
3. CGS so sánh Nước Trời với bữa tiệc sang trọng trong đó hội tụ tất cả mọi người thiện chí từ bốn phương trời. Lúc đó sẽ là ngày hội lớn, ngày vui mừng vì được suốt đời sống với Chúa Cha, Đấng đáng yêu đáng mến nhất, sống với CGS và Thánh Thần, với Mẹ Maria và các thánh. Chúng ta hãy làm mọi sự hết sức mình để khỏi bị loại ra ngoài bữa tiệc, đứng trước cánh cửa đã đóng kín. Nếu trung thành sống thật tốt đời Kitô hữu, cánh cửa nhỏ hẹp của Nước Trời sẽ rộng mở đón nhận chúng ta vào chung hưởng sự vui mừng của Chúa Cha.
Ngày 17/8/1998, ông Clinton đã phải ra đối chất với nhóm công tố Kenneth Starr và bồi thẩm: TN 21-C29
Ngày 17/8/1998, ông Clinton đã phải ra đối chất với nhóm công tố Kenneth Starr và bồi thẩm đoàn về chuyện tai tiếng nọ nọ kia kia với Monica Lewinsky. Và ngay buổi tối ngày này, sau bảy tháng chối quanh, ông đã bất ngờ thú nhận trước công chúng Mỹ rằng mình "đã làm điều sai lỗi là có liên hệ bất xứng với Lewinsky". Ông bảo đây là chuyện sa xẩy cá nhân và ông hoàn toàn trách nhiệm; tổng thống cũng có đời tư chứ, xin đừng để mất quá nhiều thời giờ và tâm trí vào chuyện này, nhưng phải dành nghị lực cho những việc quan trọng hơn...
Báo chí cho biết mấy lời tuyên bố này do chính bà Clinton dọn sẵn theo chiến lược. Bà là một luật sư giỏi đã cùng với những cố vấn thượng thặng thấy rõ tâm lý người Mỹ là càng chối quanh và tìm cách che đậy sự thật như vụ Watergate của tổng thống Nixon xưa thì càng bị tấn công tới cùng; còn cứ nhận ngay đi cho rồi thì lại được xí xóa, vì đó là chuyện riêng tư cá nhân ai chả có lỗi, hơi đâu mà xía mũi vào làm gì. Dù tờ Newsweek với hình bìa ông Clinton thật thảm não, nhưng cũng cho biết kết quả thăm dò mới nhất của tờ báo là đa số dân Mỹ sẽ bỏ qua chuyện lạng quạng của ông tổng thống, lý do dễ hiểu là vì đang khi các nước trên thế giới gặp khó khăn về kinh tế thì đồng đô la vẫn khỏe re, ông vẫn đắc lực trong việc đi mở mang chợ búa bên Phi Châu và bên Tàu.
Cũng tội nghiệp thật! Khi ông Clinton anh dũng bước vào ngôi Nhà Trắng thì mái tóc còn tươi màu, nụ cười còn rạng rỡ, da dẻ còn trẻ trung, vậy mà qua hai nhiệm kỳ làm lớn, tóc ông đã bạc phơ, và khóe mắt đã đầy vết chân chim... Cái giá phải trả cho con đường danh lợi cong cong thật nghiệt ngã. Biết đâu được những đòn phép của cái gọi là siêu quyền lực ở phía đàng sau. Con gà nòi nào còn bảo còn sài được thì còn được tung hấng; mà không thì cứ liệu mà giờ hồn, chẳng chuyện này thì chuyện kia!
LẠI MỘT VỤ ĐẮM TÀU NỮA!
Dù sao thì ông Clinton cũng là biểu tượng của sĩ diện người Mỹ: giầu có và tư cách có cần đi với nhau không? Cái đầu của một nước với bao thuẫn che như vậy mà cũng còn ngắc ngoải thì xem ra chả có gì ở xã hội này có thể tự cho là không thể lung lay được nữa, giống như vụ tàuTitanic là một dấu chỉ của thời đại, nhất là vào lúc chuyển mình sang một ngàn năm mới. Khi hai toà đại sứ Mỹ bên Phi Châu bị bom nổ, cả một hệ thống nhà bị sập vùi theo bao sinh mạng chứ có phải xà này hay cột kia đâu!
Đêm 14 tháng 4 năm 1998, đúng 86 năm sau cái đêm hãi hùng của tàu Tatanic bị đắm, tôi đi xem phim này lần thứ hai. Hôm phim mới ra thì tôi đi xem lần đầu cho biết như mọi người vì đề tài rất ư hấp dẫn. Nhưng lần thứ hai thì tôi đi xem với một tâm tình khác: chính mình là một nhân vật đang có mặt trên con tàu lịch sử vượt lục địa cũ Âu Châu sang tân thế giới, vượt những ngày cuối cùng của thế kỷ này để vượt sang ngàn ngàn năm mới. John P. Eaton trong cuốn Titanic, Cuộc Hành Trình Qua Thời Gian (Titanic A Journey Through Time) đã bày tỏ: "Chúng ta có thể thấy phần nào chính chúng ta trong đám người đi chuyến tàu Titanic đó. Chúng ta có thể ở tầng trên, ở hầm máy... Thử nghĩ coi chúng ta đã hành động ra sao?"
Bây giờ thì người ta bắt đầu hiểu tại sao phim đã thành công vượt bậc. Ngoài những lý do thắng 11 giải Oscar về đạo diễn, về hình ảnh, kỹ thuật và nhạc đệm ... phim Tatanic đúng là một biểu tượng, một điển hình cho con tàu của cả một nền văn minh mà nhân loại đang tậu sắm để bước lên vượt sang năm 2000.
Cuộc đắm tàu Titanic có thể là một diễn tả cuộc đắm tàu của con người vào cuối thế kỷ 20 với những tự mãn đang phải trả giá thật khắt khe đến thật bất ngờ khi cứ chắc rằng không thể đắm được. Trên mạng lưới điện toán về Titanic, một lời bình phẩm thật sâu sắc: "Đêm 14 tháng 4 năm 1912, vào lúc 11g40, chiếc tàu lớn nhất thế giới do tay loài người làm ra đã xô vào băng sơn ngay giữa Đại Tây Dương. Hai giờ bốn mươi phút sau, tàu chìm hoàn toàn. Thế giới Tây Phương cũng từ chuyện đó mà thay đổi mãi mãi. Đầu óc con người thay đổi. Lòng tự mãn tàn lụi. Cơ cấu và đẳng cấp xã hội thay đổi. Kỹ thuật trở thành mối hoài nghi. Con tàu Titanic đã bắt đầu cả chuỗi những biến cố mà kết luận chưa thể thấy được".
TIN VUI ĐƯỢC ĂN TIỆC
Một công ty Mỹ và Thụy sĩ đang đóng lại con tàu Titanic và sẽ hạ thủy vào năm 2002. Âu đây cũng là dấu chỉ nữa, khi con người cần tìm một cách khác an toàn hơn để đi vào ngàn năm mới, tìm ra được một lối thoát trong cơn bị nhận chìm giữa những nhầy nhụa ngột ngạt bế tắc.
Tàu Titanic nói lên nhiều điều cho nếp sống văn minh hiện tại, cho thấy nhiều giá trị đảo ngược với những gì đang được cân đo bằng máy móc. Hình ảnh tương phản của lối sống thoải mái của anh chàng nghệ sĩ "tuy nghèo mà vui" Jack Dawson với cái cảnh gò bó lễ nghi kiểu cách thật tội nghiệp của đám nhà giầu trong khu vực hạng nhất. Có tiền cũng chưa chắc hưởng được cái thú ăn uống, vì cứ phải giữ phép: cười không được cười tự nhiên, áo phải chịt cổ lại và có đuôi nên cựa quậy thật khó khăn, tay chân phải để đúng chỗ, cầm xiên cầm muỗm phải theo bài bản... như Jack Dawson đã phải khổ sở chịu trận khi bỗng được quí nhân phò trợ mà được bất ngờ ngồi ăn chung với những người giầu sang.
Cái chết khủng khiếp của đa số khách trên tàu làm ta nghĩ sâu xa hơn về lẽ phù du của văn minh tiến bộ của đời người và biết coi trọng những giá trị tinh thần lâu nay bị quên lãng. Cũng như một con tàu vừa trẻ vừa đẹp khác là công nương Diana cũng bị đắm ở đường hầm Paris. Thì ra đây cũng là một dấu chỉ cho thấy những chuyển biến về hiện tượng tâm lý xã hội, khi con người bon chen vật chất biết nhìn ra giá trị tình yêu của cô Rose dám liều vượt qua những tù túng của nếp sống gò bó nhốt giam để tập bay ở đầu mũi tàu với Dawson đi tìm chân trời hạnh phúc. Cũng như người ta bắt đầu biết trân quí bàn tay xương xẩu nhăn nheo nhưng đầy ắp tình thương vỗ về với ánh mắt dịu hiền của Mẹ Teresa bên Calcutta.
Cứ tưởng có nhiều tiền là có được những bữa tiệc ngon lành sung sướng. Đâu ngờ chả còn giờ mà ăn, và cũng chẳng kịp ăn, như đa số người dân Âu Mỹ bây giờ. Ăn thì ăn tay cầm, vừa chạy vừa ăn để kịp đà sản xuất cho lợi tức gia tăng. Sống thì sống vội rướn theo đà kéo của kim đồng hồ, chả còn giờ mà thưởng thức một nụ cười, một miếng ngon. Cửa nhà hạnh phúc như bị đóng lại, xem ra càng ngày càng vượt xa tầm tay với. Chúa Giêsu đã thấy như vậy mà thức tỉnh mọi người:
"Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!", thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!" Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi". Nhưng ông sẽ đáp lại anh em: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!" "Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. "Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót". (Luca 13:25-30)
PHÚT CẢM NHẬN
Bàn tiệc nước Trời đang bày biện sẵn sàng, có cần phải đổi chác mua bán gì đâu. Nhiều chỗ trong Kinh Thánh Chúa đã nói rõ như vậy. Biết bao người từ đông chí tây, biết bao người nghèo hạng ba thấp cổ bé miệng biết hưởng được niềm vui cuộc sống giản đơn. Sao mình chỉ mải mê đi tậu bò tậu ruộng, lo gia tăng trương mục ngân hàng, mà quên dành cho mình một ân huệ tối thiểu là tìm an bình thanh thản cho tâm hồn, khám phá ra nét trân quí và giầu có của tình người, và hưởng được niềm sung sướng của bàn tiệc cuộc đời mà Thiên Chúa đang trao tặng mỗi phút giây như thi hào Tagore đã cảm nhận được qua mọi sự:
Ôi, Người yêu của lòng tôi đây rồi.
Tôi hiểu tình yêu của Người là ánh sáng nhảy múa trên lá cây, là mây trời lang thang khắp không gian, là ngọn gió thoảng qua vầng trán mát rượi.
Tia nắng ban mai ngập tràn mí mắt. Phải rồi, đây là lời tâm sự Người gửi lòng tôi. Từ cao mặt Người cúi xuống bắt gặp mắt tôi nhìn làm tim tôi rung chạm chân Người.
Suy Niệm: “Người ta từ khắp bốn phương đến dự tiệc trong nước trời.” (Lk 13:29)
Lời tiên tri isaia và bài Phúc Âm hôm nay giới thiệu viễn tượng của ngày tận thế. Không ai biết: TN 21-C30
Lời tiên tri isaia và bài Phúc Âm hôm nay giới thiệu viễn tượng của ngày tận thế. Không ai biết được ngày ấy xảy ra lúc nào và ở đâu. Nhưng theo lời ghi chép trong sách Khôn Ngoan và nhất là lời Đức Giêsu tiên báo, thì ngày tận thế xảy ra bất chợt. Lúc đó, không ai còn có cơ hội làm cho xong công việc đang dở dang! (Lúc đó cuốn sổ đời sống mỗi người sẽ được mở rộng. Ngày ấy là ngày tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành. Dê ra khỏi chiên. Một quyết vĩnh cửu. Người lành được vào hưởng thiên nhan muôn đời (. Còn những kẻ đã ngaọ ngễ khinh chê những người sống Đạo và chống lại Thiên Chúa, thì xa cách thiên quang muôn đời (. Nghĩ đến ngày ấy, không bút nào tả rõ nét, cũng chẳng ngôn ngữ nào diễn hết lời! Vì nó ngoài tầm tay của loài người. Những Kitô hữu khôn ngoan thì luôn bám vào các Bí Tích để an tâm sống qua những cam go, lo sợ của sóng thần. Ngày đó ánh sáng của Vua Kitô oai hùng chiến thắng, chiếu tỏa khắp bốn phương để đẩy lui bóng tối sự dữ. Ngày ấy là ngày vinh quang và hân hoan cho những người lành khắp bốn phương về dự tiệc vĩnh cửu! Tấm thiệp mời vào tham dự tiệc nước trời đã trao tận tay mỗi người trong ngày họ nhận Bí Tích Rửa Tội. Nếu chẳng may bị tội làm hoen úa, nét chữ có phai nhòa, thì lòng yêu Chúa và tâm tình thống hối giúp họ biết tìm đến Bí Tích Giải Tội, là cơ hội chót cho họ được gọi vào tiệc vĩnh cửu. Được tham dự thánh lễ là một diễm phúc, giúp Kitô hữu đến bàn tiệc nước trời.
Thực Hành: “Chúa sửa dạy những kẻ Người yêu mến.” (Heb 12:7) Có một số Kitô hữu bỏ Chúa vì gặp qúa nhiều đau khổ! Họ than “trời không có mắt!”. Nhưng họ là gì để Chúa phải bận tâm? Công họ gía trị bao nhiêu để lấy ân phúc? Nếu biết tôn thờ Chúa, thì họ nhận ra rằng đau khổ chỉ là tôi luyện để giúp cho con người biết tỉnh thức, giúp họ trưởng thành, để xứng đáng với ơn trời.
Trong cuốn sách "Đổi Hướng," Emilie Griffin đã chia sẻ về việc bà nghi ngờ về sự hiện hữu của: TN 21-C31
Trong cuốn sách "Đổi Hướng," Emilie Griffin đã chia sẻ về việc bà nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa thế nào, bà đã cho rng tôn giáo chỉ là cái nạng để người ta chống khi cần đến. Nhưng bà đã trở về với Thiên Chúa.
Emilie rất yêu thích cảnh thiên nhiên. Chính cái yêu thích này đã biển đổi tư tưởng của Emilie về sự hiện hữu của Thiên Chúa và tôn giáo. Khi đã nhận biết được sự hiện hữu của Thiên Chúa qua cảnh thiên nhiên, Emilie đã tìm đọc rất nhiều sách về Thiên Chúa và tôn giáo. Hai tác giả được Emilie yêu chuộng nhất là C.S. Lewis và Thomas Merton. Lý do là bởi vì hai người này cũng đã từng trải qua cảnh ngộ giống như Emilie. Sau nhiều năm tháng nghiên cứu và tìm hiểu, bà đã gia nhập đạo Công Giáo.
Emilie là một biểu tượng sống động của những lời mà Chúa Giêsu đã phán trong bài Phúc Âm hôm nay. Đó là cửa vào Nước Trời thì nhỏ hẹp. Cửa này nhỏ hẹp không phải vì Thiên Chúa, nhưng là vì chúng ta. Nhiều khi chúng ta không thể lọt qua cửa được vì chúng ta mặc quá nhiều đồ hay mang nhiều thứ lỉnh kỉnh. Chúng ta muốn theo chân Chúa Giêsu, nhưng chúng ta lại mang trên mình quá nhiều vật chất và lo lắng làm cho chúng ta không thể vượt qua cửa Nước Trời.
Cả những nỗi sợ sệt về những gì người khác nghĩ và nói về chúng ta lắng cũng làm chúng ta không thể đi qua cánh cửa Nước Trời nữa.
Thí dụ trường hợp của Joe Rosenthal. Joe là người Do Thái, nhưng anh đã được chinh phục tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Anh đã quyết định theo đạo Công Giáo. Khi biết được điều đó, gia đình và bạn bè của anh đã hết lòng ngăn cản. Để làm điều mình nghĩ là đúng, Joe đã phải đi ngược lại những gì gia đình anh nghĩ. Anh rất yêu mến gia đình anh, vì thế khi phải đi ngược lại với họ, anh đã can đảm chịu rất nhiều đau khổ.
Hai câu chuyện, Emilie Griffin và Joe Rosenthal giúp chúng ta hiểu rõ thêm về lời Chúa hôm nay. Cánh cửa Nước Trời không phải nhỏ vì Chúa làm nó nhỏ, nhưng là bởi vì chúng ta làm cho cánh cửa đó nhỏ đi. Chúng ta đã chồng chất lên mình quá nhiều vật chất của cải và những lo lắng sợ sệt, làm cho chúng ta không thể lọt qua cửa Nước Trời.
Đây là sứ điệp của Phúc Âm hôm nay. Đây là điều mà Chúa Giêsu muốn nói cho tất cả mọi người chúng ta qua Thánh Lễ hôm nay. Sứ điệp đó là mọi người chúng ta hãy can đảm thi hành mọi điều kiện để có thể bước qua cửa Nước Trời.
Cánh cửa Nước Trời đang rộng mở chờ đón chúng ta. Cánh cửa đó sẽ rộng rãi cho những ai biết yêu mến Chúa Giêsu trên hết mọi của cải vật chất, mọi nỗi lo lắng sợ sệt, và trên hết tất cả mọi sự thế gian này.
Hỏi: nhiều hay ít người được cứu độ ? Sỡ dĩ người do thái đặt câu hỏi như vậy là vì họ tin: TN 21-C32
Hỏi: nhiều hay ít người được cứu độ ?
Sỡ dĩ người do thái đặt câu hỏi như vậy là vì họ tin:
Chúa chỉ cứu độ dân Do Thái, còn dân ngoại Ngài diệt hết! Cụ thể như ông Giona trốn lệnh Chúa không đi giảng cho dân Ninivê, vì ông nghĩ có giảng cũng vô ích, Chúa đâu có cứu dân ngoại .
Đặc biệt giới biệt phái lại càng tự tin là chỉ có ai giữ luật Chúa họ mới được Chúa cứu mà thôi .
Quan niệm đó còn nhiễm lây cả đến Giám mục Jansenius: có muốn nên thánh mà Chúa không cho thì cũng vô ích! Và đã đưa đến hậu quả là nhiều người sống buông thả, hưởng thụ thả giàn, không được đời sau thì bám vào đời này để hưởng lạc cho đã …!! Họ không hiểu rằng tình thương của Chúa bao trùm vũ trụ và Chúa là đấng toàn năng, chỉ mình Ngài toàn thắng sự chết, nên dĩ nhiên không những nhiều người được Chúa cứu độ, mà còn nhiều dân tộc không ngờ được Chúa cứu độ chân lý này không phải đợi sau khi Đức Giêsu Phục Sinh mới được mạc khải qua Gioan trong sách khải huyền: “Một đoàn lũ đông đảo, không biết cơ man nào mà kể, thuộc mọi nòi giống, giòng họ, dân tộc, tiếng nói…”(kh 7,9), mà ngay thời cựu ước, sau lưu đầy, Chúa đã làm cho dân ngoại quy hướng về dân Chúa, cả đế quốc Ba tư, sau khi thắng đế quốc Babylon, cũng còn ra lệnh cho toàn dân yểm trợ cho Do Thái trở về quê tái thiết lại Giêrusalem, và sau đó “Chúa còn làm cho những dân tộc chưa nghe đến danh Chúa, chưa hề thấy vinh quang Ngài, chúng sẽ loan báo vinh quang của Chúa giữa các nước, chúng sẽ đưa tất cả các dân về như lễ vật dâng Thiên Chúa, dùng đủ mọi phương tiện để tiến về Giêrusalem, nào cáng, nào lạc đà” (Bài đọc 1).
Tuy vậy Chúa Giêsu không trả lời thẳng vào câu hỏi: “Thưa Thầy, ít người được cứu độ phải không?” (Lc 13,23). Vì nếu Ngài trả lời: “Nhiều người được cứu độ” thì người ta sẽ sống buông thả, phóng túng; hoặc nếu Ngài trả lời: “Ít người được cứu độ”, thì người ta sẽ thất vọng, buông xuôi; hoặc là dân do thái tăng thêm tự hào, tự đắc, tự mãn, như họ vẫn quan niệm! Chúa chỉ cứu dân tộc Do Thái! Nhưng Chúa đã châm biếm các đầu mục của họ: “Không phải mọi kẻ nói Lạy Chúa, là sẽ được vào nước trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta. Trong ngày phán xét, nhiều kẻ sẽ nói về Ta: há chúng tôi không nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? Bấy giờ ta sẽ tuyên bố với chúng: Ta không hề biết các ngươi; hãy xéo đi xa ta, hết thảy phường tác quái” (Mt 7, 21-23).
Bởi thế, đúng ra người ta phải đặt câu hỏi: “Làm sao để được vào nước trời?” Thực, Chúa đã muốn người ta phải hỏi như vậy, nên Ngài nói: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào nước trời, vì ta bảo các ngươi: có lắm kẻ sẽ tìm cách vào, nhưng không thể được”(Lc 13,24).
Dựa vào Tin Mừng và bài đọc II hôm nay, phục vụ chỉ cho 3 cách đi đường hẹp để vào nước trời:
1/ Đừng phóng túng trong lời nói: Bởi vì không phải mọi sự hiểu biết, mọi sự thật buộc ta lúc nào cũng phải nói. Chúa Giêsu biết rõ nhiều hay ít người được cứu độ, nhưng Ngài không nói, vì nói ra không lợi cho ai, trái lại còn có hại và vinh danh Chúa bị che khuất!
Vậy chỉ buộc ta nói sự thật ích lợi cho người nghe, hầu diễn tả vinh quang Thiên Chúa. Còn các chủ trương sau đây phải kìm hãm, phải loại trừ: có nào tôi nói vậy; tôi nói sự thật; tính tôi là nói ngay; tôi nói thẳng vào mặt hắn!
Lời nói không thể bừa bãi như thế được, vì bước đi còn có thể bước lại, nhưng lời nói đi là đi luôn. Do đó phải nghe nhiều nói ít, bởi Chúa sinh ta ra có hai lỗ tai nhưng chỉ có một miệng để ăn là chính, để nói là phụ!
2/ Hãy khó với mình và quảng đại với người khác:
Chúa dạy: “Hãy chiến đấu qua cửa hẹp” là tự khép mình vào con đường hẹp, chứ không phải khắt khe với người khác. Cụ thể con đường hẹp ta đi:
Về tiền của: đừng tự cho phép mình tiêu xài tự do, cho dù tiền của đó do mình làm ra. Nhưng thường người ta sống ngược lại: bản thân tiêu xài xả láng, đối với người khác thì keo kiệt, tính toán. Lắm khi khó cả với người mình có trách nhiêm phải nuôi dưỡng? Vậy ta có thể tự bỏ hút thuốc, giới hạn ly cà phê để có điều kiện chia sẻ không ?
Về thời giờ: một ngày có 24 giờ, ta xem lại việc ăn uống, ngủ nghỉ cho bản thân bao nhiêu giờ? Và còn bao nhiêu giờ để cầu nguyện, để nghe lời Chúa? Để phục vụ tha nhân? Thường mỗi ngày có nhiều giờ ngồi quán, giờ ngồi nói chuyện người… Nhưng ít ai quảng đại có giờ đi lễ một cách tích cực, học lời Chúa cách nghiêm túc và phục vụ đồng loại trong tinh thần phấn khởi! Tưởng cũng nên đề nghị mồt lối sống cụ thể trong hai lĩnh vực tiền của và thời gian:nếu lần đầu tiên người khác cần đến ta giúp điều gì, ta nên mau mắn quảng đại giúp đỡ ngay, dù ta đang túng thiếu, hay đang bận rộn việc riêng.
Nhiệt thành trong điều tốt: nhất là khi ta giữ chức thủ lãnh, không nên để cộng tác viên của mình vất vả hơn, ít là không được quên tỏ lòng biết ơn và khuyến khích họ! Tuy nhiên không nên lấy sự nhiệt tình sốt sắng của ta mà bắt người khác phải sống y vậy. Vì làm thế sẽ làm gánh nặng cho người công tác.
Khi vi phạm điều xấu: Lãnh vực này dường như không ai thoát nợ, bởi vì thường cùng một điều xấu ta vi phạm, ta cho là lỗi nhẹ, dễ quên; người khác mà làm có khi lỗi nhẹ hơn mà ta lại cho là tội nặng không thể tha thứ !? Rõ ràng người ta rất dễ dãi với mình, nhưng khắt khe với tha nhân! Hãy xin Chúa cho ta có trái tim của Ngài để đối xử với người khác (xem Pl.2,5)
3/ HÃY COI MỌI SỰ (XÂU-TỐT) XẢY ĐẾN ĐỀU LÀ ÂN SỦNG CỦA CHÚA:
Thường người ta chỉ nhìn nhận những gì xảy đến vừa ý mình là ơn Chúa ban, còn điều “xui xẻo” là bị Chúa phát! Thánh Phaolô trong bài đọc II đã lưu ý chúng ta: “Con nào người nhận, Người mới cho đòn”(dt 12,6). Đúng là “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.
Như thế mọi kiểu xin Chúa ban cho như ý mình đều là muốn đường đi rộng, không muốn đi đường của Chúa(đường hẹp) dẫn đến sự sống! Ta phải xác tín như thánh Phaolô: “mọi sự (tốt-xấu) sẽ trở nên tốt đẹp cho ai yêu mến Chúa” (Rm.8,28) Thực vậy:
Khi ta làm điều xấu, sự dữ xảy đến cho ta, đó chính là ơn Chúa như một hàng rào hay tường lũy ngăn cản ta, không để ta lao đầu vào đường tội lỗi!
Khi ta làm điều tốt, đau khổ xảy đến cho mình, thì đó là dấu ta nên giống Chúa nhất. Vì thế Thánh Phêrô nhìn ra đó là ân sủng Chúa ban cho ai Ngài tuyển chọn. (xem I Pr.3,17;4,14.19)
4/ ĐI CỬA HẸP VÀO NƯỚC TRỜI CÒN LÀ SỐNG TINH THẦN NGHÈO KHÓ
Cụ thể như Thánh Phaolo nói: “Phải giàu như Đức Kitô mà vì chúng ta Ngài đã trở nên nghèo khó, để chúng ta được giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài” (2 cr 8,9).
Cửa trời đã hẹp, lại chỉ có một lối vào, mà ta còn tham lam ôm chặt sự đời, lỉnh kỉnh đủ thứ của cải, thì làm sao vào được?!!
Do đó, con đường hẹp ở đây không còn chỉ là con đường đầy chông gai, đầy thử thách cần phải thu mình lại, mà còn là con đường đầy hy vọng, đầy tin tưởng và lạc quan trước sức mạnh tình thương vô biên của Chúa, bởi vì chỉ có Chúa biến sự dữ ra sự lành!
Vào thời người ta giết con Thiên Chúa, có người nghĩ đến đời sau nên đã đặt câu hỏi: “Có phải là ít người được cứu độ không?”. Liệu thời nay có ai còn trăn trở thắc mắc về ơn cứu độ của mình và của người khác không? Hay phẩn lớn nhân loại hôm nay bất cần về đời sau của mình?Bởi vì đa phần loài người hôm nay, kể cả mang danh có đạo cũng chỉ nghĩ đến làm sao cho có đủ tiện nghi để hưởng thụ, không cần biết ngày mai sẽ ra sao! Họ thua hẳn anh em vô thần, vì người vô thần còn có lý tưởng đấu tranh cho tương lai là phải đạt Thiên Đàng trần thế!
Do đó khi Chúa để ta vấp ngã, nhục nhằn là giúp ta có cơ hội thức tỉnh mà điều chỉnh lại lối sống, đi cửa hẹp.
Cậu Nguyễn Sơn Lâm khi bắt đầu tu học tại nhà xứ, dù có trí khôn khá thông minh, nhưng cậu rất ham chơi, điểm học văn hóa càng ngày càng xuống dốc. Cha sở đã nhiều lần khuyên răn, nhưng vô ích. Lần kia, đến giờ cơm, cha sở không cho cậu vào bàn ăn với các chú khác, Ngài dẫn Lâm vào một phòng riêng đóng kín cửa, Ngài chỉ cậu chén phân đặt giữa nhà và bảo: “Phần ăn của con đấy!” Rồi cha sở lặng lẽ đi ra!
Cậu Sơn Lâm lần ấy quá nhục nhã, từ đó quyết tâm học hành, sau được cha sở giới thiệu vào chủng viện. Nay trở thành Giám mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, giám mục Thanh Hóa.
Chúa Giêsu nói: "Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa." Chúng: TN 21-C33
Chúa Giêsu nói: "Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa." Chúng ta đã tới đây từ những ngả đường khác nhau. Nhưng tất cả những ngả đường đều đưa chúng ta tới ngôi nhà của Thiên Chúa. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về điều này, và cầu xin để chúng ta biết sống xứng đáng với giá trị của Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa giúp chúng con tiến vào vương quốc của Thiên Chúa bằng lối cổng ăn năn sám hối.
Chúa giúp chúng con tiến vào vương quốc của Thiên Chúa bằng lối cổng hy sinh.
Chúa giúp chúng con tiến vào vương quốc của Thiên Chúa bằng lối cổng của những phúc lành trong cuộc sống.
Dẫn vào các bài đọc
Bài đọc 1: Is 66,18-21
Dân ngoại sẽ được trở lại và được đón nhận dự phần vào phúc lành của người Israel.
Bài đọc 2 : Dt 12,5-7.11-13
Như người cha bày tỏ lòng quan tâm đến người con qua việc sửa dạy con trong kỷ luật, Thiên Chúa cũng sửa dạy con cái Người qua đau khổ.
Tin Mừng: Lc 13,22-30
Nước Chúa được trao ban, không chỉ cho những người Do thái, nhưng cho mọi dân từ khắp bốn phương.
VÀO CỬA HẸP
Có kẻ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?" Đó là một người Do thái. Và ông ta luôn tin rằng chỉ có người Do thái mới được vào Nước Chúa. Còn người dân ngoại thì đừng hy vọng gì cả.
Chúa Giêsu đã dùng chính câu hỏi của người đó để bày tỏ lời cảnh báo những người đương thời. Người nói: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được." Người cũng nói với những người Do thái rằng họ có nguy cơ không được vào Nước Chúa vì họ không chú ý đến lời Chúa mời gọi hãy ăn năn sám hối.
Cổng chính vào một toà lâu đài bao giờ cũng rộng rãi, bạn sẽ dễ dàng bước vào nếu có đầy đủ chứng từ hợp lệ, chứng từ này không liên quan gì đến cuộc sống tốt hay xấu của bạn. Những người vào bằng lối cổng chính thường có thái độ dương dương tự đắc vì họ tự đánh giá mình thật quan trọng, họ cảm thấy họ có quyền bước vào vì tư cách cá nhân của họ.
Nhưng trong các toà lâu đài, bạn cũng sẽ thấy một cửa hẹp bên cạnh. Để vào lối cổng này, bạn phải làm cho chính mình trở nên nhỏ đi. Bạn phải trở nên khiêm tốn và giải thoát mình khỏi bất kỳ điều gì gây vướng víu bạn.
Minh hoạ này giúp ta hiểu điều Chúa Giêsu muốn nói "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào." Điều này cũng giúp ta hiểu được tại sao trong một lần khác, Người lại nói: "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào" (Lc 18,17). Những người nhỏ bé được vào Nước Trời. Tại sao ? Vì họ có thể dễ dàng khi làm cho mình trở nên bé nhỏ và điều đó làm cho họ dễ dàng đi qua những lối chật hẹp.
Những điều này thật quan trọng với chúng ta. Chúng ta không nên lặp lại lỗi lầm của những người đương thời với Chúa Giêsu, những người đã nghĩ rằng họ có quyền ưu tiên để vào Nước Chúa. Chúng ta phải thực sự muốn vào Nước Chúa và phải chuẩn bị cho điều đó. Chúng ta phải cảm thấy hạnh phúc, ngay cả khi phải làm cho mình trở nên nhỏ bé để đi qua những nơi chật hẹp.
Đó phải là thái độ của chúng ta. Chúng ta đừng nghĩ rằng mọi thứ đã được sắp đặt sẵn cho ta, chúng ta chỉ cần có mặt, trình thẻ để nhận diện hoặc đơn giản nói với người gác cổng rằng chúng ta quen biết ông chủ và đã sẵn sàng để được bước vào bên trong. Điều quan trọng cuối cùng chính là phẩm chất của cuộc sống chúng ta.
Bao nhiêu người sẽ được vào Nước Chúa ? Có thật như lời người Do thái đã nói là chỉ có một số ít người được vào không ? Nước Chúa phải chăng là một câu lạc bộ chỉ dành cho các thành viên ? Dĩ nhiên là không phải. Người nào sẵn sàng bước qua cửa hẹp thì sẽ được tiến vào.
Vào ngày sau hết, chúng ta phải nhớ rằng ơn cứu độ không phải là thứ mà chúng ta có thể kiếm được. Đó là ân sủng từ nơi Thiên Chúa. Chúa Giêsu mở cửa Nước Trời cho kẻ tội lỗi, và qua thái độ khiêm tốn và thống hối về tội lỗi của mình, họ đã chứng tỏ họ là những người được tuyển chọn chứ không phải là những kẻ vốn tự cho mình là đạo đức. Hãy nghĩ đến tên trộm lành đã được vào Nước Chúa trong những giây phút sau cùng của cuộc đời.
Thật sự, ơn cứu độ là một ân sủng từ Chúa. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta không cố gắng làm cho mình trở nên xứng đáng để vào Nước Chúa. Và chúng ta phải mở rộng lòng mình với anh em và không ganh tỵ với sự rộng lượng của Chúa đã dành cho họ.
LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta luôn cố gắng vào Nước Chúa bằng cửa hẹp.
Xướng: Xin cho những người theo Chúa trở nên nhân chứng của niềm tin mà họ hằng tuyên xưng trên môi miệng.
Xướng: Xin cho các nhà lãnh đạo luôn có gắng tích cực phục vụ cho hạnh phúc của dân tộc mình.
Xướng: Xin cho những người Do thái, trước hết biết lắng nghe Lời Chúa: để họ được gia tăng tình yêu mến danh Chúa và trung thành với giao ước của Người.
Xướng: Xin cho những ai đang đau khổ, để nỗi đau của họ lại sinh hoa kết trái.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin đổ tràn tình yêu Chúa vào trong tâm hồn chúng con, và giúp chúng con luôn trung thành với Ngài và với Tin Mừng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Đọc bài Phúc âm hôm nay, tôi nhớ lại một câu truyện của mười mấy năm về trước: Khi được: TN 21-C34
Đọc bài Phúc âm hôm nay, tôi nhớ lại một câu truyện của mười mấy năm về trước: Khi được tin cha Nguyễn Công Đoan, Dòng Tên, được thả về, tôi vội đến thăm ngài tại nhà Dòng ở số 142 đường Nam Kỳ Khỏi Nghĩa, Quận Phú Nhuận, Sài gòn. Cha Đoan chia sẻ với tôi một trong những điều cha nghiền ngẫm trong những ngày ở tù mà cha cô đọng trong một câu vắn gọn như ‘phương châm’ là: “Cọng giá chỉ mập khi nó được nén chặt!” Ý cha Đoan muốn nói là những khổ cực trong tù giúp cho đời sống tâm linh của cha đậm đà sâu sắc hơn. Cha Đoan còn nói thêm: “Nếu không có sức ép từ bên ngoài thì chúng ta phải biết tự tạo cho mình một sức ép bên trong, vì đời sống tâm linh của một cá nhân cũng như của một cộng đoàn chỉ phong phú, sâu sắc…. khi có nhiều hy sinh, hãm mình và từ bỏ”.
Còn trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giê-su khuyên các môn đệ: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào (Nước Trời), vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Chúng ta hãy dành một ít thời gian để suy gẫm Lời Chúa để rồi đem ra thực hành.
II. LẮNG NGHE & TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH 2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh.
(1) Bài đọc 1: Lời Chúa trong Sách I-sai-a (Is 66,18-21): 18 Còn Ta, Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta. 19 Ta sẽ đặt giữa họ một dấu hiệu và sai những kẻ sống sót của họ đến các dân tộc: Tác-sít, Pút, Lút, là những dân thạo nghề cung nỏ, đến dân Tu-van, Gia-van, đến những hải đảo xa xăm chưa hề được nghe nói đến Ta và chưa hề thấy vinh quang của Ta. Họ sẽ loan báo vinh quang của Ta giữa các dân tộc. 20 ĐỨC CHÚA phán: giống như con cái Ít-ra-en mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến Nhà ĐỨC CHÚA, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng ĐỨC CHÚA - đưa bằng ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc đà - về trên núi thánh của Ta là Giê-ru-sa-lem. 21 Và cả trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lê-vi - ĐỨC CHÚA phán như vậy.
Bài đọc 2: Lời Chúa trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Do Thái (Dt 12,5-7.11-13): 5 Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. 6 Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. 7 Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?
11 Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. 12 Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. 13 Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.
(3) Bài Tin Mừng: Lời Chúa trong Sách Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (Lc 13,22-30): 22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? " Người bảo họ: 24 "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. 25 "Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào”, thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!” 26 Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. 27 Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” 28 Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. 30 "Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót."
2.2 Trong ba bài Thánh Kinh trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nào?
(1) Bài đọc 1 (Is 66,18-21) là một trích đoạn của Sách I-sai-a nói về kế hoạch của Thiên Chúa tập họp các dân, các ngôn ngữ thành một dân duy nhất. Đồng thời là kế hoạch làm cho các dân tộc ấy trở thành lễ phẩm dâng lên Thiên Chúa. Để thực hiện kế hoạch ấy, Thiên Chúa sẽ chọn một số người làm tư tế, làm thày Lê-vi …
Qua đoạn Sách I-sai-a trên (66,18-21) chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng có chương trình và kế hoạch không chỉ với dân Ít-ra-en mà với mọi dân, mọi ngôn ngữ (tức sắc tộc). Người muốn quy tụ tất cả lại trong một vương quốc. Người muốn mọi người nhìn thấy vinh quang của Người. Người muốn mọi dân, mọi nước, mọi người là lễ phẩm tiến dâng Người, tức thuộc về Người.
(2) Bài đọc 2 (Dt 12,5-7.11-13) là những lời khuyên mà Thánh Phao-lô dành cho các tín hữu Do Thái về việc để cho Thiên Chúa khiển trách, sửa dạy trong đời sống tâm linh. Theo thói thường thì con người chẳng vui thích gì khi được hay bị sửa dạy hoặc khiển trách. Nhưng nếu hiểu rằng chỉ vì yêu thương chúng ta, chỉ vì muốn tốt cho chúng ta mà Thiên Chúa sửa dạy thì chúng ta sẽ đón nhận sự sửa dạy và khiển trách của Thiên Chúa một cách ngoan ngoãn và biết ơn.
Trong đoạn thư gửi tín hữu Do Thái trên (12,5-7.11-13) chúng ta thấy Thiên Chúa là người Cha muốn điều tốt đẹp cho chúng ta là con cái của Người. Bằng lời, Thiên Chúa động viên, khuyến khích, an ủi và khiển trách chúng ta. Đón nhận và làm theo lời chỉ dạy và khiển trách ấy, chúng ta nên người!
(3) Bài Tin Mừng (Lc 13,22-30) đề cập đến việc nỗ lực cần có của những người nào muốn vào Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa mời gọi và dành cho hết mọi người. Nhưng không phải hết mọi người đều có thể vào đó, mà chỉ những người chịu cố gắng, chiến đấu, trả giá - nói theo cách của Phúc Âm là qua cửa hẹp - thì mới vào được.
Qua Bài Phúc Âm theo Thánh Lu-ca trên (13,22-30) chúng ta khám phá ra Chúa Giê-su là Vị Lãnh Đạo tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho nhân loại nói chung và cho các tín hữu Ki-tô nói riêng. Người vạch đường chỉ lối cho chug ta biết cách vào được Nước Trời là Thế Giới hay Vương Quốc của Thiên Chúa. Con người được Thiên Chúa dựng nên để hưởng sự hiện diện đầy vinh quang của Thiên Chúa. Vào Nước Trời con người mới đạt hạnh phúc trọn vẹn. Muốn vào được Nước Trời, con người phải CHIẾN ĐẤU, phải đi qua cửa hẹp là hy sinh, hãm mình và từ bỏ !
2.3 Qua ba bài Thánh Kinh trên, Thiên Chúa muốn gửi sứ điệp gì cho chúng ta?
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào (Nước Trời).”
III. SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
3.1 Một là tôi khách quan nhận định xem những lực lượng nào cản trở tôi vào Nước Thiên Chúa ? Phải chăng đó là lòng ham muốn và dính bén của cải vật chất, danh vọng, chức quyền, lạc thú bất chính ? Phải chăng đó là sự ươn lười biếng nhác, ngại khó, sợ hy sinh ? Phải chăng đó là lòng kiêu căng và lối sống ích kỷ chỉ biết có mình mà không quan tâm giúp đỡ người khác ?
3.2 Hai là tôi nghiêm túc kiểm điểm xem tôi đã và đang chiến đấu như thế nào với những cản trở ấy ? xem trong đời sống hằng ngày tôi thường hy sinh, từ bỏ những gì ? tôi thường hãm mình đến mức nào ?
IV. CẦU NGUYỆN (Có thể dùng làm Lời Nguyện Giáo Dân)
4.1 “Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta”. Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con dâng lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa, vì Chúa muốn tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ trong Nước của Cha. Xin Chúa giúp chúng con biết cộng tác với Chúa trong công việc trọng đại này để mở rộng biên cương của Nước Trời và của Hội Thánh cho càng ngày càng nhiều người hơn.
Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa. Xin Chúa nhận lời chúng con.
4.2 “Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con.” Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con dâng lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa, vì Chúa đã thương nhận và đối xử với chúng con như với những người con của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết ngoan ngoãn chấp nhận mọi khiển trách sửa dạy của Chúa, để chúng con nên xứng đáng với Tình Thương của Chúa.
Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa. Xin Chúa nhận lời chúng con.
4.3 "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào (Nước Trời), vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”. Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giê-su Ki-tô và là Cha của chúng con, chúng con dâng lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa, vì Chúa đã thương ban Chúa Ki-tô Giê-su cho chúng con, để Người hướng dẫn chỉ bảo chúng con biết phải đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. Xin Chúa giúp chúng con chiến đấu liên lỉ và can trường để chúng con được Chúa cho vào hưởng nhan thánh Chúa trong Nước Trời.
Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa. Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. Kansas City (MO/USA) 13.08.2007.
Con người vốn có tính ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, đến gia đình, làng xóm, dân tộc hay quốc gia mình: TN 21-C35
Con người vốn có tính ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, đến gia đình, làng xóm, dân tộc hay quốc gia mình, nên cũng hình dung ra những vị thần thánh ích kỷ không kém.
Mỗi làng có vị thần làng riêng, mỗi quốc gia cũng có thần riêng. Thần của làng nào, của quốc gia nào thì chỉ bênh vực che chở làng ấy, quốc gia ấy mà thôi. Mỗi khi tranh chấp đất đai hay quyền lợi nào khác, người ta kêu cầu vị thần của làng mình hay quốc gia mình ra tay đánh bại kẻ thù và thần linh của chúng. Loài người đánh nhau thì thần thánh cũng phải đánh nhau.
Dân Do Thái cũng không thoát khỏi quan niệm hẹp hòi và sai lầm ấy. Khởi đầu Giavê đối với họ cũng chỉ là thần riêng của họ, cũng như Baal là thần của người Canaan.
Phải qua nhiều thời đại, nhiều kinh nghiệm họ mới học cho biết được rằng: Giavê Thiên Chúa không phải là một vị thần trong số các vị thần khác, không phải là một chúa giữa các chúa khác. Trái lại, Ngài là Thiên Chúa độc nhất, ngoài Ngài ra, không có một thần hay một chúa nào khác.
Tất cả các thần các chúa đó chỉ là ngẫu tượng, chỉ là những đồ vật do tay con người làm ra: có mắt có miệng mà không nhìn không nói, có mũi có tai mà không ngửi, không nghe, có tay mà không sờ không mó, có chân mà không bước không đi. Từ cổ họng không thốt lên được một tiếng.
Những ý thức về một Thiên Chúa độc nhất ấy lại khiến người Do Thái đi tới một sai lầm khác vô cùng tai hại: họ nghĩ rằng Thiên Chúa độc nhất ấy là Thiên Chúa của họ, hay nói cách khác, họ độc quyền chiếm giữ Thiên Chúa, bắt Ngài phải về phe với họ, có bổn phận phải che chở và giáng phúc cho họ, và do đó luôn chống lại các dân ngoại.
Để chuẩn bị mạc khải cho dân Do Thái biết Ngài là Thiên Chúa của muôn nước, là Cha của mọi dân và nhất là chuẩn bị cho họ đón nhận Đức Kitô, Đấng cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã phải dùng đến những bài học đôi khi cay đắng, đó là họ đã phải mất nước, đã phải chịu cảnh lưu đày, sống thân phận tôi đòi giữa những kẻ mà họ nghĩ rằng không bao giờ là dân của Chúa. Nhưng cũng chính nhờ đó mà họ mới có được một quan niệm về một Thiên Chúa phổ quát, nghĩa là Thiên Chúa của mọi dân mọi nước.
Tất cả những điều vừa trình bày đã được Đức Kitô thực hiện một cách trọn vẹn. Thực vậy, với cái chết trên thập giá, Ngài đã ký kết một giao ước mới và tụ tập mọi dân mọi nước về cùng Thiên Chúa. Ý tưởng này đã được Ngài diễn tả bằng hình ảnh một tiệc cưới, trong đó những người tham dự không phải chỉ là người Do Thái, mà còn là tất cả những người từ mọi ngả đường trần gian.
Tuy nhiên, không phải cứ lãnh nhận bí tích Rửa tội, cứ có tên trong sổ sách của giáo xứ, là chúng ta nghiễm nhiên trở nên thành phần của dân Chúa, điều quan trọng là mỗi người chúng ta phải có một tấm áo cưới, tức là tâm hồn trong sạch, đã tẩy trừ khỏi những vết nhơ tội lỗi, đã ra sức uốn nắn lại những khuyết điểm của mình.
Với một con người mới như thế, chúng ta thực sự là người Kitô hữu thứ thiệt, chứ không phải chỉ là người Kitô hữu thứ dổm, hữu danh vô thực mà thôi.
Tách rời bài đọc hôm nay khỏi bối cảnh toàn bộ Phúc Âm, người đọc dễ sinh nản chí. Trong bài: TN 21-C36
Tách rời bài đọc hôm nay khỏi bối cảnh toàn bộ Phúc Âm, người đọc dễ sinh nản chí. Trong bài chỉ thấy nói đến cửa hẹp nhiều kẻ sẽ không qua được, đến sự khai trừ khỏi Nước Trời v.v… Chúa nhân lành trong bài giảng trên núi, từng nói đến Cha với niềm âu yếm, tại sao ở đây lại có thể nói những lời nghiêm khắc đến thế? Chúng ta cần nhớ rằng Phúc Âm là một pho sách nhất phiến, mạch lạc chặt chẽ, đoạn này soi sáng giải thích đoạn kia. Vì thế không nên hiểu tình âu yếm của Cha như một thái độ nhu nhược, không nên giải thích sự đòi hỏi gắt gao của Người như một chủ trương nghiêm khắc. Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta về sự cần thiết phải từ bỏ và bổn phận phải theo đúng chân truyền.
1) Phải từ bỏ. Không lọt qua được cửa hẹp là những kẻ không muốn từ bỏ những hành trang bề bộn. Về mặt trí thức, họ khư khư bảo vệ những thành kiến, những hệ thống tư tưởng, những chủ nghĩa, những ý kiến của họ. Về mặt luân lý, họ không từ bỏ những thói quen ích kỷ, thái độ tự tại trong vật chất, những lợi nhuận bất công, những hưởng thụ xác thịt. Một số lớn không từ bỏ những thứ cồng kềnh đó nhưng vẫn muốn xưng mình là Kitô hữu, muốn vượt qua cánh cửa Phúc Âm, tuy nhiên trước con mắt Thiên Chúa họ không qua được. Chính ở điểm này chúng ta không được để cho niềm cậy trông của mình bị dập tắt. Đối với Thiên Chúa, không có điều gì Người không làm được. Vả lại Thiên Chúa luôn luôn giúp đỡ kẻ có thiện chí. Nếu ngay tức khắc chưa thể vượt qua cửa hẹp, chúng ta có thể với sự trợ giúp của Thiên Chúa, loại đi một vài thứ lỉnh kỉnh nói trên. Nếu ngay tức khắc chưa thể tuân giữ tất cả những điều giảng dạy của Phúc Âm, chúng ta có thể với sự trợ giúp do Đức Kitô bảo đảm, bắt đầu tuân giữ một vài điều. Chúa không bao giờ từ chối giúp đỡ kẻ thành tâm thiện chí. Mỗi ngày thêm cố gắng, phấn khởi vì chắc tâm được Chúa giúp đỡ, chúng ta hy vọng vượt qua được cửa hẹp, là điều mà bình thường với sức riêng không ai dám mơ tưởng.
2) Phải theo đúng chân truyền. Một số nào đó có thể dám tự hào được Đức Kitô nhìn nhận là môn đệ nhưng thật ra Đức Kitô không nhận họ là người của Chúa. Đó là những kẻ uốn nắn Phúc Âm theo ý riêng mình. Ngày nay có những kẻ giả mạo Phúc Âm, những kẻ xuyên qua lời phán của Chúa, muốn đưa ra mớ triết lý, những quyền lợi, những chọn lựa lập trường thế tục của họ. Thay vì quy tư tưởng theo Phúc Âm, những kẻ ấy quy Phúc Âm theo tầm cỡ và tiêu chuẩn tư tưởng của họ. Ngỡ rằng Chúa bỏ đi, Chúa khóa cửa rồi, họ gõ cửa xin vào. Nhưng Chúa từ chối, Chúa bỏ mặc họ với thế gian của họ, vì họ không đón nhận Phúc Âm chân truyền bằng một tinh thần tôn trọng sự thật. Chúng ta lấy ví dụ trường hợp một số hành động chính trị nào đó. Hành động chính trị của các Kitô hữu trong quá khứ và nhất là trong hiện tại luôn luôn bị cám dỗ muốn đem Đức Kitô vào đời sống công cộng, muốn viện dẫn Đức Kitô làm hậu thuẫn cho một hoạt động đảng phái; thật ra ai cũng biết, hoạt động đảng phái làm cho Phúc Âm mất đi tính chất chân truyền. Đối với xu hướng ấy, đối với những kẻ có chủ trương ấy, Đức Kitô đóng cửa lại. Chúa mở cửa cho hầu hết mọi chủ trương, đường lối, ngoại trừ sự giả dối.
Trong mùa thi vào đại học vừa qua, có nhiều bạn học sinh đã bị chứng suy dinh dưỡng, mất: TN 21-C37 FB
Trong mùa thi vào đại học vừa qua, có nhiều bạn học sinh đã bị chứng suy dinh dưỡng, mất ngủ, thậm chí bị tâm thần. Lý do là các bạn phải học rất nhiều, phải phấn đấu để được vào đại học. Đại học hiện tại là một khung cửa hẹp. Trường lớp có ít mà số lượng sinh viên mỗi năm mỗi tăng. Thế nên các học sinh phải hết sức phấn đấu mới được vào.
Cảnh các thí sinh chen chúc trước các cổng trường đại học làm tôi nhớ đến bài Tin Mừng hôm nay. Ai muốn vào Nước Trời cũng phải đi qua khung cửa hẹp.
Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp. Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người. Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi có những điều kiện cần thiết. Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời. Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu.
Trước hết phải phấn đấu hạ mình xuống. Ở đời người ta thường phấn đấu để vươn lên. Người ở địa vị thấp phấn đấu để được địa vị cao. Người hèn kém phấn đấu để được trọng vọng. Người phải phục vụ phấn đấu để được người khác phục vụ mình. Nhưng trong Nước Trời thì ngược lại. Phải phấn đấu để đi xuống. Phải phấn đấu để tìm chỗ thấp hèn nhất. Phải phấn đấu để phục vụ anh em. Như lời Chúa dậy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”(Lc 14,11). “Khi anh được mời, hãy ngồi vào chỗ cuối”(Lc 14,10). “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ”(Lc 22,26). “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”(Mc 10,15).
Sau đó phải phấn đấu để bé nhỏ lại. Thông thường ở đời người ta phấn đấu để to ra. Ai có nhà nhỏ phấn đấu để có nhà lớn hơn. Ai có ruộng vườn nhỏ cũng phấn đấu để vườn ruộng lớn rộng thêm. Ai cũng phấn đấu để có nhiều của cải hơn, có nhiều bằng cấp hơn, có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn. Trái lại, người muốn vào Nước Trời phải phấn đấu để trở nên bé nhỏ. Phải phấn đấu để trở nên nghèo. Phải phấn đấu để bỏ bớt của cải đi. “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”(Mt 19, 21). “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”(Mt 5,3).
Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước của Chúa Giêsu.
Cửa này thấp vì Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu. Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp. Là Thày, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ. Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã để bị đối xử như một đại tội phạm. Người đã bị vùi dập xuống tận bùn đen.
Cửa này bé vì Chúa Giêsu đã trở nên bé nhỏ. Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Người đã bị bóc lộc hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.
Chúa Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi. Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã qua. Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Người phấn đấu hạ mình khiêm tốn và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết “từ bỏ mình, vác thập giá mình”mà theo Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Cửa Nước Trời rất hẹp. Bạn có thấy mình còn cồng kềnh không? 2) Bạn thấy mình cần phải từ bỏ những gì để có thể gọn nhẹ tiến qua cửa hẹp? 3) Tuần này bạn sẽ phấn đấu làm gì để từ bỏ mình? 4) Chúa Giêsu đã làm thế nào để đi vào khung cửa hẹp?
Thánh Luca nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta đang tiến bước về Giêrusalem”. Chúa Giêsu: TN 21-C38
Thánh Luca nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta đang tiến bước về Giêrusalem”. Chúa Giêsu “rao giảng là lên đường”tiến về sự thử thách, các bài học tỏ ra cấp bách. Thánh Luca đặt ra một câu hỏi thuần túy tò mò:
- Có nhiều người được cứu rỗi hay không?
- Ngươi hãy chiến đấu để được cứu rỗi! Hãy gắng sức mà vào cửa hẹp.
Hãy chiến đấu, hãy gắng sức! Luca thích ý tưởng chiến đấu được lấy lại từ người thầy Phaolô của ông. Chúng ta có thể làm cả một tuyên bố với những lời Phaolô kêu gọi chiến đấu:
“Tôi chiến đấu với sức mạnh của Chúa Kitô vốn tác động mạnh mẽ nơi tôi”(Cl 1,29); “Êphaphô chăm lo cầu nguyện”(Cl 4,12); “Hãy chiến đấu lành mạnh cho đức tin, giật lấy sự sống vĩnh cửu”(1Tm 6,12)
Đây là cuộc chiến đấu thực hành các lời khuyên đã nhận lãnh. Đã thấy Chúa Giêsu, đã lắng nghe và thậm chí đã ngồi trước mặt ngài vẫn chưa đủ để mở cửa Thiên Chúa.
- Ta chẳng hiểu các ngươi nói gì và từ đâu đến!
Chúng ta không thể trở thành Kitô hữu bằng việc đọc sách thánh và mơ mộng. Cần phải thực hành. Một thứ lo âu đi ngang qua các trang Tin Mừng: điều mà các bạn đang khám phá, các bạn có thực hành hay không?
Ý tưởng “thực hành”đã bị quá hạn hẹp trong việc thực hành bí tích. Người ta nói: “Tôi là người lãnh đạo”. Hành đạo như thế nào? Chúng ta có thể đi lễ hằng ngày và vẫn bị đuổi ra khỏi cửa trời nếu chúng ta không thực sự sống theo Tin Mừng: “Ta không biết ngươi từ đâu đến!”
May thay lời kêu gọi say mê thực hành được soi sáng, cửa hẹp được nới ra thật rộng: “Người ta sẽ đến từ Đông, Tây, Nam, Bắc”. Đây cũng là bài ca chiến thắng của sách Khải Huyền, được lấy lại trong lễ Các Thánh: “Tôi thấy một đám đông không thể đếm được…”(Kh 7,9).
Nhưng lời cuối cùng của bài suy niệm này báo động cho chúng ta: “Có những người rốt hết sẽ trở nên trước hết và những người trước hết sẽ trở nên rốt hết”. Chúng ta sẽ thấy lại sự đạo ngược mà thánh Luca thường làm chúng ta hình dung, trong khi nhắc đến ở đây với mức độ vừa phải. Không phải tất cả những người đầu tiên sẽ trở nên rốt hết, người ta nói với chúng ta chỉ một số mà thôi, những người hạng nhất khi đó là những người học hiểu đạo và những người rốt hết khi phải thực hành đạo, cũng phải sắp hàng để đến Nước Trời.
Có lẽ chúng ta thắc mắc về động lực của nhân vật hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, những người: TN 21-C39
Có lẽ chúng ta thắc mắc về động lực của nhân vật hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít, phải không?”Ông ta hỏi vì tò mò hay vì tự mãn mình là thành viên của dân Do thái, nên đương nhiên sẽ được cứu rỗi? Hoặc giả ông ta thuộc đám đông đi lên Giêrusalem với Chúa, cho nên cảm thấy đã an toàn về phần rỗi, không bị ném ra ngoài theo như lời rao giảng của Chúa Giêsu cách đó ít lâu? Thực đúng không hễ thuộc về nhóm môn đệ Chúa là tự động được chia phần Nước Trời, chẳng cần cố gắng thêm? Thân cận với Chúa Giêsu là đủ rồi chăng?
Mấy câu nói của Chúa lúc khởi đầu phúc âm hôm nay, làm người nghe khiếp sợ: “Ngài bảo họ: hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có người sẽ tìm cách vào mà không thể được!”Quả thực Chúa không trực tiếp trả lời câu hỏi ít hay nhiều người được chọn, việc đó thuộc mầu nhiệm nước Trời, không ai được biết. Nhưng điều kiện để được nhận vào thật khó khăn. Cứ như tình trạng hiện thời của mỗi người, liệu chúng ta có chắc nắm được phần rỗi? Chúng ta làm đầy đủ nghĩa vụ một kitô hữu, là thành phần của cộng đoàn đáng kính, là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tuân giữ lề luật Hội thánh, ăn chay kiêng thịt, làm công tác bác ái. Liệu đã đủ chưa? Theo tiêu chuẩn loài người thì có lẽ đủ. Nhưng trước mặt Chúa Giêsu, Đấng thánh thiện vô cùng thì chưa bảo đảm. Chúa trả lời cho người chất vấn: Hãy quên đi vấn đề nhiều ít sẽ được vào dự tiệc cưới trên trời, nhưng xem xét lại phẩm chất sống đạo của mình. Thay vì đùa vui cho thoả mãn tính tò mò về con số thì hãy chú tâm vào những cố gắng của mình. Chúa dạy chúng ta phấn đấu hết mình để qua cửa hẹp. Từ phấn đấu ở đây trong tiếng Hylạp là Agonizesthe (hấp hối). Tiếng Anh là “agony”. Nó cho cảm tưởng là cạn kiệt sức lực, như các tay đua trong đấu trường thế vận hội Olympic. Họ luôn luôn phải mạnh hơn, cao hơn và nhanh hơn (forius, altius và citius), không ngừng phá kỷ lục cũ. Nhiều vận động viên đã tắt thở vì cố gắng quá sức. Nhiều năm tập luyện nghiêm khắc mới đưa họ được đến cuộc thi danh tiếng. Đúng là các vận động viên thể thao đã phải qua cửa hẹp, rất hẹp để đến vinh quang. Chúa Giêsu cũng kêu gọi các kẻ theo ngài có cùng thái độ nhân danh nước trời. Tuy nhiên Ngài biết rõ mục tiêu sẽ cân xứng với các cố gắng của họ. Và có thể là còn vượt xa hơn.
Trên bình diện siêu nhiên sự so sánh chỉ đúng một phần. Bởi lẽ chúng ta không cố gắng một mình. Và thành công không hẳn thuộc về loài người. Đã rõ nó đòi hỏi rất nhiều mồ hôi nước mắt, nghị lực và bền bỉ. Nhưng nằm dưới những cố gắng ấy là ơn thánh Chúa trợ giúp. Các câu truyện phúc âm đều nêu bật yếu tố quan trọng này. Cuộc đời thánh phaolô chẳng hạn. Các phấn đấu của ông luôn đi kèm với ơn thánh. Có lần ông than phiền vì khổ cực, Thiên Chúa trả lời: “Ơn ta đã đủ cho con rồi.”Khi hồi tâm Phaolô cảm nghiệm đúng như vậy. Cho nên sự vào qua cửa hẹp khởi đầu bằng lời mời gọi của Thiên Chúa. Khi lắng nghe và chấp nhận, tức khắc chúng ta sống trong vương quốc của ơn thánh, nguồn nghị lực chính yếu và cảm hứng sôi nổi của tiến trình phấn đấu thiêng liêng. Tín hữu nào trung thành với ơn gọi của mình thì là một “đại phúc”cho linh hồn. Viễn tượng thánh thiện không con bao xa.
Bài đọc 1 trích từ sách tiên tri Isaia: Đoạn nói về tái thiết Giêrusalem và đền thờ. “Đức Chúa phán như sau: Ta biết rõ việc làm và ý định của chúng, Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta.”Ngôn sứ báo trước một sự thay đổi lớn về tôn giáo thời cánh chung, mọi dân tộc sẽ thờ phượng Thiên Chúa. Cộng đồng Israel sẽ được phục hồi, bắt đầu giai đoạn lịch sử mới. Các dân tộc từ xa xôi như Tarsit (Bắc phi), Javan (Hylạp), put, lut đều được thi hành chức vụ tư tế như con cái Do thái: “Giống như con cái Israel mang lễ phẩm trên đĩa thanh bạch đến nhà Đức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa.”Như vậy từ nay nhà của Đức Chúa Trời mở cửa đón nhận mọi linh hồn, bất kể màu da, ngôn ngữ, nguồn gốc. Tuy nhiên sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời khác với quan niệm của chúng ta về kẻ dữ người lành, kẻ trong người ngoài, kẻ trên người dưới. Chúa tuyên bố “kìa có những người đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”Chúng ta thật bối rối với lý luận của Chúa Giêsu. Chắc chắn thế giới của Ngài không phải là nơi chúng ta từng quen thuộc. Nó là thế giới hoàn toàn mới. Một đường lối khác lạ để thưởng phạt và thâu nhận vào nước trời qua cửa hẹp. Thực tế, Tin Mừng hôm nay đề nghị chúng ta cất bỏ mọi tính toán và tiêu chuẩn loài người vào kho và hãy để Đức Chúa Trời làm Thượng Đế trong việc thâu chọn. Hãy trở lại với bổn phận riêng và nhận ra sự khác biệt mà ơn thánh hoạt động trong mỗi thân phận. Lúc ấy chúng ta được khả năng phấn đấu vươn tới mục tiêu. Tạ ơn Thiên Chúa!
Để giúp đỡ nhận thức quan điểm chúng ta không nhìn vào Nước trời bằng khả năng riêng. Bài đọc hôm nay nhắc nhớ giai đoạn nào của Tin Mừng mà sự kiện xảy ra. Nó ở trên con đường Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem để chịu chết chuộc tội cho thiên hạ. Như vậy lời khuyên “cố gắng vào bằng cửa hẹp”thật là ý nghĩa. Nó liên kết chặt chẽ với sứ mệnh của Chúa Giêsu. Ngài không lên Giêrusalem để vui chơi, dự lễ mà để chịu hành xích, khổ hình và tử đạo, mang ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Ngài can đảm trung thành với sự vụ rao giảng và thực thi Tin Mừng. Ngay cả khi điều đó đòi hỏi đau khổ và tử nạn. Thánh Luca trong trình thuật hôm nay nhắc nhớ chúng ta: Đức Ki-tô là nguồn sống mới cho mọi tín hữu, khi Ngài làm hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Ngài ban cho mỗi người ước vọng phấn đấu qua cửa hẹp mà vào Vương quốc Thiên Chúa. Thời Chúa Giêsu, khi người ta đồng bàn ăn uống thì đương nhiên trở nên thân thiết với nhau, coi nhau như người trong gia đình. Vậy những người hãy còn ở ngoài khi cửa đã đóng có quyền đòi hỏi chủ nhà phải mở. Họ có quyền yêu cầu Chúa Giêsu cho mình vào bên trong, bởi lẽ đã từng ăn uống với Ngài, thuộc về nhóm môn đồ của Ngài. Theo tiêu chuẩn xã hội thông thường thì họ có lý. Nhưng Chúa Giêsu cho biết đồng bàn với Ngài còn đòi hỏi nhiều hơn nữa. Những ai ăn uống với Ngài trong bữa tiệc Thánh Thể cần thánh thiện hơn nữa, chứ không chỉ là thành viên của cộng đồng, giáo xứ hay Hội thánh là đủ. Điều này đúng cho những người Do thái thời Chúa Giêsu. Họ giữ đạo hoàn toàn vụ hình thức và đã tẩy chay Chúa Giêsu. Nhưng càng đúng hơn đối với tín hữu thời nay, tính hoá đá có lẽ còn tế nhị và nặng nề hơn. Nhờ Lời Chúa hôm nay, chúng ta nên lượng định lại đời sống tôn giáo của mình, có đúng tiêu chuẩn Chúa Giêsu đòi hỏi không? kẻo lại được nghe lời khiển trách ghê sợ: “Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính: Ta không biết các ngươi từ đâu đến.”
Những khách ở ngoài lại đưa ra một bằng chứng khác. Họ đã được Chúa dạy dỗ trên các đường phố hoặc ngồi với họ trong các hội đường. Câu đáp trả của Chúa Giêsu bất ngờ: “Xéo đi, Ta không biết các ngươi”. Điều này cho chúng ta hay: Nghe suông không đủ, học thuộc lòng giáo lý của Ngài không đủ, Ngài đòi hỏi nhiều hơn nữa để xứng đáng mang danh hiệu Ki-tô hữu, tức phải đem lời Ngài ra thực hành. Nhưng trong phạm vi nào? Câu trả lời là mênh mông như bề mặt trái đất chúng ta đang sống. Lòng bác ái của chúng ta phải vươn tới mọi nơi, mọi người, bất kể châu lục, màu da, ngôn ngữ, văn hoá, hay nói như Kinh thánh: Từ đông sang tây, từ nam chí bắc, người tốt cũng như kẻ xấu. Bởi lẽ tất cả đều được mời gọi vào bàn tiệc của Chúa Giêsu: “Bấy giờ các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng khi thấy các ông Abraham, Ixaác và Gia-cóp, cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình thì lại bị đuổi ra ngoài.”Cảnh tượng đó chắc hẳn làm cho thính giả của Chúa Giêsu ngạc nhiên, bởi lẽ họ vẫn nghĩ tưởng mình thân cận với Chúa và có thể tự phụ Ngài thuộc hàng nghĩa thiết của mình.
Tác giả Gustavo Gutierrez giải thích tại sao cửa lại hẹp? Ông viết: “cửa hẹp”không phải tương quan với chúng ta, nhưng với điều kiện để được cứu rỗi. Ơn giải cứu không phát sinh từ tính gần gũi với Chúa Giêsu về vật lý, nơi chốn, dòng họ. Cũng chẳng từ việc giao du, ăn uống với Ngài, hay nghe Ngài rao giảng nơi quảng trường công cộng. Cũng không phải là hệ quả đương nhiên của dòng máu Do thái. Bản văn không hề đả động đến những đặc ân đó. Hơn nữa, nếu trung thành với tinh thần câu trả lời của Chúa Giêsu thì phải nói thêm, ơn cứu chuộc không giới hạn vào một quốc gia nào, sắc da nào, văn hoá nào. Nó nảy sinh từ sự kiện chúng ta chấp nhận Ngài và đi theo đường lối Ngài chỉ dẫn. Đây chính là cửa hẹp, lối vào duy nhất đòi hỏi nhiều hy sinh, từ bỏ. Đôi khi thật gay go như trong bài đọc 2 hôm nay: “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế, sẽ gặp được hoa trái là bình an và công chính.”
Theo suy nghĩ thường tình của mình, chúng ta hay có khuynh hướng ích kỷ, giới hạn ngặt nghèo sự hiện diện và hoạt động hoạt động của Thiên Chúa, không để cho Ngài là Thượng Đế mà phải theo ý muốn của mình. chúng ta nhìn chỉ trong phạm vi bốn bức tường của nhà thờ, và chỉ thấy các tín hữu của tôn giáo mình, các tôn giác khác là xa lạ hoặc rối đạo, đáng khinh bỉ và tránh xa, không nghe, không nhìn, không thấy họ. Chúng ta phân biệt rõ ràng kẻ tốt, người xấu, kẻ gian phi, người thánh thiện, người này hữu ích, kẻ khác vô dụng. Chúng ta nhanh chóng đi đến kết luận tuỳ vào tư cách ăn nói của tha nhân, việc làm, địa vị, thu nhập, học thức, nguồn gốc của họ. Thực tế, sự nhận định của Đức Chúa Trời hoàn toàn khác hẳn: “Kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu. Người đứng đầu sẽ xuống hàng chót. Và thiên hạ sẽ từ đông tây, nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.”Do đó, chúng ta nên vất bỏ lăng kính của mình và thay bằng cái nhìn của Kinh thánh. Khi ấy chúng ta sẽ thấy mọi sự khác hẳn, cuộc đời sẽ rộng rãi hơn, với bao nhiêu sự tốt đẹp, bao nhiêu sự thánh thiện. Chúng ta sẽ khởi sự “cố gắng”cùng với anh chị em mình bước vào Nước Trời. Cuối cùng, khi đã được nhận vào, Chúa Giêsu cho hay, mọi người sẽ rất đỗi ngạc nhiên về những thực khách cùng vui hưởng tiệc cưới thiên quốc. Cái nhìn và lòng thương xót của Thiên Chúa thật bao la. Con số những người qua cửa hẹp để được cứu rỗi không giới hạn. Họ đã thành công bỏ lại những hành lý, tài sản lỉnh kỉnh để qua được cửa Thiên Đàng. Chúng ta cần phải thay đổi lăng kính của mình, chấp nhận cái nhìn cánh chung các bài đọc hôm nay gợi ý, mặc lấy quan điểm của Chúa Ki-tô và bắt đầu tiến trình “phấn đấu”. Amen.
Sau thời kì bị lưu đầy bên Babylon, dân Do thái được đưa về quê hương xứ sở nhờ ông vua ngoại: TN 21-C40
Sau thời kì bị lưu đầy bên Babylon, dân Do thái được đưa về quê hương xứ sở nhờ ông vua ngoại đạo là Ky-rô vào năm 538 trước công nguyên (2 Sb 36:23). Vào lúc này ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy viễn tượng của ơn cứu độ phổ quát cho cả những người không mang dòng máu Do thái: Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta (Is 66:18). Những dân tộc và ngôn ngữ được ngôn sứ Isaia nhắc đến như là: người Tác-sít, Pút, Lút, Tu-van, Gia-van và dân cư thuộc những hải đảo xa xăm (Is 66:19).
Mặc dầu thế, nhiều người Do thái vẫn tin rằng chỉ có những ai thuộc dòng dõi Áp-ra-ham và trung thành giữ luật Môsê mới được cứu rỗi. Trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu, người ta không bàn đến câu hỏi xem dân ngoại có được cứu rỗi không. Vì thế họ căm phẫn lời Chúa giảng dạy về việc dân ngoại cũng được thông phần vào nước Chúa. Cứu rỗi theo họ được hiểu là khi Ðấng thiên sai đến thiết lập vương quốc, thì sẽ có giặc giã dấy loạn và họ muốn được cứu thoát khỏi tai ương này.
Khi Ðức Giêsu đến thì từ ngữ cứu rỗi được chuyển ý nghĩa sang việc cứu độ ở đời sau. Trong Phúc âm hôm nay, một người trong đám đông hi vọng Chúa Giêsu bảo đảm cho anh ta được cứu độ vì thuộc dòng dõi Áp-ra-ham và mang máu Do thái, bèn đặt câu hỏi: Thưa Thầy, những người được cứu độ thì ít có phải không? (Lc 13:22).
Từ chối, không trả lời câu hỏi về con số người được cứu rỗi, không có nghĩa là Chúa muốn tránh né câu hỏi. Sự yên lặng của Chúa về câu hỏi bao hàm ý nghĩa là câu hỏi không thích hợp hoặc người hỏi không nên đặt câu hỏi như vậy, mà phải cố gắng làm sao cho mình được hưởng nhờ ơn cứu độ. Nói cách khác, Chúa muốn đưa anh ta ra khỏi thái độ tự mãn. Chúa nêu lên điều kiện để được cúu rỗi là: Hãy cố gắng để qua được cửa hẹp mà vào (Lc 13:24).
Lời Chúa hôm nay là những lời khắt khe đối với những ai sống theo cảm giác, cho rằng vì Chúa nhân hậu, từ bi và hay thương xót, nên Chúa cứu rỗi mọi người, bất chấp những việc dữ họ đã làm, và tội lỗi họ đã phạm. Có những lời Chúa trong Thánh kinh mà người ta không muốn nghe vì không thích hợp với lối sống riêng của họ. Phúc âm được gọi là tin mừng vì sứ điệp Phúc âm mang lại niềm hi vọng. Tuy nhiên Phúc âm hôm nay là tin buồn cho những ai muốn có một chúa ba phải, dễ dãi, dung túng tất cả những gì người ta làm. Buồn là vì để chấp nhận lời Chúa trong Phúc âm người ta phải qua cửa hẹp, phải trả giá cả nào đó. Cửa hẹp là cửa Mười Giới răn, của Tám mối phúc thật, cửa của hi sinh thánh giá, cửa bác ái vị tha.
Ðể có thể qua cửa hẹp người ta phải diet, phải kiêng cữ, nếu không sẽ không qua lọt. Cũng vậy, để có thể qua cửa hẹp của nước Trời, người ta cũng phải kiêng cữ về phương diện thiêng liêng, phải kiêng cữ lỗ tai, miệng lưỡi, chân tay và cả óc tưởng tượng. Người ta phải chịu sát sà bông, nếu cần phải được sát sà bông để tẩy rửa những ghét gúa ra khỏi đời sống thiêng liêng. Ðể dọn nhà thiêng liêng, người ta cần loại bỏ những rác rưởi trong tâm hồn là tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu. Nếu xét về phương diện thể lí, người ta phải kiêng cữ một số đồ ăn thức uống nào đó để khỏi làm nguy hại đến sức khoẻ, thì về phương diện thiêng liêng, người ta cũng phải kiêng cữ những ham muốn nào đó để có được một tâm hồn bình an thư thái. Trong thư gửi tín hữu Do thái, thánh Phaolô bảo họ: Con đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách (Dt 12:5). Rồi Thánh nhân tiếp: Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt dược hoa trái là bình an và công chính (Dt 12:11).
Có những người chỉ muốn nghe những lời Thánh kinh đem lại niềm an ủi và làm phấn khởi tâm hồn. Tuy nhiên chỉ nghĩ về Thánh kinh như là những lời đường mật mà thôi là nhìn một cách khiếm diện, có tính cách một chiều. Thánh kinh còn chứa đựng những lời cảnh giác và trách móc nữa. Phúc âm hôm nay ghi lại lời chủ nhà: Ta không biết các anh từ đâu đến. Hãy lui ra cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính (Lc 13:27).
Ðôi khi nghe bài điếu văn trong thánh lễ an táng, người ta nói người quá cố đã được lên thiên đàng. Ðồng ý là người quá cố sống đời tốt lành và đạo hạnh. Tuy nhiên người ta không nên đóng vai Ðấng phán xét. Thậm chí có vị trong hàng giáo phẩm kia, khi lâm bệnh nặng, gửi thư công khai để an ủi mẹ già với ý chính là khi nào Chúa gọi mẹ của ngài ra khỏi đời này thì bố ngài và ngài sẽ ra đón bà tại cửa thiên đàng. Viết như vậy có thể là sơ ý, nhưng lại khiến người đọc hoang mang. Lấy gì làm bảo đảm mà có thể viết như vậy? Nói hay viết như vậy khiến cho thân nhân của người quá cố được yên ủi. Tuy nhiên lời nói như vậy có thể làm thiệt hại về phần thiêng liêng cho người quá cố nói riêng và cho các linh hồn đã qua đời nói chung.
Nếu nói người quá cố đã được lên thiên đàng rồi thì đâu còn cần xin lễ và cầu nguyện cho linh hồn người quá cố nữa. Mẹ Têrêsa đạo hạnh và khiêm tốn phục vụ trẻ nghèo bên Ấn độ như vậy mà sau khi chết Giáo hội vẫn đợi cho qua những thủ tục điều tra lâu dài về đời sống tư và phỏng vấn những người biết về đời sống của mẹ bề trên trước khi phong thánh. Rồi còn phải được chứng minh bằng việc làm phép lạ khi có người khẩn cầu. Mỗi người tín hữu phải luôn tâm niệm rằng chỉ khi nào mình nhận mình là yếu hèn và tội lỗi, thì ơn xót thương tha thứ mới tác động tâm hồn. Người tín hữu không có quyền biện minh rằng mình đạo đức tốt lành hay thế nọ thế kia mà phải được lên thiên đàng ngay sau khi chết. Mầu nhiệm cứu rỗi vẫn là mầu nhiệm, vẫn là câu hỏi được mở ra. Ta chỉ nên cầu nguyện phó thác người quá cố vào lòng từ ái, hay thương xót và tha thứ của Chúa mà thôi.. Việc cầu nguyện cho người thân nhân quá cố, thì người tín hữu vẫn cần cầu nguyện. Theo Tín điều các Thánh cùng Thông công, thì nếu người quá cố được lên thiên đàng rồi, thì ích lợi thiêng liêng của lời cầu nguyện và lễ dâng sẽ được chuyển cho các linh hồn khác. Như vậy lời cầu nguyện không bao giờ ra vô ích.
Nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa cứu thế, ơn cứu độ được ban sẵn đó cho toàn thể nhân loại hưởng, nhưng không phải là tự động và vô điều kiện. Ðó là điều mà chính Chúa Giêsu đã xác quyết: Không phải hễ ai kêu: Lạy Chúa, lạy Chúa! là được vào nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi (Mt 7:21). Lời Chúa trong Phúc âm hôm nay đưa người ta ra khỏi tâm trạng thờ ơ và tự mãn bằng cách khẳng định rằng thuộc dòng dõi Áp-ra-ham không bảo đảm cho việc cứu rỗi. Trong một cách thế tương tự, ta cũng có thể suy ra rằng là người công giáo cũng không bảo đảm được phần rỗi. Giấy chứng chỉ rửa tội không phải là thẻ thông hành để vào nước Trời, nếu người ta không sống và thực thi lời Chúa và tuân giữ giới răn Chúa.
Lời cầu nguyện xin cho được vào nước Trời qua cửa hẹp:
Lạy Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện và toàn mĩ!
Mọi loài và mọi vật Chúa tạo dựng đều tốt đẹp.
Mà tội nguyên tổ đã làm nhiễm độc tâm trí loài người.
Xin dạy con biết hướng lòng trí về chân thiện mĩ.
Nhắm thẳng vào cùng đích rồi,
con sẽ được vững tâm tiến bước,
đi vào cửa hẹp của nước Trời. Amen.
“Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.
Bạn thân mến,
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều người biết đến Chúa Giê-su và Hội Thánh Công Giáo của Ngài: TN 21-C41
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều người biết đến Chúa Giê-su và Hội Thánh Công Giáo của Ngài; hiện nay có nhiều nơi trên thế giới người Ki-tô hữu bị đối xử cách bất công, nhưng vẫn cứ có rất nhiều người tình nguyện đi qua cửa hẹp (đau khổ, hy sinh vì đức tin) để đạt được mục đích của mình là được tham dự tiệc trong Nước Thiên Chúa
Bạn đang được đối xử rất tốt trong công ty của bạn, tức là bạn đang đi con đường rộng, nhưng hãy đi qua cửa hẹp để được vào Nước Trời; bạn đang bị mọi người đối xử bất công trong xí nghiệp của bạn, bạn hãy vui mừng vì mình đã có cơ hội đi qua cửa hẹp nhanh nhất để vào dự tiệc Nước Trời, bởi vì không một ai được vào Nước Trời để dự tiệc mà không đi qua cửa hẹp.
“Đường nào cũng về La Mã” và bất kỳ con đường nào (giàu có, nghèo hèn, sung sướng đau khổ.v.v...) cũng đều có thể vào được Nước Trời, nhưng với điều kiện là phải qua cửa hẹp, bởi vì Chúa Giê-su đã nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp...”
Có nhiều người muốn qua cửa hẹp nhưng rồi họ bỏ cuộc vì thân xác và tâm hồn của họ quá béo phệ (thích hưởng thụ, thích thỏa mãn xác thịt, kiêu căng, gian dâm...), nhưng không phải vì thế mà tiệc Nước Trời không có ai vào tham dự, trái lại có rất nhiều hạng người trên khắp thế giới, từ đông tây nam bắc, đến để dự tiệc Nước Trời, như lời tiên tri trong sách Khải Huyền nói: “Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế...”(Kh 7, 9).
Họ là những người đã đi qua cửa hẹp để vào dự tiệc Nước Thiên Chúa đó, trong số những người đó, chắc chắn sẽ có bạn và có tôi.
(Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 21 thường niên. Luca 13, 22-30)
Khi có người hỏi: "Thưa Ngài, có ít người được cứu thoát ……. “. Vậy, vào cửa hẹp nghĩa là gì?: TN 21-C42
Khi có người hỏi: "Thưa Ngài, có ít người được cứu thoát thôi, phải không?" Chúa Giê-su không trả lời có nhiều hay ít. Nhiều hay ít là tuỳ vào sự chọn lựa của con người. Nhưng nhân cơ hội nầy, Chúa Giê-su muốn dạy cho chúng ta biết phải đi vào cửa hẹp mới được cứu độ. Ngài nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”.
Vậy, vào cửa hẹp nghĩa là gì?
Là sống theo lề luật Chúa.
Lề luật Chúa xem ra gò bó, trói buộc chúng ta, ép chúng ta vào khuôn khổ, bắt chúng ta đi theo đường hẹp, không để cho chúng ta sống buông thả như bao nhiêu người khác… Thế nên có nhiều người bực mình, có người nổi loạn, có người muốn bức phá hết những ràng buộc của luật lệ.
Vậy thì cửa hẹp đưa con người đến đâu?
Thiên Chúa đã dựng nên trái đất và Ngài quy định cho nó phải quay quanh mặt trời theo một lộ trình nhất định, đó là quỹ đạo trái đất. Phải mất 365 ngày và 6 giờ, trái đất mới quay hết một vòng quanh mặt trời, và cứ thế suốt niên đại nầy sang niên đại khác. Quả là gò bó, trói buộc, là đường hẹp triền miên.
Thế nhưng bao lâu trái đất còn đi theo đúng quỹ đạo, tức con đường hẹp mà Thiên Chúa ấn định cho nó, thì mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp, cuộc sống sẽ ổn định điều hoà. Nếu một ngày nào đó, trái đất ‘cảm thấy’ đi theo quỹ đạo là gò bó, là đường hẹp, để rồi đi trệch ra ngoài cho thong dong thoải mái… chỉ một chút xíu thôi mà!... thì đó là ngày cùng tận của vũ trụ và thế giới!
Chiếc tàu nghĩ rằng tại sao tôi cứ phải bị gò bó bởi hai đường sắt? Tại sao tôi không chạy nhảy như hươu nai, băng qua đồi núi, băng qua cánh đồng như bao nhiêu muông thú. Thế rồi nó thoát ra khỏi hai đường sắt gò bó, để được tự do tung hoành… Hậu quả của sự chọn lựa ‘khôn ngoan’ nầy sẽ vô cùng bi thảm. Nhưng nếu nó chấp nhận đi theo hai đường rây chật hẹp, nó về đến ga chót thật an toàn.
Trong gia đình, người vợ nghĩ rằng: thật uổng phí cuộc đời nếu ngày nào cũng nấu ăn, rửa chén, dọn nhà, quét sân… để sống cho chồng và cho con. Tại sao tôi không tự giải thoát mình khỏi vòng cương toả của gia đình? Tại sao lại phải chọn cửa hẹp, lại phải đi đường hẹp? Tại sao tôi không thể bay nhảy như những cô gái trong các hộp đêm?
Thế rồi cô đã chắp cánh bay, và kết cục là gia đình đổ vỡ, cuộc đời của cô lụi tàn trong đau thương và tủi nhục.
Nếu mỗi người chúng ta hôm nay cứ sống buông thả theo bản năng của mình mà không đi theo đường hẹp Chúa vạch ra cho chúng ta, tức là tuân giữ các giới răn, thì số phận chúng ta cũng như con tàu đi trật đường rầy, chúng ta sẽ lãnh lấy thảm họa. Mai đây, chúng ta có van nài với Chúa rằng: 'Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!', thì Chúa sẽ bảo: 'Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!' và 28"Bấy giờ chúng ta sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.
Trái lại, nếu chúng ta chấp nhận đi đường hẹp, tức đi đúng theo đường lối Chúa như tàu đi đúng đường rầy, như trái đất quay đúng theo quỹ đạo…chúng ta sẽ được sống an bình hoan lạc ở đời nầy và được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa đời sau.
Vậy thì bước qua cửa hẹp là giá phải trả (có gì mà không phải trả giá!) cho hạnh phúc đời nầy và hoan lạc vĩnh cửu mai sau.
Mecca là nơi mà các tín đồ Hồi Giáo khắp thế giới ước ao ít nhất một lần trong đời hành hương: TN 21-C43
Mecca là nơi mà các tín đồ Hồi Giáo khắp thế giới ước ao ít nhất một lần trong đời hành hương đến để sờ vào Tảng Đá Đen, để tận tay cầm đá ném vào những cột đá tượng trưng qủy dữ với niềm tin là đang gột rửa tội lỗi mình. Nhưng có một sự kiện năm nào cũng xảy đến, hết sức thương tâm, là cái chết của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người, vì xô đẩy chen lấn, nhất là khi cố chen chúc trên lối bậc thang chính dẫn vào Al-Jamarat, khu sân lớn có ba cột đá tượng trưng cho quỷ dữ. Dường như những khó khăn hiểm nguy ấy kích thích ước mong, hãnh diện của nhiều tín đồ Hồi Giáo, bởi vì được chết trong khi đi hành hương tức là được lên thiên đàng. Vì thế mà con số tín đồ hành hương thánh địa ngày càng đông, mặc cho đói khát, chết chóc vì đủ nguyên do. Chúng ta mỉa mai ngờ vực niềm tin “ấu trĩ” và cực đoan của anh em tín đồ Hồi giáo, nhưng nếu giả sử Chúa Giê-su cũng quy định như thế, thì lòng thành, niềm phấn khởi và xác tín của chúng ta sẽ ra sao so với anh em theo đạo Hồi ? Được bao người hành hương về Thánh Địa Palestine, nơi có nhà cửa, mộ chí, những kỷ niệm cụ thể về Chúa Giê-su, về Mẹ Maria, về nguồn gốc Hội Thánh, mà không hề phải chen lấn, khổ cực ? Được bao nhiêu tín hữu Công Giáo đã một lần hành hương La Vang, Trà Kiệu, Tà Pao,… để tỏ lòng tôn sùng Đức Mẹ Thiên Chúa ? Xem ra “cánh cửa hẹp” với người Công Giáo, cũng chỉ là biện pháp hù dọa của Chúa Giê-su, giống như trò đem Ông Ba Bị dọa trẻ em vậy ! Chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt Ngài. Chẳng lẽ Ngài lại có thể làm mặt lạ ?
Bao nhiêu kiếp làm hàng xóm với anh khổng lồ Trung Quốc, dù có câu nói ngọt ngào thắm tình đồng chí “môi hở răng lạnh” hoặc mười sáu chữ vàng “làng giếng hữu nghị,…”, thì ai cũng biết anh bạn hàng xóm khổng lồ này luôn sẵn sàng, khi có dịp, nuốt chững người láng giềng tội nghiệp Việt Nam. Trong khi chờ đợi, anh hàng xóm vẫn coi Việt Nam như một nơi để anh ta tống khứ mọi thứ dư, ế hoặc những thứ mà thị trường thế giới chê bai, trả về, như là mớ hàng hoá tiêu dùng trong những ngày qua, cũng như bao sản phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, phim ảnh,… từ thấp đến cao, kể cả những thứ đáng liệt vào hàng rác rến. Ở tư thế này, Việt Nam học được kinh nghiệm quý báu: không ngừng cảnh giác và không ngừng đấu tranh để chẳng những không bị nuốt chững, mà còn có thể chen chân vào cánh cửa thị trường thế giới ngày càng hẹp đi và cạnh tranh khốc liệt, không khoan nhượng, không xót thương, “khôn sống, mống chết”. “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” còn là việc Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mai Thế Giới ( WTO ), ở thứ 150, sau bao nhọc nhằn đàm phán. Vào WTO có nghĩa là quyền lợi và nghĩa vụ kinh tế đồng đều với 149 quốc gia “đi trước” với những đàn anh khổng lồ cả về địa dư, lẫn tiềm lực kinh tế. Vì vậy cuộc đua mà nước chúng ta vào cuộc muộn màng, càng trở nên gay gắt quyết liệt, không thể trông cậy vào ai ngoài sự tự nỗ lực vươn lên, chen cho được vào cánh cửa thị trường ngày càng hẹp đi vì vô số cạnh tranh, vô số rào cản. “Trâu chậm uống nước đục” là điều tất yếu, không chỉ trong cuộc sống, trên thị trường, mà cả trong đời sống đạo đức. Thói tà tà, giữ đạo cầm chừng, ỷ lại vào lòng Chúa xót thương, hôm nay bị chính Chúa Giê-su dội cho gáo nước lạnh: phải trầy vi tróc vẩy, u đầu mẻ trán mới mong chen lọt chân qua được cửa hẹp. Trong nguyên bản, Thánh Luca đã cố tình dùng từ agônizô không phải để mô tả một cố gắng giản đơn thiện chí, mà là Chúa Giê-su mời gọi mỗi Ki-tô hữu phải chiến đấu, phải xông pha trận mạc, phải đấu tranh cật lực, phải trầy vi tróc vẩy.
Nếu được phép so sánh, thì chúng ta muốn dùng hình ảnh trong truyện cá chép vượt đăng thành rồng để ví với cuộc “vượt đăng” của mỗi Ki-tô hữu: khởi đầu cuộc tiến về Nước Trời là “con đường hẹp”, sỏi đá và chông gai. Chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng đủ khiến bao nỗ lực thành công dã tràng. Con đường hẹp ấy chỉ dung chứa những người mà hành trang vật chất nhẹ tênh, không bị Chúa Giê-su liệt vào diện những người “còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim”. Cuối cùng mới tới cửa ải sau hết: cánh cửa hẹp ! Bất cứ ai muốn lọt qua được ba lần “hẹp” này, đều phải trút bỏ hết con người cũ với những hành trang dềnh dàng là tham sân si, là ích kỷ và kiêu căng, là ươn ái và đam mê dục vọng: chỉ cần một chút do dự, chỉ một chút luyến tiếc quá khứ, chỉ cần một chút thiếu quyết đoán nghị lực, thì không thể lọt vũ môn để thành rồng, không thể đi trọn con đường hẹp, chui qua được lỗ kim, chen lọt cánh cửa hẹp để vào Nước Trời.
Bản tình ca con muốn hát hôm nay, là những ngày trước và sau Lễ Đức Maria Linh Hồn và Xác Lên Trời: Đến Tà Pao mới thấy hết được gian nan vất vả để dến được gần tượng Mẹ, vì thời tiết, vì dốc cao, vì những thiếu thốn vật chất. Nếu không thật lòng muốn bày tỏ lòng yêu mến tôn sùng Mẹ, khó có ai muốn vượt qua những trắc trở vất vả này, chỉ để thoả mãn lòng hiếu kỳ. Tự nhiên con nhớ lại những hình ảnh và kỷ niệm buồn từ những chuyến vượt biển xa xưa, chen chúc nhau trên những chiếc ghe tựa như lá tre mong manh lênh đênh trên sóng nước mênh mông, sống chết phó mặc cho may rủi, như câu đáp ca trong lễ an táng: ”một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi”. Nhiều người đã tốn tiền của, mất bao công sức để “căn me”, xô đẩy giành giật một chỗ trên ghe thuyền, để rồi bị sóng nhấn chìm hoặc thành nạn nhân những cảnh thương tâm đau đớn. Con đường mơ ước miền đất lạ đem lại cho họ “tự do”, chẳng khác gì Abraham xưa kia, “ra đi mà không biết đi về nơi đâu”. Dù không thể ví Nước Trời như thế, nhưng ý nghĩa đòi hỏi hy sinh, từ bỏ và lựa chọn thì chẳng khác chút nào. Thêm vào đó, hình ảnh đấu tranh, chen lấn xô đẩy, giành giật không khoan nhượng, thì đúng là những gì mà Ki-tô hữu phải trải qua, phải hành động, để qua được Cửa Hẹp mà vào Thiên Đàng.
Trâu chậm thì ngay cả nước đục cũng không có mà uống !
Thiên Đàng đâu phải là chiếc bánh chia sẵn, phần ai người nấy ăn !
Đạo Thánh Chúa không bao giờ là “thẻ bảo hiểm”: hễ đã “mua” rồi, thì sẽ an tâm sự sống đời đời !
CVK NGUYỄN THẾ BÀI, Tình Ca Cho Người Được Yêu số 64
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh “cửa hẹp”: Hãy phấn đấu đi qua cửa: TN 21-C44
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh “cửa hẹp”: Hãy phấn đấu đi qua cửa hẹp mà vào.
Thánh Phaolô trong bài đọc II thì dùng chữ "rèn luyện": Những người chịu rèn luyện sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. Có trải qua rèn luyện, có đi vào cửa hẹp thì mới tìm được sự sống.
Năm nay, cả 3 giáo xứ cận kề chúng tôi, chỉ có 2 em đậu đại học. 3 Xã với hơn 30 ngàn dân mà chỉ có 2 sinh viên. Đường vào đại học là cánh cửa hẹp.
Năm nay, Chủng viện Nicolas Phan thiết tổ chức thi tuyển chủng sinh cho các học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Có 78 thí sinh, nhưng chỉ chọn 10 dự tu. Đường vào Chủng viện là cánh cửa hẹp.
Đường vào Đại học hay Chủng viện phải qua cửa hẹp, thí sinh mới vào được. Trải qua bao rèn luyện của những năm tháng học hành gian nan cực khổ mới đạt được bước khởi đầu. Rồi còn biết bao cánh cửa hẹp, bao rèn luyện khác nữa đang đợi phía trước.
Tại sao gian nan cực khổ giúp ta nên người ?
Vì nó thanh luyện tâm hồn. Vì nó rèn luyện đức tính. Và vì nó sinh nhiều hoa trái tốt.
Đọc Vietcatholic ngày 21.8.07, với bài “Từ ngôi làng nhỏ ở Bạc Liêu đến NASA, câu chuyện thành công của hai vợ chồng người Mỹ gốc Việt”, tôi thấy hai vợ chồng tiến sĩ đã đi qua “cửa hẹp”, rèn luyện với gian nan cực khổ để đạt tới hạnh phúc, vinh quang hôm nay.
Từ một nông dân ở ngôi làng nhỏ bé, hẻo lánh tại tỉnh Bạc Liêu trở thành khoa học gia tài giỏi trong đội ngũ của Trung tâm Không gian NASA tại Hoa Kỳ. Câu chuyện tưởng chừng như một giấc mơ, nhưng đối với vợ chồng tiến sĩ Trịnh Hữu Phước và Võ Thị Diệp, nó đã trở thành hiện thực.
Tiến sĩ Phước hiện là kỹ sư phi hành không gian, phụ trách phát triển động cơ hoả tiễn cho phi thuyền bay đi từ mặt trăng. Tiến sĩ Diệp là kỹ sư vật liệu cấu trúc, sáng chế và thử nghiệm vật liệu dùng cho động cơ hoả tiễn nhiên liệu đặc của phi thuyền con thoi. Cả hai vợ chồng đang làm việc cho Trung tâm Không gian NASA, chi nhánh Marshall ở thành phố Huntsville, bang Alabama.
Tiến sĩ Diệp chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình 9 anh em, ở một ngôi làng rất nhỏ ở tỉnh Bạc Liêu. Giống như bao nhiêu gia đình nông dân khác, tôi lớn lên, làm ruộng, và có gia đình, nhưng riêng cá nhân tôi, lúc nào tôi cũng có một mơ ước là được đi học và có một bước tiến xa hơn nữa.Sau biến cố năm 1975, hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, trong gia đình có tổ chức một cuộc đi vượt biên. Như tất cả những ai đã từng đi vượt biên sẽ hiểu nỗi gian nan, vất vả của hành trình này. Tôi trốn đi rất nhiều lần, đến lần thứ 3 hay thứ 4 mới thành công. Khi đặt chân tới đất Mỹ này lúc đó tôi khoảng 17 tuổi. Tôi không vào trung học được vì nếu như vậy sẽ không thể đi làm kiếm tiền nuôi bản thân và giúp đỡ gia đình ở Việt Nam rất cần sự giúp đỡ của tôi.Cho nên tôi quyết định chỉ đi học tiếng Anh để thi bằng GED. Sau khi đậu được bằng GED, tôi mới vào cao đẳng cộng đồng để học thử. Nhờ sự cố gắng trường kỳ và sự miệt mài, tôi cảm thấy mình có khả năng vào được đại học của Mỹ, nên tôi tiếp tục cố gắng học lên đến bằng cao học. Sau đó, tôi đi làm được 1 năm rồi trở lại trường, học tiếp bằng tiến sĩ hoá học.
Tiến sĩ Phước tâm sự: Tôi sinh năm 1962, xuất thân từ một làng nhỏ ở Bạc Liêu. Sau khi học hết lớp 3, tôi may mắn hơn những người khác trong làng là được gia đình cho ra ngoài chợ để học. Sau 1975, gia đình gặp khó khăn nên tôi rời Việt Nam năm 1979. Qua đây, giống như những người Việt Nam tị nạn khác, trong thời gian đầu rất khó khăn.Ban ngày tôi đi học, ban đêm làm gác dan cho mấy cái building hoặc biệt thự nhỏ để kiếm thêm tiền sinh sống. Mùa hè tôi vào mấy xưởng bò để kiếm tiền thêm. Vào trường học, khi học sinh ăn trưa thì tôi đi rửa chén để phụ thêm tiền học. Nhưng may mắn là tôi cũng học khá, rồi sau này lên đại học thì được học bổng nên cũng đỡ hơn.
Hồi mới qua Mỹ, giống như bà xã tôi, tôi cũng chưa có bằng trung học ở Việt Nam, cho nên tôi phải học GED, giống như bổ túc văn hoá. Tôi đậu được GED 6 tháng sau khi đến Mỹ. 6 năm sau, tôi nhận bằng cao học và đi làm cho Cơ quan không gian NASA của Mỹ.Nhưng may mắn là ở đây họ rất khuyến khích mình đi học thêm nữa. Cho nên, đến năm 2004 tôi lấy được bằng tiến sĩ ở trường University of Alabama ở thành phố Huntsville.
Tiến sĩ Diệp: Ngược dòng thời gian khoảng 1980, tất cả người Việt tị nạn mình ai cũng khổ sở, ai cũng có bầu nhiệt huyết, mà con đường tiến thân duy nhất là con đường học vấn. Cho nên, ai cũng phải cố gắng đi học, vừa học vừa làm. Tôi đi học về phải ghé vào nhà hàng làm thâu ngân.Có nhiều lúc buồn ngủ từ trong tim, trong ruột gan, tôi phải tự ngắt vào người mình cho đau điếng để tỉnh ngủ. Cuối tuần, tôi phải đến nhà người ta chùi dọn. Có nhiều lúc lau dọn nhà cho người ta, tôi suy nghĩ trong tương lai mình phải làm sao cho bằng họ. Thành ra, cuối cùng bây giờ, nói về vật chất thôi, những gì họ có trong nhà thì tôi cũng có khả năng có được như họ. Có nhiều khi tôi cũng suy nghĩ không biết nếu bây giờ tôi trở lại, những người đó sẽ nghĩ mình như thế nào, vì lúc đó họ nhìn mình với cặp mắt là một người lao công.
Tiến sĩ Phước: Phải cố gắng, vì mình sống phải có mục đích. Cuộc đời bằng phẳng thì ai cũng có thể làm được hết, nhưng sự khó khăn mới là thách đố cho mình để học hỏi nhiều hơn. Cho nên, mình phải ráng phấn đấu, ráng cố gắng.
Gian nan, cực khổ nhằm giúp con người ta nên người và trở nên Kitô hữu tốt. Bởi vì:
Chúa cho phép gian nan cực khổ xảy đến với ta là vì Chúa biết nó có thể làm ích cho ta ‘Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy,và có nhận ai làm con thì người mới cho roi cho vọt” (Dt 12,6)
Gian nan cực khổ giúp ta cảm nhận được tình thương của Chúa “Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người” (Dt 12,10).
Gian nan cực khổ khiến ta tìm đến Chúa, giúp ta cảm nghiệm được quyền phép Chúa, giúp ta đạt thành quả “ “gặt hái được hoa trái bình an, công chính” (Dt 12,11).
Gian nan cực khổ khiến ta biết thương xót những người gặp hoàn cảnh gian nan cực khổ như ta.
Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước thấp và bé của Chúa Giêsu. Chúa đã hạ mình thấp xuống làm người, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa đã trở nên bé nhỏ trong thân phận người nghèo, gia đình nghèo, làng quê nghèo.
Điều kiện để vào Nước Trời phải vất vả cố gắng. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng “Anh em hãy ra sức vào qua cửa hẹp”. Ai muốn vào Nước Trời đều phải đi qua khung cửa hẹp. Chúa nói trong tâm thế lên đường tiến về Giêrusalem.Theo cái nhìn của Thánh Luca, cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc hành trình tiến về Giêrusalem, mà điểm đến là Núi Sọ và vinh quang Phục sinh. Ai muốn làm môn đệ Người cũng phải lên đường như thế “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta”. Đường chật hẹp vẫn luôn là tuyến đường của những bước chân theo lối mở của Bài Giảng Trên Núi. Cuộc ra đi và lên đường đầy cam go, thử thách, đòi hỏi nhiều quyết tâm và chiến đấu, nhất là ra đi và lên đường khỏi con người cũ, con người tội lỗi. Cửa hẹp là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời.
Muốn vào Nước trời, chỉ có con đường Chúa Giêsu đã đi, chỉ có cánh cửa hẹp Chúa đã qua. Ai muốn đi thì phải noi gương Người và quyết tâm theo Người.
Trong bộ sách “Thao thức” gồm 5 cuốn, xuất bản vào tháng 5.2007, Đức Cha Bùi Tuần có viết bài suy tư về “cửa hẹp, đường hẹp”. Từ nhỏ, lúc mới đi tu, tôi đã được nghe dạy: “hãy đi vào cửa hẹp, đường hẹp”. Bấy giờ, tôi hiểu một cách trông trống: đi vào cửa hẹp đường hẹp là đi vào lối sống tránh xa tội lỗi, và phải giữ một số kỷ luật để nên người đạo đức.
Khi lớn, lúc đã biết mở sách Phúc Âm, tôi mới được đọc Lời Chúa Giêsu về lời dạy đó: “Hãy qua cửa hẹp mà vào. Vì cửa rộng và đường thênh thang đưa đến diệt vong. Nhiều nguời lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường thật thì đưa đến sự sống. Nhưng ít người tìm được lối ấy” ( Mt 7,13-14). Tôi tin vào Lời Chúa là chân lý ban sự sống, nên tôi đón nhận Lời Chúa với lòng cảm tạ.
Để học và để thực hiện Lời Chúa đi vào đường hẹp, ta phải có những quyết tâm. Quyết tâm phải cụ thể, rõ ràng, khả thi theo hoàn cảnh của mình. Quyết tâm từng ngày. Quyết tâm làm những việc lành nhỏ có thể làm hơn là việc lớn khó có thể làm. Quyết tâm những gì chính mình sẽ làm, chứ không đòi hỏi kẻ khác làm thay. Quyết tâm với sự tự do của người con Chúa, chứ không do ai áp đặt. Quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao, chính mình chịu trách nhiệm về việc mình làm. Quyết tâm làm thì nhất định sẽ làm, chứ không quyết tâm theo nghi thức bề ngoài, hoặc theo thói quen máy móc. Nhất là quyết tâm tận dụng mọi phương tiện trong tầm tay,để mỗi ngày trở nên một người tu thân đích thực và biết dấn thân tận tình tận sức cho tin mừng theo mẫu gương Đức Kitô. Những quyết tâm như vậy sẽ là những bước thường xuyên khiêm tốn đi vào cửa hẹp, một đường hẹp mở ra một chân trời sự sống mới. (x. Thao thức 4, trang 195).
Bao hương thơm trong lời nguyện chiều nay, Lên bốc lên và ân huệ dường bay. Ôi! Khí hậu lọc bao nguồn ánh sáng. Chưa no sao? Nhân từ êm vô hạn Do bàn tay Thiên Chúa chảy tuôn ra. ( thơ Hàn Mặc Tử )
Hương thơm ân huệ từ tay Chúa, vẫn tuôn chảy nơi lời nguyện. Hương thơm lời nguyện vào buổi sớm, hay: TN 21-C45
Hương thơm ân huệ từ tay Chúa, vẫn tuôn chảy nơi lời nguyện. Hương thơm lời nguyện vào buổi sớm, hay lúc chiều hôm rất tối muộn. Vẫn cứ dâng Ngài. Dâng lên Ngài, ý nguyện các thánh đề nghị trong trình thuật lịch sử, nói hôm nay.
Trình thuật hôm nay, không chỉ nói đến lời nguyện cầu mỗi buổi, mà còn về đặc ân đặc sủng, Chúa vẫn ban. Đặc sủng Chúa ban giống như niềm tin, không chỉ cho riêng người nào, dân tộc nào, rất kỳ bí. Cũng chẳng như buổi trước, nhiều người vẫn tưởng: hễ ở ngoài giáo hội, chả chắc bao giờ mới được ơn lành cứu độ, Chúa ban.
Và, câu hỏi ghi nơi trình thuật, hôm nay: “Người được cứu rỗi thì ít, phải không thưa Ngài?” nói lên quan niệm của người thời ấy, rất kỳ thị. Câu hỏi, hàm chứa ý niệm của người Do thái thời của Chúa. Thời ấy, người dân thường Do thái, vẫn cho rằng: chỉ người nào là Do thái như họ mới được chọn làm dân riêng, thôi. Theo quan niệm này, người ngoài Đạo hoặc không tin vào Chúa, đều không là người có thói quen giữ luật Môsê. Mà, không giữ luật Môsê, thì đương nhiên chỉ đáng chúc dữ, hoặc dấn sâu hơn vào chốn đọa đày, thôi.
Cứ sự thường, mỗi khi được hỏi, Đức Kitô không trả lời ngay vào thắc mắc của người vấn nạn. Mà, thường thì Ngài dùng dụ ngôn hoặc ảnh hình cụ thể để nói thay cho câu trả lời. Trường hợp nào cũng thế, ý nghĩa của dụ ngôn Chúa đưa ra bao giờ cũng rõ nghĩa. Người nghe không hiểu ngay lập tức, là vì đầu óc còn chai sạn, chưa mở lòng ra để nghe. Cũng trong chiều hướng tương tự, hôm nay Chúa dùng ảnh hình về “khung cửa hẹp”. Về việc chủ nhà “đã khóa kỹ , lại từ chối không cho vô”.
Khi trả lời vấn nạn mà các người hạch hỏi đưa ra, Đức Kitô không xác nhận, và cũng chẳng chối bỏ sự việc: có bao nhiêu người thật sự được cứu rỗi. Điều Ngài muốn xác định, là: ơn cứu độ không bảo đảm ban cho hết mọi người. Nếu bảo rằng: mình là dân Chúa chọn, thì ắt được cứu rỗi. Điều này hẳn chưa đủ để thuyết phục người nghe. Thật sự, Ý Ngài muốn nói, là: Không phải ai ai cũng có được bảo đảm tuyệt đối là mình được cứu rỗi. Tuyệt đối được chấp nhận,vào chốn Nước Trời.
Thực sự mà nói, không phải cứ chứng minh lý lịch mình thuộc nhóm riêng, mang nhãn hiệu trình tòa. Hoặc, trưng dẫn giấy tờ đã được giới thẩm quyền ở trên cao chấp thuận, là ngủ yên trong chiến thắng đâu. Câu hỏi “có phải chỉ một ít người được cứu thóat thôi sao?” muốn nhấn mạnh rằng: không phải chỉ một số người có chân trong Hội thánh là được chọn, số còn lại bị gạt khỏi vòng tay yêu thương giải thoát của Chúa. Cũng chẳng có ý nói: người ngoài cuộc, vẫn buộc ở nơi tối đen dầy đặc những chúc dữ.
Chính vì thế, bổn phận và trách nhiệm của cộng đồng dân Chúa, trước hết và trên hết, vẫn là: loan báo cho toàn thể thế giới biết Tin Mừng Chúa yêu thương hết mọi người. Cộng đoàn giáo hội phải biết sẻ san sứ điệp Mừng Vui về sự chung sống với thế giới bên ngoài. Và Giáo hội phải hy vọng, là: mọi người sẽ đáp lại sứ điệp sống mà giáo hội chủ trương. Để rồi, mọi người cũng như Giáo Hội biết chuyển đổi cuộc sống của chính mình.
Nếu Giáo hội cứ bị ám ảnh về sự tồn tại của mình. Hoặc, chỉ chú tâm đến các quyền lợi đặc sủng mình tạo ra, thì rõ ràng là Giáo hội đang phản lại công việc đã được Chúa ủy thác. Bởi thế, không phải là Giáo hội chỉ lo mỗi một việc là truyền đạt sứ điệp Lời Chúa, hoặc dẫn giải lời dạy của Đức Kitô, là đủ. Nói cách khác, ngoài việc thông truyền tín lý Chúa trao ban, Hội thánh còn có bổn phận chứng minh rằng mình đã thực thi trách vụ ấy bằng cuộc sống trung thực của mình và của mọi thành viên, con cái Chúa nữa.
Sống trung thực theo lời dạy, là: sống biết yêu thương, sống công bằng. Biết san sẻ cuộc sống cho nhau. Hỗ trợ nhau trong mọi địa hạt. Mau chấm dứt phong thái tách riêng, đơn độc hoặc sống bên ngòai Hội thánh. Chấm dứt mọi khai thác bóc lột, hoặc khuynh loát lẫn nhau. Mọi nguời trong cộng đồng dân Chúa nên tự hỏi: phải chăng cuộc sống của mình đã phản ánh được những gì Chúa dạy chưa? Cộng đoàn mình chung sống có là ảnh hình của cộng đoàn tình thương Chúa muốn mình sống như thế, không ?
Về ơn cứu rỗi, có lẽ không nên dùng các phạm trù xưa cũ để thuyết phục người khác. Thực tế hơn, hãy chứng tỏ cho mọi người thấy ơn “được cứu rỗi”, là: dám sống và chết trong tương quan yêu thương chặt chẽ với Chúa. Với người khác. Nói rõ hơn, là: san sẻ cái nhìn về lối sống mà Chúa Kitô đề nghị với mình. Điều này tuy giản đơn, nhưng rất khó thực hiện. “Chỉ với dấu này mọi người biết anh em là môn đệ Thầy là anh em hãy thương yêu nhau.” Yêu thương, chính là bằng chứng, là ảnh hình cho thấy mình đã được cứu rỗi.
Có nhiều cách để sống. Nhiều cách để chứng tỏ mình là môn đệ Chúa.Nhưng dùng cụm từ “khung cửa hẹp” là hình ảnh dễ thấy nhất. Theo nghĩa của Tin Mừng, cánh cửa dẫn vào đời sống cộng đồng được tóm gọn trong cụm từ “yêu thương”. Yêu và thương là từ ngữ gồm trọn vẹn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng theo nghĩa nào đi nữa, từ ngữ này không dễ đưa vào hiện thực. Nhiều người đã từng nghe qua rồi bỏ. Có người lại thích chọn “xa lộ không đèn”. Xa lộ ấy là đường rộng lớn hơn, nhiều tính “người” hơn. Nơi xa lộ ấy, có đủ mọi thứ dễ tìm trong cuộc đời, từ: oán ghét, đắng cay, giận hờn, ghen tương, tranh sống và trả đũa, có đủ cả.
Điều Chúa nói hôm nay, có nghĩa: rất nhiều người tự cho mình là Công giáo, là Kitô hữu nhưng vẫn đóng xầm cửa trước mặt mình. Có người từng nghe câu “Ta không biết bạn là ai!”, rồi sẽ phân trần: tôi đây đã được rửa tội theo nghi thức Công giáo. Con đây đi lễ hằng tuần, lẽ nào Chúa lại không nhận ra con, sao ?
Đến lượt mình, những người hỏi han như trên, chắc không nhận ra Chúa vẫn hiện diện nơi người anh, người chị nghèo hèn, mà có lúc chính mình từng oán ghét. Hoặc, bỏ rơi nơi chốn chợ đời tăm tối, nhiễu nhương kia. Những người mà mình thường hận thù đằng đằng. Những người mà chính mình đã có lần khai thác, lạm dụng; hoặc khuynh loát, khước từ không giúp đỡ. Đôi lúc, còn giẫm đạp lên nhân vị của họ, nữa. Những người mà Chúa đã nhận là chính Ngài, như lời quả quyết hôm nào: “Khi các con làm ơn cho ai, những người nghèo khó, tật bệnh hoặc đớn đau thấp hèn, là các con làm cho chính Ta”.
Những người ta thường giáp mặt, nhưng hay bị khước từ, chối bỏ để làm thân, có thể là: người ngoài Đạo, không tin có Chúa.. Các Phật tử, Ấn giáo, Hồi giáo, những người chuyên bảo vệ súc vật, người vô thần, bất khả tri, người sắc tộc yếu kém, và các người thuộc cặn bã của xã hội… Tất cả sẽ ngồi chung cùng bàn để dự tiệc lòng mến có sẻ san, ở Nước Trời.
Nhiều người ở ngoài giáo hội, dù ta có gán cho họ nhiều nhãn hiệu hoặc chụp cho họ mũ gì đi nữa, họ vẫn là những người, tự thâm tâm, đang chia sớt tiền bạc của cải cho người nghèo. Đang chăm sóc người khổ đau. Những người này, đang đích thực sống đời mình như Chúa đã sống. Và, Ngài đã dạy. Những người như thế, Chúa vẫn nhận ra. Chứ không phải, những kẻ tự hào mình được tuyển chọn, làm dân riêng của Chúa.
Tham dự tiệc lòng mến hôm nay, ta cầu và mong Chúa sẽ nhận ra mỗi người và mọi người chúng ta. Cầu và mong ta biết sống, biết hành xử với mọi người đúng như phong cách và ý hướng Ngài căn dặn.
Trong hành trình chờ được như lời cầu mong ấy, ta tiếp tục cùng với thi sĩ họ Hàn, ngâm tiếp câu thơ hy vọng, rằng:
Ca, cầm ca, tơ đồng vọng dang ra. Đức ân ái dồn lên muôn trượng cả. Hãy quỳ lạy nhìn xem cho sướng đã, Cả lòng thơ say tớt khí linh thiêng.
Xét cho cùng, hương thơm ân huệ và thơ say khí linh thiêng đã đến với hết mọi người. Và mọi người, hãy quỳ lạy nhìn xem cho sướng đã, cả lòng thơ. Thơ huyền diệu. Trăng huyền diệu. Xuất từ bàn tay Thiên Chúa, chảy tuôn ra.
Ngày nay, nhiều người bi quan khi nhìn vào những bản thống kê về tôn giáo, chẳng hạn số: TN 21-C46
Ngày nay, nhiều người bi quan khi nhìn vào những bản thống kê về tôn giáo, chẳng hạn số người đi tham dự thánh lễ quá ít, số ơn gọi linh mục tu sĩ giảm sút. Nhiều nơi nhà thờ, nhà dòng đã được hiến cho những tổ chức hoặc cho những tư nhân để sử dụng vào việc khác. Từ đó họ kết luận: Sẽ đến một lúc không còn đức tin trên cõi đời ô trọc này nữa.
Đừng quá bi quan như vậy, vì đó là việc của Chúa. Trái lại, hãy lo cho mình biết tin vào Chúa. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng đã nêu lên một thắc mắc: Phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu rỗi? Chúa Giêsu không trả lời nhiều hay ít, nhưng Ngài chỉ nói: Hãy cố gắng mà vào qua khung cửa hẹp. Hãy lo cho đúng cái lo, chứ đừng lo ít lo nhiều chi cả. Hãy lo cho mình được cứu rỗi trước đi.
Về vấn đề này, chúng ta ghi nhận hai thái cực. Thái cực thứ nhất của những người bi quan. Họ thường trình bày một Thiên Chúa nghiêm khắc, hay rình rập để bắt lỗi, rồi tống tất cả xuống hoả ngục. Tôi còn nhớ có một vị giảng thuyết đã bảo muốn biết tỷ lệ những người được lên thiên đàng là bao nhiêu, thì cứ thọc một ngón tay vào hũ gạo, hốt lên được bao nhiêu hột thì đó là số người được lên thiên đàng. Nếu làm theo kiểu này thì có lẽ kết quả sẽ là 100% bị xuống hoả ngục. Có vị còn bảo từ tạo thiên lập địa cho đến bây giờ, ngoài Đức Mẹ, thì chỉ có một người chắc chắn được lên thiên đàng, đó là ông thánh trộm lành, vì chỉ mình ông mới được nghe Chúa phán: Hôm nay ngươi sẽ được ở nơi vinh hiển cùng Ta. Hơn thế nữa, các bức tranh giáo lý thường vẽ đường lên thiên đàng thì nhỏ hẹp, chông gai, ít người dám lai vãng, nên vắng vẻ buồn tênh. Trong khi đó đường xuống hoả ngục thì thênh thang vui sướng, bao nhiêu người chen lấn, vừa đi vừa ăn uống, cười nói, ca hát, hôn hít. Nếu bây giờ nhìn vào bức tranh đó, dám có bạn trẻ sẽ bảo: Tới đâu hay tới đó, cứ vui đi đã, rồi hạ hồi phân giải.
Thái cực thứ hai của những người lạc quan. Họ bảo Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót, chắc chắn Ngài sẽ không để cho bất kỳ một ai phải xuống hoả ngục, trái lại Ngài sẽ cứu chuộc tất cả. Là Đấng giàu tình thương, Ngài sẽ không để cho con cái Ngài phải hư mất. Là Đấng quyền năng, Ngài sẽ không để cho chương trình cứu độ của Ngài bị thất bại.
Thế nhưng cả hai lập trường thái quá trên đây đều sai, bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, nghĩa là có lý trí, có tự do, có tình yêu nên cũng có trách nhiệm về việc mình làm, chứ không phải như những hình nộm múa may quay cuồng theo sự giật dây được sắp đặt trước. Và khi con người vận dụng khả năng cộng tác vào ơn Chúa để thực hiện ơn cứu rỗi nơi mình, cũng chính là lúc con người sống theo lời chỉ dạy của Chúa, bước qua khung cửa hẹp để vào Nước Trời.
Trong chương trình cứu rỗi, Chúa để cho chúng ta được tự do. Khi chúng ta không chọn Chúa đó là lúc chúng ta tự kết án mình. Thiên đàng là đời sống trường cửu với Chúa, còn hoả ngục là đời sống mãi mãi xa lìa Chúa.
Có khó để vào nước thiên đàng không? Chúa Giêsu nói như thế khi Ngài cảnh cáo: “Hãy cố: TN 21-C47
Có khó để vào nước thiên đàng không? Chúa Giêsu nói như thế khi Ngài cảnh cáo: “Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp”. Lời cảnh cáo của Ngài có một điều gì đó làm bối rối, từ Ngài nói rằng: “Mọi người sẽ đến từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam nhiều người sẽ đến chỗ của mình nơi bữa tiệc trong nước Thiên Chúa”. Lời tiên tri của Isaia hôm nay đã nói về cùng một điều này. Nói cách khác sẽ có nhiều dân tộc ở trong vương quốc. Vậy tất cả những người đó họ làm thế nào để đi qua cửa hẹp được?
Tôi nghĩ điều gì xảy ra trên xa lộ”siêu tốc” khi có một tai nạn tệ hại xảy ra. Cảnh sát liền đóng cửa ba len chỉ cho một len duy nhất còn lại để chạy giống như một cửa hẹp vậy, tất cả phương tiện giao thông đều phải giảm tốc độ và lần lượt đi qua một cái chốt hẹp. Khi đó tôi nghĩ về cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã ám chỉ tới, tôi thấy mọi người đều phải xếp hàng giống như những chiếc xe hơi trên xa lộ, di chuyển một cách chầm chậm xếp hàng qua một len mở duy nhất. Những tài xế đều bực bội, họ ồn ào giận dữ và trao đổi với nhau những cử chỉ tục tĩu. Những chiếc xe hơi và khí hậu thì quá nóng. Nơi chốt đóng thì chật ních các xe. Tội lỗi cũng giống như tai nạn xảy ra trên xa lộ, là nguyên nhân của mọi sự phiền phức.
Đây không phải là một cảnh mời mọc, hình ảnh này có nghĩa là chúng ta phải vào thiên đàng. Nhưng khi tôi nghĩ rõ ràng hơn về hình ảnh cái cửa hẹp, tôi nhận thấy rằng thật sự chỉ có một người có thể đi qua cửa ấy. Con người đó là Chúa Giêsu. Khi Người đi qua cửa đó mà tới thiên đàng Ngài đã đi vào trong mầu nhiệm Vượt Qua là sự chết và sự sống lại của Người. Chúng ta cũng phải buộc chính chúng ta đi qua cửa hẹp. Tất cả chúng ta đều cần làm điều đó, để bảo đảm rằng chúng ta được hiệp nhất với Chúa Giêsu. Nhiều người đã không đi qua cánh cửa độc nhất đó là thân mình của Đức Kitô, Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô là Giáo Hội.
Tuy nhiên Chúa Giêsu đã cảnh cáo một lần thứ hai, Chúa Giêsu nói với mọi người sẽ phải minh chứng với chủ nhà: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài đã dạy dỗ trên đường phố của chúng tôi”. Nhưng ông chủ sẽ trả lời: “Tôi không biết các anh từ đâu đến, hãy xéo ra khỏi mặt Ta hỡi phường bị chúc dữ”.
Đây là sự phiền muộn bởi vì chúng ta đã ăn và uống trước sự hiện diện của Chúa tại Thánh Lễ chúng ta đã tham dự và thông dự vào Thân Mình và Máu Người. Dĩ nhiên là tham dự cách thụ động trong Thánh Lễ thì không đủ. Lãnh nhận Thánh Thể mà không có một sự sốt sắng thúc giúc thì làm sao Chúa Giêsu biến đổi chúng ta thành những giá trị thiêng liêng được. Những gì mà chúng ta đã thực hiện nơi Thánh Lễ, đặc biệt là khi lãnh nhận Thánh Thể phải ảnh hưởng tới cung cách sống của chúng ta. Chúa Giêsu không dạy chúng ta trong những đường phố, nhưng Ngài đã dạy dỗ trong nhà thờ của chúng ta trong phần phụng vụ lời Chúa. Đó là lý do vì sao chúng ta phải để tâm lắng nghe những bài học trong Thánh Kinh, ví dụ như trong thư gởi tín hữu Do Thái ngày hôm nay: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy và có nhận ai làm con cái thì Người mới cho roi cho vọt”.
Với tất cả những điều như thế thì đòi hỏi không thể thiếu được là chúng ta phải trở nên một dân trung thành, chúng ta vẫn phải hợp nhất với Chúa Kitô trong thân thể mầu nhiệm của Người là Giáo Hội. Đó là phương cách để bảo đảm rằng chúng ta sẽ phải đi qua tất cả sự ồn ào chán nản của thế gian này mà vào vương quốc đời đời.
Ở trang trong của một nhật báo xuất bản tại Manila, người ta đã đọc được câu chuyện vui sau: TN 21-C48
Ở trang trong của một nhật báo xuất bản tại Manila, người ta đã đọc được câu chuyện vui sau đây:
Trước cửa Thiên đàng, linh hồn một nông dân xuất hiện xin Thánh Phêrô cho vào hưởng nhan Thiên Chúa. Thánh Phêrô nghiêm nghị hỏi:
- “Con đã sống như thế nào trên trần gian mà giờ đây con muốn vào Thiên đàng?”
Linh hồn người nông dân trả lời với hết lòng chân thật:
- “Dạ, thưa Thánh Phêrô, 70 năm qua trên trần gian con đã cần cù làm ăn, tuân giữ mọi điều luật Chúa dạy, không bao giờ phạm tội làm mất lòng Chúa. Con muốn vào Thiên đàng để được hưởng nhan thánh Chúa đời đời”.
Thánh Phêrô nghiêm nghị trả lời:
- “Con đợi ta xem lại các bản phúc trình mà thiên thần bản mệnh của con đã gởi về”. Trong giây phút im lặng, với vẻ mặt nghiêm nghị, Thánh Phêrô lần mở ra kiểm soát thật kỹ những phúc trình về cuộc đời của người nông dân. Quả thực, đúng như lời ông khai báo. Thánh Phêrô không tìm thấy bất cứ sai lỗi nào trong các bản phúc trình ấy cả. Sau giây phút suy nghĩ thêm, thánh nhân nghiêm nghị thêm, thánh nhân nghiêm nghị trả lời cho linh hồn người nông dân:
- “Con không đủ điều kiện để vào Thiên đàng”. Thánh Phêrô ôn tồn giải thích lý do: “Con có biết không, trên Thiên đàng nầy, kể cả chính bản thân ta đây nữa, tất cả mọi linh hồn vào đây đều là những linh hồn tội lỗi, đã làm phiền lòng Chúa Giêsu rất nhiều, nhưng đã sám hối ăn năn, được Chúa thứ tha, rồi mới vào đây được. Còn con thì thật là khác thường. Con suốt đời không phạm tội gì cả. Vậy con không đủ điều kiện để vào Thiên đàng. Ta cho con trở lại trần gian sống thêm ít năm nữa xem sao để con có điều kiện mà trở lại đây vào Thiên đàng”.
Thưa anh chị em,
Đây là một câu chuyện vui có thể giúp chúng ta nhìn vào cuộc đời quá khứ của mình dướci ánh sáng của Lời Chúa hôm nay. Nước Trời là của những tâm hồn tội lỗi nhưng đã sám hối ăn năn trở về cùng Chúa. Nào ai dám tự phụ cho mình đã không bao giờ lầm lỗi, không bao giờ làm phiền lòng Thiên Chúa và xúc phạm đến anh chị em xung chung quanh. Chúng ta không nên có thái độ giả hình, tự phụ, cho mình là trong sạch, tốt lành hơn kẻ khác, xứng đáng được vào Nước Trời. Đừng tưởng như những người Do Thái, cứ tưởng là Dâng riêng của Chúa, là con cháu của Abraham là đương nhiên được bảo đảm chắc chắn được vào Nước Trời. Vì không phải bất cứ ai thưa: “Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời”, cũng không phải tất cả những ai đã được diễm phúc đồng bàn ăn uống với Chúa Giêsu, được nghe Ngài giảng dạy trên các đường phố của mình, đều là những người có đủ tiêu chuẩn bảo đảm cho một tấm vé vào cửa Thiên đàng!
Vấn đề là phải phấn đấu “vào qua cửa hẹp”, “phải dùng sức mạnh” mới lọt được cửa hẹp dẫn tới bàn tiệc Nước Trời. Bởi vì, trước cửa Nước Trời, mọi người đều bình đẳng để vào, không có ưu tiên dành cho những người có lý lịch tốt, hay có gốc gác bự, có ô dù… Cũng không có chuyện dành chỗ trước, cũng chẳng có chuyện chạy chọt đút lót, cậy quyền cậy thế, hoặc dựa vào thành tích quá khứ để đòi hỏi cho mình quyền ưu tiên. Vả lại, cũng đừng quan niệm bàn tiệc Nước Trời như một tiệc chiêu đãi có tính cách phô trương trình diễn. Trái lại, đây phải là một bàn tiệc của những người chiến thắng, mà chỉ có những người đã từng chiến đấu, đã chia sẻ những nỗi gian khổ, đã thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô mới xứng đáng dự phần.
Điều trớ trêu là không phải con cái trong nhà sẽ là những kẻ nhanh chân nhất và được vào bàn ăn. Trái lại, chính những kẻ ở xa, những kẻ lặn lội từ bốn phương trời mà đến. Đối với những người Do Thái đang nghe Chúa Giêsu thì những kẻ từ Đông Tây Nam Bắc mà đến chính là các dân ngoại. Họ sẽ được vào đồng bàn với các Tổ phụ và các Ngôn sứ, trong khi chính những người Do Thái là con cái trong nhà, những kẻ hãnh diện từng ăn uống thường ngày với Chúa, từng được nghe Ngài giảng dạy, lại phải đứng ngoài gõ cửa tuyệt vọng. Vì vậy có sự đảo ngược thứ tự vào Nước Trời: “Những người trước hết sẽ trở nên cuối hết, còn những người cuối hết sẽ trở nên trước hết”.
Anh chị em thân mến, Thiên Chúa không theo chủ nghĩa lý lịch. Trước cửa Nước Trời, Ngài không hỏi mọi người: Có chịu phép rửa tội, có theo kitô giáo, có phải là người Công giáo hay không? Có phải là Tu sĩ, Linh mục, Giám mục, Hồng y hay Giáo Hoàng? Điều Ngài đặc biệt quan tâm và xét hỏi, đó là đã có làm và sống như Chúa Giêsu đã làm, đã sống, đã dạy hay không? Vì thế, đừng làm tưởng rằng: hễ có tên là Kitô hữu, là người Công giáo, là đạo gốc, là đương nhiên được bảo đảm vào Nước Trời, để rồi tự đắc đứng trên nhìn xuống thương hại hay loại trừ những người anh em ngoại giáo, những người không chia sẻ một tôn giáo, một niềm tin với chúng ta. Bàn tiệc Nước Trời đón nhận tất cả mọi thành tâm thiện chí. Nếu chúng ta không thực thi Lời Chúa, không đi theo con đường hẹp của Chúa, thì có thể những người anh em ngoại giáo sẽ vào Nước Trời trước chúng ta, đang khi chúng ta, những người được mời gọi trước lại sẽ bị Chúa từ chối, vì chỉ mang cái nhãn hiệu Kitô hữu mà không có một đời sống đức tin, một đời sống Kitô hữu đích thực. Thưa anh chị em,
Nếu Chúa Giêsu mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Thiên Chúa thì chính là để diễn tả sự chia sẻ niềm vui, chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa và với anh em. Bởi thế, Thánh Phaolô đã nói với tín hữu Rôma: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).
Bàn tiệc Thánh Thể hôm nay phải là dấu chỉ cụ thể của bàn tiệc Nước Trời, nên những gì chúng ta chia sẻ trên bàn thờ, tức là Mình Máu Thánh Chúa, phải được chia sẻ rộng rãi trong cuộc sống. Nói khác đi, chúng ta không thể bẻ Bánh Thánh với nhau mà không biết chia cơm sẻ áo cho nhau, nghĩa là cho anh em trong cộng đoàn mà thôi, nhưng còn là cho mọi người anh em đang cần được chúng ta chia sẻ. Thực hiện sự chia sẻ cụ thể đó, chính là phấn đấu đi qua cửa hẹp để dự Bàn Tiệc Nước Trời vậy.
Vương Quốc không phải là một câu lạc bộ tư nhân. Một người đã đến gặp Đức Giêsu và nói: TN 21-C49
Vương Quốc không phải là một câu lạc bộ tư nhân.
Một người đã đến gặp Đức Giêsu và nói: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”.
Điều này nhắc chúng ta nhớ đến câu chuyện một người đã chết và lên thẳng thiên đàng. Thánh Phêrô gặp người ấy ở cổng đưa vào bên trong và dẫn ông ta đi dạo một vòng quảng trường. Được một lúc, họ đến một khu đất có tường cao bao bọc. Khi đi ngang qua đó, thánh Phêrô nói: “Ông hãy giữ im lặng khi đi qua chỗ này”.
“Tại sao?” người đàn ông hỏi.
“Sợ làm phiền những người ở trong đó”, Phêrô đáp.
“Ai ở trong đó?”. Ông ta hỏi.
“Những người Công giáo. Ông biết đấy, họ nghĩ chỉ có họ là những người được vào Thiên đàng. Nếu họ biết có những người khác được vào Thiên đàng, họ sẽ thất vọng. Thật vậy, một số người trong đó có lẽ sẽ đòi tiền lại”.
Người đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải không?” rõ ràng đã nghĩ rằng Thiên đàng là một câu lạc bộ có chọn lọc mà chỉ có những thành viên mới được thừa nhận. Người ấy là một người Do Thái. Vì thế ông ta đã tin rằng chỉ có những người Do Thái mới được vào Nước Thiên Đàng. Những dân ngoại không có hy vọng được vào. Về phần những kẻ tội lỗi, hãy quên điều đó! Ý tưởng về một dân tộc được chọn là một ý tưởng nguy hiểm. Nếu Thiên Chúa có chọn một dân tộc thì Người chọn họ không phải để loại trừ các dân tộc khác mà để phục vụ những dân tộc khác đó.
Nếu có lúc người đàn ông nghiền ngẫm câu đáp của Đức Giêsu, có lẽ ông phải hối tiếc vì đã hỏi câu hỏi ấy trước tiên. Bởi vì Đức Giêsu đã đập vỡ tính ngạo mạn của ông ta thành những mảnh vụn. Người đảo ngược mọi thứ. Người nói: “Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. Đó là một tuyên ngôn cách mạng làm những người Pharisêu bị tổn thương và xúc phạm. Người không dừng lại ở đó mà còn đối xử tốt với những người tội lỗi và những người bị gạt ra bên lề. Người Pharisêu coi đó là sự phản bội lại dân tộc đức hạnh như họ. Nhưng Đức Giêsu tuyên bố rằng Người đã đến để tìm kiếm và cứu chữa những người như thế.
Thế giới này có đầy dẫy những câu lạc bộ độc quyền với những kiểu cách màu mè, những đặc quyền và ưu đãi v.v… Chúng ta không mong Đức Giêsu đi theo điều đó. Người cũng không mong như thế. Người đã loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa đang đến. Đối với những người Do Thái tưởng rằng họ đường nhiên có thể vào nước Thiên Chúa, Người nói: “Các ông hãy sinh trái cây thống hối, nếu không địa vị ưu đãi của các ông sẽ chẳng có ích gì”.
Đức Giêsu nói rằng sự hoán cải là một phương thế cần thiết để được vào Vương Quốc. Và Người tiếp tục đem sự hoán cải đến với phần lớn những người không có gì hứa hẹn. Nhiều người tội lỗi đã chú ý đến lời kêu gọi hoán cải của Người và họ đã lên đường tiến đến Vương Quốc. Trong khi nhiều người có đạo đã ngoan cố chống lại lời kêu gọi hoán cải của Người và do đó tự loại mình ra khỏi Vương Quốc.
Chúng ta không có quyền quyết định ai sẽ được vào Thiên đàng. Tốt hơn hãy trả lại điều ấy cho sự khôn ngoan và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm công việc của Người. Đến lúc cuối đời, sự cứu chuộc không phải là một điều gì đó mà chúng ta có thể kiếm được. Nó là một ơn của Thiên Chúa. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên cố gắng làm cho mình xứng đáng với ơn ấy. Qua phép Thánh tẩy, chúng ta là những thành viên của dân được chọn mới. Chúng ta là những người “bên trong”. Nhưng chúng ta không nên chỉ dựa vào một sự kiện ấy. Chúng ta phải nỗ lực trổ sinh hoa trái cho Nước Thiên Chúa, tức là hoa trái của sự thiện hảo, đời sống ngay lành và chân lý.
Trước đây, phương pháp dùng để giáo dục thanh niên dựa trên nền tảng là sức chịu đựng: TN 21-C50
Trước đây, phương pháp dùng để giáo dục thanh niên dựa trên nền tảng là sức chịu đựng: một đứa trẻ càng vượt qua được những thử thách tàn bạo, thì nó càng được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những mối nguy của tuổi trưởng thành. Chúng ta nhìn thấy một ví dụ tốt về điều ấy trong nghi thức khai tâm của các bộ lạc người da đó. Nghi thức đó được chỉ định để giúp thanh niên có được vị trí của chúng trong thế giới của người lớn.
Trong một nghi thức như thế, lúc trời tối người cha dẫn đứa con tuổi thanh niên vào một khu rừng thưa. Ông nói với nó phải qua đêm ở đó một mình và chỉ được trang bị bằng một cây giáo. Kế đó, người cha rút lui. Khi đứa con ra khỏi khu rừng về lại nhà thì nó không còn là một đứa trẻ nữa.
Người thanh niên đối diện với một thách đố đầy đe doạ. Có một bóng đêm không dò thấu và vô số âm thanh, phần lớn vô hại nhưng rất ghê rợn. Người ta có cảm tưởng một vài con thú đang ẩn náu gần đó, chờ đợi để vồ mồi, một cảm giác làm người ta lạnh toát mồ hôi và rã rời thân thể. Chỉ cần có một người bạn bên cạnh, sự việc sẽ khác biết bao. Nhưng anh ta chỉ dựa vào sức của riêng mình.
Thời gian trôi qua chậm biết bao, mỗi phút như bằng một giờ. Nhưng dù sao, đêm đã đi qua. Và sau cùng bình minh ló dạng ở bầu trời. Khi bóng tối rút lui, nỗi sợ hãi của người thanh niên mới chấm dứt và anh ta bắt đầu thở đều. Rồi từ rừng rậm một bóng người xuất hiện. Đó là cha anh ta.
Người thanh niên chạy đến cha anh, gieo mình vào đôi tay của người cha và kêu lên “Ôi cám ơn Thiên Chúa, cha đã đến!”. Rồi đến lượt người cha ôm lấy con mình. Vừa ôm con, ông vừa nói: “Con ơi, cha tự hào về con. Con đã xử sự như một người lớn thật sự”. Điều mà người thanh niên không biết là cha anh đã ngồi nơi kín đáo suốt đêm, đưa mắt dõi theo anh. Mỗi người muốn trưởng thành phải đối diện với “khu rừng đen tối” dưới một hình thức nào đó.
Tác giả của thư gởi tín hữu Do Thái nói về cách sửa dạy và rèn luyện mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta được rèn luyện trong trường học của đau khổ. Tuy nhiên, ở đây không đề cập đến khía cạnh tình cảm của đau khổ. Người ta có thể bị tổn thương đến nỗi trở nên cay cú và không chấp nhận sự cứu giúp.
Tuy nhiên đau khổ có thể là một cơ hội tốt. Giá trị của đau khổ không nằm trong chính nỗi đau mà trong thái độ người chịu đau khổ đối với nỗi đau. Đau khổ có thể thanh luyện linh hồn và biến đổi tính cách của một con người. Đau khổ có thể đem lại hoa quả. Nó là một phần cần thiết giúp chúng ta trở thành một con người chân chính tức là một con người có sự trưởng thành, chiều sâu và lòng trắc ẩn. Như Van Gogh đã nói: “Người ta phải chịu gian lao để nên chín chắn”.
Đau khổ là một thành phần cần thiết để xây dựng một con người Kitô hữu trưởng thành. Chúng ta không nên coi đau khổ là một sự trừng phạt của Thiên Chúa. Thiên Chúa không trừng phạt một ai. Đau khổ là một phần của thân phận con người. Thiên Chúa để cho chúng ta đau khổ. Đúng, nhưng chỉ vì đau khổ có thể đem lại điều tốt lành. Đau khổ có thể đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn. Trong đau khổ, chúng ta cảm nghiệm quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Có những chân lý mà chỉ có sự đau buồn mới có thể chỉ dạy. Một trong những chân lý ấy là lòng thương xót đối với người đồng loại đau khổ. Không thể học được lòng thương xót mà không có đau khổ.