Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 23 TN-A Bài 101-150: Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em
------------------------------------------
Phúc Âm: Mt 18, 15-20: “Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”. - Ðó là lời Chúa.
------------------------------------------
TN 23-A101: Chúa Nhật 23 mùa Thường niên, A.. 2
TN 23-A102: Chúa Nhật thứ 23 Thường Niên. 6
TN 23-A103: CHÚA NHẬT 23 QUANH NĂM... 10
TN 23-A104: CHÚA NHẬT 23 QUANH NĂM... 14
TN 23-A105: CHÚA NHẬT XXIII-THƯỜNG NIÊN 2002. 16
TN 23-A106: CHÚA NHẬT XXIII QUANH NĂM, NĂM A.. 18
TN 23-A107: KHI ANH EM SỬA LỖI NHAU.. 20
TN 23-A108: LIÊN ĐỚI 23
TN 23-A109: SỐNG BÁC ÁI, HIỆP THÔNG ĐỂ CÙNG NHAU THĂNG TIẾN.. 27
TN 23-A110: Sửa lỗi cho nhau. 29
TN 23-A111: Hào quang của tha thứ – Thiên Phúc. 32
TN 23-A112: Hoà giải 33
TN 23-A113: Trách nhiệm - Lm. Giuse Trần Việt Hùng. 35
TN 23-A114: Nghĩa vụ yêu thương. 37
TN 23-A115: Nhắc nhở cách nào?. 39
TN 23-A116: Chu toàn bổn phận. 41
TN 23-A117: Sửa lỗi cho nhau – Phêrô Nguyễn Hưởng. 43
TN 23-A118: Trách nhiệm liên đới 44
TN 23-A119: Sinh hoạt trong đạo - Lm Vũ Đình Tường. 45
TN 23-A120: Tương trợ. 47
TN 23-A121: “Hãy đi sửa dạy nó”. 48
TN 23-A122: CÁCH SỬA LỖI NHAU.. 50
TN 23-A123: Rất Cần Tình Bác Ái Huynh Đệ. 51
TN 23-A124: CHÚA NHẬT 23 QUANH NĂM... 53
TN 23-A125: CHÚA NHẬT XXIII QUANH NĂM... 56
TN 23-A126: SUY NIỆM CN 23 TN A.. 59
TN 23-A127: CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN A.. 61
TN 23-A128: Sửa lỗi cho nhau. 65
TN 23-A129: Chúa nhật XXIII Thường Niên, năm A: 68
TN 23-A130: SỬA LỖI NGƯỜI ANH EM... 70
TN 23-A131: NGHỆ THUẬT SỬA LỖI 72
TN 23-A132: Ai cũng có lỗi và sử lỗi thế nào ?. 74
TN 23-A133: Chúa Nhật 23 Thường Niên. 76
TN 23-A134: Để thu phục người anh em.. 79
TN 23-A135: Sửa lỗi – Sr Mai An Linh. 80
TN 23-A136: Sửa Lỗi Cho Người và Cả Của Mình. 82
TN 23-A137: GIÚP NHAU NÊN TỐT VÀ GIÚP PHÁT TRIỂN CỘNG ĐOÀN.. 86
TN 23-A138: NGƯỜI ANH EM CỦA ANH.. 89
TN 23-A139: Cảm thương người lầm lỗi 92
TN 23-A140: Yêu Thương Đồng Loại 94
TN 23-A141: GIÚP ANH EM SỬA LỖI VÀ TIẾN BỘ.. 99
TN 23-A142: Sửa Lỗi Cho Anh Em.. 103
TN 23-A143: SỨ ĐIỆP TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIII TN.A.. 105
TN 23-A144: Chú giải và gợi ý suy niệm của Lm. Inhaxiô Hồ Thông. 107
TN 23-A145: SỬA ĐỔI HUYNH ĐỆ LÀ BỔN PHẬN CỦA TÌNH YÊU.. 113
TN 23-A146: Bài giảng của Lm. Giuse Đinh Tất Quý. 115
TN 23-A147: Giúp nhau sửa chữa lỗi lầm.. 117
TN 23-A148: LÊN TIẾNG HAY KHÔNG LÊN TIẾNG ?. 119
TN 23-A149: HÃY SỬA LỖI CHO NHAU.. 122
TN 23-A150: Tế nhị 124
------------------------------------------
Con đường người môn đệ Đức Ki-tô phải đi là con đường thập giá, qua đau khổ tiến đến vinh quang: TN 23-A101
Con đường người môn đệ Đức Ki-tô phải đi là con đường thập giá, qua đau khổ tiến đến vinh quang. Tuy nhiên đối với cuộc sống cộng đồng, nhất là trong những tương quan với anh chị em, môn đệ Đức Ki-tô phải phản ảnh một góc cạnh vô cùng độc đáo của lối sống Ki-tô, đó là giúp đỡ và nhắc nhở anh chị em trở nên hoàn hảo mỗi ngày một hơn, hay nói khác đi, đó là giúp anh em sửa đổi những lỗi lầm. Tác vụ ngôn sứ của Chúa Ki-tô làm cho Người trở thành người anh cả nhắc bảo sửa dạy đàn em nhân loại. Động lực duy nhất khiến Người thẳng thắn chỉ vạch những lỗi lầm sai trái của nhân loại là vì tình yêu. Những điểm này đã được Lời Chúa trong Phụng vụ Thánh Lễ hôm nay trình bày.
1. Tác vụ ngôn sứ là giúp người khác sửa đổi nên hoàn thiện (bài đọc Cựu Ước – Ed 33:7-9)
Trước kia ngôn sứ được gọi là tiên tri. Ngày nay ta sử dụng từ ngôn sứ để tránh hiểu lầm các ngài là những người chỉ “nói tiên tri” hoặc báo trước những điều sắp xảy tới. Dĩ nhiên nói tiên tri là một phần của tác vụ ngôn sứ, nhưng chủ yếu là các ngài chuyển sứ điệp của Thiên Chúa đến cho người khác, các ngài “nói thay” cho Thiên Chúa. “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết” (Ed 33:7).
Nội dung các sứ điệp thường là những điều mời gọi dân Chúa sửa đổi cách sống, cải tà quy chính, từ bỏ tà thần để quay lại với Thiên Chúa. Do đó, khi trình bày những sứ điệp này, vị ngôn sứ chẳng khác gì “người canh gác cho nhà Ít-ra-en”, báo động cho dân chúng biết nguy cơ sụp đổ, chết chóc, tiêu diệt họ sẽ phải chịu nếu không thực hành điều chính trực Thiên Chúa chỉ dạy. Khi Thiên Chúa kêu gọi ai làm ngôn sứ thì Người trao cho họ nhiệm vụ “canh gác” đó và họ phải “nói để cảnh cáo kẻ gian ác từ bỏ con đường xấu xa”. Nói là bổn phận của vị ngôn sứ, còn nghe và thi hành là bổn phận của kẻ gian ác. Người canh gác có bổn phận phải la to lên để cảnh báo kẻ gian ác, còn kẻ gian ác có chịu nghe hay không thì đó là trách nhiệm của nó. Bất cứ ai không chu toàn bổn phận của mình, ngôn sứ cũng như kẻ gian ác, đều bị trừng phạt, là “phải chết”. Đoạn sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en, bài đọc 1 của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đã mô tả tác vụ giúp người khác sửa đổi đời sống là tác vụ chính ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã thi hành. Đọc sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en, hầu như ta chỉ thấy những việc “hạch tội”, nhất là tội Giê-ru-sa-lem và Sa-ma-ri đã bất trung cùng Thiên Chúa mà theo các thần ngoại. Ngài đã chu toàn tác vụ của ngài.
Hình ảnh ngôn sứ Ê-dê-ki-en được áp dụng cho Chúa Giê-su, vị Đại Ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến trần gian để nói với nhân loại chứ không phải chỉ để nói thay cho Thiên Chúa. Chúa Giê-su là chính Lời của Thiên Chúa, khác với các ngôn sứ là lời của loài người được Chúa dùng để chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa (Dt 1:1). Chúa Giê-su đến trần gian để giúp nhân loại thay đổi tận gốc rễ, từ căn tính cho đến lối sống và số phận tương lai. Người được Thiên Chúa đặt làm “người canh gác” cho nhà Ít-ra-en Mới. Lời rao giảng đầu tiên của Người trong tác vụ ngôn sứ là: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1:15). Trong suốt thời gian rao giảng, Chúa Giê-su đã kêu gọi người ta thay đổi tương quan giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau. Tất cả phải lấy tình yêu làm căn bản để hành xử, giữ Lề Luật vì yêu mến Thiên Chúa và yêu tha nhân, kể cả việc sửa lỗi anh em cũng phải lấy tình yêu làm động lực. Thi hành tác vụ ngôn sứ, Chúa Giê-su đã đặc biệt đến với những người tội lỗi để giúp họ quay về đường chính nẻo ngay. Người tiếp đón họ với tình yêu nồng nhiệt, bất chấp những lời kết án của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư. Tóm lại, Người đã làm đủ cách để giúp người ta sửa đổi, bằng lời giảng, gương sáng và đôi khi bằng những lời tố cáo thẳng thắn. Cũng chính vì nói thẳng và nói thật, Người đã phải chịu những chống đối đưa dần tới cái chết khổ nhục.
2. Động lực khiến ta giúp anh em sửa đổi là tình yêu (bài đọc Tân Ước – Rm 13:8-10)
Giúp người khác sửa đổi là một phần của tác vụ ngôn sứ. Nhưng giúp người khác sửa đổi phải là do động lực chính đáng. Nhiều khi ta “sửa lưng” người khác là vì tức tối bực bội, hoặc tệ hơn nữa là muốn hạ nhục họ cho bõ ghét, nhất là khi ta sống trong một cộng đoàn và không thể tránh khỏi những va chạm cá nhân hoặc tập thể. Ta thường bị lôi kéo giữa hai điều: một đàng phải thi hành tác vụ ngôn sứ để giúp người khác sửa đổi trong tinh thần yêu thương, đàng khác ta dễ bị tính kiêu căng hoặc ganh ghét xúi giục ta làm cho người khác phải thua kém ta. Nếu không có lòng yêu thương đích thực, ta sẽ biến việc sửa lỗi anh chị em thành việc nói hành nói xấu hoặc làm cho họ mất mặt trước những người khác. Vì tầm quan trọng của động lực yêu thương nên thánh Phao-lô không ngần ngại gọi yêu thương là “món nợ tương thân thương ái”. Ngài còn quả quyết về hiệu năng của lòng yêu thương: “Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13:8). Tiếp theo, ngài đan cử một số lề luật liên quan đến việc yêu người và không làm hại người khác, thí dụ không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp hoặc ham muốn… Cuối cùng ngài nêu lên một nguyên tắc luân lý nói chung, đồng thời sẽ được áp dụng đặc biệt trong việc sửa lỗi anh chị em, là: “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13:10).
Chắc chắn đây là nguyên tắc luân lý cần thiết nhất ta phải theo mỗi khi thi hành tác vụ ngôn sứ để sửa lỗi anh chị em. Mỗi lần ta muốn giúp người khác sửa đổi, điều trước tiên là ta phải tự hỏi mình: tôi làm điều này vì lòng yêu thương đích thực hay vì ý nào khác? Lòng yêu thương giúp ta nhận ra mục đích của việc sửa lỗi, nhưng lòng yêu thương ấy cũng phải giúp ta biết chọn lựa phương tiện hoặc cách thức nào để “nói” với anh chị em mà vẫn giữ được tình cảm tốt đẹp. Tóm lại việc sửa lỗi anh chị phải tuyệt đối đặt trên nền tảng yêu thương, là điều Chúa Ki-tô đã thi hành trong suốt sứ mệnh cứu độ của Người.
3. Thực hành việc sửa lỗi anh chị em (bài Tin Mừng – Mt 18:15-20)
Để giúp các môn đệ thi hành hữu hiệu tác vụ ngôn sứ giúp anh chị em sửa đổi, Chúa Giê-su đã cho họ những lời khuyên vô cùng thực tế. Trước hết, sửa lỗi anh chị em là một bổn phận. “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó”. Đó là mệnh lệnh, chứ không phải là việc ta muốn làm hay không tùy ý. Nhưng sửa lỗi như thế nào đây? Chắc chắn không phải là đùng đùng nổi giận, gặp ngay anh chị em rồi mắng sa sả họ trước mặt người khác cho họ chừa! Nhưng có từng bước khác nhau phải lần lượt theo thì mới bảo toàn được lòng yêu thương. Bước thứ nhất là giữa ta với người cần sửa đổi. Nếu không thành công, bước thứ hai sẽ là giữa một nhóm vài ba người với người cần sửa đổi. Bước cuối cùng là giữa cộng đoàn với người cần sửa đổi. Tiến theo từng bước như vậy trước hết giúp cho người cần sửa đổi khỏi bị mất danh dự, đồng thời dễ nhận ra được động lực yêu thương nơi người giúp họ sửa đổi. Tuy nhiên, việc thêm người từ một người đến hai ba người rồi đến cả cộng đoàn không được trở thành một thứ áp lực, trái lại là cơ hội để người cần sửa đổi nhận ra tình thương mỗi lúc một tăng thêm từ một cộng đoàn gồm những người sống giới răn yêu thương của Chúa. Việc sửa lỗi anh chị em là một hành vi yêu thương, cho nên nếu người cần sửa đổi biết nghe và hối cải thì đó cũng là hành vi đáp lại tình yêu thương của anh chị em hoặc cộng đoàn dành cho mình.
Song song với phương cách gặp gỡ người có lỗi để giúp họ sửa đổi, còn một điều ta cần làm trong việc sửa lỗi anh em, đó là cầu nguyện. Cầu nguyện giúp ta biết hành động theo ý Chúa. Cầu nguyện khi sửa lỗi anh chị em sẽ giữ vững động lực yêu thương để ta hành động theo tinh thần yêu thương. Sau hết, cầu nguyện làm cho việc sửa lỗi được thành công, bởi vì việc thay lòng đổi dạ không phải là do áp lực, nhưng còn do ơn thánh Chúa tuôn đổ vào tâm hồn người sửa lỗi cũng như người cần phải sửa đổi. “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Sự hiện diện của Chúa trong việc sửa lỗi anh chị em biến việc ấy thành một việc đạo đức và thiêng liêng, vượt trên cả luân lý bình thường của người đời.
4. Sống Lời Chúa
Sửa lỗi anh chị em là một trong những việc thuộc tác vụ ngôn sứ. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ta lãnh nhận chức năng vương giả, tư tế và ngôn sứ của Chúa Giê-su. Thi hành chức năng ngôn sứ trong việc giúp anh chị em sửa đổi, ta có nguyên tắc động lực yêu thương mà thánh Phao-lô nhắc nhở, nhất là phương cách thực tế Chúa Giê-su đã dạy ta theo từng bước. Dục tốc bất đạt, sửa lỗi anh chị em cần phải kiên nhẫn đi theo từng bước một, vì “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc…” (1 Cr 13:4tt). Có như vậy, việc sửa lỗi không còn là việc nặng nề ta ngại làm hoặc trở nên tồi tệ hơn, trái lại là cơ hội để những người anh chị em con cái Chúa giúp nhau nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng thiện hảo.
Suy nghĩ: Xét lại cách tôi đã sửa lỗi người khác, từ người trong gia đình tới bạn bè bên ngoài. Tôi có lấy lòng yêu thương làm động lực duy nhất không? Hay vì những ý đồ khác? Có khi nào tôi đã thực sự cầu nguyện cho những người anh chị em cần sửa đổi chưa? Trong gia đình, tôi có bắt chuớc thánh nữ Mô-ni-ca, cầu nguyện và kiên nhẫn để sửa dạy con cái không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Thiên Chúa tình yêu, xin dùng Thánh Thần Tình Yêu của Chúa mà biến đổi tâm hồn chúng con. Xin cho tư tưởng của chúng con phù hợp với tư tưởng của Chúa. Bấy giờ, đối với anh em cũng như đối với Chúa, chúng con sẽ chỉ có một mối tình. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men. (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu xin ơn bác ái).
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
5-9-2008
----------------------------------
(4-9-2005)
Phương cách mình sửa lỗi anh em nói lên tình yêu của mình đối với họ
ĐỌC LỜI CHÚA
• Ed 33,7-9: (8) Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. (9) Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.
• Rm 13,8-10: (8) Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. (9) Các điều răn đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (10) Yêu thương chính là chu toàn Lề Luật vậy.
• TIN MỪNG: Mt 18,15-20
Sửa lỗi anh em
(15) «Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. (16) Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. (17) Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
(18) «Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.
Hiệp lời cầu nguyện
(19) «Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. (20) Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
Người yêu thương anh em thật sự có nên sửa lỗi họ khi họ sai lỗi không? Có khi nào ta sửa lỗi anh em vì: TN 23-A102
1. Người yêu thương anh em thật sự có nên sửa lỗi họ khi họ sai lỗi không? Có khi nào ta sửa lỗi anh em vì ghen ghét họ, vì muốn tự đưa mình lên không?
2. Sửa lỗi anh em mà không tế nhị, mà xúc phạm đến họ thì có kết quả gì không? Tại sao? Giữa việc sửa lỗi và cách sửa lỗi, điều nào quan trọng hơn? điều nào dễ nói lên tình thương của ta hơn?
3. Theo Đức Giêsu, tinh thần phải có khi ta sửa lỗi anh em là gì?
Suy tư gợi ý:
1. Sửa lỗi anh em là bổn phận của tình thương
Toàn bộ giáo huấn của Kinh Thánh – cả Cựu lẫn Tân Ước – đều tóm gọn trong hai chữ yêu thương. Yêu thương có hai đối tượng chính là Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng theo giáo huấn của Đức Giêsu, tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa tất yếu phải được thể hiện thành tình yêu đối với tha nhân. Nghĩa là đã yêu Thiên Chúa thì tất nhiên phải thương tha nhân. Thánh Gioan viết: «Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại không yêu thương anh em mình, người ấy là kẻ nói dối» (1Ga 4,20). Vì tha nhân chính là hiện thân cụ thể và thấy được của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta, bất kể tha nhân đó là ai: người yêu ta hay người ghét ta, kẻ ta yêu hay kẻ ta ghét, người làm lợi cho ta hay kẻ thường làm hại ta, người thánh thiện hay người tội lỗi. Kẻ thù, kẻ xấu xa, kẻ tội lỗi mà ta còn phải yêu thương và mong muốn những điều tốt lành cho họ, huống gì người anh em cùng trong một cộng đoàn với ta, cùng chung một lý tưởng với ta, cùng theo Chúa như ta, phạm phải một số lầm lỗi nào đó. Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu dạy ta cách đối xử với những anh em có những lầm lỗi đó.
Khi anh em mình có lầm lỗi, Ngài không dạy ta cứ mặc kệ họ, mà đề nghị ta sửa lỗi cho họ: «Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi người ấy» (Mt 18,15a). Ngôn sứ Êdêkien còn cho việc sửa lỗi ấy là một bổn phận hay trách nhiệm: «Chúa phán: Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó» (Ed 33,8).
Sửa lỗi cho họ chính là cách thể hiện tình thương của ta đối với họ. Vì yêu thương ai thì phải tìm cách làm cho người ấy nên tốt, nên hoàn thiện hơn. Thấy anh em ta lầm lỗi, mà vì nể nang họ, sợ họ bị chạm tự ái, sợ họ buồn nên ta không đả động gì đến lỗi của họ, cứ để mặc họ tiếp tục lầm lỗi, thì đó không phải là yêu thương họ. Tình thương phải thúc giục ta đưa họ ra khỏi sai lầm, khỏi tội lỗi và điều xấu ác, vì nếu họ cứ tiếp tục lầm lỗi, thì hậu quả đến với họ sẽ là đau khổ (đau khổ tinh thần, tâm lý hoặc thể chất), và có thể nguy hại cho linh hồn họ.
2. Việc sửa lỗi không quan trọng bằng cách sửa lỗi
Sửa lỗi anh em khi họ lầm lỗi là bổn phận của yêu thương. Nhưng bản thân việc sửa lỗi không quan trọng và không biểu lộ tình thương bằng cách thức sửa lỗi cho họ. Phải sửa lỗi cách nào để người được sửa lỗi cảm nhận được ta yêu thương họ thật sự, chỉ mong họ nên tốt đẹp hoàn thiện hơn, và chính vì yêu thương họ mà ta sửa lỗi cho họ. Tâm lý thông thường của người lầm lỗi là họ chỉ sửa lỗi theo đề nghị của ta khi họ thấy ta thật lòng yêu thương họ. Có nhiều trường hợp ta sửa lỗi người khác chỉ để chứng tỏ rằng ta vô tội còn họ thì có tội, ta tốt lành còn họ thì xấu xa, ta hữu lý còn họ thì phi lý. Sửa lỗi kiểu ấy chỉ là một hình thức tự đề cao, tự đưa mình lên và hạ thấp người anh em xuống. Sửa lỗi kiểu ấy chỉ chứng tỏ ta tự yêu mình chứ không phải ta yêu thương gì họ, và hậu quả là chỉ gây nên oán thù, chia rẽ, đúng như câu «giáo đa thành oán!»
3. Cách sửa lỗi theo tinh thần yêu thương
Cách sửa lỗi anh em vì yêu thương thì khác hẳn với cách sửa lỗi vì muốn tự đề cao mình và muốn hạ người anh em xuống. Người bị sửa lỗi rất nhạy cảm để nhận ra được ta sửa lỗi họ theo cách nào. Vì thế, chính việc sửa lỗi không quan trọng bằng cách thức sửa lỗi. Nếu ta thật sự yêu thương người có lỗi, thì khi sửa lỗi họ, ta sẽ tỏ ra tôn trọng họ, tránh xúc phạm đến họ, nghĩa là tránh tất cả những câu nói nào có thể khiến họ đau khổ, buồn phiền, tức giận. Hãy xem trong cách giáo dục con cái, người ta vẫn nói: «dạy dỗ», nghĩa là «dạy thì phải dỗ», «dạy» phải luôn luôn đi với «dỗ» mới thành công. «Dỗ» là dùng những lời lẽ êm ái, ngon ngọt, dịu dàng, thấm nhuần tình thương để đề nghị với con cái mình hãy làm việc này hoặc đừng làm việc kia. Khi sửa lỗi người anh em mình, ta cũng cần dùng một phương pháp tương tự như vậy thì mới dễ có kết quả.
4. Sửa lỗi anh em theo tinh thần của Đức Giêsu
Đức Giêsu đưa ra một tiến trình gồm nhiều giai đoạn để sửa lỗi người anh em trong tinh thần tôn trọng và yêu thương họ.
1 Trước hết là «một mình anh với người ấy mà thôi…». Nghĩa là khi ta nhận ra lầm lỗi của người anh em, thì ban đầu phải tôn trọng sự kín đáo, riêng tư: chỉ một mình họ với ta biết cái lầm lỗi ấy thôi. Và trong sự thân mật riêng tư, ta tế nhị chỉ cho họ thấy rõ lầm lỗi của họ, đề nghị họ sửa lỗi bằng những lời lẽ yêu thương nhưng đầy tính thuyết phục. Hãy tự đặt mình vào vị thế của họ để thông cảm với hoàn cảnh và sự yếu đuối của họ khiến họ lầm lỗi. Đừng chỉ biết dựa trên nguyên tắc đạo lý hay luật lệ để trách móc họ như một người ngoại cuộc. Hãy nghĩ rằng rất có thể khi ở trong hoàn cảnh của họ, mình cũng sẽ cư xử chẳng khác gì họ, thậm chí có thể tệ hơn họ.
2) Chỉ khi giai đoạn 1 không thành công thì mới nên sử dụng tiếp giai đoạn 2: «nếu người ấy không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa…». Trong giai đoạn này, lầm lỗi của người anh em bị công khai hóa hơn, nhưng chỉ công khai trong một giới hạn nhỏ bé. Điều này cũng gây một áp lực nhẹ nhàng đòi buộc người ấy phải sửa lỗi. Song song với áp lực ấy, sự tham gia thêm của một vài anh em thân cận cũng tạo tính thuyết phục hơn.
3) Giai đoạn 2 mà vẫn không thành công thì đành phải đi đến giai đoạn 3: «Nếu người ấy không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh». Giai đoạn này mức độ công khai, sự thuyết phục và áp lực tạo ra từ đó trở nên nhiều và mạnh hơn nữa. Nhưng tính công khai vẫn còn phải giới hạn trong phạm vi nội bộ của tập thể (hội đoàn, giáo xứ, giáo phận, hay giáo hội địa phương…) chưa nên để lộ cho người ngoài Giáo Hội biết.
4) Giai đoạn 4: «Nếu Hội Thánh mà người ấy cũng chẳng nghe, thì hãy kể người ấy như một người ngoại hay một người thu thuế». Có những trường hợp người sai lỗi vẫn cứ ngoan cố với lỗi lầm của mình, thì phải tạo áp lực mạnh hơn nữa là coi người ấy như một người ngoài cộng đoàn hay ngoài Hội Thánh. Đây là giai đoạn bất đắc dĩ chỉ nên sử dụng sau khi đã dùng những biện pháp nêu trên nhiều lần mà vẫn không thành công. Nếu người ấy sửa lỗi, thì ta lại tiếp tục coi họ như người trong cộng đoàn hay trong Giáo Hội.
Tất cả những giai đoạn trên chỉ là những biện pháp để đưa người anh em sai lỗi của ta về đường ngay nẻo chính. Tất cả đều phải được thực hiện trong tâm tình yêu thương. Không nên bêu xấu, hạ nhục người anh em của mình. Nếu tất cả những biện pháp trên đều thất bại, thì ta đành phải chấp nhận giới hạn khả năng sửa lỗi của mình. Điều này không có nghĩa là loại trừ họ, coi họ không còn là anh em của mình, hoặc mình không còn phải yêu thương hay không còn trách nhiệm gì đối với họ nữa. Chỉ nên dùng những biện pháp thật mạnh như nhờ luật pháp ngoài đời can thiệp, hay công bố cho mọi người biết khi lỗi lầm ấy thật sự có hại cho Giáo Hội hay xã hội, và mình đã dùng tất cả những cách khác mà người có lỗi vẫn cố chấp không chịu thay đổi.
Thử suy nghĩ một người cha hay mẹ khi thấy con cái hư đốn thì sửa dạy chúng ra sao. Khi đã làm nhiều cách mà chúng không sửa đổi, thì phải kiên nhẫn tìm cách khác nữa. Khi đã tìm hết cách mà con không sửa đổi, thì cha mẹ chỉ biết khóc thầm, chịu đựng đau khổ, chứ không thể từ bỏ con hay ruồng rẫy con được. Không cha mẹ nào thật sự yêu thương con mà lại chấp nhận từ bỏ con, giết con hay không quan tâm tới chúng nữa, cho dẫu lầm lỗi của chúng nặng nề tới đâu. Vì nếu đã làm hết cách, thì dù có từ bỏ chúng cũng không làm chúng sửa lỗi, trái lại, còn đẩy chúng đến những lầm lỗi nặng nề và tai hại hơn. Nếu chúng ta thật sự yêu thương những anh em lỗi lầm của mình, chúng ta cũng sẽ xử sự như vậy.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, kẻ thù, kẻ tội lỗi mà con còn phải yêu thương huống gì những người anh em của con còn vướng có chút ít khuyết điểm lầm lỗi! Xin cho con biết yêu thương họ thật sự qua cách đối xử của con đối với họ, nhất là qua cách con sửa lỗi cho họ. Cách con sửa lỗi cho họ thế nào chính là dấu chỉ rõ ràng nhất cho thấy con có thật lòng yêu mến họ hay không.
Joan Nguyễn Chính Kết
----------------------------------
(Mát-thêu 18: 15-20)
Chủ đề Giáo Hội đã nêu lên vấn đề đức tin như nền tảng trên đó Giáo Hội được xây dựng và phát triển: TN 23-A103
Chủ đề Giáo Hội đã nêu lên vấn đề đức tin như nền tảng trên đó Giáo Hội được xây dựng và phát triển. Đó là mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và các phần tử thuộc đàn chiên của Người. Giờ đây chủ đề khai triển một khía cạnh khác thuộc quan hệ giữa các thành phần trong Giáo Hội. Một số thực hành giúp các tín hữu sống mối quan hệ ấy cần được soi sáng theo lối sống Ki-tô, do đó những nguyên tắc căn bản đã được đặt ra để hướng dẫn họ xử lý sao cho đúng với tinh thần hiệp nhất của Giáo Hội. Đời sống cộng đoàn luôn luôn có những vấn đề, nhất là những va chạm giữa các thành phần trong cùng một cộng đoàn. Làm sao có thể duy trì được tình bác ái yêu thương, là yếu tố chính để xây dựng cộng đoàn Ki-tô? Bài Tin Mừng hai Chúa Nhật liên tiếp sẽ cho ta những câu trả lời thích đáng. Việc sửa lỗi anh em là đề tài được nói đến hôm nay.
a) Sửa lỗi anh em là một bổn phận
Trong Giáo Hội và qua Chúa Ki-tô, Thiên Chúa mời gọi ta hãy biến cải trở nên giống như Người. Lời gọi nên thánh là lời gọi dành cho mọi người không trừ ai, vì tất cả đều cùng chung một thân phận tội lỗi và phải khởi từ thân phận đó để vươn lên theo khuôn mẫu Chúa Ki-tô, một con người hoàn thiện và được ân nghĩa với Thiên Chúa (Lc 2:40). Lời gọi nên thánh cũng là lời gọi vang lên tại bất cứ hoàn cảnh sống nào của con người. Ta có vào rừng sống đời ẩn tu, Chúa cũng kêu gọi ta hãy nên hoàn thiện. Ta có sống trong môi trường tu viện, đan viện, cộng đoàn tu sĩ, hoặc sống ngoài đời trong bậc sống gia đình hay độc thân, Chúa vẫn kêu gọi ta nên hoàn thiện trong mối quan hệ với Chúa và với người khác. Chính vì thế, trong bài giảng về cuộc phán xét chung, Chúa Giê-su đã đề cao mối quan hệ ba chiều Chúa-tôi-tha nhân: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).
Giáo Hội tại thế là nơi chung sống của những người đáp lại lời gọi nên thánh. Họ cố gắng tự mình sửa đổi nhờ thực hành giáo huấn của Chúa Ki-tô và Giáo Hội. Tuy nhiên họ cũng cần tới sự nhắc nhở và giúp đỡ trong tinh thần bác ái của những anh chị em chung quanh, vì bản thân họ nhiều khi khó nhận ra được những khuyết điểm và ảnh hưởng do những hành vi của họ. Như vậy, việc sửa lỗi được nói đến ở đây là nhắm vào những hành vi công khai có thể làm gương xấu và tác hại cho người khác, để giúp người anh chị em tiến tới trong việc nên thánh và giúp cộng đoàn được củng cố trong tình yêu thương nhau. Sửa lỗi cho nhau là một bổn phận. Nhưng nếu ta thi hành bổn phận ấy không đúng cách, thì việc sửa lỗi chẳng những không đem lại kết quả gì, trái lại còn làm cho tình bác ái huynh đệ bị thương tổn và tình huống thêm bi đát hơn trước.
b) Đức ái phải là nền móng cho việc sửa lỗi
Đọc lại lời dạy của Chúa Giê-su về việc sửa lỗi anh chị em, ta thấy Người vẫn theo phương thức đã được ghi trong Cựu Ước (Đệ nhị luật 19:15). Tuy nhiên có sự khác biệt về mục đích. Việc sửa lỗi quy định do Luật Mô-sê nhắm tới việc áp dụng kỷ luật để bảo vệ cộng đoàn. Còn việc sửa lỗi anh chị em theo Chúa Giê-su dạy là cốt để trực tiếp cứu vãn và xây dựng cho người anh chị em trong tiến trình trở nên hoàn thiện, đồng thời gián tiếp giúp cho đời sống cộng đoàn được thực sự là một gia đình của con cái Thiên Chúa. Do đó, chỉ có đức ái mới có thể là động lực duy nhất để cả hai bên, người sửa lỗi cũng như người được sửa lỗi, vượt lên trên tất cả những mục đích khác để nhắm tới mục đích thực, đó là sự hoàn thiện. Kinh nghiệm đã cho ta thấy rất nhiều mục đích khác len lỏi và làm cho việc sửa lỗi mất đi ý nghĩa của nó. Thí dụ, người ta đâu có sửa lỗi, mà là vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ, để làm cho người anh chị em phải bẽ mặt, mất đi tiếng tăm đối với người khác. Đó là trường hợp người anh chị em thực sự phạm lỗi. Còn trường hợp có ít xít ra nhiều, hoặc bôi bẩn thêm vào người anh chị em thì việc sửa lỗi đã đương nhiên trở thành việc lăng mạ, cáo gian rồi!
Làm sao ta nhận ra được Chúa Giê-su muốn ta hãy lấy đức ái làm động lực sửa lỗi anh chị em? Tuy Chúa không nói rõ, nhưng phương thức tiệm tiến và mục đích “được món lợi là người anh em mình” đã ngầm nói lên những đặc điểm của đức ái. Đặc tính của đức ái được thánh Phao-lô xếp lên hàng đầu, đó là kiên nhẫn (1 Cr 13:4). Như thế, nếu lấy đức ái làm căn bản, người sửa lỗi sẽ đủ kiên nhẫn để chờ đợi và đi theo từng bước như Chúa Giê-su đã chỉ dạy: trước hết chỉ có người sửa lỗi với người phạm lỗi, thứ đến có vài ba người khác giúp đỡ cho người phạm lỗi, và sau hết là cộng đoàn can thiệp vào việc sửa lỗi. Một đặc tính nữa của đức ái đã được thánh Tông đồ nói đến: đức mến không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật (1 Cr 13:6). Vì yêu thương, ta nhận thức rằng việc người anh chị em trở về là một mối lợi, một niềm vui lớn lao như đã được diễn tả trong Tin Mừng Lu-ca qua những dụ ngôn “đi tìm chiên lạc, tìm được đồng bạc bị đánh mất, và người cha nhân hậu” (Lc 15).
c) Cầu nguyện liên kết với việc sửa lỗi anh em
Có thể ta nghĩ rằng việc hai ba người hiệp lời cầu nguyện là một sinh hoạt không liên hệ gì với sinh hoạt sửa lỗi anh em. Nhưng có lẽ thánh sử Mát-thêu muốn đặt hai sinh hoạt này bên cạnh nhau để cho ta thấy sự liên hệ giữa chúng với nhau. Sửa lỗi mà không nằm trong khung cảnh cầu nguyện thì việc sửa lỗi sẽ chỉ là một biện pháp kỷ luật hoặc một chữa trị tâm lý. Việc sửa lỗi cần có sự cầu nguyện, tức là sự can thiệp của Chúa hoặc ơn Chúa. Ta thường nghe những bà mẹ xin ta thêm lời cầu nguyện cho đứa con hư hỏng hoặc ông chồng lang bang. Xin như thế là vì các bà thấm hiểu lời Chúa: “Đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19:26), hoặc: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18:19).
Cầu nguyện không chỉ giúp đỡ cho người phạm lỗi mau hối cải mà thôi, nhưng cũng giúp cho chính người sửa lỗi nữa. Nó giúp cho cả hai bên có được những tư thế cần thiết để hợp tác với nhau mà thay đổi. Người sửa lỗi thì biết quảng đại và kiên nhẫn hơn. Còn người phạm lỗi thì biết khiêm nhượng và quyết tâm trở về. Việc cầu nguyện tạo nên môi trường hiện diện của Chúa, nhờ đó người sửa lỗi sẽ loại bỏ được tất cả những mục đích đê hèn khi họ đến sửa lỗi người anh chị em, còn người phạm lỗi sẽ thấy là chính Chúa kêu gọi họ sửa đổi chứ không phải người sửa lỗi dồn ép họ.
Sau hết, hiệp lời cầu nguyện giúp hai bên cổ võ và duy trì đức ái, nền móng của việc sửa lỗi trong cộng đoàn. Đức ái càng sâu xa và chân thành thì việc sửa lỗi càng có hiệu quả. Chính vì thế, thánh Phao-lô đã mô tả hình ảnh đẹp về một cộng đoàn Ki-tô lý tưởng như sau: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Cl 3:14-15).
d) Suy nghĩ và cầu nguyện
Tôi có xác tín việc sửa lỗi anh chị em là một hành vi bác ái chứ không phải lên mặt dạy đời không? Thử nhớ lại những lần tôi sửa sai người khác với thái độ kênh kiệu.
Tôi cố gắng suy nghĩ về những tâm tình của Chúa Giê-su khi Người chỉ bảo và sửa dạy các môn đệ, hoặc khi Người đối phó với những cách lên án của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư. Tôi học được gì nơi Chúa Giê-su?
Có khi nào tôi quá vội vàng, không đi theo từng bước trong việc sửa lỗi anh em như Chúa dạy không? Tôi được “mối lợi là người anh em” hay tôi càng làm cho tình huống trở nên bế tắc hơn?
Đã có lần nào tôi “thành công” trong việc sửa lỗi vì tôi biết liên kết việc sửa lỗi với cầu nguyện chưa?
Nếu tôi là người phạm lỗi, tôi có biết “nghe” người khác không? Tại sao không?
Cầu nguyện:
“Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 70)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi
3-9-05
--------------------------------
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Rô-ma 13: 8-10
Sau khi trình bày điểm thứ nhất của đời sống luân lý, tức là bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, thánh Phao-lô bước sang điểm thứ hai nói đến bổn phận chúng ta phải có đối với người đồng loại, đó là phải thương yêu anh chị em.
a) Yêu thương là một món nợ
Thông thường chúng ta nói yêu thương là một bổn phận. Nhưng thánh Phao-lô lại cụ thể hóa yêu: TN 23-A104
Thông thường chúng ta nói yêu thương là một bổn phận. Nhưng thánh Phao-lô lại cụ thể hóa yêu thương, coi đó như là một món nợ. Nợ nần là một kinh nghiệm rất thực tế, nhất là sống trong nền văn minh hôm nay. Khi diễn tả yêu thương hoặc đức ái là một món nợ, thánh Phao-lô muốn ám chỉ đến Chủ nợ. Không phải là chúng ta, cũng không phải là người anh chị em. Nhưng là chính Ðấng đã "yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một" (Ga 3:16) và Ðấng đã truyền lệnh cho tất cả chúng ta "hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15:12). Chúng ta mắc nợ yêu thương với Thiên Chúa. Tình yêu vô điều kiện của Người dành cho chúng ta không dựa trên sự xứng đáng của chúng ta, nhưng là do lòng nhân từ của Người. Cho nên món nợ ấy làm sao chúng ta trả nổi! Nhưng Chúa cho chúng ta một phương thức để chúng ta trả món nợ ấy. Ðó là qua Ðức Ki-tô, Thiên Chúa biến món nợ ấy thành một Lề Luật mới và Người truyền cho chúng ta trả món nợ bằng cách: ai yêu mến anh chị em, thì đã chu toàn Lề Luật, không phải Luật Mô-sê nhưng là Luật Chúa Ki-tô. Thiên Chúa cũng cụ thể hóa món nợ này, như thánh Gio-an, vị Tông đồ của tình yêu, đã lý luận: "Phàm ai tin rằng Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô, thì đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Ðấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Ðấng ấy sinh ra" (1 Ga 5:1).
b) Yêu thương tóm tắt lại tất cả các giới răn liên hệ đến anh chị em
Trong Mt 22:39, Chúa Giê-su đã tóm tắt Mười giới răn vào hai điều: mến Chúa và thương người. Ở đây, thánh Phao-lô cũng bắt chước, tóm tắt bảy giới răn trong Mười giới răn nói về bổn phận đối với anh chị em: "Các điều răn... đều tóm lại trong lời này: ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình" (Rm 13:9). Nhấn mạnh đến đức ái đối với anh chị em, thánh Phao-lô muốn làm nổi bật lên nét độc đáo và đặc biệt của Ki-tô giáo. Do-thái giáo (Ðạo cũ) nhấn mạnh đến tình yêu đối với Chúa, như chính Chúa Giê-su đã công nhận: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu" (Mt 22:37-38). Nhưng cũng từ đây, Chúa Giê-su đã khai mở một chân trời mới về yêu thương: "Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (c. 39). Khi xác định "cũng giống điều răn ấy", Chúa Giê-su đã nâng cao giá trị của đức ái đối với anh chị em lên mức độ của Thiên Chúa. Nhận thức điều này, thánh Gio-an đã đanh thép lý giải: "Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1 Ga 4:20).
c) Cách biểu lộ tình yêu thương anh chị em: Ðã yêu thương thì không làm hại người đồng loại.
Nếu đã gồm tóm mọi điều răn đối với anh chị em trong một điều là yêu thương đồng loại, thì thánh Phao-lô cũng muốn gồm tóm tất cả những cách biểu lộ tình yêu thương ấy trong một cách duy nhất, đó là không làm hại người đồng loại. Ở câu 9, thánh Phao-lô đã trưng dẫn nhiều điều người ta phải giữ để biểu lộ tình yêu thương anh chị em, thí dụ như không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không làm chứng dối và không ham muốn. Ðể tóm tắt tất cả những điều vừa kể và cả các điều răn khác, thánh Phao-lô muốn nói lên cốt lõi của phương thức biểu lộ tình yêu thương anh chị em, là: đừng làm hại anh chị em. Quả thực đây là một phương thức hết sức thực tế. Nhận ra kết quả của những điều tốt chúng ta làm cho anh chị em thì khó, nhưng nhận ra những hậu quả do những điều xấu chúng ta làm cho anh chị em thì dễ. Vì thế thánh Phao-lô chủ ý nói đến phương diện tiêu cực này là để giúp chúng ta dễ dàng nhận định những gì mình làm cho anh chị em, nói khác đi là để giúp chúng ta dễ kiểm điểm xem mình có thực sự yêu thương anh chị em không.
Một điểm đáng chú ý nữa là thánh Phao-lô đã giúp chúng ta nhận ra tính cách vô giới hạn của đức ái. Khi nói "người đồng loại," ngài đã gạt ra ngoài mọi giới hạn huyết tộc, chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ. Ðức Ki-tô là nguyên lý kết hợp mọi người (x. Gl 3:28). Nhờ Ðức Ki-tô và trong Ðức Ki-tô, chúng ta yêu thương nhau và yêu mến Thiên Chúa là Cha của Ðức Ki-tô và Cha của chúng ta nữa.
Câu hỏi gợi ý chia se
Yêu thương anh chị em là một đề tài lải nhải trong mọi thời. Vậy tôi có khám phá được điều gì mới mỗi lần cầu nguyện với đề tài này không? Ðoạn thư của thánh Phao-lô hôm nay cho tôi cái nhìn mới mẻ nào về một giới răn "xưa như trái đất"?
Ý niệm yêu thương là một món nợ gợi lên cho tôi những suy tư nào và những trách nhiệm nào? Tôi phải sống những trách nhiệm ấy làm sao?
"Tôi đã làm hại anh chị em tôi" sẽ là một gợi ý để tôi xét mình mỗi ngày như thế nào?
Cầu nguyện kết thúc
Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài về tình yêu, yêu Chúa và thương anh chị em.
Lm. Ðaminh Nguyễn Ðình Nhi
------------------------------
Anh chị em rất thân yêu,
Biến cố 11/9/2001 tuy đã qua đi một năm trọn, nhưng nó vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm con người: TN 23-A105
Biến cố 11/9/2001 tuy đã qua đi một năm trọn, nhưng nó vẫn còn hằn sâu trong tâm khảm con người. Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới Toronto vừa qua cũng bị bao trùm bởi những lo sợ và cảnh giác. Và bầu khí chính trị thế giới vẫn mang đậm khói lửa chiến tranh. Người ta vẫn chỉ muốn dùng bom đạn để xóa tan sợ hãi, khủng bố, và thiết lập trật tự thế giới mới. Chính Ðức Thánh Cha cũng đã nói với các bạn trẻ tại Toronto: "Năm ngoái các con đã thấy với sự tỏ tường bi đát khuôn mặt thảm hại của sự thù hận nhân loại. Chúng con đã thấy điều gì xảy ra một khi thù hận, tội lỗi và sự chết thắng thế."
Ðức Thánh Cha Gioan Phao-lô II liên tục từ Toronto, đến Mexicô, hay tại Cracovie không ngừng muốn dùng tất cả khí lực tuổi già để nói lớn với thế giới bản sứ điệp của Thánh Phao-lô: "Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái",như khi lên tiếng mời gọi mọi người trẻ đang tụ họp tại Toronto: "Các con, những người trẻ, là năng lực sống còn và là sức mạnh của Giáo Hội khắp thế giới... Thế giới mà các con đang thừa hưởng là một thế giới đang tuyệt vọng, đang cần đến một ý nghĩa được canh tân của tình huynh đệ và liên đới nhân loại. Ðó là một thế giới cần được sự thiện mỹ và sự sang giầu phong phú của tình yêu Thiên Chúa chạm đến và chữa lành. Thế giới đang cần đến các chứng nhân của tình yêu Chúa, đang cần đến các con là muối đất và là ánh sáng thế gian." Ðức Thánh Cha quả quyết " hôm nay tiếng nói của Chúa Giê-su lại được cất lên giữa chúng ta đang tụ họp nơi đây. Chúa là một tiếng nói của sự sống, của niềm hy vọng, của lòng tha thứ; một tiếng nói của công lý và hòa bình. Chúng ta hãy nghe theo tiếng nói này".
Tiếng nói ấy mời gọi hết mọi người hãy loan báo sự hòa giải, sự tha thứ, và ủy thác cho Giáo Hội Người sứ vụ đặc biệt "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy."
Và Giáo Hội phải thi hành sứ vụ này bất chấp sự từ khước: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh."
Sự thúc bách này muốn lặp lại điều Ezekiel đã nói "Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en" và lời tuyên phán của Thiên Chúa vẫn là một cảnh báo rất rõ ràng dành cho những ai không loan báo tin mừng hòa giải, mà vì thế kẻ ác bị diệt vong thì "Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó" . Xem như vậy, sự đòi buộc thứ nhất của Luật Yêu Thương chính là phải trở nên "muối và ánh sáng", phải loan báo báo tin mừng tha thứ và bình an.
Vì vậy chúng ta mới có thể hiểu được tại sao thánh Phao-lô phải thốt lên "Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng".
Lm. Giuse nguyễn Hữu Duyên.
------------------------------
Mt 18, 15-20
TRÁCH NHIỆM SỬA LỖI CHO NHAU
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Trong cuốn:"Mỗi ngày một niềm vui" xuất bản năm 2000,số 145 có viết: Nếu bạn có bổn phận sửa: TN 23-A106
Trong cuốn:"Mỗi ngày một niềm vui" xuất bản năm 2000,số 145 có viết: Nếu bạn có bổn phận sửa phạt ai,hãy làm thế nào để sau đó người được sửa phạt cám ơn bạn vì điều bạn đã làm cho họ.Hãy nhớ rằng chính bạn cũng có thể sai lầm.Ðừng cố chấp tranh luận về sai lầm của người thuộc quyền bạn,như thể ngày mai bạn không phạm một sai lầm tương tự,có thể còn nặng hơn ".
Chỉ trích,phê bình,nói xấu người khác,nhìn cọng rác trong mắt anh em thì dễ, mà thấy được cái xà trong mắt mình là điều khó khăn hay có lúc mình không thể nhận ra được vì mắt của mình đã ra mù lòa.Phụng vụ Chúa nhật 23 quanh năm,năm A hướng ta về hai điểm chính nổi cộm:Chúa hiện diện khi hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Người và sự sửa lỗi anh em trong cộng đoàn.
CỘNG ÐOÀN YÊU THƯƠNG HIỆP NHẤT
Làm việc riêng rẽ,chú ý tới cá nhân của mình,đề cao con người mình là điều nên tránh khi anh em sống trong một cộng đoàn.Chúa Giêsu luôn kêu gọi các môn đệ cầu nguyện và khi kêu mời các môn đệ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dậy các ông kinh lạy Cha.Chúa nói;"Khi nào có hai ba người họp lại nhân danh Chúa để cầu nguyện thì Ngài sẽ hiện diện và nhậm lời họ kêu xin.Cộng
đoàn Chúa Giêsu thiết lập phải là một cộng đoàn huynh đệ, chia sẻ, yêu thương và bác ái. Cộng đoàn đó phải hoạ lại hình ảnh của cộng đoàn tiên khởi mà sách tông đồ công vụ đoạn 2 đã thuật lại:"Một cộng đoàn cầu nguyện,hiệp nhất,coi mọi sự là của chung.".
SỬA LỖI NHAU TRONG CỘNG ÐOÀN
Một thế giới văn minh,một xã hội tân tiến,lời khuyên sửa lỗi cho nhau quả trở nên lỗi thời,không ai còn muốn thực hành và chấp nhận nữa.Tại sao vì con người khi xa rời Thiên Chúa, đẩy Người ra khỏi thế giới, khỏi xã hội và khỏi con người của mình thì việc khuyến khích nhau,động viên nhau sống tốt,sống trung thực,sửa lỗi cho nhau không còn chỗ đứng nữa.Con người có thể nại vào lời Chúa để chống lại khuynh hướng này"Người là ai mà dám xét xử anh em "( Rm 14, 4 ).Tuy nhiên,khi con người biết nhìn nhận Thiên Chúa,biết cảm nhận tình thương của Chúa thì việc sửa lỗi anh em trở nên nhẹ nhàng và là việc phải thực hiện trong cuộc sống. Chúa đến cứu vớt người hư đi,ta là con Chúa,ta có bổn phận phải nâng đỡ anh em.Sửa lỗi anh em là điều quí nhưng phải thận trọng,kiên nhẫn,tế nhị xem điều gì nên nói,điều gì nên dè dặt,điều gì nói có ích và điều gì không có ích.Ðàng khác,người có lỗi cũng phải biết sẵn sàng nhận ra tiếng Chúa đang nói qua anh em mình để giúp mình."Những tâm hồn có tình yêu và hòa hợp thì chỉ có bình an và hạnh phúc" ( Mỗi ngày một niềm vui số 148 ).Chúa muốn làm nổi bật thái độ người môn đệ phải có đối với những người tội lỗi trong cộng đoàn.Tội lỗi,nết xấu là những thực tại không thể né tránh cho dù cộng đoàn đó do chính Chúa Giêsu thiết lập.Cộng đoàn,Giáo Hội luôn có kẻ xấu,kẻ tốt.Lúa và cỏ lùng luôn mọc xen lấn nhau.Kẻ lỗi phạm là anh em,chứ không phải là kẻ thù địch.
Khuyên nhủ,nhắc nhở, khuyến cáo phải là bước đầu tiên đối với người phạm lỗi.Bước hai là nhờ cộng đoàn khi một mình nhắc nhở mà kẻ lỗi phạm vẫn không nghe. Sau cùng là phán quyết của vị đại diện cộng đoàn khi tất cả đều thất bại.
THÁI ÐỘ PHẢI CÓ
"Hãy khiêm tốn để biết cám ơn người chỉ cho bạn biết sai lầm "( Mỗi ngày một niềm vui số 150).Lời Chúa hôm nay đặt ta trước thách đố lớn và thái độ phải có đối với anh em lỗi phạm trong cộng đoàn; đồng thời lời Chúa cũng mời gọi ta xét lại thái độ sống của ta: ta đã làm gì để duy trì sự hiệp nhất trong cộng đoàn ? Ta đã sống,đã có trách nhiệm thế nào đối với tội lỗi của chính mình gây ra cho anh em và của anh em gây ra cho ta và cho cộng đoàn ?"Biết chia sẻ là biết sống với người khác.Ngược lại là chỉ biết sống cho mình.Người sống cho mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn.Ngược lại, người sống cho người khác sẽ không làm việc gì nếu như việc ấy làm phiền hà,gây khó khăn cho người khác.Vì thế, cần có một tinh thần cao thượng,hiểu biết và yêu mến hầu có thể chung sống hòa hợp "( Mỗi ngày một niềm vui, số 152 ).
GỢI Ý CHIA SẺ
1.Bạn có thái độ nào trước lỗi phạm của anh em ?
2.Bạn hiểu sao về cộng đoàn tiên khởi mà sách tông đồ công vụ đã đề cập ?
3.Bạn đã phải giải quyết một lỗi nặng do một anh em trong cộng đoàn gây ra hay chưa ?
--------------------------------
Chập tối, tôi trèo tường, lẻn ra Ciné Nha Trang coi phim "Vết thù trên lưng ngựa hoang". Mãi: TN 23-A107
"Chập tối, tôi trèo tường, lẻn ra Ciné Nha Trang coi phim "Vết thù trên lưng ngựa hoang". Mãi đến 23g30 tôi mới trở về Chủng Viện. Tới góc đường Võ Tánh – Duy Tân ( Trần Phú bây giờ ), phía bên trong là dãy nhà tắm lộ thiên, tôi nhẹ nhàng trèo vào. Núp cạnh phòng học lớp 12, ( nay đã dỡ bỏ, xây mới ) phóng tầm nhìn vào trong sân Tòa Giám Mục, hoàn toàn trống vắng ! Tất cả im lặng như tờ, chắc mọi người đều đã yên giấc. Dẫu vậy, tôi vẫn cẩn thận đi nhón móng cò, lom khom bước qua khoảng sân rộng.
Bỗng ai đó hắng giọng, rồi sang sảng cất giọng: “Ai đấy ?” Tôi giật nảy mình. Thì ra… Ông Nội, vận một bộ đồ thung đen, đang tập thể dục, kề bên khóm cây cảnh tối hù, ngay bên ngoài căn phòng của ngài còn sáng đèn. “Dạ thưa, con tên là…” Như thế Nội đã nhìn thấy tôi ngay khi tôi leo tường trở về, vì ngài đứng trong bóng tối, nhìn ra phía ngoài sáng trưng ánh đèn. Nhưng nét mặt ngài vẫn bình thản, trìu mến, như chẳng có điều gì bất thường. Tôi lại càng lo sợ hơn nữa. Sáng mai Ông Nội sẽ trao áo chùng thâm cho 21 anh em chúng tôi.
“Con đi đâu về khuya vậy ?” “Dạ, con đi… đi dạo ngoài bãi biển !” “Giờ này khuya khoắt, mà con còn đi dạo nữa sao ? Vậy có ghé ăn chè Võ Tánh không ? Con cứ kể rõ cha nghe. Đừng có ngại !” Tôi không thể nói dối được nữa, vì Ông Nội còn biết chúng tôi hay tranh thủ ăn chè, mỗi khi có dịp ra bên ngoài. Chắc ngài biết hết trơn rồi, nên đành phải thú thật. “Dạ, con đi xem phim…” “Con cứ kể rõ cha nghe. Đừng có ngại !” “Dạ, con đi xem phim.” “Phim gì hở con ?” “Dạ. Phim Vết thù trên lưng ngựa hoang.” “Hay không ? Con kể cho cha nghe xem.” “Bộ phim kể về…” Thu hết can đảm, tôi tóm tắt thuật chuyện phim. Ông Nội có vẻ vui vui, khuyến khích tôi kể tiếp.
Vừa dứt chuyện, Nội hỏi tôi có nhớ đến việc ngày mai chăng ? Tôi lý nhí đáp, cúi đầu ăn năn sám hối lỗi lầm. Một lát sau, Nội liền ban việc đền tội: Một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh, rồi còn dịu dàng dặn dò: “Con đã tỏ ra biết hối lỗi, vậy hãy về ngủ và nhớ đừng tái phạm nữa. Ngày mai cha vẫn cho phép con lên lãnh nhận áo dòng.” “Con xin cám ơn cha.”
Tôi thoát nạn nhẹ cả người, vội chạy lên lầu về phòng ngủ, tuy vẫn còn thình thịch con tim... Sáng hôm sau, trong Nhà Nguyện Tòa Gíam Mục Nha Trang, người ta vẫn thấy đầy đủ 21 anh em lớp Đi Gieo IV, hân hoan xếp hàng, lên nhận lãnh áo soutane từ chính bàn tay Đức Cha FX. Nguyễn Văn Thuận trao ban. Tôi thầm tạ ơn Chúa và nhớ mãi tấm lòng bao dung thánh thiện của Ông Nội" ( Một vụ cá độ, Kể chuyện Nội, LâmBich.net ).
Trình thuật Tin Mừng theo Thánh Matthêu hôm nay, Đức Giêsu giảng dạy làm thế nào để sửa lỗi anh em. Với ba bước ứng xử với người lỗi lầm, Người muốn chiêu hồi con chiên lạc quay trở về với đàn.
Mỗi khi phạm tội là tự tách mình ra khỏi cộng đoàn, ra khỏi tình yêu thương, hồng ân của Thiên Chúa. Vậy các thành viên cộng đoàn đều có bổn phận và trách nhiệm quan trọng giúp người vấp phạm sám hối, tin cậy vào Lòng Thương Xót Chúa. Bởi vì “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất" ( Mt 18, 14 ). Kẻ bé mọn ám chỉ những người bình dân, nghèo nàn, yếu đuối, bị bỏ rơi, bị xua đuổi, hư hỏng, tội lỗi, những con chiên lạc loài, đi hoang đáng thương.
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” ( Mt 18, 15 ). Như thế giúp tha nhận sửa lỗi là mệnh lệnh, một đòi hỏi cấp bách của Đức Giêsu dành cho những ai chấp nhận đi theo Người. Không thể vô cảm, bình chân như vại, mặc kệ anh em. Tuy vậy, để thực hành việc tế nhị, khó khăn và nhiều thách đố này, cần đến tình huynh đệ, lòng khoan dung và tâm tình cầu nguyện, mà Đức Giêsu vạch ra cho người thiện tâm.
Tình huynh đệ
"Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái. Vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật" ( Rm 13, 8 ). Thánh Phaolô còn khuyên nhủ mọi người sống bác ái huynh đệ, thực tình giúp đỡ nhau, không vờ vịt, đóng kịch với nhau, cũng như không vênh váo rẻ rúng, khinh miệt, chế giễu, mà trái lại, chân thành hỗ tương nhau mọi lúc. “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình, nhiệt thành không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” ( Rm 12, 9 – 11 ). Với thái độ yêu thương, khiêm nhường, kính trọng, Kitô hữu mới có thể chân tình ngỏ lời khuyên nhủ, giác ngộ hữu hiệu kẻ lỗi phạm.
“Nếu Ta bảo đứa gian ác: “Tên gian ác kia, nhất định mi phải chết”, mà ngươi không nói để cảnh cáo nó phải từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó, đứa gian ác ấy, sẽ chết vì tội của nó, nhưng còn máu của nó, Ta sẽ đòi ngươi” ( Ed 33, 8 – 9 ). Việc sửa lỗi cho nhau không chỉ là trách nhiệm huynh đệ liên đới, mà còn nghĩa vụ của Kitô hữu đối với chính Thiên Chúa: "Tất cả những gì anh em làm cho những kẻ bé mọn nhất của Ta là anh em làm cho chính Ta" ( Mt 25, 40 ).
Lòng khoan dung
Thiên Chúa đầy lòng khoan dung, nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi con người để cải hóa, Ngài lần hồi sửa trị họ, nhắc nhở và cho biết đã phạm lỗi ở chỗ nào, để họ tin tưởng vào Ngài mà được cứu rỗi. “Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” ( Kn 11, 23 ).
Kitô hữu cũng noi theo lòng khoan dung của Thiên Chúa, mà cư xử với tha nhân, bởi chưng ai mà không phạm tội. Đức Giêsu đã từng công khai thách đố mọi người: "Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" ( Ga 8, 7 ). Sau này Thánh Gioan cũng xác quyết vô cùng mạnh mẽ về thân phận yếu đuối của con người: ”Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” ( 1Ga 1, 8 ).
Như thế, với sự soi sáng khôn ngoan của Đức Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu cần chân thành khiêm tốn, khoan dung, hiền hòa, dịu dàng, thông cảm, khuyên nhủ, sửa dạy tha nhân. “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” ( Gl 6, 1 – 2 ).
Tâm tình cầu nguyện
"Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” ( Mt 18, 19 – 20 ).
Khi hai người đối thoại, thuyết phục nhau, gặp nhau vì Thánh Danh Chúa, thì đương nhiên có Chúa hiện diện. Hãy nhớ cầu xin Người giúp đỡ cảm hóa người vấp phạm biết phục thiện. Chắc chắn Chúa không nỡ từ chối nguyện vọng chánh đáng này.
“Người hy sinh biết rộng lượng trước khuyết điểm người khác và nghiêm khắc trước khuyết điểm của mình” ( Đường Hy Vọng, số 169 ).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban chúng con ơn can đảm nhắc nhở nhau, cũng như biết nghe lời khuyên răn, chỉ dẫn khi lỗi lầm, để chúng con luôn thương yêu, khắng khít, đoàn kết trong đàn chiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Đấng vô nhiễm tinh tuyền, xin giúp chúng con nhận biết tội lỗi vấp phạm, mà ăn năn sám hối, cũng như khiêm tốn lắng nghe người khác nhắc nhở, hướng dẫn, sửa sai, để luôn được sống mãi trong Lòng Thương Xót vô hạn của Chúa. Amen.
AM. TRẦN BÌNH AN
--------------------------------
Liên đới là sự ràng buộc lẫn nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ. Bất cứ cái gì cũng có tính liên đới: TN 23-A108
Liên đới là sự ràng buộc lẫn nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ. Bất cứ cái gì cũng có tính liên đới, ngay cả tội lỗi cũng có tính liên đới. Thật vậy, khi một chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô phạm tội, tất cả chúng ta đều chịu đau khổ, một số người ảnh hưởng trực tiếp. Tội của mình có ảnh hưởng tới người khác, tội của người khác có thể “dính líu” tới mình.
Là phàm nhân, tất cả chúng ta đều yếu đuối. Do đó, khi chúng ta muốn hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta cũng phải giải hòa với Giáo Hội, không chỉ với người này hay người nọ mà có thể chúng ta đã làm tổn thương. Vì thế, “cấu trúc tội lỗi” cũng có “chiều kích xã hội”. Tại sao ? Vì nó nằm trong cách mà chúng ta có thể phạm tội – không chỉ là hành động trực tiếp của mình, mà còn là động thái gián tiếp liên can các tội lỗi do người khác phạm trực tiếp.
Nói chung, dù là điều tốt hay xấu cũng đều có tính liên đới với nhau. Về tính liên đới, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo ( gọi tắt là Giáo huấn Xã hội Công Giáo – GHXHCG, Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa, Compendium of the Social Doctrine of the Church ) gọi liên đới là một nguyên tắc cốt lõi của GHXHCG [1]:
“Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá, các quyền và con đường chung của các cá nhân và các dân tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày càng gắn bó hơn... Việc gia tăng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đưa bất công lên tầm mức toàn cầu. Việc tăng tốc tình trạng tương tác giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được đi kèm với những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đem bất công lên phạm vi toàn cầu”. [2]
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân lẫn bình diện của xã hội quốc gia và quốc tế” ( Sollicitudo Rei Socialis, 1987, số 40 ).
Ngày xưa, Thiên Chúa đã nhắn nhủ với con người: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ítraen. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết” ( Ed 33, 7 ). Đó là trách nhiệm của chúng ta, không của giới nào hoặc giai cấp nào.
Không chỉ vậy, Ngài còn cảnh báo: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” ( Ed 33, 8 – 9 ). Rõ ràng chúng ta có trách nhiệm và bổn phận đối với nhau. Điều đó vừa là TÍNH liên đới vừa là TÌNH liên đới. Thấy điều sai trái thì phải lên tiếng ( bằng cách này hay cách nọ, trực tiếp hoặc gián tiếp ). Ai thấy điều sai trái mà im lặng, đó là đồng lõa hoặc hèn nhát. Thật vậy, chỉ muốn lên thiên đàng một mình là ích kỷ !
Thiên Chúa là Tình Yêu và Chân Lý: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” ( Ga 8, 32 ). Thật hạnh phúc khi chúng ta biết tôn thờ chính vị Thiên Chúa duy nhất này. Hạnh phúc đó không thể giữ trong lòng mà phải thể hiện ra cho mọi người khác cùng biết: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” ( Tv 95, 1 – 2 ).
Bổn phận của chúng ta không chỉ là chúc tụng Ngài, mà chúng ta còn phải tôn thờ Ngài và vâng theo Thánh Ý Ngài: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” ( Tv 95, 6 – 7a ).
Phàm nhân yếu đuối nhưng rất “chảnh” và bướng bỉnh. Xơ gan là chứng bệnh quái ác. Xơ cứng bất cứ cơ phận nào cũng nguy hiểm. Xơ cứng lòng tin còn nguy hiểm hơn nhiều. Cứng lòng là cố chấp. Cố chấp là phạm tới Chúa Thánh Thần. Mà tội phạm tới Chúa Thánh Thần thì không được tha cả đời này lẫn đời sau ( x. Mc 3, 28 – 29; Mt 12, 31 – 32 ). Thật đáng sợ vì cực kỳ nguy hiểm ! Vâng lời Chúa thì phải canh tân đời sống, không thể trì hoãn, thay đổi cách sống càng sớm càng tốt. Rất cấp bách !
Vì yêu thương, vì thương xót, Thiên Chúa lại tiếp tục nhắn nhủ mỗi chúng ta, Ngài thực sự không muốn ai cố chấp mà phải hư mất đời đời: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” ( Tv 95, 7b – 9 ). Hoán cải ngay hôm nay, ngay bây giờ, thì hiện tại, chứ không là “sẽ” của thì tương lai – dù là tương lai gần nhất.
Trong tương quan của tình liên đới, Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” ( Rm 13, 8 ). Yêu thương là chu toàn luật Chúa. Rất đơn giản và ngắn gọn, xem chừng dễ nhưng lại khó lắm, vì khi “xòe” chiếc-quạt-yêu-thương ra, chúng ta thấy cả một bầu trời bao la lắm, chỉ trong “hình quạt” đó thôi cũng chứa biết bao vấn đề liên quan chữ YÊU. Đó là sự liên quan, cũng là tính liên đới vậy.
Thật vậy, Thánh Phaolô đã giải thích: “Các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” ( Rm 13, 9 – 10 ). Cụm từ “không làm hại” cũng ẩn chứa biết bao điều liên quan thể lý và tinh thần, liên quan đức ái. Khó lắm, nhưng ai thực sự có lòng yêu thương của Đức Kitô thì có thể làm được.
Chúa Giêsu nói về tính liên đới tâm linh giữa những con người đối với nhau: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” ( Mt 18, 15 – 17 ).
Thấy điều sai trái thì phải lên tiếng. Có bốn giai đoạn: Nói riêng ( nói nhỏ ), nói bán công khai, nói công khai, loại bỏ. Dạng “cấp bốn” là “hết thuốc chữa” vì cố chấp, nói theo ngôn ngữ thời @ là BoTay.com, không còn hy vọng gì nơi họ nữa !
Vì muốn cứu tội nhân, Chúa Giêsu đã trao quyền tha tội cho các môn đệ qua thiên chức Linh Mục: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên Trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” ( Mt 18, 18 ).
Chúa Giêsu nói “cầm buộc” hoặc “tháo cởi” ở đây không có nghĩa là ưa thì “cởi”, ghét thì “buộc”, mà là phải luôn cố gắng tìm cách “tháo cởi” cho người khác. Ngài thiết lập chức Linh Mục là để thay Ngài yêu thương và tha thứ, để phục vụ chứ không để hưởng thụ hoặc “chảnh” ( Mt 20, 28 ), thật buồn khi vẫn có một số Linh Mục lại “thích” làm ngược lại điều Chúa dạy: Phục vụ ít, hưởng thụ nhiều ! Linh Mục chỉ là các phàm nhân bình thường, nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn và được hành động nhân danh Đức Giêsu Kitô, là bình sành nhưng chứa đựng kho tàng của Thiên Chúa ( 2 Cr 4, 7 ).
Kỳ diệu quá ! Ước mong sao các Linh Mục phải thực sự nghiêm túc với ý thức đó, đừng tự tôn mà làm đau lòng Đức Kitô !
Về việc hiệp lời cầu nguyện, Chúa Giêsu nói: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ” ( Mt 18, 19 – 20 ).
Cầu nguyện là điều cần thiết và tốt lành, nhưng việc cầu nguyện chung được Chúa Giêsu đề cao. Việc cầu nguyện chung luôn cần thiết là “giờ kinh gia đình”, nhất là buổi tối, nhưng việc làm tốt lành này lại đang bị “xói mòn” vì người ta đưa ra nhiều lý do để biện hộ cho cái sự “quên lãng” của mình !
Dĩ nhiên chúng ta vẫn có thể và cần phải cầu nguyện riêng. Tuy nhiên, có điều cần lưu ý: Có lẽ chúng ta thường chỉ cầu xin nhiều hơn cầu nguyện, và chúng ta cũng thường “quên” nhân danh Đức Giêsu Kitô, đúng như Ngài đã trách các môn đệ: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy” ( Ga 16, 24 ). Một lời trách nhẹ nhàng mà đau điếng. Và đó cũng là lời trách mà Đức Giêsu Kitô đang nói với mỗi chúng ta hôm nay vậy !
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết thật lòng yêu thương và thứ bằng cả tấm lòng như chính Ngài đã nhân hậu với chúng con, hành động bằng cả con người của chúng con, không chút gì vì danh lợi của riêng mỗi chúng con, tất cả chỉ vì sáng danh Ngài mà thôi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
-----------------------------
[1] Bảy nguyên tắc trong GHXHCG: ( 1 ) Tôn trọng con người, ( 2 ) Cổ vũ gia đình, ( 3 ) Bảo vệ quyền tư hữu, ( 4 ) Lao động vì công ích, ( 5 ) Tuân giữ nguyên tắc bổ trợ, ( 6 ) Tôn trọng lao động và người lao động, ( 7 ) Theo đuổi hòa bình và chăm nom người nghèo. Rút gọn là bốn nguyên tắc chính: ( 1 ) Nhân phẩm, ( 2 ) Công ích, ( 3 ) Bổ trợ, ( 4 ) Liên đới.
[2] Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo ( 2005 ), số 192.
--------------------------------
Bước vào Chúa Nhật 23, chủ để nổi bật hơn cả là "bác ái huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu".: TN 23-A109
Bước vào Chúa Nhật 23, chủ để nổi bật hơn cả là "bác ái huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu".
Sống trong Giáo Hội Chúa Kitô
"Hiệp nhất nhân danh Chúa Giêsu", bác ái, tha thứ cho nhau và giúp nhau thăng tiến là điều ai cũng muốn và cần làm. Đây không đơn giản chỉ là tương quan xã hội trong cuộc sống hàng ngày. Việc sửa lỗi huynh đệ đã có trong sách Lêvi: "Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó" ( Lv 19, 17 ). Vì bác ái với dân Israel, Chúa đã làm cho Êdêkien "trở nên người lính canh nhà Israel", và truyền ông phải nói cho "kẻ gian ác bỏ đường lối mình", để được sống, nếu không "thì chính kẻ gian ác sẽ chết" ( x. Ed 33, 7 – 9 ).
Thánh Phaolô nói: "Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau" ( Rm 13, 8 ). Thì ra chúng ta phải mắc nợ nhau về tình mến. Cùng một thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, Thánh Phaolô mời gọi ta mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, sống hiền lành, khiêm nhường và liên đới với nhau. Bởi tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc, chúng ta là anh em với nhau trong Chúa, nên hãy đối xử với nhau bằng tình yêu và lòng mến, vì toàn bộ luật của Thiên Chúa được nên trọn trong tình yêu, kể cả Mười Điều Răn "và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình" ( x. Rm 13, 8 – 10 ).
Tình yêu và sự kiên nhẫn
Lời Thánh Phaolô trong bài ca đức ái: "Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác" ( 1Cr 9 ), cho thấy Giáo Hội được quy tụ làm thành Thân Thể Chúa Kitô, lãnh nhận sứ mạng bày tỏ Thân Thể này theo ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta là những chi thể của cùng một Thân Thể, tuy khác nhau, nhưng cùng qui về Giáo Hội, liên đới với nhau như một bản giao hưởng tình bác ái. Nên ai phạm lỗi, người ấy thiếu tình bác ái không chỉ với một người, mà con đối với toàn thân thể.
Cứ sự thường ai xúc phạm đến ta, ta không can thiệp gì hết. Viện cớ nó đã xúc phạm đến tôi ! Tôi sẽ không nói gì hết, dứt khoát là không. Vậy làm gì bây giờ ? Nó đã xúc phạm đến tôi: Mắt đền mắt, răng đền răng ư ? Đây không phải là giải pháp, làm thế sự xấu sẽ xấu hơn. Tôi sẽ đi gặp anh em và nói: Anh đã làm tổn thương tôi, không được ! Anh được Thiên Chúa tạo dựng, vì tình bác ái, tôi phải kéo anh về. Chúng ta không loại trừ vì lỗi cá nhân họ, nhưng giúp họ sửa mình để trở nên xứng đáng trong cộng đoàn mà họ là thành viên.
Chúa Giêsu đưa ra các cấp độ hành xử với anh em trong cộng đoàn, dựa trên sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau miễn sao lợi được người anh em. Tin Mừng ( Mt 18, 15 – 20 ) cho thấy, tình yêu huynh đệ chất chứa trách nhiệm hỗ tương, nếu anh em có lỗi, tôi phải thể hiện tình yêu với họ, trước hết, nói chuyện riêng với anh về sai lầm mà anh đã nói hay làm là không tốt. Hành vi này được gọi là sửa lỗi huynh đệ: đây không phải là phản ứng đối với hành vi người phạm lỗi, nhưng là cử chỉ yêu thương dành cho người anh em.
Thánh Augustinô nói: "Anh ấy đã xúc phạm bạn, và khi xúc phạm, anh ấy đã làm cho bạn tổn thương: bạn không quan tâm đến thương tích của người anh em bạn sao ? ( ... ) Vậy, hãy quên đi những sai lầm họ đã xử với bạn, chứ không phải là vết thương bạn phải chịu vì người anh em" ( Discours 82, 7 ).
Và nếu nó không chịu nghe ngươi ? Cấp tiếp theo, hãy nói chuyện về anh ta với hai hoặc ba người để giúp anh ý thức hơn về những gì anh đã làm; nếu anh ta vẫn bỏ ngoài tai, bất chấp điều này, phải nói cho cộng đoàn; và nếu anh ta không nghe cộng đoàn, thì phải làm cho anh ta nhận ra rằng chính anh tự tách biệt khỏi cộng đoàn Hội Thánh. Đặt ra khỏi cộng đoàn thành viên không chịu hối cải, không có nghĩa là lên án. Chúng ta cần phải giữ liên hệ với nhau, vì đây là mối liên hệ do Thánh Thần thêu dệt.
Chúng ta bước vào trong cộng đoàn và xây đắp bình an để mang lại cho sức sống cho cộng đoàn. Dù giới hạn cũng như khuyết điểm cá nhân ta, chúng ta vẫn được mời gọi đón nhận sửa lỗi nhau trong tình huynh đệ và giúp đỡ người khác qua việc tế nhị này. Đây là trách nhiệm sống của chúng ta với nhau.
Hoa quả của Đức Ái
Khi áp dụng hết mọi cách, vẫn không có hiệu quả, chúng ta hãy phó thác người anh em cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa: "Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật" ( Rm 13, 10 ).
Hoa quả của Đức Ái trong cộng đoàn là cầu nguyện: "Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy" ( Mt 18, 19 – 20 ). Chúng ta quả quyết: Ở đâu có tình yêu, ở đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự trị. Cầu nguyện cá nhân chắc chắn là quan trọng, cần thiết, nhưng Chúa bảo đảm sự hiện diện của mình trong cộng đoàn ngay cả cộng đoàn nhỏ, vì nó quy chiếu vào sự hiệp thông hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi. Origen nói rằng "chúng ta phải thực hiện bản giao hưởng này" nghĩa là sự hòa hợp trong cộng đoàn tín hữu.
Có người sẽ nói: chúng tôi đang tụ họp với nhau trong cùng một khuôn viên Nhà Thờ, đang lắng nghe tiếng của mục tử chúng tôi, cùng hát thánh ca và hiệp nhất trong lời cầu nguyện, chúng tôi chẳng đang nhân danh Chúa mà tụ họp với nhau đó sao ? Làm gì có sự bất hòa ?
Đúng, chúng ta là một gia đình đang được cùng một mục tử hướng dẫn, không có chia rẽ, nếu bình tĩnh lại, thinh lặng ra khỏi Nhà Thờ, những lời chỉ trích, xúc phạm người khác, kèm theo là ghen tị, đố kỵ và tham lam, hận thù, dối trá và gian lận sẽ phải nhường chỗ cho tình bác ái. Vì vậy, chúng ta hãy tôn trọng Bàn Tiệc Thánh, Chúa Kitô đã hy sinh vì chúng ta, chúng ta hãy thông hiệp với nhau.
Giờ đây chúng ta hướng lòng lên Chúa và dâng lên Ngài lời tha thiết nguyện xin cho cộng đoàn tín hữu khắp nơi được hiệp nhất trong Chúa Kitô, nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ
----------------------------------
(Suy niệm của Lm Giuse Tạ Duy Tuyền)
Con người luôn có lầm lỗi. Ai nên khôn mà không dại một lần. Và chắc chắn là không chỉ một lần TN 23-A110 Lượng
Con người luôn có lầm lỗi. Ai nên khôn mà không dại một lần. Và chắc chắn là không chỉ một lần mà rất nhiều lần trong cuộc đời. Phạm lỗi cũng không dừng lại ở lứa tuổi nào mà ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể phạm lỗi. Có điều là chẳng mấy ai trong chúng ta dám nhận mình có lỗi. Chẳng mấy ai dám thú nhận về những lầm lỗi của bản thân.
Đó là điều mà chúng ta cần phải được người khác sửa lỗi. Nếu không được người khác sửa sai thì mình sẽ không bao giờ đứng lên làm lại cuộc đời. Một đứa bé để có thể nói đúng, nói không sai chính tả cần được cha mẹ sửa giọng nhiều lần mới có thể nói không bị ngọng. Về nhân bản con người cũng phải được người khác dạy bảo, sửa lỗi thì mới hoàn thiện chính mình.
Như vậy, sửa lỗi là bổn phận của cha mẹ, của thầy cô, của bạn bè và nhận được sự chỉ dạy là của từng người chúng ta. Nếu chúng ta không sửa lỗi cho anh em là chúng ta đang có lỗi với chính mình vì chúng ta chưa sống tròn bổn phận của mình với tha nhân. Đôi khi còn bị người mà mình đã không dậy dỗ oán trách lại chúng ta.
Có một đứa trẻ từ nhỏ đã thích ăn trộm. Một hôm, nó đi học về, trong cặp có thêm một chiếc bảng học sinh. Mẹ nó hỏi:
- Sao con lại có tới hai chiếc bảng?
Đứa con đáp:
- Một cái là của bạn cùng lớp với con. Con đã lén lấy cho vào cặp đấy.
Bà mẹ vui mừng nói:
- Con của mẹ thật thông minh. Hai cái bảng chắc chắn là tốt hơn một cái rồi.
Ít lâu sau, đứa con lại mang về một cái áo da, trị giá 50 quan tiền. Đứa con đưa chiếc áo da cho mẹ, mẹ nó khen:
- Con trai của mẹ thật là giỏi, biết hiếu thảo với mẹ. Ra mẹ thơm một cái nào.
Đứa con trai ngày một lớn lên, càng ngày càng lấy trộm những thứ có giá trị hơn. Hôm nay ăn trộm bò, ngày mai ăn trộm ngựa, ngày hôm sau trộm vàng bạc châu báu. Bà mẹ luôn luôn khen ngợi con, trong nhà thiếu thứ gì, liền bảo với con trai để nó đi trộm về.
Có một lần, đứa con ăn trộm đồ bị người ta bắt quả tang, giải lên quan phủ. Vì hắn trộm quá nhiều thứ nên bị phạt tội chết. Tên trộm bị trói hai tay ra sau lưng, giải ra pháp trường. Mẹ hắn đi theo sau, khóc lóc thảm thiết. Tại pháp trường, tên trộm xin quan cho hắn được nói với mẹ vài lời. Khi bà mẹ bước tới gần, hắn liền cắn mạnh vào tai mẹ. Mẹ hắn đau quá kêu toáng lên, lớn tiếng mắng con:
- Mày thật là đồ bất hiếu, tự mình phạm tội chết còn chưa đủ hay sao mà còn muốn làm mẹ thành tật à?
Đứa con giận dữ nói với mẹ hắn:
- Lần đầu tiên tôi ăn trộm cái bảng về, nếu bà đánh tôi một trận và dạy bảo tôi thì tôi không đến nỗi như ngày hôm nay và đã không bị xử tội chết.
Hóa ra không dạy dỗ người khác có khi dẫn đến “gậy ông đập lưng ông”. Dạy người khác sửa sai là giúp mình được sống bình an hạnh phúc. Không dạy người khác sửa sai là mình đang “nuôi ong trong tay áo”, hậu quả sẽ là mình bị ong chích đầu tiên. Thế nên, khi làm điều sai trái, dù là cái sai rất nhỏ, thì cũng phải kịp thời sửa chữa. Nếu không, cứ để nó lớn dần lên thành cái sai nghiêm trọng thì có thể khiến mình phải hối hận cả đời.
Hôm nay Chúa nhắc chúng ta phải sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi không phải chỉ trích. Chỉ trích là công kích nhau, là rêu rao lỗi lầm của nhau. Chỉ trích thường thiếu bác ái, thiếu tinh thần xây dựng cho nhau. Sửa lỗi đòi tế nhị, kín đáo, thông cảm với yếu đuối lỗi lầm của nhau. Sửa lỗi là một bổn phận, là bác ái mà chúng ta phải thực thi cho tha nhân. Sửa lỗi trái ngược với bỏ mặc, và thiếu trách nhiệm với tha nhân. Trong tinh thần bác ái và yêu thương chúng ta phải có bổn phận sửa lỗi cho nhau. Cha mẹ sửa lỗi cho con cái. Vợ chồng sửa lỗi cho nhau. Thầy cô sửa lỗi cho học trò. Bạn bè sửa lỗi cho nhau. Tất cả phải có bổn phận giúp nhau thăng tiến. Không bỏ mặc nhau nhưng luôn dìu nhau tiến bước.
Sửa lỗi cho nhau không chỉ với tội lớn mà ngay cả tội nhỏ cũng cần được nhắc nhở, được giúp cải thiện. Bởi vì “nhỏ ăn trộm dây cột bò, lớn sẽ ăn trộm cả con bò”. Vì phạm tội sẽ thành thói quen. Phạm tội một lần thì sợ hãi, nhưng nhiều lần thì lương tâm đã chai lì, đánh mất sự sợ hãi lo âu.
Chúa Giê-su dạy ta cách sửa lỗi tiệm tiến với tình yêu thật tế nhị. Sửa lỗi cách kín đáo bằng lời chân tình góp ý thẳng ngay với nhau. Nếu thất bại cần thêm lời của nhân chứng để người được sửa lỗi càng nhận biết lỗi lầm của mình hơn. Nếu vẫn thất bại thì cần đến cộng đoàn để nhờ sức mạnh của cộng đoàn giúp kẻ có lỗi ăn năn sửa đổi.
Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm sửa lại những lỗi lầm. Biết bỏ đi tính tự ái, cố chấp để lắng nghe lời góp ý chân thành của tha nhân. Xin đừng vì cố chấp mà trở thành kẻ ngang bướng làm hại đến cộng đoàn. Amen.
----------------------------------
Theo ABC News, ông Yigal Cohen, một người Itraen bị đau tim nặng vừa nhận được trái tim của một TN 23-A111
Theo ABC News, ông Yigal Cohen, một người Itraen bị đau tim nặng vừa nhận được trái tim của một người Palestin trong cuộc phẫu thuật ngày 5-6-2000, Gia đình ông Mazen Joulani, người hiến tặng tim, cho biết ông vừa bi lnhững người Do Thái bắn hãi tại một tiệm cà phê ngoài trời.
Gia đình này quyết định hiến tim của Joulani vào thứ sáu tuần qua, ngay trong ngày mà cuộc nổ bom ở Tel Aviv làm thiệt mạng 21 người. Những phần nội tạng khác của Joulani cũng sẽ được ghép cho một số người Itraen khác.
Bác sĩ Lavie, người thực hiện ca mổ, nói khi ông cầm hai trái tim trong tay, ông nhận ra rằng tất cả những mâu thuẫn sắc tộc là hoàn toàn vô nghĩa.
***
Nếu chúng ta biết rõ mối thù truyền kiếp giữa người Itraen và người Palestin, nếu chúng ta nhìn thấy những cuộc xung đột đẫm máu thường xuyên xảy ra giữa hai dân tộc này trên truyền hình, báo chí, chúng ta mới thấy nghĩa cử hiến tặng trái tim để cứu sống kẻ thù, mới thật là nghĩa cả vô cùng cao đẹp. Không những anh chỉ tha thứ cho kẻ thù đã bắn chết mình, mà còn trao ban luôn trái tim và các phần nội tạng khác để cứu sống những kẻ đã sát hại dân tộc mình. Đối với những người không có tấm long khoan dung tha thứ thì đây là hành động điên rồ, thậm chí còn là việc ngu xuẩn. Nhưng với những người có niềm tin thì đó lại là bằng chứng hùng hồn của người môn đệ Đức Kitô: “Anh em phải thương yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét anh em” (Lc 6,27).
Tin mừng hôm nay thuật lại:
“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần” Có phải bảy lần không? “Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bẩy” (Mt 18,21-22).
Điều đó có nghĩa là phải tha thứ hoài, tha thứ mãi tha thứ đến vô cùng. Đó là nét mới trong dung mạo của Đức Giêsu. Mọi quốc gia, đảng phải, phong trào đều chống lại điều xấu, đề phòng kẻ gian ác, tiêu diệt kẻ thù, duy chỉ mình Đức Giêsu dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù”. Người đã chiếu tỏa nét cao quý ấy ngay trên thập giá, khi các kẻ thù hành hạ, chế nhạo, và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
----------------------------------
Yêu thương là ước mong và làm điều tốt cho người mình yêu. Một trong những điều tốt mà chúng ta TN 23-A112
Yêu thương là ước mong và làm điều tốt cho người mình yêu. Một trong những điều tốt mà chúng ta nên làm và phải làm là giúp nhau nên trọn lành, nên tốt hơn trong từng ngày sống của chúng ta. Đã mang thân phận của con người thì không ai là không có những lần lỗi phạm. Chúng ta cần hình nhận sự thật đó để can đảm giúp người khác sửa sai và giúp chúng ta khiêm tốn đón nhận những góp ý và sửa lỗi của người khác dành cho mình. Chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận rằng: nếu mình còn có người giúp sửa sai và chỉ ra lỗi phạm của mình thì hãy lấy đó làm niềm vui vì biết rằng mình còn được người khác yêu thương.
Nhưng chúng ta phải nhớ rằng: sửa lỗi người khác và giúp người khác nhận ra lỗi lầm của mình không phải là chuyện dễ. Nó là một nghệ thuật. Nếu không khéo trong việc này, chúng ta sẽ mất cả chì lẫn chài. Bởi thế, Chúa Giêsu mới dạy chúng ta một phương thế để giúp những người sai lỗi mà chúng ta nên áp dụng cách triệt để trong sự khéo léo và khôn ngoan của ta.. vì giúp nhau nên lành thánh trở nên bổn phận bó buộc đối vớI người Kitô hữu chúng ta.
1. Mạnh dạn góp ý cho người sai lỗi:
Bản chất của Hội thánh là thánh thiện, nhưng Hội thánh đang cưu mang những con người chưa thánh và tội lỗi trong đó với ước mong giúp họ nên thánh và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Chúng ta không thể lạnh lùng khi thấy anh em mình sa ngã, bởi lẽ, tất cả chúng ta làm nên một thân thể và thông hiệp với nhau, mang những vết thương của nhau.
Chỉ ai yêu thương thật sự mới góp ý chân thật và thẳng thắn. Nhiều lúc, chúng ta chỉ dám nói sau lưng và nói quá nhiều những lỗi lầm của người khác. Hành động như thế, không lợi gì cho anh em của ta mà cũng chẳng lợi gì cho ta vì ta mang tội nói xấu anh em mình. Chúng ta không dám góp ý thẳng với anh em mình có thể vì chúng ta sợ: người khác giận mình, sợ người khác không đón nhận, sợ mất quyền lợi của mình...góp ý xây dựng là một dấu chỉ của yêu thương, chứ không phải là vạch lá tìm sâu. Nếu không phải vì đức yêu thương, ta tránh sửa lỗI người khác mà ta không có nhiệm vụ.
2. Tế nhị và tôn trọng kẻ sai lỗi:
Góp ý và sửa lỗi cho người khác là một nghệ thuật. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta những bước tiến hành để sửa lỗi cho người anh em của mình. Trước hết là sự gặp gỡ của ta với đương sự một cách âm thầm và kín đáo trên nguyên tắc là tôn trọng nhau. Nếu người sai lỗi cứ bướng bỉnh, cố chấp thì ta nên đem theo vài người nữa. Làm thế không phải là gây áp lực nhưng để vấn đề được sáng tỏ thêm và khách quan hơn. Nếu đương sự vẫn không nghe thì phảI đưa họ đến với cộng đoàn để cộng đoàn sửa sai họ. Nếu họ vẫn không chịu đón nhận thì có nghĩa là tự họ đã cô lập họ, tự họ tạo ra bóng đêm cho mình.
Như thế, việc góp ý nên tiến hành qua nhiều giai đọan. Thái độ và tâm tình cần có của người sửa lỗi là tế nhị, tôn trọng, yêu thương, kiên nhẫn với kẻ sai lỗi. Chúng ta cần có trái tim yêu thương của Chúa để luôn thao thức và quyết tâm đưa những kẻ lầm đường lạc lối về với Chúa: " Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống."
Hội thánh là một gia đình yêu thương và là nơi hàn gắn những bất hoà chia rẽ. Vì thế, mọi người phải có trách nhiệm liên đới với nhau để tạo sự hiệp thông liên lỉ trong Giáo hội Chúa. Mỗi người chúng ta cần trở thành sợi dây liên kết tình anh em trong cộng đoàn nơi mình sống. Một cộng đoàn trưởng thành là một cộng đoàn có khả năng ngồi lại với nhau để góp ý và giúp nhau sửa lỗi. Chúng ta cần yêu thương để dám góp ý và cần khiêm tốn để được góp ý.
Ngày nay, khi đi trên đường ở nước Thụy sĩ, người ta nhìn thấy một tấm biển lớn, trên đó có trình bày hai chiếc xe hơi: một chiếc màu đỏ, một chiếc màu xanh. Cả hai xe đi cùng chiều với nhau, những người ngồi trong hai chiếc xe ấy đang chào nhau và tươi cười với nhau. Người lái xe xanh đang ra dấu cám ơn lại bằng cách giở mũ chào.
Ở phần dưới tấm biển có ghi một hàng chữ: "Hợp tác là an toàn". Điều này muốn nói lên rằng: giúp đỡ lẫn nhau, đối xử tốt với nhau như người cộng sự bằng tình bằng hữu là một bảo đảm cho một cuộc hành trình không nguy hiểm.
Không ai là một hòn đảo. Cuộc sống của con người chỉ thực sự lớn lên và triển nở khi sống với người khác và sống cho người khác. Xin Chúa ban cho chúng ta biết nhìn ra sự thật nơi mình để luôn biết sống nương tựa nhau và giúp nhau nên hoàn thiện theo ý Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.
----------------------------------
Truyện kể: Một du khách đang rảo qua khu danh lam thắng cảnh ở Thụy Sĩ, ông dừng lại trước hàng TN 23-A113
Truyện kể: Một du khách đang rảo qua khu danh lam thắng cảnh ở Thụy Sĩ, ông dừng lại trước hàng rào của một khu vườn hoa đẹp đẽ bao quanh một lâu đài. Người làm vườn mừng rỡ và đón chào. Họ nói chuyện với nhau về các loài hoa. Ông du khách hỏi: Cụ ở đây bao lâu rồi? Thưa, được 24 năm. Cụ đã gặp chủ nhân được mấy lần rồi? Tôi đã gặp 4 lần và lần cuối cách đây ba năm. Vậy ông ta có thường liên lạc với cụ không? Thưa không. Vậy ai trả lương cho cụ? Viên quản gia của ông chủ. Người quản gia có năng tới đây không? Tôi chưa hề gặp ông ta, chúng tôi liên lạc bằng thơ từ thôi. Thế thì ai thưởng lãm cảnh đẹp này, mà cụ phải mất công chăm sóc kỹ lưỡng như vậy? Ô, thưa ông, tôi chu toàn trách nhiệm của mình và tôi làm như chủ tôi sẽ đến ngày hôm nay, ngay bây giờ. Ngoài ra chính khi làm đẹp khu vườn của ông chủ, vợ chồng tôi cũng được vui hưởng cảnh đẹp.
Ông Adong và bà Evà có hai con trai đầu, Cain và Abel. Vào một ngày kia, Thiên Chúa đã hỏi Cain: Abel, em ngươi đâu rồi? Cain thưa: Con không biết, con là người giữ em con sao? (Stk 4, 9). Vì ghen tương, Cain đã giết em mình, nhưng Cain đã chối từ trách nhiệm. Thiên Chúa thấu tỏ mọi sự trong lòng. Cain và Abel là anh em ruột, đương nhiên anh em là có trách nhiệm nâng đỡ bao bọc lấy nhau. Bất cứ việc gì xảy ra trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội, phải có người chịu trách nhiệm. Người ta thường nói rằng: Tội qui vu trưởng. Thường là người đứng đầu một tổ chức sẽ chịu trách nhiệm trước. Chúng ta không thể đổ thừa quanh. Nhân loại là một loài thụ tạo cao quý có trí khôn, ý chí và tự do. Trách nhiệm của con người liên đới được mở rộng qua các tổ chức xã hội để giúp nhau thăng tiến.
Khi dân số tăng trưởng, con người đã tổ chức cơ cấu đời sống gia đình và xã hội. Gia đình là đơn vị nhỏ nhất để xây dựng một cộng đoàn xã hội. Chúng ta biết mỗi một cá nhân đều có căn tính riêng biệt. Trong gia đình xã hội có nhiều thành viên khác nhau hợp lại, bao gồm có người khôn kẻ dại, người tốt kẻ xấu, người rộng kẻ hẹp và người mạnh kẻ yếu. Mọi người cần tựa dựa vào nhau để sinh sống. Mỗi thành viên đều có trách nhiệm liên đới để xây dựng một xã hội tốt đẹp. Tiên tri Ezekiel đã rao giảng về sự giúp nhau sửa đổi: Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi (Ez 33, 9). Chúng ta không thể nhắm mắt, bịt tai và làm ngơ trước những sự dữ hay sự xấu nơi những người anh chị em. Chúng ta có bổn phận nâng đỡ nhau nhận ra những sự sai trái và giúp nhau sửa đổi, đây là một món nợ của tình người.
Vì mang bản tính yếu đuối, hằng ngày mỗi người chúng ta đều phạm lỗi, kẻ ít người nhiều. Có những lỗi nhẹ, dễ dàng xí xóa bỏ qua. Nhưng đôi khi có những thói hư tật xấu đã trở thành thói quen thì cần được chỉ giáo và khuyên răn. Chúng ta biết sự xấu được ngụy trang dưới nhiều cách thế, chúng ta khó có thể lật tẩy để nhận diện ngay. Đôi khi những tật xấu núp dưới bóng của những cử chỉ và lời nói ngon ngọt, êm dịu và nhẹ nhàng. Có những phát biểu tưởng là góp ý tốt lành, nhưng ẩn ý là phê bình, chỉ trích, gièm pha, ăn không nói có… Tất cả cái xấu cũng do cái lưỡi không xương lắt léo nhiều đường. Lời nói như chiếc dao hai lưỡi rất nguy hiểm. Lời nói có thể xây dựng đoàn kết và cũng có thể gây hệ qủa xấu như chia rẽ, thù oán và hại người hại ta. Nếu không xét mình một cách thành thật, chúng ta rất khó nhận ra những lỗi lầm này.
Là anh chị em sinh hoạt chung trong một nhóm, hội đoàn hay cộng đoàn, chúng ta có trách nhiệm nhắc bảo và giúp đỡ nhau sửa sai. Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta sống tình tương thân tương ái giúp nhau nhận lỗi và sửa lỗi: Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em (Mt 18, 15). Biết rằng sửa lỗi anh chị em không phải dễ, vì chúng ta ai cũng phạm lỗi. Chúng ta biết người phạm lỗi là những người yếu đuối. Ít có ai muốn nghe những điều tiêu cực về chính mình. Vì chúng ta dễ tự ái, nên rất khó chấp nhận sự sửa sai của người khác. Thường thì việc người thì sáng, việc nhà thì đui. Chúa Giêsu mách nước cho chúng ta về sự sửa lỗi, trước hết hãy sửa dạy cách kín đáo và riêng tư. Chúng ta phải hết sức tế nhị gợi ý để người khác nhận ra lỗi của họ. Khi nói đến vết thương lòng thì rất dễ nhạy cảm. Những phản ứng tự nhiên của kẻ mắc lỗi thường thì gay gắt khó chịu. Nhưng với lòng từ bi và sự kiên nhẫn, chúng ta có thể thuyết phục người anh chị em chịu nhận sai lầm và trách nhiệm của việc sai trái.
Vì con người có ý chí tự do, nên mỗi người phải chịu trách nhiệm về việc mình đã làm trong cả tư tưởng, lời nói, chữ viết và hành động. Nơi cuộc sống chung, có những trách nhiệm cụ thể cá nhân và có những trách nhiệm liên đới tập thể. Trong đời sống gia đình, người cha, người mẹ và con cái có những bổn phận và trách nhiệm riêng biệt. Nơi cuộc sống xã hội, mỗi tổ chức đều có người chịu trách nhiệm trong lãnh vực của mình. Mỗi thành viên đều có bổn phận góp phần xây dựng cuộc sống chung tốt đẹp. Có phước cùng hưởng, có nạn cùng chịu. Người dám nhận lãnh trách nhiệm là người trưởng thành. Làm sai thì nhận lỗi sai. Công việc thành công hay thất bại là lẽ thường của đời sống. Khi chối tội, chạy tội, dấu tội hay đổ thừa lỗi lầm cho người khác là thiếu trách nhiệm. Sai thì sửa. Có lỗi thì xin lỗi. Làm tội thì chịu tội. Đối diện với sự xấu, sự dữ và sự thất bại, đôi khi chúng ta cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ và chối từ, nhưng chỉ có sự thật sẽ giúp chúng ta tìm lại được sự bình an đích thực.
Chúng ta đang trên đường lữ thứ trần gian. Mỗi ngày chúng ta sống là một ngày hồng ân. Chúng ta không biết chắc chắn về tương lai. Mọi sự cố đều có thể xảy ra. Anh chị em đừng để mắc nợ nhau sự gì. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu Rôma đã khuyên: Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai, ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật (Rm 13, 8). Sống giây phút hiện tại cho tròn đủ. Đức ái là yêu thương, tha thứ, nhường nhịn và quảng đại. Chúa Giêsu tóm kết các giới răn vào hai điều: Mến Chúa và yêu người. Yêu thương nhau là tôn trọng nhau. Yêu thì không gây sầu, oán giận, gây thiệt hại hay thù ghét làm khổ người khác. Yêu thương nhau là muốn điều tốt cho nhau và cùng nhau tiến bước trên con đường hoàn thiện: Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật (Rm 13, 10).
Nếu không có ơn Chúa phù trợ, chúng con không thể làm gì được. Cầu nguyện là hơi thở trong đời sống đạo. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện. Nhưng đẹp ý Chúa hơn, nếu nơi nào có hai ba người đồng lòng hợp ý cầu nguyện, thì ơn Chúa sẽ tuôn đổ dồi dào hơn: Thầy bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó (Mt 18, 19). Hai người cùng cầu nguyện nói lên sự hỗ tương, yêu thương, hòa thuận và chung lòng chung ý. Một hình ảnh rất thuyết phục, các dòng tu thường sai từng hai tu sĩ ra đi rao giảng và phục vụ, giống khi xưa, Chúa đã sai từng hai môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng.
Lạy Chúa, chúng con là những Kitô hữu, mang danh của Chúa Kitô, xin cho chúng con biết yêu thương nhau và giúp nhau thăng tiến trên con đường trọn lành.
--------------------------------
(Văn Hào, SDB chuyển ngữ)
“Yêu thương không làm hại đồng loại” (Rm 13,10)
Yêu thương tha nhân nghĩa là gì? Thánh Phaolô cắt nghĩa: “Yêu thương là không làm hại đồng loại” TN 23-A114
Yêu thương tha nhân nghĩa là gì? Thánh Phaolô cắt nghĩa: “Yêu thương là không làm hại đồng loại” và “Yêu thương là chu toàn lề luật”. Làm thế nào để cả 2 khía cạnh này tương tác với nhau, hình thành một phương cách thực hiện đức ái Kitô giáo cách cụ thể. Một bên xem ra có vẻ tiêu cực: không làm điều ác, và một bên lại rất tích cực: chu toàn lề luật. Khi nào và thế nào, chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta đang thực hiện những giáo huấn đó?
Không làm điều ác là một đòi hỏi xem ra có vẻ tiên quyết. Nó mời gọi chúng ta suy xét về thái độ sống của chúng ta mang âm hưởng đến cận nhận làm sao? Nó cũng tra vấn xem chúng ta đã hiện lộ lòng mến trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó như thế nào. Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta thực hiện một trong những cách thái để diễn bày tình yêu đối với tha nhân là kêu mời họ quay trở về, khi họ lỗi phạm, hầu giúp họ thoát khỏi con đường tội lỗi. Có lẽ không có con đường nào gian nan cho bằng việc sửa lỗi cho cận nhân. Cận nhân đó có thể là một người bạn, một người thân trong gia đình. Cho dù chúng ta thực hiện việc này với lòng thương cảm đích thực, thì đó vẫn là hành vi thực hiện đức mến cao cả nhất.
Khi bạn bè hoặc gia đình báo cho ta biết có ai lỗi phạm điều gì đó, thường chúng ta tức giận ngay lập tức và chẳng quan tâm đến, ít nhất là lúc ban đầu, để lắng nghe xem họ phạm lỗi như thế nào. Nhưng Đức Giêsu khuyến mời chúng ta phải thực hành, bởi vì sửa lỗi cho nhau là hành vi thể hiện tình yêu thương. “ Nếu một người nào đó trong Hội Thánh phạm tội chống lại anh”, Ngài nói “ Anh hãy đi và chỉ cho người đó biết lầm lỗi của họ, khi chỉ có anh và người đó mà thôi”. Tuy nhiên Đức Giêsu cũng tiên liệu nguy cơ là người đó không chấp nhận. “Nếu người đó không nghe anh , hãy mời thêm một hoặc hai người khác cùng đi với anh để anh có thêm nhân chứng hỗ trợ”. Cách thái này cũng rất khó khăn vì nó sẽ chạm vào tự ái và khơi dậy nỗi đau do chính tội lỗi họ đã gây ra.
Phương cách này quả rất gian nan vì nhiều lý do khác nhau. Có khá nhiều trường hợp một người bị anh chị em của mình kết án chỉ dựa trên tiếng đồn hay dư luận, và điều này dễ làm gãy đổ mối tương liên, làm rạn nứt sự thông hiệp trong Giáo hội. Phần đa chúng ta không biết đầy đủ và chính xác về cuộc sống của người anh em chúng ta. Yêu thương tha nhân một cách trọn vẹn để có thể sửa chữa lỗi lầm cho nhau, đòi hỏi chúng ta phải sống với nhau thân tình một cách thật sự. Khởi đầu của lòng mến là không làm điều gì đó hại đến anh em mình. Vì thế, chính chúng ta phải tìm hiểu kỹ càng về tha nhân và phải dành nhiều thời gian để xây dựng mối tương giao huynh đệ cách sâu xa.
Chúng ta sẽ bắt đầu hiểu biết về người anh em khi chúng ta đối xử với họ trong mối tương giao thân hữu thực sự. Điều này đặt căn bản trên tình yêu, theo sự chỉ dạy qua giáo huấn của Hội Thánh và các giới răn. Thánh Phaolô nói rằng “Đây là điều chúng ta mắc nợ nhau”, mắc nợ lòng yêu thương. Quả thật, Thánh Phaolô đã xác quyết, ai yêu mến anh em mình người đó chu toàn lề luật. Ngài có ý nói rằng, tất cả lề luật “ chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian…” và những giới răn khác, được tóm kết trong một điều duy nhất “Hãy yêu thương cận nhân như chính mình”.
Nhưng ý niệm “tóm kết” ở đây được dịch bởi hạn từ “plêrioô” cũng có thể dịch là “chu toàn”. Theo Thánh Phaolô, chu toàn lề luật không có nghĩa là tổng tóm các lề luật lại. Ngài còn diễn tả sâu xa hơn, là tất cả những ai “chu toàn lề luật”, họ liên kết với Đức Kitô xuyên qua đời sống của họ, được biểu thị bằng đức tin, được diễn tả trong đức ái, và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Lề luật không phải được giản lược trong một phạm trù duy nhất, như từ ngữ “tóm gọn” diễn tả, nhưng việc chu toàn lề luật chính là biết dàn trải tình yêu đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, để lòng mến đối với tha nhân điều hướng cuộc sống chúng ta, ngay cả tại những nơi mà lề luật không nói tới một cách cụ thể.
Chúng ta cũng nên ghi nhận rằng, điều mà Thánh Phaolô nói ở đây và cả trong thơ Gal 5,14, khi đề cập tới việc tóm gọn lề luật mà sách Lêvi 14,18 nói tới , chính là “hãy yêu đồng loại như chính mình”. Song Ngài cũng gợi nhắc đến câu nói của Chúa Giêsu ở một chỗ khác “với hạn từ Shenma”. Sách Đệ nhị luật 6,4-5 có viết: Đức Chúa, Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ hết sức anh em. “Shenma” nói lên niềm tin của người Do Thái, quy tập vào tình yêu của một đấng, là chính Thiên Chúa.
Tại sao? Thánh Phaolô đã trải nghiệm sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa, nhưng Ngài còn có môt mục đích sâu xa hơn. Trong khi chúng ta dễ dàng nói “yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực ngươi” ( Đệ Nhị Luật 6,5), chúng ta rất dễ lẫn lộn và bối rối khi muốn thực hiện lòng mến đối với tha nhân cũng theo dạng thức này. Thánh Phaolô hiểu điều đó, nên Ngài đã xác quyết cách thế để chu toàn lề luật là đừng làm hại người khác. Đó cũng là phương cách để chúng ta diễn bày tình yêu cụ thể của Thiên Chúa, một tình yêu mà chúng ta có thể sờ chạm đến được.
--------------------------------
Anh chị em thân mến,
Bà Coritanbul, người Ba lan gốc Do thái. Thời đệ nhị thế chiến, bà đã bị giam trong trại tập trung TN 23-A115
Bà Coritanbul, người Ba lan gốc Do thái. Thời đệ nhị thế chiến, bà đã bị giam trong trại tập trung Đức quốc xã. Sau chiến tranh, may mắn bà vẫn còn sống. Bà đi khắp châu Âu kêu gọi lòng tha thứ cho Đức quốc xã, dù trên thân thể bà đầy những tàn tích của Đức quốc xã để lại. Một hôm, một người lính Đức, trước kia đã làm nhục bà, đang đứng trước mặt bà. Nhìn thấy người đã hành khổ mình trước đây, bà như chết lặng; sự câm thù lại bùng lên. Lúc đó, bà thầm thì với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể thực sự tha thứ cho người hành khổ con. Xin ban cho con tâm tình của Chúa, để con có thể tha thứ như Chúa..." Câu chuyện của bài Tin mừng chúa nhật hôm nay cũng cùng một chủ đề như câu chuyện chúng ta vừa nghe. Ý chính: là sửa dạy anh em; nhưng căn bản của việc sửa dạy chính là sự kiên nhẫn, bác ái và thứ tha nơi người sửa dạy, và tinh thần phục thiện nơi người được sửa... Kính mời anh chị em cùng suy niệm...
a/. Mỗi người trong cộng đoàn, trong Hội thánh đều có trách nhiệm với việc sửa lỗi anh em mình. Vì mỗi Kitô hữu đều là chi thể trong Thân thể mầu nhiệm, mà Chúa Kitô là đầu, nên có mối quan hệ hỗ tương chặt chẽ; lại vừa là con cái Thiên Chúa, vừa là anh em với nhau, nên trách nhiệm sửa lỗi cho nhau càng thêm tế nhị và cần thiết. Lỗi ở đây thường là lỗi nặng và công khai, có tính cách gây gương xấu và làm tổn thương đến cộng đoàn.
Trách nhiệm sửa lỗi là trách nhiệm liên đới với đời sống đạo đức của anh em, để giúp anh em nên tốt; dĩ nhiên trước tiên bằng lời cầu nguyện, sau là bằng tình bác ái, khôn ngoan.
Cách sửa lỗi, ở đây chú trọng tới người sửa lỗi hơn là tội nhân. Thiên Chúa đòi mọi người có trách nhiệm về sự hoàn thiện của anh em. Nhưng để việc sửa lỗi có kết quả tốt, cần phải kiên nhẫn, khôn ngoan, bác ái và tha thứ...Mạch văn ở đây muốn nói về chuyện sửa lỗi, hơn là bắt lỗi. Tất cả đều được thực hiện trong tình yêu thương và kiên trì của Hội thánh. Nếu người được sửa lỗi không nghe, đó là điều bất đắc dĩ, là do chính họ...
b/. Trong việc sửa lỗi, chúng ta cần phân biệt: người sửa lỗi và người có lỗi:
Phía người thiện chí giúp sửa lỗi: cần kiên nhẫn, từ từ, bác ái và khôn ngoan: không phải thấy anh em mình có lỗi là đã vội lên án. Vì thế, việc sửa lỗi được thực hiện trong tình bác ái, không phải là một sự khiển trách đầy khinh miệt hay la mắng kiêu căng, nhưng với niềm hi vọng tạo điều kiện cho tội nhân có cơ hội hối lỗi và sửa mình. Cách sửa dạy này vừa có tính cách liên đới trách nhiệm, vừa có tính cách bác ái và phục vụ...
Phía người có lỗi: cần có tinh thần phục thiện. Người sửa lỗi cần gây ý thức, để họ biết nhận thiếu sót của mình, biết phục thiện khi bị vấp ngã. Sẽ giúp họ không cố chấp chống lại cộng đoàn, cũng không sống trong thảm nảo "gậm nhấm tội lỗi của mình", nhưng biết nhìn nhận thiếu sót, yếu đuối, đồng thời mạnh mẽ vươn lên trong niềm tin yêu và an bình...
Câu chuyện: Trong sách tu hành xưa có kể: Có hai anh thanh niên sống không tốt lắm, họ muốn ăn năn sửa lỗi. Họ đi vào nơi thanh vắng quyết tâm ăn chay đền tội. Sau một năm trời, họ trở về. Một người thì vui vẻ, mặt mày sáng láng; người kia trái lại có vẻ ốm yếu, tâm trạng lại bi quan nữa. Khi được hỏi: người vui vẻ trả lời: cả thời gian qua, tôi nhận ra mình tội lỗi thật; nhưng tôi cũng nhận ra Thiên Chúa yêu thương tôi quá chừng, vậy chính tôi phải sống tốt, phải vui vẻ để đền bù lại tình thương của Chúa...Còn người bi quan đã trả lời: tôi thấy mình tội lỗi vô vàn, đáng bị Chúa phạt. Tôi luôn bị tội lỗi dày vò, không phúc giây nào được yên tâm, khi nghĩ mình không làm sao thoát khỏi án phạt đời đời... Qua câu chuyện này, có người sẽ hỏi: đâu là kiểu ăn năn thật sự? Thưa đó chính là sự phục thiện, tin cậy nơi Chúa của nguời vui vẻ, luôn tin vào Thiên Chúa. Dĩ nhiên người thanh niên kia không phải không có lòng ăn năn, nhưng thực tế ăn năn kiểu đó chưa đủ...
c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Sửa lỗi nhau để giúp nhau nên tốt là điều cần, nhưng nếu việc làm đó vì phô trương, khoe khoang, sẽ không đem lại lợi ích cho ai cả; trái lại hậu quả tai hại sẽ lớn hơn nhiều. Ước gì mỗi người Kitô hữu chúng ta hiểu được rằng muốn sửa lỗi anh em, cần thiết phải thành tâm, yêu thương họ như Chúa, nhất là ý thức để Chúa hoán cải họ hơn là chính mình hoán cải...
--------------------------------
Anh chị em thân mến.
Tham gia giao thông trên đường bộ, chúng ta thấy nhiều biển báo được dựng trên đường. Những TN 23-A116
Tham gia giao thông trên đường bộ, chúng ta thấy nhiều biển báo được dựng trên đường. Những biển báo đó nhắc nhở cho những ai tham gia giao thông tuân hành luật lệ quy định để bảo đảm an toàn cho mình và cho người khác. Thỉnh thoảng còn có những người làm nhiệm vụ nhắc nhở trực tiếp: những người công an giao thông, họ có trách nhiệm nhắc nhở cho những người điều khiển các phương tiện giao thông tuân hành luật lệ để an toàn tính mạng. Thế mà hằng ngày đều có những tai nạn giao thông, làm cho biết bao người rơi vào hoàn cảnh mà không ai muốn bao giờ. Chúng ta thử nhìn xem tại sao có sự kiện như thế: trước tiên là những người tham gia giao thông; được nhắc nhở cách này hay cách khác, nhưng họ không lắng nghe, nhìn thấy những biển báo, nhưng họ không thi hành, họ cứ làm theo những gì mình muốn, nên tai nạn xảy ra. Còn những người có trách nhiệm nhắc nhở thì sao? Họ không hoàn thành trách nhiệm của mình, nhưng họ lợi dụng tình hình, để tìm mối lợi riêng tư, khiến cho mọi việc trở nên khó khăn hơn. Những người được nhắc nhở không thể nào lắng nghe họ được, họ tìm cách trốn tránh và cứ làm theo những gì mình muốn. Thế là tai nạn càng trầm trọng hơn. Nếu mỗi người ý thức được công việc của mình và thi hành cho tốt thì mọi việc sẽ trở nên tốt hơn nhiều.
Chúa Giêsu nói đến trách nhiệm và bổn phận để giúp cho anh em được tốt qua bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe. Hãy nhắc nhở anh em trong tình bạn chân thành, để ngươi lợi được người anh em. Sự chân thành sẽ làm cho mọi người dể chấp nhận. Với sự chân thành sẽ dễ làm cho người khác nhận được những gì mình cần phải làm. Nếu vì một lý do nào khác mà không có sự chân thành thì người nghe sẽ khó chấp nhận hơn, nếu sự chân thành càng ít thì kết quả sẽ càng kém đi. Nếu với tất cả sự chân thành, bằng mọi phương pháp có thể thực hiện mà vẫn không kết quả, thì một tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, vì khi đó người nghe nhưng như không nghe gì, thấy cũng như không thấy gì, họ chỉ biết hành động mà không biết mình đang làm gì.
Thật khó chịu khi có người nào đó dám chỉ ngay vào vào những khuyết điểm hay tật xấu của mình. Càng khó chịu hơn nữa, khi việc làm của một người không muốn cho ai biết, lại có người dám đến chỉ ngay vào việc bí mật đó và bảo hãy thay đổi. Câu nói: nhân vô thập toàn, mỗi người đều biết. nhưng cái biết và đi đến chấp nhận thì thật là xa vời.
Có lúc nào trong cuộc sống, chúng ta chợt suy nghĩ và nhìn lại con người của mình, xem hiện tại của ngày hôm nay như thế nào, để nhìn lại quá khứ mà so sánh xem chúng ta có dám tự hào về hôm nay của mình không? Ngày hôm nay có tốt hơn ngày hôm qua? Có tốt hơn một năm về trước? Nếu so sánh nhiều hơn nữa thì niềm tự hào về tưổi đời của một người đối với chúng ta như thế nào? Nếu ngày hôm nay chúng ta thấy mình nhẹ nhàn hơn, vui vẽ hơn, dễ chấp nhận người khác hơn và biết giúp đỡ mọi người nhiều hơn thì thật là hạnh phúc cho chúng ta. Khi đó, trong cuộc sống chúng ta biết lắng nghe, biết chấp nhận và biết thay đổi những gì cần thiết. Còn nếu chúng ta chỉ biết tự hào về tuổi đời của mình, để quá bảo vệ bản thân mà không muốn ai chạm tới cho dù là lời nói, thì khi đó, chúng ta đã già rồi:
Già vì đôi mắt chúng ta mờ nên không còn nhìn thấy gì nữa, không còn nhìn thấy điều tốt để thực hiên cũng không còn nhìn thấy điều không tốt để tránh xa. Kể cả bản thân cũng không thể nhìn thấy để biết phải sống thế nào cho đúng.
Chúng ta già vì đôi tai chúng ta không còn khả năng lắng nghe, kể cả những lời hay, đẹp chúng ta cũng không thể nghe. Những lời dạy bảo chúng ta cũng không để lọt tai được, thì làm sao chúng ta có thể nghe được những lời kêu than chỉ trích những việc làm sai trái của chính mình được. Như thế thì những hành động, những việc làm tốt làm sao chúng ta có thể thực hiện được?
Nếu chúng ta biết lắng nghe, biết nói những điều hữu ích và thực hành những việc làm tốt thì thật là hạnh phúc.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa soi sáng cho mỗi người chúng ta để biết sống theo thánh ý Chúa.
--------------------------------
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói tới một trách nhiệm của người kitô hữu về việc sửa lỗi cho người TN 23-A117
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói tới một trách nhiệm của người kitô hữu về việc sửa lỗi cho người anh em mình. Một công việc rất tế nhị nhưng là cần thiết.
Người Lamã nói rằng: errare umanum est! Làm người là sai lỗi. Người Việt Nam cũng có câu tương tự: Nhân vô thập toàn, không ai hoàn hảo cả. Sinh ra trên đời này mỗi người đều có xã hội tính, nên ai có liên hệ và có trách nhiệm đối với người khác, ai cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác để hoàn thiện mình, để sống tốt hơn, nhất là khi sai lỗi, lầm lạc, ai cũng cần đến sự hướng dẫn, lời khuyên và lời cầu nguyện của người khác.
Việc sửa lỗi là một công việc khó khăn và tế nhị. Nên hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta một bí quyết vàng để thực hiện công việc này qua từng bước sau: Trước hết: «Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi». Đây là bước quan trọng nhất, khi sự thật còn ở trong bóng tối, còn kín, chỉ có hai người biết thôi. Vì thế không được phép nói cho người thứ ba biết sai lầm của người khác khi ta chưa giúp họ. Nếu bước này không thành công thì mới đi bước tiếp: «Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa… Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Nếu nó không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo». Đây là bước kế tiếp phải làm trong tinh thần xây dựng, yêu thương và hiệp thông trong cộng đoàn. Nhất là xin Cộng đoàn cầu nguyện để ơn Chúa biến đổi lòng của họ, để họ cải tà quy chính. Khi họ không nghe ai nữa thì chỉ còn cách duy nhất là hãy phó thác họ cho lòng từ bi của Thiên Chúa.
Trong thực tế, nhiều lúc chúng ta làm ngược lại với hướng dẫn trên của Chúa. Thay vì chúng ta phải giữ kín sự thật và thuyết phục người anh em sai lỗi trước khi nói người thứ ba cùng giúp, thì chúng ta lại nói toạc móng heo lầm lỗi của họ ra, làm ai cũng biết. Như thế sẽ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Cần phân biệt việc sửa lỗi hoàn toàn khác với việc nói xấu người khác. Sữa lỗi là một việc nên làm, còn nói xấu là một trọng tội. Vì thế chúng ta cần tế nhị, khôn ngoan và đúng lúc.
Câu chuyện sau đây nói lên thái độ tế nhị cần có khi sửa lỗi cho nhau:
Đức Hồng y Roncalli (sau là Giáo hoàng Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực kì ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu bằng cách suốt bữa tiệc làm như không biết bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà nói:
- Tôi không biết phải cám ơn ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được ngài ưu ái như thế? Ngài chăm chăm nhìn bà rồi nói:
- Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo. (hy vọng trong cộng đoàn chúng ta không có cô nào được người khác cho ăn táo trong nhà thờ nhé!).
Người Ái nhĩ lan có một lời nguyện rất hay mà tôi rất thích: God grant me the Serenity to accept the things I cannot change, Courage to change the things I can, and Wisdom to know the difference.
Chúng ta có thể thưa với Chúa là: Lạy Chúa xin cho con sự thanh thản để chấp nhận những điều con không thể thay đổi, sự Can đảm để thay đổi những điều con có thể và sự Khôn ngoan để phân biệt sự khác biệt. Amen.
----------------------------------
Sống trong xã hội, con người có sự liên đới với người khác. Họ sống cùng và sống với người khác. TN 23-A118
Sống trong xã hội, con người có sự liên đới với người khác. Họ sống cùng và sống với người khác. Họ có trách nhiệm sửa lỗi để xây dựng cho nhau. Khi đọc bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho chúng ta về bài học sửa lỗi cho nhau.
Do tội nguyên tổ nên con người mang thân phận yếu đuối, lỗi lầm...Khuynh hướng xấu cùng với những việc làm bất chính, đã đi sâu vào trong bản ngã của con người. Nó không chỉ hiện diện mà còn hoành hành, thao túng và gây nên biết bao tai hoạ cho con người. Trong thư Roma, Thánh Phaolô cho ta thấy cái ác quả tai hại: "Vì một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và bởi tội mà có sự chết". Tuy nhiên, Thiên Chúa yêu thương muốn con người phải biết tha thứ, sửa lỗi cho nhau theo tinh thần bác ái, tinh thần của Chúa Giêsu, đưa dẫn người khác về cùng Chúa: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó..."(Mt 15,18). Chúa dạy chúng ta hãy biết lấy tình thương, tình người để cư xử với người khác, coi họ là anh em, nhất là khi họ có lỗi lầm thiếu sót. Một cách tế nhị, kín đáo, chúng ta làm sao để giúp cho anh em nhìn ra những sai sót của mình. Trường hợp chúng ta là người có lỗi thì hãy khiêm tốn, ý thức lỗi lầm, thiếu sót của chính mình, để nhờ đó cũng biết quay về cùng Chúa, theo Lời Ngài mời gọi, để được cứu sống.
Nếu việc làm một mình sửa lỗi cho anh em chưa có hiệu quả, hãy kêu gọi sự cộng tác, góp phần của người thân hay những người có uy tín: "Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa...(Mt 18, 16).
Còn nếu như có những lúc chúng ta cảm thấy bó tay, bất lực trước những sự dữ, điều xấu của người này, kẻ khác..thì chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa, chạy đến cùng Chúa cầu xin Chúa ra tay giúp họ sửa lỗi chính mình: "..Còn nếu nó không nghe , thì hãy kể nó như người ngoại hay người thu thuế"...(Mt 18, 17).Khi lời nói của ta hay của nhiều người chưa được chấp nhận thì chúng ta hãy tiếp tục giúp họ bằng lời cầu nguyện, bằng gương lành là sự hy sinh, lòng quảng đại, tinh thần hiệp nhất,...Họ đang cần nhiều thật nhiều sự trợ giúp của chúng ta, hãy sẳn sàng cho cách thức mới đầy tình người, giàu lòng đạo đức,..
Trong thư Roma Thánh Phao nói: "Yêu thương là chu toàn lề luật"(Rm 13, 10) . Chúa mời gọi chúng ta hôm nay, yêu người không những là không làm thiệt hại cho người khác mà còn biết giúp người khác khắc phục, sửa đổi bản thân, để họ luôn đi trong đường nẻo của Thiên Chúa. Đây là trách nhiệm liên đới, là bổn phận của mỗi người.
Lạy Chúa, Chúa không muốn chúng con dửng dưng trước những lỗi lầm của người khác, gương xấu của anh em, phần rỗi của họ...mà là dạy cho chúng con có trách nhiệm với người anh em, sửa lỗi cho họ. Không những thế Chúa còn muốn chúng con biết khéo léo, tế nhị, khi sửa lỗi cho nhau. Đàng khác chúng con còn nhận ra rằng chúng con nên biết khiêm tốn để đón nhận ý Chúa, lời Giáo Hội dạy bảo để chúng con sẳn sàng sửa chữa những lỗi lầm của mình, siêng năng cầu nguyện để biết rõ và thi hành ý muốn của Thiên Chúa, để ngày sau nhiều người được vào hưởng niềm vui Nước Trời.
----------------------------------
Sinh hoạt chung trong cộng đoàn dân Chúa là một nghệ thuật. Nghệ thuật sinh hoạt chung trong TN 23-A119
Sinh hoạt chung trong cộng đoàn dân Chúa là một nghệ thuật. Nghệ thuật sinh hoạt chung trong cộng đoàn đòi chấp nhận khác biệt và cảm thông. Cảm thông bao gồm cả việc chấp nhận thay đổi, quan tâm đến khó khăn của người và thực thi tình bác ái. Những điều này mang lại bình an và hài hoà trong đời sống mỗi thành viên và chung cho cả cộng đoàn. Mỗi người có cách sông riêng của cá nhân mình và những thành viên khác cần tôn trọng, với điều kiện cách sống riêng đó không ngược lại với tinh thần yêu thương, tha thứ trong Kinh Thánh. Bất đồng, tranh cấp, bất hoà xảy ra trong sinh hoạt chung là điều không thể tránh khỏi. Khi điều đó xảy ra tốt hơn hết là nên giải quyết càng sớm càng tốt. Mong rằng cứ làm lơ đi một thời gian bất hoà, tranh chấp sẽ chết theo thời gian là trốn tránh trách nhiệm của người lãnh đạo trong cộng đoàn. Bất hoà có thể không chết nhưng trở thành điều tai tiếng chung cho cả cộng đoàn và chia rẽ, bè phái là điều không thể tránh khỏi. Một khi đã có bè, phái, rạn nứt thì việc hàn gắn trở nên khó hơn và vấn đề giao hoà trở nên khó hơn gấp bội. Cá nhân và cộng đoàn thiệt thòi chỉ có kẻ ‘lợi dụng cơ hội’ là lợi hơn cả. Bất đồng dù lớn hay nhỏ đều gây nên rạn nứt và người lãnh đạo cộng đoàn cần tìm cách kiến tạo bình an cho cộng đoàn cũng như giúp các thành viên học khôn từ bất đồng và mục đích quan trọng nhất là giúp thành viên trung thành với đời sống đức tin. Danh Chúa không thể nào cả sáng nơi cộng đoàn có tranh chấp, bất hoà.
Cộng đoàn giải quyết bất hoà trong tâm tình yêu thương và công chính, không phải giải quyết theo phe phái hay thiên vị phe nhóm nhưng công tâm trong bác ái, yêu thương. Khi gặp vấn nạn phức tạp tiếng nói chung của người có trách nhiệm cần thể hiện tiếng nói của cả nhóm, không phải tiếng nói của người có uy tín nhất trong nhóm mà là tiếng nói chung cả nhóm đồng tâm như thế mới thể hiện được tiếng nói chung của cộng đoàn. Một khi tiếng nói chung bị từ chối người đó coi như tự tách mình ra khỏi cộng đoàn vì không công nhận quyền lãnh đạo chung của cộng đoàn. Từ chối như thế là tự chọn sống ngoài cộng đoàn, dù vẫn đang sống trong cộng đoàn nhưng cách xử thế là ngoài cộng đoàn. Trong truờng hợp này cộng đoàn không còn cách nào khác bằng cách thừa nhận tính cách chọn lựa của cá nhân đó. Chọn sống ngoài cộng đoàn chính là chọn đời sống của kẻ không tin Chúa hay đời sống của dân thu thuế. Người thu thuế thời Đức Kitô là người không tôn thờ Thiên Chúa nhưng là người cộng tác với thế lực ngoại bang để làm hại chính dân mình.
Tiếng nói chung của ban lãnh đạo là tiếng nói của con người nhưng tiếng nói đó được chính Đức Kitô xác nhận là cần thiết. Khi họ hội họp bàn về công việc chung trong tinh thần cầu nguyện chân thành, cởi mở và tinh thần bác ái thì họ nhận được ân sủng Chúa. Đức Kitô hiện diện trong các buổi sinh hoạt cầu nguyện thành tâm như thế. Cộng đoàn đức tin là nơi giúp giải quyết những bất đồng, chia rẽ nhưng cũng là nơi phát sinh bất đồng, chia rẽ. Cộng đoàn nâng đỡ, ủi an và chia sẻ khó khăn của mọi thành viên nhưng thành viên cũng có trách nhiệm chu toàn bổn phận cộng đoàn.
----------------------------------
Mọi người là anh em con cùng một Cha, do đó chúng ta phải biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Khi TN 23-A120
Mọi người là anh em con cùng một Cha, do đó chúng ta phải biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Khi anh em lỗi phạm, chúng ta có bổn phận sửa lỗi và trợ lực cho họ bằng nhiều cách khác nhau như: cầu nguyện, nhắc nhở, sửa dạy... theo từng bước: sửa dạy riêng, nhờ thêm vài người, nếu không được thì trình với cộng đoàn giải quyết.
Để một phạm nhân sám hối, trước hết phải cầu nguyện hết lòng cho người đó. Cần có ơn trợ giúp của Chúa thì phạm nhân mới mau nhận thức rõ những sai lầm và ăn năn sám hối đúng mức. Khi đã cầu nguyện cho họ, thì lời khuyên của chúng ta mới dễ đạt kết quả. Tôi biết một người bỏ đi nhà thờ nhiều năm, không ai khuyên được ông ấy. Nhưng vì thương cho hoàn cảnh ông nên nhiều hội đoàn cùng họp nhau lại cầu nguyện, làm việc hy sinh ... kết quả là ông đã xin đi xưng tội và trở lại giữ đạo đàng hoàng trong tháng đó. Nếu chúng ta biết cầu nguyện cho mọi người trong sự khiêm nhường thì Chúa sẽ ban ơn dồi dào cho họ và cho chúng ta được ý thức sống trong tình mến Chúa luôn.
Việc sửa lỗi có thể được thực hiện cách nhẹ nhàng bằng lời khuyên của bạn bè, của người thân trong gia đình, của việc nêu gương sáng về tình yêu thương và niềm tin mạnh mẽ vào Chúa. Thường thì tội nhân dễ có ý nghĩ tiêu cực sau khi phạm lỗi, do đó cần có người giúp cho họ vượt qua sự ngại ngùng, sự cố chấp do tự ái hoặc sự sợ hãi, thất vọng...
Việc sửa lỗi cho anh em là điều cần thiết nhưng cũng hết sức tế nhị để bảo toàn thanh danh cho anh em đó. Chính Chúa Giêsu đã nói rõ ràng từng bước sửa dạy cho các môn đệ và các ngài truyền lại cho chúng ta. Nếu anh em trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi, nên cầu nguyện trước, sau đó đến gặp gỡ, khuyên răn... Vấn đề là giúp người anh em hoán cải, nên người tốt chứ không có ý chỉ trích hay bêu xấu họ. Tuy nhiên, nếu người đó không chịu nghe thì phải gọi thêm vài người có uy tín để giúp họ nhận thức về tội của mình. Nếu người đó vẫn cố chấp, không hối lỗi thì còn giải pháp cuối cùng là trình với người có trách nhiệm trong Giáo hội để giúp cho tội nhân có thái độ dứt khoát sửa mình. Nếu họ vẫn khăng khăng không hối lỗi thì họ phải tự gánh lấy hậu quả.
Chúa Giêsu có quyền tha bắt tội nhưng Ngài đến trần gian không nhằm để trừng phạt hay dùng quyền bắt mọi người tùng phục mình, Ngài có cách sửa dạy rất hay bằng lời giảng dạy, bằng dụ ngôn và bằng chính đời sống thánh thiện của Ngài. Ngài đối xử nhân từ với mọi người, dù họ là người tội lỗi hay đạo đức, người đơn sơ khiêm tốn hay kẻ cứng lòng không tin. Chúa Giêsu tỏ ra kiên nhẫn đối với nhân loại. Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho Hội thánh quyền tha bắt tội dưới đất: "dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy" (Mt 18,18). Tuy nhiên, Hội thánh cũng đang noi theo gương Chúa kitô đối xử nhân từ với tội nhân và sẵn sàng ban ơn tha tội cho những ai thật lòng thống hối. Hội thánh dùng quyền để phục vụ, để cứu chữa, không nhằm để trừng phạt. Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu và Hội thánh là Thân thể mầu nhiệm của Người để sống trung thành với lời Chúa dạy, sống đúng theo huấn quyền của Hội thánh và tỏ lòng quý mến mọi anh em.
Nếu mọi người biết yêu thương nhau và quyết một lòng một ý xin Chúa điều gì, chắc Chúa không nỡ từ chối chúng ta. Chúa Giêsu tuy đã lên trời vinh hiển nhưng Ngài không bỏ chúng ta mồ côi. Ngài đang ở giữa chúng ta, ban các Bí tích cho chúng ta, ở trong chúng ta để hướng dẫn, gìn giữ và giúp sức cho những ai thành tâm kêu cầu Người.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những con người yếu đuối, còn kém lòng tin cậy mến Chúa và lơ là bổn phận sửa dạy lẫn nhau, xin cho chúng con luôn biết nhận ra tình yêu Chúa đối với bản thân mình, để yêu mến Chúa và khiêm tốn đón nhận những lời khuyên răn, góp ý của những người xung quanh cũng như dám khuyên bảo anh em khi cần thiết. Từ nay, chúng con quyết tâm sống tương trợ, yêu thương, hiệp nhất với mọi người để công việc truyền bá Phúc Âm được lan rộng và thấm sâu vào lòng mọi người.
----------------------------------
(Suy niệm của Lm Gioan B. Phan Kế Sự)
“Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi”
Sửa dạy anh em, sửa sai những lầm lỗi hay nắn lại những lệch lạc thường là những công việc TN 23-A121
Sửa dạy anh em, sửa sai những lầm lỗi hay nắn lại những lệch lạc thường là những công việc “tế nhị nhạy cảm” và ai cũng muốn tránh; trừ một số người sinh ra để kết án anh em: kẻ độc tài và gian ác!
Trách người cũng chính là trách mình. Nhận xét người cũng chính là vạch trần những cái xấu của mình. Sửa sai người cũng làm cho chính mình bị nhột nhạt và khó chịu. Một điều thật đơn giản là ai trong chúng ta cũng thật nhiều lầm lỗi, lắm khi còn nhiều thiếu sót hơn anh em mình. Tệ hơn, nó còn là bình phong, là tấm lá chắn cho những lầm lỗi của mình.
* Chúa yêu thương và đặc biệt quan tâm đến từng người chúng ta. Chúa luôn luôn muốn chúng ta thuộc về Người và không muốn ai trong chúng ta phải hư đi. Nhắc nhở anh em, tạo điều kiện giúp anh em trở lại con đường ngay, là Chúa muốn từng người chúng ta, cùng với Ngài, giúp cho người anh em mình trở về chính lộ, tránh đi những sai lầm đáng tiếc để trở thành một con người tốt. Trong cách xử thế, Chúa dạy chúng ta trước hết phải biết tôn trọng anh em “riêng ngươi và nó thôi”. Tình thương của Thiên Chúa luôn tạo điều kiện, dịp may, cơ hội để mỗi người chúng ta sống tốt hơn. Ngừơi đời vẫn thường dạy “chị ngã em nâng”.
* Phải có lòng tự trọng. Việc sửa sai phải đặt nền tảng trên đức bác ái Kitô giáo, chứ chẳng phải là sự bố thí của kẻ trên với kẻ dưới, càng không phải là sự kết án độc tài, độc ác như là một quan tòa đối với một tội nhân. Thái độ đặt anh em như là đối thủ để lên án, mà không hề biết tôn trọng, hỏi han lý lẽ, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, chỉ làm cho anh em ngày càng đi sâu vào sự hận thù, mất niềm tin và thất vọng. “Hãy đi sửa dạy nó” Chúa muốn mỗi người khi sống bên cạnh nhau, luôn là những người bạn chân thành, quảng đại và có trách nhiệm với nhau trước những lầm lỗi của anh em mình. Ai trong chúng ta mà chẳng có lần lầm lỗi và yếu đuối. Chính vì thế, việc bảo ban, nhắc nhở cho anh em mình, cũng chính là cơ hội để mỗi người “tự thức tỉnh mình”. Hãy hết sức tránh thái độ kẻ cả với anh em, với cộng sự của mình.
* Nền tảng của luân lý rất rõ ràng “Phương tiện xấu không thể biện minh cho mục đích tốt”. Vì thế, việc sửa dạy nhau không dựa trên “những lời đồn đóan”, càng không thể dựa trên những lời vu khống, bịa đặt, bêu giễu của những kẻ ác tâm. Chuyện không đơn giản là sửa sai, trách móc hay trừng phạt anh em bằng mọi thủ đọan; mà chính là tính minh bạch, công tâm và nhất là vì lợi ích cho cộng đòan chứ không phải nhằm vào việc thi hành quyền lực.
Việc sửa dạy anh em không phải là chuyện dễ, càng không được tùy tiện! Mỗi người trong chúng ta đều có cái hay cái dở, vì chẳng ai trong chúng ta là hòan hảo. Phải biết đặt mình vào chính hòan cảnh cụ thể của anh em, bởi chính chúng ta khi sống trong hòan cảnh đó, nhiều khi tình trạng của chúng ta coi chừng lại còn tệ hại hơn. Cũng đừng đem bụng ta để suy đóan bụng người, vì nhiều khi chúng ta suốt đời chỉ sống trong nhung lụa, môi trường “đi nâng về hứng”, còn anh em luôn phải đối diện với bao khó khăn, nhục nhằn. Mục đích của việc sửa dạy là “Phải được lợi cho người anh em”, chứ không phải lợi dụng cơ hội để đạp anh em tận xuống đáy bùn đen!
Lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, con người chúng con thật yếu đuối lầm lỡ, bởi chúng con mãi mãi là một thụ tạo bất toàn và hay sa ngã. Xin Chúa cho mỗi người chúng con luôn ý thức về sự bất tòan của mình để có đủ thiện chí tiếp nhận những lời nhắc nhủ của anh em và luôn sẵn lòng tha thứ cho anh em. Xin hãy uốn nắn chúng con thành những người con ngoan hiền, dễ dạy để mãi mãi là những người con yêu dấu của tình thương Chúa. Amen.
----------------------------------
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Mt 18, 15 – 20
Đời con người là một cuộc đấu tranh không ngừng để càng lúc càng hoàn thiện hơn. Bởi vì, con người TN 23-A122 Dalat
Đời con người là một cuộc đấu tranh không ngừng để càng lúc càng hoàn thiện hơn. Bởi vì, con người vốn không hoàn hảo, không bao giờ sai lỗi hay không bao giờ lầm lỗi, thiếu sót, do đó, chỉ bảo cho nhau, sửa lỗi cho nhau, sửa lỗi lẫn nhau là một việc làm cần thiết. Nhưng phải giúp nhau sửa chữa thế nào cho phù hợp, sửa chữa thế nào cho tốt lại là một việc cần suy nghĩ, cần học hỏi ?
Chúa Giêsu hiểu rõ con người, biết con người thường xuyên sai sót, hay phạm lỗi và sửa sai người khác không đơn giản, không dễ dàng mà cần phải có nghệ thuật, cần biết cách vv…Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một cách sửa chữa nhau rất hay, rất tế nhị và rất đẹp. Nên, muốn sửa lỗi ai, mọi người hay chính chúng ta phải ý tứ làm từng bước như Chúa chỉ dạy thì mới có kết quả và thành công.Trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu nói đến bổn phận và cách sửa lỗi người anh em. Ngài đề ra những bước sau: thứ nhất, chúng ta có bổn phận phải sửa lỗi người anh em lỗi phạm, chứ tuyệt đối chúng ta không được giả điếc làm ngơ để họ tiếp tục sai lỗi. thứ hai khi sửa lỗi ngươi anh em thì phải thật khéo léo, khôn ngoan, tế nhị bởi vì Chúa Giêsu hiểu rõ tâm lý của những người phạm lỗi. Khi mắc lỗi, đặc biệt khi lỗi phạm nặng người có lỗi thường hay mặc cảm, tự ái. Nên, việc sửa lỗi người phạm lỗi thường phải chân thành, tế nhị, kín đáo, đến công khai, từ riêng tư nghĩa là mình với người anh em phạm lỗi, đem theo một hoặc hai người, sau đó mới thưa với cộng đoàn anh em, với Hội Thánh. Mục đích của việc sửa lỗi là giúp người lỗi phạm nhận ra sai lầm của mình để sửa chữa hầu sống đẹp hơn, tốt hơn, chứ không phải là để trù dập. làm mất phẩm giá của người anh em, giữa lúc người đó đang hoang mang vì tâm hồn tan nát.
Sửa lỗi là một việc làm thật khó khăn, tế nhị nhưng rất cần thiết vì ai cũng có lỗi lầm, khuyết điểm cần khắc phục để trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, con người thường có mặc cảm, tự ái, chính vì thế, một lời nói, một thái độ, một cử chỉ thiếu khôn ngoan, thiếu tế nhị, sáng suốt, thiếu cởi mở,chân thành sẽ dễ gây thêm tình trạng căng thẳng, trở nên xấu hơn, khó giải quyết hơn. Bên cạnh sự khôn ngoan, khéo léo, chân thành của người sửa lỗi, chúng ta cần cầu xin Chúa soi sáng, hướng dẫn và thánh Thần Chúa tác động trí lòng để chúng ta biết lựa lời, biết khôn khéo, tế nhị dùng những lời bác ái, đầy xây dựng và tình thương để sửa lỗi người anh em phạm lỗi và đồng thời cũng xin Chúa mở lòng để người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý, sửa lỗi chân thành của chúng ta để họ sửa đổi, sống tốt hơn và hoàn hảo hơn vv…Chúng ta hãy ghi nhớ lời của một nhà giáo dục nói:” Người ta khen ta mà khen phải, đó là bạn ta, người ta chê ta mà chê đúng, đó là thầy ta, những người nịnh hót ta, đó là cừu địch hại ta, những người đối lập ta, đó là thầy dạy ta mà không lấy tiền “.
Việc sửa lỗi giúp nhau thăng tiến, giúp nhau sống đẹp, sống tốt hơn là việc làm cần thiết nhưng chúng ta luôn phải khéo léo, khôn ngoan theo cách của Chúa mới có giá trị, hiệu quả và đẹp lòng Chúa, đẹp lòng người.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con thêm đức tin để chúng con biết giúp nhau sửa đổi chân thành, bác ái và đẹp lòng Chúa. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:
1.Có cần phải sửa lỗi nhau không ?
2.Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách thức sửa lỗi nhau làm sao ?
3.Có nên làm ngơ giả điếc khi anh em phạm lỗi hay không ?
4.Khôn ngoan, khéo léo và chân thành có cần trong khi sửa lỗi nhau không ?
5.Người lỗi phạm thường hay có tính khí như thế nào ?
----------------------------------
(Mt 18, 15 - 20)
Bác ái huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu" là chủ để nổi bật hơn cả của Chúa nhật tuân này. Quả thật TN 23-A123
"Bác ái huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu" là chủ để nổi bật hơn cả của Chúa nhật tuân này. Quả thật, "hiệp nhất nhân danh Chúa Giêsu", bác ái, tha thứ cho nhau và giúp nhau thăng tiến là điều ai cũng muốn và cần làm. Đây không đơn giản chỉ là tương quan xã hội trong cuộc sống hàng ngày. Việc sửa lỗi huynh đệ đã có trong sách Lêvi: "Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó " (Lv 19, 17). Vì bác ái với dân Israel, Chúa đã làm cho Êdêkiel "trở nên người lính canh nhà Israel", và truyền ông phải nói cho "kẻ gian ác bỏ đường lối mình", để được sống, nếu không "thì chính kẻ gian ác sẽ chết" (x. Ed 33, 7-9).
Thánh Phaolô nói: "Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau" (Rm 13, 8). Thì ra chúng ta phải mắc nợ nhau về tình mến. Cùng một thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, thánh Phaolô mời gọi ta mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, sống hiền lành, khiêm nhường và liên đới với nhau. Bởi tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc, chúng ta là anh em với nhau trong Chúa, nên hãy đối xử với nhau bằng tình yêu và lòng mến, vì toàn bộ luật của Thiên Chúa được nên trọn trong tình yêu, kể cả Mười Điều Răn "và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình" (x. Rm 13, 8-10).
Lời thánh Phaolô trong bài ca đức ái: " Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác " (1Cr, 9), cho thấy Giáo hội được qui tụ làm thành Thân Thể Chúa Kitô, lãnh nhận sứ mạng bày tỏ Thân Thể này theo ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta là những chi thể của cùng một Thân Thể, tuy khác nhau, nhưng cùng qui về Giáo hội, liên đới với nhau như một bản giao hưởng tình bác ái. Nên ai phạm lỗi, người ấy thiếu tình bác ái không chỉ với một người, mà con đối với toàn thân thể.
Cứ sự thường ai xúc phạm đến ta, ta không can thiệp gì hết. Viện cớ: nó đã xúc phạm đến tôi ! Tôi sẽ không nói gì hết, dứt khoát là không. Vậy làm gì bây giờ ? Nó đã xúc phạm đến tôi: Mắt đền mắt, răng đền răng ư ? Đây không phải là giải pháp, làm thế sự xấu sẽ xấu hơn. Tôi sẽ đi gặp anh em và nói: Anh đã làm tổn thương tôi, không được ! Anh được Thiên Chúa tạo dựng, vì tình bác ái, tôi phải kéo anh về. Chúng ta không loại trừ vì lỗi cá nhân họ, nhưng giúp họ sửa mình để trở nên xứng đáng trong cộng đoàn mà họ là thành viên.
Sửa lỗi, cụ thể hơn là phê bình hiệu quả hay góp ý xây dựng là những cụm từ đã từ lâu trở nên quen thuộc trong nghệ thuật giao tiếp. Bị người khác phê bình, cho dù đó là góp ý hay chỉ trích, cũng đều cho chúng ta thấy bản thân mình có khiếm khuyết. Đã là con người thì chắng mấy ai muốn thật lòng thừa nhận điều đó. Cho dù ta thuộc tuýp người nào đi chăng nữa thì lời phê bình cũng là thứ mà không ai mong muốn được nghe. Làm được điều đó không phải là chuyện dễ bởi chúng ta cần có cả sự tự tin lẫn đức khiêm tốn để thừa nhận chúng ta đã lầm lỗi. Đồng thời, phải nhìn nhận mặt sáng trong mỗi người. Phê bình là vì chính lợi ích của chúng ta, chứng tỏ tình yêu huynh đệ chất chứa trách nhiệm hỗ tương.
Chúa Giêsu đưa ra các cấp độ hành xử với anh em trong cộng đoàn, dựa trên sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau miễn sao lợi được người anh em. Tin Mừng (Mt 18, 15-20) cho thấynếu anh em có lỗi, tôi phải thể hiện tình yêu với họ, trước hết, nói chuyện riêng với anh về sai lầm mà anh đã nói hay làm là không tốt. Hành vi này được gọi là sửa lỗi huynh đệ: đây không phải là phản ứng đối với hành vi người phạm lỗi, nhưng là cử chỉ yêu thương dành cho người anh em.
Và nếu nó không chịu nghe ngươi? Cấp tiếp theo, hãy nói chuyện về anh ta với hai hoặc ba người để giúp anh ý thức hơn về những gì anh đã làm; nếu anh ta vẫn bỏ ngoài tai, bất chấp điều này, phải nói cho cộng đoàn; và nếu anh ta không nghe cộng đoàn, thì phải làm cho anh ta nhận ra rằng chính anh tự tách biệt khỏi cộng đoàn Hội Thánh. Đặt ra khỏi cộng đoàn thành viên không chịu hối cải, không có nghĩa là lên án. Chúng ta cần phải giữ liên hệ với nhau, vì đây là mối liên hệ do Thánh Thần thêu dệt. Chúng ta bước vào trong cộng đoàn và xây đắp bình an để mang lại cho sức sống cho cộng đoàn. Dù giới hạn cũng như khuyết điểm cá nhân ta, chúng ta vẫn được mời gọi đón nhận sửa lỗi nhau trong tình huynh đệ và giúp đỡ người khác qua việc sự tế nhị này. Đây trách nhiệm sống của chúng ta với nhau.
Khi áp dụng hết mọi cách, vẫn không có hiệu quả, chúng ta hãy phó thác người anh em cho lòng nhân hậu của Thiên Chúa: "Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật " (Rm 13, 10).
Hoa quả của đức ái trong cộng đoàn là cầu nguyện: " Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy "(Mt 18, 19-20). Chúng ta quả quyết: Ở đâu có tình yêu, ở đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự trị. Cầu nguyện cá nhân chắc chắn là quan trọng, cần thiết, nhưng Chúa bảo đảm sự hiện diện của mình trong cộng đoàn ngay cả cộng đoàn nhỏ, vì nó qui chiếu vào sự hiệp thông hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi. Origen nói rằng "chúng ta phải thực hiện bản giao hưởng này" nghĩa là sự hòa hợp trong cộng đoàn tín hữu.
Nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, xin Chúa liên kết chúng ta trong tình yêu Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
----------------------------------
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Rô-ma 13: 8-10
Sau khi trình bày điểm thứ nhất của đời sống luân lý, tức là bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, thánh TN 23-A124
Sau khi trình bày điểm thứ nhất của đời sống luân lý, tức là bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, thánh Phao-lô bước sang điểm thứ hai nói đến bổn phận chúng ta phải có đối với người đồng loại, đó là phải thương yêu anh chị em.
a) Yêu thương là một món nợ
Thông thường chúng ta nói yêu thương là một bổn phận. Nhưng thánh Phao-lô lại cụ thể hóa yêu thương, coi đó như là một món nợ. Nợ nần là một kinh nghiệm rất thực tế, nhất là sống trong nền văn minh hôm nay. Khi diễn tả yêu thương hoặc đức ái là một món nợ, thánh Phao-lô muốn ám chỉ đến Chủ nợ. Không phải là chúng ta, cũng không phải là người anh chị em. Nhưng là chính Ðấng đã "yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một" (Ga 3:16) và Ðấng đã truyền lệnh cho tất cả chúng ta "hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15:12). Chúng ta mắc nợ yêu thương với Thiên Chúa. Tình yêu vô điều kiện của Người dành cho chúng ta không dựa trên sự xứng đáng của chúng ta, nhưng là do lòng nhân từ của Người. Cho nên món nợ ấy làm sao chúng ta trả nổi! Nhưng Chúa cho chúng ta một phương thức để chúng ta trả món nợ ấy. Ðó là qua Ðức Ki-tô, Thiên Chúa biến món nợ ấy thành một Lề Luật mới và Người truyền cho chúng ta trả món nợ bằng cách: ai yêu mến anh chị em, thì đã chu toàn Lề Luật, không phải Luật Mô-sê nhưng là Luật Chúa Ki-tô. Thiên Chúa cũng cụ thể hóa món nợ này, như thánh Gio-an, vị Tông đồ của tình yêu, đã lý luận: "Phàm ai tin rằng Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô, thì đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Ðấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Ðấng ấy sinh ra" (1 Ga 5:1).
b) Yêu thương tóm tắt lại tất cả các giới răn liên hệ đến anh chị em
Trong Mt 22:39, Chúa Giê-su đã tóm tắt Mười giới răn vào hai điều: mến Chúa và thương người. Ở đây, thánh Phao-lô cũng bắt chước, tóm tắt bảy giới răn trong Mười giới răn nói về bổn phận đối với anh chị em: "Các điều răn... đều tóm lại trong lời này: ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình" (Rm 13:9). Nhấn mạnh đến đức ái đối với anh chị em, thánh Phao-lô muốn làm nổi bật lên nét độc đáo và đặc biệt của Ki-tô giáo. Do-thái giáo (Ðạo cũ) nhấn mạnh đến tình yêu đối với Chúa, như chính Chúa Giê-su đã công nhận: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu" (Mt 22:37-38). Nhưng cũng từ đây, Chúa Giê-su đã khai mở một chân trời mới về yêu thương: "Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (c. 39). Khi xác định "cũng giống điều răn ấy", Chúa Giê-su đã nâng cao giá trị của đức ái đối với anh chị em lên mức độ của Thiên Chúa. Nhận thức điều này, thánh Gio-an đã đanh thép lý giải: "Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (1 Ga 4:20).
c) Cách biểu lộ tình yêu thương anh chị em: Ðã yêu thương thì không làm hại người đồng loại.
Nếu đã gồm tóm mọi điều răn đối với anh chị em trong một điều là yêu thương đồng loại, thì thánh Phao-lô cũng muốn gồm tóm tất cả những cách biểu lộ tình yêu thương ấy trong một cách duy nhất, đó là không làm hại người đồng loại. Ở câu 9, thánh Phao-lô đã trưng dẫn nhiều điều người ta phải giữ để biểu lộ tình yêu thương anh chị em, thí dụ như không ngoại tình, không giết người, không trộm cắp, không làm chứng dối và không ham muốn. Ðể tóm tắt tất cả những điều vừa kể và cả các điều răn khác, thánh Phao-lô muốn nói lên cốt lõi của phương thức biểu lộ tình yêu thương anh chị em, là: đừng làm hại anh chị em. Quả thực đây là một phương thức hết sức thực tế. Nhận ra kết quả của những điều tốt chúng ta làm cho anh chị em thì khó, nhưng nhận ra những hậu quả do những điều xấu chúng ta làm cho anh chị em thì dễ. Vì thế thánh Phao-lô chủ ý nói đến phương diện tiêu cực này là để giúp chúng ta dễ dàng nhận định những gì mình làm cho anh chị em, nói khác đi là để giúp chúng ta dễ kiểm điểm xem mình có thực sự yêu thương anh chị em không.
Một điểm đáng chú ý nữa là thánh Phao-lô đã giúp chúng ta nhận ra tính cách vô giới hạn của đức ái. Khi nói "người đồng loại," ngài đã gạt ra ngoài mọi giới hạn huyết tộc, chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ. Ðức Ki-tô là nguyên lý kết hợp mọi người (x. Gl 3:28). Nhờ Ðức Ki-tô và trong Ðức Ki-tô, chúng ta yêu thương nhau và yêu mến Thiên Chúa là Cha của Ðức Ki-tô và Cha của chúng ta nữa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Yêu thương anh chị em là một đề tài lải nhải trong mọi thời. Vậy tôi có khám phá được điều gì mới mỗi lần cầu nguyện với đề tài này không? Ðoạn thư của thánh Phao-lô hôm nay cho tôi cái nhìn mới mẻ nào về một giới răn "xưa như trái đất"?
Ý niệm yêu thương là một món nợ gợi lên cho tôi những suy tư nào và những trách nhiệm nào? Tôi phải sống những trách nhiệm ấy làm sao?
"Tôi đã làm hại anh chị em tôi" sẽ là một gợi ý để tôi xét mình mỗi ngày như thế nào?
Cầu nguyện kết thúc
Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài về tình yêu, yêu Chúa và thương anh chị em.
Lm. Ðaminh Nguyễn Ðình Nhi
----------------------------------
Mt 18,15-20
"Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó" (Mt 18,15)
Thiếu nhi chúng con yêu quí,
Cha con chúng ta vừa đọc lại một bài Tin Mừng do thánh Mathêo viết. Trong bài Tin Mừng chúng ta TN 23-A125
Cha con chúng ta vừa đọc lại một bài Tin Mừng do thánh Mathêo viết. Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta thấy Chúa Giêsu khuyên mọi người hai điều hết sức cụ thể và rất cần thiết cho cuộc sống của mọi người.
Cha đố chúng con Chúa khuyên chúng ta điều gì?
- Thưa cha Chúa khuyên chúng ta hãy biết sửa lỗi cho nhau.
- Rất chính xác. Nhưng còn điều thứ hai?
- Hãy biết họp nhau lại mà cầu nguyện.
- Chính xác luôn! Chúng con giỏi.
1. Bây giờ chúng ta nói với nhau về điều thứ nhất: "Hãy biết sửa lỗi cho nhau"
Đây chúng con hãy nghe lời Chúa: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. (Mt 18,15-17)
Cha hỏi chúng con: Chúng ta có thể làm được việc sửa lỗi cho nhau không? Câu rả lời của cha là: Có.
Làm sao mà chúng ta có tể làm được điều đó? Chúng con còn nhỏ. Chúng con không thể làm được việc sửa lỗi cho nhau như những người lớn. Thế nhưng vẫn có cách để chúng ta làm được điều này. Cách nào?
- Cách thứ nhất là đời sống tốt lành thánh thiện của chúng ta.
Cha nhớ lại một câu chuyện, không biết của thánh nào nhưng nội dung câu chuyện thì cha nhớ rất rõ. Có lẽ là thánh Gioan Boscô! Khi vị thánh ấy còn nhỏ thì mẹ của vị thánh ấy rất sợ con của mình lây nhiểm những thói hư tật xấu của những bạn trẻ cùng tarng lứa, nhất là tội nói tục. Một hôm vì thánh trẻ ấy xin mẹ cho mình được ra chơi với các bạn cùng xóm ngõ với mình. Những bạn này có thói hư mở miệng ra là nói tục. Chúng con biết ngài nói với mẹ làm sao không?
- Mẹ cứ để cho con ra chơi với các bạn ấy. Sự có mặt của con sẽ làm cho các bạn ấy bớt nói tục hơn.
Đó chúng con thấy. Chúng ta cũng có thể sửa lỗi cho các bạn của mình như thế miễn là mình phải có sự thánh thiện.
Cách thứ hai là sống ngoan ngoãn dễ thương.
Cha kể cho thêm chúng con câu chuyện vui này:
Bạn Gioan một hôm đi học giáo lý về, thấy bố mẹ đang to tiếng cãi vã nhau. Bạn bỏ cặp sách xuống và rồi nhảy ngay lên mặt bàn rồi hô lên một tiếng thật lớn.
- Im lặng.
Cha mẹ bạn Gioan im lặng không còn to tiếng với nhau nữa. Sau đó hai người bế Gioan xuống rồi hỏi:
- Con học được câu chuyện này ở đâu vậy?
Bé Gioan ngoan ngoãn trả lời: Cô giáo của con mới dạy cho con bài giáo lý sáng nay!
- Cô dạy gì?
- Thưa con dạy chúng con về Chúa Giêsu dẹp yên bão tố giữa biển khơi.
Câu trả lời ngoan ngoãn dễ thương của bé Gioan làm cho cha mẹ phải "phì cười". Hai ông bà ôm con vào lòng. Họ cảm thấy hạnh phúc vì có được đứa con ngoan. Gioan đã sửa lỗi cho cha mẹ bạn ấy. Chúng con thấy không? Cha không bảo chúng con phải làm y như vậy. Nhưng khi chúng con sống ngoan ngoãn tử tế thì chính sự ngoan ngoãn tử tế thánh thiện của chúng con sẽ là một bài học sửa lỗi cho những người chung quanh rồi.
2. Bây giờ cha nói với chúng con điều thứ hai. Về sự cầu nguyện.
Chúng con hãy nghe lời Chúa dạy: "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ".(Mt 18,19-20)
Ở trên chúng ta đã nghe Chúa nói về sự sửa lỗi cho nhau. Chúa cũng đã nói về việc chúng ta cố sửa lỗi mà không thành công. Trong trường đó, chúng ta phải làm thế nào? Chẳng lẽ chúng ta đành bó tay! Không! Còn một phương thế khác đó là chúng ta cầu nguyện. Chúng con hãy đọc lại lời Chúa một lần nữa đi: Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho.
Chúng con có biết bà thánh Monica và ông thánh Augustinô không. Đây là lời ông thánh Augustinô: "Nhờ ơn của mẹ tôi, nhờ lời cầu nguyện và công phúc của người mà tôi đã thành người như hiện nay. Lạy Chúa nếu con được làm con Chúa, chính vì Chúa đã ban cho con một người mẹ, một trong những tôi tá của Chúa.”
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu một lần kia bằng lời cầu nguyện của mình đã làm cho một tử tội tưởng chừng như không thể khuất phục ăn năn và chịu các Bí tích cuối cùng trước khi lên đoạn đầu đài. Vậy mà bằng lời cầu nguyện Ngài đã thành công.
Ngày kia, thánh Etienne, đang giảng thuyết trước một cử tọa đông đảo, bỗng có một người dám nói với ngài:
- Thưa cha, mặc dù cha nói nhiều đến sự khinh tởm tội lỗi, con cũng chả muốn hoán cải tí nào và con rất bực bội khi nghe tin cha cầu nguyện cho con.
Ngạc nhiên trước những lời nói bạo gan này, vị thánh xúc động đến nỗi ngài phải khóc ròng. Và ngay sau đó, ngài đánh chuông tập họp tất cả các tu sĩ lại, bảo:
- Chúng ta hãy mau cầu nguyện cho con người đáng thương này!.
Vài giờ sau đó, trái tim của kẻ tội lỗi cứng đầu này hoàn toàn thay đổi; anh ta nhận ra tình trạng thảm hại của mình và quyết định sống một cuộc đời đối mới. Anh đến tìm gặp vị thánh, phủ phục dưới chân ngài xin tha thứ, và hứa sẽ từ bỏ các tật xấu, không bao giờ tái phạm nữa.
Cha muốn kết thức bằng một câu chuyện nữa.
Người ta kể lại một sự việc cảm động như sau:
"Có một học sinh lúc đầu nổi bật bởi lòng đạo đức và các nhân đức, bỗng nhiên sao đó đâm ra lêu lổng. Vị bề trên lo lắng. Sau nhiều lần khuyên bảo em một cách vô ích, một tối nọ Ngài đến bên giường em, quỳ gối và cầu nguyện suốt đêm ở đó. Gần sáng, em đó tỉnh giấc, vì khi thấy bề trên của em đang bên cạnh. Em hỏi Ngài lý do. "Con yêu quý - Ngài trả lời - nếu con ngã bệnh nặng nguy hiểm, Cha sẽ thức ngồi cạnh giường con suốt đêm. Vậy thì linh hồn con đang bệnh. Cha sợ cái chết đến bất thình lình với con trong tình trạng này, do đó Cha đến thức và cầu nguyện cùng thiên thần bản mệnh của con". Nghe vậy, em rất cảm động đến độ chảy nước mắt. Em ôm cổ vị Linh mục thánh thiện, hôn Ngài và em hứa với Ngài là em sẽ thay đổi đời sống. Em đã giữ lời hứa, và sau này em đã trở thành Linh mục. Vị Linh mục này thường bảo cuộc trở lại của Ngài là do hành động rất đơn sơ và đầy lòng bác ái này!
Lm Giuse Đinh Tất Quý
----------------------------------
Sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ bác ái là chủ đề của bài Tin mừng hôm nay. Sửa sai cho nhau l TN 23-A126
Sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ bác ái là chủ đề của bài Tin mừng hôm nay. Sửa sai cho nhau là một việc rất tế nhị và quan trọng trong cuộc sống chung giữa anh em với nhau. Mục đích của việc can thiệp sửa sai là để xây dựng, thuyết phục người anh em trở lại với cộng đoàn, giúp anh em nên tốt hơn, chứ không phải để luận tội, kết án anh em mình, sửa lưng hay lên lớp anh em. Giải pháp mà Chúa Giêsu đưa ra là luôn sửa lỗi trong tinh thần yêu thương và tha thứ.
Trong xã hội hay trong đời sống cộng đoàn, việc sửa sai là một việc làm rất tế nhị, khó khăn, nhưng rất cần thiết, tế nhị về phía người sửa lỗi. Sự thật thì mất lòng, ai cũng có tự ái, không muốn tiết lộ tật xấu, tội lỗi của mình. Về phía người sửa sai rất ngại nói đến tật xấu của anh em vì sợ mất lòng. Hơn nữa, ai cũng là người “nhân vô thập toàn”, ai cũng có khuyết điểm cũng như ưu điểm. Nếu không khôn ngoan, thì dễ bị anh em phản đối mắng lại:
“Chân mình thì lấm mê mê
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”.
Thậm chí có khi lại bị anh em dùng chính lời Chúa mà phang lại:
“Hãy lấy cái đà khỏi mắt anh đã,
Rồi mới lấy cái rác nơi mắt anh em”.
Việc sửa lỗi anh em quả thật tế nhị và vô cùng khó khăn cả về hai phía. Lời Chúa hôm nay xác định rõ ràng: Sửa lỗi anh em là một hành vi tích cực của đức bác ái, vì muốn anh em mình thêm hoàn thiện, đạo đức hơn. Đối với người có trách nhiệm như cha mẹ, bề trên sửa lỗi người dưới còn là điều cần thiết và là một bổn phận nữa.
Chúa Giêsu đưa ra cách thế sửa lỗi như sau:
+ Trước hết gặp gỡ tay đôi để đối thoại trong tinh thần anh em, xây dựng trong tinh thần yêu thương huynh đệ: “Anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”.
+ Nếu tay đôi không thành công, thì phải nhờ cộng đoàn, nhiều nhân chứng, nhiều ý kiến khôn ngoan để lời nói có uy tín, có thế giá để thuyết phục anh em ăn năn sám hối.
+ Giải pháp cuối cùng là nhờ Hội thánh với những vị hữu trách giúp đỡ, khuyên răn, an ủi và nếu cần có thể dùng biện pháp chế tài, biện pháp mạnh. Nếu không thành công thì phải bó tay. Không có cách nào khác bởi vì thái độ ương ngạnh, lì lợm của con người. Có lẽ Thiên Chúa cũng phải bó tay vì Ngài luôn tôn trọng tự do của con người: “kể họ như dân ngoại hay người thu thuế”. Biện pháp cuối cùng xem ra khắc nghiệt và có tính loại trừ? Không, Thiên Chúa không bao giờ loại trừ ai, Ngài luôn yêu thương và muốn mọi người hạnh phúc. Thái độ ngoan cố, không nhận lỗi, không sửa sai là tự loại trừ mình, tách biệt mình ra khỏi cộng đoàn.
Hai từ ngữ quan trọng trong bài Tin mừng hôm nay là: “Anh em” và “Cha”. Chúa Giêsu dạy: “Nếu hai người trong anh em họp nhau để cầu xin gì cùng Cha, thì Cha Thầy sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai, ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở đấy giữa họ”.
Tất cả là anh em với nhau và Thiên Chúa là Cha mọi người (Mt 18, 20).
Sau cùng để cho việc sửa sai anh em có kết quả tốt đẹp, cần phải cầu xin với Thiên Chúa Cha. Cùng với Chúa, cả cộng đoàn tha thiết cầu xin cho người anh em trở lại, thì họ sẽ trở về với Chúa.
Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta được đầy tràn Thánh Thần tình yêu Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới là Đấng duy nhất “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi”.
LM Giuse Nguyễn Văn Nam
----------------------------------
"Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó" (Mt 18,15).
Anh chị em thân mến,
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta hai điều: Trước hết là phải biết sửa lỗi cho nhau và thứ TN 23-A127
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta hai điều: Trước hết là phải biết sửa lỗi cho nhau và thứ hai là phải biết tụ họp lại mà cầu nguyện chung với nhau.
I. Trước hết là việc sửa lỗi.
Con người chúng ta chẳng ai mà không có lần lầm lỗi. Châm ngôn của người Lamã nói: "Lầm lỗi là bản tính của con người". Lý do cũng dễ hiểu bởi vì loài người chúng ta "nhân vô thập toàn". Chẳng ai trong chúng ta hoàn thiện đến mức độ không có một tật xấu nào.
Một nhà văn Pháp đã nói:
* Tuổi trẻ thì táo bạo,
* Người trưởng thành thì háo danh, kiêu căng
* Người già thì keo kiệt, khó ưa.
Tóm lại: Không ai trong chúng ta hoàn toàn.
Và còn một điều này nữa cũng thường xẩy ra. Đó là: cái xấu của ra, ta khó thấy....Còn cái xấu của người khác ta lại rất dễ thấy.
Chính Chúa Giêsu cũng đã có lần cảnh giác người ta: "Cái xà trong mắt ngươi, ngươi không thấy. Nhưng lại rất thấy thật rõ cọng rác nhỏ trong mắt nơi người anh em "(Mt 7,3).
Chính vì thế mà việc sửa lỗi cho nhau đã được Chúa coi như một điều cần thiết cho đời sống cộng đoàn.
Bản thân ta nếu muốn thấy rõ mình, ta cũng cần phải nhờ đến người khác
"Người chỉ cho ta, mà chỉ phải, tức là thầy của ta.
Người khen ta, mà khen phải, là bạn của ta.
Còn người nịnh hót ta thì ta phải kể họ là kẻ cừu địch của ta" (Tuân Tử)
Vua Hoàn Công xưa là một người có một cuộc sống thật gương mẫu về vấn đề này.
- Vua chọn cho mình ba người bạn để ngồi chơi với mình.
- Vua chọn cho mình năm người để can ngăn mình khi mình có lỗi
- Và vua chọn cho mình 30 người để nhắc nhở cho mình mỗi khi mình có lỗi lầm điều gì.
Phải biết sửa lỗi cho nhau vì đây là một nhiệm vụ chứ không phải chỉ là một lời khuyên. Lời Chúa qua miệng tiên tri Êzêkiel cũng nhấn mạnh điều đó: "Nếu ngươi không chịu lên tiếng nói để người gian ác từ bỏ đường lối của mình...mà người gian ác phải chết trong sự gian ác của nó thì Ta sẽ đòi máu của nó bởi tay của ngươi"(Ed 33,11)
Nhưng sửa bằng cách nào thì Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta. Những chỉ dẫn của Người hết sức rõ ràng.
a/ Trước hết là tiếp xúc cá nhân. Đây là phương pháp hay nhất. Tuy nhiên phải rất khéo léo tế nhị và khôn ngoan thì mới thành công.
Thánh Phaolô đưa ra hai lời khuyên;
- Với người trên ta phải năn nỉ.
- Với người dưới ta phải nhẫn nại khuyên lơn
Thánh Philipphê Nêri một ngày kia muốn sửa lỗi cho một người phụ nữ có cái tật hay nói hành nói xấu người khác. Ngài bảo chị ta mua một con gà rồi làm cho nó chết đi....sau đó hãy đem con gà đó đến gặp Ngài với điều kiện là phải vặt hết lông con gà trên đường đi đến gặp ngài. Người phụ nữ hơi thắc mắc nhưng vì lòng mến đối với thánh nhân nên cũng vui lòng làm như ngài đòi hỏi. Khi tới nơi, ngài không khuyên lơn gì cả mà lại ra lệnh cho bà đó trở về.... vừa đi vừa lượm lại cho ngài hết số lông con gà mà bà đã vứt ở giữa đường.
Chúng ta thừa biết phản ứng của người phụ nữ đó như thế nào.
Sau đó ngài cắt nghĩa: "Những lời nói vu oan cáo vạ cho người khác khi ra khỏi miệng cũng sẽ nhanh chóng loan truyền từ tai người này sang tai người khác như vậy, khó mà con thể thu lượm lại được...chẳng khác gì phải thu lượm lại những cái lông gà....của con vậy.". Rồi ngài thêm "Còn khi muốn nói về một người nào làm khổ mình thì chỉ nên nói với Chúa mà thôi....hãy cầu nguyện cho họ để họ biết sửa lỗi".
b/ Tiếp theo là dùng những buổi sinh hoạt của cộng đoàn
Đây là hình thức rất được ưa chuộng ngày hôm nay. Những buổi chia sẻ lời Chúa. Những buổi tĩnh tâm, những buổi sinh hoạt tổ đều ít nhiều nhắm tới mục đích tìm ra những sai sót giúp nhau sửa lại những sai sót của mình trước mặt Chúa.
c/ Bước tiếp theo cực chặng đáng mới phải dựa vào sự phán xét của Giáo Hội.
Ngày kia vị Giám mục đến thăm mục vụ tại một làng nọ. Dân chúng bày tỏ sự bất mãn của họ đối với một vị ẩn sĩ trên núi vì ông đang chung sống với một phụ nữ mất nết. Sau khi nghe những lời kết án, vị Giám mục quyết định cùng dân làng leo lên núi. Thấy đám đông đến nơi mình ở, vị ẩn sĩ hoảng sợ bảo người phụ nữ trốn vào một chiếc thùng rỗng.
Vị Giám mục là người thứ nhất bước vào lều. Ngài đưa mắt nhìn quanh và hiểu ngay sự việc. Ngài bình thản đến ngồi trên chiếc thùng gỗ ấy và bảo dân làng vào lục soát. Tìm mãi mà không thấy ai, dân lành đành ra về. Chờ cho mọi người đi ra hết, vị Giám mục nhìn sâu vào đôi mắt nhà ẩn sĩ và nói: "Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ Linh hồn mình".
II. Về việc cầu nguyện
Sau tất cả những "biện pháp như thế mà vẫn không có kết quả thì sao? Chúa bảo: " Nếu họ không nghe....thì hãy coi họ như những người thu thuế và người ngoại giáo"(Mt 18,17). Lời của Chúa có vẻ hơi khó hiểu. Phải chăng là tuyệt vọng? Không! Bằng chứng là trong Tin Mừng Chúa đã nhiều người tội lỗi trở thành người công chính. Cụ thể như Matthêô tác giả bài Tin Mừng hôm nay.
Như vậy là còn một "chiêu" khác. Đó chính là sự hiệp lời cầu nguyện.
Lời cầu nguyện nhiều khi có một giá trị không ngờ.
Chúng ta hãy nghe những lời sau đây của Thánh Augustinô: "Nhờ ơn của mẹ tôi, nhờ lời cầu nguyện và công phúc của người mà tôi đã thành người như hiện nay. Lạy Chúa nếu con được làm con Chúa, chính vì Chúa đã ban cho con một người mẹ, một trong những tôi tá của Chúa.”
Thánh Têrêsa bằng lời cầu nguyện của mình đã làm cho một tử tội tưởng chừng như không thể khuất phục ăn năn và chịu các Bí tích cuối cùng trước khi lên đoạn đầu đài.
Ngày kia, thánh Etienne, đang giảng thuyết trước một cử tọa đông đảo, bỗng có một người dám nói với ngài:
- Thưa cha, mặc dù cha nói nhiều đến sự khinh tởm tội lỗi, con cũng chả muốn hoán cải tí nào và con rất bực bội khi nghe tin cha cầu nguyện cho con.
Ngạc nhiên trước những lời nói bạo gan này, vị thánh xúc động đến nỗi ngài phải khóc ròng. Và ngay sau đó, ngài đánh chuông tập họp tất cả các tu sĩ lại, bảo:
- Chúng ta hãy mau cầu nguyện cho con người đáng thương này!.
Vài giờ sau đó, trái tim của kẻ tội lỗi cứng đầu này hoàn toàn thay đổi; anh ta nhận ra tình trạng thảm hại của mình và quyết định sống một cuộc đời đối mới. Anh đến tìm gặp vị thánh, phủ phục dưới chân ngài xin tha thứ, và hứa sẽ từ bỏ các tật xấu, không bao giờ tái phạm nữa.
Lạy Chúa Giêsu
Chỉ có Chúa mới có thể làm cho chúng con những điều kỳ diệu.
Xin Chúa đừng để cho những lỗi lầm chúng con gây ra cho nhau trở thành nguyên cớ cho những mất mát và phân ly.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhân danh Chúa để sống trong sự thật, trong yêu thương.
Xin cho chúng con biết hết lòng giữ gìn, chăm sóc, vun tưới cho cuộc sống hiệp nhất giữa những người con của Chúa mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Vì chỉ có như thế chúng con mới xứng đáng là những người con và xứng đáng với tình yêu thương của Chúa mỗi ngày. Amen.
----------------------------------
Rm 13,8-10; Mt 18,15-20
Đức Tổng giám mục Desmond Mpilo Tutu, người được nhận giải Noben Hòa Bình năm 1984, từng TN 23-A128
Đức Tổng giám mục Desmond Mpilo Tutu, người được nhận giải Noben Hòa Bình năm 1984, từng nói: “Trong trường hợp có bất công mà bạn không chọn phe nào thì thực chất bạn đã đứng về phe áp bức.”
Thiên Chúa tạo dựng con người với đôi tai và cặp mặt để nghe, để nhìn. Cùng với những cơ quan thụ cảm khác, con người có thể đưa ra nhận định về sự vật, sự việc... Nhận định rồi con người sẽ làm gì? Cụ thể hơn, trong trường hợp thấy sự sai lỗi của người anh em, người đồng đạo chúng ta sẽ làm gì?
Sửa lỗi cho người khác luôn là điều tốt, nhưng không phải mọi cách sửa lỗi đều đưa tới hiệu quả, có khi cách sửa lỗi dẫn đến hậu quả. Như thánh Biển Đức nhắc nhở viện phụ: “Ngay khi quở trách, ngài cũng phải cư xử khôn ngoan, không gì thái quá, kẻo khi muốn cạo sạch rỉ sét lại làm vỡ cả bình.” (x. Tu Luật Thánh Phụ Biển Đức, Chương 64, câu 12). Vậy chúng ta phải sửa lỗi anh em như thế nào?
Đức Giê-su đưa ra cho chúng ta một tiến trình tiệm tiến khi sửa lỗi người anh em. Đức Giê-su nói rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 1815). Tại sao Đức Giê-su truyền phải âm thầm một mình anh với người anh em trót phạm tội?
Người Việt có câu: “Cọp chết để da, người chết để tiếng” hay “Con chim có lông, con người có tiếng.” Đối với con người, danh tiếng rất quan trọng, chính vì thế người ta làm mọi thứ, hy sinh nhiều điều để có danh thơm tiếng tốt, để lại danh tiếng trên đời. Vậy mà, những lỗi phạm những điều xấu chính là nguyên nhân làm mất thanh danh của người ta. Đức Giê-su rất tâm lý, tế nhị khi truyền dạy, sửa lỗi người anh em trước hết phải âm thầm kín đáo chỉ mình anh với nó. Việc âm thầm kín đáo, tế nhị không chỉ dừng lại ở việc giữ danh thơm tiếng tốt nhưng còn để đối thoại với người trót lỗi phạm. Đối thoại để làm gì?
Ai trong chúng ta chắc cũng biết câu chuyện của thầy trò Khổng Tử và Nhan Hồi. Đến một bậc thánh hiền như Khổng Tử mà có lúc cũng suýt hồ đồ, thì huống hồ là những con người phàm tục như chúng ta. Cái mà chúng ta nhìn, chúng ta cảm nhận chưa hẳn là sự thật. Hơn nữa, mỗi câu chuyện, mỗi lỗi lầm đều có nội tình của nó. Cho nên sẽ là tổn hại không lường cho đương sự khi chúng ta chưa hiểu rõ nội tình mà đã rêu rao cho cả thiên hạ biết. Có khi sai sự thật, có khi làm tiêu tan cả một đời cố gắng của họ và cũng không ít người đã đi đến tuyệt vọng hoàn toàn. Chính vì thế, khi thấy người anh em sai lỗi cần âm thầm một mình với họ để đối thoại nhằm tìm hiểu sự thật, nội tình. Từ đó chúng ta mới có thể sửa lỗi cho họ bằng cả con tim cảm thông mà không chỉ trích, chân thành mà không trịch thượng. Đừng để lòng thù hận ghen ghét che mờ lý trí và tình yêu của chúng ta. Nhưng hãy lấy đức ái mà chữa lành người anh em lỗi phạm. Nhưng khi đức ái của một cá nhân không thể làm người anh em hối lỗi “...thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng” (Mt 18, 16).
Khi việc đối thoại cá nhân với người sai lỗi không đem lại kết quả, việc đem thêm người để sự việc có hai ba nhân chứng có thêm sức thuyết phục người có lỗi. Công việc này nhằm cho người lỗi phạm nhận thấy lời khuyên của người thứ nhất không phải là cái nhìn chủ quan, nhưng sáng suốt và được nhiều người khác công nhận. Như thế, việc đem thêm người phải đi đến mục đích khách quan nhất cho sự việc. Cần tránh thái độ suy xét cách chủ quan, riêng tư, cá nhân, nhất là suy xét một cách ấu trí, theo cảm tính. Tuy nhiên việc gọi thêm người cũng có nguy cơ, những người được mời đến nói năng thiếu lập trường, a dua, xu nịnh. Chính vì thế, sửa lỗi cho người anh em cần có sự khách quan và cần tránh việc dùng sức mạnh của số đông để uy hiếp. Chúng ta hãy dùng sự khách quan để cho họ thấy lỗi phạm, rồi để tự do lương tâm của họ lên tiếng. Hãy để họ quyết định sửa lỗi hay không. Khi họ vẫn ngoan cố “ ... thì hãy đi thưa với Hội Thánh.”
Việc đưa tội nhân ta trước Giáo Hội không phải là một sự xét xử, song là một việc long trọng khuyên dụ hoán cải nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Trong trường hợp này, Giáo Hội chẳng còn làm gì khác hơn là công bố chính sứ điệp của mình: lời ân xá và tha thứ; nhưng lời này sẽ trở thành lời xét xử đối với những ai bác bỏ, khước từ. Chính vì công bố sứ điệp đó mà cộng đoàn nhận được quyền cầm buộc và tháo cởi. Quyền bính của cộng đoàn không phải là quyền bính của một tòa án hay một cơ quan tài phán nhân loại, vì nó hệ tại ở việc đặt lương tâm con người đối điện với Thiên Chúa công bình và nhân ái. Kết quả là kẻ “chẳng màng nghe Giáo Hội”, nghĩa là từ chối nghe lời mời gọi ăn năn, thì đương nhiên tự loại trừ khỏi cộng đoàn được xây dựng trên ân sủng trong Chúa Kitô; đương sự không còn là “anh em” nữa. Điều y đã làm khi phạm tội (cách riêng tư), giờ đây cộng đoàn chỉ còn công khai xác nhận và đòi y phải trả lẽ. Y đã tự tách khỏi cộng đoàn vì tội của y, nên cộng đoàn mới chứng thực sự kiện bằng cách ghi nhận y đã từ chối nắm bàn tay đưa ra để lôi y vào. (x. Chú giải của Giao Hoàng Học Viện Đà Lạt – www. Chuanhat23tna,giaophanbaria). Trên đây là tiến trình mà chính Đức Giê-su đã truyền dạy để sửa lỗi một người anh em. Để thực hiện được tiến trình này cần hai tuân theo hai nguyên tắc: Chân lý và tình yêu.
Khởi đi từ việc sửa lỗi với tư cách là cá nhân, rồi đến một nhóm hai hoặc ba người và sau cùng là thẩm quyền của Hội Thánh. Tất cả những cấp bậc đó nhằm nói lên tính khách quan của công việc sửa lỗi. Những người sửa lỗi không nói lên với cảm tính, suy luận cách cá nhân, nhưng dựa trên chân lý. Cũng có thể nói tiến trình sửa lỗi là tiến trình đưa người lỗi phạm ra khỏi mê lầm để đi tìm chân lý. Chân lý là gì? Chân lý đó chính là Lời được khắc ghi trong mọi sự. Thật vậy “mọi vật đều mang dấu ấn không thể xóa nhòa của một Nguyên Lý tạo dựng vẫn truyền lệnh và hướng dẫn (Verbum Domini, số 8). Nói cách khác chân lý chính là thiên luật được đặt trong vạn vật và trong chính mỗi người. Lời cũng đã hiện thực hóa khi thánh Gioan nói: “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng” (Ga 1, 14). Chính Người sau đó, khi đi rảo giảng đã tuyên bố: “Chính Thầy là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Như thế, để có thể sửa lỗi người anh em trong chân lý cần có một những cuộc đối thoại với Lời. Lời đó là thiên luật đã được ghi khắc, được sống động cụ thể hóa nơi Đức Ki-tô. Từ cuộc đối thoại với Lời chúng ta mới có thể tự tin thông truyền mệnh lệnh của Thiên Chúa cho người anh em. Như lời Chúa phán với Ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Người sẽ nghe lời từ miệng ta phán ra, rồi thay ta báo cho chúng biết” (Ed 33,7). Nhưng ở một nơi khác chúng ta cũng thấy rằng, Ngôi Lời chính là Thiên Chúa (x.Ga 1,1), mà Thiên Chúa chính là tình yêu (1 Ga 4,8). Vậy nên nghe Lời và truyền đạt lời cũng chính là vâng theo luật tình yêu và truyền đạt lệnh truyền của Thiên Chúa tình yêu. Đó là nguyên tắc thứ hai của việc sửa lỗi.
Thánh Phao-lô đã nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài món nợ tình tường thân tương ái; vì yêu người, thì đã chu toàn Lề luật” (Rm 13,8). Thật thế, chúng ta mang món nợ yêu thương, vì chúng ta được hiện hữu là nhờ tình yêu của Thiên Chúa. Mang nợ thì phải trả, Thiên Chúa muốn chúng ta trả món nợ đó bằng tình thương với anh em đồng loại. Cho nên khi sửa lỗi người anh em của mình cũng phải lấy tình yêu và lòng bao dung làm nền tảng cho những hành động. Vì nếu thiếu tình yêu trong việc sửa lỗi thì công việc này sẽ biến chúng ta thành những con người xoi mói, chỉ trích, trịch thượng. Nó biến số đông thành sức mạnh hủy diệt hối nhân, biến Hội Thánh thành công cụ để thanh trừng... Chính vì thế, công lý, chân lý đòi người anh em sai lỗi phải sửa chữa, nhưng người anh em cũng cần tình yêu để chữa lành. Chân lý và tình yêu phải là đôi cánh không thể tách rời trong việc sửa lỗi anh em. Nó không chỉ đưa người anh em lỗi phạm ra khỏi vũng lầy tội lỗi, nhưng còn dẫn đưa họ về với Đấng là Chân lý, là sự thật và là sự sống. Trên hết đó là Đấng được gọi là tình yêu.
Sửa lỗi cho người anh em đó là tránh nhiệm của mỗi người chúng ta. Vì tội lỗi có chiều kích xã hội, mà con người là hữu thể xã hội. Tuy nhiên công việc sửa lỗi người anh em đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, tế nhị và nhất là đòi hỏi một tình yêu lớn lao. Công việc đó phải được hướng dẫn bởi chân lý và được chữa lành bằng tình yêu.
Lời Chúa dạy chúng ta phải sửa lỗi cho anh em mình. Nhưng cuộc sống vẫn luôn tồn tại hai thái cực: một số người luôn xoi mói, rêu rao chuyện của người khác; còn số khác thì sống chết mặc bay, không quan tâm đến người khác. Là những ki-tô hữu chúng ta có quyết tâm sống lời Chúa dạy hay không?
Lời Napoleon: “Thế giới chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự yên lặng của những người tốt.” Trước bất công, trước điều ác, chúng ta có dám đứng ra để bênh vực cho sự thật hay không? Hay như Đức Thánh Cha Biển Đức VXI từng nói: “Chỉ vì sự tiến thân mà anh em chấp nhận làm con cho câm hay sao?” Chó câm hay con chó biết sống đúng với bản chất, bản tính của nó là tùy thuộc vào sự chọn lựa. Hãy can đảm sống cho sự thật khi bạn còn có thể, đừng đợi đến khi bị sự ác đè bẹp rồi hối hận.
Ân Tâm – Cộng đoàn Phước Vĩnh
----------------------------------
"TƯƠNG QUAN".
Hiền Lâm.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 18, 15-20
"Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
"Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.
"Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ."
+ SUY NIỆM. "TƯƠNG QUAN"
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến đời sống tương quan giữa con người với nhau, thể hiện Chúa nhật XXIII TN 23-A129
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến đời sống tương quan giữa con người với nhau, thể hiện qua việc giúp nhau sửa lỗi, tha thứ cho nhau và hiệp nhất với nhau phụng sự Thiên Chúa:
* Tính nhân bản trong việc sửa lỗi cho nhau.
Chúa Giê-su đưa ra chúng ta một tiêu chuẩn giúp nhau sửa lỗi có tính nhân bản và tế nhị. Khi muốn sửa lỗi ai, cần tôn trọng nhân phẩm của họ, ai cũng có lòng tự trọng, nếu chúng ta thiếu ý nhị sẽ làm người có lỗi cảm thấy tự ái, nhất là làm cho họ phải xấu hổ và mặc cảm trước đám đông thì sự việc sẽ càng tệ hại hơn.
Vì thế, khi muốn sửa lỗi ai, ít nhất phải qua 3 bước:
- Giữa hai người với nhau;
- Cần người thứ ba chín chắn và khôn ngoan hoặc người thứ ba này có khả năng thu phục…;
- Đưa đến cộng đoàn Hội Thánh.
Không chỉ là 3 bước, mà con số 3 trong Thánh Kinh cho thấy một sự kéo dài (không phải là tam ba bận). Nghĩa là muốn sửa lỗi ai cần đến một sự kiên nhẫn chờ đợi và cầu nguyện xin Chúa giúp hoán cải tội nhân.
* Năng quyền và tính tương quan trong Hội Thánh.
- Việc Chúa nói đến tháo cởi hay cầm giữ, có thể hiểu đến năng quyền của Hội Thánh ban cho các mục tử qua Bí Tích Cáo Giải, nhưng suy xa hơn, có một ý nghĩa bao quát về cả chính bản thân và tương quan giữa người với người trong chúng ta.
- Khi chúng ta đặt niềm tin vào tình thương của Chúa sẽ tha thứ cho mình, thì chúng ta mới thoát ra được khỏi mặc cảm của tội lỗi để bắt đầu đời sống mới. Đôi khi chúng ta xưng tội, Chúa đã tha thứ cho chúng ta rồi, nhưng về chúng ta cứ bối rối và cứ dằn vặt mãi trong tội.
- Khi ta tha thứ (tháo cởi) cho ai, thì Chúa cũng sẽ tha thứ cho chính chúng ta; còn khi chúng ta cứ mãi mãi mang trong mình sự hận thù, thì không những chúng ta trói buộc ngay chính chúng ta trong sự tự ti, mà trước mặt Chúa chúng ta cũng không được tha thứ.
- Tính tương quan được thể hiện qua lời dạy của Chúa Giêsu: “Ở đâu có hai hay ba người họp nhau vì danh Thầy, thì có Thầy ở giữa”. Chúng ta không phải là đơn lẻ, vì dù ở đâu chúng ta cũng thuộc về một cộng đoàn hay một giáo xứ. Giáo Hội khuyến khích và mong muốn chúng ta tham dự những giờ kinh chung và tham dự Thánh Lễ với cộng đoàn nơi chúng ta đang sống…
Lạy Chúa Giêsu, Nước Trời Chúa dành cho chúng con mai sau được xây dựng ngay trong đời sống tương quan giữa thế gian này. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, chúng con chỉ thực sự yêu mến Chúa khi chúng con biết thương yêu tha nhân. Amen.
Hiền Lâm.
----------------------------------
Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20
Tự bản chất, con người vốn yếu đuối, mỏng giòn và dễ sai phạm. Lịch sử cứu độ cho thấy điều đó. Biết TN 23-A130
Tự bản chất, con người vốn yếu đuối, mỏng giòn và dễ sai phạm. Lịch sử cứu độ cho thấy điều đó. Biết bao lần, con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa, gây tổn thương cho nhau và tác hại đến các loài thụ tạo. Cùng là thân phận con người, chúng ta có thể đồng hành, nâng đỡ và cảm thông nhau, nhất là chúng ta có thể sửa lỗi cho nhau để giúp nhau nên tốt hơn.
1. Cần sửa lỗi cho nhau
Lỗi phạm của người anh em có thể gây ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa chúng ta cũng cần phải sửa lỗi cho nhau, vì đó là một trách nhiệm. Chúa đòi ta trả lẽ về sự sai phạm của người anh em, nếu ta không sửa lỗi họ (x. bài đọc I). Trong mối liên đới là con một Cha trên trời, là chi thể của Đức Kitô, chúng ta có trách nhiệm nâng đỡ và giúp nhau nên tốt hơn: “Chúng ta phải để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt” (Dt 10,19).
Hơn nữa, sửa lỗi còn là một hành động thể hiện tình bác ái với nhau. Việc sửa lỗi chân thành ngăn chặn hậu quả của những sai phạm, giúp người anh em chu toàn lề luật và tiến đến sự hiệp thông trong đức ái. Nếu ta nhắm mắt, bịt tai để cho người anh em trong tình trạng sai phạm tội lỗi, đánh mất linh hồn, chúng ta trở thành những người vô cảm, thiếu tình liên đới.
2. Sửa lỗi là một nghệ thuật
Người sữa lỗi cần phải có sự khôn ngoan. Bởi theo tính tự nhiên, không ai muốn bị sửa dạy, nhất là khi điều đó chạm đến tự ái của họ. Trong Cựu Ước, việc ông Nathan sửa lỗi vua Đavít cho ta bài học về sự khôn ngoan. Sau khi kể cho vua nghe về câu chuyện người giàu bắt con chiên của người nghèo. Ngôn sứ Nathan để cho vua bừng bừng nổi giận rồi mới nói: “kẻ đó chính là ngài!” (2Sm 12,7). Vua Đavít bừng tỉnh và thú nhận: “Tôi đắc tội với Đức Chúa” (2Sm 12,13).
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy ta một nghệ thuật sửa lỗi. Người sửa lỗi phải tế nhị, kín đáo: “Anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18,15). Nhưng khi thấy tình hình không tiến triển thì hãy nhờ đến người khác (x. Mt 15,16). Làm sao cho người được sửa lỗi cảm thấy mình được cảm thông và tôn trọng. Họ sẽ sẵn sàng sửa lỗi khi đã có thể đảm nhận trách nhiệm của mình trong tự do. Nghĩa là họ sẽ thay đổi khi đạt đến một bước tiến của sự trưởng thành.
3. Sửa lỗi cần một tâm hồn chân thành
Sửa lỗi là một việc tế nhị, nên ngoài sự khôn ngoan, người sửa lỗi phải có một tâm hồn chân thành. Đôi khi, chúng ta sửa lỗi người khác vì bực mình, vì bức xúc, vv… Chúng ta có nhu cầu chỉnh sửa hơn là thiện chí giúp người anh em mình nên tốt hơn. Chúng ta thích lấy cái rác trong con mắt người anh em (x. Lc 6,42). Chúa Giêsu dạy chúng ta khi sửa lỗi anh em thì: “chỉ một mình anh với nó mà thôi” (Mt 15,16). Nghĩa là việc sửa lỗi phải thực hiện cách chân tình và trong thiện chí. Trong câu chuyện người phụ nữ ngoại tình, Chúa không lên án người phụ nữ cũng không thỏa hiệp với sai lầm của chị. Người bảo: “Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11). Người sửa lỗi không được làm lớn chuyện, không tiết lộ bí mật và những yếu đuối của người anh em, nhưng phải cảm thông chân thành với người có lỗi. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, không đốt cháy giai đoạn. Nếu người anh em chưa sẵn sàng để thay đổi, chúng ta có thể khôn ngoan thay đổi cách thức, nhưng phải kiên nhẫn để ơn Chúa Thánh Thần hoạt động trong họ.
4. Cầu nguyện cho nhau: thần dược tốt nhất
Chúng ta cần phải xin ơn Chúa Thánh Thần, phải cầu nguyện cho người được sửa lỗi. Đây là thần dược tốt nhất. Bà thánh Monica cho ta một minh chứng hùng hồn về sức mạnh của lời cầu nguyện. Hơn hai mươi năm, khi Augustino, con mình sai lạc, bà âm thầm cầu nguyện trong nước mắt. Cuối cùng thì Chúa đã nhận lời bà mà cho Augstino trở lại và thành một vị thánh lớn. Nếu chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho người có lỗi thì đó là một điều đẹp lòng Chúa. Vì “các thiên thần trên trời sẽ hoan hỷ vui mừng vì một người tội lỗi trở lại” (Lc 15,10). Hơn nữa: “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 15,20). Khi cầu nguyện cho người có lỗi, chúng ta học cách để yêu thương và đón nhận họ cả khi họ không sửa đổi. Chúng ta dâng lên Chúa những lầm lỗi của người anh em. Bởi vì chúng ta sửa lỗi cho nhau nhưng Thiên Chúa mới có khả năng ban ơn để họ sám hối và Ngài đền tội cho họ cũng như cho chúng ta: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang lên cây thập giá ” (1Pr 2, 24).
Sửa lỗi quả là một việc rất khó và mang tính đòi hỏi. Nhưng khi ý thức trách nhiệm của mình với anh chị em, chúng ta sửa lỗi trong sự khôn ngoan và chân thành, biết cảm thông nhau, nhất là cầu nguyện cho nhau, ắt hẳn Thiên Chúa sẽ chúc lành cho thiện chí của chúng ta, và làm cho người anh chị em được biến đổi.
Lạy Chúa, xin ban ơn giúp chúng con biết sửa lỗi cho nhau chân thành và cũng học cách đón nhận khi được sửa lỗi.
M. Clara Nguyễn Thị Diệu
----------------------------------
Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-2
Là con người, không ai không tránh khỏi những lỗi lầm yếu đuối. Sống trong một tập thể hay một TN 23-A131
Là con người, không ai không tránh khỏi những lỗi lầm yếu đuối. Sống trong một tập thể hay một cộng đoàn là chúng ta có tương quan với nhau. Vậy, chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm xây dựng cho nhau với sự tế nhị và tình yêu thương chân thành. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta thấy về bổn phận và cách thức sửa lỗi. Thiết tưởng đây cũng chính là bài học cho mỗi người chúng ta.
1. Trách nhiệm sửa lỗi
Trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa ra lệnh cho ngôn sứ Edkien phải nói, phải lên tiếng cảnh cáo kẻ gian ác từ bỏ con đường xấu xa và trở lại để được sống. Nhưng nếu ngôn sứ không nói thì Thiên Chúa sẽ đòi ngôn sứ đền nợ máu nó (Ed 33,7-9). Còn Chúa Giêsu thì nói với các môn đệ bằng một mệnh lệnh: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó” (Mt 18,15). Trong Tu Luật Thánh Biển Đức cũng nói rất nhiều đến việc sửa lỗi như: “Hãy theo lời Chúa dạy, đàn anh kín đáo cảnh cáo một hai lần. Nếu không sửa mình, hãy khiển trách công khai trước mặt mọi người” (TL 23,2-3). Viện Phụ phải hết lòng lo lắng săn sóc những anh em lầm lỗi. Ngài phải dùng mọi phương cách như một lương y lành nghề…và đem hết tài lực khôn khéo, để không một con chiên nào được ủy thác cho mình phải hư mất (x. TL 27).
Do đó, chúng ta không thể làm ngơ hay bỏ qua trước những lỗi lầm của người anh em. Tuy nhiên, với trách nhiệm thôi chưa đủ, chúng ta cần phải có sự tế nhị trong cách sửa lỗi người khác.
2.Tế nhị trong khi sửa lỗi
Để sửa lỗi cho nhau là một việc làm khó khăn. Khó khăn cho người có lỗi cũng như người sửa lỗi. Vì người có lỗi luôn mặc cảm và tự ái. Do đó, khi được sửa lỗi thì họ chẳng vui thích gì. Còn người sửa lỗi thì thường hay thiếu tự chủ, thiếu khiêm tốn hoặc thiếu sự khôn ngoan.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một “mô hình sửa lỗi tăng lên dần” theo từng bước, “từ kín đáo đến công khai và từ riêng tư đến cộng đoàn,” Bước thứ nhất là sửa lỗi một cách riêng tư: khi thấy người anh em trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, “một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18,15). Nếu bước thứ nhất không hiệu quả thì mới phải dùng tới bước thứ hai: “đem thêm hai hoặc ba nhân chứng” (Mt 18,16). Bước thứ hai mà cũng không hiệu quả thì mới dùng tới bước thứ ba: hãy “đi thưa với Hội thánh” (Mt 18,17a). Bước thứ ba cũng không có tác dụng gì thì hãy “kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,17b).
Thánh phụ Biển Đức thì dạy các bề trên rằng: “Khi quở trách, phải cư xử khôn ngoan, không thái quá, kẻo khi muốn cạo sạch rỉ sét lại làm vỡ cả bình” (TL 64,12).
Tục ngữ Việt Nam thì luôn nhắc bảo nhau rằng: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Con người phạm tội là vì yếu đuối. Do đó, người có lỗi được ví như một cái bình sành dễ vỡ (x. 2Cr 4,7). Cho nên, khi sửa lỗi mà chúng ta không khôn khéo thì có thể làm cho cái bình vỡ luôn, hay làm cho người anh em bị tổn thương nhiều hơn.
Vậy, điều quan trọng là chúng ta phải nói làm sao, ứng xử như thế nào để người có lỗi dễ dàng chấp nhận. Điều này thiết tưởng đòi hỏi chúng ta phải có một tình yêu cao độ đối với tha nhân.
3. Tình bác ái huynh đệ trong sửa lỗi
Thánh Thánh Biển Đức dạy: “chúng ta ghét nết xấu, nhưng phải yêu thương anh em” (TL 64,11). Và “hết sức nhẫn nại chịu đựng những yếu đuối xác hồn của nhau” (TL 72,5). Vì khi “đã yêu thương thì không làm hại người anh em” (Rm 13,8). Nhưng tìm mọi cách để làm cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai thì nhắc nhở các tín hữu rằng: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8).
Khi được hỏi phải xử lý người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình như thế nào, Đức Giêsu chỉ cúi xuống viết trên đất và bảo họ: ai sạch tội thì cứ việc lấy đá ném trước. Cuối cùng họ đã rút lui hết vì không có ai là người vô tội (x. Ga 8,2-11). Qua hành động đó cho thấy Đức Giêsu không những đã thoát được cạm bẫy của họ, mà còn cho họ nhận ra họ cũng là những người tội lỗi đang cần sự thông cảm và tha thứ. Nếu ý thức được điều này, chúng ta không còn dám tự cao tự đại, nhưng luôn tâm niệm mình cũng là người đầy lỗi lầm và khiếm khuyết đang cần đến sự nâng đỡ của người khác.
Chúng ta sống trong một gia đình, một cộng đoàn, hay trong một tập thể của Giáo hội hoặc xã hội nào thì chúng ta đều có tương quan với nhau. Mối tương quan đó phải được thể hiện cách cụ thể trong đời sống qua sự quan tâm, nâng đỡ đến những yếu đuối xác hồn của nhau. Khi chúng ta sửa lỗi người khác là chúng ta nhắm tới việc đưa họ về đường ngay nẻo chính, để được tốt hơn. Đồng thời, đó cũng là một lời nhắc nhở chúng ta đừng đi vào con đường lầm lỗi đó.
M. Mai Liên
-------------------------------
Ai cũng có lỗi, có tội, bởi thánh Gioan nói: “nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta TN 23-A132
Ai cũng có lỗi, có tội, bởi thánh Gioan nói: “nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta”[1]. Vậy có lỗi thì phải sửa, nhưng sửa ra sao?
Trước khi sửa ai phải xác định người đó là anh em của mình “nếu người anh em trót phạm tội ”. Hạn từ “anh em” dùng để nói mối quan hệ huyết thống trong một gia đình, nhưng cũng mở rộng ra với bạn bè, láng giềng, một cộng đoàn thiêng liêng như “con cái Israel.” Vậy mọi người là anh chị em, và việc sửa này gọi là sửa lỗi “huynh đệ.”
Đây không phải là sáng kiến của Thầy Giêsu mà đã có nền tảng từ Cựu Ướ: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách nó, như thế ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó”[2]. Không chỉ sửa để người anh khác nên tốt mà còn là một trách nhiệm, nếu không sửa mà để người đó hư mất, ta cũng không khỏi tội. Không chỉ những môn đệ của Thầy Giêsu mới làm điều này mà ngay cả cộng đoàn Êxêni ở Qumran cũng làm như vậy: “không được nói với anh em với sự giận dữ hoặc hiềm khích, hoặc trịch thượng, hoặc với trái tim cứng rắn, hoặc tâm trí gian tà ”[3]. Lời nói quan trọng, cách sửa lỗi cho người khác quan trọng và là trách nhiệm của mỗi người. Vì tầm quan trọng đó mà Thầy Giêsu dạy ba bước để sửa lỗi
Sửa riêng: nếu biết được ai đó phạm tội, gọi họ ra riêng mà nhắc nhở “một mình anh với nó,” nghĩa là sửa lỗi cách kín đáo, tế nhị, bằng tình bác ái chứ không do hờn oán hay tự kiêu mà coi người khác lỗi hơn mình. Đây vừa là bác ái vừa là bổn phận: bác ái vì người đó là anh chị em, sửa để họ nên tốt, để sống đúng đường lối Chúa và tương quan tốt với tha nhân. Bổn phận vì nếu biết họ phạm tội mà không sửa, nếu người đó hư đi thì ta sẽ phải chịu trách nhiệm trên họ.
Sửa với nhân chứng: Đức Giêsu rât thực tế, bởi ai cũng có tự ái riêng, có khi không nhận ra lỗi mình, có khi cố tình phủ nhận, trong trường hợp này cần hai-ba người làm nhân chứng để cho biết lỗi đó là nặng cần sửa đổi; và cũng nhờ nhân chứng khuyên nhủ thêm trong tình huynh đệ để cứu người anh em. Cách sửa này cũng mang tính khách quan hơn, vì không phải chỉ do cách nhìn của một người mà còn người khác. Nếu tội nhân vẫn ngoan cố không nghe nhân chứng, không chịu nhận lỗi, không sửa đổi thì cần biệt pháp mạnh hơn
Đưa ra trước cộng đoàn: đây là biện pháp cuối cùng; đưa ra trước cộng đoàn nghĩa là đưa ra trước Hội Thánh và mọi chuyện là công khai; người có thẩm quyền pháp lý cần áp dụng lề luật mà sửa dạy. Người hữu trách sử dụng luật lệ mà bắt buộc phải làm hay phải loại trừ, nhưng tất cả đều phải được đặt nền trên đức ái. Hội Thánh đây cũng hiểu là mỗi người, bởi Chúa không chỉ ban quyền tha thứ và cầm buộc cho Phêrô mà cho cả nhóm Mười Hai: “anh em cầm buộc/tháo cởi, trên trời cũng cầm buộc và tháo cởi như vậy.” “Anh em ” ở số nhiều nghĩa là mọi người thuộc Giáo Hội, trong đó có người đặc cách làm đầu, từ Phêrô, các môn đệ và những người lãnh đạo sau này.
Tóm lại
Sửa ai cũng được, sửa gì cũng được, sửa cách nào cũng được, nhưng điều kiện tiên quyết và duy nhất là vì đức mến, vì yêu thương người anh chị em mà sửa dạy. Nếu vì đức mến thì: “vui khi thấy điều chân thật […], tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”[4].
Xin Chúa dạy con luôn đặt tiêu chuẩn này khi đối xử với người anh chị em. Amen.
Catarina Thùy Dung
---------------------------
[1] 1 Ga 1, 8.
[2] Lv 19, 17.
[3] Thủ bản kỷ luật 5, 25.
[4] 1 Cr 13, 6-7
----------------------------------
(Suy niệm của Lm. Alfonso)
Tin Mừng Mt 18: 15-20: Sửa lỗi đòi sự tế nhị, kín đáo, thông cảm với yếu đuối lỗi lầm của nhau. Đây là một bổn phận và bác ái mà chúng ta phải thực thi cho tha nhân.
Suy niệm
Có lần có người hỏi chứ trên đời này, đố biết sợi dây gì dài nhất? Thưa đó là sợi dây kinh nghiệm TN 23-A133
Có lần có người hỏi chứ trên đời này, đố biết sợi dây gì dài nhất? Thưa đó là sợi dây kinh nghiệm. Cho nên chúng ta cứ phải rút kinh nghiệm hoài hết lần này đến lần khác. Vâng, sống trong trần gian này, đã là con người chắc chắn có những lúc chúng ta lầm lỗi, sai sót, và có câu danh ngôn rằng “Ai nên khôn mà chẳng dại một lần”. Và thực tế mà nói, không chỉ dại một lần mà rất nhiều lần trong cuộc đời. Và với trẻ nhỏ mà phạm lỗi thì bị cho là non dại, lớn mắc lỗi thì bị cho là thiếu trưởng thành, trung niên mà mắc lỗi thì bị cho là chưa chín chắn, người già mắc lỗi thì gọi là bảy mươi chưa gọi là lành. Vậy mới nói, người mắc sai lỗi cũng không dừng lại ở lứa tuổi nào mà ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể phạm lỗi. Chính vì thế mà cuộc sống chúng ta như sỏi đá cần có nhau để giúp sửa lỗi cho nhau.
Qua bài đọc thứ I, Thiên Chúa dùng miệng tiên tri Êdêkiel răn dạy chúng ta: “Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi”. Đối diện với những hành vi xấu xa tội lỗi của anh em, chúng ta không được phép làm ngơ theo chủ nghĩa “mackeno” nghĩa là mặc kệ nó, hoặc “Ui, khôn thì nhờ, dại thì chịu”. Đời sống con người mang tính xã hội, cho nên có tính liên đới với nhau và có nghĩa vụ giúp nhau hoàn thiện. Tôi có bổn phận giúp người anh em quay trở lại đường ngay nẻo chính theo đạo lý làm người, và làm con Chúa, không được dửng dưng để họ mãi sa lầy trong vũng bùn tội lỗi.
Hành vi bác ái Kitô giáo không phải chỉ là giúp đỡ vật chất hay tiền của mà thôi, nhưng còn là giúp nhau hoàn thiện. Chúng ta phải can đảm và kiên nhẫn sửa lỗi cho nhau trong tình bác ái. Đúng như thế, sửa lỗi không phải chỉ trích, công kích, rêu rao lỗi lầm của nhau. Chỉ trích thường thiếu bác ái, thiếu tinh thần xây dựng cho nhau. Sửa lỗi đòi sự tế nhị, kín đáo, thông cảm với yếu đuối lỗi lầm của nhau. Đây là một bổn phận và bác ái mà chúng ta phải thực thi cho tha nhân.
Chúa Giêsu đưa ra những bước sửa lỗi anh em mình đầy tình bác ái Kitô giáo.
– Bước thứ nhất là đối thoại để giúp người anh em nhận ra điều sai trái từ hành động hay lời nói của họ. Việc này cần phải hết sức tế nhị để tránh gây tổn thương cho người anh em. Vâng, “khen thưởng công khai, sửa sai thầm kín”, cho nên bước đầu tiên chỉ riêng mình với người mình muốn góp ý để giữ thanh danh, thể diện cho họ.
– Sau khi đã thực hiện bước thứ nhất mà không thành công thì mới tiến tới. Bước thứ hai cần thêm người khác tác động. Có thể là người thân hoặc bạn hữu của người mình cần góp ý hoặc người uy tín được mọi người nể trọng nhằm giúp họ nhận ra lời góp ý đó mang tính khách quan, không phải vì sự ghét bỏ loại trừ nhau.
– Nếu vẫn không thể lay chuyển được sự ươn ngạnh của người phạm lỗi, Chúa Giêsu dạy chúng ta mới đi đến Bước thứ ba là đưa ra cộng đồng vì “quốc có quốc pháp, gia có gia qui. Con người ta sống bên cạnh luật còn có lệ để giúp người trong cộng đoàn giữ kỷ cương. Chính môi trường cộng đồng cũng có ảnh hưởng hình thành và uốn nắn đời sống tâm tính một người.
– Nếu người phạm lỗi vẫn cứng lòng, Chúa chỉ cho chúng ta bước thứ tư: kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế. Và chúng ta biết, đây là những hạng người cần đến lòng xót thương hơn là sự loại trừ. Chẳng phải chính Chúa Giêsu cũng đã từng nói với chúng ta trong Tin mừng theo thánh Luca (Lc 5,31-32) đó sao: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.
Điều này cho thấy khả năng thuyết phục của con người không phải lúc nào cũng thành công, vì thế hãy chạy đến với Chúa và nhờ Người giúp sức. Trên hết mọi sự là hãy cầu nguyện cho người anh em chúng ta được ơn hoán cải. Chúa Giêsu không bao giờ cho phép chúng ta bỏ cuộc ngay cả khi với sức lực con người không thể nào lay chuyển nổi.
Đã có nhiều trường hợp, như mẹ Têrêsa Calcutta giúp cho người vô gia cư được tìm lại niềm vui cuộc sống, thánh Monica đã nhờ lời cầu nguyện hoán cải được chồng con….
Chuyện kể về nhà tù Challapalca, trại giam có độ cao 4800 mét so với mực nước biển. Nét đặc trưng của nhà tù này là nằm trong một khu vực khắc nghiệt, trên các dãy núi không thể tiếp cận được, cách xa khỏi các khu dân cư, hầu như không có bất kỳ thông tin liên lạc nào nơi đây bị xem như “hỏa ngục trần gian”, nơi giam giữ những tù nhân khét tiếng. Người ta sợ đến đó, lính canh phải hết sức để ý. Nhưng cha Gigi Ginami, một linh mục làm việc tại Roma, đã đến thăm và giúp cho nhiều tù nhân hoán cải, thay đổi cuộc sống. Đức cha Ciro Quispe Lopez, Giám mục địa phương, nghe biết rằng có một linh mục từ Roma đã đến trại tù này và muốn tiếp tục trở lại đó để gặp gỡ các tù nhân, ngài đã không tin vào tai của mình. Đức cha tự hỏi: Nhưng mà một nhân viên giáo triều Roma làm gì ở đây, ở độ cao 4600 mét như thế? Hoạt động nguy hiểm này đã được đức cha Quispe Lopez và chính cha Gigi Ginami thuật lại trong cuốn sách “Angel” được đặt theo tên của một trong những tù nhân nguy hiểm nhất bị giam tại đó: Angel, và cũng là nhân vật chính của cuộc hoán cải gây sốc. Cuốn sách “Angel” kể lại những cuộc hồi sinh thầm lặng nhưng cũng hêt sức kỳ diệu, nhờ sứ vụ của cha Ginami.
Tại Challapaca, nơi mà một Thánh lễ đã được cử hành trong nhà tù, tại hành lang của trại cải huấn, nơi các lính canh và tù nhân đã sống hòa bình với nhau trong 60 phút. Đó là một kỷ lục. Đức cha Quispe Lopez cho biết giây phút chúc bình an cũng thật an bình, như đang diễn ra tại một giáo xứ. Đức cha nói: “Nó khiến tôi can đảm và cả tôi cũng đi đến ôm chào mỗi tù nhân và chúc bình an cho họ. Cha Gigi đã đến ngồi giữa các tù nhân mà không chút lo lắng bất an hay sợ hãi. Tôi tự hỏi: Điều gì đã khiến vị linh mục từ Vatican đến nơi này, với những tù nhân nguy hiểm nhất, những con người bị bỏ rơi? Tôi không thể tin vào mắt mình”. Cha Gigi nói với các tù nhân bằng tiếng Tây Ban Nha: “Anh em đừng ngoái nhìn lại đàng sau; hãy nhìn về phía trước”. Angel cũng ở trong số tù nhân này, một trong những tù nhân đáng sợ nhất ở nhà tù. Anh đã xin cha Gigi giải tội cho anh. Người lính gác không rời mắt khỏi Angel, theo lệnh chống bạo động, không bao giờ hết lo sợ rằng anh ta có thể làm hại vị linh mục.
Khi nhìn thấy Angel xưng tội, cả người lính gác cũng quỳ gối xuống ở một góc phòng giam và cởi bỏ mặt nạ xuống. Cha Gigi nhìn thấy những giọt nước mắt của kẻ sát nhân. Cha nói với anh ta: “Angel, nếu anh thật sự muốn trở thành một con người mới và và đền bù tội ác mà anh đã gây ra, nếu anh có tiền, hãy sử dụng nó cho những người là nạn nhân của anh, xin lỗi họ, sống những năm ở trong nhà tù này và dâng những khó khăn vất vả cho những người anh đã giết và hành hạ. Sau đó, chúng ta hãy ôm chào nhau và cùng đọc kinh Kính Mừng Maria”.
Lạy Chúa, bác ái kytô giáo đòi hỏi chúng con không dung dưỡng sự xấu trong cộng đoàn, nhưng cảm thông với yếu đuối của tha nhân. Cần loại trừ tội lỗi nhưng nhưng không được tẩy chay anh chị em mà phải vực họ dậy từ vũng bùn đen tối để giúp họ làm lại cuộc đời. Xin Chúa giúp chúng con biết sống tình bác ái khi sửa lỗi và giúp nhau trên con đường hoàn thiện làm con cái Chúa. Amen.
----------------------------------
(Suy niệm của Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn)
Đời sống cộng đoàn và những vấn đề nẩy sinh trong đời sống chung từ lâu luôn được xem là TN 23-A134
Đời sống cộng đoàn và những vấn đề nẩy sinh trong đời sống chung từ lâu luôn được xem là vấn đề hết sức tế nhị và nhậy cảm. Khi nẩy sinh vấn đề, những người có trách nhiệm hoặc những ai luôn thiết tha đời sống chung, nếu không biết hành xử đúng thời đúng lúc, dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Chính vì tầm quan trọng đó, Tin mừng Mátthêu dành hẳn chương 18 để nói về những bài giảng của Chúa Giêsu liên quan đến đời sống Giáo hội, đời sống cộng đoàn. Một trong những vấn đề mà Giáo hội muốn chúng ta suy niệm hôm nay chính là chúng ta phải hành xử thế nào khi gặp phải một người anh em trót phạm tội?
Đưa ra vấn đề trót phạm lỗi của người anh em – một vấn đề luôn luôn tồn tại trong đời sống cộng đoàn, Chúa Giêsu muốn rằng, cộng đoàn đó khi hành xử với người anh em, trước hết phải đặt đức ái lên trên hết mọi cách hành xử. Đây chính là nền tảng, là chìa khoá để có thể dẫn người anh em lầm lỗi trở về. Trong mọi trường hợp, đức ái phải được tôn trọng tuyệt đối, bởi nếu không, chúng ta sẽ rơi vào khuôn sáo của kỷ luật, của luật pháp, của kéo bè đảng phái, của lên án,… và hậu quả là, không đem người anh em trở về mà lại còn đẩy họ ra xa hơn mối liên hệ với cộng đoàn. Kế đến, vì có người anh em phạm tội nên đời sống cộng đoàn ít nhiều bị rạn nứt. Vì thế, Chúa Giêsu muốn hàn gán sự rạn nứt này bằng chính đời sống cầu nguyện chung. Chúng ta có thể xem đây là phương thức hữu hiệu nhất để nối kết tình bác ái cũng như hiệp nhất trong cộng đoàn. Như thế, khi có người anh em trót lỗi lầm, chúng ta biết cần phải làm gì trước tiên để dẫn họ quay về nẻo chính đường ngay.
Nắm vững được chìa khoá của vần đề, giờ đây Chúa Giêsu muốn chúng ta tiến hành một cuộc chinh phục, nhắm vào người anh em trót lỗi lầm. Dĩ nhiên tiến trình chinh phục mà Chúa Giêsu đưa ra không ra khỏi lối quan niệm của người Dothái, nhưng đó lại là tiến trình mô phạm nhất và vẫn còn giá trị cho mọi thời. Chúng ta thấy tiến trình tiếp cận người anh em lầm lỗi luôn theo trình tự tiệm tiến, từ kín đáo, riêng tư đến công khai với mục đích giúp người anh em nhận ra lỗi lầm để sửa đổi. Tiến trình Chúa Giêsu đưa ra không nhằm để vạch trần hay nhục mạ người anh em lầm lỗi, trái lại, Người muốn dùng để cứu lấy người anh em, đừng để họ phải hư mất. “Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được một món lợi là người anh em mình”. Ngôn từ dùng để tiếp cận người anh em không phải là loại ngôn từ hàng chợ, chua cay gắt gỏng, đầy mầu sắc lên án hay phê bình chỉ trích, nhưng là loại ngôn từ nhẹ nhàng đầy tình bác ái, cảm thông và yêu thương.
Thế nhưng vẫn có những trường hợp cá biệt, cố chấp không đón nhận sự hoà giải của cộng đoàn. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu đưa ra một giải pháp cuối cùng, đó là xem họ “như một người ngoại hay một người thu thuế”. Đưa ra giải pháp này, chúng ta thấy Chúa Giêsu không nhằm kết án hay loại trừ người anh em mà chỉ xem họ như những người chưa nhận ra Thiên Chúa là chân lý và là lẽ sống. Đồng thời Chúa Giêsu cũng muốn mời gọi chúng ra hãy đồng hành với họ, đồng bàn với họ như Chúa Giêsu đã từng đồng bàn với những người thu thuế, tôn trọng phẩm giá của họ. Lý do duy nhất để chúng ta hành xử như thế là bởi vì họ như những người chưa có niềm tin; cuộc đời của họ vẫn còn khép kín, chưa mở lòng ra đón nhận chân thiện mỹ và công việc của họ vẫn ngập tràn sự bất công và bóc lột người khác. Chính vì thế, hơn ai hết, họ là những người đáng thương hơn đáng trách và chúng ta cần phải dùng bác ái để đối đãi với họ và không ngừng dùng lời cầu nguyện để xin Chúa sớm dẫn họ trở về nẻo chính đường ngay.
Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta nhìn lại cách chúng ta hành xử với người anh em lầm lỗi. Người đó có thể là một người con trong gia đình, người anh em trong bà con thân tộc hay trong từng khu phố, xóm làng; người đó cũng có thể là một tu sỹ, một linh mục, giám mục trong Giáo hội,… Đứng trước một người anh em trót phạm tội, Chúa Giêsu muốn các môn đệ hãy dùng đức ái và lời cầu nguyện để thu phục người anh em mình, còn chúng ta thì sao?
----------------------------------
Trong cuộc sống không ai là người không có lỗi ” nhân vô thập toàn”, và dù có thánh thiện đi TN 23-A135
Trong cuộc sống không ai là người không có lỗi ” nhân vô thập toàn”, và dù có thánh thiện đi nữa thì ” trước mặt Chúa nào có ai vô tội?”. Và như thế cần phải có lời chỉ bảo để cùng nhau thăng tiến. Nhưng phải sửa lỗi như thế nào? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem Lời Chúa dạy ra sao.
Thiên chúa đặt các ngôn sứ là để nói lời Thiên chúa và sửa sai dân khi họ đi trệch mệnh lệnh Chúa, nên Thiên chúa đã cảnh báo tiên tri Ezekiel phải chu toàn nhiệm vụ là vạch tội kẻ gian ác, nếu không vị tiên tri sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của dân (Ez.33,7-9). Nhưng phải vạch tội như thế nào thì bài Tin Mừng dạy: từ kín đáo đến công khai, với mục đích giúp tha nhân trở về với cộng đoàn (Mt.18,15-20). Nhưng phải sửa lỗi trong tình huynh đệ, lấy lòng yêu thương mà cảm hóa người anh em (Rm.13,8-10).
Sửa lỗi để đạt kết qủa là một điều vô cùng khó khăn, vì nếu không khéo sẽ không có kết qủa mà lại sinh đố kỵ, vì người được sửa lỗi sẽ cho rằng mình đang bị sửa lưng, đang bị miệt thị nên phản bác lại bằng hành động hay lời nói. Thế nhưng Lời Chúa hôm nay dạy phải sửa lỗi anh em vì đó là hành vi bác ái. Sửa lỗi chứ không phải bới móc, không phải rỉ tai và luôn luôn ý thức rằng: Tôi cũng có lỗi và cần được người khác sửa lỗi.
Vì thế, tôi phải gặp người anh em chỉ hai người thôi để như là một lời tâm sự và để giữ thể diện cho người có lỗi, đồng thời giúp họ cảm nhận được tình thương, và để duy trì danh dự cho người đó giúp họ dễ dàng sống tốt hơn. Đừng để họ bị đè bẹp và thất vọng vì dư luận, định kiến. Tất cả việc sửa lỗi đều phải xuất phát do do động lực tình yêu, coi người khác là cùng thân thể với mình, lỗi người cũng là lỗi mình.
Nếu không có kết quả mới cần hai hay ba người, làm thế vì có thể họ chưa nhận ra họ có lỗi, họ có thể cho rằng một người là do chủ quan, nhưng đây có ý kiến của hai hay ba người sẽ giúp họ suy nghĩ lại, giúp họ nhận ra lỗi dễ dàng hơn và cố gắng sửa. Nếu cũng không thể được thì lúc ấy mới đưa ra cộng đòan.
Tiến trình như thế cho thấy việc sửa lỗi anh em là cần thiết, tế nhị và cũng rất khó khăn, phải kiên trì như người cha nhân hậu trong Luca 15, có như thế mới nói lên tình yêu thương chân thật, vì bản chất của tình yêu là: “muốn sự lành cho người mình yêu”, nên phải tích cực đóng góp phần mình vào việc giúp đỡ lẫn nhau sống hòan thiện.
Việc sửa lỗi cho nhau đặt trên nền tảng Đức Ai chứ không phải kỷ luật, cho nên nếu có phải dùng những chứng nhân thì cũng không phải để tố cáo theo pháp lý, mà để có những người anh em giúp khuyên nhủ hầu giúp người có lỗi cảm thấy được thông cảm mà can đảm trở về, và cuối cùng là cầu nguyện cho người có lỗi. Chúa Giêsu muốn chúng ta sửa lỗi trong tương quan huynh đệ và tương quan này được xây dựng trong tương quan với Chúa Giêsu, đặt trên cơ sở là làm theo ý Cha (x.Mt.12,48-50; Cv.9,11…). Tình huynh đệ này phát sinh do việc sinh lại và mối quan hệ Cha – Con đối với Thiên Chúa(Rm.12,10).
Theo Mathêu việc sửa lỗi cho anh em là một cách đi tìm chiên lạc, vì thế buộc phải sửa lỗi cho anh em trong tình thương, cho nên phải yêu nhau đủ mới làm được việc này. Bao lâu không sửa được lỗi cho anh em là do ta còn để cho người anh em có lỗi cho đó là việc tố khổ. Muốn sửa được phải cảm thấy sót xa khi mất một người, phải cảm thấy có cái gì liên quan đến mình. Xây dựng trên tương quan giữa mình với anh em có nghĩa là muốn cho người tốt hơn thì cũng chính là muốn cho mình tốt hơn.
Lời kêu gọi sửa lỗi anh em là một lời kêu gọi thực hiện đức ái Kitô giáo, giúp đỡ người anh em gặp khốn khó, chìa cánh tay thân ái cho người đang bị tội lỗi dày vò để nâng đỡ họ là một đòi hỏi của tình yêu, là trung thành với công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa, Chúa ghét tội nhưng yêu thương tội nhân và muốn cứu thóat họ khỏi tình trạng tội lỗi, xin cho chúng con can đảm dấn thân vào cuộc chiến để dành giật lại người anh em chúng con trong tình yêu thương chân thành và bao dung.
----------------------------------
Dân tộc nào cũng có lúc thịnh lúc suy, lúc thăng lúc trầm. Lịch sử cho rằng đó là vận mệnh đất TN 23-A136
Dân tộc nào cũng có lúc thịnh lúc suy, lúc thăng lúc trầm. Lịch sử cho rằng đó là vận mệnh đất nước. Riêng Dân Do Thái, trong 4000 năm qua, ngoài thời kỳ bị nô lệ Ai cập (#1800-1500 BC) đã có thêm hai lần bị xâm lăng và lưu đày.
Miền Bắc Israel bị Assyria xâm lăng lưu đày năm -721 tới nay chưa có hồi hương. Miền Nam bị Babylon xâm chiếm và mang đi biệt xứ (586-538 BC). Theo Nhóm Ký Lục của trường phái gọi Chúa là Giavê sưu tập, thời gian trước tai họa nầy, Chúa đã cho xuất hiện Tiên Tri Ê-dê-ki-ên (622-570 BC) để cảnh tỉnh chính quyền và dân chúng hầu cho Giêrusalem tránh xụp đổ. Nhưng một chim én Êdêkiên không làm nên mùa xuân. Rồi Chúa sai Tiên Tri theo dân lưu đày. Ông sống trên bờ sông Chebar, vùng Tel Abid và gởi thân tại miền đất của chủ nô, để làm cột trụ nâng đỡ và chuẩn bị đổi mới một dân còn sót lại cho ngày về xứ.
Sáu thế kỷ sau Chúa Giêsu đã đến và đưa ra lộ đồ sửa đổi anh em phạm lỗi một cách có tình có lý. Để được Chúa thêm soi sáng, xin đọc ba bài Thánh Kinh dưới đây mà Lịch Phụng vụ dành cho Chúa Nhật 23 Thường Niên hay Quanh Năm A, tức ngày 06/09/2020 nầy.
Bài Ðọc I:
Trích sách Tiên tri Êdêkiel 33, 7-9
Ðây Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: “Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết”; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”.
Bài Ðọc II
Thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma 13, 8-10 .
Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Ðó là: “Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham”, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình”. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.
Phúc Âm:
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu18, 15-20
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
Đôi dòng ghi chú và tâm tình.
Chúa đã đặt cả gánh mặng lên vai Tiên tri. Ông còn là đại diện cho mọi người mọi thời nữa. Chúa thách đố bằng chính sinh mạng của Ông, để Ông phải siêng năng và tích cực làm tròn trách nhiệm giúp cho kẻ xấu từ bỏ gian ác mà khỏi phải chết.
Thiên Chúa muốn Ngôn Sứ chỉ cảnh giác dân, mà không tố cáo, để “chỉnh chu” (tu sửa cho hoàn chỉnh, từ ngữ mới của giới trẽ) ý thức về dân tộc mới và đạo lý mà chuẩn bị cho ngày hồi hương năm 538 BC.
Qua tới bài Phúc Âm, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ, theo Bản Anh Ngữ Công giáo “If your brother sins against you, go and tell him his fault between you and him alone…: nếu anh em ngươi phạm tội (lỗi) chống lại ngươi, hãy đi nói với nó về tội/lỗi của nó chỉ giữa ngươi và nó thôi. Còn bản Việt Ngữ “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi“… Câu sau có thể giúp nhớ lời răn dạy thường được đọc tại nhiều nhà thờ, trước Thánh Lễ Chúa Nhật, là Thương Linh Hồn Bảy Mối: thứ nhất lấy lời lành mà khuyên người, thứ hai mở dạy kẻ mê muội, thứ ba an ủi kẻ âu lo, thứ bốn răn bảo kẻ có tội … dù cho những tội lỗi đó không gây thiệt hại gì tới mình.
Chúa biết nhân vô thập toàn. Con người nào cũng thường có tự ái to hơn quả núi, ít ai chịu chấp nhận hay thấy mình có lỗi lầm chi, dù được nói nhỏ riêng tư trong tình huynh đệ tỉ muội và lòng bác ái. Nên Chúa mới chỉ cho bước thứ hai.
Nhờ hai hay ba nhân chứng cùng làm việc chung với người phạm lỗi, đúng theo luật Moisen trong Sách Lêvi 19:17 và Đệ Nhị Luật 19:8.
Nếu không kết quả mới đưa ra cộng đoàn định luận. Nếu anh em đó không nghe cộng đoàn thì hãy coi nó, bản văn dùng từ ngữ mang ý loại trừ khinh miệt của 2000 năm trước, là người ngoại giáo và thu thuế. Ngày nay coi như kẻ phạm lỗi mà cố chấp, bị dứt phép thông công cho dễ hiểu; nhưng chỉ tạm thời tới khi kẻ có lỗi quay trở lại, theo luật bái ái của Chúa Giêsu.
Tiếp theo, Chúa bảo thật “những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ“. Chúa đã xác nhận có vẻ quyết liệt để kẻ có lỗi biết hồi tâm, hối cải mà đề phòng gương xấu, xa hơn có thể.
Câu trên trong Mt. 18:18 từ đây đã trở thành như khuôn phép làm cho Giới Lãnh Đạo Công Giáo có ảnh hưởng rất mạnh trong thời gian dài hàng ngàn năm tới hầu hết mọi sinh hoạt chính trị, xã hội và các lảnh vực khác. Sau Hiệp Ước Milan năm 313, Hoàng Đế Roma Constantin (272-337) cho phép Công Giáo được tự do và trở thành quốc giáo trên cả Đế Quốc La Mã Đông Tây và hầu hết Âu Châu sau đó. Thí dụ vua chúa những quốc gia Công Giáo nầy phải cầu phong xin Đức Giáo Hoàng đặt vương niệm cho vua và hoàng Hậu trong ngày lễ Đăng Quang. Tới năm 1076-1077 Vua Henri IV của Germany (Đức hiện nay) lại muốn thử thách uy quyền của Giáo Hoàng. Ông tự ý lên ngôi vua mà không cầu phong từ Vị Đại Diện cho quyền hạn trên trời dưới đất. Ông còn muốn tự chọn Giám Mục cho nước ông. Nên Ông bị Giáo Hoàng dứt phép thông công. Hậu quả là thần dân trong nước không nghe ông nữa. Nên Ông phải thân hành tới Lâu Đài Canossa vào mùa đông khắc nghiệt, Bắc nước Ý, quì gối xin Đức Giáo Hoàng Gregory VII giải vạ tuyệt thông, để dân chúng tùng phục. Nhưng rồi Hoàng Đế Napoléon (1769-1821) của Pháp đã tự ý phong vương và tách quyền hạn của Nhà Nước ra khỏi quyền hạn của Nhà Thờ từ đó tới nay. Ngày nay Giáo Hội khôn ngoan của Chúa cả và trời đất uy quyền sang trọng, chỉ cầm buộc tháo gở trong phạm vi đức tin và luân lý.
Cuối đoạn Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn con dân của Ngài, hai người trở lên, tụ họp trong đoàn kết và tin yêu để cùng cầu nguyện. Chính Chúa đã hứa sẽ đến chứng giám để làm bằng chứng cho đàn con, được Cha nhận lời.
Tóm lại.
Tương tự như trong tác phẩm Gia Huấn Ca của Nhà Chiến Tranh Chính Trị Nguyễn Trãi (1380-1442) Bài Dạy con ở cho có đức, câu 313: “thương người như thể thương thân”. Còn Bài đọc II, thư gởi tín hữu Roma 13:8-11 của Thánh Phaolô đã gói ghém tất cả ý nghĩa từ lệnh Thiên Chúa truyền cho Tiên Tri Êzêkiel. Và bốn bước của Chúa Giêsu giải quyết lỗi lầm cho nhau, thành một dân mới, của lề luật mới, được Chúa Giêsu kiện toàn, là làm mọi sự đều nhằm mục tiêu: yêu người như chính mình vậy.
Đôi dòng tâm kinh
Con thường tự ái ngút trời Chúa ơi. Không mấy khi chịu chấp nhận sai lầm dù được anh em thành thật kiên nhẫn thân tình chỉ bảo.
Con cũng thường chết nhát không dám khuyên bảo ai, sợ bị liện luỵ, bị làm phiền, bị quấy rầy, bị chưởi đổng và cả sợ mất công một cách ích kỷ.
Cũng có những lúc việc người thì sáng, mà việc mình thì quáng, con lại ngứa miệng độc địa chỉ trích lung tung thay vì lấy lời lành mà khuyên nhủ kẻ mê lầm như Chúa dạy con.
xin cho con quả tim mới với con người mới, can đảm chấp nhận lỗi phạm tới người và biết tha thứ cho người những sai phạm tới con, như Chúa đã dạy trong kinh lạy Cha vậy.
----------------------------------
Gần đây, có một bài viết của một sinh viên Nhật du học tại Việt nam đã gây sốc cho cộng đồng mạng. Trong TN 23-A137
Gần đây, có một bài viết của một sinh viên Nhật du học tại Việt nam đã gây sốc cho cộng đồng mạng. Trong bài viết đó, sinh viên nhận xét về đời sống cộng đồng của người Việt như sau:
Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ.
Bạn cũng có một nước Việt để tự hào: Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các xóm, các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?
Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt, người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp, nếu không phải thế, thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa.
Thưa quý OBACE, thật đáng tiếc là lối sống cá nhân, bữa bãi, thiếu tinh thần chung được nhắc đến ở trên cũng vẫn đang ảnh hưởng trong đời sống của cộng đoàn, của giáo xứ. Bên cạnh đó, nhiều người nhân danh dân chủ cách sai lạc để gây biết bao rắc rối, chia rẽ trong cộng đoàn, trong giáo xứ.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta biết giúp nhau nên hoàn thiện và cùng nhau xây dựng cộng đoàn nên tốt đẹp hơn. Bài đọc một, Lời Thiên Chúa nhắc cho Ezekiel nhớ về trách nhiệm của ông là phải giúp anh em mình sửa chữa lỗi lầm. Vì là một trách nhiệm nên ông không thể không thi hành, dù người anh em đó có nghe hay không nghe, có đón nhận sự sửa dạy hay từ chối, thì ông vẫn phải lên tiếng. Ta đã đặt người làm người canh gác cho Israel, ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta và thay Ta báo cho chúng biết. Chi tiết này cho thấy rằng, vị tiên tri có nói, là nói những lời ông đã đón nhận từ nơi Chúa, thông truyền là thông truyền ý của Thiên Chúa, chứ ông không được phép nói theo ý kiến cá nhân hay nói lời của ông mà không phải ý Chúa.
Không những thế, Thiên Chúa còn đòi chúng ta phải chịu trách nhiệm về số phận đời đời của anh em mình khi thấy họ rơi vào con đường sai lầm, mà mình không lên tiếng cảnh báo: Kẻ gian ác sẽ phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng nếu ngươi không lên tiếng cảnh báo nó để nó từ bỏ con đường xấu xa, Ta sẽ đòi ngươi nợ máu của nó. Ngược lại, ngươi đã cảnh báo nó, nhưng nó không nghe, nó sẽ phải chết, và ngươi sẽ được vô tội.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta những bước đi cần thiết trong việc giúp anh chị em mình nhận ra sai lỗi của bản thân. Bước thứ nhất là gặp gỡ cá nhân trong tinh thần xây dựng: Nếu người anh em ngươi trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó nghe anh, thì anh đã chinh phục được một người anh em. Bước thứ hai là khuyên nhủ anh em trong một nhóm nhỏ có tính cách kín đáo nội bộ. Nếu cả hai bước trên đều thất bại và người kia vẫn cứng lòng, thì đến bước thứ ba: Hãy đem đến trước cộng đoàn Hội Thánh, để ở nơi đây, với uy tín và tính cách của cộng đoàn, và vì trách nhiệm cũng như bổn phận của đương sự với cộng đoàn, hy vọng là kẻ làm điều sai trái sẽ nhận ra sự sai lỗi của mình mà hoán cải. Nếu đến mức này, mà kẻ ấy còn cứng lòng, thì hãy kể nó như một người dân ngoại.
Chúa Giêsu đã hướng dẫn những bước đi hết sức thận trọng, khôn ngoan như thế để vừa tôn trọng danh dự người anh em, vừa mang lại lợi ích cho họ. Nếu họ thiện chí và khiêm tốn nhận ra sự sai lầm của mình, họ sẽ được cứu rỗi. Mục đích của việc sửa sai cho anh em là để giúp họ từ bỏ con đường sai trái và nên hoàn thiện hơn, đồng thời góp phần làm cho cuộc sống của cộng đoàn thêm gắn bó với nhau hơn. Vì cộng đoàn Giáo hội là một cộng đoàn thuộc về Chúa Kitô, cộng đoàn của tình yêu thương bác ái, mà trong đó, mỗi thành viên không chỉ có quyền lợi mà còn có trách nhiệm xây dựng và trách nhiệm về phần rỗi linh hồn của nhau; đồng thời, mỗi người còn phải đem tình yêu thương làm nền tảng trong mọi cách, mọi trường hợp cư xử với nhau.
Thánh Phaolô đã giải thích điều đó trong thư Roma: Anh em đừng mắc nợ ai điều gì, ngoài món nợ tình yêu thương, vì ai yêu thương là chu toàn lề luật. Thánh Phaolô còn nói thêm, tất cả các giới răn, lề luật của Thiên Chúa đều quy về tình yêu thương ; và khi đã thực sự có tình yêu thương thì người ta sẽ cư xử với nhau bằng tình yêu thương, nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương và nói với nhau những lời lẽ yêu thương. Ngược lại, khi trong tâm hồn thiếu vắng tình yêu thương, thì lời nói, hành động của người ấy, dù bên ngoài có được bao bọc bằng lớp vỏ ngọt ngào, nhưng đàng sau đó vẫn là sự đố kỵ, ghen ghét, ích kỷ; và một khi tâm hồn không có tình yêu thương thì lời nói và hành động của người đó bị chi phối bởi sự gian dối.
Thưa quý OBACE, người Việt Nam vẫn được coi là những người mang văn hóa nông nghiệp, văn hóa cộng đồng. Thế nhưng thực tế tính cộng đồng ấy hầu như không đi theo hướng tích cực là mỗi thành viên ý thức để xây dựng sự trưởng thành của mỗi cá nhân trong cộng đồng, mà hình như tính làng xã của người Việt lại nặng về sự a dua theo cộng đồng, dựa dẫm vào cộng đồng một cách thụ động. Người ta cũng thấy dường như chỉ những khi đánh nhau, thì người Việt mới đoàn kết với nhau, còn lúc hòa bình họ lại dễ dàng tranh chấp, đố kỵ lẫn nhau. Phải chăng thói xấu này đang diễn ra rất nhiều tại Việt Nam, tại các cộng đồng người Việt trên các quốc gia khác, khiến các quốc gia này có những chính sách hoặc lối ứng xử kỳ thị với người Việt Nam ?
Lối sống nghi kỵ cá nhân, ghen ăn tức ở của nhiều người cũng đang dần dần lan vào đời sống sinh hoạt của các giáo xứ. Tại một vài nơi, bên cạnh lối sống cộng đồng làng xã, lại được gia tăng bởi trào lưu dân chủ lệch lạc, khiến nhiều giáo xứ thay vì là một gia đình, một cộng đoàn của tình yêu thương và bác ái, thì người ta lại biến thành một cộng đoàn bè phái đố kỵ, nói xấu lẫn nhau. Thay vì góp ý xây dựng tích cực, họ đem những chuyện trong nhà ra ngoài ngõ để rêu rao, bôi xấu lẫn nhau. Hành động như thế vừa lỗi đức bác ái, vừa không đem lại hiệu quả tích cực. Đưa chuyện của cộng đoàn, của giáo xứ ra ngoài quán, ngoài đường để bôi xấu nhau như thế sẽ không ai là kẻ chiến thắng, ngược lại, những người bên ngoài sẽ là người chiến thắng, họ sẽ vui khi thấy trong Giáo hội, giáo xứ chia rẽ, cắn cấu lẫn nhau.
Bên cạnh đó, nhiều người, nhiều nơi, thay vì gặp gỡ để trao đổi, lắng nghe nhau trong tình yêu thương, để xây dựng, giúp nhau tiến bộ trong tình gia đình Hội thánh, thì họ lại chỉ muốn áp đặt ý kiến của mình trên ý kiến của người khác, nhân danh dân chủ để muốn người khác theo ý mình, mà không đi theo những bước Đức Giêsu đã dạy hôm nay. Họ cũng không có tình yêu và thiện chí để xây dựng cộng đoàn nên khi không được như ý thì họ quay lại chống đối, nói xấu nhau, kể cả chống lại Giáo hội, giáo xứ và cộng đoàn.
Gia đình phải là một cộng đoàn yêu thương mà trước hết, cha mẹ là những người có quyền và có bổn phận phải lấy tình yêu thương làm nền tảng cho gia đình; có bổn phận nhắc nhở, dạy dỗ con cái, sửa sai khi chúng đi trật đường. Hãy biết “đóng cửa bảo nhau” mỗi khi thấy thành viên của gia đình đi lạc đường, đừng vội nóng nảy, quát tháo, chửi bới, cũng đừng bắt hàng xóm phải nghe mình “dạy vợ dạy con”, đừng bắt họ phải nghe chuyện của nhà mình. Kế đến, hãy dùng tình yêu thương, sự kiên nhẫn và đời sống gương sáng để giúp người thân của mình từ bỏ con đường xấu xa, tội lỗi, trở về đường ngay nẻo chính. Có nhiều bậc cha mẹ đã không quan tâm đến bổn phận này, hoặc do mải mê với công việc khiến quên trách nhiệm dạy dỗ con cái, hoặc do đồng lõa mà làm ngơ trước những sai lầm của con cái, và còn có những người vì lý do kinh tế, nên không dám lên tiếng cảnh cáo con cái khi chúng làm điều sai.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn ý thức trách nhiệm của mình là xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất trong cộng đoàn, lấy tình yêu thương để cư xử với nhau, lấy đức bác ái để giúp nhau nên hoàn thiện, và cảm nhận được Lời Chúa trong thư Phaolô hôm nay: Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì ngoài tình thương mến. Amen.
Lm.Giuse Đỗ Đức Trí
Gp.Xuân Lộc
----------------------------------
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu
Mt 18,15-20
Sống với nhau trong cộng đoàn Hội Thánh thế nào cũng có chuyện này chuyện kia xảy ra. Có TN 23-A138
Sống với nhau trong cộng đoàn Hội Thánh
thế nào cũng có chuyện này chuyện kia xảy ra.
Có những đụng chạm nhỏ có thể bỏ qua dễ dàng.
Đức Giêsu đòi Phêrô phải tha đến bảy mươi lần bảy (Mt 18,22).
Nhưng cũng có những lỗi, những tội gây tai hại rất lớn
cho một cá nhân, và từ đó ảnh hưởng xấu đến cả cộng đoàn.
Khi đó Đức Giêsu không khuyên các kitô hữu sống dĩ hòa vi quý,
cố chịu đựng cho qua, coi như không có chuyện gì.
Ngài khuyên chúng ta nên thẳng thắn góp ý xây dựng,
chẳng những vì lợi ích của người bị hại, và của cộng đoàn,
mà còn vì lợi ích của chính người phạm tội nữa.
Chúng ta không có quyền để cho người anh em của mình đi lạc.
Bỏ chín mươi chín con chiên để tìm con chiên lạc và đưa nó về:
đó là bổn phận của người mục tử, và của cả chúng ta (Mt 18,12).
Đức Chúa đã long trọng phán với ngôn sứ Êdêkien:
“Nếu ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ đường xấu,
…Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8).
Chúa Cha không muốn cho ai trong cộng đoàn phải hư mất.
Ngài quý từng con người, dù đó là một người bé mọn (Mt 18,14).
Như thế sửa lỗi cho người anh em là cùng làm việc với Thiên Chúa,
để giữ lại người anh em này cho cộng đoàn.
Sửa lỗi chỉ để thể hiện một điều, đó là tình yêu.
Tình yêu huynh đệ phải chi phối toàn bộ tiến trình sửa lỗi.
Câu đầu tiên của đoạn Tin Mừng này dùng từ “anh em” hai lần.
Điều đó cho thấy người phạm tội nặng vẫn là anh em của tôi.
Đó không phải là kẻ thù, nhưng là người tôi không muốn mất.
Chính vì thế tôi phải kiên nhẫn bước vào một hành trình,
để giúp người anh em nhận lỗi, hoán cải và trở về nẻo chính.
Tôi phải đi nhiều bước trong hành trình này.
Từng bước một, bước nọ sau bước kia,
không vội vã dùng ngay những biện pháp mạnh mẽ.
Luôn luôn đợi chờ, luôn luôn hy vọng.
Luôn tạo cơ hội để có những cuộc gặp gỡ thân tình
và nâng niu những điểm sáng mong manh.
“Không bẻ gãy cây lau bị giập; không dập tắt tim đèn leo lét.”
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu mời chúng ta đi ba bước.
Bước một là gặp gỡ riêng tư với người anh em phạm lỗi.
Sự kín đáo cho thấy danh dự của người này được tôn trọng.
Nếu không thành công, ta mới qua bước hai.
Cuộc gặp gỡ lần này đông hơn vì có thêm một hai người nữa.
Hy vọng người phạm lỗi gặp được cái nhìn khách quan hơn.
Nhưng nếu người ấy vẫn khăng khăng không nghe,
lúc đó mới đưa ra trước cả cộng đoàn Hội Thánh địa phương.
Từ chối lắng nghe tiếng nói của Hội Thánh
là tự tách lìa, không còn coi mình thuộc về cộng đoàn nữa.
Lúc đó cộng đoàn sẽ coi người ấy như người ngoài, như dân ngoại.
Cộng đoàn Hội Thánh chẳng hề muốn mất một người anh em,
nhưng nếu người ấy cứ không nghe thì đành phải chịu (cc. 16.17).
Không nghe là khép lại với con người, cũng là khép lại với Thiên Chúa.
Bởi đó quyết định cầm buộc của Hội Thánh dưới đất
cũng là quyết định của Thiên Chúa trên trời (Mt 18,18).
Chỉ mong Hội Thánh làm mọi quyết định trong bầu khí cầu nguyện,
bình tâm phân định để tìm ý Chúa với rất nhiều tình yêu (Mt 18,20).
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rue nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
----------------------------------
- Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Mat-thêu 18, 15-20
Một người mù đang dò đường, cố đi vội để tìm chỗ trú, vì trời nổi cơn giông tố và sắp đổ mưa TN 23-A139
Một người mù đang dò đường, cố đi vội để tìm chỗ trú, vì trời nổi cơn giông tố và sắp đổ mưa; ông vô tình xông vào hàng rào kẽm gai, gai móc rách quần áo và da thịt. Những người qua đường thấy vậy bày tỏ những thái độ khác nhau:
- Hạng người thứ nhất là những người không biết ông bị mù nên trách móc: “Người gì đâu mà bất cẩn, dại dột… đường thẳng không đi, lại cứ hàng rào kẽm gai mà xông vào, chắc là đang say xỉn!”
Tương tự như thế, có nhiều người hễ thấy người khác lầm lỗi thì lên án, chửi rủa, trách móc… dù chẳng biết nguyên nhân, chẳng tìm hiểu ngọn nguồn.
- Hạng thứ hai là những người vô cảm vô tâm, khi thấy người người mù lâm nạn như thế, chỉ ngoái cổ lại nhìn rồi thinh lặng bỏ đi.
Tương tự như thế, khi thấy người khác sa vào tội lỗi, nhiều người chọn thái độ im lặng, dửng dưng, không quan tâm hay cho lời khuyên bảo.
- Hạng người thứ ba là những người tốt bụng, tỏ lòng thương xót, chạy đến hỏi han, khử trùng vết thương, rồi dìu ông tránh khỏi hàng rào kẽm gai.
Tương tự như thế, có những người nhân đức, khi thấy người sa vào tội lỗi, họ tìm cách khuyên lơn, dạy dỗ người có tội ăn năn sửa mình.
Còn chúng ta, chúng ta thuộc hạng người nào trong ba thành phần trên đây?
Một là chỉ trích, phê bình, lên án, trách móc người có tội, mặc dù chưa biết rõ đầu đuôi sự việc thế nào mà cũng “ngứa miệng” phán xét, phê bình người khác.
Hai là thinh lặng làm ngơ trước những sai lỗi của người khác. Ứng xử cách này xem ra khỏe khoắn, nhẹ nhàng hơn cả.
Ba là cảm thương, khuyên lơn, dạy bảo cho người lầm lỗi trở về đàng lành. Việc này khó nhọc, tốn công tốn sức, ít ai muốn làm.
Qua bài Tin mừng Mát-thêu được trích đọc hôm nay, Chúa Giê-su truyền dạy chúng ta phải cảm thương, dạy bảo, sửa lỗi cho người khác, không phải chỉ một lần, mà nếu cần, thì phải kiên trì sửa dạy nhiều lần. Chúa nói: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội thánh” (Mt 18, 15-17).
Chúa truyền dạy như thế nhưng chúng ta thấy đây là việc khó làm, đòi hỏi nhiều hy sinh và nhẫn nại, nên đã bỏ qua. Cần có lòng cảm thương sâu xa mới làm được.
Cảm thương người tội lỗi vì họ mù quáng
Người sa vào tội lỗi cũng y như người mù vương vào hàng rào kẽm gai. Họ sa vào tội lỗi vì họ “không thấy đường.”
Nhà hiền triết Socrate cho rằng: “Không ai cố tình làm điều ác.” Đúng vậy. Sở dĩ người ta gây ra tội ác là vì không am hiểu, thiếu khôn ngoan, không đủ sáng suốt để nhận định điều đúng điều sai… Đó cũng là một thứ mù, thường được gọi là mù quáng. Mù quáng còn tai hại hơn mù mắt nhiều lần, vì thế, họ đáng thương hơn là đáng trách.
Trong cuộc thương khó, Chúa Giê-su chẳng những không lên án những người phỉ báng, xỉ nhục, hành hung Ngài cách dữ dằn thô bạo, rồi đóng đinh Ngài vào thập giá cách dã man… mà còn thương xót họ. Ngài thương xót họ vì họ mù quáng, không biết việc mình làm. Thế là Ngài tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Ngay cả Charlie Chaplin (được gọi là vua hề Charlot) cũng nhận ra sự thật này. Ông nói: “Sở dĩ người ta gây ra tội ác là do sự mù quáng của mình. Vì thế, người khôn thì thương xót họ, người ngu thì lên án họ.”
Chúa Giê-su đầy khôn ngoan, Ngài thừa biết người ta phạm tội vì mù quáng, nên Ngài thương xót những người có tội, ngay cả những kẻ đóng đinh Ngài; còn chúng ta, chúng ta có đủ khôn ngoan để thương xót họ và cảm hóa họ hay không?
Lạy Chúa Giê-su,
Xin ban cho chúng con tấm lòng yêu thương và cảm thông sâu sắc đối với tội nhân, nhờ đó chúng con có thể yêu mến họ chân thành và tìm cách cảm hóa họ như Chúa đã nêu gương. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
----------------------------------
Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nêu bật một chủ đề chung: yêu thương đồng loại. Ed 33: 7-9 TN 23-A140
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nêu bật một chủ đề chung: yêu thương đồng loại.
Ed 33: 7-9
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en thi hành sứ vụ của mình bên cạnh những người đồng hương lưu đày như ông tại Ba-by-lon (đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên); ông cảm thấy mình chịu trách nhiệm về cách ăn nếp ở của anh em của mình.
Rm 13: 8-10
Thánh Phao-lô khuyên bảo các tín hữu Rô-ma thực hành tình tương thân tương ái. Bổn phận duy nhất, món nợ duy nhất mà chúng ta phải có đối với anh em đồng loại là Đức Ái.
Mt 18: 15-20
Trong Tin Mừng, thánh Mát-thêu trích dẫn lời Đức Giê-su mời gọi các Ki-tô hữu đừng để cho một người anh em nào của mình phải lạc mất mà không tìm cách sửa lỗi cho người ấy, nhiều lần nhiều cách khác nhau với sự tế nhị cần thiết.
BÀI ĐỌC I (Ed 33: 7-9)
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en sống vào cuối thế kỷ thứ bảy và đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên. Vào lúc đó, hoàn cảnh đất nước thật bi thảm. Vương quốc Giu-đa bị đế quốc Ba-by-lon xâm chiếm. Vua Na-bu-cô-đô-nô-so bao vây Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất, vào năm 598-597, tiếp đó một phần dân cư bị lưu đày, nhất là thành phần ưu tú. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en ở trong số những người lưu đày đầu tiên nầy. Ông thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình chủ yếu bên cạnh những người đồng hương lưu đày cho đến khi ông qua đời, vào năm 571 trước Công Nguyên.
Ê-dê-ki-en trước khi thi hành sứ vụ ngôn sứ, đã là tư tế, vì thế, ông mang lấy ở nơi mình vừa trách nhiệm ngôn sứ vừa nghĩa vụ tư tế. Bản văn mà chúng ta đọc vào Chúa Nhật nầy làm chứng điều nầy. Trách nhiệm ngôn sứ và nghĩa vụ tư tế hợp nhất bất khả phân ly ở nơi ông. Khung cảnh là làng Tel-Avi (nghĩa là “đồi lúa mì”) bên bờ sông Cơ-va không xa kinh thành Ba-by-lon, ở đó vị ngôn sứ cùng với một số người đồng hương sống trong cảnh lưu đày.
Từ những biến cố, ngôn sứ Ê-dê-ki-en biết rút ra bài học. Trước đây, các ngôn sứ đã kêu gọi vua, các bậc vị vọng và toàn thể dân chúng hoán cải, nhưng lời của các ngài không được lắng nghe, vì thế án phạt đã xảy đến trên toàn cõi vương quốc. Nét độc đáo của sứ điệp mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en gởi đến nhấn mạnh “trách nhiệm của mỗi cá nhân”. Đó là ý nghĩa của những lời Đức Chúa kêu gọi mà chúng ta đọc trong đoạn văn nầy.
1. “Hỡi con Người”:
Kiểu xưng hô: “Hỡi con người” là đặc ngữ Do thái, có nghĩa đơn giản là “một con người”, “một cá nhân”. Ở đây, danh xưng: “con người” quy chiếu đến chính vị ngôn sứ. Đặc ngữ nầy thường xuất hiện trong các sấm ngôn của Ê-dê-ki-en với một nét nghĩa tiêu cực: “ngươi chỉ là một phàm nhân” không hơn không kém.
Mỗi lần Thiên Chúa giao phó cho ông sứ điệp của Ngài, Ngài đều đặt ông vào vị thế của ông để ông khỏi phải tự cao tự đại về những thị kiến hay xuất thần mà Thiên Chúa gởi đến cho ông. Qua đặc ngữ này, vị ngôn sứ nêu bật sứ điệp cao vời khôn ví của Thiên Chúa gởi đến cho ông và thân phận phàm nhân thấp kém của ông, người được diễm phúc đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa.
2. “Người canh gác”:
Ở đây, vị ngôn sứ được Thiên Chúa đích thân tuyên bố: “Ta đã đặt ngươi là người canh gác cho nhà Ít-ra-en”. Những hình ảnh: “người canh gác”, “người canh thức”, “truyền lệnh sứ” rất quen thuộc trong Cựu Ước để mô tả sứ vụ ngôn sứ của dân Ít-ra-en. Như một phàm nhân, ông được Thiên Chúa giao phó trách nhiệm làm người canh gác cho những người đồng hương lưu đày như ông. Sứ vụ ngôn sứ của ông được mô tả cách đơn giản như sau: “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết”.
Xa hơn một chút, ở cuối chương 33 này, chính Ê-dê-ki-en gợi lên hình thức thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình trong những cuộc trò chuyện của mình với những đồng hương lưu đày: “Phần ngươi, hỡi con người, con cái dân ngươi bàn tán về ngươi dọc theo các bức tường và trước các cửa nhà. Chúng bảo nhau, người nọ nói với người kia: ‘Nào chúng ta đến nghe xem Đức Chúa phán thế nào!’. Chúng đến với ngươi đông như trẩy hội. Dân Ta ngồi trước mặt ngươi; chúng nghe các lời ngươi nói…” (Ed 33: 30-32). Trong bầu khí chuyện trò thân tình này, qua những cuộc tiếp xúc gần gũi giữa người với người mà vị ngôn sứ có thể gởi đến cho từng người những lời cảnh báo huynh đệ.
3.Trách nhiệm cá nhân:
Chết chính là đánh mất ân huệ của Thiên Chúa, Ngài là nguồn mạch của mọi thiện hảo đối với dân Ít-ra-en. Đó là cách nói quen thuộc của Cựu Ước để trình bày những huấn lệnh của Thiên Chúa trong viễn cảnh của một sự chọn lựa giữa sự sống và sự chết, hạnh phúc và bất hạnh, lời chúc phúc và lời nguyền rủa.
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhấn mạnh trách nhiệm của người biết huấn lệnh của Thiên Chúa, người ấy phải bổn phận giúp anh em mình được sáng tỏ: “Nếu Ta bảo đứa gian ác: ‘Tên gian ác kia, nhất định mi phải chết’, mà ngươi không nói để cảnh cáo nó phải từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó, đứa gian ác ấy, sẽ chết vì tội của nó, nhưng còn máu của nó, Ta sẽ đòi ngươi”. Vả lại, ông là vị ngôn sứ vĩ đại đầu tiên nhấn mạnh sự thưởng phạt cá nhân: “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết; con không mang lấy tội của cha; cha cũng không mang lấy tội của con” (Ed 18: 20). Tuy nhiên, số phận của mỗi người không bất di bất dịch như đinh đóng cột: người công chính có thể trở thành tội nhân; kẻ tội lỗi cũng có thể hoán cải để trở thành người công chính. Đây cũng là những lời Đức Giê-su khuyên các môn đệ của Ngài về việc sửa lỗi cho anh em mình trong Tin Mừng hôm nay.
BÀI ĐỌC II (Rm 13: 8-10)
Chúng ta tiếp tục đọc phần luân lý của thư gởi tín hữu Rô-ma. Thánh Phao-lô vừa mới nêu lên những bổn phận công dân mà người tín hữu phải phục tùng: vâng lời chính quyền dân sự, nộp thuế. Dù tất cả những nghĩa vụ nầy phải chu toàn, chúng ta vẫn phải là những kẻ mắc nợ đối với anh em đồng loại: món nợ tương thân tương ái không bao giờ hoàn tất được.
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì yêu mến người, thì chu toàn lề luật”: Thập giới mời gọi phải tôn trọng nhân phẩm của tha nhân và của cải của họ, nhưng không nói rõ bổn phận yêu thương đồng loại; yêu thương đồng loại được sách Lê-vi công bố và thánh Phao-lô cũng trích dẫn: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19: 18).
Theo Cựu Ước, “đồng loại” trước hết những người thuộc cùng chủng tộc. Đức Giê-su đã mở rộng tầm mức của huấn lệnh yêu thương đến tất cả mọi thành phần cộng đồng nhân loại, không có bất kỳ ngoại trừ nào, thậm chí phải yêu thương kẻ thù nữa. Thánh Phao-lô nêu lên không chỉ luật Mô-sê, nhưng luật mới Đức Ái Ki-tô giáo cũng đòi buộc nữa. Sở dĩ thánh nhân không đề cập đến huấn lệnh thứ nhất, huấn lệnh yêu mến Thiên Chúa, vì lời khuyên của thánh nhân nhắm đến đức ái huynh đệ, vì lẽ huấn lệnh yêu thương đồng loại bất khả tách rời huấn lệnh yêu mến Thiên Chúa. Chính từ yêu mến Thiên Chúa mà yêu thương đồng loại được khơi nguồn. Nếu yêu thương đồng loại vô giới hạn là do mẫu gương của tình yêu Thiên Chúa đối với con người vô cùng. Ở đây, thánh nhân nhấn mạnh tình tương thân tương ái, đó là “chu toàn lề luật”.
TIN MỪNG (Mt 18: 15-20)
Trong chương 18 nầy, thánh Mát-thêu tập hợp lại những huấn lệnh mà Đức Giê-su đã truyền đạt cho các môn đệ của Ngài, họ là hoa trái đầu mùa của Giáo Hội Ngài. Diễn từ nầy cũng được gọi “diễn từ về Giáo Hội”.
Việc sửa lỗi cho nhau mà Đức Giê-su mời gọi các môn đệ Ngài thực hành đã được nhắm đến trong luật Mô-sê: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.” (Lv 19: 17). Câu trích dẫn nầy đi gần sau huấn lệnh: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19: 18). Như vậy, sửa lỗi cho anh em thuộc về luật đức ái.
Theo truyền thống Do thái giáo, người ta không được truy tố kẻ phạm tội mà không cảnh báo trước trong chốn riêng tư. Vào thời Đức Giê-su, các kinh sư phàn nàn là người ta không thực thi truyền thống tốt đẹp nầy. Đức Giê-su phục hồi truyền thống nầy trong tinh thần yêu thương khi Ngài đề nghị bốn cấp độ trong việc sửa lỗi cho anh em mình:
1.Trong chỗ riêng tư kín đáo (18: 15)
Cấp độ thứ nhất quy chiếu đến những tội riêng tư hay ẩn kín. Ở đây, việc sửa lỗi phải được tiến hành trong chốn riêng tư, “một mình anh với nó mà thôi”, để tránh lỗi phạm của người anh em được mọi người biết, nhờ đó không làm thương tổn đương sự và cũng tạo dịp thuận tiện dễ dàng hơn cho đương sự thay đổi cách sống của mình.
2.Với một hay hai người khôn ngoan (18: 16)
Nếu việc sửa lỗi trong chốn riêng tư không đem lại kết quả như mong đợi, cấp độ thứ hai được tiến hành: tìm gặp một hay hai người bạn, những người có ảnh hưởng hơn trên đương sự. Như thế, càng rõ là cả người lầm lạc cũng như người nhắc nhở đều không được phán đoán theo các tiêu chuẩn chủ quan, nhưng thấu tình đạt lý. Cả hai đều được tháp nhập vào cộng đoàn Ki-tô hữu nên cả hai đều được liên kết với nhau vào những quy tắc mà Đức Giê-su đã ban cho cộng đoàn.
3.Trước Cộng Đoàn (18: 17-18)
Nếu đương sự không chấp nhận việc sửa lỗi, cấp độ thứ ba được tiến hành: người nầy bị xét xử theo hình thức pháp lý bằng cách quy chiếu đến uy quyền của Hội Thánh. Chỉ lúc đó, người này mới bị loại trừ, bị kể như một người dân ngoại hay một người thu thuế, nghĩa là người ấy bị vạ tuyệt thông, bị tách ra khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh. Ở đây, Đức Giê-su dùng thuật ngữ “Hội Thánh” theo nghĩa một cơ cấu xã hội, một cộng đồng hiện thực, hữu hình và khắn khít, phụ thuộc trực tiếp vào Người và nhóm Mười Hai cùng các vị kế vị của các ngài, họ có quyền tài phán mà chính Đức Giê-su xác nhận: “Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy”.
4.Viễn cảnh Hội Thánh (18: 19-20)
Theo văn mạch của việc sửa lỗi anh em trong đức ái huynh đệ này, nếu như việc sửa lỗi anh em ở cấp độ thứ ba không đạt đến kết quả và người ấy bị khai trừ khỏi cộng đồng; tuy nhiên, công việc không được dừng lại ở đó, người anh em này vẫn ở trong tâm trí của cộng đoàn và đặc biệt trong lời cầu nguyện chung: “Thầy bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho”. Tính hiệu quả của lời cầu nguyện chung này được bảo đảm chắc chắn vì Con Thiên Chúa làm người gần gũi với con người hơn bao giờ hết: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”. Nhờ lời cầu nguyện chân thành, tác động ân sủng của Chúa biến đổi người anh em mình, để người anh em ấy nhận ra lỗi lầm mà thay đổi đời sống và được gia nhận trở lại với cộng đoàn. Cộng đoàn Ki-tô hữu luôn luôn là cộng đoàn rộng mở đón người anh em lầm đường lạc lối.
Chúng ta phải ghi khắc trong tâm trí mình rằng Đức Giê-su tha thiết quy tụ mọi người, bất kỳ là ai thuộc chủng tộc nào, chung quanh Ngài để làm thành một cộng đoàn tín hữu chan chứa tình huynh đệ. Cách sống này ngược lại với thái độ dửng dưng “sống chết mặc bây”, chỉ biết sống cho riêng mình mà không quan tâm đến đời sống cộng đồng, một trong những đặc tính của người Ki-tô hữu (x. Mt 18: 15). Mặt khác, Đức Giê-su không hề có ý đề nghị các thành viên trong cộng đoàn phải giám sát nhau và phân loại nhau theo bậc thang giá trị luân lý. Các cấp độ mà Ngài đề nghị chỉ là nhằm diễn tả đức ái. Việc sửa lỗi anh em chỉ mang lại kết quả nếu phát xuất từ đức ái chân thành.
Thánh Mát-thêu cho chúng ta một hướng dẫn đúng để hiểu những lời khuyên này: “Cha anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (18: 14). Đây là bổn phận chăm lo anh chị em mình về mặt thiêng liêng. Giúp đỡ một anh chị em đang gặp khó khăn, chìa tay ra cứu vớt một anh chị em đang sa vào tội lỗi, là một đòi hỏi của tình yêu, một sự trung thành với công trình cứu độ của Đức Giê-su. Chúng ta không chỉ chịu trách nhiệm về bản thân mình mà còn phải chịu trách nhiệm về nhau, như lời dạy của thánh Phao-lô: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì yêu mến người, thì chu toàn lề luật” (Rm 13: 8).
----------------------------------
[Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong Tin Mừng Mát-thêu có tât cả 5 bài giảng: bài giảng trên núi (chương 5-7), bài giảng về TN 23-A141
Trong Tin Mừng Mát-thêu có tât cả 5 bài giảng: bài giảng trên núi (chương 5-7), bài giảng về sứ mạng truyền giáo (chương 10), bài giảng bằng các dụ ngôn (chương 13), bài giảng về Giáo hội (chương 18) và bài giảng về cánh chung (chương 24-25). Bài Phúc Âm Chúa Nhật XXIII Thường Niên Năm A là một phần của bải giảng về Giáo Hội. Lý do Chúa Giêsu quan tâm đến Giáo Hội là vì Giáo Hội là cộng đoàn những người theo Chúa, là Israel mới hay dân riêng mới của Thiên Chúa, là hình ảnh của Nước Trời nơi trần thế, là công cụ của Ơn Cứu Độ. Vì lý do đó mà một trong những trách nhiệm của các thành viên trong cộng đoàn Giáo Hội là nhắc nhở và xây dựng cho nhau sống đúng với tư cách và chức danh Ki-tô hữu là giáo dân hay là giáo sĩ.
Riêng trong Giáo Hội Công giáo Việt Nam, việc thi hành chị thị trên của Chúa Giêsu còn có thêm một khó khăn về mặt văn hóa: đó là “nền văn hóa nể trọng”, là tính cả nể sợ mất lòng người khác, nhất là những người có chức có quyền, khiến nhiều người không dám/muốn nói lời thật (lời thật mất lòng) với anh chị em mình lỡ sai phạm và trở thành đồng lõa với cái sai, cái xấu của những người ấy.
Vậy thì chúng ta rất cần nghe kỹ Lời Chúa mà suy gẫm và đem ra thực hành.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Ed 33,7-9): “Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi” Đây Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết’; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”.
2.2 Trong bài đọc 2 (Rm 13,8-10): “Yêu thương là chu toàn cả lề luật” Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Đó là: “Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham”, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình”. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 18,15-20): “Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em” Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:
– là Đấng đã giao phó cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en trọng trách lên tiếng cảnh cáo những người sống vô đạo, làm mất lòng Thiên Chúa. Thiên Chúa cột chặt số phận của ngôn sứ vào sự trở lại của những kẻ gian ác.
– là Chúa Giê-su, Đấng đã đưa ra quy luật sống cho các tín hữu. Trong cộng đoàn, các tín hữu có trách nhiệm phải giúp nhau sửa đổi cách sống cho mỗi ngày một hoàn thiện, vì họ thực sự là anh em của nhau, là chi thể của Thân Mình Chúa Ki-tô là Hội Thánh. Chúa Giê-su còn khẳng định sự kết liên chặt chẽ giữa cách hành xử của những người có trách nhiệm trong cộng đoàn và cách hành xử của chính Thiên Chúa. Chúa Giê-su cũng quả quyết sức mạnh của lời cấu nguyện tập thể của những kẻ tin hiệp thông với nhau trong một tâm tình cầu xin.
– là Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện và cùng hành động với Chúa Cha khi Thiên Chúa giao sứ mạng nói lời Thiên Chúa cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Chúa Thánh Thần cũng luôn ở bên Chúa Giê-su khi Người giáo huấn về cách sống trong cộng đoàn kẻ tin. Chúa Thánh Thần cũng hiện diện nơi Thánh Phao-lô khi ngài chỉ ra rằng chỉ vì thiếu yêu thương bác ái mà người ta phạm tội.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?):
Qua ba bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó.”
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuyệt đối tin cậy !
4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa liên quan tới việc sửa lỗi anh em, chúng ta phải trang bị cho mình một số điều kiện thiết yếu sau đây:
– Một là xác định và thể hiện động cơ của việc góp ý, sửa lỗi cho anh em là do tình tương thân tương ái đối với những người được góp ý, sửa lỗi. Thánh Phao-lô đã nói với giáo đoàn Rô-ma: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Lời khuyên quí báu này càng phải được áp dụng trong trường hợp chúng ta muốn góp ý, sửa lỗi anh em.
– Hai là chúng ta phải cảnh giác đừng để mình rơi vào cảnh Chúa Giê-su đã cảnh cáo trong Phúc âm theo Thánh Mát-thêu: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7,3). Nói cách khác phải có sẵn một tinh thần khiêm hạ, đơn sơ, vô vị lợi khi thi hành trách nhiệm sửa lỗi anh em. “Tiên kỷ hậu nhân” phải là nguyên tắc hành xử trong lãnh vực tế nhị này, có nghĩa là trước khi sửa lỗi người khác, chúng ta phải sửa lỗi của bản thân mình đã.
– Ba là để có thể góp ý, sửa lỗi cho người khác, chúng ta cần phải có lòng kiên nhẫn và dũng cảm vì rất nhiều khi chúng ta sẽ chỉ nhận được một thái độ oán trách, giận dữ, bắt bẻ và tố cáo lại chúng ta mà thôi.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các quốc gia dân tộc trên thế giới hôm nay, nhất là cho các nhà lãnh đạo các dân tộc ấy, để họ tránh gây tội ác và thực thi công lý cho cộng đồng xã hội.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị lãnh đạo Giáo Hội, cách riêng cho Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục để các ngài luôn luôn chu toàn sứ mạng nói Lời Chúa cho mọi người.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 «Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tín hữu trong giáo xứ/cộng đồng chúng ta, để mọi người biết sống yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau như những người con cùng một Cha, anh chị em cùng một nhà.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho» Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta, để chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện “tập thể” mà hợp lòng hợp ý với nhau nài xin Thiên Chúa ban hòa bình và công lý cho những người chịu cảnh bất công và áp bức trong xã hội hôm nay.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
Saigon ngày 01/09/2020
----------------------------------
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy, khi sửa lỗi cho anh em, chúng ta phải theo tiến trình ba bước TN 23-A142
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy, khi sửa lỗi cho anh em, chúng ta phải theo tiến trình ba bước.
– Trước hết hãy sửa lỗi anh em trong chốn riêng tư, kín đáo, để tạo niềm tin nơi họ.
– Nếu người anh em còn cố chấp thì đem theo một hai người có uy tín giúp họ nhận thức rõ về tội của mình, đó là bước thứ hai.
– Nếu họ cũng không nghe thì mới đưa ra cộng đoàn, đó là bước thứ ba.
Sở dĩ Chúa Giêsu đề nghị nhiều bước như vậy, bởi vì Ngài biết việc sửa lỗi người khác thật là khó khăn.
Khó khăn thứ nhất là do chính đương sự thường cho mình là người không có lỗi như Dale Carnegie đã viết: “Tôi đã phải phấn đấu một phần ba thế kỷ mới thấy được chân lý này: dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội”.
Bà đã kể trường hợp về ba tên cướp đầu đảng nổi tiếng nhất nước Mỹ:
Crowley, Capone và Schultz.
– Crowley giết người như ngóe mà vẫn nói: “Dưới lớp áo này, trái tim ta đập chán ngán, nhưng thương người không muốn làm hại ai”.
– Capone đã tự tuyên bố: “Ta dùng những năm tháng tươi đẹp nhất trong đời để mua vui cho tiên hạ, vậy mà phần thưởng chỉ là bị chửi bới, bị săn bắt như thú dữ”.
– Schultz đã tự mãn khoe với ký giả: “Ta là ân nhân của thiên hạ”.
(Dale Carnegie, Đắc nhân tâm, tr 33-3)
Chính vì vậy khi sửa lỗi phải hết sức tế nhị để làm sao đương sự nhận ra điều sai lỗi của mình.
Chúng ta hãy nhìn vào cách sửa lỗi của ngôn sứ Na-than.
Đức Chúa sai Na-than đến với vua Đa-vít. Ông đến gặp nhà vua và kể cho ngài một câu chuyện sau:
“Có hai người trong cùng một thành. Một người giàu, một người nghèo. Người giàu có nhiều chiên, dê, bò. Người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên độc nhất ông đã mua. Ông nuôi và nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông. Nó ăn chung bánh với ông, ngủ trong lòng ông, ông coi nó như con gái ông.
Có khách đến thăm người giàu. Vì tiếc của, người giàu không bắt chiên hay bò của mình mà làm thịt đãi khách. Ông lại đi bắt con chiên của người nghèo để làm thịt đãi khách”.
Vua Đa-vít nghe mà bừng bừng nổi giận nói với Na-than: “Có Đức Chúa hằng sống! kẻ nào làm điều ấy thật đáng chết! Nó phải đền gắp bốn lần con chiên cái, bởi vì nó làm chuyện ấy vì đã không có lòng thương xót”.
Ông Na-than nói với vua Đa-vít:
Kẻ đó chính là ngài! Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này:
“Chính Ta đã sức dầu phong ngươi làm vua cai trị It-ra-en. Chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi và đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà It-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, Ta sẽ ban cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Đức Chúa mà làm những điều dữ trái mắt Người? Ngươi đã dùng gươm mà giết U-ri-gia, vợ y ngươi đã cướp làm vợ ngươi. Còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Am-mon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta, và cướp vợ của U-ri-gia, làm vợ ngươi.
Đức Chúa phán thế này:
Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây họa cho ngươi.
Ta sẽ bắt các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác và nó sẽ ăn nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật.
Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẹ làm điều ấy trước mặt toàn thể It-ra-en và giữa thanh thiên bạch nhật”.
Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Na-than: “Tôi thật đã đắc tội với Chúa”(2 Sm 12, 1-13).
Phương cách ngôn sứ Na-than sửa lỗi cho vua Đa-vít trong câu chuyện trên thật tế nhị và đầy bác ái.
Muốn thành công trong việc sửa lỗi người khác, dù ở bước một, bước hai hay bước ba, chúng ta phải có những tâm tình như sau:
– Trước hết phải có một tâm tình yêu thương, đừng lên án, chỉ trích, nhưng luôn tế nhị dịu dàng.
– Thứ đến phải có lòng kính trọng chân tình, luôn giữ thể diện cho người lầm lỗi, đừng chà đạp lên lòng tự ái của họ.
– Kính trọng vì người anh em tuy có lỡ sai phạm nhưng vẫn có khả năng sửa đổi. Khinh miệt, lên mặt kè cả sẽ chỉ mang đến thất bại.
– Sau cùng, muốn sửa lỗi người anh em phải hết sức tế nhị.
Tâm hồn người lầm lỗi vừa đày tự ái vừa đầy mặc cảm. một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách.
Vì thế, Chúa dạy chúng ta phải hết sức tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên khi gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trong và yêu thương.
Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, tứ đó người có lỗi dễ đón nhận những sai sót của mình. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
--------------------------------
MỜI GỌI TA LÀM GÌ ?
Lời kêu gọi sửa lỗi anh em là một lời kêu gọi thực hiện đức ái Kitô giáo, giúp đỡ người anh em TN 23-A143
- Lời kêu gọi sửa lỗi anh em là một lời kêu gọi thực hiện đức ái Kitô giáo, giúp đỡ người anh em gặp khốn khó, chìa cánh tay thân ái cho người đang bị tội lỗi dày vò để nâng đỡ họ là một đòi hỏi của tình yêu, là trung thành với công cuộc cứu thế của Chúa Giêsu.
- Có nhiều người hay giây mình vào câu chuyện của kẻ khác. Trái lại, có nhiều người thu hẹp đời sống tôn giáo trong tương quan Thiên Chúa và cái tôi! Nhưng ở đây Chúa Giêsu dạy rằng chúng ta có trách nhiệm đối với nhau, ta không thể tỏ ra hững hờ trước tình trạng thiêng liêng của người anh em và bởi vì không ai có thể toàn vẹn, nên rất có thể một ngày kia người khác sẽ cứu giúp tôi, và có lẽ họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ ấy một cách tốt đẹp nếu họ đã từng thấy tôi giúp họ. Trong cộng đoàn, “không ai là một hòn đảo”.
- Khi đến nhà thờ cầu nguyện, không những để tôn thờ Chúa Kitô hiện diện trong bánh rượu mà còn để gặp gỡ anh em tôi và liên kết với họ trong lời kinh. Đức Kitô hiện diện giữa chúng ta, Ngài nhận chúng ta là chi thể của Ngài nên chúng ta cũng hãy chấp nhận nhau là anh em của ta, và như thế lời cầu nguyện của chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận như Chúa Giêsu: “Lạy Cha, con biết rằng Cha hằng nhận lời con” (Ga 11,42).
- Lưu tâm đặc biệt cách sửa lỗi:
- Tất cả việc sửa lỗi đều xuất phát do động lực tình yêu, coi người khác là cùng thân thể với mình, lỗi người cũng là lỗi mình.
- Thiên Chúa ghét tội lỗi, nhưng thương tội nhân. Ngài muốn cứu chúng ta ra khỏi tình trạng lầm lỗi, chúng ta phải tham gia vào cuộc chiến này. Đây là cuộc chiến đấu huynh đệ, giành giật lại người anh em.
- Nếu thấy yên lặng là cần thiết thì nên yên lặng.
- Nếu phải dùng cách thế nào, hãy cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để sửa cho có kết quả.
. Những dấu hiệu cho thấy việc sửa lỗi người khác do ích kỷ:
- Sửa lỗi trong lúc nóng giận, xả vào người khác tính nóng nảy của mình.
- Nói điều xấu người khác để làm nổi mình, ném đá người khác để khẳng định sự thánh thiện của mình.
- Hoặc hèn nhát, sợ bị đụng chạm đến mình do thiếu tình yêu.
- Về phía người có lỗi nếu họ thấy không được sửa vì tình yêu thì khó chấp nhận.
Tại sao khi ta cầu nguyện mà chưa được nhận lời?
- Hoặc Chúa nói sai!
- Hoặc cách ta xin không đúng, điều ta xin không đúng.
- Hoặc được rồi mà ta không nhận ra.
- Chưa đồng thanh cầu nguyện (nhân Danh Chúa Giêsu, một lòng một dạ)
Tóm lại: Tình yêu là động lực để sửa lỗi. Hiệp nhất để cầu nguyện sẽ được như ý.
Hãy để Thánh Thần làm việc trong ta và cộng đoàn.
Lm. Phêrô Phạm Hữu Lai, Sj
--------------------------
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật nầy, hòa hợp với nhau, nêu bật một chủ đề chung: yêu thương đồng TN 23-A144
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật nầy, hòa hợp với nhau, nêu bật một chủ đề chung: yêu thương đồng loại.
Ed 33: 7-9
Tư tế Ê-dê-ki-en thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình bên cạnh những người đồng hương bị lưu đày như ông ở Ba-by-lon (đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên); ông cảm thấy mình chịu trách nhiệm về cách ăn nếp ở của anh em của mình.
Tv 95 (94): 1-2, 6-7, 8-9
Tác giả thánh vịnh mời gọi cộng đồng Dân Chúa hãy tôn thờ Đức Chúa là Chúa Trời cao cả và là Vị Mục Tử nhân lành (cc. 1-7a) với trọn tấm lòng yêu mến Ngài (cc. 7b-11).
Rm 13: 8-10
Thánh Phao-lô khuyên bảo các tín hữu Rô-ma thực hành tình tương thân tương ái. Bổn phận duy nhất, món nợ duy nhất mà chúng ta phải có đối với anh chị em của mình là Đức Ái.
Mt 18: 15-20
Trong Tin Mừng, thánh Mát-thêu trích dẫn những lời của Đức Giê-su mời gọi các Kitô hữu đừng để cho một người anh em nào của mình phải lạc mất mà không tìm cách sửa lỗi cho người ấy, nhiều lần nhiều cách khác nhau với thái độ tế nhị cần thiết.
BÀI ĐỌC I (Ed 33: 7-9)
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en sống vào cuối thế kỷ thứ bảy và đầu thế kỷ thứ sáu sau Công Nguyên. Vào lúc đó, hoàn cảnh đất nước thật bi thảm. Vương quốc Giu-đa bị họa diệt vong bởi đế quốc Ba-by-lon. Vua Na-bu-cô-đô-nô-so bao vây thành đô Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất, vào năm 598-597, tiếp đó một phần dân cư bị lưu đày, nhất là thành phần ưu tú. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en thuộc vào số những người lưu đày đầu tiên nầy. Ông thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình chủ yếu bên cạnh những người lưu đày cho đến khi ông qua đời, vào năm 571 trước Công Nguyên.
Ê-dê-ki-en trước khi ngôn sứ, đã là tư tế, vì thế, ông mang lấy ở nơi mình vừa tinh thần ngôn sứ vừa tinh thần tư tế. Bản văn mà chúng ta đọc vào Chúa Nhật nầy làm chứng điều nầy. Trách nhiệm ngôn sứ và trách nhiệm tư tế hợp nhất bất khả phân ly ở nơi ông. Khung cảnh là làng Tel-Avi bên bờ sông Cơ-va không xa kinh thành Ba-by-lon, ở đó vị ngôn sứ cùng với một số người đồng hương bị lưu đày. “Tel-Avi” nghĩa là “đồi lúa mì”.
Từ những biến cố, ngôn sứ Ê-dê-ki-en biết rút ra bài học. Các ngôn sứ đã kêu gọi vua, các bậc vị vọng và toàn thể dân chúng hoán cải, nhưng lời của các ngài không được lắng nghe, vì thế sự trừng phạt bất ngờ xảy đến. Nét độc đáo của sứ điệp mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en gởi đến nhấn mạnh“trách nhiệm của mỗi cá nhân”. Đó là ý nghĩa lời kêu gọi của Đức Chúa mà chúng ta đọc trong đoạn văn nầy.
1. “Hỡi con Người”:
“Hỡi con người” (dịch sát từ: “con của con người”), chữ “con người” là đặc ngữ Sê-mít, có nghĩa đơn giản là “một con người”, “một cá nhân”, như trong câu: “Hỡi con người, Ta đặtngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en”, ở đây, danh xưng “con người” quy chiếu đến vị ngôn sứ. Đặc ngữ nầy thường xuất hiện trong các sấm ngôn của Ê-dê-ki-en với một nét nghĩa tiêu cực: “Ngươi chỉ là một phàm nhân”. Mỗi lần Thiên Chúa giao phó cho ông sứ điệp của Ngài, Ngài đặt ông vào vị thế của ông để ông khỏi phải tự cao tự đại về những thị kiến hay xuất thần mà Thiên Chúa gởi đến cho ông. Vị ngôn sứ phải xoá mình thành một loại vô danh tiểu tốt.
2. “Người canh gác cho nhà Ít-ra-en”:
Những hình ảnh: “người canh gác”, “người canh thức”, “truyền lệnh sứ”, được dùng để nói về sứ vụ ngôn sứ thì rất quen thuộc trong Cựu Ước. Ở đây, vị ngôn sứ được Thiên Chúa công bố đích danh là “người canh gác cho nhà Ít-ra-en” chứ không là người canh gác ở trên vọng đài tường thành nào đó. Ông sẽ là người canh gác ở giữa một đám dân, như bao nhiêu những phàm nhân khác, thậm chí như một người lưu đày trong số họ, không hơn không kém.
Xa hơn một chút, chính Ê-dê-ki-en gợi lên hình thức đơn giản của sứ vụ mình: “Phần ngươi hỡi con người, con cái dân ngươi bàn tán về ngươi dọc theo các bức tường và trước các cửa nhà. Chúng bảo nhau, người nọ nói với người kia: ‘Nào chúng ta đến nghe xem Đức Chúa phán thế nào!’. Chúng đến với ngươi đông như trẩy hội. Dân Ta ngồi trước mặt ngươi; chúng nghe các lời ngươi nói…” (Ed 33: 30-32). Trong những cuộc chuyện trò thân mật nầy, trong bầu khí thân quen của những cuộc giao tiếp gần gũi giữa người với người này, vị ngôn sứ có thể gởi đến cho từng người những lời cảnh báo đậm đà tình nghĩa huynh đệ.
3. Trách nhiệm cá nhân:
Đối với dân Thiên Chúa, “sống” tức là đón nhận những phúc lành của Thiên Chúa và “chết” chính là đánh mất ân huệ của Thiên Chúa, bởi vì Ngài là nguồn mạch của mọi thiện hảo đối với dân Ít-ra-en. Đây là kiểu nói quen thuộc của Cựu Ước để trình bày những huấn lệnh của Thiên Chúa trong viễn cảnh của một sự chọn lựa giữa sự sống và sự chết, hạnh phúc và bất hạnh, lời chúc phúc và lời nguyền rủa.
“Nếu Ta bảo đứa gian ác: ‘Tên gian ác kia, nhất định mi phải chết’, mà ngươi không nói để cảnh cáo nó phải từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó, đứa gian ác ấy, sẽ chết vì tội của nó, nhưng còn máu của nó, Ta sẽ đòi ngươi”. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en nhấn mạnh trách nhiệm của người biết huấn lệnh của Thiên Chúa và luật luân lý của Ngài, người ấy phải giúp anh em mình được hiểu biết ngọn nguồn. Vả lại, ông là vị ngôn sứ đầu tiên và vĩ đại nhấn mạnh sự thưởng phạt cá nhân: “Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết; con không mang lấy tội của cha; cha cũng không mang lấy tội của con” (Ed 18: 20). Tuy nhiên, số phận của mỗi người không bất di bất dịch như đinh đóng cột: người công chính có thể trở thành tội nhân; kẻ tội lỗi cũng có thể hoán cải để trở thành một vị thánh. Sứ vụ của vị ngôn sứ được định vị ở nơi hành động nầy mà chính Đức Giê-su sẽ khuyên bảo các môn đệ của mình.
THÁNH VỊNH 95 (94)
Về hình thức, thánh vịnh này là một “thánh vịnh hỗn hợp” bao gồm một thánh thi (cc. 1-7a) và một sấm ngôn (cc. 7b-11). Về nội dung, thánh vịnh này thường được xếp vào loại các thánh vịnh ca ngợi vương quyền của Đức Chúa, cũng có thể liệt vào số các thánh vịnh phụng vụ ngôn sứ. Về bối cảnh, thánh vịnh có lẽ được dùng trong cuộc rước kiệu tiến về Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Đoàn rước kiệu khởi hành chẳng hạn từ Ghi-khôn nằm trong thung lũng Kít-rôn (x. 1V 1: 33), rồi tiến lên núi Xi-on (Tv 95: 1-5). Trước Nơi Cực Thánh diễn ra nghi lễ thờ lạy Thiên Chúa và cầu nguyện (Tv 95: 6-7a), rồi đoàn người rước kiệu nghe đọc và diễn giải Sách Thánh. Nghi lễ kết thúc với lời tuyên sấm của một viên chức phụng tự hay một phát ngôn viên của Lời Chúa trong Đền Thờ (Tv 95: 7b-11). Thánh vịnh này được cấu trúc như sau:
A.Mời gọi tôn thờ Đức Chúa là Chúa Trời cao cả và là Vị Mục Tử nhân lành (cc. 1-7a)
B.Mời gọi trọn một lòng trung thành với Đức Chúa (cc. 7b-11)
1-7a. Những đề tài về Đức Chúa như Đấng Cứu Độ và Đấng Sáng Tạo được đan quyện vào nhau: a.Đấng Cứu Độ (c. 1), b.Đấng Sáng Tạo (cc. 4-5), b’.Đấng Sáng Tạo (c. 6), a’.Đấng Cứu Độ (c. 7a). 1. “Tung hô Người là Núi Đá độ trì ta”: “Núi Đá” ở đây và ở câu 8 ám chỉ tảng đá mà ông Mô-sê đã đập vào theo lệnh Chúa để từ đó nước chảy ra cho dân uống (x. Xh 17: 16; Ds 20: 11). 3. “Bởi Đức Chúa là Chúa Trời cao cả (“El”)”: El là vị thần đứng đầu các thần linh của dân Ca-na-an và là tên của vị thần tối cao. “Đại Vương trổi vượt chư thần”: “Đại Vương” là tước hiệu mà các hoàng đế Cận Đông xưa xưng tụng mình (Tv 47: 3; 48: 3). 7a. “Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt”: X. Tv 79: 13; 100: 3. 7b-11. Thánh vịnh bất ngờ chuyển giọng sang lời cảnh báo về sự bất trung với Đức Chúa ở đây (x. Tv 81, trong đó cũng xảy ra một chuyển giọng như thế). 8. “Tại Mơ-ri-va…ở Ma-xa”: Theo Tv 81: 8, chính Thiên Chúa thử lòng dân tại Mơ-ri-va (x. Xh 17: 1-7). Hai địa danh này có nghĩa “gây chuyện” và “thử thách” hay “thách thức”. 11. “Chúng sẽ không được vào chốn an nghỉ của Ta”: Đặc biệt theo truyền thống đệ nhị luật, đất hứa là đất Thiên Chúa ban cho dân Ngài được nghỉ ngơi sau một cuộc hành trình dài lâu và đầy cam go (Đnl 12: 10; 25: 19; Gs 22: 4), vì thế đất này được Thiên Chúa quy chiếu là “chốn yên nghỉ của Ta”.
BÀI ĐỌC II (Rm 13: 8-10)
Chúng ta tiếp tục đọc phần luân lý của thư gởi tín hữu Rô-ma. Thánh Phao-lô vừa mới nêu lên những bổn phận công dân mà người tín hữu phải phục tùng: vâng lời chính quyền dân sự, nộp thuế. Dù tất cả những nghĩa vụ nầy phải chu toàn, chúng ta vẫn phải là những kẻ mắc nợ đối với anh em đồng loại: món nợ tương thân tương ái không bao giờ trả hết được. “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì yêu mến người, thì chu toàn lề luật”. Thập Giới mời gọi phải tôn trọng nhân phẩm của tha nhân và của cải của họ, nhưng không đề cập cách minh nhiên bổn phận yêu thương đồng loại. Bổn phận yêu thương đồng loại được sách Lê-vi 19: 18 công bố và thánh Phao-lô cũng trích dẫn: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”.
Theo Cựu Ước, anh em đồng loại trước hết những người cùng chung một chủng tộc, một quốc gia, như chữ “đồng bào” của người Việt Nam. Đức Giê-su đã mở rộng tầm mức của huấn lệnh yêu thương đến tất cả mọi thành viên của cộng đồng nhân loại, không có bất kỳ ngoại trừ nào, thậm chí phải yêu thương kẻ thù nữa. Thánh Phao-lô nêu lên không chỉ luật Mô-sê, nhưng cũng luật mới của Đức Ái Kitô giáo nữa. Ở đây, thánh nhân không đề cập đến huấn lệnh thứ nhất, huấn lệnh yêu mến Thiên Chúa, vì lời khuyên bảo của thánh nhân nhắm đến đức ái huynh đệ, vì thế huấn lệnh yêu thương đồng loại bất khả phân ly với huấn lệnh yêu mến Thiên Chúa: từ yêu mến Thiên Chúa mà yêu thương đồng loại được khơi nguồn. Nếu yêu thương đồng loại là vô giới hạn, vì mẫu gương của tình yêu Thiên Chúa đối với con người thì vô cùng. Ở đây, vị sứ đồ nhấn mạnh tình tương thân tương ái, đó là “chu toàn lề luật”.
TIN MỪNG (Mt 18: 15-20)
Trong chương 18 nầy, thánh Mát-thêu tập hợp lại những huấn lệnh của Đức Giê-su được ngỏ lời với nhóm Mười Hai, hoa trái đầu mùa của Giáo Hội Ngài. Diễn từ nầy cũng được gọi “diễn từ về Giáo Hội”.
1. Sửa lỗi anh em:
Việc sửa lỗi anh em mà Đức Giê-su mời gọi các môn đệ Ngài thực hành cho nhau được nhắm đến trong luật Mô-sê, được ghi trong sách Lê-vi: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó”(Lv 19: 17). Câu trích dẫn nầy đi gần sau huấn lệnh: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19: 18). Như vậy, việc sửa lỗi cho anh em thuộc về luật đức ái.
Theo truyền thống Do thái giáo, người ta không được truy tố kẻ phạm tội mà không cảnh báo trước trong chốn riêng tư. Vào thời Đức Giê-su, các kinh sư phàn nàn là người ta không thực hiện tập tục tốt đẹp nầy. Đức Giê-su phục hồi tập tục nầy trong tinh thần yêu thương. Ngài đề nghị ba giai đoạn trong việc sửa lỗi huynh đệ:
- Sửa lỗi anh em trong chỗ riêng tư kín đáo, không ai hay biết.
- Nếu lần đầu tiên không có kết quả, tiếp tục lần thứ hai với sự hiện diện của một hay hai người khôn ngoan để kẻ sai lạc thấu tình đạt lý. Biện pháp nầy tránh cho tội nhân khỏi bị sỉ nhục ở nơi cộng đoàn.
- Nếu lần nầy cũng thất bại nữa, lúc đó mới thưa với cộng đoàn. Nếu người anh em nầy không chịu nghe cộng đoàn, chỉ lúc đó người nầy mới có thể bị loại trừ hay bị kể như một người dân ngoại hay một người thu thuế, nghĩa là một người mà người ta tránh mọi giao tiếp.
Đức Giê-su dự phòng các môn đệ của Ngài – sau họ, các cộng đoàn Kitô hữu – tránh tất cả mọi hình thức loại trừ một thành viên quá tàn nhẫn. Nhưng Ngài còn muốn hơn nữa rằng chúng ta noi gương vị mục tử nhân lành ra đi tìm kiếm con chiên lạc. Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên khi những lời khuyên sửa lỗi anh em nầy được xếp đặt ngay liền ngay dụ ngôn “con chiên lạc” (Mt 18: 12-14). Giáo Hội phải bày tỏ sự ân cần như thế đối với người sai phạm.
2. Viễn cảnh Giáo Hội:
Đức Giê-su định vị bổn phận sửa lỗi anh em và những biện pháp kỷ luật mà cộng đoàn Kitô hữu áp dụng trong khung cảnh thiết lập Giáo Hội của Ngài. Chính như vậy mà Ngài mở rộng quyền năng cho Tông Đồ Đoàn, mà trước đây Ngài đã trao phó cho thánh Phê-rô: “Tất cả những gì dưới đất anh em cầm buộc, trên trời cũng cầm buộc như vậy; tất cả những gì dưới đất anh em tháo cởi, trên trời cũng tháo cởi” (Mt 16: 19). Và Ngài sẽ lập lại quyền năng nầy cho họ sau khi Ngài phục sinh (Ga 20: 23).
Đức Giê-su thêm vào ở đây một lời hứa khác: Ngài sẽ luôn luôn hiện diện ở giữa các tín hữu của Ngài khi họ họp nhau lại mà cầu nguyện, dù chỉ hai hay ba người đi nữa. Cha Ngài, Đấng ngự trên trời sẽ lắng nghe và đáp trả lời cầu xin của họ, bởi vì Đấng cầu bầu cho họ không ai khác ngoài“Đức Giê-su đích thân ở giữa họ”. Xem ra Đức Giê-su ám chỉ đến truyền thống kinh sư, theo đó khi hai hay ba người Ít-ra-en họp nhau lại để học hỏi Lề Luật, Thiên Chúa ở với họ. Nhưng ở đây Đức Giê-su đặt mối liên hệ của các Kitô hữu với Chúa Cha nhờ và trong lời cầu nguyện. Sự hiện diện của Thiên Chúa được đảm bảo qua sự hiện diện của Ngôi Lời làm người, gần gũi với con người hơn bao giờ hết.
--------------------------
Lm. Phêrô Lê Văn Chính
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cách thế giải quyết những tranh chấp, xích mích, những cá nhân TN 23-A145
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cách thế giải quyết những tranh chấp, xích mích, những cá nhân lầm lỗi trong cộng đoàn. Ðây là công việc khó khăn vì phải thực hiện cách tế nhị nhưng trực tiếp, thẳng thắn và liên tục nhiều lần nhằm đạt được kết quả hòa giải và thống hối cho các thành viên trong cộng đoàn. Ðiều quan trọng không phải chỉ là nhằm một mục tiêu giới hạn là sửa chữa tính tình cá nhân nhưng mục tiêu còn rộng lớn hơn là nhằm làm cho đời sống của Giáo hội được phát triển tốt đẹp, cho mọi người đều được thăng tiến trong đời sống đạo đức. Thiên Chúa luôn mong muốn huấn luyện và sửa dạy dân Chúa trong đường lối tinh toàn để họ biết nhìn nhận Thiên Chúa và nhờ đó xứng đáng hưởng ơn cứu độ là sự sống của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi mọi người trong cộng đoàn biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau để cộng đoàn là nơi qui tụ những con người bắt đầu sống những thực tại mới của ân sủng.
Trích đoạn lời Chúa tuần này là thành phần của bài giảng thứ tư của Ðức Giêsu. Chủ đề là nhằm giúp đời sống cộng đoàn huynh đệ, sự thăng tiến của cá nhân, và trách nhiệm của mỗi người đối với nhau. Bởi vì những tranh chấp xích mích, những lỗi phạm cá nhân là điều không thể tránh được trong cộng đoàn, nên cần phải có những phương thế giải quyết. Trong bất kỳ cộng đoàn nào, những tranh chấp giữa các cá nhân là điều dễ gây đổ vỡ, trong cộng đoàn các môn đệ Chúa Giêsu, những tranh chấp này lại còn cao hơn nữa bởi vì chứng tá của những chứng nhân đời sống cộng đoàn sẽ làm cho Tin mừng được khả tín hơn hay đe doạ sự khả tín của Tin mừng.
Vì giải pháp cho tranh chấp có thể dẫn đến biện pháp kỷ luật nghiêm trọng là việc khai trừ khỏi cộng đoàn, nên điều Ðức Giêsu dạy được xem là có mức độ tiệm tiến từ hòa giải đến biện pháp kỷ luật nghiêm khắc: cố gắng ban đầu để giải quyết chỉ bao gồm giữa hai người liên hệ và nhằm nhắc nhở, khuyên nhủ. Nếu như không giải quyết được thì cần phải mời những người làm chứng. Những người làm chứng này kiểm chứng những biện pháp giải quyết của hai bên đang tranh cãi, và quan sát phản ứng của bị cáo nhằm bảo vệ cho người đứng ra cáo buộc, và cũng bảo vệ cho bị cáo khỏi những lời cáo buộc vô căn cứ. Nếu như hai giải pháp ban đầu, gồm có việc trao đổi cá nhân, và sau đó có thêm hai nhân chứng đều thất bại, thì những giải pháp sau nghiêm trọng hơn sẽ gồm có việc nhờ đến sự can thiệp của cộng đoàn. Khi cộng đoàn quyết định mà bị cáo còn từ chối không chịu hối cải, thì bị cáo bị sa thải, loại trừ và bị kể là người tội lỗi. Như thế, việc sửa đổi và hối cải là điều rất quan trọng đối với đời sống của người môn đệ đến độ từ chối sửa đổi tật xấu của mình tức đương nhiên quyết định tự loại khỏi cộng đoàn những môn đệ của Ðức Giêsu cũng như không cố gắng mạnh dạn góp ý cho người khác cũng là lỗi trách nhiệm. Sự chuẩn nhận của cộng đoàn là quan trọng trong việc nhìn nhận cá nhân sai lỗi đã sửa đổi tật xấu của mình hay không chịu sửa đổi. Phán quyết và quyền bính của Giáo hội hành động trong những sự việc này là chính quyền bính của Ðức Giêsu đã ban cho Phêrô.
Câu chuyện giải quyết tranh chấp trong đời sống cộng đoàn lại được tiếp nối bằng lời tuyên bố hiệu lực của lời cầu nguyện khi có hai hay ba người họp lại nhân danh Chúa Giêsu. Ðiều này được hiểu là hai ba người cầu nguyện này cũng chính là những người đến làm chứng cho việc dàn xếp tranh chấp trong cộng đoàn. Khi cộng đoàn đã đi đến quyết định, thì chính Chúa sẽ chấp thuận quyết định này của cộng đoàn, qua việc ưng thuận lời cầu nguyện của cộng đoàn.
Đây cũng chính là giáo huấn của các tiên tri, đặc biệt chúng ta nghe đọc trong sách tiên tri Êzêkiel. Hình ảnh được tiên tri mô tả sứ vụ của mình là người lính canh của nhà Israel. Công việc của người lính canh quan trọng cho sự bình an của người dân trong thành thế nào thì công việc sửa lỗi huynh đệ cũng như thế. Người lính canh này nhận lệnh từ chính Thiên Chúa để nhắc nhở mọi người biết sống theo đường đạo lý ngay thẳng, giúp cho người tội lỗi biết bỏ đường gian ác mà trở về con đường hoàn thiện để được sống. Người lính canh này mang một trách nhiệm nặng nề trước mặt Chúa, bởi vì nếu như người tội lỗi phải chết trong đường gian ác mà không được nghe lời nhắc nhở cảnh tỉnh của người lính canh, thì Thiên Chúa bắt lỗi nặng người lính canh này, bởi vì ông đã không chu toàn bổn phận của mình do Chúa trao phó.
Thánh Phaolô trong bức thư Rôma thì so sánh bổn phận giúp đỡ lẫn nhau là bổn phận do tình yêu nối kết mọi người với nhau đến mức độ giúp đỡ nhau được xem như một món nợ của tình yêu mà chúng ta phải chu toàn. Người tín hữu trong cộng đoàn cố gắng giúp nhau để mọi người sống những giới răn luân lý như không ngoại tình, không giết người, không làm chứng gian, không mê tham. Cộng đoàn các Kitô hữu là một cộng đoàn không phải lý tưởng, tức không có những tội lỗi. Nhưng đây là một cộng đoàn mà mọi người cùng giúp nhau để tiến bộ, để lần hồi biết từ bỏ những tội lỗi của mình. Vì thế, đời sống đạo của chúng ta không chỉ là sống tương quan thẳng với Chúa mà thôi mà còn phải sống tương quan ngang với anh em, bởi vì giúp nhau để trở nên tốt đẹp hơn là bổn phận của tình yêu và là đòi hỏi của Thiên Chúa.
Không ai trong chúng ta muốn bị sửa lỗi, bởi vì ai cũng tự ái. Thế nhưng, ai trong chúng ta cũng phải nhìn nhận là mình không hoàn hảo, dù chúng ta dễ thấy tật xấu của người khác hơn là của chính mình. Ðiều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh không chỉ là việc sửa lỗi cá nhân, mà còn là nhằm gìn giữ đời sống toàn vẹn của cộng đoàn cũng như của mỗi người để được sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Ðây là một công việc nhẫn nại bởi vì phải giải quyết trực tiếp, thẳng thắn và nhiều lần nhằm đạt được mục đích là làm cho người này hoán cải và được hòa giải với cộng đoàn và với Thiên Chúa. Ðiều quan trọng không phải chỉ là việc sửa chữa việc tranh chấp của một cá nhân mà còn là vì chính đời sống của cộng đoàn.
Thống hối, hòa giải, chữa lành là những thực tại cánh chung, loan báo Nước Trời gần kề. Ở trong cuộc đời này, chúng ta không bao giờ là cộng đoàn hoàn hảo, hoặc là Giáo hội hoàn hảo, bởi vì chúng ta luôn là những con người yếu đuối với nhiều bất toàn. Ðời sống của Giáo hội, như là một cộng đoàn, đòi hỏi không ngừng hoán cải, bởi vì Giáo hội, xét như là Thân mình của Chúa Kitô, loan báo sự hiệp nhất chưa hoàn tất qua những con người yếu hèn của chúng ta. Nói cho cùng, khi chúng ta hành động như Giáo hội để hòa giải, chúng ta đang hành động như là Thân mình của Chúa Kitô hiệp nhất với Ðầu. Hòa giải là điều quan trọng thiết yếu trong Giáo hội bởi vì chúng ta là những phần chi thể của thân mình duy nhất của Chúa Kitô.
Vì thế, sửa lỗi người khác và được sửa lỗi là những điều rất khó khăn mà chúng ta phải cố gắng. Việc sửa lỗi huynh đệ cần phải có động lực chân thật nhằm đạt được việc thống hối và hòa giải thực sự. Có thể có những động lực không chính đáng xen lẫn khi chúng ta sửa lỗi nhau như chỉ vì tự ái, hoặc là để làm vui lòng nhau. Trái lại, động lực chân thực phải là sự xác tín rằng chúng ta cùng chia sẻ cùng một thân mình của Chúa Kitô như lời Người hứa hiện diện nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Người. Qua việc sửa lỗi huynh đệ, chúng ta muốn gìn giữ cho đời sống cộng đoàn được hiệp nhất trong cùng một Thân mình Chúa Kitô cũng như muốn giúp đỡ nhau sống những giá trị của Tin mừng đang hướng dẫn chúng ta. Chính đó là sức mạnh của Chúa Kitô Phục sinh đang hoạt động trong thân mình Giáo hội là chúng ta. Như thế, chúng ta lần hồi kinh nghiệm những chiều kích khác nhau của đời sống mới.
--------------------------
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội,thì anh hãy đi sửa lỗi nó.” (Mt 18,15)
Con người ai cũng có lầm lỗi. Trước lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá TN 23-A146
Con người ai cũng có lầm lỗi. Trước lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm buông thả cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.
Giáo hội là một cộng đoàn của những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.
Lời Chúa hôm nay đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa lỗi có kết quả.
Muốn sửa lỗi phải quan tâm. Chúa nói: “Khi anh em ngươi sai lỗi”. Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Ðó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Nếu lầm lỗi giống như một cơn bệnh, làm sao tôi phải lo lắng chạy chữa cho người thân, nhất là cho chính bản thân khi bị mắc bệnh? Nếu lầm lỗi giống như mất mát một người thân, làm sao tôi lại không đau xót đi tìm?
Muốn sửa lỗi cần can đảm. Càng ngày người ta càng muốn tránh đụng chạm, mích lòng. Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán vào thân. Vì thế, để sửa lỗi, cần phải can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về lỗi lầm của họ. Can đảm chấp nhận những rủi ro do việc sửa lỗi đưa đến như sự giận ghét, công kích, chấp nhận bị phê bình ngược lại.
Muốn sửa lỗi phảitrân trọng. Trân trọng vì người anh em tuy có lầm lỗi, vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, vào mầm mống tốt đẹp Chúa gieo vào lương tâm mỗi người. Sự khinh miệt, lên mặt kẻ cả sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.
Muốn sửa lỗi phải rất tế nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh, đầy tự ái và đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Vì thế, Chúa dạy tôi phải rất tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị sẽ trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn.
Sau cùng, muốn sửa lỗi phải kiên trì. Việc sửa lỗi không đơn giản. Không phải làm một lần mà thành. Vì thế phải rất kiên trì và có nhiều phương án. Kiên trì để vẫn tiếp tục dù đã một lần thất bại. Có nhiều phương án để cương quyết đi đến thành công. Hôm nay Chúa đưa ra cho ta ba phương án để chinh phục người anh em: Gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.
Như thế, việc sửa lỗi hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu. Chính bầu khí tin yêu đó sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân thành, tế nhị và đầy yêu thương.
Thánh Philipphê Nêri một ngày kia muốn sửa lỗi cho một người phụ nữ có cái tật hay nói hành nói xấu người khác. Ngài bảo chị ta mua một con gà rồi làm cho nó chết đi… sau đó hãy đem con gà đó đến gặp Ngài với điều kiện là phải vặt hết lông con gà trên đường đi. Người phụ nữ hơi thắc mắc nhưng vì lòng yêu mến thánh nhân nên cũng vui lòng làm như Ngài dạy. Khi tới nơi, Ngài không khuyên lơn gì cả, mà lại ra lệnh cho bà đó trở về… vừa đi vừa lượm lại cho Ngài hết số lông con gà mà bà đã vứt ở dọc đương.
Chúng ta thừa biết phản ứng của người phụ nữ đó như thế nào.
Sau đó Ngài cắt nghĩa: “Những lời nói vu oan cáo vạ cho người khác khi ra khỏi miệng cũng sẽ nhanh chóng loan truyền từ tai người này sang tai người khác như vậy, khó mà con thể thu lượm lại được… chẳng khác gì phải thu lượm lại những cái lông gà… của con vậy”. Rồi Ngài thêm “Còn khi muốn nói về một người nào làm khổ mình thì chỉ nên nói với Chúa mà thôi… hãy cầu nguyện cho họ để họ biết sửa lỗi”.
Lạy Chúa Giêsu
Chỉ có Chúa mới có thể làm cho chúng con những điều kỳ diệu.
Xin Chúa đừng để cho những lỗi lầm chúng con gây ra cho nhau trở thành nguyên cớ cho những mất mát và phân ly.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhân danh Chúa để sống trong sự thật, trong yêu thương.
Xin cho chúng con biết hết lòng giữ gìn, chăm sóc, vun tưới cho cuộc sống hiệp nhất giữa những người con của Chúa mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Vì chỉ có như thế chúng con mới xứng đáng là những người con và xứng đáng với tình yêu thương của Chúa mỗi ngày. Amen
------------------------------
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Sửa lỗi cho người khác là một việc rất khó làm
Đôi khi với tinh thần xây dựng, ta chỉ cho người khác biết lầm lỗi của họ; thế rồi, thay vì được TN 23-A147
Đôi khi với tinh thần xây dựng, ta chỉ cho người khác biết lầm lỗi của họ; thế rồi, thay vì được người khác biết ơn, bản thân ta lại bị họ oán hờn: Họ sẽ giận hờn ta, chửi mắng ta, xa lánh ta, ghét bỏ ta… Quả là “làm ơn mắc oán.”
Những lần sau, vì sợ hậu quả như thế xảy ra, ta tự nhủ lòng: “Thôi, ai lầm lỗi thì mặc người ta, hồn ai người đó giữ”; đôi khi ta cũng có chọn lựa như Ca-in khi trả lời với Thiên Chúa: “Tôi đâu phải là người canh giữ em tôi!”
Thế là vô tình, ta trở thành người dửng dưng, vô cảm, ngoảnh mặt làm ngơ trước những sai phạm của người khác.
Đây là cách hành xử tai hại, vì làm như thế sẽ tạo đà cho lầm lỗi và tội ác gia tăng. Thái độ nầy cũng đi ngược lại với lòng yêu thương bác ái và bổn phận xây dựng trần thế của người Ki-tô hữu.
Sửa lỗi cho người khác là một bổn phận không được thoái thác
Con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào nên việc nhận ra lầm lỗi của mình là điều rất khó. Có người ví von rằng mỗi người đều mang một gùi đầy tội sau lưng và một gùi công đức trước ngực. Vì thế, người ta chỉ thấy công đức mà không thấy được lầm lỗi của mình.
Ông Dale Carnegie, một học giả trứ danh người Mỹ, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, quả quyết rằng: “Tôi đã bỏ ra gần 70 năm trong đời để khám phá ra chân lý nầy là dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi thì có tới 99 lần người ta tự cho mình là vô tội.”
Chính vì thế, giúp cho người lầm lỗi nhận biết được tội lỗi của bản thân để giúp họ sửa mình là một việc làm rất cần thiết.
Đối với các tín hữu của Chúa, thì đây không chỉ là việc cần làm mà còn là một bổn phận bắt buộc, không được thoái thác.
Lời Chúa trong sách ngôn sứ Ê-dê-kiên đòi buộc cách quyết liệt như sau: “Nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi” (Edêkien 33, 7-9). Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su truyền dạy: “Nếu anh em của ngươi trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó …” không phải một lần mà nhiều lần, cách nầy không được thì phải vận dụng cách khác, cố sao giúp người anh em sửa được lỗi mới thôi. (Mát-thêu 18,15)
Cần sửa lỗi cách tế nhị và đầy lòng yêu thương
Hy vọng việc sửa lỗi sẽ không trở thành việc “làm ơn mắc oán” hay phát sinh nguy cơ “lời thật mất lòng”, nếu việc nầy được thực hiện với sự tế nhị và tấm lòng yêu thương.
Hôm nọ, khi thấy một thanh niên ngồi ngoài hành lang hút thuốc trong khi Thánh Lễ đang được cử hành bên trong nhà thờ, cha Phó tiến lại gần bên anh, thay vì quở trách, ngài mỉm cười, vỗ vai thân mật chàng thanh niên đó như một người bạn rất thân quen và đề nghị: “Nếu bạn hy sinh không hút thuốc giờ nầy thì bạn sẽ có một lễ tế cao đẹp dâng lên Thiên Chúa, chắc chắn Chúa sẽ rất hài lòng về bạn và sẽ ban cho bạn nhiều ơn phúc!”
Thế là chàng trai mỉm cười, giụi tắt điếu thuốc đang hút dở, rồi vui vẻ bước vào bên trong thánh đường.
Lạy Chúa Giê-su,
Vì muốn sửa chữa lỗi lầm cho nhân loại, Chúa phải trả giá rất cao: Chúa đã từ bỏ ngai trời, hạ mình xuống thế, trở nên người phàm sống giữa các tội nhân, hoà mình với họ, yêu thương họ và chấp nhận hiến thân chịu chết thay cho họ.
Hôm nay, Chúa chưa đòi chúng con phải chết thay cho người lầm lỗi, mà chỉ mời gọi chúng con phải dùng việc làm, lời nói, cách cư xử… để giúp người khác khỏi đắm chìm trong tội mà thôi. Vậy mà chúng con chưa có đủ yêu thương và thiện chí để thực hiện sứ mạng cao đẹp nầy, trái lại còn viện đủ cách để thoái thác.
Xin ban cho chúng con thêm nghị lực và lòng yêu thương để chúng con mạnh dạn đến với bao người lầm lỗi hầu giúp họ cải thiện cuộc đời
------------------------------
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Xin nói ngay rằng: đây không phải là bài tham luận về việc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải TN 23-A148
Xin nói ngay rằng: đây không phải là bài tham luận về việc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải lên tiếng hay không phải lên tiếng trước những điều tội tệ trong xã hội hiện nay. Lên tiếng hay không lên tiếng được nêu ra ở đây chỉ liên quan tới trách nhiệm của các thành phần Dân Chúa phải xây dựng cho nhau, phải nhắc bảo nhau sống cho đúng với tư cách và chức danh Kitô hữu là giáo dân hay là giáo sĩ. Sấm ngôn của Thiên Chúa trong Sách ngôn sứ Êdêkien và những chỉ thị của Chúa Giêsu trong bài Phúc âm hôm nay quả quyết là chúng ta phải lên tiếng nhằm sửa lỗi anh em trong cộng đoàn để mọi người sống đạo đức thánh thiện và tránh gương mù gương xấu cho người khác. Trong cách sống của người công giáo Việt Nam, có một rào cản về mặt văn hóa, mà có người gọi một cách văn hoa là “nền văn hóa nể trọng”. Đó là sự/tính cả nể sợ mất lòng người khác, nhất là làm mất lòng những người có quyền có chức, khiến nhiều người không dám/muốn nói lời thật (lời thật mất lòng) với anh chị em mình lỡ sai phạm và trở thành đồng lõa với cái sai, cái xấu của những người ấy. Vậy thì chúng ta cần nghe lại Lời Chúa mà suy gẫm và đem ra thực hành.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Ed 33,7-9): Nếu ngươi không nói để cảnh cáo đứa gian ác, thì máu nó, Ta sẽ đòi ngươi.
2.2 Trong bài đọc 2 (Rm 13,8-10): Yêu thương là chu toàn Lề Luật.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 18,15-20): Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:
- là Đấng đã giao phó cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en trọng trách lên tiếng cảnh cáo những người sống vô đạo, làm mất lòng Thiên Chúa. Thiên Chúa cột chặt số phận của ngôn sứ vào sự trở lại của những kẻ gian ác.
- là Chúa Giê-su, Đấng đã đưa ra quy luật sống cho các tín hữu. Trong cộng đoàn, các tín hữu có trách nhiệm phải giúp nhau sửa đổi cách sống cho mỗi ngày một hoàn thiện, vì họ thực sự là anh em của nhau, là chi thể của Thân Mình Chúa Ki-tô là Hội Thánh. Chúa Giê-su còn khẳng định sự kết liên chặt chẽ giữa cách hành xử của những người có trách nhiệm trong cộng đoàn và cách hành xử của chính Thiên Chúa. Chúa Giê-su cũng quả quyết sức mạnh của lời cấu nguyện tập thể của những kẻ tin hiệp thông với nhau trong một tâm tình cầu xin.
- là Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện và cùng hành động với Chúa Cha khi Thiên Chúa giao sứ mạng nói lời Thiên Chúa cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Chúa Thánh Thần cũng luôn ở bên Chúa Giê-su khi Người giáo huấn về cách sống trong cộng đoàn kẻ tin. Chúa Thánh Thần cũng hiện diện nơi Thánh Phao-lô khi ngài chỉ ra rằng chỉ vì thiếu yêu thương bác ái mà người ta phạm tội.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?):
Qua ba bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là:“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó.”
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuyệt đối tin cậy !
4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa liên quan tới việc sửa lỗi anh em,chúng ta phải trang bị cho mình một số điều kiện thiết yếu sau đây:
- Một là xác định và thể hiện động cơ của việc góp ý, sửa lỗi cho anh em là do tình tương thân tương ái đối với những người được góp ý, sửa lỗi. Thánh Phao-lô đã nói với giáo đoàn Rô-ma:“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Lời khuyên quí báu này càng phải được áp dụng trong trường hợp chúng ta muốn góp ý, sửa lỗi anh em.
- Hai là chúng ta phải cảnh giác đừng để mình rơi vào cảnh Chúa Giê-su đã cảnh cáo trong Phúc âm theo Thánh Mát-thêu: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7,3). Nói cách khác phải có sẵn một tinh thần khiêm hạ, đơn sơ, vô vị lợi khi thi hành trách nhiệm sửa lỗi anh em. “Tiên kỷ hậu nhân” phải là nguyên tắc hành xử trong lãnh vực tế nhị này, có nghĩa là trước khi sửa lỗi người khác, chúng ta phải sửa lỗi của bản thân mình đã.
- Ba là để có thể góp ý, sửa lỗi cho người khác, chúng ta cần phải có lòng kiên nhẫn và dũng cảm vì rất nhiều khi chúng ta sẽ chỉ nhận được một thái độ oán trách, giận dữ, bắt bẻ và tố cáo lại chúng ta mà thôi.
V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI
5.1 «Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các quốc gia dân tộc trên thế giới hôm nay, nhất là cho các nhà lãnh đạo các dân tộc ấy, để họ tránh gây tội ác và thực thi công lý cho cộng đồng xã hội.
X. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Đ. Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị lãnh đạo Giáo Hội, cách riêng cho Đức Thánh Cha, các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục để các ngài luôn luôn chu toàn sứ mạng nói lời Thiên Chúa cho mọi người.
5.3 «Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tín hữu trong giáo xứ/cộng đồng chúng ta, để mọi người biết sống yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau như những người con cùng một Cha, anh chị em cùng một nhà.
5.4 «Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người đã vì yếu đuối hay đam mê mà sa ngã và sống trong tội lỗi, để họ mau trở về với Thiên Chúa.
5.5 «Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho» Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta, để chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của lời cầu nguyện “tập thể” mà hợp lòng hợp ý với nhau nài xin Thiên Chúa ban hòa bình và công lý cho những người chịi cảnh bất công và áp bức trong xã hội hôm nay.
------------------------------
Fx. Đỗ Công Minh
Bài Tin mừng CN XXIII thường niên, Chúa chỉ cho con một cách xử thế ở đời mà cũng là trong TN 23-A149
Bài Tin mừng CN XXIII thường niên, Chúa chỉ cho con một cách xử thế ở đời mà cũng là trong đạo. Chơi với nhau trong quan hệ bè bạn, cùng một cơ quan và ngay cả mối quan hệ trong một gia đình: cha mẹ con cái, anh chị em ruột với nhau. Rồi trong Hội Thánh, giữa những người đồng đạo, trong cùng một tập thể, một cộng đoàn hay chỉ là một nhóm nhỏ 2,3 người cùng sống với nhau trong một nhà xứ, tu viện… không ít thì nhiều cũng có lúc người này gây phiền hà cho người kia. Người này, người khác vi phạm qui định chung hay những giao ước với nhau, khiến cho bầu khí sinh hoạt trở nên nặng nề, gây khó chịu lẫn nhau. Trong những lúc như thế, khi nào và lúc nào cũng sẽ có ai đó tự cảm thấy phải lên tiếng. Hoặc vì trách nhiệm, hoặc vì bổn phận, và cao hơn là lòng bác ái mong muốn người có lỗi nhận ra khiếm khuyết của mình, bởi “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư”. Bài học xử thế không phải hôm nay mới có, không phải đợi các nhà tâm lý giáo dục, các nhà Sư Phạm học mới nghĩ ra gần đây, trong các loại sách học làm người, dạy nhân bản… mà chính là phát xuất từ lòng yêu thương của Thiên Chúa với con người, như Thánh Gioan đã diễn tả“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài”.Bài học sửa lỗi, Đức Giêsu , Ngài đã chỉ cho chúng ta từ gần 2000 năm nay vẫn còn nguyên giá trị .
Sai lầm là bản chất của con người. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, cái gốc của con người là tính THIỆN. Nhưng ngay từ khi cái ác gieo vào thế gian, khởi đi từ nguyên tổ, rồi CAIN, con người bị cám dỗ dẫn đến ganh ghét, ghen tị, ích kỷ, tham sân si… khiến người này bất bình với người kia. Do vô tình hoặc yếu đuối con người có thể lúc nào đó sa ngã, mắc lỗi lầm. “Ai trong anh em là người vô tội ?”, Lời Đức Giêsu vẫn nhắc nhở. Vậy sửa lỗi cho nhau là tất yếu.
Sửa lỗi cho nhau là một việc phải diễn ra thường xuyên trong cuộc sống. Không chỉ là người trên sửa lổi người dưới theo một trật tự đã được xếp đặt. Không chỉ là người có quyền chức thì được phép chỉ ra lỗi của người dưới quyền, người thấp cổ bé miệng, mà là sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi với mục đích là giúp cho người có lỗi nhận ra chân lý, nhận ra lẽ phải một cách khách quan và sẵn sàng tự nguyện bỏ lỗi. Không sửa lỗi theo ý chủ quan của mình, theo ý cấp trên hay nhóm lợi ích hay để vừa lòng tập thể theo kiểu “Dĩ hoà vi qúi”. Không sửa lỗi theo kiểu ai cũng có lỗi, mỗi người nhịn đi một ít cho có hoà khí với nhau. Không hẳn chỉ sửa lỗi cá nhân mà còn có lỗi cũa tập thể. Khi đó, có thể bản thân, cá nhân bị qui là có lỗi lại là người đứng lên sửa lỗi cho anh em mình. Xem ra việc sửa lỗi cho nhau không đơn giản, không dễ dàng .
Ngày hôm nay, sống trong một xã hội mà nhiều giá trị chân lý vĩnh cửu bị dần mai một, con người lại càng dễ mắc sai lầm. Sai lầm là những hành vi, tư tưởng không phù hợp với chân lý đích thực của nhân loại chứ không là của một chủ nghĩa, một chế độ, một tôn giáo… bởi có triết gia đã từng nói “Chân lý bên này dãy Py-Rê-Nê, bên kia là sai lầm”. Vậy đâu là sống chân lý đích thực? Đó là lòng nhân ái, là” ăn ở tốt lành, thật thà, ngay thẳng, không gian dối, yêu thương giúp đỡ mọi người. Không làm hại ai, chu toàn mọi bổn phận của một người tín hữu và của một người công dân, Không ích kỷ, sống hoà hợp với mọi người” (Xem Thiện Cẩm-CGvDT số 1823). Nhưng “trong cuộc đời trần thế, con người phải đối diện với tha nhân, và những hoàn cảnh khác nhau, thậm chí có thể đối nghịch. Con người thì bá nhân bá tánh, hoàn cảnh, đặc biệt là chính trị, kinh tế xã hội có khi trái nghịch nhau. Cùng một hành vi, một thái độ, có khi bị đánh giá trái ngược, tuỳ theo quan điểm của người đối diện với chúng ta. Cái khó là mỗi thời, mỗi nơi, người ta đều có những quan điểm chính trị, xã hội khác nhau…” (xem Bđd). Không nên chỉ vì người khác có quan điểm khác mình là người có lỗi, không cùng đứng về phía mình là có lỗi, hay không cùng có chung một mục tiêu nhắm tới của mình là có lỗi; rồi từ đó, mệnh danh là sửa lỗi để mạt sát, vu cáo, thêu dệt, nói xấu, thậm chí kết án. Có khi còn vận dụng lời Chúa để biện minh cho thái độ kẻ cả của mình… Lời dạy của các bậc tiền nhân trong văn hoá Việt Nam vẫn còn đây: “Chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Đức Giêsu cũng dạy: Đừng chỉ thấy cái dằm trong mắt anh em mà quên đi cái xà trong mắt mình .
Xin Chúa ban ơn cho con biết luôn tìm được ý Chúa trong cuộc sống, trong mối quan hệ với cộng đồng con được Chúa sai đến; để sống cùng, sống với anh chị em mình. Biết hợp sức để sửa lỗi cho nhau, bổ túc cho nhau, nhận nhau là anh em, là con một Cha. Biết đau nỗi đau của anh chị em mình khi vấp phạm. Biết đặt mình vào hoàn cảnh những người mắc lỗi để tìm cách cứu vớt lẫn nhau, hầu tất cả trở nên dần hoàn thiện như Cha trên Trời.
Xin cho con luôn nhớ rằng khi sửa lỗi cho nhau chúng con không quên hợp nhau cầu nguyện cho người mắc lỗi như lời Chuá dạy: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, đấng ngự trên trời Người sẽ ban cho” AMEN.
------------------------------
- Huệ Minh
Kính thưa Cộng Đoàn
Con người thì làm rất nhiều việc. Và người ta vẫn thường nói là: Bàn tay ta làm nên tất cả, với TN 23-A150
Con người thì làm rất nhiều việc. Và người ta vẫn thường nói là: Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Đúng cái khả năng con người, nó đối diện với tất cả cái khó khăn cuộc sống, và đặc biệt đấu tranh sinh tồn. Con người có cái bản năng sinh tồn rất cao, nhưng mà một trong những điều khó, con người khó làm và có thể nói thẳng là: kết cuộc không làm được. Đó là để cho người khác đi sửa lỗi của mình. Bởi vì, đơn giản mỗi người sinh ra ai cũng có một cái tôi rất lớn. Không chịu thua ai và không chịu chấp nhận mình có lỗi bao giờ. Và tìm đủ mọi cách để mình biện luận, và mình cho mình rằng tốt hơn người khác, để mình có thể kết án người khác một cách rất nhẹ nhàng.
Có một người ví von cái hình ảnh rất hay: Mỗi một người có hai cái ba lô, một cái đằng trước, một cái đằng sau. Một cái đằng trước là chứa đựng những công đức, những việc lành, những việc tốt của người đó. Còn ba lô phía sau là những tội lỗi những yếu đuối của phận người. Và trên con đường xếp hàng đi về thiên đàng, người trước kẻ sau, và không ai thấy được cái lỗi của mình, và chỉ thấy toàn là những nhân đức, những việc tốt đẹp của mình. Và buồn cười rằng, người ta lại thấy cái thiếu sót của người khác rất rõ ràng. Bởi vì, cái túi xấu, cái tội lỗi chình ình ngay trước mắt. Và không ai có thể sửa lỗi mình được. Bởi vì mình đâu có lỗi! Mình là thắng mà, mình là nhất mà!
Thế nhưng rồi, ngày hôm nay, Chúa Giêsu rất gần gũi với cuộc đời con người. Chúa Giêsu rất bình dị với con người. Chúa Giêsu rất nhẹ nhàng và Chúa Giêsu rất tinh tế. Chúa Giêsu gợi lên cho các môn đệ cái cung cách hành xử, cái cung cách tế nhị: Nếu anh em ngươi lỗi phạm, thì hãy sửa dạy riêng nó mà thôi!
Nếu mà nó nghe ngươi rồi thì tốt rồi! Còn nếu mà nó không nghe nữa, thì kêu thêm một vài nhân chứng nữa! Và nếu mà nó không nghe nữa hãy trình với cộng đoàn.Và nếu mà nó không nghe nữa thì coi như người ngoại giáo hay là người thu thuế. Chúa Giêsu gợi lên cho con người ta cách hành xử ở từng cấp bậc nhẹ nhàng.
Giữa mình với người bạn, giữa mình với đối phương, rồi giữa mình với vài ba người, giữa mình với cộng đoàn. Nhưng mà dường như: Lời Chúa Giêsu dạy, chúng ta thấy, chúng ta thi hành ngược lại.
Chính bao giờ, chúng ta can đảm để đi sửa lỗi người anh em với riêng ta. Nhưng mà, chưa chi hết người ta vẫn nói là, chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngỏ đã hay. Trong một cộng đoàn, trong một gia đình nhỏ hay bị cái bệnh này. Ai cũng muốn đi khoe lỗi của người khác cho người ngoài nghe. Chính vì vậy gia đình và cộng đoàn nó xáo trộn. Bởi vì, người trong nhà đi mét tội người trong nhà với người khác, chứ làm gì người ngoài biết được tội của người trong nhà.
Ví dụ: Trong một gia đình có 4, 5 người anh chị em với nhau, họ hàng với nhau, có cái gì đó lục đục với nhau thì chỉ có trong nhà biết thôi! Nhưng được một cái ơn rất là hàng xóm biết, công ty biết, bạn bè biết. Mà lẽ ra cái chuyện nó tế nhị vô cùng.
Trong nhà tu cũng vậy! Năm ba người đang ở chung với nhau. Có chuyện gì người ta vẫn thường nói: ông bà đóng cửa dạy nhau. Nhưng mà nó buồn cười, trong nhà chưa dạy nhau, cả nước ngoài có thể biết được cơ. Người đó là xấu, bởi vì mình là tốt. Và đem đủ thứ chuyện người khác, kể cho người ngoài nghe. Còn mình lúc nào cũng là người thành công. Mình là người tuyệt vời. Mình là người hoàn hảo, và có thể tạm gọi là như thế đi! cho là mình hoàn hảo đi,! Nhưng mà Lời Chúa trong bài đọc thứ nhất, ta vừa nghe đó.
Nếu mà mình thấy được người khác làm lỗi mà mình không bảo người khác sửa lỗi, thì mình cũng phải đáng tội chết. Bởi vì lúc đó, mình trở thành một con người gian ác, vì mình đã không đón nhận sự trở lại của anh em đồng lọai của mình và mình muốn loại trừ người đó ra khỏi Cộng Đoàn. Và lúc đó, mình đâu có được bình an, bởi vì mình đã vô cảm. Thái độ vô cảm của mình, mình đã không cho người đó hối lỗi và mình muốn dìm người đó cho đến chết.
Cuộc đời người ta vẫn thường nói với nhau: 70 chưa gọi là lành. Có thể ngày hôm nay ta thánh thiện đó, nhưng mà cũng có thể ngày mai ta là một người khác. Bởi vì, ta vô cảm trước sự yếu đuối của anh chị em đồng loạt. Ta không can đảm, cũng như ta không đủ tế nhị, tinh tế để sửa lỗi cho người khác Có khi là phản ứng ngược lòng chúng ta chúng ta à. Muốn cho người anh em sửa lỗi nhưng rồi chúng ta lại đi mét tội người anh em đó cho cả giáo xứ biết, cho cả Cộng đoàn biết. Để giáo xứ và cộng đoàn khinh người đó, và tâng bốc mình lên. Để rồi sự thật vẫn là sự thật, con người mình như thế nào, thì mọi người vẫn nhìn vào mình và họ tự đánh giá mình.
Ngày hôm nay giáo dân rất là tinh tế. Họ có thể chỉ có thể nhìn nhận và họ nhận định tất cả các giáo sĩ, tất cả những vị mục tử, không cần đến nói xấu nhau. Và ngay như trong gia đình cũng vậy, cũng chẳng cần nói xấu nhau đâu! Chỉ cần những cái hành xử, những cái lời ăn tiếng nói thì mình thấy được rằng mình là ai và người khác là anh không cần phải đi nói xấu người khác.
Và điều quan trọng Chúa mời gọi chúng ta là: Anh em có lỗi phạm, mình cũng phải hết sức tinh tế.
Và thực sự ra, công tâm mà nói thử đi, mình đặt mình trước mặt Chúa: «Ai là người vô tội», để rồi mình đi nén đá người khác. Có lúc mình hăng say mình ném đá người khác, mình chà đạp người khác. Nhưng thật sự ra mình đầy tội đấy chứ!
Có hơn nhau ở cái chỗ mình khéo, mình lấp liếm cái tội của mình, để người khác không thấy. Nhưng từ trong đáy lòng, từ trong lương tâm, thì Thiên Chúa, lương tâm của chúng ta biết rõ chúng ta hơn ai hết.
Và rồi, thánh Phaolô trong thư của ngài Gửi tín hữu Roma nhắc nhở cho chúng ta một điều rất hay Anh em thân mến, anh em đừng mắc nợ ai điều gì, ngoài lòng yêu mến. Vì ai yêu người thì giữ trọn lề luật. Đó là, đó là gì? Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp chớ làm chứng gian, chớ mê tham. Nhưng Thánh Phaolô nói:
Tất cả đều tóm lại lời này: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình lòng yêu thương không làm hại kẻ khác và yêu thương là chu toàn lề luật.
Không ai là một hòn đảo cả. Sống là một chuỗi ngày tương quan: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.
Ngày sau mỗi người chúng ta cũng sẽ được lên thiên đàng, nếu chúng ta sống trọn vẹn tình nghĩa mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta. Chúng ta sống ích kỷ chúng ta làm hại người khác chúng ta không sửa lỗi người khác để người khác không được lên thiên đàng chắc chắn gì chúng ta được lên thiên đàng đâu.
Bởi vì chúng ta sống là sống cộng đoàn. Chúng ta sống là sống tập thể một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Dẫu rằng ông bà ta không phải là người có đạo Công Giáo, nhưng ông bà ta vẫn thường dạy: Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.
Chẳng lẽ trên thiên đàng: 99 người người hân hoan, để nhìn thấy một con người rơi xuống hỏa ngục hay sao?
Chính vì một con người tội lỗi, chính vì một con chiên hoang đàn đó, mà Chúa Giêsu đã đến trong cuộc đời này. Để chữa lành, để băng bó vết thương, để tha thứ, để âu yếm, để chở che con người tội lỗi đó. Và như con chiên lạc, con chiên bệnh hoạn CHÚA Giêsu đã ôm trên vai và vác về với cộng đồng. Nhìn lại cuộc đời của mỗi người chúng ta, chúng ta là ai? mà chúng ta lại phê phán! Chúng ta lại xét đoán anh em.
Cách đây ít lâu, buổi tối giật mình thức dậy, bỗng nhiên thấy có một cái chương trình văn nghệ gọi là live stream, à thì một số ca sĩ nổi tiếng đi về cái vùng đâu Bà Rịa hát cho đêm cuối cùng, cho bố chồng của cô Thúy Nga nghe có nhiều giọng ca rất nổi tiếng như Quang Lê, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng và Dương Triệu Vũ.
Thì vô tình nghe được, bản thân con cảm thấy hay! Là nếu mà mình đi vào phòng trà thì người ta vẫn hát nhép và những chương trình hay của họ, họ vẫn hát nhép. Nhưng hôm đó, họ thật sự là họ hát live, họ hát live là sao? Nghe theo tiếng trống tiếng đàn mà họ hát. Hát như thế họ mới bộc lộ được cái giọng ca thật của người nghệ sĩ thế!
Nhưng đáng tiếc thay, một số người chạy vào Comment bảo rằng là hát dở, Lệ Quyên xấu. Xin lỗi, xấu, nhưng mà mình có hát hay được như Lệ Quyên đâu! Xấu nhưng mà mình có hát hay được như Đàm Vĩnh Hưng đâu? mình hát như thế nào, mà mình chê người ta. Mình hát như thế nào? mình đẹp như thế nào? mà nhục mạ người khác trong khi đó mình chẳng là gì cả! Mà thưc sự ra rất là vô duyên không chịu đi ngủ người ta đâu có bắt mình coi mình tự chạy vào coi xong rồi dìm hàng người ta, rồi chê trách người ta. Con cảm thấy rất là buồn cười, rất là vô duyên.
Thì nói đến đây, trong câu ca dao tục ngữ của người Việt Nam mình: Chuồn chuồn chê khỉ rằng hôi, khỉ quay lại bảo: cả họ mày thơm.
Nhiều khi mình chỉ thấy cái xấu của người khác, mình thấy cái tội của người khác thôi, mà không bao giờ thấy cái tội của mình. Để bất cứ ai nào đó, sửa lỗi cho mình là mình phùng mang, trợn má, xù lông nhím. Mà mình lấy cái lông nhím đó, bắn vào người khác khi họ sửa lỗi cho mình.
Xin Chúa thêm ơn cho chúng ta. Để chúng ta mặt lấy cái tâm tình yêu thương, như Thánh Phaolô mời gọi: «yêu thương là chu toàn lề luật». Để chúng ta yêu thương anh chị em đồng loại, sửa lỗi và tha thứ cho họ. Cũng như, Chúa vẫn thường thương xót, sửa lỗi và tha thứ cho mỗi người chúng ta. Amen.
------------------------------------------