(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 168) -------------------------------------
Bạn thân mến,
Câu chuyện, mà tôi sắp kể ra đây, chắc là bạn không tin đâu, và chắc bạn cũng chẳng có ngờ tới đâu. Mà nói thiệt, chính bản thân tôi, tôi cũng chẳng ngờ tới nữa.
Số là tôi đã chết cách đây đã được 25 năm rồi.
Ngày giờ tôi chết, tôi đã không ngờ. Mà cái cách chết của tôi, tôi cũng không ngờ là thê thảm đến mức như vậy:
Tôi đã chết vì một tai nạn giao thông.
Khi tôi chết, trông tôi thật thảm hại vô chừng.
Nhưng cái thê thảm nhất đáng nói ở đây, đó là lòng người ta đã quay mặt hẳn đối với tôi, ngay sau khi tôi chết.
*****
Như thói quen của mọi người, thì sau khi chết được 3 năm, tôi đã có đến tảo mộ lần thứ nhất.
Ngày đó, tôi thấy mộ của tôi không còn hoa thơm, không còn có ai đứng bên cạnh mộ tôi.
Mà nói thiệt, tôi đứng đó suốt một buổi chiều, trong hồi hộp đợi chờ, mà chẳng thấy có một bóng người đến viếng mộ tôi.
Mây trời thì cứ dần dần hạ thấp xuống, làm xám xịt cả một chân trời.
Cuối cùng, những tia nắng yếu ớt cũng đã tắt hẳn.
Dẫu vậy, tôi vẫn cứ tiếp tục đứng đó chờ đợi thật lâu rồi mới đi.
Tôi nhớ rất rõ: Nghĩa trang hôm ấy vắng lặng, im lìm, lạnh ngắt, không một ngọn gió.
Nhưng cũng phải thành thật công nhận rằng: Sau 3 năm tôi chết, thì vẫn còn có vài người nhớ đến tôi, xin lễ và cầu nguyện cho tôi.
Còn việc ra viếng mộ của tôi thì chẳng còn thấy một ai nữa.
Tôi thấy rõ điều đó, cho nên những năm kế tiếp, tôi đã không trở lại mộ tôi. Bởi nếu tôi có trở lại, thì năm nào rồi cũng sẽ như thế thôi.
Đợi cho đến hôm nay, 25 năm sau, tôi mới trở lại ngôi mộ của tôi một lần nữa, bởi tôi coi đây là một kỷ niệm đặc biệt của tôi, ngày Lễ Bạc của tôi.
Tôi trở lại, đứng bên cạnh mộ tôi, nơi mà tôi đã từng đứng trước đây, khi tôi đến tảo mộ lần thứ nhất cách đây 22 năm.
Nhìn vào bia mộ của tôi, tôi thấy tên của tôi vẫn còn. Tên của tôi, tuy đã được khắc ghi vào bia đá, nhưng rong rêu đã phủ đầy gần kín, làm cho hình ảnh và tên tuổi của tôi đã bị nhoè đi, lem luốc lổ chỗ.
Còn mộ đá của tôi thì cũng cùng chung một số phận:
Mộ tôi không còn sạch đẹp như ngày tôi mới chết.
Mộ tôi nay đã bị xuống cấp trầm trọng. Rong rêu đóng bám khắp nơi, làm cho mộ tôi giống như một khối đá xần xù, đen điểu, xám xịt, bẩn thỉu.
Nhìn quanh cái nghĩa trang bây giờ, tôi thấy đã thay đổi khá nhiều:
Ngày xưa, làm gì có cây cổ thụ bên cạnh mộ tôi.
Không biết người ta đã trồng nó tự bao giờ, mà bây giờ cái tàn của nó quá lớn, che kín cả một vùng trời, che kín cả mộ tôi.
Các loại giây leo thì cũng đua nhau bao phủ chằng chịt trên thân nó.
Còn cái mộ bên cạnh tôi xưa kia, nay đã không còn nữa, bởi người ta đã bốc nó đi đâu rồi. Thay vào đó là cái mộ mới, với một cái tên lạ hoắc.
Tôi thấy có điều này vẫn còn giống hệt như xưa, đó là nghĩa trang vẫn lạnh tanh, và yên tĩnh vô chừng. Vẫn tiếng dế kêu, vẫn tiếng ễnh ương rên rỉ nghe thật não nề.
Còn các côn trùng thì vẫn thi nhau ca hát về đêm, tiếng của chúng hoà vào nhau thành một bản nhạc bi ai, thật buồn thảm.
Tôi tiến lại gần mộ của tôi, và cố nhìn vào cái xác của tôi ở dưới lớp đất sâu, tôi thấy chiếc quan tài đã mục từ bao giờ.
Đất đã xập xuống, đè lên bộ xương của tôi. Đất thì ẩm ướt, sền sệt như bùn, quyện vào xương của tôi, trông thật nhơ nhớp kinh hồn.
Tôi phải chịu cảnh nhơ nhớp này quanh năm ngày tháng.
Còn hình hài của tôi thì nay trông thật chẳng ra gì.
Chính tôi cũng không còn có thể nhận ra tôi nữa.
Các sâu bọ thì thi nhau bám vào xương tôi, làm cho bộ xương của tôi không còn nhẵn nhụi như trước nữa.
Chiếc sọ đầu thì hình như còn nguyên vẹn hơn.
Hai hốc mắt sâu hoắc, trông rất to, trông thật đáng sợ.
So sánh với những chiếc sọ chung quanh, thì sọ nào cũng giống như sọ nào, không còn có thể phân biệt ai là ai nữa.
Khi còn trẻ, tôi đã tốn biết bao công sức, tiền bạc, thời gian, để lo chăm sóc cho mái tóc của tôi được óng ả, cho làn da của tôi được mịn màng, quyến rủ, hấp dẫn.
Thế mà bây giờ, tất cả đã chẳng còn gì. Rõ ràng, tôi đã làm những việc không công vô ích, đúng là công dã tràng: Cái sọ đầu của tôi, nay thì trọc lóc, da thịt của tôi thì đã làm mồi cho côn trùng. Nhìn vào tôi, sao tôi cảm thấy quá xa lạ đối với chính mình.
Đã thế, ngày tảo mộ lần thứ hai này, tạm gọi là ngày lễ bạc của tôi đi, tôi đã biết chắc là sẽ rất thê thảm. Chắc chắn là không có ai ra viếng mộ tôi đâu. Chắc chắn là chẳng có một bông hoa nào ở mộ tôi đâu. Một cây nhan chắc chắn cũng sẽ không có đâu.
Nhưng tôi vẫn cố tình trở lại mộ tôi, bởi đây là kỷ niệm 25 năm ngày chết của tôi, là kỷ niệm đặc biệt của riêng tôi.
Bất chợt tôi nghe có tiếng khóc, thì ra một đám tang mới. Người ta đang khiêng một người thân mới qua đời ra mộ để chôn: Có linh mục mặc áo lễ. Mọi người đang cầu kinh. Có ca đoàn hát rất rôm rả. Tôi thấy quanh mộ có rất nhiều hoa tươi, rất nhiều vòng cườm, đủ cỡ, đủ loại, những thứ, mà chỉ vài ngày nữa thôi, là người ta sẽ hốt cho vào hố rác.
Tôi nhớ lại: Sao mà giống tôi đến thế cách đây 25 năm.
Khi nhìn kỷ ngôi mộ bên cạnh, tôi mới nhận ra, là tên của một người đàn bà. Bà chỉ mới chết thôi. Áo quần còn mới lắm, còn đẹp lắm, có vẻ sang trọng lắm, nhưng bên trong, thân xác đã bị thối rửa rồi, dòi bọ thì lúc nhúc đông vô kể. Chúng chen chúc để rút rỉa da thịt của bà.
Tôi đi tìm những người trí thức, nhưng không thấy ai cả. Bởi sau khi chết, mọi khối óc đều đã tan rửa thành đất. Chỉ còn lại cái hộp sọ trống rỗng. Mà nhìn hộp sọ, thì ai cũng giống như ai.
Tôi cũng có đi tìm những người danh giá nổi tiếng. Nhưng cũng chẳng thấy có ai, bởi ai cũng giống như ai, chẳng có ai sang hơn ai, cũng chẳng có ai hèn hơn ai. Bởi tất cả cũng chỉ là những bộ xương đen đủi, bẩn thủi, tanh hôi, ghê tởm mà thôi.
Tôi cũng có đi tìm những người giàu có. Nhưng cũng không hề thấy có ai, bởi nhìn vào những bộ xương trần trụi, nằm giữa khối bùn đen nhớp nhúa, không một mãnh vãi che thân, thì làm gì biết ai là những con người quyền quí, cao sang, giàu có.
Còn vàng bạc, đá quí, hột xoàng, kim cương... nói chung là những đồ trang sức, nếu xưa kia đã có, thì họ cũng đã bị những người thân tuốt lột hết tất cả rồi, ngay khi họ vừa tắt thở. Bởi những của quí giá đó, những người thân muốn giữ lại cho họ. Người ta chỉ chôn xác chết mà thôi.
*****
Sau đó, tôi đã rời bỏ nghĩa trang, để đi rảo quanh những con đường, mà xưa kia tôi vẫn thường đi:
Nhà cửa hai bên đường trông đẹp hơn xưa, đường xá rộng rãi hơn xưa, xe cộ tấp nập hơn xưa. Nhưng trông ai cũng có vẻ tất bật, hối hả, vội vàng, trên gương mặt và trong ánh mắt, thấy phản phất nhiều lo âu, nhiều buồn sầu, nhiều khổ đau.
Trên đường đi, tôi thấy người ta thường hay chào hỏi nhau rất lịch sự, nhưng hình như họ không gặp được nhau. Bởi sau cái chào vội vàng, thì họ đã quên ngay, không còn nhớ là đã chào ai nữa.
Tôi có nhận ra được một vài người thân quen. Nhưng trông họ đã thay đổi quá nhiều.
Gương mặt họ trông đã già hẳn đi. Những vết nhăn hiện rõ trên gương mặt. Còn sắc mặt thì xanh xao hốc hác.
Hình như, họ đang bị nhiều thứ bệnh tật dày vò, làm cho họ khổ đau. Chân thì đi không vững. Tay thì bị run run rẫy rẫy.
Tôi cũng nhận ra được một vài người thân quen khác, nhưng thấy họ không còn sống chung với con cháu trong gia đình nữa, mà phải sống trong những nỗi cô đơn buồn tuổi ở các viện dưỡng lão.
Một số khác thì lại phải lê lết cuộc sống trong thân xác bệnh hoạn ở các cơ sở từ thiện xã hội.
Thật đáng thương cho họ biết chừng nào !!!
Tôi có trở lại chính gia đình của tôi. Tôi thấy các sách vở, các bài viết, các giấy tờ, các hình ảnh, bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương... những thứ, mà xưa kia tôi rất quí, tôi rất trân trọng, bởi tôi đã phải mất biết bao nhiêu là thời gian, mất biết bao nhiêu công phu, công sức mới có được.
Thế mà bây giờ, người ta đã dẹp chúng đi đâu cả rồi. Không biết họ đã cân ký bán ở chợ, hay đã cho vào cái hố rác nào đó, hay đã làm mồi cho lão táo rồi.
Kể cả di ảnh của tôi, khi mà tôi mới chết, người ta rất trân trọng, lúc nào cũng đầy dẫy bông hoa, hương khói nghi ngút.
Nhưng bây giờ thì không còn thấy một dấu vết gì nữa. Bởi những người đến sau đã không còn biết tôi là ai nữa ?
Đó, là những gì tôi đã ghi nhận được, sau khi tôi trở lại, nhân kỷ niệm 25 năm, ngày chết của tôi.
Tôi không ngờ ngày lễ bạc của tôi, khi tôi tảo mộ lần thứ 2, lại buồn tẻ, thê thảm đến thế.
Bây giờ, tôi lại càng xác tín thêm: Ngày lễ bạc, cũng chỉ là kỷ niệm của riêng tôi thôi.
Nhưng từ đó, tôi cũng đã ngộ ra được một sự thật thê thảm về lòng người. Mà phải như vậy thôi, bởi đời là thế, thế đời là thế.
Tôi nghĩ:
Nếu bây giờ, tôi được trở lại với cái kiếp người, tôi quyết tâm sẽ sống khác hẵn, tôi sẽ không sống như lúc trước đâu:
- Tôi sẽ không mất quá nhiều thời gian để chạy theo những hư danh phù phiếm.
- Tôi sẽ không quá bận tâm lo tích lũy những của cải tạm bợ chóng qua, mà phải quyết tâm dùng thời gian, dùng tiền bạc, dùng của cải, dùng tài năng và dùng công sức nhiều hơn, để lo đầu tư cho phần rỗi đời đời của mình.
Tuy quyết tâm là như vậy, nhưng mà đã quá trễ, bởi dễ dàng gì mà tôi lại có được cái may mắn đó.
Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con yếu đuối, vì con tội lỗi.
Xin cho những người còn đang sống hôm nay, biết ý thức được cuộc sống họ đang sống, để đừng hoang phí thời gian nữa, mà phải biết lo, phải biết nghĩ, phải biết cân nhắc cho kỷ, biết chọn lựa cho đúng những cái đáng phải chọn lựa, và phải biết can đảm loại bỏ những gì là tạm bợ, là phù phiếm, là chóng qua, là vô ích, để còn biết dành nhiều thời gian, tiền bạc, của cải, công sức, mà đầu tư cho phần rỗi đời đời của mình. Amen.