Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 13-C Bài 101-144 Theo Chúa là một chọn lựa dứt khoát

Thứ tư - 03/07/2019 05:40
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 13-C Bài 101-144 Theo Chúa là một chọn lựa dứt khoát
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật TN 13-C Bài 101-144 Theo Chúa là một chọn lựa dứt khoát
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 13 TN-C Bài 101-116 Xin được theo Thầy
--------------------------------------
Phúc Âm: Lc 9, 51-62: "Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem. Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến, không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.
Ðang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng: "Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa". - Ðó là lời Chúa.
---------------------------------------
TN13-C101: Sứ mạng tối thượng và khẩn cấp (Lc 9, 51-62) 1
TN13-C102: Lên Giêrusalem.. 4
TN13-C103:  Dứt khoát. 5
TN13-C104: Theo Thầy – Lm. Giuse Trần Việt Hùng. 6
TN13-C105: Lên Giêrusalem – Lm. An Phong. 9
TN13-C106:  Sống đơn giản – Lm Giuse Nguyễn Hữu An. 11
TN13-C107:  Theo Chúa cũng lắm hạng người 14
TN13-C108:  “Hãy theo Chúa Kitô”. 17
TN13-C109:  Đường theo Chúa - Cố Lm Hồng Phúc. 20
TN13-C110: Đi theo Thầy. 21
TN13-C111: Dân làng Samaria không đón tiếp Chúa. 23
TN13-C112: Người không nhìn lại - Lm. Mark Link, S.J. 24
TN13-C113: Đường thập giá. 28
TN13-C114: PHIÊU LƯU THEO CHÚA.. 30
TN13-C115: CHẤP NHẬN.. 34
TN13-C116: Phản ứng của Đức Giê-su (9: 55-56) 38

 

TN13-C101: Sứ mạng tối thượng và khẩn cấp (Lc 9, 51-62)

Phải dốc toàn tâm toàn lực cho công cuộc loan Tin Mừng, không chút chểnh mảng vì bất cứ lý do gì.
 

Trường hợp cha mẹ có năm đứa con do chính mình sinh ra, do chính mình tận tâm chăm sóc nuôi: TN13-C101

Trường hợp cha mẹ có năm đứa con do chính mình sinh ra, do chính mình tận tâm chăm sóc nuôi dưỡng và ấp ủ bằng tấm lòng yêu thương tha thiết từ lúc mới lọt lòng cho đến lúc khôn lớn, mà những đứa con đó lại không đếm xỉa gì đến bậc sinh thành, phủ nhận toàn bộ công lao cha mẹ, lại còn chối bỏ hoặc phỉ báng cha mẹ nữa... thì trong hoàn cảnh đó, cha mẹ đau khổ biết chừng nào!
Và nỗi đau khổ của cha mẹ càng dâng cao hơn, khi chính những đứa con đó, vì không biết cha biết mẹ, do đó cũng chẳng biết chúng là anh chị em ruột thịt với nhau, nên đâm ra ghen ghét, xâu xé nhau, khai thác trục lợi nhau và tệ hại hơn nữa, gây ra cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn giữa chúng với nhau.
 Nỗi đau của Thiên Chúa cũng chất ngất như thế đó!
Thiên Chúa quá đỗi đau buồn vì có rất đông con cái của Ngài trên khắp thế giới, do chính Ngài sinh ra, do chính Ngài chăm sóc nuôi dưỡng và hết lòng yêu thương quý mến, lại không nhìn nhận Ngài là Cha, thậm chí có kẻ còn quay ra phỉ báng Ngài; và vì không nhìn nhận Chúa là Cha nên họ cũng không thể nhận ra nhân loại là anh chị em con cùng một Cha trên trời. Hậu quả là người ta đâm ra ghen ghét, hận thù, xâu xé nhau và gây ra vô vàn đau thương khốn khổ cho nhau.
 Đây là thảm cảnh đau thương khiến Thiên Chúa là Cha nhân lành không chịu đựng nổi nên Ngài muốn chấm dứt thảm trạng nầy càng sớm càng tốt.
Thế là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thực thi một sứ mạng tối thượng và cấp bách là bày tỏ cho nhân loại biết họ có một Người Cha/Mẹ tuyệt vời là Thiên Chúa và bởi vì Thiên Chúa thật sự sinh ra mỗi người trên trái đất nên mọi người đều là anh chị em con cùng một Cha/Mẹ trên trời; hy vọng một khi sự thật nầy được mọi người nhận biết và đón nhận, nhân loại sẽ được diễm phúc chung sống hòa bình như anh chị em một nhà có chung một Người Cha.
Đây là sứ mạng tối thượng và cấp bách nên không thể trù trừ chậm trễ mà phải dồn tất cả mọi nỗ lực để hoàn thành. Chính Chúa Giê-su đã dành ưu tiên cho sứ mạng nầy đến nỗi hy sinh quên mình, từ bỏ hết mọi sự, ngay cả chỗ tựa đầu, Ngài cũng không có: “Chim trời có tổ, chồn cáo có hang, Con Người không có chỗ tựa đầu.”
Thế nên, khi có người gặp Chúa Giê-su để xin làm môn đệ, thì Ngài cho anh biết điều kiện tiên quyết để trở nên cộng tác viên của Ngài là phải hy sinh quên mình cho sứ mạng - sứ mạng loan Tin Mừng cho mọi người biết Thiên Chúa là Cha, mọi người là anh chị em - đến mức không còn chỗ dựa đầu. Ngài nói với anh ta: “Chim trời có tổ, chồn cáo có hang, Con Người không chỗ dựa đầu.”
Và khi Chúa Giê-su gọi một kẻ khác theo Ngài, kẻ ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về mai táng cha tôi trước đã.” Chúa Giê-su bảo: “Hãy để người chết chôn người chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."
Đành rằng mai táng cha mẹ là việc quan trọng rất đáng thực hành để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục; tuy nhiên, khi trả lời như thế, Chúa Giê-su muốn dạy ta hiểu rằng sứ mạng theo Chúa loan Tin Mừng còn khẩn cấp hơn, đáng được ưu tiên hơn cả việc chôn cất cha mẹ qua đời.
Lần khác, có người thưa với Chúa Giê-su: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã."   Đức Giê-su bảo : "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." Nói như thế, Chúa Giê-su có ý nhắn bảo rằng phải dốc toàn tâm toàn lực cho công cuộc loan Tin Mừng, không chút chểnh mảng vì bất cứ lý do gì, kể cả việc giã từ cha mẹ vợ con hay những người thân trong gia đình.
Là người con trong Gia Đình Thiên Chúa, chúng ta không thể vô cảm trước nỗi thống khổ của Cha chúng ta, một Người Cha bất hạnh vì bị rất nhiều người con - mà Ngài đem hết lòng yêu thương - từ khước và thậm chí còn quay lại phỉ báng Ngài.
Là người em của Chúa Giê-su, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn Anh Giê-su lao đao, thổn thức trên hành trình hun hút tìm kiếm những người em lưu lạc, sống xa cách Cha, lìa bỏ Gia Đình.
Là người anh em nhỏ bé trong Đại Gia Đình nhân loại, chúng ta không thể dửng dưng khi anh chị em một nhà không nhận ra nhau là người ruột thịt con cùng một Cha và vì thế, có những đối xử tệ hại với nhau.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con chấp nhận hy sinh quên mình như Chúa, biết dốc toàn tâm toàn lực như Chúa đòi hỏi để đồng hành với Chúa, góp công sức với Chúa thi hành sứ mạng tối thượng mà Chúa ngày đêm kêu mời chúng con hợp tác. Amen.
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

 

TN13-C102: Lên Giêrusalem

Đoạn Tin Mừng vừa nghe được chia làm hai phần: Phần thứ nhất kể lại cuộc hành trình của TN13-C102 Lượng

Đoạn Tin Mừng vừa nghe được chia làm hai phần: Phần thứ nhất kể lại cuộc hành trình của Chúa Giêsu lên Giêrusalem.
Bấy giờ, Chúa Giêsu và các môn đệ đi vào một làng xứ Samaria. Đã từ lâu, người Do Thái vốn nghi kỵ và tránh tiếp xúc với người Samaria, vì họ cho rằng: Những người Samaria chỉ là những kẻ lai căng và đã chạy theo những tôn giáo ngoại bang. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại tỏ ra không quan tâm tới sự tranh chấp này. Trên đường lên Giêrusalem để thực hiện chương trình cứu độ, Người đã đi ngang qua xứ Samaria. Tuy nhiên, Người và các môn đệ đã không được tiếp đón. Thái độ thờ ơ lạnh nhạt này chính là hậu quả của những tranh chấp gữa họ và người Do Thái.
Trước sự từ khước này, các môn đệ đã muốn thẳng tay trừng trị bằng chính những hình phạt mà ngày xưa tiên tri Elia đã dùng để hạ bệ những kẻ thù của ông. Nhưng Chúa Giêsu thì khác. Người đã ngăn cản các ông và nhân dịp này, Người đã đưa các ông đi sâu vào sứ vụ của Người, và cũng là sứ vụ của các ông sau này: Con người đến không phải để hủy diệt mạng sống người ta, nhưng đến đề cứu chữa.
Phần thứ hai gồm một số những mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu và những kẻ muốn theo Người.
Những mẩu đối thoại này có một ý nghãi rất đặc biệt, khi được đặt vào trong viễn tượng sự ra đi của Chúa Giêsu và ngay trước việc Người sai bảy mươi hai môn đệ tới các làng mạc và thành thị để rao giảng Nước Thiên Chúa. Công cuộc rao giảng này dưới ngòi bút của thánh Luca mang tính cách thật cấp bách. Chúa Giêsu không có thời giờ để dừng chân, bởi vì Người không có cả đến một chỗ để gối đầu. Cũng vì tính cách cấp bách này, Người đã không chấp nhận để những ai muốn theo Người, nhưng lại còn nấn ná, dù là để làm những công việc bình thường, rất đáng làm, như chôn cất người chết, hay từ giã những người thân yêu trong gia đình.
Từ đó, chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem chúng ta đã thực sự bước theo Chúa, hãy vẫn còn bị những níu kéo trần gian ràng buộc. Nhất là chúng ta đã thực sự nên giống Chúa, bằng cách đối xử khoan dung, độ lượng với những kẻ chúng ta không mấy có cảm tình. Bởi vì sự nóng giận thường làm hỏng công việc: Già néo thì đứt dây, giận quá thì mất khôn, và sự thù địch này sẻ nảy sinh ra sự thù địch khác, khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên bất ổn, bởi vì lúc nào cũng bị căng thẳng vì phải đối đầu với nhau.
Chính vì thế, một lần nữa tôi xin lặp lại lời Chúa Giêsu đã nhắn nhủ cho mỗi người trong chúng ta, đó là: Các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

 

TN13-C103:  Dứt khoát.

Vào năm 1924 ở nước Anh, Eric là lực sĩ chạy nhanh nhất trong cự ly 100m. Mọi người đều TN13-C103

Vào năm 1924 ở nước Anh, Eric là lực sĩ chạy nhanh nhất trong cự ly 100m. Mọi người đều hy vọng anh sẽ đoạt huy chương vàng ở thế vận hội được tổ chức tại Paris năm đó. Thế nhưng vào phút chót một sự việc xảy ra làm cho mọi người đều ngỡ ngàng và bực tức. Số là việc thi đấu cho môn chạy 100m này lại nhằm vào ngày Chúa nhật. Eric nghĩ rằng việc phụng sự Chúa không cho phép anh thi đấu vào ngày Chúa nhật. Vì thế anh đành từ chối thi môn này. Vừa nghe tin Eric từ chối thi đấu, lập tức mọi người tìm cách gây sức ép đối với anh. Ngay cả hoàng tử xứ Wales cũng cố gắng thuyết phục anh vi phạm tiếng nói của lương tâm. Thấy anh không chịu đổi ý, báo chí nước Anh đã gọi anh là tên phản bội. Tuy nhiên Eric vẫn khăng khăng không chịu làm ngược với niềm xác tín của mình. Cuối cùng anh đề nghị với các huấn luyện viên chọn một lực sĩ khác thay cho anh trong môn chạy 100m, là môn anh chưa một lần thi đấu. Kết quả là trong thế vận hội năm ấy, nước Anh đã đạt hai huy chương vàng cho môn chạy 100m và 400m.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng chiều hôm nay với thái độ dứt khoát mà Chúa đòi hỏi, bởi vì Ngài đã phán dạy: Kẻ nào đã tra tay vào cày mà còn ngoái cổ lại đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa. Chàng lực sĩ của chúng ta đã không bao giờ ngoái cổ lại đằng sau, mặc dù có những lý do chính đáng. Một khi đã quyết định theo Chúa, là anh cứ nhắm thẳng phía trước mà bước tới, chứ không ngó lại phía sau nữa, cho dù bị dư luận gọi là tên phản bội tổ quốc của mình. Còn chúng ta thì sao?
Mặc dầu chúng ta đã tin nhận và bước theo Chúa, nhưng chúng ta vẫn chưa dứt khoát lập trường, để thuộc hẳn về Ngài. Chúng ta giống như bà vợ của ông Lót, mặc dầu đã ra khỏi thành Sođoma, nhưng vì còn ngoái cổ lại để xem sự gì đang xảy rar ở phía sau, nên đã hoá thành tượng muối. Chúng ta giống như dân Do Thái trong cuộc xuất hành tìm về miền đất hứa. Trước những cực nhọc vất vả gặp phải, họ đã tưởng nhớ đến củ hành củ tỏi của Ai Cập và đã lên tiếng trách móc Maisen. Cũng vậy mặc dầu đã tin nhận và bước theo Chúa, nhưng chúng ta vẫn tưởng nhớ đến những củ hành củ tỏi, là những đam mê tội lỗi, là những ước vọng xấu xa, để rồi cuối cùng, vì chạy theo tiền bạc, chúng ta đã bán Chúa như Giuđa, vì hèn nhát chúng ta chối Chúa như Phêrô, vì sợ sệt chúng ta đã chạy trốn như các môn đệ, vì quá quyến luyến và vương vấn với tội lỗi, chúng ta đã cúi mặt bỏ đi như chàng thanh niên giàu có.
Để kết luận, chúng ta hãy kiểm điểm đời sống và hãy tự vấn lương tâm xem Đức Kitô đã chiến địa vị nào trong cuộc đời chúng ta? Ngài có phải là nhân vật số một của cõi lòng chúng ta hay chỉ là một hình ảnh đã bị phai mờ và chìm vào quên lãng.

 

TN13-C104: Theo Thầy – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Truyện kể: Trong một xưởng thợ, mấy cô bạn gái cùng làm việc đang chê bai đạo Chúa. Họ cho TN13-C104

Truyện kể: Trong một xưởng thợ, mấy cô bạn gái cùng làm việc đang chê bai đạo Chúa. Họ cho rằng Đạo Chúa làm mê muội trí khôn, bức hiếp lẽ phải và làm sai lạc trí phán đoán người ta. Một nam công nhân nghe họ nói truyện và khi họ vừa im lặng, bèn cất tiếng nói: Phải, vì đạo Chúa mà tôi đã mất tất cả. Mọi người cùng sững sờ nhìn. Người thợ nói tiếp: Tôi thích rượu, Đạo Chúa làm tôi bỏ rượu. Trước kia tôi chỉ mặc quần áo rách và đội cái mũ bẩn thỉu, giờ Đạo làm tôi mất tất cả... Đạo còn làm tôi mất cả tâm địa xấu xa nữa… Xưa địa ngục cai trị gia đình tôi, vì nếp sống gia đình đã thành ra như chốn ngục hình. Thì nay, khi trở nên tín hữu Chúa, tôi đã mất tất cả. Hỡi các anh chị, bây giờ các anh chị biết đức tin đã làm tôi mất những gì và được những gì. Hãy làm như tôi. Tôi xin cam đoan chắc chắn các anh chị sẽ không phải hối hận đâu.
Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã chọn gọi một số những vị tiên tri như Amos, Hosea, Micah, Isaia, Zephaniah, Nahum, Habakkuk, Jeremia, Ezekiel, Haggai, Zecharia, Obadiah, Joel, Malachi, Jonah và Elia. Ngoài ra còn một số những vị ngôn sứ nhỏ như Nathan, Êlise…, ít được nhắc đến. Trong suốt thời gian dài từ sau khi Dân Do-thái vào miền Đất Hứa cho đến khi Chúa Giêsu giáng trần. Thiên Chúa luôn gởi các vị ngôn sứ đến để hướng dẫn dân đi theo đường lối của Chúa. Tất cả sứ mệnh qui về việc tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, giữ các giới răn, huấn thị và chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế.
Xưa tiên tri Êlia được Thiên Chúa gọi và chọn để thi hành sứ vụ làm nhân chứng cho Chúa giữa cuộc sống xã hội đa thần. Nhiều người mê lầm chạy theo những thần giả tạo do con người sáng lập ra. Có rất nhiều tiên tri giả đã chạy theo thần Baal và rao truyền những sự mê tín lầm lạc. Êlia đã thách thức quyền năng của các thần và thuyết phục dân chúng tin vào Thiên Chúa duy nhất. Êlia đã gặp rất nhiều sự khó khăn, bị bắt bớ và chạy trốn. Bàn tay quyền năng của Chúa ở cùng ông. Ông đã chu toàn sứ mệnh của mình và Chúa đã cất nhắc ông lên bằng xe rực lửa.
Để chuẩn bị có người kế vị, Êlia đã chọn người môn đệ tên là Êlisê để kế thừa sứ vụ: Ông này liền để bỏ lại, chạy theo ông Êlia và nói: “Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông.” Ông Êlia trả lời: “Cứ về đi! Thầy có làm gì anh đâu? (1Vua 19, 20). Êlisê tiếp nối sứ vụ mà Êlia đã truyền lại. Êlisê đã từ bỏ nghề cầy bừa cũ, rời bỏ gia đình và bạn bè để ra đi thi hành sứ mệnh mới: Ông Êlisê bỏ ông Êlia mà về, bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cầy làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Êlia và phục vụ ông (1V 19, 21).
Trong tất cả các loài thụ tạo, mỗi loài đều có những cách thế truyền sinh và cơ cấu tổ chức khác nhau. Các loài động vật đã được Đấng Tạo Hóa phú bẩm những bản năng cố định. Các con vật sống thành bầy, thành đàn, thành tổ và chúng sống theo nhau, nối kết với nhau. Hằng năm chúng ta thường chứng kiến những bầy chim hàng ngàn con di chuyển từ Bắc cực xuống Nam cực và sau đó lại trở về chốn cũ. Những đàn voi, đàn trâu bò, đàn khỉ… chung sống trong hoang địa cũng thế. Hoặc là những tổ ong, tổ kiến, tổ mối…tự nó xây cất những kiến trúc rất tinh tế. Từ đời này qua đời khác, các con vật theo nhau hoàn thành công việc đã được Tạo Hóa sắp đặt. Riêng con người có trí khôn, ý chí và tự do, họ đã tạo thành từng xã hội đặc thù. Loài người tiến triển theo từng giai đoạn để trở thành những người văn minh hơn. Con người có thể bảo tồn, truyền tụng những suy tư, phát minh và kho tàng văn hóa qua các dấu ấn trong lịch sử xã hội, tôn giáo và chính trị.
Sống trong xã hội có kẻ trước người sau, có thầy có trò, có người chỉ đạo và môn sinh. Trong mọi khía cạnh sống, bất cứ một ngành nghề chuyên môn nào cũng có những vị tiền bối muốn truyền đạt khả năng cho những người thừa kế. Trong tôn giáo, sự lưu truyền niềm tin của đạo giáo còn quan trọng hơn nữa. Đời sống tâm linh và tinh thần chi phối sinh hoạt của con người rất sâu thẳm. Đây là điểm đặc thù của con người xã hội. Nếu thiếu sự hướng dẫn trong đời sống tâm linh, con người sẽ bị tha hóa và thụt lùi trở lại sống theo bản năng giống như các loài cầm thú. Kinh nghiệm lịch sử thế giới cho biết, hiện nay thế kỷ 21, vẫn còn có nhiều tổ chức xã hội rất sơ khai, có những bộ lạc sống như người tiền sử và những nhóm người sống biệt lập rất man rợ trong rừng sâu. Đời sống của họ phát triển rất chậm và sống theo bản năng tự nhiên.
Chúa mời gọi mỗi người chúng ta đi theo Chúa một cách khác nhau. Có người đi theo Chúa trong ơn gọi gia đình. Có kẻ sống độc thân phục vụ. Có người hiến thân trong việc truyền giáo. Có kẻ hiến dâng mình cho Chúa trong các dòng tu. Có người đi tu trở thành tu sĩ linh mục. Ơn gọi nào cũng qúi báu. Khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa tội là chúng ta đã bắt đầu bước theo đường lối của Chúa. Chúng ta mang danh là Kitô hữu. Chúng ta là nhân chứng cho Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh, môi trường và thời gian. Chúng ta là Kitô hữu suốt đời. Làm chứng nhân cho Chúa cả thời gian chứ không chỉ bán thời hay trong một số trường hợp đặc biệt. Chúa Giêsu đã nói rõ cho những người sẽ đi theo Chúa:“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”(Lc 9, 58). Chúa Giêsu cần chúng ta có thái độ dứt khoát. Chúng ta không thể bắt cá hai tay hay làm tôi hai chủ. Đáp tiếng mời gọi của Chúa là chúng ta tự do chọn lựa trở thành môn đệ của Chúa.Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều đại Thiên Chúa.”(Lc 9, 60).
Người môn đệ cần có những sự dứt bỏ những mời gọi hấp dẫn của thế gian. Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”(Lc 9, 62). Chúng ta biết sự yếu đuối của bản năng con người luôn kéo lôi ta trở lại sống theo thói đời. Ưa thích thỏa mãn những nhu cầu của lòng tham sân si. Không lạ gì khi chúng ta thích thu quén của cải, tiền bạc, chức tước và lợi lộc trần gian. Chúng ta lo làm giầu cho cuộc sống mà bất chấp lỗi phạm lề luật và giới răn của Chúa. Thí dụ: Các giới răn về ham mê dâm dục, ăn gian nói dối, làm chứng thề gian và lỗi luật yêu thương. Đôi khi chúng ta cảm thấy vì theo Chúa mà bị mất mát và rồi tiếc nuối những thỏa mãn thấp hèn. Theo Chúa, chúng ta phải phấn đấu hằng ngày với các cơn cám dỗ. Phải kiên tâm chịu đựng và vác thánh giá mỗi ngày đi theo Chúa.
Đi theo Chúa là dâng hiến cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Chúng ta không thể cắt ngắn hay chọn lựa chỉ giữ những giới răn, lề luật hay những huấn giáo thích hợp với sở thích của chúng ta. Thánh Phaolô nhắc nhở về giới luật yêu thương. Giới răn căn bản làm nền tảng là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Gal 5, 14). Yêu thương thì chân thành, cảm thông và chia sẻ. Yêu thương là xây dựng, đoàn kết và hòa bình. Những sự chia rẽ, cắn xé, tranh dành và gây thù hận đều ngược lại với giới luật yêu thương: Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau (Gal 5, 15). Muốn nên là nhân chứng đích thực của Chúa chúng ta phải ước muốn những điều thuộc về Thần Khí của sự thật, tình yêu và bình an.
Lạy Chúa, xin ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô soi dọi đường chúng con đi. Xin đừng để chúng con bị lạc hướng trong đêm tối và tội lỗi của ma quỉ và thế gian.

 

TN13-C105: Lên Giêrusalem – Lm. An Phong.

Tin mừng Chúa nhật 13 thường niên năm C là đoạn khởi đầu về cuộc hành trình lên Giêrusalem của TN13-C105

Tin mừng Chúa nhật 13 thường niên năm C là đoạn khởi đầu về cuộc hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu. Đức Giêsu lên đường đi Giêrusalem tức là Người lên đường hướng đến cuộc khổ nạn và thực hiện trọn vẹn ơn cứu độ.
Đoạn Tin mừng này gồm hai phần:
* Câu 51 - 56: Đức Giêsu không được người Samari đón tiếp và phản ứng của tông đồ Giacôbê và Gioan.
* Câu 57 - 62: Ba lời khuyên của Đức Giêsu cho những ai muốn đi theo Người.
* Lời khuyên thứ nhất là khước từ những bảo đảm thường tình: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu".
* Lời khuyên thứ hai là việc rao giảng Nước Thiên Chúa phải được đặt trên hết, không được trì hoãn: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa".
* Lời khuyên thứ ba là hãy quên quá khứ và hướng về tương lai: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".
Đức Giêsu lên đường đi Giêrusalem. Đây là một giai đoạn mới trong cuộc đời Người. Người bỏ Galilê, nơi Người đã thành công ngay từ những bài giảng đầu tiên, đến độ người ta muốn tôn vinh Người làm thần tượng. Người lên Giêrusalem, nơi Người sẽ phải chịu treo trên thập giá để thực hiện trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa Cha, để hoàn tất công trình cứu độ. Vượt qua quá khứ "dễ dãi" và đi đến một tương lai "chẳng chắc chắn gì" theo dự phóng của Thiên Chúa Cha quả là một thách đố. Chính trong thời điểm thách đố đó, Đức Giêsu đưa ra những lời khuyên cho những ai muốn bước theo Người.
Đời sống kitô hữu là đời sống bước theo Chúa Giêsu, họ được mời gọi để vượt qua những bảo đảm thường tình: tiền bạc, danh lợi, chức quyền... đồng thời nhận lấy Đức Giêsu như là bảo đảm cho đời sống của mình. Kitô hữu là người cố gắng thể hiện mối phúc thứ nhất trong đời sống mỗi ngày: "phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó". Người có tâm hồn nghèo khó là người "có mà như không"; đó là người có những bảo đảm thường tình, nhưng họ không cho đó là duy nhất. Họ chỉ có một bảo đảm duy nhất là chính Thiên Chúa. Với tâm hồn nghèo khó, không có gì hết, họ mới có khả năng đón nhận Thiên Chúa vào đời sống của mình. Từ đó, trình bày vị Thiên Chúa của đời sống mình cho người khác.
Hơn nữa, chúng ta được mời gọi để "bước theo Đức Giêsu trong công trình cứu độ", nghĩa là cũng được mời gọi để "lên Giêrusalem". Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải rao giảng Tin mừng "lúc thuận lợi cũng như lúc nghịch cảnh", không vì lý do gì mà có thể trì hoãn. Rao giảng Tin mừng bằng chính đời sống bác ái có tính cách thuyết phục hơn là những "ngôn từ đao to búa lớn". Khi những người Samari khước từ Đức Giêsu, thánh Giacôbê và Gioan đã muốn "khiến lửa bởi trời xuống thiêu hủy những người đó". Ngày nay, hẳn là vẫn còn những người "samari hiện đại" không đón nhận Đức Giêsu và lời giảng của Người? Hẳn là không thiếu những thái độ như của Giacôbê và Gioan? Là người theo Đức Giêsu trong công trình rao giảng Tin mừng, chúng ta cần "đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem niềm vui đến chốn u sầu" (thánh Phanxicô Assisi). Thật vậy, Tin mừng là giải thoát, là làm cho con người được tự do. Tin mừng cần phải được tiếp nhận trong tự do và tình yêu.
Lạy Chúa,
trong một xã hội sâu xé nhau
vì quyền lợi, tiền bạc, danh vọng.
Xin cho chúng con trở thành
những con người có tâm hồn nghèo khó,
đồng thời biết chia sẻ cho người khác ơn tha thứ
và tình yêu chúng con đã nhận được từ Chúa.

 

TN13-C106:  Sống đơn giản – Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Trong kho tàng văn chương tu đức Ấn Giáo có chuyện kể như sau: Ở một làng nọ, có vị đạo sĩ, TN13-C106

Trong kho tàng văn chương tu đức Ấn Giáo có chuyện kể như sau:
một làng nọ, có vị đạo sĩ, Sadhu, tu thân lâu ngày, gần đạt đến bậc thánh nhân. Dân chúng ngưỡng mộ, quý mến nhà đạo sĩ, đến thỉnh ý, tầm thầy học đạo.
Một ngày kia, thấy vị đạo sĩ rách rưới, kẻ qua đường biếu nhà đạo sĩ manh vải che mình. Những lúc Sadhu ngồi thiền niệm, bầy chuột tưởng tượng gỗ, rúc vào tấm vải gặm nhấm. Tội nghiệp, có kẻ qua đường thấy thế, biếu Sadhu con mèo bắt chuột. Dân trong làng thương tình, thay nhau đem sữa nuôi con mèo. Rồi ngày nọ, có kẻ hành hương từ phương xa, nghe tiếng thơm nhân đức, đến viếng nhà đạo sĩ. Người đàn bà giàu có ấy tặng đạo sĩ Sadhu con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Để nuôi con bò, người ta làm cho nó cái chuồng. Từ dạo đó, con bò có chuồng, vị đạo sĩ không có nhà. Thấy thế không ổn, dân trong làng làm cho nhà đạo sĩ chiếc chòi lá.
Từ ngày ấy, nhà đạo sĩ không còn nhiều thời giờ tu niệm như xưa, bận rộn nuôi con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Nuôi con mèo để đuổi lũ chuột. Phải lo sửa sang căn nhà. Dân trong làng không muốn nhà đạo sĩ mất thời giờ săn sóc con bò, họ gởi một người đàn bà đến cắt cỏ nuôi con bò, săn sóc con mèo thay cho nhà đạo sĩ có giờ thiền tu.
Nhà đạo sĩ đã có tấm vải che thân, có con mèo đuổi chuột, có con bò cho sữa, có căn nhà để, có người đàn bà săn sóc cuộc đời mình. Chẳng bao lâu, nhà đạo sĩ không còn thời gian tĩnh mịch nữa, ông đầy đủ hết rồi.
Đâu là con đường tu đạo? Ông lấy người đàn bà làm vợ, thế là chấm dứt cuộc đời hạnh tu...
Sống đơn giản đưa Shadu vào đời sống tu hạnh. Mất đơn giản, ông mất lý tưởng. Trong Giáo Hội, tất cả các đại thánh đều có đời sống đơn giản. Không phải trong Giáo Hội Công Giáo mà thôi, tất cả thánh nhân trong tôn giáo khác cũng vậy. (x.Những trang nhật ký của một linh mục, Nguyễn Tầm Thường, SJ).
Bài đọc 1 hôm nay kể chuyện Êlisa quyết tâm theo Êlia để làm Ngôn sứ. Êlisa là nông dân, đang cày ruộng với 12 cặp bò. Nghe Thầy Êlia kêu gọi, Êlisa đã chẻ cày làm củi, giết bò làm lễ vật, thiêu đốt tất cả để dâng tiến Chúa, rồi lên đường theo Thầy. Ruộng đất, trâu bò, cày cuốc là tài sản của nông dân. Đốt cày cuốc, làm thịt trâu bò, có nghĩa là từ bỏ tài sản, là đoạn tuyệt với nghề nghiệp cũ. Đó là một lựa chọn dứt khoát. Ra đi không vướng bận, không luyến tiếc những gì đã có. Đó là thái độ dứt khoát và phó thác, vâng phục hoàn toàn.
Khác với thái độ của Êlisa, Tin Mừng hôm nay thuật chuyện ba người muốn theo Chúa Giêsu, xin được làm môn đệ. Chúa đòi hỏi họ phải dứt khoát trong chọn lựa.
- Người thứ nhất hăng hái xin theo Chúa đi bất cứ nơi đâu.
Chúa Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình. Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú, lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường. Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, không ổn định, là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x.1Pr 2,11). Theo Ngài là theo Đấng có chỗ tựa đầu. Chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ. Chỗ tựa đầu cuối là thập giá.
- Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã. Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con. Chúa Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x.Mt 15,3-9), nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
- Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.
Chúa Giêsu đòi anh ta dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày, không quay lại với những kỷ niệm quá khứ, không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình, để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.
Ba người muốn xin đi theo để làm môn đệ của Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ không dứt khoát chọn lựa như Êlisa, họ vẫn còn đắn đo kỹ lưỡng, chần chừ vì những lý do xác thịt và bịn rịn gia đình. Chúa Giêsu trả lời cho cả ba trường hợp là "hãy theo Ta" và đặt giá trị thiêng liêng lên trên mọi của cải vật chất. Theo Chúa lên Giêrusalem là đánh đổi cuộc đời quá khứ để lấy một tương lai mới, tuy vô định, đầy gian nan, bất trắc nhưng tươi sáng và chân thật hơn. Ba trường hợp khác nhau, nhưng đều chung một lời mời gọi từ Chúa Giêsu. Ba lời đối thoại trên cũng là ba đòi hỏi hướng đến điều răn thứ nhất: "Phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn." (Mt 22, 37).
Theo Chúa phải can đảm, phải chọn lựa và ưu tiên tìm kiếm và loan báo về Nước Thiên Chúa trước, còn mọi chuyện khác, Chúa sẽ lo cho sau. Con đường đi tìm Chúa là con đường con đường của từ bỏ... Tuy nhiên, muốn đạt được hạnh phúc thật thì phải lựa chọn trong tinh thần dứt khoát.
Nếu cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, thì chính những chọn lựa ấy sẽ dệt nên cuộc đời riêng của mỗi người.
Nếu cuộc đời người Kitô hữu là một chọn lựa dứt khoát cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì đó chính là một chuỗi những lời đáp trả tiếng Chúa vang lên từng phút giây trong cuộc sống.
Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày, chúng ta chợt giật mình, vì thấy chúng ta thường hay chọn mình: sở thích của mình, tự do của mình, hạnh phúc của mình, gia đình của mình... Chúng ta chọn tất cả những gì ít nhiều dính dáng đến bản thân. Nhưng Đức Giêsu lại dạy: "Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho" (Mt 6,33).
Ơn gọi của Êlisa đến trong lúc ông đang cày ruộng, đang làm những công việc hàng ngày. Ơn gọi của Phêrô xảy đến khi ông đang thả lưới, của Môsê khi ông đang chăn chiên, của Mathêu khi ông đang ngồi bàn thu thuế... Ơn gọi tiêu biểu của mỗi cá nhân là ở trong bổn phận hàng ngày. Sống ơn gọi của mình là biết chọn lựa và ưu tiên. Đó cũng là lời mời gọi, hãy đơn giản hoá cuộc sống.
Cuộc sống thật đơn giản vì nó vốn rất đơn giản. "Khi còn nhỏ thì đơn giản, lớn lên trở nên phức tạp. Khi nghèo khó thì đơn giản, lúc giàu có trở nên phức tạp.Khi thất thế thì đơn giản, lúc có địa vị thì trở nên phức tạp.Tự nhận bản thân đơn giản, đánh giá người khác phức tạp.Thật ra, thế giới này rất đơn gỉan chỉ có lòng người là phức tạp. Mà suy cho cùng thì lòng người cũng đơn giản, chỉ vì có lợi ích chi phối nên con người mới trở nên phức tạp. Đời người, đơn giản thì vui vẻ. Nhưng người vui vẻ được mấy người.Đời người, phức tạp thì phiền não. Nhưng người phiền não thì quá nhiều.Trong cuộc đời mỗi người đều không thể tránh khỏi những lúc buồn phiền, lo lắng thậm chí là đau khổ.Người vui vẻ không phải là người không có buồn phiền, mà là người không để cho những nỗi buồn và niềm đau ấy khống chế" (St). Để sống bình an vui vẻ hạnh phúc, chúng ta chỉ cần sống đơn giản. Chúa Giêsu là người thích sống đơn giản và bình thường. Suốt ba năm rao giảng, Ngài mặc những chiếc áo, mang những đôi dép giản dị. Ngài không nghĩ mình là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình trở nên như tôi tớ rửa chân cho các môn đệ, để đến với người nghèo, bệnh nhân và tội nhân. Chúa Giêsu thích sự đơn sơ và bé nhỏ giữa đời thường. Bởi vậy, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời " (Mt 18,4). Chúa Giêsu đã gieo vào lòng thế giới giá trị của yêu thương và phục vụ trong đơn giản âm thầm.
Đơn sơ là một đức tính quý báu trong linh đạo "thơ ấu thiêng liêng" của thánh Têrêxa Hài Đồng. Sống đơn sơ và giản dị. Đối với những tâm hồn đơn sơ, không cần có những phương thế phức tạp.Nếp sống của Têrêxa luôn trong sáng, thành thực và tự nhiên. Con đường thơ ấu thiêng liêng là sống cuộc sống đơn sơ, yêu mến Chúa, hướng tới trọn lành. Sống đơn giản mới có được tinh thần thanh thoát và nhẹ nhàng, chúng ta mới nhạy bén để sống theo hướng dẫn của Thần Khí chứ không theo xác thịt, vì "anh em được gọi để hưởng tự do".

 

TN13-C107:  Theo Chúa cũng lắm hạng người

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)
 

Thầy trò Đức Giêsu lên Giêrusalem ngang qua Samaria. Con đường ngắn nhất để lên Giêrusalem TN13-C107

Thầy trò Đức Giêsu lên Giêrusalem ngang qua Samaria. Con đường ngắn nhất để lên Giêrusalem là con đường đi ngang qua xứ Samaria. Dân Samaria lại thù ghét người Do Thái. Một sự thù ghét từ lâu đời, làm cho hai dân tộc luôn đối nghịch cùng nhau và nhiều khi đã bùng nổ thành những cuộc xung đột đẫm máu. Vì thế, những đoàn hành hương thận trọng hơn, thường đi vòng qua bên kia sông Gióđan, tới tận Giêricô, băng qua sa mạc Giuđêa, trước khi đặt chân vào đền thờ Giêrusalem. Trở về thủ đô, Chúa Giêsu muốn đi qua xứ Samaria. Nhưng một làng đã không đón tiếp Ngài khiến cho Gioan và Giacôbê nổi giận đùng đùng đòi sai lửa từ trời xuống thiêu rụi cả làng ấy. Chúa Giêsu không chấp nhận. Ngài đã quở trách hai môn đệ được mệnh danh là con của thiên lôi này, và Ngài quyết định đi sang làng khác. Trên đường đi xuất hiện 3 người muốn theo Ngài làm môn đệ.
- Mẫu người thứ nhất: Theo Matthêu, đây là một luật sĩ. Chính đương sự tự giới thiệu và đề nghị được đi theo Chúa. Không những thế, ông còn tuyên bố mạnh mẽ sẵn sàng theo Chúa đến bất cứ đâu. Lời đề nghị này cho thấy lòng nhiệt thành nơi ông là rất lớn. Tuy nhiên, động cơ đi theo Chúa có lẽ là vinh quang, danh vọng và địa vị trần thế mà ông mong là Chúa Giêsu có thể mang lại. Ông thiếu sự thành tâm thiện chí, thiếu cả ý ngay lành.
Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh trước sự ảo tưởng của ông: “Cáo có hang, chim có tổ, còn Con Người không chỗ gối đầu.” Ở đây, ta thấy rằng Chúa Giêsu không chiêu mộ đồ đệ theo kiểu tiếp thị ngày nay… Ngài nói rất rõ những điều kiện khắt khe cho những ai muốn theo ngài. Theo Ngài là phải chấp nhận sự bấp bênh thiếu an toàn tiện nghi: “Con Người không có chỗ tựa đầu.” Ngài không đưa ra một bảo đảm nào cho cuộc sống hiện tại. Có chăng là Ngài chỉ bảo đảm cho cuộc sống mai sau, tức là sự sống đời đời. Vậy điều kiện thứ nhất để làm môn đệ Chúa Giêsu là biết chấp nhận cuộc sống bấp bênh, đôi khi cũng thiếu thốn cả những tiện nghi cơ bản của cuộc sống.
- Mẫu người thứ hai: Khác với người thứ nhất, người thứ hai không tự đề nghị theo Chúa mà chính Chúa Giêsu đính thân ngỏ lời cùng anh: “Anh hãy theo tôi!” Thái độ của anh trước lời mời gọi của Chúa Giêsu là gì? Anh xin được về chôn cất cha anh trước đã. Thực ra ở đây phải hiểu là không phải cha người này vừa chết; ông ta vẫn còn sống. Ý của anh là tuy cũng muốn theo Chúa Giêsu, nhưng xin một thời hạn chờ cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi đã, rồi anh mới theo Ngài. Trong đầu anh đã có sẵn một ưu tiên: ưu tiên cho bổn phận hiếu thảo. Có thể nói anh ta là một người rất tốt, rất có hiếu. Nhưng đề nghị của Chúa Giêsu có vẻ như rất phủ phàng: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết”, tức là để cho người thế gian lo việc thế gian. Như vậy rõ ràng điều kiện thứ hai của người đi theo Chúa là phải dành ưu tiên cho bổn phận đối với Nước Thiên Chúa, trên cả những bổn phận đối với thân nhân. Không phải Chúa Giêsu coi nhẹ những bổn phận đối với gia đình, nhưng Ngài dạy rằng trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn. Tin Mừng phải có chỗ đứng trên hết, các giá trị Tin Mừng phải được đề cao tuyệt đối, sứ mạng loan báo Nước Chúa phải có tầm quan trọng và cấp thiết hơn tất cả các nghĩa vụ khác. Ngoài ra còn cần phải biết phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa nữa.
- Mẫu người thứ ba: Chính anh tự nguyện xin theo Chúa Giêsu. Nhưng anh lại xin thêm một ân huệ: “Xin cho phép tôi về từ biệt gia đình tôi trước đã.” Thỉnh nguyện của anh ta xem ra chính đáng, nhưng thực sự anh ta vẫn còn dây dưa, chưa dứt khoát, anh vẫn còn để cho những chuyện tình cảm riêng tư ràng buộc, giống như kiểu đi tu rồi nhưng tạm thời xin về một thời gian để chia tay với người yêu. Lời đáp của Chúa Giêsu khiến ta nhớ lại chi tiết trong Bài đọc I. Thiên Chúa bảo Êlia hãy chọn Êlisê làm ngôn sứ thay thế cho mình. Êlia đi tìm và gặp thấy Êlisê đang cày ruộng. Ông quăng chiếc áo choàng của mình cho Êlisê (áo choàng tượng trưng cho sứ mạng làm ngôn sứ). Êlisê hiểu ý, liền bỏ bò lại chạy theo Êlia, nhưng với lời nài xin được phép về từ giã cha mẹ trước. Êlia đồng ý. Sau khi từ giã cha mẹ, Êlisê lấy chiếc cày làm củi đốt lên quay cặp bò làm thịt cho dân chúng ăn, rồi đi theo ngôn sứ Êlia. Dù sao đây cũng là một hình ảnh tuyệt đẹp về ơn gọi rồi.
Thế nhưng nếu xưa kia Êlia đồng ý cho Êlisê được phép về từ giã cha mẹ trước, thì hôm nay Chúa Giêsu lại không đồng ý. Điều kiện Ngài đưa ra là phải dứt khoát, hơn nữa phải có một con tim không san sẻ để chỉ còn lo cho Nước Thiên Chúa mà thôi. Không bắt cá hai tay, không để những tình cảm trần thế (dẫu là tình cảm gia đình) chi phối và ràng buộc: “Cầm cày không ngoảnh lại.”
Theo văn mạch thì Chúa Giêsu sắp đi vào giai đoạn quyết liệt là thương khó tử nạn và phục sinh. Ngài muốn các môn đệ mình cũng phải đi cùng một hành trình như Ngài. Tuy nhiên, người ta có thể từ chối lời mời gọi của Ngài bằng nhiều cách: hoặc vì những thành kiến tôn giáo như dân làng Samaria; hoặc vì quá cậy dựa vào những bảo đảm vật chất, những quyến luyến gia đình và quyến luyến quá khứ.
Như vậy, điều kiện thứ ba mà Chúa dạy là phải chấp nhận quên đi quá khứ đời mình. Quá khứ đó có thể là những quyến luyến tình cảm phù du, những ước mơ trần tục, kể cả những mặc cảm tội lỗi xa xưa,… đồng thời phải dứt khoát với mọi thứ ràng buộc, vì người theo Chúa cần có một con tim không san sẻ để luôn biết lo cho vinh quang Nước Trời.
Tôi có thuộc mẫu người nào trong 3 mẫu người trên không? Có khi nào tôi thuộc cả 3 mẫu người cùng một lúc hay không? Có thể lắm. Đó là khi tôi theo Chúa mà thiếu thành tâm thiện chí, thiếu ý ngay lành; tôi theo Chúa mà không dứt khoát từ bỏ những ràng buộc trần thế; và nhất là chưa biết ưu tiên cho các giá trị Tin Mừng.
Chúa Giêsu đã dạy: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các thứ khác ngài sẽ ban cho sau.” Những ai tin tưởng điều này và ưu tiên chọn lựa Chúa và các giá trị Tin Mừng trong đời sống, chắc chắn họ luôn xứng đáng là những người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, và chắc chắn sẽ là những người được Thiên Chúa chúc phúc và ban ơn cho dư dật. Amen.

 

TN13-C108:  “Hãy theo Chúa Kitô”

(Suy niệm của Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa)
 

Theo Chúa Kitô, không được phàn nàn vì những chọn lưạ lớn lao của cuộc đời mình, đừng quay lại TN13-C108

Theo Chúa Kitô, không được phàn nàn vì những chọn lưạ lớn lao của cuộc đời mình, đừng quay lại đằng sau nữa. Triết gia Alain nói: “điều quan trọng không phải là bạn đã chọn lựa tốt, nhưng là bạn hãy làm cho điều chọn lựa đó trở nên tốt. Bạn đã đáp trả lời mời gọi của Chúa và bạn không cảm thấy hạnh phúc ư? Bạn hãy tự hỏi mình xem đã tiến xa trong tình yêu Thiên Chúa chưa? Bạn đừng khéo léo lấy lại cái mà mình đã cho đi. Hãy tiếp tục cho đi hơn nữa hoặc cho đi một cách tốt hơn”.
Cách đây trên dưới 2000 năm, sau khi suy nghĩ cân nhắc, Chúa Kitô đã biết điều đang chờ đợi Người là quyết định lên Giêrusalem. Người biết lên Giêrusalem là sẽ phải chịu treo trên thập giá nhuốc nha, trong khi đó thì các môn đệ cứ tưởng rằng Người lên Giêrusalem để nắm vương quyền và đập tan thế lực ngoại bang Roma xâm chiếm. Người bình tĩnh tiến bước. Mãi về sau này các ông mới hiểu được sự bình tĩnh ấy là dấu chỉ của lòng can đảm. Người đi trước, thủ lãnh của tất cả những ai theo Người cũng sẽ can đảm chịu chết vì tin mừng hoạc vì công lý. Thầy làm gương để anh em cũng làm như vậy.
Chúa Kitô biết rằng mình phải đi chịu chết. Sau khi suy nghĩ chín chắn chính Người đã muốn biết cái chết mà người không cần phải biết và ngay cả cái chết dữ dằn. Chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa bước đi lên thành phố mà Người phải lãnh án tử hình như thế nào. Chúa Kitô can đảm, Chúa Kitô dũng cảm, Chúa Kitô kiên cường. Đó là mẫu gương Người để lại cho tất cả những ai muốn bước đi theo Người. Vì vậy theo Chúa Kitô, chính là: Chuẩn bị đương đầu với thất bại và thập giá
Hãy đọc lại bài phúc âm hôm nay:
Để đi từ Galilea đến Judea, cần phải qua Samaria, người samaria thường bị người Do Thái khinh bỉ.. Dù sao Chúa Giêsu vẫn sai một số môn đệ báo tin trước rằng Người sẽ đến đó. Nhưng khi đến, các môn đệ thấy người Samaria đóng sập của lại không thèm tiếp mình. Vì thế, họ trở về nổi giận lôi đình và thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa tù trời xuống thiêu huỷ thành này không?” Nhưng Chúa Giêsu quát mắng họ nặng lời. “Này, tụi con đừng có cái kiểu muốn đổi hướng đi mà thầy đã chọn: chiến thắng chỉ có được nhờ thập giá chứ không phải nhờ sức mạnh, nhờ tình yêu chứ không phải nhờ bạo loạn. Tụi con không hiểu đó là lối sống của Thầy ư?”.
Kitô giáo không phải là một con đường trải hoa hồng đón thưởng những ai say mê Đức Kitô. Kitô giáo cũng không phải là một tôn giáo cho những ai yên phận không dám đi ngược dòng với thói đua đòi của môi trường chung quanh. Kitô giáo cũng không phải là một đảm bảo may rủi chống lại những nỗi buồn của cuộc sống.
Theo Chúa Kitô, là đi vào hiện tượng của thập giá: chấp nhận thất bại, chấp nhận trở nên điên rồ trước mắt người đời, chấp nhận nói những câu nói đi ngược dòng với trào lưu tư tưởng đương thời và từ chối vuốt ve quảng cáo và bôi trơn.
Theo Chúa Kitô là bắt đầu trở về trước khi muốn làm cho người khác trở về; chấp nhận trỗi dậy trước khi muốn người khác trỗi dậy. Theo Chúa Kitô là cậy dựa vào sức mạnh của tình yêu, là đi gặp gỡ anh em bằng chính sự tốt lành của Chúa Kitô.
Theo Chúa Kitô là bắt chước Chúa tôn trọng mọi người, không phải là giáng đòn chân lý bằng những tai vạ bất ngờ, nhưng bằng sự hiền lành như chim bồ câu, bằng sự nhẫn nại của người môn đệ biết rằng chính Thiên Chúa làm cho trở về nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần “gió muốn thổi đâu thì thổi”.
Trở lại bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu gặp một người sẵn sàng theo Chúa khắp nơi. Chúa Giêsu làm gì đối với anh? Người sẽ làm giảm sự nhiệt tình của anh: “Này bạn yêu quí, tôi phục thiện chí của bạn, nhưng bạn đừng bị mắc lừa. Nhất là bạn đừng đợi chờ tìm được một công việc béo bở, một đảm bảo vật chất nào đâu nhé”.
Đúng vậy, Chúa Giêsu không muốn quyến rũ các tân binh của Người bằng những món lợi vật chất hoặc một sự danh tiếng nào. Kitô giáo không phải là một sự béo bở gì, một Tabor liên tục. Kitô giáo cũng không phải là một tôn giáo cho những người yếu ớt và nhát đảm. Theo Chúa Giêsu là chấp nhận lời mời gọi liên tục của Phúc Am sống khó nghèo.
Bài Phúc Âm hôm nay còn cho chúng ta thấy Chúa Giêsu mời một chàng thanh niên khác theo Người, nhưng anh này xin Chúa gia hạn: “Thầy biết rõ, cha tôi vừa mới qua đời… còn một số giấy tờ cần phải điều chỉnh lại… và cả gia tài, của hồi môn cần có thời gian để phân chia. Tốt hơn là tôi có mặt ở nhà khoảng 15 ngày hoặc một tháng thì càng tốt.” Không, Chúa Kitô không phải là một con quái vật không biết bổn phận của những người trong gia đình, nhưng trong bài phúc âm hôm nay, Người gửi cho anh một sứ điệp quan trọng: “Đúng, anh nghĩ đến cha anh là một việc đáng khen, nhưng anh thấy đó, cha anh đã chết, anh không thể làm được gì hơn nữa cho cha anh. Điều thúc bách anh bây giờ đó là tất cả những người còn sống đang chờ đợi Tin Mừng”. Đúng vậy Kitô giáo không phải là định cư trong những tiện nghi và tình cảm gia đình. Kitô giáo không phải là một thứ tôn giáo của một Thiên Chúa nhu nhược và cho phép tất cả. Kitô giáo là một tôn giáo nâng đỡ, trợ lực và thức tỉnh người tín hữu và nói với họ rằng: Rao giảng tin mừng là công cuộc khẩn cấp. Khẩn cấp về giáo lý trong một thế giới bị vật chất hoá, khẩn cấp về quyền bình đẳng, khẩn cấp về tình yêu.
Vì thế, theo Chúa kitô là cần phải trao ban mạng sống mình như Chúa. Đối với một gia đình, theo Chúa Kitô là vượt qua đau khổ và sống đức tin nếu có một đứa con phải chết, là chấp nhận cho con gái vào dòng tu hoặc vui mừng cho con trai vào chủng viện làm linh mục để phục vụ Giáo Hội. Theo Chúa Kitô là sẵn sàng tứ chối mọi tương quan tình cảm đi ngược với chương trình của Thiên Chúa.
Trở lại bài phúc âm hôm nay, chúng ta thấy một nhân vật khác nữa. Anh say mê Chúa Kitô và nói với Chúa: “Con sẵn sàng theo Thầy ngay, nhưng thầy để cho con về nhà một thời gan để nhìn lại ngôi nhà tuổi thơ ấu của con, kỷ niệm của con và được ôm hôn mẹ một lần nữa. Elia, khi gọi Elise thay thế mình, đã chẳng cho phép Elise thăm lại người thân thuộc đó sao?” Chúa Kitô trả lời: “kéo dài tạm biệt chính là kéo dài chia ly. Nếu anh ra đi thì đừng hối tiếc gì và đừng muốn trở về với quá khứ của anh nữa”.
Đúng vậy, ktô giáo không phải là một lời cam kết chỉ phục vụ Chúa Kitô 3 năm thôi. Kitô giáo cũng không phải là một lời cam kết có điều kiện: “Lạy Chúa, nếu con thích, con sẽ theo Chúa. Bằng không, nếu sau này con sẽ quay lại với chọn lụa của con, Chúa sẽ tha lỗi cho con, vì con có thể sai lầm về vấn đề này”.
Theo Chúa kitô, không được phàn nàn vì những chọn lưạ lớn lao của cuộc đời mình, đừng quay lại đằng sau nữa. Triết gia Alain nói: “điều quan trọng không phải là bạn đã chọn lựa tốt, nhưng là bạn hãy làm cho điều chọn lựa đó trở nên tốt. Bạn đã đáp trả lời mời gọi của Chúa và bạn không cảm thấy hạnh phúc ư? Bạn hãy tự hỏi mình xem đã tiến xa trong tình yêu Thiên Chúa chưa? Bạn đừng khéo léo lấy lại cái mà mình đã cho đi. Hãy tiếp tục cho đi hơn nữa hoặc cho đi một cách tốt hơn”.

 

TN13-C109:  Đường theo Chúa - Cố Lm Hồng Phúc

Thánh Luca dẫn nhập vào bài Phúc Âm hôm nay bằng một câu thật trang trọng nhưng cũng bi thảm: TN13-C109

Thánh Luca dẫn nhập vào bài Phúc Âm hôm nay bằng một câu thật trang trọng nhưng cũng bi thảm: “Vì gần đến lúc Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Ngài cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.
Chúa Giêsu như bị giằng co giữa hai cảm quan. Theo bản tính nhân loại, Ngài cảm thấy lo sợ vì “lên Giê-ru-sa-lem” là đi chịu chết và chết trên cây Thập giá, nhưng Ngài đã tự vượt thắng để tuân phục Thiên Ý của Đức Chúa Cha, đã sai Con Một Ngài xuống thế để cứu chuộc nhân loại. Cuộc day dứt nội tâm này còn ám ảnh Ngài trong những ngày cuối đời và sẽ lên đến tột độ trong cuộc hấp hối dưới ánh trăng mờ của vườn Giêtsêmani.
Từ đây, mỗi tín hữu cũng có đoạn đường lên Giêrusalem của mình; là Kitô hữu, chúng ta phải vác Thập giá để đi theo Chúa Kitô.
Trên đường lên Thành Thánh, Chúa Giêsu đã gặp bốn sự kiện, gợi ý những bài học Chúa dạy chúng ta phải thực hiện khi lên đường theo Chúa.
Trước hết, Chúa sai một số môn đệ, trong đó có hai anh em Giacôbê và Gioan đi trước dọn chỗ cho Ngài và các môn đệ sẽ đến sau. Nhưng dân làng Samaria không chịu đón tiếp, khiến cho hai anh em “con của sấm sét” tức mình, đến xin Chúa cho quyền khiến lửa trên trời xuống thiêu rụi quân vô đạo ấy. Chúa Giêsu trả lời: “Con người đến không phải để giết mà để cứu chữa”. Chúa muốn dạy chúng ta rằng con đường theo Chúa không phải luôn thẳng tắp, không gặp trắc trở. Vậy người muốn theo Chúa phải nhẫn nại hiền lành, lấy tinh thần của Chúa hiền lành khiêm tốn, để đối xử lại, để chinh phục lại các linh hồn. Thánh Phanxicô Salesiô nói: “Một thìa mật lôi kéo nhiều ruồi hơn là một xe dấm”.
Sau đó, Chúa gặp ba người đến muốn làm ứng viên đi theo Chúa, trở nên môn đệ. Người thứ nhất tuyên bố sẵn sàng xin đi theo Ngài mọi nơi. Chúa Giêsu đọc trong tâm hồn kẻ ấy và thoáng thấy ít nhiều vụ lợi nào đó, nên Ngài trả lời thẳng thừng để dạy cho những ai muốn theo Chúa: phải nhắm mắt tận hiến, không tìm một mối bảo đảm nào. Theo Chúa là từ bỏ một nếp sống có qui củ, là nhận lãnh mọi nghịch cảnh: “Con chim có tổ, con chồn có hang, Con Người không có lấy hòn đá gối đầu”.
Người thứ hai xin theo làm môn đệ Chúa, nhưng xin được về lo tang sự cho thân sinh đã. Chúa trả lời: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần con, hãy đi rao giảng Nước Trời”. Chúa không bãi bỏ giới điều thứ tư, nhưng Chúa dạy rằng có những lúc phải đặt việc phụng sự Chúa trước, và trên hết (14, 26). Phải có can đảm cắt đứt mọi giây mơ rễ má để theo Chúa. Thánh Neron, tử đạo tại Sơn Tây, Việt Nam, trên đường xuống hải cảng Marseille để đi truyền giáo, đã cố tình tránh cha mẹ bà con ra tiễn tại sân ga. Nữ Thánh Chantal nước mắt tràn trụa bước qua con nằm chận cửa, không cho mẹ đi lập Dòng Thăm Viếng.
Với người thứ ba, có thái độ chần chừ, Chúa phán: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn quay mặt ngó lui, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”.
Thánh Phaolô đã thực thi lời Chúa: “Quên phía sau mà lao mình tới trước, tôi nhắm đích chạy đến giải thưởng của ơn kêu gọi Chúa ban” (Phil. 3, 13-14).
Lạy Chúa, Chúa là phần gia nghiệp của tôi.
Tôi luôn đặt Chúa ở trước mặt, tôi sẽ không phải nao núng.

 

TN13-C110: Đi theo Thầy

Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo
 

Bài Tin mừng ngày hôm nay nói đến việc đi theo Đức Giêsu. Thế nhưng mở đầu bài Tin mừng lại TN13-C110

Bài Tin mừng ngày hôm nay nói đến việc đi theo Đức Giêsu. Thế nhưng mở đầu bài Tin mừng lại đề cập đến sự kiện Đức Giêsu bị một làng người Sa-ma-ri từ chối đón tiếp. Điều đó báo hiệu cho thấy hành trình đi theo Đức Giêsu không phải là việc dễ dàng.
Thực vậy, người thứ nhất chạy đến thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Lời nói có vẻ dứt khoát, cương quyết. Thế nhưng Đức Giêsu lại trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Câu nói như một lời từ chối khéo léo! Vì sao Đức Giêsu lại làm giảm lòng nhiệt thành của anh ta như vậy? Có lẽ Người nhìn thấy bên trong sự hăng say đó là một sự bồng bột, cao hứng nhất thời. Câu nói của Đức Giêsu không hẳn là một lời từ chối cho bằng là một lời khẳng định. Người khẳng định thực tại mà chính Người đang trải qua và muốn anh ta ý thức rõ lời cầu xin của mình. Theo Đức Giêsu không phải để được một chỗ ở yên ổn, được bảo đảm lương thực hằng ngày, được theo Người đi giảng dạy và làm phép lạ cho người ta. Trái lại, theo Đức Giêsu là chấp nhận một cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó. Theo Người là bước vào cuộc hành trình cam go với nhiều rủi ro nguy hiểm. Đức Giêsu không từ chối anh ta nhưng mời gọi anh ý thức rõ việc theo Người trước khi quyết định.
Đó cũng là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta. Theo Đức Giêsu không phải là một quyết định nông nổi theo cảm xúc nhất thời nhưng là một lựa chọn đòi hỏi đắn đo cân nhắc. Đặc biệt là ý thức rõ con đường theo Đức Giêsu là con đường lắm chông gai, đòi hỏi người đăng trình phải luôn sẵn sáng đón nhận mọi nghịch cảnh.
Trường hợp thứ hai do chính Đức Giêsu chủ động mời gọi. Thế nhưng người ấy lại chần chừ, trì hoãn. Anh xin cho được “về chôn cất cha trước đã”. Điều đó không có nghĩa là cha anh vừa mất và anh cần chôn cất cha trước, nhưng nó có nghĩa là anh xin về phụng dưỡng cha, cho đến khi nào cha qua đời thì anh sẽ đi theo Người. Ý định của anh thì tốt vì anh muốn chu toàn bổn phận của người con trước đã, trước khi theo Đức Giêsu. Thế nhưng Đức Giêsu không đồng ý điều đó. Người không chấp nhận một sự nhượng bộ. Bổn phận đối với Thiên Chúa phải là bổn phận được ưu tiên hàng đầu. Ngay cả bổn phận đối với cha mẹ cũng không được xếp trên. Đó là một đòi hỏi dứt khoát.
Trong đời sống, nhiều khi chúng ta phải đắn đo suy nghĩ giữa hai sự lựa chọn: bổn phận đối với Thiên Chúa và các công việc khác. Chẳng hạn việc lựa chọn giữa đi lễ chiều Chúa nhật với ở nhà xem một trận bóng đá hay đi gặp gỡ, hội họp với bạn bè; giữa việc dành một ít thời gian cho giờ kinh gia đình với việc xem một chương trình truyền hình; giữa việc sống theo lời dạy của Đức Giêsu với việc chiều chuộng thân xác buông theo một ham muốn dục vọng. Và còn rất nhiều sự lựa chọn khác nữa đòi hỏi chúng ta phải quyết định hàng ngày. Giữa những lựa chọn đó, ta có luôn ưu tiên cho công việc, bổn phận với Thiên Chúa?
Lại có một trường hợp khác, anh đến gặp Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”. Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Anh muốn đi theo Đức Giêsu nhưng còn luyến tiếc gia đình nên xin về từ biệt gia đình trước đã. Trường hợp của anh rất giống với trường hợp của ngôn sứ Ê-li-sa (1V 19, 16-21). Nếu như trong Cựu ước, thầy Ê-li-a đã nhượng bộ, cho phép Ê-li-sa về thì ở đây, Thầy Giêsu cương quyết hơn nhiều. Thầy Giêsu đòi hỏi một thái độ dứt khoát, quyết liệt. Ngoái lại đàng sau, luyến tiếc quá khứ thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.
Lời mời gọi theo Chúa luôn đòi hỏi một thái độ mau lẹ, dứt khoát. Đi theo Đức Giêsu là hướng về phía trước, nơi chân trời tươi sáng đang vẫy gọi. Muốn vậy, ta phải gạt bỏ những gì thuộc con người cũ, con người của tính xác thịt, để mặc lấy con người mới của Thần Khí. Theo Đức Giêsu là không ngừng tiến lên phía trước để ngày một hoàn thiện hơn như Cha trên trời. Ước gì lời Chúa ngày hôm nay giúp cho ta nhìn lại quãng đường theo Chúa của mình để kịp thời sữa chữa và thích ứng cho phù hợp với đòi hỏi của Đức Giêsu.

 

TN13-C111: Dân làng Samaria không đón tiếp Chúa

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
 

Cho tới nay Đức Giêsu chỉ thực sự thực thi tác vụ của Người ở Galilê. Bắt đầu từ đây, trong TN13-C111

Cho tới nay Đức Giêsu chỉ thực sự thực thi tác vụ của Người ở Galilê. Bắt đầu từ đây, trong suốt mười chương (9,50- 19,20), chúng ta sẽ thấy Đức Giêsu lên Giêrusalem. Lên Giêrusalem là một khúc ngoặt, là một quyết định tối quan trọng đối với Người. Bởi thời gian mà Chúa Cha ban cho Người, để thực hiện công trình tại thế sắp kết thúc và việc Đức Giêsu ra đi đã gần kề. Đức Giêsu lên Giêrusalem để kiện toàn sứ vụ. Như Êlia, ông chỉ được rước về trời sau khi đã hoàn tất sứ vụ (2V 2,9-11). Đức Giêsu cũng chỉ được siêu thăng hay được rước về trời sau khi đã chịu đau khổ và phải chết. Ý thức rõ điều đó, nên khi đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã phải can đảm, phải nhất quyết. Đúng hơn Ngài phải rắn khuôn mặt lại, làm cho khuôn mặt chai cứng, để vượt qua nỗi sợ hãi. Giống như người tôi tớ Giavê, Isaia loan báo trong bài ca thứ ba (Is 50,7).
Lên Giêrusalem, Đức Giêsu không chỉ đi một mình. Cùng đi có Nhóm Mười Hai, bảy mươi hai môn đệ, các cảm tình viên, các bà đạo đức... Bởi thế, Đức Giêsu sai mấy sứ giả đi trước, họ có phận sự tìm lương thực, sắp xếp chỗ ở. Trong số những người được sai đi, có Giacôbê và Gioan. Họ lên đường vào một làng người Samaria, chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem.
Giữa người Dothái và người Samaria, có những xung khắc trên bình diện quốc gia và trên bình diện tôn giáo. Người Samaria là miêu duệ của các bộ lạc Đông Á, đến định cư vùng này vào thời vương quốc phương Bắc của người Dothái, bị người Assyri chiếm đóng năm bảy trăm hai hai trước công nguyên, cũng là miêu duệ của những người thổ dân bản xứ. Họ đã theo Dothái giáo thờ Đức Giavê, nhưng đã xây đền thờ riêng trên núi Garizim. Họ khác với dân Dothái về nhiều điểm trên bình diện tôn giáo. Chẳng hạn, ngoài Đức Giavê họ còn thờ các thần riêng, có bộ lạc còn giết con trai, để tế thần riêng của mình. Người Dothái khinh dể người Samaria, cho họ như một dân nửa lương nửa giáo, tránh tiếp xúc với họ (Ga 4,9). Nhiều lần vì thù ghét, giữa hai dân tộc đã có những cuộc tấn công lẫn nhau, có lần người Samaria đã quẳng xương các loài vật vào đền thờ Giêrusalem, để đền thờ bị ô uế. Nay họ nghe biết Đức Giêsu lên Giêrusalem để dự lễ, họ đã chống đối và từ chối đón tiếp Người. Nếu Đức Giêsu không lên Giêrusalem, chỉ đến với họ, họ đâu có từ chối. Họ đã chẳng mời Ngài ở lại hai ngày, khi Ngài gặp một phụ nữ của họ ở giếng Giacob đó sao?
Trước sự từ chối đó, Giacôbê và Gioan, biệt danh là con của sấm sét, đã nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?" Êlia đã hai lần xin lửa từ trời xuống, thiêu hủy hai sỹ quan và năm mươi binh lính của vua Akhátgia, đến gặp nhà tiên tri đang ngồi trên núi đòi ông xuống để hỏi xem vua có khỏi bệnh hay không? (2V 1,10). Giờ đây, Giacôbê và Gioan cũng muốn xin Đức Giêsu cho các ông thực hiện điều đó, để thiêu huỷ dân làng Samaria, mà các ông cho là "hỗn láo" dám khước từ đón tiếp Đấng Messia của Thiên Chúa. Giacôbê và Gioan tưởng, làm như thế là đẹp ý Thiên Chúa và được Đức Giêsu tán đồng. Các ông lầm, Thiên Chúa đâu hẹp hòi như các ông nghĩ. Ngài là Thiên Chúa toàn năng nhưng không thích trừng phạt ai cho dù họ xúc phạm đến Ngài. Ngài là người cha nhân từ, một người mẹ hiền dịu, sẵn sàng chờ đợi tội nhân hối cải. Thiên Chúa không trừng phạt, Người luôn tha thứ. Đức Giêsu không đến để lên án, nhưng để cứu độ (Lc 19,10). Bởi thế, Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

 

TN13-C112: Người không nhìn lại - Lm. Mark Link, S.J.

Chủ đề: "Bí quyết để không nhìn lại là hướng về Đức Giêsu"
 

Vào năm 1924, ông Eric Liddell là lực sĩ chạy bộ 100 thước nhanh nhất nước Anh. Ai ai cũng tin rằng TN13-C112

Vào năm 1924, ông Eric Liddell là lực sĩ chạy bộ 100 thước nhanh nhất nước Anh. Ai ai cũng tin rằng ông sẽ giựt huy chương vàng Thế Vận Hội ở Balê vào năm đó. Nhưng đột nhiên có vấn đề làm xôn xao dư luận.
Khi chương trình Thế Vận Hội được quảng bá, cuộc chạy đua 100 thước lại xảy ra vào ngày Chúa Nhật. Với ông Eric, giới răn "giữ ngày Chúa Nhật thánh thiện" có nghĩa ông không được chạy đua vào ngày Chúa Nhật. Ông thật buồn.
Khi tin đồn khắp nơi là ông Eric sẽ không dự cuộc đua 100 thước, bao nhiêu áp lực đổ lên ông. Ngay cả Hoàng Tử xứ Wales cũng cố can thiệp vào lương tâm của ông. Khi ông quyết định từ chối tham dự cuộc đua, báo chí Anh quốc gọi ông là kẻ phản quốc. Nhưng ông Eric vẫn từ chối không muốn đi ngược với điều ông tin tưởng.
Ông gặp các huấn luyện viên và đề nghị một toán lực sĩ sẽ thay ông chạy đua 100 thước. Còn ông sẽ tham dự cuộc đua 400 thước, dù rằng chưa bao giờ trong đời ông tham dự loại này.
Để rút ngắn câu chuyện, không những ông Eric đã đoạt huy chương vàng cuộc đua 400 thước mà toàn đội của ông cũng đoạt huy chương vàng cuộc đua 100 thước. Thay vì chỉ được một huy chương vàng, các lực sĩ chạy đua của nước Anh đã đoạt được hai huy chương vàng.
Một vài năm sau Thế Vận Hội, ông Erich làm thế giới ngạc nhiên khi ông tình nguyện sang Trung Quốc truyền giáo. Sau đó, người yêu của ông cùng tham gia với ông. Họ kết hôn và có được ba người con xinh đẹp.
Sau đó Thế Chiến II xảy ra, khi nước Nhật tham dự cuộc chiến, ông Eric đưa gia đình sang Gia Nã Đại. Sau đó không lâu, Nhật xâm lăng Trung Quốc. Ông Eric bị bắt và bị đưa vào trại tập trung của Nhật. Ở đây ông tiếp tục sứ vụ, làm việc với các tù binh khác.
Một vài năm sau, ông từ trần một cách anh hùng trong trại tù.
Sau cái chết của ông, vợ ông nhận được rất nhiều lá thư nói về cử chỉ anh hùng của ông Eric khi ở trong trại. Trong các thư khác, có hai người viết là nhờ ông Eric mà họ đã không tự tử.
Vào năm 1980 có người muốn thực hiện cuốn phim về ông Eric và Thế Vận Hội 1924. Khi vợ ông nghe được, lúc ấy bà đang sống ở Toronto, bà nói, "Có ai để ý đến một biến cố xảy ra đã quá lâu về một người không muốn chạy đua vào ngày Chúa Nhật chỉ vì đức tin Kitô Giáo?"
Kết quả không ngờ là cả hàng triệu người muốn lưu ý. Cuốn phim, được gọi là Chariots of Fire, không chỉ phá kỷ lục số vé bán mà còn chiếm Giải Academy năm 1982.
Câu chuyện của ông Eric Liddell cho thấy khía cạnh tích cực của lời Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay. Chúa Giêsu nói:
"Ai bắt đầu cầy cấy mà còn nhìn lại thì không phục vụ cho Nước Trời."
Ông Eric Liddel không bao giờ nhìn lại. Một khi ông đã quyết định theo Chúa Giêsu, ông luôn nhìn tới trước. Ông không bao giờ nhìn lại, ngay cả khi phải đương đầu với áp lực của quần chúng. Ông không bao giờ nhìn lại ngay cả khi bị gọi là kẻ phản quốc.
Bí quyết nào giúp ông Eric can đảm không bao giờ nhìn lại?
Bí quyết nào giúp ông trung thành với Chúa Giêsu, ngay cả khi phải đương đầu với sự chống đối trùm lấp?
Bí quyết này nằm trong sự nhận xét của bà quả phụ Eric khi được tờ Toronto Star phỏng vấn. Nói về ông Erich, bà cho biết, "Ông ta luôn luôn dùng giờ phút đầu tiên, thật sớm của một ngày để đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và hoạch định chương trình trong ngày."
Đó, chúng ta đã có bí quyết đằng sau sự can đảm của ông Eric. Đó, chúng ta đã có bí quyết đằng sau sự trung thành của ông đối với Chúa Giêsu. Ông Erich Liddell là một người siêng cầu nguyện. Ông đã có thể luôn cầm lấy cái cầy và không nhìn lại đằng sau vì mỗi sáng ông đều gặp Chúa Giêsu trong sự cầu nguyện.
Vào năm 1982, cùng năm cuốn phim Chariots of Fire được Giải Academy, có một bài báo đăng trong tờ Reader's Digest. Bài này nói về một giám đốc quảng cáo người Công Giáo, dù rất thành công, bà vẫn cảm thấy cuộc đời trống rỗng.
Một sáng kia, trong cuộc họp với ông cố vấn về tiếp thị, bà đề cập đến sự trống rỗng này.
Ông cố vấn hỏi, "Bà có muốn lấp đầy nó không?" "Dĩ nhiên là có," bà trả lời. Ông nhìn thẳng vào mắt bà và nói, "Hãy bắt đầu mỗi ngày với một giờ cầu nguyện."
Bà nhìn ông và nói, "Này ông Don, ông không đùa đấy chứ. Nếu tôi làm như vậy thì còn thời giờ đâu để nghỉ ngơi." Ông mỉm cười và nói, "Đó cũng là điều mà tôi đã nói cách đây 20 năm." Sau đó ông nói thêm vài điều khiến bà phải suy nghĩ. Ông nói, "Bà chỉ muốn Thiên Chúa phải phù hợp với chương trình của bà. Thật ra, bà phải thay đổi cuộc đời bà theo chương trình của Thiên Chúa."
Bà rời cuộc họp trong sự bối rối. Mỗi sáng bắt đầu bằng sự cầu nguyện sao? Mỗi sáng bắt đầu bằng một giờ đồng hồ cầu nguyện sao? Tuyệt đối không thắc mắc!
Dù vậy, vào sáng hôm sau bà đã thi hành đúng như vậy. Và kể từ đó trở đi bà luôn luôn cầu nguyện vào sáng sớm.
Bà thú nhận là lúc đầu điều đó không dễ. Có những sáng bà cảm thấy bình an và vui sướng. Nhưng cũng có những sáng bà chẳng thấy gì ngoài sự buồn chán. Và chính những sáng mệt mỏi này bà nhớ lại những điều mà ông cố vấn tiếp thị đã nói: "Có những lần khi tâm trí bà không muốn đi vào cung thánh của Thiên Chúa. Đó là khi bà phí một giờ đồng hồ trong phòng chờ đợi Thiên Chúa. Tuy nhiên, bà vẫn cố ở đó, và Thiên Chúa quý trọng sự cố gắng của bà. Điều quan trọng là lời hứa."
Câu chuyện của ông Eric Liddell và bà giám đốc quảng cáo đã thách đố chúng ta. Chúng ta không thể chỉ nghe qua những câu chuyện này và không cảm thấy một tiếng nói bên trong mời gọi chúng ta thi hành điều gì đó tương tự trong đời sống chúng ta.
Nếu chúng ta có khó khăn khi phải để ý đến Chúa Giêsu, nếu chúng ta có khó khăn nắm chặt cái cầy và đừng nhìn lại đằng sau, nếu chúng ta cảm thấy cuộc đời trống rỗng, có lẽ chúng ta phải nghĩ đến lời hứa hằng ngày với Chúa Giêsu.
Lời hứa đó phải là gì? Không ai có thể trả lời câu hỏi đó cho chúng ta. Chúng ta phải tự trả lời. Nhưng chúng ta phải thi hành điều gì đó. Như ông cố vấn tiếp thị đã nói, "Điều quan trọng là lời hứa."
Hãy kết thúc bằng lời cầu nguyện:
"Lạy Chúa, xin dạy con biết quảng đại.
Xin dạy con biết phục vụ Chúa cách xứng đáng;
biết cho đi mà không quan tâm đến giá cả;
biết tranh đấu mà không để ý đến thương tích;
biết cần cù mà không tìm sự an nhàn;
biết lao nhọc và không tìm phần thưởng,
ngoại trừ được biết là con đang thi hành thánh ý Chúa."

 

TN13-C113: Đường thập giá

Thầy là đường.
 

Đường đi là một trong những biểu tượng phổ quát nhất của cuộc sống con người. Hệ thống đường TN13-C113

Đường đi là một trong những biểu tượng phổ quát nhất của cuộc sống con người. Hệ thống đường xá là một trong những thể hiện của nền văn minh. Nhìn vào các phương tiện giao thông, người ta có thể đánh giá được mức phát triển của một quốc gia. Do đó, đường xá là hạ tầng cơ sở cần thiết cho việc phát triển kinh tế.
Đường xá là để đi và đi là để đến một nơi nào đó. Thành ra, đường xá cũng là biểu tượng của cứu cánh con người. Thực vậy, con người sinh ra là để ra đi và tìm về cùng đích của mình. Phải chăng đó chính là ý nghĩa của chữ “Đạo” trong các tôn giáo.
Khi tự xưng: Thầy là đường, Chúa Giêsu muốn khẳng định với chúng ta rằng: Chỉ trong Ngài, với Ngài và qua Ngài, con người mới có thể đạt được cứu cánh của đời mình. Nhưng con đường Đức Kitô vạch ra lại là con đường thập giá, con đường đi ngang qua sự chết. Từ nay, có chết đi thì mới được sống, đã trở thành định luật của muôn đời, một định luật không được tự nhiên lắm đối với con người.
Khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc tử nạn, các môn đệ đã không thể, cũng không muốn hiểu và chấp nhận một ý tưởng như thế. Không điên rồ sao khi giữa lúc những thành công trước mắt đang hứa hẹn một tương lai sán lạn, thì lại nói đến một cái chết nhục nhã, tiêu biểu cho một thất bại thê thảm nhất.
Qua đoạn Tin mừng hôm nay, hai môn đệ Giacôbê và Gioan cũng đã phản ảnh sự chờ đợi và lý luận của các tông đồ. Con đường thập giá mà Chúa Giêsu chọn là con đường của những chống đối: Chống đối từ hàng lãnh đạo tôn giáo, chống đối từ đám đông dân chúng và ngay cả từ những người Samaria ngoại giáo.
Vì không hiểu như thế, nênh Giacôbê và Gioan đã có những phản ứng rất người, khi xin Ngài khiến lửa trời xuống tiêu diệt những người Samaria không đón tiếp các ngài. Chính Phêrô cũng đã có cùng một phản ứng, khi ông rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế. Bạo động vốn là một khuynh hướng thông thường của con người, xuất phát từ ý muốn được sống. Vì sự sống của tôi, tôi cần phải loại trừ kẻ khác, bằng cách này hay cách kia.
Thế nhưng, Chúa Giê su đã đến để cải tạo con người và đem lại một định nghĩa mới về sự sống. Sống đích thực là sống hiến thân cho người khác. Con người chỉ tìm lại được bản thân bằng sự hy sinh quên mình cho tha nhân mà thôi. Đó là chân lý được bày tỏ qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập bía. Con đường thập giá đã trở nên con đường sự sống. Chính Chúa Giêsu đã chứng tỏ điều đó qua cái chết của Ngài và mời gọi chúng ta đi trên con đường sự sống ấy.
Bởi vì, ngoài con đường thập giá, mà quên mình phục vụ là một thể hiện, sẽ không có một con đường nào khác khả dĩ dẫn chúng ta đề sự sống và niềm hạnh phúc đích thật.

 

TN13-C114: PHIÊU LƯU THEO CHÚA

Trong lá thư đề ngày 21.10.2010 gởi các Giám Mục Ba Tây, Đức Cha Luis Gonzaga Bergonzini  TN13-C114  Ephata

Trong lá thư đề ngày 21.10.2010 gởi các Giám Mục Ba Tây, Đức Cha Luis Gonzaga Bergonzini ( 1936-2012 ) của Giáo Phận Guarulhos cho biết, ngài nhận được những lời hăm doạ sẽ lấy mạng ngài, nhưng ngài sẽ vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại chính sách phò phá thai của đảng cầm quyền.
 Các quan sát viên ghi nhận đảng cầm quyền của tổng thống Lula da Silva, đang tỏ ra lúng túng trước những lời chỉ trích mạnh mẽ của các Giám Mục Ba Tây, đặc biệt trong thời điểm gần kề ngày tổng tuyển cử dự trù diễn ra vào ngày 31.10.2010.
Trong một chuyển biến ngoạn mục chứng tỏ những lời chỉ trích của các Giám Mục Ba Tây, mà mạnh mẽ nhất là Đức Cha Gonzaga, đã có hiệu quả rất cao, Dilma Rousseff, nữ ứng cử viên tổng thống của Đảng Công Nhân Ba Tây tuyên bố, là cá nhân bà ta không ủng hộ việc hợp pháp hoá phá thai tại Ba Tây và chính bà, nếu được đắc cử tổng thống, sẽ không bao giờ yêu cầu Quốc Hội nước này, thông qua luật cho phép phá thai.
Trước đó, bà Dilma Rousseff, người được tổng thống Lula da Silva đưa ra tranh cử cho Đảng Công Nhân của ông, đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ việc hợp pháp hoá phá thai, coi đó là một trong các ưu tiên trong nhiệm kỳ của bà. Tuy nhiên, những người Phò Sinh ( Pro-Life ) tin rằng việc quay 180o trong lập trường của bà này chỉ là một sách lược nhằm đối phó với các chỉ trích của hàng giáo phẩm Ba Tây.
Đảng cầm quyền tại Ba Tây đã dùng các phương tiện truyền thông có trong tay để mạ lỵ cá nhân Đức Cha Gonzaga cho rằng ngài xen quá sâu vào các hoạt động chính trị của xã hội dân sự.
Về phần mình, Đức Cha Gonzaga giải thích trong thư gởi các Giám Mục rằng những hành động và tuyên bố của ngài “dựa trên lương tâm và Tin Mừng” và rằng ngài không ủng hộ cá nhân một ứng cử viên nào. “Tôi không muốn tạo ra bất cứ mâu thuẫn nào. Nhưng tôi cần phải làm rõ thái độ của một Giám Mục trong việc bênh vực Giáo Hội và các lệnh truyền của Thiên Chúa”.
Đi xa hơn việc mạ lỵ, trong tuần qua những kẻ cảm thấy bị phương hại bởi những chỉ trích mạnh mẽ của các Đức Giám Mục Ba Tây, đã gởi cho Đức Cha Gonzaga và tất cả các Giám Mục trong bang Sao Paulo những lá thư doạ giết. “Những lá thư ấy đang nằm trong tay cảnh sát", Đức Cha Gonzaga tiết lộ như thế. Ngài nói thêm rằng “chúng tôi không nao núng.”
Không chỉ bị tấn kích từ bên ngoài, các Giám Mục chống lại trào lưu phò phá thai của đảng cầm quyền đau đớn thay còn bị tấn công từ phía những người anh em của họ. Thông Tấn Xã Công Giáo Catholic News Agency cho biết các tuyên bố mạnh mẽ của các Giám Mục chống lại Đảng Công Nhân đã gây ra một cuộc tranh cãi bên trong Hội Đồng Giám Mục Ba Tây. “Những khuôn mặt như Giám Mục Demetrio Valentini của Giáo Phận Jales, người khét tiếng tôn sùng thần học giải phóng Mácxít, đã gây sức ép buộc Đức Cha Gonzaga phải im lặng.” ( Nguyễn Việt Nam, Giám Mục anh hùng. Càng bị dọa giết càng nói mạnh, Vietcatholic ).
Không chỉ thế gian say mê văn minh sự chết, hăm he đe doạ lấy mạng Đức Cha Luis Gonzaga Bergonzini, nhưng đau đớn hơn, chính là những bạn đồng liêu của ngài lại đồng loã với sát nhân. Tuy nhiên mặc bao nguy hiểm, bao thách thức, hăm doạ, ngài vẫn sẵn sàng thí mạng sống, một mực quyết tâm theo Chúa đến cùng.
Trình thuật Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc đến ba người điển hình theo Chúa. Nghe Đức Giêsu thẳng thắn đáp lại, chẳng biết ba người đó có còn dám dấn bước đi theo Người nữa chăng. Bởi chưng, đó là một sứ vụ phiêu lưu, cấp bách và ưu tiên, chứ không như chuyện được chăng hay chớ, đầy cảm tính, nhất thời.
Sứ vụ phiêu lưu
Đang khi đi đường có kẻ thưa Người rằng: "Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy." Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ gối đầu." Người Việt vẫn quan niệm “an cư lạc nghiệp,” mong muốn làm sao ổn định mái nhà cư trú, rồi mới tính chuyện mưu sinh, làm ăn, hay lo chuyện đại sự. Thế mà Đức Giêsu đi rao giảng không cần đến nhà cao cửa rộng, chẳng cần cơ sở, trung tâm rộng rãi. Người cũng chẳng mấy quan tâm chuyện ăn uống. Đến nỗi có khi  các môn đệ dọc đường cồn cào đói lả, phải bứt vài bông lúa mì lót dạ trong ngày Sabát, thì bị ngay người Pharisêu rình rập bắt quả tang. Người đã phiêu lưu, mà còn kéo theo các môn đệ phiêu lưu cùng.
Phiêu lưu, Người sống đơn sơ, khó nghèo, thanh bần, không tích cốc phòng cơ, cũng chẳng đầu tư, tích luỹ tiền nong, của cải. Bởi vì gia nghiệp của Người chính là Chúa Cha. “Tất cả những gì của Cha đều là của con” ( Lc 15, 31 ). Vì lương thực của Người chính là vâng theo Thánh Ý. "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” ( Ga 4, 34 ).
Người phiêu lưu khi chọn và giao quyền hành cho môn đệ Phêrô, một ngư phủ hậu đậu, ít học, yếu đuối phản Thầy. Người còn phiêu lưu hơn, khi khuyên đừng mang hành trang, lương thực, tiền bạc khi thi hành sứ vụ. “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” ( Lc 9, 3 ).
Người muốn những ai muốn theo Người cần có đầu óc và tâm hồn khoáng đạt, thoát khỏi những nhu cầu, những điều kiện vật chất, mà thế gian vẫn quen đòi hỏi, để được tự do, không bị ràng buộc, yêu sách, để sẵn sàng dấn thân đáp lại Ơn Gọi của Thiên Chúa, cũng như sẵn sàng nhập cuộc, hy sinh phục vụ tha nhân.
Sứ vụ cấp bách
Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã. “Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã." Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa." Một đòi hỏi khá khắt khe, tựa như vô lý, như mâu thuẫn với đạo lý thảo kính cha mẹ ( Mt 15, 3-9 ), mà chính Người đã răn dạy. Nhưng không phải đơn giản vậy.
Với đòi hỏi khắt khe này, Đức Giêsu muốn đề cao bổn phận thánh thiêng vô cùng cấp bách, mà người Kitô hữu vẫn thường tỏ ra thờ ơ, lơ là, hữu ý, hay vô tình lãng quên trong cuộc sống thường ngày. Ngay từ 12 tuổi, cậu bé Giêsu đã xác tín bổn phận thiêng liêng khẩn cấp với phụ mẫu: “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” ( Lc 2, 49 ).
Người chết thì đã mãn phần rồi, người sống cần mau mắn dấn thân phục vụ cho bao người khác đang có nhu cầu tâm linh, đang khát khao tìm đến chân lý, sự thật và sự công chính trong Tin Mừng. Thánh Phaolô diễn tả việc đi theo Chúa không thể nào chậm chạp, lẹt đẹt, ì ạch, bước tới, mà là vội chạy theo Người. “Tôi đã không chạy uổng công, và đã không lao nhọc vô ích” ( Pl 2, 16 ). Thánh nhân còn xác quyết hơn nữa: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” ( 2Tm 4, 7 ).
Sứ vụ ưu tiên
Đi theo Chúa là sứ vụ ưu tiên hàng đầu, không để bất cứ việc gì có thể ngăn trở, níu kéo sao nhãng, bỏ dở chừng. “Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa."
Tình cảm gia đình tuy rất cao quý, đáng trân trọng, nhưng cũng phải xếp đằng sau chỗ đứng của sứ vụ. Theo Chúa là can đảm vượt lên trên những mối dây tình cảm huyết tộc, thân bằng quyến thuộc, hay riêng tư. Đức Giêsu đã kêu gọi người Kitô hữu vượt qua nhu cầu vật chất, không dính bén với của cải, nhà cửa, tiện nghi, nay còn cần vượt nhu cầu tình cảm, ưu tiên theo Người.
Trong từng phút giây cuộc đời, bất cứ ai cũng phải đấu tranh chính bản thân, qua việc chọn lựa theo Chúa hay theo thế gian. Không thể chần chờ, lưỡng lự, cân nhắc, chờ bao giờ có đầy đủ hành trang, của cải, quyền hành, chức tước, con cái, mới nhẩn nha đi theo Chúa. Bởi vì chẳng bao giờ có thể đầy đủ với lòng tham không đáy, với những cám dỗ hưởng lạc vô chừng, với những thói háo danh bất tận.
Thánh Phaolô đã công khai sự chọn lựa minh bạch của mình với tín hữu thành Philipphê: “Tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô” ( Pl 3, 8 ).
"Hãy theo Thầy !" Các Tông Đồ đã bỏ mọi sự theo Chúa, con có dứt khoát một phen theo Chúa không ? Chúa phải gọi con mấy lần rồi ?” ( Đường Hy Vọng, số 61 ). 
Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát chúng con khỏi ách nô lệ của cải, tiền tài, khỏi bản năng, thú tính, khỏi cám dỗ danh lợi, khỏi tình cảm gia đình, khỏi tất cả những gì thân xác, thế gian, ma quỷ, đang ra sức ràng buộc, níu kéo, để chúng con có thể can đảm, mạnh dạn, dứt khoát bỏ mình, bỏ mọi sự, đi theo Chúa.
Khấn xin Mẹ cầu bầu và cứu thoát chúng con khỏi chốn lưu đầy, khỏi thung lũng nước mắt này. Mẹ vẫn biết chúng con yếu đuối, nặng nề, hay chao đảo, mềm lòng trước những cám dỗ thế gian. Cúi xin Mẹ thương ban cho chúng con tràn đầy lửa mến, vững chãi niềm tin và hoàn toàn phó thác cậy trông vào Chúa. Amen.
AM. TRẦN BÌNH AN

 

TN13-C115: CHẤP NHẬN

Để có thể chấp nhận điều gì, người ta phải biết điều đó có hợp ý mình hay không. Phải can đảm TN13-C115

Để có thể chấp nhận điều gì, người ta phải biết điều đó có hợp ý mình hay không. Phải can đảm mới khả dĩ chấp nhận, nhất là đối với những gì trái ý mình.
Hạnh phúc không có nghĩa là mọi thứ của chúng ta đều hoàn hảo, mà là chúng ta vượt qua chính mình và chiến thắng các khuyết điểm. Chấp nhận là bước đầu tiên để vượt qua tất cả. Thành công trong cuộc sống không tự nhiên có được, mà phải có thái độ sống đúng đắn, khát vọng vươn lên và chấp nhận thất bại.
Cuộc sống tâm linh cũng không ngoài các điều kiện đó, tức là bản thân phải không ngừng nỗ lực. Thật vậy, Chúa Giêsu đã ra điều kiện: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình HẰNG NGÀY mà theo” ( Lc 9, 23 ). Không phải vui thì vác, buồn thì thôi, cũng không thể chỉ vác một thời gian rồi thôi, mà phải kiên trì vác hằng ngày. Quả là gay go, “căng” lắm đấy !
Quả thật, Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà NHIỀU NGƯỜI lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ÍT NGƯỜI tìm được lối ấy” ( Mt 7, 13-14 ). Theo lẽ thường, ai cũng thích thoải mái, không muốn ép mình. Rõ ràng là có nhiều người thích “đường rộng”, nhưng đường đó lại dẫn tới diệt vong; ít người thích “đường hẹp”, nhưng đường này lại dẫn tới sự sống vĩnh cửu.
Chữ NHIỀU và ÍT ở đây rất đáng lưu ý, đáng quan ngại lắm. Thật vậy, người ta có thống kê này: Chỉ có 5% được vào Thiên Đàng ngay lập tức, và có 15% phải vào Luyện Hình một thời gian. Vậy còn 80% nữa đi đâu ? Chắc chắn ai cũng biết. Vì thế mà phải cố gắng nhiều hơn nữa !
Nói về Hỏa Ngục, Thánh nữ Faustina Kowalska ( 1905-1938 ) cho biết: “Theo lệnh của Chúa, tôi đã thăm Hỏa Ngục để có thể nói với các linh hồn về Hỏa Ngụcchứng thực về sự hiện hữu của nó… Tôi chú ý một điều: Đa số các linh hồn ở Hỏa ngục đều là những người không tin có Hỏa ngục” ( Nhật Ký, số 741 ). Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu đã nói về hỏa ngục hơn 50 lần. Chắc chắn đó là vấn đề nghiêm trọng nên Ngài mới nhắc nhở nhiều đến thế!
Trong lần tiếp kiến chung ngày 28.7.1999, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Thiên Chúa vô cùng tốt lành và là Cha nhân hậu. Nhưng nhân loại, được mời gọi tự do đáp lại Ngài, có thể chọn cách từ khước tình yêu và sự tha thứ của Ngài, như vậy thì tự tách mình khỏi Ngài mãi mãi và không muốn kết hiệp với Ngài. Vì tình trạng bi thảm này mà Giáo Lý Công Giáo giải thích khi nói về sự kết án đời đời hoặc hỏa ngục. Đó không là hình phạt đời đời do Thiên Chúa bắt phải chịu mà là do nhân loại tạo ra lúc sinh thời. Đó là hậu quả của tội lỗi, là tình trạng của những người từ khước lòng thương xót của Chúa, ngay cả trong giây phút cuối đời. Hỏa ngục cho thấy tình trạng của những người TỰ Ý tách khỏi Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Sống và Nguồn Vui”.
Thiên Chúa là ĐẤNG THÁNH ( Lv 11, 44-45; Lv 19, 2; Lv 20, 26; Lv 21, 8; Tv 89, 36; Tv 99, 5 và 9; Is 6, 3; Br 4, 22; Hs 11, 9; Am 4, 2; 1Pr 1, 16). Ngài gọi chúng ta là “những bậc thần thánh” ( x. Ga 10, 34 ), nên thánh là trách nhiệm của chúng ta theo lệnh truyền của Ngài: “Các ngươi PHẢI NÊN THÁNH và PHẢI THÁNH THIỆN” ( Lv 11, 44-45; Lv 19, 2; Lv 20, 7). Đó là ơn gọi của mọi người.
Trình thuật 1V 19, 19-21 nói về ơn gọi của ông Êlisa: Ông Êlia gặp ông Êlisa ( con ông Saphát, người Abel-Mehula ) đang cày ruộng, ông Êlia đi ngang qua và ném tấm áo choàng của mình lên người ông Êlisa. Ông Êlisa liền để bò lại, chạy theo ông Êlia và xin cho về hôn cha mẹ để từ giã, ông Êlia bảo “cứ về”. Ông Êlisa về bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà, rồi đi theo ông Êlia.
Trình thuật ngắn gọn nhưng như một thước phim dài, cho thấy lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho ông Êlisa qua Ngôn Sứ Êlia. Mỗi người sinh ra cũng có ơn gọi riêng, dù có những dạng không được con người chấp nhận – vì không nhận biết theo ý Chúa mà chỉ xét theo con người. Mỗi người được Thiên Chúa mời gọi bằng cách thức khác nhau, nhưng mọi ơn gọi đều quy về một dạng: ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi nên thánh – nên thánh ngay ở đời này.
Đó là điều kỳ diệu nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Sống ơn gọi không thể tự sức mình mà phải cần ơn Chúa, vì thế mà phải luôn biết cầu xin: “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc ?” ( Tv 16, 1-2 ).
Ai cố gắng duy trì ân nghĩa với Thiên Chúa thì được đầy tràn sức sống và nhiều ích lợi khác. Tác giả Thánh Vịnh kết hiệp với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện chân thành: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn. Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ” ( Tv 16, 5-8 ). Ôi, hạnh phúc biết bao !
Hồng ân nối tiếp hồng ân. Tác giả Thánh Vịnh cho biết hệ lụy tất yếu nhờ động thái kết hiệp với Thiên Chúa: “Tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !” ( Tv 16, 9-11 ).
Chấp nhận hay không, đó là quyền tự do của mọi Kitô hữu – những người-mang-Đức-Kitô-trong-mình. Thật vậy, Thiên Chúa giải thoát chúng ta, trao ban tự do và cho chúng ta được quyền chọn lựa, chứ Ngài không hề ép buộc bất cứ ai. Thánh Phaolô xác định điều đó và khuyên nhủ: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” ( Gl 5, 1 ).
Thánh Phaolô tiếp tục xác định sự tự do và đề cập thêm về bác ái: “Anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy !” ( Gl 5, 13-15 ).
Tự do cũng có giới hạn của sự tự do – tự do trong khuôn khổ của nó, chứ không phải là có tự do rồi thì muốn làm gì thì làm. Được tự do để sống tốt, để yêu thương, để bác ái, để nhân hậu, để bảo vệ công lý và chân lý theo lý tưởng Đức Giêsu Kitô.
Thánh Phaolô giải thích: “Tôi xin nói với anh em là hãy SỐNG theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ KHÔNG còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên KÌNH ĐỊCH NHAU, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa” ( Gl 5, 16-18 ). Xác thịt thật là nhiêu khê, thật là đáng ghét, vì chúng ta không làm điều mình muốn, cứ lần lữa, hẹn tới hẹn lui, rồi lại làm điều mình ghét ( x. Rm 7, 15 ). Có khi vì yếu đuối thật, nhưng có khi lại viện cớ là yếu đuối để tự biện hộ. Khốn nạn thật !
Miệng thì nói là yêu mến Chúa, nhưng hành động lại trái ngược. Đôi khi chúng ta lợi dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa, rồi tự nhủ là Thiên Chúa chẳng chấp tội vì Ngài giàu lòng thương xót. Ôi, cái lý cùn của tính xác thịt !
Trình thuật Lc 9, 51-62 cho biết dịp Đức Giêsu lên Giêrusalem, tới một làng miền Samari nhưng không được họ đón tiếp, dù Ngài đã sai mấy sứ giả đi trước để chuẩn bị cho Ngài đến. Thấy thế, ông Giacôbê và ông Gioan cho phép họ khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ dân làng này, nếu Ngài muốn. Chúa Giêsu không chỉ không cho phép mà còn quở mắng các đệ tử. Rồi Thầy trò cùng đi sang làng khác.
Đang khi Thầy trò đi đường, có kẻ thưa Ngài: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Ngài thẳng thắn và nghiêm túc nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Gặp một người khác, Ngài nói với anh ta: “Anh hãy theo tôi !” Nhưng anh ta chần chứ: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Ngài bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”. Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”. Chúa Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”.
Miệng ai cũng nói mạnh, nhưng khi cần vào cuộc thì ngần ngại, sợ hãi, rút lui. Người ta gọi đó là những người “mạnh bạo xó bếp”, loại người “nói phét”, trăm voi không được bát nước xáo. Có lẽ chúng ta thấy loại người “chỉ mạnh lỗ miệng” nhiều trong cuộc sống thường nhật. Ngôn hành phải song song, không thể nói mà không làm – không làm được mười thì cũng phải làm được vài phần, chứ đừng viện cớ này hoặc lẽ nọ mà… “chuồn êm” !
Chấp nhận không là điều dễ làm, rất cần phải can đảm, vậy mới có thể “MỈM CƯỜI khi GIAN KHỔ”. Chấp nhận chịu khổ mới có sướng, chấp nhận thua mới khả dĩ thắng. Thánh Phaolô cho biết: “Xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa, cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt” ( 1Cr 15, 50 ).
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết chấp nhận thua thiệt trước mặt người đời để có thể chấp nhận bước theo Đức-Kitô-chịu-đóng-đinh. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
 

TN13-C116: Phản ứng của Đức Giê-su (9: 55-56)

Chúa Giê-su điều chỉnh ước muốn trả thù của các môn đệ Ngài: “Đức Giê-su quay lại quở mắng các TN13-C116

Chúa Giê-su điều chỉnh ước muốn trả thù của các môn đệ Ngài: “Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông, vì Ngài đến để cứu sống chứ không để hủy diệt con người (x. Lc 19: 10; Ga 12: 47). Các Tông Đồ dần dần học biết rằng không nên phản ứng theo cảm xúc bốc đồng, nhất là nóng giận; phải định hướng phản ứng của mình theo sứ mạng của Thầy mình: không nhằm giết chết nhưng để cứu sống. Nếu làng này không tiếp đón mình thì sang làng khác: Rồi Thầy trò đi sang làng khác. Theo cách suy nghĩ loài người, nhường là thiệt thòi, nhịn là nhục; nhưng theo suy nghĩ của Chúa, nhịn nhục là biểu lộ một nhân cách vững vàng và một tấm lòng khoan dung, rộng lượng và tha thứ:Chúa làm mọi việc theo một cách thức đáng thán phục…Người hành xử theo cách này để dạy cho chúng ta rằng nhân đức thiện hảo không có bất kỳ ước muốn trả thù, và ở đâu có đức ái chân thật đó không có sự giận dữ - nói cách khác, người ta không nên cư xử sự yếu đuối một cách khắc nghiệt nhưng nên giúp đỡ. Tâm hồn thánh thiện phải tránh xa sự phẩn uất, và tâm hồn vĩ đại phải tránh xa ước muốn trả thù” (St Ambrose, Expositio Evangelii sec. Lucam, in loc.).
 

 

4. Những điều kiện đ làm môn đ của Đức Giê-su (9: 57-62)

Trong bản văn này, Chúa Giê-su giải thích kỷ những ai muốn đi theo người, nghĩa là muốn làm môn đệ Người. Sống ơn gọi Ki-tô hữu không là một công việc dể dàng và thuận tiện: nó mời gọi từ bỏ bản thân mình và đặt sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng ưu tiên trên hết mọi công việc khác.
 
Bản văn này gồm có ba cảnh: hai cảnh đầu thánh Lu-ca có chung nguồn với thánh Mát-thêu (Mt 8: 19-22), còn cảnh thứ ba thuộc nguồn riêng của thánh Lu-ca (9: 61-62). Trong cảnh thứ nhất và cảnh thứ ba, hai người tự nguyện xin làm môn đệ; còn trong cảnh thứ hai, chính Chúa Giê-su lên tiếng mời gọi; tuy nhiên trong cả ba cảnh, dù tự nguyện hay được Chúa lên tiếng mời gọi, cả ba người đều đặt điều kiện. Điều quan trọng trong cả ba cảnh này không phải là các nhân vật, vì không chi tiết nào mô tả các nhân vật như thế nào, mà là giáo huấn của Chúa Giê-su về những điều kiện để làm môn đệ Người.
 
A- Cảnh thứ nhất (9: 57-58): Chúng ta tham dự vào bối cảnh kinh điển, trong đó người môn đệ chọn vị thầy mà mình muốn đi theo thầy, anh bỏ gia đình trong một hoặc nhiều năm để đến ở với thầy và thụ huấn với thầy (x. Ga 1: 37-39). Chúng ta thấy ở đây trường hợp một người muốn đi theo Đức Giê-su, nhưng với một điều kiện – xin cho anh được phép từ biệt gia đình trước đã. Vì thấy anh chưa dứt khoát, Chúa Giê-su cho anh một câu trả lời: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu. Qua câu trả lời này, Chúa Giê-su cho anh biết Ngài không giống như các kinh sư khác: cuộc sống của Người rày đây mai đó, bởi vì Người là một nhà du thuyết bị khước từ. Bị truy nã, Ngài không có nơi nương náu cố định, không có chỗ tựa đầu để nghỉ ngơi yên ổn mà luôn phải trốn tránh. Như vậy, những ai muốn theo Ngài, muốn làm môn đệ của Ngài sẽ phải chia sẻ cuộc đời của một nhà du thuyết vô gia cư, không có một mái nhà để qua đêm, luôn luôn sống trong ơn quan phòng của Thiên Chúa.
 
B- Cảnh thứ hai (9: 59-60): Chúa Giê-su chủ động kêu gọi anh (x. các trình thuật về ơn gọi 5: 27). Người được kêu gọi đưa ra một điều kiện: Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã”. Ý của người này tuy cũng muốn theo Chúa Giê-su, nhưng xin khuất một thời hạn cho tới khi cha anh chết và được chôn cất xong xuôi, nghĩa là chu toàn chữ hiếu đối với cha, rồi anh mới theo Ngài. Câu trả lời của Chúa Giê-su khiến chúng ta phải kinh ngạc: Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa, vì câu trả lời này đụng chạm đến bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ (Xh 20: 12). Không phải Chúa Giê-su coi nhẹ những bổn phận của con cái đối với cha mẹ (x. Mt 15: 3-9), nhưng Ngài dạy rằng mỗi việc đều có một thời điểm quyết định, nếu bỏ lỡ giờ phút ấy, có thể việc đó sẽ không bao giờ được thực hiện. Nghĩa vụ loan báo Triều Đại Thiên Chúa, bổn phận phục vụ Tin Mừng, cấp bách đến mức phải đặt ưu tiên lên hàng đầu, phải vượt qua cả những mối liên hệ gia đình, nhất là trong trường hợp có xung đột giữa hai bên thì người môn đệ phải coi trọng Nước Thiên Chúa hơn.
 
C- Cảnh thứ ba (9: 61-62): Chúng ta trở về với trường hợp kinh điển, một người tự nguyện theo Chúa Giê-su nhưng với một điều kiện: Nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã”. Chúa Giê-su trả lời: Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa. Câu trả lời của Chúa Giê-su gợi nhớ câu chuyện ơn gọi của ngôn sứ Ê-li-sa (1V 19: 19-21). Khi Ê-li-sa đang cày với đôi bò trên cánh đồng, ngôn sứ Ê-li-a mời gọi ông làm môn đệ của mình; ông xin phép được về từ giả cha mẹ mình trước đã. Được phép của thầy, ông trở về nhà, giết cặp bò, lấy cày làm củi, mở tiệc đãi người thân, rồi bắt đầu theo ngôn sứ Ê-li-a. Nhưng ở đây Chúa Giê-su đòi hỏi còn quyết liệt hơn ngôn sứ Ê-li-a: khi đã tra tay cày bừa cánh đồng của Thiên Chúa, trong đó Chúa khai mở Triều Đại của Người, người môn đệ không được “ngoái lại đằng sau, đừng quyến luyến quá khứ (của cải, địa vị, những nhân tình thế thái), đoạn tuyệt với con người cũ kể cả những mặc cảm tội lỗi xưa kia, để dành trọn tấm lòng không san sẻ với bất cứ điều gì mà chỉ toàn tâm toàn ý chăm lo công việc Nước Thiên Chúa mà thôi. Chính gia đình cũng thuộc vào một trong những thứ đắt giá mà người môn đệ của Ngài phải bỏ lại đằng sau (x. 18: 29): Với một tấm lòng chân thành và trung tín của chúng ta đối với sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao gởi, chúng ta phải trang bị mình để đối đầu với những chướng ngại chúng ta gặp phải: 'Không có lý do ngoái lại đằng sau' (x. Lc 9: 62). Chúa bên cạnh chúng ta. Chúng ta phải trung tín và chân thành; chúng ta phải đương đầu với những bổn phận của chúng ta và chúng ta sẽ gặp thấy nơi Đức Giê-su tình yêu và sự khuyến khích mà chúng ta cần để hiểu những lỗi lầm của tha nhân và vượt qua những lỗi lầm của chính mình (Bl. J. Escriva, Christ is passing by, 160). Vì thế, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta phải cân nhắc cẩn trọng: Quyết định theo Đức Giê-su không chỉ là kết quả nhất thời của niềm phấn khởi nhiệt tình; điều đó đòi hỏi một quyết định có tính cách kiên quyết (J. Fitzmyer).  
 
Chúng ta đón nhận ơn thiên triệu một cách vô ích, khi mà chúng ta đón nhận nó ở ngưỡng cửa trái tim của chúng ta mà không để cho nó đi vào trong trái tim mình. Chúng ta đón nhận nó mà không đón nhận nó, nghĩa là, chúng ta đón nhận nó mà không sinh hoa kết trái, bởi vì chẳng có ích lợi gì khi cảm thấy một nguồn cảm hứng nếu như chúng ta không chấp nhận nó… Đôi khi xảy ra rằng được gợi hứng làm điều chúng ta đồng ý không phải với tất cả nguồn cảm hứng nhưng chỉ một phần, như những người tốt lành đó trong Tin Mừng, họ được Chúa chúng ta gợi hứng theo Người, nhưng bày tỏ thái độ dè dặt, người thì xin phép chôn cất cha mình trước đã, người khác thì xin phép từ giã gia đình của mình (St Francis de Sales, Treatise on the Love of God, book 2, chap. 11).

Tác giả bài viết: Lm Hồ Thông HT68
Nguồn tin: Gia đình Cựu Chủng sinh Huế

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây